Đại Đạo Sử Cương - 10 / 10 (Hiền Tài. Trần Văn Rạng)


Sau nghi lễ tiếp rước Hội Thánh, chánh quyền sở tại. Ngài Hiến Pháp HTĐ đến nguyện hương tại Bàn thờ Đức Quốc Tổ và chư vị Tiên Vương xong. Bắt đầu lễ tế điện, kéo dài trong tiếng rưỡi đồng hồ.

Sau cùng, vị Khâm Thành Thánh Địa thay mặt Ban Tổ Chức đọc diễn văn, có đoạn viết:

"Trên bốn ngàn năm văn hiến với công lao lập quốc và kiến quốc vô cùng vĩ đại mà người thừa hưởng
là chúng ta, con cháu Lạc Hồng. Đức Tổ Hùng Vương lưu truyền qua nhiều thời đại Đinh, Lê, Lý, Trần,...

Trước bàn thờ Quốc Tổ uy nghiêm, trầm hương nghi ngút di ảnh của Đức Hàm Nghi, Thành Thái, Duy Tân, Cường Để đã gợi lại những gương anh hùng liệt sĩ vô cùng cao cả". (TT.74, tr.20-21).

5 . Lễ Trung Ngươn và các Thánh Tử Đạo:
Phong tục thờ Cha (Đại Từ Phụ) thờ Mẹ (Đại Từ Mẫu) là truyền thống của dân tộc Việt. Hằng năm, Hội Thánh cử hành 2 đại lễ Vía Đức Chí Tôn (Cha) và Đức Phật Mẫu (Mẹ) rất lớn. Ngoài ra còn lễ các Thánh Thượng Ngươn (Rằm tháng giêng) và Hạ Ngươn (Rằm tháng mười).

Theo Thánh Lịnh số 60TL ngày 11 tháng 7 Nhâm Tý (19-8-1972) do Ngài Hiến Pháp Quyền Chưởng Quản HTĐ ký ban hành. Thánh Lịnh viết:

Chấp thuận hành lễ thống nhứt các ngày kỷ niệm của chư chức sắc trong hàng Thánh nam nữ thi hành kể từ năm Quí Sửu (1973) như sau:
1/ . Các ngày lễ kỷ niệm qui thiên Đức Quyền Giáo Tông, Đức Hộ Pháp, Đức Cao Thượng Phẩm và Đức Cao Thượng Sanh vẫn hành lễ vào ngày qui thiên của mỗi vị.
2/ . Lễ kỷ niệm ngày qui vị của các phẩm đối hàm hàng Thánh nam nữ HTĐ và CTĐ sẽ hành lễ thống nhất vào ngày Rằm tháng 7 âm lịch.

Xem như thế lễ Thượng Ngươn gần nhằm vào đại lễ vía Đức Chí Tôn, lễ Hạ Ngươn nhằm lễ vía chư vị Thời Quân và Lễ Trung Ngươn nhằm vào lễ các Thánh.

Thế nên, đêm 14 rạng rằm tháng 7 Giáp Dần (dl 31-8-1974) vào Tý thời, Hội Thánh cử hành Đại lễ Trung Ngươn, cập lễ kỷ niệm chư Thánh HTĐ, CTĐ và Chư Thánh Tử Đạo tại Đền Thánh.

Sáng Rằm, Hội Thánh rước linh vị các Thánh từ Đền Thánh đến Báo Ân Từ hành lễ tế điện.

Chiều Rằm, Hội Thánh thiết lễ cúng ông bà chung, chư chơn linh tiền vãng, chiến sĩ vị quốc vong thân, đồng bào tử nạn tại Trai Đường.

Trong hai ngày 14 còn rằm Trung Ngươn, đồng đạo đến Đền Thánh và Báo Ân Từ trì tụng Di Lặc Chơn Kinh và kinh cứu khổ để cầu nguyện cho Cửu Huyền Thất tổ đồng thời, tại các Đền, Điện, Thất dọng chuông U Minh mồng 1 tháng 7 cho qua ngày rằm Trung Ngươn để cầu nguyện các Đấng ban hồng ân cho chư chơn linh tiền vãng.

6 . Lễ bàn giao cánh chợ Bắc Long Hoa:
Lễ khai thị chợ Long Hoa ngày mùng 2 tháng 5 Tân Mão (dl 5-6-1951), Đức Hộ Pháp đến chủ tọa và nói:
"Các cơ chuyển thế đã tới ngày hiệp nhứt đạo giáo, khiến toàn thể con cái Đức Chí Tôn quay về một mối, sống dưới cờ nhân nghĩa của Đạo Cao Đài. Vì thế nguồn sinh sống ngày càng nghẹt, nên Bần Đạo cho lập gấp cái chợ này.

Ngày giờ này, tuy là cái chợ thô sơ, rồi đây nó sẽ bành trướng rộng rãi hơn, long trọng hơn. Con cái của Đức Chí Tôn không bao giờ ngờ như thế, nhưng Bần Đạo dám quả quyết nó phải có và nhứt định có như thế. Vì cái chợ chuyển thế và huyền diệu thiêng liêng của Đức Chí Tôn đã định vậy".

Đến nay, ngày 26 tháng 7 Quí Sửu (dl 24-8-1973), ông quyền Thái Chánh Phối Sư đến chủ tọa lễ bàn giao cánh Bắc chợ Long Hoa do Ban Kiến Trúc công viện tái thiết vì hoả hoạn ngày 13-4-1971.

Khởi đầu buổi lễ, Hội Thánh nguyện hương tại bàn thờ Thần hoàng Bổn Cảnh và chư chức sắc đạo hữu có công với Đạo. Kế tiếp Phụ Thống Công Viện tường trình công việc tái thiết gồm 8 cửa và dãy nhà lồng cánh Bắc, khởi công từ ngày 16 tháng 10 Canh Tuất (1970) đến ngày 25 tháng 7 Quí Sửu (1973) mới hoàn thành.

Ông Quyền Thái Chánh Phối Sư ban huấn từ, đại ý như sau:
"Hội Thánh muốn sớm hoàn thành chương trình chỉnh trang chợ Long Hoa cho đúng với bản đồ của Đức Hộ Pháp, nên gấp rút tái thiết cho xong cánh chợ cháy....

Long Hoa chính là tên của Hội kỳ trường khảo dượt trong Tam Kỳ. Thế nên, được ở vào vòng Long Hoa Thị, quí vị nên tự xét mình có xứng đáng dự vào bộ sổ Long Hoa chưa?. Đức Hộ Pháp đã từng nói: cái Bát Quái đồ thiên này nó thường biến nó lại biến theo nhân tâm ở đây. Đó là điều tiên tri rất nên hệ trọng". (TT 83, tr 5-7)

7 . Lễ cung nghinh bửu tượng Thánh Mẫu Fatima:
Ngày 11 tháng 1 Giáp Dần (dl 2-2-1974), từ sáng sớm, chức sắc chức việc đạo hữu, học sinh các trường Đạo Đức Học Đường, Lê Văn Trung toàn thể mặc bạch y qui tụ tại sân lễ Đại Đồng Xã dự lễ cung nghinh bửu tượng Thánh Mẫu Fatima, Nữ Vương hoà bình.

Hai chiếc trực thăng chở Thánh Tượng Fatima và quan khách đáp xuống trước đại lộ Chánh Môn Tòa Thánh. Ông Quyền Thượng Chánh Phối Sư ra rước đoàn và đưa tượng Nữ Vương lên cộ hoa. Cộ hoa tượng hình một trái núi dài 6 mét, cao 4 mét, ngang 3,5 mét. Phía trước cộ, một bàn hương án một tàng xanh, hai lộng vàng có 2 vị Lễ Sanh Nữ Phái đứng hầu, phía sau nơi đặt bửu tượng cũng có 2 vị Lễ Sanh đứng hầu.

Cộ hoa đến cửa Hòa Viện thì nhạc đạo nổi lên nghinh tiếp với nghi lễ tôn giáo Cao Đài. Cộ hoa di chuyển trên đại lộ Phạm Hộ Pháp, hàng rào danh dự hai bên rợp ánh đạo kỳ. Cộ hoa dừng trước Tòa Thánh chuông trống đánh vang rền nghinh tiếp. Phái đoàn Đạo Binh Xanh được Ngài Hiến Pháp HTĐ tiếp đón vào nội điện Tòa Thánh.

Cộ hoa tiếp tục đến Báo Ân Từ làm lễ rồi trở ra Đại Đồng Xã làm lễ chính thức. Ông Haffert, đại diện Đạo binh xanh quốc tế Trưởng phái đoàn trình bày về việc Đức Mẹ Fatima hiện ra trên cây sồi ở Fatima (Bồ Đào Nha) và ý nghĩa chuyến Thánh du hành hương cầu nguyện hoà bình. Rồi ông trao bửu tượng cho Ngài Hiến Pháp HTĐ để lưu niệm.

Ông chủ tịch Đạo Binh xanh Việt Nam giải thích: "Bửu tượng này được điêu khắc bởi thợ tạo hình xứ Fatima bằng gỗ, chính cây sồi mà Đức Mẹ đã hiện ra vào ngày 13-11-1917".

8 . Đại hội bầu cử Ban Chấp Hành Đại Đạo Thanh Niên Hội:
Vào ngày mồng 4 tháng 5 Giáp Dần (dl 23-6-1974), đại hội bầu cử Ban chấp Hành Trương Ương Đại Đạo Thanh Niên hội nhiệm kỳ 1974-1976 tại Đạo Đức Học Đường, gồm có đại diện Châu thành Thánh Địa, các Châu Tộc Đạo của các địa phương về tham dự đông đủ.

Khởi đầu, ông Hội trưởng BCH Trung Ương ĐĐTNH đọc diễn văn khai mạc và vị Tổng Thư ký tường trình về mọi sinh họat của Hội trong nhiệm kỳ vừa qua. Ông Quyền Thượng Chánh Phối Sư ban huấn từ đại ý:

Sự hiện diện đông đủ của các cấp Hội giúp buổi lễ thêm long trọng và được quí vị Thời Quân, quí Ngài Đầu Sư đến dự và đồng chủ tọa để khuyến khích nung chí trên bước đường hoạt động thanh niên, bồi đắp tương lai hậu tấn cho Giáo Hội.

Nhân dịp Đại Hội, ông nhắn nhủ với các hội viên. Điều thứ nhứt của Đạo Lịnh thành lập Đại Đạo Thanh Niên Hội có ghi:
"Hội Thánh công nhận ĐĐTNH là một cơ quan để tiếp sức với Hội Thánh trong việc thi hành thế luật của Đạo cho được đắc lực."

Điều thứ ba của bản điều lệ cũng ghi:
"ĐĐTNH thành lập nhằm mục đích đoàn kết chặt chẽ các tầng lớp thanh niên con em của Đạo thành một khối vững chắc để phục vụ Hội Thánh. Gây tình tương thân tương ái giữa các đoàn thể thanh niên đào tạo nhân tài cho xã hội. Quyết tâm giữ vững nền Tân pháp của ĐĐTKPĐ."

Song song với các điều trên, người thanh niên Đại Đạo đặt tình thương nhân loại lên trên hết, chống mọi tư tưởng sa đọa thoái hóa. Như thế, nhiệm vụ bức thiết của ĐĐTNH trong lúc này là "Xây dựng một xã hội mới đặt trên nguyên tắc công bằng, bác ái và tự do dân chủ".

Muốn thế, người thanh niên Đạo bắt đầu phải tự xây dựng bản thân bằng những điều căn bản sau:
- Xây dựng một cơ thể lành mạnh trong xác thân khang kiện.
- Xây dựng nếp sống đạo đức vị tha.
- Xây dựng tư cách làm người: Trọng tín nghĩa, thờ danh dự, ham tự chủ, giàu hy sinh và tinh thần phục vụ cao.

Đó chính là những mục tiêu tối thượng của phong trào Thanh Niên Đại Đạo, trong sứ mạng tiếp sức với Hội Thánh thi hành thế luật của Đạo cho ra thiệt tướng.

9 . Lễ Thánh táng Bà Nữ Đầu Sư hàm phong Hồ Hương Lự:
Bà Nữ Đầu Sư Hồ Hương Lự qui thiên ngày 22 tháng 11 Nhâm Tý (dl 27-12-1972) tại Nữ Đầu Sư Đường, thọ 95 tuổi (Thân mẫu ông Cao Hoài Sang).

Liên đài của Bà Kỵ Long mã đến quàng tại Báo Ân Từ, hôm sau đưa đến Đền Thánh. Lúc 8 giờ 30 sáng ngày 25 cung nghinh liên đài ra Cửu Trùng Thiên.

Nhân viên Ban Nhà Thuyền cung nghinh liên đài từ lưng Long Mã (cộ bông) lướt qua mình Long Mã múa và đưa lên mặt Cửu Trùng Thiên thật ngoạn mục và thật kỹ thuật. Đạo tỳ phía trước phải quì mọp xuống mà di chuyển, lớp phía sau hai người chồng lên nhau để thế đòn khiên được thăng bằng. Cứ như thế họ di chuyển từ từ rất khổ luyện, rất nhịp nhàng đưa liên đài lên an vị.

Mặt liên đài bà Nữ Đầu Sư hướng về Đền Thánh, đối chiếu với cung Bát Quái Cửu Trùng Thiên thì liên đài tọa ngay cung Chấn thuộc mộc. Sau khi liên đài an vị, tang gia cử hành lễ triêu điện châm chước. Chư đồng đạo lần lượt vào bái lễ.

Sau đó, lễ điếu của các đoàn thể đời Đạo tấp nập đến tưởng niệm trước liên đài. Các phái đoàn của các chi phái về dự lễ tang gồm có:
- Giáo Hội Cao Đài thống nhất
- Hội Thánh Hậu Giang Minh Chơn Đạo,
- Cao Đài Cứu Thế
- Hội Thánh Truyền giáo Đà Nẵng
- Cao Đài Chiếu Minh
- Hội Thánh Trung Ương Trung Việt (Tam Quan)
- Hội Thánh Cao Đài Thượng Đế
- Hội Thánh Tiền Giang
- Cơ quan Phổ Thông Giáo Lý
- Thánh Thất Tây Thiều - Cần Thơ
- Tịnh đàn Xích Long - Sóc Trăng

Vào 8 giờ ngày 26 tháng 11 Nhâm Tý (dl 31-12-1972), liên đài Kỵ Long Mã nhập Bửu Tháp nằm bên Tây Lang Đền Thánh. Thánh tang của Bà Nữ Đầu Sư cử lễ trong 5 ngày vô cùng trọng thể.

CHƯƠNG X

CỨU TRỢ NẠN NHÂN CHIẾN CUỘC
TOÀN ĐẠO CẦU NGUYỆN HOÀ BÌNH

Khi chiến sự Miền Nam đến hồi quyết liệt, Hội Thánh chỉ thị số 52-NCPS/VT/LV ngày 5 tháng 4 Nhâm Tý (1972) thông báo cho Khâm Thành, Khâm Trấn, Khâm Châu, Đầu Phận và Đầu Tộc Đạo.

"Để làm tròn sứ mạng thiêng liêng của một chức sắc thay mặt Hội Thánh nơi địa phương, giữa tình hình chiến cuộc hiện nay, quí hiền cần ý thức phận sự mình để hoàn thành nhiệm vụ.

Nếu gặp chiến cuộc gây ảnh hưởng đến tánh mạng và tài sản đồng bào cũng như đồng đạo, chức sắc cầm quyền phải vận dựng mọi khả năng dìu dẫn đàn em trong cơn khói lửa, phải chung chịu khổ đau cùng bổn đạo". (TT.55, tr.5).

I . CỨU TRỢ NẠN NHÂN CHIẾN CUỘC.
1 . Cứu trợ các Phận Đạo:
Vào đêm 24 tháng 12 Nhâm Tý (dl 27-1-1973) chiến tranh xảy ra khốc liệt thuộc vùng ngoại ô Châu Thành Thánh Địa, kéo dài đến chiều ngày 30 mới lắng dịu.

Hàng ngàn đạo hữu đổ xô vào nội ô Tòa Thánh để tránh những trận mưa bom ác liệt. Họ phải lấy mái hiên, bóng cây vì các dinh thự chật ních, làm nơi trú ẩn. Bởi lẽ, họ tin tưởng nơi Đức Chí Tôn sẽ che chở cho họ.

Sự thiệt hại thật vô cùng thảm thiết:
- Phận Đạo Đệ Ngũ: Nhà cháy 240 cái, hư 172 cái, 21 người chết, 11 người bị thương.
- Phận Đạo Đệ Lục: Nhà cháy 151 cái, nhà hư 250 cái, 10 (1?) người chết, 9 người bị thương.
- Phận Đạo Đệ Bát: Nhà cháy 9 cái.
- Phận Đạo Đệ Cửu: Nhà cháy 300 cái, hư 200 cái, 10 người chết.
- Phận Đạo Thập Nhứt: Nhà cháy 96 cái, nhà hư 127 cái.
- Phận Đạo Thập Nhị: Nhà cháy 13, hư 42 cái.
- Phận Đạo Thập Tứ: Nhà cháy 122 cái, hư 242 cái, 7 người chết, 5 người bị thương.
- Phận Đạo Thập Ngũ: Nhà cháy 200 cái, hư 150 cái.
- Phận Đạo Thập Lục: Nhà cháy 2 cái, hư 2 cái.

Tổng cộng: 1.133 nhà cháy, 1185 nhà hư, 39 người chết và 25 người bị thương. Hội Thánh tức tốc đem chăn mùng, gạo, thức ăn cứu trợ đồng đạo.

Đến ngày 28 tháng 12 Quí Sửu, Hội Thánh đến cứu trợ 40 gia đình gồm 35 gia đình Tà Mun và 5 gia đình người Kinh. Phái đoàn do Ngài Thượng Đầu Sư phát tiền và phẩm vật sau Hậu Điện Thánh Thất Đệ Thập Nhị gồm có 41.750 đồng, 108 kg gạo, 80 hộp cá mòi, 80 gói quần áo cũ.

Ngài Thượng Đầu Sư để lời an ủi các gia đình nạn nhân chiến cuộc:
"Hội Thánh được tin buồn là cuộc chiến xảy ra nơi ngoại ô, khiến cho đồng bào bổn đạo lâm nạn tiêu tan tài sản và bao sanh mạng. Hội Thánh lấy làm đau đớn, nên cử phái đoàn đến đây viếng thăm và an ủi các nạn nhân kém phần may mắn trước ngày xuân Giáp Dần". (TT 92, tr.27)

2 . Hội Thánh cứu trợ đồng bào Suối Đá, Phước Tân, Ninh Điền:
Ngày 21 tháng 7 Giáp Dần (dl 7-9-1974), phái đoàn Hội Thánh đến Suối Đá để viếng an, cứu trợ đồng bào nạn nhân chiến cuộc.

Tổng số quà gồm có 1.000kg gạo trắng, 150kg muối, 880 hộp thực phẩm, 880 cục xà bông, 220 túi vải trắng, khăn tắm 50 cái và một số quần áo cũ cho người Tần, Tà Mun.

Ngày 4 tháng 8 Giáp Dần (dl 19-9-1974) phái đoàn Hội Thánh do Ngài Khai Đạo hướng dẫn đến Hậu điện Thánh Thất Trí Bình cứu trợ cho đồng bào chiến cuộc tại xã Phước Tân, Ninh Điền.

Ngài Khai Đạo vỗ về an ủi đồng đạo và đồng bào và cho sinh viên ĐHCĐ phân phát 1.000kg gạo trắng, 325 lít nước tương, 384 hộp thực phẩm, 660 cục xà bông.

3 . Cứu trợ đồng bào, đồng đạo Chà Là, Trường Lưu:
Khắp Châu Thành Thánh Địa chiến cuộc lan rộng và kéo dài nhiều ngày từ 09 đến ngày 11 tháng 12-1974, sự thiệt hại về vật chất và sinh mạng như sau:
- Phận Đạo Đệ Lục: 01 bị thương, 2 nhà cháy.
- Phận Đạo Đệ Thất: 6 bị thương, 2 tử thương.
- Phận Đạo Đệ Nhị: 1 bị thương, 1 tử thương, 5 nhà hư.
- Phận Đạo Thập Nhị: 3 bị thương, 2 tử thương, 80 nhà hư.(Chà Là)
- Phận Đạo Thập Lục: 18 bị thương, 5 tử thương, 6 nhà cháy (Trường Lưu).

Trong lúc xảy ra chiến cuộc, đồng bào và đồng đạo tản cư về cư ngụ ở các Thánh Thất địa phương. Hội Thánh kêu gọi lòng từ tâm của bổn đạo giúp đỡ các gia đình nạn nhân chiến cuộc để Hội Thánh phát quà cho đồng bào.

4 . Trại tạm cư vùng chợ Long Hoa.
Ngày mùng 1 tháng 2 Ất Mão (dl 13-3-1975), Hội Thánh quyết định lập trại tạm cứ đồng bào chiến nạn tại sân vận động Long Hoa.

Các đồng bào, đồng đạo tản cư đến đây đều ở xa như Bến Cầu, Bến Mương, Cẩm Giang, Trường Đức, Trường Phú,...

Các trại tạm cư được phân bố như sau:
- Trường Cộng Đồng Long Hoa: 1632 gia đình gồm 10.780 người.
- Trường TH Phú Khương: 276 gia đình gồm 2.516 người.
- Sân vận động Long Hoa: 510 gia đình gồm 3.702 người.
- Chợ Long Hải (Miên): 100 gia đình gồm 1.000 người.

Hội Thánh kêu gọi đồng đạo thuộc 7 Phận Đạo không bị chiến cuộc, kẻ công, người của tận tâm giúp đỡ những người tản cư trong cơn khốn khó.

Từ ngày 17 đến 20 tháng 2 Ất Mão, Y Viện Hành Chánh của Đạo phối hợp với các y bác sĩ, Hiền Tài Ban Thế Đạo đã đến khám bệnh và phát thuốc cho nạn nhân chiến cuộc ở 4 địa điểm: Sân vận động Long Hoa, Đại lộ Chánh Môn, trường Cộng Đồng Long Hoa và trường Trung Học Phú Khương.

Số nạn nhân chiến cuộc gần 30.000 người, chưa kể các nơi khác trong tỉnh có thêm 20.000 người nữa. Tại 4 địa điểm trên đây, phái đoàn đã khám bệnh và phát thuốc cho 2.385 người và tiêm ngừa dịch cho 1.320 người. Số tiền thuốc lên tới một triệu bạc (theo thời giá).

Nạn nhân chiến cuộc trong tỉnh Tây Ninh nói chung, nhẹ hơn các nơi khác. Đó là nhờ sự che chở của Ơn Trên.

II . TOÀN ĐẠO CẦU NGUYỆN HÒA BÌNH.

1 . Hội Thánh thông tri toàn đạo cầu nguyện Hòa Bình:
Thông Tri số 02 /NCPS/TT ngày 2 tháng 12 Giáp Dần (dl 13-1-1975), Hội Thánh Tòa Thánh Tây Ninh gởi cho toàn đạo, đại ý như sau:
"Nghĩ vì đất nước Việt Nam trải qua 30 năm chiến tranh tang tóc. Nhơn sanh chết chóc, khổ đau quá nhiều mà hôm nay vẫn còn tiếp diễn ngày càng ác liệt....

Hội Thánh ra Thông Tri ban hành cho toàn Đạo từ Trung Ương đến địa phương trên toàn quốc hằng đêm phải trì tụng Di Lặc Chơn Kinh để trọn tâm cầu nguyện và trụ cả đức tin thành kính dâng lên Đức Đại Từ Phụ, Đại Từ Mẫu và các Đấng Liêng Thiêng cầu xin từ bi ân xá cho dân tộc Việt Nam tránh khỏi nạn lửa binh, chiến tranh sớm chấm dứt để nhơn sanh thanh bình, an cư lạc nghiệp.

Tại Tòa Thánh, mỗi đêm sau khi cúng thời Dậu tại Đền Thánh hoặc Đền Thờ Phật Mẫu, các chức sắc chức việc tụng Di Lặc Chơn Kinh để cầu nguyện từ đây cho đến ngày rằm tháng giêng Ất Mão thì dứt.
Ở địa phương, tụng kinh cầu nguyện tại Thánh Thất hoặc Điện Thờ Phật Mẫu.
Chư bổn đạo ở xa Đền Thánh, Thánh Thất hoặc Điện Thờ Phật Mẫu thì tụng nguyẹân tại tư gia.
Sự cầu nguyện thiết tha và chơn thành của toàn đạo sẽ hoán cãi được tai ách khổ nạn cho dân tộc Việt Nam".

Đây là phong trào cầu nguyện Hòa Bình lớn nhất từ trước đến nay. Từ trung ương tới địa phương, từ thành thị đến nông thôn, nơi nào có thiên bàn thờ Thiên Nhãn là nơi đó có tiếng chuông mõ trì kinh Di Lặc và kinh Cứu Khổ.

2 . Lời kêu gọi Hòa Bình Việt Nam:
Trong lúc chiến tranh ngày càng ác liệt, tốn hao nhiều sinh mạng cả đôi bên lâm chiến. Đứng trên bình diện tôn giáo, Hội Thánh Cao Đài ban hành lời kêu gọi Hòa Bình gởi đến chánh phủ 2 miền. Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, chủ tịch Ủy Ban Kiểm soát Quốc tế đình chiến tại Việt Nam và các quốc gia trong Liên Hợp Quốc.

Thông điệp ban hành ngày 4-2-Giáp Dần (dl 15-1-1975) có đoạn viết:
"Nghĩ vì Hiệp định Paris ngày 27-01-1973 qui định cuộc đình chiến ở Việt Nam đã quá đau khổ vì nạn chiến tranh, nay mong được thấy Hòa Bình lập lại.

Trước cảnh đau thương tang tóc của dân lành, Hội Thánh và toàn thể tín hữu Cao Đài luôn luôn giữ vững tôn chỉ cộng yêu hòa ái của một nền tôn giáo đại đồng và trung thành với đường lối Hòa Bình chung sống của Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc, chủ trương hòa giải dân tộc.

Nên thiết tha kêu gọi quí vị lãnh tụ các bên lâm chiến:
1 /. Xin mở lòng thương xót đồng bào ruột thịt của chúng ta, sớm ngồi lại tự giải quyết vấn đề nội bộ giữa người Việt với nhau trong tình huynh đệ tương thân tương ái, tương nhượng hầu chấm dứt chiến tranh tàn khốc

2 /. Xin lưu tâm đến Tổ Đình Tòa Thánh Tây Ninh và cả vùng Thánh Địa gồm 19 Phận Đạo, là nơi tôn nghiêm sùng bái của toàn thể tín hữu Cao Đài và cũng là nơi gần nửa triệu dân lành chỉ biết tu hiền, sống đông đúc nơi đây được đôi bên đặt ngoài vòng chiến để tránh khích động đến lòng tín ngưỡng của mấy triệu tín đồ trong toàn quốc.

Hội Thánh chúng tôi cũng thiết tha kêu gọi các cường quốc và tất cả hội viên Liên Hợp Quốc và toàn thể nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới chứng nhận và ủng hộ lời kêu gọi này". (TT xuân, tr 9-10).

3 . Ngài Bảo Thế Qui Thiên:
Vào lúc 6 giờ 30 sáng ngày 17 tháng 3 Ất Mão (dl 28-4-1975), Ngài Bảo Thế Lê Thiện Phước qui thiên, thọ 81 tuổi.

Chiều cùng ngày, Hội Thánh cử hành lễ nhập mạch theo nghi lễ Đạo. Thánh hài được an vị trong liên đài và được quàng tại văn phòng Bảo Thế, trong khuôn viên Hiệp Thiên Đài.

Sau giờ dậu, Hội Thánh thiết đàn cầu cơ tại cung Đạo Đền Thánh. Đức Hộ Pháp giáng cơ cho bài thài cúng lễ tế điện. Đức Hộ Pháp cho phép lấy bài thi mà cách đây 15 năm (1960), Đức Ngài đã tặng Ngài Bảo Thế trong lúc chấp chưởng quyền hành. Bài thài như vầy:
BẢO trọng Vạn linh hiệp Chí linh
THẾ nguy chuyển loạn lập hòa bình
CỨU đời mở Đạo kinh luân sẳn
NƯỚC Việt trông chờ sách cứu tinh.

Sau đó, Hội Thánh cử hành lễ thành phục phát tang cho các đồng đạo và lần lượt bái lễ Ngài.

Nơi liên đài, hai vị Bảo Thể đứng hầu hương án, trước hai vị Hiền Tài, sau hai vị Luật sự đứng hầu liên đài.

Ngài 30-4-1975 Hội Thánh cung nghinh liên đài của Ngài Bảo Thế đến Báo Ân Từ. Ba hồi chuông vang rền nghinh đón liên đài trên lầu chuông của Đền Thờ Phật Mẫu. Đến 20 giờ cùng ngày, Hội Thánh cử hành lễ tế điện. Các cơ sở Đạo nội ô, các Phận Đạo nơi châu Thành Thánh Địa dâng các mâm tế lễ phẩm. Lễ tế điện và an táng của Ngài cố Bảo Thế được tổ chức theo nghi lễ Đạo dành cho phẩm Thời Quân Hiệp Thiên Đài.

Lúc 8 giờ, ngày 01 tháng 05 năm 1975, Hội Thánh đưa liên đài kỵ long mã đến Đền Thánh. Đứng trên cao nhìn xuống, một rừng người chích khăn tang chầm chậm âm thầm tiễn đưa liên đài. Từ Lôi Âm Cổ Đài và Bạch Ngọc Chung đài ba hồi chuông trống đổ dồn. Liên đài được đưa vào an vị nơi cấp bậc Hiệp Thiên Đài trong Đền Thánh. Toàn thể chức sắc, đồng đạo hướng vào Bát Quái Đài cầu nguyện Đức Chí Tôn ban hồng ân cho Ngài Bảo Thế.

Tổng tắt, giai đoạn lịch sử 1971-1975 nằm gọn trong thời Ngài Hiến Pháp Chưởng Quản HTĐ. Ngài là người có cá tính mãnh liệt mà đôn hậu quyết theo đuổi bước đường còn lại của Đức Phạm Hộ Pháp ngay cả chánh sách Hòa Bình Chung Sống, tuy năm 1956 Ngài có lần bị bắt buộc không nhận làm đại diện cho chính sách này.

Trong thời chưởng quản HTĐ, thực sự là nắm quyền hành cả các cơ quan hành chánh Đạo vì những Thánh Lịnh, Đạo Lịnh chỉ đạo. Ngài cho tiếp tục xây dựng Thánh Thất, Điện Thờ ở Châu Thành Thánh Địa và khắp các tỉnh. Về giáo hội, Ngài cầu xin các Đấng cho ân phong lẫn hàm phong nhiều gấp đôi thời trước. Một điểm đặc biệt từ khai đạo đến đây, lần đầu tiên có đủ ba Đầu Sư cùng làm việc với nhau và các Hiền Tài chung vai gánh vác việc Đạo.

Ngài làm theo ước vọng của Đức Hộ Pháp chọn nhân tài, xây dựng Viện Đại Học Cao Đài. Trong thời làm Trưởng Ban Đạo Sử, Ngài chỉ đạo cho Hiền Tài Trần Văn Rạng viết bộ Đại Đạo Sử Cương lưu truyền vạn đại, có mặt trong các thư viện thế giới.

Trong 12 vị tông đồ đầu tiên của Đức Cao Đài thì có sáu vị cầm giềng mối đạo mà Ngài là vị thứ 6, ám chỉ lục tự Cao Đài: Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ. Đến đây, 12 môn đồ Đức Chí Tôn điểm đạo đã qui thiên, nên THỜI CHÍNH THỐNG của Đạo Cao Đài cũng chấm dứt.

Tóm lại, Đạo Cao Đài xuất hiện (1926) như một cuộc cách mạng xã hội, nhằm xóa bỏ thang giá trị tư tưởng cũ, (nam nữ bình quyền)..... Thế nên, mọi giáo điều cũ đều không còn hoàn toàn phù hợp, mọi cách suy nghĩ xưa đều không thể cung cấp cho các tín hữu Cao Đài cái chìa khóa vạn năng để đạo lưu truyền tới thất ức niên. Nếu ta không có kiến thức bao dung thích hợp theo lời dạy của Đức Cao Đài, thì văn hoá Cao Đài khó đáp ứng được những đòi hỏi của nhân loại. Từ đó, ta sẽ tuột hậu trong việc phổ độ chúng sanh và không làm tròn sứ mạng tạo lập một thế giới Đại Đồng./.

HẾT

NIÊN ĐẠI ĐẠO SỬ (1971-1975)
TỔNG KẾT 50 NĂM LỊCH SỬ ĐẠO CAO ĐÀI
(1925-1975)

Ngay từ ngày Khai Đạo (1926) nhiều người đã đến Toà Thánh tìm hiểu nền Đạo mới. Khách có nhiều khuynh hướng khác nhau: do hiếu kỳ ngoạn cảnh, do nhiệm vụ an ninh, các nhà báo, các thân hữu tín đồ.

Chúng tôi liệt kê chung tạm coi là tổng kết những nét chính mà nền Đạo mới đã tác động đến nhân quần xã hội.

Đại để phân làm bốn giai đoạn: giai đoạn đầu (1925-1941); giai đoạn hai (1941-1946); giai đoạn ba (1946-1955) và giai đoạn cuối (từ 1956- 1975).

1 . Giai đoạn 1925-1941:
Ngay buổi đầu, mấy ông xây bàn cầu cơ đã bị mật thám Pháp theo dõi ráo riết.

Dưới sự điều khiển của Louis Marty, giám đốc Sở mật thám đã kết thúc và in thành tập Gouvernement Général de l'Indochine, Contribution à l'histoire des mouvements politiques de l'Indochine Francaise, quyển VII, LE CAODAISME, Hà Nội 1934.

Cuốn này có lấy tài liệu trong tập LE CAODAISME báo cáo của Thanh tra chính trị và Cai trị Nam Kỳ ấn hành 1933 do Lalaurette và Vilmont viết. Vilmont là chủ tỉnh Tây Ninh thời đó.

Trong tờ SAIGON DIMANCHE ra ngày 16-10-1932 viết một cách đứng đắn rằng: "Sự truyền bá đạo ấy đã thi hành trong những điều kiện tốt nên đã thu được kết quả mỹ mãn. Chính vì đó mà ngay tại nước Pháp đã có sự sùng bái đạo này nơi những người trí thức ưu tú, sự sùng kính nhiệt thành trên mọi lãnh vực tác động vào những người có cảm tình ban sơ với nền đạo mới. Bà TOZZA, luật sư ở Paris đã lập một buổi diễn thuyết làm sáng tỏ chơn lý Đạo Cao Đài".

Những nhân vật cũng khá nhiệt tâm. Có thể kể ông Charles Bellan và Ông Abadis de Lestrac đã hoàn toàn ngưỡng mộ nền Đạo mới ấy. Người thứ nhứt đáng được nhắc đến vì đã bắt đầu ăn chay trường như mọi tín đồ Cao Đài.

Những cách tuyên truyền, những bài báo, những buổi diễn thuyết, những người điều khiển không kể đến có bao nhiêu: dự định thiết lập một Thánh Thất Cao Đài để hoạt động cùng với số đạo hữu ở Châu Âu.

Lại nữa, theo một chương trình đã soạn kỹ, các nhà truyền giáo Đạo Cao Đài sẽ mở rộng chu kỳ của họ ra khắp thế giới.

Sau nước Pháp đến nước Đức đã tiếp đón Đạo Cao Đài một cách nồng nhiệt, giáo hội GNOSTIQUES rất nhiều ở Đức đã hoan hỉ hợp tác với Đạo Cao Đài vì các giáo hội đó quan niệm rằng Đạo Cao Đài có nêu lên một nền luân lý khá cao mà mục đích không khác họ mấy là làm mọi việc để xoa dịu nổi thống khổ của loài người bằng đường đại đồng tổng thể. Đó là công thức đến đúng lúc, trong khi nhiều nước đang mệt nhọc vì hềm thù với nhau từ lâu mà chỉ muốn nói chuyện bằng súng đạn...

Tóm lại, tôn chỉ Đạo Cao Đài rất đáng được tìm hiểu suy nghiệm cho kỹ lưỡng trước khi trừng phạt do những định kiến quá giản đơn mà người ta gán ghép cho Đạo Cao Đài.

Xin nói cho rõ: Bà M.Tozza, trạng sư toà án Paris đã tổ chức một buổi diễn thuyết tại Hội Thông Thiên Học Pháp về tôn chỉ linh thiêng của Đạo Cao Đài trước nhiều người hâm mộ. Một nhật lịnh có ghi trong tập san tháng 5 của Section du VII e Arondissement de la Ligue thì bà M.Tozza cũng đã diễn thuyết tại Hội Nhân Quyền và dân quyền tự do tín ngưỡng ở các nước Đông Dương.

Còn ông Ch. Bellan vốn là cựu Khâm Sứ ở Cam-Bốt và ông Lestrac là công chức Pháp ở Nam phần thọ phong Giáo Hữu. Hai ông đều ăn chay trường như hàng giáo phẩm ngay sau khi nhập môn.

Báo LA PRESSE INDOCHINOISE ra ngày 23-10-1932 đã đề cao Đạo Cao Đài như sau:

Báo Revue (*1) Cao Đài đã ấn hành tới số 19. Ta thấy trong đó rất nhiều điều hữu ích. Với sự nhẹ nhàng, Đạo Cao Đài đã hình thành đạo lý bằng sự hợp nhất các giáo thuyết Phật Giáo, Cơ Đốc Giáo, KiTô Giáo, Hồi Giáo (*2) và rất gần gũi với Thần linh học (Tout doucement, le Cao Dai édifie sa doctrine entre un essai d'union des doctrines Bouddhiques, Chrétiennes, Catholiques. Mahométanes, déjà si voisines et une affection réelle pour le spiritisme).

Tất cả các sự kiện đó đáng được cảm tình mà không vụng về chút nào. Thật vậy, Đạo Cao Đài chắc chắn thành công trong khu vực Anglo-saxons (như đã biết dân Anh rất ưa thích Thần linh học), cả những khu vực Hồi giáo, v.v... và Đạo Cao Đài từ từ đi tới. Rồi đây, họ sẽ đến Paris để xây dựng một Thánh Thất Cao Đài.

Báo Đông Dương (La Presse Indochinoise) nhiệt tình cổ võ cho Đạo Cao Đài và tờ LA LIBRE OPINION ở đất Pháp cũng đề cao Đạo mới trong số ra ngày 8-11-1931 như sau:
"Trong thời điểm mà toàn thế giới lan tràn một làn sóng hận thù mà hai dân tộc sắp sửa xâu xé nhau thì ở chân trời xa kia, ai biết Đạo Cao Đài ra đời đúng lúc".

Báo PROGRÈS ra ngày 19-12-1931 thừa nhận chủ nghĩa cao thượng của Đạo Cao Đài. Báo ấy viết:
"Ta có thể nhạo báng những bài cơ bút mà các nhà giáo lãnh của đạo ấy nhận được cho là của bà Jeanne d' Arc, Descartes, Newton, Jésus, Chateaubriand, Victor Hugo, Đức Cao Đài (l'Être Suprême).

Nhưng ta không thể chối rằng họ đã làm sống lại cái quyền tối thiêng liêng của tất cả mọi người với những tư tưởng rất quãng đại. Không những vô hại mà rất nhân từ... Họ tạo cho dân Đông dương một hấp lực mạnh mẽ, bởi lẽ họ đã tập hợp ở Nam Kỳ trong 5 năm qua hơn một triệu tín đồ trên ba triệu tức gần một nửa dân cư".

Một biến cố quan trọng nhất trong việc phổ độ, nhà báo nổi tiếng của Pháp là ông Gabriel Gobron nhận Thiên Vị Tiếp Dẫn Đạo Nhơn (Instructeur) của Tòa Thánh Tây Ninh (1933) để truyền đạo. Trong các hội nghị quốc tế về tôn giáo, ông đã cực lực bênh vực lý tưởng và giáo lý Đạo Cao Đài. Năm 1949 ông cho in quyển Lịch sử Đạo Cao Đài đầu tiên: Histoire et Philosophie du Caodaisme do nhà xuất bản Dervy ở Paris ấn hành.

Quyển sách này chứa đựng nhiều tài liệu buổi đầu đáng tin cậy. Nhất là việc ông ghi lại các phiên họp của Thần linh học quốc tế. Ta lần lược trích dẫn dưới đây:

1 . Hội nghị Thần Linh Học quốc tế tại Barcelone (1934):
Phong trào Cao Đài: Theo đề nghị của ông Gabriel Gobron, Tiếp Dẫn Đạo Nhơn của Đạo Cao Đài tại Pháp (hay Phật giáo chấn hưng hay Thần linh học Việt Nam). Hội nghị Thần Linh Học quốc tế họp lần thứ 5 tại Barcelone (từ 1 đến 10-9-1934) trân trọng yêu cầu chính phủ Pháp, căn cứ vào những lời hứa long trọng vào tháng 3 năm 1933 tại Quốc Hội Pháp do chủ tịch Sarraut đương kim bộ trưởng Thuộc địa thiết lập cho Đạo Cao Đài một qui chế rộng rãi như những người Việt Nam theo Đạo Thiên Chúa đã được thừa hưởng hay như những tín đồ giáo phái đạo Phật trong toàn liên bang Đông Dương. (Revue Spirite số tháng 10-1934, trang 505).

2 . Hội nghị Tôn giáo quốc tế tại Luân Đôn 1936:
Tại Hội Tôn giáo quốc tế họp ở Luân Đôn vừa qua dưới sự chủ toạ của Sir Francis Younghusband, có ông Gabriel Gobron, Tiếp Dẫn Đạo Nhơn của Đạo Cao Đài ở Pháp, đại diện Toà Thánh Tây Ninh đến dự. Đạo Cao Đài được nhìn nhận là một Đạo khoan dung nhất thế giới. Trước mặt rất đông hội viên gồm tất cả đại diện của các tôn giáo lớn trên thế giới và ký giả các báo quốc tế. Vị đại diện Cao Đài đã tuyên bố;

"Đạo Cao Đài chính là một sự kinh nghiệm của sự hoà đồng các chủng tộc và chính sự hoà đồng đó mà quí vị tụ hội nơi đây. Đạo Cao Đài chính thật là một kinh nghiệm sống của sự qui nguyên và sự thống nhất các tôn giáo. Nhiều tràng pháo tay hoan nghênh vang dậy trong phòng họp". (Le Cygne ra ngày 20-9-1936).

3 . Hội nghị Thần Linh Học quốc tế ở Glasgow (Anh quốc) năm 1937:
Theo sự thỉnh cầu của ông Gabriel Gobron, Tiếp Dẫn Đạo Nhơn của Đạo Cao Đài hay Thần Linh học Việt Nam tại Pháp, hội Thần Linh học quốc tế lần thứ sáu họp ở Glasgow (từ 3 đến 10-9-1937) tiếp theo hội nghị lần thứ 5 ở Barcelone đã chuyển lời thỉnh cầu: Thần Linh Học Việt Nam phải được hưởng trong toàn Đông Dương về tự do tư tưởng cũng như tín ngưỡng mà người Việt theo Thiên Chúa Giáo hay Đạo Tin Lành đã được hưỡng, dù họ là dân Pháp tịch, dân bảo hộ, dân lai hay dân ngoại quốc.

Lời thỉnh cầu của hội nghị Barcelone đã mở ra một thời đại tự do cho toàn thể Đạo Cao Đài.
Lời thỉnh cầu này đã thảo luận trong bàn hội nghị triết học của đại hội và trong buổi mít tinh ở vùng McLellan Galleries vào ngày 19-9-1937 đã được dân chúng hoan nghinh (Annam Nouveau ra ngày 14-11-1937). (*3)

Trong hội nghị thần linh học họp ở Lausanne (Thuỵ Sĩ vào năm 1948, Ông Henri Regnault phó chủ tịch Uỷ ban quốc tế của Hội có đem cuốn sách viết về Đạo Cao Đài của ông Frère Gago trình bày giữa hội nghị và nói:
"Không một hội viên nào ở đây biết về Đạo Cao Đài: Tất cả phải tìm hiểu Đạo Cao Đài vì lý tưởng quí nhất dung hoà các tôn giáo có thể đem lại hòa bình tại thế gian này, đó là mục đích chúng ta đang theo đuổi". (*4)

Nhờ đó mà hội nghị uỷ nhiệm ông Regnault tìm cách liên lạc với Đạo Cao Đài để yêu cầu gia nhập hội Thần Linh Học, sau đó không lâu Toà Thánh Tây Ninh cử ông làm đại diện Cao Đài Giáo để tham dự các hội nghị do Hội Thần Linh Học tổ chức.

Ông Henri Regnault, Vice président de L'Union Spirite Francaise, du conseil Spirituel Mondial, Trésorier adjoint du conseil suprême du C.S.M, délégué du caodaisme trong hội nghị Thần Linh Học (Conseil spirituel Mondial) quốc tế, tập kỷ yếu "Conmment réaliser l'universalisme religieux" có đủ hình ảnh chính yếu về Đạo Cao Đài. Sau mỗi hội nghị, Ông điều báo cáo về Toà Thánh Tây Ninh (*5)

Chính vì những sự phát triển ra nước ngoài mà nhà cầm quyền Pháp cảnh cáo các giới chức coi chừng một "Jérusalem mới" chổi dậy.(*6)

Dù gặp khó khăn những người Pháp hiến thân lo đạo như giáo sư Latapie, và dạy học như Serge Vanony vẫn ở lại Toà Thánh.

Tờ Midi Colonial ra ngày 1-7-1931 nói đến một sự gian lận rộng lớn (vaste escroquerie), một mối nguy cơ thật sự cho sự trị an ở Đông Dương.... Ông Ernest Outrey, nghị viện Nam Kỳ thoạt đầu rất chống đối Đạo Cao Đài đã viết ngày 18-7-1932 như sau:

"Không ưa gì Đạo Cao Đài, tôi đã nghi ngờ và đố kị họ. Thật sự, tôi đã xin chính phủ kiểm soát gắt gao họ bằng đủ mọi cách, nhưng đến nay tôi có thể nói rằng những tài liệu mà tôi buộc Đại Đạo đều không đúng, nếu không nói là sai lạc thì cũng đã nói quá đáng cho họ... Đó là điều làm tôi có thái độ khoan dung để đạo Cao Đài tự do tín ngưỡng".

Những điều trích trong bài LE CAODAISME in trong "Revue des membres de La légion D'Honneur": LE RUBAN ROUGE, số 6 tháng 11 năm 1960, trang 6.

Ông G. Meillon là giám đốc Học viện Pháp Việt, giáo sư trường Quốc gia sinh ngữ Đông Dương

(Directeur de L' Institut Franco Vietnamien, professeur à L' Ecole Nationale des Langues Orientals Vivantes) thường về tìm hiểu đạo tại Toà Thánh Tây Ninh qua người em kết nghĩa là Phối Sư Hiển Trung, viết đều đúng sự thật.

Đây là giai đoạn phát sinh, hình thành và xây dựng cơ sở Đạo tại Toà Thánh Tây Ninh và các tỉnh. Trong giai đoạn này có 3 sự kiện nổi bật.

Thứ nhứt "Tờ Khai Tịch Đạo" với nhà cầm quyền Pháp của Đức Quyền Giáo Tông Lê Văn Trung. Không phải Đức Ngài thì không ai dám ngang nhiên đưa đơn rồi mở ngày khai Đạo nơi Gò Kén.

Thứ hai: việc thành lập "Tân Luật và Pháp Chánh Truyền" tức Hội Thánh Hiệp Thiên Đài và Cửu Trùng Đài, đặt nền tảng vững chắc cho nền Đạo.

Thứ ba: là việc "xây cất Toà Thánh" do Đức Phạm Hộ Pháp trông coi cơ bản đã hoàn thành.

(*1) báo này do Phối Sư Nguyễn Văn Ca sáng lập và Bảo Pháp Nguyễn Trung Hậu làm chủ bút.
(*2) Thánh Nour ELDINH đại diện cho Hồi Giáo thờ tại Bát Quái Đài TTTN
(*3) G.GOBRON, Histoire et Philosophie du Caodaisme. Paris Dervy 1949
(*4) G.GOBRON, sdd, tr,78
(*5) Xin xem Đại Đạo Sử Cương (quyển II) Tây Ninh 1970
(*6) Johan Cendrieux, Une Jeùrusalem Nouvelle. Extreâme Asie (Revue Indo-Chinoise), soá (7/1928).

2 . Giai đoạn 1941-1946:
Thế chiến thứ hai đến hồi quyết liệt. Pháp viện cớ vu vơ: "Trên nóc Hiệp Thiên Đài của Đền Thánh có tạc chữ Vạn, chứng tỏ Đạo Cao Đài có liên hệ với Đức Quốc Xã". Do đó, nhà đương cuộc Pháp vào Toà Thánh bắt Đức Phạm Hộ Pháp và 5 vị chức sắc cao cấp đày sang Madagascar rồi cho quân đội vào chiếm đóng Toà Thánh, chỉ cho một mình Lễ Sanh Xường vào cúng Tứ Thời mà thôi.

Thật ra, hình tượng chữ Vạn  đâu làm người Pháp nhầm lẫn như vậy. Hình tượng Vạn không phải là chữ Hán (có nghĩa là mười ngàn) mà là một biểu tượng của Ấn Độ cổ thời Bà La Môn có nhiều tôn giáo đã sử dụng.

Khi đạo Phật xuất hiện, họ gọi là VẠN, còn đời Đường, thời Võ Tắc Thiên đọc là NHỰT (mặt trời) Đạo Cao Đài tôn thờ chữ NHỰT đó, nhưng đồng đạo quen gọi là chữ VẠN.

Theo "Học Phật Quần Nghi" (NXB Đông Sơn, Đài Loan 1987) thờ chữ VẠN là cầu mong Thánh vương giáng thế (Đạo Cao Đài chỉ Đức Di Lạc) chuyển luân cai trị thế giới.

Tác giả, Hoà Thượng Thích Thánh Nghiêm viết rõ thêm: "Gần đây thỉnh thoảng có sự tranh luật về chữ VẠN ngoặc sang phải hay ngoặc sang trái... Vì trong những năm 40 của thế kỷ XX, Hitler Châu Âu cũng dùng chữ VẠN để làm phù hiệu cho chủ nghĩa Đức Quốc Xã. Có người nói Hitler dùng chữ VẠN ngoặc bên trái, Phật giáo dùng chữ VẠN ngoặc bên phải". (Học Phật Quần Nghi sđd trang 144).

Chính vì sự hiểu lầm đó mà Toà Thánh Tây Ninh bị quân đội Pháp chiếm đóng trong suốt năm năm (1941-1945)

3 . Giai đoạn 1946-1955:
Đây là giai đoạn vàng son thanh bình thịnh trị của nền Đạo dưới sự lãnh đạo tài hoa và khéo léo của Đức Phạm Hộ Pháp. Từ một cơ đạo rã rời tan tác, Đức Ngài đã tái tập họp, rồi hồi sinh và phát triển vượt bậc, tạo niềm cảm mến sâu xa trong lòng tín hữu.

Giai đoạn này người Trung Hoa đến lập nghiệp tại Thánh địa Cao Đài rất đông, đứng đầu là Phối Sư Thái Khị Thanh (Lâm Tài Khị). Chính ông là người giữ vững Toà Thánh khi quân viễn chinh Pháp trở lại Đông Dương (1941-1945). Ông đã thừa lệnh Hội Thánh xây cất văn phòng Đường nhơn.

Tướng Lữ-Bình Mã Nguyên Lương rời Trung Hoa lục địa đến sống tại Chợ Lớn, nhưng sau khi hiểu được lý tưởng đại đồng của Đạo Cao Đài không kỳ thị chủng tộc, không phân biệt tôn giáo, ông quyết đưa cả gia quyến về Thánh địa sinh sống tại Long Thời. Ông được Đức Hộ Pháp ban cho phẩm Hiền Tài.

Khi chiến tranh Việt Pháp đến hồi quyết liệt (1953-1954) các chánh khách coi Toà Thánh là cái bóng đa lớn cho họ dung thân, từ những người khoa bảng như Trần Văn Ân, Trần Văn Quế, Vũ Tam Anh, Phan Khắc Sửu, Chu Văn Bình (Chu Tử), Trần Văn Tuyên, Phạm Xuân Thái, Hồ Hán Sơn, v.v... cho đến những thanh niên trí thức trẻ. Họ được đồng hoá và gắn quân hàm từ Thiếu uý đến Đại tá để che mắt chính quyền.

Chiến tranh Điện Biên Phủ càng khốc liệt thanh niên bỏ ngũ, rời quân trường về Thánh địa Cao Đài càng gnày càng đông. Họ coi đất Thánh địa là bầu vú sữa của mẹ hiền che chở nâng niu họ. Vì lẽ đó, số tín đồ tăng lên đột ngột, năm 1953 chỉ 1 triệu rưỡi người, đến năm 1964 tăng lên 2 triệu rưỡi người.

Trong giai đoạn này có ba sự kiện cơ bản nổi lên.
Thứ nhứt: Đức Phạm Hộ Pháp chỉ định Lễ Sanh Ngọc Ba Thanh (tức hoạ đồ viên Trương Văn Ba) thiết lập bản đồ phóng đường chia lô vùng Thánh địa. Tất cả các cơ sở Đạo xây dựng hiện nay là do họa đồ tiền định của Đức Hộ Pháp trong thời kỳ này, bao gồm cả chợ bát quái Long Hoa.

Thứ hai: là chỉnh trang tô điểm lại Đền Thánh làm ngôi thờ kiểu mẫu cho toàn sanh chúng chiêm ngưỡng. Cuộc lễ khánh thành Toà Thánh kéo dài trong 10 ngày (từ 29-01-1955 đến 8-02-1955). Quan khách đến dự gồm đủ các ngoại giao đoàn, các tôn giáo bạn. Số tín đồ từ các tỉnh về dự lễ đến một triệu lượt người và số người đến xem lễ và quan sát non một triệu người.

Lễ khánh thành đã phô trương thanh thế của Đạo Cao Đài trên bình diện quốc tế.

Thứ ba: là việc quốc gia hoá quân đội Cao Đài (1955). Kế đó Ngô Đình Diệm ra lịnh cho tướng Nguyễn Thành Phương lập Ban thanh trừng giam lỏng Ngài Phạm Công Tắc tại Hộ Pháp Đường (từ 20-8-Ất Mùi đến 5-1-Bính Thân) và khủng bố những trí thức còn trung thành với Đạo phải rời bỏ Thánh địa.

Vì quá đau lòng cảnh đồng đạo tương tàn, Ngài làm chuyến đi lịch sử sang Cam Bốt. Tiếp đến là chiến dịch Trương Tấn Bửu, mục đích của Ngô Đình Diệm là diệt hết những phong trào ủng hộ Đức Hộ Pháp.

Ngày 28-2-1956 thoả ước Bính Thân ra đời tách hẳn Đạo Cao đài ra khỏi chính trị. Mọi sinh hoạt hầu như tê liệt.... Các thân hữu Cao Đài im vắng, không ai dám lên tiếng. Đợi đến khi chính quyền Ngô Đình Diệm bị lật đổ (1963), các báo mới khơi lại chuyện cũ:
- Ngô Đình Diệm ra lịnh triệt hạ Quả Càn Khôn (Sài Gòn Thời Báo số 3 ra ngày 21-11-1963).
- Âm mưu của Diệm để đàn áp Đạo Cao Đài (Báo Buổi Sáng số 1555 ra ngày 20-11-1963).
- Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc với những thăng trầm của lịch sử (Hoà Bình số 127 ra ngày 21-2-1967).
- Lý do ông Cao Hoài Sang thay thế ông Phạm Công Tắc (Báo Mới số 498 ra ngày 19-11-1963).

4 . Giai đoạn 1956 - 1975:
Sau khi Mặt trận Giải phóng Miền Nam thành lập (20-12-1960) ở trong rừng phía Bắc Tây Ninh và việc Đại tá Huỳnh Thanh Mừng (Cao Đài ly khai) gia nhập quân đội giải phóng thì Cao Đài Tây Ninh được chính quyền Sài Gòn "quan tâm đặc biệt".

Hội Thánh bị thúc phược phải phong cho cựu tướng lãnh Nguyễn Văn Thành chức Tổng Thanh Tra Chính trị Đạo, ngoài qui định của Tân Luật, Pháp Chánh Truyền để "coi sóc" nguời tu hành ngoài lẽ Đạo. Đến khi, chính quyền Ngô Đình Diệm sụp đổ (1963) thì Đạo Cao Đài được phát thanh trên hệ thống A của Đài Phát Thành Sài Gòn. Nhờ đó thân hữu, bầu bạn, đồng Đạo khắp nơi nghe được tiếng nói của Toà Thánh Tây Ninh. Người ta lại bắt đầu hành hương và du ngoạn về Thánh địa tấp nập mỗi ngày một đông. Khắp năm châu, không châu nào là không có người đến để tham quan hay làm giáo trình giảng dạy như:
• Giáo sư người Anh R.B.Smith với loạt bài; An introduction to Caodaiism: I. -ORIGINS AND EARLY HISTORY (335-349) quyển 33, tập 2 -1970; II - Beliefs and organisation of the school of oriental and Africa studies University of London.
• Y Castella viết quyển Le Spiritisme (Thần linh học) trong đó từ trang 78-83 viết về LE CAODAISME, nhà xuất bản Que sais -je? Paris 1959, 125 trang.
• Ph. Arschot viết LE CAODAISME đăng trong Message d'Extrême-Orient. Năm thứ hai 1972, số 6 (trang 419-430). Số 8 (603-609), số 9 (715-718).
• Nguyễn Trần Huân viết về Lịch sử một phái đạo ở Việt Nam, Histoire d'une secte religieuse: Le Caodaisme (trang 89-214), in trong Tradition et révolution au Vietnam, nhà xuất bản Anthropos, Paris 1971.
• P.Bernardini viết luận án tiến sĩ đệ tam cấp với đề tài: LE CAODAISME AU CAMBODGE (Cao Đài Giáo tại Cam Bốt), trình ở Đại Học Paris VII, 1974 với 451 trang.
• Cô M.Verme ở Hoa Kỳ cũng đến Toà Thánh tìm tài liệu viết luận án về Đạo Cao Đài.
• Giáo sư Lê Trung Thành số 404 Neuss 16 Oyriakustrasse 62 Tây Đức viết thơ cho tôi đề ngày 17-7-1971 có câu:

"... Tài liệu của Trần tiên sinh rất cần cho Đại học Cao Đài và cho tôi. Xin giáo sư gửi trước cho tôi một bản đánh máy để tôi học thêm và viết luận án. Nếu được nhiều tài liệu tôi sẽ lấy Thạc sĩ về tư tưởng Cao Đài.

Tôi mừng lắm vì Viện Đại Học Cao Đài được thành lập, Cao Đài giáo là kết tinh mọi tôn giáo và triết thuyết là Le culte de Dieu et de l'Homme. Như vậy có mấy ngàn Đại học cũng chưa đủ để khai thác và xây dựng sự kết tinh của nhân loại và của lịch sử kia".

Trong nước, các Linh Mục, các Thượng tọa, các nhà trí thức đến Toà Thánh tìm hiểu và viết những bài nhận định về Đạo Cao Đài:
• Giáo sư Nguyễn Đăng Thục với bài Cao Đài giáo với ý thức hệ dân tộc đăng trên báo Nhân Sinh số đặc biệt 1964.
• Giáo sư Nguyễn Lương Hưng với bài Vài nhận định về Cao Đài giáo, Sài Gòn, Đại Đạo nguyệt san số 3-1964.
• Nhà báo Nguyễn Trung Ngôn với bài Vía Đức Hộ Pháp Sài Gòn tờ Tiếng Việt số 147-1969

Trên đây chỉ lược kê một số sách, một số luận văn tiêu biểu.

Dưới đây cũng xin ghi lại đại để những phái đoàn, những nhân vật quan trọng trong và ngoài nước đến thăm viếng và tìm hiểu về Đạo Cao Đài, dựa theo tờ THÔNG TIN của cơ quan Phát thanh và Phổ Thông Giáo Lý Cao Đài.
• Ngày 31-10-1970 phái đoàn Y tế Quốc tế gồm 12 nước có 60 vị vừa Bác sĩ, Kỹ sư và Chuyên viên đến viếng Toà Thánh.
• Ngày 9-01-1971, Nghị sĩ Huỳnh Văn Cao, Phó chủ tịch Thượng Viện và ông Trần Quốc Bửu, chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cùng phái đoàn viếng Hội Thánh Cao Đài gồm có Nghị sĩ Đặng Văn Sung (báo Chính Luận), Nghị sĩ Lê Phước Sang (đạo Hoà Hảo), bà Trần Ngọc Oanh (Phó chủ tịch Hội Phụ Nữ Việt Nam) và nhiều nhân sĩ khác.
• Ngày 10-01-1971 ông Jacques de Folin, Tổng lãnh sự Pháp tại Sài Gòn và phái đoàn viếng thăm Toà Thánh.
• Ngày 11-1-1971 ông Quốc vụ Khanh Phan Quang Đán và phái đoàn đến Giáo Tông Đường diện kiến ngài Đầu Sư.
• Ngày 10-2-1971 Trung tướng Serm Nanakorn thuộc quân lực Hoàng Gia Thái Lan cùng Đại tá Tapia người Philipine và phái đoàn viếng đền Thánh.
• Ngày 12-2-1971 Đại sứ Úc tại Sài Gòn và phái đoàn 10 người quan sát lễ ngọ trưa.
• Cùng ngày, nhà ngoại giao người Mỹ Kenneth Young và phái đoàn được ông Lê Thiện Lộc (bào đệ của Bảo Thế Lê Thiện Phước) hướng dẫn đến Giáo Tông Đường thăm các vị Thời Quân.
• Ngày 21-2-1971, ba phái đoàn Phật giáo viếng Toà Thánh là:
1/ Phái đoàn Giáo Hội Phật Giáo Thiên Thai Giáo Quán Tông gồm có 350 vị, trụ sở tại Chùa Pháp Hội Sài Gòn.
2/ Phái đoàn Phật giáo Việt Nam Thống Nhứt tỉnh gồm 150 vị, thuộc Pháp Vân Tự.
3/ Phái đoàn Phật giáo Long Vân Tự gồm 150 vị, thuộc quận 8, Sài Gòn.

Ba phái đoàn đều có mang lễ phẩm và cúng tiền hành hương.
• Ngày 24-3-1971 Chuẩn tướng Jew Arthur S. Hyman thuộc Quân lực Mỹ và phu nhân cùng phái đoàn đến viếng Đền Thánh.
• Ngày 30-5-1971, phái đoàn Tu sĩ Công giáo Tân Tây Lan viếng Toà Thánh, gồm Tu sĩ trưởng Giáo Hội, Tu sĩ Trưởng lão giáo hội, tu sĩ W Fond (President Methodist Church of New Zealand), Tu sĩ H.Caller (Youth Officer), Tu sĩ H.W.Baines (Bishop of Wellington), Tu sĩ Kennis J.o'Canna (Giáo sư Đại học LincoIn), ông M.Ross (đệ nhứt Tham vụ Toà Đại Sứ Tân Tây Lan tại Sài Gòn), đến viếng Đền Thánh.

Dưới thời Đức CaoThượng Sanh và Ngài Hiến Pháp, ta thấy ba sự kiện nổi bật sau đây:

Thứ nhứt: Vào tháng 7-1965, chính phủ Việt Nam Cộng Hoà ban hành Tư cách pháp nhân cho Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ. Đến ngày 19-8-1966, Chủ tịch Uỷ ban Hành Pháp ký nghị định số 1500NĐ/CN cấp không cho Đạo 2.355 ha đất, thuộc 4 khu rừng 55, 56, 176, 316.

Thứ hai: Đức Ngài cho phép Ban Thế Đạo đưa người ra tranh cử Hội đồng Tỉnh tại 4 quận trong tỉnh Tây Ninh, tỉnh Hậu Nghĩa, tỉnh An Giang. Tất cả đều trúng cử vẻ vang.

Thứ ba: Ngài Hiến Pháp Trương Hữu Đức theo di ngôn của Đức Hộ Pháp hoàn tất việc xây Viện Đại Học Cao Đài và đã cấp các bằng kỹ sư, cử nhân cho các sinh viên.

Giai đoạn 1971-1975 Ngài Hiến Pháp tiếp tục cho xây dựng các Thánh Thất và điện thờ Phật Mẫu ở địa phương. Nhất là cho kỷ niệm 2 ngày lễ lớn Đại Lễ Vía Đức Chí Tôn và lễ Hội Yến Diêu Trì Cung thật trọng thể.

• Ngày 13-6-1971 phái đoàn Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu và phu nhân dự lễ tấn phong Quyền Chưởng Quản Hiệp Thiên Đài Trương Hữu Đức ngoài ra còn có các quan khác như:
▪ Phó Thủ tướng Nguyễn Lưu Viên
▪ Chủ tịch Hạ Nghị Viện.
▪ Hai Vị Quốc Vụ Khanh Mai Thọ Truyền và Phan Quan Đán.
▪ Tổng Trưởng Quốc Phòng Nguyên Văn Vỹ.
▪ Tổng trưởng Thông Tin Trương Bưu Điện.
▪ Giám Mục Trần Thanh Khâm đại diện Đức Tổng Giám Mục Sài Gòn Nguyên Văn Bình.
▪ Thượng Toạ Thích Pháp Siêu, đại diện Tổng Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam.
▪ Tu sĩ Huỳnh Văn Nhiệm, đại diện Phật Giáo Hoà Hảo.
▪ Bộ Trưởng Phủ Thủ Tướng Nguyễn Văn Vàng (nguyên Tỉnh trưởng Tây Ninh).
▪ Đại diện Thông Tin Hoa Kỳ: Ông Dell. Pendergrast.
▪ Hội Đồng Trị sự Nguyễn Phước tộc ở Huế gồm: Bửu Oai phó chủ tịch, Tôn Thất Liệu Tổng thơ ký, Bửu Cao phó chủ tịch tương tế.
• Vào ngày 01-08-1971 phái đoàn Thương Mại Nhật Bản do ông N.Kayima hướng dẫn viếng Toà Thánh và tặng quà cho trẻ em ở cô nhi viện.
• Ngày 01-8-1971 phái đoàn giáo sư Nhựt Bổn viếng Toà Thánh, Trưởng đoàn là giáo sư Hitoo Marakawa, Giám đốc Viện bảo tàng Tenri Sankokan.
• Ngày 06-10-1971 phái đoàn Quân lực Hoa Kỳ do Chuẩn tướng Fohn A.Wichkham đến thăm Toà Thánh.
• Ngày 08-10-1971 ông Yang Soo Yoo, Đại sứ Đại Hàn và ông C.F.J. Woodland, Đại sứ Úc tại Sài Gòn và phái đoàn viếng Toà Thánh và dự lễ ngọ thời.
• Ngày 7-12-1971, ông R.G.Trott Giám đốc cơ quan cứu trợ care tại Việt Nam và phái đoàn đã đến viếng Toà Thánh Tây Ninh bàn việc cứu trợ.
• Ngày 20-12-1971 Viện Đại Học Cao Đài tổ chức kỳ thi tuyển vào năm thứ nhất niên khoá 1971-1972, có 412 dự thi và 367 sinh viên trúng tuyển.
• Ngày 25-12-1971 phái đoàn Đệ nhất Tham vụ Toà Đại Sứ Tây Đức tại Sài Gòn viếng Toà Thánh. Đặc biệt phi cơ của phái đoàn đáp xuống sân vận động nội ô Toà Thánh. Đến 12 giờ phái đoàn quán dự cúng ngọ Đại Đàn, kỷ niệm đản sanh Đức Jésus Christ.
• Ngày 7-1-1972 phái đoàn Đại Sứ Úc viếng Toà Thánh gồm các ông M. Morris, Đại sứ Úc, ông M.Zerzavy nhà vật lý học Hoa Kỳ. Phái đoàn còn đến thăm Trí Giác Cung, Trí Huệ Cung.
• Ngày 1-3-1972 Đại hội đầu tiên của Hội Thánh Cửu Trùng Đài tại Hạnh Đường gồm có 480 nam và 132 nữ, cộng chung 612 vị. Hội kiểm điểm việc làm trong năm qua và hoạch định chương trình sắp tới, để bảo thủ chơn truyền luật pháp.
• Ngày 14-3-1973, Tamitsu Fujinomija, đại diện của Hinomoto gởi cho Toà Thánh bức thư có đoạn viết:
"Vào ngày 13-12-1972 tôi có tiếp nhận một mặc khải thiêng liêng ở núi Phú Sĩ dạy rằng: Có một Thánh địa vĩ đại ở Việt Nam. Ta đã chuẩn bị nó cho ngày hôm nay. Con hãy đi tìm và liên lạc chặt chẽ với Thánh địa ấy.

Vì thế khi viếng Việt Nam, tôi nhận thấy rằng Thánh ý đã thực hiện huy hoàng tại Thánh Địa Cao Đài".
• Ngày 29-3-1972 phái đoàn nữ Bá tước chủ tịch Hội Hồng Thập Tự quốc tế viếng Toà Thánh và Cô Nhi Viện của Đạo.
• Ngày 21-5-1972 lễ tấn phong Hiền Tài BTĐ khoá 4 có 162 vị. Buổi chiều đại hội bầu cử Ban Quản Nhiệm Trung Ương.
• Ngày 01-9-1972 phái đoàn Thiên lý giáo Nhật do ông Sơn Hải Lý Nhất làm trưởng đoàn hướng dẫn 8 người về viếng Toà Thánh để tìm hiểu Đạo Cao Đài. Hội Thánh tặng cho phái đoàn Kinh Lễ và Tân Luật Pháp Chánh Truyền.
• Ngày 1-11-1972 nhân ngày Quốc khánh, Hội Thánh thiết lễ cúng Tiểu đàn tại Đền Thánh, cầu cho quốc thái dân an.
• Ngày 31-12-1972 Đại hội chi phái tại Hội Thánh, gồm các phái đoàn: Hội Thánh Truyền giáo, Cao Đài Chiếu Minh, Hội Thánh Tiền Giang, Cơ quan Phổ thông Giáo lý, Minh Chơn Lý, Cao Đài thống nhất, Cao Đài Thượng Đế, Cao Đài cứu thế, Cao Đài Trung ương Trung Việt..... bàn việc thống nhất nền Đạo.
• Ngày 11-9-1997 ông H.R..DHARSONO, Đại sứ Indonesia tại Sài Gòn hướng dẫn phái đoàn cao cấp Nam Dương gồm 16 người về Thánh địa dự Đại Lễ Hội Yến Diêu Trì Cung cúng Phật Mẫu. Hội Thánh cũng tặng Kinh điển cho phái đoàn.

Ta hãy nghe cảm tưởng chân thành của ông Marc Linessart, chuyên gia liên hợp dược phẩm của Toà Đại Sứ Pháp ở Nam Vang (Expert Coopération Médicale, Ambassade de France, Phnom Penh) viết trong sổ lưu niệm đặt tại Tòa Thánh, khi ông đến viếng thăm:

"Xin vui lòng cho phép tôi viết trong quyển sổ viếng thăm này tất cả điều gì tôi nghĩ và thấy sau khi viếng thăm Toà Thánh....

1 .  Tôi thấy hàng chữ lớn đập vào mắt tôi như bí pháp của học thuyết Cao Đài:

THIÊN THƯỢNG VÀ THIÊN HẠ
BÁC ÁI VÀ CÔNG BÌNH

Đã được phơi bày trước mặt mọi người ngay trong thềm bước vào Đền Thánh. Đó là lời kêu gọi quyết liệt mà Thượng Đế gởi đến các con Ngài ở vào thời kỳ Đại ân xá lần thứ 3 này. Đó là Hoà ước lần thứ 3 ký giữa Thượng Đế và Nhân loại đã đem bác ái và công bình đặt trên quả địa cầu này.

2 . Tôi thấy ÔNG GIÀ VĨNH CỬU ngự trong Bửu điện dạy chúng ta đạt phép sinh tồn. Tôi thấy Ngài không bằng mắt mà bằng đức tin. Ngài ngự ở đó, nhưng con người tự cao, tự đại sẽ không hề thấy được ngài...

3 . Tôi nghe ngài dạy: Con người, Thượng Đế đã tạo ra con y như hình thể của Người và giống Người để con tìm cách về Người....

Trước khi vào viếng Thầy, con hãy ăn hai trái cây này: BÁC ÁI và CÔNG BÌNH đã phơi bày trước mắt con. Nếu ăn được hai trái cây đó con sẽ trở thành Chân Nhân mà nhờ từ Chân Nhân ấy con sẽ thành Thầy. Đó là điều đơn giản, tuy rất khó làm, nếu con không có khả năng làm thì hãy ôm chặc Thầy thì Thầy sẽ giúp con. Ai sống trong tình thương sẽ sống trong Thượng Đế. Chính nhờ thế mà con đến với Thầy. Chính nhờ đó mà Thầy đến với con ...

Hỡi các con thân yêu, Các con hãy nếm hai trái cây ấy đi, ăn say mê, càng ăn được nhiều thì THIÊN ĐÀNG TẠI THẾ sẽ hiện lên trước mặt các con. Ngày mà các con trở về với Thầy chỉ còn một bước mà thôi...

Bạch Đại Từ Phụ, con xin dâng hiến tất cả hình hài của con cho Thầy để đền đáp lại những gì mà Thầy đã ban cho con.

Bạch Đức Chí Tôn, nếu phải cảm ơn Thầy thì con không thể nói cạn lời được. Bao nhiêu tình thương mà con dâng lên Thầy, con vẫn chưa vừa lòng. Quả là tình thương ấy còn tầm thường và phàm tục".

Tóm lại, Đạo Cao Đài dưới mắt người đời biến thiên qua mọi thời đại. Tiên khởi, người ta có đôi mắt nghi ngờ, có kẻ chế nhạo "Cái án Cao Đài". Họ cho việc tập hợp các tôn giáo cùng một Thiên Bàn là không tưởng, khó làm được. Một nhân sĩ bất bình "Cãi án Cao Đài" giải rõ những điều mà người ta xuyên tạc. Nhờ đó, người ta bước sang thời kỳ tìm hiểu Đạo Cao Đài. Ngay cả chính quyền Pháp không còn hiểu lầm "Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ" là "Đạo lớn cứu vớt ba kỳ" (Bắc, Trung, Nam) nữa. Một Linh Mục phải thốt lên: "Đạo Cao Đài là một mảnh vỡ của nền văn hoá truyền thống Việt Nam".(*1) Dần dần người ta thấy rằng Đạo Cao Đài phù hợp với xu thế chung của thời đại là không kỳ thị tôn giáo, không kỳ thị chủng tộc vì lý tưởng cuối cùng của Đạo Cao Đài là đại đồng huynh đệ thế giới, coi mọi sắc tộc có cùng chung một gốc, coi các lãnh tụ tôn giáo đều do một Đấng duy nhứt tạo thành. Như thế, uy tín Đạo Cao Đài mỗi ngày mỗi được nâng lên trên đường quốc tế.

Thêm vào đó, vào nửa đầu thế kỷ XX, đạo Cao Đài đã khai mở tại Tây Ninh, là một biến cố quan trọng trong xã hội và lịch sử Việt Nam. Sự hiện diện của Đạo Cao Đài rất phù hợp với Thiên thời, Địa lợi, Nhân hoà.

THIÊN THỜI: nhờ Đức Chí Tôn khai sáng mối Đạo Trời. Nói riêng bản địa Tây Ninh, có đủ Tam giáo để đạo qui nguyên. Trước khi Đạo khai, đất Tây Ninh đã có sự hiện diện của Đạo Bà La Môn. Các nhà khảo cổ khai quật ở Cổ Lâm Tự tìm thấy tượng đá của Thần Vishnou, chỗ khác linh vật Linga. Đạo Phật là núi Bà Linh Sơn Thánh Mẫu, miếu bà Cửu Thiên Huyền Nữ tại chợ Tỉnh lỵ. Miếu Quan Thánh, miếu Ngũ Hành (đạo Tiên) ở đường Trần Hưng Đạo. Chùa Chàm Hồi giáo ở xóm Đông Tác. Nhà thờ Thiên Chúa giáo ở Tha La (Trảng Bàng). Đất Tây Ninh đã có đủ mặt trang tuyên ngữ của Đạo Cao Đài Tam Giáo qui nguyên, Ngũ chi phục nhứt.

ĐỊA LỢI: Tây Ninh ở sát biên giới Tây Nam, giáp giới Campuchia. Thời Pháp thuộc, Việt, Campuchia, Lào nằm trong khối Liên Hiệp Pháp nên biên giới qua lại dễ dàng không cần xin phép. Nhờ đó, mà người Khơ-mer qua Thánh Thất Từ Lâm (Gò Kén) cầu đạo rất đông. Đó là tiền đề để lập Hội Thánh Ngoại Giáo ở Phnom Pênh trong năm sau.

Mặt khác, đất lành chim đậu. Người ta tìm thấy loài chim di trú sếu đầu đỏ (Hồng Hạc) ở Lò Gò, Xa Mát. Trong Bát quái Cao Đài khi quẻ Càn di chuyển chồng lên quẻ Khôn (Đạo thời quả Càn Khôn) từ quẻ Tốn cũng di chuyển chồng lên quẻ Cấn mà sinh ra quẻ Tiệm, biểu tượng là chim Sếu đầu đỏ.

Như thế Đạo thờ Càn Khôn sinh ra Tiệm, tức con người đứng giữa Trời đất. Trong Kinh Dịch, Đại Tượng truyện cho rằng quẻ Tiệm nói về con người "Người quân tử nên theo quẽ Tiệm này mà tu thân, tiến đến cho được người hiền rồi thành bậc Thánh để cải thiện phong tục cho dân".

Trong Kinh Dịch 64 quẻ chỉ có hai quẻ tượng trưng cho linh thú. Đó là quẻ Càn 1/64 biểu tượng con Rồng và quẻ Tiệm 53/64 biểu tượng chim Sếu mồng đỏ (đã nói trên) chỉ về con người. Nhà nghiên cứu Nguyễn Hiến Lê cho rằng "Trong 64 quẻ không có quẻ nào cho ta thấy có cảm tưởng nhẹ nhàng khoan khoái như quẻ này. Thật là phối phối cùng cánh chim Hồng Hạc bay bổng tuyệt vời".

Thêm vào đó, Viện Bảo Tàng Vĩnh Long khai quật được con Lân Mã ở Vũng Liêm. Người ta bảo ở Toà Thánh Tây Ninh cũng có một con Lân Mã đồng đen, tức con Ngọc Kỳ Lân được thay thế múa trong các lễ hội.

NHÂN HOÀ: Bản địa Tây Ninh có nhiều dân tộc sinh sống hoà đồng với nhau: Kinh, Chàm, Hoa, Khmer, Tà Mun, Stiêng.... Ngày đạo khai thêm người Lục Tỉnh, người Trung, Bắc. Họ cất nhà chen chúc bên nhau trong nghĩa tình Cùng nhau một Đạo tức một cha. Trên 95% dân số trong tỉnh đều theo đạo Cao Đài.

Từ Thánh Địa Tây Ninh lan tỏa về các tỉnh, sang Campuchia, Trung Quốc, Pháp Quốc, Nhật Bản tiến qua tới Nam và Tây Bán Cầu.... Báo chí ngoại quốc phải khen tặng: "Đạo Cao Đài là một tôn giáo phát triển nhanh hơn bất cứ tôn giáo nào có từ trước".

Thật vậy, Thánh địa Cao Đài là nơi: Thiên thời đại thịnh, Địa lợi trường tồn, Nhân hoà vĩnh phúc bao gồm cả Thiên uy, Địa linh, Nhân kiệt.

(*1) LM.KIM ĐỊNH, căn bản triết lý Văn hoá VN, Sài gòn 1967

TÀI LIỆU THAM KHẢO
THƯ TỊCH TỔNG QUÁT
ABOR R.
▪ Conventions et traités de droit international intéressent l'Indochine Hanoi, IDEO, 1909, 170 tr.

ACCORDS sur la
▪ Cessation des hostilités au Vietnam, au Laos et au Cambodge, France Asie, quyển X, số 99 (8-1954), tr.1024-1048.

AGEORGES Jean
▪ II y a deu xans, le Vietnam s'emparait du pouvoir. France Asie,quyển II, số 19 (15-10-1947), tr.1017-1026.

BONARD LUCIEN
▪ Où en est le nationalisme Vietnamien? France Asic, quyển VI, số 53 (8-1950) tr 360 - 368.

CAO THẾ DUNG và LƯƠNG KHẢI MINH
▪ Làm thế nào để giết một Tổng Thống (quyển I và II). Sài gòn 1971.

HOÀNG THANH HOÀI
▪ Chiến tranh Việt Nam, Saigon Trí Dũng 1975

BÙI QUANG TUNG
▪ Biểu nhất lãm áp dụng cho lịch sử Việt nam, Saigon, Văn hoá Nguyệt San số 53 (8-1960).

CAO VĂN LUẬN
▪ Bên dòng lịch sử, Saigon, Trí Dũng 1972, 429 tr.

CHÂU LONG
▪ Lịch sử cách mạng Việt Nam, giảng khoá, Saigòn Văn Khoa 1971

CHEN KING C
▪ The Chenese Occupation of Vietnam 1945-1946 France Asie/Asia,quyển XXIII, số 196 (Đệ nhứt tam cá nguyệt 1969) tr. 3- 26.

CHESNEAU XJ.
▪ Les fondements histoiriques du communismeVietnamien (215-237), In trong Tradition et Révolution au Vietnam Paris Ed. Anthropos 1971.

CHALLAYE (Félicien)
▪ Petite Histoire des Grandes religions, Paris 1947

CHU HY
▪ Chu dịch bản nghĩa, Hồng công, Trung hưng đồ thư ấn hành.

GLASENAPP (Henri de)
▪ Les 5 grandes religions, Paris, Payot 1945.

Couvreur Seraphin
▪ Les Annales de la Chine, Paris 1950

COMMAGES HJ
▪ L'histoirien et l'histoire. Pierre Nicolas dịch Paris Nouveux Horizons 1967

CONÉ André
▪ Doctrines et cérémonies religieuges du pays D'Annam BSEI Bộ mới, quyển VIII, số 3 (7 đến 9-1933), tr. 83-193

DECOUX Amiral
▪ A la barre de l'Indochine Paris, Plon 1949, 507 tr.

DEVILLERS Ph
▪ Histoire du Vietnam de 1940 à 1950 Paris, Seuil 1952.

DƯƠNG QUẢNG HÀM
▪ Le cours d'histoire d' Annam, Hanoi, Imp Lê Văn Tân 1941, 240 tr.

DURAND WILL
▪ Lịch sử văn minh Ấn Độ, Nguyễn Hiến Lê dịch Saigon, Lá bối 1971.

ĐOÀN TRUNG CÒN
▪ Phật học Từ điển, Saigon 1966-1967 (trọn bộ).

ĐINH CÔNG THỐNG
▪ Tây Cổng Lệ Sử, Saigon 1965

GREENEG
▪ The Guiet American, Lưu Bằng dịch Saigon 1967.

FONDETTEP.de
▪ Solution pour l'Indochine? Paris, Julliard 1952, 124 tr.

HOÀNG NGỌC THÀNH
▪ Lịch sử Chính trị và bang giao quốc tế Thế giới hiện đại (quyển I), Sai gon, Lửa thiêng 1974.

BRÉRION Ant
▪ Notes et documents, Croyances et superstitions Cochinchinoises. Revue Indochinoise, quyển XXV số 596 (5 và 6-1916), tr.465-474.

HỒ HỮU TƯỜNG

▪ Năm mươi năm (1923-1973) theo dõi đường lối dân tộc. Điện tín từ số 660-961 (tháng 12-1973 đến tháng 2-1974)

HUỲNH VĂN TÒNG
▪ Bốn mươi mốt năm làm báo, Saigon, Trí Dũng 1972 Lịch sử báo chí Việt Nam, Saigon, Trí Dũng 1973.

KIM ĐỊNH
▪ Triết lý cái đình, Saigòn, Nguồn sống 1971.

LÊ ĐÔNG DƯƠNG
▪ Cộng sản Đảng, Nguyễn Huy dịch Saigon, Sử địa số 14 -15 (1969).

LÊ THÀNH KHÔI
▪ Le Vietnam, Histaire et civilisation, Paris les Editions du Minuit, 1955

LÊ VĂN HÀO
▪ Introduction à l'éthnologie Du Đình. BSEI bộ mới, quyển XXXVII số 1 (Đệ nhất tam cá nguyệt 1962), tr.37-72.

LEBRION G.
▪ Croyances et religions au Vietnam (viết về Cao Đài từ tr. 478-479), France Asie, quyển IV, số 34 (1-1949), tr. 470-781.

MẠNH TỬ
▪ Mạnh Tử (Tập thượng và hạ) Chu Hy chú giải. Nguyễn Thượng Khôi dịch Saigon, Trung tâm học liệu 1968.

MASSON A
▪ Histoire de l'Indochine, Paris 1950.

MINISTERE DES AFFAIRES ETRANGÈRES DU VIETNAM
▪ Réalités Vietnamiennes, Saigon (2è édition), 1966.

MUS Paul
▪ Le Vietnam chez lui, Paris 1946, 58 tr.

NAM ĐÌNH
▪ Cuộc vận hành lịch sử (trích trong Hồi kỳ của Nam Đình) Đuốc Nhà Nam số 1110 (22-8-1972).

NGHIÊM KẾ TỔ
▪ Việt Nam máu lửa, Saigon Mai Lĩnh 1954, 524 tr.

NGHIÊM THẨM
▪ Tôn giáo của người Chàm tại Việt Nam, giảng khoá Saigon, Văn khoa 1973 hoặc trong Quê Hương, bộ 2, tập I(4-1962)
▪ Văn minh Dân tộc thiểu số, Giảng khoá Saigòn Văn khoa 1973.

NGUYỄN KỲ NAM
▪ Việt nam đã có bao nhiêu chính phủ (1945-1963), Saigon, Thần chung, Bộ mới số 8 (ngày 14 và 12-7-1965).
▪ Hồi ký 1945-1954 (tập II) Saigon, Dân chủ mới 1964, 502 tr.

NGUYỄN NHƯ LÂM
▪ 200 năm Dương lịch và Âm lịch đối chiếu Sai gòn, Khai trí 1968.

NGUYỄN QUÍ HÙNG
▪ Neuf ans de dictature au Vietnam, Saigon 1964

NGUYỄN THẾ ANH
▪ Việt Nam dưới thời Pháp đô hộ, Saigon Lửa thiêng 1970.

NGUYỄN VĂN HẦU
▪ Tam Giáo sử Đại Cương, Saigon, Hương Sen 1970.

NGUYỄN VĂN TRUNG
▪ Chủ nghĩa thực dân Pháp ở Việt Nam, Saigon Nam Sơn 1970, tr 312.

PHẠM VĂN SƠN
▪ Việt Nam tranh đấu sử, Saigon, Việt Cường 1950.
▪ Việt sử toàn thư, Saigon 1960
▪ Việt sử toàn biên, (quyển 7), Saigon 1972.

PHAN BỘI CHÂU
▪ Tự phán, Huế, Anh Minh 1956, 215 tr
▪ Khổng Học Đăng (quyển I và II), Huế, Anh Minh 1957.

PHAN KHOANG
▪ Việt Nam Pháp thuộc sử, Saigon, Khai trí 1962,
▪ Trung Quốc sử lược, Saigon 1958.
▪ Trung Dung chú giải, Hà Nội, Mai Lĩnh 1944, 124 tr.

PHAN VĂN HÙM
▪ Phật Giáo triết học, Hà Nội, Tân Việt 1942, 224 tr.

PHAN XUÂN HOÀ
▪ Lịch sử Việt Nam hiện kim (1945-1956) Sai gon,1957, 317 tr

SAINTENY Jean
▪ Histoire une paix manquée, Paris, Amiot Dumont, 1953.

SƠN NAM
▪ Thiên Địa Hội và Cuộc Minh Tân, Saigon, Phù sa 1971, 297tr.

TẠ CHÍ ĐẠI TRƯỜNG
▪ Vị trí của Đại Việt trong lịch sử Việt Nam, Saigon, Sử địa số 4 (1966)

TUẦN LÝ
▪ Dieu existe-t-il?(có trời hay không?) Saigon, Quỳnh Lâm 1972.

THÁI VĂN KIỂM
▪ Đất Việt Trời Nam, Saigon, Nguồn sống 1960

THÁI NGUYÊN
▪ Phan Bội Châu -Saigon, Tân Việt 1956.
▪ Phan Chu Trinh-Saigon, Tân Việt 1956

TOAN ÁNH
▪ Tôn Giáo Việt Nam, Saigon, Hoa Đăng 1964.

TRÁNG LIỆT
▪ Cuộc đời cách mạng của Cường để Saigon 1957.

TRẦN TẤN QUỐC
▪ Hoà bình 1954, Saigon. Điện tín từ số 900-960 (7 và9-1974)

TRẦN TRỌNG KIM
▪ Việt Nam sử lược, Saigon Tân Việt 1968.
▪ Nho giáo, Saigon.Tân Việt (In lần thứ tư)
▪ Phật giáo, Saigon Tân Việt 1958.

TRẦN QUANG THUẬN
▪ Tư tưởng chính trị trong triết học Khổng giáo, Saison. Thư Lâm ấn quán 1961, 28 tr.

TRẦN VĂN TUYÊN
▪ Hội nghị Genève 1954 (Hồi ký), Saigon Chim đàn 1964, 143 tr.

THƯ TỊCH CHUYÊN BIỆT
ARSCHOT Ph
▪ Le Caodaisme, Message d'Extrême-Orient. Năm thứ hai: 1972, số 6 (tr.419-430) số 8 (603-609) số 9 (715-718).

BĂNG THANH
▪ Cãi án Cao Đài, Saigon 1931, 43 tr

BERNARDINI P.
▪ Le Caodaisme au Cambodge (luận án tiến sĩ đệ tam cấp), Đại học Paris VII, 1974, 451 tr.

BUTTERFIELD F.
▪ Hồ sơ mật của Lầu Năm Góc về chiến tranh Việt Nam. Thời kỳ Truman và Eisenhower (1945-1960), bản dịch của tạp chí Trình Bày từ số 26-30 (8 và 10-1971).

BỬU CHƠN
▪ Cao Đài đối với người cầm vận mệnh dân tộc, Saigon, Đại Đạo nguyệt san số 10 (6-1965).

CASTELLA Y
▪ Le spiritisme (Le Caodaisme, tr.78-83) Paris, que sais je? 1959, 128 tr.

CENDRIEUX
▪ Johan Une Jésusalem Nouvelle. Qu'est ce qu'au juste le Caodaisme quatrième religion indochinoise. Extrême Asie (Revue Indochonoise), số 25 (7-1928), tr.33-37.

CỒ VIỆT TỬ
▪ Tại sao Hộ Pháp Phạm Công Tắc bị Pháp đày? Cao Đài có làm chính trị không? Saigon Đại chúng, số 117-120 (14-1 đến 24-1-1961).

CHIẾU MINH
▪ Đại Thừa Chơn Giáo. Gia định, Trước tiết tàng thơ 1956

ĐỒNG TÂN
▪ Lịch sử Đạo Cao Đài (quyển I) Saigon Cao hiện 1972.

GOBRON G.
▪ Histoire et Philosophie du Caodaisme. Paris Dervy 1949. History and philosophy of Caodaisme. Phạm Xuân Thái dịch, Saigon Tứ hải 1950, 188tr.

GOUVER NEMEMT
▪ De l'Indochine, Contribution à l'histoire

GENÉRAL
▪ Des Mouvements politiques de I'Indochine Francaise, quyển VII, Le Caodaisme. Hà Nội 1934.

HÀ BÁ SANH
▪ Nam Bộ trong cuộc thử thách đầu tiên. Saigon Điện báo, Bộ mới. Năm thứ 2, số ngày 12-8-1948 trở đi.

HÀNH SƠN
▪ Tôn giáo Cao Đài và chính trị. Saigon. Nhân sinh ngày 4-7-1964,
▪ Gương xuất xử của Đạo trưởng Cao Triều Phát, Saigon, Cao đài giáo lý số 81 (1973), tr. 33-39.

HOÀI NHÂN
▪ Bốn mươi năm lịch sử Cao Đài (1926-1966) Biên Hoà 1966.

HỘI THÁNH BẾN TRE
▪ Tiểu sử Đức Giáo Tông Nguyễn Ngọc Tương. Bến Tre 1958.
▪ Châu tri chỉnh đạo (1934-1936),
▪ Châu tri thành đạo ở Tây Ninh (1927-1934).

HỘI THÁNH TÂY NINH
▪ Le Caodaisme Tây Ninh, Troupes Caodaistes 1949, La constitution religieuse du Caodaisme, Paris Dervy 1953.
▪ Tân luật Pháp Chánh Truyền, Paris, Gasnier 1952, 176tr.
▪ Kinh Lễ Paris Gasnier 1952.
▪ Tiểu sử Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc, Tây Ninh 1954.
▪ Ba Hội lập quyền Vạn Linh, Tây Ninh 1960.
▪ Thánh ngôn Hiệp tuyển Tây Ninh quyển I (1964), II (1963).
▪ Hiến Pháp Hiệp Thiên Đài 1932, Tây Ninh 1972.
▪ Lễ giao lãnh đền thờ Đức Chí Tôn Tây Ninh 1971.

HỒ TẤN KHOA
▪ Cuộc Âu du của Đức Hộ Pháp, Tây Ninh Thế đạo 1971.
▪ Chuyến đi lịch sử Tây Ninh, Thông tin số 21, 22 và 23 (1971).

HỒNG LĨNH
▪ Kỳ ngoại hầu Cường Để. Saigon, Phương đông số 479-481 (10-1973).

HUỲNH MINH
▪ Tây Ninh xưa và nay, Saigon 1972.
▪ Un mouverment religieux au Vietnam le Caodaisme, Saigon, Sud Est, số 11 (5-1950), tr. 21-27.

LALAURETTE et VILMONT
▪ Le Caodaisme, Rapport du services des Affaires politiques et administratives de Cochinchine, Saigon 1933

LANSDALE E.
▪ In the midst of wars, LT. Dịch dưới nhan đề Tôi làm quân sư cho Tổng thống Ngô Đình Diệm, Saigon, Văn học 1973.

LÊ THIỆN PHƯỚC
▪ Tìm hiểu hiện tình Toà Thánh Tây Ninh, Saigon Ngày mới, số 36-40 (6-12-1961 đến 10-1-1962).

LÊ TÂY SƠN
▪ Tướng Hinh người châm ngòi nổ chống Ngô Đình Diệm, Saigon, Phương đông số 756-759 (7-1974).

LÊ VĂN TRUNG
▪ Caodaisme Bouddhisme rénové. Saigon 1961, 99tr.

MEILLON G.
▪ Le Caodaisme (In trong Les Messages spirites) Tây Ninh 1962.

MINH CHƠN ĐẠO
▪ Lịch sử quan phủ Ngô Văn Chiêu, Saigon 1962.

MINH LÝ ĐẠO
▪ Kinh Nhựt tụng, Saigon, Tam Tông Miếu 1927, 85 tr.

MINH HIỀN
▪ Sự nghiệp của Đức Hộ Pháp, Tây Ninh, Hoà bình số 5.1969

NGUYỄN ĐĂNG THỤC
▪ Cao Đài giáo với ý thức hệ dân tộc, Saigon NS đặc biệt 1964.
▪ Triết lý bình dân với xã hội nông nghiệp, Saigon, Nhân sinh số 1,2,3 (1964).
▪ Ý thức hệ cho xã hội khai phóng, Saigon ĐNNS số 3 (1964).
▪ Thiền tông học với vấn đề đồng nguyên Tam giáo, Saigon ĐNNS số 9-1965.

NGUYỄN HỮU ĐẮC
▪ Đạo nhứt bổn, Cholon, Lư bồng đạo đức 1956.

NGUYỄN LONG THÀNH
▪ Đức Hộ Pháp và đường lối chính trị, Tây Ninh, Thế đạo Xuân 1973. the Path of a Caodai disciphe, Tây Ninh 1970.
▪ Danh hiệu và tiêu chuẩn lập pháp ĐĐTKPĐ, Khảo cứu vụ 1974.

NGUYỄN LƯƠNG HƯNG
▪ Vài nhận định về Cao Đài giáo, Saigon, DDNS số 3-1964.

NGUYỄN MẠNH DŨNG
▪ Tôn giáo liều thuốc chữa bệnh hiện tại, Hà Nội, báo Việt thanh 1948.

NGUYỄN THÀNH PHƯƠNG
▪ Diễn văn quốc gia hoá Quân đội CĐ, Saigon Thắng năm thứ VIII, Bộ mới số 12 (30-4-1955), tr 2, 9, 16.

NGUYỄN TRẦN HUÂN
▪ Histoire d'une secte religieuse au Vietnam: le Caodaisme (tr 89-214) In trong Tradition et révolution au Vietnam, Paris ed, Anthropos, 1971, 194 tr.

NGUYỄN THẾ PHƯƠNG
▪ Trạng sư Trịnh Đình Thảo bày tỏ tôn chỉ Đạo Cao Đài, Saigon, Đại đạo số 1 ngày 1-8-1945, tr. 19-26

NGUYỄN THỊ HIẾU
▪ Đạo sử xây bàn, Tây Ninh 1967, Đạo sử I, II 1968.

NGUYỄN TRUNG HẬU
▪ Đại Đạo căn nguyên, Saigon 1930 A short history of Caodaisme. Tourane 1956.

NGUYỄN TRUNG NGÔN
▪ Vía Đức Hộ Pháp, Saigon. Tiếng Việt số 147-1969.

NGUYỄN VĂN SÂM
▪ Tín ngưỡng Việt Nam (cận đại và hiện đại) giảng khoá, Saigon, Đại học Văn Khoa 1973

NGUYỄN VĂN TÂM
▪ Le Caodaisme et les Hoà Hảo conférences d'information sur l'Indochine 14-11-1945 Saigon 1949.

NGUYỄN VĂN THÀNH
▪ Hồi ký Nguyễn Văn Thành, Saigon, Sóng thần số 393-403 năm 1972.

NGUYỄN VĂN TRƯƠNG
▪ Đại đồng tôn giáo là gì? Saigon ĐĐNS số 4-5-1964.

PHẠM CÔNG TẮC
▪ Con đường hoà bình chơn thực, Saigon 1966.
▪ Lời thuyết đạo năm 1946, 1947, 1948. Tây Ninh 1970-1973.
▪ Lời thuyết đạo năm 1949, 1950, 1951,1952, 1953, 1954, 1955 Tây Ninh, Ronéo 1966.
▪ Nam phong quốc đạo, Kiến phong 1971.

PHẠM VĂN SƠN
▪ Chế độ Pháp thuộc ở VN, Saigon 1972.

PHAN KHOANG
▪ Tinh thần chung của dân tộc VN, Saigon NS số 5-1964.

PHAN TRƯỜNG MẠNH
▪ Qu'est ce-que le Caodaisme, Saigon éd, Phan Trường 1949. La voie du salut Caodaisme, Saigon, Lý Công Quán 1950. Đường cứu rỗi Đạo Cao Đài, Saigon Lý Công Quán 1950. Thiên đạo, Tây Ninh, Minh Tâm 1963.

PHAN VĂN TÂN
▪ Lịch sử cơ bút Đạo Cao Đài, Saigon, Hồn quê 1967, 58 tr.

POMONTIJ.C
▪ Nhận xét về Cao đài giáo, Nguyên Lộc Thọ dịch, Tây Ninh, Hoà bình số 7-1970, tr 28-30

REGNAULT Henri
▪ Comment réaliser l'universalisme religieux Paris 1951, Caodaisme et réincarnation. Paris 1951.

REYMOND.G
▪ Cảnh u buồn của Toà Thánh Vatican Việt Nam, Tạp chí II lustration số 4748 (3-3-1934).

SMITH R.B
▪ An introduction to Caodaisme: I Origins and early History (335-349 tr) quyển XXXIII, tập 2, 1970; II Beliefs and organisations (573-598 tr), quyển XXXIII tập 3, 1970. Bulletin of the school of Oriental and African studies university of London.

THÁI CHÂN
▪ Thử tìm một triết học CaoĐài, Điện báo số 228 (6-7-48) đến (30-7-1948)

THIỀN GIANG
▪ Lược thuật Toà Thánh Tây Ninh, Tây Ninh, Minh Tâm 1963.

TRẦN DUY NGHĨA
▪ Nền tảng chánh trị Đạo, Tây Ninh, Hiển Trung 1948

TRẦN QUANG VINH
▪ Le Caodaisme en images, Paris, Dervy 1949 Lịch sử Đạo Cao Đài (1926-1940) Tây Ninh 1972. Lịch sử Đạo Cao Đài thời kỳ phục quốc (1941-1946) Tây Ninh 1967

TRẦN VĂN QUẾ
▪ Cao Đài sơ giải, Saigon, Thanh hương 1963.
▪ Đạo Cao Đài trong đời sống quốc gia, Saigon NS số 3 (1964),
▪ Lý do bành trướng mau lẹ của CĐ. Saigon, ĐĐNS số 3, 1964.
▪ Vai trò của các tôn giáo trước sự khủng hoảng tinh thần hiện nay của hoàn cầu, Saigon, ĐĐNS, số 4, 1964.

TRẦN VĂN RẠNG
▪ Việt Sử hiện đại, Saigon, Lửa thiêng 1963 Tam Giáo Triết Học Sử yếu lược, TN 1970.

VŨ VĂN QUÂN
▪ Tôn giáo sẽ tạo được miền Nam của nhân dân, Saigon Thách đố số 658 (1972) và kế.

VÔ DANH
▪ Âm mưu của Diệm để đàn áp Cao Đài. Saigon, Buổi sáng, số 1555, ngày 20-11-1963.
▪ Cựu Phó khu trưởng Bảy Viễn sẽ làm gì? Saigon, Duy Tân số 11 (5-7-1948) tr 1-2.
▪ Cao Đài influence in Tây Ninh has been great (trong bài Garden of the elephant Huricane, số 6 (April 1968) tr 18-21
▪ Caodaisme ou Bonddhis me rénové, Saigon, Imp Bảo tồn, 1949, 52 trang.
▪ Cao Đài sẽ đóng vai chánh trị, Saigon, báo chí số 497, ngày 18-11-1963.
▪ Đạo Cao Đài với nền Văn hoá Việt Nam, Saigon Hành Đạo số 6, tháng 5-1963.
▪ Diệm ra lệnh triệt hạ quả Càn Khôn, Saigon, Thời báo số 3, ngày 21-11-1963.
▪ Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc với những thăng trầm của lịch sử, Saigon, Hoà bình số 127, ngày 21-2-1967.
▪ Histoire sommaire du Caodaisme. Đà Nẵng, Trung Hưng Bửu Toà, 1956, 106 trang.
▪ Lý do ông Cao Hoài Sang thay thế ông Phạm Công Tắc, Saigon, Báo mới, số 498 ngày 19-11-1963
▪ Tìm hiểu Cao Đài giáo, Minh Tân số 27.
▪ Thánh Mẫu Fatimat đồng hoá với Phật Mẫu Cao Đài, Saigon Trắng đen, năm thứ 7, số 2024 ngày 4-2-1974

BẢN CHỈ DẪN VỀ BÁO CHÍ
CAO ĐÀI GIÁO LÝ:

Sáng lập do ông Nguyễn Ngọc Thơ (Đầu Sư Toà Thánh Tây Ninh). Số đầu ra nhân dịp Xuân Đinh Hợi, trụ sở đặt tại 62 Huỳnh Quang Tiên, Saigon, Khổ báo 19 x 26,5.

Chủ trương của tạp chí này nhằm 8 mục đích sau. Xiển minh giáo lý đạo Cao Đài, Tam Giáo lược luận, Khoa học thiêng liêng thần bí, Liên giao các chi phái đạo, phê bình luân lý dư luận đạo đời, phổ thông giáo lý, đạo lý triết luận. Nhưng không bao lâu thì đình bản.

Đến năm 1966 ông Trần Văn Quế cho tái bản lại tạp chí này hàng tháng hoặc hai tháng một số, hiện nay vẫn còn với tiêu ngữ: "Cơ quan Phổ Thông Giáo lý Cao Đài giáo Việt Nam". Trụ sở đặt tại 171 Cống Quỳnh Saigon. Khổ báo nhỏ hơn trước 16 x 23,5.

ĐẠI ĐẠO:
Là cơ quan ngôn luận chính thức của Toà Thánh Tây Ninh. Người sáng lập đầu tiên là ông Nguyễn Văn Hợi (Chưởng ấn) xuất bản, sau ngày đảo chánh Nhật (9-3-1945), khổ báo 14 x 18. Trụ sở đặt tại 154 Paul Bert, Tân Định, Saigon, chỉ ra được một số duy nhất ngày 1-8-1945 rồi Pháp trở lại Đông Dương, báo đình bản.

Tờ Đại Đạo được tái bản nhiều lần do nhiều cơ quan khác nhau. Đến năm 1964, Võ Tòng Lục (Lễ Sanh) cho tái bản hàng tháng được một thời gian rồi đình bản, khổ báo 21 x 28,5 trụ sở đặt tại 891 Trần Hưng Đạo, Saigon, Tờ Đại Đạo đã đình bản.

NHÂN SINH:
Do ông Trần Văn Quế (Phối Sư) sáng lập từ 4-7-1964, toà soạn đặt tại 380/18 Công lý Saigon là một tuần báo phát hành vào ngày thứ bảy, chủ trương của Nhân Sinh tuần báo là phát huy tôn giáo văn hoá xã hội, nghiêng về Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài Trung Việt, Khổ báo lớn 21 x 28,5 hiện đình bản.

REVUE CAODAISTE:
Do ông Nguyễn Văn Ca (Phối Sư) sáng lập, Nguyễn Trung Hậu (Bảo Pháp) chủ bút. Báo quán đặt tại Thánh Thất Cầu Kho, Saigon, số đầu tiên xuất bản vào tháng 7-1930.

Tạp chí này viết toàn bằng Pháp ngữ, xuất bản mỗi tháng một lần vì thiếu tiền, báo phải đình bản từ tháng 7-1931 đến tháng 5-1932 mới tái bản, nhưng chỉ được 22 số rồi đình bản luôn (đầu năm 1933).

THÔNG TIN CAO ĐÀI:
Do ông Phạm Tấn Đãi (Khai Đạo), Giám đốc Cơ Quan Phát Thanh và Phổ Thông Giáo Lý chủ trương. Đây là tiếng nói chính thức của Toà Thánh Tây Ninh từ ngày Đại Đạo nguyệt san đình bản. Trụ sở đặt trong nội ô Toà Thánh. Đây chỉ là bản thông tin ronéo hơn là tờ báo, số đầu phát hành vào tháng 2 Canh Tuất (1970), nhưng thỉnh thoảng có in tờ đặc san. Hiện vẫn còn xuất bản đều mỗi tháng hai lần vào mồng 10 và 25 âm lịch.

THẾ ĐẠO ĐẶC SAN:
Do Trần Văn Rạng đề xướng (Hiền Tài trưởng nhiệm Văn hoá BTĐ) là tiếng nói chính thức của cơ quan Thế Đạo, xuất bản từ năm 1969 vào các dịp lễ chính thức của Cao Đài như: Vía Đức Chí Tôn, Phật Mẫu, Hộ Pháp..... Nay vì vật giá cao, đổi thành tờ Thông tin Thế Đạo in bìa, ruột quay ronéo do Lương Hữu Tống chủ biên (1974).

1. Nhật báo:
▪ Báo mới, Buổi sáng, Bút thần.
▪ Dân ta, Duy tân, Đại chúng, Điện báo, Điện tín, Đuốc Nhà Nam.
▪ Hoà bình;
▪ Ngày mới;
▪ Phương đông;
▪ Sóng thần;
▪ Thách đố, Thần chung, Trắng đen, Tiếng việt, Tự do, Việt chính;

2 . Báo định kỳ:
▪ Bản Thông tin Cao Đài (các năm 1972,1973,1974; BSEI số 3, 1933).
▪ Bulletin of the cshool of Oriental and African studies university of London (2-3-1970)
▪ Cao Đài giáo lý số (1-90).
▪ Công báo Việt Nam (các năm 1948,1949,1950)
▪ Đại Đạo nguyệt san (trọn bộ) viết tắt ĐĐNS
▪ Extrême Asie (số 25 tháng 7-1928)
▪ France Asie số 19 (1947), 53 (1950), số 99 (1954), số 196 (1969).
▪ Hành Đạo, Hoà bình (Tây Ninh),
▪ Hurricane số 6 (4-1968).
▪ Journal officicl de l'Indochine Francaise de l'année 1939. 1940.
▪ Lục tỉnh Tân Văn số 27 (21-5-1908), số 52 (12-11-1908)
▪ Message d'Extrême Orient số 6-9 (1972)
▪ Nhân sinh (trọn bộ) viết tắt NS
▪ Quê hương (4-1962)
▪ Revue Caodaiste (1930-1932),
▪ Revue Indocinoise (5 và 6 -1916)
▪ Sử địa tập san số 4 (1966), 14-15 (1969)
▪ Thế Đạo đặc san (1971-1973),
▪ Trình bày từ số 26-30 (8 và 10 - 1971),
▪ Văn hoá nguyệt san (8-1960)

THÁNH ĐỊA THẬP NHỊ CẢNH
(12 di tích Đạo Sử)

1 . TÒA THÁNH TÂY NINH
Tòa Thánh Tây Ninh cảnh đẹp thay,
Cửu Trùng, Bát Quái, Hiệp Thiên Đài.
Lá hoa sen nở, tường in gấm.
Rồng hạc đền chầu, nóc dợn mây.
Hồi trống Lôi Âm tan tục niệm,
Tiếng chuông Bạch Ngọc thức trần ai.
Miền Nam danh thắng đây là một,
Huyền bí, cao siêu mối Đạo Thầy.
                                                           CHƠN TÂM

2 . ĐỀN PHẬT MẪU
Thanh loan bóng hiệu vọi cung trung,
Bửu Điện trầm hương phất mấy trùng.
Tượng cảnh Phật, Tiên người thế Kỉnh,
Chước Bàn Đào tửu khách thiên dùng.
Hớn Đài buổi nọ linh quang phủ,
Việt Đảnh đêm này thoại khí xung.
Xưng tụng ngâm vần thiều ngọc trổi,
Ân lành Đức Mẹ rưới chan chung.
                                                           HUỆ PHONG

3 . THẢO XÁ HIỀN CUNG
Lầu tranh gậy trúc cảnh tu chơn,
Câu liễn răn đời của Bát Nương:
THẢO XÁ.... bần cùng nghinh nhập thất,
HIỀN CUNG..... phú quí cấm lai môn
Tuỳ nhơn ngu muội nâng linh phướn,
Trạch khách thông minh độ phách hồn.
Đắc Đạo Kim Tiên ngôi Thượng Phẩm
Quạt Long Tu tiếp dẫn Cao nhơn.
                                                                       VÂN ĐẰNG.

4 . TỪ LÂM NGÀY ẤY.
Kìa cảnh Từ Lâm bạn biết không?
Dòng sông Vàm Cỏ, gió mông lung.
Đạo Khai thuở ấy còn vang tiếng,
Lục tỉnh hân hoan thiết lễ mừng.
Năm Bính Dần ngày rằm tháng mười,
Vàng xanh đỏ trắng biết bao người,
Vui về chung cội theo Tân Luật,
Pháp Chánh Truyền ban do ý Trời.
Chùa cũ giờ trơ giữa cánh đồng,
Khách đi qua đó chạnh niềm thương.
Ai xua bạn đạo sang Chùa Mới?
Tên đổi Thiền Lâm, gốc vẫn còn.
                                                           Hiền Tài TRẦN VĂN RẠNG

5 . CỰC LẠC CẢNH CŨ
Cực Lạc cảnh nào ai biết chăng?
Toàn đồ cửa Phật do Bà Lâm.
Quan Âm các đó còn di tích,
Phước Đức cù kia mãi tháng năm.
Chùa nhỏ chơ vơ vùng kỷ niệm,
Tượng to cúng bái mỗi ngày rằm.
Mấy tòa sen cũ, mùi hương thoảng,
Khách tục qua đấy cúi lặng thầm.
                                                                       VÂN ĐẰNG

6 . GIÁO TÔNG ĐƯỜNG
Nhân sanh cảm mến mối thâm tình,
Kỷ niệm tỏ lòng nhớ Đại Huynh,
Thánh thể chín năm linh khí phách,
Tiên cung ngàn thuở hiển chơn hình.
Tỉnh đời điển chuyển cơ mầu nhiệm,
Khuyến đạo lời nương bút diệu linh.
Gây báu quét tan làn hắc ám,
Trời Nam mừng thấy cảnh thanh bình.
                                                                       TỐ NHƯ

7 . HỘ PHÁP ĐƯỜNG
Hộ Pháp Đường xem quạnh quẽ thay,
Cảnh buồn vây bọc khắp trong ngoài.
Hoa sầu chủ vắng màu tươi kém,
Chim nhớ người đi giọng hót lơi.
Cổng khép huyền cơ then bí đóng,
Lầu nêm bảo pháp cửa thiên gài.
Bâng khuâng tấc dạ ngang đường ấy,
Còn nhớ năm qua dáng Đức Thầy.
                                                                                  HUỆ NGÀN

8 . TRÍ HUỆ NỮ THIỀN
Muốn thân trọng trược đặng tinh anh,
Tu luyện nhiều năm mới đạt thành.
TRÍ định thiên lương qui nhứt bổn,
HUỆ thông đạo pháp độ quần sanh.
Phạm Công mở cửa vô vi pháp,
Ngự Mã giúp đời tam lập danh.
Thiên Hỉ động nâng người đức hạnh,
Đoạn Trần Kiều tiếp bước Cha lành.
                                                           Hiền Tài NGUYỄN KIM ANH

9 . TRÍ GIÁC HƯỜN HƯ
Trí Giác dành cho bậc thức thời,
An bần lạc đạo suốt ngày vui.
Không ham quyền quí, say mùi Đạo,
Chẳng thích lợi danh, gát chuyện Đời.
Thượng thọ ví như luồn mắt chớp, (*1)
Đỉnh chung dường thể bọt bèo trôi.
Nương thân cửa Phạm lòng thanh thản,
Phản bổn hườn nguyên trở lại ngôi.
                                                           HOÀI BẢO PHƯƠNG

10 . VẠN PHÁP NAM TỊNH
Năm nào sư phụ huấn từ chung,
Đồng Đạo lo xây Vạn Pháp Cung.
Nhuộm áo nâu sồng về Cực Lạc,
Cổi giày đen đúa đến Huyền khung.
Thầy ban danh pháp cho Linh Đoán,
Phật dạy tu chơn vượt sắc không.
Từ ấy đến nay, thu mấy độ?
Bao người thiền định đã thành công (?)
                                                                       Hiền Tài LÊ PHÁT LẠC

11 . CHỢ LONG HOA UYÊN NÁO
Giao hảo bán buôn họp trẻ già,
Đất lành uyên náo chợ Long Hoa.
Tám đường, tám cửa phô hàng hoá,
Bốn hướng, bốn bên chuộng hiếu hòa.
Rừng rú xưa kia sầm uất ẩn,
Phố phường nay đã thịnh hành ra.
Theo chân tiến bộ văn minh bước,
Hội nhập thị trường với nước ta.
                                                                       HƯNG HUYỀN

12 . CỰC LẠC THÁI BÌNH
Gió xa xin gió thổi ve,à
Núi gần xin núi bao che nấm mồ.
Người về Cực Lạc hư vô,
Lánh trần yên giấc ngàn thu vĩnh hằng.
Một vùng Thành Phố dưới trăng.
Thanh minh thương nhớ viếng thăm bao người.
Nén hương trầm cố nhân ơi!
Hiển linh phò hộ cõi đời an vui.
                                                                       Hiền Tài TRẦN VĂN Ô

HẾT
   Home       1 ]  [ 2 ]  [ 3 ]  [ 4 ]  [ 5 ] [ 6 ]  [ 7 ]  8 ]  [ 9 ]  [ 10 ]  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét