Hóa kiếm thành xích nhi tam phân thác Ðịa, có hàm ý nói quẻ KHẢM của Hậu
Thiên Bát Quái biến thành quẻ KHÔN của Tiên Thiên Bát Quái, gọi là CHIẾT KHẢM:
Quẻ KHẢM có một vạch liền ở giữa, nếu chặt cho nó đứt
ra làm hai đoạn thì ta được quẻ KHÔN có
3 vạch đều đứt đoạn, mà Khôn tượng trưng cho Ðất.
Khi đã CHIẾT KHẢM và ÐIỀN
LY thì Hậu Thiên Bát Quái biến thành Tiên Thiên Bát Quái. Luyện được như vậy
thì đắc đạo.
12 . Công tham Thái Cực. - 功 參 太 極
GIẢI NGHĨA
Công: Nỗi vất vả khó nhọc
làm nên việc. Tham: Góp mặt vào, tham dự. Thái cực: chỉ Ðức Chí Tôn.
C.12: Ðức Nhiên Ðăng Cổ Phật góp công cùng Ðức Chí Tôn.
Ðức Chí Tôn nắm cơ Tạo Hóa, Ðức Nhiên Ðăng Cổ Phật nắm cơ Giáo Hóa. Cái công Giáo
hóa cũng bằng cái công sanh hóa. (TNHT: Cái công giáo hóa cũng đồng sanh.)
13 . Phá nhứt khiếu chi Huyền quan, - 破 一 竅 之 玄 關
Tánh hiệp vô vi. - 性 合 無 為
GIẢI NGHĨA
Phá: Làm vỡ ra. Nhứt: Một. Khiếu: Cái lỗ hổng. Chi: Tiếng đệm. Huyền: Sâu
kín, huyền diệu. Quan: Cái cửa ải.
Nhứt khiếu chi huyền quan: Một cái Khiếu Huyền quan, tức là một cái lỗ sâu
kín làm cửa ải trong thân thể con người, nó ngăn lại, khó mở
ra được, làm cho con người mê muội vô minh. Tu luyện là cốt để khai thông cái cửa
ải nầy. Khiếu Huyền Quan nầy mà được mở hoát ra thì đắc đạo.
Trong Kinh Huyền Diệu Cảnh,
tác giả Ly Trần Tử viết rằng:
"Trong mấy khiếu duy
có một cái Khiếu Huyền Quan là Chúa tể. Ví dụ Huyền Quan là vua một nước, Tam
quan Tam điền tỷ như Lục Bộ Thượng Thơ, 9 Khiếu kia phía trước phía sau ví như
quan văn tướng võ, những cái lỗ nhỏ chơn lông ví như muôn dân. Nếu như chẳng có
Khiếu Huyền Quan thì cũng như nước không vua, nhà không chủ, dân chúng phải
điêu đứng khổ sở.
Thân con người mà không có
Khiếu Huyền Quan thì cái thân không chủ, tức nhiên Thần phải mệt, Khí phải bị hại,
ắt bị mê muội theo tửu điếm thanh lâu, thì làm sao sống lâu cho được, vì Tinh
Khí Thần hao mòn lần lần.
Người tu luyện phải đem hết
Chơn tâm Thực ý (Lòng ngay ý thiệt) mà luyện cho đến lúc hư cực. Ðược như vậy
cũng như cái cây trăm thước mà mình đã leo đến mức chót, nhưng phải rán lên cao
hơn nữa thì Huyền Quan Nhứt Khiếu mới tự nhiên xuất hiện.
Huyền Quan màu như sương
tuyết. Luyện Huyền Quan hóa ra Kim Ðơn, hơi nó đỏ như màu châu sa, hơi nó sáng
chói như màu thủy ngân. Nó không chân mà đi được, không hình mà động được, hễ tụ
thì có, tán thì không còn, nên Huyền Quan Kim Ðơn hiện ra hay ẩn ẩn, thiệt là mầu
nhiệm, không thể tả hết được.
Cho nên có câu: Thiên đắc
nhứt dĩ thanh, Ðịa đắc nhứt dĩ ninh, Nhơn đắc nhứt dĩ Thánh." (Trời được một
thì trong, Ðất được một thì yên, Người được một thì thành Thánh). Ðược một đó
là được một Khiếu Huyền Quan, được món Kim Ðơn.
Kinh Kim Cang: Nhứt hiệp
tướng bất khả thuyết. Nghĩa là: Âm Dương hiệp lại thành Kim đơn, khó tả khó nói
cho rõ được.
Sách Ðại Học: Chí thiện
chi Ðịa. Nghĩa là: Chỗ đất tốt hơn hết,
không chi bì kịp.
Kinh Dịch nói: Huỳnh trung thông lý. Nghĩa là: Giữa
Huỳnh Ðình thì thông lẽ nhiệm mầu.
Ðó là những tên đặt ra cho nhiều, kể chẳng hết, chớ
chung cuộc cũng chỉ cái Huyền Quan Nhứt Khiếu ấy mà thôi."
Ngài Bảo Pháp Nguyễn trung
Hậu, trong sách THIÊN ÐẠO của Ngài, có giải về Huyền Quan Khiếu, trang 125-126,
như sau:
"Người tu hành, chừng nào luyện Tinh hóa Khí,
luyện Khí hóa Thần, luyện Thần huờn Hư, luyện Hư huờn Vô, thì Huyền Quan Nhứt
Khiếu ấy mở hoát ra.
Huyền
Quan Nhứt Khiếu ấy là chi? Là Thiên Nhãn vậy. Nó ở ngay Nê Hoàn Cung, gom trọn
Chơn Dương chánh đạo. . . .
Khi Tâm người đi đến chỗ Hư không rồi, thì Huyền
Quan Nhứt Khiếu được mở hoát ra, tức là Thiên Nhãn đó, ấy là ngôi Thái Cực. Chừng
ấy, sự hiểu biết không lo nghĩ mà biết, không học tập mà hay. Cái biết đó vốn
có sẵn từ mấy kiếp trước, nay nhờ tu tỉnh mà được xuất hiện ở kiếp nầy, nhà tôn
giáo gọi là Phát Huệ."
Tánh hiệp vô vi: Hiệp là hợp
lại, Vô vi là không làm, nghĩa thường dùng là vô hình vô ảnh nhưng rất huyền diệu.
TÁNH: Theo Phật giáo, Tánh
là cái bản thể chơn thật của mình vốn sáng suốt, an lạc, trong lặng. Tánh là
cái nguyên lý chẳng dời đổi, chẳng tiêu mất như: Thiện tánh, Phật tánh.
Theo Thiền Tông thì cái Bổn
lai Tự Tánh của ta tức cái Bổn lai Diệu giác Chơn tâm, cũng là cái Bổn lai Diện
Mục.
Ðức Lục Tổ Huệ Năng nói kệ
về Tánh:
"Nào dè Tánh mình vốn tự nhiên trong sạch,
Nào dè Tánh mình chứa đầy đủ muôn Pháp,
Nào dè Tánh mình vốn không lay động,
Nào dè Tánh mình có thể sanh ra muôn Pháp."
Nếu chẳng biết Bổn Tâm thì
học Pháp vô ích, bằng biết Bổn Tâm và thấy Bổn Tánh mình, tức gọi là Phật.
Trong Ðạo Cao Ðài, Ðức Phạm
Hộ Pháp thuyết đạo giảng về Tâm và Tánh:
Nhà Nho nói: "Tánh tự Tâm sanh. (Cái Tánh từ cái Tâm sanh
ra). Ðó là lý thuyết của Ðạo Nho. Chỉ biết có một điều là ta quan sát có thể thấy
hiện tượng mà tả trạng hình được, vì Ðạo Nho chưa phải là một tôn giáo huyền
bí."
Còn Ðức Chí Tôn dạy ta biết
rằng: "Tánh là chơn tướng của Chơn
Thần, còn Tâm là chơn tướng của Chơn linh."
Ðức Chí Tôn dạy: Tánh của
mỗi chúng ta là hình thể thứ nhì của ta. Hình thể thứ nhứt là Tâm, tức Chơn
linh; thứ nhì là Tánh tức Chơn Thần; thứ ba là xác phàm thú chất nầy.
Ðức Chí Tôn hỏi: Tại sao từ
trước đến giờ, theo Triết lý Ðạo Nho lấy nghĩa "Tánh tự Tâm sanh" mà tả ra? Bởi vì nó liên quan mật thiết
cùng nhau. Trong Tâm mình như thế nào thì xuất Tánh ra y như vậy. Nhà Nho thấy
hiện tượng mà đặt tên, còn Ðức Chí Tôn chỉ rõ cho biết: Chơn thần cũng tấn bộ
như Chơn linh. Mỗi cá nhân đều có 2 năng lực ấy, có đủ quyền năng đào tạo ra
hình hài xác thịt ta. Một Chơn linh cao trọng tự nhiên có một Chơn thần cao trọng."
Tánh hiệp vô vi là đem
Tánh hiệp với Hư Vô, tức là huờn Hư. Nói cách khác, luyện Chơn thần huờn Hư (vì
Tánh là Chơn thần), Tinh Khí Thần hiệp nhứt, đắc đạo.
C. 13 : Khai phá một Khiếu
Huyền Quan cho thông suốt thì cái Tánh được huờn Hư, tức là Tinh Khí Thần hiệp
nhứt, tạo được Chơn thần huyền diệu, đắc đạo.
14 . Thống Tam Tài chi bí chỉ. - 統 三 才 之 秘 旨
GIẢI NGHĨA
Thống: Trông coi bao gồm tất
cả. Tam Tài: 3 Tài là Thiên, Ðịa, Nhơn (Trời, Ðất, Người). Chi: Tiếng đệm.
Bí: Kín đáo, bí mật. Chỉ:
Ý định, ý chỉ, ý hướng.
Bí chỉ: Ý chỉ bí mật, ý chỉ
nhiệm mầu.
C.14: Chưởng quản cả Tam
Tài: Thiên, Ðịa, Nhơn, trong một ý chỉ nhiệm mầu.
Ý nói : Ðức Nhiên Ðăng Cổ
Phật chỉ dùng tư tưởng mà thống quản cả CKVT và vạn vật.
15. Ða thi huệ trạch, 多 施 惠 澤
Vô lượng độ nhơn. 無 量 度 人
GIẢI NGHĨA
Ða: Nhiều. Thi: Làm, thi
hành, sắp đặt làm ra. Huệ: Ơn huệ, cái ơn làm cho người khác. Trạch: Ơn huệ.
Ða thi huệ trạch: Nhiều lần
ban bố ơn huệ.
Vô: Không. Lượng: Ðo lường,
số lượng. Ðộ: Cứu giúp. Nhơn: Người.
Vô lượng độ nhơn: Cứu giúp
người đời nhiều không kể hết.
C.15: Nhiều lần ban bố ơn
huệ cho nhơn sanh, cứu giúp người đời nhiều không kể hết.
16. Ðại bi, Ðại nguyện, - 大 悲 大 願
Ðại Thánh, Ðại từ. - 大 聖 大 慈
GIẢI NGHĨA
Ðại: Lớn. Bi: Lòng trắc ẩn
thương cảm các cảnh khổ não của chúng sanh, lúc nào cũng muốn cứu vớt chúng
sanh ra khỏi phiền não và tai họa. Ðại bi là Ðức bi lớn.
Nguyện: Lời thề hứa chắc với
bản thân mình để mình cố gắng thực hiện cho kỳ được mới nghe. Ðại nguyện là lời
nguyện lớn. Phật vì thương xót chúng sanh, nên mỗi vị đều có phát ra lời Ðại
nguyện:
- Ðức Phật A-Di-Ðà có phát
ra 48 lời Ðại nguyện.
- Ðức Quan Âm Bồ Tát có
phát ra 12 lời Ðại nguyện.
- Ðức Ðịa Tạng Vương Bồ
Tát có phát ra lời Ðại nguyện là: Cứu độ hết các chơn hồn tội lỗi nơi cõi U
Minh.
Ðại Thánh: Ðức Thánh lớn.
Từ: Lòng thương yêu của người trên đối với kẻ dưới, lòng thương yêu của Phật đối
với chúng sanh. Ðại từ là Ðức từ lớn.
Sách Dưỡng Tử có câu:
"Phật ái chúng sanh như mẫu ái tử." Nghĩa là: Phật thương chúng sanh
như mẹ thương con.
17. Tiên Thiên Chánh Ðạo, - 先 天 正 道
Nhiên Ðăng Cổ Phật. - 燃 燈 古 佛
18. Vô Vi Xiển Giáo, Thiên Tôn. - 無 為 闡 敎 天 尊
Lạy 3 lạy, mỗi lạy 3 gật,
mỗi gật niệm: "Nam mô Nhiên Ðăng Cổ
Phật Ðại Bồ Tát Ma Ha Tát - 南 無 燃 燈 古 佛 大 菩 薩 摩 訶 薩 "
GIẢI NGHĨA
Câu 17: Tiên Thiên Chánh Ðạo, Nhiên Ðăng Cổ Phật
Tiên Thiên: Trước khi tạo
dựng Trời Ðất. (Xem giải nghĩa Câu 20 KNHTÐ). Chánh Ðạo: Ðạo chơn chánh.
Tiên Thiên Chánh Ðạo: Cái
Ðạo chơn chánh có trước Trời Ðất. (Xem giải thích chi tiết chữ Ðạo trong phần
Giải Nghĩa Kinh Tiên giáo).
C.17: Cái Ðạo chơn chánh
có trước Trời Ðất, Ngài là Ðức Nhiên Ðăng Cổ Phật, vị Phật xưa nhứt.
Câu 18: Vô Vi Xiển Giáo, Thiên Tôn.
Vô Vi: Không hình ảnh, không
sắc tướng. Trái với Vô Vi là Hữu hình. (Xem giải thích chi tiết trong phần Giải
Nghĩa Kinh Tiên giáo). Xiển: Mở rộng ra, làm sáng tỏ thêm. Giáo: Dạy. Xiển
Giáo: Dạy cho sáng tỏ, hiểu biết rõ ràng.
Thiên Tôn: Nghĩa đen là được
tôn kính nơi cõi Trời, nhưng ở đây là chỉ phẩm tước do Ðức Chí Tôn phong thưởng.
Ðức Chí Tôn là Ðại Thiên Tôn. Ðức Chí Tôn phong thưởng cho các Ðấng khác là
Thiên Tôn.
C.18: Ðức Nhiên Ðăng Cổ Phật
là một Ðấng Thiên tôn, dạy cho sáng tỏ Ðạo Vô Vi.
CHÚ Ý: Không nên lầm lộn
chữ Xiển giáo trong bài Kinh Phật giáo nầy với chữ Xiển giáo trong Truyện Phong
Thần.
Trong Truyện Phong Thần,
Xiển giáo là Chánh đạo, đối nghịch với Triệt giáo là Tả đạo Bàng môn.
Xiển giáo do Ðức Nguơn Thủy
làm Giáo Chủ, còn Triệt giáo do Ðức Thông Thiên làm Giáo Chủ. Cả hai vị đều là
học trò của Ðức Hồng Quân Lão Tổ.
TÓM TẮT GIẢI NGHĨA KINH PHẬT GIÁO
KINH: GIẢI NGHĨA:
1 . Hỗn Ðộn Tôn Sư. -
Ðức Nhiên Ðăng Cổ Phật là vị thầy đáng kính, được
sanh ra vào thời Hỗn Ðộn.
2 . Càn Khôn Chủ Tể. - Ngài làm Chúa Tể CKVT.
3 . Qui Thế giới ư nhứt khí chi trung. -
Gom 3000 Thế giới vào trong một Khí Hư Vô.
4 . Ốc trần huờn ư song thủ
chi nội. - Nắm giữ 72 Ðịa cầu vào trong hai bàn tay.
5 . Huệ đăng bất diệt chiếu
Tam thập lục Thiên chi quang minh. -
Ðèn trí huệ cháy hoài không tắt, rọi 36 từng Trời cho sáng tỏ.
6 . Ðạo pháp trường lưu. -
Ðạo pháp như dòng nước chảy hoài không dứt.
7 . Khai cửu thập nhị tào
chi mê muội. - Khai hóa 92 ức nguyên nhân
còn đang mê muội nơi cõi trần.
8 . Ðạo cao vô cực. -
Ðạo pháp cao siêu không cùng tận.
9 . Giáo xiển Hư linh. - Dạy cho biết rõ cõi Hư linh.
10 . Thổ khí thành hồng nhi nhứt trụ
xang Thiên - Thổi ra một
chất khí biến thành cái móng trời, làm một cây cột, chống vững bầu trời.
11 . Hoá kiếm thành xích
nhi tam phân thác Ðịa. - Biến cây
kiếm thành cây thước mà 3 phân đỡ vững giềng Ðất.
12 . Công tham Thái Cực. -
Ðức Nhiên Ðăng Cổ Phật góp công cùng Ðức Chí Tôn.
13 . Phá nhứt khiếu chi
Huyền quan, Tánh hiệp vô vi. - Khai phá cho thông suốt một khiếu Huyền quan, để
cho Chơn thần huờn Hư.(đắc đạo).
14 . Thống Tam Tài chi bí
chỉ. -
Chưởng quản Tam Tài: Thiên, Ðịa,Nhơn, trong ý chỉ
nhiệm mầu.
15 . Ða thi huệ trạch, - Nhiều lần
ban bố ơn huệ,
Vô lượng độ nhơn. - Cứu giúp người đời nhiều không kể hết.
16 . Ðại bi, Ðại nguyện, -
Ðức bi lớn, Lời nguyện lớn,
Ðại Thánh, Ðại từ. - Ðức Thánh lớn, Ðức từ lớn.
17 . Tiên Thiên Chánh Ðạo,
- Ðạo chánh có
trước Trời Ðất.
Nhiên Ðăng Cổ Phật. -
Ngài là Ðức Nhiên Ðăng Cổ Phật.
18 . Vô Vi Xiển Giáo,
Thiên Tôn. - Dạy dỗ cho sáng tỏ Ðạo Vô Vi, Ngài là Ðấng Thiên Tôn.
(Lạy 3 lạy, mỗi lạy 3 gật,
mỗi gật niệm: Nam mô Nhiên Ðăng Cổ Phật
Ðại Bồ Tát MaHa Tát)
TIÊN GIÁO
仙 敎
Thái Thượng chí tâm qui mạng lễ
太 上 志 心 皈 命 禮
Giải nghĩa Kinh Tiên giáo:
Tiên giáo: Ðạo Tiên, là một
tôn giáo dạy người tu luyện thành Tiên.
Thời Nhứt Kỳ Phổ Ðộ, Ðức
Thái Thượng Ðạo Quân làm Giáo chủ Tiên giáo.
Qua thời Nhị Kỳ Phổ Ðộ, Ðức
Thái Thượng Ðạo Quân giáng sanh xuống trần là Lão Tử để xiển dương Tiên giáo,
Ngài viết ra quyển sách "Ðạo Ðức Kinh" để làm giáo lý căn bản cho
Tiên giáo. Do đó, Tiên giáo cũng được gọi là Lão giáo vì do Ðức Lão Tử làm Giáo
chủ; và Tiên giáo cũng còn được gọi là Ðạo giáo, vì Tiên giáo dạy về chữ ÐẠO rất
cao siêu. Cho nên trong danh hiệu của Ðức Thái Thượng có chữ Ðạo: Thái Thượng Ðạo
Quân.
Ngài giáng sanh xuống trần
làm Lão Tử, nên người ta cũng gọi Ngài là: Thái Thượng Lão Quân.
Giải nghĩa chữ ÐẠO theo Tiên giáo:
1 . Trước hết, giải nghĩa
chữ ÐẠO [道] bằng cách chiết tự theo chữ Nho:
Viết chữ Ðạo, bắt đầu 2 phết
[丷] tượng trưng Âm Dương, gạch dưới một gạch [艹] là chữ Nhứt, tượng trưng Âm Dương hiệp nhứt, là cơ sanh hóa, kế dưới là
chữ Tự [自] nghĩa là chính mình, tự tri, tự giác, tự giải
thoát, chớ không ai làm giùm mình. Trên dưới ráp lại thành chữ Thủ [首] nghĩa là đứng đầu, trên hết, là nguồn gốc của CKVT và vạn vật. Bên hông
thêm chữ Tẩu [辶] là chạy, tức là vận chuyển
biến hóa.
Vậy trong chữ ÐẠO có hàm ý
Âm Dương, động tịnh, động thì sanh hoá, tịnh thì vô hình vô ảnh.
2 . Ðức Lão Tử giải về chữ
ÐẠO rất kỹ trong sách Ðạo Ðức Kinh, tóm tắt như sau:
ÐẠO là cái nguyên lý hoàn
toàn huyền diệu, không thể bàn được, không thể định danh được, không thể dùng
lý trí mà hiểu được. Muốn hiểu ÐẠO, phải dùng Tâm mà thôi.
Vậy ÐẠO là cái nguyên lý
vô danh. Ðức Lão Tử tả cái Vô Danh ấy như sau:
"Có một cái tự nó sanh ra nó. Cái ấy có trước
Trời Ðất, yên lặng trống không, đứng riêng một mình mà không nghiêng không lệch,
lưu hành khắp nơi mà không mòn mỏi. Cái ấy khá gọi là nguồn sanh hóa thiên hạ.
Ta chẳng biết tên gì, mượn chữ gọi là ÐẠO."
Vậy ÐẠO, chẳng những không
tên mà còn vô hình, vô sắc, vô thinh, vô xú (không mùi) nữa.
Nói như thế thì ÐẠO là cái
KHÔNG. Nhưng Ðức Lão Tử sợ người ta hiểu lầm ÐẠO là trống rổng, Ngài nói thêm:
"ÐẠO dường như không mà cũng dường như có, và
ÐẠO có 3 trạng thái: Di, Hi, Vi.
Di
là xem mà chẳng thấy,
Hi
là lóng mà chẳng nghe,
Vi
là bắt mà không nắm được."
Tóm lại, ÐẠO là cái vô danh, vô hình, vô sắc,
vô thinh, dường như có, dường như không. Ấy
là cái lẽ huyền nhiệm định vị Tạo Ðoan, định vị Trời Ðất, hóa sanh vạn vật.
Theo Ðạo Cao Ðài, ÐẠO ấy
chính là Hư Vô chi Khí, hoá sanh ra Ðức Chí Tôn, và Ðức Chí Tôn dùng Khí ấy biến
thành 2 khí Âm Dương, rồi hoá sanh CKVT và vạn vật.
Do đó, từ ngữ Ðạo giáo được
định nghĩa là:
Ðạo giáo là tôn giáo dạy về
Ðạo, tức là dạy người ta biết cái nguyên lý của Ðạo và sự biến hoá của Ðạo. Cứu
cánh của Ðạo giáo là dạy và luyện Tâm Tánh con người để trở thành một vị Tiên.
Cho nên Ðạo giáo cũng là
Tiên giáo, và lại do Ðức Lão Tử truyền bá rộng rãi nên cũng gọi là Lão giáo.
Chí tâm qui mạng lễ nghĩa
là cúng lạy với tất cả ý chí và tâm hồn, đem mình về vâng chịu nghe theo. (Xem
giải nghĩa chi tiết nơi phần đầu bài Kinh Phật giáo).
1 . Tiên Thiên khí hóa, 先 天 氣 化
Thái Thượng Ðạo Quân. 太 上 道 君
GIẢI NGHĨA
Tiên Thiên: Trước khi tạo
dựng Trời Ðất. Khí: Chất khí. Hóa: Hóa sanh.
Khí Tiên Thiên: Chất khí
có trước khi tạo dựng Trời Ðất. Sau khi Hư Vô chi Khí hóa sanh Ðức Chí Tôn thì
khí Hư Vô được gọi là khí Tiên Thiên. Chính khí Tiên Thiên nầy hóa sanh ra Ðức
Thái Thượng Ðạo Quân.
Ðức Thái Thượng Ðạo Quân
là vị Tiên đầu tiên trong CKVT, làm chủ Tiên đạo, và làm đầu các vị Tiên.
Theo sách Tam Hoàng Thiên
Kinh, Ðức Thái Thượng Ðạo Quân hiện xuống cõi trần rất nhiều lần.
* Vào thời Thái cổ:
Ðời vua Thiên Hoàng, Ngài là Bàn Cổ.
Ðời vua Ðịa Hoàng, Ngài là Vạn Pháp Thiên Sư.
Ðời vua Nhơn Hoàng, Ngài là Ðại Thanh Tử.
* Vào thời Thượng cổ:
Ðời vua Phục Hy, Ngài là Huất Hoa Tử.
Ðời vua Thần Nông, Ngài là Xích Tòng Tử.
Ðời vua Huỳnh Ðế, Ngài là Quảng Thành Tử.
Ðức Thái Thượng Ðạo Quân,
do khí Tiên Thiên hóa sanh, nên Ngài có pháp lực vô biên, biến hóa vô cùng, khi
hiện xuống cõi trần để giáo hóa nhơn sanh, khi trở về cõi Thượng Thiên, nhưng
không đầu thai xuống trần.
Mãi đến đời nhà Thương bên
Tàu, Ngài mới đầu thai xuống trần. Việc đầu thai của Ngài cũng rất kỳ diệu.
Ðời vua Bàn Canh nhà
Thương (1401 trước Tây lịch), có một nàng con gái gọi là Ngọc Nữ, mới vừa 8 tuổi
(theo sách Ðông Du Bát Tiên), con của một gia đình đạo đức, ra chơi sau vườn,
thấy cây Lý có một trái to chín đỏ, cô liền hái ăn. Ăn xong, nàng cảm thấy mỏi
mệt và có thai.
Người cha thấy sự lạ, bèn
toán quẻ Âm Dương, biết là có một vị Ðại Tiên giáng sanh, nên không phiền hà gì
cả và nuôi con gái rất kỹ. Nhưng nàng chịu mang thai như vậy cho đến già. Ðến
năm nàng được 80 tuổi, trở thành bà già, tức là nàng đã mang thai ngót 72 năm,
lúc đó là đời vua Võ Ðinh (1324 trước Tây lịch) nhà Thương, bà Ngọc Nữ thấy
trăng tỏ, bèn đi dạo sau vườn. Khi đi ngang qua cây Lý khi xưa thì đứa con từ
trong bụng mẹ theo nách mẹ nhảy ra ngoài. Bà Ngọc Nữ kinh hãi, coi thấy nách
mình liền lại như thường, không đau đớn chi cả.
Ðứa con nhảy ra, đã ở
trong bụng mẹ 72 năm nên đầu đã bạc trắng, do đó mới gọi là Lão Tử (con già).
Lúc đó là giờ Sửu, ngày Rằm tháng 2 năm Canh Thìn, đời vua Võ Ðinh. Lão Tử chỉ
cây Lý bảo rằng đó là họ của Ngài, lại xưng hiệu là Lão Ðam, tự là Bá Ðương, lại
mỗi tai có 3 lỗ ở bên trong nên còn gọi lá Lý Nhĩ.
Cội Lý, nơi giáng sanh của
Lão Tử, ở tại xóm Khúc Nhơn, làng Lại, huyện Khổ, nước Sở.
Ngài có miệng rộng, răng
thưa, thiên đình cao, râu tốt, mắt vắn, tai dài, sóng mũi cao như chẻ hai, trên
trán có chỉ như 3 chữ Tam Thiên.
2 . Thánh bất khả tri, - 聖 不 可 知
3 . Công bất khả nghị. - 功 不 可 議
GIẢI NGHĨA
Câu 2: Thánh bất khả tri.
Thánh: Thiêng liêng mầu
nhiệm. Bất khả: Không thể. Tri: Biết, hiểu biết.
C.2: Không thể biết rõ hết
sự thiêng liêng mầu nhiệm của Ðức Thái Thượng Ðạo Quân.
Ðức Thái Thượng Ðạo Quân
do khí Tiên Thiên hóa sanh, là vị Tiên lớn nhứt đứng đầu các vị Tiên, nên quyền
pháp của Ngài cao siêu vô cùng, thiên biến vạn hóa, không ai có thể biết rõ được.
Câu 3: Công bất khả nghị.
Công: Nỗi vất vả khó nhọc
làm việc. Bất khả: Không thể. Nghị: Luận bàn.
C.3: Công đức của Ðức Thái
Thượng Ðạo Quân to lớn không thể nào luận bàn cho hết được.
Từ khi có loài người xuất
hiện trên cõi trần đến nay, không có thời nào mà Ðức Thái Thượng Ðạo Quân không
hiện xuống cõi trần để giáo hóa và cứu độ nhơn sanh. Công đức của Ngài từ đó đến
nay nhiều vô lượng, không thể nào kể cho hết hay luận bàn được.
4 . Vô Vi cư Thái Cực chi tiền. - 無 為 居 太 極 之 前
GIẢI NGHĨA
Vô Vi: là một đạo lý mà Ðức
Lão Tử đặc biệt đề cao.
Cư: Ở, nơi ở. Thái Cực:
Ngôi của Ðức Chí Tôn Ngọc Hoàng Thượng Ðế. Chi: Tiếng đệm. Tiền: Trước.
C.4: Ðạo Vô Vi ở trước
ngôi Thái Cực.
Ðối với Ðức Lão Tử, Vô Vi
là một đạo lý. Ngài cho rằng, bản chất của "ÐẠO" là Vô Vi. Ðạo thường
vô vi nhi vô bất vi. Nghĩa là: Ðạo thường là không làm, mà không gì là không
làm được.
"Không làm" vì
theo quy luật tự nhiên, trơn tru không vướng mắc, mọi thứ đều tỏ sức sống cường
kiện, như trăm hoa gặp khí Dương của mùa Xuân, tự nhiên đúng kỳ hoa nở.
Ðạo Trời Vô Vi, chỉ đem lợi
cho muôn vật: Ðạo Trời lợi mà không hại, đạo Thánh nhân làm mà không tranh, tức
là không hề chú ý đến quyền lợi cá nhân, chỉ mong có sự đóng góp tạo sự chuyển
hóa cho vạn vật.
Vô Vi là một chủ trương được
Ðức Lão Tử đề cao trong sách Ðạo Ðức Kinh. Ngài muốn đem chủ nghĩa Vô Vi áp dụng
vào công việc Tu thân và cả đến việc Chánh trị nữa.
- Về Tu thân, Vô Vi không
phải là sống nhàn cư vô sự, ăn bám xã hội, mà chính là sống cuộc đời cao siêu,
huyền hóa với Trời.
Liệt Tử định nghĩa Vô Vi
là hoạt động siêu việt.
Trang Tử định nghĩa Vô Vi
là hoạt động của Trời Ðất.
Vô Vi là để trở về khế hợp
với bổn căn bổn tánh, hiệp nhập vào Thượng Ðế. Vô Vi là nhập Ðại Ðịnh, là giai
đoạn chót của khoa Tịnh luyện để đắc đạo.
Cho nên cõi Vô Vi là cõi
Trời, cõi thiêng liêng tuyệt đối vô hình. Cõi Vô Vi chính là Niết Bàn của Phật.
Trái với Vô Vi là Hữu Vi,
là cõi Hữu hình sắc tướng.
Muốn đạt tới Vô Vi thì phải
bắt đầu từ Hữu Vi. Không có con đường tắt. Từ Hữu hình sắc tướng mới đi riết tới,
lần lần giũ sạch những cái Hữu vi thì sẽ đạt đến Vô Vi, tức là Niết Bàn vậy.
Ngài Tiếp Pháp Trương văn
Tràng, trong quyển Giáo Lý, giải thích về Vô Vi như sau:
"Vô Vi nghĩa là không hành động theo ngoại giới,
mà chỉ hồi hướng về nội giới tâm linh, sưu tầm giác ngộ lẽ huyền nhiệm của Tâm
lý và Sinh lý.
Cho nên Ðạo Ðức Kinh chương 28 nói rằng: Vi Ðạo nhựt
tổn, tổn chi hựu tổn, dĩ chí ư vô vi. Nghĩa là: Học Ðạo thì mỗi ngày mỗi giảm bớt,
và giảm bớt nữa cho đến chỗ Vô Vi.
Không làm nhưng chẳng phải khô khan như cây khô hay
cục đá, mà thật là phải giữ một tâm trạng hồn nhiên, như đứa trẻ chưa biết cười
(anh nhi chi vị hài), cho nên nói rằng: Ðạo thường vô vi nhi vô bất vi, nghĩa
là: Ðạo thường là Vô Vi, nhưng chẳng có việc gì không làm. Tại sao? Bởi lẽ kẻ học
Ðạo phải làm những việc chưa đến, phải lo những việc chưa xảy ra (Vi vô vi, sự
vô sự)."
5 . Hữu thỉ
siêu quần chơn chi thượng. - 有 始 超 群 眞 之 上
GIẢI NGHĨA
Hữu: Có. Thỉ: hay Thủy là bắt
đầu. Siêu: Vượt lên trên. Quần: Nhiều người tụ họp đông đảo. Chơn: hay Chân là thực, có thật. Trong
Tiên giáo, Chơn là những vị tu hành đắc quả thành Tiên, và được gọi là Chơn
Nhơn (Người Chơn). Chi: Tiếng đệm. Thượng: Ở trên.
Hữu thỉ: Có bắt đầu, tức là có
nguồn gốc. Khi Trời Ðất đã an ngôi rồi thì bắt đầu từ đó trở về sau được gọi là
thời Hữu Thỉ, vì Trời Ðất là Âm Dương, như cha mẹ, hóa sanh ra muôn loài vạn vật.
Như vậy, Âm Dương là cái bắt đầu của vạn vật.
Trước thời Hữu thỉ là thời
Hỗn Mang, chỉ có Hư Vô chi Khí, mà không ai biết được nguồn gốc của nó do đâu
mà có, nên thời nầy được gọi là thời Vô thỉ, nghĩa là không có nguồn gốc phát
sanh.
C . 5 : Trong thời Hữu thỉ,
Ðức Thái Thượng đứng trên hết các vị Tiên.
6 . Ðạo cao nhứt khí - 道 高 一 氣
diệu hóa Tam Thanh. - 妙 化 三 清
GIẢI NGHĨA
Ðạo cao: Ðạo pháp cao siêu. Nhứt
khí: Một chất khí. Ðó là chất khí Tiên Thiên, cũng gọi là Nguơn khí hay Nguyên
khí (chất khí đầu tiên), khí nầy biến hóa rất huyền diệu.
Diệu: Khéo léo, huyền diệu.
Hóa: Biến đổi. Diệu hóa: Biến hóa rất huyền diệu.
Tam: 3. Thanh: Cao quí. Tam
Thanh: 3 Thanh, gồm: Thái Thanh, Thượng Thanh và Ngọc Thanh. Tam Thanh ấy tượng trưng Tam Bửu (Tinh Khí Thần) của con người:
Ngọc Thanh là Tinh, Thượng Thanh là Khí, Thái Thanh là Thần. Một biến thành Ba,
Ba hiệp lại thành Một.
C. 6 : Ðạo pháp của Ðức
Thái Thượng rất cao siêu. Ngài có thể lấy một Nguơn khí của Ngài biến hóa thành
3 người khác rất huyền diệu, gọi là Tam Thanh.
Theo Truyện Phong Thần, Ðức
Lão Tử giúp cho Khương Thượng Tử Nha (học trò của Ðức Nguơn Thỉ) phá trận Tru
Tiên, do Thông Thiên Giáo chủ Triệt giáo lập ra để đánh các Tiên Xiển giáo.
Trong trận nầy, Thông Thiên Giáo chủ bố trí phép thuật rất ác liệt, hung dữ và
cao cường đến nỗi các vị Tiên cấp dưới không thể phá được.
Ðức Lão Tử một mình đi vào
trận ở cửa Tây. Ngài xuất Tam Hoa che phủ trên đầu, lại còn hóa Linh Lung Tháp,
hào quang chiếu diệu, đánh phép cùng các Ðịa Tiên trong trận. Thấy thế trận
chưa núng, vì chỉ đánh vào một cửa, Ðức Lão Tử liền dùng một Nguyên Khí huyền
diệu của Ngài hóa ra Tam Thanh, tức là hóa ra 3 người nữa để xông vào đánh 3 cửa
trận còn lại.
* Xảy đâu có một vị Ðại
Tiên, đội mão Ðạo, mặc áo hồng bào, xưng là Ngọc Thanh Ðạo Nhơn, đánh vào cửa
trận phía Nam, vừa đánh vừa ca bài kệ:
Trời Ðất sanh thành đã có Ta,
Theo Thầy học đạo kể hằng hà.
Thấy điều nghịch lý ra tay giúp,
Cho rõ hai bên lẽ Chánh Tà.
* Xảy nghe bên Ðông có một
vị Ðại Tiên nữa, đầu đội mão vàng, mặc áo Bát Quái, xưng là Thượng Thanh Ðạo
Nhơn, đánh vào trận ở cửa Ðông, vừa ca bài kệ:
Hồng Quân Lão Tổ dạy vuông tròn,
Bố
hóa Côn Lôn rõ mực son.
Trời
Ðất tuy già, Ta chẳng thác,
Nước non dầu đổi, tánh hằng
còn.
* Rồi bên phía Bắc, cũng có một vị Ðại Tiên, xưng là Thái Thanh Ðạo Nhơn, đánh vào cửa trận phía
Bắc, vừa ca:
Từ thuở sanh Ta lúc Hỗn Mang,
Tính năm kể tháng biết muôn ngàn.
Một bầu Tạo hóa dầu ngang dọc.
Những kẻ Bàng môn khá tỏ tàng.
Như thế, Ðức Lão Tử đã
dùng Nguyên Khí huyền diệu của Ngài hóa ra 3 vị Ðại Tiên gọi là Tam Thanh, để hợp
với Ngài nữa là 4, cùng xông vào đánh 4 cửa của trận Tru Tiên.
Khi ấy, 4 vị vây Thông Thiên
Giáo chủ đánh vùi một trận. Thông Thiên Giáo chủ đánh không lại, chỉ lo đỡ gạt
thôi.
Ba vị Tam Thanh vừa tiếp sức
với Ðức Lão Tử đánh Thông Thiên Giáo chủ, là do Ðức Lão Tử làm phép dùng Nguyên
Khí biến hóa ra, chỉ trong một giờ là tan mất. Ðức Lão Tử chỉ muốn làm cho
Thông Thiên Giáo chủ rối trí và cảm thấy yếu thế để sau nầy dễ đánh mà thôi.
Thấy phép gần mãn, Ðức Lão
Tử ngâm bài kệ:
Hồng Quân truyền phép đạo đa thành,
Làm chủ Thần Tiên, độ chúng sanh.
Biến thử ba hình, ai dễ biết,
Cho hay Nguyên Khí hóa Tam Thanh.
Lão Tử ngâm kệ vừa dứt, nghe tiếng chuông inh ỏi, 3 vị Tam Thanh đồng biến
mất, chỉ còn lại một mình Lão Tử. Thông Thiên Giáo chủ thất kinh nhìn sững, bị
Lão Tử đập cho một gậy đổ hào quang, hoảng sợ, đằng vân bay mất.
Ðó là sự tích chép ra từ Truyện Phong Thần để hiểu về ý nghĩa của câu Kinh:
"Ðạo cao nhứt khí, diệu hóa Tam
Thanh."
7 . Ðức hoán
Hư linh, - 德 煥 靈 虛
8 . Pháp siêu quần Thánh. - 法 超 群 聖
GIẢI NGHĨA
Câu 7: Ðức hoán Hư linh.
Ðức: Những việc làm hợp
lòng người, thuận đạo Trời.
Hoán: Sáng rực rỡ. Hư
linh: Cõi Hư Vô thiêng liêng. Ðó là cõi không không tuyệt mù trên thượng từng
không khí mà thường gọi là cõi Thiêng liêng Hằng sống.
C.7: Cái Thánh đức của Ðức
Thái Thượng Ðạo Quân sáng rực nơi cõi Hư linh.
Câu 8: Pháp siêu quần Thánh.
Pháp: Ðạo pháp. Cái quyền
pháp của đạo. Siêu: Vượt lên trên. Quần: Nhiều người. Thánh: Bực Thánh, chỉ
chung các Ðấng Tiên, Thánh.
C.8: Ðạo pháp của Ngài vượt
lên trên các bực Tiên, Thánh.
9 . Nhị ngoạt thập ngũ, - 二 月 十 五
phân tánh giáng sanh. - 分 性 降 生
GIẢI NGHĨA
Nhị ngọat: Tháng hai âm lịch. Chữ
Ngoạt còn đọc là Nguyệt, có 2 nghĩa: Một nghĩa là Mặt trăng, một nghĩa là tháng
âm lịch, vì âm lịch tính theo sự di chuyển của Mặt trăng. Thập ngũ: Ngày 15 tức
là ngày Rằm.
Phân: Chia ra, chiết ra. Tánh:
Ðối với con người, Tâm và Tánh có chỗ khác nhau, Tâm thì ở bên trong, Tánh thì
thể hiện bên ngoài. Nhưng đối với các Ðấng Tiên, Phật thì Tâm và Tánh hiệp làm
một, hiệp nhứt với Chơn linh, hòa vào khối Ðại Linh Quang của Thượng Ðế. (Xem
trở lại phần giải nghĩa Câu 13 Kinh Phật Giáo).
Giáng: Ði xuống. Sanh: Sanh ra. Giáng sanh: Ði xuống cõi trần, đầu thai vào bụng
mẹ để được sanh ra làm người nơi cõi trần.
Câu 9: Ngày rằm tháng hai, Ðức Thái Thượng chiết chơn linh giáng
sanh xuống cõi trần là Ðức Lão Tử.
Như phần trước, chúng ta nói là Ðức Lão Tử giáng sanh vào đời vua Võ Ðinh nhà Thương bên Tàu. Vua Võ Ðinh lên ngôi năm 1324 trước Tây lịch, và truyền ngôi
lại cho Tổ Canh năm 1265 trước Tây lịch.
Ðiều nầy rất phù hợp với 4
câu thơ của Ðức Lão Tử giáng cơ khoán thủ tự giới thiệu:
LÝ đào mầm tược tượng long lân,
LÃO luyện đơn thành Nhị xác thân.
TỬ phủ ngồi tu lo nấu thuốc,
GIÁNG sanh Thương, đợi Võ Ðinh quân.
(Thương là nhà Thương, Võ Ðinh quân là vua Võ Ðinh)
Nhưng theo Sử Ký của Tư Mã
Thiên, câu chuyện Ðức Khổng Tử đến hỏi Ðức Lão Tử về Lễ, thì người ta cho rằng
Ðức Lão Tử cùng thời với Ðức Khổng Tử, và lớn hơn Ðức Khổng Tử chừng 30 tuổi,
và như vậy, Ðức Lão Tử cũng phải sanh vào thời Ðông Châu Liệt Quốc.
Nếu theo Truyện Ðông Du
Bát Tiên và Bài thi giáng cơ của Ðức Lão Tử, chúng ta tạm lấy năm sanh của Ðức
Lão Tử là năm vua Võ Ðinh lên ngôi: năm 1324 trước Tây lịch, thì Ðức Lão Tử
giáng sanh trước Ðức Khổng Tử là:
1324 - 551 = 773 năm
Như vậy, chẳng lẽ Ðức Lão
Tử đã sống hơn 800 năm cho đến khi gặp Ðức Khổng Tử hay sao?
Ðiều nầy, đối với các nhà
Khoa học thực nghiệm thì không bao giờ xảy ra. Nhưng, đứng về mặt tín ngưỡng
tôn giáo và Thần Linh Học, Ðức Lão Tử có pháp thuật vô cùng huyền diệu cao
siêu, khi thì Ngài trở về cõi Thượng Thiên, khi thì Ngài trở xuống cõi trần,
tùy duyên hóa độ, thì việc Ngài thị hiện xuống cõi trần để gặp Ðức Khổng Tử là
một trường hợp tùy duyên hóa độ của Ngài mà thôi.
10 . Nhứt thân ức vạn, - 一 身 億 萬
diệu huyền thần biến. - 妙 玄 神 變
GIẢI NGHĨA
Nhứt thân: Một cái thân, một người.
Ức: 100 000.
Vạn: 10 000. Ức vạn là chỉ
một số thật lớn.
Diệu huyền: Huyền là sâu xa kín đáo, diệu là khéo léo. Diệu huyền hay Huyền diệu là
sâu xa kín đáo khéo léo đến độ không thể thấy và biết rõ được.
Thần: Thiêng liêng mầu nhiệm.
Biến: Thay đổi, biến hóa. Thần biến là biến hóa vô cùng mầu nhiệm.
C.10: Một thân mà có thể
biến hóa thành hằng vạn người khác, sự biến hóa vô cùng huyền diệu.
Ðức Thái Thượng Ðạo Quân
có pháp thuật rất cao thâm huyền diệu, một mình Ngài ở một chỗ mà có thể hóa ra
thành muôn ức người khác, hiển ứng khắp nơi, động nầy núi nọ rừng kia. Các môn
đệ thành tâm cầu khẩn Ngài, thì dù ở xa xôi cách mấy đi nữa, Ngài cũng hiện đến
ấn chứng liền.
Theo sách Tam Hoàng Thiên
Kinh, Ðức Thái Thượng Ðạo Quân hiện xuống cõi trần rất nhiều lần để cứu độ nhơn
sanh. (Xem lại Câu 1)
Nay theo sách "Thực
Văn Hiển Thông Khảo", Ông Các Trủy Xương có nói rằng: Ðức Lão Tử không có
đời nào là không hiện xuống cõi trần, bằng nhiều hình dáng khác nhau, tên họ
khác nhau:
Ðời vua Huỳnh Ðế, hiệu là Quảng Thành Tử.
Ðời vua Văn Vương, hiệu rằng Nhiếp Ấp Tử, làm quan
Thủ Tân Sử.
Ðời vua Võ Vương, hiệu là Dục Thành Tử, làm quan Trụ
Hạ Sử.
Ðời vua Khương Vương, hiệu là Quách Thúc Tử.
Ðầu nhà Hán, hiệu là Huỳnh Thạch Công.
Ðời vua Hán Vũ Ðế, hiệu rằng Hà Thượng Công.
Ðời nhà Ðường, Ðức Thái
Thượng truyền kinh tại núi Dương Giác. Ðường Cao Tổ họ Lý nhận Ngài là Ông Tổ của
dòng họ Lý, nên phong tặng Ngài là Huyền Nguơn Hoàng Ðế.
Ðời nhà Tống, vua Tống
Nhân Tôn tặng hiệu Ngài là: Thái Thượng Lão Quân Hỗn Nguơn Chí Ðức Hoàng Ðế.
11 . Tử khí đông lai, - 紫 氣 東 來
Quảng truyền Ðạo Ðức. - 廣 傳 道 德
12 . Lưu sa tây độ, - 流 沙 西 度
Pháp hóa tướng tông. - 法 化 相 宗
GIẢI NGHĨA
Câu 11: Tử khí đông lai, Quảng truyền Ðạo Ðức.
Tử khí: Tử là màu tím, khí là chất
khí. Tử khí là là chất khí màu tím, trông như một vừng mây tím hiện ra trên bầu
trời. Ðông: Hướng Ðông. Lai: Ðến, tới.
Tử khí đông lai: Một đám
mây màu tím từ hướng Ðông bay tới.
Quảng: Rộng lớn. Truyền: Trao lại
cho người khác. Ðạo Ðức: Sách Ðạo Ðức Kinh của Ðức Lão Tử là quyển sách căn bản
về giáo lý của Tiên giáo.
Quảng truyền Ðạo Ðức: Truyền
bá rộng rãi sách Ðạo Ðức Kinh.
Câu 12:
Lưu sa tây độ, pháp hóa tướng
tông.
Lưu: Chảy, nước chảy. Sa:
Cát. Lưu sa: Dòng cát chảy, chỉ vùng sa mạc ở phía Tây nước Tàu, nơi đó có gió
thổi mạnh, cuốn cát bay theo, tạo thành một dòng cát chảy như nước. Tây: Hướng
Tây. Ðộ: Cứu giúp.
Lưu sa tây độ: Qua vùng sa
mạc ở hướng Tây để cứu giúp người đời.
Pháp: Giáo lý của một tôn
giáo. Hóa: Biến thành. Tướng: Có hình thể. Tông: Thường đọc là Tôn, Tôn giáo.
Pháp hóa tướng tông: Cái
giáo lý biến thành hình thể của một nền tôn giáo. Cái giáo lý ấy được trình bày
rõ ràng trong sách Ðạo Ðức Kinh của Ðức Lão Tử. Kể từ khi Ðức Lão Tử truyền
sách Ðạo Ðức Kinh cho Ông Doãn Hỷ thì Tiên giáo mới bắt đầu có hình tướng, và
sau đó nhờ sách ấy, Ðạo Tiên được truyền bá rộng rãi khắp nơi.
C.12: Khi Ðức Lão Tử đi
qua vùng sa mạc ở hướng Tây để cứu giúp người đời, Ðức Lão Tử truyền Kinh Ðạo Ðức
cho Ông Doãn Hỷ, kể từ đó Tiên giáo mới thành hình tướng.
Hai câu kinh 11 và 12: Nhắc
lại sự tích Ðức Lão Tử đi từ phía Ðông qua phía Tây, đến ải Hàm Cốc, dạy Ðạo
cho quan giữ ải Doãn Hỷ, rồi truyền sách Ðạo Ðức Kinh cho Doãn Hỷ tu thành
Tiên. Sau đó Ngài đi về hướng Tây, qua vùng sa mạc để tiếp tục cứu độ người đời.
Vào thời nhà Châu, quan
Doãn giữ ải Hàm Cốc, một cửa ải quan trọng ở biên giới phía Tây nước Tàu, có
tên là Hỷ, một bữa kia thấy trên Trời có một đám mây màu tím toả hào quang bay
đến từ phía Ðông. Ông Doãn Hỷ toán quẻ đoán biết có một vị Thánh nhơn đến và đi
qua ải. Ông bèn sai lính quét dọn cửa ải sạch sẽ, trang hoàng nghiêm chỉnh, rồi
mặc triều phục chờ đợi. Xảy thấy Ðức Lão Tử ngồi trên xe trắng có trâu xanh kéo
đi và Từ Giáp đánh xe, Doãn Hỷ biết đây là Thánh nhơn, liền đi ra nghinh tiếp,
gọi Ðức Lão Tử là Thánh nhơn, và thành khẩn rước Ðức Lão Tử vào ải xin học Ðạo.
Ðức Lão Tử nhận thấy Doãn Hỷ có lòng thành nên bằng lòng lưu lại ải dạy Doãn Hỷ
học Ðạo, xong truyền cho Doãn Hỷ một quyển Kinh báu do Ðức Lão Tử viết ra gọi
là Ðạo Ðức Kinh, dạy Doãn Hỷ tiếp tục tu luyện theo đó thì ắt thành Tiên.
Ông Doãn Hỷ tu luyện theo
Ðạo Ðức Kinh được 1000 ngày thì đắc đạo, được Ðức Lão Tử cho phục chức cũ là
Nguơn Thỉ Chưởng Giáo, cai trị 8 vạn Thần Tiên nơi cõi thiêng liêng.
Như vậy, chúng ta thấy rõ
rằng, Ðạo Ðức Kinh là quyển sách căn bản của đạo Tiên, và nhờ nó mà đạo Tiên được
truyền bá rộng rãi đến ngày nay.
13 . Sản Tất Viên, Phương Sóc chi bối. -
產 漆 園 方 朔 之 輩
GIẢI NGHĨA
Sản: Sanh ra, sản xuất. Chi:
Tiếng đệm. Bối: Bọn. Tất Viên: Tất là cây sơn, nhựa của nó dùng làm sơn mài,
Viên là cái vườn. Tất Viên là cái vườn cây sơn. Từ ngữ nầy sau đó biến thành địa
danh của vùng đất có Vườn sơn, cũng như ở Châu Thành Thánh Ðịa có địa danh Vườn
điều.
Ông Trang Tử được bổ làm một
chức quan nhỏ tại Cổ Thành Tất Viên, thuộc ấp Mông nước Tống; người ta gọi Ông
là Tất Viên Lại, vì thế Ông lấy chữ Tất Viên làm hiệu.
Vậy, Tất Viên là tên hiệu
của Ông Trang Tử.
Phương Sóc: Ông Ðông
Phương Sóc, một vị Tiên thời vua Hán Võ Ðế bên Tàu.
C.13: Sản xuất ra các Ông
Trang Tử và Ðông Phương Sóc.
Hai vị nầy học theo giáo
lý của Ðức Lão Tử mà tu luyện thành Tiên.
Sau đây là sơ lược Tiểu sử
của Trang Tử và Ðông Phương Sóc:
TRANG TỬ: tên là Trang
Châu (Chu), tự là Tử Hưu, người ở ấp Mông nước Tống. Năm sanh của Ông ước lượng
vào năm thứ 7 đời vua Châu Liệt Vương (369 trước Tây lịch) và năm mất lối năm
thứ 29 đời vua Châu Noãn Vương (288 trước Tây lịch), Trang Tử thọ 82 tuổi.
Theo sách Kim Cổ Kỳ Quan của
Bảo Ung: Trang Tử thường ngủ ngày, mơ thấy hóa thành bướm, bay nhởn nhơ trong
vườn hoa thơm cỏ lạ, lòng rất vui thích, khi tỉnh dậy vẫn còn thấy như ở vai có
2 cánh chuyển động. Trang sinh lấy làm lạ, và lâu lâu thì lại nằm mơ như thế.
Một hôm, Trang sinh đang
ngồi trong phòng học nghe Ðức Lão Tử giảng Kinh Dịch. Khi giảng kinh xong,
Trang sinh bèn đem giấc mơ hỏi Thầy là Lão Tử. Ðức Lão Tử là vị Ðại Thánh, biết
được lai lịch tiền kiếp, nói cho Trang sinh biết: Trang sinh vốn là một con bướm
trắng trong khi Hỗn Ðộn mới phân. Trời sanh nước, nước sanh cây, cây tươi hoa
thạnh, con bướm trắng hút tinh chất của trăm hoa, đoạt được tư chất của trăng
sao, nên được trường sanh bất tử, cánh lớn như bánh xe, sau bay qua Cung Diêu
Trì, hút trộm nhụy hoa Bàn Ðào, bị con chim Thanh loan giữ Vườn Ðào của Tây
Vương Mẫu mổ chết. Hồn bướm thác sanh xuống trần là Trang Châu.
Vì Trang Châu có căn trí
khác phàm, đạo tâm kiên cố, thờ Ðức Lão Tử làm thầy, học theo Ðạo Tiên, nay được
thầy chỉ rõ tiền căn, như mộng mới tỉnh, tự thấy 2 nách sanh gió, mườn tượng
như bướm vỗ cánh bay, nên coi sự được mất, nhục vinh ở cõi đời nầy như nước chảy
mây trôi, không quan tâm đến nữa.
Ðức Lão Tử biết Trang sinh
đã giác ngộ, nên đem bí quyết của Ðạo Ðức Kinh truyền cho. Trang sinh chuyên cần
tu tập, bèn được phép phân thân ẩn mình, xuất thần biến hóa.
Từ đó, Trang Châu phế bỏ
việc đời, từ biệt Ðức Lão Tử, đi chu du sơn thủy, xưng là Trang Tử.
Sau, Trang Tử đi ẩn cư tại
núi Nam Hoa, viết ra sách đề là Nam Hoa Kinh, cũng gọi là sách Trang Tử, xiển
dương Ðạo Lão. Bộ sách nầy rất hay, được truyền lại đến ngày nay.
ÐÔNG PHƯƠNG SÓC: Sanh vào đời vua Hán Võ Ðế, tu theo Ðạo Tiên. Việc tu Tiên của Ông Ðông
Phương Sóc, có sách chép như sau: Ông Ðông Phương Sóc muốn đi tu, xảy gặp một vị
Tiên xưng là Huỳnh My Lão Tổ. Sóc hỏi:
- Chẳng hay Ðại Tiên được
bao nhiêu tuổi?
Ông Tiên đáp:
- Mỗi 3000 năm ta phản cốt
rửa mỡ một lần, 3000 năm ta thay da một lần, 3000 năm ta thay xương một lần. Cộng
chung ta đã hớp khí trời được 9000 năm.
Sóc nghe vậy liền xin thọ
giáo đi tu và sau đó đắc đạo thành Tiên.
Ông Ðông Phương Sóc có luyện
được một lá Bàn Ðào dùng làm phép ẩn thân hay lắm. Ông có viết một quyển sách đặt
tên là Thần Dị Kinh, thuật lại những việc lạ thường ở ngoài Ðịa Cầu 68 của
chúng ta và những chuyện lạ ở Bắc Câu Lư Châu.
Ông là Tổ Sư Tán Tiên, có
giáng cơ cho nhiều bài thi rất tức cười, nên được tặng danh hiệu là Thần linh
trào phúng.
14 . Ðơn tích vi mang. - 丹 析 微 芒
GIẢI NGHĨA
Ðơn: Còn đọc Ðan, nghĩa là
thuốc quí, thuốc Tiên. Luyện Ðơn hay Luyện Kim Ðơn là từ ngữ đặc biệt dùng
trong Ðạo Tiên để chỉ việc luyện đạo, luyện Tam Bửu: Tinh, Khí, Thần hiệp nhứt,
đắc đạo. Tích: Nói tách bạch ra, phân tích, giải thích ra cho rõ ràng. Vi: Rất
nhỏ. Mang: Cái mũi nhọn.
Ðơn tích: Phân tách rõ ra về việc
luyện Kim Ðơn.
Vi mang: Chỉ cái gì nhỏ khéo cực
điểm, không thể nhìn thấy; ý nói tế vi mầu nhiệm hay vi diệu huyền bí.
C.14: Việc luyện Kim Ðơn
(của Ðạo Tiên) phân tích nói cho rõ ra thì thật là huyền vi mầu nhiệm.
CHÚ Ý: Chữ Hán [微 芒] phiên âm ra viết là: VI MANG, thì mới đúng chánh
tả, theo Hán Việt Từ Ðiển của Ðào duy Anh quyển II trang 546, và quyển I trang
545.
15 . Khai
Thiên Ðịa Nhơn Vật chi tiên. - 開 天 地 人 物 之 先
GIẢI NGHĨA
Khai: Mở ra. Thiên Ðịa: Trời
và Ðất. Nhơn vật: Người và loài vật. Chi: Tiếng đệm. Tiên: Trước.
C.15: Khi mở ra Trời Ðất,
Ðức Thái Thượng Ðạo Quân là Ðấng có trước loài người và loài vật.
Câu kinh nầy nói về sự
tích của Ông Bàn Cổ, một hóa thân của Ðức Thái Thượng Ðạo Quân.
Theo sách Tam Hoàng Thiên
Kinh, sự tích của Bàn Cổ như sau:
Tại núi Côn Lôn, có một cục
đá tròn và lớn, đã thọ khí Âm Dương rất lâu đời, nên đã thâu được các tánh linh
thông của vũ trụ mà tạo thành thai người. Sau 10 tháng 16 ngày, đúng giờ Dần một
tiếng nổ vang, khối đá linh ấy nứt ra, sản xuất một vị Linh Chơn hy hữu, một
người đầu tiên của thế gian, được gọi là Bàn Cổ.
Vừa được sanh ra thì vị ấy
tập đi, tập chạy, tập nhảy, hớp gió nuốt sương, ăn hoa quả lần lần lớn lên,
mình cao trăm thước (thước Tàu), đầu như rồng, có lông đầy mình, sức mạnh vô
cùng. Một ngày kia, Bàn Cổ chạy qua hướng Tây, bắt gặp một cái búa và một cái
dùi, ước nặng ngàn cân. Bàn Cổ, tay phải cầm búa, tay trái cầm dùi, ra sức mở
mang cõi trần. Ngài ước ao Trời Ðất sáng tỏ thì người và vật mới hóa sanh được.
Ngài ao ước vừa dứt tiếng thì tiếng sấm nổ vang, Trời trong Ðất yên, vạn vật liền
sanh ra đủ cả. Ngài chỉ Trời là Cha, Ðất là Mẹ, muôn dân là con.
Ngài chính là tôn chủ sáng lập thế gian, nên gọi
Ngài là Thái Thượng Ðạo Quân. Ngài tự
xưng là Thiên tử (con của Trời) cai trị muôn dân.
Ngài là vị vua đầu tiên của thế gian nên gọi là Thiên Hoàng.
Bàn Cổ là Thiên Hoàng,
sanh nơi Dần Hội, thọ được 18000 tuổi rồi mới qui Thiên.
Tiếp theo Thiên Hoàng là Ðịa
Hoàng, rồi Nhơn Hoàng, gọi chung là Tam Hoàng.
Sự tích nầy cũng có chép
trong Truyện Thần Thoại Trung Quốc, rất hoang đường, nhưng cũng cho biết được rằng,
Tam Hoàng gồm Thiên Hoàng, Ðịa Hoàng và Nhơn Hoàng là 3 vị vua đầu tiên của nước
Tàu, và Ðức Thái Thượng Ðạo Quân chính là Bàn Cổ, là Thiên Hoàng và cũng là thủy
tổ của loài người (người Tàu).
16 . Ðạo kinh hạo kiếp. - 道 經 浩 劫
17 . Càn Khôn oát vận. - 乾 坤 斡 運
GIẢI NGHĨA
Câu 16:
Ðạo kinh hạo kiếp.
Ðạo: Cái nguyên lý đầu tiên tạo
thành CKVT và vạn vật. (Xem Giải nghĩa chữ ÐẠO chi tiết nơi phần đầu). Kinh: Trải
qua. Hạo: Nhiều. Kiếp: Khoảng thời gian từ lúc sanh ra cho tới lúc bị tiêu diệt.
Kiếp người là một đời người.
C.16: Ðạo trải qua nhiều
kiếp lâu đời.
Câu 17:
Càn Khôn oát vận.
Càn Khôn: 2 quẻ trong Bát Quái, quẻ Càn tượng trưng Trời, quẻ Khôn tượng
trưng Ðất. Càn Khôn là Trời Ðất.
Oát: Chuyển xoay đi. Vận:
Xoay vần chuyển động.
C.17: Trời Ðất xoay chuyển
vận hành.
CHÚ Ý: Chữ Hán [斡 運] phiên âm ra viết là: OÁT VẬN, thì mới đúng chánh
tả, theo Hán Việt Từ Ðiển của Ðào duy Anh, quyển II trang 87. Chỗ nầy cũng giống
như Câu 13 KNHTÐ: Oát triền vô biên.
18 . Nhựt nguyệt chi quang. - 日 月 之 光
19 . Ðạo pháp bao la. - 道 法 包 羅
GIẢI NGHĨA
Câu 18:
Nhựt nguyệt chi quang.
Nhựt: Mặt trời. Nguyệt:
Mặt trăng. Chi: Tiếng đệm. Quang: Sáng, ánh sáng.
C.18: Ðạo như ánh sáng mặt trời, mặt trăng, soi sáng khắp nơi.
Câu 19:
Ðạo pháp bao la.
Ðạo
Pháp: Từ ngữ nầy có ý nghĩa rất sâu xa, rộng rãi, nên phải tùy trường hợp mà giải thích cho sát với ý nghĩa của câu kinh. Từ ngữ Ðạo Pháp đã có giải
thích nơi Câu 6 Kinh Phật giáo: Ðạo Pháp trường lưu.
Sau đây xin ghi lại tóm tắt
nghĩa của 2 chữ Ðạo Pháp:
I . ÐẠO:
1 . Theo Thánh giáo của Ðức
Chí Tôn (TNHT.II.3), Ðạo có nghĩa thông thường là con đường tu, tức Ðạo là tôn
giáo.
2 . Theo cách chiết tự chữ Ðạo Hán văn, Ðạo là nguyên lý đầu tiên tạo thành
CKVT vạn vật. Ðạo có hàm ý Âm Dương hiệp nhứt, có tịnh có động, tịnh thì vô
hình, động thì sanh hóa.
3 . Theo Ðạo Ðức Kinh, Ðức Lão Tử giải về Ðạo: Ðạo là nguồn sanh hóa CKVT vạn
vật. Nó vô hình vô sắc, vô thinh vô xú. Ðạo dường như có dường như không và có
3 trạng thái: Di, Hi, Vi. Di là xem mà chẳng thấy, Hi là lóng mà chẳng nghe, Vi
là bắt mà chẳng nắm được.
Như vậy, Ðạo chính là Hư
Vô chi Khí, mà Hư Vô chi Khí sanh ra Ðức Chí Tôn Ngọc Hoàng Thượng Ðế. Khi đã
có Ðức Chí Tôn rồi thì Ngài tạo ra 2 nguyên lý Âm Dương, rồi phối hợp Âm Dương
tạo CKVT và vạn vật. Vậy Ðạo cũng chính là Ðức Chí Tôn Ngọc Hoàng Thượng Ðế.
TNHT. I. 32: "Khí Hư Vô sanh có một Thầy. Còn mấy Ðấng
Thầy kể đó, ai sanh? Ấy là ÐẠO. Các con nên biết. Nếu không có Thầy thì không
có chi trong CKVT nầy, mà nếu không có Hư Vô chi Khí thì không có Thầy."
II . PHÁP:
Pháp, được dịch từ tiếng
Phạn Dharma. Từ ngữ nầy xuất phát từ động từ Dhri, nghĩa là là mang, giữ lại.
1 . Nghĩa thông thường,
Pháp là pháp luật, các luật pháp đặt ra để quản lý việc Ðời hay việc Ðạo.
2 . Pháp là giáo lý, giáo
thuyết của một tôn giáo, cho nên nói: Thuyết pháp là thuyết giảng giáo lý của
tôn giáo.
3 . Pháp là Pháp thuật, Phép vẽ bùa bắt ấn, niệm chú. Thí dụ như: Phép Tắm
Thánh, Phép Giải Oan, ...
4 . Pháp là một trong Tam Bảo: Phật, Pháp, Tăng.
TNHT. I. 52: "Thầy
khai Bát Quái mà tác thành CKTG nên mới gọi là Pháp, Pháp có mới sanh ra CKVV rồi
mới có người, nên gọi là Tăng. Thầy là Phật, chủ cả Pháp và Tăng, lập thành các
Ðạo mà phục hồi các con hiệp một cùng Thầy."
5 . Nghĩa tổng quát của Pháp: Tất cả sự, việc, hiện tượng, nhỏ hay lớn, thấy
được hay không thấy được, tốt hay xấu, chơn thật hay hư vọng, đơn giản hay phức
tạp, đều được gọi là Pháp.
III . ÐẠO PHÁP:
Ðạo Pháp là các Pháp của Ðạo.
Pháp là hiện tướng của Ðạo. Pháp là cách mô tả, diễn đạt chơn thực cái Ðạo. Người
ta do theo Pháp mà thấu suốt được Ðạo, tức là do theo Pháp mà thấy và biết được
Thượng Ðế.
Thượng Ðế thì vô hình vô ảnh,
không thể lấy mắt thường mà nhìn thấy được, cũng không thể sờ mó được, cũng
không thể dùng máy móc tối tân mà đo lường được.
Muốn biết, muốn nghe, muốn
giao tiếp được với Thượng Ðế, thì duy có cách là dò theo và nương theo Pháp.
Pháp không phải là Thượng
Ðế, nhưng biết quan sát các Pháp thì thấu suốt Thượng Ðế tức là thấu suốt được
Ðạo.
Bao: Bọc lại, trùm lên.
La: Tấm lưới. Bao la: Tấm lưới bao trùm lên, ý nói rộng lớn bao gồm tất cả.
C . 19: Ðạo Pháp bao la,
nghĩa là Ðạo Pháp rộng lớn mênh mông như tấm lưới lớn bao trùm lên tất cả.
20 . Cửu Hoàng Tỹ Tổ. - 九 皇 鼻 祖
GIẢI NGHĨA
Cửu Hoàng: 9 vị vua. Hoàng là ông
vua. Chín vị vua nầy thuộc thời thái cổ và thượng cổ nước Tàu, nối tiếp làm vua
để khai hóa cho dân chúng thuở đó.
Khởi đầu là Tam Hoàng:
Thiên Hoàng, Ðịa Hoàng, Nhơn Hoàng.
Kế tiếp là Tam Vương: Ngũ
Long, Hữu Sào, Toại Nhân.
Tiếp theo là Tam Ðế: Phục
Hy, Thần Nông, Huỳnh Ðế.
Công đức của 9 vị vua nầy
đối với nhơn loại rất lớn, đưa con người thoát khỏi tình trạng ăn lông ở lỗ, tiến
hoá lên một mức cao, biết làm quần áo, biết trật tự lễ nghĩa, biết cất nhà,
dùng lửa nấu chín thức ăn, biết cày cấy, biết trị bịnh,..
Theo sách Tam Hoàng Thiên
Kinh, vị vua đầu tiên Thiên Hoàng là Bàn Cổ, một hóa thân của Ðức Thái Thượng Ðạo
Quân. Ðó là vị vua đầu tiên của nhơn loại và là thủy tổ của nhơn loại. Các vị
vua kế tiếp đều là dòng dõi của Bàn Cổ.
Tỹ Tổ: còn đọc là Tỵ Tổ, là Ông
Tổ đầu tiên sanh ra một dòng họ và đứng đầu dòng họ đó. Người ta cũng gọi ông ấy
là Thủy Tổ. Như Ông Bàn Cổ là Tỹ Tổ hay Thủy Tổ của nhơn loại.
C.20: Cửu Hoàng Tỹ Tổ là Ðức
Thái Thượng Ðạo Quân là Thủy tổ của 9 vị vua đầu tiên khai hóa nhơn loại, và
cũng là Thủy tổ của nhơn loại.
21 . Ðại thiên Thế giới, 大 千 世 界
dương tụng từ ân. 陽 頌 慈 恩
GIẢI NGHĨA
Ðại: Lớn. Thiên: Ngàn (1000).
Thế giới: Những quả địa cầu trong CKVT. Theo Vũ Trụ quan của Ðạo Cao Ðài, Vũ trụ
của Ðức Chí Tôn gồm Tam thiên Thế giới (3000 Thế giới) và Thất thập nhị Ðịa (72
Ðịa cầu).
Ðại thiên Thế giới, nghĩa
đen là một ngàn lớn Thế giới, ý nói 3000 Thế giới trong Vũ trụ của Ðức Chí Tôn.
Dương: Ðưa lên cao cho mọi người
thấy và biết. Tụng: Khen ngợi, ca ngợi. Từ: Lòng thương yêu của người trên đối
với kẻ dưới, lòng thương yêu chúng sanh. Ân: Ơn huệ.
C.21: Cả ba ngàn Thế giới,
mọi người đều ca tụng đề cao lòng từ bi và ơn đức của Ðức Thái Thượng Ðạo Quân.
22 . Vĩnh kiếp quần sanh, - 永 劫 群 生
ngưỡng kỳ huệ đức. - 仰 其 惠 德
GIẢI NGHĨA
Vĩnh: Lâu dài, vĩnh viễn. Kiếp:
Khoảng thời gian từ lúc sanh ra cho đến lúc mất đi. Một kiếp sống là một đời
người. Vĩnh kiếp: Lâu đời nhiều kiếp, chỉ thời gian lâu dài lắm. Quần: Nhiều
người đông đảo.
Quần sanh đồng nghĩa với
chúng sanh, chỉ tất cả các loài sanh vật trong CKVT, gồm: Thảo mộc, Thú cầm,
Nhơn loại. Với nghĩa hẹp, Chúng sanh hay Quần sanh là nhơn loại.
Ngưỡng: Ngửa mặt trông lên với
lòng kính trọng và yêu mến. Kỳ: Trợ ngữ. Huệ: Ơn huệ. Ðức: Ðiều tốt lành hạp lòng người, thuận đạo Trời.
C.22: Chúng sanh vĩnh viễn
đời đời ngưỡng nhờ ơn đức của Ngài.
23 . Ðại Thần, Ðại Thánh, - 大 神 大 聖
Chí Cực, Chí Tôn. - 至 極 至 尊
GIẢI NGHĨA
Ðại: Lớn. Thần: Bực Thần.
Thánh: Bực Thánh.
Chí: Rất. Cực: Cái đầu
cùng. Tôn: Kính trọng.
Ðại Thần: Bực Thần lớn. Ðại Thánh:
Bực Thánh lớn. Chí cực: Rất cao, cao tột. Chí tôn: Rất được tôn kính.
C.23 : Bực Thần lớn, bực
Thánh lớn, cao tột, rất được tôn kính.
24 . Tiên
Thiên Chánh nhứt, 先 天 正 一
Thái Thượng Ðạo Quân, 太 上 道 君
Chưởng Giáo, Thiên Tôn. 掌 敎 天 尊
Lạy 3 lạy, mỗi lạy 3 gật,
mỗi gật niệm:
Nam mô Thái Thượng Ðạo Tổ
Tam Thanh Ứng Hóa Thiên Tôn
南 無 太 上 道 祖 三 清 應 化 天 尊
GIẢI NGHĨA
Câu 24: Tiên Thiên Chánh nhứt,
Thái Thượng Ðạo Quân, Chưởng Giáo, Thiên Tôn.
Tiên Thiên: Trước khi tạo dựng Trời Ðất. (Xem Câu 20 KNHTÐ). Chánh: Ðứng đầu. Nhứt: Một,
số 1.
Tiên Thiên Chánh nhứt: Vào
thời Tiên Thiên, Ngài là người số 1, đứng đầu. Ðức Thái Thượng Ðạo Quân là vị
Tiên lớn nhứt, được sanh ra trước nhứt, đứng đầu Ðạo Tiên.
Chưởng giáo: Chưởng quản Ðạo Tiên, tức là Giáo chủ Ðạo Tiên.
Thiên Tôn: Nghĩa đen là được kính
trong nơi cõi Trời. Ðây là phẩm tước do Ðức Chí Tôn phong thưởng. Ðức Chí Tôn
là Ðại Thiên Tôn, còn các Ðấng Phật, Tiên, Thánh, đều là Thiên Tôn.
C.24: Vào thời Tiên Thiên,
Ðức Thái Thượng Ðạo Quân là Ðấng thứ nhứt đứng đầu Ðạo Tiên, và Ngài là Giáo chủ
Ðạo Tiên. Ngài là Ðấng Thiên Tôn.
Câu niệm: Nam mô Thái Thượng Ðạo Tổ
Tam Thanh Ứng Hóa Thiên Tôn.
Ðạo Tổ: Tổ sư Ðạo giáo, tức là
Giáo chủ Tiên giáo. (Ðạo giáo đồng nghĩa với Tiên giáo) (Xem lại phần đầu).
Tam Thanh: 3 Thanh gồm: Ngọc Thanh, Thượng Thanh và Thái Thanh.
Ứng Hóa: Ứng là đáp lại, Hóa là biến hóa. Ứng Hóa là biến hoá để đáp ứng lại. (Xem
phần giải nghĩa Câu 6: Ðạo cao nhứt khí, diệu hóa Tam Thanh).
TÓM TẮT GIẢI NGHĨA KINH TIÊN GIÁO
KINH: GIẢI
NGHĨA:
1 . Tiên Thiên Khí hoá,
Thái Thượng Ðạo Quân. - Khí
Tiên Thiên hóa sanh Ðức Thái Thượng Ðạo Quân.
2 . Thánh bất khả tri. -
Không thể biết rõ sự thiêng liêng mầu nhiệm của Ðức Thái Thượng.
3 . Công bất khả nghị. - Công đức của Ngài to lớn đến nỗi không bàn luận cho hết được.
4 . Vô vi cư Thái Cực chi
tiền. - Ðạo Vô Vi ở trước ngôi Thái Cực.
5 . Hữu thỉ siêu quần chơn
chi thượng. -Trong thời Hữu thỉ, Ðức Thái Thượng đứng trên hết các vị Tiên.
6 . Ðạo cao nhứt khí, diệu
hóa Tam Thanh. - Ðạo pháp cao siêu,
dùng một Nguyên khí biến hóa huyền diệu tạo ra 3 người khác gọi là Tam Thanh:
Ngọc Thanh, Thượng Thanh và Thái Thanh.
7 . Ðức hoán Hư linh. - Thánh đức sáng rực nơi cõi Hư linh.
8 . Pháp siêu quần Thánh. -
Ðạo pháp vượt trên các bực Tiên Thánh.
9 . Nhị ngoạt thập ngũ, phân tánh giáng sanh. -Ngày rằm tháng hai âm lịch,
chiết chơn linh giáng sanh xuống cõi trần là Ðức Lão Tử.
10 . Nhứt thân ức vạn, diệu
huyền thần biến. - Một thân mình biến hóa thành muôn ức người khác, phép biến
hóa vô cùng huyền diệu.
11 . Tử khí đông lai, quảng
truyền Ðạo Ðức. - Ðám mây màu tím từ hướng Ðông bay tới, Rộng truyền sách Ðạo Ðức
Kinh.
12 . Lưu sa tây độ, pháp
hóa tướng tông. - Qua vùng sa mạc
hướng Tây để cứu giúp người đời, Giáo lý của Ngài nhờ Ðạo Ðức Kinh mà thành
hình tướng.
13 . Sản Tất Viên, Phương
Sóc chi bối. - Sản xuất ra các
Ông Trang Tử và Ðông Phương Sóc.
14 . Ðơn tích vi mang. - Việc luyện Kim Ðơn phân tích rõ ra rất huyền vi mầu nhiệm.
15 . Khai Thiên Ðịa, nhơn
vật chi tiên. - Khi mở ra Trời Ðất, Ngài
là Ðấng có trước loài người và vật.
16 . Ðạo kinh hạo kiếp. -
Ðạo trải qua nhiều kiếp lâu đời.
17 . Càn Khôn oát vận. -
Trời Ðất xoay chuyển vận hành.
18 . Nhựt nguyệt chi quang. -
Ðạo như ánh sáng mặt trời, mặt trăng soi sáng khắp
nơi.
19 . Ðạo pháp bao la. -
Ðạo pháp rộng lớn mênh mông như tấm lưới lớn bao
trùm tất cả.
20 . Cửu Hoàng Tỹ Tổ. -
Ngài là Thủy tổ của 9 vị vua khai hóa nhơn loại, và
cũng là Thủy tổ của nhơn loại.
21 . Ðại thiên Thế giới,
dương tụng từ ân. - Mọi người
trong 3000 Thế giới đều lớn tiếng ca tụng lòng từ bi và ơn đức của Ngài.
22 . Vĩnh kiếp quần sanh,
Ngưỡng kỳ huệ đức. - Chúng sanh vĩnh viễn đời đời ngưỡng nhờ ơn đức của Ngài.
23 . Ðại Thần, Ðại Thánh,
Chí cực, Chí tôn. - Bực Thần lớn, bực Thánh lớn, Cao tột, rất
được tôn kính.
24 . Tiên Thiên Chánh Nhứt,
Thái Thượng Ðạo Quân, Chưởng Giáo, Thiên Tôn.
- Vào thời Tiên Thiên, Ðức
Thái Thượng Ðạo Quân là vị số 1 đứng đầu các vị Tiên, làm Giáo Chủ Ðạo Tiên, và
là một Ðấng Thiên Tôn.
(Lạy 3 lạy, mỗi lạy 3 gật,
mỗi gật niệm:
Nam mô Thái Thượng Ðạo Tổ
Tam Thanh Ứng Hoá Thiên Tôn)
NHO GIÁO
儒 敎
Khổng Thánh Chí Tâm qui mạng lễ
孔 聖 志 心 皈 命 禮
Giải nghĩa Kinh Nho giáo:
Ðịnh nghĩa Nho giáo:
Nho giáo là tôn giáo dạy về
Nhơn Ðạo, có nguồn gốc từ các vị vua thời thượng cổ là Phục Hy, Thần Nông, Huỳnh
Ðế, được Ðức Khổng Tử phục hưng, sắp xếp lại có hệ thống, xiển dương rộng thêm,
tạo thành một học thuyết có giá trị cao siêu, đứng ngang hàng với Phật giáo và
Lão giáo.
Do đó, Nho giáo còn được gọi
là Khổng giáo, đạo của Ðức Khổng Tử.
Chiết tự chữ NHO: Theo Hán
văn, chữ Nho [儒] gồm 2 chữ hiệp lại: một
bên chữ Nhơn [亻] và một bên chữ Nhu [需]
- Nhơn là người.
- Nhu là cần dùng, nhu cầu,
cũng có nghĩa là chờ đợi.
Vậy theo cách chiết tự
trên, NHO là hạng người lúc nào cũng được cần dùng đến để giúp cho nhơn quần xã
hội biết cách ăn ở và hành động cho thuận lòng người, họp lẽ Trời. Hạng người nầy
cũng là hạng người có tài năng, học thức, luôn luôn ở thế đợi chờ, khi có người
cần đến thì sẵn sàng đem tài năng ra giúp.
Những người Nho học thường
chuyên về mặt thực tế hơn lý tưởng, có khuynh hướng nhập thế hơn là yếm thế, nhập
thế để làm lợi ích cho nhơn quần xã hội, không yếm thế trốn lánh việc đời mà
tìm lấy sự an vui cho riêng mình.
Ðức Khổng Tử đã có thời đi
chu du thiên hạ, mưu cầu ra làm quan để đem cái học của Ngài áp dụng, tạo lập một
xã hội thanh bình, an lạc và thạnh vượng.
Các môn đệ của Ngài và các
nhà Nho đời sau đều noi theo đường lối nhập thế đó của Ðức Khổng Tử.
Nho giáo bắt nguồn từ thời
thượng cổ với vua Phục Hy chế ra Tiên Thiên Bát Quái, chế ra Lễ Nhạc, quần áo.
Các vị vua tiếp theo như vua Thần Nông, Huỳnh Ðế, chế ra lịch, chữ viết, dạy
dân họp chợ, cày cấy, dùng thảo mộc trị các thứ bịnh, vv... Ðến thời vua Văn
Vương nhà Châu, nhà vua lại chế ra Hậu Thiên Bát Quái, diễn giải Kinh Dịch.
Ðức Khổng Tử gom góp tất cả
sách vở thời xưa, sắp xếp và san định lại, giải thích thêm cho sáng tỏ, tạo
thành Ngũ Kinh: Thi, Thư, Lễ, Nhạc, Dịch, và sau đó Ngài trước tác sách Xuân
Thu để bày tỏ cái Ðạo của Ngài.
Ðức Khổng Tử không phải là
người sáng lập Nho giáo. Ngài chỉ phục Hưng Nho giáo, và nhờ Ðức Khổng Tử mà
Nho giáo trở thành một học thuyết có hệ thống, gồm cả 2 phần: Hình Nhi Thượng học
và Hình Nhi Hạ học, áp dụng rất hiệu quả trong công cuộc trị nước an dân. Do
đó, Ðức Khổng Tử được xưng tụng là: Khổng Thánh Tiên Sư Hưng Nho Thạnh Thế
Thiên Tôn.
Như vậy, Ðức Khổng Tử là
Giáo chủ Nho giáo của thời Nhị Kỳ Phổ Ðộ. Còn thời Nhứt Kỳ Phổ Ðộ, chúng ta có
thể xem 3 vị vua Phục Hy, Thần Nông, Huỳnh Ðế là 3 vị Tổ Sư của Nho giáo.
Trong tập "Phổ Cáo Chúng Sanh", trang 5: Thánh
Ngôn của Ðức Chí Tôn ngày 25-2-1926:
"Trọng Ni (Khổng Phu Tử) là Văn Xương Tiên hạ
trần đặng thừa mạng Thầy làm Chưởng giáo Nhơn đạo, lo xong phận sự thì Thầy đến
độ hồi cựu vị."
TÓM TẮT TIỂU SỬ của ÐỨC KHỔNG TỬ:
Ðức Khổng Tử sanh ngày 27
tháng 8 năm Canh Tuất (551 trước Tây lịch), năm thứ 21 đời vua Châu Linh Vương,
ở sông Thù, ấp Tu, làng Xương Bình, huyện Khúc Phụ, tỉnh Sơn Ðông, nước Lỗ.
Các sách xưa không thống
nhứt nhau về ngày sanh của Ðức Khổng Tử. Xin nêu ra 3 tài liệu:
- Nho giáo của Trần trọng
Kim, Ngài sanh vào mùa Ðông tháng 10 năm Canh Tuất.
- Khổng Môn Liệt Truyện của
Tổng Hội Khổng Học VN: Ngài sanh ngày mùng 1 tháng 11 năm Canh Tuất.
- Tự Ðiển Thành Ngữ Ðiển
Tích của Diên Hương: Ngài sanh nhằm ngày 27 tháng 8 năm Canh Tuất.
Ðại Lễ Vía Ðức Khổng Tử
trong Ðạo Cao Ðài là ngày 27 tháng 8 âm lịch hằng năm. Ðó là ngày Lễ Kỷ Niệm
Thánh đản của Ðức Khổng Tử, đúng theo Từ Ðiển của Diên Hương.
Thân phụ của Ngài là Thúc
Lương Ngột, mẹ là Trưng Tại, họ Nhan. Hai Ông Bà lên núi Ni Khâu cầu tự, nên chừng
sanh Ngài thì lấy tên núi mà đặt tên là Khâu, tự là Trọng Ni.
Theo truyền thuyết, trước
khi sanh Ngài, Bà Nhan thị nằm mơ thấy có người dắt con Kỳ Lân đến cho và nói rằng:
"Thủy Tinh chi tử, kế suy Châu vi Tố vương." Nghĩa là: Con của Thủy
Tinh, nối nhà Châu suy, mà làm vua không ngôi. Bà sờ vào con Kỳ Lân thì nó hét
lên làm bà giật mình tỉnh dậy, kế chuyển bụng và sanh ra Ngài.
Lúc sanh Ngài, Bà Nhan thị
vào ở trong hang đá Không Tang, núi Nam Sơn, nghe trên Trời có âm nhạc và tiếng
nói: Trời cảm lòng cầu nguyện cho sanh con Thánh. Khi gần sanh Ngài, hang đá nứt,
một dòng suối chảy ra. Bà Nhan thị lấy nước suối ấy tắm cho Ngài, tắm xong, suối
liền khô.
Ngài cao lớn và có nhiều
tướng lạ: Môi trâu, tay cọp, vai uyên, lưng rùa, miệng rộng, mắt lồi, tai to,
răng lộ, trán gồ, mình cao 9 thước 6 tấc (thước Tàu), đi nhanh.
Ngài học rộng, biết nhiều,
thấy xa. Vua nước Lỗ dùng Ngài làm quan Tư Khấu, song chẳng bao lâu, vua đắm mê
Nữ nhạc, bỏ việc triều chánh. Ngài cản ngăn không được, liền từ chức, đi chu du
các nước chư Hầu như: Tề, Vệ, Trần, Sở, Tống, thuyết phục các vua chư Hầu, mong
đem cái Ðạo của Ngài ra giúp đời.
Nhưng đến đâu, các vua chư
Hầu đều chuộng Bá đạo, nên không dùng Vương đạo của Ngài.
Tuy nhiên các vua chư Hầu
rất kính trọng Ngài, xem Ngài là thượng khách. Mãi đến khi Ðức Khổng Tử được 68
tuổi, Ngài mới quay trở về nước Lỗ, mở trường dạy học ở Hạnh Ðàn, san định Ngũ
Kinh và trước tác sách Xuân Thu.
Học trò của Ðức Khổng Tử
có tới 3000 người (Tam thiên đồ đệ), trong đó có 72 người được liệt vào bực Hiền
(Thất thập nhị Hiền) mà Nhan Hồi đứng đầu, là bực Ðại Hiền.
Ngày mất của Ðức Khổng Tử
ghi trong các sách cũng không thống nhứt nhau, nhưng năm mất đều ghi là năm
Nhâm Tuất (479 trước Tây lịch), Ðức Khổng Tử hưởng thọ 73 tuổi.
- Sách Nho giáo của Trần
trọng Kim ghi: Ngài mất nhằm tháng 4.
- Sách Khổng Môn Liệt Truyện
ghi: Ngài mất nhằm ngày Kỷ Sửu tháng 4.
- Từ Ðiển Thành Ngữ Ðiển
Tích của Diên Hương: Ngài mất ngày 18 tháng 2 năm Nhâm Tuất.
Chí tâm qui mạng lễ nghĩa
là cúng lạy với tất cả ý chí và tâm hồn, đem mình về vâng chịu nghe theo.
1 . Quế Hương
nội điện, 桂 香 內 殿
Văn Thỉ thượng cung. 文 始 上 宮
GIẢI NGHĨA
Quế Hương: Mùi thơm của cây quế. Quế
là một loại cây quí, vỏ cây có mùi rất thơm, vị ngọt và cay nồng, tính ấm, dùng
làm thuốc trị bịnh. Ở đây, Quế Hương là tên riêng của một Ðiện nơi cõi thiêng
liêng.
Nội: Ở trong. Ðiện: Toà nhà lớn. Quế Hương nội điện:
Trong điện Quế Hương nơi cõi thiêng liêng.
Văn Thỉ: Văn là văn chương, Thỉ
còn viết là Thủy, là bắt đầu, nguồn gốc. Văn Thỉ là khởi đầu về văn chương. Ở
đây, Văn Thỉ là tên riêng của một Cung nơi cõi thiêng liêng.
Thượng: Trên, ở trên. Cung: Tòa
nhà. Cung nhỏ hơn Ðiện. Trong một Ðiện có nhiều Cung. Văn Thỉ thượng cung: Cung
Văn Thỉ ở phía bên trên.
C.1: Ở cõi thiêng liêng có
một tòa nhà lớn gọi là Ðiện Quế Hương, trong đó một Cung ở trên hết gọi là Cung
Văn Thỉ. Ðó là nơi thường ngự của Ðức Khổng Tử, Giáo chủ Nho giáo.
2 . Cửu thập
ngũ hồi, 九 十 五 回
Chưởng thiện quả ư thi thơ
chi phố. 種 善 果 於 詩 書 之 圃
GIẢI NGHĨA
Cửu thập ngũ: Chín mươi lăm (95). Hồi: Trở về, ý nói giáng sanh xuống trần rồi trở về
cõi thiêng liêng, tức là Luân hồi. Cửu thập ngũ hồi: 95 lần luân hồi.
Chưởng: còn đọc là Chủng, nghĩa
là gieo, thí dụ như gieo lúa hay gieo đậu. Thiện: Lành, tốt. Quả: Cái trái. Thiện quả: Trái lành.
Chưởng thiện quả: Gieo trái lành thì sẽ mọc lên cây lành. Ư: Nơi, ở tại.
Thi: Thơ văn, bài văn có vần
điệu. Thơ: tức là Thư, nghĩa là kinh sách. Chi: Tiếng đệm. Phố: Vườn trồng cây
và hoa kiểng. Thi thơ chi phố: Vườn thơ văn kinh sách.
C.2 : Ðức Khổng Tử luân hồi
95 lần để gieo trái lành nơi vườn thơ văn kinh sách.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét