Thánh Ngôn Hiệp Tuyển I & II - 2 / 9 (BSCT, Hiền Tài - Nguyễn Văn Hồng )

19 .  Thứ bảy, 17-7-1926 (âl 8-6-Bính Dần)
NGỌC HOÀNG THƯỢNG ÐẾ viết CAO ÐÀI TIÊN ÔNG ÐẠI BỒ TÁT MA HA TÁT giáo đạo Nam phương.

Ðường thị! Thầy giao phe Nữ cho con lập thành. Chẳng phải vì đàn bà mà sớm nồi cơm, chiều trả cháo hoài.

Phần các con truyền đạo kỳ Phổ Ðộ nầy cũng lắm nặng nề, bao nhiêu Nam tức bao nhiêu Nữ. Nam
biết thành Tiên, Phật, chớ Nữ lại không sao?
Thầy đã nói Bạch Ngọc Kinh có cả Nam và Nữ, mà phần nhiều Nữ lấn quyền thế hơn Nam nhiều.
Vậy, con phải tuân lịnh Thầy mà lập thành Nữ phái. Nghe và tuân, Thầy hằng ở bên con, lo chung cùng con. Con chớ ngại.
H . . . Thầy giao Nữ phái cho con rộng quyền dạy dỗ, làm chủ, chờ Thầy thâu đến mà giao cho con. Trách nhậm con, Thầy chia bớt với.

CHÚ THÍCH:
Ðường thị: Ðức Chí Tôn gọi Bà Ðãi thị Huệ. Bà là bạn đời của Ngài Lê Văn Trung (Quyền Giáo Tông). Bà là người Việt gốc Hoa. Chữ Ðường là chỉ người Trung Hoa.
H . .: Huệ, Bà Ðãi thị Huệ (họ Ðãi cũng nói là Ðái).

20.  Ngọc Ðàn (Cần Giuộc) [Vĩnh Nguyên Tự]
Thứ bảy, 17-7-1926 (âl 8-6-Bính Dần)
NGỌC HOÀNG THƯỢNG ÐẾ viết CAO ÐÀI TIÊN ÔNG ÐẠI BỒ TÁT MA HA TÁT giáo đạo Nam phương

Hỉ chư môn đệ, chư ái nữ.
Ðại hỉ! Ðại hỉ!
Ngọc Ðầu Sư khả tu truyền pháp, thuyết đạo.
Kẻ nào trai giới đặng 10 ngày đổ lên, thọ bửu pháp đặng.
Chư môn đệ phải trai giới. Vì tại sao?
Chẳng phải Thầy còn buộc theo Cựu luật, song luật ấy rất nên quí báu, không giữ chẳng hề thành Tiên Phật đặng.

Thầy cắt nghĩa:
Mỗi kẻ phàm dưới thế nầy đều có hai xác thân: Một phàm gọi là Corporel, còn một thiêng liêng gọi là Spirituel, mà cái thiêng liêng do nơi cái phàm mà ra nên gọi nó là bán hữu hình, vì có thể thấy đặng mà cũng có thể không thấy đặng.

Cái xác vô hình huyền diệu thiêng liêng ấy do nơi Tinh, Khí, Thần mà luyện thành. Nó nhẹ nhàng hơn không khí. Khi nơi xác phàm xuất ra thì lấy hình ảnh xác phàm như khuôn in rập. Còn khi đắc đạo mà có Tinh, Khí, không có Thần thì không thế nhập mà hằng sống đặng. Còn có Thần không có Tinh, Khí thì khó huờn đặng Nhị xác thân.

Vậy ba món báu ấy phải hiệp mới đặng.
Nó vẫn là chất tức hiệp với không khí Tiên Thiên, mà trong khí Tiên Thiên thì hằng có điển quang. Cái Chơn thần buộc phải tinh tấn trong sạch mới nhẹ hơn không khí, ra khỏi ngoài Càn khôn đặng.
Nó phải có bổn nguyên chí Thánh, chí Tiên, chí Phật, mới xuất Thánh, Tiên, Phật đặng.

Phải có một thân phàm tinh khiết mới xuất Chơn thần tinh khiết.
Nếu như các con còn ăn mặn, luyện đạo rủi có ấn chứng thì làm sao mà giải tán cho đặng.
Như rủi bị huờn, thì đến khi đắc đạo, cái trược khí ấy vẫn còn, mà trược khí thì lại là vật chất tiếp điển (bon conducteur d'électricité) thì chưa ra khỏi lằn không khí đã bị sét đánh tiêu diệt.
Còn như biết khôn thì ẩn núp tại thế mà làm một bậc Nhân Tiên thì kiếp đọa trần cũng còn chưa mãn.
Vì vậy, Thầy buộc các con phải trường trai mới đặng luyện đạo.

CHÚ THÍCH:
Ngọc Ðầu Sư: Ngài Ðầu Sư Ngọc Lịch Nguyệt.
Trai giới: Giới luật về ăn chay.
Bửu pháp: Phép luyện đạo quí báu.

Cựu Luật: Luật pháp thời xưa, tức là Luật pháp thời Nhị Kỳ Phổ Ðộ. Luật pháp thời Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ thì gọi là Tân Luật.

Ðức Chí Tôn mở ra thời kỳ Ðại Ân Xá, nên ban ơn cho môn đệ ăn chay đủ 10 ngày trong mỗi tháng thì được thọ truyền bửu pháp luyện đạo, nhưng khi đã vào Tịnh Thất để luyện đạo thì buộc phải ăn chay trường (trường trai) để việc luyện đạo mới đạt được kết quả tốt đẹp. (Câu Thánh ngôn cuối).

Nhị xác thân: Xác thân thứ nhì, thường được gọi là Chơn thần, hay Xác thân thiêng liêng.
Ðiển quang: Ánh sáng truyền đi giống như làn sóng điện, nhưng làn sóng điện thì có tần số thấp, còn ánh sáng thì có tần số rất cao. Do đó, ánh sáng và sóng điện đều có cùng bản chất sóng, nên gọi là Ðiển quang, chỉ khác nhau nơi tần số cao thấp mà thôi.
Trược khí: Chất khí ô trược. Ở đây, chất trược khí ấy được tạo ra bởi các loại thực phẩm thịt cá do ăn mặn.
Bon conducteur d'électricité: (Tiếng Pháp) Chất dẫn điện tốt.

21.  Sài gòn (tại nhà Cao Thượng Phẩm)
Ngày 21-7-1926 (âl 12-6-Bính Dần)
NGỌC HOÀNG THƯỢNG ÐẾ viết CAO ÐÀI giáo đạo Nam phương

Chư nhu, chư tín nữ khá nghe,
Nếu cả thế gian nầy biết tu thì thế gian có lẽ cải lý Thiên đình mà làm cho tiêu tai tiêu nạn đặng, huống lựa mỗi cá nhân biết tu thì Thiên đình cầm bộ Nam Tào cũng chẳng ích chi.

Tu là chi? Tu là trau giồi đức tính cho nên hiền, thuận theo ý Trời định trước.

Nếu thế gian dữ thì thế nào đặng bảo toàn, còn mong mỏi gì đặng bền vững. Cá nhân dữ thì thế nào bảo toàn tánh mạng.

Ðã bị tội cùng Thiên đình thì bị hành phạt. Nơi kiếp sống nầy, nếu không biết tu, buổi chung qui sẽ mắc tội nơi Thiên đình.

Phẩm vị Tiên, Phật để thưởng cho kẻ lành mới đáng phẩm vị, chớ chẳng phải của để treo tham cho thế gian phòng toan đạt đặng.

Tuy luật lệ siêu phàm nhập Thánh thì vậy mặc dầu, chớ cũng do cơ thưởng phạt của Thiên đình mới đạt phẩm vị ấy đặng.

Của vô vi chưa chắc ai muốn lấy thì lấy tùy ý. Nếu làm Tiên, Phật đặng dễ dàng thì cả thế gian, miễn có học chút ít thì đã đặng làm Tiên, Phật rồi, vì luân hồi đâu có phòng sanh sanh tử tử.

Kinh điển giúp đời siêu phàm nhập Thánh, chẳng khác chi đũa ăn cơm, chẳng có đũa, kẻ có cơm bốc tay ăn cũng đặng.
Các con coi kinh điển lại, rồi thử nghĩ lại sự công bình thiêng liêng mà suy gẫm cho hay lẽ phải.
Thầy khuyên các con theo sau Thầy mà đến phẩm vị mình thì hay hơn tuông bờ lướt bụi, đi quanh kiếm quất, nghe à. Thăng.

CHÚ THÍCH:
Bài Thánh Ngôn nầy có trong ÐS.II.231.
Phò loan: Hộ Pháp - Thượng Phẩm.
Bộ Nam Tào: Ông Tiên Nam Tào, còn gọi là Nam Cực Tiên Ông, cầm Bộ Sanh của nhơn loại.
Của để treo tham: Vật quí treo lên để khêu gợi lòng tham của con người muốn đoạt lấy.
Của vô vi: Của cải thiêng liêng vô hình.
Kinh điển: Kinh và sách ghi chép các phép tắc và sự việc thời xưa, dùng làm khuôn mẫu cho đời sau học tập.

22 . Thứ năm, 22-7-1926 (âl 13-6-Bính Dần)
NGỌC HOÀNG THƯỢNG ÐẾ viết CAO ÐÀI TIÊN ÔNG ÐẠI BỒ TÁT MA HA TÁT giáo đạo Nam phương

Sự chết, thường thế gian gọi chết là hết, là vì dốt không biết đạo nên tưởng lầm.
Khắp trong nhân loại trên mặt địa cầu nầy, phần đông vì kính thờ Tà quái, mà Tà quái vốn chứa sự chết, thì tức nhiên chúng nó ở trong vòng sự chết là phải tiêu diệt, thì bao giờ biết đặng sự hằng sống là gì. Cười . . . Nếu Thầy không đến kịp thì các con cũng vẫn bị trong vòng sự chết.

Tà mị cũng như một hột lúa bị hẩm mà thúi thì thế nào mọc đặng mà sanh bông trổ trái.

Còn bực chơn tu, tỉ như một hột giống tốt, hễ gieo xuống thì cây lên, cây lên thì trổ bông, rồi sanh trái mà biến biến sanh sanh càng tăng số. Vì vậy mà các con phải bỏ xác trần, mà bông trái thiêng liêng các con sanh hóa Chơn thần, Chơn thần lại biến hằng muôn thêm số tăng lên hoài. Ấy là Ðạo.

Bởi vậy, một Chơn thần Thầy mà sanh hóa thêm chư Phật, chư Tiên, chư Thánh, chư Thần, và toàn cả nhơn loại trong Càn khôn Thế giới. Nên chi, các con là Thầy, Thầy là các con.

- Như kẻ bên Phật giáo hay tặng Nhiên Ðăng là Chưởng giáo, Nhiên Ðăng vốn sanh ra đời Hiên Viên Huỳnh Ðế.
- Người gọi Quan Âm là Nữ Phật tông, mà Quan Âm vốn là Từ Hàng Ðạo Nhân biến thân. Từ Hàng lại sanh ra lúc Phong Thần đời nhà Thương.
- Người gọi Thích Ca Mâu Ni là Phật Tổ, Thích Ca vốn sanh ra đời nhà Châu.
- Người gọi Lão Tử là Tiên Tổ giáo, thì Lão Tử cũng sanh ra đời nhà Châu.
- Người gọi Jésus là Thánh đạo Chưởng giáo, thì Jésus lại sanh nhằm đời nhà Hớn.

Thầy hỏi: Vậy chớ ai sanh ra các Ðấng ấy?
Khí Hư Vô sanh có một Thầy. Còn mấy Ðấng Thầy kể đó ai sanh? Ấy là Ðạo. Các con nên biết.

Nếu không có Thầy thì không có chi trong Càn khôn Thế giới nầy, mà nếu không có Hư Vô chi Khí thì không có Thầy.

CHÚ THÍCH:
Các con là Thầy, Thầy là các con: Thầy là Ðại Từ Phụ, Ðấng Cha Trời, cho nên toàn thể các con là Cha mà Cha cũng là toàn thể các con. Cả nhơn loại đều có một Ông Cha Chung Thiêng Liêng Duy Nhất là Ðức Chí Tôn. Ðây là một triết lý đặc sắc của Ðạo Cao Ðài mà các tôn giáo khác không có.
Nhiên Ðăng: Ðức Nhiên Ðăng Cổ Phật, giáng trần vào thời vua Hiên Viên Huỳnh Ðế bên Tàu (2697 trước Chúa giáng sinh), mở Phật giáo thời Nhứt Kỳ Phổ Ðộ, trước Ðức Phật Thích Ca 2074 năm.
Quan Âm: Ðức Quan Thế Âm Bồ Tát. Ngài là một chiết linh của Từ Hàng Bồ Tát giáng trần, tu hành tại Phổ Ðà Sơn, đắc đạo thành Bồ Tát lấy hiệu là Quan Thế Âm. Từ Hàng Bồ Tát lại giáng sanh vào thời Phong Thần Trung hoa.
Thích Ca Mâu Ni: Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni là Phật Tổ vì Ngài là Phật, làm Tổ Sư Phật giáo ở Ấn Ðộ. Ðức Phật Thích Ca giáng sanh trước Chúa giáng sinh 623 năm.
Lão Tử: Ðức Thái Thượng Ðạo Tổ giáng trần thời nhà Châu bên Tàu, gọi là Lão Tử. Ðức Khổng Tử giáng sanh năm 551 trước Chúa giáng sinh, có đến hỏi Ðức Lão Tử về Lễ.
Jésus: Năm giáng sanh của Ðức Chúa Jésus được dùng làm năm thứ nhứt Tây lịch. Ngài giáng sanh tại nước Do Thái, mở Thánh đạo là Thiên Chúa giáo, và làm Giáo chủ, gọi là Gia Tô Giáo Chủ, hay Thánh đạo Chưởng giáo.
Hư Vô chi Khí: Khí Hư Vô, đó là chất khí nguyên thủy. Ðức Lão Tử gọi Khí Hư Vô là Ðạo. Khí Hư Vô sanh ra một đấng duy nhứt là Ðức Chí Tôn, ngôi của Ngài là Thái Cực. Thái Cực còn được gọi là Ðại Linh quang, Ðại Hồn của vũ trụ.

Thái Cực biến hóa sanh ra Lưỡng Nghi: Dương quang và Âm quang. Ðức Chí Tôn chưởng quản Dương quang, còn Âm quang chưa có ai chưởng quản, nên Ðức Chí Tôn hóa thân ra làm Phật Mẫu để chưởng quản Âm quang.

Ðức Phật Mẫu cho 2 khí Dương quang và Âm quang phối hiệp để tạo thành CKVT và vạn vật.

Cho nên, mọi người mọi vật, các Ðấng Thần Thánh Tiên Phật, đều do Ðức Chí Tôn sanh ra, và Ðức Chí Tôn làm Cha chưởng quản, nên gọi Ðức Chí Tôn là Ðại Từ Phụ.

23.  Chúa nhựt, 25-7-1926 (âl 16-6-Bính Dần)
CAO ÐÀI
Cười . . .

T... con coi mặc Thiên phục có xấu gì đâu con?
Một ngày kia, sắc phục ấy đời sẽ coi quí trọng lắm. Con ôi! Con có biết những điều ấy bao giờ!

Cười . . . Mấy đứa lễ sanh cốt để sắp đặt sự nghiêm trang trong đàn cầu Thầy, chớ chẳng phải duy để đi lễ mà thôi. Mỗi đại đàn phải đủ mặt, chúng nó phải ăn mặc trang hoàng hai đứa trước, hai đứa sau, xem sắp đặt sự thanh tịnh.

Thầy dặn các con, như đàn nội chẳng nghiêm, Thầy không giáng, ba con nhớ nghe!

Tr. . . , L. . . , K. . . , T. . . nghe:
Bốn con đã mang nơi mình mỗi đứa một trách nhậm chẳng phải nhỏ.

Thử nghĩ, lập một nước còn dễ hơn dạy một người dữ đặng hiền, huống chi trong Tam Kỳ Phổ Ðộ nầy, các con phải độ rỗi cả nhơn loại khắp cả Năm Châu, thì trách nhậm ấy lớn lao là bực nào.

Cái hạnh và cái đức của các con, nó phải phù hạp với cái trách nhậm mới đặng. Các con là đèn và gương soi của nhơn loại, phải tập mình cho xứng đáng.

Các con có đặng hạnh phúc ấy là do học đặng mảy mún nơi Thầy, mà Thầy dạy các con chẳng nghe, Thầy sai các con chẳng tuân.

Tu thân còn chưa xong thì thế nào mong mỏi thành Tiên, Phật đặng?

CHÚ THÍCH:
T. . .: Tương, Chánh Phối Sư Thượng Tương Thanh.
Thiên phục: Y phục do Ðức Chí Tôn ban cho.
Ðàn nội chẳng nghiêm thì Thầy không giáng: Nếu trong đàn cầu cơ không nghiêm trang, tinh khiết và yên tịnh thì Ðức Chí Tôn không giáng. Như vậy, Quỉ ma thừa cơ lợi dụng, giáng vào mà mượn danh Tiên, Phật dối gạt nhơn sanh, rất nguy hiểm. Do đó, Ðức Chí Tôn báo cho môn đệ cảnh giác.
Tr. . .: Trung, Ngài Ðầu Sư Thượng Trung Nhựt.
L . . .: Lịch, Ngài Ðầu Sư Ngọc Lịch Nguyệt.
K . . .: Giáo Sư Ngọc Kinh Thanh (Nguyễn văn Kinh)

Trong Thánh Ngôn chép tay của Bà Nữ Ðầu Sư Hương Hiếu, trang 53, có chép bài Thánh Ngôn nầy, nhưng phần cuối có thêm một đọan, xin chép bổ sung ra sau đây:

"Tu thân chưa xong thì thế nào mong mỏi trị quốc và bình thiên hạ đặng. Các con ôi! Dưới thế nầy, biết bao nhiêu là môn đệ của Thầy mà sao Thầy buộc mình lựa cho đặng: Trung, Lịch, Minh, Kinh, Tương. Các con chưa biết sự quí trọng ấy, mà đến ngày biết lại ăn năn đã muộn. Các con phải gẫm những Thánh ngôn của Thầy cho lắm và liệu lấy mà xét mình."

24 .  Thứ tư, 4-8-1926 (âl 26-6-Bính Dần)
NGỌC HOÀNG THƯỢNG ÐẾ viết CAO ÐÀI  giáo đạo Nam phương
Hỉ chư môn đệ, chư nhu.

Nghe dạy:
Sự chơn thật và sự giả dối, mắt phàm các con đâu có thế phân biệt đặng.

Một trường thử Thánh, Tiên, Phật, vì vậy mà phải lập nơi thế gian nầy. Nếu buổi sanh tiền, dầu cho một kẻ phàm tục tội lỗi biết đặng cơ quan mầu nhiệm của Ðấng Chí Tôn là Trời đã sắp đặt, thì cũng chẳng dám gây ra tội lỗi mà thôi, lại có thể đắc đạo mà gấm ghé phẩm vị Thần, Thánh, Tiên, Phật đặng nữa, huống lựa là các Ðấng ấy phải bị đọa trần mà biết mình hằng giữ, thì mầu nhiệm thử Thần, Thánh, Tiên, Phật, chẳng có nghĩa lý gì hết.

Vì vậy mà Thầy hằng nói cùng các con rằng: Một trường thi công quả, các con muốn đến đặng nơi Cực Lạc thì phải đi tại cửa nầy mà thôi.

Thầy lại khuyên nhủ các con rằng: Thầy đã đến chung cùng với các con, các con duy có tu mà đắc đạo, phải đoái lại bá thiên vạn ức nhơn sanh còn phải trầm luân nơi khổ hải, chưa thoát khỏi luân hồi, để lòng từ bi mà độ rỗi.

Nay tuy các con chẳng thấy đặng hành vi mầu nhiệm mà chính mình Thầy đã đến nói, các con cũng nên tin nơi Thầy mà cho rằng lời Thầy dạy là chơn thật.

Nếu các con đợi đến buổi chung qui, hồn ra khỏi xác, mới thấy cơ mầu nhiệm đặng thì chừng ấy đã muộn rồi.
Vậy các con khá tuân lịnh dạy.

CHÚ THÍCH:
Lần thứ nhứt, Ðức Chí Tôn đã nói nơi bài Thánh Ngôn 17: "Thầy đến độ rỗi các con là thành lập một trường công đức cho các con nên đạo."

Ðây là lần thứ nhì, Ðức Chí Tôn lại nói: "Một trường thi công quả, các con muốn đến đặng nơi Cực Lạc thì phải đi tại cửa nầy mà thôi."

Chúng ta lưu ý rằng, trong thời kỳ Ðại Ân Xá nầy, Ðức Chí Tôn miễn cho chúng ta môn Luyện Ðạo, chúng ta chỉ lập công quả cho nhiều thì đủ đắc đạo.

Chư nhu: Các Nho sĩ, tức là các vị trí thức nho học.
Sanh tiền: Buổi trước lúc người ấy còn sống.
Trầm luân: Trầm là chìm, luân là chìm đắm. Trầm luân là chìm đắm.
Khổ hải: Biển khổ. Cõi trần là biển khổ. Ðức Phật nói: Nước mắt của chúng sanh nhiều như nước bốn biển.
Chung qui: Chung là hết, qui là trở về. Chung qui là chết và trở về cõi thiêng liêng.

25.  Ngày 5-8-1926 (âl 27-6-Bính Dần)
NGỌC HOÀNG THƯỢNG ÐẾ
Hỉ chư môn đệ.
Thầy muốn các con hội hiệp đặng nghe dạy.

Th . . . nghe dạy:
Thời kỳ mạt pháp nầy, khiến mới có Tam Kỳ Phổ Ðộ, các sự hữu hình phải hủy phá tiêu diệt.

Thầy đến chuyển đạo, lập lại vô vi. Các con coi thử bên nào chánh lý: Hữu hình thì bị diệt đặng, chớ vô vi chẳng thế nào diệt đặng.

Th . . . , Thầy đã khiến con đi Ðế Thiên Ðế Thích đặng xem cho tạng mặt hữu hình. Nội thế gian nầy ngày nay, ai cũng nhìn nhận cho là tối đại, mà con đã thấy nó còn bền vững đặng chăng? Lòng đạo đức con, Thầy thấy rõ, nhưng thời giả dối đã qua, thời kỳ chân thật đã đến. Thầy không muốn cho con hao tài tốn của mà gìn giữ sự giả dối.

Chẳng cần chi con lập Thánh Thất của Thầy và sùng tu Phật tượng chi hết. Con hiểu bổn nguyên "Bảo Sanh" là bổn nguyên Thánh chất Thầy.

Thầy khuyên con để dạ lo cho nhơn sanh mà thôi, phần hồn về Thầy.

Con có biết sự chơn thật nơi nào mà phải khổ thân lo lắng. Con có phận sự rất lớn, Thánh danh con cũng lớn. Thầy dặn con, nhứt nhứt phải do mạng lịnh Thầy mà thôi.

Con phải lập cho thành một nền tư bổn, chung lo cùng môn đệ Thầy, ngày ngày hằng góp nhóp, tùy sức mỗi đứa lo lập:
Một sở trường học,
Một sở dưỡng lão ấu,
Và một nơi Tịnh Thất.

Còn chùa chiền thì ngày sau e cho con không đủ sức cai quản cho hết. Ấy vậy, đừng lo lắng đến nữa. Nghe và tuân theo.

Con phải đi công quả với Tr. . . mà độ rỗi nhơn sanh. Con có thể giúp phương tiện cho mấy đứa nhỏ đi truyền đạo, thì chung lo với nhau mà định liệu.

Con khá nghe theo lời Thầy. Thăng.

CHÚ THÍCH:
Th . .: Thơ, Ngài Chánh Phối Sư Thái Thơ Thanh (Nguyễn Ngọc Thơ), sau được thăng lên phẩm Thái Ðầu Sư.
Tr . . .: Trung, Ngài Ðầu Sư Thượng Trung Nhựt (Lê Văn Trung), sau được thăng lên Quyền Giáo Tông.
Bài Thánh Ngôn nầy, Ðức Chí Tôn dạy Ngài Thái Thơ Thanh.
Mạt pháp: Thời kỳ cuối của một tôn giáo mà giáo lý bị sai lạc sắp mất hẳn.
Theo Phật giáo, giáo lý của Ðức Phật Thích Ca sẽ trải qua 3 thời kỳ: Chánh pháp, Tượng pháp và Mạt pháp.

Chánh pháp là thời kỳ đầu, kể từ lúc Phật nhập diệt cho đến 500 năm sau. Giáo pháp của Phật được các đệ tử giữ gìn còn nguyên vẹn, nên số người tu đắc đạo rất nhiều.

Tượng pháp là thời kỳ tiếp theo, kéo dài 1000 năm. Giáo pháp của Phật bị các đệ tử sửa đổi chút ít nhưng vẫn còn giống giáo pháp ban đầu, người tu đắc đạo khá nhiều, nhưng ít hơn thời Chánh pháp. Tượng là giống như, mường tượng.

Mạt pháp là thời kỳ sau cùng, kéo dài khoảng 1000 năm. Giáo pháp của Phật bị các đệ tử lần lần sửa cải, sai lạc gần hết, người tu bị lầm lạc, tu nhiều mà đắc đạo rất ít. Mạt là hết, cuối.

Ðế Thiên Ðế Thích: Hai khu đền đài vĩ đại Angkor Thom và Angkor Wat ở tỉnh Siem Reap của nước Cao Miên, về phía Tây, gần biên giới Thái Lan. Ðây là những đền đài vô cùng vĩ đại, lớn vào bực nhứt thế giới, được xây dựng toàn bằng những tảng đá xanh rất kiên cố. Người Cao Miên rất hãnh diện đối với khu đền đài nầy, vì nó chứng tỏ dân tộc Miên có một thời văn minh rất rực rỡ. Ðế Thiên Ðế Thích được các vị vua Miên xây dựng cách nay khoảng 1000 năm, đến bây giờ thì bị hư hại rất nhiều, nhưng chưa được trùng tu.
Sùng tu Phật tượng: Tôn kính sửa sang các tượng Phật.
Bổn nguyên: Bổn là gốc, nguyên là cái nguồn. Bổn nguyên là cái nguồn gốc từ đó phát xuất ra. Bảo sanh là bảo vệ sự sống. Ðức Chí Tôn sanh ra vạn vật và bảo vệ sự sống của vạn vật, nên Ðức Chí Tôn là Cha sự sống. Bổn nguyên Bảo sanh là Thánh chất của Ðức Chí Tôn. Cho nên Giới cấm đầu tiên là Cấm Sát sanh (Cấm giết hại sanh vật).
Tư bổn: Tư bản, là tiền bạc dùng làm vốn để kinh doanh sanh lợi.

26 .  Thứ bảy, 7-8-1926 (âl 29-6-Bính Dần)
CAO ÐÀI
Mầng mấy con. Mấy con nghe:
Những sự phàm tục đều là mưu kế của Tà mị Yêu quái, cốt để ngăn trở bước đường Thánh đạo của các con. Những mưu quỉ quyệt ấy do lịnh Thầy dùng để thử các con.

Thầy đã nói: Thầy thả một lũ hổ lang ở lộn cùng các con, nó hằng thừa dịp mà cắn xé các con, song trước Thầy đã cho các con mặc một bộ thiết giáp, chúng nó chẳng hề thấy đặng là đạo đức của các con. Thầy lại khuyên các con gìn giữ bộ thiết giáp cho đến ngày hội hiệp cùng Thầy.

Ấy vậy, Ðạo là vật rất hữu ích, như giáp hữu ích cho thân các con. Nếu các con bỏ giáp thì thân các con ra trần lỗ, còn bỏ Ðạo thì các con ở dưới phép tà thần. . . . . . . . . . . . . .

Các con chớ ngại, ngày nay, Ðạo khai tức Tà khởi. Vậy thì các con phải hết lòng hết sức mà gìn giữ lấy mình, đã chẳng phải giữ mình các con mà thôi, lại còn gìn giữ cả môn đệ Thầy nữa. . . . . . . . .

Thầy nói cho các con hiểu trước rằng: Cả môn đệ Thầy đã lựa chọn lọc lừa, còn lối nửa phần, vì Thầy cho yêu quái lấy danh Thầy mà cám dỗ.

Cười . . . Ði bao nhiêu đều mất bấy nhiêu. Các con chớ buồn vì Thiên cơ phải vậy. Thi nhiều đậu ít là lẽ hằng.

Các con liệu phương thế mà nâng đỡ đức tin của môn đệ cao lên hằng ngày, ấy là công quả đầu hết.

CHÚ THÍCH:
Bài Thánh Ngôn nầy có trong ÐS.II.233. Hai chỗ có nhiều chấm . . . . . . trong đoạn giữa, xin chép bổ sung:

"Cư, Tắc, Sang, con ôi! Lập đạo thành chăng tại nơi ba con. Con đã nghe quyền hành của yêu quỉ, Thầy cho lớn đến bực nào. Chẳng phải là cơ thử Thánh, Tiên, Phật mà thôi, lại là công bình thiêng liêng của Tạo hóa.

Nếu hai đầu cân chẳng song bằng thì tiếng cân chưa đúng lý. Tự nơi các con làm thế nào cho bên Thánh đức nặng hơn Tà mưu thì làm mới ra công quả."

"Nội Nam phương nầy, như có mặt cho Tà Thần Yêu quái sợ thì duy có ba con. Vậy rán giữ gìn cho thanh khiết."

Trần lỗ: Trần truồng không quần áo mặc che thân.
Ðạo khai Tà khởi: Ðạo thì giáo hóa, Tà thì làm giám khảo thử thách. Chánh Tà là hai thế lực cần thiết không thể thiếu được trong sự công bình thiêng liêng của Tạo hóa, 2 thế lực ấy tạo thành ngẫu lực thúc đẩy sự tiến hóa của Càn khôn.
Thi nhiều đậu ít là lẽ hằng: Lẽ hằng là lẽ phải thường thấy. Cuộc thi tuyển nào mà thí sinh đều thi đậu 100% thì cuộc thi ấy không có giá trị gì cả. Thi nhiều mà đậu ít thì người thi đậu mới có giá trị cao.

27 .  Ngày 8-8-1926 (âl 1-7-Bính Dần)
NGỌC HOÀNG THƯỢNG ÐẾ viết CAO ÐÀI giáo đạo Nam phương

* Lần thứ nhứt (giờ Ngọ, 12 giờ trưa):
Thầy mầng các con.
Thơ, con dắt mấy em con đi Cần Giuộc, vì tà mị muốn nhiễu hại môn đệ Thầy ở dưới. Quan Thánh và Quan Âm đợi các con xuống. Ði lập tức.

Còn Trung chẳng hề gì, để nó lo việc rất gấp của gia đình nó.

(Thơ, Hậu, Nghĩa, Tràng, Cư, Tắc, Sang, xuống tới Cần Giuộc hồi 1 giờ rưỡi, vì không thấy sự chi động tịnh cần kíp nên trì huỡn cho tới 3 giờ chiều mới cầu Thầy mà nghe dạy).

* Lần thứ nhì (3 giờ chiều), TÁI CẦU:
Mấy đứa nhỏ chơi hoài há?
Thầy biểu xuống đây có việc cần mà các con trì huỡn thì không biết có phải nghịch với Thánh ý Thầy không há?
(Thơ lạy Thầy từ bi thứ tội . . .)
Thơ, không phải lỗi nơi con đâu.
Tương, con tức cấp cho đòi cả mấy em con là môn đệ Thầy hội cho đủ mặt.

Thơ, con ngồi đại tịnh đặng tối nay nghe Thầy dạy việc.

* Lần thứ ba, TÁI CẦU:
Hỉ chư môn đệ. Các con nghe dạy:
Tương, con không hiểu ngày nay là thế nào?
Chư Thần, Thánh, Tiên, Phật cả thảy đều náo động cũng vì các con.

Quỉ Vương đến trước Bạch Ngọc Kinh xin hành xác và thử thách các con. Thầy chẳng chịu cho hành xác. Chúng nó hiệp Tam thập lục Ðộng toan hại các con, nên Thầy sai Quan Thánh và Quan Âm đến gìn giữ các con, nhưng phần đông chưa lập Minh Thệ, nên chư Thần,Thánh, Tiên, Phật không muốn nhìn nhận.

Vì vậy Thầy sai mấy đứa nhỏ xuống đặng chung hiệp cùng con, mà tức cấp lập thành và luôn dịp phong Thiên ân cho Tương, Kim, và Thơ. Vậy, con phải kêu chúng nó hội cho đủ mặt nội đêm nay.

* Lần thứ tư (12 giờ khuya), TÁI CẦU:
Trong Tam Kỳ Phổ Ðộ và qui Tam giáo nầy,
Phật thì có Quan Âm,
Tiên thì có Lý Thái Bạch,
Thánh thì có Quan Thánh Ðế Quân, khai đạo.

Vậy con lập cho đủ Ba Trấn chứng đàn, con phải lập bàn Ngũ Lôi như Thầy dạy lúc trước, phải có bùa Kim Quang Tiên, còn con viết bùa Giáng Ma Xử để bàn vọng Hộ Pháp, rồi Cư chấp bút nhang cho Thầy triệu Ngũ Lôi đến, rồi nó xuống đứng gần bàn Hộ Pháp với Tắc và Sang, còn mấy đứa phò loan đứng vòng theo đó.

Con biểu Tương, Kim, Thơ, thề y như buổi trước, chư môn đệ thề như buổi Thiên phong.
Con phải nhớ dặn chúng nó tịnh tâm mới đặng, vì có cả chư Thần, Thánh, Tiên, Phật chứng đàn.
Các con nghe Tịch Ðạo:
THI:
THANH đạo tam khai thất ức niên,
Thọ như địa quyển thạnh hòa Thiên.
Vô hư qui phục nhơn sanh khí,
Tạo vạn cổ đàn chiếu Phật duyên.

THANH là Tịch các con.
Vậy thì, Tương là Thượng Tương Thanh,
Kim là Thượng Kim Thanh,
Thơ là Thái Thơ Thanh.
Phải dùng tên ấy mà thề.

* Lần thứ năm (1 giờ rưỡi sáng), TÁI CẦU:
Tương, bốn đứa lễ sanh đâu con?
Lập nghi, Thầy cho chư Thần, Thánh, Tiên, Phật đến chứng đàn.

* Lần thứ sáu (3 giờ sáng), TÁI CẦU:
Lịch, chư môn đệ thiếu mặt nhiều lắm con há?

Vậy nội ngày mai, con phải lên thiết đàn tại Chợ Lớn, nhà Trung, cho cả môn đệ Thầy lập Minh Thệ đủ mặt hết nghe!

                        LÝ THÁI BẠCH giáng cơ:
Thái thượng vô ngôn hữu đạo thành,
Bạch vân hữu nhãn kiến nhơn sanh.
Kim quang đắc kiếp tu tâm thiện,
Tinh đẩu nan tri ngã độ thành.

QUAN ÂM giáng cơ:
Quang minh Nam Hải trấn thiền môn,
Âm cảnh năng tri độ dẫn hồn.
Bồ đoàn mạc hám liên huê thất,
Tác thế tâm ưu khởi đạo tông.

QUAN THÁNH giáng cơ:
Quan thành tái hiệp Hớn triều phong,
Thánh đức mạc vong hám thế trần.
Ðế thất nhứt tâm trung khí dõng,
Thanh y xích diện hảo vinh phong.

CHÚ THÍCH:
Thơ: Phối Sư Thái Thơ Thanh (Nguyễn Ngọc Thơ).
Tương: Phối Sư Thượng Tương Thanh (Nguyễn Ngọc Tương).
Kim: Giáo Sư Thượng Kim Thanh (Ngô Văn Kim).
Nhiễu hại: Quấy rối và làm hại.

Quỉ Vương: Chúa Quỉ, tức là Kim Quang Sứ. Ðức Phạm Hộ Pháp giải rõ căn cội của Kim Quang Sứ là: "Ông là một vị Ðại Tiên có phận sự đem ánh sáng thiêng liêng của Ðức Chí Tôn chiếu diệu CKVT. Vị Ðại Tiên ấy gấm ghé bước vào Phật vị. Nhưng ông tự cao tự đại, muốn đoạt quyền năng của Ðức Chí Tôn nên làm phản, bị Ngọc Hư Cung đọa vào Quỉ vị làm Chúa Quỉ. Ngày nay, toàn cả Quỉ vị hưởng Ðại Ân Xá của Ðức Chí Tôn, và Ðức Chí Tôn ban cho Chúa Quỉ làm giám khảo để cho các môn đệ của Ðức Chí Tôn đoạt phẩm vị, đúng theo lẽ công bình thiêng liêng của Trời Ðất."

Phần đông chưa lập Minh Thệ nên chư Thần Thánh Tiên Phật không muốn nhìn nhận: Việc môn đệ lập Minh Thệ rất quan trọng. Về mặt hữu hình, nó chứng tỏ người cầu đạo quyết tâm tu hành, tự nguyện giữ đúng giới luật của đạo; về mặt thiêng liêng, các Ðấng Thần Thánh Tiên Phật mới nhìn nhận người đó là môn đệ của Ðức Chí Tôn, nên mới hộ trì trên bước đường tu niệm.

Ðây là thời kỳ Phổ Ðộ chót, Ðức Chí Tôn vì thương yêu nên buộc các môn đệ Minh Thệ mà không cho giải Thệ. Một Ông Cha đạo đức quá thương các con nên buộc con cái theo mình là lẽ thường, bởi vì Ðức Chí Tôn nhiều lần khẳng định rằng: Gặp ÐÐTKPÐ nầy mà không tu thì không còn trông mong siêu rỗi; các con muốn đến đặng CLTG thì phải đi tại cửa nầy mà thôi.

Ðức Chí Tôn chỉ buộc con cái của Ngài tu hành để hưởng được ngôi vị cao trọng, chớ đâu có buộc con cái làm điều lợi ích cho Ngài. Ngài buộc cũng vì thấy sắp đến ngày Tận Thế, mở Hội Long Hoa. Nếu các môn đệ trì trệ trên đường tu tiến thì phải bị ở lại, không được vào chu trình tiến hóa mới của CKVT.

Tịch Ðạo: Sổ bộ ghi tên Chức sắc với Thánh danh có chữ đặc biệt biểu thị thời kỳ phổ độ của một đời Giáo Tông.

Trong bài Thánh Ngôn nầy, Ðức Chí Tôn ban cho Tịch Ðạo Chức sắc Nam phái Cửu Trùng Ðài. Ðời Giáo Tông thứ nhứt lấy chữ THANH, đời Giáo Tông thứ nhì lấy chữ ÐẠO.

Bài thi Tịch Ðạo Nam phái viết ra chữ Hán sau đây:
            Thanh Ðạo tam khai thất ức niên,                     清道三開七億年
            Thọ như địa quyển thạnh hòa Thiên.                 壽如地圈盛和天
            Vô hư qui phục nhơn sanh khí,             無虛歸服人生氣
            Tạo vạn cổ đàn chiếu Phật duyên.                    造萬古壇照佛緣

GIẢI NGHĨA:
Nền đạo trong sạch của Ðức Chí Tôn mở ra lần thứ ba phổ độ 700 000 năm,
Sống lâu như trái đất, thịnh vượng cùng Trời.
Ðức Chí Tôn đem trở về các linh hồn của nhơn sanh,
Tạo ra từ muôn xưa đàn cúng tế để soi sáng người có duyên với Phật.

Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ, với tôn chỉ qui nguyên Tam giáo, nên Ðức Chí Tôn lập Tam Trấn Oai Nghiêm cầm quyền Tam giáo là:
Phật thì Ðức Quan Thế Âm Bồ Tát làm Nhị Trấn Oai Nghiêm cầm quyền Phật giáo.
Tiên thì Ðức Ðại Tiên Trưởng Lý Thái Bạch làm Nhứt Trấn Oai Nghiêm cầm quyền Tiên giáo.
Thánh thì Ðức Quan Thánh Ðế Quân làm Tam Trấn Oai Nghiêm cầm quyền Nho giáo.

* Ðức Lý Thái Bạch giáng cơ cho bài thi khoán thủ: Thái Bạch Kim Tinh, viết ra chữ Hán như sau:
            Thái thượng vô ngôn hữu đạo thành,                            太上無言有道成
            Bạch vân hữu nhãn kiến nhơn sanh.                              白雲有眼見人生
            Kim quang đắc kiếp tu tâm thiện,                                 金光得劫修心善
            Tinh đẩu nan tri ngã độ thành.                           星斗難知我度成

GIẢI NGHĨA:
- Ngôi Thái cực ở trên, không nói mà đạo được thành,
- Trong mây trắng có mắt thấy khắp nhơn sanh.
- Ánh kim quang đạt được kiếp Tiên nhờ tu tâm lành,
- Các vì sao khó biết ta độ cho thành.

* Ðức Quan Thế Âm Bồ Tát giáng cơ cho bài thi khoán thủ: Quang Âm Bồ Tác, viết ra chữ Hán như sau:
            Quang minh Nam Hải trấn thiền môn,   光明南海鎮禪門
            Âm cảnh năng tri độ dẫn hồn.               陰境能知度引魂
            Bồ đoàn mạc hám liên huê thất,                        蒲團莫噉連花室
            Tác thế tâm ưu khởi đạo tông.              作世心憂起道宗

GIẢI NGHĨA:
- Ðấng Quang minh ở Nam Hải trấn giữ cửa Thiền,
- Có khả năng biết và độ dẫn các hồn nơi Âm cảnh.
- Ngồi trên tấm bồ đoàn, không thích ngự trên tòa sen,
(Ý nói: Muốn làm một vị Bồ Tát để cứu độ chúng sanh, chớ không thích ngồi an hưởng trên ngôi vị Phật)
- Có lòng lo lắng làm cho người đời khởi bước theo đạo

* Ðức Quan Thánh Ðế Quân giáng cơ cho bài thi khoán thủ: Quan Thánh Ðế, viết ra chữ Hán như sau:
            Quan thành tái hiệp Hớn triều phong,    關誠再合漢朝封
            Thánh đức mạc vong hám thế trần.                   聖德莫忘噉世塵
            Ðế thất nhứt tâm trung khí dõng,                      帝室一心忠氣勇
            Thanh y xích diện hảo vinh phong.                    青衣赤面好榮封

GIẢI NGHĨA:
- Quan Võ xưa được triều Hớn phong chức, nay tái hiệp,
- Cái đức của bậc Thánh chẳng quên ham thích việc đời.
- Một lòng trung thành và dũng khí với nhà vua,
- Áo xanh mặt đỏ, Ngài được phong tước vinh hiển tốt đẹp.

28 .  Vĩnh Nguyên Tự (Cần Giuộc)
Thứ bảy, 21-8-1926 (âl 14-7-Bính Dần)
NGỌC HOÀNG THƯỢNG ÐẾ viết CAO ÐÀI giáo đạo Nam phương

Lịch! Mời cả chư môn đệ Minh Ðường của Thầy ra nghe dạy. Cười . . .
Các con đừng tưởng quấy rằng: vì chia phái mà riêng đạo. Thầy rán cắt nghĩa cho các con nghe:
Nguyên từ buổi bế đạo, tuy Chánh pháp ra cũ mặc dầu, chớ kỳ trung thọ đắc kỳ truyền. Luật lệ tuy cũ chớ đạo vẫn như nhiên. Do công đức mà đắc đạo cùng chăng. Nhưng có một điều là Ngọc Hư Cung bác luật, Lôi Âm Tự phá cổ, nên tu nhiều mà thành ít.

Vì vậy cho nên các con coi thử lại, từ hai ngàn năm nay, bên Á Ðông nầy đã đặng bao nhiêu Tiên, Phật. Các con duy biết có một mình Huệ Mạng Kim Tiên mà thôi.

CHÚ THÍCH:
Trong quyển "Tiểu Sử Ðức Quyền Giáo Tông Thượng Trung Nhựt" do Hội Thánh ấn hành năm Quí Sửu (1973), nơi trang 61, bài Thánh Ngôn trên còn thêm một đoạn nữa, nói về Ngài Ðầu Sư Ngọc Lịch Nguyệt, xin chép bổ sung vào đây:

"Mạng đổi chớ luật lệ chưa hề đổi. Vì vậy Thầy buộc các con tùng Cựu Luật đặng qui phục Tam Giáo làm một.

Các con nghĩ sự tu hành khổ hạnh dường nào. Ðời mạt kiếp nầy dữ nhiều lành ít. Nếu Thầy không chuyển pháp lại thì chưa ai tu đặng trọn đạo, nên Thầy lựa Ngọc Ðầu Sư trong hạng thiếu niên mới có đủ công phổ độ.

Trong phần nhiều các con chưa vừa lòng cho Lịch ngồi địa vị ấy, cho nên có điều cản trở trong sự truyền đạo. Thầy cũng nhìn như vậy, song vì tiền kiếp Lịch và nhơn đức Tiểng, nên Thầy mới phú thác cái trách nhiệm tối đại ấy cho nó.

Các con đều có Chức sắc chẳng lớn thì nhỏ, đều thọ Thiên phong nơi Thầy. Cứ giữ phẩm vị các con, nhưng Thầy có một điều yếu thiết là cầu các con lập nhiều công quả nơi trường Thầy sáng tạo cho khỏi phế hủy nửa chừng.
Các con khá gìn luật lệ cho tới ngày Thầy lập thành Tân Luật.

Thành cùng chẳng thành cũng do nơi Thầy. Ðương lúc đầu Thầy khai đạo thì luật pháp rẻ rúng đặng dụ kẻ biếng nhác. Các con đừng phế phận.
Thầy ban ơn cho các con. Thăng.

Lịch: Ngài Ðầu Sư Ngọc Lịch Nguyệt (Lê Văn Lịch).
Môn đệ Minh đường: Những vị tu theo pháp môn của Ngài Lê Văn Tiểng tại Vĩnh Nguyên Tự (Ngài Lê Văn Tiểng, pháp danh là Lê Ðạo Long, được Ðức Di-Minh-Tử Ngô Ðạo Chánh truyền đạo, tu hành đắc quả Như Ý Ðạo Thoàn Chơn Nhơn. Ngài Lê Văn Lịch là con trai của Ngài Lê Văn Tiểng). Những vị nầy vâng lời Ðức Như Ý Ðạo Thoàn Chơn Nhơn, nhập môn tùng giáo Ðức Chí Tôn. Ðức Chí Tôn gọi những vị tu nơi Vĩnh Nguyên Tự là Minh Ðường.
Kỳ trung ( ): Trong ấy. Kỳ truyền ( ): Chơn truyền ấy, tức là phép tu luyện được truyền lại. Kỳ trung thọ đắc kỳ truyền: Trong ấy thọ lãnh được phép tu luyện.
Bác luật: Bác bỏ luật pháp tu hành cũ vì không còn thích hợp với trình độ tiến hóa cao của nhơn sanh hiện nay.
Phá cổ: Phá bỏ pháp luật khắc khe cũ vì không còn thích hợp. Cổ () là tấm lưới pháp luật, hình pháp, ý nói pháp luật khắc khe.

Huệ Mạng Kim Tiên: Tại Linh Sơn Ðộng của núi Bà Ðen Tây Ninh, có Ông Ðạo Nhỏ ở tu. Gọi là Ông Ðạo Nhỏ vì Ông có dáng người nhỏ thó, Ông có pháp danh là Tánh Thiền. Ông Ðạo Nhỏ tu đạt được Thần Thông, nên thường xuống núi cứu giúp người đời. Khi qui liễu, Ông đắc đạo thành bực Kim Tiên, hiệu là Huệ Mạng Trường Phan, nên thường gọi là Huệ Mạng Kim Tiên.

Ông có giáng cơ cho 2 bài thi tứ tuyệt sau đây:
Tây Ninh tu luyện động Linh Sơn,
Chẳng quản mùi trần thiệt với hơn.
Trăm đắng ngàn cay đành một kiếp,
Công Hầu Vương Bá dám đâu hơn.

Trước ước cùng nhau sẽ hiệp vầy,
Nào dè có đặng buổi hôm nay,
Gìn lòng tu niệm cho bền chí,
Bồng Ðảo ngày sau đặng hiệp vầy.
                                                           (23-12-1925)

29 .  Chúa nhựt, 22-8-1926 (âl 15-7-Bính Dần)
NGỌC HOÀNG THƯỢNG ÐẾ viết CAO ÐÀI giáo đạo Nam phương

Ð . . . nghe dạy:
Buổi Bạch Ngọc Kinh và Lôi Âm Tự lập pháp Tam Kỳ Phổ Ðộ, Quỉ Vương đã khởi phá khuấy chơn đạo, đến danh Ta nó còn mượn, duy ngai Ta nó chẳng dám ngồi mà thôi.

Lại còn hiểu rõ rằng Ta đến với huyền diệu nầy, mượn cơ mầu nhiệm, hiệp Tam thập lục Ðộng đổi gọi Tam thập lục Thiên. Các tên chư Thần, Thánh, Tiên, Phật bị mạo nhận mà lập nên Tả đạo.

Ngươi đâu hiểu rõ làm ra lẽ Trời Phật vốn con buôn. Tội tình ấy lớn là thế nào? Ngươi hiểu chăng?
Tam đồ tội khổ bất năng thoát tục là tội ngươi. Phải ăn năn sám hối, sau Ta sẽ trọng dụng, độ rỗi nhơn sanh, lấy công chuộc tội. Nghe à!

CHÚ THÍCH:
Ð . . .: (?)
Mạo nhận: Mượn danh kẻ khác để lừa gạt người.
Tam đồ tội khổ bất năng thoát tục: Cái khổ sở của 3 đường đày đọa không thể thoát được cõi trần. (Xem lại Chú thích nơi bài Thánh Ngôn 9).

30 .  Thứ sáu, 27-8-1926 (âl 20-7-Bính Dần)
NGỌC HOÀNG THƯỢNG ÐẾ viết CAO ÐÀI TIÊN ÔNG ÐẠI BỒ TÁT MA HA TÁT giáo đạo Nam phương

Chư môn đệ nghe dạy:
Trong Ba phái có Tam thập lục Thánh, tuy nay chưa đủ số ấy nhưng đã đặng tám, chín người rồi.

Vậy phải chiếu y Bạch Ngọc Kinh, chư Thánh lập họ mình. Tỷ như Lịch, Trung, Minh là chủ trưởng chưởng quản đầu hết các phái thì quyền hành thay mặt Thầy dạy dỗ các con, thì chẳng nói chi.

Còn Trang, Kinh, Kỳ, ba đứa phải lập họ là:
Trang Thanh,
Kỳ Thanh,
Kinh Thanh.

Hễ bao nhiêu môn đệ độ rỗi của mỗi đứa thì là họ hàng của mỗi đứa, hiểu à! Chừng ấy về đến Bạch Ngọc Kinh thì gia tộc mỗi đứa đều phân biệt. Nếu chẳng độ rỗi thì về với hai tay không.

Còn chư môn đệ đã lập Minh Thệ rồi, ngày sau tùy âm chất mỗi đứa mà thăng hay là tội lỗi mà giáng, song buộc mỗi đứa phải độ cho đặng ít nữa là 12 người.

Hàng phẩm Nhơn tước đạo đức các con nó trùng với hàng phẩm Thiên tước của các con.
Ngôi thứ Thầy đã sắp sẵn, các con rán đoạt thủ địa vị mình. Trước qua sau tới, liệu mà tu hành.

Thầy khuyên các con một điều là: Ðừng tưởng lầm tước phẩm Thiên đạo Thầy đem cho ai cũng đặng. Cửa Bạch Ngọc Kinh chẳng phải ai vô cũng đặng. Mỗi đứa con đều có tên trong Thiên thơ cả, chức phận cũng đã tiền định, chớ chẳng phải tước hàm trần thế dâng cho kẻ lễ nhiều.

Nếu Thầy làm đặng vậy, đạo phổ thông rất lẹ, ngặt gia tài mỗi đứa đều có phần, Thầy không phép lấy cho kẻ khác, trừ ra đứa nào chê bỏ thì mới đặng tùy ý Thầy định đoạt mà thôi.

Trang, Thầy khen con.
Kinh, Thầy khen con.
Bản, Thầy thương yêu con.
Giỏi, Thầy sắp đặt ngôi thứ cho con.
Tương, Thầy trông cậy nơi con.
Tạ, Thầy giao khổ bịnh nhơn sanh cho con.
Thầy lấy nhà con làm Thánh Thất của Thầy.
Học, con khá nghe lời dạy dỗ của mấy anh con mà hành bổn phận.
Hương, con phải rán hết sức con. Thầy vù a giúp con.
Trước, con đừng mờ hồ hoài vậy nghe.
Nghĩa, Thầy sẽ trọng dụng con.
Ðức, Thầy sẽ giao Trung Kỳ cho con mở đạo.

Tràng, từ đây con phải nhớ hoài hình phạt con đã chịu rồi đó nghe!
Các con phải giữ hạnh mà truyền đạo ra cho chóng. Con thế nào Thầy cũng thế ấy. Khi thị các con tức là khi thị Thầy, mà khi Thầy thì chưa phải dễ. Các con nói đạo cho mỗi kẻ. Nghe không tùy ý.

Thầy nói cho các con nghe:
Nếu kẻ nào biết hiểu Thánh Ngôn của Thầy nơi miệng các con mà tỉnh ngộ thì số hằng sống nó vốn còn, còn chẳng thì thôi, để cho chúng nó theo tà quái
Ðạo là quí, của quí chẳng bán nài, các con đừng thối chí.
Thầy ban ơn cho phái phụ nữ. Các con cũng vậy, rán lo phận sự.
Thầy ban ơn cho mỗi đứa.

CHÚ THÍCH:
Ba phái: Chức sắc CTÐ chia làm ba phái: phái Thái, phái Thượng, phái Ngọc. Mỗi phái có một vị Ðầu Sư đứng đầu, làm Chủ trưởng, chưởng quản các Chức sắc của phái ấy.

Phái Thượng có Ngài Ðầu Sư Thượng Trung Nhựt.
Phái Ngọc có Ngài Ðầu Sư Ngọc Lịch Nguyệt.
Phái Thái có Ngài Ðầu Sư Thái Minh Tinh.

Tam thập lục Thánh: 36 Phối Sư, mỗi phái 12 vị.
Trang Thanh: Phối Sư Ngọc Trang Thanh (Lê Bá Trang).
Kỳ Thanh: Giáo Sư Thượng Kỳ Thanh (Vương Quan Kỳ).
Kinh Thanh: Giáo Sư Ngọc KinhThanh (Nguyễn Văn Kinh)
Chủ trưởng: Ðứng đầu làm chủ.
Âm chất: Những việc làm phước đức không phô trương ra, cốt để hưởng quả phúc nơi cõi thiêng liêng.
Nhơn tước: Phẩm tước của con người nơi cõi trần.
Thiên tước: Phẩm tước của các Ðấng nơi cõiTrời.
Thiên thơ: Sách Trời ghi chép Thiên điều.
Tước hàm: Ðược phong phẩm tước cho có danh dự chớ không có quyền hành chánh.
Bản: Giáo Hữu Thượng Bản Thanh (Ðoàn Văn Bản).
Giỏi: Giáo Hữu Thượng Giỏi Thanh (Huỳnh Văn Giỏi)
Tương: Chánh Phối Sư Thượng TươngThanh (Nguyễn Ngọc Tương)
Tạ: Trần Văn Tạ, sau đắc phong Hộ Ðàn Pháp Quân.
Học: (?)
Hương: Nguyễn Văn Hương, Giáo viên Dakao, một trong 28 vị đứng tên trong TỜ KHAI ÐẠO.
Trước: Nguyễn Phát Trước, tục gọi là Ông Tư Mắt, sau được phong Phụ Ðạo Chưởng Nghiêm Pháp Quân.
Nghĩa: Khai Pháp Trần Duy Nghĩa.
Ðức: Hiến Pháp Trương Hữu Ðức.
Tràng: Tiếp Pháp Trương Văn Tràng.
Tà quái, Tà mị, Yêu quái, Tà Thần Tinh quái đều đồng nghĩa, chúng đều là môn đệ của Quỉ Vương (Chúa Quỉ, hay Kim Quang Sứ).

31 . Thứ bảy, 11-9-1926 (âl 5-8-Bính Dần)
NGỌC HOÀNG THƯỢNG ÐẾ viết CAO ÐÀI
giáo đạo Nam phương
Hỉ chư môn đệ, hỉ chư nhu.

Các con nghe:
Các con coi bậc Chí Tôn như Thầy mà hạ mình đặng độ rỗi nhơn sanh là thế nào, phải xưng là một vị Tiên Ông và Bồ Tát là hai phẩm chót của Tiên, Phật. Ðáng lẽ thế thường phải để mình vào phẩm tối cao tối trọng, còn Thầy thì khiêm nhường là thế nào! Vì vậy mà nhiều kẻ môn đệ cho Thầy là nhỏ. Cười . . .

Hạnh khiêm nhường là hạnh của mỗi đứa con, phải noi theo gương Thầy mới độ rỗi thiên hạ đặng. Các con phải khiêm nhường sao cho bằng Thầy.

Thầy lại nói, buổi lập Thánh đạo, Thầy đến độ rỗi kẻ có tội lỗi. Nếu đời không tội lỗi, đâu nhọc đến công Thầy.
Ấy vậy, các con rán độ kẻ tội lỗi là công lớn làm cho Thầy vui lòng hơn hết.
Lựu và Hiếu, tập một lũ Nữ Ðồng Nhi chừng 36 đứa đặng mỗi khi đại lễ, nó tụng kinh cho Thầy.
Bên Nam cũng vậy, Cư, Tắc, Sang, Phú, mấy con cũng phải dạy 36 đứa Nam Ðồng Nhi nữa.
Cư, Thầy đã nói với con phải tập Nhạc lại, nhớ không con. Rán lo nghe! . . . Phú cũng vậy nữa.

CHÚ THÍCH:
Theo Thánh Ngôn chép tay của Bà Nữ Ðầu Sư Hương Hiếu thì bài Thánh Ngôn nầy cầu tại Sài Gòn, Phò loan: Thượng Sanh và Bảo Văn Pháp Quân.

Vì hạnh khiêm nhường tối đa của Ðức Chí Tôn mà nhiều người cho rằng Ðức Chí Tôn nhỏ hơn Phật.

Ngày nay, chúng ta đã biết rõ Ðức Chí Tôn là Ông Trời, là Thượng Ðế, là Thái Cực Thánh Hoàng, là vua của CKVT, là chủ của chư Thần Thánh Tiên Phật. Trời chẳng những lớn hơn Phật mà còn là Cha của Phật nữa, và cũng là Cha của cả vạn linh sanh chúng.

Lựu: Bà Trần Thị Lựu, bạn đời của Ngài Cao Quỳnh Diêu. Bà đắc phong Nữ Giáo Hữu Hương Lựu.
Hiếu: Bà Nguyễn Thị Hiếu, bạn đời của Ngài Cao Quỳnh Cư. sau Bà đắc phong Nữ Ðầu Sư Hương Hiếu. Hai Bà Lựu và Hiếu là hai chị em bạn dâu.

Ðồng nhi: Các em nhỏ dưới 16 tuổi, được dạy tụng kinh. Tổ chức Ban Ðồng nhi có Ðồng nhi Nam và Ðồng Nhi Nữ. Mỗi nhóm có 36 Ðồng nhi.

Nơi Tòa Thánh hiện nay, mỗi khi Ðại lễ cúng Ðại đàn, 36 Ðồng nhi Nam lên đứng chỗ lầu Bát Quái Ðài tụng bốn bài Kinh: Kinh Ngọc Hoàng Thượng Ðế, Kinh Phật giáo, Kinh Tiên giáo và Kinh Thánh giáo. Còn 36 Ðồng nhi Nữ thì đứng ở Nghinh Phong Ðài, tụng các bài Kinh: Niệm Hương, Khai Kinh, thài ba bài Dâng Tam Bửu và tụng Ngũ Nguyện.

Phú: (?)
Phụ ghi:
Nguyên bản chánh in là: ...
... Bà Trần Thị Lựu, hiền thê của Ngài Cao Quỳnh Diêu....
... Bà Nguyễn Thị Hiếu, hiền thê của Ngài Cao Quỳnh Cư....
Chúng tôi xin đề nghị:
 ... Bà Trần Thị Lựu, bạn đời của Ngài Cao Quỳnh Diêu....
... Bà Nguyễn Thị Hiếu, bạn đời của Ngài Cao Quỳnh Cư.... (được sự đồng thuận của tác giả).

32 .  Sài gòn, ngày 12-9-1926 (âl 6-8-Bính Dần)
THẦY
Mừng mấy con,
Ðặng một việc chi chớ vội mừng, thất một việc chi chớ vội buồn, vì sự mừng vui và buồn tủi thường pha lẫn kế cận nhau. Còn sự gì phải đến cho con, ấy là tại nó phải vậy. Chớ cượng cầu mà nghịch Thánh ý Thầy. Hãy xem dò theo đây mà day trở trong bước đường đạo.
Mối đạo từ đây rán vẹn gìn,
Tu là khổ hạnh khá đinh ninh.
Lòng thành một tấm Trời soi xét,
Gương rạng nghìn thu nguyệt chiếu minh.
Gai gốc lần đường công trước gắng,
Thảnh thơi có lúc buổi sau dành.
Vòng trần chìm nổi từ đây dứt,
Công quả tua bền độ chúng sinh.
CHÚ THÍCH:
Bài Thánh Ngôn nầy do hai Ngài: Cao Hoài Sang và Cao Quỳnh Diêu phò loan. Ðức Chí Tôn dạy Ngài Cao Quỳnh Diêu. Tiếp theo Thánh Ngôn nầy, Ðức Chí Tôn cho phép Ông Cao Quỳnh Tuân (Xuất Bộ Tinh Quân), thân sinh Ngài Cao Quỳnh Diêu và Ngài Cao Quỳnh Cư, giáng cơ dạy tiếp.

33 . Thứ sáu, 17-9-1926 (âl 11-8-Bính Dần)
NGỌC HOÀNG THƯỢNG ÐẾ viết CAO ÐÀI giáo đạo Nam phương

Kiệt! Con phải giúp Thơ trong việc lập Thánh Thất. Thầy giao cho con phải săn sóc, mướn thợ làm bảy cái ngai: Một cái trọng hơn cho Giáo Tông, ba cái cho ba vị Chưởng Pháp, ba cái cho ba vị Ðầu Sư, nhứt là cái ngai của Giáo Tông phải làm cho kỹ lưỡng, chạm trổ Tứ Linh, nhưng chỗ hai tay dựa phải chạm hai con Rồng, còn của Chưởng Pháp chạm hai con Phụng, của Ðầu Sư chạm hai con Lân. Nghe à!

Bính! Thầy giao cho con lo một Trái Càn Khôn, con hiểu nghĩa gì không? Cười . . . . . . Một trái như trái đất tròn quay, hiểu không? Bề kính tâm 3 thước 3 tấc (3m30), nghe con, lớn quá, mà phải vậy mới đặng, vì là cơ mầu nhiệm Tạo Hóa trong ấy, sơn màu xanh da trời, cung Bắc Ðẩu và Tinh tú vẽ lên Càn Khôn ấy.

Thầy kể Tam thập lục Thiên, Tứ Ðại Bộ Châu ở không không trên không khí, tức là không phải Tinh tú, còn lại Thất thập nhị Ðịa và Tam thiên Thế giới thì đều là Tinh Tú. Tính lại ba ngàn bảy mươi hai (3072) ngôi sao, con phải biểu vẽ lên đó cho đủ.

Con giở sách Thiên văn tây ra coi mà bắt chước. Tại ngôi Bắc Ðẩu, con phải vẽ hai cái bánh lái cho đủ và sao Bắc Ðẩu cho rõ ràng. Trên vì sao Bắc Ðẩu, vẽ Con Mắt Thầy, hiểu chăng?

Ðáng lẽ Trái ấy phải bằng chai, đút trong một ngọn đèn cho nó thường sáng, ấy là lời cầu nguyện rất quí báu cho cả nhơn loại Càn khôn Thế giới đó. Nhưng mà làm chẳng kịp thì con tùy tiện, làm thế nào cho kịp Ðại Hội. Nghe à! . . . . . . . . .

Còn chư Phật, chư Tiên, Thánh, Thần, đã lên cốt, thì để dài theo dưới, hiểu không con?

CHÚ THÍCH:
Bài Thánh Ngôn nầy có trong ÐS.II.232, chỗ nhiều chấm gần cuối bài là đoạn Thánh Ngôn xin chép ra bổ sung:
"Thơ! Nghe dạy: Thầy giao trọn quyền cho con lo liệu. Con phải nhớ, khi Bính đem Trái Càn Khôn ấy về, con làm một cái cốt xây, để Trái ấy lên Ðại điện, nhớ day Con Mắt ra ngoài, rồi con lại lên tượng Phật Thích Ca, Lão Tử và Khổng Tử, mà đặt dựa dưới, kế ba vị ấy thì là: Quan Thế Âm, Thái Bạch, Quan Thánh Ðế, kế nữa, ngay dưới Lý Thái Bạch thì là Jésus de Nazareth, kế Jésus thì là Khương Thượng Tử Nha, còn chư Phật, chư Tiên, Thánh, Thần, đã lên cốt thì để dài theo dưới, hiểu không con?"

Kiệt: Giáo Hữu Thượng Kiệt Thanh (Nguyễn Văn Kiệt)
Bính: Giáo Sư Thái Bính Thanh (Lâm Quang Bính).
Tứ Linh: Bốn con thú linh là: Long, Lân, Qui, Phụng. Tương truyền, khi có một trong Tứ Linh xuất hiện là báo trước điềm lành.

Trái Càn Khôn: Trái Càn Khôn tượng trưng CKVT của Ðức Chí Tôn, gồm 3072 ngôi sao. Ngôi sao Bắc Ðẩu ở tại Trung Tâm của CKVT, nên Ðức Chí Tôn ngự tại đó. Vì vậy, Ðức Chí Tôn bảo vẽ Thiên Nhãn trên ngôi sao Bắc Ðẩu.

Muốn tìm sao Bắc Ðẩu thì phải tìm hai chùm sao bánh lái (vì nó giống như cái bánh lái thuyền). Chùm sao bánh lái lớn gọi là Ðại Hùng Tinh, chùm sao bánh lái nhỏ là Tiểu Hùng Tinh. Ngôi Bắc Ðẩu tại cái đầu của chùm sao bánh lái nhỏ.

34 .  Thứ bảy, 18-9-1926 (âl 12-8-Bính Dần)
NGỌC HOÀNG THƯỢNG ÐẾ viết CAO ÐÀI TIÊN ÔNG ÐẠI BỒ TÁT MA HA TÁT giáo đạo Nam phương.

Thầy có việc nói cùng chư môn đệ. Thầy mời chư nhu xuất ngoại một giây phút, Thầy sẽ kêu vào.
Các con! Thầy đã lập thành Thánh Thất, nơi ấy là nhà chung của các con, biết à!
Thầy lại qui Tam giáo lập Tân Luật, trong rằm tháng 10 có Ðại Hội cả Tam giáo nơi Thánh Thất. Các con hay à!
Sự tế tự sửa theo Tam Kỳ Phổ Ðộ, cũng nơi ấy mà xuất hiện ra, rõ à!

Thầy nhập ba chi lại làm một là chủ ý qui tụ các con trong Ðạo Thầy lại một nhà, Thầy làm Cha chưởng quản, hiểu à!

Từ đây trong nước Nam duy có một Ðạo chơn thật là Ðạo Thầy đã đến lập cho các con, gọi là Quốc Ðạo, hiểu à!
Thầy phải buộc các con hiệp chung trí mà lo vào đó, nghe à!
Từ đây, các con sẽ cực nhọc hơn, vì Thầy phân phát phận sự cho mỗi đứa vì chẳng vậy, các con sanh nạnh nhau, tựa hồ chia phe phân phái, là điều đại tội trước mắt Thầy vậy, nghe à!
Các con phải ngưng mọi việc mà chung lo trong Ðại Hội.

CHÚ THÍCH:
Tế tự: Sự tế lễ và sự thờ cúng.
Ba chi: tức là Ba phái: Thái, Thượng, Ngọc.
Phái Thái tượng trưng Phật giáo, Ðạo phục màu vàng.

Phái Thượng tượng trưng Lão giáo hay Tiên giáo, nên mặc Ðạo phục màu xanh dương.
Phái Ngọc tượng trưng Nho giáo hay Thánh giáo, nên mặc Ðạo phục màu đỏ.

Quốc Ðạo: Nền đạo của nước Việt Nam, mở ra trên đất nước VN, để từ nơi đây truyền bá ra khắp thế giới. Dân tộc VN là dân tộc được Ðức Chí Tôn lựa chọn, nên rất được sự ưu ái của Ðức Chí Tôn hơn các dân tộc khác. Do đó, Ðức Chí Tôn có cho hai câu thi trong bài thi gởi cho Vua Bảo Ðại:
Quốc Ðạo kim triêu thành Ðại Ðạo,
Nam phong thử nhựt biến nhơn phong.

(Quốc Ðạo của VN ngày nay sẽ thành nền Ðại Ðạo,
Nền phong hóa của Việt Nam ngày kia sẽ trở thành nền phong hóa của nhơn loại).
Nhờ Quốc Ðạo nầy, dân tộc VN sau nầy sẽ làm chủ tinh thần của nhơn loại:
Một nước nhỏ nhen trong vạn quốc,
Ngày sau làm chủ mới là kỳ!

35 .  Chùa Giác Hải, Sài gòn.
Ngày 21-9-1926 (âl 15-8-Bính Dần)
THÍCH CA MÂU NI PHẬT viết CAO ÐÀI TIÊN ÔNG ÐẠI BỒ TÁT MA HA TÁT chuyển Phật giáo Nam phương

Như Nhãn, con nghe Thầy:
Khi giáng trần Chí Tôn Phật Tổ, Thầy duy đặng có bốn môn đệ, chúng nó đều chối Thầy.
Khi giáng lập đạo Tiên, Thầy có một trò là Nguơn Thỉ.
Khi lập đạo Thánh thì đặng mười hai môn đệ, song đến khi bị bắt và hành hình thì chúng nó đều trốn hết, lại còn bán xác Thầy nữa.

Còn nay, Thầy đã sắm sẵn môn đệ cho con cũng đã nhiều, con đừng thối chí.
Thầy thường than rằng: Ðạo phát trễ một ngày là một ngày hại nhơn sanh, nên Thầy nôn nóng nhưng Thiên cơ chẳng nghịch đặng. Ma quỉ hằng phá Chánh mà giữ Tà, chư Tiên Phật trước chưa hề tránh khỏi.

Còn cái địa vị cao trọng, nó làm cho nhơn tâm ganh gổ. Con phải lấy Phật tâm con mà dòm ngó đám sanh linh bị phạt, luân hồi chưa dứt, thì tưởng đến Thầy mà cam chịu nhục nhã, lòng từ bi có vậy mới xứng đáng là tôi con Thầy.

Nếu Thầy dùng quyền pháp Chí Tôn thì mất lẽ công bình thiêng liêng Tạo hóa. Con cứ lo lập luật, để công phổ độ cho chư đạo hữu con hưởng chút ít.

Lâm thị Ái Nữ, nếu Thầy phải đổ tội cho ai thì Thầy phải nói vì con phổ độ trễ, con nêu ra sự ngăn cản ấy, con hiểu tại sao chăng? Tại lời dèm pha của phái phụ nữ mà ra nỗi ấy!

Các con phải gắng sức, Thầy hằng ở bên các con, chẳng hề bỏ các con buổi nào, thì tưởng chưa ai phá đạo đặng.
Như Nhãn, con nhớ lời tiên tri của Thầy, đọc Thánh Ngôn lại. Thăng.

CHÚ THÍCH:
Như Nhãn: Hòa Thượng Như Nhãn, pháp danh là Thích Từ Phong, thế danh là Nguyễn văn Tường (1874-1938), trụ trì chùa Giác Hải ở gần cầu Ông Buông (Phú Lâm) Chợ Lớn. Ngài có quyên góp tiền trong Phật tử để mua đất xây chùa Từ Lâm Tự ở Gò Kén, Tây Ninh. Ông Bà "Nguyễn Ngọc Thơ và Lâm Ngọc Thanh" đóng góp nhiều tiền bạc cho việc xây cất chùa Từ Lâm nầy. Sau, nhờ huyền diệu cơ bút, Ðức Chí Tôn độ được Ông Bà Nguyễn Ngọc Thơ và Hòa Thượng Như Nhãn theo Ðạo Cao Ðài. Do đó, Hòa Thượng Như Nhãn hiến chùa Từ Lâm ở Gò Kén cho Ðạo Cao Ðài dùng làm Thánh Thất để tổ chức Ðại lễ Khai Ðạo. Ðức Chí Tôn phong Hòa Thượng Như Nhãn là: Quảng Pháp Thiền Sư Thích Ðạo Chuyển Luật Lịnh Diêu Ðạo Sĩ, Chưởng Pháp Phái Thái.

Trong Ðại lễ Khai Ðạo, Ngài Ngọc Lịch Nguyệt ếm sót một cửa, do đó Quỉ Vương nhập đàn phá khuấy, nhập vào ông Lê Thế Vĩnh mạo xưng Tề Thiên Ðại Thánh và và nhập vào Cô Vương Thanh Chi mạo xưng Quan Âm Bồ Tát, hai người nhảy múa lung tung, khiến Hòa Thượng Như Nhãn mất đức tin, số nữ đệ tử của Ngài xúi đòi chùa Từ Lâm lại, nên sau cùng Ðức Lý Thái Bạch khiến Hội Thánh trả chùa và hướng dẫn Hội Thánh mua đất ở Long Thành xây dựng khu Nội Ô Tòa Thánh vĩ đại như ngày nay.

Lâm thị Ái Nữ: Ðức Chí Tôn gọi Bà Lâm Ngọc Thanh. Bà được phong chức Nữ Chánh Phối Sư, Thánh danh Hương Thanh. Năm 1937, Bà qui liễu, được truy phong là Nữ Ðầu Sư. Tượng của Bà đặt nơi mặt tiền Tòa Thánh, trước Lôi Âm Cổ Ðài, ngang tượng Ðức Quyền Giáo Tông Lê Văn Trung.
Khi giáng lập đạo Tiên, Thầy có một trò là Nguơn Thỉ: Ðó là Ðức Lão Tử có một môn đệ là Ông Doãn Hỷ (quan Doãn tên Hỷ giữ ải Hàm Cốc). Ðức Lão Tử truyền cho Doãn Hỷ sách Ðạo Ðức Kinh, bảo tu theo đó thì đắc đạo. Nguyên Ông Doãn Hỷ là Ðức Nguơn Thỉ giáng trần, nên khi đắc đạo, Ðức Lão Tử phục chức cũ là Nguơn Thỉ Thiên Tôn.
Khi lập đạo Thánh thì đặng 12 môn đệ: Ðức Chúa Jésus giáng trần ở nước Do Thái, thâu nhận 12 môn đệ đầu tiên, gọi là 12 Thánh Tông đồ. Một Tông đồ tên là Juda phản Chúa nên bị chết thảm. 11 Tông đồ còn lại cử Ông Matthya thế vào cho đủ số 12 như lúc đầu. Khi Chúa bị đóng đinh trên Thập Tự Giá, 12 Tông đồ bị nhà cầm quyền khủng bố nên đều chối Chúa, riêng Thánh Pierre, tuy chối Chúa ba lần nhưng cuối cùng cũng nhìn nhận Chúa.

Phần đầu của bài Thánh Ngôn 35 nầy có liên hệ với phần đầu của bài Thánh ngôn 40. (Xin xem tiếp bài Thánh Ngôn 40)

36 .  Thứ tư, 22-9-1926 (âl 16-8-Bính Dần).
THẦY
Các con,
Trung, con biết rằng Thầy thương yêu nhơn loại là dường nào chưa? Những điều ngăn trở đều do nơi tiền khiên của cả chúng sanh.

Ðã vào trọn một thân mình nơi ô trược thì Thầy đây cũng khó mà rửa với một gáo nước cho đặng trong sạch. Nhơn loại đã thâm nhiễm vào tình luyến ái tà mị trên mười ngàn năm, thì thế nào cổi Thánh đức trong một lúc chẳng tới một năm cho trọn lành đặng.

Rất đỗi Thầy là bực Chí Tôn đây mà còn bị chúng nó mưu lén cho qua Thánh ý Thầy thay! Một đàng trì, một đàng kéo, thảm thay các con chịu ở giữa.

Thầy dạy các con một điều là biết tranh đấu cùng Thầy. Hễ nó tấn thì mình chống, cân sức cho bằng hay là trổi hơn mới đắc thắng. Các con chịu nổi thì Ðạo thành, còn các con ngã thì Ðạo suy. Liệu lấy!

Cầm cả quyền hành vô lượng nơi tay, Thầy ngó một cái cũng đủ tiêu diệt nó đặng, nhưng mà phép công bình thiêng liêng chẳng phải nên vậy. Ấy cũng là cơ mầu nhiệm cho các con có thế lập công quả.

Trung, Lịch, hai con phải hội chư Thánh mà xin Khai Ðạo. Phải làm đơn mà dâng cho Thầy xem xét sửa trước nghe!

CHÚ THÍCH:
Tiền khiên: Tội lỗi đã gây ra trong các kiếp trước.

Hội chư Thánh mà xin Khai Ðạo: Chư Thánh là các Chức sắc vào hàng Thánh thể, tức là các Chức sắc từ phẩm Giáo Hữu hay tương đương trở lên.

Ðức Chí Tôn dạy hai Ngài Ðầu Sư: Thượng Trung Nhựt và Ngọc Lịch Nguyệt, họp các Chức sắc lại mà lập Tờ Khai Ðạo dâng lên nhà cầm quyền Pháp lúc bấy giờ.

Tờ Khai Ðạo nầy, Ðức Chí Tôn dặn phải dâng lên Ðức Chí Tôn xem xét trước, để Ðức Chí Tôn chỉnh sửa lại.

Vâng lịnh Ðức Chí Tôn, hai Ngài Ðầu Sư mời các Chức sắc và tín đồ họp Ðại hội vào 8 giờ tối ngày 23-8-Bính Dần (dl 29-9-1926) tại nhà Ông Nguyễn Văn Tường ở hẻm 237 bis đường Galliéni (nay là đường Trần Hưng Ðạo).

Buổi chiều tối hôm đó, trời đổ mưa to gió lớn, làm ngập đường sá, xe cộ chạy không được, nhờ vậy mà bọn mật thám Pháp không để ý và ngăn trở buổi Ðại hội nầy. Có tất cả 247 vị Chức sắc và tín đồ tham dự cuộc hội. Ba Ngài: Thượng Trung Nhựt, Ngọc Lịch Nguyệt và Cao Quỳnh Cư điều khiển đại hội. Ðại hội chấp thuận dự thảo Tờ Khai Ðạo do Ban chủ tọa thảo ra.

Sau đêm đó, quí Ngài thiết lập đàn cơ tại nhà Ngài Cao Quỳnh Cư, dâng Tờ Khai Ðạo lên Ðức Chí Tôn duyệt xét.
Ðức Chí Tôn giáng phê: "Mấy con không nói một điều gì đến Thầy hết, nhưng thôi kệ cứ gởi đi."
Sau đó, Ðức Chí Tôn dặn Ngài Thượng Trung Nhựt: "Thầy dặn con, Trung, nội thứ năm tuần tới phải đến Le Fol mà khai cho kịp, nghe!"

Ðúng ngày thứ năm tuần sau, là ngày 7-10-1926 (âl 1-9-Bính Dần), Ngài Thượng Trung Nhựt lên Soái phủ Nam Kỳ nạp Tờ Khai Ðạo cho Thống Ðốc Le Fol, được Ông Le Fol vui vẻ tiếp nhận và khen rằng, vì chữ thiện mà khuyến dân, ấy là chủ nghĩa cao thượng.

Thế là kể từ ngày 7-10-1926, Ðạo Cao Ðài công khai hoạt động, truyền đạo trong các giới dân chúng, để sau đó chuẩn bị thiết lập Ðại Lễ Khai Ðạo tại Thánh Thất tạm đặt tại Chùa Từ Lâm, Gò Kén, Tây Ninh.

Ngày 13-10-1926 (âl 7-9-Bính Dần), Ngài Cao Quỳnh Cư soạn Tờ Phổ Cáo Chúng Sanh, được sự đồng ý của Ngài Ðầu Sư Thượng Trung Nhựt, dâng lên cho Ðức Chí Tôn duyệt, rồi in ra phổ biến các giới đồng bào biết, ngày nay trên đất nước Việt Nam xuất hiện một nền Tân Tôn giáo là Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ do Ðấng Thượng Ðế mở ra và làm chủ.

Nói về Ông Nguyễn Văn Tường, đã cho mượn nhà làm nơi họp Ðại hội lập Tờ Khai Ðạo: Lúc đó Ông Nguyễn Văn Tường (1887-1939) làm Thông Ngôn cho Sở Tuần Cảnh, nhận thấy sự huyền diệu của Ðức Chí Tôn nên Ông nhập môn theo Ðạo, sau được Ðức Chí Tôn phong Giáo Hữu phái Thượng, Thánh danh Thượng Tường Thanh.

Nhà của Ông Tường ở trên một phần đất rộng khoảng 1500 m2 nên đủ chỗ cho quí Ngài Thượng Trung Nhựt và Ngọc Lịch Nguyệt tổ chức Ðại hội gồm 247 vị hiện diện, lập Tờ Khai Ðạo. Ông Nguyễn Văn Tường thường xuyên hành đạo tại Thánh Thất Cầu Kho, mất vào ngày 26-9-Kỹ Mão (dl 7-11-1939). (Tài liệu của Huệ Nhẫn)

37 .  Thứ tư, 29-9-1926 (âl 23-8-Bính Dần)
NGỌC HOÀNG THƯỢNG ÐẾ viết CAO ÐÀI giáo đạo Nam phương

Thầy dạy chư môn đệ một lần cho mà hiểu và nhớ hằng ngày.
Nhiều đứa đi truyền đạo mà trong lòng kính sợ kẻ thọ giáo. Thầy hỏi: Phải nghịch chơn lý chăng?
Phải, các con há!
Kẻ dốt mà dạy người dốt thì cả hai dầu nói tới tận thế cũng còn dốt.

Lại thấy kẻ dốt ấy kích bác, trở lại chịu thiệt rằng: Ðạo mình là lầm lạc. Người truyền đạo dường ấy có sai chánh lý chăng?

Phải, các con há!
Chẳng khác nào ngồi nhà thấy kẻ mắc mưa ướt mình, nhảy ra che cho ướt, lại khen rằng mát thì muội lắm đó.

Vậy Thầy lại thấy một bọn môn đồ, khi đến nói đạo với kẻ nào thì thẹn thuồng ái ngại. Phải nghịch chánh lý chăng?

Phải, thiếu tư cách đã đành.
Mình vì chữ thiện mà dạy người thì giá trị mình đã cao thượng rồi, mà còn thẹn nỗi gì?

Chẳng khác nào một đứa bé bị chửi, sợ nhục, lại rán chửi lại cho bằng, té ra bị nhục hơn nín đặng nghe luôn nữa.

Thầy lại thấy nhiều đứa chưa hiểu thấu huyền diệu là gì, bị người chê, rồi về còn biếm nhẻ nữa. Phải nghịch chánh lý chăng?

Trong phần đông các con, nhiều kẻ ấy.
Thầy khuyên các con nhớ hoài rằng: Thầy của các con là Ông Thầy Trời, nên biết một Ổng mà thôi, thì đủ, nghe à!

Ngôi vị Bạch Ngọc Kinh chẳng ưa chứa kẻ hung hăng, mà lạ một điều là kẻ hung hăng đạo đức thường phá cửa lún đặng vào, địa vị phần nhiều đoạt bởi kẻ ấy.

Các con hiền mà dữ, các con yếu mà mạnh, các con nhỏ nhoi mà là quyền thế, các con nhịn nhục mà các con hành phạt, cử chỉ các con khá tập sao cho nghịch với cử chỉ thế tình thì là gần ngôi Tiên, Phật đó.

CHÚ THÍCH:
Ðêm nay, ngày nầy (23-8-Bính Dần), hai Ngài Thượng Trung Nhựt và Ngọc Lịch Nguyệt họp Ðại hội Chức sắc và tín đồ tại nhà Ông Nguyễn văn Tuờng để dự thảo Tờ Khai Ðạo gởi lên nhà cầm quyền Pháp. Số người dự họp lên tới 247 vị.

Hằng năm, vào ngày 23-8 nầy, Thánh Thất Nam Thành Sài gòn đều có làm Lễ Kỷ niệm ngày LẬP TỜ KHAI ÐẠO.

38 .  Ngày 30-9-1926 (âl 24-8-Bính Dần)
NGỌC HOÀNG THƯỢNG ÐẾ viết CAO ÐÀI giáo đạo Nam phương

Hỉ chư môn đệ, chư nhu,
M... N..., không chuyện chi cần, Thầy không muốn làm nhọc chư Tiên và chư Thần, mỗi vị đều có trách nhiệm riêng, con hiểu à! Xem đó thì các con khá dè dặt, kỉnh Thần, Thánh cho lắm, vì Thầy là bực Chí Tôn, lòng hay quảng đại mà tha thứ, chớ Thần, Thánh, hễ các con có lỗi thì cứ Thiên điều mà quở phạt các con, nghe à!

Con hiểu ý bài thi nầy chăng?
Ẩm mã đầu tiền Hạng Trọng Sơn,
Chung qui hữu phúc hạnh tao phùng.
Hậu lai mạc tín đa phi thị,
Hữu ngoại thành tâm tái vận cung.

Sao? Nói Thầy nghe.
Chư nhu đặng tọa vị hầu Thầy.
(M... N... cắt nghĩa sái Thánh ý).
Không đâu con! Con có hiểu hai câu nầy chăng?
Hớn Lưu Khoan trách dân bồ tiên thị nhục,
Hạng Trọng Sơn khiết kỷ ẩm mã đầu tiền.

Nghĩa là:
Ðời Hớn, ngươi Lưu Khoan làm quan, hễ dân có tội thì đánh bằng roi lát cho biết nhục vậy thôi; còn nước Hạng, ngươi Trọng Sơn sạch mình đến đỗi cho ngựa uống nước rồi vãi tiền xuống sông mà trả, trong sạch đến đỗi của Trời Ðất cũng không nhơ bợn, con hiểu à?

Thầy muốn dạy con, phải ở và dạy nội gia quyến con cho chánh đáng, phải lấy lòng trong sạch đối đãi với người, dầu việc nhỏ mọn cũng vậy.
Con khá đọc Thánh Ngôn và cắt nghĩa Thánh ý Thầy cho mọi người biết.
Hạnh ngay thật là nét yêu dấu của Thầy, con nghe! Thăng.

CHÚ THÍCH:
M... N...: Mỹ Ngọc, bút hiệu của Ngài Cao Quỳnh Diêu, sau đắc phong Bảo Văn Pháp Quân.
Bài thi bốn câu của Ðức Chí Tôn cho Ngài Mỹ Ngọc, viết ra chữ Hán sau đây:
            Ẩm mã đầu tiền Hạng Trọng Sơn,                    飲馬投錢項仲山
            Chung qui hữu phúc hạnh tao phùng.    終歸有福幸遭逢
            Hậu lai mạc tín đa phi thị,                                 後來莫信多非是
            Hữu ngoại thành tâm tái vận cung.                    友外誠心再運恭

GIẢI NGHĨA:
- Ông Hạng Trọng Sơn cho ngựa uống nước thì ném tiền trả.
- Chung qui thì gặp được hạnh phúc.
- Ngày sau không có chữ Tín thì sanh nhiều việc thị phi.
- Ðối với ngoài, giữ lòng chơn thật thì được kính trọng trở lại.

Ông Hạng Trọng Sơn là người ở huyện An Lăng, nước Hạng.
Ông Lưu Khoan đời nhà Hán (Hớn), làm quan Thái Thú huyện Nam Dương, nước Tàu.

Hai câu Hán văn bên dưới, viết ra chữ Hán sau đây:
漢劉寬責民蒲鞭示辱
項仲山潔己飲馬投錢

39 .  Thứ sáu, 1-10-1926 (âl 25-8-Bính Dần)
NGỌC HOÀNG THƯỢNG ÐẾ viết CAO ÐÀI TIÊN ÔNG ÐẠI BỒ TÁT MA HA TÁT giáo đạo Nam phương

DIEU TOUT-PUISSANT
G . . .
Vos deux époux trouvent bizarre que Je vienne en cette façon. Savez-vous que le monde est à ce jour tellement méchant que l'ère de destruction approche. L'humanité s'entretue. Bien mal service par la science, elle provoque la dissension et la guerre.

La Sainte Doctrine du Christianisme ne sert qu'à envenimer l'ambition des forts contre les faibles, et arme les premiers contre les derniers.
Il faut une Nouvelle Doctrine capable de maintenir l'humanité dans l'amour des créatures.
Seule la Nation Annamite conserve religieuse-ment le culte millénaire des morts, quoique cette nation ne connaisse depuis sa création que la servitude, elle reste telle que Je le désire. . .

Bài dịch Việt văn của Hội Thánh:
NGỌC HOÀNG THƯỢNG ÐẾ viết CAO ÐÀI TIÊN ÔNG ÐẠI BỒ TÁT MA HA TÁT giáo đạo Nam phương

ÐẤNG THƯỢNG ÐẾ TOÀN NĂNG
G . . .
Có lẽ vợ chồng con lấy làm lạ mà thấy Thầy đến như thế nầy. Các con có biết chăng hiện nay vì thế gian rất hung bạo nên thời kỳ tận diệt đã hầu kề. Nhân loại tàn sát lẫn nhau bởi không biết dùng khoa học vào việc phải, nên nó mới biến thành chia rẽ và chiến tranh.

Thánh đạo của Ðức Chúa Cứu Thế (vì sự hiểu lầm) làm tăng gia dục vọng của kẻ mạnh đối người yếu và giúp giáo cho bọn trên hiếp dưới.

Phải có một Giáo lý mới mẻ đủ khả năng kềm chế nhân loại trong sự thương xót chúng sanh.

Chỉ có xứ Việt Nam còn duy trì được sự tôn sùng tổ phụ theo tục lệ cổ truyền, mặc dầu xứ ấy chỉ biết chịu ở dưới quyền lệ thuộc từ ngày tạo lập đến giờ. Ý Thầy muốn nó được giữ nguyên thể như vậy mãi . . .

CHÚ THÍCH:
G . . .: Girand, tên một người Pháp đến hầu đàn. (Theo Thánh Ngôn chép tay của Ngài Ðầu Sư Thái Thơ Thanh, trang 59)

40 .  Thứ hai, 4-10-1926 (âl 28-8-Bính Dần)
THẦY
Chúng Nam nghe:
Thầy Khổng Tử trước có Tam thiên đồ đệ, truyền lại còn Thất thập nhị Hiền.
Thầy Lão Tử trước đặng một trò là Nguơn Thỉ.
Thầy Giê-Giu trước đặng Mười hai người, chừng bị bắt còn lại là Pierre mà thôi.
Thầy Thích Già đặng bốn người, ba người bỏ Thầy còn lại một.
Còn nay, Thầy giáng thế chọn đến:
Nhứt Phật,
Tam Tiên,
Tam thập lục Thánh,
Thất thập nhị Hiền,
Tam thiên Ðồ đệ.

Các con coi đó mà hiểu rằng, các con có sự mà thiên hạ từ tạo thế đến chừ chưa hề có chăng?
Nơi Bạch Ngọc Kinh, hơn 60 năm trước, chư Thần, Thánh, Tiên, Phật, thấy đại nộ của Thầy, nên ra tình nguyện hạ thế cứu đời.
Thầy coi bọn ấy lại còn làm tội lỗi hơn kẻ phàm xa lắm. Vậy vì cớ chi các con biết chăng?
Các con có cả ba Chánh đạo là Tam giáo, các con biết tôn trọng, ngày nay lại thêm Chánh đạo nữa, các con biết ít nước nào đặng vậy?

Bị hàng phẩm Nhơn tước phải phù hạp với hàng phẩm Thiên tước, đáng lẽ Thầy cũng nên cho các con chịu số phận bần hàn mà không nỡ, nên ngày nay mới có kẻ như vậy.

Thầy nói cho các con biết: Dầu một vị Ðại La Thiên Ðế xuống phàm mà không tu, cũng khó trở lại địa vị đặng. Các con nghe à!

CHÚ THÍCH:
(Xin xem lại Chú thích của bài Thánh Ngôn 35)
Ðức Khổng Tử có Tam thiên đồ đệ (3000 học trò), trong đó có Thất thập nhị Hiền (72 người tài giỏi), trong Thất thập nhị Hiền có Thập Triết (10 Triết gia), và đặc biệt có 2 vị Thánh là: Phục Thánh Nhan Hồi, Tông Thánh Tăng Sâm. (Ðời sau có thêm 2 vị Thánh nữa là Thuật Thánh Tử Tư và Á Thánh Mạnh Tử, với 2 vị Thánh trước gọi chung là Tứ Phối).

Ngày nay lập Ðạo Cao Ðài, Ðức Chí Tôn chọn Chức sắc Cửu Trùng Ðài Nam phái gồm 3112 vị, gồm:
Nhứt Phật: là một phẩm Giáo Tông, đối phẩm Thiên Tiên hay Phật vị.
Tam Tiên: là 3 vị Ðầu Sư cho 3 phái, mỗi phái 1 vị, đối phẩm Ðịa Tiên.
Tam thập lục Thánh: là 36 vị Phối Sư, chia đều mỗi phái 12 vị, đối phẩm Thiên Thánh.
Thất thập nhị Hiền: là 72 vị Giáo Sư, chia đều mỗi phái 24 vị, đối phẩm Nhơn Thánh.

Tam thiên Ðồ đệ: là 3000 Giáo Hữu, chia đều mỗi phái 1000 vị, đối phẩm Ðịa Thánh.

Nếu kể thêm 3 vị Chưởng Pháp nữa thì tổng số Chức sắc Cửu Trùng Ðài là 3115 vị.

41 .  Ngày 12-10-1926 (âl 6-9-Bính Dần)
THẦY
Các con,
Vì tại sao Thầy muốn các con mặc đồ bô vải chăng?
Vì bô vải là tấm gương đạo đức, các con đã rõ đạo thì biết đức cần kiệm là đức hạnh đầu trong lúc các con còn ở thế gian nầy. Như sự lãng phí se sua ở đời nầy, Thầy cũng cho là một việc tổn đức vậy.

42 .  Ngày 15-10-1926 (âl 9-9-Bính Dần)
THẦY
Các con nghe:
Thầy hằng nói với các con rằng: Thà là các con lỗi với Thầy thì Thầy vì lòng từ bi mà tha thứ, chớ chẳng nên động đến oai linh chư Thần, Thánh, Tiên, Phật, vì họ chẳng tha thứ bao giờ.

Thầy lại cũng đã nói: Mỗi khi Chơn linh Thầy giáng đàn thì cả vàn vàn muôn muôn Thần, Thánh, Tiên, Phật theo hầu hạ. Các con nếu mắt phàm thấy
đặng phải khủng khiếp kinh sợ vô cùng, nhưng thấy chẳng đặng, nên tội cũng giảm nhẹ đó chút.
Thất lễ là đại tội trước mắt các Ðấng Chơn linh ấy. Thầy phải thăng cho các con khỏi bị hành phạt.

Thầy chẳng buổi nào chấp trách các con, bởi lòng thương yêu hơn chấp trách rất nhiều, sợ là sợ cho các con mất đức với chư Thần, Thánh, Tiên, Phật. Thăng.

43 .  Khai đàn tại nhà Ông Hồ quang Châu, Phan thị Lân.
Ngày 21-10-1926 (âl 15-9-Bính Dần)
NGỌC HOÀNG THƯỢNG ÐẾ viết CAO ÐÀI giáo đạo Nam phương

Hỉ chư môn đệ, hỉ chư nhu.
Châu, nghe dạy:
Từ đây nòi giống chẳng chia ba,
Thầy hiệp các con lại một nhà.
Nam, Bắc cùng rồi ra ngoại quốc,
Chủ quyền Chơn đạo một mình Ta.

Thầy sẽ giao trách nhậm trọng hệ cho con truyền đạo Trung Kỳ, ráng tập tành đạo hạnh.

Thơ, con phải khai rộng Thánh Thất cho chúng sanh cầu đạo, đừng phân sang hèn, ai ai đều cũng con Thầy. Con khá khuyên chư nhu đến Thánh Thất cầu đạo nghe!

TÁI CẦU:
Thầy, các con.
Ðạo Quang, con cứ khai đàn cho chúng nó, và chỉ cách thờ Thầy theo Tân Luật, cần chi chúng nó phải cầu đạo, vốn là môn đệ của Thầy rồi. Cười . . .
Chẳng hiểu đến chừng nào các con mới biết rõ
Thầy là ai? Thảm thay! Thương thay!

Trung, mặc kệ nó, chúng nghi cho các con lo Quốc sự. Thầy vì các con xin lắm mới ép lòng chịu vậy, chớ Chánh trị với Ðạo chẳng buổi nào liên hiệp cùng nhau. Thầy nói ít, các con hiểu nhiều.

CHÚ THÍCH:
Ðạo Quang: Ngài Trần Ðạo Quang, thế danh là Trần Thanh Nhàn, sanh năm Canh Ngọ (1870), tu theo Minh Sư đến chức Thái Lão Sư, trụ trì ở Linh Quang Tự, Gò Vấp. Ngài được Ðức Chí Tôn giáng cơ độ Ngài theo Ðạo Cao Ðài. Khi Ngài Thượng Chưởng Pháp Nguyễn Văn Tương qui Tiên, Ngài được phong làm Quyền Thượng Chưởng Pháp. Giữa năm 1927, khi Ngài Ngọc Chưởng Pháp Trần Văn Thụ qui Tiên, Ngài Trần Ðạo Quang được ân phong chánh vị là Ngọc Chưởng Pháp.
Quốc sự: Việc nước, tức là việc Chánh trị. Làm Quốc sự là làm Chánh trị, tức là tham gia vào các hoạt động của Ðảng phái để tranh giành quyền lực lãnh đạo quốc gia.
Chánh trị với Ðạo chẳng buổi nào liên hiệp cùng nhau: Từ trước tới nay, nhiều vị lãnh đạo tôn giáo lợi dụng uy thế của đông đảo tín đồ, đứng ra tranh giành quyền lực với chánh quyền quốc gia, khiến cho nhà đương quyền luôn luôn nghi ngờ tôn giáo làm chánh trị. Trong giáo lý của Ðạo Cao Ðài do Ðức Chí Tôn lập ra, không có khoản nào cho phép Chức sắc làm chánh trị. Bởi vì mục đích của tôn giáo là làm lành, còn Chánh trị thì làm lợi. Nếu nhà cầm quyền hoàn toàn vì nước vì dân đúng nghĩa thì tôn giáo là cơ quan rất đắc lực hộ trợ nhà nước về phước thiện, về an sinh xã hội, giáo dục đạo đức, củng cố và phát triển thuần phong mỹ tục, ngăn ngừa tội ác tội phạm. Một xã hội không đạo đức thì dễ đưa đến hỗn loạn và đồi trụy. Chỉ có tôn giáo mới có thể cải tạo tệ nạn xã hội một cách hữu hiệu đến tận gốc rễ.
  Home       1 ]  [ 2 ]  [ 3 ]  [ 4 ]  [ 5 ]  [ 6 ]  [ 7 ]  8 ]  [ 9 ] 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét