91 Điễn Tích Nơi Hành Lang Báo Ân Từ - 4 / 8 (Kim Hương)


TNHT. I. 108 : “Mỗi phen Thầy đau thảm khóc lóc các con, phải lén hạ trần, quyết bỏ ngôi Chí Tôn xuống lập Đạo, lại bị các con bạc đãi, biếm nhẽ, xua đuổi, bắt buộc đến đổi phải chịu cho các con giết chết. Ôi ! Thảm thay ! Thảm thay ! Các mối Đạo Thầy đã liều thân lập thành đều vào tay Chúa Quỉ hết, nó mê hoặc các con. Nhiều bậc Thiên Tiên còn bị đọa, huống lựa là các Chơn thần khác của Thầy đương nắn đúc thế nào thoát khỏi.
Thầy đã chẳng trách phạt Kim Quang Sứ, lẽ nào lại trách phạt
các con. Song hình phạt của Thiên điều, dầu chính mình Thầy cũng khó tránh.

Các con tự lập hình phạt cho các con, cũng như Thiên điều mà chư Thần Thánh Tiên Phật lập thành đó vậy.”

 Tóm lại, bức tranh “Huyền sử Ông Thầy không tên” là để răn lòng chúng ta, nhắc nhở chúng ta, toàn cả nhơn loại, phải luôn luôn hiếu hạnh cùng Đức Chí Tôn Đại Từ Phụ.

17 . Trung Úy Võ Đông Sơ bình hải khấu

Trung Úy Là một chức quan võ. Hải khấu là bọn cướp biển. Bình hải khấu là trị yên bọn cướp biển.

Truyện “Võ Đông Sơ bình hải khấu” nầy lấy từ Tiểu thuyết  “GIỌT MÁU CHUNG TÌNH” của tác giả Tân Dân Tử.

Võ Đông Sơ là con của Hoài Quốc Công Võ Tánh và Công Chúa Ngọc Du. Cha và mẹ của Võ Đông Sơ đều tử tiết trên ngọn lửa trung trinh của thành Bình Định lúc Võ Đông Sơ còn thơ ấu. Khi Đông Sơ lớn lên, tướng mạo đường đường là một trang thiếu niên anh tuấn, học thông cả văn và võ. Khi đậu thi Hương xong thì ra Thăng long thi Hội. Thuở ấy, triều đình mở khóa thi để  tuyển một Tiến Sĩ tài kiêm văn võ, nên thi cả 2 môn : Bữa trước thi Văn, bữa sau thi Võ. Võ Đông Sơ đi thi đều chiến hạng nhứt cả 2 môn. Vua Gia Long nơi triều đình Huế lấy làm đẹp ý, công nhận Võ Đông Sơ đậu Tiến Sĩ, xuống chiếu bổ làm chức Trung Úy, tùng sự dưới trướng của Tổng Trấn Bắc Hà Quận Công Lê văn Duyệt.

Lê Quân Công nói :
- Tiến sĩ Võ Đông Sơ là con Hoài Quốc Công, thật hổ phụ sanh hổ tử. Võ Tánh là bạn đồng liêu với ta trong lúc Ngài còn sanh tiền ở Gia Định. Nay Tiến Sĩ mới vừa thi đậu, chưa có công trạng gì, nên ta phái đi bình hải khấu vùng ven biển. Ta nghe quân hải khấu là Giặc Tàu Ô, thường ẩn trong các cù lao, xông ra cướp đoạt các thuyền thương hồ. Trung Úy ra Hải Dương, lãnh 20 chiến thuyền và 200 thủy binh mà đánh dẹp hải khấu, đồng thời do thám địa thế các cửa biển của tỉnh Quảng Đông Trung quốc, làm một bản đồ chi tiết nạp cho ta.

Võ Đông Sơ cúi đầu vâng lịnh, rồi trở về lữ quán, lòng vô cùng bối rối, vì dự định sau khi thi đậu Tiến Sĩ, Võ Đông Sơ sẽ làm lễ cưới với nàng Bạch Thu Hà, con gái của Binh Bộ Thượng Thơ tại triều đình.

Giai nhân và tráng sĩ đã thề ước cuộc trăm năm, mà nay chàng phải phụng mạng đi bình hải khấu thì biết chừng nào mới xong phận sự trở về mà vầy duyên cá nước.

Võ Đông Sơ nửa đêm lén đến Lương đình trong dinh quan Binh Bộ Thượng Thơ để gặp Bạch Thu Hà tỏ nỗi tâm tình và nói lời tạm biệt.

Bạch Thu Hà nói :
- Võ huynh ơi ! Đôi ta đã gieo lời ước thệ, thì dẫu có xa nhau đến vạn thủy thiên sơn, cũng phải giữ một lòng thiết thạch. Ngày nay Đấng Hóa Công muốn đem cái sầu ly biệt để thử thách lòng chúng ta có bền chặt hay không.

Bạch Thu Hà lấy chiếc áo hồ cừu đem tặng Võ Đông Sơ và nói :

- Đây là chiếc áo hồ cừu để sưởi ấm Võ huynh lúc trời Đông lạnh lẽo. Võ huynh thấy nó như thấy tiểu muội. Chàng hãy bảo trọng nơi chiến trường. Tiểu muội sẽ cầu nguyện Trời Phật cho Võ huynh bình an, khai thuyền đắc thắng.

Võ Đông Sơ nhận áo hồ cừu, từ giã người yêu, lòng buồn rười rượi, vội về lữ quán, xếp đặt hành trang đi Hải Dương ngay theo lịnh dạy.

Võ Đông Sơ đem 20 chiến thuyền từ Hải Dương lên Hải Phòng, phân làm 2 toán, giả trang là những thuyền buôn, súng ống và cung tên giấu trong khoan, cho một số  ít binh sĩ  ở trên thuyền, còn bao nhiêu đều ẩn kín trong khoan, đêm ngày tuần dọc theo ven biển.

Bữa nọ bỗng thấy một đám 10 chiếc thuyền của giặc Tàu Ô kéo tới, chúng tưởng thuyền của Võ Đông Sơ là thuyền buôn, nên lướt thẳng tới, giăng thành hàng ngang, không phòng bị chi cả. Khi tới gần chừng 100 thước thì giặc nổ súng thị oai, ra lịnh cho đoàn thuyền của Võ Đông Sơ xếp buồn lại.

 Võ Đông Sơ liền ra lịnh kéo cờ đỏ lên, đoàn thuyền của Võ Đông Sơ giương thêm 3 cánh buồm lớn, tách ra bao vây đám Tàu Ô. Hai bên xáp chiến, tên bắn như mưa. Võ Đông Sơ thình lình nhảy qua thuyền chỉ huy của giặc Tàu Ô, hạ ngay tên đầu đảng trong chớp mắt, đám thủy binh bên ta hăng hái xông lên, bọn Tàu Ô hoảng sợ đồng loạt đầu hàng.

Võ Đông Sơ truyền lịnh thâu binh, đem 10 thuyền giặc Tàu  Ô giải về Thăng long, báo công với Lê Tổng Trấn.

Nói về Bạch Thu Hà, gia đình nàng có tai biến, mẹ nàng đã mất lúc nàng còn nhỏ, cha nàng làm Binh Bộ Thượng Thơ tại triều đình Huế, bỗng đau nặng, thuốc thang không khỏi, gia nhơn phải đưa về Thăng Long, mấy hôm sau thì mất. Gia đình nàng bây giờ chỉ có 2 anh em : Anh Bạch Xuân Phương và nàng. Bạch Xuân Phương không giống cha, tánh tình tham lam độc ác, còn chị dâu là Trần thị chỉ biết có tiền. Cho nên sau khi mãn tang cha, Bạch Xuân Phương và vợ ép gả Bạch Thu Hà cho Vương Bích, một công tử giàu có nổi tiếng ăn chơi bậc nhất tại Thăng Long để được Vương Bích đền ơn nhiều của cải quí báu.

Bạch Thu Hà không thể nói cho anh mình biết mối tình của nàng với Võ Đông Sơ, vì anh nàng bị Đông Sơ đánh bại trong cuộc thi Võ Trạng nên rất oán hận Đông Sơ. Anh nàng đã ăn tiền của Vương Bích nên nhứt định bắt nàng phải ưng Vương Bích. Nàng đành trốn đi cùng với thể nữ Xuân Đào, mướn thuyền đi Hải Ninh tìm nhà dì ruột nương nhờ. Tên chủ thuyền thuộc loại gian ác, thấy Bạch Thu Hà và Xuân Đào, thân gái dặm trường, lại thấy có đeo nhiều nữ trang, nên dùng vũ lực cướp sạch tài sản, rồi đưa nàng và Xuân Đào bỏ nơi bãi vắng. May mà nó chỉ cướp tiền chớ không hãm hiếp.

Hai người lần bước lên bờ, gặp một khu rừng rậm, rồi cứ bước tới, mặc cho số mệnh đẩy đưa, tới tối mà chưa ra khỏi rừng, đành ngồi dưới tàn cây nghỉ mệt. Đến  nửa  đem, 2 người bị một con tê giác phát hiện và tấn công. May nhờ có một thợ săn đến kịp, đánh tê giác, cứu 2 nàng đem về sơn động.

Người thợ săn ấy là một thiếu nữ, tên Hoàng Nhị Cô, có người anh ruột là Hoàng Nhất Lang, là tay anh hùng võ dũng, nguyên là tướng của vua Quang Toản nhà Tây Sơn. Khi Quang Toản bị vua Gia Long bắt giết, Hoàng Nhất Lang cùng đám bộ hạ kéo vào rừng núi, hùng cứ một vùng, sống đời Lương Sơn Bạc. Nhị Cô thấy Bạch Thu Hà là trang khuê các dịu hiền, hương Trời sắc nước, nên rất thương mến, muốn gá nghĩa cùng anh ruột của nàng cho tình thêm thắm thiết.

Bạch Thu Hà vừa mới thọ ơn cứu tử của Nhị Cô, chưa tiện chối từ, mà cũng chưa dám thố lộ tâm sự cùng Nhị Cô, bị Nhị Cô ràng buộc mãi. Thu Hà rất đau lòng, chưa biết giải quyết ra sao, thì Nhị Cô tổ chức đám cưới cho anh và Bạch Thu Hà. Bạch Thu Hà túng thế, nên quyết tâm liều mình, bèn viết một bức thơ lâm ly thống thiết để lại cho Nhị Cô, rồi nửa đêm lén liều mình nhảy xuống vực sâu tử tiết.

May mắn thay có một người tên Triệu Dõng đi thuyền ngang vực sâu, cứu kịp, hỏi ra mới biết nàng là Bạch Thu Hà, người tình của Võ Đông Sơ, mà Võ Đông Sơ lại là ân nhân và cũng là nghĩa huynh của Triệu Dõng. Triệu Dõng đưa Bạch Thu Hà về nhà, có cô em là Triệu Nương hết lòng săn sóc Thu Hà, và coi Thu Hà như là chị dâu.

Bữa nọ, Triệu Nương rủ Bạch Thu Hà đi lễ chùa Tây Hà nhằm tiết Trung Nguơn, bỗng thấy trước chùa có lập đàn chay, trên bàn hương án có bài vị đề là :
“ĐÔNG KINH NỮ CÔNG TỬ BẠCH THU HÀ CHI LINH VỊ” “Ngự Lâm Quân Đô Úy Võ Đông Sơ phụng lập”
(Đông kinh : Tên gọi thành Thăng Long).

Hai người nhìn tấm linh vị rất kinh ngạc, lại hy vọng có Võ Đông Sơ ở tại đây, liền đi vào chùa hỏi sư trụ trì.

 Thiền sư cho biết : “Cách nay gần một tháng, quan Đô Úy Võ Đông Sơ đến chùa nầy, nói có người thân của Ngài là Nữ  Công tử Bạch Thu Hà ở Thăng long đã nhảy xuống biển tự tử, Ngài rất thương tiếc, nên xuất tiền yêu cầu chùa lập đàn chay cầu siêu cho Thu Hà và phụng tự.”  Bạch Thu Hà hỏi :
- Bạch Thiền sư, Võ Đông Sơ còn ở đây không ?

- Đô Úy đã đi tuần thú ở ải Nam Quan, chẳng biết chừng nào trở lại.

Chẳng hỏi được việc gì thêm, Bạch Thu Hà và Triệu Nương từ giã Thiền sư ra về. Đến cổng chùa, bỗng gặp Bạch Xuân Phương và Vương Bích dắt nhau đi tới. Thì ra 2 người nầy đi tìm kiếm Bạch Thu Hà, kể từ khi Bạch Thu Hà trốn đi khỏi nhà. Nhờ có Triệu Nương che chở, Bạch Thu Hà chạy thoát  về nhà, gặp Triệu Dõng nàng mới yên tâm bớt sợ.

Triệu Dõng lập kế đưa Thu Hà và Triệu Nương trốn thoát Bạch Xuân Phương và Vương Bích, rồi dọc đường lại may mắn gặp được Võ Đông Sơ. Thế là thỏa nguyện. Hai người gặp nhau, mừng mừng tủi tủi, kể lể hết sự tình gian nan nguy hiểm từ khi 2 người chia tay nhau ở Lương đình.

Võ Đông Sơ mướn xe đưa Bạch Thu Hà và 2 anh em Triệu Dõng về dinh của mình để nghỉ ngơi và hàn huyên tâm sự. Võ Đông Sơ nghĩ mình mồ côi cha mẹ, lại gọi đương kim Hoàng Thượng là cậu ruột, nên liền viết một tờ biểu kể rõ hết sự tình, xin Hoàng Thượng ngự bút tứ hôn cho chàng và Bạch Thu Hà. Biểu chương vừa gởi thì có chiếu chỉ của Hoàng Thượng dạy về việc binh rất gấp :

“Nay nhơn Thanh triều ỷ thế nước mạnh binh nhiều, xâm lấn bờ cõi nước ta, nên Trẫm phải ngự giá thân chinh, quyết đánh cùng quân Thanh một trận. Trẫm truyền cho Đô Úy Võ Đông Sơ lập tức lên Lạng Sơn, quản suất Võ Tam quân và theo Trẫm lãnh chức Ngự Tiền Hộ Giá.”

Đông Sơ đọc chiếu xong, lòng buồn vô hạn, nói với Thu Hà :
- Bạch muội, huynh đã viết biểu dâng lên Hoàng Thượng xin tứ hôn cho đôi ta, những tưởng đôi ta hết cơn ly biệt, vầy cuộc nhơn duyên, nào dè cái thời vận điên đảo cứ theo buộc ràng, làm cho phụng phải lìa loan, biết chừng nào mới vui vầy giai ngẫu ?

- Võ huynh ơi ! Cũng thật đau lòng đó, nhưng phận làm tôi, đã hưởng tước lộc của triều đình thì phải rán ra công đền đáp, nhứt là lúc nước nhà bị ngoại bang xâm lấn. Muội sẽ hằng đêm cầu nguyện cho huynh được bình an trong chốn mũi đạn đường tên, sớm ca khúc khải hoàn, chừng ấy đôi ta sum hiệp, phỉ tình thương nhớ.

Võ Đông Sơ kêu Triệu Dõng đến nói rằng :
- Nay gặp lúc quân Tàu xâm lấn, Hoàng Thượng đang trọng dụng nhơn tài, nghĩa đệ nên theo huynh để huynh tiến cử lên Hoàng Thượng mà ra sức lập công, chẳng nên để mai một cái tài của kẻ anh hùng mà lỗi phận nam nhi trên đường nghĩa vụ. Còn Triệu Nương thì ở lại đây bầu bạn cùng Bạch muội, chờ 2 ta trở về.

Hai người sửa soạn hành trang, từ giã Bạch Thu Hà và Triệu Nương, lên đường thẳng đến Lạng Sơn, ra mắt Hoàng Thượng.

Hoàng Thượng đặc cách phong Triệu Dõng làm chức Thiếu Úy, theo Võ Đông Sơ lập công. Sau đó, nhà vua truyền cho các đạo binh lên ải Nam Quan.

Đội Tiền quân bị quân Tàu chận đánh, rồi lần lần quân Tàu kéo đến càng lúc càng đông, vây chặt đạo quân của nhà vua vào giữa. Tuy quân ta ít, nhưng chiến đấu rất dũng cảm, hàng ngũ chỉnh tề, quân Tàu tuy đông nhưng chưa làm gì được. Nhưng dần dần quân ta cũng núng thế, nhà vua nhíu mày lo ngại, ngó hàng võ tướng đang đứng xung quanh nói :
- Ai dám lãnh mạng xông ra thoát khỏi vòng vây đi kêu đạo binh Tả dực đến cứu ứng ?

 Các võ tướng nhìn nhau, chưa ai dám ra lãnh mạng. Võ Đông Sơ liền bước tới xin đi. Triệu Dõng cũng bước ra xin theo Võ Đông Sơ trợ lực. Nhà vua thấy 2 tướng trẻ tuổi can đảm phi thường, rất đẹp ý, mừng rỡ dặn rằng :
- Cái trách nhiệm nầy rất yếu trọng và nguy hiểm, hai tướng phải tận tâm kiệt lực.

Hai tướng bái mạng, giục ngựa ra đi. Triệu Dõng nói :
- Nghĩa huynh cứ chạy trước, chúng nó có rượt theo thì tiểu đệ đảm đương.

Chưa thoát khỏi vòng vây, Triệu Dõng chẳng may bị một mũi tên bắn trúng vào ngực, phải bỏ mạng. Võ Đông Sơ rất đau lòng, liều chết thoát đi. Nhờ sức ngựa hay, vượt qua một khe sâu, chạy thoát khỏi vòng vây, chạy riết, gặp được đạo binh Tả dực đang đóng trong rừng. Võ Đông Sơ gấp rút tiến vào trung quân gặp Đô Đốc, trình lịnh của Hoàng Thượng, Đô Đốc tức tốc kéo quân đi tiếp ứng.

Võ Đông Sơ cùng tướng Tiên phong từ ngoài vòng vây đánh vào bất ngờ làm quân Tàu rối loạn, chết thôi vô số, nhưng Võ Đông Sơ bị trúng một viên đạn nơi lưng, máu tuôn lai láng.

Hoàng Thượng đang ngóng chờ viện binh, thấy có một đạo binh ở ngoài đánh vào, thì biết đó là binh cứu viện, liền cho lịnh tấn công từ trong đánh ra. Quân Tàu bị 2 mặt giáp công. Nhà vua nhìn thấy có một tướng đang nằm mọp trên mình ngựa, chạy đến, mình mẩy đẩm máu, nhìn kỹ thì ra tướng ấy là Võ Đông Sơ bị trọng thương, đến trước mặt Hoàng Thượng thì ngã xuống, thở hào hễn nói :
- Triệu Dõng đã tử trận, đạo binh Tả dực đã đến tiếp cứu, đang xáp trận.

Nói đến đây, Võ Đông Sơ kiệt sức, gục xuống tắt thở.
Nhà vua thương tiếc vô cùng, truyền đem xác Võ Đông Sơ tạm đặt nơi Hậu đình, để lo tiếp tục chiến đấu.

Trận ấy quân Tàu thua to, phải rút tàn quân trở về Tàu.

Hoàng Thượng hạ lịnh kéo quân trở về Lạng Sơn, khao thưởng tướng sĩ. Võ Đông Sơ được khâm liệm tử tế, đặt quan tài nơi Tùng đình, còn Triệu Dõng mất xác, không tìm được.

Nói về Bạch Thu Hà và Triệu Nương ở nhà trông ngóng tin tức, bỗng đâu 2 mí mắt của Bạch Thu Hàgiựt lia lịa, lòng phập phòng lo sợ. Nàng vội bước ra sân,vừa cúi xuống thì cây kim thoa giắt trên mái tóc bỗng rơi xuống gãy làm 2 đoạn.

Đến chiều, một tên bộ hạ của Võ Đông Sơ hớt hãi chạy vào báo tin : Quan Đô Úy Võ Đông Sơ và Triệu Dõng đều tử trận, hiện linh cữu đang quàn tại Tùng đình tỉnh Lạng Sơn.

Bạch Thu Hà nghe xong ngã xuống bất tỉnh. Triệu Nương còn gượng được, bế xốc Bạch Thu Hà vào nhà cứu tỉnh.

Khi tỉnh dậy, 2 chị em cùng ngồi than khóc, chờ sáng hôm sau, Triệu Nương dìu Bạch Thu Hà lên xe đi Lạng Sơn. 2 người được hướng dẫn đến Tùng đình, vào thấy quan tài với hàng chữ : “Ngự Tiền Hộ Giá Ngự Lâm Quân  Đô Úy chi cữu”

Bạch Thu Hà ôm quan tài khóc ngất rồi nàng nằm dựa quan tài ngất lịm. Bạch Thu Hà mơ màng thấy một Võ tướng đẩy cửa bước vào, nhìn kỹ là Võ Đông Sơ, nàng mừng rỡ hỏi :
            -  Lang quân, giặc chưa yên mà sao chàng về đặng ?

- Quân giặc bị đánh đuổi đi rồi, nay tôi về đây rước nàng làm lễ nghinh hôn, động phòng hoa chúc.

Bạch Thu Hà vô cùng mừng rỡ, liền đi theo Võ Đông Sơ, đến một hoa viên đẹp, phía trong có một tòa nhà lớn, treo đèn kết hoa, nhạc trổi du dương. Võ Đông Sơ bảo Thu Hà :

- Đã tới phòng hoa, chúng ta vào đi.

Hai người bước vào phòng, má tựa vai kề, ân tình thắm thiết, thỏa lòng thương nhớ bấy lâu. Đông Sơ đứng dậy nói :
- Đêm nay trăng tỏ, chúng ta ra hoa viên ngắm trăng.

 Rồi 2 người dắt dìu nhau đi ra khỏi Hoa viên, bỗng thấy một cái biển lớn, giữa biển có một trụ đá to, trên đó có khắc 3 chữ “TÌNH NGHIỆT HẢI”.

Bỗng thấy một con quỉ từ trụ đá nhảy ra lướt tới chụp Võ Đông Sơ. Chàng tràn qua tránh khỏi rồi rút kiếm chém nó một nhát. Thằng quỉ lui lại, há miệng phun vào Võ Đông Sơ một vòi máu làm cho mặt mày mình mẩy Võ Đông Sơ dính máu đỏ lòm. Chàng nổi giận, lấy kiếm đâm vào bụng thằng quỉ, tức thì chỗ đó lú ra một cái đuôi dài quấn chặt Võ Đông Sơ kéo xuống biển. Bạch Thu Hà hoảng kinh, nhảy tới chụp Võ Đông Sơ kéo lại, chẳng dè chụp nhằm cây kiếm để thờ Võ Đông Sơ nơi bàn hương án, thì giựt mình tỉnh lại, té ra là một cơn ác mộng.

Bạch Thu Hà ngẫm nghĩ lại quá chán nãn cuộc đời, bước lại bàn hương án đốt 3 cây nhang, vái Võ Đông Sơ rằng :
- Lang quân ôi ! Đôi ta mảng cái kiếp nhơn duyên cách trở, sống chẳng đặng cùng nhau đồng tịch đồng sàng, thì ngày nay, thiếp mượn cây kiếm nầy để thác theo chàng cho được đồng quan đồng huyệt.

Vái rồi, Bạch Thu Hà đâm gươm vào cổ chết, ngã lăn bên cạnh quan tài của Võ Đông Sơ.

Quan Tư Sự được báo cho biết, liền đến nơi khám nghiệm thi thể của Bạch Thu Hà, truyền tẫn liệm vào quan tài, đặt phía sau Tùng đình, rồi làm biểu tâu lên vua các việc.

Hoàng Thượng xem các biểu xong thì than rằng :
- Trước khi có giặc, Võ Đông Sơ có gởi cho Trẫm một tờ biểu chương bày tỏ sự tích của Bạch Thu Hà và xin Trẫm tứ hôn, kế gặp can qua chinh chiến, Trẫm chưa kịp tứ hôn thì Võ Đông Sơ tử trận, Bạch Thu Hà liều mình chết theo, thật đáng khen cho nàng là gái tiết hạnh trung trinh, trong đời ít có.

Vậy quan  Lễ Bộ liệu định lẽ nào ?
 - Theo ý hạ thần, Võ Đông Sơ và Bạch Thu Hà đã gá nghĩa nhơn duyên nhưng vì chiến tranh nên chưa tính đặng việc hôn phối cho rỡ ràng. Nay Bạch Thu Hà giữ lòng trinh liệt mà thác theo Võ Đông Sơ cho trọn nghĩa ân tình, thì cũng là người đàn bà đáng phong đáng ngợi. Vậy xin Hoàng Thượng ngự bút tứ hôn cho 2 người đặng danh tiết rỡ ràng.

Hoàng Thượng nghe xong truyền cho Lễ Bộ lập tờ Hôn Thú, rồi Hoàng Thượng ngự bút chứng phê, sắc phong Võ Đông Sơ là Võ Hiền Hầu, phong Bạch Thu Hà là Tiết Liệt Nhứt phẩm Phu Nhân, phong cho Triệu Dõng là Khinh Xa Trung Úy. Xong đâu đó, giao cho Lễ Bộ Thượng Thư sắp đặt việc tang chế và định ngày an táng.

Lễ Bộ Thượng Thư đọc bài Tuyên dương trước linh cữu của Võ Đông Sơ và Bạch Thu Hà, chép ra như sau :
“ Nghe rằng :
Có ly loạn mới rõ tôi hiền Chúa Thánh,
Gặp gian nguy mới biết vợ nghĩa chồng trung.
Trai như Đông Sơ đáng khí phách anh hùng,
Gái như  Thu Hà đáng trung trinh liệt nữ.
Đã lắm lúc giang hồ lạc xứ,
Vẫn giữ niềm son sắt chẳng nguôi lòng.
Lại gặp khi tai nạn dập dồn,
Cũng gìn một nghĩa keo sơn không đổi dạ.
Lời thệ ước năm xưa vàng đá,
Phú thân danh chứng có Đất Trời.
Nghĩa tóc tơ chẳng đổi chẳng dời,
Lúc vực thẳm, lúc biển sâu,
Quyết một dạ thủy chung như nhứt.
Rủi Đông Sơ gặp lúc Mãn Thanh xâm lược,
Khiến ra duyên phận lỡ làng.
Thương Thu Hà vì căn mạng đảo điên,
Xui khiến nỗi sắt cầm lỗi nhịp.
Trai anh dũng nơi sa trường tử chiến,
Phận kiếm cung cho rõ mặt đứng trung thần.

Gái thuyền quyên vị nghĩa quyên sinh,
Lòng khảng khái cũng nên trang liệt nữ.
Xét cho tột, âm dương đồng nhứt lý,
Sống nhơn duyên thì thác cũng nhơn duyên.
Hoàng Thượng bút phê cho tác hợp hai bên,

Trước đặng câu danh tiết rỡ ràng,
Sau khỏi tiếng thị phi dị nghị.
Phong hai người phu vinh thê quí,
Gối du Tiên một giấc phỉ tình chung.
Phán hai hồn trung liệt thuận an,
Miền vân hạc ngàn năm vầy loan phụng.”

Đọc xong thì có 3 tiếng súng thần công báo hiệu giờ động quan. Hoàng Thượng ngự giá tống hành, theo sau là các quan văn võ, rồi kế là một đoàn kỵ mã theo hầu.

Đoàn người tiến thẳng vào một tòa miếu mới vừa xây dựng tại chơn núi, bên ngoài đề 4 chữ đại tự  : CÔNG THẦN VÕ MIẾU, phía sau miếu là 2 cái huyệt cẩn đá xanh, chung quanh có 4 con sư tử đá ngồi chầu, mộ bia có khắc 2 hàng chữ

TRUNG LIỆT SONG THẦN
VÕ ĐÔNG SƠ - BẠCH THU HÀ  chi mộ

Trong miếu chia làm 3 gian, gian giữa thờ Võ Đông Sơ, gian bên hữu thờ Bạch Thu Hà, gian bên tả thờ Triệu Dõng.

Phía sau là Hậu đường dành cho Triệu Nương và thể nữ Xuân Đào ở đó sớm hôm nhang khói phụng thờ.

Trước miếu có chạm đôi liễn :
- ĐỨNG ANH HÙNG MỘT THÁC ĐỀN  ƠN  NON  NƯỚC VIỆT.
- GƯƠNG LIỆT NỮ NGÀN THU DANH RAÏNG ĐẤT TRỜI NAM.

18 . Hạng Võ thất thủ thành Cai Hạ

Hạng Võ, người đất Cối Kê nước Sở, mồ côi cha mẹ từ nhỏ, ở với chú là Hạng Lương. Cha của Hạng Lương là Hạng Yên, tướng của nước Sở, bị Vương Tiễn, tướng của nước Tần giết chết. Hạng Võ không thích học chữ, cũng không thích học võ nghệ, bị chú Hạng Lương trách mắng. Hạng Võ nói :
- Học chữ chỉ làm bọn văn nhân, ngày ngày ghi ghi chép chép, còn học múa kiếm chẳng qua chỉ dùng để đánh lại vài người, cháu muốn học cái gì mà một người đánh được muôn người, như vậy mới mong đem thân ra tranh đấu với thiên hạ.

Hạng Lương thấy cháu có chí lớn như vậy thì đem binh pháp ra dạy, Hạng Võ chịu học, nhưng học để biết qua ý nghĩa vậy thôi chớ không đến nơi đến chốn.

Lúc bấy giờ vua Tần Thủy Hoàng mới chết, Hồ Hợi nối ngôi xưng là Tần Nhị Thế. Nước Tàu bắt đầu loạn lạc. Hạng Lương và Hạng Võ mưu việc nổi dậy ở Cối Kê, đến huyện đường Cối Kê, lập kế giết quan Thái Thú Ân Thông, chiếm đoạt ấn tín, chiêu dụ dân chúng, trưng tập quân sĩ.

Hạng Lương muốn chiêu dụ 2 tướng Hoàn Sở và Vũ Anh về hàng. Hai tướng muốn thử tài Hạng Võ, nên nói :
- Ở miếu Võ Vương có một cái đỉnh nặng mấy ngàn cân, nếu Hạng Võ lay nổi 3 lượt thì chúng tôi theo phò.

Hạng Võ liền đến bên đỉnh đồng, đẩy mạnh một cái, đỉnh ngã lăn chiêng, Hạng Võ lại đỡ đỉnh lên để lại chỗ cũ. Hoàn Sở và Vũ Anh vỗ tay tán thưởng. Hạng Võ nổi hứng, xăn tay áo lên, đến xách đỉnh đi 3 vòng quanh miếu, rồi để xuống, mặt không biến sắc. Mọi người đều khâm phục cho là Hạng Võ có sức mạnh vô địch. Thế là 2 tướng Hoàn Sở và Vũ Anh theo phò Hạng Võ.

Dân chúng lại cho biết cạnh núi Đồ Sơn có một con rồng đen hóa thành ngựa, phá hại dân chúng quanh vùng, không ai trị được. Hạng Võ đến nơi xem xét, con Thần mã chạy tới tấn công, vừa cắn vừa đá. Hạng Võ lừa thế, túm lấy bờm, đè mạnh xuống, Thần mã không sao vùng vẫy được. Hạng Võ liền nhảy lên cỡi, Thần mã chạy quanh 3 vòng không hất Hạng Võ xuống được nên mới chịu phục tòng, ngoan ngoãn nghe theo lời Hạng Võ. Hạng Võ thu phục được ngựa thần thì mừng rỡ vô cùng, đặt tên ngựa là Ô Truy.

Ngu Công cảm phục Hạng Võ, đem con gái là nàng Ngu cơ gả cho Hạng Võ.

Hạng Lương và Hạng Võ nghe theo lời của Quý Bố, đến thôn Cư Sào, thỉnh Phạm Tăng ra làm Quân Sư.

Phạm Tăng bàn mưu, tìm dòng dõi của vua Sở mà lập lên làm vua thì mới dễ thu phục nhơn tâm và anh hùng thiên hạ. Hạng Lương cho là phải, tìm được cháu vua Sở lập lên là Sở Hoài Vương.

Hạng Lương đem quân đánh Chương Hàm, một tướng của nhà Tần, bị Chương Hàm đánh cho một trận tơi bời, và Hạng Lương bị giết chết. Hạng Võ lên thay chú cầm binh.

Lúc bấy giờ thế quân chia làm 3 : Hạng Võ đóng binh phía Tây Bành Thành, tướng Lữ Thần đóng binh phía Đông Bành Thành, còn Lưu Bang đóng binh ở đất Đường. Sở Hoài Vương lập giao ước với Hạng Võ và Lưu Bang : Nếu ai lấy được Hàm Dương, kinh đô nhà Tần, trước thì người ấy làm vua, ai đến sau thì phải chịu làm bề tôi.

Lưu Bang nhờ có Quân Sư Trương Lương và các tướng giỏi nên đem quân đánh lấy được Hàm Dương trước Hạng Võ. Lưu Bang truyền niêm phong kho tàng, vỗ an bá tánh, cấm quân sĩ cướp phá, khiến người Tần đều mến phục.

Khi Hạng Võ đem binh tới, thế quân rất mạnh, buộc Lưu Bang đem Hàm Dương giao cho Hạng Võ. Hạng Võ đem binh vào Hàm Dương giết sạch quân Tần, đốt hết cung điện, nhà cửa, tịch thâu của cải, dân chúng vô cùng oán hận, lại càng cảm mến đức độ của Lưu Bang.

Hạng Võ bỏ lời giao ước trước đây, tự lập làm vua, xưng là Sở Bá Vương, đóng đô ở Bành Thành. Rồi phong :
-  Lưu Bang làm Hán Vương, cai trị Ba Thục và Hán Trung, đóng đô ở Nam Trịnh.
-  Chương Hàm làm Ung Vương, đóng đô ở Phế Khẩu.
-  Tư Mã Hân làm Tắc Vương, đóng đô ở Lịch Dương.
-  Đổng Ế làm Địch Vương, đóng đô ở Cao Nô.
-  . . . vv . . .

Trương Lương làm Quân Sư cho Hán Vương, biết Hàn Tín là kẻ kỳ tài, tiến cử lên Hán Vương làm Phá Sở Đại Nguyên Soái. Hán Vương trao hết binh quyền cho Hàn Tín.

Hàn Tín cầm quân, đi tắt qua ngã Trần Thương, đánh úp Chương Hàm, lấy được Hàm Dương. Các chư Hầu khác lần lượt bị Hàn Tín đánh dẹp, chỉ còn Hạng Võ ở Bành Thành.

Trần Bình giúp kế cho Hán Vương ly gián Hạng Võ và Phạm Tăng. Hạng Võ mắc kế, nghi ngờ Phạm Tăng, khiến Phạm Tăng chán nãn, cáo lui về quê nhà,dọc đường đau bịnh chết.

Hạng Võ, từ khi mất Phạm Tăng, không còn ai chỉ dẫn đường lối, nên đánh đâu thua đó, bị bại trận ở Bành Thành, phải chạy về cố thủ ở thành Cai Hạ.

Trong thành Cai Hạ, binh ít, lương cạn, nhưng Hạng Võ không nao núng, với tài võ dõng vô địch, Hạng Võ đánh lui 60 tướng Hán. Hàn Tín nhận thấy không có viên tướng nào có thể đối địch cùng Hạng Võ, nên phải dùng mưu, cứ thắt chặt vòng vây cho đến khi trong thành Cai Hạ hết lương thực thì Hạng Võ ắt phải đầu hàng.

Lý Tả Xa bàn thêm, nếu trong thành hết lương thực, Hạng Võ liều chết đánh ra thì không ai đương cự nổi. Hơn nữa, dưới trướng của Hạng Võ còn các  tướng tài như : Quí Bố, Chung Ly Muội, Chu Lan. Chi bằng làm cách nào để các tướng của Hạng Võ chán nãn bỏ đi hết thì binh sĩ cũng bỏ đi luôn, chỉ còn một mình Hạng Võ mới dễ đối phó. 

Hàn Tín liền đến hỏi kế  Trương Lương.
Trương Lương cho biết, hồi còn thanh niên, Trương Lương học thổi ống tiêu với một dị nhân, nên tiếng tiêu phát ra du dương  u buồn não nuột, khiến người nghe động lòng nhớ quê hương. Nay đang độ tiết thu, cây cỏ hắt hiu, khung cảnh rất buồn. Tôi sẽ nhân lúc đêm khuya thanh vắng, lên núi Kê minh, thổi lên khúc tiêu sầu, chắc chắn binh sĩ của Hạng Võ nghe xong, buồn nhớ quê hương, tất bỏ hàng ngũ đi hết.

Nhờ tiếng tiêu của Trương Lương, tướng sĩ của Hạng Võ buồn chán, bỏ đi gần hết, tám ngàn quân mà chỉ còn lại mấy trăm người.

Hạng Võ thấy trước sự thảm bại sắp tới với mình, nên bày tiệc rượu tiễn biệt ái phi Ngu cơ. Ngu cơ dùng gươm tự sát để Hạng Võ rảnh tay thoát thân về Giang Đông, mưu đồ phục nghiệp. Hạng Võ đem tàn quân đánh với quân Hán mấy trận thật oanh liệt, rồi chạy đến bờ sông Ô Giang. Ông Đình trưởng chờ sẵn thuyền để đưa Hạng Võ trốn qua sông thoát nạn.

Nhưng Hạng Võ nghĩ mình là bực anh hùng cái thế, đến nước nầy sống càng thêm tủi nhục, nên kêu Đình trưởng tặng cho cái đầu của mình đặng nạp cho Hán Vương lãnh thưởng. Nói xong, Hạng Võ tự cắt đầu tự sát, hưởng 41 tuổi.

 Có 3 nguyên do làm Hạng Võ thất thủ thành Cai Hạ :
1 . Hàn Tín là tay mưu trí, biết Hạng Võ chỉ có tài võ dõng vô địch, ít mưu trí, nên tránh giao chiến với Hạng Võ, chỉ chia quân vây thành và tuyệt đường lương thực.

2 . Trương Lương thổi lên tiếng sáo não nùng làm nãn lòng binh sĩ của Hạng Võ, khiến họ chán ghét Hạng Võ, bỏ đi gần hết.

3 . Kể từ khi Phạm Tăng bỏ đi, Hạng Võ không có ai cố vấn, nên hành động thiếu sáng suốt, chỉ biết ỷ vào sức mạnh võ biền.

19 . Sài - Triệu - Trịnh

1. SÀI : là Sài Vinh, tự là Quân Quới, người gốc ở Tịnh Vị Châu, ông cha thuở trước có làm quan, nhưng đến đời Sài Vinh thì sa sút, trở nên nghèo khổ, Sài Vinh phải đi bán dù. Tướng mạo của Sài Vinh như một thư sinh, trắng trẻo, ốm yếu, không biết võ nghệ.

Tướng tinh của Sài Vinh là Huỳnh Long (Rồng vàng) xuống thế, nên có mạng làm vua, dọn đường cho Triệu Khuôn Dẫn dựng lên nhà Tống.

2 . TRIỆU: là Triệu Khuôn Dẫn, tự là Nguơn Lãng, người gốc ở Trác quận, cha là Triệu hoằng Ân, mẹ là Đỗ thị. Triệu khuôn Dẫn có 4 anh em : Triệu khuôn Dẫn là anh cả, em trai kế là Triệu khuôn Nghĩa, em trai kế nữa là Triệu khuôn Mỹ, và em gái út là Ngọc Dung. Triệu hoằng Ân làm quan Chỉ Huy Sứ đời Hậu Hán.

Nguyên căn của Triệu khuôn Dẫn là Xích Tu Long (Rồng râu đỏ) đầu thai xuống phàm làm vua mở ra nhà Tống. Khi bà Đỗ thị sanh ra Triệu khuôn Dẫn thì có hào quang chiếu sáng trong nhà và hơi thơm bát ngát, nên ông Triệu hoằng Ân gọi là Hương Hài nhi (đứa trẻ thơm).

Triệu khuôn Dẫn lớn lên, tướng mạo rất oai vệ, thông minh, tánh khí cang trực, nghĩa hiệp, chuộng võ nghệ, thích giao du với người hào kiệt.

3 . TRỊNH: là Trịnh Ân, tự là Tử Minh, người ở huyện Kiều Sơn, tỉnh Sơn Tây, hình dung cổ quái, mặt đen như lọ chảo, sức mạnh vô cùng, võ nghệ khá giỏi, ăn cơm nhiều bằng 3 người thường, đặc biệt có 2 con mắt không đều nhau, một con nhỏ và một con lớn. Con mắt nhỏ là thần nhãn, thấy được tà ma yêu quái. Trịnh Ân mồ côi cả cha lẫn mẹ từ lúc 17 tuổi, làm nghề bán dầu độ nhựt.

Tướng tinh của Trịnh Ân là con Hắc hổ đầu thai lên làm tướng giúp Triệu khuôn Dẫn dựng nên nhà Tống.

SÀI TRIỆU TRỊNH KẾT NGHĨA ANH EM

 I .  Triệu khuôn Dẫn gặp Sài Vinh :
Triệu khuôn Dẫn đang gá nghĩa với nàng Trương quế Anh và đang tá túc tại nhà nhạc phụ Trương thiên Lộc.

Ngày kia, Triệu khuôn Dẫn đi dạo quanh vùng, chợt thấy chòm mây ngũ sắc lộ ra trên không, bèn đi riết tới nơi đó, thấy một người tướng mạo đường đường đang ra sức kéo một chiếc xe mắc lầy, coi bộ không nhúc nhích, lại thấy trên đầu người ấy có con rồng vàng đang vùng vẫy múa nanh vút. Khuôn Dẫn biết người nầy có mạng Đế vương, liền đến giúp kéo chiếc xe lên. Khi kéo xe lên rồi, người ấy tỏ lòng cám ơn, và hỏi họ tên cùng quê quán. Triệu khuôn Dẫn đáp :
- Tôi tên Triệu khuôn Dẫn, ở Biện Lương, con của Triệu Chỉ Huy Sứ.

Họ Triệu hỏi lại thì người ấy đáp :
- Tôi là Sài Vinh, gốc ở Tịnh Vị Châu, nay lưu lạc qua Hoàng Hải quận, đi bán dù độ nhựt.

Triệu khuôn Dẫn đưa Sài Vinh về nhà Nhạc gia đãi đằng trọng hậu, rồi xin kết nghĩa anh em. Sài Vinh bằng lòng. Sài Vinh lớn tuổi hơn Khuôn Dẫn nên làm anh.

II .  Sài Vinh và Triệu khuôn Dẫn gặp Trịnh Ân :

 Ngày nọ, Sài Vinh và Triệu khuôn Dẫn đi đến Tỏa Kim Kiều thì gặp bọn thảo khấu họ Đổng vây đánh. Một mình Triệu khuôn Dẫn tả xông hữu đột bảo vệ Sài Vinh nên có phần yếu thế, may đâu có Trịnh Ân chạy đến,  thấy  vậy  nhào vô đánh bọn thảo khấu, giải vây cho Triệu khuôn Dẫn và Sài Vinh. Bọn thảo khấu đánh thua nên bỏ chạy hết.

Ba người hỏi thăm nhau, rồi kết nghĩa anh em.
Triệu khuôn Dẫn nhờ Trịnh Ân đi mua đồ tam sanh để cúng tế, nhưng quên dặn mua nhang, tới chừng dọn ra giữa Trời, nơi ấy gọi là Huỳnh Thổ Ba, mới thấy thiếu nhang đốt cúng. Trịnh Ân liền lấy 3 cục đất đặt lên thế đỡ 3 cây hương. Kế 3 người rót rượu ra đồng vái rằng : “ Nay 3 đứa tôi là Sài Vinh, Triệu khuôn Dẫn, Trịnh Ân,  tuy khác họ mặc dầu, song nguyện cùng Trời Đất chứng tri cho chúng tôi kết làm anh em với nhau. Có sang cùng hưởng, có nguy cùng trợ giúp. Như ngày sau, ai phụ nghĩa vong ân, xin xét soi người ấy,”

Vái xong thì cúi lạy, rót rượu đủ 3 tuần mới thôi. Sau đó 3 người giao bái, mỗi người lạy 8 lạy. So tuổi nhau, Sài Vinh lớn tuổi nhứt làm Đại ca, kế Triệu khuôn Dẫn làm Nhị ca, còn Trịnh Ân là Tam đệ. Xong xuôi, dọn đồ xuống ăn nhậu với nhau thật vui vẻ, chuyện trò thật là thân thiết.

Sau đó 3 người đồng đi đến ải Mộc Linh Quang. Gần tới ải, Triệu khuôn Dẫn nói với Sài Vinh :
- Em hiện là tội phạm của triều đình, nơi các ải đều có họa hình em để quan quân xét bắt, nên không thể qua ải được. Vậy đại ca và tam đệ cứ qua ải, còn em đi đường khác, hẹn đến Phàn Châu, nơi cô ruột của đại ca, cùng ở đó nương náu.

Nói về Sài Vinh và Trịnh Ân đi qua ải rồi liền đến thành Bí Châu, vào mướn quán trọ để ăn nghỉ, nhưng xem lại tiền bạc để trong xe, khi chen lấn qua ải, bị kẻ gian lấy hết.Sài Vinh lo rầu nên sanh bịnh. Trịnh Ân phải bán dần đồ đạc để lo thuốc thang cho Sài Vinh và lo cái ăn hằng ngày. Chẳng bao lâu đồ đạc bán hết mà Sài Vinh vẫn còn bịnh.

Trịnh Ân đành chia tay Sài Vinh, tìm đường qua Thú Dương kiếm Triệu khuôn Dẫn.

Còn Sài Vinh tiếp tục ở quán trọ đến  3  tháng  sau  mới mạnh. Ấy cũng bởi số Trời, SàiVinh phải chịu chút tai ương. Khi mạnh rồi, Sài Vinh qua Phàn Châu, tìm gặp cô ruột.

Nguyên cô ruột của Sài Vinh có chồng là Quách ngạn Oai, đang làm nguyên soái tại Phàn Châu. Vợ chồng Quách Ngạn Oai không con, nên nhận Sài Vinh làm con nuôi.

Kể từ đó, Sài Vinh không còn lưu lạc nữa, ở với cha mẹ nuôi mà giúp việc binh. Quách ngạn Oai phong Sài Vinh làm chức Tham Quân lo việc chiêu binh mãi mã để phòng ngày sau giúp nước. Anh hùng nghĩa sĩ các nơi theo về rất đông.

Vua Ẩn Đế nhà Hậu Hán (do Lưu Trí Viễn dựng lên) là một thiếu niên hôn ám bất tài, nghe lời gian thần, giết hại tôi trung, nên mọi người đều chán nãn. Nay quan Chỉ Huy Sứ Quách ngạn Oai kéo binh về triều thì được nhiều người hưởng ứng, đồng tôn lên ngôi vua thay cho Ẩn Đế. Quách ngạn Oai lập ra nhà Hậu Châu, Sài Vinh được lập làm Thái tử.

Châu Thiên tử Quách ngạn Oai sai Sài Vinh trở về Phàn Châu rước Sài Hoàng Hậu về kinh đô.

Trong lúc đó, Triệu khuôn Dẫn bôn ba khắp chốn, may gặp được Trịnh Ân, anh em đồng kéo nhau đi Phàn Châu để hỏi thăm tin tức Sài Vinh. Vừa lúc đó Sài Vinh trở về Phàn Châu. Anh em gặp nhau mừng rỡ vô cùng, đồng vào ra mắt Sài Hoàng Hậu rồi cùng hộ tống Sài Hoàng Hậu đến kinh đô.

Châu Thiên tử Quách ngạn Oai làm vua được 3 năm thì băng, truyền ngôi lại cho Sài Vinh. Triệu khuôn Dẫn và Trịnh Ân hết lòng phò tá Sài Vinh, ra sức đánh đông dẹp Bắc, yên ổn cõi bờ. Sài Vinh phong Triệu khuôn Dẫn làm chức Nam Tống Vương, Trịnh Ân làm Nhữ Nam Vương. Nhờ có công dẹp giặc, Triệu khuôn Dẫn được thăng lên chức Định Quốc Tiết Đạt Sứ, kiêm lãnh Điện Tiền Đô Chỉ Huy Sứ, sau lại kiêm thêm chức Điện Tiền Đô Kiểm Điểm.

 Sài Vinh làm vua được 6 năm thì băng, truyền ngôi lại cho con là Sài Tông Huấn, mới lên 7 tuổi.

Lúc đó Lưu Quân là chúa Bắc Hớn ở Hà Đông nghe tin vua Châu Thế Tôn Sài Vinh băng, Sài Huấn Tông còn con nít nên muốn làm phản, liền liên kết với quân Khiết Đơn, cử đại binh đánh Châu. Tin ấy truyền đến Châu trào, Thái Hậu của Ấu chúa cầm quyền nhiếp chính, cử Triệu khuôn Dẫn hội binh các trấn đánh dẹp quân Khiết Đơn và Bắc Hớn.

Triệu khuôn Dẫn hội binh xong, liền kéo đại binh đi, đến Trần Kiều thì mặt Trời chen lặng, phải đình binh lại nghỉ.

Đêm đó, chư tướng hội ý nhau, đồng tôn Triệu khuôn Dẫn lên ngôi vua, thay thế Ấu chúa Sài Tông Huấn. Triệu khuôn Dẫn không thể cưỡng lại được nên phải kéo binh trở về kinh đô, lên ngôi Thiên tử, mở ra nhà Tống, phong cho Sài Huấn Tông làm Trịnh Vương, con cháu về sau cứ theo tước ấy là nối tiếp hưởng lộc của triều đình. Triệu khuôn Dẫn xưng là Thái Tổ Hoàng Đế, đổi hiệu nước là Đại Tống, cải nguơn hiệu là Kiến Long năm đầu, hạ chỉ đại xá thiên hạ.

Lúc đó Lý Quân đang làm Tiết Đạt Sứ trấn thủ Lộ Châu, nghe Triệu khuôn Dẫn lên ngôi Thiên tử thì không phục, hội chúng tướng lại cử binh đánh Triệu khuôn Dẫn. Triệu khuôn Dẫn phải kéo binh thân chinh.

Khi tới Trạch Châu, Trịnh Ân ra binh, chẳng may bị Lư Táng, tướng của Lý Quân, bắn một mũi tên trúng nhằm chỗ nhược. Cao hoài Đức lướt tới cứu Trịnh Ân đem về hậu trại, nhưng Trịnh Ân chịu không nổi vết thương, nên từ trần. Tống Thái Tổ thương tiếc vô cùng, khóc ngất té xỉu xuống đất.

Sau, Tống Thái Tổ đánh thắng Lý Quân, bắt được Lư Táng, liền truyền mổ lấy tim Lư Táng tế Trịnh Ân.

Theo Trung quốc Sử, Trịnh Ân chết rất oai hùng nơi chiến trận, nhưng tuồng tích hát bội thì bịa ra cho là Trịnh Ân bị Hàn Tố Mai, thứ phi của Triệu khuôn Dẫn dùng mưu kế giết chết, để cho tình tiết thêm ly kỳ hấp dẫn mà câu khán giả, nhưng lại làm hỏng việc kết nghĩa tốt đẹp của 3 anh em SÀI-TRIỆU-TRỊNH.

20 . Hàn Dũ bị đày

Hàn Dũ, người đời Đường, sanh năm 768 tại đất Nam Dương, tỉnh Hà Nam, tên tự là Thoái Chi, thân phụ là Trọng Khanh làm Huyện lệnh, có tiếng về văn chương. Hàn Dũ mồ côi cha hồi 3 tuổi, ở với anh là Hàn Hội. Hàn Hội có công vận động phục cổ, nhưng cũng mất sớm.

Hàn Dũ thường nuôi chí lớn, tự học, nếu không phải sách của đời Tam Đại và đời Lưỡng Hán thì không dám đọc, không phải là cái chí của Thánh nhân thì không dám giữ.

Năm 19 tuổi, Hàn Dũ lên kinh đi thi, tuy rớt nhưng vẫn nổi danh về cổ văn. Năm 24 tuổi, đời vua Đức Tông nhà Đường, Hàn Dũ mới đậu Tiến Sĩ, rồi đến năm 29 tuổi mới được bổ làm quan Giám Sát Ngự  Sử.

Hàn Dũ làm quan rất thanh liêm và cương trực, nên cuộc đời làm quan rất thăng trầm, thường hay bị giáng chức vì can gián vua mà không vừa lòng vua. Đời sống gia đình thì túng thiếu : Mùa xuân tuy ấm áp mà con kêu lạnh, năm tuy được mùa mà vợ kêu đói.

Hàn Dũ có tài văn chương lỗi lạc nhưng không phải là học giả uyên thâm. Hàn Dũ viết nhiều bài nghị luận đề cao Nho học và bài xích Phật giáo và Lão giáo. Ông chỉ là một văn sĩ chú trọng về đường đạo đức chớ không phải là nhà triết học có tư tưởng mới lạ cao siêu, đạt đến mức Hình Nhi Thượng học. Do đó, những nhận xét của Ông về Phật giáo và Lão giáo rất thô cạn, lại có tính cực đoan, nên Ông phê bình 2 tôn giáo nầy không chính xác; ngay cả Nho giáo, Ông cũng chỉ chú ý phần Hình Nhi Hạ học, vẫn chưa đạt được mức uyên thâm của Nho giáo.

Các bộ sách tuyển Cổ Văn thường trích những bài văn của Hàn Dũ như: Nguyên đạo, Nguyên hủy, . . . lời văn tuy nghiêm trang minh bạch, tha thiết, nhưng tư tưởng không có gì sâu sắc, không thể so sánh với các triết gia đời Tống hay đời Hán được.

Hàn Dũ có một người cháu ruột tên là Hàn Tương Tử, tánh mộ đạo Tiên. Hàn Dũ ép cháu học Nho, nhưng Hàn Tương Tử không chịu, nói rằng :
-  Chú mộ công danh phú quí nên học Nho, còn cháu thì mộ đạo Thần Tiên.

Hàn Tương Tử về sau gặp được Hớn Chung Ly và Lữ đồng Tân, học đạo thành Tiên, và trở thành một trong Bát Tiên ở đảo Bồng Lai. Khi Hàn Tương Tử đắc đạo thành Tiên rồi thì muốn trở về độ chú.

Năm ấy Trời hạn hán, Hàn Dũ đảo võ (cầu mưa) đã 3 ngày rồi mà không linh. Đang ngồi buồn rầu, chợt thấy một Đạo sĩ đi ngang rao lên rằng :
- Ai muốn mua mưa tuyết, ta bán cho.
Hàn Dũ biết là bậc có tài, liền rước vào nhà nhờ đảo võ Đạo sĩ đảo võ, lát sau mưa xuống tràn đồng, tuyết sa chất ngất. Hàn Dũ lại nói:
- Không chắc tại ai đảo võ đặng mưa tuyết dường nầy, ta đã cầu hơn 3 ngày, có khi hậu được thành công thì phải ?
- Thiệt là mưa tuyết do tôi cầu. Hãy lấy thước đo, tuyết của tôi cầu được 3 thước 3 tấc mà thôi.

Hàn Dũ lấy thước đo, đúng y như lời của Đạo sĩ vừa nói. Từ đây, Hàn Dũ mới tin là Thần Tiên có phép mầu. Đạo sĩ ấy chính là Hàn Tương Tử hóa thân về giúp chú và độ chú.

Đến ngày Hàn Dũ ăn lễ sinh nhựt, Hàn Tương Tử về chúc thọ chú. Hàn Dũ nửa mừng nửa giận, hỏi rằng :
- Bấy lâu ngươi học đạo Thần Tiên thế nào ?

Hàn Tương Tử ngâm rằng :
Đã quyết chí tu trì,
Thành Tiên chẳng khó chi.
Mây xanh hằng cỡi hạc,
Động đá cứ ngâm thi,
Đặt rượu trong giây phút,
Trồng hoa nở tức thì,
Lâu dài ngàn tuổi thọ,
Điều độ kẻ tương tri.

Hàn Dũ nghe xong liền nói :
- Ngươi cướp quyền Tạo Hóa đặng sao ? Hãy đặt rượu, trồng hoa xem thử.

Hàn Tương Tử bảo đem ché không để trên ghế, lấy mâm đậy lại giây phút, giở ra có rượu ngon đầy ché.

Hàn Tương Tử ra trước sân đào đất vun đống, tức thì mọc lên một cây mẫu đơn, bông nở rực rỡ rất lớn, đặc biệt trong bông có 2 hàng chữ nhỏ như vầy :
                     “ Vân  hoành  Tần  lãnh gia hà tại,
                        Tuyết ủng Lam quan mã bất tiền.”

Hàn Dũ đọc tới đọc lui 2 câu thi nầy mà không hiểu ý thơ nói gì. Hàn Tương Tử nói rằng :
- Ngày sau chú sẽ biết, bây giờ không dám lậu cơ Trời.

Ai nấy đều lạ lùng. Hàn Tương Tử từ giã trở về núi.
Hàn Dũ làm chức Giám Sát Ngự Sử, một lần can vua Đường Đức Tông về những việc xa hoa trong cung mà bị biếm làm Lệnh Doãn Dương Sơn. Một lần khác, Hàn Dũ can vua Đường Hiến Tông đừng rước cốt Phật vào cung. Bên Tây Vức dâng tượng Phật, vua muốn rước vào cung để thờ. Bá quan không ai dám ngăn cản, Hàn Dũ dâng sớ can rằng :

“ Phật là nước di dịch. Từ Tam Hoàng Ngũ Đế đến vua Võ vua Thang, vua Văn Vương Võ Vương, chưa có Đạo Phật thì thiên hạ thái bình. Đến đời Hớn Minh Đế, Đạo Phật vào Trung quốc thì nhà nước chẳng lâu dài. Sau qua đời Lương Võ Đế thờ Phật hết lòng, ở ngôi 18 năm mà trước sau phải 3 lần xả thân làm sãi, vô ở trong chùa, mà rồi cũng bị Hầu Cảnh vây Võ Đế chết đói tại Đài Thành, sao Phật không cứu ? Như vậy thì chẳng nên tin. Xin Bệ hạ đãi chúng nó, rồi truyền quăng cốt Phật xuống sông, kẻo thiên hạ mê theo mà lầm. Lẽ nào đem cốt Phật vào cung mà bá quan không gián, xin Bệ hạ y tấu. Nếu Phật có linh hiển thì làm họa cho tôi.”

Đường Hiến Tông xem sớ xong thì nổi giận, truyền giáng chức Hàn Dũ và đày ra Triều Châu tức thì.

Hàn Dũ bị đưa đi đày, đến chốn nào không biết, chẳng những không thấy nhà cửa của ai, mà mây giăng đỉnh núi mịt mù, tuyết rơi xuống cả vừng, ngựa đi không đặng. Xảy thấy có một Đạo sĩ cầm chổi quét tuyết dọn đường, coi lại là Hàn Tương Tử. Hàn Tương Tử đến chào chú và nói :
- Chú còn nhớ 2 câu thi trong hoa mẫu đơn không ?

Hàn Dũ hỏi : - Chốn nầy là xứ chi ?

- Đây là ải Lam quan, núi nầy tên là Tần Lãnh.

Hàn Dũ thở dài than rằng :
- Như vậy là số Trời đã định, trốn sao cho khỏi ! Để ta đặt thêm 6 câu cho trọn bài thi. Nói rồi ngâm rằng :
Nhứt phong triêu tấu Cửu Trùng Thiên,
Tịch biến Triều Dương  lộ bác thiên.
Bổn vị thanh minh trừ tệ chánh,
Cảm thương suy hủ tích tàn niên.
Vân hoành Tần lãnh  gia    tại,
Tuyết ủng Lam quan mã bất tiền.
Trí  nhữ  viễn  lai  ưng  hữu  ý,
Hảo thâu ngô cốt táng giang san.

Bản dịch của Trần trọng San :
Sáng vừa dâng biểu chốn đan trì,
Chiều biếm Triều Dương vạn dặm đi.
Trào Thánh mong phò trừ mối hại,
Năm tàn há dám tiếc thân suy.
Mây giăng Tần lĩnh,  nhà đâu tá ?
Tuyết phủ Lam quan, ngựa chẳng đi.
Cháu  đến  nơi  đây      ý,
Hãy thâu xương chú bến sông về.

Hàn Dũ ngâm thơ rồi cùng đi với Hàn Tương Tử đến trạm Lam quan mà nghỉ.

Hàn Dũ từ đó mới bắt đầu trọng Đạo và tin lời cháu nói chẳng sai. Trong đêm ấy, chú cháu bàn luận về đạo đức. Rạng ngày, Hàn Tương Tử đưa chú một hoàn  thuốc và nói :

- Chú uống hoàn thuốc nầy thì khỏi sanh các bịnh. Không bao lâu chú cũng đặng phục chức trở về trào.
- Ngày sau chú cháu mình còn gặp nhau không ?
- Chú ở Triều Dương có sấu làm loạn, chú đặt văn tế đưa nó phải đi, kế đặng phục chức. Sau cháu sẽ về độ chú và truyền cho chú phép tu luyện thành Tiên.

Quả nhiên, việc xảy ra  y như lời Hàn Tương Tử đã nói. Hàn Dũ đặt văn tế đưa cá sấu đi, được vua vời về triều phục chức cũ, kế được bổ làm Thứ  Sử  Viên Châu.

Hàn Dũ làm quan, tới đâu cũng được dân chúng kính mến. Ở Dương Sơn, nhiều nhà lấy họ Hàn đặt cho con. Ở Viên Châu, ông bãi bỏ tục lệ : Hễ đợ con mà quá hạn không chuộc thì con trở thành nô lệ suốt đời, nên ông được dân chúng thờ phụng. Hàn Dũ làm quan lên đến chức Binh Bộ Thị Lang và mất năm 824.

Đến đời nhà Tống, Hàn Dũ được truy tặng là Xương Lê Bá (Xương Lê là tổ quán của Hàn Dũ), nên người đời sau gọi Hàn Dũ là Hàn Xương Lê. Hàn Dũ là người có công đầu trong phong trào phục cổ đời Đường. Ông có lưu lại bộ “HÀN XƯƠNG LÊ TẬP”. Ông phục cổ mà không nô lệ cổ nhân, chủ trương “Văn dĩ tải Đạo”, muốn phục  hưng thuyết Khổng Mạnh đã suy từ thời Lục Triều.
Hàn Dũ được đời sau khen là “Tản Văn Thánh Thủ”.

21 . Tận trung báo quốc

Tận trung báo quốc là hết lòng trung thành báo đền ơn nước. Đây là truyện nói về Nhạc Phi đời vua Tống Cao Tông.

Nguyên căn của Nhạc Phi :
Nơi cõi Tây phương Cực Lạc, Đức Phật Thích Ca đang giảng đạo trong Lôi Âm Tự, khi giảng đến chỗ cực hay, mọi người đang chăm chú lãnh giáo, bỗng phía dưới liên đài của Đức Phật có một vị Tinh Quân là vì sao Nữ Thổ Bức (con dơi cái) vùng đánh rấm một phát, thật là vô lễ. Đức Như Lai không để ý đến việc vặt nầy nhưng phía trên liên đài có một vị Hộ Pháp Thần Kỳ là Đại Bàng Kim Sí Minh Vương, đôi mắt bỗng ngời lên ánh hung quang, liền quạt cánh bay xuống mổ Nữ Thổ Bức chết tươi, khiến linh hồn  y thị rời khỏi Lôi Âm Tự, bay xuống Đông độ (nước Tàu) đầu thai làm con nhà họ Vương, gọi là Vương thị, sau làm vợ Tần Cối, để mưu hại Nhạc Phi, trả mối thù bị giết chết ở Lôi Âm Tự.

Đức Phật thấy Đại Bàng hành động hung dữ nên nói :
- Ngươi đã thọ giáo cùng ta, sao không giữ Ngũ giới, lại có hành động hung ác như thế ? Ngươi đành phải trải qua một giai đoạn Nhân Quả, nghĩa là ngươi phải đầu kiếp xuống cõi trần để trả cho xong cái oan trái ấy, rồi trở về tiếp tục tu hành cho thành Chánh quả.

Đại Bàng Điểu  cúi đầu vâng lệnh, vọt ra khỏi Lôi Âm Tự , bay thẳng xuống Đông độ đầu thai.

Đại Bàng Điểu bay xuống tới sông Hoàng Hà, thấy con Thiết Bối Cù đang chỉ huy binh tôm tướng trạnh tập trận. Đại Bàng Điểu biết ngay đây là loài yêu quái, liền đáp xuống mổ mạnh một cái trúng con mắt của Thiết Bối Cù lọt ra ngoài. Con tinh đau quá, thét lên một tiếng rồi lặng xuống đáy sông chạy trốn. Lũ binh tôm tướng trạnh cũng  sợ  hãi  trốn  hết,  chỉ còn con Đoàn Ngư Tinh  ỷ mình có sức mạnh, không sợ Đại Bàng, đưa càng ra đối địch, bị Đại Bàng điểu mổ một cái chết tươi. Linh hồn nó đầu thai lên làm Vạn Sĩ Hoa mưu hại Nhạc Phi trong ngục Phong Ba Đình, để trả cái mối hận đó.

Đại Bàng điểu bay đến tỉnh Hồ Nam, phủ Tương Châu, huyện Thang Âm, làng Vĩnh Hòa, xóm Hiếu Để, đầu thai vào nhà họ Nhạc. Tại đây có nhà Viên Ngoại Nhạc Hòa, vợ là Diêu thị,  40 tuổi mới sanh một mụn con trai, cả nhà vui mừng không xiết.

Thuở ấy, tại núi Tây Nhạc Họa sơn có Ông Trần Đoàn Lão Tổ, tự là Hi Di Tiên sinh, là vị Tiên đắc đạo, biết Đại Bàng điểu đi đầu thai, liền tìm đến nhà họ Nhạc hỏi thăm đứa bé, rồi nói với Nhạc Hòa :

- Tướng mạo của đứa bé nầy rất khôi ngô, chắc sau nầy nó viễn cử cao phi vạn lý, nên tôi muốn đặt tên cho nó là NHAÏC PHI, tự  là BÀNG CỬ, Viên Ngoại bằng lòng không ?

Viên Ngoại Nhạc Hòa cám ơn Lão Tổ. Lão Tổ chợt thấy bên giếng nước có 2 cái lu, liền ngầm họa phù vào 2 cái lu đó rồi dặn Nhạc Viên Ngoại :

- Như trong 3 ngày nữa, con của Viên Ngoại vô sự thì thôi, nếu có điều chi trắc trở thì bồng đứa bé ấy đặt vào trong cái lu nầy mới bảo toàn được tánh mạng của nó. Khá nhớ kỹ.

Qua ngày thứ 3, Nhạc Hòa vào thăm con, bỗng thằng bé khóc thét lên, dỗ hoài không nín, lại không chịu bú. Nhạc Hòa bỗng nhớ lại lời Lão Tổ dặn dò, thuật lại cho Bà An Nhơn (Diêu thị) nghe, biểu Bà lót nệm trong lu, bồng đứa bé đặt vào đó. Đứa bé liền nín khóc và chịu bú.

Bỗng dưng như Trời long đất lở, nước lụt không biết từ đâu  ào đến mênh mông như biển cả, người và vật đều bị dòng nước lũ cuốn trôi. Dòng nước nầy là do con Thiết Bối Cù Vương mang mối hận thù cùng Đại Bàng điểu, biết Đại Bàng đầu thai nơi nhà họ Nhạc    làng Vĩnh Hòa, huyện Thang Âm,  nên đem binh tôm tướng trạnh đến làm mưa dâng nước giết chết Nhạc Phi đặng trả thù.

Quả là một việc phạm Thiên điều, Thiên đình sai Đồ Long Lực Sĩ xuống xử trảm con quái Cù Vương. Hồn con quái vẫn còn oán hờn, đầu kiếp lên làm Tần Cối, trả thù Nhạc Phi.

Bà An Nhơn bồng Nhạc Phi ngồi trong lu nên được an toàn, nước lũ cuốn trôi chiếc lu đi. Nhạc Hòa nắm được vành lu, nương theo dòng nước. Nhạc Hòa cảm thấy sức mình quá đuối nên nói lời trăn trối với Bà An Nhơn : “ Số Trời đã định như vậy, Bà hãy rán nuôi con để sau nầy tôi còn chút hậu tự, tôi có chết cũng vui lòng.”

Nói xong, Nhạc Hòa buông tay khỏi vành lu, bị nước cuốn trôi mất tích. Còn chiếc lu có Bà An Nhơn và Nhạc Phi trôi đến làng Kỳ Lân ở Hà Bắc, mới tấp vào gần nhà Viên Ngoại Vương Minh.

Viên Ngoại thấy vậy liền cứu 2 mẹ con Nhạc Phi, đưa về nhà đùm bọc. Vợ của Vương Minh là Hà thị hết lòng chăm sóc Bà An Nhơn và Nhạc Phi. Sau đó, Bà Hà thị sanh  một đứa con trai, nhỏ hơn Nhạc Phi 1 tuổi, đặt tên là Vương Quới.

 Thời thơ ấu của Nhạc Phi : Ngày tháng trôi qua mau, Nhạc Phi được 7 tuổi, còn Vương Quới được 6 tuổi. Vương Viên Ngoại rước thầy về dạy học cho 2 trẻ. Hai ông bạn của Vương Minh cũng đem 2 đứa con là Thang Hoài và Trương Hiển đến xin cùng học. Trong 4 trẻ nầy chỉ có Nhạc Phi là chăm học, còn 3 đứa kia thì bê tha, thích tụ tập với các trẻ khác đánh võ tập quyền mà thôi..

Vương Minh có một bằng hữu là Châu Đồng, trước đây từng chỉ huy quân cấm vệ ở kinh thành, nên Châu Đồng có tài kiêm văn võ, được Vương Minh ruớc về nhà dạy cho 4 trẻ.

Châu Đồng khiến 4 trẻ kết nghĩa anh em với nhau.

 Ngày kia Châu Đồng dẫn 4 trẻ đi thăm Chí Minh Trưởng Lão ở suối Lịch Tuyền. Tại đây có một con quái xà nhiễu hại dân chúng. Nhạc Phi đánh nó và bắt được nó, nó liền biến thành một cây thương, trên cán có hàng chữ : Lịch Tuyền Thần mâu. Trưởng Lão Chí Minh nói :

- Cây thương Lịch Tuyền nầy là vật báu của Thần linh trao cho Nhạc Phi, ắt sau nầy Nhạc Phi sẽ là rường cột của quốc gia. Sẵn đây, tôi có một quyển Binh Thơ bí truyền, trong đó dạy đủ thương pháp và cách bày binh bố trận, nhưng sách nầy chỉ trao cho người có binh khí Thần linh thì mới dùng được, nay tôi tặng cho Nhạc Phi.

 Ngày tháng trôi qua, Nhạc Phi được 16 tuổi. Quan huyện Lý Xuân tổ chức cuộc khảo thí võ nghệ tuyển lựa nhân tài trong huyện. Châu Đồng dắt 4 học trò đi thi, đều đậu hết. Nhạc Phi có tài năng vượt trội, được quan huyện Lý Xuân vừa ý, gả con gái Lý Tiểu thơ cho Nhạc Phi.

Sau đó, 4 học trò của Châu Đồng được gởi lên tỉnh thi tiếp võ nghệ. Tại đây, ông Lưu Đô Viện đứng làm Chủ Khảo, rất mến tài của Nhạc Phi, bước tới vỗ vai Nhạc Phi hỏi :
- Có phải ông bà của tráng sĩ ở nơi Huỳnh huyện ?

Nhạc Phi lễ phép đáp :
- Thưa không. Nguyên tôi ở huyện Thang Âm, làng Vĩnh Hòa, mẹ tôi sanh tôi được 3 ngày thì bị nạn nước lũ, nhà cửa trôi hết, mẹ tôi bồng tôi vào ngồi trong một cái lu, bị nước trôi tới Huỳnh huyện, nhờ có ân công Vương Minh cứu giúp, lại nhờ nghĩa phụ tôi là Châu Đồng truyền dạy văn chương và võ nghệ nên tôi mới được như ngày nay. Xin quan lớn vui lòng cấp giấy cho 4 anh em tôi lên kinh thi Hội. Nếu mai sau có đặng chút công danh thì khi trở về quê, ơn đức của quan lớn rất cao dày.

 Ông Lưu Đô Viện nghe Nhạc Phi bày tỏ đầu đuôi, rất cảm kích, bảo :
- Các ngươi được Châu Tiên sinh dạy bảo, hèn chi võ nghệ rất giỏi, hãy kíp sửa soạn, ta giới thiệu lên kinh ứng thí.

Nói rồi, Ông Lưu Đô Viện quay lại ra lịnh cho quan huyện Từ  Nhơn của Huỳnh huyện :

- Quan huyện hãy đến huyện Thang Âm, làng Vĩnh Hòa, tìm ra cái nền nhà cũ của Nhạc Phi, ta sẽ xuất tiền xây lại nhà cửa cho Nhạc Phi trở về cố thổ. Ta chắc Nhạc Phi sẽ làm nên danh phận rực rỡ.

Ông Lưu Đô Viện viết thơ giới thiệu Nhạc Phi với Ông Lưu Thú Tông Trạch, là vị Võ quan Đại Thần rất liêm chánh ở kinh đô. Trong kỳ thi Võ Trạng nầy, có 4 vị Giám Khảo là : Trương Ban Xương, Vương Đạt, Trương Tuấn, Tông Trạch. Chỉ có Tông Trạch là trung thần, còn 3 vị kia đều là gian nịnh.

Sài Quế là vị Tiểu Lương Vương, dòng dõi của Sài Vinh, kỳ nầy muốn chiếm chức Võ Trạng, đặng cấu kết với bọn gian thần nắm hết binh quyền mong đoạt ngôi nhà Tống trở lại cho họ Sài. Do đó, Sài Vinh lo lót cho 3 giám khảo gian nịnh để kỳ nầy cho Sài Vinh đậu Võ Trạng. Nhưng Tông Trạch không chịu, buộc các thí sinh phải thi đấu công bằng.

Nhạc Phi ra thi, không chịu nhường Sài Quế, nên xảy ra cuộc đấu võ thí mạng. Nhạc Phi vít Sài Quế một thương Lịch Tuyền, làm Sài Quế chết tốt. Ba giám khảo gian thần đòi bắt Nhạc Phi xử trảm. Nhạc Phi và đám em út phải phá giáo trường mới thoát thân được, trở về quê.

Bọn gian thần tâu dối với vua Tống Vi Tông, vua hôn ám, nghe lời bọn gian thần hãm hại tôi trung, bãi chức Tông Trạch và đuổi Tông Trạch về làm thứ  dân.

Sau đó, trong nước giặc cướp nổi lên, thanh thế rất mạnh, bọn gian thần hoảng sợ, tâu vua Tống xin phục chức cho Tông Trạch để sai Tông Trạch đi dẹp loạn.

Tông Trạch vâng chỉ, nhưng bọn gian thần phát quân rất ít, lương thảo không đủ, khiến Tông Trạch không thể thắng nổi loạn quân, mà con bị vây hãm rất nguy hiểm. May có bọn Nhạc Phi hay tin, đến giải vây, và bình được giặc.

Nhạc Phi cùng các em kết nghĩa trở lại quê nhà ở Thang Âm. Nhạc Phi phụng dưỡng mẹ già rất hiếu thảo.

Ngày kia, Vương Tá, thủ hạ của bọn thủy khấu Dương My - Dương Ma đem lễ vật trọng hậu đến chiêu dụ Nhạc Phi, nhưng Nhạc Phi nhứt định từ chối, đuổi Vương Tá đi.

Bà An Nhơn, mẹ của Nhạc Phi, sợ con mình ngày sau không giữ được lòng trung, nên sửa soạn đèn nhang lễ vật, khẩn cầu tổ phụ và Trời Đất chứng minh, gọi Nhạc Phi ra nói :
- Nay mẹ thấy con chẳng thọ lễ vật của quân phản tặc, cam chịu bần hàn, ấy là một điều hay làm mẹ mừng rỡ vô cùng, song mẹ sợ lúc mẹ thác rồi, hoàn cảnh đổi thay, lúc con thất chí, bọn phản tặc lại đến dụ dỗ con, con theo chúng thì có phải đem cái danh tiết nửa đời làm hư trong một lúc chăng. Vì vậy mẹ chúc cáo Trời Đất và Tổ tông, để thích vào lưng con 4 chữ : “ TẬN TRUNG BÁO QUỐC “ là ý mẹ muốn cho con nên bậc trung thần, tiếng thơm muôn thuở.

Nhạc Phi nghe lời mẹ, cổi áo ra, Bà An Nhơn xâm vào lưng con 4 chữ Tận trung báo quốc, rồi lấy mực đen hoà giấm thoa lên, 4 chữ ấy hiện rõ ra không bao giờ phai.

Trong lúc đó, ở phương Bắc, nước Kim nổi lên rất hùng mạnh, sai Thái tử Ngột Truật đem binh xâm lấn Trung nguyên. Vua Tống Cao Tông mới lên ngôi ở Kim Lăng, được quần thần tiến cử Nhạc Phi, nên xuống chiếu kêu quan Huyện Từ Nhơn đến Thang Âm triệu Nhạc Phi ra phò vua chống giặc.

Nhạc Phi lãnh chiếu, từ giã mẹ già và vợ con, lên đường đi Kim Lăng, được vua Tống Cao Tông phong chức Thống Chế, dưới quyền của Đại Nguyên Soái Trương Sở, lãnh Tiên Phong đánh quân Kim.

Nhạc Phi đánh tan đạo binh của Ngột Truật, binh Kim rút tàn binh về nước. Nhạc Phi được vua phong lên chức Phó Nguyên Soái.

Trong nước bấy giờ có bọn thủy khấu ở Thái Hồ nổi lên rất mạnh. Vua Tống Cao Tông phong Nhạc Phi là Ngũ Tỉnh Đại Nguyên Soái, kéo binh đi trừ thủy khấu. Chẳng bao lâu, Nhạc Phi dẹp tan thủy khấu, bình định Thái Hồ, kéo quân đắc thắng trở về triều. Trong lúc đó, được tin quân Kim tràn vào Trung nguyên, gần đến Ngẫu Đường quan. Vua ra lịnh Nhạc Phi cấp tốc kéo binh lên chận quân Kim. Quân Kim nghe có Nhạc Phi chận đường thì hoảng sợ lui binh.

Nhạc Phi lại được vua Tống Cao Tông sai đi dẹp bọn thảo khấu Dương Ma ở Động Đình Hồ tỉnh Hồ Quảng.

Do đó, Thái tử Ngột Truật của quân Kim lợi dụng thời cơ, kéo quân tiến đánh Kim Lăng. Vua Cao Tông thua chạy, bỏ Kim Lăng lên Ngưu Đầu Sơn lánh nạn.

Nhạc Phi hay tin, gấp rút đem đại binh cứu giá, cuối cùng vua tôi đều bị quân Kim vây hãm ở Ngưu Đầu Sơn.

Vua Tống Cao Tông truyền lập đàn bái tướng, phong Nhạc Phi làm : Võ Xương Khai quốc Công, Thiếu Bảo, Thông Thuộc Văn Võ Đô Đốc Đại Nguyên Soái, thống lãnh binh quyền, chống lại quân Kim.

Nhạc Phi tập hợp được các anh hùng hảo hán, lần lần gây nên thế mạnh, đánh tan quân Kim, vây hãm Thái tử Ngột Truật trong Huỳnh Thiên Đãng, không có đường ra. Ngột Truật tưởng phen nầy phải chết, nhưng số Trời chưa cho nên khiến Thần nhân mách đường rút quân theo con lạch nhỏ Lão Lạc Hà, thoát được chạy về Kim quốc.

Vua Tống Cao Tông trở về Kim Lăng, phong thưởng chư tướng sĩ.  Vua hôn ám, nghe lời nịnh thần, dời đô về Lâm An. Các trung thần can gián, nhà vua không nghe, mà lại muốn  giết,  nên  chán  nãn,  cáo lão về quê. Nhạc Phi cũng sợ bị gian thần hãm hại nên cũng xin về quê phụng dưỡng mẹ già. Tất cả đều được vua Cao Tông chấp thuận, để khỏi nghe những lời can gián bực mình của các trung thần.

Nói về Thái tử Ngột Truật nơi Kim quốc, ngày đêm uất hận về thảm bại ở Trung nguyên, hỏi Quân Sư Hấp Mê Xi:
- Lúc ban đầu, ta vào Trung nguyên, tiến binh như chẻ tre, bắt Khương Vương cầm tù, đày Nhị Đế ra sa mạc. Về sau, vì cớ chi mà chỉ có một mình Nhạc Phi làm cho ta thảm bại đến nỗi chạy về đây mà không còn một viên tướng ?

Hấp Xi Mê suy nghĩ hồi lâu rồi đáp :
- Ngày trước, Lang Chúa thành công là nhờ sức gian thần của nhà Tống, song về sau, chỉ vì Lang Chúa quá mến chuộng trung thần, bắt bọn gian nịnh như Trương Ban Xương giết đi, nên mới bị thảm bại như vậy.

Ngột Truật suy nghĩ, rồi như thấm ý gật đầu :
- Lời Quân Sư nói đúng lắm. Lúc trước ta khởi binh, nhờ bọn gian thần của vua Tống mãi quốc cầu vinh, giúp ta một tay đắc lực, Về sau, ta dại dột giết hết chúng đi, nên mới chịu thảm bại. Việc ấy đã lỡ rồi, bây giờ làm sao thực hiện trở lại để đánh Trung nguyên cho khỏi thất bại ?

- Nếu Lang Chúa biết khắc phục khuyết điểm thì có chi khó. Hiện nay còn một đứa gian thần tại đây, đang phò Nhị Đế, đó là tên Tần Cối. Xin Lang Chúa cho tìm nó về dùng.
 Home       1 ]  [ 2 ]  [ ]  [ 4 ]  [ 5 ]  [ 6 ] [ 7 ]  8 ]

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét