Tôn kỉnh Thầy cũng bì Cha trẻ,
Mới đắc truyền mọi lẽ cao sâu .
Học hay kế nhiệm mưu mầu,
Học đặng định chánh tà giả thiệt,
Học cho thông đặc biệt hư nên.
Học gan sắt đá cứng bền,
Học cho đủ chước xây nền Nam-Phong.
Học cho rộng giao-thông tứ xứ,
Học cho cùng xử sự ngoại lân.
Học cho đúng bậc tài thần,
Ưu-quân ái-quốc Vua cần dân nghinh.
Học cho thấu máy linh Cơ tạo,
Học cho toàn trí xảo Văn-minh.
Đem tài hay nhập nước mình,
Làm cho dân hưởng thái-bình giàu sang.
Công dạy-dỗ muôn nghìn khó nhọc,
Ơn của Thầy con học nên người.
Tài hay gom-góp một đời,
Cho con chẳng kể vốn lời hơn thua.
(Câu 449-468)
Như vậy tinh-thần giáo-dục
của một nền Tân-Tôn-giáo Cao-Đài nhứt định đã có một hướng đi rõ-rệt, chỉ còn
phải khai-triển cho thích-ứng từng tuổi tác của học-sinh, từng cấp bực, từng
giai-đoạn cho phù-hợp với trình-độ tiến-hoá của nhân-loại mà thôi.
Đức Hộ-Pháp có giải-thích
vấn đề “Học-hành” như sau:
“Cả thảy, bao giờ loài người nơi thế-gian này
cũng phải học, có học rồi mới có hành “Tiên học nhi hậu hành”. Không ai sanh ra
dưới đất này là khi lọt lòng Mẹ mà tự biết được.
Đức Khổng-Phu-Tử có nói “Bất
học nhi tri phi thánh nhi hà?” Ngài chỉ còn biết nói rằng, dầu cho “thiên kinh
vạn điển bất vị nhi giáo nhân nhất ngôn thiện” (dầu cho muôn ngàn kinh điển
không bằng dạy cho người một lời lành).
Thiên hạ đã để nơi thế-gian
này hai ngàn triệu cuốn sách, mà ở trong đó chỉ tổng-số có một điều là; kiếm phương-pháp
dạy người đặng lành; từ thử tới giờ khuôn luật ấy vẫn một mà thôi.
Hỏi: Đức Chí-Tôn đã đến
chung hiệp cùng ta đem nền chơn-giáo của Ngài để trong Thánh-thể của Ngài, để
trong cửa Thánh bây giờ đây ta để dấu hỏi :
- Ngài muốn tìm gì?
- Thật sự Ngài tìm lành!
Ngài muốn cho con cái của ngài lành .
Sự hung-bạo của thế-gian
đã quá lắm rồi! Ngài đến Ngài trồng giống lành đặng làm huờn thuốc cứu loài người,
là huờn thuốc cứu khổ.
Bần-Đạo nói:
- Ngày giờ nào cả con cái
của Ngài biết Tha-tín và Tự-tín, là lấy cả gương-mẫu của tiền-nhân chúng ta, bậc
Hiền-triết Thánh-nhân, thâu đoạt cho đặng cả tinh-thần, cả hành-tàng của họ, đặng
tạo dựng Tự-tín của mình.
Tha-tín ấy, cả đầu óc nam
cũng thế, nữ cũng thế, nhứt là Thánh-thể của Ngài phải chiếm đoạt cho đặng cái
Bí-pháp ấy.
Đức Chí-Tôn muốn thế, tức
là một phương-pháp cậy người tạo dựng Thánh-thể cho con cái của Ngài hầu làm
khí-cụ nhiệm-mầu độ rỗi vạn-linh sanh-chúng.
Bần-Đạo giảng rằng:
Nền chơn-giáo của Ngài là
một khối lành vô đối của thế gian đương mơ vọng, đương khao-khát đặng hưởng lấy
nó. Hưởng cho đặng nó, đặng bảo vệ sanh mạng của mình, nếu khối lành này không
hiện-tượng được thì sự hung-bạo của nhân-loại sẽ xô đẩy họ đi đến con đường tự
diệt mà chớ .” (ĐHP 14-5 Nhâm-Thìn 15-7-1952)
06 - THÔNG THIÊN ĐỊA NHÂN
VIẾT NHO
通 天 地 人 曰 儒
Giải nghĩa: Người mà rõ biết
được việc thiên-văn, địa-lý, nhân-sự, thì được gọi là kẻ thông Nho.
Lời bàn: Tại sao nhà Nho xưa
đã được đứng trong hàng tôn quí như vậy?
Dù rằng cái học ngày xưa
là một lối “học từ chương trích cú” nhưng đó là nền tảng của một nền văn-hiến của
con người Việt-nam đã thể hiện đủ cả tinh-thần đạo-đức trong đó.
NHO là nguồn đạo-lý phát
xuất từ Đức Thánh Khổng-Phu-Tử là người sáng lập nên Đạo nhân-luân làm giềng mối
trật-tự, kỷ cương, từ trong gia-đình loáng ra ngoài xã-hội không đâu là không cần
ích đến.
NHO 儒 là gì? Nhìn dạng chữ ta thấy rõ hai phần đủ nói lên cái lý Âm dương không
xa lìa nhau. Bên trái là bộ nhân 人 nhân là người, bên phải là chữ nho hay là nhu 需 nhu là sự cần yếu, nhưng trong chữ nhu này có thể còn thấy hai yếu-tố kết-hợp
nữa: Trên là chữ vũ 雨 là mưa, dưới chữ nhi 而 là mày; như vậy chữ nhu là ý nói rằng của này mày có quyền xử-dụng, như nước
mưa mà trời đã ban-thí cho nhân-loại vậy.
Tóm lại, kẻ được gọi là
Nho-sĩ hay thông-nho là kẻ ấy rất cần-ích cho mọi người. Bởi trong chữ Nho nó cấu-tạo
tất cả là ba yếu-tố, như vậy chứng tỏ đây là con số 3 tròn đầy: thể hiện con
người đứng trong Tam-tài: thiên, địa, nhân; chỉ có người đức-hạnh hoàn-toàn mới
xứng đáng là bậc “Thông Nho” vậy, cho nên kẻ ấy phải hiểu biêt.
- Trên thông thiên-văn.
- Dưới đạt địa-lý.
- Giữa quán nhân-sự.
Kẻ thông Nho là đủ yếu-tố
làm nên một số 3 tròn đầy, như vậy là đạt được ba điểm dương, tức là hình ảnh của
quẻ CÀN ☰ Càn vi thiên, Càn là trời vậy.
Nay Đạo Cao-Đài được lập tại
nước Việt-Nam, Đức Thượng-Đế đến lấy “Nho-Tông chuyển thế” mà cốt-tủy của đạo
Nho là lấy Nhơn-Nghĩa làm đầu; vì thế, người Cao-Đài Phải:
- Hằng ngày thực-hành theo
chủ-nghĩa Đạo Nho tức là làm tròn Nhơn-đạo
- Còn việc tu-luyện thì
theo Tiên-Đạo luyện Tinh, Khí, Thần.
- Con đường trở về đạt
ngôi Phật-Đạo.
Tại sao có chuyện như vậy?
Bởi nay Tam-Kỳ Phổ-Độ, tôn-chỉ là Qui nguyên Tam-giáo phục nhất Ngũ chi, thử đọc
lại bài “Khai kinh” sẽ thấy:
Trong Tam-giáo có lời khuyến dạy,
Gốc bởi lòng làm phải làm lành.
Trung-dung Khổng-thánh chỉ rành,
Từ-bi Phật dặn: lòng thành,lòng nhơn.
Phép Tiên-đạo: tu chơn,dưỡng tánh,
Một cội sanh ba nhánh in nhau.
Làm người rõ thấu lý sâu,
Sưả lòng trong sạch tụng cầu Thánh-kinh.
Xét qua các câu kinh trên
có phải tu theo Cao-Đài:
- Lấy Trung-dung làm đầu,
đó là thuyết Nho-giáo của Đức Khổng-Tử .
- Tu theo Tiên-đạo là luyện
Tinh, Khí, Thần, cho hiệp Tam-bửu để được đắc Đạo vô-vi.
- Sau cùng là đạt ngôi Phật-vị.
Bởi người đứng đầu của Cửu-Trùng-Đài
là Giáo-Tông là Phật-vị (Nhứt Phật, Tam Tiên, Tam Thập lục Thánh)
Người đứng đầu Hiệp-Thiên-Đài
là Hộ-Pháp cũng vào hàng Phật-vị (Nhứt Phật, Nhị Tiên, Thập nhị Thánh)
Tất nhiên pháp tu của
Cao-Đài đã thể-hiện tinh-thần “Qui Tam giáo” đó vậy.
Hỏi tại sao ngày nay Đức
Chí-Tôn phải đến lập lại nền Nhân-Nghĩa trong cửa Đạo? (Lời của Đức Thượng-Sanh)
“Trước nhất phải thấy rằng nền Nhân-nghĩa của
con người trên trái đất này đã bị lung-lạc nhiều lắm rồi: Vì theo trào lưu tiến
bộ của văn-minh vật-chất hiện tại, nhất là trước hiểm-hoạ của làn sóng vô-thần
quá khích, con người dù là hạng trí-thức dễ bị lôi cuốn vào cảnh bê tha trụy-lạc,
hoặc bị đưa đẩy vào vòng lợi-danh đen tối làm tôi-tớ cho thế lực kim tiền, bán
rẻ lương-tâm, không còn kể Nhân-Nghĩa là lẽ phải nữa .
Chủ-nghĩa duy-vật đã
lan-tràn khắp trên thế-giới và cả dân tộc Việt-Nam bị đầu độc hết chín phần mười
dân-số, nền luân-lý cổ-truyền đã đổ vỡ, người ta đã vứt bỏ hết mọi đạo-đức và họ
luân-lạc trong đêm dài mờ-mịt, chỉ vì đời sống của họ thiếu hẳn quân-bình giữa
vật-chất và tinh-thần tức là thiếu luồng điện hòa-hợp, thiếu cái biết trí-tri của
tâm-linh hay là ánh-sáng dẫn đến trực giác.”
07 - HỌC GỈA HẢO BẤT HỌC
GIẢ HẢO?
HỌC GIẢ NHƯ HÒA NHƯ ĐẠO
BẤT HỌC GỈA NHƯ CẢO NHƯ THẢO
學 者 好 不 學 者 好
學 者 如 禾 如 稻
不 學 者 如 稿 如 草
Giải nghĩa: Thánh-nhân hỏi
rằng người có học vậy tốt hay là không học vậy tốt? Rồi tiếp theo đưa ra vấn-đề:
Kẻ có học như lúa như nếp, còn người không học như rơm, như cỏ.
Lời bàn: Khổng-giáo rất
chú-trọng đến cái sở học của con người, vì nếu làm người mà thiếu sự học-vấn thì
trong đời chịu rất nhiều thiệt thòi. Các Ngài đưa ra một câu hỏi để làm tiêu đề
cho việc suy luận.
Nhưng có điều dễ nhầm lẫn
vì đây là một câu hỏi chớ không phải là câu nói suông. Có lần một học-viên của
chúng tôi trình-bày về một sự “đắc thắng” của anh ta với một người bạn về đề-tài
trên. Anh ta giải như vầy: học cũng tốt mà không học cũng tốt. Bởi vì người có
học thì như lúa như nếp, còn người không học thì như rơm như cỏ; lúa nếp thì người
ăn, còn cỏ rơm thì cho trâu bò ăn. Thế nên cả hai đều có lợi!
Tôi cho biết rằng một câu
có chủ-đề phải giải như trên thì mới có ý-nghĩa. Anh ta vẫn lập luận rằng biết
bao người có học mà khi ra làm quan lợi-dụng sự hiểu biết rồi áp bức dân lành;
như vậy thì sự học cao hiểu rộng của những người ấy có ích-lợi vào đâu?
Tôi lý-giải như vầy: Người
xưa quan-niệm “người có học” tức là vừa học lễ vừa học văn, cho nên khi người
ra làm quan ít nhiều gì cũng bảo-đảm được cái tinh-thần đạo-đức trong đó. Thế
nên câu “Tiên học lễ, hậu học văn” không bao giờ lãng quên trong tinh-thần của
những nhà “mô-phạm chuyên-chính”.
Bởi ngày nay trước làn
sóng khoa-học tràn vào một cách ồ-ạt quá làm chói-choá, khiến những nhà “làm việc
giáo dục” không xoay kịp theo vòng quay của cái xã-hội giao thời nên còn nhiều
việc ngỡ-ngàng, lúng-túng.
Nhưng phải nói rằng:
Khoa học không có
lương-tâm là một điều nguy-hiểm cho sự sinh tồn của nhơn-loại”.
Đức Hộ-Pháp có lời thuyết-giảng
về vấn-đề này:
“Nghĩ cả khoa-học từ thế-kỷ 20 này nó đã đem lại
cho nhân-loại những gì?
Thật ra cái sanh sống của
nhơn-loại nó có thay đổi, nó có hướng về duy-vật nhiều hơn là tinh-thần khoa-học.
Nếu để tâm suy-gẫm thì ta ngó thấy, nó có thể tạo hạnh-phúc cho xác thịt nhơn-loại
mà nó làm cho tiêu-hủy cả tinh-thần loài người cũng có.
Những nhà triết-học
Âu-châu nhứt là Pháp, đã nói một câu rất chánh-đáng, chánh đáng mà có khuyết-điểm
khoa-học lắm lắm đó vậy .
Họ nói rằng “La science sans conscience est le
plus grave danger de l’existence humaine” (khoa-học không có thiên-lương là một điều nguy-hiểm cho sự sanh tồn của nhân-loại).
Nay vì thiếu nhơn-đạo,
nhơn-loại không biết yêu-ái với nhau, chỉ tranh sống, chỉ tranh mạnh, mong làm
bá-chủ của hoàn-cầu, gây biết bao chiến-tranh khổ-não, chẳng phải hao về sanh mạng
mà thôi, mà hao cả phú-hữu nơi mặt đất này mà chớ; biểu làm sao nhân-loại không
thống khổ cho đặng. Ai đời họ đã làm một điều trái hẳn luật tạo-đoan mà chính mình
Đức Thánh Hava ở tại Đền-Thánh La-Mã đã buộc phải lên tiếng:
- Sanh dục không cần Nam,
nghĩa là người đàn-bà không cần có chồng mà muốn có con, khoa-học có thể cho có
con đặng. Nếu như cái tình trạng ấy quả-nhiên có, đẩy nhơn-loại đi đến một điạ-điểm
chúng ta sẽ ngó thấy gì?
Chúng ta ngó thấy Đạo
luân-thường của nhân-loại sẽ bị tiêu-hủy đi mà chớ!
Đi tới mục-đích đó biểu
sao cả tinh-thần con người không hướng về vật hình, rồi cái Đạo nhân-luân không
đếm-xỉa đến, thử hỏi nếu một trẻ thơ kia sinh ra không có Cha,“Cha nó là một
cái ống bơm kia mà thôi”!
Thử hỏi đạo nhân-luân của
nhân-loại nó đã ra sao mà chớ?
Họ muốn tiêu-diệt cấp bậc,
tức nhiên là muốn phá-hủy cả định luật thiên-nhiên, chúng ta thử để một dấu hỏi:
- Ngày giờ nào chúng ta
đem một người thường dân lên cầm quyrền được thì chúng ta mới có thể đả-đảo đẳng
cấp được.
- Chừng nào chúng ta đem một
chú chăn bò lên ngôi làm quan Toà, chừng đó chúng ta mới có thể đả-đảo các đẳng-cấp
được.
Bởi cả đẳng-cấp nơi mặt thế-gian
này đều có định-luật, mà định-luật thiên-nhiên ấy không có quyền-năng nào sưả-đương
được”.
Do vậy làm người cần phải
học, học cho kiếp sanh hiện-tại mà sự học là phần thăng tiến cho tâm linh nữa:.
Thi văn dạy Đạo
Đâu vui nước Trí với non Nhân,
Lòn-lõi công danh khổ phận thân.
Nực-nội trong lòng lo lúng-túng,
Đài mây để bước khá noi chân.
08 - CƠ-QUAN CHUYỂN THẾ
機 關 轉 世
Giải nghĩa: Chuyển thế là một sự đổi đời, sửa đời,thay đổi đời. Bởi đời có
hư Đạo mới ra tay cứu chữa. Thế nên Đạo Cao-Đài được lập ra để giải quyết nỗi
khó khăn của đời; đó là “cơ-quan chuyển thế”.
Lời bàn: Thầy có dạy “Con
đã mang nơi mình mỗi đứa một trách-nhiệm chẳng phải nhỏ. Thử nghĩ lập một nước
còn dễ hơn dạy một người dữ đặng hiền, huống chi trong Tam-Kỳ Phổ-Độ này các
con phải độ rỗi cả nhân-loại, khắp cả năm châu thì trách-nhiệm ấy lớn lao là bực
nào. Cái hạnh và cái Đức của các con nó phải phù-hợp với cái trách-nhiệm mới đặng.
Các con là đèn và gương soi của nhân-loại. Phải tập mình cho xứng đáng.
Các con có đặng hạnh-phúc ấy
là do học đặng mảy-mún nơi Thầy.”
Thế nên trong nguơn này
vai trò của Đạo Cao-Đài rất quan-trọng, kinh có câu:
Cơ chuyển thế khó-khăn lắm nỗi,
Mượn Thánh-ân xây đổi cơ đời,
Thuận nhơn tâm ắt thuận Trời.
Câu kinh vô tự độ người thiện duyên
Đức Hộ-Pháp có nói:
“Buổi Chí-Tôn mới đến tỏ danh hiệu Ngài. Ngài
hứa với các Môn-đệ của Ngài buổi đầu tiên về “cơ-quan chuyển thế” làm phân-vân
biết bao nhiêu nhà trí thức, tìm hiểu hai chữ chuyển thế là gì?
Chuyển nghĩa là sửa đổi cũ
ra mới, thế là đời.
Theo triết-lý-học định
nghĩa chữ chuyển-thế là xoay đổi thời-đại hiển-nhiên ra thời đại khác hoặc
không phù hợp, hoặc quá khuôn-khổ nên quyết-đoán thay đổi lập-trường
thiêng-liêng vì thời-đại này đã định.
Nếu lấy nghĩa-lý đã định hẳn
ra, tức nhiên chúng ta nhận thấy các khuôn luật đạo-đức từ trước đến giờ để lại
đều bị biếm-trách cả, bởi vì đời quá hung- tàn bạo-ngược, vô-nhân-luân, tinh-thần
đạo-đức không qui-định, tâm-lý loài người không tương-quan cùng nhau, mất cả luật
đồng sanh làm căn-bản của loài người, luật đồng sanh gần như bị hủy bỏ; bởi thấy
tấn-tuồng trước mắt nào giặc-gĩa chiến-tranh, giành sống mà giết hại lẫn nhau,
oán kết thâm thù,, loài người do nơi ấy mà biến-sanh tàn-ác, cái phương sanh sống
đến một giai-đoạn rất khó-khăn và chúng ta thử xét đoán trong các kinh-điển Đạo-giáo
đã để lại là “nắng lửa mưa dầu”.
Trận “mưa dầu nắng lửa” sẽ
có hiện-tuợng y như trong Kinh đã nói. Cũng vì sự sanh-hoạt khó-khăn mà loài người
giết hại lẫn nhau. Trên mặt điạ-cầu, nếu lấy con số hiểu biết người ta định hai
ngàn bảy trăm triệu sanh mạng, không kể mấy trận giặc tàn-khốc đã qua, hiện giờ
làm giảm bớt rất nhiều trong số ấy. Đời sống đến giai đoạn khó-khăn hơn nữa, những
phẩm-vật nuôi sống loài người cũng giảm bớt thì nhân-loại còn quyết-liệt chiến-đấu
hơn nữa.
Thử tìm hiểu định-nghĩa
hai chữ “chuyển thế”:
Chuyển-thế là thay đổi thời
thế. Đem kinh-luật ra quan-sát thấy mỗi thế-kỷ, mỗi nguơn, từ trước đến giờ nhiều
giai-đoạn cũng giống nhau một cách lạ-lùng, những tấn-tuồng này giống tấn-tuồng
trước, không ngoài khuôn viên ấy …"
Đức Ngài tiếp :
"…Dám quả-quyết rằng
sẽ còn đại-động dữ- dội một phen nữa nơi mặt địa cầu này, đặng chi? Đặng giống
da trắng giao quyền cho sắc dân mới nữa là giống dân Thần-Thông-Nhơn (Race
lucide) làm chủ, cầm giềng mối toàn mặt địa cầu này
Hại thay! Luật
thiên-nhiên, chiếu theo kinh-luật Thượng-cổ để lại quan-sát hẳn-hoi, dở sách ra
coi thấy trước thế nào sau thế ấy, bánh xe tiến-hóa vẫn đi, xây một hướng một
chiều.
Bần-Đạo e cho loài người
mài-miệt tội-lỗi đó càng nguy-hại cho loài người hơn nữa nên Chí-Tôn lập Đạo
Cao-Đài là Đền thờ cao-trọng, Đức-tin to lớn ngự trước thiên-lương loài người mới
có thể thắng cơ-quan Thiên-điều định trước.
Chúng ta là Thánh-thể của
Ngài giải quyết được chăng? Nếu thoảng không được cái hại này còn duy-trì nữa.
Ngài muốn Việt-Nam này là Thánh-Địa cho nhân-loại biết rằng nhờ đây mà giải-quyết
cứu thế, bảo-tồn nhân-loại là do con cái của Ngài . Nếu bất lực chúng ta có phần
lỗi đó vậy.”
Tâm nguyện của nhơn-sanh
là lúc nào cũng cầu quyền-năng của Thiêng-liêng giúp sức mới vượt qua được những
khó-khăn mà sức phàm này không giải-quyết nỗi.
Kinh rằng:
Nguyện Ơn Trên cho yên trí-não,
Nguyện Phật Tiên dạy bảo chơn-linh.
Mạng danh Hội-Thánh đã đành,
Nâng tay nhục thể xây hình Chí-Tôn.
09 - NHÂN SINH BẤT HỌC MINH MINH NHƯ DẠ HÀNH
人 生 不 學 瞑 瞑 如 夜 行
Giải nghĩa: Kiếp sống của
con người mà không học thì cũng mờ mờ như người đi đêm. Bởi bên chữ minh 明 là sáng, thì cũng có chữ minh 瞑 là tối nữa. Luật tương-phản là vậy.
Lời bàn: Xưa nay, thường
quan-niệm học là học văn-chương chữ nghĩa, chứ ít ai nghĩ đến học Đạo; bởi vì
cái học cần-yếu để lấy bằng hầu ra làm việc kiếm sống, tức là cái học phải thực
dụng, nếu nghĩ như vậy thì tâm-linh không tiến-hóa được.
Đối với việc học Đạo nếu
có, là trường hợp “có sự bắt buộc” là nhà tu bên Phật-giáo hoặc Công-giáo… Còn ở
Cao-Đài là các người có nhiệm vụ như Chức-sắc, chức việc. Tuy ngày nay là buổi
mà Thánh-ngôn có nói là:
“Biến chuyển trời Nam cuộc đảo-huyền,
“Trả vay cho sạch vết oan-khiên.”
Thế nên nhiều người rất
khát-khao mong muốn học Đạo nhưng phải học những gì? Chưa ai giải-thích được.
Tuy nhiên việc cần-yếu là mỗi người tùy theo điều-kiện sẵn có mà tự trau-giồi lấy,
như chương-trình học của Bà Đoàn đó!
Nếu có thể nói rằng: con
đường học về trí-thức như kẻ “đi từ chơn non đến bán lộ” còn con đường học về đạo-đức
như kẻ đi từ “bán lộ đến thượng đỉnh”. Do vậy mà sự học nào cũng cần thiết; chỉ
duy có điều là có thì giờ để học hay không, có chịu xem là cần-thiết hay không
mà thôi ..
Giả-sử có người hỏi “học Đạo
là học cái gì, học để làm gì?” .
Xin dẫn chứng, người đi đường
cần phải học “luật đi đường”, còn người Đạo Cao-Đài học về “Luật-pháp Đại-Đạo”
chẳng hạn, nếu không biết luật thì cũng gây ra tai nạn nhiều lắm vậy; mà tai nạn
này là “lạc nẻo vào Phong-Đô” thì nguy-hiểm đến ngần nào?
Chỉ một lời Minh-thệ cũng đã
thấy rõ sự cần-yếu của “Luật” rồi .Tại sao lời này phải đủ 36 chữ? Tại sao có sự
mầu-nhiệm trong đó?
Giá-trị Luật-pháp Đại-Đạo
vô cùng mầu-nhiệm và tuyệt-đối cần-thiết trong phương-thức sống: sống cho ngày
hôm nay và cũng cần-yếu cho ngày mai, là ngày giải-thoát cái áo xác thịt này.
Chúng ta có bao giờ nghĩ rằng
với những đàn cơ Đức Chí-Tôn giáng dạy về việc Thành lập Hội-Thánh Cửu-Trùng-Đài
Nam-phái tại Từ-Lâm-tự đêm 16-10-năm Bính-Dần (20-11-1.926)
- Việc Đức Lý giáng cơ ban
sắc phục cho Nữ-phái.
- Lần sau cùng vào đêm
12-1 Đinh-Mão, Đức Chí-Tôn giáng dạy về Hiệp-Thiên-Đài .
Chỉ với ba đàn cơ đó đủ
xây dựng hình thể Pháp Chánh-truyền của Đại-Đạo, không?.
Pháp-Chánh-Truyền do Đức
Chí-Tôn và Đức Lý qui định cùng sự chú-giải của Đức Hộ-Pháp chỉ hơn kém nhau
khoảng 70 trang sách, thế mà quyền-hành Chức-sắc Hiệp-Thiên-Đài, Cửu-trùng-Đài;
có cả Đạo-phục, Luật công cử đều được qui định, hệ-thống phân-minh.
Cái giá-trị của
Pháp-Chánh-Truyền vô cùng thiêng-liêng mầu-nhiệm bởi đây là “Truyền Chánh
pháp”; Lời truyền-phán của Đức Chí-Tôn như vầy:
“Thầy đã nói Ngũ-Chi Đại-Đạo
bị qui phàm là vì khi trước Thầy giao Chánh-giáo cho tay phàm, càng ngày càng
xa Thánh-giáo mà lập ra Phàm-giáo, nên Thầy nhứt định đến chính mình Thầy đặng
dạy-dỗ các con mà thôi, chớ không chịu giao chánh-giáo cho tay phàm nữa.”
Cũng như Tân-Luật không đầy
20 trang sách, nhưng đó là Thiên-điều tại thế; bởi tính cách thuộc về huyền-linh
xưa nay chưa từng có.
Tuy việc Đạo về luật hình
không có nhà tù, khám lớn, nhưng chắc-chắn rằng sẽ chí công vô tư, tuyệt đối
công bằng, thưởng phạt phân minh, lành siêu dữ đoạ, nếu không như vậy thì chả lẽ
hằng triệu người tín-ngưỡng một Tôn-giáo đều là mê-tín hết hay sao?
Thi văn dạy Đạo
Tâm thành có thuở nghiệp nhà nên,
Đạo-đức khuyên con cứ giữ bền.
Hễ đặng bữa cày buông bữa giỗ,
Phân thân đâu đặng hưởng hai bên.
10 - NGỌC BẤT TRÁC BẤT
THÀNH KHÍ
NHƠN BẤT HỌC BẤT TRI ĐẠO
玉 不 琢 不 成 器
人 不 學 不 知 道
Giải nghĩa: Ngọc là một thứ
đá quí dùng làm đồ trang sức, vì nó tự phát ra một ánh-sáng làm hấp dẫn con người,
còn gọi là “kim cương”, Ngọc có từ trong đá, khi lấy ra phải nhờ bàn tay thợ
trau-chuốt, cắt gọt nên hình dáng đẹp-đẽ thì mới có giá trị.
Lời bàn: Con người cũng vậy,
dù thông-minh huệ-trí đến đâu cũng phải có được sự dạy-dỗ của người trước, của
bậc tài hoa, thì mới đạt được bậc trí-tài, hữu dụng .Nói chung nếu không học là
không biết lý sống ở đời.
Là một tín-hữu Cao-Đài ta
sẽ học những gì?
Trước nhứt học cho hiểu
cái Tôn-chỉ của Đạo Cao-Đài là “Qui Tam-giáo hiệp Ngũ chi”.
Trong Tam giáo có Nho,
Trong Ngũ chi có Thánh.
Nho-giáo ở Á-Đông,
Thánh-giáo ở Tây-Âu, cho nên giáo-lý Cao-Đài xem Thánh-giáo, Nho-giáo là một;
vì cả hai chủ-trương phần nhơn-đạo nhập thế.
Trong dạng thức Tam giáo gồm
có:
- Đức Thích-Ca tượng-trưng
Phật-giáo.
- Đức Thái-Thượng tượng-trưng
Tiên-giáo.
- Đức Khổng-Tử tượng-trung
Nho-giáo
Ngày xưa Đức Khổng-Tử biết
áp dụng phương pháp cụ thể, tức là bằng gương mẫu hình ảnh. Nên “đã đưa vua
Nghiêu, vua Thuấn ra và mặc cho các đức tính hiếu-thảo, đạo-đức”, nhắc đi nhắc
lại mãi cho quen tai, đến lúc nhắc đến Nghiêu, Thuấn là quần-chúng hình dung
ngay một ông vua có hiếu thảo đã nhường ngôi cho người tài đức.
Thuấn từ nơi thôn quê, sằng-dã
mà lên làm vua, lúc xong trở lại cuộc sống thanh-nhàn như trước. Cả hai vì vua
này hết lòng lo cho dân cho nước.
Ngày nay, mở Đạo, Đức
Chí-Tôn cũng áp dụng phương-pháp nêu gương Thánh-đạo của các vì Giáo-chủ. Cũng
vì lý-tưởng càng đặt gần con người thì trình-độ con người càng gặp nhiều may-mắn
hiện thực được, cho nên thay vì đặt lý tưởng từ Thần-Nông, Hoàng Đế, Đại-Vũ…
thì Đức Khổng-Tử chỉ đặt lý-tưởng là Nghiêu, Thuấn.
Nay Chí-Tôn đặt Tam-Trấn để
thay quyền Tam-giáo. Nhiệm-vụ của Tam-trấn trong kỳ ba Phổ-độ này có:
- Đức Phật Quan Âm đại-diện
Phật-giáo.
- Đức Thái-Bạch đại-diện
Tiên-giáo.
- Đức Quan-Thánh Đế quân đại-diện
Thánh-giáo.
Tại sao Chí-Tộn mở Đạo
Cao-Đài còn phải Qui Tam giáo hiệp Ngũ chi làm gì?
“Bởi ĐẠO là cơ bí-mật làm cho kẻ phàm có thể
đoạt đặng phẩm vị Thần, Thánh, Tiên, Phật.
Thầy đến qui Tam giáo hiệp
ngũ chi đặng để cho chúng ta hiểu cơ mầu-nhiệm mà luyện tinh-thần.
Thầy đã đến rồi, thoảng muốn
lập riêng ra một Tôn-giáo khác lại chẳng đặng sao? Lại Qui Tam giáo hiệp Ngũ
chi mà làm gì?
Nếu như kẻ ngoại giáo nói
mình bắt chước đoạt cả Đạo của người ta mà làm của mình thì mới nói sao?
Ai ai cũng hiểu rằng:
- Nhơn-Đạo dạy tu-luyện về
phần xác,
- Tiên-đạo dạy phần trí thức
tinh-thần.
- Phật-đạo dạy phần Hư-vô
tịch diệt
Xin giải thích vì lý-do gì
Qui Tam giáo trước đã:
VỀ HÌNH THỂ
“Ai sanh ra dưới thế này
cũng phải giữ đủ Tôn-chỉ của ba Đạo: Nhơn-Đạo, Tiên-Đạo và Phật-Đạo mới làm đặng
hoàn-toàn phận-sự con người.
Tỷ như Nhơn-đạo thì dạy
mình vẹn giữ Tam cang Ngũ thường mới biết bổn-phận mình đối với xã-hội nhơn-quần
thế nào cho nhơn-loại cộng hưởng hòa-bình, chẳng nghịch lẫn nhau mà phải trái hẳn
với đức háo-sanh của Thượng-Đế
Muốn cho nhơn-loại đặng
lòng hữu-ái mà kính mến lẫn nhau thì Tiên-Đạo lại dạy ta phải lão-luyện tinh-thần
cho đặng thông-minh trí-hóa hầu kiếm phương giúp đỡ bênh-vực lẫn nhau.
Nơi địa-cầu 68 này là nơi
luyện cảnh (Monde ex piatoire) chúng ta chẳng những phải bị ma hồn quỉ xác
cám-dỗ mà thôi, mà chúng ta còn bị thiên-tai mộc ách; chúng ta chẳng những đối
địch cùng hung-bạo của đời mà thôi, mà phải đối địch cùng các nghiệt bịnh của
Trời hành xác nữa.
Ôi! vì vậy mà nhiều bậc
văn-tài trí-sĩ bên Âu-tây cắm cúi cả đời tìm kiếm một phương hay mà sửa đời đặng
bênh-vực nhơn-sanh khỏi điều tận diệt . Trí-não phải thá-luyện đến đỗi nhiều vị
đoạt đặng cơ bí-mật của Trời mà làm ra một khoa-học, có nhiều phương hay và quá
trí khôn-ngoan của người, nên coi các Đấng âý như là Đaị-Tiên cũng phải.
Khi chúng ta đã đặng đủ
khôn-ngoan chiếm-đoạt cơ bí-mật của Trời mà lập ra các cơ-khí, nếu không có Phật-giáo
dạy ta giữ dạ Từ-bi mà cứu nhơn độ thế, thì cái học-thức khôn-ngoan ấy nó trở lại
hại cho nhơn-sanh hơn nữa.” (Diễn văn của Đức Hộ-Pháp )
11 - TINH THẦN TAM GIÁO QUI NHỨT
精 神 三 教 歸 壹
Giải nghĩa: Từ xưa đến giờ,
ai cũng biết nhân loại tôn vinh ba nền Đạo lớn là Phật, Tiên, Thánh.
Lời bàn: Thật vậy, nhân-lọai
đã trải qua bao ngàn năm không bao giờ mất niềm tin trong lòng đối với các vị
Giáo-chủ đầy sự Tôn-kính.
Luận về thời Nhị Kỳ Phổ-Độ
cũng có ba nền Tôn giáo là:
- Phật-đạo: thì Thích-Ca
mâu-ni làm Chưởng-giáo.
-Tiên-Đạo: thì Thái-Thượng
Nguyên-Thuỷ làm Chưởng giáo,
-Thánh-Đạo thì Đức Khổng-Thánh
Tiên-Sư làm Chưởng-giáo .
Tuy nhiên vì tinh-thần Tam
giáo trải qua nhiều ngàn năm nên đã bị thất-kỳ-truyền, khiến cho những giáo-lý
xa xưa ấy không đủ sức kềm chế Đức-tin của nhân-loại nữa, làm cho mất tình
đoàn-kết với nhau và nảy sanh ra nhiều cuộc Thánh-chiến khốc-hại.
Giữa thời buổi này cần phải
có một Giáo-lý mới mẻ để thích-ứng với trào-lưu mới.
Ngày nay, chính Đức NgọcHoàng
Thượng-Đế đến Giáo Đạo tại Nam-phương xưng là “Cao-Đài Tiên-Ông Đại-Bồ-Tát
Ma-Ha Tát”.
Ngài nói với chúng sanh
như vầy:
“Chư chúng sanh nghe:
“Từ trước, TA giáng sanh lập
Phật-giáo gần sáu ngàn năm, thì Phật-Đạo chánh-truyền gần thay đổi. TA hằng
nghe chúng-sanh nói “Phật giả vô ngôn”. Nay nhứt định lấy huyền-diệu mà giáo Đạo,
chớ không giáng sanh nữa, đặng chuyển Phật-giáo lại cho hoàn-toàn.
Dường này, từ đây, chư
chúng sanh chẳng tu bị đoạ A-Tỳ, thì hết lời nói rằng “Phật Tông vô giáo” mà chối
tội nữa.
TA nói cho chúng sanh biết
rằng:
“Gặp Tam-Kỳ Phổ-Độ này mà
không TU thì không còn trông mong siêu rỗi.” (TN I / 20)
Như vậy, thời buổi này
nhân-loại cần phải có một Giáo-lý mới-mẻ mới đủ sức thu phục nhân tâm, còn
Tam-giáo đã trải qua mấy ngàn năm rồi, vì vậy ngày nay Đức Chí-Tôn đến mở ĐẠI-ĐẠO
TAM-KỲ PHỞ-ĐỘ Qui nguyên Tam giáo cũng vì lý do ấy.
Đức Hộ-Pháp có nói rõ:
“Người biết Đạo người thì
là trọng mình, mà trọng mình thì phải giữ tinh-thần cho tinh-tấn Tinh-thần tinh
tấn mới đủ tư-cách dạy đời làm lành lánh dữ .Ấy là Tam giáo qui nhứt.
Nếu trong xã-hội mà mọi người
đặng vậy thì trong xã-hội đặng hưởng phước-hạnh thái-bình; còn ước như các xã-hội
trên mặt điạ-cầu này đều đặng vậy thì đời mới thế nào. Cái hạnh-phước của toàn
nhơn-loại trên địa-cầu 68 này có ngày đặng vậy chăng?
Coi lại tôn-chỉ Đạo thì
Anh em ta có lòng dám tin chắc rằng sẽ đặng điều hạnh-phúc ấy không sai.”
(Trên đây đã nói về hình thể của việc Qui Tam
giáo, bây giờ là nói về phần thiêng-liêng vậy)
VỀ THIÊNG LIÊNG
Trước, không có chi trong
càn-khôn thế-giới là vô-vi. Thoạt nhiên hai lằn không-khí chẳng biết gốc nơi
đâu, kêu là “Hư vô chi khí” đụng nhau mới có chơn-linh của Thầy và ngôi của Thầy
là Thái-cực.
- Trái lửa Thái-cực là cơ
hữu-hình, vâng lịnh Thầy mà phân ra Lưỡng nghi, Tứ tượng và biến Bát-quái, nhứt
nhứt có trật tự, ấy là cơ Nhơn-đạo
- Rồi sanh ra vàn vàn muôn
muôn điạ-cầu cùng khắp càn-khôn thế-giái . Trong các điạ- cầu ấy có ba ngàn thế
giái và bảy mươi hai trái địa-cầu có nhơn loại ở .Ấy là phép biến-hóa của Tiên
đạo.
- Khi chia mình ra mà lập
càn-khôn thế-giái rồi thì khối lửa Thái-cực của Thầy đã tiêu mất trở lại vô-vi,
tức là cơ mầu-nhiệm của Phật-Đạo đó vậy.
- Bát-quái biến-hóa vô
cùng mà lập ra các địa-cầu toàn trong càn-khôn thế-giái và vạn-vật mà chúng ta
thấy đặng dưới mắt rõ-ràng đây. Ấy là một cuộc hữu-hình mà trọn cuộc hữu-hình nầy
dường như vâng mạng lịnh của một quyền- hành Thầy rất lớn, không xâm-phạm lẫn
nhau mà phải hại.
Cơ mầu nhiệm Nhơn đạo rõ-ràng
đó vậy.
- Mỗi trái địa-cầu có
nhơn-loại tức là chơn-linh ở. Hằng ngày tô điểm sửa-sang làm cho nó đặng đẹp: hễ
địa-cầu đẹp thì tinh-thần của các chơn-linh phải tấn-hóa thêm cao đến ngày cực
điểm văn-minh. Ấy là cơ mầu-nhiệm của Tiên-Đạo.
- Chừng địa-cầu đặng
hoàn-hảo, các chơn-linh đặng cực điểm văn-minh rồi, dầu hưởng đặng lâu hay mau
thì rồi phải bị tiêu diệt .Ấy là cơ mầu-nhiệm của Phật-Đạo.
- Người, lúc chưa vào thai
bào thì là Hư-vô,
Khí âm dương tương-hiệp biến
ra Nhơn-hình; tới lúc sanh ra cho đến khi trưởng-thành là cơ mầu-nhiệm của
Nhơn-đạo;
- Khi đã trưởng thành lại
học tập tu-luyện tinh-thần cho trí-hóa trở nên khôn-ngoan là cơ mầu nhiệm của
Tiên-đạo.
- Khi già rồi chết, thi
hài bị tiêu diệt là cơ mầu-nhiệm của Phật đạo”
Trên đây là bài Diễn-văn của
Đức Hộ-Pháp có chỉ rõ ba giai-đoạn biến hóa lần lượt vào các thời kỳ của Thiên,
Địa, Nhân đó vậy.
12 - NGŨ CHI HIỆP NHỨT
五 枝 協 壹
Giải nghĩa: Thánh-Ngôn Hiệp-Tuyển
có dạy “Vốn từ trước Thầy lập ra Ngũ chi Đại-Đạo là Nhơn-Đạo, Thần-Đạo, Thánh-Đạo,
Tiên-Đạo, Phật-Đạo”.
Lời bàn: Tại sao gọi là
“chi” 枝? Bởi chi là cái nhánh, cái cành; phần lớn của cây
gọi là thân, phần nhỏ gọi là nhánh.
Thầy nói “Cái nhánh các
con là nhánh chính mình Thầy làm chủ, sau các con sẽ hiểu”.
Tại sao bày ra làm gì mà
có nhiều Tôn-giáo, nhiều tín-ngưỡng để giờ này phải qui hiệp một cách khó-khăn
như vậy?
- Vì tinh thần của nhơn-loại
phân nhiều giai cấp.
- Tâm lý không đồng đều.
- Lại nữa thời buổi mà thế-giới
chưa giao tiếp với nhau; nên Tôn-giáo mở ra nhiều nơi cho phù-hợp với sự tiến-hóa
của nhân-lọai .
Nay là thời điểm mà
nhân-loại được tiến hóa, phương-tiện đi lại dễ-dàng hơn, vấn đề viễn thông mau
chóng, nên việc qui nguyên Tam giáo hiệp nhứt ngũ chi lại là vấn đề thiết-yếu
hơn bao giờ hết .Đấy là lúc Chí-Tôn đến .
Thầy nói:
“Nếu các con hiểu rõ cơ huyền-diệu của kiếp
luân hồi con người, chẳng phải như thói thường tình định liệu, thì con không buồn
và con cũng không oán trách Thầy. Nơi Bạch-Ngọc-Kinh cả thảy đều là con cái của
Thầy, tức là Anh em với nhau.
Cái phẩm-vị của các con phải
buộc tái sanh nhiều kiếp mới đến điạ vị tối thượng mình là Niết-Bàn. Một lời
nói với nhau, cũng đủ cả hai xuống thế mà khuyên giúp lẫn nhau. Con chẳng nên gọi
là oan nghiệt.
Còn Đạo mới khai lập, tuy
xuất hiện chưa đầy một năm, chớ chư Tiên, chư Phật, đã lập cùng cả năm châu.
- Chẳng khác nào khi trước
Nhơn-Đạo chưa mở, thì đã có Châu-Công truyền trước.
- Thánh-Đạo Jésus chưa ra
đời, thì đã có Moise, Elie, Gérimie, Saint-Jean-Baptiste.
- Đạo Tiên Nguơn-Thỉ chưa ra đời thì có Hồng-Quân Lão-Tổ, Lão-Tử, Thông-Thiên giáo-chủ
truyền đạo.
- Phật Thích-Ca chưa ra đời thì đã có
Nhiên-Đăng Cổ-Phật và Brahma truyền Đạo .
Thầy chưa giáng cơ truyền Đạo tại nước Nam, chứ
chư Thần, Thánh, Tiên, Phật dùng huyền diệu này mà truyền cùng vạn quốc.” (TN I
/ 61)
Cái thắc-mắc chung là tại sao khi mỗi nơi có một tín-ngưỡng rồi thì Đạo ai nấy thờ, tín-ngưỡng ai nấy giữ có phải
thuận-tiện hơn không? Lập ra Tôn-giáo mới làm gì, mà nhân loại phải yểm cựu
nghinh tân?
Thầy có nói rõ:
“Tùy theo phong-hóa của nhân-loại mà gầy Chánh
giáo, là vì khi trước Càn vô đắc khán, khôn vô đắc
duyệt, thì nhơn-loại duy có hành-đạo nội tư phương mình mà thôi .
“Còn nay thì nhơn-loại đã hiệp đồng, càn khôn dĩ tận thức, thì lại bị phần nhiều Đạo ấy mà nhơn-loại nghịch lẫn nhau; nên Thầy mới nhứt định Qui nguyên Phục nhứt. Lại nữa,
trước Thầy lại giao Chánh-giáo cho tay phàm, càng ngày lại càng xa Thánh-giáo
mà làm ra phàm-giáo. Thầy lấy làm đau đớn hằng thấy gần trót mười ngàn năm,
nhân-loại phải xa vào nơi tội-lỗi, mạt kiếp chốn A-tỳ.
“Thầy nhứt định đến chính
mình Thầy độ rỗi các con chẳng chịu giao Chánh-giáo cho tay phàm nữa. Nhưng mà
buộc phải lập Chánh-thể, có lớn nhỏ đặng dễ thế cho các con dìu-dắt lẫn nhau,
anh trước em sau mà đến nơi Bồng-Đảo.” (TN I /18)
Nếu ta nhìn các Tôn-giáo mỗi
nơi như một cái nhà, thời gian lâu dài đã làm cho cột kèo bị mục nát, có cái
thì mái ngói đã bị dột, nếu phá hủy thì không được vì chưa hẳn bị sụp đổ, mà xử
dụng thì không an-toàn, hôm nay Ông Trời đến dở hết ra để chỉnh-tu lại, cái nào
còn nguyên vẹn thì lấy riêng ra, gom-góp lại dựng nên một ngôi nhà mới, đề
danh: “Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ”
Đó là lý do “Qui nguyên
Tam giáo Phục nhứt Ngũ chi” .
Trong bài diễn-văn của Đức
Hộ-Pháp, ngày 14-2-Mậu-Thìn, có luận qua Ngũ chi Đại-Đạo:
Theo hình thể :
“Ngũ chi Đại-Đạo là: Nhơn-đạo, Thần-đạo, Thánh
đạo, Tiên-đạo, Phật-đạo.
Cả toàn địa-cầu này hễ làm
người thì có Nhơn đạo nơi mình rồi.
Mà mình nong-nã làm người
hữu-dụng cho đời tức nhiên mình đã hơn người, ấy là Thần-đạo đó vậy .
Hễ hữu-dụng cho đời tức là
mình hơn đời, gọi là quán thế, tức nhiên mình làm Thánh-đạo đó vậy .
Mình hơn đời là nhờ cái
khiếu thông-minh nó hứng sự thông suốt của đời dạy mình cho nhiều, rồi lại biến
hóa ra thêm, trí-hóa phù hợp với cơ huyền-vi mầu-nhiệm của trời đất . Nếu đoạt
đặng cơ mầu-nhiệm ấy mà làm của mình, rồi lại truyền bá ra cho cả nhơn-loại học
hiểu cái biết của mình mà thật hành ra sự hữu ích cho đời, tức là mình làm
Tiên-Đạo đó vậy .
Biết đời rồi biết mình, rồi
biết đến tinh-thần mình là chủ tể của mình . Mình biết đặng tinh-thần mình rồi,
hễ nhờ nó mà nhơn-phẩm mình đặng cao bao nhiêu thì lại càng yêu-thương lại nó bấy
nhiêu, nên buộc phải lo cho nó đặng thanh-tịnh, nghỉ-ngơi đôi lúc mà đợi ngày
thoát xác, tức là làm Phật-Đạo đó vậy.
Với các nguyên-nhân thì
Ngũ-chi tỷ như một cái thang năm nấc bắc cho mình leo lên một địa-vị ngang bực
cùng Thầy, tức là Phật-phẩm đó vậy. Chưa ai nhảy một nhảy mà lên cho tới một từng
lầu năm thước bề cao; mà như ai đã để sẵn một cái thang năm nấc thì có thể lần
lần mà leo lên đặng.
Thầy hiệp Ngũ-chi đặng làm
một trường học năm lớp cho mình tu-luyện, chẳng khác một trường học phàm kia vậy,
lần lần bước đến đặng đoạt thủ địa-vị của mình. Hễ ngồi đặng phẩm nào thì địa-vị
của mình ở nơi ấy, chẳng ai còn tranh-giành ngược- ngạo không nhìn-nhận cho đặng.
- Mình là người tức đã có
sẵn Nhơn-phẩm,
- Mình mới luyện nhơn-hồn
theo gương của chư Thần mà chúng ta thờ-phụng đó thì tức nhiên cũng đoạt được đức
tánh của chư Thần mà làm Thần-vị của mình
- Đặng Thần-vị rồi lại xem
gương của các Thánh mà tu-luyện Thần-hồn mình cho đặng Thánh-đức tức nhiên cũng
đoạt đặng Thánh-vị vậy.
- Đặng Thánh-vị rồi cũng
luyện Thánh-hồn mình theo Thánh-đức chư Tiên mà đoạt cho đặng Tiên-vị .
- Khi biết mình đã vững nơi
Tiên-vị rồi thì mình cũng cứ đào-luyện Tiên-hồn theo gương chư Phật mà gấm-ghé
vào Phật-vị”.
Thi văn dạy Đạo
Tường quang nhứt khí chiếu minh đông,
Tam giáo qui nguyên dữ cộng đồng.
Phật-pháp khuyến nhơn qui mỹ tục,
Nho-Tông phục thế hưởng thuần-phong.
Diệu-huyền chơn-Đạo tu tông hướng,
Mê-hoặc tà-mưu khả tự phòng.
Thế thượng dục tu thiên-sứ đáo,
Tam kỳ Phổ-Độ lập kỳ công.
13 - CỐ ẢNH TỰ LIÊN
顧 影 自 憐
Giải nghĩa: Trông vào bóng
mà tự thương cho mình.
Lời bàn: Cố là ngoáy nhìn
lại, tức là nhớ về kỹ-niệm đã qua; ảnh là caí bóng; Tự liên là chính mình thương
mình.
Phàm cuộc đời trăm năm đà
mấy chốc, rồi cũng qua đi, nhưng:
- Thời-gian là liều thuốc
làm cho tuổi trẻ phấn-khởi tinh-thần, đặt nhiều hy-vọng cho tương-lai, vẽ lên
nhiều nét huy-hoàng, hùng-vĩ.
- Thời-gian làm cho tuổi
trung-niên tăng nhiều ý-chí ở công thành danh toại .
- Thời-gian cũng là tấm gương
phản chiếu, nhìn lại quá-khứ của cuộc đời đã đi qua giờ này đang là lúc
hoàng-hôn, bóng xế.
Tuy nhiên, trên trời có bao
nhiêu vầng mây đổi sắc, thì tình đời cũng ngần ấy bức tranh vờn vẽ cho cuộc sống
của con người; nếu nhìn về quá-khứ.
Hoặc tự hào một quá trình
vàng son rực rỡ, đắc chí.
Hoặc tủi thân chưa toại ý
vừa lòng.
Hoặc đau khổ cho kiếp trần
nhiều ngang trái.
Nhưng làm một người biết
được việc tử khứ sinh qui là định-luật thì nên thương cho mình, chưa tìm cho
chính mình một điểm tựa cho linh hồn, phải tự hỏi rằng:
Tại sao mình có mặt trong
đời này làm gì mà phải chịu trong vòng Tứ khổ? sống để làm gì? Khi chết sẽ về
đâu? Một khi đã nắm vững được cái triết lý sống rồi, thì cuộc đời này chỉ là một
cuộc viễn-du trong vòng thế-giới và tâm sẽ bình-an như nhìn đám mây chiều bảng
lảng, mà ngâm thơ của Bà Huyện Thanh Quan, cho thoải-mái tâm hồn.
Đây là bài Chiều hôm nhớ nhà
Chiều trời bảng-lảng bóng hoàng-hôn,
Tiếng ốc xa đưa lẫn trống đồn.
Gác mái ngư ông về viễn phố,
Gõ sừng mục tử lại cô thôn.
Ngàn mai gió cuốn chim bay mỏi,
Dặm liễu sương sa khách bước dồn.
Kẻ chốn Chương-đài người lữ-thứ,
Lấy ai mà kể nỗi hàn ôn.
Trong Thánh-ngôn Thầy cũng
có dạy rồi:
“Nơi trần khổ này, dầu cho bậc Chí-Thánh cũng
khó tránh sự lỗi lầm đặng, nhưng sự ăn-năn, tự hối là quí báu vô giá. Các Tiên
Phật xưa cũng nhiều bậc đứng đặng địa-vị cao-thượng Thiêng-liêng là nhờ có sự cải
quá mà nên chánh quả:
Có nhiễm trần. Có lăn lóc
mơi sương chiều gió,
Có kim mã ngọc đàng, Có
đai cân rực-rỡ,
Có lấn lướt tranh đua, Có
ích kỷ hại nhân,
Có vui-vẻ với mùi đỉnh
chung lao lực, mới thấy đặng tỏ rõ bước đời gai chông khốn đốn, mới thấy đặng
cuộc nhục vinh, buồn vui không mấy chốc; chẳng qua là trả vay, vay trả đặng đồng
cân, chung cuộc lại thì mối trái oan còn nắm, mà cũng vì đó mới thấy đặng điều
hạnh đức trau mình, trò đời chẳng qua một giấc huỳnh-lương.
“Đạo mở tức để cứu vớt sanh linh thoát vòng khổ
hải, ấy là cho kẻ hữu phần mà thôi.” (TNI/16)
Thế nên trong cuộc đời này
mỗi người phải biết làm đẹp cho mình bằng món hành trang Đạo-pháp để làm điểm tựa
cho tinh thần, tức là phải biết mục-đích sống. Sống để làm gì? và con đường về
nhứt định phải thênh-thang rộng mở.
Thần, Thánh kêu gọi tu
hành, vui theo Đạo Thánh hiền, nếu chưa đủ Đức-tin ta tu thử, nếu như quả có thật
Thiên-đàng thì ta không tiếc uổng vì một kiếp sanh có lý tưởng. Hãy tự thương mình
vậy!
14 - VÔ VI BẤT KIẾN
無 為 不 見
Giải nghĩa: Cõi vô hình,
vô ảnh, mắt phàm không thể thấy đặng.
Lời bàn: Chữ kiến 見 là thấy, hợp bởi bộ nhân 儿 (đây là nhân đứng), là người và chữ mục 目 là con mắt. Người thấy được là nhờ Mắt; mắt phải có hai, để quan sát mọi vật
xung quanh và đồng thời nhận-định được điều sai quấy. Người nhờ có mắt mới
tu-hành được. Mắt là điều tối ư quan trọng trong đời sống hằng ngày, mà cũng cần
yếu trong việc tu-hành nữa. Nhờ có mắt mới luyện mắt được, chớ không có mắt làm
sao mà luyện mắt được! Tuy vậy, nhưng mắt chỉ thấy phần hữu-hình mà thôi, muốn
thấy được ở phần vô-vi phải luyện. Việc luyện mắt từ xưa đến nay đều đã được
nhiều nhà Tôn-giáo chỉ dẫn, duy Đạo Cao-Đài cách luyện mắt tức là “Cúng Tứ thời”;
mục đích là luyện Tinh, Khí, Thần, hay còn gọi là luyện Thiên-nhãn đó vậy. Nếu
không tu-luyện thì không thấy được phần vô vi, mà chúng ta thường cho là vô hình,
vô ảnh. Thế nên mới nói là “vô-vi bất kiến”.
Thánh-ngôn Thầy có dạy:
“Thầy đã đến chung cùng với các con; các con
duy có TU MÀ ĐẮC ĐẠO; phải đoái lại bá thiên vạn ức nhơn sanh còn phải trầm
luân nơi khổ hải, chưa thoát khỏi luân-hồi, để lòng Từ-bi mà độ rỗi .
“Nay tuy các con chẳng thấy
đặng hành-vi mầu-nhiệm mà chính mình Thầy đã đến nói, các con cũng nên tin nơi
Thầy mà cho rằng lời Thầy dạy là chơn-thật. Nếu các con đợi đến buổi chung qui,
hồn ra khỏi xác mới thấy cơ mầu-nhiệm đặng, thì chừng ấy đã muộn rồi .
“Vậy các con khá tuân lịnh dạy.” (TNI/35)
Vì TU mà không thấy được
việc vô-hình nên thường luận bàn nhiều việc viễn-vông hoặc chỉ trích không đúng
lý mà sinh ra phạm thượng, chịu tội lỗi về lời phát ngôn của mình. Do vậy mà Lục-nương
Diêu-Trì-Cung có đến để chỉ giáo đôi điều bí-yếu; chuyện vãng với Bà Hương-Hiếu
là hiền-nội của Ông Cao-Quỳnh-Cư rằng:
“Em chào mấy chị, cười ..!
“Hèn lâu, Em ước ao sao đặng hội-hiệp cùng mấy
chị cho thân-mật tâm-tình nhưng không phương chi đặng; nay nhờ Hương-Hiếu Đại-Tỷ
và Hộ-Pháp Đại ca khẩn-đảo Diêu-Trì huấn độ Nữ-nhi. Em lãnh lịnh Thầy Em là
Kim-Mẫu Nương-Nương mong đến tỏ-tường Thánh-giáo. Em chủ tính là nâng đỡ trí-thức
tính-thần của Nữ-phái lên cao cho vừa cùng Nam-phái. Em ước-ao sao cho mấy chị
đặng vậy là Em thỏa nguyện. Cười!
“Trước khi giảng dạy điều
“Vô-vi bất kiến”, Em khởi dạy phẩm-vị Nữ Nam nơi trần-hoàn này bởi đâu mà phân
biệt? Mà cũng vì phân biệt ấy mà đè nén, nghịch nhau, làm cho cơ Trời ra dời đổi.
“Nam Nữ vốn tương thân mà
không tương-ý là tại nơi đâu? Thì cũng tại học thức bất đồng tinh thần bất ngộ.
Cơ tạo thế do đó mà gây ra trong toàn nhân-loại không đồng tâm, đồng chí thì là
phân biệt sang hèn, chỉ tại mang lấy cốt phàm. Vậy thì Nam có thể là Nữ, mà Nữ
có thể là Nam. Tâm thần đồng phẩm hạnh mới phải.
“Em tỷ như cõi
thiêng-liêng, đời hằng biết danh hơn hết là Từ-Hàng Bồ-Tát, trước vẫn là Nam,
sau hóa ra Nữ. Vậy Nữ với Nam vốn một phẩm quyền; Nam dường nào Nữ cũng đối quyền
dường ấy, duyên phận ấy tại quyền mình lập vững .
“Mong sao cho mấy chị hiểu
thấu giá-trị của mình đừng để cho người khinh cam hổ ngươi.
“Từ đây Diêu-Trì-Cung
chung lo lập phận cho mỗi người, chỉ xin mấy chị một điều là làm thế nào cho ra
xứng giá.” (Thảo-Xá Hiền Cung 15-10 Kỷ-Tỵ 1929)
Thi văn dạy Đạo
Cành mai thơ-thới đượm hơi Xuân,
Dìu-dắt đem nhau lại đảnh thần.
Tích đức để lòng trau khổ hạnh,
Diệt phàm gắng chí thoát mê-tân.
Lừng Trời vẹt ngút mây xanh mịt,
Đài ngọc khoe gương sắc rạng ngần.
Công-nghiệp dồi-dào Âm-chất đủ,
LONG-HOA đại-hội hưởng Thiên-ân.
15 - BẰNG HỮU CHI GIAO
朋 友 之 交
Giải nghĩa: Tình bạn bè chơi
với nhau.
Lời bàn: Xưa nay trong xã-hội
này cuộc sống luôn luôn có sự kết kợp. Ở nhà có tình gia đình, ra ngoài có tình
bạn hữu, nhưng tình bạn đó phải có sự xứng hợp thì mới lâu bền và thân-thiết
nhau được. Tuy nhiên, phải biết chọn bạn mà chơi, câu “Gần mực thì đen, gần đèn
thì sáng” vẫn đúng qua mọi thời gian; tình bạn ấy chẳng những trong hiện tại mà
còn khắn-khít trong cảnh thiêng liêng nữa.
Người xưa hình thành chữ bằng
(là bạn) đã ví như hai mặt trăng kề nhau, cho nên chữ bằng 朋 ghép bởi hai chữ nguyệt 月 tức nhiên ngụ được ý một
vầng trăng trên trời dọi bóng xuống nước, cho nên dù đi đến đâu cũng xem như có
một vầng trăng đi theo; cũng nói rằng nơi nào cũng có thể tìm bạn được. Nhưng
còn được định vị là phải coi như ngang hàng với nhau, không được xem nhẹ, dù
giàu dù nghèo đã chơi với nhau thì không phân biệt; hoặc khi cơ duyên có thay đổi
thì lòng không được đổi thay, tức nhiên giữ bền tình giao-hữu như ban đầu “Giàu
không đổi bạn, sang không đổi vợ”
Ngày xưa, trong thi văn đời
Đường nổi danh hai nhà thơ: Đỗ-Phủ và Lý-Bạch. Đức Lý thì tài làm thi như Thần,
xuất khẩu thành thi, trong những lúc có thêm men rượu thì thi tứ dồi-dào như suối
nguồn tuôn đổ; còn Đỗ-Phủ thì trau chuốt đến chỗ tuyệt vời, đẽo gọt thật sắc
bén; cả hai đều tuyệt tài! Tinh thần phóng khoáng, sinh thời thường xướng họa
thi văn với nhau thật là tâm đắc; nhưng cả hai đều “cỡi hạc qui Tiên” cách nay
hàng nghìn năm.
Thế mà, vào khoảng năm
1925 (Ất-sửu) là thời-kỳ tiền khai Đại-Đạo, cái thời mà các vị tiền bối còn chơi
“Xây bàn thỉnh Tiên”; mỗi đêm các Ngài thường cầu các vị quá vãng hoặc trong giới
thi-hữu hoặc trong lãnh vực kỳ-tài về cùng nhau xướng họa thi văn với nhau; người
xướng xuất trước nhất là Đức Cao-Quỳnh-Cư (sau là Thượng-Phẩm) bàn với các Bạn
rằng:
- Bình sanh Tôi rất lấy
làm phục thi văn Ông Lý-Bạch; vậy chúng ta cầu thử Ngài coi. Đoạn các Ông mới
thắp nhang ra giữa trời khấn vái. Quả nhiên có Đức Lý Đại-Tiên đến nhập đàn cho
một bài thi:
Đường-trào hạ thế hưởng Tam quan,
Chẳng quản công danh chỉ vị nhàn.
Ly rượu trăm thi lời vẫn nhắc,
Tánh Tiên muôn kiếp vốn chưa tàn.
Một bầu phong nguyệt say ngơ-ngáo.
Đầy túi thơ văn đổ chứa chan.
Bồng-đảo còn mơ ngày bút múa,
Tả tình thế sự vẽ giang-san.
(Lý-Bạch Đại-Tiên)
Thế rồi các vị lại nhớ tình thâm-giao của hai Đại thi-hào ngày xưa, bèn mời tiếp: Mời Ông Đỗ-Phủ về họa thơ của Lý-Bạch, Đức Ngài giáng đàn, hoạ ngay:
HỌA
Chẳng nễ Công-khanh bỏ ấn quan,
Bồng-Lai riêng thú hưởng an-nhàn.
Thi Thần vui vịnh ngoài rừng trước,
Rượu Thánh buồn vui dưới cội tàn.
Nắng hạ trời thương đưa gió quạt,
Nồng thu đất cảm đổ mưa chan.
Vân-du thế-giới vui mùi Đạo,
Sớm dạo Kỳ-San, tối Cẩm-san.
(Đỗ-Phủ)
Điều này cho thấy rằng tình
bằng hữu phải xem là đạo trọng vậy. Bởi “sống sao thác vậy”
16 - BẦN TIỆN CHI GIAO MẠC
KHẢ VONG
貧 賤 之 交 莫 可 忘
Giải nghĩa: Tình bạn khi
đã thân-thiết nhau rồi thì họ hiểu cả tư-tưởng, cả sở thích của nhau, có khi tình
ruột thịt không bằng, thế nên người xưa dùng hai tiếng “tri âm”, “tri kỷ” để chỉ
tình bạn thâm giao đó vậy. Khi đã là tình bạn với nhau thì lúc giàu sang có
nhau hay gặp phải vận cùng cũng không thay đổi; tức là dầu cho “ giàu không đổi
bạn, sang không đổi vợ”.
Lời bàn: Hình ảnh Bá-Nha,
Tử-Kỳ đã nói lên tình tri-kỷ thân thiết ấy. Người xưa đã định danh đó là một
“nghĩa-vụ” rất nên yếu trọng.
Bá-Nha là người đời Tống,
làm quan đến chức Thượng Đại-phu, có tài chơi đàn rất giỏi. Ông thường phàn-nàn
rằng trong trời đất này không ai hiểu được tiếng đàn của mình.
Một đêm trăng sáng, nhân
đi sứ ở nước Sở về, lại có gió mát, cảnh vật nên thơ gợi hứng. Bá-Nha liền cho
quân ghé thuyền vào bờ sông Hàm-dương lấy đàn ra khải. Trên bờ sông; cùng lúc ấy
có Chung-Tử-Kỳ vừa đốn củi về, nghe tiếng đàn trầm bỗng liền dừng lại trộm
nghe. Cung đàn đang réo-rắt, bỗng lại đứt dây . Bá-Nha đoán là có người đang
nghe trộm tiếng đàn của mình. Nhưng nghĩ lại: đây là chốn thâm sơn cùng cốc thì
làm sao có người thưởng lãm nỗi khúc đàn tuyệt-diệu này : thế rồi cũng cho quân
lên bờ tìm cho ra hư thực.
Lúc ấy, Chung-Tử-Kỳ liền
lên tiếng:
- Tôi là người đốn củi, chợt
qua ngang đây được nghe Đại-nhân gảy khúc đàn hay nên trộm lắng nghe .
Bá-Nha không tin một gã tiều-phu
trẻ tuổi lại có tài thưởng-thức nỗi tiếng đàn tuyệt diệu của ta như vầy; liền hỏi:
- Ta đàn bài gì ban nãy
đó? Tử-Kỳ liền đáp:
- Ngài đàn bài Đức Khổng-Tử
thương tiếc Thầy Nhan-Hồi .
Bá-Nha có ý trọng người am
hiểu được tiếng đàn của mình liền mời xuống thuyền, rồi lên dây gảy một khúc
đàn khác, tâm trí đang nghĩ như mình đang ở chốn non cao. Tử-Kỳ khen hay:
- Chí của Ngài cuồn-cuộn
như dòng nước chảy (dương dương hồ chí tại lưu thủy)
Bá-Nha nhìn nhận đây chính
là bạn “tri âm” của mình, biết thưởng thức được tiếng đàn, nên rất quí mến.
Cả hai cùng đàm-đạo rất là
thân-mật và tương đắc lắm . Bá-Nha mời Tử-Kỳ cùng về nước Tống chung hưởng sang
giàu. Tử-Kỳ từ chối, vì còn cha mẹ già cần phải phụng dưỡng, không thể trái Đạo
làm con. Cả hai cùng hẹn nhau ngày hội-ngộ nơi địa điểm này vào năm sau.
Y lời! qua năm sau, Bá-Nha
cũng trở về điểm hẹn. Đến nơi, lấy đàn ra gảy, nhưng không thấy Tử-Kỳ đâu, tiếng
đàn lại nghe như oán như than. Bá-Nha sinh nghi, liền tìm đến nhà, hỏi ra mới
biết Chung-Tử-Kỳ đã chết. Bá-Nha xin đến viếng nơi mộ Tử-Kỳ, thăm lần cuối và
đem đàn ra gảy khúc lâm-ly, bi-thiết, dường như chưa bao giờ có được một khúc
đàn tuyệt -diệu như vâỵ bao giờ; bày đồ cúng tế Tử-Kỳ xong, Bá-nha khóc than thảm-
thiết cho một tài hoa bạc mệnh và nghĩ rằng trong đời không còn ai là người “hiểu
được tiếng lòng của ta” rồi đập vỡ cây đàn, thề rằng không bao giờ đàn nữa vì
đã mất bạn “Tri Âm”! .
Phan-Bội-Châu có thơ rằng:
Đàn Bá-Nha mấy kẻ thưởng âm?
Bỗng nghe qua khóc trộm lại thương thầm,
Chung-Kỳ chết, ném đàn không gảy nữa.
17 - TIÊU LIÊU SÀO LÂM BẤT
QUÁ NHẤT CHI
YẾN THỬ ẨM HÀ BẤT QUÁ MÃN
PHÚC
鷦 鷯 巢 林 不 過 壹 枝
燕 鼠 飲 河 不 過 滿 腹
Giải nghĩa: (Tiêu-liêu là
loài chim chá cô. Ngày xưa nói rằng bất cứ khi nào con chim này bay, nó cũng
bay về phương Nam; vậy nên các lời thơ ca nói về tâm-trạng người bị đi đày về
phương Bắc (chỉ nước Trung-Hoa), thường hay mượn loài chim này để nói lên cái tình
yêu quê hương, tỏ lòng hoài cảm. Như vị anh-hùng Cách-mạng Phan-Bội-Châu, ông đã
lấy hiệu Sào-nam cũng nương theo ngụ ý đó, tức là “Việt-điểu Sào-Nam chi” (chim
Việt đổ cành Nam)
Câu 1 - mượn lời nói con
chim tiêu-liêu làm ổ trên rừng cây, bất quá cũng chỉ nương có mỗi một cành cây
mà thôi.
Câu 2 - con chuột uống nước
sông chẳng qua cũng chỉ uống đầy bụng nó thôi.
Lời bàn: Trên đây là lời
nói của ông Hứa-Do đối cùng Vua Nghiêu khi đến mời ông ra làm quan, ông trả lời
rằng: Vì Thần đã quen cái thú an-nhàn của Thần rồi, dầu bệ hạ có truyền ngôi
cho Thần đi nữa Thần cũng không làm; Thần chỉ biết lập đức mà thôi. Dầu cả công
danh phú quí ở mặt thế gian này đối với cái đức không có giá trị gì hết .
Hãy nhìn xem, con chim làm
tổ trên cây chỉ cần một cành cây nhỏ cũng đủ cho nó rồi, khác nào như con chuột
xuống sông uống nước, cũng chỉ cần đầy bụng là xong .
Vậy thì công danh phú quí
để làm gì mà ham, mà luyến?
Hứa-Do xưa là một vị hiền-tài
của thời thượng-cổ, ông cùng thời đại với Sào-Phủ, là một bậc ẩn-sĩ tài đức. Chỉ
có chuộng đức mà Vua Nghiêu đi tìm Ngài để rước về đặng truyền ngôi cho, nhưng
Ngài chỉ coi giấc mộng Công-danh là phù hoa gỉa tạm, như mây nổi trăng lên, nào
có đáng gì đâu!
Hứa-Do cương quyết từ chối,
đi ở ẩn tại núi Trung-nhạc, phía Nam sông Dịch thủy. Trước nghĩa cử ấy, vua
Nghiêu rất kính phục.
Lại một lần nữa, vua
Nghiêu mời Hứa-Do ra cai-quản chín châu. Hứa-Do rất bực mình phải nghe chuyện
quyền tước, liền ra bờ sông Dịch-thủy để rửa tai. Bấy giờ Sào-Phủ cũng đang dắt
trâu xuống bờ sông định cho trâu uống nước; thấy Hứa-Do rửa tai, Sào-Phủ hỏi lý-do.
Hứa-Do thuật lại chuyện Vua Nghiêu quyết nhường ngôi cho mình, rồi còn cho Ngài
cai quản chín châu, cho nên ông phải rửa tai vì sợ bị nhiễm vào tai.
Sào-Phủ nói:
- Ông đi đâu, mà lại nghe
người ta nói? Nghe mà đi rửa tai, thà đừng nghe có hơn không? Nói xong, liền dắt
trâu đi lên phía trên dòng nước chảy .Hứa-Do thấy vậy liền hỏi :
- Sao ông lại dắt trâu đi
lên? -Sào-Phủ đáp:
- Vì tôi không muốn cho
trâu uống nước dơ, sợ bẩn miệng trâu.
Cái giá trị của vua Nghiêu
đối với Hứa-do không có gì hết, mới có câu trên thật là:
“Cái vòng danh lợi cong
cong,
“Kẻ hòng ra khỏi người mong chen vào.”
Gẫm lại, người đã hiểu đời
mới biết ngán cho đời, kẻ đã lăn lóc trên nẻo họan đường danh mới biết chán đường
danh nẻo lợi .
Thi văn dạy Đạo
Đức cao thì mới đáng nên người,
Đức thắng tài kia đã mấy mươi.
Có đức có tài giềng đạo trọng,
Không tài không đức hóa không thời.
18 - KỶ SỞ BẤT DỤC VẬT THI
Ư NHÂN
己 所 不 欲 勿 施 於 人
Giải nghĩa: Những gì mình
không muốn người khác làm cho mình, thì mình không được hành động ấy đối với
người khác.
Lời bàn: Câu nói trên được
áp dụng bất cứ lúc nào và ở thời điểm nào cũng vẫn đúng. Bởi vì một sự va chạm
vào thân thể là thịt da đều đau-đớn, vậy thì mình không được quyền hành-hạ hay
đánh đập người khác. Những việc tương-tự đều cũng có giá-trị như nhau, nên
Thánh-nhân đã khéo đưa ra một triết lý sống hết sức là cao-thượng vậy.
Cái sở-hành chơn-pháp của
Đức Chí-Tôn chỉ dùng một câu là đủ: có nghĩa rằng :
“Đức Chí-Tôn đào-tạo chơn-pháp vô lượng vô
biên để cho nhơn lọai thi-hành mà đoạt phẩm-vị thiêng-liêng: Thần, Thánh, Tiên,
Phật.
Chơn-pháp cũng có một như
Chơn-luật vậy:
- Chơn-luật của Đức
Chí-Tôn đã chỉ rõ là Thương-yêu.
- Chơn-pháp là Công-bình.
Luật-pháp của Chí-Tôn đã chỉ rõ ra đây toàn cả
nhơn-sanh đều nghe, hiểu biết và thường có nói; chỉ
có một điều là tại không thực hành, nếu con người dưới thế này đồng thi-hành y
như chơn-pháp CÔNG-BÌNH thì đời sẽ trở nên tận thiện tận mỹ; mà cơ tự diệt sẽ tiêu-tan không còn thấy tấn-tuồng bi-ai thảm-đạm như thế
Phép Công bằng của Đức Chí-Tôn là một cây Cân
Công bằng:
- một đầu là Tiên, Phật.
- một đầu là Quỉ.
Chánh tà phân biệt đôi bên, ấy là phép công
bình lành siêu, dữ đọa. Đức Chí-Tôn muốn cho con cái của Ngài đều đặng cao
thăng phẩm-vị thiêng-liêng chớ không bao giờ mà phải đào-tạo Địa-ngục để đày-đọa,
hình phạt nhơn-sanh, mà trái lại tại
nhơn-sanh tạo cảnh khổ ấy”.
Giờ này, chúng ta sống nơi
trái địa-cầu 68 này là cái nhà, trọng-hệ yêu-ái nhứt của chúng ta, tưởng chắc
ai cũng sợ chết lắm, sợ chết rồi lià khỏi trái địa cầu này đi. Vì cái sợ chết ấy
mà cố bám víu vào nó và coi như một cứu cánh, có lẽ Thần Tiên ở cõi cao kia khi
nhìn thấy chúng sanh lao-nhao, lố-nhố mà thương hại cho cái vô minh, giống như
hai trẻ con giành nhau “một cái tiền lá mít” mà đánh nhau đến u đầu vỡ trán. Vì
cái sợ chết mà phải chịu sa-đọa; nếu như tất cả đều nắm vững cái sống chết thì
chắc-chắn nhân-loại sẽ không khổ-sở như thế này đâu .
Quả-quyết rằng trong càn
khôn vũ-trụ này, cái địa-cầu 68 này là hạng chót, hạng khổ-não nhứt nơi mặt địa-cầu
này; như vậy kiếp sanh nơi mặt địa-cầu này không phải đáng cho chúng ta lưu-luyến;
nhưng thử hỏi chúng ta đến đây để làm gì, mà khi vừa đến rồi thì ôm trọn cái
oan-khiên; nào danh, nào lợi, nào tình; không dám bỏ sót một món nào hết. Thử hỏi
có vô-lý không?
Nếu tất cả chúng ta đều thấy
rằng đó là chuyện vô-lý thì chi bằng quẳng quách nó đi cho rồi, tội gì tranh
giành từ một cái nút chai, một mảnh đất hẹp, một bước chân trên cát? Nhơn-loại
muốn sống thanh-bình mà chính mình thì cứ gây chiến tranh mãi thì làm sao có
bóng thanh bình xuất hiện. Các nước gọi là siêu cường , mà thật ra chẳng “cường”
chút nào hết, trái lại phải gọi là “siêu nhược” thì đúng hơn! .
Nước Mỹ đứng đầu thế-giới
gọi là văn-minh mà chẳng có văn-minh chút nào. Ỷ mạnh đem quân đi đàn áp nước
nhỏ, làm hại đến nền hòa-bình của các nước đàn em, rồi cứ thế xua quân thẳng tiến:
hại người rồi Trời hại, lẽ nào hơn? Nếu rủi thời ai là tác-nhân gây nên mấy trận
bão dữ-dội ở nước Mỹ chắc Tổng-Thống Mỹ sẽ treo giải mấy chục triệu đô-la để bắt
cho được “tên khủng bố”; đằng này “ ông trời” ra tay khủng-bố thì hết đường chạy
chối.
Tội nghiệp thay! Mà cũng
đáng kiếp thay! Như vậy những ai có manh tâm hại người chắc-chắn sẽ chờ luật Quả
báo chẳng sai!
Ngày xưa quả báo thì chầy,
Ngày nay trả báo một giây nhãn-tiền.
19 - LUẬT CÔNG BÌNH TẠO
HÓA
律 公 平 造 化
Giải nghĩa: Hình ảnh của
Cây cân là tượng trưng cho sự công bình ở ngoài mặt xã hội; tuy nhiên nếu đem
ra mà so-sánh chắc cũng chưa đạt được mức độ lý-tưởng
Lời bàn: Phải nói rằng, chỉ
có bàn tay của Thượng-Đế mới mong có sự công- bình tuyệt đối mà thôi. Nếu không
tin chắc như vậy làm sao nhân-loại dám gởi cả Đức-tin cho Ngài? Hằng triệu triệu
con tim đang khát-khao và hoài- vọng nơi Ngài?
Đức Hộ-Pháp nói rằng:
“Các nền Tôn-giáo kia mang
danh cầm cân phân-phát lẽ công-bình ấy, chúng ta thấy Tôn-giáo nào mới sản-xuất
họ có định phận của họ rõ-rệt; họ làm bạn với những người khó, an-ủi những người
khổ-não, có nhiều khi chia từ miếng ăn, phát từ mảnh áo. Tới chừng đặng quyền
trong tay rồi chính họ là người cầm cân công-bình ấy không giữ địa-vị kẻ cầm
cân, trở lại làm Chúa cả thiên-hạ, vì thế nên các nền Tôn-giáo ấy ngày nay mất
quyền.
“Đạo Cao-Đài sản-xuất đem
cân Công-bình thiêng liêng của Đức Chí-Tôn để tại mặt thế gian này, Bần-Đạo ước-ao
rằng: CÂN CÔNG-BÌNH ấy sẽ còn tồn-tại mãi mãi để chúng ta định phận chúng ta,
còn về quyền xây chuyển do Đức Chí-Tôn quyết-đoán”.
TRUNG CHÁNH là cây cân
công-bình-thiêng liêng của Đạo Cao-Đài.
Có thể nói hai chữ “Trung
chánh”này đã gồm nắm cả then chốt của Dịch .
Dịch là gì? Là trung chánh
thôi vậy .
- dịch khiến cho việc
trong thiên-hạ không Trung trở về chỗ Trung ,
- dịch khiến cho việc trong
thiên hạ không Chánh trở về chỗ Chánh
Trung chánh mà lập lại đặng
rồi thì cuộc biến-hóa của vạn-vật được thông vậy .
“Nói cho đúng, trong vạn sự
vạn-vật, không có vật gì là không Trung, không vật gì là không chánh: nghĩa là
trong cả những sự gọi là “ bất trung, bất chánh” thì đã có những sự trung chánh
rồi. Cho nên mới nói không có gì là quân-bình ngay trong những điều xảy ra
không quân bình. Thực sự là những quân-bình tạm đang tìm cách lập quân-bình
chung của sự vật trên đời; Hay nói một cách khác, chính ngay trong những sự vật
mất quân-bình Ta mới thấy rõ luật quân bình của trời đất .
Cả Trung chánh ấy là cái
trọng tâm, cái trọng lực khiến cho cặp âm dương không bao giờ lìa nhau được: vạn
sự, vạn-vật không bao giờ dừng biến hóa; bởi một mở, một đóng gọi là biến , qua
lại không cùng gọi là thông.
Hai chữ tiến thoái và vãng
lai chỉ cho ta thấy cái động của Đạo, không phải là cái động đi về một chiều,
mà là cái động hai chiều thuận-nghịch. Tất cả đều bị cái luật trung-chánh nắm
giữ không cho thiên hẳn về một bên nào: dù thiên về âm hay thiên về dương.
Đó là cái luật phản-phục;
một cái luật thường hằng bất biến. Cái luật Trung ấy có thể tượng trưng cái trọng-
tâm bất- dịch của một cái đòng đưa. Nó là luật quân-bình vậy”.
Thi văn dạy Đạo:
Phải giữ chơn-linh đặng trọn lành,
Ngọc-Hư toàn ngự Đấng tinh-anh.
Luật điều Cổ-Phật không chừa tội,
Hình-phạt Chí-Tôn chẳng vị tình.
Chánh-trực kinh oai loài giả dối,
Công-bình vừa sức kẻ chơn thành.
Mũi kim chẳng lọt xưa nay hẳn,
Biết sợ xin khuyên cẩn-thận mình.
20 - ÂM DƯƠNG HỮU HẠP BIẾN
SANH
陰 陽 有 協 變 生
Giải nghĩa: Âm dương là
hai cái đối-cực có trong trời đất này, bởi trong cái thế-giới nhị nguyên, nên
lúc nào cũng có sự có mặt của âm dương : nếu có sống tức nhiên có chết; có giàu
thì có nghèo; có trẻ có già….
Lời bàn: Không một ai mà
không biết đến cái chân-lý siêu-tuyệt này, nhưng có điều là ta chỉ xử-dụng như
một vật-dụng tự-nhiên mà không cần biết đến nguồn gốc phát xuất từ đâu: Cha mẹ
là âm dương của Tạo-hoá định đoạt cho, để tạo nên một cái xã-hội này, chính ra
là hai ngôi: ngôi cha và ngôi mẹ (Dịch định danh là lưỡng nghi).
Không một gia-đình nào mà
không trân-trọng hai ngôi tôn quí ấy. Bởi chính từ đó mới làm nên gia-đình,
xã-hội, quốc-gia, chủng-tộc, thế giới.
Như vậy, Lưỡng-nghi là cơ
âm dương phối-hợp, thì bất cứ vật chi chi trên trời đất này cũng đều do Âm
dương mà sản xuất, cũng gọi là lý nhị nguyên đó vậy .
Âm với dương vốn là cơ động
tĩnh, mâu-thuẫn nhau, tương-khắc mà lại tương-hòa. Hai cái lý đối-nghịch nhau để
hỗ-trợ lẫn nhau chớ không phải để tiêu-diệt nhau .
Trời có sáng, tối; người
có Nam nữ; vật có cứng mềm; đất có nắng mưa; vạn-loại có trống mái; cho chí đến
loài cây cỏ mới nẩy chồi thì ra hai lá đầu tiên ấy là hình-tượng của âm dương
đó .
Âm dương vốn là cơ sản-xuất,
nhưng trong âm có dương và trong dương có âm .Nho-gia gọi là “Vạn-vật phụ âm
nhi bảo dương, trung chí dĩ nhi hòa” là vậy ( gọi là vạn vật ôm-ấp âm dương, đến
mực trung -dung thì gọi là hòa )
“Theo Bí-pháp chơn-truyền
của cơ sanh- hóa phải có đủ âm dương. Trong sanh-quang chúng ta có điện-quang
(Positif và Négatif) cũng như vạn-vật có trống mái. Nền Tôn-giáo nào có đủ âm
dương thì nền Tôn-giáo đó mới vĩnh-viễn.
Như Đức Chúa Jésus-Christ
ngày trước bị đóng đinh trên cây Thánh-giá đầu thuận lên trên gọi là đạt dương,
ông Thánh Pierre là đệ nhứt Tông-đồ, bị đóng đinh trở ngược lại gọi là phản âm.
Âm dương tương-hiệp tượng-trưng
bí-pháp, nên ĐạoThánh lưu- truyền hai ngàn năm, không ai dùng quyền gì tiêu-diệt
đặng . Chí-Tôn có thể sai con của Người đến lập Đạo như: Thích-Ca, Jésus , Khổng-Tử”.
Nay Đạo Cao-Đài Đức
Chí-Tôn mở ra có đủ hai ngôi: ngôi Chí-Tôn và ngôi Phật-Mẫu,. Tức là âm dương
tương-hiệp mới có ngôi thứ ba, thế nên:
- Ngôi Chí-Tôn là Phật,
- Ngôi Phật-Mẫu là Pháp,
- Cả nhơn-loại là Tăng.
Người đứng đầu cả nguơn-hội
này là Đức Di-Lạc Vương-Phật là đứng đầu hàng Tăng, như vậy nền Đại-Đạo hiện có
đủ Tam tài là : Thiên, Địa, Nhân . Do vậy mà nền Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ Chí-Tôn
đã tiên tri cho chu-kỳ là “ thất ức niên” là vậy .
Thầy dạy về Tịch-Đạo như vầy
:
THI
THANH ĐẠO tam khai thất ức niên,
Thọ như địa huyển thạnh hòa thiên.
Vô-hư qui phục nhơn sanh khí,
Tạo vạn cổ đàng chiếu Phật duyên.
21 - NHỨT NHỰT TAM TỈNH
NGÔ THÂN
一 日 三 省 吾 身
Giải nghĩa: Thánh-nhân dạy
một ngày tự xét mình 3 lần.
Lời bàn: "Đức Phật
Thích-Ca dạy các đệ tử rằng: Ngươi hãy tự kiếm Ngươi “Theo Đức Phật thì người hãy
tự suy nghĩ và xét mình đặng biết mình là ai?
Mình thật biết mình rồi mới
biết định giá-trị của người khác. Thường, người ta chỉ lo tìm kiếm những điều ở
ngoài mình, chớ không tìm kiếm những cái ở trong con người của mình, thế nên
dây oan kết mãi, nghiệp chướng càng mang, biết chừng nào mới tỉnh-ngộ đặng phản-bổn-huờn-nguyên”
Thầy Tăng Tử xưa là một bậc
hiền-triết mà còn “nhứt nhựt tam tỉnh ngô thân”tức là hằng ngày Xét mình trong
ba điều :
* Một là lo việc cho người
không hết lòng bằng việc mình, có thế chăng?
* Hai là giao-du với bè bạn
mà đem lòng giả dối, có vậy chăng?
* Ba là nghe lời Thầy dạy
mà xao-lãng,có vậy chăng?"
Trên đây là lời thuyết-đạo
của Đức Thượng-Sanh về đề tài Xét mình, Ngài nói tiếp :
"Ước mong mỗi chức-sắc
hằng ngày chỉ xét mình trong một điều duy-nhất thì nền Đại-Đaọ lấy làm may mắn
mà nhơn-sanh cũng lấy làm hữu phước .Điều xét mình ấy là :
- Làm công-quả lo việc cho
Hội-Thánh không hết lòng bằng việc mình có thế không?
Xét mình như vậy không phải
là việc khó mà nếu mỗi người đều thành-thật đối với mình thì việc Đạo không có
điều gì sơ xuất, cơ nghiệp Đạo sẽ được bồi đắp đồ sộ mau chóng.” (ĐứcThượng-Sanh
thuyết 24-12 Bính-Tuất (1971)
Lại nữa, phương lập Đạo kỳ
ba này Thầy dạy phải Tứ thời nhựt tụng chính là sự xét mình
Thầy có chỉ rõ :
“Phải thường hỏi lấy mình khi đem mình vào lạy
Thầy buổi tối, coi phận sự ngày ấy đã xong chưa mà lương-tâm có điều chi cắn rứt
chăng? Nếu phận còn nét chưa rồi lương-tâm chưa đặng an tịnh, thì phải biết cải
quá, ráng sức chuộc lấy lỗi đã làm thì các con có lo chi không bì bực chí Thánh
. Thầy mong rằng mỗi đứa đều lưu-ý đến sự sửa mình ấy thì lấy làm may mắn cho nền
Đạo; rồi các con sẽ đặng thong-dong mà treo gương cho kẻ khác, các con thương mến
nhau,dìu dắt nhau, ấy là các con hiến cho Thầy một sự vui vẻ đó."
Bởi đời là giấc mộng huỳnh
lương dối trá, đổi dời.
Thầy dạy
Huỳnh-lương một giấc cuộc đời in,
Có trí có mưu phải xét mình.
Phú-quí lớn là giành với giựt,
Lợi-danh cao bởi mượn và xin.
Trăm năm lẩn-quẩn đường Nhơn-Nghĩa,
Một kiếp đeo-đai mối nợ tình.
Biết số, biết căn tua biết phận,
Đường xưa để bước lại Thiên-Đình.
22 - LUẬT THÀNH TRỤ HOẠI KHÔNG
律 成 柱 壞 空
Giải nghĩa: Đó là định-luật
tự nhiên trong vũ-trụ, ví như cây cỏ đầu tiên được lớn lên, phát triển, đến
giai-đoạn tiêu-tàn rồi hủy-diệt.
Lời bàn: Trong cái chu kỳ
tiến-hóa của vạn-vật hữu-hình hữu-hoại này dầu ở thời nào cũng như vậy, không
khác. Một năm có 4 mùa thì:
- mùa Xuân 春 cây cỏ tốt tươi, muôn loài sanh-sản.
- mùa hạ 夏 tăng trưởng,
- mùa thu 秋 gặt hái kết quả .
- mùa đông 冬 điêu tàn .
“Cơ sanh-hoá càn-khôn
không ngoài luật định thành, trụ, hoại, không, tức nhiên: lập lên, tồn tại, biến
chuyển hư hao rồi tiêu mất.
Sự nói mất chớ thật ra chẳng
phải là tiêu mất đâu. Nó chỉ biến chất thay hình đổi dạng mà thôi .Tỷ như nước
của con sông ngày hôm nay, không phải là nước của con sông ngày hôm qua; tuy
cùng chảy ra biển cả, nhưng nước của sông luân-lưu từng giờ, từng phút. Nước của
ngày hôm nay không phải là số nước của ngày hôm sau nữa.
Cả xác hài ta mang đây
cũng vậy, nó cũng biến-chuyển từng giờ, tùng phút. Tế-bào này tiêu-diệt để cho
tế-bào kia tăng trưởng, nó luân-chuyển mãi ở các xác thân và thay đổi khí-chất
luôn tùy theo các hành-động của mình, có tăng hay có giảm . Tuy vậy mà số tăng
luôn luôn nhiều hơn số giảm, là vì nó là cơ tấn-hóa; nếu không có vậy thì là
tiêu-diệt cả càn-khôn thì còn gì .
Luật tấn-hóa ấy là công-lệ
hiển-nhiên của tạo-hóa. Phải tấn-hóa để các chơn-linh thấu-đáo những điều mầu-nhiệm
mà tạo-hóa sắp đặt sẵn trước ở cả càn-khôn vũ-trụ.
Tất cả đều để trước mắt những
bài học hay. Cái cảnh khổ chính là bài học tấn-hóa nhanh chóng nhất; Vì vậy những
chơn-linh nào dám chịu khổ là những chơn-linh tấn-hóa mau hơn hết . Nhưng thật
sự cũng chẳng phải là “ khổ ” đâu!
Ấy cũng chỉ là “ Bài học tắt”
cho những người muốn đi tắt. Phép học ấy tức là đi thẳng ngang đường kính của vòng
tròn chớ chẳng phải đi quanh-quẩn theo vòng chu-vi. Nhưng nếu chỉ đi tắt thì chỉ
biết phớt qua chớ không thật thấu hiểu. Vì vậy mà những chơn-linh cao trọng
cũng phải giáng thế ở các địa-cầu để học hỏi những phần vi-diệu mới mong đoạt lý
cao-thâm . Bài học của họ cũng nhanh chóng hơn những chơn-linh thường nên cũng
mắc-mỏ hơn nhiều. Phải dùng tự lực để chống đối những lực-lượng có sẵn của
thiên-nhiên; có thoát đi được thì mới tiến lên được. Nếu không thóat nỗi thì phải
cuốn vòng theo lẽ dinh, hư, tiêu, trưởng .
Đó, luật luân-hồi quả báo
và phương tu đoạt Đạo là vậy!
Chẳng phải chỉ có địa-cầu
này có người ở mà thôi, mà đã có hằng-hà số quả địa-cầu có người ở, tùy theo những
trình-độ tiến-hóa khác nhau .
Cùng một không-gian, cùng
một cấp bực thì trông thấy, hiểu thấu nhau. Bậc cao hơn thì thấy được bậc thấp,
còn bậc thấp khó thấy bậc cao cũng lẽ thường .
Còn thời-gian là mực thước
đo lường cơ tấn-hóa”.
Vì con đường tấn-hóa ấy
nên nhân-loại đều phải đến đây, với mục đích là TU. Mà sự tu-hành là trước nhất
học cho được chữ nghèo, nghèo chữ Nho gọi là Bần 貧.
Thế nào là BẦN 貧?
Bởi trong chữ Bần cấu-tạo đến ba phần : trên là
chữ bát 八 (bát là tám), kế
đến là chữ đao 刀 (đao là dao dùng để cắt chặt ra ); hai chữ này họp lại thành chữ phân 分(phân là chia) dưới cùng là chữ bối 貝 (bối là đồng tiền) .Có
nghĩa rằng sở-dĩ nghèo là vì có nhiều tiền mà cứ phân-phát ra cho thiên-hạ giống
như ta có một cái bánh mà chia ra làm tám miếng thì tất nhiên nó sẽ
nhỏ dần, đó là nghèo .
Vì thế cái nghèo này là cái nghèo của những
tâm-hồn đạo-đức luôn nghĩ đến kẻ khác .
Người tu nên học lấy “chữ bần” của Thượng-Đế .
Có bài thơ như vầy
Tròi-trọi mình không mới thiệt BẦN,
Một nhành sen trắng náu-nương chân.
Ở nhà mượn đám mậy xanh kịt,
Đỡ gót nhờ con hạc trắng ngần.
Bố-hóa người đời gây mối Đạo,
Gia-ân đồ-đệ dựng nền NHÂN.
Chừng nào đất dậy trời thay xác,
Chư Phật, Thánh, Tiên xuống ở trần.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét