Ðó là Luật Nhân Quả: Chưởng qua đắc qua, chưởng đậu đắc đậu. Nghĩa là: Gieo
dưa thì được dưa, gieo đậu thì hái được đậu.
Lấy kinh sách làm vườn, lấy
điều lành làm giống, vun phân tưới nước thì sẽ mọc lên cây lành và sẽ sanh trái
lành.
3 . Bá thiên
vạn hóa, 百 千 萬 化
Bồi quế thọ ư Âm chất chi
điền. 培 桂 樹 於 陰 騭 之 田
GIẢI NGHĨA
Bá: Trăm (100). Thiên: Ngàn
(1000).
Vạn: Muôn, mười ngàn (10 000). Hóa: Biến đổi.
Bá thiên vạn hóa: Trăm
ngàn muôn lần biến hóa. Ý nói: Biến hóa rất nhiều lần, không kể hết được.
Bồi: Vun đất vào gốc cây để
nuôi cây tươi tốt. Quế: Cây quế. Thọ: còn đọc là Thụ, nghĩa là cây cối, thí dụ
như: Cổ thụ: Cây lớn và già, sống lâu. Quế thụ: Cây quế.
Bồi quế thọ: Vun bồi cây quế. Ư: Nơi, ở tại.
Âm chất: Việc làm lành cốt yếu tạo
phước đức nơi cõi thiêng liêng, có Thần, Thánh chứng biết, không phô trương ra
cho người đời biết. Chi: Tiếng đệm. Ðiền: Ruộng.
Âm chất chi điền: Ruộng
phước đức.
C.3: Trăm ngàn muôn lần biến
hóa, vun bồi cây quế nơi ruộng phước đức.
"Ruộng đây là tỷ với Tâm. Tâm không ai giồi
trau. Ðạo nơi Tâm, thì Tâm ví như Ðiền, có Ðiền mà chẳng có cày bừa đặng đem hột
lúa gieo vào cho đặng trổ bông đơm hột, thì ruộng tất bỏ hoang, bỏ hoang thì
sâu bọ rắn rít vào ẩn trú. Người mà có Tâm như vậy, ra thế nào?
Ruộng sẵn, giống sẵn, cày bừa sẵn, duy có công làm
cho đất phì nhiêu đặng cho buổi gặt hưởng nhờ, mà không chịu làm, thế thì phải
bị diệt tận chơn linh." (TNHT. II. 53)
Cây quế, trong văn chương,
được dùng để chỉ người có học thức tài giỏi đỗ đạt, có đức hạnh, có địa vị cao và
tiếng tăm lớn.
Ðiển tích: Ông Ðậu Võ đời nhà Tống,
người đất Yên Sơn, tánh tình ngay thẳng, lại ham làm phước, đến 30 tuổi mà vợ
chưa sanh được con. Vợ chồng đi lễ chùa Diên Thọ để cầu tự, giữa đường gặp vàng
bỏ rơi, ông liền giữ lấy rồi tìm người mất vàng trả lại. Lòng ngay chánh cảm
lòng Trời, nên Trời cho sống thêm 2 kỷ nữa và cho sanh 5 người con trai, lớn
lên đều học giỏi và thi đậu Tiến Sĩ, làm quan hiển đạt, nổi danh là "Yên
Sơn Ngũ Quế " (5 cây quế ở đất Yên Sơn).
Trung Quốc Sử có chép rằng:
"Tống Ðậu quân, hữu tế nhơn âm công, sanh ngũ tử câu chiết quế."
Nghĩa là: Ðời Tống, Ông họ Ðậu, có lòng cứu giúp người, tạo được âm chất công đức,
nên sanh được 5 người con trai đều bẻ cành quế.
Câu Kinh: Bồi quế thọ ư âm
chất chi điền, có ý nói: Ðức Khổng Tử khuyên người đời ráng làm việc phước thiện
đặng lập âm chất cho con cháu hưởng lâu dài về sau. Cái âm chất ấy ví như miếng
ruộng tốt, còn con cháu ví như cây quế cây hòe, hễ trồng lên miếng ruộng âm chất
đó thì chắc chắn sẽ lớn lên tươi tốt sum suê, sanh trái lành quả ngọt, hưởng được
lâu dài.
Còn thoảng như không lo
làm âm chất, mà lo chạy theo bạc tiền danh vọng, dù sắm được bao nhiêu ruộng vườn
nhà cửa đi nữa, thì khi chết cũng không mang theo được, để lại cho con cháu,
chúng sẽ ỷ lại, tiêu xài phung phí, ăn không ngồi rồi, chẳng bao lâu cũng bán sạch,
sự nghiệp tiêu tan.
4 . Tự lôi trữ
bính, linh ư phụng lãnh. - 字 雷 貯 炳 靈 於 鳳 嶺
GIẢI NGHĨA
Tự: Từ lúc. Lôi: Sấm, tiếng
sấm. Trữ: Cất chứa. Bính: Ngọn lửa cháy sáng. (Còn một âm nữa là Bỉnh).
Linh: Thiêng liêng, thường nói
là Linh thiêng. Ư: Ở tại. Phụng: Con chim phụng, hay chim phượng, một con vật
linh trong hàng Tứ Linh: Long, Lân, Qui, Phụng. Lãnh: Núi.
Tự lôi trữ bính: Từ lúc tiếng
sấm nổ vang nháng sáng.
Câu nầy ý nói lúc chế
thành chữ viết bên Tàu. Sử Ký chép rằng: Ông Thương Hiệt, đời vua Huỳnh Ðế,
trên xem hình sao, dưới dựa theo hình sự vật mà chế ra chữ viết (chữ Nho), nên
gọi là văn tự tượng hình.
Thí dụ như chữ Khẩu [口] là miệng, phải để trống ở giữa; chữ Mã [馬] là ngựa, thì phải có 4 cái chấm bên dưới để tượng hình 4 cái chưn; chữ
Môn [門] là cửa, phải có hình 2 cánh cửa ghép lại.
Khi văn tự được chế thành
thì Trời sanh mưa, sấm chớp nổ vang, người người kinh sợ.
Linh ư phụng lãnh: Linh
thiêng như con chim phụng trên núi.
Chim phụng có tánh linh,
khi thời loạn lạc thì ẩn mình trong hang núi, khi sắp thái bình thì bay ra cất
tiếng gáy báo hiệu có vua Thánh ra đời.
- Lúc vua Nghiêu xuất thế,
có chim phụng hoàng bay đến đậu nơi sân.
- Ðời vua Trụ nhà Thương,
có chim phụng gáy tại núi Kỳ Sơn ở xứ Tây Kỳ, ứng điềm Thánh Chúa Văn Vương, Võ
Vương thống nhứt nước Tàu, mở ra nhà Châu, đem lại thái bình an lạc.
Câu 4:
Tự lôi trữ bính, linh ư phụng
lãnh:
Nghĩa là: Từ lúc văn tự được
chế thành thì Trời sanh sấm nổ nháng sáng, nhờ có văn tự mới ghi chép những lời
giáo huấn của Thánh Hiền; nhờ đó, con người học hỏi, mở sáng trí khôn ngoan.
Như vậy, văn tự linh thiêng như chim phụng trên núi, vì nhờ văn tự mà con người
có thể học hỏi và tiến hóa để trở thành Thánh nhân.
Nhờ các bậc Thánh Hiền của
Ðạo Nho mà người Trung Hoa có được một thứ chữ viết tượng hình có ý nghĩa rất
cao siêu. Khi cắt nghĩa bằng cách chiết tự thì mới thấy rõ ý nghĩa sâu xa của
Thánh Hiền dụng tâm đặt vào trong chữ viết đó.
Do đó người xưa rất coi trọng
chữ viết, vì cho đó là chữ của Thánh Hiền, nên khuyên người đời khi thấy giấy
có viết chữ Nho rớt rơi, không nên chà đạp mà nên lượm lấy rồi đem đốt đi.
Kinh Sám Hối có câu:
Thấy giấy chữ rớt rơi lượm lấy,
Ðốt ra tro bỏ chảy dòng sông.
Thủy triều vận tải biển đông,
Lòng hằng dường ấy, phước đồng ăn chay.
5 . Chí như ý từ, tường ư ngao trụ. - 至 如 意 慈 祥 於 鼇 柱
GIẢI NGHĨA
Chí: Ðến, tới. Như: Giống
như. Ý: Ý nghĩ, tư tưởng, ý tưởng. Từ: Lòng thương yêu chúng sanh.
Tường: Tốt đẹp, may mắn. Ư: Ở tại.
Ngao: là con Cự Ngao. Trụ: là
hòn núi. Ðây là từ ngữ mà khi xưa đọc là Trụ, nhưng ngày nay đọc là Tụ. Ngao trụ
là hòn núi dùng làm chỗ ở cho các vị Tiên có những con Cự Ngao đỡ vững, theo điển
tích sau đây:
Trong sách Thần Dị Kinh của
Ông Ðông Phương Sóc, Tổ Sư Tán Tiên, Ông có chép như sau: Tại Bắc Câu Lư Châu
có một ngọn núi cao, chư Tiên thường đến đó ở. Núi có từ thời tạo thế, song cái
đặc biệt là núi ấy không chưn, trôi nổi trên mặt biển, nhô lên hay thụp xuống
tùy theo thủy triều. Chư Tiên lo sợ để lâu núi ấy sẽ trôi qua chỗ khác nên tâu
với Thượng Ðế xin giữ núi ấy cho chắc. Ðức Thượng Ðế sai 15 con Cự Ngao, to lớn
hơn sấu voi thập bội, đến đỡ núi ấy cho vững, không cho trôi đi nữa. Số 15 con
Cự Ngao được chia làm 2 phiên, mỗi phiên là 6 muôn năm, cứ luân phiên nhau mà
giữ núi ấy.
Vậy Ngao trụ là ngọn núi
Tiên nổi trên mặt biển có các con Cự Ngao đỡ vững.
C.5: Ðến như cái ý tưởng thương yêu chúng sanh, tốt
lành như ở núi Ngao Trụ.
6 . Khai nhơn tâm tất bổn開 人 心 必 本
ư đốc thân chi hiếu. 於 篤 親 之 孝
GIẢI NGHĨA
Khai: Mở ra. Nhơn tâm: Cái Tâm
của con người. Bản chất của Tâm vốn lành, nên gọi là Lương Tâm. Người làm ác là
vì cái Tâm bị vật dục che phủ nên không còn điều khiển được hành động của mình.
Tất: Ắt hẳn. Bổn: Cái gốc. Ư: Ở tại. Ðốc: Rất, lắm. Thân: Gần gũi thương yêu,
chỉ cha mẹ. Chi: Tiếng đệm. Hiếu: Hết lòng phụng dưỡng cha mẹ.
Câu 6: Dịch nghĩa câu Kinh từng chữ: Sự khai mở cái
Tâm của con người, ắt hẳn, gốc ở tại, rất, hiếu thảo với cha mẹ.
Ý nói: Ðạo của Ðức Khổng Tử chủ
trương lấy việc khai mở cái Tâm của con người làm gốc, bởi vì cái Tâm do Trời
ban cho vốn lành và sáng suốt, thường khiến con người làm điều hay sự phải, giục
con người mến đạo đức, chuộng tinh thần, biết thuận tùng Thiên lý.
Muốn khai mở cái Tâm, Ðức
Khổng Tử lấy sự Hiếu thảo với cha mẹ làm căn bản, bởi vì trong trăm hạnh thì hiếu
đứng đầu. Người bất hiếu là vì để cái Tâm bị Lục dục Thất tình che lấp trở nên
mờ ám.
Ðây là điểm đồng nhứt và
cũng là căn bản của Tam giáo: Nho, Lão, Thích. Tam giáo đều dạy lấy Tâm làm gốc:
Nho giáo dạy: Tồn Tâm dưỡng Tánh,
Lão giáo dạy: Tu Tâm luyện Tánh,
Thích giáo dạy: Minh Tâm kiến Tánh.
Trong Ðạo Cao Ðài, Ðức Phật
Mẫu giáng cơ dạy về chữ TÂM như sau:
Gắng sức trau giồi một chữ Tâm,
Ðạo đời muôn việc khỏi sai lầm.
Tâm thành ắt đạt đường tu vững,
Tâm chánh mới mong mối Ðạo cầm.
Tâm ái nhơn sanh an bốn biển,
Tâm hòa thiên hạ trị muôn năm.
Ðường Tâm cửa Thánh dầu chưa vẹn,
Có buổi hoài công bước Ðạo tầm.
7 . Thọ quốc mạch tất tiên壽 國 脈 必 先
ư trí chúa chi trung. 於 致 主 之 忠
GIẢI NGHĨA
Thọ: Sống lâu, lâu dài. Quốc:
Nước, quốc gia. Mạch: Cái ống dẫn máu để cho máu lưu thông đem dưỡng khí và chất
bổ đến nuôi sống các tế bào trong cơ thể. Quốc mạch: Chỉ chung tất cả sinh hoạt
của dân chúng trong một quốc gia. Mỗi người dân trong nước ví như một tế bào
trong cơ thể. Tế bào nhờ mạch máu nuôi dưỡng mới hoạt động được, thì người dân
cũng nhờ các hoạt động của các cơ quan, các ngành nghề trong nước mà có đời sống
an ninh và đầy đủ.
Thọ quốc mạch: là lâu dài
các sinh hoạt của dân chúng trong nước: Ý nói sự trường tồn của quốc gia.
Tất: Ắt hẳn. Tiên: Trước. Ư: Ở
tại. Trí: Rất, hết lòng. Chúa: cũng đọc là Chủ, người làm Chúa, làm vua một nước.
Chi: Tiếng đệm. Trung: Lòng trung thành.
Vua là người đứng đầu một nước, nên vua tượng
trưng cho nước. Quan niệm trung với vua là trung với nước, chớ không phải trung
thành với một cá nhân ông vua hay với dòng họ của ông vua.
Câu 7: Dịch nghĩa câu kinh từng chữ: Sự lâu dài của
quốc gia, ắt hẳn, trước tiên, ở tại, hết lòng trung thành với nước.
Ý nói: Muốn cho quốc gia được vững
bền thì trước tiên, người dân phải hết lòng trung thành với nước.
Hai câu Kinh 6 & 7 nói
lên tôn chỉ của Ðạo Nho là khai mở cái Tâm của con người cho được sáng tỏ, bằng
cách dạy con người 2 điều căn bản là: Hiếu và Trung.
Trời ban cho con người một
cái Tâm thiện lương chơn chánh để điều khiển xác thân đi theo đường đạo đức,
nhưng vì lục dục thất tình che lấp cái Tâm, làm cho con người trở nên u mê tăm
tối, đi vào nẻo vạy tà. Nay cần phải vẹt ra để cho cái Tâm được sáng tỏ.
Trong mục đích đó, Nho
giáo chủ trương:
Trong gia đình thì phải hết
lòng Hiếu với cha mẹ.
Ðối với quốc gia dân tộc
thì phải hết lòng Trung.
Ðây là một chủ trương rất
tích cực và thực tế, để khai mở Tâm Tánh con người cho được sáng tỏ tốt đẹp. Hiếu
và Trung là 2 đức tánh căn bản của con người, vì các đức tánh khác đều bắt nguồn
từ Trung và Hiếu cả.
8 . Ứng mộng
bảo sanh, thùy từ mẫn khổ. - 應 夢 保 生 垂 慈 憫 苦
GIẢI NGHĨA
Ứng: Ðáp lại. Mộng: Chiêm bao. Ứng mộng: Hiện ra một
điềm chiêm bao để đáp lại sự cầu nguyện. Bảo:
Gìn giữ, bảo vệ. Sanh: Sự sống. Bảo
sanh: Bảo vệ sự sống.
Ứng mộng bảo sanh: Ứng cho một điềm chiêm bao do lòng đạo đức mong muốn, để chỉ vẽ cách thức
bảo vệ sự sống cho nhơn sanh.
Ðối với những vị mà nguyên
căn là những Chơn linh cao trọng lãnh lịnh giáng trần giáo hoá và làm lợi ích
cho nhơn sanh, các Ðấng Thiêng liêng thường đến trong giấc chiêm bao để mách bảo
những điều sắp xảy ra và những phương cách giải quyết để bảo tồn sự sống cho
nhơn sanh. Những sự mách bảo nầy thường dưới dạng ngụ ý, tượng trưng, cần phải
suy nghĩ kỹ mới thấu rõ được.
Chúng ta đọc tiểu sử của Ðức
Phạm Hộ Pháp, chúng ta thấy lúc Ngài còn trẻ tuổi, Ngài bị mê đi nhiều lần, và
lần đáng nhớ nhất là năm 17 tuổi. Ngài chiêm bao thấy Ngài về Bạch Ngọc Kinh gặp
Ðức Chí Tôn, được Ðức Chí Tôn cho ăn bánh và uống nước, trong đó Ðức Chí Tôn ngụ
ý cho biết về những việc sau nầy của Ngài.
Ðức Khổng Tử lãnh lịnh Ðức
Chí Tôn giáng sanh xuống trần để phục hưng Nho giáo, nên Ngài thường được các Ðấng
Thiêng liêng đến trong giấc chiêm bao mách bảo nhiều việc quan trọng. Tương
truyền, Ðức Khổng Tử thường nằm chiêm bao thấy Ông Châu Công Ðán dạy cho nhiều
điều để làm lợi ích cho nhơn sanh.
Thùy: Rủ xuống, rủ lòng nghĩ tới.
Từ: Lòng thương yêu chúng sanh. Mẫn: Lo lắng xót thương.
Thùy từ mẫn khổ: Rủ lòng
nhơn từ thương người khổ nạn.
Biết bao cảnh khổ não của nhơn
sanh nơi cõi trần, mỗi người gặp khổ não một cách. Nói như vậy không phải là
cõi trần không có cái vui, cái hạnh phúc, nhưng cái vui và cái hạnh phúc ấy chỉ
xảy ra rất ít và cũng không tồn tại lâu dài, còn cái buồn và cái khổ thì kéo đến
liên tiếp. Làm một cuộc tổng kết thì cái vui sướng chỉ có một mà cái buồn khổ
nhiều gấp 10 lần hay hơn nữa.
Ðức Khổng Tử đứng hàng Phật
vị, có cái Tâm từ bi của Phật, thấy các cảnh khổ não của chúng sanh thì đem
lòng thuơng xót, nhứt là trong thời đại của Ngài là thời Xuân Thu Chiến Quốc,
loạn lạc khắp nơi, đâu đâu cũng đầy dẫy cảnh khói lửa chết chóc, giết hại lẫn
nhau, mạnh được yếu thua, khôn còn dạy mất, đạo đức suy đồi. Ngài muốn cứu vớt
nhơn sanh bằng cách đem học thuyết của Ngài dạy cho các từng lớp dân chúng và
các hàng vua quan phải biết tôn trọng sự công bằng và mạng sống của con người,
mỗi người phải làm đúng theo chức năng của mình, để cùng nhau tạo lập một cuộc
sống thanh bình, an lạc, ấm no như thời của 2 vua Nghiêu Thuấn.
C.8: Ðức Khổng Tử có lòng nhơn từ thương người khổ nạn, nên Ngài thường nằm
chiêm bao thấy Ông Châu Công Ðán dạy cho nhiều điều để bảo tồn sự sống của nhơn
sanh.
9 . Ðại nhơn, Ðại hiếu, 大 仁 大 孝
Ðại Thánh, Ðại từ. 大 聖 大 慈
GIẢI NGHĨA
Ðại: Lớn. Nhơn: Lòng thương
người mến vật, thương khắp chúng sanh. Hiếu: Hết lòng phụng dưỡng cha mẹ.
Thánh: Bực Thánh. Từ: Lòng thương yêu chúng sanh.
C.9 : Lòng nhân lớn, lòng hiếu thảo lớn, bực Thánh lớn, đức từ bi lớn.
10 . Thần văn, Thánh võ, 神 文 聖 武
Hiếu Ðức Trung Nhơn. 孝 德 忠 仁
GIẢI NGHĨA
Thần: Tài giỏi như Thần. Văn:
Việc văn chương, nghĩa tổng quát là chỉ những việc thuộc về văn hóa, chánh trị,
giáo dục. Võ: Việc võ bị quân sự, giữ gìn an ninh trật tự và bảo vệ tổ quốc.
Thánh: Tài giỏi như Thánh.
Ðức: Những việc làm hợp lòng
người, thuận lẽ Trời, tạo được phước đức. Trung: Lòng trung thành.
C.10: Văn võ song toàn, tài giỏi tột bực như Thần như Thánh, gồm đủ 4 đức tốt:
Hiếu, Ðức, Trung, Nhơn.
11 . Vương
tân sách phụ. 王 賓 策 輔
12 . Nho tông
khai hóa. 儒 宗 開 化
GIẢI NGHĨA
Câu 11: Vương tân sách phụ:
Vương: Vua. Tân: Khách. Sách: Kế hoạch, kế sách, sách lược. Phụ: Giúp đỡ.
Vương tân: Khách của vua. Khi đi
chu du qua các nước chư Hầu, Ðức Khổng Tử được các vua chư Hầu đối đãi vào bực
thượng khách, kính trọng là bực tôn sư để nghe Ngài giảng giải về phép trị nước
an dân, làm cho dân giàu nước mạnh.
Sách phụ: Giúp cho kế hoạch trị nước
an dân.
Hễ vua chư Hầu nào có lòng
yêu mến dân chúng, biết tôn trọng đạo đức thì Ðức Khổng Tử ở lại đó giúp vua kế
hoạch cải cách việc chánh trị, văn hóa và kinh tế; còn vị vua nào vô đạo, ham
mê tửu sắc thì Ngài bỏ đi qua nước khác. Sự đi hay ở của Ngài tùy thuộc vào cái
Ðạo của Ngài có được thực hiện hay không mà thôi.
C.11: Ðức Khổng Tử là bực thượng khách của các vị vua chư Hầu, thường giúp
bày kế hoạch trị nước an dân.
Câu 12:
Nho tông khai hóa.
Nho: Ðạo Nho (Xem giải
nghĩa chi tiết nơi phần đầu bài nầy). Tông: Cũng đọc là Tôn, nghĩa là tôn giáo.
Nho tông là Nho giáo. Khai: Mở ra. Hóa: Thay đổi, dạy cho người ta thay đổi từ
xấu ra tốt, từ dở thành hay.
C.12: Ðạo Nho mở ra để giáo hóa nhơn sanh.
13 . Văn
Tuyên tư lộc, 文 宣 司 祿
Hoằng nhơn Ðế Quân. 弘 仁 帝 君
GIẢI NGHĨA
Văn Tuyên: Tên thụy của Ðức Khổng Tử
do các vua đời sau truy tặng cho Ngài, với tấm lòng ngưỡng mộ, kể ra:
Khi Hớn Lưu Bang dẹp xong
Hạng Võ, vua đi ngang nước Lỗ, đến làng Khuyết Lý, nơi sanh ra Ðức Khổng Tử,
vào miếu bái lễ Ngài và truy phong là: Khổng Thánh Tiên Sư.
Vua Ðường Huyền Tông truy
tặng: Văn Tuyên Vương.
Vua Tống Chơn Tông truy
phong là: Chí Thánh Văn Tuyên Vương.
Vua Thái Tổ nhà Nguyên
truy phong Ngài là: Ðại Thánh Chí Thánh Văn Tuyên Vương.
Vua Gia Tịnh nhà Minh tặng
là: Chí Thánh Tiên Sư.
Vua Thạnh Trị nhà Thanh
truy tặng là: Chí Thánh Tiên Sư Văn Tuyên Vương Khổng Tử.
Nếu gom tất cả các danh hiệu
mà các vị vua đã truy tặng Ðức Khổng Tử, ta được danh hiệu:
"Ðại Thánh Chí Thánh
Tiên Sư Văn Tuyên Vương Khổng Tử".
Ngày nay thời TKPÐ, Ðức Khổng
Tử có tước hiệu là: Khổng Thánh Tiên Sư Hưng Nho Thạnh Thế Thiên Tôn.
Tư lộc: Tư là lo việc, quản lý;
lộc là phước lộc. Tư lộc là lo việc ban phước lộc cho thế gian về thi cử văn
chương và ban cho phẩm tước nơi chốn quan trường.
Văn Tuyên tư lộc: Ðức Khổng Tử có nhiệm vụ coi việc ban phước lộc cho thế gian về văn
chương thi cử và phẩm tước nơi quan trường.
Hoằng: Rộng lớn. Nhơn: Lòng
thương người mến vật, thương khắp chúng sanh. Ðế Quân: Phẩm tước rất cao trọng
nơi cõi thiêng liêng do Ðức Chí Tôn phong thưởng.
Hoằng nhơn Ðế Quân: Ðức Khổng
Tử là một vị Ðế Quân nhơn đức rộng lớn.
C.13: Ðức Khổng Tử coi về việc ban phước lộc cho thế gian, Ngài là vị Ðế Quân
nhơn đức rộng lớn.
14 . Trừng
Chơn Chánh Quang, 澄 眞 正 光
Bửu Quang Từ Tế. 寶 光 慈 濟
Thiên Tôn. 天 尊
Lạy 3 lạy, mỗi lạy 3 gật,
mỗi gật niệm:
Nam mô Khổng Thánh Tiên Sư
Hưng Nho Thạnh Thế Thiên Tôn - 南 無 孔 聖 先 師 興 儒 盛 世 天 尊
GIẢI NGHĨA
Trừng: Trong sạch. Chơn: Thật, chơn thật. Chánh: Ngay thẳng, không tà vạy. Quang: Sáng.
Bửu: Quí báu. Từ: Lòng thương yêu chúng sanh. Tế: Cứu giúp.
Thiên Tôn: Phẩm tước nơi cõi thiêng
liêng do Ðức Chí Tôn phong thưởng.
C.14: Ðức Khổng Tử có những đức tánh: Trong sạch, chơn thật, ngay thẳng, sáng tỏ,
báu sáng, từ bi hay cứu giúp, là một Ðấng Thiên Tôn.
Câu niệm: Nam mô Khổng
Thánh Tiên Sư Hưng Nho Thạnh Thế Thiên Tôn.
Khổng Thánh: Ðức Thánh họ Khổng, tức là Ðức Thánh Khổng Tử. Tiên Sư: Danh từ để học
trò gọi Thầy dạy học khi Thầy đã chết. Các nhà Nho thường gọi Ðức Khổng Tử là
Khổng Thánh Tiên Sư.
Hưng Nho: Phục hưng Ðạo Nho, làm
cho Ðạo Nho hưng thịnh. Thạnh Thế: Ðời thịnh vượng.
Nhờ Ðức Khổng Tử phục hưng
Ðạo Nho, làm cho học thuyết Nho giáo có hệ thống, đưa lên ngang hàng với Tiên
giáo và Phật giáo. Nước Tàu nhờ Nho giáo mà được thịnh vượng và hùng cường
trong một thời gian dài.
Ðức Khổng Tử là Giáo chủ
Nho giáo thời Nhị Kỳ Phổ Ðộ. Ngài là một vị Ðế Quân, cũng là một vị Thiên Tôn.
Ðịa vị của Ngài nơi cõi thiêng liêng rất cao trọng, vào hàng Phật vị, đứng
ngang hàng với Ðức Phật Thích Ca và Ðức Lão Tử.
Thời Tam Kỳ Phổ Ðộ, Ðức
Quan Thánh Ðế Quân, đại diện Ðức Khổng Tử cầm quyền Nho giáo, làm Ðệ Tam Trấn
Oai Nghiêm ÐÐTKPÐ.
Tinh hoa của Giáo lý Nho
giáo được Ðạo Cao Ðài áp dụng để chấn hưng nền phong hóa và luân lý của dân tộc
VN, tạo nên một khuôn mẫu cho toàn thế giới noi theo, đúng vói câu Thánh ngôn của
Ðức Chí Tôn: "Nam phong thử nhựt biến Nhơn phong." (Phong hóa của người
VN ngày ấy biến thành phong hóa của nhơn loại).
Ðó chính là chủ trương NHO
TÔNG CHUYỂN THẾ của Ðạo Cao Ðài.
TÓM TẮT GIẢI NGHĨA KINH NHO GIÁO
KINH: GIẢI NGHĨA:
1 . Quế Hương nội điện,
Văn Thỉ thượng cung. - Ở trong Ðiện Quế Hương, Phía trên hết là Cung Văn Thỉ, nơi thường ngự của Ðức
Khổng Tử.
2 . Cửu thập ngũ hồi,
Chưởng thiện quả ư thi thơ chi phố. - 95 lần giáng sanh xuống cõi trần rồi trở về, Gieo trái lành nơi vườn thơ
văn kinh sách.
3 . Bá thiên vạn hóa, Bồi quế thọ ư Âm chất chi điền. - Trăm ngàn muôn
lần biến hóa, Vun bồi cây quế nơi ruộng phước đức.
4 . Tự lôi trữ bính, linh ư phụng lãnh. -
Văn tự chế thành thì có sấm nổ, văn tự như có chứa ngọn lửa để soi sáng và ghi
chép kiến thức, kinh nghiệm của người xưa, nên linh như chim phụng trên núi.
5 . Chí như ý từ, tường ư ngao trụ. -
Ðến như cái ý tưởng thương yêu chúng sanh, tốt lành như ở núi Ngao trụ.
6 . Khai nhơn tâm tất bổn ư đốc thân chi hiếu. - Sự khai mở cái Tâm của
con người ắt hẳn gốc ở tại sự hết lòng hiếu thảo với cha mẹ.
7 . Thọ quốc mạch tất tiên ư trí chúa chi trung. - Sự vững bền của quốc gia ắt hẳn trước tiên ở tại sự hết lòng
trung thành với nước.
8 . Ứng mộng bảo sanh, thùy từ mẫn khổ. -
Ðức Khổng Tử có lòng nhơn từ thương người khổ nạn nên thường chiêm bao thấy Ông
Châu Công Ðán dạy nhiều điều bảo tồn sự sống cho nhơn sanh.
9 . Ðại nhơn, Ðại hiếu,
Ðại Thánh, Ðại từ. - Lòng nhơn lớn, lòng hiếu lớn, Bực Thánh lớn, đức từ bi lớn.
10 . Thần văn, Thánh võ, Hiếu Ðức Trung
Nhơn. - Văn võ song toàn tài giỏi tột bực, Có đủ 4 đức: Hiếu, Ðức, Trung, Nhơn.
11 . Vương tân sách phụ. - Thượng khách của vua, thường
bày kế hoạch giúp vua.
12 . Nho tông khai hóa. - Ðạo
Nho mở ra giáo hóa nhơn sanh.
13 . Văn Tuyên tư lộc, Hoằng nhơn Ðế Quân. - Ðức Khổng Tử lo việc ban phước lộc cho thế gian, là vị Ðế
Quân nhơn đức rộng lớn.
14 . Trừng chơn chánh quang , Bửu quang
từ tế. Thiên Tôn. - Trong sạch, ngay thật,sáng tỏ, báu sáng, nhơn từ, cứu
giúp. Thiên Tôn. Là một Ðấng
(Lạy 3 lạy, mỗi lạy 3 gật,
mỗi gật niệm:
Nam mô Khổng Thánh Tiên Sư
Hưng Nho Thạnh Thế Thiên Tôn)
DÂNG TAM BỬU: Hoa, Rượu, Trà
Tam Bửu là 3 món quí báu.
Tam Bửu của con người là:
Tinh, Khí, Thần, tức là Thể xác, Chơn thần và Linh hồn.
■ TINH là Thể xác, tức là hình hài xác thịt của con người, được tượng
trưng bằng Hoa (Bông), vì Ðức Chí Tôn muốn cho hình thể con cái của Ngài tốt đẹp
như cái hoa.
■ KHÍ là Chơn thần, tức là xác thân thiêng liêng, được tượng trưng bằng
Rượu vì Ðức Chí Tôn muốn cho Chơn thần các con cái của Ngài cường liệt như rượu
mạnh vậy.
■ THẦN là Chơn linh hay Linh hồn, là điểm Linh quang của Ðức Chí Tôn
ban cho mỗi người, được tượng trưng bằng Trà, vì Ðức Chí Tôn muốn cho Chơn linh
con cái của Ngài điều hòa thơm tho như hương vị của Trà vậy.
Mỗi khi cúng Ðức Chí Tôn,
Ðức Phật Mẫu và các Ðấng Thiêng liêng, chúng ta phải dâng Tam Bửu lên Ðức Chí
Tôn và Ðức Phật Mẫu, dâng Bửu nào thì thài bài Kinh của Bửu ấy theo giọng Ðảo
Ngũ Cung và cầu nguyện cũng theo Bửu đó.
* Ðầu tiên, dâng Hoa thì
thài bài Dâng Hoa, rồi cầu nguyện dâng Thể xác.
* Kế đó, dâng Rượu thì
thài bài Dâng Rượu, rồi cầu nguyện dâng Chơn thần.
* Sau cùng là dâng Trà thì
thài bài Dâng Trà, rồi cầu nguyện dâng Linh hồn.
I . Nguồn gốc 3 bài Dâng Tam
Bửu:
Ðầu năm Bính Dần (1926), Ðức
Chí Tôn dạy 3 vị: Lê văn Trung, Phạm công Tắc và Cao quỳnh Cư đến nhà của Quan
Phủ Ngô văn Chiêu ở gần chợ Sài gòn để Quan Phủ chỉ cho vẽ Thiên Nhãn thờ Ðức
Chí Tôn và cách thờ phượng. (Quan Phủ Ngô văn Chiêu là môn đệ đầu tiên của Ðức
Chí Tôn, thấy hình Thiên Nhãn 3 lần do Ðức Chí Tôn dùng huyền diệu cho hiện ra ở
tại đảo Phú Quốc, để Quan Phủ vẽ Thiên Nhãn theo hình đã thấy mà thờ Ðức Chí
Tôn).
Quan Phủ chỉ cho 3 vị thấy
cách thờ Thiên Nhãn, rồi trao cho 3 vị 3 bài Kinh: Dâng Hoa, Dâng Rượu, Dâng
Trà, để cúng Ðức Chí Tôn, và bài Kinh Cầu Cơ "Trời còn".
Ba bài Kinh Dâng Tam Bửu nầy
có in trong quyển "Tứ Thời Nhựt Tụng Kinh" xuất bản năm 1928 của nhị
vị Ðầu Sư Thượng Trung Nhựt và Ngọc Lịch Nguyệt, trang 38, 39, 40, xin chép ra
sau đây:
BÀI DÂNG TIÊN HOA:
Hoa tươi năm sắc thiên nhiên,
Ðầu cúi xin dâng lễ kỉnh thiềng.
Cảm đức Cao Ðài lòng đoái tưởng,
Từ bi cứu thế giáng đàn tiền.
* BÀI DÂNG TIÊN TỬU:
Tửu vị hương hề tửu vị hương,
Khấu đầu cung hiến chước hồ tương.
Cao Ðài hứng cảnh nhàn hoan nhã,
Ðệ tử cung trần mỹ vị hương.
* BÀI DÂNG TIÊN TRÀ:
Ðông độ thanh trà mỹ vị hương,
Khấu đầu cung hiến chước hồ trường.
Cao Ðài hứng cảnh nhàn hoan nhã,
Ðệ tử cung trần mỹ vị hương.
Sau đó được vài tháng, đến
ngày 14-3-Bính Dần (dl 24-4-1926), Quan Phủ Ngô văn Chiêu tách riêng ra để tu
đơn, không cộng tác với nhóm của Ngài Lê văn Trung nữa, nhưng 3 bài Dâng Tam Bửu
của Quan Phủ đưa qua vẫn được dùng để dâng cúng Ðức Chí Tôn.
Ðến đầu năm Kỷ Tỵ (1929),
Ðức Phạm Hộ Pháp có xin với Bát Nương ban cho 3 bài Kinh Dâng Tam Bửu mới để thế
cho 3 bài cũ của Ngài Ngô văn Chiêu, nhưng Ðức Phạm Hộ Pháp được trả lời là nên
để cho Hội Thánh đặt ra để Dâng Tam Bửu lên Ðức Chí Tôn thì mới hợp lẽ.
Do dó, Ðức Phạm Hộ Pháp chỉ
định Ngài Bảo Văn Pháp Quân Cao quỳnh Diêu (tức Cao Mỹ Ngọc) đặt ra 3 bài nầy,
rồi cầu Bát Nương chỉnh văn lại, xong dâng lên Ðức Chí Tôn duyệt, rồi chuyển
qua cho Ðức Quyền Giáo Tông Lê văn Trung bên Cửu Trùng Ðài ban hành ra cho toàn
đạo.
Ngày 17-6-Canh Ngọ (dl
12-7-1930), Ðức Quyền Giáo Tông Lê văn Trung (lúc đó còn là Ðầu Sư Thượng Trung
Nhựt) ban hành quyển "NGHI TIẾT ÐẠI ÐÀN TIỂU ÐÀN TẠI TOÀ THÁNH VÀ THÁNH THẤT
CÁC NƠI", trong đó có ban hành 3 bài Dâng Tam Bửu mới mà chúng ta đang sử
dụng.
II . Cách cầu nguyện khi Dâng
Tam Bửu:
Về cách thức và lời cầu
nguyện khi Dâng Tam Bửu, Ðức Phạm Hộ Pháp thuyết đạo dạy như sau:
- Hễ đưa Bông lên là dâng
cái Hình thể của chúng ta đó, ta cúi đầu cầu nguyện Chí Tôn:
"Con xin dâng mảnh
hình hài của con cho Chí Tôn dùng phương nào thì dùng."
- Khi dâng Rượu thì cầu
nguyện:
"Con xin dâng cả trí
thức tinh thần của con cho Chí Tôn dùng phương nào thì dùng."
( Trí thức Tinh thần của
con người là thuộc về Chơn thần).
- Khi dâng Trà cầu nguyện:
"Con xin dâng cả Linh
hồn của con cho Chí Tôn dùng phương nào thì dùng."
+ Câu chót, chúng ta nên
nguyện gồm chung lại như vầy:
"Cả Linh hồn, cả Trí não, cả Hình hài con, Thầy
đào tạo, đó là của Thầy thì do nơi quyền hành độc đoán của Thầy định."
Khi dâng Tam Bửu lên Ðức
Chí Tôn, hễ dâng Bửu nào thì cầu nguyện theo Bửu nấy, dâng xong một Bửu thì lạy
1 lạy 4 gật, mỗi gật niệm Câu Chú của Thầy: Nam mô Cao Ðài Tiên Ông Ðại Bồ Tát
Ma Ha Tát.
Dâng Tam Bửu cúng Ðức Phật
Mẫu thì cầu nguyện với Ðức Phật Mẫu, dâng Bửu nào thì cầu nguyện theo Bửu nấy,
lời cầu nguyện thì giống y như lời cầu nguyện đối với Ðức Chí Tôn, nhưng thay
chữ Chí Tôn bằng chữ Phật Mẫu, xong mỗi Bửu thì lạy Phật Mẫu 3 lạy, mỗi lạy 3 gật,
mỗi gật niệm: Nam mô Diêu Trì Kim Mẫu Vô Cực Thiên Tôn.
III . BÍ PHÁP DÂNG TAM BỬU:
Tại sao Ðức Chí Tôn buộc
tín đồ dâng Tam Bửu?
Tại sao trong mỗi thời
cúng, Ðức Chí Tôn buộc các Tín đồ Nam Nữ đều phải dâng Tam Bửu lên Ðức Chí Tôn
và Ðức Phật Mẫu? Ðiều nầy có phải vì lợi ích cho Chí Tôn hay cho Phật Mẫu
không?
Trả lời: Không, mà trái lại
là hoàn toàn vì lợi ích cho Tín đồ, bởi vì đây là Bí Pháp giải thoát cho mỗi
Tín đồ.
Bí Pháp thì phải bí mật,
nhưng ÐÐTKPÐ nầy, Ðức Chí Tôn ban cho ơn huệ là Ðại Ân Xá, nên Ðức Chí Tôn
không giấu giếm Bí Pháp nữa, Ðức Chí Tôn bày ra trước mắt nhơn sanh, để nhơn
sanh thấy rõ mà thực hành. Và Ðức Chí Tôn nhấn mạnh: "Gặp Tam Kỳ Phổ Ðộ nầy
mà không tu thì không còn trông mong siêu rỗi được."
Bí Pháp đó là: Ðức Chí Tôn
biểu chúng ta dâng Tam Bửu của chúng ta (Thể xác, Chơn thần, Linh hồn) lên cho
Ðức Chí Tôn để Ðức Chí Tôn lấy đó làm phương tiện PHỤNG SỰ VẠN LINH.
Tại sao gọi đó là Bí Pháp?
Bởi vì chính nó là phương
cách giải thoát chúng ta khỏi vòng Luân hồi để Linh hồn sau khi thoát xác, trở
về hiệp nhứt cùng Ðức Chí Tôn nơi cõi thiêng liêng, tức là đắc đạo vậy.
Ðức Phạm Hộ Pháp thuyết đạo
giải thích như sau:
"Ấy vậy, mỗi ngày, từ
mơi tới trưa, đến chiều, từ chiều đến khuya, từ khuya đến sáng, mình vô Ðền
Thánh kêu Ðức Chí Tôn, kêu Tam Giáo và các Ðấng Thiêng liêng mà phân chứng trước:
Thân tôi không còn là của tôi nữa, tôi đã hiến cho Ðức Chí Tôn, làm tôi tớ cho
vạn linh, thay thế cho Ðức Chí Tôn.
Giờ phút đó, chúng ta
không biết tội nào chúng ta đã làm, dầu có tội mà chúng ta không làm điều gì
thêm nữa thì quả kiếp ấy tiêu diệt, cơ quan giải thoát chúng ta đoạt, không thế
gì định tội được. Ðức Chí Tôn biểu chúng ta không phải là chúng ta, mà chúng ta
không phải là chúng ta thì quả kiếp ấy không phải là của chúng ta, tức nhiên ta
đã đoạt cơ giải thoát."
Như vậy, mỗi ngày chúng ta
cúng Ðức Chí Tôn, chúng ta đều cầu nguyện dâng Tam Bửu (Thể xác, Chơn thần,
Linh hồn, tượng trưng bằng Bông, Rượu, Trà) là dâng toàn thể con người chúng ta
cho Chí Tôn dùng phương nào thì dùng, tức là chúng ta hoàn toàn tùy thuộc vào
Chí Tôn sai khiến định liệu trong công cuộc Phụng Sự Vạn Linh. Chúng ta không
còn điều gì để lo lắng ngoài sự lo lắng làm thế nào thực hiện cho hoàn tất mệnh
lệnh của Ðức Chí Tôn ban bố.
Bí Pháp Giải thoát ấy, Ðức
Chí Tôn để hiển hiện ngay trước mắt nhơn sanh mà ít ai để ý suy nghĩ.
Nhưng việc thực hiện Bí
Pháp nầy một các trọn vẹn thì cũng khó khăn vô cùng. Nhưng càng khó khăn thì
càng có giá trị xứng đáng. Ðâu có dễ gì đâu? Nhưng không phải là quá khó khăn để
không thể thực hiện được.
Nếu chúng ta có một Ðức
Tin mạnh mẽ nơi Ðức Chí Tôn và có một tấm lòng hy sinh, quên mình, thì mọi việc
đều trở nên dễ dàng.
Như thế, cái tấm thân của
ta đây, cả Chơn thần và Linh hồn nữa, chúng ta đã giao hết cho Chí Tôn, giao thật
sự với đầy đủ ý nghĩa của nó, thì ta không còn gì là của ta nữa, đừng nói chi
là của cha mẹ ta hay vợ con ta. Như vậy, cái TA tức là cái NGÃ không còn nữa,
thì đâu còn gì để CHẤP NGÃ. Ðây là một phương pháp PHÁ CHẤP triệt để.
Sự Dâng hiến nầy là để Phụng
Sự Vạn linh, nếu chúng ta thi hành một cách chí thành thì đủ đem chúng ta trở về
cùng Ðức Chí Tôn, mà không cần làm thêm một điều gì khác nữa.
Trong TNHT, Ðức Chí Tôn có
dạy rằng:
"Trong các con có nhiều
đứa lầm tưởng, hễ vào Ðạo thì phải phế hết nhơn sự, nên chúng nó ngày đêm mơ tưởng
có một điều rất thấp thỏi là vào một chỗ u nhàn mà ẩn thân luyện đạo. Thầy nói
cho các con biết, nếu công quả chưa đủ, nhân sự chưa xong, thì không thể nào
các con luyện thành đặng đâu mà mong.
Vậy muốn đắc quả, thì chỉ
có một điều Phổ độ chúng sanh mà thôi. Như không làm đặng thế nầy thì tìm cách
khác mà làm âm chất, thì cái công tu luyện chẳng bao nhiêu cũng có thể đạt địa
vị tối cao." (TNHT. II. 101)
Trong Ðạo Cao Ðài, Ðức Chí
Tôn cấm hẳn lối tu "Ðộc thiện kỳ thân", một lối tu ích kỷ, chỉ biết
lo cho riêng mình.
Thể pháp và Bí pháp của Ðạo
Cao Ðài đều đặt việc PHỤNG SỰ VẠN LINH là trên hết. Do đó, Bí pháp Luyện đạo
trong Tịnh Thất chỉ là phần đặc biệt dành cho những Tín đồ đã đầy đủ công quả
Phụng Sự Vạn Linh mà còn sức khỏe.
Tóm lại, Ðức Chí Tôn buộc
chúng ta dâng Tam Bửu cho Ngài là vì Ngài muốn chúng ta thay thế Ngài mà lo
"Hoằng khai Ðại Ðạo, Phổ Ðộ chúng sanh", tức là lo Phụng Sự Vạn Linh,
bởi vì đó là Bí pháp đắc đạo để chúng ta trở về hội hiệp cùng Ðức Chí Tôn và Phật
Mẫu.
BÀI DÂNG HOA
(Thài theo giọng Ðảo Ngũ Cung)
1 . Từ bi giá
ngự rạng môn thiền,
2 . Ðệ tử mừng
nay hữu huệ duyên.
3 . Năm sắc hoa
tươi xin kỉnh lễ,
4 . Cúi mong Thượng Ðế rưới ân Thiên.
(Lạy 1 lạy 4 gật, mỗi gật
niệm Câu Chú của Thầy).
GIẢI NGHĨA
Thài: là ngâm từng chữ của bài
Kinh với giọng ngân thật dài theo giọng của điệu Cổ nhạc Ðảo Ngũ Cung.
Khi cúng Ðại đàn Ðức Chí
Tôn tại Thánh Thất hay khi cúng Ðại đàn Ðức Phật Mẫu tại Ðiện Thờ, đồng nhi
thài 3 bài Dâng Tam Bửu, thì Lễ sĩ lần lượt điện dâng lễ phẩm, bước đi theo hình
chữ Tâm [心] từ Ngoại nghi vào Nội nghi: Lần thứ nhứt: dâng Hoa và Quả; lần thứ nhì:
dâng Rượu và Bình rượu; lần thứ ba: dâng Trà và Bình trà.
Ðảo Ngũ Cung: là điệu nhạc cổ, nhịp đi rất chậm, để đồng nhi cất giọng thài theo.
Câu 1: Từ Bi giá ngự rạng môn thiền.
Từ Bi: Từ là lòng thương tưởng
lo lắng giúp ích cho chúng sanh, làm cho họ được an ổn vui vẻ. Bi là lòng trắc ẩn
thương cảm các cảnh khổ não của chúng sanh, lúc nào cũng muốn cứu vớt họ ra khỏi
phiền não và tai họa.
Từ bi là lòng thương yêu
bao la, thương khắp chúng sanh, muốn giúp chúng sanh thoát khổ.
Từ bi là hạnh của Phật.
Trong Câu Kinh 1, Từ Bi là
chỉ Ðức Chí Tôn.
Giá ngự: Giá là xe của vua đi, ngự
là tiếng chỉ về vật dụng hay hành động của vua. Giá ngự là xe của vua đi. Ở
đây, ý nói là Ðức Chí Tôn dùng xe đi xuống cõi phàm trần.
Môn thiền: Môn là cửa, Thiền là là
yên lặng suy tưởng. Môn thiền hay Thiền môn, dịch là cửa Thiền, chỉ cái chùa thờ
Phật làm nơi tu hành. Ở đây, môn thiền là chỉ Thánh Thất để thờ cúng Ðức Chí
Tôn và các Ðấng Thiêng liêng. Rạng: Làm cho sáng.
C.1: Ðức Chí Tôn đi xe xuống, tỏa hào quang chiếu sáng Thánh Thất.
Câu 2:
Ðệ tử mừng nay hữu huệ
duyên.
Ðệ tử: Học trò. Trong Ðạo Cao
Ðài, Ðức Chí Tôn xưng mình là Thầy, gọi các tín đồ là môn đệ, và các tín đồ
xưng là Ðệ tử. Hữu: Có. Huệ duyên: Huệ là ơn, duyên là mối dây ràng buộc đã được
định sẵn. Huệ duyên là cái duyên được hưởng ơn huệ.
C.2: Chúng con là học trò của Thầy, ngày nay vui mừng có được cái duyên hưởng
ơn huệ của Thầy ban cho.
Câu 3:
Năm sắc hoa tươi xin kỉnh
lễ.
Kỉnh lễ: Dâng phẩm vật lên để tỏ
lòng kính trọng.
Năm sắc hoa tươi: tượng
trưng cho Ngũ Tạng và Ngũ Quan của thân thể con người, tương ứng với Ngũ Hành kể
ra như sau đây:
NGŨ TẠNG: NGŨ QUAN: NGŨ HÀNH:
Tâm (tim) Lưỡi Hỏa: màu đỏ.
Can (gan) Mắt Mộc: màu xanh.
Tỳ (lá lách) Miệng Thổ: màu vàng.
Phế (phổi) Mũi Kim: màu trắng.
Thận (thận) Tai Thủy: màu đen.
Khi dâng Năm sắc Hoa tươi
lên cúng Ðức Chí Tôn, cũng nên chọn 5 màu hoa tương ứng với Ngũ Hành. Các hoa
màu Vàng, Xanh, Ðỏ, Trắng thì dễ tìm, còn hoa màu đen thì không có, nên có thể
chọn hoa màu tím sậm hay đỏ sậm.
Năm sắc Hoa tươi nầy tượng
trưng cho Ngũ quan Ngũ tạng của con người tức là tượng trưng Xác thân con người.
C.3: Kính dâng lên Năm sắc Hoa tươi để tỏ lòng kính trọng.
Câu 4:
Cúi mong Thượng Ðế rưới ân
Thiên.
Thượng Ðế: Ðức Chí Tôn Ngọc
Hoàng Thượng Ðế, ngày nay gọi là Ðấng Cao Ðài. Ân Thiên: Ơn Trời.
C.4: Cúi lạy Ðức Chí Tôn, mong Ðức Chí Tôn chan rưới ơn lành.
CHÚ Ý: Khi cúng Ðức Phật Mẫu,
thài tới câu kinh nầy thì đổi chữ "Thượng Ðế" thành chữ "Phật Mẫu": Cúi mong Phật Mẫu
rưới ân Thiên.
Dùng Hoa tượng trưng cho
TINH là Thể xác, trùng hợp với sự tích Na Tra nhập xác bông sen tức là Thân thể
của Na Tra được tạo bằng bông sen trong Truyện Phong Thần.
Ðể cứu cha mẹ khỏi bị Ngao
Quảng bắt trói hành tội, Na Tra phải tự chặt tay, lóc thịt, mổ bụng chết trước
mặt Ngao Quảng Long Vương, đền cho cái tội giết chết Ngao Bính và Lý Lương lúc
nọ.
Hồn Na Tra đêm ấy báo mộng
cho mẹ, xin mẹ lập cho một cái miểu tại núi Túy Bình để nhờ hương khói của bá
tánh cúng cho linh hồn được mau cứng cát. Bà mẹ liền lén chồng (cha của Na Tra
là Lý Tịnh) lên cốt lập miểu cho Na Tra tại núi Túy Bình, đúng theo lời cầu
xin. Ðược nửa năm, một hôm tình cờ Lý Tịnh kéo quân qua đó, thấy thiên hạ đến
miểu dâng hương rất đông, vì Ông Thần thờ nơi miểu rất linh, ai cầu chi được nấy.
Lý Tịnh liền vào xem thử, thấy cốt tượng trên bàn thờ là Na Tra, thì nổi giận,
cho rằng Na Tra đã chết rồi mà còn muốn khuấy phá dân chúng, nên Ông đập tượng
cho gãy nát và nổi lửa đốt miểu cháy tiêu.
Hồn Na Tra không còn nơi
nương tựa, nên bay về Ðộng Thái Ất để kêu oan với Thầy. Ông Thái Ất bèn gọi Kim
Hà đồng tử đi hái 2 cái bông sen và 3 lá sen còn nguyên cọng. Thái Ất liền bẻ
360 khúc cọng sen làm xương, lấy các cánh bông sen đắp lên làm thịt, đắp phủ
bên ngoài 3 lá sen làm da, để một hột linh đơn vào giữa, rồi họa phù niệm chú,
bắt vía thâu hồn Na Tra, xô nhập vào hình sen rồi hét lớn: Na Tra chưa sống lại
còn đợi chừng nào?
Xảy nghe một tiếng ư, một
người hiện ra từ hình sen trổi dậy, mặt như dồi phấn, môi tợ thoa son, con mắt
có ngời, cao lớn đẹp đẽ, ấy là Na Tra nhập xác bông sen đó.
Nhắc lại câu cầu nguyện
khi Dâng Hoa: "Con xin dâng mảnh
hình hài của con cho Ðức Chí Tôn dùng phương nào thì dùng."
BÀI DÂNG RƯỢU
(Thài theo giọng Ðảo Ngũ Cung)
1 . Thiên ân huệ
chiếu giáng thiền minh,
2 . Thành kỉnh
Trường Xuân chước tửu quỳnh.
3 . Lạc hứng khấu
cung giai miễn lễ,
4 . Thoát tai
bá tánh ngưỡng ân sinh.
(Lạy 1 lạy 4 gật, mỗi gật niệm Câu Chú của Thầy).
天 恩 惠 照 降 禪 明
誠 敬 長 春 酌 酒 瓊
樂 興 叩 恭 皆 勉 禮
脫 災 百 姓 仰 恩 生
GIẢI NGHĨA
Câu 1: Thiên ân huệ chiếu giáng thiền minh.
Thiên ân: Ơn Trời, chỉ Ðức Chí
Tôn. Huệ: Ơn, làm ơn. Chiếu: Soi sáng, ban bố . Huệ chiếu: Ðức Chí Tôn ban bố
ơn huệ. Giáng: Ði xuống. Thiền: Yên lặng suy nghĩ, thường nói Thiền môn, chỉ
ngôi chùa. Minh: Sáng. Thiền minh là yên lặng suy nghĩ cho trí não mở mang sáng
suốt. Ở đây, Thiền minh là chỉ Thánh Thất thờ Ðức Chí Tôn.
C.1: Xin Ðức Chí Tôn ban bố ơn huệ, giáng xuống Thánh Thất.
Câu 2:
Thành kỉnh Trường Xuân chước tửu quỳnh.
Thành kỉnh: Thành thật kính trọng.
Trường Xuân: Mùa Xuân lâu dài, mùa Xuân trường cửu. Ðới với dân chúng thì chúc nhau: Sống
lâu trăm tuổi. Ðối với hàng Ðại quan thì chúc nhau Thiên tuế (Ngàn năm), Ðối với
vua thì chúc là Vạn tuế (Muôn măm). Cho nên đối với Ðức Chí Tôn thì dùng chữ
Trường Xuân. Vậy Trường Xuân là chỉ Ðức Chí Tôn.
Chước tửu: Rót rượu. Quỳnh: Một thứ
ngọc màu đỏ, thường được các vua chúa cho thợ đẽo gọt làm thành cái chung nhỏ để
uống rượu, làm tăng thêm mùi vị thơm ngon của rượu.
C.2: Thành thật kính trọng Ðức Chí Tôn, xin rót chung rượu quí dâng lên.
Cúng Ðức Chí Tôn và các Ðấng
Thiêng liêng, chúng ta thường dùng Rượu trắng (Bạch tửu), nên chọn loại rượu tốt,
có màu trong suốt, thơm ngon.
Câu 3:
Lạc hứng khấu cung giai miễn
lễ.
Lạc: Vui vẻ. Hứng: Cảm thấy
phấn chấn trong lòng.
Khấu: Lạy, cúi đầu sát xuống đất.
Cung: Thân mình.
Khấu cung: Cúi mình lạy xuống.
Giai: Ðều, cùng. Miễn: Gắng sức,
cố gắng.
Lễ: Làm lễ, lạy xuống để tỏ
lòng kính trọng.
C.3: Vui vẻ hân hoan cung kính cúi đầu lạy xuống, đều gắng sức làm lễ.
Câu 4:
Thoát tai bá tánh ngưỡng
ân sinh:
Thoát: Tránh khỏi. Tai: Ðiều hại
lớn, tai họa.
Bá tánh: còn đọc là Bách tính, bá
là trăm (100), tánh là họ. Bá tánh là trăm họ, chỉ số đông dân chúng, cũng chỉ
toàn thể nhơn sanh.
Ngưỡng: Ngửa mặt trông lên với
lòng kính trọng và yêu mến. Ân sinh: Ơn để được sống, hưởng ơn huệ để được sống
còn.
C.4: Cầu xin cho nhơn sanh thoát khỏi tai họa và hưởng được ơn huệ sống còn.
Dùng Rượu tượng trưng cho
KHÍ là Chơn thần, rất có ý nghĩa về phương diện khoa học.
Chơn thần ở thể Khí, tức
thể Hơi, do Thể xác bốc ra và lấy hình ảnh của Thể xác y như khuôn in rập.
Còn Rượu là do sự chưng cất,
hơi rượu bay lên gặp lạnh đông lại mà thành. Muốn có rượu trắng, người ta dùng
gạo hay nếp, ủ cho lên men rượu, nấu cho rượu bốc hơi, rồi dùng nước lạnh ngưng
tụ hơi rượu lại thì được rượu. Do dó, Rượu rất dễ bay hơi, dễ biến thành chất
khí.
Như thế, Rượu và Chơn thần
có một sự tương đồng về thể, nên việc dùng Rượu trắng tượng trưng Chơn thần là
một điều rất hợp khoa học.
Khi thài xong Bài Dâng Rượu,
chúng ta nhớ chấp 2 tay đưa lên trán cầu nguyện: "Con xin dâng Chơn thần của
con lên cho Ðức Chí Tôn dùng phương nào thì dùng".
BÀI DÂNG TRÀ
(Thài theo giọng Ðảo Ngũ Cung)
1 . Mai xuân
nguyệt cúc vị trà hương,
2 . Kỉnh lễ
thành tâm hiến bửu tương.
3 . Ngưỡng vọng
Từ Bi gia tế phước,
4 . Khai minh Ðại
Ðạo hộ thanh bường.
(Lạy 1 lạy 4 gật, mỗi gật niệm Câu Chú của Thầy).
梅 春 月 菊 味 茶 香
敬 禮 成 心 獻 寶 漿
仰 望 慈 悲 加 濟 福
開 明 大 道 護 清 平
GIẢI NGHĨA
Câu 1: Mai xuân nguyệt cúc vị trà hương.
Mai xuân: Hoa mai vào mùa Xuân.
Nguyệt cúc: Hoa cúc vào mùa Thu. Do chữ: Cúc nguyệt, là tháng 8 âm lịch, thuộc
mùa Thu, vì vào tháng 8 nầy, hoa cúc tới mùa nở rộ.
Nói về Hoa thì mỗi mùa
trong năm có một thứ hoa đặc trưng. Mùa Xuân thì có hoa mai, mùa Hạ thì có hoa
sen, mùa Thu thì có hoa cúc, mùa Ðông thì có hoa đào.
Vị: Cái cảm giác do lưỡi khi
nếm cho biết. Hương: Mùi thơm. Vị trà hương: Mùi vị thơm ngon của trà.
C.4: Mùi vị thơm ngon của trà như hoa mai mùa Xuân, hoa cúc mùa Thu.
Câu 2:
Kỉnh lễ thành tâm hiến bửu
tương.
Kỉnh lễ: Dâng phẩm vật lên để tỏ
lòng kính trọng.
Thành tâm: Lòng thành thật. Hiến: Dâng lên. Bửu: Quí báu. Tương: Chất
nước để uống. Bửu tương: Nước trà
quí.
C.2: Lòng thành thật kính dâng lễ vật là chung trà quí.
Câu 3:
Ngưỡng vọng Từ Bi gia tế phước.
Ngưỡng: Ngửa mặt trông lên với
lòng kính trọng và yêu mến. Vọng: Trông mong. Ngưỡng vọng: Trông chờ, mong mỏi một cách thành kính.
Từ Bi: chỉ Ðức Chí Tôn. (Xem lại
Câu 1 BDH). Gia: Thêm. Tế: Cứu giúp. Phước: Ðiều may mắn tốt lành.
C.3: Thành kính trông mong
Ðức Chí Tôn cứu giúp và ban thêm phước lành.
Câu 4:
Khai minh Ðại Ðạo hộ thanh bường.
Khai: Mở ra. Minh: Sáng. Khai
minh: Mở ra cho sáng. Ðại Ðạo: Nền Ðạo lớn, đó là Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ, gọi tắt
là Ðạo Cao Ðài. Hộ: Giữ gìn, che chở.
Thanh bường: do chữ Thanh bình nói trại ra cho đúng vận thơ. Thanh bình là cảnh dân
chúng sống bình yên an lạc.
C.4: Khai minh nền Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ của Ðức Chí Tôn để gìn giữ thái
bình và an lạc cho nhơn sanh.
Ðạo Cao Ðài là Ðại Ðạo và
xứng đáng là một nền Ðại Ðạo, vì 3 yếu tố chánh sau đây:
- Thứ nhứt, Giáo chủ Ðạo
Cao Ðài là Ðấng Ngọc Hoàng Thượng Ðế, là Ðấng lớn nhứt, được tôn kính nhứt, quyền
pháp nhứt trong CKVT nầy. Ðấng ấy là vua của Nhựt Nguyệt Tinh, là chủ của chư
Thần Thánh Tiên Phật, là Ðại Từ Phụ của toàn cả chúng sanh.
- Thứ nhì, Giáo lý của Ðạo
Cao Ðài là nguyên căn Giáo lý của các tôn giáo, nên nó dung hợp được các Giáo
lý của Tam giáo và Ngũ Chi. Cho nên Ðạo Cao Ðài sẽ thành công trong việc qui
nguyên Tam giáo và hiệp nhứt Ngũ Chi.
- Thứ ba, Ðạo Cao Ðài có
nhiệm vụ tận độ 92 ức Nguyên nhân và phổ độ chúng sanh trong thời gian Thất ức
niên (700 000 năm), một thời gian rất dài nơi cõi trần, mà không có một tôn
giáo nào trước đây có thời gian phổ độ lâu dài như thế.
Trà tượng trưng THẦN, tức
Chơn linh hay Linh hồn.
Khi thài xong Bài Dâng
Trà, chúng ta nhớ cầu nguyện: "Con
xin dâng Linh hồn của con cho Ðức Chí Tôn dùng phương nào thì dùng."
Dâng Trà là dâng Bửu thứ 3
rồi chấm hết, chúng ta nên cầu nguyện dâng luôn cả Thể xác, Chơn thần và Linh hồn:
"Con xin dâng cả Thể xác, Chơn thần
và Linh hồn của con cho Ðức Chí Tôn tùy phương sử dụng."
NGŨ NGUYỆN
(Giọng Nam xuân)
Nam mô:
-
Nhứt nguyện: Ðại Ðạo hoằng khai,
-
Nhì nguyện: Phổ Ðộ chúng sanh,
-
Tam nguyện: Xá tội đệ tử,
-
Tứ nguyện: Thiên hạ thái bình,
- Ngũ nguyện: Thánh Thất an ninh.
(Lạy
3 lạy, mỗi lạy 4 gật, mỗi gật niệm Câu Chú của Thầy).
五 願
Ngũ Nguyện
南 無:
一 願 : 大 道 弘 開
二 願 : 普 度 眾 生
三 願 : 赦 罪 弟 子
四 願 : 天 下 太 平
五 願 : 聖 室 安 寧
GIẢI NGHĨA
Ngũ Nguyện: Ngũ là 5, cũng có nghĩa là thứ 5. Cho nên từ ngữ Ngũ Nguyện có 2 nghĩa:
Ngũ Nguyện là 5 câu cầu nguyện, 5 điều nguyện.
Ngũ Nguyện là câu nguyện thứ 5, điều nguyện thứ 5.
Chúng ta nên lưu ý rằng:
- 2 câu Nguyện đầu, chữ Nguyện có nghĩa là: Mong muốn và quyết tâm thực hiện.
- 3 câu Nguyện sau, chữ Nguyện có nghĩa là: Cầu nguyện, cầu xin Ðức Chí Tôn
ban cho.
Nam mô: do tiếng Phạn là Namah phiên âm ra, có nghĩa là: Qui y, qui mạng,
chí tâm hướng, tức là quyết chí vâng theo lời Phật dạy, nguyện
hiến trọn đời mình cho Ðạo pháp. Về sau, từ
ngữ Nam mô thường dùng làm tiếng khởi đầu cho
câu cầu nguyện.
Câu 1-2 : Nhứt nguyện Ðại
Ðạo hoằng khai.
Nhì nguyện Phổ Ðộ chúng
sanh.
Nhứt nguyện: Ðiều nguyện thứ nhứt, tức là Ðiều thứ nhứt mà con mong muốn và quyết tâm
thực hiện là: ....
Ðại Ðạo: Nền Ðạo lớn, đó là
ÐÐTKPÐ tức là Ðạo Cao Ðài. Hoằng: Rộng lớn. Hoằng khai: Mở rộng ra.
Nhì nguyện: Nhị nguyện, Ðiều nguyện thứ hai, tức là Ðiều thứ nhì mà con mong muốn và
quyết tâm thực hiện là...
Phổ Ðộ: Phổ là bày ra khắp nơi,
độ là cứu giúp. Phổ Ðộ là cứu giúp chúng sanh khắp nơi. Chúng sanh: Tất cả các
loài sanh vật gồm: Thảo mộc, Thú cầm và Nhơn loại.
Trong nghĩa hẹp, chúng
sanh là nhơn loại.
Câu nguyện thứ nhứt, chúng
ta phải hiểu theo lối đảo ngữ thì mới phù hợp với câu nguyện thứ 2:
- Nhứt Nguyện: Hoằng khai Ðại Ðạo,
- Nhì Nguyện: Phổ độ chúng sanh.
Ðiều Nguyện thứ nhứt: Con mong muốn và quyết tâm hoằng khai nền Ðại Ðạo.
Ðiều Nguyện thứ hai: Con mong muốn và quyết tâm phổ độ chúng sanh.
"Ðức Khổng Tử có nói
rằng: "Nhân năng hoằng Ðạo, phi Ðạo hoằng nhân." Nghĩa là: Người có
thể mở rộng Ðạo, Ðạo không mở rộng người.
Người thì có cái biết mà Ðạo
thì vô vi. Nhờ cái biết mà người mới làm cho Ðạo rộng lớn ra, chớ Ðạo tự nó không
làm cho người rộng lớn ra được. Bởi vì Ðạo lập thành cái cùng cực của người, mà
người là cái khí cụ của Ðạo, cho nên Ðạo và người không lìa bỏ nhau được. Người
phải dụng lực làm cho cái Ðạo sáng rõ ra. Nếu người không dụng lực, cứ muốn để
cho cái Ðạo tự nhiên làm cho người ta lên đến chỗ cao minh quảng đại thì không
có bao giờ." (Theo Nho giáo của Trần trọng Kim)
■ Muốn hoằng khai nền Ðại Ðạo của Ðức Chí Tôn,
chúng ta phải làm sao?
Thiển nghĩ, chúng ta phải
thuyết đạo, viết sách báo truyền bá và xiển dương Giáo lý, Triết lý của Ðại Ðạo,
rồi dùng các phương tiện truyền thông đại chúng phổ biến rộng ra như: Báo chí,
Truyền thanh, Truyền hình, Băng từ, để cho mọi người đều biết nền Ðại Ðạo của Ðức
Chí Tôn, rồi truyền bá từ trong nước ra khắp các nước ngoại quốc, đủ các sắc
dân.
■ Muốn Phổ Ðộ chúng sanh, phải làm sao?
Sự cứu độ phải có 2 mặt: Cứu
độ phần xác và cứu độ phần hồn.
- Cứu độ phần xác là khi
thấy người ta đói thì phải giúp ngay lương thực để cứu đói; khi thấy người ta bịnh
hoạn thì phải giúp thuốc men để cứu bịnh; khi thấy người ta rách rưới nghèo nàn
thì phải giúp áo quần, mền chiếu; khi thấy người ta thất vọng đau khổ thì phải
đến an ủi khuyên lơn, vv.
- Cứu độ phần hồn là phải
gieo vào lòng họ một tín ngưỡng chơn chánh, tin tưởng có Ðức Chí Tôn và Ðức Phật
Mẫu là 2 Ðấng Cha Mẹ chung thiêng liêng của toàn chúng sanh, tin tưởng mỗi người
đều có một Linh hồn bất diệt do Ðức Chí Tôn ban cho, tin tưởng có Luân hồi quả
báo để lo làm lành lánh dữ, tu thân, lập đức bồi công, giải quả tiền khiên,
tiêu trừ nghiệp chướng, để sau khi chết, Linh hồn nhẹ nhàng siêu thăng lên cõi
Thiêng liêng Hằng sống. Ngoài ra còn phải lo làm Ðám tang cho người chết, giúp
đỡ tang gia trong công việc tẫn liệm, tế lễ và an táng, lo cầu siêu, tụng kinh
cầu nguyện cho linh hồn người chết được siêu thăng.
Câu 3:
Tam nguyện xá tội đệ tử.
Tam nguyện: Ðiều cầu nguyện
thứ 3, tức là điều thứ 3 mà con mong muốn cầu xin là: .... Xá tội: Tha tội,
không trách phạt nữa. Ðệ tử: Học trò. Ðức Chí Tôn giáng cơ dạy Ðạo, xưng mình
là Thầy, gọi các tín đồ là môn đệ, và các tín đồ xưng mình là Ðệ tử.
C.3 : Ðiều nguyện thứ 3, con cầu xin Ðức Chí Tôn tha tội cho con.
Làm người nơi cõi trần,
mang nặng xác thịt với Thất tình Lục dục, nên không thể tránh được những lầm lỗi
trong kiếp sống. Ðiều quan trọng là phải biết suy nghĩ, và luôn luôn tự xét
mình, nhận thấy có lỗi thì ăn năn hối cải, quyết không tái phạm nữa. Lúc đó, Ðức
Chí Tôn và các Ðấng Thiêng liêng sẵn sàng tha thứ các tội đã qua của mình.
Câu 4:
Tứ nguyện thiên hạ thái
bình.
Tứ nguyện: Ðiều cầu nguyện thứ 4, tức
là điều thứ 4 mà con mong muốn cầu xin là... ..... Thiên hạ: Dưới Trời, chỉ nhơn loại. Thiên thượng là Ông Trời ở bên
trên, Thiên hạ là nhơn loại ở bên duới. Con người đứng giữa Trời và Ðất, thuộc
hàng Tam Tài, được gọi là Tiểu Thiên Ðịa, cho nên nếu con người biết lo tu hành
thì sẽ tấn hóa lên hàng Tiên Phật.
Thái bình: Thái là rất, bình là yên ổn. Thái bình là rất yên ổn, không có loạn lạc
hay giặc giã xảy ra.
C.4: Ðiều nguyện thứ 4, con cầu xin cho tất cả mọi người trên cõi trần được
sống yên ổn hòa bình.
Câu
5:
Ngũ nguyện Thánh Thất an ninh.
Ngũ nguyện: Ðiều cầu nguyện thứ 5. An ninh: Yên ổn và trật tự, các sinh hoạt
đều hòa hợp tốt đẹp.
Thánh Thất: Nghĩa thông thường, Thánh Thất là cái nhà thờ Ðức Chí Tôn và
các Ðấng Thần Thánh Tiên Phật.
Nếu chúng ta hiểu nghĩa chữ "Thánh Thất" vỏn vẹn như trên thì điều cầu nguyện thứ 5 của
chúng ta có phần hẹp hòi ích kỷ. Vả lại khi cúng Ðức Phật Mẫu nơi Ðiện Thờ Phật Mẫu, chúng ta vẫn
đọc câu Ngũ nguyện nầy là: "Ngũ nguyện
Thánh Thất an ninh.", chớ Hội Thánh đâu có sửa lại là: "Ngũ nguyện Ðiện
Thờ an ninh."!
Ðiều đó chứng tỏ rằng, chúng ta cần phải hiểu nghĩa chữ "Thánh Thất"
một cách rộng rãi bao quát hơn nữa.
Bởi vì Thánh Thất gồm 3
Ðài: Bát Quái Ðài, Cửu Trùng Ðài, Hiệp Thiên Ðài, trong đó bao gồm toàn cả Càn
Khôn Vũ Trụ và Vạn linh. Do đó, chúng ta phải hiểu Thánh Thất là toàn cả, từ
cái thật nhỏ cho đến cái thật lớn, cái nhỏ là bản thân con người, cái lớn là
toàn thể vũ trụ, bao gồm Thượng Ðế và Vạn linh.
Bản thân của mỗi người
chúng ta cần phải an ninh. Chúng ta đang tiến bước trên đường tu, chúng ta hằng
hoài vọng an ninh hơn ai hết. Nếu chúng ta sa vào tửu nhục thì lục phủ ngũ tạng
đều mất an ninh, nếu mê đắm vào sắc dục thì thân thể mất an ninh.
Càn Khôn Vũ Trụ cần phải
được an ninh để vận chuyển điều hòa trật tự.
Ðức Chí Tôn nắm quyền pháp
để vận chuyển các quả Ðịa cầu, Nhựt, Nguyệt, Tinh, quay vòng tròn, lên xuống
qua lại nhịp nhàng ăn khớp nhau, không bao giờ va chạm. Nếu Vũ Trụ mất an ninh
thì sẽ có một cuộc sụp đổ vĩ đại, một cuộc đại tận thế sẽ xảy đến cho CKVT.
Vạn linh cũng cần được an
ninh để tiến hóa điều hòa tốt đẹp trên con đường đi đến tận thiện tận mỹ, trở về
hiệp nhập vào Khối Ðại Linh quang của Chí Tôn Thượng Ðế.
Hội Thánh cũng cần được an
ninh, điều hòa trật tự thì mới có thể phát triển nền Ðạo, thực hiện nhiệm vụ
cao quí tận độ chúng sanh, chuyển đời Hạ Nguơn điêu tàn sang đời Thượng Nguơn
Thánh đức.
Như vậy, an ninh là nhu cầu
thiết yếu cho mọi người, mọi giới, mọi lãnh vực.
C.5: Ðiều nguyện thứ 5, con cầu xin cho tất cả, từ CKVT đến con người, cầu
xin cho Hội Thánh, đều được an ninh, điều hòa trật tự, tiến hóa tốt đẹp.
Chúng ta cũng cần tìm hiểu,
Tại sao Ðức Chí Tôn ban cho chúng ta 5 Câu Nguyện, mà không phải là 4 Câu hay 6
Câu Nguyện?
Bởi vì với 5 Câu Nguyện nầy,
Ðức Chí Tôn có ý dạy chúng ta thực hành trọn vẹn Tam Lập: Lập Ðức, Lập Công, Lập
Ngôn.
Trong Lập Công có: Công phu, Công quả, Công trình.
■ Nhứt nguyện Ðại Ðạo hoằng
khai: Muốn hoằng khai nền Ðại Ðạo thì phải thuyết giảng giáo lý, viết kinh
sách, báo chí, truyền bá cho mọi người biết nền Ðại Ðạo của Ðức Chí Tôn để nhơn
sanh giác ngộ tu hành. Ðó là Lập Ngôn.
■ Nhì nguyện Phổ Ðộ chúng
sanh: Ðó là Công quả.
■ Tam nguyện Xá tội đệ tử:
Muốn được Ðức Chí Tôn xá tội thì chúng ta phải lập hạnh giữ gìn giới luật tu
hành một cách nghiêm chỉnh để chúng ta không gây thêm ra tội lỗi mới. Ðó là
Công trình.
■ Tứ nguyện Thiên hạ thái
bình: Chúng ta phải cầu nguyện Ðức Chí Tôn, Ðức Phật Mẫu và các Ðấng Thiêng
liêng ban ơn huệ cho thế giới được hòa bình, nhơn sanh an lạc. Ðó là Công phu.
■ Ngũ nguyện Thánh Thất an
ninh: Muốn được an ninh, chúng ta phải hành động thế nào cho hợp lòng người,
thuận Ðạo Trời, để nương theo đó mà đồng tiến hóa cùng Vạn linh trong CKVT. Ðó
là Lập Ðức.
Mỗi ngày, chúng ta cúng Ðức
Chí Tôn, chúng ta đều đọc 5 lời nguyện, là để chúng ta luôn luôn ghi nhớ mà thực
hành hằng ngày, để linh hồn chúng ta càng lúc càng tiến hóa, chớ không phải đọc
suông, xong thời cúng thì quên hết, như thế chẳng hữu ích gì cho một thời cúng
của chúng ta.
PHẬT MẪU CHƠN KINH
佛 母 眞 經
I . Nguồn gốc bài Phật Mẫu
Chơn Kinh.
Ðức Phạm Hộ Pháp thuyết đạo,
thích nghĩa và nói rõ nguồn gốc bài Phật Mẫu Chơn Kinh tại Cửu Long Ðài trước
Báo Ân Từ lúc 4 giờ chiều ngày 15-8-Ðinh Hợi (1947), có in trong quyển Thuyết Ðạo
của Ðức Hộ Pháp, Quyển 1 trang 64, xin trích ra sau đây:
"Ngày nay là ngày Ðại lễ Ðức Diêu Trì Kim Mẫu,
Bần đạo tưởng cả thảy toàn Ðạo nên biết quyền hành của Phật Mẫu như thế nào? Và
tại sao chúng ta thờ Người?
Muốn biết quyền hành ấy, Bần đạo phải thuyết minh
và giải nghĩa bài Kinh Ðức Phật Mẫu mà chúng ta thường tụng niệm hằng ngày đó.
Trước khi giải nghĩa, Bần đạo cũng nên nói rõ ai đến
cho bài Kinh ấy? Cho hồi nào? Và tại nơi đâu?
Kinh Ðức Phật Mẫu cho tại Kim Biên Tông Ðạo (Cao
Miên quốc), nơi Báo Ân Ðường của hai vợ chồng Thừa Sử Huỳnh hữu Lợi.
Lúc trước chưa có Kinh Phật Mẫu, chúng ta chỉ biết
Phật Mẫu đến Hiệp Thiên Ðài khai Ðạo Cao Ðài, nhờ thi phú văn tự của Cửu Vị
Tiên Nương cho biết nguyên do đến Khai Ðạo, chớ chúng ta chưa biết quyền hành của
Người.
Nơi Kim Biên, cả Chức sắc Hội Thánh Ngoại Giáo đều
cầu kinh, khiến khi đó Bần đạo đến nhằm lúc cúng Vía Phật Mẫu. (tức là ngày 15
tháng 8 năm......?)
Bát Nương đến cầm cơ viết, chính mình Bần đạo phò
loan nơi Ðại Ðiện. Có nhiều người làm chứng, có chư Ðạo hữu và một người không
biết Ðạo là gì là Ông Hiếu (kêu Bần đạo bằng Chú) ngồi trước sân chơi, thấy tứ
phía đều có hào quang giáng hạ, xẹt xuống rất ngay Báo Ân Ðường. Tới chừng cho
trọn bài Kinh rồi, cả thảy đều nói lại, không biết cái gì xẹt khi nãy như sao xẹt
qua xẹt lại vậy, không dè trong nhà đương phò loan. Có cháu của Bần đạo và nhiều
Ðạo hữu ở ngoài đều làm chứng quả quyết như vậy."
II . Ðiện Thờ Phật Mẫu thờ
Ngôi Âm.
Từ trước đến nay, các nền
tôn giáo mở ra trên thế giới đều chỉ biết thờ Ngôi Dương: Như Phật giáo thờ Ðức
Phật Thích Ca, Tiên giáo thờ Ðức Thái Thượng Lão Quân, Nho giáo thờ Ðức Khổng Tử,
Thiên Chúa giáo và Ðạo Tin Lành thờ Ðức Chúa Jésus Christ.
Không có một tôn giáo nào
biết thờ Ngôi Âm. Chỉ có Thiên Chúa giáo có thờ Ðức Mẹ Maria, Mẹ của Ðức Chúa
Jésus, nhưng chưa phải là thờ Ngôi Âm.
Chúng ta đã biết, trong
CKVT nầy, không phải chỉ có Ngôi Dương, mà luôn luôn phải có Ngôi Âm đi kèm
theo, thì mới có đủ 2 yếu tố Âm Dương để tạo thành cơ sanh hóa. Một Dương không
thể sanh, một Âm cũng không sanh, phải có đủ cả Âm Dương mới sanh hóa được.
Theo Thánh giáo của Ðức
Chí Tôn, khởi thủy của CKVT là Hư Vô chi Khí (tức là ÐẠO). Khí Hư Vô mới sanh
ra một Ðấng duy nhứt là Ðức Ngọc Hoàng Thượng Ðế, và ngôi của Ngài là Thái Cực
(tức là khối Ðại Linh Quang). Ðức Chí Tôn mới phân Thái Cực ra Lưỡng Nghi:
Dương quang và Âm quang. Ðức Chí Tôn chưởng quản Dương quang. Ðức Chí Tôn hóa
thân ra làm một Ðấng khác gọi là Phật Mẫu để chưởng quản khí Âm quang.
Như vậy, nguồn gốc của Phật
Mẫu là Ðức Chí Tôn, và Ðức Phật Mẫu chỉ là một hóa thân của Ðức Chí Tôn.
Sau đó, Ðức Phật Mẫu thâu
lằn Sanh quang của ngôi Thái Cực, rồi đem Dương quang phối hợp với Âm quang để
tạo thành CKVT và vạn vật. Do đó, Ðức Phật Mẫu mới thực sự là Ðấng Tạo Hóa. Nhiệm
vụ nầy có được là do Ðức Chí Tôn ban cho.
"Theo Bí pháp chơn truyền của Cơ Sanh hóa, phải
có đủ Âm Dương. Trong Sanh quang, chúng ta có điện quang Positif (dương) và
Négatif (âm), cũng như vạn vật có trống mái. Nền tôn giáo nào có đủ Âm Dương
thì mới vĩnh cửu.
Như Ðức Chúa Jésus ngày trước bị đóng đinh trên cây
Thánh giá, đầu thuận lên trên gọi là đạt Dương. Ông Thánh Pierre là đệ nhứt
tông đồ bị đóng đinh trở ngược xuống, gọi là phản Âm. Âm Dương tương hiệp đúng
theo Bí pháp, nên Ðạo Thánh lưu truyền 2000 năm, không ai dùng quyền gì tiêu diệt
đặng.
Thời kỳ nầy, Ðức Phật Mẫu đã xuất nguyên linh của
Người đến đây dạy dỗ chúng ta thì tưởng điều ấy trọng yếu hơn hết.
Khi mở Ðạo Cao Ðài, Chí Tôn định cho Phật Mẫu đến
giáo đạo cho chúng ta, bảo trọng nuôi nấng, dạy dỗ chúng ta, thì không có ân đức
nào bằng, vì không ai biết thương con hơn MẸ.
Phật Mẫu đến cầm quyền lập Ðạo xong, rồi giao lại
cho Ðức Chí Tôn.
Phật Mẫu là Chủ Âm quang, Chí Tôn là Chủ Dương
quang. Âm Dương tương hiệp, Ðạo Cao Ðài nuơng theo năng lực của hai khối Âm
Dương đó. Ðối với năng lực tạo đoan Càn Khôn Thế Giới thế nào thì Ðạo Cao Ðài
ngày kia sẽ có năng lực như thế đó." (Trích Thuyết đạo của Ðức Phạm Hộ Pháp, Quyển 1 trang 70).
Việc Ðạo Cao Ðài thờ Hai
Ngôi: Ngôi Dương là Ðức Chí Tôn Ngọc Hoàng Thượng Ðế và Ngôi Âm là Ðức Diêu Trì
Kim Mẫu, với đầy đủ kinh kệ và nghi tiết, là một hình thức vô cùng mới mẻ về
phương diện Giáo lý và Triết lý mà các nền tôn giáo trước đây chưa từng có.
Do đó, Ðạo Cao Ðài xứng
đáng là một nền Tân Tôn giáo và là một nền Ðại Ðạo.
Tòa Thánh và các Thánh Thất
dùng để thờ Ngôi Dương là Ðức Chí Tôn Ngọc Hoàng Thượng Ðế.
Ðiện Thờ Phật Mẫu dùng để
thờ Ngôi Âm là Ðức Phật Mẫu hay Ðức Diêu Trì Kim Mẫu.
Hai ngày lễ vía Hai Ðấng ấy
hằng năm là 2 ngày Ðại Lễ chánh thức lớn nhứt của Ðạo Cao Ðài. Ðó là:
Ngày 9 tháng Giêng âl: Vía
Ðức Chí Tôn.
Ngày 15 tháng 8 âl: Vía Ðức
Phật Mẫu.
Quyền hành và nhiệm vụ của
Ðức Phật Mẫu được Bát Nương cho biết rõ trong bài Phật Mẫu Chơn Kinh.
III . Giải nghĩa Phật Mẫu Chơn
Kinh:
Ðức Phạm Hộ Pháp có giải
nghĩa bài PMCK một cách tổng quát khi Ngài thuyết đạo tại Cửu Long Ðài trước
Báo Ân Từ nhân ngày Ðại Lễ Vía Ðức Phật Mẫu vào lúc 4 giờ chiều ngày 15-8-Ðinh
Hợi (1947). Bài thích nghĩa nầy có in trong quyển Thuyết Ðạo Ðức Hộ Pháp, quyển
1 trang 64.
(Soạn giả căn cứ vào bài
giải nghĩa nầy của Ðức Phạm Hộ Pháp để giải rộng thêm chi tiết từng chữ và từng
câu kinh cho dễ hiểu. Ngoài ra, soạn giả có viết thêm phần chữ Hán để xác định
từ ngữ. Ðây là bản phiên dịch Hán văn đầu tiên, chắc không tránh khỏi sai sót,
kính mong quí vị góp ý sửa chữa).
Sau đây là phần Giải Nghĩa
chi tiết.
PHẬT MẪU CHƠN KINH
(Giọng Nam xuân)
1 . Tạo Hóa Thiên huyền vi Thiên Hậu, - 造 化 天 玄 微 天 后
2 . Chưởng Kim Bàn Phật Mẫu
Diêu Trì. - 掌 金 盤 佛 母 瑤 池
3 . Sanh quang dưỡng dục quần
nhi, - 生 光 養 育 群 兒
4 . Chơn linh phối nhứt thân
vi Thánh hình. - 眞 靈 配 一 身 為 聖 形
GIẢI
NGHĨA
*
PHẬT MẪU: Ðức Phật Mẫu là Bà Mẹ thiêng liêng chung cho cả Vạn linh trong CKVT, tức
là Bà Mẹ thiêng liêng chung cho cả chúng sanh nơi cõi trần.
Theo Luật Tam Thể Xác Thân, chúng ta biết rằng,
mỗi con người nơi cõi phàm trần đều
có 3 thể:
Ðệ nhứt xác thân là xác thân phàm, do tinh huyết
của cha mẹ phàm trần tạo nên và được nuôi dưỡng bằng vật chất phàm trần.
Ðệ nhị xác thân là Chơn thần, tức là xác thân thiêng liêng do Ðức Phật Mẫu dùng 2 nguyên khí Âm quang và Dương quang chứa trong Kim Bàn nơi Diêu Trì Cung tạo thành, cho nên mới gọi Ðức Phật Mẫu
là Ðại Từ Mẫu.
Thể thứ ba là Chơn linh, hay Linh hồn, là điểm Linh quang của Ðức Chí Tôn ban
cho, nên mới gọi Ðức Chí Tôn là Ðại Từ Phụ.
Ðức Phật Mẫu được nhơn loại gọi bằng nhiều danh
từ khác nhau, tùy theo tôn giáo và địa phương.
Ở Trung Hoa và Việt Nam, Ðức Phật Mẫu được gọi
bằng các danh từ, kể ra sau đây:
Diêu
Trì Kim Mẫu - Thiên Hậu
Kim
Bàn Phật Mẫu - Mẫu Hậu
Phật
Mẫu Diêu Trì - Ðịa Mẫu
Cửu
Thiên Huyền Nữ - Ðức Mẹ Thiêng liêng
Cửu
Thiên Nương Nương - Mẫu Nghi
Tây Vương Mẫu - Mẹ Sanh.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét