LỊCH SỬ ĐẠO CAO ĐÀI VỀ GIÁO LÝ (1925 - 1955) - 2 / 7 ( HT. TRẦN VĂN RẠNG )


Ông Cao Quỳnh Cư (1887-1929) có ngươn linh của Chung Ly Quyền. Hai vị này có điểm giống nhau là tâm tu. Ông sinh trong gia đình Nho phong ở Hiệp Ninh (Tây Ninh).
Trong thời kỳ làm Thơ ký Sở Tạo Tác tại Sài Gòn, ông thường cùng các bạn họp xây bàn, được Đấng A Ă Â giáng đàn cho thi. Sau được Đức Phật Mẫu và Thất Nương hướng dẫn vào đường đạo.
Ngày 23-4-1925, ông thọ phong Thượng Phẩm, sau khi lập bàn Vọng Thiên cầu Đạo (1-11 Ất Sửu). Ngày 7-10-1926 lập tờ khai Tịch Đạo với chánh phủ Pháp. Ngày 18-11-1926 (14-10 Bính Dần) thiết Đại Lễ Khai Đạo tại Từ Lâm Tự.
Ngài phò cơ viết ra Bộ Pháp Chánh Truyền thành lập Hội Thánh.
Năm 1928, Ngài bị khảo đảo, sau khi Thánh Thất dời về chùa mới ở làng Long Thành. Quá đau lòng, Ngài lâm bịnh và qui Tiên (1-3 Kỷ Tỵ) tại Thảo Xá Hiền Cung, liên đài được xây cánh trái trước Toà Thánh.

3 . Lữ Động Tân.
Lữ Đồng Tân tên là Nham, tên chữ là Động Tân, thuộc gia đình vọng tộc đời Đường.
Ông mắt phụng, mày tằm tay dài như vượn, cổ cao, mũi thẳng, xương gò má nhô lên, thích ăn mặc như đạo sĩ. Năm 20 tuổi lấy hiệu là Thuần Dương, thi đỗ cử nhân. Khi đến Trường An, Lữ Đồng Tân gặp Chung Ly Quyền trong một quán trọ. Chung Ly muốn ông đi tu nên bày việc nấu nồi kê. Trong khi Lữ Đồng Tân ngủ mê, thấy mình thi đỗ Trạng Nguyên cập đệ, hai lần cưới con gái nhà quyền thế. Có sui gia,cháu nội ngoại đầy đủ. Con cháu đều đỗ đạt vẽ vang, hạnh phúc trong 40 năm. sau bị nịnh thần vu oan, bị tịch biên gia sản và bị đày qua núi Lãnh Biểu, cực khổ vô cùng, ông ôm mặt khóc rồi giựt mình thức giấc. Ông thấy Chung Ly Quyền còn nấu nồi kê chưa chín nên phá lên cười và nói: "Huỳnh Lương do vi thục, nhất mộng đáo Hoa Tư” (Nồi kê chưa chín, mộng đã đến nước Hoa Tư)
Rồi ông quay sang Chung Ly hỏi: “Ông biết tôi nằm mơ thấy gì không ?”.
Chung Ly đáp: “Chiêm bao 40 năm, công việc cả muôn mà không đầy giây lát. Việc được không đủ mừng, việc mất không đủ lo, nhưng có ý thức đại giác, thế gian nầy chỉ là giấc mộng lớn mà thôi”.

Lữ Đồng Tân nghe lời nói phải, giác ngộ, bèn lạy Chung Ly Quyền và xin theo học phép Tiên. Sau Đồng Tân đắc đạo, tay cầm thư hùng kiếm.
Ông Cao Hoài Sang (1900-1971) có ngươn linh của Lữ Đồng Tân. Hai vị nầy có điểm giống nhau thích âm nhạc.

Ông sanh trong gia đình đạo đức ở xã Thái Bình (Tây Ninh). Sau khi đỗ Thành Chung, ông vào làm việc ở Sở Thương Chánh Sài gòn. Ông cũng ngộ đạo một lượt với ông Cao Quỳnh Cư và đắc phong Thượng Sanh ( 19-11-1926).

Ngày 16-7-1970, Ngài về hành đạo tại Toà Thánh với danh vị Chưởng Quản Hiệp Thiên Đài. Ngày 21-1-1965, tạo tự cách Pháp nhân cho Đạo và đưa Ban Thế Đạo vào vai trò nhập thể.
Sau cơn cảm nhẹ, lúc 17 giờ ngày 21-4-1971, Ngài triều Thiên, đắc vị Kim Tiên.

4 . Trương Quả Lão
Trương Quả Lão là con dơi trắng tu hành thành Tiên, làm bạn với Lý Thiết Quả, ở ẩn trong núi Trung Điền (Hàng Châu). Tên thật là Trương Quả, chữ Lão là già được người đời thêm vào.

Dưới đời Đường, niên hiệu Khai phong (713-733), Võ Hậu cho triệu về Kinh, nửa đường ông giả chết. Đường Minh Hoàng nhiều lần đem sắc rước, ông mới chịu ra và được phong là Ngân Thanh Lộc Đại phu. Sau ông xin về ẩn dật trên núi, lấy hiệu là Thông Huyền tiên sinh, qui Tiên dưới đời Thiên Bảo (742-755).

Thật ra, thời nào người ta cũng thấy ông Tiên cưỡi lừa đó vì ông tự nói: “Ta sinh năm Giáp Tý đời Nghiêu”. Tay cầm cây gậy như một ông già (lão).
Ông Ca Minh Chương (1864-1927) là một nhà cựu học thâm nho, ở làng Mỹ Lộc (Chợ Lớn), có ngươn linh của Trương Quả Lão. Hai vị có điểm giống nhau đều sanh năm Giáp Tý và hay xuất hiện ở dương trần. (Ông Chương xuất hiện dưới xác của Hồ Bảo Đạo).
Ông bản tính ôn hòa, khiêm cung, được tiếng là người con chí hiếu. Thêm vào lòng quảng đại thương đời, dân trong làng cử ông làm Hương Bộ. Ông cho mở trường học huyện Phước Lộc ở Bà Rịa.

Khi Đạo mới khai, Ngài phế đời theo Đạo và đắc phong Bảo Đạo. Người cao tuổi nhất trong Đạo lúc bấy giờ. Vì tuổi cao lại miệt mài với trách nhiệm thiêng liêng, Ngài đăng Tiên vào ngày 19-10-Đinh Mão ( 1927) và giáng cho bài thi:
Từ đây ra khỏi chốn nhơn gian
Thủy tú sơn tịnh thích chí nhân
Vì bởi lục căn lòng chẳng bợn
Cho nên mới đặng nhập Tiên bang

5 . Lam Thể Hòa.
Lam Thể Hòa là ông tiên bị đày đọa làm khách trần, tính tình thuần hậu nhất trong bát tiên.
Ông thích mặc áo rộng màu xanh, buộc dây lưng đen thật to, một chân đi đất, một chân đi giày. Mùa hạ mặc áo lót bông, mùa đông nằm trên tuyết. Thường ngày, ông cầm cặp sanh dài 3 thước ta, vừa đi, vừa nhịp ca ngoài chợ mà kiếm tiền bố thí cho người nghèo.
Đạp ca Lam Thể Hòa
Thế giới năng kỷ hà ?
Hồng nhân nhất xuân thu
Lưu quang nhất trịch thoa
Cổ nhân hổn hển khứ bất phản
Kim nhân phân lai cánh đa
Triệu kỵ loan phụng cáo bích lạc
Mộ kiến tang điền sinh bạch ba
Trường cảnh minh huy tại không tế
Kim ngân cung khuyết cao ta nga

                                     Dịch ca :
Nhịp chân ca Thái Hòa
Thế giới được bao lâu ?
Nhan sắc như xuân cội
Thời hạn tựa thoi đưa
Người xưa không trở lại
Người mới đến quá thừa
Sáng cưỡi loan trời thẳm
Chiều dâng thành sóng xa
Không trung lâu đài sáng
Cung điện cao nguy nga

Về sau, trong lúc uống rượu với Lý Thiết Quả nơi Hào Lương, bỗng trên mây có xe hạc, tiếng tiêu thanh thoát đưa hai ông bay bỗng, trở về Tiên vị, tay ông cầm giỏ hoa lam.

Phối sư Thái Bính Thanh tên thật Lâm Quang Bính (1873 -1931) người Rạch Giá là ngươn linh của Lam Thể Hòa. Hai vị giống nhau ở tánh tình thuần hậu, ý tứ từ hòa, thương người nghèo.

Ông được phong Giáo sư phái Thái ngay từ buổi đầu. Ông chưa rõ tự sự mới bạch rằng : Thưa thầy, Lam Thể Hòa mặc áo xanh, sao Thầy ban cho phái Thái (áo vàng). Đức Chí Tôn chuyển cơ viết: “Đó là bí pháp, con biết sao được”.

Vai trò của ông trong việc xây dựng Toà Thánh cũng rất lớn. “Hộ Pháp, Thượng phẩm, nội trưa nầy phải cắm một cây viết vào đầu cơ, lấy một miếng giấy lớn, vào điện phò loan cho Lão vẽ (khuôn viên Toà Thánh). Bính Thanh phải có mặt, còn kỳ dư không cho ai vào điện hết, nghe à !”.

6 . Hà Tiên Cô
Hà Tiên Cô là người con gái mang họ Hà ở huyện Linh Lăng, tỉnh Hồ Nam, tên là Tố Nữ, sanh vào đời Đường.
Thuở nhỏ, trên đầu có 6 xoáy, mọi người lấy làm kỳ. Năm 15 tuổi, cô xin cha mẹ đến ở khe Vân Mẫu. Đêm nằm mộng thấy Tiên dạy ăn hột Vân Mẫu sẽ nhẹ mình và trường thọ.
Cô vội đi tìm hạt Vân Mẫu thì gặp Lý Thiết Quả và Lữ Đồng Tân đang hái thuốc. Thấy cô gần thành Tiên, Lữ Đồng Tân cho cô một quả Đào. Cô ăn mới nửa trái thì thấy không đói nữa, biết được mọi sự họa phước, lành dữ trên đời. Mọi người cho cô là Thần Tiên, cất lầu cho cô ở và gọi cô là Hà Tiên Cô.

Bà Võ Hậu nghe tiếng, cho người đến rước, đi được nửa đường, cô biến mất. Sau Lý Thiết Quả độ dẫn hai mẹ con cô đều thành Tiên. Tay Hà Tiên Cô cầm bông sen.
Hà Tiên Cô là ngươn linh của bà giáo sư Hương Hồ ( Huỳnh Thị Hồ) con gái của bà Đầu sư Hương Thanh (Lâm Thị Thanh). Bà Bát Nương giáng đàn, bà Hồ có kinh nguyệt không lên lầu được nên Bà Bát Nương dạy:
Thi
Thân phận phàm nhơn trước đã đành
Chẳng vì nguyệt huyết kỵ anh Linh
Âm dương Nam Nữ hoa trêu bướm
Hòa ái tương sanh thủy nhập bình
Tạo hóa ví tay xây đảnh trí
Chúng sanh nên mặt tạo khuôn hình
Thơ trời đâu dễ chê đồ tạo
Tốt xấu sạch dơ tại miệng mình.
Đó là một quan niệm tiến bộ của nền tân tôn giáo

7 . Hàn Trương Tử
Hàn Trương Tử sinh vào đời Đường, người huyện Nam Dương kêu Hàn Dũ (tức Xương Lê) bằng chú.
Thuở nhỏ, theo Lữ Đồng Tân học đạo Tiên. Sau về quê gặp ngày sinh nhật Hàn Dũ. Hàn Dũ có ý trách Hàn Trương bỏ nhà đi lưu lạc. Hàn Trương liền thưa rằng: “Xin chú đừng giận, cháu có nghề nầy xin kính mừng sinh nhựt”.  Nói xong, Hàn Trương nhóm đất rồi trùm lại, trong giây lát dở ra nhiều hoa nở, mỗi cánh đều có chữ vàng :
Vân hoành Tần Lĩnh gia hà tại
Tuyết ửng Lam quan mã bất tiền

Xương Lê không hiểu gì cả. Sau vì can vua sùng Đạo Phật mà bị đày ra Triều Châu. Khi đến Tần Lĩnh, Lam quan, Hàn Dũ được Hàn Trương ra đón. Hàn Dũ nhờ đó biết được ý hai câu thơ của Hàn Trương bèn làm tiếp:
Nhứt phong triêu tấu Cửu Trùng Thiên
Tịch phiến Triều Câu lộ bát thiên
Dục vị Thánh Triều trừ tệ sự
Khảm tương suy hũ tích tàn niên
Vân hoành Tần Lĩnh gia hà tại
Tuyết ủng Lam quan mã bất tiền
Tri nhữ viễn lai ưng hữu ý
Hảo thu ngô cốt chướng giang biên

                         Dịch thơ:
Buổi sớm dâng vua một bức thư
Triều Châu chiều đến bị đày lưu
Muốn vì Thánh chúa trừ tệ nạn
Đâu tiếc cuối đời vận đã suy
Tần Lĩnh mây che nhà chốn ấy
Ải Lam tuyết phủ ngựa không đi
Biết mi hảo ý từ xa đến
Thu nhặt cốt ta ở bến ni !

Thấy Hàn Trương đoán không sai, từ đó Hàn Dũ mới trọng Đạo. Rạng ngày, Hàn Trương dâng dâng cho chú một bầu thuốc, nói: “Chú uống thuốc nầy khỏi bịnh và khôn bao lâu nữa được phục chức nhờ bài văn tế cá sấu”.
Nói rồi, Hàn Trương từ biệt chú. Về sau, nhờ vua tề đuổi được cá sấu, Hàn Dữ được phục chức cũ.

Hàn Trương thành Tiên, người đời gọi là Hàn Trương Tử hay Tương Tử, tay cầm ống tiêu .
Ông Vương Quan Kỳ (1880-1940) người tỉnh Chợ Lớn, cháu nội thống chế Vương Quang Hạc, ông ngoại là nhà nho yêu nước Huỳnh Mẫn Đạt. Ông là tri phủ Sở Thuế Thâu Sài gòn.
Song thân ông Kỳ là Vương Quan Để và Huỳnh Thị Bảy. Ông học Lyce'c Chasseloup, đậu Diplôme, cùng làm việc với ông Ngô Văn Chiêu ở dinh thống đốc Nam Kỳ.
Ông theo Đạo được Đức Chí Tôn phong phẩm Giáo sư (26.4.1926) và cho bài kệ
Bài kệ
Nhựt nhựt tân hề nhựt nhựt tân
Niên đáo tân hề đạo khả tấn
Vô lao công quả tri đương tác
Niên hóa niên hề đạo tối tân.

Ông Kỳ là bào đệ của Vương Quan Trân, thân sinh cô Vương Thị Lễ (tức Thất Nương Diêu Trì Cung) hướng dẫn tam vị thiên sứ học đạo buổi đầu. Trong “Con đường thiêng liêng hằng sống” Đức Phạm Hộ Pháp nói về ông như sau:
“Bần Đạo nói rõ người ấy là Vương Quan Kỳ chú ruột của Thất Nương. Người mở Đạo mà chẳng biết Đạo là gì hết và cả hành tàng (người ấy) nếu chúng ta thấy sẽ lên án là tả đạo bàng môn chắc hẳn vậy. Người đó bận Thiên phục giống hình đội mão Giáo Sư, áo tốt lại dắt vai, mão cầm nơi tay, bận quần cụt ở trần đi ngật ngờ, ngật ngưỡng cười một mình không biết cười cái gì, đi ngang qua Bát Quái Đài, như không vậy”. Đó là ngươn linh của Hàn Trương Tử thích phóng túng tiêu dao.

8 . Tào Quốc Cửu
Tào Quốc Cửu (hay Cựu) tên Hữu, là con trai thừa tướng Tào Ban, người đất Linh Thọ, em hoàng hậu, vợ của Tống Thái Tổ.
Tào Hữu, tướng khôi ngô đẹp đẽ, được vua và hoàng hậu quí mến, nên tặng cho một bài vàng. Ngược lại, người em ỷ thế hại dân. Sợ liên lụy, Tào Hữu bán hết sản nghiệp bố thí cho dân nghèo, rồi mặc đồ đạo sĩ đi tu.
Tào Hữu gặp Lữ Thuần Dương, bị Tiên ông nầy gạn hỏi: Đạo ở đâu mà tu ? Tào Quốc Cữu chỉ trái tim.
Thuần Dương cười nói: Lòng là trời, mà trời là Đạo, đã biết cội rễ, tu chắc thành Tiên.
Tào Quốc Cữu hay Cựu xin thọ giáo và đắc đạo. Tay cầm cặp sanh. Năm 1923 Tào Quốc Cựu giáng đàn Bến Cát (Gò Vấp) “Hữu duyên đắc ngộ Tam Kỳ độ” báo trước đạo Tam Kỳ xuất hiện.
Ông Ngô Văn Chiêu (1878-1932) sinh tại Bình Tây, Chợ Lớn có ngươn linh của Tào Quốc Cựu. Hai vị giống nhau ở điểm lánh trần. Năm 1920 ông làm chủ quận Hà Tiên, rồi ra Phú Quốc mà ngộ Đạo Cao Đài. Năm 1921, Tiên Ông giáng dạy ông “Chiêu, tam niên trường trai”.
Một buổi sáng ngồi trên võng. Ngài bỗng thấy một con Mắt thật lớn chói lọi như mặt trời. Ông sợ vái rằng: “Bạch Tiên Ông như phải Tiên Ông dạy đệ tử thờ Thiên nhãn, xin cho biến tức thì”. Ông vái xong, Thiên Nhãn lu dần rối mất.
Năm 1924, do lời cầu xin, ông đã thấy được cảnh Bồng Lai. Sau đó, ông đổi về Sài gòn liên lạc với nhóm xây bàn Cao Quỳnh Cư.

Đàn đêm 14-4-1926, Đấng Chí Tôn ban cho Ngài phẩm Giáo Tông. Nhưng vì tu theo vô vi nên không đi phổ độ.
Ngài về Cần Thơ lập phái Chiếu Minh vô vi rồi liễu đạo trên sông Cửu Long (1932) và đắc vị Quốc Cựu Minh Chiêu (gồm đủ tên ngươn linh và thánh danh).
Từ ngày xa thế đến Tiên bang
Lo lắng nhơn sanh bước lạc đàng
Đức rộng cao dày là qúi báu
Đặng lên Bồng cảnh chép biên hoàng

Từ lâu, có sự hiểu lầm giữa Toà Thánh Tây Ninh truất phẩm Giáo Tông của Ngài Ngô Minh Chiêu. Thật sự, Ngài Lê Văn Trung chỉ là quyền Giáo Tông, dù sau khi Ngài Ngô Minh Chiêu đăng Tiên. Ngài Lê Văn Trung do Đức Lý phong cho để giữ đạo về mặt hữu hình. Đạo Cao Đài từ trước tới nay chỉ có một Giáo Tông duy nhứt với tịch đạo Thanh Hương. Toàn Đạo hiện vẫn theo tịch đạo đời Giáo Tông thứ nhứt.

Bát Tiên tiền bối dự Hội Yến, được Đức Phật Mẫu ban rượu quỳnh tương và trái đào tiên. Còn được bốn Nữ nhạc Đổng Song Thành, Vương Tử Phá, Hứa Phi Yến và An Phát Trinh đào, sáo, ca múa hầu chư tiên Hội Yến. Ngày nay, chư vị thời quân,các chức sắc có ngươn linh Bát Tiên, trong đêm Hội Yến, đứng hầu Đức Phật Mẫu và Cửu vị Nữ Phật, đãi tiệc, rót rượu, vừa thực hiện bí pháp truyền thống vừa thực hành thể pháp dương gian.
Từ trái qua hàng trước: Ngô Minh Chiêu, Lâm Quang Bính
Hàng giữa: Lê Văn Trung, Vương Quan Kỳ, Cao Hoài Sang
Hàng cuối: Huỳnh Hương Hồ, Cao Quỳnh Cư, Ca Minh Chương

PHẦN THỨ BA
PHÁP CHÁNH TRUYỀN, TÂN LUẬT

CHƯƠNG I
ĐỨC CHÍ TÔN PHONG THÁNH

1 . Thầy trục chơn thần Phạm Công Tắc (14-3 Bính Dần)
Ngày 14-3 Bính Dần, Thầy trục chơn thần Phạm Công Tắc để hiệp nhứt với chơn thần Vi Hộ Pháp trong lễ thiên phong tại nhà ngài Lê Văn Trung.
“Lịch, con đã nghe những lời thầy dặn há ?"
Ngày mai lại để thêm một cái bàn dựa bên cửa sổ đàng trước ngó vô (tại nhà Ngài Lê Văn Trung ở Chợ Lớn).

Cư, nghe dặn: Con biểu Tắc tắm rửa sạch sẽ, xông hương cho nó, biểu nó lựa một bộ đồ tây cho sạch sẽ, ăn mặc như thường, đội nón, cười… Đáng lẽ nó phải sắm khôi giáp như hát bội mà mắc nó nghèo nên Thầy không biểu. Bắt nó lên đứng trên, ngó mặt vô cho ngay ngôi Giáo Tông, lấy 9 tấc vải điều đắp mặt nó lại, biểu Đức, Hậu đứng gần em, kẻo xuất hồn nó té tội nghiệp. Khi chắp cơ rồi xong xả, hai con mặc thiên phục vào rồi thì nó mới leo lên.

Lịch, con viết một lá bùa Giáng Ma Xử đưa cho Tắc nó cầm. Hai con mặc đồ thường, chừng nào Thầy triệu Ngũ Lôi và Hộ Pháp về rồi, Thầy biểu mặc vô thề mới đặng. Mấy con mai sẽ nghe dạy thêm.

TÁI CẦU:
Bàn Thầy giáng cơ thì để trước Bàn Ngũ Lôi, khi giáng rồi thì dời đi cho trống chỗ đặng nhị vị Đầu Sư quì mà thề.

Cư, khi đem ba bộ thiên phục để vọng trên ba cái ngai, thì con phải chấp bút bằng nhang như mọi lần đặng Thầy trấn thần trong 3 bộ thiên phục và ba cái ngai ấy, rồi mới kêu hai vị Đầu Sư đến quì trước bửu ngai của nó đặng Thầy vẽ phù vào mình, rồi biểu Giảng xướng lên “phục vị” thì hai người leo lên ngồi.

Cả thảy môn đệ đều quì xuống, biểu Tắc nó leo lên bàn, con chấp bút bằng nhang đến bên Bàn Ngũ Lôi đặng Thầy trục xuất chơn thần nó ra, nhớ biểu Hậu, Đức, xông hương tay của chúng nó, như em giựt mình té thì đỡ, rồi mới biểu hai vị Đầu Sư xuống ngai, đến trước mặt Ngũ Lôi, quì, hai tay chấp trên đầu cúi ngay bùa Kim Quang Tiên là thề như vầy: “Tôi là Lê Văn Trung tự thiên ân là Thượng Trung Nhựt và Lê Văn Lịch tự thiên ân là Ngọc Lịch Nguyệt, thề Hoàng Thiên Hậu Thổ trước bửu pháp Ngũ Lôi rằng: Làm tròn Thiên Đạo và dìu dắt mấy em chúng tôi đều là môn đệ của Cao Đài Ngọc Đế, nhứt nhứt do lịnh Thầy phân định, chẳng dám chuyên quyền mà lập thành tả đạo, như ngày sau hữu tội, thì thề Ngũ Lôi tru diệt”.

Đến bàn Vi Hộ Pháp cũng cúi xuống vái y như vậy, đều câu sau như vầy: “Như ngày sau phạm thiên điều thề có Hộ Pháp hành pháp Đọa Tam đồ bất năng thoát tục”.
Rồi mới biểu Giảng xướng lại nữa “phục vị” thì nhị vị Đầu Sư trở lại ngồi trên ngai.

Chư môn đệ đều đến lạy mỗi người 2 lạy.
Tới phiên các môn đệ từ người đến bàn Ngũ Lôi mà thề rằng: “Tên gì…Họ gì…thề rằng từ đây biết một Đạo Cao Đài Ngọc Đế, chẳng đổi dạ đổi lòng, hiệp đồng chư môn đệ, gìn luật lệ Cao Đài, như sau có lòng hai thì thiên tru địa lục”.
 Tới trước Bàn Hộ Pháp cũng thề như vậy, rồi mới đến lạy nhị vị Đầu Sư.
Cư bạch hỏi Thầy: – Các môn đệ đều đến bàn Ngũ Lôi và Vi Hộ Pháp mà thề và đến lạy nhị vị Đầu Sư, còn anh Chiêu thì thế nào ?
- Thầy sẽ đợi lòng sám hối của nó, vì đã lo sợ cầu khẩn Thầy mấy bữa rày. Nó cũng phải lạy như các môn đệ khác vậy. 11 giờ rưỡi Thầy giáng cơ, phải biểu Lịch nó lập nghi cho có lễ phép. Nghe và tuân theo.

2 . Thầy phong thánh lần đầu tiên (ngày 15-3 Bính Dần)
              CAO ĐÀI
              Hỷ chư nhu,
Kim triêu dĩ đáo Thiên Trung Quang,
Ám hiểu thế tình tánh đức nan.
Chỉ đãi thời lai quang minh tụ,
Tả ban thiểu đức, hữu ban mang.
Ráng hiểu.
Đức, Hậu: phong vi Tiên Đạo Phò Cơ Đạo Sĩ.
Cư: phong vi Tá Cơ Tiên Hạc Đạo Sĩ.
Tắc: phong vi Hộ Giá Tiên Đồng Tá Cơ Đạo Sĩ.
Trung, Lịch: đã thọ sắc, cứ tước vị mà theo sắc mạng Ta.
Kỳ: phong vi Tiên Sắc Lang Quân Nhậm Thuyết Đạo Sư.
Bản: phong vi Tiên Đạo Công Thần Thuyết Đạo Sư.
Trung: xin phẩm vị để như cũ và xin đừng cho chư môn đệ lạy………
- Ta nhận lời điều trước, còn điều sau phải tuân.
Chư môn đệ đồng quì lạy Thầy xin thứ tội cho ông Chiêu.
- Chiêu thiếu đức thiếu tài. Trung, con sợ ai ?
Ta không vị ai. Ta biết hơn người.
Ta há không biết thương sao ? Ấy cũng vì thiểu đức. Nó đã biết Ta.
Cư, tuân lời Thầy đã truyền mà thi hành.
THĂNG

3 . Đạo khai thì tà khởi (29-6 Bính Dần)
“Các con chớ ngại, ngày nay đạo khai tức tà khởi. Vậy thì các con phải hết lòng hết sức mà gìn giữ lấy mình, đã chẳng phải giữ mình các con mà thôi, lại còn gìn giữ cả môn đệ Thầy nữa.
Cư, Tắc, Sang con ôi ! Lập đạo thành chăng tại nơi ba con. Con đã nghe quyền hành của yêu quỉ, Thầy cho lớn đến bực nào. Chẳng phải cơ thử thánh tiên phật mà thôi, lại là công bình thiêng liêng của tạo hóa.

Nếu hai đầu cân chẳng song bằng thì tiếng cân chưa đúng lý. Tự nơi các con làm thế nào cho bên thánh đức nặng hơn tà mưu thì làm mới ra công quả.
Nội Nam phương nầy, như có mặt cho tà thần yêu quái sợ thì duy có ba con. Vậy ráng giữ gìn cho thanh khiết”.

4 . Thầy phong thánh lần thứ hai (ngày 1-7 Bính Dần)
“Thơ, con dắt mấy em con đi Cần Giuộc vì tà mị muốn nhiễu hại môn đệ Thầy ở dưới. Quan Thánh và Quan Âm đợi các con xuống."

Đi lập tức.
Tương, con không hiểu ngày nay là thế nào ?
Chư thần thánh tiên phật cả thảy đều náo động cũng vì các con.
Quỉ Vương đến trước Bạch Ngọc Kinh xin hành xác và thử thách các con. Thầy chẳng chịu cho hành xác. Chúng nó hiệp tam thập lục động toan hại các con nên Thầy sai Quan Thánh và Quan Âm đến gìn giữ các con, nhưng phần đông chưa lập Minh Thệ nên chư thần thánh tiên phật không muốn nhìn nhận.
Vì vậy mà Thầy sai mấy đứa nhỏ xuống đặng chung hiệp cùng con mà tức cấp lập thành và luôn dịp phong thiên ân cho Tương, Kim và Thơ. Vậy con phải kêu chúng nó hội cho đủ mặt nội đêm nay.
               “Các con nghe TỊCH ĐẠO:
THI
THANH đạo tam khai thất ức niên,
Thọ như địa quyển thạnh hòa Thiên,
Vô hư qui phục nhơn sanh khí,
Tạo vạn cổ đàn chiếu Phật duyên.
THANH là Tịch các con.
Vậy thì: "- Tương là Thượng Tương Thanh
- Kim là Thượng Kim Thanh
- Thơ là Thái Thơ Thanh. Phải dùng tên ấy mà thề.”

CHƯƠNG II
ẤN TỐNG KINH VÀ HIẾN CHÙA

1 . Ngài Thơ xin ấn tống kinh và thánh tượng Thiên Nhãn (ngày 12-7 Bính Dần)
NGỌC HOÀNG THƯỢNG ĐẾ viết CAO ĐÀI GIÁO ĐẠO NAM PHƯƠNG
“ Hỷ chư môn đệ, chư thượng đẳng nhơn sanh.
Trung, Thơ, hai con cho thượng sớ cầu đạo rồi mời thượng đẳng nhơn sanh xuất ngoại đặng Thầy dạy việc.
Thơ, đem mão Thầy coi con.
Hay cho Lâm Thị Ái Nữ, con tôi ưa hoa hòe quá ! Trúng lắm, nhưng mà con vợ con nó làm coi lăng quằng trong đó quá, lại thiếu 6 cung kia nữa, thây mặc nó ! đừng sửa nó hờn. Biểu ái nữ để bông sen coi phải hơn là để bông mai, còn mấy phía, chớ chi con Thầy nó làm nhánh dương liễu với mấy chữ Bát Quái nó làm lớn hơn mà dài xuống một chút nữa.
Thơ đưa áo lên cho Thầy coi. Đặng, phải vậy, mặc vào con. Tốt quá con há ! Ấy là Tiểu phục, còn Đại phục thì đội mão và vấn khậu đỏ. Đặng rồi đó con, biểu thêu cho khéo nghe”.
Ngài Thái Thơ Thanh phát tâm muốn ấn tống kinh Nhựt Tụng và thánh tượng Thiên Nhãn phát cho bổn đạo, bạch:
- Con xin in kinh đặng phát ra cho môn đệ.
- Đặng con, Thầy dặn con in chung làm một cuốn.
- Xin Thầy cho con in thêm 4000 thánh tượng.
- Đặng. Thầy cám ơn con.
- Thưa Thầy, con muốn lập một nhà hàng cơm chay.
- Hay cho con lắm, Thầy chịu.
- Thưa Thầy, cho ai coi hàng ?
- Tính toán với nhau, đứa nào cũng đặng.

Tới thời điểm nầy, những bài kinh mà Đạo Cao Đài đã thỉnh được là:
Các bài Kinh thỉnh nơi Minh Lý (Tam Tông Miếu): Niệm Hương, Khai Kinh, 4 bài Chú, Kinh Sám Hối, Bài Khen Ngợi Kinh Sám Hối, Kinh cầu Siêu, Bài Xưng Tụng Công Đức Thần Thánh Tiên Phật.

Các bài do Ngài Ngô Văn Chiêu đưa qua: Kinh Ngọc Hoàng Thượng Đế, 4 Bài Dâng: Hoa, Rượu trắng, Rượu nho, Trà, Kinh cầu Cơ, Bài Thúc cơ (Mừng thay).
Ba Bài Kinh Tam Giáo: Phật giáo, Tiên giáo, Nho giáo, do Ngài Đầu Sư Ngọc Lịch Nguyệt sưu tầm và soạn ra từ các bài kinh của chi Minh Sư theo lịnh của Đức Chí Tôn.
Bổn Kinh Nhựt Tụng mà Ngài Thái Thơ Thanh ấn tống, đề tựa là: “Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ Kinh”, in tại nhà in “Xưa Nay” năm 1926, gồm các bài Kinh sau đây:
- Niệm Hương.
- 4 bài Chú: Tịnh Khẩu, Tịnh Tâm,Tịnh Thân, An Thổ Địa.ƒ
- Khai Kinh.
- Kinh Ngọc Hoàng Thượng Đế.
- 3 Bài Kinh Tam giáo: Thích giáo, Tiên giáo, Nho giáo.
- 4 Bài Dâng: Bông, Rượu trắng, Rượu lễ, Trà.
- Kinh Cầu cơ, bài Mừng thay !
- Kinh Sám Hối và Bài Khen Ngợi Kinh Sám Hối.

Song song với việc ấn tống kinh Cao Đài bằng chữ quốc ngữ, Ngài Thái Thơ Thanh cũng ấn tống kinh bằng chữ Hán Nôm, để dùng cho những tín đồ cổ học.
Bổn nầy chưa có in Bài Ngũ Nguyện, vì Bài Kinh nầy mới được các Đấng thiêng liêng ban cho vào cuối năm Bính Dần do đàn cơ tại nhà Ngài Thái Thơ Thanh ở Tân Định.
Cho nên khi in kinh đợt nhì, vào năm Đinh Mão (1927), nhà in Union, bà Hương Thanh ấn tống, bìa kinh đề là: “Phụng Thừa Thiên Mạng, Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ” nơi trang đầu có in hình tam vị thánh tổ tam giáo, trang kế là bài Kinh Ngũ Nguyện, còn phần sau thì giống như quyển kinh in đợt nhứt. Và cũng tương tự như đợt nhứt, bà Hương Thanh in thêm kinh của Đạo Cao Đài bằng chữ Hán Nôm dành cho người cổ học, không thông chữ quốc ngữ.
Phần Kinh đặc biệt của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ là Kinh Tận Độ Vong Linh thì các Đấng chưa ban cho.

2 . Hòa Thượng Như Nhãn hiến chùa Gò Kén cho Đạo Cao Đài (ngày 16-7 Bính Dần)
Nhắc lại khi trước, hai ông bà Nguyễn Ngọc Thơ và Lâm Ngọc Thanh nhập môn vào Đạo Cao Đài và được Đức Chí Tôn ban cho phép hôn phối (14-6 Bính Dần), hai ông bà bàn tính làm thế nào để độ thầy mình là Hòa Thượng Như Nhãn theo đạo luôn, nên bày tỏ ý kiến nầy với Ngài Lê Văn Trung.

Ngài Trung và ông Thơ cậy ông Phạm Tấn Đãi ra nhà Ngài Cao Quỳnh Cư để cậy hai Ngài Cư và Tắc vào nhà ông Thơ lập đàn cầu Thầy, rồi ông bà mời Hòa Thượng Như Nhãn đến hầu đàn để Đức Chí Tôn độ Hòa Thượng theo Đạo Cao Đài.

Đức Chí Tôn giáng cơ cho Hòa Thượng Như Nhãn biết về việc Đức Chí Tôn mở đạo là để chấn hưng Phật giáo, cả Lão giáo và Nho giáo nữa, vì tam giáo từ lâu đã thất chơn truyền.
Hòa Thượng suy nghĩ rất nhiều, bởi vì từ lâu nay, Hòa Thượng ôm ấp mộng chấn hưng Phật giáo, nên đã lo xây dựng chùa Từ Lâm nơi Gò Kén Tây Ninh để làm cơ sở đào tạo một lớp tu sĩ Phật giáo mới có trình độ đạo đức cao và trình độ Phật học chánh tín để thực hiện mục tiêu nầy, vì Phật giáo đang trên đà xuống dốc và phân tán trầm trọng.

Việc lập cơ sở thì tương đối dễ, nhưng việc tuyển chọn để tập hợp được một số thánh tăng chơn tu có trình độ Phật học uyên thâm, có quyết tâm vì Phật pháp để chấn hưng Phật pháp, làm nồng cốt hoằng pháp thì rất khó, gần như chưa thể thực hiện được trong lúc nầy. Hòa Thượng đang bận tâm rất nhiều về việc ấy thì Đức Chí Tôn đến, hé ra cho Ngài thấy một triển vọng mới rất tích cực có thể đạt đến mục tiêu chấn hưng cả Tam giáo.

Cách ít lâu sau, như có sự thúc giục của ơn trên, Ngài Lê Văn Trung cùng với Ngài Lê Văn Lịch, Nguyễn Ngọc Thơ, Lâm Ngọc Thanh và hai Ngài Cao Quỳnh Cư và Phạm Công Tắc vào viếng Hòa Thượng Như Nhãn nơi chùa Giác Hải ở Phú Lâm. Ông Trung trình bày với Hòa Thượng về tình hình của nền Tân tôn giáo do Đức Chí Tôn mới mở ra, yêu cầu Hòa Thượng hợp tác trong công cuộc chấn hưng Tam giáo.

Hòa Thượng Như Nhãn còn đang phân vân về việc chấn hưng Phật giáo, nên do dự chưa quyết. Ngài Lê Văn Trung đề nghị Hòa Thượng cho lập một đàn cơ tại Bửu Điện của chùa để cầu Ơn Trên giúp ý kiến. Hòa Thượng liền bằng lòng, hai Ngài Cư và Tắc phò loan.

Thầy giáng cơ nói với Hòa Thượng Như Nhãn như sau:
Ngày 16-7 Bính Dần
THÍCH CA MẲU NI PHẬT tá danh
CAO ĐÀI TIÊN ÔNG ĐẠI BỒ TÁT MA HA TÁT
Giáo đạo Nam phương
Như Nhãn hiền đồ, nghe dạy:
Vốn từ Đạo bị bế lại thì phần nhiều hữu công tu mà thành thì ít thành, Ta rất yêu thương.
Hiền đồ có lòng giữ gìn Phật tông chánh pháp, cái địa vị cao thượng của Ta ban cho hiền đồ từ thử là cốt để đợi cho tới ngày khởi định lập pháp Tam Kỳ Phổ Độ, cho hiền đồ có đủ quyền thế mà hành chánh với Ta.

Thiên cơ khó lậu, nếu tỏ tường chơn pháp của Lôi Âm Tự và Bạch Ngọc Kinh ra thì chưa ắt ngày nào Đạo đặng mở, Tam giáo qui nhứt.
Hiền đồ cũng hằng trông mong cho Đạo đặng vậy.
Hiền đồ đủ hiểu, Thánh đạo Gia Tô lập đạo sau hết mà Thánh quyền cao thượng là chừng nào chưa? Tiếc cho Tiên đạo và Phật đạo là mối Đại Đạo đã khai từ mới tạo thiên lập địa. Mỗi sự chi cũng hữu chung hữu thỉ, cái tận tất là đến cuối cùng, mà hễ cuối cùng chẳng dứt thì phải qui nguyên lại trước, nên gọi là tuần hoàn.
Ngày nay là buổi tuần hoàn Đại Đạo, thiên địa hoằng khai, Ta trông công hiền đồ mà lập thành cho nước Nam làm chủ nền chơn đạo của Ta. Nơi đây là thánh địa, Ta lập thánh thất. Hiền đồ có lòng giúp Ta chăng ?.....
Chỉ hiệp làm một mà thôi, vì Ta đã nhứt định đến với huyền diệu đặng chuyển Phật giáo lại cho hoàn toàn. Hiền đồ đừng ái ngại.
Cư khá đọc thánh Ngôn cho Như Nhãn hiền đồ nghe.
  * THĂNG

Hòa Thượng Như Nhãn cảm động lời dạy của Đức Chí Tôn nên bằng lòng hiến chùa Từ Lâm ở Gò Kén (Tây Ninh) cho Đạo Cao Đài làm thánh thất.
Kể từ đây, Ngài Lê Văn Trung thường xưng với các tín đồ Phật giáo và với chánh quyền Pháp, Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ là Phật giáo chấn hưng hay Phật giáo canh tân (Bouddhisme Renové).

Về sau Đức Lý Giáo Tông mới dịch chữ Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ là “Troisième Amnistie de Dieu en Orient” tức là Ân Xá Kỳ Ba của Thượng Đế ở Phương Đông, khi Đức Lý dạy làm 6 cái ấn của 3 vị Chưởng Pháp và 3 vị Đầu Sư ngày 18-1 Đinh Mão (dl 19-2-1927).

CHƯƠNG III
PHÁP CHÁNH TRUYỀN

1 . Các đàn cơ phổ độ đầu tiên
Sau ngày Ngài Ngô Văn Chiêu tách riêng ra, Đấng Thượng Đế thâu phục được nhiều vị trí thức và danh giá như: Đốc Phủ Lê Bá Trang, Đốc Phủ Nguyễn Ngọc Tương, Đốc Phủ Lê Văn Hóa, Đốc Phủ Mạc Văn Nghĩa, hai vợ chồng ông huyện Nguyễn Ngọc Thơ, ông Lê Văn Lịch, Đại Lão Sư Nguyễn Văn Tương, ông Nguyễn Văn Kinh, Thái Lão Sư Trần Đạo Quang, ông Lâm Quang Bính, cả thảy đều là những trang rường cột trong nền Đại Đạo.

Chư vị phò loan, ngoài 5 ông: Cư, Tắc, Sang, Hậu, Đức, lại thêm được mấy ông: Cao Quỳnh Diêu, Ca Minh Chương, Phạm Văn Tươi, Phạm Tấn Đãi, Nguyễn Văn Kim, Trần Duy Nghĩa, Trương Văn Tràng, Huỳnh Văn Mai, Võ Văn Nguyên.

Ban đầu, mấy ông: Trung, Kỳ, Cư, Tắc, Sang, Hậu, Đức, Bản, Giảng, mỗi đêm đều tựu lại, khi ở nhà ông Trung (Chợ Lớn), khi ở nhà ông Cư (Sài Gòn), khi ở nhà ông Bản (Cầu Kho) để cầu Đấng Thượng Đế giáng cơ dạy Đạo.

Hễ mỗi lần có chư nhu đến nhập môn, Đức Chí Tôn dạy phải đến đại đàn tại Cầu Kho. Vì vậy mà nhà ông Đoàn Văn Bản trở thành một cái đàn lệ, rồi được gọi là tiểu thánh thất. Thánh thất Cầu Kho ban đầu rất chật hẹp, đồ đạc thiếu trước hụt sau, vì chủ nhà lúc bấy giờ đương ở trong vòng bẩn chật, không đủ sức mua sắm để thờ cho xứng đáng. Bàn thờ thì chỉ là một cái ghế nhỏ bằng cây giá tị, Thiên Nhãn thì vẽ trên một mảnh giấy cao chừng 3 tấc, ngang độ 2 tấc. Chiếu và đệm cũng không đủ trải ra lạy. Tình cảnh tuy nghèo mà mấy chục bổn đạo mới không hổ, cứ mỗi đêm thứ bảy là đến hầu đàn. Không bao lâu, có nhiều vị đạo tâm lo sửa sang thánh thất.

Ông Đốc Phủ Vương Quan Kỳ chưởng quản việc cúng tế trong đàn và thuyết đạo. Các ông: Đoàn Văn Bản, Nguyễn Trung Hậu, Tuyết Tân Thành, Lê Thế Vĩnh lo sửa soạn dọn dẹp thánh thất cho trang nghi. Ông Lê Văn Giảng, giáo Hiền, cùng một ít Đạo hữu lo sắm đồ đạc lặt vặt trong thánh thất.

Trong lúc đó, quí ông: Lê Văn Trung, Cao Quỳnh Cư, Phạm Công Tắc, Trần Duy Nghĩa xuống cần Giuộc lập đại đàn, khi thì ở chùa Vĩnh Nguyên, khi ở chùa Hội Phước, thêm có ông Phủ Nguyễn Ngọc Tương, ông Phủ Lê Văn Hóa, ông Lê Văn Lịch và ông Ngô Văn Kim giúp sức vào, nên trong mấy quận: Cần Giuộc, Cần Đước, thiên hạ nhập môn nườm nượp, mỗi lần thiết đàn, số người nhập môn có đến hàng trăm.

Cách không bao lâu, Đức Chí Tôn dạy lập thêm 5 cái đàn phổ độ nữa, kể chung với đàn Cầu Kho là 6 cái, kể ra:
1 . Đàn Cầu Kho: do ông vương Quan Kỳ chứng đàn, sau có thêm mấy ông: Ngô Tường Vân, Nguyễn Văn Muồi, Nguyễn Văn Đạt, Nguyễn Văn Kinh cùng với ông Kỳ luân phiên nhau lo cúng kiếng. Ông Nguyễn Trung Hậu và Trương Hữu Đức phò loan. Lo sắp đặt việc lễ có quí ông: Đoàn Văn Bản, Huỳnh Văn Giỏi, Lê Văn Giảng, Nguyễn Văn Tường.
2 . Đàn Chợ Lớn: tại nhà ông Lê Văn Trung, Ông Trung hoặc ông Lê Bá Trang chứng đàn, hai vị phò loan là: Cao Hoài Sang và Cao Quỳnh Diêu.
3 . Đàn Tân Kim (Cần Giuộc): tại nhà ông cựu Hội đồng Quản hạt Nguyễn Văn Lai, tại xã Tân Kim, quận Cần Giuộc. Ông phủ Nguyễn Ngọc Tương và ông Lê Văn Lịch luân phiên chứng đàn, hai ông Ca Minh Chương và Phạm Văn Tươi phò loan. Lo sắp đặt việc cúng kiếng có quí ông: Lê Văn Tiếp, Nguyễn Văn Nhơn, Phạm Vãn Tỷ, Võ Văn Kỉnh…
4 . Đàn Lộc Giang (Chợ Lớn): tại chùa Phước Long ở Chợ Đệm của Yết Ma Giống, phò loan là hai ông Trần Duy Nghĩa và Trương Văn Tràng. Thường trực nơi đàn nầy có quí ông: Mạc Văn Nghĩa, Trương Thành Tựu, Nguyễn Hữu Dư, vv.
Đức Chí Tôn giáng cơ dạy ông Yết Ma Giống:
“Giống, Thái Bạch thâu chùa làm thánh thất, lại cầu phong cho con làm Giáo Hữu. Thầy nhậm lời. Giống, gắng công tu hành nghe.... Thầy ban ơn cho các con. Biểu Nghĩa khai thánh thất Lộc Giang”.
5 . Đàn Tân Định: tại nhà ông huyện Nguyễn Ngọc Thơ. Ông Thơ chứng đàn, còn phò loan là hai ông Cư và Tắc.
6 . Đàn Thủ Đức: tại nhà ông Ngô Văn Điều, gần chợ Thủ Đức. Ông Điều chứng đàn, phò loan là hai ông Huỳnh Văn Mai và Võ Văn Nguyên.
Ngoài các đàn phổ độ kể trên, lại còn thiết đại đàn ở nhiều nơi khác nữa, giúp vào công cuộc phổ thông Thiên đạo.

* Đàn Trị bịnh: Đức Chí Tôn dạy lập một cái đàn riêng biệt nơi nhà ông Trần Văn Tạ, ở số 237 đường Galliéni (nay là đường Trần Hưng Đạo) để cứu chữa bệnh nhân, nhứt là bịnh điên vì tà nhập. Thầy ban cho ông Tạ phép huyền diệu để giải bịnh tà. Công quả ấy thuộc về phần ông Trần Văn Tạ, vợ của ông là bà Trương Thị Tròn và con là Trần Văn Hoằng.

Nguyên ông Tạ là nhân viên mật thám của Pháp, được giao nhiệm vụ trà trộn vào các người cầu đạo để theo dõi hoạt động của đàn Cầu Kho. Ông được Đức Chí Tôn gọi tên, độ ông theo đạo và ông trở thành một tín đồ trung kiên của đạo.

Tại đàn Cầu Kho, ngày 20.7 Bính Dần (dl 27-8-1926), Đức Chí Tôn dạy ông Trần Văn Tạ:
“Tạ, Thầy giao khổ bịnh nhơn sanh cho con. Thầy lấy nhà con mà làm thánh thất của Thầy”.
Ông Tạ và gia đình của ông đều làm công quả trị bệnh bằng cách cho bệnh nhân quì trước thiên bàn, thành tâm cầu nguyện, sau đó cho uống một chén nước trắng đã được làm phép. Rất nhiều người khỏi bệnh một cách huyền diệu, làm cho nhiều người tin tưởng và nhập môn theo Đạo Cao Đài.

Ngoài ra còn một vài đàn khác được lập ra để thâu nhận tín đồ trong vùng phụ cận của Sài Gòn và Chợ Lớn, kể ra:
Đàn Hội Phước Tự: Ngày 22-7 Bính Dần (dl 29-8-1926), thường có mặt quí Ngài: Lê Văn Trung, Lê Văn Lịch, Nguyễn Ngọc Thơ, Thầy thâu Yết Ma Luật làm môn đệ và phong chức Giáo Sư Thái Luật Thanh, tương tự như Yết Ma Nhung ở Vạn Phước Tự đã được Thầy phong Giáo Sư Thái Nhung Thanh vào ngày 15-7 Bính Dần (dl 22-8-1926).
Đàn Long Thành Tự: tại chợ Rạch Kiến Long Hòa, quận Cần Đước, được thiết đàn vào các ngày: 14, 15 và 30, mùng 1, phò loan là hai vị: Phạm Tấn Đãi và Nguyễn Thiêng Kim. Chứng đàn có Tri Phủ Lê Văn Hóa (Chủ quận Cần Đước) và các ông: Lại Văn Hành, Lê Văn Gia, Bùi Duy Thần...
Đàn Giồng Ông Tố: tại nhà ông Đỗ Văn Vàng, thường có các vị: Hồ Văn Đình, Hồ Văn Nhựt, Huỳnh Văn Nhẫn, Hai vị phò loan thường đến đây là: Cư và Tắc.

2 . Thầy chọn tiếng Việt Nam để lập đạo (29-7 Bính Dần)
NGỌC HOÀNG THƯỢNG viết CAO ĐÀI
GIÁO ĐẠO NAM PHƯƠNG
 Cười.... Thơ lên trễ làm cho vắng mặt phái Thái buổi thiên phong Như Nhãn hiền đồ, song chẳng hề chi, chờ chiều nay hai vợ chồng nó đến thì cũng đủ phái vậy. Trung, Tương, Trang, ba con phải tuân mạng lịnh nghe.
“Như Nhãn hiền đồ ! Thầy không muốn nói với con bằng tiếng Hớn ngôn, vì tiếng An Nam từ đây Thầy cho là chánh tự đặng lập đạo của Thầy nên buộc phải nói rõ với con.
Thời kỳ giấu thiên cơ đã qua rồi, Thầy phong cho con là: Quản Pháp Thiền Sư Thích Đạo Chuyển Luật Lịnh Diêu Đạo Sĩ, con vừa lòng chăng ?

Con đã giúp Thầy gìn giữ Thích đạo nguyên luật từ thử, nay mới còn đặng như vậy, không thì đã ra bàng môn tả đạo rồi. Con phải biết Thầy ngày nay trông công con mà lập thành Tân Luật Thích giáo. Con phải đại tịnh kể từ tháng 9 cho tới Rằm tháng 10, Thầy không muốn cho con lo lắng điều gi khác hơn là xét xem kinh điển lại.

Con biết ngũ chi: Minh Đường, Minh Sư, Minh Tân, Minh Lý, Minh Thiện cũng đều do nơi Phật pháp mà ra, duy giáo lý của các chi ấy thì có: Tiểu học, Đại học, Trung Dung và Tứ Thơ là kinh điển mà thôi. Còn phái Lão duy có Đạo Đức Kinh và Huỳnh Đình Kinh là căn bổn. Con phải xem xét hết lại mà lập Tân Luật.

Thầy nhứt định giao thánh thất nầy lại cho Thơ lo lắng thế con, song sự thờ phượng phải có thay đổi chút ít, sau Thầy sẽ dạy chư đạo hữu con định liệu.
Rằm tháng 10 nầy, Thầy xin con hội cả chư Hòa Thượng tại thánh thất đây chung lo lập Tân Luật. Ngày ấy Thầy sẽ dạy cho hai vị Hòa Thượng phò loan đặng có điều chi bợ ngợ thì cầu Thầy mà thôi.

Thầy phú thác một trách nhiệm nặng nề cho con, nhưng mà con đừng ái ngại. Danh giá con, thánh đạo Thầy trong ấy, con khá hết lòng.
Con phải hiểu rằng, hội chư Hòa Thượng trọn đôi ba tháng thì hao tốn, song chẳng hề chi, để Thầy định liệu. Tuy vân Thầy biết sức một mình con cũng đủ lập Tân Luật, nhưng mà Thầy muốn có Hòa Thượng đặng cho khỏi trành tròn, lại còn làm tay chơn Thầy để thâu phục Thích đạo.

Thầy cậy con một điều là đòi Minh vì nó là môn đệ của con, đặng giao chức Thái Đầu Sư cho nó đi phổ độ nhơn sanh. Cái trách nhậm ấy đáng lẽ về phần con song tuổi con đã cao rồi, khó bề cực nhọc, nghe à !
Thầy để con trọn quyền mà Thầy xin con an lòng. Thầy lo chung cùng con. Thầy trông cậy nơi con lắm đó. THĂNG

3 . Thầy dạy làm 7 cái ngai (11-8 Bính Dần)
Thầy dạy ông Kiệt (Nguyễn Văn Kiệt, Thượng Giáo Hữu) mướn thợ đóng 7 cái ngai bằng gỗ quí dành cho: ngôi Giáo Tông, 3 Chưởng Pháp và 3 Đầu Sư ba phái.
Thầy dạy ông Bính (Lâm Quang Bính, Thái Giáo Sư) làm một trái Càn Khôn có vẽ Thiên Nhãn để thờ.

Sau bài thánh ngôn nầy, Thầy có dạy thêm:
“Thơ, nghe dạy:
Thầy giao trọn quyền cho con lo liệu. Con phải nhớ khi Bính đem trái Càn Khôn về, Con làm một cái cốt xây để trái ấy lên đại điện, nhớ day Con Mắt ra ngoài, rồi con lại lên tượng Phật Thích Ca, Lão Tử, Khổng Tử mà đặt dựa dưới, kế ba vị ấy là: Quan Thế Âm, Thái Bạch, Quan Thánh Đế, kế nữa, ngay dưới Lý Thái Bạch là Jésus de Nazareth, kế dưới Jésus là Khương Thượng Tử Nha, còn chư Phật, Tiên, Thánh, Thần đã lên cốt thì để dài theo dưới, hiểu không con ?”

4 . Thầy dạy lập Thánh thất và Tân Luật (12-8 Bính Dần)
“Thầy có việc nói cùng chư môn đệ. Thầy mời chư nhu xuất ngoại một giây phút, Thầy sẽ kêu vào.
Các con ! Thầy đã lập thành Thánh Thất, nơi ấy là nhà chung của các con, biết à !”
Thầy lại qui tam giáo lập Tân Luật, trong rằm tháng 10 có đại hội cả tam giáo nơi Thánh Thất. Các con hay à !
Sự tế tự sửa theo Tam Kỳ Phổ Độ, cũng nơi ấy mà xuất hiện ra, rõ à !
Thầy nhập ba chi lại làm một là chủ ý qui tụ các con trong đạo Thầy lại một nhà, Thầy làm Cha chưởng quản, hiểu à !
Từ đây trong nước Nam duy có một Đạo chơn thật là đạo Thầy đã đến lập cho các con, gọi là Quốc Đạo, hiểu à! Thầy phải buộc các con hiệp chung trí mà lo vào đó, nghe à !”.

5 . Thầy giữ nhạc lễ cổ truyền Việt Nam (21-8 Bính Dần)
THẦY
Các con,
Thầy dặn các con, từ đây ai nói chi tùy ý, cứ nghe một Thầy thì khỏi lầm lạc.
Con Trung cứ lo khai đạo, món binh khí tà quái vì đó mà tiêu diệt. Nước Nam duy có một chủ là Thầy.
Từ trước vì có nhiều đạo trong nước mà chẳng một đạo nào chơn chánh làm mạnh quốc dân nên nước phải yếu, dân phải hèn. Dân tộc các con duy biết làm tớ chớ chưa biết làm chủ.
Thầy vì thất lẽ công bình thiêng liêng ấy mới giáng trần lập đạo tại Nam phương, tức là thay mặt càn khôn thế giới mà qui chánh truyền nhơn loại.
Trong mối đạo Thầy đã lập thì hằng nói tiên tri rằng:
Ngày kia có một nước đương trong vòng nô lệ vì Ta mà làm chủ nhơn loại.
Các con hiểu à !...
Còn nhạc lễ là phép nhà Nam, Thầy muốn giữ gìn sao cho trọn vẹn.
Các con hiểu.
Các con hơi nào nghe lời thế sự, một điều nào cũng chưa quyết đoán cho cùng phải quấy.
Khi Thích Ca truyền đạo, dân Brahma cho là bàng môn vì khác thánh Phật đạo.
Khi Lão Tử truyền đạo thì đời cho là phép mê hoặc.
Khi Chúa Jésus truyền đạo thì nhà Israel gọi là cải chánh đạo đến đỗi bắt giết.
Các con muốn vừa lòng thiên hạ thì là giỏi hơn Thầy rồi.
Thầy khuyên đừng nao núng, các con ngó Thầy trước, các con coi bước Thầy đi trước, các con cứ đi theo sau Thầy là đủ. Cười.... THĂNG.

6 . Thầy ban tịch đạo nữ phái và thiên phong chức sắc nữ phái (14-10 Bính Dần)
Thầy ban Tịch đạo nữ phái và Thiên phong Chức sắc nữ phái:
NGỌC HOÀNG THƯỢNG ĐẾ viết CAO ĐÀI GIÁO ĐẠO NAM PHƯƠNG
Hỉ chư môn đệ, chư ái nữ.
Nữ phái nghe Thầy khai Tịch Đạo:
HƯƠNG tâm nhứt phiến cận Càn khôn,
Huệ đức tu chơn độ dẫn hồn.
Nhứt niệm Quan Ầm thùy bảo mạng,
Thiên niên đẳng phái thủ sanh tồn.

Lâm thị: phong vi Gỉáo Sư, lấy thiên ân Hương Thanh
Ca thị: phong vi Phó Giáo Sư, lấy thiên ân Hương Thế.
Đường thị: đã thọ mạng Thiên sai, cứ giữ địa vị mình.
Còn cả chư ái nữ, Thầy sẽ lập đại hội cho đủ mấy vị rồi sẽ phong sắc một lần.
Thầy ban ơn cho các con, cứ hành lễ theo lời dặn.
  * THĂNG.
Trong đời Giáo Tông thứ nhứt, Chức sắc Cửu Trùng Đài nữ phái lấy chữ HƯƠNG đứng đầu thánh danh.
Bà Lâm Ngọc Thanh có thánh danh là: Hương Thanh.
Bà Ca Thị Thế có thánh danh là: Hương Thế.
Bà Đãi Thị Huệ có thánh danh là Hương Huệ.

7 . Thầy lập Pháp Chánh Truyền Cửu Trùng Đài (16-10 Bính Dần)
Đêm 16.10 Bính Dần, Thầy viết Pháp Chánh Truyền từ phẩm Giáo Tông đến phẩm Lễ Sanh rồi thì Thầy thăng.

Đêm sau, Thầy viết tiếp phần công cử các phẩm cấp chức sắc từ Lễ Sanh đến Giáo Tông.
Tất cả các đàn cơ trong những ngày khai đạo đều do hai Ngài Đầu Sư Thượng Trung Nhựt và Ngọc Lịch Nguyệt chứng đàn, hai vị phò loan là: Cao Quỳnh Cư và Phạm Công Tắc.
Theo lời Ngài Nguyễn Trung Hậu kể lại: Thầy giáng cơ viết Pháp Chánh Truyền rất nhanh, đến độ điển ký là ông Sơn chép không kịp, Thầy biểu ông Hậu viết tiếp mới kịp.
Đây là một văn bản rất quan trọng do Thầy lập ra để làm hiến pháp tổ chức Cửu Trùng Đài với các phẩm Chức sắc nam phái.

Hiến pháp nầy sẽ bất di bất dịch trong thất ức niên, không ai được quyền canh cải.
Chương trình Đại Lễ Khai Đạo đến ngày 16 chấm dứt.
Tuy bị Quỉ Vương khảo đảo nặng nề, nhưng đại lễ vẫn tiến hành theo đúng chương trình qui định.

Nhơn sanh từ khắp lục tỉnh vẫn tiếp tục kéo lên Thánh Thất để cầu Đạo, tuy không còn lễ nhưng nhơn sanh vẫn tấp nập vào Thánh Thất, kẻ ra người vào náo nhiệt, ban tổ chức vẫn tiếp tục lo cơm nước đãi đằng nhơn sanh. Việc nầy kéo dài đến 3 tháng sau, đến ngày 15.1 Đinh Mão, Thầy mới ra lịnh chấm dứt.

Dù bị Quỉ nhập khuấy phá, dù bị dư luận báo chí mỉa mai, dù rằng bị người đời và các tín đồ Phật giáo chê bai, dù rằng có một vài chức sắc ngã lòng thối bước, nhưng các người cầu đạo vẫn đến rất đông, hết lớp nầy tới lớp khác, chỉ trong 3 tháng sau ngày Khai Đạo, số người nhập môn vào đạo được cả vạn người.

Nhiều người hiểu biết, quan tâm về tôn giáo, càng nghe nhiều lời công kích chừng nào thì càng quan sát về đạo chừng nấy, thành thử những người công kích lại chính là người giới thiệu Đạo Cao Đài cho nhiều người biết.

Chư vị chức sắc cao cấp của Đạo Cao Đài thấy nhơn sanh nượp nượp đến Thánh Thất cầu đạo, mỗi ngày có đến hàng trăm người, thì trong lòng được an ủi rất nhiều, dần dần hết phiền muộn, đức tin thêm vững chắc, càng hết lòng phụng sự nền đạo.

Kết quả Đại Lễ Khai Đạo rất mỹ mãn. Đạo Cao Đài tức Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ là một thực thể hiển nhiên, không ai có thể tiêu diệt được.
Có một điều mới xem là nghịch lý nhưng đó lại là sự thật đối với nền Đại Đạo của Đức Chí Tôn: càng gây khó khăn cho Đạo, càng muốn tiêu diệt đạo chừng nào thì đạo lại phát triển nhanh chừng nấy.

Đúng như lời của Đức Chí Tôn: “Muốn khuấy rối bao nhiêu, Đạo lại càng phát mau bấy nhiêu."

CHƯƠNG IV
TÂN LUẬT

1 . Thầy dạy lập Tân Luật (2-11 Bính Dần)
NGỌC HOÀNG THƯỢNG ĐẾ viết CAO ĐÀI GIÁO ĐẠO NAM PHƯƠNG
Hỷ chư môn đệ, chư ái nữ, chư nhu, chư tín nữ.
Trung bạch Thầy xin cho đình lại, qua ngày thứ bảy tới sẽ nạp Luật cho Thầy phê chuẩn.
- Phải ở luôn luôn nơi Thánh Thất đặng lập Luật sẵn. Nghe Thầy dạy:
Khởi đầu lập Luật Tu gọi là: Tịnh Thất Luật.
Kế nữa lập Luật Trị gọi là: Đạo Pháp Luật.
Ba là lập Luật Đời gọi là: Thế Luật.
Các con hiểu à!

2 . Đức Lý dạy bùa chữ Khí (9-11 Bính Dần)

THÁI BẠCH

Hỷ chư Đạo hữu, chư Đạo muội, chư nhu, chư thiện nam tín nữ.
Thánh Thất đã an, chư hiền hữu lo chỉnh nghi cho tinh tấn. Thầy dạy Thượng Trung Nhựt hiền hữu lo sắp đặt thế nào cho ra nghi tiết thì sắp đặt.
Sau lưng bàn thờ Hộ Pháp, phải để một miếng nỉ dài, ngang một thước rưỡi, cao ba thước, thèu chữ bùa Lão vẽ đây. (Bùa chữ KHÍ).
Như có thế làm một cái bàn thờ ba nấc, giữa cao, hai bên bằng, cho Thượng Phẩm, Thượng Sanh đứng.
Chư Đạo hữu chỉnh đàn cho Thầy ngự. Ai chẳng y quan tử tế xuất ngoại. Nghe và tuân mạng.

3 . Đức Lý dạy tổ chức cải luật (14-11 Bính Dần)

THÁI BẠCH

Hỷ chư Đạo hữu, chư Đạo muội.
Thượng Trung Nhựt, Hiền hữu nghe dạy:
Phải viết thơ cho các Thánh nói rằng: Buổi lập Luật phải ngưng sự phổ độ lại đôi chút. Lo cho xong Tân Luật thì mới truyền bá chơn đạo rõ lý hơn.
Vậy ngày Đại lễ Thánh giáo Giáng sinh, phải có mặt tại đây cho đủ và nạp Luật cho kịp ngày ấy.

Làm lễ xong, qua ngày kế thì chư Thánh mặc đại phục, vào đại điện bái, rồi hiền hữu biểu sắp ghế vòng theo đại điện. Hiền hữu và Ngọc Lịch Nguyệt lên tọa bửu vị, rồi theo chức phận chư Thánh mà ngồi vòng hai bên như lúc hiền hữu còn tại Thượng Nghị Viện, đặng cải luật đó vậy.

Hiền hữu chưởng quản làm chủ Hội, mỗi vị Thánh đều đặng quyền cãi lẽ, nghe à !
Phải giữ phép, kẻ trước người sau, tùy phiên nhau cho có lễ: phái Thái trước, phái Thượng giữa, phái Ngọc chót.
Phải viết thơ cho Tương và Trang nạp Luật cho kịp một lượt với Thơ, nghe à !...

4 . Thầy dạy về Tân Luật (20-11 Bính Dần)
Đức Lý Giáo Tông giáng cơ trước để dạy Ngài Đầu Sư Thượng Trung Nhựt:

THÁI BẠCH

Đại hỷ ! Đại hỷ! 
Lão mừng chư Đạo hữu. Chỉnh đàn cho Thầy ngự.
Trung ! Hiền hữu nhớ mời hội từ 6 giờ mơi chí 11 giờ nghỉ; chiều từ 2 giờ tới 6 giờ nghỉ; tối từ 8 giờ tới 11 giờ nghỉ. Như chưa hoàn toàn, ngày mai cũng phải vậy. Thầy dặn phải tuân y theo lời.
Luật lệ truyền lâu dài, chư Đạo hữu phải ráng cẩn thận nghe.

5 . Đức Lý dạy về cơ bút (25-11 Bính Dần)

THÁI BẠCH KIM TINH

Hỷ chư Đạo hữu, chư Đạo muội, chư chúng sanh.
Cười... Huờn, nghe Lão.
Việc cơ bút, hiền hữu tuy chưa rõ thấu huyền diệu cho trọn mặc dầu, chớ kỳ trung cũng đã hiểu biết chút đỉnh. Chẳng phải ai cầm cơ mà đều đặng huyền diệu hết. Lão giải nghĩa:
Có ba phẩm đồng tử phò loan:
Một là Giáng tâm,
Hai là Mê,
Ba là Giáng thủ.
Tây phương gọi là: Intuitif, Semi-intuitif, et Automatique.
Thầy đã cho hiền hữu chấp cơ một đôi khi quả có huyền diệu, nhưng mà có nhiều khi tà bổn thân hiền hữu nó lại choán lấy hết thiên ý mà dịch trật, vì vậy mà hiền hữu nhiều phen thất chí, nhứt là khi thai bào con hiền hữu, hiểu à! Thầy dạy hiền hữu cùng Phước Sanh chọn kẻ khác cầu Thầy, hầu truyền bá đạo nơi tỉnh Biên Hòa, nghe à!
6. Đức Lý cho thơ Ngụ Đời (8-12 Bính Dần)
Đức Lý Thái Bạch giáng cơ ngày 8 tháng chạp Bính Dần (11-1-1927)

Bài số 1 (Điệu Thái Cực)
Đời hằng đổi nước non không đổi, 
Giữ nhơn luân nhờ mối Đạo truyền, 
Nhẩng lo trọng tước cao quyền
Đem thân trần cấu gieo miền trầm luân. 
Biệt cành lá rụng đầy rừng, 
Con thuyền "Bát Nhã" lửng lờ độ duyên. 
Sắc
Tài
Tửu
Khí
Lưng vơi lấy chí anh hùng
Mượn gươm Thần huệ dứt lần trái oan. 
Vụ chữ nhàn

Bài số 2 (Điệu Lưỡng Nghi) 
Mến giang san
Phế vua quan
Ngừa trị loạn
Xem qua như chốn hí tràng, 
Lẻ loi mặt nịnh lỡ làng phận trung. 
Chẳng ai nắm kiếm Thư Hùng
Thành nghiêng khôn đở, vạt rùng khôn nâng. 
Sĩ dân
Soái tướng
Quân thần
Chinh chuyên thay ! phận phàm nhân, 
Đỡ nương chẳng biết dựa gần người binh. 
Nghe thấy bắt động tình.

Bài số 3 (Điệu Tứ Tượng)
Dân dưới phép tụng đình, 
Nước dưới phép đao binh
Nhà dưới phép luật hình, 
Còn chi hai chữ thái bình
Ngửa nghiêng chín bệ, gập gình ba châu
Non sông nhuộm một màu sầu, 
Nền giao cỏ láng, sân chầu sương phong
Dân chẳng hiệp đồng, 
Quan chẳng vị công
Vua chẳng phải giòng, 
Về đông hết kế Tử Phòng, 
Đoạt binh thơ chẳng Trương Tòng mưu mô. 
Tiếc thay một gánh cơ đồ, 
Xa thơ khuất dấu bóng cờ bặt tâm. 
Nòi anh phong đó cơ nghiệp hỏi ai cầm ?

Bài số 4 (Điệu Bát Quái) 
Cũng xương, cũng thịt, cũng khí, cũng huyết Nam, 
Cũng văn, cũng pháp cũng phong cũng tục Nam, 
Cũng xã tắc, cũng triều đình của nhà Nam, 
Ngôi tiên đã lắm gót phám, 
Kẻ chăn dân lại ra làm con buôn. 
Dân như cá chậu gà chuồng, 
Tiếng oan trăm họ trêu buồn ngậm than. 
Quốc gia nghèo nàn dân khó mở mang, 
Lăng điện phá hoại, văn miếu bỏ hoang, 
Trí quân lánh mặt, hồn nước điêu tàn, 
Gặp con ác giục loàn, 
Người ngay tránh dạng đứa gian khoe mình, 
Tỷ như một đám bù nhìn, 
Cân đai một vẻ, thân hình một nơi. 
Ấy cũng gọi đời ………………

Bài số 1
(trên Tứ Thời giữa Tam Tài gọi là Điệu văn Tam tài) 
Nhơn vật khác vời
Vị chữ kim thời
Phong dời tục đổi. 
Điền viên đất nổi lên vàng, 
Quằn vai nông chịu muôn ngàn thuế sưu
Tròn năm luống phận cần cù, 
Không nuôi thê tử không bù thân sanh. 
Nhỏ tùng đinh
Lớn tùng binh
Già nằm canh
Mảnh tơi còn phận chưa lành, 
Máu đưa quan núc, mở dành làng ăn. 
Thân trâu phải chịu nhọc nhằn, 
Đòn roi lão mục, tiếng dằn thằng chăn. 
Phải tùy phương nắng, giỏi dắn dai dù.

Bài số 2 (Trên Bát tuyết giữa là Ngũ Hành gọi là Điệu văn Ngũ Hành) 
Một thổ võ xưa kia nên tuấn tú
Bị tay phàm làm xấu nét phong quang. 
Ôi ! Thương thay ! cho cẩm tú giang san,
Đầy sông ngui ngút khói thuyền, 
Đầu non súng giữ, cuối triền gươm đoanh, 
Công dân đắp lũy bồi thành, 
Tay mình lại côt lấy mình thảm thay ! 
Nổi lương tháng bổng ngày, 
Nổi tiền hỏi bạc vay
Nổi trả thuế đóng bài. 
Thợ hay dầu đủ sức tài, 
Dủa đêm chẳng đủ, bào ngày không kham. 
Miệng ăn quá sức tay làm, 
Thê nhi thiếu kém thân phàm chẳng no. 
Cũng trò …………..

Bài số 3 (Trên là Lưỡng Khí giữa là Cửu Thiên)
Lợi bỏ
Không lo
Cướp to
Giựt nhỏ
Trường thương lấp ló ít người, 
Nơi tay vị chủng như trời nắng mưa. 
Quốc dân ăn thãi uống thừa, 
Không ngăn bán lận, khó ngừa buôn gian. 
Cửa Sài Gòn tính toán, áp chế nội hàng, 
Gạo bắp chở ngoại bang, giành phần xuất cảng. 
Dùng mưu phản gián Nam bang, 
Đoạt thâu cho sạch vàng ngàn bạc muôn. 
Nọc ăn máu nước thúi ruồng, 
Khô khan lạc khí hao mòn hồn tinh. 
Tính toán vốn lời mình, đừng chịu làm thinh e lỗ vốn.

Bài số 4 (Trên Thập Nhị Thời, giữa Thập Điện Diêm Cung gọi là Điệu văn Thập điệu) 
Kìa quan viên chức sắc bôn chôn, cũng lũ dại học khôn, 
Nọ binh lính tổng làng chộn rộn, cũng lũ ngu ăn hỗn. 
Mua phẩm hàm tước hộ cầu tôn, tiền ngàn không sợ tốn. 
Cửa công huyện mãn nha còn, 
Dạ thưa lưỡi mõi, cúi lòng lưng cong. 
Lằng xanh ưa ngửi mùi đồng, 
Ham thân nô lệ, mến vòng tôi con
Lớp lương tháng chẳng tròn, nổi vợ con ương yếu
Rủi phải cơn túng thiếu, chịu người níu kẻ đòi
Đã quen tiếng buộc lời lơi, 
Gian làm ra phải lổi dời thành ngay. 
Dày công đếm số mề đai
Mực văng nhuộm tánh, viết mài tiêu tâm. 
Có chi ham ……………

Bài số 5
Nguồn nước cấm
Thủy lợi thâu
Chiếc thuyền câu ra thủ phận
Nghề xưa hạ bạc đã nhàm
Nay dân đói khó ra làm không no
Lúc giăng lưới khi đóng nò
Mãn lo tàu chặn nhẩng dò bè trôi. 
Cá chê mồi
Bởi quen mối
Khôn tránh lưới
Nào khi nguyệt giỡn sóng cười
Thú bay mặt nước chân trời ngửa nghiêng
Kinh luân bứt nối khó truyền
Gảy câu Khương Tử, đắm thuyền Ngư Công
Song vẫn cũng một lòng …

Bài số 6 (Điệu Thập Nhị Khai Thiên Động Đình Hồ) 
Thân đói khô như nhộng, 
Hỏi ăn chi đặng sống, 
Rằng hớp khí thanh không. 
Lánh thân khóm bá rừng tòng, 
Tiều chưa thoát khỏi trong vòng tôi con
Cây ăn lưỡi búa đã mòn, 
Rừng cao hết củi nồi còn không cơm. 
Lão lục ngó lườm lườm
Chú săn đơm khẩu súng, 
Non sanh vắng gót anh hùng
Rõ cơn Võ Kiết lánh vòng Văn Vương
Thành Thang muôn mặt lưới trường
Biết khôn cầm thú kiếm đường cao sâu, 
Ôi ! nạn củi quế gạo châu, thiên sầu địa thảm !

7 . Đức Lý dạy cách dâng Tân Luật (13-12 Bính Dần)

THÁI BẠCH

Hỷ chư Đạo hữu, chư Đạo muội.
Thầy dặn Lão chỉ sửa cơ mật nhiệm của luật lệ, phải tùy nguyên văn của Hội Thánh.
Lão đương quyền Giáo Tông, chư đạo hữu cũng nên tưởng rằng Lão có xác thịt như chư đạo hữu vậy.
Lão là Giáo Tông, tuy quyền hành chưởng quản về đạo mặc dầu, nhưng mà ba vị Chưởng Pháp vẫn hiệp một cùng Lão, có quyền can gián sửa lỗi Lão. Vậy, chúng ta tuy bốn chớ vẫn cũng một.
Phải làm lễ dâng lên ngay tượng Lão, để hai bữa, rồi Lão sẽ dẫn qua Hiệp Thiên Đài, nghe à !
Còn Hộ Pháp, Thượng Phẩm, nhị vị hiền hữu phải để ngay căn giữa một thiên bàn, phân mười hai vị Thời Quân ra thế nầy:
Giữa, trước thiên bàn: thì Hộ Pháp, Thượng Phẩm, Thượng Sanh đứng.
Trước mặt thì 4 vị Thời Quân: Hậu, Đức, Nghĩa, Tràng.
Bên hữu của Hiệp Thiên Đài thì để: Tươi, Chương, Kim, Đãi.
Bên tả thì: Mai, Nguyên, Mạnh, Phước.
Còn hai đứa cầm phướn: là Mùi và Vĩnh đứng hai bên cột, gần thang lên.
Chừng Lão dâng luật thì Lão sẽ mượn hai vị Đầu Sư chịu phiền là nội lễ ngoại lễ đến thì Hộ Pháp, Thượng Phẩm, Thượng Sanh tiếp luật vào, rồi tức thì cầu cơ cho Chí Tôn giáng phán dạy, nghe à.
Chiều nầy dâng luật cho Lão ……..
Lão dạy dể luật nơi đại điện trọn đêm nay, mai 2 vị Chưởng Pháp phải cầu cơ cho Lão giao lại. Chư hiền hữu đặng đầy ơn Thầy. Lão cám ơn lắm đó.

8 . Đức Lý dạy tiếp Tân Luật (14-12 Bính Dần)

THÁI BẠCH
Hỷ chư Đạo hữu.
Nhị Đạo muội, Lão rảnh sẽ nói chuyện nghe.
Khai môn.
Lão đương quyền là Giáo Tông, ngặt nỗi lễ chức chưa có đặng giao luật lại.
Vậy Lão cậy nhị vị hiền hữu Thượng Trung Nhựt và Ngọc Lịch Nguyệt thế giùm chức ấy, lên đại điện phò luật, đặng giao Hiệp Thiên Đài cho Hộ Pháp. (Thượng Sanh vắng mặt, một ngày bỏ làm việc chẳng đặng sao há ?)
Hộ Pháp, Thượng Phẩm nghe dạy: Nhị vị hiền hữu lên bàn đứng theo phẩm mình, đợi luật đến, bái tiếp, rồi Hộ Pháp bắt ấn tay mặt của Hộ Pháp mà để trên chồng luật ấy, còn Thượng Phẩm thì lấy cây Quạt mà che trên.
Nhị vị Chưởng Pháp, khi tọa vị rồi đến ngai bái thì hai người phải bái lạy như lúc hành lễ hôm qua.
Hộ Pháp nhớ, khi đưa luật thì nói: “Kỳ một tháng nạp lại”. Ngọc Lịch Nguyệt dạy em bắt ấn Tý, khai môn cho hết thảy chúng sanh xem, vì là luật truyền thế, ai cũng như nấy.
Tòa Thánh tạm năm 1930

PHẦN THỨ TƯ
XÂY DỰNG TÒA THÁNH

CHƯƠNG I
PHÁP CHÁNH TRUYỀN NỮ PHÁI

1 . Đức Lý lập Pháp Chánh Truyền nữ phái (ngày 1-1 Đinh Mão 1927)

THÁI BẠCH

Hội Thánh nghe Lão ban sắc phục cho nữ phái. Nghe và từ đây xem sắc tốt ấy mà hành lễ theo đẳng cấp.
Nữ phái phải tùng Đầu Sư nữ phái, song tùng quyền của Giáo Tông và Chưởng Pháp.
Đầu Sư nữ phái cũng phải chịu công cử theo luật Hội Thánh ban hành, theo luật Hội Thánh ban xử đường đời và đường đạo.

Đầu Sư nữ phái mặc một đạo phục y như đạo phục Đầu Sư nam phái, phải đội một Ni Kim Cô như các vãi chùa, toàn hàng trắng, 9 dải, áo có thêu bông sen. Cái Kim Cô có choàng từ đầu tới gót, đội mão Phương Thiên, trên chót Phương Thiên ngang đầu tóc có Thiên Nhãn Thầy bao quanh một vòng Minh Khí, đi giày vô ưu màu trắng, trên chót để chữ Hương, nghe à !
Phối Sư cũng mặc y như vậy, song không có mão Phương Thiên, áo 3 dải, nhưng trước ngực có thêu Thiên Nhãn Thầy bao quanh một vòng Minh Khí, nghe à !
Giáo Sư mặc áo ba dải, đội Kim Cô bằng hàng trắng, không đi giày.
Giáo Hữu mặc đạo phục như Giáo Sư, đầu không đội mão, mà giắt một bông sen, trên bông sen có Thiên Nhãn Thầy.

Lễ Sanh nữ phái mặc như Giáo Hữu, nhưng choàng ngang trên đầu một đoạn vải mỏng, cột ra sau ót, thả một mí dài một mí vắn, ngay đầu tóc có giắt một bông sen.
Thầy vì thấy nhiều người vắng mặt nên phải đợi đủ mới phong chức.
Lâm Hương Thanh hiền muội phải viết thơ mời đủ mặt ngày rằm nầy, Thầy đến phong chức lập thành nữ phái, nghe à !
* “Chẳng hiểu có điều chi huyền bí với Thầy cùng Ngọc Hư Cung mà Thầy giao cho Đức Lý Thái Bạch lập Pháp Chánh Truyền Cửu Trùng Đài nữ phái, đặng tránh cho khỏi luật lệ thiên điều hay chăng !
Xem rõ lại thì Pháp Chánh Truyền truất quyền nữ phái không cho lên địa vị Chưởng Pháp và Giáo Tông.”
Chức sắc nữ phái cửu Trùng Đài chỉ có:
- 1 vị Nữ Đầu Sư
- 1 vị Nữ Chánh Phối Sư
còn số lượng nữ Phối Sư, nữ Giáo Sư, nữ Giáo Hữu, đều không hạn định như các chức sắc nam phái CTĐ.
Đây là một ân huệ lớn lao mà Đức Chí Tôn dành cho nữ phái. Nữ Đầu Sư tùng quyền 3 vị Chưởng Pháp và Đức Giáo Tông.

2 . Thầy lập Pháp Chánh Truyền Hiệp Thiên Đài (ngày 12-1 Đinh Mão)
NGỌC HOÀNG THƯỢNG ĐẾ viết CAO ĐÀI
GIÁO ĐẠO NAM PHƯƠNG
Các con.
Cả chư môn đệ khá tuân mạng.
Hiệp Thiên Đài là nơi Thầy ngự cầm quyền thiêng liêng mối Đạo. Hễ Đạo còn thì Hiệp Thiên Đài vẫn còn.
Thầy đã nói Ngũ Chi Đại Đạo bị qui phàm là vì khi trước Thầy giao chánh giáo cho tay phàm, càng ngày càng xa thánh giáo mà lập ra phàm giáo, nên Thầy nhứt định đến chính mình Thầy đặng dạy dỗ các con mà thôi, chớ không chịu giao chánh giáo cho tay phàm nữa.
Lại nữa, Hiệp Thiên Đài là nơi của Giáo Tông đến thông công cùng tam thập lục thiên, tam thiên thế giới, lục thập bát địa cầu, thập điện diêm cung, mà cầu siêu cho cả nhơn loại.
Thầy đã nói sở dụng thiêng liêng, Thầy cũng nên nói sở dụng phàm trần của nó nữa.
Hiệp Thiên Đài dưới quyền Hộ Pháp chưởng quản, tả có Thượng Sanh, hữu có Thượng Phẩm.
Thầy lại chọn thập nhị thời quân chia làm ba:
1. Phần của Hộ Pháp chưởng quản về PHÁP thì
Hậu là Bảo Pháp
Đức là Hiến Pháp
Nghĩa là Khai Pháp
Tràng là Tiếp Pháp
Lo bảo hộ Luật đời và Luật Đạo, chẳng ai qua Luật mà Hiệp Thiên Đài chẳng biết.

2 . Thượng Phẩm thì quyền về phần ĐẠO, dưới quyền:
Chương là Bảo Đạo
Tươi là Hiến Đạo
Đãi là Khai Đạo
Trọng là Tiếp Đạo
Lo về phần Đạo nơi tịnh thất, mấy thánh thất, đều xem sóc chư môn đệ Thầy, binh vực chẳng cho ai phạm Luật đến khổ khắc cho đặng.
3. Thượng Sanh thì lo về phần ĐỜI:
Bảo Thế: thì Phước
Hiến Thế: Mạnh
Khai Thế: Thâu
Tiếp Thế: Vĩnh

Thầy khuyên các con lấy tánh vô tư mà hành đạo. Thầy cho các con biết trước rằng: Hễ trọng quyền ắt trọng phạt. Thầy ban ơn cho các con.
* Bài Thánh Ngôn nầy, Đức Chí Tôn lập Pháp Chánh Truyền Hiệp Thiên Đài, ngày 12.1 Đinh Mão và phong chức chánh thức thập nhị thời quân mà trước đây, Đức Chí Tôn chỉ tạm phong là: Tiên Đạo Phò Cơ Đạo Sĩ.
Chức sắc cầm quyền Hiệp Thiên Đài gồm:
Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc: chưởng quản HTĐ và chưởng quyền chi Pháp.
Phụ Tá Hộ Pháp có Thượng Phẩm và Thượng Sanh:
Đức Thượng Phẩm Cao Quỳnh Cư: chưởng quyền chi Đạo.
Đức Thượng Sanh Cao Hoài Sang: chưởng quyền chi Thế.
Dưới Hộ Pháp, Thượng Phẩm và Thượng Sanh có Thập nhị Thời Quân, chia ra ba Chi: Pháp, Đạo, Thế.

* Chi Pháp gồm bốn vị Thời Quân:
Bảo Pháp: Nguyễn Trung Hậu.
Hiến Pháp: Trương Hữu Đức.
Khai Pháp: Trần Duy Nghĩa.
Tiếp Pháp: Trương Văn Tràng.

* Chi Đạo gồm bốn vị Thời Quân:
Bảo Đạo: Ca Minh Chương.
Hiến Đạo: Phạm Văn Tươi
Khai Đạo: Phạm Tấn Đãi
Tiếp Đạo: Cao Đức Trọng.

* Chi Thế gồm bốn vị Thời Quân:
Bảo Thế: Lê Thiện Phước.
Hiến Thế: Nguyễn Văn Mạnh.
KhaiThế: Thái Văn Thâu.
Tiếp Thế: Lê Thế Vĩnh

Để dự bị Thập nhị Thời Quân, Đức Chí Tôn lập 6 cặp phò loan, phong là Tiên Đạo Phò Cơ Đạo sĩ, gồm:
Trương Hữu Đức-Nguyễn Trung Hậu: Phò loan tại đàn Cầu Kho (nhà của ông Đoàn Văn Bản).
Trần Duy Nghĩa-Trương Văn Tràng: Phò loan tại đàn Lộc Giang (Phuớc Long Tự, sư trụ trì:Yết Ma Giống).
Phạm Văn Tươi-Ca Minh Chương: Phò loan tại đàn Tân Kim (nhà Hội Đồng Nguyễn Văn Lai, xã Tân Kim, Cần Giuộc).
Phạm Tấn Đãi-Nguyễn Thiêng Kim: Phò loan tại đàn Long Thành Tự ở gần Chợ Rạch Kiến, Cần Đước.
Huỳnh Văn Mai-Võ Văn Nguyên: Phò loan tại đàn Thủ Đức (nhà của ông Ngô Văn Điều, gần Chợ Thủ Đức).
Nguyễn Văn Mạnh-Lê Thiện Phước
Khi lập Pháp Chánh Truyền Hiệp Thiên Đài, ba vị phò loan: Nguyễn Thiêng Kim, Huỳnh Văn Mai, Võ Vãn Nguyên không đến dự, nên ba vị nầy không được phong vào thập nhị thời quân Hiệp Thiên Đài. Đức Chí Tôn phong cho ba vị khác là: Thái Văn Thâu, Lê Thế Vĩnh, Cao Đức Trọng.
Ngài Cao Đức Trọng được Đức Chí Tôn phong sau cùng khi Đức Chí Tôn cho Đức Hộ Pháp lên Nam Vang mở đạo.
Tại Nam Vang, Đức Phạm Hộ Pháp phò loan cùng Ngài Cao Đức Trọng để Đức Chí Tôn giáng thâu môn đệ.
Ngài Cao Đức Trọng được Đức Chí Tôn ân phong Tiếp Đạo ngày 27-7-1927 (âl 29-6 Đinh Mão).
Điều rất đặc biệt là về tuổi của các vị Chức sắc HTĐ:
Ba vị đứng đầu HTĐ có tuổi lần lượt là Tý, Sửu, Dần.
12 vị Thời Quân có tuổi là 12 con giáp trong Thập nhị Địa Chi.

3 . Đức Lý dạy ban hành Tân Luật (ngày 15-1 Đinh Mão 1927)

THÁI BẠCH
Hỷ chư đạo hữu, chư đạo muội, chư chúng sanh.
Chư đạo hữu bình thân.
Thầy đã dạy ban hành Tân Luật liền mà đã ba ngày còn nằm trước mặt Lão, tiếc thay Lão không xác thịt như chư hiền hữu vậy.
Cả Hội Thánh từ lập đến giờ chưa làm một việc nào xong hết.
Lấy liền bây giờ, ngày mai làm thế nào ban hành cho kịp. Chí Tôn rầy Lão thì lỗi tại chư hiền hữu nghe à.
Lão nói với chư hiền muội chưa đặng thiên ân, đừng ngã lòng chi chi. Lão cũng cầu khẩn đặng số thánh tăng thêm rộng quyền phổ độ. Cũng vì lau mình chưa sạch, chẳng hết công tu nên ra đến đỗi.
Mời Trực (Hội Đồng Cao Triều Trực ở Bạc Liêu).

Đợi Thầy giáng, tái cầu Thầy.
NGỌC HOÀNG THƯỢNG ĐẾ viết CAO ĐÀI
GIÁO ĐẠO NAM PHƯƠNG
Các con,
Trực, Thầy mừng con. Cười...
Tâm đạo của con Thầy biết nên lỗi của con, Thầy tha thứ đó.
Thái Bạch khi nãy muốn cho con bài thi nầy cho con suy gẫm, song Thầy không muốn người rầy con nên can gián. Thầy khuyên con biên cho nhớ, Thầy đọc:
Hạnh đức thủ đồng mạng tác vinh,
Tinh thần an tịnh, khí quang minh.
Phồn ba ngộ kiếp thiên niên đọa,
Cầm hạc tri hoan cựu nhựt tình.
Mầu nhiệm chí kỳ phi vọng ngữ,
Huyền vi thử địa phát phong thinh.
Ngã ngôn giác liễu huờn hư khách,
Vô hỏa ô kim bất tái huỳnh.
* Ký tên: LÝ THÁI BẠCH
Con mơ màng, chừng nào tỉnh giấc, Thầy đến kêu con.

4 . Chi chi cũng ở Tây Ninh
Kể từ ngày 15-10 Bính Dần tới 15.1 Đinh Mão là đúng kỳ hứa mượn chùa Từ Lâm Tự (Gò Kén) ba tháng, nên Đức Chí Tôn và Đức Lý Giáo Tông quyết định trả chùa nầy lại cho Hòa Thượng Như Nhãn, nhưng trước khi trả thì Hội Thánh phải đi kiếm mua đất cho đặng có nơi có chỗ sẵn sàng, rồi mới dọn qua đất mới mua. Có nhiều nơi hiến đất cho Đạo để cất Tòa Thánh nhưng Đức Chí Tôn không chịu và quyết định: Chi chi cũng ờ tại Tây Ninh đây mà thôi.

Ngày đi chọn kiếm mua đất, Hội Thánh Hiệp Thiên Đài và Cửu Trùng Đài gồm quí Ngài: Đầu sư Thượng Trung Nhựt, Đức Hộ Pháp, Đức Thượng Phẩm, Thái Thơ Thanh, Thượng Tương Thanh, Ngọc Trang Thanh với vài vị chức sắc khác, ngồi trên hai chiếc xe hơi.

Ngày đầu đi tìm nhưng chưa thấy cuộc đất nào thích hợp, tối lại cầu hỏi Đức Lý. Đức Lý hướng dẫn để hôm sau quí Ngài đi nữa thì thấy được cuộc đất rừng mà Đức Lý Giáo Tông đã chỉ điểm, nhưng không biết chủ đất là ai, lại thấy kế bên cuộc đất nầy có tấm bảng đề Cao Văn Điện, ông nầy là bạn của Đức Cao Thượng Phẩm, nên Đức Cao Thượng Phẩm liền đi tìm ông Cao Văn Điện để hỏi người chủ của miếng đất mà Hội Thánh muốn mua. Ông Cao Văn Điện cho biết khu đất rừng ấy là của ông Aspar người Pháp, làm kiểm lâm.
Tối lại, quí Ngài cầu Đức Lý thì Đức Lý khen quí Ngài tìm đúng, miếng đất ấy gọi là thánh địa vì ở dưới sâu trong lòng đất có Lục Long Phò Ấn.

Thế là Hội Thánh thương lượng với chủ đất là ông Aspar mua miếng đất rừng ấy. Ngài Thái Thơ Thanh xuất tiền cho Hội Thánh mượn mua đất. Khu đất nầy ở tại làng Long Thành tỉnh Tây Ninh mà ngày nay là Nội Ô Tòa Thánh.

Khi đã mua được đất rồi thì Hội Thánh lo dọn đất cho trống trải, dùng cây rừng cất tạm lên một ngôi Thánh Thất và vài cái nhà để tạm trú, rồi lo di dời đồ đạc từ Thánh Thất Gò Kén về đất mới.
Hội Thánh quyết định sẽ giao trả chùa Gò Kén cho Hòa Thượng Như Nhãn vào ngày 20.2 Đinh Mão, nên Hội Thánh phải lo xây dựng các cơ sở tạm thời nơi đất mới mua để kịp di dời tất cả đồ đạc về cơ sở mới. Đức Thượng Phẩm Cao Quỳnh Cư lãnh phần xây dựng cơ sở mới và việc di dời.
Sau đây là diễn tiến từng ngày các công việc từ lúc Đức Lý dạy đi tìm mua đất, đến khỉ phá rừng cất Tòa Thánh tạm, di dời Trái Càn Khôn và tượng Thái Tử Sĩ Đạt Ta cỡi ngựa trắng.
Công quả phá rừng cất Tòa Thánh:
Đào móng cất Tòa Thánh

CHƯƠNG II
CHỌN ĐẤT XÂY TÒA THÁNH

1 . Xây dựng đất Tây Ninh (ngày 18.1 Đinh Mão 1927)

THÁI BẠCH

Hỷ chư Đạo hữu, chư Đạo muội.
Cười... Thượng Trung Nhựt, ngày nay ráng gắng nghe Lão dạy nghe.
Chẳng vì Thánh Thất, Như Nhãn phản ngôn mà trễ phổ thông thánh giáo.
Cười... Đã hiểu đời còn mê muội, chẳng phân đặng chơn giả thế nào, thảm thay ! Có một điều đáng trách là một phái yêu dấu của Chí Tôn (phái Thái) dám cả gan nghịch thiên mà phải đọa trầm luân muôn kiếp, xét đến công tu, khó ngăn giọt lụy.
Chí Tôn đau đớn bấy nhiêu, Lão càng giận bấy nhiêu. Biết bao phen, Lão cầm viết toan bôi xóa cho rồi trọn phái oan nghiệt mà Chí Tôn nằn nằn xin Lão để cho Người gia công độ rỗi.
Ngày nay, Lão nhứt định trả lại chùa nầy. Song, trước khi trả, phải cất Thánh Thất cho xong y như lời dạy.

Chư Đạo hữu phải hiệp sức nhau đặng lập thành Tòa Thánh, chi chi cũng ở tại Tây Ninh nầy mà thôi, vì là Thánh Địa, vả lại phong thổ thuận cho nhiều nước ngoại quốc đến đây học Đạo. Lão muốn nơi khác mà Chí Tôn không chịu.
Thượng Trung Nhựt ! Phải làm thế nào chừa đất dư ra ít nữa là 50 mẫu là cả trọn bản đồ Bạch Ngọc Kinh và cho đủ Thánh Địa ấy. Hiền hữu đi chọn đất, về cho Lão hay. Cầu khẩn Chí Tôn nghe.

Còn sổ bộ của tín đồ, phải làm cho hoàn toàn. Các nơi phong thêm Ban Trị Sự và chức việc hương đạo đặng tiện lo cho chư môn đệ của Thầy. Nhiều kẻ ngã lòng cũng vì hiền hữu trễ nãi, ấy là tội với Chí Tôn lắm đó. Mỗi nơi xa Thánh Thất, phải lập thêm tiểu thánh thất cho thuận tiện. Nếu hiền hữu không lo, trong đôi tháng nữa hiền hữu lo không kham. Đạo càng ngày càng thạnh nhiều, chư hiền hữu biếng nhác thế nào thành Đạo.
Vì vậy, Lão phong thêm chức sắc Hội Thánh cho phu phỉ việc làm. Lão sở cậy mỗi người chung lo với Lão, hết lòng hành sự. Mỗi tín đồ phải cầm giấy chứng của Hội Thánh ban cho chúng nó, phải khai tịch họ hàng, con cái cho Hội Thánh cầm. Nhiều đứa cả gan trồng tên tráo tuổi. Chư hiền hữu đâu rõ thấu. Chức sắc phải có cấp bằng.

Chư Chưởng Pháp, Đầu Sư phải sắm ấn tín theo Tam Kỳ Phổ Độ:
Tỷ như mấy vị Chưởng Pháp thì ấn lớn hơn ấn của Đầu Sư một thí, phải làm tròn như con dấu thường, để chung quanh vòng ngoài chữ Lang sa: 3e AMNISTIE DE DIEU EN ORIENT, vòng trong để chung quanh chữ: ĐẠI ĐẠO TAM KỲ PHỔ ĐỘ, chữ Nho. Phái Thiền thì khắc ngay giữa một cái hình bình BÁT VU, Đạo thì cây PHẨT CHỦ, Nho thì bộ XUÂN THU.
Ấn của Đầu Sư cũng in vậy, song chính giữa để chữ THÁI, THƯỢNG, NGỌC (chữ Nho) đem vào Tòa Luật đời cầu chứng cho khỏi mạo nhận. Khá làm các điều ấy, sau Lão dạy thêm nữa.
THĂNG

2 . Chọn Tây Ninh làm thánh địa (ngày 19-1 Đinh Mão 1927)

THÁI BẠCH

Chư hiền hữu chỉnh tề, đợi kiến giá Chí Tôn.
NGỌC HOÀNG THƯỢNG ĐẾ viết CAO ĐÀI
GIÁO ĐẠO NAM PHƯƠNG

Các con nghe:
Nơi nào Thầy ngự thì nơi ấy là thánh địa. Thầy đã ban sắc cho Thần Hoàng Long Thành thăng lên chức Văn Xương, vào trấn nhậm làng Hiệp Ninh, dạy dỗ dân về đạo, Thầy ban trọn quyền thưởng phạt đặng răn làng ấy cho đến ngày biết ăn năn cải quá. Vậy thì làng Long Thành, các con khá an lòng.

Còn Tòa Thánh thì Thầy muốn cho có nhơn lực hiệp cùng thiên ý, ấy là hạnh của Thầy, các con nên xem gương mà bắt chước.
Từ Thầy đến lập đạo cho các con đến giờ, Thầy chưa hề một mình chuyên quyền bao giờ. Các con lựa chọn nơi nào mà Hội Thánh vừa lòng thì đẹp lòng Thầy. Các con phải chung hiệp nhau mà lo cho hoàn toàn Tòa Thánh. Chi Chi cũng tại Tây Ninh đây mà thôi.

Các con đã hiểu thánh ý Thầy, phải cần kiệm, mỗi sự chi vì phương tiện mà thôi.
Thơ ! Thầy giao cho con góp tư bổn trong một tháng cho rồi, dặn các em con rằng: Danh thể của đạo nơi Tòa Thánh, nghe à. Sau Thái Bạch sẽ dạy con kiều vở.
Cẩm Giang thì các con phải chịu khổ về phần ăn uống. Bến Kéo thì địa thế hẹp hòi. Chớ chi các con khôn ngoan lấy cớ rằng: Vì lợi ích lương sanh, vì đạo đức mà ký với chánh phủ cho các con mé rừng cấm bên kia đường thì đẹp lắm ! Các con liệu thử.
Thơ ! Suối Vàng thì đặng, phương chở chuyên không thuận tiện, song phong thổ tốt đẹp, con cũng yêu cầu Hội Thánh xét nét, nghe à !
Thầy ban ơn cho các con.

3 . Lục long phò ấn (ngày 23-1 Đinh Mão 1927)

THÁI BẠCH

Hỷ chư Đạo hữu, chư Đạo muội.
Lão khen Thái Thơ Thanh, phải đó đa không, tưởng chư hiền hữu không thấy nữa.
Lão cắt nghĩa vì sao cuộc đất ấy là thánh địa: Sâu hơn 300 thước như con sông giữa trung tim đất giáp lại trúng giữa 6 nguồn làm như 6 con rồng đoanh nhau, nguồn nước ấy trúng ngay đỉnh núi, gọi là Lục Long Phò Ấn. Ngay miếng đất đó đặng ba đầu, một đầu ra giếng mạch Ao Hồ, hai đầu nữa bên cụm rừng bên kia.

Người Lang sa chỉ đòi 20 ngàn, nói rồi trả đúng có 15 ngàn. Lão dặn trả thành 17 ngàn, 18 ngàn thì mua đặng vậy. Còn xin khai khẩn miếng đất rừng bên kia nữa mới trọn. Đất nay còn rẻ, miếng đất chung quanh thánh địa ngày sau hóa vàng. Chư hiền hữu biết lo lập, ngày sau rất quí báu.

4 . Đức Chí Tôn dạy lập Tòa Thánh cho xứng đáng

NGỌC HOÀNG THƯỢNG ĐÊ viết CAO ĐÀI
GIÁO ĐẠO NAM PHƯƠNG
Các con nghe Thầy.
Chẳng phải là dưới thế nầy còn quyền lực nào lớn hơn thánh quyền của Thầy, song nhiều khi Thầy đành ngồi cười đặng xem cuộc trần xây đổi. Lập thánh giáo cho các con, lập công phổ độ nhơn sanh, nếu Thầy choán hết mọi sự, muôn việc đều lập thành, thì cái địa vị nơí Bạch Ngọc Kinh của các con không có giá trị.
Có một điều là hoạn họa xảy đến cho các con thì Thầy hằng cải sửa cho khỏi lỗi hứa cùng các con.

Thầy dặn các con đừng ỷ mình, mà cũng đừng hạ mình, lấy sự mềm mỏng mà oai quyền đối đãi cùng đời. Khôn ngoan đạo đức là khôn ngoan nhịn nhục, kiên nhẫn. Từ bấy lâu nay, ai cũng cho các con là bạc nhược, chẳng đủ trí biết đặng cái mạnh thiêng liêng là thế nào. Thầy đã đến un đúc một tòa thánh chất, tức là cái mạnh thiêng liêng đó vậy.
Tòa Thánh chất thiêng liêng phải biến ra hữu hình trước mắt kẻ phàm phu tục tử, đặng thấy, mới biết kiêng oai Thầy. Hỏi Tòa Thánh chất ấy là gì ?

Các con nói thử. Cười...
Các con chẳng biết đâu, nghĩa là một tòa chứa trọn cả đức tin của các con. Cái đức tin ấy càng ngày càng tăng thêm hoài theo số nhơn sanh các con độ rỗi. Nay Thầy muốn nó biến ra hữu hình là sao ?

Thầy muốn tòa thánh chất của Thầy tức là cả đức tin của các con biến thành một Tòa Thánh, cũng như xác phàm của Noln biến thành long vị, hầu vùa giúp cho đức tin càng lớn thêm, đủ sức kềm thúc đức tin của cả nhơn loại trên mặt địa cầu nầy. Mà hễ kềm thúc đặng cả nhơn loại thì chưa khí giới nào mong diệt đặng. Vì vậy, Thầy lập Tòa Thánh.
Thơ nó có hiểu đến đó đâu, một đứa con cứng đầu rất nhọc Thầy dạy dỗ. Nó biết trọng tư cách phàm mà bỏ lòng yêu mến của Thầy, nhiều phen hiếp đáp đàn anh. Thầy hằng rộng lòng tha thứ.

Trước khác nay khác, Thái Bạch cầm quyền không lòng tư vị. Thầy trước mắt cãi cho qua nhưng cũng riêng thẹn cùng Người.
Trung, con năng dạy dỗ em, kẻo bề nào rất nên tội nghiệp.
Châu ! Phải biên lời Thầy đem về cho anh Thơ coi, nghe. Phần đứa nào nấy liệu, công mỗi đứa đều ghi.
Các con ráng sức lập thành Tòa Thánh cho xứng đáng. THĂNG

5 . Đức Lý dạy vị trí Tòa Thánh (ngày 27-1 Đinh Mão 1927)

THÁI BẠCH

Hỉ chư đạo hữu, chư đạo muội.
Bính Thanh, hình Phật Thích Ca trước Hiệp Thiên Đài đó phải làm thế nào cho đừng hư gãy, vì Chí Tôn đã trấn thần chính nơi tay Người, nghe !
Quả Càn Khôn cũng vậy, khi tháo rời ra rồi ráp lại y như vậy. Khi tháo ra phải cầu Lão đưa thần một đỗi, rồi mới đặt tay người vào, nghe à !
Dặn đến Thánh Thất mới, phải cầu Chí Tôn trấn thần lại nữa. Thánh Thất tạm phải cất ngay miếng đất trống, còn HTĐ tạm phải cất trước Thánh Thất tạm.

Đạo hữu phải khai phá đám rừng trước miếng đất ấy. Như vậy, ngay trung tim rừng, cách miếng đất trống chừng 3 thước rưỡi, đóng một cây nọc, đo Hiệp Thiên Đài như vầy: Ngoài Bàu Cà Na đo chừng 50 thước, đóng một cây nọc, ấy là khuôn viên Toà Thánh.
Lão lại dặn, từ cây nọc bên phía miếng đất, phải đo vô Bàu Cà Na 27 thước Lang sa, nghe à ! Tư vuông 27 thước mỗi góc của Đài Bát Quái, nghĩa là hình nhà tròn có 8 nóc, cao từ đất lên thềm 9 thước Lang sa, làm 8 nóc rộng bao nhiêu tùy, trên Điện Bát Quái bề cao 9 thước, hình nóc tròn mô lên, chỉ có 8 nóc cho phân minh, trên đầu đài phải để cây đèn xanh.
Kế nữa là Chánh Điện, bề dài 81 thước, bề ngang 27 thước. Lão phải vẽ mới đặng.
Hai bên Hiệp Thiên Đài, bên mặt thì có Lôi Âm Cổ Đài, bên tả thì Bạch Ngọc Chung Đài. Lão phải vẽ mới đặng. Hộ Pháp, Thượng Phẩm, nội trưa nầy phải cắm một cây viết vào đầu cơ, lấy một miếng giấy lớn vào điện phò loan cho Lão vẽ.
Bính Thanh phải có mặt, còn kỳ dư không cho ai vào điện hết, nghe à !
Phải mua khoảnh đất Bàu Cà Na làm Động Đình Hồ, nghe à !
  * THĂNG.

6 . Đức Chí Tôn dạy chánh trị đời khác đạo (ngày 5-2 Đinh Mão 1927)
THẦY
Các con,
Thầy tưởng các con đã hiểu, vì cớ nào chánh phủ Lang sa nghi ngờ như vậy, vì các con chẳng tỏ ra rõ rằng: Đạo là đạo, còn chánh trị là chánh trị. Các con chi vì đạo, là phận sự của các con, các con cũng chỉ biết đạo mà thôi.
Các con cũng nên bạo gan mà nói trước mặt vạn quốc cùng chánh phủ rằng: Các con là người đạo, biết giúp đỡ nhơn sanh, dạy dỗ nhơn sanh, chớ chẳng biết chánh trị là gì. Dầu ai buộc các con cam đoan thì Thầy tưởng, các con cũng không ái ngại.
Trong đạo duy có một điều làm cho chánh phủ không vừa lòng, là mỗi nước muốn cho phân cách nhau mà đạo thì hiệp, thì các con cũng nên làm ơn nói với người Lang sa rằng: Nhờ Đạo mà các sắc dân được yêu nhau, mến nhau, phải lấy sự yêu mến mà buộc tình người thì quyền hành kia mới bền vững.
Trung, con phải tức cấp lên thuyết đạo với người Lang sa De La Brosse nghe, nói một phen nữa, nhưng nó chẳng nghĩ tình thì phải đánh dây thép cho chánh phủ bên Tây mà kêu nài, sau Thầy sẽ dạy.
Thơ ! Con làm ơn lo thánh địa lập Tòa Thánh, con thấy sự khó trước mắt đó, thấy chưa con ? Song may một điều là chánh phủ tin cậy được hai vợ chồng con. Vậy con phải liệu biện đặng để phổ thông đạo con nghe.
Tượng Thầy chẳng giống chi hết. Thầy vốn vô hình ảnh, Thầy tốt đẹp chưa ngòi bút phàm nào vẽ đặng, nhưng vẽ như tượng bên hữu Thầy đó thì tốt hơn (là tượng Ngũ Chi).
Cư! Con vẽ Tòa Thánh phải, song nơi để con Long Mã, con nên làm một cái đài nhỏ có cửa sổ cho không khí thông thương vô Đại điện tốt hơn.
Thơ bạch: Xin đúc nền Tòa Thánh bề cao 9 mét theo kiểu của Đại Tiên cho.
- Tốn kém lắm con ơi !
Bính ! Con nên đo từ mé rừng dưới vào cho tới 50 mét, bỏ miếng trảng vào cho tới 50 mét, rồi kế 81 mét, rồi kế 27 mét, làm như vậy Tòa Thánh nằm trọn vào rừng mà thành ra như bao quanh một vườn thiên nhiên rất đẹp. Thầy tưởng khi con cũng đã thấy sái, con cứ lấy đường con cất, đo vô rừng 27 mét mà phát trống thì chùa nằm tại chỗ. Còn khi cất, con nhắm thế nào cho nóc Bát Quái Đài và Hiệp Thiên Đài cho ngay mặt trời phía Tây thì trúng, con nhớ nghe.
Thầy ban ơn cho các con. THĂNG.

7 . Thánh ngôn ban hành phải có ấn ký của Đầu Sư (ngày 10-4 Đinh Mão 1927)
THẦY
 Các con,
Trung, con phải liệu dùng thì giờ thế nào cho có đủ mà xem xét cách hành động của phần nhiều trong Đạo hữu của con buổi nầy.
Thầy đã phân phát phận sự đặc biệt của con mà chẳng làm cho hết lòng. Con sợ chinh lòng của đạo hữu hơn sợ thiếu sót phận sự.
Lúc nầy là lúc chánh phủ đương dòm hành cử chi trong đạo đặng định liệu mà cho phép hay là cản ngăn. Các con hành sự mà nhiều đứa hay lấy quyền riêng để làm cho sanh sự rối trong đạo.
Nếu con chẳng gắng công mà chăm nom việc hành tàng của chư đạo hữu thì chẳng khỏi sanh một trường náo nhiệt lớn lao trong đạo, mà rồi sanh linh cũng vì đó phải chịu lỡ bước trót muôn ngàn.

Từ đây, những thánh ngôn ban hành cho các môn đệ, cần phải có con ký tên và ấn dấu đành rành. Nếu thánh ngôn nào mà thiếu cách phòng ấy thì chư môn đệ được phép không tuân.
Con phải cho trong cả chư môn đệ biết nghe. Thầy vốn chẳng muốn làm cho nhọc lòng của môn đệ nào mà không bổ ích chi cho nền đạo.
Than ôi ! Các con còn phải trải qua đường dài ngàn dặm, còn phải qua biết mấy vực thẳm non cao, mà đã vội muốn chia lìa phân cách nhau.
Thầy cũng đau lòng nhưng căn phần về sau của mỗi đứa đều định. Các con khá biết thương nhau mới chẳng uổng công trình đã bấy lâu nhọc khổ.
Kẻ nào gieo sự chia phân tương tàn cho các con là kẻ nghịch của đường chánh giáo. Nếu chẳng biết cải quá thì lòng từ bi của Thầy khó dung tình nữa đặng.

8 . Thầy ra lịnh cuối tháng 6 âm lịch ngưng cơ bút phổ độ (ngày 2-5 Đinh Mão 1927)
Đức Chí Tôn dạy:
“Còn cuối kỳ tháng 6 đây thì Thầy phải ngưng hết cơ bút truyền Đạo.
Các con sẽ lấy hết chí thành đã un đúc bấy lâu mà lần hồi lập cho hoàn toàn mối Đạo.
Nầy là mấy lời đinh ninh sau rốt, khá lưu tâm”

Đức Chí Tôn nhận thấy trong bổn đạo và dân chúng, nhiều nơi tự ý tổ chức cầu cơ chấp bút, sợ Quỉ Vương xâm nhập các đàn cơ tự phát nầy mà khuấy phá, làm mất đức tin của bổn đạo. Do đó, Đức Chí Tôn ra lịnh ngưng tất cả cơ bút truyền đạo nơi tất cả các đàn cơ phổ độ. Hơn nữa, Tân Luật đã lập thành và đã ban hành từ sau ngày rằm tháng giêng năm nay, nên các chức sắc cứ do theo Tân Luật mà hành đạo và cho nhập môn cầu đạo.
Chỉ duy trì cơ bút tại Tòa Thánh Tây Ninh do Đức Hộ Pháp, Thượng Phẩm, Thượng Sanh và Thập nhị Thời Quân phò cơ để Đức Chí Tôn, Đức Lý Giáo Tông và các đấng thiêng liêng cầm quyền điều hành và sắp đặt nền đạo cùng là phong thưởng chức sắc.

9 . Trách nhiệm của các vị phò loan gần hoàn toàn (ngày 13-5 Đinh Mão 1927)
THẦY
Các con,
Trung, Thầy vui lòng vì con đã để chí thành về nền đạo. Con gắng chịu khổ tâm ấy là biết lấy đức từ bi và háo sanh của Thầy mà gieo mối thương tâm về nền chánh giáo cho sanh linh đó.
Đạo đã lập thành, Thầy cũng vì các con mà day trở bước đường của các con đặng yên tịnh mà chậm rãi dẫn lần sanh linh vào nơi chánh giáo. Phận sự tuy có chút nhọc nhằn mà nếu các con biết vui với lằn khổ hạnh, nét nâu sồng thì các con mới đáng lãnh dấu yêu đương của Thầy ban cho.

Trong nội tháng sáu đây thì trách nhậm của mấy đứa phò loan gần hoàn toàn.
Vậy, Trung con để một chút ít giờ dư kể từ đây mà đi với mấy em đến mấy thánh thất đặng Thầy có lời cho một ít môn đệ yêu dấu đặng chúng nó để ý mà hành sự cho đến cùng bước. Khi muốn đi phải tư cầu cho Thầy dạy chuyện, nghe con.
Trang, Thầy sẽ cho theo lời con xin.

Hoạch, Thầy sẽ cho con huyền diệu đễ giúp anh con. Thầy sẽ cho mấy em con ra mà giúp về việc phổ độ nghe con Trang. Nơi đây Thầy sẽ thạnh hành cho đến cùng mà gieo lần mối mầu nhiệm thiêng liêng khắp cùng cho giống dân nào có phước mà còn lại sau khi trường náo nhiệt dinh hoàn sẽ tới trong lúc sau nầy.

Thầy đã có cho chư tiên, phật độ dẫn bước đường của mỗi chỗ khác nhau, các con chớ nhọc lo đến, điều cần là mỗi đứa đều giữ cho vẹn phẩm hạnh mà Thầy đã un đúc bấy lâu đặng treo gương sáng cho đàng sau gấm ghé mà bước lần tới, đặng chung vầy nhau cho đông đủ. Đứa trước đứa sau bước lên thang thiêng liêng mà hội hiệp cùng Thầy, cho khỏi uổng công trình của Thầy đã vì các con mà lo lắng vậy.
Mỹ Ngọc, Hoạch, Thượng Sanh, ba con công quả gắng thêm chút ít sau nầy nữa, rồi gia công cùng chư đạo hữu mà vun đắp nền đạo. Mấy lời Thầy nói nơi đây như lời chót, gắng lưu tâm cho lắm.
Việc chi chẳng có bổ ích cho đạo mà lao về tinh thần, khá lánh lần cho khỏi não phiền về sau, nghe !

Trung, Trang, hai con cũng nên cho Đạo hữu Sađéc biết rằng, Thầy cũng lấy từ bi mà cho giữ y các chức thiên phong, nhưng trừ ra chức sắc nào Tân Luật không định, nghe. Chúng nó nếu chẳng làm cho xứng phận sự và có điều chi chẳng hiệp với lời Thầy đã phú thác thì chừng đó Quỉ Vương đặng phép lấy lịnh Thầy mà hành phạt.
Trung, con cũng nên xuống đó mà thay mặt cho Thầy để dìu dắt những đứa đã sa chân trái bước nghe.
Thầy ban ơn cho các con. * THĂNG

10 . Hội Thánh ngoại giáo (ngày 29-6 Đinh Mão 1927)
Ngài Phạm Công Tắc, vâng lịnh Đức Chí Tôn xin nghỉ phép 6 tháng nơi cơ quan là Sở Thương Chánh Sài Gòn để cùng các chức sắc thiên phong khác lo việc Đại Lễ Khai Đạo Cao Đài tại Thánh Thất Gò Kén, đến cuối tháng 3 năm Đinh Mão (1927) là hết thời hạn nghỉ phép.
Đức Hộ Pháp bạch hỏi Đức Chí Tôn:
- Con nên xin nghỉ luôn để lo cho Đạo hay trở lại làm việc nơi Sở Thương Chánh của chánh quyền Pháp ?
Thầy đáp:
- Con chưa cần phải xin nghỉ ngay lúc nầy, con cứ trở lại làm việc rồi sẽ có chuyện hay.
Thế là Ngài Phạm Công Tắc trở lại Sở Thương Chánh Sài Gòn trình diện, xin tái phục vụ. Chánh quyền Pháp lo ngại, không muốn để Ngài Phạm Công Tắc làm việc ở Sài Gòn, mà muốn đổi Ngài đi làm việc nơi thật xa, để tách Ngài khỏi nhóm chức sắc Cao Đài, ý muốn ngăn trở bước tiến của đạo. Nhà cầm quyền Pháp liền đổi Ngài lên làm việc ở Nam Vang (thường gọi là Kim Biên).

Đức Hộ Pháp phải đi Nam Vang và tạm trú tại nhà Ngài Cao Đức Trọng, anh ruột của Ngài Cao Hoài Sang, ban ngày thì đến Sở Thương Chánh làm việc như các công chức khác.
Nhà của Ngài Cao Đức Trọng ở trong dãy phố 8 căn gọi là Phố Lang Cô, thuộc đường hẻm, phía trước là đường Ohier, nhà ông Cao Đức Trọng ở căn bìa phía đường cái đi vào, căn kế là nhà của ông Đặng Trung Chữ (Ngạn Sơn), căn thứ ba là nhà của ông Trần Quang Vinh (Hiển Trung).

Trong dãy phố nầy ngụ toàn là công tư chức người Việt Nam, hằng đêm thường tụ tập trước sân nhà ông Cao Đức Trọng để nói chuyện chơi và nhơn dịp hỏi thăm và làm quen với vị mới đến ngụ là Ngài Phạm Công Tắc.
Trong dịp nầy, Đức Hộ Pháp thuật lại việc xây bàn thỉnh tiên, những sự huyền diệu, những điều tiên tri về nước Việt Nam, làm cho các vị nơi đây rất thích thú và muốn được chứng kiến các việc nầy.

Thế là Đức Hộ Pháp cùng với Ngài Cao Đức Trọng tổ chức xây bàn tại nhà Ngài Trọng. Hai vị dùng cái bàn tròn ba chân (giống như cái bàn tròn mà quí vị đã dùng xây bàn trước đây tại nhà Ngài Cao Hoài Sang nơi dãy phố Hàng Dừa Sài Gòn). Hai vị đặt tay lên bàn, khi có vong nhập thì bàn gõ hơi yếu, nhưng khi có thêm một người nữa đặt tay vào thì bàn nhịp mạnh hơn. Việc xây bàn giống y như khi Đức Hộ Pháp cùng với hai Ngài Cao Quỳnh Cư và Cao Hoài Sang đã làm lúc ở Sài Gòn.

Trong những bạn đến chơi, có người xin hỏi về gia đạo, về tương lai, về việc nước... thì tức khắc bàn chuyển động, gõ trả lời bằng một bài thi 4 câu hoặc 8 câu.
Những vị được cho bài thi, đọc đi đọc lại, tự biết việc mình, thấy Đấng vô hình nói rất trúng, nên khen ngợi vô cùng, cho là rất linh thiêng tỏ vẻ kính trọng hơn trước. Tiếng đồn lan rộng nên càng lúc càng có nhiều người đến cầu hỏi mỗi đêm.

Việc xây bàn rất chậm chạp, mỗi đêm chỉ được năm ba bài thi, không đủ đáp ứng số người cầu hỏi đông đảo. Đức Hộ Pháp nẩy ra ý kiến: Một là Đức Ngài tạo ra một tiểu ngọc cơ để cầu cho mau hơn, hình thức như cái ngọc cơ ở Tây Ninh, cũng có cần cơ, mỏ cơ, giỏ cơ đương bằng mây, ngoài phủ giây vàng, ngang miệng giỏ cơ có một cây ngang, dẹp, chính giữa có soi một lỗ cho vừa đút vào cái cốt bàn cơ. Bàn Cơ thì hình vuông như bàn cờ tướng, trên mặt có vẽ các mẫu tự theo vần tiếng Việt: A, Ă, Â, B, C, D, Đ,... tới chữ Z, theo hình rẽ quạt. Khi đặt cơ vào cốt, hai vị phò cơ ngồi hai bên. Khi có chơn linh giáng, tay hai vị phò cơ đẩy cơ chuyển động, xây qua xây lại chung quanh cái trụ cốt, mỏ cơ chỉ trên các chữ, khi mỏ cơ dừng lại trên chữ nào thì đọc chữ đó và người điển ký ghi lại từng chữ. Cách phò cơ nầy tuy chậm hơn cách phò ngọc cơ nơi Tòa Thánh Tây Ninh nhưng mau hơn xây bàn rất nhiều lần.

Thứ nhì buộc những người muốn cầu hỏi điều chi thì phải dâng sớ, tức là viết điều cầu hỏi lên tờ giấy rồi đội lên đầu cầu khẩn khi hầu đàn. Cơ giáng thì tuần tự kêu tên từ người và cho thi trả lời việc cầu hỏi.

Huyền diệu thay ! Mỗi kỳ đàn như vậy có một hai chục người dâng sớ, hai người phò cơ là Ngài Phạm Công Tắc và Cao Đức Trọng, làm sao biết tên họ của mỗi người, mà trong mỗi bài thi trả lời đều có gọi tên người đó ở đầu bài thi. Trong tờ sớ của mỗi người dâng lên là họ hỏi việc riêng của họ mà trong bài cơ tiếp được trả lời đúng theo sở cầu, nên họ hết sức bái phục.

Trong một đàn cơ đặc biệt lúc 21 giờ vào thượng tuần tháng 6 năm Đinh Mão, ông Trần Quang Vinh bạch hỏi về phần mình, về tương lai đối với nước non xứ sở.
Đức Nguyệt Tâm Chơn Nhơn tức Victor Hugo giáng đàn. Ông Trần Quang Vinh quì trước đàn khẩn nguyện chớ không có dâng sớ như thường lệ.
Cơ lên rung chuyển rất mạnh, mỏ cơ quay qua quay lại theo rẽ quạt trước mặt chữ một lúc rồi mới từ từ chỉ từng chữ.

Bài thi 8 câu sau đây do Đức Nguyệt Tâm Chơn Nhơn cho ông Vinh, có chữ VINH đứng đầu:
VINH hiển tuy chưa toại thửa nguyền,
Phép nhà vẹn giữ cũng nên duyên.
Thảo ngay lòng nhớ lâu truyền hiếu,
Chánh trực xa nghe giỏi tấc thiềng.
Dặm gió chờ ngày đài các đến,
Trường danh có lúc để nêu tên.
Coi mình khá giữ mình cho vẹn,
Cái đạo trượng phu thế mới bền.
Luôn dịp, ông Trần Quang Vinh bạch xin Đức Nguyệt Tâm ban cho đạo hiệu, cơ liền ban cho

2 câu đối:
HIỂN tổ vinh tông khả dĩ trượng phu chi đạo,
TRUNG quân ái quốc thị tri thần tử chi tâm.
Ông Trần Quang Vinh bạch hỏi tiếp: Bạch Ngài, đệ tử ước vọng sẽ được đổi về Nam Việt đặng chăng ?

Ngài trả lời bằng Pháp văn:
- Possible, aide-toi le Ciel t ‘aidera. (Được, giúp người Trời sẽ giúp lại).
Đó là bước đầu để tạo đức tin về cơ bút cho các nguyên nhân tại Kim Biên (Nam Vang), sau đó, Đức Chí Tôn dẫn lần vào đường đạo
Ngày 29-6 Đinh Mão Đức Chí Tôn phong chức sắc đầu tiên. Đức Hộ Pháp và Ngài Cao Đức Trọng phò cơ, các vị sau đây:
“Bảy, Lắm, Sự, Thầy phong cho ba con chức Giáo Hữu.
Chữ, Vinh, Của, Thầy phong cho ba con chức Lễ Sanh”
Đức Hộ Pháp không thấy Thầy phong chức cho ông Cao Đức Trọng, bèn hỏi: Bạch Thầy, còn em con, Trọng, sao Thầy không phong chức ?
Thầy đáp: Trọng thuộc chi Đạo bên Hiệp Thiên Đài.

Sau khi Thầy phong sắc rồi, tái cầu, Đức Chưởng Đạo Nguyệt Tâm Chơn Nhơn giáng đàn chấm phái:
Ô . Lê Văn Bảy, GH phái Thượng: Thượng Bảy Thanh.
Ô . Nguyễn Văn Lắm, GH phái Thượng: Thượng Lắm Thanh.
Ô . Võ Văn Sự, GH phái Ngọc: Ngọc Sự Thanh.
Ô . Đặng Trung Chữ, LS phái Thượng: Thượng Chữ Thanh
Ô . Trần Quang Vinh, LS phái Thượng: Thượng Vinh Thanh
Ô . Phạm Kim Của, Lễ Sanh phái Thái: Thái Của Thanh.
Về nữ phái, Đức Chưởng Đạo lần lượt phong:
Bà Trần Kim Phụng: Giáo Hữu Hương Phụng.
Bà Đặng Thị Huê (vợ ông Bảy): Giáo Hữu Hương Huê.
Bà Nguyễn Thị Hạt (thân mẫu ông Chữ): Giáo Hữu Hương Hạt.
Bà Huỳnh Thị Trọng (vợ ông Chữ): Lễ Sanh Hương Trọng.

Quí vị chức sắc nam nữ trên đây là là những chức sắc đầu tiên của Đạo Cao Đài tại Kim Biên để Đức Hộ Pháp lập thành Hội Thánh Ngoại Giáo, có nhiệm vụ truyền bá Đạo Cao Đài nơi các nước ngoại quốc.

Trụ sở của Hội Thánh Ngoại Giáo đặt tại Nam Vang, dưới quyền điều khiển vô vi của Đức Nguyệt Tâm Chơn Nhơn và dưới sự ủng hộ hữu hình của Đức Hộ Pháp.
Đức Hộ Pháp lưu lại Nam Vang chừng 1 năm, đến thượng tuần tháng 4 năm Mậu Thìn (1928), Đức Hộ Pháp trở về Việt Nam, hành đạo tại Tòa Thánh Tây Ninh.

11 . Vấn đề ngưng cơ bút phổ độ
Vào tháng 6 năm Đinh Mão (1927) Ngài Đầu Sư Thượng Trung Nhựt làm đơn xin yết kiến Thống Đốc Nam Kỳ Blanchard de la Brosse về việc Đạo Cao Đài trong thời gian 1 giờ, nhưng ông Thống Đốc không chấp thuận; kỳ thứ nhì xin yết kiến nửa giờ, cũng bị từ chối nữa, viện lý do là bận công vụ; kỳ thứ ba Ngài Đầu Sư xin yết kiến 15 phút thì được Thống Đốc chấp thuận.

Khi Ngài Thượng Đầu Sư vào gặp quan Thống Đốc, Ngài chưa kịp trình bày gì cả thì bị quan Thống Đốc quở trách lung tung, bắt bẻ đủ thứ, hết việc nầy tới việc khác. Quan Thống Đốc la lối một hồi rồi nhìn đồng hồ nói:
- Ông xin tiếp chuyện với tôi trong 15 phút, đến giờ nầy đã đủ, xin mời ông về.
Ngài Thượng Đầu Sư trả lời:
- Tôi đệ đơn xin phép quan Thống Đốc vô đây đặng hầu chuyện cùng quan Thống Đốc, mà từ hồi tôi chào quan Thống Đốc đến giờ nầy, ông nói hết chuyện nầy qua chuyện kia, còn tôi làm thinh lắng nghe chớ tôi chưa nói tiếng nào cả. Tôi xin ông là có ý nói chuyện đạo với ông chớ đâu phải xin phép ông vô đây đặng nghe ông nói.
Chừng đó, quan Thống Đốc đáp lại:
- Vậy ông có chuyện gì muốn nói cứ nói ra, tôi nghe đây.
Ngài Thượng Đầu Sư nãy giờ đã nghe tự sự quan Thống Đốc quở trách về chánh trị nên để ý khoản nào quan Thống Đốc ghét, khoảng nào ông ta ưa chịu. Ngài Đầu Sư lựa khoản nào ông ta ưa chịu thì nói ra, nhưng chỉ nói nửa câu chuyện thôi rồi bắt qua chuyện khác, làm cho quan Thông Đốc nghe mà tức mình, muốn biết câu chuyện đầy đủ trước sau, nên bảo Ngài Đầu Sư nói lại câu chuyện trước và giải thích câu chuyện cho rõ ràng. Ngài Đầu Sư lại nói sơ rồi lại bắt qua ca tụng chánh quyền Pháp làm cho quan Thống Đốc hài lòng không còn giận dỗi nữa.
Ngài Thượng Đầu Sư hỏi quan Thống Đốc:
- Tại sao các tôn giáo khác như Phật giáo, Gia Tô giáo, Tin Lành, vv... các giáo sĩ đem giáo lý truyền bá trong nước Việt Nam mà ông cho phép, còn chúng tôi là người Việt Nam, mở đạo tại Việt Nam mà ông lại ngăn cản, làm khó dễ với chúng tôi ?
Quan Thông Đốc trả lời:
- Các tôn giáo như Phật giáo, Gia Tô giáo đem giáo lý đến đây phổ độ tất cả bằng lời nói và kinh sách, còn Đạo Cao Đài của quí ông đứng ra phổ độ bằng cơ bút, ngó coi kỳ lạ nên thiên hạ rủ nhau đến xem và xin nhập vào cho biết vì phần đông có tánh tò mò. Đó là cách mấy ông dùng để mê hoặc chúng sanh, dẫn dân chúng đi vào chỗ mê tín, nên tôi cần phải ngăn cản để kiểm soát.
Ngài Thượng Đầu Sư nghĩ tới việc Đức Chí Tôn đã ra lịnh cấm cơ bút phổ độ vào cuối tháng 6 nầy nên liền nắm lấy thời cơ, dựa vào câu nói vừa rồi của Thống Đốc mà nói rằng:
- Theo ý của quan Thống Đốc, chúng tôi sẽ đi phổ độ không có cơ bút, từ đây về sau, tôi hứa chỉ đi phổ độ bằng lời nói và kinh sách như mấy tôn giáo khác. Thế Quan Thống Đốc nghĩ sao ?
Quan Thống Đốc đáp:
- Nếu quí ông cam kết đi phổ độ bằng lời nói giảng giải đạo lý chơn thành thì tôi không ngăn cản. Trái lại, tôi nghe tin tức hay là nhơn viên công quyền báo cáo có bằng chứng đầy đủ trong tờ biên bản thì tôi sẽ ra lịnh cấm hẳn mà còn truy tố quí ông ra tòa trừng phạt.
Ngài Thượng Đầu Sư nói:
- Để tránh tình trạng có người lợi dụng cơ bút để phá đạo, hay gieo tội lỗi cho đạo, tôi xin nạp cho quan Thống Đốc thông qui 12 vị Thời Quân của Đạo Cao Đài là những người có phận sự phò cơ, có dán hình 4x6, ghi rõ chức vụ ngoài đời, trong đạo, địa chỉ, nếu những vị nầy cầm cơ đi phổ độ các nơi thì Hội Thánh chúng tôi chịu tội. Còn ngoài ra những người khác không có tên trong danh sách nầy thì hoàn toàn không phải là chức sắc của Đạo Cao Đài chúng tôi nên Hội Thánh chúng tôi không chịu trách nhiệm.
Ông Thống Đốc Nam Kỳ liền chấp thuận.
Vụ yết kiến nầy, bàn luận qua lại gần 2 giờ đồng hồ. Sau vụ yết kiến Thống Đốc Nam Kỳ Blanchard de la Brosse, Ngài Đầu Sư Thượng Trung Nhựt liền về Tòa Thánh, ra một bố cáo gởi cho toàn Đạo Cao Đài, để làm yên lòng chư đạo hữu.
Bố Cáo nầy không đề ngày, xin chép y lại sau đây:

ĐẠI ĐẠO TAM KỲ PHỔ ĐỘ
BỐ CÁO
Cùng chư đạo hữu
Nay là buổi thiên địa tuần hoàn, hoằng khai Đại Đạo, Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế vì thương nhơn loại, rộng mối đạo trời để đìu dắt nhơn sanh vào đường đạo đức hầu hưởng phước về sau.
Trót một năm trường, chúng ta đã chẳng nài khó nhọc, ra công phổ độ khắp nơi, mong sao cả dân chúng cải ác tùng lương mà chung hưởng ngày Nghiêu tháng Thuấn.
Nay Đại Đạo đã lập thành, Tân Luật đã ban ra, chúng ta cứ do theo mà hành đạo. Về phần thiên đạo, phải hết lòng thành kính Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế cùng chư thần thánh tiên phật, phải gắng trau giồi đức hạnh, dưỡng tánh tu tâm mà hồi minh khử ám.
Còn về phần nhơn đạo, ta phải tuân theo phép nước, giữ phận thần dân, làm lằnh lánh dữ, mỗi mỗi phải do luật pháp mà cư xử, sưu lo thuế óổng, kính trọng quan viên, giúp nạn kẻ khó.

Xin nhớ mấy câu trong Kinh Sám Hối đây cho lắm:
Chớ làm con giặc tôi loàn,
Thuế sưu đóng đủ đừng toan kế tà.
Trong Đạo hữu mới nhập môn, có một ít người chưa rõ tôn chỉ tối cao tối trọng của Đạo Trời, buông lời đồn huyễn rằng: “Vô đạo rồi thì tùng luật đạo mà thôi, khỏi chịu dưới quyền quốc pháp.”

Lời đồn huyễn ấy rất trái lẽ, tuy tu hành mặc dầu, chớ không ra khỏi luật pháp chánh phủ. Làm đến bực Hòa Thượng mà có tội cũng chẳng khỏi bị xử theo luật hình nhà nước.
Về phần tin tưởng tự do, tôi cũng nên tỏ cho chư đạo hữu hay rằng: Không ai đặng phép ngăn cản chúng ta trong việc phụng thờ trời phật. Ta tin tưởng Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế, ta sùng bái Ngài, không một ai phạm đến quyền tự do ấy của ta được.
Chớ nghe đồn huyễn rằng chánh phủ bắt đạo mà sợ, rồi dẹp thiên bàn, cuốn thánh tượng, ấy là một điều đại tội cùng trời phật đó.

Chánh phủ Đại Pháp rất công, ai làm lành được bề êm tịnh, ai lằm dữ bị tội tù, chúng ta tu là lo làm lành, mà đã lo làm lành thì bị tội nỗi gì ?
Nếu chánh phủ muốn ngăn cấm điều chi thì chạy tờ châu tri, đán yết thị khắp nơi cho nhơn dân rõ biết, đâu đó phân minh, đường đường chánh chánh.
Còn nếu không có châu tri cùng yết thị thì xin chư đạo hữu chớ vội tin mà lầm mưu của kẻ nghịch đạo.

Trong chư đạo hữu, thảng như có ai bị cường quyền áp chế về việc phụng thờ Thượng Đế, xin mau mau gởi thơ cho tôi. Tôi sẽ dụng hết công tâm kêu nài cùng chánh phủ để làm cho kẻ ấy biết trọng quyền tin tưỏng tự do của chúng ta.
Nay kính.
Lê Văn Trung, Thiên ân THƯỢNG TRUNG NHỰT

12 . Đức Nguyệt Tâm Chơn Nhơn dạy Hội Thánh Ngoại Giáo (ngày 13-12 Đinh Mão 1927)
NGUYỆT TÂM CHƠN NHƠN
Bần đạo chào chư đạo hữu, chư đạo muội.
Bần đạo còn một ngày nơi đây thì quyền hành buộc mình cũng còn một ngày.
Chư Đạo hữu khá nghe dạy:
Sự hả ! Cười…
Home               1 ]   [ 2 ]   [ 3 ]   [ 4 ]   [ 5 ]   [  6  ]  [ 7 ]  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét