91 Điễn Tích Nơi Hành Lang Báo Ân Từ - 3 / 8 (Kim Hương)


Thừa Tướng Tỷ Can hỏi : - Ba vật báu ấy ra làm sao ?
- Thất Hương xa, nguyên là xe của Xi Vưu, do vua Huỳnh Đế thuở xưa qua Bắc Hải đánh thắng Xi Vưu lấy đặng đem về làm báu vật. Người ngồi trên xe nầy chẳng cần ai đẩy, muốn đi đâu thì nó chạy tới đó. Cái Tỉnh tửu chiên là nệm tỉnh rượu, đương say rượu quá độ, nằm trên nệm nầy thì tỉnh lại liền. Còn con Bạch viên, tuy là loài khỉ nhưng nó sống hơn ngàn năm rồi, thuộc 800 bản đàn, biết 3000 bài hát,
ca giữa tiệc rượu, múa trên bàn tay, tiếng ca lảnh lót như chim, điệu múa nhẹ nhàng như nhành liễu.

Tỷ Can nghe nói thế thì than rằng :
- Ba vật ấy rất quí báu, song ta chẳng vui vì ngày nay vua đam mê tửu sắc, bỏ việc triều đình, mà còn có thêm vật chơi cống sứ, ấy là xúi thêm việc tửu sắc. Nhưng vì công tử có lòng hiếu hạnh nên ta dâng sớ tâu cho.
Bá Ấp Khảo theo Tỷ Can vào chầu vua Trụ.

Vua Trụ  động lòng thương, muốn mở đức ban ơn, nhưng Đắc Kỷ nảy giờ lắng nghe, nhìn kỹ Bá Ấp Khảo thấy chàng nầy quá đẹp trai, muốn giữ lại nên tìm kế nói rằng :

- Khi tôi còn ở Ký Châu, nghe danh Bá Ấp Khảo có tiếng đàn tuyệt diệu, xin Bệ hạ dạy công tử đàn một bài.

Bá Ấp Khảo liền tâu :
- Xin Nương tha tội, vì lâu nay cha tôi bị cầm nơi Dũ Lý, nghĩ làm con đau lòng từng đoạn, lòng bối rối tơ vò, làm sao đàn cho hay được.

Vua Trụ phán :
- Bá Ấp Khảo đương cảnh rối trí mà đàn được một bản cho hay thì Trẫm ra ơn cho cha con về nước.

Bá Ấp Khảo mừng rỡ, ôm đàn so dây, đàn một bản Phong nhập tòng, tiếng đàn lảnh lót như tiếng nhạc cõi Tiên. Vua Trụ đẹp dạ, truyền dọn tiệc trên lầu.

Đắc Kỷ nhìn Bá Ấp Khảo thì say đắm lòng tà, quyết giữ Bá Ấp Khảo lại, mượn cớ học đàn để  thỏa lòng hoa bướm.

Nhưng Bá Ấp Khảo tánh tình đoan chánh, lòng sáng tợ gương, Đắc Kỷ không sao lung lạc được, nên giận lắm, tìm cách hãm hại cho bỏ ghét. Sáng ngày, Đắc Kỷ tâu  :
- Bá Ấp Khảo có dâng một con vượn bạch, sao Bệ hạ không truyền cho nó ca hát nghe thử ?

Vua Trụ dạy Bá Ấp Khảo đem vượn bạch đến. Bá Ấp Khảo giao cho nó một cặp sanh, nó liền cầm sanh vừa nhịp vừa hát. Tiếng ca hay như phụng gáy loan kêu, làm vua Trụ mê mẩn tâm thần, Đắc Kỷ nghe gần gục, lát sau như mê man, giữ mình không vẹn, khí yêu thoát ra, sắp hiện hình lớp cáo. Vượn bạch sống cả ngàn năm, đôi mắt tinh anh, coi thấu loài yêu tinh, biết Đắc Kỷ là chồn cáo ngồi dựa vua thì ghét lắm, liền bỏ cặp sanh xuống, nhảy lên chụp đại, khiến Đắc Kỷ xể mặt. Vua Trụ chợt tỉnh, rút kiếm chém vượn một nhát chết tươi. Đắc Kỷ giận quá tâu rằng :
- Bá Ấp Khảo đem vượn nầy tới làm thích khách, may mà Bệ hạ chém được nó, không thì mạng thiếp chẳng còn.
Vua Trụ truyền bắt Bá Ấp Khảo đem quăng xuống Sái Bồn cho rắn ăn thịt, nhưng Đắc Kỷ nói:
- Thiếp nghe người ta đồn Tây Bá là Thánh nhân, rõ đường họa phước, mà Thánh nhân thì không ăn thịt con. Thiếp tính sai kẻ đầu bếp lóc thịt Bá Ấp Khảo làm nhưn bánh bao đem cho Tây Bá, nếu Tây Bá ăn thì nó là kẻ phàm tục, không phải Thánh nhân, Bệ hạ tha cho nó về, còn nó không ăn, quả thật là Thánh, Bệ hạ nên giết đi cho khỏi mắc họa về sau.

Vua Trụ khen : - Ý Hậu rất hay, cho thi hành.

Nói về Tây Bá Hầu đang ở thành Dũ Lý, thường ngày đóng cửa viết sách lưu truyền, nhơn khi rảnh đem đàn ra dạo, nghe tiếng đàn réo lắm, sanh nghi có việc chẳng lành, liền lấy quẻ Tiên Thiên gieo thử, đoán ra mọi việc về Bá Ấp Khảo, liền té ngửa kêu Trời, khóc rống than rằng : Bởi con không nghe lời cha, nên chết thảm. Nay nếu ta không ăn thịt  con  thì mong chi thoát nạn, mà ăn thịt con thì nuốt sao đành !

Xảy nghe có Thiên sứ đến. Tây Bá gượng làm vui, sửa soạn ra chào hỏi. Thiên sứ nói rằng :
- Bệ hạ thấy Hiền Hầu tù túng đã lâu, đem lòng thương xót, nay săn đặng thịt nai làm bánh, ban tặng Hiền Hầu.

Tây Bá Hầu lạy tạ nhận bánh, nói :
- Nhờ ơn Thiên tử cho bánh thịt nai. Cầu cho Bệ hạ sống lâu muôn tuổi, trị vì bốn biển.

Nói rồi lấy bánh ra ăn, ăn hết 3 cái. Sứ thần trở về tâu lại cho vua Trụ rõ.

Nói về Bá Ấp Khảo, sau khi bị vua Trụ bắt giết, mấy tên gia thần trốn về Tây Kỳ báo cáo tự sự cho Cơ Phát. Táng Nghi Sanh nói :

- Khi xưa, Chúa Công đã dặn kỹ nhiều lần, chờ mãn hạn Chúa Công trở về, không được thăm viếng. Bởi Đại Công tử quá thương nhớ Chúa Công, chẳng nghe lời can gián nên mới xảy ra cớ sự. Bây giờ xin viết thơ, dâng lễ vật trọng hậu cho 2 gian thần Vưu Hồn và Bí Trọng để chúng tâu Thiên tử cho Chúa Công về nước. Khi Chúa Công đã về nước rồi thì cứ lấy đức hóa dân, chờ vua Trụ hết thời thì cử binh chinh phạt. Nếu nóng vội thì không thể thành công.
Cơ Phát nghe tâu, tỉnh ra biết rõ, kíp cho thi hành.

Khi nhận của đút lót xong, Vưu Hồn và Bí Trọng tâu :
- Như Bệ hạ muốn dung cho Tây Bá về xứ thì nên mua chút nhơn tình. Nay Khương văn Hoán  (con của Khương Hoàn Sở) làm phản, đánh ải Du Hồn, Đậu Dung cầm cự 7 năm nay đà mệt mỏi. Sùng ngạt Thuận (con của Sùng hầu Hổ) làm phản, đánh phá ải Tam Sơn, Cửu Công gìn giữ một cõi cheo leo. Theo ý hạ thần, Cơ Xương trung nghĩa, nên phong Vương, cấp búa Việt cờ Mao, đặng phép đánh Nam dẹp Bắc. Bởi Cơ Xương nhơn đức, thiên hạ phục tùng, nếu đặng quyền chinh phạt thì 2 mũi Đông và Nam sợ oai mà thôi đánh.

Trụ Vương nghe tâu đẹp ý, truyền chỉ tha Tây Bá, phán :
- Khanh bị cầm nơi Dũ Lý 7 năm mà không một lời oán trách, lại cầu cho Trẫm được sống lâu, nước nhà thạnh trị, ấy là trung nghĩa hết lòng. Nay Trẫm phong khanh chức VĂN VƯƠNG, ban Búa Việt Cờ Mao cho khanh đặng quyền chinh phạt chư Hầu làm phản, lương mỗi tháng 1000 giạ, cho dạo chơi kinh thành 3 ngày, rồi được 2 quan văn võ đưa về nước.

Tây Bá Hầu Cơ Xương lạy tạ lãnh chức, mặc áo đội mão Văn Vương, đến đền Long Đức dự tiệc. Bá quan chúc mừng. Xong tiệc, Văn Vương vâng lịnh đi khoe quan 3 ngày ở kinh thành. Dân chúng đi coi chật đường. Xảy gặp Hoàng Phi Hổ diễn binh về. Văn Vương vội vàng xuống ngựa vái chào. Hoàng Phi Hổ nắm tay mừng rỡ, lựa lúc nói nhỏ rằng :” Hoàng Thượng hôn ám, không phân trung nịnh, đổi ý liền liền, nay Đại Vương như cọp sổ lồng, sao không mau về xứ, còn ở khoe quan ?”  Văn Vương nghe ra, phập phòng lo sợ nói : “ Lời Ngài như vàng ngọc, cứu Cơ Xương nầy một lần nữa. Dẫu thân nầy có thác thì nghĩa nọ cũng khó đền, song 5 ải đón ngăn, làm sao qua được ? “

Hoàng Phi Hổ trao cờ lịnh dặn rằng : “ Phải giả dạng đi đêm có việc gấp, có cờ lịnh nầy, qua 5 ải không ai cản trở.”

Văn Vương, đêm ấy, nghe theo lời Hoàng Phi Hổ, thay đổi quần áo, giả dạng đi gấp ra khỏi triều ca.

Vua Trụ hay tin mật báo, có ý nghi ngờ, bèn sai Ân Phá Bại và Lôi Khai dẫn quân theo bắt Văn Vương trở lại.

Lúc đó Văn Vương chạy tới ải Lâm Đồng, 2 tướng Ân và Lôi cũng kéo binh sắp đến, ngó thấy bụi bay mù mịt. Văn Vương sợ hãi, chưa biết cách nào thoát thân về Tây Kỳ.

(Tới đây, xem tiếp Điển tích số 58 : Lôi Chấn Tử cứu cha thoát nạn.)

9 . Lão Tử giáng sanh

Lão Tử là chơn linh của Đức Thái Thượng Đạo Tổ (hay Thái Thượng Đạo Quân) giáng trần. Việc giáng sanh của Ngài rất huyền diệu phi thường.

 Theo truyền thuyết kể lại, vào đời vua Bàn Canh nhà Thương (1461 trước Tây lịch), có một nàng con gái gọi là Ngọc Nữ  mới vừa 8 tuổi, con của một gia đình đạo đức, ra chơi sau vườn, thấy trên cây Lý có một trái chín đỏ ngon, liền hái ăn. Ăn xong, cô cảm thấy mỏi mệt và có thai. Người cha thấy sự lạ, liền toán quẻ Âm Dương thì biết có một Đại Tiên giáng sanh vào lòng Ngọc Nữ, nên không buồn phiền chi cả, lo nuôi con gái rất kỹ. Ngọc Nữ chịu mang thai như vậy đến già mà không đẻ. Đến năm Ngọc Nữ 80 tuổi, nghĩa là mang thai 72 năm, lúc đó là đến đời vua Võ Đinh (1324 trước Tây lịch) nhà Thương mới lên ngôi, Ngọc Nữ thấy đêm trăng tỏ rạng, bèn đi dạo nơi vườn, khi đi ngang qua cội cây Lý ngày xưa thì đứa con từ trong bụng theo nách nhảy ra ngoài. Ngọc Nữ kinh hãi coi lại thấy nách mình liền lại như thường.

Đứa con nhảy ra, đã ở trong bụng mẹ ngót 72 năm, nên đầu bạc trắng, do đó gọi là Lão Tử  nghĩa là con già. Lúc đó là giờ Sửu, ngày 15 tháng 2 âm lịch, năm Canh Thìn. Lão Tử chỉ cây Lý bảo rằng đó là họ của mình. Ngài xưng hiệu là Lão Đam, tự  Bá Đương, lại mỗi tai có 3 lỗ nên cũng gọi là Lý Nhĩ.

Ngài có miệng rộng, răng thưa, thiên đình cao, râu tốt, mắt vắn, tai dài, sóng mũi cao lớn như chẻ hai, trán có đường chỉ như 3 chữ Thiên (Tam Thiên).

Cội cây Lý, nơi giáng sanh của Lão Tử ở tại xóm Khúc Nhơn, làng Lại, huyện Khổ, nước Sở, nay thuộc tỉnh Hồ Nam.

Do đó trong Kinh Tiên giáo có câu :
                  “Nhị ngoạt thập ngũ, Phân tánh giáng sanh.”
           (Ngày rằm tháng 2, phân tánh giáng sanh xuống cõi trần)
            Đức Lão Tử có giáng cơ cho biết năm sanh của Ngài trong 4 câu thơ sau đây :
                   LÝ đào mầm tược tượng long lân,
                   LÃO luyện  đơn thành nhị xác thân.
                   TỬ phủ ngồi lo tu nấu  thuốc,
                   GIÁNG sanh Thương đợi Võ Đinh quân.

Khoán thủ 4 chữ : Lý Lão Tử  Giáng. Câu chót có nghĩa là : Giáng sanh vào thời nhà Thương, đợi vua Võ Đinh.

Qua hết thời nhà Thương (Ân), tiếp theo đến thời nhà Châu, đời vua Thành Vương (1115 trước Tây lịch), Lão Tử có ra làm quan Trụ Hạ Sử tại Tàng Thư Viện nhà Châu để  có cơ hội nghiên cứu Thái Cực Đồ. Sau đó Ngài từ chức đi dạo nước Thiên Trúc ở Tây phương.
(Đoạn nầy, xin xem chi tiết nơi Điển tích 11 : Từ Giáp) 

Đến đời vua Châu Khương Vương nối tiếp vua Thành Vương, Lão Tử trở về, đặng 3 năm thì Ngài ngồi xe trắng trâu xanh có Từ Giáp đánh xe đi giáo đạo ở Tây Vực. Khi đến ải Hàm Cốc, quan Doãn giữ  ải tên là Hỷ (nên thường gọi là Doãn Hỷ) biết Lão Tử là bực Thánh nhơn, nên ra nghinh tiếp trọng thể, tôn Lão Tử làm Thầy xin học đạo.

Nguyên ông quan Doãn Hỷ là Chơn linh của Nguơn Thủy Thiên Tôn giáng sanh. Khi bà mẹ có nghén ông thì nằm chiêm bao thấy một đoạn lụa đỏ từ Trời sa xuống quấn quanh mình, sau sanh ra ông Doãn Hỷ thì sen mọc quanh nhà trổ bông. Ông Doãn Hỷ lớn lên, con mắt sáng ngời như sao, râu dài như Lão Tử, biết nghề coi Thiên văn hay lắm. Khi làm quan giữ ải Hàm Cốc, nhìn lên bầu Trời thấy một vầng mây tím đỏ bay ngang từ Đông qua Tây, Ông biết có một vị Đại Thánh sắp đi qua ải. Ông chuẩn bị chu đáo chờ nghinh tiếp.

Xảy thấy Đức Lão Tử đến, cốt cách phi phàm, ngồi trên xe trắng trâu xanh, đệ tử  là Từ Giáp đánh xe tới ải.  Doãn

Hỷ đón lại, rước Lão Tử vào nhà, làm  lễ  xin  Lão  Tử  truyền  đạo. Do vậy, trong Kinh Tiên giáo có câu :
“ Tử khí đông lai, Quảng truyền Đạo Đức.”

(Vầng khí mây đỏ tím từ hướng Đông bay tới, rộng truyền Kinh Đạo Đức)

Doãn Hỷ có lòng thành khẩn, nên Đức Lão Tử nhận làm môn đệ, ở lại ải Hàm Cốc ngót 3 tháng để  dạy Doãn Hỷ học đạo Tiên. Khi Lão Tử chuẩn bị ra đi thì Doãn Hỷ mới bạch thầy cho biết danh tánh, và xin tình nguyện từ quan theo thầy. Đức Lão Tử  đáp :

- Ta sanh ra đã nhiều đời, tên họ biết bao nhiêu mà kể. Hiện thời người đời gọi ta là Lão Tử. Ngươi có lòng muốn theo ta, song mới tu luyện còn non, chưa từng biến hóa thần thông thì theo ta chưa đặng. Ngươi cứ tu hành theo phép cho lâu, thì sau cũng được như ta, đi đâu cũng đặng.

Nói rồi, Lão Tử đưa cho Doãn Hỷ một cuốn Kinh gọi là ĐẠO ĐỨC KINH, gồm 5363 chữ, dặn rằng :
- Ngươi cứ theo sách nầy mà học, tu đúng phép đặng 1000 ngày, rồi đi qua nước Thục, tìm ta ở chợ Thanh Dương.

Nói rồi, Đức Lão Tử lên xe trắng trâu xanh, hiện hào quang đi về hướng Tây mất dạng.

Doãn Hỷ ngó theo thầy lạy tạ. Rồi cứ theo kinh mà tu, lâu ngày trở nên thông huệ, tự viết ra một cuốn kinh gồm 36 bài, gọi là Kinh Tây Thăng.

Gần đến kỳ hạn, Doãn Hỷ sửa soạn đi qua nước Thục tìm thầy. Khi đến nước Thục, Doãn Hỷ hỏi thăm chợ Thanh Dương ở đâu thì không ai biết cả.

Đức Lão Tử đã trở về Thiên cung, rồi lại xuống đầu thai vào nhà họ Lý ở nước Thục, là một nhà đạo đức hiền lương. Khi vợ họ Lý sanh đứa bé trai được ít tháng thì có một con dê xanh (Thanh Dương) đến chơi giỡn với bé. (Đó là Lão Tử dặn con Thanh Dương ở Thiên cung hiện xuống).

Ngày kia con dê xanh chạy mất, cậu bé khóc hoài. Họ Lý phải sai đày tớ đi khắp nơi tìm kiếm, bắt gặp được Thanh Dương, liền dẫn về, đi ngang qua chợ. Doãn Hỷ đang đi tìm chợ Thanh Dương, chợt thấy một người dẫn con dê xanh đi qua chợ, nghĩ rằng chắc thầy mình đang ở gần đây.

Nghĩ vậy, Doãn Hỷ chạy theo người dẫn dê xanh hỏi :
- Chú dắt con dê nầy đi đâu vậy ?

 Người đày tớ đáp :
- Chủ tôi có sanh một cậu trai, cách ít tháng có con dê nầy đến chơi giỡn với cậu nhỏ. Bữa kia nó đi mất, cậu nhỏ cứ khóc hoài. Chủ sai tôi đi tìm kiếm cho được dắt về.

Doãn Hỷ đi theo người đày tớ về đến nhà thì bảo :
- Chú vào thưa với cậu nhỏ là có Doãn Hỷ tới tìm.

Anh đày tớ cười nghĩ thầm : Cậu nhỏ chưa giáp thôi nôi, biết chi mà thưa với gởi. Nhưng anh ta cũng vào nói với cậu nhỏ : - Có Doãn Hỷ tìm cậu.

Cậu bé nghe nói thế, liền ngồi dậy đáp :
- Doãn Hỷ y lời không đến trễ.

Kế Doãn Hỷ bước vào.Cậu bé bỗng vùng lớn lên như người thường, ngồi trên tòa sen, hào quang sáng lòa. Cả nhà đều kinh hãi. Người ấy nói :
- Ta là Lão Tử đầu thai một lần nữa.
Doãn Hỷ mừng rỡ đến lạy thầy. Lão Tử nói :
- Khi trước ta không dắt ngươi theo là vì sợ ngươi tu không bền chí. Nay ngươi tu luyện kỹ, hào quang ẩn ẩn muốn lòa.

Nói rồi Lão Tử niệm chú, truyền Thần Tiên đến hầu, phong Doãn Hỷ phục chức Nguơn Thủy Chưởng Giáo, cai trị 8 vạn Thần Tiên, lại truyền phép tu luyện cho nhà họ Lý, cả nhà đều tu thành Tiên hết thảy.

 Về sau, đến đời vua Châu Kỉnh Vương,  Đức Khổng Tử qua kinh đô nhà Châu học Lễ, nhân nghe có Đức Lão Tử  ở đó nên đến xin gặp mặt để  hỏi Đức Lão Tử về Lễ.

Đức Lão Tử nói :
- Những người Ông nói đó đều tan xương nát thịt cả rồi, chỉ còn lời nói của họ mà thôi. Vả lại, người quân tử gặp thời thì đi xe ngựa nghênh ngang, không gặp thời thì tay vịn nón lá mà đi chơn không. Tôi nghe nói : Người buôn giỏi thì biết giấu của báu, khiến người ta thấy dường như không có hàng hóa; còn người quân tử có đức tốt thì diện mạo dường như ngu dại. Ông nên bỏ cái khí kiêu ngạo cùng cái lòng ham muốn nhiều, cái vẻ hâm hở cùng cái chí tham lam đi. Những cái ấy đều không ích gì cho Ông. Tôi chỉ bảo Ông có thế thôi.

Đến khi Đức Khổng Tử kiếu từ ra về, Đức Lão Tử nói :
- Tôi nghe nói : Người giàu sang lấy tiền bạc mà tiễn nhau, người nhân đức dùng lời nói để tiễn nhau. Tôi không thể làm người giàu sang, nhưng trộm lấy tiếng là người nhân đức, xin có lời nầy tiễn Ông : Kẻ thông minh và sâu sắc là gần cái chết vì họ khen chê người ta một cách đúng đắn. Kẻ giỏi biện luận, đầu óc sâu rộng làm nguy hiểm thân mình vì họ nêu cái xấu của người khác. Kẻ làm con không có cách gì để  giữ mình, kẻ làm tôi không có cách gì để  giữ mình.

Đến khi Đức Khổng Tử trở về, Ngài bảo các học trò :
“ Con chim ta biết nó biết bay, con cá ta biết nó biết lội, con thú ta biết nó biết chạy. Đối với loài chạy thì ta có thể dùng lưới để săn, đối với loài lội thì ta có thể dùng câu để bắt, đối với loài bay thì ta có thể dùng tên để bắn, đến như con rồng cỡi mây cỡi gió lên Trời, ta không sao biết đặng. Hôm nay gặp Lão Tử, ông ta có lẽ là con rồng chăng ?”
 Đến đời nhà Tần, Đức Lão Tử có hiện xuống xưng là Hà Thượng Công, dạy An Kỳ học đạo.

Đến thời nhà Hán vua Hán Văn Đế, Đức Lão Tử hiện xuống trần xưng hiệu là Quảng Thành Tử. Vua Hán Văn Đế rất mộ đạo, sai sứ rước về triều. Quảng Thành Tử nói :
- Lẽ nào không đích thân tới rước mà sai sứ giả ?

Sứ giả về triều tâu lại, Hán Văn Đế đến gặp Quảng Thành Tử phán :
- Thầy tuy có đạo mặc dầu song cũng là dân của Trẫm, sao không chịu sụt lại một chút mà lại làm kiêu như thế ? Hay là Trẫm không làm họa phước cho thầy đặng chăng ?

Quảng Thành Tử nghe vua nói như thế, liền dùng thần thông, cất mình bay lên cao độ 100 thước, ngồi trên thinh không, ngó xuống nói với vua Văn Đế rằng :
- Nay trên chẳng tới Trời, dưới chẳng tới đất, Bệ hạ làm họa phước cho ta sao đặng.

Vua Văn Đế biết lỗi, liền xuống xe làm lễ, xin làm học trò theo học đạo. Quảng Thành Tử đưa vua một cuốn kinh, bảo học theo đó mà tu luyện.

Qua đời vua Hán Thành Đế, Đức Lão Tử lại giáng trần tại suối Khúc Dương, truyền đạo cho Vu Kiết.

Đời vua Hớn An Đế, Đức Lão Tử truyền cuốn kinh Tội Phước Tân Khoa cho Lưu Tiên.

Đời vua Hán Trinh Đế, Đức Lão Tử xuống truyền kinh Bắc Đẩu cho Trương Thiên Sư.

Đời vua Hán Hoàn Đế, Đức Lão Tử xuống núi Thiên Thai, truyền kinh Bác Động cho Vạn Niên Tiên sinh.

Đời vua Hán Linh Đế, Đức Lão Tử xuống truyền kinh cho Trương Thiên Sư một lần nữa.

Qua thời nhà Đường, Đức Lão Tử truyền đạo cho Đường Công tại núi Dương Giác.

Đời Đường Cao Tổ, có người ở Phổ Châu tên hiệu là Thiện Hành, đi ngang núi Dương Giác, gặp một ông già mặc áo trắng, nói rằng : Ngươi về tâu với Đường Thiên Tử, Thái Thượng Lão Quân là ông nội.

 Đường Cao Tổ hay tin, lập miếu thờ tại núi Dương Giác. Về sau, Đường Cao Tông tôn Đức Lão Tử là Huyền Nguơn Hoàng Đế.

Hồi thời nhà Châu, Đức Lão Tử có truyền đạo cho Ông Lý Ngưng Dương tu hành đắc đạo thành Tiên, hiệu là Lý Thiết Quả, đứng đầu Bát Tiên.

 Tóm lại, từ thời tạo dựng Trời Đất có nhơn loại đến giờ, không có thời nào mà Đức Thái Thượng Đạo Tổ không giáng trần để  độ những người có căn lành tu hành đắc đạo.

Ngài do khí Tiên Thiên hóa sanh nên Ngài có pháp thuật vô biên, biến hóa vô cùng, khi hiện xuống cõi trần, khi trở lại Thiên cung, khi đầu thai xuống trần để  dễ bề truyền đạo.

Ngài có nhiều danh hiệu như : Thái Thượng Đạo Tổ, Thái Thượng Đạo Quân, Thái Thượng Lão Quân. Lão Tử là một kiếp giáng sanh của Ngài.

 Trong thời Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, Đức Thái Thượng Đạo Tổ không giáng sanh xuống cõi trần nữa, Ngài chỉ dùng huyền diệu Tiên gia là cơ bút, giáng cơ dạy đạo mà thôi. Ngài giao cho Đức Đại Tiên Trưởng Lý Thái Bạch thay mặt Ngài cầm quyền Tiên giáo, làm Nhứt Trấn Oai Nghiêm điều đình Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ.

10 . Kỉnh Tâm thọ hàm oan

Trước kia,  Đức Quan Âm Bồ Tát tu được 8 kiếp rồi, qua kiếp thứ 9 thì Ngài giáng trần mang thân Nam nhi, tu đến bực Tỳ Kheo. Khi kiếp nầy gần mãn, Đức Phật Thích Ca hóa làm một cô gái hiện đến để  thử lòng, nài ép kết duyên với Tỳ Kheo. Vị Tỳ Kheo nói rằng : “Họa may là kiếp sau, chớ kiếp nầy đã thệ nguyện tu hành thì không thế kết duyên đặng.”

Vì lời hứa ấy mà vị Tỳ Kheo sau khi mãn kiếp, đầu thai trở lại làm thân con gái phải chịu trăm cay ngàn đắng về tình duyên để thử thách coi ra sao. Ấy là phép Phật định vậy.

Vị Tỳ Kheo nói trên đầu kiếp vào nhà họ Mãn ở nước Cao Ly. Hai ông bà họ Mãn đã lớn tuổi mà chưa có con, nên đi cầu tự, sanh đặng một gái đặt tên là Mãn thị Kính, dung nghi đẹp đẽ, tướng mạo đoan trang.

Khi nàng Thị Kính đến tuần cặp kê, thì gần đó có chàng Thiện Sĩ, họ Sùng, con nhà giàu có, cậy mai đến hỏi Thị Kính làm vợ. Mãn Ông thấy phải đôi vừa lứa nên bằng lòng gả con gái mình. Nàng Thị Kính rất buồn vì phải theo chồng, xa cha mẹ, không ai săn sóc cha mẹ. Cha mẹ nàng an ủi : “ Cha mẹ sanh con gái đến tuổi khôn lớn lấy chồng, ăn ở sao cho phải đạo là cha mẹ vui rồi. Vả lại nhà bên chồng cũng gần đây, nên cũng dễ bề qua lại thăm viếng.”

Từ khi nàng Thị Kính về nhà chồng, nàng giữ một mực tôn kính cha mẹ chồng, trong nhà êm ấm, ai nấy đều khen.

Ngày kia, nàng đang ngồi may, chàng Thiện Sĩ đọc sách mỏi mệt, đến gần bên nàng nằm nghỉ và ngủ quên. Nàng thấy nơi càm của chồng có mọc mấy sợi râu bất lợi nên sẵn cầm dao nhíp nơi tay, nàng đưa dao cắt đứt. Bỗng chàng Thiện

 Sĩ thức dậy, thấy vợ cầm dao đưa vào cổ mình, vụt la hoảng : “Vợ tôi muốn giết tôi.”

Trong nhà vỡ lỡ, cha mẹ chàng chạy ra gạn hỏi, nàng cứ tình thật tỏ bày. Không ngờ cha mẹ chồng quá ư nghiêm khác, bắt tội nàng mưu giết chồng, buộc Thiện Sĩ làm tờ để  vợ, mời Mãn Ông đến lãnh con gái về.

Nàng Thị Kính phải mang mối hàm oan, đành lạy từ cha mẹ chồng, trở về nhà.  Nàng buồn bã muôn phần, một là buồn cho số phận xui xẻo, hai là buồn vì cha mẹ phải mang tiếng xấu. Nàng than rằng : Nếu nàng đông anh em thì nàng đành quyên sinh để khỏi mang tiếng nhơ như thế. Nhưng vì nàng là con một nên không dám hủy mình mang tội bất hiếu, mà sống như thế nầy thì quá khổ tâm. Cho nên nàng quyết định xuất gia, lo tu hành cho đắc đạo rồi sẽ trở lại độ cha mẹ.

Nàng lén cải trang thành một nam tử, rồi trốn đi, đi rất xa, đến một ngôi chùa thì gặp lúc Sư cụ đang thuyết pháp. Nàng thấy Sư cụ là bậc chơn tu, nên xin Sư cụ cho qui y.

Sư cụ gạn hỏi nhiều lần, vì thấy trang thiếu niên nầy còn trẻ mà sao sớm chán việc đời, đến nương nhờ cửa Phật. Sư cụ thấy chí quả quyết của người thanh niên nầy, nên cho thọ pháp qui y, đặt pháp danh là Kỉnh Tâm, nhận làm đệ tử .

Sãi Kỉnh Tâm có dung mạo đẹp đẽ làm cho hàng Tín nữ trầm trồ, nhứt là nàng Thị Mầu, con của một vị trưởng giả giàu có trong vùng. Thị Mầu thầm yêu Sãi Kỉnh Tâm nên thường chọc ghẹo và đưa lời ong bướm, nhưng Kỉnh Tâm vẫn trơ trơ như không hay biết. Thị Mầu quá si mê Kỉnh Tâm, phút bồng bột không giữ mình được, nàng tư thông với đứa tớ trai của nàng, khiến nàng Thị Mầu mang thai.

Làng xã thấy Thị Mầu không chồng mà có chửa, nên gọi nàng và cha mẹ nàng tra hỏi. Thị Mầu khai rằng, nàng có tư tình với Sãi Kỉnh Tâm, và xin làng rộng dung cho Sãi Kỉnh Tâm hoàn tục để  kết duyên với nàng.

Trống mõ của làng inh ỏi, cửa Thiền xưa nay êm lặng, phút chốc trở nên huyên náo, làng đến đòi Sư cụ và Sãi Kỉnh Tâm ra làng dạy việc. Thầy trò dắt díu nhau đi, đến nơi mới hay tự sự. Tá hỏa tâm thần, thầy hỏi trò có sao nói thiệt. Kỉnh Tâm một mực kêu oan chớ không dám nói điều chi khác.

Kỉnh Tâm bị đem tra tấn, đòn bộng, máu đổ thịt rơi, mấy lần bất tỉnh, nhưng vẫn một mực kêu oan. Sư cụ động mối từ tâm, đứng ra xin làng bảo lãnh cho trò để đem về chùa khuyên nhủ dạy răn. Hương chức làng niệm tình chấp thuận.

Sư cụ dạy Kỉnh Tâm phải ra nơi cổng chùa mà ở để  tránh tiếng không tốt cho chùa.

Thời gian trôi qua, Thị Mầu sanh được một đứa con trai giống hệt Kỉnh Tâm, nàng liền bồng đứa bé đến giao cho Kỉnh Tâm, nói rằng : Con của người thì đem trả cho người. Nói xong nàng bỏ con tại cổng chùa. Đứa bé giãy giụa khóc la.

Sãi Kỉnh Tâm đang tụng kinh, nghe tiếng hài nhi khóc, động mối từ tâm, chẳng cần dư luận, bèn ra ẵm đứa bé vào nhà nuôi dưỡng.

Sư cụ trách Kỉnh Tâm: “ Trước kia con nói con bị hàm oan, mà nay con lại nuôi thằng bé nầy thì chính thầy đây cũng phải nghi ngờ nữa, huống chi là ai.”

Kỉnh Tâm bạch thầy: “ Bạch Sư phụ, khi xưa Sư phụ dạy con rằng, cứu đặng một người thì phước đức hà sa. Con vâng theo lời dạy ấy mới cứu mạng đứa bé nầy, chớ kỳ trung con không có ý chi hết.”

Đứa trẻ càng lớn càng giống Sãi Kỉnh Tâm, lại có vẻ rất thông minh. Khi đứa trẻ được 3 tuổi, Kỉnh Tâm biết sắp đến ngày lìa trần theo Phật. Kỉnh Tâm viết 2 bức thơ : một bức gởi Sư cụ, một bức gởi cho cha mẹ ruột. Xong dặn kỹ đứa con nuôi gởi thơ đúng theo lời dặn.

Sãi Kỉnh Tâm đau bịnh tắt hơi, đứa trẻ khóc lóc một hồi rồi nhớ lời cha dặn, đem thơ giao cho Sư cụ trong chùa.

Xem thơ xong, Sư cụ rất bùi ngùi thương tiếc, rồi Sư cụ sai 2 vị ni cô ra khám xét thi thể của sãi Kỉnh Tâm, thì rõ ràng Kỉnh Tâm là gái giả trai.

Tin nầy truyền ra làm cho mọi người hết sức ngạc nhiên, giựt mình vì nỗi hàm oan của Kỉnh Tâm.

Hương chức trong làng đòi Thị Mầu tới buộc Thị Mầu tội cáo gian, phạt phải chịu các tổn phí trong việc ma chay và tống táng Kỉnh Tâm. Thị Mầu quá xấu hổ, liều mình tự tử.

Đến ngày an táng Kỉnh Tâm, tức là nàng Thị Kính, mọi người đều thấy Đức Phật ngồi trên tòa sen hiện ra trên mây, rước hồn Thị Kính về cõi Phật ở Tây phương.

 Chàng Thiện Sĩ ăn năn hối lỗi, phát nguyện tu hành.

Tục truyền, Thiện Sĩ tu đắc quả, hóa thành con chim đậu một bên Đức Quan Âm Bồ Tát, mỏ ngậm xâu chuỗi bồ đề. Bồ Tát cũng độ đứa hài nhi con của Thị Mầu, đắc quả hầu bên cạnh Ngài.

Do đó, người ta họa hình Đức Quan Âm Bồ Tát đội mũ ni xanh, mặc áo tràng trắng, ngự trên tòa sen, bên tay mặt có con chim mỏ ngậm xâu chuỗi bồ đề, dưới có đứa trẻ  mặc khôi giáp chấp tay đứng hầu. Đó là vẽ lấy theo sự tích Quan Âm Thị Kính.

11 . Từ Giáp

Từ Giáp là người đánh xe cho Đức Lão Tử đi nơi nầy nơi nọ, và có nhiệm vụ chăn Thanh ngưu (Con trâu xanh dùng để  kéo xe) của Đức Lão Tử.

Thanh ngưu, tuy còn mang lốt trâu, nhưng có tài phép thần thông biến hóa. Có một lần Lý Thiết Quả mở xiềng định cỡi thử  Thanh ngưu thì nó vùng vẫy sút ra nhảy tót xuống  cõi trần, thấy Vua Tần đang mở tiệc ăn uống vui say, ca hát tưng bừng. Thanh ngưu liền tấp vào, hóa phép bắt vua Tần bỏ trên gành Cù Tòng, cách xa nơi đó 20 dặm, xong Thanh ngưu biến hóa thành Tần Vương để  làm vua hưởng khoái lạc. Hoàng Hậu của Tần Vương biết đây là Tần Vương giả, sai quan quân kéo binh đến đánh, Tần Vương giả dùng phép hóa ra lửa đuổi quan quân chạy dài. Về sau, nhờ Bà Cửu Thiên Huyền Nữ báo cho Đức Lão Tử hay, Đức Lão Tử đưa bùa cho Từ Giáp xuống trần bắt Tần Vương giả hiện lại nguyên hình là Thanh ngưu rồi dẫn trở về cung Tiên, xiềng lại như cũ.

Bài Thuyết đạo của Đức Phạm Hộ Pháp tại Đền Thánh nhân ngày Vía của Đức Thái Thượng Lão Quân, ngày 15-2-Mậu Tý (dl 25-3-1948), trích ra sau đây :
Đức Thái Thượng, khi giáng sanh xuống trần là Lão Tử, Ngài biết trong Tàng Thư Viện nhà Châu có Bát Quái Đồ của vua Phục Hy truyền lại, nên xin vào đó làm quan Trụ Hạ Sử, cai quản Tàng Kinh Viện, để nhờ đó tìm kiếm Bát Quái Đồ đem ra nghiên cứu, vào đời vua Châu Võ Vương.
Lúc đó Từ Giáp là người bảo vệ Tàng Kinh Viện.

Từ Giáp thấy quan Trụ Hạ Sử mới được bổ tới, không coi sóc Tàng Kinh Viện gì cả, mà chỉ vào lục lọi lấy ra một cái Bát Quái Đồ, rồi nhìn ngắm nó hoài, hình như muốn tìm tòi cái bí mật gì ở trong đó. Nhờ nghiên cứu Bát Quái Đồ nầy mà Đức Lão Tử  biết được sự bí mật của Càn khôn Vũ trụ và vạn vật hữu hình nơi mặt thế nầy.

Nhờ đó, Đức Lão Tử biết được con người mang xác thịt không thể vi chủ xác thân mình. Con người cần phải tìm cho được cái thân thiệt vi chủ, rồi mới nắm cả linh giác của con người trong kiếp sanh, phóng lên cao vô biên vô tận, để đoạt vị Thần, Thánh, Tiên, Phật.

Khi ấy Ngài đã hiểu rõ đạo, mỗi ngày vô Tàng Kinh Viện chỉ để  luyện đạo mà thôi..

Từ Giáp thấy Ông quan nầy lấy cái Bát Quái Đồ ra nhìn rồi trầm tư mặc tưởng hoài, ban đầu lấy làm chướng, cho là người điên, sau nghĩ lại không biết Ông nầy làm cái gì mà trong ba bốn năm trường, Ông chỉ làm có một việc như thế, mới tọc mạch đến hỏi :

Đức Lão Tử mới trả lời rằng :
- Nhà ngươi muốn biết, ta dạy cho.

Thế là Ngài dạy Từ Giáp thấu đáo được đạo.
Từ ngày đó, Từ Giáp mê mẩn, hết muốn chi về đời, quyết theo Đức Lão Tử đến cùng để  học đạo.

Thầy trò không làm gì hết, ngày chí tối không ngó ngàng gì đến Tàng Kinh Viện, làm cho Tàng Kinh Viện bụi bám nhện giăng tứ phía, nên bị cấp trên quở phạt.

Hai thầy trò xin nghỉ, dắt nhau đi về hướng Côn Lôn Sơn.

Từ Giáp nhờ uống lá bùa Thái Huyền của Lão Tử ban cho nên không già, không chết, theo Lão Tử được hơn 200 năm. Đức Lão Tử muốn truyền đạo cho Từ Giáp tu thành Tiên, nhưng chưa biết Từ Giáp có quyết chí không ? Có còn mê luyến hồng trần không ? Do đó, Đức Lão Tử bày ra một cuộc thử thách.

Nhân lúc Từ Giáp đánh xe cho Ngài đi về hướng Tây, đến ải Hàm Cốc, Đức Lão Tử bảo Từ  Giáp :

- Ngươi theo ta đã lâu, đánh xe cho ta đi mà ta chưa thưởng tiền. Nay khi đến ải Hàm Cốc, ta sẽ thưởng cho ngươi 30 muôn tiền điếu.

Từ Giáp nghe vậy thì lấy làm thích chí, vì lòng trần chưa dứt, còn ham việc giàu sang. Khi đánh xe tới ải Hàm Cốc, thấy có quan Doãn Hỷ nghinh tiếp, rước Đức Lão Tử vào ải và cầu xin Đức Lão Tử truyền đạo tu hành.

Từ Giáp đã thấy tới ải rồi nên hỏi Đức Lão Tử lấy tiền như đã hứa. Đức Lão Tử đáp rằng :

- Ta đi đến nước nầy nước kia mới có, sẽ trả cho ngươi. Nay mới tới Hàm Cốc ta chưa có tiền, ngươi hãy chờ ta và ta sẽ thưởng tiền thêm cho ngươi nữa.
Từ Giáp nghe lời, đemThanh ngưu ra đồng cho ăn cỏ.
Đức Lão Tử liền bẻ một nhánh hoa, biến thành một cô gái xinh đẹp để  thử Từ Giáp.

Từ Giáp đang ở ngoài đồng, bỗng thấy một cô gái đẹp đi tới, đến gần Từ Giáp, có ý la cà trêu ghẹo Từ Giáp. Từ Giáp cảm thấy vui thích lắm, mới cùng nàng nọ hứa hẹn kết duyên, rồi nàng từ giã ra về, đi vào xóm mất hút.

Từ Giáp định bụng ở lại đây, không theo Lão Tử nữa, và đòi tiền Lão Tử  để  cưới nàng ấy làm vợ, lập nghiệp ở đây.

Đến chiều, Từ Giáp dắt Thanh ngưu trở về, liền đến gặp Lão Tử  nằng nặc đòi tiền cho bằng được. Lão Tử nói :
- Hổm nay ta còn lưu lại nơi đây, đâu có đi đâu mà có tiền trả cho ngươi. Ít hôm nữa, rời đi nơi khác thì mới có tiền để  trả cho ngươi đủ số.

Từ Giáp không chịu, vì muốn ở lại đây nhưng phải có tiền  để  cưới nàng ấy làm vợ. Nếu đi theo Lão Tử nữa thì bỏ nàng ấy sao đành. Từ Giáp liền đến quan sở tại kiện Lão Tử để  đòi tiền. Lão Tử hay tin mới nói rằng :

- Ngươi theo ta hơn 200 năm nay, đáng lẽ phải đầu thai 3 kiếp, may  nhờ  ta  cho  uống    bùa  Thái Huyền  mà ngươi sống đến ngày nay, sao không biết mang ơn mà lại kiện ta ?

Lão Tử nói dứt thì lá bùa Thái Huyền từ trong miệng Từ Giáp bay ra. Từ Giáp ngã xuống, rủ thành một đống xương.

Doãn Hỷ thấy vậy thất kinh, liền lạy Đức Lão Tử xin tha tội cho Từ Giáp và cầu xin cho Từ Giáp được hoàn sanh.

Đức Lão Tử liền quăng lá bùa trở lại đống xương thì Từ Giáp huờn hình sống lại. Doãn Hỷ lấy số tiền trả cho Từ Giáp như lời Đức Lão Tử đã hứa.

Từ Giáp được tiền rồi, liền đi ra chỗ cũ trên cánh đồng để  kiếm cô gái nọ, tìm kiếm mãi chẳng thấy ai, lại không biết chỗ nàng ở. Từ Giáp đi vào xóm hỏi thăm cùng khắp, nhưng không ai biết nàng nọ ở đâu. Từ Giáp bôn ba cả ngày tìm kiếm mà chẳng thấy tung tích cô gái, quá mệt mỏi ngồi thừ nghỉ mệt. Chợt động tâm thức tỉnh, biết Lão Tử hóa phép thử mình, liền ăn năn thì quá muộn.

Từ Giáp trở về tạ tội với Đức Lão Tử, cầu xin Đức Lão Tử  tha tội, nguyện quyết chí theo hầu Lão Tử, dứt khoát không còn mến cảnh giàu sang và chuyện tình ái nữa.

Lão Tử biết chắc vậy, nên bắt đầu truyền đạo cho Từ Giáp tu thành Tiên. Từ Giáp vẫn ở với Đức Lão Tử, giữ nhiệm vụ chăn Thanh Ngưu và đánh xe cho Lão Tử  như thuở trước.

 Theo lời của Chức sắc tiền bối kể lại, trong thời ĐĐTKPĐ, Từ Giáp giáng trần là Truyền Trạng Phạm văn Ngọ, Thanh Ngưu giáng trần là Đốc Phủ Nguyễn văn Ca, được Thiên phong Phối Sư Thái Ca Thanh, tách ra lập Chi phái Minh Chơn Đạo ở Cầu Vỹ Mỹ Tho.

Cái nhánh hoa mà Đức Lão Tử bẻ để biến thành cô gái thử  Từ Giáp cũng phải đầu kiếp để trả cái mối duyên ràng buộc với Từ Giáp, đó là Cô Sáu Giáo Hữu Hương Vàng. Cô Vàng 38 tuổi mới kết duyên với Ông Phạm văn Ngọ 40 tuổi.

12 . Thành Bình Định Võ Tánh thiêu mình

Theo Việt Nam Sử Lược, sau khi Nguyễn Vương (Nguyễn Ánh) đã bình định được Nam Việt, thì đem quân ra đánh Tây Sơn, lấy được thành Bình Định. Nguyễn Vương cử Võ Tánh và Ngô tùng Châu ở lại giữ thành, còn đại quân kéo trở về Gia Định, lúc đó là năm 1799.

Quân Tây Sơn trở lại vây chặt thành Bình Định, quân của Nguyễn Vương giải vây không nổi, chống cự được 2 năm thì trong thành hết lương thực, thành Bình Định thất thủ. Võ Tánh phải tự thiêu mình, còn Ngô tùng Châu thì uống thuốc độc chết để  bảo vệ khí tiết của mình.

 Võ Tánh, nguyên quán tại làng Phước Tỉnh, tỉnh Bà Rịa, cha mẹ mất sớm, ở với anh là Võ Nhàn.

Bấy giờ Tây Sơn dấy lên, đánh tan Chúa Nguyễn ở phương Nam, Nguyễn Ánh phải bôn tẩu qua Xiêm (Thái Lan). Anh em Tây Sơn để Nguyễn Lữ  trấn thủ Gia Định và Nguyễn Lữ xưng là Đông Định Vương.

Các sĩ phu ở miền Nam không phục, trong đó có Đỗ thành Nhân, lập ra đạo binh Đông Sơn, chống lại Tây Sơn. Võ Nhàn ứng nghĩa vào đạo binh nầy. Sau Đỗ thành Nhân bị hại, Võ Nhàn cũng chết theo. Bà dưỡng mẫu đang nuôi Võ Tánh cũng tìm đường lánh nạn, đem Võ Tánh qua ngụ tại Gò Tre làng Thuận Ngãi tỉnh Gò Công. Bà buôn bán tảo tần nuôi Võ Tánh, lúc đó được 10 tuổi. Bà cho Võ Tánh đi học chữ, nhưng Võ Tánh không thích học chữ mà thích học tập võ nghệ, Bà thấy cũng hợp thời nên không ngăn cản.

Đời hỗn loạn, giặc cướp nổi lên khắp nơi. Vùng Gò Tre thường bị bọn cướp đánh phá. Võ Tánh sẵn lòng nghĩa hiệp, lại biết võ nghệ, nên  đứng  ra  chiêu  dụ  thanh  niên  tập  hợp chống bọn cướp, bảo vệ thôn làng, đánh bọn cướp nhiều lần thua chạy, nên chúng không dám kéo đến Gò Tre nữa. Võ Tánh bắt đầu nổi tiếng là tay nghĩa hiệp.

Nguyễn Lữ nghe tiếng Võ Tánh nên cho người xuống Gò Công vào Gò Tre chiêu dụ Võ Tánh, nhưng Võ Tánh cự tuyệt. Nguyễn Lữ tức giận đem binh tới bắt Võ Tánh. Bà dưỡng mẫu, trong lúc gấp rút, bảo Võ Tánh chui trốn vào đống rơm, để  bà đối phó với quân Tây Sơn. Bọn lính tìm không được Võ Tánh nên khảo tra bà dưỡng mẫu, nhưng bà một mực nói không biết Võ Tánh đi đâu. Bọn lính đành kéo binh về. Bà dưỡng mẫu bị tra tấn nên mang bịnh và chết.

Võ Tánh thù hận không cùng, liền qui tụ các bạn đồng chí, chiêu mộ anh hùng, khởi nghĩa tại Gò Tre. Các nhà hào phú trong vùng ủng hộ tiền bạc mua khí giới chống Tây Sơn.

Võ Tánh được người bạn là Ngô tùng Châu, một bậc văn tài nhiều mưu lược, ra giúp. Ngô Tùng Châu xuất thân là thủ khoa ở huyện Ninh Hoà tỉnh Bình Thuận, vào Gò Công lánh nạn Tây Sơn, kết bạn cùng Võ Tánh.

Bấy giờ, Võ Tánh xưng là Tướng quân, Ngô tùng Châu làm Tham mưu, chỉ huy một đội binh rất có kỷ luật, thường đi cứu khổn phò nguy, khiến mọi người đều mến phục.

Mấy lần quân Tây Sơn của Nguyễn Lữ kéo đến đánh, bị Võ Tánh đánh cho thảm bại trở về, và sau đó không dám kéo tới nữa. Nhờ vậy dân Gò Gông được yên ổn làm ăn.

Khi Nguyễn Ánh ở Xiêm trở về trú tại Vĩnh Long, nghe tiếng Võ Tánh, liền sai sứ giả là Trương phước Giao đem hậu lễ tới triệu. Võ Tánh cùng Ngô tùng Châu và các bạn đồng chí đồng lòng hưởng ứng, xem Nguyễn Ánh là chính thống của Chúa Nguyễn phương Nam. Võ Tánh liền kéo quân qua Vĩnh Long. Võ Tánh dâng Chúa Nguyễn Ánh một quả gạo và một quả trứng gà để  làm lễ ra mắt. Kẻ thị thần thấy vậy thì cười khi dể.

Chúa Nguyễn Ánh biết là Võ Tánh có dụng ý nên tiếp đón niềm nở và hỏi :
- Thiên lý cống nga mao, lễ khinh nhơn ý trọng, ta muốn biết ý hậu của tướng quân.

Chúa Nguyễn Ánh đem lời trong Kinh Thi khuyến dụ, Võ Tánh thưa rằng :
- Xin Chúa ngự xem, hột gạo trắng trong, trứng gà to tròng đỏ lớn. Hai món thổ sản nầy tượng trưng tấm lòng trung dũng của dân Gò Công, đem kính hiến Chúa.

Nguyễn Ánh cả mừng, xuống ôm Võ Tánh nói :
- Thật quả là Địa linh Nhơn kiệt.

Chúa truyền luộc trứng gà và nấu một chén cháo cho Chúa dùng, còn bao nhiêu đổ vào nồi lớn nấu chia cho tướng sĩ để cùng nếm cái hương vị Trung Dũng của dân Gò Công.

Nguyễn Ánh cảm mến Võ Tánh nên đem em gái là Công chúa Ngọc Du gả cho Võ Tánh. Từ đây, Phò mã Võ Tánh giúp Chúa Nguyễn lập được nhiều chiến công hiển hách, uy danh lừng lẫy, đứng đầu Tam Hùng ở Gia Định.

Nguyễn Ánh lần lần đánh thắng quân Tây Sơn, thâu phục miền Nam, rồi kéo binh ra miền Trung, hạ thành Bình Định. Đây là nơi phát tích của 3 anh em Tây Sơn. Nguyễn Ánh giao cho Võ Tánh và Ngô tùng Châu trấn thủ thành Bình Định, còn Nguyễn Ánh  rút đại binh về Gia Định, chỉnh đốn việc cai trị, tích thảo đồn lương, luyện tâp binh sĩ, chờ ngày Bắc tiến. Nguyễn Ánh lúc bấy giờ xưng Vương, gọi là Nguyễn Vương.

Tháng Giêng năm Canh Thân (1800), Tây Sơn sai 2 danh tướng là Trần quang Diệu và Vũ văn Dũng vào quyết đoạt lại thành Bình Định. Quân Tây Sơn vây phủ 4 mặt. Nguyễn Vương đem quân ra giải vây, nhưng không kết quả. Vương cho lệnh bảo Võ Tánh bỏ thành. Võ Tánh không chịu, lại dâng kế cho Nguyễn Vương, thừa lúc quân Tây Sơn dồn vào  đây  hãm  thành,  bỏ  trống  kinh  thành  Phú Xuân (Huế),  Nguyễn Vương nên đem thủy quân đánh chiếm Huế thì tự nhiên giải vây được thành Bình Định.

Nguyễn Vương y kế thi hành, đem thủy quân chiếm Phú Xuân dễ dàng. Hai tướng Tây Sơn nghe tin Phú Xuân đã lọt vào tay Nguyễn Vương thì cả kinh, chia quân về cứu, nhưng bị tướng Lê văn Duyệt của Nguyễn Vương chận đánh nên không ra được.

Quân Tây Sơn quyết đánh gấp thành Bình Định để  rảnh tay cứu viện các nơi khác. Võ Tánh và Ngô tùng Châu trong thành hiểu dụ tướng sĩ và dân chúng trong thành hết lòng chống giặc, ông cố thủ được 2 năm thì trong thành hết lương thực, ăn tới thịt ngựa thịt voi. Tướng sĩ xin Võ Tánh cho liều mình xông ra phá trùng vây, nhưng Võ Tánh không chịu, nói :

- Nếu phá đặng thì giặc vào thành giết hết binh sĩ và dân chúng, lòng ta không nỡ. Ta nhứt quyết ở lại để  cứu dân.

Võ Tánh nói với quan Hiệp Trấn Ngô tùng Châu :
- Tôi là võ tướng nên không thể đầu giặc. Trước khi chết, tôi muốn cho giặc thấy nên đã cho chất củi sẵn nơi lầu Bát giác. Bạn là văn thần, chắc giặc không nói đến, bạn nên tự  lo liệu để  bảo toàn.

Ngô tùng Châu đáp :
- Cùng là bạn tri kỷ với nhau, võ tướng đã tận trung, há văn thần không biết báo ơn Chúa hay sao ?

Nói rồi, Ngô tùng Châu về tư dinh, uống thuốc độc tự tử.

Nghe quân vào báo, Võ Tánh khen Ngô tùng Châu :” Vẻ vang thay cho bậc trung thần Ngô tùng Châu.”

Võ Tánh liền viết một bức thơ cho 2 tướng Tây Sơn Trần quang Diệu và Võ văn Dũng, lời lẽ bi ai thống thiết, phân tích ai vì chúa nấy, phận làm tướng phải chết trước khi thành mất, xin 2 vị tướng quân thương hại đừng giết chết binh lính và lương dân.

 Võ Tánh vào mặc triều phục, hướng về Nam lạy Nguyễn Vương rồi giã từ các tướng sĩ, đi lên lầu Bát giác, phóng hỏa tự  thiêu.

Mọi người đều rơi lụy. Hồn người trung nghĩa hiển Thánh. Đó là ngày 27-5-Tân Dậu (1801).

Trần quang Diệu kéo quân Tây Sơn vào thành, rất khâm phục khí tiết của Võ Tánh và Ngô tùng Châu, rồi y theo lời cầu xin của Võ Tánh, tha chết cho các binh lính và dân chúng trong thành.

 Sau đó, dần dần Nguyễn Vương diệt được Tây Sơn, thu phục giang sơn, lên ngôi Hoàng Đế, xưng hiệu là Gia Long.

Vua Gia Long truy tặng Võ Tánh là Khâm Sai Chưởng Hậu Quân Bình Tây ThamThặng Đại Tướng Quân, Hoài Quốc Công, tùng tự  nơi nhà Thái miếu.

Vua Gia Long cũng truy tặng Ngô tùng Châu : Lễ Bộ Thượng Thư Vinh Hòa Quận Công.

 Hoài Quốc Công Võ Tánh có giáng cơ nơi Tòa Thánh Tây Ninh cho bài thi sau đây :
LINH HỒN LÀ BẤT TỬ
Ngọn lửa tinh trung định Nguyễn trào,
Nam  bang gầy dựng lắm công lao.
Thủ  thành Bình Định, Tây Sơn đoạt,
Phạt ải Đông Kinh, Chúa Nguyễn thâu.
Đế nghiệp xây thành ba thước  củi,
Quốc gia vững chặt ít tô dầu.
Anh hùng thân tử, thần vô tử,
Nêu tấm gương trung lại kẻ sau.
                                               VÕ TÁNH

13 . Trưng Nữ Vương khởi nghĩa

Năm Giáp Ngọ (34 sau Tây lịch), vua Quang Vũ nhà Hậu Hán sai Tô Định sang làm Thái Thú quận Giao Chỉ (Nước VN thời đó là thuộc địa của Tàu gọi là quận Giao Chỉ).

Tô Định là người bạo ngược, chánh trị tàn ác, người Giao Chỉ đã có lòng oán giận lắm.

Bấy giờ ở huyện Mê Linh, có 2 chị em ruột, con gái quan Lạc Tướng tên là Trưng Trắc là Trưng Nhị. Hai chị em sớm mồ côi cha, nhưng có lòng yêu nước ghét giặc, nhờ mẹ là Bà Man Thiên, cháu chắt bên ngoại của vua Hùng, hết lòng dạy dỗ. Cả hai lại được ông Đỗ Năng Tế huấn luyện võ nghệ.

Hai chị em họ Trưng nung nấu ý chí chống quân xâm lăng, nên ra sức rèn luyện, liên kết với các thủ lãnh địa phương, chiêu mộ nghĩa quân.

Biết tiếng Trưng Trắc là người tài đức, nhiều người đến hỏi làm vợ nhưng Trưng Trắc đều từ chối.

Lúc đó, ở huyện Chu Diên, có người tên là Thi Sách, con trai của một quan Lạc Tướng, là một thanh niên tài trí, nghe tiếng Trưng Trắc thì đến ra mắt để  cùng mưu việc lớn. Sau hai người mến đức trọng tài, nên kết thành vợ chồng.

Tô Định được mật tin cho biết về cuộc vận động khởi nghĩa của Trưng Trắc và Thi Sách, thì đùng đùng nổi giận, nhưng vốn xảo quyệt, nên Tô Định giả vờ như không biết gì. Theo lệ thường, y cho mời Thi Sách tới, rồi trở mặt, bắt Thi Sách giết đi để  đập tan phong trào khởi nghĩa của dân Việt.

Nhận thấy thời cơ đã đến, mùa xuân năm 40, Hai Bà Trưng lập đàn thề tại cửa sông Hát, truyền lệnh khởi nghĩa. Trong bộ võ phục trang nghiêm, Trưng Trắc dõng dạc cất lên 4 lời thề nổi tiếng mà sử ca dân gian còn ghi lại :
Một xin rửa sạch nước thù,
Hai xin dựng lại nghiệp xưa họ Hùng.
Ba kẻo oan ức lòng chồng,
Bốn xin vẹn vẹn sở công lênh nầy.
                                                                                               (Thiên Nam ngữ lục)

 Cả rừng người rung chuyển, gươm giáo giơ lên theo lời thề vang dội một vùng Trời.

Lời kêu gọi diệt giặc cứu nước của Hai Bà như tiếng sấm vang truyền. Người yêu nước khắp nơi kéo đến Mê Linh tụ nghĩa, tập hợp dưới cờ của Hai Bà có : Đỗ Năng Tế, Ông Đống, Ông Nà, Nguyễn Tam Chinh, Hoàng Đạo, Chu Thước, Đô Dương, . . . đặc biệt có nhiều Nữ Tướng như  : Bà Lê Chân, Thánh Thiên, Hoàng thiều Hoa, Bát Nàn, Bảo Diệu Tiên, Liễu Giáp, Liễu Huy, Ả Di, Ả Tắc, . . . , từ Thanh Hóa, cả 5 mẹ con bà Lê thị Hoa đều kéo đến Mê Linh hợp binh.

Lúc bấy giờ, những quận Cửu Chân, Nhật Nam và Hợp Phố cũng nổi lên theo về 2 Bà Trưng. Hai Bà Trưng kéo quân đánh Tô Định. Tô Định liên tiếp bị thua mấy trận, sợ quá bỏ cả của cải, ấn tín, cắt tóc, cạo râu, mặc quần áo giả dạng dân thường, lẫn vào đám quân hỗn loạn chạy về quận Nam Hải.

 Hai Bà Trưng liên tiếp thắng trận, không bao lâu thu phục được 65 thành trì, tức là toàn bộ nước ta thời đó.

Nhân dân ta được tự chủ sau hơn 220 năm mất nước. Trưng Trắc lên ngôi vua, xưng là Trưng Nữ Vương, đóng đô ở Mê Linh, là chỗ quê nhà. Năm đó là năm 41 sau Tây lịch.

Vua Hán Quang Vũ tức giận, sai Mã Viện làm Phục Ba Tướng quân, Lưu Long làm Phó Tướng, cùng với quan Lâu Thuyền Tướng quân là Đoàn Chí, sang đánh Trưng Vương.

 Mã Viện là một danh tướng của nhà Hậu Hán, lúc bấy giờ đã ngoài 70 tuổi, nhưng vẫn còn mạnh, đem quân đi men theo bờ biển, phá rừng đào núi làm đường sang đến Lạng Bạc, gặp quân Trưng Vương, hai bên đánh nhau mấy trận. Quân của Trưng Nữ Vương chưa được luyện tập kỹ, chưa thiện chiến, nên  không đương cự nổi đoàn quân thiện chiến của Mã Viện, đã từng đánh giặc nhiều phen.

Hai Bà rút quân về đóng ở Cẩm Khê (phủ Vĩnh Tường tỉnh Vĩnh Yên). Mã Viện tiến quân lên đánh, quân của Hai Bà  vỡ tan cả. Hai Bà chạy về đến xã Hát Môn thuộc  huyện  Phúc

Lộc (nay là huyện Phúc Thọ tỉnh Sơn Tây), thế bức quá, bèn gieo mình xuống sông Hát Giang (chỗ sông Đáy tiếp giáp với sông Hồng Hà) mà tự tận. Bấy giờ là ngày mồng 6 tháng 2 năm Quí Mão (43).

Những tướng của Hai Bà như Đô Dương, Chu Thước, Nàng Tía rút quân về nam, giữ huyện Cư Phong thuộc Cửu Chân. Sau Mã Viện đem quân vào đánh, phải vất vả lắm mới đàn áp được.

Tuy  Hai Bà Trưng chỉ làm vua được 3 năm (từ năm 40 đến năm 43), nhưng lấy cái tài trí của người đàn bà mà dấy được nghĩa lớn như thế, khiến cho vua tôi nhà Hán phải lo sợ, ấy cũng đủ lưu lại tiếng thơm muôn đời.

Sử gia Lê văn Hưu nói rằng: “Trưng Trắc Trưng Nhị là đàn bà nổi lên đánh lấy được 65 thành trì, lập quốc xưng Vương dễ như trở bàn tay. Thế mà từ cuối đời nhà Triệu cho đến đời nhà Ngô, hơn một nghìn năm, người mình cứ cúi đầu bó tay làm tôi tớ cho người Tàu mà không biết xấu hổ với 2 người đàn bà họ Trưng.”

  Sử gia Ngô thời Sĩ (1726-1780) sau nầy đã phê luận về Hai Bà Trưng như sau :

“ Vương là người nữ, mà ho lên một tiếng, lại đuổi được Thái Thú xứ Ngô như đuổi một kẻ nô bộc, và lấy lại được đất Ngũ Lĩnh, kiến quốc, tự xưng làm vua, thật cũng là một trang hào kiệt trong làng Nữ lưu.

Nhưng tài đàn bà yếu ớt, đương khi vận nước còn bĩ, nên không làm xong được công nghiệp.”

“ Bà Trưng là một người đàn bà thường mà nổi lên được thì thực là khó lắm ! Tuy vậy chớ chưa lấy làm kỳ cho mấy. Đến như vợ trả thù chồng, em giúp việc chị, thì một vị là tiết phụ, một vị là nghĩa nữ, đều ở vào cả một nhà, ấy mới là kỳ cho !

Bà chị đã mất vì nước, bà em cũng tuẩn tiết theo chị, đã không chịu đầu hàng, mà cũng không để cho mình bị bắt, thì ông chồng ở dưới đất kia lại nhắm mắt yên, mà kẻ gian tà trông thấy vậy, tất phải cúi đầu.

Chết rồi mà tiếng thơm vẫn còn ! Thế mới càng là kỳ nữa !

Ôi thôi ! Hồng nhan trẻ đẹp, xưa nay chôn vùi đã biết bao ! Song từ khi Bà Nữ Oa làm việc động Trời đến nay, thì mới chỉ có Hai chị em Bà Trưng nữa đấy thôi.

Thực là những lời thậm xưng đúng mức và cũng đúng sự thật trong lịch sử loài người.

Khắp trên thế giới, từ xưa đến nay, có rất nhiều Bà nhờ thế cha hay chồng mà lên ngôi vua, lung lạc cả nước, chứ chưa hề có một Bà nào như Bà Trưng mà đạp đổ được chế độ thực dân, vào sinh ra tử, đã dựng lên một nền độc lập.”

14 . Đào Viên kết nghĩa

Đào viên kết nghĩa là 3 vị anh hùng : Lưu Bị, QuanVõ, Trương Phi, tế cáo Trời Đất thề nguyền kết nghĩa anh em với nhau tại Vườn Đào, hoạn nạn cùng lo, giàu sang chung hưởng.

Thời ấy là đời vua Linh Đế (167- 189) nhà Hậu Hán nước Tàu, vua lên ngôi lúc 12 tuổi, Đậu Thái Hậu phải ra lâm triều cầm quyền nhiếp chánh. Khi lớn lên, vua Linh Đế nhu nhược, không lo chỉnh đốn triều chánh, tin dùng bọn gian thần, ăn chơi xa xỉ, nặng thu thuế khóa, khiến dân chúng cùng khổ, loạn lạc nổi lên khắp nơi.

Lúc bấy giờ có giặc Huỳnh Cân (Khăn Vàng) do 3 anh em Trương Giốc, Trương Bảo, Trương Lương cầm đầu nổi lên rất mạnh, định tiêu diệt nhà Hậu Hán. Trương Giốc đem đại binh tiến đánh U Châu.

Quan Thái Thú U Châu là Lưu Yên, vốn dòng tôn thất nhà Hán, thấy tình thế khẩn trương, vội triệu tập quan Hiệu Úy Châu Tỉnh vào nghị kế. Châu Tỉnh nói :

- Quân giặc đông như nước lũ, quân ta ít không thể nào ngăn nổi. Minh Công nên gấp rút chiêu mộ nghĩa binh mới có thể giữ được Châu nầy.

Lưu Yên nghe theo, liền cho treo bảng khắp nơi chiêu mộ nghĩa binh. Ngày kia bản văn đến Trác Huyện, dân chúng ra xem đông nghịt.

Trong số dân chúng ấy có một vị anh hùng tính tình khoan hòa ít nói, mừng giận không lộ ra sắc mặt, nhưng có chí lớn, thường kết giao với những anh hùng hào kiệt trong thiên hạ. Người nầy mình cao 8 thước, tai lớn như chảy xuống hai vai, 2 tay dài quá gối, mắt sáng như bạch ngọc, môi đỏ như son, họ Lưu tên Bị, tự là Huyền Đức, vốn dòng dõi Trung Sơn Tỉnh Vương Lưu Thắng nhà Hậu Hán. Thân  phụ  của  Lưu  Bị là Lưu Hoằng, thi đậu Hiếu Liêm, ra làm quan nhưng chẳng may mất sớm. Huyền Đức mồ côi cha, thờ mẹ rất có hiếu, tánh ham học, nhưng nhà nghèo, phải tạm làm nghề đóng dép và dệt chiếu để  sinh sống.

Chú của Lưu Bị là Lưu nguyên Khởi tìm cách giúp đỡ Lưu Bị đi học. Năm lên 15 tuổi, Lưu Bị học với Trịnh Huyền và Lư Thực, kết bạn với Công Tôn Toản.

Đến nay Lưu Bị được 28 tuổi. Hôm ấy đọc bảng chiêu quân, Lưu Bị cảm khái thở dài một tiếng. Bỗng nghe phía sau có tiếng người nói :
- Đại trượng phu phải vì quốc gia mà ra sức, chớ than thở có ích lợi gì ?

Lưu Bị quay đầu nhìn lại thấy một người mình cao 8 thước, mặt dữ như cọp, mắt ốc tròn xoe, hàm én râu hùm, tiếng nói rền như sấm, biết người nầy không phải tay tầm thường, Lưu Bị bèn hỏi thăm tên họ. Người ấy nói :

- Tôi họ Trương, tên Phi, tự là Dực Đức, ông cha mấy đời ở nơi Trác Quận nầy, làm nghề bán rượu mổ thịt, nên tôi cũng có chút ít ruọâng vườn, thích kết giao với anh hùng hào kiệt trong thiên hạ, nay thấy ông xem bảng chiêu quân mà than thở, nên tôi nói thử.

Lưu Bị nói :
- Tôi vốn dòng dõi người trong thân tộc nhà Hán, họ Lưu tên Bị, tự là Huyền Đức, đáng lẽ trong lúc giặc Huỳnh Cân dấy loạn, tôi phải góp phần cứu nước an dân, nhưng vì sức chưa làm được nên đau lòng thở dài như thế.

Trương Phi nói :
- Nhà tôi cũng có chút ít của cải, tôi muốn bỏ ra để  tuyển mộ một đoàn hương dũng, rồi cùng ông cử hành đại sự, ông thấy có nên không ?
Lưu Bị rất mừng, vội nắm tay Trương Phi dắt vào quán rượu đàm đạo tiếp.

Trong lúc 2 người đang hăng say bàn chuyện thì bỗng thấy một hảo hán đẩy một chiếc xe để ngoài cửa, bước vào quán, lớn tiếng gọi tửu bảo :

- Đem rượu thịt ra đây, hôm nay ta uống cho say một bữa để  ngày mai đầu quân giết giặc Huỳnh Cân.

Lưu Bị liếc nhìn thấy người ấy mình cao 9 thước, mặt đỏ như thoa son, mắt phượng mày ngài, tướng mạo đường đường oai dũng.

Biết người nầy cũng là một tay hảo hán nên Lưu Bị đứng dậy đến mời hảo hán ấy đến ngồi chung bàn, rồi hỏi thăm danh tánh. Người ấy đáp :
- Tôi họ Quan, tên Võ, tự là Vân Trường, người đất Giải Lương tỉnh Hà Đông. Nhân vì vùng tôi ở có một tên thổ hào ỷ thế hiếp bức dân lành, tôi nổi giận giết chết nó rồi bỏ đi lánh nạn, phiêu bạt giang hồ đã hơn 5 năm, giờ đây muốn đầu quân trừ giặc cứu nước.

Lưu Bị cũng đem chí nguyện của mình ra bày tỏ. Quan Võ mừng rỡ uống 3 chung rượu, rồi cùng nhau dắt về nhà của Trương Phi bàn bạc tiếp. Trương Phi nói :
- Muốn làm nên việc lớn, cốt phải hiệp sức đồng tâm mới được. Sau nhà tôi là một Vườn Đào đang tiết trổ bông, ngày mai chúng ta đến đó tế cáo Trời Đất kết làm anh em, khởi lo việc lớn.

Lưu Bị và Quan Võ đồng thanh khen phải.

Ngày hôm sau, Trương Phi sai gia nhân mổ trâu đen, ngựa trắng, bày đủ lễ trong Vườn Đào. Ba người đứng trước Hương án, vái 2 vái, rồi cùng thề rằng :
“ Ba chúng tôi là : Lưu Bị, Quan Võ, Trương Phi, tuy khác họ nhưng kết làm anh em, quyết đồng tâm hiệp lực cứu khổn phò nguy, trên báo đáp quốc gia, dưới giúp yên bá tánh. Chúng tôi không mong sanh cùng năm cùng tháng cùng ngày, chỉ nguyện được chết cùng ngày cùng tháng cùng năm.  Xin

Hoàng Thiên Hậu Thổ chứng giám lời thề nguyền nầy, ai bội nghĩa có Trời Đất tru diệt. “

Thề xong, ba anh em đồng lạy. So tuổi tác thì Lưu Bị được tôn là anh cả, kế đó là Quan Võ và Trương Phi là em út.

Trương Phi sai bắt trâu dê trong chuồng đem mổ làm một bữa tiệc lớn tại Vườn Đào, mời tất cả dũng sĩ trong vùng đến ăn uống. Các dũng sĩ tề tựu có đến 300 người, vui say một bữa. Hôm sau, mọi người chia nhau đi thu thập khí giới, mọi việc tạm ổn, chỉ còn một nỗi là thiếu ngựa trận để  cỡi.

Trong lúc đang lo tính, bỗng có người vào báo : “ Có 2 thương khách cùng đoàn tùy tùng dẫn một bầy ngựa khá đông đang đi về hướng trang trại nầy.”

Lưu Bị mừng rỡ nói : - Đây là Trời giúp ta đó.

Ba anh em vội đón tiếp hai vị khách thương, mời vào trang trại. Hai người nầy là 2 thương gia lớn ở đất Trung Sơn, tên là Trương thế Bình và Tô Song, hằng năm thường lên miền Bắc mua giống ngựa khỏe đem về Tràng An bán. Nay miền đất nầy có giặc, nên không đem ngựa qua được.

Trương Phi hối gia nhân dọn tiệc đãi đằng 2 vị khách thương và đoàn tùy tùng, rồi tỏ bày chí hướng của 3 anh em, muốn khởi nghĩa giết giặc cứu an bá tánh. Hai người khách ủng hộ, hiến 50 con ngựa khỏe, lại tặng 500 lượng vàng và 1000 cân thép tốt để rèn võ khí và làm giáp trụ. Ba anh em vô cùng cảm động trước nghĩa cử của 2 vị khách thương. Khách kiếu từ, Lưu Bị tiễn chân đến vài dặm đường mới trở lại.

Lưu Bị cậy thợ rèn giỏi chế tạo một đôi Song Cổ kiếm, Quan Võ chế tạo một cây Thanh Long đao, Trương Phi chế một cây Bát Điểm Cương mâu. Ai nấy đều trang bị cương giáp, rồi kéo 300 dũng sĩ đến ra mắt Thái Thú Lưu Yên. Lưu Yên hỏi danh tánh,  3 anh em đều xưng rõ tên họ, riêng Lưu Bị  còn nói cho Lưu Yên biết mình là tông phái Hoàng gia, được Lưu Yên nhận làm cháu.

Vào thành được vài hôm thì quân thám thính vào báo :
- Tướng giặc Huỳnh Cân là Trình viễn Chí thống lãnh 5 vạn quân kéo đánh Trác Quận.

Lưu Yên liền sai Châu Tỉnh dẫn 3 anh em Lưu Bị cùng hơn 300 quân nghĩa dũng với một đạo binh đi phá giặc.

Ba anh em Lưu Bị lãnh đi tiền đạo, trực chỉ đến chân núi Đại Hưng, thấy quân giặc cũng vừa kéo tới. Lưu Bị liền thúc ngựa ra trận, bên tả có Quan Võ, bên hữu có Trương Phi, thét mắng quân giặc :
- Phản loạn, đừng hòng múa rối, mau xuống ngựa qui hàng.

Trình viễn Chí nổi giận, sai Phó Tướng Đặng Mậu ra đánh. Đặng Mậu vừa xông ra, bị Trương Phi quất ngựa nhảy đến đâm một xà mâu trúng ngay giữa ngực, ngã xuống chết liền. Trình viễn Chí nổi giận múa đao xông tới đánh Trương Phi, Quan Võ vung Thanh Long đao cản lại, vớt Viễn Chí một đao đứt làm 2 đoạn. Quân giặc Khăn Vàng thấy chủ tướng đã bị hại nên hoảng hốt bỏ chạy. Lưu Bị xua quân đuổi đánh, chúng đầu hàng nhiều vô số.

Lưu Bị dẫn đoàn quân đắc thắng trở về, được Thái Thú Lưu Yên ra tận ngoài thành tiếp đón và khen tặng.

            Bài thơ khen Trương Phi, Quan Võ thắng trận đầu tiên :
Anh hùng xuất trận buổi ban đầu,
Một thử long đao, một thử mâu.
Khí tiết rạng ngời oai lực khét,
Chia ba thiên hạ rạng anh hào.

Từ đó về sau, 3 anh em Lưu Quan Trương luôn luôn giữ chặt tình nghĩa với nhau, thương yêu nhau như anh em ruột thịt, kết thành một khối đoàn kết mạnh mẽ, rồi sau, nhờ có Khổng Minh Gia Cát Lượng ra giúp làm Quân Sư, khiến thanh thế của 3 anh em lừng lẫy, làm chúa một vùng rộng lớn phía Tây nước Tàu, phía Bắc chống cự với Tào Tháo,  phía Đông hoà hoãn với Ngô Tôn Quyền, tạo thành thế chia 3 Thiên hạ, gọi là thời TAM QUỐC.

15 . Đường Minh Hoàng du Nguyệt điện

Đường Minh Hoàng du Nguyệt điện là vua Minh Hoàng nhà Đường đi lên chơi Cung Trăng.

Nguyên vua Đường Minh Hoàng là Thái Tử Long Cơ, nối ngôi vua cha là Đường Duệ Tông vào năm 713, xưng hiệu là Đường Huyền Tông, thường gọi là Đường Minh Hoàng, trị vì được 43 năm. Minh Hoàng có một ái phi là nàng Dương ngọc Hoàn, hiệu là Thái Chân, thường gọi là Dương Quí Phi. Nàng có sắc đẹp tuyệt trần, lại thông tuệ, nhà vua say đắm ở luôn trong cung với nàng, giao hết việc triều chánh cho Tể Tướng Lý Lâm Phủ.

Bấy giờ An Lộc Sơn, người Hồ, làm Tiết Độ Sứ hai trấn Bình Lư và Phạm Dương, thường khéo phụng sự Lý Lâm Phủ và Dương Quí Phi để  mua lòng, lại được Dương Quí Phi nhận làm con nuôi, nên rất dễ ra vào cung cấm.

Năm 755, An Lộc Sơn cử binh làm phản, đem quân đánh chiếm Hà Bắc, Hà Nam, hãm thành Lạc Dương, tự xưng là Yên Đế, rồi kéo binh vào đánh Tràng An.

Vua Đường Minh Hoàng và quần thần tướng sĩ bỏ chạy vào đất Thục. Khi đến chân núi Mã Ngôi, các tướng sĩ  ta oán, cho rằng giặc An Lộc Sơn nầy là do Dương quốc Trung và Dương Quí Phi nuôi dưỡng mà ra, nên nổi lên bắt Dương quốc Trung chém chết, rồi buộc vua Đường Minh Hoàng phải bắt Dương Quí Phi thắt cổ chết. Nếu vua không chịu giết Dương Quí Phi thì các tướng sĩ không cầm vũ khí chống giặc. Minh Hoàng không làm sao  khác  hơn,  đành  buộc  Dương  Quí  Phi

thắt cổ chết. Sau đó các tướng sĩ đưa nhà vua đến Thành Đô.

Trong lúc đó Thái Tử Hanh lên ngôi vua ở Linh Võ tỉnh Cam Túc, xưng hiệu là Đường Túc Tông, tôn vua Đường Huyền Tông lên làm Thái Thượng Hoàng. Vua Túc Tông nhờ các tướng giỏi như Quách Tử Nghi,    quang  Bật,  đánh  An Lộc Sơn, lấy lại được Tràng An, lần lần diệt hết bọn giặc An Lộc Sơn, rước Minh Hoàng từ Thành Đô trở về Tràng An.

Theo sách Dị Văn Lục, Minh Hoàng, từ ngày mất nàng Thái Chân , thường âu sầu buồn bã. Minh Hoàng nhờ các Đạo sĩ làm phép cho Minh Hoàng xuất hồn đi kiếm nàng Thái Chân nơi các cõi Vô hình, nhưng không gặp. Có người mách cho biết là nàng Dương Quí Phi hiện đang ở  Cung Trăng.

Vào đêm rằm tháng 8, tiết Trung Thu trăng tỏ, có một Đạo sĩ pháp thuật cao cường là La Công Viễn, làm phép ném cây gậy lên không trung, hóa thành chiếc cầu vòng đưa Minh Hoàng và La Công Viễn đi lên Nguyệt điện. Minh Hoàng đi đến nơi, thấy một tòa cung điện nguy nga, bên ngoài có tấm bảng đề là : QUẢNG HÀN CUNG, THANH HƯ PHỦ.

Đạo sĩ dẫn đường đi vào hiên Tây, gõ cửa. Một Tiên Nữ  hiện ra xưng tên là Tiểu Ngọc. Đạo sĩ nhờ Tiểu Ngọc vào báo tin cho nàng Thái Chân biết là có Đường Minh Hoàng đến tìm thăm viếng. Nàng Thái Chân được báo tin, giựt mình trở dậy, sửa lại xiêm y, vén rèm châu bước ra, mặt hoa ủ dột, nước mắt chan hòa, nhìn Minh Hoàng đăm đăm, cảm tạ nhà vua đoái hoài đến thăm nàng. Sự gặp gỡ bất ngờ giữa 2 khách đa tình, kẻ tục người Tiên, khiến cả hai chan hòa lệ thảm.

Như để giải khuây niềm sầu muộn, các Tiên Nữ nơi Quảng Hàn Cung kéo ra dưới bóng cây Quế, xiêm y rực rỡ năm sắc cầu vòng, lả lướt múa hát điệu nhạc réo rắc não nùng.

Đã hết giờ viễn du, Đạo sĩ La Công Viễn đưa hồn Minh Hoàng trở về trần thế trong niềm lưu luyến ai hoài.

Lòng Minh Hoàng nhớ thương không nguôi, mới gọi các vũ nữ trong cung tới, cho mặc quần áo giống như các nàng Tiên ở cung Trăng, rồi tập múa hát giống như các nàng Tiên ấy, để  mỗi khi Minh Hoàng buồn nhớ nàng Thái Chân, thì gọi vũ nữ ra múa hát, gọi là khúc Nghê Thường Vũ Y, như nuối tiếc một thời yêu cũ cho đỡ niềm cô quạnh.

16 . Huyền sử Ông Thầy không tên

Huyền sử là lịch sử huyền diệu. Ông Thầy là chỉ Đức Chí Tôn, vì trong thời Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, Đức Chí Tôn dùng huyền diệu cơ bút mở Đạo Cao Đài, Ngài xưng mình là Thầy, và gọi các tín đồ là môn đệ (học trò).
Không tên : Chữ Hán là Vô danh.

Trong Đạo Đức Kinh, Đức Lão Tử có viết :
Đạo khả Đạo phi thường Đạo,
Danh khả Danh phi thường Danh.
Vô Danh Thiên Địa chi thủy,
Hữu Danh vạn vật chi mẫu.

Nghĩa là : - Đạo mà có thể giải được thì không phải là cái

Đạo trường cửu,
- Danh mà có thể gọi được Tên thì không phải là cái Danh còn mãi mãi.
- Cái Vô Danh là khởi thủy của Trời Đất,
- Cái Hữu Danh (Có Tên) là mẹ của vạn vật.

Vậy cái Vô Danh (Không Tên) ấy, Đức Lão Tử gọi là Đạo, và Giáo lý của Đạo Cao Đài gọi nó là Hư Vô chi Khí, và Hư Vô chi Khí sanh ra Đức Chí Tôn.

Vậy, Ông Thầy không tên là chỉ Đức Chí Tôn.

TNHT. I . 32 : “ Khí Hư Vô sanh có một Thầy. Còn mấy Đấng Thầy kể đó ai sanh ? Ấy là Đạo, các con nên biết. Nếu không có Thầy thì không có chi trong Càn khôn Thế giới nầy, mà nếu không có Hư Vô chi Khí thì không có Thầy.”

Huyền sử Ông Thầy không tên là nói về lịch sử huyền diệu của Đức Chí Tôn.

Bức tranh Huyền sử Ông Thầy không tên, vẽ hình một người đàn ông (tượng trưng Đức Chí Tôn) bị bắn  một  mũi  tên ghim vào bả vai chảy máu, để chỉ rằng : Đức Chí Tôn là Đại Từ Phụ của toàn cả chúng sanh. Toàn cả nhơn loại đều là con cái của Ngài, hầu hết đều tỏ ra hiếu hạnh với Ngài, nhưng cũng có vài đứa phản bội lại Ngài, sự phản bội ấy được tượng trưng bằng mũi tên oan nghiệt ghim vào bả vai của Ngài.

Nhưng Đức Chí Tôn Đại Từ Phụ đều thương yêu tất cả, thương yêu cả những đứa con phản nghịch, chỉ mong một ngày nào đó, nó hối hận trở về. Lòng thương yêu vô bờ bến ấy chỉ có duy nhứt nơi Đức Chí Tôn mà thôi. Nhưng các Đấng Thần Thánh Tiên Phật không thể tha thứ tội lỗi của những đứa con phản nghịch, vì nó trái với luật Công Bình thiêng liêng, trái với luật Nhân Quả, nên phải có những hình phạt thích đáng.
 Home       1 ]  [ 2 ]  [ ]  [ 4 ]  [ 5 ]  [ 6 ] [ 7 ]  8 ]

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét