Thánh Ngôn Hiệp Tuyển I & II - 3 / 9 (BSCT, Hiền Tài - Nguyễn Văn Hồng )

44 .  Phước Linh Tự,
Chúa nhựt, 24-10-1926 (âl 18-9-Bính Dần)
THÍCH CA MÂU NI PHẬT tá danh CAO ÐÀI TIÊN ÔNG ÐẠI BỒ TÁT MA HA TÁT giáo đạo Nam phương

Vì Tân Luật chưa ra nên Thầy phải giải:
Ðã có Thánh Tượng Thầy thì là cốt Ngọc Hoàng con để lại chẳng nghĩa chi hết. Thầy nói cho các con rõ, vì cớ nào trước từ Nhứt Tổ chí Lục Tổ
thì thờ Thầy ngồi trước, vì trước là lớn phải vậy.

Khai Thiên Ðịa vốn Thầy, sanh Tiên, Phật cũng Thầy. Thầy đã nói một Chơn thần mà biến Càn khôn Thế giới và cả nhơn loại.
Thầy là chư Phật, chư Phật là Thầy.
Các con là chư Phật, chư Phật là các con.
Có Thầy mới có các con, có các con rồi mới có chư Thần, Thánh, Tiên, Phật.

Thầy khai Bát Quái mà tác thành Càn khôn Thế giới, nên mới gọi là Pháp; Pháp có mới sanh ra Càn khôn Vạn vật rồi mới có người, nên gọi là Tăng. Thầy là Phật chủ cả Pháp và Tăng, lập thành các đạo mà phục hồi các con hiệp một cùng Thầy.

Thầy lập Phật giáo vừa khi Khai Thiên lập Ðịa, nên Phật giáo là trước, kế Tiên giáo, rồi mới tới Nho giáo
Nay là hạ nguơn hầu mãn, phải phục lại như buổi đầu, nên phải phản tiền vi hậu.
Tỉ như Tam giáo qui nhứt thì:
Nho là trước,
Lão là giữa,
Thích là chót.

Nên Thầy phải ngồi sau chư Phật, Tiên, Thánh, Thần, mà đưa chúng nó lại Vô Vi chi Khí, chính là Niết Bàn đó vậy. . . . . . . . . . . . .
Còn cổ lễ cúng thì: Rượu là Khí, Bông là Tinh, Trà là Thần.

CHÚ THÍCH:
Nơi giáng cơ, trong TNHT. I - 1928, 1931 ghi là Phước Tinh Tự; trong ÐS.II.7, lại ghi là Phước Linh Tự. Chỗ nhiều chấm gần chót xin chép bổ sung ra sau đây:

"Còn như Hộ Pháp đã xuống trần rồi thì thờ chi nữa, các con nên lập ra ba bài vị đề: HỘ PHÁP, THƯỢNG PHẨM bên hữu, THƯỢNG SANH bên tả."

Nhứt Tổ của Phật giáo Trung hoa: Bồ Ðề Ðạt Ma.
Lục Tổ của Phật giáo Trung hoa: Huệ Năng.
Phản tiền vi hậu: Trở ngược cái trước làm cái sau.
Vô Vi chi Khí: Ðó là Khí Hư Vô, chất Khí nguyên thỉ sanh ra Ðức Chí Tôn. Cổ lễ: Nghi lễ xưa.
Niết Bàn: phiên âm từ tiếng Phạn: Nirvana, có nghĩa đen là: Ra khỏi rừng phiền não luân hồi. Ðó là cảnh giới hoàn toàn sáng suốt, an vui sung sướng, của những người đắc đạo.

45 .  Thứ tư, 27-10-1926 (âl 21-9-Bính Dần)
NGỌC HOÀNG THƯỢNG ÐẾ viết CAO ÐÀI TIÊN ÔNG ÐẠI BỒ TÁT MA HA TÁT giáo đạo Nam phương

L'humanité souffre de toutes sortes de vicissitudes.
J'ai envoyé Allan Kardec, J'ai envoyé Flammarion comme J'ai envoyé Élie et Saint Jean Baptiste, précurseurs de l'avènement de Jésus Christ; l'un est persécuté, et l'autre tué. Et par qui? Par l'humanité. Mon fils est aussi tué par vous. Vous ne le vénérez qu'en Esprit et non en Sainteté.

Je voulais causer avec vous en une seule fois au temps de Moise sur le mont Sinai, vous ne pouviez me comprendre.

La promesse que J'ai faite à vos ancêtres pour votre Rédemption, la venue du Christ est prédite, vous ne voulez pas en tenir compte.

Il faut que Je me serve moi-même maintenant d'un moyen plus spirituel pour vous convaincre. Vous ne pourrez pas nier devant le Grand Jugement Général que Je ne sauve pas l'humanité par tous moyens plausibles. Quelque indulgent que Je sois, Je ne pourrai effacer tous vos péchés depuis votre création.

Le monde est dès maintenant dans les ténèbres. La Vertu de Dieu est détruite, la haine universelle s'envenime, la guerre mondiale est inévitable.

La race françise et la race annamite sont mes deux bénites. Je voudrais que vous soyez unis pour toujours. La NouvelleDoctrine que J'enseigne a pour but de vous mettre une dans communauté d'intérêt et de vie.
Soyez donc unis par ma volonté et prêchez au monde la paix et la concorde.
En voilà assez pour vous ce soir.

Bài dịch Việt văn của Hội Thánh:
NGỌC HOÀNG THƯỢNG ÐẾ viết CAO ÐÀI TIÊN ÔNG ÐẠI BỒ TÁT MA HA TÁT giáo đạo Nam phương

Nhơn loại hiện chịu đau khổ bởi nhiều cuộc tai biến.
Thầy đã sai Allan Kardec, Flammarion, cũng như Élie và Thánh Jean Baptiste, là những bực tiền Thánh báo tin ngày giáng sinh chấn động của Chúa Cứu Thế Jésus Christ, nhưng chúng nó, đứa thì bị hành hạ, đứa khác bị giết chết. Bởi ai? Cũng bởi loài người. Chính con của Thầy cũng bị các con giết mất. Các con chỉ biết tôn sùng Người bằng Tinh thần chớ không bằng Thánh chất.

Thầy đã muốn nói với các con chỉ một lần mà thôi, hồi thời kỳ Thánh Moise trên ngọn núi Sinai, nhưng các con không hiểu được ý Thầy.

Lời hứa của Thầy với Tổ tiên các con về việc xin chuộc tội cho các con và ngày Giáng sinh của Chúa Cứu Thế là việc đã có sấm tiên tri rồi mà các con không chịu quan tâm đến.

Nay Thầy phải tự tìm lấy một phương pháp huyền diệu hơn để thâu phục các con. Các con sẽ không còn chối cãi được trước Tòa Phán Xét Chung rằng Thầy không cứu vớt nhơn loại bằng những phương pháp công hiệu. Dầu Thầy có khoan dung cách mấy đi nữa, Thầy cũng không thể bôi xóa được những tội lỗi của các con đã làm từ lúc tạo thành nhơn loại.

Từ nay thế giới phải chịu trong vòng hắc ám. Tinh thần đạo đức đã tiêu mất, sự thù hận tràn ngập khắp hoàn cầu. Chiến tranh thế giới không thể tránh khỏi.

Dân tộc Pháp - Việt là hai giống dân được nhiều huệ phúc nhất. Thầy muốn sao cả hai được hòa hiệp nhau mãi mãi. Giáo lý của Thầy có mục đích dạy dỗ các con hòa hợp nhau trong sự sống chung cộng đồng quyền lợi và sinh hoạt.

Vậy các con hãy chung hiệp nhau mãi mãi theo ý muốn của Thầy và hãy truyền bá khắp hoàn cầu thuyết hòa bình tương thân tương ái.
Thôi có bao nhiêu đó cho các con đêm nay.

CHÚ THÍCH:
Allan Kardec: Nhà Thần Linh Học Pháp, có công truyền bá Thần Linh Học ở nước Pháp và nhờ Ông mà Học thuyết Thần Linh Học được hệ thống hóa. Ông có viết 2 quyển sách Thần Linh Học là: Le livre des Esprit (Sách về Thần linh) và Le livre des Médiums.
Camille Flammarion (1842-1925): Nhà Thiên văn theo Thần Linh Học, tiếp nối Allan Kardec truyền bá Thần Linh Học ở nước Pháp.
Moise: Nhà lãnh đạo của dân Do Thái thời Thượng cổ, lúc dân Do Thái bị các Pharaon Ai Cập bắt làm nô lệ. Moise được Ðức Chúa Trời chọn, vâng lịnh Ðức Chúa Trời dẫn dắt dân Do Thái thoát khỏi ách nô lệ, đến định cư và dựng nước ở đồng bằng phì nhiêu dưới chân núi Sinai. Ðức Chúa Trời giao cho Moise 10 Ðiều Răn để dạy dân Do Thái, các giáo lý, cách thờ phượng Ðức Chúa Trời, tạo thành đạo Do Thái thời Nhứt Kỳ Phổ Ðộ.
Jean Baptiste: Thánh Jean Baptiste là nhà tiên tri sửa soạn sự xuất thế của Chúa Jésus. Ông làm phép Giải Oan cho Chúa ở bờ sông Jourdain và xác định đây là Chúa Cứu Thế. Ông bị tử đạo năm 28 do lịnh của Salomé. Lễ kỷ niệm Ông hằng năm vào ngày 24 tháng 6.
Élie: ở Thi-sê-be, nhà tiên tri người Do Thái thời vua Do Thái là A-hap, sau thời Thánh Moise xa lắm, vâng lời Ðức Chúa Trời đến ở khe Kê-rit, đối ngang sông Jourdain. Élie với học trò là Élisée, vâng lịnh Ðức Chúa Trời, đi đến bờ sông Jourdain, Élie lấy áo tơi cuốn lại đập trên nước thì nước sông rẽ hai cho 2 người đi qua sông, rồi Élie được Ðức Chúa Trời rước lên Trời trong một cơn gió lốc. Élisée tiếp nối Élie làm tiên tri của dân Do Thái.

46 .  Ngày 28-10-1926 (âl 22-9-Bính Dần)
NGỌC HOÀNG THƯỢNG ÐẾ viết CAO ÐÀI  giáo đạo Nam phương

DIEU TOUT PUISSANT qui vient sous le nom de CAO ÐÀI
pour dire la Vérité en Annam
M . . . et V . . . Venez près d'ici.
Croyez-vous qu'il est impossible à Dieu de faire ce qu'il veut faire.

M . . . , tu es désigné par Moi pour accomplir une tâche ingrate mais humanitaire. Tu relèves par tes nobles sentiments la décadence d'une race millénaire qui a sa civilisation.

Tu te sacrifies pour lui donner une vraie morale. Voilà une toute faite pour ton oeuvre. Lis toutes mes Saintes Paroles. Cette Doctrine sera universelle. Si l'humanité la pratique, ce sera la paix promise pour toutes les races. Tu feras connaitre à la France que l'Annam est digne d'elle.
Tu as assez pour ce soir.

Bài dịch Việt văn của Hội Thánh:
NGỌC HOÀNG THƯỢNG ÐẾ viết CAO ÐÀI giáo đạo Nam phương
THƯỢNG ÐẾ TOÀN NĂNG giáng thế tá danh CAO ÐÀI
truyền Chơn lý tại Việt Nam
M . . . và V . . . Các con hãy lại gần đây.
Các con tưởng rằng Ông Trời không thể làm cái gì mà Ông muốn sao?
M . . . , Thầy chỉ định con lãnh một vai trò bạc bẽo mà nhân đạo. Con vì tâm tình cao thượng mà cứu vãn sự sụp đổ của một dân tộc đã hấp thụ một nền văn minh tối cổ.

Con tự hy sinh để đem lại cho dân tộc ấy một nền đạo lý chơn chánh. Ðó là công nghiệp dành sẵn cho con. Hãy đọc các Thánh Ngôn của Thầy. Giáo lý của Thầy sẽ là đại đồng. Nếu nhơn loại biết tu hành thì đó sẽ là nền hòa bình hứa hẹn chung cho tất cả các dân tộc. Con sẽ tỏ cho nước Pháp biết, nước Việt Nam là nước xứng đáng đối với Pháp.
Thôi có bấy nhiêu cho con hôm nay.

CHÚ THÍCH:
M . . . và V . . .: Ðại úy Paul Monet và người bạn tên Vidal. Ông Monet là nhà Thần Linh học Pháp, hôm đó ông đến hầu đàn, thấy đang cầu cơ. Ông thử làm phép cắt điển.

Nếu là Tà điển thì phải xuất ra liền, còn điển của Thánh Tiên thì không ảnh hưởng. Lúc đó, Ðức Chí Tôn đang giáng cơ, nên kêu ông Monet và ông Vidal đến để Ðức Chí Tôn dạy đạo.

47 .  Ðại Ðàn Chợ Lớn [Nhà Ngài Lê văn Trung]
Ngày 29-10-1926 (âl 23-9-Bính Dần)
NGỌC HOÀNG THƯỢNG ÐẾ viết CAO ÐÀI giáo đạo Nam phương

Hỉ chư môn đệ, chư nhu, chư ái nữ.
Các con nghe:
Thầy buộc phải nói rõ cho các con đừng lầm mà trách Thầy. Cha hiền chả biết hành hạ con cái bao giờ. Thầy đã đến mà dìu dắt từ đứa thì lẽ nào lại đành lòng xô đuổi.

Thầy thấy các con bị phép thử thất Ba Trấn lập thành thì đã hiểu nhiều đứa bị hành. Thầy ngậm đau nuốt thảm ngồi nhìn. Thầy chẳng để thử thất, Ba Trấn trách Thầy vì yêu mến quá lẽ mà làm mất hết công bình, nhứt là Lý Thái Bạch kêu nài hơn hết.

Dầu Quan Âm và Quan Thánh xin cũng chẳng đặng. Nhứt là buổi thử thất ấy, lại nhằm ngày khai Thánh Thất thì các con đủ hiểu là hại dường nào, song phải dằn lòng chịu vậy.

Các con ngã thì tại nơi Thầy. Nếu Thầy biết các con nhẹ tính thì thế nào cũng chẳng chịu. Lại để lời tiên tri mà dặn trước, nào dè Thánh Ngôn, các con không đọc, lời Thầy nói cũng như không, mới ra tội lỗi các con phạm thượng thế ấy.

Vậy từ đây, quyền thưởng phạt đã giao vào tay Lý Thái Bạch. Các con liệu mình mà cầu rỗi nơi Người. Thầy dạy dỗ, các con không nghe, đợi có hình phạt thì các con chịu lấy.
(Ð . . . Q . . . thượng sớ). Cười . . .
Ð . . . Q . . . , cả môn đệ Thầy duy có biết một chớ không biết hai. Kẻ nào cưu tâm chia phe phân phái là đứa thù nghịch của Thầy. Con hiểu à!

Con biết rằng, Thầy hằng dặn cả môn đệ, nhứt nhứt sự chi cũng phải đợi lịnh Thầy. Thầy có cho phép con cầu đạo và mọi phép bí tích chi chi cho mẹ T . . . chăng? Vì xảo trá ấy mà làm cho T . . . phải mất đức tin nhiều lắm, con hiểu à!

Cái kho bạc ấy nó giục lòng con lắm hả?
T . . .! Con phải định tánh mà xét nét lấy. Thầy chẳng cần nói.
Trung, Trang, Tương! Ba con phải nhớ những điều Thầy phú thác . . . Thầy đã dặn, hiểu à!

                        TÁI CẦU:
                        LÝ THÁI BẠCH
 Hỉ chư đạo hữu. Thiên phong bình thân.
Từ đây Thầy đã giao quyền thưởng phạt về nơi tay Bần đạo. Vậy các đạo hữu khá hết lòng lo lắng vun đắp nền đạo cho vững vàng, hiệp ý với Thiên cơ mà bước lần lên địa vị cao thượng, chớ sụt sè ôm thói mờ hồ thì đã uổng công trình cực nhọc từ bấy lâu nay, lại thêm chẳng đặng theo Thánh ý của Thầy, là bậc Chí Tôn đã hết sức nhọc nhằn cùng sanh chúng.

Mở một mối đạo chẳng phải là sự thường tình, mà sanh nhằm đời đặng gặp một mối đạo cũng chẳng phải dễ. Muốn lập thành tất phải có điều nghiêm chánh thưởng phạt. Có thưởng mới giục lòng kẻ có công, có phạt mới răn đặng lòng tà vạy.

Thưởng phạt tuy chẳng phải hữu hình, nhưng là một sự mừng vui, chưa có bậc cao thượng ở thế nào bằng, và một sự buồn bã nào sánh đặng. Dầu có ăn năn hối hận mấy kiếp, ngày giờ cũng đã qua rồi. Ngôi Cực Lạc vẫn có người choán hết.

Phần nhiều các đạo hữu dày công mà xây đắp nền đạo, nhưng sự ham muốn còn bôn chôn theo tình thế. Công đã nhiều mà bước tới nữa dường như ngán bước, gặp sự gay go đã mỏn lòng. Than thay! Tiếc thay!

Ðặng bậc Chí Tôn cầm quyền thế giới dìu dắt, rửa lỗi, mà chẳng bươn chải cho kịp thì, để đua nhau nghĩ tính về miếng đỉnh chung, nếu Thầy chẳng đại từ đại bi thì công quả đã chảy theo dòng nước.

Từ đây Bần đạo phải để ý dìu dắt bước đường cho các đạo hữu, phải gắng công thêm nữa cho hiệp với cơ Trời.

Ai hữu phước thì địa vị đặng cao thêm, ai vô phần thì bị đọa Tam pháp. Phước phần cũng khó lựa người, rủi rủi may may đừng trách nơi Bần đạo.
Bần đạo xin chào các đạo hữu. Bần đạo kiếu.

CHÚ THÍCH:
Kể từ ngày nay, 29-10-1926, Ðức Chí Tôn giao quyền thưởng phạt Chức sắc cho Ðức Lý Thái Bạch, Nhứt Trấn Oai Nghiêm, kiêm nhiệm Giáo Tông Ðại Ðạo.

Phép thử thất Ba Trấn lập thành: Cách thử thất do Tam Trấn Oai Nghiêm lập ra để chọn lọc Chức sắc làm cho giá trị thêm cao. Thử thất là bày ra cuộc thi khả năng đạo đức, thử xem ai chịu nổi thì đậu, ai không chịu nổi thì rớt mất. Ba Trấn là Tam Trấn gồm: Lý Thái Bạch, Quan Âm Bồ Tát, Quan Thánh Ðế Quân.
Ð. . Q. . .: Ngài Trần Ðạo Quang, Quyền Thượng Chưởng Pháp.
T. . .: (?)
Cưu tâm: Mang lấy lòng dạ.
Phép bí tích: Các phép thuật huyền diệu bí truyền.
Miếng đỉnh chung: Miếng mồi giàu sang. Ðỉnh chung là cái vạc và cái chuông. Mạnh Thường Quân ở nước Tề, giàu sang tột bực, có lòng chiêu hiền đãi sĩ, trong nhà luôn luôn có vài ngàn tân khách để lo bàn việc ích nước lợi dân. Do đó phải nấu cơm bằng vạc, khi mời ăn cơm thì đánh chuông.
Ðọa Tam pháp: Nếu tội phạm Thiên điều thì bị đọa Tam đồ bất năng thoát tục. Nếu phạm các tội nặng khác như thập ác, ngũ nghịch thì bị đọa vào ba đường khổ trong Lục đạo luân hồi. Ba đường khổ nầy theo Phật giáo là: Ðịa ngục, Ngạ quỉ, Súc sanh.

48 .  Ngày 11-11-1926 (âl 7-10-Bính Dần)
NGỌC HOÀNG THƯỢNG ÐẾ viết CAO ÐÀI giáo đạo Nam phương
Hỉ chư môn đệ, chư ái nữ, chư nhu.
            Ng . . . nghe Thầy:
Nghiệp thành trước đã có Ơn Trên,
Công quả độ sanh khá vẹn đền.
Ðạo đức thìn soi gương trí huệ,
Nguồn đào đoạt vị mới hầu nên.

Hai con đã có lòng vun nền đạo đức, phải khổ tâm thêm nữa mà giữ cho tròn phận sự. Mùi chung đỉnh, bả vinh hoa có khác chi ngọn cỏ phơi sương, vừng mây giữa gió. Nét hạnh đức là phương hay để dìu dắt các con bước lên con đường Cực Lạc, tránh khỏi đọa tam đồ.

Thầy vì đức háo sanh, nên chẳng kể bực Chí Tôn cầm quyền thế giới, đến lập Ðại Ðạo Tam Kỳ trong lúc hạ nguơn nầy mà vớt sanh linh khỏi vòng khổ hải. Ai biết đạo tức là có duyên phần, ai vô đạo tức là số chịu hình khổ luân hồi. Phải mau chơn, bằng luyến ái sự thế thì sau ăn năn rất muộn.

Than ôi! Thầy đã là Ðấng lập khổ hình, chiếu theo phép công bình của Tạo hóa, nhưng thấy nhơn sanh càng ngày càng bước vào con đường hắc ám, để đem số phận buộc vào đó, thì Thầy cũng bắt đau lòng, nhưng chẳng lẽ bỏ phép công vì sanh chúng.

Ấy vậy, Ðại Ðạo Tam Kỳ chẳng khác chi một trường thi công quả. Nếu biết ăn năn trở bước lại con đường sáng sủa, giồi tâm trau đức, đặng đến hội diện cùng Thầy, thì mới đạt đặng địa vị thanh cao trong buổi chung qui cho.
Chúng sanh khá nghe và xét mình cho lắm.

CHÚ THÍCH:
Ng . . .: (?) Thìn: Gìn giữ cho bền.
Nguồn đào: Chữ Hán là Ðào nguyên, chỉ cõi Tiên.
Mùi chung đỉnh: Cái mùi giàu sang. Dùng chữ mùi để tỏ ý chê bai. Bả: Miếng mồi.
Bả vinh hoa: Cái mồi giàu sang vinh hiển.
Con đường Cực Lạc: Con đường đưa tới cõi CLTG.
Sanh linh: Chúng sanh, các chơn linh sống nơi cõi trần.
Duyên phần: Cái duyên và cái phần tốt đẹp được hưởng do kết quả của việc làm đạo đức trong kiếp trước.
Hình khổ luân hồi: Việc luân hồi chuyển kiếp là một hình phạt khổ sở cho những người không đủ công đức đắc đạo.

* Ðây là lần thứ ba, Ðức Chí Tôn nói: Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ là một trường thi công quả. Ðức Chí Tôn nói lần thứ nhứt nơi bài Thánh Ngôn 17, lần thứ nhì nơi bài 24, lần thứ ba nơi bài 48 nầy. Trong thời kỳ Ðại Ân Xá nầy, môn thi là Công quả. Ðắc đạo cùng chăng là do Công quả.

49.  Ô Môn.
Ngày 12-11-1926 (âl 8-10-Bính Dần)
NGỌC HOÀNG THƯỢNG ÐẾ viết CAO ÐÀI giáo đạo Nam phương
K . . .
Nếu các con hiểu rõ cơ huyền diệu của kiếp luân hồi con người, chẳng phải như thói thường tình định liệu, thì con không buồn và cũng không oán trách Thầy.

Nơi Bạch Ngọc Kinh, cả thảy đều là con cái của Thầy, tức là anh em với nhau.

Cái phẩm vị của các con phải buộc tái sanh nhiều kiếp mới đến địa vị tối thượng mình là nơi Niết Bàn. Một lời nói với nhau cũng đủ cả hai xuống thế mà khuyên giúp lẫn nhau. Con chẳng nên gọi oan nghiệt.

Còn đạo mới khai lập, tuy xuất hiện chưa đầy một năm, chớ chư Tiên, chư Phật đã lập cùng cả Năm Châu. Chẳng khác nào khi trước, Nhơn đạo chưa mở thì đã có Châu Công truyền trước.
Thánh đạo Jésus chưa ra đời thì đã có Moise, Élie, Gérimie, Saint Jean Baptiste.

Ðạo Tiên Nguơn Thỉ chưa ra đời thì có Hồng Quân Lão Tổ, Lão Tử, Thông Thiên Giáo chủ truyền đạo.

Phật Thích Ca chưa ra đời thì đã có Nhiên Ðăng Cổ Phật và Brahma truyền đạo.

Thầy chưa giáng cơ lập đạo tại nước Nam, chớ chư Thần, Thánh, Tiên, Phật, dùng huyền diệu nầy mà truyền đạo cùng vạn quốc.

CHÚ THÍCH:
Oan nghiệt: Oan là thù giận, nghiệt là nghiệp ác. Oan nghiệt là những thù giận mà mình gây cho người trong kiếp trước tạo thành nghiệp ác báo hại mình trong kiếp hiện tại.
Châu Công: Ông Châu Công Ðán, con vua Văn Vương, chế ra Lễ Nhạc, nghi thức nơi triều đình, trật tự trong gia tộc, viết ra Hào Từ để chú giải mỗi hào trong 64 quẻ kinh Dịch.
Moise, Élie, Saint Jean Baptiste: (Xem Chú thích bài 45)
Gérimie: Nhà Tiên tri Do Thái sau thời Ông Élie. Ðức Chúa Trời phán cùng Gérimie: "Nầy Ta đã đặt ra những lời Ta trong miệng ngươi.". Ðức Chúa Trời dạy dân Do Thái qua sự truyền giảng của Gérimie.
Hồng Quân Lão Tổ: Một hóa thân của Thượng Ðế. Theo Truyện Phong Thần, Hồng Quân Lão Tổ có ba học trò là: Lão Tử, Nguơn Thỉ Giáo chủ Xiển giáo, Thông Thiên Giáo Chủ Triệt giáo. Học trò Xiển giáo và học trò Triệt giáo thường có chuyện tranh chấp nhau, khiến hai vị Giáo chủ vì binh học trò mà bất hòa. Hồng Quân Lão Tổ phải can thiệp và phân xử.

Khi Ðức Chí Tôn chưa mở Ðạo Cao Ðài ở nước VN, Ðức Chí Tôn đã cho các Ðấng dùng huyền diệu cơ bút mở đạo ở các nơi trên thế giới như: Thần Linh Học ở Âu Mỹ Châu, Thông Thiên Học ở Mỹ và Ấn Ðộ, đạo Omoto ở Nhựt, đạo Minh Sư ở Trung hoa, vv . . .

50 .  THÁNH GIÁO NGÀY KHAI ÐẠO:
Khai Ðạo tại chùa Gò Kén (Từ Lâm Tự) Tây Ninh.
Ngày 18-11-1926 (âl 14-10-Bính Dần)
NGỌC HOÀNG THƯỢNG ÐẾ viết CAO ÐÀI giáo đạo Nam phương
Hỉ chư môn đệ, chư ái nữ.
Nữ phái nghe Thầy khai Tịch Ðạo:
HƯƠNG tâm nhứt phiến cận Càn khôn,
Huệ đức tu chơn độ dẫn hồn.
Nhứt niệm Quan Âm thùy bảo mạng,
Thiên niên đẳng phái thủ sanh tồn.

Lâm thị: phong vi Giáo Sư, lấy Thiên ân Hương Thanh.
Ca thị: phong vi Phó Giáo Sư, lấy Thiên ân Hương Thế.
Ðường thị: đã thọ mạng Thiên sai, cứ giữ địa vị mình.
Còn cả chư ái nữ, Thầy sẽ lập đại hội cho đủ mấy vị rồi sẽ phong sắc một lần.
Thầy ban ơn cho các con, cứ hành lễ theo lời dặn. Thăng.

CHÚ THÍCH:
Bài thi Tịch Ðạo Nữ phái, viết ra chữ Hán sau đây:
            Hương tâm nhứt phiến cận Càn Khôn,             香心一片近乾坤
            Huệ đức tu chơn độ dẫn hồn.                                      慧德修真度引魂
            Nhứt niệm Quan Âm thùy bảo mạng,               一念觀音垂保命
            Thiên niên đẳng phái thủ sanh tồn.                                千年等派守生存

GIẢI NGHĨA:
- Một tấm lòng thơm gần Trời Ðất,
- Cái đức sáng suốt do tu hành chơn thật độ dẫn được linh hồn.
- Một lần niệm danh hiệu Ðức Quan Âm Bồ Tát thì được Bồ Tát rủ lòng thương xót bảo vệ mạng sống,
- Ngàn năm Nữ phái gìn giữ sự sanh tồn của nhơn loại.

Vậy Tịch Ðạo của Chức sắc Nữ phái CTÐ trong đời Giáo Tông thứ nhứt là lấy chữ HƯƠNG làm Thánh danh; đời Giáo Tông thứ nhì sẽ lấy chữ TÂM.

Ðức Chí Tôn phong chức cho hai vị: Bà Lâm Thị Thanh (hay Lâm Ngọc Thanh) ở Vũng Liêm, và Bà Ca Thị Thế con của Ngài Bảo Ðạo Ca Minh Chương.

Lâm Thị Thanh: phong làm Nữ Giáo Sư, Thánh danh Hương Thanh.
Ca Thị Thế: phong làm Phó Giáo Sư, Thánh danh Hương Thế. Phó Giáo Sư là phẩm Giáo Hữu.
Ðường thị: Bà Ðãi thị Huệ (1874-1936), hiền thê của Ngài Lê Văn Trung.
Thọ mạng: Nhận lãnh mệnh lệnh của Ðức Chí Tôn.
Thiên sai: Trời sai khiến.
Phong sắc: Ra Sắc lịnh phong chức.

51 .  Từ Lâm Tự (Gò Kén, Tây Ninh)
Thứ bảy, 20-11-1926 (âl 16-10-Bính Dần)
NGỌC HOÀNG THƯỢNG ÐẾ viết CAO ÐÀI giáo đạo Nam phương

GIÁO TÔNG nghĩa là Anh Cả các con, có quyền thay mặt Thầy mà dìu dắt các con trong đường Ðạo và đường Ðời. Nó có quyền về phần xác chớ không có quyền về phần hồn. Nó đặng phép thông công cùng Tam thập lục Thiên và Thất thập nhị Ðịa giái đặng cầu rỗi cho các con, nghe à! Chư môn đệ tuân mạng.

CHƯỞNG PHÁP của ba phái là Ðạo, Nho, Thích. Pháp luật Tam giáo tuy phân biệt nhau, song trước mặt Thầy vốn coi như một. Chúng nó có quyền xem xét luật lệ trước buổi thi hành, hoặc là nơi Giáo Tông truyền xuống, hay là nơi Ðầu Sư dâng lên. Như hai đàng chẳng thuận thì chúng nó phải dâng lên cho Hộ Pháp đến Hiệp Thiên Ðài cầu Thầy giáng xuống mà sửa lại, hay là tùy ý mà lập luật lại. Vậy chúng nó có quyền xem xét kinh điển trước khi phổ thông. Như thảng có kinh luật chi làm hại phong hóa thì chúng nó phải trừ bỏ, chẳng cho xuất bản. Buộc cả tín đồ phải vùa sức mà hành sự trước mặt luật đời. Thầy khuyên các con ráng xúm nhau vùa giúp chúng nó. Mỗi Chưởng Pháp có ấn riêng. Ba ấn phải có đủ trên mỗi luật, mới đặng thi hành. Chư môn đệ tuân mạng.

ÐẦU SƯ có quyền cai trị phần Ðạo và phần Ðời của chư môn đệ. Nó đặng quyền lập luật, song phải dâng lên cho Giáo Tông phê chuẩn. Luật lệ ấy phải xem xét một cách nghiêm nhặt, coi phải có ích cho nhơn sanh chăng. Giáo Tông buộc phải giao cho Chưởng Pháp xét nét trước khi phê chuẩn.

Chúng nó phải tuân mạng lịnh Giáo Tông, làm y luật lệ Giáo Tông truyền dạy. Như thảng luật lệ nào nghịch với sự sanh hoạt của nhơn sanh thì chúng nó đặng phép nài xin hủy bỏ.
Thầy khuyên các con phải thương yêu giúp đỡ lấy nó. Thầy lại dặn các con, như có điều chi cần yếu thì khá nài xin nơi nó.

Ba Chi tuy khác, chớ quyền lực như nhau. Như luật lệ nào Giáo Tông đã truyền dạy mà cả ba đều ký tên không tuân mạng thì luật lệ ấy phải trả lại cho Giáo Tông. Giáo Tông truyền lịnh cho Chưởng Pháp xét nét lại. Chúng nó có ba cái ấn riêng nhau. Mỗi tờ giấy chi chi phải có ấn mới thi hành, nghe à! Chư môn đệ tuân mạng.

PHỐI SƯ mỗi phái là 12 người, cộng là 36 người. Trong 36 vị ấy có ba Chánh Phối Sư. Ba vị ấy đặng thế quyền cho Ðầu Sư mà hành sự, song chẳng quyền cầu phá luật lệ, nghe à! Chư môn đệ tuân mạng.

GIÁO SƯ có 72 người, trong mỗi phái là 24 người. Giáo Sư là người để dạy dỗ chư môn đệ trong đường Ðạo với đường Ðời. Buộc chúng nó lo lắng cho các con như anh ruột lo cho em. Chúng nó cầm sổ bộ của cả tín đồ. Chúng nó phải chăm nom về sự tang, hôn của mỗi đứa. Như tại Châu thành lớn thì mỗi đứa đặng quyền cai quản cúng tế Thầy như thể Ðầu Sư và Phối Sư. Chúng nó đặng quyền dâng sớ cầu nài về luật lệ làm hại nhơn sanh, hay là cầu xin chế giảm luật lệ ấy. Chúng nó phải thân cận với mỗi môn đệ như anh em một nhà cần lo giúp đỡ, nghe à! Chư môn đệ tuân mạng.

GIÁO HỮU là người để phổ thông Chơn đạo Thầy. Chúng nó đặng quyền xin chế giảm luật lệ Ðạo. 3000 Giáo Hữu chia ra đều, mỗi phái là 1000, chẳng nên tăng thêm hay là giảm bớt. Chúng nó đặng phép hành lễ khi làm chủ các chùa trong mấy tỉnh nhỏ.

LỄ SANH là người có hạnh, lựa chọn trong chư môn đệ mà hành lễ. Chúng nó đặng quyền đi khai đàn cho mỗi tín đồ. Thầy dặn các con hiểu rõ rằng Lễ Sanh là người Thầy yêu mến, chẳng nên hiếp đáp chúng nó. Như vào đặng hàng Lễ Sanh mới mong bước qua hàng Chức sắc. Kỳ dư Thầy phong thưởng riêng mới đi khỏi ngả ấy mà thôi, nghe à! Chư môn đệ tuân mạng.

Ðầu Sư muốn lên Chưởng Pháp thì nhờ 3 vị công cử nhau.
Phối Sư muốn lên Ðầu Sư thì nhờ 36 vị kia công cử.
Giáo Sư muốn lên Phối Sư thì nhờ 72 vị kia xúm nhau công cử.
Giáo Hữu muốn lên Giáo Sư thì nhờ 3000 vị kia xúm nhau công cử.
Lễ Sanh muốn lên Giáo Hữu thì nhờ cả Lễ Sanh xúm nhau công cử.
Môn đệ muốn lên Lễ Sanh thì nhờ cả môn đệ xúm nhau công cử.
Kỳ dư Thầy giáng cơ phong cho người nào thì mới ra khỏi luật lệ ấy mà thôi.

Còn Giáo Tông thì hai phẩm Chưởng Pháp và Ðầu Sư tranh đặng, song phải chịu cho toàn môn đệ công cử mới đặng, kỳ dư Thầy giáng cơ ban thưởng mới ra khỏi luật lệ ấy mà thôi. Chư môn đệ tuân mạng. Thầy ban ơn cho các con.

CHÚ THÍCH:
Ngay sau Ðại lễ Khai Ðạo (ngày 15-10-Bính Dần) tại Thánh Thất tạm đặt tại Từ Lâm Tự Gò Kén, Tây Ninh, Ðức Chí Tôn liền lập Pháp Chánh Truyền Cửu Trùng Ðài Nam phái ngày 16-10-Bính Dần (1926). CTÐ là cơ quan rất quan trọng của Ðạo Cao Ðài vì CTÐ tượng trưng thể xác của Ðạo. Nếu không có thể xác (CTÐ) thì không làm được việc chi nơi cõi trần hữu hình nầy.

Tiếp theo, qua Tết Ðinh Mão, ngày Vía Ðức Chí Tôn mùng 9 tháng Giêng năm Ðinh Mão (1927), Ðức Lý Thái Bạch Nhứt Trấn Oai Nghiêm giáng cơ lập Pháp Chánh Truyền Cửu Trùng Ðài Nữ phái.

Ngày 12 tháng Giêng năm Ðinh Mão (1927), Ðức Chí Tôn giáng cơ lập Pháp Chánh Truyền Hiệp Thiên Ðài.
Thế là trọn vẹn, tạo thành Hiến Pháp tổ chức điều hành toàn bộ Hội Thánh Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ.

Pháp Chánh Truyền là văn bản tổng quát tổ chức nền Ðạo Cao Ðài. Ðó là Hiến Pháp của Ðạo, cho nên Ðức Lý Thái Bạch, Nhứt Trấn Oai Nghiêm kiêm nhiệm Giáo Tông ÐÐTKPÐ, ra lịnh cho Ðức Hộ Pháp Phạm công Tắc chú giải tỉ mỉ từng chi tiết để cho Chức sắc trong hai Ðài, Hiệp Thiên và Cửu Trùng, dễ thi hành, có Ðức Lý Giáo Tông giáng cơ hiệu đính, gọi là Pháp Chánh Truyền Chú Giải, tạo thành Hiến Pháp bất di bất dịch của Ðạo Cao Ðài.

Ðức Lý Giáo Tông nói rõ trong Ðạo Nghị Ðịnh thứ 6, ngày 3-10-Canh Ngọ (1930), xin chép ra sau đây:

NGHỊ ÐỊNH: "Hai vị Thiên phong Giáo Tông và Hộ Pháp phải điều đình Hiến Pháp, sửa trị Ðài mình cho hiệp Pháp Chánh Truyền, nên đồng ký tờ nầy mà ước hẹn."

52 .  Từ Lâm Tự, Gò Kén, Tây Ninh.
Thứ ba, 23-11-1926 (âl 19-10-Bính Dần)
THẦY

Các con chớ phiền hà chuyện Thánh Thất xảy ra, ấy cũng một bước trắc trở trong đường Ðạo của Thầy. Thầy còn phải đau lòng thay, nhưng cũng là nơi Thiên cơ vậy.

Thầy hằng biết công của các con, nhưng Thầy phải cực lòng chìu ý của mỗi đứa mà xây đắp nền Ðạo. Vì vậy mà nhiều sự xảy ra đều do nơi tâm chí của nhiều đứa. Thầy hằng dùng tâm chí của các con mà bố mọi điều thiết yếu trong việc đạo đức.

Sự xảy ra nơi Thánh Thất, tuy là nơi mối Ðạo chậm trễ, nhưng cũng do nơi lòng tà vạy của nhiều đứa mà ra, vì tâm trung chánh đáng thì làm cốt cho Tiên Thánh, còn tâm chí vạy tà là chỗ của Tà quái xung nhập.

Chi chi cứ tưởng có Thầy giúp mà lập xong nền Ðạo cho các con là đủ.
Thầy cũng có phép răn trị kẻ vạy tà, các con duy có trông cậy nơi Thầy, bước đường cứ thủng thẳng đi lần tới, đừng gấp quá, mà cũng chớ thối lui, thì một ngày kia sẽ đặng toại kỳ sở nguyện.
Thầy ban ơn cho các con. Thầy thăng.

CHÚ THÍCH:
Bài Thánh Ngôn nầy, Ðức Chí Tôn nói về việc Quỉ Vương nhập đàn phá Ðạo ngay trong đêm Ðại lễ Khai Ðạo.

Ngài Ðầu Sư Ngọc Lịch Nguyệt được lịnh Ðức Chí Tôn làm phép Trấn Ðàn bốn hướng, nhưng Ngài lại quên không trấn một hướng, khiến cho Quỉ Vương thừa cơ đột nhập vào.

Trong đêm ấy, Ðức Chí Tôn giáng cơ để ít lời quở trách rồi Ðức Chí Tôn và chư Thần, Thánh, Tiên, Phật thăng. Quỉ vương liền đột nhập vào đàn.

Quỉ nhập vào Ông Lê Thế Vĩnh, giả xưng là Tề Thiên Ðại Thánh; một con Quỉ khác nhập vào Cô Vương Thanh Chi, con gái của Ông Vương Quan Kỳ, giả xưng là Quan Âm Bồ Tát. Ban đầu bổn đạo tưởng thật, sau hai cốt nói năng lung tung, lại nắm tay nhau nhảy múa, khiến mọi người đều nghi ngờ là Tà quái. Nhiều người thấy vậy chán nãn bỏ ra về và suy giảm đức tin. Cũng chính vì vậy mà Hoà Thượng Như Nhãn và đệ tử không theo Ðạo Cao Ðài nữa, đòi chùa Từ Lâm lại.

Báo chí tại Sài gòn tường thuật buổi lễ, có đăng hình và bình luận, khiến nổi lên trong dân chúng một trường tranh luận, người thì cho là thật, người thì cho là giả.
Ngài Bảo Pháp Nguyễn Trung Hậu, trong quyển Ðại Ðạo Căn Nguyên, có thuật lại như sau đây:

" CUỘC BIẾN:
Ðêm ấy vì đông người mà cuộc lễ hóa ra thất nghiêm, nên Thượng Ðế giáng cơ, chỉ để ít lời quở trách rồi thăng. Tà quái thừa dịp Thượng Ðế và chư Thần, Thánh, Tiên, Phật thăng rồi , bèn nhập vào cho một vị nam và một vị nữ bổn đạo mà gây rối ra, mạo xưng là Tề Thiên Ðại Thánh và Quan Âm Bồ Tát. Ban đầu trong bổn đạo còn tin thiệt, hết dạ kỉnh thành, sau lần xem cách hành động của chúng nó, lấy làm lộng, chừng ấy mới phân biệt Chánh Tà, thì rất muộn.

Rã cuộc, người biết đạo thì chẳng nói chi, duy kẻ nhẹ tánh thì gãi đầu chắc lưỡi, ngẩn ngẩn ngơ ngơ.
Thấy tình hình như vậy, Ông quan ba Monet (Ðại Úy Paul Monet) khuyên giải trong bổn đạo như vầy:
"Công việc các Ông làm đây là rất phải, các Ông chẳng nên vì một cuộc biến thường tình như vậy mà ngã lòng thối chí. Tôi cho là thường tình, vì bên Tây, trong mấy đàn thỉnh Tiên, cũng thường xảy ra những điều rối rấm như vậy. Tôi có một lời khuyên các Ông là từ rày sắp lên, hễ có cầu cơ thì chớ hiệp nhau đông đảo, vì cần phải thanh tịnh, mà hễ đông người thì một là mất bề thanh tịnh, hai là tư tưởng bất đồng không tương ứng nhau được, thì không linh nghiệm."

Lời châu ngọc của Ông Monet đến ngày nay chúng tôi càng nhớ đến chừng nào thì chúng tôi lại càng thâm cảm thạnh tình ông chừng nấy.

TRƯỜNG CÔNG KÍCH:
Cuộc biến ấy thành ra một trường công kích rất nên kịch liệt. Kẻ nghịch đạo nhơn đó mà hô lớn lên rằng Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ là Tà giáo, là quái giáo lăng xăng. Tuy nhiên cũng có một ít người bổn đạo vì đó mà ngã, chớ còn kẻ có chút quan tâm về tôn giáo, càng nghe lời công kích chừng nào càng để ý quan sát về Ðại Ðạo chừng nấy, thành thử trường công kích lại trở làm giới thiệu cho nền Ðạo mà tự người đứng ra công kích cũng phải nhìn nhận như vậy.

Vì là chỉ trong ba tháng mở đạo ở Từ Lâm Tự mà số người nhập môn (Lang sa có, Cao Miên có, Khách trú có), kể đến hằng ức."

53 . Thứ tư, 24-11-1926 (âl 20-10-Bính Dần)
THẦY
Các con,
Thầy nghĩ lại việc hôm nọ tại Thánh Thất biến ra một trường Tà quái mà Thầy bắt đau lòng đó các con. Các con thiết nghĩ lẽ nào? . . . . . . . .

Ðó là bước Ðạo, đó là Thiên cơ. Các con hiểu sao được, nhưng Thầy buồn vì nỗi có nhiều đứa sàm biện về việc ấy. Thầy cũng muốn phạt chúng nó một cách nặng nề, nhưng Thầy nghĩ lại mà thương đó chút.

Môn đệ của Thầy nhiều đứa muốn bỏ đạo y, ném dép cỏ, lột khăn tu mà mong hồi tục thế. Bởi bước Ðạo gập ghình khó tới nên mới ra cớ đỗi. Bởi còn vướng bụi trần, ham mồi phú quí, mê chữ vinh sang mà ngán đạo.

Các con hiểu, Thầy buồn, nhưng ấy là máy Trời đã định, chạy sao cho khỏi. Thầy biết bao lần vì các con mà chịu nhọc nhằn.

Từ khai Thiên lập Ðịa, Thầy cũng vì yêu mến các con mà trải bao nhiêu điều khổ hạnh, mấy lần lao lý, mấy lúc vang mày, nuôi nấng các con hầu lập nền Ðạo, cũng tưởng cho các con lấy đó làm đuốc soi mình đặng cải tà qui chánh.
Mấy lần vun đắp nền Ðạo, Thầy cũng đều bị các con mà hư giềng đạo cả,
Thầy buồn đó các con.
Thầy ban ơn cho các con. Thầy thăng.

            TÁI CẦU:
            Các con nghe Thầy:
Sự biến xảy ra đến nay đã thành một trường ngôn luận, có khi cũng náo nhiệt đến nền Ðạo. Kẻ gọi Tà, người nói Chánh.

Nơi Thiên thơ đã có dấu ràng ràng. Các con có đi tranh luận cũng nhọc công vô ích. Kẻ hữu phần, người vô phước, tin tin, không không, cũng chẳng sửa cơ Trời đặng.

Ðường còn dài, bước càng nhọc, thì nền Ðạo càng cao, công trình càng rỡ.

Ôi! Thầy đã lắm nhọc nhằn vì bầy con dại, muốn ra tay tế độ, vớt trọn cả chúng sanh thoát vòng khổ hải, nhưng chúng nó nhiễm luyến đã đầy mùi trần thế, tâm chí chẳng vững bền, thấy khó đã ngã lòng, mới đạp chông toan trở bước. Thầy cũng phải đau lòng mà nắm máy huyền vi để cơ Trời xây đổi. Các con liệu lấy.
. . . . . . . . . .

CHÚ THÍCH:
* Phần đầu của bài Thánh Ngôn nầy có trong ÐS.II.34.
Chỗ có nhiều chấm xin chép bổ sung ra sau đây:
"Mỹ Ngọc: - Bạch Thầy, tại vài Ông Thiên phong làm chuyện lôi thôi nên mới có quỉ yêu xung nhập.
- Phải, bởi cái lếu của chúng nó mà sanh việc ngày hôm nay
Mỹ Ngọc: - Bạch Thầy, trong môn đệ có nhiều người ngã lòng
- Bất bình lắm hả?
- Nhưng trong Thiên phong có vài Ông mà thôi.
- Cũng có nhiều chớ, sao con nói ít vậy con."
Mỹ Ngọc: Hiệu của Ngài Cao quỳnh Diêu, sau đắc phong Bảo Văn Pháp Quân. Ngài Cao quỳnh Diêu là anh thứ ba của Ngài Cao quỳnh Cư.

* Phần Tái Cầu có trong ÐS.II.36, chỗ nhiều chấm gần cuối, xin chép bổ sung ra sau đây:
"Thơ! Con chẳng nên lo xa nữa, Thầy giao sắp đặt hành tàng về mọi sự Thánh Thất cho Trung, Tương, Trang, Hóa, làm sao nơi đây cho đặng vững vàng khỏi điều trắc trở. Bốn con nên lưu ý, nhứt là Trang, con hiểu Thầy chăng con? Bốn con điều đình chung lo, có Thầy biết thiết yếu và sẽ làm cho các con đặng toại kỳ sở nguyện.

Trung! nơi đàn thứ hai tới đây, con nhớ cho các Thánh hội Sài gòn và Chợ Lớn hay đặng đến hết cho Thầy dạy nghe!

Thầy tưởng dùng máy đèn có khi làm cho mất sự tịnh trong lúc hành lễ mỗi đàn, nhưng đã có rồi, con liệu tùy tiện mà làm."

Trung:  Ðầu Sư Thượng Trung Nhựt (Lê Văn Trung).
Tương: Chánh Phối Sư Thượng Tương Thanh (Nguyễn Ngọc Tương).
Trang: Chánh Phối Sư Ngọc Trang Thanh (Lê Bá Trang).
Hóa: Phối Sư Thượng Hóa Thanh (Lê Văn Hóa).
Thơ: Chánh Phối Sư Thái Thơ Thanh (Nguyễn Ngọc Thơ).
Sàm biện: Bàn tán bậy bạ. Ðạo y: Áo của người tu.
Dép cỏ: Chữ Hán Thảo hài, dịch là là giày cỏ hay dép cỏ, là giày dép làm bằng cỏ của người tu hành.
Khăn tu: Cái mũ hay cái mão đội trên đầu trong bộ y phục của người tu hành.
Khai Thiên lập Ðịa: Mở Trời lập Ðất, ý nói thuở đầu tiên của Càn khôn Thế giới nầy.
Khổ hạnh: Nỗi vất vả khổ cực của người tu.
Lao lý: Bị giam cầm và lo buồn. Lý là lo buồn.
Vang mày: Ðau mặt. Vang là đau. Vang mày là ý nói phải chịu nhiều nỗi khó khăn nguy hiểm trong công việc.
Nhiễm luyến: Thâm nhiễm và mê luyến mùi trần.
Huyền vi: Sâu kín nhỏ nhặt, ý nói huyền diệu.
Toại kỳ sở nguyện: Thỏa lòng mong ước của mình.

54 . Chúa nhựt, 28-11-1926 (âl 24-10-Bính Dần)
NGỌC HOÀNG THƯỢNG ÐẾ viết CAO ÐÀI giáo đạo Nam phương

DIEU TOUT-PUISSANT qui vient sous le nom de CAO ÐÀI
pour dire la Vérité en Annam

L . . .
Une séance spéciale n'est donnée que rarement aux gens pour un voeu de quelque importance que ce soit; mais à toi dont Je connais les sentiments d'humanité et l'esprit charitable, à toi Je donne entière satisfaction.

En dehors de tes volontés religieuses, tu as l'intention de t'informer de cette Nouvelle Doctrine qui t'a été travestie par quelques-uns de tes compa-triotes sous une forme quelque peu malicieuse.

Sur cette terre dont le peuple est si doux et paisible, Je viens comme le Christ était venu parmi vous pour combattre l'hérésie et évangéliser le monde.

Quelque soit la race dont vous faites partie, enfants de la terre, vous avez tous un même Père, c'est Dieu qui préside à vos destinées. Pourquoi vous séparez-vous à cause de divergences d'opinions religieuses, alors que tous, vous êtes appelés à souffrir et faire votre Purgatoire en ce monde?

Tu as déjà mis pied dans ce chemin qui conduit tout humain vers l'heureux séjour qu'est le Nirvana.

Tâche de continuer cette voie pour arriver à ton but. De Bons Esprits guideront tes pas. Tous tes voeux seront exaucés.
C'est assez pour toi. Au revoir.

Bài dịch Việt văn của Hội Thánh:
NGỌC HOÀNG THƯỢNG ÐẾ viết CAO ÐÀI giáo đạo Nam phương
ÐẤNG CHỦ TỂ TOÀN NĂNG giáng thế tá danh CAO ÐÀI truyền Chơn Lý tại Việt Nam

L . . .
Một đàn cơ riêng biệt ít khi được thiết lập cho ai, mặc dầu lời thỉnh nguyện có quan hệ cách mấy đi nữa cũng không đặng. Nhưng đối với con, Thầy được hiểu lòng nhân đức, tánh từ thiện của con, nên Thầy cho con được thỏa nguyện.

Ngoài ý chí đạo đức của con, con còn có ý tìm hiểu Giáo lý mới mẻ nầy, giáo lý mà một vài đồng bào của con đã giải thích xuyên tạc dưới một hình thức tinh ranh.

Nơi xứ nầy, dân tình rất thuần hậu và ôn hòa, nên Thầy đến cũng như Chúa Cứu Thế đã đến với chúng con để bài trừ Tà thuyết và truyền bá Chơn đạo trên toàn cầu.

Người sống trên thế gian nầy, dầu thuộc giống dân nào, cũng chỉ có một Cha chung mà thôi., ấy là Trời đang chế ngự số mạng của các con. Tại sao các con lại chia rẽ nhau vì sự bất đồng Ðạo lý, mà chính tất cả các con đều phải chung chịu đau khổ để rửa tội của các con ở cõi thế gian nầy?

Con để chơn vào con đường đưa đến cảnh an nhàn, hưởng những chuỗi ngày hạnh phúc nơi cõi Niết Bàn.

Con ráng tiếp tục đi trên con đường vạch sẵn ấy để theo đuổi đến mức cuối cùng. Nhiều Ðấng Anh linh sẽ dìu bước cho con. Các lời cầu nguyện của con sẽ được chuẩn nhận.
Bấy nhiêu đây đủ rồi. Từ giã con.

CHÚ THÍCH:
Bài Thánh Ngôn nầy có chép trong tập Thánh Ngôn chép tay của Ngài Ðầu Sư Thái Thơ Thanh, trang 511.
L . .: Latapie, tên một người Pháp theo Ðạo Cao Ðài.
Ngày thứ bảy, 25-12-1926, Ðức Lý Thái Bạch phong Ông Latapie làm Giáo Sư phái Thượng: Thánh danh Thượng Latapie Thanh. (ÐS. II. 120)

55 .  Thánh Thất Tây Ninh (Từ Lâm Tự)
Thứ năm, 2-12-1926 (âl 28-10-Bính Dần)
THÁI BẠCH

Thầy sai Bần đạo đến sắp đặt trang nghiêm trong Thánh Thất. Bần đạo phân phép từ ngày nay, hễ nhập Thánh Thất thì phải giữ phép:
Nam Nữ bất thân.
Nam ở Ðông hiên, Nữ ở Tây hiên.
Hai bên không lân cận nhau.
Nam theo Nam, Nữ theo Nữ.
Cấm cười cợt trững giỡn với nhau.

Trừ ra vợ chồng hay là chị em ruột, anh em ruột đặng chuyện vãn nhau nơi Tịnh đàn. Còn kỳ dư, như hai đàng muốn chuyện vãn nhau, phải có hai người chứng, một bên Nam, một bên Nữ.

Phòng trù, dầu phải chung lộn với nhau buổi nấu nướng, khi dọn ăn, chẳng đặng lộn xộn cùng nhau, nghe à! . . .
Thơ Thanh, Hiền hữu phải viết luật cấm nầy dán nơi Thánh Thất. Nghe à!

CHÚ THÍCH:
Tịnh đàn: Nơi thờ cúng Ðức Chí Tôn phải giữ cho trong sạch.
Phòng trù: Nhà bếp để nấu ăn.
Ðông hiên: Cái hiên phía bên trái Bàn thờ Ðức Chí Tôn nơi Thánh Thất.

56 . Thứ hai, 6-12-1926 (âl 2-11-Bính Dần)
NGỌC HOÀNG THƯỢNG ÐẾ viết CAO ÐÀI giáo đạo Nam phương
Hỉ chư môn đệ, chư ái nữ, chư nhu, chư tín nữ.
Chư nhu nghe:
Ta vì lòng đại từ đại bi, vẫn lấy đức háo sanh mà dựng nên mối Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ, tôn chỉ vớt những kẻ hữu phần vào nơi địa vị cao thượng, để tránh khỏi số mạng luân hồi và nâng những kẻ tánh đức bước vào cõi nhàn, cao hơn phẩm hèn khó ở nơi trần thế nầy.

Than ôi! Ðiều vui sướng lao trần chẳng ai buộc mà nhiều kẻ tìm tới, mối đạo đức trau thân là phương châm thoát tục mà lắm kẻ trốn lánh, bài bác mối Ðạo Trời, khua môi uốn lưỡi, mà tưởng cho mình hơn đặng các phẩm nhơn sanh, chớ chẳng dè là một hình phạt rất nặng nề đã chực chúng nó nơi chốn A Tỳ.

Ai đặng phước thêm cao trọng, ai vô phần thì trí não vẫn mờ hồ, nét hạnh đời càng mê muội, biết biết không không, luật Trời đã định, phần công quả trả cho rồi thì cảnh u nhàn là nơi rước khách tục trong lúc chung qui đó.

Sanh nhằm đời có một Ðạo chánh chẳng phải dễ, mà bước lên con đường chông gai, lần vào non thẳm kiếm ngọc lại càng khó. Khó dễ nơi lòng, chớ đem thói ám muội mờ hồ vào đường đạo đức, sau ăn năn rất muộn.

CHÚ THÍCH:
Tôn chỉ: hay Tông chỉ là những nguyên tắc và tư tưởng chánh yếu chi phối mọi hoạt động.
Tôn chỉ của Ðạo Cao Ðài là Qui Tam giáo, Hiệp Ngũ Chi, làm thành một nền Tân Tôn giáo gọi là Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ do Ðức Chí Tôn làm chủ, cứu độ chúng sanh thoát khỏi luân hồi, trở về cõi thiêng liêng hằng sống.

Kẻ hữu phần: Người có duyên phần, tức là người có cái gốc tu hành nơi kiếp trước.
Lao trần: Cõi trần nhiều vất vả đau khổ.
A Tỳ: chỉ cõi Ðịa ngục, nơi trừng trị các hồn tội lỗi.
Nét hạnh đời: Cái tánh của con người nơi cõi trần.
Phần công quả trả cho rồi: Lấy cái công quả làm được để đền trả cho hết các món nợ oan nghiệt.
Cảnh u nhàn: Cảnh vắng vẻ nhàn hạ. U là vắng vẻ.
Khách tục: Khách trần, người khách ở tạm nơi cõi trần. Các nguyên nhân đều là những khách trần, bởi vì nguyên nhân là người gốc ở cõi thiêng liêng, nay vâng lịnh đầu kiếp xuống trần để làm một nhiệm vụ. Khi nhiệm vụ xong thì trở về cõi thiêng liêng.

57 .  Ngày 8-12-1926 (âl 4-11-Bính Dần)
NGỌC HOÀNG THƯỢNG ÐẾ viết CAO ÐÀI giáo đạo Nam phương
Hỉ chư môn đệ, chư ái nữ, chư nhu.
Nghe Thầy:
Dặm dài bước lạ nẻo chưa quen,
Thánh chất dầu trau gẫm chẳng hèn.
Bóng trải diềm dà xuân đợi chúa,
Tiết nồng thơ thới hạ khoe sen.
Nhành dương nước rưới tan lòng tục,
Nguồn Thánh đạo dìu lại cõi Tiên.
Phước gặp Kỳ Ba Trời dẫn độ,
Mau chơn rán lướt tới rừng thiền.

Từ đây, Thầy là Ðứng chủ trung dìu dắt các con trong đường đạo hạnh, nhứt nhứt đều tưởng có Thầy bên các con, và đợi nơi Thầy mà thôi. Ðường tuy xa, bước đường tuy gay trở, nhưng các con lướt nổi sự hiểm nguy đặng đến cùng Thầy trong buổi chung cuộc.

Môn đệ nhiều đứa lòng vẫn nhẹ tợ lông, thấy sự chi khó thì đã muốn bần dùn thối bước.
Ðại Ðạo Tam Kỳ hoằng khai tại cõi Nam, đã chiếu theo Thiên thơ, Hội Tam giáo, mà vớt chúng sanh thoát vòng ly khổ, thiệt thiệt, hư hư, một mảy chi, cũng chẳng qua là máy Thiên cơ mà thôi.

Ðạo Trời mở ra cho một nước tất là ách nạn của nước ấy hầu mãn.
Phải giồi lòng trong sạch, lấy sự nhẫn nhịn làm gương soi mình hằng bữa, phải thương yêu nhau, giúp đỡ nhau dường như con một nhà, rồi cái thương yêu, sự giúp lẫn ấy sẽ dìu chung các con vào tận chốn Cực Lạc thiêng liêng, để tránh khỏi nơi khổ cùng tiều tụy.
Khá biết lấy. Thăng.

CHÚ THÍCH:
Diềm dà: Rậm rạp. Tiết nồng: Thời tiết nóng bức.
Lòng tục: Lòng trần, lòng ham mê vật chất nơi cõi trần.
Nguồn Thánh: Ý nói Ðạo Cao Ðài.
Rừng thiền: Thiền lâm, nơi tu hành.
Ðứng chủ trung: Ðấng ở giữa làm chủ điều khiển tất cả.
Ðường đạo hạnh: Con đường tu hành tập rèn đức hạnh.
Lòng nhẹ tợ lông: Nhẹ dạ, thiếu chính chắn, dễ tin.
Hoằng khai: Mở rộng. Hoằng là làm cho rộng lớn.
Thoát vòng ly khổ: Thoát ra khỏi các phiền não đau khổ của cõi trần.

58 .  Ngày 9-12-926 (âl 5-11-Bính Dần)
THẦY
Các con,
Ngày nay đã mất hết một người môn đệ của Thầy, lại là một đạo hữu của các con, đã cùng các con nghiêng vai gánh vác một trách nhậm trong Ðại Ðạo Tam Kỳ.

TƯƠNG mãn phần cũng nơi số mạng tiền định. Nó có phước là vì đặng về Thầy trong mấy ngày rốt của kiếp trần ai của nó.

Sự thác cũng có khi vui mà cũng có lúc buồn. Người thế nếu biết sống, nghĩa là biết dụng mình cho có ích vào xã hội, biết dưỡng tánh tu thân, thì sự thác chẳng qua là sự mong mỏi của kẻ hành trình đã xong trách nhậm, trở về phục sự đặng lãnh phần thưởng xứng đáng mà thôi.

TƯƠNG tuy chưa đặng như mấy kẻ ấy, song lòng đạo đức đã ra vun đắp mối Ðạo Trời, thì địa vị cũng có khi khác thế thường đặng. Ðiểm Chơn thần của nó còn phải đến hầu trước Tòa Tam Giáo mà đợi lịnh phát lạc tùy theo công quả, tội tình của nó bấy nay. Ấy là Thánh ý của Thầy đã lập luật riêng cho mỗi đứa trong các con đó. Chư môn đệ cũng nên hiểu biết.

Còn việc an táng nó, các con cũng nên lưu ý chung với nhau mà lo bề nhơn đạo của các con cho toàn.

Trang, con nói với Trung, Thơ, Tương, Hóa, và các Thiên phong đều có mặt mà đưa nó lên đường, là chỗ an giấc ngàn năm, cũng để tiếng đặng một người đạo hạnh vậy. Trừ ra đứa nào phải vắng mặt bận việc thì chế đặng.

Còn về sự làm cho rỡ ràng trong đạo hữu, các con nên liệu tính cho kíp. Sự cầu kinh thì do nơi đám táng của mẹ Hậu, đều khác hơn một thí.

CHÚ THÍCH:
TƯƠNG: Ngài Chưởng Pháp Thượng Tương Thanh, thế danh Nguyễn Văn Tương (1879-1926). Trước khi nhập môn vào Ðạo Cao Ðài, Ngài Nguyễn Văn Tương tu theo Minh Sư, đạt đến phẩm Ðại Lão Sư. Ngài được Ðức Chí Tôn phong chức: Thuyết Pháp Ðạo Sư Chưởng Quản Oai Linh Ðạo Sĩ, Chưởng Pháp Phái Thượng. Ngài hành đạo được khoảng ba tháng rưỡi thì đăng Tiên ngày 5-11-Bính Dần, lúc đó Ngài mới được 48 tuổi. Ngài là vị Chức sắc cao cấp qui liễu đầu tiên. Nền đạo còn trong thời kỳ phôi thai, chưa có Nghĩa Ðịa riêng của đạo, nên phải an táng Ngài nơi quê nhà của Ngài là làng Hữu Ðạo (gần Chợ Thuộc Nhiêu) quận Cai Lậy, tỉnh Mỹ Tho.

Nghi lễ đám tang trong Ðạo Cao Ðài, Ðức Chí Tôn chưa thiết lập, nên Ðức Chí Tôn dặn noi theo đám tang của bà mẹ của Ngài Bảo Pháp Nguyễn Trung Hậu mà trước đây Ðức Chí Tôn đã sắp đặt.

Ngày thứ bảy, 11-12-1926 (âl 7-11-Bính Dần), Ðức Chí Tôn giáng cơ dạy hai Ngài Ðầu Sư Thượng Trung Nhựt và Ngọc Lịch Nguyệt như sau: (trích trong ÐS.II.85)
" Trung, Lịch, hai con phải dụng Ðại lễ mà an táng cho Tương, nghe! Thầy ngặt một lẽ chẳng thế nào đem Tương vào Tam thập lục Thiên, phải để nó đợi nơi Ðông Ðại Bộ Châu mà chờ Tòa Tam Giáo phát lạc.

Thầy có để lời cho Thái Bạch Kim Tinh cầu rỗi, nhưng Người giận Tương không công quả, dâng Bộ Công Thiên thơ ra trống trải lắm, tại nơi Tòa mới cãi chối nỗi gì. Người nhứt định không dự đến. Các con nghe à!

Vậy trong hịch văn sớ tấu, các con phải thượng nơi Tòa Tam Giáo mà cầu rỗi cho nó thiệt hết lòng, rồi Thầy sẽ rỗi cho nó. Các con hiểu.
Lịch bạch về sự Ðại lễ . . .
- Không con . . . Ðại lễ là làm theo một lễ với sự an táng bậc Thái Lão nghe!"
Gần hai tháng sau, vào đúng ngày mùng 1 Tết Ðinh Mão, Ngài Chưởng Pháp Tương có giáng cơ tỏ nỗi vui mừng được Ðức Chí Tôn cứu độ. (Xem bài Thánh Ngôn 92)
Kẻ hành trình: Người làm một công trình.
Phục sự: Trở về báo cáo công việc.
Phát lạc: Ðưa đi đày. Một thí: Một chút, một tí.
Bộ Công: Bộ ghi chép công quả của mỗi Chức sắc.

59 .  Ngày 11-12-1926 (âl 7-11-Bính Dần)
NGỌC HOÀNG THƯỢNG ÐẾ viết CAO ÐÀI giáo đạo Nam phương
Hỉ chư môn đệ, chư ái nữ, chư nhu.
T . . . Hiền đồ nghe Thầy:
Ðức tánh tàng thơ vô vị bần,
Lộ hành an bộ Ðạo tùy thân.
Tâm trung cẩm đắc phù vô giá,
Khải chiết mai chi hữu diệt trần.

Con lấy làm hữu hạnh gặp đặng Thầy dìu bước trong nẻo Ðạo nhiệm mầu lúc non chiều bóng xế. Thầy đã có sai chư Thần mách bảo với con đã lâu, trí thiêng liêng đem đàng dắt bước con đặng độ dẫn sanh linh cho kịp thì giờ trong buổi chung cuộc của con. Vậy khá bền lòng son sắt đặng ngày về Thầy, một địa vị xứng đáng sẵn chờ con, khá lưu tâm nghe!

Ngày vui vẻ của sanh linh đã mòn, họa Thiên điều đã cận, Càn khôn Thế giới còn đeo đuổi, dụng thất đức vô nhân mà gieo thảm chất sầu trong nhân loại. Họa Âu tai Á sẽ lần lần thay phiên nhau, dụng luật Thiên đình mà diệt phạt người vô đạo. Càn khôn cũng vì đó mà phải điên đảo.

Thầy lấy đức háo sanh mở Ðạo lần ba mà vớt kẻ hữu phần, tránh khỏi nơi buộc ràng khổ phạt.

Ai hữu phước đặng để chân vào, kẻ vô phần phải bị Tà yêu cám dỗ.
Than ôi! Chới với cả muôn triệu giữa dòng, mà thuyền Bát Nhã độ người không mấy kẻ. Ðức thừa ít có, mà tài vô dụng chẳng thiếu chi. Phong hóa khiến suy tồi, cang thường càng loạn phép. Tài mọn, đức hèn, mượn chước khoe mình, việc kỉnh thành Thánh giáo, hư thiệt, thiệt hư, đâu qua máy hành tàng của Tạo hóa. Nhơn luân giữ trọn, ấy là mối đạo nhân, lo Thánh đức trau lòng là phương thoát tục. Mấy ai xét nét thế tình, lắm kẻ khinh khi nguồn Thánh. Chư chúng sanh khá liệu mình.

Tr . . . Con nên đọc sơ lược Thánh Ngôn mấy lần chót cho chúng sanh và phải biểu ăn năn, hỏi mình trước khi cầu Thầy. Thăng.

CHÚ THÍCH:
T. . .: (?) . Tr . . .: Thượng Trung Nhựt.
Bài thi tứ tuyệt được viết ra chữ Hán sau đây:
            Ðức tánh tàng thơ vô vị bần,                德性藏書無謂貧
            Lộ hành an bộ Ðạo tùy thân.                路行安步道隋身
            Tâm trung cẩm đắc phù vô giá,            心中錦得扶無價
            Khải chiết mai chi hữu diệt trần.           凱折梅枝有滅塵

GIẢI NGHĨA:
- Ðức tánh chứa sách không gọi là nghèo,
- Ðường đi an bước Ðạo theo thân.
- Trong tâm gấm vóc thì được giúp đỡ quí báu,
- Vui bẻ cành mai bỏ cõi trần.

60 .  Ngày 12-12-1926 (âl 8-11-Bính Dần)
NGỌC HOÀNG THƯỢNG ÐẾ viết CAO ÐÀI giáo đạo Nam phương
Hỉ chư môn đệ, chư ái nữ.

T . . . Hai vợ chồng con có dạ kỉnh thành vì Thầy đến ngày chung cuộc chăng?
Nơi trần khổ nầy, dầu cho bậc Chí Thánh cũng khó tránh sự lỗi lầm đặng, nhưng sự ăn năn tự hối là quí báu vô giá. Các Tiên, Phật xưa cũng nhiều bậc đứng đặng địa vị cao thượng thiêng liêng là nhờ có sự cải quá mà nên Chánh quả.

Có nhiễm trần, có lăn lóc mơi sương chiều gió, có kim mã ngọc đàng, có đai cân rực rỡ, có lấn lướt tranh đua, có ích kỷ hại nhân, có vui vẻ với mùi đỉnh chung lao lực, mới thấy đặng tỏ rõ bước đời gai chông khốn đốn, mới thấy cuộc nhục vinh, buồn vui không mấy chốc, chẳng qua là trả vay vay trả đồng cân, chung cuộc lại thì mối trái oan còn nắm, mà cũng vì đó mới thấy đặng đường hạnh đức trau mình, trò đời chẳng qua một giấc huỳnh lương.

Thầy có thế dùng hai con đặng đắp vun nền Ðạo, cứu vớt sanh linh, nhưng đức tín ngưỡng biết có đặng tròn, sự dày công chịu khó vì nhơn sanh biết có đặng bền bỉ chăng?

T . . . con, Ðạo mở tức để cứu vớt sanh linh thoát vòng khổ hải, ấy là cho kẻ hữu phần mà thôi.

Nếu nơi Thiên cơ chẳng xảy ra điều trắc trở, Ðạo Thầy chừng một năm đã khắp toàn trong thế giới. Nhưng thiệt hư, hư thiệt chỉ có đức hạnh của các con lướt qua khỏi mà thôi.

Thầy đã lắm lúc nhọc nhằn chìu theo thế mà dẫn bước đường, nhưng nhiều đứa dụng thời thế ở trần mà phạm thượng đến Thầy, và dằn thúc chư môn đệ và chư chúng sanh. Nếu Thầy chẳng lấy đại từ đại bi mà lập nền Ðạo thì sổ của kẻ đặng vớt khỏi trầm luân và kẻ Chí Thánh đã bị Thầy bôi xóa hết.

Con có ngày giờ suy nghĩ đã lâu, Thầy cho con xét thêm nữa đặng có đức tánh hoàn toàn, chừng ấy con là ái nữ của Thầy, sẽ dụng làm tay chơn, đem rưới giọt nhành dương để cứu thoát nhơn sanh nơi vòng ly khổ từ đây. Thầy có mấy lời cùng hai con sau đây:
Dìu nhau trở bước lại rừng thung,
Ðằng cát may đưa dựa bóng tùng.
Tác hiệp sẵn nhờ xây bĩ thới,
Thành song trước định gặp thư hùng.
Ngày thâu bóng xế oanh thưa nhặt,
Mắt nhắm đường xa khách thẳng dùn.
Lộc Hớn từ vinh Trương học chước,
Cầm đường tiếng hạc phủi muôn chung.

Khá nghe và suy xét. Thầy ban ơn cho các con. Thăng

CHÚ THÍCH:
T . . .: (?)
Kim mã ngọc đàng: Ngựa vàng nhà ngọc. Cửa Kim mã là nơi các quan Ðại Học Sĩ vào làm việc. Vua Tống Thái Tổ ban cho quan Ðại Học Sĩ Tô Ðịch Gian bốn chữ: Ngọc đường chi thự. Kim mã ngọc đàng là chỉ việc làm quan lớn vinh hiển.
Ðai cân: Cái đai lưng và cái mão trong phẩm phục của các quan nơi triều đình, chỉ việc làm quan lớn.
Trái oan: Món nợ thù giận. Mình làm cho người ta thù giận mình tức là mình đã mang một món nợ thù giận.
Giấc huỳnh lương: Giấc kê vàng, là giấc mộng của Lữ đồng Tân. Hớn Chung Ly muốn độ Lữ đồng Tân tu Tiên, Chung Ly nấu nồi bắp vàng, gọi Ðồng Tân đến chơi, đưa cái gối bảo Ðồng Tân nằm xuống nghỉ giây lát. Ðồng Tân vừa nằm xuống liền chiêm bao thấy đi thi đậu Trạng, cưới vợ đẹp, vua bổ làm quan, 50 năm lên chức Thừa Tướng, con cháu đông đảo, giàu sang tột bực, vẻ vang hiển hách. Sau đó bị gian thần hãm hại, vua bắt tội, tịch thu tài sản, đày ra Lãng Biển, khổ sở vô cùng. Ðồng Tân giựt mình thức dậy, thấy nồi bắp vàng nấu vẫn chưa chín. Ðồng Tân suy nghĩ mà chán ngán sự đời, liền nhờ Hớn Chung Ly truyền đạo tu hành. Giấc huỳnh lương là ý nói xem công danh phú quí như là giấc mộng.
Ðằng cát: Dây đằng và dây cát là loại dây leo, chỉ thân phận của người phụ nữ phải sống nương tựa vào chồng.
Bóng tùng: Bóng của cây tùng, chỉ người chồng.
Câu thơ 7: Sự tích TrươngLương, công thành thân thoái.
Cầm đường tiếng hạc: Chỉ cuộc sống nhàn hạ thảnh thơi, thanh bạch với cây đàn và con chim hạc.
Muôn chung: Thành ngữ: Ngàn tứ muôn chung (Ngàn cổ xe vạn chung thóc), chỉ nhà rất giàu.

61 .  Ðàn Chợ Lớn (Nhà của Ngài Lê văn Trung)
Ngày 13-12-1926 (âl 9-11-Bính Dần)
THẦY
Các con,
Vốn Thầy tạo lập nền Chánh giáo cho dân Nam Việt chẳng phải là việc nhỏ đâu. Các con ví biết Ðạo là quí thì phải ân cần thận trọng, đợi đến ngày thành tựu, các con mới thấy rõ Thiên cơ, thì chừng ấy các con muốn lập công bằng buổi nầy sao đặng, vì mỗi việc khó khăn trắc trở là lúc sơ khai.

Vậy Thầy khuyên các con ráng thành tâm hành đạo, mà Ðạo không phải giữ bằng lỗ miệng không đâu.

Thầy thấy nhiều đứa trong các con có ý theo Ðạo đặng toan kế làm nhiều việc chẳng lành. Thầy vì thương nhơn loại, muốn cứu hết nên thường thâu thập nhiều đứa vô tâm, cũng muốn cho chúng nó ăn năn chừa lỗi, ngõ hầu hưởng phước, mà chúng nó không biết tự hối thì làm sao mong rỗi đặng. Ðến buổi chung qui mới thấy Thiên đàng, Ðịa ngục thì đã muộn rồi.
Các con phải xét mình cho lắm nghe!

62 .  Ngày 14-12-1926 (âl 10-11-Bính Dần)
NGỌC HOÀNG THƯỢNG ÐẾ viết CAO ÐÀI giáo đạo Nam phương
Hỉ chư môn đệ, chư ái nữ, chư nhu.
Th . . . nghe Thầy con:
Thanh nhàn muốn vẹn buổi chung qui,
Giáo hóa nhân sanh đức phải vì.
Bước thế chịu đày khơi bạch phát,
Nguồn Tiên ráng lướt rạng thanh mi.
Nâu sồng tánh gội dành trăm tuổi,
Chung đỉnh đường qua trót một thì.
Gương sáng phước Trời soi hậu tấn,
Chờ xuân khải chiết đắc mai chi.

Từ đây, Thầy là Ðứng cầm quyền thế giới, đã vì con mà độ dẫn con lại cảnh thanh nhàn cực lạc.
Vậy rán giồi Thánh đức, lấy đạo hạnh mà giáo hóa đám dân sanh, phần nhiều đã mơ màng trong giấc mộng. Thầy trông mong nơi con, khá cải sửa chút ít phàm tâm, thì đức tánh mới đặng trọn vẹn.
Công quả tuy nhọc nhằn, nhưng địa vị cao thượng cũng chẳng phải dễ đoạt được. Có vì chúng sanh mà khổ tâm hành đạo, có khó nhọc, có dãi dầu sương mơi nắng xế, mà quên bậc phẩm vô vị ở cõi trần nầy, có vày vã nẻo gai chông lần theo bước đường hạnh đức, mới có ngày vui vẻ bất tận, mới có buổi an hưởng địa vị thiêng liêng, tránh điều phiền não, thoát đọa luân hồi, mới có lúc rảnh nợ phong trần, nhàn xem sự thế, non cao suối lặng, động mát rừng thanh, là chỗ con lấy đạo đức làm thang để bước lên cho cùng tột.

Khá gắng nghe và hành trình liệu bước.
Chư nhu cũng tùy đó mà sửa bước. Nhơn sanh phải thiện tâm và hết lòng vì đạo đức mới đặng Thần, Thánh chứng minh, mới có thấy ngày kết quả đặng.
Thầy vì đức háo sanh nên thâu thập nhiều đứa lương tâm chưa chánh đáng, là Thánh ý để cho chúng nó qui chánh cải tà, nhưng thói phàm tục lung lăng chẳng dứt.

Nếu Thầy chẳng lấy đại từ đại bi mà lập Ðạo thì đã để cho chư Thần, Thánh hành hình nặng nề chẳng xiết kể.

Biển khổ đã lắm nổi chìm, mà nhành dương liễu chẳng mau vói níu, đọa trầm luân chưa chịu thoát, mà điều tình tội lại chác thêm, buộc thảm đeo phiền, cũng tự mình tác tệ, chờ ăn năn rất muộn về sau. Khá hiểu lấy. Thăng.

CHÚ THÍCH:
Th . . .: Ngài Chánh Phối Sư Thái Thơ Thanh ( Nguyễn Ngọc Thơ).
Bạch phát: Tóc bạc. Phát là tóc, bạch là trắng.
Nguồn Tiên: đồng nghĩa Nguồn Thánh, ý nói một nền đạo đức cao siêu huyền diệu.
Thanh mi: Mày xanh, chỉ tuổi trẻ.
Chung đỉnh: Cái chuông và cái vạc, ý nói giàu sang.
Nâu sồng: Màu nâu và màu sồng là 2 màu quần áo của tăng ni Phật tử. Nâu sồng là chỉ sự tu hành.
Khải chiết đắc mai chi: Vui vẻ bẻ được cành mai, ý nói đắc thắng. Câu 8 của bài thơ: Chờ tới mùa xuân thì đắc thắng.
Ðứng: Ðấng thiêng liêng.
Dãi dầu sương mơi nắng xế: Phơi mình ra chịu đựng sương sáng nắng chiều, ý nói chịu nhiều vất vả khổ cực.
Bậc phẩm vô vị: Thứ bậc và phẩm tước không giá trị.
Bất tận: Không hết, không dứt. Tận là hết, dứt.
Phong trần: Gió bụi, chỉ những nỗi vất vả ở đời.
Non cao suối lặng, động mát rừng thanh: Chỉ cảnh đẹp đẽ thanh nhã, ấy là cảnh Tiên.
Qui chánh cải tà: Trở về điều Chánh, sửa đổi điều Tà.
Tình tội: Tội tình, tội lỗi phạm phải.
Nhành dương liễu: Cành cây dương liễu dùng để Ðức Quan Âm Bồ Tát rải nước Cam Lồ, ý nói sự cứu vớt chúng sanh của Ðức Quan Âm Bồ Tát.

63 . Thứ tư, 15-12-1926 (âl 11-11-Bính Dần)
THÁI BẠCH
Hỉ chư Ðạo hữu, chư nhu, chư tín nữ.
Chỉnh đàn cho nghiêm đặng Thầy ngự.

Qu'on dise à ces Francais qu'ici est une Maison de Prières, qu'il ne faut pas qu'ils la considèrent comme une curiosité.

NGỌC HOÀNG THƯỢNG ÐẾ viết CAO ÐÀI
giáo đạo Nam phương
M . . . debout et lis.
Toute chose vient à son heure.

Tu as vu et su ce que la plupart de tes compatriotes cherchent à voir et à savoir. Ce n'est qu'à la suite de la conclusion des recherches spirites que J'enseigne cette Nouvelle Doctrine.

N'ai-Je pas prédit que le Spiritisme est une religion d'avenir? Tu as naturellement l'intention de créer en ce pays une relation morale des deux races Français et Annamite appelées à vivre ensemble par ma volonté dans une communauté de vie et d'intérêts.

Tu seras satisfait par une vie d'un homme de bien. Tes voeux seront exaucés. Tu seras plus tard un de mes fervents disciples pour prêcher au monde la paix et la concorde.

L'équipe Francais sera bientôt créée.
Tu seras forcé de revenir en France en 1928, pour soutenir cette Doctrine au Congrès Universel. Tu seras grand et puissant par ma volonté.
Au revoir. C'est assez pour toi.

Bài dịch Việt văn của Hội Thánh:
THÁI BẠCH
 ỉ chư đạo hữu, chư nhu, chư tín nữ.
Chỉnh đàn cho nghiêm đặng Thầy ngự.

Nói với mấy người Lang-sa rằng, đây là Thánh Thất (Nhà nguyện), không nên xem đây như là một sự hiếu kỳ.

NGỌC HOÀNG THƯỢNG ÐẾ viết CAO ÐÀIgiáo đạo Nam phương

M . . . , hãy đứng dậy và đọc.
Mọi việc đều đúng giờ đã định.
Con đã thấy và hiểu những điều mà phần đông đồng bào của con đang tìm hiểu. Chỉ sau nhiều cuộc khảo cứu và sưu tầm về Thần Linh Học mà Thầy đem truyền nền Ðạo lý mới mẻ nầy.

Thầy há chẳng có lời tiên tri rằng Thần Linh Học là một nền đạo tương lai sao?

Hẳn nhiên con đã thành tâm thật ý muốn gây tại xứ nầy tình liên lạc tinh thần giữa hai dân tộc Pháp - Việt mà Thầy chí quyết cho họ được chung sống trong cộng đồng quyền lợi và sinh hoạt.

Con sẽ đắc kỳ sở nguyện của một người làm phải. Lời khẩn nguyện của con sẽ được chấp thuận. Sau nầy, con sẽ là một trong các môn đồ trung thành của Thầy để đi truyền bá hòa bình và tương ái trên khắp hoàn cầu.

Ban Truyền giáo Pháp sẽ được thành lập gần đây.

Con cần phải về Pháp trong năm 1928 để binh vực Giáo lý của Thầy tại Hội Nghị Ðại Ðồng Tôn giáo. Con sẽ trọng đại và đủ quyền năng do Thiên ý.
Bấy nhiêu cho con rõ. Thầy từ giã.

CHÚ THÍCH:
Bài TN Pháp văn nầy có trong ÐS.II.93.
M . . .: Ông Marcel Martin, 135 rue Catinat, Saigon.
Thần Linh Học (Spiritisme): là khoa học nghiên cứu về cách thông công giữa con người hữu hình với các Ðấng vô hình, để chứng minh rằng có sự hiện hữu của chư Thần, Thánh, Tiên, Phật và sự hiện hữu của Thượng Ðế, tức nhiên có sự hiện hữu của linh hồn. Con người khi thể xác chết đi, không phải là hết, mà còn có linh hồn. Linh hồn xuất ra khỏi thể xác để chuyển qua sống trong thế giới vô hình. Chính vô hình điều khiển thế giới hữu hình.

Thần Linh Học Thế giới khởi đầu xuất hiện ở nước Mỹ năm 1847, tại New York gây được sự chú ý của nhiều giới.
Năm 1852, một Hội Nghị Thần Linh Học đầu tiên được tổ chức tại Cleveland.
Năm 1854, số người theo Thần Linh Học ở Mỹ đến 3 triệu người, trong đó có hơn 1000 đồng tử.

Từ năm 1852 đã có một phái đoàn Thần Linh Học từ Mỹ sang truyền bá nơi nước Anh, gây được một phong trào Thần Linh Học mạnh mẽ ở nước Anh.
Năm 1853, một nhóm Thần Linh Học khác sang nước Pháp và Ðức, cũng gây được phong trào Thần Linh Học đáng kể ở 2 nước nầy. Hai Ông Chevreul và Faraday ở Hàn Lâm Viện Pháp cầm đầu một nhóm đả phá dữ dội Thần Linh Học, nhưng không kết quả. Bà Giradin, một đồng tử Thần Linh Học Pháp giúp Văn hào Victor Hugo thông công được các Ðấng Vô hình trong lúc Victor Hugo đang tỵ nạn chánh trị tại đảo Jersey thuộc Anh. Những bài Thánh giáo được Victor Hugo tập hợp thành quyển sách nhan đề: Les tables tournantes de Jersey chez Victor Hugo.

Giáo sư Charles Richets tại Ðại học Sorbonne Paris, sau nhiều năm nghiên cứu Thần Linh Học, cho xuất bản quyển sách: Traité de Métaphysique.

Năm 1853, Allan Kardec lập thành học thuyết Thần Linh Học với 2 tác phẩm: Le livre des Esprits, và Le livre des médiums.
Nhờ đó, Thần Linh Học được truyền bá khắp thế giới.
  Home       1 ]  [ 2 ]  [ 3 ]  [ 4 ]  [ 5 ]  [ 6 ]  [ 7 ]  8 ]  [ 9 ] 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét