“Thích-Ca Như-Lai kim viết
Cao-Đài Tiên-Ông Đại-Bồ-Tát Ma-Ha-Tát.
“Chư sơn nghe dạy:
“Vốn từ Lục-Tổ thì Phật-giáo
đã bị bế lại, cho nên tu hữu công mà thành thì bất thành; Chánh-pháp bị nơi tay
Thần-Tú mà làm cho ra mất Chánh-giáo, lập riêng pháp-luật buộc mối Đạo Thiền.
“TA vì luật lịnh Thiên-mạng
đã ra
cho nên cam để vậy làm cho Phật-Tông thất chánh có trên ba ngàn năm nay. Tam-Kỳ Phổ-Độ thiên địa hoằng khai, nơi “Tây-phương Cực-Lạc” và “Ngọc-Hư-Cung” mật chiếu đã truyền siêu rỗi chúng sanh. Trong Phật-Tông nguyên-lý đã cho hiểu trước đến buổi hôm nay rồi, tại Tăng-đồ không kiếm chơn-lý mà hiểu.
cho nên cam để vậy làm cho Phật-Tông thất chánh có trên ba ngàn năm nay. Tam-Kỳ Phổ-Độ thiên địa hoằng khai, nơi “Tây-phương Cực-Lạc” và “Ngọc-Hư-Cung” mật chiếu đã truyền siêu rỗi chúng sanh. Trong Phật-Tông nguyên-lý đã cho hiểu trước đến buổi hôm nay rồi, tại Tăng-đồ không kiếm chơn-lý mà hiểu.
“Lắm kẻ đã khổ hạnh hành Đạo…Ôi!
Thương thay, công có công mà thưởng chưa hề có thưởng! Vì vậy mà TA rất đau
lòng.
“TA đến chẳng phải cứu một
mình Chư Tăng mà thôi. Vì trong thế hiếm bậc Thần, Thánh ,Tiên Phật phải đọa hồng
trần TA đương lo cứu vớt.
“Chư Tăng, chư chúng sanh
hữu căn, hữu kiếp, đặng gặp kỳ phổ-độ này là lần chót; phải ráng sức tu-hành, đừng
mơ-mộng hoài trông giả luật. Chư Sơn đắc Đạo cùng chăng là do nơi mình hành Đạo
.Phép hành-đạo Phật-giáo dường như ra sái hết, tương-tự như gần biến “Tả đạo
bàng-môn”. Kỳ truyền đã thất, chư Sơn chưa hề biết cái sai ấy do tại nơi nào; cứ
ôm theo luật Thần-Tú thì đương mong-mỏi về Tây-phương mà cửa Tây-phương vẫn cứ
bị đóng, thì cơ thành chánh-quả do nơi nào mà biết chắc vậy?
“TA đã đến với huyền-diệu
này, thì từ đây TA cũng cho Chư Tăng dùng huyền-diệu này mà học hỏi, ngày sau đừng
đổ tội rằng vì thất học mà chịu thất-kỳ-truyền. Chư Tăng từ đây chẳng đặng nói
“Phật giả vô ngôn” nữa!” (TN I/trang 23)
Thi văn dạy Đạo
Nghèo cùng mà chẳng bợn của ai,
Thân cũng yên thân tánh chẳng nài.
Một mặt TRUNG LƯƠNG ai cũng rõ,
Nông trang ngày cũng rõ anh tài.
Anh tài chưa biết dựa quyền người,
Còn nói chi chi bổn phận ngươi.
Tranh-đấu cuộc đời là huyết-chiến,
Nhứt nhân chịu khổ chịu người cười.
12 - THIÊN MÔN HỮU THỈNH
VÔ NHÂN ĐÁO.
ĐỊA NGỤC VÔ NGÔN HỮU KHÁCH
HÒA
天 門 有 請 無 人 到
地 獄 無 言 有 客 和
Giải nghĩa: Cửa Trời mở rộng,
mời rước mà không người đến; Nơi cửa địa-ngục đóng im, không một lời mời mà vẫn
có khách vào.
Lời bàn: Hai cái đối cảnh
nhau thường trái ngược:
- Cửa Thiên-đàng là con đường
thênh-thang rộng mở, thật ung-dung tự-toại, biết bao bậc Thiên-Tiên đón đợi, mời
thỉnh, mà chẳng thấy khách vào!
- Trái lại, cửa địa ngục
là nơi cảnh đọa của linh hồn trầm luân khổ hải, bao người đón ngăn, cửa đóng,
then gài, mà nhiều kẻ đã toan phá lúng đặng vào.
Ngày nay Đức Chí-Tôn mở Đạo,
quyết:
“Đóng địa-ngục mở từng
thiên,
“Khai đường Cực-Lạc dẫn miền
Tây-phương.”
Tuy nhiên:
“Thiên-cơ đã lập có Địa-ngục
với Thiên-đàng, ấy là cảnh thăng, cảnh đọa:
- Địa-ngục dành để cho kẻ
bạo-tàn,
- Thiên-đàng chờ người đạo-đức,
thì CÂN CÔNG BÌNH THIÊNG-LIÊNG đã sẵn. Ấy vậy, chẳng buộc ai vào Địa-ngục, mà
cũng chẳng nâng đỡ ai đến chốn thiên đàng. Đôi đàng hiển hiện, tự quyền người lựa
chọn; siêu đọa tại nơi mình, các Đấng thiêng-liêng duy có thương mà chỉ dẫn.
“Thầy đến, nếu dùng cả quyền
thiêng-liêng mà làm cho chúng sanh thấy, đặng đủ đức-tin theo đường siêu bỏ nẻo
đọa, thì ắt cả nhơn sanh xu hướng vào đường đạo-đức, thì là Thầy nâng đỡ các
chơn hồn vào Thiên-đàng, không cho vào Địa ngục, thì sự công-bình thiêng liêng
bởi nơi nào bền vững? Thưởng phạt bất minh, ắt phải truất bỏ cơ luân hồi chuyển
kiếp”. (PCT)
Hỏi tại sao đời luôn có sự
mâu-thuẫn nhau như vậy?
- Thật ra trong nhân sanh
ai cũng muốn thành Phật, Thánh, Tiên, nhưng không chịu sửa tánh, trau lòng, sống
không tùng theo khuôn viên đạo-đức. Chỉ có Năm điều giới cấm mà không giữ được
bảo sao không vướng tội tình, khi đã bị tôị thì cửa điạ ngục lại chờ. Bởi lòng
người hoài-nghi Thiên đàng không có, địa ngục cũng không, trong số đông hãy còn
nghĩ-suy như vậy.
Sao không nghĩ như Ông
Pasteur là một Bác-sĩ người Pháp đã tìm ra thuốc đề phòng chó dại, ông nói rằng
cứ hãy tin như có Trời đi, nếu khi về đến cảnh âý mà có thật thì không uổng một
kiếp sanh, bằng trái lại thì ta cũng làm được một người hiền, cho nên sự TU chắc
không bao giờ “lỗ vốn”!
Bấy lâu nay, nhân-loại chỉ
thấy cửa địa-ngục qua hình vẽ như bên Phật-giáo thường vẽ tranh cảnh người tội
bị quỉ sứ cắt lưỡi, cưa xẻ, nấu dầu, rắn cắn, cọp gấu xé thây…l àm cho
nhơn-sanh sợ hãi mà tu. Nếu nói rằng có, thì chưa đủ bằng chứng để chứng minh
điều này hữu lý, còn nếu nói rằng không ắt sẽ lệch đi lý đạo nhiệm mầu. Vậy thử
hỏi rằng quan niệm của người Cao-Đài ra sao về vấn đề Địa ngục, Thiên-đàng, có
hay không?
Hãy nghe bà Bát-Nương
Diêu-Trì-Cung nói về cõi ấy là cõi Âm quang chính là Địa ngục:
“Âm quang là khí chất hỗn
độn sơ khai, khi Chí-Tôn chưa tạo hóa, lằn âm khí ấy là Diêu-Trì-Cung chứa để
tinh-vi vạn vật, tỷ như cái âm-quang của phụ-nữ có trứng cho loài người. Khi
Chí-Tôn đem dương quang ấm-áp mà làm cho hóa sanh, thì cái khoảnh âm-quang phải
thối trầm làm tinh-đẩu là cơ-quan sanh hóa vạn linh. Song lằn âm-quang ấy có giới
hạn, nghĩa là nơi nào ánh linh-quang của Chí-Tôn chưa chiếu giám đến, thì phải
còn tối-tăm mịt-mờ, chẳng sanh, chẳng hóa. Vậy thì nơi khiếm ánh thiêng-liêng
là âm-quang, nghĩa là Âm cảnh hay là Địa-ngục, Diêm đình của Chư Thánh lúc xưa
đặt hiệu.
“Vậy thì chính lời nhiều
Tôn-giáo, nơi ấy là những chốn phạt TÙ những hồn vô căn, vô kiếp, nhơn qủa buộc
ràng, luân hồi chuyển thế, nên gọi là Âm-quang đặng sưả chữ Phong-đô, Địa-phủ của
mê-tín gieo truyền, chớ kỳ thật là nơi để cho các chơn hồn giải thân định trí
(một nơi trung gian giữa thiên đàng và địa ngục hay là mờ mờ mịt mịt)
“Ấy là một cái quan-ải,
các chơn hồn khi qui thiên phải ngang qua đó. Sự khó-khăn bước khỏi qua đó là đệ
nhứt sợ của các chơn hồn. Nhưng tâm tu còn lại chút nào nơi xác thịt con người,
cũng vì cái sợ ấy mà lo tu-niệm. Có nhiều hồn chưa qua khỏi đặng, phải chịu ít
nữa đôi trăm năm, tùy chơn thần thanh trược Chí-Tôn buộc trường trai cũng vì
cái quan-ải ấy.
“Em nói thiệt rằng mấy Anh
hiểu thấu thì kinh-khủng chẳng cùng, nếu để cho chơn thần ô-trược thì khó mong
trở lại cõi thiêng liêng mà về cùng Thâỳ đặng.
“Em biết rằng nhiều chơn hồn
còn ở tại nơi ấy trót ngàn năm chưa thoát qua cho đặng. Thất-Nương ở đó đặng dạy-dỗ,
nâng đỡ các chơn hồn, dầu sa đoạ luân hồi cũng có người giúp đỡ
“Nghe lại coi có phải
chăng vậy?” (TNII /83).
Nhưng nhìn chung lại thì
thời-kỳ Đại ân-xá của Chí-Tôn có khác; Dù cho nguyên-nhân, hóa-nhân hay quỉ-nhân
đi nữa cũng được quyền hưởng sự ân-xá ấy.
Kinh rằng:
Vô siêu đọa quả căn hữu pháp,
Vô khổ hình nhơn kiếp lưu oan.
Vô địa ngục, vô quỉ quan,
Chí-Tôn Đại-xá nhứt trường qui-nguyên.”
13 - PHÚC HỀ HỌA PHỤC HỌA
HỀ PHÚC Ỷ
福 兮 禍 復 禍 兮 福 倚
Giải nghĩa: Trong điều
phúc thì có điều họa ẩn tàng,
Trong mối họa cũng có điều
phúc bên trong.
Lời bàn: Thật ra khi bàn đến
cuộc đời, thì hai tiếng HỌA PHÚC dường như cứ đi liền nhau; nghĩa là trong phúc
có họa, trong họa có phúc.
Xưa nay câu chuyện “Tái
ông thất mã” là một dẫn chứng dễ nhận thấy nhứt. Bởi Tái ông sống ở gần Rợ Hồ,
ông có được con ngựa quí “thiên-lý mã”, mọi người đều trầm-trồ về con ngựa quí ấy
Thế rồi, một hôm bỗng con ngựa ấy chạy qua Rợ Hồ mất dạng; bạn bè cùng tiếc rẻ
thật là vô phước cho Tái Ông đã làm mất đi của quí; mấy tháng sau, con ngựa ấy
bỗng nhiên lại trở về và dẫn theo một con ngựa tốt như vậy nữa .Bạn bè lại một
phen đến chúc mừng ông thật là hữu phúc, tưởng rằng mất một nhưng lại được đền
hai. Hằng ngày cậu con trai cưng duy nhất của ông có được ngựa tốt tha hồ mà cỡi.
Bấy giờ, con trai ông bị
té ngựa gãy chân, họa lại đến cho gia đình ông, mọi người cùng đến mà san sẻ nỗi
buồn cùng ông, vì rủi-ro mà sinh họa hại vào nhà.
Cũng vào năm ấy, trong nước
giặc loạn nổi lên, trai-tráng trong làng đều phải đi lính, con trai Ông vì gãy
chân nên khỏi phải ra tòng quân, thế là gia đình ông may-mắn quá, con được miễn
dịch, phúc đức ông bà, là điều đáng mừng …
Thế mới hay rằng: hoạ là
đâu? Phúc lại là đâu?
Trở lại với nền Đạo nhà, để
chúng ta cùng san sẻ nỗi ưu-tư với các bậc tiền hiền đã trải qua nhiều gian khó
mới có sự-nghiệp như ngày nay:
Ngày 23 tháng 8 năm Bính-Dần
(dl 29-9-1926) Ông Cựu Thượng-Nghị-viện Lê-Văn-Trung vâng Thánh-ý hiệp với chư
đạo-hữu hết thảy là 247 vị tại nhà ông Nguyễn-văn-Tường đứng tên vào Tịch-Đạo để
khai Đạo nơi Chánh-phủ.
Tờ khai Đạo, thật tình Đức
Chí-Tôn cũng không muốn phải có sự trình kiến với Chánh-phủ Pháp như thế, vì
đây là mối Đạo Trời khai mở mà còn phải lệ thuộc ai! Nhưng cũng đau lòng cho một
đất nước bị mất chủ quyền nên đành vậy. Ông Lê-Văn-Trung vâng lịnh Đức Chí-Tôn
phải nhóm họp bổn đạo lại để làm TỜ KHAI ĐẠO thì mới hợp lệ. Nhưng một sự nhóm
họp nào đông đảo cũng có sự rình mò theo dõi của sở Mật-thám Pháp mục đích là để
băt bớ, giải tán, giam cầm và điều tối yếu là diệt Đạo từ khi còn trong trứng nước.
Đêm ấy, Trời mưa to gió lớn
làm cây cối gãy đổ, đường Saì-gòn nơi chợ Cầu-kho (gần chợ Thái-bình ngày nay)
bị ngập nước hết, khiến cho bọn mật-thám không làm khó dễ được, nên mọi việc đều
xong.
TỜ KHAI ĐẠO đến ngày mùng
một tháng chín (dl 7-10-1.926) mới gởi lên cho quan Nguyên-Soái Nam-kỳ là ông
Le Fol. Trong tờ ấy có 28 người đứng tên thay mặt cho cả chư Đạo-hữu có tên
trong Tịch-Đạo. Tờ này viết bằng chữ Pháp (gọi là tiếng Lang-sa tức nhiên dịch
từ chữ Francais mà ra).Xin trích ra một đoạn cuối như vầy:
“… Chủ ý của chúng tôi là
muốn làm sao cho nhân-loại được cộng hưởng cuộc Hòa-bình như buổi trước. Được
như vậy, chúng sanh sẽ thấy đặng thời kỳ mới mẻ cực kỳ hạnh-phúc không thể nào
tả ra đặng.
“Chúng tôi thay mặt cho
nhiều người An-nam, mà đã nhìn-nhận sở hành của chúng tôi và đã ký tên vào Tờ Đạo-tịch
ghim theo đây, đến khai cho Quan lớn biết rằng:
“Kể từ ngày nay chúng tôi
đi phổ-độ khắp cả hoàn cầu. Chúng tôi xin Quan lớn công nhận TỜ KHAI ĐẠO của
chúng tôi” (1)
Đã qua rồi một khúc quanh
của Đạo-sử, nhưng cứ mỗi một trang sử mới là một sự thử-thách cam-go, vẫn chưa
hết …
Thắm-thoát đến ngày chính
thức Khai-Đạo là ngày 15-10 năm Bính-Dần (dl 19-11-1926) lễ khai-đạo được tổ chức
trọng thể tại chùa Gò-kén (Tây-Ninh).Các bậc tiền bối như Đức Hộ-Pháp bấy giờ vẫn
còn làm việc nơi Chánh-phủ, Ngài phải xin nghỉ phép sáu tháng trước ngày lễ để
chung lo cho công việc sắp xếp chuẩn bị mọi thứ, đến khi trở lại công-sở thì
Ngài lại bị đổi lên Nam-vang (tức là Kampuchia) lúc bấy giờ ba nước Đông-Dương
là Việt, Miên, Lào đều là thuộc địa của Pháp.
Thấy ra là rủi, coi như bị
đi đày không khác; nhưng, trong rủi lại có cái may nhờ Đức Ngài lên tận đây để
có cơ hội tốt Ngài mở ra Hội-Thánh Ngoại-giáo tức là truyền giáo nước ngoài mà
Kampuchia hưởng được ân phúc trước tiên, từ đó làm bàn đạp tiến sang Lào,
Thái-Lan, Trung-Hoa… và dần dần tiếng nói của Đạo-pháp được lan rộng khắp hoàn
cầu như ngày nay.
Đến năm 1956 biến cố Đạo-quyền
Đức Ngài phải một lần lưu vong sang Miên-quốc việc Đạo-sự cũng được phát triển
mạnh; sau cùng Ngài Qui-thiên nơi đây. Trước đó ba ngày, Đức Ngài có viết thơ
cho Thái-Tử Miên triều xin gởi nắm xương tàn cùng cả toàn dân Việt-Nam và toàn
tín hữu Cao-Đài được lưu lại nơi đây, đến khi nào đất nước Việt-Nam thực sự Hòa-bình
thì di Liên-đài của Ngài trở về cố quốc .
Cuộc đời của một vị
Giáo-chủ, cái sống của các Ngài nó có ý-nghĩa cho cái sống, khi đã cỗi bỏ xác
phàm thì nó vẫn có ý-nghĩa cho sự tồn vong của cả dân-tộc Kampuchia nữa, tức
nhiên xác hài của Đức Hộ-Pháp còn nơi đây là một sự trấn giữ cho đất nước này được
tồn tại vậỵ. Gẫm đời người: Phúc là đâu? Mà họa lại là đâu?
. Thật ra, trong phúc có họa,
trong họa có phúc, chớ chung qui đều có sở định, bởi Trời khai Đại-Đạo đã có
Thiên-thơ quyết định trước cả muôn năm rồi nhưng con đường trần này phải lao
lách. Vì trong đời sẵn có những cái bất động lực xảy ra nên muốn đến thành công
phải vượt qua đó, cho nên mới sinh ra họa phúc như vậy .
Thi văn dạy Đạo
Ký thành một cuốn gọi Thiên-thơ,
Khai Đạo muôn năm trước định giờ.
Mau bước phải gìn cho mạnh trí,
Nắm đuôi phướng phụng đến dương bờ.
Ghi-chú:
(1) kèm theo là danh sách 28 vị đại diện, đứng
đầu là Bà Lâm-Ngọc-Thanh (số1).
- Bà là nghiệp-chủ ở
Vũng-Liêm, sau đắc phong Nữ Đầu-Sư Nữ-phái và có tượng đặt trước Lôi-Âm Cổ đài
Đền-Thánh
- Người đứng số 2 là ông
Lê-Văn-Trung Nghị-viên Thượng-Nghị-viện, sau đắc phong là Quyền Giáo-Tông của nền
Đại-ĐạoTam-Kỳ Phổ-Độ Tòa-Thánh Tây-Ninh
14 - HÀNH TÀNG HƯ THIỆT TỰ GIA TRI
HỌA PHÚC NHÂN DO CÁNH VẤN
THÙY
THIỆN ÁC ĐÁO ĐẦU CHUNG HỮU
BÁO
CHỈ TRANH LAI TẢO DỮ LAI
TRÌ
行 藏 虛 實 自 家 知
禍 福 因 由 更 問 誰
善 惡 到 頭 終 有 報
只 爭 來 早 與 來 遲
Giải nghĩa: Những việc làm
ẩn chứa điều thật hư, tự trong gia đình mình đều biết rõ. Nếu như chính nó là họa
hay là phúc có xảy ra đừng hỏi nguyên nhân từ đâu đến: Dù việc thiện hay việc
ác bao giờ cũng có sự báo ứng. Nếu không đến sớm thì muộn, vì chưa đến lúc mà
thôi.
Lời bàn: Tạm dịch bằng thơ:
Hư thiệt dở hay tự biết rồi,
Phúc họa viên thành dễ đoán thôi.
Thiện ác sau cùng đều trả sạch,
Lâu mau sớm muộn ấy do trời.
Khi người làm một công việc
gì, dù có tính thiện hay tính ác, chính bản tâm họ đã tự biết rồi, cả đến thành
quả hư nên cũng như tội phước họ đều lường được, đoán được nữa kìa. Thế nên đừng
hỏi tại sao phúc họa liền nhau. Từ đâu? Do đâu? Bởi đâu?
Dẫn chứng câu chuyện của một
nhân vật lịch sử là PIERRE PASQUIER, là một viên quan Toàn quyền Pháp đã từng
lãnh đạo các nước lệ thuộc như: Việt, Miên, Lào từ năm 1928 đến năm 1934; khi
người Pháp đặt nền thống trị lên đất nước Việt-Nam.
Đất nước này của ta khi mới
vừa ra khỏi tay đô hộ người Tàu một ngàn năm, lại tiếp theo chịu nô lệ Tây 81
năm nữa. Trong thời gian này miền Bắc thì chịu luật bảo hộ, còn miền Nam thì bị
đô hộ hoàn toàn.
Giữa lúc âý Đạo Cao-Đài ra
đời, mặc dầu có sự chấp-thuận của Chánh-phủ Pháp, nhưng riêng Quan Toàn-quyền
Pierre Pasquier muốn lập công để hưởng lợi lộc, nên Ông quyết tâm tiêu diệt Đạo
từ khi mới manh nha. Ông lập ra nhiều hồ sơ giả-tạo để đem về bổn quốc trình với
Vua nước Pháp rằng Đạo Cao-Đài làm chính trị mưu toan chống lại chế độ thuộc địa.
Nhưng cũng nhờ huyền diệu
thiêng-liêng khiến cho công việc không thành, chiếc máy bay Éméraude chở cả gia
đình ông cùng toàn bộ hồ sơ giả tạo bị phát hỏa trên không phận làng Corbigny,
thuộc tỉnh Nièvres, cách thủ đô Paris 150 km về phía Nam, kết thúc một chuyến phi-cơ oan nghiệt, cháy sạch,không ai
toàn mạng
Sự việc này cũng không qua
máy tạo của huyền-vi.
Trước đó hằng bao trăm
năm, Đức Trạng-Trình Nguyễn -Bĩnh-Khiêm đã có tiên-tri trong lời Sám rằng:
“Giữa năm hai bảy mười ba,
“Lửa đâu lại đốt TÁM GÀ trên mây”.
Bây giờ sự việc đã xảy ra
rồi chắc hẳn ai đoán cũng đúng, vì mọi việc ứng hiệp hoàn toàn:
Năm ấy là năm Ất-Dậu, nhuần
2 tháng bảy (7) tức nhiên năm này có cả thảy là 13 tháng.
(Mỗi năm có 12 tháng cọng
thêm một tháng nhuần nữa thành ra 13 tháng là vậy)
Việc này ứng với câu số 1
“Giữa năm hai bảy mười ba”, ông Pierre Pasquier bị chết cháy vào năm Ất-Dậu
(1933)
Chữ Pháp: PASQUIER, đọc trại
ra là “BÁT KÊ” dưới dạng chữ Hán; nếu dịch nôm thì “bát” là tám, “kê” là gà,
nên nói là “TÁM GÀ” cho nên câu (2) ứng vào việc chính-yếu là “Lửa đâu lại đốt
TÁM GÀ” trên mây”!
Theo chúng ta nghĩ rằng,
việc làm này chính Ông Toàn-quyền phải biết đúng, sai, thiện, ác, chứ? Và Ông
cũng phải đoán được cái hậu-quả sẽ ra sao và nền Đạo này sẽ đi về đâu khi việc
được đắc thành?
Nhưng chắc-chắn Ông không
hiểu được đây là chuyến đi định-mệnh của gia đình ông! Nếu kiếp sống dù có
vô-minh, nhưng khi hồn lià cõi trần rồi Ông cũng phải một lần biết. Đau-đớn nhứt
là thấy dược hành-vi độc-ác của chính mình; chỉ còn có sự ăn-năn, hối-hận,
nhưng tất cả đều muộn. Đáng tiếc lắm thay!
Nếu không nhờ huyền-diệu
thiêng-liêng của thời kỳ cơ bút thì mọi việc sẽ khép kín theo thời gian, nhưng
nay thì tư-tưởng của một nhà chánh-trị tham tàn còn có được một cơ hội để tâm-sự.Tức
nhiên Ông Pierre Pasquier được quyền thiêng liêng cho phép Ông về Cơ, giáng bút
rằng:
Toà-Thánh, 2 tháng 7 Bính
Tý (dl 18/8/1936)
Tôi nói tiếng An Nam.
“Tôi đã cầm đặng một cuốn sách Nho, học thông Đạo-lý. Cái tư-tưởng của tôi
buổi nọ, nó thiên về bên Khổng-giáo chớ không phải hướng qua bên Phật-đạo. Tôi càng suy xét thì lại lấy làm lạ vì cớ nào Tôi lại
dùng nhà Thiền toan phá Đạo Cao-Đài buổi nọ. Quái dị thay!
Tôi đã dám xưng mình là
Văn-sĩ Nho-phong; kinh truyện, văn-chương trước mắt mà lại chịu thiệt thòi,
sai-sót, chẳng hiểu đặng rằng NHO-GIÁO chuyển-luân tạo dựng toàn-cầu Tân-thế. Sự
lạc-lầm ấy do đâu mà có?
Ôi quan trường! Ôi nha lại!
Vì mi mà làm cho Ta phải đui mắt, linh hồn phạm tội nghịch-ý Chí-Tôn, Thiên-điều
tàn sát. Hận thay ngôi vị Đế-vương là đao kiếm trừ mạng linh-hồn mà chớ. Gớm thay!
Ghê thay!
THI
“Vương-bá bửu ngôi thị ngục hình,
“Thiên lao như thử tấc công khanh
“Đồ thân phát phối cầm dân mạng
“Y-phục cân-đai thị tử thành”
Tạm dịch:
Ngục hình Vương-bá đã trêu ngươi,
Công danh lợi lộc chốn đày người.
Đem thân Tướng-soái dìu sanh chúng.
Bởi mảnh đai cân chết một đời
(Bài dịch của soạn-giả)
Nhận xét:
- Một người lầm lỗi biết
ăn-năn cũng là điều đáng quí.
- Một người ngoại quốc có
tinh-thần tôn-giáo theo học sách Thánh-hiền, thông hiểu được Nho-học là một điều
đáng tôn trọng.
Nhưng rất tiếc:
- Quá tham vọng, một Quan
Toàn quyền ba nước Đông Dương mà vẫn chưa thỏa mộng công hầu lại còn hám vọng
làm Vua.
- Người có công học Nho mà
không thông Nho, không rõ tinh-thần Đạo Nho.
- Một người ngoại-quốc chỉ
nghĩ đến tham vọng, mà không biết yêu thương đồng loại, không có tình người!. Một
điều vô minh đáng tiếc, là dám động đến oai Trời! Một tấm gương soi chung kim cổ,
một bài học ngàn đời!
15 - DÂN VI QUÍ XÃ-TẮC THỨ
CHI QUÂN VI KHINH
民 為 貴 社 稷 庶 之 君 為 輕
Giải nghĩa: Đức Mạnh-Tử
quan-niệm về chánh trị như thế này: Trong một nước, dân được coi là quí trọng,
xã-tắc là hàng thứ, kế đến vua tự mình xem là nhẹ .
Lời bàn: Cương-vị một nhà
chánh-trị đại tài như Đức Mạnh-Tử dù đã sống xa cái thời dân-chủ hiện tại, mà tư-tưởng
dân-chủ của Ông thật là bậc Thầy của nhân loại qua vạn thế. Bởi ông đã lấy dân
làm gốc; người chăn dân như bậc cha mẹ lo cho dân như con đẻ.
Có như vậy người dân mới
thực sự giàu có, tâm hồn nhàn lạc, lúc ấy đất nước mới phát triển toàn diện,
bao nhiêu hiền-thần tài trí hết mình đem thân giúp nước và cả những người xưa
nay sống xa xứ họ cũng phải trở về để phụng-sự quê hương xứ-sở họ.Còn vai trò của
Vua, của Tổng-Thống, của vị Nguyên-Thủ quốc-gia chỉ là người đóng vai trò chỉ đạo,
điều-khiển guồng máy cho sự sinh-hoạt được điều-hòa, thế thôi! Vì họ đã là ngôi
tuyệt đỉnh rồi có gì mà phải hãnh-diện, bắt dân chúng phải bái phục. Nếu phải
là bậc minh-quân thì đó là ngôi trời, còn gì quí hơn!
Nói đến tinh-thần của một
vì Vua như Lê-Thánh Tông, cả dân chúng phải đem lòng mến phục; tình thương của
vị Vua đã tràn-trề qua lời thơ ký thác tâm sự như sau:
DỆT VẢI
Thấy dân rét mướt nghĩ mà thương,
Vậy phải lên ngôi giữ mối giềng.
Tay ngọc lần đưa thoi nhựt nguyệt,
Gót vàng nhận đạp máy âm dương.
Thử hỏi Người làm vua với
ai? Dĩ-nhiên lấy dân làm gốc, tức nhiên có dân mới có quan, có quan mới có vua,
mà làm vua là vì sứ-mạng, vì chơn-mạng, chứ không vì cá nhân muốn tóm thâu
thiên hạ như Tần Thủy Hoàng Đế ngày xưa.Ông Vua phải làm vua là vì tinh-thần phụng
sự cho dân; một lòng vì dân, vì nước. Nào phải đâu chỉ nhìn vào lộc cao, bổng hậu,
mong để có dịp tóm thâu vàng bạc cho đầy “túi tham không đáy”.Ông Trời làm Trời
cũng vì tinh thần phụng sự cho con cái Ngài mà thôi.
Xưa nay, thường ví vua
quan đối với dân như thuyền đi trên nước. Nước để đỡ thuyền nhưng thuyền cũng
thường bị đắm trong nước vậy!
Đức Hộ-Pháp đã nói về
tinh-thần PHỤNG-SỰ như sau.
“Từ xưa, chúng ta đã ngó
thấy cái cơ-quan tạo đoan càn khôn vũ-trụ là cơ-quan Đức Chí-Tôn để Phụng sự
cho vạn linh. Cái chơn-pháp nó vẫn vâỵ:
- Đất phải hy-sinh đặng phụng-sự
cho cây, tức nhiên là thảo-mộc.
- Cây phải hy-sinh đặng phụng-sự
cho thú, tức nhiên nó phải hy-sinh đặng phụng-sự nuôi thú, mà loài người đứng đầu
trong loài thú chớ không có chi lạ.
Vì cớ cho nên Cổ-luật lại
buộc thú phải hy-sinh đặng phụng-sự cho người; phụng sự không đi quá mức
hy-sinh đặng nuôi loài người. Bởi vì lẽ lầm hiểu về chơn pháp ấy mà nhơn-sanh đã
thực nhục (ăn thịt) nói rằng “vật dưỡng nhơn” (vật nuôi người).
- Giờ tới một mức nữa: người
phải hy-sinh đặng phụng-sự cho Trời. Chắc nhơn-loại còn nhớ cổ-luật của Thượng-cổ
khi tế trời họ đem người ra họ giết, rồi họ thiêu như con thú kia vậy. Con người
theo cổ-luật ấy một thời gian cũng khá lâu. Khi dùng người làm tế vật đặng hiến
cho Đức Chí-Tôn, nếu hiểu theo các Đạo-sử thì đã có gần 40.000 năm về pháp luật
ấy. Thử nghĩ coi các chơn mạng buổi nọ đã đem làm con vật hiến cho Đức Chí-Tôn
nhiều lắm vậy. Mới đây, chừng lối 60.000 năm đời của Jacob; trước 6.000 năm,
theo Đạo-luật của Hébreux tức nhiên luật của Do-thái phải giết vật để tế Đức
Chúa Trời, luật đó tới nay có lẽ vẫn còn đó vậy.
Đức Chí-Tôn có đòi hỏi
không?
- Không!
Chúng ta dám chắc rằng
không; vì chính mình Ngài tạo ra vạn linh, chính mình Ngài làm tôi-tớ cho vạn
linh và phụng-sự cho vạn linh, có lẽ đâu Ngài đòi nhân loại phải làm con tế vật
tế cho Ngài.
Bao giờ chúng ta cũng thấy
luật phụng-sự cho vạn linh đi từ vật loại đến nhơn loại. Chúng ta thấy việc của
con ong, con mối; Con ong Chúa thật sự ra phụng-sự đầy dẫy hơn hết. Vì làm Chúa
cho nên phải có nhiều phụng sự, nó phải chịu sanh-sản làm giống nòi, nó sanh sản
mãi mà thôi.
Cũng như thượng cổ, trước
lối 150.000 năm và trước nữa thì loài người cũng vậy. Đạo pháp trong Phật giáo
để lụng lại,các Đấngduy chủ của các sắc dân, chủng tộc, do tiếng Phạn gọi là
“Ma-nu” cũng một kiểu vở con ong, con mối. Con mối Chúa phụng-sự cho cả một ổ mối
hơn ai hết, bởi vì chính mình con mối Chúa đã sản xuất cả chủng tộc của loài mối.
Chúng ta thấy lụng lại một
triều chính của xã-hội nhơn-quần đã lập quốc, tức nhiên lập một nền chánh-trị tương
liên, một quốc gia vô trong khuôn khổ của một quốc thể, một văn hiến đều chịu một
luật-pháp ấy, mà luật pháp ấy muốn thi hành thì phải có triều chính. Thật sự
ra, triều chính nhà vua phải phụng sự cho quần linh, tức nhiên phải phụng-sự
cho lê-dân. Một mình Ổng phụng-sự cho toàn thể lê-dân không thể được nên phải lập
triều chánh: từ Tể-tướng cho tới bậc hạ quan. Chính trị một quốc gia là thay thế
hình ảnh cho Vua đặng phụng-sự cho lê-dân mà thôi.
Chúng ta ngó thấy trong vật
loại như con mối Chúa, con ong Chúa cũng làm Chúa, cũng phụng-sự. Trong phụng-sự
kia cũng lập một triều-chính đặng có phương-pháp phụng sự cho nó.
Nhà Vua cũng vậy, lập triều-chánh
đặng biến thân cho muôn ngàn triệu, đặng phụng sự cho toàn thể lê dân. Mối Chúa
cũng vậy.
Bây giờ Đức Chí-Tôn, Ngài
phụng-sự cho vạn linh toàn cả trong càn khôn vũ-trụ. Ngài đã dùng cái gì?
- Ngài dùng phương-pháp PHỤNG-SỰ
VẠN LINH, là lấy đời, lấy vạn linh phụng sự cho vạn linh. Chúng ta thấy Đức
Chí-Tôn nuôi cây, nuôi thú; thú để phụng-sự cho người. Ngài dùng căn-bản đó để
phụng-sự cho đời cũng như nhà vua dùng lê-dân lập triều chính đặng phụng-sự cho
dân.
Đức Chí-Tôn ngày giờ này đến
lập ĐẠO: muốn phụng-sự cho cả toàn nhơn-sanh nơi mặt địa cầu 68 này Ngài phải
làm thế nào?
–Ngài cũng phải mượn loài
người phụng-sự cho Ngài, Ngài phải dùng loài người đặng làm Thánh-Thể cho Ngài
là lập triều chánh của Ngài.
Chúng ta ngó thấy Đức
Chí-Tôn đến lập Đạo; lập Đạo phải lập Hội-Thánh đặng phụng-sự cho vạn linh trên
mặt điạ cầu 68 này. Chúng ta ngó thấy cái quyền rồi, ban cho cái quyền luật-định
phụng-sự, vì phụng-sự ấy mới làm Chúa như con ong kia, con mối kia.
Vì PHỤNG-SỰ mới làm CHÚA .
Ông Vua kia vì phụng-sự
cho dân mới làm Vua.
Bây giờ, Đức Chí-Tôn vì phụng-sự
cho vạn linh mới làm TRỜI. Ngài phải lập Hội-Thánh tức nhiên Ngài lập Thánh-Thể
của Ngài. Triều-chánh tức nhiên Thánh thể của Ngài chớ không có chi lạ!
Muốn cho Hội-Thánh cầm quyền
thống trị đặng phụng-sự cho Vạn-linh Ngài phải lập triều chánh, triều chánh là
ngôi Thần, Thánh, Tiên, Phật đó vậy. Ngài lập Thánh-Thể cũng như thế ấy; vì cớ
cho nên chúng ta ngó thấy Thánh-Thể Đức Chí-Tôn tức nhiên Hội-Thánh có đủ các
phẩm Thần, Thánh, Tiên, Phật tại thế vậy.
Không có cái chi mà chúng
ta cầu muốn hay là dùng công-nghiệp mà Người không trả, không bồi thường, vì
Ngài đã mượn chúng ta làm Thánh-Thể cho Ngài đặng Ngài phụng sự cho vạn linh thì
Ngài phải trả, phải bồi thường. Nếu muốn cho người theo thì Ngài phải lập-vị
cho họ, thì họ mới theo.
Đức Chí-Tôn Ngài đến ký
Hòa-ước với loài người nhứt là dân tộc Việt-Nam trước cái đã:
“Mấy người làm Thánh-Thể
cho Tôi, đặng Tôi phụng-sự cho Vạn-linh, thì Tôi sẽ lập vị Thần, Thánh, Tiên,
Phật lại cho mấy người. Nếu các người chịu thì Ký Hòa-ước với Tôi, kế các người
làm tôi cho con cái của Tôi cho vừa sức của Tôi muốn hay vừa ý của Tôi định,
thì Tôi sẽ trả lụng lại là lập ngôi vị cho mấy người trong Thánh-Thể ấy. Tôi đã
định phẩm-vị Thần, Thánh, Tiên, Phật. Tôi đã lập vị sẵn cho mấy người mà mấy
người đoạt được tại mặt thế này, tới chừng về cõi vô hình Tôi không chối cải gì
hết”.
Trái lại còn trả hơn khi
chúng ta PHỤNG-SỰ CHO VẠN-LINH tại mặt thế này nữa là khác.
Nay, trong cửa Đại-Đạo này
Đức Hộ-Pháp là Giáo-chủ về phần hữu-vi, hãy nghe Ngài nói về quyền làm Chúa của
Ngài:
“Làm Chúa về phần hồn duy
có Đức CHÍ-TÔN mà thôi!
“Ngày giờ này Bần-Đạo đứng
tại đây xin thú thật với con cái của Ngài: Người thay thế về phần xác cho Ngài
là Hội-Thánh. Hội-Thánh là phần xác của Đức Chí Tôn tại thế này vậy.
“Bần-Đạo dám tự xưng là
GIÁO-CHỦ. Vị Giáo Chủ tức nhiên người thay thế hình ảnh cho Đức Chí-Tôn đặng
làm CHÚA phần hồn toàn mặt địa cầu này, nhưng Bần-Đạo chỉ biết làm phận-sự, làm
tôi con của Đức Chí Tôn thay thế hình ảnh của Ngài nơi mặt địa-cầu này mà thôi,
chớ chưa hề biết làm CHỦ.
“Cả Hội-Thánh cũng vậy, chỉ
làm Bạn, làm Anh em dìu-dắt con cái của Ngài về phần hồn đặng ĐOẠT CƠ GIẢI-THOÁT
mà thôi!”
16 - TƯƠNG THÂN TƯƠNG ÁI
相 親 相 愛
Giải nghĩa: Hãy thương mến
cùng nhau và giúp đỡ lẫn nhau, xem nhau như tình ruột thịt. Đã gọi là tình ruột
thịt thì phải sống một cách chân thật, không trích điểm nhau hay nhớ những nỗi
thù hiềm.
Lời bàn: Cơ Đạo của
Chí-Tôn ngày nay Thương yêu đã thành LUẬT; tức nhiên Đức Chí-Tôn buộc loài người
phải ký Hòa-ước với Ngài là phải thực hiện cho được hai điều là:
1 - Luật Thương-yêu.
2 - Quyền Công-chánh.
Cũng là Bác-ái, Công-bình
vậy. Muốn có công bình phải thực-hiện công lý, có công lý cũng phải từ luật Thương-yêu
mà ra. Hai điều kiện này muốn thực hiện cho được hoàn-toàn thì người không
trích điểm nhau. Bởi cuộc sống trong thế-gian này, chưa ai được gọi là toàn vẹn;
chúng ta đã thấy chính Đại-Từ-Phụ là Đấng toàn năng, toàn tri, cầm quyền cả càn
khôn vũ-trụ mà cũng chưa vừa lòng được hết chúng sanh thay! Chỉ mỗi một việc nắng
mưa mà giải quyết cũng không vừa lòng thiên hạ.
Người đang phơi thóc muốn
cho nắng lên tỏ rõ cho thóc được mau khô, “lạy ông nắng lên”; còn kẻ trồng trọt
hoa mầu thì “lạy Trời mưa xuống” cho tốt cây, tốt trái. Vậy phải xử-sự làm sao
đây?
Mùa đông trời rét có kẻ
không áo, chả lẽ vì sự rét mướt của chúng sanh mà dẹp đi mùa đông! Như vậy nắng
mưa là chuyện của trời, đã thành định luật. Người trong thế-gian phải sống theo
qui luật của trời đất chớ không phải muốn cho trời đất làm đẹp ý mình!
..Sự sống trong xã-hội
cũng giống như vậy, phải nương nhau mà sống cho được thuận-hòa cùng nhau. Đừng
bắt người phải phụng sự cho mình, mà người Đạo phải biết phụng-sự cho vạn linh,
mà phụng sự vạn linh là phụng sự cho Chí-linh, tức nhiên phụng-sự Trời vậy.
Vì lẽ đó mới có Đệ Tam
Thiên-Nhơn Hòa-ước.
Thử tìm hiểu giá-trị của Đệ
Tam Thiên-nhơn Hòa ước trong cửa Đạo Cao-Đài ngày nay như thế nào? Và tinh thần
của bản Hòa-ước này cái giá-trị thực tiễn ra làm sao?
Liệu Đạo Cao-Đài có thực
hiện được không?
Đệ Tam Thiên-nhơn Hòa-ước
tức là bản văn ký kết giữa Trời và Người thực thi hai điều là: BÁC-ÁI và CÔNG-BÌNH.
Khi nói đến lần thứ ba, tất
nhiên phải liên-tưởng đến lần thứ nhứt và lần thứ nhì như thế nào? Có hay
không?
Đức Hộ-Pháp nói:
- Thời Nhứt-kỳ Phổ-Độ,
nhơn loại đã có ký Hòa ước với Đức Chí-Tôn mà đã bội ước nên phạm Thiên điều,
nhơn-quả của nhân-loại gớm-ghiết; do nhân-quả ấy mà tội tình lưu-trữ đến ngày
nay: Thánh-giáo gọi là “Tội Tổ-Tông”. Ngay chính mình Thầy đến, đến với nột xác
thịt phàm phu (lập bản Cựu-ước).
- Qua Nhị-kỳ Phổ-Độ, Ngài
đến giơ tay ký Đệ nhị Hòa-ước với Đức Chí-Tộn ấy Đấng Jésus Christ chịu tội cho
nhơn-loại, ký Đệ nhị, Hòa-ước đặng dìu-dắt chúng sanh trở về cùng Đấng Cha lành
của họ tức nhiên là Đức Chí-Tôn là Đại-Từ-Phụ chúng ta ngày nay đó vậy.
Đấng ấy vô tận vô biên, thấy
nạn của nhân-loại đã dẫy-đầy; Ngài chỉ xuống tại mặt thế này làm con tế vật đặng
chuộc tội tình cho nhân-loại mà lại còn đem quyền của Chí-Tôn để nơi tay của
nhân-loại, bàn tay đã ký Đệ nhị Hòa-ước cho nhân-loại nó làm cho Ngài thế nào?
Do tay Ngài ký Hòa-ước với
Chí-Tôn, nên hai tay của Ngài bị đóng đinh trên cây Thập-Tự-giá, hai chân của Đấng
ấy đã đi trước nhân-loại dìu đường hằng sống cho họ rồi hai chân của Đấng ấy
cũng bị đóng đinh trên cây Thánh-giá; còn trái tim yêu-ái nhơn-sanh vô hạn ấy bị
một mũi kiếm vô-tình đâm ngay cạnh hông của Ngài lấy giọt máu cuối cùng đó đặng
cứu nhân-loại, một tình ái vô biên ấy để lại cho loài người một tôn-chỉ yêu-ái.
Tôn-chỉ nhìn nhân-loại là anh em cốt-nhục và khuyên nhủ nhân-loại coi nhau như
đồng chủng.
“Có lẽ từ năm 1948 về sau,
nhân-loại không tầm giáo-lý của Ngài nữa; chắc-chắn như vậy! Và cũng quả quyết
rằng nhơn-loại đã quên hẳn Ngài rồi đó! Cho đến ngày nay cả toàn nhân-loại trên
điạ-cầu này không chịu nghe lời Ngài, không theo bước của Ngài nên nạn tương
tàn tương-sát lẫn nhau sắp diễn ra gần đây, nhưng nếu chừng nào toàn cả nhơn-loại
biết tôn-sùng nhau vì tình cốt-nhục thì cái nạn tương-tàn tương-sát trên mặt địa
cầu này sẽ không còn nữa. Hai tấn tuồng, hai thảm trạng như thế có thể đưa
nhân-loại đến chỗ tiêu-diệt mà chớ!
Vì nhân-loại không biết
nghe; Đấng ấy đã lấy máu thịt của mình làm con tế-vật dâng hiến cho Đức Chí Tôn
để cầu xin tha tội cho nhân-loại. Nhân-loại sẽ mất Đức-tin vì không nghe Đấng Cứu-Thế.
Đấng ấy đã bảo Anh em phải yêu lẫn nhau,giúp-đỡ nhau, sống cùng nhau cho trọn vẹn
kiếp sanh.
“Trái ngược lại, ĐỆ NHỊ HÒA-ƯỚC
đã ký-kết với Đức Chí-Tôn bị nhân-loại bội-ước nữa, vì bội-ước mà bảo sao
nhân-loại không bị tội-tình mắc-mỏ cho được”.
Lời Đức Chúa Jésus Christ trong Thánh KANT:
“Je reviens en ce monde avec un Nouveau Jésusalem”
(Tôi trở lại thế-gian này với một TÒA-THÁNH MỚI ”.
- Nay là buổi Đệ Tam Thiên Nhơn Hòa-ước là gì?
Đó là bản Hòa-ước ký giữa Trời và Người tức là giữa Đức Chí-Tôn Ngọc-Hoàng
Thượng-Đế và Nhân loại. Hai bên cùng ký với nhau đồng-ý thỏa-thuận hai điều-kiện
phải thực-thi cho được:
- Một bên là Trời luôn để
mắt theo-dõi nhơn-sanh ban cho sự sống an-bình, luôn giáng phúc và tha tội cho
chúng-sanh.
- Một bên là Người phải tự
biết Thương-yêu nhau để đi đến:
* Đại-Đồng chủng-tộc.
* Đại-Đồng xã-hội.
* Đại-đồng Tôn-giáo.
Chẳng những THƯƠNG-YÊU giữa
người và người, mà còn biết Thương-yêu loài vật hết cả vạn-linh sanh chúng nữa.
Đó là thực-thi hai khoản: BÁC-ÁI và CÔNG-BÌNH .
Bản Hòa-ước này xem như
ngay ngày Khai-Đạo Đức Chí-Tôn đã ký hứa với Nhân-loại rồi; đó là Đệ Tam
Thiên-Nhơn Hòa-ước và giá-trị phải được thực thi từ ngày ấy vì Thầy có dạy rõ
trong Thánh-Ngôn:
“Kẻ nào giữ TRAI-GIỚI mười
ngày trở lên thì được THỌ TRUIYỀN BỬU-PHÁP”.
Trong kỳ ba Phổ-Độ này
chính đức Chí-Tôn đến để tận-độ 92 ức nguyên-nhân. Bởi trong nguơn hội mới này
là xây dựng nền-tảng Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ, lần này Ngài giao ba vị Thánh (Tam
Thánh) đứng đầu Bạch Vân-động nơi cõi thiêng-liêng làm đại-diện cho Nhân-loại
và ký vào Bản Đệ tam Thiên-Nhân Hòa-ước mà chính nó là:
“LUẬT QUYỀN HÒA ƯỚC” vậy.
17 - THIÊN VÕNG KHÔI KHÔI
SƠ NHI BẤT LẬU
天 網 恢 恢 疏 而 不 漏
Giải nghĩa: Trong Nho-giáo
dạy rằng: Trời cao lồng lộng mà một mảy lông cũng không qua khỏi. Kinh Sám Hối
có lời rằng:
Lồng lộng lưới Trời tuy xếu-xáo,
Thưa mà chẳng lọt mảy lông mày.
Lời bàn: Vì quyền
thiêng-liêng của Trời đất vô cùng nhặt-nhiệm như vậy nên nhân-loại xưng tụng Đấng
Thượng-Đế là bậc Thiên-Tôn cầm quyền vạn linh mực thước, làm Toà trị thế.
“Đấng tạo ra vạn-vật càn
khôn vũ-trụ, sanh ra nuôi-nấng, tạo ra, bảo bọc, hằng để trong mỗi thi-hài một
tâm-linh mới được khôn ngoan hiểu biết rằng: có người, có ta; nên ta mới nhìn Đấng
ấy cho ta cái tâm-linh, ấy là Đấng tối linh, là Cha của Ta. Ngoài Đấng ấy thì
không ai làm Chúa-tể của vạn linh đặng.
“Tôn sùng như thế là thấy
Đấng ấy cao-thượng hơn ông Cha phàm, vì thế mới xưng tụng Ngài là Đại Từ Phụ.
Thật thế, nhà Phật cho Ngài là Đại-Từ-Phụ trúng hơn hết vì nếu Đấng ấy không
cho một điểm linh-quang thì thế nào bảo tồn sanh mạng đặng."
Nho-giáo Đức Khổng-Tử gọi
Đấng Chí-diệu chí linh ấy là Thiên-Tôn.
Tại sao gọi là THIÊN 天?
- Thiên có nghĩa là Trời,bởi
trong gốc của chữ Thiên 天 có 4nét (cấu-tạo bởi chữ
nhơn 人 là người và nhị 二 là hai); chữ nhơn có hai nét là nói con người do cha, mẹ sanh ra cái phàm
thể xác thân này đây, lần-lượt sự sống được luân-chuyển dài dòng cả họ không
ngoài luật Âm dương của Trời đất nên tượng trưng bằng chữ nhị. Chữ nhị 二 biểu thị trên trời dưới đất; còn con người đứng giữa tức là tam tài Thiên,
địa, nhơn là vậy. Thế nên con người tu là để thăng tiến, là noi bước theo Trời
để được làm Trời.
Chắc-chắn như vậy, bởi xưa
tu theo Phật sẽ đạt đến ngôi Phật… nói tắt một lời: tu Tiên thành Tiên, tu
Thánh thành Thánh, tu Thần thành Thần; ngày nay chính Đức Thượng-Đế là ông Trời
mở Đạo ra cho nhân-loại tu thì sẽ đạt ngôi Trời có gì đâu xa lạ!
Khi ông Trời tạo ra xác
thân này đây cũng đã chuẩn bị cho cái hình dáng, có hình chữ Đại 大 (Đại là lớn, nói là nhứt nhơn viết đại 一 人 曰 大 tức nhiên chữ nhứt đặt
lên chữ nhơn thành ra chữ đại. Nhất định là người phải lớn và đứng đầu vạn linh
rồi đó, vì vậy có bổn phận phải thương yêu vạn loại theo Thánh-ý của Chí-Tôn đã
sở định. Vì con đường làm Trời.Chí-Tôn đã hoạch định như vậy, con người cứ thẳng
tiến ắt phải tới đích.
Trường học Đạo có khác nào
trường học Đời, nhưng chắc-chắn sẽ nhặt-nhiệm hơn, bởi tất cả đường tơ kẽ tóc
không qua được “Giám khảo khó”.
Nhưng ngày xưa Đức Khổng-Tử
khi truyền-bá Đạo Thánh không đạt được ý muốn bằng Đức Chuá Jésus bên trời Tây;
bởi vì trong khi đó Đức Khổng-Tử chỉ dám nói “Ông Trời là Nhất Đại” để chỉ Đấng
Tối cao-thượng mà thôi.
Đức Chúa thì nói rằng có một
“Đấng CHA TA trên Trời”; nhờ luận-thuyết đó mà mọi người đều nhìn nhận rằng “Trời
là Cha”.
Khi Người Cha đến kêu con
thì tất các con cái đều quay về.Chung qui thì dù nói thế nào hôm nay nhân-loại
cũng đã nhìn nhận “Đấng Cha Trời đã đến”. Ngài đến trong sự BÁC-ÁI ,CÔNG BẰNG
Nhân loại hãy mau tìm đường để trở về với Cha lành trong danh-nghĩa Đức Chí Tôn
Đại-Từ-Phụ.
Con đường trở về đã vạch sẵn
trong nguơn hội này:
Bác-ái là đề thi tiến-hóa,
Nghĩa-nhân ấy định phép
duy tân.
Đức Phật Quan-Âm Bồ-Tát dạy
về “đề tài Bác-ái” như vầy:
“Các em có hiểu vì sao mà
phải khai rộng cho đến lòng BÁC-ÁI chăng?
“Vì vạn-vật do Đức Từ-bi
mà sanh hóa trong cả thế gian, vậy vạn-vật đồng nhứt thể. Tánh háo sanh của Đức
Từ-bi cũng nhân đó mà vô biên vô giới, còn chúng ta lại là một loài trong vạn-vật,
thì chúng ta cũng ở trong luật hóa sanh ấy. Vì vậy mà hễ giết một mạng sống thì
đau lòng Đức Từ-bi, mà hễ đau lòng Đức Từ-bi thì Thiên sầu địa thảm. Các em thử
nghĩ người tục có dám phạm đến oai Trời chăng?
“Cứ do đó thì ta đã rõ rằng:
Ta phải mở lòng Bác ái, thương xuống đến các vật yếu hèn.
-Một là tránh khỏi sa vào
Luật quả báo, vì Luật Thiên-điều chẳng hề vị ai.Tuy mắt thịt không bao giờ thấy
được,chớ kỳ thiệt một mảy lành dữ không qua được. Các em có lẽ hiểu câu “Thiên
võng khôi khôi sơ nhi bất lậu”. Ấy là một lẽ.
Còn một lẽ nữa là người
sanh trong cõi trần, Đức Đại-Từ-bi ban cho một tánh tối linh hơn vạn vật; là có
ý để thay thế cho Người mà dìu-dắt loài yếu hèn hơn .
Các em thử xét, nếu cha
phàm mà rủi có một đứa con bất hiếu, thì có phiền không?
Còn Đức Đại-Từ-bi rủi có đứa
con không lòng Bác-ái thì thế nào?
Mà người có nên trái lòng
Trời là Đức Đại-Từ-Phụ chăng?” (TN II /86 )
18 - VÔ NHÂN NGÃ CHI KIẾN
無 人 我 之 見
Giải nghĩa: Không có sự
phân biệt của mình hay của người. Nói rộng ra là tinh-thần Đại đồng trong cuộc
sống này.
Lời bàn: Thơ Việt-Nam có
câu rằng :
“Đời là muôn sự của chung,
“Hơn nhau một tiếng anh-hùng mà thôi”
Thấu triệt được nghĩa-lý
câu này của người xưa là để cho cõi lòng được yên-ổn mà sống vui, sống mạnh; vì
lẽ giữa cuộc trần-ai này đã bày ra lắm cảnh tang điền thương hải; (cồn dâu hoá
biển, biển hóa cồn dâu). Mới sớm mai thành phố nguy-nga, trong chốc lát trở
thành đống gạch vụn, chết-chóc đau thương. Đúng như lời Phật dạy: nước mắt của
chúng-sanh chứa lại còn nhiều hơn bốn biển. Chúng ta hằng ngày chứng kiến những
cảnh tượng ấy xảy ra có suy nghĩ gì?
Câu “máu chảy ruột mềm”chắc
hẳn rằng ai cũng động mối từ tâm, nhưng người Tôn-giáo phải làm gì? Làm gì cho
chính mình và cho người?
Trước mắt, câu “biết mình
biết người”nó sẽ loáng trong tâm tư của ta một sự đóng góp; đóng góp gì đây?
Trong khi chính bản thân mình còn đang chờ sự cứu trợ, thì mình còn cứu được ai
đây? Nhưng câu “cây nhà lá vườn”chắc hẳn cũng cần yếu trong cơ hội này lắm vậy;
trong sự đóng góp cũng đứng vào hai phương diện:
- Một là tinh-thần,
- Hai là vật chất
Về tinh thần thì Tôn-giáo
đã mỗi năm ba tháng đặc biệt dành ba nguơn “khai U-minh-chung”, có nghĩa là đưa
tiếng chuông “Đại Ân-xá” của Chí-Tôn đến khắp cả càn khôn vũ-trụ này để thức tỉnh
các oan hồn vô căn vô kiếp; rằng trên thông Thiên đàng, dưới thấu đến Địa ngục,
đâu đâu cũng thấu đến, nghe đến, rồi từ từ các hồn oan, hồn tội-lỗi sẽ được nhẹ-nhàng
cũng như tự họ sẽ buông tất cả những tảng đá trên lưng mình xuống; những khối
đá đó là sự buồn đau, oán hận, bất mãn, thất vọng, thất tình, bất-đắc-chí … đủ
thứ trong đời.
Kinh rằng:
“Hồng chung sơ khấu bảo kệ cao ngâm,
“Thượng thông thiên đàng hạ triệt địa phủ.
“Khánh chúc Tam-Kỳ hoằng khai Đại-Đạo …
(U-minh-chung)
Thử hỏi rằng ai sẽ được hưởng
những điều huyền diệu ấy? Chắc chắn rằng tất cả nhơn loại trên toàn cầu; từ
loài chim chóc trên trời, thú vật dưới đất khỏi phải bị lưới rập của người vây
bũa; những người xa xứ lạc lỏng cũng có ngày được hội ngộ, trùng phùng ..những
hồn oan trong các trận địa từ xưa đến giờ đều được cứu rỗi.Và chính những người
đã biết thành tâm cầu nguyện cho người khác hẳn sẽ nhận được điển lành do chính
tâm mình đã câu thông cùng quyền năng của Thượng-Đế.
Nếu hỏi rằng các Tôn-giáo
đều đã nhiều lần cầu nguyện, mà sao vẫn còn chiến tranh tiếp diễn; phải chăng
luật quả báo của nhân loại sắp đi vào kết thúc để rồi “có đại loạn thì sẽ có Đại
trị”. Muốn có Hòa-bình phải qua một cuộc chiến-tranh để rửa-ráy các tâm-hồn
đang cố tình thù hận.
Cơ sanh diệt của con người
bao giờ cũng đi cho giáp vòng quay của trời đất. Trước mắt, chính mình phải giữ
tâm cho an tịnh để giải quyết một sự việc trong một tinh thần sáng-suốt: không
mù quáng, không nông-nỗi mà phạm vào tội lỗi dù là pháp-luật của đời cũng như
pháp luật của Đạo.
Tuy nhiên sự an-tịnh của
tâm hồn không có nghĩa là tiêu cực, vì vậy mà giá-trị của vật chất vẫn là yếu tố
cần thiết để giải quyết cái sống hiện tại cho nhiều người đang mong đợi. Nhưng
cũng có nhiều câu nói nghe như một phản-động-lực là “Ăn cơm nhà làm chuyện hàng
xóm”, một ngụ-ý bảo là “ngu” chăng?
Lời Thánh cũng có dạy rằng:
Ngu vì đạo-đức âý ngu hiền,
Thành dạ thì toan đến cảnh Tiên.
Nước mắt chưa lau cơn kiếp trái,
Có công phổ-độ giải tiền khiên.
Thánh ngôn Thầy cũng giải
cho biết vì sao nhân loại đi đến sự cùng-cực như vậy, Bởi:
“Đạo Trời khai ba lượt,
khách tục lỗi muôn phần, khách trần-ai vẫn lấy sự vui-vẻ vô-vị chốn sông mê này
mà quên trọn các điều đạo-đức của các Thánh trước Hiền xưa.
Chung-đỉnh mãng tranh
giành, lợi danh thường chác buộc, kiếp phù-sinh không mấy lát, đời giả dối chẳng
là bao!
“Sanh đứng làm người, trót
đã mang vào mình một vai tuồng đặc biệt, đã chẳng lo bước hành trình cho xong
mà đắp bồi nợ mảnh hình-hài, ngọn rau tấc đất, lại chác lắm điều phiền-não, ưu-sầu,
lấy Thánh-đức gọi là chơi, mượn hành tàng vô nghĩa mà làm cho vừa lòng ái mộ bất
lương.
“Cái Xuân kia chẳng đợi
người mà bước đời càng gay trở; lần qua thỏ lặn ác tà, bóng thiều-quang nhặt
thúc, con đường hy-vọng chẳng biết đâu là tột cùng mà bước đời xem đà mòn-mỏi,
sự thác vô-tình sẽ đến mà vẽ cuộc sinh-ly, pha màu tử-biệt, làm cho sự vui-vẻ
giàu sang danh-vọng đều thành ra một giấc huỳnh-lương, rồi đây vĩnh-biệt ngàn
năm tội-tình muôn kiếp. Đài Nghiệt cảnh là nơi rọi sáng các việc lỗi-lầm, bước
luân hồi sẽ dẫn vào nơi u-khổ cùng sầu mà đọa-đày đời đời kiếp kiếp. Ấy là buổi
chung-qui của khách trần đó.
“Nguồn Tiên, Đạo Thánh dìu
bước nhơn-sanh, tránh tội-lỗi, lìa nẻo vạy, bước đường ngay mà vào nơi Cực-Lạc
an-nhàn, rừng tòng suối lặng, động thẵm non xanh, để mình vào bực thanh-cao,
thoát khỏi chốn luân hồi ràng buộc: ai mau bước đặng nhờ thân, ai luyến trần
cam chịu khổn.
“ĐẠO TRỜI mầu-nhiệm, khá
biết xét mình sau khỏi điều tự hối.
“Chúng sanh khá biết cho”! (TN I /90)
Thi văn dạy Đạo
Vong xu trọn cả một càn khôn,
Hết kiếp thịt xương tới kiếp hồn.
Ngảnh lại hỏi người là chắc đó,
Trăm năm là tuổi chết rồi chôn.
19 - THẬP NIÊN CHỦNG MỘC BÁCH NIÊN CHỦNG NHÂN
十 年 種 木 百 年 種 人
Giải nghĩa: Tự-điển của
Khang-Hi có ghi lời của Mặc-Địch dịch nôm là:
“Mười năm trồng cây, trăm
năm trồng người” được truyền tụng đến ngày nay.
Lời bàn: Xem đây, mới thấy
sự khó-khăn của việc “trồng người”. Nếu so ra giữa hai sự đào-tạo thì thấy cái
khó của việc xây dựng một con người mất rất nhiều thời gian.
Nhưng lấy một con người có
cái TÂM tức là người có đến tam hồn (sanh hồn, giác-hồn và linh-hồn) còn cây cối
chỉ có một sanh-hồn để so-sánh thì nó không được cụ thể; Tuy nhiên cái tinh thần
của người Á-đông thì rất dễ cảm-thông và hòa đồng trong vấn đề suy luận.
Vì lẽ khó-khăn trong vấn-đề
giáo-dục và đào-tạo con người như vậy, cho nên các nước văn-minh trên thế giới
càng mở rộng việc học vấn nhiều hơn để nâng cao trình độ dân trí, còn các nước
nhược tiểu thì vẫn cố gắng trong khả năng. Tuy nhiên, sự giáo-dục vẫn là hàng
quốc sách.
Song song, các nhà tôn
giáo vẫn luôn xúc tiến về việc rèn luyện tâm đức cho con người. Dù nói là đời,
đạo nhưng cũng cùng chung một mục đích “xây dựng con người” để mong đạt đến:
Chân, thiện, mỹ.
Người sống trong thế gian
này thường tự hỏi rằng: Sống để làm gì? Chết sẽ về đâu?
Ngài Tiếp-Đạo Cao-Đức-Trọng
là một Thời-quân Hiệp-thiên-Đài có nói về cõi của thế giới huyền-vi mà khi kiếp
thác của con người sẽ đến, đồng thời cũng thương cuộc đời của Thất-nương Diêu-Trì-Cung
đã trải qua, làm điển hình:
“Từ địa-hoàn này về đến Bạch-Ngọc-Kinh
tức là con đường về Thiên-vị. Đức Chí-Tôn đến lập Đạo để dìu dắt các
nguyên-nhân trở về ngôi cũ. Từ xưa đến nay các bậc Thần Thánh cho cảnh trần này
là khổ nên Đức Thích Ca, Đức Lão-Tử, Đức Khổng-Tử, Đức Chúa Jésus Christ…đã lập
ra các mối Đạo để dìu-dẫn các chơn-hồn, các bậc nguyên-nhân tránh cảnh trần-tục
này. Bậc Thánh nhân nay đã về Cực-Lạc, đều đã chịu khổ của đời. Nhân loại đã mấy
ngàn năm chìm đắm nơi bể khổ sông mê .
“Nay Đức Từ-bi thấy vậy rất
đau lòng, nên chính mình chủ-trương lập nền Đại-Đạo để cứu vớt con cái của Ngài
đã bỏ ngôi xưa say đắm mùi trần. Theo lời các Đấng thiêng-liêng dạy thì còn 92 ức
nguyên-nhân phải còn chịu đọa trần. Kiếp khổ con người tại mặt thế này, thoảng
như những kẻ hiểu đạo thì chẳng nói chi; còn những kẻ không hiểu Đạo, nếu không
may duyên gặp Đức Từ-bi rưới ân-hụê dìu-dẫn về con đường Thiên-vị thì biết ngàn
kiếp nào mới về với Đức Chí-Tôn.
“Bần-Tăng xin nói: QUẢ CÀN
KHÔN của chúng ta thờ có 3.072 ngôi sao là tượng-trưng Tam Thiên thế giới và thất
thập nhị địa-cầu, đó là những vì tinh-tú có người ở; trên, Đức Chí-Tôn chưởng-quản
tam thập lục thiên là 36 từng trời,có các vì Thần Thánh và Tam thiên thế-giới
là phần hữu-hình có 3.000 thế-giới
Hạ ốc thất thập nhị địa là
dưới có 72 trái đất mà chúng ta ở địa-cầu số 68.
Tứ đại Bộ-châu là bốn trái
cầu lớn cho bậc vô hình sau khi giải thể đến tịnh dưỡng luân hồi qua 72 địa cầu;
rồi lần hồi mới chuyển kiếp qua Tam thiên thế-giới mà về cùng Thầy.
Thử hỏi chúng ta là người
biết Đạo, có tâm hạnh, biết chừng nào thoát qua khỏi mặt địa hoàn này; ví dụ dầu
một kiếp sanh lên một địa-cầu, đi từ địa-cầu 68 lên điạ-cầu 67, mới lần lần đến
đệ nhứt cầu; chuyển qua 3.000 thế-giới, đi từ thế-giới 3.000 đến thế-giới thứ
nhứt, thì các bạn thử tưởng-tượng coi bao nhiêu kiếp mới đi cùng hết địa-cầu.
Nội địa-cầu này mà Lục
Nương còn nói: “Em từng thấy nhiều hạng người sanh sanh tử tử cả ngàn kiếp tại
đây, mà cũng không hiểu sanh ra để làm gì?
Các bạn thử tưởng-tượng nếu
không may duyên ngộ, lại phải đi theo con đường đó là đi từ địa-cầu này về đến
Tam thập lục thiên phải vạn kiếp mới gặp được Đức Chí-tôn.
Nhưng đó là để cho hạng
hóa nhân và cũng là để cho hạng chưa được giác mê kìa! Vì nơi mặt thế này có
nguyên-nhân và hoá-nhân. Thầy giác ngộ chúng ta không cho đi con đường vòng như
thế đó mà dìu-dắt con cái của Ngài vào con đường Đại-Đạo đi thẳng về cùng Thầy
đến Bạch-Ngọc-Kinh .Cả con cái của Đức Chí-Tôn từ Chức sắc đến Đạo-hữu nam nữ,
ngày giờ này được may-mắn núp vào lòng Đại-Từ-Phụ nên biết kiếp sanh đối với
Thiên-vị cũng như hột cát đối với Toà sen . Nhờ Thầy rải hồng-ân đem Thánh-Đức
về cùng Thầy; nếu không tự-tỉnh trau-giồi tâm tánh thì khó mà dứt những cảnh khổ
.
Phật Thích-Ca đã gần 2500
năm mà chưa độ hết nguyên-nhân.
Giờ này cả nhân-loại đều
hung-dữ, nếu chúng ta muốn lành thắng dữ thì phải noi theo Đấng Từ-bi , kiếp sống
thừa để làm tôi-tớ cho Người mà thôi”.
Như vậy con đường Đại-Đạo
là con đường tu tắt đó, nếu không sớm quay về thì khó mà tìm được nẻo chánh .
Kinh rằng “Bá thiên vạn kiếp
nan tao ngộ”, tất nhiên nếu không may thì phải trăm ngàn kiếp cũng không gặp Đạo
Trời!
THI
Ngừa thuyền Thầy đợi kẻ sang chơn,
Khổ hạnh khuyên con chớ dạ lờn.
Sắm nghiệp trần-gian còn phải khó,
Lựa là nghi-trưởng tại Bồng-sơn.
20 - TÀI MỆNH TƯƠNG ĐỐ
才 命 相 妒
Giải nghĩa: Tài là năng lực
sẵn có của con người.
Mệnh là số kiếp được định
sẵn do Tạo-hóa đã sắp bày, cũng là kết quả của chính mình tạo ra trong tiền kiếp
mà hiện tại đã quên đi.
Tương-đố là cùng ganh-ghét
nhau, trái ngược nhau, mâu-thuẫn nhau.
Tài mệnh tương đố là nói đến
cuộc sống của con người không thỏa được ước nguyện, thường bị lệch-lạc, không vừa
lòng, bất xứng ý, cũng có thể nói là không gặp thời.
Lời bàn: Tại sao lại có vấn
đề tương đố như vậy?
Sự việc này không khác nào
người làm vườn, cha mẹ đã trồng giống bưởi, mà giá sinh hoạt ở thị trường, cam
vẫn có giá hơn, con cái muốn thay đổi toan chặt phá hết để trồng cam, nhưng khi
đã thực hiện được cam đầy vườn, thì quít đường lại là hàng xuất khẩu, vậy thì
phải tính lẽ nào đây? Chi bằng ta cứ phát triển những gì đã có sẵn phải hơn
không. Câu tục ngữ vẫn thường rằng: “Thấy người ta ăn khoai vác mai mà chạy”.
Con người nếu gặp cảnh
“tương đố” như vậy, ta phải nghĩ gì?
Ông Khương-Tử-Nha đã từng
chịu cảnh trái ngang ấy, lúc không gặp thời đi buôn cái gì lỗ cái nấy, mãi đến
tám mươi hai tuổi mới gặp được thời, tuy nhiên, không phải cứ tất cả việc nào
không tốt đều đổ lỗi và đợi thời, nhưng mình có biết được khúc quanh ấy mà phải
chìu theo khúc quanh; chắn hẳn không ai trong đời này dám nói mình hoàn toàn
không thất bại. Điều mà mình sống bình an được là biết được “chữ Thời”, để
không quá bị đau khổ thôi.
Ngay cả Đấng Nữ Tiên, Nữ
Phật mà ngày nay nhân-loại từng ái-mộ như Đức Phật Quan-Âm, các Đấng nơi
Diêu-Trì-Cung cũng vẫn phải từng ngậm đắng trêu cay như tất cả người đời vậy,
cái thành công của các Ngài ấy là “THẮNG KHỔ”.
Trong cửa Đại-Đạo này có
chỉ rõ và quả-quyết rằng cái khổ đó chưa ai tránh khỏi, dầu cho bậc phẩm nào, hễ
“có thân là có khổ”. Chính Thất-Nương Diêu-Trì Cung cũng vì khổ cho nên mới có
để lời than, sau khi đã lãnh lịnh xuống Âm-quang độ con cái của Chí-Tôn đang bị
giam hãm nơi đó, lựa chỗ cho đầu thai, thật là một ân-huệ vô cùng vô tận của Đức
Chí-Tôn để độ tận con cái của Ngài vậy .
Thất-Nương là vì HIẾU khi
hay cha mẹ mắc tôị nơi Phong-đô, liền bỏ Cung Diêu-Trì xuống đó để độ rỗi nên bị
Thiên-đình bắt tội. Đã hai kiếp sanh khổ vì Tình, vì Hiếu, sau khi Thất-Nương
được đặc-ân của Ngọc-Hư-Cung xá tội liền tình-nguyện đến Âm-quang để độ rỗi các
chơn-linh thất thệ đặng trả nghĩa cho Thầy.
Trước khi đi, trong một kỳ
đàn, Thất-Nương có đến từ-giã và để lời than với Đức Hộ-Pháp và gặp-gỡ một vài
Chức-Sắc Hiệp-Thiên-Đài.
Bài thi ấy như vầy:
Hai kiếp đeo đai mối nợ tình,
Cái thân vì khổ bận cho thân.
Niềm duyên đổ ngọc lan phòng nguyệt,
Nỗi hiếu rơi châu tưới mộ phần.
Giữ Đạo mong chờ ngồi độc tịch,
Bán mình quyết cứu độ song thân.
Nước non càng ngắm càng thêm chạnh,
Chạnh thảm khi mang mảnh xác trần.
Ngài Cao-Đức Trọng khi tả
lại cuộc đời của Đấng Nữ-Tiên có nói rằng:
“Bần tăng tả cảnh khổ trên
đây để các bạn nhập tâm ghi nhớ. Thất-Nương là vị Phật thứ bảy trong hàng Cửu vị
Nữ-Phật còn tránh không khỏi khổ. Đó là bài học của tâm-hồn trí não. Nếu tránh
được khổ thì trên con đường lập công chúng ta rất may duyên sẽ gặp đặng Đức
Chí-Tôn, mà Người trông ngóng hằng ngày.
Cái hạnh-phúc nơi cõi tạm
này không chi bền-bĩ, thấy đó liền mất đó. Cái kiếp sanh của con người trong ba
vạn sáu ngàn ngày nghĩa là một trăm năm, ngày giờ này thử xem ai sống được tới
chừng đó.
Trong thời-kỳ lọan-lạc
này, năm, tuổi cũng một kiếp, mấy mươi tuổi cũng một kiếp. Ba vạn sáu ngàn ngày
đã mất giá-trị rất nhiều mà con đường thắng khổ lại vẫn không bờ bến. Nay được
may duyên núp dưới bóng Từ-bi, chúng ta hãy tìm hạnh-phúc thật, là cái hạnh-phúc
về mặt thiêng-liêng, muốn đặng vậy cả Chức-sắc Thiên phong mỗi người tùy theo
phẩm-vị mình phải lo cho tròn bổn-phận khi lìa khỏi xác, mới mong qua khỏi Thất
thập nhị địa và Tam thiên thế giới. Chúng ta nên lấy đó làm quí trọng và nên
nhìn hạnh-phúc cõi trần toàn là hạnh phúc giả.
Ai đã đau khổ tâm hồn? Ai
đã chua cay tình thế? Ai đã từng đổ giọt lệ đặng tự an-ủi lấy cõi lòng tan-nát
đều dư hiểu lời của Bần-Tăng nói, nên Bát-Nương có nói:
“Muốn tìm hạnh-phúc thật
phải lướt khỏi khổ, tìm đến Chí-Tôn mới mong trọn vẹn”.
Đó là con đường sáng suốt,
con cái của Đức Chí Tôn nương lần theo đó thì không uổng kiếp sanh. Bần-Tăng
xin cả thảy để ý vì kiếp sống chúng ta vô hạn. Chúng ta hãy núp theo bóng Từ-bi
đặng trước thức tỉnh giống-giòng, sau làm gương cho nhân-loại. Bần-tăng tưởng
các bạn bấy giờ lấy làm hạnh-phúc mà tự hiểu rằng: Mình là kẻ chịu khổ-hạnh dọn
đường mở nẻo cho nhơn-sanh. Vậy các Bạn muốn tên tuổi của mình lưu lại Đạo-sử
Cao-Đài muôn năm về sau hay là ơ-hờ để xa Thánh-Đức mà chìm đắm nơi trần tục.
Mong cả thảy đều đặng trọn
HIẾU thì đức Chí Tôn rất đỗi vui mừng.
Chính Đức Lý-Giáo-Tông có
nói: “Lão cầm quyền dùng oai-linh đặng dìu-dẫn con cái Đức Chí-Tôn trả lại cho
Người hằng ngày than khóc”.
Còn Phật-Mẫu thì nói:
Ngồi trông con đặng phi-thường
,
Mẹ đem con đến tận đường hằng-sanh.
21 - NHƠN HỮU THIỆN NGUYỆN
THIÊN TẤT TÙNG CHI
人 有 善 願 天 必 從 之
Giải nghĩa: Người có lòng
khẩn nguyện, trời đất cũng chiều theo. Ý-nghĩa rằng sự cầu-nguyện chân thành của
người cũng cảm-ứng được với thiêng-liêng .
Lời bàn: Với Tôn-giáo chỉ
có sức mạnh bằng tinh-thần do sự đoàn kết chặt chẽ để tự-vệ và để tâm cầu nguyện.
Ơn trên ban bố hồng-ân đem lại hòa-bình cho đồng-bào toàn quốc.
Thử hỏi, Đạo Cao-Đài được
đặt trên đất Tây-Ninh là Thánh-Địa và Việt-Nam trở thành Thánh-điạ đối với toàn
cầu, có phải là một sự ngẫu-nhiên chăng?
Chắc-chắn rằng không! Bởi:
1 - Thứ nhứt, tiền nhân
chúng ta cũng đã cũng đã gieo hạt giống lành, có tinh-thần đạo-đức và Bác-ái từ
tâm, có lòng biết kỉnh Trời kỉnh Phật nên ngày nay chúng ta mới hưởng được ân
phúc của Trời ban cho.
2 - Thứ hai là Việt-nam từ
trước tới giờ chưa có được mối Đạo nhà, toàn là xin Đạo, mượn đạo của người ta
mà thôi, nhưng vốn sẵn một tấm lòng sùng thượng Phật Trời và một đức-tin vô đối.
3 - Lại nữa, nay đã giáp một
vòng của vũ-trụ, gọi là “Thiên địa tuần hoàn châu nhi phục thuỷ” và Việt-nam là
một quốc-gia thiên định nên đã chiếu theo Thiên thơ, Việt-nam có đủ yếu tố để dẫn
đạo tinh thần nhân loại.
Đức Lý Đại-Tiên đã xác định
điều âý:
“Nền Đạo lập ra là nhờ có lòng đạo-đức và tánh
khiêm cung của mỗi Môn-đệ của Đức Từ-bi. Nếu đạp vào nẻo Đạo mà còn bôn-chôn
tranh lướt theo thói thường tình thì dầu có bao nhiêu Đạo-hữu đi nữa, mối Đạo
chẳng qua là một trường ngôn-luận của thế-gian đó thôi, chớ công-quả đạo-đức
mong chi thấy sự kết quả xứng đáng đặng?.
“Phần nhiều Đạo-hữu vì
tánh-tình phàm tục mà làm cho gay trở bước Đạo, lại e chẳng khỏi sanh ra trường
náo-nhiệt trong Đạo về buổi sau này.
“Đức Từ-bi đã lấy lòng quảng
đại mà gieo giọt nhành dương để rửa lối phàm gian, hầu đem mình giá trắng gương
trong vào nơi Cực-Lạc; đã chẳng biết tự cải lại bợn thêm tánh tục mà để cho
muôn người phải chịu khổ tâm; hành đạo như vậy có giúp đặng ai chăng?
“Chư Đạo-hữu mựa chớ luận
bàn để phải quấy, Lão cũng ra tay sửa trị được vậy miễn làm xong phận-sự là đủ,
còn nét vạy tà của ai để mặc ai. Lão cũng hết lòng chìu theo tánh Từ-Bi của Đức
Thượng-Đế, bằng chẳng thì Lão xuống tay bôi xoá hết trường công quả Đại-Đạo, thì
chúng sanh hết trông mong, mà kẻ chác tội-lỗi cũng khó bề lấy sức phàm-phu để
gây nên rối-rấm nữa. Đen trắng hai màu chánh tà hai nẻo; mạnh sức trì chí thì
nhờ, yếu tâm lơi bước thì chịu.
“Ma ma, Phật Phật hai chốn riêng phần, thưởng
phạt rồi đây cũng tới.” (TNI/110)
Thi văn dạy Đạo
Vì thương nhân-loại cực lòng TA,
TA
hỏi nhơn-sanh có biết à?
À đất Trời kia ai tạo-hóa?
Hóa sanh chung hưởng há quên già.
Quên “già”, “già” cũng một cười thôi,
Thôi kẻ quên ơn nói chẳng rồi.
Rồi cuộc tuần-hoàn sau mới rõ,
Rõ rồi hối-hận việc thôi rồi!
Thôi rồi một giấc biệt ngàn thu,
Thu muốn Xuân về phải ráng TU.
Tu-luyện tua bền lòng sắt đá,
Đá bền cũng phải đổ về thu.
22 - BẤT TRI MỆNH VÔ DĨ
QUÂN-TỬ DÃ
不 知 命 無 以 君 子 也
Giải nghĩa: Đạo Nho nói rằng:
Nếu người mà không biết được mệnh Trời thì không lấy gì gọi là bậc quân tử vậy;
bởi Thánh-nhân khi gọi là người quân-tử tất phải trên biết trời, dưới kỉnh đất,
giữa quán thông nhân sự có câu: Thông thiên, địa, nhân viết Nho, là như thế!
Lời bàn: Mệnh là gì? Là lịnh của
trời nên gọi là Thiên-mệnh, tức nhiên là những sự việc đã an-bày như chiếc xe lửa chạy trên đường rầy (Rail), không thể đi ngoài khuôn luật ấy
được. Mệnh đây là sự vần xoay của vũ-trụ, là Thiên-lý lưu hành. Cho nên, làm
người ta phải biết sống để làm gì? Tại sao phải sống? Sống hôm nay rồi chết về
đâu?
Điều mà mọi người trong
chúng ta khổ sở hơn hết là cả đời lo cho xác thân, mà sau cùng rồi xác thân này
phải chịu cho người ta chôn vùi trong lòng đất lạnh mà không một lời kêu ca hay
từ chối gì! Nên chi khi một người chết thì kẻ còn lại khóc! Ý-nghĩa khóc gì?
Khóc cho người thân đã ra đi hay khóc cho chính mình rồi đây cũng phải chịu
trong cái vô minh để người sẽ chôn ta nữa Hiện tại sẽ phũ-phàng như thế đó. “Hữu-hình
hữu hoại” mà! Cho nên người khóc càng nhiều là bởi chính mình thấy sự thiếu sót
càng nhiều!
Nay, Đạo Cao-Đài khai mở
đã giải thích rõ-ràng:
1 - Thứ nhứt đó là định mệnh
đã an-bày từ xưa đến giờ đều như vậy, không ai tránh khỏi
2 - Thứ hai, muốn tránh khỏi
sự đau khổ, chính mình phải chuẩn bị cho mình một con đường tấn hóa, để một lần
ra đi vĩnh-viễn sẽ không bao giờ trở lại trong vòng oan nghiệt.
3 - Thứ ba, phải noi gương
các bậc đạo-đức từ xưa đến giờ dù có đến trần này cũng chỉ để làm Thiên mạng mà
thôi, đâu chỉ việc ăn, ngủ và kiếm lợi lộc là đủ.
Nếu không thấu đáo mọi lẽ
thì ta cứ chịu trong vòng cơn lốc của sự khổ đau, có khác nào một bà mẹ khóc
con đây:
Một người đàn bà tay ôm đứa
bé đang chết cứng vào mình, đến gõ cửa nhà Phật xin Phật cứu mạng giùm đứa bé.
Phật trả lời:
- Bà hãy bồng cháu xuống
xóm kia, tìm hỏi nhà nào từ xưa đến giờ không có người chết, xin một ít tro bếp
hòa lấy nước trong cho cháu uống sẽ cứu mạng cho.
Người mẹ khổ đau ôm đứa bé
đi mãi đến chiều trở lại gặp Phật, thưa rằng:
- Phật ơi! Trọn ngày nay
tôi đã đi tìm khắp chốn mà không có một nhà nào trả lời rằng không có người chết,
xin Phật có cách nào cứu mạng con tôi không?
Phật nói: Được rồi.! Bà hãy
đem cháu bé về mà lo chôn cất đi, đó là định luật, là số mệnh, không ai tránh
khỏi đâu!
Người mẹ đau-đớn vô cùng.
Ngày nay, Đức Chí-Tôn đến
đã giải rõ đâu là số mệnh, đâu là luật tuần-hoàn của vũ-trụ:
Đạo Cao-Đài chủ trương giải
khổ phần xác cho chúng sanh lại giải-thoát tâm hồn cho chúng sanh nữa.
Đức Hộ-Pháp nói:
“Ngài đến bồng nhơn-loại trong tay ru rằng: khối
đau khổ tâm hồn của các con là tại các con đào-tạo chớ không phải của Thầy, khổ
là do quả kiếp mỗi đứa giục khổ cho nhau; muốn diệt khổ không gì khác hơn đập đổ
các đẳng cấp tâm hồn, thống nhứt nhơn-loại, nhìn nhau là anh em đồng máu thịt,
cùng một căn bổn cội nguồn hầu chia vui sớt nhọc, biết tôn-ti nhau, kẻ trên
không hiếp người dưới, không áp chế nhau; kẻ trí không hiếp ngu, hèn sang không
phân biệt, mực thước tâm hồn, nhơn-loại phải đồng phẩm giá, đồng quyền năng.
“Ngày giờ nào nhơn-loại biết
tôn trọng nhau, dầu sang hèn nhìn nhau là anh em cốt nhục, ngày ấy phương giải
khổ không khó. Con nghe lời Thầy mà làm y như Thầy thì khổ ấy tự diệt.
“Nếu các con còn đau thảm
thì đấm ngực nói:Khổ này do các con tạo, không phải do Thầy định tội đa nghe!
“Thầy đến chỉnh đốn tâm lý
loài người: tránh tranh đấu tiêu-diệt lẫn nhau thì không còn hỗn loạn với nhau,
thì tức nhiên diệt khổ chớ có chi đâu lạ!
“Cơ-quan giải khổ tâm hồn
của Ngài là đó!”
Tuy nhiên, phương giải khổ
về phần xác thịt cũng tối cần trong kiếp sống này đây.
“Chí-Tôn đến đặng hiệp con cái lại một nhà của
Ngài, trong Thánh-ngôn Ngài còn quả-quyết đó. Ngài đến tạo ra Tân-Thế-giới làm
cho nhơn-loại Đại-Đồng. Nếu sự tìm-tàng sắp xếp không đặng kết liễu thì Chí-Tôn
sẽ thất hứa với con cái của Ngài mà chớ! Nhưng quả quyết rằng Ngài không bao giờ
thất hứa, vì đã được 99 điều rồi Ngài đã thật hành vẹn hứa, không lẽ còn một điều
nữa Ngài làm không đặng.” (ĐHP Thuiyết đạo)
Thi văn dạy Đạo
Ra vòng thế tục ít người toan,
Ví chẳng ưa mua một CHỮ NHÀN.
Rồng rắn cùng đời rồng hóa rắn,
Vinh- huê ngó lại giấc mơ-màng.
CHƯƠNG V
01 - NHƠN-LUÂN ĐẠO TRỌNG
人 倫 道 重
Giải nghĩa: Cái Đạo của
con người khi đối xử với nhau phải có trật-tự, có phân định lớn nhỏ thứ bực hẳn-hoi,
tất cả phải coi là trọng, để tạo sự điều hòa trong cuộc sống.
Lời bàn: Đạo Cao-Đài lấy nền
tảng là Nho-Tông chuyển thế. Hỏi tại sao Đạo Cao-Đài mỗi một hành động đều có
qui định, khuôn phép hẳn-hoi?
Thí-dụ: Như việc thắp
hương trên bàn thờ cũng phải đúng theo phép tắc, không như các Tôn-giáo khác, mỗi
lần thắp hương là nguyên một bó dù lớn dù nhỏ. Tất cả đều có ý-nghĩa:
Đạo Cao-Đài kỉnh Tổ-tiên
thì thắp ba cây hương, vì ông bà cha mẹ còn đứng trong hàng Tam tài: thiên, địa,
nhơn. Chỉ duy kỉnh Đức Chí-Tôn và Đức Phật-Mẫu mới đốt đủ năm cây hương mà
thôi. Đó là sự liên-quan từ trong Đạo Nhân-luân mà ra đến Thiên-đạo.
“Năm cây hương tượng Ngũ
khí mà biến thành ngũ-hành vận chuyển cả càn khôn thế-giới tức là Kim, Mộc, Thủy,
Hỏa, Thổ.
“Mỗi chất đều có mỗi sắc,
mỗi sắc đều có mỗi khí, mùi vị và sanh quang của nó chúng ta không thể hưởng được,
nghe được, nên khi làm lễ đốt đủ năm cây nhang là đúng theo phép tín-ngưỡng là
qui pháp lại, mọi vật trong ngũ khí dâng lễ cho Chí-Tôn chỉ có Người vui hưởng
qui pháp ấy mà thôi, cắt nghĩa rõ-rệt là NGŨ KHÍ đó vậy.
“Đúng hơn nữa là trong Bát
hồn vận-chuyển được phải nhờ đến Ngũ-khí cùng một ý-nghĩa “vạn-vật đồng thinh
niệm Chí-Tôn.” (Đức Hộ-Pháp)
Lại nữa số 5 là do 2 và 3
hiệp lại: 2 ấy là âm dương, 3 ấy là ba ngôi chủ-tể đầu tiên của vạn hữu. Số 5 tức
là càn khôn an-tịnh, xong xuôi hết, đã sắp đặt đâu đó có thứ-tự an-bày.
Khi thắp nhang thì ba cây ở
trong được đặt trước đó là “án Tam tài” thiên, địa , nhơn. Còn hai cây ngoài là
âm dương nhị khí, họp chung lại là con số ngũ.
Số ngũ ở giữa của 9 con số
tức là tiêu-biểu cho sự thăng bằng, trung chính, không nghiêng lệch, dương
không thái qúa, âm không bất cập, vừa vặn dung hòa nhau trong việc hóa sanh vạn-vật.
Các Thánh bên Á-Đông dùng con số 5 để tóm thâu tất cả lý lẽ cao sâu huyền-bí của
tạo-hóa và sự cấu họp của muôn vật loại, có cả sự dung hòa để duy trì sự cần
thiết tức là con số thiêng-liêng bao gồm cả một lý-thuyết tinh-vi về thiên-lý.
Theo lý Dịch, các con số
được chia ra chẵn lẽ , là:
- số lẻ là số chỉ về Trời,
như: 1 , 3 , 5 , 7 , 9 .
- số chẵn là số chỉ về đất,
như: 2 , 4 , 6 , 8 , 10 .
Thánh-nhân lấy âm dương
làm gốc để lập ra cơ ngẫu (cơ là lẻ, ngẫu là chẵn)
Sở dĩ người tu-hành phải
thắp hương nơi tôn nghiêm là tạo sự dịu-dàng, thơm-tho; gây một sự cảm ứng với
các Đấng huyền linh, là Đạo; mà trước nhất người phải định cái tâm là chỗ đứng
của mình, con số 5 là con số chỉ cái tâm đó vậy.
Người không làm lệch lẽ
yêu-ái của trời đất đó là biết đến mệnh, cho nên hai chữ số mệnh đi liền nhau.
Số mệnh là gì?
- Bởi nó có tác dụng như một
lịnh truyền, vì trời lấy khí mà giao hội, lấy tinh huyết mà sinh ra người.
Năm thường trong tính người
và năm vận của trời đều có họp nhau (vậy thì tính người há không phải là tính
trời giao phó hay sao). Cho nên nói rằng trời phú cho gọi là Tính. Cái tính ấy ở
trong thì có Ngũ thường (Nhân, nghĩa , Lễ , Trí. Tín) hiện ra ngoài thì có
Ngũ-luân, trong ngũ luân thì:
- Cha con chủ điều Nhân,
- Vua tôi chủ điều Nghĩa,
- Vợ chồng chủ điều Lễ,
- Anh em chủ điều Trí
- Bạn bè chủ điều Tín
Nhưng trong điều Nhân thì có đủ cả Nghĩa, Lễ,
Trí, Tín mới gọi là NHÂN, và bốn đức còn lại cũng tương-tự như vậy.
Đạo là gốc ở Âm dương, âm
dương là mạng trời. Trời lấy âm dương phú mạng cho người, mà trời có năm hành để
phân hoá năm vận. Người có Ngũ thường để suy ra ngũ luân. Vậy thì làm người là
gánh cái gánh luân thường là để nối cái đức lớn của trời đất sinh ra cho nên
nhân-luân là đạo trọng .
Khởi đầu là vợ chồng, mới
sinh ra tình cha con là giềng mối giữ đạo nhà, ngoài nước thì vua tôi, vào có
anh em ra có bè bạn không lúc nào là không có sự huân tiếp của ngũ luân.
Thi văn dạy Đạo
Nghèo sạch rách thơm mới đáng người,
Nệ chi cực nhọc buổi xuân mơi.
Nay đà gặp lúc Thiên-ân rưới,
Gắng bước đường tu hưởng phước đời.
02 - TỰ THIÊN-TỬ DĨ CHÍ Ư
THỨ DÂN NHẤT THỊ
GIAI DĨ TU THÂN VI BỔN
似 天子以至 於 庶 民 壹 是 皆 以 修 身 為 本
Giải nghĩa: Nho-giáo
quan-niệm rằng: dầu là bậc vua chúa cho đến thứ dân, ai cũng phải lấy sự sửa
mình làm gốc. Mục đích tu thân là nghe theo tiếng gọi của lương tâm tiến tới
hoàn thiện để kết hợp với trời và giáo-hóa người khác cũng trở nên hoàn thiện.
Lời bàn: Tại sao phải Tu
thân?
– Vì trong trời đất này Đấng
hoàn hảo đó là Trời, là Đấng Thượng-Đế.
Đức Khổng-Tử nói rằng: Thượng-Đế
ngự trị trong thâm tâm của mỗi người dưới hình thức lương-tâm. Đạo làm người
noi theo Trời tức là tâm-linh đó. Tôn-giáo là phương-pháp thi-hành Đạo đó !
- Muốn tự sửa mình trước
phải giữ lòng dạ cho ngay thẳng.
- Muốn giữ lòng dạ cho
ngay thẳng trước phải luyện ý mình cho thành-thật.
- Muốn cho ý mình thành-thật
trước phải có kiến thức cho chu-đáo.
- Muốn có kiến-thức cho
chu-đáo phải học và tìm biết suốt tới chỗ uyên-thâm của sự vật.
Khi đã trí tri và cách vật;
khi đã có ý thành và tâm chánh tức là đã xúc tiến đến việc tu thân. Thân đã tự
tu, nhiên-hậu mới có thể tề gia, trị quốc, bình thiên hạ..
Vậy sự Tu thân chẳng những
là cần thiết cho đời mình mà còn rất quan-hệ đến việc tấn hóa của quốc gia và
xã-hội.
Hai chữ “Tu thân” không phải
chỉ có một ý-nghĩa tiêu-cực là sửa trị nết xấu mà là bao hàm một chương trình rộng-rãi
là trau-giồi tài đức.
Tu thân cũng không phải chỉ
có một quan-niệm hoàn-toàn về cá nhân;vì phép-tắc đối với mình là “xử kỷ” phải
luôn luôn đi kèm với phép-tắc đối với người là “tiếp vật”.
Muốn được hoàn-hảo trong
việc xử-kỷ và tiếp vật, con người cần phải thực hành phép Tam lập tức là: lập đức,
lập công, lập ngôn; đó là con đường phụng-sự của người tu theo Đạo Cao-Đài trong
kỳ phổ-độ này.
Đức Thượng-Đế có dạy rằng
:
“Nếu cả thế-gian này biết
TU thì thế-gian có lẽ cải lý thiên-điều mà làm cho tiêu tai tiêu nạn đặng, huống
lựa mỗi cá-nhân biết tu, thì là thiên-đình cầm bộ Nam-Tào cũng chẳng ích chi”.
TU là chi?
- Tu là trau-giồi tánh đức
cho nên hiền, thuận theo lý trời đã định trước. Nếu thế-gian dữ thì thế nào đặng
bảo-toàn, còn mong-mỏi gì đặng bền vững; cá-nhân dữ, thì thế nào đặng bảo-toàn
tánh mạng. Đã bị tội cùng Thiên-đình thì bị hình phạt
“Nơi kiếp sống này nếu không
biết tu, buổi chung-qui mắc tội nơi Thiên-đình. Phẩm-vị Tiên Phật để thưởng cho
kẻ lành mới đáng phẩm-vị, chớ chẳng phải của để treo tham cho thế gian phòng
toan đoạt đặng, tuy luật lệ siêu-phàm nhập Thánh thì vậy mặc dầu, chớ cũng do cơ
thưởng phạt của Thiên-đình mới đạt phẩm vị âý đặng, của vô vi chưa chắc ai muốn
lấy thì lấy tùy ý. Nếu làm Tiên Phật đặng dễ-dàng thì cả thế-gian miễn có học
chút ít thì đã đặng làm Tiên làm Phật rồi, vì luân-hồi đâu có phòng sanh sanh tử
tử.
“Kinh điển giúp đời siêu
phàm nhập Thánh chẳng khác chi đũa ăn cơm.Chẳng có đũa kẻ có cơm bốc tay ăn
cũng đặng. Các con coi kinh điển lại rồi thử nghĩ lại sự công bình thiêng liêng
mà suy gẫm cho hay lẽ phải.
“Thầy khuyên các con theo
sau Thầy mà đến phẩm-vị mình mà hơn tuông bờ lướt bụi." (TN II /5)
Thi văn dạy Đạo
Cương tỏa đương thời đã giải vây,
Đừng mơ oan nghiệt một đời này.
Hữu duyên độ thấu nguồn chơn Đạo,
Tu niệm khuyên bền chí chớ lay.
03 - THIÊN MẠNG CHI VỊ
TÁNH
SUẤT TÁNH CHI VỊ ĐẠO
TU ĐẠO CHI VỊ GIÁO
天 命 之 謂 性
帥 性 之 謂 道
修 道 之謂 教
Giải nghĩa: Theo kinh Dịch
và Trung-dung thì nhận rằng Trời là Đấng cao trọng nhất, sinh ra quần linh vạn-vật,
biến hóa âm dương mà tạo thành vũ-trụ. Đó là Đấng toàn hảo tột bực, rất
thiêng-liêng, vô hình vô ảnh nhưng hành-động không ngừng, tự diễn xuất bằng những
hiện-tượng, bành-trướng rất sâu xa huyền-diệu, cao thâm, sáng-suốt, nâng-đỡ và
chở-che muôn loài vạn-vật.
Lời bàn: Thật không hiện
mà rõ, không động mà biến hóa vô cùng, không làm mà nên việc; nhờ đó bốn mùa
thay đổi, muôn vật sanh-sản, võ-trụ trường-tồn. Đấng hoàn-hảo nhất đó là Trời,
là Đấng Thượng-Đế ngự trị trong thâm tâm của mỗi người dưới hình thức lương-tâm.
Đạo làm người là noi theo Trời tức là tâm linh đó. Tôn-gíao là phương-pháp
thi-hành Đạo đó, tức nhiên “Thiên mạng chi vị tánh, suất tánh chi vị Đạo, Tu Đạo
chi vị giáo”. Hiểu mối tương-quan giữa Trời và Người trong tâm-hồn thì liền thấy
ý-nghĩa và mục-đích của đời người.
Mục-đích ấy là TU THÂN, là
nghe theo tiếng của lương-tâm tiến tới toàn thiện để kết hợp với Trời và giáo
hóa người khác trở nên hoàn thiện như mình. Vì vậy, việc tu thân rất cần-thiết
cho mỗi người sống trong xã-hội.
Đức Hộ-Pháp có giảng rõ
câu của Trung-dung như:
Thiên mạng chi vị tánh: Mạng
Trời đó là tánh, cái tánh linh của ta do nơi Đấng Chí-linh cho ta lại do đấy mà
tạo mạng sanh của ta, vận thời kiếp số của mỗi người đều tùy điểm linh-quang lớn
nhỏ, nghĩa là tùy theo mạng của mỗi người.
Cả nhơn-loại và vật-loại đều
thọ nơi Đấng Chí linh một điểm linh-quang, hoặc nhiều hoặc ít, hoặc lớn hoặc nhỏ,
đặng định hàng phẩm đẳng cấp của chúng-sanh, vì vậy cả cơ tạo-hóa hữu-hình đều
chung gọi là vạn-linh sanh chúng. Người cũng là một vật trong vạn-vật, người là
nhất linh trong vạn-linh, nhưng mà linh tánh lớn-lao hơn vạn-vật, biết đặng cái
tánh linh ấy là mạng trời nên đặt tên là Thiên-mạng.
Suất tánh chi vị Đạo:
Nghĩa là rèn đúc trau-giồi cái tánh, ấy là Đạo.
Người cũng đã là vật thì tự
nhiên phải triêm-nhiễm vật tánh nơi mình, buộc hễ đói phải kiếm ăn, vì có ăn mới
có sống; buộc trần lỗ phải kiếm mặc, vì có mặc mới ấm thân. Nặng mang cái mảnh
hình hài gọi rằng mạng sống, luật thiên-nhiên bảo tồn (la loi de conservation)
định vậy, phận thiêng liêng giúp thế ở nơi mình, nên cũng phải chung lộn với thế
tình ăn ăn mặc mặc. Nào là vinh thân, nào là phì gia tuồng đời nêu trước mắt
như lượn sóng ba đào xao-xuyến giữa dòng thế-sự. Nào là yếu thua mạnh thắng,
nào là ngu thiệt trí hơn, nhập vào trí-não như gươm gíao đua tranh giữa trận lợi
danh hoàn-vũ, vì vậy mà đòi phen vùi lấp tánh-linh xu về hình thể.
Tuy vân, thế tình vẫn vậy
mà cũng còn có lắm Đấng cao-minh chơn thần đắc kiếp, thường xem vạn-vật mà suy
đoán phận giới. Ấy vậy cái kho vô tận của Chí linh cũng có phương đoạt đặng. Dò
đon từ bực trí-lự của mỗi loài thì thấy cả vạn-linh đều biệt phân đẳng cấp, dầu
cho cả cá-nhân đối với trọn loài người cũng thế, rồi tìm cách thế mà luyện tập
lấy mình, gọi là TU, làm cho linh tánh khỏi thi-hài ràng buộc, thì tự-nhiên thấy
nó đặng tăng tiến lên cao, cơ bí-mật của Chí-Tôn hiểu thấu.
Câu suất tánh chi vị Đạo
có nghĩa là đem tánh-linh ra khỏi vòng nhục thể (gọi là thoát xác) thì có thể
hiệp tánh với chí-linh cho nên Đạo.
Tu Đạo chi vị giáo nghĩa
là trau Đạo gọi là giáo.
Đào luyện cái tánh cho
sáng-suốt thêm hoài gọi là TU, song cách thế mình tu vẫn nhiều phương-pháp đặng
tự-giáo lấy mình hay là cầu-giáo với kẻ cao minh giúp giùm phương-pháp:
- Tự giáo nghĩa là mình đủ
trí lự đặng đặt ra phương-pháp mà tu-luyện lấy mình.
- Cầu giáo là cầu kẻ
cao-minh mà dạy dùm phương-pháp.Tiếc thay! Bậc cầu giáo vốn nhiều người, còn bậc
tự giáo xem ra rất ít; bởi cớ ấy mà làm cho mặt địa-cầu này có nhiều Tôn-giáo.Bậc
tự giáo có ít cũng chẳng chi lạ”.
Thi văn dạy Đạo
Lượng trên đã phú một tâm linh,
Phải biết cân đo nết thế tình.
Mỗi ám tinh khôn đưa tiếng trách,
Phật Trời mở mắt ngó anh linh.
04 - DỤC TU KỲ THÂN TIÊN
CHÍNH KỲ TÂM
欲 修 其 身 先 正 其 心
Giải nghĩa: Trong vấn đề
tu-hành dù ở phương diện nào điều cần-yếu là phải giữ cái tâm cho chánh đáng “vì
tâm trung chánh đáng thì là làm cốt cho Tiên Thánh, còn tâm chí vạy tà là chỗ của
tà-quái xung nhập”.
Lời bàn: Lời Bà Lâm Hương-Thanh
nói rằng: “Sự tu-hành chẳng phải dâng hoa đảnh lễ khỏ mõ rung chuông là đủ; mà
cũng không phải niệm đọc kinh, ăn chay ăn lạt là rồi. Bởi đó là cái SỰ chớ chưa
phải cái LÝ, cái ngọn chớ chưa phải cái gốc; cái lý với cái gốc vốn ở trong TÂM
người.
“Giữ toà lương-tâm cho
thanh tịnh, chánh đáng, rồi sai khiến ra tứ chi, thân thể, dò theo đạo luật mà
làm. Sự tu không phải nội trong lúc tới chùa hay là đương lúc cúng kiến ăn
chay. Phải cẩn-thận dầu trong khi ngày thường, ăn ở đối-đãi với nhau trong cuộc
đời cũng phải cho nhớ rằng: thiện nam tín nữ, thì mình phải liệu làm sao, giữ
làm sao cho lời ăn tiếng nói, cử chỉ hành-vi cho khỏi phải phụ một phần trách
nhiệm, chớ nếu như đã thọ lãnh tiếng “nhập môn cầu Đạo” mà còn tranh cạnh chuyện
thị-phi ác cảm bên trường đời, lửa tam bành nổi dậy rần rần, ma lục tặc
hoành-hành thất sá.
“Kinh cũng đọc, kệ cũng đọc,
mà lời phàm tiếng tục cũng không chừa.
“Tiên cũng cầu, Phật cũng
cầu mà tánh quỉ nết yêu cũng không bỏ.
“Ngoài so-se đeo mảnh
gương Thiên-nhãn, lần chuỗi hột bồ-đề mà trong lòng thì mối nghiệt dây oan vấn-vương
nơi trái tim lá phổi.
“Vậy thì sự tu-hành chính
là một cuộc cầu danh giả dối, biết mấy đời cho thoát đặng cảnh khổ sông mê.
“Ôi! Ăn chay một tháng có
mấy ngày, còn bao nhiêu thì hại vật sát sanh không chừng đỗi, kinh sám-hối đọc
sơ qua chút ít, còn bao nhiêu thì vọng ngôn ác ngữ cả luôn năm, vậy rồi lâm vô
vòng ác-đạo trầm luân lại thán oán rằng: Tôi có niệm kệ, ăn chay, sao không thấy
Phật rước Tiên đưa, Thánh Thần hỉ xả?"
Đức Hộ-Pháp cũng có lời rằng:
“Nay là buổi Đại-Đạo Tam-Kỳ
Phổ-Độ, Đấng Chí Tôn vì quá thương nhân loại nơi đây nên cho chúng ta được hưởng
cái công khai Đạo, cái công vẹt ngút mây xanh làm chỗ sáng-sủa bình-minh cho bước
đường sau này cũng do lần dấu ấy mà tầm đến nơi yên tịnh làm cho khắp cả
dân-sanh đều được hưởng.
“Theo Thánh-ý trên đây thì
Đấng Chí-Tôn muốn cho chúng ta dìu-dắt kết chặt dân sanh nơi vùng Nam-kỳ này đặng
cùng nhau chung hiệp, tìm con đường Hòa-bình chậm-rãi, lần ra khỏi lối khốn-khổ
lao-lung ở cõi trần này, rồi tự-toại ngâm câu thái-bình chừng ấy chim về cội, nước
tách nguồn, cá về sông, hớn-hở trau lòng thiện niệm mà bước lên nấc thang
thiêng-liêng mới đặng”.
Đức Phật-Mẫu có lời thơ:
Gắng sức trau giồi một chữ TÂM,
Đạo đời muôn việc khỏi sai lầm.
Tâm thành ắt đạt đường tu vững,
Tâm chánh mới mong mối Đạo cầm.
Tâm ái nhơn-sanh an bốn biển,
Tâm hòa thiên hạ trị muôn năm.
Đường Tâm cửa Thánh dầu chưa vẹn,
Có buổi hoài công bước Đạo tầm.
05 - TU THÂN DĨ ĐẠO TU ĐẠO DĨ NHÂN
修 身 以 道 修 道 以 仁
Giải nghĩa: Lấy ĐẠO mà sửa
mình, lấy lòng NHÂN mà sửa đạo
Lời bàn: Đạo ấy cốt ở sự
giáo-hóa, nhân là cái gốc của đạo người quân-tử, mà sự giáo-hóa là cái cách để
đào-tạo ra người quân-tử vậy.
TU THÂN là tự mình sửa
mình, trau-giồi tánh tình đức-hạnh đạo-đức, hiền-lương. Muốn nên Hiền, Thần,
Thánh, Tiên, Phật trước phải tu thân; muốn nên một kỹ-sư, bác-sĩ, triết-học,
trước phải tu thân; làm một người có tư cách, trước cũng phải tu thân.
TU THÂN là tạo cho chính mình
một căn-bản đạo-đức, là Đạo nhân-luân của con người lấy Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí,
Tín làm Đạo thường, dầu ở lãnh-vực nào cũng không thể thiếu; dầu cho sự
văn-minh làm cho cuộc đời huy-hoàng thế nào cũng không thể chối rằng thân-thể
này không phải của cha mẹ sinh ra; đó là âm dương hòa hợp; hợp nhất rồi từ đó
trong sự phát triển mới thành mắt mũi để sau cùng cái đầu mới quay ra chào đời.
Chính cái đầu mới thấy được sự văn-minh và hưởng được mọi điều hạnh-phúc đó.
Cho nên chữ ĐẠO 道 Thánh-nhân đã đặt một cái luân-lý trong đó tự lâu rồi; hai nét âm dương hiển-hiện
trên đầu đó, hình ảnh của cha mẹ ta đó, có hợp nhất được thì mới sanh ra một chủng-tử
đầu tiên là con mắt, tức là chữ Mục 目 mục là con mắt, con mắt để thâu thập tất cả tinh-hoa của đời làm của báu của
mình, do đâu mà có? phải công ơn trước hết là của cha mẹ không? Nhưng rồi các đấng
tiền bối, tổ-tiên ta cũng phải chịu ơn của hai Đấng trên cao kia nữa, đó là âm
dương trời đất, ngày nay Đạo Cao-Đài xác nhận là Đức Chí-Tôn và Đức Phật Mẫu
Hai Đền thờ của các Ngài còn
đó! Những sự hiểu biết này vốn ở trong tâm của chúng ta không cho phép ta phản
lại công ơn của mọi người; có như vậy tức là ta đã tự tin rằng không bao giờ lầm,
nghĩa là ánh sáng đã lóe lên từ mắt trở thành chữ Tự 自 (tự là chính mình), từ đây con người tự giác, tự tu, tự trau-giồi cho kiếp
sanh trên con đường tiến-hóa. Nhưng nẻo đến đã có lối thông thì đường về cũng
chính mình sáng-suốt, cho nên khi ráp cả hai phần trên dưới lại thành ra chữ Thủ
首 (thủ là đầu). Cái đầu này đưa ta đến và nó cũng hướng
dẫn cho ta về, chúng ta xuống bằng cái đầu cho rằng thuận, thì khi về cái đầu
cũng phải quay ra để triều kiến Đức Mẹ Diêu-Trì nơi cung Tạo-Hóa-Thiên ở từng
trời thứ chín, thì cái đầu này biểu tượng chữ Thủ 首 (9 nét) nó mới hợp chớ!
Nếu trái lại thì chúng
sanh đi nghịch sao? Đã là nghịch thì sao được gọi là thành đạt?
Đức-tin nơi ta đó, ngày
nay Chí-Tôn tạo Đạo ra để cho nhân-loại thờ nhân-loại. Đạo Cao-Đài thờ con Mắt
là thờ thiên-lương của mình đó vậy, cho nên con đường tu giục-giã ta phải hoàn
thành Tam lập, tức nhiên lập đức, lập công, lập ngôn nghĩa là chữ thủ 首 thêm một nét sước 辶 (biểu-tượng bằng bộ sước
có 3 nét) thành ra chữ ĐẠO 道 (chữ đạo có 12 nét do
9+3, tức là con số của Thầy)
Đây là tầng trời cao nhất,
có về đến đây được thì mới nhập vào cõi Thiêng liêng hằng sống và hòa nhập được
với càn khôn vũ-trụ, tức là về được cùng Thầy.
Sự tu thân cần phải có ĐẠO,
tin-tưởng nơi Đạo, sáng suốt trong con đường Đạo, chính đó là con đường thành đạt
đó vậy. Nhờ sự học hỏi nơi đạo-đức ta mới làm một con người xứng đáng.
Khi mình được nên người đạo-đức
là nhờ đức NHÂN làm đầu “nhân là đầu mối các hành-tàng”. Mọi người nhìn vào đức
Nhân đó mà làm mực thước cho người Đạo vậy. Bởi “Đạo là cơ bí-mật làm cho kẻ
phàm có thể đoạt đặng phẩm-vị Thần, Thánh, Tiên, Phật”.
Tại sao buổi này phải tu
theo Đạo Cao-Đài?
Đức Hộ-Pháp khi xuất vía về
Bạch-Ngọc-Kinh năm 1927 Ngài nhận chân được sứ-mạng của Ngài phải làm trong buổi
Tam-Kỳ Phổ-Độ này,Ngài phán định rằng:
“Nếu người nào không Nhập-môn
làm Môn-đệ Đức Chí-Tôn thì không thế gì vào được (Cực-lạc Thế giới), vì các Đạo-giáo
bị bế, chỉ còn Đại-Đạo Thánh truyền dưới quyền của Di-LạcVương tận độ”.
Lời này đúng như
Thánh-giáo của Chí-Tôn đã tiên-tri hồi mới khai Đạo năm Bính-Dần:
“Đạo bị bế lại gần hai
ngàn mấy trăm năm, thảm thương cho các con, tu có công mà thành chẳng đặng. Nếu
không đi vào con đường Tam-Kỳ Phổ-Độ thì không thế gì đi con đường nào về Cực-Lạc
Thế giới là vậy đó...
Phương-pháp độ rỗi chỉ có
khuyên các chơn-linh, dầu nguyên-nhân hay là hóa-nhân đoạt được chữ HÒA với chữ
NHẪN mới về nơi cửa này đặng, dầu cho vạn kiếp sanh dày công tu-luyện mà còn
ganh-ghét thì sẽ bị vào tay Chúa Quỉ không trông gì về cùng Thầy đặng”.
Thi văn dạy Đạo
Chác điều buồn thảm dẫy đầy lòng,
Hết kiếp phận mình cứ long-đong.
Dựa cột, cột xiêu nhà sập nóc,
Kham tai ! cái kiếp cửa nhà không.
06 - NHẤT TU THỊ NHỊ TU SƠN
壹 修 巿 二 修 山
Giải nghĩa: Người tu tại
gia hoặc ở giữa chợ đời mà giữ được cái tâm yên tịnh, làm tròn bổn phận người
tu cũng được cao thượng như người tu ở núi non vậy.
Lời bàn: Giữa chốn phồn-hoa
đô hội, đông người và phồn tạp, chỉ duy đối với người bình tâm, tỉnh trí mới nhịn-nhục
trước sự ngang trái của cuộc đời, bởi do giàu lòng nhân ái. Cho nên mới có câu
rằng tu ở chùa chiền núi non thì dễ, còn tu ở chợ là khó.
Khi nói đến TU là nghĩ
ngay rằng là phải cạo tóc vô chùa, bỏ lại sau lưng tất cả những gì gọi là ĐỜI,
suy nghĩ này chỉ đúng trong thời kỳ xa xưa, là ở phương diện “tu xuất thế”. Thường
ở những người có hoàn-cảnh trái ngang không giải-quyết được, gần như tìm đường
tự-tử vậy, ví như thất tình, thất vọng, tình phụ…
Nhưng nay, với tinh-thần
Cao-Đài Đại-Đạo trong nguơn hội này, ý nghĩ tu như vậy không còn đúng nữa; gọi
là tu nhập thế.
Đạo Cao-Đài là một nền Đạo
tu nhập thế tức nhiên có đường lối rõ-rệt; qua lời dạy của Đức Hộ-Pháp:
“Đạo Cao-Đài vốn là một
Tôn-Giáo để cứu khổ cho nhân-loại. Đạo Cao-Đài cốt yếu không phải làm chủ
thiên-hạ, mà cốt-yếu làm tôi-đòi tạo hạnh-phúc cho thiên-hạ, tạo cái hạnh-phúc
chơn thật.”
Nếu quan-niệm rằng tu là
“chán đời” như vậy là phải phế hết nhơn-sự, giả sử toàn đất nước này đều đi tu
kiểu đó thì chắc-chắn đất nước sẽ rơi vào sự nghèo đói, phỏng việc tu có ích
gì? Do đó mà nền Đạo ngày xưa không phổ-biến rộng. Nói cho cùng thuở ấy việc
tu-hành xem như người chơi cây kiểng vậỵ; nhưng ngày nay “Tu là để cứu thế, cứu
khổ cho nhân-loại”.
Bằng chứng là ngày nay nhiều
hiệp-hội họp lực lo cứu trợ, cứu đói cho đồng bào trước bao nhiêu thiên tai, động
đất, bão lụt, hỏa-hoạn, chiến-tranh, dịch bệnh. Nếu không có những nhà hằng-tâm
hằng-sản âý, nhơn-loại đau thương ai lo cứu nguy cho? Các nhà ấy cũng đang tu,
đó là tu nhơn-đạo, là phụng-sự vạn-linh.
Vì cơ khổ của nhân-loại
nên Đức Chí-Tôn mới mở Đạo, ngày xưa người đi tìm Đạo, ngày nay Đạo đi tìm người.
Tại sao có chuyện trái nhau như vậy?
Đức Hộ-Pháp sẽ nói lý-do ấy
(ĐHP 18-2-Nhâm-Thìn, vía
Phật Quan-Âm).
- Con người đi tìm Đạo hay
Đạo đi tìm người?
“Từ thượng-cổ tới giờ đã lắm
người tự nhiên biết rằng: Cả cái khuôn luật thiên nhiên của tạo đoan thế nào là
Thánh-ý của Đức Đại-Từ-Phụ cũng đã định vậy.
“Luật thiên nhiên của Tạo-đoan
buộc chúng ta phải nhìn nhận cái khuôn luật tối yếu, tối trọng của Ngài. Trong
vạn-vật hữu-sinh chúng ta thấy chúng ta đứng đầu hơn hết vì chúng ta linh hơn vạn-vật.
Vì cớ cho nên khi chúng ta còn thiếu-niên, chúng ta chưa đủ trí thức chúng ta vẫn
theo một khuôn luật là tìm sống mà thôi. Bởi phương bảo-vệ cái sống của mình là
khuôn luật thiên nhiên đã định vậy; hễ khi nào chúng ta tìm sống tức nhiên
chúng ta làm thế nào cho chúng ta sống được; tức nhiên chúng ta không chịu nhượng
sống cho ai hết.
“Nói rõ ra cái tấn-tuồng
tranh sống mà Bần-Đạo đã thuyết cái yêú lý của toàn thể nhân-loại trên mặt điạ-cầu
này để định vận-mạng tương-lai của họ; cái yêú-lý âý hệ-trọng hơn hết. Hễ nhượng
sống thì còn tồn-tại với nhau, mà tranh sống thì tức nhiên tiêu-diệt với nhau vậy.
“Âý vậy, chúng ta tìm Đạo
là tìm cái gì?
- Là chúng ta thoát ly cho
đặng cái thú tánh để bảo-tồn cái Thiên-mạng của mình. Dầu cá-nhân của chúng ta,
dầu toàn thể nhân-loại cũng vậy, duy chịu có khuôn luật ấy mà thôi.
“Như Bần-Đạo đã thuyết hai
cái cơ thể: nhục-thể và linh-hồn của chúng ta tức nhiên là cái nguơn-linh của
chúng ta đó vậy. Nó phải tương-liên mật-thiết với nhau đặng nó điều-độ dìu-dẫn
trên con đường TU. Ta phải biết cái tánh của ta vẫn còn cái thú tánh của nó,
trong xác thịt thú này; ta tìm phương nào cho thoát ly nó, đừng chịu quyền-năng
của nó ràng buộc, ta phải đoạt cho được cái quyền thiêng liêng vô đối đó.
“Chúng ta đồng thể cùng Đấng
Chí-Linh tức nhiên đồng thể cùng ĐẠO. Đạo là cơ-quan mà toàn thể nhân-loại từ
thượng-cổ đến giờ tìm kiếm đó vậy.
“Họ tìm Đạo là tìm gì?
“Họ tìm Đạo đặng đoạt được
chơn-pháp giải thoát kiếp sinh của họ. Nhà Phật tìm phương chước đặng diệt quả
kiếp của mình, đặng đoạt cơ siêu thoát.
“Đoạt cơ siêu-thoát đặng
làm gì?.
- Đặng lập vị Thần, Thánh,
Tiên, Phật và có phương thế đồng thể cùng Đức Chí-Tôn đặng cầm quyền tạo đoan của
càn khôn vũ-trụ, ấy là mơ vọng của toàn thể nhân-loại từ xưa đến nay “đi tìm Đạo”
là vậy.
“Hỏi từ trước đến giờ họ tìm
đặng hay chăng? (Ta để dấu hỏi mơ hồ).
“Những Đấng đã đoạt Đạo
chúng ta chắc hay không, duy mấy vị Giáo-Chủ mà thôi. Còn các Môn Đệ của các
Ngài, sau khi các Ngài đã qui liễu, chúng ta để dấu hỏi họ đã đoạt vị đặng như
vậy hay chăng? (chắc cả thảy đều để dấu hỏi mơ hồ hết). Giờ phút này chính mình
Bần-Đạo đứng tại giảng-đài này là người để đức tin vững chắc hơn toàn thể
nhân-loại; mà chính mình Bần-Đạo đã để dấu hỏi mơ hồ này thì tưởng chưa có ai
đoạt cơ siêu thoát đặng. Ấy vậy, đoạt cơ siêu thoát đặng chi?
- Đặng đoạt phẩm vị Thần,
Thánh, Tiên, Phật và cả phẩm Trời nữa, có phải như vậy chăng?
- Hết thảy đều nhìn-nhận
là phải vậy.
Mà giờ phút này Đấng cầm
quyền cả càn khôn vũ-trụ làm Chúa cả chư Thần, Thánh, Tiên, Phật. Ngài đến cùng
ta đem cái địa-vị của Ngài để trong mình của mỗi đứa, tức là ngôi Chí Thánh của
Ngài. Ngài đến lấy cả hình xác của chúng ta đặng làm phần tử Thánh-thể của
Ngài. Phải chăng, nếu chúng ta lấy cái triết lý chơn lý ấy tìm tàng, chúng ta
thấy rằng:
“Ông Trời ở cùng ta, ta là
Ông trời tại thế này, Cửu phẩm Thần Tiên ở trong Thánh-thể của Ngài; Thần,
Thánh, Tiên, Phật, Ngài đem để trong tay của chúng ta cả thảy. Lý do là Đạo đến
tìm ta, chớ ta không có tìm Đạo. Thượng-cổ không biết chừng nhiều Đấng đã muốn
trông thấy như ta đã trông thấy, và họ muốn đặng như ta đã đặng hôm nay, nhưng
họ chưa đặng mà chúng ta đã đặng.
“Ấy vậy Bần-Đạo quả-quyết
rằng, xưa kia thiên-hạ tìm Đaọ một cách khó khăn, mà giờ phút này ta lại thấy Đạo
đến tìm ta.
“Hồi chiều mấy anh em
chúng tôi có ngồi luận-đạo với nhau, đang nhắc ngày Đức Chí-Tôn mới đến Ngài có
than rằng:
Cười khan mà khóc bởi thương bây,
Chẳng mất một con nghiệt cả bầy.
Biết phận gìa không chờ chống gậy,
Nương theo con dại mới ra vầy.
“Ông thấy mình tội tình
qúa lẽ. Nhơn-loại, con cái của ông đã sa-ngã, đã tội chướng qúa nhiều, chính mình
Ông cầm cây gậy đến ở cùng con cái của ông. Một là tìm phương giải tội cho nó.
Hai là tìm phương đem quyền pháp cơ-quan siêu thoát đến trong tay nó. Nếu toàn
thể con caí từ tín-đồ dĩ chí Thiên-phong chức-sắc không có đoạt vị đặng, dám chắc
khi trở về cõi Thiêng-liêng Hằng-sống cái hổ nhục chẳng thế gì chúng ta thấy đặng
các Bạn của chúng ta đang tiếp chúng ta nơi cửa Hư-linh đó vậy và lẽ sao đoạt
không đặng không có gì tệ mạt hơn”.
07 - PHU XƯỚNG PHỤ TÙY
夫 唱 婦 隨
Giải nghĩa: Nho-giáo quan
niệm rằng trong gia đình thì vợ chồng là người chủ cái giang sơn nhỏ bé này,
nhưng từ đây làm khởi điểm cho sự “dài dòng cả họ” cho nên sự cần yếu là muốn sống
cho hòa-thuận phải: chồng nói vợ nghe, vợ nói chồng nghe. Đây cũng là qui-luật,
là công-thức sống.
Lời bàn: Tục-ngữ rằng “thuận
vợ thuận chồng tát bể Đông cũng cạn”.
Tuy nhiên, mọi việc trong
đời không đơn giản như lời nói, mà nó phức tạp vô cùng, phần lớn tư-tưởng của
chế độ phong kiến đều xem rẻ người vợ. Người chồng rất độc đóan, độc tôn, độc
tài với người vợ. Thử hỏi vì sao lại có vấn đề ấy?
- Thứ nhất, vì xưa nay người
đàn bà dốt nát, cả gia đình, xã-hội đều ngăn cấm không cho giới nữ được đi học,
cho nên người vợ chỉ biết nghe lời chồng mà thôi, nghĩa là nghe một cách “máy
móc” (Automatique).
- Thứ hai, cái quan niệm
“Trọng Nam khinh Nữ” đã mọc mầm trong trí của giới Nam rồi, như câu “Nhứt Nam
viết hữu thập Nữ viết vô” tức là trong gia đình một con trai được kể là có (người
nối dõi) dầu mười con gái cũng kể rằng không. Hoặc câu “Nữ sanh ngoại tộc”, tức
nhiên gia đình xem nhẹ con gái là không phải người để nối dõi tông đường… Bởi
“Con gái là con người ta. Con dâu mới thiệt mẹ cha mua về”.
Rất nhiều nhiều tư-tưởng ấy,
phải xem đây là một sự bất công và lạc-hậu ghê-gớm. Vì sao? Vì phần đông kẻ làm
Cha Mẹ đều theo một khuôn sáo cũ bắt nguồn từ thời phong-kiến tới giờ; lâu dần
nó trở thành luật gia-đình là như vậy. “Xưa bày nay vẽ”, là cứ xưa nghĩ thế nào
nay thế ấy, không cần nghĩ-nghị. Trong vấn đề này phải thấy rằng chế độ phong
kiến thời ấy chỉ có các ông làm luật, lập luật mà thôi, cho nên tự do bày vẽ,
thao túng, miễn sao có lợi cho chính trong Nam giới mà thôi. Cái án bất công
này đã kéo dài mấy ngàn năm rồi. Chính thật ra sự độc tôn này chỉ làm cho gia
đình bất hòa, đi đến đỗ vỡ, ly hôn, ly dị ngày nay như một “thời trang”, kế đến
xã hội xáo trộn, quốc gia chậm tiến, thế giới loạn cuồng … lỗi tại ai? Thử hỏi
tại sao ngày xưa cũng sống được, cũng hạnh-phúc?
Bởi bản-tính người Nữ là
chịu đựng, ép lòng để thích-nghi mà thôi.
Ngày nay, Đức Chí-Tôn mở Đạo
đã đem lại tinh thần bình đẳng, bình quyền thật sự cho tất cả mọi người, mọi giới,
mọi sắc dân trên thế giới loài người.
Thầy nói: “Phần các con
truyền Đạo kỳ Phổ-Độ này cũng lắm nặng-nề : bao nhiêu Nam tức bao nhiêu Nữ Nam
biết thành Tiên Phật chớ Nữ lại không sao Thầy đã nói Bạch-Ngọc-Kinh có cả Nam
và Nữ, mà phần nhiều Nữ lấn quyền thế hơn Nam nhiều”.
Trong gia đình thì tình cảm
vợ chồng là thân thiết, đối với đạo-pháp thì coi như Hội-Thánh là chư Môn-Đệ của
Chí-Tôn, vậy trách nhiệm của người làm Môn đệ của Thầy phải như thế nào?
Thầy dạy :
“Thầy nói cho các con hiểu
rằng; muốn xứng đáng làm Môn-đệ của Thầy là khổ hạnh lắm. Hễ càng thương bao
nhiêu lại càng hành bấy nhiêu .Như đáng làm Môn-đệ của Thầy thì là Bạch-Ngọc-Kinh
mới chịu rước, còn ngã thì cửa Địa ngục lại mời, thương thương ghét ghét ai thấu
đáo vậy ôi!
“Bởi vậy cho nên Thầy chẳng
vì ghét mà không lời khuyến dụ ,cũng chẳng vì thương mà không sai quỉ dỗ-dành,
Thầy nói trước cho các con biết mà giữ mình chung quanh các con dầu xa, dầu gần
Thầy đã thả một lũ hổ lang ở lộn với các con Thầy hằng xúi chúng nó thừa dịp mà
cắn xé các con, song trước Thầy cho các con một bộ thiết giáp chúng nó chẳng hề
thấy đặng, là đạo-đức của các con .
“Ấy vậy, ráng gìn giữ bộ
thiết giáp ấy hoài cho tới ngày các con hội hiệp cùng Thầy. Nghe và ráng tuân
theo.”
Tức nhiên lấy đạo-đức làm
nấc thang tiên-hóa mà cùng nhau tu-hành.
Trong hiện tại, trước nhứt
là mọi người phải “biết sống”, tức là phải dẹp đi tánh ích-kỷ, đừng coi tiền là
trọng:
- Phải tôn-trọng nhau như
mới ngày đầu “tương kính như tân” .
- Phải lấy sự yêu thương
chân tình để làm gương cho con cái sẽ trông vào.
- Phải biết mình còn có
vai trò trong xã-hội, trong đạo-pháp nữa..
Dầu thế nào gia đình cũng
là nền tảng của xã hội, phải đặt lại một cuộc sống đạo-đức để cho mọi người
cùng vui hưởng cái không khí Cao-Đài trong nguơn hội mới này, có vậy mới tới Đại-Đồng
được .
Nếu trở lại vấn đề gia đình
của tình chồng vợ thì bà Đoàn có lời dạy khuyên:
Tình phu phụ biết bao nghĩa trọng,
Đạo nhân luân gầy sống của đời.
Dù
cho non nước đổi dời,
Còn niềm chồng vợ còn người còn ta.
Bạn trăm tuổi thân hòa làm một,
Dầu sang hèn xấu tốt cũng duyên,
Cùng nhau giữ vẹn hương nguyền
Cái duyên kình bố là duyên Châu Trần.
Con đừng thấy phụ nhân nan hóa,
Cầm hồn hoa vày-vã thân hoa
Vợ con thay phận mẹ già
Nuôi con mẹ cậy bóng ngà nữ dung
(
Nữ Trung Tùng Phận, câu 525-536 )
08 - DUY BẠC BẤT TU
帷 薄 不 修
Giải nghĩa: Duy 帷 là bức màn treo trong nhà, bạc là mỏng-manh, ngụ
ý rằng chuyện của gia đình mình chưa giải quyết được, con
caí mình chưa dạy-dỗ được đó cũng là
điều sỉ hổ, cho nên việc tu thân đi liền với tề-gia là như vậy .
Lời bàn: Chuyện dạy con
không được như ý muốn có 3 trường hợp xảy ra:
1 - Trong gia đình nếu cha
hiền con thảo (phụ từ tử hiếu) đó là con cái luôn noi gương tốt trong gia đình
đúng như lời Thánh-nhân dạy “Hiếu thuận hoàn sanh hiếu thuận tử, ngỗ-nghịch
hoàn sanh ngỗ-nghịch nhi”
Tuy nhiên giữa xã-hội giao
thời này có nhiều sự trái ngược lại làm cho các bực làm cha mẹ cũng đành rơi nước
mắt mà thôi. Cuộc sống chật vật; cha mẹ gởi con đi học xa; Không kiểm soát được
hành-vi của con cái; ảnh hưởng phim ảnh sách vở, báo chí kém lành mạnh; giao tiếp
với bạn bè không tốt và xã-hội ..
2 - Nếu cha mẹ hiền mà con
không hiền cũng do sự giáo-dục không đồng nhất một người thì quá cưng chiều, một
người thì theo khuôn mẫu. Lý do cưng chiều là vì chỉ có một hoặc hai đứa con,
hoặc của cải nhiều dư ăn dư để, con muốn gì được nấy, đôi khi sợ nó bỏ đi, nó
chết…
3 - Cha mẹ dốt nát không
theo kịp những sự đổi mới của hoàn cảnh xã-hội, cứ mài miệt gặt hái ra tiền cho
con đi học, xa nhà, nếu là hoàn cảnh xấu, không thuận tiện thì đủ mọi vấn đề
đau khổ.
Đó là cái bịnh của thời cuộc
mà căn bản là gia đình, gia đình là mầm móng mà nhiều việc khó khăn tích lũy
trong đó như vậy, chưa nói đến cha mẹ chưa xứng cha mẹ . Ôi thôi, cái bịnh của
người gần như vô phương trị , hỏi trách ai đây?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét