Từ Thức hối hận bùi ngùi, muốn trở về cõi Tiên cùng
Giáng Hương, mà chiếc xe Tiên đâu còn nữa,
chợt nhớ tới bức thơ của Giáng Hương, chàng liền mở ra đọc : “ Kết lứa
phượng trong mây, duyên xưa nay đã hết,
khiến lòng chàng nhớ quê, tìm non Tiên trên bể, dịp khác nữa còn đâu !”
Đó là bức thơ vĩnh biệt. Chàng quá thất vọng, đi
vào núi Hoành Sơn, và mất tích luôn trong đó.
52 . Hứa Hành chạy loạn tới vườn lê
Hứa Hành, tự là Trọng Bình, người châu Hoài thuộc
tỉnh Hà Nam bên Tàu. Ông sinh vào thời sơ điệp nhà Nguyên.
Thuở nhỏ, Hứa Hành đi học, hỏi thầy rằng :
- Đọc sách
để làm gì ?
Thầy đáp rằng : - Đọc sách để thi đỗ.
Hứa Hành nói : - Đọc sách chỉ để làm như thế ư ?
Thầy dạy học lấy làm lạ. Dạy được ít lâu, thầy bảo
với cha mẹ cậu rằng :
- Thằng bé nầy rất dĩnh ngộ khác thường, ngày sau
chắc là hơn người nhiều lắm. Tôi không đủ sức làm thầy nữa.
Nói rồi từ tạ ra đi. Đến khi Hứa Hành lớn lên thì
rất ham học đến nỗi quên ăn quên ngủ.
Hứa Hành sinh vào thời loạn, mà nhà thì nghèo,
không có sách để học, thường đến nhà ai có sách hay thì xin ở lại mượn chép để
học. Kịp khi tránh loạn, chạy đến núi Tồ Lai (gần phủ Thái An) mới chép được
quyển Dịch Thuyết của Vương Bật đời nhà Tần, ngày đêm Hứa Hành học tập.
Một hôm, cùng với dân chúng đi tránh loạn qua đất
Hà Dương, ai nấy đều khát nước, chợt có người trông thấy ở ven đường một vườn
lê nhiều quả chín, mọi người tranh nhau hái ăn. Hứa Hành điềm nhiên ngồi dưới
gốc lê, không hề hái ăn một quả. Có người hỏi ông tại sao không hái ăn, ông đáp
:
- Không phải cây của mình mà hái ăn thì không nên.
- Đời loạn, cây ấy không có chủ.
- Cây lê không có chủ chớ cái tâm của mình không có
chủ sao ?
Hứa Hành bình sinh lập tâm chế hạnh, đại để như
vậy.
Khi loạn được yên, Hứa Hành trở về đất Hoài, thường
đi lại ở khoảng Hà Lạc, làm bạn với Diêu Khu, được đọc sách của họ Trình họ
Chu, sự học của Ông càng thêm nhiều sở đắc.
Sau đó, Hứa Hành qua ở đất Tô Môn, cày ruộng mà ăn,
rồi cùng với quí Ông Diêu Khu và Đậu Mặc giảng tập.
Việc học của Ông rất rộng, phàm những Kinh học,
Truyện học, Sử học, Tử học, Lễ Nhạc, Thiên văn, Lịch học, Binh học, Hình Luật
học, Thực hóa học, Thủ lợi học, không có môn học nào mà ông không giảng tập.
Ông khảng khái lấy Đạo làm chức nhiệm của mình, nên thường nói với bè bạn rằng
: “Cương thường trong thiên hạ không thề một ngày mà bỏ mất đi được. Nếu người
ở trên không dùng nữa thì kẻ dưới phải dùng.”
Khi Hốt Tất Liệt được phong làm vua ở nước Tần, tức
là Thiểm Tây ngày nay, cho triệu Hứa Hành đến phong chức Kinh Triệu Đề Học, lo
việc giáo hóa người Tần. Người Tần rất vui mừng theo học, các nơi đều có dựng
nhàhọc hiệu.
Khi vua Hốt Tất Liệt lên nối ngôi vua Mông Cổ, xưng
là vua Thế Tổ nhà Nguyên, thì Hốt Tất Liệt triệu Hứa Hành đến kinh đô, phụ tá
quan Tể Tường coi việc chánh trị.
Khi sắp mất, Hứa Hành trối cùng các con rằng :“Ta
bình sanh bị cái hư danh làm lụy, kết cục chẳng từ chối được quan chức. Sau khi
ta chết rồi, các con đừng lập bia, chỉ làm một cái mộ chí viết là mả của Hứa mỗ
để con cháu biết là đủ.” û Hứa Hành được các vua nhà Nguyên truy tặng :
- Vua Nguyên Thánh Tông đặt cho ông tên thụy là Văn
Chánh, tặng phong là Ngụy Quốc Công.
- Vua Nguyên Nhân Tông đem ông vào phối tự ở miếu
thờ Đức Khổng Tử, và lập Lỗ Trai Thư viện ở kinh đô. Lỗ Trai là tên của Hứa
Hành đặt ra để gọi chỗ ở của mình.
Hứa Hành không có làm sách gì, nhưng ông là một
danh nho thời Nguyên sơ, những sự nghiệp và ngôn hạnh của ông đủ tỏ ra là một
người sở đắc Nho học, và rất tinh thông về Lý học của Tống Nho.
53 . Vua Sở cầu Đổng Vân trên núi
Hoài Sơn
Đổng Vân là người nước Sở, con nhà nghèo, nhưng có
tài thao lược, làm quan đến chức Tổng Binh Nguyên Soái. Nhờ tinh thông văn võ,
lập được nhiều kỳ công, giúp vua Sở bình định được các nhóm gây loạn trong
nước, và làm qui phục các nước nhỏ lân bang. Ông tỏ ra luôn luôn đại lượng nên
rất được các nước lân cận kính phục.
Đổng Vân dâng lên vua Sở bảng Cương Chánh, trong đó
đại ý nói rằng : Phép giữ nước bao gồm 2 mặt quan trọng nhất : Việc nội và Việc
ngoại.
* Việc nội thì phải coi dân như con đẻ, dạy dân các
mặt : Trí, Đức, Cần kiệm, Liêm khiết, . . . Các quan phải công bình, liêm
chính, coi dân là trọng, lấy sức mình mà tự lực tự cường, chỉnh bị quân sự,
luôn luôn phòng ngự.
* Còn việc ngoại thì thân thiện và liên kết với các
lân quốc, tương trợ, coi nhau như anh em, không xâm phạm nhau, tận tình giúp đỡ
nhau để cùng phát triển.
Sở Vương nhận bảng Cương Chánh, lấy làm đẹp dạ.
Nhưng đối với vị Thừa Tướng đương triều, ông nầy có
nhiều tham vọng bá quyền, nên không hài lòng, tìm cách chê bai biếm nhẻ kế sách
của Đổng Vân, tâu cùng Sở Vương :
- Nước Sở ta đang hồi cường thịnh, các tiểu quốc
lân bang đang ở thế suy. Nhơn cơ hội nầy, ta bắt các tiểu quốc phải thần phục
Sở, chịu phận chư Hầu, hằng năm phải triều cống nước Sở, rồi ta đặt quan giám
sát việc binh bị ở mỗi tiểu quốc. Nếu ta để các lân bang liên kết được với nhau
thì e Sở quốc khó đương cự nổi, chi bằng Bệ hạ nên tính trước là hơn.
Vua Sở có mộng bá quyền, nghe Thừa Tướng nói thế
thì thích chí nhưng dần dừ chưa quyết.
Thừa Tướng biết
thế, tìm cách tâu thêm, vạch ra cái vinh quang của một Bá chủ chư Hầu,
để cho Sở Vương ham thích. Cuối cùng, Thừa Tướng thành công, Sở Vương nghe theo
kế hoạch của Thừa Tướng.
Đổng Vân hết sức khuyên can Sở Vương không nên nghe
lời Thừa Tướng, kẻo gây ra chiến tranh với các lân bang.
Vua Sở rất muốn làm Bá chủ chư Hầu nên nghe theo
Thừa Tướng, bỏ ngoài tai lời khuyên của Đổng Vân.
Đổng Vân rất buồn bã, biết rằng chẳng bao lâu sẽ có
chiến tranh liên miên giữa nước Sở và các lân bang. Đổng Vân còn ngại Thừa
Tướng mưu hại mình, nên xin vua cho về quê dưỡng lão. Sở Vương liền chấp thuận,
bởi vì Đổng Vân còn tại triều thì còn cản trở chính sách bá quyền của Sở Vương.
Vua Sở ra lịnh cho các quan giữ ải kéo quân qua các
tiểu quốc buộc phải thần phục Sở, chịu phận chư Hầu, hằng năm triều cống. Các
tiểu quốc yếu thế đành cam chịu nhưng họ rất tức giận. Họ lại nghe tin Đổng Vân
đã từ quan, không còn làm Nguyên Soái nữa. Họ lần lần tìm cách liên kết lại với
nhau để chống nước Sở. Quân Sở dần dần mất đi thế mạnh, rút binh lui dần. Trong
vòng có 3 năm mà quân liên bang các nước đã đánh chiếm được 10 ải của Sở. Quân
Sở đang trong thế nguy. Các tướng đồng tâu lên vua Sở xin đi rước Đổng Vân về
triều cứu nguy nước Sở.
Sở Vương túng thế phải nghe lời chư tướng, nhưng
vua rất ái náy, vì trước đây nhà vua ham làm Bá chủ, không nghe lời khuyên của
Đổng Vân. Nhà vua sắp đặt xa giá đi lên núi Hoài Sơn để cầu Đổng Vân. Đổng Vân
vội ra nghinh tiếp.
Sở Vương thấy một nhà sư ra vái chào thì ngạc
nhiên, nhìn kỹ lại mới biết nhà sư nầy chính là Đổng Vân trước đây, nay qui y
vào cửa Phật. Nhà vua nói sơ qua tình hình giữa nước Sở và các lân bang, nhà
vua tỏ ý hối tiếc đã nghe lời Thừa Tướng, không theo Cương Chánh
của Đổng Vân,
nên mới xảy ra sự nguy hiểm ngày nay, yêu cầu Đổng Vân trở lại triều
đình, điều khiển 3 quân tướng sĩ để cứu an nước Sở.
Đổng Vân nghe qua, cảm thấy xốn xang vì tình nghĩa
vua tôi, và nỗi khổ sở của dân chúng trong chiến tranh, nhưng nghĩ lại, giờ đây
mình đã xuất gia tu hành, không còn muốn biết đến việc thế gian nữa, nay trở
lại nắm binh quyền, định an bờ cõi, thì có phạm giới luật tu hành không.
Đổng Vân phân vân, chưa biết liệu tính phương nào,
nên tâu xin Sở Vương hỏi lại thầy mình là Thiền Sư Thiên Ấn.
Thiền Sư Thiên Ấn yết kiến vua Sở, nói với Đổng
Vân:
- Con nay là đệ tử
của Phật, nhưng xác thân còn chịu ơn vua lộc nước, nên con cần đáp đền
cho xong phận sự thì mới an lòng tu niệm.
- Bạch thầy, nếu con trở lại triều đình lo việc
chiến tranh phục hưng bờ cõi, liệu có vi phạm giới luật không ?
- Con không nên trở lại cầm ấn Nguyên Nhung điều
binh khiển tướng, mà con nên biểu hiện là một nhà tu, chơn đi giày cỏ, tay cầm
chuỗi hột từ bi, miệng kêu gọi tình thương đến các lân bang, thì có thể cảm hóa
các vua mà bãi cuộc đao binh. Con kíp lên đường cứu nước cứu dân.
Đổng Vân nghe lời của Sư phụ, theo vua Sở trở về
triều đình. Đổng Vân viết thơ gởi đến các vua lân bang, bãi bỏ việc triều cống
cho Sở, phân tích lẽ hơn thiệt, lời lẽ ôn tồn nhưng cứng rắn, kêu gọi các nước
bãi binh, rút binh trở về ranh giới cũ, hoà hiếu với nhau, tránh cho dân chúng
cảnh điêu linh tàn phá của chiến tranh.
Lời nói đầy tình thương dân, mến chuộng hòa bình
của một nhà sư, mà trước đây là một Nguyên Soái lẫy lừng tên tuổi, khiến cho
các vua lân bang ngưỡng mộ, đồng cam kết rút quân, bãi việc chiến tranh, ký kết
hòa bình.
Nhờ đó, trải qua một thời gian dài, nước Sở và các
lân bang sống trong hoà bình, dân chúng vui vẻ hạnh phúc.
54 . Vợ Châu Công
Vợ Châu Công là vợ của
Ông Châu Công Đán, con của vua Văn Vương, em của vua Võ Vương nhà Châu vào thời
Thượng cổ nước Tàu.
Khi Võ Vương băng hà, vua Thành Vương lên ngôi lúc
còn nhỏ tuổi, Châu Công Đán cầm quyền Nhiếp Chánh, một lòng phò vua giúp nước.
Em của Châu Công Đán là Quản Thúc ganh tỵ và có tham vọng lớn, thường gièm với
vua Thành Vương là Châu Công Đán có ý giết vua để cướp ngôi. Thành Vương không
trị tội kẻ nói gièm, và cũng có ý nghi ngờ. Châu Công buồn lòng, trả chức Nhiếp
Chánh, lui về điền viên, nghiên cứu Kinh Dịch. Về sau, Thành Vương biết lỗi,
xin rước Châu Công trở về triều coi việc Chánh trị.
Sau đó Quản Thúc làm loạn, Châu Công phải đem quân
đánh dẹp, bắt Quản Thúc giết đi.
Châu Công Đán chế ra Lễ Nhạc dùng trong Quan, Hôn,
Tang, Tế, được dùng làm mẫu mực mãi về sau. Châu Công Đán lại tiếp nối công
trình của cha là Văn Vương, diễn giải thêm Kinh Dịch. Đến thời Đức Khổng Tử,
Ngài giải thích thêm nữa, mới hoàn thành Bộ Kinh Dịch, truyền đến nay.
Vợ của Châu Công là người đàn bà rất hiền thục, không ỷ mình là một Mệnh phụ Phu nhân nhất đẳng của
triều đình, có chồng làm quan tột phẩm, mà làm điều bất chánh. Bà vẫn sống giản
dị, chăm lo săn sóc chồng, tề gia nội trợ, dạy dỗ con cái, y như lúc chưa vinh
hiển, lại lo bề canh cữi, làm gương cần kiệm cho dân.
Mỗi khi Châu Công vào triều chầu vua, chính tay Bà
lấy bộ triều phục ra cho chồng, sửa sang
nếp áo, cột
dải áo mão cho chồng một cách tươm tất, lại đưa chồng ra đến tận ngõ rồi
mới trở vào nhà.
Đến khi tan buổi chầu, Châu Công trở về, Bà ra đón
chồng, rồi tự tay mở dải áo mão của
chồng ra, xếp gọn gàng, trân trọng đem
cất.
Bà thường nói : Triều phục là sắc tốt của vua ban
cho, ta phải trân trọng, ta giúp chồng mặc triều phục cho tươm tất là tỏ ý tôn
vua tại hậu vậy.
Nhờ sự ân cần săn sóc của người vợ đảm đang với một
tình thương yêu đậm đà thắm thiết, Châu Công an bề gia đạo, dốc hết tâm chí lo
việc quốc gia, phò vua giúp nước, an dân.
Khi vợ của Ông Châu Công về ở nơi quê nhà, Bà
thường lo canh cữi, mặc quần áo bô vải, nêu gương cần kiệm. Bà không vì sự giàu
sang của bực quan Đại thần mà không lo làm lợi ích cho xã hội.
Trong tác phẩm Nữ Trung Tùng Phận của Tiên Nương
Đoàn thị Điểm, có khen ngợi vợ của ông Châu Công Đán trong 8 câu thơ sau đây :
Vợ
Châu Công đình thần mệnh phụ,
Ở
thôn quê lam lụ làm ăn.
Chồng
thì triều nội cao sang,
Vợ
lo canh cữi cơ hàn khổ thân.
Giúp
chồng đặng ân cần Nhiếp chánh,
Cho
nên trang Chúa Thánh tôi hiền.
Vợ
không tham nhũng bạc tiền,
Chồng
lo trọn đạo nắm quyền chăn dân.
55 . Bạch khỉ đến sơn khê
Bạch khỉ là con khỉ trắng. Sơn khê là khe nước trên
núi.
Đời nhà Chu (Châu), vua Chu Vương có nuôi một con
khỉ trắng gọi là Bạch khỉ, rất khôn ngoan, nghe được tiếng người. Vua rất
thương mến, nên nuôi dưỡng rất đầy đủ, được ngủ nơi mát mẻ lúc tiết trời nóng
bức mùa hè, và được ngủ nơi ấm áp lúc trời mùa đông.
Nhiều lúc Bạch khỉ thấy vua buồn, nó biết, liền làm
trò lạ khiến vua phải tức cười mà quên buồn.
Trong triều đình có quan Thừa Tướng Chu Ôn, tánh
tham lam và hiểm độc, nhiều mưu lược, nên rất được Chu Vương tin dùng. Thừa
Tướng lần lần chuyên quyền và lại có âm mưu chiếm đoạt ngôi báu, nên cấu kết
với một số gian Thần, định mưu thí vua.
Quỉ kế sắp đặt khéo léo bí mật, đến nỗi khi vua Chu
Vương chết, không một ai nghi ngờ gì cả, tin rằng vua bị trúng gió nặng rồi
chết. Chỉ có một số rất ít trung thần tỏ ra nghi ngờ cái chết của vua, nhưng
không tìm được bằng cớ, thành ra âm mưu thí sát vẫn không bị phát hiện.
Thế là Thừa Tướng nắm hết quyền hành trong triều,
rồi được bọn gian thần đồng tôn lên làm vua. Thế là cuộc đăng quang của Tân
Vương được tổ chức vô cùng long trọng. Tân Vương nhớ đến con Bạch khỉ, biết làm
nhiều trò hay, nên truyền lịnh đem Bạch khỉ đến giúp vui.
Bạch khỉ được đưa tới, đứng nhìn vị Tân Vương trân
trân, chớ không chịu làm trò. Tân Vương ra lịnh cho nó múa hát nhưng nó vẫn trơ
trơ.
Tân Vương quát :
- Bạch khỉ không tuân lịnh ta thì ta cho quân sĩ
đánh chết.
Tân Vương quát xong thì bất thình lình, Bạch khỉ
phóng lên bấu lấy cổ Tân Vương, miệng cắn tay quào. Tân Vương bị bất ngờ không
trở tay kịp, ngã nhào xuống khỏi ngai vàng, nằm lăn dưới gạch. Quần thần vội
chạy đến đánh Bạch khỉ và đỡ Tân Vương dậy, thấy mặt vua bị nhiều vết quào chảy
máu.
Bạch khỉ thừa lúc chộn rộn lo cứu cấp vua, nó phóng
nhanh ra ngoài biến mất vào chốn sơn khê.
Bạch khỉ, tuy không biết nói, nhưng vẫn biết điều
trung nịnh, chánh tà, nên hành động chứng tỏ một lòng trung với Chu Vương,
không nịnh theo kẻ soán ngôi, nêu gương tốt trong sử sách.
Vị Tân Vương biết lòng dân không phục mình, đến một
con khỉ mà còn biết báo thù cho vua cũ. Tân Vương rất lo sợ, nên bắt Thái tử,
con của Chu Vương, đem vào rừng cột trói cho cọp ra ăn thịt.
Trong rừng có con thỏ trắng, biết là Thái tử bị nạn, ban đêm ngậm ngọc đến cứu. Thỏ cắn
đứt dây trói, rồi ngậm ngọc dẫn đường cho Thái tử lánh nạn. Thái tử ra được khỏi rừng, lần đến
nhà của một vị quan hưu trí là Lại Bộ Thị Lang, tỏ bày các việc.
Quan hưu trí Thị Lang một lòng trung nghĩa, ủng hộ
Thái tử, lo chiêu tập binh mã, chờ ngày trở về kinh đô hỏi tội tên Thừa Tướng
Chu Ôn, khôi phục nhà Chu.
Do đó, trong Thánh Ngôn có câu :
“Thỏ
ngọc treo gương đậm vẻ làu.”
56 . Bá Lý Hề
Bá Lý Hề là người ở nước Ngu,
thời Đông Châu Liệt Quốc, tự là Tỉnh Bá, ngoài 30 tuổi mới cưới vợ là nàng Đỗ
thị, sanh đặng một con trai, đặt tên là Mạnh Minh.
Nhà rất nghèo, ở nước Ngu không có ai quen biết để
tiến cử ra làm quan. Bá Lý Hề muốn đi lập công danh nước khác, nhưng ngại bỏ vợ
con lại nhà không biết trông cậy vào ai, nên cứ dùng dằng mãi. Đỗ thị là người
vợ hiền đức, thấy vậy mới khuyên chồng :
- Thiếp nghe nói làm trai nên lập chí 4 phương,
không nên ở nhà quyến luyến vợ con. Thiếp nay ở nhà có thể lo liệu nuôi con
được, chàng chớ ngại.
Trong nhà chỉ còn con gà mái ấp, Đỗ thị bắt làm
thịt, trong bếp cũng hết củi, Đỗ thị lấy tấm phên cửa chẻ ra làm củi, nấu nồi
cơm gạo vàng, làm một mâm đủ rượu thịt, dọn lên đãi chồng, tiễn chồng lên đường
đi lập công danh.
Bá Lý Hề ăn uống xong, từ giã vợ con lên đường. Đỗ
thị, tay bồng con, nắm vạt áo chồng, vừa khóc vừa dặn rằng :
- Lúc được phú quí, chớ có quên nhau.
Bá Lý Hề đi sang nước Tề, muốn ra mắt Tề Tương
Công, nhưng không ai tiến dẫn, trong túi lại không tiền, quá cùng khốn, nên
phải tạm đi ăn xin ở đất Điệt (thuộc Tề). Bấy giờ Bá Lý Hề được 40 tuổi. Tại
đất Điệt có một người hiền tên là Kiển Thúc, thấy tướng mạo của Bá Lý Hề biết
là người hiền mà chưa gặp thời, nên mời về nhà đãi cơm nước, hỏi họ tên, rồi
bàn luận việc thời sự. Bá Lý Hề đối đáp rất trôi chảy. Kiển Thúc cùng Bá Lý Hề
kết nghĩa anh em, Kiển Thúc lớn tuổi hơn nên làm anh. Bá Lý Hề ở với Kiển Thúc,
nhưng Kiển Thúc cũng nghèo, Hề đi chăn trâu mướn để có tiền chi dụng.
Lúc bấy giờ, Công tử Vô Tri giết Tề
Tương Công, lên làm vua, treo
bảng cầu hiền. Bá Lý Hề vì quá nghèo nên tính đi đầu Vô Tri, Kiển Thúc can rằng
:
- Vô Tri tiếm lập làm vua thì có lâu dài gì mà
theo.
Sau, Bá Lý Hề nghe Vương Tử Đồi bên nhà Châu thích
chơi trâu, những người nuôi trâu giỏi đều được trọng dụng, Bá Lý Hề xin Kiển
Thúc qua đầu Vương Tử Đồi. Kiển Thúc dặn :
- Hễ là đại trượng phu thì không nên nhẹ mình mà
đầu người. Đầu lỡ mà sau bỏ đi thì bất trung, còn cứ theo hoài mà chịu hoạn nạn
thì bất trí. Bởi vậy, em phải thận trọng lắm mới được. Anh thu xếp việc nhà
xong thì qua Châu tìm em.
Bá Lý Hề đến yết kiến Vương Tử Đồi, nói về cách
nuôi trâu. Tử Đồi mừng lắm, toan nhận Bá Lý Hề làm gia thần. Bấy giờ Kiển Thúc
cũng vừa đến, Bá Lý Hề đưa vào yết kiến Tử Đồi.
Khi trở ra, Kiển Thúc nói :
- Vương Tử Đồi chí to tài ít, hay giao du với kẻ
siễm nịnh, tất có ngày sinh sự làm càn, chi bằng chúng ta nên bỏ đi.
Bá Lý Hề lâu ngày xa cách vợ con, có ý trở về nước
Ngu thăm gia đình. Kiển Thúc nói :
- Nước Ngu có một bề tôi hiền là Cung Chi Kỳ, cũng
là người quen của anh, lâu ngày cách biệt, nay em muốn về Ngu, anh cùng đi với
em, thăm Cung Chi Kỳ luôn một thể.
Bá Lý Hề về ghé nhà thăm vợ và con, không gặp, hỏi
hàng xóm cho biết Đỗ thị làm không đủ nuôi con nên lưu lạc tha phương, không
biết đi đâu, thật đáng thương xót.
Kiển Thúc vào thăm Cung Chi Kỳ, nhờ tiến cử Bá Lý
Hề. Cung Chi Kỳ tiến cử lên Ngu Công, được Ngu Công nạp dụng, phong làm Trung
Đại Phu. Kiển Thúc nói :
- Ta xem vua nước Ngu kiến thức hẹp hòi, lại tự
đắc, cũng không phải là vua hiền. Em vì nghèo mà phải ra làm quan thì
anh không thể ngăn được, nhưng
mai sau, em muốn thăm anh thì đến làng Minh Lộc nước Tống.
Bá Lý Hề làm
quan cho nước Ngu. Sau Ngu Công chẳng nghe lời can gián của Cung Chi Kỳ, cho
Tấn Hiến Công mượn đường qua đánh nước Quắc, lấy được nước Quắc rồi thì trở lại
chiếm nước Ngu, bắt Ngu Công đem về Tấn.
Bá Lý Hề than rằng : Ta mang tiếng là người bất
trí, lẽ nào lại bất trung. Do đó, Bá Lý Hề cứ theo bên xe của Ngu Công mà hầu
hạ, cùng đi về nước Tấn.
Chu Chi Kiều, trước đây làm quan Đại Phu giữ ải địa
đầu cho nước Quắc, bị mắc mưu nước Tấn nên mất ải, sợ vua Quắc trị tội, nên đầu
Tấn, được Tấn Công phong làm Đại Phu.
Nay Chu Chi Kiều thấy Bá Lý Hề về Tấn, muốn dụ đầu
Tấn như mình, nhưng Bá Lý Hề khẳng khái trả lời :
- Mình không biết giữ mình, để nước địch thắng
mình, thì mình không nên để bước đến nước đó mới phải, huống chi là nói việc
đầu với theo.
Chu Chi Kiều hổ thẹn thầm, và giận ghét Bá Lý Hề.
Bấy giờ Tấn Hiến Công gả con gái là nàng Bá Cơ cho
Công tử nước Tần. Tấn Công muốn có người theo đưa dâu. Chu Chi Kiều liền tâu
rằng :
- Bá Lý Hề không muốn đầu Tấn, để trong nước càng
sanh hại, chi bằng sai y đưa dâu qua Tần cho rảnh.
Tấn Công bằng lòng. Bá Lý Hề than : “ Ta có tài mà
không gặp minh chúa để phò, nay già rồi mà còn đi theo hầu hạ đưa dâu thì nhục
quá !” Giữa đường, Bá Lý Hề trốn sang Tống, bị bọn thợ săn bắt, tưởng là kẻ
gian. Bá Lý Hề nói :
- Tôi là
người nước Ngu, vì nước Ngu mất nên tôi phải trốn đến đây.
Bọn thợ săn bắt Bá Lý Hề đem về nuôi trâu của bọn
chúng. Bá Lý Hề biết cách nuôi trâu, nên trâu mau lớn và sinh sản nhiều. Tiếng
đồn nuôi trâu giỏi đến Vua Sở, nên vua Sở bắt
Bá Lý Hề
nuôi đàn ngựa của Sở
ở Nam Hải, vì vua Sở nghĩ rằng,
nuôi trâu giỏi tất nuôi ngựa giỏi.
Tần Mục Công xem sổ những người theo đưa dâu có tên
Bá Lý Hề mà không có người, lấy làm lạ, hỏi Công tử Trí. Công tử Trí đáp :
- Bá Lý Hề là bề tôi của nước Ngu, nay đã trốn đi
rồi.
Tần Mục Công bảo Công Tôn Chi :
- Nhà ngươi trước ở nước Tấn, tất biết Bá Lý Hề là
người như thế nào ?
- Bá Lý Hề là người hiền, biết vua nước Ngu là
người không thể can được nên không can, đó là Trí; theo vua Ngu sang Tấn để hầu
hạ mà không chịu làm tôi cho Tấn, đó là Trung. Bá Lý Hề có tài an bang tế thế
nhưng chưa gặp thời mà thôi. Bệ hạ nên kiếm người ấy về dùng.
Tần Mục Công cho người đi dò la tin tức về Bá Lý
Hề, biết Hề đang nuôi ngựa cho Sở Vương ở Nam Hải. Vua Tần muốn đem lễ vật đến
rước Bá Lý Hề, Công Tôn Chi can rằng :
- Vua nước Sở bắt Bá Lý Hề chăn ngựa là vì không
biết Bá Lý Hề là người hiền, nay Chúa công đem trọng lễ đến rước thì khác nào
bảo cho Sở biết Bá Lý Hề là người hiền thì lẽ nào vua Sở cho đi. Chi bằng Chúa
công vạch ra cái tội đưa dâu, theo hầu Bá Cơ mà bỏ trốn, dùng lễ mọn chuộc Bá
Lý Hề về Tần trị tội
thì ắt thành
công.
Tần Mục Công khen phải, cho thi hành kế ấy, sai
người đem 5 bộ da dê sang biếu vua Sở, chuộc Bá Lý Hề.
Bá Lý Hề về Tần, vào yết kiến Mục Công, vua hỏi :
- Năm nay nhà ngươi được bao nhiêu tuổi ?
- Tôi vừa đúng 70 tuổi.
- Tiếc thay ! Già lắm rồi !
- Chúa công sai tôi đi đuổi giống chim bay, hay đi
bắt thú dữ thì tôi già thật; nhưng nếu khiến tôi bàn việc chánh trị thì tôi còn
trẻ nhiều. Ngày xưa, Ông Khương Thượng 80 tuổi mới được vua Văn Vương rước
về làm
Thượng phụ, rồi
giúp nên cơ nghiệp nhà Châu. Nay
tôi gặp Chúa công, thiết tưởng còn sớm hơn Ông Khương Thượng những 10
năm.
Tần Mục Công nghe lời nói khí khái đó thì sanh lòng
kính trọng, hỏi tiếp :
- Nay nước ta tiếp với các nước Nhung Địch, không
dự hội với Trung nguyên được, nhà ngươi có ý kiến gì ?
- Chúa công không nệ tôi là kẻ hèn mạt mà hỏi đến,
tôi đâu dám tiếc lời. Nguyên đất Ung Kỳ là nơi hiểm trở. Vua Văn Vương, Vũ
Vương ngày xưa nhờ đất ấy mà trở nên cường thịnh. Nay nhà Châu không biết giữ
mà cho nước Tần, ấy là lòng Trời muốn mở mang cho nước Tần. Vả lại cõi phía Tây
nầy có vài mươi nước nhỏ, nếu ta kiêm tính các nước ấy thì có thể dùng đất đó
cày cấy được, dân đó có thể dùng được, các nước Trung nguyên còn ai tranh nổi
với Chúa công. Bấy giờ, Chúa công tìm cách tiến dần vào Trung nguyên, tôi chắc
nghiệp Bá chủ cầm lỏng trong tay Chúa công đó.
Tần Mục Công rất hài lòng, cùng Bá Lý Hề bàn luận
trong 3 ngày, cảm thấy hợp ý lắm, liền phong cho Bá Lý Hề là Thượng Khanh, giao
cho trị nước. Bá Lý Hề tâu rằng :
- Tôi có người anh kết nghĩa tên là Kiển Thúc, tài
gấp 10 lần tôi, nay Chúa công muốn sửa sang Chánh trị, thì nên dùng Kiển Thúc
và cho tôi giúp vào.
- Tài của khanh ta biết rồi, còn Kiển Thúc thì sao
?
- Kiển Thúc là người hiền, chẳng những Chúa Công
chưa biết mà Tề, Sở, Tống cũng chưa ai biết cả. Nguyên khi trước, tôi định theo
Công tử Vô Tri ở nước Tề, Kiển Thúc can tôi không nên. Tôi bỏ Tề nên thoát được
cái vạ Vô Tri. Sau tôi định theo Vương Tử Đồi nhà Châu, Kiển Thúc lại can tôi
không nên. Tôi lại bỏ Châu mà thoát được cái vạ Vương Tử Đồi. Sau tôi lại theo
Ngu, Kiển Thúc lại can tôi không nên, nhưng bấy giờ tôi quá nghèo khổ, phải
liều làm quan cho nước Ngu, thành ra bị nước Tấn bắt. Hai lần trước, tôi nghe lời
Kiển Thúc thì thoát khỏi tai vạ, còn lần sau không nghe lời nên suýt bị hại
thân. Xem thế thì cái tài của Kiển Thúc hơn tôi nhiều lắm. Bây giờ, Kiển Thúc
đang ở ẩn tại làng Minh Lộc nước Tống, xin Chúa Công cho người rước về Tần.
Tần Mục Công sai Công tử Trí, giả hình là người đi
buôn, đem lễ vật và thơ của Bá Lý Hề đi rước Kiển Thúc và con trai là Kiển Bính
về Tần. Kiển Thúc vào yết kiến Tần Mục Công. Mục Công bước xuống ngai nghinh
tiếp, nói :
- Bá Lý Hề thường nói tiên sinh là người hiền, xin
tiên sinh chỉ bảo cho.
- Nước Tần ở cõi Tây, tiếp giáp Nhung Địch, thế đất
hiểm trở, quân mạnh, mà không bằng các nước Trung nguyên là vì không có uy đức
mà thôi. Không có uy thì làm sao cho người ta sợ, không có đức thì làm sao cho
người ta mến. Người ta không sợ, không mến thì làm Bá chủ sao được.
- Uy và đức thì điều nào nên làm trước ?
- Nên lấy đức làm gốc, lại có uy giúp vào. Nếu có
đức mà không có uy thì làm sao giữ được nước; còn có uy mà không có đức thì làm
sao yên được dân.
- Ta muốn sửa đức và lập uy thì làm thế nào ?
- Dân nước Tần tập nhiễm nhiều phong tục mọi rợ,
không biết lễ nghĩa. Nay muốn cho dân biết tôn kính người trên thì phải dùng
giáo hóa và hình phạt. Có giáo hóa thì dân biết ơn, có hình phạt thì dân biết
sợ, bấy giờ kẻ trên người dưới khác nào thân thể của một người. Quản Di Ngô
giúp nước Tề sai khiến được thiên hạ cũng vì lẽ ấy.
- Cứ theo
lời nói của tiên sinh thì ta có thể làm Bá chủ thiên hạ đặng không ?
- Muốn làm Bá chủ thiên hạ thì phải có 3 điều nên
kiêng : Chớ tham lam, chớ tức giận, chớ vội vàng. Tham lam thì nhiều điều lầm lỗi, tức giận thì nhiều sự khó khăn,
vội vàng thì nhiều việc tan nát. Chúa công biết kiêng 3 điều ấy thì làm nên
nghiệp Bá.
Tần Mục Công khen phải. Tần Mục Công phong Kiển
Thúc làm Hữu Thứ Trưởng, Bá Lý Hề là Tả Thứ Trưởng, cùng làm chức Thượng Khanh,
gọi là 2 quan Tể Tướng, đồng phò Tần Mục Công, giúp nước Tần càng ngày càng
mạnh.
Nói về vợ của Bá Lý Hề là Đỗ thị, nghe tin chồng
làm Tể Tướng nước Tần, lúc đó Đỗ thị cũng đang ở nước Tần, làm nghề giặt thuê,
nhưng chưa dám ra mặt nhận chồng. Bấy giờ trong dinh Bá Lý Hề cần người giặt
thuê, Đỗ thị tình nguyện xin vào giặt, làm lụng chăm chỉ, nhưng vẫn chưa gặp
mặt Bá Lý Hề. Một hôm, Bá Lý Hề ngồi ở nhà trên, các phường nhạc và hát ở dưới
thềm. Đỗ thị xin đến dưới thềm nghe một bài đàn, rồi nói với phường nhạc : Tôi
biết đàn và biết hát.
Phường nhạc đưa cho Đỗ thị một đàn cầm, Đỗ thị ôm
đàn khảy một khúc ai oán, mọi người đều cho là hay, bảo Đỗ thị hát một bài. Đỗ
thị nói :
- Từ khi tôi lưu lạc đến nay, tôi chưa từng hát bao
giờ, nay xin lên nhà trên hát một bài hầu quan Tể Tướng.
Phường nhạc lên trình, được Bá Lý Hề chấp thuận.
Đỗ thị vừa đàn vừa hát rằng: “Bá Lý Hề ! Năm bộ da
dê, nhớ ngày nào cùng nhau ly biệt, mổ con gà mái ấp, chẻ cánh cửa làm củi,
thổi nồi cơm gạo vàng. Chớ thương thì thương ! Ngày nay giàu sang, quên ta hay
sao ?” . . .
Nghe hát đến đây thì Bá Lý Hề giựt mình sửng sốt,
lại gần xem kỹ, quả là vợ mình, ôm nhau mà khóc. Bá Lý Hề đem vợ con về ở chung
trong phủ, cả nhà sum họp.
Vua Tần Mục Công hay tin vợ chồng Bá Lý Hề sum họp
liền sai người đem1000 chung thóc, một xe vàng lụa đến mừng. Ngày hôm sau, Bá
Lý Hề đem con vào ra mắt vua, làm lễ tạ ơn. Về sau, Mạnh Minh và Kiển Bính cùng
phò vua Tần, lập được nhiều chiến công.
57 . Hữu Phước - Lệ Dung
Hữu Phước là tên của
một cậu bé nhà rất nghèo, lên 6 tuổi thì
mồ côi cả cha lẫn mẹ. Cậu bé sống một mình, tứ cố vô thân, nên thường rày đây mai
đó, lê la khắp thôn xóm để cầu thực qua ngày. Vốn bản chất thông minh, ham học,
nhưng vì không tiền, nên cậu đành thúc thủ, không sao vào trường học được, tuy
nhiên cậu cũng cố gắng tìm mượn sách vở tự
học.
Ngày kia, trong vùng cậu ở có loạn, cậu cùng dân
chúng đi xứ khác lánh nạn. Tới xứ lạ quê người, tiền bạc không có, cậu vào ở
tạm trong ngôi miếu Thổ Địa cuối làng, hằng ngày xin ăn độ nhựt. Lâu ngày, ai
cũng biết cậu bé ở trong miếu Thổ Địa, hỏi tên của cậu thì cậu xưng là Hữu
Phước. Người ta nói cậu tên Hữu Phước không đúng, phải gọi là Bất Phước mới
đúng. Cứ thế, ngày tháng trôi qua, Hữu Phước thấy rằng, ở ngôi miếu Thổ Địa nầy
có phần ấm cúng nên cậu định ở đây luôn, sẽ đi vào rừng kiếm củi đem xuống chợ
bán lấy tiền mua gạo, hẩm hút qua ngày.
Một hôm, cậu đi kiếm củi về, thấy có một cô gái đẹp
sang trọng đang ở trong miếu. Cậu lấy làm lạ, bậm gan hỏi :
- Công Nương đến đây có việc chi ?
Cô gái không trả lời, mà hỏi lại :
- Anh có phải là Hữu Phước không ?
- Người ta thường gọi tôi là Bất Phước, nhưng tên
thật của tôi là Hữu Phước. Công Nương hỏi có việc gì?
Cô gái ngập ngừng một lúc rồi nói :
- Không biết vì sao 4 đêm nay, đêm nào tôi cũng nằm
chiêm bao thấy Thần Thổ Địa về cho tôi biết tôi phải đến giúp đỡ anh, vì số tôi
và anh có . . .
Cô nói đến đây thì mắc cở, không nói nữa, đưa mắt
nhìn Hữu Phước dò hỏi. Hữu Phước vội nói :
- Công Nương lầm rồi, Thổ Địa đêm nào cũng ở đây
với tôi, làm gì có chuyện đi đâu được. Vả lại, tôi là kẻ khốn cùng, không nhà
cửa, chỉ tạm ở ngôi miếu nầy. Còn Công Nương đây là ai ? Từ đâu tới ?
Cô gái mỉm cười đáp :
- Tôi là Lệ Dung, con gái quan Tuần Phủ ở xóm trên.
Nghe Lệ Dung xưng như thế, Hữu Phước hoảng hồn, vội
chạy ra sau miếu trốn mất, không dám tiếp chuyện với Lệ Dung nữa. Lệ Dung hơi
ngạc nhiên, nhưng sau đó suy nghĩ thì biết, vì chàng nầy thấy có sự cách biệt
giai cấp nên trốn đi.
Thế rồi Lệ Dung lửng thửng ra về. Liên tiếp nhiều
đêm, Lệ Dung đều nằm mộng thấy Thổ Địa hối thúc Lệ Dung giúp đỡ cho Hữu Phước
có tiền ăn học, vì Hữu Phước có duyên nợ với nàng và sau nầy Hữu Phước sẽ thi
đậu Trạng.
Lệ Dung nghĩ rằng mình là phận gái, đường đột đi
làm việc nầy thì bạo lắm, nhưng cũng thử giúp đỡ chàng xem sao. Lệ Dung lập thế
mua hết số củi của Hữu Phước đem về với một giá cao, rồi cho người thân tín lân
la đến chơi với Hữu Phước và đem sách cho chàng mượn đọc.
Hữu Phước nghĩ rằng, có người ngầm giúp đỡ chàng,
nhưng cũng tương xứng với công nhọc nhằn của chàng, nên an tâm, cố sức học tập,
mong có ngày thi đậu để đền ơn tấm lòng tốt của cô gái ấy.
Thời gian qua mau, kỳ thi mở ra, Hữu Phước đậu được
kỳ thi Hương. Chàng mừng rỡ không xiết. Tiếp theo, nơi kinh đô mở kỳ thi Hội.
Lệ Dung lén đến miếu Thổ Địa giúp Hữu Phước hành lý để Hữu Phước lên kinh kỳ
thi Hội.
Thoát đã qua một năm, Lệ Dung trông ngóng tin tức
của Hữu Phước, nhưng éo le thay, tin Hữu Phước vinh qui đâu không thấy, mà cha
nàng, quan Tuần Phủ bị mắc tội hàm oan, lịnh vua đày đi Lãnh Nam biết xứ. Mẹ
nàng quá đau buồn, sanh bịnh, từ trần.
Lệ Dung mang nỗi niềm thương nhớ cha, đau xót mất
đi người mẹ thân yêu, nàng khóc mãi đến nỗi 2 mắt trở nên mù lòa, cửa nhà lần
lần sa sút. Nàng lần mò đến miếu Thổ Địa ngày xưa, quờ quạng tìm lại dấu vết
thân yêu, và nàng cố hình dung hình ảnh của người bạn trai là Hữu Phước. Nàng
đến bàn thờ cầu nguyện Thổ Địa, nhưng Thần Thổ Địa vẫn bặt tăm, không ứng mộng
cho nàng. Buồn thảm ! Thất vọng !
Bỗng một sáng tinh sương, Lệ Dung nghe có tiếng
nhạc ngựa và quân gia rần rộ, nàng lần ra trước cửa miếu, nghe tiếng gọi to
trong âm thanh nức nở : Lệ Dung ! Lệ Dung !
Hai tay Lệ Dung quờ quạng, thì Hữu Phước hiện đến nắm
lấy tay nàng, dồn dập hỏi han. Hai người mừng mừng tủi tủi. Hữu Phước thuật lại
sơ qua việc ứng thí nơi kinh đô, được may mắn đậu Trạng nguyên, vua thương tình
đem Công chúa gả cho, nhưng Hữu Phước tâu bày tất cả sự thật về hoàn cảnh của
chàng, đã có nàng Lệ Dung ơn nghĩa xưa nay, ở nhà đang ngày đêm trông đợi. Đức
vua thông cảm, rộng lượng khoan dung, cho Công chúa làm thứ thiếp. Nay chàng và
Công chúa về đây đặng rước người ơn nghĩa.
Hữu Phước vào miếu lạy tạ ơn đức của Thổ Địa đã
khiến xui cho chàng gặp được Lệ Dung. Chàng tạ ơn Thổ Địa xong, bước ra thì lạ
lùng thay, đôi mắt của Lệ Dung được sáng trở lại như xưa. Mọi người vô cùng
mừng rỡ.
Hữu Phước cho trùng tu miếu Thổ Địa khang trang,
mướn người ở thường xuyên trông nom hương khói, xong rước Lệ Dung về kinh đô,
tâu bày lên Đức vua các việc. Sau đó, Hữu Phước xin minh oan cho cha vợ là Quan
Tuần Phủ, đang bị lưu đày ở Lĩnh Nam. Đức vua chấp thuận cho gọi quan Tuần Phủ
trở về kinh, phục lại chức cũ.
58 . Lôi Chấn Tử cứu cha thoát nạn
Tây Bá Hầu (sau là Châu Văn Vương) được lịnh của
vua Trụ gọi gấp về triều, nên gấp rút sắp đặt công việc để theo sứ giả đến kinh
đô. Trên đường đi, khi đến núi Yên Sơn thì gặp Trời đổ mưa rất to, lại nổ ra
một tiếng sấm thật lớn, dường như lở non
rúng đất, ai nấy đều thất kinh hồn vía. Khi hết mưa, Tây Bá Hầu nói với chư
tướng hầu cận :
- Sấm lớn
quá, chắc có tướng tinh ra đời, các ngươi đi tìm quanh đây xem sao.
Các tướng vâng lịnh đi quanh, xảy nghe tiếng con
nít khóc ré, quân lính đến thấy một đứa bé mới sanh, chắc đây là tướng tinh,
bồng về trình Tây Bá.
Tây Bá mừng rỡ hỏi kỹ trước sau, thấy thằng nhỏ mặt
như nhụy đào, mắt như sao nháy thì mừng lắm, nói:
- Số ta có 100 đứa con, đã sanh được 99 đứa rồi,
nay nuôi thêm thằng nhỏ nầy nữa là đủ 100. Tướng mạo của thằng nhỏ nầy ngày sau
quí lắm ! Bây bồng nó đi vô xóm, đặng mướn vú nuôi, đợi 7 năm nữa, ta đi về
ngang đây sẽ rước nó.
Tây Bá Hầu chưa đi tới xóm, xảy thấy một Đạo sĩ vái
chào Tây Bá, nói rằng :
- Chào Chúa công.
Tây Bá lật đật xuống ngựa đáp lễ, hỏi :
- Thầy ở động nào, gặp tôi có việc gì ?
- Tôi là Vân Trung Tử, ở động Ngọc Trụ, núi Chung
Nam, bởi nghe sấm nổ lớn, biết có tướng ra đời nên đến đây tìm.
Tây Bá Hầu truyền đem đứa nhỏ tới, đưa cho Đạo sĩ
xem. Vân Trung Tử bồng nó rồi nói rằng:
- Tướng tinh đợi chừng nầy mới ra đời ! Chúa công
cho tôi đem về núi nuôi nó, chừng nào Chúa công về đây, tôi sẽ trả lại cho.
- Tôi cám ơn thầy, song lâu năm mới gặp, nên phải
đặt tên cho nó để nhớ mà nhìn sau nầy.
- Trong sấm sanh ra thì theo đó đặt tên Lôi Chấn
Tử.
Tây Bá khen phải, rồi để cho Vân Trung Tử bồng Lôi
Chấn Tử về núi Chung Nam nuôi dưỡng.
Vân Trung Tử là vị Tiên, học trò của Đức Nguơn Thủy
Thiên Tôn, biết Tây Bá Hầu phải bị vua
Trụ giam giữ tại thành Dũ Lý 7 năm, nay mãn hạn, nhưng còn tai ương một chút,
và đã đúng kỳ giao Lôi Chấn Tử cho Tây Bá, liền sai học trò là Kim Hà đồng tử
gọi Lôi Chấn Tử vào động, nói rằng :
- Nay cha ngươi đương mắc nạn, phải đi cứu cho mau.
Lôi Chấn Tử nói :
- Thưa thầy, chẳng hay cha của con là ai ?
Vân Trung Tử thuật hết chuyện cũ 7 năm về trước,
nói:
- Cha nuôi của ngươi là Tây Bá Hầu đang mắc nạn tại
ải Lâm Đồng. Ngươi ra núi Hổ Nhi kiếm đồ binh khí, đặng ta dạy võ nghệ cho mà
xuống núi cứu cha.
Lôi Chấn Tử vâng lời thầy, đến núi Hổ Nhi tìm binh
khí, chẳng thấy binh khí nào hết, mà lại thấy cây hạnh có 2 trái chín đỏ rất
ngon, liền leo lên hái ăn, ăn thử một trái thấy rất ngon liền hái trái kia ăn
luôn. Ăn xong thì cảm thấy 2 nách ngứa ngáy khó chịu, thấy mọc ra 2 cánh lớn
như cánh chim đại bàng. Lôi Chấn Tử rụng rời tay chân, ngã lăn bất tỉnh. Một
hồi tỉnh dậy, rờ sóng mũi quá cao, nanh ló khỏi môi, mặt xanh tóc đỏ, mình cao
2 trượng, lưng lớn 10 vừng, tướng mạo dị kỳ.
Lôi Chấn Tử không biết vì sao mình lại biến hình quái lạ như thế.
Vân Trung Tử xem thấy thì vỗ tay cười lớn, chỉ Lôi
Chấn Tử, ngâm rằng :
Ăn
hai hạnh đỏ sanh đôi cánh,
Cầm
một gậy vàng giúp đế vương.
Bay
khắp đất trời làm sấm gió,
Biết
bao phép tắc định âm dương.
Mắt
lồi sáng giới đôi tròng bạc,
Tóc
dửng phất phơ một sắc hường.
Tướng
tợ Lôi Công, oai tợ sét,
Phò
cha dựng nước dẹp nhà Thương.
Vân Trung Tử dắt Lôi Chấn Tử vào vườn đào, ban cho
một cây gậy vàng, dạy võ nghệ một lát thì tinh thông, phép tắc mầu nhiệm, rồi
lấy son viết chữ PHONG bên cánh tả và chữ LÔI bên cánh hữu. Vân Trung Tử bảo :
- Ngươi mau bay xuống ải Lâm Đồng cứu cha là Tây Bá
Hầu, song chẳng đặng giết tướng Trụ, cũng không đặng theo cha, phải trở về đây
ngay đặng học thêm phép tắc, sau ta sẽ cho xuống núi giúp cha và anh phạt Trụ.
Lôi Chấn Tử tạ ơn thầy, đi ra khỏi động, vỗ 2 cánh
Phong Lôi, tức thì bay tới ải Lâm Đồng, đứng trên núi, thấy một ông già cỡi
ngựa chạy trốn, phía sau có một toán quân đuổi theo, nghĩ chắc là cha mình mắc
nạn, nên gọi lớn :
- Ông có
phải là Tây Bá Hầu đó không ?
Tây Bá nghe tiếng gọi, ngó lên núi, thấy một người
như quỉ sứ thì quá sợ hãi, lại nghĩ người nầy sao biết mình là Tây Bá, lại nghĩ
mình đang lúc thế cùng thì còn sợ gì nữa, liền cho ngựa chạy lên núi, đến chỗ
Lôi Chấn Tử hỏi :
- Tướng quân là ai mà biết tôi là Tây Bá Hầu ?
Lôi Chấn Tử nghe rõ, liền quì xuống lạy vua cha và thuật rõ các việc. Tây
Bá Hầu mới biết đó là Lôi Chấn Tử biến thân, bây giờ là học trò Tiên, thì rất
vui mừng.
Lôi Chấn Tử kêu cha leo lên lưng mình,
nhắm mắt lại, để Lôi Chấn Tử bay qua 5 ải. Trong chốc lát Lôi Chấn Tử quạt đôi
cánh Phong Lôi, bay thoát qua khỏi 5 ải, đến đất Tây Kỳ. Lôi Chấn Tử lạy Tây Bá Hầu từ giã để trở về núi Chung Nam
theo lời thầy dặn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét