Dịch Lý Cao Đài . Q 1 - 7 / 8 (Nữ Soạn-giả Nguyên-Thủy)


Tại sao Ngài giao cho Hiệp-Thiên-Đài?
Nếu cả Pháp-chánh đó không người cầm để thực-hiện thì cả giá trị lẫn thể-thống đều mất hết. Từ ngôi Giáo-Tông đến ngôi Đầu-Sư, giữa có ngôi Chưởng-Pháp, nếu không phải Pháp-chánh do Hiệp-Thiên-Đài nắm giữ thì họ tông lúng, tông hoài, tông mãi mà làm cho loạn Đạo theo tấn thảm-kịch ta đã thấy diễn đi diễn lại nhiều lần. Mà thử hỏi tại sao họ tông không được?

- Là tại Hiệp-Thiên-Đài cầm luật chắc chắn không cho loạn hàng thất thứ được. Họ tông mặc họ, Hiệp-Thiên-Đài cứ nắm giữ chặt-chẽ mà định phẩm con cái Đức Chí-Tôn mà thôi.

Nếu chẳng vậy, nghĩa là nếu Hiệp-Thiên-Đài để họ tự-do hành-động thì phải đắc tội với Chí-Tôn, vì Chí-Tôn đã giao cho gìn-giữ Thánh-thể của Ngài, định vị cho con cái của Ngài, ví như đã giao cho gìn-giữ cái kho-tàng đã định chia cho đứa lớn bao nhiêu, đứa út bao nhiêu. Rồi Hiệp-Thiên-Đài để cho người mạnh giựt-giành tài-sản của mấy người khác, hỏi vậy người lãnh lịnh đảm-nhiệm chia của cải ấy sẽ bị hình phạt như thế nào? Nếu không có người cầm giữ kho đó đặng phân phát công-bình cho con cái của Ngài thì sợ e cho họ giựt-giành hết mà con cái của Ngài không hưởng đặng gia-tài dành để cho họ mà chớ!

Ấy vậy, hàng phẩm mà Pháp-chánh đã định, cốt-yếu hiệp con cái Chí-Tôn lại làm một cùng Ngài, mà muốn cho đặng hiệp cùng Ngài, thì Ngài để cho Hiệp-Thiên-Đài chưởng-quản giữ-gìn nghiêm luật Pháp-chánh đó:
- Một người về Đạo là Thượng-Phẩm cầm quyền luật Đạo định phẩm-vị.
- Một người về Thế tức Thượng-Sanh đem con cái Đức Chí-Tôn vào cửa Đạo, dìu-dắt con cái Ngài không ai đặng phép ngăn đường đón ngõ. Đại nghiệp của Chí-Tôn để tại mặt thế này cho toàn cả nhơn-loại, không ai có quyền giành hưởng một mình. Định-luật như vậy mới là Công bình và Chánh-đáng.

Bần-Đạo lập lại: Pháp-chánh cốt-yếu lập quyền cho con cái Đức Chí-Tôn có hàng phẩm, có quyền-hành, thứ-tự, đẳng cấp, giao cho Hiệp-Thiên-Đài sắp đặt, không cho loạn hàng thất thứ, nếu loạn hàng thất thứ thì Đạo tiêu diệt.

Bây giờ nói qua Hình luật Tam-giáo.
Đạo Cao-Đài không phải lấy nguơn-chất của Tam-giáo làm căn-bản, mà chỉ lọc-lược chơn truyền của các Tôn-giáo trên quả địa-cầu này mà tổng-hợp lại.

Tại sao kêu Hình-Luật Tam-giáo mà thôi?
- Bởi ngày nay Tam-giáo qui nhứt. Các Tôn-giáo trên thế-gian này thì nhiều mà không ngoài khuôn viên của ba Đạo lớn, có thay đổi chăng là vì châm-chế bớt ngoại-dung chớ bên trong đều theo hình-luật đó.

Hình-luật Tam-giáo để định án chăng? Thiên-hạ sẽ nói Đạo gì mà có Tòa-án?
- Người ta lầm! Vả chăng con người chỉ có quí ở cái Tâm và hạ sanh tại đây ít nữa phải có căn-duyên sao đó mà mình không biết đó thôi! Bần-Đạo dám chắc dầu một vị chí Phật đến tại thế gian này mang thi-hài xác thịt cũng quên hết tiền kiếp, cửa huệ-quang bị bí lối, không tự biết mình, không tự hiểu phẩm-vị mình, vì mang xác phàm thì cái gì cũng phàm hết. Duy có Đấng toàn tri, toàn năng, toàn thiện, toàn mỹ là Chí-Tôn mới tránh khỏi chuyển kiếp luân-hồi mà thôi. Ngoài ra không vị Phật nào tránh khỏi luân-hồi cả. Các chơn-hồn ở các cung, các động, hoặc ở Ngọc-Hư cung đến đây là có mạng lịnh đến tạo hình-thể của Đức Chí-Tôn đó là những vị đại-diện, còn tất cả bao nhiêu chúng-sanh đều có căn-nguyên tức nhiên có tội, phải đến đây đặng trả quả-kiếp luân-hồi.

Chí-Tôn muốn con cái của Ngài nên Thánh thì phải làm sao?
- Phải đem cả thảy vô đây, tắm rửa cho sạch-sẽ, làm cho thiên-hạ muốn gần, phải vì thương mến kỉnh khen mà gần, vì đáng tôn-sùng yêu-ái mà gần. Hình-luật Tam-giáo là nước Cam lồ tắm rửa linh-hồn vậy.

Chơn-truyền từ trước đến nay Chí-Tôn để tại mặt thế trong các Đạo Phật, Tiên, Thánh là phương để gội rửa linh-hồn mà thôi; nhứt là Công-giáo có phép xưng tội là một bí-pháp, nhưng ta không hiểu tại sao Chí-Tôn lại không truyền chơn-pháp? Ta nghĩ, có lẽ Đức Chúa Jésus Christ đã ban quyền cho những đại-diện của Ngài tức là người cầm quyền Hội-Thánh có đủ năng lực xá tội; nhưng trong hai đàng là kẻ xá tội và kẻ xưng tội, cũng có lẽ người không thật tâm xưng tội, hoặc người không xứng đáng là người xá tội. Nếu xét ra người đến xưng tội và người xá tội cũng đều là phàm cả, chưa biết người này có tha tội được cho người kia không?

Thoảng không có đủ quyền tha tội lại càng thêm mang tội thêm nữa. Hễ có tội tức có hình, có hình tức có phạt, có phạt phải thành án, mà án tiêu mới hết tội. Nếu mình không tự hạ mình và không đủ can-đảm cung khai thì chịu lấy. Biết mình có tội mà lại sợ nhục cái thân danh phàm thể thì hỏng cả phẩm-vị tinh-thần tức là phẩm-vị thiêng-liêng thì rất đáng tiếc.

Nếu biết trọng linh-hồn thì không ngần ngại gì mà không đến mấy vị Đại-thiên-phong cầm quyền Pháp-chánh kia cung khai đi, rồi họ lên án quẹt lọ cho mình, không lẽ đem ra pháp trường xử trảm. Tội có nặng quá đi nữa, dầu Pháp-chánh Hiệp-Thiên-Đài có trục xuất đi nữa cũng không hại gì, nếu mình biết ăn-năn tự hối, tự tu thân, tự giác tánh thêm nữa đặng đền tội.

Mình tu một mình dầu Hội-Thánh không biết tới, mình cũng vẫn tin rằng có Đức Chí-Tôn chứng lòng trọn hiếu với Đức Chí-Tôn; ngày kia về cửa Hư-linh chư Thần, Thánh, Tiên, Phật đẹp dạ hả lòng tiếp rước trọng thể hơn nhiều. Người trọn gìn đạo-đức thì phẩm-trật đã cao siêu từ trước giáng sanh lập vị; danh vị lập được của kẻ bình thường đâu bằng của kẻ biết ăn-năn sám-hối. Thoảng như bị trục xuất mà tự mình biết lập vị mình, thế gian không hiểu thì còn có Đức Chí-Tôn hiểu, lập tâm mà tu thì cửa Hư-linh kia cũng không đóng được.

Những kẻ ấy do Đức Chí-Tôn sắp đặt hàng thứ, nên Ngài nói:
“Cửa Hư-linh không ưa kẻ tàn bạo, mà lạ thay thiêng-liêng-vị phần nhiều do những kẻ tàn bạo phá cửa chung vô. Thoảng như mình không đủ can-đảm chịu án mà mình tự tu sửa lấy mình được, dầu trong Đạo Cao-Đài không ai hiểu thì Chí-Tôn cũng hiểu biết, anh em không hiểu mình mà ông Cha hiểu mình là đủ rồi, sợ e mình quá phàm mà phải thất Đạo, phải luân-hồi mãi mãi đó thôi!

Bần-Đạo dám nói rằng trong càn-khôn này số hóa-nhân còn ít hơn là nguyên-nhân bị đọa trần chịu luân-hồi chuyển kiếp đặng đền tội nhiều phen, chỉ vì quyến-luyến phàm chất, không có đủ can-đảm thú tội trước Đức Chí-Tôn và chư Thần, Thánh, Tiên, Phật.

Nếu không muốn đợi để thú tội với Đức Chí-Tôn, thì hiện giờ mình có tội đến thú tội với chư Đại-Thiên-phong Hiệp-Thiên-Đài cầm quyền Pháp-chánh đó đi rồi quyết chắc đã đền xong tội phạm, ắt cửa thiêng-liêng cũng khó định nghiêm hình. Vì lẽ cố nhiên là một án chẳng có hai hình.

Ngày giờ nào nhơn-sanh chưa có can-đảm thú tội của họ, thì cửa hư-linh vẫn còn chối họ mãi”. (ĐHP 1-7 Mậu-Tý dl 5-8-1948)

5 - Danh-từ Bộ Pháp-Chánh ra đời
“Tháng 11 năm Đinh-Hợi (1947) Đức Chưởng-Đạo ban Thánh-giáo bảo đổi chữ “Tòa-Đạo” ra “Pháp-Chánh”. Ngài Khai-Pháp ban hành Thánh-huấn số 159/PC đề ngày 24 tháng 11 năm Đinh-Hợi thông-tri cho toàn Đạo rõ hai chữ Tòa Đạo đã đổi lại thành BỘ PHÁP-CHÁNH, cũng như trước kia Chưởng-quản Tòa Đạo, nay nói là Chưởng-quản Bộ Pháp-Chánh.

Đến ngày 16 tháng 2 năm Ất-Hợi (dl 20-3-1955) Đức Chưởng-Đạo Nguyệt-Tâm Chơn-Nhơn có về cơ phân định đẳng cấp và quyền-hành của Pháp-chánh từ Tiếp-Dẫn Đạo-Nhơn trở xuống đến Luật-Sự.

Bộ Pháp-Chánh có văn-phòng Bộ Pháp-Chánh. Quyền-hành và trọng-trách được qui-định vào hai câu liễn đối đặt trước cổng để nhắc-nhở phận-sự của mỗi người khi mang nơi mình hai chữ “Pháp-chánh”.

Hai câu đối là:
PHÁP luật vô tư Đạo-giáo từ uy tùng lý.
Chánh tông bất dịch chơn-truyền thiện ác tùy hình.      
(Bà Bát-Nương ban cho)

“Bộ Pháp-Chánh là cơ-quan Tư-pháp trung-ương của Đại-Đạo, có nhiệm-vụ gìn-giữ luật-pháp Đạo, không cho Chức-sắc và Tín-đồ vi phạm để nâng cao phẩm-giá con người, do đó Bộ Pháp-Chánh có tổ-chức các Tòa-án Đạo để xử trị người bị phạm luật-pháp của Đạo mà thôi.”

“Pháp-Chánh, nhiệm-vụ trọng-yếu là cơ-quan bảo-thủ chơn-truyền, giữ-gìn pháp-luật, dìu dẫn và lập vị cho con cái Đức Chí-Tôn trong khuôn viên luật-pháp của Đạo đã thành lập, giữ cân công-bình thể thiên hành-hóa, có trách-vụ nặng-nề để binh-vực kẻ cô thế, yếu hèn bị ép-chế, để sửa răn những kẻ phạm pháp-luật, hầu tránh khỏi Thiên-điều trừng-trị, nếu bị Thế-trị thì mới mong giảm tội thiêng-liêng, bằng không bị Thế-trị thì thiên-điều không mong gì cầu rỗi.

“Vậy Bộ Pháp-Chánh rất cần-thiết để giữ gìn phẩm-trật và địa-vị của mỗi con cái Chí-Tôn và quyền-hành phân-minh cho nền chánh-trị-đạo, y theo khuôn-khổ chơn-truyền.”

Đối với Tòa Đạo, Điều thứ 15. Định án những người phạm luật-pháp và hình phạt thì kẻ phạm phải chịu dưới hai quyền luật:

a/ - Luật: là Tân-Luật và luật Hội-Thánh.
b/- Pháp: là Pháp-Chánh-Truyền và Đạo Nghị Định.
Người Môn-đệ của Đức Chí-Tôn hơn ai hết phải:
- Thông việc Đạo
- Thạo việc đời.
- Trau-giồi đức hạnh.
- Giữ chánh dạy người.

Muốn đặng 4 điều ấy phải tìm-tòi học hỏi cho mở rộng kiến văn, nâng cao kiến thức, năng đọc Thánh-ngôn cùng các sách vở Đạo Cao-Đài. Quan-trọng nhứt là Pháp-luật Đại-Đạo ngày nay.

Thông hiểu rành mạch về Tân-Luật và Pháp-Chánh-Truyền.
“Một nền Chánh-trị-Đạo, không khác gì chánh-trị hiện ở các nước Âu-châu. Ở Á-đông này có nhiều nước phát-triển như: Nhựt, Tàu, Miến, Xiêm cũng có một khuôn-khổ nhất định như vậy.

Dầu Quân-chủ Lập-hiến hay Dân-chủ Pháp-chánh cũng một mực như nhau đều chia ra hai phần:
- Phòng Dân-chủ.
- Phòng Định luật.

Phòng Dân-chủ là phòng tấn-bộ.
Phòng Định luật là phòng bảo thủ.

Phòng Dân-chủ của Pháp dưới thời dân quyền “La Chambre des Députés”, còn phòng Định-luật hay Quân-luật thật ra không có Chúa, nhưng muốn biết phòng quân-luật hẳn-hoi, xem như nước Anh có “Chambre des Lords” tức là Sénat của Pháp vậy.

Đời chia ra hai phòng đặc biệt, Đạo lại khác hẳn.
Chơn-pháp của Chí-Tôn để hai phòng hiệp một là Cửu-Trùng-Đài và Hiệp-Thiên-Đài:
- Hiệp-Thiên-Đài là phòng Quân-luật.
- Cửu-Trùng-Đài là phòng Dân-chủ.

Biểu sao khỏi xích-mích nhau! Một đàng bảo-thủ, một đàng giục tấn; nếu hai đàng không hòa nhau; đem chơn-lý hiển-nhiên thì hòa được, còn không lấy chơn-lý thì đụng tại chỗ, phản-khắc không thể đệ lên Thượng quyền mà còn nhơ bợn được. Đó là các bàn sàng, sàng mãi cũng phải lọt xuống”. (TĐI/126)

Buổi nọ Đức Lý Giáo-Tông dạy lập Pháp trước; sau, Ngài sẽ giáng cơ chấn-chỉnh, đặng lập cho có đủ hữu-vi, đặng có đủ phương-pháp Hội-Thánh làm hình-thể cho Chí-Tôn mới xứng phận cho Ngài.

Đức Chí-Tôn đã dạy hồi mới khai Đạo:
“Thầy đã chán biết thế gian này là phàm, Thầy đến lấy cái phàm hiệp cùng cái Thánh, làm sao tránh đặng cái phàm không lẫn-lộn trong cái Thánh, nếu còn vướng chút phàm thì không còn là Thánh-thể, các con nên hiểu phẩm-vị cao trọng ấy mà trau lòng cho ra Thánh-thể mới đáng giá!"

Đối với các triết-lý bí-pháp buổi nọ, bây giờ nhân-loại tăng tiến quá lẽ thành thử các vị Giáo-chủ đã lập luật-pháp, nhưng luật-pháp đơn sơ ấy ngày nay không có đủ quyền-năng trị tâm thiên-hạ nữa.

6 - Lý do phải lập Đạo
“Muốn tu ắt phải có Đạo, vì vậy nên Thầy mới lập Đạo.
Đạo thì hữu-hình, nếu có kẻ hỏi: Đạo vốn vô-vi mà lấy hữu-hình lập thành thì thế nào đắc Đạo vô-vi cho đặng?
- Ta lại đáp rằng: không hữu-hình vô-vi cũng khó có; mà chẳng có vô-vi thì hữu-hình vốn không bền vững, tỷ như hồn và xác ta đây vậy: Không hồn thì xác phải tiêu diệt, mà có xác không hồn cũng không cơ-khí mà lập thành nên Đạo người vẹn-vẻ. Hai đàng phải tương-hiệp nhau mới đặng hoàn-toàn. Ấy vậy có vô-vi ắt có hữu-hình.

“Chánh-pháp và Hội-Thánh là hữu-hình mà hữu-hình ấy nó phù-hợp với luật Thiên-điều và đối chiếu với Cửu-Thiên Khai-Hóa. Luật Đạo ấy là Thiên-điều, còn Hội-Thánh là chư Thần, Thánh, Tiên, Phật tại thế đó vậy.

Sao lại dám sánh luật Đạo của chúng ta hội nhau lập thành với Thiên-điều?
- Thầy đã dạy rằng: Từ khi có Thầy rồi dựng nên càn-khôn thế-giới, hóa sanh nhơn-loại thì Thầy chưa hề biết hành phạt chúng ta bao giờ, vì lòng quá yêu nên Thầy không nỡ hành phạt. Thầy lại nói dầu Thiên-điều thì cũng do nơi chư Thần, Thánh, Tiên, Phật hội lập để định tội của nhau, hầu gìn-giữ lẫn nhau đó thôi, chớ Thầy chưa hề biết đến. Mà hễ lập rồi đem dâng cho Thầy thì chính mình Thầy cũng không quyền sửa cải.

Như Tân-Luật ngày nọ thì Lý Giáo-Tông hội cùng chư Thánh mà lập thành chớ Thầy chưa hề biết đến, chỉ ngày đã dâng lên cho Thầy thì nó đã thành Thiên-luật mà thôi.

Hễ Thiên-luật thì phải vô tư, tỷ như Thiên điều dầu cho chính mình Thầy là Chí-Tôn cũng chẳng vị tình. Bởi cớ ấy mà khi lập Pháp-Chánh-Truyền Thầy không lập Hiệp-Thiên-Đài một lượt với Cửu-Trùng-Đài, e cho cả Chức-sắc Hiệp-Thiên-Đài ra ngoại luật. Thầy lại để các Chức-sắc ấy dự hội lập Luật cùng chư Chức-sắc Cửu-Trùng-Đài thì phàm thân họ cũng dưới quyền luật-lệ như mọi người vậy”.

Thầy nói:
“Sự Thầy đã dạy, đều sái hết, Thầy tưởng chẳng còn nói; nếu ai là đạo-đức, đọc đến cách lập Pháp của Thầy mà chẳng mừng giùm cho nhơn-loại. Thầy buộc mình hứa cùng Ngọc-Hư Cung rằng: Nếu Đạo còn thì Thầy cũng theo gìn các con. Các con coi lời Thầy trọng-hệ là dường nào, như biết coi Đạo trọng, thì cả tinh-thần các con cũng nên tom-góp vào mỗi điều đó mà trông cậy nơi Thầy lập Pháp.

Hiệp-Thiên-Đài còn chưa muốn nhìn, thì Đạo một ngày kia cũng sẽ bị chối. Thầy tìm phương sửa cải cũng đáng đó chút. Nhưng cũng bởi chư Thần, Thánh, Tiên, Phật muốn cho rõ cơ Đạo của thế-gian này, nên Thầy không giáng cơ mà phân giải lại nữa. Các con đã chịu một trách nhiệm nơi mình, nếu Thầy chẳng để cho các con học tập mà lập nên địa-vị mình trước mặt chúng-sanh cho xứng đáng, thì Đạo cũng chưa ra vẻ Đạo. Vì vậy mà Thầy chịu ép lòng để cho các con hằng nhớ rằng: Chẳng giờ phút nào Thầy xa các con hết”. (ĐCT 15-4 Mậu-Thìn 1928)

“Thầy vì sợ phàm tâm tục tánh, lập luật pháp rất nghiêm đặng đủ quyền-hành buộc cả Hội-Thánh là thân thể thiêng-liêng hiệp-hòa làm một:
- Luật thì có TÂN-LUẬT.
- Pháp thì có PHÁP-CHÁNH-TRUYỀN.
- Quyền thì có TÒA TAM-GIÁO.

Ấy là cây còi, cây gậy, hàng rào thiêng-liêng, đặng lùa cả các chuồng chiên của Thầy hiệp một. Mà hại thay! kẻ chăn chẳng biết lóng tiếng còi, đoàn chiên không kiêng con gậy, rào thưa rích thưa rang để đến đỗi bầy sói lũ hùm bắt chiên thầy phân thây xé thịt, cái hại ấy do tại nơi đâu?

Tại Hội-Thánh cũng chưa nên Hội-Thánh, Chức-sắc Thiên-phong có cũng như không, có bóng không hình, làm cho thân Thầy không đủ quyền-hành mà xây chuyển Thiên-thơ (Plan divin) hầu đối địch quyết thắng tà-mưu nhiễu hại.

Cả Thánh-ngôn của Thầy dạy-dỗ chúng ta từ buổi khai Đạo đến chừ đã hiện thành TÂN PHÁP (Nouvelle vangile) mà ngày nay chúng-sanh còn chưa hiểu thấu, vì phần nhiều người lạm-dự vào bậc Thiên-phong lấy tà tâm bẻ-bai biếm-nhẻ chớ chẳng chịu truyền-bá lời lành, làm cho kẻ Đạo-tâm xiêu đường lạc ngõ. (PCT/71)

7 - Phương-diện thực hành
Đức Quyền Giáo-Tông dạy:
“Nền Đạo của Chí-Tôn cao lên bao nhiêu thì danh thể của các em tăng tiến lên, trọng-yếu bấy nhiêu và trách-nhiệm phải thế nào?

Các em cần lo trau-giồi cho đáng giá để làm gương-mẫu hướng-dẫn quần chúng noi bước theo con đường đạo-đức và lập quốc buổi tương lai đã đến vậy.
Trong phương-diện hành-đạo có ba điều nên chú-ý như sau:
- Một là quyền.
- Hai là Luật.
- Ba là Pháp-điều của Đức Chí-Tôn vậy.

QUYỀN là giáo-hóa, dìu-dẫn chúng-sanh vào khuôn linh đạo-đức.
LUẬT là thương-yêu, rộng dung tha-thứ cho kẻ lỗi biết ăn-năn.
PHÁP là giữ công-bình, chánh-trực.

Nếu có kẻ không nghe lời giáo-hóa, cố tâm phạm luật thì người cầm quyền cai-trị lấy Thánh đức mà định hình phạt là cốt-yếu cạo gọt cho nên hình người, chớ không phải kẻ cầm quyền mà để phạm vào tội ác sát nhân, bởi Đạo-quyền gọi là Thánh-trị chớ không phải phàm trị. Các em nên nhớ!” (10-10 Canh-Dần 1950)

Đức Quyền Giáo-Tông dạy tiếp:
“Gần đây sắp mở Hạnh-đường, quyền Thượng và Ngọc Chánh-Phối-Sư phải sửa cơ giáo-hóa cho có qui-tắc. Qua nhận thấy phần đông ra hành-đạo vì Quyền chớ không phải vì Phận, có nhớ chăng lời Thánh-giáo của Đức Chí-Tôn nói rằng:

“Hễ dưới mắt các con còn lẽ bất công thì Đạo chưa thành” đó không?
Em phải nhắc lại giùm, Qua thấy mấy em ấy lầm-lộn mà phải đau lòng và rất tiếc chẳng còn mảnh thân phàm nữa đặng dìu-dẫn.

Đức Hộ-Pháp rất phiền lòng, Qua chẳng biết nói sao! Hôm trước Qua đã có nói về QUYỀN, LUẬT và PHÁP mấy em khá nhớ!
- Quyền là giáo-hóa.
- Luật là Bác-ái, Từ-bi.
- Còn Pháp là Công-chánh đó vậy”. (18-10 Canh-Dần dl 27-11-1950)

Đức Thượng-Phẩm cũng nhắc-nhở thêm:
Các em cũng vẫn biết nơi đây là gốc để đem lại sự thương-yêu cho toàn cả sanh-chúng trên mặt địa-cầu này. Vậy các em khá để tâm, tất cả những cái gì làm thương-tổn đến tình yêu-ái cũng là điều ích riêng hay chung đặng làm điều tư lợi, những cái đó ngoài mặt thế đã chán rồi, trong cửa Đạo phải tiêu-diệt cho hết thì mới mong sự phổ-độ được đắc thành mau sớm.

Lúc ra đi hành Đạo nên nhớ:
- Chơn-truyền là gốc.
- Luật-pháp là chuẩn-thằng.
- Từ-bi, Bác-ái là Đạo-pháp.

Mỗi việc các em phải khá suy-nghiệm cho kỹ-lưỡng, phải luôn nhớ rằng: Mình là người của chúng-sanh, chớ không phải chúng-sanh là người của mình.

Mảnh thân phàm đã làm con vật hy-sinh đặng Đức Chí-Tôn dùng, để sửa đời lầm-lạc ra thuần-phong mỹ-tục, thì phải biết nó ra thế nào rồi, giá-trị hay chăng là được trọn cùng không đó. (18-10-1950)

Lời Đức Chí-Tôn và các Đấng luôn luôn là kim-chỉ-nam cho người hành-đạo:
* Luật nhơn-quả của nhân-loại chưa hết thì chưa tạo hạnh-phúc được.
* Thầy tỏ thật, cái luật-lệ Thầy khiến cho các con hiệp chung trí lập thành đây, nó có ảnh hưởng về đạo-đức, Thiên-phong Phật-sắc của các con, nên Thầy buộc mình cam chịu vậy. Chẳng luật-lệ thì là trái phép, mà trái phép thì làm sao vào Bạch-Ngọc-Kinh cho đặng.
* Thầy đã muốn cho hoàn-toàn phải cần có Luật, mà hễ có Luật thì phải do theo đó mà hành-đạo, mới khỏi điều sơ thất.
* Quyết hẳn rằng không có quyền nào khuất lấp pháp-luật thiêng-liêng của Đức Chí-Tôn đã định cả.
* Pháp-Luật của Chí-Tôn đã đào-tạo đều hữu-ích cho cơ-quan hành-động cho Chánh-giáo của Người, một cái dấu bỏ ra cũng chẳng đặng. Hễ tùng thì Đạo thành, còn nghịch thì Đạo diệt. (Nguyệt-Tâm Chơn-Nhơn)

Đức Hộ-Pháp kết-luận:
Đạo Cao-Đài Đức Chí-Tôn biểu chúng ta làm gì?
Biểu chúng ta dùng cả xác thịt, trí-não, tâm-hồn làm Thánh-thể cho Ổng, làm đầy-tớ cho cả con cái của Ổng, đó mới là thuyết giải khổ đó vậy.

Chính mình Bần-Đạo cầm quyền Hội-Thánh đem vào khuôn khổ pháp-luật ấy thế nào?
- Buổi ban sơ Bần-Đạo lấy cả Pháp-luật làm chuẩn-thằng chỉnh-đốn cả cơ-quan chánh-trị của đời là: Sanh, Lão, Bịnh, Tử. Bần-Đạo lập nhà thương, nhà dưỡng lão, nhà Bảo-sanh, là cốt-yếu chỉnh-đốn thân sống trong khuôn-khổ mực thước, tức nhiên họ giúp cho nhau trong khuôn-khổ đạo đức, tức nhiên họ có cả cơ-quan làm cho buổi thống-khổ loạn-lạc phải tiêu-hủy.

Cơ-quan Đạo Cao-Đài cốt-yếu chỉnh-đốn nhân-quần xã-hội tăng-tiến trong khuôn-khổ nhơn-luân, Nhơn-đạo để trong tâm-não đặng họ tương-trợ nhau, họ xúm nhau trong một nhà để giúp nhau về mặt tinh-thần.

Bần-Đạo nói đến việc chỉnh-đốn nội-dung nền Chánh-trị-Đạo. Trong buổi hỗn-tạp này, Ta sẽ phân-tích ra ĐẠO và THẾ phân biệt, không thể để Thế và Đạo lẫn-lộn được, cũng như quyền-năng Chí-Tôn phân ra tả hữu vậy. Tả là Đời, hữu là Đạo, giữa là Pháp. Đời là đời, Đạo là Đạo đôi ngã phân minh.

Từ đây toàn thể con cái Đức Chí-Tôn sẽ chỉnh-đốn lại hai đường ấy, dầu hiện nay còn hỗn tạp cũng không hại gì.”

Bần-Đạo nói dứt một điều là về Pháp-luật:
Bần-Đạo làm Hộ-Pháp, dầu cho buổi nọ họ loạn bao nhiêu, chỉ dùng cả quyền-lực đặng bảo thủ nền chơn-giáo của Đức Chí-Tôn mà thôi. Ngoài ra họ là Bạn, họ là đoàn anh, tình đó cao trọng hơn hết.

Thứ nhì nữa là cả tội-tình cái kẻ nghịch Đạo trước mắt Bần-Đạo vô-giá-trị. Giá-trị thiệt hay không là ngọn lửa thiêng-liêng ấy làm cho bừng dậy quốc-hồn nước Việt-Nam, tinh-thần tối cổ và văn-minh tối cổ của nòi giống, cái đó là trọng-hệ hơn hết”. Đức Ngài nói tiếp:

… Nếu càn-khôn vũ-trụ không công-chánh, mực thước, địa-cầu nào cũng muốn sống cho sáng-suốt, tự-do chạy tìm ánh-sáng, thì địa-cầu này sẽ đụng với địa-cầu kia; mặt trăng, mặt trời không còn thể chất. Càn-khôn vũ-trụ và quyền công-chánh đã định vậy, nếu biết tùng theo luật ấy thì trường-tồn, trái nghịch là tiêu diệt!

Quan-sát luật-pháp ấy, quyền-hành ấy, chúng ta nhìn quả thật Đấng Tạo-đoan là chủ quyền đó vậy.
Ngộ-nghĩnh thay! Đấng Tạo-đoan càn-khôn vũ-trụ với luật-pháp ấy, khuôn khổ ấy, ngày nay lại đến tạo Đạo cho chúng ta, vậy Ngài lấy khuôn khổ nào mà tạo pháp-luật và quyền-hành? Ngài để trong Thánh-thể Ngài hình luật nào? Phương-pháp nào đặng trị Đạo?

Tuy vân, có PHÁP-CHÁNH-TRUYỀN và TÂN-LUẬT cốt để bình tâm thiên-hạ đặng để gỡ tội cho kẻ có tội-lỗi. Phàm hễ không biết thú tội trước mặt Người và trước phép thiêng-liêng: Định luật-pháp ấy cũng tỷ như sợi dây thiết-tỏa liệng xuống Âm-quang cho kẻ tội-nhơn nắm nó mà phăng về thiêng-liêng cựu-cảnh, chớ chưa phải là chơn-luật và chơn-pháp.

Nếu nói từ nay Đức Chí-Tôn đến tạo dựng Thánh-thể của Ngài thì thật sự là PHÁP-CHÁNH, nhưng chỉ có tạo Thánh-thể của Ngài ở dưới thế này mà thôi, chớ quyền Công-chánh của Ngài là đã đào-tạo Thánh-thể Thiêng-Liêng của Ngài, còn về mặt luật là do Hội-Thánh lập thành chớ không phải Ngài định luật.

Ấy vậy, nếu chúng ta nói TÂN-LUẬT là phàm, thì quả thật nó là phàm. Còn Thiên-luật của Chí-Tôn là Thương-yêu mới là Thánh mà thôi. Hỏi vậy Bần-Đạo nói đây có quá lời chăng? Bần-Đạo xin trưng bằng cớ ra liền.

Từ ngày mở Đạo đến nay đã 23 năm, hình trạng của Đạo lấy phương gì tạo nền chánh-trị của nó? Quyền-lực của đời thường nương nơi súng đồng, gươm máy, khám tù mà đạt thành, còn Đạo làm thế nào cho có quyền mà lập nền chánh-trị?

Nói hẳn rằng, nếu không phải Luật Thương-yêu lập quyền cho Bần-Đạo ngày nay, Bần-Đạo ắt không còn đứng trên Tòa giảng này mà giảng Đạo.

Nếu không có Quyền Công-chánh, Đạo Cao-Đài đã tiêu-diệt không sống tới ngày hôm nay đâu, bằng cớ hiển-nhiên là đó vậy.

Toàn Thánh-thể Đức Chí-Tôn nếu biết thì nên nắm quyền-lực thiên-nhiên ấy, ngày giờ nào thiên-hạ được thương-yêu nhau nồng-nàn, thì ngày giờ ấy quyền Đạo sẽ là quyền tối cao-thượng nơi mặt thế đó. (ĐHP 23-6 Mậu-Tý dl 29-7-1948)

8 - Tại sao phải lập PHÁP-CHÁNH?
Đức Hộ-Pháp nói:
“Bây giờ luận trong Hội-Thánh: em thì đông, nam nữ gần đôi ba triệu, được cái phải của đứa này có cái quấy của đứa khác không đồng nhau, vì lẽ đó Đức Chí-Tôn mới lập PHÁP CHÁNH, thử cái cân Công-bình của Hội-Thánh nghĩ làm sao mà chớ?

Chỉ có mong một điều là đoàn em có đặng đắc giáo, được dạy-dỗ cho hiểu Đạo, đặng nó sống giùm cho bạn của nó.

Đại-gia-đình thiêng-liêng này nó phải tương-liên, sống chung, chết chung với nhau đó. Nếu cả Thánh-thể của Chí-Tôn không có giáo-hóa cho họ hiểu thấu-đáo nghĩa lý cái sống trong cửa thiêng-liêng này, trong đại-gia-đình thiêng-liêng này là gì, thì bao giờ cũng vậy, đứa phải trở lại đả-đảo đứa quấy, đứa quấy cũng không nhịn đả đảo trở lại đứa phải. Tấn-tuồng đời chuyển-luân ngay giữa cửa thiêng-liêng của Đạo vậy. Nam nữ, em cũng đồng em hết, mình coi quyền-lợi cả thảy của nó, hễ tính cái nào nhiều theo đa số; giờ bắt chước theo kiểu vở chánh-trị thiên-hạ bên Phi châu, hễ đầu phiếu nhiều là được. Bây giờ trong đoàn em của mình, hễ đa số chịu cái gì nếu phải, mình làm theo nó, giúp đỡ cho nó làm. Đa số nó không bằng lòng làm cái gì thì mình từ, ráng cố gắng mà tránh. Có một điều nên để ý hơn hết trước mặt Đại-Từ-Phụ. Đại-Từ-Phụ coi cả con cái của Ngài ở dưới thế-gian này là đám mồ-côi; nam cũng vậy, nữ cũng vậy; vì lý-do mồ-côi đó nên Ổng chống gậy đến, Ổng nói con Ổng mồ-côi. Bây giờ ta cũng kể em ta là đám mồ-côi nương lấy anh. Muốn nuôi-nấng dạy-dỗ nó, nhứt là dạy dỗ chẳng phải bằng lỗ miệng mà thôi, mà dạy-dỗ sự hành-vi của nó. Coi nhiều đứa nhứt là đám mồ côi của phái nữ, tâm thần thì hay thương-yêu, có nhiều đứa mồ-côi chưa được lỗ mũi Mẹ hun-hít, mà cái nó thèm-thuồng tìm kiếm trong cửa Đạo Mẹ của nó, trông kiếm nơi cửa Đạo Cha của nó, nam cũng vậy, nữ cũng vậy.

Cả Thánh-thể Đức Chí-Tôn cố gắng làm Cha, làm Mẹ nó giùm, cố-gắng mỗi người đều dạy-dỗ”. (ĐHP thuyết về hồng oai, hồng từ)

9 - Lòng từ-bi của Thầy
Thầy dạy: “không chuyện chi cần, Thầy không muốn làm nhọc chư Tiên và chư Thần, mỗi vị đều có trách-nhiệm riêng, con hiểu à! Xem đó thì các con khá dè-dặt kỉnh Thần, Thánh cho lắm, vì Thầy là bậc Chí-Tôn, lòng hay quảng-đại mà tha-thứ, chớ Thần, Thánh hễ các con có lỗi thì cứ Thiên-điều mà quở phạt các con, nghe à! Con hiểu ý bài thơ này chăng?
Ẩm mã đầu tiền Hạng-Trọng-sơn,
Chung qui hữu phước hạnh tao-phùng.
Hậu lai mạc tín đa phi thị,
Hữu ngọai thành tâm tái vận cung.

Sao? Nói cho Thầy nghe? Chư Nhu đặng tọa vị hầu Thầy.
… Không đâu con! Con hiểu hai câu này chăng?
“Hớn-Lưu-Khoan trách dân bồ tiên thị nhục.
“Hạng-trọng-Sơn khiết kỷ ẩm mã đầu tiền”

Nghĩa là đời Hớn, người Lưu-Khoan làm quan, hễ dân có tội thì đánh bằng roi lát cho biết nhục vậy thôi; còn nước Hạng, người Trọng-Sơn, sạch mình cho đến đỗi cho ngựa uống nước rồi vãi tiền xuống sông mà trả; trong sạch đến đỗi của trời đất cũng không nhơ bợn, con hiểu à!.

Thầy muốn dạy con: phải ở và dạy nội gia quyến con cho chánh đáng, phải lấy lòng trong sạch đối-đãi với người dầu việc nhỏ mọn cũng vậy. Con khá đọc Thánh-ngôn và cắt nghĩa Thánh-ý Thầy cho mọi người biết.
Hạnh ngay thật là nét yêu-dấu của Thầy, con nghe! (TNII/10)

10 - Pháp quyền tự trị
Pháp quyền của thế-giới là pháp quyền tự trị, có vậy mới bảo-đảm tinh-thần tự do dân chủ của con người. Đặc tính nhân-bản là chỗ đó.

Và chỉ có pháp quyền tự trị mới thể hiện tinh-thần tôn-trọng nhân-phẩm một cách tuyệt đối. Đã không chấp-nhận trừng-trị, tức nhiên không còn những nhục hình đối với phạm-nhân mà trước kia và hiện nay còn áp-dụng.

“Nay, buổi Tam-Kỳ Phổ-Độ Đức Chí-Tôn đến lập nền Đại-Đạo, tức nhiên mở cơ Đại-ân-xá kỳ ba, Hộ-Pháp thay quyền Chí-Tôn tại thế mà đưa tin Cứu thế. Ngài phải làm cho được công việc này: là làm sao tuyệt-đối trong luật-pháp không còn án tử hình.

Án tử hình của các xã-hội nhơn-quần đã dùng trị thế với một phương-pháp phi pháp. Bằng cớ là Đức Chí-Tôn đã phú-thác cho Bần-Đạo đảm-nhiệm rất khó-khăn và rất trọng-yếu. Ngài căn-dặn nhiều phen làm thế nào trừ cho được cái án tử hình, do xã-hội giết người một cách phi-pháp và nơi nào cây cờ trương lên bất cứ nước nào, xứ nào, phải làm sao cho được bóng cờ ấy trở nên Thánh-địa, tức nhiên không có quyền-hành nào xâm-phạm nó, đặng bảo-vệ sanh mạng nhân-lọai toàn mặt địa-cầu… Đương nhiên Bần-Đạo thi-thố phận-sự đối với Đức Chí-Tôn là để phụng-sự nhân-lọai. Buổi Bần-Đạo ở hải ngọai là Madagascar về, có quen biết hai người thân-sĩ giống dân Malgache, hai vị thân-sĩ ấy vì tội phiến-lọan, tức vận-động phục-quốc của họ, mà bị Pháp-triều lên án tử hình. Bần-Đạo đánh điện-văn xin hủy án tử hình ấy, họăc thay bằng án nào khác hơn là án giết người.

May thay! Nước Pháp là nước cầm quyền được văn-minh chiếu-diệu nơi mặt địa-cầu ai cũng biết, lại là nước đề-xướng nhân-quyền. Ngày nay Bần-Đạo hữu-hạnh thấy vụ án tử hình ấy được đem xử lại.

Lại nữa, khi Bần-Đạo hội-kiến cùng Cựu Hoàng Bảo-Đại tại Đà-lạt, trước khi về, có để lại Người một bức cẩm-nang, công việc hành tàng phục quốc trong bức cẩm-nang, vấn-đề đầu tiên hơn hết là bỏ án tử hình và toàn xá các tù nhân.

Tại sao Đức Chí-Tôn phải căn-dặn Bần-Đạo hủy bỏ án tử hình và tranh-đấu đến kỳ-cùng cho kết-liễu điều ấy, bởi nó phi-pháp không có quyền-năng nào hơn trên mặt địa-cầu hay là càn-khôn vũ-trụ đặng làm Chúa mạng sống của vạn-linh. Cả cái chi mình có quyền vi chủ nhứt định xài nó, dùng nó, mình là chủ quyền đặng; cái chi không phải mình vi chủ mà mình cướp đọat là mình có tội, mạng sanh không phải mình vi chủ, Đức Thượng-Đế vi chủ. Duy Đức Thượng-Đế có quyền định sống chết, ngoài cái quyền của Đức Thượng-Đế tức là Đức Chí-Tôn Đại-Từ-Phụ của chúng ta thì không ai có quyền nào định chết sống cho ta được, chết sống ấy không phải là mình định được.”

A - LẬP PHÁP-CHÁNH-TRUYỀN
CHO CỬU-TRÙNG-ĐÀI

Trước khi lập Pháp-Chánh-Truyền Thầy có dạy “Đêm nay các con phải thành tâm cầu-nguyện đặng ngày mai Thầy lập Pháp-Chánh-Truyền, nghe à!”

Ngày 16-10 Bính-Dần, tại Từ-Lâm-tự
Samedi 20 Novembre 1926
NGỌC-HOÀNG THƯỢNG-ĐẾ viết
CAO-ĐÀI GIÁO ĐẠO NAM-PHƯƠNG

Giáo-Tông nghĩa là Anh Cả các con, có quyền thay mặt Thầy mà dìu-dắt các con trong đường Đạo và đường Đời. Nó có quyền về phần xác chứ không có quyền về phần hồn. Nó đặng phép thông-công cùng Tam-Thập-Lục-Thiên và Thất-Thập-Nhị-Địa đặng cầu-rỗi cho các con, nghe à! Môn-đệ tuân mạng!

Chưởng-Pháp của ba phái là Đạo, Nho, Thích. Pháp-luật Tam-giáo tuy phân biệt nhau, song trước mặt Thầy vốn coi như một. Chúng nó có quyền xem-xét luật-lệ trước buổi thi-hành, hoặc là nơi Giáo-Tông truyền xuống, hoặc là nơi Đầu-Sư dâng lên. Như hai đàng chẳng thuận thì chúng nó phải dâng lên cho Hộ-Pháp đến “Hiệp-Thiên-Đài” cầu Thầy giáng xuống mà sửa lại, hay là tùy ý mà lập luật lại. Vậy chúng nó có quyền xem-xét kinh-điển trước khi phổ-thông. Như thảng có “kinh-luật” chi làm hại phong-hóa, thì chúng nó phải trừ bỏ chẳng cho xuất bản. Buộc cả Tín-đồ phải vùa sức mà hành-sự trước mặt luật đời. Thầy khuyên các con ráng xúm nhau vùa giúp chúng nó. Mỗi Chưởng-Pháp có ấn riêng. Ba ấn phải có đủ trên mỗi luật, mới đặng thi-hành. Chư Môn-đệ tuân mạng!

Đầu-Sư có quyền cai-trị phần Đạo và phần Đời của chư Môn-đệ. Nó đặng quyền lập luật, song phải dâng lên cho Giáo-Tông phê-chuẩn. Luật-lệ ấy phải xem-xét một cách nghiêm-nhặc, coi phải có ích chi cho nhơn-sanh chăng? Giáo-Tông buộc phải giao cho Chưởng-Pháp xét-nét trước khi phê-chuẩn.

Chúng nó phải tuân mạng lịnh Giáo-Tông, làm y như luật-lệ Giáo-Tông truyền dạy. Như thảng luật-lệ nào nghịch với sự sanh-hoạt của nhơn-sanh thì chúng nó đặng phép nài xin hủy bỏ.

Thầy khuyên các con phải thương-yêu và giúp đỡ lấy nó. Thầy lại dặn các con; như có điều chi cần yếu thì khá nài xin nơi nó.

Ba chi tuy khác, chớ quyền-luật như nhau. Như luật-lệ nào Giáo-Tông đã truyền dạy, mà cả ba đều ký tên không tuân mạng, thì luật-lệ ấy phải trả lại cho Giáo-Tông. Giáo-Tông truyền lịnh cho Chưởng-Pháp xét-nét lại. Chúng nó có ba cái Ấn riêng nhau, mỗi tờ giấy chi chi phải có ấn mới thi hành, nghe à! Chư Môn-đệ tuân mạng!

Phối-Sư mỗi phái là 12 người, cọng là 36 người; trong 36 vị ấy có ba vị Chánh-Phối-Sư. Ba vị ấy đặng thế quyền cho Đầu-Sư mà hành-sự; song chẳng quyền cầu phá luật-lệ, nghe à! Chư Môn-đệ tuân mạng!

Phối-Sư mỗi phái là 12 người, cọng là 36 người; trong 36 vị ấy có ba vị Chánh-Phối-Sư. Ba vị ấy đặng thế quyền cho Đầu-Sư mà hành-sự; song chẳng quyền cầu phá luật-lệ,

Giáo-Sư có 72 người, trong mỗi phái là 24 người. Giáo-Sư là người để dạy-dỗ chư Môn-đệ trong đường Đạo với đường đời. Buộc chúng nó lo-lắng cho các con như anh ruột lo cho em. Chúng nó cầm sổ bộ của cả tín-đồ. Chúng nó phải chăm-nom về sự tang, hôn của mỗi đứa.

Như tại Châu-thành lớn, thì mỗi đứa đặng quyền cai-quản cúng tế Thầy như thể Đầu-Sư và Phối-Sư. Chúng nó đặng quyền dâng sớ cầu nài về luật-lệ làm hại nhơn-sanh, hay là cầu xin chế giảm luật-lệ ấy. Chúng nó phải thân-cận với mỗi Môn-đệ như anh em một nhà cần lo giúp đỡ, nghe à! Chư Môn-đệ tuân mạng!

Giáo-Hữu là người để phổ-thông nền chơn-đạo của Thầy. Chúng nó đặng quyền xin chế giảm luật-lệ Đạo. Ba ngàn Giáo-Hữu chia ra đều, mỗi phái là một ngàn, chẳng nên tăng thêm hay là giảm bớt. Chúng nó đặng phép hành lễ khi làm chủ các chùa trong mấy tỉnh nhỏ.

Lễ-Sanh là người có hạnh, lựa chọn trong chư Môn-đệ mà hành lễ. Chúng nó đặng quyền đi khai đàn cho mỗi tín-đồ. Thầy dặn các con hiểu rõ rằng Lễ-Sanh là người Thầy yêu mến, chẳng nên hiếp đáp chúng nó. Như vào đặng hàng Lễ-Sanh mới mong bước qua hàng Chức-sắc. Kỳ dư Thầy phong thưởng riêng mới đi khỏi ngã ấy mà thôi, nghe à! Chư Môn-đệ tuân mạng!

Đầu-Sư muốn lên Chưởng-Pháp thì nhờ ba vị công-cử nhau.
Phối-Sư muốn lên Đầu-Sư thì nhờ 36 vị kia công-cử
Giáo-Sư muốn lên Phối-Sư thì nhờ 72 vị kia xúm nhau công-cử.
Giáo-Hữu muốn lên Giáo-Sư, thì nhờ 3.000 vị kia xúm nhau công-cử.
Lễ-Sanh muốn lên Giáo-Hữu, thì nhờ cả Lễ-Sanh xúm nhau công-cử.
Môn-đệ muốn lên Lễ-Sanh thì nhờ cả Môn-đệ xúm nhau công-cử.
Kỳ dư Thầy giáng cơ phong cho người nào thì mới ra khỏi luật-lệ ấy mà thôi.
Còn Giáo-Tông thì hai phẩm Chưởng-Pháp và Đầu-Sư tranh đặng, song phải chịu cho toàn Môn-đệ công-cử mới đặng, kỳ dư Thầy giáng cơ ban thưởng mới ra khỏi luật-lệ ấy mà thôi! Chư Môn-đệ tuân mạng!
Thầy ban ơn cho các con. (TNI /62-65)

B - LẬP PHÁP-CHÁNH-TRUYỀN
CHO HIỆP-THIÊN-ĐÀI

Như trên đã thấy Đức Chí-Tôn lập Pháp-chánh Cửu-Trùng-Đài ngày 16-10 Bính-Dần, nhưng đến hôm nay ngày 12-1 Đinh-Mão mới lập Pháp-Chánh Hiệp-Thiên-Đài. Một lần nữa xin nhắc lý-do, bởi:
Tân-Luật ngày nay khi đã dâng lên cho Thầy thì nó đã thành Thiên-Luật.
“Thiên-luật thì phải vô-tư, tỷ như Thiên điều, dầu cho chính mình Thầy là Chí-Tôn cũng chẳng vị tình. Bởi cớ ấy mà khi lập Pháp-Chánh-Truyền Thầy không lập Hiệp-Thiên-Đài một lượt với Cửu-Trùng-Đài, e cho cả Chức-sắc Hiệp-Thiên-Đài ra ngoại Luật. Thầy lại để cho Chức-sắc ấy dự hội lập Luật cùng chư Chức-sắc Cửu-Trùng-Đài thì phàm thân họ cũng dưới quyền luật lệ như mọi người vậy”.

Ngày 12-1 Đinh-Mão (13 Février 1927)
NGỌC-HOÀNG THƯỢNG-ĐẾ viết
CAO-ĐÀI GIÁO ĐẠO NAM-PHƯƠNG

Các con, cả chư Môn-đệ khá tuân mạng!
HIỆP-THIÊN-ĐÀI là nơi Thầy ngự cầm quyền thiêng-liêng mối Đạo. Hễ Đạo còn thì Hiệp-Thiên-Đài vẫn còn.

Thầy đã nói Ngũ-chi Đại-Đạo bị qui phàm là vì khi trước Thầy giao Chánh-giao cho tay phàm, càng ngày càng xa Thánh-giáo mà lập ra phàm-giáo, nên Thầy nhứt định đến chính mình Thầy đặng dạy-dỗ các con mà thôi, chớ không chịu giao Chánh-giáo cho tay phàm nữa.

Lại nữa HIỆP-THIÊN-ĐÀI là nơi của Giáo-Tông đến thông-công cùng Tam-Thập-Lục-Thiên, Tam-Thiên-Thế-Giới; Lục-Thập-Thất-Địa-Cầu, Thập-Điện-Diêm-Cung mà cầu-siêu cho cả nhân-loại. Thầy đã nói sở dụng thiêng-liêng; Thầy cũng nên nói sở dụng phàm-trần của nó nữa.

Hiệp-Thiên-Đài dưới quyền HỘ-PHÁP Chưởng-quản, tả có THƯỢNG-SANH, hữu có THƯỢNG-PHẨM. Thầy lại chọn THẬP NHỊ THỜI-QUÂN chia ra làm ba:

1 - Phần của Hộ-Pháp chưởng-quyền về PHÁP thì:
- HẬU là BẢO-PHÁP (1)
- ĐỨC là HIẾN-PHÁP.
- NGHĨA là KHAI-PHÁP
- TRÀNG là TIẾP-PHÁP.
Lo bảo-hộ luật đời và luật Đạo; chẳng ai qua Luật mà Hiệp-Thiên-Đài chẳng biết.

2 - Thượng-Phẩm thì quyền về phần ĐẠO, dưới quyền:
- CHƯƠNG là BẢO-ĐẠO
- TƯƠI là HIẾN-ĐẠO.
- ĐÃI là KHAI-ĐẠO
- TRỌNG là TIẾP-ĐẠO (2)
Lo về phần ĐẠO nơi Tịnh-Thất, mấy Thánh-Thất, đều xem-sóc chư Môn-đệ Thầy, binh-vực chẳng cho ai phạm Luật đến đỗi khổ-khắc cho đặng.

3 - Thượng-Sanh thì lo về phần đời:
- BẢO-THẾ thì PHƯỚC.
- HIẾN-THẾ: MẠNH.
- KHAI-THẾ: THÂU.
- TIÊP-THẾ: VĨNH.

Thầy khuyên các con lấy tánh đức vô-tư mà hành đạo.
Thầy cho các con biết trước rằng: hễ trọng quyền thì ắt có trọng phạt.
Thầy ban ơn cho các con” (TNI/101)

(1) Bảo là giữ-gìn. Hiến là dâng. Khai là mở (bày ra). Tiếp là rước.
(2) Ông Cao-Đức-Trọng đắc phong Tiếp-Đạo sau hết.

C - LẬP PHÁP-CHÁNH-TRUYỀN
CHO NỮ-PHÁI

Trước khi bàn đến việc lập Pháp-Chánh-Truyền Nữ-phái, nên nói qua lý-do vì sao Đức Chí-Tôn không lập mà để cho Đức Lý đứng ra lập?
(Trích y Thánh-ngôn của Giáo-Tông Lý Thái-Bạch)

Nữ-phái vốn của Lý Giáo-Tông lập thành.
Hộ-Pháp nhắc lại lời Thầy nói cùng Chánh-Phối-Sư Hương-Thanh rằng: Muốn phế Nữ-phái, song con cũng đồng con, hễ bao nhiêu Nam tức cũng bao nhiêu Nữ; Nam Nữ vốn như nhau, nên Thầy đến phong cho Nữ-phái buổi lập Pháp-Chánh-Truyền, chẳng hiểu có điều chi huyền-bí với Thầy cùng Ngọc-Hư-Cung nên Thầy mới đành lòng nói ra lời ấy, rồi lại cam lòng để cho Đức Giáo-Tông đứng lập đặng tránh cho khỏi luật-lệ Thiên-điều hay chăng? Hễ càng suy-nghĩ lại càng thêm sợ hằng ngày.

Xem lại Nữ-phái không biết trau-giồi trí thức đặng làm trách-nhậm cho xứng vị mình, thì lại càng âu-lo hơn nữa!

Chính mình Cao Thượng-Phẩm mới giáng cơ nói rằng nhờ Ngài cầu xin tha-thứ cho Nữ-phái nơi Ngọc-Hư, bằng chẳng thì đã bị phế; xin chư Đạo-Tỷ để dạ lo lấy phận mình”
(1-1 Đinh-Mão (Tây-Ninh, 1 Février 1927)

THÁI-BẠCH

Hội-Thánh nghe Lão ban sắc phục cho Nữ-phái, nghe và từ đây xem sắc tốt ấy mà hành-lễ theo đẳng-cấp.

Nữ-phái phải tùng Đầu-Sư Nữ-phái, song tùng quyền của Giáo-Tông và Chưởng-Pháp. Đầu-Sư Nữ-phái cũng phải chịu công-cử theo luật Hội-Thánh ban hành, theo luật-lệ Hội-Thánh ban xử đường đời và đường Đạo.

Đầu-Sư Nữ-phái mặc một Đạo-phục y như Đạo-phục Đầu-Sư Nam-phái, phải đội một Ni kim-cô như các vãi chùa, toàn hàng trắng chín giải, áo có thêu bông sen. Cái Kim-cô có choàng từ đầu tới gót. Đội mão Phương-Thiên, trên chót Phương-Thiên ngang đầu tóc, có Thiên-nhãn Thầy, bao quanh một vòng Minh-khí, đi giày vô ưu màu trắng, trên chót để chữ Hương, nghe à!

Phối-Sư cũng mặc in như vậy, song không có Mão Phương-Thiên, áo ba giải nhưng trước ngực có Thiên-nhãn Thầy, bao quanh một vòng Minh-Khí, nghe à!

Giáo-Sư mặc áo ba giải, đội Kim-cô bằng hàng trắng không đi giày.
Giáo-Hữu mặc Đạo-phục như Giáo-Sư, đầu không đội mão, mà giắt một bông sen, trên bông sen có Thiên-nhãn Thầy.

Lễ-Sanh Nữ-phái mặc như Giáo-Hữu, nhưng choàng ngang trên đầu một đoạn vải mỏng, cột ra sau ót, thả một mí dài một mí vắn; ngay đầu tóc có giắt một bông sen.

Thầy vì thấy nhiều người vắng mặt nên phải đợi đủ mới phong chức.
Lâm-Hương-Thanh, Hiền-muội phải viết thơ mời đủ mặt ngày rằm này. Thầy đến phong chức lập thành Nữ-phái, nghe à! (TN/ 95)

PCT- “Hội-Thánh nghe Lão ban sắc phục cho Nữ-phái: Nghe và từ đây xem sắc tốt ấy mà hành lễ theo đẳng cấp”

CG: Đức Giáo-Tông đến kêu Hội-Thánh Nam-phái nói rằng: Từ đây phải xem sắc tốt của Nữ-phái Ngài đến ban đặng hành lễ theo đẳng cấp.

Cái tiếng “sắc tốt” không, dầu ai đọc đến cũng thầm hiểu nghĩa-lý sâu xa (1)
Giáo-Tông duy chỉ dặn xem sắc tốt ấy mà hành lễ theo đẳng cấp, ấy là Ngài buộc phải có trật-tự cho lắm, vì vậy mà cũng chính mình Ngài đến lập lệ Nam Nữ-phải phân biệt nhau, chẳng đặng chung hiệp nhau về phần xác và phần hồn cũng vậy.

Hộ-Pháp có hỏi Ngài về sự tôn-ti phẩm-trật, thì Ngài dạy rằng:Nam Nữ vốn đồng quyền. Còn hỏi về Lễ-nghĩa giao-thiệp về phần đời, thì Ngài dạy: Giáo-Hữu Nam-phái cũng chịu dưới quyền Giáo-Sư Nữ-phái (2). Còn lễ thì khi vào Đại-Điện,

PCT: Nữ-phái phải tùng Đầu-Sư Nữ-phái, song Đầu-Sư lại phải tùng quyền của Giáo-Tông và Chưởng-Pháp.
CG: Hội-Thánh Nữ-phái phải tùng quyền Đầu-Sư Nữ-phái, song cả thảy đều phải tùng quyền Giáo-Tông và Chưởng-Pháp.
Xem rõ lại, thì Pháp-Chánh-Truyền truất quyền Nữ-phái không cho lên địa-vị Chưởng-Pháp và Giáo-Tông.

Hộ-Pháp để lời phân phiền cùng Thầy như vầy:
- Thưa Thầy, Thầy đã nói con cũng đồng con, Nam Nữ vốn như nhau mà Thầy truất quyền của Nữ-phái không cho lên địa-vị Chưởng-Pháp và Giáo-Tông, thì con e mất lẽ công-bình chăng?

Thầy dạy: Thiên địa hữu âm dương, dương thạnh tắc sanh, âm thạnh tắc tử. Cả càn-khôn thế-giới nhờ dương thạnh mới bền vững; cả chúng-sanh sống bởi dương-quang, ngày nào mà dương quang đã tuyệt, âm-khí lẫy-lừng, ấy là ngày càn-khôn thế-giới phải chịu trong hắc-ám, mà bị tiêu diệt. Nam ấy dương, Nữ ấy âm, nếu Thầy cho Nữ-phái cầm quyền Giáo-Tông làm chủ nền Đạo thì là Thầy cho âm thắng dương, nền Đạo ắt bị tiêu tàn ám-muội.

Hộ-Pháp lại kêu nài nữa rằng: Thầy truất quyền Giáo-Tông Nữ-phái đã đành, song quyền Chưởng-Pháp thì tưởng dầu ban cho cũng chẳng hại.

Thầy dạy: Chưởng-Pháp cũng là Giáo-Tông, mà còn trọng-hệ hơn, là vì Người thay mặt cho Hộ-Pháp nơi Cửu-Trùng-Đài. Thầy đã chẳng cho ngồi địa-vị Giáo-Tông, thì lẽ nào cho ngồi địa-vị Hộ-Pháp con! Bởi chịu phận rủi sanh nên cam phận thiệt-thòi, lẽ Thiên-cơ đã định, Thầy chỉ cậy con để dạ thương-yêu binh-vực thay Thầy kẻo tội-nghiệp!” (PCT)
* Ngày 11-12 Bính-Dần (Vendredi 14-1-1927)

Đức Lý giáng đàn nói với chư Nữ-chức chi Minh-Đường rằng “Thầy dạy Lão phải lập phái Nữ cho thành tựu. Em gắng lo phổ-độ nhơn-sanh. Cửu nhị ức nguyên-nhân hãy còn trong vòng hắc ám, chẳng lẽ em biết Đạo ngồi đó cho đành. Lão trông công em”

* Nơi chùa Gò-Kén, ngày 12 tháng giêng năm Đinh-Mão, Thầy phân-phiền với Bà Lâm Hương-Thanh rằng:

“Thầy lập Đạo nơi cõi Nam này, là cốt để ban thưởng cho một nước từ thuở đến giờ hằng bị lắm cơn thịnh nộ của Thầy, Thầy lại tha-thứ, lại còn đến ban thưởng một cách vinh-diệu.

Từ tạo thiên lập địa, chưa nước nào dưới quả địa-cầu 68 này đặng vậy, cốt để ban thưởng các con thì các con hưởng phần hơn đã đáng, lẽ nào Thầy đã để phần nhiều cho các nước khác sao!

Ôi! Mà hại thay! Thảm thay! Đau-đớn thay! “Hòn ngọc” đẹp-đẽ quí báu dường này Thầy đến cho các con, các con lại học kiêu-căng, trề nhún, Thầy đã chán mắt thấy phái Nữ hành-đạo thế nào, biết bao phen Thầy buồn, mà buồn rồi lại giận, muốn chẳng lập Nữ-phái mà làm gì. Nhưng trai gái cũng đồng con, Thầy không nỡ đành lòng từ bỏ, Thầy lại thương con (3) nên đã lắm phen lấy khảo trừ công cho con trở lại phẩm cũ, bởi một lời đã hứa với Quan-Âm, Thầy mới nhứt định dành phần công-quả ấy cho con.

Con ôi! Thầy thấy con đau thảm bấy nhiêu, một phen lầm-lỡ lẽ nào bỏ nghiệp muôn năm!

Con coi đó mà coi, Thầy thương con là bao nhiêu, Thầy giữ Nữ-phái lại cũng vì con. Thầy kêu nó không đến, Thầy dạy nó không nghe, muốn phạt cho đáng kiếp mà bụng cũng chẳng đành. Con là Chị, Thầy đến lập Tam-Kỳ Phổ-Độ, chỉ vụ một chữ “Hoà”, con liệu đứa nên, dùng đẹp lòng con kêu tên cho Thầy phán-đoán.
Tr…! Con giúp em con!” (TNII/26)

Chú thích:
(1) Nếu chư Hiền-hữu biết coi Nữ-phái như em thơ dại, chỉ biết mến đẹp ham xinh, liệu phương dụ-dỗ như Lão vậy mới đáng làm trai, con Thầy mà chớ!
(2) Phải vậy.Tỷ như Giáo-Sư Nam-phái gặp Phối-Sư Nữ-phái thì Nam phải đảnh lễ Nữ trước, lớn nhỏ vẫn đồng, quyền-hành tùy Chức-sắc.
(3) “Con” là Bà Nữ Đầu-Sư Lâm Hương-Thanh.

Lý do Thầy buồn Nữ-phái:
Bà Nữ Đầu-Sư Hương-Hiếu là người có mặt ngay từ buổi mới khai Đạo, cùng là bậc tiền bối, nên Bà có dẫn giải lý do vì sao Thầy giận không muốn lập Nữ-phái:

“Hồi mở Đạo, chư vị Nữ-phái Sai-Gòn chưa hiểu Đạo cho lắm, cũng vì có bổn-phận tề gia nội trợ nên sự hành Đạo bê-trễ, vắng mặt mấy kỳ đàn nên bị Thầy quở. Bài thánh-giáo trước đây, Đức Chí-Tôn nói với Bà Nữ Đầu-Sư Lâm Hương-Thanh. Do bài trường thiên của Đức Phật Bà cho biết về chơn-linh Bà Nữ Đầu-Sư Lâm Hương-Thanh:

Chơn-linh Bà Nữ Đầu-Sư là Long-Nữ hầu phật Bà Quan-Âm Bồ-Tát. Lúc Bà Long-Nữ tình nguyện lãnh lịnh nơi Ngọc-Hư-Cung xuống thế độ Nữ-phái. Bà Long-Nữ hứa với Phật Bà nên Thầy nhứt định dành phần công-quả lại cho Bà Nữ Đầu-Sư Lâm Hương-Thanh.

Xin xem kỹ câu văn Thầy nói “Một phen lầm-lỡ lẽ nào bỏ nghiệp muôn năm”.
Nghĩa là Thầy định lập kỳ Phổ-độ mười ngàn năm nay, không vì sự lỗi của Nữ-phái mà bỏ cho đành. Nhận xét lòng Bác-ái của Thầy vô tận, vô biên. Thầy quở mà Thầy thương, rồi lại ban thưởng nữa; nên Thầy kêu bà Nữ Đầu-Sư lập thông-qui kêu tên Nữ-phái cho Thầy chấm phong.
Tóm lại, nhờ Bà Nữ Đầu-Sư, tất cả Nữ-phái có hầu đàn đêm 14 tháng giêng năm Đinh-Mão (15 Février 1927) đặng thọ phẩm tước hết”.
Như vậy Thiên-phong Chức-sắc cho Nữ-phái vào ngày này, Thầy dạy:
Lâm-thị Ái-nữ, con và Đạo-Minh lên chức Phối-Sư. Con nói lại với Nữ-Thánh rằng Thầy ban ơn cho chúng nó.
Cả Hội-Thánh Nam-phái tung hô mừng lớn rằng
“Vinh-hạnh thay cho Nữ-phái!”

D - Luận Đạo:
Hai cơ-quan hữu-hình trong Đại-Đạo là sự cấu-tạo càn-khôn thế-giới

1 - Cửu-Trùng-Đài là cơ-quan quản-trị càn-khôn
Nhứt Phật.
Tam Tiên.
Tam-thập-lục Thánh.
Thất-thập-nhị Hiền.
Tam-thiên đồ-đệ.

Tất cả các con số về Chức-sắc Cửu-Trùng-Đài mà Thầy chọn đều ứng hợp với việc thành lập càn-khôn vũ-trụ. Theo lời Thầy dạy, thì:
“Trước khi chưa phân Trời đất, KHÍ-HƯ-VÔ bao-quát càn-khôn, sáng-soi đầy vũ-trụ. Đó là một cái Trung-Tâm-điểm tức là ĐẠO. Rồi Đạo ấy mới sanh ra Thái-cực. Hồng-mông sơ khởi, huyền huyền hạo hạo khối lại thành ngôi Thái-cực, rất đầm-ấm lưng-chừng trong đó toàn là một khối, đúng mấy muôn năm bùng nổ ra tiếng dường như thiên khuynh điạ khúc, thì đã có Thầy ngự trong ngôi THÁI-CỰC; rồi có một tầng ÂM và một tầng DƯƠNG gát chồng nhau thành hình chữ thập ló ra bốn cánh gọi là LƯỠNG-NGHI sanh ra TỨ TƯỢNG. Chữ thập mới dần dần quay lộn chạy lăn tròn như chong-chóng, lăn tủa ra muôn ngàn quả tinh-cầu thế-giới, chữ thập ấy dưới có bốn cánh bông kêu là TỨ ÂM, TỨ DƯƠNG tác thành Bát-quái là: Càn, Khảm, Cấn, Chấn, Tốn, Ly, Khôn, Đoài.

Bát-quái mới biến-hóa vô cùng, phân định Ngũ-hành, càn-khôn muôn vật. Thái-cực sanh Lưỡng-nghi tức Tam-thiên-vị (ba ngôi Trời). Dưới ba ngôi ấy có Tam-thập-tam-Thiên (ba mươi ba từng trời) cộng với ba ngôi trên là ba mươi sáu từng trời, nên gọi là Tam-Thập-Lục-Thiên. Trong mỗi từng Thầy chia chơn-linh, có một vị Đại-La Thiên-Đế Chưởng-quản.

Chỗ Thầy ngự gọi là Bạch-Ngọc-Kinh, là kinh toàn ngọc trắng, rộng cao vòi-vọi, ngoài có Huỳnh-Kim-Khuyết là cửa ngõ bằng vàng ròng cực kỳ mỹ-lệ.

Dưới ba mươi sáu từng Trời còn có một từng nữa là nhứt mạch đẳng tinh-vi gọi là cảnh Niết-Bàn. Chín từng nữa gọi là Cửu-Thiên Khai-Hóa tức là chín phương Trời cộng với Niết-Bàn là mười, gọi là Thập phương Chư Phật. Gọi “chín phương Trời, mười phương Phật” là do đó…

Rồi tới Hạ tầng Thế-giái, Tam-Thiên-Thế-Giái. Ba ngàn quả tinh-cầu phân làm Tứ đại bộ châu rồi nối theo Thất-Thập-Nhị-Điạ, tức là Đệ nhứt cầu cho đến địa-cầu các con ở là địa-cầu 68.

Như vậy sự đặt định đều có duyên cớ mà cơ Đạo ngày nay đều được nhịp-nhàng trong sự ứng hợp giữa hữu-hình và vô-hình đó vậy.

Khi lập Pháp-Chánh-Truyền cho cả Nam Nữ Chức-sắc Cửu-Trùng-Đài và Hiệp-Thiên-Đài là hiệp đủ ba ngôi. Thật ra mỗi việc chi chi Thầy lập ra không ngoài các con số huyền-diệu, nhiệm-mầu ấy.

2 - Hiệp-Thiên-Đài cơ sanh biến vạn-linh
Còn Như-Lai là cảnh Phật chớ không phải danh Phật, nên trong kinh có câu “Bổn giác vị kim giác Như-lai.” Bồ-Đề là chỗ Phật ngự, Phạm-Môn là cửa Phật, Bĩ-ngạn là đất Phật.

Huỳnh-Kim bố điạ là vàng ròng đầy đất. Còn chỗ Nam-Hải Ngạn thượng là Quan-Âm ngự, gần bờ biển nơi hướng Nam cảnh Phật, chớ không phải hướng Nam nơi cảnh phàm. Đó là còn ở Thượng tầng không-khí hay là VÔ-VI CHI-KHÍ.

Rồi kế đó là Đại-Thiên-Thế-Giái,
Kế là Thượng-Phương-Thế-Giái là chỗ Đức Tây-Vương Mẫu ngự nơi Cung Diêu-Trì, gần đó có vườn Ngạn-Uyển Bàn-Đào, Ngũ nhạc Bồng-lai Nhược-thủy.

Các Đấng Thiêng-Liêng Nam Nữ hằng-hà sa số lâu đài cung điện toàn bằng ngọc-ngà châu báu, hỗ-phách san-hô…

Rồi tới Hạ-Tầng-Thế-Giái, Tam-Thiên-Thế-Giái, Ba ngàn quả tinh-cầu phân làm Tứ-Đại-Bộ-Châu rồi nối theo Thất-Thập-Nhị-Điạ, tức là Đệ nhứt cầu cho đến địa-cầu các con ở là địa-cầu 68”.

Ấy là trên cõi trí-tuệ vô-hình, vô ảnh, tức là cõi tuyệt đối là cõi trời, cho nên Thánh-nhân cảm thấy thế mà nói là Tam-Thiên.

Và có 4 cõi dưới thì phân ra có hai cõi rõ ràng:
- Một cõi vô-vi nhưng đó là cõi vô-vi theo Lão-Tử, nghĩa là không phải là không có hẳn, mà có ý-nghĩa là cái “không” đối với sức con mắt thường của người ta, cho nên ở trong cõi dưới thì ta thấy rõ-ràng một cõi vô-vi hay cõi tinh-thần tuy đối với con mắt ta là cõi vô-hình nhưng đối với quan-năng cao siêu như các nhà đạo-sĩ thấu thị thì các cõi vô-vi mà ta thường gọi là hữu-hình và một cõi hữu vi hay là cõi vật-chất, tức là cõi đời ta ở vậy. Hoá cho nên gọi là Lưỡng-địa, tức là trên cõi đất ắt có hai cõi rõ-rệt. Một vật nào đã ở trên cõi đất ắt phải qua 7 cõi luân-hồi để nhờ cõi vật-chất lên được cõi tinh-thần rồi, thì lúc đó tức là đã ra khỏi được cái bánh xe luân-hồi mà lên trên tam-thiên tức là cõi Đại-Đồng vô-hình vô-ảnh. Vậy Tam-thiên Lưỡng-địa còn bao hàm một cái ý nghĩa huyền-bí sâu xa, duy chỉ bậc Thần-minh trông rõ được sự phân chia ra từng giai-cấp từ trên xuống dưới thì mới dùngđể ngụ cái ý theo thứ bậc trong cõi vô-hình mà mắt ta không thấy được.

3 - Sự đồng quyền đồng đẳng trong Đại-Đạo
Tuy nhiên, Thầy vẫn cho biết sự đồng quyền, đồng đẳng đã thể hiện trong nền Đại-Đạo này là:
“Chẳng phải vì đờn-bà mà sớm nồi cơm, chiều trả cháo hoài.

Phần các con truyền Đạo kỳ Phổ-Độ này cũng lắm nặng-nề: bao nhiên Nam tức bao nhiêu Nữ; Nam biết thành Tiên Phật chớ Nữ lại không sao? Thầy đã nói Bạch-Ngọc-Kinh có cả Nam và Nữ, mà phần nhiều Nữ lấn quyền thế hơn nam nhiều. Vậy con phải tuân lịnh mà lập thành Nữ-phái…” (TNI/29)

CHƯƠNG 8

LUẬN VỀ BÁT-QUÁI

TIÊN-THIÊN & HẬU-THIÊN

A - BÁT-QUÁI TIÊN-THIÊN

Xin lập lại lời Thánh-ngôn có dạy:
“Thầy đã nói với các con rằng: Khi chưa có chi trong Càn-Khôn Thế-Giới thì Khí-Hư-Vô sanh có một Thầy và ngôi của Thầy là Thái-cực.

“Thầy phân Thái-cực ra Lưỡng-nghi, Lưỡng-nghi phân ra Tứ-tượng, Tứ-tượng biến Bát-quái, Bát-quái biến hóa vô cùng mới lập ra Càn-Khôn Thế-Giới. Thầy lại phân tánh Thầy mà phân ra vạn-vật là: Vật-chất, thảo-mộc, côn-trùng, thú-cầm, gọi là chúng-sanh.

“Các con đủ hiểu rằng:
“Chi chi hữu-sanh cũng do bởi chơn-linh Thầy mà ra, hễ có sống ắt có Thầy, Thầy là Cha của sự sống, vì vậy mà lòng háo-sanh của Thầy không cùng tận”.

Thử hỏi ngày nay Thầy đến thế mở Đạo, Thầy lập Pháp-Chánh-Truyền Cửu-Trùng-Đài do đâu mà lập “Nhứt Phật, Tam Tiên, Tam-thập-lục Thánh, Thất-thập-nhị Hiền, Tam-thiên đồ-đệ”?


Từ xưa đến nay nhân-lọai đã thừa hưởng cái di-sản quí báu của các bậc tiền Thánh để lại là hai Bát-quái: Bát-quái Tiên-thiên và Bát-quái Hậu-thiên. Vậy xin bàn đến Bát-quái Tiên-thiên trước cũng đồng thời trả lời câu hỏi trên qua tinh-thần của các Bát-quái ấy trong cương vị của Hà-đồ, Lạc-thư mà Thánh nhân đã lưu lại.


1 - Cách lập thành Bát-quái Tiên-thiên
Khi nói đến Đạo là nói đến đầu mối ÂM DƯƠNG. Âm dương tương-hiệp mới phát khởi càn-khôn, tức là Nhứt Khí-Hư-Vô sanh Lưỡng-nghi, nghĩa là ánh Thái-cực biến tướng ra phân làm hai ngôi: âm-quang và dương quang. Ví bằng hai ngôi này muốn biến-sanh ra nữa thì cần phải tương-hiệp, nếu không tương-hiệp thì không thế nào sanh biến thêm được (xem hình chữ thập). Nếu âm dương mà để riêng ra, thì hai cũng vẫn là hai.

Muốn âm dương tương-hiệp nghĩa là phải đặt chồng lên nhau thành một góc vuông, điểm gặp nhau là điểm 0, đó gọi là Thái-cực làm căn bản. Bởi có hiệp với ngôi Thái-cực mới thành ra bốn, ấy gọi Lưỡng-nghi sinh Tứ-tượng. Nếu muốn biến ra thêm nữa thì 4 ấy cũng vẫn phải nhập lại vào tâm mới có thể biến ra được mà thành 8 cánh. Gọi là Tứ-tượng biến Bát-quái.

Khởi đầu: vua Phục-Hi ngẩng lên xem Thiên-văn, cúi xuống thì xét lý đất, gần thì lấy thân mình mà suy-nghiệm. Ngài mới đặt ra những nét chẵn, lẻ tức là vạch liền tượng dương  vạch đứt tượng âm  cũng từ trong lý tính của nam, nữ mà ra để làm chuẩn, định cho cái âm dương ấy. Lấy hai điểm này làm gốc, khởi đầu, nên luôn luôn điểm chuẩn đặt ở dưới hết của quẻ. Hào, tính từ dưới tính lên. Đọc quẻ từ trên đọc xuống.

Người dân-tộc thiểu-số hay người Chàm họ cũng lấy cái vật biểu tượng âm dương là hình ảnh cối chày đặt lên nhau gọi là cái “Linga”. Đó cũng là một bước tiến của dân-tộc bán khai

Giai-đoạn kế mới thêm nét âm dương nữa cho mỗi cái gốc đó, để lần-lượt biến-hóa thêm, theo luật song-tiến-số (nghĩa là cứ gấp đôi lên) tức là nếu lấy dương làm gốc rồi thêm dương nữa thành ra:
- Hai nét dương (số 1) gọi là Thái-dương.
- Cũng từ gốc dương thêm nét âm lên trên thành ra (số 2) gọi là Thiếu-âm.

Tới gốc âm cũng qua hai lần biến-hóa, tiếp-tục thêm dương, thêm âm sẽ có (số 3) là Thiếu-dương và (số 4) là Thái-âm.
Họp chung gọi là Tứ-tượng, tức là bốn hình tượng. Tứ-tượng có một vị-thế rất quan-trọng, không thể không nhớ kỹ được; từ cái phù-hiệu cho đến con số biểu-tượng của nó. Đó là Tứ-tượng đặt trên đường thẳng.

Bây giờ Tứ-tượng có thể đặt trên vòng tròn, đồng thời xác-định phương-vị của nó nữa.

Xem hình thấy rõ phía bên trái là dương, bởi gốc nó là dương mới biến ra Thái-dương số 1 và Thiếu-âm số 2. Âm dương luôn đi liền nhau.

Bên phải là âm, bởi gốc nó là âm, biến qua hai lần là Thiếu-dương số 3 và Thái-âm số 4 tức là trong âm vẫn có dương và trong dương vẫn có âm.

Lý dịch luôn luôn như vậy, không bao giờ có tình-trạng cô âm hay cô dương (tức là thuần âm hay thuần dương) Cô dương thì không sanh, cô âm thì không hóa.

Giai-đoạn thứ tư là Tứ-tượng biến Bát-quái, cũng từ gốc của Tứ-tượng, rồi thêm dương, thêm âm, lần-lượt gấp đôi lên thành ra 8 quẻ, tức là: Càn 1, Đoài 2, Ly 3, Chấn 4, Tốn 5, Khảm 6, Cấn 7, Khôn 8. Đây cũng là phù-hiệu về quẻ và số của Bát-quái Tiên-thiên vậy.
Gốc Thái-dương cho ra hai quẻ là Càn số 1 và Đoài số 2.
Gốc Thiếu-âm cho ra hai quẻ là Ly số 3 và Chấn số 4.
Gốc Thiếu-dương cho ra hai quẻ là Tốn số 5 và Khảm số 6.
Gốc Thái-âm cho ra hai quẻ là Cấn số 7 và Khôn số 8.

Chú-ý:
- Gọi là nghi, khi thành-phần cấu-tạo chỉ có một nét (hào dương, hào âm)
- Gọi là Tượng là thành-phần cấu-tạo do hai nét họp thành (chỉ có 4 tượng)
- Gọi là quẻ (hay quái) là cấu-tạo bởi ba nét họp thành (chỉ có 8 quẻ đơn thôi)

Mỗi một quẻ 3 nét như vậy gọi là quẻ Đơn (đơn quái) đó là Bát-quái làm căn-bản.

Bảng tóm-tắt:

Đặc biệt một quẻ đơn là có đủ 3 nét, gọi là Tam tài: trên là thiên, dưới là địa, giữa là nhân. Vì chỉ có con người mới được dự phần vào việc của trời đất mà thôi. Yếu tố này rất quan-trọng trong lý Dịch.

Tại sao nói là giai-đoạn thứ tư?
Đức Lão-Tử có nói “Đạo sanh nhứt, nhứt sanh nhị, nhị sanh tam, tam sanh vạn-vật”
Nhìn qua đồ hình sẽ thấy rõ lời nói ấy; tức nhiên khởi đoan là Đạo, có trước nhất.
Từ trong Đạo mới sanh ngôi Thái-cực, như Đức Chí-Tôn đã nói “Khi chưa có chi trong Càn-Khôn Thế-Giới thì Khí-Hư-Vô sanh có một Thầy, ngôi của Thầy là Thái-cực (đây là giai-đoạn thứ nhì), Thầy phân Thái-cực ra Lưỡng-nghi (giai-đoạn thứ ba), Lưỡng-nghi phân ra Tứ-tượng (giai-đoạn thứ tư), Tứ-tượng biến Bát-quái (giai-đoạn thứ năm). Bát-quái biến-hóa vô cùng mới thành ra càn-khôn thế giái (đây là giai-đoạn thứ sáu). Tức là sự thành hình thành tướng (tức nhiên 8x8=64 quẻ). Phải trải qua 6 giai-đoạn để trở về (lý Tam âm tam dương là vậy). Số 6 đây là quẻ Càn của Hậu-thiên (trời 3 đất 3) trong ý-nghĩa ấy.

2 - Quan-niệm sai lầm trong vấn-đề học DỊCH:
Điều quan-trọng trong vấn-đề DỊCH là những biểu-tượng, những phù-hiệu về quẻ không thể lầm-lẫn, không thể sai sót một điểm nhỏ nào, bởi nó tế-vi quá. Sai một ly đi một dặm, nên Thánh-nhân răn rằng khi luyện về Bát-quái “không để cho lậu một giọt Tinh”. Có nhiều bậc hành-giả chỉ chú-ý quá nhiều về cái thể mà không quan-tâm đến cái dụng, nên cố-gắng đủ mọi điều, “ém không cho tinh lậu” nên các Ngài đặt ra rất nhiều danh-từ hết sức trừu-tượng như “anh-nhi”, “trạch-nữ”, tu phải qua các thời-kỳ “Thập ngoạt hoài thai, Tam niên nhũ bộ”, “Cửu niên diện bích”,… do đó mà Dịch càng xa con người hơn. Muốn đến tòa lâu-đài này phải hết sức e-dè, ngần ngại vì luôn bị Thần-Thánh-hóa Dịch là một cái gì mênh-mông đến huyễn-hoặc.

Tuy nhiên trong vấn-đề lý giải chúng tôi cũng có trích thêm tài-liệu xưa trong “Châu Dịch Xiển Chơn” để rộng đường nghiên-cứu.

Tóm lại phải hiểu rằng cái Tinh-hoa của Dịch hết sức là linh-động, biến-hóa vô cùng. Người học Dịch phải nhạy bén với một tinh-thần mẫn cảm, không quá chấp nê vào một danh-từ.

Giả-sử: Càn là Trời, Khôn là đất, nhưng Càn còn chỉ chung những cái gì cứng rắn, oai-vệ; là chỉ-huy, tướng soái, là chủ-nhân… là vật đực (Masculin)

Khôn là âm, mềm-mại, là tối, là sự dịu dàng của bà mẹ, là tính khiêm-ái, thuần-hậu, nết na…là vật cái (Féminin).

Dịch luôn luôn có cái tương-đối của nó. Thí-dụ nói đến Vua thì ngôi đối với là Hoàng Hậu. Con vật đực thì đối tượng là vật cái, chớ không thể lầm-lẫn được…

Một con gà trống thì đối tượng của nó là con gà mái; một con ngựa đực thì đối tượng là con ngựa cái; không thể đem con gà mái hòa đồng với con ngựa đực được vì hai thể loại khác nhau, hai lý tính khác nhau. Cũng như nam đối với nữ, sáng đối lại là tối; chứ không thể hiểu rằng nam là sáng nữ là tối được. Tiền-nhân chúng ta đã lầm, một cái lầm quá ư to lớn là chỗ này đây!

Một phần các ông ngày xưa lầm hiểu, nắm ngay chỗ “Âm là tối” rồi cho rằng Nữ có tính Âm nên ngu tối, đần-độn, dẫu cho học cũng không biết gì, rồi không cho giới Nữ học-hành hay tham gia bất cứ những gì thuộc về bên ngoài xã-hội.

Chính dân-tộc Á-châu này, các Thánh-nhân đã xướng xuất nên một triết-thuyết cao đẹp, mà đám hậu-duệ của các Ngài phải chịu hậu-quả hết sức đau thương: Nữ-giới bao ngàn năm phải chịu dốt nát, thiệt-thòi. Làm luật sai lầm là chết trên luật là chỗ đó! Người phái-nữ của Á-đông nhiều ngàn năm chịu thiệt-thòi cũng vì cái sai lầm ấy bắt nguồn từ Trung-Hoa truyền sang Việt-Nam cho đến bây giờ.

Nay Đức Chí-Tôn đã đem lại một sự bình quyền, bình-đẳng cho tất cả nhân-loại trên quả địa-cầu này. Nhất là Nữ-giới Cao-Đài phải tự mình thấy con đường rạng-rỡ trước mặt mà cố gắng học hỏi những nghĩa-lý cao-thâm, những triết-lý siêu-tuyệt của nền Đại-Đạo và đồng-thời tự nâng cao phẩm-giá của mình. Nói chung đó là những yếu-lý để đem đến Hòa-bình cho chính mình, cho gia-đình, cho xã-hội và cả thế-giới nữa. Bởi Thượng-Đế đã ban cho Nữ-giới một trái tim yêu thương và một sự chịu khó, một sự bền-bĩ khôn lường. Hãy đem tất cả những gì sẵn có mà phát huy tinh-thần đạo-pháp đến chỗ cao tuyệt trong tinh-thần Hiến-dâng và Phụng-sự đúng nghĩa hơn.

Tất cả những nhà giáo-dục phải có chương trình học hỏi riêng cho giới Nữ về đạo-đức, tức là xây dựng nền văn-hóa Nho-phong của nền Tân Tôn-giáo. Xây dựng cho Nữ-phái chính là xây dựng đất nước, dân-tộc. Nếu lãng quên chương trình này chỉ là xây tòa nhà trên cát mà thôi. Hỏi vậy Nữ-giới có phải thật là ngu dốt không? Nếu ngu dốt làm sao ngày nay nhiều nước trên thế-giới vẫn có Nữ Tổng-Thống, Nữ phi-công, Nữ Bác học… Hỡi những dân-tộc hiểu biết hãy có tầm nhìn xa rộng hơn mà chung lo cho tất cả các nước còn lạc-hậu, số phận của giới Nữ trong các nước chậm tiến còn chịu phận thiệt-thòi; hãy xóa tan vấn-đề nô-lệ, nạn kỳ thị chủng tộc…

Những yếu lý này chính nền Tân-Tôn-giáo Cao-Đài đã có trù liệu cả, tức nhiên là Đấng Thượng-Đế đã vẽ nên một đưòng lối bình-đẳng, bình-quyền thật sự. Nhưng cái Bình đẳng, Bình quyền này trong một ý-thức-hệ, trong tư-tưởng con người, trong tinh-thần đạo-pháp; chứ không có nghĩa là những thứ hời-hợt bên ngoài.

Hiện giờ trong giai-đoạn giao thời người ta lầm, cứ hễ Nam thế nào thì Nữ thế ấy, điều đó đã làm mất đi nữ-tính của con người rất nhiều, người nữ bản tính dịu-dàng, nết-na, thuần-hậu… dầu làm những công-việc của nam-giới như nhà binh đi nữa, cũng vẫn còn nét của Nữ chớ!

Cho chí đến nghệ-thuật điện ảnh, sân khấu cải lương ngày nay đã đi quá mức, hình ảnh một nữ diễn-viên nhảy-nhót… hết sức trần-tục đến trần lỗ rồi trần... (Xin lỗi có số đã đi quá đà nghệ-thuật, làm cho những nhà nghệ-thuật chân-chính đến phải trợn-tráo mà thôi!.)

Lại nữa trong việc chọn hoa hậu giữa thời buổi văn-minh ngày nay mà chẳng văn-minh chút nào. Vì sao phải thoát y kiểu đó mới thấy được “cái tượng kỳ diệu” ấy, nếu không lõa thể như vậy thì không phô hết nét “thần bí” hay sao, hay là “nghìn năm một thuở” nên phải “vận dụng công-phu” đến thế!?

Phải thấy rằng hễ tượng là tượng, người là người hai cái đó khác nhau!

Mong rằng người làm nghệ-thuật, người làm nghề giáo-dục, trách-nhiệm “Trăm năm trồng người” của các Ngài quan-trọng lắm đó!

Nếu tôi nhớ không lầm thì tiền-nhân ta có nói rằng: Làm một thầy thuốc lầm thì giết chết một bệnh-nhân; làm nhà chánh-trị lầm thì giết chết một xã-hội; làm nhà giáo-dục lầm thì giết chết một thế-hệ!
Than ôi!

3 - TIÊN-THIÊN HOÀNH-ĐỒ
Tiên-thiên hoành-đồ là thứ-tự của vua Phục-Hi vẽ ra Bát-quái. Đương lúc chưa có quẻ mà sắp ra quẻ thì số 5 ở chính giữa bản-đồ tức là ngôi THÁI-CỰC.

Trước hết vẽ một vạch liền (gọi là cơ) để tượng hình Dương-nghi, kế vẽ một vạch đứt (ngẫu) để tượng hình Âm nghi. Thái-cực sanh lưỡng-nghi tức là cái vạch liền và cái vạch đứt ở trong bản-đồ đó (Dịch dùng âm dương, cơ ngẫu, chẵn lẻ vẫn là một).

(Đây là vẽ Bát-quái Tiên-thiên theo đồ ngang)

Lại trên Lưỡng-nghi mỗi bên có một vạch liền và một vạch đứt chồng lên hai nghi đó tạo thành Tứ-tượng: Thái-dương số 1, Thiếu-âm số 2, Thiếu-Dương số 3, Thái-âm số 4.

Lưỡng-nghi sanh tứ-tượng là: THỦY, HỎA, MỘC, KIM.
Tứ-tượng sanh Bát-quái như trên đã nói.
Vẽ Tứ-tượng mà không nói tới Thổ là bởi Thái-cực tức là Thổ vậy. Âm dương đối chọi nhau tương-giao mà thành quẻ cũng là thổ (vì nó sanh sanh chẳng ngớt nên gọi là thổ). Vì Thổ nó có một khí vận chung nên gọi là Thái-cực. Thái-cực và Thổ là một mà thôi, bởi nó là giao điểm đứng vào tâm, là trung ương của một đồ hình là vòng tròn được thu hẹp, nói rộng hơn là tâm-điểm của vũ-trụ.

Tuy không nói tới Thổ mà chỉ vẽ Tứ-tượng; Trong Tứ-tượng đã có Âm-Dương giao nhau: trong Thái-dương có Thiếu-âm và trong Thái-âm có Thiếu-dương tượng hình Ngũ-hành: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ. Bởi thế mới có tứ-dương và tứ âm kết hợp với nhau mà tạo thành Bát-quái. Đạo-gia gọi là hột nguyên-tử tánh.

Xem thế thì hình ảnh của Ngũ-hành đã diễn biến rất là linh-hoạt, khi hai đường thẳng giao nhau cho ta một Tứ-tượng, tức nhiên bốn cánh, nhưng thật ra đó là một Ngũ-hành, bởi có một tâm không ở giữa; Ngũ-hành có tên là: Thủy 1, Hỏa 2, Mộc 3, Kim 4, Thổ 5.

Nhớ lại Tiên-thiên Bát-quái CÀN là 1, nhưng khi qua Hậu-thiên Bát-quái CÀN là 6, nhưng tượng của trời là 7 mới biến thành Đoài ở Bát-quái Đồ-thiên làm thành một Bát-quái duy nhất của Đạo Cao-Đài lâu dài đến bảy trăm ngàn năm, cũng từ con số 7 đi vào tâm của vòng tròn mà kết hợp với 5 con số 0 để thành 700.000 năm là vậy.(Thất ức niên)

4 - Bát-quái Tiên-thiên vẽ trên đồ hình tròn (viên đồ)
Bát-quái Tiên-thiên cũng có thể vẽ trên vòng tròn, đồng thời định phương vị cho Bát-quái này đã có từ đời Phục-Hi Hoàng-Đế.

Nhận xét:
Bát-quái kết hợp bởi hai trục:
- Trục đứng là Nam Bắc định-vị bởi hai quẻ Càn Khôn.
- Trục ngang là Đông Tây định-vị hai quẻ Ly Khảm. Bốn quẻ còn lại nằm vào các vị-trí phụ thuộc.

Tức nhiên theo thứ-tự của Bát-quái Tiên-thiên là: Càn, Đoài, Ly, Chấn quay theo chiều nghịch với chiều kim đồng-hồ, theo chiều dương.

Các quẻ mới sinh là: Tốn, Khảm, Cấn, Khôn, quay theo chiều thuận với chiều kim đồng hồ, theo chiều âm.
Số của Bát-quái Tiên-thiên: Càn 1, Đoài 2, Ly 3, Chấn 4, Tốn 5, Khảm 6, Cấn 7, Khôn 8.

Nếu cộng các quẻ đối nhau qua tâm (gọi là xuyên tâm đối) sẽ có tổng-số giống nhau là 9.
Như:
Càn 1 + Khôn 8 = 9
Ly 3 + Khảm 6 = 9
Đoài 2 + Cấn 7 = 9
Chấn 4 + Tốn 5 = 9

Bát-quái này có 4 quẻ đã sinh ra trước là dương, ấy là Càn, Đoài, Ly, Chấn nên quay theo chiều nghịch với chiều kim đồng-hồ. Đường quay ấy sẽ đi vào bên trong để đến Tốn bắt đầu một chu-kỳ mới là Tốn, Khảm, Cấn, Khôn lại đi thuận với kim đồng-hồ (xem hình). Như một hơi thở: một ra một vào không bao giờ ngừng trong buồng phổi vậy.

Các quẻ đối nhau từng đôi một:
Càn tượng cha, đối qua tâm là Khôn tượng mẹ.
Đoài tượng thiếu-nữ đối qua tâm là Cấn tượng Thiếu-nam.
Ly là tượng trung-nữ, đối qua tâm là Khảm tượng trung nam.
Chấn tượng trưởng nam, đối qua tâm là Tốn tượng trưởng nữ.
Dịch-lý luôn gắn liền nhau bởi âm dương một cách tương đối, tương điều-hòa nhau thật chặt-chẽ.

Đặc biệt là Càn ở Nam. Khôn ở Bắc. Đây là thời-kỳ nhất bản tán vạn thù, tức là thời-kỳ đi ra, nghĩa là các chơn-linh đến trần để học hỏi và tấn-hóa, như qua thời-gian từ trước đến giờ, số nguyên-nhân đến trần là 100 ức; qua hai thời-kỳ ân-xá các vị Giáo-chủ độ về được 8 ức

[100 ức - (Phật độ 6 ức + Tiên độ 2 ức)] = 92 ức nguyên-nhân còn lại nơi cõi trần. Vì 92 ức nguyên-nhân này mà Chí-Tôn lo cứu vớt. Xem hình vẽ sẽ thấy các con số đối chiếu để làm biểu tượng cho các lý lẽ trên:
Các quẻ đối có tổng-số đều là 9 (gọi là cửu)
Hai trục giao nhau tạo thành hình chữ thập +

Đồ tròn chia 8 quẻ ra làm hai phần có đủ âm dương rõ-rệt: Càn, Đoài, Ly, Chấn thuộc dương; Tốn, Khảm, Cấn, Khôn thuộc âm. Âm dương phân hai tức là nhị khí. Hình ảnh này này biểu tượng cho con số “Cửu thập nhị tào chi mê muội” đó vậy, tức là 92 ức nguyên-nhân còn đang mê-muội, không thông hiểu đạo-đức chánh-truyền của nguyên-lý càn-khôn vũ-trụ đã đặt định.

Bài Phật-giáo tâm kinh có nói rõ:
“Hỗn-độn Tôn-sư CÀN KHÔN chủ tể,
“Qui thế giái ư nhứt khí chi trung.”

Nhìn vào đồ hình Bát-quái Tiên-thiên trên vòng tròn thấy rõ điều ấy: Hai quẻ Càn và Khôn đứng đầu của trục Nam Bắc làm chủ của Bát-quái, mà 8 quẻ này đều đi ra từ một khí ban đầu là Thái-cực mà thành hình, tức là đi ra từ một tâm 0 của vòng tròn (từ một Khí-Hư-Vô).

Hơn thế nữa Bát-quái này là khởi đầu để bước vào tòa lâu-đài Dịch-lý, nếu không nắm vững những nguyên-tắc căn-bản thì không thế nào hiểu được triết-thuyết thâm-diệu của đạo-pháp. Vì không nắm vững được các triết-lý cao-thâm nên nhân-sanh dễ lầm-lạc mà bị sa-đọa nơi trần gian. Bởi đạo-pháp xưa nay chỉ nói lý mà không giải, làm cho người kém trí thức thì nghĩ-nghị mông lung, kẻ trí giả thì cho rằng thiếu khoa-học, rồi kết luận bằng một câu “dị đoan, mê-tín”. Ngày giờ này phải chính mình Thầy đến độ rỗi và quyết tận-độ hết con cái của Người trở về trong kỳ ba phổ-độ.

“Muốn trọn hai chữ PHỔ-ĐỘ phải làm thế nào? Thầy hỏi?
“Phải bày bửu-pháp chớ không đặng giấu nữa Con phải luyện lại cho thành, nội trong tháng năm nầy về theo Trung đặng đi truyền Đạo” (TNI/15)

5 - Bát-quái Tiên-thiên vẽ trên đồ vuông
Trên đồ vuông cho thấy rõ hai chiều thuận nghịch của Bát-quái. Bởi sự biến-hóa vô cùng của nó, tuy nhiên biến-hóa trong một trật tự điều-hòa, chứ không phải muốn biến thế nào thì biến, cũng vì biến vô-trật-tự như ngày nay đó là loạn.

Quả thật vậy, trong phần dương có 4 quẻ: Càn, Đoài, Ly, Chấn, mà trong số 4 quẻ này có 2 quẻ tượng dương đó là Càn 1 và Ly 3, nhưng Càn là dương ở Tiên-thiên là cái thể, nhưng khi qua Hậu-thiên thì Ly cũng là dương, nó làm cái dụng.

Ví như Càn là ánh sáng của mặt trời chiếu khắp trần-gian, nhưng con người muốn xử dụng được cái ánh sáng (hỏa) ấy trong cuộc sống hằng ngày thì dùng hỏa của Ly, ấy chính là hỏa hậu-thiên vậy (như diêm quẹt chẳng hạng)

Tương-tự có hai quẻ Khôn số 8 và Khảm số 6, đều thuộc âm; thì Khôn chính là âm Tiên-thiên, bởi nó có từ lúc chưa tạo nên trời đất nên gọi là âm Tiên-thiên. Khi qua Hậu-thiên, tức là khi người xử dụng nước thì dùng Khảm là âm Hậu-thiên là vậy.

6 - TIÊN-THIÊN PHƯƠNG-VỊ ĐỒ (Phương hướng của Bát-quái Tiên-thiên)

Ngôi các quẻ trong bản-đồ Bát-quái tròn của Phục-Hi là ngôi của Trời đất định vị thành hình theo thứ-tự trên dưới. Mặt Nhựt, Mặt Nguyệt vận hành tại khoảng chính giữa Trời đất.
Chấn vi Lôi tức là sấm động ở dưới đất.
Tốn vi Phong phong là gió thổi ở trên Trời.
Đoài vi Trạch trạch là miệng, ao, ngẩng lên.
Cấn vi Sơn sơn là núi, bám vào đất.

Trời Đất phản phúc (điên đảo) mới có âm có dương. Sơn trạch thông khí mới có sanh có thành. Phong lôi đăng (xâm lấn lẫn nhau) mới có lên có xuống. Đó là biểu-tượng của Bát-quái.

Trời đất bao trùm khắp nhật, nguyệt, tinh tạo-hóa.
a/- Mặt Nhựt bắt từ bên trái mà tiến thì khí dương lên, cho nên quẻ Chấn có một dương, quẻ Đoài có hai dương, quẻ Kiền có ba dương đều ở bên trái.

b/- Mặt Nguyệt bắt từ bên mặt mà thối thì khí âm sanh, cho nên quẻ Tốn có một âm, quẻ Cấn có hai âm, quẻ Khôn có ba âm đều ở bên mặt.
Đây là khí vận của Bát-quái. Khí hành thì 64 quẻ hóa-sanh.
64 quẻ tức là 8 quẻ thúc đẩy nhau biến-hóa mới có sanh (8x8=64)
Khí vận thì chạy bên trong, biểu-tượng thì chạy bên ngoài.
Như thứ-tự của khí hành theo Bát-quái cũng là nghịch đạo. Có nghịch thì mới có sanh, không nghịch thì chẳng sanh. Được vậy thì thuận sanh tức là ở trong nghịch thối mà ra.

Bản-đồ tròn là lấy ý: Tròn là để tựợng hình trời, mà trời vận-hành một khí lên xuống, giáp vòng rồi trở lại mối đầu. Tuần-huờn không biết đâu là manh mối, đó là biểu-tượng của Thái-cực lúc chưa sanh ra (vị sanh xuất).Cái Đạo chưa sanh không làm sao mà thấy nó được. Thấy là thấy cái quẻ sanh ra kia. Đã sanh ra rồi mà nghịch vận trở lại thì cái chưa sanh tức còn ẩn ở trong đó. Cho nên theo ngôi vị của quẻ thì:
Quẻ Chấn có một dương ở bên trái, phía dưới
Quẻ Ly có 2 dương 1 âm, chính giữa, ở bên trái
Quẻ Đoài có hai dương ở bên trái gần trên;
Quẻ Kiền có 3 dương ở bên trái phía trên hết.

Kể theo thứ-tự thì: Kiền nhứt, Đoài nhị, Ly tam, Chấn tứ.
Theo ngôi vị của quẻ thì bắt đầu từ dưới đi lên, còn theo thứ-tự quẻ thì bắt đầu từ trên đi xuống. Đủ thấy ở trong nghịch có thuận, ở trong thuận có nghịch. Còn cái đi nghịch lại với Kiền nhứt, Đoài nhị, Ly tam, Chấn tứ đó là: Tốn ngũ, Khảm lục, Cấn thất, Khôn bát.

Trong Bát-quái Phục-Hi tuy có thuận có nghịch nhưng lúc nào cũng hợp nhau từng cặp âm dương: Kiền-Khôn, Khảm-Ly, Đoài-Cấn, Chấn-Tốn. Trong đồ Tiên-thiên đã đặt để rõ-ràng từng cặp đối nhau nhưng hòa nhau:
- Kiền hiệp Khôn (1+8=9) ngược lại Khôn hiệp Kiền.
- Đoài hiệp Cấn (2+7=9) và ngược lại
- Ly hiệp Khảm (3+6=9) và ngược lại
- Chấn hiệp Tốn (4+5=9) và ngược lại

Một khí đi thuận lên là khí dương của quẻ Chấn, Ly, Đoài, Kiền.
Một khí đi nghịch xuống là khí âm của quẻ Tốn, Khảm, Cấn, Khôn.
Dương thoái tức là âm sanh. Dương tiến tức là âm thoái.

Tóm lại âm dương chỉ có một khí biến-hóa chớ không phải ngoài một khí ra lại có âm dương riêng biệt. Nhưng cái máy sanh hóa (sanh cơ) của một khí đắc diệu là tại chữ nghịch đó. Duy có nghịch khí mới lại, nếu đi nghịch lại thì khí dương thâu-liễm qui-căn rồi cũng sanh lại như trước. Vậy cho nên hệ-từ tuyệt nơi nầy.

“Sổ vãng giả thuận, truy lai giả nghịch”. Nghĩa là đếm xét cái qua rồi là thuận, biết việc sẽ tới là nghịch. Vì cớ mà dịch tức là nghịch-số là thấy Tiên-thiên thái-dịch hoàn-toàn ở chỗ nghịch.

Ngôi-vị của “thuận sanh thứ-tự quẻ” nghịch sanh cái ý-tứ nầy thâm-thúy biết mấy. Chẳng những trong tám quẻ như thế mà trong bản đồ phương viên có 9 quẻ cũng y như thế.

Bản-đồ tròn thuộc về phép 8 quẻ phối-hợp nhau; phối-hợp nhau là một quẻ đấu mà vận-hành khí của 8 quẻ kia. Tám quẻ đẩy nhau mà vận hành khí của tất cả 64 quẻ, chớ không phải ngoài 8 quẻ ra riêng biệt có 64 quẻ khác nữa. 64 quẻ chẳng qua là 8 quẻ vận-dụng với nhau mà thành. Tám quẻ chỉ là một âm một dương vận dụng. Một âm một dương chỉ là một khí thuận nghịch vận dụng mà thôi.

Bản-đồ tròn, bản-đồ vuông cũng là khí-vận của tám quẻ. Dụng theo bản-đồ vuông thì:

Quẻ Kiền ở Tây-Bắc, Quẻ Tốn ở Đông-Nam là bởi Kiền nhứt, Đoài nhị, Ly tam, Chấn tứ, Tốn ngũ, Khảm lục, Cấn thất, Khôn bát là hành nghĩa là đi theo lối chẳng chánh. Hai bản-đồ thiệt là chẳng đồng nhau.

TRÒN tượng trời
VUÔNG tượng hình Đất.
Cái TRÊN là DƯƠNG làm Trời.
Cái DƯỚI là Âm làm Đất
  Home       1 ]  [ 2 ]  [ 3 ]  [ 4 ]  [ 5 ]  [ 6 ]  [ 7 ]  8 ] 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét