Đại Đạo Sử Cương - 5 / 10 (Hiền Tài. Trần Văn Rạng)


Trong 8 năm qua rồi biết nao phen vẹt mây ngút thấy trời xanh mà cũng lắm lúc xem đất bằng sóng dậy.
Thầy đã nói tiên tri: chi chi qua Quí Dậu cũng phải cho thành Đạo mà trước khi Đạo thành thì Tam Thập Lục Động Qủi về phá Toà Thánh dữ dội lắm mà trừ an nội loạn rồi mới thành Thiên cơ.
Ngày nay bão tố dữ dội đã qua rồi, Tệ Huynh nhận thấy mấy em đã
bị bao phen khảo đảo thảm khổ vô cùng mà mấy em cũng ngồi vững trong thuyền Bát Nhã của Thầy độ rước, thì Tệ Huynh hết sức vui mừng nên nguyện rằng sẽ đem hết dạ yêu thương mà dìu dắt mấy em về cùng Thầy cho đến chốn.

Các Đấng Thiêng Liêng cũng có nói trước: "Rồi đây nguyên nhân sẽ đến rần rần có lắm anh hào thành tâm giúp Đạo".

Cơ trời mầu nhiệm cao sâu, người đâu thấy đặng.

Từ ngày ác khí nổi lên xông đột, bên bạo tàn trương nanh múa vút thì bên Thánh Đức hiền lương có lắm anh hào đem hết tri thức tinh thần ra công giúp Đạo.
Tạo hoá vần xây chuyển thế,
Âm dương thiệt khéo đầu cơ.

Khiến cho Tệ Huynh nhớ lời tiên tri của Bát Nương Diêu Trì Cung hồi ban sơ có dặn:
"Hễ gặp người an bang tế thế,
Nên qùi mà nghênh, lấy lễ trọng người.
Cởi thân ra mảnh áo tơi,
Che mưa đỡ nắng cho đời nguy nan."

Tôn chỉ cao thượng của Đại Đạo Tam Kỳ là lập công quả cùng Thầy, lo độ rỗi nguyên nhân, truyền bá chơn đạo cho đời biết chữ nhàn là quí, đức là trọng, đặng hết tranh tranh đấu đấu, lập quyền lấn thế nhau, báng sáng nhau, hại sanh chúng nguy nan đời đời kiếp kiếp.

Từ hai mươi năm nay, xem trong toàn cầu thiệt đâu đâu cũng là một cảnh sầu không toả ra cho cùng tận được. Biết bao người bị lượn sóng vô tình vật chất chụp đè trên biển khổ, ham lo sung sướng cho mảnh thi hài, bo bo vừa lòng tình dục. Ít ai ngó xuống thương đồng loại cực khổ biết bao! Kể không xiết số người thất nghiệp truân chuyên, cơm tẻ ngày hai không có, mảnh tơi che cật chẳng lành. Tôi phản Chúa, người phá Đạo, trò nghịch Thầy, cha lìa con, vợ xa chồng, huynh đệ bất hoà, bằng hữu tranh nhau cũng vì mối nhơn luân suy bại! Chẳng còn thấy Chúa Thánh tôi hiền, phụ từ tử hiếu, trông chỉ gặp tháng Thuấn ngày Nghiêu nhà nhà lạc nghiệp thái bình âu ca!

Đấng hoá công là Đại Từ Phụ chung của cả nhơn sanh trông thấy hoàn cảnh như vậy cũng đổ luỵ rơi châu với bầy con dại, biết bao thương xót lũ con hoang, ra đường gây tội lỗi; trong mấy muôn năm phải bị luân hồi trả vay mãi mãi như chóng vần xây. Từ việc rất lớn lao tới việc tế vi mải mún, thạnh suy bỉ thới cũng phải chuyển vần y như luật Trời đã định.

Đạo Trời đem tin cứu thế, thức tỉnh nhơn sanh phải tu tâm dưỡng tánh, theo lành lánh dữ cho khỏi nạn luân hồi vay trả, hàng ngày phải nhớ câu "Oan Gia Nghi Giải Bất Nghi Kiết".

Người phải thương nhau như con một cha, cả hoàn cầu là Đại Chánh Chung của nhơn loại, không hại lẫn nhau, lấy lễ phép mà giao thiệp cùng nhau, lấy công bình mà đối đãi cùng nhau.

Lo cho Đạo Hữu trong nền Đạo có cơ sở làm ăn, biết làm lành là quí.

QUE L'HUMANITÉ SOIT UNE COMME RACE. UNE COMME RELIGION. UNE COMME PENSÉE.

Ấy là cuộc sửa đời lập Tân Thế Giới (Ère nouvelle) của Ðại Từ Phụ đã tuyên ngôn từ buổi khai Ðạo.

Theo lý chánh thật hành chỉ rõ trên đây thì nhiều người trong Ðạo lại chê, còn theo việc mị mộng ăn ngọ, ăn chuối, tuyệt cốc, tịnh luyện thì ưa, còn nguyên nhân lỡ bước ai lo?

Trong 8 năm qua rồi, Tệ Huynh đây và Hiền Ðệ Phạm Công Tắc là Hộ Pháp của Ð.Ð.T.K.P.Ð. hiệp cùng nhiều Thiên Phong đã để hết tâm thành trí vẹn, đặng thi hành cho hoàn tất mấy điều của Thầy và Ðức Lý Giáo Tông đã dạy bảo.

Ôi! Biết bao phen bị đánh đổ, lắm người trong Ðạo không hiểu tôn chỉ Ðại Ðạo, lại còn biếm nhẻ nói Tệ Huynh lo việc hữu hình chớ không lo vô vi tịnh luyện.
Bởi vậy mới rồi đây, Tệ Huynh có đắc lịnh dạy bảo phải chỉ rõ phương diện chánh thể của Ðạo, xin giải:
Trước đây, Tệ Huynh có nói: Thầy lập Ðạo kỳ nầy phù hạp với dân trí ngày nay đã tăng tiến khỏi Ngươn Tấn Hóa đến địa vị tối cao, cho nên chủ nghĩa Cựu Luật của các Tôn Giáo hiện thời không đủ sức kềm chế đức tin của toàn nhơn loại.
Theo Chánh thể của Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ thì có ba Hội đã định quyền hành đặc biệt:

a) . Thứ nhứt là HỘI NHƠN SANH:
Trong Hội Nhơn Sanh thì Chánh Phối Sư phái Thượng làm Chủ Trưởng.
Hội Viên từ Lễ Sanh đổ xuống, Chánh Trị Sự, Phó Trị Sự, Thông Sự và người Phái Viên thay mặt cho nhơn sanh.
Trong Nội Luật Hội Nhơn Sanh của ba Chánh Phối Sư lập ra có chỉ rõ thức lệ.

Ấy vậy từ hàng Tín đồ cùng Ðồng nhi đều có người thay mặt đặng xem xét việc Ðạo rồi đệ lên Hội Thánh phán đoán.
Vạn vật cũng có ảnh hưởng trong Hội Nhơn Sanh vì Người là Chúa của vạn vật.
Xét kỹ thì Thầy công bình không xiết kể và lo việc hóa sanh không ngằn, không tận.

2) . Thứ nhì là HỘI THÁNH:
Trong Hội Thánh thì có Thái Chánh Phối Sư làm Chủ Trưởng.
Hội Viên thì từ Giáo Hữu, Giáo Sư và Phối Sư thiệt thọ có trách nhiệm hành chánh đặc biệt.
Trong Nội Luật Hội Thánh của ba Chánh Phối Sư lập ra có chỉ rõ thức lệ.
Hội Thánh có quyền xem xét các việc của Hội Nhơn Sanh dâng lên và các việc hành chánh trong Ðạo rồi đệ lên Thượng Hội.

3). Thứ ba là THƯỢNG HỘI:
Thượng Hội thì cũng có Nội Luật chỉ rõ thức lệ. Trong Thượng Hội thì Giáo Tông làm Chủ Trưởng, Hộ Pháp Phó Chủ Trưởng. Hội Viên thì có:
Thượng Phẩm
Thượng Sanh
Ba vị Chưởng Pháp
Ba vị Ðầu Sư Nam Phái
Và Ðầu Sư Nữ Phái

Không cần nhắc thì chư Hiền hữu Lưỡng phái cũng hiểu rằng mấy Ðại Thiên Phong kể trên đây có hành chánh phận sự lớn lao của mình thì mới đặng vào Thượng Hội.

Thượng Hội để giúp Giáo Tông và Hộ Pháp điều đình cả nền Ðạo lớn lao của Thầy.

Thượng Hội có quyền xem xét các điều nghị luận của Hội Thánh và Hội Nhơn Sanh rồi hoặc đệ lên cho Giáo Tông và Hộ Pháp phê chuẩn hay là trả lại cho Hội Thánh định đoạt lại.

Ba Hội (Thượng Hội, Hội Thánh và Hội Nhơn Sanh) toàn nhập lại theo thức lệ, rành rẽ thì gọi là Quyền Vạn Linh chớ không phải ai muốn lập Hội Vạn Linh, tổ chức gì theo ý riêng của mình rồi muốn đem ai lên làm Chủ Trưởng, tổ chức gì cũng được. Như vậy thì có Luật lệ gì đâu?

Mà không Luật lệ thì là không phải Ðạo.
Trên ba Hội thì có Giáo Tông và Hộ Pháp.

Giáo Tông làm chủ Cửu Trùng Ðài thì lo về việc Chánh Trị của Ðạo, có Chưởng Pháp và Ðầu Sư ở trung gian giúp sức điều đình các Luật lệ truyền xuống cho ba Chánh Phối Sư nắm trọn quyền hành chánh.

Giáo Tông có quyền định đoạt trong việc chánh trị của Ðạo.
Hộ Pháp thì lo giữ luật lệ của Ðạo cho khỏi sái Thiên Ðiều vì luật lệ của Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ ngày nay thì thế cho Thiên Ðiều.

Hộ Pháp có quyền đặc biệt về ân xá cũng như Giáo Tông có quyền chánh trị vậy.
Hộ Pháp chưởng quản Hiệp Thiên Ðài, có Thượng Phẩm, Thượng Sanh và Thập Nhị Thời Quân giúp sức.
Giáo Tông và Hộ Pháp hiệp một là Quyền Chí Tôn.

Tệ Huynh có thọ lịnh chỉ rõ phương diện chánh thể của Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ của Thầy khai trong buổi Hạ Ngươn chuyển thế đây y như trên đó. Xin chư Ðạo Hữu lưỡng phái rán nhớ và lo phận sự đừng sái luật Ðạo mà bị tội, và mình tuân trọn luật Ðạo của Thầy thì là món binh khí diệt Tà quyền giả mị đó.

Tệ Huynh xin nhắc lời Tuyên ngôn của Ðại Từ Phụ hồi buổi ban sơ, Thầy có nói: "Thầy lập Ðại Ðạo kỳ nầy là lập một cái trường công quả. Nếu các con đi ngoài trường công quả ấy, thì không trông mong gì về cùng Thầy đặng".

Trường công quả của Thầy có đôi bên: Một bên vô hình là các Ðấng Thiêng Liêng (Phật, Tiên, Thánh, Thần) cũng lập công quả trong buổi chuyển thế nầy. Các Ðấng Thiêng Liêng thường theo một bên chúng ta đặng ám trợ chúng ta về phần vô vi.

Còn các việc hữu hình tại thế, là các việc phải có thi hài như chúng ta bây giờ đây mới làm đặng thì về phần chúng ta phải lo làm, rồi có các Ðấng Thiêng Liêng ám trợ.

Thí dụ: như đi độ rỗi nhơn sanh, phải nói Ðạo cho người nghe, như phải lập mấy cuộc để giúp thế đang nguy nan, như nhà trường dạy kẻ cô độc học, nhà thương, nhà dưỡng lão cùng các nghề nghiệp cho Ðạo Hữu có phương làm ăn đặng cơm tẻ ngày hai, có áo quần che thân ấm cật, v.v..., thì chúng ta phải lo hết, rồi các Ðấng Thiêng Liêng ám trợ cho thành tựu.

Nếu chúng ta làm biếng không làm công quả chi cho Ðạo, bên hữu hình thì các Ðấng Thiêng Liêng theo mình không lập công quả được thì tội trọng về phần mình chịu lấy.

Từ hồi tạo Thiên lập Ðịa tới ngày nay, trong mỗi kỳ khai Ðạo, không có thời kỳ nào mà chính mình Thầy là Chủ Tể Càn Khôn Thế Giái xuống mà lập ra, không có một Tôn Giáo nào đặng một vị Ðại Tiên là Ðức Lý Thái Bạch lãnh làm Giáo Tông như ngày nay vậy.

Tệ Huynh đây là lãnh về phần xác thay thế cho Ngài đặng lo làm các việc hữu hình tại thế cho Ngài rồi ở trong có Ngài ám trợ.

Tệ Huynh xin chỉ rõ quyền hành lớn lao của Ðức Lý Ðại Tiên Thái Bạch Kim Tinh cho mấy em rõ:
Ánh Thái Cực biến sanh Thái Bạch,
Hiện Kim Tinh trọng trách Linh Tiêu.
Quyền năng dâng thuở Thiên Triều,
Càn Khôn Thế Giái dắt dìu Tinh Quân.

Tinh Quân thọ sắc thuở Phong Thần,
Cho đến Ðường Triều mới biến thân.
Thái Bạch Kim Tinh đương trị thế,
Trường Canh Trích Tử đến thăm trần.
Ðộng Ðình thi rượu đong muôn đấu,
Bồng Ðảo câu Tiên nắm một cần.
Vâng lịnh Ngọc Hư nay xuống thế,
Tam Kỳ độ rỗi các Nguyên Nhân.

Ngài nói rằng: "Hễ Ðạo trọng, thì tức nhiên chư Hiền hữu trọng, vậy thì chư Hiền hữu biết mình trọng mà lo sửa vẹn người đời.

Từ đây Lão hằng gìn giữ cho chư Hiền hữu hơn nữa. Nếu thoảng Lão ép lòng cầm quyền thưởng phạt phân minh, là cố ý muốn giá trị chư Hiền hữu thêm cao trọng nữa, vậy Lão xin đừng để dạ phiền hà nghe!"

Xin chư Hiền hữu lưỡng phái ghi nhớ mấy lời châu ngọc ấy đặng sửa mình.
Hết lòng cảm tạ mấy em và chư Tôn có công mệt mỏi ngồi nghe mấy lời tôi cạn tỏ rồi đó.
Hết dạ khẩn cầu cho nền Ðạo mau chóng hoằng khai.

PHỤ CHÚ 10
THƯ CỦA ÔNG ERNEST OUTREY
GỞI CHO ĐỨC QUYỀN GIÁO TÔNG
Paris, ngày 2 Février 1933
Kính thưa ông,
Sở dĩ tôi chậm hồi âm cho ông rõ: là vì bấy lâu tôi chưa quyết đoán mục đích của đạo CAO ĐÀI, nếu hứa ngay theo lời ông xin, tôi sợ e làm cho Đạo phát triển rồi có thể nguy khốn cho tới xứ Nam Kỳ.

Nay tôi công nhận rõ rệt Đạo Cao Đài không có điều chi như lời người ta phao vu, nên tôi viết thư trả lời cho ông. Nhơn vì Đạo Cao Đài có cái mục đích chánh đáng như thế, tôi mới dám hứa chắc với các Đạo hữu của ông, tôi sẽ tận tâm xin cho Đạo Cao Đài được nhiều tự do, mà nước Đại Pháp đã mấy phen ban bố cho các tôn giáo.

Song le, ông để cho tôi khuyên các bổn đạo Cao Đài nên dùng cái thế lực của mình mà tuyên truyền một cách chơn thật, cái chánh sách Pháp -Việt đề huề, vì theo lời ông nói. Tôn chỉ của Cao Đài giáo là mưu cuộc hoà bình thế giới cho các dân tộc, nếu quả thật như vậy, thì ai là người biết điều mà còn dám đứng lên phản đối một cái lý thuyết tối cao như thế.

Nầy ông bạn, vả lại ông tin cậy vào tôi, ông đã phân trần với tôi mọi lẽ, vậy tôi xin ông nếu có hoàn cảnh thì cứ tuyên bố ngay rằng: cuộc giao hảo của hai nước Pháp Việt là điều cần thiết. Theo tôi thiết tưởng, điều đó là một phương pháp có thể đánh đổ các điều nghi kỵ, người ta vẫn còn đối với Đạo Cao Đài là một tôn giáo mà ông đương tô điểm một cách nhiệt thành. Tôi suy xét biết ông là một bực thượng trí, đủ công tâm chánh trực nên viết cho ông bức thư nầy gọi là đáp tấm lòng tín nhiệm của ông đối với tôi.
ERNEST OUTREY.

THƯ CỦA ĐỨC QUYỀN GIÁO TÔNG
GỞI CHO ÔNG ERNEST OUTREY.
Toà Thánh, ngày 20 Mars 1933
Cùng ông Nghị Outrey,
Tôi lấy làm hân hạnh tiếp đặng thư ông, đề ngày 2 tháng 2 năm 1933. Nay lấy thư ra xem lại thì cặp mắt chan luỵ, bèn thầm nói một mình: thật là người thật tâm thương xứ Nam Kỳ và có lòng yêu mến người bổn xứ.

Đã hơn 40 năm, ông nhiệt thành lo khai hoá quê hương chúng tôi, ông dụng phương kế mưu hạnh phúc cho dân tộc Langsa và Annam, cả đời của ông là để thật hành chánh sách Pháp -Việt đề huề. Ông đối với dân tộc Việt Nam có ban nhiều ân huệ cho những người theo ông, nhưng ông là bực Chí sĩ nên chẳng lưu tâm đến công lao của ông đối với kẻ thọ ân ông.

Riêng về phần tôi, tôi nói thiệt, tôi chẳng có ở vào cái hạng đó bao giờ, nếu ông thi ân cho tôi hoặc cho thân quyến của tôi thì tôi trách ông liền. Tôi giúp việc nhà nước đã lâu, ra gánh vác nhiệm vụ Hội đồng Quản hạt và có chân trong Ban Hội Đồng Thượng Phẩm ở Đông Dương. Tôi đây vẫn biết rằng thì giờ của ông rất quí báu, nhưng tôi đến bận lòng ông về vấn đề Cao Đài giáo là vì tôi vâng mạng lịnh của Thượng Đế và nguyện vọng của hơn muôn sanh linh, nào Langsa, nào Annam, nào Cao Miên, nào Trung Huê cả thảy ai ai cũng công nhận Đức Cao Đài là một con đường duy nhứt để đạt đến chánh sách Pháp -Việt tương kết dân tộc bác ái hầu bu lên đại đồng chủ nghĩa.

Bên Âu Châu nhiều sách tiên tri rằng: Trên một góc Trời kia sẽ phát hiện ra một đại Tôn giáo bao gồm tất cả các Tôn giáo khác, tồn lại trên quả địa cầu, cốt gây ra một thời đại mới mẽ, chúng ta cũng thấy các tiêu ngôn ấy trong kinh Phật Annam và Cao Miên.

Nước Đại Pháp được thấy trên miếng đất của mình đã ra tâm khai hoá ngót trên 60 năm trời, ngày nay phát hiện một tôn giáo tối tân như thế, thì tấm lòng rất tự toại và hân hoan dường nào? Đối với bậc vĩ nhân thì điều đó là một cái thành công, mà nước Pháp chưa hề gây sáng bao giờ, là một cái kho vàng vô tận, quí hơn ngọc ngà châu báu muôn phần.

Than ôi! nhiều nhà thống trị chểnh vểnh trên ngai cao lấy cặp mắt thị đời khinh rẻ cái thiên chức của Thượng Đế phó thác cho hai dân tộc Tây, Nam để khuyến dụ nhơn sanh.

Kinh Thánh tiên tri rằng: nước Pháp ngày sau sẽ đứng lên truyền bá sự sáng suốt và cứu khổ cho nhơn loại đương mãi miệt chìm đắm trong khoa học, mục đích để tương tàn và tương diệt với nhau mà thôi.

Vậy thì nước Pháp sở dĩ qua chinh phục Đông Dương đây là cũng bởi tại thiên định, vì Thượng Đế muốn cho nước văn minh dìu dắt các tiểu bang lên con đường tấn bộ, cho ngang hàng hầu tạo lập ra cuộc hoà bình thế giới ngày sau, nhờ chúng tôi tin tưởng Thánh giáo, tin tưởng một cách quả quyết, nên đã 8 năm nay chúng tôi đủ tinh thần chịu hết các điều hành khắc của chánh phủ, chánh phủ dụng ác tâm mà hại Đạo, nhưng chúng tôi không sờn lòng, mòn dạ, cứ một lòng một dạ, cứ một lòng hạ phục cầu xin các bực quyền tước kiểm soát chúng tôi. Trong khi chúng tôi lấy đường Đạo mà nâng trình độ tinh thần của đồng bào chúng tôi hầu nầy nên một đoàn thể bác ái sau nầy. Chúng tôi tin chắc rằng nhờ ơn điển Thượng Đế chúng tôi sẽ đoạt mục đích một cách dễ dàng, vì dân tộc Việt Nam khao khát một chánh giáo, vừa hạp với hoàn cảnh sanh hoạt vừa dung hợp các Tôn giáo hiện tại.

Có nhiều lúc chúng tôi tuyên bố rằng: Chúng tôi công nhận quyền thống trị của nước Pháp và giải thuyết rằng: chỉ có đường Đạo mới có thể làm cho Pháp - Việt được thoả hiệp mà thôi. Nhưng than ôi! Cái thuyết của chúng tôi không ăn chung gì? nên việc tàn khốc vẫn còn tăng thêm một cách thậm tệ, thành thử những việc bất hoà mỗi ngày thêm rộng thâm sâu cho hai nước. Tuy bị phao vu, tuy bị khổ khắc, chúng tôi cũng cứ lo hành Đạo cho đến cùng. Chúng tôi biết Ngài là người để tâm đến dân tộc Việt Nam nên mới đến công luận với Ngài, nhờ Ngài lấy tài hùng biện giữa nghị trường đặng xin cho chúng tôi được tự do tín ngưỡng mong sau này nhân loại khỏi tai hoạ lớn là nạn chiến tranh.

Cái giờ mà tôi mượn cây bút để tiếp xúc với Ngài đây là cái giờ ưu liệt mà Đạo hữu Cao Đài phải khổ tâm lận đận với cái chánh sách tàn khốc của Chánh phủ, nhơn sanh ôm ấp cái bầu nhiệt huyết đối với Thượng Đế là Đấng Chí Tôn có quyền gầy dựng ra Trời đất muôn vật mà còn bị nhơn sanh ràng thúc huỷ hoại thì còn chi là Thượng Đế.

Bởi vậy, chúng tôi có cái cảm động là thường và hằng ngày trông mong đến Pháp quốc giải khổ cho thiện nhơn chúng tôi. Chúng tôi có lòng mong mỏi đến Ngài và cầu xin Ngài dùng hết nghị lực mà làm cho xứ Đông Dương phất phới ngọn cờ tự do tín ngưỡng hầu bảo tồn tập tục thiên cổ của chúng tôi. Ngài mà xin được cho chúng tôi rồi, chẳng những bên Âu Châu hoan nghinh Ngài, mà chúng tôi rất ca tụng cái công đức của Ngài.

Chúng tôi thành tâm mong mỏi đến cái thời kỳ hoàn toàn hạnh phúc, và tiện đây chúng tôi xin Ngài cho các nhà thống trị biết nếu chúng tôi mà không được tự do cúng tế, hơn muôn sanh linh đồng đứng xin, thì chúng tôi sẽ cho toàn quốc hay rằng: tuy chúng tôi không có hân hạnh tham gia trong cái hội nghị hòa bình, nhưng chúng tôi cũng hết sức mong cho thế giới đặng điều hòa và ổn thỏa.
LÊ-VĂN-TRUNG

QUYỂN II
THỜI CHÁNH PHÁP (1929-1956)
THỜI KỲ ĐỨC PHẠM HỘ PHÁP (1935-1956)

PHẦN THỨ BA (B)
THỜI CHÁNH PHÁP
THỜI KỲ ĐỨC PHẠM HỘ PHÁP
(1935 - 1956)

CHƯƠNG I

XÂY DỰNG PHÁP CHÁNH
(1935-1940)

1 . Đức Phạm Hộ Pháp Chưởng quản Nhị hữu hình đài:
Sau khi Đức Quyền Giáo Tông đăng tiên, ngày lễ Đại Tường được thiết lập vào ngày 8-11-1935 đồng thời Đại Hội Đồng gồm tất cả Nhơn sanh và Hội Thánh nhóm họp tại Toà Thánh Tây Ninh vào ngày 8, 9, 10 tháng 11 năm đó, có hàng vạn tín đồ các nơi về tham dự.

Toàn Đại Hội đã đồng thanh tín nhiệm Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc cầm quyền thống nhất Chánh Trị Đạo cho đến ngày có Đầu Sư chánh vị.

Tờ của Hội Nhơn Sanh đã biểu quyết như vầy: "Nghị viên nam nữ Hội Nhơn Sanh nhóm Đại Hội thường niên tại Toà Thánh ngày 17 tháng 10 Ất Hợi, đồng lòng bỏ thăm tín nhiệm chánh sách độc tài của Đức Hộ Pháp và xin đem hết tâm trí giúp Ngài đoạt thành sở vọng, đưa cả chúng sanh đi tận trên con đường Thánh Đức của Đức Chí Tôn.

Thoảng như phải dụng hết khổ tâm để làm màu cho thiên thơ thì chúng tôi cũng đều vui lòng hiến thân cho nền Chánh giáo, đặng Hội Thánh cầm vững quyền hành và nhặt giữ pháp luật." (*1).

Và tờ của Hội Thánh như vầy: "Nghị viên nam nữ Hội Thánh nhóm Đại Hội bất thường tại Toà Thánh ngày 18 tháng 10 Ất Hợi, sau khi nghe Đức Hộ Pháp giải bày về tình hình hiện thời của Đạo, đồng lòng bỏ thăm tín nhiệm chánh sách độc tài của Ngài, hầu vùa giúp Ngài có đủ quyền hành giữ nghiêm Pháp Luật của Đạo." Đó là quyền Vạn Linh, một giải pháp tình thế tạm thời.

Thế là, từ đó (1935), Đức Phạm Hộ Pháp Chưởng Quản Nhị Hữu Hình Đài, Hiệp Thiên và Cửu Trùng để lo xây dựng Chánh Pháp và Đạo sự đặng bảo tồn chơn truyền dìu dắt con cái Đức Chí Tôn trên đường Thánh Đức.

(*1) Ban Đạo Sử: Tài liệu lưu trữ.

2 . Chức sắc H.T.Đ từ Tiếp Dẫn trở xuống:
Đàn cơ tại Toà Thánh ngày 16 tháng 2 năm Ất Hợi (20-3-1935), Đức Chưởng Đạo Nguyệt Tâm Chơn Nhơn (tức Victor Hugo) giáng cơ dạy về Chức sắc Hiệp Thiên Đài từ Tiếp Dẫn Đạo Nhơn trở xuống.

"Thưa Hộ Pháp, Bần Đạo để lời chia vui cùng Ngài. Khi hôm qua nhờ có Thánh chỉ Chí Tôn, nên mới đặng rộng đường xuất Thánh.... Bần Đạo có để lời trân trọng cầu thưởng cho học tu nên mới đặng cao phong phẩm giá.
Cười.... Phẩm trật rắc rối khó nói rõ, nhưng chia ba: Pháp, Đạo, Thế. Thì theo sự hiểu biết của Bần Đạo như vầy:
Sĩ Tải là Secrétaire archiviste.
Lên phẩm Truyền Trạng là Greffier.
Rồi lên phẩm Thừa Sử là Commissaire de la Justice.
Phẩm Giám Đạo là Inspecteur.
Lên phẩm Cải Trạng là Avocat.
Lên phẩm Chưởng Ấn là Chancelier.

Lên phẩm ấy rồi tùy phái lên đại vị Hiệp Thiên Đài, nhưng phải biết rằng: Chưởng Ấn phải lên đại vị Tiếp Dẫn Đạo Nhơn mà đắc phong phổ thông đặng một nước nào rồi mới vào chánh vị." (ĐSHH Q2/ 20-03-1935 - âl. 16-02-Ất Hợi)

Ngoài ra còn thêm phẩm Luật Sự (Licencié en Doctrine) dưới cấp Sĩ Tải được thành lập bởi sắc lịnh Đức Phạm Hộ Pháp số: 34/SL ngày 23 tháng 5 năm Bính Tý (11-7-1936). Phẩm này do khoa mục chọn.

Luật Sự và Sĩ Tải muốn lên cấp phải có đủ 5 năm công nghiệp còn các phẩm khác chỉ có 3 năm lên trật.
Ngoài ra luật định cầu phong và cầu thăng mỗi cấp bậc kể trên, những Chức sắc Hiệp Thiên Đài còn được hưởng trường hợp đặc biệt.

1) Có công nghiệp phi thường được công chúng hoan nghinh có bằng cớ xác đáng và có Bộ Pháp Chánh minh tra đủ lẽ.

2) Có khổ hạnh trong trách vụ hành đạo và được vị Thời quân Chưởng quản đề nghị cầu thăng thưởng đặc biệt.

Sự cầu thăng đặc biệt không áp dụng trong trường hợp Chức sắc bị tù tội hay giam cầm vì những hành vi trái với luật pháp Chơn truyền của đạo.

(*1) Truyền Trạng, Gobron dịch là Enquêteur
(*2) Thừa Sử là Historien,
Đàn cơ tại Kim Biên, V.Hugo giáng đàn xưng là Chưởng Đạo Nguyệt Tâm Chơn Nhơn lập Hội Thánh Ngoại Giáo ( tháng 5.1927).

3 . Toàn quyền Đông Dương diệt Đạo:
Cơ Đạo ngày càng vững mạnh là mối lo ngại to lớn cho nhà cầm quyền Pháp. Việc truyền Đạo ra Trung Kỳ bị cấm. "Bảo Đại tứ niên (1930) cấm bất đắc truyền giáo Trung Kỳ".

Chức sắc nào được bổ ra đều bị bắt giam rồi trục xuất đuổi về Nam. Còn Thống Đốc Nam Kỳ lúc bấy giờ là Pagès cũng là một tên diệt Đạo khét tiếng.

Tháng 6-1936 Đức Phạm Hộ Pháp phải làm đơn xin khánh thành Thánh Thất Trảng Bàng hành lễ theo đạo Cao Đài Giáo. Theo lịnh dạy của Đấng Chí Tôn đơn ấy phải điện qua nước Pháp cho Tổng Trưởng thuộc địa là Georges Mandel. Đơn được chuẩn phê "Đạo Cao Đài tại Nam Kỳ được tự do truyền bá, tự do cúng kiến". Nhưng Pagès ngăn trở. Luật sư Trịnh Đình Thảo phải bảo lãnh, nên dân theo đạo mỗi ngày một đông thêm (*1). Bên cạnh các nhóm ái quốc do các ông Tạ Thu Thâu, Nguyễn An Ninh hoạt động mạnh. Toàn quyền Robin (1934-1936) vì an ninh thuộc địa đặt kế hoạch dẹp các nhóm quần chúng nhuộm màu sắc chính trị. Ông cũng muốn ngăn cấm việc hành đạo của Cao Đài, nhưng không thể hành động được vì còn sợ phạm lỗi với Hội Quốc Liên (nay là Liên Hiệp Quốc). Nhắc lại, vào năm 1934, Toàn quyền Pierre Pasquier (1928-1934) tìm đủ mọi phương cách dựng tài liệu giả, cho lính mật thám chụp hình các Đàn lệ, các buổi nhóm họp của Cao Đài Giáo trong toàn quốc. Rồi sắp xếp làm phúc trình, chính toàn quyền Pasquier mang về Pháp, có gia đình đi theo nhưng chẳng may chuyến phi cơ ấy ngộ nạn, vợ con ông chết. Riêng ông rơi vào ống khói nhà máy cơ khí Messageries Métallurgiques de France. Trạng Trình đã báo: Lửa đâu mà cháy tám gà trên mây (*2). Cách tháng sau, ngẫu nhiên Đức Phạm Hộ Pháp cầu cơ, một chơn linh giáng cho bài thi sau:

"Oh, Salue Haute - Aâme, tôi xin nói tiếng Việt Hán:
Vương bá bửu ngôi thị ngục hình,
Thiên lao như thử tấc công khanh.
Đồ lưu Pháp phối cầm vận mạng,
Y phục đai cân thị tử thành.
Pierre Pasquier (*3)

"Ôi nha lại! ôi nha lại! Cũng vì mi mà làm cho ta bịt mắt trái tai". Cơ động đến đây rồi im hẳn.

Tắt một lời, Đức Hộ Pháp phải chịu đựng trải qua gian khổ của sáu đời toàn quyền sau: Alexandre Varenne (1925-1928), Pierre Pasquier (1928-1934), Robin (1934-1936), Brévié (1936-1939), Catroux (1939-1940), Decoux (1940-1945), không viên toàn quyền nào bỏ lơ việc theo dõi và đàn áp Đạo Cao Đài.

Khoảng thời gian này khó khăn nhất cho nền Đại Đạo bên trong thì nạn chia rẻ chi phái lũng đoạn, tuyên truyền xuyên tạc bôi bẩn các Chức sắc và Hội Thánh. Trong Châu tri số 19 ngày 24 tháng 4 năm 1936 do ba vị Chánh Phối Sư ký có ghi.

"Hội Thánh có đặng tờ vi bằng của Ban Chỉnh đạo Bến Tre đề ngày mùng 8 tháng 1 năm Bính Tý (31-1-1936) trong tờ vi bằng đó có nhiều khoản không chân thật về cử chỉ hành động ông Nguyễn Ngọc Tương, chẳng những ngày nay mà thôi, trước kia khi hai ông Trang và Tương còn ở Toà Thánh Tây Ninh, cầm quyền Chánh trị đạo nơi tay, thì không thật hành theo tôn chỉ Đại Đạo. Mỗi ông đều dùng ý riêng của mình toan cãi sửa chơn truyền.

Trong vi bằng có khoản nói về Thánh Thất 135 cái đã về tay người hết 96 cái và số đạo hữu chung của mỗi tỉnh cũng được phân nửa. Hội Thánh chỉ rõ cho chư đạo hữu thấy. Nếu Toà Thánh Tây Ninh còn 36 cái thì những Thánh Thất được Chính phủ công nhận 65 cái rồi còn của người ở vào khoản nào đâu? Trong số 135 cái Thánh Thất là nhiều cái nhà tư tạm dùng đó thôi chớ không phải là Thánh Thất."

Bên trong thì khảo đảo tranh chấp từ quyền lãnh đạo đến tài sản. Bên ngoài thì người Pháp hạn chế việc truyền giáo, bí mật lồng người vào đạo để theo dõi và tìm tài liệu rồi phóng đại gởi về chính quốc báo cáo để diệt đạo.

Việc xây Toà Thánh cũng bị ảnh hưởng, đặt nền móng từ năm 1933 đến lúc bấy giờ Hội Thánh ra Thông tri số 39 ngày 28-5-Đinh Sửu (4-7-1937) kêu gọi: "Ai là người tâm đạo, ai là người có dạ nhiệt thành biết rằng trời giáng trần cứu thế, nên đem cả mãnh lực tinh thần kẻ công người của, kẻ ít người nhiều đặng tô điểm vẽ vời cho cơ thể đạo trở nên xinh lịch. Ấy là công nghiệp thứ nhứt của chúng ta đối với tương lai đạo. Giàu nghèo chẳng nệ xin để trọn tấc thành cùng Đại Từ Phụ. Buổi này tưởng lại chẳng có công quả nào vĩ đại bằng công quả tạo Đền thờ cho mau thành tựu hầu trụ cả đức tin con cái yêu dấu của Thầy cho ra thiệt tướng".

(*1) Hồi ký của Nguyễn Kỳ Nam ( 1945-1954) trang 102
(*2) Tám gà : tiếng Hán là Bát Kê cùng âm Pasquier bị cháy máy bay.
(*3) Báo La Griffe số 25 (Paris ngày 11.6.1932) tố cáo P.Pasquier có tham vọng làm "Giáo chủ Phật Giáo thống nhất" để chống lại đạo Cao Đài và đàn áp Đức Q. Giáo Tông.

4 . Bộ Đạo Luật Mậu Dần:
Do tờ kiết chứng ngày mùng 8 tháng giêng năm Mậu Dần (7-2-1938) thì nền Chánh trị Đạo gồm có 4 cơ quan: Hành Chánh, Phước Thiện, Toà Đạo và Phổ Tế. Bộ Đạo luật này được ban hành ngày 16-1-Mậu Dần (15-2-1938)

a) Hành Chánh: là cơ quan để thi hành các luật định của Hội Thánh hoặc của chúng sanh dâng lên mà đã có quyền Chí Tôn phê chuẩn. Nghĩa là buộc chúng sanh phải tuân y luật pháp mà đi trên con đường đạo đức.

Về Hành Chánh gồm có các điều khoản: 1- Cầu phong, 2 -Thăng thưởng, 3 -Hàm phong, 4 -Truy phong, 5 -Tổ chức Hội quyền Vạn linh.

b) Phước Thiện là cơ quan bảo tồn sanh chúng trên đường sanh hoạt, nuôi sống thi hài, tức là cơ quan giải khổ cho chúng sanh, tầm phương bao bọc cho những kẻ tật nguyền cô độc hoặc giúp tay cho Hành Chánh thi hành luật pháp được trọn vẹn.
Thập nhị đẳng cấp Thiêng liêng của chư Chức sắc Phước Thiện định như sau (từ dưới lên trên):
            1) Minh Đức
            2) Tân Dân
            3) Thính Thiện
            4) Hành Thiện
            5) Giáo Thiên
            6) Chí Thiện
            7) Đạo Nhơn
            8) Chơn Nhơn
            9) Hiền Nhơn
            10) Thánh Nhơn
            11) Tiên Tử
            12) Phật Tử

Có luật tuyển chọn phong thưởng riêng nếu có đủ 3 năm công nghiệp, có Bộ Pháp Chánh minh tra đủ lẽ đưa ra hội nghị Phước Thiện xét nét đủ công hạnh sẽ lên cấp bậc, khác với Hành Chánh (tức Cửu Trùng Đài ) phải có đủ 5 năm công nghiệp.

Việc tạo cơ sở Phước Thiện thì lập các cơ quan thực dụng như: Bảo Sanh Viện, Y Viện, Ấu Trỉ Viện, Dưỡng Lão Đường, Học Viện.

Mỗi Bàn Cai Quản có 12 người: 1 Chủ Trưởng, 1 Phó Chủ Trưởng, 1 Thủ Bổn, 1 Phó Thủ Bổn, 1 Từ Hàn (thư ký), 1 Phó Từ Hàn và 6 Nghị Viên.

Trong Phước Thiện có Phạm môn có qui luật tịnh luyện Hồng thệ đầu tiên điểm ngày 3-1-Nhân Thân (1932) gồm 72 vị tại sở Trường Hoà trong đó có Phối Thánh Phạm Văn Màng.

c) Phổ Tế: là cơ quan để cứu vớt hoặc độ rỗi những người lạc bước thối tâm, cùng an ủi khuyên lơn những kẻ đã bị luật pháp buộc ràng mà phế vong phận sự, hay là độ rỗi những kẻ hữu tâm tầm đạo.

Không có chức sắc riêng mà do bên Hành Chánh hoặc Phước Thiện bổ qua.

d) Toà Đạo: là cơ quan bảo thủ chơn truyền, giữ gìn luật pháp, chăm nom chư chức sắc, chức việc và đạo hữu thi hành phận sự, che chở những kẻ yếu, binh vực người cô thế tức là giữ gìn công bình luật đạo. Cũng là cơ quan giúp cho Hành Chánh, Phước Thiện và Phổ Tế thêm uy quyền mạnh mẽ và được tôn nghiêm.

Những ai phạm luật pháp thì chiếu theo Thập hình của Đức Lý Giáo Tông, Tân Luật, Bát Đạo Nghị Định, Đạo Luật năm Mậu Dần, Pháp Chánh Truyền, các án lệ mà định tội.
5 . Chức sắc mặc đạo phục khi hành đạo:
Từ năm 1935, Hội Thánh đã ra kiểu áo tràng y trắng bên Cửu Trùng Đài áo 9 nút, Phước Thiện 12 nút, Hiệp Thiên Đài 6 nút, đã được chính quyền Pháp cho Phép mặc đi hành đạo từ tháng 2 năm 1936, nhưng thỉnh thoảng có Chức sắc vẫn bị cưỡng chế mặc thường phục khi tiếp xúc với họ.

Châu tri số 62 ngày 19-9-Mậu Dần (7-11-1938) nhắc lại việc này như sau:

"Từ xưa đến nay, tôn giáo nào cũng vậy, hễ người tu thì mặc đồ tu theo tôn chỉ đạo ấy. Đồ mặc là thể đạo như Phật giáo, Gia tô giáo.....

Lúc trước Đức Hộ Pháp đã gởi thơ cho toàn quyền Hà Nội, quan Thống Đốc Nam Kỳ và các quan Bảo Hộ Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Lào và Cao Miên biết, đặng cho lệnh các viên quan của Chính phủ hay rằng Chức sắc Cao Đài kể từ tháng 2 năm 1936 sẽ mặc đạo phục đi đường và có giao hình đạo phục của toàn chức sắc Thiên phong nam nữ Hội Thánh Cao Đài. Từ chức việc Chánh, Phó Trị Sự tới Giáo Tông, từ Sĩ Tải tới Hộ Pháp.

Nay lại xảy ra vụ bất ngờ nói rằng không cho chức sắc Đạo Cao Đài mặc đạo phục khi đến hầu chuyện với quan đời mà phải mặc áo thường.

Vậy từ đây cứ y luật pháp mà hành đạo, chư chức sắc nào có việc phải đến quan làng hầu chuyện thì cứ mặc đạo phục như thường. Nếu họ không tiếp thì viện đủ lẽ chứng cớ rõ ràng hoặc mời Trưởng Toà nhân chứng, rồi cho Hội Thánh hay."

Đến ngày 27-12-1938, Toàn quyền Đông Dương Brévié phúc thư như sau: "Vì muốn thi hành các sở định của Tổng Trưởng thuộc địa. Vị thượng quan tái truyền lịnh cho cả tín đồ trong các cơ quan dưới quyền của Đạo đặng thờ phượng khỏi điều trở ngại và nhất là không còn buộc họ phải mặc đồ thế phục khi đến trình diện trước quyền hành chánh đời nữa."

Cũng nên biết sắc phục đi đường trước kia của các chức sắc theo màu của ba phái Thái, Thượng, Ngọc trên đầu có vấn khăn cùng màu.

6 . Danh từ chuyên biệt của Cao Đài Giáo:
Cao Đài Giáo là một nền tôn giáo mới tuy qui Tam giáo, nhưng vẫn có những danh từ chuyên biệt để gọi như Thượng Đế thì gọi Đấng Chí Tôn, Đấng Vĩnh Cửu, Niết Bàn hay Thiên Đàng thì gọi là cõi Thiêng Liêng Hằng Sống, v.v...

Theo Thánh Huấn số 77 ngày 17-1-Canh Thìn (24-2-1940) Hội Thánh dạy như sau: "buổi trước nền Đạo mới sơ khai thì những tiếng xưng hô đặt để phải tùy theo thế tục cho dễ hiểu.

Nay Hội Thánh đính chánh tiếng xưng hô ấy lại cho hợp với chơn truyền Đại Đạo như các khoản sau đây:
1 - Xứ Nam Kỳ                                  kêu là               Nam Tông Đạo
2 - Bắc Kỳ                                          kêu là               Bắc Tông Đạo
3 - Trung Kỳ                                       kêu là               Trung Tông Đạo
4 - Kiêm Biên                                     kêu là               Kiêm Biên Tông Đạo
5 - Giáo Sư Thanh Tra                        kêu là               Giáo Sư Khâm Trấn Đạo
6 - GiáoHữu Đầu Họ Đạo                   kêu là               Giáo Hữu Khâm Châu Đạo
7 - Lễ Sanh Đầu Quận Đạo                 kêu là               Lễ Sanh Đầu Tộc Đạo
8 - Chánh Trị Sự                                 kêu là               Chánh Trị Sự Đầu Hương Đạo
9 - Phó Trị Sự                                     kêu là               Phó Trị Sự Tri Lý Đạo
10 - Thông Sự                                    kêu là               Thông Sự Thông Lý Đạo
11 - Châu Tri                                      kêu là               Thánh Huấn
12 - Nghị Định                                   kêu là               Thánh Lịnh
13 - Sắc Lệnh                                     kêu là               Sắc Huấn hay Sắc Tứ
14 - Ân phong quyền Chí Tôn           gọi là                Ân Tứ
15 - Nghị phong quyền Vạn linh       gọi là                Nghị Tứ
Vậy Chức sắc, Chức việc, Đạo hữu đều phải tuân chẳng nên cải sửa."

7 . Đức Phạm Hộ Pháp bị Pháp bắt:
Khi Thế chiến thứ hai (1939-1945) bùng nổ giữa Đồng Minh và Trục Phát Xít (Đức, Ý, Nhật) thừa vận hội mới các nước nhược tiểu nổi dậy chống đế quốc.

Xứ Việt Nam các đảng phái nổi lên như: Mặt trận Việt Minh, Đại Việt, Quốc dân, Duy Tân, Phục Việt, Việt Nam quốc gia độc lập,... ...

Năm 1940, Nhật tràn vào đại lục Trung Hoa tiến xuống miền Đông Nam Á Châu. Pháp lo sợ bắt đầu đàn áp các đảng phái, Cao Đài chịu chung số phận của đất nước. Biểu hiện chữ Vạn tịnh (ngược chiều kim đồng hồ) trên nóc các Thánh Thất giống như chữ Vạn động chữ thập ngoặc (cùng chiều kim đồng hồ) của Đức Quốc Xã, bị Pháp hiểu lầm, Cao Đài theo Đức, nên Hội Thánh phải ra Thánh Huấn số 79 ngày 2-4-Canh Thìn (8-5-1940) như sau:

"Hội Thánh cho toàn Đạo hay rằng: mới đây có Nghị định số 72 của toàn quyền Đông Dương Pháp ngày 3-5-1940 cấm treo cờ phướn có dấu chữ Vạn.

Những Thánh Thất, nhà Sở Phước Thiện của Đạo, cùng gia cư của Đạo hữu, cả đồ vật dụng thờ phượng có gắn hoặc vẽ chữ Vạn đều bị cấm cả". Đó là dưới thời Toàn quyền Decoux (1940-1945).

Phong trào bài Pháp lan rộng trên toàn quốc. Các tín đồ cũng là con dân trong nước, nên nhảy vào vòng tranh đấu. Hội Thánh không thể ngăn được vì nước mất nhà tan. Đạo sự phải suy vi. Nhân cơ hội đó, một ít người vô lương, quá thiên về bả lợi danh, dựa theo quyền đời, ám hại Đạo. Họ vu cáo phao truyền Đạo Cao Đài lập một nước nhỏ trong nước lớn. Họ chú giải lệch lạc các danh từ Pháp Chánh Truyền, Tân Luật, Đạo Nghị Định, Hội Thánh, Hội Nhơn Sanh, Toà đạo, Cửu viện,... Ra là Thượng Nghị Viện, Hạ Nghị Viện, Toà Án, Cửu bộ, rồi cho Đạo Cao Đài có ý chủ trương quân chủ lập hiến.

Ngày 23 tháng 7 năm Canh Thìn, Pagès cho lính Mật thám Pháp vào chu vi Thánh địa xét giấy tờ và đóng cửa Báo Ân Từ.
Ngày 8 tháng 11 họ đem 5 xe hơi vào Toà Thánh bắt các Chức sắc và Đạo hữu giải ra Tây Ninh.
Ngày 25 tháng 5 năm Tân Tỵ (1941) chính phủ Pháp cấm các công quả tạo tác không được xây tiếp Toà Thánh.
Ngày 4 tháng 6, vào 8 giờ sáng, lính mật thám vào bắt Đức Phạm Hộ Pháp. Thống đốc Pagès trả thù Ngài gởi thơ qua Pháp không qua dinh Thống Đốc Nam Kỳ (*1)
Ngày 9 tháng 7, Chủ Quận và lính vào Toà Thánh xét giấy thuế thân và đuổi tất cả tín hữu về tỉnh, về xứ, không cho ở trong chu vi Thánh địa.
Ngày 11-7 lính lại vào bắt ba vị Chức sắc Thiên phong và bắt thêm tại Cao Miên một vị và Sài gòn một vị.
Ngày 7-8 quân đội Nhật chiếm đóng Toà Thánh. Ngày 25-10 lính mật thám Pháp lại vào Toà Thánh bắt thêm ba vị Chức sắc nửa đem giam ở Di Linh rồi Sơn La (Bắc phần).
Ngày 27-7-1941 Pháp đày Đức Phạm Hộ Pháp và 5 vị Chức sắc: Phối Sư Thái Phấn Thanh, Phối Sư Ngọc Trọng Thanh, Giáo Sư Thái Gấm Thanh (qui liễu tại Mã Đảo) Khai Pháp Trần Duy Nghĩa và Sĩ Tải Đỗ Quang Hiển (cũng chết ở Mã Đảo) sang Madagascar (Phi Châu) dưới chiếc tàu Compiège.

Cùng đi đày trong chuyến đó có các nhà cách mạng như quí ông Nguyễn Thế Truyền, Nguyễn Thế Song, Ngô Văn Phiến. Thế là, Đức Phạm Hộ Pháp phải biệt xứ trong khoảng thời gian 5 năm, 2 tháng, 3 ngày.

Trong thời gian ở Nôsy Lava, một đảo nhỏ ở phía Tây Bắc quần đảo Madagascar, Đức Phạm Hộ Pháp phò loan với Khai Pháp Trần Duy Nghĩa. Đức Lý giáng cơ cho biết các ông sẽ được tự do và đưa về Việt Nam cuối năm 1946. Rồi Đức Lý ân phong cho ba ông:
- Ông Nguyễn Thế Truyền phẩm Bảo Địa Lý Quân giữ trọn vẹn lãnh thổ Việt Nam.
- Ông Nguyễn Thế Song phẩm Bảo Thương Quân trao đổi và điều hoà hàng hoá trong nhân sanh.
- Ông Ngô Văn Phiến phẩm Bảo Tinh Quân để bảo vệ môi trường và sinh mạng nhân loại (*2)

Đức Tiêu Diêu Đạo sĩ cũng giáng cho bài thi:
THI
Lược chiến từng quen đã bấy lâu,
Thiên cơ đã rõ máy cao sâu.
Dằn lòng nhẫn nại chờ đôi lúc,
Sẽ thấy khuôn linh phép nhiệm mầu./.

(*1) Hồi ký của Nguyễn Kỳ Nam ( tập II) trang 104-105
(*2) Chân dung Hộ Pháp Phạm Công Tắc, TN 1974, trang 191

CHƯƠNG II

TOÀN QUỐC TAO LOẠN, NỀN ĐẠO SUY VI
(1941-1946)

1 . Tình hình Toà Thánh sau khi Đức Phạm Hộ Pháp bị bắt:
Khoảng thời gian 1941-1946, mùa Pháp nạn của Đức Hộ Pháp nằm gọn trong thế chiến thứ hai giữa Đồng Minh và Trục Pháp thuộc phe Đồng Minh còn Nhật thuộc phe Trục. Nước Việt Nam như các nước dù muốn dù không vẫn bị lôi cuốn vào chiến tranh. Nền Đạo Cao Đài cũng bị ảnh hưởng thời cuộc. Đây là giai đoạn khó khăn nhất của Đạo Cao Đài vì số tín hữu lan tràn khắp Nam, Trung, Bắc. Không khéo, tín đồ bị vạ lây.

Tôn giáo vốn không chính trị, nhưng tôn giáo phát sanh để cứu khổ, mà cứu khổ phải chen vai vào đám nhân dân. Dù muốn đứng ngoài thế cuộc vào thời ấy, thật cũng khó khăn. Chỉ còn giải pháp hợp tác ôn nhu để giữ vững lái thuyền và bảo vệ tín hữu.

Đức Phạm Hộ Pháp và năm vị chức sắc Thiên phong đã bị bắt nên toàn thể Chức sắc Thiên phong thiết phiên họp ngày 16 tháng 6 nhuần năm Tân Tỵ (1941) giao quyền Thống Nhứt cho ba vị Chánh Phối Sư. Nhưng không biết có điều gì bí ẩn mà hai vị Luật Sự Hiệp Thiên Đài là Phan Văn Phước và Võ Văn Nhơn tranh giành các bổn vi bằng trước mặt quí vị Chức sắc Cửu Trùng Đài. Vì thế, quyền thống nhất do ba vị Chánh Phối Sư không thành tựu.

Ngày 27-7 năm 1941, Pháp lưu đày các vị Quyền Ngọc Chánh Phối Sư Ngọc Trọng Thanh, Giáo Sư Thái Gấm Thanh, Sĩ Tải Đỗ Quang Hiển đều bị bắt tại Toà Thánh. Đồng thời Giáo Sư Thái Phấn Thanh bị bắt tại Kiêm Biên (Campuchia) và Ngài Khai Pháp Trần Duy Nghĩa bị bắt tại Sài gòn cùng ngày. Thế nên, việc quản trị tài sản trong chu vi Toà Thánh giao cho Giáo Sư Thượng Trí Thanh.

Tháng 8 năm đó, Tỉnh trưởng Tây Ninh hỏi mượn Toà Thánh cho lính Pháp vào ở, hạn định trong 24 giờ phải dọn đồ đi nơi khác. Các chức sắc phải tản cư ra ngoài hoặc về xứ ẩn thân.

Toà Thánh lúc này do Giáo Sư Thượng Tước Thanh và Giáo Hữu Thượng Chất Thanh điều hành và sắp đặt mọi việc để giữ gìn cơ nghiệp Đạo. Tuy nhiên hai ông hằng tháng mới đến thăm một lần chớ không dám ở.

Lấy cớ quân đội Pháp chiếm đóng trong Nội Ô, nên họ cho Linh mục vào Toà Thánh quyến rũ tín đồ. Mặt khác Ban Chỉnh Đạo (Bến Tre) phái Lễ Sanh Thời đến xin cho ông Nguyễn Ngọc Tương về Toà Thánh, nhưng không ai nghe.

2 . Hành Đạo tại Thánh Thất Kiêm Biên:
Hạ tuần tháng 3 năm Nhâm Ngọ (1942) những chức sắc Đại Thiên phong đều tề tựu lên Thánh Thất Kiêm Biên như quí Ngài Cao Tiếp Đạo, Quyền Thượng Chánh Phối Sư Thượng Chữ Thành, Giáo Sư Thượng Vinh Thanh, nhị vị Giáo Hữu Thượng Tuy Thanh, Thái Đến Thanh, v.v... Từ đó, Thánh Thất Kiêm Biên là nơi thay thế cho Toà Thánh Tây Ninh. Được vậy, nhờ quân Nhật đóng nơi Thánh Thất khiến Ty mật thám Pháp không bạo hành được.

Sau quân Nhật trả Thánh Thất nên Chính phủ Pháp có lý do mượn làm dưỡng đường. Ngài Cao Tiếp Đạo hứa cho mượn một nửa. Việc chưa ngã ngũ thì Chánh Phối Sư Thượng Chữ Thanh sang Thái Lan. Đến 15 tháng 8 năm Nhâm Ngọ thì Thánh Thất Kiêm Biên bị phong toả không ai dám tới nữa. Ba hôm sau, Ngài Cao Tiếp Đạo xuất dương qua Thái Lan.

Ngày 20 tháng 8 năm Nhâm Ngọ, Chính phủ Pháp chiếm Thánh Thất Kiêm Biên dọn Thiên Bàn, thỉnh hết bài vị đập phá quả Càn Khôn. Ngày 25 tháng đó, Lễ Sanh Ngọc Hoai Thanh từ Nam phần lên báo tin Sở Hiến Binh Nhật muốn gặp các chức sắc cao cấp bàn việc quốc sự và có tin của Đức Cường Để từ Đông Kinh gởi về. Sau đó, Giáo Sư Thượng Vinh Thanh và Lễ Sanh Ngọc Hoai Thanh hội đàm với Sở Hiến Binh Nhật tại phòng Thương Mãi (Sài gòn).

3 . Hiệp tác với Nhật:
Ngày 1 tháng 12 năm Nhâm Ngọ có 12 vị Chức sắc đại diện Đạo, phía Nhật có 2 vị sĩ quan Kimura và Mochizuki họp bàn việc hợp tác. Khái quát quân đội Nhật đến Đông Dương không phải để xâm lược mà có ý định giải thoát cho khỏi sự đô hộ của người da trắng (?) Chính phủ Nhật ủng hộ Đức Cường Để thành lập Việt Nam Phục Quốc Đồng Minh Hội gọi tắt Việt Nam Phục Quốc Hội để liên lạc các chính đảng hầu thống nhất lực lượng quốc gia. Hai bên hứa giúp đỡ lẫn nhau. Sau đó toàn thể chức sắc tín nhiệm Giáo Sư Thượng Vinh Thanh làm đại biểu thay mặt cho toàn đạo.

Trong nước, lúc bấy giờ các đảng phái tổ chức chưa hoàn bị nên bị nhà cầm quyền Pháp khủng bố. Kẻ thì sang Bangkok, người qua Tân Gia Ba. Chỉ có đạo Cao Đài được công khai hoạt động. Thế nên các đảng phái yêu cầu yểm trợ giúp họ như ở Đông Kinh thì tiếp tế cho Trung Ương Tổng Bộ của Đức Cường Để. Ở Bangkok thì nuôi dưỡng các ông Dương Văn Giáo, Cao Đức Trọng, Đặng Trung Chữ. Ở Tân Gia Ba thì giúp đỡ các ông Trần Trọng Kim (*1), Dương Bá Trạc, Trần Văn Ân. Còn tại Nam Kỳ thì bảo thủ các ông Ngô Đình Diệm, Nguyễn Xuân Chữ. Bởi vậy dư luận lúc đó cho rằng Đạo Cao Đài là cái vú sữa để nuôi các phần tử chánh trị.

(*1) Khi lập Chánh phủ, Thủ tướng Trần Trọng Kim lấy Quẻ Ly (con mắt ) làm quốc kỳ để nhớ ơn Đạo Cao Đài

4 . Hãng tàu NITINAN và Nội ứng Nghĩa binh:
Số tín hữu về Sài Gòn ngày càng đông, để tìm sinh kế Giáo Sư Thượng Vinh Thanh ký hợp đồng với quân đội Nhật làm công các trại cưa nhứt là đóng tàu gần cầu chữ Y. Lúc này chính phủ Pháp thấy đạo Cao Đài hợp tác với Nhật nên họ khủng bố Đạo khắp nơi, gây phong trào lập châu vi đạo và di cư đến hãng tàu NITINAN ngày thêm đông. Số nhân công lên trên 3.000 người

Sau đó, được lịnh Đức Cường Để lập Nội ứng nghĩa binh do Giáo Sư Thượng Tước Thanh Tổng chỉ huy và Cận vệ quân do Giáo Hữu Thượng Tuy Thanh chỉ huy, còn Giáo Hữu Thái Đến Thanh Giám đốc việc đóng tàu.

Nội ứng nghĩa binh tuyển chọn tráng đinh từ 18 đến 40 tuổi chia thành đội ngũ nên chẳng bao lâu hãng tàu trở thành đạo binh. Ngày mồng 1 tết năm Ất Dậu (1945) làm lễ duyệt binh có Tư lịnh quân đội Nhật dự khán.

Vì muốn lật đổ chế độ đô hộ của chính phủ Pháp nên quân đội Cao Đài đã thỏa thuận giúp quân đội Nhật trong ngày đảo chánh. Vào 21 giờ ngày 9 tháng 3 năm 1945, các cơ quan quân sự và chánh trị Pháp đều bị bao vây. Thủy sư đô đốc Decoux bị bắt. Sáng hôm sau các công sở Pháp ở Sài Gòn đều có quân đội Cao Đài trấn giữ. Quân đội Nhật đã làm chủ tình hình toàn cõi Việt Nam và họ đưa Nội các Trần Trọng Kim ra lãnh đạo quốc gia.

5 . Cao Đài Tham mưu Quân sự vụ:
Nhà cầm quyền Nhật cho quân đội Cao Đài tổ chức bộ Tham mưu riêng trụ sở Cao Đài Tham mưu sự vụ đặt tại thành quan sáu (số 6 Boulevard Norodom). Đến 18-8-1945 Nhật đầu hàng, Nam phần được Nhật giao lại cho chính phủ Việt Nam do ông Nguyễn Văn Sâm làm Khâm sai. Bắc phần thì Việt Minh cướp chính quyền (19-8-1945) Hoàng đế Bảo Đại từ chức, Nội các Trần Trọng Kim đổ. Còn Khâm sai Nguyễn Văn Sâm sau hai ngày hành chánh cũng giao lại cho Mặt trận Việt Minh do Trần Văn Giàu làm Chủ tịch Ủy ban hành chánh.

Từ đó Việt Nam trở thành nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà do Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo. Trước tình hình đó quân đội Cao Đài luôn giữ thái độ bình tỉnh nhẫn nại tránh các vụ xung đột. Giáo Sư Thượng Vinh Thanh họp Bộ Tham mưu định kế hoạch, vài hôm sau thì từ chức đại biểu trở về hành Đạo, giao ông Đặng Trung Chữ thay thế trong Mặt trận Việt Minh..

6 . Hiệp tác với Mặt trận Việt Minh:
Thời thế đã giúp Mặt trận Việt Minh lên nắm chính quyền thành lập Nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà. Quân đội Cao Đài như các chính đảng khác đồng thanh ủng hộ và gia nhập vào Mặt trận để chống đế quốc Pháp sửa soạn tròng lại ách nô lệ, do ông Phạm Trung Kiên làm Phó chủ tịch Hội Liên Việt tỉnh, đại biểu Đạo Cao Đài.

Uỷ ban hành chánh triệu tập các chính đảng để thành lập bốn sư đoàn quân dân cách mạng của Nam Bộ dưới sự Tổng chỉ huy chủa Uỷ trưởng quân sự Trần Văn Giàu. Quân đội Cao Đài được vào đệ tam sư đoàn, chỉ vì đặt quyền lợi tổ quốc lên trên hết.

Sau đó thì quân đội Đồng minh vào Đông Dương giải giáp quân đội Nhật và ra lịnh Nhật giải tán các dân quân cách mạng. Vì thế Trần Văn Giàu ra lịnh các sư đoàn lập tức rút ra khỏi châu thành Sài gòn. Cơ sở Cao Đài tham mưu sự vụ cũng lo chuyên chở đồ đạc đi nơi khác hoặc về Toà Thánh.

Vào ngày 24-9-1945, trụ sở Uỷ ban hành chánh bị quân đội Đồng Minh chiếm. Dân chúng bỏ Sài gòn chạy về quê. Sau đó quân đội Cao Đài rời bỏ hàng ngũ về rừng vùng Lộc Hưng (Trảng Bàng).

7 . Thoả ước 9-6-1946 hiệp tác với Pháp:
Ngày 8-4-Bính Tuất (8-5-1946) các cơ sở Đạo Sài gòn bị chánh phủ Pháp phong toả và bắt giam các người lãnh đạo họ hăm dọa đánh khảo và sau cùng yêu cầu hợp tác. Giáo Sư Thượng Vinh Thanh đưa ra bốn nguyện vọng.
1 - Xin cho Đức Phạm Hộ Pháp và chư vị Thiên phong bị đày ở Mã Đảo được về Việt Nam.
2 - Trả lại tự do tín ngưỡng cho toàn Đạo. Toà Thánh và các Thánh Thất được mở cửa.
3 - Nhìn nhận tư cách pháp nhân của Đạo Cao Đài.
4 - Ngưng khủng bố và bắt bớ các chức sắc và Đạo hữu.

Để đền bù lại Quân đội Cao Đài phải ngưng chiến và hiệp tác với quân đội Pháp. Nhờ đó mà tất cả tín hữu được tha. Sau 22 ngày bị bắt bị đánh đập. Sau 3 ngày hội đàm, bản thoả ước ngày 9-6-1946 ra đời, đại để:

Đối với Pháp: quân đội Cao Đài ngưng chiến và giải tán tất cả các bộ đội lưu động kháng chiến.

Đối với Đạo: quân Pháp ngưng các cuộc khủng bố không bắt giam tín hữu, đảm bảo quyền tự do hành giáo và truyền giáo. Mở cửa Toà Thánh và các Thánh Thất được tự do tế tự trong phạm vi tôn giáo. Trao trả Đức Phạm Hộ Pháp và chư vị Thiên phong về cố quốc, phục hồi các quyền công dân.

Toà Thánh vẫn thành lập một đạo binh Tự Vệ để phòng thủ do Đại tá Nguyễn Thành Phương tổng chỉ huy.

Từ đây, Toà Thánh dưới sự điều khiển của Ngài Khai Đạo Hiệp Thiên Đài Phạm Tấn Đãi tổ chức lại Toà Nội Chánh Cửu Viện, sửa soạn các dinh thự. Tín hữu mọi nơi lần lượt trở về tụ tập quanh Tổ Đình.

8 . Đức Phạm Hộ Pháp hồi loan:
Chiều ngày 21-8-1949 tàu Ile de France cập bến Vũng Tàu đưa Đức Hộ Pháp và chư vị Thiên phong trở về cố quốc. Sau trên 5 năm Pháp nạn.

Hôm sau, ông Frémolle Đổng lý văn phòng của ông Cédile Uỷ ban Cộng hoà Nam Kỳ mời Giáo Sư Thượng Vinh Thanh cùng đi phi cơ ra Cấp (Cap Saint Jacques) rước Đức Phạm Hộ Pháp. Sau khi về Sài gòn, Đức Ngài lưu lại trên tuần lễ tại nhà ông Nguyễn Văn Hội gần chợ Thái Bình để lo các thủ tục và thương thuyết về việc Đạo với chính phủ Pháp.

Ngày 30-8-1946 toàn Đạo và chính phủ Pháp làm lễ rước Đức Phạm Hộ Pháp về Toà Thánh. Đoàn xe gồm 5 chiếc hướng trên đường Sài gòn - Tây Ninh lúc đó rất sầm uất.

Đến Toà Thánh 12 giờ trưa cùng ngày chức sắc Hiệp Thiên và Cửu Trùng Đài, cả tín đồ sấp hàng dày đặc, có cờ xí nghinh tiếp Đức Ngài. Sau khi đảnh lễ Đức Chí Tôn, Đức Quyền Giáo Tông, một bửa tiệc đánh dấu ngày sum họp và hồi cựu vị của Đức Phạm Hộ Pháp. Tất cả mừng rỡ đến rơi lệ!

Nhân lễ Hội Yến Diêu Trì Cung năm ấy (1946) bà Bát Nương giáng cơ cho Đức Hộ Pháp bài thi:
THI
Đào nguyên lại trổ trái hai lần,
Ai ngỡ Việt Thường đã thấy lân.
Cung Đẩu vít xa gươm Xích quỉ,
Thiềm cung mở rộng cửa Hà ngân.
Xuân Thu định vững ngôi lương tể,
Phất chủ quét tan lũ nịnh thần.
Thổi khí vĩnh sanh lau xã tắc,
Mở đường quốc thể định phong vân.

CHƯƠNG III

THỜI THÁI BÌNH THỊNH TRỊ
(1947-1956)

1 . Khái niệm về thời Thái Bình:
Nhìn cục diện quốc gia khoảng thời gian (1947-1954) thật là bi đát. Chiến tranh Việt Pháp đến hồi quyết liệt thanh niên bị nướng vào trận Điện Biên Phủ. Kết liễu là Hiệp Định Genève (1954) phân chia Việt Nam qua Bắc vĩ tuyến 17 lấy sông Bến Hải thay Linh giang thời Trịnh Nguyễn.

Trong khi đó, toàn thể tín đồ Cao Đài được yên lành, nhất là Thánh địa Tây Ninh suốt gần 10 năm không nghe tiếng súng, dù là một tỉnh biên giới, rừng thiêng lam chướng. Được vậy là nhờ có quân đội Cao Đài bảo vệ. Các chức sắc được tự do hành đạo, khai đàn, thượng trang, cầu kinh, tế tự. Nơi nào có Đạo là nơi đó có bóng cờ Bảo Sanh Nhân Nghĩa Đại Đồng phất phới. Các chiến sĩ chẳng quản đồng sâu, nước mặn hay sằn dã thôn quê, họ chỉ một lòng vì Thầy vì Đạo, còn hy sinh đồng lương eo hẹp của mình để lo cơ sở xã hội như trường học, cô nhi viện.

Chính khoảng thời gian này Đức Phạm Hộ Pháp đã gia công thuyết đạo, các tốc ký đã ghi chép và sưu tầm thành bộ "Lời thuyết Đạo" sách trên 2 nghìn trang chia làm 5 quyển. Quí nhứt là quyển "Con Đường Thiêng Liêng Hằng Sống", và quyển "Bí Pháp" của Đạo Cao Đài. Các phố chợ, đường sá và nhà đất cũng được kiến thiết và phân chia trong thời kỳ này.

Thời kỳ này, chấm dứt bằng buổi Lễ Khánh Thành Toà Thánh Tây Ninh kéo dài trong 10 ngày (từ ngày 29-1 đến 8-2-1955 năm Ất Mùi) vô tiền khoáng hậu trong lịch sử Cao Đài giáo. Buổi lễ được hầu hết các quan khách quốc tế đến tham dự, có cả Thủ tướng Ngô Đình Diệm, người đã tạo ra biến cố 1955, chấm dứt giai đoạn vàng son đó.

Số tín đồ Cao Đài, trong 10 năm này tăng một cách nhanh chóng: 1953 có 1 triệu rưởi (1.500.000 ) người, chưa kể các chi phái, đến năm 1954 lên đến 2 triệu rưởi (2.500.000). Cũng nên biết là người theo Đạo Cao Đài nhập môn, lập thệ và có "Sớ Cầu Đạo" hẳn hoi. Tất cả đều được liệt kê vào bộ sổ chứ không ước đoán.

2 . Hội nghị Nhơn Sanh và Phước Thiện:
Sau khi Đức Phạm Hộ Pháp trở về Toà Thánh Đức Ngài triệu tập Hội nghị Nhơn Sanh để chấn chỉnh guồng máy Đạo. Trong huấn từ khai mạc Đại Hội ngày 1-12-Bính Tuất, Đức Ngài nói:

"Đã trót 5 năm dư, Bần Đạo bị đồ lưu nơi hải ngoại, thì đã từng chịu biết bao nhiêu là sự đau khổ tâm hồn, nỗi lo cho tương lai của Đạo, nỗi sợ cho vận nước tránh không khỏi nạn chiến tranh loạn ly, nặng nơi lòng một tình thương nhớ cả con cái của Chí Tôn trót triệu chơn linh của Người giao gìn giữ.
... ... ...
Con hạc lạc hồi quê, nhìn không nhớ tổ, xem nước non đổi vẻ thay màu, thảm thiết nơi lòng tuôn châu đổ ngọc, sắp muốn kêu cùng cuối một tiếng nỉ non giục kẻ tri âm hồi đáp. Ôi! Dưới bức thê lương nầy ai là tri kỷ, tri âm cùng Bần Đạo, ngoài ra chư Hiền Hữu, Hiền Muội thì Bần Đạo đã kiếm đặng ai. Tưởng khi các bạn cũng có lẽ tội nghiệp cho con hạc bịnh nầy, mà để tai lóng tiếng. ... ... ...
... ... ... Vậy Bần Đạo cúi mình cậy các bạn một điều rất nên yếu thiết là: Hòa giọng đau thương cùng con hạc lạc nầy đặng giục lòng bác ái một cảnh an nhàn thiêng liêng cho toàn sanh chúng. Bần Đạo đã nhiều lo ngại cho căn số con cái của Chí Tôn trong buổi phiêu lưu nơi hải ngoại, e ra vì nhẹ dạ của đôi phần tử Thánh Thể của Thầy, nên vừa để gót về đất Tổ Đình thì đã quên hẳn mảnh thân tiều tụy hao mòn, vội cầm quyền của Đạo đặng sửa đương cho đẹp vẻ chơn truyền, rồi lại tìm phương hiểu tận những điều khuyết điểm, hư hại hầu giồi mài thêm nữa, nên tức cấp mở Hội Nhơn Sanh đặng phục vụ quyền Vạn Linh như trước. (TĐHP Q1/03)"

Mười lăm hôm sau, khai mạc Đại Hội Phước Thiện (tức ngày 15 tháng 12 Bính Tuất 1946) Đức Ngài nói:

"Hội Thánh có hai Cơ Quan: Hành Chánh và Phước Thiện thường tương khắc nhau, song chưa tìm chơn lý để hòa nhau, ngày nào chưa hòa nhau là còn thất sách, bất lực thì không thi thố phận sự trọng yếu cho ra thiệt tướng được.
... ... ...
Ấy vậy mấy em phải rán sức, định tâm lấy tinh thần vi chủ nêu gương cho mấy em sau nầy đi theo. Nếu khối phàm còn trong óc mấy em thì không bao giờ đoạt mục đích tối cao, tối trọng được, phải có khối óc thiêng liêng mới mong thay hình Thánh Thể Chí Tôn đối với con cái Ngài là quần linh." (TĐHP Q1/04)

Như vậy, vừa khai Hội Nhơn Sanh và Phước Thiện vừa thông báo chính thức cho toàn thể con cái Đức Chí Tôn hay rằng Đức Ngài tái thủ quyền Vạn Linh khuyên toàn Đạo chung hiệp xây dựng tổ đình và chơn truyền Đại Đạo.

3 . Lễ trấn thần Toà Thánh Tây Ninh:
Vào ngày 6 tháng 1 năm Đinh Hợi (27-1-1947) Đức Phạm Hộ Pháp làm lễ trấn thần Đền Thánh. Cũng nên nhắc lại Toà Thánh khởi công năm 1933, bị ngưng trệ vì ảnh hưởng lủng củng nội bộ. Năm 1936 Đức Ngài ra lệnh khởi công tạo tác lại. Đến ngày 3 tháng 1 năm Đinh Hội các công thợ làm lễ bàn giao Đền Thánh cất xong cho Hội Thánh. Đến ngày này thì Đức Phạm Hộ Pháp dạy Lễ Viện cúng giờ mẹo rồi làm phép trấn thần.

Đúng chín giờ ngày 6-1-Đinh Hợi, Đức Hộ Pháp mặc Tiểu phục, dạy Thừa Sử Huỳnh Hữu Lợi và Truyền Trạng Phạm Ngọc Trấn theo Đức Ngài đến Báo Ân Từ. Đức Phạm Hộ Pháp vào Điện làm lễ xong dùng nước âm dương giao cho Thừa Sử Lợi, Đức Ngài lấy 3 bó nhang hành pháp xong thì giao cho Truyền Trạng Trấn.

Khi đến Đền Thánh, Đức Ngài ngó ngay Thiên Nhãn trước Phi Tưởng Đài rải Cam lồ thuỷ và cầm nhang làm phép trấn thần. Kế tiếp đến tượng Phật Di Lạc, tượng Đức Quyền Giáo Tông, Bà Nữ Đầu Sư đến tượng Ông Thiện, Ông Ác.

Sau đó, Đức Ngài vào cửa Đền Thánh, đứng ngó vào Tịnh Tâm Điện trấn thần cái Cân Công Bình trên ngưỡng cửa, Đức Ngài nói: "Kể từ đây cái cân công bình thiêng liêng của Đức Chí Tôn đã biến tướng thiệt hiện ở thế gian này, để phân công chiết tội và định phẩm vị toà sen của toàn con cái của Ngài".

Đức Ngài sang phía trái Đền Thánh, đứng ngang Cửu Trùng Đài cách 12 thước, trấn thần Long Mã. Trên lưng Long Mã có bộ Lạc Thơ Bát Quái và Cây kiếm, nên có câu "Long Mã phụ hà đồ". Long Mã chạy về tây mà đầu quay về phía Đông, ý nghĩa Đạo xuất từ Đông, đem từ Đông sang Tây cứu vớt chúng sanh.

Kế Đức Ngài đến Bát Quái Đài ngó lên trên trấn thần Tam Thế Phật:
1 - Phật Brahma: đứng trên một con Thiên nga nhìn thẳng, đó là ngôi thứ nhứt, tượng trưng Thánh Đức, thuộc về Cơ Sanh Hoá.
2 - Phật Civa: đứng trên thất đầu xà (rắn 7 đầu) nhìn thẳng bên phải về phía Tây lang Toà Thánh. Đó là ngôi thứ hai, tượng trưng phần âm có sanh có diệt, ấy là Cơ Bảo Tồn.
3 - Phật Christna: đứng trên con giao long nhìn qua trái. Đó là ngôi thứ ba tượng trưng phần trí não, thuộc Cơ Tranh Đấu.

Đức Phạm Hộ Pháp đến trấn thần bốn con Kim mao hẩu ở hai nấc thang bên phải Đền Thánh. Rồi Đức Ngài vào cửa Cửu Trùng Đài, sang qua bên tả trấn thần 4 con Kim mao hẩu. Đức Ngài nói: "Con Kim mao hẩu rất mạnh và khoẻ, tượng trưng cái năng lực tinh thần con người, nhờ nó mà qua các từng trời về cùng Thầy".

Sau đó Đức Ngài vào cửa bên trái Cửu Trùng Đài, trấn thần Thiên Nhãn quanh tổ đình, lần lượt xuống tới Bát Quái Đài, rồi sang bên phải, cả thảy là 23 Thiên Nhãn ngó ra ngoài. Vào trong đến cửa Cửu Trùng Đài bên phải, lên trấn thần tượng Bát Tiên và sang bên tả trấn thần tượng Thất Hiền. Rồi Đức Ngài trở xuống bàn Hộ Pháp trấn thần chữ Khí (*1), Ngai Hộ Pháp có một con rắn 7 đầu: Thất đầu xà, cái thân nó quấn dưới ngôi Hộ Pháp, đưa lên trên 3 đầu và gục xuống 4 đầu, choàng cái mình quấn dưới ngôi Thượng Phẩm và cái đuôi dưới ngôi Thượng Sanh.

Khi tọa, Đức Hộ Pháp hai chân đạp lên hai đầu có tên AI, CỤ, hai tay đè 2 đầu Ố, DỤC, 3 đầu sau lưng là: HỈ, LẠC, ÁI.

Còn 23 Thiên nhãn nhìn vào trong Đền, Đức Ngài không trấn thần vì người Đạo quì ngang sợ ô uế.

Ngài Trương Hiến Pháp nói: "Vì lời tiên tri của Đức Hộ Pháp nên Hội Thánh rất lo ngại, nên quyết đúc tượng của Đức Ngài gấp rút để trấn trên Thất Đầu Xà, mục đích trấn áp thất tình của con người, để tránh bớt biến cố trong Đạo, vì lời tiên tri ấy đã biểu hiện rõ nét từ ngày Đức Thượng Sanh về cầm quyền tối cao trong Đạo". (Hiến pháp HTĐ Trương Hữu Đức, trang 13-14).

(*1) Đức Lý vẽ chữ KHÍ ( ) : Tam tự nhất thể (ba chữ khí vẽ làm một)

4 . Lễ xuất quân Quân Đội Cao Đài:
Quân đội Cao Đài thoát thai từ hãng tàu Nitinan với danh hiệu Nội Ứng Nghĩa Binh đã tham gia cuộc đảo Pháp ngày 9-3-1945. Nhưng mãi đến 8-1-Đinh Hợi (1947) mới chính thức làm lễ xuất quân và có quân kỳ 3 màu vàng, xanh, đỏ, trên góc bánh xe tiến hoá. Trong dịp này, Đức Phạm Hộ Pháp có hiểu dụ: "Ngày hôm nay lá cờ của Chi Thế ra mặt với đời cùng cây Thư Hùng Kiếm của nó, y theo lời hứa của Đức Chí Tôn lập cho nước Việt Nam một nền Quốc Đạo, cơ quan cứu sanh cho vạn loại.
... ...
Vậy Quân Đội Cao Đài phải giữ gìn thanh gươm nghĩa hiệp, lá cờ nhơn nghĩa cho vững vàng". ... ... (TĐHP Q1/10)

Việc thành lập quân đội có nhiều người công kích nhưng thật ra không phải ý kiến riêng của Đức Hộ Pháp mà Đức Ngài phải nhận lãnh nơi quyền Thiêng liêng giao phó và trong di sản những ngày vắng mặt trên nước Việt Nam. Trong một đàn cơ do Đức Ngài và Ngài Khai Pháp Trần Duy Nghĩa cầu đêm mùng 1 tháng 3 năm Mậu Tý (1948) Đức Lý Giáo Tông giáng dạy như sau:

"Hiền hữu khuynh tâm vì Lão và Thượng Trung Nhựt lập quân đội khi hiền hữu vắng mặt có phải? Tình cảnh đôi ta phản trắc. Lão là Thiên điều mà cầm quyền trị thế, còn hiền hữu tại thế mà nắm Thiên điều.

Lão xin nhắc lại, khi hiền hữu tịnh pháp tại Thủ Đức (1929) Lão đã nói: cơ chuyển thế, Trời người hiệp nhứt, hiền hữu có nhớ? Cười....
THI
Việt Thường hữu phúc xuất thiên quân,
Chuyển thế Chí Tôn vĩ định tuần.
Trị loạn Nam phương trừ mạnh hổ,
Thừa binh Bắc địa kiến kỳ lân.
Hoàng triều hậu nhựt nghi tùng cổ,
Văn hiến tương lai khả hoán tân.
Thánh chúa hiền thần phò tổ nghiệp,
Khải ca định vận tại thu phân."

Trong "Bản tuyên ngôn" ngày 20 -3-Bính Thân (30-4-1956), Đức Hộ Pháp xác nhận rõ việc lập Quân đội Cao Đài như sau:

"Sau 5 năm 2 tháng bị đồ lưu nơi hải ngoại, Bần Đạo đã để hết sức lực và tâm não đặng nghiên cứu và thi hành các phương pháp bảo vệ phong trào cách mạng và ách lệ thuộc của Tổ quốc và giống nòi. Lại tìm phương hay bảo thủ tinh thần dân tộc hầu đủ phương thống nhứt hoàng đồ, tránh nạn Nam Bắc phân tranh, nồi da xáo thịt.

Rủi thay! Khi trở về nước Bần Đạo đã bị trong cảnh ngộ khó khăn là sự chia rẻ của hai miền: Nam thì Quốc gia, Bắc thì Cộng sản. Trong cuộc tranh đấu họ đã gây thù kết oán với nhau rất nhiều và khối quân lực của Cao Đài là tay mở màn cách mạng đã đảo chánh, chánh quyền Pháp quốc. Bần đạo trong khi ấy không có ý định gìn giữ tồn tại quân lực Cao Đài. Nhưng vì trường hợp tranh đấu ấy đã gây hấn quá kịch liệt giữa khối Quốc gia và Cộng sản, nên cả tín đồ Cao Đài đã bị khủng bố tàn sát quá thê thảm, và quá nhiều vì lằn tên mũi đạn của Pháp và Việt Minh, nên buộc lòng Bần đạo phải chấp nhận vào hàng ngũ của khối quốc gia và trong phận sự thiêng liêng tranh đấu đặng thực hiện độc lập.

Khi Đức Bảo Đại về nước, chính mình Bần đạo giao trọn quyền sử dụng quân đội Cao Đài cho Đức Ngài điều khiển trong hàng ngũ Quân Lực Quốc Gia. Kịp khi Đức Ngài đi Pháp mới tạm giao quân lực ấy lại cho Bần đạo. Trong lúc vắng mặt Đức Ngài đã ra lịnh cho hai Chánh phủ của Thủ tướng Nguyễn Văn Tâm và Bửu Lộc thi hành hợp pháp quốc gia hoá Quân Đội Cao Đài. Nhưng sự thi hành ấy vẫn kéo dài cho tới ngày Chánh phủ Ngô Đình Diệm thọ phong toàn quyền cũng chưa quyết định. Bần Đạo phải nhắc nhở và cầu cho Chánh phủ Ngô Đình Diệm quốc gia hoá Quân Đội Cao Đài một cách hợp pháp. (*1)

Bần Đạo không buổi nào muốn giải quyết vận mạng nước nhà với quân lực, mà chỉ dùng phương pháp đạo đức đặng đem hoà bình hành phúc lại cho giống nòi."

Theo Hiệp ước ngày 8-1-1947 ký giữa đại diện chánh phủ Pháp và Đức Phạm Hộ Pháp nên Đức Ngài kêu gọi tín đồ giúp Pháp. Nhưng theo Thánh Lịnh số 149 ngày 21-1-Kỷ Sửu (21-2-1949) thì: "Nghĩ vì Quân Đội Cao Đài chẳng có lẽ gì, bởi giúp quân đội Pháp thi hành hiệp ước mà bỏ qua cho được cái sứ mạng thiêng liêng tái phục hoàng đồ phụng sự tổ quốc. Nghĩ vì, nhà cầm quyền Pháp không thực hành đúng theo hiệp ước ngày 8-1-1947, nên Hội Thánh nhứt định cho toàn đạo hữu Cao Đài giáo sẽ giải giáp, đứng trung lập mà thôi."

Xem thế, người Cao Đài thừa biết rõ dã tâm của Pháp. Họ hợp tác với Pháp chẳng qua vì cái thế lúc bấy giờ, nhưng vẫn ngầm chống lại Pháp. Bằng chứng hiển nhiên là Tướng Trịnh Minh Thế vào rừng ngày 7-6-1951 lập chiến khu để chống Pháp với danh nghĩa MẶT TRẬN LIÊN MINH QUỐC GIA KHÁNG CHIẾN gọi tắt là LIÊN MINH. Sau khi quốc gia hoá quân đội Cao Đài, Tướng Trịnh Minh Thế về thành hợp tác với Chính phủ Ngô Đình Diệm, nhưng bị đạn chết một cách mờ ám vào tháng 5 năm 1955 trên cầu Tân Thuận (Nhà Bè).

(*1) Chánh phủ Ngô Đình Diệm đã quốc gia hoá Quân Đội Cao Đài vào ngày 02-05-1955

5 . Lễ rước quả càn khôn an vị Toà Thánh:
Quả càn khôn được Thánh giáo chỉ vẽ từ lâu, nhưng chưa thực hiện được như Thánh ý. Đến 8-1-Đinh Hợi mới rước quả Càn Khôn từ Báo Ân Từ về Đền Thánh mà toàn Đạo ngày nay đồng kính bái.

Đức Hộ Pháp đã thuyết giảng "Ngày nay đã dời quả Càn Khôn về Đền Thánh, Đức Chí Tôn đã ngự nơi Ngai của Ngài, chúng ta nên mừng cho nhơn loại được ảnh hưởng nơi Đền Thánh nầy mà tiến hóa mãi lên.
Đền Thánh kể từ đây không còn ai xem nó là vôi, cát, xi măng nữa, mà là một khối đức tin của toàn con cái của Đức Chí Tôn đã tượng nên hình vậy.
Nhờ những bàn tay khéo léo của mấy em, mấy con, thợ hồ, thợ mộc đã chịu đói rách khổ cực hơn 10 năm trường mới dày công đào tạo nên. Từ đây một sắc dân nào có đủ đức tin nơi Chí Tôn là Chúa Tể vạn loại thì dầu ở nơi phương trời nào, họ sẽ hướng về Đền Thánh mà cầu nguyện hàng ngày hàng giờ để mong hưởng phước lành của Ngài.
Đền Thánh làm xong, nền Đạo đã vững vàng, chúng ta sẽ dẹp lần cái bạo tàn của đời để dìu dắt nhơn loại đi vào con đường gầy dựng lại trật tự hòa bình cho cái năng lực nhơn nghĩa, chúng ta sẽ đem hạnh phúc lại cho thiên hạ trong buổi chuyển thế nầy." (TĐHP Q1/11)

Ngài Trương Hiến Pháp giải thích sự tích quả Càn Khôn như vầy:

"Thể theo Thánh ý, chư chức sắc tạo quả Càn khôn đầu tiên ...... vì rủi ro, quả Càn khôn ấy cháy tiêu hết, duy có Thiên nhãn thì còn y nguyên.

Hội Thánh kiến tạo quả Càn khôn khác thay thế. Hội Thánh đồng tình biểu quyết lấy lại Thiên nhãn cũ đặt lên quả Càn khôn mới ngày nay ... Khi hạ quả Càn khôn cũ, cả thế giới và trong Đạo đều chấn động." (Xem thêm Hiến pháp Trương Hữu Đức cùng người viết)

6 . Báo Ân Từ:
Nơi thờ phượng Đức Phật Mẫu hiện nay gọi là Báo Ân Từ. Đền này được trần thiết thờ Đức Phật Mẫu từ ngày 1-2-Đinh Hợi (1947) (*1), sau khi rước quả Càn Khôn về Đền Thánh.

Đức Phạm Hộ Pháp trong ngày lễ an vị có giảng:
"Từ đây chúng ta rất hân hạnh thờ Phật Mẫu tại Báo Ân Từ. Buổi mới mở Đạo Bần Đạo biết công nghiệp của Phật Mẫu thế nào, Ngài và Cửu Vị Nữ Phật dìu dắt con cái của Đức Chí Tôn từ ban sơ đến ngày đem chúng ta giao lại cho Thầy.
Ngày mở Đạo, vì cái tình cảm ấy, các vị Đại Thiên Phong buổi nọ xin thờ Phật Mẫu ở Đền Thánh, thì Phật Mẫu cho biết rằng: Quyền Chí Tôn là Chúa còn Phật Mẫu là tôi, mà tôi thì làm sao ngang hàng với Chúa, chúng ta thấy Phật Mẫu cung kính Chí Tôn đến dường ấy không gì lường được". (TĐHP Q1/15)

Vào năm Nhâm Thìn (1952) nhân dịp sửa lại Báo Ân Từ. Đức Hộ Pháp chỉ vẽ đắp các tượng:
1 - Trên hết, Đức Phật Mẫu cưỡi chim Thanh Loan
2 - Dưới đắp 9 tượng Cửu vị Nữ Phật.
3 - Liên tiếp đắp bốn vị Nữ nhạc
4 - Tượng Đông Phương Sóc, nhà văn hoá đời Hán
5 - Tượng Đức Cao Thượng Phẩm

Việc tạc hình Đức Cao Thượng Phẩm thay cho Hán Võ Đế, Đức Hộ Pháp giải thích:
"Nguyên căn Hớn Võ Đế là Hớn Chung Ly giáng sanh thành lập nước. Kỳ hạ nguơn này, Đức Cao Thượng Phẩm cũng là ngươn linh của Hớn Chung Ly tái thế lập thành Quốc Đạo, nên tạc hình Đức Cao Thượng Phẩm".

Đức Hộ Pháp dạy đắp chơn dung Đức Phật Mẫu:
"Hình của Đức Phật Mẫu đắp theo hình chưng cộ bông Cửu Nương lần đầu tiên, vào ngày 15-8-Đinh Hợi. Hồi đó mượn của bà Phối Sư Hương Hiếu

Đức Phật Mẫu có từ thuở khai thiên do khí âm dương tạo thành, có quyền năng vô đối cũng như Đức Chí Tôn, hữu hữu vô vô, nắm trọn mầu nhiệm của Càn khôn vũ trụ. Chớ không phải bí pháp biến thành thể pháp do hiện tượng sự tích đời Hán Võ Đế có nghĩa là chỉ mượn ý tạc hình đã có, chớ Phật Mẫu vốn vô vi."

(*1) Đền thờ Phật Mẫu chính chưa thiết lập, định xây trên lộ Bình Dương, ngoài cửa Hoà Viện.

7 . Đạo Đức Học Đường:
Sau khi dời Thánh Tượng từ Gò Kén về chùa mới hơn một năm. Hội Thánh hội nghị quyết định mở trường khai dân trí.

Chương trình học theo chương trình nhà nước.
Tiểu học có các môn: Việt Văn, Pháp Văn, Toán, Lịch sử, Địa lý, Cách trí, Vệ sinh, Nhạc, Vẽ, Thủ công, cộng thêm các môn của Đạo: Giáo lý, Hán văn.

Các lớp: Đồng ấu (Cours enfantin), Dự bị (Cours prépa toire), sơ đẳng(Elémentaire), Trung đẳng (Moyen), Cao đẳng (Supérieur) để thi tiểu học.

Trung học có các môn: Việt Văn, Pháp Văn, Toán, Vật Lý, Hoá Học, Sử Địa, Nhạc, Vẽ, Thủ công, cộng thêm các môn của Đạo: Giáo lý, Hán Văn.

Các lớp: năm thứ nhứt (cours 1è année), thứ hai (2è année), thứ ba (3è année), thứ tư (4è année) để thi Brevet.

Tháng 9 năm 1928 khai giảng năm học đầu tiên, trường Đạo Đức Học Đường có tất cả 210 học sinh. Nhân ngày lễ phát thưởng năm đầu tiên cho học sinh trường Đạo Đức vào ngày 14-7-Kỷ Tỵ (18-8-1929) Ngài Thượng Đầu Sư đến dự lễ để khích lệ thầy cô giáo và các em học sinh. Ngài nói:
".... Trong mấy năm dư Đạo nghèo, nên mấy em chịu phần hui hút, còn mấy anh đây lại bị kẻ thúc người đè, cũng không săn sóc mấy em trẻ dại, để mấy em chiu chít như gà kia mất mẹ.
    Ít người xét cổ suy kim, mới biết rằng Tôn Giáo nào cũng nhờ học thức mà thìn mối Đạo, truyền Chánh Giáo mới đặng tròn câu phổ độ. Đạo nghèo đồng tiền eo hẹp, còn thầy giáo huấn không một đồng lương, lại thêm ngày ngày dạy dỗ ấu nhi, phải làm công quả vui cùng sanh chúng, học sinh Đồng nhi Nam Nữ tập viết bằng lá buông, chỗ ngủ lấy ván sạp làm giường, bề ăn uống tương rau hẫm hút. Ba năm dư mới rảnh chút thì giờ, mấy anh đây mới lập trường mà phát thưởng, lễ đơn sơ để dạ yêu thương, giục mấy cháu hết lòng lo đạo đức."
(Tiểu Sử Đức Q. Giáo Tông Thượng Trung Nhựt / Ban Đạo Sử ấn hành năm 1973)

Bài huấn dụ của Ngài Thượng Đầu Sư cho ta thấy mấy ý như sau:
- Lấy ván sạp làm giường: Thật vậy, nhà giáo viên, nhà lưu trú học sinh đều kê đơn sơ bằng gỗ xẻ thành ván. Phần bìa thân cây thì làm bàn, băng cho học sinh. Ai có sống, có học trong những năm hai mươi của thế kỷ XX mới thấm thía được lời chân thật mà thân yêu, trìu mến của người anh Cả.
- Ăn uống tương rau hẩm hút: Thật ra là nước muối, rau lang suốt lá từ gốc tới ngọn (chớ không chỉ ăn ngọn), chuối xắc nguyên cây, bữa cháo bữa củ mì. Các học trò thời ấy nói vui với nhau: "Nước tương Đại Đạo, cơm cháo Tam Kỳ, củ mì Phổ Độ".

Chao ôi! ăn uống như thế. Học lấy kiến thức để sau nầy "phổ độ nhân sanh". Lý tưởng của trường đề ra thật cao, qua câu liễn:
Đạo Đức truyền lưu hậu tấn hiếu trung phò xã tắc,
Học Đường giáo hoá thơ sanh nhân nghĩa lập giang san.

- Tập viết bằng lá buông: Cái nghèo khó thử thách lòng trang hiếu học. Học mà không có tập mà phải viết bằng lá buông. Các thầy thương trò mà phát minh ra tập lá.

Nhưng ngày nghỉ học, thầy trò đi dã ngoại tìm rừng lá buông cắt đem về, rọc bỏ phần sống lá. Thân lá được cắt từng đoạn dài đều nhau độ 20cm, rồi đem phơi khô để lá buông từ màu xanh lục chuyển sang màu vàng nhạt. Sau đó, xếp lá chồng lên nhau rồi lấy tấm ván ép cho bằng phẳng, gọi đó là tập lá.

Mực viết trên lá buông là cỏ mực. Cỏ mực nhổ trên ruộng rẫy về rồi giả nhuyễn, vắt lấy nước, vô bình mực chia cho các học sinh. Chao ôi! cái học kiểu "Trần Minh khố chuối" như thế mà "Hiếu trung phò xã tắc" là tấm lòng thiết thạch đối với quê hương, có chi sánh nổi.

Sang năm 1931, Thượng Chánh Phối Sư báo cáo trước Hội Nhơn Sanh có đoạn viết:

"Trong Toà Thánh có lập một Đạo Đức Học Đường để dạy trẻ em, có 8 lớp học, 6 lớp con trai trình độ lớp nhì, một lớp con gái Việt, 1 lớp con nít Đàn Thổ (Tà Mun). Tất cả được 274 trò. Các thầy dạy điều có bằng sơ học, làm công quả, không lấy tiền. Học trò cũng không đóng học phí.

Ngoài ra, cứ mỗi tối những người công quả nội ô Toà Thánh ước chừng 400 người đều phải theo học. Có những lớp dạy chữ, dạy kinh, dạy đạo tuỳ theo sự hiếu học của mỗi người."

Báo cáo của Hội Nhơn Sanh năm 1932 xác nhận có nhiều tiến bộ:

"Trường Đạo Đức Học Đường năm nay có mở thêm được ba lớp học nam nữa. Một lớp năm thứ nhì (Cours 2 è année) và hai lớp Đồng Ấu (Cours Enfantin), cộng chung là 11 lớp. Số học trò được 417. Trong đó có 312 trò nam và 105 trò nữ, thêm được 143 trò, nhiều hơn năm ngoái.

Kỳ thi tiểu học vừa rồi, nhà trường có 26 trò đi thi đều đậu hết. Có 21 trò đậu luôn phần Pháp văn (mention francaise). Mấy cô giáo và thầy giáo dạy nơi trường đều siêng năng lo lắng dạy dỗ. Không người nào ăn lương bổng hết."

Ta thấy tinh thần thầy cô qua mấy chữ "siêng năng lo lắng" và "không lương bổng". Dạy ngày không đủ, các thầy cô tranh thủ dạy đêm. Các học trò từ xa xôi ngoại ô Thánh Địa, tay cầm đèn chông, chân trần mò mẫm đêm hôm khuya khoắt vào Đạo Đức Học Đường để ôn thi. Sự tận tâm kia với kết quả 100% thật là xứng đáng.

Truyền thống đó được nối dài cho đến tận năm 1952. Năm đó, trường có 60 lớp lợp bằng tranh, tường xây gạch đất không nung (gạch sống), chỉ có một dãy lớp ngói ở phía trước cho các lớp 1è annéc, 2è année. Có 10 lớp Cao Đẳng (Cours supérieur) đi thi tiểu học với 5.393 thí sinh thi tại Tỉnh lỵ, chỉ rớt một trò vì bị bịnh bất thường. Đó là thành quả kỷ lục đền đáp công ơn thầy trò dạy và học hằng đêm, làm rạng danh đạo thời ấy.

Chính năm 1952, ngôi trường phổ thông ở trên đường Hoàng Tòng Hướng, ngoài cửa số 7 ngoại ô được trùng tu và cất thêm hai dãy để nhận học sinh vừa mới thi đỗ tiểu học. Nhà trường phải mở 12 lớp Đệ Thất vì phải nhận thêm hai lớp cho học sinh ngoài tỉnh.

Ngày khai giảng, Đức Phạm Hộ Pháp đến dự và đổi tên trường Phổ thông thành trường Nghĩa thục Lê Văn Trung để nhớ ơn Đức Quyền Giáo Tông người có công đầu tiên khai hoá nhân sanh tại vùng Thánh Địa.

Con cháu nối bước. Năm 1961, giáo sư Trần Văn Rạng dạy trường Trung học Công lập Tây Ninh đưa đơn xin phép lập "Hội Ái Hữu Cựu Sinh Đạo Đức và Lê Văn Trung" được Bộ Nội Vụ cấp giấy phép hoạt động số 128-NĐ ngày 20-10-1961.

8 . Đoàn Hướng Đạo Sinh Cao Đài:
Cuối năm 1949, ảnh hưởng chiến tranh, nhiều gia đình di cư về Toà Thánh, đem theo con cái vô nghề rỗi công. Trước hoàn cảnh đó, giáo sư Hồ Thái Bạch (Hiền Tài) họp cùng một số người đồng chí hướng lập ra Bá Nghệ Đoàn.

Trụ sở Đoàn nằm giữa Đường Nhơn và Bắc Tông Đaọ. Bá Nghệ Đoàn dạy cho thanh thiếu niên nhiều nghề như mộc, hồ, đan, khắc mộc gỗ... Trong đó, chỉ có hai nghề đan mây tre lá và khắc mộc gỗ cho Chơn Truyền Ấn quán có nhiều người theo học và phát triển nhất.

Số thanh thiếu niên tụ tập ngày càng đông. Giáo sư Bạch quyết hợp thức hoá với Đạo và Đời. Ông làm đơn gởi lên văn phòng Hộ Pháp xin thành lập Đoàn Hướng Đạo Sinh Cao Đài và Đạo Linh Sơn với Hội Hướng Đạo Việt Nam.

Ngày 5 tháng 5 năm Nhâm Thìn (1952), Đức Hộ Pháp ký Thánh lịnh số 18/TL cho phép Đoàn Hướng Đạo Sinh Cao Đài được phép hoạt động theo lời hứa và Luật Hướng Đạo.

LỜI HỨA HƯỚNG ĐẠO
Tôi xin lấy danh dự của tôi mà hứa rằng:
- Làm tròn bổn phận đối với tôn giáo và tổ quốc
- Giúp ích mọi người bất cứ lúc nào
- Tuân theo luật Hướng Đạo

LUẬT HƯỚNG ĐẠO
1 . Hướng Đạo Sinh là người trọng danh dự.
2 . Hướng Đạo Sinh tuân theo luật Đạo, luật nước và người cộng sự.
3 . Hướng Đạo Sinh giúp ích mọi người bất cứ lúc nào.
4 . Hướng Đạo Sinh là bạn của mọi người.
5 . Hướng Đạo Sinh lễ độ và nhã nhặn.
6 . Hướng Đạo Sinh yêu các giống sinh vật
7 . Hướng Đạo Sinh vâng lời.
8 . Hướng Đạo Sinh vui vẻ khi gặp khó khăn.
9 . Hướng Đạo Sinh biết tiết kiệm của người và của mình.
10 . Hướng Đạo Sinh trong sạch từ tư tưởng, lời nói đến việc làm.

BÀI HÁT CHÍNH THỨC
Của Đoàn Hướng Đạo Sinh Cao Đài
Lời và nhạc: Vân Đằng
Đưa nhau lên đường anh em thanh niên
Kiến tạo thanh bình chúng ta bước đều
Hướng Đạo Sinh Cao Đài! HĐS nhân nghĩa,
Hướng Đạo Sinh Cao Đài! Từ bi, bác ái, công bằng.
Ta đi lên gieo vui tươi muôn nơi
Ta đi lên, người HĐS. Cao Đài!

Để thực thi luật Hướng Đạo "giúp ích mọi người", Ban Huynh Trưởng hội họp quyết định thành lập trường tiểu học Minh Đức - Tân Dân. Cơ sở trường đặt trong nội ô ở gần cửa số 3.

Trường do huynh trưởng Lê Hoàng Hải (Lễ Sanh) làm cai trường. Ban giáo viên gồm có: Nguyễn Thành Kỉnh, Nguyễn Văn Trạng, Lê Văn Cẩn....

Những học sinh cô nhi, con chức sắc neo đơn đều được ăn cơm tại Trai đường của Đạo. Ban giáo viên ăn cơm tại trụ sở Hướng Đạo do tiền lương của giáo sư Bạch cung cấp. Ngoài ra, không có lãnh khoản tiền nào khác và được cầu phong vào hàng chức sắc. Trường phải đóng cửa vì Ban Thanh Trừng.

Các ngày lễ lớn, Đoàn Hướng Đạo Sinh Cao Đài lãnh tổ chức các cuộc vui như đốt lửa trại, trình diễn văn nghệ, biểu diễn xếp chữ, trồng tháp.

Hoạt động của Đoàn từ 1952 đến 1955 có ba điểm son lớn:
- Giúp đỡ tương trợ đồng bào bị lụt năm Nhâm Thìn (1952) ở Tây Ninh.
- Lưu diễn văn nghệ ở miền Tây với Quái kiệt Trần Văn Trạch giúp đồng bào bị hoả hoạn ở chợ Thiếc năm 1953 (Sài gòn).
- Giúp đồng bào di cư 1954 tại trại tạm cư Trường Trung Học Lê Văn Trung và những hoạt động từ thiện khác.

9 . Văn phòng Hiệp Thiên Đài:
Hiệp Thiên Đài có thì Cao Đài giáo mới phát sinh. Hiệp Thiên Đài là cơ quan thông công với các Đấng Thiêng Liêng. Toà nhà này toạ lạc trên Bình Dương Đạo (nay đổi là Đại lộ Phạm Hộ Pháp ) và được khánh thành vào ngày 8-12-Đinh Hợi (1947).

Câu liễn:
HIỆP nhập Cao Đài bá tánh thập phương qui chánh quả
THIÊN khai huỳnh Đạo ngũ chi Tam giáo hội Long Hoa.

Đức Hộ Pháp có đến thuyết giảng, trích lược một vài đoạn như sau: "Các Đấng tự hữu, hằng hữu, thiên hạ tưởng không có, họ lầm từ trước, người ta tưởng Đấng ấy không có, Đấng ấy đã có từ tạo thiên lập địa, ... ... ...
Đấng ấy có mơ mộng gì vô hạn? Nhứt là Ngự Mã Quân của Chí Tôn biết trước hơn ai hết, bởi vì Ngài có dạy, trước hết là Ngài bỏ Huỳnh Kim Khuyết, bỏ Thiên Cung đòi xuống trần dạy con cái của Ngài lập phương giải khổ. Nếu tôi không lầm, cơ bút đã cho tôi biết các bạn Hiệp Thiên do nơi đâu sản xuất? Do để giữ quyền Thiêng Liêng nên mới có 12 vị Thời Quân, Thập Nhị Địa Chi, tức là cảnh Thiêng Liêng vô hình của chúng ta. ... ... ...
Trước khi lãnh lịnh trên Bạch Ngọc Kinh tạo nền Chơn Giáo, Chí Tôn quyết định có Ngài giáng thế mới được, Ngự Mã Quân không cho, bắt buộc phải có người thay thế cho Ngài tức là Thánh Thể của Ngài tại đây.
Ngài đi mà không cho thì phải có hình ảnh thế cho Ngài mới được. Hình ảnh của Ngài là Hội Thánh Cửu Trùng Đài và Hiệp Thiên.... (TĐHP Q1/49)".

Từ ngày lập giáo HTĐ chỉ quy định có 4 cặp cơ: 1- Cơ lập giáo (Cư, Tắc); 2- Cơ lập pháp (Hậu, Đức); 3- Cơ truyền giáo (Sang, Diêu); 4- Cơ bí pháp (Nghĩa, Tràng).

10 . Tiếp xúc với toàn quyền Đông Dương:
Khi từ nhiệm ở Việt Nam toàn quyền Bollaert mời Đức Hộ Pháp xuống Sài gòn ngày 4-9-Mậu Tý (1948) để tham luận.

Khi về Đức Ngài có thuyết giảng như sau: "Cốt yếu Bần Đạo đến Sài thành kỳ nầy là do Quan Thượng Sứ mời Bần Đạo, vì Ngài sắp về Pháp, Ngài từ vị của Ngài không còn làm Thượng Sứ nơi xứ nầy nữa. Thạnh tình của Ngài đối với Bần Đạo có chỗ cao kỳ nên mời Bần Đạo đến đó sở định, chúng ta nên biết có lạ chi, dầu cho một gia đình kia cũng lấy nhỏ mà luận lớn. Như một ông Trưởng Tộc họ nầy nếu tự nhiên có liên lạc chi với họ khác, khi phải đối đầu quyền lợi chung cho Tông môn hai họ, không phải một mình ông quyết định đặng. Bởi hai họ đương đầu với nhau, tưởng chẳng cần tả lại, hai ông Trưởng Tộc bị khảo dượt, phải có đủ tài sáng suốt, đủ chơn chánh minh mẫn quyết đoán cho chơn lý mới thỏa hiệp đôi họ đặng. Như thế mới khỏi sự trắc trở bên họ kia.
Bây giờ đây cũng vậy, ai cũng vì quyền lợi tranh lấy cho đặng phần hơn. Chính Bần Đạo có thấy tấn tuồng ấy, biết nó khó khăn lắm. Có điều lạ chướng hơn hết là tới giờ phút nầy mà Nhơn sanh chưa chơn thật, điều thiệt họ không dám nói, lại đem ra nói dối, mê hoặc tinh thần quốc dân, làm cho cả thảy đều hoang mang". (TĐHP Q2/51)

Khi vị Tân Toàn quyền đến nhận chức tại Việt Nam có mời Đức Ngài xuống vì tình trạng đất nước lúc này khó khăn. Đêm 26-10-Mậu Tý (1948) Đức Ngài trình bày tại Đền Thánh sau giờ cúng như sau:
"Đối với Pháp Việt là một vấn đề khó giải quyết mà vấn đề ấy nó sẽ định vận mạng cho toàn cả nước Việt Nam chúng ta. Bần Đạo đã kiến diện với quan Tân Thượng Sứ Léon Pignon. Yêu cầu thực hiện trao đổi độc lập, Ngài cho biết rằng Ngài là người mới đến tiếp tục chánh sách xưa của Thượng Sứ Bollaert để lại mà thôi. Ngài chỉ mong một điều là làm việc gấp gấp đặng cho Đức Bảo Đại hồi loan. Phàm những điều gì mình đã cương quyết giữ theo thế tình của mình thì ta đã ngó thấy cả tâm lý. Dầu việc gì nhỏ hay lớn cũng vậy Bần Đạo thường khuyên toàn con cái của Đức Chí Tôn để tâm cho bình tỉnh, đoán xét, suy nghĩ. Tuồng đời không có gì là khó giải".

Xem thế, chánh quyền Pháp lúc đó rất kính nể tôn giáo Cao đài, mọi chi tiết đều hỏi ý kiến. Vì quân đội Cao Đài được thuần nhứt trong khi đó quân đội Quốc gia vẫn còn bị kềm hãm trong tay người Pháp nên mất chính nghĩa. Họ muốn nhờ đến quân đội Cao Đài, nhưng việc rất khó vì chiến sĩ Cao Đài chưa chắc hẳn đã tuân lệnh họ. Dù vậy, Đức Hộ Pháp có sang Hồng Kông để gặp Đức Bảo Đại để bàn việc hồi loan và nền độc lập.

Đêm 23-1-Kỷ Sửu (1949) Đức Ngài lại thuyết giảng tại Đền Thánh như vầy:
"Ngày mai này, Bần Đạo phải xuống Sài Thành một phen nữa, đặng giải quyết một vấn đề trọng yếu là chấm dứt cuộc đổ máu Pháp Việt.

Chính quyền Pháp lập ra một hội nghị để bàn thảo về việc trao trả độc lập cho Việt Nam. Hội nghị ấy gồm có 16 người Pháp và 48 nhân viên Việt Nam".

Đức Ngài đã quan niệm về độc lập do người Pháp tuyên bố như sau: "Pháp đã nhìn nhận độc lập thôi chớ người ta đâu có đưa mình. Độc lập hay chăng là do nơi toàn thể quốc dân. Ngày nào không có lục quân, hải quân, không quân đặng bảo thủ cả lãnh thổ của mình thì nói tiếng độc lập là nói với con nít và ngủ gục mà thôi". Theo ý Ngài, Pháp chỉ hứa chớ không muốn trao trả độc lập cho Việt Nam.

11 . Phái Tiên Thiên về Toà Thánh:
Toà Thánh Tây Ninh lúc nào cũng sẵn sàng đón rước các chi phái Đạo trở về hợp tác. Thánh huấn số 380 ngày 22-3-Kỷ Sửu (19-4-1949) ghi: "Bần Đạo đã ân xá cho toàn cả chi phái, bất cứ là ai, nếu nhập môn lại và vâng y luật pháp Toà Thánh sẽ là tín đồ chánh thức của Đạo Cao Đài". Thánh lịnh số 535 ngày 4-6-Kỷ Sửu (29-6-1949) chấp thuận phái Tiên Thiên do ông Nguyễn Bửu Tài lãnh đạo, đưa về Toà Thánh Tây Ninh. Tất cả chức sắc này đều tạm chức Hiền tài (Ban Thế Đạo) để đợi quyền Thiêng liêng định đoạt. Nhưng vẫn được giữ các Thánh Thất và được tạm dùng cơ bút tại tư gia để học hỏi riêng, chớ không được phổ biến.

Thánh lịnh số 302 ngày 27-5-Canh Dần (11-7-1950) thì chư chức sắc phái Tiên Thiên có danh sách trong thông qui ngày 30-10-Kỷ Sửu đã đệ trình lên Đức Lý Giáo Tông xem xét ngày mồng 3 tháng 1 Canh Dần được ân phong vào hàng chức sắc Toà Thánh như sau đây:
1 - Phối Sư Thượng Tài Thanh tức Nguyễn Bửu Tài (*1)
2 - Phối Sư Thượng Hiền Thanh tức Phan Lương Hiền
3 - Giáo Sư Ngọc Dừng Thanh tức Đinh Văn Dừng
4 - Giáo Sư Ngọc Thiện Thanh tức Phan Lương Thiện
5 - Giáo Sư Thượng Tấu Thanh tức Trần Văn Tấu

Còn Giáo Hữu thì đủ 3 phái có 26 vị. Lễ Sanh 3 phái có 35 vị. Từ đây cả thảy tùng quyền Ngọc Chánh Phối Sư, Chủ trưởng chức sắc.
   Home       1 ]  [ 2 ]  [ 3 ]  [ 4 ]  [ 5 ] [ 6 ]  [ 7 ]  8 ]  [ 9 ]  [ 10 ]  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét