Sự sanh hoạt trong cửa Đạo cũng chẳng khác chi sự
sanh hoạt ngoài mặt đời, kẻ rành về nghề này, người chuyên môn về nghề khác, có
nghề đòi hỏi sự lao tâm, cần nơi sự lao lực. Lao tâm hay lao lực, miễn nghề
nghiệp tinh xảo thì người hành nghề luôn luôn được phần thưởng xứng đáng, vì
vậy có câu: Nhứt nghệ tinh, nhứt thân vinh thật là đúng như vậy.
Nhưng Đạo khác hẳn với Đời là người đời dùng sự lao
tâm hay lao lực để đổi lấy món tiền thù lao
và sự ban thưởng bằng vật chất, còn
người Đạo thì tình nguyện đem công quả để đổi lấy sự ban thưởng thiêng liêng
chung cuộc.
Mấy em nhơn viên nhà thuyền đã ra công phục vụ mà
không so hơn thiệt, cứ làm việc âm thầm, không cầu cạnh, không đòi hỏi, lấy chủ
nghĩa vị tha làm chủ đích, chính là mấy em dành phúc quả cho mình đó.
Phần thưởng về hữu hình có khi không tương xứng với
âm đức và công nghiệp, nhưng ân huệ thiêng liêng thì chắn hẳn là không thể mất
mát được.
Dự buổi lễ Khánh Thành Nhà Thuyền Bát Nhã hôm nay
tôi để lời chia vui với Hội Thánh Phước Thiện và mong ước quí chức sắc Phước
Thiện hiệp đồng tâm chí để xây dựng nhiều cơ sở khác hầu có đủ phương tiện thật
hành nhiệm vụ cao quí của cơ quan cứu khổ trong cửa Đại Đạo."
6 .
Lễ khánh thành Học Đường Bộ Nhạc:
Nhạc lễ đóng một vai trò hết sức quan trọng trong
đời sống tôn giáo Cao Đài.
Nhạc lễ là hàng đầu phải giữ gìn bản sắc văn hoá
đặc biệt của tế lễ trời đất và nhân sanh. Bộ nhạc có từ khi có Đạo. Ngày 25
tháng 10 Mậu Thân (dl 14-12-1968) chỉ là lễ khánh thành ngôi trường nhạc lễ với
xi măng cốt sắt.
Đức Thượng Sanh đến dự lễ tại trường (trước Bắc
Tông Đạo) và ban huấn từ như sau:
"Hôm nay, tôi lấy làm hân hạnh đến Chủ tọa
buổi lễ khánh thành ngôi Học đường của Bộ Nhạc Trung Ương.
Nghĩ đến công cuộc kiến tạo mà Bộ Nhạc Trung Ương
phải tự túc để hoàn thành, tôi ý thức đến nỗi khó khăn cũng như sự nỗ lực của
toàn thể Chức sắc Bộ nhạc đã đồng tâm nhứt trí mới đi đến thành công mỹ mãn.
Nhơn danh Hội Thánh Hiệp Thiên Đài, tôi xin để lời
khen ngợi vị Chưởng quản Bộ Nhạc Trung Ương và tất cả Chức sắc Bộ Nhạc.
Đáng lẽ Hội Thánh Cửu Trùng Đài và Hội Thánh Phước
Thiện phải chia nhau đài thọ số phí tổn kiến tạo cơ sở cần thiết cho Bộ Nhạc,
vì Nhạc và Lễ là hai môn phục vụ cho Đạo, chung cả Hành Chánh và Phước Thiện.
Ở trong tình trạng phải tự túc, Chức sắc Bộ Nhạc
cam lòng hy sinh đa thiểu tùy theo sức mình, ngoài ra còn nhờ sự đóng góp của
các nhà hảo tâm trong Đạo, cuộc kiến thiết mới được hoàn tất như chúng ta đã
thấy.
Cho hay "Hữu chí cánh thành", sở nguyện
và cuơng quyết của Chư Chức sắc Bộ Nhạc đã nung đúc thành khối kiên tâm cứng
rắn thì dù khó khăn bao nhiêu cũng có thể san bằng để đi tới chỗ cứu cánh. Vì
đó Nho học có câu: "Thế thượng vô nan sự, nhơn tâm tự bất kiên" có
nghĩa trên đời không có việc nào khó, chỉ tại người không bền lòng.
Học đường của Bộ Nhạc đã hoàn thành đó là một công
quả đáng ghi của Chức sắc Bộ Nhạc.
Giờ đây vị Chưởng Quản và Chức sắc Bộ Nhạc phải
gắng công đào luyện đàn em cho thành tài, đồng thời trau luyện Nghệ Thuật mình
cho đến chỗ tận thiện, tận mỹ, trước để phụng sự nền Đạo sau để nâng cao phẩm
giá của âm nhạc là môn nhạc rất trọng yếu của Khổng giáo.
Khi mới khai sáng nền Đạo, Đức Chí Tôn rất chú
trọng đến Nhạc và Lễ, vì cái hay của Lễ là giữ trật tự bên ngoài cái hay của
Nhạc là tạo sự điều hoà để kềm chế tâm tình bên trong cho khỏi vọng niệm. Lễ và
Nhạc cùng họp nhau và nếu giữ đúng nề nếp thì đàn cúng mới nghiêm chỉnh, được
bao trùm một bầu không khí huyền diệu, Thiêng liêng khiến cho chúng ta cảm
tưởng là có Đức Chí Tôn và Chư Tiên Phật giáng ngự để ban ơn cho toàn Đạo.
Trái lại, nếu Lễ không nghiêm, Nhạc không hoà thì
đàn cúng có cái trạng thái hỗn loạn khiến cho người đến Lễ bái có một tâm trạng
xao xuyến, tinh thần bất định. Đó là một sự thất Lễ đối với các Đấng Thiêng
Liêng và như vậy Đức Chí Tôn không khi nào giáng Đàn, tà quái có thể thừa dịp
xung nhập gây nên điều rắc rối.
Trong nhiều Đàn cúng lúc ban sơ, Chức sắc thường bị
Đức Chí Tôn giáng cơ quở trách vì Đàn không nghiêm, Lễ Nhạc còn khuyết điểm.
Trong năm Ất Tỵ (1965), Đức Hộ Pháp cũng có giáng
cơ tại Đền Thánh dạy Chức sắc Bộ Nhạc nên trau luyện Nhạc điệu vì Nghệ thuật
còn kém. Sự kém cõi, có lẽ một phần Nhạc sĩ thiếu tập dượt, hoặc có thụ huấn mà
chưa nhuần nhã. Tôi ước mong mỗi Chức sắc Bộ Nhạc nên lưu tâm để tự mình trau
luyện cho đúng mức độ Nghệ Thuật.
Thưởng thức một bài đờn hay như nghe một bài thi
sắc sảo, một câu đờn tao nhã có điêu luyện như một câu thi tuyệt bút có mãnh
lực gợi cảm làm cho xúc động tâm hồn.
Vì vậy, thời xưa các Đấng Đế Vương dùng Nhạc để cảm
hoá lòng người trong Đạo trị dân. Vì Nhạc có thể khiến dân trở nên thuần hậu và
có thể di phong dịch tục.
Nhạc là món ăn tinh thần đứng đầu trong bốn thú
phong lưu của Thánh hiền thời xưa là Cầm, Kỳ, Thi, Hoạ và các bậc Thánh hiền đã
dùng Nhạc để đạt đến lý tưởng cao siêu, giúp ích cho sự kinh bang tế thế, xây
dựng nước nhà.
Vì Nhạc có cái thế lực quan trọng như vậy nên Đức
Khổng Tử soạn ra bộ Kinh Dịch, Kinh Thi, Kinh Thư, Kinh Lễ, Kinh Nhạc. Về sau
Ngài làm ra bộ sách Xuân Thu, nhập với năm bộ sách trước gọi là Lục Kinh.
Sau khi Đức Khổng Tử mất, kế nhà Tần có việc đốt
sách thì những Kinh ấy bị thiêu hủy hoặc thất lạc ít nhiều.
Nhứt là Kinh Nhạc thì mất gần hết, chỉ còn lại có
một thiên, sau đem nhập vào Bộ Lễ Ký đặt tên là Thiên Nhạc Ký. Thành thử trong
sáu bộ kinh chỉ còn lại có Ngũ Kinh là Kinh Dịch, Kinh Thư, Kinh Thi, Kinh Lễ
và Kinh Xuân Thu.
Tính của Đức Khổng Tử hay ưa thích đàn và hát. Lúc
Ngài ở nước Tề ham học Nhạc Thiều, trong ba tháng say mê cho đến đổi ăn không
biết mùi vị.
Ngài nói: Ta chẳng ngờ học Nhạc vui đến được như
thế (Bất đồ vi Nhạc chi chí ư tư giả).
Khi Ngài châu lưu khắp thiên hạ thì bên mình không
khi nào rời cây đàn Ngũ Huyền Cầm.
Quan niệm của Ngài là tiếng đàn thanh nhã có thể
nâng cao tinh thần và trụ vững tâm trí siêu nhân của người quân tử. Lúc Ngài bị
vây giữa nước Tần và Sái, bảy ngày không nấu ăn, chỉ ăn rau luộc suông, các đệ
tử như Tử Lộ, Nhan Hồi, Tử Cống, v.v... đều băn khoăn lo sợ cho Ngài, nhưng
Ngài vẫn ung dung ngồi đàn hát.
Chúng ta thấy rõ Thánh nhơn trọng dụng Âm nhạc như
vậy vì Âm Nhạc làmột bộ môn văn hoá cao đến tuyệt độ và Nhạc Thiều có cái mãnh
lực huyền bí, cao siêu giúp dân trị nước, cải hoá xã hội.
Du Bá Nha đập nát Diêu Cầm thề không đờn nữa, vì
người bạn tri âm là Chung Tử Kỳ đã mất thì không ai còn biết nghe tiếng đờn của
mình.
Khổng Minh Gia Cát mượn tiếng đờn mà lui giặc Tư Mã
Ý.
Trương Tử Phòng nhờ có giọng tiêu ai oán mà trong
một đêm giải tán tám ngàn đệ tử của Sở Bá Vương tại Cửu Lý San để cho Lưu Bang
diệt được kẻ thù chung của thiên hạ, lập nên cơ nghiệp nhà Hớn hơn bốn trăm
năm.
Công dụng của Nhạc Thiều thời xưa thì cao thượng
vậy. Ngày nay người ta dùng Âm Nhạc là công cụ cho chủ nghĩa con buôn trên sân
khấu, khiến nên nhà nhạc sĩ vì kế sinh nhai phải bán rẻ tài nghệ làm cho cái
giá trị của Quốc nhạc phải bị hạ thấp đến cực điểm.
Trong cửa Đại Đạo, chúng ta phải nâng đỡ ngành Âm
Nhạc, phải bảo tồn Âm Điệu cổ truyền để lưu lại cho Đất Nước tinh hoa của một
Nghệ Thuật thuần túy, mặc dù cái tinh hoa ấy nay chỉ còn phưởng phất chút dư
hương do sự phế cựu hoán tân của giới Nhạc Sĩ trong nước.
Đi ngược lại với trào lưu thoái bộ đó, chúng ta
không nên coi thường môn Âm Nhạc và phải cố tâm gìn giữ cái chơn giá trị của
nó.
Dù Nhạc Lễ hay Nhạc Điệu Tài Tử cổ truyền, mỗi môn
đều có cái hay riêng đặc biệt. Nếu học Nhạc dù là môn nào, phải cố gắng học đến
cùng cực uyên thâm, năng luyện tập trau giồi để càng ngày càng thêm tiến triển
mới đáng gọi là biết yêu Nghệ Thuật. Từ đây Bộ Nhạc Trung Ương đã có ngôi học
đường làm nơi đào tạo nhơn tài, Chức sắc đàn anh trong Bộ Nhạc phải ra công dìu
dắt các Nhạc Sĩ thế nào cho khỏi mang tiếng là Hữu danh vô thực.
Với sự mong ước nói trên, tôi xin cầu chúc Vị
Chưởng Quản và Chức sắc Bộ Nhạc thành công mỹ mãn để phục vụ cho Nghệ Thuật và
cho nền Đại Đạo."
7 .
Lễ khánh thành Cơ Quan Phát Thanh Phổ Thông Giáo Lý:
Cơ quan Phát thanh Phổ thông Giáo lý thành lập năm
1967 việc xây cất cơ sở đến ngày 16-01-Kỷ Dậu (dl 4-3-1969) gần ba năm mới làm
lễ khánh thành.
Đức Cao Thượng Sanh đến dự lễ và ban huấn từ như
sau:
"Đến chủ tọa buổi lễ khánh thành hôm nay, tôi
không giấu được niềm hân hoan khi chứng kiến một công trình xây dựng đồ sộ được
thực hiện để dùng làm văn phòng cho cơ quan Phát thanh Phổ thông Giáo lý Đại
Đạo. Cơ quan này thành lập từ đầu tháng 5 năm Đinh Mùi (1967).
Lúc ban sơ Cơ quan phải tạm mượn vài căn phòng Hiệp
Thiên Đài làm nơi thu thanh và tập dượt văn nghệ, vì chỗ chật hẹp thiếu tiện
nghi nên công việc của cơ quan không thể phát triển theo ý muốn, nhờ sự tận tâm
hoạt động của Ngài Khai Đạo Hiệp Thiên Đài, kiêm Giám đốc Cơ quan. Nhờ sự hưởng
ứng của những bạn đạo giàu lòng háo nghĩa, ra tay trợ giúp về mặt tài chánh mà
ngày nay Hội Thánh được có một ngôi biệt thự cao đẹp để làm cơ sở vĩnh viễn cho
Đài Phát Thanh tiếng nói của Đại Đạo.
Lễ đặt viên gạch đầu tiên xây cất tại cơ sở nầy
khởi công vào ngày 17 tháng 11 năm Đinh Mùi (dl.18-12-1967) công cuộc kiến tạo
tiếp đến cuối năm Đinh Mùi thì một phần quan trọng đã được xây dựng. Nhưng qua
đầu năm Mậu Thân lại bị nạn chiến tranh làm cho sụp đổ thành thử phải khởi công
xây cất lại. Tài chánh eo hẹp mà lại gặp trường hợp phải chịu thêm một khoản
tổn phí quan trọng, đó là điều khó khăn gần như nan giải. Nhưng Ban giám đốc
với ý chí cương quyết đã cố gắng xoay chuyển cho có đủ tài chánh để bắt đầu tái
kiến thiết, không vì cuộc thử thách vừa qua mà phải chịu thúc thủ vô sách.
Hôm nay, Văn phòng Cơ quan Phát thanh đã hoàn thành
mỹ mãn, với sự trang trí các máy móc và dụng cụ cần thiết. Ban Giám Đốc Cơ quan
đã lập được một đại công trong khi thi hành nhiệm vụ, mà các vị ân nhân đã hy
sinh về phần tài chánh cũng góp một phần công quả xứng đáng trong cuộc xây dựng
đại nghiệp chung của nền Đạo.
Ngoài ra, để giúp về mặt tinh thần cho Cơ quan Phát
thanh, các bạn Đạo Nhạc sĩ và Ca sĩ đã sẵn lòng đem hết khả năng và thiện chí
hiến dâng công quả từ buổi ban sơ đến nay, giúp cho phần văn nghệ của mỗi buổi
phát thanh được hào hứng. Nhờ đó, các thính giả tri âm ở bốn phương có dịp
thưởng thức một thể điệu âm nhạc thuần tuý của Ban văn nghệ Tòa Thánh Tây Ninh.
Như vậy Hội Thánh thật hân hạnh được sự ủng hộ triệt để của bổn Đạo về mọi phương
diện, kẻ đem công, người giúp của, chia sớt nỗi âu lo, đắp bồi chỗ thiếu thốn.
Cho nên công việc dầu khó khăn thế nào cũng có thể đi đến một cứu cánh tốt đẹp.
Chí nhiệt thành và lòng háo nghĩa của con cái Đức Chí Tôn đã được chứng tỏ đúng
lúc cần yếu, đó chính là một tinh thần đoàn kết và tương trợ thật cao cả, mà đó
cũng là cái năng lực hữu hiệu do quyền thiêng liêng đã mầu nhiệm dành sẵn cho
Thánh thể hữu hình của Đại Từ Phụ tại thế. Cái tinh thần đó, có thể nói bất
diệt cũng như cái năng lực đó vẫn trường tồn và luôn luôn chực sẵn để phụng sự
cho chánh nghĩa, trợ giúp cho lẽ công ứng tiếng hy sinh hữu sự.
Hội Thánh rất may mắn được có một hậu thuẫn tận
tâm, trung thành như vậy mới có thể thực thi sứ mạng Thể Thiên Hành Hoá, đem
đạo cứu đời, dìu dắt nhơn sanh nâng cao giá trị nền Chánh giáo. Công cuộc kiến
tạo đã thành đạt, những bạn đạo đã giúp về vật chất cũng như về tinh thần và có
mặt trong buổi lễ hôm nay chắn hẳn cũng lấy làm hân hoan khi nhìn thấy kết quả
hữu hình mà trong đó mình có đóng góp một phần tô điểm và xây dựng. Để lưu niệm
về sau, Ban Giám Đốc Cơ Quan Phát Thanh cũng nên lập một sổ vàng ghi tên quí vị
hảo tâm trong Đạo cũng như ngoài Đời đã góp sức tạo nên ngôi biệt thự này.
Nhơn dịp lễ Khánh Thành hôm nay, tôi xin nhắc lại,
là Chức sắc Hội Thánh đã đi đến một giai đoạn mới, là giai đoạn thực hành giáo
lý Đại Đạo. Thật vậy, Giáo Lý đã được Cơ Quan Phát Thanh phổ truyền sâu rộng từ
quốc nội đến hải ngoại mà tiếng nói đó là tiếng nói của Hội Thánh. Lẽ dĩ nhiên
là Chức sắc Hội Thánh phải tích cực thi hành theo giáo lý trước khi phổ biến nó
đi khắp nơi để giáo hoá tín hữu và truyền bá Đạo Trời. Nếu tất cả Chức sắc trọn
tùng giáo lý và tu tâm luyện tánh và xử kỷ tiếp vật, nhơn sanh trong cửa Đạo
được hưởng hoàn toàn hạnh phúc và vùng Thánh Địa này là một cõi thiên đàng tại
thế vậy."
8 .
Lễ khai giảng khoá huấn luyện chức việc Bàn Trị Sự:
Trong Đạo Cao Đài Hội Thánh Cửu Trùng Đài có hai
tầng: Hội Thánh anh gồm chức sắc từ Lễ Sanh trở lên. Hội Thánh em gồm chức việc
Bàn Trị Sự. Đây là hạ tầng của cơ sở quan trọng của Đạo. Trải qua nhiều biến
cố, hàng chức sắc bị khảo đảo, bị lưu đày. Bàn Trị Sự một lòng trung thành bám
trụ giữ Đạo hữu. Họ là những người bình dân tôn thờ Đức Chí Tôn, Phật Mẫu, họ
vững tin rằng: "tại người làm sai chớ Đạo không sai".
Ngày mồng 4 tháng 6 năm Canh Tuất (dl. 8-7-1970)
Đức Cao Thượng Sanh đến dự lễ khai giảng khoá huấn luyện chức việc Bàn Trị Sự
Châu Thành Thánh Địa tại Hạnh Đường và ban huấn từ như sau:
"Hội Thánh hằng để ý chăm nom dìu dắt quí vị,
Chức sắc giảng viên không nài khó nhọc ra công chỉ dẫn, dạy dỗ đàn em cho đủ
tài, đủ hạnh hầu phục vụ đắc lực nhơn sanh trên đường tu hành thì quí vị nên
gắng lo trau giồi trí thức cho được minh mẫn sáng suốt để ngày sau có thể lập
vị xứng đáng cho mình trong cửa Đại Đạo.
Thiết tưởng dầu trong giới nào, từ cổ chí kim ai
cũng lấy sự học tập làm phương pháp đào tạo nhân tài, nhứt là trong các tôn
giáo, sự học hỏi lại càng cần thiết cho người tu sĩ do câu: Tự giác nhi giác
tha. Phải đủ sáng suốt mới có thể dìu đường cho kẻ khác, nếu mình không sáng
suốt hoặc thông hiểu một cách mù mờ, tức nhiên tránh không khỏi sự lạc đường
sai hướng và trên bước lầm lạc của mình, mình sẽ kéo theo cả một đoàn người do
mình làm hướng đạo.
Đức Chí Tôn có dạy: "Dầu làm Vua, làm Thầy,
làm Công nghệ, làm Đạo sĩ cũng cần phải có cái chí lớn mới thành tựu
đặng".
Chúng ta nên quan niệm rằng trước khi lập chí,
chúng ta cần phải lo học hỏi để trở nên sáng suốt tức là đem cái trí não ra
khỏi vòng mê tối vậy.
Hội Thánh hằng để tâm lo lắng, muốn cho quí vị trở
nên những nhơn vật xứng đáng đối với mặt Đạo cũng như mặt Đời, vì quí vị là
những cộng sự viên cần yếu của Hội Thánh, đại diện cho Hội Thánh nơi địa phận
mình trấn nhậm, tuy ở vào địa vị hạ cấp của guồng máy Hành Chánh Đạo, nhưng quí
vị có nhiệm vụ trọng yếu không kém gì các Chức sắc cao cấp của Hội Thánh. Hơn
nữa, quí vị là những người thân cận hằng ngày với tín đồ, hoà mình với nhơn
sanh chia vui sớt nhọc với Bổn Đạo trong mọi trường hợp thì quí vị chẳng nên
khinh thường cái trách vụ cao đẹp của mình.
Cũng như ngoài mặt Đời, nền tảng chính trị của quốc
gia ở ấp, xã, trong Đạo Cao Đài nền tảng Hành Chánh Đạo ở nơi ấp và Hương Đạo,
rồi kế đến Tộc Đạo hay là Phận Đạo.
Mặc dù ở vào hạ tầng cơ sở, nhưng nếu trong ấp hoặc
Hương Đạo có điều xáo trộn trên dưới thiếu sự điều hoà, tín hữu có điều bất
mãn, nhơn tâm ly tán, mất hẳn tình đoàn kết tương thân thì ở nơi cấp trên Hội
Thánh cũng chịu ảnh hưởng không ít hay khó giữ uy tín đối với mặt Đời và Bổn
Đạo.
Bởi thế đem thắng lợi vẻ vang về cho Đạo hay làm
cho Đạo thất bại, mang tai tiếng cũng đều do nơi hành vi của quí vị.
Đã mang danh là Hội Thánh em, quí vị nên thận trọng
giữ gìn tư cách đứng đắn, làm cho người đời kính nể, người Đạo tin cậy, đối đãi
với toàn thể tín hữu nơi địa phận mình như tình huynh đệ trong gia đình, đem
tình thương chan rưới khắp cả Bổn Đạo, giúp đỡ, nương nhờ lẫn nhau, thực hành
câu Nhứt gia hữu sự bá gia ưu.
Được như vậy dù cuộc đời chua cay bi đát đến mức
nào, quí vị cũng không đến nỗi lâm vào cảnh khó khăn nan giải.
Điều cần nhứt là phải trọn hiếu với Đức Chí Tôn Đại
Từ Phụ, giữ trọn trung thành với Hội Thánh, ngoài ra gắng công học hỏi, noi
gương Thánh trước Hiền xưa mà rèn luyện đức tốt tánh lành. Tiền tài, châu báu
có nhiều giá trị ở đời, nhưng đức tốt tánh lành có giá trị hơn nữa, tiền tài
châu báu có thể bị chúng cướp giựt chớ đức tốt tánh lành không thể nào mất được
và khi xác thân ta trở về với cát bụi, những đức tốt tánh lành sẽ theo linh hồn
ta để nâng cao địa vị ta nơi cõi Thiêng liêng, Đức Chí Tôn có cho bài thi dạy rằng:
Được
vàng chớ khá gọi là may,
Vàng
hết tội kia chất dẫy đầy.
Bỏ
đức bỏ nhân bao kiếp đọa,
Khuyên
con giữ Đạo đến cùng Thầy.
Phân biệt được lẽ cao thấp giữa tinh thần và vật
chất, quí vị nên quí trọng cái thiên chức ấy.
Muốn làm tròn thiên chức ấy, quí vị nên thực thi
mấy điều sau đây;
1 / Thực hành trọn vẹn Tứ đại Điều qui ấn định nơi
chương V Tân Luật.
2 / Phải giữ dạ vô tư mà cư xử với Bổn Đạo, không
vì ai giàu mà trọng đãi, ai nghèo mà khinh khi.
3 / Chỉ thi hành những việc do Hội Thánh ra lịnh bằng
văn kiện chính thức, không nên chia phe phân nhóm làm mất sự đoàn kết thân mật
trong Bổn Đạo và gây sự khó khăn cho Hội Thánh.
4 / Nếu có điều khó khăn không giải quyết được phải
thỉnh giáo bề trên, không nên phán định sơ suất.
5 / Trong trường hợp nào cũng phải giữ uy tín của
mình và nâng cao uy quyền của Hội Thánh.
Nếu quí vị tuân hành đúng theo lề lối ghi trên đây,
tôi tin chắc quí vị sẽ thành công mỹ mãn và sẽ được người Đạo cũng như người
Đời kính phục."
CHƯƠNG
IV
SỨ
MẠNG LÀM XONG
1 . Bữa tiệc cuối cùng:
Ngày 18-1-Tân Hợi (13-2-1971), tại Hạnh Đường (đối
diện với Giáo Tông Đường ), Hội Thánh đãi tiệc chư Chức sắc, Chức việc và nhơn
viên công quả. Đức Thượng Sanh đến dự và ban huấn từ:
"Năm Canh Tuất chấm dứt, gieo cho dân tộc Việt
Nam biết bao nhiêu thảm hoạ đau buồn....
Trong khi chào xuân mới, người đạo Cao Đài hy vọng
và cầu nguyện Đức Chí Tôn mở lượng từ bi xoay trở thế cuộc, ban ân huệ cho dân
tộc Việt Thường chóng thoát nạn chiến tranh, sớm vui hưởng đời thanh bình vĩnh
cửu. Được vậy, người sứ mạng thể thiên hành hoá mới có cơ tận tâm lo dìu dắt
nhơn sanh trên đường giải thoát.
Trong buổi tiệc ủy lạo này, sự hiện diện đông đủ
toàn thể Chức sắc cao cấp và nhơn viên công quả, chứng tỏ mối dây thân ái đã
thắt chặt tình huynh đệ thiêng liêng giữa con cái Đức Chí Tôn. Hôm nay, đoàn tụ
trong bầu êm ấm vui tươi dưới mái gia đình Đại Đạo. Sự đoàn kết chặc chẽ này
tiêu biểu một sức mạnh phi thường có thể dời non lấp biển, nếu những quả tim
của tất cả bạn Đạo đều cùng đập một nhịp yêu thương và cương quyết làm tròn
nhiệm vụ. Chúng ta cố gắng giữ gìn cái sức mạnh tinh thần đó còn nguyên vẹn mãi
mãi, để làm nền tảng kiên cố cho cơ quan phổ độ trường tồn đến thất ức niên...
Phần đông chức sắc có đức tin vững chắc, có quan
niệm rõ rệt về sứ mạng thiêng liêng của mình nên nhứt quyết không để cho ai chi
phối. Mặc dầu giọng kèn tiếng huyễn vẫn luôn to nhỏ bên tai để chực lôi cuốn
theo đường bất hảo...
Hội Thánh quyết giữ vững lập trường tôn giáo thuần
tuý, không ra ngoài phạm vi đạo đức, vượt mình lên cao hơn những nghị luận của
thế gian, nên khỏi vướng vào cuộc phiêu lưu chính trị. Nhờ vậy thanh danh Toà
Thánh Tây Ninh được nâng cao. Hội Thánh nắm vững những luật pháp chơn truyền
điều khiển bước đạo được điều hoà êm ấm...
Được nuôi dưỡng trong tình thương Đức Chí Tôn, Chức
sắc Thiên phong là bậc Thánh Hiền trong cửa Đạo. Hễ muốn làm bậc Thánh Hiền thì
phải có tư cách thanh cao, tánh tình phong nhã, phải trau dồi tâm trí cho ra
bậc phi thường. Bậc phi thường thì không sân, si, hỉ, nộ như kẻ phàm phu, phải đi
ngược với thế tình, tức là trọng tinh thần khinh vật chất, ham nhơn nghĩa, lánh
tà vạy, bỏ thói kiêu sa, bỏ lòng tự ái. Đó là giữ đúng đức siêu nhiên của một
phần tử trong hàng Thánh Thể Đức Chí Tôn....
Chúng ta phải đồng tâm nhất trí tiếp tục giữ vững thanh
danh của Toà Thánh Tây Ninh, uy quyền của Hội Thánh và nhân cách phi phàm của
người tu thì dù gặp bao nhiêu khó khăn cũng sẽ lướt qua để xây dựng cho nền Đại
Đạo một tương lai xán lạn và tươi đẹp hơn..." (*1)
Đây coi như bản di ngôn dài nhứt (trên chỉ lược
trích) của Đức Thượng Sanh, nói lên tâm huyết về lập trường cố hữu của ngài là
phi chính trị, thuần đạo đức. Đâu ai ngờ buổi tiệc Tân niên này là buổi họp mặt
cuối cùng của ngài với chức sắc, công thợ và tín đồ.
(*1) TT 22, ra
ngày 20-2-1971
2 .
Hội Thánh báo tang:
Ngày 27 tháng 3 Tân Hợi (DL. 22-4-1971) Hội Thánh
báo tang như sau:
"Hội Thánh lấy làm cảm xúc thông tri cho toàn
thể Chức sắc, Chức việc và đạo hữu nam nữ trong toàn quốc hay tin buồn: Đức
Thượng Sanh Chưởng Quản Hiệp Thiên Đài vừa quy thiên hồi 17 giờ ngày 26 tháng 3
Tân Hợi, liên đài quàn tại Giáo Tông Đường Toà Thánh. Lễ tang sẽ cử hành trong
9 ngày theo chương trình ấn định kể từ ngày 27 tháng 3 Tân Hợi cho đến ngày 6
tháng 4 Tân Hợi (30 tháng 4 năm 1971) sẽ nhập Bửu Tháp.
Đây là tang chung cho Hội Thánh và toàn Đạo, để tỏ
lòng tri ân ái kính vô biên, nồng nàn mến tiếc Đức Thượng Sanh, một bậc tiền
bối đại ân nhân đã dày công khai sáng nền Đại Đạo, để tạo hạnh phúc cho nhơn
sanh, trong buổi Tam Kỳ Phổ Độ.
Hội Thánh quyết định cho tất cả Thánh Thất, Điện
Thờ Phật Mẫu cùng các văn phòng của Đạo tại địa phương cũng như tại Toà Thánh
và các tư gia tín hữu nơi Châu Thành Thánh Địa phải treo Đạo kỳ rũ. Toàn Đạo
nên chay lạc tịnh tâm trì tụng Di Lạc Chơn Kinh suốt trong những ngày Thánh lễ để
cầu nguyện Ơn Trên, Đức Chí Tôn, Đức Phật Mẫu và các Đấng Thiêng Liêng ban hồng
ân cho Chơn Linh Đức Ngài được cao thăng Thiên vị.
HỘI
THÁNH"
Sau khi đài phát thanh Sài Gòn phát tin "Cáo
phó" nêu trên loan khắp miền Nam, ở các Châu Tộc Đạo, chức sắc, đạo hữu lũ
lượt đi về Toà Thánh Tây Ninh thọ tang Đức Cao Thượng Sanh. Ai không về được
thì tổ chức thọ tang tại chỗ. Từ miền Trung đến miền Nam đều tổ chức thọ tang
trọng thể. Chính quyền địa phương đến điếu tang. Đặc biệt nhất là tại Tỉnh Thừa
Thiên, phái đoàn của Bà Từ Cung đã đến Thánh Thất sở quan, hiến lễ một mâm quả
phẩm và số tiền mặt hai nghìn đồng (rất lớn đối với thời bấy giờ) (*1)
Đây là đám tang lớn nhất từ trước đến nay không
phải vì số ngày lễ lâu (vì theo nghi lễ, Chức sắc cùng phẩm thì cùng số ngày
tang) mà to lớn vì số người tham dự rất đông. Đến nỗi phóng viên báo DÂN MỚI
cho đây là một Quốc tang (*2). Uy tín Đạo thực sự đã được nâng cao hơn bao giờ
hết.
Đám tang Đức Cao Thượng Sanh còn là dịp cho các nhà
lãnh đạo miền Nam hòa thuận. Trong ngày liên đài nhập Bửu Tháp, ta thấy tổng
thống Nguyễn Văn Thiệu, tướng Dương Văn Minh, tướng Nguyễn Cao Kỳ ... họ im
lặng đi bên nhau. Thường ngày họ vốn là đối nghịch nhau.
Các chính khách, các thân hữu với Toà Thánh đều có
mặt đông đủ. Đây cũng là dịp cho những ai lầm lỗi với Đạo, với Đức Hộ Pháp,
quay về. Ta không lấy làm lạ khi thấy những bộ mặt bở ngỡ vì lầm lỗi cũng âm
thầm đưa đám như tướng Nguyễn Thành Phương, tướng Nguyễn Văn Thành, v.v... Họ
đeo băng tang để tỏ lòng ăn năn hối tiếc.
(*1) TT 31, ra
ngày 27-7-1971, tr.17. Bà Từ Cung được thăng Phối sư
(*2) Dân Mới số
58 , ngày 5-5-1971
3 .
Đức Cao Thượng Sanh giáng cơ:
Ngày hôm sau qui thiên, Đức Cao Thượng Sanh giáng
cơ tại Cung Đạo Đền Thánh lúc 20 giờ đêm 27 tháng 3 năm Tân Hợi.
THƯỢNG
SANH
Chào mừng chư Chức sắc Thiên phong,
Chư đạo hữu nam nữ,
Bần Đạo lấy làm vui sướng được thoát nơi trần luỵ,
cái kiếp phù sanh của con người, chỉ có giải thoát được là quí hơn hết.
Hôm nay, Bần Đạo đến để thoả mãn sự yêu cầu của quí
vị, Bần Đạo không có điều gì hay hơn là bài thi đã cho lúc Bần Đạo tái thủ phận
sự, nhưng xin sửa lại hai câu đầu như vầy:
Từ
lúc đưa tay nắm Đạo quyền,
Nguyện
đem thi thố tấm trung kiên
Kỳ dư đều để y như cũ.
Bần Đạo còn rất nhiều Đạo sự, không tiện ở lâu, xin
kiếu.
Thăng.
Bài thơ mà Đức ngài làm vào tháng 7-1970 hai câu
đầu đề như thế này:
Hội
Thánh mời giao nắm Đạo quyền
Mười
ba năm một dạ trung kiên
Rõ ràng Đức Ngài biết mình chỉ giúp Đạo hơn 13 năm
mà thôi. Và bài thơ trọn vẹn để dâng hiến lễ Ngài hàng năm là:
Từ
lúc đưa tay nắm Đạo quyền,
Nguyện
đem thi thố tấm trung kiên.
Độ
đời quyết lánh vòng danh lợi,
Trau
chí tìm roi bậc Thánh hiền.
Từ ái làm nền an thổ võ
Đức ân dụng phép tạo nhơn duyên,
Những mong huệ trạch trên nhuần gội,
SỨ MẠNG LÀM XONG giữ trọn nguyền.
Kể từ ngày mùng 9 tháng
Giêng năm Bính Dần (1926) Đức Chí Tôn đã nhận 12 đệ tử đầu tiên của Đạo Cao Đài
(*1), thì giai đoạn đầu đó do Đức Ngô Minh Chiêu dìu dẫn. Từ ngày khai Đạo
(18.11.1926), cơ phổ độ do Đức Cao Thượng Phẩm, Đức Quyền Giáo Tông Lê Văn
Trung, Đức Phạm Hộ Pháp và Đức Cao Thượng Sanh (1957-1971) lãnh đạo. Tất cả là
5 vị (số 5 là số tham thiên lưỡng địa), nền Đạo tính vừa đủ 45 năm gồm 9 số mà
tổng số từ 1 đến 9 (1+2+3+4+5+6+7+8+9) là 45. Mồng 9 lại là ngày Vía Đức Chí
Tôn (*2), đem nhân 9 với số 5 (5 vị Cao đồ tiền khai Đại Đạo), (9 x 5) vẫn là
45. Điều ấy có huyền diệu gì không?
Thế thường mỗi khi có Hà Lạc xuất hiện thì có Thánh
nhân ra đời. Khi không thấy Hà Đồ xuất hiện, Đức Khổng Tử than: "Phượng
điểu bất chi, Hà bất xuất đồ, ngô dĩ hỉ phù" (Chim Phượng không tới, bức
đồ chẳng hiện trên sông Hà, ta hết hy vọng rồi).
May thay! Kỳ ba phổ độ này ta thấy Long mã tải
Trung Thiên Bát Quái (*3) trên có Lạc Thiên Thư xuất hiện là điềm lành cho toàn
thể nhân loại (*4)
Thời khai nguyên Đại Đạo, theo Dịch lý là thời Thái
Dương gồm 5 vị:
1 . Ngô Minh Chiêu: (từ tháng 2 đến tháng 11-1926) dìu dẫn 9 tháng. Số 9 là
số Cửu Trù (hay Cửu Thiên Khai Hoá) của Hà Đồ. Số 9 là số đặc biệt của Chí Tôn.
2 . Cao Quỳnh Cư: (1926-1929) xây dựng nghiệp Đạo 4 năm là số Tứ Tượng trong
Kinh Dịch hay Tứ Thời (Ngọ, Dậu, Tý, Mẹo trong bốn thời dâng lễ Đức Chí Tôn).
3 . Lê Văn Trung: (1929-1934) chưởng quản Đạo sự trong 5 năm, số 5 là số Tam
Thiên (3), Lưỡng Địa (2).
4 . Phạm Công Tắc: (1935-1956) 21 năm trừ gần 1 năm an trí Di Linh, Sơn La và
5 năm hơn bị đày ở Madagascar còn lại 15 năm. số 15 là số sinh thành của Hà Đồ.
Số Trời 5 hợp cùng số Đất 10 ở Trung ương mà sinh Thổ (Thiên ngũ dử Địa thập
hợp ư Trung nhi sinh Thổ. PHƯƠNG DỰC TÔN, Tung Sơn độc châu Dịch lý quyển 1, trang
3) tức là 15.
5 . Cao Hoài Sang: (1957-1971) cầm quyền Đạo trong 14 năm (hay hơn 13 năm
cũng vậy) báo hiệu cho thời Thái Dương của các Cao Đồ chấm dứt (12 giờ trưa là
cực dương của Thái dương tính theo Tứ thời), bước sanh 13 hay 14 giờ là bắt đầu
thời Thiếu âm (vì cực dương sinh âm) của Thập Nhị Thời Quân mà khởi đầu là Thời
Quân Hiến Pháp.
Đức Cao Thượng Sanh thay mặt các vị Cao đồ chấm dứt
thời khai nguyên Đại Đạo bằng câu:
"SỨ MẠNG LÀM XONG giữ trọn nguyền"
(*1) Xin xem 12
đệ tử đầu tiên của Đạo Cao Đài cùng người viết. Đức Thượng Sanh xác nhận: Qua
được điểm Đạo vô vi
(*2) Pythagore
viết : Neuf est le Nombre parfait en tant que carré le trois qu'est le trinité
de l'harmonie complète (Chín là số hoàn hảo, là bình phương của ba, tam hợp hài hoà trọn vẹn). Theo Kinh Dịch số 9 là số Lão Dương
về Tây, thời các Thánh Thần ( règne du Saint Esprit) trị vì đã chấm dứt. Khoa tượng số học Tây phương cũng nói về sự huyền bí của con số chín trong cái
chết của Jésus Christ : Notons également qu'après sa résurrection le Christ
apparut 9 fois aux disciples et aux apôtres
(*3) Xin xem
Ngôi thờ Đức Chí Tôn, cùng người viết.
(*4) Trên tay
Đức Lý cầm quyển Thiên thơ, Đức Hộ Pháp gọi Thiên Thơ là Thánh ngôn đó. ( TĐ
ngày 6-8-Tân Mão - 1951)
4 .
Tuyên dương công nghiệp Đức Cao Thượng Sanh:
Có rất nhiều điếu văn tuyên dương đời hành Đạo của
Đức Thượng Sanh. Ta có thể kể: Điếu văn của Hội Thánh Cửu Trùng Đài Nam phái,
điếu văn của Hội Thánh Cửu Trùng Đài nữ phái, điếu văn của Hội Thánh Phước
Thiện, điếu văn của Hội Thánh Hàm Phong và các ban bộ...
Điếu văn của các tôn giáo bạn có: văn tế của Minh
Thiện Đạo, Diêu Trì Phái (Sài gòn), Giáo Hội Phật Giáo Bửu Sơn Kỳ Hương, v.v...
Dưới đây là bản tuyên dương công nghiệp của Hội
Thánh Hiệp Thiên Đài:
"Nhơn cuộc lễ này, tôi (Trương Hiến Pháp) xin
tuyên dương công nghiệp của Đức Cao Thượng Sanh về cả hai phương diện Đạo lẫn
Đời.
Về mặt Đời: Nói đến ông ai ai trong giới công chức
và đồng bào tại thủ đô đều hiểu rõ thanh danh của ông là một công chức đúng mực
thanh liêm. (*1)
Là một chí sĩ thương dân, yêu nước, ông thường giao
du với hai ông Cao Quỳnh Cư và Phạm Công Tắc. Cả 3 ông là nhạc sĩ lừng danh
trong giới âm nhạc tại thủ đô Sài gòn. Hai ông Cư và Sang được coi như các bậc
thầy. Sau khi ông Cư đăng tiên, ông Sang được coi như bậc Hậu Tổ. Ban Âm Nhạc
Đạo Cao Đài đã nhờ Ngài chấn chỉnh rành mạch thêm... Mất Đức Ngài, giới âm nhạc
trong toàn quốc nói chung và trong Đạo Cao Đài nói riêng, đã mất một nhạc sư cự
phách. Đáng tiếc thay.
Về mặt Đạo: Ngày rằm tháng 3 Bính Dần ông Cao Hoài
Sang đắc phong Thượng Sanh một lượt với Đức Hộ Pháp và Đức Cao Thượng Phẩm. Từ
đây, về mặt hữu hình chưởng quản tối cao của Hội Thánh H.T.Đ không còn nữa.
Từ khi trở về tái thủ phận sự nơi Toà Thánh Đức
Thượng Sanh đã tìm đủ mọi phương pháp để đem lại sự điều hòa trong cửa Đạo, để
toàn Đạo được hưởng thái bình hạnh phúc.
Những tưởng Đức Ngài đến với sứ mạng Thiêng liêng
để hoàn thành cơ nghiệp Đạo, thì chắc Ngài phải được sống lâu với Bổn Đạo để
tồn tại với Đại nghiệp Đạo đến cùng. Nào ngờ đâu, ta muốn vậy, mà Trời đâu cho
vậy.
Đã đành rằng chúng ta phải thương tiếc một Đấng
lãnh tụ anh minh như Đức Thượng Sanh. Thương tiếc bao nhiêu thì phải noi gương
của Đức Ngài bấy nhiêu để gặt hái được một phần công quả hữu ích cho Đạo và
chúng sanh nhờ! Đó là sự đền đáp công ơn của bậc tiền bối đã dày công xây dựng,
lưu lại một sự nghiệp vĩ đại cho chúng ta thừa hưởng.
Vậy chúng ta hãy đứng lên và đồng tâm hiệp lực tiếp
tục xây đấp nền Đạo cao thêm mãi để khỏi phụ ơn của tiền nhân chúng ta..."
(*2)
Để bổ sung cho phần công nghiệp Đời ở trên, chúng
tôi xin trích lời cảm tưởng của ông Nguyễn Văn Thinh, Giám đốc Trường quốc gia
Âm Nhạc Sài gòn, đọc trước khi hoà tấu cổ nhạc hiến lễ tại Cửu Trùng Thiên,
nhân ngày Đại tường của Đức Cao Thượng Sanh lúc 20 giờ ngày 15 tháng 10 Nhâm Tý
(DL. 20-11-1972) nơi Đại Đồng xã.
"Đại diện nhóm thân hữu và tài tử quốc nhạc cổ
truyền Đô Thành đến kính bái phủ phục nơi tôn nghiêm uy nghi này nhân lễ Đại
Tường. Tôi tự nhận là một vinh hạnh tột bực trong đời tôi.
Vinh hạnh nhờ được hầu hết anh em lớn nhỏ trong
giới tài tử tri ân đặt trọn lòng tin tưởng nơi tôi để nói lên nỗi lòng chơn
thành của mình, của giới tài tử tri âm đối với Đức Thượng Sanh, người đã có
công rất lớn với ngành mỹ thuật cổ truyền nước nhà.
Nhờ Đức Ngài khuyến khích, và chẳng nệ công khó
nhọc sáng tác để phổ biến truyền bá trong đại chúng hâm mộ cổ nhạc. Những ca
phẩm đặc sắc về phương diện văn chương, nên đã cứu vãn và quân bình được một
tình thế suy kém gần sụp đổ của nền nhạc cổ truyền trước sức lấn áp ồ ạt lôi cuốn
của một loại nhạc ngoại lai.
Thật vậy, nếu Đức Ngài đã chẳng quan tâm lưu ý đến
tiền đồ quốc nhạc thì chỉ trong vòng đôi ba mươi năm là cùng, môn mỹ thuật ca
nhạc điệu thính phòng thuần tuý Việt Nam của giới tài tử chắc chắn sẽ biến mất
trên lãnh thổ miền Nam Việt Nam.
Do vậy, để cụ thể hoà lòng tri âm đó và với trọng
tâm nêu cao thiên tánh cùng công trình xây dựng trong quá khứ của Đức Thượng
Sanh là bậc nhơn tài của đất nước, bậc hiền sĩ ôn hoà thuần chính. Đức cao
trọng vọng hiếm có, một đồng môn phái cùng Đức Ngài và được duyên giao hảo hạnh
ngộ với Đức Ngài trên 40 năm, đã soạn lời phổ vào nhạc phẩm Ngũ đối hạ. Nội
dung bài ca gồm 5 đoạn gọi là Ngũ đối liên tiếp và tuần tự điều đạt sự trạng:
Kim bằng, tri âm, tao nhơn, gia đình, đạo đức liên quan đến Đức Ngài, sẽ được
tấu trình hiến dâng lễ nhạc. Thân hữu cũng xin trình bày kế tiếp bản Ngũ đối ai
để tưởng niệm Đức Thượng Sanh.
Phần chót lễ vọng bái Đức Thượng Sanh được hoàn tất
bằng một lớp diễn xuất ca nhạc kịch phỏng soạn nhờ cảm hứng bài ca Văn Thiên
Tường tựa "Hạng Võ biệt Ngu Cơ" của Đức Ngài sáng tác từ lâu."
(*3)
(*1) Xem thêm
Thượng Sanh Cao Hoài Sang cùng người viết
(*2) Tuần báo
Dân mới số 58, 1971
(*3) TT số 65 ra
ngày 30-11-1972, tr.9-10
5 .
Ảnh hưởng nhạc lễ của Đạo Cao Đài:
Đức Cao Thượng Sanh và Ngài Cao Mỹ Ngọc là cặp cơ
có công đầu giảng dạy nhạc lễ cho các nhạc sinh. Trong Đạo có Bộ Lễ đào tạo các
nhạc sĩ gởi đi các Thánh Thất trong toàn quốc để lễ nhạc được đồng nhất.
Nhạc lễ của Đạo Cao Đài được hình thành theo thuyết
âm dương, ngũ hành qua các nhạc khí. Đôi trống biểu tượng âm dương, Bạc, chụp
choả là kim, mõ gõ là mộc, kèn, ống tiêu là thủy, đàn cò là lửa, cái bồng là
thổ. Ngũ hành tương ứng với ngũ âm là cung, thương, giốc, chủy, vũ.
Ngũ âm tương ứng với ngũ nhạc công, nên vị trí ngồi
của ban nhạc phải sắp xếp theo hình chữ ngũ.
Lễ biểu tượng cho trật tự, nhạc biểu tượng cho sự
hài hoà. Nhạc và lễ phải hoà hợp là nhờ ở trường canh và nhịp. Nói lý đạo, ý
nghĩa nhạc lễ là hoà hợp mà linh hồn của sự hoà hợp là trường canh và nhịp. Đối
tượng phục vụ của lễ nhạc tế trời đất, cúng vong linh.
Khi dự lễ thời tý, khi nghe hoà đờn bài "Ngũ
đối hạ", lòng ta rùng mình lắng đọng, thoang thoảng đàn nội mùi trầm hương
phảng phất. Hồn như lạc vào chốn tôn nghiêm cao khiết.
Sắc phục của các nhạc sĩ, nhạc công rất rõ ràng: y
mão đại đàn, tiểu đàn và lễ tang toàn trắng. Ai nhìn vào là thấy ngay sắc thái
riêng biệt của Đạo Cao Đài.
Trong xã hội, ảnh hưởng nhạc lễ của Đạo Cao Đài rất
rõ nét. Các nơi tổ chức giao lưu nhạc lễ, thực chất là nhạc lễ của Đạo Cao Đài
vì nòng cốt là các nhạc sĩ được bổ nhậm từ Toà Thánh về các tỉnh.
a) Tính dân tộc của nhạc lễ Cao Đài:
Giáo sư Tiến sĩ Trần Văn Khê từ nhỏ đã quen thân
với các chức sắc Đạo Cao Đài, nên giáo sư đã nghiên cứu và viết thành sách:
Encyclopédie des musiques sacrées. Paris Editions Labergerie 1968, pp 296-300 "Le Caodaisme" par
Trần Văn Khê, Maitre de Recherche au CNRS.
Ngày 11.10.1996 khi nói chuyện về nhạc truyền thống dân tộc Việt Nam và
nhạc lễ Cao Đài tại Thánh Thất Từ Vân (Phú Nhuận), Giáo sư Trần Văn Khê nhắc lại ít
nhiều kỷ niệm không quên trong thời hoa niên ở Tam Bình (Vĩnh Long) với Dượng Năm (Mười Tòng) là chức sắc Cao Đài cũng như với hai nhân vật
Cao Đài khác là Nguyễn Văn Ngợi (Ba Ngợi) và Trần Văn Quế (Huệ Lương).
Giáo sư nói: "Tôi viết thơ cho thầy tôi là
Trần Văn Quế, xin thầy cho biết rõ coi trong đạo Cao Đài tổ chức việc nhạc như
thế nào. Một hôm thầy tôi gởi cho tôi một bức thư trong đó có chép lại một bài
cơ bút đã giáng xuống [quy] định cho tất cả nhạc trong đạo Cao Đài. Lần đó tôi
mới giựt mình thấy tất cả nhạc Cao Đài đều do nhạc trong dân gian Việt Nam,
trong truyền thống Việt Nam đưa vào, không phải từ phương xa tới, không phải từ
một nước ngoài đi tới. Chính từ trong dân gian mà đưa ra."
"... Tôi biết chắc căn bản âm nhạc Cao Đài như
thế nào. Tôi mới hiểu tại sao có điệu ai, tại sao có điệu oán, tại sao có điệu
xuân (...) Tất cả các điệu nhạc lễ đều có mặt trong nghi lễ của đạo Cao Đài mà
[ còn là] âm nhạc trong phong cách nhạc lễ miền Nam Việt Nam chứ không phải miền
Trung hay miền Bắc. Tức là âm nhạc trong đạo Cao Đài dựa vào âm nhạc truyền
thống dân gian của miền Nam một cách rõ ràng."
"(...) Tôi thấy trong âm nhạc dân gian ở miền
Nam có một câu hát ru của bà mẹ, là một bài giáo dục âm nhạc đầu tiên rót vào
tiềm thức của đứa trẻ. Cùng một lúc với dòng sữa nóng của bà mẹ nuôi cho thân
thể đứa trẻ thì một điệu nhạc dân gian, một bài thơ dân gian đã rót vào trong
bộ nhớ của trẻ em để nó ghi lại trong đó làm nền tảng.
Lớn lên một chút rồi, muốn sáng tác một bài gì, muốn
đưa ra một điệu nhạc nào thì cái cấu trúc của câu hát ru của bà mẹ hiện lên làm
nền, để làm mẫu cho người đó sáng tác, bởi vì người đó không có học nhạc viện,
không có biết đô, rê, mi, pha, sol là cái gì hết, chỉ biết cái lời hát ru của
bà mẹ. Thì lời hát ru đó đã thể hiện ngay trong bài Niệm hương của đạo Cao Đài.
Bài hát ru của bà mẹ Việt Nam là Ầu ơi ...ơ..ơ...ví
dầu ....ầu.....cầu ván ư....ư...đóng đinh; cầu tre...ơ..lắc lẻo ơ.....gập ghềnh
....ơ...khó đi....Cấu trúc là hò ....xự....xang ...(xang già mà rung một
chút)....xê....cống....Thì đó là thang âm mà tôi nghe thấy trong lời kinh Cao
Đài: Đạo .....gốc bởi ...lòng thành...tín hiệp...lòng ....nương nhang....khói
tiếp....truyền ra...mùi hương....lư ngọc...bay xa...kính thành...cầu
nguyện....Tiên gia ...chứng lòng...hò...xự...xang....xê....cống....
Tiếng hát ru đó hiện ra trong tiếng kinh của Cao
Đài giáo, Phật giáo (...). Tôi mới giựt mình. Hai đạo giáo đó có trên đất nước
Việt Nam từ lâu, mà lời kinh tiếng kệ lại phản ánh được tiếng hát ru của bà mẹ:
từ trong lòng của dân tộc Việt Nam mà sanh đẻ ra những nét nhạc đó. Đó là một
bằng cớ chứng tỏ rằng hai đạo giáo đó (Phật và Cao Đài) đã mật thiết liên quan
tới đời sống hàng ngày của dân tộc Việt Nam.
Sau đó tôi mới bắt đầu nghiên cứu thêm, mới có được
sự hiểu biết mỗi lần một chút. Do đó tôi mới thấy được tại sao mà có những hơi
xuân (nam xuân) trong khi đọc bài Đại la Thiên Đế (...). Rồi tất cả những bài
kinh đồng nhi đọc như thế nào, nhạc đánh như thế nào (...). Tất cả làm thành
một khối âm nhạc tôn giáo rất phong phú, rất sâu sắc mà nếu không nói ra, người
trên thế giới họ không hiểu nổi chúng ta. Mà khi nói ra, người ta hiểu rồi, thì
người ta bắt đầu kính nể dân tộc Việt Nam có một nền văn hoá rất vững chắc bắt
nguồn bắt rễ từ dòng âm nhạc của Việt Nam, từ trên mảnh đất phì nhiêu của
truyền thống âm nhạc Việt Nam."
Nhạc lễ Cao Đài thể hiện tính dân tộc, Giáo sư Trần
Văn Khê cho là cách đọc kinh theo nhịp hai.
"Tại sao Việt Nam mình không có nhịp ba? Là
bởi yếu tố của tiết tấu người Việt Nam mình căn cứ trong con người và môi
trường sống của dân tộc Việt Nam. Con người sinh ta thì có hơi thở, thở vào thở
ra (nhịp hai). Có trái tim đập hai nhịp. Trái tim đập ba nhịp là đau rồi (...)
Cái tướng đi đánh đòng xa cũng hai nhịp. Con người thể hiện ra nhịp hai. Mẹ
sinh ra đưa vào cái nôi, cái nôi kẽo cà kẽo kẹt, đưa qua đưa lại, là nhịp hai.
Cây tre đầu làng phất phơ theo gió, là nhịp hai. Thủy triều lên xuống, là nhịp
hai. Con sông nước lớn nước ròng, là nhịp hai. Vậy thì tất cả con người và môi
trường trong đó người Việt Nam thể hiện ra nhịp hai rất nhiều". (Tạp chí
Xưa và Nay số 66B).
b) Nhạc lễ Cao Đài chuyển thể Tân nhạc:
Hòn vọng phu đã sớm đưa Lê Thương (1914-1996) vào
hàng những nhạc sĩ tài danh của Việt Nam. Rất ít người biết rằng một phần của
trường ca bất hủ ấy đã chịu ảnh hưởng của nhạc lễ Cao Đài.
"Sau khi hoàn tất nhạc phẩm Hòn Vọng Phu I,
tôi nhờ nhạc sĩ Lưu Hữu Phước đưa ra Bắc phổ biến hồi năm 1945. Vào năm 1946,
tôi đang sống trong vùng kháng chiến, tiếp tục sáng tác bài Ai xuôi vạn lý tức
là Họn Vọng Phu II....
Tôi sáng tác Ai xuôi vạn lý đang thời kháng Pháp.
Tôi len lỏi trong vùng Chẹt Sậy nằm ven cửa biển An Hoá, Bình Đại, tỉnh Bến
Tre. Đó là thời tuổi trẻ luân lạc nhất của đời tôi. Nhiều trận giặc Pháp ruồng
bố, tôi chạy theo gia đình ông Đầu Tộc Đạo Cao Đài trong vùng Chẹt Sậy.
Tôi sáng tác Ai xuôi vạn lý lúc đang ăn gửi nằm nhờ
trong gia đình đạo Cao Đài, sau khi tôi đau sắp chết cho nên trong nhạc phẩm
này có những câu trối trăn rất đỗi bi quan: Thôi, đứng đợi làm chi. Thời gian
có hứa mấy khi, sẽ đem đến trả đúng kỳ. Những người mang mệnh biệt ly...
(...) tôi cũng xin nói về thêm âm giai trong bài Ai
xuôi vạn lý này có âm hưởng kinh Cao Đài, mà trong thời gian tôi tá túc gia
đình ông Đầu tộc Cao Đài, sớm tối nghe giọng tụng kinh, và lời thuyết giáo
(...) đã thấm vào tôi lúc nào không hay. Đến khi tìm giai điệu thể hiện Ai xuôi
vạn lý thì âm hưởng trầm bổng hơn của nhạc lễ trong kinh Cao Đài đã lồng vào
đoạn nhạc mở đầu (introduction) một giai điệu trầm bổng buồn buồn: Phá rê, rê,
phà phá. Phá rê, rê đồ rê phá là (...) Rề, pha xôn là phe, xôn rề... Rồi lời ca
và tiết điệu như âm hưởng những lời rao giảng: Đá mòn chưa hồn chưa mòn giấc
mơ. Có đám mây trên đồi, sống trong... trong mơ hồ. Ngày nào tròn trăng, lại
nhớ đến tích xưa. Khi tướng quân qua đồi, kéo quân, quân theo cờ; Đoàn cỏ cây
hãy còn trẻ thơ. Cho đến bây giờ, đã thành đoàn cổ thụ già. Mà chờ người đi mất
từ ngàn xưa. Nàng đứng ôm con xem chàng về hay chưa?
Nhạc sĩ Lê Thương với tâm hồn dân tộc, thể hiện
trong sáng tác tình dân tộc bằng gian điệu Việt Nam qua trường ca Hòn Vọng Phu.
Do hoàn cảnh lịch sử, ông có dịp gần gũi, tiếp cận nhạc lễ Cao Đài, tâm hồn dân
tộc trong Lê Thương và tính dân tộc trong Cao Đài đã cùng nhau hoà điệu. Aûnh
hưởng sâu sắc này lắng đọng trong tiềm thức, để đến khi sáng tác Ai xuôi vạn
lý, ở khoảnh khắc nào đó rất tự nhiên, cái hồn dân tộc trong giai điệu Cao Đài
đã phả sinh lực vào hồn nhạc Ai xuôi vạn lý, và Lê Thương đã lưu lại cho đời
một kiệt tác bất hủ còn rung động mãi lòng ai nặng tình quê hương đất
nước". (Tạp Chí Xưa và Nay số 63B).
PHỤ TRANG:
ĐẠI ĐẠO TAM KỲ PHỔ ĐỘ
(Tứ Thập Niên)
HIỆP THIÊN ĐÀI
Văn phòng
THƯỢNG SANH
Số: 01/ TL.
THƯỢNG SANH
CHƯỞNG QUẢN HIỆP THIÊN ĐÀI
Chiếu TÂN LUẬT và PHÁP
CHÁNH TRUYỀN.
Chiếu HIẾN PHÁP và NỘI LUẬT Hiệp Thiên Đài ngày Rằm
tháng 2 năm Nhâm Thân (21.3.1932)
Chiếu Hiến Pháp Hiệp Thiên Đài ngày mồng 8 tháng
Giêng năm Giáp Thìn (20.2.1964)
Chiếu Hiến Pháp Hiệp Thiên Đài ngày 27 tháng 2 Aát
Tỵ (29.3.1965) bổ túc Hiến Pháp 1964 trên đây.
Chiếu Thánh Giáo của Đức Lý Giáo Tông đêm mồng 3
tháng 12 năm Quí Tỵ (1953) ấn định 4 phẩm trong Ban Thế Đạo như sau:
1 - Hiền tài
2 - Quốc sĩ
3 - Đại phu
4 - Phu tử
Nghĩ vì Hội Thánh đã lập xong quy điều của Ban Thế
Đạo được sự chấp thuận của Đức Hộ Pháp do Thánh Giáo đêm mùng 9 tháng 2 Ất Tỵ
(11.3.1965) nên:
THÁNH
LỊNH
ĐIỀU THỨ NHỨT: Để cầu hiền giúp Đạo, Hội Thánh đã
lập thành Ban Thế Đạo với quy điều kèm theo đây kể từ ngày ký tên Thánh lịnh
này.
ĐIỀU THỨ NHÌ: Ban Thế Đạo đặt dưới quyền trực thuộc
Hội Thánh Hiệp Thiên Đài "Chi Thế".
ĐIỀU THỨ BA: Hội Thánh Cửu Trùng Đài và Hội Thánh
Phước Thiện, tuỳ nhiệm vụ, lãnh ban hành và thi hành Thánh Lịnh này.
TOÀ THÁNH, ngày 28 tháng 2
Ất Tỵ
(dl. 30.3.1965)
THƯỢNG SANH
Chưởng Quản Hiệp Thiên Đài
(ấn ký)
ĐẠI ĐẠO TAM KỲ PHỔ ĐỘ
(Tứ
Thập Niên)
HIỆP THIÊN ĐÀI
Văn phòng
QUYỀN CHƯỞNG QUẢN
Số: 114/ QCQ.
BẢO THẾ
QUYỀN CHƯỞNG QUẢN HIỆP THIÊN ĐÀI
Kính
gởi quí
Hiền Huynh ĐẦU SƯ kiêm THƯỢNG
CHÁNH PHỐI SƯ
QU. NGỌC CHÁNH PHỐI SƯ
GIÁO SƯ Xử Lý Thường Vụ Văn
phòng THÁI CHÁNH PHỐI SƯ
CHƯỞNG QUẢN PHƯỚC THIỆN
Quí Hiền Tỷ Nữ Chánh Phối Sư
Chưởng Quản Nữ phái Cửu Trùng Đài
Nữ Phối Sư Chưởng Quản Nữ Phái
Phước Thiện
Kính quí Hiền Huynh và Hiền
Tỷ,
HỘI THÁNH HIỆP THIÊN ĐÀI đã
lập thành BAN THẾ ĐẠO và bản QUY ĐIỀU liên hệ, được ĐỨC HỘ PHÁP chấp nhận do
Thánh Giáo đêm mùng 9 tháng 2 Ất Tỵ (11.3.1965 dl).
Đây là một phương sách mở rộng
cửa Từ Bi tiếp rước nhân tài có thiện tâm giúp Hội Thánh điểm tô Đại Nghiệp Đạo
và cũng là phương tiện dìu độ nguyên nhân nhập trường công quả.
Tôi xin Hội Thánh Cửu Trùng
Đài và Phước Thiện phổ biến tài liệu quí báu này cho chư vị Khâm Châu và Đầu
Tộc khi gặp Sĩ Phu Quân Tử hãy hết dạ ân cần đón tiếp.
Nay
kính
Toà
Thánh, ngày 8-3 năm Ất Tỵ
(Dl.
09-4-1965)
QUYỀN
CHƯỞNG QUẢN HIỆP THIÊN ĐÀI
Bảo
Thế LÊ THIỆN PHƯỚC
(ấn
ký)
ĐẠI ĐẠO TAM KỲ PHỔ ĐỘ
(Tứ
Thập Niên)
Văn phòng
HIỆP THIÊN ĐÀI
---oOo---
BAN THẾ ĐẠO
QUY ĐIỀU
Thể
theo tinh thần Thánh giáo của Đức Lý Giáo Tông đêm mùng 3 tháng 12 năm Quí Tỵ
(1953) và theo tôn chỉ Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ. Hội Thánh Toà Thánh Tây Ninh
thành lập Ban Thế Đạo cốt yếu mở rộng trường công quả tiếp đón những bậc nhân
tài văn võ có khả năng phụng sự cho Đạo mà không thể phế đời hành Đạo.
Ban
Thế Đạo tức là cơ quan thuộc về phần đời bắt nguồn từ cửa Đạo phát
xuất làm dây nối liền cho Đạo Đời tương đắc tương liên ngõ hầu tạo lập một đời sống thanh bình cho nhân loại trong thời chuyển thế.
CHƯƠNG I
NHIỆM VỤ VÀ PHẨM TRẬT
Chức sắc trong Ban Thế Đạo có
nhiệm vụ độ Đời nâng Đạo và hành sự trực tiếp với Cửu Trùng Đài về mặt chuyên
môn trong xã hội và trực thuộc Hiệp Thiên Đài CHI THẾ về mặt chơn truyền và
luật pháp.
Ban Thế Đạo gồm có 4 phẩm:
HIỀN TÀI
QUỐC SĨ
ĐẠI PHU
PHU TỬ
Những vị nào muốn được tuyển
trạch vào Ban Thế Đạo phải có 2 vị chức sắc trong Đạo tiến cử và phải nhập môn
cầu Đạo, khi được Hội Thánh chấp nhận vào hàng phẩm kể trên tùy địa vị ngoài
đời của đương sự.
I - HIỀN TÀI: Là bậc trí thức chọn trong
hàng Đạo hữu hoặc trong hàng công, tư chức nam nữ đương quyền từ 40 tuổi sắp
lên hay đã hồi hưu, hay trong hàng sĩ phu có tú tài toàn phần từ 21 tuổi sắp
lên và trong hàng sĩ quan từ Đại uý sắp lên.
II - QUỐC SĨ: Những danh nhơn được trạch
cử vào hàng phẩm Quốc sĩ phải có điều kiện sau nầy:
1 . Bậc Hiền Tài đầy đủ hạnh đức,
đã dày công giúp Đạo trợ Đời được công chúng hoan nghinh có văn bằng minh chức.
2 . Bậc Nhân Sĩ có công nghiệp
vĩ đại đối với quốc gia dân tộc có bằng chứng cụ thể đắc nhơn tâm.
3 . Các
Tướng Lãnh có thiện tâm giúp Đạo và kỳ công trợ Đời.
III - ĐẠI PHU: Những danh nhơn được sắp vào
hàng Đại Phu là:
1 . Bậc Quốc Sĩ đầy đủ hạnh
đức, dày công giúp Đạo về việc phổ thông giáo lý và giúp đời về mặt thâu phục
nhơn tâm.
2 .
Những bậc có địa vị cao trọng trong nước như: Thủ tướng, Thống Tướng, Đề đốc,
Tổng trưởng, Bộ trưởng, Sứ thần.
IV- PHU TỬ: Những danh nhơn được sắp vào
hàng Phu tử là:
1 . Bậc đại phu đầy đủ hạnh
đức có đại công tế thế an bang.
2 . Bậc Quốc trưởng, Tổng
thống đạo cao đức dày cai trị dân được an cư lạc nghiệp, gìn giữ hoàng đồ cương
thổ được bền vững và thịnh vượng.
3 . Bậc
vĩ nhân khổ hạnh phổ truyền chơn giáo dìu độ toàn dân một nước hay nhiều nước.
CHƯƠNG II
HỆ THỐNG
Ban Thế Đạo đặt văn phòng
trung ương tại Toà Thánh Tây Ninh và những văn phòng địa phương tại các Châu và
Tộc Đạo.
Tại trung ương thì hành sự
trực thuộc dưới quyền Hội Thánh Hiệp Thiên Đài CHI THẾ.
Tại địa phương thì hành sự
trực tiếp với chức sắc Cửu Trùng Đài nhưng phải tường trình cho văn phòng trung
ương hay biết những việc đã làm lớn lao quan trọng.
CHƯƠNG III
LỄ PHỤC
Lễ phục Hiền Tài: Áo
tràng trắng, đầu bịt khăn đóng đen mang dấu hiệu Cổ Pháp Giáo Tông nơi ngực,
thêm hai chữ Hiền Tài bằng quốc ngữ, trong giờ chầu lễ giữ địa vị trên phẩm Lễ
Sanh dưới Giáo Hữu.
Lễ phục Quốc Sĩ: Y như của Hiền Tài, Cổ Pháp
thêm hai chữ Quốc Sĩ khi chầu lễ thì giữ địa vị trên phẩm Giáo Hữu dưới Giáo
Sư.
Lễ phục Đại Phu: Y như của Quốc Sĩ, nhưng đầu
bịt khăn đóng đen chín lớp chữ nhứt. Cổ Pháp thêm hai chữ Đại Phu khi chầu lễ
thì giữ địa vị trên phẩm Giáo Sư dưới Phối Sư.
Lễ phục Phu Tử: Y như Đại Phu, Cổ Pháp thêm
hai chữ Phu Tử khi chầu lễ giữa địa vị trên phẩm Chánh Phối Sư dưới Đầu Sư.
Lễ phục của nữ phái y như nam
phái, nhưng để đầu trần.
Về thế phục thì tùy ý, nhưng
được mang phù hiệu theo đẳng cấp nơi ngực bên trái.
CHƯƠNG IV
CẦU PHONG VÀO HÀNG THÁNH
Chức sắc Ban Thế Đạo muốn cầu
phong vào hàng chức sắc Hiệp Thiên Đài hay Cửu Trùng Đài phải nạp hồ sơ gồm có:
1 . Chứng chỉ cấp bậc thực
hiện tại do CHI THẾ cấp phát.
2 . Tờ hiến thân trọn đời cho
Đạo.
3 . Tờ
khai lý lịch.
4 . Tờ ước
nguyện giữ gìn trai giới theo luật pháp Đại Đạo.
Quyền phong vị vào hàng chức
sắc Thánh Thể Đức Chí Tôn tại thế do Hội Thánh Hiệp Thiên Đài đề cử và dâng lên
quyền Thiêng liêng định đoạt.
Thể theo tinh thần Thánh lịnh
Đức Hộ Pháp số 49 ngày 1 tháng 6 Tân Mão (DL. 4-7-1951) thành lập ngôi vị Hiền
Tài trong cửa Đạo sau 5 năm công nghiệp có Bộ Pháp Chánh minh tra đủ lẽ, bậc
Hiền Tài sẽ cầu phong vào hàng chức sắc Hiệp Thiên Đài hay Cửu Trùng Đài do
Thiêng liêng chỉ định.
Cũng như trên:
Quốc Sĩ
Đại Phu
Phu Tử
Sẽ được cầu phong do quyền
Thiêng liêng định đoạt.
Khi đắc phong vào hàng Thánh
rồi thì không còn phận sự trong Ban Thế Đạo nữa, và phải tuân y trọn vẹn Tân
Luật và Pháp Chánh Truyền.
Ngày sau bổn quy điều này có
thể bổ sung hay điều chỉnh tuỳ nhu cầu tiến hoá của Nhơn sanh.
Lập
tại Toà Thánh ngày 21-2-Ất Tỵ
(DL.
23-3-1965)
Quyền
Chưởng Quản Hiệp Thiên Đài
Bảo
Thế: LÊ THIỆN PHƯỚC
(ấn
ký)
THỜI QUÂN:
- Hiến Pháp Trương Hữu Đức (ký
tên)
- Khai Đạo PHẠM TẤN ĐẢI (ký
tên)
CHỨC SẮC H.T.Đ
- Tả Phan Quân TRANG VĂN GIÁO
(ký tên)
- Giám Đạo NGUYỄN VĂN HỢI (ký
tên)
- Giám Đạo HUỲNH HỮU LỢI (ký
tên)
- Thừa sử NGUYỄN VĂN KIẾT (ký
tên)
- Truyền Trạng VÕ THÀNH QUỐC
(ký tên)
- Truyền Trạng NGUYỄN NGỌC
HIỂU (ký tên)
CHỨC SẮC C.T.Đ
- QU. NGỌC CHÁNH PHỐI SƯ
- NGỌC NHƯỢN THANH (ký tên)
- Nữ Chánh Phối Sư HƯƠNG HIẾU
(ký tên)
- Hiền tài: HỒ NGỌC ẨN (ký
tên)
Phê
kiến Ngày 29-3-1965
THƯỢNG
SANH
CAO
HOÀI SANG
(ấn
ký)
THƯ KHEN TẶNG CỦA ĐỘC GIẢ BỐN PHƯƠNG
VỀ ĐẠI ĐẠO SỬ CƯƠNG
1 . Thư của ông Giáo sư Lê Trung
Thành:
404 Neuss 16
CYRIARUSTRASSE 62 - TÂY ĐỨC
... Tài liệu của Trần tiên
sinh rất cần cho Đại học Cao Đài và cho tôi. Xin Giáo sư gửi trước cho tôi một
bản đánh máy để tôi học thêm và viết luận án. Nếu được nhiều tài liệu, tôi sẽ
lấy Thạc sĩ về tư tưởng Cao Đài.
Tôi mừng lắm vì Viện Đại Học
Cao Đài được thành lập. Cao Đài giáo là kết tinh mọi tôn giáo và triết thuyết
là Le culte de Dieu et de l'homme; như vậy có mấy ngàn Đại học cũng chưa đủ để
khai thác và vận dụng sự kết tinh của nhân loại và của lịch sử kia.
Rất
mong Trần tiên sinh thông cảm.
Lê
Trung Thành
Neuss
17-12-71
2 . Thư của ông Trần Luyện:
Tổng Đoàn Trưởng Thanh Niên
Hưng Đạo Đoàn
Phó Đổng Lý Văn Phòng Quốc Vụ
Khanh PQĐ - Sài gòn
.... Quyển Đại Đạo sử cương
của anh, tôi thấy rất công phu khá đầy đủ, lại đáng khen là rất thận trọng dè
dặt, không đụng chạm ai. Đó là điều đáng khen.
Anh gởi cho tôi 50 quyển I và
II và các thứ khác của anh soạn, cho bổn đạo xem. Họ có xem qua rất thích thú.
Thật tình sách trong Đạo quá ít. Muốn tìm hiểu khó khăn lắm.
Thân ái chào anh và mong anh
giải thích sớm các điểm tôi muốn biết.
Sài
gòn, ngày 23-10-1971
Trần
Luyện
3 . Lời trong Carte visite của ông Nguyễn Tấn Kỉnh
Nghị viên Hội đồng tỉnh Ba
Xuyên
Tôi từ xa về tìm sách đọc, đến
nhà ông hai lần rất tiếc đều không gặp. Tôi khao khát muốn tìm đọc sách của
ông.
4 . Lời trong Carte visite của ông Bùi Đức Thôn;
Đài truyền hình Việt Nam
136/1 Lê Thánh Tôn - Sài gòn
Đã mất liên lạc với Đạo trên 10 năm, may đọc trên Nhận
báo Tiếng Việt thấy giới thiệu sách của ông, nên đến đây tìm đọc sách mà khó
gặp ông quá.
5 . Thư của ông Lê Văn Minh
97 Trần Hưng Đạo - Phú Bổn
Tôi vừa đọc xong quyển II Đại
Đạo Sử Cương (không có quyển I) thiệt là thích thú, vừa tức tới. Thích thú là
gặp được quyển sách đáp ứng nhu cầu tinh thần; tức tối là chỉ có một quyển nhì,
chưa đọc qua quyển một, nghe đâu còn quyển ba nữa.
Tôi đã viết thơ về Tổng phát
hành (12 Tự Đức TN) nhờ gởi các tác phẩm của ông đã viết, tôi hy vọng là sách
còn trên thị trường.
Tôi cũng rất mừng mà biết được
ông là Trưởng Nhiệm Văn Hoá Ban Thế Đạo. Với sự hiểu biết và trong phạm vi
trách vụ của ông, tôi tin rằng tôi có thể học hỏi rất nhiều, nếu sự liên lạc
thư từ không có gì bận rộn về phần ông. Là một người thích nghiên cứu về triết
học các tôn giáo, tôi đang say sưa tìm hiểu về Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Đạo. Nhưng
nhất là khi nghiên cứu nền Đại Đạo tôi gặp nhiều trở ngại hơn bất cứ tôn giáo
nào khác. Trở ngại là các Kinh điển, tài liệu không được phổ thông, thứ nữa là
một rừng giáo lý của trên 12 chi phái khó mà lựa chọn vàng thau lẫn lộn. Sử
liệu thấy mập mờ, có chỗ nói thế này, có chỗ ghi thế khác.
Hiện giờ, ngoài quyển Thánh
Ngôn Hiệp Tuyển, Pháp Chánh Truyền là 2 tài liệu chánh, tôi chưa có quyển nào
về Sử đạo cũng như về Bí Pháp Đại Đạo chẳng hạn.
Thỉnh thoảng tôi có tiếp xúc với
những vị chức sắc trong Châu, Tộc ở tỉnh nhà. Có lẽ sự nghi ngờ, sự giả dối của
loài người quá lớn, khiến nên câu chuyện học Đạo, hỏi Đạo không đem đến ánh
sáng chân lý, tôi có cảm giác là tôi bị tình nghi là kẻ vấn nạn chứ không phải
là sự học Đạo.
Do đó, câu chuyện không được
cở mở và sự học Đạo của tôi ví như kẻ từ bỏ vùng bóng tối để bước vào vùng
sương mờ. Kết quả dốt vẫn là dốt.
Đức tin đến bằng sự minh
triết, ấy mới là chánh tín; tôi hy vọng ông vui lòng giới thiệu những loại sách
về Đại Đạo để tôi tiện tiếp xúc tham khảo. Riêng những tác phẩm của ông, dĩ
nhiên là phải ở hàng đầu trong tủ sách của tôi.
Lê
Văn Minh
6 .
Nghị viên Lê Văn Thanh
Nghị viên Hội Đồng tỉnh Kiến
Phong
Gửi tặng quyển Quốc đạo Nam
Phong của Đức Hộ Pháp do nhóm Phụng sự Đại Đạo ấn hành 1971.
Xin được gửi quyển Đại Đạo Sử
Cương của ông.
7 . Nhà văn Nguyễn Văn Hầu
Giáo sư Đại học An Giang
Tôi được hiểu biết thêm về Đạo
Cao Đài qua các sách của ông. Xin ông gửi cho tôi những bài thi tiên tri về
thời cuộc của Đạo.
8 . Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Thế Anh
Nguyên thứ trưởng Bộ Giáo Dục
Sài gòn
Cô M.Verme ở Mỹ sang muốn anh
giúp tài liệu về Đạo Cao Đài.
(Cô này đang soạn luận án sử học về Cao Đài).
9 . Tu sĩ
Thiện Ngôn:
Phó Hội Trưởng Thánh Thất Liên Hoa Cửu
Cung
Tôi đã nói rõ về lai lịch của
tác giả quyển Đại Đạo Sử Cương cho đồng bào ở Xuân Hiệp - Thủ Đức. Đây là quyển
sách đạo gồm bốn quyển viết rất công phu, cần đọc để biết về nguồn gốc Đạo Cao
Đài.
QUYỂN IV
THỜI HIẾN PHÁP (1971-1975)
ĐẠI ĐẠO NĂM THỨ 50
PHẦN THỨ NĂM
THỜI HIẾN PHÁP
(1971 - 1975 )
CHƯƠNG I
HIẾN PHÁP TÂN CHƯỞNG QUẢN
HIỆP THIÊN ĐÀI
1 . Lễ tấn phong Quyền Chưởng Quản Hiệp Thiên Đài:
Sau khi, Đức Thượng Sanh qui tiên (21-4-1971), đàn
cơ nơi cung Đạo Đền Thánh, đêm mồng 6 tháng 5 Tân Hợi (dl 29-5-1971), Đức Chí
Tôn giáng dạy:
"Thầy đến khuyên các con nên để hết tâm lực
vào sự xây dựng nền Đạo cho kịp thời, kẻo tội nghiệp cho nhơn sanh. Nay ba vị
tướng soái lớn đã về thiêng liêng. Đó cũng là vì Thiêng liêng định đặng coi thử
các con có làm nên trò gì chăng?
Thượng Sanh có sứ mạng về để độ những bậc Thượng
Sanh tại thế, rồi đây các con sẽ thấy nhiều trang trí thức đến với Đạo.
Thầy ban ơn các
con".
Khi tái cầu, Đức Hộ
Pháp giáng dạy:
"Việc của chúng ta
phải làm hôm nay là việc tấn phong vị Quyền Chưởng Quản Hiệp Thiên Đài.
Các bạn cần hỏi điều chi?"
Ngài Khai Đạo bạch: "Cầu xin Đức Ngài chỉ giáo
việc tấn phong Ngài Hiến Pháp Quyền Chưởng Quản HTĐ."
"Bần đạo đã chỉ rõ cách tấn phong rồi, cứ theo
đó thi hành, còn việc công nhận vị tân phong thì Bần đạo đồng ý, vì ý người
cũng là ý Trời.
Bạn Hiến Pháp nên lo việc cầu thăng và cầu phong
cho chư chức sắc, chẳng những Hiệp Thiên mà luôn cả Cửu Trùng và Phước Thiện
...
Bần Đạo ban phép lành cho toàn Đạo".
▪ (Sau đó theo Đàn cơ ngày 17-4-Quí Sửu
(19-5-1973), Đức Lý Giáo Tông và Đức Phạm Hộ Pháp đồng ý thăng nhiệm Ngài Hiến
Pháp chính thức Chưởng quản HTĐ, tức là không còn Quyền Chưởng Quản nữa)
Theo lịnh Đức Hộ Pháp, cuộc tấn phong cử hành tốt
đẹp, Ngài Hiến Pháp viết thư cám ơn:
"Cuộc lễ tấn phong Quyền Chưởng Quản HTĐ được
cử hành ngày 21 tháng 5 Tân Hợi (dl 13-6-1971) một cách nghiêm trang, trọng thể
và diễn tiến trong vòng trật tự làm tăng thêm uy tín của Hội Thánh....
Tôi xin chân thành cảm tạ Hội Thánh Hiệp Thiên Đài,
Cửu Trùng Đài, Phước Thiện cùng chư chức sắc, chức việc, bổn đạo nam nữ trong
các cơ quan, các ban bộ, cơ Thánh vệ và Bảo Thể tại Nội Ô Tòa Thánh và khắp
Châu Thành Thánh Địa.
Tôi cầu nguyện Ơn Trên ban phước lành cho tất cả
chư quí liệt vị". (Thông tin số 32 trang 1)
Sau đó, ngày 28-6-1971, Ngài Hiến Pháp trao quyền
Chưởng Quản Bộ Pháp Chánh lại cho Ngài Khai Đạo. Trong buổi tiễn đưa Ngài Cải
trạng HTĐ đọc diễn văn:
"Nhơn buổi tiễn Ngài Hiến Pháp rời Bộ Pháp
Chánh, đảm nhận trách vụ cao trọng hơn, chúng tôi xin lược kể vài nét chính hơn
bảy năm cầm quyền Chưởng Quản Bộ Pháp Chánh, Ngài Hiến Pháp đã ghi đậm trong
tâm chúng tôi về đức độ, về uy quyền và tinh thần phục vụ.
Ngài Hiến Pháp không thích phô trương, nhưng sở
hành trong sứ mạng nẻ mực cầm cân tại Bộ Pháp Chánh đã làm sáng tỏ câu liễn
Pháp Chánh:
PHÁP
luật vô tư, đạo giáo từ oai tùng lý
CHÁNH
tông bất dịch chơn truyền thiện ác tùy hình
Cầm cân, không luận vật đặt lên cân giá trị thấp
cao, chỉ biết trọng lượng để định mức thăng bằng.
Nẻ mực, không vì loại gỗ đắc giá mà nuông chìu, uốn
cong đường mực.
Chấp quyền có qui cũ, có chuẩn thằng, những phán
quyết của Ngài vừa biểu lộ lòng bác ái, vừa chứng minh luật công bình. Những án
lịnh, những bút phê của Ngài trên các văn tự gởi cho chúng tôi hình dung lại
phương lược cầm quyền của Đức Hộ Pháp tự thuở nào.
Hôm nay, Ngài phải tiếp nhận sứ mạng mới, chúng tôi
nghĩ rằng đối với đức độ tài ba sẵn có, không phải đòi hỏi nơi Ngài sự cố gắng
nào hơn. Tuy nhiên, chúng tôi cầu nguyện cho Ngài, dồi dào sức khỏe, mẫn tuệ
tinh thần, thi thố vai tuồng chưởng quản HTĐ được lưu lại nét son trong Đạo
sử". (Thông tin 32, trang 3,4).
Chiều cùng ngày, Ban Đạo Sử làm lễ tiễn đưa Ngài
Hiến Pháp, Giáo Sư Thượng Cảnh Thanh, đại diện Ban Đạo Sử đọc bản công trạng
Ngài như sau:
"Thời gian qua chúng tôi may duyên trực tiếp dưới
quyền Ngài (Hiến Pháp) lãnh đạo, nhận thức Ngài là bậc lão thành kỳ cựu trong
cửa Đạo, một bậc Đại Thiên Phong có độ lượng khoan dung tài trí và đã từng chịu
bao phen gian lao khổ nhọc thăng trầm của Đạo mà Ngài vẫn kiên tâm bền chí, vẫn
hăng hái trên đường nhiệm vụ.
Nhớ lại năm 1968, Ngài có sáng kiến thành lập Ban
Đạo sử thu thập bao nhiêu tài liệu lịch sử đã thất lạc vì biến cố và biên soạn
thêm những việc quan trọng xảy ra hàng ngày; còn sưu tập tài liệu công nghiệp
những bậc hy sinh vì đạo để kết thúc thành pho sử lưu lại cho ngàn sau noi dấu.
Năm 1970, Ngài Hiến Pháp chủ tọa phiên họp gồm nhơn
viên Ban Đạo sử lập thành thư viện, đặng nhiều vị hảo tâm hiến tặng nhiều loại
sách đáng giá ...
Ngài là tướng soái Thầy ban, đủ công bình, bác ái,
nay qua cầu cầm cân công lý hầu dìu dắt Đạo thấy cảnh bình minh xán lạn.
Cầu nguyện Ơn Trên ban hồng ân cho Ngài".
MỪNG
NGÀI HIẾN PHÁP
Mừng
Ngài Hiến Pháp đặng vinh thăng,
Chưởng
quản Hiệp Thiên vững Đạo hằng.
Dụng
đức thi ân bền chí cả,
Đem
tài tế thế đủ quyền năng.
Công
bình cửa Thánh là tiêu biểu,
Hòa
ái nền nhân vẹn chuẩn thằng.
Nắng
hạ Trời dành chan thụy vũ,
Sanh
linh cộng hưởng phước gia tăng.
THƯỢNG CẢNH THANH
BÀI HỌA
Kính
mừng Lão Bối được cao thăng,
Thập
Nhị Thời Quân thuận lẽ hằng.
Lắm
lúc nâng đời nên chí khí,
Bao
phen giúp Đạo tỏ tài năng.
Công
bình cân nhắc tâm trung chính,
Bác
ái đong đo chuẩn xích thằng.
Lạy
tạ ân sư, dìu dắt trẻ,
Đường
Tiên nhẹ bước, chức càng tăng.
VÂN ĐẰNG
Kế đến, Ngài Khai Đạo, Tân Trưởng Ban Đạo sử đọc
diễn từ như sau:
"Đại Đạo khai mở đến nay là 46 năm, thì Bộ
Pháp Chánh chỉ có chi pháp nắm quyền chưởng quản. Đến ngày nay, chức sắc Thập
Nhị Thời Quân chỉ còn năm vị: Chi thế, chi Pháp còn mỗi chi một vị. Hôm nay,
Hiền Huynh Hiến Pháp lên cầm Quyền Chưởng Quản HTĐ, nên chi Pháp không còn vị
nào nữa. Chi Đạo còn ba vị, nhưng tôi có lẽ vì lãnh chức Khai Đạo tức khai
đường mở nẻo, nên quí vị mới giao Bộ Pháp Chánh cho tôi đảm nhiệm, kiêm trưởng
Ban Đạo sử.
Đây là một việc tình cờ đầu tiên không đoán trước
được. Đó là Thiên ý muôn việc đều qui về cửa Đạo định phận". (TT.32, tr
13)
Sau khi bàn giao chức vụ Trưởng Ban Đạo sử, Ngài
Hiến Pháp đáp từ như sau:
"Tôi xin nói đôi lời vắn tắt. Tôi rất hân hoan
được chư vị thời quân đưa lên chấp chánh cầm Quyền Chưởng Quản Hiệp Thiên Đài.
Sau được Đức Hộ Pháp chấp thuận và phê rằng: Ý người cũng là ý Trời. Chư chức
sắc Hiệp Thiên Đài đồng ý thì Đức Hộ Pháp cũng đồng ý vậy.
Đó là sự vinh hạnh rất lớn cho tôi, chẳng phải vì
quyền quí, nhưng đó là cơ hội làm cho Đạo trở nên đại nghiệp sau này, chẳng
những cho bổn đạo chúng ta mà cho khắp cả thế giới đại đồng.
Chúng ta là người tiền phong trong cửa Đạo, chúng
ta phải làm thế nào? Bởi lẽ, mối Đạo sẽ truyền bá khắp thế giới. Rồi đây những
người trí thức, những người minh triết ở các nước đến ... cho nên tôi yêu cầu,
toàn thể anh em trong Đạo phải tận tâm làm cho Đạo trở nên một nền Đạo Đại
Đồng.
Tôi đã tuyên bố trước công chúng: mỗi người Đạo Cao
Đài đều có sứ mạng. Dầu không tài đi nữa, mình đã có Đạo cứ nhắm theo Đạo mà đi
... Muôn người như một, đoàn kết nhau thành đoàn thể thì việc khó đến đâu chúng
ta cũng đủ sức vượt qua". (TT.32, tr 14, 15)
Xem thế, sau khi Đức Cao Thượng Sanh qui tiên, chư
vị thời quân họp bầu cử, rồi mới đưa lên quyền Thiêng Liêng định đoạt.
2 . Củng cố các cơ quan trực
thuộc Hiệp Thiên Đài:
Thể theo Thánh ý của Đức Hộ Pháp, Ngài Hiến Pháp
Quyền Chưởng Quản HTĐ ban hành một loạt các Thánh Lịnh cải tổ và củng cố lại
nền hành chánh Đạo cho vững mạnh.
Theo Thánh lịnh số 7 TL ngày 20 tháng 12 Canh Tuất
(dl 16-1-1971) của Đức Thượng Sanh giao cho Ngài Thời quân Bảo Đạo nhiệm vụ:
1). Chủ tọa Tòa Hiệp Thiên Đài; 2). Trưởng Ban hổn hợp kiểm soát tài sản của
Đạo; 3). Tổng Giám Đốc Hạnh Đường.
Theo Thánh lịnh số 01 TL ngày 26-5-Tân Hợi (dl
18-6-1971) của Ngài Hiến Pháp giao thêm Ngài Bảo Đạo kiêm nhiệm: 1). Thống quản
Trí Giác Cung, 2). Ngọai giao, liên lạc với chi phái Đạo, tôn giáo bạn và tôn
giáo thế giới; 3). Trưởng ban kiểm duyệt kinh sách Đạo; 4). Đại Diện Cao cấp
trong Hội Đồng Tôn Giáo.
Theo Thánh lịnh số 02 TL ngày 26-5- Tân Hợi (dl
18-6-1971) của Ngài Quyền Chưởng Quản HTĐ giao cho Ngài Thời Quân Hiến Đạo các
nhiệm vụ sau:
1) . Thống quản Hội Thánh Phước Thiện;
2) . Thống quản các cơ quan Tang, Tế, Sự, Nhạc, Giáo Nhi, Đồng nhi, Ban Tổng
Trạo và Ban thuyền Bát Nhã;
3) . Thống quản Trí huệ Cung;
4) . Trưởng Ban Cứu Thương và Ban Phòng Hỏa.
Theo Thánh lịnh số 03TL ngày 26-5-Tân Hợi (dl
18-6-1971) của Ngài Hiến Pháp, Quyền Chưởng Quản HTĐ giao cho Thời quân Khai
Đạo các nhiệm vụ sau:
1) . Chưởng Quản Bộ Pháp Chánh;
2). Giám Đốc Cơ quan Phát thanh;
3). Trưởng Ban Nghiên cứu Kế hoạch xây cất Đạo Đức
học đường và trưởng ban Quản trị Đại Học;
4). Thống quản Vạn Pháp Cung; 5). Trưởng ban Đạo sử
và Thư viện.
Ngày 15 tháng 11 Tân Hợi (dl 1-1-1971), tại cung
Đạo Đền Thánh, Đức Hộ Pháp tấn phong 3 Bảo Quân: 1). BS. Trương Kế An Bảo Y
Quân; 2). TS. Nguyễn Văn Lộc Bảo Học Quân; 3). Kỷ sư Đặng Văn Dắn Bảo Nông
Quân.
3 .
Nâng cao hiệu suất hành chánh Đạo Cửu Trùng Đài:
Để kiện toàn nền hành chánh Đạo, ngày 30-1-1972, lễ
tấn phong chư chức sắc Hiệp Thiên Đài, Cửu Trùng Đài và Phước Thiện tại Đền
Thánh, Ngài Hiến Pháp, Quyền Chưởng Quản HTĐ đã huấn từ:
"Những lời minh thệ mà quí vị vừa thốt ra
trước Bàn Ngũ lôi và bàn Đức Hộ Pháp là những lời tuyên bố long trọng ...
Tôi ứơc mong rằng lời tuyên thệ ấy được tôn trọng
và giữ vẹn mãi mãi quí vị là chức sắc Thiên phong trong hàng Thánh thể, thể
thiên hành hóa, nên phải nêu gương tốt đẹp trong cửa Đạo ... Đạo nên hư phần
lớn do chức sắc Thiên phong biết tự trọng hay không trong hành vi của
mình". (TT 46, tr.1).
Các vị sau đây được tân phong vượt cấp: Quyền Thái
Chánh Phối Sư Thái Hiểu Thanh, quyền Nữ Chánh Phối Sư Hương Tiếu.
Trước đó, để hạ tầng cơ sở vững mạnh, Hội Thánh mở
khóa thi đầu phòng văn khoa mục, ngày 20-4-1971 thí sinh qua 2 đợt thi: 1). Thi
viết (chính tả, toán, phúc trình; 2). Thi vấn đáp (Tân Luật, Pháp Chánh Truyền,
Đạo Luật) có 74 thí sinh trúng tuyển trong đó có 2 nữ. Và thi tuyển khoa mục
Đầu phòng văn khóa Tân Hợi (9-1971) mở tại HaÏnh Đường, có 59 thí sinh trúng
tuyển, cuộc thi diễn tiến trong 3 ngày.
Nhằm củng cố bộ máy hành chánh Đạo cho vững mạnh,
Ngài Hiến Pháp Quyền Chưởng Quản HTĐ ký Thánh lịnh số 17 TL ngày 24-9-Tân Hợi
(dl 11-11-1971) cho tái thành lập Hội Thánh Hàm phong Cửu Trùng Đài với nội dung
như sau:
"Theo lời dạy của Đức Hộ Pháp, kêu gọi trong
hàng chức sắc trên 61 tuổi tự định phận xin qua hàm phẩm. Mặt khác, Hội Thánh
kiểm soát lại những vị chức sắc nào mặc dầu trên hay dưới 61 tuổi mà bất lực và
thiếu khả năng phục vụ, nhưng họ không tự định phận thì Hội Thánh đương nhiên
đưa họ ra hàm phẩm, để khỏi choán chỗ cho bậc nhân tài. Đồng thời Hội Thánh
khai giảng khóa Hạnh Đường năm Tân Hợi huấn luyện Lễ Sanh để thay người cũ qua
hàm phong. Đây quả là một quyết định cứng rắn, xây dựng lại bộ máy hành chánh
cho hữu hiệu trong những ngày sắp tới".
4 .
Thương tiếc Bà Nữ Đầu Sư Hương Hiếu:
Hội Thánh quan tâm nhiều đến các vị chức sắc vì
thời cuộc bỏ mình nơi xa mà không đem về táng nơi thánh địa. Ngài Hiến Pháp
khởi đầu cho cải táng phần mộ của Ngài Bảo Pháp Nguyễn Trung Hậu về đất dành
cho Hiệp Thiên Đài ở Ao Hồ.
Ngày 28-10-1971, Ngài cho làm lễ đại tường của Ngài
cố Hiến Thế HTĐ Nguyễn Văn Mạnh tại Nữ Đầu Sư Đường.
Nhất là đối với bà Nữ Đầu Sư Hương Hiếu, Ngài nói:
"Đức Nữ Đầu Sư Hương Hiếu đã qui thiên ngày 11
tháng 5 nhuần, năm Tân Hợi (3-7-1971) hồi 14 giờ tại Nữ Đầu Sư Đường, hưởng thọ
85 tuổi, sau một thời gian trọng bịnh tại bệnh viện Đồn Đất (Grall) Sài Gòn ...
Do đàn cơ ngày 24 tháng 10 năm Bính dần (1926), Đức
Chí Tôn giáng dạy bà Hiếu phải dọn về Tây Ninh để chung lo việc đạo cùng quí
Ông Cư, Tắc. Phải chịu khổ cực cùng Thầy vì việc Đạo là trọng. Từ ấy, bà nghe
theo Thánh giáo về hành đạo tại Tây Ninh.
Ngày khai Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ nhằm 14 tháng 10
năm Bính Dần tại chùa Từ Lâm Tự (Gò Kén) Tây Ninh, cả thảy chức sắc Hiệp Thiên
Đài, Cửu Trùng Đài đều về chùa Gò Kén, bà đồng đi một lượt để làm công quả. Ban
ngày bà lo tiếp đãi chức sắc, bổn đạo và quan khách ngoài đời, vì lúc sơ khai
không có công quả hiến thân nên bà lo đi chợ, nấu, đải ăn, 5 giờ chiều lo viết
sớ cho nữ phải nhập môn, dạy 5 câu nguyện cho thuộc, để đến giờ tý tiến dẫn
nhập môn và hầu Đức Lý Giáo Tông.
Vì buổi sơ khai chưa có đồng nhi, bà phải làm đồng
nhi đọc kinh cúng tứ Thời và đọc kinh khi cầu cơ, suốt ba tháng mỗi đêm đều như
vậy. Bà lại còn may thiên phục cho chức sắc, chức việc tại chùa Gò Kén ....
Đến năm Mậu Thân (1968), Thánh lịnh số 01/TL ngày
24-10-Mậu Thân (13-12-1968) bà được thăng phẩm Đầu Sư chánh vị, cầm Quyền
Chưởng Quản Cửu Trùng Đài Nữ Phái cho đến ngày qui vị". (TT số 33, tr
3,4).
CHƯƠNG
II
TIẾP
TỤC XÂY DỰNG CƠ SỞ ĐẠO
1 .
Xây cất Bảo cô viện ở Trí Huệ cung:
Việc cứu nhân độ thế và từ thiện là nhiệm vụ hàng
đầu của đạo để giúp nhân sanh bớt khổ ải. Thế nên, vào ngày 19 tháng 7 Tân Hợi
(dl 8-9-1971), Ban kỳ Lão Phạm Môn khởi công cử hành lễ xây cất Bảo Cô Viện ở
Trí Huệ cung dưới sự chủ tọa của ngài Hiến Đạo HTĐ. (TT 36, tr 24).
Ngài Hiến Đạo ban huấn từ và nói lên ý chí quyết
theo đuổi công tác từ thiện của Đạo.
Tiếng lành đồn xa, ngày 15-10-1971, Bác Sĩ Tổng
Trưởng Xã Hội hướng dẫn phái đoàn Từ Thiện Quốc Tế gồm các ông Bruce Bailey
(Social Work-Cords Sài Gòn), R.G Trott (Care, Inc Sài Gòn) là Giám Đốc cơ quan
cứu trợ Care.
Bác Sĩ Tổng Trưởng cho biết là phái đoàn trước
viếng Tòa Thánh, Sau muốn biết rõ sinh hoạt xã hội của Hội Thánh để trong tương
lai Bộ Xã Hội và Từ Thiện Quốc Tế giúp đỡ. Bác Sĩ tỏ lời cám ơn Hội Thánh đã
tích cực lo nơi ăn chốn ở cho Kiều bào ở Campuchia hồi hương, cũng như các đồng
bào tị nạn chiến tranh. (TT 39, tr 20)
2 .
Tiếp tục Xây cất các phủ từ:
Các phủ từ về mặt thể pháp, các tông đường về mặt
bí pháp Thiêng Liêng. Các phủ từ tập hợp tộc họ được xây cất rải rác từ thời
Đức Phạm Hộ Pháp, Cao Thượng Sanh như Lê Phủ Từ ở Dưỡng lão, Phan Phủ Từ ở đầu
đường Phổ đà sơn, Văn Phủ Từ ở ngã tư ao Hồ, Huỳnh Phủ Từ ở Ngã Năm, Trần Phủ
Từ ở Cực Lạc mới, đường Ca Bảo Đạo, v.v...
Vào ngày 15 tháng 11 Tân Hợi (dl 2-1-1972), tông
đường Võ tộc thiết lễ đặt viên đá đầu tiên xây cất Võ Phủ Từ ở Hương Đạo Trường
Giang, Phận Đạo Thập ngũ.
Hội Thánh ban huấn từ khen ngợi Võ Tông đoàn kết
xây cất Phủ từ để thờ phượng tổ tiên, tưởng niệm các bậc tiền nhân trong tộc
họ. Anh em phải tương thân tương ái, giúp đỡ nhau để phục vụ cho Đạo và cho
chúng sanh.
3 .
Xây cất Điện Thờ và Thánh Thất ở địa phương:
Hội Thánh thông tư cho các Châu, Tộc Đạo biết về
việc xây cất, trùng tu Điện Thờ Phật Mẫu, Thánh Thất phải theo các mẫu số 1, 2,
3. Tùy số tín đồ, tùy ngân khoản, tùy hoàn cảnh mà tu sửa lại ngôi thờ cho
khang trang.
◙ Vào ngày 30-6-1971, Tộc Đạo Hồng Ngự cử hành lễ
khánh thành Điện Thờ Phật Mẫu hương đạo Long Khánh, Châu Đạo Kiên Giang, Ngài
Hiến Đạo HTĐ chủ tọa buổi lễ để lời khen ngợi chư chức sắc và tín đồ sở tại.
Sau bữa tiệc chay, toàn đạo dự giờ cúng đàn Phật
Mẫu, rồi cúng Cửu Huyền Thất Tổ và truy điệu vong linh tử sĩ có Tổng trạo chèo
hầu.
◙ Vào ngày 2, 3, 4 tháng 4 năm 1972, Tộc Đạo Cần
Giuộc (Long An) cử hành lễ khánh thành Thánh Thất Cần Giuộc. Thánh Thất khởi
công xây cất vào ngày 10 tháng 10 Đinh Mùi (1967) đến ngày 27 tháng 1 Nhâm Tý
thì hoàn tất, kéo dài trong 4 năm 2 tháng 17 ngày, tổn phí lên tới mười triệu
đồng.
Ngài Hiến Đạo HTĐ ban huấn từ cho cả Châu Đạo như
sau: "Trong tình hình hiện nay, vượt mọi nỗi khó khăn, quí vị xây cất được
một ngôi thờ Đức Chí Tôn trang nghiêm và tráng lệ. Thật là công trình kể biết
mấy mươi.
Vì niềm tin tưởng bền chặc, vì sự nghiệp Đạo chung
lo, kẻ góp của, người góp công đã đoàn kết toàn Đạo bằng ngôi kiến trúc nguy
nga này. Chúng tôi đại diện Hội Thánh Tòa Thánh Tây Ninh rất hài lòng. Nhân
danh Hội Thánh, chúng tôi để lời khen ngợi và biết ơn chức sắc, chức việc và
tín hữu nam nữ của Tộc Đạo Cần Giuộc". (TT. 50, trang 4)
◙ Vào ngày 8-4-1972, lễ khánh thành Thánh Thất Kiên
Giang, Ngài Hiến Đạo khen ngợi Tộc Đạo xây được ngôi thờ Chí Tôn nghiêm trang
và đẹp đẽ. Nhân dịp, Ngài bàn về nhơn tước và Thiên tước. Ngài nói:
"Nhơn
tước vốn nơi Thiên tước định,
Quyền
phàm là của thế phàm đưa.
Thiên tước tuy nói của Trời cho, kỳ thực là cái
tính chất có sẵn nơi mình. Như nói Thông minh vốn sẵn tính Trời hoặc Người quốc
sắc, kẻ thiên tài, thì thông minh và thiên tài là Thiên tước.
Người đời nay đã lo sửa cái Thiên tước để cầu lấy
cái nhơn tước. Khi đã được cái nhơn tước rồi, liền bỏ quách cái Thiên tước,
thiệt là mê muội quá chừng". (TT 50, tr.14, 15).
◙ Đến ngày 16 - 17 tháng 4 năm 1972 (3-4 tháng 3
Nhâm Tý): Tộc Đạo Thủ Đức, làm lễ khánh thành Thánh Thất Linh Đông chánh lễ cử
hành lúc 8 giờ ngày mùng 4, đặt dưới sự chủ tọa của Ngài Hiến Đạo HTĐ.
Vị đầu Tộc Đạo trình bày công cuộc xây cất, khởi
công ngày 24 tháng 8 Canh Tuất đến mồng 10 tháng 11 Canh Tuất thì hoàn thành
với kinh phí chung là gần 3 triệu đồng, còn đất được tiệm cơm chay Tín Nghĩa
Sài Gòn hiến tặng.
◙ Cùng ngày 17 tháng tư 1972, tại Châu thành Thánh
địa cũng cử hành lễ khánh thành Hương Đạo Từ Phước, dưới sự chủ tọa của vị Giáo
Sư Khâm Thành Thánh Địa.
Có thể xem đây là thời phục hưng của Đạo dưới sự
dìu dắt mới của Ngài Quyền Chưởng Quản HTĐ.
4 .
Việc xây cất Viện Đại Học Cao Đài:
Thuở còn sinh tiền, hoài bão của Đức Phạm Hộ Pháp
thật cao vời, chỉ ít đồng liêu hay môn đồ nào theo được. Trong Thập Nhị Thời
Quân sát cánh bên Ngài đếm chưa đầy đầu ngón tay.
Khởi tiên là Ngài Khai pháp Trần Duy Nghĩa làm việc
với Ngài từ buổi đầu, rồi bị đi đày ở Madagascar, trở về Thánh địa, Ngài thể
hiện ý muốn của Đức Hộ Pháp và còn lưu lại mai sau là quyển "Nền tảng
Chánh trị Đạo". Song song với Ngài Khai Pháp là Ngài Tiếp Đạo Cao Đức
Trọng. Lúc ở Campuchia, Ngài Tiếp Đạo cùng Đức Hộ Pháp phò loan, còn lưu lại
"Les Messages Spirites".
Vị thời quân thứ ba phải kể đó là Ngài Hiến Pháp
Trương Hữu Đức. Người đã lao tâm tiêu sức vì nền Đạo, bị Pháp nghi ngờ rồi bị
chính quyền Ngô Đình Diệm buộc cư trú chỉ định ở Thánh Thất Đô Thành không cho
về Tòa Thánh.
Trong buổi tiễn đưa Ngài Hiến Pháp lên cầm Quyền
Chưởng Quản HTĐ, ông Cải trạng Nguyễn Văn Hội phát biểu là Ngài Hiến Pháp trong
thời làm chung nơi Bộ Pháp Chánh, có những sáng kiến, những quyết định và những
cư xử với đồng đạo phảng phất bóng dáng của Đức Hộ Pháp.
Có lẽ vì thế mà Ngài Hiến Pháp lần lượt thi hành
những đồ bản di chúc mà Đức Hộ Pháp để lại. Nhất là việc xây cất và việc thành
lập Viện Đại Học Cao Đài trên phần đất mà Đức Hộ Pháp qui định nơi đường đi Ao
Hồ.
Khu đất có diện tích 7 mẫu 82 sào, khu xây viện
chiếm 19.500 mét vuông, cửa chánh quay ra đường Ca Bảo Đạo, cửa phụ ở đường
Phạm Ngọc Trấn. Khởi công xây cất ngày 9-1-Nhâm Tý (dl 23-2-1972).
Để kịp khai giảng năm học 1971-1972, Hội Thánh
quyết định thiết kế nhà Hội Vạn Linh tạm làm Viện Đại Học Cao Đài.
Ngày 30-9-1971, ông Tổng Trưởng Bộ Giáo Dục lên Tòa
Thánh Tây Ninh trao nghị định thành lập Viện Đại Học Cao Đài đủ tính chất pháp
lý. Ông Tổng Trưởng nói rõ về việc thành lập trong giai đoạn đầu chỉ có 2 phân
khoa: Nông Lâm Mục và Thần Học Cao Đài Giáo.
Ông Tổng Trưởng trao cho Hội Thánh giấy phép số
7999/GD/VP ngày 29-9-1971 của Bộ Giáo Dục, sau lập thêm phân khoa Sư phạm gồm 2
ngành: Văn khoa và Khoa học. Giấy phép bổ túc số 9335 /GD ngày 24-11-1971
1 . PHÂN KHOA NÔNG LÂM MỤC:
Phân khoa Nông Lâm Mục gồm có 2 cấp:
Cấp I: Học trình 2 năm: Sinh viên tốt nghiệp sẽ
được cấp văn bằng cán sự Nông Lâm Mục.
Cấp II: Học trình 4 năm: Sinh viên có khả năng
chuyên môn và có phương tiện tiếp tục học thêm 2 năm, khi tốt nghiệp sẽ được
cấp bằng kỷ sư Nông Lâm Mục.
Dù ở cấp I, cấp II, cuối năm thứ hai và năm thứ tư
sinh viên phải đệ trình một tiểu luận, ít nhất 30 trang đánh máy về một đề tài
với sự chấp thuận của một trong các giáo sư đang giảng dạy.
2 . PHÂN KHOA SƯ PHẠM:
Phân khoa sư phạm gồm 2 cấp.
Cấp
I : Học trình 2 năm: Sinh viên tốt nghiệp sẽ được cấp văn bằng Cao Đẳng Sư
Phạm.
Cấp
II : Học trình 4 năm: Các sinh viên có khả năng chuyên môn và có phương tiện
có thể tiếp tục học thêm 2 năm nữa để lấy văn bằng cử nhân Sư phạm có ghi ban
ngành.
Xem thế, học trình của Viện Đại Học Cao Đài là một
điều mới lạ trong nền Đại Học Việt Nam lúc bấy giờ vì chương trình học gồm có
hai cấp bậc.
Cấp bậc thứ nhứt gồm 2 năm đầu áp dụng tinh thần
Đại Học Công Đồng (Private Junior College?) (Hoa Kỳ gọi là Community College)
mới được phát triển một số nước trên thế giới, nhằm đào tạo cán bộ trung cấp
với một chương trình Đại Học chuyên khoa ngắn hạn, có đủ kiến thức tổng quát và
thực dụng phù hợp với nhu cầu trong nước. Chương trình học này tác dụng đại
chúng hóa nền Đại Học (Viện Đại Học Cao Đài, chỉ dẫn 1971, tr.32, 33)
1) .
Số thí sinh kỳ thi tuyển ngày 20-12-1971 gồm có:
- Phân khoa
Nông Lâm Mục: 159 thí sinh
-
Phân khoa Sư phạm:
Ban khoa học: 128 thí sinh
Ban văn khoa: 125 thí sinh
Cộng chung: 412
thí sinh
2) .
Số thí sinh trúng tuyển nhập học ngày 28-12-1971 như sau:
- Phân khoa
Nông Lâm Mục: 139 thí sinh
- Phân khoa
Sư phạm:
Ban khoa học: 105
thí sinh
Ban văn khoa: 107
thí sinh
Cộng chung: 351
thí sinh
Vào lúc 08 giờ ngày 11 tháng 11 Tân Hợi (dl
28-12-1971), Hội đồng Quản Trị Viện Đại Học Cao Đài đã tổ chức lễ nhập học cho
sinh viên tại Viện Đại Học Cao Đài (tạm đặt nơi nhà Hội Vạn Linh). Buổi lễ đặt
dưới quyền chủ tọa của Ngài Hiến Pháp Quyền Chưởng Quản Hiệp Thiên Đài.
Trước đó, Ngài Hiến Pháp đã ban hành Thánh lịnh
19/TL/HP.QCH ngày 10-10- Tân Hợi thành lập Hội Đồng Quản Trị gồm có:
- Thời quân Khai Đạo Phạm Tấn Đãi Chủ tịch
- Giáo sư Đại Học Trần Văn Tấn Phó chủ tịch
- Thời quân Bảo Đạo Hồ Tấn Khoa Hội viên
- Thời quân Hiến Đạo Phạm Văn Tươi Hội viên
- Thượng Đầu Sư Trần Ngọc Sáng Hội viên
- Viện trưởng Viện Đại Học Cao Đài Hội viên (không biểu quyết)
Vị Thời quân Khai Đạo, Chủ Tịch Hội Đồng Quản Trị,
- nhân ngày Bác Sĩ Lê Văn Hoạch, Bảo Sanh Quân HTĐ nhận chức Viện Trưởng - đã
trần tình như sau:
" - Suốt gần hai niên khóa 1971-1972 và
1972-1973, với tư cách Q. Viện Trưởng, tôi xin xác nhận thành quả tốt đẹp của
viện, một phần lớn công do Luật Sư Nguyễn Văn Lộc, Bảo Học Quân, nhị vị khoa
trưởng là Tiến Sĩ Lê Trọng Vinh và Kỷ Sư Đoàn Minh Quan đảm nhận điều hành giảng
huấn....
Song song với việc điều hành Viện, Hội Đồng Quản
Trị chúng tôi đặt nặng trọng tâm xúc tiến công tác xây cất viện trên phần đất 7
mẫu do cố Hộ Pháp đã chỉ định tại chợ Long Hoa. Hội Đồng Quản Trị bằng mọi cách
phải hoàn thành việc xây cất khu C để đưa một số sinh viên về học trong niên
khóa 1973-1974.
Với ngân khỏan 400 triệu dự trù xây cất, Viện Đại
Học Cao Đài, Hội Đồng Quản Trị tin tưởng vào sự bảo trợ của Hội Thánh, sự yểm
trợ của chính quyền và lòng hảo tâm của chư tín hữu Cao Đài trên toàn quốc,
nhất định Viện Đại Học Cao Đài sẽ được hoàn thành".
Vừa làm Chủ Tịch Hội Đồng Quản Trị, vừa kiêm nhiệm
quyền Viện Trưởng nên công việc gặp nhiều khó khăn, Ngài Khai Đạo xin Hội Thánh
mời Bác Sĩ Lê Văn Họach từ Cần Thơ về Tòa Thánh đảm nhận chức Viện Trưởng vào
ngày 17-4-1973. Ngài Bảo Sanh Quân phát biểu:
"Trên phương tiện cứu nhơn độ thế, Đại Đạo chủ
trương tận lực giáo dân qui thiện, chuyển đọa vi thăng, tiêu trừ nghiệp chướng.
Nhờ đó, Đạo phát triển mạnh không ngừng. Trong toàn quốc tỉnh nào cũng có Thánh
Thất và hiện nay có trên 2 triệu tín đồ....
Viện Đại Học Cao Đài cũng là môi trường huấn luyện
giáo đồ trở nên Chức sắc Thiên phong hầu thực hiện mối Đạo cho Đời noi theo.
Thành lập Viện Đại Học Cao Đài là việc khó, mời
giáo sư hữu danh tham gia công tác là một việc khó, chọn lọc sinh viên có tinh
thần đạo đức lại càng khó; nhưng tất cả cái khó đó Hội Thánh đã vượt qua, sau
nhiều năm cố gắng không ngừng. Còn một cái khó rất tế nhị là làm sao giữ được
Viện Đại Học Cao Đài miên trường với nền Đại Đạo. Trong miên trường thanh danh
của Đại Đạo, uy tín của Viện Đại học phải càng ngày thêm sáng chói". (TT
75, tr.8-11)
Giữ chức vụ Viện Trưởng khoảng hai tháng thì Ngài
Bảo Sanh Quân bị bệnh phải nhường cho Giáo Sư Nguyễn Văn Trường (cựu Tổng
Trưởng Giáo Dục) làm Viện Trưởng.
Đến ngày 25-7-Giáp Dần (11-9-1974), Bộ Giáo Dục
chịu ký nhận cho Bảo Học Quân Nguyễn Văn Lộc làm Viện Trưởng, nên Giáo sư
Nguyễn Văn Trường bàn giao lại cho người có giáo phẩm trong Đạo.
Về tổ chức, Viện Đại Học Cao Đài gồm có Hội Đồng
Quản Trị, Ban Bảo Trợ và Ban Giám Đốc, điều khiển Viện gồm có Viện Trưởng và
hai Khoa Trưởng: Khoa Nông Lâm Mục và khoa Sư Phạm.
Đến ngày 24 tháng 7 Quí Sửu (dl 22-8-1973), phái
đoàn Viện Trưởng liên viện gồm quí ông Thích Minh Châu viện trưởng viện đại học
Vạn Hạnh, Ông Lê Văn Lý viện trưởng viện đại học Đà Lạt, Ông Nguyễn Văn Thính
phó viện trưởng viện đại học Minh Đức, Ông Đoàn Viết Hoạt phụ tá viện trưởng
viện Đại Học Vạn Hạnh, Ông Lê Tường Khánh khoa trưởng phân khoa Quản trị đại
học Hòa Hảo đến viếng Tòa Thánh và Viện Đại Học Cao Đài. Tại viện phái đoàn hội
thảo với viện trưởng Viện Đại Học Cao Đài về giáo dục đại học.
Vào ngày 7 tháng 11 Giáp Dần (dl 20-12 -1974) Ngài
Hiến Pháp chủ tọa Lễ kỷ niệm đệ III chu niên ngày thành lập Viện Đại Học Cao
Đài. Ông Bảo Học Quân Viện Trưởng Viện Đại Học Cao Đài cho biết, Viện Đại Học
Cao Đài khai giảng vào 20-12-1971 tính đến hôm nay vừa tròn 3 năm, dự trù năm
tới viện sẽ mở thêm phân khoa Kinh tế Thương mại.
Niên khóa 1974-1975 Viện Đại Học Cao Đài đã cấp
nhiều bằng cử nhân Sư Phạm và Kỹ sư Nông Lâm Mục cho các sinh viên.
CHƯƠNG
III
ĐẠI
LỄ HỘI YẾN DIÊU TRÌ CUNG
ĐẠI
LỄ VÍA ĐỨC CHÍ TÔN DƯỚI THỜI HIẾN PHÁP
1 . Đại lễ Hội Yến Diêu Trì
Cung:
Hội Yến Diêu Trì Cung khởi đầu từ 15 tháng 8 năm Ất
Sửu (1925) để ba vị thiên sứ tạ ơn đức Phật Mẫu và Cửu vị Tiên Nương sau khi ba
vị này qui thì Hiệp Thiên Đài chủ tế. Như thế, lễ này chỉ có ở Tòa Thánh còn
các Châu, Tộc Đạo các nơi phải về Tòa Thánh Tây Ninh dự lễ.
Đức Phật Mẫu trong tâm linh nhân loại là người Mẹ hiền,
nhân hậu, rộng lượng và đảm đang, Đức Mẹ là biểu tượng cho đời sống cần lao và
nguồn vui cho toàn Đạo.
Ngày 15 tháng 8 Tân Hợi (3-10-1971) là ngày vía Mẹ
đầu tiên từ khi Ngài Hiến Pháp lên nắm Quyền Chưởng Quản HTĐ, nên Ngài chỉ thị
phải tổ chức cho chu đáo và trọng thể.
Do đó rạp lễ năm này được trang trí vô cùng công
phu, và tuyệt mỹ đủ màu sắc, tranh cảnh nổi, với các bức rèm nylon tam mảnh.
Hàng mấy trăm bàn tay của các nghệ nhân để tạo khung cảnh huy hoàng của các rạp
lễ.
Theo chương trình lễ cộ bông đức Phật Mẫu kỵ Thanh
Loan, do Công viện Phước Thiện đảm trách. Ban Nhà Thuyền kiến tạo và múa tứ
linh, Ban Tổng trạo tập dượt Ngọc Kỳ Lân, học sinh Đạo Đức Học Đường làm các
loại đèn Trung Thu cầm tay, để diễn hành vào các đêm Hội Yến.
Các cơ quan và 19 Phận Đạo thuộc Châu Thành Thánh
Địa, hiệp cùng các Châu, Tộc Đạo lo, trưng bày các mâm quả phẩm trên các dãy
bàn và phần điện Báo Ân Từ.
Vào Ngọ thời 15-8-Tân Hợi (3-10-1971) Hội Thánh cử
hành lễ cúng Tiểu Đàn tại đền Thánh, chính ngài Hiến Pháp dâng sớ cầu nguyện bá
tánh an khang.
Home [ 1 ] [ 2 ] [ 3 ] [ 4 ] [ 5 ] [ 6 ] [ 7 ] [ 8 ] [ 9 ] [ 10 ]
Home [ 1 ] [ 2 ] [ 3 ] [ 4 ] [ 5 ] [ 6 ] [ 7 ] [ 8 ] [ 9 ] [ 10 ]
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét