91 Điễn Tích Nơi Hành Lang Báo Ân Từ - 5 / 8 (Kim Hương)


Lang Chúa Ngột Truật nghe theo, tìm được Tần Cối đem về trào. Vợ của Tần Cối là Vương thị có sắc đẹp, thông dâm với Ngột Truật. Ngột Truật đãi vợ chồng Tần Cối rất hậu, rồi đưa trở về Trung nguyên. Tần Cối nặng lời thề ước cho Ngột Truật vững lòng tin, rồi trở về Lâm An ở Trung nguyên, vào ra mắt Tống Cao Tông. Nhà vua phán :

- Nhờ khanh trở về trào, Trẫm mới biết tin tức của Nhị Đế. Lâu nay khanh có công phò Nhị Đế
ở nước Phiên, nên Trẫm phong khanh làm Lễ Bộ Thượng Thơ, còn vợ của khanh phong là Nhị phẩm Phu Nhân. Khanh hãy hết lòng phò Trẫm.

Vua Cao Tông hôn ám, tin dùng bọn gian thần, xa lánh tôi trung, nên trong nước giặc giã nổi lên khắp nơi, bổn chương của các quan khắp nơi gởi về triều liên tiếp, làm cho vua bấn loạn tinh thần, còn bọn gian thần thì co đầu rút cổ. Thái Sư Triệu Lãnh bước ra tâu :

- Bọn giặc nầy thần xem rất nguy hiểm, nếu không có Nhạc Phi thì không ai gánh nổi trách nhiệm nầy.

Vua Cao Tông nói :
- Lúc trước, Trẫm đã sai sứ đi triệu Nhạc Phi, nhưng bị thủ hạ của y là Ngưu Cao và Kiết Thanh  xé nát chiếu chỉ, nói triều đình đặng chim bẻ ná, đặng cá bỏ đăng, nên đuổi sứ giả trở về. Trẫm nghĩ vì 2 gã nầy có công bắt 2 tên gian tần Miêu Phó và Lưu chánh Ngạn nên Trẫm bỏ qua. Nay sai sứ đi triệu nữa, liệu Nhạc Phi lãnh chiếu không ?

Hoàng Hậu nói :
- Thiếp có làm một cặp Long Phụng Sanh Kỳ, nay xin thêu vào đó 4 chữ: TẬN TRUNG BÁO QUỐC, rồi Bệ hạ sai một vị Đại thần đem đến tặng và hiểu dụ Nhạc Phi.
Vua Cao Tông mừng rỡ, hối Hoàng Hậu làm mau.

Vua Cao Tông sai quan Khâm Sai Đại Thần ngày đêm đi đến Thang Âm gặp Nhạc Phi. Nhạc Phi đặt bàn hương án  rồi quì xuống tiếp chiếu. Quan Khâm Sai đọc chiếu :
“Ta là Cao Tông Hoàng Đế, thay mạng Trời, chiếu rằng :
Trời có lạnh mới thấy rõ tòng bá, nước có loạn mới thấy dạ tôi ngay. Trẫm ngồi trên ngôi báu thiếu đức thiếu tài, nên trong nước xảy ra loạn lạc. May nhờ khanh là Nhạc Phi hết lòng vì nước, chịu cam khổ chống giặc xâm lăng, tuy Nhị Đế mông trần, song trong nước vừa tạm yên, nhưng dân chưa kịp hưởng thái bình thì giặc lại nổi lên : Dương tái Hưng dấy binh tại Cửu Long San, Dương Ma chiếm Động Đình Hồ, còn bọn Thích  Phương  tuy là thảo  khấu  nhưng  La Cang là đứa khuấy nước hại dân, quả là lúc nước nhà loạn lạc và cũng là lúc tôi hiền gối đất nằm sương, chẳng lẽ bàng quan tọa thị ?

Nay Hoàng Hậu bổn thân thêu một cặp cờ Long Phụng, lại dùng 4 chữ “TẬN TRUNG BÁO QUỐC” đặc biệt tặng cho khanh, khanh hãy về kinh cho mau mà phục hồi cựu chức để lãnh binh hùng trừ khử loài gian, đem lại an ninh cho xã tắc. Trẫm không tiếc cắt đất phong Vương Hầu, nêu danh người trung nghĩa. Khanh hãy tuân lời Trẫm, chớ sơ thất.”
Nhạc Phi lạy tạ, rồi bày tiệc khoản đãi quan Khâm Sai.

Số đàn em của Nhạc Phi, nhứt là Ngưu Cao không muốn ứng mệnh vì chán ghét vua Cao Tôn hôn ám, khi nguy thì cầu cứu đám anh hùng, khi an rồi thì bỏ anh hùng, nghe theo đám nịnh thần. Nhưng Nhạc Phi vì 4 chữ TẬN TRUNG BÁO QUỐC đúng như 4 chữ mà mẹ chàng đã xâm trên lưng, nên Nhạc Phi ứng mệnh và khuyên em út đi giúp vua Cao Tông một lần nữa mà cứu an bá tánh.

Nhạc Phi cùng đàn em đến Lâm An, vào trào kiến giá. Vua Cao Tông cả mừng, truyền phong cựu chức cho Nhạc Phi và các anh hùng, hứa sẽ thăng thưởng khi bình xong giặc.

Nhạc Nguyên Soái lãnh binh tế cờ rồi kéo đi, hẹn với Nguyên soái Thủy binh Hàn thế Trung, kéo đi bình giặc Dương Ma ở Động Đình Hồ. Trong lúc đó, Nhạc Phi được cấp báo, Thái tử  nước Kim là Ngột Truật đem 60 muôn binh xâm phạm Trung Nguyên lần thứ nhì. Hiện gần đến Châu Tiên Trấn. Nhạc Nguyên soái liền truyền lịnh cho quan Chánh Ty phải chuẩn bị 7 đội binh mã sẵn sàng chờ Nguyên soái điều dụng, đồng thời gởi văn thư đi khắp các phủ, truyền lịnh cho các Tổng Binh gấp rút dẫn quân đến Châu Tiên Trấn chờ lịnh.

Binh của Nhạc Nguyên soái kết hợp với Thủy binh của Hàn Nguyên soái, dùng diệu kế, đánh một trận phá tan sào huyệt của Dương Ma, bắt sống được Dương Ma giải về triều.

Bình định xong, hai  vị  Nguyên  soái  cấp  tốc kéo đến Châu Tiên Trấn. Các vị Tổng Binh đã đem binh tới đầy đủ.

Nhạc Nguyên soái điều khiển các đạo binh, bày thế trận, đánh tan quân Kim của Ngột Truật tại 2 trận lớn : Phụng Hoàng Sơn và Kim Ngưu Lãnh, giết và bắt sống được gần 60 vạn quân Kim.

Ngột Truật đứng trên núi quan sát, thấy quân Kim bị quân Tống giết chết thảm thiết, nước mắt tuôn trào, cất tiếng than : “ 60 muôn binh mã mà nay chỉ còn không đầy 5 ngàn, thảm bại thế nầy còn mặt mũi nào trở về thấy Lang Vương !”

Than rồi, lòng quá bất nhẫn, liền rút gươm tự vận. Quân Sư Hấp Mê Xi đứng kế bên, giựt gươm, khuyên giải.

Bỗng trong rừng xuất hiện một Nho sĩ đến chào Ngột Truật và nói :
- Cần gì Thái tử phải ra sức đánh Nhạc Phi cho hao binh tổn tướng. Thái tử biết rằng hễ trong triều đình nhà Tống mà gian thần lộng hành thì không khi nào ở ngoài mặt trận, đại tướng lập công được.

Ngột Truật nghe nói thế thì tỉnh ngộ, xá Nho sĩ rồi nói :
- Mong Tiên sinh dạy bảo cho và xin cho biết tên họ.
- Tôi muốn báo cho Thái tử  biết rồi đây họa sẽ đến cho Nhạc Phi theo ý Trời định, hà tất biết tên họ tôi làm gì.

Nói xong thì đi vào rừng biến mất. Hấp Mê Xi nói :
- Nay có Thần nhân mách bảo như thế thì Lang Chúa thu gom binh sĩ về ải chờ đợi, rồi Lang Chúa viết cho Tần Cối một bức thơ, tôi sẽ cải trang thành người Trung nguyên đi Lâm An gặp Tần Cối để bàn việc mưu hại Nhạc Phi.

Nhắc qua Nhạc Nguyên soái, sau khi đắc thắng, kéo binh về đóng tại Kim Ngưu Lãnh, dâng biểu về triều báo tiệp, rồi khao thưởng ba quân, đồng thời thôi thúc lương thảo chuẩn bị đánh qua nước kim, để rước Nhị Đế trở về Trung nguyên.
Hấp Mê Xi đưa thư của Ngột Truật cho Tần Cối.

Vương thị, vợ của Tần Cối bàn :
- Tướng công là Tể Tướng đương triều, cai quản các quan, thì một việc nhỏ như vậy không làm được sao? Bây giờ Tướng Công lấy cớ hoà Kim, đừng phát lương thảo cho Nhạc Phi nữa, bảo Nhạc Phi rút quân về Châu Tiên Trấn nghỉ ngơi, rồi tìm cách gọi cha con hắn về triều, giết phứt.

Tần Cối khen : - Phu Nhân nói thật chí lý.

Tần Cối liền làm giả một đạo Thánh chỉ, sai quan Khâm Sai tức tốc gọi Nhạc Phi về triều gia phong quan chức.

Chư tướng bàn tán khuyên Nhạc Phi không nên hồi triều trong lúc nầy nguy hiểm lắm, vì gian thần Tần Cối đang nắm hết quyền hành, nói gì vua Cao Tông cũng nghe.

Còn đang bàn tán thì có quân vào báo có sứ đệ kim bài thôi thúc Nguyên soái đi liền. Rồi không đầy 1 giờ, có tất cả 10 đạo kim bài thúc hối như thế. Nội sứ nói :
- Thánh Thượng dạy Nguyên soái nên hồi trào ngay, nếu chậm trễ tức là nghịch chỉ đó.

Nhạc Nguyên soái vội gọi Ngưu Cao và Thi Toàn, nói :
- Nay anh giao hết ấn tín cho 2 em chấp chưởng binh quyền thế cho anh. Hai em phải giữ nghiêm luật, không cho binh sĩ nhiễu hại dân chúng.

Nhạc Phi chọn 4 tên gia tướng, lên đường trở về Lâm An. Chư tướng và quân sĩ đưa ra khỏi dinh, ai nấy không cầm được nước mắt. Dân chúng đứng đầy 2 bên đường ở Châu Tiên Trấn đưa tiễn Nhạc Phi, nguyền rủa bọn gian thần.

Trên đường trở về kinh đô, Nhạc Phi đi ngang qua núi Kim San, nơi đây có ngôi chùa của Ông Đạo Duyệt. Nhạc Phi lên viếng chùa, gặp Đại sư  Đạo Duyệt, vái chào, nói :

- Trước đây, tôi đến Lịch Tuyền bái kiến lịnh sư, người có dặn tôi 10 năm sau sẽ gặp lại thầy. Quả nhiên nay đúng 10 năm, gặp lại. Đêm qua tôi ở dịch xá thấy một điềm chiêm bao kỳ dị như sau : “Tôi thấy dưới bóng trăng mờ có 2 con chó mực ngồi đâu mỏ nói chuyện, lại thấy có 2 người    trần  đứng

dựa một bên, rồi bỗng sấm sét nổi lên, một con quái giống như rồng từ dưới sông Dương Tử nhảy lên chờn vờn chụp tôi, tôi thụt lui rồi giựt mình thức dậy. Xin thầy đoán mộng giùm.”

Đạo Duyệt nói :
- Chiêm bao như vậy cũng dễ đoán. Hai con chó ngồi ngang nhau nói chuyện, tức là 2 chữ Khuyển đứng 2 bên, ở giữa là chữ Ngôn, ráp lại thành chữ Ngục º» . Còn 2 người ở trần đứng 2 bên là 2 người cùng chung số phận với Nguyên soái. Còn con quái ở dưới sông nhảy lên muốn chụp Nguyên soái là tên gian thần âm mưu hãm hại Nguyên soái. Tôi e kỳ nầy Nguyên soái trở về trào không tránh khỏi tai họa.

Dứt lời, Đạo Duyệt ngâm 4 câu thi :
                   Tuế để bất túc, đề phòng Thiên khốc,
                   Phụng hạ lưỡng điểm, tương nhơn hại độc.
                   Lão cam đằng nả, thượng nhơn nại hà,
                   Thiết ta bà đả, lưu ý Phong ba.

Nhạc Phi nói :
- Tôi ngu muội không hiểu nổi, Đại sư giải thích cho.

- Đó là cơ Trời, không dám tiết lậu, mong Nguyên soái nhớ kỹ, sẽ thấy hiệu nghiệm.

Nhạc Phi từ giã Đạo Duyệt, tiếp tục đi về kinh. Khi thuyền qua sông Tương giang, Nhạc Phi ngồi nơi mũi thuyền, bỗng có một con quái hình giống trong mộng, nhảy lên chụp Nhạc Phi. Nhạc Phi lấy cây Lịch Tuyền thương đâm con quái, con quái né khỏi rồi cắn chặt cây Lịch Tuyền thương lặn mất.

Nhạc Phi than : Chỉ vì ta sơ ý để con quái cướp mất cây Thần thương ! Ôi tiếc quá !

Khi Nhạc Phi đi gần đến kinh đô, bỗng thấy trước mặt có quan Cẩm Vệ Phùng Trung và Phùng Hiếu, dẫn theo 20 tên Hiệu Úy, chận Nhạc Phi lại, đọc Thánh chỉ giả của Tần Cối, bắt Nhạc Phi trói lại, bỏ vào tù xa, giải về Lâm An, theo mật lịnh của Tần Cối, đem Nhạc Phi giam vào ngục Đại Lý.

Vua Cao Tông và các quan không hay biết chi cả. Tần Cối lại giả một đạo Thánh Chỉ, sai quan Đại Lý Tự Khanh Châu Tam Húy tra khảo Nhạc Phi, buộc Nhạc Phi nhận tội phản nghịch.

Châu Tam Húy biết đây là âm mưu của Tần Cối hãm hại trung thần, trong lòng buồn bực, ngước mặt lên Trời than :
“ Gẫm sự đời mà ngao ngán. Nhạc Phi làm tới tước Hầu, chức Đại Nguyên soái nắm hết binh quyền, một tay gìn giữ giang sơn nhà Tống, công lao không kể hết, thế mà vua nghe lời gian thần, cố tình hãm hại, huống chi ta đây làm chức Đại Lý Tự Khanh, đứa gian thần muốn bóp chết lúc nào không được. Nay, nếu ta nghe lời gian thần tra khảo Nhạc Phi, buộc tội oan cho người thì còn gì là công lý, còn không nghe lời bọn gian thần thì ta cũng bị như Nhạc Phi thôi. Chi bằng ta bỏ cái chức quan nầy, tìm chốn thanh vắng mai danh ẩn tích để tránh khỏi tai bay họa gởi thì hơn.”

Nghĩ như vậy rồi, liền khiến gia quyến bí mật thu xếp đồ đạc, chờ đến canh năm, Châu Tam Húy cổi áo mão và ấn tín đặt trên bàn giữa nhà rồi trốn đi.

Sáng ra, Thừa Tướng Tần Cối được thủ hạ phi báo, nổi giận cho lính truy nả Châu Tam Húy, mặt khác đưa 2 tên thuộc hạ đắc lực  : Vạn Sĩ Hoa làm chức Đại Lý Tự Chánh Khanh, La Võ Tập làm Đại Lý Tự Thừa.

Hai tên nầy được lịnh của Tần Cối đem Nhạc Phi ra tra khảo, thịt nát xương tan, sống đi chết lại nhiều lần, nhưng Nhạc Phi nhứt định không chịu điều vu  cáo. Nhạc Phi than :

- Nay ta chết đi thì an phận rồi, nhưng còn 2 đứa con ta là Nhạc Vân và Trương Hiến,  e 2 đứa nó nóng nảy làm hư cái danh trung nghĩa của ta đi.

Tần Cối sợ 2 đứa con của Nhạc Phi trả thù cho cha nó thì rất nguy hiểm, nên vội sai người giả tuồng chữ của Nhạc Phi, viết thơ gọi Nhạc Vân và Trương Hiến đến kinh đô để thọ phong quan chức. Tần Cối cho người cấp tốc đến huyện Thang Âm đưa thơ, gạt Nhạc Vân và Trương Hiến đến kinh để giết luôn một lượt, trừ hậu hoạn.

Nhạc Vân và Trương Hiến, tuy không ham quyền chức, nhưng không dám cải Nhạc Phi, nên mắc mưu Tần Cối, bị Tần Cối bắt giam chung với Nhạc Phi.

Vợ Tần Cối là Vương thị bàn với chồng :
- Tướng công ra mật lịnh cho Vạn Sĩ Hoa dẫn 3 cha con Nhạc Phi, đêm nay đến Phong Ba Đình giết phứt đi là xong chuyện.

Đó là đêm 29 tháng chạp cuối năm (vì tháng chạp thiếu), rạng này mai là mùng 1 Tết năm mới, Trời mưa lớn lại có tuyết rơi nữa. Nhạc Phi nhớ lại bài thơ của Đạo Duyệt nên giựt mình kinh hãi, vì đã thấy ứng nghiệm ở 2 câu đầu :
                   Tuế để bất túc, đề phòng Thiên khốc,
                   Phụng hạ lưỡng điểm, tương nhơn hại độc.

Tuế để bất túc (cuối năm không đủ) là chỉ ngày 29 tháng chạp, Thiên khốc là Trời mưa, Phụng hạ lưỡng điểm là chữ Phụng ( )  thêm 2 chấm ở dưới là chữ Tần ( ), chỉ Tần Cối, tiếp theo là Tương nhơn hại độc thì chắc chắn là Tần Cối hại ta rồi.

Nhạc Phi lo sợ 2 em Ngưu Cao và Thi Toàn hay tin mình bị Tần Cối hại, đem binh về triều làm phản thì rất hại cho danh tiết của mình, nên xin Ngục quan giấy mực viết một bức thơ gởi Ngưu Cao và Thi Toàn, không được làm càn.

Viết xong thì có lịnh của Tần Cối bắt trói 3 cha con Nhạc Phi giải đến Phong Ba Đình. Nhạc Phi nghe đến tiếng Phong Ba Đình thì giựt mình than rằng : Hèn chi Đạo Duyệt nói : Lưu ý Phong Ba, thật không ngờ 3 cha con ta chết tại đây.

Khi 3 cha con bị giải tới Phong Ba Đình, đao phủ ra tay giết chết ngay. Nhạc Phi được 39 tuổi và Nhạc Vân 23 tuổi.

 Nói về quan giữ ngục là Nghê Hoàn, thấy cảnh gian thần quá lộng hành thì chán nãn, bỏ chức trốn đi, lên Châu Tiên Trấn đưa thơ của Nhạc Phi cho Ngưu Cao và Thi Toàn.

Hai tướng quá tức giận gian thần, nên không kể lời dặn dò của Nhạc Phi, đồng kéo Đại quân về Lâm An bắt đứa gian thần Tần Cối phanh thây cho hả giận. Khi đoàn quân xuống thuyền qua sông Trường giang, bỗng sóng gió nổi lên ầm ầm, mây tỏa mịt mù, trên không xuất hiện một cây cờ có thêu 4 chữ TẬN TRUNG BÁO QUỐC, lại thấy Nhạc Phi hiện ra đứng trên mây, tả có Nhạc Vân, hữu có Trương Hiến, lấy tay khoát lia lịa, không cho tiến binh. Thuyền của Thi Toàn dừng lại, nhưng thuyền của Ngưu Cao vẫn tiến tới (vì tánh của Ngưu Cao rất bướng bỉnh), Nhạc Phi đưa tay áo quạt mấy cái, mấy chiếc thuyền đi đầu chìm hết. Cả bọn đều biết Nhạc Phi hiển linh, nhứt định không cho tiến quân, nên đồng thối lui. Ngưu Cao và Thi Toàn cấp phát lương thực và tiền bạc đầy đủ cho tuớng sĩ, rồi ra lịnh giải tán, ai muốn đi đâu thì tùy ý.

Linh hồn của Nhạc Phi được Thượng Đế truyền chỉ cho phép điều khiển các trung hồn, đến nhà lũ gian nịnh hiển lộng thần oai làm chúng kinh tâm tán đởm, đợi đến khi mạng số chúng hết thì bắt hồn chúng xuống Địa ngục hành tội.

Hồn Nhạc Phi bay đến nhà Tần Cối, thấy Tần Cối đang ngồi viết bổn chương nơi Vạn Huê Lầu, mưu tính hại các trung thần khác như : Hàn thế Trung, Trương Tín, Ngô Lân . . . Nhạc Phi nổi giận, hiện hình ra, đánh một chùy vào lưng Tần Cối, khiến Tần Cối té nằm sấp xuống, rồi nói :
- Tần gian tặc, tội ác của ngươi đầy dẫy mà còn muốn hại các trung lương nữa sao ?

Tần Cối thấy Nhạc Phi hiện hình ra thì hồn phi phách tán, chấp tay van lạy lia lịa.

Kể từ hôm đó, Tần Cối mang bịnh, trên lưng nổi lên một mụt nhọt lớn, đau nhức vô  cùng,  ít  lâu  sau  thì  Tần  Cối chết. Quỉ sứ  bắt linh hồn Tần Cối xuống Địa ngục hành hình.

Vợ Tần Cối là Vương thị, khi hay tin Ngột Truật cử binh qua đánh Trung nguyên lần nữa thì vui mừng, chuẩn bị nhà cửa để nghinh tiếp người tình cũ. Bỗng có một ngọn âm phong thổi tới, Vương thị ngước lên thấy quỉ sứ dắt Tần Cối mang xiềng hiện ra, rồi quỉ sứ đập Vương thị một đinh ba, làm 2 tròng mắt lồi ra ngoài, lưỡi le dài cả tấc, Vương thị ngã xuống chết liền.

Hồn Tần Cối và Vương thị bị liên tiếp hành hình nơi Địa ngục suốt 3 năm mới cho đi đầu thai làm trâu dê heo chó để đền bồi tội ác.

Nói về vua Tống Cao Tông, đang ngự trào, liên tiếp nhận được các bổn chương từ biên giới phía Bắc xin gởi binh cứu viện, vì Ngột Truật kéo đại binh đánh chiếm các ải, và đang kéo binh về hướng Lâm An. Cao Tông run sợ hỏi :
- Có ai dám lãnh binh đi trừ  Ngột Truật chăng ?

Lúc ấy hồn Nhạc Phi nhập vào La Võ Tập, khiến hắn bước ra quì tâu :
- Thần là Nhạc Phi xin lãnh mạng.

Vua Cao Tông nghe 2 tiếng Nhạc Phi thì hoảng kinh, té nhào khỏi ngai vàng. Các quan nội thị đỡ vào cung. Nhà vua mê sảng luôn, thỉnh thoảng rú lên thất thanh, được vài hôm thì chết. Thái tử  lên nối ngôi, lấy hiệu là Tống Hiếu Tôn.

Nguyên Soái Trương Tín tâu với vua Hiếu Tông :
- Muốn dẹp được binh Kim của Ngột Truật, thần xin dâng lên Thánh Thượng 5 điều :

* Thứ nhứt, bắt hết bọn gian thần hạ ngục, trị tội, rửa hờn cho dân. * Thứ nhì, khiến quan xây mồ đắp mã cho Nhạc Phi và các trung thần, lập Trung từ, thường quí tế cho rạng danh trung nghĩa. * Thứ ba, sai quan ra Vân Nam rước gia quyến Nhạc Phi trở về (vì trước đây bị Tần Cối đày đi), phong cho Nhạc Lôi nối chức cha mà đi dẹp Ngột Truật. * Thứ  tư, đi chiêu an bọn đàn em của Nhạc Phi, đặng hiệp cùng Nhạc Lôi đánh quân Kim. * Thứ năm, phục chức cho các Trung thần.

Nếu Bệ hạ làm được 5 điều nầy thi lo gì binh Kim nữa.

Vua Hiếu Tông mừng rỡ phán :
- Hay lắm ! Thế thì Lão Quốc Trụ cho bắt hết gia quyến của lũ gian thần hạ ngục, Trẫm sẽ lo các điều kế tiếp.

Trương cửu Tư lãnh chỉ xây mộ Nhạc Phi, lập miếu thờ, đắp tượng Nhạc Phi và các trung thần. Trần nghĩa Tông lãnh chỉ đi Vân Nam rước gia quyến Nhạc Phi. Lý văn Thắng lãnh chỉ đi chiêu an Ngưu Cao, Kiết Thanh và các đàn em khác. Châu Tam Húy phục chức cũ, tra vấn tội trạng các gian thần.

Vua Hiếu Tông truyền chỉ đem cả bọn gian thần ra hành quyết trước mộ Nhạc Phi, Ngưu Cao làm quan Giám Trảm, lại ban cho 500 cân sắt để đúc tượng Tần Cối, Vương thị, Vạn Sĩ Hoa, La Võ Tập quì trước mộ Nhạc Phi chịu tội.

Vua Hiếu Tông triệu Nhạc Lôi, con của Nhạc Phi, vào triều lãnh chức Tảo Bắc Đại Nguyên Soái, phong Ngưu Cao làm Giám Quân Đô Đốc, Gia Cát Cẩm làm Quân Sư, vv . . . hợp với các anh hùng dẫn binh đánh Kim.

Sau đó, vua Hiếu Tông truy tặng :
- Nhạc Phi là Nhạc Quốc Công, Võ Mục Vương, được phối hưởng nơi miếu TháiTổ, vợ Nhạc Phi là Nhạc Quốc Phu Nhân

- Vương khảo Nhạc Hoà là Thái Sư Tùy Quốc Công, Vương Tỷ Diêu Thị là Tùy Quốc Phu Nhân.

- Vương Trưởng tử Nhạc Vân là Tả Võ Đại Phu An Biên Tướng Quân Trung Liệt Hầu, vợ là Trung Liệt Phu Nhân. vv

Nhạc Phi là vị anh hùng của dân tộc Trung hoa, được dân chúng quí mên, đức tượng thờ ở nhiều nơi. Tần Cối được dân tộc Trung hoa xem là tên bán nước nguy hiểm nhất.

Cho nên, trước mộ Nhạc Phi, người ta đúc hình vợ chồng Tần Cối quì, khoanh tay cúi đầu tạ tội. Kế bên có đặt một cái dùi gỗ để khách viếng mộ Nhạc Phi cầm dùi gỗ nầy đánh vào đầu đôi vợ chồng bán nước là Tần Cối và Vương thị.

22 . Hàn Tín lòn trôn

Hàn Tín là người ở huyện Hoài Âm, mồ côi cha mẹ, thuở nhỏ rất nghèo, thường ăn bám ở nhà Đình trưởng đình Nam Xương làng Hạ Hương. Vợ của Đình trưởng không cho Tín ăn cơm nữa, Tín đi câu cá dưới thành để đổi gạo. Có một bà đập vải thuê, thấy Tín như vậy thì thương tình, cho Tín ăn cơm. Tín mừng rỡ nói với Bà :
- Thế nào tôi cũng đền ơn Bà xứng đáng.

Ba ta giận, nói :
- Kẻ đại trượng phu không thể nuôi nổi thân mình, tôi thương tình cho ăn, chứ có mong được cậu báo đáp đâu.

Những người hàng thịt ở chợ Hoài Âm, có một tên trẻ tuổi, thấy Tín mang kiếm nhưng nhát gan, nên trêu chọc :

- Mày tuy cao lớn, lại đi đâu cũng mang kiếm, nhưng trong lòng thì nhát thôi. Nếu mày có gan thì đâm tao chết, còn không thì mày phải luồn dưới trôn tao.

Hàn Tín nhìn đăm đăm tên hàng thịt, suy nghĩ giây lát, rồi cúi xuống bò qua trôn hắn. Cả chợ cười Hàn Tín nhát gan.

Khi Hạng Lương và Hạng Võ phò Sở Hoài Vương chống lại nhà Tần, Hàn Tín đến yết kiến Hạng Lương. Hạng Lương thấy Hàn Tín gầy ốm nên không muốn dùng, nhưng Quân Sư Phạm Tăng ngắm Hàn Tín một hồi rồi nói :

- Người nầy có vẻ gầy yếu nhưng bên trong ẩn một tài thao lược. Tướng quân không nên bỏ. Vả lại trong lúc nầy ta đang chiêu hiền nạp sĩ, bỏ một người thì trăm người nãn lòng.

Hạng Lương nể lời Phạm Tăng, thâu Hàn Tín và cho làm Chấp Kích Lang, lưu dưới trướng để sai phái như lính hầu.

Tuy buồn vì Hạng Lương không biết dùng mình, nhưng Hàn Tín vẫn nhận đỡ rồi sẽ tính sau.

 Lúc bấy giờ Hạng Lương đang vây thành của Đại Tướng Chương Hàm nhà Tần, nhưng không phá thành được. Hạng Lương buồn rầu không nghĩ ra kế, binh sĩ mệt nhọc nãn lòng. Hàn Tín thấy vậy liền bày tỏ ý kiến, nói rằng :
- Việc quân binh tấn thối không nên diên trì. Nay quân ta không phá được thành mà cứ đóng binh dưới thành, binh sĩ biếng trễ, phỏng như quân địch biết được, nửa đêm mở cửa thành kéo quân ra cướp trại thì nguy mất. Đánh được thành là việc nhỏ, phòng bị mới là việc lớn. Xin Tướng quân xét lại.

Hạng Lương nghe Hàn Tín phân bày hơn thiệt, đã chẳng lưu ý mà còn hét lớn :
- Từ khi ta khởi binh ở Cối Kê đến nay, uy danh lừng lẫy, Chương Hàm chẳng qua chỉ là một đứa thất phu, nghe đến oai danh ta đà vỡ mật, còn dám đâu mở cửa thành ra cướp trại. Ngươi chỉ là một tên quân hầu, biết gì mà nói nhảm.

Tướng Tống Nghĩa thấy vậy can rằng :
- Hàn Tín tuy chỉ là quân hầu, nhưng lời nói đầy mưu lược, Tướng quân chớ khinh địch mà có hại.

Hạng Lương không nghe theo. Quả nhiên Chương Hàm đánh bại Hạng Lương đúng y như lời Hàn Tín đã nói trước, giết chết Hạng Lương. Hạng Võ lên thay Hạng Lương.

Phạm Tăng biết Hàn Tín là kẻ đại tài, nhiều lần tiến cử cho Hạng Võ dùng, còn nếu không dùng thì giết đi, để khỏi gây họa về sau. Nhưng Hạng Võ chê Tín là kẻ lòn trôn, không có khí phách anh hùng, nên không dùng, cũng không giết.

Trương Lương là Quân Sư của Hán Vương Lưu Bang, biết Hàn Tín là kẻ kỳ tài, có chí lớn, liền tìm đến gặp Hàn Tín. Trương Lương cho Hàn Tín biết mình có 3 cây kiếm báu : Một cây Thiên tử kiếm đã tặng cho Lưu Bang, một cây Tể Tướng kiếm đã tặng cho Tiêu Hà, còn một cây Nguyên Nhung kiếm thì xin tặng cho Hàn Tín, và viết thư tiến cử Hàn Tín cho Lưu Bang  dùng  làm Phá Sở Đại Nguyên Soái. Trương Lương trao cho Hàn Tín bản đồ vẽ ngõ tắt Trần Thương đi vào đất Thục, để Hàn Tín vào Thục yết kiến Lưu Bang, và cũng để sau nầy dẫn quân bí mật ra chiếm lấy đất Quan Trung.

Hàn Tín liền bỏ Hạng Võ, tìm đường đi vào đất Thục, qua ngõ tắt Trần Thương, đúng như họa đồ đã vẽ, gặp Nhữ Nam Hầu Hạ Hầu Anh và Thừa Tướng Tiêu Hà. Hai bên đàm luận với nhau thật tương đắc. Tiêu Hà tiến cử Hàn Tín lên Hán Vương Lưu Bang, Lưu Bang chưa tin Hàn Tín tài giỏi, nên tạm phong làm Đại Tướng. Sau đó, Hàn Tín đưa bức thơ tiến cử của Trương Lương, Lưu Bang mới tin Hàn Tín là hiền tài, lập đàn bái tướng, phong Hàn Tín làm Phá Sở Đại Nguyên Soái, trao cho Hàn Tín hổ phù, ngọc tiết, kim ấn và bảo kiếm, toàn quyền điều khiển tuớng sĩ chinh Đông.

Hàn Tín tỏ ra là một Đại Tướng tài ba thao lược, tập luyện binh sĩ một thời gian rồi tâu với HánVương, xin xuất quân, đi theo ngõ tắt Trần Thương, tiến về phương Đông, chiếm đất Tam Tần.

Hàn Tín dùng binh rất tài tình, đánh đâu thắng đó, thế quân rất mạnh. Hàn Tín thắng nhiều trận lớn, oai danh lừng lẫy. Hàn Tín theo lịnh của Hán Vương bình định được nước Triệu, nước Đại, nước Ngụy, nước Yên, nước Tề.

Hán Vương phong Hàn Tín làm Tề Vương, trưng dụng binh của Hàn Tín đi đánh Sở Bá Vương Hạng Võ.

Hạng Võ cảm thấy yếu thế hơn Hán Lưu Bang, nên sai Vũ Thiệp đến thuyết Hàn Tín :

- Việc tranh giành thiên hạ giữa Sở Bá Vương Hạng Võ và Hán Vương Lưu Bang chưa bên nào đắc thắng. Xưa kia, Hán Vương đã nhiều lần bội ước với Hạng Vương, nếu túc hạ cho rằng Hán Vương đối đãi với mình rất hậu, nên ra sức phò Hán Vương, nhưng rốt cuộc thế nào sau nầy túc hạ cũng bị Hán Vương  bắt mà thôi. Túc hạ sỡ dĩ còn được sống là vì còn Hạng Vương. Hiện nay, Hán Vương hay Hạng Vương, ai thắng ai bại là ở tay túc hạ.Túc hạ theo Hán thì Hán thắng, túc hạ theo Hạng thì Hạng thắng. Nếu hôm nay Hạng Vương chết rồi thì hôm sau tới phiên túc hạ. Túc hạ sao không ly khai Hán mà hoà với Hạng, chia thiên hạ làm 3 mà làm vương một phần. Nay túc hạ bỏ lỡ cơ hội nầy, đem hết tâm lực phò Hán đánh Hạng thì làm người mưu trí như thế  ư ?

Hàn Tín từ  chối mà rằng :
- Tôi thờ Hạng Vương chẳng qua chỉ là Chấp Kích Lang, lời nói ra không được nghe, mưu kế đưa ra không được dùng, nên tôi bỏ Hạng theo Hán. Hán Vương tin dùng tôi, trao cho tôi ấn Đại Nguyên Soái, giao cho tôi hằng vạn binh, lời tôi nói được nghe, mưu kế tôi đưa ra được dùng, cho nên tôi mới được thế nầy. Phàm người ta hết sức tin cậy mình mà mình phản lại là điều chẳng lành. Tôi dù chết cũng không đổi dạ. Nhờ ông thưa lại với Hạng Vương, Tín từ chối.

Sau khi Vũ Thiệp đi rồi, Khoái Thông là mưu sĩ của Hàn Tín, vào bày tỏ với Hàn Tín, tóm tắt như sau :
- Hiện nay tánh mạng của 2 vua đều treo nơi tay của Túc hạ. Túc hạ theo Hán thì Hán thắng, theo Sở thì Sở thắng. Tôi xin phơi bày gan ruột của tôi để trình bày cái kế của tôi, nếu Túc hạ nghe theo thì không gì bằng làm lợi cho cả đôi bên, khiến chia ba thiên hạ, đứng theo thế chân vạc 3 chân, không ai dám động binh. Túc hạ là người hiền thánh, quân sĩ đông, giữ lấy nước Tề hùng mạnh, bắt nước Triệu theo mình, nắm lấy đất Giao đất Tứ, lấy đức vỗ an thiên hạ, kín đáo nhún nhường, thì các vua chư Hầu đều phục, kéo đến chầu vua Tề vậy. Tôi nghe : Trời cho mà không lấy thì sẽ mang lấy tội, thời cơ đến mà không theo thì mang lấy họa, xin túc hạ suy nghĩ.

Hàn Tín đáp :
- Vua Hán đãi tôi rất hậu, lấy xe của mình để cho tôi đi, lấy áo của mình để cho tôi mặc, lấy cơm của mình để cho tôi ăn. Tôi nghe nói : Đi xe của người thì  lo  điều  lo  nghĩ của người, mặc áo của người thì mang điều lo nghĩ của người, ăn cơm của người thì gánh vác công việc của người. Tôi lẽ nào chạy theo lợi mà bỏ nghĩa.

Khoái Thông cố gắng thuyết Hàn Tín nhiều lần, nhưng Hàn Tín nhứt định không đổi ý, nên sợ tai họa xảy đến cho mình, bèn giả điên, làm người thầy cúng.

Sau đó, Hàn Tín đánh Hạng Võ thảm bại, phải chạy đến thành Cai Hạ cố thủ. Thế cùng lực tận, tướng sĩ của Hạng Võ bị tiếng sáo của Trương Lương làm cho chán nãn, bỏ thành trốn đi. Thành Cai Hạ thất thủ, Hạng Võ chạy đến sông Ô giang, tự  cắt đầu tự  tử.

Hán Lưu Bang thống nhứt được nước Tàu, tự mình lên ngôi Hoàng Đế, xưng là Hán Cao Tổ, phong Hàn Tín làm Sở Vương, bình  định nước Sở, đóng đô ở Hạ Bì.

Hàn Tín nay về nước Sở làm vua, liền gọi Bà già đập vải đã cho Hàn Tín ăn cơm lúc hàn vi, tới thưởng cho 1000 lượng vàng; gọi Đình trưởng tới thưởng cho 100 quan, nói :
- Ông là kẻ tiểu nhân, giúp người không trót.

Lại sai người đi tìm anh hàng thịt khi xưa đã bắt Hàn Tín lòn trôn, phong anh ta làm Trung Úy. Hàn Tín nói :
- Hắn là tráng sĩ đấy. Lúc hắn làm nhục ta, có phải ta không giết hắn được đâu, nhưng giết hắn thì có danh nghĩa gì.

Chung Ly Muội là tướng của Hạng Võ, nhà y ở núi Y Lê, vốn là bạn chơi thân của Hàn Tín lúc nhỏ. Khi Hạng Võ chết,  Chung Ly Muội bỏ trốn đến nương náu nơi dinh của Hàn Tín. Hán Cao Tổ rất giận Chung Ly Muội, nghe nói Muội trốn ở Sở, nên ra lịnh cho Sở Vương Hàn Tín bắt Muội. Có người vu cáo với Hán Cao Tổ là Hàn Tín chứa Chung Ly Muội, có ý làm phản. Hàn Tín gặp Chung Ly Muội nói rõ việc ấy. Muội nói với Hàn Tín :

- Vua Hán chưa dám bắt Ông là vì có Muội đang ẩn trong nhà Ông, Ông muốn bắt ta để nịnh nhà Hán, thì hôm nay ta phải chết, nhưng ông cũng sẽ bị chết theo, dễ như trở bàn tay thôi. Ông không phải là người trưởng giả.

Chung Ly Muội nói xong, tự đâm cổ chết. Hàn Tín cắt đầu Muội đem dâng cho vua Hán đang tuần thú ở đất Trần. Hàn Tín mắc kế của vua Hán, vua Hán giả đi tuần thú, hội họp chư Hầu,  là để bắt Hàn Tín một cách dễ dàng. Khi vua Hán thấy Hàn Tín đến, liền thét võ sĩ bắt Hàn Tín trói lại, bỏ lên xe, trở về kinh đô Lạc Dương.

Về tới Lạc Dương, Hán Cao Tổ nghĩ đến công lao của Hàn Tín, nên không giết, chỉ giáng xuống làm Hoài Âm Hầu, không cho nắm giữ  binh quyền.

Một người môn hạ của Hàn Tín có tội với Tín, bị Tín bắt bỏ tù, muốn giết đi. Người em của hắn ra đầu thú, vu cho Hàn Tín muốn làn phản.

Lữ Hoàng Hậu, vợ của Hán Cao Tổ bàn với Tể Tướng Tiêu Hà, gạt Hàn Tín vào triều, sai võ sĩ bắt Tín trói lại, rồi đem đi chém chết ở lầu treo chuông trong cung Trường Lạc.

Lúc sắp bị chém, Hàn Tín hối hận than rằng :
- Ta rất hối hận, không nghe lời của Khoái Thông, cho nên bị đàn bà lừa dối, há chẳng phải là Trời muốn thế sao !
Lữ Hậu lại sai bắt cả 3 họ nhà Hàn Tín giết hết.

Trong Thánh Ngôn Hiệp Tuyển, Đức Chí Tôn có nói rằng :
TNHT. II. 33 : “ Ngươi Hàn Tín xưa, nếu chẳng trở lòng nạp bạn thì chẳng bị thác vô cớ.”

23 . Bạng duật tương trì, ngư ông đắc lợi

Bạng là con trai, thuộc loài sò hến, nhưng lớn, thịt béo.
Duật là con cò, giống chim mỏ dài, cổ cao, lưng màu tro, lông trắng ở ngực và bụng, thường ở ngoài đồng, ăn các loài sò, hến, hay cá nhỏ. Tục truyền rằng, khi Trời sắp mưa con Duật kêu lên, nên sách Thuyết văn gọi con chim Duật là : Tri Thiên tương vũ điểu (con chim biết Trời sắp mưa). Thời Xuân Thu, người ta dùng lông chim Duật để làm mũ cho các quan coi Thiên văn, nên sách Lễ Ký có câu : Tri Thiên văn giả quan Duật (Người biết Thiên văn là quan đội mão bằng lông chim Duật).

Tương trì là kéo níu lẫn nhau. Ngư ông là ông làm nghề chài lưới. Đắc lợi là được lợi.
Bạng Duật tương trì, ngư ông đắc lợi là con trai và con cò kéo níu nhau làm ông chài được lợi, vì ông chài túm bắt cả 2 con đem về làm thịt, nấu chung một nồi.

Trong Chiến quốc sách có viết một đoạn nói về “Bạng Duật tương trì, ngư ông đắc lợi” như sau  :
Vào Thời Chiến Quốc bên Tàu, 2 nước Yên và Triệu thường đánh nhau. Chiến tranh giữa 2 nước kéo dài từ năm nầy sang năm khác, khiến nhơn lực và tài nguyên của 2 nước bị suy kiệt dần.

Một người nước Yên tên là Tô Đại (anh của Tô Tần) tới yết kiến vua nước Yên là Huệ Vương, tâu rằng :
- Trên đường đi tới đây, tôi đi ngang qua bờ sông Dịch Thủy, thấy một con trai đang há miệng phơi nắng. Lúc đó một con cò đáp xuống, thấy thịt trai có vẻ ngon, thò mỏ mổ vào thịt trai, con trai lập tức khép chặt miệng lại, kẹp cứng mỏ cò. Hai con trì níu nhau một hồi lâu.

Con cò bảo :
- Hôm nay mầy không há miệng ra, ngày mai mầy không há miệng ra, mầy sẽ chết đói.

Con trai đáp :
- Hôm nay mầy không rút được mỏ ra, ngày mai mầy cũng không rút được mỏ ra, mầy cũng sẽ chết đói.

Hai con tiếp tục trì kéo nhau, không con nào chịu buông tha con nào.

Một ông chài đi ngang trông thấy, mỉm cười thích chí, thò tay túm bắt cả 2 con : trai và cò, đem về nhà làm thịt, nấu chung một nồi, gia đình ông chài được một bữa ăn ngon lành.

 Hiện nay, nước Triệu đang muốn đánh và thôn tính nước Yên; nước Yên cũng đang chuẩn bị đánh lại. Hai nước cứ tiếp tục đánh nhau, khiến dân chúng 2 nước điêu linh khổ sở, người và tài nguyên thiệt hại, chẳng khác chi hai con trai và cò trì kéo lẫn nhau.

Tôi e rằng nước Tần hùng mạnh kia sẽ đóng vai ngư ông, chờ 2 nước Yên và Triệu không còn đủ sức tự vệ nữa thì đem quân  thôn tính của 2 nước. Vua Yên Huệ Vương cho là lời nói của Tô Đại rất xác đáng, giựt mình tỉnh ngộ, khen thưởng Tô Đại là người thấy xa biết rộng, rồi cử Tô Đại làm sứ giả, đi qua nước Triệu giảng hòa, bãi việc chiến tranh.

24 . Tích mạnh mẫu

Mạnh mẫu là mẹ của thầy Mạnh Tử. Thường nói : Mạnh mẫu trạch lân, nghĩa là : Bà mẹ của Mạnh Tử chọn chỗ ở    láng giềng tốt mới    để  dễ  dạy con.

Theo Liệt Nữ Truyện, Mạnh Tử, tên là Mạnh Kha,  mồ côi cha từ năm 3 tuổi, ở với mẹ, nhà nghèo, ở gần nghĩa địa nơi chân núi. Mạnh Kha thường thấy người ta đào đất đem chôn quan tài người chết, rồi nằm lăn ra khóc. Mạnh Kha về nhà, cùng với lũ trẻ nhỏ ở cùng xóm, bắt chước chơi trò chôn cất và nằm lăn ra khóc.

Mẹ của Mạnh Kha là Bà Chương thị, thấy thế thì nói rằng :
- Chỗ nầy không phải là chỗ cho con ta ở được.

Bà dọn nhà ra ở gần chợ. Mạnh Tử thấy người ta buôn bán, tráo trở đảo điên, thêm bớt, nói thách nói gạt. Cậu bé Mạnh Kha về nhà cũng bắt chước đùa nghịch một cách đảo điên như người ở ngoài chợ.

Bà mẹ của Mạnh Kha thấy thế thì nói :
- Chỗ nầy cũng không phải là chổ để con ta ở được.

Bà liền dọn nhà đến ở cạnh một trường học. Câu bé Mạnh Kha thấy trẻ con đua nhau cặp sách vở đi học tập rất có lễ phép, cậu về nhà cũng bắt chước học tập lễ phép và cặp sách vở.  Bà mẹ của Mạnh Kha bây giờ mới vui lòng nói :
- Chỗ nầy con ta ở được.

Một hôm, Mạnh Kha thấy nhà hàng xóm giết heo làm thịt, về nhà hỏi mẹ :
- Người ta giết heo để làm gì thế hả mẹ ?

Mạnh mẫu nói đùa với con :
- Để cho con ăn thịt đấy.

 Nói xong, Bà biết mình lỡ lời nên ân hận, thầm nghĩ : Ta đã nói lỡ lời rồi. Con ta còn thơ ấu, trí thức mới mở mang, mà ta nói dối với nó thì chẳng hóa ra ta dạy nó nói dối sao !

Rồi Bà ra chợ mua thịt heo về nấu cho con ăn thật.

Lại một hôm, cậu Mạnh Kha đi học, bỗng bỏ về nhà chơi. Mạnh mẫu đang ngồi dệt vải trên khung cữi, bèn đứng dậy, kêu con lại, chỉ tấm vải trên khung, rồi Bà cầm dao cắt ngang. Cậu bé Kha cả kinh hỏi mẹ :
- Sao mẹ lại cắt ngang bỏ tấm vải như thế ?

Mạnh mẫu đáp :
- Con đang đi học mà con bỏ ngang trở về nhà thì cũng giống như mẹ đang dệt tấm vải nầy mà cắt ngang như thế.

Cậu bé Kha liền hiểu được ý mẹ, cậu cảm thấy xấu hổ, và từ  hôm đó trở đi, cậu chuyên cần học tập, không dám chểnh mảng, cậu hay học tập việc tế lễ, việc học mỗi ngày một tăng tiến.

Khi lớn lên, Mạnh Kha theo học với thầy Tử Tư, tức là thầy Khổng Cấp, cháu nội của Đức Khổng Tử.

Thầy Tử Tư đem cái học trong sách Trung Dung truyền lại cho Mạnh Tử. Mạnh Tử hiểu rõ được cái đạo của Đức Khổng Tử, quán thông nghĩa lý sâu kín của Lục Kinh, làm điều gì cũng noi gương Đức Khổng Tử.

Mạnh Tử thọ được cái học Tâm truyền của Tử Tư, đạt được cái Tâm học cao siêu huyền bí của Nho giáo, nên đã trở nên một vị Thầy đứng sau Khổng Tử.

Người đời sau tôn Mạnh Tử là bực Á Thánh (bực Thánh đứng hàng thứ nhì sau Đức Khổng Tử), và truy phong Mạnh Tử là Á Thánh Trâu Quốc Công, được phối hưởng nơi miếu thờ Đức Khổng Tử.

25 . Tín nhạn

Tín nhạn là tin tức do chim nhạn đem lại. Tín là tin tức, nhạn là con chim nhạn, tức là con Thiên nga, dịch ra là con Ngỗng Trời. Chim nhạn màu trắng, gọi là Bạch nhạn; màu hồng thì gọi là Hồng nhạn. Chim nhạn rất khỏe, cánh mạnh, bay được rất xa, cư ngụ ở nhiều nơi trên vùng đất phía Bắc nước Tàu. Khi mùa Đông giá rét sắp tới, chim nhạn bay từng đàn về phương Nam để tránh lạnh, vì khí hậu ở phía Nam ấm hơn. Khi mùa Đông qua rồi thì chim nhạn lại bay trở về phương Bắc.

Theo sách Hán Thư, vua Hán Nguyên Đế (49-33 trước Tây lịch) thời Tiền Hán, là vị vua nhu nhược, trong triều đình không có tướng tài, bị nước Hung Nô (Rợ Hồ) ở phương Bắc thường đem quân đánh phá biên giới và xâm lấn vào Trung nguyên. Triều đình không có tướng giỏi chống cự với Hung Nô, nên vua Hán sai Tô Võ đi sứ Hung Nô, giảng hòa giữa 2 nước, nhưng vua Hung Nô không chịu hòa, bắt Tô Võ đày lên miền Bắc Hung Nô, cho chăn 100 con dê đực ở Mục Dương Thành, và bảo rằng : Chừng nào dê đực đẻ con thì mới cho Tô Võ trở về nước.

Tô Võ may nhờ một con vượn cái giúp đỡ, đưa vào sống trong hang núi tránh được tuyết giá rất lạnh lẽo của miền Bắc xứ Hung Nô.

Mỗi lần chim nhạn bay về Nam để tránh rét, Tô Võ viết nhiều bức thư gởi cho vua Hán, rồi bắt chim nhạn, buộc thư vào nách của nó, để nó bay về Nam, đến Trung nguyên, dân chúng bắt được chim nhạn, lấy thơ đem trình vua Hán. Nhờ vậy, vua Hán biết Tô Võ còn sống và bị vua Hung Nô bắt đày lên Mục Dương thành ở phía Bắc nước Hung Nô.

Về sau, khi nước Hung Nô hòa với Trung nguyên, vua Hán sai sứ  sang Hung Nô hỏi về Tô Võ. Vua Hung Nô nói  rằng Tô Võ đã chết rồi.

Sứ giả đưa thơ của Tô Võ ra, nói Tô Võ còn sống, nên có viết thư về Trung nguyên, nói chúa Hung Nô đày Tô Võ ra Mục Dương thành. Chúa Hung Nô không thể chối cãi được, nên phải thả Tô Võ về Trung Nguyên.

Đó là theo Hán Thư. (Xem chi tiết nơi Điển tích 1 : Tô Võ)

Nhưng trong truyện Chiêu Quân cống Hồ thì có phần khác hơn. (Xem chi tiết nơi Điển tích 30 : Chiêu Quân cống Hồ)

Nàng Chiêu Quân, khi bị đưa đi cống Hồ, đến ải Nhạn Môn Quan, nàng lên Nhạn Lạc đài, khải một khúc nhạc bi ai, rồi viết một bức thơ lâm ly thống thiết, buộc và chân chim nhạn để chim nhạn mang về cho Hán Đế. Xong nàng xuống lầu, lên xe đi qua nước Hung Nô.

Chúa Hung Nô say đắm sắc đẹp của Chiêu Quân, nên Chiêu Quân thỉnh cầu điều gì cũng được chúa Hung Nô chấp thuận. Trước hết nàng yêu cầu chúa Hung Nô bắt tên gian tặc Mao Diên Thọ giết đi, kế đó nàng nói Hung Nô và Trung nguyên đã hòa với nhau thì nên tha Tô Võ về nước, vì Tô Võ đã bị đày quá lâu rồi, chúa Hung Nô cũng chấp thuận luôn.

Sau khi Tô Võ về nước rồi, nàng tìm cách nói gạt chúa Hung Nô là nàng đi ra bờ sông hành hương, thình lình nàng gieo mình xuống sông tự tử. Xác nàng trôi theo dòng nước trở về Trung nguyên.

 Như thế, có 2 điển tích về tín nhạn : một là điển tích Tô Võ, hai là điển tích Chiêu Quân cống Hồ.

26 . Trương Lương dâng dép 3 lần

Trương Lương, tự là Tử Phòng, người nước Hàn. Tổ tiên 5 đời của Trương Lương đều làm quan Tướng Quốc nước Hàn. Thân phụ tên là Bình, làm Tướng Quốc cho Ly Vương và Điệu Huệ Vương. Khi cha mất, Trương Lương còn ít tuổi nên chưa được làm quan.

Khi nước Hàn bị nước Tần đánh chiếm, Lương có 300 tôi tớ trong nhà. Em ruột của Lương chết, Lương không lo chôn cất mà để tâm trí lo việc thích khách vua Tần Thủy Hoàng để trả thù cho  nước Hàn.

Trương Lương đem tất cả gia tài sản nghiệp bán đi, lấy tiền đi tìm một dũng sĩ  làm thích khách giết vua Tần.

Trương Lương đi về Đông, đến yết kiến  vị ẩn sĩ tên là Thương Hải Quân, rồi tìm được một dũng sĩ họ Lê, thường gọi là Trưng Hải Công, xử dụng đôi chùy nặng tới 120 cân.

Khi hay tin Tần Thủy Hoàng đi chơi ở miền Đông, Trương Lương cùng với dũng sĩ, rình núp ở bãi cát Bác Lãng, chờ đợi xe của Tần Thủy Hoàng đi qua, thình lình xông ra đánh giết cho được Thủy Hoàng. Đến khi đoàn xe của vua Tần đi tới, dũng sĩ họ Lê xông ra, nhưng đánh nhầm xe của tùy tùng, không phải xe của Thủy Hoàng, dũng sĩ liền bị giết chết.

 Tần Thủy Hoàng thoát chết, rất oán giận Trương Lương, ra lịnh truy lùng bắt cho kỳ được Trương Lương.
Trương Lương phải thay tên đổi họ, trốn lánh ở Hạ Bì.

Trương Lương dâng dép 3 lần
Một hôm, Trương Lương ra cầu Hạ Bì ngồi chơi, gặp một cụ già mặc áo độc, cốt cách phương phi, đi qua cầu, bỗng làm rớt một chiếc dép xuống cầu. Cụ già quay lại nhìn Lương rồi bảo :

- Thắng bé nầy, xuống lượm dép giùm ta.

Trương Lương ngạc nhiên muốn cự lại, nhưng thấy cụ già cả nên cố nhịn, lội xuống dạ cầu, lượm chiếc dép đem lên cho cụ già. Ông cụ lại bảo :
- Xỏ vào chân giùm ta.

Lương thấy cụ già hơi lạ, nhưng đã trót lượm dép cho cụ thì luôn tiện ngồi xuống xỏ dép vào chân cụ luôn. Cụ già mang dép, cười rồi bỏ đi, không một tiếng cám ơn.

Lát sau, cụ trở lại cầu, loay quay thế nào làm rớt dép lần nữa. Cụ nhìn Lương rồi bảo xuống lượm dép cho cụ.

Lương thấy việc nầy có vẻ lạ, nên cũng vâng lời cụ để xem cụ giở trò gì nữa cho biết. Lương lội xuống cầu, lấy dép lên rồi cẩn thận xỏ vào chân cụ lần nữa.

Cụ già lại lẩn bẩn thế nào, lại làm rớt dép xuống cầu lần thứ 3. Cũng  y như 2 lần trước, cụ bảo Trương Lương xuống cầu lượm dép cho cụ và xỏ vào chân cụ. Cụ mang dép vào xong, cười rồi bỏ đi.

Một lát sau, cụ già quay lại, nhìn TrươngLương rồi nói :
- Thằng bé nầy dạy được ! Năm ngày sau, sáng tinh mơ, mày ra gặp ta tại đây.

Trương Lương rất lấy làm lạ, nhưng cũng đáp : - Vâng.
Đúng 5 ngày sau, sáng tinh mơ, Trương Lương ra cầu thì thấy cụ già đã ngồi chờ Trương Lương. Cụ có ý giận, nói :
- Đã hẹn với người già cả mà lại đến sau là cớ gì ? Năm ngày nữa ra đây gặp ta cho sớm.

Nói rồi cụ bỏ đi. Đúng năm ngày sau, vào lúc gà gáy, Trương Lương vội ra cầu, thấy Cụ già đã đến ngồi chờ. Cụ lại giận, trách Lương, rồi cũng hẹn 5 ngày sau, ra đây cho sớm đặng gặp cụ.

Lần nầy, Trương Lương tức mình, chưa nửa đêm thì đi ra cầu, một lát sau cụ già tới, cụ hài lòng vì thấy Trương Lương đến trước chờ cụ. Cụ nói :
- Thế mới phải chứ !

Cụ trao cho Trương Lương một quyển sách rồi nói :
- Học trong quyển sách nầy thì làm thầy của bực đế vương,  mười năm sau sẽ ứng nghiệm. Mười ba năm sau, con đến gặp ta. Hòn đá màu vàng nơi chân núi Cốc Thành ở phía Bắc sông Tế  là ta đó.

Cụ già nói xong thì biến mất.
Sáng hôm sau, Trương Lương đem sách ra xem thì đó là quyển : THÁI CÔNG BINH PHÁP. Trương Lương vô cùng mừng rỡ, chuyên tâm học tập và nghiền ngẫm sách nầy.

Cụ già tặng sách cho Trương Lương chính là ông Tiên Huỳnh Thạch Công (Huỳnh thạch là cục đá màu vàng).

Nhờ cái công dâng dép 3 lần cho Tiên ông mà Trương Lương được trao sách quí, mới làm được Quân Sư cho Lưu Bang, bày mưu tính kế trong trướng mà thắng được quân địch ngoài ngàn dặm.

Mười năm sau (năm 209 trước Tây lịch), Trương Lương qui tụ được hơn 200 trai tráng, định theo Trần Thiệp, nhưng giữa đường gặp Bái Công Lưu Bang, nên Trương Lương theo phò Bái Công. Có mấy lần Trương Lương đem binh pháp trình bày với Bái Công, được Bái Công khen hay và dùng theo sách lược đó, còn khi nói binh pháp với người khác thì họ không hiểu. Lương nói : Bái Công là người nhà Trời chăng ?

Nhờ mưu kế của Trương Lương, Bái Công thắng luôn quân Tần nhiều trận lớn, đến được kinh đô Hàm Dương trước Hạng Võ. Vua Tần là Tử Anh qui hàng Bái Công.

Bái Công vào kinh đô nhà Tần, thấy cung điện rất xa hoa lộng lẫy, cung phi mỹ nữ hàng ngàn, vật quí nhiều vô kể, nên có ý muốn ở lại đây. Phàn Khoái can gián hết lời nhưng Bái Công không nghe. Trương Lương nói :

- Nhà Tần làm điều vô đạo nên Chúa công mới đến được đây. Đã cốt vì thiên hạ mà giết bọn giặc tàn ác thì ta nên ở theo lối mộc mạc để tỏ cái đạo đức của mình. Nay Chúa công mới vào được cung điện nhà Tần, liền ham thích cái vui đó thì có khác chi người ta nói “nối giáo cho giặc”. Vả chăng lời nói ngay nghe chướng tai nhưng có lợi cho việc làm, thuốc đắng uống khó chịu nhưng chữa được bệnh. Xin Chúa công nên nghe theo lời của Phàn Khoái.

Bấy giờ Bái Công mới nghe theo, niêm phong kho tàng của nhà Tần, rồi kéo quân ra đóng ở Bái Thượng.

HạngVõ kéo quân đến Hàm Dương sau Bái Công, cho quân vào đốt phá cung điện của nhà Tần, giết chết Tử Anh, tịch thâu của cải, rồi tự xưng là Sở Bá Vương, phong cho Bái Công Lưu Bang là Hán Vương cai trị đất Ba Thục. Năm ấy là năm 206 trước Tây lịch, được kể là năm thứ nhứt của nhà Hán.

Hán Vương vì yếu thế hơn Hạng Võ nên phải tuân lịnh Hạng Võ, kéo binh vào đất Ba Thục, rồi theo mưu kế của Trương Lương, Bái Công cho đốt con đường sạn đạo (con đường độc nhất đi vào Ba Thục) để cho Sở Bá Vương tin rằng Hán Vương an phận nơi đất Thục, không muốn tranh đoạt thiên hạ với Sở Bá Vương.

Khi đốt xong sạn đạo, Trương Lương từ giã Hán Vương Lưu Bang để lo việc nước Hàn và tìm người giúp Hán Vương đánh Hạng Võ, thâu phục thiên hạ.

Khi đến huyện Bửu Kê thì gặp được người nhà của Hạng Bá, cho biết Hạng Võ đã giết chết Hàn Vương của nước Hàn vì giận Trương Lương theo Hán Vương Lưu Bang bày kế đánh Hạng Võ. Trương Lương thất kinh, liền cải trang y phục, lo việc tống táng Hàn Vương, rồi giả làm đạo sĩ, đến kinh đô Hàm Dương, là nơi Hạng Võ đóng đại binh. Trương Lương dạy con nít ở đây hát bài đồng dao nói là Thần nhân dạy hát, để Hạng Võ nghe được thì bỏ Hàm Dương, về đóng đô ở Bành Thành, là nơi cố quán của Hạng Võ.

Trương Lương biết Hàn Tín    người    kỳ  tài nhưng chưa gặp thời, nên tìm đến gặp Hàn Tín, tặng Hàn Tín cây Nguyên Nhung kiếm, viết thơ tiến cử Hàn Tín cho Hán Vương dùng làm Phá Sở Đại Nguyên Soái, rồi trao cho Hàn Tín bản đồ vẽ con đường tắt Trần Thương đi vào Ba Thục.

Khi Hán Vương phong Hàn Tín làm Phá Sở Đại Nguyên Soái, kéo binh đánh lấy Tam Tần, thì Trương Lương dự bị xong các việc, nên  trở lại làm Quân Sư cho Hán Vương.

Bên ngoài cầm quân thì có Hàn Tín, còn mưu kế bên trong thì có Trương Lương, nên quân của Hán Vương đại thắng, dồn Sở Bá Vương chạy về thành Cai Hạ, nhưng binh sĩ của Hạng Võ cũng còn khá đông, lực lượng còn khá mạnh.

Trương Lương dụng mưu, lên ngọn Kê Minh sơn, vào lúc đêm khuya thanh vắng, thổi lên khúc tiêu sầu ai oán, khiến cho 8 ngàn đệ tử  của Hạng Võ mất hết tinh thần chiến đấu, bỏ trốn về quê. Thanh thế của Hạng Võ trở nên rất yếu. Sau cùng Hạng Võ bị thất thủ thành Cai Hạ, chạy ra bến sông Ô Giang, tự cắt đầu tự tử.

Diệt Hạng Võ, Hán Vương Lưu Bang thâu phục thiên hạ, lên ngôi Hoàng Đế, hiệu là Hán Cao Tổ, mở ra nhà Hán.

Hán Cao Tổ nói :
- Bàn mưu kế ở trong màn trướng, quyết định việc thắng bại ở ngoài ngàn dặm, đó là công của Tử Phòng. Nay phong Tử Phong 3 vạn hộ ở đất Tề, cho Tử Phòng tự chọn lấy.

Trương Lương nói :
- Xưa kia, thần khởi nghĩa ở Hạ Bì, tới đất Lưu thì gặp Bệ hạ, đó là Trời đem thần giao cho Bệ hạ. Nay thần xin được phong ở đất Lưu là đủ rồi, không dám nhận 3 vạn hộ ở Tề.

Hán Cao Tổ bèn phong Trương Lương làm Lưu Hầu ở đất Lưu.

Trương Lương thường hay cáo bịnh để khỏi tham dự vào việc triều chánh. Trương Lương thường nói : Gia đình tôi 5 đời làm Tướng Quốc nước Hàn. Khi  nước  Hàn  mất, tôi chẳng tiếc số tiền vạn lạng để tìm cách giết Tần Thủy Hoàng báo thù cho nước Hàn, nhưng không thành công. Nay tôi dùng 3 tấc lưỡi làm thầy bậc Đế Vương, được phong vạn hộ, ở ngôi chư Hầu. Kẻ sĩ được như thế là tột bực, đối với Lương thế là đủ lắm rồi. Vậy xin bỏ việc nhân gian, chỉ muốn đi ngao du theo Huỳnh Thạch Công và Xích Tùng Tử  mà thôi.

Thế rồi Trương Lương theo Đạo Tiên, học lối đạo dẫn (nhịn ăn cơm lần lần cho nhẹ mình), tồn tâm dưỡng tánh, không thiết tha đến công danh phú quí nữa.

Đúng như lời Cụ già đã nói với Trương Lương ở cầu Hạ Bì 10 năm về trước, Trương Lương tìm thấy cục đá màu vàng ở chân núi Cốc Thành, cung kính đem cục đá ấy về thờ.

Tám năm sau ngày Trương Lương được phong Hầu, Trương Lương mất, được đặt tên thụy là Văn Thành Hầu. Con của Trương Lương là Trương bất Nghi đem táng Trương Lương cùng với viên đá vàng.

Cuộc đời của Trương Lương có 3 việc được ca tụng :
1. Cắp chùy Bác Lãng :
Trương Lương tìm được dũng sĩ họ Lê, sử dụng cặp chùy nặng 120 cân, núp ở bãi cát Bác Lãng, chờ Tần Thủy Hoàng đi qua, xông ra hành thích Thủy Hoàng. Việc thất bại, Dũng sĩ họ Lê bị giết chết tại chỗ, Trương Lương trốn thoát, đến ẩn náo tại Hạ Bì.

2 . Trương Lương dâng dép 3 lần :
Trương Lương nhờ nhẫn nại dâng dép 3 lần cho Ông Tiên Huỳnh Thạch Công mà được trao sách quí. Nhờ học sách nầy mà Trương Lương làm Quân Sư cho Hán Lưu Bang.

3 . Công thành thân thối :
Khi công danh thành đạt vinh hiển rồi thì rút lui, bảo toàn tấm thân, tìm đạo tu hành, lưu danh thiên cổ. Trong lịch sử Trung Hoa, chỉ có 2 vị làm được việc nầy là : Phạm Lãi thời Đông Châu Liệt Quốc  và Trương Lương thời nhà Hán.

27 . Ngưu Lang - Chức Nữ

Ngưu Lang là chàng chăn trâu. Chức Nữ là người con gái làm thợ dệt.

Theo truyện cổ Thần thoại Trung quốc, Chức Nữ là nàng Tiên ở bờ phía Đông sông Ngân Hà trên Trời. Nàng dùng những sợi tơ thần dệt nên những áng mây tuyệt đẹp, có màu ngũ sắc biến hoá theo thời gian. Những áng mây ngũ sắc ấy được gọi là Thiên  y, nghĩa là xiêm áo của Trời. Cùng làm việc nầy có 6 nàng Tiên trẻ khác nữa, là chị em với Chức Nữ, nhưng Chức Nữ đứng đầu.

Cách dải Ngân Hà rực sáng là cõi trần gian, có chàng chăn trâu trẻ tuổi, gọi là Ngưu Lang. Cha mẹ chàng mất sớm, chàng có anh ruột và chị dâu, bị anh ruột chia gia tài thiên lệnh, chỉ chia cho chàng một con trâu già, bảo chàng tự lập lấy mà sống.

Nhờ vào con trâu giúp đỡ cày bừa, và tự mình cố gắng làm việc, Ngưu Lang cũng tạo được một mái nhà và một thửa đất để làm ruộng sanh sống qua ngày.

Một hôm, bỗng con trâu già nói được tiếng người, mách cho chàng biết Chức Nữ và 6 nàng Tiên sắp xuống tắm ở sông Ngân Hà, khuyên chàng lén đến lấy xiêm y của Chức Nữ giấu đi thì sẽ được lấy nàng làm vợ.

Ngưu Lang rất ngạc nhiên, biết là trâu thần muốn giúp mình, nên chàng làm y lời. Chàng lặng lẽ ra bến sông Ngân Hà, núp vào bụi rậm chờ. Một lát sau có Chức Nữ và 6 nàng Tiên đến, trút bỏ xiêm y, lội xuống tắm. Ngưu Lang rời chỗ núp, lén ra lấy bộ xiêm y của Chức Nữ giấu đi. Các nàng Tiên phát hiện có người lạ, kinh hãi, vội lên lấy xiêm y mặc vào và bay về Trời, chỉ còn một mình Chức Nữ không có Tiên Y nên không bay được. Ngưu Lang nói với Chức Nữ, nếu  nàng  bằng lòng làm vợ chàng thì chàng sẽ trả lại xiêm y. Chức Nữ buông mái tóc dài che ngực và gật đầu ưng thuận.

Hàng này, Ngưu Lang lo cày cấy, nàng Chức Nữ thì canh cửi, 2 vợ chồng sống rất hạnh phúc. Chức Nữ sanh được 2 con : 1 trai và 1 gái, đều là những đứa trẻ rất kháu khỉnh.

Thượng Đế biết được việc nầy nên sai Thiên thần đi bắt Chức Nữ về Thiên đình trị tội.

Chức Nữ rất đau đớn phải rời xa chồng con. Ngưu Lang cũng rất đau khổ, chàng dùng thúng gánh 2 con đuổi theo, chàng định vượt sông Ngân Hà để tới Thiên đình xin Thượng Đế tha tội cho nàng, nhưng giờ đây, sông Ngân Hà đã bị Thượng Đế chuyển lên Trời thành một dãy nước lấp lánh, Ngưu Lang không sao lên đó được.

Ngưu Lang gánh 2 con trở về nhà, lòng buồn rầu nhớ thương, khóc than thảm thiết. Con trâu già lại nói :

- Ngưu Lang, tôi sắp chết rồi, sau khi tôi chết, chàng lột da của tôi làm áo khoát vào người thì chàng có thể lên được Thiên đình để gặp Chức Nữ.

Trâu thần nói xong thì lăn ra chết. Ngưu Lang làm y lời trâu thần, rồi khoát áo da trâu, gánh 2 con, đi lên Trời, tiện tay chàng cầm một cái gáo bầu đưa cho đứa con gái cầm.

Chàng đi lướt qua các chòm sao rực rỡ, dòng sông Ngân Hà hiện ra trước mắt, bên kia sông thấy thấp thoáng bóng nàng Chức Nữ đang dệt. Ngưu Lang vui mừng quá, còn 2 con thì vẫy đôi tay bé nhỏ reo lên : Mẹ ! Mẹ !

Ba cha con tới bờ sông Ngân Hà, định lội qua sông, nhưng bỗng chốc dòng sông nổi sóng dữ dội, nước chảy rất mạnh, không để cho Ngưu Lang vượt qua. Ngưu Lang đành đứng nơi bờ sông mà dòng lệ tuôn trào, 2 con cũng khóc ngất gọi mẹ. Bỗng đứa con gái nói :

- Cha ơi ! Sao mình không lấy cái gáo nầy tát nước sông cho cạn.

Ngưu Lang nghe con nói như vậy, kể cũng có lý, tát hoài thì nhứt định có ngày sông phải cạn, cha con chàng có thể qua bờ sum họp cùng Chức Nữ.

- Ừ, con nói có lý, mấy cha con ta luân phiên nhau tát nước, ắt có ngày dòng sông nầy phải cạn.

Nói xong chàng lấy gáo bầu tát nước. Khi Ngưu Lang tát mệt thì 2 con chàng tát. Tuy đôi bàn tay bé nhỏ, nhưng ý chí rất mạnh bạo, quyết tát cạn dòng sông để qua gặp Mẹ.

Tình thương yêu thắm thiết đó làm Thượng Đế cảm động, cho phép vợ chồng Ngưu Lang và Chức Nữ mỗi năm gặp nhau 1 lần vào đêm trừ tịch, mùng 7 tháng 7 âm lịch, có chim Ô thước đội đá bắc cầu qua sông Ngân Hà cho Ngưu Lang qua gặp Chức Nữ. Vợ chồng gặp nhau, kể lể biết bao tình thương nỗi nhớ, nước mắt nàng Chức Nữ và Ngưu Lang rơi xuống cõi trần, tạo thành những cơn mưa gọi là mưa Ngâu.

Từ đó, Ngưu Lang và 2 con ở lại cõi Trời, bên dòng sông Ngân Hà. Khi nào quá nhớ nhau thì chàng ném cái vai cày qua cho nàng, và nàng lấy cái thoi dệt ném lại cho chàng.

Trong những đêm Trời trong, sao giăng đầy Trời, chúng ta thấy 2 ngôi sao lấp lánh ở 2 bên dãy Ngân Hà, đó là 2 sao : sao Ngưu Lang và sao Chức Nữ, cùng một hàng với sao Ngưu có 2 sao nhỏ kế bên là 2 đứa con của chàng.

Cách đó một khoảng, có 4 ngôi sao nhỏ tạo hình cái thoi, đó là chiếc thoi dệt mà Chức Nữ ném cho Ngưu Lang. Gần sao Chức Nữ có 3 ngôi sao nhỏ xếp hình như cái vai cày, đó là cái vai cày mà Ngưu Lang ném qua cho Chức Nữ.

28 . Thương dương vo

Thương dương là con chim tên gọi Thương dương, một giống chim lớn, có một chân, có tánh linh, báo hiệu Trời sắp mưa lớn. Võ hay Vũ là múa.

Thương dương võ là con chim Thương dương múa.
Sách Nho có viết rằng : “Thiên tương vũ nhi thương dương vũ.” (  )  nghĩa là : Trời sắp mưa thì con thương dương múa.

Đời vua Lỗ Định Công thời Đông Châu Liệt Quốc, Đức Khổng Tử đang làm quan Đại Tư Khấu tại nước Lỗ.

Bấy giờ ở đất Vấn Dương nước Lỗ, sát biên giới với nước Tề, xuất hiện một con chim lớn, dài chừng 3 thước, mình đen cổ trắng, mỏ dài, mà chỉ có một chân, từ phía Nam nước Tề bay sang nước Lỗ, đứng múa ngoài đồng. Người làm ruộng đuổi nó không đi, sau đó chim bay về hướng Bắc.

Quí Tôn Tư, một vị quan to nhiều thế lực ở nước Lỗ, nghe chuyện lạ như thế thì đem hỏi Đức Khổng Tử. Ngài đáp :
- Con chim ấy là Thương dương, sanh ở Bắc Hải. Hồi xưa có một đứa đồng tử, có một chân, dang 2 cánh tay nhảy múa ca rằng : Thiên tương vũ, thương dương cổ vũ (Trời sắp mưa lớn, chim thương dương nhảy múa). Cho nên khi nào thấy con thương dương nhảy múa thì biết là Trời sắp mưa to. Chỗ giáp giới với nước Tề, nơi có chim thương dương bay đến múa, phải phòng bị mưa to gió lớn, ngập lụt, mới khỏi bị thiệt hại.

Quí Tôn Tư  liền truyền lịnh cho dân ở đó phòng bị. Quả nhiên 3 ngày sau, Trời mưa rất to, nước sông Vấn Thủy tràn lên gây ngập lụt. Dân Lỗ không bị thiệt hại vì có lịnh chuẩn bị trước, còn dân bên Tề không biết nên thiệt hại nhiều.

Từ bấy giờ, Đức Khổng Tử nổi tiếng là nhà bác học, khắp thiên hạ đều cho Ngài là Thánh nhân.

29 . Mẫu đơn - Trĩ

Mẫu đơn là cây hoa mẫu đơn, màu hoa phơn phớt đỏ, rất đẹp, cũng có loại mẫu đơn vàng, trắng, tía. Hoa mẫu đơn có dáng đài các, nên người ta cho mẫu đơn là vương giả chi hoa, và cũng là vua của loài hoa.
Trĩ là con chim trĩ, thuộc loại gà, lông dài, đẹp.

Sự tích về hoa mẫu đơn và con chim trĩ như sau :
I.  Mẫu đơn :
Thời nhà Đường, vua Đường Cao Tông, có Hoàng Hậu là Võ Tắc Thiên, thường gọi là Võ Hậu. Võ Hậu thông minh, có đảm lược, thông kinh sử, nên thường thay thế vua Cao Tông (đang mắc chứng phong huyền) tài định các việc trong triều đình, được các quan trong triều kính phục.

Khi vua Đường Cao Tông băng, Võ Hậu phế Thái tử Lý Trung, lập Lý Hoằng lên thay. Lý Hoằng làm trái ý Bà nên Bà giết đi (giết con của mình) , rồi lập Lý Hiền, lại phế Lý Hiền lập Lý Triết, tức là Đường Trung Tông. Năm sau Võ Hậu lại phế Đường Trung Tông, lập Lý Đán lên ngôi, ấy là Đường Duệ Tông.

Năm 690, Võ Hậu phế vua Đường Duệ Tông, tự lập mình lên làm vua, tự xưng là Võ Tắc Thiên Hoàng Đế, đổi quốc hiệu là Châu.

Bấy giờ mùa Đông vừa qua, Tết Nguyên đán đến, quan cận thần là Trương tôn Xương tâu với Võ Tắc Thiên :
- Oai đức của Bệ hạ bủa khắp thế gian, trên thì Thần, Thánh thảy đều chiều lòng, dưới muôn dân đều phục. Mai đây là ngày Nguyên đán, xin Bệ hạ ra một sắc chỉ cho trăm hoa đua nở để giúp vui cho Đấng Cửu Trùng.

Võ Tắc Thiên nghe lời nịnh hót thì rất đẹp ý, liền bảo quan hầu đem ra một bức lụa trắng để bà viết tờ sắc chỉ :
Minh triêu du Thượng uyển,
Hỏa tốc báo sơn chi.
Hoa tu liên dạ phất,
Mạc đãi hiến phong si.

Nghĩa là : Ngày mai chơi Thượng uyển,
Hạ sắc bảo trăm hoa.
Nhứt luật đều đua nở,
Không được trái lời ta.

Sáng ngày, Võ Tắc Thiên ngự vườn Thượng uyển, thấy trăm thứ hoa đều đua nở đồng kính chào vua, chỉ có một mình hoa mẫu đơn là không chịu nở. Võ Tắc Thiên nổi giận, cho là hoa mẫu đơn không tuân lịnh của Bà, nên Bà bắt tội mẫu đơn khi quân, đày xuống đất Giang Nam.

Vì vậy, ở Trường an không còn giống  mẫu đơn nữa.
Hoa mẫu đơn chống lại lệnh truyền của Võ Tắc Thiên Hoàng Đế, vì cho rằng Võ Tắc Thiên là kẻ gian, soán ngôi vua, không xứng đáng.
Do đó, hoa mẫu đơn tượng trưng người chánh trực, trung can nghĩa khí, không khuất phục kẻ gian tà.

 II . Trĩ :
Đời vua Hùng Vương nước ta, có đem cống qua nước Tàu một con chim trĩ, màu trắng, gọi là Bạch Trĩ.

Khi Bạch trĩ được đưa lên xứ Bắc, Bạch trĩ luôn luôn tìm cành cây nào day ngọn về phương Nam thí nó mới chịu đậu, ý như muốn tỏ cho biết rằng nó luôn luôn nhớ về tổ quốc Việt Nam của nó.

Kết hợp 2 điển tích trên, người ta vẽ lại khung cảnh hoa Mẫu đơn và con chim Trĩ  để nói lên lòng thương nước (hoa mẫu đơn) và nhớ nhà (chim trĩ).

HÀNH LANG TRONG NGOÀI
Hai bên & Mặt sau BÂT

BÊN NGOÀI

30 . Chiêu Quân cống Hồ

Chiêu Quân, tên thật là Vương Tường, tiểu tự là Hạo Nguyệt Chiêu Quân, con gái của quan Tri Phủ Việt Châu, mẹ là Diêu thị. Cống Hồ là dâng hiến cho vua nước Hồ, ở phía Tây Bắc nước Tàu. Nước Hồ còn được gọi là  nước Hung Nô, Rợ Hồ, nước Phiên.

Chiêu Quân cống Hồ là vua Hán Nguyên Đế không đủ sức chống cự vua Hung Nô, nên buộc phải đưa nàng Chiêu Quân, ái phi của Nguyên Đế, sang dâng cho chúa Hung Nô để xin cầu hoà.

Nàng Chiêu Quân là con gái của quan Tri Phủ Việt Châu, có sắc đẹp tuyệt trần, có tài văn thơ và đàn hát đều hay. Nàng được cha mẹ nâng niu như viên ngọc quí. Năm 17 tuổi vẫn chưa có chồng.

Bấy giờ là đời vua Hán Nguyên Đế. Một đêm nọ, Hán Nguyên Đế nằm mộng thấy nàng Chiêu Quân ở Việt Châu, đẹp hơn hẳn các cung phi trong Tam cung Lục viện. Nhà vua rước nàng làm Tây phi. Nhưng đó chỉ là giấc mơ. Nhà vua không biết thực hay giả, mới sai quan Nội thần là Mao diên Thọ đi đến phủ Việt Châu tìm nàng Chiêu Quân.

Mao diên Thọ đến Việt Châu, lựa được 2 mỹ nữ : Chiêu Quân Vương Tường và Lỗ kim Định.

Mao diên Thọ cho vẽ hình 2 mỹ nữ để đem trình cho vua xem. Thọ là tên tham quan, đòi 2 gia đình của Chiêu Quân và Kim Định lo lót cho y thì y mới nói tốt cho. Gia đình Chiêu Quân làm quan thanh liêm, không tiền đút lót cho Mao diên Thọ, còn gia đình của Kim Định thì lo lót bạc vàng đầy đủ, mong Kim Định được vào cung làm ái phi của vua Hán Nguyên Đế.

 Mao diên Thọ chấm lên hình của Chiêu Quân một nốt ruồi đen  ngay dưới khóe mắt, gọi là “Thương phu trích lệ” để vua Hán không dám chọn Chiêu Quân, mà thâu nạp nàng Lỗ Kim Định làm ái phi. Sau đó, Mao diên Thọ đồng mưu với Lỗ Kim Định, giả chiếu vua bắt Chiêu Quân đày vào Lãnh Cung giam giữ. Vua Hán không hề hay biết.

Một hôm, Lâm Hoàng Hậu tình cờ đi ngang Lãnh Cung, chợt nghe tiếng đàn và giọng hát phát ra từ Lãnh Cung, nghe ai oán não nùng, thì biết là người con gái nầy có oan khúc chi đây.  Hoàng Hậu liền vào Lãnh Cung, nàng Chiêu Quân kể cho Hoàng Hậu nghe hết sự tình.

Hoàng Hậu kể lại cho vua Hán Nguyên Đế nghe nỗi oan tình của nàng Chiêu Quân, vua nổi giận sai bắt Mao diên Thọ xử trảm và tịch thâu hết gia sản, còn nàng Lỗ Kim Định thì bị biếm vào Lãnh Cung. Hán Nguyên Đế rước Chiêu Quân ra, phong nàng làm Tây phi, rất được vua sủng ái.

Mao diên Thọ lanh chân trốn thoát được, giả dạng khách thương, lần hồi trốn qua nước Phiên, vào ra mắt  Tể Tướng Vệ Luật, được Vệ Luật  tiến cử lên vua Phiên trọng dụng. Mao diên Thọ lấy hình của Chiêu Quân đưa cho vua Phiên xem, vua Phiên say đắm sắc đẹp của nàng.

Mao diên Thọ xúi vua Phiên tìm cách tranh đoạt người con gái tuyệt sắc ấy. Vua Phiên hỏi Mao diên Thọ :
- Nhà ngươi có mưu kế gì khiến đem nàng Chiêu Quân sang đây sum vầy với ta ?

- Tâu Bệ hạ, hạ thần thiết nghĩ, chỉ cần Bệ hạ sai một Đại tướng đem quân sang đánh quân Hán, vua Hán không có tướng tài để chống cự lại, quân của Bệ hạ đánh thẳng vào kinh đô nhà Hán, buộc vua Hán phải đem nàng Chiêu Quân dâng nạp thì mới bãi binh. Thế là Bệ hạ thành công, chiếm được nàng Chiêu Quân dễ dàng.

Vua nước Phiên làm y theo kế hoạch của Mao diên Thọ, cử đại binh vượt biên giới sang đánh Hán, phá luôn mấy ải, kéo quân tới tận Lạc Dương, kinh đô nhà Hán, uy hiếp vua Hán. Hán Nguyên đế buộc phải đem nàng Chiêu Quân cống Hồ để xin cầu hòa, bãi việc binh đao.

Khi Chiêu Quân được đưa đến ải Nhạn Môn Quan, là ải địa đầu tiếp giáp với nước Phiên (nước Hồ), nàng lên Nhạn Lạc đài, viết một bức huyết thơ gởi Hán Nguyên Đế, lời lẽ rất bi ai thống thiết, yêu cầu vua cử binh đánh Hồ để cứu nàng và gỡ nhục cho quốc thể. Nàng buộc thơ vào chân chim nhạn để nó bay về kinh đô đem thơ cho Hán Nguyên Đế.

Vua Hán nhu nhược, không làm gì được. Nàng Chiêu Quân quá phiền não, ôm đàn tỳ bà, khải lên khúc nhạc “Quá quan” rất ai oán, than thân trách phận, trách vua nhu nhược, trách cả cao xanh.

Khi Chiêu Quân rời Nhạn Môn Quan đi qua đất Hồ, giữa đường dừng lại nghỉ đêm ở Miếu Cửu Cô (Miếu thờ Cửu vị Tiên Nương), nàng lên nhang đèn thành tâm cầu nguyện Cửu Cô phò hộ nàng. Nàng được Đức Bà Cửu Thiên Huyền Nữ ban tặng một chiếc áo Tiên, gọi là Hạc Miết Tiên Y để mặc hộ thân. Nếu mặc áo nầy vào mình thì không ai có thể chạm đến thân thể của nàng được.

Nhờ có Tiên y bảo vệ nên vua nước Hồ chưa thể làm ô nhục thân thể của nàng.

Vua Hồ rất quí trọng Chiêu Quân, hết sức chiều chuộng nàng, nên Chiêu Quân đòi hỏi điều gì, đều được vua Hồ chấp thuận.

Trước hết nàng hài tội tên gian thần Mao diên Thọ, đã phản Hán theo Hồ thì ngày sau cũng có thể phản Hồ theo nước khác. Nàng yêu cầu vua Hồ bắt tên Mao diên Thọ chém đầu. Vua Hồ chấp thuận, thế là hết đời của một tên gian tặc.

 Kế đó nàng nói với vua Phiên :
- Bây giờ nàng đã ở đây rồi, tức 2 nước Hán và Hồ hoà nhau, xin nhà vua phóng thích Tô Võ về nước, vì Tô Võ đã bị đày quá lâu rồi.

Vua Hồ chấp thuận, cho lịnh phóng thích Tô Võ, lúc bấy giờ Tô Võ đã quá già, đầu bạc trắng, tiếng nói phều phào.

Xong đâu đấy các việc, nàng Chiêu Quân mượn cớ đi dâng hương ở trên cầu nổi Bạch Duơng Hà, rồi thình lình, nàng gieo mình xuống dòng sông đang chảy xiết để tử tiết, kết thúc cuộc đời má hồng phận bạc, để lại bao luyến tiến và uất hận cho vua Hồ.

Xác nàng Chiêu Quân trôi theo dòng nước về Trung nguyên, đến tận kinh đô nhà Hán. Hán Nguyên Đế hay tin báo, vội ra bờ sông vớt xác nàng lên, xiết bao thương tiếc, khóc ướt cả long bào.

Hớn Đế đem xác nàng Chiêu Quân lên đặt ở Tây Cung, khâm liệm và tế lễ theo hàng Vương phi, quàn ở trong cung đúng 100 ngày, có mời 100 vị sư đến tụng kinh siêu độ. Nhà vua đưa đến Phù Dung lãnh an táng nàng Chiêu Quân. Các quan văn võ và các cung phi trong Tam cung Lục viện đều đến đưa tang.

Nàng Chiêu Quân đã để lại một tấm gương Nữ nhi trung trinh tiết liệt cho đời sau, rất hiếm có vậy.

31 . Công Dã Tràng

Công Dã Tràng là công lao của con Dã Tràng. Đây là cái công lao uổng phí, không đem lại một lợi ích cụ thể nào.

Dã Tràng là một loài động vật nhỏ, sống ở bãi cát bờ biển, giống như con cua nhưng rất bé. Dã Tràng dùng 2 cái càng bé nhỏ của nó đào lỗ dưới cát để ở, cát đào lên được Dã Tràng xe thành từng lọn nhỏ, nhưng vừa đào xong, sóng biển tràn lên lấp lỗ cát và làm biến mất các lọn cát nhỏ. Thế là Dã Tràng đào lại, xe cát, và cứ thế làm mãi.

Tương truyền, thuở xưa có một người thợ săn ở tỉnh Sơn Tây, tên là Dã Tràng, thường ngày len lỏi vào rừng săn bắn.

Một hôm Dã Tràng đi qua một cái hang, nhìn vào thấy đôi rắn thường âu yếm nhau rất hạnh phúc. Người thợ săn thấy vậy thì có cảm tình với đôi rắn và không hề đụng chạm đến, nhưng Dã Tràng vẫn thường theo dõi cuộc sống của chúng.

Ngày kia, Dã Tràng đi qua hang rắn, thấy con rắn cái yếu đuối, nằm bất động bên đống vỏ rắn mới lột ra, trong lúc đó rắn đực đi kiếm mồi tha về nuôi rắn cái. Chẳng bao lâu sau, rắn đực bắt đầu yếu đuối sửa soạn lột xác. Khi rắn đực lột xác, con rắn cái chẳng những không đi tìm mồi nuôi rắn đực mà lại đi tư tình với một con rắn đực khác. Dã Tràng thấy cảnh tình đó thì lòng bất bình nổi lên, liền giương cung bắn chết con rắn cái lang chạ. Đến khi rắn đực cứng mình trở lại, trông ngóng con rắn cái hoài mà không thấy, bèn bò đi tìm, cuối cùng thấy rắn cái nằm chết vì mũi tên có đề chữ Dã Tràng.
 Home       1 ]  [ 2 ]  [ ]  [ 4 ]  [ 5 ]  [ 6 ] [ 7 ]  8 ]

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét