Thánh Ngôn Hiệp Tuyển I & II - 1 / 9 (BSCT, Hiền Tài - Nguyễn Văn Hồng )

1 . Noel 1925
Ðêm 24-12-1925 (âl 9-11-Ất Sửu)
NGỌC HOÀNG THƯỢNG ÐẾ viết
CAO ÐÀI TIÊN ÔNG ÐẠI BỒ TÁT MA HA TÁT giáo đạo Nam phương
Muôn kiếp có ta nắm chủ quyền,
Vui lòng tu niệm hưởng ân Thiên.
Ðạo mầu rưới khắp nơi trần thế,
Ngàn tuổi muôn tên giữ trọn biên.
Ðêm nay, 24 Décembre, phải vui mầng vì là ngày của Ta xuống trần dạy Ðạo bên Thái Tây (Europe).
Ta rất vui lòng mà đặng thấy đệ tử kính mến Ta như vậy.
Nhà nầy sẽ đầy ơn Ta. (Nhà của M. C...)
Giờ ngày gần đến, đợi lịnh nơi Ta. Ta sẽ làm cho thấy huyền diệu đặng kính mến Ta hơn nữa.

CHIÊU KỲ TRUNG độ dẫn HOÀI sanh,
BẢN đạo khai SANG QUÍ GIẢNG thành.
HẬU ÐỨC TẮC CƯ Thiên Ðịa cảnh,
HUỜN MINH MÂN đáo thủ đài danh.

(Mười hai chữ lớn trong ba câu trên là tên của 12 người môn đệ trước hết của của Ðức Ngọc Hoàng Thượng Ðế. Còn ba chữ xiên lớn trong câu chót là tên của 3 vị hầu đàn).

CHÚ THÍCH:
NGỌC HOÀNG THƯỢNG ÐẾ viết CAO ÐÀI TIÊN ÔNG ÐẠI BỒ TÁT MA HA TÁT giáo đạo Nam phương: Ðấng Ngọc Hoàng Thượng Ðế gọi là Ðấng Cao Ðài Tiên Ông Ðại Bồ Tát Ma Ha Tát, dạy đạo tại nước Việt Nam.

* Theo Ðạo Sử, Ðức Chí Tôn đến với nhóm xây bàn (gồm ba Ông: Cao Quỳnh Cư, Phạm Công Tắc, Cao Hoài Sang) vào hạ tuần tháng 7 năm Ất Sửu (1925) với danh xưng là A Ă Â. Khi dạy đạo cho ba ông thì Ðức Chí Tôn xưng là Thầy và gọi các ông là môn đệ. Vì lời cam kết nên ba ông không dám tìm hiểu Ðấng A Ă Â là ai, chỉ biết đó là một Ðấng có quyền uy rất lớn nơi cõi vô hình.

Mãi đến đêm Noel, 24 rạng 25 tháng 12 năm 1925, Ðấng A Ă Â mới giáng cơ cho bài Thánh Ngôn trên, cho biết Ngài là Ðấng Ngọc Hoàng Thượng Ðế, nay gọi là Ðấng Cao Ðài Tiên Ông Ðại Bồ Tát Ma Hát, giáng cơ dạy đạo ở nước Việt Nam.

Décembre (tiếng Pháp): Tháng 12 dương lịch.
Europe (tiếng Pháp): Châu Âu.
Thái Tây: Thái là thịnh vượng. Thái Tây là các nước cường thịnh ở phương Tây, tức là các nước ở Châu Âu gồm: Anh, Pháp, Ý, Ðức, Hòa Lan, Bồ Ðào Nha, vv. . .
M. C...: viết tắt Monsieur Cư: Ông Cư (Cao Quỳnh Cư). Nhà của Ông Cư lúc đó ở 134 đường Bourdais Sài Gòn.

Ðêm 24 tháng 12 là đêm giáng sinh của Ðức Chúa Jésus Christ ở nước Do Thái. Ngài là con yêu quí của Ðấng Thượng Ðế, thay mặt Thượng Ðế giáng trần mở đạo Thiên Chúa ở nước Do Thái và truyền bá qua các nước Âu Châu.

* Bài thi bốn câu có tên 12 môn đệ đầu tiên của Ðức Chí Tôn, theo ÐS.I.50 thì Ðức Chí Tôn giáng vào đêm mùng 8 rạng mùng 9 tháng Giêng năm Bính Dần (dl 21-2-1926) tại đàn cơ thiết lập nơi nhà Ông Vương Quan Kỳ, số 80 đường Lagrandière, Sài Gòn, nhân Lễ Vía Ðức Chí Tôn, Ngài Ngô Văn Chiêu chứng đàn, Ðức Chí Tôn cho bài thi "Bửu tòa thơ thới trổ thêm hoa". . . . . . Khi ấy Ngài Ngô Văn Chiêu xin Ðức Chí Tôn cho bài thi có tên các môn đệ đầu tiên làm kỷ niệm.

12 môn đệ có tên trong bài thi kể ra sau đây:
CHIÊU: Ngô Văn Chiêu.
KỲ: Vương Quan Kỳ, đắc phong Thượng Giáo Sư.
TRUNG: Lê Văn Trung, đắc phong Ðầu Sư Thượng Trung Nhựt, sau thăng Quyền Giáo Tông.
HOÀI: Nguyễn Văn Hoài, tức là ông Phán Hoài.
BẢN: Ðoàn Văn Bản, đắc phong Thượng Giáo Sư.
SANG: Cao Hoài Sang, đắc phong Thượng Sanh.
QUÍ: Lý Trọng Quí.
GIẢNG: Lê Văn Giảng, đắc phong Thượng Giáo Hữu.
HẬU: Nguyễn Trung Hậu, đắc phong Bảo Pháp.
ÐỨC: Trương Hữu Ðức, đắc phong Hiến Pháp.
TẮC: Phạm Công Tắc, đắc phong Hộ Pháp.
CƯ: Cao Quỳnh Cư, đắc phong Thượng Phẩm.

Ngài Ngô Văn Chiêu tách khỏi nhóm Phổ độ của quí Ngài Lê Văn Trung và Phạm Công Tắc để chuyên bề tu đơn, sau đó Ngài Ngô về Cần Thơ lập Chi phái Chiếu Minh.

Hai Ông Nguyễn Văn Hoài và Lý Trọng Quí theo Ngài Ngô Văn Chiêu tu trong phái Chiếu Minh, sau Ông Lý Trọng Quí (cũng có tên là Hồ Vinh Quí) lại tách riêng lập Chiếu Minh Ðàn Cần Thơ, có ra cuốn Kinh Tam Nguơn Giác Thế vào năm Tân Mùi (1931).

Ông Vương Quan Kỳ tách khỏi TTTN vào năm 1930, lập Chi phái Cầu Kho ở Sài Gòn.

Bài thi bốn câu Hán văn có tên 12 môn đệ đầu tiên của Ðức Chí Tôn viết ra chữ Hán như sau:
招旗忠度引懷生
本道開創貴講成
厚德則居天地境
還明旻到守臺名
GIẢI THÍCH:
Câu 1: CHIÊU KỲ TRUNG độ dẫn HOÀI sanh:
Bốn vị: Chiêu, Kỳ, Trung, Hoài có phận sự độ dẫn nhơn sanh, độ cả thai nhi còn trong bụng mẹ.

Câu 2: BẢN đạo khai SANG QUÍ GIẢNG thành:
Nền Ðạo do Ta (Ðức Chí Tôn) mở ra nhờ bốn vị: Bản, Sang, Quí, Giảng mà đặng thành tựu.

Câu 3: HẬU ÐỨC TẮC CƯ Thiên Ðịa cảnh:
Bốn vị: Hậu, Ðức, Tắc, Cư cùng ở nơi cõi gọi là Thiên Ðịa cảnh.

Câu 4: HUỜN MINH MÂN đáo thủ đài danh:
Ba vị: Huờn, Minh, Mân đến giữ cái đài của Ta.

2 .  Ngày 3-1-1926 (âl 19-11-Ất Sửu)
NGỌC HOÀNG THƯỢNG ÐẾ viết CAO ÐÀI TIÊN ÔNG ÐẠI BỒ TÁT MA HA TÁT giáo đạo Nam phương.

Thủ cơ - Chấp bút.
Thủ cơ hay là Chấp bút phải để cho thần, tâm tịnh mới xuất Chơn thần ra khỏi phách đặng hầu Thầy nghe dạy.

Khi chấp thủ thì tay tuân theo Chơn thần nói lại mà viết ra, mường tượng như con đặt để, con hiểu đặng vậy.

Chơn thần là gì ?
Là nhị xác thân (périsprit), là xác thân thiêng liêng. Khi còn ở nơi xác phàm thì rất khó xuất riêng ra đặng, bị xác phàm kéo níu.

Cái Chơn thần ấy của các Thánh, Tiên, Phật là huyền diệu vô cùng, bất tiêu bất diệt. Bậc chơn tu khi còn xác phàm nơi mình, như đắc đạo, có thể xuất ra trước buổi chết mà vân du Thiên ngoại. Cái Chơn thần ấy mới đặng phép đến trước mặt Thầy.

Như chấp cơ mà mê thì Chơn thần ra trọn vẹn khỏi xác. Thầy mới dạy nó viết chữ chi đó, nó đồ theo, Thầy nói tên chữ, xác nó cầm cơ viết ra, người đọc trật chữ, nó nghe đặng, không chịu, Thầy buộc viết lại và rầy kẻ đọc trật ấy.

Còn chấp bút, khi Thầy đến thì làm cho thần con bất định một lát, cho thần xuất ra nghe Thầy dạy, còn tay con tuân theo mà viết. Ấy là một phần của con, một phần của Thầy hiệp nhứt, mới thấu đáo Càn khôn, tinh thông vạn vật đặng.

Trước khi thủ cơ hay là chấp bút, thì phải thay y phục cho sạch sẽ, trang hoàng, tắm gội cho tinh khiết, rồi mới đặng đến trước bửu điện mà hành sự, chớ nên thiếu sót mà thất lễ. Nếu chấp cơ thì phải để ý thanh bạch, không đặng tưởng đến việc phàm. Tay chấp cơ cũng phải xông hương khử trược, tịnh tâm một lát, rồi phải để tinh thần tinh tấn mà xuất ngoại xác, đến hầu dạy việc.

Phải có một Chơn linh tinh tấn mới mầu nhiệm, huyền diệu, phải trường trai mới đặng linh hồn tinh tấn, phải tập tành chí Thánh, Tiên, Phật, mới phò cơ dạy đạo cả chúng sanh. Kẻ phò cơ, chấp bút cũng như tướng soái của Thầy để truyền đạo cho thiên hạ.

Các con đừng tưởng việc bút cơ là việc tầm thường. Còn việc truyền thần lấy điển quang thì ai ai cũng có điển trong mình, nó tiếp điển ngoài rồi thần của nó viết ra, có khi trúng, có khi trật.
Vậy khi nào chấp cơ thì phải đợi lịnh Thầy rồi sẽ thi hành.

CHÚ THÍCH:
Thủ: Tay, cầm bằng tay. Chấp: Cầm giữ.
Thủ cơ đồng nghĩa với Chấp cơ, Phò cơ, Phò loan.
Phách: Trong trường hợp nầy, Phách là thể xác.
Thủ cơ cần hai vị đồng tử ngồi hai bên ngọc cơ, mỗi vị dùng hai bàn tay nâng ngọc cơ lên. Khi có một Ðấng giáng thì tay của đồng tử đẩy ngọc cơ chuyển động, đầu cơ viết ra chữ.
Chấp bút thì chỉ cần một đồng tử, tay cầm viết đặt trên một tờ giấy trắng. Khi có một Ðấng thiêng liêng giáng thì tay cầm bút chuyển động và viết ra chữ trên giấy.
Chấp thủ: Thủ cơ và Chấp bút.
Nhị xác thân: Xác thân thứ nhì. Con người có Tam thể: Thể thứ nhứt là Xác thân phàm do cha mẹ phàm trần sanh ra và được nuôi dưỡng bằng vật chất phàm trần; Thể thứ nhì gọi là Nhị xác thân, là xác thân thiêng liêng hay Chơn thần, do Ðức Phật Mẫu dùng nguyên khí nơi Diêu Trì Cung tạo nên; Thể thứ ba là Chơn linh hay linh hồn, là điểm Linh quang do Ðức Chí Tôn ban cho. Chơn linh điều khiển Chơn thần, Chơn thần điều khiển xác phàm. (Xin xem tiếp bài Thánh Ngôn 20)
Vân du Thiên ngoại: Vân du là đi chơi thong thả như đám mây bay. Thiên ngoại là ngoài bầu Trời, tức là những thế giới khác ở ngoài Ðịa cầu.
Thần: Chơn thần. Tinh thông: Hiểu biết tường tận.
Xông hương khử trược: Ðốt chất thơm như trầm hay nhang thơm để khói thơm bay lên tỏa ra xung quanh làm cho mất hết các mùi ô trược.
Tịnh tâm: Giữ tâm cho trong sạch, tức là giữ tư tưởng cho trong sạch, không nghĩ việc quấy.
Tinh tấn: Trong sạch và tiến hóa.

3 . Ðêm 20-2-1926 (âl 8-1-Bính Dần): Vía Ðức Chí Tôn.
NGỌC HOÀNG THƯỢNG ÐẾ viết CAO ÐÀI TIÊN ÔNG ÐẠI BỒ TÁT MA HA TÁT giáo đạo Nam phương.
Bửu tòa thơ thới trổ thêm hoa,
Mấy nhánh rồi sau cũng một nhà.
Chung hiệp rán vun nền đạo đức,
Bền lòng son sắt đến cùng Ta.

Nguồn Tiên tầm Ðạo dễ gì đâu?
Quyền phép Càn khôn một túi thâu.
Thoát xác xưa tầng tu vạn kiếp,
Ðộ hồn nay gội khắp năm châu.
Tìm hiền lắm lúc gieo nguồn đạo,
Cải dữ đòi phen cổi mạch sầu.
Trần khổ dầu ai chơn muốn lánh,
Ngày thành Chánh quả có bao lâu?

Cái nhánh các con là nhánh chính mình Thầy làm chủ, sau các con sẽ hiểu.
Thầy vui muốn cho các con thuận hòa cùng nhau hoài, ấy là lễ hiến cho Thầy rất trân trọng. Phải chung lo cho danh đạo Thầy.

Ðạo Thầy tức là các con, các con tức là Thầy. Phải làm cho nhau đặng thế lực, đừng ganh gổ nghe! Các con giữ phận làm tùy ý Thầy muốn, ngày kia sẽ rõ thấu ý muốn của Thầy.
Vào vòng huynh đệ khá thương nhau,
Một đức trổi hơn một phẩm cao.
Quyết chí Thiên đường men bước tới,
Phải nhiều máu thịt mới đồng bào.

Các con phải hiểu rằng: Thầy là huyền diệu thế nào! Cách dạy, Thầy buộc tùy thông minh của mỗi đứa mà dạy. Dầu cho thầy phàm tục cũng phải vậy, nếu đứa dở mà dạy cao kỳ, nó biết đâu mà hiểu đặng.

Thầy cấm không cho dị nghị việc người, nhứt là đạo hữu của các con thì đừng phạm đến kẻo tội nghiệp. Chi chi cũng phải nhớ quyết rằng có Thầy trong đó.
Chẳng quản đồng tông mới một nhà,
Cùng nhau một Ðạo tức một Cha.
Nghĩa nhân đành gởi thân trăm tuổi,
Dạy lẫn nhau cho đặng chữ hòa.

Thầy dặn các con một điều, nhứt nhứt đều đợi lịnh Thầy, chẳng nên lấy tứ riêng mà phán đoán chi hết. Phận sự và trách nhiệm các con, Thầy đã định trước, song giờ ngày chưa đến, phải tuân lời Thầy nghe!
Từ đây, Thầy khởi sự dạy Ðạo cho.
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
Trên Bạch Ngọc Kinh có đủ Nam và Nữ, các con chớ lầm tưởng là phân biệt. Có các Ðấng Nữ Tiên, Nữ Phật còn lớn quyền hơn Nam nhiều.

Tr. . . đã thọ mạng nơi Thầy, con đi đâu Thầy theo đó. Lời đạo đức trong miệng con nói ra, ấy là lời Thầy bố hóa tâm trí con đặng đi truyền đạo, tùy cơ mà dạy kẻ, một mình con đâu đủ sức phục người. Chẳng luận là Nam hay Nữ, bất kỳ là nước nào, nó muốn biết đạo lý, con phải độ, biểu chúng nó đến nghe Thầy dạy mới có thế nó tu hành đặng, trước con không nên buộc chúng nó lắm.

Thầy nói một lần từ đây nhớ lấy: Dầu cho sắt đá cỏ cây, mà nghe đến Thánh Ngôn nơi Thầy do con nói ra cũng hoan nghinh, huống lựa là người. Con nhớ và an lòng.
Ðã thấy ven mây lố mặt dương,
Cùng nhau xúm xít dẫn lên đường.
Ðạo cao phó có tay cao độ,
Gần gũi sau ra vạn dặm trường.

Thầy đã hằng ngày nói với con rằng: Muôn việc chi Thầy đã bố hóa vào lòng con, như con tính điều chi, tức Thầy đã định rồi. Con không cần nặng lòng lo lắng. Ðạo cốt để cho kẻ hữu duyên. Những kẻ nào đã làm môn đệ của Tà Thần Tinh Quái thì không thế gì làm môn đệ Thầy đặng.
Lẽ Chánh tự nhiên có lẽ Tà.
Chánh Tà hai lẽ đoán sao ra.
Sao ra Tiên Phật người trần tục,
Trần tục muốn thành phải đến Ta.

Những kẻ đã hưởng hết phúc hậu từ mấy đời trước, nay lại còn phạm Thiên điều, thì tội tình ấy thế chi giải nổi. Mấy con biết luật hình thế gian còn chưa tư vị thay, huống là Thiên điều thì tránh sao cho lọt? Dầu các con như vậy thì Thầy cũng lấy oai linh ấy mà trừng trị chớ không tư vị bao giờ. Phải lo sợ tội tình cho lắm. Phải có sợ mới có giữ mình, biết sợ phải biết giữ mình. Phải hiểu rõ rằng: Thiên Ðịa vô tư, đừng ỷ là có Ðại Từ Phụ mà lờn oai, nghe các con!

CHÚ THÍCH:
Mấy nhánh: Ý nói Tam giáo, gồm Phật giáo, Lão giáo, Nho giáo; hay tổng quát hơn, đó là Ngũ Chi Ðại đạo: Phật đạo, Tiên đạo, Thánh đạo, Thần đạo, Nhơn đạo.
Mấy nhánh rồi sau cũng một nhà: Ðây là tôn chỉ của Ðạo Cao Ðài: Tam giáo qui nguyên, Ngũ Chi phục nhứt.

Câu thơ: Cùng nhau một đạo tức một Cha:
Các quyển TNHT in vào các năm: 1928, 1931, 1950, 1955, 1957, tức là trước năm 1962, đều in là một Cha.
Các quyển TNHT in sau năm 1962 như: 1964, 1969, 1972, đều in là cùng Cha. Sửa chữ một thành chữ cùng để cho đúng niêm luật của bài thơ.
Ðối với bực thi sĩ bình thường thì cần giữ niêm luật thơ, nhưng đối với bực thi bá, và trên nữa là Thi Tiên, Thi Phật, thì niêm luật thơ không còn là vấn đề quan trọng số một nữa, mà ý nghĩa của câu thơ mới là hàng đầu. Dùng chữ một Cha, tuy có thất niêm, nhưng mới thể hiện một cách rõ nét Triết lý Duy Nhứt: chỉ có một Ông Trời, một Thượng Ðế, một Cha Trời, không thể có hai Ông Trời, hai Thượng Ðế, hai Cha Trời.

Tr. . .: Viết tắt của chữ Trung, tên của Ðức Quyền Giáo Tông (Lê Văn Trung).
Bố hóa: Ban bố và giáo hóa.
Thiên điều: Luật Trời. Thiên điều do chư Phật chư Tiên họp tại Ngọc Hư Cung lập thành để cai trị toàn thể Càn khôn Vũ trụ. Phạm Thiên điều là một trọng tội.
Thiên Ðịa vô tư: Trời Ðất không có lòng riêng, tức là không tư vị ai hết, xử sự rất công bằng. Sách Nho cũng có viết rằng: "Thiên Ðịa vô tư, Thần minh thời sát, bất vị tế hưởng nhi giáng phúc, bất vị thất lễ nhi giáng họa." Nghĩa là: Trời Ðất không riêng, Thần minh thường xét, không vì hưởng cúng tế mà ban phước, không vì sự thất lễ mà giáng cho tai họa.
Ðại Từ Phụ: Mỗi người nơi cõi phàm trần đều có xác thân phàm trần do cha mẹ phàm trần sanh ra và được nuôi dưỡng bằng các vật chất phàm trần; ngoài ra con người còn có Chơn thần do Ðức Phật Mẫu tạo ra, và linh hồn do Ðức Chí Tôn ban cho. Do đó, Ðức Chí Tôn và Ðức Phật Mẫu là hai Ðấng Cha Mẹ chung thiêng liêng của toàn nhơn loại, nên gọi Ðức Chí Tôn là Ðại Từ Phụ và Ðức Phật Mẫu là Ðại Từ Mẫu.

4 . Ngày 23-2-1926 (âl 11-1-Bính Dần)
NGỌC HOÀNG THƯỢNG ÐẾ viết CAO ÐÀI TIÊN ÔNG ÐẠI BỒ TÁT MA HA TÁT giáo đạo Nam phương.
Dạy trẻ con toan trước dạy mình,
Cái công giáo hóa cũng đồng sinh.
Ðạo đời tua biết rằng đời trọng,
Một điểm quang minh một điểm linh.

Thi hứa giáo tập.
Nghĩa là: Sắp nhỏ của con dạy, sau cũng nên người ở đời. Ấy là đời. Nếu biết trọng đời thì gắng dạy nó nên hiền.

Một điểm quang minh là một hồn người, là vật tối linh của Thầy trân trọng. Nếu con muốn làm lành thì gắng dạy mấy hồn ấy đặng hiền. (Lời giải 2 câu thi sau)

CHÚ THÍCH:
Tua: Phải, ý buộc. (Từ ngữ xưa, ngày nay ít dùng).
Một điểm quang minh một điểm linh: Ðó là điểm Linh quang mà Ðức Chí Tôn chiết ra từ khối Ðại Linh quang của Ngài ban cho mỗi người làm linh hồn, để gìn giữ sự sống và để điều khiển chơn thần và thể xác.
Thi hứa giáo tập: Ðức Chí Tôn ban thơ văn để dạy học. Thi là thơ văn, hứa là thuận cho, giáo tập là dạy cho học tập.

5 . Ngày 25-2-1926 (âl 13-1-Bính Dần)
NGỌC HOÀNG THƯỢNG ÐẾ viết CAO ÐÀI TIÊN ÔNG ÐẠI BỒ TÁT MA HA TÁT giáo đạo Nam phương.

I . Trung! Vô giữa bái lễ cho Thầy coi.
Con làm lễ trúng, song mỗi gật con nhớ niệm Câu Chú của Thầy: NAM MÔ CAO ÐÀI TIÊN ÔNG ÐẠI BỒ TÁT MA HA TÁT.
Ðại Lễ là làm lễ ba lần:
Lần đầu dâng hương và hoa,
Lần giữa dâng rượu,
Lần chót dâng trà.
Phải chính mình con dâng các lễ ấy.

Khi bái lễ, hai tay con chấp lại, song phải để tay trái ấn Tý, tay mặt ngửa ra nằm dưới, tay trái chụp lên trên.

Từ đây (25-2-1926, 13 tháng Giêng năm Bính Dần), con phải may riêng bộ áo lễ tay rộng, cổ trịch như áo đạo, nhưng dải gài chín mối, màu xanh da trời. Con nhớ mang giày gai đặng hầu Thầy, còn nhứt nhứt đều để chơn không hết.

II . Lạy là gì? Là tỏ ra bề ngoài lễ kỉnh trong lòng.
Chấp hai tay lạy là tại sao? Tả là nhựt, hữu là nguyệt, vị chi âm dương. Âm dương hiệp nhứt phát khởi Càn khôn, sanh sanh hóa hóa, tức là Ðạo.

Lạy kẻ sống 2 lạy là tại sao? Là nguồn cội của nhơn sanh lưỡng hiệp âm dương mà ra. Ấy là Ðạo.
Vong phàm lạy 4 lạy là tại sao? Là vì hai lạy của phần người, còn một lạy Thiên, một lạy Ðịa.

Lạy Thần, lạy Thánh 3 lạy là tại sao? Là lạy Ðấng vào hàng thứ ba của Trời và cũng chỉ rằng lạy Tinh, Khí, Thần hiệp nhứt. Ấy là Ðạo.
Lạy Tiên, lạy Phật 9 lạy là tại sao? Là tại chín Ðấng Cửu Thiên Khai Hóa.
Còn lạy Thầy 12 lạy là tại sao?
Các con không hiểu đâu.
Thập nhị Khai Thiên là Thầy, chúa cả Càn khôn Thế giới, nắm trọn Thập nhị Thời Thần vào tay. Số 12 là số riêng của Thầy.

III . Chưa phải hồi các con biết đặng tại sao vẽ Thánh Tượng Con Mắt mà thờ Thầy, song Thầy nói sơ lược cho hiểu chút đỉnh:
Nhãn thị chủ tâm,
Lưỡng quang chủ tể,
Quang thị Thần,
Thần thị Thiên,
Thiên giả Ngã dã.

THẦN là khiếm khuyết của cơ mầu nhiệm từ ngày Ðạo bị bế. Lập Tam Kỳ Phổ Ðộ nầy, duy Thầy cho THẦN hiệp TINH, KHÍ đặng hiệp đủ Tam Bửu là cơ mầu nhiệm siêu phàm nhập Thánh.

Các con nhớ nói vì cớ nào thờ Con Mắt Thầy cho chư Ðạo hữu nghe.
Phẩm vị Thần, Thánh, Tiên, Phật, từ ngày Ðạo bị bế, thì luật lệ hỡi còn nguyên, luyện pháp chẳng đổi, song Thiên đình mỗi phen đánh tản THẦN không cho hiệp cùng TINH, KHÍ.

Thầy đến đặng huờn nguyên Chơn thần cho các con đắc đạo. Con hiểu "Thần cư tại Nhãn". Bố trí cho chư Ðạo hữu con hiểu rõ. Nguồn cội Tiên Phật do yếu nhiệm là tại đó.
Thầy khuyên con mỗi phen nói Ðạo, hằng nhớ đến danh Thầy.

CHÚ THÍCH:
Bài Thánh Ngôn nầy có ba phần rõ rệt:
Phần I: Ðức Chí Tôn dạy Ngài Ðầu Sư Thượng Trung Nhựt bái lễ và dạy may Ðạo phục Thượng Ðầu Sư.
Phần II: Ðức Chí Tôn dạy về năm cách lạy.
Phần III: Ðức Chí Tôn dạy về ý nghĩa thờ Thiên Nhãn.

I . Phần I có chép trong ÐS.I.104, đề ngày Thứ sáu, 25-2-1926, tại nhà của Ðức Cao Thượng Phẩm số 134 đường Bourdais, Phò loan: Hộ Pháp - Thượng Phẩm.

Câu Chú: là câu niệm huyền bí của một Ðấng thiêng liêng đặt ra để hộ trì các môn đệ trên bước đường tu hành.

Câu Chú của Thầy có 12 chữ bao gồm Tam giáo:
- Cao Ðài: tượng trưng Nho giáo.
- Tiên Ông: tượng trưng Lão giáo hay Tiên giáo.
- Ðại Bồ Tát Ma Ha Tát: tượng trưng Phật giáo.

Ngày nay Ðức Chí Tôn dùng Câu Chú nầy có mục đích Qui nguyên Tam giáo, tức là đem Tam giáo (Nho, Phật, Lão) về một gốc, gốc đó là Chí Tôn Ngọc Hoàng Thượng Ðế.

Ðức Chí Tôn dặn Ngài Ðầu Sư Thượng Trung Nhựt: "Còn đồ sắc phục của con duy để làm lễ Thầy mà thôi. Nếu con bận nó đến nơi nào thì chư Thần Thánh Tiên Phật đều phải tránh hết."

II . Ðức Chí Tôn dạy năm cách lạy:
1) Lạy người sống: 2 lạy đứng, tức là một lạy Dương, một lạy Âm. Lạy đứng là đứng lên rồi lạy xuống, rồi đứng lên và lạy xuống, hai lần là hai lạy.
2) Lạy vong phàm: Vong phàm là người thường chết. Lạy vong phàm 4 lạy gồm hai lạy quì và hai lạy đứng. Hai lạy quì là một lạy kỉnh Thiên, một lạy kỉnh Ðịa. Hai lạy đứng là về phần người: một lạy Dương, một lạy Âm.
3) Lạy Thần, lạy Thánh: 3 lạy quì.
4) Lạy Tiên, lạy Phật: 9 lạy quì. Cách lạy: Quì lạy ba lạy, mỗi lạy gật đầu ba gật, tổng cộng chín gật thế cho chín lạy. Mỗi gật niệm danh hiệu của vị Tiên hay vị Phật đó.
5) Lạy Ðức Chí Tôn: 12 lạy quì. Cách lạy: Quì lạy ba lạy, mỗi lạy bốn gật, tổng cộng là mưới hai gật thế cho mười hai lạy, mỗi gật niệm Câu Chú của Thầy.
Trong năm cách lạy nầy, hai bàn tay đều bắt Ấn Tý.
Ấn Tý là ấn đặc biệt của Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ.

* Thời Nhứt Kỳ Phổ Ðộ, Ðức Thái Thượng Ðạo Tổ mở Ðạo Tiên, dạy cách lạy hai bàn tay chấp nắm co lại, nhìn vào giống như cái hoa còn búp.

* Thời Nhị Kỳ Phổ Ðộ, Ðức Phật Thích Ca mở Ðạo Phật, dạy cách lạy hai bàn tay xòe thẳng ra rồi úp lại, khi lạy xuống, hai bàn tay mở ra để ngửa, như cái hoa nở.

* Nay đến thời Tam Kỳ Phổ Ðộ, Ðức Chí Tôn mở Ðạo Cao Ðài, dạy chấp hai tay bắt Ấn Tý, giống như trái cây có cái hột bên trong, tức là kết quả, khi lạy xuống thì hai bàn tay xòe ra và úp xuống, hai ngón cái gác tréo nhau, tượng trưng việc gieo hột giống xuống đất.

Như vậy, Tam Kỳ Phổ Ðộ là thời kỳ chót trong một chu trình: Trổ hoa và hoa còn búp, kế đó là hoa nở, rồi hoa kết thành trái và lấy hột gieo xuống đất, để sau đó cây mọc lên và tạo một chu trình kế tiếp tiến hóa hơn.

Chín Ðấng Cửu Thiên Khai Hóa: Chín Ðấng Tiên Phật mở ra chín từng Trời và giúp sự tiến hóa trong chín từng Trời ấy. Cửu Thiên hay Cửu Trùng Thiên là chín từng Trời.

Thập nhị Khai Thiên: Mười hai Ðấng Tiên Phật mở ra 12 từng Trời. Các Ðấng nầy do Ðức Chí Tôn hóa thân ra.

Mười hai từng Trời nầy chia ra hai phần:
- Bên dưới là 9 từng Trời gọi là Cửu Trùng Thiên.
- Bên trên là 3 từng Trời gồm: Hư Vô Thiên, Hội Nguơn Thiên, Hỗn Nguơn Thiên.

Thập nhị Thời Thần: 12 vị Thần cai quản 12 khoảng thời gian. Ðức Chí Tôn chia chu trình sáng tạo và tiến hóa của CKVT và vạn vật làm 12 khoảng thời gian, đặt tên theo Thập nhị Ðịa Chi (12 con giáp: Tý, Sửu, Dần, Mẹo,...). Cho nên nói: Thiên khai ư Tý, Ðịa tịch ư Sửu, Nhân sanh ư Dần. Khoảng thời gian đầu là Tý, Ðức Chí Tôn mở các cõi Trời.

Khoảng thời gian tiếp theo gọi là Sửu, Ðức Chí Tôn mở các cõi Ðất. Thời gian tiếp theo nữa gọi là Dần, Ðức Chí Tôn sanh ra vạn vật và loài người....

Thánh Tượng Con Mắt: là Thánh Tượng Thiên Nhãn, là hình vẽ con mắt tượng trưng Ông Trời để thờ.
            1 . Nhãn thị chủ Tâm,   眼是主心
            2 . Lưỡng quang chủ tể,           兩光主宰
            3 . Quang thị Thần,                  光是神
            4 . Thần thị Thiên,                    神是天
            5 . Thiên giả Ngã dã.                天者我也

GIẢI NGHĨA:
1 . Con mắt là chủ của cái Tâm. Ở đây, Thiên Nhãn là chủ của cái Thiên Tâm, Thiên Nhãn là chỉ Ông Trời, Thiên Tâm là cái Tâm của ông Trời tức là Thái Cực, Ðại Linh quang, Ðại hồn. Vậy: Ông Trời là chủ của Thái Cực.

2 . Hai ánh sáng là chúa tể. Lưỡng quang ấy là Lưỡng Nghi: Dương quang và Âm quang. Ðức Chí Tôn chưởng quản Dương quang, Ðức Phật Mẫu chưởng quản Âm quang.
Âm quang và Dương quang là chúa tể, bởi vì Lưỡng quang Âm Dương phối hợp tạo ra CKVT và hóa sanh vạn vật.
3 . Ánh sáng là Thần. (Thần là chơn thần của Ông Trời)
4 . Thần là Trời.
5 . Trời ấy là TA vậy.

Cho nên, thờ Thiên Nhãn là thờ Trời, thờ Ðức Chí Tôn.
Thần cư tại nhãn: Chơn thần hiện ra nơi con mắt. Nhìn vào đôi mắt, ta đoán biết Thần của người đó mạnh hay yếu.

Huờn nguyên hay Hoàn nguyên là trở về nguồn cội.
Phép luyện đạo trong ÐÐTKPÐ là luyện Tam Bửu (Tinh, Khí, Thần) hiệp nhứt, tức là luyện Tinh hóa Khí, luyện Khí hiệp Thần, luyện Thần huờn Hư, tạo được Chơn thần huyền diệu, đắc đạo tại thế.

6 . Ngày 13-3-1926 (âl 29-1-Bính Dần)
NGỌC HOÀNG THƯỢNG ÐẾ viết CAO ÐÀI giáo đạo Nam phương

Thầy cho các con biết trước đặng sau đừng trách rằng quyền hành Thầy không đủ mà kềm thúc trọn cả môn đệ.
Các con đủ hiểu rằng, phàm muôn việc chi cũng có thiệt và cũng có dối. Nếu không có thiệt thì làm sao biết đặng dối; còn không có dối, làm sao phân biệt cho có thiệt. Cười...

Thầy nói cho các con hiểu rằng, muốn xứng đáng làm môn đệ Thầy là khổ hạnh lắm. Hễ càng thương bao nhiêu thì Thầy lại càng hành bấy nhiêu. Như đáng làm môn đệ Thầy thì là Bạch Ngọc Kinh mới chịu rước; còn ngã thì cửa Ðịa Ngục lại mời. Thương thương, ghét ghét, ai thấu đáo vậy ôi!

Bởi vậy cho nên, Thầy chẳng vì ghét mà không lời khuyến dụ; cũng chẳng vì thương mà không sai quỉ dỗ dành.
Thầy nói trước cho các con biết mà giữ mình. Chung quanh các con, dầu xa dầu gần, Thầy đã thả một lũ hổ lang ở lộn với các con. Thầy hằng xúi chúng nó thừa dịp mà cắn xé các con, song trước Thầy đã cho các con mặc một bộ thiết giáp, chúng nó chẳng hề thấy đặng là đạo đức của các con.
Ấy vậy, rán gìn giữ bộ thiết giáp ấy hoài cho tới ngày các con hội hiệp cùng Thầy.
Nghe và ráng tuân theo.

CHÚ THÍCH:
Càng hành bấy nhiêu: Hành là làm cho cực khổ vất vả. Càng hành bấy nhiêu là ý Ðức Chí Tôn muốn con cái của Ngài chịu nhiều nỗi khó khăn vất vả để trau giồi tâm đức và lập được nhiều công quả hầu sớm trở về cùng Ðức Chí Tôn.
Thầy chẳng vì ghét mà không lời khuyến dụ, cũng chẳng vì thương mà không sai quỉ dỗ dành: Trước là Ðức Chí Tôn dạy dỗ tất cả con cái của Ngài, đứa tốt cũng như đứa xấu, đối đãi đồng đều như nhau. Sau đó, Ðức Chí Tôn mới cho Quỉ vương thử thách để xem ai đậu ai rớt. Sự thử thách nầy rất khó khăn, Quỉ vương biết ai yếu về mặt nào thì nó thử ngay mặt đó. Nó biết ai ham tiền thì đem tiền đến thử, ai ham sắc thì lấy sắc thử, ai ham danh quyền thì đưa danh quyền đến thử. Cho nên, người nào đậu mới xứng đáng làm môn đệ của Chí Tôn.
Hổ lang: Cọp và chó sói. Ở đây ý nói đám quỉ nhơn độc ác luôn luôn tìm cách phá khuấy hay hãm hại người tu.
Thiết giáp: Bộ áo mặc bên ngoài làm bằng sắt, để che không cho các thứ vũ khí xâm phạm thân thể. Ðức Chí Tôn cho biết, đạo đức của mỗi môn đệ là bộ thiết giáp vô hình bảo vệ an toàn trước đám hổ lang là bọn Tà ma quỉ mị. Chính nhờ bộ thiết giáp đạo đức nầy, nó giúp chúng ta được trở về cùng Ðức Chí Tôn.

7 .  Vĩnh Nguyên Tự, 7-4-1926 (âl 25-2-Bính Dần)
NGỌC HOÀNG THƯỢNG ÐẾ viết CAO ÐÀI TIÊN ÔNG ÐẠI BỒ TÁT MA HA TÁT giáo đạo Nam phương
Nhiên Ðăng Cổ Phật thị Ngã,
Thích Ca Mâu Ni thị Ngã,
Thái Thượng Nguơn Thỉ thị Ngã,
Kim viết Cao Ðài.
CHÚ THÍCH:
Vĩnh Nguyên Tự: Ở xã Tân An, quận Cần Giuộc, do Thái Lão Sư Lê Văn Tiểng, pháp danh Lê Ðạo Long tu theo Minh Ðường (trong Ngũ Chi Minh Ðạo) lập nên. Trước khi Ngài Lê Ðạo Long đăng Tiên, Ngài có tiên tri: " Nơi đây là Thập nhị Khai Thiên, cơ quan của ÐÐTKPÐ hoằng khai chánh giáo chơn truyền."

Ngài dạy các môn đệ phải tùng ÐÐTKPÐ. Ông Lê Văn Lịch là con ruột của Ngài, được Ðức Chí Tôn phong Ðầu Sư Ngọc Lịch Nguyệt; Thái Lão Sư Trần Văn Thụ, pháp danh Trần Ðạo Minh, là môn đệ lớn nhất của Ngài, nhập ÐÐTKPÐ, được Ðức Chí Tôn ân phong là Ngọc Chưởng Pháp.
Vĩnh Nguyên Tự trở thành một trong những Thánh Thất đầu tiên của Ðạo Cao Ðài.

Nhiên Ðăng Cổ Phật: Giáo chủ Phật giáo thời Nhứt Kỳ Phổ Ðộ.
Thích Ca Mâu Ni: Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni là Giáo chủ Phật giáo thời Nhị Kỳ Phổ Ðộ.
Thái Thượng Nguơn Thỉ: Ðức Thái Thượng Ðạo Tổ và Ðức Nguơn Thỉ Thiên Tôn là Giáo chủ Tiên giáo vào hai thời kỳ: Nhứt Kỳ và Nhị Kỳ Phổ Ðộ.
Thị Ngã: Ấy là TA. Kim viết: Nay gọi rằng.
Cao Ðài: Ðức Chí Tôn Ngọc Hoàng Thượng Ðế.

Trong tập PHỔ CÁO CHÚNG SANH, đề ngày 13-10-1926, nơi trang 4, bài Thánh Ngôn trên có thêm một câu là: "Gia Tô Giáo Chủ thị Ngã", chép ra như sau:
"Nhiên Ðăng Cổ Phật thị Ngã,
Thích Ca Mâu Ni Phật thị Ngã,
Thái Thượng Nguơn Thỉ thị Ngã,
Gia Tô Giáo Chủ thị Ngã,
Kim viết Cao Ðài Bồ Tát Ma Ha Tát."

8 .  Ngày 8-4-1926 (âl 26-2-Bính Dần)
THÍCH CA MÂU NI PHẬT
giáng cơ:
Thích Ca Mâu Ni Phật
Chuyển Phật Ðạo,
Chuyển Phật Pháp,
Chuyển Phật Tăng,
Qui nguyên Ðại Ðạo,
Tri hồ chư chúng sanh?

Khánh hỷ! Khánh hỷ! Hội đắc Tam Kỳ Phổ Ðộ, chư Thần, Thánh, Tiên, Phật, đại hỷ phát đại tiếu!

Ngã vô lự Tam đồ chi khổ.
Khả tùng giáo Ngọc Ðế viết Cao Ðài Ðại Bồ Tát Ma Ha Tát.

                        CAO ÐÀI
Lịch! Con nghe Phật Như Lai nói chưa?
Tam Kỳ Phổ Ðộ là gì? Là Phổ Ðộ lần thứ ba.
Sao gọi là Phổ Ðộ? Phổ Ðộ nghĩa là gì?
Phổ là bày ra. Ðộ là gì? Là cứu chúng sanh.
Muốn trọn hai chữ Phổ Ðộ, phải làm thế nào?
Chúng sanh là gì?

Chúng sanh là toàn cả nhơn loại chớ không phải lựa chọn một phần người, như ý phàm tục các con tính rỗi.

Muốn trọn hai chữ Phổ Ðộ, phải làm thế nào? Thầy hỏi? Phải bày Bửu pháp chớ không đặng giấu nữa. Con phải luyện lại cho thành, nội trong tháng 5 nầy về theo Trung đặng đi truyền đạo.
Nghe và tuân theo.
Phải mặc y phục như Trung mà màu hồng.

CHÚ THÍCH:
Phần đầu của bài Thánh Ngôn nầy là Ðức Phật Thích Ca giáng cơ, bằng Hán văn.
Phần tiếp theo là Ðức Chí Tôn giáng cơ dạy Ngài Lê Văn Lịch, và câu chót thì Ðức Chí Tôn định phong Ngài Lê Văn Lịch vào phẩm Ðầu Sư cùng với Ngài Lê Văn Trung, nhưng phái Ngọc, mặc áo màu đỏ.
Ngài Thượng Ðầu Sư Lê Văn Trung, Thánh danh là Thượng Trung Nhựt.

Ngài Ngọc Ðầu Sư Lê Văn Lịch, Thánh danh là Ngọc Lịch Nguyệt. (Ðầu Sư phái Thái, Ðức Chí Tôn chưa phong).

Phật, Pháp, Tăng: Ở đây là Tam Bảo của nhà Phật: Phật là Ðức Phật, Pháp là Giáo lý và Tăng là Giáo hội.
Chuyển Phật Ðạo, Chuyển Phật Pháp, Chuyển Phật Tăng, qui nguyên Ðại Ðạo là chuyển toàn cả Phật giáo trở về gốc là ÐÐTKPÐ.
Tri hồ chư chúng sanh? là Chúng sanh biết chăng?
Khánh hỷ! Nghĩa là: Vui mừng.
Hội đắc Tam Kỳ Phổ Ðộ: Gặp được ÐÐTKPÐ.
Ðại hỷ: Mừng lớn. Phát đại tiếu: Phát cười lớn.
Ngã vô lự Tam đồ chi khổ: Ta không lo cái khổ của ba đường. Ba đường nầy là ba đường luân hồi khổ sở (nằm trong Lục đạo Luân hồi), gồm: Ðịa ngục, Ngạ quỉ, Súc sanh.
Khả tùng giáo Ngọc Ðế: Khá theo lời dạy của Ðấng Ngọc Hoàng Thượng Ðế (nói tắt là Ðấng Ngọc Ðế).
Chúng sanh, theo nghĩa rộng, là toàn cả các vật hữu sanh nơi cõi trần, gồm: Kim thạch, Thảo mộc, Thú cầm và Nhơn loại. Chúng sanh có được do Ðức Phật Mẫu vận chuyển Bát hồn đầu kiếp xuống cõi trần làm chúng sanh. Trong nghĩa hẹp, chúng sanh là chỉ nhơn loại.
Bát hồn gồm: Kim thạch hồn, Thảo mộc hồn, Thú cầm hồn, Nhơn hồn, Thần hồn, Thánh hồn, Tiên hồn, Phật hồn. Trong bài Phật Mẫu Chơn Kinh có câu: "Bát hồn vận chuyển hóa thành chúng sanh."
Bửu pháp: Pháp quí báu, ở đây, bửu pháp có nghĩa là các pháp môn tu Thiền, Tịnh luyện. Các bửu pháp nầy Ngài Lê Văn Lịch học được nơi thân phụ của Ngài là Thái Lão Sư Lê Văn Tiểng truyền lại. (Thái Lão Sư Lê Văn Tiểng giáng cơ cho biết đã tu đắc quả Như Ý Ðạo Thoàn Chơn Nhơn).

9 . Ðêm 22 rạng 23-4-1926 (âl 11/ 12-3-Bính Dần)
NGỌC HOÀNG THƯỢNG ÐẾ viết CAO ÐÀI giáo đạo Nam phương

I . Ba con nghe dạy cuộc sắp Thiên phong.
Các con vui không?
Ðạo phát trễ một ngày là một ngày hại nhơn sanh. Thầy nôn nóng nhưng mà Thiên cơ chẳng nghịch đặng, nên phổ thông trắc trở.

Vậy thì ba con (Trung, Cư, Tắc) cứ sắp đặt thế nầy:
Trung nghe! Con dời bài vị của Lý Bạch để dưới tượng Thầy, con dọn dẹp trong hết, để một cái ghế kế một bên tran thờ, rồi để lên một cái ghế lớn đặng làm ngôi Giáo Tông, ba cái nữa để sắp hàng theo ở dưới đặng làm ngôi cho ba vị Ðầu Sư. Con phải bao bốn cái ghế ấy cho tinh khiết. Con đem Thiên phục Giáo Tông để nơi ghế ở trên, còn bộ Thượng Thanh thì để giữa, bộ Ngọc Thanh bên hữu, còn ghế bên tả, con phải viết một miếng giấy để chữ "Thái" cho lớn mà dán lên chỗ dựa.

Ngay chỗ bàn ngự của Thầy, phải để một cái ghế trước ngôi ba vị Ðầu Sư, vọng một bài vị, biểu Lịch viết như vầy:
"CỬU THIÊN CẢM ỨNG LÔI THINH PHỔ HÓA THIÊN TÔN", lại vẽ thêm một lá bùa "KIM QUANG TIÊN" để thòng ngay giữa, ai ai ngó vào cũng đều thấy đặng.

Bàn Thầy giáng cơ thì để trước bàn vọng Ngũ Lôi, khi giáng cơ rồi thì dời đi cho trống chỗ, đặng nhị Ðầu Sư quì mà thề.
Con lại để thêm một cái bàn giữa bên cửa sổ, đằng trước ngó vô.

II. Cư! Nghe dặn. Con biểu Tắc tắm rửa sạch sẽ (xông hương cho nó), biểu nó lựa một bộ quần áo tây cho sạch sẽ, ăn mặc như thường, đội nón. Cười . . .

Ðáng lẽ nó phải sắm khôi giáp như hát bội, mà mắc nó nghèo, Thầy không biểu. Bắt nó lên đứng trên, ngó mặt ngay vô ngôi Giáo Tông, lấy chín tấc vải điều đắp mặt nó lại.

Lịch! Con viết một lá phù "GIÁNG MA XỬ" đưa nó cầm.
Các con phải thanh tịnh, kể từ ngày nay diệt tận phàm tâm, chớ nhơ một điểm thì ngày ấy thề mới đặng.

Cư! Khi đem ba bộ Thiên phục đến vọng trên ba cái ngai thì con phải chấp bút bằng nhang như mọi lần, đặng Thầy trấn Thần trong ba bộ Thiên phục và ba ngai ấy, rồi mới kêu hai vị Ðầu Sư đến quì trước bửu ngai của nó, đặng Thầy vẽ phù vào mình.

Khi hai vị Ðầu Sư vái rồi, phải đến trước Bửu điện Thầy mà làm lễ (12 lạy) và trước ngôi Giáo Tông (9 lạy), rồi biểu Giảng xướng lên: "Phục vị", thì hai người leo lên ngồi.

Cả thảy môn đệ phân làm ba ban, đều quì xuống.
Biểu Tắc leo lên bàn, con chấp bút bằng nhang, đến bàn Ngũ Lôi đặng Thầy triệu nó đến, rồi mới tới trước mặt Tắc đặng Thầy trục xuất Chơn thần của nó ra, nhớ biểu Hậu, Ðức, xông hương tay của chúng nó, như em có giựt mình té thì đỡ.

Rồi biểu hai vị Ðầu Sư xuống ngai, đến quì trước mặt Ngũ Lôi, hai tay chấp trên đầu, quì ngay bùa Kim Quang Tiên mà thề như vầy:
"Tôi là Lê Văn Trung tự Thiên ân là Thượng Trung Nhựt, và Lê Văn Lịch tự Thiên ân là Ngọc Lịch Nguyệt, Thề Hoàng Thiên Hậu Thổ trước bửu pháp Ngũ Lôi rằng làm trọn Thiên đạo mà dìu dắt cả mấy em chúng tôi đều là môn đệ của Cao Ðài Ngọc Ðế, nhứt nhứt do lịnh Thầy phân định, chẳng dám chuyên quyền mà lập thành tả đạo, như ngày sau hữu tội thì thề có Ngũ Lôi tru diệt."

Ðến bàn Vi Hộ Pháp cũng quì xuống, vái y vậy, điều câu sau thì như vầy:
"như ngày sau phạm Thiên điều, thề có Hộ Pháp đọa tam đồ bất năng thoát tục."
Rồi mới biểu Giảng xướng lại nữa: "Phục vị", thì nhị Ðầu Sư trở lại ngồi trên ngai. Chư môn đệ đều đến lạy mỗi người hai lạy.

Tới phiên các môn đệ, từ người đến bàn Ngũ Lôi mà thề rằng:
"Tên gì? . . . Họ gì? . . . Thề rằng: Từ đây biết một Ðạo Cao Ðài Ngọc Ðế, chẳng đổi dạ đổi lòng, hiệp đồng chư môn đệ, gìn luật lệ Cao Ðài, như sau có lòng hai thì Thiên tru Ðịa lục."
Tới trước bàn Hộ Pháp cũng thề như vậy, rồi mới đến lạy nhị Ðầu Sư.

            CHÚ THÍCH:
            Những vị có tên trong bài Thánh Ngôn nầy là:
            Trung:  Lê Văn Trung.             Cư:      Cao Quỳnh Cư.
            Tắc:     Phạm Công Tắc.                      Lịch:     Lê Văn Lịch.
            Hậu:     Nguyễn Trung Hậu.                 Ðức:    Trương Hữu Ðức.
            Giảng:  Lê Văn Giảng, giữ nhiệm vụ Xướng Lễ, có tên trong mười hai vị môn đệ đầu tiên của Ðức Chí Tôn, sau đắc phong Thượng Giáo Hữu.

Bài Thánh Ngôn trên được chia làm hai phần: I và II.
Phần I có trong ÐS.I.108 và Phần II có trong ÐS.I.112.
* Phần I: Ðức Chí Tôn giáng cơ tại nhà Ngài Cao Quỳnh Cư, vào đêm 22 rạng 23-4-1926, Phò loan: Cư - Tắc, hầu đàn có mặt hai Ngài Trung và Lịch. Ðức Chí Tôn dạy hai Ngài Trung và Lịch sắp đặt cuộc Thiên phong nơi nhà Ngài Trung ở đường "Quai Testard", Chợ Lớn.

* Phần II: Ðức Chí Tôn giáng cơ tại nhà Ngài Trung và thực hiện cuộc Thiên phong tại đây, vào ngày Chúa nhựt 25-4-1926 (âl 14-3-Bính Dần), Phò loan: Cư - Tắc.

Trong ngày nầy, Ðức Chí Tôn trục xuất Chơn thần của Ngài Phạm Công Tắc để Chơn thần của Vi Hộ Pháp nơi cõi thiêng liêng nhập vào, mượn xác Phạm Công Tắc chứng thệ cho nhị vị Ðầu Sư, và các môn đệ của Ðức Chí Tôn.

Xong rồi, Ðức Chí Tôn lập Minh Thệ cho hai vị Ðầu Sư: Thượng Trung Nhựt và Ngọc Lịch Nguyệt.
Sau cùng Ðức Chí Tôn lập Minh Thệ cho các môn đệ.

Ðức Chí Tôn nói: "Bộ Ngọc Thanh bên hữu, còn ghế bên tả để chữ Thái." Nếu tả hữu nầy là bên hữu và bên tả của Ðức Chí Tôn thì vị trí 3 ngai Ðầu Sư đối với Thiên Bàn như sau:
Thiên Nhãn
(Hữu)              Ngai Giáo Tông                      (Tả)
Ngai                            Ngai                                 Ngai
                             Ngọc Ðầu Sư            Thượng Ðầu Sư                    Thái Ðầu Sư

Cửu Thiên Cảm Ứng Lôi Thinh Phổ Hóa Thiên Tôn: Ðây là phẩm tước của vị đứng đầu Bộ Lôi Công hay Lôi Bộ (Ngũ Lôi), là Thái Sư Văn Trọng vào thời Phong Thần.
Bùa Kim Quang Tiên: là lá bùa trấn không cho Tà quái (Kim Quang Sứ và đệ tử) xâm nhập phá khuấy.
Giáng Ma Xử: Cái chày để hàng phục quỉ ma. Ðây là bửu pháp của Vi Hộ thời Phong Thần. Sau Vi Hộ trở về núi tu luyện đắc quả Phật Hộ Pháp, nên gọi là Vi Hộ Pháp. Bửu pháp nầy được Ðức Hộ Pháp đem trấn nơi CLTG cõi thiêng liêng.
Phục vị: Trở lại ngôi vị của mình, tức là trở lại ngồi trên ngai của mình.
Ba ban: Ban giữa, Ban tả, Ban hữu.

- Lời Minh thệ của nhị vị Ðầu Sư:
Từ chữ Thề Hoàng Thiên . . . . . . . đến chữ tru diệt, tổng cộng là 60 chữ, một bội số của 12: 60 = 12 x 5.
- Lời Minh thệ của chư Môn đệ:
Từ chữ Thề rằng từ đây. . . . . . . . . . đến chữ Ðịa lục, tổng cộng là 36 chữ, một bội số của 12: 36 = 12 x 3.

Hoàng Thiên: Vua Trời. Hậu Thổ: Vua Ðất, tức là vị Thần cai quản các Thổ Thần trong một nước. Hậu là vua.
Bửu pháp Ngũ Lôi: Những bửu bối của các Thần trong Lôi Bộ, như Búa Thần, Roi Thần.
Tả đạo: Ðạo bất chánh, trái lẽ, đối nghịch Chánh đạo.
Ðọa Tam đồ bất năng thoát tục: Ðọa đày ba vòng luân hồi không thể thoát khỏi cõi trần, tức là bị luân hồi từ phẩm kim thạch cho đến phẩm nhơn loại, rồi trở lại kim thạch, luân hồi ba vòng như vậy thì mới xong hình phạt.
Thiên tru địa lục: Trời giết, Ðất giết, tức là phải bị giết chết, không thể chạy trốn đâu cho khỏi.

10 .  Ngày 24-4-1926 (âl 13-3-Bính Dần)
NGỌC HOÀNG THƯỢNG ÐẾ viết CAO ÐÀI TIÊN ÔNG ÐẠI BỒ TÁT MA HA TÁT giáo đạo Nam phương

Vốn từ trước Thầy lập Ngũ Chi Ðại Ðạo là:
Nhơn đạo,
Thần đạo,
Thánh đạo,
Tiên đạo,
Phật đạo.

Tùy theo phong hóa của nhơn loại mà gầy Chánh giáo, là vì khi trước Càn vô đắc khán, Khôn vô đắc duyệt, thì nhơn loại duy có hành đạo nội tư phương mình mà thôi.

Còn nay thì nhơn loại đã hiệp đồng, Càn Khôn dĩ tận thức, thì lại bị phần nhiều đạo ấy mà nhơn loại nghịch lẫn nhau, nên Thầy mới nhứt định qui nguyên phục nhứt.

Lại nữa, trước Thầy lại giao Chánh giáo cho tay phàm, càng ngày lại càng xa Thánh giáo mà làm ra Phàm giáo.
Thầy lấy làm đau đớn hằng thấy gần trót mười ngàn năm, nhơn loại phải sa vào nơi tội lỗi, mạt kiếp chốn A Tỳ.

Thầy nhứt định đến chính mình Thầy độ rỗi các con, chẳng chịu giao Chánh giáo cho tay phàm nữa. Nhưng mà buộc phải lập Chánh thể, có lớn nhỏ đặng dễ thế cho các con dìu dắt lẫn nhau, anh trước em sau mà đến nơi Bồng đảo.

Vì vậy, Thầy mới lập ra có một phẩm Giáo Tông, nghĩa là anh cả, ba phẩm Ðầu Sư, nghĩa là giáo hữu. Chẳng một ai dưới thế nầy còn đặng phép nói rằng thế quyền cho Thầy mà trị phần hồn của nhơn loại. Còn cả môn đệ, ai cũng như ai, không đặng gây phe lập đảng, nhược kẻ nào phạm tội thì Thầy trục xuất ra ngoài cho khỏi điều rối loạn.

CHÚ THÍCH:
Bài Thánh Ngôn nầy do Hộ Pháp và Thượng Phẩm phò loan.
Phong hóa: Nói chung những phong tục tập quán có từ lâu đời của một dân tộc làm cho đời sống xã hội trật tự tốt đẹp.
Càn vô đắc khán: Không thấy hết được Trời.
Khôn vô đắc duyệt: Không xem hết được Ðất.
Tư phương: Ðịa phương riêng, vùng đất riêng.
Càn Khôn dĩ tận thức: Ðã biết rõ Trời Ðất.
Qui nguyên: Trở về nguồn cội. Phục nhứt: Trở lại thành một. A Tỳ: Chỉ cõi Ðịa ngục.
Mạt kiếp: Thời kỳ cuối cùng của kiếp sống nhơn loại.
Chánh thể: Hình thức tổ chức các cơ quan điều hành việc đạo. Bồng đảo: Ðảo Bồng Lai, chỉ cõi Tiên.

11 .  Ðêm 25 rạng 26-4-1926 (âl 14/15-3-Bính Dần)
NGỌC HOÀNG THƯỢNG ÐẾ viết CAO ÐÀI TIÊN ÔNG ÐẠI BỒ TÁT MA HA TÁT giáo đạo Nam phương.
Kim triêu dĩ đáo Thiên Trung Quang,
Ám hiểu thế tình tánh đức nan.
Chỉ đãi thời lai quang minh tụ,
Tả ban thiểu đức, hữu ban mang.

Ðức, Hậu, phong vi Tiên Ðạo Phò Cơ Ðạo Sĩ.
Cư, phong vi Tá Cơ Tiên Hạc Ðạo Sĩ.
Tắc, phong vi Hộ Giá Tiên Ðồng Tá Cơ Ðạo Sĩ.
Trung, Lịch, đã thọ sắc, cứ tước vị mà theo sắc mạng Ta.
Kỳ, phong vi Tiên Sắc Lang Quân Nhậm Thuyết Ðạo Giáo Sư.
Bản, phong vi Tiên Ðạo Công Thần Thuyết Ðạo Sư.
Cư, tuân theo lời Thầy truyền mà thi hành.
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .

            CHÚ THÍCH:
            Bài Thánh Ngôn nầy có trong ÐS.I.114.
            Bài thi tứ tuyệt viết ra chữ Hán sau đây:
            Kim triêu dĩ đáo Thiên Trung Quang,   今朝已到天中光
            Ám hiểu thế tình tánh đức nan.             暗曉世情性德難
            Chỉ đãi thời lai quang minh tụ,               只待時來光明聚
            Tả ban thiểu đức, hữu ban mang.                     左班少德右班芒

GIẢI NGHĨA:
Sáng nay Ta đến từ cõi Thiên Trung Quang,
Ngầm hiểu tình đời và tánh đức thì rất khó.
Chỉ đợi cái thời tới thì nhiều người sáng suốt tài giỏi tụ về.
Ban tả thì thiếu đức, ban hữu thì mờ tối.

Nếu ban tả và ban hữu nầy ở hai bên tả và hữu của Ðức Chí Tôn thì đó là hai phái: phái Thái và phái Ngọc, (phái Thượng thì ở chính giữa). Hai phái nầy, một phái thì thiếu đức, một phái thì còn ám muội mờ hồ.

Phong vi: Phong chức làm.
Thọ sắc: Nhận lãnh mệnh lệnh của Ðức Chí Tôn.
Tước vị: Phẩm tước và ngôi vị.
Sắc mạng: Mệnh lệnh của Ðức Chí Tôn.
Ta: Tiếng tự xưng của Ðức Chí Tôn.

12 .  Trường Sanh Tự (Cần Giuộc)
Chúa nhựt, 30-5-1926 (âl 19-4-Bính Dần)
NGỌC HOÀNG THƯỢNG ÐẾ viết CAO ÐÀI TIÊN ÔNG ÐẠI BỒ TÁT MA HA TÁT  giáo đạo Nam phương

Thầy chẳng hiểu thế nào chư môn đệ ám muội dường ấy?
"Chiêu kỳ trung độ dẫn hoài sanh" nghĩa là gì? Dầu cho trẻ con trong bụng cũng phải độ, sao các con lại đuổi thiện nam tín nữ?
Hứa nhập - Khai môn.
Chư chúng sanh nghe:
Từ trước, Ta giáng sanh lập Phật giáo gần sáu ngàn năm thì Phật đạo chánh truyền gần thay đổi. Ta hằng nghe chúng sanh nói "Phật giả vô ngôn"! Nay nhứt định lấy huyền diệu mà giáo đạo, chớ không giáng sanh nữa, đặng chuyển Phật giáo lại cho hoàn toàn.

Dường nầy, từ đây chư chúng sanh chẳng tu bị đọa A Tỳ thì hết lời nói rằng: "Phật tông vô giáo" mà chối tội nữa.
Ta nói cho chúng sanh biết rằng: Gặp Tam Kỳ Phổ Ðộ nầy mà không tu thì không còn trông mong siêu rỗi.
Tại đây là một nơi Ta khởi chế sự "Tế lễ thờ phượng" lại.

Bổn hội nghe:
Giữa chùa, gần 2 tran thờ Quan Âm Bồ Tát và Quan Thánh Ðế Quân, phải lập ra một điện để Thánh Tượng Ta ở giữa. Bên mặt Ta để tượng Quan Âm, bên trái thì tượng Quan Ðế, còn chư Tiên, chư Thánh, chư Phật, để hàng dưới.
Xưng hiệu chùa là "Ngọc Hoàng Tự".

CHÚ THÍCH:
Hứa nhập: Cho vào. Hứa là thuận cho, nhập là vào.
Hứa nhập Khai môn: Mở cửa ra, cho vào.
Chánh truyền: Giáo lý được truyền lại một cách đúng đắn và chơn thật.
Phật giả vô ngôn: Phật không có nói.
Phật tông vô giáo: Ðạo Phật không có dạy.
Siêu rỗi: Cứu vớt linh hồn cho siêu thăng.
Khởi chế: Bắt đầu tạo ra.
Bổn hội: Những người ở trong hội của chùa nầy.

Lưu ý: Phần chót của bài Thánh Ngôn nầy, từ chữ " Tại đây là một nơi . . . . cho đến chùa là Ngọc Hoàng Tự " không có in trong các bản TNHT năm 1931, 1950, 1957.

13 .  Thứ hai, 31-5-1926 (âl 20-4-Bính Dần)
NGỌC HOÀNG THƯỢNG ÐẾ viết CAO ÐÀI TIÊN ÔNG ÐẠI BỒ TÁT MA HA TÁT giáo đạo Nam phương

Trung! Con phải lên nhà G. . . bây giờ mà xem sóc, sắp đặt sự thờ phượng theo bây giờ cho tới ngày tác thành Tân Luật.

G. . .! Thầy khen con đó.
Thánh tâm dầu phải chịu khổn trần đi nữa thì chất nó cũng vẫn còn. Các con khác hơn kẻ phàm là duy tại bấy nhiêu đó mà thôi.

Kẻ phàm dầu ly hương thuở ấu xuân đi nữa, lòng hằng hoài vọng. Chí Thánh dầu bị đọa trần, lòng hỡi còn nhớ hoài nơi Tiên cảnh. Nếu chẳng vậy, ai còn dám ưng thuận hạ thế cứu đời?

Con chỉ có tu mà đắc đạo. Phải ngó đến hằng ức thiên vạn kẻ nhơn sanh chưa đặng khỏi luân hồi, để lòng từ bi độ rỗi, kẻo tội nghiệp.

CHÚ THÍCH:
Trung: Ðức Quyền Giáo Tông Lê Văn Trung.
G: (?)
Khổn trần: Bị khốn đốn nơi cõi trần.
Chí Thánh: Bực Thánh cao hơn hết, đó là bực Thiên Thánh.
Hạ thế: Giáng sanh xuống trần. 
Ức = 100 000. Thiên = 1 000. Vạn = 10 000.

14.  Hội Phước Tự (Cần Giuộc)
Thứ bảy, 5-6-1926 (âl 25-4-Bính Dần)

NGỌC HOÀNG THƯỢNG ÐẾ viết CAO ÐÀI TIÊN ÔNG ÐẠI BỒ TÁT MA HA TÁT giáo đạo Nam phương
Cư, đọc Thánh Ngôn.
Tắc, tụng Nhơn Quả.

Thích Ca Như Lai thị Ngã, dục cứu chúng sanh, tá danh Cao Ðài Ðại Bồ Tát. Nhữ tri hồ?
Hữu Ngã đồ Thái Ðầu Sư tại thử, nhĩ vô thức luyện đạo, Ngã phái Ngọc Ðầu Sư chỉ giáo thọ bửu pháp.
Tam thập tứ vị chúng sơn bất tri chơn lý luyện thành.
Ngã vi Chủ khảo giáo hóa. Khả tuân Ngã mạng.
Nhữ đẳng tu thọ pháp, tu thọ pháp. Khâm tai!

THÍCH CA NHƯ LAI kim viết
CAO ÐÀI TIÊN ÔNG ÐẠI BỒ TÁT
Chư sơn nghe dạy:
Vốn từ Lục Tổ thì Phật giáo đã bị bế lại, cho nên tu hữu công mà thành thì bất thành. Chánh pháp bị nơi Thần Tú làm cho ra mất Chánh giáo, lập riêng pháp luật buộc mối đạo Thiền.

Ta vì luật lịnh Thiên mạng đã ra cho nên cam để vậy, làm cho Phật tông thất chánh có trên ba ngàn năm nay. Vì Tam Kỳ Phổ Ðộ, Thiên Ðịa hoằng khai, nơi Tây Phương Cực Lạc và Ngọc Hư Cung mật chiếu đã truyền siêu rỗi chúng sanh.

Trong Phật Tông Nguyên Lý đã cho hiểu trước đến buổi hôm nay rồi, tại tăng đồ không kiếm chơn lý mà hiểu.

Lắm kẻ đã chịu khổ hạnh hành đạo. Ôi! Thương thay! Công có công mà thưởng chưa hề có thưởng, vì vậy mà Ta rất đau lòng.

Ta đến chẳng phải cứu một mình chư tăng mà thôi, vì trong thế hiếm bậc Thần, Thánh, Tiên, Phật phải đọa hồng trần, Ta đương lo cứu vớt.

Chư tăng, chư chúng sanh hữu căn hữu kiếp, đặng gặp kỳ Phổ Ðộ nầy là lần chót, phải rán sức tu hành, đừng mơ mộng hoài trông giả luật.

Chư sơn đắc đạo cùng chăng là do nơi mình hành đạo. Phép hành đạo Phật giáo dường như ra sái hết, tương tợ như gần biến Tả Ðạo Bàng Môn. Kỳ truyền đã thất, chư sơn chưa hề biết cái sai ấy do tại nơi nào, cứ ôm theo luật Thần Tú, thì đương mong mỏi về Tây phương mà cửa Tây phương vẫn cứ bị đóng, thì cơ thành Chánh quả do nơi nào mà biết chắc vậy.

Ta đã đến với huyền diệu nầy thì từ đây, Ta cũng cho chư tăng dùng huyền diệu nầy mà học hỏi, ngày sau đừng đổ tội rằng vì thất học mà chịu thất kỳ truyền. Chư tăng từ đây chẳng đặng nói Phật giả vô ngôn nữa.

CHÚ THÍCH:
Hội Phước Tự: Một ngôi chùa ở Cần Giuộc mà vị sư trụ trì là Yết Ma Luật (Nguyễn văn Luật). Tháng 4 năm Bính Dần (1926), Hội Phước Tự tổ chức trường hương, Hòa Thượng Thích Thiện Minh làm Thiền chủ. Chư vị lập đàn cầu cơ, tiếp được bài Thánh Ngôn nầy. Hòa Thượng Thiện Minh được Ðức Chí Tôn phong làm Ðầu Sư phái Thái, Thánh danh Thái Minh Tinh. Sau, Yết Ma Luật được Ðức Chí Tôn phong Giáo Sư phái Thái là Thái Luật Thanh. (Tài liệu của Huệ Nhẫn)
Cư: Ðức Thượng Phẩm Cao Quỳnh Cư.
Tắc: Ðức Hộ Pháp Phạm Công Tắc.
Tắc tụng Nhơn Quả: Ðức Chí Tôn bảo Ngài Phạm Công Tắc tụng Kinh Nhơn Quả. Kinh Nhơn Quả là Kinh Sám Hối, thỉnh bên Minh Lý (Tam Tông Miếu).
Chúng sơn: Các tu sĩ Phật giáo, đồng nghĩa chư tăng.
Chủ khảo: Người chủ trì việc thi tuyển học viên.

Diễn nôm đoạn Thánh Ngôn chữ Hán:
Thích Ca Như Lai là Ta, muốn cứu chúng sanh, mượn tên là Cao Ðài Ðại Bồ Tát. Ngươi biết chăng?
Có môn đệ của Ta là Thái Ðầu Sư (Thái Minh Tinh) tại đây, nó không biết luyện đạo, Ta phái Ngọc Ðầu Sư (Ngọc Lịch Nguyệt) chỉ vẽ cho để nhận lãnh bửu pháp.

Ba mươi bốn vị tăng không biết chơn lý luyện thành.
Ta làm Chủ khảo giáo hóa. Khá tuân lệnh Ta.
Các ngươi nên thọ pháp, nên thọ pháp. Kính vậy thay!

Ðạo bị bế lại: Chánh pháp tu đắc đạo bị đóng lại, làm người tu không thể thành Chánh quả được; giống như trường thi đóng cửa, không tổ chức thi tuyển thì đâu có ai thi đậu.

Huệ Năng - Thần Tú: Hai vị nầy đều là học trò của Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn của Phật giáo Trung Hoa. Thần Tú học với Hoằng Nhẫn nhiều năm nhưng chưa tỏ ngộ được Chơn tánh. Huệ năng mới học với Ngũ Tổ có 8 tháng nhưng lại ngộ đạo, thấy được Chơn tánh, đạt được trí huệ. Do đó, Ngũ Tổ truyền Y Bát cho Huệ Năng làm Lục Tổ Phật giáo, dạy xuống miền Nam hoằng pháp, truyền bá phép tu Ðốn ngộ.

Sư Thần Tú có phần buồn nên đi lên phía Bắc hành đạo, truyền bá phép tu Tiệm ngộ. Lúc bấy giờ, Phật giáo Trung hoa chia ra: Nam Tông của Lục Tổ Huệ Năng và Bắc Tông của Ðại sư Thần Tú. Nhưng Nam Tông mới là chánh truyền vì Lục Tổ Huệ Năng có Y Bát.

Mật chiếu: Mệnh lệnh bí mật của Ðức Chí Tôn.
Phật Tông Nguyên Lý: là quyển Kinh Phật viết vào thời Nhị Kỳ Phổ Ðộ, trong đó có nêu 6 chữ Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ, và viết rằng: Sau Ðức Thích Ca, sẽ có một Ðức Phật rất lớn giáng trần mở đạo." Ðó là Ðức Chí Tôn mở Ðạo Cao Ðài ngày nay đó vậy. (theo Huệ Lương)
Hiếm: Có 2 nghĩa tùy theo trường hợp: Ít có - Nhiều. Trong bài Thánh Ngôn nầy, Hiếm là nhiều (từ ngữ xưa) (theo Ðại Nam Quốc Âm Tự Vị của Huỳnh Tịnh Của).
Giả luật: Ý nói luật tu không đưa đến sự đắc đạo. Trái với Giả luật là Chơn luật. Giả là không thật. Chơn là thật.
Tả Ðạo: Ðạo không đúng đắn. Tả là sai trái.
Bàng Môn: Cửa bên hông chớ không phải cửa chánh. Ý nói không phải Ðạo Chánh.
Tả đạo Bàng môn: Chỉ các tôn giáo không chơn chánh, đưa người tu đến chỗ lầm lạc, không thành Chánh quả, không giải thoát khỏi luân hồi.
Kỳ truyền đã thất: Cái Chơn truyền ấy đã mất. Chơn truyền là giáo lý chơn thật đúng đắn được Ðấng Giáo chủ truyền lại cho các môn đồ.

15 .  Thứ ba, 8-6-1926 (âl 28-4-Bính Dần)
NGỌC HOÀNG THƯỢNG ÐẾ viết CAO ÐÀI TIÊN ÔNG ÐẠI BỒ TÁT MA HA TÁT giáo đạo Nam phương.
CAO ÐÀI
(Hai người Lang sa hầu đàn)
Ce n'est pas ainsi qu'on se présente devant Dieu. THĂNG.

Tái cầu:
CAO ÐÀI, LE TRÈS-HAUT
Oh! Race bénite, Je vais satisfaire ta curiosité. Humains, savez-vous d'où vous veniez?
Parmi toutes les créatures existant sur ce globe terrestre, vous êtes les plus bénis; Je vous élève jusqu'à Moi en esprit et en sagesse. Vous avez toutes preuves pour vous reconnaitre par promotion céleste.

Le Christ est venu parmi vous. Il versait son Saint sang pour la Rédemption.
Quel profit avez-vous pendant presque deux mille ans de son absence? Vous préchez son Évangile sans même le comprendre. Vous dénaturez la signification de sa Sainte Doctrine. L'humanité souffre des vicissitudes de tous ses Apôtres. Ils n'ont pas su suivre le même chemin du calvaire de leur Maitre.
Le trône le plus précieux du monde est celui du premier de ses disciples.
Cette doctrine, au lieu d'apporter à l'humanité la paix et la concorde, lui apporte la dissension et la guerre.
Voilà, pourquoi Je viens vous apporter moi-même la paix tant promise.
Le Christ ne revient qu'ensuite.
Au revoir. . . Vous apprendriez encore beaucoup de choses auprès de mes disciples.

Bài dịch Việt văn của Hội Thánh:
NGỌC HOÀNG THƯỢNG ÐẾ viết CAO ÐÀI TIÊN ÔNG ÐẠI BỒ TÁT MA HA TÁT giáo đạo Nam phương

CAO ÐÀI
(Hai người Lang sa hầu đàn)
Không phải cách chầu Trời như thế. THĂNG.

Tái cầu:
CAO ÐÀI, ÐẤNG CAO CẢ
Hỡi nầy dân tộc có diễm phước, Thầy sẽ làm thỏa mãn tánh hiếu kỳ của con. Là loài người, các con có biết tự đâu các con đến chăng?

Trong vạn vật hiện hữu trên quả địa cầu nầy, các con là kẻ được ban ân huệ nhiều hơn cả; Thầy đem các con đến tận Thầy bằng cả tinh thần lẫn trí huệ. Các con có đủ bằng chứng để tự biết mình do sự thăng phẩm vị thiêng liêng.
Chúa Cứu Thế đã đến với các con. Người đã phải chịu đổ máu Thánh để chuộc tội cho loài người.
Trong 2000 năm vắng mặt Người, các con đã làm gì hữu ích? Các con truyền bá đạo Người, nhưng chính các con cũng không hiểu chi cả. Các con lại làm sai lạc bản chất, tôn chỉ của nền Thánh giáo. Nhân loại phải chịu đau khổ vì sự biến thể của các Thánh Tông đồ.

Chiếc ngai quí báu nhứt trên thế gian nầy hiện là chiếc ngai của vị đệ nhứt cao đồ của Người.

Giáo lý ấy đáng lẽ phải đem lại hòa bình và tương ái cho loài người, nhưng trái lại nó gây mầm chia rẽ và chiến tranh.
Bởi thế nên nay chính Thầy phải đến để đem lại cho các con nền hòa bình đã từng hứa hẹn.
Rồi đây, Chúa Cứu Thế sẽ trở xuống sau.
Thầy giã từ các con. . . Các con sẽ còn học hỏi nhiều việc khác nữa với mấy vị môn đồ của Thầy.

CHÚ THÍCH:
Chúa Cứu Thế: Ðức Jésus Christ, Gia Tô Giáo chủ.
12 Thánh Tông đồ của Ðức Chúa Jésus là: 1) Thánh Pierre [Phêrô]. 2) Anrê [em của Phêrô]). 3) Yacôbê [con của Zêbêđê]. 4) Yoan [em của Yacôbê]. 5) Philip. 6) Barthôlômêô. 7) Thôma. 8) Mathêô. 9) Yacôbê [con của Alphê]. 10) Thađê. 11) Simôn nhiệt thành. 12) Yuđa Iscariôt.

Yuđa phản Chúa nên bị chết thảm. 11 Tông đồ còn lại cử Ông Matthya vào thay Yuđa cho đủ số 12 như buổi đầu.

16 .  Ngày 27-6-1926 (âl 18-5-Bính Dần)
NGỌC HOÀNG THƯỢNG ÐẾ viết CAO ÐÀI giáo đạo Nam phương

Nhơn, con phải khởi sự kể từ ngày nay cho tới bữa Ngọc Ðàn Vĩnh Nguyên Tự, tập nhạc đủ lại hết. Như nhập lễ thì đừng đánh trống Bát Nhã, mà đánh Ngọc Hoàng Sấm, nghĩa là mỗi hồi 12 tiếng, đổ xuống đủ 12 hồi, 3 lần như vậy.

Bạch Ngọc Chung cũng dộng ấy.
Khi nhập lễ, xướng "Khởi Nhạc" thì phải đánh trống và đờn bảy bài cho đủ.
Chừng hiến lễ, phải đờn Nam Xuân ba bài, vì lễ sanh phải hiến lễ bảy lái, đi chữ Tâm. Tới khi thài, thì đờn Ðảo Ngũ Cung, rồi con lại bắt đầu đờn lại, cho môn đệ tụng kinh.

Lịch, Tân Luật con lập có Thầy giáng đủ lễ hết. Vậy con truyền cho chư môn đệ đặng chúng nó y theo mà hành lễ.
Nghĩa, con phải học xướng cho thuộc làu.
Biểu Ðức cũng vậy. Ba con phải nhớ lời Thầy dặn cho kỹ nghe!
Mấy đứa con là: Nghĩa, Hậu, Ðức, Tràng, Cư, Tắc, Sang, đều mặc đồ trắng, hầu theo thứ lớp như vầy:
Nghĩa, Ðức, đứng xướng ngoài, là tại bàn thờ Hộ Pháp; rồi Hậu, Tràng, đứng cặp kế đó; kế ba con sau rốt hết: Tắc giữa, Cư mặt, Sang trái.

Còn ba bàn thờ trong thì biểu Lịch lập như vầy:
Giữa: Thượng Ðàn,
Hữu: Ngọc Ðàn,
Tả: Thái Ðàn.

Còn Thánh vị của chư môn đệ đã dĩ vãng thì tùy theo phái nó mà sắp kế theo bàn thờ Thầy.
Kỳ, Kim, hầu xướng nội, là bàn thờ trong, biểu chúng nó đứng như vầy: Kỳ bên mặt, Kim bên trái.
Còn Bản, Giỏi, một cặp lễ sanh đầu, đi giữa với một cặp nữa là Tỷ với Tiếp.
Tả thì Nhơn với Tương, hữu thì Giảng với Kinh.
Lập ngoài cho đủ ba bàn vọng, đều để chư lễ sanh hầu.

Chừng nào nội xướng thì để cho lễ sanh điện lễ, cúng vật thì để sẵn ngoài ba bàn, chừng lễ sanh xướng thì đem vô cho mấy vị Chức sắc hiến lễ.

Trung, con phải cậy hai vị Lão thành Minh Ðường hầu trong đặng tiếp lễ Thượng Ðàn, Ngọc Ðàn thì Kinh và Chương, còn Thái Ðàn ngày ấy Thầy lựa.
Cười . . .
Minh, Thầy sẽ dạy nó đến.
Cười . . .
Ba bàn ngoài thì mỗi bàn phải có hai viên Chức sắc hiến lễ.
Tương và Tươi tại giữa Thượng Ðàn.
Muồi và Vân bên Ngọc Ðàn.
Còn Thái Ðàn ngày ấy Thầy định.

Cười . . .
Bản, đứng dậy. Thầy vẽ đi chữ Tâm là sao, rồi Thầy mới dạy tiếp đặng.

[Phết trước mấy dấu ngón chơn mặt, giơ lên, phết qua một cái đặng làm cái chấm . . . Ðứng hai chơn cho ngang nhau. Con phết đi, đứng thụt lại.]
Cư, con đi cho nó coi.
Các con coi Thầy đi đây nè!
Hiểu lấy nước con.
Con đi thế nào thành hai chữ Tâm lộn ngược như vậy.
Cư đi trúng, đi lại nữa con.

Cư, giỏi con, phải vậy, như con muốn cho ra bộ lịch sự thì khi chấm gót, con nhún bộ xuống một chút.
Cười . . .
Giỏi, Bản, . . . Thầy tiếp.

Ðọc lại Nghĩa.
Như ngoại xướng: "Ðiện Trà", "Quì", Chức sắc đồng quì dưng Trà lên khỏi đầu.
Một cặp lễ sanh đầu, ở giữa hầu, đặng cầm song đăng bước lên. Khi xướng "Quì" thì cũng phết chơn trái, đá chơn mặt, quì xuống cho đều với ba cặp lễ sanh kia, chừng trống nhạc đổ thì lần lần đứng dậy cho đều, day mặt vào Bửu điện.

. . . Phải vậy con. . . Hễ đứng dậy rồi, xây mặt vào Chánh điện, để song đăng và cúng vật xuống ngay ngực, chừng trống đổ lần thứ nhì, cung lên. Nhạc lại khởi thì xem nhịp mà đi bảy lái, chừng ấy Thầy dặn Nhơn nó nhịp lại cho các con đi. Cười . . .

Con Trung, con phải giữ y như Tân Luật mà hành lễ.

CHÚ THÍCH:
Bài Thánh Ngôn nầy, Ðức Chí Tôn dạy cách sắp đặt nghi thức cúng Ðại Ðàn, đặc biệt, Ðức Chí Tôn nhập vào Ngài Cao Quỳnh Cư để dạy cách hiến lễ đi theo hình chữ Tâm . () Ðây là cách hiến lễ đặc biệt của Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ.

Nhơn: Giáo Sư Thượng Nhơn Thanh (Nguyễn Văn Nhơn).
Ngọc Hoàng Sấm: Ý nói trống Lôi Âm (Lôi Âm Cổ).
Bạch Ngọc Chung: Chuông Bạch Ngọc.

Ðờn bảy bài: Ðại Ðàn cúng Vía Ðức Chí Tôn và ba rằm lớn: Thượng nguơn, Trung nguơn, Hạ nguơn, khi Nhạc Tấu Quân Thiên, nhạc đờn bảy bài, kể ra sau đây:

Xàng xê: là đưa qua trộn lại không ở một chỗ, ấy là thời Hỗn Ðộn sơ khai.
Ngũ Ðối Thượng: là từng trên, có Ngũ Khí thanh nổi lên làm Trời.
Ngũ Ðối Hạ: là từng dưới, có khí Ngũ Hành nặng trược hạ xuống làm Ðất.
Long Ðăng: là rồng lên, ấy là Dương.
Long Ngâm: là rồng xuống, ấy là Âm.
Vạn Giá: là muôn việc đã định rồi, ấy là muôn loài đều có tên.
Tiểu Khúc: là sự nhỏ ngắn, ấy là các vật nhỏ ngắn đều có định luật.
Ðờn hiến lễ bảy bài vì Ðức Chí Tôn và Ðức Phật Mẫu phối hợp Dương quang và Âm quang sanh hóa CKVT vạn vật.

Lịch: Ngài Ðầu Sư Ngọc Lịch Nguyệt (Lê Văn Lịch).
Nghĩa: Khai Pháp Trần Duy Nghĩa.
Ðức: Hiến Pháp Trương Hữu Ðức.
Hậu: Bảo Pháp Nguyễn Trung Hậu.
Tràng: Tiếp Pháp Trương Văn Tràng.
Cư:  Ðức Thượng Phẩm Cao Quỳnh Cư.
Tắc: Ðức Hộ Pháp Phạm Công Tắc.
Sang: Ðức Thượng Sanh Cao Hoài Sang.
Hiểu: (? )
Kỳ:  Giáo Sư Thượng Kỳ Thanh (Vương Quan Kỳ).
Kim: Giáo Sư Thượng Kim Thanh (Ngô Văn Kim).
Hầu xướng nội: Ðứng hầu Nội Nghi, phận sự xướng lễ.
Bản: Giáo Hữu Thượng Bản Thanh (Ðoàn Văn Bản).
Giỏi: Giáo Hữu Thượng Giỏi Thanh (Huỳnh Văn Giỏi).
Tỷ: Giáo Hữu phái Thượng (Cần Giuộc).
Tiếp: Giáo Hữu phái Thượng (Cần Giuộc).

Lễ sanh: Người giữ phận sự điện lễ. Ðiện lễ là hai tay cung lên, bưng phẩm vật đem từ Ngoại nghi vào Nội nghi, bước đi theo hình chữ Tâm trao cho Chức sắc quì tại Nội nghi hiến lễ lên Ðức Chí Tôn.
Danh từ "Lễ sanh ở đây chỉ người hiến lễ" trùng với "Lễ Sanh là phẩm vị Chức sắc", nên Ðức Lý Giáo Tông sau nầy đặt ra danh từ Lễ sĩ cho phân biệt:
Lễ sĩ là người hiến lễ, học trò lễ.
Lễ Sanh là phẩm vị Chức sắc dưới Giáo Hữu.

Tương: Phối Sư Thượng Tương Thanh (Nguyễn Ngọc Tương)
Giảng: Giáo Hữu Thượng Giảng Thanh (Lê Văn Giảng).
Kinh: Giáo Sư Ngọc Kinh Thanh (Nguyễn Văn Kinh).
Trung: Ðầu Sư Thượng Trung Nhựt (Lê Văn Trung).
Minh Ðường: Phái tu nơi chùa Vĩnh Nguyên Tự ở Cần Giuộc của Thái Lão Sư Lê Ðạo Long.
Chương: Bảo Ðạo Ca Minh Chương.
Minh: Hòa Thượng Thiện Minh, học trò của Hòa Thượng Như Nhãn. Ðức Chí Tôn phong Ngài Thiện Minh là Ðầu Sư Thái Minh Tinh, phái Thái.
Tươi: Hiến Ðạo Phạm Văn Tươi.
Muồi: Giáo Sư Ngọc Muồi Thanh (Nguyễn Văn Muồi)
Vân: Giáo Sư Ngọc Vân Thanh (Ngô Tường Vân).
Hai câu: "Cư, con đi cho nó coi. Các con coi Thầy đi đây nè." Ðức Chí Tôn nhập xác vào Ngài Cao Quỳnh Cư để dạy cách đi hiến lễ bước theo hình chữ Tâm.
Ngoại xướng: Cặp lễ sĩ ở Ngoại nghi xướng lễ.
Ðiện Trà: Lễ sĩ đi hình chữ Tâm, cung tay cầm cái đài có đặt tách Trà, đem dâng từ Ngoại nghi vào Nội nghi.
Song đăng: Cặp lễ sĩ đi trước cầm hai cây đèn, gọi là Cặp đăng hay Song đăng. (Cặp lễ sĩ đi sau bưng cúng phẩm gọi là Cặp đài).

17 .  Ngày 5-7-1926 (âl 26-5-Bính Dần)
CAO ÐÀI
K. . . nghe Thầy dạy con.
Người dưới thế nầy muốn giàu có phải kiếm phương thế mà làm ra của. Ấy là về phần xác thịt. Còn Thần, Thánh, Tiên, Phật, muốn cho đắc đạo phải có công quả.

Thầy đến độ rỗi các con là thành lập một trường công đức cho các con nên đạo. Vậy đắc đạo cùng chăng, tại nơi các con muốn cùng chẳng muốn.

Thầy nói cho con nghe, K . . . ôi! Nếu chẳng đi đến trường Thầy lập mà đoạt thủ địa vị mình thì chẳng đi nơi nào khác mà đắc đạo bao giờ.

K . . . con ôi! Cửa Bạch Ngọc Kinh ít kẻ, chớ chốn A Tỳ vốn nhiều người. Con liệu mà hành đạo. Thầy thương con chừng nào, ngày sau con càng ăn năn tiếc chừng nấy.
Thầy đã hiểu lòng con ăn năn sám hối, nên Thầy đã tha tội trước cho con rồi.
Phận sự con rất lớn, tại Ngọc Ðàn con sẽ thọ lịnh.

CHÚ THÍCH:
K . . .: Giáo Sư Ngọc Kinh Thanh (Nguyễn Văn Kinh). Ông Kinh, sanh năm 1890 ở Bình Lý Thôn, Gia Ðịnh, tu theo Minh Sư, học trò của Thái Lão Sư Trần Ðạo Quang. Ông Kinh có cất một cái am nhỏ ở làng Hữu Ðạo thuộc Cai Lậy để tu học với Ngài Nguyễn Văn Tương (sau thọ phong Thượng Chưởng Pháp. Khi Ngài Thượng Chưởng Pháp Tương qui Tiên thì Ngài Trần Ðạo Quang được phong Quyền Thượng Chưởng Pháp. Về sau nữa, khi Ngài Ngọc Chưởng Pháp Trần Văn Thụ đăng Tiên thì Ngài Trần Ðạo Quang được ân phong chánh vị là Ngọc Chưởng Pháp).

Ông Kinh thọ Thiên ân Giáo Sư phái Ngọc vào ngày mùng 8-6-Bính Dần, có viết hai quyển sách về Giáo Lý Ðạo Cao Ðài là: Giảng Ðạo Yếu Ngôn và Hội Lý Xiển Chơn Luận. Giáo Sư Kinh có học thức uyên thâm, nên được Ðức Chí Tôn bổ đi thuyết đạo phổ độ nhơn sanh ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.

Năm 1945, do máy bay Ðồng Minh oanh tạc đánh Nhựt Bổn, Ông bị thương nặng lúc đi trên sông Vàm Cỏ, được đưa về bệnh viện Chợ Rẫy ở Sài Gòn thì qui liễu, hưởng 56 tuổi. (Tài liệu của Huệ Nhẫn)

Bạch Ngọc Kinh: Tòa nhà bằng ngọc trắng tại Trung Tâm của Càn khôn Vũ trụ, là nơi thường ngự của Ðức Chí Tôn Ngọc Hoàng Thượng Ðế. Trong Bạch Ngọc Kinh có đủ ngôi vị của chư Thần, Thánh, Tiên, Phật, đủ cả Nam và Nữ.
A Tỳ: chỉ cõi Ðịa ngục, là nơi giam giữ và trừng trị các tội hồn, tức là những linh hồn mà trong kiếp sống nơi cõi trần đã làm nhiều điều ác độc, tội lỗi.

18 .  Ngày 15-7-1926 (âl 6-6-Bính Dần)
NGỌC HOÀNG THƯỢNG ÐẾ viết CAO ÐÀI giáo đạo Nam phương
Cư, Tắc, con phải đem bốn đứa nhỏ theo, rồi kiếm thêm tám đứa nữa, chia ra mỗi hướng là ba đứa, con để:
An . . . . . . . . . . . . Ðông
Bích . . . . . . . . . . . Tây
Tri . . . . . . . . . . . . Nam
Hoằng . . . . . . . . . Bắc.

Biểu chúng nó cầm mỗi đứa một cây cờ nhỏ. Phải làm cờ thế nầy: xanh, đỏ, trắng, vàng, đen, mỗi hướng ba cây. Trung ương là ba đứa bây cầm. Như làm cờ vải chẳng kịp thì mua giấy màu. Bề dài cờ là 9 tấc tây, bề ngang 3 tấc tây, cắt xéo xuống. Nghe và tuân theo.

Khi sắp đặt rồi, Cư, con chấp bút bằng nhang cho Thầy trấn. Con biểu Vân, khi trấn rồi, nó ở trong cho tới mãn lễ, nếu bước ra ngoài, về nhà điên đi mà chớ.
Biểu sắp nhỏ đại tịnh. Tắc nghe, con ngó chừng chúng nó luôn luôn.
Biểu Lịch phát cờ cho sắp nhỏ vì nó phải đọc chú.

   
  Home       [ 1 ]  [ 2 ]  [ 3 ]  [ 4 ]  [ 5 ]  [ 6 ]  [ 7 ]  [ 8 ]  [ 9

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét