91 Điễn Tích Nơi Hành Lang Báo Ân Từ - 7 / 8 (Kim Hương)


Quan giữ cửa vào tâu với Hoàng tử, Hoàng tử liền bước ra chào 8 Ông Phạm Chí nói rằng :
- Các Ông ở đâu tới đây,  trong ý muốn việc gì ?
- Bẩm Hoàng tử, chúng tôi nghe danh Ngài vang dội xa gần, đức Ngài sánh dường Trời Đất, chí nguyện của Ngài lớn tựa Thái sơn, nên chúng tôi mang thân già đến đây, xin Ngài ban ơn cho chúng tôi xin con Bạch tượng để cỡi cho khỏe, đi xa cho tiện. Ngài có vui vẻ bố thí không ?

Hoàng tử  liền đáp :
- Được, mà tôi còn hộ thêm vàng bạc cho 8  Ông nữa.

Hoàng tử vào lấy vàng bạc và bắt Bạch tượng dẫn ra cho 8 Ông. Họ mừng rỡ leo lên ngồi trên Bạch tượng, lãnh vàng bạc rồi từ giã đi.

Lúc ấy trong hàng bá quan của triều đình, ai nấy thấy việc như vậy thì tức tối, nên nói  với  nhau : Lâu  nay  nhờ  sức hùng dũng của Bạch tương  mà nước nhà được yên ổn, dân chúng thái bình. Nay Hoàng tử đem Bạch tượng tặng cho nước Phiên địch thì nước ta lấy chi mà nhờ cậy.

Nói rồi bá quan đem chuyện ấy tâu lên vua Tát-Xà. Nhà vua buồn bực, suy nghĩ một hồi rồi phán rằng :
- Hoàng tử lấy sự bố thí giúp người là phải. Nếu Trẫm ra lịnh cấm hoặc bắt phạt thì có mang tiếng chăng?

- Muôn tâu Bệ hạ, việc Hoàng tử đem voi báu cho nước nghịch là điềm mất nước, bởi vì lúc dựng nên bờ cõi nầy, Bệ hạ nhờ sức của voi báu ấy. Chúng thần nghĩ rằng nếu để Hoàng tử tiếp tục bố thí bất nghịch ý thì chẳng bao lâu kho tàng hết sạch, thì làm sao triều đình lo các việc cho đất nước.

Vua và quần thần luận tội Hoàng tử, bắt Hoàng tử đày ra vùng núi Đàn Đặc 10 năm để Hoàng tử ăn năn hối ngộ.

Hoàng tử nói với vợ là Công chúa Mạn Trà rằng :
- Tôi vì bố thí bất nghịch ý, đem Bạch tượng cho người nước nghịch nên triều đình bắt tội, đày ra núi Đàn Đặc 10 năm. Nơi ấy xa xôi cách trở, rừng núi hoang vu, khuyên nàng rán ở Hoàng cung chờ tôi 10 năm, lo bảo trọng lấy thân và tu sửa tâm tánh theo đường đạo đức thì mai sau sẽ được tự tại trên 9 phẩm sen vàng, nhờ Phật hộ trì, 10 năm sau  sum họp.

Công chúa Mạn Trà nghe xong thì khóc, nói :
- Thiếp quyết một lòng theo chàng, lo bề tu tập, mong được thành đạo để phổ độ quần sanh thì mới toại nguyện.

- Vả chăng, nàng là Công chúa, từ nhỏ chỉ quanh quẩn trong cung, ăn ngon mặc đẹp, sang trọng thảnh thơi tột bực. Còn phận tôi, bụng làm dạ chịu, đâu dám than van, chớ cảnh sống nơi núi rừng rất cực khổ và nguy hiểm, nàng chịu sao nổi.

- Đối với thiếp, sự ăn ngon mặc đẹp và vàng bạc châu báu nầy đối với cảnh ly biệt làm thiếp thêm buồn rầu. Huống chi từ lúc thiếp làm vợ chàng, thấy cách bố thí của chàng rất vừa ý thiếp. Ai ngờ  ngày  nay  phải  bước  vào  lối  chông  gai, thiếp ở Hoàng cung riêng vui với cái giả cuộc vinh hoa nầy thì sao cho phải. Xin chàng cho thiếp theo cùng.

- Nàng đã biết cái chí nguyện của tôi là bố thí bất nghịch ý. Nếu nàng theo tôi, đem 2 con theo, phỏng có ai đến xin 2 đứa con hoặc xin nàng, mà tôi không bố thí thì nghịch với ý của tôi, mà tôi cho thì nàng nghĩ sao ? Chi bằng nàng ở lại Hoàng cung cho khỏi trở ngại cái chí nguyện của tôi.

 - Thiếp thề quyết rằng, dầu ngày sau nếu có ai xin 2 con hay xin thiếp mà chàng đành bố thí thì thiếp cũng bằng lòng, cho vừa ý chàng, chớ không dám cải.

Hoàng tử nghe Công chúa thề nguyền như thế thì khen  rằng : Lành thay ! Lành thay !

Hoàng tử và Công chúa sửa soạn hành lý rồi vào lạy vua cha và Hoàng hậu, nói lời từ  biệt. Hoàng Hậu nghe Hoàng tử nói thì bủn rủn tinh thần, ngã xuống chết giấc. Cung nữ phải đỡ vào phòng cứu tỉnh.

Hoàng tử rời Hoàng cung, chàng cỡi lạc đà, công chúa và 2 con ngồi xe có ngựa kéo, dân chúng đưa tiễn rất đông.

Đi được quãng đường khá xa, Hoàng tử cho dừng lại dưới một tàn cây đại thọ bên đường, đỡ vợ và bồng 2 con xuống nghỉ. Đột nhiên có một Đạo sĩ đến xin bố thí. Hoàng tử lấy đồ trang sức của vợ đem cho. Sau đó tiếp tục lên đường.

Xảy có một Đạo sĩ khác đến xin bố thí ngựa và xe. Hoàng tử cũng vui lòng cho. Hoàng tử đỡ vợ và con xuống, trao xe và ngựa cho Đạo sĩ. Chàng đỡ vợ con lên ngồi trên lưng lạc đà với chàng, tiếp tục lên đường, đi vào sa mạc.

Vừa qua khỏi sa mạc, thì gặp một Đạo sĩ khác nữa đi ngược lại, nên đến xin Hoàng tử bố thí con lạc đà để cỡi qua sa mạc. Hoàng tử vui vẻ bố thí con lạc đà. Chàng an ủi vợ và 2 con bước xuống, rồi dẫn lạc đà trao cho Đạo sĩ.

Thế là trên bước đường đi đày vào núi, Hoàng tử đã bố thí hết tài sản, vật dụng, xe ngựa và cả lạc đà. Bây giờ  chỉ còn mình không mà vẫn không tỏ ra lo lắng chi cả.

Hoàng tử  cõng đứa con trai lớn, Công chúa ẵm đứa con gái nhỏ, cùng nhau lội bộ lên đường, dan nắng dầm mưa, băng rừng vượt suối, đói ăn trái cây rừng, khát uống nước suối, ngày đi đêm nghỉ. Đi như vậy suốt 21 ngày thì tới núi Đàn Đặc, chân núi có một cụm rừng xanh, bốn bề thanh vắng.

Hoàng tử lựa một khoảng đất bằng, cất lên cái nhà nhỏ, lợp bằng lá cây rừng, đủ cho vợ chồng và 2 đứa con ở tu hành.

Trong lúc đó, có một Đạo sĩ từ phương xa đến hỏi thăm Hoàng tử. Kẻ thị vệ đáp :
- Hoàng tử bố thí hết cả vàng bạc trong kho, lại cho cả voi báu, nên bị vua cha bắt tội, đày đến núi Đàn Đặc rồi.

Đạo sĩ từ giã rồi hỏi đường đi, lần lần cũng tới Đàn Đặc, tìm gặp Hoàng tử đang ngồi trong chòi lá. Khi ấy 2 đứa con của Hoàng tử  lớn được 7 và 8 tuổi đang chơi trước nhà, chợt thấy Đạo sĩ đi tới, chúng cả sợ bàn nhỏ với nhau : “Cha mình ưa bố thí, hết tiền bạc rồi, coi chừng cha cho 2 anh em mình vào tay lão già nầy. Vậy 2 anh em mình chạy trốn nơi hầm, chờ mẹ về cứu.” Nói rồi chúng chạy trốn mất dạng.

Lão Đạo sĩ đến, Hoàng tử ra rước mời ngồi. Đạo sĩ nói :
- Tôi nghe Ngài có lòng bố thí cho kẻ đói nghèo, nên tôi chẳng quản đường xa đến đây, mong nhờ chút ơn huệ của Hoàng tử  để dưỡng già.

Hoàng tử nghe nói thì lấy làm thảm thương, nói :
- Thật rủi cho Ông, vì bây giờ tôi đã bố thí hết tiền bạc rồi, không còn biết làm sao cho Ông vui lòng.

- Thưa Hoàng tử, tôi nay già lụm cụm không ai giúp đỡ, xin Ngài cho tôi 2 đứa con của Ngài ở với tôi, chừng tôi mãn phần, chúng trở lại với Ngài, chẳng hay có đặng chăng ?

- Nếu Ông muốn vậy thì tôi xin vâng.
Hoàng tử liền kêu 2 đứa con, kêu năm bảy lần mà không thấy chúng trả lời,  liền  chạy  đi  tìm,  thấy  chúng  trốn trong hầm, nín khe, ôm nhau chặt cứng. Hoàng tử kêu thì chúng trèo lên, ôm cha khóc ré nói :

- Cha ôi ! Tội nghiệp chúng con, xin cha đừng đem 2 con cho ông già ấy, ổng sẽ ăn thịt chúng con, rồi đây mẹ về không thấy 2 con thì mẹ phát điên khùng mà chết.

Hoàng tử dùng lời ngon ngọt dỗ dành 2 con, rồi đem giao cho Đạo sĩ. Đạo sĩ lại nói :
- Tôi già yếu rồi, sợ đi dọc đường 2 đứa nó chạy mất thì tôi biết làm sao ?
Hoàng tử nghe nói thì lấy dây đưa cho Đạo sĩ buộc cườm tay 2 đứa nhỏ lại, 2 đứa chạy quanh cha la khóc om sòm, kêu mẹ mau về cứu chúng, lại kêu cha nỡ nào để con xa cha cho đành. Vợ của Hoàng tử là Công chúa Mạn Trà đang hái trái cây trong rừng, bỗng nghe sấm nổ vang dội trong lòng, vội chạy về nhà thì chỉ thấy có một mình Hoàng tử, hỏi :

- Còn 2 đứa con đâu vắng không thấy ?
Nàng thấy Hoàng tử ngồi làm thinh. Nàng đi kiếm con khắp chỗ không có, nên trở lại hỏi Hoàng tử :

- Chàng ở nhà chỉ có việc giữ con mà không xong, để chúng chạy chơi đâu mất. Thường bữa, khi thiếp hái trái cây về thì chúng chạy ra đón mừng. Nay chúng chạy lạc mất, coi chừng bị cọp bắt thì thiếp chắc chết theo chúng, chớ sống làm chi mà đau khổ thế nầy !

Hoàng tử thấy vợ quá bi thiết,Ngài rất thảm não, nói:
- Hồi nãy có ông Đạo sĩ đến than phiền thân phận già mà không có con cháu nhờ cậy, nên đến xin 2 đứa con của mình, tôi đem 2 đứa con cho ổng rồi.

Công chúa nghe xong thì nhào xuống đất khóc oà :
- Trời Đất ôi ! Con của thiếp mang nặng đẻ đau, nuôi dưỡng từ nhỏ đến lớn, thương yêu biết bao, mà chàng nỡ nào đem cho người ta. Bây giờ biết ông Đạo sĩ đi hướng nào mà theo bắt 2 đứa con lại.

Hoàng tử thấy vợ khóc lóc bi thảm quá, bèn an ủi và nhắc lại lời hứa của vợ trước khi ra đi đến chốn nầy.

- Nàng đã biết cái chí hướng của tôi, mong tìm Đại Đạo, nên quyết theo một việc tế độ quần sanh mà thôi.. Bởi thế khi đôi ta ở trong Hoàng cung thì tôi đã cản trở nàng không cho đi theo tôi, mà nàng nhứt quyết theo, và có hứa rằng, dầu tôi có đem nàng và 2 đứa con bố thí cho ai đi nữa thì nàng cũng bằng lòng cho vừa cái chí nguyện của tôi. Vậy nàng quên lời hứa ấy hay sao ?

Công chúa nghe Hoàng tử nhắc lại lời hứa của nàng thì nín khóc, nhưng lòng vẫn rất đau khổ vì thương nhớ 2 con.

Các bố thí bất nghịch ý của Hoàng tử Việc-Văn-Tôn làm cảm động đến Trời Phật. Có một vị Thiên đế muốn thử lòng Ngài nên biến ra một ông lão đến gặp Hoàng tử để hỏi xin Công chúa Mạn Trà. Khi ông lão đến, Hoàng tử rước vào nhà tử tế, rồi hỏi ông lão đến có việc chi ? Ông lão đáp :

- Vốn tôi già yếu, lưng mỏi gối dùn, không làm việc gì được để nuôi thân, khi mạnh giỏi không có ai lo giùm chén cơm tách nước, lúc đau ốm không ai lo dùm thuốc men. Nay tôi tới đây, xin Ngài có dư người giúp việc thì cho tôi một người đặng nhờ cậy cho qua ngày tháng.

Hoàng tử đáp :
- Trong cái nhà của tôi đây, bây giờ chỉ còn có 2 vợ chồng tôi mà thôi, chớ không còn ai nữa.
- Phải chi Ngài rộng lòng cho phu nhân của Ngài về giúp đỡ tôi thì tôi rất cám ơn.
- Nếu ông lão muốn vậy thì tôi bằng lòng cho vợ tôi đến nuôi dưỡng ông lão.

Hoàng tử nói xong liền kêu Công chúa Mạn Trà tỏ hết tự sự, rồi bảo nàng vào lấy quần áo đi theo ông lão.

Khi ấy, ông già liền đứng dậy nói :
- Hay  thay ! Mấy  ai  được như thế ! Nào là vàng bạc chẳng tiếc, ngôi báu cũng chẳng màng, cho đến vợ con là núm

ruột mà cũng đành lìa đặng làm việc bố thí. Nay ta tỏ thiệt cho Hoàng tử biết, ta là Thiên Đế hóa hiện ra để thử lòng Hoàng tử  và Công chúa cho biết đó thôi. Vậy bổn nguyện của Hoàng tử  và Công chúa thế nào ?

Nói xong, ông lão hiện trở lại thành vị Thiên Đế oai nghi, dung nhan tuyệt mỹ, hào quang sáng ngời.

Công chúa đảnh lễ Thiên Đế và cầu xin 3 điều: Trước hết xin Ngài làm sao cho Đạo sĩ dẫn 2 đứa con tôi đem bán tại bổn xứ, kế đó xin cho 2 đứa con đừng đói khát, sau cùng xin cho chúng tôi được trở về triều mau chóng.

Thiên Đế phán : - Bà sẽ được toại nguyện.

Hoàng tử đảnh lễ Thiên Đế, nói :
- Kính Ngài, tôi nguyện sao cho cả thảy chúng sanh đều được giải thoát hết khổ về sự sanh, lão, bệnh, tử.

Thiên Đế nói :
- Lời nguyện của Hoàng tử thật là vĩ đại và cao thượng. Nếu Hoàng tử muốn sanh lên cõi Trời hoặc muốn được trường thọ thì ta có thể làm được cho Hoàng tử, còn cái oai linh tối yếu trọng trong 3 giới thì ngoài khả năng của ta.

- Nếu vậy thì xin tạm cho tôi giàu có muôn xe đặng tôi bố thí cho thỏa nguyện của tôi. Tôi mong sao cho Hoàng phụ và các quan đại thần sớm sum họp cùng tôi.
- Bổn nguyện của Hoàng tử sẽ được thành tựu.
Nói xong, Đấng Thiên Đế biến mất.

 Nhắc lại, ông Đạo sĩ dẫn 2 đứa nhỏ con của Hoàng tử về đến nhà, bà vợ ra đón, nói :
- Ông thật lớn mật to gan, dám đem con cháu vua chúa về đây, lại nhẫn tâm bắt trói và đánh đập chúng nó. Hãy dắt đi bán chúng nó và kiếm đứa khác đem về đây cho tôi.

Chồng nghe lời, dẫn 2 đứa nhỏ đi bán. Vị Thiên Đế thể theo lời nguyền của Công chúa Mạn Trà, khiến lão Đạo sĩ đem 2 đứa nhỏ qua bán ở nước Diệp Ba. Quan và dân đều biết 2 đứa trẻ ấy là con của Hoàng tử, cháu nội của vua, nên động lòng thương xót, cấp báo cho vua hay. Nhà vua đòi vào :
- Làm sao ngươi có 2 đứa trẻ nầy ?
- Tôi xin của Hoàng tử và nay đem bán.
- Ngươi định giá bao nhiêu ?

Lão Đạo sĩ chưa kịp trả lời thì đứa con trai nói :
- Con trai định giá 1 ngàn đồng và 100 trâu đực; con gái thì định giá 2000 đồng và 200 trâu cái.

Nhà vua lấy làm lạ hỏi đứa bé trai :
-  Sao con trai lại rẻ hơn con gái ?

- Tâu Thánh Thượng, Hoàng tử là bực Thánh có lòng nhơn từ, thiên hạ đều thương mến. Đáng lẽ Hoàng tử phải được ở giữa quần chúng, có đâu bị đày vào núi thẳm rừng sâu ở cùng cọp gấu, đói ăn trái cây, khát uống nước suối, mưa nắng dãi dầu. Của quí mà bỏ nên định giá con trai rẻ hơn  gái.

- Trẻ con mà luận thuyết không kém bậc cao sĩ.

Lão Đạo sĩ cũng nói :
- Muôn tâu Bệ hạ, hai đứa bé nầy quả thực là con của Hoàng tử, cháu nội của Bệ hạ, tôi xin giao trả lại.

Vua truyền cho quan cận thần lấy vàng bạc trao cho Đạo sĩ, rồi sai sứ giả lên núi Đàn Đặc rước Hoàng tử và Công chúa trở về Hoàng cung. Nhà vua giao hết kho tàng cho Hoàng tử tiếp tục bố thí cho dân chúng. Sự bố thí của Ngài viên mãn, nên Ngài chứng quả Niết Bàn.

 Nguyên Hoàng tử Việc-Văn-Tôn (Tu-Đại-Noa)  là tiền thân của Đức Phật Thích Ca, vua Tát-Xà là tiền thân của A-Nan, công chúa Mạn Trà là tiền thân của bà Câu-Di, còn lão Đạo sĩ bắt 2 đứa con của Hoàng tử đem bán là tiền thân của Đề-Bà-Đạt-Đa.

43 . Tôn điệt phế nhi

Tôn điệt phế nhi là trọng cháu bỏ con, ý nói : trong hoàn cảnh cực kỳ nguy hiểm, lo cứu cháu mà bỏ chết con.

Sách Tấn thư chép rằng :  Ông Đặng Nho, tự là Bá Đạo, làm quan đời nhà Tấn, rất thanh liêm chánh trực.

Thuở nhỏ, Ông Đặng Bá Đạo sống với anh ruột rất thương yêu hoà thuận. Khi lớn lên, 2 anh em đều có vợ, rồi ra làm quan, tình thủ túc vẫn thuận hòa bền chặt. Chẳng may anh ruột và chị dâu vắng số, để lại đứa con trai tên là Đặng Tuy vừa được 2 tuổi. Đặng Bá Đạo đem cháu về nuôi dưỡng, thương yêu như con ruột, và cùng lứa với con trai của Bá Đạo.

Vợ chồng Bá Đạo chăm sóc con và cháu đều như nhau, không phân biệt. Lần lần 2 trẻ lớn lên  cũng coi nhau như anh em ruột thịt, rất thương yêu nhau.

Cuộc sống an vui trôi qua trong ít lâu thì trong nước có Triệu Thạch Lặc nổi lên làm loạn, thế giặc rất mạnh, đánh chiếm được kinh thành, bắt sống vua và các quan nơi triều đình. Vợ chồng Bá Đạo cùng 2 trẻ phải chạy đi lánh nạn. Dân chúng khuyên Ông Bá Đạo nên ở lại, bởi vì Ông là vị quan thanh liêm, rất được dân chúng mến mộ, chắc bọn giặc không giết, chỉ bãi quan chức thôi, hoặc có thể dùng Ông làm quan trở lại. Bá Đạo nhứt định không chịu, quyết không theo giặc.

Trên đường bôn tẩu, vợ chồng Bá Đạo vai mang đồ đạc cồng kềnh, mỗi người dắt một trẻ chạy đi.

Chạy được một ngày đường thì quá thấm mệt, 2 vợ chồng lần lần bỏ bớt số đồ đạc mang theo cho nhẹ mình, đến lúc đã quá mệt thì bỏ đồ đạc lại tất cả, mang theo hết nổi, chỉ còn chừa sức để cõng con và cháu chạy đi, vì 2 trẻ cũng chạy hết nổi. Qua ngày hôm sau, giặc đuổi gần đến, vợ của Bá Đạo không còn sức để cõng con chạy nữa, hai người bây giờ chỉ còn có thể đùm bọc được một trẻ mà thôi.

Đặng Bá Đạo suy nghĩ rồi nói với vợ: “Đứa cháu là dòng máu sót lại của anh mình để nối hương lửa, nếu bỏ nó đi thì anh mình tuyệt tự. Vả lại, vợ chồng mình còn trẻ, có thể sanh đẻ thêm, nên tôi nhứt định bỏ con mình lại, mà lo bảo bọc cháu.” Còn đang bàn cãi với vợ, thì bọn giặc đuổi tới, vợ chồng Đặng Bá Đạo nén nỗi đau cắt ruột, đành bỏ con ở lại bên đường, Bá Đạo cõng cháu chạy đi, thoát khỏi vòng vây của giặc, lánh nạn đến xứ khác, làm thuê sống qua ngày.

Lần lần giặc cũng tạm yên. Vợ chồng Đặng Bá Đạo quyết không trở về xứ, ở nơi khác tìm cách làm ăn sinh sống, nuôi dạy đứa cháu nên người. Phần vợ chồng Bá Đạo lại không đặng hào con, không sanh được đứa con nào thêm nữa. Hai vợ chồng rất đau buồn, chỉ biết nhắm vào đứa cháu Đặng Tuy làm con nuôi mà thôi. 

Quan Tạ Thái Phó biết được việc nầy, buồn mà than rằng: “Thiên đạo vô tri, sử Bá Đạo vô nhi”. Nghĩa là: Đạo Trời không biết đến, làm cho Ông Bá Đạo không con.

Ngày tháng trôi qua, vợ chồng Bá Đạo già yếu, người con nuôi Đặng Tuy phụng dưỡng cha mẹ nuôi rất hiếu thảo, không khác gì con ruột. Đến chừng vợ chồng Bá Đạo mất, Đặng Tuy để tang cha mẹ nuôi 3 năm.

Nên sách Nho có viết rằng: ” Đặng thị điệt tam tải trì tang, Bá Đạo vô hám”. Nghĩa là : Cháu của họ Đặng ba năm cư tang, Ông Bá Đạo chẳng hận.

44 . Phật gieo mạ - Ba-ra-hoa-đa

Ba-ra-hoa-đa là chữ phiên âm của tiếng Phạn là: Bharavadja, hay nói đầy đủ là Kasibharavadja. Là tên của một tu sĩ Bà-La-Môn ở xứ Magadha nước Ấn Độ.

Vị Bà-La-Môn nầy hỏi Đức Phật Thích Ca là Đức Phật cày và gieo mạ như thế nào ?

 Trong Kinh Tạng của Phật giáo, có chép câu chuyện về Đức Phật Thích Ca gieo giống và cày cấy như sau đây :
Một ngày kia, Đức Phật đến một làng theo Đạo Bà-La-Môn của xứ Magadha. Lúc ấy có lối 500 người đang chuẩn bị ra đồng làm việc cho Ông Bà-La-Môn giàu có tên là Ba-ra-hoa-đa. Đức Phật đắp y mang bát đến nơi mà người ta đang phân phối vật thực và đứng sang một bên.

Ông Bà-La-Môn Ba-ra-hoa-đa thấy vậy nói :
- Nầy Tôn giả ! Tôi cày và gieo, mới có lương thực cho tôi ăn. Tôn giả cũng phải vậy, ông cũng phải cày, gieo, và sau đó ông ăn.

Đức Phật đáp :
- Nầy ông Bà-La-Môn ! Như Lai cũng là một nông dân,  cũng cày, và gieo. Cày và gieo xong thì Như Lai ăn.

- Nhưng mà tôi có thấy ông cày đâu ! Cái cày, cái ách, lưỡi cày và bò kéo của Tôn giả đâu mà tôi chẳng thấy, mặc dầu Tôn giả nói : Tôn giả cày, gieo. Tôn giả tự xưng là nông dân nhưng tôi có thấy Tôn giả cày lúc nào đâu ?

Như Lai đáp:
- Đức tin là hột giống, kỷ luật là mưa, trí tuệ là cái ách cày và cây cày, khiêm tốn là cán cày, tâm là dây cương, niệm là lưỡi cày và roi bò. Như Lai sống với Lục căn thu thúc, lời nói và ăn uống độ lượng. Như Lai đã dùng sự chơn thật để  cắt từ cọng cỏ dại. Thành đạt Đạo quả tối thượng là mở dây thả bò. Tinh tấn là loài thú chở nặng đã đưa Như Lai đến trạng thái không ràng buộc (Niết Bàn). Trực chỉ thẳng tiến, không quay trở lại và đã đi, nó không còn phiền não. Đó là lằn cày của Như Lai được thực hiện như thế đó. Hậu quả của nó là trạng thái bất tử. Đã kéo xong lằn cày thì không còn phiền muộn và âu sầu nữa.

Nghe Đức Phật nói xong, vị Bà-La-Môn bới đầy một chén cơm trộn sữa dâng cho Như Lai và nói :

- Cầu xin Tôn giả Cồ-Đàm độ chén cơm trộn sữa nầy. Tôn giả Cồ-Đàm quả thật là một nông dân vĩ đại, vì Ngài đã trồng một loại cây trổ trái bất tử. Ý nghĩ của kẻ hèn nầy là thuộc về vật chất, còn lời nói của Tôn giả thuộc về tinh thần. Gieo mạ cấy lúa để có cơm ăn là nuôi phần xác thịt, còn truyền giảng Đạo lý  của Như Lai là cái cày, và gieo mạ là để nuôi phần linh hồn. Cả hai đều quan trọng nhưng phần linh hồn thì trọng hơn phần thể xác, vì rằng nuôi xác thịt cho mập béo mà phần trí hóa tối tăm thì có ích chi đâu ! Thật cao cả thay giáo pháp của Như Lai ! Cầu xin Như Lai độ chén cơm trộn sữa nầy.

Đức Phật liền từ chối, nói rằng :
- Vật thực nhận lãnh do sự giảng đạo thì không thích đáng cho Như Lai dùng. Nầy ông Bà-La-Môn ! Đó là thông lệ của bậc Đại Giác. Đấng Chánh Biến Tri không thể dùng vật thực ấy. Khi nào truyền thống nầy còn tồn tại thì đó là Chánh mạng.

45 . Ngài Trầm Quan lớn đi chơi

Ở nước Ấn Độ thời xưa, có một ông họ Trầm, không biết ông sanh năm nào và quê quán ở đâu, nhưng ông hưởng được gia tài rất lớn, sống cuộc đời giàu sang phú quí của một người đại phú. Ông thường đi chơi đó đây, kết giao bạn bè, và ông rất thích đọc sách.

Một hôm ông ngồi đọc sách, tới chỗ nói về Quân, Sư, Phụ, ông ngẫm nghĩ đây là 3 bực có quyền thế rất lớn trong xã hội và gia đình.
* Quân là vua, trong tay có uy quyền tột bực, giàu sang cũng tột bực, đứng đầu một nước.
* Phụ là cha, đứng đầu gia đình, uy quyền thì có nhưng phần giàu sang thì chưa ắt hẳn, còn có số phận rủi may.
* Sư là thầy, tuy uy quyền và giàu sang không đảm bảo, nhưng có địa vị, có uy thế  và được kính trọng.

Suy nghĩ như thế, ông họ Trầm chọn nghiệp làm thầy. Ông lấy tiền ra cất trường học, qui tụ tất cả trẻ em trong làng đến trường học tâp, không thâu tiền học phí, lại còn phát cho tập vở viết mực, phát cho tiền ăn quà sáng và phát quần áo cho đứa nào thiếu thốn áo quần. Ông đứng ra làm thầy giáo dạy các trẻ học tập.

Việc làm từ thiện của ông Trầm được dân làng mến mộ, tiếng tốt đồn vang khắp huyện, phủ. Mọi người đều cho con em đến trường của ông học tập rất đông.

Thấy việc làm nghĩa rất đáng khích lệ. Ông dạy bảo học trò điều gì thì học trò răm rắp nghe theo. Bất cứ gặp ông đi đâu, bọn học trò đều khoanh tay cúi đầu chào rất lễ phép. Cả cha mẹ của các học trò gặp ông cũng rất niềm nở. Ông Trầm cảm thấy rất khoan khoái trong lòng. Giữa ông và đám trẻ càng ngày kết chặt tình thân ái, ông  xem  đám  trẻ  như  là con ruột của ông. Các viên chức trong huyện và trong phủ đều xem ông Trầm như là cha đỡ đầu cho các con cháu của họ.
Nếp sống cứ dần dần trôi qua như thế, ông đã xử dụng hết phân nửa gia tài vào việc nhơn nghĩa.

Tiếng tốt đồn vang, quan phủ rất chú ý. Nhân một buổi lễ hội trong làng, quan phủ được mời tới tham dự. Quan phủ thấy dân làng và đám trẻ đối với ông Trầm rất thân thiết, chẳng sai lời đồn đãi.

Qua mấy hôm sau, quan Phủ cho mời ông Trầm lên phủ nói chuyện. Quan phủ hỏi :
-  Tôi nghe tiếng đồn về việc nhơn nghĩa của ông, và đã mục kích tình thân thiết của ông đối với bọn trẻ và mọi người, nên tôi mến lắm. Tôi mời ông đến đây là để biết nhau và cũng có điều xin ông chỉ ý.

Ông Trầm đáp :
- Quan phủ nói quá lời, tôi đâu có gì đáng để chỉ ý đâu.
- Tôi từ làm quan đến nay có đến 30 năm, tôi thấy uy quyền tôi có đủ, nhưng tôi cảm thấy tôi đang thiếu cái mà ông đang có. Tôi không nói dối ông đâu, từ 30 năm qua, tôi đi đâu cũng được mọi người tôn kính, nhưng tôi thiếu cái tình thân thiết với dân chúng. Cái đó ông đang có, còn tôi thì không.

- Quan phủ là quan cai trị dân chúng và gìn giữ luật nước nên phải nghiêm minh, thanh liêm, cương trực, cho dân sợ mà tuân theo, nên dân chỉ kính trọng mà không thân thiết. Còn tôi không phải là quan, nên không có quyền cai trị. Hằng ngày tôi gặp dân chúng, tôi chỉ có sự thân thiết. Vì thế, cái mà quan có thì tôi không có, còn cái tôi có thì quan không có.

- Ông luận rất chí lý. Nhưng tôi muốn làm thế nào để có sự thân thiết với dân, giống như ông Trầm.
Ông Trầm thuật cho quan Phủ nghe các việc từ đầu đến cuối, ông đã hy sinh phân nửa gia tài để làm việc nghĩa ấy.
 - Nhưng bây giờ tôi không có gia sản lớn như ông Trầm thì làm sao tôi có thể làm được các việc nghĩa như ông ?
- Nếu quan phủ không e ngại, tôi sẵn sàng nhường phân nửa gia tài còn lại của tôi cho quan phủ làm việc nghĩa.

Quan phủ rất ngạc nhiên, ông Trầm nói tiếp :
- Tôi dự định dùng phân nửa gia tài còn lại để làm việc nghĩa thôi, nếu giao cho quan phủ dùng làm việc nghĩa thì cũng như tôi dùng, có gì khác đâu ?

Thế là giữa ông Trầm và Quan phủ đồng ý với nhau, ông Trầm làm tờ giấy chuyển nhượng tài sản cho Quan phủ.

Từ đó, Quan phủ thay ông Trầm trợ giúp dân chúng, chăm lo các trẻ học tập. Dân chúng bàn tán với nhau : Chúng ta có vốn liếng làm ăn, thoát cảnh nghèo đói, con cái khỏi dốt nát là nhờ sự giúp đỡ của ông Trầm và của quan lớn nơi phủ. Danh thơm và tiếng tốt của ông Trầm và của Quan lớn từ đó gắn liền nhau. Hễ gọi Ngài Trầm thì Quan lớn kèm theo. Đám học trò mỗi lần gặp ông Trầm hay Quan phủ đều khoanh tay cúi đầu lễ phép thưa : “ Ngài Trầm Quan lớn đi chơi”, và mỗi lần như vậy chúng đều được thưởng quà.

Cho đến một hôm, ông Trầm hết sạch tiền của, ông Trầm lặng lẽ ra đi biệt tích, không ai biết ông Trầm đi đâu.

Ba năm sau, có một người làm công, mình mặc áo vá, chân đi đất, đầu chích khăn trắng, đến trước cửa huyện, xin vào yết kiến quan huyện. Người lính gác cổng nhìn ông một hồi rồi há hốc kêu to : “Ngài Trầm Quan lớn”. Tên lính gần đó cũng chạy đến gọi Ông Trầm. Thế là tin tức truyền đi rất nhanh, dân chúng đều biết Ông Trầm trở về. Quan phủ cũng hay tin, vội đến rước  Ông Trầm vào phủ, gặp nhau vui mừng không xiết. Ông Trầm chậm rãi thưa chuyện :

- Sau khi của tiền vừa hết, tôi lén trốn Quan phủ và dân chúng, tôi đi về hướng Tây, trôi nổi các xứ, vào làm công cho một nông trại  chăn  nuôi    sữa  lớn.  Trong  một  chuyến  đi buôn ngang qua huyện nầy, ông chủ trang trại bị bắt vì tội buôn vàng trái phép, trá hình dưới việc trao đổi bò. Hay tin nầy, bà chủ sai tôi đến đây dọ hỏi tin tức.

Quan huyện nói :
- Đúng rồi, huyện tôi vừa bắt một người buôn vàng trá hình, ông ta cung khai nhìn nhận việc làm trái phép đó.

- Nếu ông chủ của tôi cung khai nhìn nhận tội lỗi thì cứ theo lẽ công bình của luật pháp mà xét xử, tôi không dám cầu xin tha tội. Còn trên danh nghĩa một vị quan, ông cũng không thể vị tình tôi mà tha tội cho ông ấy. Chúng ta từ  lâu đã lập chí thanh liêm, giữ gìn phép nước và giúp đỡ dân chúng.

Trong khi các ông nói chuyện thì dân chúng hay tin ông Trầm trở về nên tụ tập khá đông trước huyện đường. Họ lại được nghe nỗi lòng của ông Trầm, họ liền cử một vị bô lão vào yết kiến quan huyện và quan phủ. Vị bô lão nói :

- Bẩm quý quan, ông phú thương có tội mà biết nhận tội, ấy là người tự trọng. Ông Trầm thấy người phạm tội không dám xin tha, sợ qua luật pháp, ấy là đáng kính. Quan lớn biết giữ nghiêm phép nước và không vị tình riêng mà tha tội, ấy là đáng tôn. Làm việc mà đáng kính đáng tôn là việc phải. Chúng tôi thay mặt cho dân chúng trong huyện xin có ý kiến : “Luật pháp là để áp dụng cho ai, chớ đối với người lương thiện có tấm lòng dào dạt thương yêu thì không áp dụng luật pháp răn trị nữa. Chúng tôi xin lãnh tội và tha cho vị phú thương.”

Thế là ông phú thương được dân chúng bảo lãnh và được quan huyện tha tội. Tình thương đã đem thay luật pháp.

Khi ông phú thương trở về xứ, ông thuật chuyện cho gia đình và mọi người nghe. Ông rất cảm động trước tình cảm của dân chúng đối với ông Trầm, nên ông tình nguyện chia đôi gia tài cho ông Trầm để ông Trầm làm việc nghĩa.
Câu chuyện nầy được truyền tụng khắp các nước nhỏ ở miền Tây Ấn Độ.

46 . Đông Lao - Tây Bích

Đông Lao và Tây Bích là 2 nhân vật thời xưa, cùng ở chung trong một xóm, không rõ 2 ông sanh vào thời nào, ở đâu, tên thật là chi, mà chỉ nghe người đời truyền lại như thế.

Đông Lao thì nhà nghèo, tánh tình thuần hậu. Hằng ngày, ông dạy con cháu rán lập chí theo gương Thánh Hiền, luôn luôn giữ  câu : “ Biết tự trọng thì người mới trọng mình.”

Tây Bích thì nhà rất giàu, nhiều ruộng vườn, tôi tớ đông đảo, có nhiều tá điền. Vàng bạc dư dả, nên ông mướn một thợ bạc về nhà, lấy vàng ra biểu thợ đúc chạm cho ông 1 cặp rùa bằng vàng thật khéo để chưng bày nơi phòng khách.

Một hôm, nhằm ngày giỗ, Tây Bích mời các tá điền, người trong xóm và hương chức đến ăn giỗ tại nhà ông. Ông Đông Lao, tuy nghèo nhưng được tiếng tốt nên cũng được mời đến dự. Lễ giỗ được tổ chức rất linh đình, tiệc đãi suốt ngày.

Khi khách khứa từ giã ra về hết, Tây Bích chợt thấy mất cặp rùa vàng trong tủ chưng bày nơi phòng khách. Tây Bích rất thắc mắc, không biết cặp rùa vàng mất lúc nào. Tây Bích nghĩ rằng, chỉ có người nghèo mới nổi lòng tham lấy cặp rùa, rồi ông trực nhớ đến Đông Lao là người rất nghèo, mà trong bữa giỗ, Đông Lao thường hay lui tới phòng khách, trong bụng đinh ninh là Đông Lao lấy cắp cặp rùa vàng của mình.

Sáng hôm sau, Tây Bích mời Đông Lao đến nhà, ngồi nơi phòng khách. Tây Bích nói :
- Từ chiều hôm qua cho đến tối, tôi ăn ngủ không được vì tưởng cặp rùa vàng đã mất, chẳng dè anh mượn đem về nhà xem, làm tôi hết hồn. Nay tôi mời anh qua là để tỏ nỗi vui mừng của tôi được anh lưu ý cặp rùa vàng mà tôi đã dày công tạo nên. Trong làng chỉ có anh là hiểu được ý tôi. Anh cứ yên tâm giữ cặp rùa để xem, chừng nào xem chán thì trả lại tôi.

Đông Lao nghe qua thì rất sửng sốt, ngồi lặng thinh suy nghĩ. Mình lấy cặp rùa vàng của Tây Bích hồi nào mà ảnh nói mình mượn. Có lẽ ảnh hiểu lầm và nghi ngờ mình ăn cắp cặp rùa vàng của ảnh, nên tìm cách nói khéo như vậy để mình đỡ hổ thẹn. Thật là khổ, họa đến thình lình. Bây giờ mình nói là mình không có lấy cặp rùa vàng thì liệu Tây Bích có tin không ? Hay là mình cứ nói xuôi theo, để rồi thời gian sẽ chứng minh được sự thật, chớ không khéo sanh ra cãi lẫy không tốt.

Suy nghĩ như thế, Đông Lao rất khổ tâm, nói :
- Cám ơn anh ! Anh có lòng tốt cho tôi mượn cặp rùa vàng để xem bao lâu cũng được. Anh yên tâm, tôi sẽ gìn giữ nó cẩn thận, để sau nầy giao hoàn lại cho anh.

Trong khi 2 ông đang nói chuyện thì cậu con trai của Tây Bích đứng sau nghe biết hết, liền bước ra nói :
- Thưa cha, bác Đông Lao đâu có lấy cặp rùa vàng của cha mà cha nói vậy ! Còn Bác Đông Lao không có lấy cặp rùa vàng mà tại sao Bác Đông Lao lại nhận ?

Tây Bích ngạc nhiên hỏi con :
- Con nói sao lạ vậy. Chớ cặp rùa vàng bây giờ ở đâu ?
- Con lấy giấu vào rương quần áo của con.
- Con giấu để làm gì ?  Mau lấy ra cho cha xem.

Cậu con trai của Tây Bích liền chạy vào trong, mở rương lấy cặp rùa vàng đem ra đặt trên bàn, rồi nói :

- Tại con thấy Bác Đông Lao nghèo, mà Bác lại hay thương người, giúp đỡ người, Bác lại có lòng tự trọng, nên  con đem chuyện nầy nói với mẹ, được mẹ đồng ý cho con lấy cặp rùa vàng  nầy đem tặng Bác Đông Lao, có vốn làm ăn.

Tây Bích nghe con nói như vậy thì sửng sốt nhìn Đông Lao trân trân, rồi chậm rãi  nói :
- Anh Đông Lao, anh thật là người tri kỷ của tôi, và hơn thế nữa, anh quả là người đáng kính phục. Anh đã giúp tôi để tôi nhận ra đâu là vị tha, đâu là vị kỷ. Tôi rất vui  mừng    vợ con tôi, tánh không giống tôi mà lại giống anh. Tôi giờ đây không thiết tha gì đến sự giàu có của tôi, vì cái giàu của tôi so sánh thì không bằng cái nghèo của anh. Tôi giác ngộ, quyết tâm xuất gia tu hành. Tôi tình nguyện giao phân nửa tài sản của tôi cho anh sử dụng, còn phân nửa, tôi giao lại cho vợ tôi và các con để làm phương tiện sanh sống. Tôi xin phú thác nhờ anh trông nom dạy dỗ giùm các con của tôi cho chúng nên người, để tôi yên tâm tu hành.

- Anh khen tôi quá lời, thật tôi có đáng vào đâu. Chúng ta hiểu nhau qua tấm lòng tốt của nhau là đủ rồi, anh bỏ qua cho tôi việc nhận phân nửa gia tài của anh. Nếu anh giác ngộ muốn đi tu thì tôi tình nguyện trông nom giúp anh việc học hành của các  con  anh, để anh yên tâm tu hành.

Nhưng Tây Bích cố năn nỉ Đông Lao mãi, xin Đông Lao đừng phụ lòng ông. Thế là 3 hôm sau, Tây Bích làm giấy chuyển nhượng phân nửa gia tài cho Đông Lao, rồi từ giã gia đình, từ giã Đông Lao và các tá điền, lên đường đi tu.

Đông Lao gợi ý, Tây Bích nên đem theo một con rùa vàng để hộ thân, nhưng Tây Bích nhứt định không chịu.

Ngay đêm đó, Đông Lao khiến người nhà gói 10 đòn bánh tét lớn, trong mỗi đòn, Đông Lao đặt một thoi vàng làm nhưn, đem tiễn Tây Bích lên đường. Tây Bích nhận, rồi từ giã mọi người ra đi. Tây Bích ghé qua 10 nhà tá điền, tặng cho mỗi nhà một đòn bánh tét, rồi từ  giã.

Nhưng trớ trêu thay, 10 người tá điền không ai chịu ăn bánh tét do Tây Bích tặng, lại mang đến mừng Đông Lao.

Đông Lao tự nghĩ, Anh Tây Bích quả có căn tu, nên khiến mọi vật của đời anh đều bỏ lại. Sau đó, Tây Bích tu hành đắc đạo, rồi trở về nhà độ vợ  và con cái tu hành theo ông. Đồng thời, Đông Lao lo tròn bổn phận của Tây Bích phú thác, rồi ông cũng hiến thân vào cửa Phật, tu hành về sau cũng được đắc quả.

47 . Người sống hơn đống vàng

Ngày xưa có hai người bạn thân là Trần Ân và Hữu Nghĩa, thuở nhỏ cùng học một thầy. Trân Ân lớn tuổi hơn nên làm anh. Cả hai đều cố công đèn sách. Khoa thi năm đó, hai anh em đi thi. Trần Ân thi đậu, còn Hữu Nghĩa thi rớt.

Trần Ân được vua phong chức, bổ làm Tri Huyện. Hữu Nghĩa buồn bã trở về nhà, nghĩ mình không có số làm quan nên vâng lịnh song thân cưới vợ. Vợ Hữu Nghĩa là người hiền đức, đảm đang rất giỏi các công việc gia đình.  Hai vợ chồng sống với nhau rất hạnh phúc. Việc làm ăn không mấy dư dả mà vợ lại sanh con hoài, khiến gia đình đông con càng lúc càng nghèo, bữa cháo bữa rau thật là khổ cực.

Hữu Nghĩa đánh liều, lén đến vườn của ông bá hộ, móc khoai đem về nấu cho con ăn đỡ dạ. Sáng hôm sau, ông bá hộ ra thăm vườn, thấy có dấu đào khoai, ông nghi có người trộm khoai, bèn nhổ lên coi thử, thấy các củ khoai lớn còn nguyên, còn các củ khoai nhỏ thì mất hết. Ông lấy làm lạ, cho đầy tớ ban đêm ra rình, ai đến móc khoai thì bắt đem trình chủ.

Hữu Nghĩa đêm đó cũng lén đến móc khoai, bị bắt tại trận, bị dẫn vào trình ông bá hộ. Hữu Nghĩa khóc nói rằng: Vì nhà quá nghèo, con lại đông, nên buộc lòng đi trộm khoai, nhưng chỉ dám lặt những củ nhỏ, chớ không dám móc củ lớn.

Ông bá hộ động lòng thương nên đem cả gia đình Hữu Nghĩa về giúp việc cho ông, ông nuôi cơm, khỏi lo đói rách.

Ngày kia, Hữu Nghĩa bỗng nhớ đến người bạn cũ là Trần Ân, nên xin phép ông bá hộ cho chàng đi vài hôm thăm bạn. Hữu Nghĩa đến Huyện đường, xin vào gặp quan Tri Huyện. Hai bạn lâu ngày gặp nhau, vui mừng không xiết.

Hữu Nghĩa nói thiệt hoàn cảnh của mình, Trần Ân vô cùng thương xót bạn, gọi một ông thầy bói nổi tiếng  đến  xem số mạng Hữu Nghĩa thế nào mà sao lại quá nghèo  như vậy.

Nhà tướng số bói xong, trầm ngâm một lát nói: “ Số của anh Hữu Nghĩa bị bất đắc kỳ tử  trong vòng 3 tháng nữa.”

Trần Ân phiền muộn vô cùng, lo giúp bạn một số vàng và vải lụa để về lo cho vợ con. Nếu bạn có mệnh hệ nào thì số vàng nầy cũng giúp cho vợ con bạn sống tạm qua ngày.

Hữu Nghĩa thực lòng từ chối, nhưng Trần Ân ép bạn nhận lấy. Hữu Nghĩa cảm ơn bạn rồi từ giã ra về.

Dọc đường, Hữu Nghĩa thấy một người đàn bà ngồi bên miệng giếng khóc lóc than thở, dường như muốn quyên sinh. Hữu Nghĩa dừng chân, hỏi. Chị ta cho biết tên là Lệ Du, nhà quá nghèo, thân chị góa bụa, con đông, làm không đủ nuôi con, quá khổ sở nên đành quyên sinh cho khuất mắt.

Hữu Nghĩa nghe tâm sự não nề của Lệ Du, thấy chị ấy còn khổ hơn mình, nên xúc động, liền lấy hết số vàng và lụa của Trần Ân cho mình, tặng hết cho Lệ Du đem về nuôi con, để chị bỏ ý định quyên sinh. Chị Lệ Du cảm động nhận lấy.

Hữu Nghĩa trở về nhà, thuật hết các việc cho vợ nghe, vợ Hữu Nghĩa chẳng tiếc vàng lụa mà còn khen chồng.

Tri Huyện Trần Ân, chờ đúng 3 tháng sau, mời ông thầy bói đến bảo bói xem Hữu Nghĩa lúc nầy thế nào? Thầy bói gieo quẻ, bỗng sững sốt nói :

- Lạ quá ! số Hữu Nghĩa ứng lên không chết mà lại có tương lai sáng sủa nữa. Có lẽ đức năng thắng số chăng ?

Trần Ân bèn cho người nhà đi tìm Hữu Nghĩa xem sao. Cách ít hôm người nhà trở về báo cáo cho Trần Ân biết, việc Hữu Nghĩa đi về nhà, dọc đường cứu chị Lệ Du khỏi quyên sinh. Nhờ công đức đó mà thay đổi được số phận của Hữu Nghĩa. Trần Ân nảy ra ý định giúp bạn được yên ổn cuộc sống gia đình, có thì giờ rảnh rang trở lại việc đèn sách để đi thi.

Hai năm sau, Hữu Nghĩa thi đậu, được vua bổ dụng làm quan, thoát khỏi cảnh nghèo đói, được vinh hiển.

48 . Vua Hiên Viên tu đắc đạo

Vua Hiên Viên tức là Hiên Viên Huỳnh Đế hay Hiên Viên Hoàng Đế, là vị Thánh Vương vào thời Thái cổ nước Tàu, sau vua Thần Nông, trước vua Nghiêu, niên lịch 2697 năm trước Tây lịch.

Vua Hiên Viên và Hoàng Hậu đều lo trau giồi tâm tánh và hằng giữ dạ tu nhơn tích đức.
Ngày kia, Đức Nguơn Thủy Thiên Tôn ngồi trong Cung Ngọc Hư, núi Côn Lôn, biết lòng thành mộ đạo của vua Hiên Viên và Hoàng Hậu, nên sai học trò là Quảng Thành Tử xuống trần khai tâm và dạy đạo cho vua và Hoàng Hậu. Quảng Thành Tử vâng lịnh, cỡi mây tới thành vua trong đêm trăng sáng, kêu hai vị ra trước lầu Vọng Nguyệt nói rằng :
- Lòng thành của 2 vị đã thấu đến Cung Ngọc Hư, nên ta vâng lịnh xuống đây hướng dẫn 2 vị tu hành. Hai vị hãy dọn mình cho trong sạch, sắm sẵn một cái đỉnh hình trái bầu gọi là đỉnh hồ, bằng đồng để trên lầu cao, khi cần hỏi ta điều gì thì đốt hương trầm trong đỉnh mà cầu nguyện, tức thì ta sẽ đến.

Nói xong Quảng Thành Tử làm phép Khai Quang cho vua Hiên Viên và Hoàng Hậu, rồi truyền  phép tu luyện.

Vua và Hoàng Hậu sau khi thọ phép Khai Quang thì trở nên sáng suốt, lời dạy đạo bao nhiêu đều ghi nhớ rõ hết. Từ đó vua và Hoàng Hậu chuyên cần luyện tập, tu sửa tâm tánh. Khi thành thục rồi thì đốt hương trầm trong đỉnh hồ cầu thầy đến truyền đạo tiếp.

Lần lựa ngày tháng trôi qua, vua và Hoàng Hậu tu luyện đạt đến mức khá cao. Một hôm, thầy Quảng Thành Tử đến dạy rằng :

- Hai vị tu hành sắp đến ngày chứng quả. Kể từ ngày mai, hai vị hãy ra lịnh cho bá quan văn võ miễn lai trào  trong 3 ngày và hai vị cố gắng giữ lòng cho trong sạch, trong vài hôm ta sẽ đến.

Vua Hiên Viên và Hoàng Hậu lãnh ý, ra lịnh bãi chầu trong 3 ngày, khiến các quan lấy làm lạ nhưng vẫn tuân chiếu chỉ mà không dám hỏi lý do.

Qua ngày thứ hai, các quan kéo đến thăm dò thì chiếu chỉ vẫn còn, tuy trong lòng băn khoăn vì không ai biết được điều chi hết, rồi cũng lần lượt kéo nhau ra về.

Đến ngày thứ ba, các quan đều sốt ruột, kéo đến Chánh môn, nhưng cửa vẫn đóng kín. Mọi người đang phân vân thì bỗng thấy một luồng gió cuốn trên không, mùi hương sực nức bay khắp cung điện, kế thấy từ trên lầu cao, vua Hiên Viên và Hoàng Hậu cỡi lên lưng một con rồng vàng (Huỳnh long) bay thẳng lên Trời, từ  từ  khuất vào đám mây.

Cả thảy bá quan đều biết vua Hiên Viên và Hoàng hậu đã tu đắc đạo, có Huỳnh long xuống rước lên Thượng giới.

Cho nên có câu :
 “ Vân ám đỉnh hồ long khứ viễn.”
Nghĩa là : Mây che đỉnh hồ, rồng đi xa.

(Hồ là cái bầu rượu, Đỉnh hồ là cái đỉnh bằng đồng có hình dạng giống cái bầu rượu.)

Câu nầy dùng để chỉ vua Hiên Viên tu đắc đạo, được rồng xuống rước về cõi Tiên. Về sau, người ta dùng câu nầy để chỉ người mới chết, có ý mong mỏi linh hồn của người ấy được rồng rước về cõi Tiên.

Do đó, trong Tang Lễ của Đạo Cao Đài, bài thài hiến lễ hàng vong thường, Tuần sơ có 2 câu :
Vân  ám  đảnh hồ  long khứ viễn,
Nguyệt minh hoa biểu hạc qui trì.
Nghĩa là : Mây  che  đỉnh  hồ, rồng  đi  xa,
Trăng soi cột hoa, hạc về muộn.

49 . Lương Hồng - Mạnh Quang
Tề mi vẹn đạo

Điển tích nầy thường được gọi là Cử án tề mi, nghĩa là nâng mâm ngang mày.

Mạnh Quang tề mi vẹn đạo là nàng Mạnh Quang, vợ của Lương Hồng, mỗi khi chồng ăn cơm thì nàng đưa mâm cơm lên ngang mày dâng cho chồng ăn, nàng vẹn đạo làm vợ theo luân lý của Nho giáo thời xưa.

Đời Đông Hán, triều vua Hán Minh Đế  (58-76 sau Tây lịch), có một thư sinh tên là Lương Hồng, tự là Bá Loan, ở huyện Bình Lăng, thông minh và học rộng, nhưng nhà nghèo, có nuôi một đàn dê làm kế sinh nhai, tuy vậy vẫn nuôi chí lớn.

Một hôm, người hàng xóm nấu cơm xong rồi, bếp còn lửa, bèn gọi Lương Hồng mau sang nấu cơm. Chàng đáp :
- Rất cám ơn, nhưng tôi không muốn nhờ sức nóng của người khác hay dựa ánh sáng của người khác.

Nói xong chàng tự  nhúm lửa nấu cơm.
Chẳng bao lâu sau, danh tiếng về khí tiết của Lương Hồng được đồn vang trong vùng. Nhiều nhà giàu có muốn gả con gái cho Lương Hồng nhưng chàng không chịu.

Ở cùng huyện có người con gái họ Mạnh, tên Quang, nhan sắc kém, nhưng có sức mạnh hơn người và có đầy đủ mỹ đức, nhiều người tới hỏi nàng làm vợ nhưng nàng khéo léo từ chối. Mãi đến năm nàng 30 tuổi, cha mẹ buồn rầu hỏi nàng về việc chồng con, nàng đáp :

- Con có lấy chồng thì phải là người khí tiết như Lương Hồng con mới chịu.

Người ta thuật lại cho Lương Hồng câu nói đó, chàng biết Mạnh Quang là tri kỷ của chàng, nên chàng nhờ mai mối đến xin cưới nàng.

Đám cưới xong đã qua 7 ngày đêm mà Lương Hồng chưa đụng tới mình vợ, vợ hỏi chàng lý do. Chàng đáp :
- Tôi muốn một người vợ mặc đồ bô vải để cùng tôi ở chốn thôn cư, mà nàng thì lụa là gấm vóc, nữ trang đeo đầy thì tôi không bằng lòng.

Mạnh Quang liền thay đổi y phục, xếp cất quần áo sang trọng và đồ nữ trang, mặc quần áo bằng bô vải, lấy cây kinh làm thoa, đúng theo ý chồng. Lương Hồng mừng rỡ nói :
- Như vậy mới thật là vợ của Lương Hồng.

Ít lâu sau, vua nghe tiếng Lương Hồng là người hiền, nên vua vời ra làm quan, nhưng Lương Hồng thấy triều đình thối nát, nên Lương Hồng xin chối từ. Hai vợ chồng vào ở ẩn nơi Bá Lăng, phía đông huyện Trường An tỉnh Thiểm Tây, là nơi thâm sơn cùng cốc. Nơi đây, chồng cày bừa, vợ dệt vải, khi rảnh rang thì cùng ngâm thơ hay đọc sách, đánh đàn, vợ chồng hết lòng kính ái lẫn nhau, thật là hạnh phúc.
Sau đó, Lương Hồng lại dời đến cư ngụ tại Lạc Dương.

Lương Hồng thấy triều đình càng lúc càng thối nát, bọn quan lại hủ bại, nên buồn lòng, có làm bài thơ nói lên sự cảm khái của mình. Người láng giềng nghe được, đem tâu vua để lập công. Vua lấy làm không vui, cho lệnh bắt Lương Hồng.

Chàng phải trốn tránh sang nước Ngô, đổi tên họ, tạm giã gạo thuê cho một nhà giàu, sống tạm qua cơn hoạn nạn.

Mỗi lần Lương Hồng giã gạo thuê xong, trở về, nàng Mạnh Quang ở nhà chuẩn bị sẵn cơm nước, chờ chồng tắm rửa xong lên dùng cơm thì nàng bưng mâm cơm lên ngang mày, dâng cho chồng ăn.

Người nhà giàu tình cờ thấy được, nghĩ rằng: Người thợ giã gạo thuê nầy được vợ kính trọng như thế, nhứt định không phải kẻ tầm thường. Người nhà giàu liền mời vợ chồng đến ở tại nhà mình, nhờ chàng làm thầy dạy học cho các đứa con trong nhà.

50 . Người báu hay của báu

Thời Đông Châu Liệt Quốc, nước Hàn là một nước nhỏ ở bên cạnh nước Sở to lớn và hùng mạnh, nên nước Hàn phải làm chư Hầu của nước Sở, và hằng năm phải đem ngọc ngà châu báu triều cống vua Sở.

Đã mấy năm rồi, nước Hàn lấy làm tủi nhục với phận chư Hầu. Nhiều lần, vua Hàn hội quần thần lại để tìm cách giải thoát cái nhục nầy, nhưng không ai tìm được kế chi, đành thúc thủ cam chịu.

Vua Hàn đang buồn bực ngồi trước án thì có quan Tiếp giá hướng dẫn một hiền sĩ vào xin yết kiến. Hàn sĩ xin dâng lên nhà vua một kế mọn, có thể gỡ được cái nhục làm chư Hầu triều cống nước Sở.

Hiền sĩ ấy tâu :
-  Kẻ hèn nầy đã từ lâu thọ ơn ngọn rau tấc đất của Bệ hạ, nhưng chưa gặp dịp báo đáp nghĩa quân vương. Nay nghe Hàn quốc phải chịu lệ cống hằng năm cho nước Sở, mà năm nay ngọc nhà châu báu không còn, Bệ hạ và quần thần đang lo âu, kẻ hèn nầy xin Bệ hạ cho sang Sở một phen, may ra có dịp làm cho Hàn Sở kết thân, bãi bỏ lệ triều cống, ấy là điều vinh hạnh cho kẻ hèn nầy lắm vậy. Kế ấy như vầy : . . . . . . . . . . . . . Xin Bệ hạ y tấu.

Hàn Vương nghe hiền sĩ trình bày xong thì vui mừng chấp thuận, cử hiền sĩ làm sứ giả sang nước Sở.

Sở Vương hay tin có sứ giả nước Hàn đến, đòi vào hỏi :
- Hàn quốc năm nay trễ lệ cống, sứ giả có mang theo vật báu chi dâng cho nước Sở đó ?

Sứ giả tâu :
- Muôn tâu Bệ hạ, Mấy năm nay Hàn quốc không năm nào trễ lệ, vì ngọc ngà châu báu còn,  nhưng  năm  nay  những vật báu ấy đã hết, chì còn các vật báu khác, tuy rất quí báu, song  e  Sở quốc không chứng nhận chăng ? Nên phái sứ hạ qua đây để trình lên thỉnh tôn  ý của Bệ hạ.

- Các vật báu ấy là chi, sứ giả nói cho Trẫm nghe thử.

- Các vật báu ấy ở Hàn quốc thì có nhiều, mà sứ hạ qua đây, chưa thấy nơi nào của nước Sở có được. Điều đó rất lạ, nếu Bệ hạ tha thứ cho kẻ hèn nầy thì sứ hạ xin đem dâng triều cống cho Bệ hạ.

Sở Vương ngẫm nghĩ một lúc rồi nói :
- Được, nhà ngươi cứ nói, Trẫm không bắt tội đâu.

- Tâu Bệ hạ, sứ hạ trộm nghe từ trước tới nay, ân đức của Sở quốc sáng tỏ khắp các tiểu quốc chư Hầu, khiến cho các nơi đều thần phục. Bên Hàn quốc hiện nay cả thần dân đều được ân chiếu cố của Sở quốc, nên trên bủa đức xuống dân, dân lấy lẽ hòa thuận cùng nhau yên sống, nhà không đóng cửa, ngoài đường không ai lượm của rơi, mạnh không hiếp yếu, giàu không lấn nghèo, mọi người đều lấy tình thương coi nhau như ruột thịt, xem nhẹ vật chất, trọng tinh thần, trong ấm ngoài êm, đồng tôn trọng phẩm giá lẫn nhau. Đó là những món báu mà tiểu quốc muốn triều cống Bệ hạ.

Sở Vương nghe qua, bỗng dưng như cảm thấy tự hối, ngồi trầm ngâm một lúc rồi nhìn dáng vẻ của sứ giả đáng thương, bèn cất tiếng nói :
- Nhà ngươi nói rất phải. Trẫm khen đó. Từ đây, Trẫm sẽ bãi bỏ lệ triều cống cho các nước chư Hầu. Riêng đối với Hàn quốc, Trẫm sẽ hoàn lại những ngọc ngà châu báu mà trước đây Hàn quốc đã cống cho Sở quốc. Trẫm sẽ lấy đức bủa xuống muôn dân các nước, Trẫm sẽ dạy dân không nên xem của báu mà làm mờ  đi cái danh thể của con người. Trẫm sẽ ban ơn cho khanh đã nhắc khéo Trẫm những lời đạo đức.

51 . Từ Thức viếng chùa xem hoa

Từ Thức là người ở Hòa Châu, đời nhà Trần của nước Việt Nam, được phụ ấm, bổ làm quan Tri Huyện Tiên Du.

Bên cạnh dinh huyện có một cảnh chùa nổi tiếng, trồng nhiều hoa mẫu đơn rất đẹp. Mỗi kỳ hoa nở, người các nơi đến xem hoa rất đông, thành một hội xem hoa.

Tháng 2 năm Bính Tý (1396), niên hiệu Quang Thái thứ  9 đời vua Trần Thuận Tông (1388-1398), trong hội xem hoa có một cô gái tuổi chừng 16, nhan sắc xinh đẹp, đến xem hoa, chẳng may làm gãy một cành mẫu đơn. Người giữ vườn hoa bắt đền. Trời sắp tối mà không có ai là thân nhân của cô gái đến nhận bồi thường. Cô gái phát khóc. Từ Thức đi xem hoa, có mặt lúc ấy, động lòng thương, liền cỡi chiếc áo gấm màu trắng đang mặc, trao cho người giữ vườn, để chuộc lỗi cho cô gái. Nhờ vậy cô gái mới đi được. Mọi người đều khen ngợi quan Huyện có lòng nghĩa hiệp.

Từ Thức vốn tính phóng dật, không chịu câu thúc trong việc làm quan, thường uống rượu ngâm thi đàn địch, làm bê trễ sổ sách giấy tờ, khiến quan phủ khiển trách :
- Thân phụ của ông làm đến đại thần, còn ông thì không làm nổi chức Tri huyện.

Từ Thức than rằng : Ta không thể vì số lương 5 đấu gạo mà buộc mình vào lợi danh. Một mái chèo, một chiếc thuyền con, một bầu rươu, một túi thơ, cùng nước biếc non xanh, mới là chí hướng của ta.

Thế rồi Từ Thức xin từ quan,  đến huyện Tống Sơn, cất một mái tranh bên cạnh hang núi để ở. Ông thường đem theo một tiểu đồng, cùng với cây đàn, bầu rượu, mấy quyển thơ của Đào Tiềm, đi đến các danh lam thắng cảnh, nơi nào thích chí thì uống rượu ngâm thơ hay dạo lên khúc đàn, tiêu dao vui thú.

Một hôm, Từ Thức dậy sớm, trông ra cửa biển Thần Phù, xa xa thấy một đám mây ngũ sắc đùn đùn kết lại như một đóa hoa sen từ dưới nước mọc lên. Từ thức thích chí và hiếu kỳ, liền chèo thuyền ra ngắm, thấy đó là trái núi rất đẹp.

Từ Thức lấy làm lạ, tự bảo rằng : Ta từng qua lại chốn nầy, không thấy trái núi nầy, nay bỗng nhiên nó mọc lên hồi nào không hay, ta phải lên xem cho kỹ mới được.

Nói rồi buộc thuyền bước lên, thấy vách đá cao vút, không có cách nào leo lên được. Tức cảnh sinh tình, Từ Thức liền đề lên vách núi bài thi Hán văn, tạm dịch như sau :
Triêu dương bóng rải khắp ngày xanh,
Hoa  cỏ  cười tươi đón rước mình.
Hái thuốc nào đâu sư kế suối,
Tìm nguồn duy có khách bên ghềnh.
Lang thang đất lạ đàn ba khúc,
Nênh nổi thuyền câu rượu một bình.
Bến võ chàng ngư nay thử hỏi,
Thôn  nào chỉ hộ lối quanh quanh.

Đề thơ xong, còn đang ngơ ngẩn xuất thần, bỗng Từ Thức giựt mình thấy vách đá nứt hai, như làm ra một lối đi. Từ Thức liều mạng đi vào, đi mấy bước qua được chỗ ấy thì vách đá liền khép lại như cũ. Trước mặt đường đi tối om, Từ Thức sờ soạn lần đi tới, đi khá lâu thì có ánh sáng lọt vào, do cái hang bên trên thông xuống. Từ Thức bám vào dây leo lên, mỗi lúc một sáng thêm. Khi lên tới đỉnh núi thì bầu Trời sáng sủa, chung quanh là lầu đài rực rỡ, hoa cỏ lạ kỳ, mây xanh ráng đỏ. Từ Thức đang thắc mắc thì có hai cô gái áo xanh đi đến bảo : “ Lang quân nhà ta đến rồi kìa.” Nói xong đến mời Từ Thức :
- Phu nhân sai chúng tôi đến mời công tử vào nhà.

Từ Thức bước theo họ, đi quanh một bức tường gấm, vào cửa son, thấy một cung điện bằng bạc có bảng đề :
Điện Quỳnh Hư, gác Dao Quang. Chàng lên gác, gặp Bà Tiên áo trắng ngồi trên giường thất bảo. Bà mời Từ Thức ngồi, nói :
- Nầy Hiền sĩ ! Tánh hiếu kỳ đã đưa Hiền sĩ đến đây. Sự vui sướng trong chuyến đi chơi nầy sẽ làm cho Hiền sĩ thỏa nguyện, Hiền sĩ còn nhớ mối duyên gặp gỡ ?

Từ Thức thưa rằng :
- Tôi là dật sĩ ở Tống Sơn, một cánh buồm gió, một chiếc thuyền nan, phóng lãng giang hồ, thích đâu đến đó. Lần nầy đến đây, xem như cõi Tiên, song lòng trần mờ tối, chưa biết hư thực ra sao, xin Bà chỉ bảo.

- Hiền sĩ làm sao biết đặng, đây là núi Phù Lai, một động Tiên trong 36 động Tiên, bồng bềnh ngoài biển cả, dưới không có bám víu, tan hợp theo gió mây, như ngọn núi Bồng Lai, co duỗi theo sóng dợn. Tôi là Địa Tiên Ngụy Phu Nhân, ở Nam Nhạc, vì thấy Hiền sĩ là người cao nghĩa, sẵn lòng cứu giúp sự nguy khốn, nên mới phiền Hiền sĩ đến đây.

Bà Tiên cho lịnh, một Cô Tiên bước ra, Từ Thức liếc nhìn, nhớ trực lại nàng nầy là cô gái đã làm gãy cành mẫu đơn thuở  nọ. Bà Tiên bảo :

- Đứa con gái của tôi đây là Giáng Hương, ngày trước gặp nạn khi xem hoa, được Hiền sĩ cứu gỡ, ơn ấy khó quên, nay tôi cho nó kết duyên với Hiền sĩ để đền ơn.

Ngay đêm ấy, Bà Tiên truyền mở tiệc Tân Hôn, gởi thiệp mời đến chư Tiên các động.

Quần Tiên đến, có người mặc áo gấm cỡi con tỳ lư từ Bắc xuống, người cỡi rồng từ Nam lên, người đi kiệu ngọc, người cỡi xe gió, đủ màu đủ vẻ. Yến tiệc đặt trên gác Dao Quang, có rèm ngọc trướng vàng, ghế lưu ly, mâm ngọc thạch, các món ăn đều kỳ lạ, mùi hương thơm nức, lại có rượu kim tương, mà cõi trần không có các thứ quí báu nầy. Bà Tiên mặc áo gấm trắng nói :

- Chúng tôi ở chốn nầy đặng 8 vạn năm. Nay Hiền sĩ  ở cõi trần đến đây, không vì Tiên phàm cách trở, hương lửa ba sinh, tưởng cũng không phụ, đừng nên cho chuyện Thần Tiên là hoang đường.

Nàng Giáng Hương đi rót rượu mời chư Tiên. Nhạc trổi réo rắc, có đoàn trẻ nhỏ chia từng tớp, múa điệu lăng ba.

Một vị trong quần Tiên mặc áo xanh, có vẻ buồn, nói :
- Mối duyên cũ của cô em đây cũng là tốt đẹp, song nghĩ lại, cái giá băng ngọc của một vị Nữ Tiên mà đi kết duyên với một người cõi trần, vạn nhất tiếng tăm vỡ lỡ, thiên hạ chê cười, quần Tiên chúng ta không khỏi xấu lây.

Bà Tiên áo trắng đáp :
- Tôi nghe Tiên khá gặp chớ không tìm, đạo không tư mà tự đến. Những cuộc gặp gỡ hiếm lạ, đời nào mà không có, như Lộng Ngọc lấy Tiêu Sử, . . . Bao nhiêu chuyện cũ còn sờ sờ ra đó, nếu thế nầy bị chê cười, hỏi các việc trước thì sao ?  

Từ Thức nói với Giáng Tiên :
- Thì ra tất cả cõi Trời đều có phối ngẫu cả. Trên Trời có Chức Nữ lấy Ngưu Lang. Các vị Tiên sống trong cảnh cô quạnh, lòng dục không nẩy sinh hay bị đè nén ?

Nàng Giáng Hương nghiêm mặt đáp :
- Những vị ấy có cái khí huyền nguyên, cái tính chân nhất, thân hầu cửa tía, tên ghi đền vàng, ở phủ Thanh Hư, chơi miền sung mạc, không cần gạn lòng mà lòng tự trong, không cần lấp dục mà dục vẫn lặng. Không như thiếp đây, 7 tình chưa sạch, trăm cảnh dễ sinh, thân ở phủ tía mà vương vấn duyên trần, chàng đừng nên thấy thiếp mà cho rằng quần Tiên đều như thế cả.

- Nếu vậy thì nàng còn thua các nàng Tiên kia xa lắm.

Hai người cùng cười.
Từ Thức ở trên cảnh Tiên, lấy sự ngâm vịnh làm thú vui. Chàng thường đề thơ trên bức bình phong trắng. Chàng không sao quên được nỗi nhớ  quê  hương. Chàng  đã  lên  đây cưới vợ Tiên được một năm rồi, lòng nhớ nhà da diết.

Chàng nói với Giáng Tiên :
- Tôi bước khách bơ vơ, lòng quê bịn rịn, dám xin nàng cho tôi về thăm quê hương một chuyến, ý nàng nghĩ sao ?

Giáng Hương bùi ngùi, không nỡ dứt tình. Từ Thức cố đòi về thăm quê hương, Giáng Hương khóc và nói:
- Thiếp chẳng dám vì tình phu phụ mà ngăn cản chàng, nhưng cõi trần nhỏ hẹp, kiếp trần ngắn ngủi, dù nay chàng về nhưng  e  cảnh tượng không giống như ngày trước nữa.

Giáng Hương thấy không thể ngăn cản Từ Thức về quê, nên thưa chuyện cùng Phu nhân. Bà cấp cho một cổ xe cẩm vân để đưa Từ Thức về trần, Giáng Hương trao cho chàng một bức thơ  từ  biệt, vừa nói vừa khóc :
- Khi chàng tới quê nhà thì mở bức thư nầy ra xem.

Từ Thức ngồi trên xe Tiên, phút chốc đã về tới quê nhà nơi cõi trần. Chiếc xe Tiên biến thành con chim loan bay trở về cõi Tiên. Từ Thức đi vào làng, khung cảnh hoàn toàn khác xưa. Chàng đem tên họ mình hỏi những người già cả, có một ông già nói :
- Thuở bé, tôi nghe nói ông cụ Tam đại nhà tôi có tên họ y như cậu vậy, đi vào núi rồi mất tích luôn, đến nay đã 80 năm rồi. Năm nay là năm thứ  5 niên hiệu Diên Ninh đời vua thứ  3 của nhà Lê. Nhà Trần không còn nữa.
 Home       1 ]  [ 2 ]  [ ]  [ 4 ]  [ 5 ]  [ 6 ] [ 7 ]  8 ]

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét