Thánh Ngôn Hiệp Tuyển I & II - 9 / 9 (BSCT, Hiền Tài - Nguyễn Văn Hồng )

THI VĂN DẠY ÐẠO
Phần 2: Thơ Tứ tuyệt (4 câu): (1-126)
1.
Ðã từng muôn kiếp có tên Ta,
Ta bởi Ðạo Trời mở cửa ra.
Ra để rước người lành đến ở,
Ở chung một cõi lại chung nhà.
2.
Cương tỏa đương thời đã giải vây,
Ðừng mơ căn nghiệt một đời nầy.
Hữu duyên độ thấu nguồn chơn đạo,
Tu niệm khuyên bền chí chớ lay.
3.
Một ngày thỏn mỏn một ngày qua,
Tiên Phật nơi mình phải ở xa?
Luyện đặng tinh thông muôn tuổi thọ,
Cửa Tiên xuất nhập cũng như nhà.

4.
Một Trời một Ðất một nhà riêng,
Dạy dỗ nhơn sanh đặng dạ hiền.
Cầm mối Thiên thơ lo cứu chúng,
Ðạo người vẹn vẻ mới thành Tiên.

5.
Mơ màng chưa khỏi lụy phồn hoa,
Chưa biết nên thân tính sắm nhà.
Cải hạnh đố ngươi về tập thử,
Tháng sau sẽ đến trước trình Ta.

6.
Trình Ta, Ta phải đỡ nâng chơn,
Khuyên một điều con khá giảm hờn.
Hễ ghét người thì Trời ghét lại,
Ghét người Trời ghét lẽ nào hơn.

7.
Nào hơn vui thú đức tài lo,
Sẵn gối sẵn chăn cứ xuống đò.
Ngoài nữa còn cha còn chú bác,
Làm gương cho đáng mới nên trò.

8.
Nên trò đạo đức dễ gì đâu,
Vui chẳng vui, sầu chẳng dám sầu.
Cái khổ của đời mình ước vọng,
Cái chê của chúng lại nài cầu.

9.
Ký thành một cuốn gọi Thiên thơ,
Khai Ðạo muôn năm trước định giờ.
May bước phải gìn cho mạnh trí,
Nắm đuôi phướn phụng đến dương bờ.
CHÚ THÍCH:
Nắm đuôi phướn phụng đến dương bờ: Do câu Hán văn: Phụng hàm đơn chiếu đề dương bạn. Nghĩa là: Con chim phụng ngậm sắc mệnh của Ðức Chí Tôn tiến lên bờ đạo đức.
Dương bạn là Bờ dương, ý nói bờ đạo đức, bờ giác ngộ, do câu trong Kinh Ðạo Ðức: Dương vô trần nhiễm, Ðạo giả như dương. Nghĩa là: Cây dương không nhiễm bụi trần, Ðạo như cây dương. Cả câu, ý nói rằng: Cứ nhắm theo chân Ðức Chí Tôn thì nhứt định sẽ đắc đạo.

10.
Thơm tho chi cũng vốn mùi đời,
Chưa kẻ dùng nên của để chơi.
Mua bán chọn lừa như buổi chợ,
Về nhà chưa tối đã qua đời.

11.
Ðinh ninh Thầy dặn trẻ đôi lời,
Mình biết Ðạo mình giữ đó thôi.
Mặc kẻ thường tình ngu biếm nhẻ,
Phải coi nên chỗ để nên lời.

12.
Ngừa thuyền Thầy đợi kẻ sang chơn,
Khổ hạnh khuyên con chớ dạ hờn.
Sắm nghiệp trần gian còn phải khó,
Lựa là nghi trưởng tại Bồng Sơn.
CHÚ THÍCH:
Ngừa thuyền: Chờ thuyền. Nghi trưởng: Vị Tiên trưởng oai nghi.

13.
Hay cho kẻ sĩ biết tu hành,
Hành ấy thì thân chẳng mến danh.
Danh vốn là bùa mê muội thế,
Thế không đạo đức thế không thành.

14.
Mưa nắng thương thân chịu lắm lần,
Ðành đem đức gởi tại Chiên Tân.
Thanh cao là biết ngon dưa muối,
Hơn ngự lầu yên ngó đảnh Tần.
CHÚ THÍCH:
Chiên Tân: (?) Lầu yên: tức là Ðài vân, Ðài vinh quang. Yên là mây. Ðảnh Tần: Núi Tần, chỉ lòng nhớ quê nhà.
15.
Bát Nhã xin con trở mái chèo,
Thìn lòng thương lấy chúng sanh eo.
Trăm năm chưa hẳn nên hiền đức,
Tấn nẻo chông gai khá lựa dèo.

16.
Lựa dèo lựa thế độ nhơn sanh,
Khó dễ Thầy cho hiểu ngọn ngành.
Ám muội thì nhiều, mưu trí ít,
Ðường Tiên chẳng bước, đọa thì đành.

17.
Vong xu trọn cả một Càn Khôn,
Hết kiếp thịt xương tới kiếp hồn.
Ngảnh lại hỏi người là chắc đó,
Trăm năm là tuổi chết rồi chôn.

18.
Ra vòng thế tục ít người toan,
Vì chẳng ưa mua một chữ nhàn.
Rồng rắn cùng đời, rồng hóa rắn,
Vinh huê ngó lại, giấc mơ màng.

19.
Sánh vai Sào Phủ ẩn danh xưa,
Vì nẻo lợi danh cũng đã thừa.
Mau bước lui lần qua cõi tục,
Cười than vui khóc, thấy hay chưa?

20.
Nghe nghe thì lắm tiếng hiền lương,
Ðạo đức con tua giữ một đường.
Biển đổi, non dời, đời phải tuyệt,
Ðức cao bền vững khó cân lường.

21.
Bày đờn ai khéo sắm đờn đây,
Ðể quỉ để ma ở cả bầy.
Lẩn bẩn cứ theo toan cám dỗ,
Làm cho nên nỗi Ðạo xa Thầy.

22.
Sắc Trời đã đến tận nơi tay,
Cực nhọc khuyên con chớ dạ nài.
Lập Ðạo dầu nên ngàn thuở để,
Nêu danh hậu thế tiếng bền dai.

23.
Từng lo tu luyện bấy lâu nay,
Chuộng Ðạo từ đây đã gặp Thầy.
Một chức giáo dân tua lãnh lịnh,
Làm cho đời tệ hóa ra hay.

24.
Ðức cao thì mới đáng nên người,
Ðức thắng tài kia đã mấy mươi.
Có đức có tài giềng Ðạo trọng,
Không tài không đức hóa không thời.

25.
Nhơn là đầu hết các hành tàng,
Cũng bởi vì nhơn, dân hóa quan.
Dân trí có nhơn nhà nước trị,
Nước nhà nhơn thiệt một cơ quan.

26.
Trời hằng thương mến lũ nhơn sanh,
Giận nỗi cưu cưu ở bạc tình.
Ép trí sợ trôi, trôi khó níu,
Thương thì để dạ, dụng oai linh.

27.
Bay đến Hồ Dương phụng gáy chiều,
Thần Tiên giáng thế biết bao nhiêu.
Trở chơn ít kẻ lo đi ngược,
Bước đọa xem qua dấu dập dìu.

28.
Dập dìu lắm kẻ ngó Thiên đường,
Buổi thế không lo níu nhánh dương.
Dương thạnh thì hay đời mạt kiếp,
Nêu thân ở giữa cuộc tang thương.

29.
Tang thương đã biến cuộc hầu gần,
Bắc Hải rồi sau lại hóa sân.
Thanh thế con người toan cải ác,
Tùng theo nhơn cách đặng phong Thần.

30.
Phong Thần đừng tưởng chuyện mờ hồ,
Giữa biển ai từng gặp Lão Tô?
Mượn thế đặng toan phương giác thế,
Cũng như nương viết của chàng Hồ.
CHÚ THÍCH:
Phong Thần: Ðây là Trung Hoa Phong Thần, cuối đời vua Trụ, bắt đầu nhà Châu. Khương Thượng cầm Bảng Phong Thần của Ðức Nguơn Thỉ Thiên Tôn phong Thần cho các hồn tử trận. Lão Tô: Ông Tô Ðông Pha (1037-1101), một nhà Nho nổi tiếng vào thời nhà Tống bên Tàu. Viết của chàng Hồ: Cây viết của Ông Ðổng Hồ. Ðổng Hồ làm quan Thái Sử (quan viết sử) đời vua Tấn Linh Công nước Tấn thời Xuân Thu. Ông chép sử rất trung thực, vô tư, không sợ sự đe dọa của bạo quyền, được Ðức Khổng Tử khen là: Cổ chi lương sử.

31.
Chia đôi lỡ ở, lỡ khi về,
Cách trở một mình biết mấy quê.
Thạnh bỏ suy đương lao khổ phận,
Cũng như Bạch Khỉ đến hôn mê.
CHÚ THÍCH:
Bạch Khỉ: Bạch Khởi, một đại tướng tài giỏi của nước Tần vào thời Chiến Quốc bên Tàu, được vua Tần phong là Võ An Quân, nhưng tánh tình độc ác và hiếu sát. Trong trận đánh nước Triệu,trong một đêm, Bạch Khởi ra lịnh giết chết 40 vạn quân Triệu đã đầu hàng. Sau, Bạch Khởi bị gièm, nên bị vua Tần giết.
32.
Hôn mê chẳng quản một thân hiền,
Tâm niệm tự nhiên đặng thấy Tiên.
Thử để hỏi tâm, tâm sẽ dạy,
Rằng trong thế giới Lão cao quyền.

33.
Cao quyền khó kiếm đặng cao ngôi,
Ðạo đức gầy nên đã phải hồi.
Mượn của trần gian lưu chất lại,
Thiên niên còn mặc đứng gầy Trời.

34.
Ngu vì đạo đức ấy ngu hiền,
Thành dạ thì toan đến cảnh Tiên.
Nước mắt chưa lau cơn kiếp trái,
Có công phổ độ giải tiền khiên.

35.
Tiền khiên đã mãn nghiệp căn xưa,
Phải biết ăn năn chiếm thượng thừa.
Một kiếp muối dưa xong kiếp nợ,
Cuộc đời oan nghiệt thấy rồi chưa?

36.
Chưa rồi nửa kiếp lắm lo lường,
Thấy kẻ lòng thành Lão cũng thương.
Nếu muốn an vui theo lẽ đạo,
Từ từ đừng vọng vị cao lương.

37.
Cao lương mỹ vị hại thân phàm,
Hỏi thử thế đời mấy món tham?
Cao chức vợ nhiều ăn lớn đũa,
Thầm lo lự tứ với ưu tam.
CHÚ THÍCH:
Lự tứ với ưu tam: Lo bốn buồn ba, ý nói lo buồn nhiều.

38.
Tam ưu Bàng Cử trắng đầu non,
Mua lấy chức quan đức phải mòn.
Chi bẳng một bầu đầy nhựt nguyệt,
Thông minh miệng thế mặc dò đon.
CHÚ THÍCH:
Bàng Cử: Hiệu của Nhạc Phi. Nhạc Phi làm đến chức Ðại Nguyên Soái đời vua Tống Cao Tông, một lòng tận trung báo quốc, đánh thắng nước Kim, bảo vệ bờ cõi, dẹp giặc trong nước, nhưng vua Cao Tông hôn ám, dùng gian thần Tần Cối làm Tể Tướng, để Tần Cối hãm hại giết chết Nhạc Phi.
39.
Dò đon cho rõ nẻo Thiên thai,
Cái tiếng tài khen chẳng phải tài.
Mình Thánh mình Hiền mình biết lấy,
Tặng phong quá tiếng chớ nhờ ai.
CHÚ THÍCH:
Dò đon: Hỏi thăm để dò xét cho biết tình hình. Thiên thai: Tên một hòn núi có Tiên ở, chỉ cõi Tiên.
40.
Người đâu biết đặng tấc lòng mình,
Họa hỏi đến Trời mới biết linh.
Thiệt thiệt hư hư vì mắt thịt,
Thôi thì đợi chết biết tiền trình.

41.
Tiền trình Thầy dạy các con tường,
Ðợi hạ sang năm mới tuyển lương.
Năm bảy năm sau nên nghiệp lớn,
Ðến chừng ấy khá Ðạo lo lường.

42.
Lo lường cho rõ thấu Thiên cơ,
Biết đặng thì tua tính kịp giờ.
Khuyến thiện đã nhiều công cực nhọc,
Toan lo cho vẹn Ðạo đồ thơ.

43.
Ðồ thơ oằn oại gánh nghiêng vai,
Mặc khách làng văn nhọc chớ nài.
Nghiệp nước nỗi nhà còn bận bịu,
Thanh nhàn chưa phải buổi xem mai.

44.
Xem mai trông gặp trổ hai lần,
Như Ðức Khổng xưa muốn thấy lân.
Hờn gió giận mưa hoài trí tính,
Thâu niên chẳng đoái chút tinh thần.

45.
Tinh thần đầy xác mới tinh anh,
Ðừng vướng nẻo công với mối danh.
Thường hứng gió đông tua biết gió,
Ðừng trương cánh nhạn bị tan tành.

46.
Tan tành khó nỗi kết làm nguyên,
Như chỗ non cao muốn quá thuyền.
Mình biết phận mình an thú vị,
Chẳng phen bằng Phật cũng là Tiên.

47.
Nho nhã con tua tập tánh tình,
Dưới đời đừng tưởng một mình lanh.
Một câu thất đức thiên niên đọa,
Nhiều nỗi trầm luân bởi ngọn ngành.

48.
Chi lan mọc lẫn cỏ hoa thường,
Chẳng để mũi gần chẳng biết hương.
Hiền ngõ rủi sanh đời bạo ngược,
Dầu trong Thánh đức cũng ra thường.
CHÚ THÍCH:
Chi Lan: Cỏ chi và cỏ lan, có hoa tiết ra mùi thơm nhẹ nhàng, hương hòa hợp nhau. Dữ thiện nhân cư nhập chi lan chi thất: Ở với người lành như vào nhà có cỏ chi cỏ lan.

49.
Cao Ðài tá thế đến phàm gian,
Bạch Ngọc Huỳnh Kim cũng chẳng màng.
Chiều lụy đòi phen xem quá tục,
Nghĩ không đổ lụy phải cười khan.
CHÚ THÍCH:
Tá thế: Giúp đời.
50.
Cười khan mà khóc bởi thương bây,
Chẳng mất một con, nghiệt cả bầy.
Biết phận già không chờ chống gậy,
Nương theo con dại mới ra vầy.

51.
Lòng lành là vốn có căn xưa,
Bao quản lợi danh chẳng dám chừa.
Nỗi phận, nỗi nhà còn biến đổi,
Thương mình khá nghĩ phận mình xưa.

52.
Mình xưa chưa kẻ độ nên phàm,
Phải ngó tâm mình Ðạo mới ham.
Phải phải cùng đời, đừng sửa quấy,
Quấy nhiều tức quỉ giục mình tham.

53.
Yến Tử Hà xưa lúc vận cùng,
Còn mang dép rách đến Quan Trung.
Nay con chưa đủ thông đường Ðạo,
Cứ ngóng theo chơn Lão tháp tùng.
CHÚ THÍCH:
Yến Tử: "Yến Tử Hà là tôi của nước Hàn, nước Hàn mất, đi tìm nơi cầu cứu hầu rửa nhục cho nước mình. Sở Bá Vương chê người Hàn không dùng, nên Yến phải lận đận, nghèo khổ, phải mang dép rách đến Quan Trung tìm Hớn Bái Công." (Thuyết đạo ÐHP). Yến Tử Hà phò Bái Công, dẹp Tần, tiêu diệt Sở, thống nhứt nước Tàu, xin khôi phục nước Hàn, làm chư Hầu nhà Hớn. Quan Trung: Tên của phần đất ở giữa 2 ải: Hàm Cốc và Lũng quan, địa thế rất tốt, 3 mặt đều có thiên nhiên hiểm trở che chở? nên được nhà Tần và nhà Hán làm nơi đóng đô.

54.
Trữ đức còn hơn muốn trữ vàng,
Giàu sang chẳng chuộc gánh giang san.
Thế đời càng dữ càng kiêng đức,
Võ lực hùng oai cũng chẳng màng.

55.
Trước lâm chứa đặng Bảy Ông Hiền,
Vì bỏ tục trần mến cảnh Tiên.
Hồng cấu đã chui thân phải vấy,
Hơn thua cười kẻ biết nơi tiền.
CHÚ THÍCH:
Trước Lâm chứa đặng bảy Ông Hiền: Thường gọi là Trúc Lâm Thất Hiền thời nhà Tấn bên Tàu (265-317), kể tên: Nguyễn Tịch, Kê Khang, Lưu Linh, Sơn Ðào, Nguyễn Hàm, Hướng Tú, và Vương Nhung. Hồng cấu: Bụi đỏ.

56.
Cao ngôi chưng Ðạo chẳng cao quyền,
Mở lối dắt người đến cảnh duyên.
Ham hết công danh mòn mỏi đức,
Cũng như ham chở khẳm khuôn thuyền.

57.
Khuôn thuyền Bát Nhã chẳng hề chìm,
Nổi quá như bông, nặng quá kim.
Có Ðạo trong muôn ngồi cũng đủ,
Không duyên một đứa cũng là chìm.

58.
Thiên Cơ đã lộ lúc khai Trời,
Kêu khách phàm trần đã hụt hơi.
Cứ mến vinh huê cùng lợi lộc,
Chẳng lo kiếp thác đến gần nơi.

59.
Gần nơi Tiên cảnh phải xa phàm,
Cái kiếp trần nầy trẻ chớ ham.
Một miếng đỉnh chung trăm giọt thảm,
Phải toan lui gót tránh vòng tham.

60.
Nơi lòng Thầy ngự, động Thầy hay,
Ngặt nỗi là xưa chẳng thế bày.
Ðạo hạnh khuyên con gìn tánh đức,
Cửa Cung Bạch Ngọc đã gần khai.

61.
Mày râu đã đủ phận cùng người,
Biết Ðạo thì con chớ dể ngươi.
Ăn mượn ở thừa đời gắt gổ,
Thì toan lo tránh, chớ đua bơi.

62.
Suy thời dầu quí cũng ra hèn,
Nghiệp cả khuyên con lửa nhúm nhen.
Ðòi lúc phân vân đời vẫn thế,
Màng chi miệng độc để chê khen.

63.
Nên hư cuộc thế gẫm thường tình,
Ðừng mỗi muôn điều đổ Chí Linh.
Lành dữ nơi mình chiêu phước họa,
Thành tâm ắt thấy hết thần minh.

64.
Bề trong ngay thẳng tỏ bề ngoài,
Miệng chánh thì đời vốn trái tai.
Lừa lọc cho cùng rồi nhứt định,
Ðừng quen tính một chẳng dè hai.

65.
Phòng cơn biển nọ hóa cồn dâu,
Chưa hết quan viên há hết chầu.
Cái bả vinh huê đời rối rắm,
Nguồn đào thong thả đã là đâu?

66.
Tham chi sự thế lắm đua tranh,
Cái miếng đỉnh chung xúm giựt giành.
Bỏ hết trong cơn mê một giấc,
Trăm năm ngắn ngủi nhớ làm lành.

67.
Làm lành cho trọn Phật Trời thương,
Hai chữ hơn thua chớ liệu lường.
Mừng thiệt là khi nương cảnh tịnh,
Khen chê giận ghét lẽ đời thường.

68.
Lời vàng nhắn hỏi khách trần gian,
Một nẻo đường Tiên đáng mấy ngàn?
Bụi đất của trần là của tục,
Chưa ai đem đổi cảnh an nhàn.

69.
Tâm thành có thuở nghiệp nhà nên,
Ðạo đức khuyên con cứ giữ bền.
Hễ đặng bữa cày, buông bữa giỗ,
Phân thân đâu đặng hưởng hai bên.

70.
Ðài Vân Quan Võ để phong Thần,
Còn của Thầy đây để nhắc cân.
Muôn đức ngàn lành không sót một,
Bao nhiêu công quả bấy nhiêu phần.

71.
Thiên Thai nào phải tại trần nầy,
Chẳng phải giữa Trời, chẳng phải mây.
Ðưa phép sanh tồn khuyên trẻ ngó,
Theo chơn giỏi bước níu sau Thầy.

72.
Khờ ngây đã quá hội xuân rồi,
Rồi mới biết đời có mấy thôi.
Thôi chẳng tranh chi mồi phú quí,
Quí là đạo đức đó ai ôi!

73.
Ai ôi! Tự nghĩ biết lo xa,
Xa bốn phương Trời cũng kiếm ra.
Ra mối manh thì tua liệu lấy,
Lấy nền Ðạo chánh dẫn truyền ra.

74.
Sanh đời nắng lửa với mưa dầu,
Tội là đâu, phước lại là đâu?
Chiu chít như chim cơn khuất bóng,
Mới vui rồi tới chịu đeo sầu.

75.
Cung trương chim đỡ thế nào đang,
Mất phước ôn nhu ấy mất nhàn.
Quyền biến dầu dùng khi buổi ngặt,
Dằn lòng nhớ tránh kế mưu gian.

76.
Sum vầy các sắc các con nhà,
Dầu phải sang hèn cũng một Cha.
Nương dựa con tua vầy hiệp bạn,
Ðường đời cũng thế chẳng bao xa.

77.
Khánh chuông tiếng khởi giục nhơn sanh,
Bỏ ác mà đi đến nẻo lành.
Kiếp trước phải ngừa là kiếp phạt,
Hễ là có thưởng, phạt theo mình.

78.
Xanh xanh nào có phụ người hiền,
Ðã thấy trọn quyền Ðấng Chí Thiêng.
Lo lập nghĩa nhân đồng loại giúp,
Ðừng ham quyền thế một mình riêng.

79.
Chim khôn biết kiếm đậu cây lành,
Người thiện phải ngừa đức háo sanh.
Tôn trọng người như Trời với Phật,
Thương yêu cả hết chúng sanh thành.

80.
Lợi danh đã đọa biết bao người,
Nhiều kẻ nay còn ý dể ngươi.
Hễ muốn lợi danh mang thất đức,
Thờ chung danh lợi hết gần Trời.

81.
Sách truyện xưa ghi đã lắm điều.
Như chuông tỉnh thế gõ nên kêu.
Ðường tu ví bẳng không lo trước,
Ðền điện Lương vương phải cháy tiêu.
CHÚ THÍCH:
Lương vương: Vua nhà Lương, tức là Lương Võ Ðế (502-549) bên Tàu. Lương Võ Ðế rất hâm mộ Ðạo Phật, qui y Phật pháp năm 517, nhà vua xuất tiền của trong kho xây dựng rất nhiều chùa Phật ở khắp nơi trong nước. Nhà vua đang lúc ở ngôi, 2 lần vào chùa làm sư tu hành. Do đó, nhà vua chểnh mảng việc chánh trị và quân sự, nên bị tướng Hầu Cảnh làm phản, vây Lương Võ Ðế và tuyệt đường lương thực, làm vua phải chịu chết đói trong cung.

82.
Cho hay Trời Phật chí công bình,
Trước mắt ngờ ngờ thấy phép linh.
Huyền diệu mũi kim qua chẳng lọt,
Ðừng đừng xảo mị gọi tài tình.

83.
Ngọc lành đáng giá biết bao lăm,
Ðể mẻ thì ai chẳng tiếc thầm.
Ðạo đức mãn đời đừng trở dữ,
Làm cho mất nghiệp mấy muôn năm.

84.
Khanh tể chưa hay bẳng hiếu thân,
Nhơn luân trọn đạo đáng nên Thần.
Ví xưa biết chút đường tu niệm,
Thì chắc nay đà ngự các lân.
CHÚ THÍCH:
Khanh tể: Những chức quan lớn trong triều đình như : Khanh tướng, Tể tướng. Bẳng: Bằng. Các lân: Cái lầu cao trên đó có chạm hình con Kỳ lân, do vua Hán Tuyên Ðế lập nên để thờ 11 vị Khai quốc Công Thần của nhà Hán. Ðây là đài vinh quang của kẻ bề tôi, còn đối với người tu thì ý nói là nơi đắc đạo.
85.
Khuya sớm tương dưa hết dục lòng,
Lòng dầu toan kế, kế sao xong.
Xong bề nhơn đạo tua gìn trước,
Trước cửa không rồi mối đạo thông.
CHÚ THÍCH:
Cửa không: Không môn, cửa Phật, cửa chùa, nơi tu hành. Mối đạo thông: Thông suốt mối đạo, đạt được trí huệ, đắc đạo.
86.
Mão đội không bằng lọng mát đầu,
Làm sao cho đặng lọng cao cao?
Che năm họ mát lòng thêm mát,
Muốn đặng mát thì học sách nào?

87.
Thiệt vàng gặp lửa tuổi càng cao,
Dầu gọi mình khờ cũng chẳng nao.
Theo Ðạo Cao Ðài ơn cứu độ,
Muôn năm hưởng phước trở về sau.

88.
Nhiễu điều ví đặng phủ gương trong,
Thì mới làm cho cái nghĩa đồng.
Dồn dập mối sầu thân thảm thiết,
Thầy khuyên hành đạo sẽ vui lòng.
CHÚ THÍCH:
Nhiễu điều: Tấm lụa đỏ. Gương trong: Tấm gương rất sạch, không dính bụi. Ca dao: Nhiễu điều phủ lấy giá gương, Người trong một nước phải thương nhau cùng. Nhiễu điều ví đặng phủ gương trong, ý nói: chúng ta phải thương yêu nhau.

89.
Ðắc thất đều do tại máy Trời,
Làm sao qua đặng chốn non khơi.
Tuy không cao mấy mà khôn với,
Biết rõ cơ quan ắt biết đời.

90.
Thiện ác đáo đầu đã biết chưa?
Hiểu rồi cái ác cũng nên chừa.
Theo làm âm chất may bồi đắp,
Thì sẽ trở về chỗ vị xưa.

91.
Sách dầu muôn cuốn dạy câu lành,
Nào kẻ học cao thế gọi lanh.
Ðổi thử máy Trời coi có được,
Thì Ta đổi tội dữ ra lành.

92.
Sai lầm một thuở biết ăn năn,
Năn nỉ lòng kia tự xét rằng.
Rằng ở đời thì nhơn đạo trọn,
Trọn rồi Thiên đạo mới hoàn toàn.

93.
Gồng gánh hai vai nặng nợ trần,
Có thân âu hẳn khổ cho thân.
Chưa no buổi sớm, lo nồi tối,
Cái kiếp oan kia khá dứt lần.

94.
Lánh đường trần tục đến non Tiên,
Lấy nước nhành dương tưới lửa phiền.
Ðã chẳng phải duyên không phải nợ,
Can chi con buộc tấm tình riêng.

95.
Bên mình sầu vướng khá âu lo,
Bước nhọc đường gay gắng chí dò.
Biển khổ chơi vơi lằn sóng dập,
Mau chơn kẻo trễ bước con đò.

96.
Lòng Trời đâu có phụ riêng ai,
Ai đạo đức hơn trổi một vài.
Vài quả thì công trình phải nặng,
Nặng mà sau đặng đứng trên vai.

97.
Trên vai gánh nặng cả Càn khôn,
Khôn khéo rủ nhau xuống cả phồn.
Phồn tục theo hoài quên trở gót,
Gót son biết đặng mất hay còn.

98.
Phụng gáy non Nam, Ðạo trổ mòi,
Trổ mòi nhân vật bốn phương Trời.
Trời Âu biển Á chờ thay sắc,
Sắc trắng mây lành phủ khắp nơi.

99.
Tính chi những việc tới đâu đâu,
Ðâu cũng Trời cao ở khỏi đầu.
Ðầu nhà xem rõ cơ Trời Ðất,
Trời Ðất không sai một mảy hào.

100.
Từ thử nước Nam chẳng Ðạo nhà,
Nay Ta gầy dựng lập nên ra.
Ví bằng ai hỏi sao bao nả?
Rằng trẻ noi sau biến hóa già.

101.
Tích phước cho con, Tích hỡi con!
Con còn lăn líu lắm nghe con!
Con thương con cháu là thương Ðạo,
Ðạo chẳng ở xa, ở tại con.

102.
Tánh tự thông minh hỏi của ai?
Ban cho nên mới rạng cân đai.
Ðường tu, ví biết hồi lui bước,
Kẻo để ngày qua hết một ngày.

103.
Triều Thiên nhứt lộ định phong quang,
Bất nhá trần ai khả quí nhàn.
Thiện tánh tu tâm căn hữu thiện,
Thiên niên gia sự đắc bình an!
CHÚ THÍCH:
Bài thi số 103 viết ra chữ Hán sau đây:
朝天一路定風光
不惹塵埃可貴閑
善性修心根有善
千年家事得平安
GIẢI NGHĨA:
Ði chầu Ðức Chí Tôn, một đường định được cảnh vật.
Không dính bụi trần, khá quí trọng chữ nhàn.
Tánh lành tu tâm có căn lành,
Ngàn năm việc nhà được bình an.
104.
Ðạo cao thâm, Ðạo cao thâm,
Cao bất cao, thâm bất thâm.
Cao khả xạ, hề thâm khả điếu,
Cao thâm vạn sự tại nhơn tâm.
CHÚ THÍCH:
Bài thi số 104 viết ra chữ Hán sau đây:
道高深道高深
高不高深不深
高可射兮深可釣
高深萬事在人心
GIẢI NGHĨA:
Ðạo cao sâu! Ðạo cao sâu!
Cao mà không cao, sâu mà không sâu,
Cao mà có thể bắn được, sâu mà có thể câu được,
Cao sâu muôn sự tại lòng người.
105.
Tỉnh ngộ xá thân tại Phạm môn,
Khuyến tu hậu nhựt độ sinh hồn.
Vô lao bất phục hồi chơn mạng,
Tỉnh thế kỳ thân đắc chánh tôn.
CHÚ THÍCH:
Bài thi số 105 viết ra chữ Hán sau đây:
醒悟舍身在梵門
勸修後日度生魂
無勞不復回眞命
醒世其身得正尊
GIẢI NGHĨA:
Tỉnh ra mà biết rõ thì đem thân hiến vào cửa Phật,
Khuyên tu hành để ngày sau cứu độ linh hồn chúng sanh.
Không mệt nhọc làm công quả thì không phục hồi được mạng sống của mình nơi cõi thiêng liêng,
Tỉnh giấc mộng trần, thân ấy sẽ được đắc đạo.

106.
Thiện tâm minh đạo đắc chơn truyền,
Bảo mạng trì thiên tất đắc viên.
Hậu nhựt khả tri danh lợi chí,
Tâm lưu nhứt thứ thị đương nhiên.

CHÚ THÍCH:
Bài thi số 106 viết ra chữ Hán sau đây:
善心明道得眞傳
保命持天必得圓
後日可知名利至
心留一次是當然
GIẢI NGHĨA:
Tâm lành, đạo sáng, được chơn truyền,
Bảo vệ và giữ gìn Thiên mạng tất được vẹn toàn.
Ngày sau có thể biết danh lợi tới,
Lưu tâm thứ nhứt là lẽ đương nhiên.

LỜI THANH MINH
20 bài thi tứ tuyệt sau quyển Thánh Ngôn (bổn thứ nhứt) bằng Nho Văn không được rỏ ràng và khó hiểu, nếu tái bản thêm tốn giấy mà không bổ ích cho độc giả nên miễn đăng. Trái lại có mấy bài Thánh Giáo bằng Pháp Văn dịch ra Việt Ngữ nên in vô quyển nầy để giúp độc giả rộng hiểu thêm.
Trưởng Ban Kiểm Duyệt
Hiến Pháp TRƯƠNG HỮU ÐỨC

20 bài thi Tứ tuyệt Hán văn từ số 107 đến 126, Ngài Hiến Pháp Trương Hữu Ðức, Trưởng Ban Kiểm Duyệt Kinh Sách Ðạo, bỏ ra từ bản in năm 1964, nay xin chép bổ sung:

107.
Bình sanh tâm địa náo trung can,
Nhược thể nan tri thế đạo tàn.
Thích hạt công danh tâm mộ hám,
Hữu nhơn hữu đức đắc giang san.

108.
Tứ quân bạch trực nhứt tâm ưu,
Mãn hạn tu hành Ðạo thị mưu.
Cư thế đắc thành nan vị thế,
Thánh tâm vô đức nạn năng cừu.

109.
Ðạo căn nhứt lượng tẩm sài hồ,
Chuyên trị nhứt thời hạnh khả đô.
Khánh nhựt đắc kỳ y hữu lộ,
Bắc phương đắc ngộ tấn sinh đồ.

110.
Tiên đàng nhứt thế biến Lôi Âm,
Tận độ nhơn sanh thoát tục phàm.
Thánh giáo phát khai thiên thế mỹ,
Thâu hồi nhập nhứt Ðạo Kỳ Tam.

111.
Tường quang nhứt khí chiếu minh Thiên,
Ðạo thử khả tri ý diệu huyền.
Nhơn phẩm bất phân Tiên Phật vị,
Ðào trang thỉnh nhập cửu quyền nhiên.

112.
Bửu kinh đệ chiếu triệu qui hồi,
Khả tác từ viên bất cử bôi.
Thiên Ðịa vô công nan nhập hội,
Thành công tùy lực khích nhơn hồi.

113.
Chí cao tự hữu chí cao sanh,
Sanh lạc cảnh thiền khí tự sanh.
Sanh trị nhơn bàng tâm tức lự,
Lự thanh lự trược tất hương sanh.

114.
Lưu danh tự thế, thế năng tồn,
Tồn tính tồn tâm vật tự tôn.
Tôn bái bổn thần thành quái sự,
Sự đương nhiên hại bổn kiền khôn.

115.
Thành tâm tu niệm đắc Thiên ân,
Ân tứ hiền nhân dữ thiện nhân.
Phân thị phân phi, phi thị thị,
Thị phi hậu thức giả phân phân.

116.
Thánh vô trí giả tự nhiên nghinh,
Thế bất Ðạo tùng, thế tất khuynh.
Mạc hám hồng trần khiêm tạo mộng,
Thức tâm dị chưởng đáo hồ đình.

117.
Hán chất vô tri thử dược cầu,
Ðình tiền tu tỉnh mộng huyền cầu.
Thành tâm háo Ðạo thiên tai tán,
Chánh thị kỳ khoa đắc sở cầu.

118.
Chí Ðồng đắc kiến diện Thần Nông,
Bác ái tương tâm khấn bạch hồng.
Ðắc dược khả đình tiền khấu phục,
Thiên trung hữu Ngã giáng tinh thông.

119.
Huyền vi nhứt trí thức Càn khôn,
Tặng nhữ diệc tri độ thử hồn.
Nghiệt trái khuyến quân tu tuyệt tận,
Thiên đình hữu lộ dĩ khai môn.

120.
Bá lạc hữu duyên hưởng Thánh tình,
Khoan hồng thức tỉnh mộng oai linh.
Thử nhân đắc vấn quân tu thuyết,
Bán thế vô công hữu đắc sinh.

121.
Hy sanh hà xứ đáo Chơn thần,
Tại thế hữu nhơn tất hữu quân.
Ðộc chiếm nhứt quyền sanh thế giới,
Thiên căn vạn kiếp vĩnh tri thoàn.

122.
Thiên thơ dĩ định nhứt danh qui,
Tam Giáo qui nguyên chỉ thị kỳ.
Ðạo thị tối cao vô thế đoán,
Hà nhơn đạm tánh đáo khinh khi.

123.
Quảng trí minh tâm đắc thức thì,
Hành tàng huyền diệu thế nan tri.
Kỳ t âm sở hướng tà hồi chánh,
Ðắc cảnh Thiên ban quá dạ tri.

124.
Niên ngoạt nhứt thời hữu định phân,
Bất tri thế sự thủy phong vân.
Thương tâm hoài cổ Lưu Linh chí,
Thiện ác tùy công diệt đọa trần.

125.
Diệu đạo tùy đường chí hữu linh,
Thanh trung liên cộng tác liên bình.
Thùy tri thế sự tâm thiềm quí,
Ðắc nhữ trung toàn vạn lý minh.

126.
Nhựt tại thiềm đầu, nguyệt tại song,
Hà thời liễu đạo đắc Tiên phong.
Thùy tri công đức Thiên tâm khiển,
Ðắc địa nhơn do tánh tự phòng.

THI VĂN DẠY ÐẠO
Thơ Tứ tuyệt (4 câu): (127-196)

127.
Nầy lúc Kỳ Ba Phổ Ðộ trần.
Mau chơn thoát khỏi chốn mê tân.
Ðường gai gốc gắng lần qua khỏi,
Ðạo đức sớm hôm khá vẹn cần.

128.
Nguồn đào lạc lối ấy duyên may,
Gặp đạo nương theo bước dặm dài.
Nắng hạ héo khô vườn bá tánh,
Dắt nhau tìm núp bóng Cao Ðài.

129.
Cao Ðài đứng chủ cả sanh linh,
Bến khổ bầu Tiên rưới thế tình.
Mở mắt tỉnh lần cơ mộng điệp,
Hữu sanh hữu khổ phải toan gìn.

130.
Gìn lòng chơn chánh chớ tà tây,
Thưởng phạt về sau cũng hội nầy.
Trước biết sửa mình tâm trí vẹn,
Sau nương cảnh tịnh mới nên hay.

131.
Hay gần đạo đức mới nên thân.
Lánh chốn phồn hoa giữ tánh thần.
Một nét vạy tà Thần Thánh chép,
Rèn lòng trong sạch thoát mê tân.

132.
Tân toan khổ hạnh phải trau giồi,
Bước tới đường dài chớ trở lui.
Công khó độ đời đừng nệ khó,
Phước dư đợi lúc hưởng ơn Trời.

133.
Ðông tàn cảnh ướm trở nên xuân,
Xuân nở vườn mai há mấy lần?
Lần lựa cho đò xa bến Thánh,
Thánh tâm mấy kẻ vẹn trau thân.

134.
Nghèo sạch rách thơm mới đáng người,
Nệ chi cực nhọc buổi xuân mơi.
Nay đà gặp lúc Thiên ân rưới,
Gắng bước đường tu hưởng phước đời.

135.
Tài tuy ít, đức nên nhiều,
Nhiều đức mới tròn bước Ðạo theo.
Theo đặng bước nào gìn bước nấy,
Trở lui e vướng lúc nghiêng nghèo.

136.
Tà nguyệt vườn thu ướm trở đông,
Nhạn về đảnh Bắc tiếng qua sông.
Bền lòng thiện niệm bồi căn trước,
Trễ bước thuyền e bị ngược dòng.

137.
Lo lường nền hạnh đặng lên cao,
Cao đức nguồn Tiên mới bước vào.
Vào đặng Tam Kỳ Trời cứu khổ,
Khổ thêm gắng chịu tánh năng trau.

138.
Ðường Ðạo tìm vào mới rõ cơ,
Cơ mầu giải khổ, chớ chần chờ.
Chờ cho trễ bước thuyền xa bến,
Bến tục thoát vòng hết ước mơ.

139.
Trời thương đâu nệ nhọc công trình,
Chịu nhọc vì lo đám chúng sanh.
Sanh dưỡng dưỡng sanh rồi phải độ,
Ðộ cho trở bước lại đơn đình.

140.
Giựt giành rốt cuộc cũng tay không,
Nhân quả đeo mang tội chất đồng.
Ví biết phép công cơ thưởng phạt,
Ðường tu sớm bước chí thong dong.

141.
Sáng đường nhờ có bóng Trời soi,
Ðạo đức để tâm chớ đổi dời.
Công quả thìn lòng sau hưởng phước,
Dặm dài đừng nệ bước xa xôi.

142.
Gìn giữ về sau mối Ðạo mầu,
Nương theo bước trước gắng tìm châu.
Thuyền chờ bến tục buồm trương sẵn,
Ðưa đến nguồn trong rửa bợn sầu.

143.
Quanh co muốn khỏi gắng lòng thành,
Chứa đức là phương phước để dành.
Hứng giọt nhành dương lau tục lự,
Hay chi thua được bả công khanh.

144.
Công khanh xạo xự cũng vai tuồng,
Ðêm lặng rừng thiền lóng tiếng chuông.
Mê luyến hồng trần mang ách khổ,
Cơn vui qua khỏi lệ sầu tuôn.

145.
Nẻo chánh tìm theo mối Ðạo gìn,
Hay chi tuồng thế bước đua tranh.
Của nhiều ít đức sương trên cỏ,
Giành giựt mà chi phải lụy mình.

146.
Ðừng sợ khó, khó nên công,
Công khó may gìn chữ sắc không.
Không sắc sắc không vui đảnh hạc,
Hạc về chốn cũ dựa rừng tòng.

147.
Rừng tòng tìm đến lánh cay chua,
Ðêm lặng lóng nghe tiếng khánh chùa.
Lần gội tâm phàm vui cảnh trí,
Ðường trần lưu luyến nhọc tranh đua.

148.
Dời đổi thói đời lắm thị phi,
Trăm năm chung đỉnh có ra gì!
Tìm nguồn đạo đức tâm phàm gội,
Danh mà chi, lợi ấy mà chi!

149.
Thông biết thế thời mới gọi thông,
Thông minh học Ðạo vẹn trau lòng.
Lòng trần dầu muốn phong ba dứt,
Ðộ chúng tu nhơn chí nả nong.

150.
Sáng đèn cánh bướm liệng xôn xao,
Lánh họa tua gìn hạnh đức trau.
Noi dấu đường ngay Trời tế độ,
Chen chơn nguồn Thánh bước lần vào.

151.
Ức lòng dễ tỏ đặng cùng ai,
Hiền đức mà sao chịu khổ hoài.
Lão nói tỏ tường cho đó hiểu,
Cũng là vay trả luật xưa nay.

152.
Dữ đọa hiền thăng ấy luật Trời,
Lánh đường tà vạy hưởng an vui.
Nay con phước gặp nền Chơn Ðạo,
Ngọc tốt bền trau sắc rạng ngời.

153.
Suối lành đổ nước hóa sông thanh,
Ðức hạnh muốn trau vẹn tánh lành.
Trước muốn đưa chơn vào cửa Phạm,
Hỏi mình có trọn tấm lòng thành?

154.
Dối ai đâu dễ dối cùng Trời,
Biết Ðạo răn mình cũng hết hơi.
Từ bỏ lần hồi lầm lỗi trước,
Tự nhiên bể khổ lánh xa vời.

155.
Bá tước công khanh ý vị gì?
Mà đời dám đổi kiếp sầu bi.
Nương chơn chưa biết chơn nào vững,
Níu thử cân đai thấy nặng trì.

156.
Ðược vàng chớ khá gọi là may,
Vàng hết tội kia chất dẫy đầy.
Bỏ đức bỏ nhân bao kiếp đọa,
Khuyên con giữ Ðạo đến cùng Thầy.

157.
Lối ngay nẻo chánh gắng tìm đường,
Lánh chốn thị phi Ðạo mới tường.
Dòng bích thuyền từ còn đợi bến,
Thu qua gặp gió cánh buồm trương.

158.
Cõi thế tìm nơi đạo đức vào,
Lòng thành Thần Thánh chứng công lao.
Nhân sanh thấy khổ đưa tay cứu,
Chẳng mất phần sau địa vị cao.

159.
Thắm thoát đời qua cuộc bể dâu,
Ham vui chỉ chác cuộc mua sầu.
Lập thân muốn tránh đường mưa gió,
Tìm Ðạo nương mình vững nghiệp sau.

160.
Rừng thiền trở gót mới thung dung,
Nhàn hạ riêng vui cảnh bá tùng.
Lao lực thế tình chi xạo xự,
Rửa tai chờ lóng nhạc năm cung.

161.
Cung đàn chờ khách cận song thu,
Năng mến Ðạo mầu chí trượng phu.
Biển khổ vớt người thuyền gặp lúc,
Ðeo đai thế sự chỉ mua sầu.

162.
Tách bến sông mê sóng tạt thuyền,
Lọc lừa nghiệp quả kẻ may duyên.
Trương buồm hạnh đức xuôi chiều gió,
Ðưa khách phồn hoa lánh nẻo phiền.

163.
Sao cho thành kỉnh Phật Trời thương,
Ðạo đức chăm lo vững mối đường.
Công nghiệp phải lo sanh chúng độ,
Ðàn sau để dấu kẻ soi gương.

164.
Mùi đời biết đặng lắm chua cay,
Cay đắng kiếp người khổ ớ ai!
Ai dám xả thân hành chánh Ðạo?
Ðạo mầu theo dõi hết trần ai.

165.
Ðồng thuyền kẻ trước dắt người sau,
Sau trước nương nhau ấy chước mầu.
Mầu nhiệm dễ chi tìm thấu đáo,
Ðáo đầu mới rõ Ðạo là cao.

166.
Ðạo đức gắng theo đỡ ít nhiều,
Ngày thâu bóng nhựt đã hầu xiêu.
Tu thân dầu khổ, thân tiên độ,
Có khó có nên nhọc phải chiều.

167.
Xử thế phải cho vẹn thế tình,
Trau tâm trau đức sạch chơn linh.
Bến mê rước khách thuyền đương đợi,
Ðưa đến đào nguyên hưởng phước lành.

168.
Dò theo đường chánh chớ sai lầm,
Biết đạo cần trau một chữ tâm.
Tiên Phật nơi mình đâu phải khó,
Khó do chẳng trọn tấm chơn thành.

169.
Ðức tánh khen con có chí thành,
Lần đường Ðạo chẳng chút cầu danh.
Ghe phen cửa rách hiên nhà lủng,
Không quản lao đao giữ tiếng lành.

170.
Dọn mình cho sạch bớt phàm tâm,
Lẽ chánh tà kia phải xét thầm.
Ðừng bụng nghi nghi rồi hoặc hoặc,
Tự nhiên rõ thấu Ðạo cao thâm.

171.
Trau hạnh làm gương dắt kẻ sau,
Một nhà đạo đức khá thương nhau.
Noi theo người trước đời trông cậy,
Gắng sửa lều tranh hóa động đào.

172.
Nâu sồng khổ hạnh phép gần Tiên,
Như bước ướt chơn mới đến thuyền.
Gắng chí tập lần thân cực nhọc,
Bền tâm tu luyện mới là nên.

173.
Cao đê thế sự khá đinh ninh,
Một dặm xa xuôi nhọc lộ trình.
Lần lựa chỉ sầu tay gỡ rối,
Trời tây bóng nhựt đã hầu chinh.

174.
Dư phước dành sau ấy thế hay,
May chơn bước gặp bóng Cao Ðài.
Sạch lòng để dạ vun nền Ðạo,
Phủi thế an vui đợi đến ngày.

175.
Mạnh yếu rồi đây yếu được phần,
Ðược phần máy Tạo khéo cầm cân.
Cầm cân thăng thưởng răn người thế,
Người thế sao cho hạnh chói ngần.

176.
Tranh đua đã quá nửa đời người,
Thử hỏi phước phần được mấy mươi.
Mưu được phần mình thì tổn đức,
Của tiền dầu chất há an vui?

177.
Vui Ðạo vui nhân ấy thiệt vui,
Vui còn sóng sắc hại mình thôi.
Vui nơi đổ bác là vui khổ,
Vui thói tà gian lụy trọn đời.

178.
Ðời qua thắm thoát cõi nhơn gian,
Sớm nở hoa kia, chiều vội tàn.
Mái tóc điểm sương chưa học Ðạo,
Họa kề dầu hối khó than van.

179.
Lắm kẻ còn xuân chẳng tiếc xuân,
Tạo thành nghiệp dữ biết bao lần.
Chớ quên máy Tạo nên mầu nhiệm,
Vay trả đồng cân thế chuyển luân.

180.
Chữ hiếu phải lo vẹn phận người,
Sanh thành đạo trọng há đâu chơi.
Buông trôi ví chẳng tròn nhơn đạo,
Còn có mong chi đến đạo Trời.

181.
Có thân có khổ, khổ vì thân,
Nào có sướng chi cái kiếp trần.
Kẻ trí phải lo phương giải khổ,
Tìm thuyền Bát Nhã lánh mê tân.

182.
Mê tân là chốn đọa con người,
Vương bá công hầu lụy mấy mươi.
Ham miếng đỉnh chung mê sắc đẹp,
Hại thân tiếng xấu để muôn đời.

183.
Thảo ngay con vẹn giữ cho bền,
Phải phận là phần đáng bậc trên.
Dìu dắt đàn em sau nối gót,
Con đường đạo đức bước càng lên.

184.
Nhiều nhân quả trước phải đền nay,
Chẳng gỡ cho kham cứ nhắc hoài.
Một tiếng than van thân cực nhọc,
Một oan chẳng chịu muốn gây hai.

185.
Cang cường quen tánh hiếp dân nghèo,
Nghe Ðạo Phật Trời cũng muốn theo.
Chẳng khác chồi non xô đại mộc,
Như sa vực thẳm khó toan trèo.

186.
Tìm vào nẻo Ðạo mới tri cơ,
Cơ Tạo huyền vi chớ hững hờ.
Tỉnh giấc mộng chờ qua biển khổ,
Thế tình vui vẻ chí đừng mơ.

187.
Say Ðạo là say bậc Thánh Hiền,
Hiền xưa sớm để bước tầm Tiên.
Tiên nguồn Thánh ngọn dò chơn đến,
Ðến đặng là phương rưới lửa phiền.

188.
Tranh đức tranh nhân mặc sức tranh,
Ðừng tranh lợi quấy khổ thân hình.
Hai đường họa phước tua lừa lọc,
Vay trả cơ Trời chớ dể khinh.

189.
Ðừng lòng kiêu hãnh cậy mình tài,
Nên nhớ chữ tài cận chữ tai.
Tài ít đức nhiều còn hữu dụng,
Tài suông thiếu đức họa nay mai.

190.
Nhơn nghĩa gắng gìn dạ sắt son,
Thờ cha kính mẹ hiếu lo tròn.
Nghèo mà trong sạch danh thơm rạng,
Phúc hậu Trời ban để cháu con.

191.
Họa phước vô môn, chỉ tại người,
Thỉnh mời rồi đổ bởi nơi Trời.
Huệ ân muốn hưởng noi đường Ðạo,
Hối cải tu thân phải giữ lời.

192.
Mùi đời đã nếm biết chua cay,
Giành giựt còn mong cậy sức tài.
Nếu chẳng định tâm lo xét quấy,
Nhãn tiền báo ứng dễ đâu sai.

193.
Ðừng quá so đo việc phú bần,
Bần hàn trong sạch mới nên thân.
Thân trau khổ hạnh thân đừng nệ,
Nệ khó mong chi thoát thế trần.

194.
Thế trần mộng mị có ra chi,
Giành giựt rồi qua hỏi được gì?
Tích đức gắng gìn nhơn nghĩa trọn,
Chông gai xa lánh cảnh sầu bi.

195.
Nợ nước hai vai nặng gánh gồng,
Thần dân phận sự phải lo xong.
Gắng công đạo đức trau hằng bữa,
Chiu chít đừng quên giống Lạc Hồng.

196.
Ơn Trời cho mở Ðạo Kỳ Ba,
Dìu dẫn nhơn sanh lánh vạy tà.
Ví muốn tu thân nhồi quả trước,
Gắng công sau sẽ đến cùng Ta.

HẾT



NGHIÊN CỨU Hai Quyển Thánh Ngôn Hiệp Tuyển I & II
Phần A: Sưu tầm.
Chúng tôi sưu tầm được các quyển Thánh Ngôn Hiệp Tuyển sau đây:
Thánh Ngôn Hiệp Tuyển Quyển I: Sưu tầm được 8 quyển:
Bản in lần đầu tiên, cuối năm Ðinh Mảo, đầ năm 1928, nhà in Tam Thanh Lê Thiện Phước, Sài Gòn.
Bản in năm Tân Mùi, 1931, Thái Hòa Ấn Quán của Hội Thánh ở Long Thành, Tây Ninh.
Bản in năm Canh Dần, 1950, nhà in Võ Văn Vân, Sài Gòn.
Bản in năm Ất Mùi, 1955, nhà in Hoàng Hải, Sài Gòn.
Bản in năm Ðinh Dậu, 1957, nhà in Hoàng Hải, Sài Gòn.
Bản in năm Giáp Thìn, 1964, nhà in Tuyết Vân, Sài Gòn.
Bản in năm Kỷ Dậu, 1969, nhà in Tuyết Vân, Sài Gòn.
Bản in năm Nhâm Tý, 1972, nhà in Sơn Châu, Sài Gòn, in chung với quyển Thánh Ngôn Hiệp Tuyển Quyển II, Tân Luật và Pháp Chánh Truyền.
Thánh Ngôn Hiệp Tuyển Quyển II: Sưu tầm được 3 quyển:

Bản in lần thứ nhứt năm Quí Mão, 1963, nhà in Tuyết Vân, Sài Gòn.
Bản in lần thứ nhì năm Bính Ngọ, 1966, nhà in Tuyết Vân, Sài Gòn.
Bản in năm Nhâm Tý, 1972, nhà in Sơn Châu, Sài Gòn, in chung với quyển Thánh Ngôn Hiệp Tuyển Quyển I, Tân Luật và Pháp Chánh Truyền.
Chúng tôi được Quí Chức Sắc Tiền Bối cho biết:

Thánh Ngôn Hiệp Tuyển Quyển I: Quí Ngài: Ðức Cao Thượng Phẩm, Ngài Bảo Pháp Nguyễn Trung Hậu và Ngài Ðầu Sư Ngọc Lịch Nguyệt, phối hợp tuyển soạn các bài Thánh Ngôn để lập thành Thánh Ngôn Hiệp Tuyển  quyển I, và cho in lần đầu tiên vào cuối năm Ðinh Mão, đầu năm dương lịch 1928.

Thánh Ngôn Hiệp Tuyển Quyển II: Ðạo lịnh của Ðức Cao Thượng Sanh số 032/ÐL ngày 14-8-Nhâm Dần (dl 12-9-1926), giao cho Ngài Hiến Pháp Trương Hữu Ðức lập Ban Ðạo Sử và soạn Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

Do đó, Ngài Hiến Pháp tuyển soạn các bài Thánh Ngôn, lập thành Thánh Ngôn Hiệp Tuyển Quyển II, được Ðức Thượng Sanh cho phép ấn hành, bản in lần thứ nhứt vào năm Quí Mão, 1963.

Phần B: So sánh các bản Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.
Thánh Ngôn Hiệp Tuyển Quyển II:
Ba quyển in vào ba năm: 1963, 1966, 1972, đều in giống hệt nhau, không có chỗ nào khác biệt.
Thánh Ngôn Hiệp Tuyển Quyển I:
Hai quyển in vào hai năm: 1928 và 1931 có một vài chỗ khác biệt nhau, xin nêu ra:

Trang 19 Thánh Ngôn Hiệp Tuyển Quyển I -1931 có bỏ một đoạn ngắn gồm 6 dòng: "Bổn hội nghe... Ngọc Hoàng Tự", của trang 19 Thánh Ngôn Hiệp Tuyển Quyển I - 1928.
Trang 49 Thánh Ngôn Hiệp Tuyển Quyển I - 1931 bỏ bài Thánh Giáo "Minh Tân Ðàn" trang 43 của Thánh Ngôn Hiệp Tuyển I - 1928, gồm ba bài nhỏ:
Ngã Thái Thượng Lão Quân giáng đàn.
Ngã Tề Thiên Ðại Thánh giáng đàn.
Lê Sơn Thánh Mẫu.
(Việc bỏ ra bài Thánh giáo Minh Tân Ðàn có phân tích rõ lý do ở Phần D phía sau.)

Như vậy, hai quyển Thánh Ngôn Hiệp Tuyển Quyển  I -1928 và Thánh Ngôn Hiệp Tuyển Quyển I -1931 có hai chỗ khác biệt nhau, còn các chỗ khác đều giống nhau.

Các quyển Thánh Ngôn Hiệp Tuyển Quyển I in vào các năm khác sau nầy: hoặc là in giống theo Thánh Ngôn Hiệp Tuyển Quyển I -1928, hoặc là in giống theo Thánh Ngôn Hiệp Tuyển Quyển I -1931, kể ra:
In giống Thánh Ngôn Hiệp Tuyển Quyển I -1928: có các quyển in các năm 1955, 1964, 1969, 1972.
Ðặc biệt, quyển 1955, Hội Thánh có in các bài dịch Việt văn ngay phía dưới các bài Thánh Ngôn Pháp văn.
Ngoài ra, các quyển in từ năm 1964 trở về sau, Ngài Hiến Pháp Trương Hữu Ðức bỏ bớt 20 bài thi Tứ tuyệt Hán văn trong Thi Văn Dạy Ðạo, và có in thêm ở cuối sách 8 bài dịch Việt văn của các bài Thánh Ngôn Pháp văn phía trước.
In giống Thánh Ngôn Hiệp Tuyển Quyển I -1931: có các quyển in năm 1950, 1957.
Ðặc biệt, bản in năm 1950, có đánh số thứ tự các bài Thánh Ngôn, đánh số các bài thi Ðường luật và Tứ tuyệt trong phần Thi Văn Dạy Ðạo, và làm Mục lục Ðại ý.

Phần C: Các bài Thánh Ngôn giống nhau trong hai quyển I và II:
Việc tuyển soạn hai quyển Thánh Ngôn Hiệp Tuyển Quyển I và II được thực hiện vào hai thời kỳ khác nhau: năm 1928 và năm 1963, cách nhau 35 năm (1963-1928 = 35 năm), với các Chức sắc Ðại Thiên Phong khác nhau tuyển soạn, nên có 4 bài Thánh Ngôn trùng nhau giữa quyển I và II, kể ra:
Bài Tà Dâm Giái, trang 29 Thánh Ngôn Hiệp Tuyển Quyển I -1928 trùng với bài Bất Tà Dâm, trang 64 Thánh Ngôn Hiệp Tuyển Quyển II -1963.
Bài Giái Tửu, trang 64 Thánh Ngôn Hiệp Tuyển Quyển I -1928 trùng với bài Bất Ẩm Tửu, trang 65 Thánh Ngôn Hiệp Tuyển Quyển I -1963.
Bài Thánh Ngôn của Ðức Quan Âm Bồ Tát trang 74 Thánh Ngôn Hiệp Tuyển Quyển I -1928 trùng với bài Thánh Ngôn trang 33 Thánh Ngôn Hiệp Tuyển Quyển II -1963.
Bài Thánh Ngôn của Ðức Chí Tôn trang 83 Thánh Ngôn Hiệp Tuyển Quyển I -1928 trùng với bài Thánh Ngôn trang 37 Thánh Ngôn Hiệp Tuyển Quyển II -1963.
Ngoài ra, trong phần Thi Văn Dạy Ðạo có 3 bài thi Ðường luật (8 câu) trùng với 3 bài thi trong phần Thánh Ngôn, kể ra:

Bài thi "Cậy kẻ dạy con cũng lẽ thường" trang 115 Thánh Ngôn Hiệp Tuyển Quyển II -1963 trùng với bài thi trang 52 cùng quyển.
Bài thi "Rừng thiền nhặt thúc tiếng chuông trưa" trang 116 Thánh Ngôn Hiệp Tuyển Quyển II -1963 trùng với bài thi trang 34 cùng quyển.
Bài thi "Dặm dài bước lạ nẻo chưa quen" trang 120 Thánh Ngôn Hiệp Tuyển Quyển II -1963 trùng với bài thi trang 14 cùng quyển.

Phần D: Tại sao bỏ bài Thánh giáo Minh Tân Ðàn?
Bài Thánh giáo "Minh Tân Ðàn" in trang 46-47-48 Thánh Ngôn Hiệp Tuyển Quyển I -1928 gồm ba phần: Thái Thượng Lão Quân, Tề Thiên Ðại Thánh, và Lê Sơn Thánh Mẫu.
Muốn trả lời câu hỏi tại sao, chúng ta đọc kỹ nội dung của bài Thánh giáo nầy.

Phần 1: Ngã Thái Thượng Lão Quân giáng đàn.
Ðức Thái Thượng Lão Quân xưng mình là Thầy, khuyên Chư Nhu hãy cầu Ðạo cho sớm, vì Tam Giáo Ðạo sắp ngưng lại hết.

Phần 2: Ngã Tề Thiên Ðại Thánh giáng đàn.
Tề Thiên Ðại Thánh xưng mình là Thầy, gọi các Môn đệ là các con. Ngày dạy gia đình Ông Lê Văn Khá (hay Lê Minh Khá), gồm vợ là Bà Nguyễn Ngọc Tâm, và các con của hai Ông Bà là Lê Ngọc Ý, Lê Văn Vị, Lê Văn Trân, Lê Ngọc Trinh. [Lê Văn Trân cưới Cô Vương Thanh Chi, con gái Ông Vương Quan Kỳ (Thượng Giáo Sư). Ông Khá và Ông Kỳ là sui gia với nhau.]

Phần 3: Lê Sơn Thánh Mẫu.
Lê Sơn Thánh Mẫu cũng xưng mình là Thầy, gọi các Môn đệ Nữ phái là các con, dạy Nữ phái Minh Tân có những câu sau:

"Trước khi Thầy dạy Ðạo phụ nữ, Thầy phải cho chúng Ðạo Việt Nam rõ trước, vì Ðại Ðạo hoằng khai, song khai cũng có thời kỳ chớ không phải khai hoài. Nay Ðại Ðạo gần mãn, nên Sư phụ của các con cậy Thầy độ phái nữ Minh Tân ...."

"Cầu Ðạo rồi lãnh kinh về nhà mà đọc, chớ đàn bà và con gái mà chường mặt ra thập mục sở thị thì có tốt gì! Tuy ai muốn thì Thầy cũng không cấm, nhưng mà nơi Minh Tân Nữ Phái thì Thầy nói ngay rằng: Các con cứ ở nhà mà tụng kinh hoài thì cũng xong vậy. Còn khi đi chùa cũng lạy rồi thì về, khi nào có đàn thì đến mà nghe dạy."

Nhận xét:
- Thứ nhứt: Các Ðấng ấy xưng mình là Thầy.
Ðiều nầy không phù hạp với tinh thần của bài Thánh Ngôn sau đây của Ðức Chí Tôn: (Trích trong Phổ Cáo Chúng sanh ÐÐTKPÐ, ngày 15-10-1926, trang 4)

"Có 2 vị Ðạo hữu: Tương, Kinh (Thượng Chưởng Pháp Nguyễn Văn Tương và Thượng Giáo Sư Nguyễn Văn Kinh) vẫn trước khi nhập môn thì đã thọ nghĩa thầy trò cùng vị Lão thành pháp danh Ðạo Quang (Ngọc Chưởng Pháp Trần Ðạo Quang) nơi chùa Minh Ðường (Hạnh Thông Tây) (Chùa Linh Quang Tự ở Gò Vấp). Nhằm ngày 21 tháng 8 năm Bính Dần (dl 27-9-1926), Ngọc Hoàng Thượng Ðế giáng cơ tại chùa ấy dạy việc, luôn dịp Ngài có để lời rằng: Tương, Kinh, con phải lạy Ðạo Quang trước mặt Thầy, rồi từ đây gọi là Anh mà thôi, còn Thầy duy có một Thầy."

Như vậy, trong thời Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ, chữ Thầy duy chỉ được dùng cho Ðức Chí Tôn mà thôi.
- Thứ nhì: Ðức Quan Âm Bồ Tát là Ðấng đã cứu độ Tề Thiên Ðại Thánh, là Nhị Trấn Oai Nghiêm của Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ, mà khi giáng cơ vẫn xưng mình là "Thiếp", gọi các Ðạo hữu là "Các em". (Xem các bài Thánh Ngôn số 109, 160, 161, 162 của Ðức Quan Âm Bồ Tát)
- Thứ ba: Tề Thiên Ðại Thánh gần như dạy riêng gia đình Ông Lê Văn Khá, Chủ Trưởng Minh Tân Ðàn, và gia đình của Ông gồm vợ và các con, nên không có tính cách dạy chung các Môn đệ.
- Thứ tư: Lê Sơn Thánh Mẫu dạy Nữ phái cứ ở nhà tụng kinh, không nên đi ra ngoài hành đạo, thì không thích hợp với việc hành đạo của Chức sắc Nữ phái CTÐ, nghĩa là nhiệm vụ của Nữ phái cũng quan trọng như Nam phái, là phải đi phổ độ nhơn sanh.
Các Chức sắc tiền bối có lúc cho in bài Thánh giáo Minh Tân Ðàn vào Thánh Ngôn Hiệp Tuyển , có lúc lại bỏ ra không cho in vào Thánh Ngôn Hiệp Tuyển , chứng tỏ rằng, ý kiến của quí vị chưa thống nhứt nhau.
Nhưng với 4 nhận xét phân tích vừa nêu trên, việc bỏ ra bài Thánh giáo Minh Tân Ðàn là hợp lý, để cho Giáo lý của Ðạo Cao Ðài được thuần nhất, xuyên suốt từ đầu chí cuối.

Phần E: Trình bày sự sắp đặt mới trong Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.
Thánh Ngôn Hiệp Tuyển là một quyển Kinh Thánh quan trọng nhứt của Ðạo Cao Ðài, bao gồm các điểm chánh yếu về Giáo lý, Triết lý, và lịch sử của Ðạo Cao Ðài, để từ đó phát xuất ra Pháp Chánh Truyền, Tân Luật, và cách Thờ phượng của nền Tân Tôn giáo.

Các Chức sắc Ðại Thiên Phong tiền bối đã tuyển soạn Thánh Ngôn của Ðức Chí Tôn và của các Ðấng Thiêng Liêng giáng cơ ban cho, in thành hai quyển Thánh Ngôn Hiệp Tuyển Quyển I và II: Quyển I in lần đầu tiên vào năm 1928, và quyển II in lần thứ nhứt vào năm 1963, cách nhau một khoảng thời gian dài là 35 năm. Do đó, các bài Thánh Ngôn tuyển soạn sắp đặt theo ngày tháng năm giáng cơ không được chặt chẽ lắm, việc đối chiếu giữa âm lịch và dương lịch nhiều chỗ không chính xác, nhứt là có nhiều bài Thánh Ngôn trùng lập trong hai quyển.

Các Chức sắc tiền bối của chúng ta đã dùng hết thời giờ để lo củng cố và phát triển nền Ðạo, lớp thì lo đối phó với nạn phân rẽ trong nội bộ Ðạo, lớp thì lo đối phó với các thế lực áp chế từ bên ngoài, nên chưa có thì giờ để hệ thống hóa Giáo lý và làm Lịch sử Ðạo.

Do đó, chúng tôi làm thử công việc sát nhập hai quyển Thánh Ngôn Hiệp Tuyển Quyển I và II, làm thành một quyển duy nhứt, với sự sắp xếp như trình bày dưới đây:

Chúng tôi sắp đặt lại các bài Thánh Ngôn trong hai quyển theo thứ tự ngày giáng cơ một cách chặt chẽ, có đánh số thứ tự từng bài. Những bài Thánh Ngôn nào không có ngày tháng giáng cơ, mà có năm thì chúng tôi đặt vào cuối năm đó.
Việc đối chiếu dương lịch và âm lịch, chúng tôi sử dụng sách Lịch 200 năm (1780-1980) của Nguyễn như Lân.
Thời sơ khai nền Ðại Ðạo, các Chức sắc Ðại Thiên Phong tiền bối đều là công chức, nên thường ghi ngày thứ trong tuần lễ và ngày dương lịch. Do đó, chúng tôi đặt dương lịch trước, và sau đó đối chiếu lại ngày âm lịch. Những bài Thánh Ngôn nào có đề ngày thứ bằng Pháp văn (thí dụ như: Lundi, Jeudi, Samedi, ......) thì chúng tôi lấy ngày thứ ấy làm chuẩn để xác định ngày dương lịch, và sau đó, đối chiếu ra ngày âm lịch.

Chúng tôi bỏ bớt 4 bài Thánh Ngôn trùng nhau giữa quyển I và quyển II, và bỏ bớt ba bài thi Ðường luật (8 câu) trùng nhau trong phần Thi Văn Dạy Ðạo, như đã trình bày trong phần C.
Chúng tôi cũng bỏ bớt bài Thánh giáo Minh Tân Ðàn, như đã trình bày trong phần D.
Các bài Thánh Ngôn bằng Pháp văn, chúng tôi lấy các bài dịch Việt văn của Hội Thánh (ở cuối quyển Thánh Ngôn Hiệp Tuyển Quyển I -1964), đặt thành song ngữ Pháp-Việt, cho người đọc được dễ dàng so sánh với Pháp ngữ. Ðây không phải là sáng kiến, vì trong quyển Thánh Ngôn Hiệp Tuyển Quyển I -1955, Hội Thánh đã đặt bài dịch Việt văn ngay sau bài Pháp văn.
Chúng tôi rất thận trọng gìn giữ nguyên văn Thánh Ngôn của Ðức Chí Tôn và các Ðấng Thiêng liêng giáng cơ ban cho, chỉ khi nào có chữ in sai chánh tả, thì chúng tôi mới sửa lại theo đúng luật chánh tả hiện thời (năm 2000).
Sau mỗi bài Thánh Ngôn, chúng tôi có viết phần Chú Thích, để giải nghĩa một cách vắn tắt một số từ ngữ Hán văn khó hiểu hay là điển tích, giúp độc giả được dễ dàng trong việc đọc và hiểu Thánh Ngôn.
Chúng tôi đối chiếu các bài Thánh Ngôn trong Thánh Ngôn Hiệp Tuyển  với Thánh Ngôn (nếu có) in trong hai quyển Ðạo Sử I và II của Bà Nữ Ðầu Sư Hương Hiếu, và các tập Thánh Ngôn chép tay của Ngài Bảo Pháp Nguyễn Trung Hậu, Ngài Ðầu Sư Thái Thơ Thanh, và Bà Nữ Ðầu Sư Hương Hiếu, để tìm ra tên của những vị tiền bối mà trong Thánh Ngôn Hiệp Tuyển viết tắt, đồng thời kiểm tra ngày tháng năm và nơi giáng cơ, ghi thêm tên hai vị Phò loan; ngoài ra, cũng để bổ sung những chỗ nhiều chấm ( ....) trong Thánh Ngôn Hiệp Tuyển, mà thuở đó, Hội Thánh không tiện công bố đầy đủ chi tiết.
Phần Thi Tập trong quyển Thánh Ngôn Hiệp Tuyển Quyển II, chúng tôi đặt ngay sau bài Thánh Ngôn cuối cùng số 169.
Phần Thi Văn Dạy Ðạo, chúng tôi đặt sau Phần Thi Tập và chia làm hai nhóm:

Nhóm những bài thi Ðường luật (8 câu) thì đặt trước, gồm 9 bài của quyển Thánh Ngôn Hiệp Tuyển Quyển I và 37 bài của quyển Thánh Ngôn Hiệp Tuyển Quyển II, tổng cộng được 46 bài.
Nhóm những bài thi Tứ tuyệt (4 câu) thì đặt sau các bài thi Ðường luật: quyển Thánh Ngôn Hiệp Tuyển Quyển I có 126 bài (trong đó có 20 bài thi Hán văn đã được Ngài Hiến Pháp bỏ ra, nay chép bổ sung cho đầy đủ) và quyển Thánh Ngôn Hiệp Tuyển Quyển II có 70 bài, tổng cộng 196 bài thi Tứ tuyệt.
Các bài thi trong mỗi nhóm đều được đánh số thứ tự, để người đọc dễ trích dẫn sau nầy.

Phần Kết.

Vì lòng tín ngưỡng mạnh mẽ nền Ðại Ðạo của Ðức Chí Tôn, vì lòng yêu mến và tôn kính Giáo lý Chơn truyền của Ðức Chí Tôn, vì sự quan trọng vào bậc nhất của quyển Thánh Ngôn Hiệp Tuyển, là Thánh Kinh của Ðạo Cao Ðài, chúng tôi cố gắng sắp xếp có hệ thống các bài Thánh Ngôn của Ðức Chí Tôn và của các Ðấng Thiêng liêng, theo thứ tự ngày giáng cơ, đánh số từng bài rõ ràng để độc giả dễ trích dẫn.

Ðây không phải là việc làm có ý muốn cải sửa Chơn truyền của Ðạo, hay sửa đổi việc làm của Hội Thánh trước đây, nhưng chúng tôi nghĩ rằng, các Chức sắc tiền bối đã quá bận tâm xây dựng nền Ðạo, phải lo đối phó các thế lực ép đè của đời, giải quyết các biến cố trong nội bộ Ðạo, nên chưa có thì giờ để hệ thống hóa Giáo lý và Triết lý của Ðạo.

Do đó, chúng tôi hằng cầu nguyện Ðức Chí Tôn, Ðức Phật Mẫu và các Ðấng Thiêng liêng hộ trì, để cố gắng đem hết sức giúp vào việc hệ thống hóa nầy, được phần nào hay phần nấy, như lời Thánh Ngôn của Ðức Chí Tôn đã dạy trong bài Thánh Ngôn số 74:

"Vậy Thầy khuyên các con, đứa nào có trí lực bao nhiêu, khá đem ra mà thi thố, chớ đừng sụt sè theo thói nữ nhi, vậy cũng uổng cái điểm linh quang của Thầy ban cho các con lắm."

Trong công việc hoàn thành bước đầu quyển sách nầy, chúng tôi được sự quan tâm của nhiều Chức sắc, và thân hữu, đã giúp cho rất nhiều ý kiến tích cực và quí báu để chúng tôi sửa chữa các lỗi chánh tả và nhất là phần Chú Thích.

Chúng tôi chân thành tri ân quí vị, và mong mỏi quí vị tiếp tục quan tâm góp ý để hoàn thành quyển sách nầy, hầu hiến dâng cho Hội Thánh toàn quyền sử dụng. Ðó là tâm nguyện của chúng tôi.
Nay kính.
Hiền Tài Nguyễn văn Hồng
cẩn bút

Những Bài Thánh Ngôn Quan Trọng:
Bài 1:   Tên 12 môn đệ đầu tiên
Bài 5:   Ý nghĩa Thiên Nhãn
Bài 9:   Cuộc Thiên phong đầu tiên - Lập Minh Thệ.
Bài 16: Ðức Chí Tôn dạy Nhạc Lễ cúng Ðại đàn.
Bài 27: Ðức Chí Tôn lập Tịch Ðạo
Chức sắc Nam phái CTÐ.
Bài 33: Làm Quả Càn Khôn và 7 cái Ngai.
Bài 34: Quốc Ðạo.
Bài 36: Ðức Chí Tôn dạy lập Tờ Khai Ðạo.
Bài 50: Ðức Chí Tôn lập Tịch Ðạo
Chức sắc Nữ phái CTÐ.
Bài 51: Ðức Chí Tôn lập Pháp Chánh Truyền CTÐ Nam phái.
Bài 65: Con người khi chết đi về đâu?
Bài 68: Ðức Chí Tôn dạy lập Tân Luật.
Bài 77: Ðức Lý Giáo Tông dạy cách dâng Tân Luật.
Bài 91: Ðức Lý Giáo Tông lập Pháp Chánh Truyền CTÐ Nữ phái.
Bài 95: Ðức Chí Tôn lập Pháp Chánh Truyền HTÐ.
Bài 101: Ðức Chí Tôn dạy lập Tòa Thánh tại Tây Ninh: Chi chi cũng tại Tây Ninh đây mà thôi.
Bài 103: Ðức Lý Giáo Tông dạy vị trí và kích thước xây cất Tòa Thánh.
Bài 118: Ðức Chí Tôn ra lịnh Ngưng Cơ Bút Phổ Ðộ.
Bài 140 đến 144: Ngũ Giới Cấm:
Bất Sát Sanh
Bất Du Ðạo
Bất Tà Dâm
Bất Ẩm Tửu
Bất Vọng Ngữ
Bài 157: Quyền Vạn Linh.
Bài 159 -165:  Âm Quang là gì? Bát Nương giải thích về Âm Quang.
Âm Quang là gì? Thất Nương giải thích thêm về Âm Quang.
Bài 164: Ngọc Hư Cung trở pháp, giao quyền điều hành nền Ðạo cho HTÐ.

NHỮNG CHỮ VIẾT TẮT TRONG CÁC PHẦN CHÚ THÍCH
âl :       
Âm lịch.
dl :      
Dương lịch.
BQÐ : 
Bát Quái Ðài.
CTÐ : 
Cửu Trùng Ðài.
HTÐ : 
Hiệp Thiên Ðài.
CKTG :          
Càn khôn Thế giới.
CKVT :          
Càn khôn Vũ trụ.
CLTG :           
Cực Lạc Thế giới.
DTC : 
Diêu Trì Cung.
ÐÐTKPÐ :     
Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ.
ÐS.I. 50-51 :  
Ðạo Sử, quyển I, trang 50 và 51 của Bà Nữ Ðầu Sư Nguyễn Hương Hiếu.
ÐS.II. 45 :      
Ðạo Sử, quyển II, trang 45 của Bà Nữ Ðầu Sư Nguyễn Hương Hiếu.
TNHT :           
Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.
TTTN :           
Tòa Thánh Tây Ninh.
  Home       1 ]  [ 2 ]  [ 3 ]  [ 4 ]  [ 5 ]  [ 6 ]  [ 7 ]  8 ]  [ 9 ] 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét