Dịch Lý Cao Đài . Q 1 - 5 / 8 (Nữ Soạn-giả Nguyên-Thủy)


Long-Mã chạy từ Đông sang Tây, đầu lại ngó ngoáy về Đông, có nghĩa rằng Đạo xuất phát từ Đông như Phật-đạo đã hai ngàn năm trăm năm giáo Đạo rồi; đồng thời truyền qua phương Tây. Thánh Chúa làm chủ tinh-thần nhân-loại đã hai ngàn năm. Nay giáp một chu-kỳ gọi là “Thiên địa tuần-huờn châu nhi phục thủy” nên Cao-Đài xuất hiện tức là khởi lại phương Đông là Việt-Nam ta ngày nay.

Đền-Thánh quay mặt về Đông với ý-nghĩa là đón nhận một nền Đạo Chánh-truyền từ Thượng-Đế: Bát-Quái-Đài ở hướng Đông; nhưng đường trở về của người tu là cõi Tây-phương Cực-lạc nên Hiệp-Thiên-Đài quay hướng Tây, hiệp hướng trên bản-đồ là vậy.

Hơn nữa, Long-Mã là con vật trong truyền thuyết để nói lên lý Đạo nhiệm-mầu. Long là vật biến-hóa, bay lên theo đường thẳng đứng, chỉ không-gian, thuộc dương. Mã là con ngựa, có sức khỏe, chạy nhanh vượt đường xa, mang chở nhiều vật nặng, theo đường ngang, là chỉ thời-gian, thuộc Âm. Con vật này thành hình chỉ duy nói lên không-gian và thời-gian mà thôi, là lý Âm Dương điều-hòa cả vũ-trụ, tức nhiên không ngoài hai chữ CÀN KHÔN, ấy là hình ảnh của chữ thập vậy.

Như thế để chứng tỏ rằng xưa nay nhân-loại chưa từng thấy con vật kỳ-quái này, mà nói rằng trên lưng nó lại có mang bản Hà-đồ, trên đó có 8 quẻ lạ-lùng nên mới gọi là “Bát-quái” tức là tám điều bí-ẩn, bởi nó biến-hóa, linh-thông, nhiệm-mầu, huyền-diệu quá; nhưng thật sự không phải con vật này linh thông, mà là trí của Đức Phục Hi quá linh-thông! Nhà Bác-học đầu tiên của nhân-loại!

Thuở ấy nhân-tâm còn bán khai nên Chí-Tôn mới mượn những người ở địa-cầu khác đến để mở-mang trí-hóa cho nhân-sinh mà thôi, nhưng không giảng-giải bằng phương-pháp cụ thể cho hiểu được mà phải lấy vật tổ này nọ để nói lên một lý Đạo siêu-mầu. Đáng lẽ phải gọi là Bát-tượng hay Bát-tướng mới đúng, nhưng gọi lâu thành quen, không thể sửa mới gọi là Bát-quái. Một bằng chứng cụ-thể:

6 - Việt-Nam giòng giống con Rồng cháu Tiên

Nay, cả giòng-giống Việt-Nam tự-hào là con Rồng cháu Tiên, thử hỏi có ai đã từng thấy Tiên hay thấy Rồng chưa? Nếu nói theo khoa-học thực-nghiệm thì cái gì thấy được, rờ được mới tin thì đây là vấn đề vô-lý thứ nhất.

Còn một vấn-đề vô lý thứ nhì nữa là hai người ở hai nơi khác nhau: Cha Rồng ở biển, Mẹ Tiên ở núi kết-hợp lại sinh ra một bọc trăm trứng, nở trăm con. Chia ra 50 theo Mẹ lên non, theo Cha 50 xuống biển. Hỏi vậy tại sao dân Việt-nam nói riêng, cả nhân-loại nói chung giờ này không thấy ai sanh trứng, mà chỉ sanh con, là do đâu? Nếu nói rằng hoang đường, mê-tín dị-đoan, sao không bỏ đi? Còn nếu nói rằng quá hay sao không giải-thích cho thỏa đáng để mọi người cùng công-nhận?

Đã đến lúc Đạo Cao-Đài phải phơi bày lý Âm Dương ấy:
Tức nhiên là do hợp số của Tiên-thiên và Hậu-thiên Bát-quái mà ra.
Bởi chỉ với 10 con số mà xưa nay dùng đã tự nó chia ra âm dương, về số Tiên-thiên thì:
Số lẻ là dương: 1, 3, 5, 7, 9. Cộng hết lại là: 1+3+5+7+9=25 (tổng số dương)
Số chẵn là âm: 2, 4, 6, 8, 10, cộng lại là 2+4+6+8+10=30 (tổng số âm)

Hiệp cả hai tổng-số này lại là: 25+30= 55 (còn gọi là cơ nhị ngũ. Hai số 5 liền nhau).Là tổng số của Tiên-thiên Bát-quái.

Nhưng khi qua Hậu-thiên Bát-quái thì chỉ có 9 con số. Nếu làm bài toán như trên để tìm tổng-số sẽ là:
Số lẻ là dương: 1, 3, 5, 7, 9 tổng cộng 1+3+5+7+9=25 (không đổi)
Số chẵn là âm (không có số 10): chỉ còn là 2+4+6+8=20

Hiệp hai tổng số lại là: 25+20= 45
(Lý do xin xem chương VIII nói về Tiên-thiên và Hậu-thiên Bát-quái)

Một lần nữa hiệp hai tổng-số của Tiên-thiên và Hậu-thiên Bát-quái: 55+ 45=100.

Con số 100 này chính là cái bọc 100 trứng, là “thai bào” mà Mẹ Âu-Cơ đã sản-sinh ra, tức là như lời Đức Chí-Tôn đã nói, là sự phối-hợp âm dương mà ra:

“Khi chưa có chi trong Càn-Khôn Thế-Giới thì Khí-Hư-Vô sanh ra có một Thầy và ngôi của Thầy là Thái-cực.

“Thầy phân Thái-cực ra Lưỡng-nghi, Lưỡng-nghi phân ra Tứ-tượng, Tứ-tượng biến ra Bát-quái, Bát-quái biến hóa vô cùng mới lập ra Càn-Khôn Thế-Giới. Thầy lại phân tánh Thầy mà sanh ra vạn-vật là: vật-chất, thảo-mộc, côn-trùng, thú cầm gọi là chúng-sanh”. (TNII/62)

Nay, Cao-Đài xác định là hai Đấng Cha Mẹ Thiêng-Liêng là Đức Chí-Tôn và Đức Phật-Mẫu mà Đạo Cao-Đài đã đặt trọn lòng tín-ngưỡng đó.

Quả thật hiện tại Cửu-Trùng-Đài đặt giữa Đền-Thánh, tức là giữa Bát-Quái-Đài và Hiệp-Thiên-Đài là đã tạo nên một chữ thập rồi.

Kế đến, Long-Mã phụ Hà-đồ đặt lên nóc của Nghinh-Phong-Đài có thanh-kiếm gát ngang là tạo nên một chữ thập thứ hai, ngay một tâm điểm, như vậy một biểu tượng Bát-quái đã thành hình tượng về cơ hữu-hình vậy.

Thử hỏi 50 con chia ra ấy nay đã đi đâu? Chính là Trung-thiên Bát-quái hay là Bát-quái Cao-Đài này, thể hiện bằng 50 Thiên-nhãn Thầy làm biểu-tượng trong toàn cả Đền-Thánh là:

- 23 Thiên-nhãn chung quanh cửa sổ của Đền, hai mặt trong và ngoài là (23x2)= 46 hiệp với 1 Thiên-nhãn nơi quả Càn-Khôn, 1 nơi Cung Đạo, 1 nơi Hiệp-Thiên-Đài và 1 nơi Thông-Thiên-Đài (đặt bên trong, tức là mặt sau của Thiên-nhãn này Tổng cộng là 50 Thiên-nhãn [(23x2)+1+1+1+1]=50.

Cả thảy có 50 Thiên-nhãn Thầy đã nói lên lý-do có Bát-quái Cao-Đài hay Bát-quái Đồ-thiên là như vậy. Chính Bát-quái này làm phương hướng cho người tu-hành trong buổi Tam-Kỳ, còn nơi định-vị phải có một Bát-quái vô-vi nữa, tức là Hư-vô Bát-quái. Kinh Phật-Mẫu đã xác-định “Hư-vô Bát-quái trị Thần qui-nguyên”.

Như vậy Đạo Cao-Đài có đến bốn Bát-quái, nghĩa là Đức Chí-Tôn đến lập thêm hai Bát-quái nữa để hoàn thành một nền văn-minh tinh-thần cho nhân-loại, mà trước đây hai Bát-quái kia đã làm nên nền tảng văn-minh vật-chất thật là ơn ích cho nhân-loại rồi, tức nhiên ta thấy trước kia có hai Bát-quái Tiên-thiên và Hậu-thiên xem như Lưỡng-nghi phân Tứ-tượng ở giai-đoạn đầu là thể-pháp; giờ đây thêm hai Bát-quái nữa tạo thêm một Tứ-tượng kế tiếp, hiệp chung mới hoàn-thành một Bát-quái hoàn-toàn! Tức nhiên vừa có văn-minh vật-chất vừa có văn-minh tinh-thần để bổ sung cho nhau, là cơ âm dương đã đến thời-kỳ hiệp nhứt.

Tức nhiên phương Tây đã dựng nên nền văn-minh vật-chất đến chỗ tuyệt-đối huy-hoàng, còn phương Đông từ trước đến giờ đã cống hiến nền văn-minh tinh-thần cho nhân-lọai rồi. Nay Đức Chí-Tôn đến dựng nên mối Đại-Đạo nầy để hoàn-thành một bước tiến mới trong nghĩa Đại Đồng để cho Đông-Tây hòa-hợp.
Thiên-nhãn chung quanh cửa sổ của Đền-Thánh

7 - Đông Tây hòa hợp
Lời nói của Đức Hộ-Pháp được lập lại lần nữa “Ta thường nói: Đông Tây không bao giờ gặp nhau. Câu đó không thể áp dụng được trong giới triết-học, tuy có đến hàng trăm đường lối khác nhau, nhưng chung qui cũng gồm về một mối.

“Lấy cái thực học Âu-Mỹ để so-sánh với thực-học Á-đông cân nhắc nhau thì phần nhiều cái học Á-đông bị lu mờ chỉ vì cách trình-bày, luận-lý không rõ-ràng. Còn về phần tinh-thần thì bao trùm được khắp võ-trụ như: Thiên-văn, Địa-lý, Dịch-lý mà ông cha ta vẫn cho là những môn học khó-khăn, huyền-diệu. Vì những lẽ trên ta thấy khó-khăn, khúc-chiết mà xếp đặt cái học thuyết ấy vào hàng tâm-truyền hay bí-truyền.

“Nhưng nếu ta lấy cái học-thuyết hiện tại của Âu Mỹ hoà với DỊCH-LÝ để giải cho rõ ta cảm thấy cái lý học Á-đông đã đến chỗ tuyệt đối huy-hoàng”.

Nay chúng ta nhìn đạo-giáo qua lăng-kính của khoa-học qua các phương-trình, công-thức toán-học, số học, vật-lý-học… thì dù các phương thức cúng lạy chỉ là một phép dưỡng-sinh cơ thể mà thôi; thì con đường về Thiên-đàng sẽ thành công cũng như các phi-hành-gia bay lên vũ-trụ, nhưng sự huy-hoàng có phần khác. Đời khác Đạo.

8 - Lễ Hội-Yến Diêu-Trì ngày 15 tháng 8
Thử nhìn sự sắp xếp bàn lễ Hội-Yến Diêu-Trì-Cung là đã gồm trọn trong Bát-quái Đồ-thiên, tức nhiên là các vị-trí của Phật-Mẫu và 9 vị Tiên dự: Đây là sự xếp đặt bàn Lễ Hội-Yến Diêu-Trì-Cung thường năm tổ-chức tại Tòa-Thánh Tây-Ninh, vào ngày 15 tháng 8 âm-lịch.

Bàn Hội-Yến cho ta một ý-niệm đây là buổi tiệc họp mặt giữa người vô-hình là Đức Phật-Mẫu và 9 vị Tiên-Nương cùng với 3 người hữu-hình là 3 ông CƯ, TẮC, SANG (sau là người của Hiệp-Thiên-Đài) tham dự là Hộ-Pháp ở giữa, Thượng-Phẩm bên tay mặt, Thượng-Sanh bên tay trái.

Buổi tiệc đầu tiên thì do Đức Chí-Tôn dạy thiết lễ này. Hôm ấy người hữu-hình chịu trách nhiệm đãi tiệc bằng thức ăn chay là Bà Hương-Hiếu (Hiền-nội của ông Cao-Quỳnh-Cư sau đắc phong Thượng-Phẩm) còn Bà, sau đắc phong Nữ Đầu-Sư chánh-vị. Khi xong tiệc thì cầu cơ mời Đức AĂÂ (tức là Đức Chí-Tôn) hỏi, thì Đức Ngài có cho biết là Ngài có mặt nhưng ẩn danh.

Vậy thì làm bài toán cọng: 9 vị Tiên-Nương và Phật-Mẫu là 10, 3 người hữu-hình là 13. Đức Chí-Tôn ẩn danh và Bà Hương-Hiếu thết đãi là 15 người tất cả.
Số 15 này là con số Ma-phương của Bát-quái Đồ-thiên đó vậy.

* Giá trị các con số bàn Hội-Yến:
Số của Trung-thiên-đồ:
Nhìn trên bàn Hội-Yến qua các con số, nếu ta cọng hàng ngang thì có số chung là 10. Số của thập Thiên-can. Mà có tới 5 tổng-số:
1+9=10, 2+8=10, 3+7=10, 4+6=10, 5+5=10
Năm bài toán như vậy là hoà số 5 của trời với 10 của đất tức là số (10x5) =50
50 tức là cơ hỗn-hợp càn-khôn biến tướng để tạo nên Bát-quái Cao-Đài, là Trung-thiên-đồ, cũng là Bát-quái Đồ-thiên, là hình ảnh của 50 Thiên-nhãn Thầy.

* Số Thập thiên can và Thập nhị địa chi
Kế đến lấy 9 (9 vị Tiên) + 3 (ba người sống) là 12 người cả thảy. Số 12 là con số thập nhị địa chi. Lấy số 10 ở trên là số thập thiên can thêm vào để làm thành cặp âm dương định cho giờ, ngày, tháng, năm... cả đến hội, vận, thế, mà người Đông-phương đều xử-dụng.

Thập thiên-can là 10 can: Giáp, Ất, Bính, Đinh, Mậu, Kỷ, Canh, Tân, Nhâm, Quí.
Thập nhị địa chi: Tý, Sửu, Dần, Mẹo, Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi.

Người Đông-phương rất quan-trọng về sự phối-hợp can chi này trong cách tính ngày, giờ. Thí-dụ: Giáp-Tý, Ất-Sửu, Bính-Dần… Kinh Phật Mẫu có câu:
“Thập Thiên can bao-hàm vạn tượng,
“Tùng Địa chi hóa trưởng càn-khôn.
“Trùng huờn phục vị Thiên-môn,
“Nguơn-linh, Hóa chủng, quỉ hồn nhứt thăng."

*  “12 mụ Bà, 13 Đức Thầy”
Người Việt-Nam ta khi cúng thôi-nôi cho đứa bé thường vái “12 mụ Bà, 13 Đức Thầy” là đây. Bởi 12 vị trong Bàn hội-Yến là “nguồn gốc” sản-sanh con người, còn Phật-Mẫu là người Mẹ Thiêng-Liêng đó vậy. Tức nhiên 9 Tiên-Nương là 9 Đấng Nữ Tiên nơi Diêu-Trì-Cung + 3 người sống là ba ông Cư, Tắc, Sang là tượng cho Tinh, Khí, Thần của người hiệp nhứt thành số 12, gọi 12 Mụ Bà.

Nhưng người được thành hình do thụ Tinh cha trong cái khởi thuỷ, nên lúc ấy Đức Chí-Tôn nói rằng: ẩn danh là lý do ấy. Cọng 12 và 1 là 13, gọi là 13 Đức Thầy là thế.

Hội-Yến Diêu-Trì-Cung là gì?
Đức Hộ-Pháp giải thích rằng “Cả thảy con cái Đức Chí-Tôn đều biết, chúng ta tu cốt-yếu mong-mỏi một điều trọng-yếu hơn hết là đoạt cho đặng cơ giải-thoát hay là có phương thế trở lại cựu vị thiêng-liêng của chúng ta và các phẩm chơn-hồn trong càn-khôn vũ-trụ. Đức Chí-Tôn đã lấy quyền cho Phật-Mẫu đào-tạo tám phẩm chơn-hồn tức là chơn-hồn vật-chất, thảo-mộc, thú cầm, nhơn-loại, Thần, Thánh, Tiên, Phật. Trong tám phẩm chơn-hồn ấy xuất hiện nơi Kim-Bàn do theo luật thiêng-liêng của Đức Chí-Tôn đã định thì họ phải từ từ tăng tiến mãi, cái luật tăng tiến ấy nó buộc ta mỗi kiếp sanh đều kiếm phương tu, đặng chi? Đặng tạo thiêng-liêng-vị cho chúng ta, các đẳng chơn-hồn ấy khi đoạt đến nhơn-phẩm rồi chia ra hai phẩm hồn đặc biệt:
- Ở trong vật-loại tăng tiến lên đoạt nhơn phẩm của mình gọi là hóa-nhân.
- Các chơn-hồn ở trong Kim-Bàn đã xuất hiện với địa-vị nhơn-phẩm của mình là nguyên-nhân.

Hai phẩm hồn ấy nếu không noi theo đạo đức đặng từ từ bước lên đường Thánh-Đức của mình đặng đoạt cho tới địa-vị cuối cùng là Phật vị, lại làm tội-lỗi thì phải sa vào địa-vị Quỉ-vị.
Ấy vậy phần người có nguyên-nhân, hóa-nhân, quỉ-nhân.

Hại thay! Một trăm ức nguyên-nhân do Đức Chí-Tôn đã để lại mặt thế này đặng làm bạn với các đẳng chơn-hồn trong vạn-linh sanh-chúng của Ngài đã đào-tạo thì Phật-vị có 6 ức, Tiên-vị có 2 ức, còn 92 ức nguyên-nhân bị đọa trần.

Từ ngày Đạo bị bế họ có lắm công tu mà thành thì không thành. Tội nghiệp thay! Vì 92 ức nguyên-nhân ấy mà chính mình Đức Chí-Tôn phải giáng trần lập nền chơn-giáo của Ngài, chúng ta đã ngó thấy cái Thánh-ân, đặc biệt hơn hết là Đức Chí-Tôn đã thấy rõ rằng: các nguyên-nhân ấy không phương gì tự giải-thoát đặng, vì quá tội tình, quá mê-luyến hồng-trần, hoặc đào tạo quả kiếp nặng-nề quá đỗi. Vì cớ cho nên tu thì có tu mà thành thì không có thành, tức nhiên từ ngày Đạo bế, thì cơ siêu-thoát đã mất tại mặt thế này, chính mình Đức Chí-Tôn biết rằng không thế gì các nguyên-nhân tự mình đoạt cơ giải-thoát đặng.

Hôm nay Ngài đến lập nền chơn-giáo của Ngài, chúng ta đã ngó thấy lòng yêu-ái vô tận của Ngài là thế nào? Chúng ta thử suy-đoán: không ai nói cho mình nghe hơn Mẹ của mình, không ai dạy-dỗ mình có oai-quyền hơn Mẹ của mình, cái tình-trạng ấy đối với mặt thế chúng ta thế nào thì cái quyền-năng nơi cõi Thiêng-Liêng Hằng-Sống như in, không có mảy-may chi khác.

Ngài lập giáo rồi còn một nỗi là kêu nó không đến. Ngài dạy mà không biết chi, chính mình Ngài đã nhiều lần hạ trần lập Đạo, mà 92 ức nguyên-nhân vẫn đui và điếc mà thôi, không biết để chung vào lòng yêu-ái vô tận của Ngài đặng hưởng cái hạnh-phúc vô biên của Ngài đã đào tạo. Vì cớ cho nên Đức Chí-Tôn giao cho Đức Phật Mẫu và Bần-Đạo đã thuyết-minh là Người nắm quyền tạo-hóa của càn-khôn vũ-trụ hữu-hình trong tay, tức là Đức Phật-Mẫu, có thể nói vào xác thịt của chúng ta để cho chúng ta nghe lời nói tinh-thần thiêng-liêng của Đức Chí-Tôn, lời nói mà từ trước tới giờ chúng ta không thế gì nghe được, nhưng Đức Chí-Tôn giao cho Đức Phật Mẫu cơ-quan siêu thoát ấy, phải làm thế nào đặng tận-độ 92 ức nguyên-nhân trở về cựu-vị.

Muốn cho đoạt đặng bí-pháp siêu thoát ấy, chúng ta ngó thấy Đức Phật-Mẫu đã làm gì?
Đức Chí-Tôn giao cho Đức Phật-Mẫu nắm quyền-hành để rước hết những chơn-hồn khi đã đoạt pháp, tức nhiên đoạt cơ siêu thoát, lập vị mình đặng vào cái địa-vị thiêng-liêng, đoạt đặng thì phải về Hội-Yến cùng Đức Phật-Mẫu. Lễ Diêu-Trì-Cung Hội-Yến mà người ta gọi là Hội, nhưng thật ra chúng ta về hội-hiệp vui cùng Mẹ Sanh của chúng ta đó vậy.

Đạo-Pháp gọi là Hội-Yến Diêu-Trì tức nhiên chúng ta đã đoạt đặng cơ siêu thoát nơi cõi Thiêng-Liêng Hằng-Sống kia, chưa biết nếu chúng ta không tu thì con đường ấy là gì mà chớ?

Chính mình Đức Chí-Tôn biểu Đức Phật Mẫu tức nhiên Mẹ sanh của chúng ta cầm cả quyền-năng giải-thoát trong tay đến lập Hội-Yến Diêu-Trì tại mặt thế này và cả con cái của Ngài, nhứt là 92 ức nguyên-nhân ấy. Nếu nhập vào cửa Đạo tùng theo chơn-pháp thì đặng hồng-ân của Đức Chí-Tôn cho hưởng cái bí-pháp Diêu-Trì tại thế này, cái cơ siêu thoát thiên-hạ đã đoạt nơi tay họ sẵn, tức nhiên giờ phút cuối cùng này là giờ phút hứng thú, giờ phút chết của họ thì họ đoạt vị một cách dễ-dàng ngôi-vị vào cơ-quan siêu thoát. Đức Chí-Tôn đã cho không họ đó vậy!

Nhờ đó mà cơ-quan tận-độ vạn-linh của Đức Chí-Tôn đã lập lại tại thế này, từ đây sẽ mở rộng cửa Thiêng-Liêng Hằng-Sống đặng đến gom góp cả con cái của Ngài, trở về Hội hiệp một cùng Ngài, bí-pháp Hội-Yến Diêu-Trì là vậy đó.” (ĐHP Thuyết tháng 8 Tân-Mão)

Sự diệu-mầu của lễ Hội-Yến có liên-quan đến Bát-quái Đồ-thiên và Thập-Nhị Thời-Quân như sau:

9 - Bát-quái Đồ-thiên nghịch chuyển
* Người đời như ba nguyên-lý của vật thể mà đường Đạo là con đường trở về, cho nên người tu phải biết quày chân trở lại.

Người sống trong vũ-trụ này không khác nào ba nguyên-lý của vật thể, chẳng hạng như NƯỚC.

- Bình thường nước ở trạng-thái thể lỏng, như nước trong sông rạch cứ luân-lưu đổ mãi ra biển cả, hoặc cứ theo dòng thủy-triều lên xuống. Người sống trong đời ví như nước ròng, nước lớn; cứ mãi lặn hụp trong vòng tử sanh, sanh tử, biết đến bao giờ mới đoạn hết trái căn? Giải-thoát kiếp luân-hồi, oan-nghiệt?

- Kế đến là nước đóng băng, lạnh giá, đứng dừng một chỗ, có khác nào người sống mà chịu cảnh tội tù. Nơi trần thế có địa-ngục trần-gian thì cõi vô-hình cũng có địa ngục vậy, để phạt người sai trái, những hồn vô căn, vô kiếp, căn quả buộc ràng tránh đâu cho khỏi luật quả báo muôn đời. Đó là vì không biết tu sửa bản tâm mình.

- Sau cùng là nước bốc hơi thành mây bay bảng-lảng khắp bốn phương trời, nguồn của nước là núi cao trời rộng. Nhưng muốn nước bốc hơi phải chịu dưới sức nóng cao độ. Người muốn vượt từng không để về đến cõi hư-vô tịch diệt thì cũng phải chịu sự kiên trì tu tâm sửa tánh, mới tạo Tiên tác Phật được, là phải quày đầu.

Thế nên Bát-quái Đồ-thiên phải chuyển nghịch lại với Bát-quái Hậu-thiên, tức là vận hành theo chiều nghịch với chiều kim đồng-hồ.

            Thi văn dạy Đạo rằng:
“Bay đến Hồ Dương phụng gáy chiều,
“Thần Tiên giáng thế biết bao nhiêu.
“Trở chân ít kẻ lo đi ngược,
“Bước đọa xem qua lắm dập-dìu."

Bởi “Tu hành vẫn trái với thế tục, mà trái với thế tục mới đặng gần ánh thiêng-liêng”.
Như trước đây đã nói lễ Hội-Yến Diêu-Trì-Cung có liên-quan đến Thập-Nhị Thời-Quân.
Vậy sự liên-quan như thế nào giữa Lễ Hội-Yến Diêu-Trì-Cung và Thập-Nhị Thời-Quân?

B - THẬP-NHỊ THỜI-QUÂN là gì?

Là mười hai vị Thánh bên Hiệp-Thiên-Đài dưới quyền các vị Hộ-Pháp, Thượng-Phẩm, Thượng-Sanh chưởng-quản.
“Thập-Nhị Thời-Quân đối với Thập-Nhị Thời-Thần. Các chơn-linh đến bực nào cũng phải do nơi ấy mà xuất hiện, như Thầy nắm trọn Thập-Nhị Thời-Thần vào tay rồi mới khai thiên lập địa. “Thiên khai ư Tý. Địa tịch ư Sửu. Nhơn sanh ư Dần”.

Các chơn-linh dầu nguyên-nhân hay là Hóa-nhân, hễ chịu hữu-sanh thì đều nơi tay Thập-Nhị Thời-Quân mà siêu đọa, cũng như Thần, Thánh, Tiên, Phật nhờ Thập-Nhị Thời-Thần mà thăng giáng.

Thập-Nhị Thời-Quân tức là Thập-Nhị Thời-Thần tại thế đó vậy. Thập-Nhị Thời-Quân chia ra làm ba chi: Pháp, Đạo, Thế. Pháp-Chánh-Truyền dạy:

* HỘ-PHÁP chưởng-quản về Pháp (chi Pháp) dưới quyền có 4 người:
Hậu là Bảo-Pháp là Bảo-Pháp Nguyễn-Trung-Hậu
Đức là Hiến-Pháp là Hiến-Pháp Trương-Hữu-Đức
Nghĩa là Khai-Pháp là Khai-Pháp Trần-Duy-Nghĩa
Tràng là Tiếp-Pháp là Tiếp-Pháp Trương-Văn-Tràng
Chi PHÁP lo bảo-hộ luật Đạo và luật đời, chẳng ai qua luật mà Hiệp-Thiên-Đài không biết.

* THƯỢNG-PHẨM lo về phần Đạo (chi Đạo) dưới quyền có 4 người:
Chương là Bảo-Đạo là Bảo-Đạo Ca-Minh-Chương
Tươi là Hiến-Đạo là Hiến-Đạo Phạm-Văn-Tươi.
Đãi là Khai-Đạo là Khai-Đạo Phạm-Tấn-Đãi
Trọng là Tiếp-Đạo là Tiếp-Đạo Cao-Đức-Trọng
Chi Đạo lo về phần Đạo nơi Tịnh-Thất, mấy Thánh-Thất, đều xem-xét chư Môn-đệ Thầy, binh-vực chẳng cho ai phạm luật đến khắc-khổ cho đặng.

* THƯỢNG-SANH thì lo về phần đời (chi Thế), dưới quyền có 4 người:
Bảo-Thế thì Phước là Bảo-Thế Lê-Thiện-Phước
Hiến-Thế thì Mạnh là Hiến-Thế Nguyễn-Văn-Mạnh
Khai-Thế thì Thâu là Khai-Thế Thái-Văn-Thâu
Tiếp-Thế thì Vĩnh là Tiếp-Thế Lê-Thế-Vĩnh

Xem cách Thầy ban Pháp-Chánh-Truyền như trên cũng đã thấy cái lý âm dương trong ba Chi rồi vậy. Hai chi Pháp và Đạo (thuộc về Đạo) thì Thầy đặt tên các vị ở trước, đặt phẩm-tước sau, chỉ duy chi Thế là Đời, nên đặt tước-phẩm ở trước và tên các vị ở sau.

Ấy là ngay trong một cơ-quan cũng phải đủ lý âm dương tương-hiệp. Có nghĩa rằng Đạo thì lo tô-bồi Nhơn-tước để khi đến với Đại-Đạo thật sự chỉ là một sự hợp-thức-hóa, mượn Thiên-tước làm con đường trở về mà thôi.

Còn Đời trọng cái Thiên-tước mà ít khi trau-giồi Nhơn-tước, tức là không lo trau cái tâm, sửa cái tánh. Đến khi có được Thiên-tước thì giống như hữu danh vô thực, chớ thực tài không có, như lời tiên-tri của Đức Nguyệt-Tâm rằng:
“Chức-sắc chuộng quyền hơn chuộng Đạo,
“Nhân-sanh lo cốt chẳng lo bì.
“Mão cao dễ rớt nên thành nhác,
“Cổ ngắn khó kêu phải hóa lì…”

Một sự nhắc-nhở sâu xa của thiêng-liêng vậy!
Thầy dạy “Thầy khuyên các con lấy tánh vô tư mà hành-đạo. Thầy cho các con biết: Hễ trọng quyền ắt có trọng phạt”.

Đức Hộ-Pháp nói “Còn nhứt Phật, nhị Tiên, thập-nhị Thánh tại Hiệp-Thiên-Đài thì là các Đấng hầu-hạ bên Thầy lúc trước, nay tuy xuống thế cũng cứ giữ phận hầu Thầy mà thôi”.

12 vị Thời-quân đây là thuộc về cơ-quan Hiệp-Thiên-Đài, là một trong ba cơ-quan trọng yếu của nền Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ. Bởi:
“Hiệp-Thiên-Đài là nơi chuyên về Đạo pháp, bảo-hộ luật đời và luật Đạo, như Ngọc-Hư Cung nắm Thiên-Điều tức là Ngọc-Hư-Cung tại thế mà Hộ-Pháp chưởng-quản.

“Hiệp-Thiên-Đài là cửa Trời đó vậy. Hiệp là chung với, Thiên là trời; hiệp cùng Trời tức là cửa vào đường trời, cái thang bắc cho phàm đến cùng Trời. Trong Hiệp-Thiên-Đài có Hộ-Pháp, Thượng-Phẩm, Thượng-Sanh” như đã nói trên.

Ngày khai Đại-Đạo tại Từ-Lâm-Tự (tức là chùa Gò-Kén, Tây-Ninh) khởi ngày 15 tháng 10 năm Bính-Dần (dl 19-11-1926) Thầy ban Pháp-Chánh-Truyền cho Cửu-Trùng-Đài trước.

Qua ngày 12 tháng 1 năm Đinh-Mão Đức Chí-Tôn mới lập Pháp-Chánh-Truyền Hiệp-Thiên-Đài phong các vị có tên như trên vào phẩm Thập-Nhị Thời-Quân.

Xin liệt kê danh sách tất cả 15 vị thuộc cơ-quan Hiệp-Thiên-Đài, như sau:

* Tam đầu chế Hiệp-Thiên-Đài
(xếp tuổi tác theo thứ-tự của 12 con Giáp)
Thượng-Phẩm
Fr: Chef du Domaine Spirituel
Chưởng-Quản Chi Đạo
Thế danh: Cao-Quỳnh-Cư (1888-1929)
Ngày sinh: năm Mậu-Tý 1888
Ngày qui: 1-3 Quí-Tỵ (1929)
Thọ 42 tuổi.

Thượng-Sanh
Fr: Chef du Domaine Temporel
Chưởng-Quản Chi Thế
Thế danh: Cao-Hoài-Sang (1901-1971)
Ngày  sinh: năm Tân-Sửu (1901)
Ngày  qui: 26-3 Tân-Hợi (1971)
Thọ 70 tuổi.
Hiệu: Huệ-Giác, Thanh-Thủy

Hộ-Pháp
Fr: Chef suprême du Temple de l’Alliance Divine
Chưởng-Quản Hiệp-Thiên-Đài kiêm Chưởng-Quản Chi Pháp.
Thế danh: Phạm-Công-Tắc (1890-1959)
Ngày sanh: 5-5 Canh-Dần.
Ngày qui: 10- 4 Kỷ-Hợi.
Thọ 70 tuổi.
Hiệu ÁI-DÂN
Giáo-chủ Đạo Cao-Đài, Đức Hộ-Pháp là vị Giáo-chủ Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ “Chưởng-Quản Nhị Hữu-Hình-Đài”

Thập-Nhị Thời-Quân ứng với Thập-Nhị Thời-Thần, tức là tuổi 12 vị này ứng với 12 con Giáp là: Tý, Sửu, Dần, Mẹo, Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi.

Tuy tuổi tác các vị lớn nhỏ khác nhau, nhưng đặc biệt không ai trùng tuổi với ai tất cả; xếp theo thứ-tự 12 chi là:
Khai-Pháp
Fr: Réformateur Juridique
Thế danh: Trần-Duy-Nghĩa (1888-1954)
Ngày sinh: 17-8 Mậu-Tý (1888)
Ngày qui 22-1 Giáp-Ngọ (1954)
Thọ 66 Tuổi

Khai-Đạo
Fr: Réformateur Religieux
Thế danh: Phạm-Tấn-Đãi (1901-1976)
Ngày sinh 22-7 Tân-Sửu. (1901)
Ngày qui 19-2 Bính-Thìn (19-3-1976)
        
Hiến-Pháp
Fr: Rénovateur Juridique
Thế danh: Trương-Hữu-Đức (1890-1975)
Ngày sinh 2-2 Canh-Dần (1890)
Ngày qui 15-12 Ất-Mão
Thọ 85 Tuổi

Tiếp-Thế
Fr: Législateur Temporel
Thế danh: Lê-Thế-Vĩnh
Sinh năm: Quí-Mão (1903)
Ngày qui: bị mất tích, không biết ngày qui.
          
Bảo-Pháp
Fr: Conservateur Juridique
Thế danh: Nguyễn-Trung-Hậu (1892-1961)
Ngày sinh Nhâm-Thìn (1892)
Ngày qui: 7-9 Tân-Sửu (1961)

Tiếp-Pháp
Fr: Législateur Juridique
Thế danh: Trương-Văn-Tràng (1893-1965)
Ngày sinh: 25-10 Quí-Tỵ (1893)
Ngày qui: 15-1 Ất-Tỵ (1965)
Thọ 63 Tuổi

Hiến-Thế
Fr: Rénovateur Temporel
Thế danh: Nguyễn-Văn-Mạnh (1894-1970)
Ngày sinh: Giáp-Ngọ (1894)
Ngày qui: 15-1 Canh-Tuất
Thọ 76 Tuổi

Bảo-Thế
Fr: Conservateur Temporel
Thế danh: Lê-Thiện-Phước (1895-1975)
Ngày sinh: Ất-Mùi (1895)
Ngày qui:17-3-Ất-Mão (1975)
Thọ 80 Tuổi
Hiến-Đạo
Fr: Rénovateur Religieux
Thế danh: Phạm-Văn-Tươi (1896-1976)
Ngày sinh: Bính-Thân (1896)
Ngày qui: 8-4 Bính-Thìn (1976)
Thọ 80 Tuổi
Hiệu: Lạc-Nhân

Tiếp-Đạo
Fr: Législateur Religieux
Thế danh: Cao-Đức-Trọng (1897-1958)
Ngày sinh: 20-10 Đinh-Dậu (1897)
Ngày qui: 23-5 Mậu-Tuất (1958)
Thọ 61 Tuổi

Bảo-Đạo
Fr: Conservateur Religieur
Thế danh: Ca-Minh-Chương (1874-1928)
Ngày sinh: Giáp-Tuất (1874)
Ngày qui: 19-10 Mậu-Thìn (1928)
Thọ 54 Tuổi

Khai-Thế
Fr: Réformateur Temporel
Thế danh: Thái-Văn-Thâu (1899-1981)
Ngày sinh: Kỷ-Hợi (1899)
Ngày qui: 2-6 Tân-Dậu (1981)
Thọ 92 Tuổi

Trong số 12 Thời-quân thì người lớn tuổi nhất là Ngài Bảo-Đạo Ca-Minh-Chương tuổi Giáp-Tuất (1874), Ngài đứng đầu mang chữ Giáp, Giáp là chủ.

Người nhỏ nhất là Tiếp-Thế Lê-Thế-Vĩnh tuổi Quí-Mão (1903) đứng cuối hàng Thiên-can mang chữ Quí.

Về Thập nhị địa chi thì Pháp là khai, nên Khai-Pháp Trần-Duy-Nghĩa đứng đầu tuổi Tý (Mậu-Tý), Khai-Thế Thái-Văn-Thâu tuổi Hợi (Kỷ Hợi), đứng cuối hàng địa chi (Hợi)
Về phép Thiên can chuyển hóa Hiến-Thế là Giáp, Tiếp-Thế là Quí.
Về phép thu-liễm của Địa chi Khai-Pháp là Tý, Khai-Thế là Hợi.

Về mặt siêu hình Đạo biến sinh ra Pháp, còn về mặt hữu-vi mỗi cái chi có trật-tự, có định-vị tức là Pháp trị, Đạo ở giữa đó là Phật.

C - THẬP-NHỊ THỜI-QUÂN
ứng với THẬP-NHỊ THỜI-THẦN

Xem đồ hình thấy có đủ Thập-Nhị Thời-Quân ứng với 12 con giáp, tức là tuổi của các vị này ứng với Thập-Nhị Thời-Thần. Bát-quái Đồ-thiên vẫn có đủ số 15 là hình-ảnh của 15 vị trong cơ-quan Hiệp-Thiên-Đài.

Xem như trên thì Tam đầu chế Hiệp-Thiên-Đài tức là ba vị Thượng-Phẩm, Thượng-Sanh, Hộ-Pháp có tuổi lần-lượt là Tý, Sửu, Dần; tức là đứng đầu ba con giáp. Trong 12 vị Thời-quân cũng vậy, có ba vị: Khai-Pháp (Tý), Khai-Đạo (Sửu), Hiến-Pháp (Dần) cũng đứng đầu ba con giáp, tạo thành Tam âm, tam dương để điều-hòa máy âm dương của trời đất. Tuổi tác các vị này quan-hệ đối với cơ Đạo cũng như thời-tiết bốn mùa trong một năm vậy. Tất nhiên rất trọng-yếu.

1 - Pháp-Chánh-Truyền Hiệp-Thiên-Đài định
“Trong Pháp-Chánh-Truyền Chí-Tôn lập Hội-Thánh Cửu-Trùng-Đài, Hội-Thánh Hiệp-Thiên-Đài, mà trước khi Chí-Tôn đến gieo truyền mối Đạo là Thiên-điều đã định mở cửa Thập-Nhị Khai-Thiên đặng đem cơ cứu khổ để tại mặt thế-gian này mà cứu vớt toàn cả Cửu nhị ức nguyên-nhân, con cái của Ngài, Chí-Tôn giao phó cho Hiệp-Thiên-Đài, mà trong Chức-sắc Hiệp-Thiên-Đài có 15 người (kể luôn (HP) Hộ-Pháp, (TP) Thượng-Phẩm, (TS) Thượng-Sanh ở tam-giác trong cùng.

Hơn nữa khi Chí-Tôn đến:
“Lập Pháp-Chánh-Truyền giao cho Hiệp-Thiên-Đài gìn-giữ trong đó có diệu-pháp của Chí-Tôn đến lập vị cho con cái của Người tại thế-gian này. Ngài mượn xác thịt của con cái Ngài tổng hợp lại cho có trật-tự, có đẳng-cấp tức nhiên là lập Thánh-thể của Ngài; các phẩm-trật có liên quan với các phần-tử, tức nhiên Hội-Thánh tổng hợp lại là Thánh-thể của Ngài, mà hễ đạt quyền được tức nhiên về với Ngài được.

Ấy vậy, Pháp-Chánh Hiệp-Thiên là phương định vị, lập quyền đặng hiệp một con cái của Chí-Tôn cùng Chí-Tôn vậy”.

“Hiệp-Thiên-Đài là hình-trạng của Ngọc Hư-Cung tại thế, ấy là cửa mở cho các chơn-linh vào đặng đi đến Tam-Thập-Lục-Thiên, Cực-Lạc-Thế-Giới và Bạch-Ngọc-Kinh là nơi chúng ta hội-hiệp cùng Thầy hay là chỗ ải địa đầu ngăn cản các chơn-linh chẳng cho xâm-phạm đến đường Tiên nẻo Phật.

Lòng từ-bi của Thầy để cho có kẻ rước là Thượng-Sanh, người đưa là Thượng-Phẩm và người dẫn nẻo mở đường cứu độ là Hộ-Pháp đặng đem cả con cái của Thầy về giao lại cho Thầy, kẻo Thầy hằng ngày trông đợi.

Còn luận theo tính chất thì nó là một cái Tòa lựa chọn người lương-sanh đem vào hiệp làm một với Cửu-Trùng-Đài, lập vị cho cả Tín-đồ; phần xác phù-hợp với phần thiêng-liêng, un-đúc giữ-gìn cho các lương-sanh ấy nhớ cựu-phẩm mình hầu buổi chung-qui Hộ-Pháp mở cửa Bát-Quái-Đài đem tên tuổi ấy vào thờ cùng chư Thần, Thánh, Tiên, Phật cho xứng phận.
Hễ Đạo còn ắt tên tuổi cũng còn, cái cơ đắc Đạo tại thế cũng do nơi ấy vậy”.

2 . Chơn-pháp của Đại-Đạo
“Theo Chơn-pháp của Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ thì mọi cơ-cấu nơi cõi vô-hình đều có cơ-cấu hữu-hình đối tượng của Đạo nơi mặt thế.

- Ở cõi thiêng-liêng có Cửu-Thiên Khai-Hóa thì trong cửa Đạo Cao-Đài có đối tượng hữu-vi là Cửu-Trùng-Đài.

- Còn ở vô-hình có cơ-cấu tạo ra cung Trời là Thập-Nhị Khai-Thiên, tức là Thập-Nhị Thời-Thần, thì ở cửa Đạo Cao-Đài có đối tượng hữu vi là Thập-Nhị Thời-Quân.

Còn nói về Hội-Yến Bàn-Đào thì ở vô-hình Diêu-Trì-Cung mỗi năm đến mùa đào chín, Đức Diêu-Trì Kim-Mẫu tức là Đức Phật-Mẫu mở lễ Hội-Yến Bàn-Đào có tất cả chư Phật, chư Tiên ở các nơi đều về chầu Lễ, được ăn một quả đào Tiên sẽ đặng trường sanh bất tử; thì ở cửa Đạo Cao-Đài cũng có tổ-chức một cuộc lễ hữu-vi đối-tượng tại Đền Thờ Phật-Mẫu ở Tòa-Thánh Tây-Ninh cho cả Chức-sắc Thiên-phong và toàn Đạo ở các nơi về dự; nhứt là Chức-sắc Hiệp-Thiên-Đài đều về chầu Lễ để hưởng hồng-ân điển-lực của Đức Phật-Mẫu ban cho.

3 - Hỏi: tại sao có mặt Thập-Nhị Thời-Quân dự bồi tửu trong Bàn Hội-Yến?
- “Nơi cõi vô-hình phải có Thập-Nhị Khai-Thiên tức là Thập-Nhị Thời-Thần phối-hợp nhau để tạo nên cung Trời, thì ở mặt thế này đối-tượng của Thập-Nhị Khai-Thiên là Thập-Nhị Thời-Quân cũng phải phối-hợp cùng nhau để giúp tạo thành hình tướng của Đạo Cao-Đài. Vì đó mà Thập-Nhị Thời-Quân mới có mặt bồi tửu trong buổi Lễ Hội-Yến.

Bên Cửu-Trùng-Đài là hình ảnh Cửu-Thiên Khai-Hóa, mà nơi cõi vô-hình thì Cửu-Thiên Khai-Hóa chỉ là sự phân chia đẳng-cấp của cơ Trời; còn về phần hữu-hình thì Cửu-Trùng-Đài cũng chỉ là phận-sự chia đẳng cấp trong cửa Đạo mà thôi.

Nếu bên vô-hình Cửu-Thiên Khai-Hóa không dự phần phối-hợp để tạo ra cung trời, thì trong đối-tượng về phần hữu-hình cũng không có dự phần phối-hợp để giúp tạo thành hình tướng của Đạo Cao-Đài.

Vì những nguyên-nhân trên đây mà Chức-sắc Cửu-Trùng-Đài không có dự vào việc bồi tửu trong lễ Hội-Yến Diêu-Trì-Cung, lễ này đặc biệt thuộc phần tổ-chức của Hiệp-Thiên-Đài.

… Ngày ấy là ngày vui cho sự trường-tồn vĩnh-cữu của cõi trời, ngược lại cảnh đào-độn của Tam-Thập-Lục-Thiên. Thứ nhất cũng là ngày vui cho sự trường-tồn, vĩnh-cữu của Đạo Cao-Đài đến thất ức niên.

Thập-Nhị Thời-Quân chính là Thập-Nhị Thời-Thần nên số tuổi của các Ngài thể hiện con số thập nhị Địa chi của Đạo trời, vì vậy mà tuổi của 12 vị Thời-quân mỗi người đứng đầu một con giáp không ai trùng hợp với ai mà lại còn có sự đặt định một cách khít-khao, huyền nhiệm vô cùng.

Đức Hộ-Pháp có giải:

“Cả toàn Thánh-thể và con cái Đức Chí-Tôn đều hiểu: Trong 12 vị Thời-quân của 12 con giáp là cơ huyền-bí tạo càn-khôn vũ-trụ thế nào có lẽ cả tinh-thần của toàn thể con cái Đức Chí-Tôn đều hiểu thấu”.

4 - Quả đào Tiên của Phật-Mẫu
Truyền thuyết cho rằng trên Thiên-cung Phật-Mẫu có vườn Đào, phải đến 3.000 năm đào mới trổ hoa, 3.000 năm sau đào mới kết trái, 3.000 năm sau nữa đào mới chín.

Nếu chỉ tính về con số cộng cả thảy từ khi đào ra hoa đến khi đào chín phải mất đến 9.000 năm, thì lâu quá, có lẽ chẳng ai hưởng được bao giờ, nhưng Đạo là lý. Phải lấy lý mà suy xét vậy.

Bởi Đạo cốt yếu là do âm dương phối-hợp mà sanh biến ra, “nhứt âm nhứt dương chi vị Đạo”, nhưng cái âm dương của Đạo đều biểu tượng bằng hai quẻ càn-khôn mà ra. Nhìn vào quẻ càn thấy có 3 nét liền, quẻ khôn có 6 nét đứt, số nét của khôn gấp đôi lần số nét của quẻ càn. Nhưng trên nguyên-tắc là lấy âm bao dương, bởi âm thì có tính ngưng tụ, còn tính của dương thì tán, nghĩa là đi ra, cho nên sự tồn tinh dưỡng khí là lấy âm bao dương, có hình ảnh trên đây; nghĩa là chia hai quẻ khôn ra, mỗi nửa của quẻ Khôn đặt hai bên quẻ càn. Càn đặt ở giữa mới thành ra có đến 3 lần số 3 nét, đã đều nhau, giống như 3 phẩm-cấp Cửu-Trùng-Đài.

Như vậy, người tu theo đạo Cao-Đài cũng phải qua ba cấp: Tiên-vị, Thánh-vị, Thần-vị, mà mỗi cấp như vậy phải tạo cho đủ ba ngàn công quả, ấy là vô kỷ (0), vô công (0), vô danh (0). Qua ba phẩm cấp như thế là được con số 9.000 của quả Đào Tiên của Phật-Mẫu, chính là đạt Đạo.
Nếu tính từ trên xuống, Thánh-thể Đức Chí-Tôn qua ba cấp, phải lập 3 con số 0.
Ba ngàn công-quả đây là nói lý; nghĩa là người tu-hành phải chân-thật:
- Tức nhiên tu là biết quên mình, là tạo được một số không (0).
- Tu mà không tham công, không tính-toán, là tạo được một số không (0).
- Tu mà chẳng ham danh-lợi cho mình, là tạo được một số không (0).

Ba con số không xếp liền nhau 000, đặt số 3 phía trước thành ra 3.000 công-quả vậy.
Nhà Phật nói: Sắc tức thị không (tạo ra cho có mà không cần tính-toán), không tức thị sắc (dù không tính-toán nhưng mình đã hoàn-toàn phụng sự thì đã có làm rồi, có công rồi) là thế đó.

Bấy giờ qua ba cấp tu-hành, tức là mỗi một cấp bực cũng phải thực-hiện được 3.000 công-quả như vậy thì sẽ hưởng được một công-quả xứng đáng tính ra là có đến 9.000 công-quả với thiêng-liêng thì sẽ được hưởng “quả Đào Tiên 9.000 năm” của Phật-Mẫu đó vậy.
Số 9 cũng là đường về của người tu đắc Đạo (xem Bát-quái Hư-vô)

5 - Sự liên-quan giữa Diêu-Trì-Cung và Hiệp-Thiên-Đài

Đức Hộ-Pháp nói:
“Buổi đầu thâu Thập-Nhị Thời-Quân đủ rồi mới mở Đạo. Tại sao phải có đủ Thập-Thị Thời-Quân?

- Bởi Thập-Nhị Thời-Quân là của Hiệp-Thiên-Đài là cơ Pháp. Nguồn cội của Pháp đã biến sanh ra vạn-vật. Phật là trước, rồi mới Pháp là thứ, kế Tăng hiệp lại thành ba ngôi.

Trong PHÁP ấy xuất hiện PHẬT-MẪU kế tới vạn-linh. Vì cớ cho nên Diêu-Trì-Cung cùng Hiệp-Thiên-Đài có tình mật-thiết cùng nhau về một căn-cội Pháp để vận-hành nguơn-khí tạo ra vạn-linh”
Thập-Nhị Thời-Quân với Thượng-Phẩm, Thượng-Sanh và Bần-Đạo (Hộ-Pháp).

Trong 15 người thì có 4, 5 người lãnh lịnh mà thôi. Đức Chí-Tôn kêu anh Thượng-Phẩm lãnh trách-nhiệm lo cứu thế, kế anh qui Thiên, để lại cái gánh nặng-nề cho Bần-Đạo. Bần-Đạo đã thường nói:
- Hội-Thánh Cửu-Trùng-Đài của Giáo-Tông.
- Hội-Thánh Phước-Thiện của Hộ-Pháp, tức là Hiệp-Thiên-Đài đó vậy. Hội-Thánh Phước-Thiện là thay thế cho Hiệp-Thiên-Đài lo cứu khổ để giải khổ cho toàn nhân-loại”.

6 - Đức Phật-Mẫu độ ai trước nhất?
Đức Phật-Mẫu nói: “Thiếp vì cảm-tình xưa mà phải chính mình đến cùng Cửu-Nương giúp cho hiểu mọi điều.

Diêu-Trì-Cung đã thượng sớ lên Chí-Tôn. Bảo-Đạo Chơn-Quân kiện nơi Ngọc-Hư-Cung. Thiếp còn nhớ khi đến dìu-dắt chư Đạo-hữu vào đường Đạo. Phải nói Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ thì Thiếp đã nói vì tình riêng của mấy Đấng Chơn-Quân đến lo cứu độ chớ không phận-sự chi trong lúc này và cũng bởi lịnh Chí-Tôn sai khiến, chắc rằng không phải Thiếp mở Đạo thì không phương hành-đạo đặng.

Khi Thiếp mở Đạo thì độ ai? Có phải là cả Chức-sắc Hiệp-Thiên-Đài không? Các Chơn-Quân thiệt tình của Thiếp là ai chăng?

Cười! ôi, cũng bởi nơi Thiếp mà chư Hiền-hữu phải chịu hành-hà phàm xác, khổ-não muôn phần.

Chí-Tôn đã hứa khi ấy với Thiếp rằng: Thế nào cũng nâng-đỡ chư Hiền-hữu, chẳng cho ai ỷ lộng quyền mà lấn hiếp. Thiếp mới đến khai Đạo cho chúng-sanh đặng phụ-mẫu song toàn. Nào dè, vì lòng Đại-Từ-Bi quá thương nhân-loại, đành để chư Hiền-hữu chịu hành-hà đến đỗi Thiếp đã dâng sớ cầu xin Chí-Tôn lượng xét, còn Bảo-Đạo kiện cùng Ngọc-Hư-Cung những kẻ vô Đạo của Cửu-Trùng-Đài.

Thiếp đã thấy chán-chường, Lý Thái-Bạch muốn lo Hòa đặng Đạo thành, nên đã nhìn-nhận tội-lỗi nhiều người, nhưng vì công dày nên không đành để Thiên-điều định án, buộc phải nạp những kẻ ấy cho Tòa Tam-giáo. Lý Thái-Bạch đành nhận quyền của Hiệp-Thiên-Đài từ đây, không ai chối cải nữa cho đặng”.

Tại sao Đức Phật-Mẫu lại độ Hiệp-Thiên-Đài trước?
“Vì Phật-Mẫu ban sơ đến Hiệp-Thiên-Đài làm Mẹ của chữ KHÍ tức là khí sanh vạn-vật. Lấy nguơn-pháp trong chữ Khí biến thành càn-khôn vũ-trụ, nên Phật-Mẫu trước đến Hiệp-Thiên-Đài thuộc Pháp, tức là tòa ngự của Người, rồi sau mới lập Cửu-Trùng-Đài”.

7 - Nhiệm-vụ của Thời-Quân được Ngài Khai Pháp giáng cơ xác nhận
"Ngày Bần-Tăng về Chí-Tôn mới rõ quyền-năng Thiên-triều vô biên. Chính Bần-Tăng rón-rén bước vô Bạch-Ngọc-Kinh phải nhờ chơn-linh Vi-Hộ dẫn tấn. Từ đây mới biết Chí-Tôn phần nào và được thấu-đáo nhiệm-vụ của Thời-quân, chẳng những nơi thế-gian này mà còn nơi cõi Thiên nữa. Như thế mới khiếp sợ trách-vụ mình.

Nếu quí vị được thấy thì tưởng không còn muốn ở cõi trần nữa làm gì. Vậy Bần-Tăng ước mong quí Bạn Thời-Quân dòm về hướng Chí-Tôn để rộng quyền làm tròn Thiên-soái-mạng”.

8 - Vai-trò Ba chi của Hiệp-Thiên-Đài
Ảnh dưới đây là nơi thờ Chư vị Chức-sắc Đại Thiên-phong Hiệp-Thiên-Đài.

“Khi mở cửa bí-pháp ấy Chí-Tôn để trọn quyền cho Diêu-Trì-Cung thay quyền cho Cửu-Phẩm Thần-Tiên cùng Phật-vị.

Đối chiếu lại là Hiệp-Thiên-Đài thay quyền cho Vạn-linh: Pháp, Đạo, Thế.
- Pháp thì Hộ-Pháp.
- Đạo thì Thượng-Phẩm.
- Thế thì Thượng-Sanh.

Ngôi vị của Tam quyền, có thể đã định sẵn là: Đạo bên tay mặt, Thế bên tay trái (của Hộ-Pháp), còn Pháp thì tại trung-ương.

Vậy thì Khai-Pháp đặng quyền ngồi chính giữa. Một ngày kia nếu cả thảy qui vị thì cũng sắp như thế. Thiên-Tôn xem lại địa-vị của họ nơi Đền-Thánh mà sắp thì đúng chơn-pháp”.

Ngài Hiến-Pháp nhận-định về ba vị Chưởng-quản ba chi của Hiệp-Thiên-Đài:
“Từ ngày lập Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ đến nay, hệ-thống tổ-chức của Tòa-Thánh Tây-Ninh đều căn-cứ vào luật-pháp chơn-truyền mà lập thành Hội-Thánh, trên có một vị Chức-sắc cao cấp nhứt trong Đạo cầm quyền thống-lãnh toàn Đạo như Đức Hộ-Pháp Phạm-Công-Tắc, kế đến Đức Thượng-Phẩm Cao-Quỳnh-Cư và Đức Thượng-Sanh Cao-Hoài-Sang.

Tưởng cũng nên hình dung lại sứ mệnh và hành-trình của các Ngài:
- Đức Phạm Hộ-Pháp thuộc về chi Pháp. Ngài đã phán-quyết với một đức tính công-bình đi đôi với lòng thương-yêu vô tận; gắn liền trên mọi hình-thức lồng trong những bài Thuyết-đạo làm cho nhơn-sanh rất thỏa-mãn và tận tâm phục-vụ theo thuyết-định của Đức Ngài, không biết đến bao giờ quên được công đức của đức Ngài vậy.

- Đức Cao Thượng-Phẩm thuộc về chi Đạo: Ngài đã về trước nơi Thiêng-Liêng Hằng-Sống, lưu lại cho Đạo một khối tinh-thần cao-thượng vô biên, là sự xây dựng đầu tiên biết bao khổ-hạnh, thử-thách; nhưng Đức Ngài không nản, quyết tâm tạo cho được một nguồn hạnh-phúc chung cho Nhơn-sanh tức là Đạo-nghiệp ngày hôm nay.

- Đức Cao Thượng-Sanh thuộc về chi Thế: là một gương-mẫu tinh-hoa của thế gian. Sự Từ bi, Bác-ái của Đức Ngài được nung-nấu và in sâu trong tâm-hồn của toàn Đạo. Từ tư-tưởng phát sinh ra hành-động được mô-tả trong văn thi, kinh điển để lưu lại cho thế-nhân một sự dung-hòa rất hữu-ích cho việc tu thân và trong trường-hợp tiếp nhân xử kỷ.

Đức Chí-Tôn đã dùng ba vị Tướng-soái sẵn có những báu vật vừa đức-tin vừa đức tánh qui-tụ lại thành một tinh-thần tối cao, tối trọng biểu-tượng nên một hệ-thống giá-trị đạo-đức có thể nói là một lập-trường thương-yêu vững-chắc để bảo-đảm hạnh-phúc chung cho nhân-loại.

Giờ đây ba vị Tướng-soái đã triều-thiên, nên mới đến vai-tuồng của Thập-Nhị Thời-Quân phải đảm-đương trọng-trách cầm quyền Chưởng-quản Hiệp-Thiên-Đài là quyền tối cao của Hội-Thánh đương kim. Điều ấy cũng do theo công-lệ “tiền tấn hậu kế”.

9 - Số 12 thành hình là do 9+3
Chín là cơ vận-chuyển, 3 là 3 ngôi.

Lấy 3 ngôi hiệp vào cơ vận-chuyển tức là cơ qui nhứt. Nắm cả các pháp trong tay, mà người nắm pháp ấy là chúa-tể càn-khôn vũ-trụ, nên Thầy có nói số 12 là số riêng của Thầy.

Số 3 cũng nằm trong qui luật: Tý, Sửu, Dần, đứng đầu trong 12 chi.

Khi trời đất chưa khai, là một khí không không. Sau khi định hội Tý thì gọi là vô-danh thiên địa chi thủy, thế nên khi tạo trời gọi là “Thiên khai ư Tý”

Đất thành hình là thời-kỳ “Địa tịch ư Sửu” còn gọi là “hữu danh vạn-vật chi mẫu” tức là có tên gọi, muôn vật có hình bắt đầu thọ nơi Mẹ hóa sanh.

Nay đến hội tam-kỳ kết-quả của thời “Nhơn-sanh ư Dần” do vậy mà Cao-Đài Đại-Đạo ra đời để độ hết quần-linh về cõi Niết-Bàn, chẳng để một điểm chơn-linh nào ở miền Đông-độ, gọi là thời-kỳ đại ân-xá lần ba.

Do vậy số 3 là cơ-quan hữu tướng cùng vô tướng hiện có ở trong càn-khôn vũ-trụ này, kết hợp với số 9 là một con số huyền-diệu, nó là cơ chuyển biến đến mực độ toàn tri, toàn năng, toàn thiện, toàn mỹ để trở về cơ qui nhứt. Nó cũng là hình ảnh của ngôi Thái-cực đứng trước luật âm dương thì thấy rõ quyền-năng Chưởng-quản trong đó. “12 là con số riêng của Thầy”.

Thế nên trong Bàn Hội-Yến lúc nào cũng có đủ ba chi Pháp (Hộ-Pháp), Đạo (Thượng-Phẩm), Thế (Thượng-Sanh).

Lúc các Ngài còn sanh tiền hay khi tất cả các Ngài đều qui Thiên cũng vậy, cũng biểu-tượng đủ con số 12, tức là 9 vị Nữ Tiên và 3 vị Hiệp-Thiên-Đài. Ngay trong buổi này các Ngài đã qui Thiên rồi thì trong buổi Hội-Yến Diêu-Trì-Cung có các bài thài để cúng tế.

Thiên-mạng của Thập-Nhị Thời-Quân ra sao?
Ngài Bảo-Pháp cầu hỏi Thầy
(tháng 7 Mậu-Thìn dl 8-1928).

Đức chí-Tôn giáng cơ trả lời:
“Trọng lắm! Mà bây giờ chưa có chi cho lắm, chớ Thập-Nhị Thời-Quân ngày nào có công việc rồi, các con sẽ thấy công việc của các con lớn-lao là dường nào! Rất đỗi ở thế một viên chức nhỏ như Chủ tỉnh còn nhiều quyền-hành rộng lớn thay! Huống chi các con là BẢO, HIẾN, KHAI, TIẾP cả toàn cầu, thì trách-nhậm phải làm sao thì các con cũng hiểu. Nhưng Thầy chưa phân định vì các con chưa tới kỳ hành sự đó”.

D - Lý-do Thầy chia hai cơ-quan hữu-hình:
Hiệp-Thiên-Đài và Cửu-Trùng-Đài
1 - Về mặt hữu-hình:
Đức Thượng-Phẩm cho biết:
“Các em cũng dư hiểu rằng các giáo-lý từ xưa đã bị thất-kỳ-truyền là tại Môn-đồ của họ không chịu đặt mình trong khuôn viên Luật-Pháp của giáo-lý ấy.

Nếu một thời-kỳ mà một giáo-lý đã thất chơn-truyền thì đem đến cho nhơn-sanh biết bao tang-thương biến đổi!

Cũng vì lẽ ấy mà nay Đức Chí-Tôn giáng trần lập Đạo, lại chia hình-thể của Ngài ra hai phần để có phương kềm-thúc nhau trên bước đường lập vị.
- Phần Cửu-Trùng-Đài chuyên về mặt giáo-hóa nhơn-sanh,
- Còn phần của Hiệp-Thiên-Đài thì lo về mặt luật-pháp để bảo-thủ chơn-truyền của Đạo. Nhờ đó nền Thánh-giáo của Đức Chí-Tôn khỏi phải qui thành phàm-giáo.

Cũng vì lẽ quyền-hành riêng biệt ấy mà khiến cho hai bên thường có phản khắc Đạo-quyền, bởi tánh phàm thường hay có phạm những lỗi-lầm mà chẳng chịu phục thiện đặng cải sửa cho trở nên tận thiện. Các em đâu hiểu rằng Chí-Tôn giao quyền sửa trị Chức-sắc, chức việc và toàn Đạo nam, nữ cho bên Hiệp-Thiên-Đài là Thánh-ý Đức Chí-Tôn muốn dùng hình phàm đặng làm cho giảm bớt tội vô-hình. Nếu ai chẳng thận-trọng để cho phạm vào luật-pháp mà chẳng chịu pháp sửa trị của Hiệp-Thiên-Đài thì rất uổng cho một kiếp tu mà không trọn phận và đến khi rời bỏ xác phàm rồi làm sao có cơ hội lập công nữa! Mà một khi không lập công-quả được nữa thì tội án đã phạm làm sao chuộc được; rồi mãi bị trầm-luân khổ hải cả đời đời.

Vậy các em khá nhớ lời Bần-Đạo dặn mà giữ mình cho tròn phận trong lúc Tam-Kỳ Phổ-Độ này. Thêm nữa các em nên nhớ: Hễ khi các em đã vô tình hay cố ý mà phạm vào luật-pháp thì hãy vui-vẻ để cho luật-pháp sửa trị đặng khỏi vướng tội vô-hình.

Còn những người được lịnh Hiệp-Thiên Đài để sửa trị các em là những người ơn của các em, chớ không phải người thù theo tánh phàm của nhơn-sanh đã tưởng.!"

2 - Về mặt tinh-thần đạo-đức: Lập quốc cho nòi giống Việt-Nam
Đức Ngài dạy tiếp “Đời là một sân-khấu hí-trường, mọi sự đều phải thay đổi, chớ nên lấy đó làm mục-đích chánh để noi theo, vì đã nói rằng: một sân-khấu hí-trường thì trong đó đủ đào kép và ông bầu, dầu hay dầu dở thì bổn-phận họ cũng làm cho rồi để cho kẻ khác lên thay thế, đặc-sắc hơn và hay-ho hơn.

Hiện các em đã thấy biết bao nhiêu màn đời thay đổi liên-tiếp mà những màn ấy cũng chẳng làm cho dân Việt-Nam được hưởng cảnh Thái-bình. Càng thay đổi càng làm cho dân-chúng Việt-Nam thêm hoang-mang, hồi-hộp và cảnh tương-tàn, tương-sát của Việt-Nam cũng chưa thấy giảm bớt chút nào mà lại càng tăng thêm cực độ.

Các em biết tại sao vậy không? Nói nghe thử?
- Trúng!... Nhưng còn thiếu một chút là dân Việt-Nam chưa được mãn nguyện cho sự lãnh-đạo của những bậc giả thương dân-chúng đó vậy.

Vậy có câu “Dĩ đức phục nhơn”, tức là lập hòa-bình bằng nhơn-đức, mà chính các vị lãnh-tụ không thật-hành được mảy-may nào cả thì đừng trông chi họ đem hạnh-phúc và nguyện-vọng chơn-chánh đến cho dân-chúng được. Dầu cho phải thay màn như vậy nữa dân-chúng Việt-Nam chắc-chắn không bao giờ đạt vọng được cũng vì sự bất lực của quyền đời như vậy.

Mọi sự biến-chuyển đều do Đức Chí-Tôn, còn sự lập đời thái-bình cũng do Đức Chí-Tôn định-phận cho các bậc Thiên-mạng rồi thì còn chi mà khó nữa, chỉ đi đúng chơn-truyền của Đạo và trọn tuân lịnh Đức Hộ-Pháp thì xong mọi việc. Các em cũng đã hiểu rồi!

Về việc lập quốc cho nòi giống Việt-Nam, mặc dầu địa thế của nó nhỏ, nhưng sẽ được các liệt-cường trợ giúp cho nó thành một nước độc-lập hoàn-toàn mà lại còn là trụ cốt thái-bình cho Vạn-quốc nữa.

Vì chính nước Việt-Nam đã được Đức Chí-Tôn định làm Thánh-địa; mà đã nói là Thánh-địa tức nhiên nó phải có chút ảnh-hưởng của Đạo Cao-Đài quyềt-định, không dựa vào hình-thức nào hay là chút ảnh-hưởng văn-minh của một liệt-cường nào cả.

Vì sự tiền định khéo-léo và cao-trọng như thế mà ĐẠO CAO-ĐÀI sẽ được vi chủ về mặt tinh-thần để chấm dứt cuộc chiến-tranh tàn-khốc của hoàn-cầu.

Theo thế thường đời càng gay mà muốn lập lại đời thái-bình thì phận-sự của Đạo lại càng thêm khó nhọc và nặng-nề.

Vậy các Thiên-mạng phải cố tâm trì chí, đứng trọn trong khuôn-khổ Đạo thì mới được dễ-dàng để bước qua những trở-ngại trên phận-sự mà thành-công một cách mỹ-mãn.
Các em cứ đặt trọn đức-tin nơi Đạo rồi thì mọi việc như ý.
Cần nhứt là các Bạn Thiên-mạng phải làm khác hơn thế tình thì mới được đa nghe!”
Trong buổi tiền khai Đại-Đạo (1925) Đức Lê-văn-Duyệt cũng đã gieo niềm tin qua bài thi:

THI
Nước nhà ta có tiếng anh-phong,
Vẻ đẹp trời Đông sắc Lạc-Hồng..
Nam-hải trổ nhiều tay Thánh-Đức,
Giao-châu sanh lắm mặt anh-hùng.
Tinh-trung lửa thét thành Bình-Định,
Khí liệt gươm đề tỉnh Quảng-đông.
Văn-hiến bốn ngàn năm có sẵn,
Chi cần dị chủng đến dâng công.
                                                           Lê-văn-Duyệt

Thế rồi Đức Hộ-Pháp cũng cho biết rằng:
“Thầy đến lập cho nước Việt-Nam này một nền Quốc-Đạo, Đức Chí-Tôn mở ĐẠI-ĐẠO TAM-KỲ PHỔ-ĐỘ chớ không phải mở Đạo Cao-Đài. Đại-Đạo nay là Quốc-Đạo. Nền Quốc-Đạo, Ngài qui-tụ tinh-thần đạo-đức, trí-thức toàn nhân-loại cho đặc biệt: có cao, có thấp, có hàng ngũ, có phẩm-vị; còn về phần xác thịt của loài người, mạng sống trước mặt Ngài, không ai hơn ai, cả thảy sống đồng sống, chết đồng chết đặng đem Quốc-Đạo làm môi-giới cả Đại-Đồng đặng tạo tương-lai loài người cho có địa-vị oai-quyền cao-thượng. Nếu hiểu đặng thì Thánh-thể cũng vậy.

Trọng-yếu của Ngài là thâu mấy vị Tông-đồ có sứ-mạng trong Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ đã giáng-sanh trước đặng làm môi-giới độ Đạo sau này. Đức Chí-Tôn dạy phò-loan đặng Ngài dùng quyền-năng thiêng-liêng kêu gọi mấy vị Tông-đồ đó. Quả nhiên chẳng bao lâu có đủ THẬP NHỊ THỜI-QUÂN hiển-hiện ra, trong số các vị Thời-quân ấy có Cao Tiếp-Đạo ở tại Kiêm-biên (Kampuchia) chớ không phải ở Sài-Gòn. Đi thâu Thập-Nhị Thời-Quân xong rồi Đức Chí-Tôn mới mở Đạo."

Đức Chí-Tôn lập Đạo trong buổi Hạ-nguơn này thể hiện cơ tuần-huờn châu nhi phục thủy, Tôn-chỉ lấy Tam-giáo qui-nguyên Ngũ-chi phục-nhứt để đưa nhân-loại đến Đại-Đồng. Lấy theo nguyên-lý của vũ-trụ thì:
Thiên khai ư Tý trời khai vào hội Tý
Địa tịch ư Sửu đất thành hình ở hội Sửu
Nhơn sanh ư Dần có nhơn-loại vào hội Dần.

Cho nên buổi khai Đạo này Đức Chí-Tôn phái ba tướng-soái đến trong cửa. Hiệp-Thiên-Đài đứng đầu ba chi Pháp, Đạo, Thế, thì:
- Đức Thượng-Phẩm Cao-Quỳnh-Cư chưởng-quản chi Đạo, tuổi Mậu-Tý (1888). Qui thiên ngày 1 tháng 3 năm Quí-Tỵ (1929).
- Đức Thượng-Sanh Cao-Hoài-Sang chưởng-quản chi Thế, tuổi Tân-Sửu (1901). Qui thiên ngày 26 tháng 3 năm Tân-Hợi (1971)

- Đức Hộ-Pháp Phạm-Công-Tắc chưởng-quản chi Pháp, tuổi Canh-Dần (1890). Qui thiên ngày 10 tháng 4 năm Kỷ-hợi (1959). Ngoài ra Đức Ngài còn là Giáo-chủ của nền Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ này về mặt hữu-hình nữa.
“Đạo thành do ba người” chính là ba vị Tướng-soái của Chí-Tôn đó vậy.

E - Tại sao Đức Chí-Tôn ngự nơi Bát-Quái-Đài?
Đức Thượng-Phẩm cầu hỏi Thầy:
- Bạch Thầy: Thập-Nhị Thời-Thần là con số của Thầy, vậy theo lẽ nơi thờ Thầy phải là Thập nhị chi đài mới phải, nhưng lại thờ Thầy nơi Bát-Quái-Đài là sao?
- Thập-Nhị Thời-Thần tức là Thập-nhị thiên chi cùng với Thập thiên can đều do nơi Bát-Quái-Đài mà có, vì cớ cho nên Chí-Tôn phải ngự trên Bát-Quái-Đài.

Hỏi: Có phải Ngọc-Hư-Cung là nơi của Đức Chí-Tôn ngự và bảo thủ luật-pháp của Bát-Quái-Đài không?
- Bát-Quái-Đài là nơi của Đức Chí-Tôn ngự đặng ban bố quyền-năng, còn Ngọc-Hư-Cung là nơi của Đức Chí-Tôn nắm chủ-quyền của càn-khôn vũ-trụ. Vậy thì Bát-Quái-Đài là một tượng trưng của Bạch-Ngọc-Kinh để Đức Chí-Tôn chuyển quyền-năng mà trị thế.

Hỏi: Luật của Bát-Quái-Đài, của Thập thiên can; mặt luật nào áp-dụng với chơn-linh, mặt luật nào áp-dụng với chơn-thần?

- Luật của Bát-Quái-Đài chỉ áp-dụng với nguyên-linh, còn chơn-thần do thập thiên can bao-hàm mà chuyển ra chơn-khí đặng biến thể thành chơn-tinh. Khi Chí-Tôn và Phật-Mẫu đã giáng Tinh thì giao cho Thập thiên chi điều-dẫn.

Hỏi: Thưa Đức Ngài, còn Thập-Nhị Thời-Thần áp dụng vào con người, ở nơi con người có tuổi Tý, Sửu, Dần... có phải?

- Phải!
Hỏi về Bát-quái-Đồ-Thiên?

- Ở trong Bát-quái có 4 cung chánh và 4 cung phụ, mỗi cung chánh có một chi, mỗi cung phụ có hai chi:
Đây là 4 cung chánh:
* Cung Ly thuộc hướng Bắc, có chi Tý (tháng11)
* Cung Khảm ở hướng Nam, có chi Ngọ (tháng 5)
* Cung Chấn ở hướng Đông, có chi Mẹo (tháng 2)
* Cung Đoài, hướng Tây chi Dậu (tháng 8).

Sau đây là 4 cung phụ:
* Khôn ở Tây-Bắc có 2 chi: Tuất, Hợi (tháng 9, 10)
* Càn ở Tây-Nam có 2 chi: Mùi, Thân (tháng 6, 7)
* Cấn ở Đông-Nam có 2 chi: Thìn, Tỵ (tháng3, 4)
* Tốn ở Đông-Bắc có 2 chi: Sửu, Dần (tháng 12, 1)

Trên đây là Bát-quái Đồ-thiên, phương hướng hoàn-toàn khác hẳn với Bát-quái Hậu-thiên. Bởi trục đứng ở đây là Đông Tây, trục ngang là Bắc Nam.
Bát-quái Đồ-thiên thì Bắc là Ly, Nam là Khảm, nghịch chuyển, khởi từ cung Càn.

* Pháp là chủ của vạn-linh:
Kinh Phật-Mẫu có câu:
Thiên-cung xuất vạn-linh tùng Pháp,
Hiệp âm dương hữu hạp biến sanh

“Bởi do nơi Pháp, vạn-linh mới chủ tướng biến hình, do nơi Pháp mới sản-xuất vạn-linh, cả huyền-vi hữu-hình Đức Chí-Tôn tạo Đạo do nơi Pháp, chúng ta biết Pháp thuộc về hình-thể của vạn-linh, vì cớ cho nên Đạo-giáo minh-tả rõ-rệt Tam-châu Bát-bộ thuộc về quyền Hộ-Pháp.

Đức Hộ-Pháp nói:
“Bần-Đạo khởi giảng cho hiểu tại sao Đức Chí-Tôn mở Tam-Kỳ Phổ-Độ gọi là mở cơ-quan tận-độ chúng-sanh?

… Mở cơ-quan tận-độ chúng-sanh tức nhiên là lập một khoa thi sang Tam chuyển tái phục thiêng-liêng-vị nơi cảnh vô-hình. Mỗi chuyển tức nhiên mỗi khoa-mục của các đẳng chơn-hồn cần phải thi đặng đạt vị: thăng hay đọa.

Bởi thế cho nên Đức Chí-Tôn gọi là trường thi công-quả là vậy. Đức Chí-Tôn cho HỘ-PHÁP và THẬP NHỊ THỜI-QUÂN đến cốt-yếu để mở cửa bí-pháp ấy đặng cho vạn-linh đoạt vị. Cả thảy đều hiểu rằng Đức Chí-Tôn buổi ban sơ chưa khai thiên lập địa, Ngài muốn cho vạn-linh đặng hiệp cùng Nhất linh của Ngài do quyền-năng sở hữu của quyền-hạn Thần linh.

Ngài vừa khởi trong mình quyết định thi hành điều ấy thì Ngài nắm cái Pháp. Trước Ngài chỉ là Pháp, vì cớ cho nên ta để Phật tức nhiên là Ngài, kế thứ nhì là Pháp, hễ nắm Pháp rồi Ngài phán-đoán vạn-vật thành hình; Ngài muốn vạn vật thành hình tức nhiên Tăng. Cả vạn-linh đều đứng trong hàng Tăng ấy. Bởi do nơi ấy mới chủ tướng biến hình.”.

F - Quyền-hành của Hộ-Pháp
đối với Tam châu Bát bộ ra sao?
1 - Sao gọi là Tam châu?
“Trong Tứ đại Bộ châu ở phần thiêng-liêng thì Hộ-Pháp nắm ba châu: Đông thắng thần châu, Tây Ngưu hạ châu, Nam-thiệm bộ châu, đều thuộc về quyền-hạn của Hộ-Pháp; còn Bắc cù Lư châu để cho các phần chơn-hồn quỉ vị họ định phận tại nơi đó, định nơi cư trú tại đó. Họ có một quyền-năng vô định chẳng cần chỉ giáo, để đặc biệt một châu cho quỉ-vị ăn-năn tu học đặng đoạt vị.

Ba bộ châu kia do quyền-hạn của Hộ-Pháp giáo-hóa, duy có Bắc cù lư châu Ngài không thường ngó tới lắm, để cho họ tự-do làm gì thì làm: khôn nhờ dại chịu.

2 - Bát bộ là gì?
Là nơi Bát phẩm chơn-hồn chớ có chi đâu! Tám hồn là: vật-chất hồn, thảo-mộc hồn, thú-cầm hồn, nhơn hồn, Thần hồn, Thánh hồn, Tiên Hồn, Phật hồn. Tám bộ ấy thuộc quyền HỘ PHÁP THIÊN-VỊ nơi Đức Chí-Tôn gọi đến tạo cơ-quan tận-độ chúng-sanh không còn ai khác hơn Hộ-Pháp. Chính Hộ-Pháp trách-nhiệm ấy.

G - Quyền-hành của 12 Thời-Quân
1 - Bốn vị thời-quân chi Pháp
dưới quyền Hộ-Pháp khi đặng lịnh Người sai đi hành-chánh, song mỗi vị có một phận-sự riêng, quyền-hành riêng, là:
Tiếp-Pháp: là người tiếp luật-lệ, đơn trạng kiện thưa, có quyền xét-đoán, coi có nên phân định hay chăng, những điều nào không đáng thì chiếu theo Đạo-luật, hoặc bỏ qua hoặc trả lại cho Cửu-Trùng-Đài, còn như đáng việc phải phân-định thì phải dâng lên cho Khai-Pháp định-đoạt.

Khai-Pháp: khi tiếp đặng luật-lệ, đơn trạng kiện thưa của Cửu-Trùng-Đài định xử hay là đã xử nơi Tiếp-Pháp dâng lên, thì quan-sát coi nên cho cả Chức-sắc Hiệp-Thiên-Đài biết cùng chăng. Như đáng việc thì tức cấp nhứt diện tư tờ cho Cửu-Trùng-Đài xin đình-đãi nội-vụ lại bao lâu tùy ý, song chẳng đặng phép quá 15 ngày, nhứt diện trình cho Hộ-Pháp hay đặng Hộ-Pháp mời nhóm Hiệp-Thiên-Đài. Khi hội Hiệp-Thiên-Đài thì Khai-Pháp phải khai rõ nội vụ ra cho Hiệp-thiên đài quyết-định phải sửa cải luật-lệ hay là buộc án thì Khai-Pháp phải dâng lại cho Hiến-Pháp.

Hiến-Pháp: khi tiếp đặng luật-lệ, đơn trạng thì phải mở đường tra-vấn cho minh lẽ nên hư, phải trái, đủ chứng cứ rõ-ràng rồi dâng lên Bảo-Pháp cho đủ nội-vụ. Cấm Hiến-Pháp không đặng thông-đồng cùng Hiến-Đạo và Hiến-Thế. Ấy vậy kể từ việc chi đã giao vào tay Hiến-Pháp rồi thì đã ra bí-mật, dầu cho Chức-sắc Hiệp-Thiên-Đài cũng không đặng biết tới nữa.

Bảo-Pháp: thì gìn-giữ sự bí-mật ấy cho kín nhiệm, làm tờ đoán xét và định án chiếu y luật Đạo rồi dâng lên cho Hộ-Pháp đặng Người phân xử. Bảo-Pháp là người Đầu-phòng-văn của Hộ-Pháp.

2 - Bốn vị Thời-quân của chi Đạo
đồng quyền cùng Thượng-Phẩm khi ngươi ban quyền hành-chánh, song mỗi vị có phận-sự riêng, quyền-hành riêng, là:

Tiếp-Đạo: là người tiếp cáo-trạng, án tiết thì phải quan-sát trước coi có oan-khúc chi chăng, đáng ra binh-vực thì phải dâng lại cho Khai-Đạo.

Khai-Đạo: khi đặng tờ kêu-nài, cầu rỗi; thì liệu như đáng rỗi, phải nhứt diện tư tờ qua cho Tòa Tam-giáo Cửu-Trùng-Đài xin đình án bao lâu tùy ý, song chẳng đặng phép quá 15 ngày, nhứt diện tư tờ cho Hộ-Pháp cầu nhóm đại-hội Hiệp-Thiên-Đài đặng định liệu, như phải đáng bào-chữa thì Khai-Đạo phân-giải giữa Hội cho ra lẽ oan ưng. Hiệp-Thiên-Đài cho lịnh thì mới dâng nội vụ lên cho Hiến-Đạo.

Hiến-Đạo: khi đặng tờ chi của Khai-Đạo dâng lên tức cấp phải tìm biết nguyên-căn cho rõ ràng; cấm, không cho Hiến-Đạo thông-đồng cùng Hiến-Pháp và Hiến-Thế. Sự chi đã vào tay Hiến-Đạo rồi thì đã ra bí-mật, dầu cho Chức-sắc Hiệp-Thiên-Đài cũng không đặng biết tới nữa.

Bảo-Đạo: phải gìn-giữ bí-mật ấy cho kín nhiệm, làm tờ lý-đoán binh-vực chiếu y luật Đạo rồi dâng lên cho Thượng-Phẩm đặng Người lo phương bào-chữa. Bảo-Đạo là người làm Đầu phòng-văn của Thượng-Phẩm. Thượng-Phẩm và tứ vị Thời-Quân của chi Đạo phải thề giữ dạ vô tư mà hành-chánh.

3 - Bốn vị Thời-quân của chi Thế
Mỗi sự chi về đời thì quyền của Thượng-Sanh. Dưới quyền của Thượng-Sanh có 4 vị Thời-Quân. Bốn vị Thời-Quân chi Thế đặng đồng quyền cùng Thượng-Sanh khi Người ban lịnh hành chánh, song mỗi vị có quyền-hành riêng, phận-sự riêng, là:

Tiếp-Thế: khi đặng Thế-luật hay là cáo trạng chi của ngoại-đạo cùng là của tín-đồ mà kiện thưa Chức-sắc Thiên-phong, bất câu là phẩm-vị nào phải dâng lên cho Khai-Thế.

Khai-Thế: khi tiếp đặng đơn trạng chi chi của Tiếp-Thế dâng lên, thì phải kiếm hiểu các nguyên-do coi có đáng buộc án cùng chăng, như đáng thì nhứt diện tư tờ qua Cửu-Trùng-Đài cho biết nội-vụ, nhứt diện dâng sớ cho Hộ-Pháp cầu Người mời hội Hiệp-Thiên-Đài đặng định-đoạt. Khi đặng lịnh của Hiệp-Thiên-Đài thì Khai-Thế phải dâng nội-vụ lên cho Hiến-Thế.

Hiến-Thế: khi tiếp đặng nội vụ của Khai-Thế dâng qua thì tức cấp phải tra xét cho đủ chứng cớ rõ-ràng rồi dâng lên cho Bảo-Thế. Cấm nhặt, không cho Hiến-Thế thông-đồng cùng Hiến-Pháp và Hiến-Đạo.

Mỗi việc chi hễ vào tay Hiến-Thế rồi thì đã ra bí-mật, dầu cho Chức-sắc Hiệp-Thiên-Đài cũng không biết tới nữa.

Bảo-Thế: phải giữ-gìn sự bí-mật ấy cho kín nhiệm, rồi chiếu y theo Đạo-Luật và Thế-Luật mà làm tờ buộc án, kế dâng lên cho Thượng-Sanh đặng Người đến Tòa Tam-giáo Cửu-Trùng-Đài, Hiệp-Thiên-Đài hay là Bát-Quái-Đài mà buộc tội.

Bảo-Thế là người Đầu-phòng-văn của Thượng-Sanh”.

Xem qua đồ hình ta thấy rằng: trong đó có các vị “Hiến” là đặc biệt nghiêm cấm: không được thông-đồng nhau trong vấn-đề cáo trạng, đơn từ.

Trong số Thập-Nhị Thời-Quân có ảnh hưởng rất nhiều đến việc thịnh suy, bĩ thới của nền Đại-Đạo, cũng như bốn mùa thay đổi trong năm, cũng có những cái tương khắc, tương sanh, tương hợp, thật là huyền-vi mầu-nhiệm mà chỉ có bàn tay của Thượng-Đế sắp đặt một cách tinh tường như vậy.

H - Vì sao Hiệp-Thiên-Đài
lại đặt phía trước của Đền-Thánh?

Theo lẽ ra ba Đài tượng-trưng Thần, Khí, Tinh:
- Bát-Quái-Đài là hồn, thuộc vô-hình, tượng cho Thần.
- Hiệp-Thiên-Đài là chơn-thần, thuộc bán hữu-hình, tượng cho Khí.
- Cửu-Trùng-Đài là xác, thuộc hữu-hình, tượng cho Tinh.

Điều đáng nói: Hiệp-Thiên-Đài là chơn-thần, tượng khí đứng làm trung-gian để cho hồn, xác hiệp một, nhưng sao Đền-Thánh biểu-tượng Bạch-Ngọc-Kinh tại thế lại đặt:
- Hiệp-Thiên-Đài ở trước.
- Cửu-Trùng-Đài ở giữa làm trung-gian.
- Bát-Quái-Đài đặt sau cùng?

Đáp: Đó là sự phân phẩm đặng khai mở Thiên-môn, rộng quyền phổ-độ, đặng tận-độ các vong-linh và các phẩm chơn-hồn vào Cửu-Thiên Khai-Hóa. Phải đến Thiên-môn trước rồi mới vào đặng Cửu-Thiên. Hồn nó không ở với xác mà ở ngoài xác, tương-sanh thì cần chi sau trước, chỉ là khinh cùng trọng mà thôi!

Hỏi: Nhưng nếu nói Hiệp-Thiên-Đài là chơn-thần làm trung-gian của xác và hồn thì Chức-sắc Hiệp-Thiên-Đài đứng ở giữa, nhưng thực-tế thì Chức-sắc Hiệp-Thiên-Đài lại đứng ở ngoài ngó vào Cửu-Trùng-Đài rồi đến Bát-Quái-Đài?

Đáp: Đức Hộ-Pháp trả lời cho Chức-sắc Hiệp-Thiên-Đài rằng: Nếu đứng giữa rồi ở ngoài họ đuổi thiên-hạ ra thì ai thấy dùm cho, nếu chơn-thần vắng mặt thì chắc xác không biết đường đi mà chớ!

Tất cả các Chức-sắc Hiệp-Thiên-Đài đều phải đứng để chầu lễ Đức Chí-Tôn trong các Đàn cúng, là vì Chức-sắc Hiệp-Thiên-Đài tượng-trưng chơn-thần, mà chơn-thần phải thường tại, tức là phải hằng sống; nếu để nó ngồi, không buộc nó đứng thì nó sẽ ngủ gục hay là chết.

Hỏi: Sau mỗi đàn cúng, sắp bãi đàn, bái lễ Đức Chí-Tôn đều hướng vào Bát-Quái-Đài. Xong, thì cả Chức-sắc, chức việc, Đạo-hữu xây lưng lại xá Bàn Hộ-Pháp (Xá chữ khí): Vì sao khi bãi đàn cả Chức-sắc Hiệp-Thiên-Đài xá đáp lễ lại?

Đáp: Cái xá ấy chẳng phải làm lễ trọng Chức-sắc Hiệp-Thiên-Đài từ lớn tới nhỏ, mà là xá chữ Khí.
Chữ Khí là nguồn cội của Pháp đã biến sanh ra vạn-vật.
Phật là trước, Pháp là kế, Tăng là tiếp theo.

Cái Xá ấy là kính đệ tam qui. Trong Pháp ấy xuất hiện Phật-Mẫu kế tới Vạn-linh. Vì cớ cho nên Diêu-Trì-Cung cùng Hiệp-Thiên-Đài có tình mật-thiết cùng nhau về một căn-cội Pháp để vận hành nguơn-khí tạo vạn-linh thì vị Hộ-Pháp do Di-Đà xuất hiện, rồi kế VI Hộ-Pháp và kế tiếp Long-Thần Hộ-Pháp cùng toàn bộ pháp-giới đương điều-khiển càn-khôn vũ-trụ cũng do nơi chữ Khí mà sanh sanh hóa hóa.

Chào chữ Khí là chào cả Tam qui thường bộ pháp giới tức là chào mạng sanh của chúng ta, chớ chẳng phải chỉ chào Hộ-Pháp Thập-Nhị Thời-Quân, Thập-Nhị Địa-Chi đã xuất hiện mà đang thi-hành sứ-mạng nơi Hiệp-Thiên-Đài, mà chào toàn thể vạn-linh đã sanh-hóa từ tạo thiên lập địa.

Đức Hộ-Pháp dặn xin nhớ và truyền-bá lời huấn-giáo này. Chính mình lầm hiểu là thất đức chớ chẳng phải người đảnh lễ là thất đức”.

Hỏi: Xin Đức Ngài giải dùm tại sao Thượng-Chưởng-Pháp lại mặc sắc trắng?
- Đó là bí-pháp riêng của Đức Chí-Tôn dùng trong cơ chuyển thế, chọn người thay thế hình-thể cho Ngài cầm đầu nhơn-loại. Về việc ấy giải rõ là loài người phải đi từ không trở về sắc tướng đặng tạo nghiệp vị, rồi trở lại Hư-Vô.

Phái Tiên-Đạo là phái giữ lập trường thi công-quả của sắc tướng.
Tòa-Thánh tạm xây dựng vào năm 1927

CHƯƠNG 6

I - THỬ HỎI BAN SƠ

ĐỨC CHÍ-TÔN CÓ DẠY DỊCH-LÝ KHÔNG?

BÀI I:
A- Duyên khởi là cuộc chơi Xây bàn sau xác-định Bát-quái Đồ-thiên

Năm Ất-Sửu (1925) là năm Xây bàn rất thạnh-hành gọi là Table tournant, nhất là tại Thủ đô Sài-Gòn.
Vì sự hiếu-kỳ ấy mà ba ông Cư, Tắc, Sang cùng là bạn chí-thân, lại nữa cùng làm chung một sở và mang một tấm lòng yêu nước thiết-tha muốn giải ách nô-lệ, cho nên có hoài-vọng là muốn tìm hiểu, tiếp-xúc với cõi vô-hình để biết được những việc ngoài cái thế-giới hữu-hình này.

Hôm ấy vào ngày 5-6 Ất-Sửu dl 25-7-1925 hai ông Cao-Quỳnh-Cư và Phạm-Công-Tắc cùng đến nhà ông Cao-Hoài-Sang bên cạnh chợ Thái-Bình (Sài-Gòn) để thăm viếng và hàn huyên tình đời. Ba ông bàn với nhau việc Xây bàn để cầu hỏi chuyện với các vong-linh quá vãng.

Ba ông đem chiếc bàn 4 chân ra (bên đây là chiếc bàn kỹ-niệm lúc mới xây bàn) kê một chân cho nó hổng lên để nó nhịp được linh động dễ-dàng. Ba ông để tay lên bàn tạo thành một dòng điện nối tiếp. Đêm đầu không thành, dù ngồi suốt từ 21 giờ đến 2 giờ đêm, có nhiều vong linh nhập bàn làm cho bàn di-động, viết tiếng Anh, Pháp và cả tiếng Hoa nữa; có một vong-linh là học-sinh Hà-nội viết Việt-ngữ. Cái bàn nhịp có khi thì chửng-chạc, có lúc lựng-khựng chứng-tỏ có nhiều vong-linh tranh nhau để nói chuyện. Việc cầu chưa có kết-quả, mệt-mỏi, các ông mới dừng lại trong đêm ấy.

Công việc chưa quen, các ông phải vất-vả van-vái, cầu-nguyện và ra điều-kiện bằng khẩu ước: hễ bàn nhịp một cái là A, hai cái là Ă, ba cái là Â, bên ngoài có người ghi chép rồi ráp vần lại, đọc thành câu, chấm, phết cho phân-minh.

Đêm sau ba ông tiếp-tục, đúng 21 giờ một vong-linh nhập bàn, nhịp thành chữ và ráp lại được một bài thơ thất ngôn Đường-luật (loại thơ 7 chữ, 8 câu) sau cùng ký tên Cao-Quỳnh-Tuân, tức là thân-sinh của ông Cao-Quỳnh-Cư. Lời lẽ thân thương và chân-tình ứng-nghiệm được việc Xây bàn, ba ông xúc-động rồi khóc. Rồi hai người rao đờn, một người ngâm thơ tỏ vẻ hân-hoan. Đó là bài “Ly trần”
THI
Ly trần tuổi đã quá năm mươi,
Mi mới vừa lên ước đặng mười.
Tổng mến lời khuyên bền mộ chép,
Tình thương câu dặn gắng tâm đời.
Bên màn đôi lúc trêu hồn phách,
Cõi thọ nhiều phen đặng thảnh-thơi.
Xót nỗi vợ hiền còn lụm-cụm,
Gặp nhau nhắn-nhủ một đôi lời.
                                               Cao-quỳnh-Tuân
                                               (Thiên-đình)

Những đêm kế tiếp, cứ ban ngày đi làm việc, tối đến lại đem bàn ra tiếp-tục cuộc xây bàn. Có Tiên-cô giả danh Đoàn-Ngọc-Quế giáng cho thi, tức là Thất-Nương Diêu-Trì-Cung. Đấng Nữ Tiên này còn giới-thiệu Bát-Nương rồi đến Lục-Nương, cũng như cả Diêu-Trì-Cung đều có mặt. Nhưng thường xuyên hơn là chỉ có ba vị: Lục-Nương, Thất-Nương, Bát-Nương và Đức Phật-Mẫu. Các vị giáng và làm thơ xướng hoạ với nhau:

Lục-Nương chính là Thánh-nữ Jeane D’Arc của nước Pháp. Bà cùng với ba ông làm thành bài thơ liên ngâm, tức là mỗi người làm hai câu, kết thành một bài thất ngôn bát cú như sau:

            Lục-Nương:     Trót đã đa mang cái gánh đời,
Gánh đời nặng lắm khách đời ơi!
            Cao-Qu-Cư:    Oằn vai Thần-đạo non sông vác,
Chịu kiếp trần-ai gió bụi vùi.
            Phạm-C-Tắc:   Thương-hải tang-điền xem lắm lúc,
Công-danh phú quí nhắm trò chơi.
            Cao-H-Sang:   Ở đời mới hẳn rằng đời khó,
Khó một đôi năm dễ khó đời.

Sau đó thì Đấng AĂÂ giáng, tức là Đấng Ngọc-Hoàng Thượng-Đế xưa nay vẫn ẩn danh, thường đến để dẫn-giải và trả lời những gì mà các ông thắc-mắc.

Nhớ lại trước đây, khi Thất-Nương Diêu Trì-Cung đến với ba ông thường lấy thi văn làm giao duyên, xướng họa rất là tương-đắc, khởi điểm lấy chữ HÒA làm quí (họa thi cũng là hòa thi); tức nhiên Chí-Tôn nhờ Phật-Mẫu và Cửu-vị Tiên-Nương ra công giáo-hóa cho ba ông. Giờ đây sau bảy tháng xem như mãn khóa trường thì Phật-Mẫu trả lại cho Chí-Tôn. Thế nên Lục-Nương đến làm bài thơ liên ngâm, nghĩa là bốn vị cùng làm chung một bài thơ duy nhứt để tỏ sự tương-hiệp với nhau. Vậy thì trước Hoà sau Hiệp. Một bài học Thương-yêu làm yếu-lý của người tu mà Thượng-Đế muốn dạy trước tiên.

Qua ngày 31 Décembre 1925, Đấng AĂÂ giáng với lời lẽ thân thương:
“Ba con thương Thầy lắm há?

Con thấy đặng sự hạ mình của AĂÂ như thế nào chưa? Con có thấy thấu-đáo cái quyền-năng của Thầy chưa? Người quyền thế nhứt như vậy có thể hạ mình bằng AĂÂ chăng? AĂÂ là Thầy! Thầy đến con thế ấy con thương Thầy không?

Cao-Quỳnh-Cư bạch: Thấy nhơn-sanh chưa rõ sự huyền-diệu của Thầy, họ nói phạm thượng, ba con binh-vực Thầy, ba con cải-vả với họ.

Thầy biết…Cười!
- Sự nhỏ-nhẹ của Thất-Nương đó, con có bằng mảy-mún gì chưa? Học-hỏi sự nhỏ-nhẹ ấy.
- Sự cao-kỳ của Lục-Nương con có đặng mảy-mún gì chưa? Học sự cao-kỳ ấy.
- Sự nhân-đức của Nhứt-Nương con có chút đỉnh gì chưa? Phải học nhân-đức của Nhứt-nương.
- Tình-nghĩa yêu mến của Bát-Nương con có bằng lòng không? Phải học.
- Phải học tình nhân-ái, trung-tín, cứu giúp của ba con có đặng như Cửu-Thiên-Nương-Nương chăng? Phải học gương.
- Sự kính nhường của ba con có bằng Cửu-Nương chăng? Phải học”

B - Luận Đạo: Khơi màu lý Dịch trong nền Đại-Đạo
Điều mà làm cho chúng ta suy-nghĩ là tại sao Đức Chí-Tôn khi giáng dạy cho ba ông mà không nói đến Cửu-Thiên-Nương-Nương trước (tức là Đức Phật-Mẫu), hoặc bằng sự khiêm-tốn thì khi đề-cập đến Cửu-vị Tiên-Nương phải khởi Nhứt-nương hoặc Cửu-Nương. Đằng này Chí-Tôn nói đến Thất-Nương trước nhất, rồi Lục-Nương, Nhứt-Nương, Bát-Nương, kế đến Cửu-Thiên-Nương-Nương, sau cùng là Cửu-Nương, tất cả là sáu vị, mà không theo một thứ-tự nào cả.

Trong buổi tiền khai Đại-Đạo này Đức Chí-Tôn giao ba vị Đệ-tử đầu tiên cho Đức Phật-Mẫu và Cửu-vị Tiên-Nương trông nom về cơ giáo-hóa, ấy là ba vị Cao-Quỳnh-Cư, Phạm-Công Tắc, Cao-Hoài-Sang lại được hân-hạnh chọn làm ba đệ-tử để học hỏi với Diêu-Trì-Cung trong bảy tháng trường. Nay coi như khóa học đã xong, Phật-Mẫu trả lại cho Chí-Tôn và Người đến nhận lãnh, mới xưng chính danh “AĂÂ là Thầy”, là Ngọc-Hoàng Thượng-Đế, đồng-thời Ngài cũng giao một trọng-trách là phải nhận lãnh cái “gánh đồ thơ”. Đúng là “Gánh đời nặng lắm khách đời ơi!” cho ba vị này trong cơ khai Đạo cứu Đời.

* Bát-quái Đồ-thiên xuất hiện
Lời dạy trên đây phân-tích rõ ra là một Bát-quái Đồ-thiên tức nhiên là Bát-quái của ông Thầy Trời, duy chỉ Đạo Cao-Đài mới xử-dụng Bát-quái này mà thôi.

Do theo lời dạy ban đầu khi khởi công làm Đền-Thánh Thầy có định phương hướng:

“Tòa-Thánh day mặt ngay hướng Tây chánh cung Đoài ấy là cung Đạo, còn bên tay trái Thầy là cung Càn, bên tay mặt Thầy là cung Khôn”. (PCT)


Tất cả đều có duyên cớ:
Phân-tích lời dạy để thấy ý-nghĩa cao siêu và nhiều bí-ẩn trong Bát-quái như:
- Khởi dạy là “sự nhỏ-nhẹ của Thất-Nương” thất là con số 7, đứng về Bát-quái Đồ-thiên là cung Đoài (chánh Tây cung Đoài là hướng của mặt tiền Đền-Thánh). Đoài là cái miệng. Miệng nói lời nhỏ-nhẹ dễ thương. Quan-trọng nhứt là cái miệng, là lời nói. Hơn nữa Kỳ ba Phổ-độ này lời nói là để lập ngôn, rất là thiết-yếu, lấy làm đầu trong câu chuyện, hẳn là có duyên cớ! Bởi nó có liên-quan đến Thất tình.
Lại nữa nay là thời-kỳ Phổ-độ, lập ngôn là chính, thế nên chữ ngôn có 7 nét hợp với quẻ Đoài cũng số 7. Xác định đây là con số 7.
- “Sự cao-kỳ của Lục-Nương” (lục là số 6 là cung Càn, hướng Tây-nam) Càn là trời nên sự “cao-kỳ” nghĩa là cứng rắn. Khởi ở quẻ Càn số 6.
- “Sự nhân-đức của Nhứt-Nương” (nhứt là số 1 là cung Khảm, chánh Nam). Khảm vi thủy, Khảm chỉ về nước. Nước tượng-trưng người quân-tử tánh nhân-đức, hiền-lương.
- “Tình-nghĩa yêu mến của Bát-Nương” (bát là số 8 là quẻ Cấn, hướng Đông-Nam). Cấn vi sơn, cấn là núi. Núi non hữu tình nên dễ “yêu mến”
- Kế đến là “Phải học tình nhân-ái, trung-tín, cứu giúp của ba con có đặng như Cửu-Thiên-Nương-Nương chăng?” (hai chữ trung-tín cho biết đây là ngôi giữa, ở Bát-quái đó là Ngũ trung. Mà ngôi Cửu-Thiên-Nương-Nương chính là ngôi của Mẹ Diêu-Trì nên Bà Mẹ có sẵn lòng nhân-ái.
- Sau cùng “sự kính nhường của ba con có bằng Cửu-Nương chăng?”. Cửu là số 9, nói là Cửu nương. Số 9 là quẻ Ly.

Trên kính dưới nhường đó là đức tính của nước. Thế nên lấy Khảm làm chuẩn, trên đếm qua ba quẻ sẽ đến quẻ Ly, dưới đếm qua ba quẻ cũng xác định quẻ Ly. Vì ở đây đã chỉ cho con số “3 con”. Mà Ly đối với Khảm: bấy giờ Khảm ở Nam thì Ly ở Bắc là vậy.

Như thế các quẻ còn lại thì thêm vào theo thứ-tự, lấy theo thứ-tự của Bát-quái Hậu-thiên làm chuẩn và cả các số nữa.
Thứ-tự các quẻ là: Càn, Khảm, Cấn, Chấn, Tốn, Ly, Khôn, Đoài.

Số tương-ứng là: Nhứt Khảm, nhì Khôn, tam Chấn, tứ Tốn, ngũ trung, lục Càn, thất Đoài, bát Cấn, cửu Ly.
Trên Bát-quái Đồ-thiên nghịch chuyển, khởi từ Càn Nghịch-chuyển tức là chuyển ngược lại với chiều quay của kim đồng-hồ.

Lại nữa câu nói đầu tiên “Ba con thương Thầy lắm há?” cả thảy 6 chữ, đó cũng là do 3+3 hay là 3x2, tức nhiên lý Tam âm Tam dương đã xuất hiện.

Đến khi Đấng ấy nói “AĂ là Thầy” gồm chung là ba, nhưng lại là 5, bởi “AĂ” là một định danh, nhưng nếu đọc riêng ra thành ba vần (ba mà một, một mà ba: A, Ă,  là vậy). Nếu 5 thành ra Ngũ-hành.

Còn nếu nói rằng lời nói đầu tiên khởi là 6 chữ, đó là 6 dương (lục dương) thì khi Thầy điểm tên 6 nhân-vật của Diêu-Trì-Cung nữa thành ra lục âm:

Thất-Nương, Lục-Nương, Nhứt-Nương, Bát-Nương, Cửu-Thiên-Nương-Nương, Cửu-Nương

Hai con số lục này hiệp lại là (6+6)=12, tức nhiên Thầy đã thể hiện quyền-uy tối thượng của Thầy:
“Thập-Nhị Khai-Thiên là Thầy, Chúa cả càn-khôn thế giái, nắm trọn Thập-Nhị Thời-Thần vào tay. Số 12 là số riêng của Thầy”.

Nay, người tín-hữu niệm danh Thầy cũng 12 chữ “Nam-mô Cao-Đài Tiên Ông Đại-Bồ-Tát Ma-Ha-Tát”.

Các phần liên-hệ cũng có số 12 là:
Tây-Ninh là Thánh-địa làm Tòa ngự của Thượng-Đế cũng thuộc tỉnh số 12.
Lại nữa chữ ĐẠO cũng có cả thảy 12 nét mà Thượng-Đế làm chủ chữ Đạo, là một quyền-uy tối thượng, là Trời vậy.

Đây là đã hoàn-thành một Bát-quái Đồ-thiên. Bát-quái này về số tương-ứng và thứ-tự của quẻ hoàn-toàn lấy theo Bát-quái Hậu-thiên, nhưng khác ở phần nghịch chuyển nên tất cả phương hướng đều khác nhau, sai biệt hẳn nhau.

Lại nữa cái hay khéo là đưa nhân-vật Thất-Nương (số 7) đến trước, rồi các ông hoàn-thành khóa học trong 7 tháng (số 7) học hỏi, mục-đích để gội rửa Thất tình (số 7) biến thành Thất khiếu sanh-quang mới được siêu phàm nhập Thánh là vậy. Quan-trọng là con số 7.

Số 7 là chỉ vạn-vật hữu tướng thành hình. Trong thân người là thất khiếu trên mặt ấy là 7 khiếu dương so với toàn thể là 9 khiếu, đó là ý nghĩa của “thất phản cửu hoàn” vậy.

Đây chứng-tỏ rằng Đức Chí-Tôn đã gián tiếp dạy Bát-quái Đồ-thiên một cách thật tinh-vi không thể lầm-lẫn được.


C - Bát-quái Đồ-thiên thể hiện đạo HÒA
1 - Hòa là thiết-yếu từ thể-pháp đến bí-pháp
* Hoà trong thể-pháp:
Đây là đồ ngang về thứ-tự của Bát-quái Đồ-thiên, thể hiện đầy đủ tính chất hòa giữa các hào, các quẻ với nhau. Ví như hào âm hòa với hào dương, quẻ âm hòa với quẻ dương. Khởi từ Càn, Khảm, Cấn, Chấn, Tốn, Ly, Khôn, Đoài. Hòa với nhau từng đôi một, từng đôi một, một cách hài hòa, khít-khao như những mắt lưới đều-đặn.

Kỳ khai Đại-Đạo này “Thánh-ý của Đức Chí-Tôn khai mở Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ, Tam-giáo qui-nguyên Ngũ-chi phục-nhứt là muốn dung-hòa tâm-lý toàn cả con cái của Người để cứu vãng 92 ức nguyên-nhân vì thế mà bị sa-đọa nơi đây. Chí-Tôn đã đại-từ, đại-bi chỉ rõ căn nguyên mà ban ơn cho ta trau luyện cho Tinh hiệp với Khí, Tinh Khí huờn Thần là cơ huyền-bí để mà đắc Đạo vậy”.

Đức Hộ-Pháp cũng đã xác-định rằng:
“Nay là cơ Đại-ân-xá của Đức Chí-Tôn, Ngài đến mở Đạo để dạy cho nên Thánh, nên Hiền”, qua hai câu thơ trong Thiên-Thai kiến diện ở bài số 3 rằng:
“Kìa túi càn-khôn vừa hé miệng,
“Làu làu tứ hướng hóa giang-san”.

Hình ảnh Bát-quái Đồ-thiên đúng vào phương-vị của Đền-Thánh. “Tòa-Thánh day mặt ngay hướng Tây, tức là chánh cung Đoài”, Đoài biểu-tượng cái miệng. Bên tay trái Thầy là cung Càn, bên tay mặt Thầy là cung Khôn”.

Như vậy Thầy đã định phương vị cho ba cung: Khôn, Đoài, Càn, nếu đặt đứng ba vạch mỗi quẻ sẽ thấy có sự giao-hòa âm dương: âm 4 hào, dương 4 hào; còn 1 hào dương ở giữa làm “cái miệng” tức là con đường qui-nạp, như đang mở rộng cửa Đại-Đạo cho toàn thế-giới quay về, biết nhìn Đấng Chí-Tôn là Đấng Cha chung của toàn nhân-lọai. Xem đây là một Tôn-giáo Đại-Đồng. Rồi đây khắp đâu đâu cũng là đất nước biết Đạo, biết Trời, cùng yêu-thương hòa-thuận với nhau trong luật Bác-ái, Công-bình. Nên nói là “Sự điều-hòa lý Dịch trong cơ Phổ-độ này” là vậy.

Đây là Bát-quái Đồ-thiên (tức là Bát-quái Cao-Đài)

Gọi là Bát-quái Cao-Đài vì duy chỉ Đạo Cao-Đài mới có Bát-quái này mà thôi. Bát-quái này là dung-hòa của hai Bát-quái Tiên-thiên và Hậu-thiên trước đây của các bậc Tiền Thánh. Nhìn vào đồ ngang dưới đây thấy có:
- Trục đứng Đông Tây là quẻ Chấn Đoài phân Bát-quái ra làm hai phần Âm Dương rõ-rệt:
* Bên trái, dương có 4 quẻ: Càn, Khảm, Cấn, Chấn.
* Bên phải, âm có 4 quẻ: Tốn, Ly, Khôn, Đoài.
* Càn tượng Cha: đi cùng với Khảm , Cấn Chấn (tượng 3 con trai)
* Khôn tượng mẹ, đi cùng với Tốn Ly Đoài (tượng 3 con gái).

Điều này chứng tỏ rằng con trai lớn thì theo cha, con gái theo mẹ; khác với Tiên-thiên: con trai theo mẹ, con gái theo cha khi con còn nhỏ dại. Nhưng lúc nào cũng giữ được sự điều-hòa, từ đại thể đến tiểu dị.

Trên đồ ngang các hào, các quẻ hòa nhau: hào hoà với hào, quẻ hoà với quẻ, là đôi quẻ một hoà nhau. Hòa tức là đối nhau. Hào âm đối với hào dương, đến mực trung-hòa thành số 0.
* quẻ Càn, quẻ Khảm: thì hào đầu (tính từ dưới tính lên) và hào cuối (hào 3) dương của Càn hòa với âm của Khảm.
* quẻ Cấn, Chấn thì hào đầu: âm của Cấn hòa với dương của Chấn; hào cuối: dương của Cấn hòa với âm của Chấn.
* Giai-đọan kế là hào nhì của hai quẻ Càn, Khảm hòa với hào nhì của hai quẻ Cấn, Chấn.

Tốn, Ly, Khôn, Đoài cũng vậy, cũng hòa nhau từng đôi một rất khít-khao.

Sau cùng thì hai phần Âm, Dương vẫn có những hào hòa nhau, nối kết nhau như những mắt lưới đều-đặn, hài-hòa.

Bên phần dương có 4 quẻ: mỗi quẻ có 3 hào, tổng-cộng 12 hào có 6 hào dương, 6 hào âm. Âm dương giao-hòa nhau.

Bên phần âm có 4 quẻ: Mỗi quẻ có 3 hào, tổng-cộng 12 hào, có 6 hào dương, 6 hào âm. Âm dương giao-hòa nhau.

Như vậy mỗi bên Âm dương đều có sự giao-hòa nhau của Âm dương như đồ hình ngang: Khi dương =0 thì âm =0 đó là được thái-hòa, từ cái tổng thể cho đến tiểu dị. Tiểu-dị là từng hào giao hòa nhau. Quẻ cũng giao-hòa nhau là phần đại thể.

Như trên đã nói:
- Hào là từng vạch một có hào dương hòa với hào âm.
- Quẻ là gồm đủ 3 hào: quẻ âm là trong quẻ có ít hào âm, như Ly là quẻ âm bởi có một âm. Quẻ dương là quẻ có ít hào dương, như Khảm là quẻ dương vì chỉ có một dương ở giữa; quẻ âm hòa với quẻ dương. Tất cả hòa nhau là vậy.

* Hoà trong Tôn-giáo là Hoà tinh-thần:
Từ xưa đến giờ các vị Thánh-nhân có chú ý đến cơ Hòa này không?
- Hẳn nhiên là có chứ! Nếu không hòa thì làm sao bình được? Không hòa làm sao có được sự hoãn-huợt đến ngày nay, để kết liên thành Hòa-bình, Hòa-huỡn!

Nhưng tại sao giờ này hầu như nhân-lọai phải khát vọng Hòa-bình đến cực độ, mà thiêng-liêng càng nôn-nóng lo cho nhơn-lọai cái cơ Hòa bình cực-kỳ hơn nữa. Ngày nay nó trở thành ước vọng của tất cả chớ không của riêng ai. Là tại sao? Có phải vì nhân-loại sắp tận diệt không?

Bởi nhân-lọai đã đánh mất chữ HÒA rồi!
Ngay cái thời-kỳ Hạ-nguơn cùng cuối này tất cả cái văn-minh vật-chất đã cao độ, đồng thời cái văn-minh tinh-thần hầu như cũng dần cạn kiệt trong tâm-hồn, làm cho lệch cán cân quân-bình trong một tư thế hết sức đau thương. Có khác nào nhân-lọai đang kêu cứu về “Rác”! Nếu chúng ta làm một bài toán nho-nhỏ thì thấy rằng rác ở bên ngoài làm khó chịu cho môi-trường sống bao nhiêu, thì rác trong tâm-hồn của nhân-lọai cũng làm cho các nhà đạo-đức thống tâm bấy nhiêu!.
Chính Đức Thượng-Đế đã phải than:
Cao-Đài tá thế đến phàm-gian,
Bạch-Ngọc Huỳnh-Kim cũng chẳng màng.
Chìu lụy đòi phen xem quá tục,
Nghĩ không đổ lụy phải cười khan.

Cười khan mà khóc bởi thương bây,
Chẳng mất một con nghiệt cả bầy.
Biết phận già không chờ chống gậy,
Nương theo con dại mới ra vầy.

Tất cả những yếu-tố về lý Dịch trên, xem như sự điều-hòa về hình-thức, hòa bằng phương-pháp, Phải hòa về tinh-thần nữa, mà nhân-lọai phải thực hiện cho được, hòa cho được, nếu không thì cả thế-giới phải hứng chịu cảnh tiêu-tàn mà thôi, nếu không có HÒA!

2 - Thánh-nhân rất chú-trọng đến chữ HÒA
Bởi Dịch là Đạo, là công-thức sống cũng như cơ thể con người, Thượng-Đế cũng đã tạo ra tế-bào, gân, xương, mạch máu làm nên cơ thể con người cũng quá chi-ly cho hòa-hợp nhau.

Nhưng lần hồi cuộc sống khó-khăn, luân thường biến đổi làm cho tình người điên-đảo mất sự thương-yêu, lợt điểm Thánh-tâm khiến cho trần tục khảo; rồi từ đó xảy ra chiến-tranh, chết-chóc gây cảnh máu sông, xương núi. Thượng-Đế cũng như Thần, Thánh, Tiên, Phật không nỡ làm ngơ mà ngồi nhìn cảnh tang điền thương hải nên tìm đủ mọi cách để kêu gọi, hãy nhìn lại nơi Trời sẵn sàng đưa tay cứu vớt.

Thượng-Đế mở Đạo đem chân-lý chánh truyền chỉ dẫn, bày ra bài học Thương-yêu, Bác-ái, Công-bình để nhắc-nhở, đem cơ Hòa xuống đặt nơi thế-gian này kêu gọi nhân-lọai hồi tâm, biết hòa-ái cùng nhau, hòa-thuận cùng nhau từ trong mỗi cá-nhân, như mạch máu đường tim trong thân-thể con người vậy.

Nay, trong cửa Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ tất cả thể-pháp và bí-pháp cũng đều là nồng cốt nằm trong Đạo Dịch: “Kinh này là một triết-học Á-đông độc nhất vô nhị, mà chính là những bí-pháp cổ-truyền của Đạo Cao-Đài, một đạo-giáo Việt-Nam hoàn-toàn nảy sanh ở cái triết-lý hoàn toàn Á-đông mà kinh này đã gồm hết những lý thuyết cao siêu … đã nêu cao tinh-thần Đại-Đạo”.

Do bởi Dịch với Đạo Cao-Đài ngày nay xem như một, là hình với bóng.
Đức Phật Quan-Âm cũng nói “Đạo quí là tại Hòa”.
Phải! Chính cái chữ “Hòa” mới làm nên hình tướng của Đại-Đạo là vậy. Đức Phật dạy rằng:

“Các em nghĩ thử mà coi, tạo thiên lập địa cũng bởi âm dương hòa-hiệp mới sanh-hóa muôn loài, cũng bởi một chữ Hòa; đến đỗi như thân người có tạng, có phủ. Tạng phủ ấy, nếu chẳng hòa thì con người chẳng hề sống bao giờ. Kịp đến tâm-hồn bất hòa thì thất tình lục dục đều phát khởi tranh ngôi với thần lương-tâm, nếu kém lực thì con người ấy duy có sanh-họat trong vòng vật dục chớ chẳng hề biết thiên-lý là gì!
“Các em thử nghĩ cái phẩm-giá của kẻ ấy cao hèn là thế nào? Người chẳng có Hòa là thế đó:
- Còn gia-đình chẳng hòa, thì cha con mích nhau, chồng vợ lìa tan, anh em ly-tán.
- Còn trong luân-lý chẳng hòa, thì dân cư bất mục, nước chẳng hòa thì sanh ly-lọan.
- Còn cả thế gian bất hòa, thì nhơn-lọai đấu-tranh.

Vì vậy thiếp khuyên các em “Dĩ hòa vi tiên”.
Như vậy nét “hòa” có từ trong thể-pháp đến bí-pháp của Đạo Cao-Đài, duy ở con người chắc chưa được tọai ý Thánh-nhân, mới than:
“Thiên thời, địa lợi đôi điều sẵn,
“Chỉ thiếu hòa nhân để hợp quần”.
  Home       1 ]  [ 2 ]  [ 3 ]  [ 4 ]  [ 5 ]  [ 6 ]  [ 7 ]  8 ] 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét