Dịch Lý Cao Đài - Q II - 4 / 7 ( Nguyên Thủy )

Tỷ như một người kia tìm Đạo, người ta thấy mình dâng ba món ấy mà mình gọi là ba báu, rồi người ta để mắt thấy Bông, Rượu, Trà người ta để dấu hỏi, ba món ấy báu lắm hay sao? Báu ấy là báu gì ?

Bần-Đạo đã giảng ba cái đó tượng trưng cho báu vật của ta là:
- Thứ nhứt thân phàm xác thịt của chúng ta đây, thuộc về Tinh, Bông tượng trưng xác thịt.
- Thứ nhì là trí não của ta,
khôn ngoan hơn vạn vật gọi là Khí, Rượu tượng trưng cho trí não.
- Thứ ba là Trà tượng trưng cho linh hồn của chúng ta là cái hằng sống thiêng liêng của chúng ta, nó mới gọi là ba cái báu.

Thật ra chúng ta suy nghĩ coi không có gì quí hơn xác thịt ta, trí óc ta và linh hồn ta hơn hết.

Đức Chí Tôn đến biểu chúng ta dâng ba báu vật ấy cho Ngài, Ngài không đòi hỏi dâng cho Ngài cái gì khác.

Giả tỷ như đời Thượng Cổ nhơn loại dâng cho Ngài tới sanh mạng con người, nên người ta phải giết người để làm tế vật. Sau đó thay thế mạng sống con người, nhơn loại lại dâng Tam sanh tức nhiên bò, trâu, heo và sau nữa bên Âu Châu theo Đạo Do Thái thì dâng cho Đức Chí Tôn một con chiên trắng, con chiên ấy phải trắng như tuyết mà thôi.”

9/ - Giờ phút này Đức Chí Tôn đến biểu chúng ta dâng Tam Bửu : Bông, Rượu, Trà:
“Tưởng đâu là gì, thiên hạ nói báu gì đâu ba món ấy gọi là báu. Ai ngờ ba món báu ta dâng cho Ngài là báu vật, bởi vì Ngài là Chúa của ta, Ngài tạo sinh ta, Ngài là Cha của ta về phần hồn và phần xác, Ngài đòi ba món quyền sở hữu của Ngài cho ta, lấy ba món báu của ta đó.

Bây giờ nếu như người tầm Đạo kia nói: Tôi không biết Ông đòi ba món ấy để làm gì? Và tôi không biết Ông dùng ba món báu ấy là xác thịt, trí não và linh hồn của mình để Ông làm gì? Người ta để dấu hỏi, tức nhiên ta phải trả lời:

- Chúng ta đã thấy hiện tượng Đức Chí Tôn đến qui Tam Giáo: Nho, Thích, Đạo, lấy cả tinh thần đạo đức của ba nền Tôn Giáo ấy đặng làm môi giới chuẩn thằng, rồi lập thêm làm gì Tam Trấn Oai Nghiêm? Có phải chăng lập Tam Trấn Oai Nghiêm là để bảo vệ ta và Tam Trấn Oai Nghiêm có bổn phận dâng lên cho Đức Chí Tôn, sự thật như vậy. Nếu không phải vậy Đức Chí Tôn chẳng hề khi nào sắm Tam Trấn Oai Nghiêm ra làm gì cho chúng ta thờ phượng.”

10/ - Thánh thể Dâng Tam bửu:
“Ấy vậy, cái lời của Chí-Tôn để trên mặt thế gian này có hai phương pháp, siêu hình cũng trong đây, mà siêu vật cũng trong cửa Đạo này.

Tại sao? - Tại vì có một Đạo Giáo Ngài đến một thân Ngài mà thôi. Cả con cái của Ngài đã cho đầu kiếp dưới thế gian này trước, rồi Ngài mới đến sau, Ngài chung hiệp lại làm Thánh Thể của Ngài, Ngài biểu nó dâng Tam Bửu là dâng xác thịt, trí não, dâng cả tâm hồn tức nhiên dâng cả sanh mạng của nó cho Ngài để làm chữ Khí, rồi Ngài trả chữ Khí của Càn Khôn Vũ Trụ, tức nhiên cái sống của nhơn loại đi đến mục đích chữ Tu, Ngài biểu cả toàn thể dâng xác thịt cho Ngài, Ngài trả lộn lại cái sống của Càn Khôn Vũ Trụ, trong mình nó sống dậy mà làm Thánh Thể của Ngài. Chúng ta tưởng tượng một ngày kia, toàn cả nhơn sanh đứng làm phần tử Thánh Thể của Ngài phụng sự cho Vạn Linh, tức nhiên phụng sự cho nhơn loại, hiệp trí não tâm hồn dâng cho Ngài hết, còn trở lực nào ngăn cản nữa, nhơn loại sẽ đến một cái tối trọng và thiên hạ nhứt gia như Đức Chí Tôn đã muốn”.

11/ - Tam Trấn Oai Nghiêm trượng trưng ba báu vật ấy:
Đức Hộ-Pháp nói:
a/- Đức Quan Thánh tượng trưng Tinh: tức nhiên tượng trưng xác thịt của chúng ta, vì cái sống trong xã hội nhơn quần của chúng ngày nay không có cái giá trị nào bằng giá trị Tinh, Khí, Thần. Quả vậy, tôi tưởng chắc rằng: Nếu chúng ta có mảnh thân phàm này mà muốn cho nên, đứng cho vững vàng, đáng giá nơi thế này, kiếp sống ta không có một kiểu vở nào, không một nền Tôn Giáo nào có tôn chỉ đặc biệt về xã hội nhơn quần của chúng ta hơn là Nho Giáo.

Ấy vậy hôm kỳ Vía của Ngài, Bần-Đạo đã có nói Quan-Thánh, Ngài tượng trưng Tinh, tức nhiên Ngài là đại diện của Nho Tông Chuyển thế đó vậy.

b/ - Bây giờ nói Đức Lý: tức nhiên Anh cả Thiêng Liêng chúng ra giờ phút này, Đấng Thiêng Liêng đến cầm quyền Giáo-Tông trong Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ mà cũng là Nhứt Trấn Oai Nghiêm nữa, Ngài đại diện cho Tiên Giáo đó, mà Tiên Giáo chúng ta đã thấy gì? Thấy kiểu vở Tiên Giáo trong tinh thần chữ Đạo.

Ấy vậy Đức Lý tượng trưng cho cả trí não tinh thần chúng ta, bảo vệ Đạo tức nhiên bảo vệ sống còn của nhơn loại vạn linh. Thuộc về Khí.

c/- Đức Quan Thế Âm Bồ Tát: Ngài tượng trưng cho linh hồn chúng ta, phải chăng chúng ta sanh ở thế gian này đương mang nặng thi hài xác thịt này, cả toàn nhơn loại trên mặt địa cầu có mặt nơi đây, phải chăng do quả kiếp của họ, Bần Đạo không nói trọn hết thảy bị quả kiếp, cũng có những Đấng lãnh sứ mạng của Đức Chí Tôn đến giáo Đạo dìu dắt Vạn linh.

Hại thay! Chín mươi hai ức nguyên nhân cũng vì sứ mạng tối yếu tối trọng ấy thay vì lãnh sứ mạng của mình trọn vẹn, lại quá ham sống, gây nên tội tình phải bị sa đoạ. Thành ra một ông Thầy đến giáo Đạo lại trở thành một học trò quá tệ hơn trò nữa.!

Chín mươi hai ức nguyên nhân, giờ phút này có một điều thắc mắc hơn hết, chúng ta thấy trong Vạn linh, con người tối linh hơn vạn vật, mà ta ngó thấy có thứ người không phải người, họ đã mang xác thịt làm như người mình, họ tàn ác dối trá gian ngược, làm cho các Đấng Thiêng Liêng hay là người đạt Đạo ở thế gian này cũng vậy để dấu hỏi, đến phẩm người mà vậy, hỏi họ có đáng làm người không? Họ có đáng ngồi trong phẩm vị Đại-hồi này, hay Tiểu-hồi vật loại? Nếu chúng ta để nhóm người đó ở trong Tiểu-hồi vật loại thì bất công, chính mình người ta đã đạt tới nhân phẩm, nếu để trong Đại-hồi, trong nhân phẩm thì không đáng vị, bởi vì cớ cho nên Đạo giáo để phẩm Maya, tức nhiên quỉ vị, phẩm vị riêng biệt là “quỉ vị”.

Ấy vậy Đức Quan Âm Bồ Tát là một Đấng Thường Du Nam Hải, các cửa Phong đô nơi Cửu tuyền đài kia, là con đường của Ngài đi lên đi xuống không biết mấy lần, không biết thế kỷ nào dứt, để tận độ cho thiên hạ, Ngài tượng trưng cho một cơ thể thiêng liêng giải cả oan nghiệt tội tình, giải cả Nhơn quả cho chúng sanh đạt vị, tức nhiên đạt cơ giải thoát. Hỏi có người nào tượng trưng cho Đấng đó hơn Quan Thế Âm Bồ-Tát không?

Ba cái gương, ba kiểu vở kia đặc biệt chúng ta không thể gì làm được. “Đức Quan-Âm tượng THẦN.”

Tóm lại:
1 - Đức Phật-Quan-Âm tượng cho THẦN, là Nhứt Trấn.
2 - Đức Lý Đại-Tiên tượng cho KHÍ, là Nhị Trấn.
3 - Đức Quan Thánh Đế tượng cho TINH, là Tam Trấn

Đức Lý là Nhị-Trấn Oai-nghiêm, nhưng trong các lòng Sớ dâng về Thiêng-liêng thì lại nói là “Nhất Trấn Oai nghiêm.”

12 - Tại sao Đức Lý lại là Nhứt Trấn Oai nghiêm?
Bởi quyền-uy của Đức Lý là Đấng Đại Tiên trưởng ngoài ra còn là Giáo-Tông Đại-Đạo Tam-kỳ Phổ-Độ nữa, cũng như Đức Hộ-Pháp Phạm-Công-Tắc chỉ là Hộ-Pháp đứng đầu của cơ quan Hiệp-Thiên-Đài mà thôi, nhưng khi Ngài là Chưởng-quản cả Hiệp-Thiên và Cửu Trùng thì Ngài là Giáo-chủ của nền Đại-Đạo, bởi khi hai quyền Giáo-Tông và Hộ-Pháp hiệp một là quyền Chí-Tôn tại thế, nhưng chỉ là Giáo-chủ về phần hữu hình, chứ phần Thiêng liêng vẫn là quyền tối thượng của Chí-Tôn đó vậy.

Bấy giờ thì Phật Quan Âm là quyền Nhứt trấn mà khi thi hành thì là Nhị trấn, còn Đức Lý quyền là Nhị Trấn mà hành sự thì là Nhứt Trấn.

Trong quẻ Trạch Lôi Tuỳtượng trưng Tam Trấn Oai-nghiêm, tức là quẻ Tuỳ hấp thụ đầy-đủ đức tính của Càn Khôn Thiên địa. Hơn nữa Tùy là từ quẻ biến là Thiên Địa BĩThế nên hào Dương quẻ Kiền xuống ở dưới hết của quẻ biến, nên Khôn biến thành Chấn . Hào Âm của Khôn lên đến tận cùng quẻ Kiền , biến thành Đoài .

Như vậy thì các Vị Đại diện của Tam Trấn Oai nghiêm hiện giờ thay quyền Tam-giáo:
- Phật Quan-Âm thay quyền Phật-giáo.
- Đức Lý Đại Tiên thay quyền Tiên giáo.
- Đức Quan Thánh Đế Quân thay Thánh giáo.

Nếu xếp thành quẻ thì:
Nhưng khi hành quyền thì Đức Lý Đại Tiên kiêm thêm chức Giáo-Tông vô vi trong Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ Độ, do vậy mà Đức Lý hành quyền Nhứt Trấn Oai Nghiêm và Đức Phật Quan Âm hành quyền Nhị Trấn Oai nghiêm.
Vả lại ba Ngài là tượng trưng Tinh, Khí, Thần hiệp nhứt của nền Đại-Đạo. Quẻ trên biến thành:
Quẻ Tùy kết hợp bởi Đoài trên, Chấn dưới là do sự trao đổi quyền hành của hai vị thay quyền Phật và Tiên vị.Vì vậy mà Đức Lý làm chủ quẻ Chấn, tượng cho Hào Sơ Cửu, tức là con trai trưởng của Thượng-Đế.

Đức Phật Quan-Âm làm chủ quẻ Đoài, là con gái Út của Thượng Đế. Tất cả đều khế hợp với Dịch vậy.

(Xem tiếp quẻ Tuỳ số 17 Quyển Dịch-lý Cao-Đài VI)

5 - TAM THÁNH KÝ HÒA-ƯỚC  
(H.55) TRUYỆN KÝ TƯỢNG TAM THÁNH
             
* Cụ NGUYỄN BỈNH KHIÊM: Nhà tiên tri danh tiếng lớn ở đời Mạt Lê, thi đậu Trạng nguyên, tước vị là Trình Quốc Công, tục gọi là Trạng-Trình, giáng cơ tự xưng là Thanh Sơn Đạo Sĩ, tức là Sư Phó của Bạch Vân Động.

* Cụ VICTOR HUGO: Nhà thi gia trứ danh của Pháp quốc, giáng cơ tự xưng là Nguyệt Tâm Chơn Nhơn, tức là đệ tử của Cụ Nguyễn-Bĩnh-Khiêm ở Bạch-Vân-Động.

* Cụ TÔN DẬT TIÊN: Đại-cách-mạng-gia nước Trung Hoa, nhũ danh là Tôn-Văn, giáng cơ tự xưng là Trung Sơn Chơn Nhơn, tức là đệ tử Cụ Nguyễn-Bĩnh-Khiêm ở Bạch Vân Động.

Ba vị Thánh-nhơn trên đây là Thiên-sứ đắc lịnh làm Hướng đạo cho nhơn loại để thực hành Đệ Tam Thiên Nhơn Hòa Ước”

Trên đây là Bức hình “Truyên ký Tượng Tam Thánh” đặt tại Tịnh-Tâm-Đài thuộc phạm vi Hiệp-Thiên Đài của Đền-Thánh Toà-Thánh Tây-ninh. Bên cạnh bức Tượng Tam Thánh, tấm bia này để giải thích về bức tranh.

1/ - Tượng Tam Thánh
Bức tượng Tam Thánh nầy do vị Hiền Tài Lê Minh Tòng vâng lịnh Đức Hộ-Pháp truyền họa, khuôn khổ:

2 m 80 X 1 m 90. Hình tượng bằng người thường.
- Đức Thanh Sơn cầm bút lông thỏ.
- Đức Nguyệt Tâm cầm bút lông ngỗng
- Đức Tôn Trung Sơn cầm nghiên mực.
Hai Đấng đang viết trên bia đá chữ Hán và Pháp:
* 8 chữ Hán văn:
Thiên thượng - Thiên hạ - Bác ái - Công bình
* 4 chữ Pháp-văn:
DIEU et HUMANITÉ- AMOUR et JUSTICE
(H.56) Tượng Tam Thánh ký Hoà-ước

2/ - Đức Hộ-Pháp trấn Thần Tượng Tam Thánh:
Đức Hộ-Pháp nói:
“Trấn Thần ba vị Thánh rất khó, vì phải kêu Chơn linh họ đến nhập vào tượng ảnh, mà muốn Chơn-linh họ đến phải thấu đáo cả căn kiếp của họ mới đặng. Còn 9 cây nhang dùng để trấn Thần là 9 cái thang bắc lên Cửu Trùng-Thiên cho các Chơn-linh nương theo đó. Chẳng biết họ ở từng Trời thứ mấy mình cứ đưa lên đủ, họ gặp họ tới ngay. Quan hệ là trước khi trấn Thần, phải xem lại coi có tắt cây nhang nào không. Thảng như họ ở từng thứ 7 mà cây nhang thứ 6 rủi tắt đi, thành ra bị cách khoảng, họ không thể tới được. Bây giờ chúng ta chỉ thông công với các Đấng trong Cửu Thiên Khai Hóa, rồi đây cũng có ngày Bần đạo kêu lên Đức Di-Lạc ở từng thứ 11 chưa biết chừng, khi ấy sẽ phải dùng đến 11 cây nhang, chớ không phải 9 cây nữa.”

Khi Đức Hộ-Pháp trấn Thần tượng ảnh Tam Thánh xong, cả nhân viên tùng sự lui theo cửa hông trở ra, vòng ra cửa trước, đi vào Hiệp-Thiên-Đài, thỉnh Thánh tượng đặt lên vách tường, ngó mặt ra trước cửa Đền-Thánh.

Đức Hộ-Pháp giải thích: Ba vị:
1 . Đức Nguyệt Tâm Chơn Nhơn.
2 . Đức Thanh Sơn Đạo Sĩ.
3 . Đức Tôn Trung Sơn.

Là đại diện của Hội-Thánh Ngoại-Giáo, các Ngài là những Thiên mạng truyền giáo Ngoại quốc (Missionnaires étrangers) cho nên tượng ảnh để ở Hiệp Thiên-Đài, day mặt ra ngoài cho thiên hạ đều thấy mà hưởng ứng theo tiếng gọi Thiêng liêng của các Ngài.

Cả 3 vị Thánh đều mặc cổ phục.
Cái nghiên mực trên tay Đức Tôn Trung Sơn có hào quang chiếu diệu, tượng trưng sự rực rỡ của nền văn minh tối cổ Trung Hoa.

Cái khuôn xi măng đúc trên vách Hiệp-Thiên-Đài, từ ngày tạo tác Tổ đình, là để dành ngày nay đặt tượng ảnh Tam Thánh lên đó. Trước kia, Bần đạo cũng không hiểu để làm gì, chỉ biết tạo theo lịnh của Đức Lý Giáo Tông.

Ngày nay thời cuộc biến thiên, vị Hiền Tài LÊ MINH TÒNG ở Hải đảo trở về đây, Đức Lý truyền lịnh cho vẽ tượng ảnh nầy, mới hiểu rằng Đức Lý chờ người mà Ngài cần dùng đến.

Trước tượng ảnh không có bàn thờ chi hết vì Chơn linh đã nhập vào đó như người sống vậy.

Kể từ ngày 10-7 Mậu-Tý (dl 19-8-1948) tượng ảnh Tam Thánh đã đặt lên vách tường Hiệp-Thiên-Đài là biểu hiệu cho Chủ nghĩa Đại Đồng của Đạo Cao Đài, mở đầu một giai đoạn tiếp dẫn chúng sanh Vạn quốc vào cửa Đại Đạo, mà cũng là ngày khởi đoan sự bành trướng ngoại giáo”.

Cuộc lễ bế mạc lúc 9 giờ cùng ngày.
Tòa Thánh, ngày 10-7 Mậu-Tý (dl 19-8-1948)
Luật Sự VÕ QUANG TÂM tường thuật.

3/ - Ý-nghĩa Tam Thánh ký Hoà-ước:
Ðức Chúa Jésus-Christ thương nhơn loại một cách nồng nàn thâm thúy. Bởi Ngài đã ngó thấy:
- Nhứt Kỳ Phổ-Ðộ nhơn loại ký Hòa-ước với Chí Tôn mà đã bội ước, nên phạm Thiên-Ðiều, nhân-quả nhơn loại gớm ghiết. Do nhân-quả ấy mà tội tình nhơn loại lưu trữ đến ngày nay, Thánh-Giáo gọi là “tội Tổ tông”.
- Chính mình Ngài đến, đến với một xác thịt phàm phu, Ngài đến giơ tay để ký đệ nhị Hòa ước với Ðức Chí Tôn chịu tội cho nhơn loại, ký đệ nhị Hòa-ước đặng dìu dắt chúng sanh trở về cùng Ðấng Cha lành của họ tức nhiên là Ðức Chí-Tôn, là Ðại Từ-Phụ chúng ta ngày nay đó vậy.

Ðấng ấy vô tận vô biên, thấy nạn của nhơn loại đã dẫy-đầy, Ngài chỉ xuống tại mặt thế nầy làm con tế vật đặng chuộc tội tình cho nhơn loại, mà lại còn đem quyền của Chí-Tôn để nơi tay của nhơn loại, bàn tay đó đã ký đệ nhị Hòa-ước cho nhơn loại, nó làm cho Ngài thế nào?

Do tay Ngài ký tờ hòa ước với Chí Tôn, nên hai tay của Ngài bị đóng đinh trên cây thập tự giá. Hai chân của Ðấng ấy đã đi trước nhơn loại dìu đường hằng sống cho họ, rồi hai chân của Ðấng ấy cũng bị đóng đinh trên cây Thánh-Giá, còn trái tim yêu ái nhơn sanh vô hạn ấy bị một mũi kiếm vô tình đâm ngay cạnh hông của Ngài, lấy giọt máu cuối cùng đó đặng cứu nhơn loại, một tình ái vô biên ấy để lại cho loài người một tôn chỉ yêu ái. Tôn chỉ nhìn nhơn loại là anh em cốt nhục và khuyên nhủ nhơn loại coi nhau như đồng chủng.
“Ðức Chúa Jésus Christ đã lấy máu thịt đặng chuộc tội cho loài người. Giờ phút nầy là giờ hiển Thánh của Ngài dùng quyền hành yêu ái vô biên của Ðức Chí Tôn mà tha tội cho nhơn loại đó vậy”.

Thế gian người ta thường nói chúng ta chết là hết, chúng ta thử suy đoán: với một kẻ mà đã đem trọn kiếp sanh mình làm con tế vật cứu thế như Ðức Chúa Jésus Christ đem thân ra chịu khổ hạnh truyền giáo thật ra chỉ vỏn vẹn có hai năm thôi, kế bị dân Do-Thái đóng đinh trên cây Thánh-Giá như kẻ thường tình kia mà Đức Chí-Tôn phải đền trả đến vô cùng. Nay ngôi vị của Ngài đã hoà nhập cùng Thượng-Đế, tức là đi vào tâm vậy.

4/ - Tam Thánh đứng đầu Bạch Vân Động: Bạch Vân Động là gì?
1 - Đức Thanh Sơn Đạo Sĩ: Ngài giáng trần ở Việt-Nam là Trạng Trình Nguyễn Bĩnh Khiêm (1491-1585).
2 - Đức Nguyệt Tâm Chơn Nhơn: Ngài giáng trần tại nước Pháp là Đại văn hào Victor Hugo (1802-1885).
3 - Đức Trung Sơn Chơn nhơn: Ngài giáng trần ở Trung Hoa là nhà Cách mạng Tôn Dật Tiên, tức là Tôn Văn (1866-1925)
Ba vị Thánh kể trên.là Người của Bạch Vân Động

BẠCH VÂN ĐỘNG là gì?
Đức Hộ-Pháp giải thích về Bạch Vân Động :
“Xưa nay người ta vẫn coi Nguyệt cầu (Mặt Trăng) là nơi dừng chân của những vị Thánh, Thần, trước khi xuống trần giới (Địa cầu) đầu thai. Các vị đó phải ở lại Nguyệt cầu ít lâu để liên lạc với Địa cầu, để quen lần với đời sống ở thế gian nầy.

Từ cổ, Thần thoại đã mệnh danh Nguyệt cầu là Bạch Vân Động (Quảng Hàn Cung). Cơ giáng ở Âu Châu, mệnh danh là LOGE BLANCHE (Bạch Động). Giáo chủ của Bạch Vân Động là Bạch-Vân Hòa-Thượng, miêu duệ của Từ-Hàng Đạo-Nhơn, dòng dõi Đức Phật Quan-Âm. Bạch Vân Hòa Thượng đã hai lần giáng trần ở Pháp và một lần ở Việt-Nam.
- Một lần là Hồng Y Giáo Chủ Richelieu,
- Một lần là Quận Công La Roche Foucault.
- Ở Việt-Nam, Ngài giáng trần là Trình Quốc Công Nguyễn Bỉnh Khiêm, tức gọi Trạng Trình”.

5/ - Luật Bác-ái và pháp Công-bình
Đức Hộ-Pháp nói trong con đường Thiêng Liêng Hằng Sống:
“Nếu như các Ngài còn chối cải, dầu cho chỉ muôn đường ngàn nẻo mà các Ngài chối không tùng con đường của nhơn loại đi là con đường Tín-ngưỡng Trời và Người đặng dìu dắt nhơn-loại trong Luật Thương-yêu và Pháp Công-chánh, đến trước mặt Tòa Tam Giáo đặng cầu rỗi, tôi dám chắc chẳng hề khi nào chối tội đặng. Dầu có cượng lý bao nhiêu các Ngài cũng không chối sự chơn thật đó đặng.

Nếu các Ngài muốn chối, tôi xin để bằng cớ hiển nhiên là Ðạo Cao Ðài đã xuất hiện. Ðức Chí Tôn đã đến, chính mình Ngài đến mở Ðạo 24 năm trường nay. Ngài đã ký kết với nhơn loại bản Hòa-ước thứ ba.

Hai Hòa-ước kỳ trước nhơn loại đã phản bội, không giữ sở tín của mình vì cớ cho nên phải thất Ðạo, nhơn loại đi trong con đường diệt vong tương tranh, tương sát nhau. Vì lòng Bác-ái Từ-bi Chí-Tôn đến ký Hòa-ước thứ ba nữa để trong luật điều. Chúng ta thấy các Ðấng Thiêng-Liêng chỉ tấm Tượng Tam-Thánh biểu nhơn loại tín-ngưỡng; Thiên thượng, Thiên hạ (Dieu et Humanité) về luật có Bác-ái, Pháp có Công-bình, ngoài ra dầu luật pháp muôn ngàn hình tướng, Hội-Thánh Ðạo Cao-Ðài dìu dẫn tâm lý nhơn sanh, chỉ dẫn họ vô mặt luật tối cao là Luật Bác-ái và vô một nền chơn pháp tối trọng là Pháp Công-bình.

Luật pháp của Ðạo Cao Ðài, ngoài ra luật Bác-ái và pháp Công-bình, tất cả luật điều khác, đều là phương pháp lấy giả tạo chơn mà thôi.”

6/ - Đức Chí Tôn muốn dành để cho họ phẩm vị gì? Và phận sự của họ phải làm gì?
"Từ tạo Thiên lập Địa đến giờ chúng ta đã rõ được nguồn sử của nhơn loại tiềm tàng khảo cứu, chúng ta đã ngó thấy tinh thần của con người, dầu ai có muốn chối cái tinh thần ấy là chủ quyền cái sống của họ cũng không được. Tại sao? Tại họ đã thọ lãnh cái điểm linh về tinh thần của họ nơi Đấng Tối-linh kia. Đấng Tối-linh ấy ban cho họ, muốn cho nhơn-loại từ từ đi từ phẩm-vị con người đạt cho đến quyền năng, đạt cho tới cái địa vị làm Trời hữu hình tại thế này đó vậy.

Ngày giờ nào không lấy Luật Thương-yêu thiên nhiên của Đức Chí-Tôn để trong tâm não của họ, thì họ chưa hề có can đảm làm phận sự tôi tớ của họ mà phụng sự nhơn loại một cách đắc lực, một cách vui vẻ, một cách hữu hạnh, hữu phước, một cách làm cho mình có thể chung lại với nhau đặng hưởng hòa bình yêu ái của toàn nhơn loại nơi mặt địa cầu này.

Muốn làm Chúa thời phải thiệt hiện Hòa-bình tâm lý trước đã và Hòa-bình hình chất sau. Nhưng chỉ có Đức Thương-yêu của Đức Chí-Tôn để nơi tâm khảm của chúng ta làm khí cụ, làm môi giới dìu dắt và nâng đỡ họ, thì họ mới có thể hưởng cái hạnh phúc ấy mà thôi”.

7 - Thầy là Cha của sự thương-yêu:
Đức Chí-Tôn có dạy:
“Thầy thường nói với các con rằng: Thầy là Cha của sự thương-yêu, do bởi thương yêu Thầy mới tạo thành thế-giới và sanh dưỡng các con.

“Vậy thì các con sản-xuất nơi sự thương-yêu. Đã sản-xuất nơi sự thương-yêu, các con tức là cơ thể của sự thương-yêu.” (xem thêm “Số 3 Huyền diệu”cùng Soạn giả)

Đức Chí-Tôn thể hiện đức thương yêu ấy đối cùng vạn linh, là các vật trang trí trong cửa Đạo ngày nay ngoài việc làm tăng mỹ thuật mà còn là thể hiện cơ Đại ân xá của Chí-Tôn nữa. Rồng là con vật đứng đầu hết, nên các giống thú cũng phải nương theo Tứ linh này chuyển-hóa để thăng tiến. Nay Cao-Đài Đại-Đạo mở ra là để cho các chơn-hồn tiến-hóa, tức là kể cả vật-chất, thảo mộc, thú cầm, nhơn loại gọi chung là chúng-sanh và bốn phẩm-cấp cao hơn là Thần, Thánh, Tiên, Phật, gồm chung là Bát phẩm chơn hồn vậy.

Chấn tượng Rồng (chấn vi long). Rồng là con vật linh, đứng đầu trong Tứ linh: Long, Lân, Qui, phụng. Con vật linh ấy khi dấy lên để rồi sẽ được yên-tĩnh, nghỉ-ngơi, từ dưới chỗ âm-u thì rồng dậy. Nay là Cơ Đại-ân-Xá của Chí-Tôn nên mở rộng cửa cho vạn linh đoạt vị, do đó mà Tứ linh là bốn giống thú linh cũng được dự vào cơ Đại-Ân xá này và tất cả đều hả miệng, chính là cơ phổ độ vậy.
- Đạo-pháp: nhắc về khi làm 7 cái ngai cho các Chức-sắc Cửu-Trùng-Đài Thầy cũng bảo chạm Tứ linh, nhưng ngai của Giáo-Tông “chỗ hai tay dựa phải chạm hai con Rồng” ấy là lý âm dương biến hóa vô cùng.

Theo lý vạn-vật xuất ra ở cung Chấn là nơi huy động đầu tiên sinh ra muôn vật. Từ đó người Á-Đông ta cảm nhận lý biến-hóa của vũ-trụ nên lấy vật Tổ là Rồng để biểu-dương một tinh-thần bất-khuất của dân-tộc-tính. Từ xưa đến giờ đều tự-hào là “con Rồng cháu Tiên”. Ngay trong Đền-Thánh cũng đều trang-trí hình ảnh Tứ linh, nhiều nhất là Rồng đủ màu sắc và là rồng hả miệng để nói lên thời kỳ Phổ-độ chúng-sanh trong kỳ ba đại-ân-xá, tận độ chúng-sanh qui nguyên-vị

8 - Lý Dịch trong tượng Tam Thánh:
Ba vị Thánh hiệp thành số 3 tròn đầy, tức nhiên đủ Tinh Khí Thần hiệp nhứt. Vả lại ba người là đại diện của các nước: Pháp (Victor-Hugo), Trung-Hoa (Tôn Dật Tiên) Việt-Nam (Trạng-Trình), nhưng Đức Trạng-Trình lại là Sư phó của Bạch-Vân-Động, tức nhiên là Thầy của hai vị kia. Đúng như lời Đức Chí-Tôn đã nói là:
Một nước nhỏ-nhoi trong vạn quốc,
Ngày sau làm Chủ mới là kỳ.

Thấy rõ mối Đạo này là của nhân loại tức là Tôn Gíao Đại-Đồng, đi từ: Đại-đồng nhân chủng, Đại-Đồng xã hội đến Đại-Đồng tư tưởng.

Về mặt Thiên Thơ, Việt-Nam làm Thầy của Vạn quốc rồi vậy, cũng là luật Công bình của Đức Chí-Tôn đã thể hiện trong thời buổi này giữa người và người. Xưa Việt-Nam chịu sự đô hộ Tàu hàng ngàn năm, nô-lệ Tây 81 năm, ngày nay Việt-Nam được nhận mối Đạo Trời để làm khởi điểm cho nền văn-minh tinh thần của toàn nhân-loại, của thời-đại nguyên-tử-chuyển này trong luật Bác-ái và phép Công bình. Hơn nữa Thầy còn ban ân huệ đến toàn vạn linh, tức nhiên vạn loại cũng được hưởng công bình ấy

Trên tượng Tam Thánh Đức Victor-Hugo tay cầm lông ngỗng (chỉ loài chim) viết lên 4 chữ Pháp: DIEU et HUMANITÉ - AMOUR et JUSTICE. Bốn chữ nói lên Tứ tượng là chỉ văn minh vật chất, đến giờ này phải biến hoá, nghĩa là phải biết thương yêu loài vật như Thượng cầm, cả đến việc không ăn thịt chúng nữa, chúng là bạn đồng sanh.

Đức Trạng-Trình tay cầm bút lông (lông thỏ hoặc lông mèo) chỉ hạ thú, viết lên tám chữ Nho là chỉ văn minh tinh thần đã đến Bát-quái rồi. Tám chữ ấy là:
Thiên thượng - Thiên hạ - Bác ái - Công bình.

Để thể hiện đức hiếu sanh của Trời bấy nhiêu hình ảnh ấy nói lên ý-nghĩa là người phải Công bình và Bác-ái cả với loài thượng cầm và hạ thú. Kinh sám hối nói:
Thượng cầm, hạ thú lao xao,
Côn trùng, thảo mộc loài nào chẳng linh?
Nó cũng muốn như mình đặng sống,
Nỡ lòng nào tuyệt giống dứt nòi,
Bền công Kinh sách xem coi,
Vô can sát mạng thiệt-thòi rất oan…

Nay là thời kỳ tất cả phải được tiến hoá trong khuôn luật Công bình ấy nên chúng nó đã tự giải thoát khỏi lưỡi dao oan nghiệt của người lúc nào cũng kề cổ, nồi nước sôi và khỏi chịu nồi da nấu thịt nữa. Cái cảnh “Dịch bệnh” là phương giải thoát để loài vật sớm được tiến hoá.

Lại nữa “Vật dưỡng nhơn” đã chấm dứt, tức nhiên nhân loại đã cơ-giới-hoá trong nông nghiệp, không còn phải cày bừa, kéo xe như ngày nào nữa. Do vậy mà bò trâu cũng chết vì lỡ mồm long móng, ấy là sự tự giải thoát.

Còn về kích thước khung hình là 2m80x1m90. Nếu cộng các số ấy lại có tổng số là 10 (2+8=10) và (1+9=10) Mười là con số tượng trưng thập Thiên can. Còn hai chữ số của chữ Nho và chữ Pháp hiệp lại là 12, tức là số Thập Nhị địa chi. Trong một bản như vậy có đủ Thập Thiên can và Thập Nhị địa chi cũng đã rõ sự biến-hoá rồi.

Như thế mỗi mỗi hình ảnh trong cửa Đại-Đạo là một Bát-quái có liên hệ và ăn khớp nhau như tế bào trong cơ thể đó là tinh thần nhứt quán trong lý Đạo đó vậy.

Lại nữa Đức Tôn Văn trên tay cầm nghiên mực toả hào quang sáng chói là nói lên tinh thần của Đạo Cao-Đài ngày nay lấy nền tảng là NHO TÔNG CHUYỂN THẾ.

SỐ 4
Nguyên lý
Số 4 là cơ-quan hữu tướng biến hình, tức là Âm Dương biến sanh. Nho-gia gọi là Lưỡng-nghi sanh Tứ tượng là vậy. Số 4 cũng có nghĩa là 1+3, tức là do lý Thái Cực điều-hành với ba ngôi vạn hữu, nên hễ đến 4 là biến hóa ra rồi.

Số 4 tức là 2 thành số với 2 là 4, là con số biểu trương sự bất diệt. Đó là tượng cái tháp, vì cái tháp đứng ở trên cái nền: chóp đỉnh là hình tam giác trên đầu nhọn tượng là số 3 và dưới chân tháp là số 4. Nó là con số giao tiếp giữa Thần và các số. Hơn nữa cái linh hồn người ta là một số tự động có số 7 tức là do 3 và 4 hợp lại. Con người là Thất nguyên hòa hợp, mới tạo ra thất tình. Như vậy người tu để biến thất tình thành thất bửu.

Tinh-thần của Đại-Đạo là Dịch-lý luôn gắn liền với NHO, Y, LÝ, SỐ.
NHO là dạng-thức của chữ Nho, cũng là triết-lý của Nho-Tông chuyển thế.


Y là dựa trên căn-bản của con người làm đối-tượng cho sự lý-luận. Đạo là mục-đích giải khổ cho con người trong kiếp sống hiện tại và giải-thoát cho kiếp thác ở ngày mai. Bởi nhân thân là một Tiểu-thiên-địa đối với trời đất là đại-thiên-địa; xem ra như bóng với hình, cho nên người không bao giờ xa Đạo là vậy.
LÝ là theo trật-tự của thiên-lý lưu-hành; là biết thuận Thiên an mệnh.
SỐ là theo triết-lý các con số uyên-nguyên đi đúng theo nguyên-lý của trời đất.

THỂ PHÁP ĐẠO CAO ĐÀI ỨNG VỚI SỐ 4

I - Cúng Tứ thời:
Người Tín hữu Cao-Đài trong một ngày Cúng bốn thời, tức là bốn lần chầu Lễ Đức Chí-Tôn, mục đích là tập cho thân tâm an lạc, luyện tánh xét mình, lần lần sẽ nên người chí Thánh.

1 - Ý nghĩa:
Đức Hộ-Pháp giảng qua lời Thuyết Đạo rằng:
“Bần-Đạo tưởng thấy trong trí cần phải buộc cả thảy Đi cúng” Đi cúng tức là Cúng Tứ Thời vậy.

Về việc Cúng tứ thời:
Tân Luật: Điều thứ hai mươi qui định Chức sắc giữ Thánh Thất mỗi ngày phải làm Tiểu Lễ bốn lần theo Tứ Thời: Tý, Ngọ, Mẹo, Dậu. Mỗi thời phải cúng đúng vào 12 giờ khuya,12 giờ trưa, 6 giờ sáng, 6 giờ chiều. Ở tư gia, dầu cúng một thời nào trong Tứ Thời cũng phải giữ đúng theo những giờ đã qui định trên đây mà hành lễ.

Sở dĩ phải cúng đúng vào các giờ qui định trên là vì Đạo Cao-Đài lấy hai chữ chính trung làm cơ bản, nghĩa là chánh Tý, chánh Ngọ, chánh Mẹo, chánh Dậu vậy

Một ngày có 24 giờ, chia làm hai thời điểm: ngày và đêm ấy là Âm Dương. (Lưỡng nghi) Mỗi một thời điểm là 12 giờ, tượng là Thập Nhị Thời Thần, mỗi thời có 2 tiếng đồng hồ, chia làm bốn khoảnh-khắc (Tứ tượng).
- Thời Tý: từ 11 giờ (đêm) đến 1giờ khuya.
- Thời Mẹo: từ 5 giờ (sáng) đến 7 giờ sáng.
- Thời Ngọ: từ 11 giờ (trưa) đến 1 giờ trưa.
- Thời Dậu: từ 5 giờ (chiều) đến 7 giờ tối.

Thời Tý cúng đúng 12 giờ (khuya) là chính giữa của thời Tý, là trung hòa chi Đạo. Thánh Nho có câu: “Trung giả dã, thiên hạ chi đại bản dã, hòa giả dã, thiên hạ chi đạt Đạo dã. Chí trung hòa, thiên địa vị yên, vạn vật dục yên”. Có nghĩa rằng: Trung là cái gốc lớn của thiên hạ, hòa là cái đạt Đạo của thiên hạ. Cùng cực cả trung và hòa, thì Trời Đất định vị, vạn vật hóa dục.

Đây là cái giờ giáp giới, ngày cũ hết, ngày mới bắt đầu, nên 12 giờ đêm 30 tháng 12 (chạp) gọi là giờ giao thừa.

Còn lại ba thời: Mẹo, Ngọ, Dậu cũng cúng đúng chính giữa thời như vậy, tức là 6 giờ sáng, 12 giờ trưa, 6 giờ chiều.

Đức Chí Tôn phân định thời Tý, Ngọ cúng Rượu. Mẹo, Dậu cúng Trà là một ý nghĩa huyền-bí cao siêu để cho con cái của Ngài được hưởng Bí-pháp vô vi là một đặc ân vô giá của Ngài ban cho đó vậy.

2 - Về Lý Dịch:
* Thời Tý: Là thời cực Âm sanh Dương, là thời Ngươn Khí của Đức Chí-Tôn phát khởi, do nhứt điểm Dương sanh chi thủy, vận chuyển Càn Khôn hóa sanh vạn loại, nên dạy hiến rượu là mượn cả khí phách, năng lực của toàn Môn-đệ giúp hay cho phần điển lực của Đức Chí Tôn. Hiến lễ Đức Chí-Tôn giờ nầy, chúng ta hưởng khí sanh quang của Đức Chí-Tôn làm cho khí phách được mạnh mẽ, trí não sáng suốt.

Theo Dịch-lý là quẻ Phục (Địa Lôi Phục)tức nhiên quẻ trên là Khôn vi Địa, dưới là Chấn vi Lôi. Đọc là Địa Lôi Phục. Có một Dương chịu dưới 5 Âm. Dương bắt đầu tiến dần lên gọi là Dương tiến, tất nhiên Âm phải thoái, hay cũng nói là Âm tuyệt Dương sinh

* Thời Ngọ: Là thời Ngươn Khí của Đức Chí-Tôn đến buổi cực thạnh, đầy đủ ánh Dương quang, soi thấu cả nguồn sanh khí của toàn thể vạn loại, tức là cực Dương sanh Âm, là nguồn tịnh dưỡng Ngươn Khí, nên dạy hiến rượu. Hiến lễ Đức Chí Tôn giờ nầy, chúng ta được hưởng khí sanh quang của Đức Chí-Tôn, hàm dưỡng khí phách của chúng ta cho được an tịnh. Thế nên dạy hiến rượu cũng như Thời Tý vậy.

Dịch-lý ứng vào quẻ Cấu (Thiên-phong Cấu)tức nhiên quẻ trên là Càn vi Thiên, quẻ dưới là Tốn vi Phong, đọc là Thiên Phong Cấu. Quẻ này có một Âm dưới 5 Dương, là thời Dương tiêu Âm trưởng, nghĩa là Âm lần lần lấn Dương ra ngoài.

* Thời Mẹo: Là thời Ngươn Thần của Đức Chí Tôn sau những giờ định tĩnh mà phát khởi biến hóa, sanh trưởng muôn loài, do Âm Dương vãng lai giao thới, gọi rằng Thủy Hỏa Ký tế, vạn loại hữu sanh, nên dạy hiến trà dùng Âm Dương thủy là mượn cả linh-hồn yên tĩnh điều hòa của chư Môn-đệ giúp hay cho phần Bí-pháp của Đức Chí-Tôn. Hiến lễ Đức Chí-Tôn giờ nầy, chúng ta hưởng được Thần lực của Đức Chí-Tôn mà làm cho Chơn Thần chúng ta được tráng kiện.

Theo như lời của Đức Hộ-Pháp có nói: “Con người ban ngày ăn uống vật thực để nuôi lấy xác thân, ban đêm ngủ là tịnh dưỡng, nuôi nấng Chơn Thần. Dầu người có ăn cao lương mỹ vị, sau ba đêm không ngủ, thì người ấy mất Thần, sẽ kém sút đi mà chớ!”.

Dịch-lý ứng vào quẻ Đại-Tráng (Lôi Thiên Đại-Tráng)tức nhiên quẻ trên là Chấn vi Lôi, quẻ dưới là Càn vi Thiên, đọc là Lôi Thiên Đại-Tráng. Quẻ này 4 Dương ở dưới đã lấn dần hào Âm ra ngoài, đó là thời Dương tiến Âm thoái, hay là Dương thạnh Âm suy.

* Thời Dậu: Là thời Ngươn Thần của Đức Chí Tôn giáng hạ và tịnh dưỡng, cũng do Âm Dương vãng lai giao thới, Thủy Hỏa Ký tế, vạn loại toại sanh, nên dạy hiến trà. Dùng Âm-Dương-thủy cũng như thời Mẹo vậy. Hiến lễ Đức Chí-Tôn giờ nầy, chúng ta được hàm dưỡng Chơn Thần an tịnh.

Dịch-lý ứng vào quẻ Quan (Phong Địa quan)Tức nhiên quẻ trên là Tốn vi Phong, quẻ dưới là Khôn vi Địa, đọc là Phong Địa Quan (có khi đọc là Quán). Tất nhiên quẻ này là quẻ đảo ngược của quẻ Đại-tráng, có nghĩa là quẻ này có 4 Âm đã lấn hai Dương ra ngoài là thời của Âm trưởng thì Dương tiêu.

Thánh-ý của Đức Chí-Tôn mượn cả khí phách, năng lực và tánh chất điều-hòa của chư Môn đệ mỗi ngày trong bốn thời Cúng đều phải đến trước mặt Thầy đặng Cầu nguyện và Xét mình.

3 - Giá trị của việc Cúng Tứ thời:
Có khi nào ta nghĩ rằng tại sao phải cúng Đức Chí Tôn và Phật-Mẫu mỗi thời, mỗi ngày không? Giá trị của sự Cúng kính ra làm sao? Và khi nào được nghỉ Cúng?

Thuở Đức Hộ-Pháp còn sanh tiền Ngài cũng lo ngại cho loài người vì sự văn-minh tuyệt đỉnh bị “giục thúc bởi phương sống vật chất, họ tìm hạnh phúc trong cái sống vật hình, vì cớ Đạo-giáo mất quyền”.

Ngài vấn nạn Đức Lý Giáo-Tông:
“Đương thế kỷ hai mươi này văn-minh cực điểm đã đi quá cao rồi, đem đạo-đức tinh thần làm thuyết cứu thế sợ chẳng có kết quả. Tôi công nhận rằng trước hai ngàn năm có lẽ nhơn loại còn bảo thủ được khối thiên lương, biết xu-hướng đạo-đức; tinh thần đạo-đức buổi ấy dường như gặp một mảnh ruộng có nhiều phân nên hột giống mới mọc đặng, còn thế-kỷ hai mươi này là thời-kỳ văn-minh vật chất, nếu đem đạo-đức ra làm môi giới cứu vãn tình thế cho đời e vô hiệu quả.

Đức Lý Ngài than, nói quyết đoán rằng:
- Theo lẽ Hiền-hữu nói nhơn loại ngày giờ này không cần đạo-đức có phải?

Bần-Đạo trả lời:
- Thật vậy! Nhơn-loại buổi này không cần đạo-đức, chỉ tìm hạnh phúc nơi văn-minh khoa học cũng có thể được chứ?

Ngài cười:
- Văn-minh khoa-học chỉ nuôi phần xác thịt mà thôi, còn phần linh hồn chắc-chắn họ sẽ đói!

Bần-Đạo vấn nạn tiếp:
- Tại sao Ngài nói linh-hồn đói? Linh-hồn có ăn sao mà đói?
- Phải! Phải có vật-thực đặng bảo dưỡng nó như thi hài vậy, nếu không vật thực nó sẽ tiều-tụy rồi chết mà chớ!

Bần Đạo lại hỏi:
- Đạo-đức tìm nơi đâu mà có đặng?
- Tức nhiên tìm nơi cửa Thiêng-liêng hằng sống mới có, mà tìm nơi cửa Thiêng-liêng hằng sống tức là cửa Đạo. Buổi ăn của linh-hồn là buổi ta vô Đền thờ cúng đấy! Ta không thấy mùi của nó tức chưa hưởng được, tưởng vô Đền thờ là bị luật buộc, không dè mỗi phen đi cúng tức là cho linh-hồn ăn vậy! Bần Đạo tưởng thấy trong trí cần phải bắt buộc cả thảy đi cúng. Vì trong thâm tâm Bần Đạo định mấy người chưa biết mùi của nó, cũng như kẻ nhà quê đưa cho gói bánh ăn chẳng được, rồi khi đã biết mùi rồi bán cả áo quần mà mua ăn” (TĐ II/152).

Vì tính cách trọng-yếu đó mà Đức Phật Quan-Âm nhắc nhở rằng:

Phải năng cúng kiến thường:
Thánh Giáo của Đức Quan Âm Bồ-Tát dạy:
"... Các Em phải lo cúng kiến thường:

1 - Một là tập cho Chơn Thần được gần gũi các Đấng Thiêng Liêng cho đặng xán lạn.
2 - Hai là cầu khẩn với Đức Đại Từ Bi tha thứ tội tình cho các Em và cả chúng sanh.
3 - Ba là có tế lễ thì tâm mới có cảm, cảm rồi mới ứng, ứng là lẽ tự nhiên.
4 - Bốn là tâm có cảm thì lòng bác ái mới mở rộng, mà nhứt là khiếu lương tri, lương năng của các Em cũng nhờ đó mà lần hồi thành ra mẫn huệ. Các Em nhớ à! ..." (Thánh Ngôn Hiệp Tuyển Q.2, ngày 08--05-1933).

Cúng phải nghiêm trang:
Thánh Giáo Đức Chí Tôn dạy:
"Thầy hằng nói với các con rằng: "Thà là các con lỗi với Thầy, thì Thầy vì lòng từ bi mà tha thứ, chớ chẳng động đến oai linh chư Thần, Thánh, Tiên, Phật, vì họ chẳng tha thứ bao giờ."

Thầy lại cũng đã nói:
"Mỗi khi Chơn linh Thầy giáng Đàn, thì cả vàn vàn muôn muôn Thần, Thánh, Tiên, Phật theo hầu hạ. Các con nếu mắt phàm thấy đặng, phải khủng khiếp kinh sợ vô cùng! Nhưng thấy chẳng đặng, nên tội cũng giảm nhẹ đó chút.

Thất lễ là đại tội trước mắt các Đấng Chơn linh ấy! Thầy phải thăng cho các con khỏi hành phạt. Thầy chẳng buổi nào chấp trách các con, bởi lòng thương yêu hơn chấp trách rất nhiều. Sợ là sợ cho các con mất đức với chư Thần, Thánh, Tiên, Phật.

Xem đó, thì các con khá dè dặt, kỉnh Thần, Thánh cho lắm! Vì Thầy là bậc Chí Tôn, lòng hay quảng đại mà tha thứ, chớ Thần, Thánh hễ các con có lỗi, thì cứ Thiên điều mà quở phạt các con nghe à!” (TNHT II, 15-10-1926)

4/ - “Không có một điều gì mà Chí-Tôn định trong Chơn giáo của Ngài, dầu Bí pháp dầu Thể-pháp mà vô ích đâu”

“Ðấng ấy là Ðấng tưng tiu, yêu ái con cái của Ngài lắm, thảng có điều gì không cần ích mà con cái của Ngài nói rằng không muốn, Ngài cũng bỏ nữa đa !

Từ ngày Khai Ðạo: Kinh kệ, Lễ bái, sự chi sắp đặt về đạo-đức cũng chính Chí-Tôn tạo thành, không phải do các Ðấng khác. Ngài buộc mình làm, tức có cần yếu, hữu ích chi chi đó Ngài mới buộc. Vì cớ nên thời giờ nầy, thấy Bần-Ðạo bó buộc nghiêm-khắc có lẽ những kẻ biếng nhác cũng phàn-nàn lén lút. Ngày cuối cùng các bạn gặp mặt Bần-Ðạo nơi Thiêng-Liêng, Bần-Ðạo sẽ hỏi các bạn coi khi còn ở thế Bần-Ðạo buộc cả thảy đi cúng là có tội hay có công? Công hay tội ngày giờ ấy Bần-Ðạo hỏi rồi chúng ta sẽ có một tấn tuồng tâm lý ngộ-nghĩnh với nhau vô cùng tận, chừng đó mới biết lẽ nên hư.

Ngày nay, giờ phút nầy, Bần-Ðạo đứng tại Giảng đài nầy để lời khuyên nhủ: Còn biếng nhác quá! Xác thịt đã hư rồi đến Linh hồn, phải coi chừng cho lắm, kẻo ngày kia ăn năn quá muộn.
(thời Tý đêm mồng 1 tháng 11 năm Mậu Tý - dl. 01-12-1948)
- Cúng là một hình thức xét mình

Thầy dạy:
“Trước khi vào lạy Thầy buổi tối phải tự hỏi mình coi phận sự ngày ấy xong chưa? Nếu phận-sự chưa rồi, lương tâm chưa an tịnh thì phải biết cải quá, rán sức chuộc lấy tội lỗi của mình đã làm thì các con lo chi không bì bực chí Thánh. Thầy mong cho mỗi đứa đều lưu ý đến sự sửa mình ấy. Đặng vậy thì may-mắn cho Đạo và các con cũng sẽ đặng thung dung nêu gương cho kẻ khác”.

Hiện nay có nhiều vị niên cao kỷ trưởng muốn được nghỉ đi cúng, vậy có đúng chơn pháp không?

Sau đây là lời phê của Đức Hộ-Pháp vào năm 1951qua tờ xin của Chí-Thiện Lê-văn-Trưởng xin nghỉ cúng thời Tý vì tuổi già bịnh hoạn.

Đức Hộ-Pháp phê rằng:
“Hễ càng già lại càng Cúng nhiều đặng dâng mạng căn số kiếp của mình cho Chí-Tôn định, ấy là bí-mật giải thoát của Chí-Tôn để nơi Cơ tận độ. Dầu đương giờ mình cúng mà chết trước mặt Người lại càng hay. Phải tuyên truyền cho ai cũng đều thấu đáo nghĩa lý bí-pháp này.
Khi đau ốm nằm dưỡng bịnh, hễ nghe thời Cúng là dậy dâng Tam bửu cho Chí-Tôn”.

Đi Cúng quả là hữu ích, nên Thầy ân cần dặn bảo:
“Phải chịu khó cúng Tứ thời và nhìn Thiên-Nhãn cho thường. Mỗi lần Cúng cho được lâu, lâu đặng cảm lòng giáng hỏa hết đau mắt.

Luôn dịp Thầy nói cho các con biết: Cúng Tứ thời có ích cho các con lắm, chớ không phải ích chi cho Thầy. Nếu Cúng được thường thì lòng dạ mở-mang, tứ chi luân chuyển, có nhiều khi tật bịnh tiêu diệt. Con nên biết việc Cúng Tứ thời nghe! (ĐCT 10-11 Bính-Dần dl 14-12-1926)

Đức Hộ-Pháp thường nhắc:
Điều trọng-yếu là cả bí-pháp Đạo-giáo có liên quan mật thiết với Thể-pháp rồi cả thảy đều nghĩ, từ thử tới giờ Hộ-Pháp buộc phải đi Cúng, phải hành Đạo thế nào, không phải Ngài buộc mà Ngài hưởng một quyền lợi gì riêng hết, thử suy đoán chơn pháp ấy rồi mới biết.

Bần Đạo vì phận sự muốn cho con cái của Đức Chí Tôn tạo cơ giải thoát nên mới buộc gắt-gao như vậy thôi”

II - SỰ THÀNH HÌNH TRONG VŨ-TRỤ
- Kiền là Trời có 4 đức: Nguyên, Hanh, Lợi, Trinh:
(Trích từ quẻ Kiền vi Thiên số 1.Dịch Quyển III)
- Nguyên là muôn vật bắt đầu.
- Hanh là muôn vật lớn lên.
- Lợi là muôn vật được thoả.
- Trinh là muôn vật đã thành.

Bốn đức này đã thể hiện trong bài Kinh Ngọc Hoàng: Đại La Thiên Đế.
Thái-cực Thánh-Hoàng.
Hoá dục quần sanh.
Thống ngự vạn vật
Diệu diệu “Huỳnh-Kim-khuyết”.
Nguy nguy “Bạch-ngọc-Kinh”
Nhược thiệt nhược hư.
Bất ngôn nhi mặc tuyên đại hoá,
Thị không thị sắc.
Vô vi nhi dịch sử quần linh

Toàn 64 quẻ chỉ có hai quẻ KIỀN KHÔN có đủ 4 đức ấy, các quẻ khác thì tuỳ việc mà thay đổi:
- Nguyên là chuyên làm những việc thiện lớn.
- Lợi là chủ về những sự chính bền.
- Thể của Hanh Trinh việc nào xứng với việc ấy. Nghĩa của 4 đức bao gồm hết cả vũ-trụ.

1 - Nguyên là gì? Về mặt chữ: Nguyên họp bởi chữ ngột là cao chót vót, thêm vào nét nhứt ─ ở trên để chỉ cái lý duy nhất, cao cả như nước nguồn đổ ra trăm sông, ngàn mạch, như một chủng-tử lưu truyền theo mỗi loại. Nguyên là bao gồm cái nguồn phát xuất đầu tiên.

Theo dạng chữ thì chữ ngột giống như một cái Đài cao mà từ xưa các bậc tiền bối thường lập nơi thanh vắng và tinh-khiết để cầu chư Thần, Thánh, Tiên, Phật. Nét nhứt ở trên chỉ sự chí diệu, chí linh, tối đại, tối cao, duy tinh, duy nhất. Nói rộng ra Nguyên bao gồm cái nguồn phát xuất đầu tiên do đức háo-sanh của Đấng Tạo đoan để mỗi loại được cái sống lưu truyền với cái giác, cái linh huyền-nhiệm mà lưu tồn. Nguyên tượng cho mùa Xuân, ở người là đức Nhân.

2 - Hanh là gì? Hanh gồm có bộ đầu ở trên hết là chỉ sự khởi điểm, liễu ở phía dưới là chỉ sự kết cuộc, khẩu ở giữa hàm chứa điều lành. Vậy Hanh là sự thông suốt, thuận-tiện, sự lớn lên của vạn-vật, chính nhờ có đức Nguyên mà khi vạn vật bắt đầu sinh dục mới được nguyên-khí mà ngày càng phát triển, ví như có mây mới biến hoá mà làm ra mưa cho khắp nơi được nhuần thấm, loại nào theo loại nấy, thứ nào theo thứ nấy, tất thảy thành hình, thành sắc, trưởng dục mãi cho đến vô cùng. Hanh tượng cho mùa Hạ.

3 - Lợi là gì? Lợi là sự có ích của mùa thu hoạch, gồm bộ đaolà con dao, hoà là cây lúa. Chữ Lợi là chỉ về mùa gặt hái, như lúa tới mùa thu-hoạch thì thợ đem liềm hái ra ruộng cắt đem về. Mùa thu là mùa thu gặt nên có lợi.

Nhờ đức tính hoá-dục được xuyên suốt mới hanh thông tức là có lợi cho nhau, vạn-vật theo nhau mà phát huy toàn diện, lại giữ được nguyên khí thái hoà như lúc đầu trời đã phú cho. Như vậy mọi vật khởi đầu bằng hành động đúng, đưa đến công dụng tốt. Lợi là sự hài-hoà của phẩm-vật. Lợi chỉ về mùa thu. Với người “Lợi là sự hài hoà của việc Nghĩa” (Lợi giả, nghĩa chi hoà dã).

Với trời đất Lợi ở chỗ ban thí ra cùng khắp mà không kể công, tức là Trời không thấy làm, mà không một việc gì không làm “Vô vi nhi vô bất vi”.

4 - Trinh là gì? Trinh là sự chính đính, bền chặc cho đến cùng. Hợp bởi chữ bốc là bói và bối là đồng tiền, tức là chỉ sự bói toán dùng tiền gieo quẻ, mong được ứng điều lành. Trinh, mang ý-nghĩa sự chính bền cũng là sự thành tựu, giai đoạn thành hình. Trinh ứng vào mùa Đông.

- Người có Bốn đức: Nhân Nghĩa Lễ Trí:
Giữa Trời và Người có liên quan mật thiết nhau:
Nguyên là khởi đầu của sinh-vật, là đức của trời đất, không có gì có trước nó, nên về thời tiết là mùa Xuân, ở người là đức Nhân, là đầu mối các điều thiện. Con người là gốc, nên Thầy có dạy về chữ Nhân rằng:
Nhân là đầu mối các hành tàng,
Cũng bởi vì Nhân dân hoá quan.
Dân trí có nhân nhà nước trị,
Nước nhà nhân thiệt một cơ quan.

Hanh là sự thông suốt của vạn-vật. Bốn mùa thời-tiết điều hoà, hoa quả tốt tươi, thịnh-mậu. Ở người là Lễ.
Lợi là sự toại thông của sinh vật. Vật nào được cái sơ-nghi của vật ấy, không hại lẫn nhau. Lợi vào mùa thu. Ở người là việc Nghĩa.
Trinh là sự thành đạt của sinh vật, ứng vào mùa Đông. Ở người là Trí.

Có thông suốt được các đức tính cao cả của Trời để nghiêm giữ được lòng mình là Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí vậy.

Tất cả các yếu-lý để làm một con người toàn thiện là phải đủ 4 đức: Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí. Có thể gồm thâu vào một mối. Ở người tu theo Đạo Cao-Đài ngày nay là đoạt đức làm Chủ, làm Chúa. Phật Thích-Ca cũng nói: Thắng một vạn quân không bằng tự thắng lấy mình là vậy. Thắng lấy mình là làm chủ mình trước tiên. Dầu một bậc vua quan công hầu khanh tể đi nữa mà không thắng lấy mình được thì mọi việc sẽ hư hỏng về sau.
Lịch-sử nhân-loại đã cho ta thấy điều ấy.

III - Bốn vị Đại Thánh-nhân đến khai sáng nhơn tâm:
Cũng may, chính vào “Cái thời Trung nguơn ấy mà nhơn-sanh mỗi ngày càng thêm nhiều xu-hướng về vật chất nên Ơn Trên mới phái bốn vị Đại Thánh-nhân đến khai sáng cho nhơn tâm, đó là:
- Đức Thích-Ca Mâu-Ni mở Đạo Phật.
- Đức Lão-Tử mở Đạo Tiên.
- Đức Thánh Khổng-Phu-Tử mở Đạo Thánh.

Thánh nơi Đông-phương gọi là Thánh Ta
- Sau cùng con một Đức Chúa Trời là Đức Chúa Jésus-Christ. Thánh nơi phương Tây gọi là Thánh Tây. Thế nên cả hai vị Giáo-Chủ này là Thánh-đạo.

Ngoài ra, còn có các bậc Hiền-nhơn dụng đạo đức để cảm-hóa nhơn-sanh bằng các lý lẽ: không tham danh, trục lợi; đem Đạo-đức của Thánh Hiền mà Phổ-độ nhơn sanh; thế nên, bên phương Đông, Xuân Thu chiến-quốc trở lại êm dịu.

Bên phương Tây, nhờ Chúa Jésus-Christ dạy đời, khuyên chúng-sanh thức tỉnh trở về với Trời đặng sống, sống cái lẽ thanh-cao, liêm-khiết.

Từ Thượng ngươn, Trung ngươn, Hạ ngươn đều ở trong Tam chuyển. Trong Nhơn-hoà từ buổi Tam chuyển được tấn hoá thêm bốn phẩm nữa là Thần Thánh Tiên Phật.
- Nhơn hồn nào đã được trọn trung ấy đã vào Thần vị.
- Biết được nghĩa chánh bồi bổ đạo nhơn luân tức là Thánh-vị. Đến Thánh-hồn thì lẽ tự nhiên phải thông suốt phần Thế đạo.
- Trong phần Thế đạo mà tạo được Bí-pháp đặng bước qua mặt Thể pháp Thiên đạo tức là Tiên vị.
- Đã lập được Thiên-đạo mà tầm nên Bí-pháp Thiên Đạo tức gọi là đắc pháp ấy là Phật-vị.

Trong Nhơn hồn lại chia ra: Thần hồn, Thánh hồn, Tiên hồn, Phật hồn.
Nếu đoạt được Thể pháp tức là Thần hồn, tạo được phẩm người gọi là Thánh hồn. Trả xong Nhơn đạo tạo nên Bí-Pháp là Tiên hồn, đoạt pháp tức là Phật hồn đó vậy.

Đời là một sự biến dịch không ngừng:
Thế mà: Đức Hộ-Pháp buột lời than cho nhơn-loại rằng:
“Ngày giờ nào nhơn-sanh cũng tìm phương an-ủi cho bớt thống-khổ, kiếm phương an-ủi; tìm cùng đáo-để như tìm gió theo mây chạy đến gõ cửa ĐứcKhổng-Phu Tử:

“Ông có thuốc gì an-ủi nỗi thống-khổ tâm hồn của tôi không ?”

Đức Khổng-Phu-Tử trả lời:
- Phương chuyển thế không cùng, dầu đoạt được Bí-pháp lấy Trung-dung cũng chưa thỏa mãn.

Sang gõ cửa Phật Thích-Ca:
“Phật có thuốc gì chữa nỗi thống khổ tâm hồn của tôi chăng?”

Phật đem chơn-lý trước mắt là Sanh, Lão, Bịnh, tử, ấy là chơn-lý. Người mới tự xét: Tôi không muốn sanh mà ai sanh ra tôi chi, để tôi phải chịu khổ thế này?

Sống, tôi không muốn sống, vì sống là gốc sản xuất tứ khổ. Cái khổ ấy chẳng phải của tôi mà ai làm cho tôi khổ. Cũng không thỏa-mãn tâm hồn. Tìm nơi Phật không thấy đặng gì !

Đến gõ cửa Lão-Tử:
- Bạch Ngài, có món thuốc gì an-ủi tâm hồn tôi không ?

- Bảo, cứ giữ đạo-đức làm căn-bản, thóat mình ra khỏi thúc-phược thất tình, lên non phủi kiếp oan-khiên, tìm nơi tịch-mịch an-nhàn thân tự-toại. Nếu không thế ấy thì đừng mơ-mộng gì thoát khổ được.

Nghe lời, lên núi ở, mà ngặt nỗi hễ mỗi lần đem gạo lên ăn, thì khó nhọc trần-ai khổ nhộng. Đói, tuột xuống, thất chí nữa, thành phương an-ủi cũng ra ăn trớt.

Đến gõ cửa Thánh Jésus De Nazareth, hỏi:
- Đấng Cứu-Thế có phương thuốc nào trị thống khổ tâm-hồn tôi không?
- Trả lời: Nếu các Ngươi quả-quyết nhìn nhận làm con cái Đức Chúa Trời, tức là Đức Chí Tôn, làm như Người làm, mới mong an-ủi tâm hồn được. Trong khuôn khổ, phương-pháp làm con cái của Đức Chí-Tôn thì lắm kẻ nói được mà làm không được, cũng như tuồng hát viết hay mà không có kép tài đặng hát.

Cả thảy không chối, cũng có kẻ an-ủi được nhờ đức-tin vững-vàng, còn phần nhiều ngược dòng đi ngã khác, không ở trong lòng Chí-Tôn chút nào tất cả. Thất chí nữa, hết tìm ai!”

Nhờ Đức Hộ-Pháp nắm pháp Thiên điều nhơn sanh mới rõ Tứ Ðại Bộ Châu:
Tứ Ðại Bộ Châu là 4 Bộ Châu lớn được phân chia theo 4 hướng: Ðông, Tây, Nam, Bắc , có tên là:
- Ðông Thắng Thần Châu,
- Tây Ngưu Hóa Châu,
- Nam Thiệm Bộ Châu,
- Bắc Cù Lư Châu.

Thất thập nhị Ðịa (72 Ðịa cầu) được chia ra ở trong Tứ Ðại Bộ Châu nầy. Ðịa cầu 68 của nhơn loại chúng ta thuộc Nam Thiệm Bộ Châu.
Ở phần dưới của vũ trụ, Ðức Chí Tôn chưởng quản 72 Ðịa cầu và 4 Bộ Châu lớn.

IV - Đức Chí-Tôn khai Đạo buổi ban đầu đặc biệt chọn 4 cặp Cơ:
1 - Đức Hộ-Pháp Phạm Công-Tắc với Đức Thượng Phẩm Cao Quỳnh-Cư: cặp Cơ phong Thánh.
2 - Bảo-Pháp Nguyễn Trung Hậu với Hiến Pháp Trương Hữu Đức: cặp Cơ về Chơn pháp.
3 - Khai Pháp Trần Duy Nghĩa với Tiếp Pháp Trương văn Tràng: cặp Cơ về Bí-pháp.
4 - Đức Thượng-Sanh Cao-Hoài Sang với Bảo-Văn Pháp quân Cao Quỳnh Diêu: cặp Cơ Phổ Độ.

Còn các vị Hiến-Đạo, Khai Đạo, Tiếp Đạo, Tiếp Thế tuỳ trường hợp sẽ nâng loan cho Cơ truyền giáo.

Nhờ huyền-năng khai sáng của Đức Chí-Tôn mà người lãnh đạo tinh thần như một Giáo-Hữu chẳng hạn phải có đủ bốn điều kiện này mới được nhơn sanh mến phục và xứng đáng là bậc dẫn Đạo độ đời.

Đức Thượng-Phẩm dạy rằng:
“Người ngoại Đạo trông vào mà yêu mến chơn Đạo của Đức Chí-Tôn khai dựng. Mỗi vị Giáo-Hữu cho đặng các điều này:
1 - Một là phải thông việc Đạo.
2 - Hai là phải thạo việc Đời.
3 - Ba là trau-giồi đức hạnh.
4 - Bốn là giữ chánh dạy người.

Muốn đặng bốn điều ấy phải tìm-tòi hỏi-han cho mở rộng thêm ra chỗ học thức của mình, phải năng đọc Thánh ngôn cùng năng xem sách Đạo”.

Tất cả lời hay ý đẹp đều do Cơ bút của Thần Tiên Thánh Phật giáng dạy.

V - ĐẠO XUẤT Ư ĐÔNG
Trong trời đất phân ra bốn phương chánh là: Đông, Tây, Nam, Bắc và ngoài ra còn bốn phương phụ là Đông Nam, Tây Nam, Đông Bắc, Tây Bắc, nhưng chính Đông vẫn là khởi điểm.
Theo nguyên-lý của trời đất thì Đạo luôn luôn phát khởi từ phương Đông.

“Từ cổ chí kim, tạo thiên lập địa, Đạo đều phát khởi từ phương Đông, là các nước ở miền Á Đông (Asie) như các nền chơn-giáo trước kia: Nho , Đạo , Thích cũng đều phát khởi nơi miền Á-đông rồi lần lần truyền bá qua phương Tây như:
- Đạo Phật thì khai tại Thiên-trước là Đức Nhiên đăng Cổ-Phật và Đức Thích-ca Mâu-Ni khai Phật-giáo.
- Đại-Đạo là Đạo Tiên thì Lão-Tử khai tại Trung Hoa.
- Sau nữa Khổng-Tử khai Đạo Thánh cũng tại Trung hoa là ở miền Á-Đông.
- Sau lần lần Đạo trải khắp qua hướng Tây, nên Đức Chúa Jésus truyền Đạo Thánh tại hướng Tây. Kế đó Đạo mới roi truyền ra khắp năm châu.

Câu“Ánh thái-dương giọi trước phương Đông”. Ánh Thái-dương là Đạo đó vậy. Nay đã đến hạ-nguơn mạt kiếp, cuối cùng nên Đức Chí-Tôn mới chuyển Đạo nơi vùng Á-đông, đấy là nơi nguồn Đạo phát ra, lại khai nơi Nam-kỳ (một trong ba kỳ nơi cõi Á-đông). Vì cõi Đông dương đây cũng về miền Đông của Á-châu nên ngày nay phải khởi khai nơi hướng Đông trước rồi mới truyền lần ra hướng Tây.

Như Đức Chúa Jésus khai Đạo bên Âu châu, thì cũng khởi khai nơi miền Đông của Âu châu, rồi mới loan truyền khắp cả Âu-châu, ấy là luật tự-nhiên từ cổ chí kim, hễ Đạo phát khai thì cứ bắt đầu từ phương Đông truyền ra.

Ngày nay là giáp một vòng nên khởi lại điểm ban đầu gọi là “Thiên địa tuần-hoàn châu nhi phục thủy” do đó nền Đại-Đạo phải khai tại Á-Đông này nên Thầy mới mở Đạo nơi Đông dương là cực Đông của Á-châu mà lại khai nơi xứ Nam-kỳ là xứ thuộc-địa, dân-tộc yếu hèn, kém cỏi, ấy là do nơi Thiên-cơ tiền định cả muôn năm, lại là thưởng cái lòng tín-ngưỡng của người Nam từ thử.

Tuy khai Đạo tại nước Nam mà cũng khởi từ Đông, do cái lý từ Bàn-cổ sơ khai: “Thiên khai ư Tý, Địa tịch ư Sửu, nhơn sanh ư Dần”天開於子地藉於丑人生於寅. Do vậy mà Đạo khởi khai tại Tây-ninh lần lần truyền ra Gia định, Biên-Hòa, Thủ-Dầu-một, Chợ-lớn là mấy hạt ở hướng Đông. Qua năm thứ nhì, thứ ba Đạo mới truyền ra mấy hạt hướng Tây”.

Đó là Thầy đã chuẩn bị cho dân tộc Việt-Nam này từ lâu rồi nên Thánh giáo có nói:
“Khai Đạo muôn năm trước định giờ”

SỐ 5
Nguyên-lý:
Số 5 là do 1 và 4 kết thành hay là 2 và 3 hiệp lại. Hai ấy là Âm Dương, 3 ấy là ba ngôi chủ tể đầu tiên của vạn hữu. Số 5 tức là càn-khôn đã an-vị rồi, xong xuôi hết, đã sắp đặt đâu đó có thứ-tự an-bày.

Số 5 là số ở giữa 10 con số, tức là số tiêu-biểu sự thăng-bằng, trung chánh, không nghiêng-lệch, Dương không thái-quá, Âm không bất cập. Vừa-vặn dung-hòa nhau mới có thể cấu-tạo thành bào thai được.

Các Thánh bên Á-Đông dùng con số 5 để tóm thâu tất cả các lý lẽ cao sâu, huyền-bí của tạo-hóa và sự cấu hợp của muôn vật lại, có cả sự dung-hòa để duy-trì sự cần thiết tức là con số thiêng-liêng bao gồm cả một lý-thuyết tinh-vi của thiên-lý.

NHỮNG THỂ PHÁP ỨNG VỚI CON SỐ 5

1 - Ngũ chi đến trước khi Đạo Cao-Đài xuất hiện:
Thánh ngôn dạy rằng:
“Khi khai Thánh giáo bên Thái Tây thì Chí-Tôn đã nói trước còn nhiều chuồng chiên Người sẽ đến đem về làm một. Lời tuyên ngôn ấy nghĩa là còn nhiều Đạo đương nuôi nấng ung đúc tinh thần của con cái Chí-Tôn đặng chờ ngày Người đến hiệp chung lại Một, lời ấy ngày nay đã quả. Các chuồng chiên Thiêng liêng của Chí-Tôn là:

1 - Phật Đạo thì có Bà-La-Môn (Brahmanisme), Thích ca Mouni (Caky-Mouni), Pythagore giáo.
2 - Tiên Đạo thì là Lão-Tử-Giáo, Dương Châu, Mặc Địch, Vạn pháp, Bàn Môn cho tới thầy pháp, thầy phù, bóng, chàng, đồng cốt…
3 - Thánh Đạo thì Thiên Chúa giáo (Christianisme) Gia Tô (Catholicisme). Tin lành (Protestantisme), Hồi Hồi (Mahométantisme)
4 - Thần Đạo Thì là Trung Huê phong Thần, Hy-lạp Phong Thần và Ai-Cập Phong thần (Mytologie Chinoise, Grecque et Égyptienne).
5 - Nhơn Đạo thì là Socrate, Esobe, Platon…ở Hy lạp, Khổng Phu Tử (Confucianisme), Mạnh-Tử (Mentius), Nhị Trình giáo…chung cộng cùng cả Hớn phong, Đường thi, Tấn Tục tại Trung-Huê từ trước.”

2 - TU LÀ ĐẠT ĐỨC LÀM CHÚA
Chữ CHỦ LÀ CHÚA có 5 NÉT.
Ngày nay Đức Chí-Tôn đến mở Đạo Ngài cho Thờ trên Thiên bàn hình chữ CHỦ . Tức nhiên điều cần yếu nhứt là mình phải tự làm chủ lấy mình. Đây cũng là câu quyết định: “Ngũ nguyện Thánh Thất an-ninh” vậy.

Dù ở một con người có Tôn-giáo hay một người ngoại Đạo mà có đủ Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín thì cũng là một mẫu người đáng kính, đáng nễ phục.

“Thế nên Triết-lý của nền Tôn-giáo Cao-Đài mục đích là làm cho cả nhân-loại đến học đức làm Chúa, làm chủ toàn cả gia-đình:
- Được làm Chủ của một tiểu gia-đình, tức là một Tông-tộc, là một vị Hiền tại thế rồi.
- Được làm Chủ một trung gia-đình là quốc gia, là một vị Thánh-nhơn.
- Được làm Chủ một số quốc-gia hiệp lại như Hiệp Chủng quốc tại Mỹ châu như Washington, Lafayette chẳng hạn là một vị Tiên.
- Được làm Chủ tới đại-gia-đình tức nhiên làm chủ cả toàn tâm-lý thiên-hạ, một nền Tôn-giáo là một vị Phật.

Thể-pháp của Đạo Cao-Đài có khuôn-khổ tập cho nhơn-loại đi đến mục-đích trong luật-pháp của một nền Chánh-giáo”.

3 - Đạo Cao-Đài là chung cả Ngũ Châu:
“Nay Tam-giáo, Đức Chí-Tôn Ngài vi chủ năm châu hiệp Tín-ngưỡng lại, qui nhứt mà thôi. Nắm cả Tín ngưỡng của loài người, chính Chí-Tôn là Chúa-Tể Càn Khôn Thế-Giới, làm CHÚA nền chánh-giáo tại nước VIỆT NAM, vi-chủ tinh-thần loài người tức đủ quyền năng lập QUỐC-ĐẠO nên mới có câu “Chủ quyền chơn Đạo một mình TA”.

Thế nên trong Toà-Thánh các hình ảnh trang trí gồm cả thảy 5 Quả địa cầu, biểu tượng Ngũ châu:
- 1 nơi Quả Càn Khôn ở Bát-Quái-Đài.
- 1 Quả nơi Nghinh-phong-Đài có hình Long-Mã phụ Hà đồ đứng trên địa cầu.
- 1 Quả địa cầu có bàn tay Thượng-Đế cầm cân Công bình, nơi Tịnh Tâm đài.
- 1 Quả địa cầu nơi lầu chuông, Đức Quyền Giáo Tông đứng trên ấy.
- 1 Quả địa cầu nơi lầu trống, Đức Bà Lâm Hương Thanh đứng trên ấy.

Hình ảnh năm Quả địa cầu biểu dương tinh thần Tôn giáo hiệp năm Châu, qui Tín ngưỡng của toàn nhơn loại mà chính Đức Chí-Tôn làm Chủ.

Pháp-Chánh-Truyền nói rõ lý do Đức Chí-Tôn đến:
“Chí-Tôn đã đến thế, hạ mình đặng làm Thầy dạy dỗ chúng ta, hằng trông mong giờ nào chúng ta biết hoà hiệp nơi lòng Bác-ái từ tâm của Người, là hiệp làm một cùng Người, mới có đủ quyền hành độ tận chúng sanh qui hồi cựu vị, mà đã sáu năm chầy rồi, thân thể hỡi còn rời rã ngất ngơ, Chơn thần hỡi còn dật dờ mê muội, thì thế nào các Đấng Thiêng-liêng hiệp một cùng đời cho đặng hầu mong sửa cải Thiên thơ, tụ hội các Nguyên-nhân đem vào cửa Đạo?

Vì năm Đạo phân chia làm cho nhơn tâm bất nhứt, nhân loại nghịch lẫn nhau, Chí-Tôn đến đặng hiệp lại một nhà, ước cho con cái của Người biết thương yêu hoà thuận.”

Thể pháp nơi Đền Thánh là nói lên các ý-nghĩa ấy:
- Số 5 Quả địa cầu trên đây là tượng phần ĐỊA
- Số 5 dạng Thiên Nhãn tượng cho phần THIÊN.
- Số 5 cấp của bậc thềm tượng cho phần NHÂN

Đó là ba con số Ngũ: Trời có Ngũ khí. Đất có Ngũ hành. Người có ngũ tạng, ấy là thể hiện đủ cả Tam tài.

Về Thiên Nhãn có 5 dạng thức:
1 - Một dạng thức là QUẢ CÀN KHÔN trên ấy vẽ đủ 3072 ngôi sao, Thiên-Nhãn Thầy ngự nơi ngôi Bắc đẩu. Thiên nhãn là tượng ngôi Thái-cực nên không có tia hào quang nào cả. Quả Càn Khôn này đặt trên Bát-Quái Đài
2 - Dạng thức thứ nhì là Thiên Nhãn trên Cung Đạo có cả thảy 36 tia hào-quang sáng chói và nhiều hình thức để thông công với các Đấng vô hình từ xưa đến giờ, biểu tượng hai quẻ Càn Khôn. (Chi tiết xem Huyền Diệu Cơ bút I. cùng Soạn-giả)
3 - Dạng thức thứ ba là Thiên-Nhãn đặt ở mặt tiền Đền-Thánh, nơi Thông-Thiên-Đài, Thiên Nhãn này có 35 tia hào-quang, tượng cho Tam giáo Qui nguyên Ngũ chi phục nhứt, ấy là tôn chỉ của Đại-Đạo.
4 - Dạng thức thứ tư là một Thiên nhãn đặt trên bàn thờ, phía trong của Thông Thiên Đài, nơi đây Đức Giáo Tông đến thông công cùng các Đấng Thiêng-liêng.
5 - Dạng thức thứ năm là Thiên-Nhãn có 16 tia hào quang đặt trên các khung cửa sổ chung quanh Đền-Thánh, có cả hai mặt trong và ngoài. Mỗi bên như vậy là 23 Thiên Nhãn. Hai lần như vậy là (23x2)= 46. Cộng với 4 Thiên nhãn vừa kể trên là 50 Thiên Nhãn cả thảy. Số 50 là tượng trưng Bát-Quái Đồ thiên hay còn gọi là Trung-Thiên-Đồ.
(Về Thiên nhãn xem quẻ Ly số 30. Quyển VIII)

Năm bậc thang trước Tịnh-Tâm-Đài.
Đây là ngay cửa chính đi vào Đền-Thánh. Bất cứ một ai khi bước vào Đền đều phải qua năm bậc thang này, cũng như một Đấng làm người dù muốn dù không cũng phải qua:
Năm bước khổ:
PCT: “Cái khó đời lại còn gây thêm lắm điều tăng khổ, đời càng khó phận càng gay, đời càng hay càng sanh nỗi khó; nếu chúng ta không khảo duợt tận tâm cái vấn đề cơ sanh hóa chúng ta, mà quyết định lấy một chương trình, hầu nương theo mà điều độ cái hành vi thân thể, thì là tránh sao cho khỏi hại bởi lạc lầm, vì vụng trí.

Cái chương trình ấy là những cơ chỉ sanh ra bởi các tư tưởng của cả Tôn giáo đã lập thành nên Đạo. Chữ Đạo là đường đặt ra bởi đó, đặng dìu-dắt nhơn sanh khỏi bước đời gay trở; cốt yếu là lập mục đích, định chuẩn thằng cho kẻ trước hiệp người sau, kẻ kim hòa người cổ, tóm cả trí lự của nhơn loại, đặng làm ngọn Huệ-quang soi rọi khắp nhơn gian, mượn cả sự tội tình sầu thảm của thế mà tạo Bát-nhã-thuyền đặng vớt người nơi khổ hải.
Phật vì thương đời mà tìm cơ Giải khổ.
Tiên vì thương đời mà bày cơ Thoát khổ.
Thánh vì thương đời mà dạy cơ Thọ khổ.
Thần vì thương đời mà lập cơ Thắng khổ.
Hiền vì thương đời mà đạt cơ Tùng khổ.

Chữ “KHỔ” là đề mục của khoa học trường đời, phẩm vị: Hiền, Thần, Thánh, Tiên, Phật là ngôi vị của trang đắc cử.” (PCT)
(H.57) Năm bậc thang là lý Ngũ hành

Người Môn đệ Chí-Tôn phải làm những gì?
Người có thấu rõ những Thể pháp đã hiện hình Bí pháp thì đây là số 5 chỉ về người biết nhìn vào đó mà sửa đương cho cuộc đời mình có đủ Ngũ đức, đó là Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín đó vậy. Tuy nhiên trước kia thời Mạnh Tử ông chỉ qui về 4 đức mà thôi, tức nhiên Nhân Nghĩa Lễ Trí. Về sau thì các Thánh mới thêm đức Tín nữa. Bởi Tín là sự tin cậy, tin tưởng nhau, nên dù là Nhân cũng phải có Tín, Nghĩa cũng cần có Tín. Lễ, Trí cũng phải có Tín. Các đức này cần có sự hỗ tương lẫn nhau: Kinh rằng:
Cang Tam thường Ngũ phải gìn,
Chứa đức làm lành, làm phước, làm doan.

4 - PHỤC NHỨT NGŨ CHI ĐẠI-ĐẠO
Lời Đức Thích-Ca giáng nói như vầy chúng ta hoàn toàn tin tưởng. Vì Thầy đã quyết định:

“Vốn từ trước Thầy lập ra Ngũ chi Ðại-Ðạo là:
Nhơn-đạo, Thần-đạo, Thánh-đạo, Tiên-đạo và Phật-đạo.
Tuỳ theo phong hoá cuả nhân loại mà gầy Chánh Giáo, là vì khi trước Càn-vô đắc khán, Khôn vô đắc duyệt, thì nhơn-loại duy có hành đạo nội tư phương mình mà thôi

Còn nay thì nhơn-loại đã hiệp đồng, Càn-Khôn dĩ tận thức, thì lại bị phần nhiều đạo ấy mà nhơn-loại nghịch lẫn nhau: nên Thầy mới nhứt định Qui nguyên phục nhứt. Lại nữa, trước Thầy lại giao Chánh-Giáo cho tay phàm, càng ngày lại càng xa Thánh-Giáo mà làm ra Phàm Giáo. Thầy lấy làm đau đớn, hằng thấy gần trót mười ngàn năm, nhân-loại phải sa vào nơi tội lỗi, mạt kiếp chốn A-Tỳ.

Thầy nhứt định đến chính mình Thầy độ rỗi các con, chẳng chịu giao Chánh Giáo cho tay phàm nữa. Nhưng mà buộc phải lập Chánh Thể, có lớn nhỏ đặng dễ thế cho các con dìu dắt lẫn nhau, anh trước em sau mà đến nơi Bồng Ðảo.

Vì vậy Thầy mới lập ra có một phẩm Giáo-Tông nghiã là Anh cả ba phẩm Ðầu-Sư, nghiã là Giáo-Hữu. Chẳng đặng một ai dưới thế nầy còn đặng phép nói rằng thế quyền cho Thầy mà trị phần hồn của nhơn-loại. Ai có đức hạnh lớn thì mới ngồi đặng địa vị Thầy ban thưởng. Còn cả Môn-đệ ai cũng như ai, không đặng gây phe, lập đảng; những kẻ nào phạm tội thì Thầy trục xuất ra ngoài, cho khỏi điều rối loạn. ( Ngày 24 Avril 1926)

Đức Hộ-Pháp nói về:
Ngũ chi Đại-Đạo:
“Chúng ta phải tưởng tượng lại coi Ngũ chi Đại Đạo là: Phật-giáo, Tiên-Giáo, Thánh-giáo, Thần-giáo và Nho-giáo bấy chừ chẳng khác nào như Ngũ mã tranh Tiên, còn Thầy đến bảo ta làm chủ khảo.

Ông chủ khảo không phải là Mã-Ôn thế nào làm chủ khảo, nên chúng ta không tùng một Đạo-giáo nào, mà hành chánh-pháp của Chí-Tôn, chỉ nắm chặc chủ quyền ngồi phán đóan, đặng nâng cao giá-trị của Phật-pháp hợp chơn-truyền, mới vẹn tiếng chấn hưng Phật-Đạo.

Dầu hồi buổi chưa tu, chúng ta đã chán thấy sự hay dở của Ngũ-chi Đại-Đạo là thế nào và cũng thấu rõ lẽ chánh tà của kẻ cầm quyền hành Đạo. Chẳng cần để luận những chi Tả-đạo bàn môn, dầu chánh-pháp chơn truyền, mà đời chế giảm sửa đương cũng đã thành phàm giáo.

Ta đã lãnh vai làm chủ khảo thì buộc:
- Mắt của ta phải xét cho chánh,
- Miệng ta phải nói cho chánh,
- Thân ta phải làm cho chánh,
- Trí ta phải định cho chánh,
- Tâm ta phải giữ cho chánh;

Có như vậy thì mới đủ quyền hành cầm cân Công bình thiêng-liêng thưởng phạt, hiệp tâm lý đặng qui nguyên phục nhứt” (diễn văn ĐHP 15-8-Quí-Dậu)

Đức Hộ-Pháp đến thay trời mở Đạo hiệp Ngũ Chi Qui Tam giáo làm cơ tận độ:

Nơi “Bao lam thần vọng” ở cung Đạo ví như ngôi trường có 5 lớp để đưa cả chúng sanh vào con đường lập vị Thiêng liêng, ấy là thể hiện Tam Giáo qui nguyên Ngũ Chi phục Nhứt, tức là gồm cả:

Tam Giáo:
- Đức Thích Ca là ngôi Phật.
- Đức Thái Thượng là ngôi Pháp.
- Đức Khổng Tử là ngôi Tăng.

Kỳ Ba Phổ độ này Tam Trấn Oai nghiêm đại diện cho Thích, Lão, Nho:
- Phật Quan Âm thay quyền Phật-Đạo.
- Đức Lý Đại-Tiên Thái-Bạch thay quyền Tiên Đạo
- Đức Quan Thánh Đế Quân thay quyền Thánh Đạo

Vào cửa Đại-Đạo phải qua năm cấp:
1 - Nhơn Đạo là cánh cổng để vào cửa Đại-Đạo thì có Giáo Tông đón rước, là bậc Hiền. “Hiền nhân vô kỷ” ấy là cơ Tùng khổ.
2 - Thần Đạo là của Khương Tử Nha, là vị Thái Công Tướng phụ quản pháp Thiên Tôn, Ngài mặc áo Bát quái để trừ dẹp bạo loạn giúp nước an dân nơi mặt thế. Con người đủ tâm trung Bác-ái mới xứng là Thần. Hễ Thần thì làm mà không kể công.“Thần nhân vô công” cũng là cơ Thắng khổ.

Đức Khương-Tử-Nha vốn học trò Đức Nguơn-Thỉ đến thế làm nhiệm vụ, kỵ vật của Ngài là Tứ Bất Tướng. Biểu tượng một chí khí đại hùng, đại lực, làm gương cho nhân loại phải tránh xa bốn sắc tướng tức là làm chủ được cái thân “tứ đại giả hợp” này.
3 - Thánh Đạo là hình ảnh của Chúa Cứu Thế thay thân Thượng-Đế ngồi giữa đúng như Sám Truyền: Ngài đến để “Phán xét lần cuối cùng” trong cơ “Thưởng phạt đến cùng Thánh-Đức thôi” ấy là cơ Thọ khổ đó. Ngài không còn ham danh. Ấy vậy “Thánh nhân vô danh”.

Trên Tượng Ngũ-Chi thì ảnh của Ngài đứng giữa, tức là giao điểm của chữ Thập, là tâm, tức là Ngài đã hoà nhập cùng Thượng-Đế. Thế nên người tu phải thọ khổ mới về gần với Đức Chí-Tôn Đại-Từ-Phụ được.

Có thực hiện những điều trên tức là thực thi ba ngàn (3.000) công quả với Chí-Tôn, là Phụng sự Vạn linh đó vậy, mà phụng sự Vạn-linh là Phụng sự Chí-linh.

Ấy là:
- Chí nhân vô kỷ (0) Người nhân không nghĩ đến mình.
- Thần nhân vô công (0). Bậc Thần không kể công.
- Thánh nhân vô danh (0). Bậc Thánh không ham danh.

Có làm được như vậy tức là đạt được ba ngàn công quả, Tức là số 3 đặt trước ba con số không (000) là 3.000 vậy.

Đề thi buổi hôm nay của người Cao-Đài đến dự Hội Long-Hoa là:
Bác ái là đề thi tiến hóa,
Nghĩa Nhân ấy định phép duy tân.

Bác-ái, Nghĩa-nhân chính là hai trục tung hoành trong một hình tròn hiệp lại chính là chữ Thập đó, chung qui cũng đi vào tâm của vòng tròn, nghĩa là phải thông suốt lý đạo và Phụng sự vạn linh.

4 - Tiên Đạo ở giữa là Đức Lý Đại Tiên với ngôi Nhứt Trấn Oai Nghiêm nêu tấm gương cao cả, trọn kiếp sanh thể hiện bản tánh uy-linh nơi ngọn bút để trừ khử giặc ngoài cùng đám gian thần làm cho phải khiếp oai mà không hao tổn binh lực. Ngài không ham danh lợi, tức nhiên bậc Tiên-vị thì Thoát khổ rồi.

5 - Phật Đạo là gương Từ ái của Đức Phật Quan Thế Âm Bồ-Tát đủ làm cho nhân loại soi chung kim cổ. Chính Ngài là Đấng đã Giải khổ vậy.

Về mặt Bí-pháp:
Đức Hộ-Pháp cũng có nói:
“Chí-Tôn đã dạy rằng: phải tùy phong hóa của các sắc dân sanh mà truyền giáo, thì người cũng tùy nhơn đạo lập chơn truyền, bởi ta tham trọng thế lớn quyền, Thầy mới tạo ngôi Tiên vị Phật.

Đại-Từ-Phụ một hôm kia than cùng Bần Đạo rằng: Thầy không phương nào đến cùng các con hơn là Cơ bút. Thầy còn trụ tinh ba chơn-truyền của Ngũ chi Đại-Đạo mà làm cho chúng sanh hiểu Đạo đặng dễ dàng, nên phải dụng Cơ Bút đặng giáo-hóa.

Hễ mọi điều chi có hữu ích thì hữu hại. Sau này Thầy e-ngại cho Cơ bút sẽ hại cho nhơn sanh mê tín dị đoan, cũng bởi vì ưa ham phẩm vị. Nào là thành Tiên, hiển Phật, nào là xưng Thánh, hô Thần, xúi giục tánh ham gần mộng mị. Lời tiên tri này ngày nay kết quả”.

Đạo Cao-Đài thành hình được như ngày nay đều do Huyền diệu Cơ bút. Nhưng cái siêu tuyệt của Cơ Bút bao nhiêu mà nếu bị tà quyền lạm dụng thì sự thiệt hại cũng nặng nề bấy nhiêu. Vì vậy:

5 - Thánh Lịnh Đức Hộ-Pháp cấm Cơ bút có 5 điều:
Điều thứ nhứt: Mỗi người trong bổn Đạo được phép dùng Cơ Bút học hỏi riêng mà thôi, nhưng cấm nhặc truyền bá ra ngoài.
Điều thứ nhì: Sự truyền bá ra ngoài có nghĩa là chép Thánh giáo của người học hỏi riêng rồi phân phát ra cho người khác xem hoặc tuân hành theo.
Điều thứ ba: Những người nào phạm lịnh trên đây (điều thứ nhứt và điều thứ nhì) sẽ bị nghiêm trị như sau:
1 - Nếu bài Cơ nào để học hỏi riêng mà truyền bá ra ngoài thì Quân đội và cơ Thánh vệ được phép truy nã người tuyên truyền và đồng tử, giam cả thảy lại cho tới khi có cơ của Hiệp-Thiên đài định phân thiệt giả.
2 - Nếu giả thì đồng tử và người tuyên truyền sẽ bị giao cho Quân đội tuỳ ý sung vào cơ binh theo lính hoặc Cơ Thánh vệ cho tới ngày nào tiên tri hay huyền linh nói trong Cơ bút ấy thiệt hiện ra có thật cho đủ lẽ.
Điều thứ tư: bất kỳ Cơ Bút nào mà ra lịnh cầm quyền Hội-Thánh không có mặt đủ Thiên phong Nhị hữu hình Đài và nơi Cung Đạo Đền Thánh xuất hiện, thì Hội Thánh liền ra lịnh bắt đồng tử và người tuyên truyền Cơ Bút ấy giam lại rồi đệ nội vụ ra Pháp chánh kết án trục xuất ra khỏi Đạo.
Điều thứ năm: Vị Bảo Thế thơ ký Chánh trị Đạo, chư vị Chức sắc Hiệp-Thiên-Đài, vị Khai pháp Chưởng Quản Bộ Pháp-chánh, chư vị quyền Thái Chánh Phối Sư, quyền Thượng Chánh Phối Sư, quyền Ngọc Chánh Phối Sư, Đạo-Nhơn Chưởng quản Phước Thiện, quyền Tổng tư lịnh Quân Đội Cao-Đài chỉ huy Cơ Thánh Vệ, Khâm Thành Thánh Địa, Nữ Chánh Phối Sư hành chánh và Nữ Chánh Chưởng quản Nữ phái Phước-Thiện, các tư kỳ phận lãnh thi hành Thánh Lịnh này.
Toà Thánh ngày 22 tháng 2 năm Tân Mão. (dl: 29-3-1951)
HỘ-PHÁP Chưởng quản Nhị Hữu hình Đài:
Hiệp-thiên và Cửu Trùng
Ấn ký.
6 - Nghĩa lý của các cúng phẩm:
Xem thế người Tín hữu Cao-Đài phải thông suốt các Bí-pháp của Đạo nhất là việc cúng kính hằng ngày.
Cúng phẩm: Ngũ hoa, Ngũ Quả và Ngũ phần hương (đốt 5 cây hương)
Hoa, Quả là hai món cúng phẩm trên Thiên bàn. Hai món này có tác dụng hỗ tương, hòa quyện vào nhau như vậy là do bốn mùa sản sinh, tức là Lưỡng Nghi sanh Tứ Tượng. Tứ Tượng còn có nghĩa là thành hình chữ (+) Thập ấy do Âm Dương gác lên nhau mới ló ra bốn cánh mà gọi rằng “Tứ Tượng thành hình”. Bốn cánh ấy phân ra Đông, Tây, Nam, Bắc. Điều ấy cho thấy rằng nền Đạo Cao

Đài phát-huy ra cả toàn cầu đều được hiểu biết:
Năm thứ bông: tức là 5 thứ hoa là ngũ hoa. Hoa là tượng trưng cho Tiên Thiên Ngũ Khí.
Năm thứ Trái cây tượng trưng cho Hậu Thiên: ngũ vị, ngũ sắc là năm sắc hoa và năm cây hương đốt cháy.
Trái cây còn biểu hiện cho người tu hành được thành công đắc quả.

Bình bông nói chung là biểu-hiện cho cả toàn sắc dân tức toàn cầu, tượng sự xanh tươi tốt đẹp, chỉ về Tinh là hình thể con người. Năm sắc là tượng trưng cho năm giống dân trên thế giới: Vàng, Xanh, Đỏ, Trắng, Đen.

Dâng hiến Bông là dâng hiến thể xác của chúng ta cho Đức Chí-Tôn tùy phương sử-dụng và cầu xin Đức Chí-Tôn ban ân lành cho thể xác chúng ta được tươi tắn như hoa kia vậy.

Bởi thế, Đạo Cao-Đài không phân biệt màu da sắc tóc, coi nhau là con chung của Đấng Thượng-Đế, là anh em một nhà. Ngày nào năm sắc dân trên quả địa-cầu nầy biết nhìn Đức Ngọc-Hoàng Thượng-Đế là Chúa Tể cả Càn khôn vạn loại là Cha chung, đồng dâng hiến Lễ lên Ngài, thì ngày ấy là ngày Đại đồng Huynh Đệ được hưởng thái bình thạnh-trị vậy. Bài dâng Hoa có câu:
"Năm sắc hoa tươi xin kỉnh lễ,
“Cúi mong Thượng Đế rưới ân thiên."

* Lư hương và 5 cây hương: Lư hương tượng trưng Càn-khôn vũ-trụ và sự sanh biến vô cùng, tức là “Tứ Tượng biến Bát-Quái, Bát-Quái biến-hoá vô-cùng mới tạo ra Càn Khôn thế giới”.

Đạo làm người khi đối xử với nhau phải có trật tự, có phân định lớn nhỏ thứ bực hẳn-hoi, tất cả phải coi là trọng, để tạo sự điều hòa trong cuộc sống.

Đạo Cao-Đài lấy nền tảng là Nho-Tông chuyển thế. Hỏi tại sao Đạo Cao-Đài mỗi một hành động đều có qui định, khuôn phép hẳn-hoi?

Thí-dụ: như việc thắp hương trên bàn thờ cũng phải đúng theo phép tắc, không như các Tôn-giáo khác, mỗi lần thắp hương là nguyên một bó dù lớn dù nhỏ.

Tất cả mọi nghi thức của Tôn giáo đều có ý-nghĩa:
Đạo Cao-Đài kỉnh Tổ-tiên thì thắp ba cây hương, vì ông bà cha mẹ còn đứng trong hàng Tam tài: thiên, địa, nhơn. Chỉ duy kỉnh Đức Chí-Tôn và Đức Phật-Mẫu mới thắp đủ năm cây hương mà thôi. Đó là sự liên-quan từ trong Đạo Nhân-luân mà ra đến Thiên-đạo.

Trong Kinh Nhựt Tụng có dạy:
“Khi cúng Thầy phải đốt cho đủ 5 cây hương, cắm hàng trong ba cây gọi là: Án Tam Tài; thêm hàng ngoài hai cây nữa gọi là Tượng Ngũ Khí”.

Theo lời dạy trên đây, hằng ngày cúng Đức Chí Tôn đốt đủ năm cây hương thật là một huyền-vi mầu nhiệm vô cùng. Như cắm hàng trong ba cây gọi là: Án Tam Tài.

Tam Tài là: Thiên, Địa, Nhơn (Trời, Đất, Người) hay Phật, Pháp, Tăng.

Cắm nhang hàng ngoài hai cây là tượng Nhị khí Âm dương hiệp với Tam tài nói trên gọi là Ngũ Khí:
- Bát quái sanh Ngũ-hành.
- Ngũ-hành biến Ngũ khí.
- Ngũ khí biến Ngũ sắc.
- Ngũ khí tức là Ngũ-hành chi khí

Trong Vũ Trụ: Tam Tài là Thiên, Địa, Nhơn. Riêng về bản thân con người thì Tinh, Khí, Thần cũng được xem là Tam Tài. Đức Hộ-Pháp dạy:

“Năm cây hương tượng Ngũ khí mà biến thành ngũ-hành vận chuyển cả càn khôn thế-giới tức là Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ.

“Mỗi chất đều có mỗi sắc, mỗi sắc đều có mỗi khí, mùi vị và sanh quang của nó chúng ta không thể hưởng được, nghe được, nên khi làm Lễ đốt đủ năm cây nhang là đúng theo phép tín-ngưỡng là qui pháp lại, mọi vật trong Ngũ khí dâng lễ cho Chí-Tôn chỉ có Người vui hưởng qui pháp ấy mà thôi, cắt nghĩa rõ-rệt là NGŨ KHÍ đó vậy.

“Đúng hơn nữa là trong Bát hồn vận-chuyển được phải nhờ đến Ngũ-khí cùng một ý-nghĩa“Vạn-vật đồng thinh niệm Chí-Tôn”.

Cách cắm hương
Khi đốt năm cây hương, xá ba xá, xong thì:
- Cắm cây thứ nhứt ngay giữa bình hương, tượng trưng cho Ngôi Thiên là Phật.
- Cắm cây thứ nhì vào bên trái của chúng ta, tượng trưng cho Ngôi Địa hay là Pháp.
- Cắm cây thứ ba về bên phải của chúng ta, tượng trưng cho Ngôi Nhơn hay là Tăng.

Trở lại cắm cây thứ tư bên trái gọi là Âm. Cắm cây thứ năm trở về bên phải gọi là Dương; hiệp với ba cây hàng trong mới là tượng Ngũ Khí.

Bây giờ phân ra Ngũ Khí, chúng ta sẽ thấy:
Ba cây hàng trong:
- Cây ở giữa thuộc về Hỏa khí, tức là Trời (Thiên).
- Cây ở bên trái ta thuộc về Thổ khí, tức là Đất (Địa).
- Cây ở về bên phải thuộc về Kim khí, là Người (Nhơn).

Hai cây hàng ngoài:
- Cây ở bên trái ta thuộc về Thủy khí, tức là Âm.
- Cây ở bìa bên phải ta thuộc về Mộc khí, là Dương.

Trong quyển Thiên Đạo của Ngài Bảo Pháp Nguyễn Trung Hậu, có đoạn nói về năm cây nhang như:
“Luận về phép tu tỉnh, năm cây nhang (hương) ấy biểu tượng năm giai đoạn tu hành, tùy theo công đức mà nên đạo quả. Năm cây nhang ấy gọi ngũ phần hương (ngũ là năm, phần là đốt cháy, Hương là cây nhang)

Giới hương: Nghĩa là giữ trọn giới cấm cho tâm mình trong sạch. Chúng ta có sợ Luật Luân hồi Quả báo của Trời, chúng ta mới dấn thân vào đường tu niệm. Khi vào đường tu niệm thì phải trọn giữ giới cấm cho tâm chúng ta được trong sạch, tức là cây hương ở giữa.(Phật)

Định hương: Nghĩa là thiền định cho tâm thần an tịnh. Bấy giờ, đã trọn giữ giới cấm rồi, phải học về Thể Pháp và Bí Pháp của Đạo. Chừng ấy, chúng ta mới thiền định cho tâm thần an tịnh được, tức là cây hương ở phía bên trái của ta, thuộc về (Pháp).

Huệ hương: Nghĩa là thiền định rồi phát huệ. Khi đã thiền định rồi thì trở thành người có huệ sáng suốt, ấy là đoạt Pháp, tức là cây hương ở phía bên phải của ta, thuộc về (Tăng).

Tri kiến hương: Nghĩa là phát huệ rồi gia công thêm nữa thì sẽ biết cái lẽ mầu nhiệm của Tạo Hóa, tức là đắc Lục thông. (Tri kiến, nghĩa là biết và thấy).
Khi đoạt Pháp rồi, bấy giờ ta thấy rõ qua bên thế giới vô hình và biết được sự mầu nhiệm của Đức Chí Tôn, ấy là chúng ta đã đoạt Đạo, tức là cây hương hàng ngoài bên trái của ta.

Giải thoát hương: Nghĩa là giải thoát Luân hồi Quả báo. Được giải thoát Luân hồi Quả báo tức là đoạt đến phẩm vị Phật, là cây hương ở phía bên phải của ta.

Hai cây hương Tri kiến và Giải thoát, thì đến đây là người đã được trở về với nguyên thủy của người, là “Âm Dương biến tạo Chơn Thần”, hay nói “Âm Dương hiệp nhứt phát khởi Càn Khôn sanh sanh hóa hóa, tức là Đạo”.

Khi cúng Thầy, đốt đủ năm cây hương là một sự đại nguyện, sự nhiệm mầu vô giá. Nghĩa là: Trên thông Thiên văn, dưới đạt Địa lý, giữa quán nhân sự. Một khi:
- Ngũ khí điều hòa.
- Ngũ hành an tịnh.

Ngày nay, pháp tu của người Tín-hữu Cao-Đài đã thể hiện tinh thần của Tam giáo cùng một lúc:
* Cao-Đài Tam-giáo qui nguyên Ngũ chi phục nhứt.
* Người giữ trọn Tam Cang Ngũ Thường.
* Hằng ngày Dâng Tam Bửu, Ngũ nguyện.
* Người tu hành gìn Tam Qui Ngũ Giới. Một Thể pháp nữa làm điển hình:

7 - Thờ “Thiên nhãn Thầy” hình Con mắt
Con mắt tượng là chữ MỤC có 5 nét, là lấy lý Ngũ hành thuộc THỔ, thổ là ở trung ương, nếu nói về màu thì sắc vàng, dân tộc thì chỉ về châu Á. Nay là buổi thiên địa tuần hoàn châu nhi phục thuỷ, Tam giáo Qui nguyên Ngũ chi phục nhứt nên Thiên Thơ định cho Việt-Nam này làm chủ mối Đạo, ấy là Huỳnh-Đạo, hay là Đạo vàng, mà người lãnh đạo trong việc khai sáng thì chính là Phật-Mẫu. Kinh dạy rõ: “Phái Vàng Mẹ lãnh dắt dìu trẻ thơ” Bởi Cao Đài là Phật-giáo chấn hưng. Nhưng thực sự không phải là con mắt thường mà là con mắt thấu thị, vì vậy mới nói là Nhãn nghĩa là phải có chữ Cấn là núi ghép với chữ mục thành ra chữ Nhãn. Nhãn là con mắt nhìn vào trong mà vẫn thấy rõ mọi việc. Muốn có được Nhãn thức, nhãn quang phải luyện mới thành ra Thánh Nhãn, Thần Nhãn, Huệ Nhãn. Đạo Cao-Đài phải cúng kiến thường và hiểu thấu cả kinh nghĩa Đại-Đạo là cách luyện Thiên Nhãn đó vậy. Xưa các vị tiền Hiền phải khổ công luyện Đạo gọi là Thập ngoạt hoài thai, Tam niên nhũ bộ, Cửu niên diện bích tức nhiên là mười tháng còn là thai nhi, ba năm bú mớm, chín năm nhìn vào vách núi, tức là thời gian học Đạo Dịch đó vậy. Có khổ công tu luyện như thế mới thuần thành. Các con số trên gồm có số 10 (thập ngoạt) và số 12 (3 năm +9 năm). Chính là hai con số thập Thiên can và thập nhị địa chi. Nay, Kinh Phật-Mẫu có chỉ rõ:
Thập Thiên can bao hàm vạn tượng,
Tùng Địa chi hoá trưởng Càn Khôn.

Nhưng ngày xưa các Ngài quá khổ công tịnh luyện tìm nơi thanh vắng để nghiền ngẫm lý Âm Dương, Bát quái tức là tự sáng chế ra ngọn đèn huệ rồi mới tìm ra công thức để tu hành. Ngày nay Đức Chí Tôn đã cho sẵn công thức tu rồi tức là lý Đạo sẵn có, cúng kính là đốt lên ngọn đèn cũng sẵn có, nhưng tiếc vì nhân sanh không sử dụng mà cứ noi theo cách xưa nói là “đi tìm Pháp”. Thật sự Pháp mà chúng ta mong tìm chính Đức Đức Hộ-Pháp đã khai rồi. Đó là Ngài “Khai-Pháp Trần-Duy-Nghĩa”. Khai pháp tức nhiên là mở Pháp. Trần là bày ra, Duy là chỉ có, Nghĩa là kinh nghĩa, nghĩa lý, tức nhiên. Thầy có chỉ rõ:

“Thần là khiếm khuyết của cơ mầu nhiệm từ ngày Đạo bị bế. Lập Tam-Kỳ Phổ Độ này duy Thầy cho “Thần” hiệp “Tinh Khí” đặng hiệp đủ Tam Bửu là cơ mầu nhiệm siêu phàm nhập Thánh” (TNI/12.)

Cũng là mắt mà khi gọi Mục khi gọi Nhãn ?
Chữ Nhãn gốc ở chữ Mục mà ra.

Mục là con mắt. Mục (5 NÉT) là mắt nhìn ra để thấy mọi vật bên ngoài, khoa-học gọi đó là cơ quan thị giác. Mắt có hai mới thấy rõ sự vật. Về lý Dịch thì đó là Ngũ hành Âm và ngũ hành Dương.
Mục là chỉ hình thể hữu vi, hữu tướng. Nhãn là con mắt vô vi, vô tướng nên còn gọi là con mắt thứ ba.

Năm nét của chữ Mục là tượng trưng lý Ngũ hành thuộc Thổ. Thổ là đất có màu vàng. Thổ nằm ở trung ương. Với thế giới thì chỉ châu Á sắc da vàng, lại là châu lớn nhất trong Ngũ châu. Việt-Nam cũng thuộc sắc dân da vàng ấy.

Về Đạo-pháp thì Đạo Phật khai trước tiên ở Ấn-độ, kế đến là Trung Hoa, như: Khổng, Mạnh, Lão, Trang. Rồi truyền qua Tây phương, Đạo Chúa Cứu thế ra đời. Nay đã giáp một chu kỳ gọi là “Thiên địa tuần huờn châu nhi phục thủy” thì Đạo trở lại khai tại Việt-Nam, mà Tây ninh lại là miền Đông của đất nước Việt-Nam, cũng theo một định luật là “Đạo xuất ư Đông”. Tất cả đều hợp với lý của Trời đất. Việt-Nam có đủ điều kiện Tam tài: Thiên Địa Nhân để đứng ra chủ trương một mối Đại Đạo, mà Đạo này sẽ dẫn độ toàn nhân loại trên mặt địa cầu với chân lý Đại-Đồng.

Các Thiên Nhãn chung quanh và nằm bên ngoài Đền Thánh, Đức Hộ-Pháp đã trấn Thần và có giải thích:
“Thiên-nhãn ngó ra ngoài Đền thì để cho Thiện Nam Tín nữ quì ở ngoài sân lạy vào, còn Thiên Nhãn ngó vào Đền vì người Đạo quì ngang sợ ô-uế, không thể coi sóc cho tinh khiết được.

Và từ đây dù ở chân trời góc bể nào mà nhân sanh biết hướng về Toà Thánh Cầu nguyện cũng sẽ được hồng ân của Đức Chí Tôn chiếu giám”.

8 - Vần Quốc ngữ có đủ yếu tố của các số trong Đạo Dịch          
Tiền Thánh có câu:
Văn hiến bốn ngàn năm có sẵn,
Chi cần dị chủng đến dâng công

Việt-Nam là cửa ngõ tiếp nạp các luồng tư tưởng từ Đông sang Tây, cho nên tương lai văn hóa cũng như chữ viết của Việt-Nam sẽ trở thành quốc-tế-ngữ hay thế-giới ngữ cũng không phải là chuyện lạ. Có vậy mới truyền bá Đạo trời khắp cùng thế giới, tức là văn-chương chữ Việt sẽ chở Đạo đi khắp các nơi, gọi là “Văn dĩ tải Đạo”.
 Home       1 ]  [ 2 ]  [ 3 ]  [ 4 ]  [ 5 ]  [ 6 ]  [ 7 ] 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét