Lý Dịch Trong Pháp Chánh Truyền, Hay Pháp Luật Đại Đạo - 5 / 7 (Nữ Soạn giả Nguyên Thủy)

Tại sao mỗi phẩm có ba vị phải cho đủ sáu bàn tay?
Thứ nhứt là thể hiện cái lý Qui Nguyên Hiệp nhứt. Vì:
- Ba vị Chánh-Phối-sư, phải lựa cho đủ ba phái là Thái, Thượng, Ngọc.
- Ba vị Đầu-sư: “Ba chi của Đạo là Nho, Lão,  Thích; ba chi tuy khác mà quyền lực vẫn so đồng, bởi cũng theo Tân-luật. Ấy là một thành ba mà ba cũng như một”.
- Ba vị Chưởng-Pháp “Chưởng-pháp của ba phái là Đạo, Nho, Thích. Nghĩa là mỗi phái là một vị, mà ba Đạo vẫn khác nhau. Nội dung, ngoại dung đều khác hẳn, luật-lệ vốn không đồng, chỉ nhờ Tân-luật làm cơ qui nhứt, cho nên Thầy mới nói: “Pháp-luật Tam-giáo, tuy phân biệt nhau, song trước mặt Thầy vẫn coi như một”.

Vậy: mỗi phẩm có ba vị, mà ba phẩm có đến 9 vị. Đó là họp thành con số 9 là hình trạng Cửu Trùng-Đài.
Ví như: quẻ Càn có ba nét đó là một mà thành ba, mà ba nét làm thành quẻ Càn, tuy ba mà một.
- Kế nữa mỗi phái có ba vị, mỗi vị có hai bàn tay thành sáu bàn tay, mà ba phẩm như vậy tất cả là 18 (6x3). Số 18 suy ra là 1+8=9

Số 9 là chỉ về Cửu-Thiên khai hoá, nhờ nương theo quyền lực này các vị mới đoạt Cửu-phẩm Thần Tiên mà về cảnh Thiêng-liêng hằng sống, hòan thành hai con số: 99
“Cửu Cửu Càn Khôn dĩ định,
“Thanh Minh thời tiết hoa tàn”

6 và 9 có một giá trị lớn trong buổi Đại Đạo này:
Hình ảnh của LONG MÃ PHỤ HÀ ĐỒ với hình trạng chạy từ Đông sang Tây là tạo thành Thế Đạo, nghĩa là tạo nên một nền văn minh vật chất cực kỳ cho nhân loại. Rồi cũng chính Long Mã ấy ngó ngoáy về Đông, là quay về nguồn, về với quê hương tinh thần, là phản bổn huờn nguyên, thành hình bước kế là Thiên Đạo thật vẹn tòan..

4 - Cửu Tứ: Hoặc dược tại uyên, vô cữu.
 

Giải-nghĩa: Hào Cửu Tứ: Rồng nhảy trong vực, không lỗi.
Lý Dịch: Hào Cửu Tứ ở thể dương lại là vị Âm. Trong sáu hào thì Cửu Tứ là hào thứ tư, thuộc về số chẵn, Âm, bản thân là hào dương nên gọi là Cửu Tứ. Dương hào mà ở Âm-vị, có hiềm nghi vì bất chánh. Kể về toàn quẻ thời Cửu Tứ  ở vào quẻ trên. Thế là xử vào vị thế bất trung.

Trông lên thời nó không được như Ngũ, nhìn xuống thì nó không được như Nhị. Thế là bản thân Cửu Tứ đã bất trung lại bất chánh, nhưng ở vào quẻ Càn tính nó cương kiện, vẫn cũng là bậc quân-tử, hòan cảnh như vậy nên muốn tiến cũng khó, muốn lui không dễ. Thế nên gặp lúc tiến thì cứ tiến, khi phải thoái thì nên thoái, tức là tuỳ thời mà tiến thoái. Tượng như Long dược tức Rồng nhảy. Long đã “dược”chẳng mấy lúc cũng đến “phi” thôi. Người xử vào thời này biết tuỳ thời thì không lỗi. Dịch nói “Vô cữu”.

Hào Tứ giống như Tam: là ở vào cảnh bán thượng lạc hạ, nhưng Tứ được thế hơn Tam, là đã lên quẻ trên, nên có hướng tiến thủ được, chứ không như Tam dẫu muốn tiến mà không tiến dễ dàng. Thánh-nhân dùng chữ “hoặc” nghĩa là không nhất thiết phải khó-khăn như Cửu Tam.

Luận Đạo: Đây là bước tiến mới trong Đạo pháp, hào này ứng với phẩm Đầu-sư của Cửu Trùng-Đài, là đã  lên hàng Tiên vị, nhưng còn dưới Giáo Tông và Hộ Pháp.

Tất cả được pháp Chánh Truyền qui định:.
- “Ba chi tuy khác, chớ quyền lực như nhau.
- “Như luật-lệ nào Giáo-Tông đã truyền dạy mà cả ba đều ký tên không tuân mạng, thì luật-lệ ấy phải trả lại cho Giáo Tông, Giáo Tông truyền lịnh cho Chưởng pháp xét nét lại nữa. Chúng nó có ba cái ấn riêng nhau, mỗi tờ giấy chi chi phải có ấn mới thi-hành, nghe à!

Đầu-sư đứng vào Địa Tiên nhưng không tự chuyên bất cứ việc gì, tất cả mọi việc đều phải do nơi Giáo-Tông.

PCT: “Đầu-sư có quyền cai-trị phần Đạo và phần Đời của chư Môn-đệ “Chí Tôn”.
CG: “Đây Thầy dùng chữ “phần Đạo” và “phần Đời” đặng định quyền-hành của Đầu-sư, thì là Đầu sư có trọn quyền về phần chánh-trị của Cửu Trùng Đài và phần luật lệ của Hiệp-Thiên-Đài

PCT: “Nó đặng quyền lập Luật, song phải dâng lên cho Giáo-Tông phê chuẩn.”
PCT: “Luật-lệ ấy lại phải xem xét một cách nghiêm nhặc,  coi phải hữu ích chi cho nhơn sanh chăng?

Lại nữa: Trước khi Ðầu Sư lãnh quyền chấp chánh buộc người phải lập minh thệ nơi Tòa Thánh, hằng giữ dạ vô tư hành đạo, y như Chức Sắc Hiệp Thiên Ðài đã lập thệ.

QUYỀN THỐNG NHỨT: Khi  Minh  thệ  rồi, Ðầu Sư đặng cầm quyền luôn cả về Chánh Trị cùng Luật Lệ. Nhờ quyền lớn lao này; Ðầu Sư sẽ có đủ thệ lực mà ngăn ngừa tà quyền hại Ðạo. Thảng gặp cơn nguy biến mà ba Chánh Phối Sư không đủ sức chống ngăn, thì Ðầu Sư đặng dùng Quyền Thống nhứt ấy mà điều khiển Hội Thánh. Cả Chức Sắc Cửu Trùng Ðài và Hiệp Thiên Ðài phải phục mạng, dầu cho Giáo Tông và Hộ Pháp cũng phải vậy.

Giáo Tông và Hộ Pháp hiệp Một là quyền Chí Tôn tại thế, các Ngài hiệp lại chỉ định ba vị làm Quyền Đầu Sư:
- Thái Chánh Phối Sư Thái Thơ Thanh hành quyền Thái Đầu Sư,
- Thượng Chánh Phối Sư Thượng Tương  Thanh hành quyền Thượng Đầu Sư,
- Ngọc Chánh Phối Sư Ngọc Trang Thanh hành quyền Ngọc Đầu Sư.

5 - Cửu Ngũ:  Phi long tại Thiên lợi kiến đại nhân.
 

Giải-nghĩa: Hào Cửu Ngũ: Rồng bay trên trời, lợi thấy người lớn.
Lý Dịch: Cửu là hào Dương, Ngũ là vị Dương, dương hào ở  dương vị là đắc chánh.
Hào Cửu Ngũ: hào dương ở ngôi dương cao quí nhất, tượng Rồng bay trên trời, như “Long vân gặp hội” tung hoành bốn cõi. Đây, Thánh-nhân muốn tượng hình cái đạo đức Thiêng-liêng như Rồng bay trên trời.

Ngũ ở chính giữa ngoại quái là đắc trung, hễ đắc trung là đắc chính; ở  vào  quẻ Kiền là có tánh cách cương kiện. Vừa cương kiện lại vừa trung chính là đức tính của Thánh-nhân, mà ở vào vị Ngũ là địa-vị Chí-Tôn ở trong quẻ, ấy là Thánh-đức ở thiên vị, như Rồng bay giữa trời, hào tốt nhất trong sáu hào: nói rằng “Phi long tại thiên”.

Thánh-nhân ở vị trên phải có Thánh nhân ở vị dưới  trợ lực cho nhau, tức  hào Nhị ứng với hào Ngũ là như thế.
Nhưng nếu Rồng cứ bay bổng trên trời, hay cái đạo đức cứ mạnh tiến ở trên thì không  ích lợi cho ai.

Luận Đạo: Đây là ngôi Chưởng-Pháp ứng vào hào Cửu Ngũ là ngôi tôn quí nhất trong quẻ Kiền. Phẩm này là đối phẩm với Nhơn Tiên ở hàng Tiên-vị.
- “CHƯỞNG-PHÁP cuả ba phái là Ðạo, Nho, Thích.
- “Pháp luật Tam-Giáo tuy phân biệt nhau, song trước mặt Thầy vốn coi như một. Vậy một thành ba, ba cũng như một.
- “Buộc cả Tín-đồ phải vùa sức mà hành sự trước mặt luật đời. Thầy khuyên các con phải xúm nhau vùa giúp chúng nó. Mỗi Chưởng Pháp có ấn riêng”.
- “Ba ấn phải có trên mỗi luật mới đặng thi hành.

Chư Môn-đệ tuân mạng !”
Ấy vậy, hai phẩm này phái nữ không dự vào, nghĩa là Thầy trúât quyền của Nữ phái không được lên Giáo Tông và Chưởng Pháp; tức là không để Âm thắng Dương. Âm thạnh tắc suy. Các nước trên thế giới ngày nay không hiểu qui luật này nên lắm khi các Nữ Tổng Thống làm đầu khiến cho đất nước chịu nhiều ly lọan mà thôi.

6 -Thượng Cửu: Kháng long hữu hối.
:

Giải-nghĩa: Thượng Cửu nói Rồng bay quá có ăn năn.
- Lý Dịch: Hào này Dương, ở trên hết quẻ, gọi tên nó bằng Thượng Cửu vẫn có đức cương kiện, là quân-tử, tượng là Long, nhưng địa-vị hào này ở cuối cùng quẻ Càn, là cao đến tột bực. Thế là chỉ sự cao quá mức thì việc sắp hoàn thành, gọi là “Thượng chi cực, sự chi chung”.

Bậc quân-tử xử vào địa-vị hào này tất phải răn đường danh vị, giữ lối khiêm-nhường mới tránh  khỏi  hoạ,  tức  nhiên cứng quá  thì gãy,  gọi là “thái cương tắc chiết”.

Nếu không thế, đầy quá mà chẳng biết dè, tiến hoài mà chẳng biết thoái, ấy là kháng Long. Kháng là cao tột, khó lui được: đầy ắt tràn, phải ăn-năn, gọi là “hữu hối”.

Long ở Thượng Cửu cũng là Long như các hào kia, hào này răn ngừa là có lỗi, chẳng phải lỗi tại chữ Long mà chữ “kháng”. Vì Thượng Cửu đến lúc thái-quá, nếu không biết biến thông tất có hoạ hại. Thánh-nhân dạy về xử thế.
Luận Đạo: Trong cửa Đại-Đạo, hào Thượng Cửu chỉ vào quyền-hành của Giáo-Tông.

PCT: “Giáo-Tông là Anh Cả các con”.
CG: Giáo-Tông thay mặt cho Thầy đặng bảo tồn chơn Đạo của Thầy tại thế, thì Anh Cả nhơn-sanh đặng dìu-dắt các con cái của Thầy, dầu lớn tuổi hay là nhỏ tuổi, quyền Thiêng-liêng đã định vậy. Tuy trong Hội-Thánh có chia ra hai phần hữu hình là “Cửu Trùng-đài”và“Hiệp Thiên đài”, mà nơi Hiệp Thiên đài, dầu cho Hộ-Pháp cũng phải là Em của Giáo-Tông, song Hộ-Pháp phải nhỏ về phần hữu hình đã nói trên đây chớ phần Thiêngliêng thì đồng vị.

Tại Thảo xá Hiền cung ngày 23-12-1931, Đức Chí-Tôn ban quyền CHÍ TÔN tại thế cho hai ông: Thầy giáng dạy:
 “Các con nghe lời Thầy dặn cần yếu này mà nhớ rằng: Toàn thế giới Càn khôn chỉnh có hai quyền:
- Trên là quyền Chí-Tôn của Thầy,
- Dưới là quyền-hành của chúng sanh.

Thầy đã lập hình thể hữu vi của Thầy nghĩa là Hội Thánh của Đại Đạo ngày nay rồi thì  Thầy cũng phải ban quyền hành trọn vẹn của Thầy cho hình thể ấy đặng đủ phương tận độ chúng-sanh, còn các con cả thảy đều đứng vào hàng sanh chúng dưới quyền hành chuyển thế của Đời, nghĩa là toàn nhơn-loại đều đồng quyền cùng Thầy, mà tạo-hoá vạn linh vốn là con cái của Thầy, vậy thì Vạn linh cũng có thể đoạt vị vào hàng Thần, Thánh, Tiên,Phật đặng

Trong quyền-hành ấy có nhiều đẳng cấp nên khỏi phải chịu phẩm người, ấy vậy Người là chủ quyền của Vạn-linh. Thầy nói rõ: Quyền Chí-Tôn là Thầy, quyền Vạn-linh là sanh chúng. Ngày nào quyền-lực Chí-Tôn đặng hiệp một cùng Vạn linh  thì Đạo mới ra thiệt tướng.

Thầy đã ban quyền-hành Chí-Tôn của Thầy cho hai đứa làm đầu Hội-Thánh là Giáo-Tông và Hộ Pháp. Vậy thì quyền-hành Chí-Tôn của Thầy đặng trọn vẹn khi Giáo Tông cùng Hộ-Pháp hiệp một. Còn cả nhơn loại thì là QUYỀN VẠN LINH, quyền-hành Chí-Tôn của Thầy duy có quyền-hành Vạn-linh đối phó thôi.”

Đức Chí Tôn mở Đạo đã phân đôi quyền hành cho Giáo Tông và Hộ Pháp, là không còn “kháng Long hữu hối”nữa
Dụng Cửu: Kiến quần Long vô thủ. Cát
 

Giải-nghĩa: Dùng số 9 Thấy đàn Rồng không đầu, tốt.
- Lý Dịch: Dụng Cửu có nghĩa là hễ là hào dương thì gọi là “Cửu” nên nói là “dụng Cửu”là biết cách sử dụng số 9. Dụng Cửu vẫn không phải là một hào, nhưng phần này để làm rõ nghĩa cho người tìm về Dịch không có sự bỡ ngỡ.

Theo nguyên-tắc: trọng-yếu nhất là sự biến dịch. Bởi có biến mới có thông. Trong phép xem quẻ luôn có biến thông, do chỗ hễ động là biến: hào Âm biến thành hào Dương, hào Dương biến thành hào Âm.
 “Kiến quần long vô thủ” là nghĩa làm sao?
- Long là dương hào, quần Long là  sáu hào dương, “vô thủ” là không đầu. Cả một đàn rồng đều không đầu tức nhiên là Dương tượng Long, mà Long sở dĩ hoạt động khác thường là nhờ vào cái đầu, nhưng khi biến là có sự đổi thay. Nhờ vào sự đổi thay để tiến hoá. Ví như: hào Sơ: Tiềm long, là thời kỳ mới-mẻ, phải tạo đức để tiến lên Nhị là Hiện long, qua hào Tứ là “Dược” tức nhiên “nhảy” rồi, lên nữa là “phi” là bay cao. Chính thời bay cao cũng phải biết định hướng mới khỏi lầm lạc.

Vạn-vật vốn dĩ được trường tồn và tăng tiến hơn lên trong trường tấn-hoá là nhờ có được cái linh. Ở người gọi đó là linh tâm hay lương-tâm, tức là tìm về “đầu rồng” vậy.
- Luận Đạo: sáu phẩm tước của Cửu Trùng Đài ứng với 6 hào của quẻ Càn tượng Rồng, nói rằng đàn Rồng không đầu. Lý-do dễ thấy nhứt là các phẩm này không một phẩm nào có tính cách độc lập cả, mà phẩm này lại phụ thuộc vào phẩm kia theo một hệ-thống hàng dọc hoặc hệ-thống hàng ngang, giống như đàn rồng không đầu vậy. Ví như:
- “Giáo-hữu phải tùng quyền Giáo-sư”
- “Giáo-sư buộc phải tùng quyền Phối-sư.
- “Phối sư tùng quyền Chánh-Phối-sư.
- “Chánh-Phối sư tùng quyền Đầu-sư dạy thế nào thì phải tuân theo thế ấy.
- “Đầu-sư chỉ có tuân mạng lịnh của Giáo Tông mà thôi”.
- Cửu-Trùng-Đài vẫn là chánh trị, mà Chưởng Pháp  lại  thuộc về luật lệ,  vậy  thì Chưởng-pháp là người thay mặt Hiệp-Thiên-Đài nơi Cửu-trùng-đài.
- Quyền Giáo-Tông nay lại chia đôi ra, không cho một người nhứt thống: tức nhiên:
- Cửu Trùng-đài dưới quyền  Giáo Tông Chưởng quản
- Hiệp-Thiên-đài dưới quyền Hộ-Pháp Chưởng-quản.

Chung qui tất cả đều chịu dưới luật Thiên điều của Đức Chí-Tôn là Bát Quái Đài. Luật Thiên-điều ấy về mặt hữu hình hữu thể là TÂN-LUẬT đó vậy.

Lập Pháp-Chánh-truyền đã tỏ đủ quyền-hành của Chức-sắc Thiên-phong, thế nên Cửu vị nó phù hạp với Cửu phẩm làm sao!”

C - BA THỜI KỲ PHỔ ĐỘ

Theo giáo lý Cao Đài thì từ thời tạo thiên lập địa tới nay có 3 lần Thượng Đế phân thân giáng trần lập Đạo:
1 - Nhứt kỳ Phổ Độ:
- Đức Nhiên Đăng Cổ Phật mở Phật giáo ở Ấn Độ tương ứng thời vua Hiên Viên Huỳnh Đế bên Tàu.
- Đức Thái Thượng Đạo Tổ mở Tiên giáo ở Trung Hoa.
- Vua Phục Hy khởi đầu Nho giáo ở Trung Hoa.
- Thánh Moise mở Do Thái giáo ở nước Do Thái.

2 - Nhị kỳ Phổ Độ:
- Đức Phật Thích Ca giáng sinh ở Ấn Độ, chấn hưng Phật giáo thời Nhứt Kỳ Phổ Độ, mở ra Thích giáo với một giáo lý rất phong phú, thiết thực để giải khổ nhân sinh.
- Đức Thái Thượng Đạo Tổ giáng sinh ở Trung Hoa là Lão Tử, mở ra Lão giáo hay Đạo giáo để chấn hưng Tiên giáo.
- Đức Khổng Tử giáng sinh ở Trung Hoa, mở ra Khổng giáo để chấn hưng Nho giáo.
- Đức Chúa Jésus-Christ giáng sinh ở nước Do Thái, mở ra Thiên Chúa Giáo để chấn hưng Thánh Giáo.

3 -Tam Kỳ Phổ Độ:
Thời kỳ này Đức Chí-Tôn không giao Chánh giáo cho tay phàm nữa mà chính mình Thầy giáng trần lập Đạo bằng Huyền Cơ Diệu Bút.
Trong thời kỳ này có Tam Trấn Oai Nghiêm thay quyền Tam Giáo mà lo cơ Phổ Độ kỳ ba:
- Đức Quan Thế Âm Bồ Tát (thay quyền Phật giáo) là Nhị Trấn Oai nghiêm.
- Đức Lý Thái Bạch (thay quyền Tiên giáo) Nhứt Trấn Oai nghiêm kiêm  Giáo Tông Đại-Đạo Tam Kỳ Phổ Độ.
- Đức Quan Thánh Đế Quân (thay Nho giáo) Đệ Tam trấn.
Nay, Tam Trấn Oai nghiêm dùng Cơ Bút giáo Đạo.

D - HÌNH THỂ ĐẠO CAO ĐÀI

 Về hình thể của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ Tòa Thánh Tây Ninh có 3 Đài: Bát Quái Đài, Hiệp Thiên Đài và Cửu Trùng Đài:
-  Bát Quái Đài: Thể hiện Linh Hồn, thuộc THẦN, là quẻ CÀN thùân Dương, vì là nơi ngự của Đức Chí Tôn
- Hiệp Thiên Đài: Thể hiện Chơn Thần, thuộc KHÍ, quẻ Ly do tuổi của Tam Đầu chế Hiệp Thiên Đài họp lại.              
- Cửu Trùng Đài: Thể hiện xác thân, thuộc TINH, là quẻ Khảm do tuổi của Tam Đầu chế Cửu Trùng Đài, lấy ý nghĩa của ba chữ: NHỰT- NGUYỆT- TINH hiệp lại.

I - Bát Quái Đài:
Bát-Quái-Đài là ngôi thờ phượng Đức Chí Tôn Ngọc Hòang Thượng Đế cùng các Đấng Giáo-Chủ Tam Giáo, các Đấng Thiêng Liêng trong Ngũ Chi Đại-Đạo; nay Ngài tá danh là “Cao-Đài Tiên Ông Đại-Bồ-Tát Ma-Ha Tát Giáo Đạo Nam-phương”

Bát-Quái-Đài dưới quyền chủ tể của Đức Chí-Tôn, là Chủ của chư Thần, Thánh, Tiên, Phật cùng Vạn-linh, Tại Bát Quái Đài đã chánh thức trình diện BÁT QÚAI ĐỒ THIÊN hay gọi là Bát Quái Cao-Đài.

Đây là dấu ấn của Tam Kỳ Phổ Độ đối chứng với:
- Bát Quái Tiên Thiên  (Nhứt Kỳ Phổ Độ)
- Bát Quái Hậu Thiên  (Nhị Kỳ Phổ Độ).
- Bát Quái Cao Đài (Tam Kỳ Phổ độ) là hồn của Đạo ngày nay Đức Chí Tôn vi chủ.

Bát-Quái-Đài là nơi phát xúât giáo pháp của Đại Đạo; là cơ quan lập Pháp của Đạo. Pháp Chánh Truyền  phát xuất từ nơi đây (phần vô vi).

2 - Hiệp Thiên Đài:
Đức CHÍ TÔN là Đấng tối cao, sản sanh ra muôn lòai, song ngài đã nói rằng “Thầy là các con, các con là Thầy” ý nghĩa nói rằng: quyền Vạn linh bằng với quyền của Chí Linh. Ý muốn của Vạn linh (Créatures) tức là ý muốn của Chí linh ( Créateur): Ý muốn của “con cái” tức là  ý  muốn của “Cha lành”  đó vậy. Vì  thế  mới    lập Quyền Vạn linh (tức ba Hội lập Quyền: Hội Nhơn sanh, Hội Thánh, Thượng hội) để Vạn linh tự Lập Luật lấy, đặng tự kềm chế mình trong con đường tu, hầu qui hồi cựu vị, hội hiệp cùng Thầy.

Hiệp-Thiên-Đài là cơ quan Lập Pháp (hữu hình) và Tư pháp của Đạo, là nơi để thông công cùng Đức Thượng Đế và các Đấng Thiêng liêng bằng CƠ BÚT do Chức sắc Hiệp-Thiên-Đài phò loan tiếp các Thánh ngôn và Luật Pháp Đại-Đạo của các Đấng Thiêng Liêng giảng dạy (trung gian giữa Trời và Người)

3 - Cửu Trùng Đài:
Cửu-Trùng-Đài là cơ quan Hành Pháp của Đạo. Cửu-Trùng-Đài do Đức Giáo-Tông làm chủ Hội Thánh. Ba ông chủ ấy, có hai ông này: Cửu-Trùng-Đài và Hiệp Thiên-Đài nếu riêng ra thì không có thế gì dâng sớ cho Bát Quái-Đài, tức nhiên quyền Chí-Tôn ở nơi Bát Quái Đài.

Hai Đài: Cửu-Trùng và Hiệp-Thiên hiệp nhứt là quyền Chí Tôn tại thế này, không có một quyền cai-quản nào cải qua quyền Bát-Quái được. Hội Thánh Cửu Trùng Đài gồm chức sắc Thiên phong tuân theo các phẩm trật .                           

Cửu Trùng Đài là phần xác của Đạo, có hai phần: vô vi (do Thiêng liêng nắm) và hữu hình (do Tín đồ công cử hoặc Đức Chí Tôn ban thưởng). Về phần hữu hình, Cửu Trùng Đài có hai nhiệm vụ Hành pháp và Lập pháp, là Chánh trị của Đạo (giáo hóa).

Cửu Trùng Đài phân theo Nam, Nữ (theo giới tính)
Cửu-Trùng-Đài thể hiện cơ vô-vi Tinh- Khí- Thần: Ngọc là TINH, Thượng là KHÍ, Thái là THẦN. Nếu cả ba không hiệp thì chẳng hề thành Đạo đặng mà chớ!

Từ phẩm Chánh-Phối-Sư trở xuống thuộc về Thế là Đời, từ Đầu-sư trở lên thuộc về Thánh nghĩa là Đạo.

Bên Hiệp-Thiên-Đài cũng có đời và Đạo; mà Bát Quái-Đài cũng phải vậy, tức là trong Đạo có Đời mà trong Đời cũng có Đạo. Nghĩa là trong Âm có Dương, trong Dương có Âm. Con số 3 đã đứng vào vị-thế tối ư quan trọng trong TÂN LUẬT này.

* Cửu Viện:
Cửu Trùng Đài có 9 viện nghiên cứu là: Học Viện, Y Viện, Nông Viện, Hộ Viện, Lương Viện, Công Viện, Hòa Viện, Lại Viện, Lễ Viện.
- Phái Thái trách nhiệm ba viện: Hộ, Lương, Công.
- Phái Thượng trách nhiệm ba viện: Học, Y, Nông.
- Phái Ngọc trách nhiệm ba viện: Hòa, Lại, Lễ .

Công cử Chức Sắc Cửu Trùng Đài: khởi đầu từ Lễ Sanh (chọn trong hàng Tín đồ: người có đạo hạnh tốt). Chức Sắc Cửu Trùng Đài mỗi khi cầu phong hay cầu thăng đều phải qua ba giai đoạn:
- Quyền Vạn Linh chấp nhận. (Từ Chưởng Pháp xuống đến Hội Nhơn Sanh).
- Quyền Chí Tôn tại thế (Giáo Tông và Hộ Pháp) chấp nhận.
- Cơ bút nhìn nhận tại Cung Đạo: Sau, Hội Thánh Cao Đài có mở thêm một số các cơ quan khác: Nhân sự từ Đầu Phòng Văn, Lễ Sĩ, Giáo Nhi…là những người phục vụ theo chuyên môn và đủ thời gian qui định, được cầu phong vào Lễ Sanh. Đặc biệt là Hiền Tài, Ban Thế Đạo nếu có công nghiệp hành Đạo được cầu thăng qua Giáo Hữu).

* Hội Thánh hữu hình gồm 4:
1- Hội Thánh Hiệp Thiên Đài: từ Truyền Trạng trở lên.
2- Hội Thánh Cửu Trùng Đài: từ bậc Giáo Hữu trở lên.

3 - Hội Thánh Phước Thiện: từ bậc Chí Thiện trở lên
4 - Hội Thánh Hàm Phong: Chức sắc thuộc các Hội Thánh  trên, đến tuổi 60 về hưu sẽ vào Hội Thánh Hàm Phong. Dù không trực tiếp tham gia Hành chánh Đạo, nhưng nếu có thể đóng góp trong quá trình an dưỡng và có công trạng đặc biệt vẫn sẽ được xét để thăng phẩm vị.

Chức Sắc Hiệp Thiên và Cửu Trùng hợp lại là Hội Thánh Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ hay Hội Thánh Cao Đài.

Về Hành chánh:
- Hội Thánh Cao Đài gồm các bậc phẩm từ Giáo Hữu (của Cửu Trùng Đài) đổ lên.
- (Các bậc phẩm ở Hiệp Thiên Đài “hay các cơ quan khác” thì đối phẩm tương đương với phẩm Giáo Hữu).
- Từ Phối Sư trở lên hành Đạo ở tại Tòa Thánh.
- Từ Lễ Sanh đến Giáo Sư hành đạo ở địa phương. (Tộc đạo, Châu đạo, Trấn đạo).

Hội Thánh ở trung ương được gọi là Hội Thánh Anh.
Bàn Trị Sự tại Hương Đạo gọi là Hội Thánh Em, gồm 3 vị: Chánh, Phó và Thông Sự. Đạo Luật qui định: dù là một phẩm nhỏ nhất (Phó Trị Sự hoặc Thông Sự) nơi ấp Đạo cũng phải trường trai và phải từ bỏ quyền Đời đặng để trọn tâm lo tròn trách nhậm Đạo.

Đạo Luật Mậu Dần (1938) bố trí bốn cơ quan trong Hành Chánh Đạo (4 cơ quan trong chánh trị đạo).

1 - Hành Chánh: là cơ quan để thi hành các luật lịnh của Hội Thánh hoặc của chúng sanh dâng lên mà đã có Quyền Chí Tôn phê chuẩn, nghĩa là buộc chúng sanh phải tuân y Luật Pháp mà đi trên con đường Đạo Đức
Thống quản cả các hoạt động của nền Chánh trị đạo. (Chương hành chánh có 17 điều).

2 - Phước Thiện: là cơ quan bảo tồn sanh chúng trên đường sanh hoạt nuôi sống thi hài, tức là cơ quan giải khổ cho chúng sanh, tầm phương bảo bọc những kẻ tật nguyền, (Phước Thiện lấy điều 10&11 của Hành Chánh tạo thành).

3 - Phổ tế: là cơ quan  để cứu vớt  những  người  lạc bước thối tâm, cùng an ủi những kẻ đã bị luật pháp buộc ràng mà phế vong phận sự (điều 14 của  Hành Chánh).

4 - Tòa Đạo: là cơ quan bảo thủ Chơn Truyền, gìn Luật Pháp, chăm nom chư Chức Sắc, Chức Việc và Đạo Hữu thi hành phận sự (điều 15 của chương Hành Chánh).
Tùy theo phân cấp hành chánh mà bố trí nhân sự và tổ chức các cơ quan.

Phân cấp hành chánh:
Đạo Cao Đài có Trung ương và địa phương:
- Cấp trung ương đặt tại Tòa Thánh Tây Ninh.
Hội Thánh Cao Đài có các cơ quan như: Cửu Viện, Phước Thiện, Phổ Tế, Bộ Pháp Chánh, Hàn Lâm Viện, Ban Thế Đạo, Đại Đạo Thanh Niên Hội….

Tổ chức Hành Chánh Đạo tại Châu Thành Thánh Địa (trung ương) với 1 vị Giáo Sư là Khâm Thành.

Trong Châu Thành Thánh Địa có các Phận Đạo. Đầu Phận Đạo là Lễ Sanh. Phận Đạo có nhiều Hương Đạo.

- Cấp địa phương:
- Trấn Đạo: gồm nhiều Châu Đạo (Giáo Sư: Khâm Trấn).
- Châu Đạo: gồm nhiều Tộc Đạo (Giáo Hữu: Khâm Châu)
- Tộc Đạo: gồm nhiều Hương Đạo(Lễ Sanh: Đầu Tộc Đạo)
- Hương Đạo: nhiều ấp Đạo (Chánh Trị Sự: Đầu Hương)
- Ấp Đạo: có Phó Trị Sự và Thông Sự đứng đầu.

Những tính chất khác:
Khi xưng hô với nhau, Tín đồ Cao Đài sử dụng các từ “Huynh”, “Đệ”, Tỷ”, “Muội” (xem như là anh chị em một nhà), tuỳ theo Thiên chức (Giáo phẩm), tuổi tác, giới tính. Khi kính cẩn, họ còn thêm “Hiền” phía trước những đại từ nhân xưng trên (“Hiền huynh”, “Hiền Tỷ”...).

Một cơ sở Tôn giáo Cao Đài được gọi là “Thánh Thất” hoặc Mỗi cơ sở  có chương trình truyền bá Giáo lý.

Một Tín đồ Cao Đài nếu tham gia các hoạt động của Đạo sẽ được giữ chức vụ tương ứng như Thủ quỹ, Thư ký. ... Nếu tình nguyện lo cho Đạo thì sẽ vào hàng Chức việc hay Chức sắc, sẽ được cử vào Chánh, Phó Trị Sự, Lễ Sanh.

Đạo Cao Đài có được sự bình đẳng bình quyền giữa Nam và Nữ  về các chức phẩm trong Tôn giáo đến xã hội.

Về Tôn giáo, Nữ: giới hạn hai ngôi Chưởng Pháp, Giáo Tông. Đây là lệnh của Đức Thượng Đế, vì trên nguyên lý: Nam tượng Dương, Nữ tượng Âm. Nếu Âm thịnh thì Dương suy, nền Đạo sẽ đi vào sự hủy diệt.
Giải câu trong Thánh Ngôn Hiệp tuyển:
….Vì  vậy,  Thầy  mới lập  ra có một phẩm  Giáo Tông, nghĩa là Anh Cả ba phẩm Ðầu Sư, nghĩa là Giáo Hữu. Chẳng một ai dưới thế nầy còn đặng phép nói rằng thế quyền cho Thầy mà trị phần hồn của nhơn loại. Còn cả Môn đệ, ai cũng như ai, không đặng gây phe lập đảng, nhược kẻ nào phạm tội thì Thầy trục xuất ra ngoài cho khỏi điều rối loạn” (TNHT: 24-4-1926)

Câu ấy có ý nghĩa gì?
Hình vẽ cho thấy rõ: hàng Tiên vị có 3 phẩm: Giáo Tông, Chưởng Pháp, Đầu Sư, đặt trên tam giác có đỉnh quay lên, tượng Chí linh, đồng thời hàng Thánh vị  có ba phẩm: Phối Sư, Giáo Sư, Giáo Hữu tượng Vạn linh, tam giác đỉnh quay xuống, cho thấy ngôi Giáo Tông và Giáo Hữu cùng nằm trên trục đứng cũng là xuyên tâm đối.

Hoặc vẽ theo cách  khác: Giáo Tông là tâm của sao sáu cánh:3 phẩm Chưởng pháp là cơ quan Hiệp Thiên Đài thuộc Dương, đỉnh quay lên tượng Chí linh; ba phẩm Đầu Sư thuộc Cửu Trùng Đài, thuộc Âm, đỉnh tam giác quay phía dưới, tượng Vạn linh; nhưng phái Thượng vẫn đặt ở đỉnh của Tam giác, vì nó được chính và trung.

PCT: Thầy mới lập  ra có một phẩm Giáo Tông, nghĩa là Anh Cả ba phẩm Ðầu Sư, nghĩa là Giáo Hữu.
Về quyền hành Giáo Hữu thì: “Ðiều chi chúng nó (Giáo Hữu) xin, thì buộc Giáo Tông phải cần mẫn hơn hết.

CHÚ GIẢI: Ðã nói Giáo Hữu là người thân mật với nhơn sanh hơn hết, mà kể từ phẩm Giáo Hữu đổ lên cho tới Giáo Tông thì xa lắm; ấy vậy, Giáo Hữu thì gần với nhơn sanh, còn Giáo Tông thì xa nhơn sanh, nếu Giáo Tông muốn gần với nhơn sanh thì phải cần mẫn giao thân cùng Giáo Hữu. Giáo Hữu là người biết nhơn sanh hơn hết, nếu Giáo Tông muốn biết nhơn sanh, thì phải nghe lời Giáo Hữu. Thánh ý muốn cho Giáo Tông đặng gần nhơn sanh cũng như Giáo Hữu, cho nên dặn Giáo Tông phải để ý cần mẫn, xét nét mỗi điều của Giáo Hữu cầu xin hơn hết song mỗi điều chi Giáo Hữu cũng không đặng phép loạn đẳng cấp, nghĩa là phải nương theo các phẩm cấp trên mình mà dâng sớ”.

Lời Thầy dạy:“không đặng gây phe lập đảng”  ấy là tất cả điều kiện mà Thầy đã cấm hẳn việc chia phe lập đảng rồi, vậy ai bảo là Thánh ý Thầy cho lập 12 Chi phái cho đủ số 12 là số riêng của Thầy? Tuy nhiên, luật Âm- Dương thì có tốt ắt có xấu, có sáng thì có tối. Điều cần yếu là người tu phải biết phân biệt hai lẽ chánh- tà, kẻo bị lầm.

E - TỔ CHỨC HÀNH CHÁNH ÐẠO
Cửu-Trùng-Ðài:
Sự tổ chức bắt đầu từ dưới lên trên. Nền móng của Hành Chánh Ðạo Cửu-Trùng-Ðài là Hương Ðạo. Nhiều Hương Ðạo họp thành Tộc Ðạo (hay Họ Ðạo), nhiều Tộc Ðạo họp thành Châu Ðạo, nhiều Châu Ðạo họp thành Trấn Ðạo. Các Trấn Ðạo liên lạc trực tiếp với Cửu Viện.

Từ Trấn Ðạo trở xuống thuộc về Hành Chánh Ðạo địa phương, từ Cửu Viện trở lên là Hành Chánh Ðạo Trung ương đặt tại Tòa Thánh TN, cầm quyền nền Ðạo.

Hành-Chánh-Ðạo Cửu-Trùng-Ðài chia hai riêng biệt: Nam phái và Nữ phái. Mỗi phái chỉ điều khiển riêng phái mình mà thôi.

A . Hành Chánh Ðạo Cửu-Trùng-Đài Nam phái:
1 - Hội-Thánh EM

Ðơn vị Hành Chánh Ðạo nhỏ nhứt là Hương Ðạo gọi là Hội-Thánh Em. Hiện nay số tín đồ còn ít nên lấy số tín đồ ở trong một xã làm Hương Ðạo. Khi đông hơn thì sẽ lấy số tín đồ trong một Ấp làm Hương Ðạo.

* Ðầu Hương Ðạo, phẩm Chánh Trị Sự. Mỗi Hương Ðạo chia ra nhiều Ấp Ðạo. Ðứng đầu mỗi Ấp Ðạo có 1 Phó Trị Sự và 1 Thông Sự. Phó Trị Sự coi về hành chánh và Thông Sự coi về luật pháp.

Nếu Hương Ðạo ấy có 4 Ấp Ðạo thì số Chức Việc Bàn Trị Sự của Hương Ðạo ấy có 9 vị:
- 1 Chánh Trị Sự ( )
- 4 Phó Trị Sự     ( )
- 4 Thông Sự.     ( )

Ðầu Tộc Ðạo, phẩm Lễ Sanh, do Hội Thánh bổ nhiệm.
Đây cũng đi vào qui luật số 9 của Cửu Trùng Đài.

2 - Hội-Thánh Anh (Hội-Thánh Trung-ương)
- Ðầu Châu Ðạo là Khâm Châu Ðạo, phẩm Giáo Hữu, do Hội Thánh bổ nhiệm.
- Ðầu Trấn Ðạo là Khâm Trấn Ðạo, phẩm Giáo Sư, cũng do Hội Thánh bổ nhiệm. Khâm Trấn Ðạo nhận lệnh trực tiếp từ Cửu Viện Trung Ương Tòa Thánh, do ba vị Chánh Phối Sư cầm quyền.

Cửu Viện là 9 Viện gồm: Hòa, Lại, Lễ; Học, Y, Nông; Hộ, Lương, Công. Mỗi Viện có nhiệm vụ chuyên môn đặc biệt.

Ðứng đầu mỗi Viện là một vị Thượng Thống, phẩm Phối Sư, có một hay hai vị Phụ Thống giúp việc.

Cửu-Trùng-Đài Nam phái có 3 Chánh Phối Sư nên mỗi vị điều khiển 3 Viện:
- Ngọc Chánh Phối Sư điều khiển 3 Viện: Hòa, Lại, Lễ
- Thượng Chánh Phối-Sư điều khiển 3 Viện: Học, Y, Nông
-Thái Chánh Phối-Sư điều khiển 3 Viện: Hộ, Lương, Công

Ba vị Chánh Phối Sư tùng quyền Ba vị Ðầu Sư.
Ba vị Ðầu Sư tùng quyền 3 vị Chưởng Pháp và Ðức Giáo Tông. Ðức Giáo Tông chưởng quản Cửu-Trùng-Ðài cả Nam và Nữ phái.

3 - Hành Chánh Ðạo Cửu-Trùng-Ðài Nữ phái:
Tổ chức Hành Chánh Ðạo Cửu-Trùng-Đài Nữ phái giống hệt và song song với Hành Chánh Ðạo Nam phái, từ cấp địa phương cho đến cấp trung ương, nhưng chỉ hoạt động về bên Nữ phái mà thôi. Hành Chánh Ðạo Nữ phái chỉ có 1 Nữ Ðầu Sư và 1 Nữ Chánh Phối Sư cai quản Cửu Viện Nữ phái. Nữ Chánh Phối Sư tùng quyền Nữ Ðầu Sư và Nữ Ðầu Sư thì tùng quyền ba vị Chưởng Pháp và  Giáo Tông. Sự tổ chức cơ quan Hành Chánh Ðạo riêng biệt cho Nam phái và Nữ phái thể hiện sự phân quyền rõ rệt và sự bình đẳng giữa Nam - Nữ. Ðây là một nét đặc biệt tân tiến của Ðạo Cao Ðài mà các Tôn giáo khác không có.

4 . Cơ quan Phổ Tế:
Hành Chánh Ðạo Cửu-Trùng-Đài có nhiệm vụ truyền Ðạo ở trong nước, gọi là Cơ quan Phổ Tế, Cơ quan này thành lập theo Ðạo Luật Mậu Dần (1938). Hội Thánh ban hành ngày 16-Giêng-Mậu Dần (dl: 16-2-1938).

5 . Cơ quan Truyền giáo Hải Ngoại:
Cơ quan Truyền giáo Hải Ngoại được Ðức Chí Tôn giao cho Ðức Hộ Pháp thành lập tại Nam Vang vào tháng 4 năm Ðinh Mão (1927) khi Ðức Hộ Pháp lên làm việc ở Nam Vang. Cơ quan Truyền giáo Hải Ngoại (Mission étrangère) đầu tiên được gọi là Hội Thánh Ngoại giáo, Giáo Sư Thượng Bảy Thanh (Lê Văn Bảy) được bổ nhiệm làm Chủ Trưởng Hội Thánh Ngoại giáo, chịu dưới quyền Thiêng liêng của Ðức Nguyệt Tâm Chơn Nhơn, mà Ðức Chí Tôn đã phong cho Ngài làm Chưởng Ðạo cầm quyền Hội Thánh Ngoại giáo.

CHƯƠNG III

PHÁP CHÁNH TRUYỀN HIỆP THIÊN ĐÀI

Trước khi Thầy lập Pháp Chánh Truyền Hiệp Thiên Ðài, Thầy kêu "Cả chư Môn Ðệ khá tuân mạng" thì Thầy đã chỉ rõ rằng: Thầy lập Hiệp Thiên Ðài rất trọng hệ là dường nào. Sự trọng hệ ấy là chi? Sau đây nên giải rõ:

Cơ Tạo Hóa chỉ có hai bí mật tối trọng:
- Một là quan sát sự hữu hình,
- Hai là xét đoán sự vô vi;
Quan sát sự hữu hình thì dễ, mà xét đoán sự vô vi vẫn rất khó; hữu hình với vô vi chỉ phân nhau với màn bí mật, từ thuở tạo Thiên lập Ðịa, dầu cho bậc trí thức nhơn sanh đặng tấn hóa lên tới bậc Ðại giác đi nữa, cũng chưa hề có phương thế hé trọn vẹn màn bí mật ấy, mà dòm qua phía vô vi cho đặng, nhưng nhơn sanh đã có sẵn nơi tay một cái chìa khóa, là xem cơ tương đắc của hữu hình và vô vi trong sự sanh họat của vạn vật. Vô vi và hữu hình phải hiệp làm một, mới thuận theo cơ tạo.

Trời Ðất có Âm Dương, vạn vật có thể phách, nhơn loại có xác hồn. Sự sống của vạn loại trong Càn Khôn thế giái chỉ nhờ có vật chất (La matière) và tinh thần (L'essence) tương hiệp mới thành hình, cả vật chất hồn, thảo mộc hồn, thú cầm hồn, nhơn hồn, Thần hồn, Thánh hồn, Tiên hồn, Phật hồn, Thiên hồn đều khác đẳng cấp nhau, nên hình thể cũng biến sanh ra khác:
-  Vật chất không giống thảo mộc,
- Thảo mộc không giống thú cầm,
- Thú cầm không giống người,
- Người không giống Thần,
- Thần không giống Thánh,
- Thánh không giống Tiên,
- Tiên không giống Phật,
- Phật không giống Trời.

Nói tóm một lời, hình thể tâm thần đều khác hẳn.
Vật chất (La matière) phải tùng lịnh tinh thần (L'essence) mà lập thành hình tượng. Cái cớ hiển nhiên là hình thể của nhơn loại cũng phải tùng tinh thần mà biệt phân đẳng cấp. Kẻ hung bạo thì hình dung cổ quái, còn người lương thiện thì tướng hảo quang minh; nhờ đó mà cổ nhơn xem tướng đoán tánh người.

Xác phải phù hạp với hồn, cũng như vật chất phải phù hạp với tinh thần, vật chất vốn hữu hình, mà tinh thần lại vô vi, vô vi cùng hữu hình phải tương đắc, thấy hữu hình đoán vô vi, biết vô vi mới định quyết hữu hình.
- Ấy vậy Cửu Trùng Ðài là xác,
-  Hiệp Thiên Ðài là hồn.

Ðã nói rằng Cửu Trùng Ðài là Ðời, tức nhiên là xác của Ðạo, còn Hiệp Thiên Ðài là Ðạo, tức nhiên là chơn thần của Ðạo, vậy thì xác thịt có định hạn lệ đẳng cấp, chớ chơn thần chẳng hề định hạn lệ đẳng cấp đặng. Nhiều Ðấng Thiêng Liêng cao mà lại tái thế muốn ra hèn hạ, còn cũng có nhiều Ðấng Thiêng Liêng thấp mà lại nhờ một phen đắc Ðạo lập vị cao trọng tột phẩm, vậy thì Thiêng Liêng không có giới hạn tức là Ðạo không có giới hạn. Ấy là cơ bí mật của Ðạo vậy.

Chư Hiền Hữu cùng như chư Hiền Muội sẽ thấy rằng: Thầy không quyết định trách nhậm của mỗi người Chức Sắc Hiệp Thiên Ðài, bởi cớ mà gây nên lắm điều trắc trở trong phẩm trật của cả Thiên Phong. Nghĩa là: Ðể tự nhiên cho cả Chức Sắc Hiệp Thiên Ðài lập vị mình, thế nào cho xứng đáng cùng phẩm định.

Cửu Trùng Ðài là Ðời, mà Hiệp Thiên Ðài là Ðạo, cho nên buộc Ðời phải nương Ðạo mà lập ra thiệt tướng, mới mong độ rỗi nhơn sanh chuyển cơ tạo hóa.

Cái hệ trọng là nếu không có Hiệp Thiên Ðài thì không có Ðạo, Trời Ðất qua chớ Ðạo không qua, nhơn loại tuyệt chớ Hiệp Thiên Ðài không tuyệt. (Hay lắm)

Hiệp Thiên Ðài là tay vén màn bí mật cho sự hữu hình và sự vô vi hiệp làm một, tức là tay làm cho Ðạo với Ðời tương đắc vậy. Vì cớ ấy mà Thầy giáng cơ buộc cả chư Môn Ðệ Thầy, chẳng khi nào đặng phép trái mạng lịnh của Thầy.

Dưới đây Thầy đã nói rõ:
PHÁP CHÁNH TRUYỀN: Hiệp Thiên Ðài là nơi Thầy ngự, cầm quyền Thiêng Liêng mối Ðạo, hễ Ðạo còn thì Hiệp Thiên Ðài vẫn còn.

CHÚ GIẢI: Thầy là Chúa cả Càn Khôn Thế Giái, tức là Chúa tể sự vô vi, nghĩa là chủ quyền của Ðạo, mà hễ chủ quyền của Ðạo, ngự nơi nào thì là Ðạo ở nơi ấy.

Thầy đã nói Hiệp Thiên Ðài là nơi Thầy ngự, ấy là nơi Thầy cầm quyền Thiêng Liêng mối Ðạo, vậy Ðạo còn thì Tòa ngự của Thầy là Hiệp Thiên Ðài vẫn còn, hễ nói Ðạo chẳng hề khi nào bị diệt, vì Ðạo diệt thì là tận thế, vậy thì Ðạo chưa tuyệt, ắt Hiệp Thiên Ðài cũng không tuyệt. (Hay lắm)

PCT: Thầy đã nói Ngũ Chi Ðại Ðạo bị qui phàm là vì khi trước Thầy giao Chánh Giáo cho tay phàm, càng ngày càng xa Chánh Giáo, mà lập ra Phàm Giáo, nên Thầy nhứt định đến chính mình Thầy, đặng dạy dỗ các con mà thôi; chớ không chịu giao Chánh Giáo cho tay phàm nữa.

CG: Câu nầy Thầy đã nói rõ nghĩa, duy Thầy chỉ than rằng: Khi trước Thầy lỡ giao Chánh Giáo cho tay phàm, hễ càng lâu chừng nào thì Thánh Ðức lại càng hao mòn mà phàm tâm lại tái phục, nhơn loại sửa cải Chánh Giáo, cho vừa theo thế lực của nhơn tình mà lần lần làm cho Thánh Giáo phải trở nên Phàm Giáo. (Hay)

Nay Thầy nhứt định đến chính mình Thầy đặng dạy dỗ nhơn sanh mà thôi, chớ không chịu giao nền Chánh Giáo của Thầy cho tay phàm nữa.

Thảng như có kẻ hỏi: Như đã nói vậy, sao Thầy lại giao Thánh Giáo cho phàm là Cửu Trùng Ðài và Hiệp Thiên Ðài, là ý nghĩa gì ? Trong bài diễn văn của Hộ Pháp đọc tại Tòa Thánh ngày 14 tháng hai năm Mậu Thìn, có giải rõ rằng: Thầy đến qui các lương sanh của Thầy đã sai đến trước lại làm một đặng lập Hội Thánh mà làm hình thể của Thầy, hầu tránh khỏi hạ trần trong lúc Tam Kỳ Phổ Ðộ nầy. (Hay)  Hội Thánh ấy, có hai phần tại thế:
- Phần hữu hình là Cửu Trùng Ðài, tức là Ðời nghĩa là xác; một phần bán hữu hình là Hiệp Thiên Ðài nghĩa là: Nửa Ðời nửa Ðạo, ấy là chơn thần; còn phần vô vi là Bát Quái Ðài tức là hồn, ấy là Ðạo.

Ðã nói rằng: Thầy là Chúa tể của sự vô vi, ắt Bát Quái Ðài thì Thầy là chủ, mà chủ Bát Quái Ðài là chủ của hồn Ðạo, hồn hiệp với xác bởi chơn thần, ấy vậy chơn thần là trung gian của hồn và xác; xác nhờ hồn mà nên, thì Cửu Trùng Ðài cũng phải nhờ Hiệp Thiên Ðài mới mong thành Ðạo. (Hay)

Như có kẻ hỏi nữa: Thầy là Chí Tôn, huyền diệu vô biên, mà lại nói Thầy không giao Thánh Giáo cho tay phàm nữa, sao lại cũng còn phải nhờ Hiệp Thiên Ðài, cũng là phàm vậy? Nếu không Hiệp Thiên Ðài, thì Thầy không thể lập Ðạo sao?

Ta lại nói: Thầy là chúa sự vô vi, nghĩa là chúa các việc vô hình, Thầy lại ban cho người đủ khôn ngoan trí thức Thiêng Liêng, đặng làm chúa của sự hữu hình, nghĩa là chúa cả của vạn vật, nếu muốn cho sự vô vi và sự hữu hình được tương đắc, thì cả hai ông chúa phải liên hiệp nhau mới đặng, người có sức sửa cơ Tạo Hóa, song Tạo Hóa cũng tùy người mà làm cho vạn loại trở nên tận thiên, tận mỹ.

Chịu dưới quyền Thiêng Liêng của Tạo Hóa, sanh sanh tử tử, luật lệ ấy vốn nơi Trời, số số căn căn Thiên Ðiều đã định; người chỉ đặng có một quyền tự lập, là mình làm chủ lấy mình, luân luân chuyển chuyển, giồi cho đẹp đẽ Thánh Ðức căn sanh, đặng lên tột phẩm vị Thiêng Liêng mới nhập vào cửa vô vi đồng thể cùng Trời Ðất. (Hay lắm ! Lão khen đó)

Quyền tự chủ ấy, vẫn đã định trước làm cho cả nhơn sanh vui theo cơ Tấn hóa, thì dầu cho Thầy cũng không cải qua đặng; vì hễ sửa cải thì là mất lẽ công bình Thiêng Liêng đã định, làm chinh nghiêng cơ thưởng phạt. Hễ có công thưởng tội trừng thì phải để rộng quyền cho người tự chủ.

Thiên cơ đã lập có Ðiạ Ngục với Thiên Ðàng, ấy cảnh thăng cảnh đọa.
Ðịa Ngục dành để cho kẻ bạo tàn, Thiên Ðàng cho người đạo đức, thì cân công bình Thiêng Liêng đã sẵn. Ấy vậy chẳng buộc ai vào Ðịa Ngục, mà cũng chẳng nâng đỡ ai đến Thiên Ðàng. Ðôi đường hiển hiện, tự quyền người lựa chọn, siêu đọa tại nơi mình, các Ðấng Thiêng Liêng duy có thương mà chỉ dẫn.

Thầy đến, nếu dùng cả quyền Thiêng Liêng làm cho chúng sanh thấy đặng đủ đức tin, theo đường siêu mà bỏ nẻo đọa, thì cả nhơn loại ắt xu hướng vào đường đạo đức, thì là Thầy nâng đỡ các chơn hồn vào Thiên Ðàng, không cho vào Ðịa Ngục, (Hay) thì sự công bình Thiêng Liêng bởi nơi nào bền vững. Thưởng phạt ra bất minh, ắt phải truất bỏ cơ luân hồi chuyển kiếp.

Thầy cùng  các  Ðấng  Thiêng  Liêng  không  nhơn thân phàm ngữ, thế nào mà thông công cùng cả chúng sanh, lại còn cao khó vói, khuất không rờ, chỉ nhờ lương sanh giúp công gầy đạo đức. Hiệp Thiên Ðài và Cửu Trùng Ðài là người giúp công cho Thầy và các Ðấng Thiêng Liêng gầy Ðạo.

Luân hồi chuyển kiếp là cơ mầu nhiệm để cho các chơn hồn đặng cứu chuộc và tấn hóa, nếu truất bỏ cơ mầu nhiệm ấy đi, thì Ðạo nơi nào mà bền chặt?

Nhơn loại có hóa nhân, quỉ nhân và nguyên nhân, ấy là có phân đẳng cấp, nếu Thầy dùng huyền diệu Thiêng Liêng mà làm cho nhơn loại cả thảy đều thấy đặng cơ mầu nhiệm của Ðạo, đồng đặng đắc kiếp, thì phẩm vị Thiêng Liêng cũng không còn trật tự.
- Trước đã nói Hiệp Thiên Ðài là Chơn Thần,
- Trùng Ðài là xác thịt,
- Bát Quái Ðài là linh hồn.

Hồn đặng tương hiệp cùng xác phải nhờ chơn thần, chơn thần lại là bán hữu hình, tiếp vô vi mà hiệp cùng hình thể, cũng như Ðạo tiếp Thánh Ðức của các Ðấng Thiêng Liêng mà rưới chan cho nhơn loại. (Hay) Nhơn loại đặng liên hiệp cùng Trời thể nào, thì Cửu Trùng Ðài phải liên hiệp cùng Bát Quái Ðài thể ấy.

Bát Quái Ðài là hồn của Ðạo mà Thầy đã nắm chặt phần hồn thì xác phải nương theo hồn, mới mong giữ bền sanh hoạt, hồn Ðạo Thầy đã nắm chặt rồi; thì Ðạo chẳng hề khi nào còn chịu dưới tay phàm nữa (2) Ấy vậy Thầy nói không chịu giao Thánh Giáo cho tay phàm là tại vậy.

PCT: "Lại nữa, Hiệp Thiên Ðài là nơi của Giáo Tông đến thông công cùng Tam Thập Lục Thiên, Tam Thiên Thế Giái, Lục Thập Thất Ðịa Cầu, Thập Ðiện Diêm Cung mà cầu siêu cho cả Nhơn loại".
CG: Câu nầy, đã có  giải rõ  trong  chú  giải  Pháp Chánh Truyền, Cửu Trùng Ðài Nam Phái, nên không cần nói lại.

PCT: "Thầy đã nói sở dụng Thiêng Liêng, Thầy cũng nên nói sở dụng phàm trần của nó nữa".
CG: Sở dụng Thiêng Liêng là Hiệp Thiên Ðài, làm trung gian của Giáo Tông cùng chư Thần, Thánh, Tiên, Phật, nghĩa là Trung gian của Cửu Trùng Ðài và Bát Quái Ðài; vì Cửu Trùng Ðài cầm quyền độ rỗi, còn Bát Quái Ðài cầm quyền siêu rỗi. (Hay) Cả chơn thần toàn trong thế giái đặng tương hiệp nhau chỉ phải nhờ nơi cửa Hiệp Thiên Ðài, ấy là phần Thiêng Liêng; còn phần phàm trần thì cầm quyền luật lệ, cũng như Ðạo có phép Thiên Ðiều, mà gìn giữ công bình Thiêng liêng cơ tạo, chế sửa nguơn Tranh Ðấu ra nguơn Bảo Tồn (3) làm cho nhơn loại đặng hòa bình, lánh xa cơ tự diệt. (Hay)

PCT: "Hiệp Thiên Ðài dưới quyền Hộ Pháp Chưởng Quản, tả có Thượng Sanh, hữu có Thượng Phẩm, phần của Hộ Pháp Chưởng quản về Pháp".
CG: - Vậy thì Hiệp Thiên Ðài phải dưới quyền Hộ Pháp chưởng quản,
- Cũng như Cửu Trùng Ðài dưới quyền Giáo Tông
- Và Bát quái Ðài dưới quyền Ðức Chí Tôn làm chủ.

Hộ Pháp là ai?
Huyền vi mầu nhiệm của Ðạo có Thiên Ðiều, cơ bí mật của Ðời có Luật Pháp, Hộ Pháp là người nắm cơ mầu nhiệm của Ðạo, nắm Luật của Ðời, xử đoán chư Chức Sắc Thiên Phong và cả Tín Ðồ cùng là xin ban thưởng; công thưởng, tội trừng nơi thế nầy. Hễ có phàm trị mới khỏi Thiên trị; phải chiếu luật Ðạo cho toàn cả Tín Ðồ, khỏi bị Thiên Ðiều, giữ phẩm Thiêng Liêng mỗi Chức Sắc, ắt phải gìn giữ đạo đức của mỗi người. Người dùng hình phàm làm cho giảm tội Thiêng Liêng. (Hay) Nắm cơ mầu nhiệm công bình mà đưa các chơn hồn vào Bát Quái Ðài, hiệp cùng chư Thần, Thánh, Tiên, Phật. Người nắm trọn cả luật Ðạo và luật Ðời đặng xử đoán, làm chủ phòng Xử Ðoán.

Dưới quyền Hộ Pháp có bốn vị:
- Tiếp Pháp
- Khai Pháp
- Hiến Pháp
- Bảo Pháp

Bốn vị ấy đồng quyền cùng Hộ Pháp; khi đặng lịnh người sai đi hành chánh, song mỗi vị có mỗi phận sự riêng, quyền hành riêng là:

Tiếp Pháp là người tiếp luật lệ, đơn trạng kiện thưa, có quyền xét đoán, coi có nên phân định hay chăng; những điều nào không đáng thì chiếu theo Ðạo Luật, hoặc bỏ qua, hoặc trả lại cho Cửu Trùng Ðài còn như đáng việc phải phân định thì phải dâng lên cho Khai Pháp định đoạt

Khai Pháp khi tiếp đặng luật lệ, đơn trạng kiện thưa của Cửu Trùng Ðài định xử hay là đã xử nơi Tiếp Pháp dâng lên, thì quan sát coi nên cho cả Chức Sắc Hiệp Thiên Ðài biết cùng chăng, như đáng việc thì tức cấp nhứt diện tư tờ cho Cửu Trùng Ðài xin đình đãi nội vụ lại bao lâu tùy ý, song chẳng đặng phép quá 15 ngày, nhứt diện trình cho Hộ Pháp hay, đặng Hộ Pháp mời nhóm Hiệp Thiên Ðài, khi hội Hiệp Thiên Ðài thì Khai Pháp phải khai rõ nội vụ ra cho Hiệp Thiên Ðài quyết định, như quyết định phải sửa cải luật lệ hay là buộc án, thì Khai Pháp phải dâng lại cho Hiến Pháp.

Hiến Pháp khi tiếp đặng luật lệ đơn trạng, thì phải mở đường tra vấn cho minh lẽ nên hư, phải trái, đủ chứng cớ rõ ràng, rồi dâng lên cho Bảo Pháp cho đủ nội vụ, cấm Hiến Pháp không đặng thông đồng cùng Hiến Ðạo và Hiến Thế. Ấy vậy kể từ việc chi đã giao vào tay Hiến Pháp rồi, thì đã ra bí mật, dầu cho Chức Sắc Hiệp Thiên Ðài cũng không đặng biết tới nữa.

Bảo Pháp thì gìn giữ sự bí mật ấy cho kín nhiệm, làm tờ đoán xét và định án chiếu y luật Ðạo rồi dâng lên cho Hộ Pháp đặng người phân xử.
Bảo Pháp là người Ðầu Phòng Văn của Hộ Pháp.

PCT: "Lo Bảo hộ luật Ðời và luật Ðạo, chẳng ai qua luật mà Hiệp Thiên Ðài chẳng biết".
CG: Nói tóm lại, Hộ Pháp là người bảo hộ, luật Ðời và luật Ðạo, gìn giữ cho Ðạo khỏi qui phàm, nâng đỡ cho đời vào Thánh vị, chẳng ai qua luật mà Hiệp Thiên Ðài chẳng biết, dầu toàn Cửu Trùng Ðài hay là Hiệp Thiên Ðài sái luật thì Hộ Pháp phải phân xử cho phân minh, vì vậy mà Thầy buộc cả chi "Pháp" phải thề giữ dạ vô tư mà hành chánh.

Thượng Phẩm là ai?
Thượng Phẩm là người thay mặt cho Hộ Pháp, phải tùng lịnh Hộ Pháp mà hành chánh. Hễ bước chơn vào cửa Ðạo, thì là có Thiên Phẩm, mà hễ có Thiên Phẩm rồi thì Thầy lại đem lên cho tới Thượng Phẩm mới trọn nghĩa Phổ Ðộ.

Các chơn linh dầu nguyên nhân hay là hóa nhân đều nhờ Thượng Phẩm gìn giữ binh vực cho ngồi đặng an ổn địa vị mình, giúp đỡ cho đức hạnh trổi thêm cao cho khỏi phạm luật lệ; xem sóc ngôi thứ chẳng cho giành giựt lẫn nhau, ắt giữ cho Cửu Trùng Ðài đặng hòa nhã êm đềm, khép cửa Thiên Môn, cấm đường không cho các chơn linh thối bước (hay). Phẩm trật nhờ người mà đặng thăng lên, hay là bị người mà phải hạ.

Người nắm luật Ðạo nơi tay mà binh vực cả chư Chức Sắc Thiên Phong và các Tín Ðồ, chẳng cho ai phạm luật, vừa lo cho người Ðạo hạnh lên cho tột phẩm vị mình.
Thượng Phẩm là chủ phòng cải luật, làm Trạng Sư của Tín Ðồ.

PCT: Thượng Phẩm thì quyền về Ðạo, dưới quyền:
- Tiếp Ðạo
- Khai Ðạo
- Hiến Ðạo
- Bảo Ðạo

Lo về phần Tịnh Thất, mấy Thánh Thất đều xem sóc chư Môn Ðệ Thầy, binh vực chẳng cho ai phạm luật đến khổ khắc cho đặng.

CG: Các Tịnh Thất đều về quyền của Thượng Phẩm cai quản. Cả Tín Ðồ thì về phần người binh vực, chẳng cho ai phạm luật đến khổ khắc cho đặng, các Chức Sắc trấn nhậm mấy Thánh Thất phải do nơi quyền người thuyên bổ, liệu lượng tài sức mỗi người, mà chỉ định phận sự (công bình vậy).

Thượng  Phẩm là cây cờ của Ðạo. Hễ Ðạo nơi nào thì Thượng Phẩm nơi ấy. Thượng Phẩm đối quyền với Chưởng Pháp bên Cửu Trùng Ðài.

Hiệp Thiên Ðài là luật lệ mà Thượng Phẩm lại là Chánh Trị, ấy vậy Thượng Phẩm là người của Cửu Trùng Ðài nơi Hiệp Thiên Ðài.

Bốn vị Thời Quân của chi Ðạo, đồng quyền cùng Thượng Phẩm khi người ban quyền hành chánh, song mỗi vị có phận sự riêng, quyền hành riêng là:
Tiếp Ðạo là người tiếp cáo trạng án tiết thì phải quan sát trước coi có oan khúc  chi  chăng,  đáng  ra  binh vực thì phải dâng lại cho Khai Ðạo.

Khai Ðạo khi đặng tờ kêu nài cầu rỗi, thì liệu như đáng rỗi, phải nhứt diện tư tờ qua cho Tòa Tam Giáo Cửu Trùng Ðài xin đình án bao lâu tùy ý, song chẳng đặng phép quá 15 ngày, nhứt diện dâng sớ cho Hộ Pháp cầu nhóm Ðại Hội Hiệp Thiên Ðài đặng định liệu, như phải đáng bào chữa thì Khai Ðạo phân giải giữa hội cho ra lẽ oan ưng, Hiệp Thiên Ðài cho lịnh thì mới dâng nội vụ lên cho Hiến Ðạo.

Hiến Ðạo khi đặng tờ chi của Khai Ðạo dâng lên, tức cấp phải tìm biết căn nguyên cho rõ ràng, cấm không cho Hiến Ðạo thông đồng cùng Hiến Pháp và Hiến Thế. Sự chi đã vào tay Hiến Ðạo rồi thì đã ra bí mật, dầu cho Chức Sắc Hiệp Thiên Ðài cũng không đặng biết tới nữa.

Hiến Ðạo phải dâng nội vụ lên cho Bảo Ðạo.
Bảo Ðạo phải gìn giữ bí mật ấy cho kín nhiệm, làm tờ lý đoán binh vực chiếu y luật Ðạo rồi dâng lên cho Thượng Phẩm, đặng người lo phương bào chữa.  Bảo Ðạo là người làm Ðầu Phòng Văn của Thượng Phẩm.

Thượng Phẩm và tứ vị Thời Quân của chi Ðạo, phải thề giữ dạ vô tư mà hành chánh.
Thượng Sanh là ai?
Vật chất hữu sanh, thảo mộc hữu sanh, cầm thú hữu sanh, nhơn loại hữu sanh, tức là chúng sanh. Trong chúng sanh đã có nguyên sanh, hóa sanh và quỉ sanh (4).

Tỷ như nguyên nhân là khi Khai Thiên rồi, thì đã có chơn linh ấy, còn hóa nhân là chơn linh vật loại, đoạt đến phẩm vị nhơn loại, còn quỉ nhân là hai chơn linh kia xu hướng ác hành mà bị đọa đày vào quỉ vị.

 Trong các kiếp hữu sanh, duy có phẩm người là cao hơn hết, nên gọi là Thượng Sanh.

Lập Tam Kỳ Phổ Ðộ này, Thầy đem các chơn  linh dầu nguyên sanh, quỉ sanh hay là hóa sanh lên phẩm vị nhơn loại mới trọn câu phổ độ. Chơn linh các nguyên nhân bị đọa trần, quỉ nhơn chuộc tội hay là hóa nhân thăng cấp đều nhờ Thượng Sanh độ rỗi (ấy là Thế độ). Nên Thượng Sanh làm chủ của Thế Ðạo, nắm luật Thế nơi tay, mà dìu dắt cả chúng sanh vào cửa Ðạo.

Ai làm cho ngăn cản bước đường tu của thế gian thì Thượng Sanh đặng quyền kiện cùng Tòa Thánh; Chư Chức Sắc phạm luật làm cho chúng sanh phải xa lánh Ðạo, thì người có quyền xin trị tội tức thì.
Thượng Sanh làm chủ phòng Cáo Luật.

PCT: Thượng Sanh thì lo về phần Ðời.
CG: Mỗi sự chi thuộc về đời thì về quyền của Thượng Sanh. Dưới quyền của Thượng Sanh có bốn vị Thời Quân:
- Tiếp Thế
- Khai Thế
- Hiến Thế
- Bảo Thế

Bốn vị Thời Quân chi Thế đặng đồng quyền cùng Thượng Sanh, khi người ban lịnh hành chánh; song mỗi vị có mỗi phận sự riêng, quyền hành riêng là:

Tiếp Thế khi đặng thế luật hay là trạng cáo chi của ngoại Ðạo cùng là của Tín Ðồ, mà kiện thưa trách cứ Chức Sắc Thiên Phong, bất câu phẩm vị nào, phải dâng lên cho Khai Thế.

Khai Thế khi tiếp đặng đơn trạng chi chi của Tiếp Thế dâng lên, thì phải kiếm hiểu các nguyên do coi có đáng buộc án cùng chăng, như đáng thì nhứt diện tư tờ qua Cửu Trùng Ðài cho biết nội vụ, nhứt diện dâng sớ cho Hộ Pháp cầu Người mời hội Hiệp Thiên Ðài đặng định đoạt. Khi đặng lịnh của Hiệp Thiên Ðài thì Khai Thế phải dâng nội vụ lên cho Hiến Thế.

Hiến Thế khi tiếp đặng nội vụ của Khai Thế dâng qua, thì tức cấp phải đi tra xét cho đủ chứng cớ rõ ràng rồi dâng lên cho Bảo Thế. Cấm nhặt không cho Hiến Thế thông đồng cùng Hiến Pháp và Hiến Ðạo.

Mỗi việc chi hễ vào tay Hiến Thế rồi thì đã ra bí mật, dầu cho Chức Sắc Hiệp Thiên Ðài cũng không biết tới nữa.
Bảo Thế phải giữ gìn sự bí mật ấy cho kín nhiệm rồi chiếu y theo Ðạo Luật và Thế Luật mà làm tờ buộc án, kế dâng lên cho Thượng Sanh đặng người đến Tòa Tam Giáo Cửu Trùng Ðài, Hiệp Thiên Ðài hay là Bát Quái Ðài mà buộc tội.

 Bảo Thế là người Ðầu Phòng Văn của Thượng Sanh. Thượng Sanh là cây cờ của Thế, tức là Ðời, ấy vậy đời nơi nào thì Thượng Sanh nơi đó. Người có quyền xem xét kẻ hành đạo coi Thánh Ðức có đắc nhơn tâm cùng chăng, nhược bằng kẻ ấy thể Ðạo không đủ tư cách, thì Người có quyền dâng sớ cầu xin thuyên bổ.

Thượng Sanh đối quyền với Chưởng Pháp bên Cửu Trùng Ðài.
Hiệp Thiên Ðài là luật lệ, mà Thượng Sanh lại là Chánh Trị, ấy vậy là người của Cửu Trùng Ðài nơi Hiệp Thiên Ðài. Thượng Sanh và Tứ vị Thời Quân về chi Thế, cũng phải thề giữ dạ vô tư mà hành chánh.

Ngoài Pháp Chánh Truyền, dưới quyền Hộ Pháp thì còn:
- Bảo Văn Pháp Quân (Arts et Belles Lettres) trước Thầy phong đỡ làm Tiếp Lễ Nhạc Quân nay đã vào chánh vị đặng chỉnh đốn Lễ Nhạc lại cho hoàn toàn, cho tới ngày thành Ðạo.
- Bảo Sanh Quân (Assistance publique) Thầy đương phong đỡ làm Tiếp Y Quân đặng đợi tới ngày thành Ðạo.
- Bảo Học Quân (Enseignement) và nhiều Chức Sắc khác nữa Thầy chưa lập.
Các vị ấy Hộ Pháp còn đương chờ đến.

PCT:  "Thầy khuyên các con  lấy  tánh    tư mà hành đạo, Thầy cho các con biết trước rằng: Hễ trọng quyền thì ắt có trọng phạt".
CG: Vì lời khuyên của Thầy mà Ðức Lý Giáo Tông xin buộc cả Chức Sắc Hiệp Thiên Ðài phải Minh Thệ giữa Hội Thánh rằng: Lấy dạ vô tư mà hành Ðạo, lại muốn tỏ ra rằng: Chức Sắc Hiệp Thiên Ðài thật trọng quyền, Ngài mới ban dây sắc lịnh, buộc cả Tín Ðồ và cả Chức Sắc Thiên Phong, hễ mỗi Chức Sắc Hiệp Thiên Ðài mang dây sắc lịnh vào mình mà hành chánh nơi nào, thì phải tuân mạng, dầu lỗi quấy cũng phải chiều theo, chỉ để cho Hội Thánh có quyền định tội, lại buộc cả Chức Sắc nào đã thọ quyền của Hiệp Thiên Ðài cũng phải Minh thệ, y như vậy mới đặng hành chánh. (Bảo Văn Pháp Quân cũng phải vậy nữa nghe.. )(5)

LUẬN ĐẠO
A- Tam  đầu chế  Hiệp Thiên Đài
 “Hiệp-Thiên-Đài là nơi Thầy ngự, cầm quyền Thiêng Liêng mối Đạo, hễ Đạo còn thì Hiệp-Thiên-Đài còn”.
 “Hiệp-Thiên-Đài dưới quyền Hộ-Pháp Chưởng quản: Tả có Thượng-Sanh, Hữu có Thượng-Phẩm, phần của HỘ-PHÁP  Chưởng quản về Pháp” (PCT)

   Dưới quyền HỘ-PHÁP có 4 vị:
              - Tiếp-Pháp        - Khai Pháp
              - Hiến Pháp       - Bảo Pháp

   Thượng-Phẩm thì quyền về Đạo, dưới quyền là:
              - Tiếp Đạo        - Khai Đạo
              - Hiến Đạo       - Bảo Đạo

   Dưới quyền Thượng-Sanh có 4 vị Thời quân chi Thế:
              - Tiếp Thế        - Khai Thế
              - Hiến Thế        - Bảo Thế

Hiệp-Thiên-Đài là cơ quan Lập Pháp của Đạo, là nơi để thông công cùng Đức Thượng Đế và các Đấng Thiêng liêng bằng Cơ Bút do Chức Sắc Hiệp Thiên Đài phò loan để tiếp các Thánh Ngôn và luật pháp Đại-Đạo của các Đấng Thiêng liêng giảng dạy.

Hiệp-Thiên-Đài là nơi hội hiệp của người hữu hình với Đức Chí Tôn hay Thần, Thánh, Tiên, Phật là Đấng vô hình qua Cơ Bút.
- Đức Chí Tôn Chưởng quản về vô vi,
- Hộ Pháp Chưởng quản Hiệp Thiên Đài, có hai sở dụng:

* Thiêng liêng quan hệ đến Cơ Bút, và:
* Phàm trần giữ nhiệm vụ Tư Pháp và Lập Pháp trong Tôn giáo.

Pháp Chánh Truyền Chú giải ghi rõ Hiệp Thiên Đài:
“Hiệp-Thiên-Đài là nơi Thầy ngự cầm quyền thiêng liêng mối Đạo” (Phẩm Giáo Tông của Cửu Trùng Đài muốn cầu Đức Chí Tôn hay các Đấng Thiêng liêng phải đến Hiệp Thiên Đài).
“Hiệp-Thiên-Đài là Chơn Thần của Đạo (là trung gian của bát Quái Đài và Hiệp Thiên Đài)
“Hiệp-Thiên-Đài là tay vén mán bí mật cho hữu hình và vô vi hịêp làm  một.
“Hiệp-Thiên-Đài là luật lệ (đối với Cửu Trùng Đài là chánh trị). Hiệp-Thiên-Đài là cơ quan bảo thủ Luật Pháp chơn truyền của Đạo.
Hội Thánh Hiệp-Thiên-Đài gồm các Chức sắc Thiên theo phẩm trật.
- Hộ Pháp Chưởng quản Hiệp Thiên Đài và bảo hộ luật Đời cùng luật Đạo (đứng giữa)
- Thượng Phẩm lo về mấy Thánh Thất và Tịnh Thất (đứng bên hữu của Hộ Pháp)
- Thượng Sanh lo về  phần Đời của Đạo (bên tả)
- Thập Nhị Thời Quân thuộc ba Chi: PHÁP-ĐẠO-THẾ, dưới quyền của Hộ pháp, Thượng phẩm, Thượng Sanh.

Mười lăm (15) phẩm này được ban dây Sắc lịnh. Khi hành Đạo có mang dây Sắc lịnh vào thì được tòan quyền, không một bậc phẩm nào có quyền vi lịnh.

Dây Sắc lịnh là gì?
E: A three coloured sash of commander
F: Une écharpe tricolore de commandement

 (Sắc lịnh là mệnh lệnh của Đấng Thượng Đế ban ra- ở đây người thay Trời ấy là Hộ Pháp-Dây Sắc lịnh là một đọan vải dải gồm ba màu Đạo:vàng, xanh, đỏ, tượng trưng Chưởng quản Tam Giáo:Nho- Thích- Đạo nơi mình; nghĩa là nắm trọn Thể pháp và Bí pháp để thống nhất về một mối. Vì chủ trương của Đạo Cao Đài là qui Tam hiệp Ngũ)

* Về sau có thêm Thập Nhị Bảo quân và các bậc phẩm từ Tiếp Dẫn Đạo Nhơn đến Luật Sự.
Một Chức Sắc hành Đạo chịu hai sự sắp xếp: theo riêng Đài của mình và theo Hội Thánh Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ. Chức sắc Nam và Nữ của Hiệp Thiên Đài tùy nhu cầu và sở năng mà phân bố vào ba Chi: Pháp, Đạo, Thế.
- Chi Pháp: Hộ Pháp Chưởng quản Hiệp Thiên Đài kiêm luôn Chi Pháp. Chi Pháp có bốn vị Thời Quân: Tiếp, Khai, Hiến, Bảo. Dây Sắc lịnh thả mối ở giữa.
- Chi Đạo:Thượng Phẩm Chưởng quản Chi Đạo có 4 Thời Quân:Tiếp, Khai,Hiến, Bảo.Dây Sắc lịnh thả mối bên phải.
- Chi Thế: Thượng Sanh Chưởng quản Chi Thế có 4 Thời Quân: Tiếp, Khai, Hiến, Bảo. Dây Sắc lịnh thả mối bên trái

Vậy cơ quan Hiệp Thiên Đài  có ba Chi, mỗi Chi có 4 Thời quân (3x4=12). Gọi là Thập Nhị Thời quân hay Thập Nhị Chơn Quân ứng với Thập Nhị Thời thần, 12 là số riêng của Thầy. Cộng thêm 3 vị Chưởng Quản đứng đầu ba Chi nữa thành ra (12+3)=15 là con số Ma phương trong Bát Quái Đồ Thiên, cũng là con số hữu hình của Phật Mẫu điều hòa vũ trụ, Hộ Pháp là người nắm PHÁP.

Số 3 thuộc Tam Tài thật huyền diệu:
Xem như ngôi thứ đã định phân trật tự, nghiêm minh:
- Bát Quái Đài  thuộc về       THẦN
- Hiệp Thiên Đài  thuộc về   KHÍ
- Cửu Trùng Đài  thuộc về   TINH

Nguyên lý:  Số 3 là do 1 với 2 hỗn-hợp lại mà biến ra 3. Ba tức là cơ  quan hữu tướng cùng vô tướng hiện có ở Càn-Khôn vũ-trụ này. Tánh chất đặc-biệt của con số 3: là số nửa tịnh, nửa động, nhưng phần động nhiều hơn. Số 3 chỉ cơ biến tướng và vi-chủ vật-loại thuộc quyền Tăng. Số ấy có đặc-tính năng động, biến đổi. Vạn hữu mang số 3 thì chất nóng-nảy nhưng vì có phần tịnh nên cũng biết dung hòa. Số 3 là cơ sở của Tam thể: PHẬT- PHÁP- TĂNG nên nó vừa có năng-lực huy-động mà cũng vừa có năng-lực dung hòa. Vật nào có số 3 là vật ấy có bản-thể cứng-rắn, nhiều  hoạt  động.
&

B - Khai-triển Bát-Quái Đồ Thiên qua cơ-quan Hiệp-Thiên-Đài. 

Giáo Tông và Hộ Pháp đều làm chủ Bát Quái Đồ Thiên:       
-Hiệp-Thiên-Đài phải dưới quyền Hộ-Pháp Chưởng-quản, - Cửu-Trùng-Đài dưới quyền Giáo Tông  Chưởng-quản
- Bát-Quái-Đài dưới quyền Đức Chí-Tôn Chưởng-quản.     
Nhìn vào Bát Quái này ta thấy ngay một bảng ô số, đó là những con số ứng với các quẻ. Tỷ như số 1 là Khảm, 2 là Khôn, 3 là Chấn, 4 là Tốn, 5 ở chính giữa (ngũ trung), 6 là Càn, 7 là Đòai, 8 là Cấn, 9 là Ly. Đây gọi là con số Ma phương. Sở dĩ có các con số tương ứng này là lấy theo số của Bát Quái Hậu Thiên mà tiền Thánh đã lập ra trước đây 6.000 năm. Do vậy mà Bát Quái Hậu Thiên chỉ có 9 số.

Dịch quan trọng ở Nho, Y, Lý, Số.
Ở đây Số đã chiếm một phần trọng yếu để giải về lý đạo, trong chương này chúng ta bàn về Số nhiều hơn.
1 - Quyền-hành HỘ-PHÁP nắm số 15

Hộ-Pháp “Là người nắm trọn cả luật Đạo và luật Đời đặng xử đoán, làm chủ phòng xử-đoán. Dưới quyền  HỘ PHÁP có 4 vị Thời-quân là: Tiếp-Pháp, Khai-pháp, Hiến Pháp, Bảo-pháp". Đồng thời Hộ Pháp đứng đầu cà ba Chi: Pháp, Đạo, Thế; Chưởng Quản Hiệp Thiên Đài.

Dùng đồ hình làm biểu tượng ba Chi: luận: Dùng đồ hình làm biểu tượng        
- Chi Pháp: Hộ Pháp đứng đầu 4 Thời quân (cả thảy 5 vị)
- Chi Đạo: Thượng Phẩm đứng đầu 4 Thời quân (5 vị)
- Chi Thế: Thượng Sanh đứng đầu 4 Thời quân (5 vị)

Mỗi vòng tròn tượng trưng 5 người, cộng chung  15 người.
Ba vòng tròn trên có tâm mang chữ:
- Thượng-phẩm là người nắm quyền chi Đạo, dưới có 4 vị.
- Hộ-Pháp: là người nắm quyền chi Pháp, dưới có 4 vị.
- Thượng-Sanh: người nắm quyền chi Thế, dưới có 4 vị.

Như vậy 3 vị: Thượng-Phẩm, Hộ-Pháp, Thượng Sanh là ba vị Tướng-soái của Chí-Tôn, 12 vị mang chữ ĐẠO, PHÁP, THẾ là 12 vị Thời-quân. Nói chung là Ngự Mã Thiên-Quân của Đức Chí-Tôn đó vậy, cộng chung là 15 người. Con số 15 này có mặt trong Bát-Quái Đồ Thiên và đóng một vai trò vô cùng quan-trọng.

Số 15 là hình ảnh của:
- Trời có     Tam-bửu  Ngũ khí.
- Đất có      Tam-bửu  Ngũ hành.
- Người có Tam-bửu  Ngũ tạng.
- 3 lần con số 3 là 9 là con số Lão Dương chỉ quyền năng của Thượng-Đế.
- 3 lần con số 5 là 15, là con số điều-hoà Càn-Khôn vũ-trụ, là hình ảnh của Phật-Mẫu nắm cơ sản-xuất Bát phẩm chơn hồn, sanh biến vạn-linh.

Ngoài ra Hộ-Pháp còn Chưởng-quản Hiệp Thiên Đài nữa. Thế nên Ngài thay quyền cho Phật Mẫu về hữu hình.
Hiệp-Thiên-Đài dưới quyền Hộ-Pháp chưởng  quản, tả có Thượng-Sanh, hữu có Thượng-Phẩm, phần của Hộ Pháp Chưởng-quản về PHÁP.

2 - Ý nghĩa các ngày Lễ Đạo qua các con số:
- Ngày lễ Hội-Yến Diêu-Trì-Cung:  15-8 Âm lịch
- Ngày Khai Đại Đạo: 15-10-Âm lịch
- Ngày Đại lễ Đức Chí Tôn: 9-1-Âm lịch
- Ngày vía Đức Thái Thượng Lão quân: 15-2- Âl     

“Nhị ngọat thập ngũ phân tánh giáng sanh” (ngày rằm tháng 2 Ngài phân tánh giáng trần) là ngày Vía của Đức Ngài. Nhìn vào Ma phương số sẽ thấy hai số này: số 15 như đã nói trên, số 2 là Âm dương nhị khí hai bên đó.
 (Xem lại trang 91, có giải rõ về số Ma phương)

Ý-nghĩa các ngày Lễ Vì đâu mà ta xác-định các con số ấy là những ngày Đại-lễ nơi Toà-Thánh Tây-Ninh, là những ngày trọng đại của nền Đại-Đạo này?

Dẫn-giải: Thứ nhất ai cũng nhìn-nhận rằng:
- Trời có Tam bửu, Ngũ Khí (Tam bửu là Nhựt, Nguyệt, Tinh; Ngũ khí là vân (mây), vũ (mưa), vụ (sương), lôi (sấm), oanh (sét).
- Đất có Tam bửu, Ngũ Hành (Tam-bửu là Thủy, Hỏa, Phong; Ngũ Hành là Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ)
- Người có Tam bửu, Ngũ tạng (Tam-bửu là Tinh, Khí, Thần; Ngũ-tạng là Tâm (tim), Can (gan), Tì (bao-tử), phế (phổi), thận (quả cật).

Nếu nhìn vào Tam-tài (trời, đất, người) như trên họp lại thì 3x3=9, còn  3x5=15. Con số 9 là Lão dương, cực mạnh, sáng-soi khắp cùng vũ trụ.

Bởi số 9 là số huyền-diệu nhiệm-mầu hơn hết. Số 9 là cơ chuyển-biến đến mực độ tận thiện, tận mỹ, toàn tri, toàn năng. Số 9 bằng 3x3 tức là cấp bực Tam ngôi biến hóa, vận-hành suốt thông trời đất. Đến số 9 là đến chỗ tột cùng vận-động để hợp về cơ qui nhất. Cùng cực cái động tức nhiên phải trở về trạng-thái tịnh nguyên-thủy là 1

Số 1 là số đầu tiên sau số 0, tức là cái nguồn sinh hoạt trước nhứt để biến vi hữu tướng hiện có ở Càn Khôn.

* Thế nên hai con số 9 và 1 này đều là số Dương cả để chỉ vào quyền-uy tối thượng là Thượng-Đế, chứ Ngài là Đấng tự-hữu, hằng hữu; tức là không sanh cũng không diệt, do lấy đó làm  ngày Đại-lễ Đức Chí Tôn ngày 9 tháng 1 (giêng) thuần Dương là vậy.   

Hơn nữa qua ba thời-kỳ mở Đạo, mà nay là Tam Kỳ Phổ-Độ tức nhiên là con số 3 tròn đầy, Ngài mới đến.

Con số 3x5=15 là số điều-hòa vũ-trụ. Nếu tính hàng ngang thì bằng 1+5=6. Bởi 1 là Thái-cực đứng trước Ngũ hành, tức là Càn Khôn đã an-vị rồi, nhờ có Thái-cực đun đẩy thêm cho nên năng-tri sáng-suốt, mọi việc đâu đó xong-xuôi hết, đã được an-bày có thứ-lớp, trật-tự hẳn-hoi.
Do vậy mà Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ có 6 chữ.
(hình ảnh của Tam Âm tam Dương)

* Hơn nữa Phật-Mẫu có Bát-Cảnh-cung, thế nên 15 và 8 là hai con số tương-hiệp lại biến-hóa vô cùng, lấy ngày 15 tháng 8 làm ngày đại Lễ Đức Phật-Mẫu, là ngày Hội-Yến Diêu Trì-Cung chỉ tổ-chức nơi Toà-Thánh Tây Ninh này mà thôi.Vì Đạo  xuất nơi đây. 

* Số 10 là số hiền-hòa, đầm-ấm, lặng-lẽ, bình-an; hợp với số 15 ở trên lấy làm ngày khai Đạo, ngày 15-10 năm Bính-Dần (dl: 19-11-1926).

Niềm vui cho nhân-loại được sớm hưởng hòa-bình hạnh-phúc thật sự và nền Đại-Đạo này sẽ  đi đến Đại Đồng thế giới, nhiệm-kỳ đến bảy trăm ngàn năm (gọi là Thất ức niên). Ấy là sự trường-tồn, vĩnh-cữu của nền Đại-Đạo vậy.

3 - Chữ ĐIỀN Chính là “Tâm điền”

Bảng ô số này đã xác định Tâm Bát quái là chữ Điền, “Tâm điền" là nói cái tâm đạo đức gieo giống Nhân Nghĩa.

Tại sao Bà Thanh-Tâm Tài-Nữ nói:
Ruộng sẵn, giống  sẵn, cày bừa sẵn, duy có ra công làm cho đất phì-nhiêu, đặng cho buổi gặt hưởng nhờ, mà không chịu làm thế thì phải diệt tận chơn linh?

Bởi ngày nay Đức Thượng-Đế đến mở Đạo là đã cung-ứng tất cả nhu-cầu cần-yếu cho nhân loại rồi, đã cho mảnh vườn cây có trái (Ấn kiết quả), người chỉ lo vun gốc bón phân (Tam lập) là hưởng nhờ ngay. Nếu người không tu học  giống  như một mảnh vườn  hoang  chỉ có  sâu  bọ, rắn rít trú ngụ, làm sao tâm hồn trong sáng ?

Chính ngày nay Đạo tìm người, khác hẳn ngày xưa là người phải đi tìm Đạo.
Buổi đầu Đức Hộ Pháp nói về Đức Quyền Giáo Tông “Ngài luôn luôn đi các nơi để Phổ-Độ chúng sanh, nhứt là trước ngày mở Đạo, Đức Chí-Tôn sai hết chúng tôi, tức Thập nhị Thời-quân đi phò-loan cùng hết, không chỗ nào không có Cơ bút, người thì xuống miền Tây, người thì đi miền Trung, đi cùng hết. Thâu môn-đệ xong, Thầy dạy chúng tôi về Tây Ninh mở Đạo”.

 Điều ấy đúng thật chúng ta “duy có ra công làm cho đất phì-nhiêu đặng cho buổi gặt hưởng nhờ” tức là Chí-Tôn đã nhắc-nhở rằng:
 “TA nói cho chúng sanh biết rằng: Gặp Tam-kỳ Phổ Độ này mà không tu, thì không còn trông mong siêu rỗi”

Hoặc:
 “Con chỉ có TU mà đắc Đạo. Phải ngó đến hằng ức, thiên, vạn kẻ nhân-sanh chưa đặng khỏi luân-hồi, để lòng Từ-bi độ rỗi kẻo tội-nghiệp”.

Kinh Di-Lạc cũng nói rõ “Bá thiên vạn kiếp nan tao ngộ”, tức nhiên đã có đến hàng trăm, hàng ngàn, hàng muôn kiếp, nhơn-sanh trước đây chưa được hân-hạnh gặp được Đại-Đạo là Kỳ Đại ân-xá như ngày nay. Lại nữa thời kỳ trước, Tam giáo Thất kỳ truyền: tu nhiều mà thành ít.

Chữ thập trong Bát-Quái:
Là hai trục chánh trong Bát-Quái, đó là Càn Khôn vũ-trụ còn biểu-tượng bằng chữ  Thập (gọi là thập tự nhai).

 Thử hỏi VŨ-TRỤ là gì? -Tiên-Nho nói: “Tứ phương thượng hạ viết VŨ, cổ vãng kim lai viết TRỤ” nghĩa là bốn phương cùng trên dưới gọi là vũ, xưa qua nay lại gọi là trụ, nói chung gồm cả không-gian lẫn thời-gian. Như thế nhìn về phương hướng thì có bốn phương chánh là: Đông, Tây, Nam, Bắc, cùng với phía trên đầu và dưới chân nữa là sáu. Ngoài ra còn có 4 phương phụ, tức là Đông-Nam, Tây Nam, Đông-Bắc, Tây-Bắc; cả thảy mười phương là vậy. Số 10 gọi là “thập”.

Đạo Công-giáo lấy “Thập-Tự-giá” làm biểu-tượng cũng đủ cho thấy rằng Đạo Thánh là nồng-cốt đứng trong Tam-giáo, vì vậy Chúa chịu nạn cho nhân-lọai, là bị đóng đinh trên Thánh-giá để gánh cả khổ-ách của nhân-lọai. Thì chúng-sanh đến thế này phải qua “năm bước khổ” đó chỉ là bài học tiến-hóa: Tùng khổ, Thắng khổ, Thọ khổ, đến Giải khổ và Thóat khổ, để được về  gần với Thượng-Đế.

Giải về thập phương, trong Cao-Đài Thầy có nói rõ: “Dưới 36 từng trời còn có một từng nữa là Nhứt mạch đẳng tinh-vi gọi là Niết-Bàn. Chín từng Trời gọi là Cửu thiên khai-hóa, tức là 9 phương Trời cộng với Niết Bàn là 10; gọi là Thập phương chư Phật. Gọi chín phương trời mười phương Phật là đó".         

Hỏi: Trời lớn hay Phật lớn? Đức Chí Tôn xác nhận:
Chín Trời mười Phật cũmg là TA,
Truyền Đạo chia ra nhánh nhóc ba.
Hiệp một chủ quyền tay nắm giữ,
Thánh Tiên Phật-Đạo vốn như nhà.

Tóm lại: Trời là quyền uy tối thượng, dẫu vị Phật nào cũng là con của Trời mà thôi.!
Chữ thập trong Bát-Quái là một yếu-tố rất quan trọng như cây cột để giữ vững cho ngôi nhà. Trước đây các Đấng tiền Thánh làm Dịch như Phục-Hi, Văn-Vương, Châu-Công, Khổng-Tử lần-lượt bổ-sung cho bộ Dịch được hoàn thành đến ngày nay, duy  chỉ    hai Bát-Quái:

Tiên-Thiên Bát-Quái và Hậu-Thiên Bát Quái thì lấy hướng Nam Bắc làm trục đứng, Đông Tây làm trục ngang. Nhưng ngày nay Đức Chí-Tôn mở Đạo Cao-Đài có thêm hai Bát-Quái nữa cũng lấy hai Bát-Quái trên làm căn-bản mà đổi trục đi là Đông Tây làm trục đứng và Nam Bắc làm trục ngang, mà con đường vận-hành của Bát Quái Cao-Đài là nghịch-chuyển, tức nhiên lấy Đền-Thánh làm chuẩn để định phương-vị cho Bát-Quái Cao-Đài, đồng thời là nơi chứa đựng tất cả Bí-pháp nhiệm-mầu đều đặt để nơi đây.

Tóm lại: phương tu-hành cũng nơi đây, mà con đường trở về cõi Niết-Bàn cũng là  đây. Thầy có dạy rành:
 “Muốn trọn hai chữ Phổ-độ phải làm thế nào? Thầy hỏi. Phải bày Bửu-pháp chớ không đặng giấu nữa” (TNI/ 15).
Bày ở đâu? -Ở Toà-Thánh Tây-Ninh. Thầy dạy:
 “Con nghe: nơi nào Thầy ngự, thì nơi ấy là Thánh Địa…chi chi cũng tại TÂY NINH đây mà thôi” (TNI/ 98)

Nếu hỏi “chi chi cũng tại Tây-Ninh đây” là gì?
- Tất nhiên Đền-Thánh Cao-Đài Tòa-Thánh Tây ninh nơi miền Nam Việt-Nam ngày nay là Tòa ngự của Đức Chí-Tôn, tượng-trưng Bạch Ngọc-Kinh tại thế.

“Đây là Tòa-Thánh là nơi Đức Chí-Tôn đến, nhất định lập ngôi vị của Ngài trong mọi sự cố-gắng của con cái Ngài, tượng-trưng khối tinh thần vững chắc, thì có ai đủ quyền-năng nào mà diệt được.

Đền-Thánh kể từ đây không còn ai xem nó là vôi, cát, xi-măng nữa, mà là một khối đức-tin của toàn con cái của Đức Chí-Tôn đã tượng nên hình đó vậy.

Từ đây một sắc dân nào có đủ đức-tin nơi Đức Chí Tôn là Chúa-tể vạn loại thì dầu ở nơi phương trời nào, họ sẽ hướng về Đền-Thánh mà cầu-nguyện hằng ngày, hằng giờ để mong hưởng phước lành của Ngài…

Đức Chí-Tôn cũng dùng bí-pháp mà lập Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ để ứng nghiệm cái quyền-năng  nơi quả địa-cầu 68 này để bảo-tồn cơ sanh-hóa, vì Ngài là Chúa sự thương-yêu, mà vì thương-yêu mới có sanh sanh hóa hóa. Vậy nên Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ do Bí-pháp mà lập thành.

Đền-Thánh là nơi Thầy ngự tại thế, cũng do Bí pháp mà biến tướng ra. Ấy vậy Đền-Thánh này là nơi chứa tất cả Bí-pháp của Đấng Chúa-tể Càn Khôn ấy”. 

Dầu một dân-tộc nào muốn nghiên-cứu về Tôn-giáo Cao-Đài thì phải đến Tòa-Thánh Tây-Ninh này mà thôi, vì nơi đây đã thành hình TÂN LUẬT và PHÁP CHÁNH TRUYỀN là phương để truyền Chánh-pháp.

Đức Hộ Pháp nhấn mạnh: “Qua nghĩ cái độc tâm của người có những quỉ quyền tưởng đâu sẽ tiêu diệt Thánh Thể của Đức Chí Tôn. Qua nói thiệt, nếu dưới mặt thế gian nầy tiêu diệt cả Thánh Thể của Đức Chí-Tôn được, thì không còn ai nữa. Từ Tín Đồ đến Hội Thánh chẳng hề khi nào tiêu diệt nó được, kẻ nào muốn tiêu diệt Đạo Cao Đài tốt hơn đừng sanh ra bởi chẳng hề khi nào muốn tiêu diệt Đạo đặng, khuôn luật vẫn vậy”.

 Vì sao? –Ví đây là Đạo Trời, 5 chữ “tiêu diệt” cho thấy là Đạo của Thế giới Đại Đồng, là tâm cũa vũ trụ, không dễ !

Hôm nay Đạo Trời để cho quỉ quyền đến phá tiêu cái Thể pháp, thanh lọc Thánh Thể của Chí Tôn, cơ ngừng nghỉ là giấc ngủ dài; khi tỉnh thức sẽ họat động mạnh hơn nữa.

4 - Tam Châu Bát Bộ Hộ Pháp Thiên Tôn là gì ?
Nhân sanh niệm danh Đức Hộ pháp qua câu “Tam Châu Bát Bộ Hộ-pháp Thiên Tôn”. Tám chữ là xác định quyền năng của Hộ-Pháp trong buổi Tam Kỳ này rất nên yếu trọng là nắm cả hai Bát-Quái: Bát Quái Đồ Thiên và Bát-Quái Hư vô mà chính Ngài được thiêng liêng phong tặng “Hộ-pháp Chưởng Quản Nhị Hữu Hình Đài” (8 chữ).
số 8 là “Qui Nguyên Tam Giáo Phục Nhứt Ngũ Chi” vậy.

Quyền hành của Hộ-Pháp là coi cả Tam Châu và Bát bộ. Ngài cho biết : lẽ ra phải niệm danh Ngài là “Tam Thiên Thế giới Hộ Pháp giáng lâm”bởi trên chiếc mão của

Ngài có bửu pháp là “cái chĩa ba ngạnh” thể chữ Sơn nhưng vì quen niệm nên giờ này không sửa lại.
- Sao gọi là Tam châu?
Đức Ngài giải:“Trong Tứ đại Bộ châu ở phần thiêng liêng thì Hộ Pháp nắm ba châu: Đông thắng Thần châu, Tây Ngưu hạ châu, Nam-thiệm Bộ châu, đều thuộc về quyền-hạn của Hộ-Pháp; còn Bắc cù Lư châu để cho các phần chơn-hồn quỉ vị họ định phận tại nơi đó, định nơi cư trú tại đó. Họ có một quyền-năng vô định chẳng cần chỉ giáo, để đặc biệt một Châu cho quỉ-vị ăn-năn tu học đặng đoạt vị. Ba bộ Châu kia do quyền-hạn của Hộ-Pháp giáo hóa, duy có Bắc cù lư châu Ngài không thường ngó tới lắm, để cho họ tự-do làm gì thì làm: khôn nhờ dại chịu.

- Bát bộ là gì ?
"Là nơi Bát phẩm chơn-hồn chớ có chi đâu ! Tám hồn là: vật-chất-hồn, thảo-mộc-hồn, thú cầm-hồn, nhơn hồn, Thần-hồn, Thánh-hồn, Tiên Hồn, Phật-hồn. Tám bộ ấy thuộc quyền HỘ PHÁP THIÊN-VỊ nơi Đức Chí-Tôn gọi đến tạo cơ-quan tận độ chúng sanh không còn ai khác hơn Hộ-Pháp. Chính Hộ-Pháp trách-nhiệm ấy".

5 - Đức Chí Tôn cho thi là xác định quyền hành
Đức Thượng Sanh nói: “Nhớ lại hồi hạ tuần tháng 7 năm Ất-Sửu (1925) ba ông thỉnh bàn ra (lúc này hơi in như say Đạo) tính Xây bàn cầu cô Quế về dạy thi văn, ba ông để tay thì bàn dở hổng lên có một Ông giáng, tôi hỏi tên gì? Thật rất lạ-lùng xưng là AĂÂ, gõ bàn làm một bài thi như dưới đây:
“Ớt cay cay ớt gẫm mà cay,
“Muối mặn ba năm muối mặn dai.
“Túng lúi đi chơi nên tấp lại,
“Ăn bòn chẳng chịu tấp theo ai”.

    Ông Phạm-Công-Tắc nghe dứt câu liền nói với Ông Cư:
   - Thôi Anh ! Ai đâu mà nói tiếng gì khó nghe quá. Sao lại không có tên mà xưng là AĂÂ ?

  Ông Cư nói với ông Phạm-Công-Tắc:
 - Ậy, Em ngồi lại cho Qua hỏi, vị này không phải tầm thường đâu Em!

Ông Cư hỏi:  - Ông AĂÂ mấy chục tuổi?
Ông AĂÂ gõ bàn, đếm hoài không ngừng, đếm đến mấy trăm cái mà cũng không thôi. Liền đó ông Cư ngưng lại không dám hỏi nữa và kiếm hiểu ông này ở trển chắc lớn lắm !.

Từ đó về sau có vị nào giáng cho thi thì cầu ông AĂÂ xin giải-nghĩa” (Đạo-sử xây bàn).

Luận:
Về tính lý của: - “Ớt cay” thuộc dương tính.
- “muối mặn” thuộc âm tính.

Trong câu “Ớt cay, cay ớt, gẫm mà cay” có ba chữ “cay” tức nhiên tượng trưng ba hào dương ấy là quẻ CÀN, Càn vi thiên (Càn là trời).

Câu nhì “Muối mặn ba năm muối mặn dai”. Có đến hai chữ “mặn” như vậy là đã đến lúc khai thông lý âm dương, tham thiên lưỡng địa (tức là trời 3 đất 2) Cũng gọi là Tam Thiên Lưỡng địa,  là quẻ Càn 3 hào dương (3 vạch), quẻ Khôn có 3 hào âm, nhưng có 6 vạch, gấp 2 lần quẻ Càn, mới gọi là trời 3 đất 2 là vậy.

Hai quẻ Càn Khôn làm đầu mối của vạn-vật, đó là sự biến-hóa của Dịch. Khi đã biến thì thiên hình vạn trạng.

1 - Trước tiên là tam Âm, tam Dương:
Với 3 nét liền quẻ Càn và 3 nét đứt của quẻ khôn nếu đặt liền nhau cũng sẽ tạo thành một tam-giác đều có 3 cạnh và 3 góc bằng nhau; đặt chồng lên nhau sẽ có được hình ngôi sao sáu cánh. Cả hai tam-giác này đều nội tiếp trong vòng tròn. Tâm 0 của vòng tròn chính là tâm của tam giác là nơi hiệp các giao điểm của ba đường phân giác, cũng là trung-đoạn hay trung tuyến của các tam giác trên. Đây chính là ngã ba chờ Thầy tức là phải Trung với Đạo, Hiếu với Chí-Tôn và Phật Mẫu.Thương yêu vô tận ấy là chìa khóa để mở cửa Bát Quái Đài tại thế.

Từ một quẻ CÀN hay quẻ KHÔN đã làm nên tam giác đều, ấy là một mà ba, mà ba cũng là một, đó cũng là lý: Một sanh ba, ba sanh vạn-vật, thuộc về cơ quan chưởng quản. Hình sao sáu cánh là chỉ Âm Dương hiệp nhứt.

Quyền Chí-linh đối phẩm với quyền Vạn linh. Chí linh là cơ qui nhứt, nên đầu nhọn quay lên; Vạn-linh là cơ tấn hóa, đầu nhọn quay về phía dưới. Chí-linh và Vạn-linh vốn đồng quyền nhau. Bấy giờ vòng tròn chính là Càn Khôn vũ trụ, tâm 0 là chỉ một quyền-uy tối thượng mà Hộ Pháp là nắm chi Pháp và Chưởng-quản cả Hiệp Thiên-Đài.

2 - Huy-hiệu của Hộ-Pháp ngôi sao sáu cánh
Đức Hộ-Pháp khi còn sanh tiền Ngài có cho làm một huy hiệu hình sao sáu cánh sơn màu vàng, giữa có ba sọc đỏ, chính giữa ngôi sao có ảnh Đức Ngài đầu đội mão trắng, hình bán diện, phía trên bức hình có 4 chữ đặt theo hình vòng cung “Đảng phái thống nhứt” (ĐPTN), phía dưới bức hình có 5 chữ cũng đặt theo hình vòng cung nghịch lại: “Giáo-chủ Phạm-Công-Tắc”(GCPCT)
Chung quanh các cánh ngôi sao đều có đặt vào đó một chữ Nho, nghịch chiều với kim đồng hồ, khởi ở cánh sao trên, phía bên phải (nhìn đối diện) là các chữ:
Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ
Ý- nghĩa hình sao sáu cánh là nói lên lý  tam Âm tam Dương tạo thành Càn Khôn vũ-trụ. Sáu chữ là danh hiệu của nền Tân Tôn-giáo này mà Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế làm Chúa tể.
- Màu vàng là nói lên nền Đại-Đạo là Phật-giáo chấn-hưng.
- Ba sọc đỏ là Tam giáo qui nguyên (Phật, Tiên, Thánh), nếu nhìn theo  nghĩa  hẹp là Nam, Trung,  Bắc  Việt  Nam hòa-hiệp, trong ý nghĩa giòng giống Rồng Tiên “da vàng máu đỏ". Theo Thánh-ý của Chí-Tôn trước tiên, là:
Nam Bắc cùng rồi ra ngoại-quốc.

Chủ-quyền Chơn đạo một mình TA
- Ảnh bán diện của Đức Hộ-Pháp là chứng-tỏ qưyền-uy tối thượng của Ngài là “thay trời tạo thế” nhưng chỉ có nửa quyền mà thôi, bởi Ngài chỉ là Giáo chủ về phần hữu-hình, còn phần vô-vi thì do Đức Thượng-Đế, cho nên chữ Đạo (12 nét) đặt trên đỉnh, chính giữa của ngôi sao; hai bên chữ Đạo là chữ Tam 3 nét và chữ Đại 3 nét, chứng tỏ lý tam âm tam dương đã tạo nên hình tướng. Còn lại ba chữ Kỳ (12nét), tiếp theo là chữ Phổ (12 nét), chữ độ (12 nét); cọng chung là 36 nét (12x3=36). Ấy chỉ ba mươi sáu từng trời. Qua lời  Kinh có nói:
“Ba mươi sáu cõi Thiên-tào,
“Nhập trong Bát-quái mới vào Ngọc-Hư”.

Đồng thời cũng nhắc rằng: trên có Tam Thập lục Thiên, dưới có Tam Thập lục động. Tu là tìm cảnh thăng, tránh cảnh đọa. đôi đường hiển hiện là thế ấy !

Sở-dĩ để các chữ Nho là nêu lên tinh thần Nho Tông chuyển thế; đặt nghịch chiều kim đồng hồ là sự phản bổn hoàn nguyên, tức là Đạo, là trở về nguồn, bởi Thầy có dạy “Tu hành vẫn trái với thế tục, mà trái với thế tục mới đặng gần ánh thiêng liêng”.

Xưa Phật chỉ độ về phần hồn chớ không độ về phần xác, độ Nam chớ không độ Nữ, độ tử mà không độ sanh, cho nên câu niệm “Lục tự Di-Đà” chỉ có sáu chữ mà thôi; đó là “Nam-mô A-Di-Đà Phật”.

Ngày nay Đức Chí-Tôn đến tận độ chúng sanh qui nguyên-vị nên câu niệm có đến 12 chữ,  đó là  “Nam-Mô  Cao-Đài Tiên ông Đại Bồ-Tát Ma-Ha-Tát” nên tượng trưng bằng chữ Đạo có 12 nét  (gồm 6 âm và 6 dương).

Lạy Thầy cũng lạy 12 (ba lạy, mỗi lạy 4 gật). Bởi:“Thập nhị khai thiên là Thầy, Chúa của Càn-Khôn thế giái, nắm trọn Thập nhị thời Thần vào tay. Số 12 là số riêng của Thầy”.

Tấm huy-hiệu này có 7 điểm (6 cánh + 1 tâm) mà điểm giữa là hình ảnh của Hộ-Pháp ngự trị. Số 7 chỉ về người, ứng với số của trời là 1. Trước đây đã nói Giáo Tông cũng đứng chủ trung con số 7 ấy là cơ hiển, tức cơ Âm (Cửu Trùng Đài), giờ này Hộ-Pháp cũng nắm con số 7  là cơ ẩn, ấy là cơ Dương (Hiệp Thiên Đài).
- 4 chữ “Đảng phái thống nhứt” Trên tấm huy hiệu ngoài ý-nghĩa là một nền Tôn-giáo Đại Đồng ra, thì con số 4 là chỉ Tứ âm Tứ dương, để hiệp vào các con số Tam ở trên mới tạo thành Bát-quái,
- 5 chữ “Giáo-chủ Phạm-Công-Tắc” vừa xác-định ngôi vị của Ngài trong nền Đại-Đạo, mà con số 5 cũng để xác định là số “ngũ trung” tức là Tâm của Bát-Quái nữa.
Về sau chính Ông là Hộ-Pháp Phạm-Công-Tắc Giáo chủ Đạo Cao Đài.

Hộ-Pháp làm chủ Bát-Quái Đồ Thiên:
Tam Âm tam Dương và Tứ Âm Tứ Dương hiệp lại sẽ thành Bát-Quái Đồ Thiên mà Hộ-Pháp vi chủ. Trên đây  Giáo-Tông làm chủ Bát-Quái hữu-hình, giờ thì Hộ Pháp làm chủ Bát-Quái vô-vi. Vậy Âm Dương không xa lìa nhau. Khi Giáo-Tông và Hộ Pháp hiệp một là quyền Chí Tôn tại thế. Ngày nay Đạo Cao-Đài dùng Bát Quái Đồ Thiên là hình ảnh của Bát-Quái Hậu Thiên lật ngược lại, đồng thời xoay ngang qua, biến trục Nam Bắc thành Đông

Tây, y như hướng của Đền-Thánh Toà-Thánh Tây-Ninh.
Quả thật bài thơ trên cũng như huy-hiệu ngôi sao sáu cánh đã vẽ nên trách-nhiệm và quyền-hành của HỘ PHÁP mà Đức Chí-Tôn đã giao phó lập thành QUỐC ĐẠO chính là Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ ngày nay đó vậy.

Tóm lại: Bài thơ Thầy cho hai câu đầu là:
 “Ớt cay, cay ớt,  gẫm mà cay"  là xác định 3 nét dương quẻ Càn Tam Dương khai Thái, Càn tượng Trời.
  “Muối mặn ba năm muối mặn dai"  xác định hai lần nét Âm, quẻ KHÔN ,trong ý nghĩa Tham Thiên lưỡng địa.

Ngòai ra ba, năm là con số chỉ Tam Giáo qui Nguyên Ngũ Chi Phục Nhứt là quyền hành tối thượng và tối đại của Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc trong buổi này.

Nếu viết 35 là số tuổi đời của Đức Ngài khi Đức Thượng Đế đem Đạo đến cứu Đời. Ngài theo tiếng gọi thiêng liêng, suốt 35 năm phế đời hành Đạo và quyết ra tay chống đỡ Đạo quyền. Ngài cho 70 năm cũng đủ. !
…Tuổi đã bảy mươi cũng đủ rồi!
Nhớ tiếc sức phàm thừa chống chỏi,
Buồn nhìn cội Đạo luống chơi vơi.
Rồi đây ai đến cầm Chơn pháp ?
Tô điểm non sông Đạo lẫn Đời.

Hai số 3- 5 nếu cộng lại sẽ là 8 chỉ về Bát Quái Cao Đài. Nhưng còn chữ "dai" tức là hơn 1, có nghĩa là "hai". Đây là Đức Ngài nắm cả hai Bát Quái Cao Đài về vô hình (Dương) là Bát Quái Đồ thiên và Bát Quái Hư vô; cũng như Đức Quyền Giáo Tông cũng có nhiệm vụ như Ngài, nhưng cơ hiển (Âm). Âm- Dương hiệp nhứt, hai quyền hành này thống hiệp lại sẽ là Quyền Chí Tôn tại thế.

Hai câu thơ sau cùng:                                                  
“Túng lúi đi chơi nên tấp lại,
 “Ăn bòn chẳng chịu tấp theo ai”

Trong hai câu này là ám chỉ về số không, như:
-  “túng lúi” là không tiền       (0)
- “ăn bòn”  chỉ không tiền,      (0)
- “chẳng chịu tấp theo ai”       (0)

Như vậy có cả thảy là ba con số 0 (không). Nếu viết ba con số 000 rồi đặt số 3 ở phía trước, thành ra 3.000 (ba  ngàn) ấy là chỉ về công-quả của người tu theo Đạo Cao Đài ngày nay là phải lập cho được “ba ngàn công quả”.

Như lời của Trang-Tử nói trong sách Nam-Hoa-Kinh:
- Chí nhân vô kỷ          (0)  quên mình mà lo cho người
- Thần nhân vô công    (0)  không ham công
- Thánh-nhân vô danh (0)  chẳng mến danh.

Một người tu dù ở bậc phẩm nào cũng phải thể hiện cho được "ba ngàn công quả". Ấy là phương-châm hành đạo của người tu mà Đức Chí-Tôn đã ân-cần dặn bảo.
Người tu theo Tôn-chỉ của Đạo Cao-Đài là Phụng-sự.

Bài thuyết-đạo 30-9- Đinh Hợi. Ngài kể lại rằng:
 “Hai chữ Quốc-Đạo lần đầu Chí-Tôn viết ra làm cho Bần-Đạo mờ-mịt, cũng vì hai chữ Quốc-Đạo ấy mà Phạm-Công-Tắc chết năm 35 tuổi, thí thân theo đuổi làm cho ra thiệt tướng.

Ôi, hai chữ QUỐC-ĐẠO là một vật của Bần-Đạo tìm tàng rồi mới biết khôn, khởi điểm biết thương nòi giống, biết thương Tổ-quốc, đeo-đuổi mất còn với cái muốn khát khao từ buổi thanh xuân đó vậy. Tự biết khôn dĩ chí gặp Đạo năm 35 tuổi, Bần-Đạo thấy sao mà phải khát-khao thèm lạt, tại làm sao Chí-Tôn biết thiếu-thốn nơi tinh thần điều ấy mà cho Bần-Đạo? Bần-Đạo ban sơ nghi-hoặc, có lẽ Đấng có quyền-năng thiêng-liêng biết tâm-lý đang nồng-nàn ao-ước, đương thèm lạt khao-khát, đương tìm tàng mà đem ra cám dỗ.

Hại thay! Yếu-ớt đức-tin, ngày nay Bần Đạo ăn năn quá lẽ, 15 năm đã đặng thấy gì? Cả thiên-hạ nói rằng nòi giống Việt-Nam không có Đạo. Lạ-lùng thay, chúng ta tự hỏi có thật vậy chăng?
- Thật quả có chứ! Có nhiều Đạo quá mà thành ra không Đạo, mượn Đạo, xin Đạo của thiên-hạ mà thôi”.  

Thử hỏi tại sao Đức Chí Tôn cho Ngài bài thơ “dị hợm” như vậy ? - Chỉ vì Thánh ý muốn dấu Ngài trong lớp “lá ủ” để cho không bị sự ganh hiền ghét ngõ. Thế mà không khỏi lắm điều pháp nạn súyt đến bỏ thây xứ người!

Câu: 15 năm đã đặng thấy gì? -Quả thật đây là một sự xác nhận về con số Hiệp Thiên Đài chỉ có 15 người mà thôi. Số 15 này lại là số Ma phương trong Bát Quái, chỉ sự thiên biến vạn biến đến vô cùng mà Đức Chí Tôn đã dạy Ngài trong “phép biến thân”. Thử tìm xem nghĩa gì?

Đức Hộ Pháp lập lại lời nói của Thầy rằng: -“Thầy muốn nơi nào có dấu chơn của BA CON đến thì nơi đó hết khổ và Chí Tôn cho biết rằng cái khổ ách của nhơn loại là cùng khắp thế gian, nên Thánh-ý Thầy muốn giao cơ cứu khổ cho con phải làm thế nào nêu ngọn cờ cứu khổ để giải khổ cho nhơn sanh cùng khắp mặt địa cầu nầy”.

Qua không hiểu Qua là thế nào mà khi Thầy biểu Qua phải lãnh làm rồi Thầy sẽ dạy Pháp biến thân con ra vạn ức ... Buổi nọ Chí Tôn dạy phải vưng, chớ chưa hiểu Pháp biến thân của Chí-Tôn đã ban cho ra thể nào. Khi chưa có Hội-Thánh Phước-Thiện Qua rất ngại, đến chừng Chí-Tôn dạy muốn lập Hội-Thánh phải lập Thập Nhị Đẳng Cấp Thiêng Liêng trước, thật là quyền năng Chí Tôn vô đối, khi ban cho Qua không bao lâu mà lập thành được Hội Thánh Phước Thiện, tức nhiên là Hội Thánh Hiệp Thiên Đài. Bây giờ đây đã có mấy em sẽ nối gót phụng sự Hội Thánh Phước Thiện chung lo gánh vác cơ cứu khổ để thay thế cho Qua gần-gũi chúng sanh để phụng sự, gánh sự khổ não của con người thì thấy rằng: Chí Tôn đã giúp cho Qua thêm được nhiều tay chơn để lo cứu khổ cho mau ra chơn tướng.”

4 - Quyền-hành của HỘ-PHÁP

“Hộ-Pháp thì lo giữ luật-lệ của Đạo cho khỏi sái Thiên-điều, vì luật-lệ của Đại-Đạo Tam kỳ Phổ-Độ ngày nay thì thế cho Thiên-điều.
 “Hộ-Pháp có quyền đặc biệt về ân-xá cũng như Giáo-Tông có quyền về Chánh-trị vậy”.

Những lời luận bàn trên đều đúng vào cuộc đời hành-đạo của Đức Hộ-Pháp. Hầu như số định của mỗi người đều được Thiêng-liêng ấn định, cho nên con số 7 của sao sáu cánh đã điểm đúng vào bức ảnh bán diện của Ngài, định cho cuộc đời của Ngài là 70 tuổi, bởi số 7 hiệp với tâm 0 là trở về vô-vi, thành ra con số 70.

Theo như đồ hình trên số 5 là vị trí chính giữa, Đòai số 7, nhân hai số này lại với nhau (5x7=35) gấp đôi lên là 70 cũng đúng vào số tuổi đăng Tiên của Đức Ngài.

Trong bài thài cúng tế Đức Ngài đã nhắc đến.
Chính đây cũng là thời-kỳ qui hiệp của các Tôn giáo trên toàn cầu nên Đức Chí-Tôn đến mở Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ, Tôn-chỉ là Qui Nguyên Tam Giáo Phục Nhứt Ngũ Chi, thế nên Ngài nắm hai Bát Quái:
- Bát-Quái Đồ Thiên đối với Ngài là lo bảo tồn chơn đạo của Thầy, lo giữ luật-lệ của Đạo cho khỏi sái Thiên-điều,
- Bát-Quái Hư vô, Ngài có quyền đặc biệt về ân-xá.  

Đức Hộ-Pháp cũng như Đức Quyền Giáo-Tông đều nắm trọn hai Bát-Quái vào tay, nhưng Giáo-Tông thì hữu hình, còn Hộ-Pháp thì vô-vi

Quả thật Chí-Tôn đã “chọn  mặt gởi vàng” bởi Đức Ngài lúc nào cũng tha-thiết với sứ mạng  của  mình, rằng:
 “May một điều là Tôi còn thiếu với Đức Chí-Tôn Tôi xin đầu kiếp, thiếu hay không mà kiếp này Tôi là tên dân nô-lệ cho nước Việt-Nam, đã chịu thống-khổ tâm-hồn lẫn hình thể trên 35 năm.

 “Tôi không xin, không biết tại sao Tôi đầu kiếp xuống dân Việt-Nam, Tôi cảm-kích vô hạn: nào chịu khổ, nào chịu bạc-nhược và yếu-hèn, tại thấy nhơn-loại đau đớn Chí-Tôn mới đến mở một nền Tôn-giáo, làm một khối sanh-quang cho toàn nhơn-loại đó là cái danh-dự của nước Việt-Nam đã chịu khổ.
“Vì cái tình Chí-Tôn đối với dân-tộc Việt Nam nên Tôi thí thân phải chết mới đền bồi xứng đáng”.

Đức Hộ-Pháp vừa lo cho Cơ-quan Cửu Trùng-Đài lại vừa lo cho Hiệp-Thiên-Đài, Ngài cũng có lời than:
 “Hại thay ! Chớ phải chi hai lẽ thiện và ác ấy cả Thánh Thể của Ngài đi một lối mà thôi, nói đơn giản: thà là làm thầy chùa thì thầy chùa, thầy pháp là thầy pháp; Đạo thời Đạo đi cho triệt để, hay Đời cho triệt-để đi.

Khổ não thay ! Thánh-thể Đức Chí-Tôn vì lãnh nơi mạng lịnh của Ngài, đến làm tôi con của Ngài cho toàn vẹn nơi thế gian của Ngài. Hỏi vậy chớ Đại-Từ-Phụ đã giao cho ta có phải giao Thánh hay là giao phàm ? Nếu ta lấy  theo sự suy gẫm của ta, ta phải nhìn rằng Đại-Từ-Phụ đã giao cho ta phàm nhiều hơn Thánh, lẽ dĩ-nhiên trước mắt ta đã ngó thấy.

 “Tự thuở nay con người dầu sức mạnh-mẽ thế nào gánh một vai mà thôi, Đại-Từ-Phụ lại buộc cả Thánh-Thể của Ngài phải gánh hai vai Đời và Đạo. Cái kiểu vở hai Tôn-giáo trước mắt ta, ta ngó thấy:
           - Phật-giáo thì nghiêng cái gánh bên Đạo,
           - Công-giáo lại nghiêng cái gánh bên Đời.    

Đời, Đạo; phàm, Thánh. Đức Chí-Tôn đến lập Thánh-Thể của Ngài, Ngài biểu phải đứng ngay chính giữa của nó. Luận ra cho cùng lý, thì Hội-Thánh của Ngài buộc không Đời mà cũng không Đạo, ở giữa cái mức trung-tâm của Đời và Đạo”.

Hai quẻ Càn Khôn biến tướng qua nhiều hình thức đó là sự vi diệu của Dịch vậy:

* Nếu đặt thành chữ thì ghép hai quẻ này lại thành ra chữ ĐIỀN là ruộng. Là cái Tâm điền, ấy là ruộng tâm. Hình ảnh chữ điền nếu phân tích ra sẽ thấy:
- 4chữ nhựt nằm ngang dọc (nhựt nhựt tung hoành nhựt)
- 4 chữ Sơn xoay quanh (Sơn sơn điên-đảo sơn)
- 2 chữ vươngxuôi ngược(lưỡng vương tranh nhứt quốc)
- 4 chữ khẩu họp lại chính giữa (tứ khẩu tại trung-gian).

Trong sám Trạng-Trình có câu: “Phá điền Thiên-tử giáng trần” hoặc “Phá điền Thiên-tử xuất, Bất chiến tự nhiên thành”.

Bốn chữ nhựt trong “Nhựt tân, nhựt  nhựt tân, hựu nhựt tân" là chỉ có TÂN LUẬT của Đạo Cao Đài ngày nay đủ yếu lý. Ngòai nghĩa trái với Cựu Luật, mà Tân là mới: ngày mới, mỗi ngày mỗi mới, lại thêm mới, tức nhiên Tân Luật có thể thay đổi tùy theo sự tiến hóa của nhơn sanh; nhờ vậy nền Đại Đạo này luôn thích nghi với cả nhân lọai.

Bốn chữ Sơn đứng vào Tứ tượng để thành 7 (Đền Thánh là Thất Sơn vô vi) biến thành 9 nữa.
Hai chữ Vương đặc biệt nằm theo chiều xuôi ngược trong khung đó là hình ảnh "hai vua trong một nước". Trong con người có hai vua, ấy tức nhiên một vua tinh thần một vua vật chất đang nhường quyền nhau để giữ vững tinh thấn một con người  mới  trong  thời Thánh đức,

Cũng như trong cửa Đạo ngày nay Đức Chí Tôn phân quyền cho Giáo Tông và Hộ Pháp khác nào hai vua làm chủ hai Đài. Thử hỏi nếu hai vua cứ tranh nhau như  Trịnh Nguyễn phân tranh ngày cũ thì nhân sanh sẽ hướng về đâu? Ngày nay người tu là phải vừa lo Nhơn Đạo vừa lo Thiên Đạo tức là giục tấn trên con đường Thiêng liêng hằng Sống mà trở về với Đại ngã tức là về với Đức Chí Tôn Ngọc Hòang Thượng Đế.

Bởi trong chữ Vương có tàng ẩn chữ ngọc , nếu một cái chấm của nét chủ ấy xuất ra ngoài thì thành chữ chúa nhập vào trong thành ra chữ Vương. Có câu: "Ngọc tàng nhứt điểm, xuất vi chúa nhập vi vương".

Tại sao người phải tu để đạt cho được cái “tâm Điền” ấy? -Đó là lý cớ vì sao phải tu-hành. Tu-hành chính là phương-pháp sửa đổi tâm-tánh để mình làm CHỦ được chính mình; khi đã tự mình làm chủ được mình rồi thì cũng làm chủ được vũ-trụ. Phật Thích-Ca nói “Thắng một vạn quân không bằng tự thắng lấy mình”.
 Home       1 ]  [ 2 ]  [ 3 ]  [ 4 ]  [ 5 ]  [ 6 ]  [ 7 ]

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét