Dịch Lý Cao Đài - Q II - 1 / 7 ( Nguyên Thủy )

Triết lý và con người
 “Một thi-sĩ xứ Perse gọi triết-lý là bản-thảo lúc đem in đã bay mất hai trang: đầu và cuối.
Triết-lý thường gồm ba loại vấn đề sau:
- Nhân-sinh hà tại? 人生何在 Tại sao tôi sinh ra ở trên đời? Vì nguyên-nhân nào?
- Tại thế hà như? 在世何如 Và sinh ra để làm gì?
Tức là triết lý nhân-sinh.
- Hậu thế như hà? 世如何 Sau này sẽ ra sao?
Tức là vấn đề cứu cánh của con người.
Trong ba loại đó thì vấn đề nguyên-uỷ vạn-vật cũng như về loài người và cứu cánh cuối-cùng của con người thuộc trang đầu và trang cuối đã mất, nghĩa là không thể tìm ra câu trả lời thỏa-mãn cho trí khôn”.

Thế nên, triết-lý hiện nay dù phức-tạp, lòng người còn chia cách, nhưng biết xây-dựng trên nền tảng hoà hiệp, lo gì không tiến đến nền triết-lý ĐẠI ĐỒNG. Bởi:
- Chủ-nghĩa Đại-Đồng là dung nạp, dang tay đón nhận với sự không so-đọ lọc lừa.
- Chủ-thuyết Đại-Đồng tuyệt-đối không cưỡng bức, không chấp nhận lấy một bỏ một.
- Chủ-thuyết Đại-Đồng không chấp nhận có kẻ thù mà tất cả là đồng-sanh, đồng-hành, là huynh đệ.

DỊCH LÝ CAO ĐÀI hôm nay sẽ trả lại cho hai trang đầu và cuối đã mất để tất cả cùng đi đến ĐẠI ĐỒNG đầy tình Thương-yêu và một niềm tin nhiều hứa hẹn.

Lời nói đầu.
Lời nói đầu tiên của chúng tôi là chân thành cảm ơn tất cả những Bạn-bè gần xa đã hưởng ứng đọc giùm những Soạn phẩm mà tôi đã cho ra đời trót mấy năm nay và sách in ra hoàn toàn biếu không, nhưng nếu không đến tay được nhiều Bạn chỉ vì một sơ sót là Tôi không gởi đến từng Bạn được. Xin thứ lỗi cho! Mong rằng các Bạn có điều kiện đọc trên mạng Internet www Dichlycaodai.Net của Soạn giả, được phổ biến rộng rãi hơn.

Đồng thời rất cám ơn những người Bạn dầu chưa một lần gặp-gỡ, nhưng tinh thần phụng-sự sẵn có đã giúp chúng tôi hoàn thành những trang Web để có dịp truyền thông trên mạng Quốc tế như các Bạn Đạo ở Australia thực hiện các Ebook, như các Bạn trẻ ở Mỹ là Phạm-Hiến và Vũ-Hồ đã thiết kế và Kỹ-thuật trang Web Dichlycaodai. Net Hiện tại số sách đã in ra trên 15 đề tài. Riêng Dịch-lý Cao-Đài tổng cộng 14 quyển

Ngoài ra còn một số đề tài đã in nhưng chưa phổ biến rộng. Những Tập này và kế tiếp là chứng minh Thể pháp của Đạo Cao Đài qua 64 quẻ Dịch.

Tinh-thần của Dịch-lý Cơ bản quyển II này chúng tôi cố gắng xiển dương những yếu-lý của Dịch qua Thể pháp của Đạo Cao-Đài, những nền tảng để bước vào 64 quẻ Dịch sắp tới, đồng thời sẽ khai triển BÁT-QUÁI BIẾN HOÁ TOÀN ĐỒ, tức là hình bìa của Quyển Dịch-lý từ lâu được nằm trên bìa trang sách. Chính đây đã thể hiện rõ sự vận hành của Dịch để hình thành một Bát-Quái Hư vô, tức là Bát Quái luyện Đạo mà xưa nay các nhà tu Tiên gọi là Pháp luân thường chuyển.

Trong Bát-quái này cũng đã hiện hình đủ cả “KIM TỰ THÁP” nữa. Sau quyển Dịch-lý II này là bắt đầu lý giải 64 quẻ Dịch qua các Thể pháp của Đạo Cao-Đài. Ví dụ như hai quẻ đầu của Thượng Kinh là Càn 1 tượng ngôi Đức Chí Tôn, Khôn 2 tượng ngôi Đức Phật-Mẫu, thì chúng tôi soạn chung một quyển Dịch III là “Càn Khôn Thiên Địa”. Những quyển kế tiếp thì cứ 6 Quẻ làm thành một quyển cho đến quẻ sau cùng là quẻ 64 là Hoả Thuỷ Vị-tế tượng cho cuộc “Luân hồi sanh tử”.

Trong chương trình làm việc này tôi đã thể hiện một sự phổ truyền chân lý Cao-Đài đến các Bạn đọc một cách rộng rãi hơn là dành cho những Bạn đọc chưa nghiên cứu về Dịch thì có những đề tài chuyên biệt dựa theo quẻ Dịch, như quẻ Kiền tượng Đức Chí-Tôn thì có đề tài “Đức Chí Tôn Ngọc-Hoàng Thượng-Đế”. ..

Kể từ ngày được sự trợ lực của cháu Hiến ở Mỹ quốc và Trinh, Khôi ở Thanh-Điền (V.N) và nhiều nhiều Bạn nữa, giúp cho các phương tiện về kỹ thuật in ấn. Cảm lòng hiếu thảo của Hiến muốn dâng công quả này cho người Mẹ trong lúc tuổi hoàng hôn bóng xế, xin trân-trọng ghi ơn người Mẹ của Hiến là Bà Nguyễn Thị Đôi sanh năm 1926 hiện ở Tây-ninh, chúc Bà trường thọ.

Tôi nguyện sẽ làm vừa lòng các Đọc giả kính mến.
Một nguyện ước sau cùng trong đời tôi là ghi chép lại tất cả những lời dạy Đạo của Đức Chí-Tôn, Phật Mẫu và của Đức Hộ-Pháp, để xiển dương tinh thần Đạo-pháp, hệ-thống-hoá thành từng chương mục cho độc giả dễ tìm..

Xin đón nhận những lời chỉ dẫn cùng những sự góp ý chân thành, chúng tôi sẽ điều chỉnh cho thật hoàn hảo hầu dâng lên cho Hội-Thánh toàn quyền xử dụng.
Thánh địa, in lại ngày 21-7 Mậu-Tý
(Dl 25-10-2008) có sửa chữa ít nhiều.
Nữ Soạn giả
NGUYÊN THUỶ

CHƯƠNG 1

A- ĐẠI CƯƠNG về NỀN DỊCH LÝ CAO-ĐÀI

Phỏng theo lời nhận định của Ông Phan Bội-Châu đã nói rằng: Triết học Đông-phương xưa nay có ba nhà:
- Một là Phật-học.
- Hai là Lão học.
- Ba là Dịch-học.

Nhưng Phật-học thì lý-tưởng quá cao, mà con đường tu là xuất thế. Lão học chỉ lấy thuyết Âm Dương làm nền tảng cũng theo đường xuất thế.

Vì sao đường lối tu của Phật, Lão phải xuất thế?
- Vì nhân-loại buổi ấy Thánh đức còn nhiều, về địa lý thì đất đai rộng-rãi, đất rộng người thưa. Tính tình người còn hiền hậu, còn giữ nguyên cái chân tính của “Nhân chi sơ tánh bổn thiện”, không bị ảnh hưởng của ngoại lai nhiều. Thế nên việc tu thuở ấy giống như người chơi cây kiểng, nhàn rỗi, thư thái. Tìm đến non cao núi thẵm, lánh chốn phồn hoa để hướng đến một cái thú tuyệt vời là tầm Tiên noi Phật. Thật ra nếu không tu thì người thuở ấy cũng vẫn hiền từ nhân hậu lắm rồi! Thời Thượng đức mà!

Lão-học thì cũng vẫn một nhà xuất thế như Phật, tìm chốn non Thần động Thánh để thích chí thanh nhàn, tu Tiên luyện pháp: Quá cao xa và đòi hỏi thời gian. Thế kỷ này liệu thế nào mà tu-hành cho được? Nếu cả nước đồng xuất thế thì lấy ai lo cho dân-tộc, làm sao đất nước mở mang? Nhân sanh sẽ đi vào đường lối tiêu cực hay sao?

“Nay nếu chiết trung ở trong các nhà Triết-học Đông phương vừa tinh-vi, vừa thiết thực, vừa thấu lý, vừa thích dụng thời chẳng gì bằng Dịch-học.

Vì lòng ưu thời mẫn thế gốc ở tấm lòng Từ-bi thời DỊCH chẳng khác gì Phật, tùy thì thức thế dù trăm đường biến hóa, thời Dịch có lẽ hay hơn Lão. Nếu nghiên-cứu về Dịch-học thì Phật-học và Lão-học cũng quán thông, gần gũi cùng thiên-lý, Âm Dương lý số thông cùng vạn vật."

Thời buổi này:
* Đạo Cao-Đài cho biết Phật độ 6 ức nguyên nhân tức là phép tu theo Phật là cho hiểu nguồn gốc KHỔ của con người là do lục căn, bởi khi tiếp xúc với lục trần thì sinh ra lục dục. Nếu nhờ biết tu thì biến tất cả thành ra lục thức để đến chỗ cao thượng hơn là đạt cho được Lục thông để khỏi bị đoạ vào Lục đạo luân hồi. Là chủ yếu ở số 6.

* Thời kỳ Tiên Đạo thì độ được 2 ức nguyên nhân tức là nói về lý Âm Dương, là lý tương đối hữu hình: Hễ có sinh thì có diệt, có sướng thì có khổ, hai ý nghĩa này cứ đắp đổi nhau không bao giờ dứt như bóng với hình. Bởi cõi trần này là cõi nhị nguyên phải vậy. Muốn chấm dứt sự luân hồi nhân quả phải diệt nhân thì không có quả nghiệp. Thế nên nói rằng: Phật sợ nhân, chúng sanh sợ quả. Vì Phật sợ nhân nên không gây nhân thì đâu phải gặt hái kết quả. Chúng nhân cứ làm liều không suy nghĩ khi gặt hái những quả xấu rồi mới sợ thì đã muộn rồi! Chủ yếu ở số 2.

Đấy là tổng số 8 ức nguyên nhân (6+2=8) mà hai thời kỳ qua đã độ được, tức là các Đấng Giáo-Chủ đã để lại cho nhân loại hiểu biết về giá trị siêu mầu của Bát-quái biến hoá, nên ông Phan-Bội-Châu mới nói:

“Nếu nghiên cứu về Dịch-học thì Phật-học và Lão-học cũng quán thông, gần-gũi cùng thiên-lý, Âm Dương lý số thông cùng vạn vật” là vậy.

Còn lại 92 ức nguyên nhân tức là người đến trần mê chưa thấu được Đạo lý chân truyền, nên Đức Chí-Tôn lập thêm cho hai Bát-quái nữa làm hành trang cho bước đường trở về với cảnh thật đó là Con đường thiêng liêng hằng Sống hay là Cảnh Niết Bàn.

Nay là ngươn hội của Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ Tam giáo qui nguyên Ngũ chi phục nhứt, năm châu chung chợ, bốn biển chung nhà. Do vậy mà phương diện khoa học mở-mang, đầy-đủ máy-móc, phương tiện in ấn, truyền thông dễ dàng, không như ngày xưa viết tay, khắc bản, thì liệu cho ra đời được mấy quyển?

Đức Hộ-Pháp tha-thiết đến nền Dịch-học nên nhấn mạnh rằng:
…“Nếu ta lấy cái học-thuyết hiện tại của Âu Mỹ hoà với DỊCH-LÝ để giải cho rõ, ta cảm thấy cái lý học Á Đông đã đến chỗ tuyệt-đối huy-hoàng.

Hiện tại biết bao nhà Bác-học Âu-Mỹ tận tụy tìm kíếm học-thuyết về Dịch-lý của Á-đông …
Bần-Đạo cảm thấy một làn sóng mới trong thời đại nguyên-tử này có thể giúp chúng ta không những về khoa học mà còn về Lý-học nữa.
- Người Âu-Tây còn quí DICH-HỌC là như vậy.
- Người Nhựt cũng biết quí DỊCH-LÝ như vậy.

Chúng ta dòng dõi con Rồng cháu Tiên trên một dãy đất ngàn năm văn-vật đã hấp thụ được hai cái văn hóa Đông Tây không lẽ lại để cho cái Triết-học Đông phương một ngày càng tàn-tạ, thật là “túi mình có ngọc báu mà không biết lại ngửa tay đi xin người từng hột gạo”

May sao, cũng là tiền duyên Bần-Đạo lại gặp Tác giả Dịch Kinh Tân khảo trong lúc nước biến gia vong, sự tồn vong của nước VIỆT-NAM đang như trứng để đầu giàn. Bần-Đạo cảm thấy Kinh này là cả một Triết học Á Đông độc nhứt vô nhị, mà chính là những Bí-pháp Cổ truyền của Đạo CAO-ĐÀI, một Đạo-giáo VIỆT-NAM hoàn-toàn nảy sanh ở cái Triết lý hoàn-toàn Á-đông mà KINH này gồm hết những lý thuyết cao siêu mà ông Nguyễn-Mạnh-Bảo đã nêu cao tinh-thần ĐẠI-ĐẠO.

Trong lúc nhân tình xáo trộn, đạo-lý suy đồi ai ai cũng nhìn về danh với lợi, một chân trời xa thẵm u ám sau một cơn ác-mộng ghê hồn, Bần-Đạo thấy giờ đã điểm phải phổ-thông nền ĐẠI-ĐẠO, gieo rắc cho khắp cả nhân loại một nhân-chính êm-dịu để tồn-tại nhân-sinh”…

Nay kẻ hậu học lần theo vết chân của người xưa, của Chư thần, Thánh, Tiên, Phật, của các bậc tiền bối, tìm giở từng trang Thiên Thơ, từng bài Thuyết Đạo của Đức Hộ-Pháp hầu kết hợp với lý Âm Dương, khai triển bằng những công thức Toán, Lý học.Vừa học hỏi, vừa ghi chép thành bài, thành chương, mục đích là hệ-thống-hoá cốt cho dễ đọc, dễ tìm. Đồng thời thân trao đến những bạn tri âm, tri kỷ, đọc giùm hầu góp ý đổi trao bằng những suy nghĩ xây dựng chân thành, để cho tư tưởng ngày càng phát huy rộng rãi hơn, tiến bộ hơn. Giữa lúc mà cái tinh thần Dịch lý lên cao, nhưng hầu hết là sách Dự đoán, Bói toán, Bát trạch chánh tông…mà lý Đạo Cao-Đài vẫn còn hạn chế.

Bởi những hiểu biết cao rộng về Dịch-lý các bậc Tiền Hiền của chúng ta đã mang theo trong lòng huyệt lạnh, ngày nay đoàn hậu học chúng ta bơ vơ. Xin góp nhặt ít hiểu biết đơn sơ này để làm vui lòng cho nhau trong những ngày chiều hôm nắng xế. Tất cả những sự non kém về trí tài cũng vẫn còn nằm trong định luật của Hoá công.

Thân mến làm quà cho tình đồng Đạo, cho Bạn đồng sanh về những sắc màu Tôn giáo. Đây cũng là nghiệp dĩ hầu đưa nhân loại đến chân trời hạnh phúc.

B - Toán học qua Hà Đồ và Lạc Thư
Vấn đề xuất hiện của Hà-Đồ:
Hà Đồ và Lạc Thư là hai tài liệu quí giá, liên quan đến Kinh Dịch. Sự phối hợp giữa Hà-đồ, Lạc Thư vào Kinh Dịch được ứng dụng rất rộng rãi, nhất là trong lãnh vực: nguyên-tử-học, Y-học, Đạo học..Ở đây chúng ta đặt nặng về Đạo học Đông phương nhiều hơn. Sách viết:
“Hà xuất Đồ, Lạc xuất Thư, Thánh nhân tắc chi” 河出圖 洛出書聖人則之 tức nhiên sông Hà xuất hiện Đồ, sông Lạc xuất hiện Thư, bậc Thánh-nhân coi đó mà bắt chước.

Từ đó có thể hiểu rằng một số nhà Toán học sau Đức Khổng-Tử vào đời Hán đã tìm ra công thức Toán cao cấp để giải thích về sự thành hình của vũ-trụ. Họ đã cố gắng thu gọn lại thành công thức tổng quát bằng Đồ hình gồm nhiều con số. Thêm nữa, nếu đọc lại giai đoạn lịch sử từ Tần đến Hán, thì tư tưởng của các Môn đệ thường đặt ở đầu câu hai tiếng “Tử viết” để làm tăng giá trị hơn lên.

Hà đồ và Lạc Thư cũng ở vào trường hợp trên, cũng là làm tăng niềm tin cho kẻ hậu học, tức là tin vào “Công thức toán” của mình. Vì vậy có sự nhân-cách-hoá rằng: “Đời Vua Phục-Hy có con Long-Mã xuất hiện trên sông Hà. Nhà vua bèn bắt chước theo những vết vằn của nó để vạch ra Bát-Quái gọi là Hà đồ”.

Chúng ta nghĩ rằng vấn đề chủ yếu không phải là những chấm đen trắng trên lưng con Long-Mã. Cho dù có đi nữa, nó cũng không cho ta thấy các nhà toán học đã đưa nó vào ứng dụng như thế nào trong suốt mấy ngàn năm từ Phục-Hy đến đời Hán. Chỉ có vào đời Hán nó mới được ứng dụng nhất là trong lãnh vực Y-học một cách tuyệt vời. Song song là những nhà Tôn giáo cũng đã dựng thành một triết lý siêu nhiên. Nhưng nhất là Đạo Cao-Đài mới được thành hình một cách rõ-rệt. Bấy giờ người Cao-Đài mới dám nhìn nhận rằng: Dịch như một tấm vải, mà Tôn giáo là một thực dụng, như cái áo cắt ra từ tấm vải ấy. Thế nên Dịch là Đạo hay nói khác đi: Đạo là Dịch.

Thánh ngôn xác nhận:
“Thầy đã nói với các con rằng: Khi chưa có chi trong Càn Khôn Thế giới thì Khí Hư vô sanh ra có một Thầy và ngôi của Thầy là Thái-cực.
Thầy phân Thái-cực ra Lưỡng-nghi, Lưỡng-nghi phân ra Tứ Tượng, Tứ tượng biến Bát-Quái, Bát-quái biến hoá vô cùng mới lập ra Càn Khôn thế giới. Thầy lại phân tánh Thầy mà sanh ra vạn vật là: vật chất, thảo mộc, côn trùng, thú cầm, gọi là chúng sanh”.

Có thấy biết rõ được như vầy chúng ta mới đỡ mất công dự vào sự nghi hoặc vừa vô ích, vừa không lối thoát của một số nhà nghiên cứu về vấn đề Đạo Dịch.

C - Những con số trên bàn tay và sự vận hành
Nhìn trên hai bàn tay có 10 con số, Thánh nhân chia thành hai loại tức là số Âm và số Dương:
Những con số lẻ gọi là số Dương, như: 1,3,5,7,9.
Những con số chẵn gọi là số Âm, như: 2,4,6,8,10.
Số Dương gọi là Thiên. Số Âm gọi là Địa.

1 - Số Hà Đồ
Thế nên Khổng truyện nói:
Trời 1, đất 2 (Thiên nhất, Địa nhị)
Trời 3, đất 4 (Thiên tam, Địa tứ)
Trời 5, đất 6 (Thiên ngũ, Địa lục)
Trời 7, đất 8 (Thiên thất, Địa bát)
Trời 9, đất 10 (Thiên cửu, Địa thập)

Như vậy ta thấy các Thiên-số:1,3,5,7,9 là các số lẻ còn gọi là số CƠ, hay là số Dương.
Địa-số là các số chẵn: 2,4,6,8,10 còn gọi là số NGẪU hay là số Âm.
Đây là nói số của trời đất: Dương lẻ, Âm chẵn, tức gọi là Hà-đồ. Ngôi của nó là 1,6 ở dưới; 2,7 ở trên; 3,8 ở trái; 4,9 ở phải; 5,10 ở giữa.
Số 5 làm gốc (là Mẹ tượng trưng Phật-mẫu), số 10 làm số con.
* Vậy 1,2,3,4 làm ngôi Tứ tượng.
* Sau nữa đến 6,7,8,9 làm số Tứ tượng.
- Hai lão số ở Tây Bắc: số 9 là lão dương, số 6 là lão âm.
- Hai Thiếu-số ở Đông Nam: số 7 là Thiếu dương, số 8 là Thiếu âm. Áp dụng Số 9 là lão dương, số 6 là lão âm vào phương thức tính các Hào trong một quẻ Dịch. Ví như: Quẻ Địa Thiên Thái, hào Dương gọi là hào Cửu, hào Âm gọi là hào Lục. Mỗi vạch gọi là Hào. Hào có hào Dương tượng một gạch liền. Hào Âm tượng một gạch đứt.        
Đọc hào đọc từ dưới lên: dưới cùng là hào Sơ. Trên cùng là Hào thượng.
Ba hào họp lại thành Quẻ đơn. Sáu hào họp lại thành Quẻ kép, đựợc kết hợp dưới nhiều dạng thức khác nhau, do đó mà sinh ra nhiều biến dạng khác nhau.

Các số ấy đều có loại của nó giao dịch thay đổi ở ngoài, tức nhiên nhìn các con số ở vòng bên trong là số sinh 1,2,3,4, nếu cọng với số 5 ở giữa (trung ương) thì được số thành: 6,7, 8, 9.

Như 1+5=6, nên mới có câu: “Thiên nhứt sanh Thủy, Địa lục thành chi” tức là số trời là 1 sinh ra nước, bị Ngũ hành phân hoá, nên họp với 5 làm ra số thành là 6.

Tương tự cũng có:
2+5=7 là Địa nhị sanh Hỏa, thiên thất thành chi
3+5=8 là Thiên tam sanh Mộc, địa bát thành chi.
4+5=9 là Địa tứ sanh Kim, thiên cửu thành chi.

Số sinh là còn ở vô vi, số thành chỉ cái hữu thể, hay nói khác đi số sanh là còn ở phần Thể, số thành là Dụng.

Thí dụ: như Càn 1 (Tiên Thiên Bát quái) nhưng qua Hậu thiên là Càn 6 (Lục càn). Hay là lửa ở Tiên thiên là lửa trời số 1, nhưng lửa ở Hậu thiên là Ly 3. Người ta chỉ dùng lửa ở Hậu thiên mà không thể dùng lửa Tiên Thiên.

Thấy ra: có 5 số trời, 5 số đất. Năm ngôi tương đắc, mà các ngôi có sự hoà-hợp nhau. Nếu cộng từng loại Âm Dương thì ra: Trời số 25 và Đất số 30
Cộng chung là: 55 Tổng cộng của Âm Dương số.

2 - Luận về 100 trứng là giòng giống Rồng Tiên và 100 ức nguyên nhân có khác nhau không?
Trở về với số Hà đồ của Kinh Dịch mà xét những số ấy để thấy rằng giống Rồng Tiên của ta phát xuất từ một triết lý cao siêu vô cùng. Nhiều người cho rằng Dịch là của Việt-Nam làm khởi điểm, nhưng việc ấy không quan trọng bằng người Việt-Nam có am tường lý Dịch siêu mầu hay không? Nếu không dầu cha ông có để lại tài nguyên quí giá như đất nước Việt-Nam chúng ta nhiều ngàn năm trước đây thì chỉ để làm mồi tham cho kẻ thực dân họ sẽ tìm tới chiếm hữu mà thôi. Kết quả là dân Việt này qua mấy ngàn năm chịu nô lệ ngoại bang rồi!

Bây giờ quả thật Ông cha chúng ta đã quá am tường về lý Dịch này mới dám dựng nên một truyền thuyết cao siêu như vậy: Việt-Nam giòng giống Tiên Rồng mà!

Như chúng ta đã một lần bàn về Tiên Thiên và Hậu Thiên Bát-Quái ở Dịch-Lý Cao-Đài Quyển I .Xác nhận:
- Tiên-Thiên Bát-Quái thành quả là con số 9.
- Hậu Thiên Bát-Quái thành quả là con số 10.

Do lẽ đó Thầy mới ban cho bài thơ rằng:
Chín Trời, mười Phật cũng là TA,
Truyền Đạo chia ra nhánh nhóc ba,
Hiệp một chủ quyền tay nắm giữ,
Thánh, Tiên, Phật Đạo vốn như nhà.

Quả nhiên như vậy, vì số 9 là chỉ Tiên Thiên Bát Quái, số 10 là chỉ Hậu Thiên Bát-Quái. Chính Thượng-Đế đã chiết chơn linh cho các vị Giáo-chủ mở ra nhiều Tôn giáo khắp hoàn cầu để độ dẫn nhân loại, vì có nhiều chơn linh tấn hóa không đồng đều nên phải có nhiều Tôn giáo. Nhưng chỉ có ba Tôn giáo điển hình là Phật, Tiên, Thánh. Thầy cũng đã xác nhận rồi “Cái nhánh các con là nhánh chính mình Thầy làm Chủ, sau các con sẽ hiểu”.

Nếu Thầy chia ra được thì ngày giờ này Thầy Qui hiệp cũng được, đó là lý do cho thấy rằng, nay là buổi Hạ ngươn hầu mãn nên Thầy đến “Qui nguyên Tam giáo phục nhứt Ngũ chi” trong ý muốn của Thầy.

Như vậy dân Việt-Nam này phải được sự chọn mặt gởi vàng, một sự tin tưởng của Đấng Thượng-Đế Ngài mới dám giao cho mối Đạo Trời chứ! Bởi vì VIệt-Nam được kết tinh hai luồng tư tưởng từ Bát-Quái Tiên Thiên và Bát Quái Hậu Thiên nên mới có được số 100 trứng của Mẹ Âu-Cơ sản sinh. Mà Thủy tổ là ông Lạc Long Quân, tượng Dương và Bà Âu-Cơ tượng là Âm, cả hai phối hợp mới sinh giòng giống này. Số 100 trứng do đâu?

* Như đã biết Tiên Thiên Bát-Quái là hiệp đủ 10 con số mới có thành quả đây:
Thấy ra: có 5 số trời, 5 số đất. Năm ngôi tương đắc, mà các ngôi có sự hoà-hợp nhau. Nếu cộng từng loại âm dương thì ra:
Trời số 25 = (1+3+5+7+9) Là số lẻ
Đất số 30 = ( 2+4+6+8+10) Là số chẵn
* * *
Cộng chung là: 55 Tổng cộng của Âm Dương số.
* Qua Hậu Thiên Bát-Quái chỉ còn lại chín con số mà thôi, nên khi làm bài toán cộng như trên sẽ có kết quả là: (Xem lại Dịch lý Cao-Đài I cùng Soạn giả)
* * *
Trời số 25 = (1+3+5+7+9)
Đất số 30 = ( 2+4+6+8) Không có số 10

Cộng chung là: 45 Tổng cộng của Âm Dương số.
Bấy giờ hiệp hai lần Tổng số này lại được một thành quả: 55+45=100. Chính là 100 trứng của Mẹ Âu-Cơ.

Nhưng rồi Cha mẹ chia đôi ra đi mỗi người về nơi khởi thủy của mình: Cha Rồng dẫn 50 con xuống biển. Mẹ Tiên dẫn 50 con lên núi. Con số 50 này là do (100:2) tức là ngày nay Đạo Cao-Đài dùng Trung Thiên Bát-Quái hay Bát Quái Đồ Thiên, chính là 50 Thiên Nhãn Thầy trong toàn bộ hình Thiên Nhãn của Đền Thánh làm biểu tượng.

Số đại diễn là 50, bởi vì số ấy lấy ở Hà Đồ giữa cung: Thiên số 5 đến Địa số 10 mà được số ấy, tức là cái số tột cùng của Trời đất, đến cái kiếp thứ năm là có sự an nhàn nghỉ ngơi, là tượng cái khí thái hoà của Âm Dương giao hoà nhau, hoà nhau một Dương 1 và một Âm 0 (không). Vì sao Dương 1 Âm 0?

Bởi Càn 3 nét liền thay bằng dấu chấm  nếu kéo thẳng xuống sẽ thành số 1, quẻ khôn biểu tượng bằng 3 nét đứt, thay vào đó bằng 6 dấu chấm  nếu ta nối liền các điểm này lại sẽ là số 0 nên mới có sự yên vui sung sướng. Vì lẽ đó đến cái mức của một cõi thì có sự nghỉ ngơi cho nên có sự đại diễn số, lấy tượng hoà số 5 trời với 10 đất tức là số 50.

Ngay trong Đền-Thánh đã biểu tượng bằng 50 Thiên Nhãn trong toàn bộ hình ảnh nơi Đền cũng không ngoài ý-nghĩa ấy. Tức nhiên là chung quanh Đền nơi các khung cửa sổ trang trí 23 Thiên nhãn Thầy.
Cả hai mặt trong ngoài là
46 Thiên Nhãn .
Trên Quả Càn Khôn
1 Thiên Nhãn
Trên Cung Đạo Đền Thánh

1 Thiên Nhãn
Nơi Phi Tưởng Đài
1 Thiên Nhãn
Bên trong Thông Thiên Đài
1 Thiên Nhãn

Tổng cộng là
 50 Thiên Nhãn Thầy
Số 50 cũng là tượng cho Bát quái Đồ Thiên hay còn gọi là Trung thiên đồ.

Đạo là lý phải dùng Lý mà luận, nên gọi là lý luận.
Ngày nay Đức Chí-Tôn cũng cho biết Đức Phật Mẫu đã cho xuống 100 ức nguyên nhân, chở họ đến bằng 24 chiếc thuyền Bác-Nhã. Như vậy số 100 trứng của Mẹ Âu-Cơ với số 100 ức nguyên nhân có khác nhau không?

- Cũng vẫn cùng một lý, tức nhiên số 100 này là do số của Tiên Thiên Bát-Quái và số của Hậu Thiên Bát-Quái họp lại mà ra. Dầu luận thế này hay thế khác cũng cùng một lý là muốn làm sáng tỏ về các lý lẽ của Bát Quái mà thôi. Vì tính cách quan trọng của Bát-quái trong ngươn hội này phải được khai triển một cách toàn diện.

Kinh đã xác nhận:
“Ba mươi sáu cõi Thiên tào.
“Nhập trong Bát-quái mới vào Ngọc Hư”

Đây là sự ứng dụng về Thể pháp hồi lúc mới khai Đạo:lời Minh thệ có 36 chữ ứng với 36 cõi Thiên Tào nên:
Thầy dạy về việc lập Minh thệ.
“Các Môn đệ đi từ người đến trước bàn Ngũ Lôi mà thề:
Tên gì? Họ gì? “Thề rằng: Từ đây biết một Đạo Cao Đài Ngọc Đế, chẳng đổi dạ đổi lòng, hiệp đồng chư Môn-đệ gìn luật lệ Cao Đài, như sau có lòng hai thì Thiên tru địa lục” (36 chữ)

Lập Minh thệ tức là làm Lễ nhập môn. Chỉ với 36 chữ này là định cho sự thăng đoạ đó: Nếu giữ đúng lời Minh thệ thì thăng về Tam thập lục thiên tức là “Ba mươi sáu cõi Thiên tào”, trái lại thì Tam thập lục động lại mời.

Hai chữ “Nhập môn” chính nghĩa là vào cửa. Nhập là vào, môn là cửa. Vào cửa Đại-Đạo Tam-kỳ Phổ-Độ vậy.

3 - Tại sao khi Nhập-môn làm Môn đệ của Đức Chí Tôn mà còn bắt lập Minh thệ nữa?
Muốn làm Môn-đệ của Đấng Cao-Đài trước nhứt phải làm Lễ Nhập-môn. Tại sao sự tu-hành mà còn phải bắt buộc quá vậy?

Lời Thuyết Đạo của Đức Hộ-Pháp có giải rành:
“Buổi Chí-Tôn đến tạo Quốc-Đạo cho nòi giống Rồng Tiên này chính Ngài cầm Cơ đi đến các Tỉnh, kêu từ nhà, gọi từ đứa con, cho không biết bao nhiêu bài khuyến dạy, tạo thành Tôn-giáo CAO ĐÀI là QUỐC ĐẠO. Tưởng chưa có người nào đem cả tinh thần, tâm đức mà thi ân cho ai dường ấy. Đức Chí-Tôn đến độ rỗi, lập giáo rồi lại bắt Minh thệ.

Hỏi tại sao Ngài lại bắt Minh thệ, buộc con cái phải hiệp đồng cùng nhau, mỗi người có một chút Đức-tin. Thầy bảo qui Đức-tin ấy lại, phải có tâm đức, tin tưởng, yêu ái lẫn nhau, phải nhìn nhận có Thầy, có Đức-tin nơi Thầy”. (TĐII/42)

Lại nữa vì tính cách quan trọng hơn là Thầy còn giao cho cả ngôi Trời nữa kìa!
Đức Hộ-Pháp thuyết 12-7 Mậu-Tý (1948):

"Phương ngôn Pháp có câu “Aide-toi le ciel t'aidera” và Tiên Nho chúng ta nói “Tận nhơn lực tri thiên mạng” điều nầy hiển nhiên chơn thật lạ lùng chúng ta rán cố gắng hết sức mình thì Chí Tôn mới ban cho cái huyền linh của Ngài, nếu không rán không thế gì hưởng được, mấy Em nhận biết điều ấy, chúng ta do Chí-Tôn kêu gọi đặng gầy dựng, ta phải cố gắng, vì lẽ không thăng tức ta phải đọa. Mấy Em nhớ, Ðạo của mấy Em chúng Qua đã tạo dựng cho mấy Em đặng ngày kia mấy Em tiếp theo Chơn Truyền Luật Pháp thay thế cho mấy Qua đặng truyền nghiệp cho hậu tấn.

Pháp nói “Chaque soldat a un bâton de maréchal dans son sacoche”, nghĩa là: Mỗi tên lính đều có cây giản của ông Thống Chế trong bị của họ, Qua nói rằng: Mỗi vị Tín đồ đều có cái mão của Giáo Tông và Hộ-Pháp đội trước trên đầu, không lấy được là lỗi tại mấy Em, chẳng lẽ có một người mà người đó chết rồi là diệt tiêu nền Ðạo.

Ngày kia không có gì vui hứng cho Qua hơn, khi thấy xuất hiện trong mấy Em, khi Qua đã già vô tịnh thất an dưỡng tinh thần, mà thấy đặng mấy Em ở dưới bước lên ngồi địa vị cao trọng của Qua”.

Tức nhiên, vì tầm mức quan trọng như thế: hôm nay là Tín hữu Cao-Đài thì mai ngày sẽ nắm cả sự nghiệp của Đạo là Giáo-Tông, là Hộ-Pháp mà điều hành cơ Đạo. Nếu không có luật buộc như vậy, thì những kẻ như Kim-Quan-Sứ lộng hành bán cả đất trời, thì nghiệp Đạo này sẽ ra sao?

Lưu ý:
Xin đừng lầm: Tiên Thiên Bát-quái phải hiệp đủ 10 con số: tức là: 1, 2,3, 4, 5, 6,7, 8, 9,10. Trong đó có chia ra Âm Dương, chẵn lẻ. Nhưng khi biến hóa, nằm trên đồ Bát quái Tiên Thiên thì những số đối qua tâm có tổng số là 9:
Càn 1 + Khôn 8 = 9
Ly 3 + Khảm 6 = 9
Đoài 2 + Cấn 7 = 9
Chấn 4 + Tốn 5 = 9
(4x9=36. Ấy là 36 cõi Thiên tào như nói trên vậy)

* Nhưng đối với Bát-Quái Hậu-Thiên, chỉ xử dụng có 9 con số mà thôi là: 1,2,3,4,5,6,7,8,9 (Không có con số 10). Thế nên khi những con số được xếp trên đồ hình Hậu Thiên thì những số đối qua tâm cọng lại tổng số là 10.

Khi nói “Chín trời, mười Phật cũng là Ta” là nói cái:
Thành quả của Bát-Quái Tiên Thiên là 9.
Thành quả của Bát Quái Hậu Thiên là 10
Bát quái Hậu thiên thì các thành quả là 10 như:

Ly 9 + Khảm 1 = 10
Chấn 3 + Đoài 7 = 10
Tốn 4 + Càn 6 = 10
Khôn 2 + Cấn 8 =10

Như vậy Thầy đã xác định rõ-ràng là Ngài nắm cả Tiên Thiên và Hậu Thiên Bát-Quái vào tay.

Kinh cũng nói:
Tiên-Thiên, Hậu Thiên
Tịnh dục Đại-Từ-Phụ
Kim ngưỡng cổ ngưỡng
Phổ tế tổng pháp tông…

Thế nên, khi nói về con Rồng cháu Tiên là nói cái khởi thủy của việc lập thành Bát-Quái, nên Tiên Thiên hoàn thành ở con số 9, Hậu Thiên hoàn thành ở con số 10.
Thầy nói tiếp “Truyền Đạo chia ra nhánh nhóc ba” tức nhiên trước Thầy đã tuỳ theo phong hoá của mỗi địa phương mà truyền Đạo có ba Tôn giáo chính là: Phật, Tiên, Thánh. Ba Tôn giáo ấy xem như là “nhánh nhóc” nghĩa là cũng đều phát xuất chung một cội mà ra. Ngày nay Thầy đã qui hiệp thành một mối Tam-Kỳ Phổ-Độ, nên là “Hiệp một Chủ quyền tay nắm giữ”. Vậy thì dù “Thánh, Tiên, Phật đạo vốn như nhà”. Ấy cũng gồm về một nguồn Chánh giáo mà thôi.
 (Xin xem tiếp phần Khai triển Bát-quái biến hoá toàn đồ có nói rõ con số 100)

4 - Chín mươi hai ức nguyên-nhân bị đoạ trần:
Bài kinh Thích giáo có nói rõ:
 “Huệ đăng bất diệt,
“Chiếu Tam thập lục thiên,
“Chi quang minh đạo pháp trường lưu,
“Khai Cửu thập nhị Tào chi mê muội."

Đây quả thật nói về Tiên Thiên Bát quái. Nhờ có nó mới mở được khiếu lương năng, lương tri, giống như có được một ngọn “Huệ đăng bất diệt”, vì Bát-quái Tiên Thiên như một cánh cửa của Đạo Dịch. Nay có sẵn nhiều mối Đạo lưu truyền, nối tiếp nhau, từ đó khai thông cho chín mươi hai ức nguyên nhân còn đang mê-muội.

Hỏi vậy 92 ức nguyên nhân này từ đâu mà có?
Nhìn lại đồ hình Bát-Quái Tiên-thiên để thấy rõ. Như trên đã nói thành quả của Tiên Thiên Bát-quái là 9 (Cửu). Hai trục giao nhau tạo thành hình chữ thập. Sự cấu họp cũng chia thành Âm Dương thuận nghịch: bên phải là Âm, bên trái là Dương, hai phần gọi là nhị. Chính con số Cửu thập nhị là đây. Một Bát-quái khởi đầu như vậy mà chưa am tường tức là còn mê muội. Đã như vậy thì làm sao tiếp tục khảo-cứu những môn học khó-khăn huyền bí của Đạo-pháp cho được. Vì lẽ đó mà các Đấng luôn kêu gọi “92 ức nguyên nhân mau tỉnh mộng”.

Tìm hiểu 92 ức nguyên nhân:
Đức Hộ-Pháp nói:
 “Phần người có nguyên nhân, hóa nhân, quỉ nhân.
Hại thay 100 ức nguyên nhân do Đức Chí-Tôn đã để lại mặt thế này, đặng làm bạn với các đẳng chơn hồn trong Vạn Linh sanh chúng của Ngài đã đào tạo thì:
- Phật-vị có sáu ức.
- Tiên-Vị có hai ức.
- Còn chín mươi hai ức nguyên nhân bị đọa trần.

Từ ngày Đạo bị bế họ có lắm công tu mà thành thì không thành. Tội nghiệp thay, vì 92 ức nguyên nhân ấy mà chính mình Đức Chí Tôn phải giáng trần mà lập nền chơn giáo của Ngài, chúng ta đã ngó thấy cái Thánh ân, đặc biệt hơn hết là Đức Chí-Tôn đã thấy rõ rằng: Các nguyên nhân ấy không phương gì tự giải thoát đặng vì quá tội tình, quá mê luyến hồng trần hoặc đào tạo quả kiếp nặng nề quá đỗi, vì cớ cho nên tu thì có tu mà thành thì không có thành, tức nhiên từ ngày Đạo bế thì cơ siêu thoát đã mất tại mặt thế này, chính mình Đức Chí Tôn biết rằng không thế gì các nguyên nhân tự mình đạt cơ giải thoát đặng.

Hôm nay Ngài đến lập nền Chơn-giáo của Ngài chúng ta đã ngó thấy lòng yêu ái vô tận của Ngài là thế nào?
 “Theo Phật pháp thì được:
- 24 chuyến thuyền Bác nhã chở họ đến,
- Không chừng có đến 100 ức nguyên nhân.

Phật Tổ độ được 6 ức, Lão-Tử độ 2 ức, còn lại 92 ức nguyên nhân đến hạ nguơn này chưa thoát khổ nên Chí Tôn mới đến khai Đạo Cao-Đài”.

5 - Lý do nào có các con số trên?
Đạo là lý, nên phải suy từ lý, khởi đoan khi Càn Khôn định vị thì Đức Chí-Tôn giao quyền cho Phật Mẫu quản khí Hư vô, do đó mà nền Đại-Đạo có đủ Âm Dương để bảo tồn cơ sanh hóa.

Căn cứ theo bài Di-Lạc chơn kinh, thì:
- Cung Hạo Nhiên là Phật.
- Cung Hỗn nguơn là Pháp.
- Cung Hư-vô là Tăng.

Vốn số Tam có đủ cơ năng phát sinh tiếng nổ, Đạo sanh từ Thái-cực. Đạo là tự hữu, Pháp là tự hữu, Tăng là hằng hữu .
- Chí-Tôn chủ Ngũ khí .
- Phật-Mẫu chủ Ngũ hành.
- Hộ-Pháp chủ Ngũ lôi.

Khí Ngũ hành phân hóa đụng với Ngũ khí trong không gian phát tiếng nổ là chỗ Hộ-Pháp làm quân bình khí sanh quang cho vạn vật nơi cõi đất có sự sống. Do vậy:
- Chí-Tôn hoàn thành ở Bát-quái. (8)
- Phật-Mẫu thành lập Bát cảnh cung (8)
- Biến tạo ra Bát phẩm chơn-hồn. (8)

Chính 3 con số Bát đó hiệp thành 24= (3x8). Đó là 24 ánh linh quang của ba ngôi, nói là 24 chuyến thuyền Bác Nhã.

Sau rồi Đức Chí-Tôn phân tánh để lập Đạo cứu đời. Từ nhứt kỳ độ được 6 ức nguyên nhân. Số 6 chỉ sự thành do thiên nhứt sanh thủy, địa lục thành chi. Vạn vật khởi đầu đều do nước, hóa trưởng cũng do nước. Nước là nguồn sanh lực đầu tiên để tạo nên nhứt điểm Tinh của người ấy là Đạo sanh nhứt, thành ở Lục là vậy.

Tiên độ 2 ức.Với pháp tu chuyển Tinh hóa Khí thì trên nguyên lý về được cùng hai Đấng tạo đoan chỉ có Chơn-thần và Linh-hồn mà thôi, nên lấy lý tượng cho số:

Các nguyên nhân đã xuống trần phải chuyển hóa trong Bát phẩm chơn hồn.

Về được với Đức Chí-Tôn và Phật-Mẫu nhờ còn giữ Bát-bửu-nang: Hiếu Đễ, Trung Tín, Lễ nghĩa, Liêm Sĩ (6+2=8) của Đức Mẹ giao cho khi xuống thế. Chừng về với pháp thân bằng Thần của vạn linh kết thành. Còn 92 ức nguyên nhân là chỉ số lượng cho số cửu (9) là pháp định vị cho thuyết nhị nguyên về Âm Dương đó.

* Kinh Nho-giáo có dạy:
Quế hương nội điện. Văn thỉ thượng cung.
Cửu thập ngũ hồi chưởng thiện quả,
Ư thi thơ chi phố.

Lời Kinh rằng: Trên cõi thiêng-liêng có một Toà nhà lớn gọi là Điện Quế Hương, trong đó có một Cung ở bên trên hết gọi là Cung Văn-Thỉ. Đó là nơi thường ngự của Đức Khổng-Tử, Giáo chủ Nho-giáo. Ngài đã 95 lần đến với thế giới này để truyền dạy bằng những kinh sách báu.

Thật ra con số 95 này chỉ là con số biểu tượng để nói lên lý Dịch nhiệm-mầu của Bát-quái Đồ thiên mà Đạo Cao-Đài đang xử dụng.

Nhìn vào Bát quái Hậu-thiên (trang 19) thấy trước nhứt là trục đứng Nam Bắc. Chính Nam là quẻ Ly số 9 (Cửu). Hai trục Nam Bắc, Đông Tây tạo thành hình chữ thập Giữa Bát quái này có số 5 là số Ngũ gọi là ngũ trung. Những yếu-tố này làm nên Bát-quái Hậu thiên của thời Văn-Vương, nhưng ngày nay Đức Khổng-Thánh đến trong ngươn hội Cao-Đài Ngài thay mặt cho Thánh giáo nắm Cơ chuyển thế và Cứu thế trong buổi Thượng-ngươn này, Đức Chí-Tôn đã chuyển Bát quái Hậu thiên thành Bát quái Đồ thiên quay theo chiều nghịch với chiều kim đồng hồ; đó là con đường trở về, gọi là Phản bổn hoàn nguyên, Kinh gọi là hồi. Trong câu Cửu thập Ngũ hồi là ý-nghĩa ấy. Nói rõ ra là buổi Cao-Đài Đức Chí-Tôn mở cho nhân loại con đường trở về gọi là phản bổn hườn nguyên, tức nhiên chuyển nghịch Bát quái Hậu Thiên một vòng 180o đồng thời xoay ngang qua thành ra Bát-Quái Đồ Thiên.

Chưởng thiện quả là gieo trồng giống quí. Bài Giới Tâm kinh rằng:
Nguyền Khổng Thánh bảo toàn Nho giáo,
Lấy Nghĩa-Nhân Đại-Đạo truyền ra.

Thế nên nhìn vào Hậu thiên Bát-quái trước đây con đường vận hành là thuận theo chiều kim đồng-hồ, thì khởi ở Càn, đến Khảm, Cấn, Chấn, Tốn, Ly, Khôn, Đoài.

Nếu người cứ thuận theo cuộc đời như dòng nước xuôi về biển cả thì bao giờ mới trở lại quê xưa vị cũ là quê hương thật của con người? Do vậy mới có Đạo Cao-Đài xuất hiện, Ngài mở Đạo để đưa ra mật pháp mật truyền mà cứu rỗi nguyên nhân.

Nay là buổi “Thiên địa tuần hườn châu nhi phục thuỷ”, tức là trời đất đã mãn một vòng xoay, chuyển nghịch lại nên phải trở lại điểm ban đầu. Muốn vậy phải xoay ngược một vòng 180˚.

Vì lẽ đó mà Bát-quái Cao-Đài Đức Chí-Tôn cho chuyển nghịch lại với Bát quái Hậu Thiên.
Tuy nhiên số của các Cung trong Bát-quái Đồ Thiên (Bát-Quái Cao-Đài) không đổi, vẫn lấy theo số của Bát quái Hậu-Thiên nhưng chuyển nghịch mà thôi, nên Đạo vẫn phát xuất từ phương Đông. Tức nhiên trời đất vận hành đã giáp một vòng rồi, bấy giờ trở lại điểm ban đầu, lấy theo qui luật Đạo khởi phát từ phương Đông là vậy.
Phương hướng Bát-quái này hoàn toàn thay đổi, chính là hướng của Đền Thánh hiện tại là Đông Tây (Trục đứng), Nam Bắc (trục nằm). Còn hai khán đài: Đông khán đài và Tây khán đài cũng như Đông lang và Tây lang không phải là lấy theo hướng mà muốn nói rằng Đạo Cao Đài là một Tôn giáo Đại-Đồng nên từ lối kiến trúc đến cách phổ truyền cũng là lấy theo tinh thần Đông Tây hoà hợp.

Đây là ý muốn của Thượng-Đế, Đức Hộ-Pháp nói:
 “Sở dĩ Đức Chí-Tôn chọn đất nước Việt-Nam này làm Thánh-Địa để phổ-độ chúng sanh Kỳ ba, chỉ vì Việt Nam là nơi kết hợp được tinh hoa của các nguồn văn-minh trên Thế giới, Việt-Nam là nơi tổng hợp các ngành đạo đức: NHO, LÃO, THÍCH và cũng là nơi gặp-gỡ của hai nền văn minh Đông Tây”.

D - SỐ BIẾN HOÁ của TỨ TƯỢNG
Đây là Tứ tượng nằm trên đồ ngang.
Dưới là Tứ tượng đặt trên đồ tròn.

1 - Nguyên tắc:
Sự phân chia này theo nguyên tắc sau đây:
- Khối Thái-cực đầu tiên tự phân ra làm hai, ấy là hai ngôi: ngôi Âm và ngôi Dương. Dịch nói là Thái cực sinh Lưỡng nghi. Trong Lưỡng-nghi cũng tự phân mỗi thứ làm hai hình tượng nữa thành Tứ tượng: Gọi là Lưỡng nghi sinh Tứ Tượng.
             
Bốn số đầu:1, 2, 3, 4 là bốn tượng.
- 1 là Thái-Dương   - 2 là Thiếu Âm
- 3 là Thiếu Dương - 4 là Thái Âm
Tên gọi Lão Âm, Lão Dương cũng là Thái âm và Thái dương đó vậy.
Chính trong Tứ tượng này phát sinh hai số Ngũ:
- Nhứt ngũ là do 1+4=5 tức là Thái Dương hiệp với Thái Âm.
- Nhị ngũ là do 2+3=5 tức là do Thiếu Âm cộng với Thiếu Dương mà ra.
- Còn Tam Ngũ là do: Ngũ khí, Ngũ hành và Ngũ tạng họp thành, tức nhiên (3x5=15).
5 và 10 ở giữa là chỗ phát-huy ra cái vi dương tức là cái Dương nhỏ tí ti, là Mẹ rồi sinh ra con.
6, 7, 8, 9 là số THÀNH của Tứ tượng. Theo sự sinh và thành của Âm Dương, thì cái “Vi Dương” bắt đầu sinh ra ở trong Hai thể Dương:1 là Thái Dương và 3 là Thiếu Dương.

Bắt đầu ở trong rồi phát huy từ Bắc, hướng lên qua bên tả, sang hữu và thành số ở hướng Nam: số 7 là Thiếu dương, số 9 là Thái dương tức là thành số hai thể Dương của 3 và 1 vậy.

Thể Âm là cái “vi âm” sinh ra hai thể ở trong là 2 và 4 đi từ Nam qua bên hữu (Tây) xuống đến Bắc và Đông, thành số ở 6 là Thái Âm và 8 là Thiếu Âm. Số 6 và 8 là thành số của hai thể Âm 4 và 2. (Vì Âm đi theo chiều nghịch nên mới nói 6 là Thái Âm, rồi 8 là Thiếu âm)

Từ đó nên trong quẻ khi nói đến hào Âm thì gọi hào Lục (Thái âm), hào dương thì gọi là hào Cửu (Thái dương). Bởi Thái là già, già thì chết, rồi có sự biến đổi lại. Đó là nói cái sơ thủy phát huy của Âm Dương và sự thành số sơ khai của nó, sau với sự huy động các số đều phân ra liên tiếp mãi mãi mà thành muôn vật.
Nếu lấy sự liên hành của độ số thì đường đi khởi từ hướng Bắc số 1 sang hữu rồi qua tả nghịch hành với sự sinh thành số. Đây là nơi phát-huy ra, tức như ở chỗ “không số” bắt đầu phát huy ra con số 1, rồi 1 thành 2, 2 thành 3, lại trở về chỗ giữa là 10 tức là nơi cơ khí thái hòa của Âm Dương để lại phát huy ra những vòng mới nữa.

Đây tức là đường liên số chỉ cái định luật liên tiếp của thế hệ ngụ những ý nghĩa tiêu cực tức là Dương cực Âm sinh, nhưng luật “Song tiến số” đó là cái vòng bất diệt của tạo hóa, phô bày ở dưới thế gian của muôn vật. Đó phải chăng là một luật định thiêng liêng mà muôn vật đều phải tuân theo vậy.

2 - Những trường hợp biến đổi của các số:
Số Tương đắc nghĩa là 1 và 2, 3 và 4, 5 và 6, 7 và 8, 9 và 10. Như vậy các số chẵn lẻ đã tự tương đắc nhau.
Số hợp nghĩa là 1 và 6, 2 và 7, 3 và 8, 4 và 9, 5 và 10 đều là hai số hợp nhau.
- 25 nghĩa là do 5 số lẻ cộng lại với nhau
- 30 nghĩa là 5 số chẵn cộng lại với nhau.

Biến hoá nghĩa là:
1 biến sanh Thuỷ (nước) 6 hoá thành nó.
2 hoá sinh Hoả (lửa), 7 biến thành nó.
3 biến sinh Mộc (cây), 8 hoá thành nó.
4 hoá sinh Kim (kim khí), 9 biến thành nó.
5 biến sinh Thổ (Đất), 10 hoá thành nó.

Sự cảm ứng:
Nói đến Quỉ thần là nói về vô hình, là sự linh ứng. Nhưng ngày nay chúng ta không đề cập đến Quỉ thần vì đây là những tay diệt hoá, chỉ có Thần-linh mới là nguồn sinh hoá mà thôi.

Như vậy thì sự tương đắc và tương hợp của các số:
Thiên số có 5 số là 1,3,5,7,9, cộng lại là 25, tức là 5 số lẻ.
Địa số có 5 số là 2,4,6,8,10 cộng lại là 30, tức là 5 số chẵn.

Nhờ có những số đó mà biến hoá luôn luôn thành muôn vật, nhưng thoạt kỳ thuỷ thì số 1 là ở con số không số mà ra. Khi vũ trụ chưa thành cõi bao la vô cùng, là cõi âm-u tịch-mịch thì lúc đó mới sinh ra Thái-cực hay là một vi dương, một thể đức nhỏ bé hết sức, nhờ có sự huy động của cái kiếp thứ bảy trải qua rung động cõi vô cùng tận.

Người Mẹ lúc đó mới có thai (có Mang) mà con lớn lên từ trong ra ngoài như cái hạt sen. Tự nhiên có sự huy động tràn lan khắp cả vũ trụ bằng cái cánh rất nhanh ở trong cõi âm-u thổi ở trên mặt nước im lặng của cõi đời.

Vì lẽ ấy nói là 1 biến thì sinh Thuỷ tức là lúc mới đầu cái vi dương huy động, có động thì có biến mà sinh ra cõi hỗn độn cho nên tượng là Thuỷ, theo cái nghĩa Thần linh thì Nước là cõi hỗn-độn huy động đầu tiên thành tương hợp với số 6.

Kinh Ngọc-Hoàng có câu:
Khí phân Tứ Tượng.
Oát triền vô biên

Khí là chất hơi. Cái nguyên thủy là Khí. Bắt đầu từ vô hình đến lúc hữu hình thì Khí phân bố mà dựng nên trời đất. Chính nó là nguồn gốc của trời đất vậy..

Từ trong cái Khí ban đầu tức là Thái cực. Thái cực phân ra làm hai do tính chất nặng nhẹ, thanh trọc khác nhau, gọi là Lưỡng-nghi, nói chung là Âm Dương đó. Lưỡng nghi lại phân ra làm hai hình tượng nữa gọi là Lưỡng nghi phân Tứ Tượng.

Số 4 là cơ-quan hữu tướng biến hình, tức là Âm Dương biến sanh. Nho-gia gọi là Lưỡng-nghi sanh Tứ tượng là vậy. Số 4 cũng có nghĩa là 1+3, tức là do lý Thái cực điều-hành với ba ngôi vạn hữu, nên hễ đến 4 là biến hóa ra rồi. Một vài thí dụ làm điển hình cho sự biến hóa của Tứ Tượng (Xem phần sau về các con số)

3 - Dịch là đi nghịch số:       
Nếu ta lấy sự phát triển của cái vi Dương mà quẻ Chấn số 4 là quẻ có một Dương nhỏ ở dưới dấy lên, rồi đến quẻ Ly số 3 là quẻ có hai dương mà giữa có hào Âm, rồi đến quẻ Đoài là quẻ Dương thịnh số 2, sau đến quẻ Càn số 1 tức là quẻ Dương cực.
* Dương cực thì Âm sinh:
Sau quẻ Càn đến quẻ Tốn là Quẻ số 5 ở dưới có hào Âm mới sinh, rồi đến quẻ Khảm là quẻ số 6 trong có một hào Dương ở giữa, đến quẻ Cấn là quẻ số 7 tức là quẻ Âm đã thịnh, sau cùng đến quẻ Khôn số 8 là quẻ thuần Âm tức là cực Âm vậy.

* Âm cực thì Dương sinh:
Sau quẻ Khôn thì tiếp đến quẻ Chấn, là quẻ có một Dương sinh và sự vận chuyển cứ liên tiếp như vậy mãi.

Sự vận chuyển của 8 quẻ đều do hai định lý cần thiết của lý Dịch, do vậy mà ngôi thứ của 8 quẻ mới thật chính xác. Theo trên là sự thành hình của một Bát quái hoàn toàn theo thiên lý nhất định của tạo hoá và theo thứ tự phân chia trong Hà Đồ, có được sự vận chuyển từ quẻ Chấn đến quẻ Càn là thuận về sự tiến triển của Dương sinh, nhưng những số của các quẻ đều là nghịch số cả (Chấn 4, Ly 3, Đoài 2, Càn 1). Chỉ từ quẻ Tốn đến quẻ Khôn là thuận số, tức là Tốn 5, Khảm 6, Cấn 7, Khôn 8.

4 - Vì sao Dịch nói từ quẻ Tốn đến Khôn là quẻ chưa sinh?
-Vì rằng: phàm trong cõi Tiên Thiên tức là trong khi chưa khai thiên lập địa thì sự chiêm nghiệm và phân chia còn đang ở trong phạm vi vô hình, chưa thành hình tức là thể Âm chưa sinh.

Hoá cho nên từ quẻ Tốn cho đến quẻ Khôn là những quẻ chưa sinh. Nếu suy ngược lại thì lấy 4 mùa mà so-sánh, tức là lấy sự vận chuyển của 4 mùa trong năm là thuận: Xuân, Hạ, đến Thu rồi qua Đông. Theo nhiệt độ của 4 mùa mà giải thì:

Mùa Xuân mát mẻ từ tháng giêng đến tháng 3.
Bắt đầu từ tháng 4 thì nhiệt độ lên dần đến tháng 5 là tháng cực nóng hay là Hạ chí. Đến tháng 6 nhiệt độ dần dần trở lại lạnh giá. Từ tháng 10 cho đến tháng 12 (chạp), mà tháng 11 là thật lạnh hay là Đông chí. Lạnh cực thì nóng bắt đầu sinh rồi mùa Xuân lại trở lại.

Theo sự vận chuyển ấy là thuận, nhưng lấy quẻ làm tượng biểu chương Âm Dương thì ta thấy những số thứ tự của các quẻ đi từ số lớn đến số nhỏ và trong 64 quẻ sau này sự luận nghĩa cũng đều do ở những lý như trên đã giải.

Cũng vì những lẽ ấy nên mới nói rằng: Từ quẻ Chấn đến quẻ Kiền là thuận, từ quẻ Tốn đến quẻ Khôn là nghịch và sau này ngôi và hướng của 64 quẻ cũng theo luận điệu trên mà an bày.

5 - Nhìn Tượng của Bát-quái vào thể hữu hình:
Thuyết quái truyện nói rằng: Trời đất định ngôi, Núi trầm thông khí, Sấm gió xác nhau, Nước lửa không bắn nhau. Tám quẻ cọ xác nhau, cái qua rồi là thuận, biết cái sắp tới là nghịch.

Vì sao vậy?
Càn ở hướng Nam. Khôn ở hướng Bắc,
Ly ở Đông. Khảm ở Tây.
Chấn ở Đông Bắc. Đoài ở Đông Nam.
Tốn ở Tây Nam. Cấn ở Tây Bắc.

Từ quẻ Chấn đến quẻ Càn là thuận về Dương tiến:
Chấn Ly Đoài Càn
Tức nhiên Dương tiến lên từ từ đến lúc chỉ toàn là Dương.
Từ quẻ Tốn đến quẻ Khôn là nghịch:
Tốn Khảm Cấn Khôn
Tức nhiên Âm cũng tiến dần đến lúc chỉ toàn là Âm.
Hướng và vị 64 quẻ sau này cũng theo lẽ trên mà an vị. Đây là Đồ Tiên Thiên Bát quái là chỉ nói đến những hiện tượng trên cõi trời bao la, hay nói về thiên thể vô hình, dù rằng lại có những hiện tượng rõ ràng để giải nghĩa như trên, nhưng đồ Tiên Thiên vẫn là nói vào thời kỳ mà trời đất chưa tạo lập, nhưng cái vận hành của Tiên Thiên Bát quái rất là hữu lý. Bởi có sự vận hành theo thiên lý mới có sự liên lạc của các quẻ theo ngôi thứ trước sau với nhau, nhưng phương vị chưa thật là hẳn chỉ đích ngôi nào vậy.

Thực tế, ở hướng Bắc thì lạnh, nhiều Âm khí, hễ Âm nặng thì lắng xuống dưới. Ở về hướng Nam thì nóng, nhiều Dương khí, Dương khí thanh thì bốc lên trên. Do vậy mà khi định phương hướng thì để hướng Bắc ở dưới bản đồ, ngược lại hướng Nam đặt ở trên bản đồ.

Phật giáo Tâm kinh có lời rằng:
“Hỗn độn Tôn sư. Càn Khôn chủ tể.
“Qui Thế giới ư nhứt khí chi trung”…

Nghĩa là: Trong thời Hỗn độn là thời kỳ mà trời đất chưa phân định, tức là còn thời hỗn mang, trong ấy Khí hư-vô là Khí rất nhẹ nhàng, tinh khiết, bàng bạc khắp Càn khôn, vũ trụ, kết tụ muôn đời nhiều kiếp, rồi hóa sinh ngôi Thái-Cực, đó là Đức Chí-Tôn Ngọc Hoàng Thượng-Đế. Thái Cực mới phân hóa Âm Dương. Âm-quang thì do Đức Phật-Mẫu Chưởng-quản, Dương-quang thì do Đức Chí Tôn Chưởng-quản. Hai khí Âm Dương mới phối hợp vào nhau mà hóa sanh Tiên Phật.

Thánh giáo dạy: “Một Chơn-Thần Thầy mà hóa sanh thêm chư Phật, chư Tiên, chư Thánh, chư Thần và toàn cả nhơn loại trong Càn khôn thế giới, nên chi các con là Thầy, Thầy là các con”.

Quả thật, khi nhìn vào Đồ hình thấy rõ:
- Phía trên là quẻ Càn (Ở hướng Nam)
- Phía dưới là quẻ Khôn (ở hướng Bắc)

Đây là hình ảnh của thuở hồng mông, Đức Chí-Tôn cầm quyền chủ tể nắm pháp Càn khôn, thâu toàn thế giới vào trong một Khí (Hư vô).

Vì lẽ Tiên Thiên Bát-quái có hình 8 quẻ tượng cái vị trí trong không thiên mà khí Dương nóng, nhẹ, bốc lên trên tượng bằng quẻ CÀN là quẻ thuần Dương an vị ở hướng Nam. Khí Âm nặng lắng xuống dưới, tượng bằng quẻ KHÔN là quẻ thuần Âm, an vị ở hướng Bắc.

Theo tính cách của Âm Dương và hai định lý căn bản của Dịch-lý cùng với đồ hình Tiên Thiên thì:
Càn là quẻ thuần Dương, ở hướng Nam, có nhiệt độ của khí dương nóng bốc lên trên.
Khôn là quẻ thuần Âm, lạnh ở hướng Bắc, lắng xuống dưới.
Hướng Đông là lúc mặt trời mọc, tức là lúc khí Dương nóng bắt đầu bao bọc cái âm-u còn lại, nên lấy tượng quẻ Ly có hai hào dương ở trên và dưới, bao cái Âm ở giữa.
Hướng Tây là hướng mặt trời lặn, tức là lúc khí Âm bắt đầu bao bọc cái khí Dương còn lại, cho nên lấy quẻ Khảm có hai hào Âm trên và dưới bao hào dương ở giữa. Người xưa đã rõ tính cách vật lý học một cách sâu xa chứ không phải không biết. Ví như công thức hoá học của nước là H20, có nghĩa là hai nguyên tử Hydro kết hợp với một Oxy thành một phân tử nước. Hydro là Âm nên tượng bằng 2 hào Âm. Oxy là Dương nên tượng bằng một hào Dương ở giữa tạo thành Khảm, là nước.

Như vậy: 4 quẻ ở bốn phương chính đều có một ý nghĩa rất hợp với thiên-lý.
Lấy 4 quẻ trên an theo bốn hướng chính trong Tiên Thiên Bát quái, thì có được quẻ CHẤN ở hướng Đông Bắc, tượng trạng thái vi dương bắt đầu khởi từ dưới bốc lên khi cái khí Âm đã cực thịnh.
Quẻ TỐN ở hướng Tây Nam bên quẻ Càn tượng cái vi Âm bắt đầu sinh, khi khí Dương đã cực thịnh.
Quẻ ĐOÀI ở hướng Đông Nam là trạng thái dương khí đang bốc lên lấn-áp gần hết cái Âm khí còn lại để đến chỗ cực thịnh của khí Dương tượng của quẻ Càn ở hướng Nam.
Quẻ CẤN ở hướng Tây Bắc là trạng thái âm khí đang lắng xuống lấn áp gần hết khí dương còn lại để đến chỗ cực thịnh của khí Âm tượng của quẻ Khôn ở hướng Bắc.

Xem đó thì Càn Khôn định vị ở Nam và Bắc. Xét đến thiên lý và sự tiêu trưởng, thịnh suy của Âm Dương an bày theo thể, tượng của 6 quẻ mà xếp theo vị trí.

Câu Kinh tiếp theo là:
Ốc trần huờn ư song thủ chi nội,
Huệ đăng bất diệt.
Chiếu Tam thập lục thiên chi quang minh..
Đạo pháp trường lưu.
Khai Cửu thập nhị tào chi mê muội”…

Nghĩa là: Theo kinh Phật, trong vũ-trụ không biết bao nhiêu là thế giới.
- Hiệp một ngàn thế giới thành ra một Tiểu Thiên thế giới.
- Hiệp một ngàn Tiểu Thiên thế giới thành một Trung thiên thế giới,
- Hiệp một ngàn Trung Thiên thế giới thành một Đại thiên thế giới. Thông thường, gọi một Đại Thiên thế giới là Tam thiên Đại thiên Thế giới. Cõi mà ta đang sống đây gọi là Thế giới ta bà hay Sa-bà thế giới.

Thế mà Đức Thượng-Đế gồm thâu cả thế giới về trong một Khí Hư-vô “Qui Thế giới ư nhứt khí chi trung”.
Cũng do nơi Khí Hư vô mới có ngôi Thái cực. Từ Thái-Cực mới có Âm Dương, Đạo cũng từ trong Khí Âm Dương đó. Đạo vốn vô vi, biến hóa không cùng, sanh ra Đức Nhiên-Đăng Cổ Phật tức là nguồn ánh sáng tự nhiên. Phật là vị Tôn sư được hóa sinh từ trong Khí Hư-vô. Trong thời kỳ hỗn độn, Càn khôn thế giới cũng do Khí Hư-vô tạo thành. Vậy có phải Ngài có thể tóm thâu Càn Khôn thế giới về trong một Khí Hư vô chăng? Để rồi Ngài cũng có thể nắm giữ cõi trần hoàn trong hai bàn tay. Nhưng ở đây phải hiểu một cách sâu xa hơn, đó là nói cõi trần hoàn nằm trong sự chi phối của hai Khí Âm Dương.

Nhờ ánh sáng trí huệ ví như cây đèn được thắp sáng lên để xóa tan bóng tối, tức là sự vô minh tự trong bản tâm mình. Cây đèn huệ ấy không tắt, soi sáng được ba mươi sáu từng Trời. Nó lưu tồn mãi từ kiếp này qua kiếp khác.

Nay Đấng Chí Tôn giáng cơ tiếp điển mở Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ. Hiệp đủ Phật, Tiên,Thánh, là thời-kỳ kiết quả độ đủ chín mươi hai ức nguyên-nhân về nơi nguyên thủy. Có câu: “Thiên Địa tuần hoàn châu nhi phục thỉ Tam Giáo qui nguyên” nên pháp Đạo chắp tay hoa sen đã thành trái. Là biểu hiệu của Tam-Kỳ Phổ-Độ này vậy. Ngày xưa Đức Chí-Tôn ban ân huệ cho Thần Tiên Thánh Phật thế nào, thì nay Ngài cũng ban ân huệ cho cả nhân loại như thế ấy. Nên khi một người mới Nhập-môn vào cửa Đạo thì Ngài ban đủ: ẤN, PHÁP, BÙA, CHÚ nắm trong tay:
Ấn: là Ấn Tý gọi là Ấn Kiết quả (là kết trái, tức nhiên tu là thành) mà Ấn này của Đức Chí-Tôn. Người Môn Đệ Cao-Đài ngày nay được phép thông công với Đức Chí-Tôn bằng Ấn này cũng như liên lạc với Đức Chí-Tôn qua số điện thoại hằng ngày hằng bữa vậy.

Pháp: tức là pháp Âm Dương, thủy Hỏa ký tế; nghĩa là nước Thánh dùng để giải bịnh, trừ căn: “Ma-Ha Thủy năng hủy oan khiên giải trừ nghiệt chướng chi tội”. Giá trị của nước Thánh mỗi người có thể tự cầu nguyện lấy mà dùng, tức là một phương pháp câu thông được với cả thảy các Đấng huyền linh, như điện có sẵn trong nhà, khi cần chỉ bấm công tắc là sử dụng được như ý muốn. Buổi Cao Đài ngày nay Đức Chí-Tôn cũng ban cho mỗi người được giữ một “Công-Tắc” trong tay rồi đó chứ (Đức Hộ-Pháp là người nắm pháp Thiên điều có tên là Phạm Công-Tắc, tức là mỗi người được nắm “công tắc” này để về cửa Phật)

Bùa: tức là bùa chữ “Khí” dùng trừ tà diệt mị. Bùa cũng là một thứ “Linh tự”. Khi xử dụng “bùa” như một hiện tượng đánh Fax ngày nay trên máy vi-tính đó vậy, nó có giá trị chính xác và nhanh lẹ gấp nhiều lần hơn là gửi thư, cũng là phương pháp thông công với cõi vô hình hết sức là khoa học, mà là siêu khoa-học.

Chú: tức là câu chú của Thầy. Niệm “Nam mô Cao-Đài Tiên Ông Đại Bồ tát Ma-Ha-Tát” để được giải thoát. Vì lẽ câu này đã có ý nghĩa Qui Tam giáo trong ấy. Câu chú của Thầy như một cuộc điện thoại khẩn cấp báo.

Vì cái sứ mạng và huyền diệu nhiệm mầu như thế ấy nên Thầy mới bắt buộc khi vào Đạo phải Nhập môn. Khi đã nhập môn rồi tức là lần bước vào Thánh Thể của Đức Chí-Tôn đó vậy.

6 - Thánh Thể Đức Chí Tôn
Đức Hộ-Pháp thuyết Đạo tại Đền Thánh, đêm 29 tháng 10 năm Quí Tỵ.

“Thánh Thể Đức Chí Tôn chẳng phải trong Hội Thánh mà thôi, mà cả toàn con cái của Ngài Nam, Nữ, nếu Qua không nói đến mấy em mới sơ sanh, nó cũng là đám Thánh Thể của Ngài, là buổi may duyên của chúng nó ngộ Đạo “Bá Thiên vạn kiếp nan tao ngộ”. Bởi cái may duyên ấy do nơi mấy em đào tạo nó, một phần tử buổi sơ sinh tức nhiên, kể từ hạng sơ sinh Đức Chí-Tôn đã đến lựa từ khi mấy em đã có trí khôn ngoan cho nhập Thánh-Thể của Ngài đứng vào hàng Chức-Sắc Thiên-Phong gọi là Chư Thánh, mấy em mới nên người “Tam thập nhi lập”.

Cái phẩm vị Thiêng Liêng của mấy em nơi mặt thế, Phó Trị Sự, Thông Sự đối với ngôi Giáo Tông, Hộ-Pháp, trong khi tuổi của mấy em đã tri thiên mạng rồi, rất ngộ nghĩnh thay Đức Chí-Tôn lấy công bình ấy đặng lập Thánh Thể của Ngài, Ngài để một kiểu vở, một khuôn luật Tạo đoan hay là một gia đình kia không khác gì hết. Mấy em đã ngó thấy trong Đạo, Đức Chí-Tôn đã để:
- Hàng Tín-Đồ đối với Đại-Từ-Phụ.
- Phó-Trị-Sự và Thông Sự đối với Phẩm Giáo Tông và Hộ-Pháp.
- Chánh-Trị-Sự đối với Phẩm Đầu-Sư.

Thì mấy em thử nghĩ coi khuôn khổ Thánh Thể của Ngài không có một cái gì sơ sót hết.
Tỉ như một hột kia chúng ta gieo xuống, nó hột xoài thì sanh xoài, mít thì sanh ra mít, khi mấy em gieo hột mít xuống rồi mấy em quả quyết nó sẽ có cây mít, thì cây mít có ngay. Khuôn luật vẫn có một mà thôi. Qua nghĩ cái độc tâm của người có những quỉ quyền tưởng đâu sẽ tiêu diệt Thánh Thể của Đức Chí Tôn. Qua nói thiệt, nếu dưới mặt thế gian nầy tiêu diệt cả Thánh-Thể của Đức Chí-Tôn được, thì không còn ai nữa.

Từ Tín Đồ đến Hội Thánh chẳng hề khi nào tiêu diệt nó được, kẻ nào muốn tiêu diệt Đạo Cao Đài tốt hơn đừng sanh ra bởi chẳng hề khi nào muốn tiêu diệt Đạo đặng, khuôn luật vẫn vậy.

Hôm nay Qua giảng một điều thiết yếu cho mấy Em nghe quyền siêu thoát. Mấy em xét coi nơi mình mấy Em từ chân, tay trong xác thân cho tới cả tinh thần đầu óc mấy Em nó đều có linh cảm cả.

Khốn nạn thay! Con người không biết thương nhau mà lại ghét lẫn nhau, mà hễ ghét lẫn nhau tức nhiên ghét Thánh-Thể Đức Chí-Tôn, nếu ghét Thánh-Thể Đức Chí Tôn rồi, thì ngày Qua về cảnh Thiêng Liêng đứng trước Cực Lạc Thế Giới, mấy em chẳng hề khi nào chối tội đặng Nếu mấy em thương nhau không được thì không được phép ghét nhau”. Đại-Đạo ngày nay là nhất quán

7 - Thử tìm hiểu pháp Bắt ẤN TÝ: 
Lạy là gì?
Giải-thích Cách Lạy và bắt Ấn Tý

Lạy là gì?
Bất cứ một Tôn-giáo nào: dù là Đạo thờ cúng Ông Bà cũng vậy, dân-tộc Á-Đông này coi sự Lễ bái là đứng hàng đầu trong các nghi thức.

- Lễ bái để tỏ lòng trân-trọng với một Đấng sinh thành đã cho ta một cái thân sanh là công của cha mẹ.
- Để tỏ lòng ngưỡng-mộ với bậc siêu phàm như người có công dựng nước và giữ nước. Tạo Đạo cứu Đời.
- Để tỏ lòng ngưỡng vọng với một Đấng tối thượng mà chính nhân-loại phải hết lòng bái phục là Trời.

Chung qui sự lễ bái là để phát khởi Đạo tâm. Có câu “Lễ bái thường hành tâm Đạo khởi”.
Nay, buổi Tam-Kỳ Phổ-Độ Đức Chí-Tôn giáng dạy những nghi-thức về việc bái lạy ấy.

Thánh-ngôn Thầy dạy về Bái lễ:
“Khi bái lễ, hai tay con chắp lại, song phải để tay trái ấn TÝ, tay mặt ngửa ra nằm dưới, tay trái để lên trên".
- Lạy là gì?
Là tỏ ra bề ngoài, lễ kỉnh trong lòng.
- Chắp hai tay lại là tại sao?

Tả là Nhựt, hữu là Nguyệt, vị chi Âm-Dương; Âm Dương hiệp nhứt phát khởi Càn-Khôn, sanh sanh hóa hóa. Tức là Ðạo.
- Lạy kẻ sống thì hai lạy là tại sao?

Là nguồn cội của nhơn-sanh lưỡng hiệp Âm-Dương mà ra. Ấy là Ðạo.
- Vong phàm bốn lạy là tại sao?

Là vì hai lạy là của phần người, còn một lạy Thiên, một lạy Ðịa.
- Lạy Thần lạy Thánh thì ba lạy là tại sao?

Là lạy Đấng vào hàng thứ ba của Trời và cũng chỉ rằng lạy Tinh-Khí-Thần hiệp nhứt. Ấy là Ðạo.
- Lạy Tiên lạy Phật thì chín lạy là tại sao?

Là tại chín Ðấng Cửu-Thiên khai hóa.
- Còn lạy Thầy mười hai lạy là tại sao?

Các con không biết đâu?
Thập nhị Khai-Thiên là Thầy, Chúa cả Càn-Khôn Thế Giái; nắm trọn thập nhị Thời-Thần vào tay; số mười hai là số riêng của Thầy”. (Thánh-ngôn I/11)

Giải-thích Cách Lạy và bắt Ấn Tý
a/ - Cách lạy:
Trước khi lạy, đưa tay đã bắt Ấn kiết-quả lên trán, rồi để xuống ngực mới xá.

Khi lạy xòe bàn tay ra mà úp xuống đất, ngón tay cái của bàn tay mặt đặt lên ngón cái của bàn tay trái. Tức là Lưỡng-nghi sinh Tứ tượng, hiệp lại là 4, cọng với 8 ngón còn lại là 12. Số 12 tượng cho Thập Nhị Địa chi.

Riêng hai bàn tay có cả thảy 10 ngón tức là thập Thiên can.

Thập thiên can phối hợp với Thập nhị Địa chi thành ra một cặp Âm Dương làm nên vũ-trụ càn khôn thế giới này. Kinh Phật-Mẫu có dạy:
“Thập Thiên Can bao hàm vạn tượng,
“Tùng Địa Chi hóa trưởng Càn Khôn”

Mười thiên can là: Giáp, Ất, Bính, Ðinh, Mậu, Kỷ, Canh, Tân, Nhâm, Quí, hiệp với 12 Địa chi là: Tý, Sửu, Dần, Mẹo, Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi, biến hóa ra hình tướng bao la làm cho thế giới rộng lớn thêm lên.
Đó là Bát-quái biến hóa vô cùng mới thành ra Càn Khôn thế giới.

b/ . Giải nghĩa lạy chắp tay:
Người có hai bàn tay là đủ Âm Dương:

Tay trái là Dương. Tay phải là Âm. Mỗi bàn tay có 5 ngón, tượng Ngũ hành, nên chi hai bàn tay có đủ cả Ngũ hành Dương và Ngũ hành Âm, tức nhiên nắm vào tay hai con số ngũ, gọi là Nhị Ngũ (55).

Mỗi bàn tay có 5 ngón:
- Ngón cái gọi là mẫu chỉ (ngón mẹ của các ngón)
- Ngón trỏ gọi là thực chỉ (chỉ đúng sự thực)
- Ngón giữa gọi là trung chỉ (ngón ở chính giữa)
- Ngón áp út là Vô danh chỉ (ngón tay không tên)
- Ngón út gọi là Tiểu chỉ (ngón tay nhỏ nhứt)
Trong số 5 ngón còn một ngón không tên kêu là vô danh chỉ. Sách có câu: “Vô danh Thiên Địa chi thủy” là trước khi Trời Đất chưa khai, thì một khí không không, sau khi định hội Tý mới mở Trời nên chữ Tý ở tại góc Ngón tay vô danh. Khi mở Trời Đất rồi mới xuất hiện nên gọi là “hữu danh vạn vật chi mẫu” nghĩa là muôn vật có hình chất đều thọ nơi mẫu mới hóa sanh.

Nay đến hội Tam Kỳ kiết quả, là độ hết cả quần linh về cõi Niết Bàn, chẳng để một điểm Chơn linh nào ở miền Đông độ, nên ngón tay cái là mẫu, chỉ vào chữ Tý của chính bàn tay này tức là cơ “Âm Dương hữu hạp biến sanh” còn lại 4 ngón, đó là Tứ Dương tượng cho 4 phẩm cấp: Thần, Thánh, Tiên, Phật.
Còn bàn tay hữu là Âm, ngón cái chỉ vào chữ Dần tay tả, bốn ngón đều bao ngoài. Tay hữu là Âm, bốn ngón này là Tứ Âm, tượng 4 phẩm cấp thuộc hàng chúng sanh, đó là: Vật chất hồn, Thảo-mộc-hồn, Thú cầm hồn, Nhơn-hồn. Do vậy hai bàn tay là chỉ nhơn vật quần linh, tận qui nguyên vị. Gồm chung cả tám ngón tay tượng là Bát phẩm chơn hồn đều do Đức Phật-Mẫu tạo hoá.

Tay tả là Dương mà có ngón tay cái là Âm tự bấm vào, còn tay hữu là Âm mà có ngón cái chỉ vào cung Dần bên tay tả, để tất cả đều có Âm Dương hoà quyện vào nhau.

Vậy nên kinh Dịch nói: “Âm nội hữu chơn dương, dương nội hữu chơn âm. Âm dương lưỡng cá tứ, năng hữu kỷ nhơn tri”. Nghĩa là trong Âm lại có Dương, trong Dương lại có Âm Hai ngón cái của hai bàn tay là đủ cả Âm Dương tức là hai. Khi lạy xuống thì hai ngón này gát chồng lên tréo nhau mà hiệp lại mới thành ra bốn.

Khi hai bàn tay chấp lại là mười ngón, ứng với Thập Thiên Can. Mỗi bàn tay có 5 ngón là Ngũ hành Dương hiệp với Ngũ Hành Âm.

Theo pháp Đạo Cao-Đài khi bắt Ấn Tý rồi lạy xuống thì hai ngón cái gát tréo lên nhau, ngón cái của bàn tay mặt đặt lên ngón cái của bàn tay trái, tức là lấy Âm bao Dương, hóa thành bốn. Hiệp lại với 8 ngón tay còn lại thành ra 12. Số 12 ứng với thập nhị Địa chi. Như vậy với hai bàn tay có đủ Thập Thiên can hợp với Thập Nhị Địa Chi, tạo nên sự biến hóa, hợp với đức của Càn khôn vũ trụ.

Khoa Dịch lý cao siêu, thông hiểu luật của trời đất là lẽ biến hoá mà mình đang nắm cả vũ trụ vào trong tay.

8 - Cách lạy qua ba thời kỳ:
1/ - Nhứt Kỳ Phổ-Độ:
Đức Lão Tử giáng thế dạy Đạo Tiên, phải chắp hai tay kiết nhị, như bông sen búp. Khi lạy thì xoè hai tay úp xuống đất, cúi đầu xuống ba lạy kêu là khể thủ.

2/ - Nhị Kỳ Phổ-Độ:
Đức Thích Ca giáng sanh dạy Đạo Phật, thì chắp tay hiệp chưởng hoa khai. Khi lạy thì ngửa hai bàn tay để xuống đất mà cúi đầu xuống, kêu là hòa nam.

Khi Đức Khổng-Tử giáng sanh dạy Đạo Thánh, cách lạy là cung tay đến mày mà lạy kêu là phủ phục.

3/ -Tam-Kỳ Phổ-Độ:
Nay Đấng Chí Tôn giáng cơ tiếp điển mở Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ. Hiệp đủ Phật, Thánh, Tiên là thời-kỳ kiết quả độ đủ chín mươi hai ức nguyên nhân về nơi nguyên thủy. Có câu: “Thiên Địa tuần hoàn châu nhi phục thỉ Tam Giáo qui nguyên” chắp tay hoa sen đã thành trái.

Buổi Tam-kỳ Phổ-Độ, trước khi lạy phải bắt Ấn Tý, gọi là Kiết quả, nghĩa là thời-kỳ này đã thành trái. Tu thì thành, dữ thì đọa.Thưởng phạt phân minh.

Thử hỏi tại sao qua hai thời-kỳ Phổ-Độ trước người Tu thì nhiều mà thành thì ít?
Như trên đã nói qua hai thời kỳ qua giống như cây trồng mới nở hoa: hoa còn búp, rồi đến thời-kỳ các cánh hoa rơi rụng thì làm sao mà gieo trồng cho được, đấy chỉ là thời gian chuẩn bị. Nay thời Tam-Kỳ Phổ-Độ mới đúng là thời kỳ gặt hái kết quả, nên tu thì thành là vậy.

9 - Con người cũng đủ 4 bát Quái:
Con người có hai bàn tay là đủ Âm Dương. Mỗi bàn tay có năm ngón là tượng cho Ngũ hành Dương và ngũ hành Âm.

Mỗi tay cũng như chân, mỗi mỗi đều có một xương dài ở cánh tay trong tượng Dương và hai xương ở cánh tay ngoài tượng Âm, họp lại thành ba, tượng cho tam tài. Ngoài là năm ngón tay hoặc 5 ngón chân, họp với số 3 thành ra là 8. Tất cả có 4 chi như vậy là tượng cho 4 Bát Quái của Tiểu Thiên Địa .Đạo Cao-Đài tượng cho Đại Thiên địa cũng đang xử dụng đến bốn Bát-Quái.

Mỗi bàn tay có 14 lóng tức là hai lần con số 7. Bốn lần 7 như vậy là 28 là con số Nhị thập bát tú. Vi diệu lắm thay!

Chính là ý-nghĩa của câu “Ốc trần hườn ư song thủ chi nội” có nghĩa là nắm giữ cả cõi trần hoàn trong hai bàn tay. Nhưng ở đây cũng nên hiểu rộng ra đó là cõi trần hoàn nằm trong sự chi phối của hai lý Âm Dương.

Thế nên người tu là tìm hiểu cho thấu suốt để: Trên thông thiên văn. Dưới đạt địa lý. Giữa quán nhân sự.

Đức Chí-Tôn lập Đạo trong buổi Hạ-nguơn này thể hiện cơ tuần-huờn châu nhi phục thủy, Tôn-chỉ lấy Tam giáo qui nguyên Ngũ chi Phục nhứt để đưa nhân-loại đến Đại-Đồng. Lấy theo nguyên-lý của vũ-trụ thì:
- Thiên khai ư Tý, trời khai vào hội Tý
- Địa tịch ư Sửu, đất thành hình ở hội Sửu
- Nhơn sanh ư Dần, có nhơn-loại vào hội Dần.

Nay là buổi “Nhơn sanh ư Dần” nên đây là phần hành của Đức Di-Lạc. Do vậy mà hình ảnh của Ngài ngự ở mặt tiền Đền-thánh, cỡi cọp để làm biểu tượng là năm Dần

* Thiên khai ư Tý: Vì trước khi trời đất chưa khai thì chỉ là một khí không không mờ mịt. Sau khi định hội Tý mới mở trời, nên chữ Tý đặt ở ngón vô danh (ngón tay không tên, gần bên ngón út, nên gọi là áp út). Có câu “Vô danh Thiên địa chi thủy” 無名天地之始 (không tên là trước khi có trời đất)

* Địa tịch ư Sửu: là khi mở trời rồi: đất mới được thành hình, do khí nhẹ bay lên làm trời, khí nặng lắng xuống thành đất. Cơ biến hóa này do Mẫu (mẹ) tượng trưng ngón tay cái trên bàn tay gọi là Mẫu chỉ. Vạn-vật hữu hình trong trời đất này đều do Mẹ tạo thành, có câu “Hữu danh vạn-vật chi mẫu” 有名萬物之母.

Đạo Cao-Đài xác nhận trong vũ-trụ bao la đều do Phật-Mẫu điều hành, Phật-Mẫu nắm cơ hữu tướng. Chí Tôn nắm phần vô tướng.

* Nhơn sanh ư Dần: Tức là nay qua Hội Dần là thời kỳ của nhơn-loại, là người. Bây giờ đủ cả “Cha, Mẹ, Con” tức nhiên là Tam tài thống hiệp. Người đứng vào ngôi cùng với trời đất tức là Thiên, Địa, Nhân.

Đạo-pháp đã đúng hội Tam-Kỳ kiết quả. Cao-Đài xuất thế là hiệp với Thiên thơ đã định:
“Tam kỳ khai hiệp Thiên thi,
“Khoa môn Tiên vị ngộ kỳ Phật duyên”.

Do vậy mà Ấn Tý của thời kỳ thứ ba Đại-Đạo Tam Kỳ Phổ-Độ là thời kỳ Thiên Địa hoằng khai.
Đã qua ba thời kỳ mở Đạo:
- Nhứt Kỳ Phổ-Độ là tượng bông sen búp, nên hai bàn tay đưa thẳng ra đặt úp vào nhau.
- Nhị Kỳ Phổ-Độ là tượng cái bông tàn đi để chuyển tiếp thành trái, hai bàn tay nắm lại với nhau.
- Tam Kỳ Phổ-Độ này thật sự đã thành hình, kết quả, có nghĩa là tu thì thành: Hiền thăng, dữ đọa. Nhưng khi đạt kết quả rồi không phép hưởng riêng một mình, mà phải gieo trồng lại, tiếp tục cho nhơn sanh hưởng nhờ, luân-lưu cho khắp cả Đại-Đồng thế giới cùng chung hưởng mới gọi là phổ-độ. Xem thế là chỉ hai bàn tay mà nắm cả Càn Khôn vũ trụ. Kinh nói là “Ốc trần hoàn ư song thủ chi nội”. Thế nên Kỳ ba Phổ-Độ này mới gọi là Cơ Đại-Ân-Xá của Chí-Tôn là vậy.

Nhìn chung thì mỗi mỗi pháp Đạo đều có liên quan mật thiết với nhau và đều nhất quán.

E - Bát-quái Tiên-thiên và phương vị:
khởi điểm từ 8 quẻ đơn để đến 64 quẻ kép:

Tìm ý-nghĩa Bát Quái Tiên Thiên qua câu Kinh:
Nhất là câu “Khai Cửu thập nhị tào chi mê muội”:
Là số “chín mươi hai ức” nguyên nhân bị đọa trần.

Bát-quái Tiên-thiên cũng có thể vẽ trên vòng tròn, đồng thời định phương vị cho Bát-quái này đã có từ đời Phục-Hi Hoàng-Đế.

Bát-quái kết hợp bởi hai trục:
-Trục đứng là Nam Bắc định-vị bởi hai quẻ Càn khôn.
-Trục ngang là Đông Tây định-vị hai quẻ Ly Khảm.

Bốn quẻ còn lại nằm vào các vị-trí phụ thuộc.
Tức nhiên theo thứ-tự của Bát-quái Tiên thiên là: Càn, Đoài, Ly, Chấn quay theo chiều nghịch với chiều kim đồng-hồ, theo chiều Dương.
Các quẻ mới sinh là: Tốn, Khảm, Cấn, Khôn, quay theo chiều thuận với chiều kim đồng hồ, theo chiều Âm.
Do vậy mà từ 8 quẻ đơn, khi nhân lên gấp 8 lần nữa thành ra 64 quẻ kép, bấy giờ căn cứ vào ý-nghĩa mà Thánh-nhân xếp thành hai quyển:Thượng kinh và Hạ kinh.

Thượng kinh khởi đầu bằng hai quẻ CÀN KHÔN, cuối cùng là hai quẻ KHẢM LY.
Hạ kinh khởi bằng hai quẻ HÀM HẰNG, kết thúc bằng hai quẻ KÝ TẾ và VỊ TẾ

1 - Số của Bát-quái Tiên-Thiên vẫn có giá trị khi thành hình quẻ kép
Càn 1, Đoài 2, Ly 3, Chấn 4, Tốn 5, Khảm 6, Cấn 7, Khôn 8.
Nếu cộng các quẻ đối nhau qua tâm (gọi là xuyên tâm đối.) sẽ có tổng-số giống nhau là 9, như:
Càn 1 + Khôn 8 = 9
Ly 3 + Khảm 6 = 9
Đòai 2 + Cấn 7 = 9
Chấn 4 + Tốn 5 = 9

Thế nên Bát-quái Tiên Thiên có số 9, gọi là CỬU.
Bát-quái này có 4 quẻ đã sinh ra trước là Dương, ấy là Càn, Đoài, Ly, Chấn nên quay theo chiều nghịch với chiều kim đồng-hồ. Đường quay ấy sẽ đi vào bên trong để đến Tốn bắt đầu một chu-kỳ mới là Tốn, Khảm, Cấn, Khôn lại đi thuận với kim đồng-hồ (xem hình trang 32). Như một hơi thở, một ra một vào không bao giờ ngừng trong buồng phổi vậy.
Các quẻ đối nhau từng đôi một do ý nghĩa tương đồng:
Càn tượng cha, đối qua tâm là Khôn tượng mẹ.
Đoài thiếu-nữ đối qua tâm là Cấn tượng Thiếu-nam.
Ly là trung-nữ, đối qua tâm là Khảm  trung nam.
Chấn trưởng nam, đối qua tâm là Tốn tượng trưởng nữ.

Dịch-lý luôn gắn liền nhau bởi Âm Dương một cách tương đối, tương điều-hòa với nhau thật chặc-chẽ.
Đặc biệt là Càn ở Nam. Khôn ở Bắc. Đây là thời-kỳ nhất bản tán vạn thù, tức là thời-kỳ đi ra, nghĩa là các chơn-linh đến trần để học hỏi và tấn-hóa, như thời gian từ trước đến giờ, số nguyên-nhân đến trần là 100 ức; qua hai thời-kỳ ân-xá các vị Giáo-chủ độ được 8 ức nguyên nhân.

[100 ức - (Phật độ 6 ức + Tiên độ 2 ức)]= 92 ức nguyên nhân còn lại nơi cõi trần. Vì 92 ức nguyên-nhân này mà Chí-Tôn lo cứu vớt. Xem hình vẽ sẽ thấy các con số đối chiếu để làm biểu tượng cho các lý lẽ trên: Những con số ấy chỉ là nói lý, chứ không phải là con số hữu định. Bởi vì:
Các quẻ đối có tổng-số đều là 9 (gọi là cửu)
Hai trục giao nhau tạo thành hình chữ thập

Đồ tròn chia 8 quẻ ra làm hai (Nhị) phần có đủ âm dương rõ-rệt: Càn, Đòai, Ly, Chấn thuộc Dương; Tốn, Khảm, Cấn, Khôn thuộc âm. Âm dương phân hai là nhị khí. Hình ảnh này này biểu tượng cho con số “Cửu thập nhị tào chi mê muội” đó vậy, tức là 92 ức nguyên-nhân còn đang mê-muội, là không thông hiểu đạo-đức chánh truyền của nguyên-lý càn-khôn vũ-trụ đã đặt định.

Khi biến thành 64 quẻ kép (8x8) thì số và phương vị của Bát-quái Tiên Thiên không đổi, chỉ khác một điều là nhân rộng lên mà thôi. Thí dụ: kiền đơn là 1, (Kiền kép) là Bát-thuần Kiền là 11. Khôn đơn là 8, (Khôn kép) là Bát thuần Khôn là 88.

Bởi Bát-Quái Tiên-Thiên như cánh cửa để đi vào Đạo Dịch. Từ đấy mới có thể nhìn thấy lý biến hóa vô cùng tận, mới thấy chân trời Đạo-pháp thật bao la. Vì chỗ cao siêu, tuyệt vời ấy mà xưa nhân loại đã khổ công tìm, nhưng không được may duyên có được điểm tựa làm chuẩn là nền Đại-Đạo như ngày nay nên cứ phải loanh quanh, rốt lại rồi bày ra phương bói toán, tìm phong thủy, tuy rằng rất hay nhưng thời gian dễ bị phai nhòa mà biến thành mê tín làm cho mất cái khí thế nhiệm mầu mà Thánh nhân đã dày công biên soạn. Tuy vậy mà trong sự rủi vẫn có điều may, nhờ vậy mà Tần-Thủy-Hoàng Đế xem thường nên không đốt sách DỊCH trong vụ án “Đốt sách chôn học trò” mới còn lại đến ngày giờ này.

Khi Đức Chí-Tôn khai Đạo là muốn phô bày tất cả những nét kỳ bí, nhiệm mầu mà hết sức khoa học. Từ đấy, mỗi một nhà chuyên môn đều thấy được sự diệu dụng của DỊCH và áp dụng tuyệt đối trong chuyên môn của mình.

Tuy nhiên, nay Đức Chí-Tôn mở Đạo, Đức Hộ-Pháp giáng thế thừa hành sứ mạng thể thiên hành hoá, Ngài mở Thể pháp trước nên mới duy trì được Bí-pháp đến ngày nay. Nhắc lại lời của Đức Hộ-Pháp nói rằng:
“Bần-Đạo vâng lịnh Đức Chí Tôn xuống thế mở Đạo, thì Đức Chí-Tôn mới hỏi rằng:
- Con phục lịnh xuống thế mở Đạo, con mở Bí-pháp trước hay là mở Thể-pháp trước?

Bần-Đạo trả lời:
- Xin mở Bí-pháp trước.
- Chí-Tôn nói:
- Nếu con mở Bí-pháp trước thì phải khổ đa!

Đang lúc đời cạnh-tranh tàn bạo, nếu mở Bí pháp trước, cả sự bí-mật huyền-vi của Đạo, Đời thấy rõ xúm nhau tranh giành phá hoại thì mối Đạo phải ra thế nào?

Vì thế nên mở Thể-pháp trước, dầu cho đời quá dữ có tranh-giành phá hoại cơ thể hữu-vi hữu-hủy đi nữa thì cũng vô hại, xin miễn mặt Bí pháp còn là Đạo còn."

* Bí-pháp là Hiệp-Thiên-Đài giữ.
* Thể-pháp là Cửu-Trùng-Đài mở-mang bành trướng.

Nay nhân Thể-pháp mà thấy rõ được Bí-pháp, thật là suy chẳng cạn, luận chẳng cùng. Có như vậy nền Đạo này mới lưu lại đến thất ức niên chứ!

Điều ấy chắc chắn quả thật như vậy, thế nên người Đạo Cao-Đài muốn bảo thủ chơn truyền là phải nắm vững về mặt Bí-pháp, tức nhiên phải thấy rõ rằng mỗi mỗi Thể pháp mà Đức Chí-Tôn đặt định nơi cửa Đạo này không phải là điều đơn giản,nên Thầy có nói là “một cái dấu cũng không thể sửa”là vì tính cách yếu trọng của nó, nên chi từ câu Kinh tiếng kệ, đến cả nghi thức cúng kính, cùng là Lễ Nhạc khi Thầy đã qui định rồi thì đó chính là chơn truyền của nền Đại-Đạo. Vì sự cần yếu Thầy mới bày ra cho có qui củ cũng như sự sắp xếp tai, mắt, mũi, miệng trên gương mặt của con người không thể thay đổi vị trí được.

2 - Kiền Khôn làm cánh cửa của Đạo Dịch:
Như Kinh đã nói: Huệ đăng bất diệt. Chiếu Tam thập lục thiên tức nhiên nhờ đèn huệ soi sáng nên thấu đáo được chân tướng của sự vật, suốt thông được 36 từng trời. Chính con số 36 này là do bốn lần con số 9 của Bát quái Tiên Thiên mà chúng ta vừa nói trên, là (4x9=36) mà Kinh đã truyền để, cho biết sự yếu trọng của Bát-Quái:
Ba mươi sáu cõi Thiên Tào,
Nhập trong Bát-Quái mới vào Ngọc-Hư.

Thử nhìn lại ở mặt tiền Đền Thánh có hai lầu: lầu Chuông và lầu trống, mỗi lầu cao 36 thước, cũng là con số của hai quẻ KIỀN KHÔN đã đặt vào đấy như hai cánh cửa để qui nạp tất cả giáo lý chân truyền, không đâu mà ra ngoài lý Dịch của Đạo Cao-Đài cả. Đây cũng là chứng tỏ quyền uy tối thượng của Ông Thầy Trời đang ngự trị.
(Càn tượng 3 nét liền, Khôn tượng 6 nét đứt)
Do vậy mà ghép liền hai con số 36 chính là hình ảnh của KIỀN KHÔN) đó là ý-nghĩa “Thống ngự vạn vật” vậy.
Nếu lấy số 36 làm thành bài toán cộng (3+6=9), tổng số là 9. Hai lầu có số chiều cao như nhau, tức là hai số 9 (99) gọi là số Cửu. Điều này ứng hợp với câu Sám:
“Cửu cửu Càn Khôn dĩ định,
“Thanh minh thời tiết hoa tàn”.

(xem tiếp Bát-quái biến hoá toàn đồ sẽ rõ số 99 hơn)

Thật thế, nếu người tu hành mà không suốt thông lý Đạo hẳn nhiên còn thiếu, như một thuyền trưởng ra biển khơi mà đánh mất địa bàn đó vậy! Nhưng sở dĩ Đức Chí Tôn phải mở Đạo nhiều nơi, vì trình độ của nhơn sanh tiến hóa không đồng đều. Bởi vì người có ba phẩm hạng.

Bát quái Tiên-Thiên là cánh cửa để đi vào Đạo Dịch, nếu không am tường những nguyên tắc căn bản của Bát Quái này thì khó mong mà khám phá được kho tàng Dịch lý quá ư to lớn mà các Vị Tiền Thánh đã dày công nghiên cứu trên 6.000 năm, dành cho nhân loại một túi khôn vô cùng quí giá.

3 - Thứ tự vận hành của Hà-Đồ:
Thánh nhân nói rằng trên sông Hà xuất hiện Đồ, trên sông Lạc xuất hiện Thư. Rồi từ đó mới làm ra phép tắc, qui luật nên gọi là Hà đồ, Lạc thư là do từ đây.

Hà đồ là bức đồ được tìm thấy khi vua Phục-Hi trị vì thiên hạ, thấy con Long Mã xuất hiện ở sông Hà, ông lấy làm hài lòng vì nhận được cái văn: tức là số từ 1 đến 10 như trên đã nói, để vạch ra 8 quẻ. Sắp xếp lại thì được 55 nốt trên lưng.
Phân biệt ra thì tròn là số của Hà đồ, vuông là số của Lạc thư. Hà đồ thể tròn mà dụng vuông.
Hà-Đồ là Đạo tự nhiên, là bản-đồ trên lưng con Long-Mã có nhiều điểm:

Điểm tròn trắng tượng Dương.
Điểm tròn đen tượng Âm.
- 1 với 6 phía sau (thuộc hướng Bắc, biểu hiện cho mùa Đông thuộc hành Thuỷ)
- 2 điểm với 7 điểm phía trước (hướng Nam, biểu hiện cho mùa HẠ, thuộc hành Hỏa).
- 3 với 8 bên trái (là ở hướng Đông, biểu-hiện cho mùa Xuân, thuộc hành Mộc).
- 4 với 9 bên mặt (là hướng Tây, biểu hiện cho mùa Thu, thuộc hành Kim).
- 5 với 10 chính giữa (trung-ương, Tứ quí thuộc hành Thổ)

Cả thảy năm ngôi tượng-hình cho khí Ngũ-Hành:
Tóm lại:
1 với 6 phía sau, tượng hình Bắc-phương Nhâm Qúi, Thủy.
2 với 7 phía trước, tượng Nam-Phương Bính Đinh, Hỏa.
3 với 8 bên trái tượng hình Đông-phương Giáp Ất, Mộc.
4 với 9 bên mặt, tượng hình Tây-phương Canh Tân, Kim
5 với 10 chính giữa, tựơng hình Trung ương Mồ-Kỷ Thổ.

Năm điểm ở chính giữa cũng tượng hình Thái-Cực hàm nhứt-khí, tức là Thái-cực bao hàm một khí.

Tổng cộng hết là 55 điểm mà kỳ thiệt là nhị ngũ, bởi vì nếu tính hàng ngang là hai con số ngũ đứng liền nhau (gọi đó là Âm ngũ-hành và Dương ngũ-hành). Tuy là nhị ngũ mà cũng chỉ là nhứt ngũ mà thôi. Bởi Âm với Dương như hình với bóng, cũng chỉ là một: Là Thái cực.

4 - Luận về Y lý:
Hà đồ là cái hình vẽ của Phục Hi đã tạo ra để hình tượng Thiên Đạo theo thể vô hình, tức là nói về Tiên thiên hay là cái Thiên lý trước khi sáng tạo trời đất. Tất nhiên theo lý “Thiên địa vạn vật nhất thể” nghĩa là trời đất và vạn vật cùng một thể với nhau.

Tiến trình sinh hoạt ấy theo hai chiều thuận nghịch, hay nói khác đi cứ một ra một vào như hơi thở của con người thoát ra từ trong lồng ngực. Vậy thì:
- Trong cõi vô hình: Từ trong phát triển ra ngoài.
- Trong cõi hữu hình: Từ ngoài trở lại vào trong.

Theo như Hà đồ bắt đầu nảy ra số 1 tức là cái vi dương nhỏ mới nảy ra ở phương Bắc, cũng vì lẽ ấy mà Thánh nhân lấy sự huy động ở hướng Bắc mà tượng là quẻ Khảm, chính nơi này mà nó tạo ra cái trứng cho cõi đời.

Kinh Phật-Mẫu có nói:
“Kể từ hỗn độn sơ khai,
“Chí-Tôn hạ chỉ trước Đài Linh-Tiêu,
“Lưỡng nghi phân Khí Hư vô,
“Diêu-Trì Kim-Mẫu nung lò hoá sanh.
“Âm Dương biến tạo Chơn thần,
“Lo cho nhơn vật về phần hữu vi”…

Như vậy Hà-Đồ thì số 1 là Dương mới sinh ra ắt có sự động. Số 1 là số Dương đầu tiên tượng Thái Dương. Dương đến cùng cực thì Âm sinh cho nên thành số 2 tức là số của Thiếu Âm, số 2 là số chẵn, là số âm nhỏ nhất.

Số 1 sinh ra ở hướng Bắc mà số 2 là số đối của nó tức là ở hướng Nam.
Hỏi tại sao số 1 sinh ở hướng Bắc?
Theo người Trung-Hoa thì trên bản đồ trục đứng là Bắc Nam. Hướng Bắc là ở trên đối chiếu xuống thì: trên là Bắc, dưới là Nam. Đây là muốn lấy cái lý vi dương phát sinh mà cái Âm khí ôm bọc lấy, nó dần dần bốc lên trên mà thành hình người hay vật, theo vị trí của bào thai trong bụng Mẹ khi xuất thế thì đầu quay về phía dưới. Như vậy mới là thuận nên cái lý vi dương tượng số 1 ở hướng Bắc mà lại ở dưới, nghịch hẳn với những nguyên tắc của phương Tây lấy hướng Bắc ở trên.

Khi mà 1 là Thái Dương huy động thì cái trứng trinh khiết mới nhận được điểm linh quang của Thượng-Đế tức là ngôi Thái cực có trước. Điểm Thái cực ấy chính là “Con mắt” là nguyên tử đầu tiên. Đạo Cao-Đài lấy biểu tượng “Thiên Nhãn Thầy” cũng không ngoài lý do ấy.

Khi Dương đến cùng cực thì cái 2 sinh ra, mà số 2 là số đối với số 1, cho nên trong Hà đồ có số 2 ở trên gọi là hướng Nam. Theo bào thai tượng là chỗ xương, phân hai thành hai chân. Số 2 là tượng Thiếu Âm tức là khí Âm còn non đó. Khi đến cùng thì 2 là 3 và theo nghịch lại về tay trái tức là phía lưng bào thai, tượng cái xương sống thành một đường thẳng, mà 3 tượng là Thiếu Dương. Theo Khoa học huyền bí thì cái xương sống là con đường dẫn khí trong người. Trong xương sống có 3 cái lỗ để sinh Hoả khí lưu chuyển, tượng Tam tài. Từ số 3 đến số 4 vẫn theo một chiều, thì số 4 ở về bên tay phải tượng Thái Âm, xem trong bào thai tức là hai chân và hai tay thu vào với nhau thành 4 điểm, gọi là Tứ tượng.

            Chỗ này Kinh có giải rõ:
“Khí phân Tứ tượng. Oát triền vô biên”

Như người phân ra Nam Nữ: Nếu là Nam thì gọi là Tứ Dương, còn Nữ thì định là Tứ Âm. Khi đến tuổi cặp kê họ tác hợp với nhau hiệp thành Bát Quái, tức nhiên Tứ Dương họp với tứ Âm, từ đó mới biến hoá ra thêm.
Đó là lấy cơ thể của người mà xét lúc còn là bào thai trong bụng mẹ chưa thành ra ở cõi hữu hình. Người ta là một Tiểu thiên địa có thể đối chiếu với Tiên, Hậu Thiên Bát-quái là theo các quang khiếu mà các nhà Huệ nhãn thấy được. Như vậy từ lúc mới là một vi dương, nhỏ rồi thành hình dần dần đều theo định luật của Thiên lý. Sự huy động giống với những thể ở trong Đại Thiên địa vậy.

Hoá cho nên lấy cái lý ấy mà so-sánh cho rộng thấy rằng Thái-hư là rất linh diệu. Song Thái-Hư chỉ là một mà thôi. Cái một không thể sinh hoá được, tất phải có cái hai. Nếu cái 2 không thành lập thì cái 1 không thấy. Cái 1 không thấy thì cái dụng của cái 2 cũng ngừng nghỉ. Hai thể là hư thực, động tĩnh, tụ tán, trong đục, đến cùng cực thì chỉ là một mà thôi.

Cái 2 trên đây tức là Lưỡng nghi của Thái cực trong Kinh Dịch vậy. Khi Âm Dương phân tách ở cái một thì là Thái Hư. Thế nên ngày xưa vua Phục-Hi thấy rõ như vậy mà phân theo Hà-Đồ “Một” ở hướng Bắc, “Hai” ở hướng Nam.

Cái gì cũng vậy: có cảm trước rồi mới thấy sau, nếu không có cái một thì làm sao có cái hai!
Nói đến những con số vận hành trên của Hà đồ là nói đến Ngũ hành sinh và thành.đó vậy.

Trên đây là Tứ Tượng nằm trong Bát-quái Tiên Thiên, để thấy rằng Bát-Quái có mặt ở mọi nơi mọi chỗ, không đâu mà ra ngoài luật định của Càn Khôn vũ trụ. Đó là nguyên lý, người học Đạo duy có tìm ra lý để hợp thức hoá các công thức trên cho đủ lẽ mà thôi.

CHƯƠNG 2

A - Trên đồ hình này biểu tượng đủ cả
Tam giáo, Tam Trấn Oai-nghiêm và Ngũ chi Đại-Đạo:
Đây là Thái cực toàn đồ
1 - Phương pháp vẽ (H.15)
Đầu tiên vẽ một vòng tròn lớn biểu tượng Càn khôn vũ trụ, tâm 0 ở chính giữa là ngôi Đức Chí-Tôn Ngọc Hoàng Thượng-Đế là Chúa tể vũ-trụ và vạn vật. Đạo Cao Đài biểu tượng bằng “Thiên Nhãn Thầy” tức nhiên người Tín hữu thờ “Một Mắt trái” để ngưỡng vọng ngôi Trời.

Một vòng tròn giữa là ngôi Chúa Jésus, Gia-Tô Giáo-chủ, Chưởng-giáo Đạo Thánh. Đây cũng là giao điểm của hai đường kính tạo thành hình chữ thập, là hình ảnh cây Thánh giá mà Chúa đã chịu nạn cho nhân-loại. Ngày nay ai dám có tinh thần phụng sự cao, dám thọ khổ là sớm hiệp cùng Đức Thượng-Đế, là hiệp vào tâm đó vậy.

Sáu vòng tròn xếp chồng lên nhau có đường kính bằng với vòng tròn giữa. Mỗi tâm có hình ảnh một Đấng Giáo-chủ của nhân loại qua các thời-kỳ mà ngày nay Đạo Cao-Đài đều ngưỡng vọng.Dịch gọi là “Các hữu Thái-cực” tức nhiên dưới mắt Thượng-Đế các Đấng Giáo-chủ của Tam giáo đều được đồng quyền đồng đẳng như nhau.

Một tam giác đều nội tiếp trong vòng tròn lớn tượng trưng Tam giáo được phổ truyền rộng khắp, dù có rất nhiều Tôn-giáo nhưng chung qui cũng gồm về ba mối Đạo chánh truyền là: Phật, Tiên, Thánh mà thôi.Tam giáo được biểu tượng qua hình ảnh ba cạnh của tam giác đó. Tuy ba Tôn-giáo nhưng có đến bốn vị Giáo-chủ gọi là “Tứ giáo Thánh nhân” chứ không thể gọi là Tứ giáo được. Bởi vì hai vị Chưởng-Giáo của Thánh Đạo đồng thời trấn ở hai phương Đông và Tây, tức nhiên Đức Thánh Khổng-Phu Tử là ông Thánh Ta, còn Đức Chúa Jésus là ông Thánh Tây. Đây là lời xác nhận của Đức Hộ-Pháp như thế. Có như vậy mới nói “Qui nguyên Tam giáo” và “Phục nhứt Ngũ chi” vào thời buổi Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ này.

Tam giác đều là tam giác có ba cạnh bằng nhau, ba góc bằng nhau, bằng 60o. Tam giác có ba cạnh còn nói lên ý-nghĩa một mà ba, mà ba cũng là một. Dịch biểu tượng là hai quẻ Càn Khôn. Vì lẽ đó tam-giác-đều rất phổ biến qua các biểu tượng của Đạo Cao-Đài.

Trong đồ hình này cấu tạo bởi 7 vòng tròn nhỏ có đường kính bằng nhau. Số 7 này có một giá trị cao siêu và yếu trọng trong nền Tôn giáo. Nó là tượng trưng cho Thất tình, thất khiếu, Thất bửu (xem qua con số 7)

2 - Đạo Cao-Đài thờ “Thánh Tượng Ngũ Chi”

Đạo trải qua thời-gian, Hội-Thánh cũng đã nhiều lần thay đổi Thánh Tượng Thầy. Tuy nhiên, về hình ảnh của Thánh-tượng có nhiều mẫu khác nhau, nhưng điểm chính-yếu vẫn là “Con mắt Thầy” ở chính giữa.

Hình ảnh Thánh Tượng này chỉ là một sự triển khai của đồ (hình 15) ở trên mà thôi, vị trí Các Đấng Giáo chủ cũng hiệp một, nên cả hai cùng một ý-nghĩa.

Trong hiện tại, Hội-Thánh định cho toàn Đạo thờ “Thánh Tượng Ngũ Chi”. Dưới Thiên-Nhãn-Thầy có hình các Đấng Giáo-Chủ xưa: Tam-Giáo, Tam-Trấn, Ngũ Chi trong ý-nghĩa Tam-Giáo qui nguyên Ngũ Chi phục nhứt:

1/ - Tam Giáo:
Trên đồ hình: Tam giác trên cùng tượng trưng Tam giáo ở Nhị kỳ Phổ Độ có các đỉnh làm biểu tượng cho:

. Phật-Đạo: Ở giữa là Thích Ca Như Lai, Giáo-Chủ Đạo Phật.
. Tiên-Đạo: Phía tả là Đức Thái-Thượng Đạo Tổ, Giáo-Chủ Đạo Tiên.
. Thánh-Đạo: Phía hữu là Đức Khổng Thánh Tiên-Sư, Giáo Chủ Đạo Thánh.(Tả hữu là ở ngoài nhìn vào)

2/ - Tam Trấn Oai-nghiêm:
Nhị kỳ đã qua, nay là thời Tam Kỳ Phổ độ Tam giáo qui nguyên Ngũ chi Phục nhứt. Đức Chí-Tôn phải lập Tam Trấn Oai nghiêm thay quyền Tam giáo. Đây là tam giác nội tiếp trong vòng tròn giữa, càng thấy sự yếu trọng của Tam trấn như thế nào!

Tam Trấn thay mặt cho Tam Giáo:
Phật : Phía tả là Đức Quan Âm Như Lai, chủ về Phật Đạo.
Tiên: Ở giữa là Đức Thái Bạch Kim Tinh, chủ về Tiên Đạo.
Thánh: Phía hữu là Đức Quan Thánh Đế Quân, chủ về Thánh Đạo.

3/ - Ngũ Chi Đại-Đạo:
Từ trên kể xuống thì Ngũ Chi ở hàng giữa là:
Phật Đạo: Đức Phật Thích Ca Mâu-ni, Giáo Chủ Phật Đạo.
Tiên Đạo: Đức Thái Bạch Kim-Tinh Chưởng-giáo Đạo Tiên thay quyền Tiên Đạo.
Thánh Đạo: Đức Gia-Tô Giáo chủ (Chúa Jésus-Christ) Giáo chủ Thánh Đạo.
Thần Đạo: Đức Khương Thượng Tử-Nha, Giáo-chủ Thần Đạo.

Nhơn Đạo: Tượng 7 cái Ngai thể về Nhơn Đạo gồm có: Một Ngai Giáo-Tông, ba Ngai Chưởng-Pháp, ba Ngai Đầu-Sư. Tức nhiên người đứng đầu lãnh đạo Nhơn sanh về phần Nhơn-Đạo là Giáo-Tông Đại Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ.

Trong tượng Ngũ-chi nhận thấy có phần chính-yếu là Thiên-Nhãn Thầy ở chính giữa với số tia hào-quang khác nhau tuỳ theo mẫu Thánh Tượng. Kế đến là mặt trời và mặt trăng tức là Âm Dương nhị khí. Dưới là Tam-giáo, kế Tam Trấn và Ngũ chi

Như vậy mỗi vị đều đứng vào tâm của mỗi vòng tròn, tức là mỗi vị là một Thái-cực với sự yếu trọng khác nhau. Đặc biệt nhứt trong thời Tam-Kỳ Phổ-Độ này hình ảnh Chúa Jésus Thánh-Đạo là Chúa Cứu Thế đứng vào tâm của vòng tròn tức nhiên hoà nhập cùng Thượng-Đế. Đó là Thọ khổ, là một trong năm bước Khổ vậy. Thế nên người tu trong buổi Tam-Kỳ Phổ-Độ là hành đủ Tam lập, là Phụng-sự Vạn linh tức là phụng sự cho Chí-linh.

3 - (Trường hợp khác) Thờ tượng Tam Trấn:
Về sau Hội-Thánh chấn-chỉnh lại để ban cho toàn Đạo thờ “Tượng Tam Trấn”. Trong Tượng Tam-Trấn không có in hình các Đấng Giáo Chủ, nhưng phần dưới Thiên Nhãn Thầy có ba khuôn vẽ bằng Cổ Tự, đó là Thánh-danh của các Đấng Tam Trấn Oai Nghiêm thay quyền Tam giáo trong buổi Tam Kỳ Phổ Độ này:

Thánh-tượng này phía trên có 6 chữ: (ĐẠI-ĐẠO TAM-KỲ PHỔ-ĐỘ)  dưới cùng là danh-hiệu Tam-trấn, từ trái sang phải:
- QUAN-ÂM BỒ-TÁT.
- THÁI-BẠCH KIM TINH
- QUAN-THÁNH ĐẾ-QUÂN

4 - Ý-nghĩa Thánh Tượng Thiên Nhãn:
Thánh Tượng Thiên Nhãn tượng trưng Đức Thượng-Đế là Đấng Thánh Hoàng trước Ngôi Thái Cực, với quyền năng tối thượng, toàn tri, toàn năng của Ngài. Đây là quyền Chúa tể của Càn khôn thế-giới. Thầy dạy:

“Thầy đã nói với các con rằng: Khi chưa có chi trong càn khôn Thế Giới thì khí Hư-Vô sanh ra có một Thầy và ngôi của Thầy là Thái-Cực.

Thầy phân Thái Cực ra Lưỡng-Nghi, Lưỡng-Nghi phân ra Tứ-Tượng, Tứ-Tuợng biến Bát-Quái, Bát-quái biến-hóa vô cùng, mới lập ra Càn-Khôn Thế Giới. Thầy lại phân tánh Thầy mà sanh ra vạn-vật là: vật chất, thảo mộc, côn-trùng, thú-cầm, gọi là chúng-sanh.

Các con đủ hiểu rằng:
Chi-chi hữu-sanh cũng do bởi Chơn-linh Thầy mà ra, hễ có sống, ắt có Thầy. Thầy là Cha của sự-sống, vì vậy mà lòng háo-sanh của Thầy không cùng tận.

Cái sống của cả chúng-sanh, Thầy phân-phát khắp Càn-Khôn Thế-Giới, chẳng khác nào như một nhành hoa trong cội, nó phải đủ ngày giờ Thầy nhứt định mới trổ bông và sanh trái đặng trồng nữa, biến hóa ra thêm; nếu như ai bẻ hoa ấy nửa chừng thì là sát một kiếp sanh không cho biến-hóa.

Mỗi mạng sống đều hữu căn hữu kiếp, dầu nguyên sanh hay hóa-sanh cũng vậy, đến thế nầy lâu mau đều định trước, nếu ai giết mạng sống, đều chịu quả-báo không sai; biết đâu là cái kiếp sanh ấy chẳng phải là Tiên, Phật bị đọa luân-hồi mà ra đến đỗi ấy.

Cái mạng sống là Thầy, mà giết Thầy thì không phải dễ, các con gắng dạy nhơn-sanh điều ấy". (TNII/62)

5 - Tinh-thần tín-ngưỡng của người Việt-Nam:
Dân Việt-Nam vốn một lòng sùng thượng Đấng Thượng-Đế nên đã bao thời gian bất cứ nền Đạo mới nào du nhập vào cũng được đón nhận và Tín ngưỡng hết lòng. Nay, cửa Đạo Cao-Đài đã chính thức Qui Tam giáo hiệp Ngũ chi, cho nên quyền hành của Thượng-Đế bao trùm tất cả, biểu tượng số 12 là số riêng của Thầy.

Thánh ngôn Thầy xác nhận:
“Thập nhị khai thiên là Thầy, Chúa cả Càn-khôn thế giới nắm trọn Thập nhị thời thần vào tay. Số 12 là số riêng của Thầy”.

Tất cả những nghi thức cúng kính, thờ phượng, nghi lễ theo Tôn giáo Cao-Đài ngày nay… đều bày ra dưới nhiều hình thức. Nhưng chung qui cũng để bày ra trước mắt cho nhơn sanh thấu đáo lẽ huyền-vi mầu-nhiệm của Đấng Tạo-hoá, hầu noi theo chơn truyền mà để bước về cùng Thầy trong con đường Chân, Thiện, Mỹ. Tất cả những yếu lý ấy gọi là Bí-pháp chơn truyền.

6 - Đạo Thiên chúa không có Bí-pháp:
Qua lời của Đức Hộ-Pháp thuyết về BÍ PHÁP tại Đền Thánh, đêm 05-04 Năm Kỷ Sửu (02-05-1949)
“Đối với các triết lý Bí Pháp buổi nọ, bây giờ nhơn loại tăng tiến quá lẽ, thành thử các vị Giáo Chủ đã lập luật pháp, nhưng luật pháp đơn sơ ấy, ngày nay không có đủ quyền năng trị tâm thiên hạ nữa.

Bởi thế cho nên nền Tôn Giáo mới hơn các nền Tôn Giáo khác có mặt tại địa cầu này là nền Thiên Chúa Giáo, vị Giáo Chủ sáng suốt, vị Giáo Chủ ngôn ngữ hoạt bát, tinh thần minh hoạt hơn hết, là Đức Chúa Jésus Christ, nhưng hại thay trong Thể pháp Ngài đủ quyền năng đem đủ giáo lý của Ngài đặng làm nền tảng tâm lý của nhơn loại. Nhưng về mặt Bí Pháp chơn truyền, Ngài chỉ có nói một điều, các Môn Đệ nhứt là các vị Thánh Tông Đồ: “Có nhiều lý lẽ cao siêu ta chưa có thể nói với các người đặng, dầu ta có nói các người cũng chưa hiểu.”

Vì cớ cho nên Bí Pháp Chơn Truyền của Công Giáo không có, không có thể có; bởi theo Bí Pháp, theo lời Đức Chúa Jésus Christ thì buổi nọ Bí Pháp Chơn Truyền của Ngài chưa có thể gì nói cho thiên hạ nghe đặng.”

Vì sao? Về phần sâu xa thì Đức Hộ-Pháp cho biết rồi, còn về phần hữu vi thì biểu tượng cây Thập Tự giá là một vật cứng ngắt không linh động, là hai đường kính giao nhau của vòng tròn. Trong khi đó Phật giáo tượng chữ VẠN tức là “Pháp luân thường chuyển” nên linh hoạt, luân chuyển luôn luôn. Ngày nay Đạo Cao-Đài phối hợp tất cả các pháp ấy: hình ảnh chữ Thập ở giữa là tượng cho sự Thọ khổ của Chúa, nên ảnh Chúa đứng vào tâm. Lại còn dùng đến hai chữ Vạn thuận nghịch: một là các chơn linh xuống trần học hỏi, hai là chữ Vạn nghịch lại là đường trở về. Thế nên, buổi Tam-Kỳ Phổ-Độ là bày tất cả Bí pháp đó vậy.

B - BA THỜI-KỲ KHAI ĐẠO

Từ khi mới có nhân-loại và xã-hội đến giờ đã có ba kỳ Đại-Ân-xá. Riêng về Cựu-Lục-địa (Thái Tây Cận Đông Á Tế Á). Có ba kỳ Phổ-Độ như là:

1 - Nhứt Kỳ Phổ Độ: Tức là Nhứt thiết Long-Hoa Thiên khai Tý Hội, thuộc vào thời-đại Đức Phục-Hi bên Tàu. Trong thời-kỳ này trước sau có mấy vị Thánh-nhân ra đời cứu thế:
-Phật giáo: Đức Nhiên Đăng Cổ-Phật Chưởng giáo
- Tiên giáo: Đức Thái Thượng Đạo Quân (tiền thân của Đức Lão-Tử) Chưởng giáo Đạo Tiên.
- Thánh giáo: Đức Văn Tuyên Đế Quân Chưởng giáo Đạo Thánh.

2 - Nhị Kỳ Phổ Độ: Tức là Nhị Thiết Long-Hoa, Thiên khai Sửu Hội. Trong thời-kỳ này lần lượt có các vị Thánh nhân ra đời cứu thế:
- Phật giáo: Đức Thích-Ca Mâu-Ni làm Chưởng giáo
- Tiên giáo: Đức Lý Lão Đam, hay Lão-Tử Chưởng Giáo (Hậu thân của Đức Thái-Thượng Đạo Tổ)
- Thánh giáo: ĐứcThánh Khổng Phu-Tử (Thánh Ta), Đức Gia-Tô Giáo-chủ Đạo Thánh (Thánh Tây).

3 - Tam Kỳ Phổ Độ: tức là Tam thiết Long-Hoa Thiên khai Dần Hội hay Huỳnh-Hội. Kỳ này Đức Ngọc Hoàng Thượng-Đế giáng điển linh lập Đạo qui các Giáo lại làm một và không giao quyền Giáo-chủ cho người phàm nữa.

Vì sao vậy?
Là vì trước kia năm châu bốn biển thiếu sự đi lại, phải sống lẻ-loi riêng biệt. Bởi thế, Đức Thượng-Đế phải phái những vị Giáo chủ hạ phàm tại mỗi châu tùy phong tục mà mở Đạo. Nay qua Tam-kỳ Phổ-Độ Tam giáo Qui nguyên Ngũ chi phục nhứt, cũng là thời kỳ nhân loại nhờ văn minh khoa học, nên tất cả đều thông cảm nhau và hiểu nhau hơn. Nhân-loại sẽ đồng hưởng thụ các nền văn-minh khoa học cũng như Đạo học. Nay, Đức Chí-Tôn đến nhìn nhận con cái của Ngài và tận độ tất cả Vạn linh trở về.

C - Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ là gì?

Tiếng Pháp gọi là “Troisième Amnestie de Dieu en Orient” tức là cơ Đại-Ân xá lần ba. Thường gọi là nền Tân Tôn-giáo Cao-Đài, mục đích là dung-hòa triết lý Tam giáo là Nho, Thích, Đạo. Đức Ngọc-Hoàng Thượng-Đế tá danh là “Cao Đài Tiên Ông Đại-Bồ-Tát Ma-Ha-Tát” dùng Thần Cơ diệu bút lập nên mối Đạo nhà cho dân-tộc Việt-Nam làm khởi điểm.

“Từ cổ chí kim, tạo thiên lập địa, Đạo đều phát khởi từ phương Đông, là các nước ở miền Á Đông (Asie) như các nền chơn-giáo trước kia: Nho , Đạo , Thích cũng đều phát khởi nơi miền Á-đông rồi lần lần truyền bá qua phương Tây như:
- Đạo Phật thì khai tại Thiên-trước là Đức Nhiên Đăng Cổ-Phật và Đức Thích-ca Mâu-Ni khai Phật-giáo.
- Đại-Đạo là Đạo Tiên thì Lão-Tử khai tại Trung Hoa.
- Sau nữa Khổng-Tử khai Đạo Thánh cũng tại Trung hoa là ở miền Á-Đông.
- Sau lần lần Đạo trải khắp qua hướng Tây, nên Đức

Chúa Jésus truyền Đạo Thánh tại hướng Tây. Kế đó Đạo mới roi truyền ra khắp năm châu.”
Thuở tiền khai Đại-Đạo Đức Chí-Tôn đến với các bậc lương sanh của Ngài bằng một giả danh là AĂÂ.

ĐẤNG AĂÂ LÀ AI ?

Đạo-sử Xây bàn của Bà Hương-Hiếu xác nhận:
“Nhớ lại hồi hạ tuần tháng bảy năm Ất Sửu (1925) ba Ông: Cư, Tắc, Sang thỉnh bàn ra (lúc này hơi in như say Đạo) ba Ông tính cầu Cô Đoàn-ngọc-Quế về dạy thi văn, ba Ông để tay lên bàn thì bàn dở hổng lên có một Ông giáng, tôi hỏi tên gì ?

Thật rất lạ-lùng xưng là AĂÂ, vì khi Ngài đến, Ngài gõ ba cái, chúng tôi theo cách tính xây bàn: hễ gõ một cái là A, gõ hai cái thì Ă, gõ ba cái thì Â. Đấng AĂÂ duy chỉ dạy Đạo và vấn nạn mà thôi. Khi xưng tên là AĂÂ, chúng tôi hỏi nữa thì Đấng AĂÂ không nói gì hết (sau Đức Ngài mới xưng danh là Đức Chí-Tôn)."

D - Tam giáo thất kỳ truyền:

Đạo Cao-Đài hôm nay phải xuất hiện, theo như lời Đức Hộ-Pháp nói, chính là do:

“Tôn-giáo thất-kỳ-truyền: Nho, Thích, Đạo, hiện nay đã trở nên phàm-giáo, chư Đệ-tử trong ba nhà Đạo không giữ giới-luật qui điều, canh-cải chơn-truyền, bày ra các điều giả cuộc làm cho Tam-giáo biến thành dị hợm.
- Đệ-tử nhà Đạo, chẳng tùng pháp-giáo của Đức Thái-Thượng Lão-Quân. Tuy ở trong nhà Đạo mà tức thị mê-tín dị-đoan.
- Đệ-tử nhà Thích không thuận theo lời giảng dạy của Đức Phật Thích-Ca, thì đệ-tử nhà Thích dị-đoan mê tín.
- Đệ-tử nhà Nho chẳng thực-hành điều mục của Đức Văn-Tuyên Khổng-Thánh, thì đệ-tử nhà Nho dị-đoan bất chánh.

Tóm lại, hai chữ “Dị-đoan” nghĩa là đồ theo không trúng kiểu cái qui-giới thể-lệ chơn truyền của Tam giáo.

“Bần-Đạo tìm hiểu Nho-phong ta đoạt đặng hay đã có trước, chúng ta thấy nòi giống Việt Thường này là con cháu nước Lỗ, mà Nho-Tông xuất-hiện cũng ở nước Lỗ, nói rằng giống Lỗ lập Đạo Nho, chắc hẳn là Nho-Tông của chúng ta vi chủ. Nói vi-chủ tức là của mình, nếu có Đạo Nho sẵn trước thì ta có Đạo Nho, Đạo Lão, Đạo Phật. Ba nền Tôn-giáo mà mặt điạ-cầu này cho là trọng yếu, bất kỳ là sắc dân nào hay liệt quốc nào cũng đều nhìn-nhận là do trong xứ Á-Đông này."

E - Biểu hiệu của Đạo Cao-Đài là: CỜ TAM THANH

Tức là cờ Đạo:
Nền Đạo mới này có Danh hiệu là Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ, nói tắt là Đạo Cao Đài. Thế nên phần trên hết của cây cờ đề 6 chữ bằng chữ Nho chứng tỏ là thời-kỳ Nho Tông Chuyển thế. Hội Thánh Cao Đài đặt địa điểm trung ương tại Tòa Thánh Tây Ninh. Biểu tượng của Đạo Cao-Đài là thờ Thánh Tượng Thiên Nhãn tức nhiên là thờ con mắt Trời là “Con Mắt trái”.
 Home       1 ]  [ 2 ]  [ 3 ]  [ 4 ]  [ 5 ]  [ 6 ]  [ 7 ] 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét