Như vậy, Bát-quái mà Giáo-Tông làm chủ đây là Bát-quái Đồ-thiên, chỉ riêng Đạo
Cao-Đài mới có; đó là tổng hợp của hai cái âm dương hợp lại, tức là âm-dương hỗn-hợp
trong cơ sanh biến của vạn-linh. Vậy có phải kỳ khai Đại-Đạo này Ngài đã đặt Ly
lên Khảm và đặt Khảm lên Ly để tất cả thành quẻ CÀN ☰ hay không?
Có nghĩa là lần này trong
nguơn hội mới của Đạo Cao-Đài người tu đúng nghĩa là phụng-sự cho
nhơn-sanh tức
phụng-sự Chí-linh. Phụng sự Chí-linh là phụng-sự Trời đó vậy.
Một người đứng đầu của
nhơn-sanh để giáo-hóa nhơn-sanh là Giáo-Tông, cho nên “Giáo-Tông có quyền thay
thế cho Thầy mà dìu-dắt con cái của Thầy trong đường Đạo và đường Đời.”
Trách-nhiệm thiêng-liêng của
ông Lê-Văn-Trung là một sự được đặt để trước, giờ đến đây để làm sứ-mạng, vì vậy
bài thơ đầu tiên Chí-Tôn ban cho, xem như là một bản-đồ được để trước mắt cho
Người để nhắc-nhớ, đồng thời nhơn-loại nhìn vào đó để do theo cử-chỉ, lời dạy của
Người làm “bài học tắt” trong việc tu-hành. Thường nói “Giáo-Tông là giống
tao”.
Người chính là một trong
những lương sanh được chọn để cứu vớt quần-sanh:
- Câu 1 “Một trời, một đất,
một nhà riêng” đó là đầy-đủ ý-tứ trong các hình vẽ.
- Câu 2 “Dạy-dỗ nhơn-sanh
đặng dạ hiền” đó là trách-nhiệm giáo-hóa nhơn-sanh trong con đường hành thiện của
kỳ ba chuyển thế và cứu thế của Cao-Đài mà Giáo-Tông là Anh Cả của nhơn-sanh.
- Câu 3 “Cầm mối Thiên-Thơ
lo cứu chúng” Thiên-thơ chính là quyển sách trời. Hiện nay trong cửa Đạo này là
quyển “Thánh-Ngôn Hiệp-Tuyển”, trong đó xuất phát những yếu-lý của Đạo là
Tân-Luật, Pháp-Chánh-Truyền làm thước khuôn cho người tu-hành để thành Tiên tác
Phật. Vì tính cách quan-trọng đó nếu ai sửa đổi chơn-truyền phải đắc tội là vậy.
Quyển sách nơi tay Ngài là
hình ảnh của Ngài đặt trên bức tượng ở mặt tiền Đền-Thánh (nơi lầu chuông tức Bạch-Ngọc
Chung-Đài) là cuốn Thiên-thơ đó vậy. Vai trò của Ngài là chuyển thế và cứu thế.
- Câu 4 “Đạo người vẹn-vẻ
mới thành Tiên” bổn-phận của Giáo-Tông là giáo-hóa nhơn-sanh do theo Thánh-ý của
Thầy, chỉ làm theo Đạo Trời mà thôi.
3 - Giáo-Tông làm chủ Bát-quái Đồ-thiên
Pháp-Chánh-Truyền Chú-Giải
có dạy rõ về quyền-hành của Giáo-Tông:
“Trên đây Thầy đã nói rằng:
có quyền dìu-dắt trong đường Đạo và đường Đời, thì Thầy đã chỉ cho rằng có quyền
dìu-dắt các con cái Thầy trên con đường Đạo-đức của chính mình Thầy khai tạo và
trên con đường Đời cơ Đạo gầy nên chớ chẳng phải nói trọn về phần Đạo và phần Đời,
nghĩa-lý phân biệt nhau duy chỉ có chữ đường và chữ phần, xin ráng hiểu đừng lầm
hai chữ ấy.”
Điều này đã báo cho biết Đạo
Cao-Đài có đến 4 Bát-quái, mà trách-nhiệm của Giáo-Tông là chỉ đảm-nhiệm hai
Bát-quái Cao-Đài nói về Thiên-đạo mà thôi, có nghĩa là Đức Chí-Tôn mở Đạo kỳ
này có thêm hai Bát-quái nữa tức là tạo con đường trở về, là con đường cho
nhân-loại được thành Tiên tác Phật trong nguơn hội mới. Nói rõ hơn đó là
chơn-pháp, chơn-truyền của Đức Chí-Tôn.
Vậy phần Đạo là bí-pháp của
Thế-đạo, phần Đời là thể-pháp của Thế-đạo đó.
Nay Thầy nhấn mạnh “Nghĩa
lý phân biệt nhau duy chỉ có chữ “đường” và chữ “phần”.
- Bởi phần Đời tức nhiên
là thể-pháp có Bát-quái Hậu-thiên.
- Phần Đạo là bí-pháp có
Bát-quái Tiên-thiên (cả hai thuộc về Thế-đạo).
Hai Bát-quái này đã có
cách nay 6.000 năm do Vua Phục-Hi sáng tạo, rồi đến Văn-Vương, Châu-Công, Khổng-Tử
tiếp tục bổ cứu thêm, còn lại đến ngày nay.
Giờ phút này Đức Chí-Tôn đến
ban cho nền Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ Tam-giáo qui-nguyên Ngũ-chi phục-nhứt, không
phải Ngài hủy bỏ các Bát-quái ấy, mà chính là do theo các Bát-quái trước đây rồi
mở thêm hai Bát-quái nữa, tức là tạo cho nhân-loại một con đường trở về trong cảnh
an-nhàn tự toại cho linh-hồn.
Nay, nhiệm-vụ của
Giáo-Tông là đảm nhiệm hai Bát-quái Cao-Đài này, chính là thực hiện cho được
con đường “Thiên-đạo”
- Đường Đạo tức nhiên
bí-pháp của Thiên-đạo là Bát-quái Hư-vô.
- Đường Đời tức nhiên thể-pháp
của Thiên-đạo là Bát-quái Đồ-thiên.
Hơn nữa, Pháp-Chánh-Truyền
đã qui-định:
“Giáo-Tông thay mặt cho Thầy
đặng bảo-tồn chơn-đạo của Thầy tại thế thì Anh Cả nhơn-sanh đặng dìu-dắt con
cái của Thầy, dầu lớn tuổi hay là nhỏ tuổi quyền thiêng-liêng đã định vậy”
Trong Hội-Thánh có chia ra
hai phần hữu-hình là Cửu-Trùng-Đài và Hiệp-Thiên-Đài:
Đây là hệ-thống tổ-chức của
Cửu-Trùng-Đài từ trên xuống dưới là:
Cửu-Trùng-Đài là cơ-quan
giáo-hóa nhơn sanh, là môi-trường học-hỏi, tiến-hóa theo ba bực, mỗi bực có ba
phẩm-cấp. Như trên đã nói là hàng Tiên-vị tượng-trưng bằng 7 cái Ngai, mà Ngai
của Giáo-Tông ở giữa, đặt trên hết và lớn hơn hết.
Các phẩm cấp lần-lượt là
Tiên-vị, Thánh-vị rồi đến Thần-vị theo hình-thức trên đây.
Như vậy trường Đại-Đạo
theo như Đức Hộ-Pháp dạy về đường Đạo và đường Đời rằng:
-“Thể-pháp của Đạo Cao-Đài
là một trường công-quả của chúng ta, trường công-quả ấy để cho chúng ta lập đức,
lập công, lập ngôn.
- Bí-pháp chơn-truyền của
Đức Chí-Tôn tức nhiên cơ-quan huyền-bí để cho con cái của Ngài giải-thoát.”
Lần-lượt tìm biết qua:
Thể-pháp của Đạo Cao-Đài
Đức Hộ-Pháp nói:
“Nói về thể-pháp chúng ta
hân-hạnh làm sao, muốn cho chúng ta lập đức chính mình Đức Chí-Tôn đã cho chúng
ta mượn danh thể của Ngài, chúng ta đã làm Thánh-thể của Ngài nơi mặt thế của
Ngài.
Ôi! Quyền-lực về phương-pháp
lập đức đối lại với cảnh thiêng-liêng là mua ngôi-vị của chúng ta đó vậy.
Lập công là Ngài đã tạo
hình-thể của Ngài, tức nhiên Đền-Thánh đó là Đền thờ hữu-hình của Ngài để tại mặt
thế này. Chúng ta phải lập công với sanh-chúng tức nhiên lập công cùng con cái
của Ngài. Ngài để cho chúng ta lập công chớ không phải làm nô-lệ cho ai tất cả.
Chúng ta thấy Ngài phụng-sự cho con cái của Ngài, chúng ta lập công là tạo danh
thể của Ngài, do lập công mà ra.
Bây giờ tới lập ngôn.
Chính mình Ngài, Ngài phải làm, cầm cây Cơ, bút, viết dạy chúng ta từ lời nói,
việc làm; từ tánh đức, từ đạo-lý. Còn ngôn, có ngôn gì hơn Ngài nữa, để cả thảy
các thể-pháp đặng chúng ta định vị chúng ta, chính tay Ngài cho chúng ta mượn cả
thảy.”
4 - Đức Quyền Giáo-Tông thi-hành thể-pháp Đại-Đạo
Nơi Cửu-Trùng-Đài “Thầy định-quyết
cho Người (Giáo-Tông) có quyền dạy-dỗ mà thôi, song quyền-hành có rộng thêm đôi
chút là dạy-dỗ trọn cả đường Đạo và đường Đời. Nghĩ cũng chẳng chi làm lạ, vì cả
Chức-sắc Hội-Thánh Cửu-Trùng-Đài của Thầy lập, phải tùy theo Tôn-chỉ Đạo, nghĩa
là xu-hướng về phần giáo-dục mà thôi. Thầy đã xưng là Thầy đặng dạy-dỗ, còn tên
của Chức-sắc đủ chỉ rõ-ràng phận-sự giáo-hóa, là chánh vai của mỗi người, như
Giáo-Hữu, Giáo-Sư, Phối-Sư, Đầu-Sư, Giáo-Tông... Xem rõ lại thì tên mỗi vị chẳng
mất chữ “Giáo” hay chữ “Sư”. Cơ Đạo từ cổ chí kim vẫn vậy, lại hiệp lời này
“Thiên mạng chi vị tánh, suất tánh chi vị Đạo, tu Đạo chi vị giáo”. Thầy chỉ cậy
Hội-Thánh Thầy đã đến lập, thay quyền cho Thầy mà dạy-dỗ cả con cái của Thầy, nghĩa
là chúng-sanh đặng lành, ấy là phận-sự cần nhứt của Hội-Thánh đó.” (PCT)
Thế nên, trong buổi
Cao-Đài Đại-Đạo:
Đức Quyền Giáo-Tông có bổn-phận
“Cầm mối Thiên-thơ lo cứu chúng”.
Quyển Thiên-thơ Ngài đã nắm
trọn vào tay.
Đức Hộ-Pháp xác nhận:
“Từ khi Đức Chí-Tôn đến độ
Đức Quyền Giáo-Tông rồi mới xuất-hiện Hội-Thánh Cửu-Trùng-Đài đó vậy. Sự vinh-dự
này chính Đức Quyền Giáo-Tông đã được hưởng một cách xứng đáng. Bởi vì chính
mình Đức Chí-Tôn đến thâu Ngài, biểu Ngài lập thành Hội-Thánh. Ngài đi đến đâu
Hộ-Pháp cùng Đức Cao Thượng-Phẩm theo phò-loan để Đức Chí-Tôn thâu Môn-đệ, thâu
được bao nhiêu thì giao Đức Quyền Giáo-Tông Thượng-Trung-Nhựt giáo-hóa, chính
do nơi Ngài cầu-khẩn Đức Chí-Tôn thâu Môn-đệ, Ngài luôn luôn đi các nơi để phổ-độ
chúng-sanh, nhứt là trước ngày mở Đạo, Đức Chí-Tôn sai hết các Chức-sắc Hiệp-Thiên-Đài
tức Thập-Nhị Thời-Quân đi phò-loan cùng hết, không có chỗ nào không có Cơ-bút.
Người thì xuống miền Tây, người đi miền Trung, đi cùng hết.
Thâu Môn-đệ xong, Thầy dạy
chúng tôi về Tây-Ninh mở Đạo. Với hai bàn tay trắng không có một miếng đất cắm
dùi làm sao mở Đạo?”
Vạn sự khởi đầu nan là thế!
Nhưng sự kiên-nhẫn đã giúp các Ngài thành công là thế! Sau cùng, Ngài đã lập vị
một cách vẻ-vang, một cách xứng đáng, tám năm tròn, không dư không thiếu một
ngày. Phải chăng Ngài đã thực hiện trọn hai Bát-quái vào tay mà dìu-dắt nhơn-sanh
trên con đường hành-thiện?
Hằng năm toàn Đạo đều ghi
nhớ ngày 13-10 âm-lịch là ngày qui Thiên của Đức Ngài:
Từ ngày 14-10 Bính-Dần dl
19-11-1926 là ngày nhập vào Đại-Đạo Tam-Kỳ này, hành Đạo suốt.
Ngày qui 13-10 Giáp-Tuất
dl 19-11-1934.
Tính ra là tám năm (8) tròn
không dư không thiếu một ngày.
Đức Hộ-Pháp thường nhắc-nhớ
đến:
“Cái ngôi của Ngài đã tạo
dựng, cái ngôi Giáo-Tông-Đường của Ngài ngồi trên ấy, đầu tiên hết cái ngôi ấy
nó sẽ để nơi đất nước Việt-Nam này một cái báu-vật quí-giá vô cùng. Từ thử tới
giờ chưa hề có. Bần-Đạo ngó qua Vatican, cái Ngai của Đức Giáo-Hoàng Saint
Pierre thế nào, thì nay Bần-Đạo có lẽ nói và có thể mơ-ước rằng cái ngôi của
Thượng-Trung-Nhựt lưu lại nơi thế này nó sẽ trở nên thế ấy.”
* Các con số biến-hóa đối với Đức Quyền Giáo-Tông
Thực-tế Ngài đã làm chủ
con số 7, con số 7 là con số chỉ Thất tình đó vậy: Bởi hàng Tiên-vị là gồm:
1 Giáo-Tông + 3 Chưởng-Pháp
+ 3 Đầu-Sư = 7 vị.
Nhìn vào Bát-quái Đồ-thiên
thì số 7 là quẻ Đoài, Đoài ở chánh Tây, tượng hình là cái miệng; trong thời buổi
này là thực hiện Cơ phổ-độ chúng-sanh, thì mới hoằng khai Đại-Đạo được.
Số 7 là số ngưng kết:
1+2+4=7 tức là Thái-cực cộng Lưỡng-nghi và Tứ-tượng. Thái-cực là dương, Lưỡng-nghi
là cơ biến tướng, Tứ-tượng là cơ sanh-hóa. Nhưng cơ biến tướng và sanh-hóa chạm
nhau lại khắc nên số 7 trở thành số riêng biệt không có biến động, có nghĩa là
trạng-thái yên-tịnh ngừng nghỉ, nên nó cũng ám chỉ vào thể Âm.
Số 7 cũng chỉ vạn-vật hữu
tướng thành hình, trong thân người nó là Thất khiếu ở trên đầu.
Số 7 ấy là do 3 ngôi cộng
4 biến hay là 1+2+1+2+1 nên vô-cực vi-chủ.
Nhưng, Giáo-Tông chưởng-quản
Cửu-Trùng-Đài tức là đứng đầu Cửu-Phẩm Thần-Tiên là con số 9. Hai con số: số 7
và số 9 trong trường hợp này gọi là “Thất phản cửu hoàn”. Thất phản là cứ chu-kỳ
đi đến 7 là trở lại (như một tuần-lễ 7 ngày, giáp một vòng lại trở lại), cửu
hoàn là sự luân-lưu của sự biến dịch không ngừng dứt. Cho nên nói “thất phản cửu
hoàn” là điểm mấu chốt: cùng cực cái động để trở về trạng-thái tịnh nguyên-thủy.
Ngôi số 1 là chỉ trời, là
Thái-cực. Từ 1 sanh 3, ba sanh vạn-vật. Như vậy một mà ba, ba cũng là một.
Nhìn vào Bát-quái Đồ-thiên
thấy quẻ Chấn mang số 3, chánh Đông, đó là biểu tượng ngôi trời mà Giáo-Tông
đang thay Trời tạo thế.
Ta thử làm một việc
so-sánh quyền-hành của Giáo-Tông có những điểm tương-đồng nào với lời
chiêm-đoán về Quẻ CHẤN mà tiền Thánh đã để lại cách đây hàng ngàn năm coi có
trùng khớp với nhau không?
5 - Ngôi vị Giáo-Tông ứng vào quẻ Chấn trong
phương-vị Bát-quái
a/- Tính chất của quẻ Chấn ☳
Quẻ Chấn tượng là con Cả của
Đức Chí-Tôn Ngọc-Hoàng Thượng-Đế, do câu “Đế xuất hồ Chấn”.
Theo Văn-Vương Bát-quái tức
là Bát-quái Hậu-thiên có đủ lý lẽ của mỗi ngôi trong các quẻ thì quẻ CHẤN ☳ là quẻ ở phương Đông, là quẻ có một hào dương ở dưới bị hai hào âm đè lên
trên. Hào dương tượng sự bắt đầu sinh ra, vạn-vật cũng theo cái lý đó mà khởi,
nên Dịch cũng nói là: Thượng-Đế ra ở cung Chấn. Điểm dương nhỏ bé ấy chính là
nguyên-động lực bắt đầu buổi sơ khai, nên quẻ Chấn là quẻ khởi thủy.
Trong một năm có 4 mùa:
Xuân, Hạ, Thu, Đông, mà mùa Xuân là mùa dương khí thịnh nên muôn vật vui tươi
sinh nở. Mùa Xuân ở vào 3 tháng: Dần, Mão, Thìn tức là tháng giêng, tháng hai,
tháng ba. Tháng Mão là giữa mùa Xuân, ứng vào cung Chấn ☳. Trong giờ Mão dương mới sanh, chính là lúc mặt trời mọc trong một ngày,
nói rộng ra cho đến thế, vận, hội cũng đều đi theo luật tuần-huờn ấy.
Chấn ☳ tức là cái vi dương bắt đầu huy động lấy hướng mặt trời nên gọi là “Nhật
xuất ư đông”, hướng bắt đầu cho một khí dương hiện ra, nên tượng quẻ Chấn ở
phương Đông.
Với Đạo-pháp cũng cùng một
định-luật. Nay đã giáp một chu-kỳ nên Đức Chí-Tôn mở Đạo ở phương Đông.
Trước đây Đạo Phật mở ra ở
Ấn-Độ, Trung-Hoa là nơi phát xuất Đạo Thánh, có các Thánh như: Khổng, Mạnh, Lão,
Trang; kế đến truyền qua Tây-phương, Chúa Jésus Christ khai Đạo Thánh ở phương
Tây làm ông Thánh-Tây.
Nay đã giáp một vòng rồi lại
trở về Đông: Chí-Tôn khai mối Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ này tại Việt-Nam là miền
Đông Nam Châu-Á đối với bản-đồ thế-giới, Tây-Ninh là nơi phát xuất Đạo Trời được
chọn làm Thánh-địa là miền Đông của Nam-phần Việt-Nam.
Đạo-pháp gọi đó là “Thiên
địa tuần-hoàn châu nhi phục thủy”. Hình ảnh này đã biểu-tượng bằng hình con
Long-mã phụ Hà-đồ đặt trên nóc Nghinh Phong-Đài Đền-Thánh, Long-mã chạy từ Đông
sang Tây rồi lại ngó ngoáy về Đông.
Long-Mã Phụ Hà-Đồ đặt trên nóc Nghinh Phong-Đài
b/ - Tình thế Việt-Nam ứng
vào quẻ Chấn
Chính buổi khai Đạo tại
chùa Gò-kén thật vô cùng khó-khăn bởi hai sức ép của Đời và Đạo đối với Việt-Nam
thuở ấy:
- Đời lâm vào cảnh đô-hộ của
Pháp.
- Đạo thì dân-chúng tín-ngưỡng
thập tàng, đa thần-giáo, vì vậy phải cần có một sự đổi mới để đáp ứng nguyện-vọng
của toàn nhân-sanh. Sự việc này có khác nào hai hào âm đang đè nặng lên quẻ Chấn
không?
Bấy giờ, chính là lúc Đức
Chí-Tôn ban cho một mối Đạo nhà, Thầy đã nói:
Từ thử nước Nam chẳng Đạo
nhà,
Nay Ta gầy dựng lập nên
ra....
c/ - Nhiệm-vụ đến với Đức Quyền Giáo-Tông
Nền Đại-Đạo Cao-Đài ra đời
năm Bính Dần (1926) với mục-đích:
“Vì muốn độ 92 ức
nguyên-nhân qui hồi cựu vị cho khỏi sa-đọa hồng-trần. Ngày nay Đức Chí-Tôn mở Đạo
không giáng trần bằng xác thân mà chỉ giáng bằng Huyền-diệu Cơ-bút mới qui đặng
cả Đại-Đồng Thế-Giới.”
Hơn nữa Ngài không có nhân
thân phàm ngữ làm sao độ dẫn chúng-sanh cả toàn cầu cho đặng nên Ngài phải giao
quyền cho “Con Cả” của Ngài để lập thành Chánh-thể tức là Hội-Thánh làm
Thánh-thể của Ngài vậy. Người con Cả của Thượng-Đế đây ứng vào quẻ Chấn, nằm
vào chính Đông trên bản-đồ, mang số 3 thuộc về Mộc, tức nhiên hình ảnh của ngôi
vị Giáo-Tông đó.
Tất cả các yếu-tố sau đây
là đặc tính của quẻ CHẤN làm biểu tượng mà Dịch đã xác định, thử đem đối-chiếu
lời chiêm-đoán của quẻ với cuộc đời của một người mang sứ-mạng thể thiên hành-hóa
xem có trùng khớp với nhau chăng. Nếu trùng khớp với nhau được thì quả thật Đạo
ta là Chánh đạo, ngược bằng không, thì có thể kết-luận rằng đây là giả Đạo.
Tại sao mua vàng thì mọi
người cần phải thử mà nền Đại-Đạo lớn-lao như vầy mọi người dám gởi cả đức-tin
của cuộc đời mình không chịu thử-thách để tìm hiểu cho thật chính-chắn, tìm hiểu
để tin và niềm tin đó mới thật là chánh-tín.
6- Lời chiêm-đoán về quẻ CHẤN ☳
a/- Đoán về Thiên-thời
Chấn tượng hướng Đông, hướng
của mặt trời mọc. Mặt trời mọc ở hướng Đông vào giờ Mẹo (mão) nên nói “Đế xuất
hồ Chấn”. Để cũng chỉ muôn loài, theo thiên-thể thì lấy mặt nhựt là mặt trời tượng
Thượng-Đế, mang dưỡng khí nuôi khắp cùng vũ-trụ.
- Với đạo-pháp: Đức
Lê-Văn-Trung được Đức Chí-Tôn ban cho Thánh-danh Thượng-Trung-NHỰT. Ngài nhận
phẩm Đầu-Sư đầu tiên cùng với hai vị nữa mang chữ Nguyệt và Tinh, đây là ba bửu
của Trời: Nhựt, Nguyệt, Tinh.
- Về mặt đời: Ngài là ngôi
sao sáng, là Nghị-viên Hội-Đồng Thượng-Nghị-Viện, thưởng thọ Bắc-Đẩu Bội-Tinh.
- Về mặt Đạo: Ngài là Giáo-Tông,
Người thay trời tạo thế. Làm Anh Cả của nhân-loại.
b/ - Đoán về các đặc-tính
Chấn có năng-lực động, tượng
là sấm, muôn vật không có vật nào chấn-động nhanh bằng sấm (Chấn vi lôi, Chấn
là sấm). Bởi quẻ Chấn ☳ là quẻ có một hào dương chịu nén dưới hai hào âm.
Quẻ này ứng với cuộc đời của
Đức Lê-Văn-Trung:
- Về phần Đời: buổi đó bị
một sức ép của thời Pháp-thuộc, dân-tộc Việt chịu dưới nạn quốc phá gia vong vừa
hết Tàu lại đến Tây, dù Ngài là một viên chức cao của Hội-đồng Thượng-nghị viện
nhưng vẫn khổ đau vì dân-tộc chịu áp-bức, lệ nô của người Pháp.
- Về phần Đạo: Dân Việt-Nam
bấy giờ tinh-thần tín-ngưỡng theo thuyết đa thần, trong nước không có đạo, dù
nhiều Đạo nhưng chỉ là mượn đạo, xin Đạo của người ta mà thôi; vì Đạo Phật du
nhập từ Ấn-Độ; Đạo Thánh, Đạo Tiên thì từ Trung-Hoa truyền sang, nhưng khi vào
Việt Nam như một mảnh đất tốt để cấy mầm móng Đạo-giáo, người dân mình đều giữ
lại mà tôn thờ, sùng kính. Chính cái lòng thiết-tha tôn-sùng Trời Phật của Việt-Nam
ta mà Thượng-Đế mới đến trao cho một mối Đạo nhà, mà cũng là Quốc-Đạo. Vậy nên
Thầy mới cho câu:
“QUỐC-ĐẠO kim triêu thành ĐẠI-ĐẠO
“NAM-PHONG thử nhựt biến NHƠN-PHONG”
c/- Đoán về động vật
Chấn tượng Rồng (chấn vi
long). Rồng là con vật linh, đứng đầu trong Tứ linh: Long, Lân, Qui, Phụng. Con
vật linh ấy khi dấy lên để rồi sẽ được yên-tĩnh, nghỉ-ngơi, từ dưới chỗ âm-u thì
rồng dậy.
- Đạo-pháp: nhắc về khi
làm 7 cái ngai cho các Chức-sắc Cửu-Trùng-Đài Thầy cũng bảo chạm Tứ linh, nhưng
ngai của Giáo-Tông “chỗ hai tay dựa phải chạm hai con Rồng” ấy là lý âm dương
biến hóa vô cùng.
Rồng là con vật đứng đầu hết,
nên các giống thú cũng phải nương theo Tứ linh này chuyển-hóa để thăng tiến.
Nay Cao-Đài Đại-Đạo mở ra là để cho các chơn-hồn tiến-hóa, tức là kể cả vật-chất,
thảo-mộc, thú cầm, nhơn-loại gọi chung là chúng-sanh và bốn phẩm-cấp cao hơn là
Thần, Thánh, Tiên, Phật, gồm chung là bát-phẩm chơn-hồn vậy.
Theo lý vạn-vật xuất ra ở
cung Chấn là nơi huy động đầu tiên sinh ra muôn vật. Từ đó người Á-đông ta cảm
nhận lý biến-hóa của vũ-trụ nên lấy vật Tổ là Rồng để biểu-dương một tinh-thần
bất-khuất của dân-tộc-tính. Từ xưa đến giờ đều tự-hào là “con Rồng cháu Tiên”.
Ngay trong Đền-Thánh cũng đều trang-trí hình ảnh Tứ linh, nhiều nhất là Rồng đủ
màu sắc và là rồng hả miệng để nói lên thời kỳ Phổ-độ chúng-sanh trong kỳ ba Đại-ân-xá,
tận-độ chúng-sanh qui-nguyên-vị.
d/ - Đoán về màu sắc
Lấy màu huyền hoàng (huyền
là sắc đen của trời; hoàng là sắc vàng của đất).
Về Đạo-pháp: ngôi Thượng-Đế
ở về phương Bắc (thuộc Khảm vi thủy, tức là tượng trưng màu đen). Màu đen, màu
huyền là chỉ sự huyền-bí nhiệm-mầu, cao-thâm ấy là danh vị của Đấng Huyền-Khung-Cao-Thượng-Đế-Ngọc-Hoàng-Đại-Thiên-Tôn.
Màu vàng óng-ả là sắc vàng
của kim-loại quí: vàng (or) chính là vua của kim-loại, thế nên tượng cho Phật-Mẫu.
Nhưng kim-loại thường là sắc trắng, vì vậy nhơn-sanh về đến ngôi của Phật-Mẫu
thì đều mặc sắc phục trắng, cũng là màu Đại-Đồng. Nhưng riêng màu sắc dùng cho
ngôi Phật-Mẫu lại là màu vàng “Phái vàng Mẹ lãnh dắt-dìu trẻ thơ”.
Nếu luận về quẻ ở Bát-quái
Tiên-thiên thì quẻ Chấn ở giữa, hai bên là Khảm, Ly. Chấn thuộc Mộc theo lý
Ngũ-hành là màu xanh. Ly thuộc Hỏa màu đỏ, xanh đỏ có sự xê-dịch lên xuống lẫn-lộn
nên mới thành màu huyền. Còn màu vàng vì Chấn gần Khôn thuộc Thổ nên là màu
vàng vậy.
e/ - Đoán về tịnh vật
Theo hình vạch quẻ Chấn ☳ thì một hào dương nằm dưới hai hào âm. Khi Chấn sấm nổ lên thì tiếng dội
vang xa. Lấy tượng cây cỏ, tượng là tre non, cây sậy.
Luận: Ngày xưa Pascal nói
người là “cây sậy biết tư-tưởng” tức nhiên chỉ một tinh-thần bất-khuất, ý-chí
quật cường của con người luôn muốn vươn lên, đạo-giáo nói là dục-tấn. Vì sự dục-tấn
nên con người mới tìm đến con đường tu để được giải-thoát những gì gọi là ràng
buộc, để cho tư-tưởng được thăng hoa. Người Việt-Nam được Thượng-Đế nắn đúc nhiều
trong lò gian khổ nay đủ sức để cho Ngài đến giao cho một mối Đạo đủ quyền-năng
“xây cơ chuyển thế bảo tồn vạn-linh". Đó mới là yếu-tố về.
Yếu-tố ĐỊA, thì đất nước
Việt-Nam này là một Thái-cực-đồ uốn cong như con rồng lượn, một bên là biển một
bên là đất liền là hai điểm âm dương tương-tiếp nhau gọi là Lưỡng-nghi, cũng gọi
là Thái-âm, Thái-dương. Từ Lưỡng-nghi sanh ra Tứ-tượng cho nên có thêm hai yếu-tố
nữa đó là đảo Hải-Nam, tức nhiên đất trong nước đó là Thiếu-dương; bên trong có
Biển-Hồ, tức là nước trong đất, gọi là Thiếu-âm. Từ đó Tứ-tượng mới biến ra
Bát-quái.
Đất nước ta có núi
Ngũ-Hành là tâm điểm, nếu đặt compas quay một vòng tròn thì điểm trên sẽ qua ải
Nam-Quan và điểm dưới sẽ đụng vào Mũi-Cà-Mau tạo thành một vòng tròn đó là một
Thái-cực-đồ trọn vẹn.
Yếu-tố THIÊN, Thầy đã nói
rõ:
“Ta vì lòng Đại-từ đại-bi,
vẫn lấy đức háo sanh mà dựng nên mối Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ; tôn-chỉ để vớt những
kẻ hữu phần vào nơi địa-vị cao-thượng, để tránh khỏi số mạng luân-hồi và nâng
những kẻ tánh đức bước vào cõi nhàn, cao hơn phẩm hèn khó ở nơi trần thế này”.
Yếu-tố Tam-tài được thể hiện.
f/ - Đoán tật bịnh
Người mang quẻ Chấn thường
có tật chân, bịnh gan thông thường.
- Ở Đức Quyền Giáo-Tông,
Bà Bát-Nương thường trêu là “Anh què” tức là nhắc đến nguơn linh của Ngài là Đại
Tiên Lý-Ngưng-Dương, thuở Ngài còn tu Tiên ở tiền kiếp, đắc Đạo. Một hôm Ngài
xuất chơn-thần, bỏ xác lại nhờ học-trò giữ xác, dặn đừng vội chôn. Nhưng cảnh đời
thường trái nhau, khó xử cho anh học-trò, nhằm lúc mẹ anh cũng vừa chết, làm
sao toan liệu cả hai, anh đành đốt xác Thầy để trở về còn lo chôn xác Mẹ. Thế
là khi hồn của Đạo-sĩ trở về không còn xác để nhập vô, cùng lúc thấy có xác một
người đi ăn mày chết gần đó, vị Đạo-sĩ mới nhập vô xác người ăn mày này. Nhờ đắc
Đạo Tiên nên Ngài biến cây gậy và chiếc bị thành hai món bửu bối, sau này trở
thành “Bầu linh gậy sắt” Nên thơ của Đức Hộ-Pháp có viết về: “Thần Lý Ngưng-Dương
du Nam”:
Bầu linh gậy sắt quảy du Nam,
Nương bóng Từ-bi đến cõi phàm.
Độ thế so đồng cân Nhựt nguyệt,
Phục sinh đổ trọn giỏ Hoa lam.
Non Tiên lối cũ thân dầu toại,
Bợn tục đường xưa bước đã nhàm.
Bảy bạn ai còn chơi cõi thế,
Đông-du
xin nhắc chuyện Ông Lam.
g/
- Đoán về việc quan tụng
Việc kiện cáo đứng về phía mạnh, sửa đổi để xét
lại, có sự phản-phúc.
- Trong cuộc đời hành-đạo của Đức Quyền
Giáo-Tông đã bị ở tù. Ngài bị nhốt trong khám đường Tây-Ninh mấy bữa vì nạn
không tiền đóng thuế thân cho các bổn đạo, Ngài đứng ra nhận, chúng bắt bỏ tù
luôn Ngũ đẳng bội-tinh mang trong mình Ngài, chứng tỏ rằng nó không có giá trị
gì hết. Nếu có giá-trị thì người mang nó không bị thị-nhục
dường ấy. Khi ra khám, Ngài gỡ trả mà người ta không dám nhận, phải năn-nỉ đưa
lại cho Ngài. Tình trạng Anh Cả chúng ta như vậy.
h/ - Đoán về phần mộ
Lời đoán cho người mang quẻ
Chấn lợi về phần mộ đặt ở hướng Đông, giữa chốn sơn lâm.
- Ngày nay Tháp của Đức
Quyền Giáo-Tông Thượng-Trung-Nhựt đặt chính hướng Đông thuộc cung Chấn (xem hình
Bát-quái Đồ-thiên) Sau Bát-Quái-Đài của Đền-Thánh Tòa-Thánh Tây-Ninh. Hình ảnh
Đền-Thánh có dạng chữ sơn 山 mà là 7 chữ sơn, nên còn
gọi là Thất sơn.
Lý giải: trước Đền khi kiến-trúc
Tòa Thánh, Đức Hộ-Pháp có chừa ra hai khu rừng nhỏ gọi là “rừng thiên-nhiên” để
kỹ-niệm nơi này khi xưa là rừng cấm, hoang-vu, rậm rạp. Nếu lấy biểu-tượng chữ
mộc 木 làm tượng chỉ rừng thì hai khu rừng tượng là chữ
lâm 林. Nhưng trước Đền còn có cội Bồ-Đề, thêm một chữ mộc
木 vào giữa chữ lâm thành ra chữ sâm 森 (sâm là rậm). Ghép hai chữ Sâm lâm 森 林 là đủ rõ nghĩa nơi đây xưa kia là thế, còn nay là thế.
Nhờ ánh-sáng đạo-mầu của Đức
Thượng-Đế nhân-loại mới được hưởng như ngày nay. Cũng như tâm tánh người nhờ đạo-đức
giồi tâm mà sáng-láng. Như vậy lời đoán về người mang quẻ Chấn có phần mộ đặt
nơi chốn “sơn lâm” thì hoàn-toàn ứng hiệp vậy.
i/ - Đoán tính tự (họ tên người)
Người mang quẻ Chấn có họ
hoặc tên có chữ bộ mộc 木
- Đức Quyền Giáo-Tông có tên
là Lê-Văn-Trung, họ LÊ viết thành chữ Hán có dạng là 梨 tức nhiên cấu tạo bởi các phần sau: phía trên là Hòa 禾 (cây lúa) họp với Đao 刂 và dưới là bộ MỘC 木 Quả nhiên họ Lê của Ngài có bộ mộc vậy.
j/ - Đoán số mục
Người mang quẻ Chấn có ảnh-hưởng
các con số: 4, 8, 3.
- Quẻ Chấn số 3 là dương-số,
lại là hướng cung Mão nên Chấn cũng là Càn; ba thành một, một mà ba. Vai trò
này hết sức quan-trọng đứng vào Tam ngôi nhất thể. Số 3 cũng là Trời, “thay mặt
Thầy mà dạy-dỗ nhơn-sanh” thế nên Giáo-Tông là Anh Cả của nhơn-sanh.
Ngài hành-đạo vừa tròn 8
năm, không dư không thiếu một ngày. Phải chăng tất cả đều có quyền thiêng-liêng
đã đặt để trước.
7 - Đức Quyền Giáo-Tông là một mẫu người đáng kính
Đức Quyền Giáo-Tông đã nắm
trọn Bát-quái Đồ-thiên trong một thiên-trách hết sức là nhọc-nhằn và đau-khổ.
Tuy nhiên không vì thế mà làm cho Ngài nản chí hay phiền-hà. Hãy nghe Ngài trả
lời về những việc đã xảy ra làm cho nhọc trí Ngài.
Qua lời thuật của một
báo-giới nói về Ngài, sau ngày qui Thiên:
- “Tôi còn nhớ, cách chừng
một năm nay, sau khi ông Nguyễn-Phan-Long lấy tư-cách Giáo-Sư Cao-Đài lên
Tòa-Thánh Tây-Ninh ngồi làm chủ-tọa “Hội Vạn-Linh” để buộc tội ông Giáo-Tông mà
rồi cũng không có hiệu-quả, ông Lê-Văn-Trung kêu tôi mà nói: cái kết-quả của “Hội
Vạn-Linh” này không phải là để rửa sạch những điều họ đã vu-cáo cho tôi, mà
chính là để cho “Đạo” được thêm một tín-đồ trí-thức “Nguyễn-Phan Long".
Lại một hôm bàn về vấn-đề
Tôn-giáo, tôi nói với Ông Lê-Văn-Trung:
Tôi nhớ như tuồng một nhà
văn-sĩ Ăng-lê kia đã nói:
“Tôn-giáo này mà khác với
Tôn-giáo kia cũng giống như những nhà đăng cao, tuy là khi mới trèo lên, thì người
ở bên chân núi này, kẻ ở chân núi kia, chớ chừng đến trên đảnh cũng gặp nhau một
chỗ.”
Ông trả lời:
- Đạo Cao-Đài chúng tôi
cũng vậy. Song chỉ có một điều khác, là muốn sao từ khi đương ở dưới chân núi,
thì tất cả các nhà đăng cao đều đã biết nhau, yêu nhau.
Gần đây, sau khi Ông đi diện-yết
quan Toàn-quyền Robin vừa ra, tôi hỏi:
- Quan Toàn-quyền có hỏi
chi đến việc Ngài trả Bắc-Đẩu Bội-tinh lại cho Chánh-phủ chăng?
- Có, Quan Toàn-quyền có
khuyên tôi lấy lại. Song tôi đã bẩm với Ngài rằng: Trả hay không trả Bắc-Đẩu Bội-tinh
là một việc nhỏ dễ tính.
Kết-luận về Đức Quyền
Giáo-Tông.
“Cái người của Ông, bình
sanh, bất kỳ là đối với việc gì, cảnh ngộ nào Ông cũng vẫn ung dung, hòa-nhã;
nói chậm-rãi, mới nghe qua tuồng như thờ-ơ, mà xét kỹ lại, thì thâm-trầm, ý-vị.
Chỉ duy trong những lúc
tàn đêm canh vắng hay là dưới bóng trăng nuối, ông mới đem ít nhiều tâm-sự mà
than-thở với những người bạn thanh-niên như chúng tôi đây.
Cái tâm-sự mà ông đã đặt
tên cho nó là “Nhơn-đạo”.
- Cái “Nhơn-đạo” ấy, ai là
người trong Đạo Cao-Đài sẽ kế chí ông?
Về phần tôi, tôi chỉ biết
lấy tình tri-kỷ mà vẽ sơ lại con đường của ông đã trải qua, để họa may gần đây
sẽ có kẻ nối theo đó mà đi cho đến mục-đích của ông đã tự-kỳ: do Thiên-đạo mà
lo Nhơn-đạo cho xong để tròn phận-sự đối với Thiên-đạo” (Tiểu-sử Đức Quyền
Giáo-Tông, trg 148)
D - Quyền-hành của ĐẠO
phải có GIÁO-TÔNG VÀ HỘ-PHÁP
“Trên ba Hội lập quyền thì có Giáo-Tông và Hộ-Pháp.
Giáo-Tông là chủ Cửu-Trùng-Đài
thì lo về việc chánh-trị của Đạo có Chưởng-Pháp và Đầu-Sư ở trung-gian giúp sức
điều-đình các luật-lệ truyền xuống cho ba Chánh-Phối-Sư nắm trọn quyền
hành-chánh. Giáo-Tông có quyền định đoạt trong việc chánh-trị của Đạo.
Hộ-Pháp thì lo giữ luật-lệ
của Đạo cho khỏi sái Thiên-điều vì luật-lệ của Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ ngày nay
thì thế cho Thiên-điều.
Hộ-Pháp có quyền đặc-biệt
về ân-xá cũng như Giáo-Tông có quyền Chánh-trị vậy.
Hộ-Pháp chưởng-quản Hiệp-Thiên-Đài
có Thượng-Phẩm, Thượng-Sanh và Thập-Nhị Thời-Quân giúp sức.
Giáo-Tông và Hộ-Pháp hiệp
một là Quyền Chí-Tôn”.
Tại sao trong cửa Đạo
Cao-Đài có đến hai người lãnh-đạo Tôn-giáo?
Pháp-Chánh-Truyền chú-giải
có ghi rõ:
“Đây là lời Thánh-giáo của
Thầy đã dạy Hộ-Pháp khi Người hỏi Thầy về quyền của Giáo-Tông.
Hộ-Pháp hỏi:
- “Thưa Thầy theo như luật-lệ
Thánh-giáo Gia-Tô Thầy truyền tại thế thì Thầy cho Giáo-Tông trọn quyền về phần
hồn và phần xác: Người nhờ nương quyền-hành cao-trọng đó, Đạo Thánh mới có thế-lực
hữu-hình như vậy. Đến ngày nay Thầy giảm quyền Giáo-Tông của mấy con về phần hồn
đi, thì con sợ e cho Người không đủ quyền-lực mà độ rỗi chúng-sanh chăng?
Thầy đáp…
- “Cười! Ấy là một điều lầm-lạc
của Thầy, vì nặng mang phàm thể mà ra, Thầy cho một người phàm đồng quyền cùng
Thầy về phần hồn thì nó lên ngai Thầy mà ngồi, lại nắm quyền-hành Chí-Tôn ấy đặng
buộc nhơn-sanh phải chịu lòn cúi trong vòng tôi-tớ của xác thịt. Hơn nữa cái
quyền-hành quí-hóa ấy, Thầy tưởng vì thương mà cho các con, nào dè nó là một
cây gươm hai lưỡi để giục loạn cho các con.
“Nay Thầy đến chẳng phải lấy
nó lại, mà Thầy chỉ đến làm cho tiêu-diệt cái hại của nó, nếu muốn trừ cái hại ấy
thì chẳng chi hay hơn là chia đôi nó ra, không cho một người nhứt thống.
“Kẻ nào nắm trọn phần hữu-hình
và phần thiêng-liêng, thì là độc chiếm quyền chánh-trị và luật-lệ, mà hễ độc
chiếm quyền chánh-trị và luật lệ vào tay, thì nhơn-sanh chẳng phương nào tránh
khỏi vòng áp-chế.
“Như Thầy để cho Giáo-Tông
trọn quyền về phần xác và phần hồn (nghĩa là Đạo và Đời) thì “Hiệp-Thiên-Đài” lập
ra chẳng là vô-ích lắm sao con?
“Cửu-Trùng-Đài là Đời, Hiệp-Thiên-Đài
là Đạo. Đạo không đời không sức, Đời không Đạo không quyền; sức quyền tương-đắc
mới mong tạo thời cải thế, ấy là phương hay cho các con liên hiệp cùng nhau,
chăm-nom săn-sóc lẫn nhau, mà giữ vẹn Thánh-giáo của Thầy cho khỏi trở nên
phàm-giáo”. (PCT)
Trong cửa Đạo Cao-Đài, quyền-hành
của Chức-Sắc từ Hiệp-Thiên-Đài đến Cửu-Trùng-Đài đều thể-hiện rõ nét trên phẩm-phục
tức là trong sắc áo mão của mỗi người, thế nên Pháp-Chánh-Truyền qui định:
E - ĐẠO-PHỤC CỦA GIÁO-TÔNG
1 - Phần luận Đạo: Ban Đạo-phục là ban quyền cho
Giáo-Tông
Thầy ban đạo-phục cho
Giáo-Tông là ban quyền-hành cho Người, Pháp-Chánh-Truyền qui-định:
“Đạo-phục của Giáo-Tông có
hai bộ: một bộ đại phục và một bộ tiểu-phục”
Điều này chứng tỏ quyền-hành
trọng-yếu là Anh cả của nhơn-sanh “thay mặt cho Thầy đặng bảo-tồn chơn-đạo của
Thầy tại thế” đồng thời “có quyền dìu-dắt con cái Đức Chí-Tôn trong đường Đạo
và đường Đời” tức là cơ âm dương đã hiện rõ trong quyền-hành ấy; cũng như có
Giáo-Tông hữu-hình ắt có Giáo-Tông vô-vi vậy.
Giáo-Tông phải thực-thi
hai Bát-quái: Bát-quái Đồ-thiên và Bát-quái Hư-vô, ấy là phần Thiên-đạo.
Nếu nhìn vào Bát-quái Đồ-thiên
sẽ thấy hiển-hiện rõ quyền-hành ấy.
* Đại-phục:
“Bộ Đại-phục thì toàn bằng
hàng trắng, có thêu bông sen vàng từ trên tới dưới”
Với cơ-quan Cửu-Trùng-Đài,
đặc biệt chỉ có Giáo-Tông và Thượng-Chưởng-Pháp mặc sắc phục trắng chầu lễ
Chí-Tôn mà thôi, ngoài ra đều mặc theo sắc phái, Vì sao?
Màu trắng là màu tổng-hợp
của 7 sắc cầu vồng, đó là màu Đại-đồng, mục-đích của Cao-Đài là phải thực hiện
ra cho đến Đại-Đồng Thế-Giới.
Đó là cái bí-pháp, phần
riêng biệt của Đức Chí-Tôn dùng trong cơ chuyển thế, chọn người thay thế hình-thể
cho Ngài cầm đầu cả nhơn-loại.
Việc này để giải rõ là
loài người phải đi từ không trở về sắc-tướng đặng tạo nghiệp-vị, rồi trở lại
Hư-vô.
Phái Tiên-đạo là phái giữ
phần lập trường thi công-quả của sắc tướng.
Bởi Cao-Đài là tinh-hoa bổn-nguyên
triết lý của chính nền Tôn-giáo này.
Thêu bông sen tượng-trưng
sự thanh-khiết, sống nơi trần mà không nhiễm trần. Màu vàng tượng cho Đạo
Cao-Đài là Phật-giáo chấn hưng.
“Hai bên cổ áo, mỗi phía
có ba cổ-pháp là: Long-Tu-Phiến, Thư-Hùng-Kiếm và Phất-Chủ (ấy cổ-pháp của Thượng-Phẩm
và Thượng-Sanh trị thế).
Đặc biệt là hai con số 2
và 3 (hai bên cổ áo, mỗi phía có 3 cổ-pháp):
Số 2 là số Thiếu-âm, số 3
là số Thiếu-dương. Cộng chung lại 2+3=5 đó là Ngũ-hành. Lại nữa, hai bên cổ áo,
mỗi phía có 3 cổ-pháp, vậy hai bên phải 6 cái: chứng tỏ đây là tam âm tam dương
như đã có nói trước đây.
Cổ-pháp của Thượng-Sanh là
Phất-Chủ và Thư-Hùng-Kiếm,
Cổ-pháp của Thượng-Phẩm là
Long-Tu-Phiến.
Hai vị Thượng-Phẩm và Thượng-Sanh
là Chức-sắc Hiệp-Thiên-Đài. Giờ đây cổ-pháp của hai vị này họp lại là cổ-pháp của
Giáo-Tông (Cửu-Trùng-Đài).
Tương-tự ba món cổ-pháp của
ba vị Chưởng-Pháp bên cơ-quan Cửu-Trùng-Đài họp lại là cổ-pháp của Hộ-Pháp:
Thái Chưởng-Pháp thì bình Bác-Du.
Thượng Chưởng-Pháp thì cây Phất-Chủ
Ngọc Chưởng-Pháp thì bộ Xuân-Thu.
Hiệp một gọi là cổ-pháp.
Ba cái cổ-pháp ấy vốn của Hộ-Pháp hằng kỉnh trọng.”
Ấy cũng là một lý: trong
âm có dương và ngược lại trong dương có âm, dịch nói “Âm trung hữu dương căn,
dương trung hữu âm căn”
“Đầu đội mão vàng 5 từng
hình Bát-quái (thế Ngũ-chi Đại-Đạo) ráp tròn lại bít chính giữa; trên chót mão
có để chữ Vạn, giữa chữ Vạn có để Thiên-nhãn Thầy, bao quanh một vòng
Minh-khí.”
Đầu đội mão vàng, màu vàng
đội đầu cho thấy ngôi Nhứt Phật của phẩm Giáo-Tông đã để trước mắt cho
nhơn-sanh đều thấy rõ.
Đầu, tức là chính giữa và
phần trên của con người, ứng với số 5 ở giữa Bát-quái Đồ-thiên (ngũ trung) thế
Ngũ-chi Đại-Đạo, nghĩa là nền Đại-Đạo này đã đến lúc “hiệp nhứt Ngũ-chi qui-nguyên
Tam-giáo” mà chính Giáo-Tông “thay mặt cho Thầy đặng bảo-tồn chơn-đạo của Thầy
tại thế”; ráp tròn lại bít chính giữa, tức là tạo thành một vòng tròn, đây là
chỉ càn-khôn vũ-trụ, mà Cao-Đài đứng chủ trung, thể hiện lời dạy của Thầy:
“Một nước nhỏ-nhoi trong Vạn quốc.
“Ngày sau làm chủ mới là kỳ.”
Chữ Vạn là chỉ vạn-linh xuống
trần để đạt vị, đồng thời cũng chỉ các ngôi Thần, Thánh, Tiên, Phật đều vâng lịnh
Chí-Tôn hạ thế cứu đời. Thế nên Đạo Cao-Đài xử-dụng đến hai chữ Vạn thuận và
nghịch. Là hình ảnh Bát-quái Đồ-thiên.
Thiên-nhãn Thầy đặt giữa
chữ Vạn là nhắc-nhở người Cao-Đài luôn luôn làm theo Tôn chỉ của Đạo để khỏi phải
lệch chơn-truyền mà phải đắc tội với thiêng-liêng, nhất là Thánh-thể Đức
Chí-Tôn là người cầm cân Công-Bình Thiêng-Liêng thưởng phạt.
Vòng Minh-khí là một thứ
ánh-sáng minh triết mà cái văn-minh tinh-thần đã khởi điểm nơi này. Học Đạo, hiểu
Đạo là tạo cho mình một ánh sáng minh-triết, phát ra bằng vòng Minh-khí; nói Đạo
cho người hiểu Đạo, ban-bố khắp nơi bằng huyền-lực, bằng hào-quang, điển sáng
là vô-vi.
Đạo Cao-Đài khởi nơi đất
nước Việt-Nam này hân-hạnh có được hồng-ân ấy.
Chính Đức Tả-quân
Lê-văn-Duyệt đã xác nhận:
“Văn-hiến bốn ngàn năm có sẵn,
“Chi cần dị-chủng đến dâng công.”
Đây là bộ Đại-phục,
Giáo-Tông chỉ mặc khi chầu Đại-lễ Chí-Tôn mà thôi, đó là Quan Đạo trong một
Thiên-triều; còn các Đàn thường thì mặc Tiểu-phục:
* Tiểu phục:
“Bộ tiểu-phục cũng toàn bằng
hàng trắng, có thêu chữ Bát-quái bằng vàng, cung Khảm ☵ ngay hạ đơn điền, cung Cấn ☶ bên tay mặt, cung Chấn ☳ bên tay trái, cung Đoài ☱ bên vai mặt, cung Tốn ☴ bên vai trái, cung Ly ☲ ngay trái tim, cung Khôn ☷ ngay giữa lưng”.
Đức Chí-Tôn có cho biết
Bát-quái trên áo Giáo-Tông đây là Bát-quái luyện Đạo. Ngay từ buổi đầu, khi Bà
Nữ Chánh-Phối-Sư Hương-Hiếu được Đức Chí-Tôn dạy may áo Giáo-Tông, đến việc sắp
các “quẻ” Thầy có nói với ông Lê-Văn-Trung:
- “Trung, kiếm thử (là kiếm
thử chữ Bát-quái) đặng sắp, may trong áo Giáo-Tông.
Trung bạch cùng Thầy rằng:
chẳng hiểu.
- Thầy nói: Thì con coi mà
định Luật luyện Đạo nơi đó. Con lại phải cho thanh-tịnh, kể từ nay diệt tận
phàm tâm chớ nhơ một điểm thì ngày ấy thề mới đặng”. (Đạo-Sử của bà Hương-Hiếu,
trg 107)
Vậy Bát-quái luyện Đạo đây
chính là Bát-quái Hư-vô, là Bát-quái thứ tư sau Bát-quái Đồ-thiên, sẽ khai-triển
tiếp sau, vì còn một quẻ càn ☰ trên mão chưa nói.
“Đầu đội mão Hiệp-Chưởng
(Mitre) cũng toàn bằng hàng trắng, bề cao ba tấc, ba phân, ba ly (0m333) may
giáp mối lại cho có trước một ngạnh sau một ngạnh, hiệp lại có một đường xếp (ấy
là Âm dương tương hiệp) cột giây xếp hai lại, nơi bên tay trái có để hai vải thòng
xuống, một mí dài, một mí vắn (mí dài bề ngang 0m03, bề dài 0m3) trên mão ngay
trước trán có thêu chữ cung Càn ☰
Đây là sắc phục áo mà Đức
Quyền Giáo-Tông đang mặc có đủ các quẻ trên màu áo trắng.
Đầu đội mão Hiệp-Chưởng.
Hai chữ Hiệp-Chưởng có
nghĩa là hai bàn tay úp vào nhau. Mão Hiệp-Chưởng là cái mão hình giống như hai
bàn tay úp vào nhau vậy. Số đo 0m333; ba lần con số 3 (3x3=9).
Số 9 là chỉ về Cửu-Trùng-Đài
mà Đức Giáo-Tông đã nắm phần chưởng-quản, có ba bậc: Thần-vị, Thánh-vị, Tiên-vị.
Mỗi bậc có 3 phẩm như đã
nói ở phần trước. Sợi giây liền một dải thòng xuống nhưng một mí dài, một mí vắn
tượng-trưng một mối Đạo có hai cơ-quan điều-hành giống như Thượng, Hạ nghị-viện
ở ngoài đời vậy. Tuy nhiên vẫn chung lo cho danh Đạo Thầy, tức là âm dương hiệp
nhứt. Hai cơ-quan điều-hành ở đây là Cửu-Trùng-Đài và Hiệp-Thiên-Đài.
Như vậy, gồm chung có đến
3 con số 0, ý nghĩa là 3.000 công-quả mà mỗi Chức-sắc phải đạt cho được ấy là
vô kỷ (0), vô công (0), vô danh (0).
Bên tay trái có để hai dải
thòng xuống mà mí dài bề ngang 0m03, bề dài 0m3, hai con số 3 hiệp lại là
3+3=6, trở lại là lý tam âm, tam dương điều-hòa vũ-trụ.
Sau cùng là cung Càn ☰ đặt ở trước trán để hiệp
thành một bộ Bát-quái Hư-vô là Bát-quái luyện Đạo mà quyền-hành Giáo-Tông đã nắm
vào tay để dẫn-dắt nhơn-sanh đi trên con đường Đạo và đường Đời của Thiên-đạo
cho vẹn-vẻ.
Thế nên, khi Giáo-Tông đảnh
lễ Chí-Tôn lạy xuống thì chữ “Càn” trước trán hiệp với đất là “Khôn” là rõ lý
âm dương tương-hiệp. Cũng vậy, trên lưng người có quẻ “Khôn” thì khi mọp xuống
lại hiệp với trời là “Càn”.
“Chơn đi giày vô-ưu toàn bằng
hàng trắng, trước mũi có chữ tịch-đạo Nam nữ. Tỷ như Đức Giáo-Tông đương thời,
thì nơi trước mũi giày của Ngài phải có chữ Tịch-đạo là “Thanh Hương” 青 香.
Phẩm Giáo-Tông được mang
giày vào Đền để chầu lễ, giày màu trắng, là màu đạo, gọi là giày vô-ưu, vô-ưu
nghĩa là không buồn phiền. Bởi đứng vào hàng phẩm này đã là những tâm-hồn lớn,
là người đã giải-thoát hết những oan-khiên nghiệt-chướng trong lòng.
Trước mũi giày có thêu chữ
của Tịch-đạo. Như trong thời khai Đạo thứ nhứt này thì tịch-đạo là THANH HƯƠNG.
2 - Giáo-Tông làm chủ hai Bát-quái
- Bộ Đại-phục Giáo-Tông là
ứng với Bát-quái Đồ-thiên.
- Bộ Tiều-phục ứng vào Bát-quái
Hư-vô.
Các Bát-quái trước đây khởi
thủy từ Bát-quái Tiên-thiên là con đường đi ra từ gốc càn-khôn thiên địa nên gọi
là “nhứt bổn tán vạn thù”; nay là cơ qui nhứt nên gọi là “vạn thù qui nhứt bổn”.
a/ - Lý giải về Bát-quái Hư-vô
Kinh Phật-Mẫu xác định đây
là Bát-quái Hư-vô:
“Chuyển luân định phẩm cao thăng,
“Hư-vô Bát-quái trị Thần qui-nguyên.”
Hỏi vậy người tu-hành luyện
Đạo để làm gì? Phải chăng là mong đoạt lý Hư-vô? Bát-quái Hư-vô chính là các quẻ
sắp trên áo Giáo-Tông đó.
Khởi điểm vẫn hai quẻ
chánh trong Bát-quái: Càn ☰ tượng cha, Khôn ☷ tượng mẹ làm chuẩn. Hai quẻ này giao nhau, như cha mẹ phối-hợp mà tạo ra 6
con:
- Lần thứ nhứt Càn giao với
Khôn, Càn cướp đi của Khôn một hào âm mà thành ra Tốn ☴ đặt bên vai trái.
- Lần thứ hai Càn giao với
Khôn cướp đi của Khôn một hào âm mà thành ra quẻ Ly ☲ đặt nơi trái tim.
- Lần thứ ba, Càn giao với
Khôn và cướp đi của Khôn một hào âm, mà thành ra quẻ Đoài ☱, nằm bên vai mặt (ba hào âm: Tốn, Ly, Đoài tất cả
đều nằm ở phần trên của thân người)
Bây giờ Khôn giao với Càn
lần thứ nhứt, Khôn cướp đi của Càn một hào dương thành ra quẻ Chấn ☳ đặt ở tay trái.
- Lần thứ hai khôn cướp đi
của Càn một hào dương thành ra quẻ Khảm ☵ đặt ở hạ đơn điền, còn gọi là rún.
- Lần thứ ba Khôn giao với
Càn cướp đi một hào dương của càn thành ra Cấn ☶ đặt bên tay mặt. (3 hào dương Chấn, Khảm, Cấn đều
nằm ở phần dưới của thân người)
Các quẻ được sắp theo lời
dạy trong Pháp-Chánh-Truyền, đặt trên Tiểu-phục của Giáo-Tông, hình ảnh đó cho
thấy từng đôi một đi liền với nhau: Càn Khôn, Khảm Ly, Đoài Cấn, Chấn Tốn. Phương
hướng vẫn là hướng Đông Tây làm trục đứng, Nam Bắc làm trục ngang, theo hướng của
Bát-quái Cao-Đài (Bát-quái Đồ-thiên), làm tượng trưng, chứ khi đã gọi là Hư-vô
thì không có phương hướng, thậm chí cũng không có quẻ làm hình ảnh nữa. Nhưng
khi người mặc phẩm-phục vào thì Càn ở trên trán tức là đầu rồi.
Đứng về số thì vẫn lấy
theo số của Bát-quái Tiên-thiên là: Càn 1, Đoài 2, Ly 3, Chấn 4, Tốn 5, Khảm 6,
Cấn 7, Khôn 8.
b/ - Bát-quái Hư-vô thành hình
Từng đôi quẻ đơn đi liền với
nhau tạo thành quẻ kép đều có tổng-số là 9.
Ví như:
Khôn
8 + Càn 1 = 9 Khảm 6 + Ly 3 = 9
Đoài
2 + Cấn 7 = 9 Chấn 4 + Tốn 5= 9.
Đây có tất cả 4 lần tổng-số
9 (4x9=36).
Chính là sự ứng hợp với
Kinh Khi Đã Chết Rồi:
“Ba mươi sáu cõi Thiên-Tào,
“Nhập trong Bát-quái mới
vào Ngọc-Hư”
Nếu không thông hiểu
Bát-quái không thể vào Ngọc-Hư-Cung, là không về đường trời được.
Tại sao Kinh đã chết rồi
có câu ấy?
Bởi người chết thực sự mới
về đến các cõi ấy. Nhưng khi còn xác thân này đây mà không học hỏi, không tìm
biết, không biết chết đời sống Đạo thì cũng như người thuỷ-thủ đi biển mà không
có địa-bàn, vẫn phải lênh-đênh trong sự vô định mà thôi. Tu là để tìm về, là học
hỏi trước con đường tấn-hoá của tâm-linh vậy.
Sự kết hợp các quẻ của
Bát-quái Hư-vô:
c/ - Tính chất của Bát-quái Hư-vô
- Đây là thời-kỳ qui hiệp:
Nếu nhìn riêng về quẻ thì
quả thật:
* Càn là cha, Khôn là mẹ đến
lúc họp lại với nhau.
* Đoài là thiếu-nữ, Cấn là
thiếu-nam họp nhau.
* Khảm là trung nữ, Ly là trung nam họp nhau.
* Chấn là trưởng nam, Tốn là trưởng nữ họp
nhau.
Xem như một gia-đình
đoàn-tụ: hạnh-phúc.
Chính đây cũng là thời-kỳ
qui hiệp của các Tôn-giáo trên toàn cầu nên Đức Chí-Tôn đến mở Đại-Đạo Tam-Kỳ
Phổ-Độ Tôn-chỉ là Tam-giáo qui-nguyên Ngũ-chi phục-nhứt, thế nên Bát-quái Hư-vô
này cũng mang tánh cách qui hiệp ấy.
Con đường qui hiệp đó là
trách-nhiệm của Giáo-Tông có bổn-phận “dìu-dắt con cái của Thầy trên con đường
đạo-đức của chính mình Thầy khai tạo và trên con đường đời cơ Đạo gầy nên” tức
là Ngài đã hoàn thành hai Bát-quái.
Hay nói khác đi Ngài vừa
lo giáo-hóa nhơn-sanh trên con đường hành thiện cũng vừa lo độ dẫn nhơn-sanh
trên bước trở về cõi hư-linh nhàn lạc, là con đường thành Tiên tác Phật.
Hai con đường đó qua hai
Bát-quái Cao-Đài là con đường Thiên-đạo:
1 - Là Bát-quái Đồ-thiên
(đã nói ở trước) là hành thể-pháp của Thiên-đạo.
2 - Là Bát-quái Hư-vô (hình
ảnh trên bộ Tiểu phục của Giáo-Tông) là theo bí-pháp Thiên-đạo.
Tại sao phải lấy âm bao
dương?
Cũng có thể nói rằng: Nếu
đặt Càn Khôn làm chủ, mỗi hào có 3 vạch lần-lượt thay đổi và biến-hóa như sau:
CÀN KHÔN là quẻ chủ của Bát-quái, Nếu:
Qui hiệp có nghĩa là từng
cặp âm dương đi liền nhau và hợp số với nhau, như Càn Khôn là hai ngôi chủ tể của
vũ-trụ, giống như hai Cha mẹ đã gần nhau hay gọi là một sự đoàn tụ, tức như người
tu được trở về với Thượng-Đế.
Gần là hiệp một gia-đình,
cao xa hơn là lúc đắc nhứt qui cơ là thành Đạo, là hiệp nhứt.
Tuy nhiên không phải Tu là
đạt liền, mà phải tu đúng cách. Trong cõi đời này không hiếm người tu mà sao
không thành đạt hết. Như học trò học nhiều mà thi đỗ đạt ít. Vì nếu biết trau
giồi đạo-đức, hàm dưỡng tánh tình thì dầu không thành Phật, cũng vào hàng Tiên;
rớt Tiên còn được Thánh; rớt Thánh cũng vào Thần; rớt Thần cũng được Hiền, chứ
đừng để sa vào quỉ-vị.
Đức Chí-Tôn còn nói: “Cửa
Bạch-Ngọc-Kinh ít kẻ, chớ chốn A-tỳ vốn nhiều người. Con liệu mà hành đạo, Thầy
thương con chừng nào, ngày sau con càng ăn-năn tiếc chừng nấy.” (TNI/31)
Thế nên người mới nhập-môn
cầu Đạo phải lập Minh-thệ, lời thề có 36 chữ, ý nhắc-nhở rằng nếu giữ đúng
chơn-truyền Đại-Đạo thì hồn khi giải-thể sẽ về ngự nơi Tam-Thập-Lục-Thiên (cảnh
siêu), còn nếu làm sai quấy thì bị rơi vào Tam-Thập-Lục-Động (cảnh đọa). Cũng với
36 chữ thôi!
Đặc-tính của dương vốn là
phân tán nghĩa là đi ra, âm thì bế tàng tức là chứa trữ lại, nhờ hai cái lý tương-phản
nhau như vậy, nên người tu phải “tồn Tinh dưỡng Khí”. Xưa nay quan-niệm là cái
Tinh hữu-hình nhiều hơn mà ít khi quan tâm đến cái Tinh vô-hình, tức nhiên cái lý
mầu-nhiệm của Đạo phải thông suốt, phải am tường. Nhất là sự kém hiểu dễ lầm rồi
sinh mê tín, tự vẽ-vời mà sai chơn-lý chánh truyền; cũng như thay vì đã tạo được
Bát-quái Hư-vô mà để cho dương bao âm, nghĩa là cái dương phát tán đi. Có nhiều
bậc tu hành rất cao nhưng không giữ được giới cấm để cho sắc dục hoành-hành, tức
là dương đã phát tán làm sao hàm dưỡng Tinh Khí, khác nào đặt ngược quẻ Càn
Khôn thay vì Địa Thiên Thái mà lại đặt ngược đi sẽ thành Thiên Địa Bĩ là vậy.
Tất cả không ngoài: Nho,
Y, Lý, Số. Nay đã đến thời-kỳ gặt hái, tức là kết thúc một giai-đoạn của
tinh-thần, của đạo-pháp mà Đạo-giáo nói là Hội-Long-Hoa đó, vì thế cả toàn cầu
đều dự vào cuộc thi lớn, là biến động để thanh-lọc. Dù muốn dù không gì cũng đã
đến ngày giờ quyết định.
Hãy nhìn vào đồ “Bát-quái
Hư-vô” sẽ cho ta thấy tất cả những hình ảnh ấy một cách rõ-rệt.
Nhưng thử hỏi thế nào là tu
đúng, thế nào là tu sai?
Chỉ hai quẻ Càn Khôn mà đặt
lệch vị trí thì kết-quả khác nhau như trời với vực, là thăng và đọa. Bởi Thái
là hanh thông, mà Bĩ là bế tắc. Người tu biết giữ mình cho thanh-cao, đạo đức,
tức là biết tồn Tinh dưỡng Khí, dưỡng tánh tồn Thần; nghĩa là lấy âm bao dương,
giữ cái dương cho thanh tịnh, là hình ảnh của quẻ âm đặt lên quẻ dương. Trong
các quẻ còn lại cũng vậy.
Như trên đã nói thì:
Tất cả các quẻ: Thái, Ký-tế,
Hàm, Hằng, là những quẻ được mang những hình ảnh đẹp của sự thăng hoa: Thái là
hanh thông, Ký-tế là đã giao nhau, Hàm là bao gồm, trọn vẹn, Hằng là thường đạo,
vĩnh-hằng.
Nếu đặt trái lại các vị
trí trên, ý-nghĩa sẽ đảo-ngược lại là: Bĩ, Vị-tế, Tổn, Ích.
Tất cả đều thể hiện một
âm, một dương mà thành đạo “nhứt âm nhứt dương chi vị Đạo” giống như bàn tay
úp, ngửa khác nhau vậy.
Một bằng chứng điển hình
cho thấy:
3 - Thiên-bàn thờ Chí-Tôn đã
sửa sai pháp
Thầy đã dạy trên Thiên bàn
thờ Chí-Tôn hình chữ CHỦ 主 tức là gồm 12 món cúng phẩm,
đặt thành 3 hàng ngang tạo thành hình quẻ Càn ☰ Càn vi thiên (Càn là trời) tức là chỉ ngôi Thượng-Đế
Thái-Cực Thánh-Hoàng vi chủ.
Nhưng ngày nay cũng đặt 12
món cúng phẩm ấy nhưng sửa lại để bông và trái xuống cấp dưới, nghĩa là làm mất
đi một đường ngang, bấy giờ còn lại là hình chữ THỔ 土 (thổ là đất) thì trở thành quẻ Khôn ☷ khôn vi địa (địa là đất) là thời âm. Âm thạnh tất dương suy. Đạo bị bế là
vậy.
Nhìn lên Thiên bàn, một lỗi-lầm
như trên ta thấy ra rất nhỏ, hầu như không một ai chú-ý, nhưng chiều sâu rộng
thật tai hại vô cùng, Đạo bị thất pháp là do đó. Người tu không thành do đó.
1 - Thánh-Tượng Thiên-Nhãn
2 - Đèn Thái-Cực
3 - Trái cây
4 - Bông
5 - Nước Trà (Âm)
6, 7 và 8- Ba ly rượu
9 - Nước trắng (dương)
10 và 12 - Hai cây đèn
4 - Đạo là Hòa
“Cơ Đạo của Chí-Tôn đến lập
buổi Hạ nguơn Tam-Kỳ Phổ-độ này duy lấy một chữ Hòa làm tôn-chỉ: có hòa mới có
hiệp, có hiệp mới có thương-yêu, mà sự thương-yêu là chìa khóa mở cửa Tam-Thập-Lục-Thiên,
Cực-Lạc Thế-Giới và Bạch-Ngọc-Kinh y như lời Đức Chí-Tôn đã dạy, chỉ nghĩa là
phải Từ-bi, Bác-ái mới đắc Đạo vô-vi phải hòa-hiệp mới có cơ qui nhứt”
Vậy thì từ trước đến giờ đã
có:
a/ - Sự Hòa của Tam-Kỳ qua
Tam-Trấn
Nay là buổi Tam-Kỳ Phổ-Độ
tức là Tam-giáo qui-nguyên Ngũ-chi phục-nhứt, thế nên không còn có các vị
Giáo-chủ làm đầu Tôn-giáo như trước, vì vậy Đức Chí-Tôn lập Tam-Trấn Oai nghiêm
thay quyền Phật-vị. Lý do vì sao phải lập Tam-trấn? - Tam-trấn Oai-nghiêm thay
quyền cho Tam-giáo lập Đạo vô-vi, không có hình-thể như trước. Bởi nay là thời-kỳ
Hạ-nguơn mạt kiếp tức là thời qui cổ, chính mình Đức Chí-Tôn giáng trần dùng
huyền-diệu Cơ-bút mới biết đây: các nguyên-nhân đắc Đạo trong hai kỳ trước đều
tình-nguyện nơi Ngọc-Hư-Cung, giáng trần chịu mạng lịnh nơi Đức Di Lạc-Vương-Phật
lo cứu-rỗi 92 ức nguyên-nhân còn say đắm mùi trần. Do vậy, Tam-trấn Oai-nghiêm
là ba vị trấn-nhậm với một quyền-hành oai-nghiêm. Ba vị này thay thế cho các vị
Giáo-chủ của Nho, Thích, Đạo để phổ-độ chúng-sanh trong kỳ ba ân-xá của Đức
Chí-Tôn”.
“Thánh-ý của Đức Chí-Tôn
khai mở Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ Tam-giáo qui-nguyên Ngũ-chi phục-nhứt là muốn
dung-hòa toàn cả con cái của Người để cứu-vãng 92 ức nguyên-nhân vì thế mà bị
sa-đọa nơi đây. Chí-Tôn đã Đại-từ, Đại-bi chỉ rõ căn-nguyên và ban ơn cho ta, dạy-dỗ
cho ta để đạt ngôi-vị, là phải trau-luyện cho Tinh hiệp với Khí, Tinh Khí huờn
Thần là cơ huyền-bí để mà đắc Đạo vậy”
“Ấy vậy, muốn duy-trì cơ hòa-hiệp
Đại đồng này cũng do gốc bí-pháp ấy mà thôi, dầu triết-lý thâm uyên đạo-đức mà
Tôn-giáo nào cũng không qua lẽ ấy, mà nếu không đạt được toàn lẽ ấy là đệ nhứt
xác thân của toàn thể ô-trược tội tình, thì thế-giới sẽ điêu-tàn tiêu-diệt mà
chớ!”
b / - Tinh-thần hòa-ái của Đức Quyền Giáo-Tông
Chính Đức Quyền Giáo-Tông
Thượng-Trung-Nhựt đã được quyền-năng tối thượng ấy. Ngài đã nắm trọn Bát-quái
vào tay qua tám năm hành-đạo, Ngài đã nói:
“Ôi! Trong tám năm, chuông
Thánh truy hồn, Đạo Trời đem tin cứu-thế, mà hễ có nghe phưởng-phất lời đồn huyễn-hoặc
chi của người toan phá Đạo, thì mau mau cuốn Thánh-tượng, dẹp Thiên-bàn, lòng
toan chối Đạo.
Biết bao nhiêu người nịnh
quyền hiếp thế, xu phụ theo nịnh tà toan phá Đạo, rước rắn rừng về cắn gà nhà,
nạp Chí-Thánh vào đề-lao cho phỉ lòng oán hận.
Con một Cha, gà một ổ, mà
làm cho đổ lụy rơi châu, gieo thảm sầu cho lắm người tâm thành trí vẹn phải dừng
chân thối bước. Quạ nuôi tu-hú cũng còn biết thương, người đi một đường sao nỡ
hại nhau như thế!
Ai toan bứng gốc phá chồi
của nền Đạo thì để cho thiêng-liêng quyết-đoán, mình cứ nắm giữ luật-lệ của Thầy
và Đức Lý Giáo-Tông đã thành lập từ buổi ban sơ thì thành Đạo, vì luật-lệ của
Tam-Kỳ Phổ-Độ thể-thiên hành-hóa là món binh khí để diệt tà-quyền.
Đời có thạnh có suy,
Đạo định tĩnh chuyển xây.
Lửa thử vàng gian-nan thử Đạo.
Trong tám năm rồi, biết bao phen vẹt mây ngút thấy trời xanh, mà cũng lắm
lúc xem đất bằng sóng dậy.
Thầy đã nói tiên-tri: “Chi chi qua Quí-Dậu cũng phải cho thành Đạo, mà trước khi đạo thành thì Tam-Thập-Lục-Động quỉ
phá dữ-dội lắm, mà trừ an nội loạn rồi mới thành Thiên-cơ.
Ngày nay bão-tố dữ-dội đã
qua rồi, Tệ huynh nhìn thấy mấy em bị bao phen khảo-đảo, thảm khổ vô cùng, mà mấy
em cũng ngồi vững trong thuyền Bác Nhã của Thầy độ rước thì Tệ huynh hết sức
vui mừng nên nguyện hằng sẽ đem hết dạ yêu-thương mà dìu-dắt mấy em về cùng Thầy
cho đến chốn.
Các Đấng Thiêng-Liêng cũng
có nói trước: Rồi đây nguyên-nhân sẽ đến rần rần, có lắm anh-hào thành tâm giúp
Đạo. Cơ đời mầu nhiệm cao sâu người đâu thấy đặng. Từ ngày ác khí nổi lên
xung-đột, bên bạo-tàn trương nanh múa vút, thì bên Thánh-đức hiền-lương có lắm
anh-hào đem hết trí-thức tinh-thần ra công giúp Đạo.
Tạo-hóa vần xây chuyển thế,
Âm dương thật khéo đầu cơ; khiến cho Tệ-huynh nhớ lời tiên-tri của Bát-Nương
Diêu-Trì-Cung ban sơ có dặn:
Hễ gặp người an-bang tế thế,
Nên quì mà nghinh lấy lễ trọng người.
Cỗi thân ra mảnh áo tơi,
Che mưa đỡ nắng cho đời nguy-nan”.
Phần II - HỘ-PHÁP
CHƯỞNG-QUẢN NHỊ HỮU-HÌNH-ĐÀI
HỘ giá Chí-Tôn trước đến giờ,
PHÁP
luân thường chuyển máy Thiên-cơ.
CHƯỞNG
quyền Cực-Lạc phân ngôi vị,
QUẢN
suất càn-khôn định cõi bờ.
NHỊ
kiếp Tây Âu cầm máy tạo,
HỮU
duyên Đông-Á nắm Thiên-thơ.
HÌNH
hài Thánh-thể chừ nên tướng,
ĐÀI
trọng hồng-ân gắng cậy nhờ.
A - HỘ-PHÁP
1 - Đức Chí-Tôn ban cho thi tức là ban quyền-hành
Đạo-Sử Xây Bàn của Bà
Hương-Hiếu chép rằng:
“Nhớ lại hồi hạ tuần tháng
7 năm Ất-Sửu (1925) ba ông thỉnh bàn ra (lúc này hơi in như say Đạo) tính xây
bàn cầu cô Quế về dạy thi văn, ba ông để tay thì bàn dở hổng lên có một ông
giáng, tôi hỏi tên gì? Thật rất lạ-lùng xưng là AĂÂ, gõ bàn làm một bài thi như
dưới đây:
THI
“Ớt cay cay ớt gẫm mà cay,
“Muối mặn ba năm muối mặn dai.
“Túng lúi đi chơi nên tấp lại,
“Ăn bòn chẳng chịu tấp theo ai.”
Ông Phạm-Công-Tắc nghe dứt
câu liền nói với Ông Cư:
Thôi Anh! Ai đâu mà nói tiếng
gì khó nghe quá. Sao lại không có tên mà xưng là AĂÂ.
Ông Cư nói với ông Phạm-Công-Tắc:
- Ậy, Em ngồi lại cho Qua
hỏi, vị này không phải tầm-thường đâu Em!
Ông Cư hỏi:
- Ông AĂÂ mấy chục tuổi?
Ông AĂÂ gõ bàn, đếm hoài
không ngừng, đếm đến mấy trăm cái mà cũng không thôi. Liền đó ông Cư ngưng lại
không dám hỏi nữa và kiếm hiểu ông này ở trển chắc lớn lắm.
Từ đó về sau có vị nào
giáng cho thi thì cầu ông AĂÂ xin giải-nghĩa.” (Đạo-Sử Xây Bàn)
Quả thật dự đoán của Ông
Cư không lầm, vì sau đó, chính Đức Thượng-Đế cũng xác-nhận:
“Muôn kiếp có TA nắm chủ-quyền,
“Vui lòng tu-niệm hưởng ân thiên,
“Đạo-mầu rưới khắp nơi trần-thế,
“Ngàn tuổi muôn tên giữ trọn biên.”
Về sau, chính Ông là Hộ-Pháp
Giáo-chủ Đạo Cao-Đài (thế danh là Phạm-Công-Tắc) trong bài thuyết-đạo 30-9
Đinh-Hợi Ông kể lại rằng:
“Hai chữ Quốc-Đạo lần đầu
Chí-Tôn viết ra làm cho Bần-Đạo mờ-mịt, cũng vì hai chữ Quốc-Đạo ấy mà Phạm-Công-Tắc
chết năm 35 tuổi, thí thân theo đuổi làm cho ra thiệt tướng.
Ôi, hai chữ Quốc-Đạo là một
vật của Bần-Đạo tìm-tàng rồi mới biết khôn, khởi điểm biết thương nòi giống, biết
thương Tổ-quốc, đeo-đuổi mất còn với cái muốn khát-khao từ buổi thanh xuân đó vậy.
Tự biết khôn dĩ chí gặp Đạo năm 35 tuổi, Bần-Đạo thấy sao mà phải khát-khao
thèm lạt, tại làm sao Chí-Tôn biết thiếu-thốn nơi tinh-thần điều ấy mà cho Bần-Đạo?
Bần-Đạo ban sơ nghi-hoặc, có lẽ Đấng có quyền-năng thiêng-liêng biết tâm-lý
đang nồng-nàn ao-ước, đương thèm lạt khao-khát, đương tìm-tàng mà đem ra cám dỗ.
Hại thay! Yếu-ớt đức-tin,
ngày nay Bần-Đạo ăn năn quá lẽ, 15 năm đã đặng thấy gì? Cả thiên-hạ nói rằng
nòi giống Việt-Nam không có Đạo. Lạ-lùng thay, chúng ta tự hỏi có thật vậy
chăng?
- Thật quả có chứ! Có nhiều
Đạo quá mà thành ra không Đạo, mượn Đạo, xin Đạo của thiên-hạ mà thôi.” (ĐHP
30-9-Đinh-Hợi)
Bởi:
“Cái Tôn-chỉ của Đại-Đạo
đã biểu-lộ rõ ràng: Đạo có bí-quyết đắc Đạo. Chẳng phải do một mặt yếm thế: đã
tịnh-dưỡng tinh-thần mà phải lịch-lãm phần nhơn-sự siêu-phàm bạt chúng rồi lấy
đạo-đức mà cứu nhơn-quần xã-hội, phải tùng sở hữu của chúng-sanh mà lập phương
phổ hóa thì cái công tu-luyện kia mới có bổ-ích cho.”
2 - Vấn-đề chủ quyền
“Ngày nay chúng ta thấy
toàn cả mặt địa cầu này xu-hướng theo dân-chủ. Dân-chủ là gì?
Là đại đa số dân-chúng tổng
hợp lại nắm Chủ quyền, mà ảnh-hưởng cũng do đại-đa-số cầm vận mạng nơi mặt địa-cầu
này.
Hại thay, có nhiều hạng
người không đủ tinh-thần, học thức hay không đủ tâm đức cầm sanh mạng nhơn-loại,
thảo nào ta thường thấy phương tranh-đấu ai mạnh là hơn, làm Chúa thiên-hạ với
phương xảo-mị, không phải là làm Chúa loài người với phương-pháp tối cố.
Nhơn-loại đã để lại cái giống loạn, cả tinh-thần toàn thể nơi mặt địa-cầu này đều
loạn chỉ vì không có quyền vi chủ.
Vì cớ cho nên vận-mạng nước
nhà không có chủ-quyền đặc-biệt; không quyền vi chủ tức nhiên phải loạn. Có loạn
đương nhiên bây giờ họ mới biết, họ tự hiểu có quyền vi chủ ấy mới cầm vững quốc-vận;
thì quyền vi chủ họ đã đập tan nát hết rồi. Bây giờ họ tìm tàng phương thế
đào-tạo Chủ quyền ấy mới ra tấn tuồng ngày nay, chúng ta ngó thấy nhơn-loại
đương mong chiếm-đoạt quyền ấy đặng bảo-tồn vận-mạng cho nước được tồn-tại.
Bây giờ nhơn-loại đương chạy
kiếm Chủ quyền. Chủ quyền ấy dù nó thế nào, nó cũng không thể tồn tại. Vì cớ
cho nên Đức Chí-Tôn đến, Ngài nói: phương-pháp tạo quyền của nhơn-loại không thế
gì bền vững được. Ta coi các nguời đập tan-tành hết. Ta đến cho lại, Ta chỉ đường
cho.
Đường của Chí-Tôn chỉ là
con đường Pháp-Chánh vậy.
Ngày giờ nào trên mặt địa-cầu
này, quốc gia xã hội nhơn-quần biết tìm Chủ-quyền đặc-sắc vĩnh-cửu, công-chánh
tức phải đồ theo Pháp-Chánh của Đạo Cao-Đài, tạo hình tướng Thánh-thể quốc-gia
có lẽ ngày giờ đó thiên-hạ mới thấy, Chủ quyền Đạo Cao-Đài định thật quyền cho
quốc-gia và cho toàn nhân-loại.
Bần-Đạo nói Pháp-Chánh có
năng-lực đào tạo quyền-hành cho nhân-loại. Khá sửa lại, chỉnh đốn lại, ít nữa
muốn đoạt cho được món báu ấy, nhơn-loại phải tự-tỉnh, định vi chủ trước lấy mình,
dầu cho cá-nhân, quyền sở-hữu tự-chủ của họ cũng do nơi đạo-đức tạo thành đó vậy.
Ấy vậy, ngày giờ nào
nhơn-loại trở lại con đường đạo-đức đặng giải-kiết, gầy dựng phương-pháp sống,
mới sống vinh-quang, sống ôn-tồn hạnh-phúc; ngày giờ nào diệt tiêu được quả kiếp
hung-tàn, trở lại con đường đạo-đức, ngày giờ ấy quốc-gia mới yên-ổn, ngày giờ ấy
thiên-hạ mới hưởng hồng-ân đặc-biệt của Đức Chí-Tôn ban cho”
Kiếm Chủ quyền ở đâu?
“Ông Vua làm chúa quốc-dân
về phần xác nơi mặt địa-cầu này, làm Chúa một nước mà thôi. Về phần xác tức
nhiên về phần Đời, chớ họ không có quyền làm Chúa về phần hồn.
Làm Chúa về phần hồn duy
có Đức Chí-Tôn mà thôi!
Ngày giờ này Bần-Đạo đứng
tại đây xin thú thật với con cái của Ngài; Người thay thế về phần xác của Ngài
là Hội-Thánh, Hội-Thánh là phần xác Đức Chí-Tôn tại thế này đó vậy.
Bần-Đạo dám tự xưng là Giáo-chủ,
vị Giáo chủ tức nhiên người thay thế hình ảnh cho Đức Chí-Tôn đặng làm Chúa phần
hồn toàn mặt địa cầu này, nhưng Bần-Đạo chỉ biết làm phận-sự, làm tôi con Đức
Chí-Tôn thay thế hình ảnh của Ngài đặng làm Bạn, làm Anh em với con cái của
Ngài nơi mặt địa-cầu này mà thôi chớ chưa hề biết làm Chủ. Cả Hội-Thánh cũng vậy,
chỉ làm Bạn, làm Anh em dìu-dắt con cái của Ngài về phần hồn đặng đoạt cơ giải-thoát
mà thôi.
3 - Làm thế nào để biết một Tôn-giáo là Chánh-giáo?
Muốn quan-sát một Tôn-giáo
nào được gọi là Chánh-giáo thì Tôn-giáo đó phải đủ yếu-điểm tạo nên người Chủ của
nó đặng dìu-đỡ các phần tử của Đạo ấy: đủ hạnh-kiểm, đủ quyền-năng, phải
cao-thượng hơn sự thường tình; đi cho vững trên Con Đường Hằng Sống mới xứng
đáng là Chủ của đại-gia-đình càn-khôn vũ-trụ. Nếu cả phương-pháp không mực thước
quyền-hành để đoạt đến địa-vị Chúa một Tôn-giáo thì không phải là một Chánh-đạo.
Ta đã thấy gì? Đạo Cao-Đài
có không?
Ta suy xét coi: - Có hẳn!
Nếu con đường ấy kẻ nào cố-gắng thì nên người làm Chúa. Nền Tôn-giáo của Chí-Tôn đã tạo sẵn có mực thước, chuẩn-thằng,
phép-tắc, để cho người ấy lập nên địa-vị”.
Triết-lý của một nền
Tôn-giáo: cả nhân-loại đến học làm Chúa, làm Chủ toàn cả gia-đình:
- Được làm Chủ của một tiểu
gia-đình, tức là một tông-tộc, là một vị Hiền tại thế rồi.
- Được làm Chủ một trung
gia-đình là quốc gia, là một vị Thánh-nhơn.
- Được làm Chủ một số quốc-gia
hiệp lại như Hiệp-Chủng-quốc tại Mỹ-châu như Washington, Lafayette chẳng hạn là
một vị Tiên.
- Được làm Chủ tới đại-gia-đình
tức nhiên làm Chủ cả toàn tâm-lý thiên-hạ, một nền Tôn-giáo là một vị Phật.
Thể-pháp của Đạo Cao-Đài
có khuôn-khổ tập cho nhơn-loại đi đến mục-đích trong Luật-pháp của một nền
Chánh-giáo”.
Hôm nay Đạo Cao-Đài được
biết:
“Thầy là Chúa-tể cả
càn-khôn thế-giái, tức là chủ-tể sự vô-vi, nghĩa là Chủ-quyền của Đạo, mà hễ Chủ
quyền của Đạo ngự nơi nào thì là Đạo ở nơi ấy.”
Trong nền Đạo của Đức
Chí-Tôn nếu ngày giờ nào con cái của Ngài biết:
- Lấy hiếu đối với Ngài,
- Nuôi nhơn-loại về
tinh-thần và vật-chất đó là cơ-quan đoạt Đạo.
Nghĩa là chúng ta cho vay
mà không thiếu ấy là ta tự giải-thoát.
Thử hỏi bí-pháp Đạo
Cao-Đài có như vậy chăng? - Có chứ!
Kìa cái Cửu-Trùng-Thiên
Chí-Tôn đem phô bày nơi mặt thế này đối với Cửu-Phẩm Thần-Tiên không còn ai chối
đặng, ai đi trọn thì được giải-thoát.
- Đạo là trường học đoạt Đại-gia-đình,
- Đạo là trường thi lập vị.
Tôn-giáo nào không đoạt được
Cửu-Phẩm Thần-Tiên dưới thế này thì trên Cửu-Thiên Khai-Hóa không hề đoạt vị được.
Ấy vậy về mặt bí-pháp Đạo Cao-Đài rõ-ràng là một nền Chánh-giáo của Đức
Chí-Tôn.
Thế nên:
“Mong làm người cho xứng-đáng
là người trong gia-đình là khó-khăn lắm, mà hễ làm người để dìu-đỡ được
gia-đình tức là Chúa gia-đình đó.
Mình làm người mà nâng-đỡ
được quốc vận là Chúa của quốc-gia,
Giờ ta thử hỏi một nền Tôn-giáo
đem tâm lý loài người hiệp một lại là một điều đứng trên cái mức Đại-gia-đình
đó.
Làm người Chủ xứng-đáng của
gia-đình đã là khó,
Làm người Chủ của quốc-gia
lại càng khó,
Rồi làm người Chủ xứng-đáng
của một nền Tôn-giáo không phải dễ,
Hễ làm Chủ được xứng-đáng
thì đối với nhân quả ta chỉ có nhân mà không còn quả nữa”.
“Người đã đem thân này ra
làm Chúa gia đình, không còn là mình nữa mà là bực Tiền-bối.
Người đáng là Chủ của một
nước là bậc Thánh Nhân.
Người đáng là người Chủ một
Tôn-giáo ấy là một vị Phật”
“Chí-Tôn sanh-chúng ta là
người, cho chúng ta nhứt điểm linh-quang tạo hình ảnh mỗi cá-nhân. Ngài định phận-sự
tối trọng-yếu của Ngài và cầu chúng ta thật-hành cho ra thiệt tướng, nghĩa là
làm thế nào đặng làm Chúa vạn-vật hữu vi cho Ngài.
Trong chương-trình có phương-pháp
hành vi, tức nhiên Luật-pháp của Đức Chí-Tôn muốn buộc loài người đoạt đức làm
Chúa vạn-vật, định phép Thiên điều:
- Thiên-điều là Luật.
- Còn Pháp là quyền-năng
thưởng phạt nhơn quả.
Nhơn-quả cũng thế, ngày giờ
nào ta chẳng còn là ta, mà còn trong gia-tộc ta.
Ngày giờ nào ta chẳng còn
là ta, mà sống cho nhơn-loại, ngày ấy là ngày giải-thoát.”
B - Luận Đạo
Luận về quyền-hành HỘ-PHÁP
1 - Càn-khôn biến tướng
Như trên đã nói: Dịch là
biến, biến đến thiên hình vạn trạng, thiên biến vạn hóa. Như Đức Chí-Tôn đã dạy
“Tứ-tượng biến Bát-quái, Bát-quái biến-hóa vô cùng mới thành Càn-Khôn Thế-Giới”
Sự biến-hóa này cũng khởi điểm từ đây.
Như vậy bây giờ trở lại
bài thơ trên:
Ớt cay, cay ớt, gẫm mà cay,
Muối mặn ba năm muối mặn dai.
Túng lúi đi chơi nên tấp lại,
Ăn bòn chẳng đặng tấp theo ai.
Chính con số “ba năm”
trong câu “muối mặn ba năm muối mặn dai” đã cho thấy rằng Đức Hộ-Pháp khởi khai
Đại-Đạo lúc Ngài 35 tuổi và đồng thời quãng đời Ngài phụng-sự cho Đức Chí-Tôn
là 35 năm, như Đức Chí-Tôn đã tiên đoán.
Thánh-nhân nói: “Dị giản
nhi đắc thiên-lý”.
Thật vậy, những việc càng
giản-dị chừng nào càng đi vào Đạo của trời đất, vào lẽ tự-nhiên của vũ-trụ hơn
hết.
Bài thơ trên, lần đầu tiên
Đức Chí-Tôn cho Ông Phạm-Công-Tắc dường như ông không được đắc ý, tỏ vẻ khó chịu
“Ai đâu mà nói tiếng gì khó nghe quá, sao lại không có tên mà xưng là AĂ”.
Tôi đọc mãi không tìm ra
lý, nhưng nghĩ rằng chắc không đơn-giản, mà lời lẽ càng đơn sơ càng thấy bí-hiểm
quá! Hầu như Đấng ấy “đang giỡn” để trêu ghẹo... bấy giờ tôi mới thấy là ông Trời!
Nhân đọc bài Thuyết-đạo của Đức Hộ-Pháp nói về việc giải ách nô-lệ cho dân-tộc
Việt-Nam “dễ như ăn ớt”. Hình ảnh “Ớt cay muối mặn” mới thấm-thía làm sao!
Về tính lý của “Ớt cay”
thuộc dương tính. về “Muối mặn” thuộc âm tính.
Trong câu thơ đầu tiên “Ớt
cay, cay ớt, gẫm mà cay” có đến ba chữ “cay” tức nhiên tượng trưng ba hào dương
☰ ấy là quẻ Càn, Càn vi
thiên (Càn là trời).
Câu thứ nhì “Muối mặn ba
năm muối mặn dai”.Có đến hai lần chữ “mặn” như vậy là đã đến lúc khai thông lý
Âm Dương, tam-thiên lưỡng-địa, nghĩa là trời 3 đất 2. Tưc nhiên quẻ Càn ☰ có 3 hào dương (3 vạch),
quẻ Khôn ☷ có 3 hào âm, nhưng có 6 vạch, gấp 2 lần quẻ Càn, mới gọi là trời 3 đất 2
là như vậy nên nói Khôn vi địa (địa là đất).
Bấy giờ vẫn là hai quẻ Càn
Khôn làm đầu mối của vạn-vật, vạn loại. Như khởi đầu chúng ta đã có đề cập đến
đó là sự biến-hóa của Dịch vậy. Mà khi đã biến thì thiên hình vạn trạng. Đấy
cũng là hình ảnh Tam âm, Tam dương.
* Nếu đặt thành quẻ kép thì
hoặc là Thiên Địa Bĩ hoặc là Địa Thiên Thái như trên đã nói (xem quyền-hành của
Đức Quyền Giáo-Tông phần I chương IV)
2 - Chữ ĐIỀN trong Bát-quái
* Nếu đặt thành chữ thì
ghép hai quẻ này lại thành ra chữ ĐIỀN 田 Điền là ruộng. Là cái Tâm điền ấy là ruộng tâm. Hình ảnh chữ điền nếu phân
tích ra sẽ thấy:
Có 4 chữ nhựt 日 nằm ngang dọc (nhựt nhựt tung hoành nhựt)
Có 4 chữ Sơn 山 xoay quanh (Sơn sơn điên-đảo sơn)
Có 2 chữ vương 王 đặt xuôi ngược (lưỡng vương tranh nhứt quốc)
Có 4 chữ khẩu 口 họp lại chính giữa (tứ khẩu tại trung-gian).
Trong sám Trạng-Trình có
câu: “Phá điền Thiên-tử giáng trần” hoặc “Phá điền Thiên-tử xuất, Bất chiến tự
nhiên thành”.
Đặc-biệt nhất là hai chữ Vương
nằm theo chiều xuôi ngược trong một cái khung đó là hình ảnh “hai vua mà tranh
một nước”. Trong con người có hai vua ấy tức nhiên một vua tinh-thần và một vua
vật-chất đang tranh-đấu nhau để giành quyền thắng lợi. Vậy thử hỏi nếu vua
tinh-thần thắng tức là ta đang hướng về con đường đạo-đức, thì người phải năng
trau-giồi cho đến độ tận thiện tận mỹ, hòng giục tấn trên con đường
Thiêng-Liêng Hằng-Sống mà trở về với đại-ngã tức là về với Đức Chí-Tôn Ngọc-Hoàng
Thượng-Đế.
Cho nên người TU là tự mình
tập làm chủ lấy mình, nghĩa là đặt vị-trí chữ Vương cho đúng chỗ.
Bởi trong chữ Vương 王 có tàng ẩn chữ ngọc 玉 nếu một cái chấm của nét
chủ 丶ấy xuất ra ngoài thì thành chữ Chúa 主 nhập vào trong thành ra chữ Vương. Có câu “Ngọc tàng nhứt điểm, xuất vi
Chúa nhập vi Vương” là vậy.
Tại sao người phải tu để đạt
cho được cái “tâm Điền” ấy?
Đó là lý cớ vì sao phải
tu-hành. Tu-hành chính là phương-pháp sửa đổi tâm-tánh
để mình làm CHỦ được chính mình; khi đã tự mình làm chủ được mình rồi thì cũng
làm chủ được vũ-trụ. Phật Thích-Ca nói “Thắng một vạn quân không bằng tự thắng
lấy mình”.
Do vậy mà Đức Hộ-Pháp khi nhận được bài thơ trên lần đầu hẳn là Đức Thượng-Đế đã ngầm giao cho sứ-mệnh mở Đạo Trời, mà mối Đạo
này có “Bí-quyết đắc Đạo”. Thờ chữ CHỦ.
Nhưng bản tính của con người như “ngựa không
cương” dễ buông lung, nhà Phật nói là “tâm viên ý mã”, tức nhiên cái tâm của người như con vượn, cái ý của người như con ngựa, cho nên
rất dễ phân tâm, nhà Phật phải dùng phép để “cột” nó lại nên có bức tranh “thập
mục ngưu đồ”. Mười bức tranh vẽ trâu. Số 10 ý nói là Bát-quái Hậu-thiên đó vậy.
Đạo Cao-Đài, Bà Thanh-Tâm
Tài-Nữ nói lý-do về việc tu sửa “Tâm điền” ấy như vầy:
“Đạo mở rộng, giống Đạo
gieo đã tới hai thu, mà người thiệt vì Đạo chẳng có bao nhiêu, thế nên hồi chưa
mở rộng nền Đạo, Đức Thích-Ca dòm vào thế cuộc mà than rằng:
“Lộ vô nhơn hành, điền vô nhơn canh,
“Đạo vô nhơn thức, ta hồ tận chúng-sanh”
Ba Anh có hiểu chăng? Sao
gọi là “Lộ vô nhơn hành”?…
Đường có người đi nhiều mà
không ai là người phải, đường đi dập-dìu thiên-hạ mà toàn là ma hồn quỉ xác,
tâm giả dối, hạnh hung-bạo, mật chứa đầy tà-khí thế nào gọi là người?
Còn “Điền vô nhơn canh” là
sao?
Ruộng đây, là tỷ với tâm,
tâm không ai giồi trau. Đạo nơi tâm thì tâm ví như điền, có điền mà chẳng có
cày bừa, đặng đem hột lúa gieo vào, cho đặng trổ bông đơm hột, thì ruộng tất phải
bỏ hoang; bỏ hoang thì sâu bọ rắn rít xen vào ẩn trú; người mà có tâm như vậy
ra thế nào? Ruộng sẵn, giống sẵn, cày bừa sẵn, duy có ra công làm cho đất phì-nhiêu
đặng cho buổi gặt hưởng nhờ, mà không chịu làm, thế thì phải diệt tận chơn-linh.
Hai câu sau là kết cuộc.” (TNII/53)
Thế nên với hai quẻ CÀN
KHÔN đã biến tướng qua nhiều hình-thức:
Với 3 nét của quẻ Càn ☰ ta xếp các cạnh liền nhau
sẽ thành một hình tam-giác đều, đỉnh quay lên, còn lại với 3 nét đứt của quẻ
khôn ☷ nếu đặt liền nhau cũng sẽ tạo thành một tam-giác đều có 3 cạnh bằng nhau
và 3 góc bằng nhau; đặt chồng lên tam-giác kia, đỉnh quay xuống dưới. Như vậy
ta có được hình ngôi sao sáu cánh. Cả hai tam-giác này đều nội-tiếp trong vòng
tròn. Tâm 0 của vòng tròn chính là tâm của tam-giác là nơi hiệp các giao-điểm của
ba đường phân-giác, cũng là trung-đoạn hay trung tuyến của các tam-giác trên.
Đây chính là ngã ba chờ Thầy! Có nghĩa là trên đường Đạo nếu không biết hướng
đi tới thì hãy đứng ở ngã ba chờ Thầy. Chính là đây!
Từ một quẻ Càn hay quẻ một
quẻ Khôn đã làm nên một Tam-giác đều, ấy là một sanh ba, mà ba cũng là một, đó
cũng là lý: Một sanh ba, ba sanh vạn-vật, thuộc về cơ-quan Chưởng-quản. Rồi đến
hai hình tam-giác gát chồng lên nhau là chỉ Âm Dương hiệp nhứt.
Quyền Chí-linh đối phẩm với
quyền Vạn-linh. Chí-linh là cơ qui nhứt, Vạn-linh là cơ tấn hóa; nên Chí-linh đầu
nhọn quay lên, mà Vạn-linh đầu nhọn quay về phía dưới. Chí-linh và Vạn-linh vốn
đồng quyền nhau. Bấy giờ vòng tròn chính là càn-khôn vũ-trụ, tâm 0 là chỉ một
quyền-uy tối thượng là Hộ-Pháp chưởng-quản Hiệp-Thiên-Đài
Do vậy, mà khi Đức Hộ-Pháp
còn sanh tiền Ngài có cho làm một huy-hiệu hình sao sáu cánh sơn màu vàng, giữa
có ba sọc đỏ, chính giữa ngôi sao có ảnh Đức Ngài đầu đội mão trắng, hình bán
diện, phía trên bức hình có 4 chữ đặt theo hình vòng cung “Đảng phái thống nhứt”,
phía dưới bức hình có 5 chữ cũng đặt theo hình vòng cung nghịch lại “Giáo-chủ
Phạm-Công-Tắc” (xem hình trên đây).
Chung quanh các cánh ngôi
sao đều có đặt vào đó một chữ Nho, nghịch chiều với kim đồng hồ, khởi ở cánh
sao trên, phía bên phải (nhìn đối diện) là các chữ:
Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ 大 道 三 期 普 渡
Ý-nghĩa hình sao sáu cánh
là nói lên lý tam âm tam dương tạo thành càn-khôn vũ-trụ. Sáu chữ là danh-hiệu
của nền Tân Tôn-giáo này mà Đức Ngọc-Hoàng Thượng-Đế làm Chúa tể.
Màu vàng chính là Tôn-chỉ
của nền Đại-Đạo là Phật-giáo chấn-hưng.
Ba sọc đỏ là Tam-giáo
qui-nguyên (Phật, Tiên, Thánh), nếu nhìn theo nghĩa hẹp là Nam, Trung, Bắc Việt-Nam
hòa-hiệp, theo Thánh-ý của Chí-Tôn là:
“Nam Bắc cùng rồi ra ngoại-quốc,
“ Chủ-quyền Chơn đạo một mình TA.”
Ảnh bán diện của Đức Hộ-Pháp
là chứng-tỏ qưyền-uy tối-thượng của Ngài là “thay trời tạo thế” nhưng chỉ có nửa
quyền mà thôi, bởi Ngài chỉ là Giáo chủ về phần hữu-hình, còn phần vô-vi thì do
Thượng-Đế, cho nên chữ Đạo 道 (12 nét) đặt trên đỉnh,
chính giữa của ngôi sao, hai bên chữ Đạo là chữ Tam 三 3 nét và chữ Đại 大 3 nét, chứng tỏ lý tam âm
tam dương mà tạo nên hình tướng. Còn lại ba chữ Kỳ 期 (12 nét), tiếp theo là chữ Phổ 普 (12 nét), chữ độ 渡 (12 nét); cộng chung là
36 nét (12x3=36). Ấy chỉ ba mươi sáu từng trời. Kinh có nói:
“Ba mươi sáu cõi Thiên-tào,
“Nhập trong Bát-quái mới vào Ngọc-Hư.”
Sở-dĩ các chữ Nho đặt nghịch
chiều kim đồng hồ là nói lên sự phản bổn hoàn nguyên, tức là Đạo, là trở về nguồn,
bởi Thầy có dạy “Tu hành vẫn trái với thế tục, mà trái với thế tục mới đặng gần
ánh thiêng-liêng”.
Xưa Phật chỉ độ về phần hồn
chớ không độ về phần xác, độ Nam chớ không độ Nữ, độ tử mà không độ sanh, cho
nên câu niệm “Lục tự Di-Đà” chỉ có sáu chữ mà thôi; đó là “Nam-mô A-Di-Đà Phật”.
Ngày nay Đức Chí-Tôn đến tận-độ
chúng-sanh qui-nguyên-vị nên câu niệm có đến 12 chữ, đó là “Nam-mô Cao-Đài Tiên
ông Đại Bồ-Tát Ma-Ha-Tát” cho nên tượng-trưng bằng chữ Đạo 道 có 12 nét là vậy (là gồm đủ 6 âm và 6 dương).
Lạy Thầy cũng lạy 12 (ba lạy,
mỗi lạy 4 gật). Bởi: “Thập-Nhị Khai-Thiên là Thầy, Chúa của càn-khôn thế giái,
nắm trọn Thập-Nhị Thời-Thần vào tay. Số 12 là số riêng của Thầy”.
Nhìn chung vào tấm huy-hiệu
này có 7 điểm (6 cánh + 1 tâm) mà điểm giữa là hình ảnh của Hộ-Pháp ngự trị. Số
7 chỉ về người, ứng với số của trời là 1. Trước đây đã nói Giáo-Tông cũng đứng
chủ trung con số 7 ấy là cơ hiển tức cơ âm, giờ này Hộ-Pháp cũng nắm con số 7
là cơ ẩn, ấy là cơ dương. Trên tấm huy hiệu còn có 4 chữ “đảng phái thống nhứt”
ngoài ý-nghĩa là một nền Tôn-giáo Đại-đồng ra, thì con số 4 là chỉ tứ âm tứ dương,
để hiệp vào các con số tam ở trên mới tạo thành Bát-quái, mà 5 chữ “Giáo-chủ Phạm-Công-Tắc”
vừa xác-định ngôi vị của Ngài trong nền Đại-Đạo, mà con số 5 cũng để xác-định
là con số “ngũ trung” của Bát-quái nữa.
5 - Hộ-Pháp làm chủ Bát-quái Đồ-thiên
Tam âm tam dương và tứ âm
tứ dương hiệp lại sẽ thành Bát-quái Đồ-thiên, Hộ-Pháp vi chủ. Cũng như
Giáo-Tông làm chủ Bát-quái về hữu-hình, thì Hộ-Pháp làm chủ Bát-quái về vô-vi vậy.
Âm dương không xa lìa nhau. Khi nào Giáo-Tông và Hộ-Pháp hiệp một là quyền
Chí-Tôn tại thế.
Tức nhiên ngày nay Đạo
Cao-Đài dùng Bát-quái Đồ-thiên là hình ảnh của Bát-quái Hậu-thiên lật ngược lại,
đồng thời xoay ngang qua, biến trục Nam Bắc thành Tây Đông, y như hướng của Đền-Thánh
Toà-Thánh Tây-Ninh hiện giờ.
Quả thật bài thơ trên cũng
như huy-hiệu ngôi sao sáu cánh đã vẽ nên trách-nhiệm và quyền-hành của Hộ-Pháp
mà Chí-Tôn đã giao phó lập thành Quốc Đạo chính là Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ đó vậy.
Hai câu thơ sau cùng:
“Túng lúi đi chơi nên tấp lại,
“Ăn bòn chẳng chịu tấp theo ai”
Trong hai câu này là ám chỉ
về số không như “túng lúi” là không tiền (0), “ăn bòn” (0) cũng là chỉ không tiền,
“chẳng chịu tấp theo ai” (0) cũng nói lên sự không nữa. Như vậy có cả thảy là
ba con số 0 (không). Nếu viết ba con số 000 rồi đặt số 3 ở phía trước thành ra
3.000 (ba ngàn) ấy là chỉ về công-quả của người tu theo Đạo Cao-Đài ngày nay là
phải lập cho được “ba ngàn công quả”. Ấy là:
- Chí nhân vô kỷ (0).
- Thần nhân vô công (0).
- Thánh-nhân vô danh (0)
Một người tu dù ở bậc phẩm
nào cũng phải thể hiện cho được “ba ngàn công quả”. Ấy là phương-châm hành-đạo
của người tu mà Đức Chí-Tôn đã ân-cần dặn bảo; tức nhiên người tu phải biết
quên mình mà lo cho người, chẳng ham công, chẳng mến danh, ấy là hạnh đức của
người tu theo Tôn-chỉ của Đạo Cao-Đài là phụng-sự.
6 - Quyền-hành của HỘ-PHÁP
“Hộ-Pháp thì lo giữ luật-lệ
của Đạo cho khỏi sái Thiên-điều, vì luật-lệ của Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ ngày nay
thì thế cho Thiên-điều.
“Hộ-Pháp có quyền đặc biệt
về ân-xá cũng như Giáo-Tông có quyền về Chánh-trị vậy”.
“Hộ-Pháp chưởng-quản Hiệp-Thiên-Đài
có Thượng-Phẩm, Thượng-Sanh và Thập-Nhị Thời-Quân giúp sức. Hễ Giáo-Tông và Hộ-Pháp
hiệp một là quyền Chí-Tôn tại thế. Lại nữa Hộ-Pháp còn là Chưởng-Quản Nhị Hữu-Hình
Đài tức là Hiệp-Thiên và Cửu-Trùng nên mới được gọi là Giáo-chủ, nhưng chỉ đứng
về phương-diện hữu-hình mà thôi.
Những lời luận bàn trên đều
đúng vào cuộc đời hành-đạo của Đức Hộ-Pháp. Hầu như số định của mỗi người đều
được thiêng-liêng ấn định, cho nên con số 7 của sao sáu cánh đã điểm đúng vào bức
ảnh bán diện của Ngài, định cho cuộc đời của Ngài là 70 tuổi, bởi số 7 hiệp với
tâm 0 là trở về vô-vi, thành ra con số 70. Đức Ngài có nói trong bài thài cúng
tế Đức Ngài, có câu:
“Nào hay vạn sự do Thiên-định,
“Tuổi đã bảy mươi cũng đủ rồi.
“Nhớ tiếc sức phàm thừa chống chỏi,
“Buồn nhìn cội Đạo luống chơi-vơi…”
Đức Hộ-Pháp cũng như Đức
Quyền Giáo-Tông đều nắm trọn hai Bát-quái vào tay, nhưng Giáo-Tông hữu-hình,
còn Hộ-Pháp thì vô-vi cho nên bài thơ Đức Chí-Tôn ban cho có câu “Muối mặn ba
năm muối mặn dai”, nếu lấy (3+5=8). Tám là chỉ Bát-quái, mà chữ “dai” chứng tỏ
sự kéo dài, tức là nhiều hơn số 1, vậy là số 2. Hai lần Bát-quái ấy là Bát-quái
Đồ-thiên và Bát-quái Hư-vô chỉ riêng Đạo Cao-Đài mới có.
Quả thật Chí-Tôn đã “chọn
mặt gởi vàng” đúng đối tượng, bởi Ngài lúc nào cũng tha-thiết với sứ mạng của
mình, rằng:
“May một điều là Tôi còn
thiếu với Đức Chí-Tôn Tôi xin đầu kiếp, thiếu hay không mà kiếp này Tôi là tên dân
nô-lệ cho nước Việt-Nam, đã chịu thống-khổ tâm-hồn lẫn hình-thể trên 35 năm.
“Tôi không xin, không biết
tại sao Tôi đầu kiếp xuống dân Việt-Nam, Tôi cảm-kích vô hạn: nào chịu khổ, nào
chịu bạc-nhược và yếu-hèn, tại thấy nhơn-loại đau-đớn Chí-Tôn mới đến mở một nền
Tôn-giáo, làm một khối sanh-quang cho toàn nhơn-loại đó là cái danh-dự của nước
Việt-Nam đã chịu khổ.
“Vì cái tình Chí-Tôn đối với
dân-tộc Việt-Nam nên Tôi thí thân phải chết mới đền bồi xứng đáng”.
Đức Hộ-Pháp vừa lo cho
Cơ-quan Cửu-Trùng-Đài lại vừa lo cho Hiệp-Thiên-Đài, Ngài cũng có lời than:
“Hại thay! Chớ phải chi
hai lẽ thiện và ác ấy cả Thánh-thể của Ngài đi một lối mà thôi, nói đơn giản:
thà là làm thầy chùa thì thầy chùa, thầy pháp là thầy pháp; Đạo thời Đạo đi cho
triệt để, hay Đời cho triệt-để đi.
Khổ não thay! Thánh-thể Đức
Chí-Tôn vì lãnh nơi mạng lịnh của Ngài, đến làm tôi con của Ngài cho toàn vẹn
nơi thế gian của Ngài. Hỏi vậy chớ Đại-Từ-Phụ đã giao cho ta có phải giao Thánh
hay là giao phàm? Nếu ta lấy theo sự suy gẫm của ta, ta phải nhìn rằng Đại-Từ-Phụ
đã giao cho ta phàm nhiều hơn Thánh, lẽ dĩ-nhiên trước mắt ta đã ngó thấy.
“Tự thuở nay con người dầu
sức mạnh-mẽ thế nào gánh một vai mà thôi, Đại-Từ-Phụ lại buộc cả Thánh-thể của
Ngài phải gánh hai vai Đời và Đạo. Cái kiểu vở hai Tôn-giáo trước mắt ta, ta
ngó thấy:
- Phật-giáo thì nghiêng
cái gánh bên Đạo,
- Công-giáo lại nghiêng
cái gánh bên Đời.
Đời, Đạo; phàm Thánh. Đức
Chí-Tôn đến lập Thánh-thể của Ngài, Ngài biểu phải đứng ngay chính giữa của nó.
Luận ra cho cùng lý, thì Hội-Thánh của Ngài buộc không Đời mà cũng không Đạo, ở
giữa cái mức trung-tâm của Đời và Đạo”.
Một lần nữa, Đức Hộ-Pháp
xác nhận:
“Bần-Đạo nhớ lại hồi buổi
ban sơ mới khai Đạo, thật ra Bần-Đạo không có đức-tin gì hết, không có đức-tin
đến nước Đại-Từ-Phụ tức cười. Ngài đến nhà Bần-Đạo năm Sửu dạy cả mấy Anh lớn
ngày nay là Chức-sắc của Đạo, đi đến mọi nhà. Thật ra Đức Chí-Tôn đến thăm, đến
viếng mọi con cái của Ngài.
“Bần-Đạo không đức-tin gì
hết, nghe nói Tiên giáng, đi theo nghe thi chơi, làm cho Đại-Từ-Phụ phải tức cười.
Ngài cho bài thi ai nấy cũng tốt, duy có bài thi của Bần-Đạo di-hợm như vầy:
THI
Ngao-ngán không phân lẽ thiệt không,
Thấy thằng áp-út quá buồn lòng.
Muốn giàu Thầy hứa đem cho của,
Cái của cái công phải trả đồng
Đại-Từ-Phụ còn thêm hai chữ
“Nghe con”!
Cho đến bảy tháng, lúc xuống
ở Thủ-Đức, năm thiên-hạ bị bịnh chướng, khi không khởi phù mình rồi chết, nhứt
là ở tại Thủ-Đức lắm bịnh nhơn quá chừng. Đức Chí-Tôn biểu xuống ở Thủ-Đức cứu
bịnh cho họ trong bảy tháng, xuống ở Thánh-Thất của Đạo, nhờ Đức Lý giảng dạy với
ngòi bút trọn bảy tháng trường mới biết Đạo. Có cái hay-ho hơn hết là những điều
gì Ngài dạy trong Cơ-bút là những sở-hành trong kiếp sanh của Bần-Đạo”.
Qua hai bài thi trên Đức
Chí-Tôn giáng ban cho Đức Hộ-Pháp, Người đều không vừa ý và đều cho rằng “dị hợm”.
Nghĩ ra cũng “dị-hợm” thiệt! Vì sao?
Vì trọng-trách của Người
quá ư to lớn! Thường gánh một gánh đã oằn vai, nhưng bấy giờ Ngài phải gánh hai
gánh một mình; bởi:
“Trong buổi kỳ ba phổ-độ,
Chí-Tôn giáng cơ tiếp điển mở ĐẠI-ĐẠO TAM-KỲ PHỔ-ĐỘ hiệp đủ Phật, Tiên, Thánh,
là kỳ kiết-quả, độ đủ 92 ức nguyên-nhân trở về nguyên-thủy. Sách có câu “Thiên
địa tuần-hoàn châu nhi phục thủy, Tam-giáo qui-nguyên Ngũ-chi phục-nhứt”. Thế
nên bí-pháp này đã thể hiện trong cái “bắt ấn Tý”, đó là “Ấn kiết quả”, tức là
đã tới thời-kỳ kết-quả, gặt-hái, thu-hoạch.
Ấy là nhiệm-vụ của Hộ-Pháp
trong cơ chuyển thế và cứu thế!
Câu thơ 1: Ngao-ngán không phân lẽ
thiệt không Hai chữ “ngao-ngán” trong câu thơ đầu tiên có đến hai chữ “không”
và nhất là chữ “phân” 分 nó kết hợp bởi bộ đao 刀và chữ bát 八 ý nói dùng con dao cắt ra
làm tám mảnh một vật gì; muốn nói đến số 8 là chỉ về Bát-quái. Bát-quái là do
hai lần Tứ-tượng họp lại. Mà ở phần Thiên-đạo của Đạo Cao-Đài có đến hai
Bát-quái.
Cả câu trên là chỉ sự biến
dịch của trời đất, âm dương, cương nhu, ở người là nhân-nghĩa, đi trong vòng lý
Tam tài: Thiên, Địa, Nhơn vậy.
Câu 2 : “Thấy thằng áp út quá buồn
lòng”
Ngón tay “áp út” là chỉ
vào ngón trước của ngón út, tức là ngón tay không tên hay còn gọi là “vô danh
chỉ” là ngón tay “đeo nhẫn”.
Bởi Đức Hộ-Pháp là con thứ
tám trong gia đình, đứng vào hàng áp út, vì sau Ngài còn có một em gái thứ chín
đã chết khi còn nhỏ.
Về lý Đạo muốn nói đây là
“vô danh thiên địa chi thủy” đúng vào cung Tý là sự khởi điểm. Ngón cái là ngón
mẫu “hữu danh vạn-vật chi mẫu”. Khi bắt ấn Tý thì ngón cái ấn vào cung Tý ấy là
âm dương hiệp nhứt, đó là ẤN TÝ của Chí-Tôn ban cho nhân-sanh trong kỳ ba Phổ-độ
này ấy là ấn kiết quả. Kiết quả là kết trái. Do đó nếu tu thì thành như lời
Chí-Tôn đã hứa, chẳng những độ cả toàn cầu nhơn-loại, mà còn độ cả vạn-linh nữa
“Bát hồn vận-chuyển hóa thành chúng-sanh”.
Người mà Chí-Tôn sắp giao
cho hai cái gánh nặng của Đời và Đạo ấy chính là PHẠM-CÔNG-TẮC trong buổi “Nhơn
sanh ư Dần” cũng hiệp với tuổi của Ngài là năm Canh-Dần (5-5 Canh Dần 1890) là
ngày và năm sinh của Ngài nữa, đó là đã đi vào cơ Nhị Ngũ. (hai con số 5)
Xem thế thì Ngài đã hiệp đủ
ba con số 0 “không” đủ cho Thầy chọn lựa Người để Thầy giao cho “cây cân
công-bình thiêng-liêng tạo hóa”. Bởi hai câu thi sau:
“Muốn giàu Thầy hứa đem cho của,
“Cái của cái công phải trả đồng.”
Hình ảnh “cây cân
Thiên-bình dưới bàn tay của Thượng-Đế” cho ta thấy: nếu khi cả hai bên cân và vật
đồng nhau thì cây kim mới chỉ vào điểm 0. Cũng như hai gánh Đạo và Đời mà Ngài
sắp giao cho Ông Phạm-Công-Tắc cũng phải giữ cho tương-đồng thì mới vẹn phận “Đạo
Đời tương đắc” vậy.
Hiện tại Chức-sắc Hiệp-Thiên-Đài
biểu hiệu bằng “cây cân công-bình” đính trên mão. Vai trò của ông Phạm-Công-Tắc
tạo Đạo cứu Đời.
Đức Hộ-Pháp nói:
“Đức Đại-Từ-Phụ với lòng đại-từ
đại-bi của Ngài không thể gì nói đặng. Hai mươi mấy năm trường Ngài đến Ngài độ
từ đứa, Ngài dụ từ người, đem cả một thể thống thiêng-liêng vô cùng vô tận, quí
hóa kia đem đổi lại một tấm yêu-ái của chúng ta đặng làm cơ-quan cứu thế.
Home [ 1 ] [ 2 ] [ 3 ] [ 4 ] [ 5 ] [ 6 ] [ 7 ] [ 8 ]
Home [ 1 ] [ 2 ] [ 3 ] [ 4 ] [ 5 ] [ 6 ] [ 7 ] [ 8 ]
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét