Thánh Ngôn Hiệp Tuyển I & II - 5 / 9 (BSCT, Hiền Tài - Nguyễn Văn Hồng )

90 .  Tây Ninh, 2-2-1927 (âl 1-1-Ðinh Mão): Tết Ð. Mão
NGỌC HOÀNG THƯỢNG ÐẾ viết CAO ÐÀI giáo đạo Nam phương
Các con, . . . Mừng các con.
Trung, Cư, Tắc, mấy con nhớ đêm nay năm rồi thế nào? Còn nay thế nào chăng?
Trịnh Thị Ái Nữ, Hiếu, hai con đã thấy Thầy giữ lời hứa thế nào chăng?

Thầy lập Ðạo năm rồi ngày nầy thì môn đệ của Thầy chỉ có 12 đứa, mà 4 đứa đã rơi vào tay Chúa Quỉ,
chỉ còn lại 8. Trong 8 đứa thì lại còn một đôi đứa biếng nhác mà không hành đạo.
Thầy hỏi nếu chẳng phải quyền hành Thầy, dầu cho một vị Phật thiệt lớn giáng thế đi nữa, cũng chưa có phương chi độ hơn bốn muôn sanh linh nhờ tay có 6 đứa môn đệ trong một năm cho đặng bao giờ.

Thầy vui mừng, Thầy khen tặng hết thảy bốn muôn môn đệ của Thầy.
Thơ, con đã ngoan đạo, mà sự ngoan đạo của con đó còn độ lắm kẻ. Thầy khen con.
Bính, Thầy thưởng công con, cho lên chức Phối Sư. Thầy cám cảnh lòng yêu mến của con, Thầy cám ơn lòng đạo đức của con. Sanh linh còn nhờ công con mà thoát qua khổ hải.
Bản, Thầy thăng chức Giáo Sư.
Trò, Thầy cho lên chức Giáo Hữu.
Nhiều đứa khác nữa, ngày mùng 9, Thầy biểu đòi về cho Thái Bạch phong thưởng.

Thầy ban ơn trọn cả các con, dầu không có mặt tại đây cũng vậy.
Thầy giở cơ lên, các con đều chun ngang qua cho Thầy ban Phép Lành.

Thầy cầu cho các con đặng ngoan đạo như Thơ vậy, sửa mình cho nên Chí Thánh, vì Ðạo năm nay sẽ rõ thấu hoàn cầu, môn đệ tăng thêm hằng hà sa số, phận sự các con lại càng nặng nề hơn nữa, nhưng các con nhớ biết thương Thầy, mà hễ thương Thầy thì ắt thương Ðạo, mà hễ thương Ðạo thì thương hết chúng sanh. Các con biết Thầy là trọng thì biết trọng Ðạo, mà hễ trọng Ðạo thì cũng phải trọng cả chúng sanh.

Trong tháng Giêng nầy, Thái Bạch sẽ hội Nữ phái đặng lập cho hoàn toàn. Thầy trông công các con lắm đó.
Thầy ban ơn cho các con một lần nữa. Thầy thăng.

CHÚ THÍCH:
Trung: Ngài Ðầu Sư Thượng Trung Nhựt.
Cư: Ðức Thượng Phẩm Cao Quỳnh Cư.
Tắc: Ðức Hộ Pháp Phạm Công Tắc.
Trịnh Thị Ái nữ: Bà Trịnh thị Huệ, thân mẫu của Ngài Cao Q. Cư, đắc phong Nữ Giáo Sư, Thánh danh Hương Huệ.
Hiếu: Bà Nguyễn Thị Hiếu, hiền thê của Ngài Cao Quỳnh Cư, đắc phong Nữ Giáo Sư trong kỳ phong Thánh Nữ phái lần I, về sau được thăng lên Nữ Ðầu Sư, Thánh danh Hương Hiếu.
Thơ: Ngài Chánh Phối Sư Thái Thơ Thanh (Nguyễn Ngọc Thơ), sau được thăng Thái Ðầu Sư.
Bính: Ngài Giáo Sư Thái Bính Thanh (Lâm Quang Bính), nay được thăng lên Thái Phối Sư. Ngài là người được Ðức Chí Tôn giao cho làm Quả Càn Khôn để thờ nơi BQÐ.
Bản: Giáo Hữu Thượng Bản Thanh (Ðốc học Ðoàn Văn Bản) nay được thăng lên phẩm Giáo Sư.
Trò: Lễ Sanh Nguyễn Văn Trò, nay được Ðức Chí Tôn thăng lên Giáo Hữu.

Tết năm trước, tức là Tết Bính Dần, Ðức Chí Tôn điểm danh 12 môn đệ đầu tiên. (Xin xem lại Chú thích bài Thánh Ngôn 1)

Tết năm nay là Tết Ðinh Mão, Ðức Chí Tôn nói: Nhờ tay có 6 môn đệ lo hành đạo trong một năm mà phổ độ được hơn 40 000 tín đồ . Xin kể tên 6 vị môn đệ nầy ra sau đây:
            1 . Ngài Ðầu Sư Thượng Trung Nhựt.
            2 . Ðức Hộ Pháp Phạm Công Tắc.
            3 . Ðức Thượng Phẩm Cao Quỳnh Cư.
            4 . Ngài Bảo Pháp Nguyễn Trung Hậu.
            5 . Ngài Hiến Pháp Trương Hữu Ðức.
            6 . Ngài Giáo Sư Thượng Bản Thanh.

Trong bài Thánh Ngôn nầy, Ðức Chí Tôn lần đầu tiên ban Phép Lành cho các môn đệ.

91 . Tây Ninh, 2-2-1927 (âl 1-1-Ð. Mão): TẾT Ð. MÃO.
THÁI BẠCH

Hội Thánh nghe Lão ban sắc phục cho Nữ phái. Nghe và từ đây xem sắc tốt ấy mà hành lễ theo đẳng cấp.

Nữ phái phải tùng Ðầu Sư Nữ phái, song tùng quyền của Giáo Tông và Chưởng Pháp.

Ðầu Sư Nữ phái cũng phải chịu công cử theo luật Hội Thánh ban hành, theo luật Hội Thánh ban xử đường Ðời và đường Ðạo.

Ðầu Sư Nữ phái mặc một Ðạo phục y như Ðạo phục Ðầu Sư Nam phái, phải đội một Ni Kim Cô như các vãi chùa, toàn hàng trắng, chín dải, áo có thêu bông sen. Cái Kim Cô có choàng từ đầu tới gót, đội mão Phương Thiên, trên chót Phương Thiên ngang đầu tóc có Thiên nhãn Thầy bao quanh một vòng Minh Khí, đi giày Vô ưu màu trắng, trên chót để chữ Hương, nghe à!

Phối Sư cũng mặc y như vậy, song không có mão Phương Thiên, áo ba dải, nhưng trước ngực có thêu Thiên nhãn Thầy bao quanh một vòng Minh Khí, nghe à!

Giáo Sư mặc áo ba dải, đội Kim Cô bằng hàng trắng, không đi giày.

Giáo Hữu mặc Ðạo phục như Giáo Sư, đầu không đội mão, mà giắt một Bông sen, trên Bông sen có Thiên nhãn Thầy.

Lễ Sanh Nữ phái mặc như Giáo Hữu, nhưng choàng ngang trên đầu một đoạn vải mỏng, cột ra sau ót, thả một mí dài một mí vắn, ngay đầu tóc có giắt một Bông sen.

Thầy vì thấy nhiều người vắng mặt nên phải đợi đủ mới phong chức. Lâm Hương Thanh hiền muội phải viết thơ mời đủ mặt ngày rằm nầy, Thầy đến phong chức lập thành Nữ phái, nghe à!

CHÚ THÍCH:
Bài Thánh Ngôn nầy, Ðức Lý Thái Bạch, Nhứt Trấn Oai Nghiêm, lập Pháp Chánh Truyền Nữ phái CTÐ, ngày mùng 1 Tết Ðinh Mão (1927).

Ðiều đặc biệt là Ðức Chí Tôn không lập Pháp Chánh Truyền Nữ phái CTÐ, mà lại giao cho Ðức Lý Thái Bạch lập.

Trong Pháp Chánh Truyền Chú Giải, Ðức Phạm Hộ Pháp có viết: "Chẳng hiểu có điều chi huyền bí với Thầy cùng Ngọc Hư Cung nên Thầy mới đành lòng nói ra lời ấy, rồi lại cam lòng để cho Ðức Giáo Tông đứng lập, đặng tránh cho khỏi luật lệ Thiên điều hay chăng?"

"Xem rõ lại thì Pháp Chánh Truyền truất quyền Nữ phái không cho lên địa vị Chưởng Pháp và Giáo Tông."

Chức sắc Nữ phái CTÐ chỉ có 1 vị Nữ Ðầu Sư, 1 vị Nữ Chánh Phối Sư, còn số lượng Nữ Phối Sư, Nữ Giáo Sư, Nữ Giáo Hữu, đều không hạn định như Chức sắc Nam phái CTÐ. Ðây là ân huệ lớn lao của Ðức Chí Tôn dành riêng cho Nữ phái.

92 .  Tây Ninh, TẾT ÐINH MÃO
Ngày 2-2-1927 (âl 1-1-Ðinh Mão)
Thượng Chưởng Pháp TƯƠNG

Hỉ chư đạo hữu, chư đạo muội.
Mừng ... Mừng ... Mừng ... Vui ... Vui ... Vui ...

Ðại phước cho cả nhơn sanh, đại hạnh cho Ðịa cầu số 68 nầy, em còn phải công quả phổ độ mới vào đặng Tam thập lục Thiên, nhờ Ðại Từ Phụ cứu độ em, khuyên nhủ cùng chư huynh khá coi Thiên vị mình là trọng, vì là của quí báu vô giá; còn sụt sè đường đạo, xin nhớ lấy danh em, cự chống cùng Tà ma Quỉ mị cám dỗ.

Tương đây, công cán chẳng chi mà còn đặng địa vị nầy, huống lựa là mấy anh độ rỗi toàn cả Cửu nhị Nguyên nhân, thì phẩm cựu sẽ đặng trổi thêm thế nào! Xét lấy đủ vui lòng mà hành đạo. . . . . . . . .

CHÚ THÍCH:
(Xin xem lại Chú thích bài Thánh Ngôn 58).

Cửu nhị Nguyên nhân: 92 ức Nguyên nhân. Thời Thái cổ, Ðức Phật Mẫu cho 100 ức Nguyên nhân xuống trần khai hóa nhơn loại. Số 100 ức Nguyên nhân nầy xuống trần nhiễm trược trần nên không trở về thiêng liêng được. Ðức Chí Tôn mở Nhứt Kỳ Phổ Ðộ, độ được 6 ức; rồi mở Nhị Kỳ Phổ Ðộ độ được 2 ức nữa; còn lại 92 ức đang chìm đắm nơi cõi trần. Mở ÐÐTKPÐ nầy, ÐCT có ý cứu độ hết 92 ức Nguyên nhân nầy trở về cựu vị. Ðây là lần cứu độ thứ ba và cũng là lần chót.

93 . Tây Ninh, ngày 5-2-1927 (âl 4-1-Ðinh Mão)
THÁI BẠCH
Hỉ chư đạo hữu, chư đạo muội, chư chúng sanh, hảo hội hiệp.

Thảm cho nhơn loại! Khổ cho nhơn loại!
Ðời quá dữ, tội tình ấy, hình phạt kia cũng đáng đó chút.

Lão đã vì thương yêu nhơn sanh, hội mười ngày nơi Bạch Ngọc Kinh, cãi cho qua nạn nhơn loại, nhưng luật Thiên điều chẳng dễ chi sửa đặng.

Nạn tiêu diệt hầu gần, hết chém giết lẫn nhau tới buổi bịnh chướng sát hại. Lão thấy hình phạt phải châu mày, nhưng ôm lòng ráng chịu, lạy lục khẩn cầu.

Chư đạo hữu đâu rõ thấu, ngơ ngơ ngáo ngáo như kẻ không hồn, thấy càng thảm thiết!

Lão tưởng chẳng cần phải nói chi một nước nhỏ nhoi đã đặng danh Thánh Ðịa là nước Nam nầy, mà Lão xin không đặng tội cho thành Sài gòn, Chợ Lớn, Gia Ðịnh, Huế, Hải Phòng, Hà Nội thay!
Thảm! Thảm! Thảm!

94.
BÁT NƯƠNG
Chào quí anh, quí chị.
Mời bình thân.
Năm mới, chùa mới, vạn sự đều mới, vậy em đến cầu chúc cho quí anh quí chị đặng những điều mới mẻ may mắn. Tân Xuân đây, quí anh quí chị coi bộ ráng nông trang hành đạo.

Em cho biết, phàm mỗi năm, những vị nào trong lúc ngày Xuân, biết lo phụng sự Thần, Thánh, Tiên, Phật thì công đức đặng xấp bằng hai lần ngày thường.

Còn việc các Ðấng phú thác cho mình, hoặc yêu cầu mình thi hành một vấn đề nào, nếu mình trọn tin mạng pháp thì các Ðấng cũng ghi công cho. Nhược bằng mình không tuân hoặc lười biếng trễ nãi, thì các Ðấng lại ghi tội cho.

Vậy, xin các anh các chị ráng hiểu giùm.
Muôn việc chi khởi đầu đều khó, nhưng cái khó mình lướt qua đặng, mới có công, mới anh hùng, mới chí sĩ, mới đáng đạo sĩ.

Quí anh quí chị đều ăn mặc sung sướng, ngày nay đổi lại chịu phận nâu sồng, cũng khá thương đó, nhưng chưa nghèo phải học nghèo, chưa khổ phải học khổ, kế chí quân tử, cư bất cầu an, thực bất cầu bảo, chỉ cặm cụi quanh năm lo cho xã hội được no ấm thôi, biết người quên mình, đó là phận sự kẻ tu hành, đến bực tối thượng thừa cũng phải như thế, mới tròn nghĩa vụ.

Luôn dịp, em sắp chương trình hành lễ Ðức Chí Tôn.
Ðến ngày mùng 8, các anh các chị cũng ráng công quả hai ngày, nhang đèn hành Ðại lễ.

Quí anh tầm một phương pháp, dùng tạm thời một ngọn đèn có đủ yếng sáng, vì chúng ta không có những đèn có đủ yếng sáng, nên cùng chẳng đã phải tạm đó thôi. Ðèn bảy ngọn, cũng có lẽ đặt tên là Thất Tinh. Quí anh quí chị luận coi. Em xin tạm năm phút đồng hồ cho quí anh quí chị suy nghĩ, rồi trả lời từ anh từ chị. (Ngưng cơ một lúc)

Xong chưa?
Bạch rằng: Có cái đèn của anh Phối Sư, tuy cũ nhưng chùi lau có lẽ cũng tốt.
Em gọi rằng tạm thì vật chi miễn có đủ bảy ngọn đèn thì có thể dùng được.
Bạch: Ðèn Thất Tinh, Bà định treo ở đâu?
- Ðể tại đây thế cho ngọn đèn trước hết, để khi nào có cầu đàn mới dùng, còn thường ngày khỏi phải đốt lên, vì một là cho đủ yếng sáng, hai là rọi Chơn thần của quí anh quí chị cho sáng lạn minh mẫn. Ðúng giờ Tý nầy khởi lễ. Khi cầu các Ðấng, phải ráng thủ lễ. Mãn lễ cũng để nhang đèn như kỳ nầy vậy.
- Bạch: Xin Bà cho biết có tụng Sám Hối hay Kinh chi thêm?
- Ðức Ðại Tiên Trưởng cho hay rằng: Ngài đã yêu cầu Ðức Chí Tôn bữa Ðại lễ giáng đàn. Vậy ngày kế, quí anh quí chị sẽ đọc kinh cũng như ngày Xuân, song khoản cầu trong Kinh Cứu Khổ, chỗ xưng hô đệ tử, xin quí anh quí chị đổi lại "cầu chung cả cho chúng sanh". Khi Ðức Chí Tôn giáng, chẳng nên mật niệm điều chi và chẳng nên chạy qua chạy lại.

Ðánh chuông phải sắp đặt cho có một vị đứng Hầu chung cho sẵn, đến khi xưng tên thì mới hầu chung.
- Bạch: Xin Bà cho biết, lạy rồi mới hầu chung phải chăng?
- Xưng tên rồi, cơ ngưng, sẽ hầu chung. Khi Chí Tôn thăng, quí anh quí chị cả thảy phải lạy đưa, rồi tái cầu, có Ðức Mẹ giáng đàn. Chư Tiên, chư Phật hầu lễ tại Ðiện tiền, cậy em thay mặt trao lời cầu chúc ngày Xuân cho quí anh quí chị.

Xin quí anh quí chị ráng nắm gốc cây cho chắc, kẻo gió lớn thổi bay đa! Ví dầu có thổi thế nào thì em xin quí anh quí chị ráng bịn gốc lại nghe.

Em xin dâng cho quí anh cùng quí chị thêm một tuổi nữa. Em xin kiếu. Thăng.

CHÚ THÍCH:
Bài Thánh Ngôn nầy của Bát Nương không có đề ngày và nơi giáng cơ, nhưng theo nội dung của bài nầy, Bát Nương giáng sắp đặt buổi Ðại lễ Vía Ðức Chí Tôn đêm mùng 8 tháng Giêng năm Ðinh Mão tại Thánh Thất mới là Từ Lâm Tự, Gò Kén, Tây Ninh, nên có lẽ giáng vào đêm mùng 6 hoặc mùng 7 tháng Giêng năm Ðinh Mão, tại Từ Lâm Tự, Gò Kén.

Nông trang: Nôn nóng thúc giục làm việc.
Mạng pháp: Mạng lịnh và phép tắc.
Chí sĩ: Người có chí khí lớn, quyết tâm đấu tranh cho chánh nghĩa.
Ðạo sĩ: Người phế bỏ việc đời, chuyên tâm tu hành.
Cư bất cầu an, thực bất cầu bão: Ở không mong được yên, ăn không mong được no, ý nói: Không cần phải có những tiện nghi vật chất đầy đủ cho đời sống. Sách Luận Ngữ có viết: Quân tử thực vô cầu bão, cư vô cầu an, mẫn ư sự nhi thận ư ngôn, tựu hữu đạo nhi chính yên, khả vị hiếu học giả dĩ. Nghĩa là: Người quân tử ăn không cầu no, ở không cầu yên, làm việc thì cần mẫn, nói điều gì thì thận trọng, tìm người có đạo mà theo học, để làm cho chánh đáng ngôn ngữ và hành vi của mình. Ðược như thế mới có thể gọi là người hiếu học.
Sáng lạn: Rực rỡ, sáng sủa. (Xán lạn: Rực rỡ).
Hầu chung: Người đứng kế bên cái chuông giữ phận sự đánh chuông cho mọi người làm lễ đồng một lượt.

Cuối bài Thánh Ngôn, Bát Nương tiên tri: Chức sắc sẽ bị thử thách, và dặn giữ vững đức tin nơi Ðức Chí Tôn.

95 .  Ngày 13-2-1927 (âl 12-1-Ðinh Mão)
NGỌC HOÀNG THƯỢNG ÐẾ viết CAO ÐÀI giáo đạo Nam phương

Các con.
Cả chư môn đệ khá tuân mạng.
Hiệp Thiên Ðài là nơi Thầy ngự cầm quyền thiêng liêng mối Ðạo. Hễ Ðạo còn thì Hiệp Thiên Ðài vẫn còn.

Thầy đã nói Ngũ Chi Ðại Ðạo bị qui phàm là vì khi trước Thầy giao Chánh giáo cho tay phàm, càng ngày càng xa Thánh giáo mà lập ra Phàm giáo, nên Thầy nhứt định đến chính mình Thầy đặng dạy dỗ các con mà thôi, chớ không chịu giao Chánh giáo cho tay phàm nữa.

Lại nữa, Hiệp Thiên Ðài là nơi của Giáo Tông đến thông công cùng Tam thập lục Thiên, Tam thiên Thế giới, Lục thập bát Ðịa cầu, Thập Ðiện Diêm Cung, mà cầu siêu cho cả nhơn loại.
Thầy đã nói sở dụng thiêng liêng, Thầy cũng nên nói sở dụng phàm trần của nó nữa.

Hiệp Thiên Ðài dưới quyền Hộ Pháp chưởng quản, tả có Thượng Sanh, hữu có Thượng Phẩm.
Thầy lại chọn Thập nhị Thời Quân chia làm ba:

1 . Phần của Hộ Pháp chưởng quản về PHÁP thì:
            Hậu là Bảo Pháp, (1)
            Ðức là Hiến Pháp,
            Nghĩa là Khai Pháp,
            Tràng là Tiếp Pháp,

Lo bảo hộ Luật đời và Luật Ðạo, chẳng ai qua Luật mà Hiệp Thiên Ðài chẳng biết.

2. Thượng Phẩm thì quyền về phần ÐẠO,dưới quyền:
            Chương là Bảo Ðạo,
            Tươi là Hiến Ðạo,
            Ðãi là Khai Ðạo,
            Trọng là Tiếp Ðạo, (2)

Lo về phần Ðạo nơi Tịnh Thất, mấy Thánh Thất, đều xem sóc chư môn đệ Thầy, binh vực chẳng cho ai phạm Luật đến khổ khắc cho đặng.

3 . Thượng Sanh thì lo về phần ÐỜI:
            Bảo Thế thì Phước,
            Hiến Thế: Mạnh,
            Khai Thế: Thâu,
            Tiếp Thế: Vĩnh.

Thầy khuyên các con lấy tánh vô tư mà hành đạo.
Thầy cho các con biết trước rằng: Hễ trọng quyền ắt trọng phạt. Thầy ban ơn cho các con.

(1) Bảo là giữ gìn; Hiến là dâng; Khai là mở, bày ra; Tiếp là rước.
(2) Ông Cao Ðức Trọng đắc phong Tiếp Ðạo sau hết.

CHÚ THÍCH:
Bài Thánh Ngôn nầy, Ðức Chí Tôn lập Pháp Chánh Truyền Hiệp Thiên Ðài, ngày 12-1-Ðinh Mão, và phong chức chánh thức cho Thập nhị Thời Quân, mà trước đây, Ðức Chí Tôn chỉ tạm phong là: Tiên Ðạo Phò Cơ Ðạo Sĩ.

Chức sắc cầm quyền Hiệp Thiên Ðài gồm:
Chưởng quản HTÐ và chưởng quyền chi Pháp: Ðức Hộ Pháp Phạm Công Tắc.
Phụ Tá Hộ Pháp có Thượng Phẩm và Thượng Sanh:
Ðức Thượng Phẩm Cao Quỳnh Cư chưởng quyền chi Ðạo.
Ðức Thượng Sanh Cao Hoài Sang chưởng quyền chi Thế.
Dưới Hộ Pháp, Thượng Phẩm và Thượng Sanh có Thập nhị Thời Quân, chia ra ba Chi: Pháp, Ðạo, Thế.
* Chi Pháp gồm bốn vị Thời Quân:
Bảo Pháp: Nguyễn Trung Hậu.
Hiến Pháp: Trương Hữu Ðức.
Khai Pháp: Trần Duy Nghĩa.
Tiếp Pháp: Trương Văn Tràng.

* Chi Ðạo gồm bốn vị Thời Quân:
Bảo Ðạo: Ca Minh Chương.
Hiến Ðạo: Phạm Văn Tươi,
Khai Ðạo: Phạm Tấn Ðãi.
Tiếp Ðạo: Cao Ðức Trọng.

* Chi Thế gồm bốn vị Thời Quân:
Bảo Thế: Lê Thiện Phước.
Hiến Thế: Nguyễn Văn Mạnh.
Khai Thế: Thái Văn Thâu.
Tiếp Thế: Lê Thế Vĩnh.

Theo ÐS.II. 11-12, để dự bị Thập nhị Thời Quân, ÐCT lập 6 cặp Phò loan, phong là Tiên Ðạo Phò Cơ Ðạo sĩ, gồm:

Trương Hữu Ðức - Nguyễn Trung Hậu: Phò loan tại đàn Cầu Kho (nhà của Ông Ðoàn Văn Bản).

Trần Duy Nghĩa - Trương Văn Tràng: Phò loan tại đàn Lộc Giang (Phuớc Long Tự Chợ Ðệm,sư trụ trì:Yết Ma Giống)

Phạm Văn Tươi - Ca Minh Chương: Phò loan tại đàn Tân Kim (nhà Hội Ðồng Nguyễn Văn Lai, xã Tân Kim, Cần Giuộc)

Nguyễn Thiêng Kim - Phạm Tấn Ðãi: Phò loan tại đàn Long Thành Tự ở gần Chợ Rạch Kiến, Cần Ðước).

Huỳnh Văn Mai - Võ Văn Nguyên: Phò loan tại đàn Thủ Ðức (nhà của Ông Ngô Văn Ðiều, gần Chợ Thủ Ðức).

Nguyễn Văn Mạnh - Lê Thiện Phước.

Khi lập Pháp Chánh Truyền HTÐ, ba vị Phò loan: Nguyễn Thiêng Kim, Huỳnh Văn Mai, Võ Văn Nguyên không đến dự, nên ba vị nầy không được vào Thập nhị Thời Quân HTÐ. Ðức Chí Tôn phong cho ba vị khác là: Thái Văn Thâu, Lê Thế Vĩnh, Cao Ðức Trọng.

Ngài Cao Ðức Trọng được Ðức Chí Tôn phong sau cùng khi Ðức Chí Tôn bảo Ðức Phạm Hộ Pháp lên Nam Vang mở đạo. Tại Nam vang, Ðức Phạm Hộ Pháp phò loan cùng Ngài Cao Ðức Trọng, để Ðức Chí Tôn giáng thâu môn đệ.

Ngài Cao Ðức Trọng được Ðức Chí Tôn ân phong Tiếp Ðạo ngày 27-7-1927 (âl 29-6-Ðinh Mão).

Thông công: Liên lạc với các Ðấng thiêng liêng qua cơ bút của HTÐ để tham khảo ý kiến hay nhận mệnh lệnh.
Lục thập bát Ðịa cầu: 68 Ðịa cầu, tính từ Ðịa cầu số 68 của nhơn loại đi lên, trong dãy Thất thập nhị Ðịa. Dưới Ðịa cầu số 68 còn 4 quả nữa, gọi là U Minh Ðịa.
Thập Ðiện Diêm Cung: 10 Cung Ðiện của 10 vua Diêm Vương (Thập Ðiện Diêm Vương).
Sở dụng: Cái công dụng quan trọng của nó.

96 .  Tây Ninh (Chùa Gò Kén)
Ngày 13-2-1927 (âl 12-1-Ðinh Mão)
NGỌC HOÀNG THƯỢNG ÐẾ viết CAO ÐÀI giáo đạo Nam phương

Thầy đã lập Ðạo nơi cõi Nam nầy là cốt để ban thưởng một nước từ thuở đến giờ hằng bị lắm cơn thạnh nộ của Thầy. Thầy lại tha thứ, lại còn đến ban thưởng một cách vinh diệu.

Từ tạo Thiên lập Ðịa, chưa nước nào dưới quả Ðịa cầu 68 nầy đặng vậy. Cốt để ban thưởng các con, thì các con hưởng phần hơn đã đáng, lẽ nào Thầy đã để phần nhiều cho các nước khác sao!

Ôi! mà hại thay! thảm thay! đau đớn thay! Hòn ngọc đẹp đẽ quí báu dường nầy, Thầy đến cho các con, các con lại học kiêu căng trề nhún.

Thầy đã chán mắt thấy phái Nữ hành đạo thế nào, biết bao phen Thầy buồn, mà buồn rồi lại giận, muốn chẳng lập Nữ phái mà làm gì, nhưng trai gái cũng đồng con, Thầy không nỡ đành lòng từ bỏ.

Thầy lại thương con (1) nên đã lắm phen lấy khảo trừ công cho con trở lại phẩm cũ, bởi một lời đã hứa với Quan Âm, Thầy mới nhứt định dành phần công quả ấy cho con.

Con ôi! Thầy thấy con đau thảm bấy nhiêu, một phen lầm lỗi lẽ nào bỏ nghiệp muôn năm. Con coi đó mà coi, Thầy thương con là bao nhiêu?

Thầy giữ Nữ phái lại cũng vì con. Thầy kêu nó không đến, Thầy dạy nó không nghe, muốn phạt cho đáng kiếp mà bụng cũng chẳng đành. Con là chị, Thầy đến lập Tam Kỳ Phổ Ðộ chỉ vụ một chữ HÒA, con liệu đứa nên dùng đẹp lòng con, kêu tên cho Thầy phán đoán.
Tr . . . , con giúp em nghe! Thăng.
Ghi chú: (1) Con: là Bà Nữ Ðầu Sư Hương Thanh.

CHÚ THÍCH:
Bài Thánh Ngôn 96 trên đây có trong ÐS.I.115 và ÐS.II.215. Phò loan: Hộ Pháp - Thượng Phẩm.

Cuối bài, Bà Nữ Giáo Sư Nguyễn Hương Hiếu (về sau đắc phong Nữ Ðầu Sư ) có dẫn giải, xin chép ra sau đây:

"XIN PHÉP DẪN GIẢI:
Hồi mở Ðạo, chư vị Nữ phái Sài Gòn chưa hiểu Ðạo cho lắm, cũng vì có bổn phận tề gia nội trợ nên sự hành đạo bê trễ, vắng mặt mấy kỳ đàn, nên bị Thầy quở.

Bài Thánh giáo trước đây, Ðức Chí Tôn nói với Bà Nữ Ðầu Sư Hương Thanh, do bài trường thiên của Ðức Phật Bà cho biết Chơn linh Bà Nữ Ðầu Sư Hương Thanh.

Chơn linh Bà Nữ Ðầu Sư Hương Thanh là Long Nữ hầu Ðức Quan Âm Bồ Tát, lúc Bà Long Nữ tình nguyện lãnh lịnh nơi Ngọc Hư Cung, xuống thế độ Nữ phái, Bà Long Nữ hứa với Phật Bà, nên Thầy mới nhứt định dành phần công quả lại cho Bà Nữ Ðầu Sư Lâm Hương Thanh.

Xin xem kỹ câu văn Thầy nói: Một phen lầm lỗi, lẽ nào bỏ nghiệp muôn năm. Nghĩa là: Thầy định lập Tam Kỳ Phổ Ðộ mười ngàn năm nay, không vì sự lỗi của Nữ phái mà bỏ cho đành.

Nhận xét lòng bác ái của Thầy vô tận vô biên. Thầy quở mà Thầy thương, rồi lại ban thưởng nữa, nên Thầy kêu Bà Nữ Ðầu Sư lập thông qui kêu tên Nữ phái cho Thầy chấm phong.

Tóm lại, nhờ Bà Nữ Ðầu Sư, tất cả Nữ phái có hầu đàn đêm 14 tháng Giêng năm Ðinh Mão ( dl 13-2-1927) đặng thọ phẩm tước hết.
Người giải: Nữ Giáo Sư Hương Hiếu."

Tr . .: Ngài Ðầu Sư Thượng Trung Nhựt.
Cõi Nam: Ý nói nước Việt Nam.
Hòn ngọc đẹp đẽ quí báu dường nầy: Ý nói nền Ðạo quí báu và cao thượng mà Ðức Chí Tôn đem đến cứu độ dân tộc VN và toàn cả nhơn loại trên mặt Ðịa cầu nầy.
Lấy khảo trừ công: Vì có tội, cho nên thay vì bị khảo đảo cho đau đớn khổ sở, thì vì lòng thương, Ðức Chí Tôn không nỡ, chỉ lấy bớt công quả để trừ tội mà thôi. Lấy khảo trừ công đồng nghĩa: Lấy công chuộc tội, Tương công chiết tội.

Phẩm vị Nữ Ðầu Sư là phẩm cao nhứt của Nữ phái CTÐ, nên được xem là Chị lớn của Nữ phái.

97 .  Thánh Thất Cầu Kho
Ngày 19-2-1927 (âl 18-1-Ðinh Mão)
THẦY
Các con,
Thầy vì lẽ công mà phong chức sắc cho mỗi đứa cũng là do Tòa Tam Giáo xin, chớ xem lại trong hàng môn đệ đã thọ tước cũng chưa đặng thấy mấy đứa cho xứng đáng.

Vậy các con đứa nào đã được thưởng phong cũng chẳng nên vội mừng mà quên phận sự, còn mấy đứa chưa đặng phong thưởng cũng không nên vội buồn mà thất đạo tâm. Các con hiểu à!

Thầy ước sao các con biết tự lập thì Thầy mới vui lòng, chớ các con nhập môn cho đông, lãnh Thiên phong cho nhiều mà không đủ tư cách thì các con phải tự hỏi mình coi có bổ ích vào đâu chăng?
Hiểu à!

98 . Ngày 19-2-1927 (âl 18-1-Ðinh Mão)
QUAN THÁNH ÐẾ QUÂN
Hỉ chư đạo hữu, chư đạo muội, chư chúng sanh.
Quang minh huệ nhãn chiếu càn khôn,
Thánh đức lưu tâm quốc bảo tồn.
Ðế Việt san hà chung hạnh đạt,
Quân tranh thế giới Ðạo khai môn.
QUAN ÂM giáng cơ
Thường Cư Nam Hải Quan Âm Như Lai.
Hỉ chư đạo hữu, chư đạo muội, chư chúng sanh.
Nam thành Chánh giáo cứu sanh linh,
Hải đức dương chi cải thế tình.
Quan niệm Thiên ân tai ách giải,
Âm phong nhựt tản chiếu đơn đình.

LÝ THÁI BẠCH giáng cơ
Lý Bạch.
Hỉ chư đạo hữu, chư đạo muội, chư chúng sanh.
Thái hòa dương thạnh Ðạo nam khai,
Bạch tú Thiên đăng đắc cảm hoài.
Kim tác liên tâm cơ hậu thế,
Tinh thành lộ dẫn chiếu Vân đài.
Chư chúng sanh khá đại tịnh đặng tiếp giá Ðức Từ Bi.

CHÚ THÍCH:
* Bài Thi của Ðức Quan Thánh viết ra chữ Hán:
            Quang minh huệ nhãn chiếu càn khôn,  光明慧眼照乾坤
            Thánh đức lưu tâm quốc bảo tồn.                    聖德留心國保存
            Ðế Việt san hà chung hạnh đạt,                        帝越山河終幸達
            Quân tranh thế giới Ðạo khai môn.                   君爭世界道開門

GIẢI NGHĨA:
- Con mắt trí huệ chiếu sáng Càn khôn thế giới,
- Thánh đức lưu tâm bảo tồn quốc gia.
- Non nước Việt Nam cuối cùng đạt được hạnh phúc,
- Các vua trên thế giới chiến tranh với nhau thì Ðạo mở ra (để cứu nhơn sanh).

* Bài Thi của Ðức Quan Âm viết ra chữ Hán:
            Nam thành Chánh giáo cứu sanh linh,   南城正敎救生靈
            Hải đức dương chi cải thế tình.             海德楊枝改世情
            Quan niệm Thiên ân tai ách giải,                       觀念天恩災厄解
            Âm phong nhựt tản chiếu đơn đình.                  音風日散照丹庭

GIẢI NGHĨA:
- Nền Chánh giáo tại nước Việt Nam cứu độ sanh linh,
- Ðức lớn, cành dương rải nước Cam lồ sửa đổi tình đời.
- Quan niệm rằng ơn Trời giải được tai ách,
- Tiếng gió, ánh sáng mặt trời tỏa ra chiếu sáng sân chầu vua.

* Bài Thi của Ðức Lý Thái Bạch viết ra chữ Hán:
            Thái hòa dương thạnh Ðạo nam khai,               太和陽盛道南開
            Bạch tú Thiên đăng đắc cảm hoài.                               白宿天燈得感懷
            Kim tác liên tâm cơ hậu thế,                                        金作蓮心機後世
            Tinh thành lộ dẫn chiếu Vân Ðài                                  星成路引照雲臺

GIẢI NGHĨA:
- Rất hiệp hòa, khí dương thạnh, Ðạo mở ở VN,
- Sao Thái Bạch sáng như đèn Trời được mọi người cảm nhớ.
- Sao Kim làm cái tâm thành tòa sen cho hậu thế,
- Tinh tú thành dẫn đường đến đài vinh quang.

Ðại tịnh: Giữ cái tâm cho hoàn toàn trong sạch.
Tiếp giá: Nghinh tiếp Ðức Chí Tôn.
Ðức Từ Bi: Ý nói Ðức Chí Tôn.

99 .  Ngày 19-2-1927 (âl 18-1-Ðinh Mão)
NGỌC HOÀNG THƯỢNG ÐẾ viết CAO ÐÀI giáo đạo Nam phương
Hỉ chư môn đệ, chư ái nữ, chư nhu.

Thầy để lời mừng các môn đệ nơi đây có dạ kính thành và lo phận sự mà dìu dắt sanh linh bước vào nẻo chánh.

Ðạo phát trễ một ngày thì nhơn sanh tội lỗi cả muôn ngàn. Vì vậy mà Thầy muốn cho mỗi đứa đều để lòng lo liệu chấn hưng nền Thánh giáo.

Ðiều Thầy vui hơn hết là muốn cho các con thương yêu giúp lẫn nhau như con một nhà, phải đồng tâm hiệp chí chia vui sớt nhọc cho nhau, nương đỡ dìu dắt nhau, đem lên con đường đạo đức, tránh khỏi bến trần ai khốn đốn nầy, mà cả muôn triệu sanh linh đã chìm đắm vì mồi phú quí, bả vinh hoa.

Thầy trông mong nơi các con, chớ nên vì chuyện nhỏ mọn phàm tục mà bứt hẳn mối tương thân tương ái, thì chẳng phải là đức tánh của tu hành đó. Thăng.

100.  Ngày 20-2-1927 (âl 19-1-Ðinh Mão)
NGỌC HOÀNG THƯỢNG ÐẾ viết CAO ÐÀI giáo đạo Nam phương
Hỉ chư môn đệ, chư ái nữ, chư chúng sanh.
Chư chúng sanh nghe:
Ðạo Trời khai ba lượt, nguồn Thánh độ muôn người. Thìn lòng để bước vào nẻo thẳng đường ngay mà kiếm cho thấu đáo mối huyền vi Tạo hóa đã sắp bày độ dẫn, nhuần gội ơn huệ cho sanh linh đương buổi Hạ nguơn nầy.

Ai là khách hữu phần, ai là người vô quả, tánh thiêng liêng đã vì công lý mà ra tay tế độ, vớt kẻ giữa bến trần, khá biết thời thế lần vào nương dựa bóng thái dương, để bước vào con đường minh huệ, tìm suối lặng non Thần, rửa chút bợn nhơ đã vì phong trào mê muội mà cam chịu lấp kín gót trần.

Ta, vì lấy đức háo sanh, mượn giọt từ bi, hội Tam Giáo, mà rưới khắp Càn khôn, để độ rước những bậc Chí Thánh đọa trần trước kỳ Thiên điều hành phạt.

Họa Âu tai Á sẽ vì nơi Thiên thơ mà sát phạt, gieo sầu để thảm cho những giống dân nào đã vì hung bạo mà gây nên điều thán oán khắp cả Càn khôn nầy.

Ai mau bước đặng gặp mối chánh dẫn truyền mà lần lập công chiết quả, để lánh cả muôn điều phiền não về sau. Chúng sanh khá biết cho! Thăng.

CHÚ THÍCH:
Huyền vi: Huyền là sâu kín, vi là phần tử rất nhỏ. Huyền vi đồng nghĩa huyền diệu. Mối huyền vi: Ðạo Trời.
Vô quả: Không có quả, tức nhiên không có nhân. Vô quả là không có nhân quả. Người vô quả là người không có nhân quả nơi cõi trần nầy, tức là không do luân hồi, mà là người lãnh nhiệm vụ của các Ðấng thiêng liêng xuống trần để cứu độ nhơn sanh.
Thái dương: Mặt Trời. Nương dựa bóng thái dương: Ý nói nương dựa dưới bóng của Ðức Chí Tôn, tức là đem thân vào cửa Ðạo.
Minh huệ: Trí huệ sáng suốt. Con đường minh huệ: Con đường tu hành để đạt được trí huệ, đắc đạo.
Lấp kín gót trần: Sự mê muội, tấm màn vô minh đã phủ kín con người nơi cõi trần, khiến con người càng thêm mê muội. Muốn thoát khỏi vô minh thì chỉ có một con đường duy nhứt là tu hành.
Lập công chiết quả: Làm công quả để lấy công ấy mà trừ nghiệp chướng. Chiết là trừ bớt. Quả là cái kết quả của cái Nhân, Nhân xấu thì gây Nghiệp xấu và tạo Quả xấu.

101.  Chùa Gò Kén (Từ Lâm Tự)
Ngày 21-2-1927 (âl 20-1-Ðinh Mão)
THÁI BẠCH
Chư hiền hữu chỉnh tề đợi kiến giá Chí Tôn.
NGỌC HOÀNG THƯỢNG ÐẾ viết CAO ÐÀI giáo đạo Nam phương
Con nghe:
Nơi nào Thầy ngự thì nơi ấy là Thánh Ðịa.
Thầy đã ban sắc cho Thần Hoàng Long Thành thăng lên chức Văn Xương, vào trấn nhậm làng Hiệp Ninh, dạy dỗ dân về Ðạo, Thầy ban trọn quyền thưởng phạt đặng răn làng ấy cho đến ngày biết ăn năn cải quá. . .
Vậy thì làng Long Thành, các con khá an lòng.

Còn Tòa Thánh thì Thầy muốn cho có nhơn lực hiệp cùng Thiên ý, ấy là hạnh của Thầy, các con nên xem gương mà bắt chước.
Từ Thầy đến lập Ðạo cho các con đến giờ, Thầy chưa hề một mình chuyên quyền bao giờ. Các con lựa chọn nơi nào mà Hội Thánh vừa lòng thì đẹp lòng Thầy.

Các con phải chung hiệp nhau mà lo cho hoàn toàn Tòa Thánh. Chi Chi cũng tại Tây Ninh đây mà thôi.
Các con đã hiểu Thánh ý Thầy, phải cần kiệm, mỗi sự chi vì phương tiện mà thôi.

CHÚ THÍCH:
Bài Thánh Ngôn 101 nầy có trong ÐS. II. 244. Sau bài nầy còn một đọan nữa, xin chép bổ sung ra đây:
"Thơ! Thầy giao cho con góp tư bổn trong một tháng cho rồi, dặn các em con rằng: Danh thể của Ðạo nơi Tòa Thánh, nghe à! Sau Thái Bạch sẽ dạy con kiểu vở.
Cẩm Giang thì các con phải chịu khổ về phần ăn uống.

Bến Kéo thì địa thế hẹp hòi.
Chớ chi các con khôn ngoan lấy cớ rằng: Vì lợi ích lương sanh, vì đạo đức mà ký chánh phủ cho các con mé rừng cấm bên kia đường thì là đẹp lắm! Các con liệu thử.

Thơ! Suối Vàng thì đặng, phương chở chuyên không thuận tiện, song phong thổ tốt đẹp, con cũng yêu cầu Hội Thánh xét nét, nghe à! Thầy ban ơn cho các con."

Trước đây, Hòa Thượng Như Nhãn hiến chùa Từ Lâm cho Ðạo Cao Ðài làm Thánh Thất để tổ chức Lễ Khai Ðạo. Sau đó Hòa Thượng Như Nhãn bị thử thách nên mất đức tin, không theo Ðạo Cao Ðài nữa và đòi chùa lại. Hội Thánh đồng ý trả chùa. Ðức Chí Tôn và Ðức Lý Thái Bạch dạy Hội Thánh đi kiếm mua đất để cất Tòa Thánh.

Ðức Chí Tôn dặn: Chi chi cũng tại Tây Ninh đây mà thôi.
Ðức Chí Tôn lại gợi ý: Cẩm Giang, Bến Kéo, Suối Vàng đều không hoàn toàn thuận tiện, nên mua miếng rừng cấm phía bên kia đường thì đẹp lắm

102 .  Ngày 21-2-1927 (âl 20-1-Ðinh Mão)
NGỌC HOÀNG THƯỢNG ÐẾ viết CAO ÐÀI giáo đạo Nam phương
Hỉ chư môn đệ, chư ái nữ, chư chúng sanh.
Thầy mừng cho các con có phúc hạnh mà biết để ý vào đường Chánh giáo. Thầy khuyên các con phải chung lưng đâu cật mà bước đến cảnh nhàn. Cảnh ấy, tuy các con không thể thấy đặng, nhưng mà các con có thể đến đặng, là ngày nào các con rõ đặng lẽ Ðạo mà Thầy đã đem chỉ cho tận nơi, nếu các con phấn chí về Ðạo thì ngày đạt mục đích ấy cũng chẳng xa chi.

Cảnh nhàn chẳng phải đâu xa, chỉ ở nơi địa đàng đây, mà vì nhơn loại không để ý tìm ra, cứ theo một lối thấp hèn mà quên đàng cao thượng.

Các con phải biết trong Trời Ðất, nhơn sanh là con quí của Thầy, nên Thầy hằng để ý lo lường cho chúng con biết hối ngộ, hầu chung hưởng phước lành.

Thầy hỏi: Chủ ý các con có phải vậy chăng?
Tr . . . , con nói cho các em con nghe. Thăng.

CHÚ THÍCH:
Tr . .: Ngài Ðầu Sư Thượng Trung Nhựt.
Phấn chí: Ý chí hăng hái phấn khởi.
Ðịa đàng: Cõi trên mặt đất.

103 .  Tây Ninh (Chùa Gò Kén)
Ngày 28-2-1927 (âl 27-1-Ðinh Mão)
THÁI BẠCH
Hỉ chư đạo hữu, chư đạo muội.
Bính Thanh, hình Phật Thích Ca trước Hiệp Thiên Ðài đó phải làm thế nào cho đừng hư gãy, vì Chí Tôn đã trấn Thần chính nơi tay Người, nghe!

Quả Càn Khôn cũng vậy, khi tháo rời ra rồi ráp lại y như vậy. Khi tháo ra phải cầu Lão đưa Thần một đỗi, rồi mới đặt tay người vào, nghe à!

Dặn đến Thánh Thất mới, phải cầu Chí Tôn trấn Thần lại nữa. Thánh Thất tạm phải cất ngay miếng đất trống, còn Hiệp Thiên Ðài tạm phải cất trước Thánh Thất tạm.

Ðạo hữu phải khai phá đám rừng trước miếng đất ấy. Như vậy, ngay trung tim rừng, cách miếng đất trống chừng 3 thước rưỡi, đóng một cây nọc, đo Hiệp Thiên Ðài như vầy: Ngoài Bàu Cà Na đo chừng 50 thước, đóng một cây nọc, ấy là khuôn viên Toà Thánh.

Lão lại dặn, từ cây nọc bên phía miếng đất, phải đo vô Bàu Cà Na 27 thước Lang sa, nghe à! Tư vuông 27 thước mỗi góc của Ðài Bát Quái, nghĩa là hình nhà tròn có 8 nóc, cao từ đất lên thềm 9 thước Lang sa, làm 8 nóc rộng bao nhiêu tùy, trên Ðiện Bát Quái bề cao 9 thước, hình nóc tròn mô lên, chỉ có 8 nóc cho phân minh, trên đầu Ðài phải để cây đèn xanh.

Kế nữa là Chánh Ðiện, bề dài 81 thước, bề ngang 27 thước. Lão phải vẽ mới đặng.
Hai bên Hiệp Thiên Ðài, bên mặt thì có Lôi Âm Cổ Ðài, bên tả thì Bạch Ngọc Chung Ðài. Lão phải vẽ mới đặng.
Hộ Pháp, Thượng Phẩm, nội trưa nầy phải cắm một cây viết vào đầu cơ, lấy một miếng giấy lớn vào Ðiện phò loan cho Lão vẽ.
Bính Thanh phải có mặt, còn kỳ dư không cho ai vào Ðiện hết, nghe à!
Phải mua khoảnh đất Bàu Cà Na làm Ðộng Ðình Hồ, nghe à! Thăng.

CHÚ THÍCH:
Bài nầy có trong ÐS. II. 226.
Hội Thánh vâng lời Ðức Lý đi xem đất để mua, thì mua được miếng đất của Ông Aspar. Ðức Lý khen miếng đất ấy làm Thánh Ðịa rất tốt vì có Lục long phò ấn. Nay Ðức Lý dạy dời tượng của Thái Tử Sĩ Ðạt Ta (tức là Ðức Phật Thích Ca, thường gọi là Phật Tổ) và Quả Càn Khôn về đất mới mua. Nơi đây, Ðức Lý dạy cắm nọc định khuôn viên Tòa Thánh, dạy cất Thánh Thất tạm, gồm 3 Ðài: BQÐ, CTÐ, HTÐ, và kích thước gồm bề ngang, bề dài, bề cao. Sau đó, Ðức Lý dạy cắm cây viết vào đầu cơ, rồi Ðức Hộ Pháp và Thượng Phẩm phò loan cho Ðức Lý vẽ kiểu cất Tòa Thánh trên một tờ giấy lớn.
Bính Thanh: Phối Sư Thái Bính Thanh (Lâm Quang Bính)

104 .  Khai đàn tại Phước Long Tự, Chợ Ðệm.
Ngày 1-3-1927 (âl 28-1-Ðinh Mão)
THẦY
Các con,
Cái tình cảm hóa của con người là tình thường ứng hiệp Trời Ðất. Cho nên khi tâm tịnh thường cảm hoài, hằng tìm nơi u huyền mà nghĩ nghị trong trí khôn, ấy là kẻ có sẵn tình ý thiên nhiên Tạo hóa.

Còn có một hạng người cũng có tánh thiêng liêng ấy, nhưng lại không để trí khôn vào lối cao thượng, mà cứ quen thói hung hăng, nghĩ những việc bạo tàn, làm điều tội lỗi, ấy là những kẻ nghịch Thiên, không biết luân hồi là chi cả. Chúng nó lại tưởng rằng, kiếp người là kiếp sống chỉ có giây giờ rồi tiêu mất, nên tìm những chước sâu kế độc cho đặng của nhiều, no lòng sướng dạ, trối kệ luân hồi.

Thầy hỏi: Vậy chớ cái trí khôn của con người biết thương ghét, vui buồn, mà toàn trong nhơn loại đều có, khi rốt cuộc thì trí khôn ấy đi đâu? Không lẽ cái trí khôn ngoan dường ấy mà cũng mất đi đặng sao các con?

Thầy hỏi như vậy đặng cho các con mỗi đứa về suy nghĩ mà trả lời cho mình. Hễ trả lời phù hạp thì dễ biết Ðạo, còn ngu xuẩn cũng huờn ngu xuẩn.

Thầy dạy Nữ phái biết trọng Tam Tùng, Tứ Ðức; Nam phái Tam Cang, Ngũ Thường. Hễ Nhơn đạo thành thì là phù hạp Thiên đạo, nghe à!

CHÚ THÍCH:
Phước Long Tự: Ở tại xã Tân Nhựt, Chợ Ðệm, Chủ chùa là Yết Ma Giống, được Ðức Chí Tôn độ nên qui hiệp vào Ðạo Cao Ðài. Nơi đây thường xuyên tổ chức đàn cơ để thâu nhơn sanh cầu đạo, phò loan là: Trần Duy Nghĩa và Trương Văn Tràng. Chùa trở thành Thánh Thất Lộc Giang, nên gọi là Ðàn Lộc Giang. Khi Chủ chùa Yết Ma Giống qui liễu ngày 24-4-Canh Ngọ (1930), Thánh Thất Lộc Giang lại trở thành ngôi chùa Phật. (Tài liệu của Huệ Nhẫn)
Cảm hóa: Nhờ cảm động mà thay đổi.
Cảm hoài: Nhớ tới điều gì mà cảm động.
Tâm tịnh: Giữ tâm trong sạch và không vọng động.
Ứng hiệp: Ðáp lại một cách hòa hợp.
Nơi u huyền: Nơi vắng vẻ sâu kín.
Cái trí khôn ngoan là của Chơn thần. Khi thể xác con người chết đi, cái trí khôn ngoan theo Chơn thần mà xuất khỏi thể xác, để cùng với Chơn linh bay trở về cõi thiêng liêng.

Nhơn đạo: là nấc thang tiến hóa khởi đầu của con người. Nấc tiếp theo là Thần đạo, rồi Thánh đạo, Tiên đạo, Phật đạo, rồi sau cùng tiến lên nấc cao nhất là Thiên đạo.
Nhơn đạo của người Nữ là Tứ Ðức và Tam Tùng.
Nhơn đạo của người Nam là Tam Cang, Ngũ Thường.

105 .  Ngày 2-3-1927 (âl 29-1-Ðinh Mão)
LÝ BẠCH
Hỉ chư đạo hữu, chư đạo muội.
Chư đạo hữu, lúc nầy đã đến buổi người hành khách phải trải qua một lối chông gai. Muốn bước khỏi cần phải có bền chí tận tâm, và phải gắng xem đạo đức là trọng hơn muôn việc vui thích ở cõi trần nầy.

Ðạo tuy gần thành, nhưng còn phải chịu nhiều việc trắc trở nữa. Ấy là lúc các đạo hữu gặp một trường thi rất khó trong buổi rốt.

Sự phổ độ, Thiên cơ đã định, sức người cũng khó lướt qua. Bần đạo chỉn để lời cho các đạo hữu rõ đặng lưu tâm mà hành sự, chớ con đường tuy chớn chở, triền núi vẫn khó qua, song ngọn đèn Trời đã chiếu tỏ mà dìu dắt các đạo hữu, thì nhiều ít gì rồi sau cũng đến chốn được.

Hội Tam Giáo đương chầu Ðức Từ Bi định khai đạo cho khắp nơi đặng hiệp theo lẽ Trời cuối kỳ Hạ nguơn nầy. Thăng.

106 .  Ngày 3-3-1927 (âl 30-1-Ðinh Mão)
NGỌC HOÀNG THƯỢNG ÐẾ viết CAO ÐÀI giáo đạo Nam phương
Hỉ chư môn đệ, chư ái nữ, chư nhu.
Nguồn đạo đã gội khắp sanh linh mà nơi đây vẫn còn mơ màng trong mộng điệp.

Nhân sanh chưa dễ thoát được cảnh trụy lạc ở cõi trần mê muội nầy, lành ít dữ nhiều, phước nhỏ tội thêm. Ấy chẳng qua ách nạn Thiên cơ đã sắp bày hành phạt. Con cũng đồng thương, nhưng khí số phải mang lấy về buổi sau nầy.

Thầy cũng đau lòng mà nắm cơ huyền vi Tạo hóa. Thầy hằng rõ chí hành tàng chơn đạo của các con, nhưng nhơn lực khó lướt qua Thiên cơ, các con cứ đường ngay bước tới, đợi ngày sẽ lập chút công trình để lướt khỏi lối gai chông, vẹt ngút mây xanh, tìm vào cảnh thiêng liêng mà rửa sạch bụi hồng. Khách trí nhàn đời ấy là buổi chung qui của bậc Chí Thánh vậy.

Xôn xao gió bụi, mờ mệt tuồng đời, mồi phú quí bả công khanh, mấy kẻ biết nhuộm nét nâu sồng, lánh cả muôn sự não phiền mà khách trần đều gọi là vinh diệu.

Thảm thay! mà cũng tiếc thay! Gió khuất thuyền đưa, nhạn về rừng cũ. Con đường đạo hạnh đợi buổi khuất dấu, mờ mệt nét rêu phong, mới sửa soạn lần chơn, âu dễ biết vô phần hay hữu phúc. Thăng.

CHÚ THÍCH:
Mộng điệp: Giấc mộng thấy mình hóa thành bướm. Ðiệp là con bươm bướm. Ðó là giấc mộng của Ông Trang Tử. Trang Tử tên là Trang Chu, lúc trẻ nằm ngủ thường thấy mình hóa thành bướm, bay liệng đi chơi. Khi giựt mình thức giấc thì vẫn thấy mình là Trang Chu, không biết Trang Chu hóa bướm hay bướm hóa Trang Chu. Mộng điệp là ý nói giấc ngủ say.
Khí số: Khí là có tính cách huyền bí, số là vận mạng. Khí số là vận mạng của con người do Trời sắp đặt.
Chí hành tàng chơn đạo: Cái ý chí hành động (bộc lộ hay ẩn tàng) trong nền chơn đạo.
Chung qui: Cuối cùng thì trở về, ý nói chết, linh hồn trở về cõi thiêng liêng.
Khách trí nhàn đời: Trí là thôi việc làm quan hay nghỉ việc đời. Khách trí nhàn đời là người từ bỏ việc đời, lui về sống an nhàn với thiên nhiên, tu tâm dưỡng tánh.
Âu dễ biết: Có lẽ đâu dễ biết. Âu là có lẽ đâu.

107 .  Ngày 3-3-1927 (âl 30-1-Ðinh Mão)
THẦY
Các con,
Thầy để lời cho các con rõ rằng: Ðường đạo ngày hôm nay, các con đã tiến nhiều. Trách nhậm muốn cho hoàn toàn, cần phải bước qua mấy sự trắc trở mà đạt mục đích cao thượng.

Phần nhiều trong các con đã chịu lao tâm tiêu tứ vì lòng kính mến Thầy và vì chúng sanh mà toan độ rỗi, nhưng cũng có nhiều đứa dụng tà tâm mà làm cho có sự thán oán trong nền Ðạo của Thầy.

Thầy đã lấy lòng từ bi và đức háo sanh mà dìu dắt các con của Thầy, chẳng dụng sự khinh trọng mà làm cho chinh lòng các con, chẳng lấy hành tàng bất chánh mà làm cho mất điều hòa nhã. Con một nhà, đãi đồng một bực, đứa thua sút yếu thế, lại đỡ nâng dìu dắt nhiều hơn đứa thế trọng sức nhiều.

Thầy cũng ghe phen muốn phạt những kẻ lấy bực phẩm của phàm mà gây nên rối rấm trong Ðạo, nhưng chẳng nỡ. Chúng nó đã bị Thần Thánh biên chép, ngày chung cuộc sẽ liệu tội phát lạc mà thôi.

Nơi trần nầy, thiếu chi bực giả dối. Các con có tin ai cho bằng tin cậy nơi các con? Nhiều kẻ dụng thế để cầu Thầy, chớ kỳ thật là chúng nó muốn tìm cách dòm hành mong các con lầm mà bại lộ cơ quan mật yếu mà thôi.

Cơ mầu nhiệm đã định nơi Thiên thơ. Ðạo mở chủ ý dìu dắt những kẻ hữu phần, đặng ráng cùng nhau dắt lên khỏi con đường trắc trở, vẹt nẻo chông gai, bước tận đến thang Trời hội hiệp cùng Thầy trong buổi chung qui.

Ðặng cùng không do nơi tâm chí của các con. Thầy chẳng lẽ tỏ việc Thiên cơ cho cùng tận đặng.
Tr . . T . . H . . . trách nhậm gần xong, công quả hầu mãn nên mới xảy ra việc buộc ràng ấy. Nếu chẳng phải vậy thì chúng nó chẳng khỏi một họa to đến bên mình. Ấy là Thầy cải cơ Trời mà cứu chúng nó đó.

Sự yên tịnh và sự hòa bình là hai điều Thầy dụng mà gieo mối Ðạo. Biết bao lần sanh linh đã đổ máu vì Ðạo! Thế mà có thành được không?
Thầy vì đó mà phải để cho các con chịu phiền não mà hành đạo cho vẹn toàn.

M . N . . . S . . . Từ đây có đàn như mấy kỳ rồi đây, Thầy cho phép chẳng vụ tất đến, vì đã thất công mà chẳng bổ ích chi. Các đường nẻo mà các con sẽ đi đến, Thầy đã liệu biện. Có mau lắm cũng chẳng tới trước, mà chậm lắm cũng không trễ bước đường. Hành tàng do nơi Thầy mà thôi. Sự trắc trở chẳng qua là làm cho các con chịu nhọc thêm một thí mà thôi.

Nhưng nếu trong môn đệ đồng tâm chí như mấy con đây thì đường đi của các con sẽ vui vẻ tươi cười, chẳng chi chinh lòng nhau đặng. Các con nên suy nghĩ.

S . . . bạch Thầy sự T. M. . .
Cười! Thầy chẳng khi nào dụng những kẻ ấy vào nền Ðạo bao giờ. Than ôi! Tiền lớn bạc nhiều, món ngon vật quí, hay xiêu lòng phàm phu. Của bất nghĩa kẻ trần còn chẳng chịu dùng thay!

Người Hàn Tín xưa, nếu chẳng trở lòng nạp bạn thì chẳng bị thác vô cớ. Còn ngươi Trương Tử Phòng, nếu chẳng Phạm Tăng cải Trời làm lếu thì ân oán đền trả chẳng mấy hồi.

Thầy đã nói các con phải chịu nhọc hơn một thí mà lướt mấy sự ấy có lạ chi. Các con nên hiểu. Thăng.

CHÚ THÍCH:
Tà tâm: Lòng dạ không ngay thẳng, trái với chánh tâm, công tâm. Thán oán: Giận hờn than thở.
Chinh lòng: Làm cho lòng người bất bình với nhau.
Ghe phen: Nhiều phen, lắm phen. Ghe là nhiều, lắm.
Phát lạc: Ðày đi xa.
Cơ quan mật yếu: Cơ quan bí mật trọng yếu.
Chẳng vụ tất đến: Ý nói không có công việc thì không cần phải đến.

Hàn Tín xưa chẳng trở lòng nạp bạn thì chẳng bị thác vô cớ: Bạn của Hàn Tín là Chung Ly Muội, tướng giỏi của Sở Bá Vương Hạng Võ. Khi Hán Vương diệt Sở Bá Vương xong, Hán Vương lên ngôi Hoàng đế, xưng là Hán Cao Tổ, phong Hàn Tín làm Tề Vương. Có người vu cáo Hàn Tín chứa Chung Ly Muội, có ý làm phản. Hàn Tín nghe được, nói cho Chung Ly Muội biết, có ý như buộc Muội tự sát để Hàn Tín đem đầu Muội dâng cho Hán Cao Tổ để tỏ lòng trung. Nhưng Hán Cao Tổ vẫn lập kế bắt Hàn Tín đem về kinh đô, tước hết binh quyền, cho làm Hoài Âm Hầu. Sau, Lữ Hậu mưu với Tiêu Hà, bắt Hàn Tín giết chết.

Theo Trọng Tương vấn Hớn thì vụ Hàn Tín phản bạn, cắt đầu Chung Ly Muội đem nạp cho Hán Cao Tổ, làm Hàn Tín giảm tuổi thọ 1 kỷ = 10 năm.

Trương Tử Phòng: Trương Lương, làm Quân Sư cho Hán Lưu Bang trong suốt thời kỳ Hán Sở tranh hùng. Khi Lưu Bang dẹp xong Sở Bá Vương Hạng Võ, lên ngôi hoàng đế là Hán Cao Tổ, Trương Lương xin từ quan, lui về ẩn cư nơi thôn dã, học Ðạo tu Tiên.

Phạm Tăng cải Trời làm lếu: Phạm Tăng làm Quân Sư cho Hạng Võ, biết được Lưu Bang và Hàn Tín sau nầy sẽ diệt Hạng Võ, nên trong lúc Hạng Võ còn quyền thế mạnh, xúi Hạng Võ giết chết Hàn Tín và Lưu Bang để trừ hậu họa, nhưng Trời khiến Hạng Võ không làm.

108 .  Ðại Ðàn Cầu Kho
Ngày 5-3-1927 (âl 2-2-Ðinh Mão)
NGỌC HOÀNG THƯỢNG ÐẾ viết CAO ÐÀI giáo đạo Nam phương
Trong các con có nhiều đứa lầm tưởng, hễ vào Ðạo thì phải phế hết nhơn sự, nên chúng nó ngày đêm mơ tưởng có một điều rất thấp thỏi là vào một chỗ u nhàn mà ẩn thân luyện đạo.

Thầy nói cho các con biết, nếu công quả chưa đủ, nhơn sự chưa xong, thì không thế nào các con luyện thành đặng đâu mà mong.

Vậy muốn đắc quả thì chỉ có một điều phổ độ chúng sanh mà thôi. Như không làm đặng thế nầy thì tìm cách khác mà làm âm chất, thì cái công tu luyện chẳng bao nhiêu cũng có thể đạt địa vị tối cao.

Các con phải hiểu Thánh ý Thầy mà trau giồi chí lớn. Dầu đi lối nào cũng phải cần cái đèn thiêng liêng chiếu rõ mới đặng vững bước. Làm vua, làm thầy, làm công nghệ, làm đạo sĩ, cũng cần phải có cái chí lớn mới mong thành tựu đặng. Các nghề dưới thế không có nghề nào là vô dụng, mà vô dụng là tại người không chuyên vậy.

Chư ái nữ ôi! Các con thường để mắt dòm lên, thấy kẻ cao sang thì các con cho rằng các con vô phước, còn nhìn xuống thấy đồng chủng thấp hèn thì các con lại đem lòng khi bạc. Ấy là một điều vô đạo. Thầy khuyên các con phải mở rộng trí ra mà thương nhơn loại thì mới hạp ý Thầy. Các con phải giữ gìn đức hạnh, đối với kẻ trên bằng chữ khiêm hòa, đối với kẻ dưới bằng chữ khoan dung. Nghe các con!

Nam phái! Chư môn đệ mới, các con nghe:
Bấy lâu vì lẽ công bình Thiên đạo, nên các con chịu lắm điều đau đớn, mà cũng vì không biết tu luyện cái chí cao thượng của Thầy ban cho, cứ một lối thấp hèn quanh quẩn, chẳng cho trí não ra khỏi vòng mờ tối, cho nên bước đường hóa nên trở ngại mà lâu tấn bộ. Vậy từ đây, các con đã nhập môn thì phải để ý vào đường Chánh giáo mà cùng nhau bước tới cho khỏi lối chông gai. Các con đừng vì tư lợi mà làm mất nhân cách thì rất uổng cái điểm linh quang của Thầy để vào xác thân của các con lắm.
Các con nghe à!

CHÚ THÍCH:
Muốn đắc quả thì chỉ có một điều phổ độ chúng sanh: Trước đây, nhiều lần Ðức Chí Tôn đã nói: "Thầy đến độ rỗi các con là thành lập một trường công đức cho các con nên đạo." "Một trường thi công quả, các con muốn đến đặng nơi Cực Lạc thì phải đi tại cửa nầy mà thôi."

Cho nên trong thời kỳ Ðại Ân Xá, Ðức Chí Tôn miễn cho các môn đệ phần Luyện đạo. Các môn đệ chỉ cần lập công quả cho nhiều trong việc phổ độ chúng sanh thì đủ đắc đạo.

Chúng ta nhận thấy các bậc tiền bối của chúng ta đã đắc đạo đều do nơi công quả, chớ đâu phải do Luyện đạo.

Nếu chúng ta chỉ lo luyện đạo mà không lo công quả thì trái với Thánh ý của Ðức Chí Tôn, có mong chi đắc đạo. Chúng ta chỉ nên xem việc luyện đạo là phần phụ nối tiếp theo sau, khi công quả đã đầy đủ rồi.

Ðức Phạm Hộ Pháp có nói, muốn vào Tịnh Thất luyện đạo thì hành giả phải có đủ Tam Lập: Lập đức, Lập công và Lập ngôn. Muốn biết có đủ hay thiếu thì Ðức Hộ Pháp phải cân thần, chớ ai cũng xưng đủ hết thì làm sao chọn lựa.

Nhân sự chưa xong: Ý nói nhơn đạo chưa rồi.
Làm vua, làm thầy, làm đạo sĩ, cũng cần phải có chí lớn mới mong thành tựu được: Cái chí lớn (Ðại chí) hướng dẫn các hoạt động của con người. Người có chí lớn mới mong làm nên đại sự. Lưu Bị, Quan Công, Trương Phi, 3 người đều có chí lớn, kết nghĩa anh em làm nên đại sự, danh tiếng hiển hách để lại đời sau. Tuy Lưu Bị có tài vũ dũng không bằng Quan Công và Trương Phi, nhưng cái chí của Lưu Bị là chí làm vua, an bang tế thế, nên Lưu Bị làm vua; còn cái chí của Quan Công và Trương Phi là cái chí làm bề tôi, nên tuy tài giỏi nhưng chịu phận làm bề tôi, phò Lưu Bị.

Cái điểm linh quang của Thầy để vào xác thân của các con: Câu nói nầy của Ðức Chí Tôn cho chúng ta biết rằng, cái điểm linh quang tức là chơn linh của mỗi người, Ðức Chí Tôn đặt vào trong xác thân của con người. Ðiểm linh quang nầy ngự tại trái tim, gìn giữ sự sống cho con người. Cho nên hễ tim ngừng đập thì chết. Chúng ta cần lưu ý điều nầy, bởi vì có người cho rằng chơn linh ở ngoài thân thể con người. Nếu ở ngoài thân thể thì ở tại đâu? Làm sao điều khiển Chơn thần và thể xác? Câu chót của bài Thánh Ngôn nầy, Ðức Chí Tôn đã nói rất rõ điều đó.

109 .  Ngày 5-3-1927 (âl 2-2-Ðinh Mão)
THƯỜNG CƯ NAM HẢI QUAN ÂM NHƯ LAI
Hỉ chư đạo hữu, chư đạo muội, chư chúng sanh.
Thiên phong bình thân. Chư đạo muội nghe:

Thiếp lấy làm hân hạnh được trông thấy lòng thành kỉnh của chư đạo muội. Từ đây khá chung hiệp nhau mà lo dìu dắt đàng sau bước tới. Nhiều đạo muội chẳng để trọn lòng về nền Ðạo. Phải rán công thêm nữa đặng làm cho đáng nét yêu dấu của Ðấng Chí Tôn cho nở mày khách quần thoa cõi Việt.

Ðiều thăng thưởng chẳng mất phần, ngày giờ nhặt thúc, nếu diên trì thì bước đường sau khó theo dấu.

Thiếp để lời mừng chư đạo muội khá chịu nhọc mà làm cho trách nhậm hoàn toàn, ấy là điều Thiếp trông mong nơi các đạo muội vậy.
Làu soi gương hạnh rạng Nam hoa,
Sau trước rồi đây cũng một nhà.
Liễu yếu đem đường dìu liễu yếu,
Tranh xưa thêm rỡ cảnh liên tòa.
Chư đạo hữu, chư đạo muội khá lưu tâm. Thăng

CHÚ THÍCH:
Nở mày khách quần thoa: Làm vinh dự cho phụ nữ.
Diên trì: Làm chậm chạp kéo dài thời gian.
Nam hoa: Gái nước Việt Nam. Liễu yếu: Chỉ phái nữ.

110 .  Ngày 5-3-1927 (âl 2-2-Ðinh Mão)
NGỌC HOÀNG THƯỢNG ÐẾ viết CAO ÐÀI giáo đạo Nam phương
Hỉ chư môn đệ, Hỉ chư ái nữ, chư nhu.
K . . . khá nghe Thầy:
Rừng thiền nhặt thúc tiếng chuông trưa,
Phước gặp về Ta buổi đã vừa.
Nẻo hạnh làu soi gương nguyệt thắm,
Sân ngô rạng vẻ cảnh thu đưa.
Mai tàn tuyết xủ đời thay đổi,
Dữ tận hiền thăng khách lọc lừa.
Mùi đạo gắng giồi lòng thiện niệm,
Duyên may tìm lại phẩm ngôi xưa.

Màn Trời che lấp dấu trần, đạo Thánh dắt dìu bước tục. Cuối Hạ nguơn biết bao đời thay đổi.

Trái cầu 68 nầy bỗng nhiên có một lằn yếng sáng để thức tỉnh khách phàm, chiếu dẫn người hữu căn hầu cứu khỏi họa Thiên điều, sẽ vì hung bạo của sanh linh mà diệt tận.

Chới với biết bao người giữa lượn sóng trầm luân, mà con đường xô đẩy khách trần vào chốn đắm chìm, hằng vẽ cảnh cùng sầu cho nhơn loại.

Ðường tội phước chẳng biết cân, gương dữ lành không để ý. Triền cao vực thẳm, rừng trước non xưa, cảnh vẫn đợi kẻ tìm về, nhưng giọng ai oán của khách lạc đường chẳng thế vạch Trời xanh soi thấu.

Nào nhân xưa, nào đức trước, nào sách Thánh, nào lời Hiền, trải qua chưa trăm năm mà cuộc cờ đời đã rửa phai hạnh đạo. Thế thì nhơn loại, nếu chẳng có mối huyền vi để nhắc chừng tâm tánh, sẽ vì mồi danh lợi, miếng đỉnh chung mà cắn xé giựt giành, giết hại lẫn nhau cho đến buổi cùng đường, rồi vì hung bạo ấy mà cõi dinh hoàn nầy chẳng còn sót dấu chi của nhân vật cả.

Ðạo Trời soi gương rạng, khá biết tỉnh mộng hồn, kiếp sanh chẳng bao lâu, đừng đợi đến ngày cùng tận. Nơi trường thi công quả, nên cân lấy phước phần, chẳng sớm trau thân, rừng chiều ác xế.

Chúng sanh ráng biết lấy.
Thầy hằng muốn cho các con hiệp chung nhau mở đường Chánh giáo, phải biết tương thân tương ái, chia vui sớt nhọc cho nhau mà dìu dắt chúng sanh.

Nếu vì chút phàm tâm mà chia đường phân nẻo, ghét nghịch lẫn nhau, các con sẽ treo gương bất chánh cho kẻ sau, lại nền Ðạo cũng vì đó mà khó mau thành đặng.

Các con khá để ý đến, ấy là các con hiến cho Thầy một sự thành kính trọng hậu đó.
Thầy ban ơn cho các con. Thăng.

CHÚ THÍCH:
K . . .: (?)
Nẻo hạnh: Con đường đi giữa các hàng cây hạnh, nghĩa bóng là con đường đức hạnh, hay con đường đạo đức.
Sân ngô: Sân trường có trồng cây ngô đồng, để chỉ rằng trường nầy đào tạo được nhiều người tài giỏi. Cây ngô đồng là chỉ người học thức tài giỏi, thi đậu Trạng nguyên.
Dữ tận hiền thăng: Người hung dữ thì bị tiêu diệt hết, kẻ hiền lành thì được siêu thăng.
Cùng sầu: Sầu thảm đến mức tận cùng.
Ai oán: Buồn thương và oán giận.
Mối huyền vi: Mối đạo Trời huyền diệu.
Dinh hoàn: Dinh là biển lớn, hoàn là vùng đất rộng. Dinh hoàn hay Doanh hoàn là chỉ chung đất liền và biển cả trên quả địa cầu nầy.
Nhân vật: Người và vật, nhơn loại và vật loại.
Tỉnh mộng hồn: Linh hồn thức tỉnh, đừng mơ mộng.
Phước phần: Có phước có phần, chỉ người có vận mạng tốt, hưởng được nhiều điều may mắn tốt đẹp.

Rừng chiều ác xế: Cảnh rừng lúc chiều tà, ý nói con người lúc về già. Chẳng sớm trau thân, rừng chiều ác xế: Ðức Chí Tôn dặn sớm lo tu hành kẻo tuổi già đến thì tu không kịp.

Ðức Phật Thích Ca cũng có nói: "Mạc đãi lão lai phương học đạo, Cô phần tận thị thiếu niên nhơn." Nghĩa là: Ðừng chờ tới lúc tuổi già mới lo học đạo, những nấm mồ hoang kia thấy rõ đều là kẻ còn trẻ tuổi.

111 .  Ngày 7-3-1927 (âl 4-2-Ðinh Mão)
NGỌC HOÀNG THƯỢNG ÐẾ viết CAO ÐÀI giáo đạo Nam phương
Hỉ chư môn đệ, chư ái nữ, chư nhu.

Chư môn đệ! Nghe Thầy:
Trót hơn năm trường, các con đã lắm nhọc nhằn vì đạo đức độ rỗi sanh linh, phần nhiều đã lao tâm tiêu tứ gắng làm cho chấn hưng nền Ðạo của Thầy, đã vì đức háo sanh mà gieo truyền để cứu vớt những kẻ hữu phần, mà vì tiền căn hậu quả, phải bị đắm chìm nơi bến khổ sông mê nầy.

Thầy nắm máy huyền vi, hằng lấy cân thiêng liêng mà day trở máy Càn khôn, vì vậy thế cuộc phải tuần hoàn, bầu nhơn sự phải luân chuyển vần xây phiêu linh cho đến buổi nhơn loại được vẹn toàn, thế giới cũng vì đó mà phải đổi thay, gạn đục lóng trong mà tạo thành miền Cực Lạc.

Dữ tận hiền thăng, mạnh tàn yếu được, nếu chẳng có mối Ðạo Trời thì sanh linh, vì hung bạo phải trả trả vay vay, biết chừng nào cho cảnh dinh hoàn nầy được trọn hưởng ân huệ, nấc thang thiêng liêng kịp dẫn độ người phàm tục.

Trường công quả đã hầu mãn, các con lại phải đến cảnh gay go, vó ký ướm ngập ngừng mà cánh hồng toan lướt gió. Phần nhiều hữu công mà chưa tận chí, không vì sanh chúng giữ phẩm hạnh hoàn toàn, cho đáng nét yêu đương của Thầy đã vì các con mà bố hóa.

Thầy đã nói, Thiên cơ phải do nơi tâm hạnh của các con mà xây đổi máy huyền vi. Vì vậy, Thầy phải đổi cơ mầu, dụng sự hòa bình yên tịnh để dẫn các con cho vẹn bước đường đạo đức. Xưa đã lắm phen nhơn sanh phải khổ tâm hy sinh vì nền Ðạo, nhưng mà tàn lối ngưỡng trông rồi thì phân vân dời đổi, tang biến thương dồn, rốt cuộc lại mối thân ái của sanh linh chưa vầy hiệp đặng.

Thế thì kẻ hung bạo luống mượn thế lực phàm phu để khuấy rối, làm cho bước đường êm thấm phải hóa ra gay trở. Biển đương lặng, Trời đương thanh, dễ chi sóng khỏa nước nhăn, mây ùn non bạc. Lằn tang thương gần khởi, đường đạo đức chớ dần dà, công vẹt ngút mây xanh của các con sẽ làm cho sáng sủa bạch minh, cho bước đàng sau nầy do theo dấu ấy mà lần đến cõi vô ưu, để bước khỏi lối nhọc nhằn ban sơ khai dẫn.

Thầy vì đó mà cải dẫn bước đường của các con, não phiền thành vui vẻ, đường gai gốc hóa ra nẻo êm đềm, lo lắng phải ra tươi cười, mỏi mòn thành phấn chấn.

Công trình của các con bớt nhọc, bậc phẩm các con tuy bớt cao nhưng sự yên tịnh ấy sẽ làm cho khắp cả nhơn sanh đều được hưởng.

Cơ Tạo hóa như thế, các con có hiểu chăng?
Tr . . . , con ráng kiếm hiểu ý Thầy, chư môn đệ cũng vậy. Ðiều cần nhứt là mỗi đứa đều lưu tâm ráng lo việc Thánh Thất cho hoàn toàn, mỗi đứa để chút ít gan tấc vào đó. Ấy là nơi bia tạc tên tuổi của các con về sau, để soi gương dìu đàng hậu tấn.

Các con khá biết cho!
Tr . . . Chư nhu cầu đạo đều đặng thâu nhập. Con cũng cho các đạo hữu rõ rằng: Tân Luật đã lập thành, Hội Thánh cứ đó mà ban hành. Ðó là hay về đạo đức và nhân sự của các con. Thăng.

CHÚ THÍCH:
Tr . .: Trung, Ðầu Sư Thượng Trung Nhựt.
Tiền căn hậu quả: Những việc làm thiện ác trong kiếp trước sẽ được báo đáp lại và có kết quả trong kiếp sau.
Phiêu linh: Trôi nổi rơi rụng.
Vó ký ướm ngập ngừng, mà cánh hồng toan lướt gió: Ý nói còn chần chờ, chưa quyết tâm xông lướt. Vó ký là bước chân của con ngựa Ký. Ngựa Ký là loại tuấn mã, ngày chạy được ngàn dặm đường. Ướm là sắp sửa. Ngập ngừng là do dự, nửa muốn bước tới nửa muốn không. Cánh hồng là cánh của con chim hồng. Chim hồng thuộc loài nhạn, cánh khỏe, bay cao và bay xa, chịu nổi cuồng phong.
Tận chí: Với tất cả ý chí của mình.
Tàn lối ngưỡng trông rồi: Hết đường trông mong rồi.
Tang biến thương dồn: Cuộc tang thương biến đổi dồn dập. Vô ưu: Không lo. Cõi vô ưu là cõi CLTG.
Cải dẫn: Sửa đổi và dìu dẫn.
Gan tấc: hay Tấc gan, chỉ lòng dạ.

112 .  Ngày 5-4-1927 (âl 4-3-Ðinh Mão)
THẦY
Các con,
Trung, con vì có nhiều trách nhậm cần yếu nên Thầy đã có sai T . . . thế mặt đặng phổ độ và tư dạy các môn đệ nơi mấy tỉnh trên.

Con đã tới một lối đàng trở gay, vì nỗi ấy mà công quả sau nầy mới vẹn toàn đặng.

Thầy đã cho phép con và các môn đệ có trách nhậm xứng đáng đặng tự liệu chung lo mà làm cho hoàn toàn nền Ðạo của Thầy đã vun đắp từ bấy nay. Có phần lo lắng của các con mới có thể lập nên công quả xứng đáng.Vậy, dầu việc chi cũng tới chốn được.

Thầy đã lấy từ bi mà dìu dắt từ bước đường, hôm nay các con đặng lấy chí thành của Thầy đã un đúc mà dìu dắt lại sanh linh, lớn nhỏ phải cần tương thân tương ái nhau, kỉnh yêu chỉ dẫn nhau, đem tấc lòng thanh bạch để làm mảnh gương soi sáng bước đường hậu tấn. Ðường đi cũng còn dài, bước Ðạo còn nhiều nỗi trắc trở, nếu chẳng để dạ nương nhờ lấy nhau. Một mai các con phải xa vắng lời Thầy truyền nhủ thì các con phải trở ra thế nào nữa?

Mấy chuyện con tính đều được. Tâm chí các con lay động ưu tư tất là Thần, Thánh dẫn đường để chỉ cho con ra khỏi lối mịt mờ, nhưng đặng cùng không, nên hay hư, đều tại nơi tấc thành của mỗi đứa nữa.

Cứ đường ngay để bước thì thế nào các con cũng dìu nhau mà xong bổn phận đặng. Nếu cứ than khó, dừng bước thì dầu sự dễ cũng không trông thành tựu. Mạng Trời đã định, nhưng có sức của các con mới đặng cuộc kết quả hoàn toàn.

Thầy để lời cho các con biết rằng, phần nhiều các Giáo Hữu không xét biết trách nhậm của mình. Con phải nhắc cho chúng nó hiểu. Mỗi Giáo Hữu ít nữa phải thông cội rễ nền Ðạo, chúng nó phải năng tìm biết Thánh Ngôn của Thầy đã dạy, và thay phiên nhau mà nói đạo cho chư thiện nam tín nữ hiểu. Nhiều Giáo Hữu không biết một nét chi về việc đạo, chư tín đồ không trông học hỏi đến đặng, thì Chức sắc còn có bổ ích chi.

Con phải nhắc cho chúng nó và Hội Thánh phải hội một tháng một kỳ mà chỉ dẫn cho nhau về việc thuyết đạo trong mỗi đàn, nghe!
Thầy ban ơn cho các con.

CHÚ THÍCH:
T . . .: Trang, Ngài Chánh Phối Sư Ngọc Trang Thanh.
Tư dạy: Dạy riêng. Tấc lòng: Tấm lòng. Dùng chữ tấc để tỏ ý khiêm nhượng.
Tấc thành: Tấm lòng thành thật.
Ưu tư: Lo lắng suy nghĩ.
  Home       1 ]  [ 2 ]  [ 3 ]  [ 4 ]  [ 5 ]  [ 6 ]  [ 7 ]  8 ]  [ 9 ] 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét