Buổi Ngài mới đến, Bần-Đạo thú thật phần nhiều anh em chúng ta buổi nọ không
hiểu Đạo là gì, dầu đàn anh của chúng ta có sứ-mạng nơi mình lãnh trách-nhiệm
làm Thánh-thể cho Ngài, khi ấy cũng không biết Đạo là gì cả, chỉ nhắm mắt theo
Ngài mà thôi; chính Bần-Đạo buổi nọ, Đại-Từ-Phụ xin Bần-Đạo, nói xin lại với một
lời yếu thiết:
Bần-Đạo trả lời với Ngài một
cách quả quyết rằng:
Nòi giống con còn nô-lệ, nước
nhà còn lệ thuộc, thì làm thế nào con tu cho đặng!
Ngài cười nói:
Nhưng điều ấy các con làm
không đặng đâu, để đó cho Thầy.
Tiếng “để đó cho Thầy” Bần-Đạo
nhớ lại nói dễ như không không, mà đã hai mươi mấy năm trường rồi đó. Ngài hứa
khi Ngài mới đến cùng Cao Thượng-Phẩm và Bần-Đạo cuối năm Tý đó vậy, theo phàm
tánh của ta có lẽ buồn, nhưng vì chúng ta sống trong thời-gian, còn Đức Chí-Tôn
sống trong không-gian; chúng ta tính từ ngày, tháng, năm; còn Ngài chỉ lấy quyết-định
của Ngài làm căn-bản mà thôi. Lời hứa đơn-sơ ấy ngày nay chúng ta đã thấy rằng
Ngài không bao giờ thất hứa với chúng ta đó vậy, nếu chúng ta đoán xét kỹ
cơ-quan của Ngài đã thi-thố, đã giải ách nô-lệ cho nòi giống Việt-Nam, chúng ta
ngó thấy một hành tàng khắc-khe khó nói, thi thố với một cách mà trí óc phàm
chúng ta không thể đoán đặng và Bần-Đạo nói rằng không có một tay phàm thi thố
đặng; muốn giải ách nô-lệ cho nước Việt-Nam mà dùng quyền phép vô biên của Ngài
đào-độn cả vạn quốc hoàn-cầu đặng làm cho sôi-nổi một trường chiến-tranh của
toàn thế-giới giục-thúc các nước còn lạc-hậu chiến-đấu lấy cho đặng quyền sở-hữu
của họ, giành cho được độc-lập cho nòi giống và quốc-gia của họ. Quyền sở-hữu ấy
là quyền định sống của họ đó vậy.
Nơi cõi Á-đông cả toàn thể
nước nào còn lạc-hậu đều đặng giải-thoát, đều chiến-đấu đặng tranh độc-lập và
thống nhứt.
Nước nhà nòi giống Việt-nam
cũng tấn triển theo khuôn-luật ấy mà định vận-mạng lấy mình, không coi lại sự độc-lập
và thống nhứt nước Việt-Nam có nhiều điều khắc-khe mà trí óc phàm này không thế
làm đặng nên phải dùng tay của Đức Chí-Tôn, cả con cái của Ngài, Bần-Đạo đứng
nơi tòa giảng này không nói thêm, không nói bớt:
- Khó nhứt là nước Việt-Nam,
- Nòi giống Việt-Nam,
- Quốc-gia Việt-Nam.
Đã thiếu Ngài một nợ tình, không biết giá-trị nào nói cho đặng. Thâm tâm của
Ngài muốn gieo một nợ tình với quốc-dân, đặng chi? Ta nêu một dấu hỏi (?).
Thêm cho đủ yếu-lý ấy. Bần-Đạo nói sự mơ-ước của Ngài rất đơn-giản, rất nhẹ
mà giá-trị không cùng, chỉ muốn quốc-dân Việt-Nam làm Thánh-thể của Ngài, thay
thế hình ảnh của Ngài đặng chia khổ cho Ngài, chung hiệp cùng Ngài, hầu nâng-đỡ
kẻ khổ, an-ủi tâm-hồn nhơn-loại đang đau-đớn trong buổi cạnh tranh giành sống của
họ, của cơ-quan tranh-đấu cho kỳ đặng độc lập, đặng bảo-vệ sự
sanh sống của họ, nếu không mực thước chuẩn-thằng định tâm-lý của họ, dầu cho đấu-tranh để lập quyền sống của mình
ít nữa phải có Nhơn-đạo đặng giúp mạng sống của
người, chớ đừng bảo-vệ mạng sống của mình để chiếm đoạt mạng
sống của kẻ khác.
Tấn-tuồng ấy Bần-Đạo chỉ nói là quả kiếp mà thôi. Đức Chí-Tôn Ngài đến lập
nền chơn giáo của Ngài cốt-yếu làm thế nào cho họ đừng cướp sống lẫn nhau mà
an-ủi với nhau ấy là chí-hướng của Ngài đó vậy”.
(ĐHP 8-1 Canh-Dần 1950)
7 - Nhìn ra toàn thế-giới, ta thấy gì?
Đấng Thượng-Đế đã sai Hộ-Pháp
làm gì?
Đức Hộ-Pháp nói:
“Đời quá ư bạo-tàn, cho
nên Đức Chí-Tôn mới giáng trần mở Đạo cho con cái biết: các ngôi Thần, Thánh,
Tiên, Phật đều tình nguyện hạ thế cứu đời, xuống bao nhiêu lại càng mất bấy
nhiêu. Trong thời-kỳ ấy Bần-Đạo vâng lịnh Đức Chí-Tôn xuống thế mở Đạo, thì Đức
Chí-Tôn mới hỏi rằng:
- Con phục lịnh xuống thế
mở Đạo, con mở bí-pháp trước hay là mở thể-pháp trước?
Bần-Đạo trả lời:
- Xin mở bí-pháp trước.
Chí-Tôn nói:
- Nếu con mở bí-pháp trước
thì phải khổ đa! Đang lúc đời cạnh-tranh tàn bạo, nếu mở bí-pháp trước, cả sự
bí-mật huyền-vi của Đạo, Đời thấy rõ xúm nhau tranh giành phá hoại thì mối Đạo
phải ra thế nào?
Vì thế nên mở thể-pháp trước,
dầu cho đời quá dữ có tranh-giành phá hoại cơ thể hữu-vi hữu-hủy đi nữa thì
cũng vô hại, xin miễn mặt bí-pháp còn là Đạo còn.
Bí-pháp là Hiệp-Thiên-Đài
giữ.
Thể-pháp là Cửu-Trùng-Đài
mở-mang bành trướng về mặt phổ-thông chơn giáo”.
C - HỘ-PHÁP
CHƯỞNG-QUẢN NHỊ HỮU-HÌNH-ĐÀI
- Cửu-Trùng-Đài là Đời.
- Hiệp-Thiên-Đài là pháp-giới tạo ra vạn-linh,
đó là Đạo.
* Cửu-Trùng-Đài dưới quyền-hành Giáo-Tông chưởng-quản.
* Hiệp-Thiên-Đài dưới quyền
của Hộ-Pháp chưởng-quản.
Nguyên-tắc:
Đức Hộ-Pháp nói: “Hễ
Giáo-Tông và Hộ-Pháp hiệp một là quyền Chí-Tôn tại thế, nên quyền vạn-linh tức
là quyền Chí-Tôn tại thế định cho Hộ-Pháp Chưởng-Quản Nhị Hữu-Hình-Đài nắm quyền
vi chủ nơi tay mới làm được, điều ấy bí-pháp Chí-Tôn đã giao phó tất cả.
“Đức Chí-Tôn định cho Hộ-Pháp
cầm quyền hai Đài tức nhiên Thiên-điều quyết định Đạo phải làm Chủ của Đời,
oai-quyền ấy sẽ cứu đời khỏi tận diệt.
“Vì cớ ấy mà Đức Lý nói
Thiên-điều trong tay Bần-Đạo là vậy đó.
“Trong nền Đạo luôn luôn
phải có Giáo-Tông và Hộ-Pháp, dầu có sự biến thiên xây chuyển thế nào, sớm hoặc
muộn đều phải có Giáo-Tông và Hộ-Pháp.
“Dầu xác thể của Qua là
con kỵ-vật của Hộ-Pháp, có thay đổi thế nào Hộ-Pháp vẫn là Hộ-Pháp. Ngày kia chủ-quyền
của Đạo: hữu-hình này là Giáo-Tông làm chủ không lẽ Ngài vô tình chiết bớt cánh
tay, tức là giải tán Phước-Thiện. Bởi vì:
“Hội-Thánh Phước-Thiện là
của Hộ-Pháp.
“Hội-Thánh Cửu-Trùng-Đài
là của Giáo-Tông.
“Đạo còn thì Hiệp-Thiên-Đài
còn. Mà Hiệp-Thiên-Đài còn thì các cơ thể trong cửa Đạo vẫn còn tức là nhơn-sanh
còn thì quyền Vạn-linh không bao giờ tuyệt. Bởi vậy đại-nghiệp thiêng-liêng
Chí-Tôn đã để tại mặt thế này là nền Đại-Đạo giao cho quyền Vạn-linh nắm giữ,
còn Thánh-thể Đức Chí-Tôn là chủ quyền nó sẽ bảo thủ vĩnh-viễn, trường-tồn mãi
mãi".
1 - Nguyên-nhân nào Hộ-Pháp Chưởng-Quản Nhị Hữu-Hình-Đài?
Khi Đức Quyền Giáo-Tông
đăng Tiên ngày 13 tháng 10 năm Giáp-Tuất (dl 19-11-1934) qua ngày rằm khai mạc
Đại-hội nhơn-sanh nên Hội-Thánh phải đình lại ngày Hội để lo cử hành lễ
Thánh-tang cho Đức Quyền Giáo-Tông xong. Qua ngày 26 Hội-Thánh nhóm Đại-hội Hội-Thánh
mời cả Chức-sắc Nam Nữ lo mở Đại-hội nhơn sanh, đồng thời cũng đệ trình kiến-nghị
cả hai Hội-Thánh Hiệp-Thiên và Cửu-Trùng quyết-nghị giao quyền Thống nhứt cho Đức
“Hộ-Pháp Chưởng-Quản Nhị Hữu-Hình-Đài”.
Giờ phút này Đức Hộ-Pháp
thật sự nắm quyền Hộ-Pháp và Giáo-Tông, tức là cầm quyền Vạn-linh, đủ quyền đối
cùng Chí-Linh, tức nhiên Ngài là Giáo-chủ hữu-hình của nền Đại-Đạo.
Hộ-Pháp có quyền đặc biệt
về ân-xá cũng như Giáo-Tông có quyền chánh-trị vậy.
Đức Hộ-Pháp xác định:
“Hễ Giáo-Tông và Hộ-Pháp
hiệp một là quyền Chí-Tôn tại thế, nên Quyền Vạn-linh tức là Quyền Chí-Tôn tại
thế định cho Hộ-Pháp Chưởng-Quản Nhị Hữu-Hình-Đài, nắm quyền vi chủ nơi tay mới
làm được, điều ấy bí-pháp Chí-Tôn đã giao phó tất cả. Mấy con không hiểu đặng,
chỉ có Đức Lý Giáo-Tông và Qua mà thôi”.
Đức Lý Đại Tiên ban cho thi:
HỘ giá Chí-Tôn trước đến giờ,
PHÁP luân thường chuyển máy Thiên-cơ.
CHƯỞNG quyền cực-lạc phân ngôi vị,
QUẢN suất càn-khôn định cõi bờ.
NHỊ kiếp Tây Âu cầm máy tạo,
HỮU duyên Đông Á nắm Thiên-thơ.
HÌNH hài Thánh-thể chừ nên tướng,
ĐÀI trọng hồng-ân gắng cậy nhờ.
Ngày 15-5 Mậu-Tý (dl
21-6-1948) là ngày Đức Hộ-Pháp vấn nạn Đức Lý Giáo-Tông “Về một lý thuyết tối
trọng-yếu trong nền Chánh-giáo của Đức Chí-Tôn, việc Hộ-Pháp Chưởng-Quản Nhị Hữu-Hình
Đài là việc này có điều bí-ẩn tiên tri, sự tiên-tri ấy kết liễu cùng chăng
không rõ, nhưng hiện giờ ta cũng đoán xét được.
Đức Lý Giáo-Tông đã có
giáng cơ nói:
Giao quyền Cửu-Trùng-Đài
trong tay Bần-Đạo đặng thống nhất quyền-hành Chưởng-Quản Nhị Hữu-Hình-Đài, ấy
là do Ngọc-Hư-Cung quyết-định tức là do Thiên-điều quyết-định vậy.
Điều ấy Bần-Đạo lấy làm
khó nghĩ, nhứt là chịu nhận đảm-nhiệm ấy làm cho tinh-thần của Bần-Đạo phải kiếm
hiểu, kiếm hiểu coi vì cớ nào mà giao cho Bần-Đạo QUYỀN THỐNG NHẤT, nhưng tìm
kiếm không ra được.
“May thay, Đức Lý Giáo-Tông đến. Bần-Đạo thú thiệt với Ngài và xin Ngài nói
rõ cho biết đôi việc nhỏ đặng chỉnh-đốn, Bần-Đạo nói:
- Bạch Ngài, sự bí-mật ấy nếu Ngài có thể cho Tôi biết được đôi chút mới có
thể an tâm, an trí được. Ngài cười và nói:
- Bần-Đạo vẫn biết trước
thế nào Hiền-hữu cũng vấn nạn nên Bần-Đạo đã cố tâm đối-đáp lại cùng Hiền-hữu. Trước khi muốn biết sự bí-mật ấy, chúng ta nên tìm hiểu coi Nhị Hữu-Hình-Đài là gì?
Bần-Đạo xin Ngài giải-nghĩa. Ngài đáp:
- Cửu-Trùng-Đài là chơn-tướng của Cửu-Thiên
Khai-Hóa tức là cơ hữu-vi của càn-khôn vũ-trụ, do Cửu-Thiên Khai-Hóa tạo thành.
Hỏi: Bởi quyền-năng nào tạo
thành?
Do nơi quyền-năng vô đối của
Chí-Tôn. Phép lạ thành tướng ấy là do Pháp. Pháp ấy từ đời thượng-cổ tới giờ
liên-hiệp Vạn-linh và Chí-linh. Bởi vậy ta tìm Đạo là cốt-yếu tìm hiểu cái
bí-pháp ấy như thế nào và có phương thế gì làm cho ta đoạt đặng chăng?
Ấy vậy, Cửu-Trùng-Đài là Cửu-Thiên
Khai-Hóa tạo-đoan cả vạn-linh trong vòng càn-khôn vũ-trụ. Chúng ta ngước mặt
lên trời, mắt thấy hằng hà sa-số là địa-giới, ta gọi là sao, mỗi vì tinh-tú ấy
là một quả địa-cầu có người ở, cho nên Đức Chí-Tôn mới nói rằng càn-khôn vũ-trụ
này chứa đầy vạn-linh. Nói rõ hơn nữa Cửu-Trùng-Đài là Đời.
Hiệp-Thiên-Đài là pháp-giới
tạo ra vạn-linh, tức là Đạo, rõ-rệt như vậy.
Bây giờ Bần-Đạo hỏi tại
sao, cớ nào mà Ngài đến đây cầm quyền trị thế?
Ngài trả lời:
Ta tìm hiểu cao sâu hơn nữa
trong sự bí mật ấy coi hiện thời chúng ta thấy gì? Ta thấy đời đương phấn-khởi,
bồng-bột; tự năng, tự tạo, tự đoán, tự chủ, không còn đạo-đức gì hết mà đương
nhiên lại có hai hình tượng:
- Cộng-sản tinh-thần thể
chất,
- Các ban máy-móc, cách-vật,
hóa học, tức là thuộc về hình tượng thể chất.
Hai hình tượng ấy ngày nay
đối chọi nhau. Thảng như ngày kia có hiệp đồng lại, thì thể chất ấy có hình tướng
lại có hồn-phách thì ta thử tưởng-tượng lại coi nhơn-loại trên mặt địa-cầu này
sẽ thế nào?
Thể chất thì lúc nào cũng
xu-hướng theo thể tánh duy-vật mà thôi. Thoảng như các Tôn-giáo đương cầm
tương-lai linh-hồn của loài người mà trên mặt địa-cầu này không đủ năng-lực, thì
cả tài-năng thể chất ấy nó sẽ xô đuổi cả xác thịt lẫn linh-hồn của con người đến
chỗ tự diệt đó.
Ấy vậy, tinh-thần tức là đạo-đức
phải làm thế nào đặng đối phó lại cho vừa sức với thể chất ấy. Đời bây giờ quá
tiến-triển về hình-thể thì phải có cơ Đạo đủ năng-lực thức tỉnh tâm-hồn của
loài người và giữ-gìn, dìu-dắt mới có thể tồn-tại được. Nhưng ta thấy các
Tôn-giáo hiện hữu tại mặt địa cầu này đã mất quyền hẳn vậy. Sự loạn-lạc gây ra
hai trận đại-chiến ở Âu-châu là do nơi Công-giáo mất quyền, tinh-thần của
nhơn-loại loạn-đả mà không ai cầm quyền điều-khiển nên mới tự-do sát hại lấy
nhau như thế ấy.
Chí-Tôn đến! Đến đặng cứu
con cái của Người!
Vậy hỏi Người đã làm thế
nào? Có chi lạ! Người chỉ tăng cường đạo-đức làm giềng mối cho tâm-lý loài người
đặng bảo-tồn sanh mạng cho cả nhơn-loại với phép duy-tâm thì đời mới tồn-tại.
Ngài vừa luận tới đó thì Bần-Đạo
nói:
Than ôi! Đạo Cao-Đài đã 23
năm mà còn lẩn-quẩn trong nội địa Việt-Nam, có đâu đủ đảm lực ra toàn cầu đặng
độ rỗi nhơn-sanh, cái đặc phận ấy quyết-định con đường của Đạo đi còn dài, còn
sở cấp tương-lai vận-mạng của loài người lại cấp bách. Vậy làm thế nào mà chuyển
thế cho kịp đặng hoàn tất đảm-nhiệm thiêng-liêng ấy?
Ngài trả lời một câu rất hữu
duyên, chúng ta không thể tưởng-tượng được. Ngài nói rằng:
- Cái nhà máy xay, vốn nó
không cấy, không gặt, mà nó vẫn có gạo ra cho toàn nhơn sanh ăn. Đạo Cao-Đài
không ra khỏi nước mà có thể làm phận-sự trọn vẹn đặng.
Bần-Đạo hỏi câu ấy có
nghĩa thế nào?
Ngài đáp:
Mối chơn-truyền của Đức
Chí-Tôn đem Đạo đến tại thế là mối dây liên-lạc tương-quan cùng các Tôn-giáo
trên thế-giới đương nhiên cầm quyền nhơn-loại, bởi không có giềng mối kết-liên
với nhau thành ra chia rẻ, phân biệt trắng đen, hơn thiệt. Trận giặc Tôn-giáo
trên địa-cầu hiện giờ ta thấy tại Ấn-Độ và Palestine. Vậy có thể nào làm cho
các Tôn-giáo hiệp đồng tâm-đức đặng chăng?
Duy có năng lực của
Chí-Tôn tạo thành mối dây liên-hệ các Tôn-giáo cùng nhau đó thôi.
Bần-Đạo vấn nữa: Thoảng
như Chí-Tôn đem các Tôn-giáo ấy dung-hòa đặng tương-hội cùng nhau mà họ không
nghe thì ta mới làm sao? Ngài nói:
- Dầu đương nhiên họ không
nghe, nhơn-sanh sẽ biết điều trọng-yếu ấy mà đòi hỏi thì họ phải chịu, chừng ấy
nhơn-sanh buộc họ phải hiệp, bằng chẳng vậy họ sẽ tự diệt lấy họ.
Ấy vậy, Đức Chí-Tôn định
cho Hộ-Pháp cầm quyền hai Đài, tức nhiên Thiên-điều quyết định Đạo phải làm chủ
của Đời, oai-quyền ấy cứu đời khỏi tận-diệt.
Vì cớ ấy mà Ngài nói
Thiên-điều trong tay Bần-Đạo là vậy đó”.
Đức Lý Đại-Tiên nói về quyền-hành
của HỘ-PHÁP.
“Hiền-hữu khuynh tâm vì
Lão và Thượng-Trung-Nhựt lập quân-đội khi Hiền-hữu vắng mặt có phải?
Tình cảnh đôi ta phản-trắc:
- Lão là Thiên-điều mà cầm
quyền trị thế,
- Còn Hiền-hữu tại thế mà
nắm Thiên-điều.
Lão xin nhắc, khi Hiền-hữu
tịnh pháp tại Thủ-Đức, Lão đã nói cơ chuyển thế Trời người hiệp một. Hiền-hữu
có nhớ? Cười!...
Thiên-đình tại thế. Thế tại
Thiên-đình, cơ huyền-bí độ tận chúng-sanh mới đặng, có phải?
Thoảng như vậy thì cơ chuyển
thế nguy hiểm này, nhơn-sanh sẽ định số phận Hiền-hữu thế nào có biết?
Cười!.. Chẳng lẽ phải chịu
một phen khảo đảo xác nữa! Thì nạn chiến-tranh Lão đã tiên-tri từ trước, vì chủng-tộc
Việt-Nam vô đạo mới khó giải-kiết cứu nguy. Nếu Hiền-hữu ngày nào cầm lại
Thiên-thơ thì mới rõ phần nhơn-quả.
Chẳng lẽ Lão là chủ phần
xác của nhơn sanh mà ngồi khoanh tay, không tìm phương cứu chữa. Địa-vị của Hiền-hữu
như Lão thì Hiền-hữu mới thế nào?
Chẳng lẽ vì những kẻ lợi dụng
vô tâm, đọa-đày thiên-hạ mà lại đố kỵ chẳng dám cứu đời. Hiền-hữu căn-dặn cả thảy
con cái của Đức Chí-Tôn ráng sức ăn-năn, cầu-nguyện.
THI
Việt-thường hữu phúc xuất chơn-quân,
Chuyển thế Chí-Tôn dĩ định tuần.
Trị loạn Nam-phương trừ mãnh-hổ,
Thừa bình Bắc địa kiến Kỳ-lân.
Hoàng-triều hậu nhựt nghi tùng cổ,
Văn-hiến tương-lai khả hoán tân.
Thánh chúa hiền thần phò Tổ nghiệp,
Khải ca định phận tại thu phân.
(Đức Lý, 1-3 Mậu-Tý)
Đức Lý dạy tiếp:
“Hộ-Pháp, Hiền-hữu muốn
Lão ký tên Thánh-lịnh thăng vị cho Chức-sắc Thiên-phong, điều ấy vốn không khó,
chỉ sợ nghịch Thiên-điều.
Lão đã nói, hoàn cảnh của
đôi ta phản trắc:
- Lão vô-hình lại đảm-nhiệm
trách-nhậm trị thế định vị, tức là chủ-khảo thiêng-liêng-vị. Bởi thế cho nên
khi Hộ-Pháp trấn Thánh Phi-Châu, Lão mới cầm quyền đặng định vị cho các Thánh tử
đạo, vì đó mà lập quân-đội.
- Còn Hiền-hữu hữu-hình mà
lại nắm Thiên điều hành-pháp lập giáo, Hiền-hữu là chủ khảo hữu-hình-vị, bởi cớ
cho nên Hiền-hữu làm đầu toàn Hội-Thánh.
Khi Ngọc-Hư-Cung giáng lịnh
thì Hiền hữu vẫn nhớ hai câu thi này:
“Cửu-trùng không kế an thiên-hạ,
“Phải để Hiệp-Thiên đứng trị vì.”
Bởi lẽ ấy, Lão đến khi nọ giao quyền trong bài thi “Hộ-Pháp Chưởng-Quản Nhị Hữu-Hình-Đài”
Ấy vậy, nơi tay Hiền-hữu đủ quyền Chí-Tôn
mà chuyển thế. Lão bất quá là một Gián-nghị Đại-phu ở gần Hiền-hữu, chia lo sớt
nhọc mà thôi.
Lão tưởng khi thiên-hạ
chưa an có phải?
Cười!... thì nay đã hiện-diện
là Quốc-sư Việt-Nam đặng bước qua Quốc-sư thiên-hạ. Xong chưa mà toan thối
thác?
Cứ ký đi như trước tới giờ
là đúng phép.”
* HIỆP-THIÊN-ĐÀI dưới quyền
Hộ-Pháp chưởng-quản, tả có Thượng-Sanh, hữu có Thượng-Phẩm. Phần của Hộ-Pháp
chưởng-quản về Pháp.
2 - HỘ-PHÁP LÀ AI?
HỘ-PHÁP 護 法
(F: Chef suprême du Temple de
l’Alliance Divine).
Pháp-Chánh-Truyền qui định:
“Huyền-vi mầu-nhiệm của Đạo có Thiên điều, cơ
bí-mật của đời có luật-pháp. Hộ-Pháp là người nắm cơ mầu-nhiệm của Đạo, nắm luật của Đời, xử-đoán chư Chức-sắc
Thiên-phong và cả Tín-đồ cùng là xin ban thưởng, công thưởng tội trừng nơi thế
này. Hễ có phàm trị mới khỏi Thiên trị; phải chiếu luật Đạo cho toàn cả Tín-đồ
khỏi bị Thiên-điều, giữ phẩm-vị thiêng-liêng mỗi Chức-sắc, ắt phải gìn-giữ đạo-đức
của mọi người. Người dùng hình phàm làm cho giảm tội thiêng-liêng, nắm cơ mầu-nhiệm
công-bình mà đưa các chơn-hồn vào Bát-Quái-Đài, hiệp cùng chư Thần, Thánh,
Tiên, Phật. Người nắm trọn cả luật Đạo và luật Đời đặng xử-đoán, làm chủ phòng
xử đoán.
Dưới quyền Hộ-Pháp có 4 vị:
Tiếp-Pháp, Khai-Pháp, Hiến-Pháp, Bảo-Pháp.
Bốn vị ấy đồng quyền cùng
Hộ-Pháp khi đặng lịnh Người sai đi hành-chánh, song mỗi vị có mỗi phận-sự
riêng, quyền-hành riêng.” (PCT)
3 - Luận về quyền-hành của HỘ-PHÁP tức là luận về Đạo-phục
của Người
Đạo-phục của Hộ-Pháp được
Pháp-Chánh-Truyền qui định:
“Đạo-phục của Hộ-Pháp có
hai bộ, một bộ Đại-phục và một bộ Tiểu-phục”
Điều ấy chứng tỏ rằng “Hộ-Pháp
là người nắm cơ mầu-nhiệm của Đạo, nắm luật của đời” tức nhiên là Ngài còn nắm
cả hai Bát-quái của Đại-Đạo này cũng như Giáo-Tông vậy.
Đại phục:
“Bộ Đại phục, Người phải mặc
giáp, đầu đội Kim-Khôi toàn bằng vàng, trên Kim-khôi có thể Tam sơn, giống như
cái chĩa ba ngạnh, chủ-nghĩa là Chưởng-quản Tam-Thiên bên Tây-Phương-Cực-lạc”.
Giáp là bộ đồ của người
lính khi ra chiến-trận để bảo vệ sanh mạng, quan-trọng cho hàng tướng-soái. Ở
đây Hộ-Pháp mặc khôi-giáp là chỉ một uy-quyền tối thượng, oai-phong lẫm-liệt, một
Tướng trời tức là Ngự-Mã Thiên-Quân của Chí-Tôn. Giáp của Ngài là một thiết-giáp
đạo-bào nên chỉ để “trừ tà diệt mị hộ chơn truyền” mà thôi.
Đầu đội Kim-khôi màu vàng;
màu vàng chỉ về Phật-giáo chấn-hưng mà Đạo Cao-Đài đang chủ-trương tinh-thần ấy.
Trên Kim-Khôi có thể Tam sơn chứng tỏ quyền-hành của Ngài hiện đang Chưởng-quản
cả Tam châu là Đông thắng thần châu, Tây ngưu hạ châu, Nam thiệm bộ châu; còn lại
một châu thứ tư là Bắc cù lư châu thì giao cho Kim-Quan-sứ cai trị.
Thế nên câu niệm danh Ngài
thường là “Nam-mô Tam Châu Bát Bộ Hộ-Pháp Thiên-Tôn” nhưng Ngài còn dạy rằng: lẽ
ra phải niệm là “Nam-mô Tam-Thiên Thế-Giới Hộ-Pháp Giáng Lâm” mới đúng, nay vì
đã quen rồi nên không sửa.
“Chơn đi hia, trên chót
mũi hia có chữ “PHÁP”.
Với nền Tôn-giáo, chỉ duy
các Chức-sắc Đại Thiên-phong mới được phép mang hia hoặc giày vào chầu lễ
Chí-Tôn, nhưng các giày hay hia này chỉ dành riêng sử-dụng trong lúc chầu lễ
Chí-Tôn mà thôi. Trước mũi hia có chữ “Pháp 法” chỉ nghĩa rằng Ngài chưởng-quản “chi Pháp” là một trong ba chi “Pháp, Đạo,
Thế”.
“Ngoài giáp thì choàng mảng-bào,
thế nào bên tả phải giáp, bên hữu thì mảng. Tay hữu (bên Đạo, nghĩa là bên Thượng-Phẩm)
cầm Giáng-Ma-Xử (thể lấy Đời chế Đạo), còn tay tả (bên Thế nghĩa là bên Thượng-Sanh)
nắm xâu chuỗi “Từ-Bi” (thể, lấy Đạo chế Đời), thành ra nửa Đời nửa Đạo”
Điều lý giải như trên đã rõ
nghĩa, tuy nhiên:
“Trong Hiệp-Thiên-Đài thì
có Hộ-Pháp thay quyền cho các Đấng Thiêng-Liêng và Thầy mà giữ-gìn công-bình tạo-hóa,
bảo-hộ nhơn-loại và vạn-vật lên cho tới tận thiện tận mỹ, người thì tận thiện
còn vật thì tận mỹ.
“Hộ-Pháp là thể các Đấng trọn
lành, Người lại giao quyền cho Thượng-Phẩm lập Đạo, đặng dìu-dắt các chơn-hồn
lên tột phẩm-vị của mình, tức là nâng-đỡ binh-vực cả Tín-đồ và Chức-sắc
Thiên-phong ngồi an địa-vị, cũng như chư Thần, Thánh, Tiên, Phật điều-đình
Càn-Khôn Thế-Giới cho an-tịnh”.
“Ngang lưng cột dây lịnh sắc
có ba màu Đạo (thể Chưởng-quản Tam-giáo nơi mình, nắm trọn thể-pháp và bí-pháp
đặng qui nhứt, cái mối dây lịnh sắc phải ngay chính giữa bụng”.
Quyền-hành của Hộ-Pháp rất
lớn, nhất là việc qui Tam-giáo là một việc khó-khăn vô cùng, bấy nhiêu hình ảnh
trên sắc phục của Ngài cũng đã thấy quyền-uy của Ngài trong cơ Đạo này là tối
thượng. Thế nên, bộ Đại-phục chỉ mặc khi chầu lễ Chí-Tôn mà thôi.
Bộ Đại-phục này đủ yếu-tố
cho một Bát-quái Đồ-thiên trong nền Đại-Đạo.
Việc cúng kính thường thì
mặc Tiểu phục.
Tiểu phục:
“Bộ Tiểu phục thì toàn bằng
hàng vàng (màu Đạo).”
Màu vàng thuộc phái Phật,
tức nhiên Đạo Cao-Đài là Phật-giáo chấn hưng, dù tu ở bên nào (Cửu-Trùng-Đài
hay Hiệp-Thiên-Đài) khi đắc Đạo cũng vào Phật-vị, Ngài là Nhứt Phật.
“Đầu đội Hỗn-Nguơn-Mạo màu
vàng, bề cao một tấc ngay trước trán, chính giữa có thêu ba cổ-pháp của
Tam-giáo là bình Bát-vu, cây Phất-Chủ và bộ Xuân-thu, ngay trên ba cổ-pháp ấy
có chữ “Pháp 法”.
Chỉ riêng chữ Pháp 法 phân-tích sẽ thấy cái lý mầu-nhiệm vô-vi trong đó là gồm bộ thuỷ氵và chữ khử 去 tức nhiên là dùng nước để
khử trược. Bộ thuỷ có 3 nét ứng với Tam tài, chữ khử có 5 nét là lý Ngũ-hành; cộng
3 và 5 là 8 là một Bát-quái vô-hình, tức là một yếu-tố để chứng tỏ đây là Hư-vô
Bát-quái.
Hộ-Pháp là người của cung
Hỗn-Nguơn-Thiên (số 11), thế nên trên bàn thờ của Hộ-Pháp có cả thảy 11 cúng-phẩm,
đúng ra đó là quẻ Bát Thuần Càn, chứng tỏ Ngài là người đã thay trời tạo thế
trong buổi Tam-Kỳ Phổ-Độ này, từ đó những vấn-đề có liên-quan cũng phải đúng vào
con số biểu-tượng là 11, mới đúng thời, đúng lúc đó vậy. Vì thế trên chiếc mão
của Ngài đội có tên là “Hỗn-Nguơn-Mạo”
Bề cao một tấc trước trán
(số 1).
Số 1 là số đầu tiên sau số
0, tức là cái nguồn sanh-hoạt trước nhất để biến-vi hữu-tướng. Số 1 chỉ về
Thái-cực tức dương, người mang số này có tánh chuyên nhất và cầm quyền vi chủ.
Số 1 là số động, nó vốn là lý Thái-cực suy ra nên nó huyền-diệu, nhiệm-mầu, hiện
biến nên Đạo-gia nói “Thiên đắc nhứt linh, địa đắc nhứt minh, nhơn đắc nhứt
thành” là vậy. Ngôi số 1 thuộc về ngôi Phật chủ quyền cai-trị và giáo-hóa vạn-linh.
Tại sao phải đặt trước
trán? Bởi Đạo là lấy chính trung, nên chi đặt ở trán là điểm giữa của mặt. Lại
nữa chính giữa “có thêu ba cổ-pháp của Tam-giáo” là Xuân-thu, Phất-chủ và bình
Bát-vu.
Nay đứng đầu của Tam-giáo
thì có ngôi “Chưởng-Pháp của ba phái là Thích, Đạo, Nho. Nghĩa là mỗi phái là một
vị, mà ba đạo vẫn khác nhau; nội dung, ngoại dung đều khác hẳn, luật-lệ vốn
không đồng chỉ nhờ luật-lệ làm cơ qui nhứt”.
“Mỗi Chưởng-Pháp phải có ấn
riêng:
- Thái Chưởng-Pháp thì Bình-Bát-vu,
- Thượng Chưởng-Pháp thì cây Phất-chủ,
- Ngọc Chưởng-Pháp thì bộ Xuân-thu.
Hiệp một gọi là cổ-pháp.
Ba cái cổ-pháp ấy vốn của Hộ-Pháp hằng kỉnh trọng. Nơi mão Tiểu-phục của Người
phải có ba cổ-pháp ấy” (PCT) (xem thêm về cổ-pháp).
Sở dĩ “ngay trên ba cổ-pháp
ấy có chữ “Pháp” là vì Ngài đứng đầu “chi Pháp”.
“Chơn đi giày vô ưu màu trắng,
nơi chót mũi có chữ “Pháp”
Giày vô-ưu. Riêng chữ
vô-ưu là không còn ưu-phiền, tức là một bậc đã giải-thoát. Màu trắng là màu Đại-đồng,
màu tổng hợp bảy màu của sắc cầu vồng. Như vậy có cả thảy ba chữ “Pháp” (một
trên mão, hai chân hai chữ ở trước mũi hia) là hoàn thành con số 3 huyền-diệu
nơi bộ Tiểu phục.
Tuy nhiên nếu cộng cả thảy
thì có đến 5 chữ “pháp”, bởi vì bộ đại phục cũng có hai chữ ở chót mũi hia nữa.
Đây là do con số 2 cộng với số 3 thành ra số 5; số 2 chỉ âm dương hiệp với số 3
là Tam tài, số 5 là “Ngũ trung” ở trong Bát-quái.
“Lưng nịt dây lịnh sắc y
như Đại phục”
Nghĩa là “ngang lưng cột
dây lịnh sắc ba màu Đạo, cái mối dây lịnh sắc phải ngay chính giữa bụng”, tức
là hiệp Tam-bửu: Tinh, Khí, Thần.
"Khi ngồi Tòa
Tam-giáo thì phải mặc bộ Tiểu phục, còn Đại phục thì chỉ để ngự trên ngai mình”
Xem thế thì quyền-hành của
Hộ-Pháp đã đầy-đủ các yếu-tố của Bát-quái Đồ-thiên hiện rõ trên bộ Đại-phục
Bộ Tiểu-phục hiện rõ
Bát-quái Hư-vô.
4 - Thầy lấy tánh-đức PHẠM-CÔNG-TẮC lập Giáo trong
cơ chuyển thế
Đức Hộ-Pháp nói:
“Đức Chí-Tôn đến dạy Bần-Đạo
lúc nọ, đức-tin của Bần-Đạo chưa có gì hết. Không biết Ông tạo nền chơn-giáo như
thế nào mà Ông biểu Bần-Đạo dâng cả:
Thi hài, Trí não, hồn
phách cho ông lập Đạo.
Bần-Đạo không tin, không
nói, không nghĩ một cách nào quá đáng, Bần-Đạo trả lời:
- Thưa Thầy, cảm-tưởng của
con biết con và con biết Đạo. Thầy biểu con làm phận-sự bắt chước Đức Phật
Thích-Ca, Đức Lão-Tử, Đức Khổng-Phu-Tử hay là Đức Chúa Jésus-Christ thì con
không làm đặng, con chỉ biết con là TẮC đây thôi.
Ông đáp:
- TẮC, thoảng như Thầy lấy
tánh đức của con để lập giáo, con mới nghĩ sao?
Bần-Đạo hết đường trả lời.
Từ thử đến giờ, Bần-Đạo ỷ
mình hễ đi đến đâu hay đứng trên giảng-đài nào Thuyết-đạo, Bần-Đạo cứ nói càng,
không hiểu mình nói trúng hay trật, ai ngờ là nói trúng. Có một điều rất ngộ
nghĩnh khi Bần-Đạo đến Miên-triều, Miên-Hoàng tuyên-bố cho cả quốc-dân hay “Đấng
này đi đến đây đem Hòa-bình cho nước nhà Miên, nòi giống Miên đó”.
Hồi qua Âu-châu, vừa bước
chân lên đất Pháp, họ cũng nói ra điều ấy “Đem Hòa-bình cho thiên-hạ”. Hòa-bình
làm sao không biết, điều đó Bần-Đạo chỉ tin nơi Đức Chí-Tôn làm sao hay vậy”
Ngày nay:
Nơi “Cung Thượng Thiên Hỗn-ngươn
chúng ta thấy đương giờ này đang trong đệ tứ chuyển. Thượng-nguơn Tứ chuyển này
giao quyền chưởng-quản trị phần hồn và phần xác của càn-khôn vũ-trụ do nơi tay
của Đức Di-lạc Vương-Phật mà trong cung ấy là cung chúng ta thấy mặt Đức
Chí-Tôn tức nhiên gần Đức Đại-Từ-Phụ hơn hết.
Chơn-lý của Đạo Cao-Đài đã
tỏ cho toàn thể nhơn-sanh đều hiểu lời tiên-tri của Phật-giáo đã nói “qua cuối
Hạ-nguơn Đức Chí-Tôn đến mở Hội-Long-Hoa đặng lập vị cho Đức Di-Lạc Vương-Phật.
Nhưng khi ấy cả chư Thần, Thánh, Tiên, Phật tại Ngọc-Hư-Cung cầu xin Đức Ngài để
cho các Đấng ấy đảm-đang phận-sự thay thế cho Ngài, vì cớ cho nên Ngài không
đi; Ngài không có đến, tức nhiên Ngài không có giáng trần tái kiếp.
Từ thử đến giờ, Bần-Đạo
chưa hề nói đến sứ-mạng thiêng-liêng của Bần-Đạo, là vì Đức Chí-Tôn không đi,
nên mới có Hộ-Pháp của Ngài đến, cốt-yếu thay thế cho Ngài đặng lập vị cho Đức
Di-Lạc-Vương-Phật mở Hội Long-Hoa, tức nhiên sứ-mạng của Hộ-Pháp là cầm CÂN
CÔNG-BÌNH THIÊNG-LIÊNG của Đức Chí-Tôn giao phó nắm cả tâm-lý tinh-thần nơi mặt
địa-cầu này đặng hòa-giải hầu sửa đương tâm đức tinh-thần của nhân-loại, tức
nhiên là Ngài đến trước khi mở Hội Long-Hoa tạo Tiên, Phật; tâm đức từ trong cửa
Thánh của họ đặng họ từ từ bước đến phẩm-vị của họ tại mặt thế này.”
Vì sao vậy?
“Vì trong đạo-binh
thiêng-liêng hộ-giá Đức Chí-Tôn từ khi khai thiên lập Đạo đến giờ, do theo
Thánh-giáo Đức Chí-Tôn có nói Bần-Đạo là Ngự-Mã-Quân, phẩm-tước và quyền-hành
cao trọng ấy phải thế nào? Để dấu hỏi (?)
Ta có thể đền đáp, có thể
thay thế hình ảnh Đức Chí-Tôn đặng làm phận-sự của Ngài hay không? Hay một ngày
kia khi trở về thiêng-liêng phải thẹn khi ngó mặt Ngài!
Bần-Đạo nhứt định một hơi
thở cuối cùng dầu cho thế nào Bần-Đạo cũng quyết tùng mạng lịnh của Đại-Từ-Phụ
làm cho con cái của Ngài đặng giảm bớt khổ-não. Tưởng khi các Bạn cũng đồng
chí-hướng với Bần-Đạo vậy” (ĐHP 1-1 Ất-Mùi)
Ngự-Mã-Quân là ai?
- “Tức là Thập-Nhị Thời-Quân, Thượng-Sanh, Thượng-Phẩm, Hộ-Pháp gọi là Ngự-Mã-Quân của Chí-Tôn. Phật-Mẫu sợ Chí-Tôn tạo Đạo
không xong phải tái kiếp, nên Bà phải cho theo xuống Thập-Nhị Thời-Quân, phẩm-tước cao trọng thay!”
Đức Hộ-Pháp nói tiếp:
- “Thưa các Bạn Hiệp-Thiên,
Cửu-Trùng và Phước-Thiện Nam Nữ,
Tưởng từ khi Tôi đã phế đời,
hiến mảnh thân phàm này cho Đức Chí-Tôn làm khí-cụ tạo nước nhà Việt-Nam, một nền
Tôn-giáo này, không ngày nào được phần thưởng vô giá như ngày hôm nay, mà chỉ
có một ly rượu. Theo sự hưởng-ứng của các Bạn biết, nếu con người ta lấy sức-lực
phàm làm môi-giới cho cái sở-hành riêng thì hẳn không ai can-đảm chịu. Cái người
đã thả mình vô cảnh khổ với một sự vui tươi thì hồi xưa đến giờ chưa có. Tại
sao vậy? Tôi đã hiểu bí-mật ấy, Tôi hiểu cả, nên cho các Bạn hiểu.
Các Đấng tự-hữu, hằng-hữu,
thiên-hạ tưởng không có, họ lầm. Từ trước người ta tưởng Đấng ấy không có. Đấng
ấy đã có từ tạo thiên lập địa; Tôi biết, Tôi hiểu, Tôi đã chịu khổ-não để
thay-thế hạnh-phúc cho đời là do nơi đâu? Không phải tại nhà Tôi hay tại Tôi,
chưa chắc, do nước Việt-Nam chăng?
- Ấy là do toàn nhơn-loại.
Đấng Cha lành âý dầu thấy con bạc-bẽo thế nào, Đấng ấy cũng còn thương-yêu. Sự
thương-yêu của ông Cha lành nó truyền-nhiễm Tôi, do nơi chỗ Tôi nghe được, Tôi
hiểu được, biết rõ đặng Người.
Đấng ấy có mơ-vọng gì vô-hạn?
Nhứt là Ngự-Mã-Quân của
Chí-Tôn biết trước hơn ai hết, bởi vì Ngài có dạy, trước hết là Ngài bỏ Huỳnh-Kim-Khuyết,
bỏ Thiên-cung đòi xuống trần dạy con cái của Ngài lập phương giải khổ. Nếu Tôi
không lầm, Cơ-bút đã cho Tôi biết các Bạn Hiệp-Thiên-Đài do nơi đâu sản-xuất?
- Do để giữ quyền
thiêng-liêng nên mới có 12 vị Thời-Quân, Thập-nhị địa-chi tức là cảnh
thiêng-liêng vô-hình của chúng ta. Tôi tưởng tấn tuồng Tôi đã làm trọn và làm nơi
cõi vô-hình. Ngày kia về thiêng-liêng các Bạn sẽ thấy hình tối đại, tối thiểu.
Phận-sự Tôi đối ý với các Bạn nó có thâm tình vô hạn, vì đồng tâm, đồng chí, một
mực đề-xướng, cả thảy đều nghe chịu một hoàn cảnh. Bần-Đạo làm không hết, số là
Bần-Đạo và các Bạn Hiệp-Thiên-Đài đã hứa với Đức Chí-Tôn.
Bần-Đạo lo cho toàn cả
nhân-loại hoàn cầu, chứ không phải thương một cá-nhân nào hay một đoàn-thể nào,
một quốc-gia nào; không phải làm tôi mọi cho Đời mà làm tôi mọi cho Đạo, nhưng
vì cái năng lực vô-hình kia mà thôi.
Trước khi lãnh lịnh trên
Ngọc-Hư-Cung tạo nền Chơn-giáo, Chí-Tôn quyết-định có Ngài giáng thế mới được,
Ngự-Mã-Quân không cho, bắt buộc phải có Người thay-thế cho Ngài tức là Thánh-thể
của Ngài tại đây.
Ngài đi mà không cho thì
phải có hình-ảnh thế cho Ngài mới được. Hình ảnh của Ngài là Hội-Thánh Cửu-Trùng-Đài
và Hiệp-Thiên-Đài. Hộ-Pháp có khôn-ngoan nào hơn là cầu-khẩn cho có người đến với
mình đặng tạo Thánh-thể đó, chớ một mình Hộ-Pháp xuống không thể được, nên phải
cám-dỗ cung này, điện kia, đến Cửu-Thiên Khai-Hóa, biết chắc làm được mới đi.
Các Bạn cứ làm đi, vì cái
phận-sự đối với thế-gian, đối với lời hứa ở trên kia; sự làm bây giờ, biết hai
cái đó có đúng không? Bần-Đạo lui cui làm mãi không biết làm sao cho rồi, nào
lo cho Cửu-Trùng rồi đến Phước-Thiện. Đầu óc của Hộ-Pháp đã chịu thâm-giao cùng
các Bạn, cứ làm mãi thôi, sống giờ nào làm giờ nấy. Không phải kiếp này tại đây
có Thánh-thể, không phải tại xứ Việt-Nam ta mới có, chúng ta chỉ là người cặm
bông tiêu thôi, chớ không phải người tạo, chúng ta sáng lập là để cho đoàn hậu-tấn
vì chúng nó đứng chàng-ràng, không biết đứa nào gánh vác đảm-đương.
Bổn-phận làm Anh phải tạo
nghiệp cho em, mở đường trước cho con cháu đi, sau nhờ có chúng nó Thánh-thể của
Chí-Tôn mới tồn-tại. Thầy không phải đến một kiếp này thôi, mà đến phải ở đời đời,
không phải Thánh-thể đương nhiên, họ sẽ đến nữa hay đã đến rồi, nó còn lộn xộn
không biết đứa nào.
Biết còn nữa thì tức nhiên
phải mở con đường cho chúng nó đi và tạo nghiệp cho chúng nó. Tôi là đầy-tớ
trong những đầy-tớ của Đức Chí-Tôn, biết có bao nhiêu đó, cứ đảm-nhận cương-quyết
nâng-đỡ cho Đạo và Đời thôi.
May một điều là Tôi còn
thiếu với Đức Chí-Tôn, Tôi xin đầu kiếp, thiếu hay không mà kiếp này Tôi là tên
dân nô-lệ cho nước Việt-Nam, đã chịu thống-khổ tâm-hồn lẫn hình-thể trên 35
năm.
Tôi không xin, không biết
tại sao Tôi đầu kiếp xuống dân Việt-Nam, Tôi cảm-kích vô-hạn, nào chịu khổ, nào
chịu bạc-nhược và yếu hèn. Tại thấy nhơn-loại đau-đớn Chí-Tôn mới đến mở một nền
Tôn-giáo, làm một khối sanh-quang cho toàn nhân-loại, đó là cái danh-dự cho nước
Việt-Nam đã chịu khổ.
Vì cái tình của Chí-Tôn đối
với dân-tộc Việt-Nam nên Tôi thí thân phải chết mới đền bồi xứng đáng.
Còn một việc khác nữa là
Ngài tạo đầu óc, từ ngày mở Đạo Cao-Đài đến giờ tạo đầu óc nòi giống Việt-Nam để
vãn-hồi quốc-vận, như thế cũng đủ cho mình đưa sanh mạng mà đổi.
Vậy sự làm của chúng ta phải
cương-quyết và nhẫn-nại đủ điều, không nhút-nhác, vui chịu, bởi đã hiểu giá-trị
ân-đức của Đức Chí-Tôn như thế nào rồi, muốn trả được hết, phải học làm đầy tớ
của những đầy-tớ của Đức Chí-Tôn, làm được vậy chừng đó mới trả nợ tình Đức
Chí-Tôn đặng.”
5 - Tại sao Đức Chí-Tôn lại giao trọng-trách cứu thế
cho Hộ-Pháp?
Đức Hộ-Pháp nói:
“Nếu nói Bát-phẩm chơn-hồn
thì kể từ: vật-chất hồn, thảo-mộc hồn, thú-cầm hồn, nhơn hồn, Thần hồn, Thánh hồn,
Tiên hồn, Phật hồn, cũng gọi đó là “bộ”, thế nên nói chung là Bát bộ (tức là
Tám bộ)
“Tám bộ ấy thuộc quyền hạn
HỘ-PHÁP THIÊN-VỊ nơi Đức Chí-Tôn gọi đến tạo cơ-quan tận-độ chúng-sanh không còn
ai khác hơn Hộ-Pháp. Chính Hộ-Pháp chịu trách-nhiệm ấy.
Hạnh-phúc thay cho nhân-loại!
Hạnh-phúc thay cho vạn-linh!
Đức Chí-Tôn đem một hồng-ân
tối đại để nơi mặt địa-cầu 68 này”.
Đức Ngài nói tiếp:
“Bần-Đạo nói thật giờ phút
nào bí-pháp duy chủ quyền Đạo là giả-tướng mà thôi, không có chơn-thật gì hết.
Nếu chúng ta TU mà không đoạt Pháp đặng tức nhiên chúng ta không giải-thoát đặng,
thì kiếp tu chúng ta không hữu-ích chi hết.
“Hộ-Pháp đến cốt-yếu đem
Bát-phẩm chơn-hồn thăng vị nhiều hoặc ít; có thể một đẳng cấp từ vật-chất Hộ-Pháp
đem lên thảo-mộc, thảo-mộc đem lên thú-cầm, thú-cầm đem lên nhơn-loại dĩ chí Phật-vị.
Hộ-Pháp có thể chỉ định cho họ đặng. Bởi trong quyền-hành ấy Chí-Tôn nói “trọng
quyền thì trọng phạt”.
“Quyền-hành nắm chẳng phải
nơi mặt thế gian này mà thôi, Hộ-Pháp và Thập-Nhị Thời-Quân chẳng phải quyền tại
thế-gian này, quyền nơi cửa Đạo Cao-Đài này, cũng không phải tại đây nữa. Bần-Đạo
nói sống đây là quyền cả Thiêng-Liêng Hằng-Sống.”
Đức Hộ-Pháp dâng sớ cầu nguyện
D - LUẬN VỀ
Quyền-hành của GIÁOTÔNG và HỘ-PHÁP
Xem thế đủ thấy rằng bên Cửu-Trùng-Đài
thì Giáo-Tông làm chủ Bát-quái Đồ-thiên mà bên Hiệp-Thiên-Đài Hộ-Pháp cũng làm
chủ Bát-quái Đồ-thiên.
Hễ Giáo-Tông hữu-hình thì
Hộ-Pháp vô-vi, nhưng quyền-hành phân-biệt và được Đức Chí-Tôn phân-giải hẳn-hòi,
Pháp-Chánh-Truyền qui định: Nơi Cửu-Trùng-Đài, thì:
“Giáo-Tông là Anh Cả các con”
“Giáo-Tông thay mặt cho Thầy, đặng bảo tồn
chơn-đạo của Thầy tại thế, thì Anh Cả nhơn sanh đặng dìu-dắt các con
cái của Thầy, dầu lớn tuổi hay nhỏ tuổi quyền thiêng-liêng đã định vậy.
“Tuy trong Hội-Thánh có chia ra hai phần hữu-hình
là “Cửu-Trùng-Đài” và “Hiệp-Thiên-Đài”, mà nơi Hiệp-Thiên-Đài dầu cho Hộ-Pháp cũng phải là em của Giáo-Tông, song Hộ-Pháp
phải nhỏ về phần hữu-hình đã nói trên đây, chớ phần thiêng-liêng thì đồng vị”.
Thầy dạy:
“Các con phải nhớ rằng toàn thế-giới càn-khôn
chỉnh có hai quyền:
- Trên là quyền-hành Chí-Tôn của Thầy.
- Dưới là quyền-hành của
sanh-chúng.
Thầy đã lập hình-thể hữu-vi
của Thầy, nghĩa là Hội-Thánh của Đại-Đạo ngày nay rồi thì Thầy cũng ban quyền-hành
trọn vẹn của Thầy cho hình-thể ấy đặng đủ phương tận-độ chúng-sanh, còn các con
cả thảy đều đứng vào hàng sanh-chúng, dưới quyền-hành chuyển thế của đời, nghĩa
là toàn nhơn-loại đặng đồng quyền cùng Thầy, mà tạo-hóa vạn-linh vốn là con cái
của Thầy, vậy thì vạn-linh cũng có thể đoạt vị vào hàng Thần, Thánh, Tiên, Phật
đặng.
Trong quyền-hành ấy có nhiều
đẳng cấp, nên khỏi phải chịu phẩm người, ấy vậy Người là chủ quyền của vạn-linh.
Thầy nói rõ: Quyền Chí-Tôn
là Thầy, quyền vạn-linh là sanh-chúng. Ngày nào quyền lực Chí-Tôn đặng hiệp một
cùng vạn-linh thì Đạo mới ra thiệt tướng. Thầy đã ban quyền Chí-Tôn của Thầy
cho hai đứa làm đầu Hội-Thánh là GIÁO-TÔNG cùng HỘ-PHÁP. Vậy thì quyền-hành
Chí-Tôn của Thầy đặng trọn vẹn khi Giáo-Tông cùng Hộ-Pháp hiệp một. Còn cả nhơn-loại
thì là quyền vạn-linh. Quyền-hành Chí-Tôn của Thầy duy có quyền vạn-linh đối
phó mà thôi”
Quyền-hành này đã thể hiện
rõ khi Ông Hồ-Bảo-Đạo nắm Quyền Chưởng-Quản Hiệp-Thiên-Đài có dâng sớ xin Đức
Lý hủy bỏ Đạo nghị-định thứ tám.
Đức Lý giải-thích là:
“Không thể hủy được, vì
cái gì của Ngài và Hộ-Pháp ký là Thiên-điều, nó phải tồn-tại đến Thất ức niên.
Hơn nữa nó là lá bùa để trừ diệt chi-phái lồng vào nội-bộ của Đạo.
Ngài nói Đạo Thiên-Chúa có
một trăm mấy chục Chi-phái, Đức Giáo-Hòang không biết làm sao mà thống-nhất được.
Đạo Phật có hơn 300
Chi-phái cũng không một quyền-lực nào đem lại sự thống-nhứt được làm một mối. Nếu
hủy bỏ Đạo Nghị-định thứ tám, Đạo Cao-Đài bị Chi-phái lồng vào Hội-Thánh rồi
làm sao đuổi nó ra? Nên nó là lá bùa trừ sự chia rẻ. Để họ tự-do lập phái rồi họ
tự tiêu-tàn với thời-gian dài hay ngắn”.
Nay Đạo Trời có những
qui-luật kết-hợp bởi:
1 - Cơ-quan quản-trị
càn-khôn.
2 - Cơ sanh biến vạn-linh
mà làm thành
Hội-Thánh Đại-Đạo Tam-Kỳ
Phổ-Độ đó vậy.
CHƯƠNG 5
KHAI TRIỂN BÁT-QUÁI ĐỒ-THIÊN
A - Cơ-quan quản-trị
càn-khôn là gì?
Trước đây chúng ta có nói về
hình
ảnh tam-giác đều là do sự kết-hợp của ba hào dương quẻ Càn ☰ càn vi thiên, càn là trời. Đó là một sanh ba, ba sanh vạn-vật, thuộc về cơ
Chưởng-quản. Hai hình tam-giác ABC và A’B’C’ gát chồng lên nhau chỉ âm dương hiệp
nhứt, đạo-pháp nói là quyền chí-linh đối phẩm với quyền vạn-linh.
Chí-linh là cơ qui nhứt, vạn-linh
là cơ tấn-hóa.
Thế nên Chí-linh đầu nhọn
quay lên mà Vạn-linh đầu nhọn quay về phía dưới. Chí-linh và vạn-linh vốn đồng
quyền nhau (Chí-linh là Trời, Vạn-linh là người và cả muôn loài vạn-vật)
Bắt đầu từ A đếm chung
quanh cả thảy 12 hình tam-giác đều nhau xoay quanh một vòng tròn tâm 0 lớn, đó
là cơ thống nhất vạn-loại mà Thầy là vi-chủ nên nói số 12 là số riêng của Thầy
là vậy. Thầy ở giữa nắm pháp qui cơ, vòng tròn tượng-trưng cho càn-khôn vũ-trụ,
cả vạn-linh đều chung chịu trong khuôn luật đó.
Sáu hình vòng cung nhỏ AB,
BC, CD, DE, EF, FA là sáu nẻo luân-hồi. Các đường AO, BO, CO,... chỉ rằng cơ đoạt
Đạo hiệp nhứt chí-linh.
Nếu hết vòng AB’ mà không
biết qui cơ hiệp nhứt là phải vòng vòng luân luân chuyển chuyển mãi, tức là còn
trong vòng trần-tục, không thế gì hiệp một cùng Thầy, nên Thầy mới phân ra
Tam-giáo là 3 con đường lớn rộng để cho vạn-linh do theo đường ấy trở về vị cũ
tức là được hiệp một cùng Thầy.
Ba cạnh AC, EC, EA, tượng-trưng
Tam-giáo chỉ nghĩa rằng trước mặt Thầy Tam-giáo vốn cũng như nhau và cũng đều
cùng chung một gốc sanh ra. Gốc ấy tượng-trưng tâm 0 của vòng tròn, chẳng khác
nào Thầy nắm chốt xoay chuyển, hễ tâm 0 dời đổi là tất cả vạn-linh đều đổi.
Ba đường AO, EO, CO, là luật
định của càn-khôn vũ-trụ, chúng-sanh nếu biết đi đúng theo luật-định ấy mới
mong hiệp một cùng Thầy. Do vậy mà phương tu phải có Luật, có Pháp định vị là vậy.
Pháp Luật ấy là tượng-trưng
cho âm dương
Âm dương luôn hiển hiện
trong trời đất
Trong vũ-trụ này khí nhẹ
bay lên làm trời, khí nặng ngưng đọng lại thành đất, không hề có một vật nào đi
sái luật đó cho được. Tỷ như đất không thể bay bổng lên từng không-khí, quả
bóng không thể chìm xuống đáy nước.
Vạn-vật thảy có tánh linh
và đều cùng một điểm linh-quang như nhau, có chăng vật này được phát-triển, vật
kia linh tánh vẫn ẩn-tàng. Thế nên trước mặt Thầy, Người vẫn xem nhân-loại vốn
như nhau, không có ai trọng cũng không có ai khinh, dầu cho phẩm vật tối-linh
hay thấp kém cũng vậy.
Xem kỹ trong mỗi hình như
vậy đều có 6 hình thoi, trong mỗi hình ấy có hai đường thẳng góc nhau, ấy chỉ
là cơ vận-hành âm dương trong mỗi bậc luân-hồi của vạn-linh đó
Lại có 4 hình chữ nhựt bằng
nhau tượng-trưng Tứ-tượng biến-hoá nhưng ẩn tàng ở trong mỗi vật thể, nếu kéo
đường thẳng song song với một cạnh qua O và đường chéo của hình chữ nhựt kia
thì hai đường này thẳng góc nhau, chỉ rằng nếu vật thể gặp duyên thì kết, không
gặp thì ở trong trạng-thái tiềm ẩn, ví như đất nắng thì khô-khan mà mưa xuống
thì cỏ mọc đầy.
Đường từ A qua C, từ C qua
B, từ B qua A và các đường A’B’, B’C’, C’A’ chỉ rằng kẻ tu hành nếu không gặp cơ
qui-nhứt thì cũng có thể tăng cao, tấn-hóa mà thoát khỏi vị-trí tầm thường mình
đang ở để tiến đến vị-trí cao hơn. Tỷ như một người tu-hành dầu chưa được trở về
cùng Thầy chớ cũng được lên những địa-cầu khác tấn hóa cao thượng hơn.
* Sáu cánh ngôi sao chỉ 6
đường luân-hồi phóng sẵn từ ngôi Thái-cực mà ra là: OA, OB, OC, OA’, OB’, OC’.
Luật luân-hồi là cơ tấn-hóa. Nhân-sanh lầm cho kiếp sanh là khổ. Kiếp sanh chưa
phải thật là khổ đâu, nếu quả khổ mà không ích chi thì Thầy đã bãi bỏ luật
luân-hồi, khổ ấy để tăng tiến mãi, đi đi mãi cho thấu-đáo nẻo huyền vi của tạo
vật. Người đời thường bị lầm-lạc cho rằng luân-hồi sanh tử là cơ nhảm-nhí,
không có (ấy là chúng-sanh cũng vì bức màn vô minh nên cũng gọi là còn mê-muội).
“Thầy nói duy-vật nó chỉ
biết cái sống của con vật thôi, nó không hiểu chính cái con vật đó ở đâu mà có!
Dầu cho kẻ ngang-ngạnh cho rằng con người ở đất nẻ chun lên, Thầy hỏi chớ đất ấy
ai sanh? Không-khí ấy do đâu mà có? Vạn-vật ấy do đâu có chết, có sống? Nếu nói
tự-nhiên thì do đâu có sự luân-chuyển của mặt trăng, mặt trời, của sông, của
núi, của sao, của gió mây? Nếu vạn-vật thiếu Đạo tức thiếu luật-định thì chỉ
trong một phút tương-khắc nhau, đụng lẫn nhau, tương-tàn như tro mạt mà chớ!
Giữa khoảng cách quả đất với
thái-dương-hệ và khoảng cách giữa hạt nhân và hạt nguyên-tử nó có số tỷ-lệ giống
nhau, Thầy hỏi chớ sự ấy có ngẫu-nhiên chăng? Đời chẳng khác nào lũ mù rờ voi,
rờ được cái nào thì cho rằng con voi là đó mà tự-đại, tự-kiêu. Khoa-học vật-chất
cho rằng mình đã thắng lý thiên-nhiên thì ngu-muội không biết là dường nào! Chẳng
khác chi con bọ ngựa giơ càng đấu với con voi rồi tự-hào rằng mình lớn mạnh.
“Thầy hỏi nếu Thầy rút khí
khinh-thanh của vạn-vật trong giây phút thì chúng-sanh có còn sống nỗi chăng?
Nguyên-tử có còn hiệu-lực của nó chăng? Quyền-năng của nguyên-tử-lực không bằng
hột cát so với càn-khôn là quyền-năng tối thượng của Chí-linh.
“Thầy hằng thấy chúng-sanh
khinh rẻ lý Đạo, tôn-trọng quyền vật-dục, chẳng khác nào kẻ đi trong thuyền chê
thuyền đi chậm để phóng ra ngoài cho nhanh, rốt cuộc phải rớt xuống sông.
“Thầy nói tiếp: Lẽ tử khứ
sanh lai, cho đến một chút tế-bào trong thân-thể đều phải chịu trong khuôn luật
ấy. Các con mới bước qua một nấc để đạt lý thiên-nhiên đã vội tự-hào thắng cả
càn-khôn. Khờ lắm thay! Dại lắm thay! Thương lắm thay!”
Ấy là vì nhân-loại theo
cái văn-minh vật-chất mà quên hẳn văn-minh tinh-thần, mà chính Thầy đã ban một
điểm linh-quang chói-lọi.
Các yếu-lý trên là cơ-quan
quản-trị càn-khôn.
B - Cơ sanh biến vạn-linh là
gì?
Đây là hình ảnh nói về cơ sanh biến vạn-linh. Qua đồ hình bên đây là Lưỡng-nghi biến Tứ-tượng, Tứ-tượng
biến Bát-quái, rồi Bát-quái sẽ biến hóa vô cùng mà Đạo-gia thường gọi.
Lưỡng-nghi là cơ âm dương
phối hợp thì bất cứ vật chi chi trong trời đất này cũng đều do âm dương sản-xuất,
mà cũng gọi là lý nhị nguyên đó vậy. Âm với dương vốn là cơ động tĩnh, mâu-thuẫn
nhau, tương-khắc mà lại tương hòa. Hai cái lý đối nghịch nhau để hỗ-trợ lẫn
nhau chớ không phải để tiêu diệt nhau.
Trời có sáng tối, người có
nữ nam, vật có cứng mềm, đất có nắng mưa, vạn loại có trống mái, cho chí đến
loài cỏ cây, sắt đá cũng có cái lý của âm dương. Một cái cây mới nẩy chồi thì
ra hai lá đầu tiên ấy là hình tượng của âm dương đó. Âm dương vốn là cơ sản-xuất,
nhưng trong dương có âm và trong âm cũng có dương. Nho-gia gọi “vạn-vật phụ âm
nhi bão dương, trung chí dĩ nhi hòa” 萬 物 負 陰 而 保 陽 中 至 以 而 和 là vậy. Tức là vạn-vật
ôm-ấp âm dương, đến mực trung-dung thì gọi là hòa. Cơ hòa là cơ sanh-hóa:
- Trong phần dương lớn gọi
là Thái-dương có phần âm nhỏ gọi là Thiếu-âm
- Trong phần âm lớn gọi là
Thái-âm có phần dương nhỏ gọi là Thiếu-dương
- Hai cái lý ấy gát chồng
lên nhau gọi là Tứ-tượng
- Tứ-tượng thành hình mới
biến ra Bát-quái là căn bản của nhân-loại và vạn-vật.
Tứ-tượng là căn-bản của
các Bát-quái thành hình.
1 - Việt-Nam là một Thái-cực-đồ hình chữ CHỦ
Qua bản-đồ của nước Việt-Nam
cho ta hình ảnh một Thái-cực-đồ, tức nhiên:
- Khi nhìn vào bên tay
trái là một dãy đất liền, ấy là Thái-dương.
- Bên tay phải là biển
mênh-mông, ấy là Thái-âm
- Trong biển còn có đảo Hải-Nam,
tức là trong nước có đất ấy là Thiếu-dương.
- Trong đất lại có nước là
Biển Hồ là Thiếu-âm.
Như thế, Việt-Nam đủ hình ảnh
của một Đồ hình có Thái-cực, Lưỡng-nghi (tức Thái-dương, Thái-âm)
Rồi từ đó biến sanh Tứ-tượng
là thêm vào Thiếu-dương và Thiếu-âm nữa.
Nếu ta đặt compas ngay điểm
Ngũ-Hành-Sơn quay một vòng tròn thì đỉnh trên sẽ qua Ải Nam-Quan và điểm dưới sẽ
qua Mũi Cà-Mau, tạo thành một Thái-cực-đồ trọn vẹn.
* Việt-Nam có đủ Tam tài
Lịch-sử của dân-tộc còn ghi đậm nét Thăng Long-Thành, kinh-đô miền Bắc một
thuở huy-hoàng cho ta một nét dương rực-rỡ.
Thời-gian trôi qua
kinh-thành Thăng-Long trở thành cố đô nhạt-nhòa sương khói, lời thơ của Bà Huyện-Thanh-Quan
qua bài “Thăng-Long thành hoài cổ” rằng:
Tạo-hóa gây chi cuộc hí-trường,
Đến nay thấm-thoát mấy tinh sương.
Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo,
Nền cũ lâu đài bóng tịch-dương.
Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt,
Nước còn cau mặt với tang-thương.
Nghìn năm gương cũ soi kim cổ,
Cảnh đấy người đây luống đoạn-trường.
Thế rồi đầu rồng từ đất Bắc
lại hướng về miền Trung tạo nên một kinh-đô Huế, nhà Nguyễn vang danh một thời
lẫy-lừng trang sử Việt; thời-gian nhuộm màu tang-thương, biến đổi, cố-đô Huế
soi mình trong bóng nước Hương giang, ghi thêm một điểm dương trong lòng trang sử Việt để rồi tất cả mai-một
theo thời-gian.
Qua năm Bính-Dần (1926) Đức
Thượng-Đế Cao-Đài đến với dân-tộc Việt-Nam ban cho một nền Tân Tôn-giáo có tên
Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ, đấy là lúc đầu rồng hướng về miền Nam, Đền-Thánh Cao-Đài
xuất hiện tại tỉnh Tây-Ninh thuộc miền Đông của Nam Việt-Nam này, nơi đây là tòa
ngự của Đức Thượng-Đế, Thầy có nói “Nơi nào Thầy ngự thì nơi ấy là Thánh địa”.
Bấy giờ là một điểm dương sau cùng thấm
đượm đến bảy trăm ngàn năm sử Đạo đó là một Thiên triều của Đức Ngọc-Hoàng Thượng-Đế.
Thế là ba nét dương
huy-hoàng sáng chói tạo nên quẻ Càn ☰ chứng tỏ Việt-Nam là một quốc gia Thiên-định, ba nét dương quẻ Càn là đầy
đủ Tam-tài ứng hiệp: Thiên, Địa, Nhân để cho Đức Chí-Tôn làm nơi gieo giống
lành cho toàn thế-giới. Quẻ Càn Tam dương đến đây mới đầy-đủ.
Vả lại bờ biển Việt-Nam
như một xương sống nối ba hào dương quẻ Càn lại với nhau thành ra chữ Vương 王 Lại nữa đây là mối Đạo Trời do Thượng-Đế làm chủ đó là một nền Vương-Đạo,
nên chữ Vương biến thành chữ CHỦ 主. Điều này ứng hiệp với lời tiên-tri của Thầy là:
“Một nước nhỏ-nhoi trong Vạn quốc,
“Ngày sau làm chủ mới là kỳ.”
Tuy nhiên cũng nên điểm lại
trên thực-tế Việt-Nam có những yếu-tố nào mà được chọn là nước CHỦ của vạn quốc
trong kỳ thượng-nguơn? Vì sao nước Việt-Nam được gọi là Thánh-địa?
Xét về ba phương-diện:
a/ - Về mặt triết-lý văn-minh
NướcViệt Nam thọ ba ảnh-hưởng
của ba nền Tôn-giáo: Thích, Đạo, Nho từ Ấn-Độ và Trung-Hoa truyền sang. Ba nền
Tôn-giáo ấy đã được đồng-thời phát triển dưới thời nhà Lý và nhà Trần bằng sự
bình đẳng của ba nền Tôn-giáo nói trên.
Kịp đến khi văn-minh
Âu-châu tràn vào thì Việt-Nam lại được hưởng thụ thêm nền văn-minh Cơ-đốc-giáo
nữa. Như vậy, Việt-Nam là mảnh đất gieo Đạo-giáo từ lâu; vả lại Việt-Nam ít tạo
oan báo, nên nghiệp quả của nó cũng nhẹ-nhàng. Việt Nam có đủ điều-kiện để làm
cơ qui nhứt toàn thế-giới vì lý-do ấy.
b/ - Xét về
hình-thể địa-lý thiên-nhiên
Việt-Nam nằm vào vị-trí đặc
biệt của Á-châu, mà Á-châu lại nằm vào vị-trí trung-tâm của quả đất và Á-châu
là châu lớn nhất thế-giới. Châu Á thuộc sắc da vàng, theo lý của Ngũ-hành thuộc
Thổ, mà Thổ chính là ở trung-ương.
Việt-Nam là cửa ngõ để tiếp
nạp các luồng tư-tưởng từ Đông sang Tây cũng là cửa ngõ để phòng-vệ đất nước
cho các giống dân miền Đông Nam châu Á.
c/ - Xét về hình-thể địa-lý huyền-bí
Việt Nam có con sông dài
vào bậc nhất thế-giới tất sẽ tạo nên linh-khí thiêng-liêng. Linh-khí ấy tạo nên
long mạch Cửu-Long và dãy Thất-sơn nơi Châu-Đốc đó vậy. Ấy là lý: Sơn tiền điểm
Long mạch.
Miền Nam là nơi dất mới
khai-khẩn nên những quả báo chưa gây nhiều, lại có luồng nước nóng và nước lạnh
từ các miền đại-dương hòa hợp để tạo nên một khí-hậu điều-hòa.
Tóm lại, Việt-Nam có đủ điều-kiện:
Thiên, Địa, Nhân tức là Tam-tài để đứng ra chủ-trương một mối Đại-Đạo.
Tam-tài ứng với lý
Tam-ngôi. Tam ngôi ba điểm đều vẹn thì làm chủ thiên-hạ là lẽ thường chớ có gì
đâu khác lạ!
Nhưng Thầy cũng thường dạy
rằng: “Làm chủ đây là chủ về tinh-thần chớ không phải mang binh hùng tướng mạnh
đi chiếm đất như các con lầm tưởng. Cái chủ tinh-thần mới trường-cữu, còn làm
chủ theo thói đời thì nó lỏng-lẻo, bấp bênh nào có bền-chắc, nào có nghĩa lý
gì!” Cái lý Tam ngôi nhứt thể biến sanh Tam-giáo, Tam-nguơn, Tam-bảo… Số Tam là
chu-kỳ của trời đất để thực hiện cơ vận-chuyển hóa sanh, qui hợp. Việt-Nam cũng
là một Bát-quái-đồ có đầy-đủ các con số ấy!
2 - Sao gọi là Bát-quái?
Ấy là quái hào ở trong bản
Hà-đồ của con Long-Mã mà vua Phục-Hi đã thấy thuở trước. Những hình tượng ấy ở
trong con vật lạ kỳ nên gọi là quái. Tám hình ở trong con vật nên gọi là
Bát-quái, kêu lâu thành quen không thể sửa, đáng lẽ phải gọi là Bát-tượng hay
Bát tướng mới đúng.
Đến số 8 là đã biến thể
8x8=64 rồi biến vi vô cùng. Tám vòng cung trong hình là tượng-trưng cho bát phẩm
chơn-hồn do nơi Phật-Mẫu sản-xuất nơi Kim-Bàn, vì cơ-quan sản-xuất vạn-linh thuộc
Pháp. Kinh rằng:
"Càn-khôn sản-xuất hữu-hình,
“Bát hồn vận-chuyển hóa thành chúng-sanh.”
3 - Tám đường thẳng xuyên tâm ấy cơ đoạt Đạo
Người tu-hành phải do nơi
Pháp mới thành. Vòng tròn bên ngoài chỉ vũ-trụ càn-khôn.
Bát-phẩm chơn-hồn ấy là vật-chất
hồn, thảo-mộc hồn, thú-cầm hồn, nhơn hồn, Thần hồn, Thánh hồn, Tiên hồn, Phật hồn.
Mỗi hồn đều có tánh chất riêng.
Từ vật-chất đến nhơn hồn
là cơ tấn-hóa có hình chữ VẠN số 1, là chỉ cơ xuống trần để tạo nghiệp trần
duyên. Tạo cho đầy đủ quả nghiệp thành khối gia-sản rồi bắt đầu đi lên để học
điều mầu nhiệm nên cơ phục nguyên ở chữ VẠN số 2.
Chữ VẠN ấy là chỉ cơ biến-hóa
vô cùng đó vậy nên vạn-vật bất kỳ là vật chi có tu ắt có thành.
Đường AB và BC gặp A’B’ tạo
thành hình tam-giác nhỏ có OB đi qua đó tượng-trưng cho Tam-giáo phổ trùm khắp
vạn-linh nên Đạo khai chẳng những cho nhân-loại tu mà thôi, nhưng là cho cả vạn-vật
và Thần, Thánh, Tiên, Phật, ai biết căn tu là trở về nguyên bổn và sẽ được cùng
Thầy hội-hiệp.
Đường OB là đường qui nhứt,
đường AB hay BC là chỉ cơ tấn-hóa vượt bực, tỷ như người tu có thể vượt lên
hàng Thánh, thoát khỏi hàng Thần, nếu biết khôn đi tắt là trở về nhanh chóng tức
đường OB, nên đường Đạo chính là con đường chánh đại quang-minh và ngay thẳng
không có vòng quanh chi.
Cứ trong mỗi tam-giác lại
có hai tam-giác nhỏ bằng nhau, hiểu lý âm dương tương-hiệp rồi.
Năm đường thẳng gát chồng
lên nhau ấy là tượng ngũ-hành, ngũ-khí hay ngũ-tạng.
C - Cơ hỗn-hợp Càn-Khôn biến tướng
Qua hình vẽ: Hai hình
tam-giác và hai hình vuông giao nhau như mắc lưới, mà Thầy đứng giữa nắm cả
pháp mầu càn-khôn.
Hình này là cơ hỗn-hợp giữa
quyền-năng quản-trị càn-khôn và cơ sanh biến vạn-linh. Hình này mới xem qua có
vẻ phức-tạp và rắc-rối. Nhưng nhìn kỹ sẽ thấy có:
Tâm 0 tượng-trưng quyền Chủ-tể
đứng giữa nắm cơ pháp-mầu càn-khôn; ấy là quyền của Giáo-Tông và Hộ-Pháp hiệp một
tức là quyền Chí-Tôn tại thế. Vòng tròn lớn này gồm có hai hình tam-giác đều nội-tiếp
trong vòng tròn và gát chồng lên nhau là AGF và CEH và hai hình vuông ABCD và
A’B’C’D’ tạo thành các đường thẳng song song A’B’ và EF cũng như D’C’ và HG ấy
là cơ âm dương tương-hiệp đó.
Quyền Phật và Pháp lưỡng
hiệp mới biến ra Tăng. Nhìn rõ mới thấy cái lý trung âm hữu dương và dương
trung hữu âm trong đó vậy (tức là trong âm có dương và trong dương có âm).
Bốn hình tam-giác ADG và
CDH; ABF và CBE cho ta ý niệm âm dương tương hiệp và cơ biến tướng của Tứ-tượng
thành Bát-quái để biến-hóa vô cùng:
A tượng-trưng cho điểm
dương, C tượng-trưng cho điểm âm.
Bốn hình tam-giác: AGC,
AFC và CAH, CAE cũng vậy, đó là Thái-dương và Thái-âm so sánh với 4 tam-giác nhỏ
trên là Thiếu-dương và Thiếu-âm đó.
Chúng nó giao nhau lại tạo
thành các tam-giác bằng nhau: MEF và NGH là những tam-giác nhỏ kế tiếp nữa cho
ta có ý-niệm rõ-rệt là vạn-vật đựng nhau, như lời Thầy thường nói là một vòng
tròn chứa đựng trong một vòng tròn, một ánh sáng chứa đựng trong một ánh sáng
vô biên là vậy.
Tam-giác tượng-trưng cho
Tam-giáo mà cũng tượng-trưng cho Tam-ngôi nhứt-thể....
Hình ảnh này cũng như
trong một cơ thể con người có nguyên-tử âm và nguyên-tử dương đun-đẩy nhau tạo
thành một tế-bào. Các tế-bào hòa-hợp nhau tạo thành thân thể.
Ngay chính trong thân người
cũng có âm dương huân-chưng đầm-ấm, bên hữu ấy là âm, bên tả ấy là dương. Người
lại có Nam và Nữ. Nam và Nữ lại ở trên trái đất này. Trái đất lại ở trong hệ-thống
Thái-dương-hệ. Hệ-thống thái-dương-hệ lại ở trong càn-khôn vũ-trụ”.
Xem ra đồ hình này gọi là
Bát-quái Đồ-thiên, mà chính ngày nay Thượng-Đế đến để qui tất cả con cái của
Ngài về bằng con đường hành thiện, cho nên đường lối tu của Cao-Đài Đại-Đạo là
thế. Chúng-sanh tu-hành tức là học cho suốt thông các lý lẽ siêu-mầu của đạo-pháp
để không rơi vào những điều dị-đoan mê-tín mà xưa nay thường bị vướng mắc.
Sở dĩ như vậy là vì đạo-pháp
quá cao siêu, quá sức hiểu biết của con người cho nên các Đấng Giáo-chủ đến mở
Đạo không thể triển-khai hết các lý lẽ ấy ra cho được, bởi vì khoa-học chưa tiến-bộ,
chưa có sở-trường cho môn luận-lý-học nên phải dùng những hình-ảnh trừu tượng.
Ví như bên Phật-giáo nói
ngày ra đời của Phật Thích-Ca thì có Thiên-Thần nhã nhạc, vừa sanh ra thì Ngài
đứng lên và bước tới bảy bước, mỗi bước đi của Ngài đều có hoa sen nở nhụy.
Cũng như Công-giáo và
Tin-lành đều thờ Chúa, nhưng mà hai quan-niệm khác nhau và hình như chống báng
nhau. Công-giáo tin rằng Chúa sinh ra đời trong một điều Thần-thoại, là Thiên
Thần giáng linh chớ không có sự giao-phối của cha mẹ phàm.
Chính những ý-tưởng như vậy
làm cho khoa-học ngày nay mất tin-tưởng và cho rằng Tôn-giáo là những gì
hoàn-toàn thần-bí, chưa nói đến là dị-đoan mê-tín. Sở dĩ dùng danh-từ dị-đoan
mê tín là sự tin-tưởng không có gì làm sở trường, làm đầu mối cho việc tu-hành
cả: Vì không có cơ sở khoa-học
Hơn nữa ngày nay khoa-học
đã tiến bộ cao-siêu. Việc này không thể đổ lỗi cho ai cả, mà cái gì cũng đều có
duyên cớ của nó.
Một cái hoa nở xinh đẹp, rồi
tàn, tàn để rụng các cánh hoa đi, đến lúc sẽ thành trái. Trái là kết-quả của
các thời-kỳ trên. Tất cả đều ơn ích không thể không có các giai-đoạn ấy được.
Ngày nay là thời-kỳ gặt
hái kết-quả, may duyên cho chúng-sanh buổi này chính Đấng Thượng-Đế đến mở Đạo
đã giải rành từng vấn-đề một để chúng-sanh không lầm-lẫn nữa, bởi nhờ có khoa-học
kết hợp với Đạo-học, làm sáng danh đạo-pháp khắp từ Âu sang Á.
D - Đạo Cao-Đài chủ-trương diệt trừ mê-tín
Việc này Đức Hộ-Pháp có
nói rõ:
“Bần-Đạo cho cả thảy con
cái Đức Chí-Tôn biết rằng: nền Đạo Cao-Đài Đức Chí-Tôn đến lập do nơi chơn-lý tối
cao, chính mình Đức Chí-Tôn đến để diệt mê-tín dị-đoan, Ngài chỉ đem đến nền Đạo
chơn-chánh mà thôi.
Nó có hai quyền-năng sở-hữu
của nó nơi mặt thế này, cả hành-tàng sống chết của nó đều chịu dưới hệ-thống của
hai quyền-năng:
- Sống về xác thịt của ta
đây, nó có thời-gian sống của nó; từ buổi sanh đến lớn lên, đến già rồi chết,
luật thiên-nhiên ấy không ai qua khỏi; luật thiên-nhiên có giới-hạn, có định-luật
chuẩn-thằng cho kiếp sống chúng ta nơi mặt thế này là hình-thể.
- Còn về chơn-linh của
chúng ta tức nhiên hồn của chúng ta chịu hệ-thống dưới quyền vi-chủ của nó, mà
người làm chủ của nó không ai khác hơn là “Đại-Từ-Phụ”, tức nhiên Thượng-Đế.
Nhơn-loại mê-tín đã nhiều,
tinh-thần loài người đã bị họ gạt-gẫm nhiều rồi, bởi thế không ai gạt được nữa.
Chỉ có hai quyền-năng ấy không còn có mặt luật nào khác hơn nữa, ta chỉ tùng
hai quyền-năng chơn thật ấy mà thôi, ngoài ra là giả dối.”
(Trí-Huệ-Cung 15-1 Tân-Mão
1951).
Dịch-lý Cao-Đài mong hoá
giải các vấn-đề trên.
E - Đường Đại-Đạo là chơn
chính và khoa-học
Nhìn vào đồ hình “cơ-quan
quản-trị càn-khôn” ta thấy có những đường thẳng xuyên tâm ấy là chỉ những đường
chủ-yếu là con đường đạo-đức, nghĩa thật là con đường ngay chính dẫn về nguyên
bổn và cũng là con đường tấn-hóa của vạn-linh. Các con đường tua-tủa ấy mới
trông xem như rắc-rối nhưng nghiệm lý thấy rõ-ràng chỉ duy lý âm dương lưỡng-hiệp
biến sanh thì mọi việc đều dễ-dãi.
Cơ-quan quản-trị càn-khôn
cũng nằm vào trong ấy. Cao hơn hết là quyền Phật và Pháp tức là quyền Chí-Tôn
và Phật-Mẫu, là quyền-năng của hai Đấng Cha Mẹ Thiêng-Liêng, nói chung là Đấng
Tạo-hóa đó vậy. Kế đến quyền thiêng-liêng và vật loại hay là cơ vô-hình và hữu-hình
tương-hội. Giữa hai cơ-quan ấy có cơ-quan bán hữu-hình tương-tiếp ấy là Tăng, tức
là ba ngôi, mà ba ngôi chung cùng một quyền-năng quản-trị nên gọi là Tam ngôi
nhứt thể: Phật, Pháp, Tăng.
Dầu cho cơ-quan quản-trị
càn-khôn hay cơ sanh biến vạn-linh cũng không ngoài lý âm dương tương hiệp hay
lý nhị nguyên, đó là cơ động tịnh biến sanh, cho nên dầu vạn-vật trong càn-khôn
vũ-trụ này tuy hằng hà sa số vô lượng vô biên không thể đếm hết, nhưng mà rốt lại
cũng không ngoài lý ấy. Lẽ sanh tử hay bất cứ hình-thức nào dẫu hữu-hình hay
vô-hình cũng cùng trong một khuôn viên ấy. Thấu đoạt được lý Âm Dương là thấu
đoạt lẽ Đạo và suốt thông cùng trời đất, thế nên Đức Chí-Tôn có nói dữ với hiền,
ngu với trí, Nữ với Nam hay bất cứ chi chi trước mắt Thầy đều như nhau tất cả.
Vì Thầy là chủ cơ sanh-hóa nên Thầy để lòng thương-yêu tất cả.
Dầu cho những huyền-pháp
mà Thượng-Đế có ban cho phần âm, tức là phần xấu-xa thấp kém, mà chủ của nó là
Quỉ-vương thì quyền-hạn của họ vẫn ở trong khuôn luật của Thượng-Đế mà thôi…
Chi chi cũng có luật định tất cả”.
Có rõ được lý tính của
càn-khôn vũ-trụ để khi nghiên-cứu về Bát-quái ta mới không ngỡ-ngàng với một nền
Đạo-học mới, từ xưa đến giờ chỉ có thời-kỳ này chính Thượng-Đế đến giảng dạy mà
thôi.
Như vậy tất cả mọi việc
trong vũ-trụ này đều theo một qui-tắc, một định-luật. chúng-sanh nếu biết đi
đúng theo luật-định ấy mới mong hiệp một cùng Thầy. Thế nên phương tu phải có
LUẬT, có PHÁP định-vị là vậy.
Nếu nói rằng nhiều tế-bào
mới hiệp thành một cơ thể, thì từ đây chúng ta sẽ chứng-minh rằng lý Đạo nhất-quán
từ hữu-hình đến vô-vi, từ thể-pháp đến bí-pháp, trong mọi hình-thức nào cũng đều
hiển-hiện lý Âm Dương. Mỗi tế-bào trong người cũng ví như mỗi Bát-quái tượng-trưng
trong triết-lý của nền Đại-Đạo này vậy.
F - Phần luận Đạo:
Hộ-Pháp Chưởng-Quản Hiệp-Thiên-Đài
“Hiệp-Thiên-Đài dưới quyền
Hộ-Pháp chưởng-quản, tả có Thượng-Sanh, hữu có Thượng-Phẩm, phần của Hộ-Pháp
chưởng-quản về Pháp.
“Vậy thì Hiệp-Thiên-Đài phải
dưới quyền Hộ-Pháp chưởng-quản, cũng như Cửu-Trùng-Đài dưới quyền Giáo-Tông và
Bát-Quái-Đài dưới quyền Đức Chí-Tôn làm chủ.
1 - Quyền-hành HỘ-PHÁP
Hộ-Pháp “Là người nắm trọn
cả luật Đạo và luật Đời đặng xử đoán, làm chủ phòng xử-đoán. Dưới quyền Hộ-Pháp
có 4 vị Thời-quân là; Tiếp-Pháp, Khai-Pháp, Hiến-Pháp, Bảo-Pháp”
Mỗi một vòng tròn như vậy
có 5 người, ứng với ngũ-hành.
Ba vòng tròn trên có tâm mang
chữ:
- Thượng-Phẩm là người nắm
quyền chi Đạo, có 4 vị dưới quyền Ngài là: Bảo-Đạo, Hiến-Đạo, Khai Đạo, Tiếp-Đạo.
- Hộ-Pháp là người nắm quyền
chi Pháp, có 4 vị dưới quyền Ngài là: Bảo-Pháp, Hiến-Pháp, Khai Pháp, Tiếp-Pháp.
- Thượng-Sanh là người nắm
quyền chi Thế, có 4 vị dưới quyền ngài là: Bảo-Thế, Hiến-Thế, Khai-Thế, Tiếp-Thế.
Như vậy 3 vị: Thượng-Phẩm, Hộ-Pháp, Thượng-Sanh là ba vị Tướng-soái của Chí-Tôn, 12 vị
mang chữ Đạo, Pháp, Thế là 12 vị Thời-quân. Nói chung là Ngự-Mã Thiên-Quân của
Chí-Tôn đó vậy, cộng chung là 15 người. Con số 15 này có mặt trong Bát-quái Đồ-thiên
và đóng một vai trò vô cùng quan-trọng.
Số 15 là hình ảnh của:
- Trời có Tam-bửu, Ngũ-khí.
- Đất có Tam-bửu, Ngũ-hành.
- Người có Tam-bửu, Ngũ-tạng.
3 lần con số 3 là 9 là con
số Lão-dương chỉ quyền-năng của Thượng-Đế.
3 lần con số 5 là con số
điều-hoà càn-khôn vũ-trụ là hình ảnh của Phật-Mẫu nắm cơ sản-xuất Bát-phẩm
chơn-hồn, sanh biến vạn-linh.
Ngoài ra Hộ-Pháp còn chưởng-quản
cả Hiệp-Thiên-Đài nữa. Thế nên:
Hiệp-Thiên-Đài dưới quyền
Hộ-Pháp chưởng-quản, tả có Thượng-Sanh, hữu có Thượng-Phẩm, phần có Hộ-Pháp chưởng-quản
về Pháp.
2 - Thượng-Phẩm là ai?
“Thượng-Phẩm là người thay
mặt cho Hộ-Pháp, phải tùng lịnh Hộ-Pháp mà hành-chánh. Hễ bước chân vào cửa Đạo
thì có Thiên-phẩm, mà hễ có Thiên-phẩm rồi thì Thầy lại đem lên cho tới Thượng-Phẩm
mới trọn nghĩa câu Phổ-độ… Thượng-Phẩm là chủ phòng Cải-luật, làm Trạng-sư của
Tín-đồ.
Thượng-Phẩm thì quyền về
phần Đạo, dưới quyền có: Tiếp-Đạo, Khai-Đạo, Hiến-đạo, Bảo-Đạo.
Lo về phần Tịnh-Thất, mấy
Thánh-Thất đều xem-sóc chư Môn-đệ Thầy, binh-vực chẳng cho ai đến khổ-khắc cho
đặng.
3 - Thượng-Sanh là ai?
“Vật-chất hữu-sanh, Thảo-mộc
hữu sanh, cầm-thú hữu sanh, nhơn-loại hữu sanh, tức là chúng-sanh. Trong
chúng-sanh có nguyên-sanh, hóa-sanh và quỉ-sanh..
Thượng-Sanh làm chủ phòng
Cáo-luật. Thượng-Sanh thì lo về phần đời.
Mỗi sự chi thuộc về đời
thì về quyền của Thượng-Sanh.
Dưới quyền Thượng-Sanh thì
có 4 vị Thời quân là:
Tiếp-Thế, Khai-Thế, Hiến-Thế,
Bảo-Thế.
Bốn vị Thời-quân chi Thế đặng
đồng quyền cùng Thượng-Sanh, khi người ban lịnh hành-chánh; song mỗi vị có mỗi
phận-sự riêng, quyền-hành riêng.”
II - KHAI TRIỂN BÁT-QUÁI ĐỒ THIÊN
QUA CƠ-QUAN HIỆP-THIÊN-ĐÀI
A - Phần khai triển
Xem thế, thì cơ-quan Hiệp-Thiên-Đài
có ba chi, mỗi chi có 4 Thời-quân (3 x 4=12). Gọi là Thập-Nhị Thời-Quân, cộng
thêm ba vị Chưởng-quản đứng đầu ba chi nữa thành ra 15 vị cả thảy (12+3=15).
Con số 15 này nó có một giá-trị đặc biệt trong Bát-quái Đồ-thiên, mà chúng ta sắp
bàn đến đây:
1 - Số ma-phương
Nhìn vào Bát-quái này ta
thấy ngay một bảng ô số, đó là những con số ứng với các quẻ. Tỷ như số 1 là Khảm,
2 là Khôn, 3 là Chấn, 4 là Tốn, 5 ở chính giữa, 6 là Càn, 7 là Đoài, 8 là Cấn,
9 là Ly. Đây gọi là con số Ma-phương hay là Ma-phương-số. Có một bài thơ sau, cốt-yếu
là cho dễ nhớ vị-trí các con số ấy, đọc theo hàng ngang của bản số, là:
Tứ hải, tam sơn, hội bát Tiên
Cửu long ngũ hổ nhứt đoàn viên.
Nhị tướng thất trì phò lục quốc
Nếu cộng những số này theo
các chiều ngang dọc, sẽ có được tổng-số là 15. Nghĩa là có tất cả 8 lần tổng-số
15 như vậy:
Cộng hàng ngang:
4+3+8= 15
9+5+1= 15
2+7+6= 15
Cộng hàng dọc:
8+1+6= 15
3+5+7= 15
4+9+2= 15
Cộng qua hai đường chéo:
8+5+2= 15
4+5+6= 15
8 lần tổng-số 15 như vậy
có nhiều ý-nghĩa, từ đó suy ra các việc về Đạo-pháp:
Sở dĩ có các con số tương-ứng
này là lấy theo số của Bát-quái Hậu-thiên mà các bậc tiền Thánh đã lập ra trước
đây 6.000 năm, là nhứt Khảm, nhì Khôn, tam Chấn, tứ Tốn, Ngũ trung, lục Càn, thất
Đoài, bát Cấn, cửu Ly. Do vậy mà Bát-quái Hậu-thiên chỉ có 9 con số mà thôi.
Dịch quan-trọng ở Nho, Y,
Lý, Số.
Ở đây Số đã chiếm một phần
trọng-yếu để giải về lý Đạo, cho nên trong chương này chúng ta bàn về số nhiều
hơn.
2 - Ý-nghĩa các ngày Lễ Đạo qua các con số
- Ngày lễ Hội-Yến Diêu-Trì-Cung:
Con số này ứng với ngày lễ
Hội-Yến Diêu-Trì-Cung hằng năm, nhằm ngày 15 tháng 8 âm lịch. Bởi số 15 là con
số điều-hòa vũ-trụ. Còn số 8 là số ứng với Bát-phẩm chơn-hồn mà Đức Phật Mẫu là
người sản-xuất ra Bát-phẩm chơn-hồn ấy.
- Ngày Khai Đại-Đạo:
Nếu ta chỉ cộng các con số
theo các hàng ngang dọc như trên theo đường xuyên tâm đối, nhưng không cộng số
5 ở giữa, thì sẽ có các kết-quả là 10, như sau:
4+6=10 3+7=10
2+8=10 1+9=10
Hợp số của con số 10 này với
số 15 ở trên sẽ là ngày Khai Đại-Đạo chính-thức tại Từ-Lâm-Tự (Gò-Kén Tây-Ninh)
vào ngày 15 tháng 10 năm Bính-Dần (1926) và hằng năm toàn Đạo đều thiết lễ Kỹ-niệm
ngày khai minh Đại-Đạo ấy.
- Ngày Đại-lễ Đức Chí-Tôn:
Hai con số Khảm 1 và Ly 9
nằm trên trục Bắc Nam tức nhiên là cái dụng của Dịch, 1 là Thái-dương và 9 là Lão-dương
sẽ được Đức Thượng-Đế lấy làm ngày Đại-lễ Đức Chí-Tôn ngày 9 tháng 1 âm-lịch hằng
năm.
- Ngày Vía Đức Thái-Thượng Lão-quân:
Trên bảng ma-phương-số này
cũng có chia hai phần âm dương rõ-rệt, mà chính Đức Thái Thượng Lão-quân là người
đạt được Bát-quái nhờ vào thư-phòng nhà Châu học được Bát-quái-đồ. Đạo-sử nói rằng
ông không có ngày sanh, không có ngày tử, không có cha, chỉ có mẹ mà thôi; nhưng
tại sao Kinh nói rằng:
“Nhị ngoạt thập ngũ phân
tánh giáng sanh” (nghĩa là tháng 2 vào ngày 15 thì Ngài phân tánh giáng trần) tức
nhiên ngày Vía của Đức Thái-Thượng là 15 tháng 2 âm-lịch hằng năm tại Tòa-Thánh
Tây-Ninh, cũng như toàn Đạo ở các Thánh Thất địa-phương đều thiết Đại-đàn vía Đức
Ngài vào ngày ấy.
Nếu nhìn vào bảng Ma-phương-số
sẽ thấy hai con số này: số 15 như đã nói trên, còn số 2 là âm dương nhị khí đó
vậy.
Ý-nghĩa các ngày Lễ
Vì đâu mà ta xác-định các
con số ấy là những ngày Đại-lễ nơi Toà-Thánh Tây-Ninh, là những ngày trọng đại
của nền Đại-Đạo này?
Dẫn-giải: Thứ nhất ai cũng nhìn-nhận
rằng:
- Trời có Tam-bửu, Ngũ-khí
(Tam-bửu là Nhựt, Nguyệt, Tinh; Ngũ-khí là vân (mây), vũ (mưa), vụ (sương), lôi
(sấm), oanh (sét).
- Đất có Tam-bửu, Ngũ-hành
(Tam-bửu là Thủy, Hỏa, Phong; Ngũ-hành là Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ)
- Người có Tam-bửu, Ngũ-tạng
(Tam-bửu là Tinh, Khí, Thần; Ngũ-tạng là Tâm (tim), Can (gan), Tì (bao-tử), Phế
(phổi), Thận (quả cật).
Nếu nhìn vào Tam-tài (Trời,
Đất, Người) như trên họp lại thì 3x3=9, còn 3x5=15. Con số 9 là Lão dương, cực
mạnh, sáng-soi khắp cùng vũ-trụ.
Bởi số 9 là số huyền-diệu
nhiệm-mầu hơn hết. Số 9 là cơ chuyển-biến đến mực độ tận thiện, tận mỹ, toàn
tri, toàn năng. Số 9 bằng 3x3 tức là cấp bực Tam ngôi biến-hóa, vận-hành suốt
thông trời đất. Đến số 9 là đến chỗ tột cùng vận-động để hợp về cơ qui nhất.
Cùng cực cái động tức nhiên phải trở về trạng-thái tịnh nguyên-thủy.
Số 1 là số đầu tiên sau số
0, tức là cái nguồn sinh-hoạt trước nhứt để biến vi hữu tướng hiện có ở
càn-khôn vũ-trụ.
* Thế nên hai con số 9 và
1 này đều là số dương cả để chỉ vào quyền-uy tối thượng là Thượng-Đế, chứ Ngài
là Đấng tự-hữu, hằng hữu; tức là không sanh cũng không diệt, do lấy đó làm ngày
Đại-lễ Đức Chí-Tôn ngày 9 tháng 1 (giêng) thuần dương là vậy.
Hơn nữa qua ba thời-kỳ mở
Đạo, mà nay là Tam-Kỳ Phổ-Độ tức nhiên là con số 3 tròn đầy.
Số 3 là do 1 với 2 hỗn-hợp
lại mà biến ra 3. Ba tức là cơ-quan hữu-tướng cùng vô-tướng hiện có ở càn-khôn
vũ-trụ này.
Con số 3x5= 15 là số điều-hòa
vũ-trụ. Nếu tính hàng ngang thì bằng 1+5. Bởi 1 là Thái-cực đứng trước
Ngũ-hành, tức là càn-khôn đã an-vị rồi nhờ có Thái-cực đun-đẩy thêm cho nên
năng-tri sáng-suốt, mọi việc đâu đó xong-xuôi hết, đã được an-bày có thứ-lớp,
trật-tự hẳn-hoi.
Số 8 là do 4x2 ấy là
Bát-quái, 4 là cơ chuyển-biến, 2 là cơ âm dương; cơ chuyển-biến phát-động trên cơ
âm dương nên nó huyền-diệu, nhiệm-mầu thay thay, đổi đổi.
* Hơn nữa Phật-Mẫu có
Bát-Cảnh-cung, thế nên 15 và 8 là hai con số tương-hiệp lại biến-hóa vô cùng, lấy
ngày 15 tháng 8 làm ngày Vía Đức Phật-Mẫu, tức là ngày Hội-Yến Diêu-Trì-Cung chỉ
tổ-chức nơi Toà-Thánh Tây-Ninh này mà thôi.
* Số 10 là số hiền-hòa, đầm-ấm,
lặng-lẽ, bình-an; hợp với số 15 ở trên, lấy làm ngày khai Đạo, ngày 15-10 năm
Bính-Dần (dl 19-11-1926).
Niềm vui cho nhân-loại được
sớm hưởng hòa-bình hạnh-phúc thật sự và nền Đại-Đạo này sẽ đi đến Đại-Đồng Thế-Giới,
nhiệm-kỳ đến bảy trăm ngàn năm (gọi là Thất ức niên). Ấy là sự trường-tồn,
vĩnh-cữu của nền Đại-Đạo vậy.
3 - Chính là chữ ĐIỀN 田
Trong bảng ô số này đã xác
định đây là chữ Điền, như đã có nói đến.
Trước nhứt là chữ “Tâm điền”
có nghĩa đây là cái tâm của Bát-quái Đồ-thiên có hình ảnh của chữ Điền.
Tại sao Bà Thanh-Tâm Tài-Nữ
nói:
Ruộng sẵn, giống sẵn, cày
bừa sẵn, duy có ra công làm cho đất phì-nhiêu, đặng cho buổi gặt hưởng nhờ, mà
không chịu làm thế thì phải diệt tận chơn linh?
Bởi ngày nay Đức Thượng-Đế
đến mở Đạo là đã cung-ứng tất cả nhu-cầu cần-yếu cho nhân-loại rồi.
Tức nhiên ngày nay Đạo tìm
người, khác hẳn ngày xưa là người phải đi tìm Đạo.
Bằng chứng là ngay từ buổi
đầu các bậc tiền bối, tức là Đức Quyền Giáo-Tông, nói “Ngài luôn luôn đi các
nơi để phổ-độ chúng-sanh, nhứt là trước ngày mở Đạo, Đức Chí-Tôn sai hết chúng
tôi, tức Thập-Nhị Thời-Quân đi phò-loan cùng hết, không chỗ nào không có Cơ-bút,
người thì xuống miền Tây, người thì đi miền Trung, đi cùng hết. Thâu Môn-đệ
xong, Thầy dạy chúng tôi về Tây-Ninh mở Đạo”.
Điều ấy đúng thật chúng ta
“duy có ra công làm cho đất phì-nhiêu đặng cho buổi gặt hưởng nhờ” tức là
Chí-Tôn đã nhắc-nhở rằng:
“TA nói cho chúng-sanh biết
rằng: Gặp Tam-Kỳ Phổ-Độ này mà không tu, thì không còn trông mong siêu-rỗi”
Hoặc:
“Con chỉ có TU mà đắc Đạo.
Phải ngó đến hằng ức, thiên, vạn kẻ nhân-sanh chưa đặng khỏi luân-hồi, để lòng
Từ-bi độ rỗi kẻo tội-nghiệp”.
Kinh Di-Lạc cũng nói rõ
“Bá thiên vạn kiếp nan tao ngộ”, tức nhiên đã có đến hàng trăm, hàng ngàn, hàng
muôn kiếp, nhơn-sanh trước đây chưa được hân-hạnh gặp được kỳ đại ân-xá như
chúng ta ngày nay, chính là Đại-Đạo này.
Vì sao?
- Đây là nguyên-nhân
chính:
Thích-Ca-Như-Lai kiêm viết
Cao-Đài Đại-Bồ-Tát nói:
“Vốn từ Lục-Tổ thì Phật-giáo
bị bế lại, cho nên tu hữu công mà thành thì bất thành; Chánh-pháp bị nơi tay Thần-Tú
làm cho ra mất Chánh-giáo, lập riêng pháp-luật buộc mối Đạo Thiền.
TA vì luật lịnh Thiên-mạng
đã ra cho nên cam để vậy làm cho Phật-Tông thất chánh có trên ba ngàn năm nay.
Vì Tam-Kỳ Phổ-Độ, Thiên địa hoằng khai, nơi “Tây-phương Cực-Lạc” và “Ngọc Hư-Cung”
mật-chiếu đã truyền siêu-rỗi chúng-sanh. Trong Phật-Tông nguyên-lý đã cho hiểu
trước đến buổi hôm nay rồi; tại Tăng-đồ không kiếm chơn-lý mà hiểu.
Lắm kẻ đã chịu khổ hạnh
hành-đạo…
Ôi, thương thay! Công có
công, mà thưởng chưa hề có thưởng; vì vậy mà TA rất đau lòng.
TA đến chẳng phải cứu một
mình chư Tăng mà thôi; vì trong thế hiếm bậc Thần, Thánh, Tiên, Phật phải đọa hồng-trần
TA đương lo cứu vớt. Chư Tăng, chư chúng-sanh hữu căn, hữu kiếp, đặng gặp kỳ Phổ-độ
này là lần chót; phải ráng sức tu-hành, đừng mơ-mộng hoài trông giả luật. Chư
sơn đắc Đạo cùng chăng là do nơi mình hành-đạo.
Phép hành-đạo Phật-giáo dường
như ra sái hết, tương-tợ biến thành “Tả đạo bàn môn”. Kỳ truyền đã thất, chư
sơn chưa hề biết cái sai ấy do tại nơi nào; cứ ôm theo luật Thần-Tú, thì đương
mong-mỏi về Tây-phương mà cửa Tây-phương vẫn cứ bị đóng, thì cơ thành Chánh-quả
do nơi nào mà biết chắc vậy. TA đã đến với huyền-diệu này, thì từ đây TA cũng
cho chư Tăng dùng huyền-diệu này mà học hỏi, ngày sau đừng đổ tội rằng vì thất
học mà chịu thất-kỳ-truyền. Chư Tăng từ đây chẳng đặng nói “Phật giả vô ngôn” nữa”.
(TNI /22)
Phật đã dạy “dùng huyền-diệu
này mà học hỏi”, vậy học những gì?
* Phân-tách chữ ĐIỀN sẽ thấy
những yếu lý như:
Trong chữ Điền, phân tích
ra có đến 4 chữ “nhựt”日, là nói đến nền “Đại-Đạo
hoằng khai” tức là phải làm cho cơ Đạo ngày một mở-mang rộng-rãi, do câu “Nhựt
tân, nhựt nhựt tân, hựu nhựt tân” (nghĩa là ngày mới, ngày ngày mới, mỗi ngày mỗi
mới) tức nhiên phải có tiến-bộ luôn. Nguyện rằng: Nam-mô nhứt nguyện Đại-Đạo hoằng
khai.
* Chữ điền có 4 chữ “sơn” 山, nghĩa là người Cao-Đài phải lo Phổ-độ chúng-sanh, làm cho chúng-sanh đều
am tường lý Đạo diệu mầu. Vì tu theo Cao-Đài là tu Tiên, mà Tòa-Thánh Tây-Ninh
có hình chữ Sơn 山, người là “nhơn” hợp với
sơn thành ra chữ Tiên 仙 là lý ấy. Tu Tiên là luyện
Tinh Khí Thần: Học Đạo là luyện Tinh, cúng Tứ thời là luyện Khí, tìm về lý Hư-vô
thâm diệu của đạo-pháp là luyện Thần, tức nhiên tu cho đạt Tinh, Khí, Thần là vậy.
* Chữ Điền có hai chữ
“Vương” 王 là thể hiện câu “Tam nguyện xá tội đệ-tử” tức
nhiên là mình cầu xin được tinh-thần mẫn-huệ để lo trau-giồi bản thân mình có
được sự hiểu biết rộng-rãi. Kế đến là cầu xin cho thiên-hạ, tức là câu “Tứ nguyện
Thiên-hạ Thái-bình”. Bởi đây là nền Vương Đạo, phát-huy rộng-rãi.
* Chữ điền có đến 4 chữ
“khẩu” 口 là thực hiện cho được câu “Thánh-Thất an-ninh”, tức
nhiên mình phải tự an cái tâm này và định cái tánh này, đó là thực hiện tinh-thần
Hiến-dâng và Phụng-sự, qua lời Kinh Ngũ-Nguyện, mà ngày ngày người Tín-hữu đã hằng
cầu-nguyện vậy. Phải khẩu khẩu tâm truyền, tâm phục khẩu phục.
4 - Chữ thập trong Bát-quái
Tức là hai trục chánh
trong Bát-quái.
Đó là càn-khôn vũ-trụ còn biểu-tượng bằng chữ Thập 十 (gọi là thập tự nhai).
Thử hỏi VŨ-TRỤ là gì?
Tiên-Nho đã nói: “Tứ phương thượng hạ viết VŨ, cổ vãng kim lai viết TRỤ”.
Nghĩa là bốn phương cùng trên dưới gọi là vũ, xưa qua nay lại gọi là trụ, tức là nói chung
gồm cả Không-gian lẫn Thời-gian.
Như thế nhìn về phương hướng
thì có bốn phương chánh là: Đông, Tây, Nam, Bắc, cùng với phía trên đầu và dưới
chân nữa là sáu. Ngoài ra còn có 4 phương phụ, tức là Đông-Nam, Tây Nam, Đông-Bắc,
Tây-Bắc; cả thảy mười phương là vậy. Số 10 gọi là “thập”.
Thế nên Đạo Công-giáo lấy
“Thập-Tự-giá” làm biểu-tượng cũng đủ cho thấy rằng Đạo Thánh là nồng-cốt đứng
trong Tam-giáo, vì vậy Chúa chịu nạn cho nhân-lọai, tức là đóng đinh trên
Thánh-giá để gánh cả khổ-ách của nhân-lọai. Thì chúng-sanh đến thế này phải qua
“năm bước khổ” đó chỉ là bài học tiến-hóa mà thôi, là thọ khổ để được đến gần với
Thượng-Đế.
Giải về thập phương, trong
Cao-Đài Thầy có nói rõ: “Dưới 36 từng trời còn có một từng nữa là Nhứt mạch đẳng
tinh-vi gọi là Niết-Bàn. Chín từng Trời gọi là Cửu-Thiên Khai-Hóa, tức là 9 phương
Trời cộng với Niết-Bàn là 10; gọi là Thập phương chư Phật
Gọi chín phương trời mười
phương Phật là đó”. Như vậy mà chữ thập trong Bát-quái là một yếu-tố rất
quan-trọng như cây cột để giữ vững cho ngôi nhà. Trước đây các Đấng tiền Thánh
làm Dịch như Phục-Hi, Văn-Vương, Châu-Công, Khổng-Tử lần-lượt bổ-sung cho bộ Dịch
được hoàn thành đến ngày nay, duy chỉ có hai Bát-quái:
Tiên-thiên Bát-quái và Hậu-thiên
Bát-quái thì lấy hướng Nam Bắc làm trục đứng, Đông Tây làm trục ngang. Nhưng
ngày nay Đức Chí-Tôn mở Đạo Cao-Đài có thêm hai Bát-quái nữa cũng lấy hai
Bát-quái trên làm căn-bản mà đổi trục đi là Đông Tây làm trục đứng và Nam Bắc
làm trục ngang, mà con đường vận-hành của Bát-quái Cao-Đài là nghịch-chuyển, tức
nhiên lấy Đền-Thánh làm chuẩn để định phương-vị cho Bát-quái Cao-Đài, đồng thời
là nơi chứa đựng tất cả bí-pháp nhiệm-mầu đều đặt để nơi đây tất cả.
Tóm lại phương tu-hành
cũng nơi đây mà con đường trở về cõi Niết-Bàn cũng là đây. Thầy có dạy rành:
“Muốn trọn hai chữ Phổ-độ
phải làm thế nào? Thầy hỏi. Phải bày Bửu-pháp chớ không đặng giấu nữa.”
(TNI/15)
Bày ở đâu? - Ở tại
Toà-Thánh Tây-Ninh này, có lời dạy:
“Con nghe: nơi nào Thầy ngự,
thì nơi ấy là Thánh-Địa…chi chi cũng tại Tây-Ninh đây mà thôi.” (TNI/ 98)
Nếu hỏi “chi chi cũng tại
Tây-Ninh đây” là gì?
-Tất nhiên Đền-Thánh
Cao-Đài Tòa-Thánh Tây-Ninh nơi miền Nam Việt-Nam ngày nay là Tòa ngự của Đức
Chí-Tôn, tượng-trưng Bạch-Ngọc-Kinh tại thế.
“Đây là Tòa-Thánh là nơi Đức
Chí-Tôn đến, nhất định lập ngôi vị của Ngài trong mọi sự cố-gắng của con cái
Ngài, tượng-trưng khối tinh-thần vững chắc, thì có ai đủ quyền-năng nào mà diệt
được.
Đền-Thánh kể từ đây không
còn ai xem nó là vôi, cát, xi-măng nữa, mà là một khối đức-tin của toàn con cái
của Đức Chí-Tôn đã tượng nên hình đó vậy.
Từ đây một sắc dân nào có
đủ đức-tin nơi Đức Chí-Tôn là Chúa-tể vạn loại thì dầu ở nơi phương trời nào, họ
sẽ hướng về Đền-Thánh mà cầu-nguyện hằng ngày, hằng giờ để mong hưởng phước
lành của Ngài…
Đức Chí-Tôn cũng dùng
bí-pháp mà lập Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ để ứng nghiệm cái quyền-năng nơi quả địa-cầu
68 này để bảo-tồn cơ sanh-hóa, vì Ngài là Chúa sự thương-yêu, mà vì thương-yêu
mới có sanh sanh hóa hóa. Vậy nên Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ do bí-pháp mà lập
thành.
Đền-Thánh là nơi Thầy ngự
tại thế, cũng do bí-pháp mà biến tướng ra.
Ấy vậy Đền-Thánh này là
nơi chứa tất cả bí-pháp của Đấng Chúa-tể càn-khôn ấy”.
Dầu một dân-tộc nào muốn
nghiên-cứu về Tôn-giáo Cao-Đài thì phải đến Tòa-Thánh Tây-Ninh này mà thôi, vì
nơi đây đã thành hình Tân-Luật, Pháp-Chánh-Truyền là phương để truyền
Chánh-pháp.
5 - Long-Mã phụ Hà-đồ tượng trưng chữ thập định vị
cho càn-khôn
Tất cả bí-pháp ấy nằm trên
lưng con “Long-Mã phụ Hà-đồ” như xưa vua Phục-Hi là người phát hiện “Long-Mã” đầu
tiên vậy.
Long-Mã Phụ Hà-Đồ đặt trên nóc Nghinh Phong-Đài
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét