Rắn đực biết là Dã Tràng đã bắn chết vợ mình, bèn
đi tìm Dã Tràng để báo thù. Khi bò đến ẩn trong nhà Dã Tràng chờ dịp hành động,
rắn đực nghe Dã Tràng thuật lại cho vợ nghe đời sống của đôi vợ chồng rắn mà
lâu nay chàng để tâm quan sát. Khi con rắn cái yếu đuối lột xác thì rắn đực
canh cửa hang và đi kiếm mồi về nuôi rắn cái. Đến khi con đực yếu đuối lột vỏ
thì con rắn cái không giữ hang, không đi kiếm mồi nuôi rắn đực mà lại đi tư
tình với một con rắn đực khác. Tôi thấy việc tàn nhẫn bất lương đó,
tôi tức quá
nên bắn chết con rắn cái cho hết đời cái thứ lãng mạn lộn chồng. Rắn đực nghe
tự sự mới biết rắn cái bị bắn chết là đáng tội, nên không thù oán Dã Tràng nữa,
biết Dã Tràng là người trung nghĩa đáng kính phục. Chờ lúc Dã Tràng ngủ yên,
rắn đực lén bò đi mất.
Đêm sau, bỗng Dã Tràng thấy con rắn đực bò vào nhà,
vội nhả ra một cục ngọc rồi bò đi mất. Dã Tràng biết là rắn đến tặng ngọc cho
mình, chàng vui mừng cầm cục ngọc lên thấy rất đẹp, bỏ vào miệng ngậm thử chơi
thì lạ lùng thay, Dã Tràng nghe được tiếng nói của các loài sinh vật và hiểu rõ
hết.
Chàng liền đi vào rừng để nghe loài vật nói chuyện
nhau. Dã Tràng nghe 2 con quạ nói chuyện ở trên cây : Phía đông kia, cách đây
một dặm đường, có con nai tơ bị thương chờ chết, có ai biết không ? Dã Tràng
thử đi qua hướng đông theo lời quạ chỉ, gặp một con nai tơ bị thương chờ chết.
Chàng liền bắt nai lấy thịt. Con quạ bay đến nói : Lấy thịt nai, cho tôi bộ đồ
lòng, vì công tôi chỉ dẫn. Dã Tràng liền mổ bụng nai lấy bộ đồ lòng treo lên
cây cho quạ. Nhờ đó, Dã Tràng và quạ biến thành đôi bạn, thường hay giúp nhau,
nhiều lần như vậy.
Một hôm, bộ đồ lòng Dã Tràng treo lên cây dành cho
quạ, nhưng một con chó sói rình, chờ Dã Tràng đi thì sói liền chạy đến giựt
mất. Quạ bay đến trách móc Dã Tràng. Dã Tràng thiệt tình nói ra, quạ không tin,
sanh cãi vã. Quạ hỗn xược chửi bới Dã Tràng, khiến Dã Tràng tức giận giương
cung bắn quạ. Quạ khôn lanh né tránh và đưa mỏ gắp được mũi tên.
Quạ la lên : Ta sẽ báo thù ! Ta sẽ báo thù !
Ít hôm sau, trát của quan Huyện đến bắt Dã Tràng bỏ
ngục vì tội giết người, người ta phát giác ra một tử thi trôi trên sông có
mũi tên của Dã Tràng
ghim vào bụng. Dã Tràng biết vụ nầy do quạ gây nên để
báo thù. Dã Tràng hết sức kêu oan, nhưng chứng cớ đành rành, không ai tin lời
Dã Tràng cả. Dã Tràng đành ngồi trong ngục chờ ngày lãnh án.
Ngày kia, Dã Tràng ngậm ngọc rắn để nghe tiếng nói
của loài vật cho đỡ buồn, chàng nghe chim sẻ nói : Nhiều kho lúa của vua để hở
bị đàn chim kéo đến ăn hết sạch. Chàng vội nhờ viên cai ngục nhắn quan Huyện
giữ gìn các kho thóc cẩn thận vì các kho thóc của nhà vua đã bị chim, ăn hết
sạch rồi.
Lúc đầu quan Huyện không tin, nhưng mấy hôm sau thì
lịnh vua ban ra cho biết mấy kho thóc ở Hoàng cung đã bị chim ăn hết sạch, nên
ra lịnh cho các quan phải lo, ngăn ngừa chim phá hại. Mọi người bấy giờ mới
thán phục Dã Tràng.
Sau đó, Dã Tràng thấy đàn kiến đang bò rầm rộ lên
chỗ cao, liền ngậm ngọc vào nghe, đàn kiến bảo nhau là sắp có bão lụt to lắm.
Dã Tràng liền báo cho quan Huyện biết để phi báo về triều đình cho vua ra lịnh
các nơi đề phòng bão lụt. Mấy hôm sau, mưa giông bão lớn, ngập lụt nhiều nơi,
nhưng nhờ có phòng bị trước, nên sự thiệt hại không đáng kể.
Vua đòi quan Huyện đưa Dã Tràng về triều. Dã Tràng
thành thật kể cho vua nghe mọi việc từ đầu đến cuối, từ việc gặp đôi rắn, rồi
giết rắn cái lang chạ, được rắn đực tặng ngọc, rồi bị quạ hại, vv . . Chàng
trình cho vua xem cục ngọc rắn.
Vua hiểu được sự oan ức của Dã Tràng, nên phong
tước và cho hầu cận bên vua. Ngày ngày, vua mượn ngọc ngậm vào miệng để nghe
tiếng nói của các loài chim trong vườn Thượng uyển. Nghe tiếng nói của loài vật
trên bờ riết rồi cũng chán, vua tổ chức đi ra biển để nghe tiếng nói của loài
cá thế nào.
Nhà vua nghe tiếng nói của các con cá, các con mực
bơi theo thuyền rồng, chúng nhởn nhơ bơi lội ca tụng cảnh đẹp của thiên nhiên,
nhà vua thích chí bật ra tiếng cười ha hả, làm cục ngọc rời miệng nhà vua, rớt
xuống biển. Nhà vua ngẩn ngơ luyến tiếc, cho dừng thuyền lại, huy động
tất cả thợ
lặn giỏi đến lặn tìm ngọc, nhưng không tìm thấy được.
Riêng Dã Tràng thì vô cùng sầu não, ngày đêm cứ
nghĩ cách tìm lại viên ngọc rắn quí báu, cuối cùng anh ta nẩy ra ý định lấp
biển tầm châu. Ngày ngày, Dã Tràng đẩy xe cát đổ xuống lấp biển, lâu ngày sức
lực kiệt dần mà vẫn chưa lấp được biển, Dã Tràng chết trong uất ức nghẹn ngào.
Hồn Dã Tràng biến thành một loài cua nhỏ, ngày đêm đào cát xe thành hòn, rồi
sóng biển tràn lên khỏa lấp hết. Khi sóng biển qua đi, giống cua đó lại đào cát và xe cát, vv . . .
cứ mãi làm cái công việc không ích lợi vào đâu, ngàn đời không biết chán.
Giống cua nhỏ bé đó được đặt tên là Dã Tràng.
Dã
Tràng xe cát biễn Đông,
Nhọc
nhằn mà chẳng nên công cán gì !
* Thi sĩ Bồng Dinh có bài thơ Vịnh Dã Tràng
(15-12-1925) :
Dã
Tràng ai dễ xét công đâu,
Bãi
biển thường xe cát lấp đầu.
Xúc
đất trải bao cơn sóng lượn,
Nhăn
mày cười bỡn khúc sông sâu.
Biết
không nên việc nơi Trời nước,
Nào
có nao lòng cuộc bể dâu.
Nhiều
ít có danh trên võ trụ,
Kẻo
mà thẹn với mấy bầy trâu.
* Lục Nương giáng cơ họa vận :
Công Dã Tràng công cán để đâu,
Muôn
ngàn sóng cả khỏa ngang đầu.
Đất
vò nên lọn xây thành lở,
Nước
dập tuôn bờ lở dậu dâu.
Đắp
biển vì lo bờ biển lở,
Moi
sông bởi muốn ngọn sông sâu.
Nên
hư trối mặc đời phi thị,
Lam
lụ buồn cười bấy lũ trâu.
(Trích trong Đạo Sử quyển I trang 26 của Nữ Đầu Sư
Hương Hiếu)
32 . Bao Công chẩn bần xứ Trần Châu,
Hồn Y thị đội trạng đầu cáo.
Bao Công là vị Tể Tướng của triều đình vua Tống
Nhân Tông bên Tàu, Ngài còn có tên là Bao Chửng, tên chữ là Văn Chánh. Chẩn bần
là cứu giúp người nghèo. Đội trạng là đem đơn dâng lên quan. Đầu cáo là đưa đơn
đi kiện.
Ông Bao Công, nguyên là con của Viên Ngoại Bao Hoài
ở thôn Bao Gia, huyện Hiệp Phì, phủ Lư Châu, tỉnh Giang Nam nước Tàu. Mẹ là Bà
Châu Viện Quân.
Ngày kia, Viên Ngoại Bao Hoài ngồi một mình trong
thư phòng, tinh thần mỏi mệt, chợp mắt mơ thấy trên không trung có mây lành bao
phủ, từ xa có một lằn hồng quang xẹt tới, hiện ra một người có hình thù kỳ
quái, mặt xanh tóc đỏ, miệng rộng răng to, một tay xách nghiên mực, một tay cầm
bút son, nhảy đến trước mặt Viên Ngoại. Viên Ngoại hoảng sợ, giựt mình thức
dậy, bụng còn hồi hộp. Con hầu liền xô cửa phòng bước vào nói : “ Bẩm Viên
Ngoại, Bà vừa sanh được một công tử, nên con chạy lên báo tin mừng.”
Viên Ngoại liền vào xem, thấy đứa bé mới sinh ra có
mặt đen như sơn, mình đỏ như son. Viên Ngoại gọi là Hắc Tử (con đen), đặt tên là Bao Công. Bao Công có 2
người anh là : Bao Sơn và Bao Hải.
Năm Bao Công được 9 tuổi, Bao Viên Ngoại rước Ninh
Lão Tiên sinh về nhà dạy Bao Công học chữ. Bao Công thông minh tột bực, học đâu
nhớ đó, lại còn biết suy diễn rất rộng, nổi tiếng thần đồng. Ninh Lão rất mừng,
cho Bao Công là bực kỳ tài, nên đặt thêm một tên nữa là Bao Chửng, nghĩa là cứu
vớt người chìm đắm, lại đặt tên chữ là Văn Chánh.
Bao Công thi đậu kỳ thi Hương, lên kinh dự thi Hội
và đậu Tiến Sĩ. Vua Tống Nhân Tông bổ Bao Công làm Tri Huyện Định Viễn thuộc
phủ Phụng Dương.
Vua Tống Nhân Tông nằm chiêm bao được Thần nhân
mách bảo, Bao Công là tôi lương đống của triều đình, nên vua vời Bao Công về
kinh, phong chức Lệnh Doãn phủ Khai Phong và chức Âm Dương Học Sĩ, sau được
thăng lên chức Long Đồ Các Đại Học Sĩ.
Vua nghe dân chúng xứ Trần Châu thán oán vì tệ nạn
quan lại tham nhũng, nên sai Bao Công ra xứ ấy tra xét vụ phát chẩn, đồng thời
vua ban cho Bao Công : Ngự Trát Tam Đao, chia ra 3 phẩm : Long đao, Hổ đao, Cẩu
đao, để trị tội những kẻ có tội từ bậc Hoàng thân Quốc thích hay quan Đại thần
cho đến dân chúng.
Nguyên trước đây, xứ Trần Châu bị hạn hán 3 năm,
dân chúng vô cùng đói khổ. Vua sai An Lạc Hầu Bàng Dực, con của Thái Sư Bàng
Hồng, đi phát chẩn xứ đó. Bàng Dực đến nơi không phát chẩn mà lại hạch sách,
bắt hiếp gái đẹp, làm dân chúng vô cùng thống khổ. Tiếng oán than thấu đến
triều đình, khiến vua Nhân Tông sai Bao Công ra tra xét.
Bao Công đến nơi thấy tội của Bàng Dực quá rõ ràng,
nên bắt Bàng Dực, rồi dùng Long Trát đao xử trảm. Dân chúng rất hả dạ, rồi Bao
Công lo phát chẩn cứu giúp. Dân chúng nơi đây, lớp bị tai Trời, lớp bị quan
tham, nay được tỏ nỗi oan khúc, được chẩn bần, nên rất cám ơn nhơn đức của Bao
Công nhiều lắm.
Bao Công phát chẩn và an dân xong thì trở về kinh
đô. Trên đường trở về, Bao Công luôn tiện dò la các nơi để giải oan cho dân.
Nguyên tại triều đình lúc đó có quan Ngự Sử Trần
quốc Thanh, vợ là Y thị, tên thật là Trịnh Nương. Tánh Y thị trung chánh,
thường can gián chồng không nên
theo phe gian
thần Thái Sư Bàng Hồng mà lập kế ám hại 2 tướng trung thần là Dương
tôn Bảo và Địch Thanh. Y thị khuyên chồng :
- Việc ấy là việc tư thù của Bàng Thái Sư. Mình
không nên liên can vào mà giúp họ sửa ngay thành vạy. Tướng công nên giữ lẽ
công bằng mà lo việc nước để thanh sử mai sau, không nên dua theo Bàng Thái Sư
mà hãm hại tôi trung.
Trần quốc Thanh nghe qua, cười bảo :
- Phu nhân nói sai rồi ! Tôi đây, nếu không có Bàng Thái Sư nâng đỡ thì không làm
đến bực Ngự Sử, mà Phu nhân cũng không được đến bực Cao Mạng Phu nhân.
Y thị tiếp lời chồng :
- Bàng Thái Sư tuy là mạnh thế cao quyền, song hay làm điều gian ác, có khi Trời không để
cho làm hoài đâu, đến chừng hết thời thì gian thần lộ mặt, tiếng xấu muôn đời.
Trần quốc Thanh nghe vợ nói đến 2 tiếng gian thần
thì hơi nột, liền mắng lớn :
- Hỗn láo lắm ! Sao Phu nhân không giữ miệng để
phạm lỗi với người trên, chuyện chẳng can hệ gì đến Phu nhân mà sao lại lắm
lời, khiến đất bằng sóng dậy ?
Y thị dịu lời nói tiếp :
- Chẳng phải thiếp muốn sanh sự, nhưng thiếp muốn
bày tỏ hơn thiệt với Tướng công để gia đình mình tránh khỏi tai họa mà thôi.
- Cha chả ! Ai dám làm gì ta mà Phu nhân lại bảo ta
nghe theo đặng tránh khỏi tai họa. Phu nhân im đi, để thử coi ai dám làm tai
họa cho ta.
- Xin Tướng công dằn lòng xét lại, nếu không nghe
lời khuyên của thiếp mà theo bọn gian tặc thì có ngày mang họa.
- Đồ hỗn láo ! Sao mi dám nói Bàng Thái Sư là gian
tặc ? Nếu trả lời không xong thì đừng có
trách.
- Xin Tướng công bớt giận, Thiếp nói như vậy là ý
muốn Tướng công theo điều trung
nghĩa, chớ Bàng
Thái sư không là gian tặc sao lo kiếm kế mưu hại
trung thần, ông ta lại còn tham lam tiền của nên khiến cho triều đình rối hoài,
như thế gọi là gian tặc thì không đúng sao ? Tướng công ôi ! Con mắt của người
ta là ngọc, hễ thấy ngay thì liền biết ngay, thấy gian thì biết gian. Thiếp
tưởng không sao che đậy được những mưu gian ác của Bàng Thái Sư được nữa.
- Vậy chớ mi biết Bàng Thái Sư hãm hại trung thần
nào ? Nếu chỉ không ra chớ trách ta
chẳng vị.
- Thì việc sờ sờ trước mắt đó. Như Dương tôn Bảo là
dòng dõi trung thần, gìn giữ giang sơn nhà Tống, trấn thủ Tam quan, ngăn binh
ngoại tặc, thiệt là trụ thạch chi thần; còn Địch Thanh là cháu của Địch Thái
Hậu, cũng là dòng dõi trung thần, chống giặc lập được nhiều công lớn. Tướng võ
như 2 ông ấy thật là quốc gia lương đống. Thế mà Bàng Thái Sư mưu hại 2 tướng
ấy vì thù riêng thì lấy ai chống giữ giang sơn. Gia đình mình hưởng ơn vua lộc
nước thì nên giữ một lòng trung quân ái quốc, lưu danh hậu thế, còn theo Bàng
Thái Sư thì chắc là lưu xú vạn niên. Tướng công nên xét lại.
Trần quốc Thanh nổi giận, quát :
- Mi là đàn bà biết gì mà dám khua môi múa lưỡi,
buông lời hỗn ẩu như thế.
Vừa nói vừa xốc lại đánh vả vào mặt Y thị.
A huờn hoảng hốt đồng chạy lại nắm tay Trần quốc
Thanh, hết lời van xin, lạy lục; tớp khác dìu Y thị vào phòng.
Y thị ở trong phòng từ trưa đến chiều, không chịu
ăn cơm, một mình buồn bực. Y thị lấy bút viết bài thi :
Thân
nầy một thác dạ không phiền,
Ba
chục xuân xanh vậy cũng tuyền.
Miễn
đặng phu quân chừa tánh cũ,
Thiếp về
chín suối cũng
là yên.
Y
thị viết bài thơ xong thì thắt cổ chết.
Trần quốc Thanh hay tin, cười gằn bảo :
- Bớ Y thị ! Ai bảo mi làm tài khôn mà lo đến công
việc của ta. Nay mi hại lấy mi, ấy là tại cái miệng của mi mà mang họa, chớ
trách ta là chồng sao chẳng tưởng vợ.
Nói rồi ra lịnh cho gia nhân khiêng xác Y thị ra
sau vườn, móc một lỗ chỗ bùn lầy dập thây xuống đó. Đó là đêm mùng 2 tháng 3.
Các a huờn xúm xít than thở vái rằng :
“Nay Phu nhân chết một cách thảm thiết, thân thể như vầy, thiệt là Lão gia tàn
nhẫn, không nghĩ đến tình nghĩa vợ chồng. Phu nhân ôi ! Nếu có linh thiêng thì Phu nhân xuống cáo với
Diêm Vương đặng Diêm Vương xét cho Phu nhân.”
Đêm đó, Trần quốc Thanh khiến con a huờn Tố Lang
vào phòng, đặt lên làm Phu nhân thay Y thị.
Hồn Y thị xuống Diêm đình, tỏ hết duyên cớ. Diêm
Vương xem xét, thấy Y thị có số sống tới 88 tuổi, mà nay mới 30 tuổi, còn Trần
quốc Thanh chỉ sống 36 tuổi, mà số bị chết nơi pháp trường ngày mùng 8 tháng 3.
Diêm Vương phán :
- Chồng nàng ít ngày nữa thì mãn số. Nàng mau trở
về dương thế mà cáo việc oan ức với Bao Công thì người sẽ có phép mà cứu nàng
sống lại.
Phán rồi, sai quỉ sứ dẫn hồn Y thị đến xứ Trần Châu
giao cho vị Thần hoàng xứ ấy hộ trợ.
Nói về Bao Công, đi vừa đến xế thì qua một cánh
đồng vắng. Bỗng có một cơn gió lạnh thổi qua, tiếng gió nghe thảm thiết, Bao
Công lấy làm lạ, cho kiệu dừng lại. Bao Công nói :
- Có lẽ có oan hồn uổng tử chi đây chớ chẳng không.
Nếu oan hồn có điều chi oan ức thì đêm nay báo cho ta rõ, ta sẽ hết sức minh
oan cho.
Nói vừa dứt thì
cơn gió bay phất qua rồi tan mất. Bao Công khiến Trương Long, Triệu Hổ,
Đổng Siêu, Thiết Bá Trân lập đài, 4 người trấn 4 góc, còn Bao Công thì chờ đêm
khuya lên đài đốt đèn ngồi chờ. Đến canh
ba, xảy có luồng gió lạnh thổi tới, bỗng có một người đàn bà hiện đến, quì
trước mặt Bao Công thưa rằng :
- Thiếp là Y thị, tên Trịnh Nương, vợ của Trần quốc
Thanh đang làm Ngự Sử nơi triều đình.
- Nếu nàng là vợ của quan Ngự Sử Trần quốc Thanh
thì cũng là bực Phu nhân. Xin Phu nhân đứng dậy nói cho ta rõ.
Hồn Y thị vâng lời, đứng dậy, thuật hết các việc
cho Bao Công nghe, và việc mình tự ải.
Bao Công nói:
- Nếu vậy thì Phu nhân cũng có chỗ quấy. Hễ đàn bà
xuất giá theo chồng thì phải giữ Tam tùng. Nay Trần Ngự Sử có lòng bất trung,
không nghe lời can gián nên Phu nhân liều mình, như vậy thì thôi, có đâu đem
việc của chồng mà cáo ?
- Thiếp thác đây là tại thiếp, thiếp nào dám oán
trách chồng, song thiếp đã làm Cao Mạng Phu nhân rồi mà chồng không tưởng đến
thiếp, lẽ thì phải sắm quan quách mà chôn cất tử tế mới đáng, có đâu để thi hài
bộc lộ rồi đem vùi xuống bùn như vậy ! Có phải là khi dể triều đình không ? Rồi
lại dùng một con tỉ tất làm vợ, để nó lên bậc Phu nhân, có phải làm rối cang thường
chăng ? Nay thiếp không tố cáo đám gian thần thì còn chi tánh mạng của 2 trung
thần là Dương tôn Bảo và Địch Thanh ? Địch Thanh lãnh lịnh vua làm Khâm Sai đem
chinh y ra Tam quan cho quân sĩ mặc đỡ lạnh trong mùa Đông, bị Bàng Thái Sư
thông mưu cùng bọn địch bên ngoài đánh cắp hết chinh y. Địch Thanh dũng mãnh
đánh lại, giết được 2 tướng giặc, bộ hạ của Bàng Thái Sư, lấy 2 thủ cấp, thu
lại được toàn bộ chinh y, giao 2 thủ cấp nầy cho Tiêu Đình Quí, người của Dương
Tôn Bảo, đem về trước báo tin, nhưng dọc đường, Tiêu Đình Quí uống rượu say,
đem 2 thủ cấp ra khoe công cùng thiên hạ, chẳng may gặp con của Lý Thanh, bắt
Quý trói lại, bỏ dưới sông, giựt 2 thủ
cấp đem trình Dương Tôn Bảo để lập công. Chẳng ngờ âm mưu của Lý Thanh bại lộ,
2 cha con Lý Thanh bị Dương tôn Bảo giết chết.
Vậy mà Bàng Thái Sư còn xảo quyệt, luận kế
tâu lên Thánh Thượng cho cha con
Lý Thanh có đại công, Dương Tôn Bảo có tội và Địch Thanh giết người để mạo
công. Bàng Thái Sư sai Tôn Võ, đồng bọn gian nịnh, lãnh chỉ ra Tam quan ải điều
tra sự việc, tìm các hại Dương Tôn Bảo, bị Tiêu Đình Quí nóng tánh đánh cho một
trận nên thân, rồi bị Dương Tôn Bảo bắt giải về triều, nhờ Thánh Thượng phán
xét.
Có thế mà Bàng Thái Sư lại buộc tội là khi lịnh. Vì vậy Thánh Thượng
sai đi bắt 2 người ấy về trào, rồi chắc cũng giao cho lũ gian thần tra vấn. Lúc
nầy là lúc mà 2 người ấy như cá lội trong chảo. Nếu Lão gia không về trào ngay
mà công luận thì 2 tôi lương đống đó không còn.
Bao Công nghe dứt thì khen rằng :
- Phu nhân là đàn bà mà còn biết thương vua thương
tướng. Như vậy thật đáng bực hiền triết phu nhân. Bây giờ Phu nhân về kinh
trước đi, tôi sẽ lập tức theo sau kíp lo việc ấy.
Hồn Y thị lạy tạ rồi biến mất.
Bao Công liền xuống đài, truyền quân đốt đuốc lên
đường ngay trong đêm đó, đi riết, tới chiều ngày mùng 5 tháng 3 thì đến kinh
đô. Rạng ngày mùng 6, Bao Công vội vào triều đình, tâu hết các việc với Tống
Đế, rồi xin mượn 3 món Huợt mạng bửu bối đem đến bốc mộ cứu nàng Y thị.
Y thị sống lại. Bao Công lập hình án xử trảm Ngự Sử
Trần quốc Thanh đúng vào sáng mùng 8 tháng 3, sau đó lập nhiều đối chứng công
khai minh oan cho 2 tướng Dương tôn Bảo và Địch Thanh.
Bàng Thái Sư và bè lũ gian thần về sau bị phanh
phui các tội lỗi, hết đường chối cãi, đều bị xử trảm.
33 . Tống Hoằng chí trượng phu không đổi
Tống Hoằng, làm quan
Đại Phu dưới triều vua Quang Võ nhà Hậu Hán, tánh tình chánh trực và trung hậu.
Thời đó, vua Quang Võ
muốn có một người bác học luôn ở bên cạnh mình để lo bàn việc nước.
Tống Hoằng tiến cử Hoàn Đàm, tâu rằng :
- Học vấn của Hoàn Đàm có thể sánh được với Dương
Hùng và Lưu Hướng đời Tây Hán.
Do đó, vua Quang Võ phong cho Hoàn Đàm chức Cấp Sự
Trung, thường ngày ở bên vua. Mỗi lần có yến tiệc, vua thường bảo Hoàn Đàm đánh
đàn. Hoàn Đàm đàn toàn các bản nhạc kích thích sự dâm ô của nước Trịnh để làm
vui lòng vua.
Tống Hoằng biết được, liền gọi Hoàn Đàm đến trách
là đã đem loại nhạc bất chính cho vua nghe. Tống Hoằng tâu :
- Bản ý của thần khi tiến cử Hoàn Đàm là để đem tài
năng và lòng trung giúp Bệ hạ, nhưng ngày nay quan trong triều thích nghe âm
nhạc của nước Trịnh, đó là tội của thần.
Vua giật mình tỉnh ngộ, liền cách chức Hoàn Đàm, tự
nhận đó là lỗi của mình. Nhà vua rất kính nể Tống Hoằng.
Vua Quang Võ có người chị là Hồ Dương Công chúa,
sớm góa chồng. Công chúa tỏ ý ái mộ Tống Hoằng nói : “ Nếu ai được như Tống
Hoằng thì mới ưng làm chồng.”
Vua Hán Quang Võ biết vậy, nên cho gọi riêng Tống
Hoằng đến thử ướm lời, hỏi rằng :
- Ngạn vân : Quí dịch giao, phú dịch thê, hữu chư ?
(Ngạn ngữ
rằng : Sang đổi bạn, giàu đổi vợ, có chăng ?)
Tống Hoằng liền tâu rằng :
- Thần văn : Bần tiện chi giao mạc khả vong, tao
khang chi thê bất khả hạ đường. (Thần nghe : Bạn bè lúc nghèo hèn chớ nên quên,
người vợ tấm cám chớ nên bỏ.)
Hán Quang Võ và Hồ Dương Công chúa nghe Tống Hoằng
nói như thế thì rất kính phục Tống Hoằng là người trung hậu, có thủy có chung,
nên bỏ ý định ghép Tống Hoằng với Công chúa.
Tống Hoằng có người vợ ở nhà, chẳng may bị bệnh nên
phải mù lòa. Hằng ngày, ngoài giờ làm việc quan, Tống Hoằng thường săn sóc vợ,
và tới bữa ăn thì đút cơm cho vợ ăn.
Dù vợ bị mù lòa, Tống Hoằng vẫn một lòng thương yêu
chung thủy. Thật trên đời ít có người được như thế, nên để gương tốt mãi về
sau.
Trong tác phẩm Nữ Trung Tùng Phận, Tiên Nương Đoàn
thị Điểm khen Tống Hoằng :
Tống Hoằng chí trượng phu
không đổi,
Giữ nhơn
luân, sợ lỗi
đạo hằng.
Từ duyên Công chúa giao
thân,
Đút cơm
vợ quáng, ân cần
dưỡng nuôi.
Người đời
cũng thường nhắc đến Tống Hoằng qua câu chuyện đối đáp giữa Tống Hoằng với vua
Hán Quang Võ :
Có lần vua
Hán Quang Võ hỏi Tống Hoằng :
- Chừng nào thiên hạ thái bình ?
Tống Hoằng suy nghĩ rồi đáp :
- Chừng nào quan văn không tham tiền, quan võ không
tiếc chết, chừng đó thiên hạ thái bình.
34 . Ngọc Mỹ Nhơn thử quẻ Khương Tử Nha
Ông Khương Thượng, tên tộc là Vọng, nên cũng gọi là
Lã Vọng hay Lữ Vọng, tên chữ là Tử Nha, nên gọi là Khương Tử Nha, hiệu là Phi
Hùng (Gấu bay), quê ở Hứa Châu.
Năm Khương Thượng 32 tuổi, lòng mộ đạo đức nên đến
núi Côn Lôn xin học đạo với Đức Nguơn Thủy Thiên Tôn, Giáo chủ Xiển giáo. Ở núi
tu được 40 năm, Khương Thượng được 72 tuổi, Đức Nguơn Thủy gọi Khương Thượng
bảo :
- Số ngươi chưa thành Tiên đặng mà hưởng lộc có dư.
Nay Thành Thang hết vận, có Tây Châu ra đời. Ngươi phải thay mặt ta xuống trần,
ra công giúp nhà Châu, cầm Bảng Phong Thần, sống làm tướng, thác làm Thần, công
tu 40 năm để danh muôn thuở.
Khương Thượng Tử Nha nói :
- Nay vâng lời thầy trở lại phàm trần, chẳng hay
việc tới thế nào, xin thầy cho biết.
- Ta có 8 câu kệ chỉ rõ trọn đời ngươi, giống như
lời sấm tiên tri, rán mà nhớ lấy :
Mười
năm chịu túng áo còn bâu,
Gượng
gạo mua vui chớ chác sầu,
Ngồi đá
Bàn Khê câu
đợi vận,
Chờ xe
Vương giả rước
về lầu.
Tám
mươi lẻ nửa mang đai ngọc.
Chín chục
dư ba buộc
ấn Hầu.
Mậu
Ngũ chư Hầu trăm trấn phục,
Phong
Thần chín tám bốn xuân thu.
Đức Nguơn Thủy ngâm kệ xong rồi nói :
- Tuy bây giờ ngươi xuống trần, nhưng ngày sau cũng
về núi.
Khương Tử Nha lạy thầy, giã bạn, ra khỏi Cung Ngọc
Hư, trở xuống trần, nhớ lại không còn bà con, chỉ có một người bạn là Tống Dị
Nhân ở đất Triều Ca, liền đến đó nương
nhờ.
Tống Dị Nhơn gặp Tử Nha thì rất vui mừng, nói :
- Chú bây giờ ăn chay hay ăn mặn, để tôi bảo lo
cơm.
- Cũng là tiếng tu hành, đâu dám dùng rượu thịt.
Tống Dị Nhơn nhận Tử Nha làm em kết nghĩa. Thấy Tử
Nha 72 tuổi rồi mà không con nối hậu, nên tính việc cưới vợ cho Tử Nha. Dị Nhơn
hỏi cưới Mã thị, con gái lỡ thời của Mã Viên Ngoại cho Tử Nha, năm đó Mã thị 68
tuổi.
Mã thị nói với Tử Nha, bây giờ có vợ rồi, phải tìm
cách làm ăn sanh sống, chớ ăn bám vào anh Tống Dị Nhơn hoài sao cho phải. Tử
Nha nghe vợ nói có lý, liền lo làm các việc như : Đan gàu giai đem bán, xay lúa
mì thành bột đem bán, quản lý quán rượu của Tống Dị Nhơn, mua heo dê đem ra chợ
bán, tất cả các công việc đó do Dị Nhơn giúp đỡ vốn liếng, nhưng đều thất bại,
làm đâu lỗ đó, khiến Tử Nha rất buồn bực.
Nhưng Tử Nha lại có tài xem địa lý, bắt quỉ trừ ma,
giúp Dị Nhân xây được 5 căn nhà lớn trên phần đất có nhiều vượng khí, để con
cháu của Dị Nhơn sau nầy có 36 người làm quan, giàu sang vinh hiển.
Tống Dị Nhơn biết Tử Nha có tài coi bói, nên lấy
một căn phố nơi triều ca dành cho Tử Nha ở làm tiệm coi bói.
Tử Nha bói đâu trúng đó, nổi tiếng là vị Thánh
nhân, dân chúng tấp nập đến xem bói, Tử Nha thâu được nhiều tiền, giao cho Mã
thị, khiến Mã thị vui mừng và trọng chồng hết sức, không còn chê bai hay đay
nghiến chồng như trước nữa.
Bói được nửa năm thì xảy ra vụ Tỳ Bà Tinh.
Tỳ Bà Tinh là một con yêu do cây đàn tỳ bà bằng đá
hấp thụ khí âm dương hàng ngàn năm biến thành. Hôm đó, Tỳ Bà Tinh đi thăm Đắc
Kỷ trở về. Lúc bay ngang qua căn phố của Tử Nha
xem bói, thấy
người ta tấp
nập vào xem
bói, ai cũng đồn thầy bói linh lắm. Tỳ Bà Tinh không tin, nên biến hình
thành một phụ nữ xinh đẹp, gọi là Ngọc Mỹ Nhơn, vào tiệm xem bói, thử quẻ của
Khương Thượng Tử Nha.
Thần nhãn của Tử Nha xem biết người đàn bà nầy là
một con yêu quái trá hình, nên định giết đi để trừ hại cho dân, liền bảo Ngọc
Mỹ Nhơn đưa bàn tay ra xem.
Tử Nha nắm lấy cổ tay, ấn chặt và huyệt mạch môn,
dụng phép âm, không cho yêu quái biến hình. Dân chúng chúng thấy vậy, tưởng Tử
Nha nắm tay con gái làm chuyện dâm đảng, nên la lối phản đối om sòm. Tử Nha nói
:
- Đây là một con yêu tinh nguy hiểm, chớ không là
người đàn bà bình thường, để tôi giết nó trừ hại cho dân.
Nói xong, Tử Nha lấy nghiên mực đập vào đầu con
yêu, máu tuôn đỏ ối. Ngọc Mỹ Nhơn giãy giụa lung tung nhưng không biến đi được.
Dân chúng phẩn nộ, đi báo quan. Lúc đó Thừa Tướng Tỷ Can cỡi ngựa đi ngang, dân
chúng lôi Tử Nha ra cho Thừa Tướng xét
xử. Dân chúng nói :
- Có lão thầy bói tên là Khương Thượng Tử Nha, lợi
dụng nghề coi bói làm chuyện dâm đảng, cô ả không chịu, lão thầy bói lấy nghiên
mực đánh nàng đổ máu.
Tỷ Can nghe nói cũng nổi xung, mắng Tử Nha :
- Đầu ngươi đã 2 thứ tóc mà sao làm xấu xa như vậy
?
Tử Nha đáp rằng :
- Tôi là người có học, lẽ đâu không biết lẽ phải và
phép vua, nhưng quả thật, người đàn bà nầy là yêu quái nguy hiểm trá hình. Tôi
thấy tại triều ca khí yêu quá lộng, e không trừ sớm thì nước nhà không yên. Xin
Thừa Tướng xét lại cho.
- Người đàn bà nầy đã bị ngươi đánh chết rồi, ngươi
tiếc gì mà còn nắm tay ?
- Nó làm bộ yêu đó, nếu tôi thả tay ra thì nó biến
mất thì đâu còn bằng cớ, nên tôi không dám buông tay nó ra.
Tỷ Can bảo
quan địa phương giải Tử Nha và người đàn bà đến trước Đền vua, rồi vào tâu cùng
vua Trụ. Tử Nha vẫn nắm tay Ngọc Mỹ Nhơn, tâu rằng :
- Tôi là Tử Nha, quê ở Hứa Châu, có học phép Tiên
nên biết rõ yêu quái. Tôi đang xem bói thì con yêu nầy giả hình người vào quấy
rối, tôi bắt nó dâng lên Bệ hạ trừ họa cho dân.
Trụ Vương nói :
- Rõ ràng nó là đàn bà, sao ngươi nói nó là yêu
quái ?
- Tâu Bệ hạ, con mắt người thường không thể phân
biệt được yêu quái hay người thật, xin Bệ hạ cho tôi dùng lửa đốt nó thì nó sẽ
hiện nguyên hình cho Bệ hạ thấy.
Trụ Vương bằng lòng. Tử Nha họa bùa trên xoáy của
Ngọc Mỹ Nhơn, để nó không biến được, rồi ném vào lửa. Lửa đốt phừng phừng ngót
2 giờ mà con yêu vẫn còn nguyên, không hề bị cháy. Mọi người thấy lạ, có phần
tin lời Tử Nha, vì xác người thường đốt như vậy thì cháy thành tro rồi.
Trụ Vương bảo Tỷ Can hỏi Tử Nha, nó là con yêu gì ?
Tử Nha nói, để bắt nó hiện nguyên hình. Nói xong Tử
Nha dùng lửa Tam Muội từ trong mắt và lỗ mũi phun ra. Tỳ Bà Tinh thất kinh, lồm
cồm ngồi dậy trong lửa, nói lớn :
- Ta không thù oán chi với ngươi mà sao ngươi độc
ác dùng lửa thần đốt ta ?
- Ngươi là yêu quái tác hại người, ta giết ngươi là
để cứu dân chớ không phải thù oán.
Vua Trụ, Tỷ Can và triều thần thấy người đàn bà đã
chết, lửa củi đốt thân thể không cháy, lại ngồi dậy trong lửa nói với Tử Nha
thì thất kinh hồn vía, thối lui. Tử Nha
nói :
- Xin Bệ hạ lui vào trong giây lát, kẻo sấm nổ.
Chờ Trụ Vương khuất vào trong, Tử Nha vỗ hai tay,
sấm nổ vang tai, yêu tinh liền hiện nguyên hình là một cây đàn tỳ bà bằng ngọc
thạch, rất đẹp, nằm giữa sân chầu.
Hoạn quan vào cung báo cho vua Trụ biết. Vua hỏi Đắc Kỷ : - Đàn tỳ bà
bằng đá sao biến thành tinh được ?
Đắc Kỷ rất đau xót, cố gắng cứu Tỳ Bà Tinh, nên nói
:
- Xin Bệ hạ cho thần thiếp cây đàn tỳ bà nầy để
thần thiếp đờn cho bệ hạ nghe.
Vua trụ sợ cây đàn thành tinh trở lại, không muốn
cho.
Đắc Kỷ nói : - Bây giờ là cây đàn vô tri, làm sao
thành tinh trở lại được, xin Bệ hạ chớ lo.
Vua Trụ nghe theo. Đắc Kỷ đem cây đàn tỳ bà nầy đặt
trên lầu Trích Tinh, để cho nó hấp thụ khí âm dương trong 6 năm, nó sẽ biến trở
lại hình người.
Đắc Kỷ lập kế trả oán Khương Tử Nha, nên tâu :
- Khương Thượng có tài trừ yêu quái, đáng được
trọng dụng. Xin Bệ hạ phong quan chức cho Khương Thượng.
Vua Trụ truyền đòi Tử Nha vào triều, phong cho chức
Tư Thiên, coi việc Thiên văn. Tử Nha tuân mạng lãnh chức.
Tử Nha trở về nhà, Dị Nhơn thấy Tử Nha làm quan mặc
áo mão xuê xang thì mừng lắm, nhứt là Mã thị thấy chồng làm quan vinh hiển thì
hết sức vui mừng, mở tiệc ăn mừng.
Đắt Kỷ luôn luôn tìm cách hại Tử Nha để trả thù cho
Tỳ Bà Tinh. Ngày kia, Đắc Kỷ vẽ họa đồ cất Lộc Đài, theo kiểu cảnh Tiên ở Bồng
Lai, để vui thú cùng vua Trụ. Đắc Kỷ tiến cử Tử Nha làm Đốc Công cất Lộc Đài.
Vua Trụ nghe theo, đòi Tử Nha vào cung dạy việc. Tử Nha được lịnh, lòng hồ
nghi, liền bói một quẻ, thì biết rõ tai họa sắp đến với mình.
Tử Nha vâng chiếu vào yết kiến vua Trụ, vua phán :
- Nay Trẫm muốn cất Lộc Đài, Trẫm giao cho khanh
làm Đốc Công. Khanh rán hoàn thành thì công không nhỏ.
Tử Nha tiếp lấy họa đồ Lộc Đài xem thử, thấy Đài
cao 49 thước, dùng rất nhiều châu ngọc để trang trí, chạm trổ rất tinh vi, bèn nghĩ thầm : Triều
ca là chốn ở tạm của ta, lẽ đâu ta dốc sức làm việc nầy để mang tiếng hùa theo
hôn quân hại nước. Chi bằng ta tìm lời thối
thác, không được
thì bôn tẩu, chẳng để lụy thân. Tử Nha liền tâu :
- Đài cao 49 thước, dùng nhiều châu ngọc gắn khắp
chỗ, chạm trổ tinh vi, muốn cất xong Đài ít nhất phải 35 năm.
Đắt Kỷ bắt bẻ :
- Lão thầy bói già quen tánh nói dối, cất Đài lâu
lắm cũng 3 năm. Tử Nha có ý khi quân, bắt xử bào lạc cho rồi.
Trụ Vương còn lưỡng lự, thì Tử Nha nói :
- Tôi xin Bệ hạ chớ nghĩ đến việc hưởng hết lạc thú
của đời, mà quên cái khổ của muôn dân. Trong lúc kho tàng trống rổng, dân gặp
hạn hán mất mùa, lúa không đủ ăn, tôi trung chán nãn triều chánh, lũ nịnh dậy
lên, cái nguy của nước thấy rõ. Xưa vua Kiệt cất cung Quỳnh Dao mà mất nước,
nay Bệ hạ cất Lộc Đài là đi vào con đường ấy, e cơ nghiệp sẽ về tay một chư Hầu
khác. Tuy đã muộn, nhưng vẫn có thể cứu nguy nếu Bệ hạ biết sửa mình, lo cho xã
tắc. Tôi tri ân Bệ hạ nên có đôi lời tâm huyết, không nỡ lấy mắt nhìn.
Vua Trụ giận lắm, mắng Tử Nha :
- Đứa già miệng dám mắng vua, mau bắt lão già nầy
cột vào bào lạc, làm gương cho kẻ khác.
Võ sĩ áp tới vây bắt, Tử Nha lẹ chân nhảy xuống
lầu, chạy đến cầu Cữu Long, nhảy xuống nước, độn thủy về nhà.
Quân võ sĩ ngự lâm trở lại báo cho vua Trụ biết, Tử
Nha nhảy xuống cầu Cửu Long tự tử, chết trôi mất xác.
Tử Nha thuật rõ mọi sự cho Dị Nhơn và Mã thị biết,
rồi nói với vợ ý định của mình là đến Bàn Khê bên đất Tây Kỳ nương náu chờ
thời, yêu cầu Mã thị đi theo. Mã thị không chịu, buộc Tử Nha làm tờ ly dị. Tử
Nha khuyên vợ không được, buộc phải viết tờ ly dị vợ, rồi từ giã Dị Nhân lên
đường.
Tử Nha thẳng đến Bàn Khê ở Tây Kỳ ẩn mặt, đói ăn
trái cây, khát uống nước suối, vui thì xem kinh luyện phép, buồn thì ngồi câu,
ngâm thơ giải khuây, chờ thời.
35 . Đậu Yên Sơn hữu nhân nghĩa
Đậu Yên Sơn hữu nhân nghĩa là nhà họ Đậu ở đất Yên
Sơn (bên Tàu) có lòng nhân và thích làm việc nghĩa.
Theo Tống Sử, cuối đời Ngũ Đại, bước qua nhà Tống,
tại Yên Sơn có ông Đậu Võ Quân, làm quan chức Gián Nghị Đại Phu. Ông là người
có tánh cương trực, hay làm việc âm chất, thường tiến cử nhiều kẻ sĩ có tài
năng và đức độ lên cho vua dùng. Ông rước danh nho về nhà để dạy các học trò
nghèo ở quanh vùng, mọi chi phí cho thầy, ông đều đứng ra đài thọ.
Năm ông 30 tuổi, vẫn chưa có con, ông cùng vợ, sắm
sửa lễ vật, lên chùa Diên Thọ cầu tự, đi giữa đường gặp vàng của người làm rơi,
ông lượm lấy rồi hỏi thăm người mất vàng để trả lại. Nhờ những âm chất đó, sau
khi cầu tự, vợ ông có thai, lần lượt sanh được 5 người con trai. Năm người con
trai nầy khi lớn lên đều rất thông minh, học hành rất giỏi, lần lượt trước sau
đều thi đậu Tiến Sĩ, danh vọng hiển hách.
Sử Trung hoa chép rằng : “ Tống Đậu Quân hữu tế
nhơn âm công, sinh ngũ tử câu chiết quế.” Nghĩa là : Đời Tống, có ông họ Đậu giúp người, tạo được âm
chất, sanh 5 con trai đều bẻ cành quế. Bẻ cành quế là ý nói thi đậu Tiến Sĩ.
Người đương thời tặng gia đình Ông là :” Yên Sơn
Đậu thị ngũ long”. Nghĩa là : 5 con rồng nhà họ Đậu ở Yên Sơn.
Ông Phùng Đạo có bài thi khen Ông Đậu Võ Quân :
Yên
Sơn Đậu ngũ lang,
Giáo
tử dĩ nghĩa phang.
Linh
xuân nhứt chu lão,
Đan
quế ngũ chi phương.
Dịch nghĩa
: Yên Sơn họ Đậu năm chàng,
Dạy con
bằng đạo nghĩa.
Một cội
linh xuân già,
Quế đỏ
năm cành thơm.
36 . Phật thuyết pháp tại chùa Linh
Sơn
Linh Sơn là ngọn núi linh thiêng rất nổi tiếng ở
gần thành Vương Xá, nước Ma-Kiệt-Đà, thuộc miền Bắc Ấn Độ. Tương truyền, trên
núi ấy thường có Thần Tiên hiện đến. Tên núi ấy theo tiếng Phạn là Kỳ-Xà-Quật,
dịch là Kê Túc Sơn hay Linh Thứu Sơn. Gọi Kê Túc Sơn là vì chân núi có hình như
cái chân gà (kê là gà, túc là chân). Gọi Linh Thứu Sơn là vì đỉnh núi có hình
chim thứu (con ó).
Tại chân núi có cất một ngôi chùa gọi là chùa Linh
Sơn, và Đức Phật Thích Ca thường đến đây để thuyết pháp. Ngài thuyết Kinh Đại
Thừa và Kinh Diệu Pháp Liên Hoa.
Như thường lệ, Đức Phật chuẩn bị đăng đàn thuyết
Pháp. Nhưng lần nầy, Ngài đứng thật nghiêm trang và rất lâu, Ngài nhìn khắp chư
tăng đang đứng trước mặt Ngài mà Ngài không nói lời nào cả, rồi Đức Phật cầm
một bông sen đưa lên cao, mắt lim dim như đi vào Thiền định. Một lúc sau, Ngài
mở mắt ra nhìn khắp tăng chúng một lần nữa, Ngài thấy tăng chúng đều đứng
nghiêm trang và lặng thinh, duy có một mình Ma-Ha Ca-Diếp thì mỉm cười lộ vẻ
tinh tấn.
Đức Phật long trọng nói :
- Ta có Chánh pháp Nhãn tàng, Niết Bàn Diệu tâm,
thật tướng mà không tướng, ấy là Pháp môn vi diệu, không lập văn tự, giáo ngoại
biệt truyền. Nay ta truyền lại cho Ma-Ha Ca-Diếp.
(Câu chuyện nầy được đặt tên theo chữ Hán là “ Như
Lai niêm hoa, Ca-Diếp vi tiếu; hay vắt tắt là Phá nhan vi tiếu. Như Lai là
Phật, niêm hoa là cầm cành hoa đưa lên, vi tiếu là cười nhỏ tức là cười mỉm.
Phá là khám phá, nhan là nét mặt, phá nhan là thay đổi nét mặt vì đã khám phá
ra điều bí mật. Như Lai niêm hoa là Đức Phật đưa cành hoa lên, Ca-Diếp vi tiếu
là Ông Ca-Diếp, đại đệ tử của Đức Phật,
mỉm cười.)
Ma-Ha Ca-Diếp thọ tâm ấn của Phật, nên sau khi Phật
tịch diệt, Phật truyền y bát làm tín vật cho Ma-Ha Ca-Diếp làm Đệ Nhứt Tổ Sư
Phật giáo, điều hành Giáo Hội Tăng Già.
Ý nghĩa : Ca-Diếp thấy Đức Phật đưa bông sen lên mà
không nói, Ca-Diếp cũng không nói, nhưng nét mặt hớn hở mỉm cười vì ông rõ thấu
chánh pháp của Phật, nó ẩn tàng sâu kín vi diệu bên trong, tuy có tướng mà
không tướng.
Bông sen là biểu hiệu của Tâm, sự im lặng là biểu
hiệu của Pháp. Tâm với Pháp, tuy có mà không, tuy không mà có. Ca-Diếp đã biết
đem Nhãn với Tâm phối hiệp mà tương ứng nhau. Thần quang từ mắt phát dụng, mà
Thần quang chính là Linh quang của Tự tánh, nó vốn ở nơi bổn tâm. Đem Thần
quang phối hiệp với Tâm thì Tâm được quang minh tự tại. Còn nếu đem Thần quang vọng phát ra ngoài, nhiễm lấy trần cảnh thì
Tâm bị vọng động hôn mê.
Ca-Diếp dùng Mắt xem Tâm, thâu Thần nơi con Mắt,
khiến nó trở về Tâm khiếu, gọi là phép Hồi Quang Phản Chiếu, hay là Phản bổn
huờn nguyên. Ấy là chỗ bí quyết về Tâm không, vô chấp vậy.
Phật đưa bông sen lên là ý Ngài đưa cái Tâm duy
nhất lên cho tăng chúng thấy, nhưng tăng chúng chỉ thấy bông sen chớ không thấy
Tâm. Chỉ có Ca-Diếp là thấy Tâm, quán triệt chỗ vi diệu của Chánh pháp, không
bị tướng bông sen án mắt, nên mới được cái Tâm ấn bí truyền của Phật.
Câu chuyện “Niêm hoa vi tiếu” nầy được xem là hột
giống Thiền mà Đức Phật Thích Ca đã gieo vào Phật giáo lúc Ngài còn sanh tiền.
Nhưng hột giống ấy không nẩy nở được ở Ấn Độ, phải chờ đến vị Tổ Sư thứ 28 là
Bồ-Đề Đạt-Ma, đem hột giống Thiền nầy gieo vào đất Trung hoa thì hột giống mới
nẩy nở và phát triển rực sáng vào thời Lục Tổ Huệ Năng của Phật giáo Thiền tông
Trung hoa, và truyền lại đến ngày nay.
37 . Oán trả oán, oán kia không dứt,
Lấy nghĩa đáp đền, oán
nọ mới tiêu.
Đây là câu chuyện LẤY
ÂN BÁO OÁN trong Truyện cổ của Phật giáo.
Hồi Đức Phật Thích Ca
còn sanh tiền, nhân thấy anh em trong Giáo Hội Tăng già có việc bất đồng ý kiến
với nhau, rồi chia làm 2 phe, Đức Phật mới thuật lại sự tích của một vị Thái tử
tên là Diệc-Ga-Du như sau đây :
Ngày xưa, có một vị hoàng đế nước Cô-Sa-La tên là
Diệc-Cô-Ty, bị vua nước Ca-Si là Ba-Ra-Ma Đạt-Ta chiếm đoạt. Vua Diệc-Cô-Ty
phải trốn lánh, giả dạng là một thầy tu, dắt vợ đến ẩn náu tại thành Bê-Na-Rết.
Ở đó được ít lâu, hoàng hậu sanh được một trai đặt tên là Diệc-Ga-Du.
Diệc-Ga-Du lớn lên, rất thông minh đảnh ngộ. Hai
Ông Bà lo sợ cho con ở đây lâu ngày
e sẽ lậu tông tích mà bị hại, bèn
dạy Diệc-Ga-Du lẫn tránh đi qua nước khác. Được ít lâu thì vợ chồng vua
Diệc-Cô-Ty bị một viên cựu thần của Ngài phát hiện và tố giác với vua Ba-Ra-Ma
Đạt-Ta. Do đó, vợ chồng vua Diệc-Cô-Ty bị bắt xiềng lại, quân lính dẫn đi khắp
thành cho dân chúng biết, rồi mới đưa ra ngọ môn xử trảm.
Cùng ngày ấy, Thái tử Diệc-Ga-Du trên đường đi về
thăm cha mẹ, bất ngờ hay tin chẳng lành. Diệc-Ga-Du giả dạng trà trộn vào đám
đông dân chúng đến ngọ môn, nhìn thấy cha mẹ bị xiềng thì đau lòng sa nước mắt.
Vua Diệc-Cô-Ty nhìn thấy con mà chẳng dám nói gì, sợ lộ tông tích thì hại đến
cả con nữa. Vua bèn quay mặt sang hướng khác nói lớn rằng :
- Diệc-Ga-Du con ôi ! Con đừng ngó xa lắm, mà cũng
đừng ngó gần lắm, chẳng phải lấy oán báo oán thì oán đó tiêu, mà phải lấy ân
báo oán thì oán mới dứt.
Khi vua và hoàng hậu bị hành quyết rồi, Thái tử
Diệc-Ga-Du trốn vào rừng, ẩn lánh một thời gian để tìm kế báo thù. Thái tử thay
hình đổi dạng, đi vào kinh thành, xin làm một thằng nài chăn voi cho vua
Ba-Ra-Ma Đạt-Ta. Chú nài nầy có tài đờn hay, giọng hát tốt, nên được nhà vua để
ý, rồi vua cho đòi vào cung để giúp vui, lại cho hầu cận bên cạnh nữa.
Một hôm, Diệc-Ga-Du theo hầu cận xa giá nhà vua đi
săn. Các quan say mê chạy đuổi theo các con thú để săn bắt, chạy đi tứ tán hết,
để nhà vua ở lại một mình cùng Diệc-Ga-Du. Nhà vua mệt mỏi, kê đầu nằm lên bắp
đùi của Diệc-Ga-Du ngủ thiếp đi.
Trong lúc vua ngủ say, Diệc-Ga-Du nghĩ rằng : “Lão
vua nầy quá độc ác, đã thâu đoạt giang sơn của cha mẹ mình mà chưa vừa lòng,
lại bắt cha mẹ ta giết chết, ngày nay Lão đã tới số rồi, ta phải chém đầu Lão
để trả thù cho cha mẹ.”
Nghĩ xong, Diệc-Ga-Du bèn rút gươm ra định giết nhà
vua, nhưng khi vừa đưa gươm lên thì lại nhớ lời cha căn dặn trước khi chết : “
Con đừng ngó xa lắm, con đừng ngó gần lắm, chẳng phải lấy oán báo oán thì oán
đó tiêu, phải lấy ân đáp oán thì oán mới dứt.”
Diệc-Ga-Du bất giác tra gươm vào vỏ. Ba lần oán thù
nổi dậy trong lòng, ba lần rút gươm ra định trả thù, thì 3 lần đều nghe văng
vẳng lời cha dặn dò trước khi cha chết.
Trong lúc ấy, vua Ba-Ra-Ma Đạt-Ta vẫn ngủ say,
không biết gì cả, nhưng trong giấc ngủ mê, nhà vua chiêm bao thấy tên hầu cận
rút gươm muốn giết mình, nhà vua hoảng sợ, giựt mình thức dậy.
Diệc-Ga-Du liền đứng phắt lên, rút gươm ra nói rằng
:
- Ta là Thái
tử Diệc-Ga-Du, con của Hoàng đế
Diệc-Cô-Ty nước Cô-Sa-La nầy. Khi trước ngươi chiếm đoạt giang sơn của cha ta,
lại còn bắt cha mẹ ta hành hình. Ngày nay ta phải chém đầu ngươi đặng rửa hờn
báo oán.
- Xin Thái tử dung tha tánh mạng cho già nầy vì mọi
việc đã lỡ rồi.
Diệc-Ga-Du từ từ tra gươm vào vỏ. Nhà vua hỏi :
- Tại sao Thái tử không giết ta trong lúc ta ngủ mê
?
- Lúc thác, phụ hoàng tôi có dặn tôi 3 điều :
·
Con đừng ngó xa lắm.
·
Con đừng ngó gần lắm.
· Chẳng phải lấy oán báo oán thì oán đó tiêu, phải lấy
ân đáp oán thì oán mới dứt.
Do đó mà tôi không giết Bệ hạ.
- Ba câu đó có nghĩa là gì vậy ?
- Ba câu ấy có nghĩa như sau : Con đừng ngó xa lắm,
là dặn tôi đừng cố oán lâu; con đừng ngó gần lắm, là dặn tôi chớ nên dứt tình
bằng hữu; còn câu thứ ba nói là Bệ hạ đã giết cha mẹ tôi, nếu bây giờ tôi giết
lại Bệ hạ thì bầy tôi trung nghĩa của Bệ hạ sẽ giết lại tôi, rồi quần thần của
tôi lại báo cừu, thì biết chừng nào hận thù giữa tôi và Bệ hạ chấm dứt. Ngày
nay tôi không giết Bệ hạ, Bệ hạ lại dung tánh mạng cho tôi, thế thì oán cừu
ngày trước không còn nữa.
Vua Ba-Ra-Ma Đạt-Ta ngẫm nghĩ rồi gật đầu nói :
- Hay thiệt ! Lạ lùng
thiệt ! Thái tử Diệc-Ga-Du rất thông minh nên đã hiểu rõ mấy lời của cha dạy.
Nhà vua nắm tay
Diệc-Ga-Du, tỏ vẻ rất cảm động.
Vua đem Thái tử về triều, gả Công chúa cho Thái tử, rồi đem
nước Cô-Sa-La trả lại cho Thái tử.
38 . Phật dạy Ra-Hầu-La
Ra-Hầu-La, tiếng Phạn
là Râhula, phiên âm : Ra-Hầu-La hay La-Hầu-La, là tên người con trai của Đức Phật
Thích Ca, hồi Ngài còn là Thái tử
Sĩ-Đạt-Ta trong Hoàng cung.
Thái tử Sĩ-Đạt-Ta, con
của vua Tịnh Phạn, cưới Công chúa Da-Du-Đà-La năm Ngài 16 tuổi. Mãi đến năm
Ngài 29 tuổi, Công chúa mới có thai và sanh ra đứa con trai đầu lòng. Tin mừng
nầy đem đến cho Thái tử lúc Ngài đang ngồi trong Ngự Uyển, trầm tư suy tưởng về
Tứ Khổ của con người.
Ngài nghe tin, chẳng
những không mừng mà lại than : “Đứa con ra đời là có thêm một trói buộc nữa.”
Do đó, vua Tịnh Phạn
đặt tên cháu nội là : RÂHULA, có nghĩa là trói buộc.
Cũng trong đêm đó, Thái
tử quyết định rời gia đình, vượt hoàng cung để lên đường tầm đạo.
Sáu năm sau, Thái tử Sĩ-Đạt-Ta đắc đạo thành Phật, hiệu là Thích
Ca Mâu Ni. Ngài đem giáo lý của Ngài truyền bá cứu độ chúng sanh, nhưng ngài
chưa vội trở về gia đình.
Mãi đến 3 năm sau, nhiều lần vua Tịnh Phạn cho
người đến mời gọi, Đức Phật mới trở về kinh đô để thăm phụ vuơng và vợ con. Lúc
đó Ra-Hầu-La được 9 tuổi.
Sau 7 ngày ở lại hoàng cung, Đức Phật sửa soạn từ
giã ra đi. Công chúa Da-Du-Đà-La, dạy Ra-Hầu-La đến nói với Đức Phật như sau :
- Kính thưa cha, con là Hoàng tử con của cha, xin
cha trao lại cho con tài sản của cha, tức là của con.
Đức Phật thầm nghĩ : “ Nó muốn gia tài của cha,
nhưng tài sản trong thế gian nầy quả thật đầy phiền não. Như Lai sẽ ban cho nó
gia tài cao thượng gồm 7 phần mà Như Lai đã thâu đạt dưới cội bồ đề. Như Lai sẽ
giúp nó trở thành sở hữu chủ của một gia tài như thế.”
Đức Phật gọi Ông Xá-Lợi-Phất đến, bảo Ông làm lễ
xuất gia cho Ra-Hầu-La. Ra-Hầu-La trở thành một Sa-Di đầu tiên trong giáo đoàn.
Ra-Hầu-La theo Phật làm Sa Di, nhưng còn bé quá,
chưa ý thức được con đường tu, và cũng chưa đủ kiến thức để lãnh hội giáo pháp
của Phật. Ra-Hầu-La chỉ biết vâng lời các vị trưởng thượng, làm như một cái
máy.
Khi Xá-Lợi-Phất nhận thêm một chú bé Quân Đầu làm
Sa Di thì Ra-Hầu-La mới bắt đầu có bạn, nhưng vẫn còn có tánh trẻ con, hay chơi
đùa nghịch ngợm, phỉnh gạt người khác để làm trò vui. Các vị cư sĩ, trưởng giả
đến hỏi thăm Đức Phật, gặp Ra-Hầu-La thì thế nào chú cũng chỉ sai đường, để các
vị nầy đi lộn qua chỗ khác, làm cho chú thích chí cười vui.
Chuyện nghịch ngợm nầy đến tai Đức Phật. Ngài đích
thân đến vườn Ôn Tuyền khiển trách và dạy dỗ Ra-Hầu-La.
PHẬT DẠY
RA-HẦU-LA :
Khi nghe tin Đức Phật đến, Ra-Hầu-La vội chạy ra
đón, đem nước đến để Phật rửa chân. Phật rửa chân xong, chỉ nước trong chậu hỏi
Ra-Hầu-La :
- Nầy Ra-Hầu-La, nước nầy có thể uống được không ?
- Bạch Thế Tôn, không thể uống được. - Tại sao ?
- Vì nước đã
ô uế.
- Nầy Ra-Hầu-La, ngươi cũng giống như thứ nước đó.
Thời gian ngươi xuất gia làm Sa Di khá dài, gần 10 năm, nhưng ngươi chưa dứt
được thói xấu. Nước ô uế không uống được, thân tâm ngươi còn ô uế các tập khí
thì có gì khác đâu ? Hình thức thì xuất gia, mà thân, khẩu, ý còn trần tục, tất
cả không thể thăng hoa. Ngươi đã rời bỏ thế tục, thì phải giữ lòng thanh tịnh,
hành vi
cử chỉ đoan chánh, lời nói chơn
thật. Xuất gia mà không trừ bỏ được 3 độc uế đó thì chẳng khác gì nước dơ. Nước
dơ người ta đem đổ, người nhiều tật xấu sẽ bị sa đọa.
Nói xong, Phật bảo Ra-Hầu-La đem chậu nước đổ đi,
rồi mang chậu không trở lại. Đức Phật hỏi :
- Nầy Ra-Hầu-La, chậu nầy đựng thức ăn được không?
- Thưa không.
- Tại sao ?
- Vì chất dơ còn bám đầy chậu.
- Nầy Ra-Hầu-La, chậu dơ không đựng thức ăn được,
thân dơ cũng thế thôi. Ngươi chỉ là một Sa Di, mà thân khẩu ý không sạch, không
tu tập Giới Định Huệ, tâm không sạch, lời nói bông đùa nghịch ngợm, thân dính
đầy cấu uế, mất hết oai nghi, như thế khác gì nước dơ, chậu dơ. Chậu dơ không
dùng được thì giữ lại làm gì.
Nói xong, Phật đá chậu dơ cho bể đi, rồi nói tiếp :
- Nầy Ra-Hầu-La, ngươi có tiếc cái chậu không ?
- Thưa không.
- Tại sao ?
- Vì chậu dơ không dùng được.
- Nầy Ra-Hầu-La, chậu dơ không tiếc khi nó bể,
giống như mọi người không thương tiếc ngươi, vì ngươi có nhiều lầm lỗi, kể cả
lầm lỗi trong việc vui chơi. Mang danh là người xuất gia, mà con còn nói năng
không thật thà, thiếu chững chạc, phỉnh gạt người khác, ai mà thương mến ngươi
được.
Nghe Đức Phật răn dạy, Ra-Hầu-La tỉnh ngộ, phát
nguyện sửa đổi tâm tánh, tu luyện Mật Hạnh.
Phật dặn Xá-Lợi-Phất luôn luôn kềm cặp Ra-Hầu-La.
Một hôm, hai thầy trò Xá-Lợi-Phất và Ra-Hầu-La vào
thành Vương Xá để khất thực. Trên đường đi, chẳng may hai thầy trò gặp một toán
du đảng chận đường hành hung. Ra-Hầu-La bị chúng đánh chảy máu đầu, nên rất tức
giận, ôm đầu khóc thê thảm. Xá-Lợi-Phất từ tốn khuyên bảo :
- Nầy Ra-Hầu-La, tuổi đã 19 rồi, sắp thọ Cụ Túc giới,
ngươi hãy quyết tâm nhổ sạch tập khí ba độc bằng Mật
Hạnh nhẫn nhục cao độ. Kẻ hành giả không nên oán cừu thù hận, hãy đem
đức tánh từ bi thương yêu tất cả chúng sanh. Ở đời khen chê, vinh nhục là điều
không đáng cho người tu lưu tâm. Điều đáng cho hành giả ghi nhớ là sức mạnh của
nhẫn nhục có thể thắng tất cả sức mạnh khác, dù lớn lao đến đâu.
Vừa khuyên giải, Xá-Lợi-Phất vừa băng bó vết thương
cho Ra-Hầu-La. Khi về đến Tịnh xá, Xá-Lợi-Phất trình bày với Đức Phật các việc
xảy ra. Đức Phật an ủi Ra-Hầu-La :
- Nầy Ra-Hầu-La, nhẫn nhục là hạnh vô cùng cao quí.
Muốn thấy Phật, thuận Pháp, gần Tăng, ngươi hãy tu hạnh nhẫn nhục. Người biết
nhẫn nhục, tâm hồn thư thái an ổn, diệt trừ các tai họa, trí huệ phát sinh. Trí
huệ là kiếm báu chặt đứt gốc rễ Vô Minh, Tham ái, Ngã chấp. Người có trí huệ dù
có chung đụng với thế tục, vẫn không bị ô nhiễm. Nhẫn nhục là điều kiện làm
tăng thượng duyên, tuyên dương Chánh pháp, là tư tưởng để sớm được giải thoát
khỏi sinh tử luân hồi.
Để khải thị thêm, giúp Ra-Hầu-La có đủ điều kiện tu
tiến, chứng đắc quả Thánh, Đức Phật nói tiếp :
- Nầy Ra-Hầu-La, để nối tiếp dòng Thánh, không phụ
các ân, ngươi hãy nhìn thẳng vào thực tại của muôn vật. Ngươi có thấy một vật
nào đứng yên không ? Tất cả đều năng
động trong sinh diệt. Ngươi cần đem trí huệ soi suốt tánh vô thường vô ngã của
vạn vật, kể cả thân tâm của ngươi. Có rõ suốt như thế, tâm mới không chấp
trước, dính mắc ở bất cứ thứ gì, để tu niệm, hầu sớm giải thoát. Trong mình
ngươi có huyết thống cao quí, ngươi không nên trì trệ trên con đường tu học.
Nghe Phật cảnh tỉnh, Ra-Hầu-La choáng váng đầu óc,
dành mọi thời gian chuyên tâm tu luyện. Cuối cùng, Ra-Hầu-La trở thành bậc có
Mật Hạnh đệ nhứt, được Phật khen ngợi.
Ra-Hầu-La thuộc hàng 10 Đại đệ tử của Phật, chứng đắc phẩm vị A-La-Hán.
39 . Lê Lễ về rước gia đình
Theo Sử Ký Việt Nam, kể
từ khi nhà Minh bên Tàu đem quân sang nước ta tiêu diệt nhà Hồ (Hồ Quí Ly) với
chiêu bài diệt nhà Hồ, khôi phục nhà Trần, nhưng thực tâm là xâm chiếm
và đặt nền đô hộ lên nước VN.
Dưới sư đô hộ của nhà Minh, dân ta khổ nhục trăm
bề, tiếng oán than thấu đến Trời cao.
Năm 1418, một nhà chí sĩ đất Lam Sơn là Lê Lợi dựng
cờ khởi nghĩa, chiêu mộ binh mã, nổi lên đánh đuổi quân nhà Minh để giành độc
lập cho dân ta.
Trong suốt 10 năm gian khổ chiến đấu, Lê Lợi mới
đánh đuổi được quân Minh về Tàu.
Lúc đầu nghĩa quân binh ít, thế cô, lại bị nội
phản, nên Lê Lợi phải 3 lần rút quân về vùng núi hiểm trở Chí Linh cố thủ. Đa
số nghĩa binh đều có gia đình ở Lam Sơn, nên bọn giặc Minh vào Lam Sơn khủng bố
hay bắt giết những người thân của nghĩa binh. Nhiều gia đình có con em theo
nghĩa quân phải trốn qua xứ khác để tránh nạn khủng bố.
Lê Lễ là một vị tướng của Lê Lợi, được phép về Lam
Sơn rước gia đình gồm vợ và mẹ già lên vùng an toàn ở Chí Linh. Lê Lễ liền một
mình một ngựa, dong ruổi về Lam Sơn, gặp được đầy đủ : Mẹ, vợ và chị dâu. Lê Lễ
vội trình bày sơ qua tình hình nguy hiểm của gia đình, rồi khiến vợ gấp rút thu
xếp hành trang lên đường lánh nạn. Nhưng cả 3 người : Mẹ, chị dâu và vợ nhứt
quyết không chịu đi, bởi nghĩ rằng từ đây đến Chí Linh, đường quá xa xôi, chắc
gì lọt qua được các trạm gác của quân Minh, lại còn làm bận lòng cho Lê Lễ và
nghĩa quân. Còn đang dằn co phân trần thì có tin quân Minh sắp tràn đến. Lê Lễ
vội thúc giục gia đình ra đi.
Bất ngờ, mẹ
và chị dâu dùng dao tự sát, để Lê
Lễ khỏi phải bận tâm với mẹ già và gia đình, đem hết tinh thần giết giặc.
Lê Lễ bất thần chứng kiến cảnh thương tâm quá đột
ngột, vội đào đất chôn xác mẹ và chị dâu, rồi hối hả gọi vợ lên ngựa thoát chạy
về hướng Chí Linh. Chạy được một đổi thì bị quân Minh chận đường. Lê Lễ vội cho
ngựa rẽ qua lối khác. Dân chúng lao nhao chạy loạn, lửa cháy rực Trời. Lê Lễ
chạy suốt một đêm, đến sáng thì tới một cánh đồng trước mặt, người ngựa mệt
nhoài. Nhưng phía sau và phía trái đều có quân Minh vây phủ. Lê Lễ phải thúc
ngựa đi qua cánh đồng. Người vợ ở phía sau lưng, liền cất tiếng nói cương quyết
: “ Em đã theo anh suốt một quãng đường dài, người ngựa đã thấm mệt, anh cần
một mình một ngựa mới có thế thoát qua khỏi vòng vây. Xin vĩnh biệt.”
Lê Lễ giựt mình quay lại thì người vợ ngồi phía sau
cũng vừa tự sát. Lê Lễ quá đau lòng, biết rằng vợ chàng hy sinh để cho chàng
được sống mà lo cứu nước. Chàng chỉ kịp nhìn xác vợ rơi từ lưng ngựa xuống đất,
đồng thời quân Minh cũng vừa đuổi tới, chàng đành gạt lệ phóng ngựa qua cánh
đồng, thoát khỏi vòng vây của quân Minh, trở về Chí Linh, với bao nhiễu nỗi
niềm sầu hận.
Gương tiết liệt của 3 người phụ nữ thật cao quí
thay !
Nó đã ung đúc trang chiến sĩ anh hùng đất Lam Sơn
hết lòng chiến đấu vì dân vì nước, quyết đánh đuổi quân Minh, đem lại độc lập
và thanh bình cho đất nước.
40 . Dương Giác Ai tử hữu - Tả Bá Đào
Tử hữu là chết vì bạn. Dương Giác Ai tử hữu là Ông Dương Giác Ai chết vì bạn, người bạn đó là Ông Tả Bá Đào.
Thời Xuân Thu, vua nước Sở là Sở Nguyên Vương rất
sùng Nho trọng Đạo, chiêu hiền đãi sĩ. Người trong thiên hạ hạ nghe tiếng tìm
đến rất đông.
Thuở ấy, tại núi Tích Thạch xứ Tây Khương có một
hiền sĩ họ Tả tên Bá Đào, cha mẹ đều mất sớm, nhưng có chí học hành, sớm trở
thành người có tài an bang tế thế.
Tả Bá Đào, tuổi gần 40, nhưng gặp lúc chư Hầu thôn
tính lẫn nhau, người thi hành nhân chính thì ít mà kẻ tàn bạo thì nhiều, nên
không ra làm quan. Sau nghe tin Sở Nguyên Vương hâm mộ nhân nghĩa, đãi sĩ chiêu
hiền, nên từ biệt xóm giềng, vai mang túi sách, lên đường đi đến nước Sở. Khi
đến đất Ung, gặp lúc mùa Đông gió rét, Tả Bá Đào dầm mưa cả ngày, quần áo ướt
sủng, thấy mặt Trời sắp lặn, vội tìm đến một xóm để xin tạm trú qua đêm. Từ xa,
thấy trong rừng trúc có ánh đèn chiếu qua cửa sổ, Tả Bá Đào bước nhanh tới,
thấy một gian nhà lá có hàng rào thấp xung quanh, bèn đẩy cánh cổng bước vào,
gõ nhẹ lên cửa. Một người đàn ông trong nhà bước ra, Tả Bá Đào thi lễ nói :
- Tiểu nhân là người ở Tây Khương, tên Tả Bá Đào,
muốn đến nước Sở, không ngờ giữa đường gặp mưa, không tìm được quán trọ, nên
đến đây xin ngủ nhờ một đêm, mai lại lên đường sớm, không biết Ông chủ có cho
phép không ?
Người chủ nhà nghe nói vậy thì vội vàng đáp lễ, rồi
mời vào nhà. Tả Bá Đào nhìn quanh nhà chỉ thấy có mỗi một cái giường chất đầy
sách, ngoài ra không có đồ đạc gì đáng kể. Tả Bá Đào biết chủ nhà nầy là một
nho sĩ. Người ấy nói :
- Để tôi
nhúm lửa hong quần áo của anh cho khô rồi chúng ta sẽ nói chuyện.
Nói rồi nhúm lửa, hong quần áo cho Tả Bá Đào, rồi
hâm rượu cùng thức nhấm, mời Tả Bá Đào dùng cho ấm với thái độ ân cần. Tả Bá
Đào hỏi tên họ chủ nhà, người ấy đáp :
- Tiểu sinh họ Dương, tên Giác Ai, cha mẹ mất sớm,
ở đây một mình, bình sanh rất ham đọc sách, bỏ việc nông tang. Nay may mắn gặp
hiền sĩ từ xa đến đây, chỉ giận mình nghèo, không có gì thết đãi, mong đừng chê
trách.
Tả Bá Đào nói :
- Trong lúc
mưa gió lạnh lẽo, được cho ngủ nhờ, lại có cơm rượu là quí lắm rồi, ơn ấy không
quên.
Hai người cùng nhấp chén rượu nóng, trò chuyện về
học vấn, và hoài bão của mình, suốt đêm không ngủ, cảm thấy thân thiết nhau,
nên đồng kết làm anh em. Tả Bá Đào lớn hơn Dương Giác Ai 5 tuổi nên làm anh. Tả Bá Đào ở nhà Dương Giác Ai 3 ngày
thì mưa tạnh đường khô. Tả Bá Đào nói :
- Hiền đệ có tài vương tá, ôm chí kinh luân, sao
không nghỉ đến chuyện sử sách lưu danh, lại cam ẩn thân nơi rừng suối, thật
đáng tiếc lắm vậy !
- Không phải em không muốn ra làm quan, nhưng chỉ
vì hoàn cảnh chưa thuận tiện mà thôi.
- Nay Sở Vương có lòng cầu hiền, nếu hiền đệ có chí
ra giúp đời nên cùng anh đi đến đó.
- Xin tuân lời huynh trưởng.
Dương Giác Ai liền thu xếp hành trang, với một túi
gạo, cùng một ít tiền dành dụm bấy lâu đem theo làm lộ phí.
Hai người lên đường đi về phương Nam, hướng đến
nước Sở. Đi được mấy ngày thì Trời đổ mưa to, phải tạm trú nơi lữ quán, tiền lộ
phí dần dần hết sạch, chỉ còn một túi gạo, 2 người thay nhau vác gạo đội mưa mà
đi. Mưa vẫn không tạnh, lại thêm có tuyết. Hai anh em qua khỏi Kỳ
Dương, đến vùng Lương Sơn, hỏi
thăm tiều phu đường đi. Họ nói là từ đây đi hơn trăm dặm nữa không có bóng
người, đều là đồng không mông quạnh, thú dữ hoành hành, tốt nhất là đừng đi tới
nữa.
Tả Bá Đào hỏi ý kiến của Dương Giác Ai :
- Hiền đệ nghĩ thế nào ?
- Từ xưa có câu : Tử sanh hữu mệnh. Đã đến đây,
phải cố đi tiếp, không nên thối chí.
Lại đi thêm một ngày nữa, tối ngủ nơi cổ mộ, quần
áo không đủ ấm, gió lạnh thấu xương. Hôm sau, tuyết lại rơi nhiều hơn nữa. Tả
Bá Đào chịu lạnh không nổi, nói :
- Anh thấy đi hơn trăm dặm nữa, không có bóng người,
lương thực không đủ, quần áo mỏng manh, nếu chỉ một người đi, may ra có thể đến
được nước Sở, còn nếu 2 người cùng đi, ắt phải chết lạnh hoặc chết đói dọc
đường, nào có ích chi. Anh đưa quần áo cho em mặc, với số lương thực còn lại
nầy, em có thể đến được nước Sở. Anh quả thật không đi nổi nữa, cam chịu chết ở
đây. Hiền đệ gặp Sở Vương, ắt được trọng dụng. Lúc ấy hiền đệ trở lại đây mà
chôn cất thi thể của anh.
Dương Giác Ai nói :
- Sao hiền huynh lại nghĩ thế ! Anh em ta đã kết
nghĩa thì tình như cốt nhục, em không thể bỏ anh chết tại đây để một mình đi tìm công danh.
Nói rồi nhứt định không nghe, dìu Bá Đào đi tiếp,
được chừng 10 dặm, Tả Bá Đào nói :
- Gió tuyết càng nhiều, làm thế nào đi tiếp được
nữa. Hãy tìm một nơi tạm nghỉ.
Nhìn trước mặt thấy một cây dâu già có thể làm chỗ
tránh tuyết được, nhưng chỉ đủ chỗ cho một người. Dương Giác Ai liền đỡ Tả Bá
Đào đặt ngồi nơi cội dâu, rồi chạy đi tìm củi đốt. Khi đem mấy cây củi về thì
thấy Bá Đào đã cổi hết áo quần, nằm trần chờ chết. Dương Giác Ai kinh hoảng nói
:
- Sao hiền huynh lại làm như vậy ?
- Anh đã suy
nghĩ kỹ, không còn lối thoát, hiền đệ chớ làm lỡ. Mau lấy quần áo của anh mặc
vào cho đủ ấm, mang túi lương thực lên đường ngay, anh cam chịu chết nơi đây.
Dương Giác Ai ôm Tả Bá Đào khóc lớn :
- Hai anh em ta thà cùng chết nơi đây cho trọn tình
nghĩa, nỡ nào lại chia ly !
Tả Bá Đào rán sức nói :
- Nếu chết cả ở đây thì lấy ai chôn nắm xương tàn ?
- Đã vậy, em xin nhường áo cho anh, để anh tiếp tục
đi, em cam chịu chết tại đây.
- Anh vốn lớn tuổi hơn em, lại mang nhiều bệnh tật
nên sức yếu nhiều, còn em đang hồi cường tráng, học vấn lại uyên thâm, anh
không bì kịp với em. Nếu em gặp được Sở Vương ắt được trọng dụng, anh chết ở
đây mãn nguyện rồi. Khi hiển đạt, em trở về đây chôn cất xác anh.
Dương Giác Ai nhìn Tả Bá Đào thấy hơi thở yếu dần,
một lúc sau thì tắt hẳn. Cảm thấy đau lòng vô cùng, quá thương tiếc một nghĩa
huynh liều chết thay cho mình. Giác Ai khóc lóc thảm thiết, rồi suy nghĩ : Bây
giờ nghĩa huynh đã chết rồi, nếu ta mãi lưu luyến nơi đây thì ta cũng sẽ chết
cóng, rồi ai mai táng hài cốt của nghĩa huynh, vả lại nếu ta liều chết ở đây
thì phụ tấm lòng hy sinh của nghĩa huynh.
Dương Giác Ai bèn lạy Bá Đào, vừa khóc vừa nói :
- Em ra đi, xin hương hồn hiền huynh phò hộ cho em
đến nơi đến chốn, lập được chút công danh, rồi sẽ trở lại ngay đây mai táng hài
cốt và làm mộ cho hiền huynh.
Tả Bá Đào dường như gật đầu. Dương Giác Ai đem đặt
thi thể của Bá Đào vào trong hốc cây dâu già, bẻ cành cây rấp lại cho kín, rồi
mặc quần áo của Bá Đào vào mình, vác gói lương thực lên đường. Dương Giác Ai
lần hồi đến được kinh đô nước Sở, vào thành hỏi thăm dân chúng.
- Sở Vương cầu hiền tài, làm thế nào tiến cử được ?
Có người đáp :
- Ngoài cửa cung có lập nhà Công quán, vua sai quan
Thượng Đại Phu Bùi Trọng đón tiếp kẻ sĩ trong thiên hạ.
Dương Giác Ai tìm đến Công quán, quan Thượng Đại
Phu cũng vừa tới và bước xuống xe. Giác Ai liền đến vái chào. Bùi Trọng thấy
Giác Ai, tuy quần áo lam lũ nhưng cốt cách phi phàm, vội vàng đáp lễ, mời vào
Công quán, hỏi :
- Hiền sĩ từ đâu tới ?
- Tiểu sinh tên là Dương Giác Ai, người xứ Ung
Châu, nghe Thượng quốc chiêu hiền nên lặn lội tới đây ứng mệnh.
Bùi Trọng
cho dọn cơm nước và rượu thịt thết đãi Giác Ai, giữ lại nghỉ ngơi. Hôm
sau, Bùi Trọng đến Công quán đàm luận để xem học vấn của Giác Ai thế nào. Giác
Ai đối đáp rành mạch, biện luận trôi chảy, đưa ra nhiều sáng kiến hay. Bùi
Trọng vào triều tâu với Sở Vương các việc. Sở Vương triệu Dương Giác Ai vào
triều, hỏi cách làm cho nước Sở phú cường. Dương Giác Ai dâng lên 10 sách lược,
rất thiết thực cho nước Sở. Nhà vua vui
mừng, bày ngự yến thết đãi rồi phong Dương Giác Ai vào chức Trung Đại Phu, tặng
cho 100 lượng vàng, 100 tấm gấm. Dương Giác Ai lạy tạ Sở Vương nhưng nước mắt
lại chảy ròng ròng. Sở Vương lấy làm lạ hỏi :
- Sao khanh lại khóc như vậy ?
Dương Giác Ai bèn tâu lên vua Sở việc cùng Tả Bá
Đào kết nghĩa, cùng ứng mệnh đi đến nước Sở, nhưng giữa đường gặp gió tuyết dữ
dội, vv . . . Giác Ai thuật hết đầu đuôi, vua Sở nghe xong rất cảm động, hết
sức thương cảm Bá Đào, các quan trong triều cũng xót xa thương tiếc. Vua Sở hỏi
:
- Bây giờ ý
khanh thế nào ?
- Thần xin được nghỉ phép ít ngày để trở lại đó lo
chôn cất thi thể của nghĩa huynh, công việc xong, thần xin trở về đây ngay để phục vụ Đại vương.
Sở Nguyên
Vương chấp thuận, truy phong Tả Bá Đào làm Trung Đại Phu, ban cho nhiều lễ vật
để cúng tế, sai quân sĩ theo làm tùy tùng, cùng Dương Giác Ai trở lại tìm thi
thể của Tả Bá Đào. Dương Giác Ai lạy tạ Sở Vương, rồi cùng đoàn tùy tùng đi trở
lại vùng Lương Sơn, tìm đến gốc dâu già, quả thấy thi thể của Tả Bá Đào còn
nguyên tại đó. Dương Giác Ai khóc, lạy Tả Bá Đào, xong bảo quân sĩ tùy tùng mời
các vị phụ lão trong vùng đến đây. Giác Ai đi quanh khu vực nầy để tìm chỗ tốt
mà an táng nghĩa huynh.
Giác Ai tìm thấy một chỗ đất gần đó có phong thủy
rất tốt. Giác Ai dùng nước thơm rửa thi thể Bá Đào, rồi mặc vào phẩm phục triều
đình Trung Đại Phu cho Tả Bá Đào do Sở Vương ban tặng, liệm vào quan tài, tế lễ
trọng thể rồi an táng nghĩa huynh nơi chỗ đất đã chọn. Giác Ai cho xây mộ, có
tường bao bọc chung quanh, trồng cây cảnh, xây trụ hoa biểu, trên đề rõ danh
tánh, chức phận, rồi xây một nhà thờ cách mộ 30 thước, đắp tượng Tả Bá Đào,
mướn người trông coi nhang khói và giữ gìn phần mộ.
Mọi việc làm xong. Dương Giác Ai tế lễ Tả Bá Đào
nơi đền thờ, nhớ thương khóc lóc thảm thiết. Các phụ lão trong vùng đến dự thấy
cảnh ấy cũng rơi lệ.
Đêm ấy, Dương Giác Ai ngồi buồn một mình dưới ánh
đèn khuya, chợt thấy một người mờ ảo đến trước ánh đèn, nhìn kỹ thì ra đó là Tả
Bá Đào hiện hình về. Giác Ai cả sợ hỏi :
- Hiền huynh hiện hồn về gặp em có điều gì chăng ?
Hồn Tả Bá Đào nói :
- Cám ơn hiền đệ giữ đúng lời hứa về đây lo cho anh
đầy đủ, lại xin quan hàm cho anh, anh cám ơn em vô hạn, nhưng phần mộ của anh
nằm gần phần mộ của Kinh Kha, người nầy lúc còn sống đi hành thích vua Tần Thủy
Hoàng, không thành công, nên bị giết chết, Cao Tiệm Ly lén đem thây hắn về chôn
cất nơi đây, hắn hung hăng dũng mảnh, đêm thường mang kiếm đến đây mắng nhiếc
anh sao dám đến đây chiếm cái thế đất tốt của hắn, đòi anh phải dời đi nơi khác, nếu không hắn
đến quật mồ vứt thây anh ra ngoài đồng. Vì sự nguy hiểm như thế, nên anh hiện
lên báo cho em biết, mong em cải táng anh qua nơi khác để tránh tai họa. Dương
Giác Ai định hỏi lại, bỗng cơn gió nổi lên, rồi Tả Bá Đào biến mất.
Sáng ra,
Dương Giác Ai liền đến hỏi các bô lão trong vùng. Các hương lão nói :
- Trong khu rừng kia, có ngôi mộ của tráng sĩ Kinh
Kha, trước mộ có ngôi miếu. Kinh Kha rất linh ứng, dân chúng lập miếu thờ, 4
mùa cúng tế, để cầu phước và cầu an cho làng.
Dương Giác Ai nghe xong mới tin thiệt câu chuyện
gặp hồn Tả Bá Đào hiện về hồi khuya. Giác Ai đem quân sĩ theo, đến mộ Kinh Kha,
rút gươm chỉ vào tượng Kinh Khá mắng :
- Mi là đứa thất phu nước Yên, được Thái tử Đan nuôi
dưỡng, gái đẹp và của quí đều hưởng dụng, thế mà không nghĩ được mưu kế hay mà
hành thích vua Tần đến nỗi thất bại hại thân, hỏng việc nước, thế mà dám đến
đây mê hoặc dân chúng để vòi tế lễ. Nay anh ta là Tả Bá Đào, danh sĩ đời nay,
nghĩa nhân gồm đủ, sao mi dám dùng cường lực uy hiếp. Nếu còn thói ấy, ta sẽ
phá miếu, quật mồ để tuyệt diệt cái thứ nhà mi.
Mắng xong, Giác Ai trở về mộ của Tả Bá Đào, vái :
- Nếu đêm nay Kinh Kha đến phá anh thì xin anh báo
cho em biết, để em tìm cách trị hắn.
Đêm ấy, Dương Giác Ai chong đèn nơi nhà thờ ngồi
chờ. Quả thật, đến khuya, Bá Đào hiện đến nghẹn ngào nói :
- Cảm ơn hiền đệ hổ trợ, nhưng bọn bộ hạ của Kinh
Kha đông lắm, anh đánh không lại. Ngày mai em cho bện nhiều hình nhân bằng cỏ,
lấy lụa làm áo, tay cầm khí giới, đốt trước mộ anh để chúng xuống trợ lực với
anh đánh Kinh Kha.
Nói xong, Tả Bá Đào biến mất.
Dương Giác
Ai cho đám tùy tùng làm đúng theo lời Tả Bá Đào yêu cầu, đốt hình nhân xong thì
Giác Ai khấn rằng :
- Nếu như hiền huynh được vô sự thì cho em biết.
Đêm ấy, Dương Giác Ai cũng chong đèn trong nhà thờ,
thức khuya chờ đợi. Giác Ai nghe như có gió mưa, và tiếng binh khí chạm nhau
như đang có một trận chiến. Giác Ai ra sân đứng nhìn, bỗng thấy hồn Tả Bá Đào
chạy tới, nói :
- Những hình nhân của hiền đệ giúp anh không có tác
dụng gì. Kinh Kha lại có thêm Cao Tiệm Ly đến giúp sức, anh đánh không lại
chúng, thế nào cũng bị chúng quật xác lên khỏi mộ. Em nên dời mộ anh đi chỗ
khác.
- Tên ấy sao dám khinh thị anh, em nhứt định sẽ
đánh hắn cho hắn biết tay.
- Em là người dương thế, anh là người cõi Âm, người
dương thế tuy có dũng mãnh nhưng âm dương cách trở, thì làm sao em đánh Kinh
Kha được ?
- Hiền huynh cứ yên tâm, ngày mai em sẽ có cách.
Sáng hôm sau, Giác Ai dẫn quân đến miếu Kinh Kha,
chửi mắng một hồi, rồi đập tan cốt tượng Kinh Kha, định nổi lửa đốt miếu, nhưng
các hương lão và dân chúng đến kịp, van xin Giác Ai đừng phá miếu, sợ tổn hại
cho dân làng.
Dương Giác Ai đành thôi, trở về nhà thờ Tả Bá Đào,
ngồi suy nghĩ, rồi viết một tờ biểu văn dâng lên Sở Vương, đại ý nói rằng :
Ngày trước, Tả Bá Đào nhường cơm áo cho thần để thần được sống mà gặp Đại
Vương, được Đại Vương phong chức tước và ban cho vàng lụa. Ước nguyện bình sanh
đã thỏa, xin cho thần kiếp sau dốc hết lòng báo đáp quân ân, còn nay xin cho
thần được trả nghĩa đệ huynh.
Lời lẽ viết trong biểu vô cùng thống thiết. Viết
xong niêm lại giao cho kẻ tùy tùng đem về kinh đô dâng lên Sở Vương. Dương Giác
Ai đến trước phần mộ Tả Bá Đào, khóc lớn, bảo kẻ tùy tùng rằng :
- Anh ta bị hồn ma Kinh Kha làm hại, không biết ở
đâu. Ta không nỡ ngồi nhìn, muốn đập nát miếu hắn thì bị dân làng ngăn cản, nay
ta đành liều chết để làm người cõi âm, giúp anh ta chiến đấu với Kinh Kha. Các
ngươi đem thi thể của ta chôn kế mộ của anh ta, để anh em sống chết đều gần
nhau, báo đền nghĩa lớn của anh ta, rồi các ngươi về triều tâu lại với Sở Vương
tất cả các việc, xin Sở Vương nghe theo trung thần mà tô bồi xã tắc cho cường
thịnh trường tồn.
Nói xong, Dương Giác Ai rút kiếm tự đâm cổ chết.
Đêm ấy, vào canh hai, bỗng mưa to gió lớn, sấm chớp
vang rền, nghe tiếng hô “giết, giết” vang xa mấy dặm. Sáng ra, mọi người thấy
mộ Kinh Kha bị nứt tung, xương trắng văng lên vung vải trước mộ, những cây tùng
bách quanh mộ đều bị bật gốc, miếu thờ Kinh Kha bỗng bị cháy thành tro bụi.
Các hương lão thất kinh, biết rằng Kinh Kha đã bị 2
Ông quan Trung Đại Phu đánh bại. Các hương lão đốt hương khấn vái 2 Ông Dương
và Tả.
Những người tùy tùng trở về nước Sở dâng biểu lên
vua Sở và tâu bày rõ hết các sự nghe thấy. Vua Sở rất cảm động về nghĩa khí của
2 người, sai quan đến nơi lập miếu thờ, gia phong là Thượng Đại Phu, sắc tứ
hoành phi đề 4 chữ “TRUNG NGHĨA CHI TỪ”, lại cho dựng bia ghi lại câu chuyện
làm gương tốt cho đời sau, cấp ruộng để dân chúng làm từ điền, 4 mùa cúng tế.
Âm hồn của Kinh Kha từ đấy không còn linh nữa.
Dân làng từ đây cúng tế nơi 2 ngôi mộ của 2 vị Tả
Bá Đào và Dương Giác Ai, cầu rất linh thiêng.
Có thơ xưa lưu lại rằng :
Xưa
nay nhân nghĩa trùm thiên hạ,
Chỉ ở lòng người trong tấc gang.
Trung
Nghĩa chi từ, Dương-Tả Bá,
Anh linh
còn mãi, ánh trăng hàn.
41 . Chúa Jésus Christ bị đóng đinh trên Thập tự giá
chịu tội cho loài người.
Đức Chúa Jésus Christ là chơn linh của Đấng
Christna Phật giáng trần. Năm Đức Chúa 30 tuổi, Đức Chúa đến bờ sông Jourdain
thọ Phép Giải Oan với Thánh Jean Baptiste, Đức Chúa bắt đầu truyền đạo. Ngài
thâu nhận 12 Thánh Tông đồ và làm nhiều phép lạ để cứu khổ nhơn sanh.
Ngài xưng là con của Đấng Thượng Đế tức là Đức Chúa
Trời và tôn vinh Thượng Đế cao cả.
Đức Phạm Hộ Pháp thuyết đạo nhân ngày vía Đức Chúa
Jésus (Gia Tô Giáo chủ) ngày 25-12-1948 và ngày 25-12-1949, xin trích ra sau
đây :
“ Có một Đấng Chơn linh Tam Thế Chí Tôn, nhơn loại
đều biết danh, đó là : Nhứt thế là Brahma Phật tức nhiên Tạo hóa; Nhị thế là
Civa Phật tức nhiên Tấn hóa, Tam thế là Christna Phật tức nhiên Bảo tồn. Đấng
trọn quyền bảo tồn ấy là lòng ái tuất thương sanh vậy.
Vì cớ cho nên Đức Chúa Jésus Christ thương nhơn
loại một cách nồng nàn thâm thúy. Ngài đã ngó thấy Nhứt Kỳ Phổ Độ, nhơn loại ký
hòa uớc với Đức Chí Tôn mà đã bội ước, nên phạm Thiên điều, nhơn quả của nhơn
loại gớm ghiếc. Do nhơn quả ấy mà tội tình nhơn loại lưu trữ đến ngày nay.
Thánh giáo gọi là “TỘI TỔ TÔNG”. Chính mình Ngài đến, đến với một xác thịt phàm
phu, Ngài đến giơ tay ký Đệ Nhị Hòa ước với Chí Tôn, chịu tội cho nhơn loại, ký
Đệ Nhị Hòa ước đặng dìu dắt chúng sanh trở về cùng Đấng Cha lành của họ, tức
nhiên là Đức Chí Tôn của chúng ta ngày nay đó vậy. Đấng ấy vô tận vô biên, thấy
nạn của nhơn loại dẫy đầy, Ngài chỉ xuống mặt thế nầy làm con tế vật đặng chuộc
tội cho nhơn loại, mà còn đem quyền của Chí Tôn để nơi tay của nhơn loại.
Bàn tay đó đã ký Đệ Nhị Hoà ước cho nhơn loại, nó
làm cho Ngài thế nào ? Do tay Ngài ký tờ Hòa ước với Chí Tôn nên 2 tay của Ngài
bị đóng đinh trên cây Thập tự giá. Hai chân của Đấng ấy đã đi trước nhơn loại,
dìu đường Hằng sống cho họ, rồi 2 chân của Đấng ấy cũng bị đóng đinh trên cây
Thánh giá. Còn trái tim yêu ái nhơn sanh vô hạn ấy bị một mũi kiếm vô tình đâm
cạnh hông Ngài, lấy giọt máu cuối cùng đó đặng cứu nhơn loại. Một tình ái vô
biên ấy để lại cho loài người một tôn chỉ yêu ái, tôn chỉ nhìn nhơn loại là anh
em cốt nhục và khuyên nhủ nhơn loại coi nhau đồng chủng.
Cho đến ngày nay, toàn cả nhơn loại trên địa cầu
nầy không chịu nghe lời Ngài, không theo bước của Ngài, nên nạn tương tàn tương sát sắp diễn ra gần đây. Nhưng nếu
chừng nào toàn cả nhơn loại biết tôn trọng nhau, vì tình cốt nhục, thì cái nạn
tương tàn tương sát trên mặt địa cầu nầy sẽ không còn nữa. Hai tấn tuồng, hai
thảm trạng như thế có thể đưa nhơn loại đến chỗ tiêu diệt mà chớ, vì nhơn loại
không nghe Đấng ấy. Đấng ấy đã lấy máu thịt của mình làm con tế vật dâng hiến
cho Đức Chí Tôn để cầu xin tha tội cho nhơn loại.
Nhơn loại sẽ mất đức vì không nghe theo Đấng Cứu
Thế. Đấng ấy đã bảo anh em phải yêu ái lẫn nhau, giúp đỡ lẫn nhau, sống cùng
nhau cho trọn kiếp sanh.
Trái ngược lại, Đệ Nhị Hòa ước kia đã ký với Đức
Chí Tôn bị nhơn loại bội ước nữa. Vì bội ước mà bảo nhơn loại không bị tội tình
mắc mỏ sao được.
Đêm nay, nhờ hiển Thánh anh linh của Đấng Cứu Thế,
Đấng ấy đã để lòng yêu ái vô tận, mong cứu vãn tình thế nguy ngập, lấy cả tình
ái ấy làm phương giải khổ cho nhơn loại. “
“ Cái chết của Đức Chúa Jésus Christ là gì ? Là
Ngài đem xác Thánh quí trọng dâng cho Đức Chí Tôn làm tế vật. Xác Thánh chết
trên Thánh giá là tế lễ đồng thể với Tam Bửu của chúng ta dâng cúng Đức Chí Tôn
ngày nay đó vậy.
Vậy Đức Chúa Jésus Christ đã làm con tế vật cho Đức
Chí Tôn đặng cứu chuộc tội lỗi của loài người, nhứt là các sắc dân Âu Châu, nên
danh thể của Ngài để 2 chữ Cứu Thế chẳng có chi quá đáng. “
“ Ngài chết như thế ấy, nếu không phải con mắt
thiêng liêng oai quyền của Đức Chí Tôn, thì cái chết của Jésus Christ mai một
thôi, không có cái gì là Chí Thánh cả. Không phải vậy, Đức Chí Tôn đã hứa, nhìn
nhơn loại là con và chính mình Ngài đã ở trọn hiếu, cùng hy sinh tánh mạng của
mình cho danh thể của Đức Chí Tôn cao trọng và làm cho nhơn loại đặng hưởng đặc
ân của Đức Chí Tôn chan rưới, làm cho con cái của Đức Chí Tôn biết cái hiếu của
Ngài. Từ thử tới giờ chưa có một Giáo chủ nào làm. Cái hiếu của Ngài đến giờ
chót đối với Đức Chí Tôn đã trọn. Còn Đức Chí Tôn, nếu không giữ nghĩa với đứa
con yêu dấu, đứa con hiếu hạnh thì cái chết của Jésus bất quá như kẻ tù nhân
chết mà thôi, không có cái gì gọi là Chí Thánh cả, có đâu Ngài lên tới phẩm vị
Giáo chủ, ngồi trên chiếc ngai thiêng liêng vô cùng quí báu trên mặt địa cầu
nầy gần 2000 năm.
Trong lúc Đức Chúa Jésus Christ làm con hiếu hạnh
có 3 năm mà thôi, mà Đức Chí Tôn trả lại cái danh dự sang trọng cho Ngài đến
1949 năm là năm nay.”
42 . Hoàng tử Việc-Văn-Tôn
cùng thê tử kỵ lạc đà qua sa mạc.
Việc-Văn-Tôn, là chữ
phiên âm từ tiếng Phạn : Tu-Đại-Na hay Tu-Đại-Noa. Đây là câu chuyện về tiền
thân của Đức Phật Thích Ca là Hoàng tử Việc-Văn-Tôn cùng với vợ và con, cỡi lạc
đà băng qua sa mạc. Hoàng tử thực hành hạnh Bố thí Bất nghịch ý, tức là Bố thí
Ba-La-Mật.
Bố thí Ba-La-Mật hay Bố
thí Bất nghịch ý là bố thí một cách vô tư, bình đẳng, không thấy mình thi ân và người kia là thọ ân,
không phân biệt kẻ thân người sơ, kẻ oán người thù, và nhứt là không tiếc nuối
bất cứ vật gì, dù là thân mạng.
Thuở quá khứ, tại nước Diệp-Ba có vị
Quốc Vương hiệu là Thấp-Tây, tên Tát-Xà, nguyên là vị vua minh chánh, hiền
lành. Cho nên, từ khi Ngài lên ngôi trị vì, các quan trong triều và dân chúng
đều gội nhuân ơn huệ.
Vua Tát-Xà có một Hoàng tử tên là Việc-Văn-Tôn,
thật đẹp trai, tánh từ hòa hiếu thảo, nên được vua cha và Hoàng hậu cưng yêu vô
cùng.
Từ khi Hoàng tử lớn khôn thì Ngài nghĩ rằng: “Thế
thường người ta lầm tưởng cái thân tứ đại giả hiệp nầy là bền chắc, việc giàu
sang là có thể giữ được lâu dài, nên suốt năm chỉ quanh quẩn với gia đình, tính
những việc lợi lộc cho mình, dầu có hại ai cũng chẳng kể. Chớ như người thức
đạt, suy ngẫm cho kỹ thì thấy rõ cuộc đời là giả tạm, danh lợi là phù du. Ta
nghĩ kiếp trước chắc ta đã trồng nhiều thiện duyên nên nay mới được sanh làm
Hoàng tử. Vậy ta cũng nên dùng cái cơ hội nầy mà thực hành Bố thí giúp ích quần
sanh thì ngày sau ta có thể hưởng phước dư vô tận.”
Hoàng tử nghĩ tới đó thì từ tâm càng thêm phát lộ,
rồi Ngài phát nguyện bố thí bất nghịch ý mà tế
độ nhơn sanh. Hễ ai muốn có áo
mặc, cơm ăn, nhà ở, ngựa xe, bạc vàng, ruộng đất thì Ngài đều cho tất cả.
Vì vậy mà trong dân chúng, ai ai cũng kính phục cái
gương bố thí rất hiếm có của Ngài.
Thuở ấy, vua Tát-Xà có một con Bạch tượng có sức
mạnh hơn cả 60 voi thường. Khi nào biên cương có giặc gây rối loạn thì cỡi Bạch
tượng nầy đi dẹp giặc thì thành công. Vua Phiên (ở nước láng giềng) rất muốn
bắt con Bạch tượng nầy, nghĩ ra một kế, đòi 8 vị Phạm Chí vào nghị rằng : Hoàng
tử Việc-Văn-Tôn là bậc nhơn từ, đang lập hạnh bố thí Ba-La-Mật. Trẫm cậy các
khanh qua nước Diệp-Ba, yêu cầu Hoàng tử cho con Bạch tượng, đem về đây Trẫm sẽ
trọng thưởng.
Tám người Phạm Chí lãnh mạng đi đến nước Diệp-Ba.
Tám người Phạm Chí nói với người giữ cửa rằng :
- Chúng tôi nghe Hoàng Tử của Thượng quốc là người
nhơn từ giàu lòng bố thí, nên chúng tôi đến đây xin ra mắt Ngài mong Ngài tế
độ, cầu xin quí quan vào tâu giùm.
Home [ 1 ] [ 2 ] [ 3 ] [ 4 ] [ 5 ] [ 6 ] [ 7 ] [ 8 ]
Home [ 1 ] [ 2 ] [ 3 ] [ 4 ] [ 5 ] [ 6 ] [ 7 ] [ 8 ]
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét