Đạo Tâm Bửu Giám 道 心 寶 鑑 - 6 / 9 (Nữ Soạn-giả Nguyên-Thủy)

Nhưng thật tế, phải nói rằng “bậc cha mẹ” ngày nay -một phần không nhỏ - chỉ biết sống cho mình mà thiếu đức hy-sinh cho con cái; thế nên một người con mà có đến năm, ba người cha, bốn năm bà mẹ; một hai chục ông, bà nội, ngoại đủ thứ; riêng đứa con thì “cô đơn”. Hỏi lỗi ấy do ai? Bởi ai? Tại ai? Và trách ai bây giờ đây? Mai mốt ra đời nó sẽ giống ai đây?! Xã-hội sẽ ra sao đây?
Nó đã thành DỊCH rồi, nhưng khổ nỗi nếu là dịch của “gia cầm, gia súc” thì thiêu hủy ngay, còn
“dịch của người” phải giải quyết sao đây?

Ai đã từng làm cha mẹ một cách chân tình trong xã hội này mới biết cái “khổ” của người làm cha mẹ!

Nếu trong phạm vi hạn hẹp của gia đình mà bậc làm cha mẹ có gặp phải cảnh này thì đành ép lòng chịu đựng, than thở, tìm mọi cách để tự an-ủi …mà sống!

Có như vậy mới thấy cái khổ tâm của một Thiên mạng, đọc từng trang thuyết-đạo của Đức Hộ-Pháp mới thắm-thía nỗi khổ tâm vô cùng tận của Ngài.

Trong một bài diễn-văn ngày 14-2 Mậu-Thìn (1928) xin trích một đoạn cuối để nghe Ngài tâm sự:
… “Lúc ban sơ Tệ-đệ hay thưa người này, kiện người kia, chê cụ ni khen mụ nớ, cũng bởi mê lời nói của Thầy cho cầm CÂN CÔNG-BÌNH tại thế, cây cân công bình Thầy nói đó ngày nay Tệ-đệ cũng chưa biết chỗ mà dùng, nhứt là khi Hiệp-Thiên Đài và Cửu-Trùng-Đài phản khắc, Thập-Nhị Thời-Quân chưa hiểu phận mình, Tệ Đệ dâng cả tên tuổi của những người không lo hành Đạo đầy tràn một tờ sớ. Đó, Thầy mới giáng mà trả lời .Vừa giáng thì kêu tên Tệ Đệ mà nói rằng

- Mỗi đứa con đã sanh đứng làm người, đều có trách nhiệm thiêng liêng, Thầy cân sức lường tài của mỗi đứa đặng định giao phận sự. Đứa dở chẳng lẽ ép làm hay, đứa tài không lẽ làm việc dốt; dở dốt cũng cần dùng, cách thế Thầy dùng vốn vô hạn lệ.Thầy biết chúng nó đặng, chớ con biết chúng nó sao đặng? Tỷ như gặp đứa sức yếu con buộc gánh nhiều, rủi bị nặng-nề vấp té đến lụy mình thì tội-tình ấy về con gánh vác”.

Chư Đạo-hữu nghĩ coi cây cân công bình của Tệ Đệ mới nhích bên nào cho đúng?
Sau lại kẻ ngoại giáo kích bác chơn truyền, tìm phương diệt Đạo, Tệ Đệ dâng một tờ sớ xin cho Thiên khiển quỉ xác ma hồn.

Thầy giáng hỏi rằng:

-“Tỷ như con có năm bảy đứa con, đứa lớn khôn nó biết hiếu hạnh kỉnh nhường con, con thương yêu tôn trọng .Rủi có một đôi đứa nhỏ dại chưa hiểu làm con, nên hỗn hào, phản nghịch, thì con mới định làm sao con?.

Tôi trả lời rằng, sẽ dùng hình phạt mà khuyên răn trừng trị, bằng chẳng đặng thì đành lòng từ bỏ.
Thầy nói:
-“Từ sao đặng con! Cười rồi tiếp .Nó nhỏ dại mà bỏ sao đành; tâm tánh của một ông Cha lành, chưa nỡ nào làm đặng” .

Ngưng bút hỏi lại Tệ Đệ rằng:
-“ Sao con không nói giết phứt nó đi cho rồi!”

Chừng ấy nhớ lại tờ sớ thôi bắt kinh hồn hoảng vía. Khi Thầy thấy hiểu mà sợ thì Thầy mới giải rằng:
- “Biết bao phen Thầy giáng thế lập Đạo, bị chúng sanh biếm nhẽ chê bai đến đỗi bắt Thầy mà giết, nhưng mà khi Thầy qui Thiên, chúng nó cũng biết nhìn Thầy mà tùng theo Đạo-giáo. Cổ kim vẫn thế, các con chớ để lòng hờn, dầu chúng sanh chẳng rõ thiệt hơn, nói phạm thượng đến Thầy thì Thầy chịu”.

Chư Đạo-hữu nghĩ coi cái khối Từ-bi ấy đã đáng bao to mà rồi lại nghĩ dùm cây cân công bình của Tệ Đệ để đâu cho phải chỗ đặng chỉ cho Tệ Đệ môt lần làm phước. Một Đấng dường ấy đến cầm quyền lập Đạo, mà lại dám nảy sanh ra một Chi-phái chửi đời cũng bởi danh Người, nghĩ âu quái dị!

Những lời này là lời Ông trời thiệt hay là lời mắng nhiếc chúng sanh, Tệ Đệ để cho tâm linh của mỗi người thầm hiểu .

Ấy vậy thì ông trời theo đức tin của anh em chúng ta là một Chí-linh hiện tại. Có lẽ khi chư đạo-hữu còn trưng ra lắm bằng cớ khác nữa; nào là các sắc dân sanh, dẫu kêu danh Người ra khác đi nữa cũng đều thờ phượng kính trọng và nhìn nhận rằng quả có Đấng Chí-Linh làm Chúa-tể cả càn khôn vạn loại; chủ của các đẳng linh hồn là: vật-chất, Thảo mộc, thú cầm, nhơn-loại, Thần, Thánh,Tiên, Phật gọi chung là Vạn-linh.

Vì cả thảy đặng hấp thụ đặng một điểm linh của Đấng Chí-Linh ban cho làm mạng. Cả vạn-linh mỗi mỗi đều tùy cơ tấn hóa, y theo đẳng cấp thiêng liêng đã định mà đoạt cho đến địa vị Chí-linh, là tương lai cùng tận, đặng đồng thể cùng trơì, vô sanh, vô tử, bất tiêu, bất diệt.”

Nay, cuộc thế hầu như lộng quyền, lộng thế; hầu như mất cả gia phong, gia pháp; cái tệ hại này do ai? Chả lẽ bó tay mà ngồi nhìn cơ tận diệt của nhân-loại? Nhưng chắc-chắn rằng cơ “Thưởng phạt đến cùng Thánh-đức thôi” đã và đang diễn ra sẽ không tránh khỏi.
Thi văn dạy Đạo
Trời hằng thương mến lũ nhơn-sanh,
Giận nỗi cưu cưu ở bạc tình.
Ép trí sợ trôi, trôi khó níu,
Thương thì để dạ dụng oai-linh.

09 - DỤC TU THIÊN ĐẠO TIÊN TU NHÂN ĐẠO
NHÂN ĐẠO BẤT TU THIÊN-ĐẠO VIỄN HỈ
Giải nghĩa: Đây là một câu nói rất thông thường là muốn tu về Thiên-đạo trước nhứt phải lo cho phần nhơn-đạo, nếu nhơn-đạo không rành thì Thiên-đạo sẽ không thành.

Lời bàn: Vậy thử tìm hiểu Nhơn-đạo là gì? Thiên-đạo là gì? Tu nhơn-đạo là phải làm sao và tu Thiên đạo là phải làm sao?

Gọi Nhơn-đạo tức là Thế-đạo đó vậy. Xưa nay tinh-thần Nho-giáo đã có qui định rõ-rệt, nhưng cách hành xử tuỳ theo mỗi thời đại mà phải uyển-chuyển để cho khỏi lỗi thời và bị xem là lạc hậu.

Nhất là Tôn-giáo Cao-Đài cần phải xác định cho chính danh.
Xin dẫn lời dạy của Đức Cao-Thượng-Phẩm về “Tu thế-đạo” trước.

Đức Ngài nói:
 “Hẳn mấy em đã rõ đại cương về Thế-Đạo là gì?
- Nam thì Tam cang, Ngũ thường,
- Gái thì Tam tùng, Tứ đức.

Sau đó, chỉ là thể của Nhơn-đạo hữu-hình mà thôi. Nếu mấy em hằng ngày tâm niệm có bấy nhiêu thì làm sao trọn vẹn được.

Trong Thế-đạo phải phân-tích ra làm hai pháp-lý:
1 - Một là thể pháp Thế-đạo,
2 - Hai là Bí-pháp Thế-đạo.

Tam cang, Ngũ thường; Tam tùng, Tứ đức là thể đặng làm sở-hành cho mặt thể pháp Thế-đạo mà thôi, lấy đó làm chánh đề mà đi.

Bây giờ muốn giữ Tam cang, Ngũ thường phải làm thế nào?
Quân thần cang thì vua là kẻ chăn dân. Vậy bổn phận ấy là phải lập trên những hành tàng để cứu giúp dân cho khỏi điều thống khổ, ấy là công việc của Cơ-Quan Phước-Thiện bây giờ đó. Tôi phải tỏ ra trung-thành đặng vùa giúp vua mà làm cho bá tánh an-cư lạc nghiệp tức là bổn phận của hàng Thánh-Thể đó vậy.

Phụ tử cang: Cha là người thay quyền Chí-Tôn trong một tiểu gia đình, tức nhiên phải biết mình là bổn phận giáo-hóa, dưỡng-dục; tức nhiên một Hội-Thánh nhỏ trong một gia đình, vậy con phải trọn hiếu, tức nhiên là không làm điều gì nhục tổ hổ tông, đó là bổn phận một Tín đồ hay nói đúng hơn là một Môn-đệ xứng đáng của Đức Chí-Tôn đó vậy.

Phu thê cang: Chồng là người giữ lèo lái đặng đưa tiểu gia-đình đến chỗ hạnh-phúc thanh-bạch tức là bổn phận của cơ-quan Hành-chánh đó vậy. Vợ là người theo chồng để giúp an sự nghiệp, tạo nên hạnh-phúc của gia-đình, tức là bổn phận của Bảo-Cô đó vậy.

Về Ngũ thường.
Nhân là phải biết nghĩa đồng sanh,tình đồng chủng, âm dương chi khí, chẳng để lòng sái loạn chơn truyền,tức nhiên là phải vâng theo luật Công-bình,Bác ái.
Nghĩa là phải biết trọn bổn phận làm người để tạo nên danh trọng giá cao, tức là phải giữ nên phẩm hạnh mà nhìn rõ của chung đồng hưởng.

Lễ là giữ hạnh nết đúng đắn để tạo nên một nhân-phẩm, biết nhường, biết nhịn; tức nhiên là giữ trọn hạnh-đạo đó vậy.

Trí là phải thông hiểu việc Thế mà đi, không để tên tuổi phải lời chê tiếng nhẻ; tức nhiên là phải vâng trọn luật pháp chơn truyền đó vậy

Tín là phải đúng lời, đúng hẹn; tức là phải danh chánh, ngôn thuận, thuyết hành phải được giống in nhau tức là phải trọn thệ đó vậy.

Về Tam tùng Tứ đức.
Tùng phụ như người con phải giữ trọn tiết trinh, cũng như kẻ tín-đồ giữ tròn danh Đạo.

Tùng phu như bóng tùy hình, tức nhiên là phải ví mình như một trong Thánh-Thể tùng Hội-Thánh vậy.

Tùng tử: phải là vì đám hậu sinh mà quên mình đặng tạo thành sự nghiệp tương-lai cho chúng, tức nhiên là bổn phận của Chức sắc vậy.

Công dung ngôn hạnh.
Tức là việc làm cho nhơn-sanh thoát khổ, lời nói để đưa đường giáo-hóa, hành-vi cử chỉ đặng nêu gương mặt thế tức là phải biết nâng cao giá trị của Thánh-thể Chí-Tôn. Nết-na đằm thắm, giữ trọn Thương-yêu, tức nhiên là làm nền tảng cho Đại-Đồng thế-giới, đó là Thể-pháp.

Kẻ đã trọn về thể pháp tức nhiên hiểu biết bí-pháp. Vì bí-pháp không chi lạ hơn là phương-pháp bí-yếu để nâng cao giá-trị cho Thế-đạo. Nói rõ hơn nữa là phương làm cho đời trở nên tận thiện, tận mỹ. Nói theo nhân-sinh triết-lý thì bí-pháp là kế-hoạch nâng cao đời sống trong Nhơn-Nghĩa đó vậy”.

ĐẠO Cao-Đài vẫn lấy khuôn luật “Tam tùng tứ đức, Tam cang ngũ thường” làm Đạo trọng.

Thi văn dạy Đạo
Chuyên gìn Tứ Đức với Tam tùng,
Làm hiệu dạy lần đám Nữ-Trung.
Đạo-đức là nền làm phẩm cách,
Mượn nhành dương tịnh lửa sôi lòng.

Bởi ngày nay Đạo Cao-Đài không thu hẹp trong tầm nhìn giới hạn như ngày xưa nữa. Có vậy, cơ Đạo mới phổ biến rộng-rãi được. Nhất là Đức Chí-Tôn đã đem đến cho nhân-loại một sự bình quyền, bình đẳng một cách tuyệt đối.

Thánh-ngôn, Thầy dạy:
“Trên Bạch-Ngọc-Kinh có đủ Nam và Nữ, các con chớ lầm tưởng là phân biệt. Có các Đấng Nữ Tiên, Nữ Phật còn lớn quyền thế hơn Nam nhiều.” (TN I/ 9)

Quan-niệm của người Cao-Đài rất rõ-rệt về vấn-đề “Tu Thiên-Đạo” qua lời dạy của Đức Cao-Thượng-Phẩm:

“THIÊN-ĐẠO cũng có thể-pháp và bí-pháp như thế-đạo vậy.
A -Thể-pháp Thiên-Đạo: tức nhiên là những nơi học hỏi để cung ứng tinh-thần trên khuôn viên chánh pháp.
Trong thể pháp Thiên-đạo chia ra làm ba thời-kỳ:
1 - Thứ nhứt là thời-kỳ khai thác,
2 - Thứ nhì là thời-kỳ luyện tập,
3 - Thứ ba là thời-kỳ thi-hành.

Trong thời-kỳ sau này mới thường gặp những cơ khảo-đảo đặng thử-thách tinh-thần.

- Về thời-kỳ thứ nhứt là những tạo tác nơi qui hợp Đức-tin cho con cái Chí-Tôn, tức là các Đền thờ đó vậy. Khi một Môn-đồ đã thọ môn tùng giáo thì phải do nơi các Đền thờ đặng tựu hợp Đức-tin. Đó là bước đầu tiên của thể-pháp Thiên-đạo; do đó sự cúng-kiến, niệm kinh là điều yếu-trọng vậy.

- Qua thời-kỳ thứ nhì là đem Đức-tin đã thụ được đặng tập luyện tâm tánh và khởi lập công trừ quả đặng tự giải khổ cho mình và giúp phương cứu khổ cho toàn nhân-loại. Ấy là phương tập luyện tánh thành, tâm niệm đó vậy.
- Qua thời-kỳ thứ ba là thi-thố những Đức-tin hầu lấy phương giải khổ mà đem gieo truyền hột giống Thương-yêu, ấy là phương cứu khổ đó vậy.

Trong lúc này tinh-thần hay gặp những chướng ngại hoặc làm cho nao-núng tan rã Đức-tin, hoặc theo đường quỉ-mị, chia phe phân phái mà nên Tả Đạo bàn môn như hằng hữu đã xảy ra đó.
Trong ba thời-kỳ này:
- Thứ nhứt là lập đức,
- Thứ nhì là lập công,
- Thứ ba là lập ngôn.

Đó là Thể-pháp Thiên-Đạo.
B-Khi đã trọn phần Thể pháp rồi liền bước qua mặt Bí-pháp là những phương-pháp Tu tâm sửa tánh hầu lập thành Chơn-khí thanh-khiết mà hiệp với Chơn-thần đặng tiếp Chơn-linh để giải phương cứu khổ thêm bề sâu, siêu lý diệu chơn. Ấy là phương tầm hiểu chơn-truyền chánh pháp đó.

Khi đã vẹn sạch TINH KHÍ THẦN là đắc pháp đó vậy.
Mấy em đã học qua về khoa Bí-pháp khẩu tụng. Vậy khá để tâm học hỏi cho được Tâm-truyền thì công phu của mấy em đã được phần thưởng vô giá đó.

Nói về Thiên-Đạo tức là luận về vũ-trụ triết-lý, tức là nói về không-gian.
Còn nói về Thế-Đạo là luận về nhân-sanh triết-lý, tức là nói về thời-gian.
Mấy Em khá hiểu cho lắm mới được. Phải để tâm suy nghiệm đó nghe !”
(tài liệu Tam thể xác thân của Đức Thượng-Phẩm)

Thi văn dạy Đạo
Một ngày thỏn-mỏn một ngày qua,
Tiên Phật nơi mình phải ở xa,
Luyện đặng tinh thông muôn tuổi thọ.
Cửa Tiên xuất nhập cũng như nhà.

10 - TU TÂM DƯỠNG TÁNH
Giải nghĩa: Phương tu học cũng như tu-hành điều quan-trọng nhứt là trau giồi cái Tâm, tập sửa cái tánh cho nên Hiền, nên Đạo.

Lời bàn: Tu tâm là giữ cho được cái Tâm chơn chánh, thật-thà để đoạt cho được đến Chơn-như. Muốn đoạt cho được mục-đích lý tưởng ấy phải sửa tánh trau tâm hằng ngày, hằng bữa. Bởi Tâm con người ví như sự nhảy-nhót của con vượn, còn tánh thì nhạy bén, lướt nhanh như con ngựa, người xưa nói là “Tâm viên ý mã”. Thế nên sự tu-hành đối với nhà Phật rất nên thận trọng trong từng cử-chỉ, lời nói, việc làm, mỗi mỗi đều phải giữ ý, giữ lời một cách nhặt-nhiệm. Tuy nhiên dù có khó khăn nhưng cũng có phương-pháp tập luyện.

Qua lời dạy của Đức Hộ-Pháp,Giáo-Chủ Đạo Cao Đài trong quyển “Phương Tu Đại-Đạo” rằng:
“Phép Tu chẳng phải luyện nội tinh-thần theo đạo hạnh mà thôi, mà cái thân thể mình đây cũng phải tùy tùng phù hợp Đạo-tâm, thể Đạo chơn-chánh bởi gương mình, hễ chúng sanh ngó Đạo nói mình, xem mình cho là Đạo mới phải”.

Thế nên,
“Người Tu-hành mục-đích đem cái ân cho người chớ không phải đợi người làm ân cho mình; nghĩa là mình phải lo sự ấm no cho bá tánh tức là lo cho ta, bởi Đức Chí-tôn đã dành phần cho ta một nhiệm vụ đặc biệt là ta phải Phụng-sự cho vạn-linh để giải khổ cho loài người trong lúc họ đang lâm nàn kêu cứu; khi ta làm xong phận-sự thì không còn ai chối cải rằng ta không phải là ân-nhân của xã-hội, chừng ấy ta không muốn về Tây-phương họ cũng lập bàn hương-án để đưa ta đặng đền ơn cứu tử”.

Đức Hộ-Pháp đã định phận cho:
Người Tu-hành
Chẳng ham danh lợi chẳng mê trần,
Thạch động thanh nhàn thân độ thân.
Biển Bắc mặc dầu con sóng bũa,
Non Nam chi quản đám mây vần
Ngày ăn hai bữa nuôi tinh huyết,
Đêm ngủ ba canh dưỡng khí thần.
Quyết đoán công-phu thân vận động.
Đường Tiên cửa Phật mới mong gần.
(1.935)

Ngày nay Đức Chí-Tôn mở Đạo Cao-Đài cho nhơn-sanh Tu tức là mở một sanh lộ ra nơi cõi thế này, để chúng sanh tìm về đất hằng sinh.

Đường Hằng sinh đó là gì?
Đức Phật-Mẫu dạy:
“Đạo chia ra làm ba chi: PHÁP, ĐẠO, THẾ.
- Mình tu cho đúng theo luật, hành theo pháp thì chúng sanh nơi THẾ ca tụng công đức mình, trọng kính mình ấy là mình Đắc thế.

Hễ Đắc thế thì phải tầm pháp đặng cứu chữa dạy bảo theo Pháp.
- Nếu mình hành Pháp hiển linh, chúng sanh ứng mộ mình, thì mình Đắc Pháp.

Nếu Đắc pháp thì phải tầm Đạo vô-vi, muốn tầm không phải dễ, mà dễ khó là do nơi mình; nếu đi được hai khoảng thì khoảng sau này phải ráng.
- Nếu Đắc Đạo thì nhập cõi Niết-Bàn.

Biết lo cho chúng sanh tức là lo cho mình vậy.
Mình tu cho chúng sanh, mình lập vị cho chúng sanh tức là mình lập vị cho mình. Phải hiểu cho rõ, nếu chúng sanh chưa ai Đắc Đạo, thì ta phải cầu-nguyện cho người Đắc Đạo trước ta.

Nếu mình cứ mong cho cao phẩm giá tức là trái với Thiên-ý, mình phải hằng ngày trau giồi tánh đức, lo chung cho thiên hạ, ấy là phương pháp tu tắt đó.

Thường ngày công-phu mà mình chất chứa tánh tự-kiêu thì cũng không mong đắc Chánh quả được, bất quá Đắc một vị Địa Tiên đó thôi.

Vậy muốn cho hoàn-toàn thì ráng tập cho biết trừ các điều xấu-xa, tập thường ngày tầm chơn-lý, kiếm hiều huyền-vi, răn mình hằng bữa, đó là đường chánh sáng láng cứ lo bước tới”.

Kinh Tứ Thời Nhựt Tụng, có dạy pháp tu như vầy:
Phép Tiên Đạo tu chơn dưỡng tánh,
Một cội sanh ba nhánh in nhau.
Làm người rõ thấu lý sâu,
Sửa lòng trong sạch tụng cầu Thánh-kinh.

11 - TÂM TỰ
Giải nghĩa: Chữ Tâm Tâm là trái tim, hay là lòng dạ con người.

Ngày xưa, tưởng lầm rằng trái tim là chỗ nghĩ ngợi lo-lắng; nên phàm cái gì thuộc về nghĩ-ngợi, lo-lắng đều gọi là Tâm.

Lời bàn: Sự sống của con người là tùy thuộc vào trái tim, Tim ngưng đập là người chết. Thánh-nhân đã diễn dịch cái TÂM như vầy:
Tam điểm như tinh tượng        
Hoành câu tự nguyệt tà           
Phi mao tùng thử đắc  
Tố Phật giả do tha       
Nghĩa của bài thơ; đây là tả hình dạng của cái tâm:

Câu 1: Trên ba điểm như ba ngôi sao,
Câu 2: dưới một vòng câu như vành nguyệt xế,
Câu 3, 4: cánh lông theo ấy được thành Phật do bởi gì?

Câu “phi mao tùng thử đắc” là chỉ loài có cánh biết bay cũng như loài có lông biết chạy, nếu tùng theo tâm-lý cũng thành Phật huống lựa là người.

Thánh-nhân cũng dạy rằng biết cái tâm của mình là biết cái tánh của mình. Biết caí tánh của mình là biết Trời vậy. Giữ cho còn cái tâm của mình, nuôi cái tánh của mình là để thờ Trời, nên cái tâm đặt vào nơi nào đều trở thành có linh hồn. Về chữ Nho đã biểu tượng hình ảnh ấy.

Ví dụ chữ Sĩ là học trò, đặt chữ tâm vào dưới sẽ thành chữ chí
Chữ điền là ruộng, đặt chữ tâm ở duới sẽ thành chữ tư
Chữ tương là cùng nhau, đặt chữ tâm ở dưới sẽ thành chữ tưởng
Qua các thí-dụ trên cho thấy rằng, cái tâm đặt nơi nào thì vật ấy sẽ có sự sống đến, như:
- Kẻ sĩ biết để cái tâm vào hoài bão của mình, là người biết lập Chí.
- Người làm ruộng đặt hết tâm-tư vào thửa ruộng của mình là có sự suy nghĩ (tư là lo nghĩ)
- Hai kẻ cùng nhớ nhau thì có lòng tưởng nghĩ đến (tưởng là nhớ).

Như vậy tâm là caí Thần-linh của con người.
Đaọ tại tâm, mà Tâm là chủ. Tâm khác nhau tùy theo trạng-thái tinh thần của mỗi cá nhân, Tâm vô ngã, Tâm không khuất-phục và tâm do Thượng-Đế sáng tạo; có nhiều tên gọi cho cái Tâm, như là thiên lương, là tâm linh…

Tâm linh không Tổ-quốc, tâm linh phổ biến ở nơi nào phù hợp. Tâm không phân biệt màu da, Tôn giáo hay tín ngưỡng. Tất cả những trở lực chia rẻ loài người đối với tâm linh không bao giờ có, vì Tâm-linh là một vị chúa-tể ở ngôi ba tức là “Thánh Thần”.

Muốn cho đạt được cái Tâm Thánh-thiện thì phải Tu-hành.
Tu-hành như thế nào?
TU là trau-giồi lấy tinh-thần đẹp-đẽ.
HÀNH là luyện tập thân mình phải biết tùng phục tinh-thần sai khiến mà làm ra lẽ Đạo.

Ấy vậy, phép tu chẳng phải luyện tập nội tinh-thần mình theo đạo-hạnh mà thôi, mà cái thân-thể mình đây cũng phải tùy tùng phù-hợp với Đạo-tâm, thể đạo chơn-chánh bởi gương mình, hễ chúng sanh ngó Đạo nói mình, xem mình cho là Đạo mới phải.

Đạo chẳng phải nơi lời nói mà lại nơi kết-quả sự mình làm, chẳng phải nói câu kệ câu kinh mà tại cuộc hành-vi người giữ Đạo. Cái khó-khăn của Đạo chẳng ở nơi sự giảng dạy mà ở nơi kết quả cuộc giáo-truyền.

Chung qui dầu ở nơi Tôn-giáo nào cũng lấy Tâm làm gốc:
- Thích-giáo, Đức Thích-Ca dạy:
- Minh tâm kiến tánh,
- Thật hành Bác-ái, từ-bi.
- Tam qui, Ngũ giới.
- Tiên-giáo, Đức Lão-Tử dạy:
- Tu tâm luyện tánh
- Thủ cảm ứng công bình.
- Luyện tam bửu, ngũ hành.
- Nho-giáo, Đức Khổng Thánh dạy:
- Tồn Tâm dưỡng tánh.
- Trung Hiếu làm đầu
- Tam cang Ngũ thường

Ngày nay, Đạo Cao-Đài Qui Tam giáo hiệp ngũ chi, bởi vì:
 “Tam giáo là ba nền Đạo chánh thuở nay, song bị tay phàm canh cải càng ngày càng xa Thánh-giáo mà hóa ra phàm giáo. Thượng-Đế lấy làm đau đớn, hằng thấy nhơn-sanh phải bị sa đoạ tội lỗi, mạt kiếp chốn A-tỳ, nên nhứt định chuyển Tam-giáo qui nguyên Ngũ chi hiệp nhứt, chấn hưng Tôn-giáo lại cho hoàn toàn rồi khêu sáng ngọn đèn thiêng-liêng lên để dìu dắt bước đường cho kẻ có công TU- HÀNH mà khỏi xảy chân, lạc lối."

Thi văn dạy Đạo
Phải giữ chơn linh đặng trọn lành,
Ngọc-Hư toàn ngự Đấng tinh anh.
Luật điều Cổ-phật không chừa tội,
Hình phạt Chí-Tôn chẳng vị tình.
Chánh trực kinh oai loài giả dối,
Công bình vừa sức kẻ chơn thành.
Mũi kim chẳng lọt xưa nay hẳn,
Biết sợ xin khuyên cẩn thận mình.

12 - TAM BỬU
Giải nghĩa: Mọi vật trong trời đất luôn hiển hiện ba ngôi nhưng cùng một bản thể, gọi đó là Tam bửu tức là ba món quí báu, không thể xa lìa nhau được.

Lời bàn: Trong gia-đình là hình ảnh của “cha, mẹ, con” cùng chung một bản thể cũng gọi đó là Tam ngôi vậy.

Ngày nay, Đức Chí-Tôn đến qui Đức-tin của nhân-loại dựng nên mối Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ này để thông truyền khắp cả nhân loại hay rằng đúng là thời kỳ gặt hái kết quả tốt đẹp, là bến ước mơ của toàn sanh chúng.

Dù bất cứ là vật gì cũng có thời gian ấn định, không thể sớm hoặc muộn được, nghĩa là phải đúng THỜI, mà các nhà tiên tri đã giáng dạy rằng:

“Đạo Trời chỉ có Một, phải tồn tại, càng ngày càng mở rộng, không bao giờ mất động lực, bất di bất dịch.
- Giáo-lý của Moise là cái nụ,
- Giáo-lý của Jésus là cái bông
- Giáo-lý của Cao-Đài là cái trái.

Hoa không phá hủy nụ, trái không tàn phá hoa,
Không có sự phá hủy, chỉ có sự hoàn thành.
Những lá chết của nụ phải rụng đi để cho hoa nở.

Những cánh hoa rồi cũng phải rụng đi để thành trái và để cho trái chín. Những lá chết, cánh hoa rụng có phải là vô dụng không? có nên bỏ đi không?

KHÔNG!

Cả lá chết và cánh hoa rụng lúc thường cũng tương-ứng cần-thiết, không có nó không thành trái”
Hôm nay, Đạo Trời đã đến lúc hoàn thành các giai-đoạn ấy.
- Giáo-lý của Đại-Đạo là tinh hoa của ba nền Tôn-giáo,
- Tôn-chỉ của Tam-Kỳ là cứu-rỗi 92 ức nguyên-nhân qui hồi cựu vị
- Mục đích của Phổ-Độ là đưa nhân loại đến Đại Đồng.
- Đại-Đồng Tôn giáo
- Đại-Đồng dân tộc.
- Đại-Đồng xã hội

Vai trò của Phật Di-Lạc ngày nay cầm quyền Chưởng-giáo của kỳ ba phổ-độ này tuyên hứa với nhơn-sanh nếu biết “Tùng thị Pháp điều Tam-Kỳ Phổ-Độ tất đắc giải thoát luân hồi đắc lộ đa la tam diệu Tam bồ đề thị chi chứng quả Cực Lạc Niết Bàn”.

Mà “Pháp điều Tam-Kỳ Phổ-Độ” là gì?
Đó là Tân-Luật, Pháp Chánh-Truyền và Thánh-Ngôn Hiệp Tuyển (còn gọi là Thiên thơ) tức là Pháp-luật của Đại-Đạo vậy.

Chính đây là “cẩm nang” là “bửu-pháp” để đưa người có tâm đạo đến Niết-Bàn đó vậy.

Ngày nay Đức Chí-Tôn đến trao cho nhân-loại cái ấn kiết-quả, như vậy Ngài báo cho biết rằng “Tu thì thành, dữ thì đọa”.

Vì sao?
- Vì đã đến con số 3 tức là tròn đầy viên mãn (Tam-Kỳ Phổ-Độ).
Số 3 tức là cơ-quan hữu tướng cùng vô tướng hiện có ở càn khôn vũ trụ này.
Số 3 là số nửa tịnh, nửa động, nhưng phần động nhiều hơn,
Số 3 chỉ cơ biến tướng và vi-chủ vật loại thuộc quyền tăng.

Số ấy có đặc tính năng động, biến đổi.
Ba là cơ sở của Tam thể: PHẬT, PHÁP, TĂNG nên nó vừa có năng lực huy động mà cũng vừa có năng lực dung hòa.

Xem thế, mỗi vật trong vũ-trụ đều có BA ngôi ấy.
Thầy nói: “cơ tạo-đoan càn-khôn vũ-trụ ra sao thì trong vạn-vật cũng tương-liên như vậy, cùng một khuôn khổ, một định luật như nhau hết.
- Trên hết cả là Phật, ấy là ngôi đầu tiên cao thượng hơn hết nắm pháp huyền-vi.
- Phật mới chiết tánh ra Pháp âý là ngôi thứ nhì.
- Pháp mới sanh Tăng, Tăng ấy là ngôi thứ ba.

Ba cơ quan ấy qui nhứt lại thì duy chỉ có Một nguyên căn, một bổn thể.
Trong cơ Đạo này, Thầy đến cho biết rõ Chúa cả tạo-đoan là Thầy, nắm cơ huyền-vi bí mật ấy trong tay. Thầy mới phân tánh Thầy ấy là Pháp, Pháp tức là quyền năng Thầy thể hiện ra.

Cũng như Thái-Cực ở trong cõi tịnh, rồi từ trong cõi tịnh ấy Thái-cực phát động mới sanh ra Pháp. Pháp tức là những định-luật chi phối cả càn khôn, mà người nắm luật chi phối ấy là Phật-Mẫu.

Nay, qua Hội Tam-Kỳ, Đức Di-Lạc Vương đã đến để lập lại Thượng-nguơn Thánh-đức là thời-kỳ của Ngài đã hẳn.
- Phật cầm quyền- năng của chơn-linh,
- Pháp cầm quyền năng của khí thể là cơ sản xuất hữu hình, cầm quyền sự sống của vạn loại vì khí thể là chất sanh vạn vật.
- Tăng cầm quyền năng nuôi sống thể hài

Do đó, mà quyền năng mỗi ngôi cũng phân biệt:
* Ngôi thứ nhứt lo về sự tấn triển của chơn linh, dạy dỗ các chơn linh cho cao thượng để hiệp về cơ qui nhứt.
* Ngôi thứ nhì lo về sự giáo-hóa các chơn hồn, lo về cơ sản xuất và nuôi nấng vạn linh.
* Ngôi thứ ba lo về cơ cai trị vật loại cùng là đùm bọc sự sống để đem trở lại cơ qui nhứt, làm thế nào cho điểm linh-quang đừng phải bị mờ ám trong cái xác hình. Đó là nhiệm-vụ của Đạo Cao-Đài trong kỳ ba cứu thế và chuyển thế.
Bà Nữ Đầu-Sư Lâm-Hương-Thanh thuở bình sanh Thuyết đạo có bài thơ, đã có ngụ-ý Tam-bửu như thế này:
THI
Tam giáo nguyên lai nhứt lý đồng,
Hà tu phân biệt các tây Đông.
Tam hoa, tam bửu, tam tài lý,
Ngũ đức, ngũ hành, ngũ giới trung.

13 - HIỆP TAM BỬU
Giải nghĩa: như đã biết trong con người có ba món báu đó là TINH. KHÍ .THẦN.

Tam bửu ấy người tu phải làm cho hiệp mới gọi là Đắc Đạo.
Lời bàn: Người tín hữu Cao-Đài mỗi phen vào đảnh lễ Chí-Tôn đều có lấy dấu và niệm; câu niệm đầu tiên Phật, Pháp, Tăng gọi là điểm Tam-qui, tức là:
- Nam-mô Phật.
- Nam-mô Pháp.
- Nam-mô Tăng.

Đó là ý-nghĩa của Tam ngôi vậy, nhưng Tam ngôi này không bao giờ phân ra, ấy chứng tỏ sự hiệp Tam bửu trong Đạo-pháp.

Đứng đầu tiên hết là Chí-Tôn tức là Phật nắm cả cơ-quan bí mật tạo thành Càn khôn vũ trụ. Đạo này luật thế này, Đạo kia luật thế khác, nhưng không khác hơn Phật-giáo.

Giả thí như Thánh-giáo Gia-Tô cũng có ba ngôi (la Trinité):
Le Père (Đức Chúa Cha)
Le Fils (Đức chúa con)
Le Saint Esprit (Đức chúa Thánh Thần)
- Đức Chúa Cha là Phật,
- Đức Chúa Con là Pháp,
- Đức Chúa Thánh Thần là Tăng.

Không đạo-giáo nào thuyết-minh rõ-ràng cơ tạo đoan lấy thuyết hỗn độn sơ khai phân chia:
- Khí chi khinh thanh thượng phù giả vi thiên,
- Khí chi trọng trược hạ ngưng giả vi địa.

(Hễ khí nhẹ thì bay lên làm trời, khí nặng rơi xuống làm đất)

Trong vũ-trụ này có hai quyền-năng vô đối:
1 - là ngôi Chí-Tôn.
2 - là ngôi Phật-Mẫu.
Người ta không nói, nhưng luật thiên-nhiên dù ở trong vật tối thiểu hay tối đại vẫn có một Luật mà thôi. Biết đâu Chí-Tôn và Phật-Mẫu theo lời của Đức Nguyệt Tâm Chơn-Nhơn thì hai quyền-năng âý vô đối, sản sinh ra cả Càn khôn vạn loại và tạo ra ba ngôi đầu tiên là.
1 - Đấng Brahma Phật,
2 - Đấng Shiva Phật
3 - Đấng Krishna Phật

Còn gọi là Tam thế Phật. Các hình ảnh biểu-tượng này được đặt trên nóc Bát-Quái-Đài Tòa-Thánh Tây-Ninh.

Người Đạo Cao-Đài ngày nay được biết danh các Ngài qua bài kinh Di-Lạc được tụng đọc hằng ngày:
 “Thượng Thiên Hỗn nguơn hữu: Brahma-Phật, Shiva Phật, Krishna Phật."

Ba ảnh tượng này đứng xây lưng đâu cật nhau trên nóc Bát-Quái-Đài Đền-Thánh Tòa-Thánh (Tây-Ninh) với một sứ-mạng trong Tam-Kỳ Phổ-Độ là:
1 - Đức Brahma Phật đứng trên con Thiên nga (ngỗng trời) ngó tới, ấy là ngôi thứ nhứt, tượng-trưng ngôi Thánh-Đức, thuộc về cơ sanh hóa, ấy là Đấng tự-hữu hằng hữu, hữu nguyên hữu thủy của vạn loại.
2 - Đức Shiva Phật đứng trên Thất-đầu-xà ngó qua phía hữu, ấy là ngôi thứ nhì tượng trưng phần âm dương, cơ sanh hoá cũng là cơ hủy diệt, ấy là ngôi bảo tồn .
3 - Đức Krishna Phật đứng trên con Giao long (cá hóa rồng) ngó về phía tả, ấy là ngôi thứ ba, tượng trưng cuộc tuần hoàn, tiên tri cho nhân loại biết việc trí-xảo thuộc cơ tranh-đấu, cũng là cuối Hạ-nguơn tam chuyển khởi đầu Thượng-nguơn Tứ chuyển.

Tóm lại, các nhà khảo-cứu và Thần-linh-học (nhứt là Thông thiên học) cho biết rằng:
Các vị: Brahma phật, Shiva phật, Krishna Phật, là ba ngôi của Đức Thượng-Đế được gọi là Tam vị Nhứt Thể với bảng tóm lược dưới đây:

* Veda gọi Ngài là:
- Brahma (Thần sáng tạo)
- Shiva (Thần hủy diệt)
- Krishna (Thần bảo tồn)

* Cơ Đốc giáo gọi Ngài là:
- Đức Chúa Cha (Dieu le Père)
- Đức Chúa Con (Dieu le Fils)
- Đức Chúa Thánh-Thần (Dieu le Saint Exprit)

* Phật-giáo gọi Ngài là :
- A-Di-Đà-Phật (Amitabha)
- QuanThế-Âm (Avaloki.Teshvara)
- Đại Thế Chí (Manjushiva)

* Nho-giáo gọi Ngàì là:
- Ngôi Thái cực
- Ngôi Lưỡng-Nghi,
- Ngôi Tứ-Tượng.

* Thông-Thiên-Học gọi Ngài là:
- Đệ nhứt Thượng-Đế (Premier Logos)
- Đệ nhị Thượng-Đế (Deuxième Logos)
- Đệ Tam Thượng-Đế (Troisième Logos)

Nay, Đức Cao-đài Thượng-Đế đến với dân-tộc Việt-Nam mở Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ, Ngài nói rõ ngôi vị của Ngài là:
 “Thầy đã nói với các con rằng: Khi chưa có chi trong càn khôn thế giới thì khí Hư-vô sanh ra có một Thầy và Ngôi của Thầy là Thái-cực.
 “Thầy phân Thái-cực ra Lưỡng-Nghi, Lưỡng-nghi phân ra Tứ-tượng, Tứ-tượng biến ra Bát-quái, Bát-quái biến hóa vô cùng mới lập ra càn khôn thế giới.
 “Thầy lại phân tánh Thầy mà sanh ra vạn-vật là: Vật-chất, thảo mộc, côn trùng, thú cầm gọị là chúng sanh.” (TN II /170)

Chính cái thể pháp của Đạo Cao-Đài đã đủ cả tam ngôi ấy:
Về mặt Tôn-giáo “Là một cơ cấu hữu-vi thì cũng không ngoài luật ấy, nên trước tiên cần có đủ chủ hướng là Tinh-thần ấy là Tín-ngưỡng, chủ Tinh-thần ấy là linh hồn của Đạo-giáo, mà linh hồn của Đạo Cao-Đài là Đức Chí-Tôn chủ về cực dương .

Một tôn-giáo muốn sống bền vững và phát triển tốt đẹp thì tôn giáo ấy có đủ Tam-bửu: TINH, KHÍ, THẦN.
- Về Thần: thì khi lập Đạo Cao-Đài, Thần đã sẵn có do Đức Chí-Tôn làm chủ linh hồn của Đạo-giáo.
- Về Khí: thì buổi phôi thai chưa mấy tựu thành nên Đức Chí-Tôn mượn hình thể Diêu-Trì-Cung làm Khí.
- Về Tinh: là hình thể của Đạo Cao-Đài tức là ba chi: PHÁP, ĐẠO, THẾ tượng trưng là: Hộ-Pháp, Thượng-Phẩm, Thượng-Sanh.

Lúc nền Đạo mới phôi thai thì Đức Chí-Tôn và Đức Phật-Mẫu có giáng cơ dạy cách thức lập lễ Hội-Yến Bàn-đào vào ngày rằm tháng tám năm Ất-Sửu (1925) nơi căn phố tư gia của Đức Cao-Thượng-Phẩm và dạy cả Cửu-vị Nữ Phật dưới quyền chủ tọa của Đức Phật-Mẫu, còn bên trên thì có Đức Chí-Tôn hành pháp vô-vi lập thành hình thể hữu-vi của Đạo Cao-Đài có đủ Tinh, Khí, Thần, hợp nhất trong một bàn Hội-Yến, mà Bàn Hội-yến ấy về phần vô-vi chủ yếu là trường sanh bất tử.

Do đó Hội-Yến Diêu-Trì-Cung mà Đức Chí-tôn cho lập trong cửa Đạo Cao-Đài này là cốt yếu hội đủ cả ba bửu pháp: TINH, KHÍ, THẦN để lập thành một cơ cấu trường sanh bất tử tức là sự trường tồn vĩnh cửu của Đạo Cao-Đài đó vậy.”

14 - TAM TƯ NHI HẬU HÀNH
Giải nghĩa: Phải suy nghĩ kỹ đến ba lần cho chính xác rồi mới bắt đầu làm.

Lời bàn: Tại sao Thánh-nhân chỉ dạy rằng phải suy nghĩ ba lần mà thôi? mà không phải là bốn, năm, sáu lần?

Phàm con số 3 nó có tính cách quan-trọng và huyền diệu vô cùng.
Bởi số 3 là do số 1+ 2 mà thành. Số 3 tức là cơ hữu tướng cùng vô tướng hiện có ở càn khôn vũ-trụ này, cũng nói là do Thái-cực họp với Lưỡng nghi thành ra tam tài vậy.

Trong gia đình nếu chỉ có vợ chồng mà không có con là yếu tố hòa-hợp của thể thứ ba thì gia đình ấy thiếu hạnh phúc.
Không khác nào một hình tam-giác là một hình hoàn-toàn nhất trong kỷ-hà-học.

Mỗi sanh vật trong càn khôn vũ-trụ này đều chịu trong định-luật âý, không một vật chi qua khỏi hết:
- Luật tăng tiến thuộc Phật,
- Luật sanh sống thuộc Pháp.
- Luật quản- trị thuộc Tăng.

Một vũ-trụ hay một chơn-linh dù cao trọng, dù hèn thấp cũng có nơi mình ba định luật ấy để dung hòa lẫn nhau mới tạo ra cái sống của vũ-trụ càn khôn .

* Tỷ như một hột cát:
- Có sức kết hợp, biết tìm lẽ hợp nhất âý là thuộc quyền năng của Phật.
- Nó có tan, có hiệp và biến chất âý thuộc quyền năng của Pháp.
- Nó có xác hài của nó để phân biệt vật nọ với vật kia để luân-chuyển nơi này nơi khác, quyền năng âý thuộc Tăng.

* Như trong một cây bông:
- Nó có năng lực hướng về ánh thái dương, năng lực ấy tương liên với ngôi thứ nhất là Phật.
- Nó có khí chất thơm-tho ấy thuộc Pháp.
- Nó có xác hài của nó đẹp-đẽ ấy thuộc Tăng.

* Trong một dòng nước:
- Nó có năng lực mạnh-mẽ, uyển-chuyển, luân-lưu ấy thuộc Phật.
- Nó có tính bay hơi, ngưng tụ ấy thuộc Pháp.
- Nó có hình dáng ấy thuộc Tăng.

*- Trong thân một con thú, một con nai hay một con bò chẳng hạn:
- Nó có sức hiểu biết, khôn ngoan âý thuộc Phật.
- Nó có tính cảm xúc, hợp đoàn âý thuộc Pháp.
- Nó có lẽ sống tự nhiên biết tìm cái ăn uống âý thuộc Tăng.

*- Trong thân người cũng vậy:
- Kẻ biết tìm hiểu, tôn sùng ấy thuộc Phật.
- Biết tìm-tòi, hiểu biết lẽ khôn ngoan, có tình cảm thương ghét ấy thuộc Pháp.
- Có khuynh hướng thỏa thích giác quan ấy thuộc Tăng.

Vạn-vật thảy đều có cái sống riêng của nó nên Thầy mới nói:
 “Trước mắt Thầy không vật chi gọi là vô tri, vô giác, chẳng qua điểm chơn-linh ở trong vật thể này còn tiềm ẩn, còn ở trong vật thể kia đã được phát triển vậy thôi”.

Cái lý Tam ngôi Nhất thể ấy chi phối, điều-khiển cả vạn-linh.
Bởi vậy Đạo lập ra cốt yếu cho chúng sanh TU tức là làm sao cho đừng đi sai lạc chơn-lý điều-hành vạn-vật. Chơn-linh nào đi sai lạc chơn-lý ấy thì phải bị Đoạ là vì vậy.

Cái lý cao sâu, mầu-nhiệm của con số 3 như thế, ông bà mình chỉ nói đơn-giản rằng “nhất quá tam”, tức nhiên không quá ba lần!...

Bây giờ thử tìm hiểu: “tam tư” là gì?
– Tam tư là suy nghĩ ba lần.

Trong vấn đề chữ nghĩa chữ “Tư” có chữ điền trên, tâm dưới; mà trong chữ điền nó kết hợp bởi 4 chữ nhựt , 4 chữ sơn , 4 chữ khẩu ; do đó mà Tam tư thành ra tổng cộng là con số 7 cho nên tiền nhân dạy ta trước khi nói “phải đánh lưỡi 7 lần” tức là phải cẩn ngôn cho lắm. Chữ ngôn có 7 nét

Tôn giáo nào cũng chú ý đến vấn đề “lập ngôn” làm đầu; nhất là ngày nay thực hành tam lập thì lập đức, lập công, lập ngôn, là việc không thể thiếu trong việc tu học là vậy; thế nên dù ở vị thế nào lời nói cũng phải cẩn thận. Và người tu học đang nghĩ gì? Người đời đang nghĩ gì? Có lẽ mộng làm giàu là phần lớn, nhưng làm sao giàu nhanh hơn hết?

- Trúng số! Nhưng trong các loại vé trúng chỉ duy vé “trúng đạo-đức” là không có.

Thế nên ta chỉnh tu thân mình là việc tối cần, không thể nhờ vả vào một quyền lực nào được vậy. Cha mẹ, thầy giáo chỉ truyền dạy bằng tư-tưởng, lời nói chớ không trao tay như trao một túi tiền được, mà chỉ trao cái túi khôn của loài người làm báu vật mà thôi!

15 - TU THÂN HÀNH ĐẠO
Giải nghĩa: Cái Đạo ở Đại-học là làm sáng cái đức sáng, làm mới con người và dừng ở chỗ chí thiện. Có câu “Đại-học chi Đạo Tại minh minh-đức, tại Tân-dân, tại chỉ ư chí-thiện”.

Lời bàn: “Khuôn luật của Đạo Cao-Đài là lo về phần thế-đạo tức là Nho-Tông chuyển thế. Mà Nho-Tông chuyển thế tức nhiên Đạo của Tổ phụ chúng ta từ ngàn xưa để lại.

Ấy vậy những yếu-lý của Nho-Tông mới có thể làm mực thước mà định chuẩn thằng trong khuôn khổ cái sống đương nhiên của mình đặng, chúng ta đã ngó thấy Nho-Tông của chúng ta là một nền tôn-giáo xã-hội, đặc điểm của nó là Đức Chí-Tôn đến lập trường Nho-tông trị thế .

Thế nên, tinh-ba của Nho-Tông là gì?
Phải chăng cái chiến-thuật của nó là “Tu thân, Tề gia, Trị quốc, Bình thiên hạ” tức nhiên cái tôn chỉ cao thượng của Đức Mạnh-Tử là câu trên:

“Đại học chi Đạo, tại Minh Minh đức, tại Tân-dân, tại chỉ ư Chí thiện”
Nhưng thế nào là tu thân?

Từ trước, vấn đề tu thân đã bàn qua nhiều rồi, nay dẫn từ thượng cổ tới giờ, đức Thánh-nhân lấy hai chữ “tu thân” làm căn bản. Hai chữ tu thân đã có từ lâu, nếu chúng ta xem lịch-sử của Nho-Tông thấy nó đã xuất hiện từ đời Huỳnh-Đế, có trên không biết mấy ngàn thế-kỷ trước Thiên-Chúa giáng sanh.

Vậy rất là tối cổ, phương pháp tu thân dù thời đại nào cũng có, chí hướng của các Tôn-giáo là phải tu thân lấy mình, dầu cá nhân, dầu xã hội hay toàn thể nhơn loại cũng vậy, tâm đức con người bao giờ cũng có sự mâu thuẫn. Hễ họ nghe thấy điều nào hay, điều nào thiện đặng họ nhìn một cách chơn thật, nhưng họ không làm. Còn biết chê cái dở, cái ác mà họ lại làm; hai cái đó nghịch cảnh với cái Tâm, không có một vị Thánh nào ở thế gian tìm nguyên lý nó cho đặng.

Bởi vậy tâm lý con người hay xu ác mà xa thiện, vì cớ cho nên các vị Giáo-Chủ lập nên Tôn-giáo dạy phải làm thế nào gọi là tu thân. Dầu cá nhân hay toàn thể nhơn loại cũng phải lấy hai chữ “Tu thân” làm gốc và chính nó khởi đương cho sự lập đức là “tại minh minh đức” vậy.

Nếu cả thảy đều biết nỗi khổ của nhơn loại mà làm phương Tu thân, lập đức thì cái giá trị của thiên hạ thực hiện một cách dễ-dàng và chính những tâm hồn ưu-ái vì Đạo, vì Thầy và vì nhân-loại phải đem cái đức thiêng liêng ấy rải khắp cả thiên hạ thì mới cứu khổ được”.

Phải làm thế nào gọi là TU?
“Người muốn cho linh hồn khỏi mấy điều khổ nhục ở đời như: Sanh, Lão, Bịnh, Tử, thì phải biết Đạo mà trau mình hạnh đức, phải lo tu tâm dưỡng tánh.

Nghĩa chữ tu là trau giồi tánh hạnh, chớ không chỉ riêng việc từ mơi tới chiều tụng kinh gõ mõ mới gọi là Tu. Tu có nhiều bậc.

Bậc Thượng thừa phải ép mình hành xác, phải nâu sồng, khổ hạnh, lo làm âm chất, lo công quả cho Trời Phật, chừng quả mãn, tìm chỗ an-nhàn mà luyện Đạo. Nếu trong thế gian này mỗi người đều phế công việc không làm mà tìm chỗ u-nhàn như vậy, cho là bậc Thượng thừa rồi thì thế sự này phải ấm lạnh, có ai đâu mà lo nhơn đạo?
Con người ở thế, mỗi cá nhân đều có phận sự; nếu bỏ phận sự thì thất nhơn-đạo, mà không Đạo nào tránh khỏi nhơn-đạo cho được. Người hành đạo muốn bỏ nhơn đạo, không lo nhơn-đạo cho hoàn-toàn thì hành-đạo vô ích.

Ấy vậy, trước hết phải biết Đạo là biết có Trời, có Phật, Tiên,Thánh; phải biết có luân hồi chuyển kiếp.

Theo nhơn đạo:
Trai thì lo Tam cang, Ngũ thường,
Gái thì lo Tam tùng, Tứ đức.

Trước hết, lo tu tại gia, tại thiền, tại thị; lo làm lành lánh dữ, trau-giồi tâm tánh chơn thành; ấy là tu đạo làm người: Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín, phải giữ hẳn-hoi; Tam cang phải nắm chặt.

Ở thế phải tuân theo luật thế.
Người phải giữ nhơn-đạo cho hoàn-toàn thì lo gì không gần Thiên đạo.
Giới tâm kinh, có lời rằng
Mày râu đứng giữa cõi trần gian,
Gắng sức chống cho vững miếu đàng.
Phận gái Tam tùng cùng Tứ Đức,
Tề gia nội trợ vẹn là ngoan,

Ngoan ngùy chơn chánh Phật, Thần thương,
Chơn chánh liên hòa với thiện lương.
Thần ,Thánh thành do người chánh thiện,
Thiện lương chơn chánh đức không lường. …

16 - TỨ DIỆU ĐỀ KHỔ SANH LÃO BỊNH TỬ
Giải nghĩa: Bốn lẽ mầu-nhiệm của Phật-giáo là: Sanh, lão, bịnh, tử.

Lời bàn: Con người trong cõi đời này không ai tránh khỏi ra ngoài bốn điều mầu-nhiệm của tạo hóa, đó là: sanh ra, lớn lên rồi già, bao nỗi khổ về bịnh, sau cùng là chết; Chính đó là bốn vấn đề khổ của con người.

“Trong bí pháp của Phật Tổ, Ngài đạt đặng bí pháp, Ngài để trong khuôn viên giải-thoát chúng ta đã ngó thấy. Tại sao người khác Đức Chí-Tôn không để cho tam diệu đề, chỉ có Phật Thích-Ca thấy Tam diệu đề, Ngài mới thêm vô một đề Sanh nữa là Tứ diệu đề (Sanh, Lão, Bịnh, Tử). Đức Phật Thích-Ca nhờ Bí-pháp của Đức Chí-Tôn để trước mắt, Ngài đoạt được cơ quan giải thoát, có chi đâu!

Muốn tránh Tứ-diệu-đề tức nhiên Tứ khổ thì đừng gây NHÂN có nhân tức nhiên có quả. Muốn tránh cho khỏi Bịnh tử thì phải diệt cho hết quả, lẽ dĩ nhiên đó vậy. ..

Xưa bí-pháp Đức Chí-Tôn đã cho Phật Thích-Ca thế nào thì Đức Chí-Tôn cũng có thể cho con cái của Ngài mỗi người để tự giải thoát lấy mình”.

Đức Phật Thích-Ca lập Phật-giáo tại Ấn-Độ, Tây thiên trước, giáng sanh đời nhà Châu, đời vua Chiêu-Vương năm thứ 24, tháng tư ngày mồng 8 âm-lịch. Ngài nắm quyền Chưởng-giáo Phật-giáo và Ngài đã đạt được thuyết nhân quả.

Thử hỏi thế nào là Nhân-quả?
Chữ nhân hợp bởi bộ vi (vi là vây quanh, như một cái vỏ bao bọc) và chữ đại đặt bên trong (đại là lớn, nếu là lớn thì không có gì sánh bằng). Cái khởi điểm đã cho biết là lớn thì không thể lường được; ví như một diêm quẹt cháy là khởi điểm (là nhân), vô tình làm cháy cả khu rừng, làm tiêu hủy tài-nguyên quốc gia (là hậu quả).

Cũng như khởi điểm của con người là một điểm tinh cha hòa với giọt huyết mẹ mà làm nên con người. Con người này lớn lên sẽ làm nên vũ-trụ, dựng xây hòa-bình, đem lại hạnh phúc cho muôn đời như các bậc Giáo-chủ của nhân loại: Thích-Ca, Jésus, Khổng-Tử… còn đó.

Con người cũng có thể gây chiến tranh tàn diệt quả địa cầu bởi sức mạnh của nguyên-tử. Hình ảnh của Tần-Thuỷ Hoàng-Đế làm điên-đảo thế-giới… còn đó Hỏi vậy ta làm người nên chọn cái Nhân nào? Nhân thiện hay nhân ác?

Tất nhiên nhân thiện nên giữ lại, nhân ác đã chôn vùi trong quá khứ, nếu tất cả muốn có Hòa-bình thật sự, tức là không tạo nhân ác nữa, thì đâu còn cái cảnh tương-tàn tương-sát nhau, đâu còn máu đổ thịt rơi, đâu còn cảnh huyết lệ dầm dề.

Nhưng cảnh đời vẫn luôn trái ngược, ai cũng muốn sống hòa-bình, có ai muốn khổ, muốn chiến-tranh đâu! Cũng bởi tại, bị, lý do này, lý do khác; tức nhiên cái Tâm nhân-ái, nhân-đạo, nhân-từ chưa thật sự đến trong tâm-linh của con người. … Con người chưa biết mình tức nhiên chưa biết người; chưa biết mình, chưa biết người làm sao biết được trời, thế nên nhân-loại còn đau khổ. Nhân-loại đã phải chịu đau khổ lần này là do Thiên-điều nhắc-nhở, để thử xem cái mùi đắng cay đến mức nào? Cái cơ đời đã như vậy rồi: Cái nguyên-nhân, cái duyên khởi đã rõ rồi:
“Mới sinh ra người đà khóc chóe,
“Đời có vui sao chẳng cười khì?”

Như vậy phải làm sao?
 “Chúng ta vì một kiếp sanh thọ khổ trong tứ-diệu đề, chúng ta chỉ mơ ước có một điều là: đoạt đặng huyền linh Bí-pháp. Trước khi thực hiện đặng Bí-pháp chúng ta phải có một Đức-tin mạnh-mẽ, đức-tin ấy phải đủ năng-lực trong tinh thần của Hội-Thánh.

Muốn có đức-tin vững chắc chúng ta phải có đức tự tín; có tự-tín mới đoạt đặng thiên-tín, tức nhiên đoạt đặng Đạo-tín của chúng ta. Muốn thấu-đáo và muốn đoạt cho đặng tự-tín, chúng ta phải tự biết chúng ta, rồi ta mới biết địa-vị đứng trong hoàn-vũ này đương đầu với vạn-linh, ngôi-vị ở trong hàng phẩm nào, chúng ta phải biết ta ở đâu mà đến; chúng ta mới hiểu con đường chúng ta sẽ về; bí-pháp sẽ dìu-dẫn chúng ta đi đến con đường ấy.

Cả tinh-thần nhơn-loại hiện giờ đang hoang-mang, giờ phút này họ chưa hiểu họ là ai, đến thế-gian này phải làm gì, ngày mai này khi xác thân đã vùi chôn trong nấm mộ hồn sẽ về đâu!

Hiển-nhiên ai cũng biết mình là kết-quả của tinh cha huyết mẹ phối hợp mà thành. Thuở ban sơ chỉ là một điểm linh có sự sống, buổi nó tượng nhơn-hình của nó. Hỏi vậy cái sống của nó ở đâu? Ai cho mà có? Và cái linh ở đâu mà có? .

Phật-giáo có chối rằng thi hài chúng ta không phải là con vật đâu!

Chính đạo-giáo nhà Phật có nói con người chúng ta là con kỵ vật để cho vạn-linh cỡi nó đi đường từ mặt địa-cầu này qua mặt điạ-cầu khác; mà con thú âý là người của chúng ta, mà người cỡi thú ấy là Phật tức nhiên cái linh của chúng ta đó vậy .

Hình ảnh của Đức Phật Thích-Ca cỡi con ngựa Kiền-trắc đứng trước Tòa-Thánh còn đó để cho ta thấm-nhuần cái lý Đạo: Phật cỡi con ngựa có khác nào như mọi người chúng ta đây đang phải chịu mang cái xác thú này, cũng đang chờ ngày chịu sự hủy diệt. Nếu không lo tu như Phật để giải-thoát còn chờ đợi điều gì?

Bây giờ không phải thi hài này siêu thoát đựơc; thú là thú, sanh ra tại thổ hoàn về tại thổ, còn người cỡi nó là Phật, cho nên không có quyền năng nào giam hãm hay trói chặt linh-hồn này lại được. Phật ấy mới thật là con cái của Đức Chí-Tôn, chính mình con thú mà vật-lý-học đã nói là con thú có người cỡi, mà người cỡi ấy là Phật, là con đẻ của Đức Chí-Tôn .
Ấy vậy, cơ-quan siêu thoát là Phật siêu thoát chớ không phải con thú này siêu thoát được.”

Tại sao ta phải cần tìm hiểu đến Tứ diệu đề khổ để làm gì?.
Đời đã là biển khổ rồi, cho nên người khi đến thế-giới oan nghiệt này là đến biển khổ:

1 - Một là vì căn kiếp quả nghiệp mà đến để giải quyết, trong vòng trái chủ, hoặc trả nợ, hoặc là đòi nợ.
2 - Hai là đến đây để học hỏi mới mong tiến hóa thêm, bởi chính nơi thế gian này là môi trường học hỏi, không có nơi nào khác.
3 - Ba là đến nơi này để làm thiên-mạng: dù là cơ quan Đời hay Đạo cũng vậy. Cái thiên-mạng ấy là lo cho đời, cho đạo ngày càng tươi sáng thêm.

Xưa nay, biết bao nhiêu vị Giáo-chủ đã lãnh lịnh Chí-Tôn đến đây để làm thiên-mạng ấy, nhưng mỗi một đạo-giáo chỉ làm được mỗi một công việc mà thôi, như :
Hiền vì thương đời mà đạt cơ tùng khổ,
Thần vì thương đời mà lập cơ thắng khổ,
Thánh vì thương đời mà dạy cơ thọ khổ,
Tiên vì thương đời mà bày cơ giải khổ,
Phật vì thương đời mà tìm cơ thoát khổ.

Nay là thời-kỳ cùng cuối, chính mình Đức Chí-Tôn đến chớ không sai con cái của Ngài đến như các lần trước nữa, bởi vì trước đây:

“Đức Chí-Tôn sai các vì Giáo-chủ đến tạo Tôn giáo nơi mặt thế này chẳng phải cầu nhơn-loại thờ phụng Ngài, mà chính Ngài đến hay Ngài sai Người đến chỉ để tạo Đền thờ, thờ Đức-tin của nhơn-loại tức là tạo Đền thờ cho nhơn-loại thờ nhơn-loại, không phải thờ Ngài đâu” (Thiêng-Liêng Hằng Sống)

Hôm nay Ngài đến với nhân-loại trong việc lập Tam-Kỳ Phổ-Độ là Ngài đến để giải quyết cho nhân-loại hai vấn-đề:
1 - Giải khổ phần xác thịt,
2 - Giải khổ phần tâm hồn.

Chúng sanh chỉ có tu là đắc Đạo để trong kiếp sanh này về được với Đức Chí-Tôn, tức là giải khổ cho chính mình và đồng thời để giải khổ cho nhân-loại, như Thầy đã hứa:
Thầy ban Đại-Đạo nên yên dạ,
Đất dậy phong ba cứ vững lòng.
Gắng trả cho rồi căn quả ấy,
Tu mà cứu thế dễ như không."

17 - THIÊN THỜI BẤT NHƯ ĐỊA LỢI ĐỊA LỘI BẤT NHƯ NHƠN HÒA
Giải nghĩa: Trong ba điều-kiện: Thiên-thời, Địa lợi, Nhơn-hòa, là các yếu-tố quyết-định mọi công việc trong cuộc hằng ngày, nhưng nếu được thiên thời cũng không bằng địa lợi, còn nếu được địa lợi cũng không bằng nhơn hòa.

Lời bàn: Xem thế thì yếu tố ở con người là yếu-tố quyết định mọi việc nên hư, đặng thất, ở đời rất nên quan trọng; ở con người chỉ duy nhất có một chữ HÒA mà thôi. Chữ hòa là gì mà hệ-trọng dữ vậy?
Trước nhất xét về mặt chữ nghĩa, Thánh-nhân khi đặt ra đều có dụng ý:

Chữ Hòa gồm có hai phần:
- Bên trái của chữ, có chữ Hòa là cây lúa (lúa là nguồn sống để nuôi sống thể hài, là vật-chất; tức nhiên người cũng như vật “phải uống ăn nuôi sống thây phàm”)
- Bên phải là chữ khẩu là cái miệng (miệng để ăn uống, đồng thời cũng là cơ-quan phát ra tư-tưởng, lời nói, là tượng-trưng tinh-thần. Miệng là cơ-quan để lập ngôn đó vậy).

Như vậy chữ Hòa đòi hỏi có hai yếu-tố: vật chất và tinh thần phải tương hiệp cùng nhau mới được: Sống và làm việc.

Trong cuộc sống này muốn hòa phải luôn luôn có đủ hai điều-kiện, không thể thiếu, bởi đó là yếu-tố quyết định, dù là việc lớn hay việc nhỏ cũng vậy. Nó là điều-kiện cần và đủ trong một đời người. Chỉ có con người mà thôi; loài vật nó chưa cần, vì nó chỉ có hai yếu-tố cấu-tạo là sanh-hồn và giác-hồn. Người có thêm một yếu-tố thứ ba nữa đó là linh-hồn. Nhờ cái linh mà người mới được đứng vào phẩm tối-linh, đứng đầu chúng-sanh.

Bài diễn-văn của Đức Hộ-Pháp có giải rõ:
 “Phép của Trời có một, là thương khắp cả chúng sanh, nên định cho phẩm-vị hữu-hình và thiêng-liêng có một, nghĩa là phải tương đắc cùng nhau, đặng định quyết phép công-bình lành thăng, dữ đọa.

“Máy tạo bởi Chữ HÒA mà có, thì thế-giới Càn khôn cũng phải HÒA mới toàn-hảo, nhơn-loại cũng phải HÒA mới trường tồn, chẳng khác nào như xác thịt phải HÒA-THUẬN cùng linh-hồn mới mong đoạt Đạo.

“Lấy lớn mà định nhỏ, xem nhỏ mà tìm lớn, thi hài này nhờ HÒA-KHÍ mà thành hình, thì linh-hồn cũng phải tùng theo phép âm dương HÒA-HIỆP mới qui hồi cựu bổn; linh-hồn bởi chữ HÒA-KHÍ mới có đến, thì tức nhiên phải nương theo HÒA-KHÍ mới có về.

“Tuy pháp bửu của các Tôn-giáo đã đoạt đặng vẫn nhiều, chớ cơ mầu-nhiệm chỉ có CHỮ HÒA là đủ:
 “Thân thể cho mạnh-mẽ tinh-vi, đừng để sa-đà vào lục-dục thì là thuận cùng trí-lự khôn-ngoan.

“Khí-lực cho cường-thạnh thanh-bai, đừng để đến đổi mê-muội bởi thất tình, thì trí-lự khôn-ngoan thuận theo linh-tâm mà nẩy-nở.

“Linh-tâm phải định-tĩnh từ-hòa, đừng để đến đỗi mờ-ám bởi tội-tình, thì thuận với lòng Trời, hiển-linh tại thế đặng đoạt phép huyền-vi:
- Thân là TINH
- Lực là KHÍ
- Trí là THẦN

“Nói rõ ra thì TINH là thân thể; KHÍ là điển lực, nghĩa là trí-lự; THẦN là linh hồn; ba cái BÁU của mình ngày nào tương-đắc, nghĩa là HÒA-HIỆP cùng nhau, thì người mới mong đắc Đạo.

Cơ Đạo của Chí-Tôn đến lập buổi hạ nguơn Tam-Kỳ Phổ-Độ này duy lấy một CHỮ HÒA làm tôn-chỉ.

“Có HÒA mới có HIỆP, có HIỆP mới có THƯƠNG, mà sự THƯƠNG-YÊU là chìa khóa mở cửa Tam thập lục thiên, Cực-lạc thế-giới và Bạch-Ngọc-Kinh y như lời Chí-Tôn đã dạy, chỉ nghĩa là phải Từ-bi Bác-ái mới đắc Đạo vô-vi, phải HÒA-HIỆP mới có CƠ QUI NHỨT.

“Chí-Tôn đã định khai Đạo đặng thị chứng cho các Tôn-giáo biết nhìn nhau trong đường hành thiện, trừ tuyệt hại tranh đấu thù hiềm, làm cho thế-giới đặng HÒA-BÌNH thoát cơ tự diệt.

“Thể Đạo của Chí-Tôn cũng phải nương theo CHỮ HÒA mới toan thành lập, Chí-Tôn định thành Hội-Thánh, đặng thay thế hình ảnh của Người, thì cũng tùng theo phép tạo-hóa cá-nhân mà gây nên ảnh tượng:
- Cửu-Trùng-Đài là thi hài ấy là TINH
- Hiệp-Thiên-Đài là chơn-thần ấy là KHÍ
- Quái-Đài là linh-hồn ấy là THẦN

“Nếu cả BA mà không tương-hiệp, thì khó mong thành Đạo cho đặng.
 “Nếu có một quyền hành nào tại thế này mà làm cho thân thể Chí-Tôn phải chia phui manh-mún, thì là Đạo Ta là giả Đạo, tất nó phải bị tiêu-diệt trong một lúc ngắn-ngủi chi đây.

“Còn như quả là Chí-Tôn vì thương-yêu con cái của Người, chính mình đến lập Đạo đặng giải thoát cho chúng-sanh, thì những mưu chước của tà-quyền ngăn cản bước Đạo của Thầy khó mong nghịch mạng với Chí-Tôn, ắt là không mong bền vững.” (PCT/ 67)

Lời Thầy vẫn luôn thân thiết rằng:
 “Thầy vui muốn cho các con thuận-hòa cùng nhau hoài, ấy là lễ hiến cho Thầy rất nên trân-trọng. Phải chung lo cho danh Đạo Thầy.

“Đạo Thầy tức là các con, các con tức là Thầy, phải làm cho nhau đặng thế lực, đừng ganh-gỗ nghe! Các con giữ phận làm tùy ý Thầy muốn, ngày kia sẽ rõ thấu ý muốn của Thầy”.

Thi văn dạy Đạo.
Chẳng quản đồng tông mới một nhà,
Cùng nhau một Đạo tức một Cha.
Nghĩa-Nhân đành gởi thân trăm tuổi,
Dạy lẫn cho nhau một CHỮ HOÀ!

18 - QUÂN-TỬ CHÍ Ư CẦM THÚ GIẢ
KIẾN KỲ SANH BẤT NHẪN KIẾN KỲ TỬ
KIẾN KỲ THINH BẤT NHẪN KIẾN KỲ NHỤC

Giải nghĩa: Đây là lời nói của Đức Mạnh-Tử rằng.
Người quân-tử đối với thú cầm:
- Muốn trông thấy nó sống mà không nỡ thấy nó chết.
- Muốn nghe tiếng kêu mà không nỡ ăn thịt chúng.

Lời bàn: Đối với bậc Thánh-nhân, lòng nhân-ái thuở nào cũng vậy, là thương yêu khắp cả muôn loài, coi chúng là bạn đồng sanh với người. Bởi lòng thương yêu vô tận của người có sẵn mối Bác-ái, từ tâm luôn khơi động trong lòng, dù một nỗi thống khổ của vật hay của người cũng động lòng trắc ẩn; cảm đức háo sanh của Trời Phật nên không nỡ ngồi nhìn loài người giết chúng để ăn thịt, không nỡ nghe tiếng kêu la thảm thiết trước cái chết của con vật.

Thật ra là con người, ai cũng có tình cảm thiêng liêng ấy. Nhưng hỏi tại sao hằng ngày người ta giết trâu, bò, heo, gà, vịt… để ăn mà không động lòng trắc ẩn? Bởi dưới mắt con người hình ảnh giết thú để ăn thịt nó đã nhàm quá rồi, nên không coi là sự lạ nữa.

Hơn nữa nó là thứ nhu-cầu trong mỗi bữa ăn không thể thiếu, nó làm cho ngon trong bữa ăn, quen miệng…đã bao ngàn năm nay nhân-loại xem nó là “vật dưỡng nhơn” nên xem đó là lý đương nhiên.

Nhưng đối với Đạo-giáo thì có khác hơn nhiều: Bởi cho rằng loài vật nó cũng tham sống sợ chết lắm, nó cũng tránh né lưỡi dao oan-nghiệt của người đời lắm, hãy xem nó lẫn trốn sự rượt bắt của con người, nó kêu la thất thanh khi lưỡi dao kề cổ …như vậy là nó cũng sợ chết và luôn thiết-tha cái sống giống như người vậy. Quả thật, kinh Sám Hối có câu rằng:
Thượng cầm, hạ thú lao-xao,
Côn-trùng, thảo-mộc loài nào cũng linh.
Nó cũng muốn như mình đặng sống,
Nỡ lòng nào tuyệt giống dứt nòi.
Bền công kinh sách xem coi,
Vô can sát mạng thiệt thòi rất oan.

Nay Đại-Đạo ra đời, tất nhiên tình Thương-yêu đã thành luật, nghĩa là Tam-Thánh đã ký với Thượng-Đế bản Hòa-ước thứ ba, chỉ có hai điều là: LUẬT THƯƠNG-YÊU, QUYỀN CÔNG-CHÁNH tức là không chỉ thể hiện lòng thương-yêu giữa người và người mà thôi, mà còn phải thương-yêu cả vạn-vật nữa. Nhưng, nhân-loại đã thâm-nhiễm quá rồi.

Ngày ngày nhân loại giết vật để ăn thịt là một sự ghiền, một thói quen, phần lớn là không thể thiếu trong món ăn hằng ngày của gia đình. Chỉ người Tu là tự ý tránh xa các món ăn động vật, vì các lý-do cần yếu mà nó đã có trong “ngũ giới cấm” tức là năm điều cấm ngăn của Tôn giáo là:
* Nhứt bất sát sanh
* Nhì bất du đạo,
* Tam bất tà dâm,
* Tứ bất tửu nhục,
* Ngũ bất vọng ngữ.

Như vậy mỗi một việc ăn thịt động-vật là đã phạm vào hai giới cấm: thứ nhất và thứ tư rồi. Về việc “cấm sát sanh” Thầy có giải thích lý-do như sau:

“Thầy đã nói với các con rằng: Khi chưa có chi trong càn-khôn thế-giới thì khí Hư-vô sanh ra có một Thầy và ngôi của Thầy là Thái-cực.

“Thầy phân Thái-cực ra lưỡng-nghi, Lưỡng-nghi phân ra Tứ tượng, Tứ tượng biến Bát quái, Bát quái biến hóa vô cùng mới lập ra càn khôn thế-giới. Thầy lại phân tánh Thầy mà sanh ra vạn-vật là: vật-chất, thảo-mộc, côn-trùng, thú-cầm, gọi là chúng sanh.

“Các con đủ hiểu rằng:
“Chi chi hữu sanh cũng do bởi chơn-linh Thầy mà ra, hễ có sống ắt có Thầy, Thầy là Cha của sự sống, vì vậy mà lòng háo-sanh của Thầy không cùng tận.

“Cái sống của cả chúng-sanh Thầy phân-phát khắp Càn khôn thế-giới, chẳng khác nào như một nhành hoa trong cội, nó phải đủ ngày giờ Thầy nhứt định mới trổ bông và sanh trái đặng trồng nữa, biến hóa ra thêm; nếu như ai bẻ hoa ấy nửa chừng thì là sát một kiếp sanh không cho biến hoá

“Mỗi mạng sống đều hữu căn hữu kiếp, dầu nguyên-sanh hay hóa-sanh cũng vậy, đến thế này lâu mau đều, định trước, nếu ai giết mạng sống đều chịu quả báo không sai.
“Biết đâu là cái kiếp sanh ấy chẳng phải là Tiên, Phật bị đọa luân hồi mà ra đến đỗi âý .
“Cái mạng sống là Thầy, mà giết Thầy thì không phải dễ, các con gắng dạy nhơn-sanh điều ấy.” (TN II /62)

Đức Hộ-Pháp nói rộng ra hơn về lý-do không sát sanh, là :
“Dầu cho một cái Bông, chúng ta chưa chắc là một vật, nếu chúng ta bẻ nó một cách vô lối, rủi phải nhằm một sanh mạng của Phật thì klhó mà tu lắm!

“Con thú, chúng ta nói là một vật mà biết đâu trong nó là một vị Bồ-tát đương chuyển kiếp, nếu mình ăn thịt nhằm nó một ngày kia nó về trển nó ngồi ngang mình, nó nhắc kiếp trước Phật có ăn thịt tôi, nhắc nội bao nhiêu đó cũng đủ mang bầu quảy gậy mà tái kiếp nữa. Chúng ta ngó thấy nơi thế gian này, hằng-hà sa-số con vật, mà biết đâu trong con vật lại có một vị Phật Bồ-Tát đương tái kiếp để tạo liên-đài, rủi thay ta ăn nhằm thì khó đạt vị lắm !. Vì cớ cho nên Đức Chí-Tôn biểu chúng ta Trường trai là phải vậy." (TLHS /166)

Nếu công-bình mà nói thì câu “vật dưỡng nhơn” là nghiệp trâu bò giúp người làm ra lúa gạo để ăn, nào cày, bừa, kéo xe, đạp lúa…Mèo bắt chuột, chó giữ nhà, gà gáy sáng…chứ nào phải con vật làm lụng quanh năm giúp người trong việc đồng áng, rồi khi mất năng lực lại đem giết lấy thịt để ăn?

Nếu tôi nhớ không lầm, thì có một bài thơ ta thán như vầy:
Ca dao:
Trâu ta ăn cỏ đất bằng, uống nước bờ ao,
Người ơi! Người chẳng thương ta,
Đến khi ta chết cầm dao xẻ mình,
Thịt ta người xáo linh-đinh,
Da ta bịt trống tụng kinh trong chùa …

Hỏi vậy trong nguơn hội này tại sao mà các loài gia cầm, gia súc cho đến loài vật hoang-dã tự nhiên lại mắc đủ thứ bịnh để trở thành “dịch” mà cả thế-giới phải báo-động hằng ngày như vậy?

Chúng ta cũng thấy loài người đã văn-minh cực điểm đâu còn cần phải dùng tiểu công-nghệ hay nông-nghiệp đơn sơ như trước nữa, cho nên cái sứ-mạng “vật dưỡng nhơn”đã hết nhiệm-kỳ rồi và loài người tiến-hóa cao hơn, nên loài người không còn phải nhờ đến sức kéo cày của trâu bò nữa. Đồng-thời cũng không còn phải dùng thức ăn động vật nữa. Biết đâu thời kỳ đã cáo chung rồi!

Nếu nghĩ kỹ thì loài vật mà Thượng-Đế ban cho để giúp người trong việc đồng-áng có khác nào kẻ ăn người ở trong nhà, sẵn-sàng chia sự khó-nhọc, vất-vả trong việc cày, bừa cho con người có lúa gạo mà ăn, chẳng những không hưởng lương-bổng, mà cái ăn cũng bị hạn chế, rủi ăn phải bó lúa tươi thì bị đánh-đập thậm tệ. Khi mất lực rồi thì đem ra giết thịt, có khác nào ta giết người đầy-tớ để ăn thịt hay không? Nay đã mãn nhiệm-kỳ phụng-sự của chúng rồi, nên biến sanh nhiều thứ bịnh ngặt-nghèo để cho nhân-loại cáo-chung một thời-kỳ ăn thịt động-vật vậy.

Nếu chúng ta gặp được Phật và cầu hỏi Phật chắc-chắn Phật không nói lời nói mà chỉ mỉm cười thầm nhắc cho nhân-loại nhớ lại câu mà Phật đã dạy từ xưa rằng “nhứt thiết chúng sanh giai hữu Phật-tánh”. Nghĩa là trong mỗi chúng-sanh đều có tánh Phật; đã là tánh Phật thì lòng Từ-bi, Bác-ái bao giờ cũng có sẵn vậy.

19 - BẠNG DUẬT TƯƠNG TRÌ NGƯ ÔNG ĐẮC LỢI TIẾU HI HI !
Giải nghĩa: Đây là câu ngụ-ngôn nói về chuyện con ngao và con cò, hai con đang trì kéo nhau để giành phần thắng về mình, thì lúc ấy có lão ngư ông đi ngang qua thấy vậy liền tóm cả hai con đem về, lại cười vui-vẻ.

Lời bàn: Việc trong trời đất này cái cười và cái khóc gần như đi liền nhau, câu chuyện trên ngụ ý rằng hai kẻ tranh nhau, để cho người thứ ba can thiệp vào họ sẽ hưởng phần thắng lợi. Người Việt-Nam chúng ta thường vẫn có những nụ cười hết sức hồn-nhiên chứng tỏ một tâm hồn khoáng-đạt và một tâm-linh thư-thái, an nhàn, tự toại.

Chuyện này đã trùng hợp với việc chia quả bứa của hai tên Ất và Giáp mà ngày xưa tập “Quốc văn Giáo-khoa thư” kể lại rằng: Ất và Giáp đang trên đường đi đến trường, bỗng nhiên Ất hô to lên:
- Ô ! Quả bứa sao mà to thế?
- Giáp liền đến nhặt ngay.

Thế rồi cả hai đều đòi giành lấy cho riêng mình nên sanh sự cải vả nhau. Lúc ấy chợt có Bính đi tới hỏi ra mọi lẽ, Bính trịnh-trọng đứng vào giữa để phân xử: Bính mới bóc ra nửa vỏ này đưa cho Ất nói:
- Công của mày thấy trước, mày hãy nhận lấy nửa vỏ này,

Đoạn day qua Giáp nói:
- Công của mày nhặt lấy, mày hãy nhận lấy nửa vỏ này.

Còn phần ruột quả bứa là phần của tao, công tao đến phân xử cho bây, nói rồi liền cho vào mồm hết trọi!

Trong cuộc đời này biết bao vấn-đề trái ngược nhau thường xảy ra và cứ luôn tiếp diễn; nhưng chúng ta không lấy làm lạ vì chữ ĐỜI, nếu xê-dịch các dấu đi thì thành ra chữ DỐI, chữ ĐỔI, chữ DỜI, như vậy thì đời là kết-quả của sự thay đổi, dối gian, dời đổi, thì còn trách chi ! Đó là cõi trần này cũng đã chỉ cho đó trần-tục, trần-nhơ, trần sầu; thôi thì hai cậu Ất, Giáp cũng đừng buồn vậy.

Vì lý-do đó mà Đạo mới xuất hiện để cứu đới chứ!
Nhưng rồi khi tìm đến với ĐẠO để mong được yên lành, nhưng sao cũng chẳng được yên lành?

Bởi vì mỗi việc đều có khúc quanh của nó. Muốn đến với ĐẠO thì phải thẳng tay cầm ĐAO chặt NẶNG mới ra đường ĐẠO. Chặt những gì gọi là phiền-tóai nhứt, chán-nản ê-chề nhứt, mục-đích để lấy lại sự bình-an cho chính mính. Đó là lời tâm-nguyện sau cùng của câu “Ngũ-nguyện Thánh-thất an-ninh”

Thấy rõ đời là hình ảnh của cuộc chạy đua theo vật chất, đạo là một sự quyết tâm, dứt khoát đó cũng là ấn tượng của “cò, ngao tranh nhau” để cho “ngư ông” là cái tâm của con người có nhiều tham vọng này “đắc lợi” là vậy .

Nhìn lại đất nước Việt-Nam vào thời nhà Nguyễn, sau thời Vua Tự-Đức thì sự phồn-vinh còn kéo dài thêm một thời-gian, tuy rằng lúc ấy đã có mặt của người Pháp nhưng với tính cách truyền giáo mà thôi; sau rồi manh tâm của người Pháp, họ muốn chiếm hữu Việt-Nam làm thuộc-địa, nên bắt đầu có sự nghi-kỵ lẫn nhau, khổ nỗi lúc nào cũng có số người chạy theo lợi lộc quyền thế, bán rẻ lương-tâm lần đến bán nước cũng không xa chi mấy.

Lịch-sử của dân-tộc còn ghi lại hai câu này với một nỗi xót-xa khó tả:
“Nhứt giang lưỡng quốc nan phân THUYẾT,
“Tứ nguyệt Tam vương triệu bất TƯỜNG ”

 Home       1 ]  [ 2 ]  [ 3 ]  [ 4 ]  [ 5 ]  [ 6 ]  [ 7 ]  8 ]  9 ]  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét