Khi chưa có chi trong Càn Khôn Thế Giới thì Khí Hư
Vô sanh ra có một Thầy và ngôi của Thầy là Thái Cực.
Thầy phân Thái Cực ra Lưỡng Nghi, Lưỡng Nghi phân
ra Tứ Tượng, Tứ Tượng biến Bát Quái, Bát Quái biến hóa vô cùng, mới lập ra Càn
Khôn Thế Giới. Thầy lại phân tánh Thầy mà sanh ra vạn vật là: Vật chất, thảo
mộc, côn trùng, thú cầm, gọi là chúng sanh. (TNHT Q2/57
Có Thầy mới có các con, có các con rồi mới có chư
Thần, Thánh, Tiên, Phật. (TNHT Q1/38)
(*1) và (*2) xem
"Đại Đạo giáo lý" cùng soạn giả.
13 . Đẳng cấp người theo Đạo:
Trong Đạo Cao Đài phân ra hai đẳng cấp chính:
Thượng thừa và Hạ thừa.
1) - Thượng thừa: là bậc xuất thế ly gia cắt ái
chẳng còn bận nhân tình thế sự. Họ chỉ lo tu và phổ độ cho mau đắc đạo. Tân
luật qui định rằng: Chức sắc từ Giáo Hữu trở lên phải chọn lựa trong bậc Thượng
thừa.
2) - Hạ thừa: là bậc mới nhập môn, còn ở lẫn lộn
với Đời, vừa giữ Đạo vừa lo việc gia đình, xã hội. cố gắng hoàn thành bổn phận
làm người bằng cách giữ tam cang, ngũ thường để có thể chuẩn bị vào bậc Thượng
thừa.
- Trong Đạo còn có bậc Trung thừa tức là Lễ Sanh và
các phẩm tương đương, gọi chung là Tam Thừa, Cửu Phẩm.
14 .
Luật luân hồi:
Dù bậc thượng thừa đều phải chịu luật luân hồi:
"Các con đã sanh ra tại thế nầy, ở tại thế nầy
chịu khổ não tại thế nầy, rồi chết cũng tại thế nầy, Thầy hỏi: Các con chết rồi
các con ra thế nào? Các con đi đâu?
Chẳng một đứa nào hiểu đặng cơ mầu nhiệm ấy. Thầy
dạy: Cả kiếp luân hồi thay đổi từ trong nơi vật chất mà ra thảo mộc, từ thảo
mộc đến thú cầm; loài người phải chịu chuyển kiếp ngàn năm, muôn muôn lần, mới
đến địa vị nhơn phẩm. Nhơn phẩm nơi thế nầy lại còn chia ra phẩm giá mỗi hạng.
Đứng bực Đế Vương nơi trái địa cầu nầy, chưa đặng vào bực chót của địa cầu 67.
Trong địa cầu 67, nhơn loại cũng phân ra đẳng cấp dường ấy. Cái quí trọng của
mỗi địa cầu càng tăng thêm hoài, cho tới Đệ nhứt Cầu, Tam Thiên Thế Giới; qua
khỏi Tam Thiên Thế Giới thì mới đến Tứ Đại Bộ Châu; qua Tứ Đại Bộ Châu mới vào
đặng Tam Thập Lục Thiên; vào Tam Thập Lục Thiên rồi phải chuyển kiếp tu hành
nữa, mới đặng lên đến Bạch Ngọc Kinh, là nơi Đạo Phật gọi là Niết Bàn đó vậy. (TNHT
Q1/55)"
Mỗi con người chúng ta đều có ba phần xác thân: đệ
nhứt xác thân tức nhục thể; đệ nhị xác thân tức chơn thần và đệ tam xác thân
tức là chơn linh. Về luân hồi đệ nhị xác thân thì Đức Chí Tôn dạy:
"Thầy nói cái chơn thần là nhị xác thân các con,
là khí chất (le sperme évaporé), nó bao bọc thân thể các con như khuôn bọc vậy,
nơi trung tim của nó là óc, nơi cửa xuất nhập của nó là mỏ ác, gọi tiếng chữ là
Vi Hộ, nơi ấy Hộ Pháp hằng đứng mà gìn giữ chơn linh các con, khi luyện thành
đạo, đặng hiệp một với Khí, rồi mới đưa thấu đến chơn thần, hiệp một mà siêu
phàm nhập Thánh." (TNHT Q2/60)
Về luân hồi chơn linh thì Thầy dạy: "Thầy đã
nói rằng nơi thân phàm các con, mỗi đứa Thầy đều cho một chơn linh gìn giữ cái
chơn mạng sanh tồn. Thầy tưởng chẳng cần nói các con cũng hiểu rõ rằng: Đấng
chơn linh ấy vốn vô tư, mà lại đặng phép giao thông cùng cả chư Thần, Thánh,
Tiên, Phật và các Đấng Trọn Lành nơi Ngọc Hư Cung, nhứt nhứt điều lành và việc
dữ đều ghi chép không sai, đặng dâng vào Tòa Phán Xét, bởi vậy nên một mảy
không qua, dữ lành đều có trả; lại nữa, các chơn linh ấy, tánh Thánh nơi mình
đã chẳng phải gìn giữ các con mà thôi, mà còn dạy dỗ các con, thường nghe đời
gọi là "lộn lương tâm" là đó." (TNHT Q2/61)
15 .
Ngũ giới cấm:
Cũng năm 1928 (Mậu Thìn), Đức Chí Tôn giáng dạy về
ngũ giới cấm.
1 - Bất
sát sanh: là chẳng nên giết hại các giống sanh vật. Thầy dạy: "Cái sống của cả
chúng sanh Thầy phân phát khắp Càn Khôn Thế Giới, chẳng khác nào như một nhành
hoa trong cội, nó phải đủ ngày giờ Thầy nhứt định mới trổ bông và sanh trái
đặng trồng nữa, biến hóa ra thêm; nếu như ai bẻ hoa ấy nửa chừng thì là sát một
kiếp sanh không cho biến hóa.
Mỗi mạng sống đều hữu căn hữu kiếp, dầu nguyên sanh
hay hóa sanh cũng vậy, đến thế nầy lâu mau đều định trước, nếu ai giết mạng
sống đều chịu quả báo không sai; biết đâu là cái kiếp sanh ấy chẳng phải là
Tiên, Phật bị đọa luân hồi mà ra đến đỗi ấy.
Cái mạng sống là Thầy, mà giết Thầy thì không phải
dễ, các con gắng dạy nhơn sanh điều ấy. (TNHT Q2/57)"
2 - Bất du đạo: là cấm trộm
cướp, lường gạt, mượn vay không trả và cờ gian bạc lận. Thầy dạy: "... ...
..., các con có hiểu vì sao mà cả nhơn sanh gian tham chăng?
Thì cũng muốn cho nhiều sanh mạng chịu phục dưới
quyền thế lợi lộc đó, vậy sự yếu trọng của con người là nạn cơm áo, nắm chặt
quyền phân phát cơm áo, thì chưa ai đã chịu thọ sanh nơi thế nầy lánh khỏi.
Muốn cho đặng quyền hành ấy thì làm thế nào?
Dùng hết mưu chước quỉ quyệt, thâu đoạt cho đặng
lợi lộc quyền thế cho nhiều, vì vậy mà đời trở nên trường hỗn độn, tranh tranh,
đấu đấu, giựt giựt, giành giành, gây nên mối loạn, nhơn loại nghịch lẫn nhau
giúp cho phép tà quyền, mạnh hơn, yếu thiệt, mất phép công bình thiêng liêng
tạo hóa; cái trường thảm khổ của thế gian cũng do nơi đó mà ra." (TNHT
Q2/58)
3 - Bất tà dâm: là cấm lấy vợ
người, xúi giục làm loạn luân thường. Đạo vợ chồng để truyền tử lưu tôn không
gọi là tà dâm. Thầy dạy: "Các vật thực vào tỳ vị lại biến ra khí, khí mới
biến ra huyết, chẳng cần nói, các con cũng biết cái chơn linh khí huyết là thế
nào? Nó có thể huờn ra nhơn hình mới có sanh sanh, tử tử của kiếp nhơn loại.
Vì vậy mà một giọt máu là một khối chơn linh, như
các con dâm quá độ thì sát mạng chơn linh ấy.
Khi các con thoát xác, thì nó đến tại Nghiệt Cảnh
Đài mà kiện các con. Các con chẳng hề chối tội đặng. Phải giữ gìn giới cấm ấy
cho lắm." (TNHT Q2/59)
4 - Bất
tửu nhục: là cấm say mê rượu thịt, ăn uống quá độ. Thầy dạy:
"Hình chất con người vẫn là thú, phải ăn uống
mới nuôi sự sống, như rượu vào tỳ vị, nó chạy vào ngũ tạng lục phủ hết, thì trái
tim con người chẳng khác nào như cái máy chánh để trữ sự sống, cũng phải bị
thâm nhập vào làm cho sự lao động quá chừng đỗi thiên nhiên đã định, thôi thúc
huyết mạch phải vận động một cách vô chừng, mà làm cho sanh khí nơi phổi chẳng
đủ ngày giờ nhuận huyết tinh sạch cho đặng. Trược huyết ấy thối lại cùng trong
thân thể, để vật chất ô trược vào trong sanh vật, mỗi khối ăn nhằm phải bịnh,
một ngày thêm một chút, hết cường tráng, cốt tủy lần lần phải chết thì thân thể
các con phải chết theo.
Nhiều kẻ phải bị chết nửa thân mình vì rượu, nên ra
đến đỗi." (TNHT Q2/60)
5 - Bất
vọng ngữ: là cấm xảo trá, gạt gẫm người khoe mình nhạo báng chê bai, nói hành kẻ
khác, xúi giục người kiện thưa hoặc ăn nói thô tục, hủy báng tôn giáo khác. Đức
Chí Tôn dạy: "Như các con nói dối, trước chưa dối với người, thì các con
đã nói dối với lương tâm, tức là chơn linh.
Thầy đã nói chơn linh ấy đem nạp vào Tòa Phán Xét
từ lời nói của các con, dầu những lời ấy không thiệt hành mặc dầu, chớ tội tình
cũng đồng một thể.
Nơi Tòa Phán Xét, chẳng một lời nói vô ích mà bỏ,
nên Thầy dạy các con phải cẩn ngôn, cẩn hạnh, thà là các con làm tội mà chịu
tội cho đành, hơn là các con nói tội mà phải mang trọng hình đồng thể."
(TNHT Q2/61)
16 . Tứ đại điều qui:
Tứ đại điều qui là bốn điều qui định, luật lệ buộc
phải trau dồi đức hạnh.
1) Phải tuân lời chỉ dạy của bề trên, chẳng hổ cho
bực thấp hơn điều độ. Lấy lễ hoà người, lỡ lầm lỗi phải ăn năn chịu thiệt.
2) Chớ khoe tài, đừng cao ngạo, quên mình mà làm
nên cho người. Giúp người nên Đạo, đừng nhớ thù riêng, chớ che lấp người hiền.
3) Bạc tiền xuất nhập phân minh, đừng mượn vay
không trả. Đối với trên dưới đừng lờn dễ. Trên dạy dưới lấy lễ, dưới gián trên
đừng thất khiêm cung.
4) Trước mặt sau lưng cũng đồng một bực, đừng kính
trước rồi khinh sau: Đừng thấy đồng đạo tranh đua ngồi mà xem không để lời hoà
giải. Đừng lấy chung làm riêng, đừng vụ riêng mà bỏ việc chung. Đừng cậy quyền
mà yểm tài người.
Trên đây là những giáo điều căn bản của nền Tân tôn
giáo. Nó còn phức tạp hơn khi đi vào phần chuyên giáo lý.
17 .
Đức Cao Thượng Phẩm về Thảo Xá Hiền Cung:
Trong khi Đức Cao Thượng Phẩm đang lo chu tất việc
tạo tác Toà Thánh tạm. Vào tháng 3 năm Mậu Thìn, một nhóm người từ Thủ Đức do
ông Tư Mắt tức Nguyễn Phát Trước hướng dẫn về Toà Thánh đặt điều nước lã khuấy
nên hồ. Họ đuổi Đức Cao Thượng Phẩm ra khỏi Toà Thánh trong 24 giờ, nếu không
đi thì cột trong rừng mà bắn. Ngài uất ức nhưng không thể giải bày cho những
người bạo hành rõ được. Ngài quá buồn, bỏ về Thảo Xá Hiền Cung (Thánh Thất Tây
Ninh ngày nay) và có làm bài thi tự thán như sau:
THI
Công
trình gầy dựng Thất Tây Ninh,
Bằng
địa sóng xao khiến rập rình.
Tà
mị phàm rung rinh chất Thánh,
Mùa
màng sâu phá hoại hồn kinh.
Xưa
Toà Thánh dập dìu lai vãng,
Nay
bửu đình hiu quạnh luỵ nhìn.
Thương
Đạo mến Thầy xin sớm liệu,
Cộng
tâm chung trí chớ hàm thinh.
Bịnh Ngài càng ngày càng thêm, Đức Chí Tôn giảng
dạy: "Thầy thấy con bịnh phổi và bao tử, nên cho huyền-diệu-pháp cho con
khỏi ăn đôi lúc cho thiệt mạnh. Hai cơ khí ấy vốn là hình chất nên khó lấy
huyền diệu mà trị nó theo lẽ thường. Thầy buộc ngưng phận sự nó đặng tiếp dưỡng
hườn nguyên." Nhờ đó, Đức Cao Thượng Phẩm không ăn mà vẫn no, do hớp không
khí sớm mai lúc mặt trời vừa mọc.
Từ thuở khai Đạo, Đức Cao Thượng Phẩm vẫn là người
phế đời hành Đạo trước nhứt. Thế nên được toàn Đạo kính mến, không nở để cơn
khảo đảo kéo dài, nên 7 giờ sáng ngày 15-2-Mậu Thìn (1928), một đoàn xe hơi đưa
chức sắc Đại Thiên Phong Hiệp Thiên và Cửu Trùng Đài đến Thảo Xá Hiền Cung rước
Đức Ngài về Toà Thánh nhập tịnh thất (Tịnh thất này ở vào khoản Báo Ân Từ ngày
nay). Hội Thánh có bổ chức sắc để phục vụ mọi việc cho Ngài.
Nhập tịnh thất một thời gian, bệnh vẫn không thuyên
giảm, nên vào 18 giờ ngày 16 tháng 12 năm Mậu Thìn (1928) Giáo Hữu Thượng Trí
Thanh kêu một cổ xe ngựa đưa Đức Ngài trở về Thảo Xá Hiền Cung.
18 .
Đức Cao Thượng Phẩm đăng tiên:
Vào 11 giờ ngày 1-3-Kỷ Tỵ (10-4-1929) Đức Cao
Thượng Phẩm cho mời Đức Phạm Hộ Pháp, Ngài Bảo Văn Pháp Quân và một số chức sắc
đến Thảo Xá Hiền Cung mà trối rằng: "Nay qua về chầu Đức Chí Tôn, em ở
lại, hiệp với chức sắc chung lo nền Đạo của Thầy cho được vẹn toàn mọi
sự". Nói dứt lời, Ngài xuất hồn êm ái, gương mặt cũng như người đương ngủ.
Hội Thánh thông tri cho toàn Đạo để cầu nguyện cho
Đức Ngài được tiêu diêu miền Tiên cảnh, chứng vị Kim Tiên.
Quàng tại Thảo Xá 3 ngày thì Hội Thánh nước Liên
Đài về Toà Thánh, đây là một đám tang điển hình tổ chức theo Đại Đạo, sắp đặt
như sau:
1 - Tấm hoành danh hiệu: Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ
2 - Phướn Thượng Phẩm (nếu là chức sắc từ Lễ Sanh
trở xuống thì Phướn Thượng Sanh).
3 - Bàn hương án có bửu ảnh người quá cố
4 - Các dàn nhạc
5 - Các bàn đưa, phúng, vãn
6 - Đồng nhi, nam trái, nữ phải.
7 - Thuyền Bát Nhã chở Liên đài
8 - Tang quyến
9 - Chư chức sắc Hiệp Thiên, Cửu Trùng, lớn đi trước
nhỏ đi sau, rồi đến chức việc, đạo hữu.
19 .
Việc xây tháp các Cao đồ:
Đến ngày 16-4-1929 (7-3-Kỷ Tỵ) vào giờ Tý Đức Chí
Tôn giảng dạy:
"Thầy đã nói rõ rằng: Thượng Phẩm phải về Thầy
trước các con, nhưng mà hại thay vì biếng nhác, các con không đọc Thánh Ngôn
của Thầy mà kiếm hiểu.
T...! Con có nhớ lời Thầy nói với các con rằng: Đạo
vốn vô vi, nếu Thượng Phẩm không trở lại thiêng liêng chi vị thì ai đem các
chơn hồn vào cửa Thiên giùm cho các con, lại nữa các con vốn là kẻ dẫn đường
cho cả chúng sanh thay mặt Thầy nơi thế nầy về phần Đời, còn phần Đạo cũng phải
có đôi đứa mới đặng cho, cười!
Th...! Con phải xây cái Tháp của Thượng Phẩm phía
trước cây ba nhánh, phải day mặt về Đông, giống như ngó vào điện mà hầu Thầy
vậy. Song, ba từng phải lợp ngói như nóc chùa của các Đường Nhơn vậy nghe.
Đừng làm như cái Tháp của Bảo Đạo, vì hai đứa phẩm
vị khác nhau, chung quanh Bát Quái Đài phải làm như hình có cột, tại chính giữa
Tháp phải có một lỗ cho nhựt quang rọi tới Liên Đài." (TNHT Q2/63)
Xem thế, việc qui thiên của Đức Ngài là thiên thi
dĩ định. Tuy hành đạo có 4 năm nhưng công nghiệp của Đức Ngài đáng nêu vào Đạo
sử.
1 - Nhà Đức Ngài là nơi phát tích việc xây bàn. Thế
nên, vào đêm 25-12- 1925 Đức Chí Tôn giáng dạy: "Nhà này sẽ đầy ơn Ta. Ta
sẽ làm cho thấy huyền diệu đặng kính mến Ta hơn nữa."
Lễ Hội Yến đầu tiên, lập đàn cầu đạo cũng tại nhà
Đức Ngài.
2 - Đức Ngài phế đời hành đạo trước nhất và vững
niềm tin hơn cả.
3 - Các kiểu áo mão chức sắc đầu tiên cũng làm tại
nhà Đức Ngài do bà Đầu Sư Hương Hiếu cắt may.
4 - Đức Quyền Giáo Tông Lê Văn Trung nhập môn theo
Đạo tại nhà Ngài vào 11-01-1926.
5 - Đức Chí Tôn mượn đôi bàn tay của Ngài chấp
nhang để trục thần của Ngài Phạm Công Tắc ra để chơn linh Hộ Pháp nhập vào.
6 - Ngài cất Toà Thánh tạm, di cốt Phật Tổ từ chùa
Từ Lâm về, an vị nơi Đại Đồng Xã.
7- Đức Ngài phò cơ xây dựng các cơ chế Đạo, Đức
Ngài qui là cơ Phong Thánh đã gãy.
Đức Cao Thượng Phẩm có giáng cho bài thi, hằng năm
đều thài dâng lễ vía Ngài và dịp Hội Yến Diêu Trì Cung như sau:
THI
Ngảnh
lại mà đau cảnh đoạn tràng,
Cõi
Thiên mừng đặng dứt giây oan.
Nợ
trần đã phủi lòng son sắt,
Ngôi
vị nay vinh nghĩa đá vàng.
Cỗi
tấm chơn thành lòa nhựt nguyệt,
Phơi gan chí sĩ nhuộm giang
san.
Bốn
mươi hai tuổi sanh chưa phỉ,
Để
mắt xanh coi nước khải hoàn.
Đến đây thời Đạo Pháp đã dứt, xin mời quí vị đọc
tiếp Thời Chánh Pháp do Đức Quyền Giáo Tông và Đức Phạm Hộ Pháp quản trị.
SƠ
KẾT
VIỆC
PHỔ ĐỘ BUỔI ĐẦU
Nhờ đáp ứng nguyện vọng của quần chúng, Đạo Cao Đài
đã rung động đa số nông dân. Nó phản ánh nguyện vọng thầm kín của các dân tộc
nông nghiệp ở Đông Nam Á châu vì nó là cái ý thức hệ sâu rộng để đáp ứng nhu
cầu các xã hội khai phóng. (Nguyễn Đăng Thục "Ý thức hệ cho xã hội khai
phóng" Sài gòn, Đại Đạo nguyệt san số 3 - 1964, tr.45).
Thế nên, ngay từ những năm đầu Đạo khai, hàng ngàn
người đã theo Đạo Cao Đài, đâu phải toàn là kẻ mê tín dị đoan mà là những phần
tử trí thức uyên bác, những giáo sư, trạng sư, văn sĩ, ký giả.... ... Đạo Cao
Đài xuất hiện đã khiến cho cả thế giới bàn tán. Các báo ở Paris, London, Lisbone, Varsovie và Buenos Airès. Hai kinh đô của
Thiên Chúa giáo ở Châu Âu và Nam Mỹ cũng đã bắt đầu nghiên cứu về giáo lý đạo
Cao Đài. Chưa kể đến những nhân vật ngoại quốc ở các thủ đô Châu Âu, Châu Mỹ gởi thơ
xin theo đạo Cao Đài. Ngay cả Nhật Bản cũng đã cử một phái đoàn học giả đến tận
Toà Thánh Tây Ninh để nghiên cứu về đạo Cao Đài. (G.GO-BRON, "Histoire et plylosophie du Caodaisme", Paris, Dervy
1949, tr.117-118).
Riêng ở Nam Kỳ, số người theo đạo Cao Đài gồm nhiều thành phần. Từ những
nông dân, những lao động mộ đạo đến các trí thức, nhà tu gốc Phật giáo. Đại để
ta có thể phân chia những tín đồ đầu tiên này ra hai loại:
1/ Hạng viên chức thơ ký, thông ngôn, giáo sư, đốc
phủ sứ.
2/ Hạng có tư hữu giàu có như điền chủ (Nguyễn Trần
Huân "Histoire d'une secte religieuse au Vietnam: Le Caodaisme"
(tr.89 - 214). In trong tradition et révolution au Vietnam, Paris 1971,
tr.197).
Hạng thứ nhất gồm có luật sư Dương Văn Giáo (Bảo Cô
Quân); nghị viên Cao Triều Phát (Thái Chưởng Pháp). (Hành Sơn "Gương xuất
xử của Đạo Trưởng Cao Triều Phát". Sài gòn Cao Đài Giáo Lý, số 82 (1973)
tr.31 -39); bác sĩ Lê Văn Hoạch (Bảo Sanh Quân); đốc phủ sứ Nguyễn Văn Ca (Phối
Sư); ký giả Nguyễn Phan Long (Giáo Sư), nhà văn Lê Thế Vĩnh (Tiếp Thế); giáo sư
Trần Văn Quế (Giáo Sư).
Hạng thứ hai gồm có điền chủ như Lâm Ngọc Thanh
(Đầu Sư); chủ đồn điền cao su Nguyễn Ngọc Thơ (Đầu Sư)....
Theo báo Progrès Civique 1931, lúc đó đạo Cao Đài
đã lên tới hơn một triệu tín đồ. Theo tài liệu của Sở Mật Thám Đông Dương lúc
ấy đạo Cao Đài có 105 Thánh thất, năm sau tăng lên 128 cái (Gouvernement
Général de l'indochine. Contribution à histoire des mouvements politiques de
l'indochine Francaise,quyển VII, LE CAODAISME, Hanoi 1934, tr.8) và được non
một triệu tín đồ (R.B.SMITH An introdition to Caodaism: I. Origins and early
history (335-349 tr), quyển 33, tập 2, 1970. Bulletin of the school of Oriental
and African Studies University of London, tr.342).
Chánh phủ thuộc địa Pháp thấy nguy cơ nền cai trị
đầu độc của họ bị đạo Cao Đài vạch chân tướng. Họ không khủng bố tức thì mà
từng bước một: cho bọn an ninh nhập môn phá rối, nghiêm cấm giới nhẹ dạ, khủng
bố kẻ ngoan đạo. Thêm vào đó, ngày Khai đạo, Đức Chí Tôn giáng cho câu liễn:
"Cao
thượng Chí Tôn Đại Đạo hoà bình dân chủ mục.
Đài
tiền sùng bái Tam Kỳ cộng hưởng tự do quyền."
Đôi câu đối này như một tuyên ngôn tự do, dân chủ.
Chính phủ Pháp ra tay không để cho một Jérusalem Mới (Une Jérusalem Nouvelle)
(J.CENDRIEUX, Une Jérusalem Nouvelle. Qu'est ce qu'au juste le Caodaisme quatrìeme religion Indochinoise. Extrême Asie (Revue
Indochinoise) số 25 (7/1928), tr.33-37) xuất hiện. May thay duyên tiền định,
các ông Lê Văn Trung, hội đồng quản hạt Sài gòn, các ông phủ Nguyễn Ngọc Tương, Lê Bá Trang
là những công chức Pháp có thế lực, họ khó khắc phục. Do đó, chính phủ bảo hộ
chĩa mũi dùi vào người đạo ở nông thôn.
Trước tình thế đó Đức Chí Tôn giáng cơ vào đêm
8.3.1927 tại Từ Lâm như sau:
"Thầy
các con,
Thầy
tưởng các con đã hiểu vì cớ nào chánh phủ Lang Sa nghi ngờ như vậy; vì các con
chẳng tỏ ra rõ rằng: Đạo là Đạo, còn chánh trị là chánh trị. Các con chỉ vì Đạo
là phận sự của các con. Các con cũng chỉ biết Đạo mà thôi. Các con cũng nên bạo
gan mà nói trước mặt Vạn Quốc cùng Chánh Phủ rằng: Các con là người Đạo biết
giúp đỡ nhơn sanh, dạy dỗ nhơn sanh, chớ chẳng biết chánh trị là gì? Dầu ai
buộc các con cam đoan thì Thầy tưởng các con cũng không ái ngại.
Trong
Đạo duy có một điều làm cho Chánh Phủ không vừa lòng là mỗi nước muốn cho phân
cách nhau, mà Đạo thì hiệp, thì các con cũng nên làm ơn nói với người Lang Sa
rằng: Nhờ Đạo mà các sắc dân được yêu nhau, mến nhau, phải lấy sự yêu mến mà
buộc tình người, thì quyền hành kia mới được bền vững.... Cười.....
Trung,
con phải tức cấp đến thuyết Đạo với người Lang Sa De la Prosse nghe; nói một
phen nữa, nhưng chẳng nghĩ tình thì phải đánh giây thép cho Chánh Phủ bên Tây
mà kêu nài sau Thầy sẽ dạy." (ĐSHH Q2/Ngày 08-03-1927 âl. 07-02-Đinh Mão)
Ngài Đầu Sư Thượng Trung Nhựt đến gặp Thống đốc Nam
Kỳ là B. de la Brosse để kêu nài. Sau đó Ngài bố cáo:
BỐ
CÁO CÙNG CHƯ ĐẠO HỮU
Nay là buổi Thiên Địa tuần huờn, hoằng khai Đại
Đạo, Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế, vì thương nhân loại, rộng mở Đạo Trời, để dìu
dắt sanh linh vào đường đạo đức, hầu hưởng phước về sau.
Trót một năm trường, chúng ta đã chẳng nài khó
nhọc, ra công phổ độ khắp nơi, mong sao cả dân chúng cải ác tùng lương mà chung
hưởng ngày Nghiêu tháng Thuấn.
Nay Đại Đạo lập thành, Tân Luật đã ban ra, chúng ta
cứ do theo đó mà hành đạo.
... .. ...
Còn về phần Nhơn Đạo, ta phải tuân theo phép nước,
giữ phận thần dân, làm lành lánh dữ, mỗi mỗi phải do luật pháp mà cư xử, sưu lo
thuế đóng, ... ... ...
Chớ nghe đồn huyễn rằng Chánh Phủ bắt Đạo mà sợ,
rồi dẹp Thiên Bàn, cuốn THÁNH TƯỢNG, ấy là một điều đại tội cùng TRỜI PHẬT
đó.... ... ...
Nếu Chánh Phủ muốn ngăn cấm điều chi thì chạy tờ
Châu Tri, dán Yết Thị khắp nơi cho nhơn dân rõ biết, đâu đó phân minh, đường
đường chánh chánh.
Còn nếu không có Châu Tri cùng Yết Thị thì xin chư
Đạo Hữu chớ vội tin mà lầm mưu kẻ nghịch Đạo.
Trong chư Đạo Hữu thảng như có ai bị cường quyền áp
chế về việc phụng thờ THƯỢNG ĐẾ, xin mau mau gởi thơ cho tôi. Tôi sẽ dụng hết
công tâm kêu nài cùng Chánh Phủ để làm cho kẻ ấy biết trọng quyền tin tưởng tự
do của chúng ta.
Nay kính,
LÊ VĂN TRUNG
Thiên ân
THƯỢNG TRUNG NHỰT
(Tiểu Sử Đức Q. Giáo Tông Thượng Trung Nhựt (Lê Văn
Trung)
Theo tờ bố cáo cho ta biết, dân đạo lo âu, còn
Chính phủ lo ngại không dám xem thường vì sợ thành phong trào "Nguy hiểm
đáng sợ" (Une jérusalem Nouvelle, Bulletin de l'Ecole Francaise d' Extrême
Orient).
Thật ra, thời gian đã chứng minh đạo Cao Đài không
có gì là nguy hiểm. Họ là những người muốn tu tâm sửa tánh thực sự.
PHỤ
CHÚ
NỘI
DUNG TỜ KHAI ĐẠO
Văn kiện chính thức được Ông Lê Văn Trung gửi cho
Thống đốc Nam Kỳ Le Fol, ghi ngày 07-10-1926 nguyên văn bằng tiếng Pháp như sau
(*1)
Saigon, le 7 Octobre 1926
Monsieur le Gouverneur,
Les soussignés,
Ont l'honneur de venir respectueusement vous faire
connaitre ce qui suit:
Il existait en Indochine trois. Religions
(Bouddhisme, Taoisme, Confucianisme). Nos ancêtres pratiquaient religieusement
ces trois doctrines et vivaient heureux en suivant strictement les beaux
préceptes dictés par les Créateurs de ces religions.
On était, pendant cet ancien temps, tellement
insoucieux qu'on pouvait dormir sans fermer les portes et qu'on dédaignait même
de ramasser les objets tombés dans la rue (Gia vô bế hộ, lộ bất thập di, tel
est l'adage inscrit dans nos annales).
Hélas! ce beau temps n'existe plus pour les raisons
suivantes:
1. Les pratiquants de ces religions ont cherché à
se diviser tandis que le but de toutes les religions est le même:faire le bien
et éviter le mal, adorer pieusement le Créateur.
2. Ils ont dénaturé complètement la signification
de ces saintes et précieuses doctrines.
3. La course au confort, à l'honneur, l'ambition
des gens, sont aussi des causes principales des divergences d' opinions
actuelles. Les Annamites de nos jours ont complètement abandonné les bonnes
moeurs et traditions de l'ancien temps.
Ecoeurés de cet état de choses, un groupe d'
Annamites, fervents traditionalistes et religieux ont étudíe la refonte de
toutes ces religions, pour n'en former qu'une seule et unique appelée CAODAISME
ou ĐẠI ĐẠO.
Le nom "ĐẠI ĐẠI TAM KỲ PHỔ ĐỘ", qui
signifie la troisème Amnistie générale, est donné par l' Esprit Suprême qui est
venu aider les soussignés à fonder cette nouvelle religion.
L'Esprit Suprême est venu sous le nom de NGỌC HOÀNG
THƯỢNG ĐẾ dit CAO ĐÀI ou Le Très Haut, DIEU TOUT PUISSANT.
Par l'intermédiaire de médiums écrivant, NGỌC HOÀNG
THƯỢNG ĐẾ transmet aux soussignés des enseignements divins ayant pour but de
concentrer et d' enseigner les beaux préceptes de ces trois anciennes
Religions.
La Nouvelle Doctrine enseignera aux peuples:
1. la haute morale de Confucius;
2. les vertus dictées dans les religions bouddhique
et taoique. Ces vertus consistant à faire le bien et éviter le mal, aimer
l'humanité, pratiquer la concorde, éviter totalement la dissention et la
guerre.
Les soussignés ont l' honneur de vous soumettre:
1. quelques extraits du recueil des: "Saintes
- paroles" de NGỌC HOÀNG THƯỢNG ĐẾ, paroles estimées plus précieuses que
tout ce qui existe ici-bas.
2. la traduction de quelques passages du livre de
prières que NGỌC HOÀNG THƯỢNG ĐẾ nous a enseignées.
Le but poursuivi par les soussignés est de ramenter
les peuples à l'ancien temps de paix et de concorde.
On sera ainsi dirigé vers une époque nouvelle
tellement heureuse qu'il est difficile de la décrire.
Au nom de très nombreux Annamites qui ont
entièrement approuvé ces études et don't la liste est ci-jointe, les soussignés
ont l'honneur de venir respectueusement vous déclarer qu'ils vont propager à
l'humanité entière cette Sainte Doctrine.
Persuadés d'avance que cette nouvelle religion
apportera à nous tous la Paix et la concorde, les soussignés vous prient de
recevoir officiellememt leur déclaration.
Les soussignés vous prient d' agréer, Monsieur le
Gouverneur, l'assurance de leurs sentiments respectuex et dévoúes.
1 Pierre Bernardini, Le Caodaisme au Cambodge,
Universiteù de Paris VII, 1974, pp.282-284
QUYỂN
II
THỜI
CHÁNH PHÁP (1929-1956)
THỜI
KỲ ĐỨC QUYỀN GIÁO TÔNG (1929-1934)
PHẦN THỨ BA
THỜI CHÁNH PHÁP
THỜI KỲ ĐỨC QUYỀN GIÁO
TÔNG
(1929 - 1934)
LỜI
DẪN
Khi Đức Cao Thượng Phẩm bị bịnh nặng, đàn cơ đêm
26-2-Mậu Thìn (15-4-1928) Đức Chí Tôn giao cho Đầu Sư Thượng Trung Nhựt chưởng
quản Toà Thánh.
Từ trước, Ngài Thượng Đầu Sư tuy là chức sắc cao
cấp bên Cửu Trùng Đài nhưng phải phổ độ khắp lục tỉnh. Còn Đức Hộ Pháp lo mở
Đạo ở Kim Biên (Nam Vang), Ngài Ngọc Lịch Nguyệt đi lập các Tịnh Thất ở các
nơi. Tại Tòa Thánh chỉ có Đức Cao Thượng Phẩm và Giáo Sư Thái Bính Thanh lo
việc xây dựng Toà Thánh tạm.
Từ năm 1929 dưới sự chưởng quản của Đức Quyền Giáo
Tông tập họp được nhiều chức sắc cao cấp như Hộ Pháp Phạm Công Tắc, ba vị Chánh
Phối Sư Thái Thơ Thanh, Ngọc Trang Thanh, và Thượng Tương Thanh. Hội Thánh tổ
chức có tôn ti trật tự. Cơ sở Đạo được mở rộng. Đền Thánh bắt đầu xây dựng bằng
gạch ngói.
Để chấn chỉnh nền Đạo. Hội Thánh ban hành ba Châu
tri:
1) Cấm việc cầu cơ chấp bút ngoài Hiệp Thiên Đài.
2) Cấm việc truyền pháp luyện Đạo (vì ông Ngọc Lịch
Nguyệt cho đi mở Tịnh Thất, lại tuyên truyền lập phe phái).
3) Cấm việc khuyên góp tiền bạc của bá tánh (vì có
kẻ lợi dụng mưu cầu riêng).
CHƯƠNG
I
ĐẦU
SƯ KIÊM QUYỀN GIÁOTÔNG (1930-1932)
1 . Cái án Cao Đài:
Khởi đầu năm 1930, một điều tệ hại đã xảy ra. Ông
Đ.T.N nhận tiền của Hội Thánh Cao Đài dịch kinh. Sau đó, nghe lời kẻ xấu, có
bàn tay của Sở Mật thám Pháp, ông Đ.T.N bội ước hợp đồng. Ông đã có một số vốn
hiểu biết về Cao Đài trong một thời gian dịch thuật nên viết tập sách nhỏ
"Cái Án Cao Đài" để moi móc chỉ trích Đạo này nọ. Ông Băng Thanh, một
người ngoại đạo bất bình trước việc làm thiếu trung thực của ông Đ.T.N nên viết
tập "Cãi Án Cao Đài" để biện hộ cho Đạo, chỉ ra chỗ sai lầm và hiểu
biết nông cạn về đạo của ông Đ.T.N. Trên báo Phụ Nữ Tân Văn số 204 ra ngày
15-6-1933 ông Lê Hoàng trả lời bài kết luận cuộc điều tra của Ông Huấn Minh.
Đến Phụ Nữ Tân Văn số 205, Ông Huấn Minh đặt vấn đề "Thảo luận cùng nhà lý
thuyết Cao Đài" từ trang 9 đến trang 13. Lúc ấy cũng có nhiều người viết
bênh vực chủ trương tổng hợp tôn giáo của Đạo Cao Đài.
Trước tình hình đó, nhân danh Chưởng quản Toà Thánh
Ngài Thượng Đầu Sư ban hành thông bạch ngày 2-8-1930
"Kính cùng Chư Đạo Hữu lưỡng phái,
Buổi nầy là lúc thử Thánh, cho nên có xảy ra nhiều
trở ngại bước đường của Đạo và tai nạn của Chư Đạo Hữu.
Vậy Chư Đạo Hữu hãy giữ lòng gan dạ sắt của Thầy đã
un đúc bấy lâu mà chống chỏi với những cơ thử Thánh đó, thì sẽ đi cùng bước
Đạo.
Có nhiều Đạo Hữu chẳng quản khó nhọc mà ra công đi
khuyến nhủ Chư Đạo Hữu cho đặng tâm thành đức vẹn, ấy là một sự công quả rất
lớn lao."
(Tiểu Sử Đức Q. Giáo Tông Thượng Trung Nhựt / Ban
Đạo Sử ấn hành năm 1973)
Để chấn chỉnh lại nền đạo, Ngài Thượng Đầu Sư thông
báo tới các đạo hữu nhập môn, đổi giấy răng cưa (Certificat de baptême) bằng tờ
SẮC PHÁI và buộc người được cấp giấy phải thờ Thiên Bàn và sám hối ăn năn mỗi
khi lầm lỗi.
Trong Châu Tri số 61 ban hành ngày 27-11-1930, Ngài
Thượng Đầu Sư viết như sau:
"Hồi ban sơ, chúng ta muốn phổ thông đạo cho
mau vì Đạo khai trể một ngày thì hại cho nhơn sanh một ngày, nên ai cầu Đạo thì
phát giấy răng cưa liền, không chờ cho họ thờ phụng và biết sám hối ăn năn mới
phát giấy. Nhiều người giả dối nhập môn đôi ba chỗ rồi xin giấy răng cưa ở mỗi
chỗ, về không thờ phụng, không tu hành chữa lỗi, để giấy răng cưa trong mình đi
nơi này chốn kia gạt gẫm đạo hữu thật thà hơn mình.
Việc phát giấy thông hành cho người đạo đặng ngăn
ngừa những kẻ dối trộm lịnh cướp quyền thì nhiều nơi chưa thi hành chi hết, nên
có nhiều người in thiệp (carte visite) ở dưới tên mình đề "Toà Thánh Cao
Đài Tây Ninh", rồi đi nơi này chốn kia khoe nói đi phổ thông đạo, đi
truyền đạo, dạy luyện đạo, bày nhiều việc mơ hồ mộng mị.
Than ôi! Đời Hạ ngươn cuối cùng, mưu tà quái rất
nhiều, ngăn ngừa không xiết, cũng bởi trong Đạo đố kị, ganh hiền ghét ngõ,
không lập thế lo truyền trọn lời phủ ủy."
2 .
Thống nhất nghi tiết và kinh lễ:
Nhằm chấn chỉnh và thống nhất lễ nghi trong Đạo.
Hội Thánh có ban hành LỄ NGHI TIẾT ĐẠI ĐÀN và TIỂU ĐÀN gởi cho các Thánh Thất.
Trong thông tư ngày 27-9-Canh Ngọ (17-11-1930) Ngài Thượng Đầu Sư có nhắc nhở:
"Tôi xin nhắc: Đạo một gốc, hành lễ phải y như
nhau một thể lệ. Vì việc Lễ nhạc, đọc kinh các nơi không rập nhau một thể lệ
nên năm ngoái tôi có lập ban hội, mỗi Thánh Thất đều có người thay mặt ban hội
ấy sắp đặt một cuốn ĐẠI ĐÀN TIỂU ĐÀN dâng lên Toà Thánh. Ngày Đại lễ Đấng Chí
Tôn, Hội Thánh cử một ban xem xét cuốn nghi tiết ấy. Lại nữa trong ban hội này
có chức sắc thay mặt Cửu Trùng Đài, có chức sắc thay mặt Hiệp Thiên Đài hiệp
nhau xem xét hết lẽ rồi do phần đây mới ban hành cuốn NGHI TIẾT ngày nay đã in
ra đó". Còn chính Ngài Thượng Đầu Sư cũng soạn kinh "Tứ Thời Nhật
tụng" cùng ban hành năm đó.
Để thống nhất Kinh lễ và tránh lợi dụng sách Đạo
nhằm mưu lợi riêng, ngày 28-12-1930. Ngài Thượng Đầu Sư ra châu tri:
"Từ cổ chí kim trong Tôn Giáo nào cũng phải có
trật tự lễ nghĩa.
Trong Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ đã có định:
1 . Trách nhậm của mỗi Chức Sắc.
2 . Kinh sách, Châu Tri, tờ giấy chi cũng do nơi Tòa Thánh ban hành ra cho
Đầu Quận, Đầu Họ và Chư vị Chủ Thánh Thất do theo mà bố cáo cho Đạo Hữu thông
hiểu.
Mới đây nhiều Chức Sắc không có quyền ban hành việc
chi cho chư Hiền Hữu, tự do không tuân luật Đạo, in kinh sách lấy danh
Đ.Đ.T.K.P.Đ. để trên bìa sách mà gởi cho chư Hiền Hữu, ấy là một việc làm cho
rối loạn trong nền Đạo.
Đức Lý Giáo Tông đã ban hành rành rẽ cho ba vị
Chánh Phối Sư Nam Phái và Nữ Chánh Phối Sư lo hành chánh.
Vậy từ đây giấy tờ, kinh sách chi không phải tôi
hay là ba vị Chánh Phối Sư ký tên và có đóng dấu của mỗi Phái (Ngọc, Thượng,
Thái) của Đấng Chí Tôn định; và tờ giấy Châu Tri của bà Chánh Phối Sư Nữ Phái
Hương Thanh thì bà ký tên và con dấu của bà.
Không phải mấy vị trên đây ký tên và con dấu ấn
tích thì đừng tuân theo và đừng nhìn là tờ giấy của Chức Sắc trong Đạo.
Xin Chư Hiền Hữu lưu ý và phát Châu Tri nầy cho
Chánh, Phó Trị Sự và Thông Sự bố cáo cho Chư Đạo Hữu lưỡng phái biết mà ngăn
ngừa những người vì ganh hiền ghét ngõ mà muốn phân chia con cái của Thầy,
không khác nào như phân thây xẻ thịt của Thầy.
Nay kính,
Thượng Đầu Sư
THƯỢNG TRUNG NHỰT"
(Tiểu
Sử Đức Q. Giáo Tông Thượng Trung Nhựt / Ban Đạo Sử ấn hành năm 1973)
Vào tháng 2 năm Tân Mùi (1931), Ngài Thượng Đầu Sư
gởi Châu Tri nhắc nhở:
"Ngày nay Đại Đạo lại ban hành Pháp Chánh
Truyền Chú Giải, thì Tân Pháp đã đoạt đặng.
Xin Chư Đạo
Hữu, Đạo Tỷ, Đạo Muội lãnh mà coi, thì rõ huyền bí trong Đạo.
Về việc Hành chánh trong Đạo, thì có Nghị Định của
Đức Giáo Tông phân quyền rành rẽ cho Chức Sắc Thiên Phong.
Xin Chư vị
Thiên Phong rán lo sắp đặt Chánh, Phó Trị Sự, và Thông Sự cho có quyền đặc
biệt.
Mỗi làng,
cử một Chánh Trị Sự.
Mỗi xóm có
một Phó Trị Sự và một Thông Sự coi dìu dắt mấy chục Đạo Hữu, phải biên tên họ
ra và ký tên trong sổ.
Chánh Phó
Trị Sự và Thông Sự cứ lo khuyên Đạo Hữu làm lành lánh dữ, đừng dự vô cuộc loạn
ly hay là việc chi trái đường đạo đức. An phận tùy duyên, lo làm ăn, khi rảnh
thì sùng bái Trời Phật.
Thường
ngày được vậy, thì khỏe khoắn tinh thần, đã yên lòng mình thì chớ, lại thuận lý
Trời, xưa nay, thung dung tự toại, an nhàn, vui vẻ mà ngâm câu của Thánh Hiền
đã dạy:....
(Tiểu Sử Đức Q. Giáo Tông Thượng Trung Nhựt / Ban
Đạo Sử ấn hành năm 1973)"
Dù Pháp Chánh Truyền chú giải có thêm Bàn Trị Sự để
giúp việc kiểm soát đôn đốc thi hành giáo luật và nghi lễ đạo, nhưng việc tự ý
chuyên quyền của một số chức sắc vẫn diễn tiến. Thế nên, Ngài Thượng Đầu Sư ban
hành Châu Tri ngày 30-2-Tân Mùi (18-4-1931) nhấn mạnh:
"Từ hồi Đại Đạo Tam Kỳ hoằng khai tới giờ,
trong đạo có lắm điều trắc trở là vì không giữ trật tự, không hoà thuận với
nhau.
Nhiều khi Đấng Chí Tôn hỏi: Các con thấy trong càn
khôn thế giới, nội trong vạn vật Thầy hoá sanh ra có giống nào mà không trật
tự, đẳng cấp chăng?"
"Hồi năm Mậu Thìn, Đức Lý Giáo Tông giao cho
ông Phối Sư Thái Ca Thanh lập chương trình Hiến Pháp. Ngày 4-7-Mậu Thìn
(28-8-1928) lễ Thượng Ngươn nhóm Hội Thánh có lập vi bằng. Tôi xin lục rút tờ
vi bằng ấy ra sau đây:
Ông Phối Sư Thái Ca Thanh đọc chương trình Hiến Pháp:
Trích đoạn chương V và các điều 22,23 và 24
CHƯƠNG
THỨ V
ĐIỀU
THỨ 22: Nghiêm cấm trong Đạo không ai đặng lấy danh Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ mà dùng
THIÊN ÂN, THIÊN NHÃN mà đề vào kinh sách, bố cáo, v.v... hay in Thánh Tượng
kinh sách, nếu kinh sách và Thánh Tượng ấy không có trình ban kiểm duyệt xem
xét trước.
ĐIỀU
THỨ 23: Ai phạm hai điều trên đây thì các kinh sách, tượng ấy phải đem nạp cho
Tổng lý (tức Thượng Thống) huỷ bỏ. Người có lỗi sẽ giao về Bình Viện (tức Hoà
Viện) phân đoán.
Thảng như người ngoại Đạo mà phạm nhằm điều lệ 22
quản lý Nội Viện chạy tờ Châu Tri cho chư đạo hữu các nơi biết, mà không dùng
đến kinh sách, tượng in sái phép ấy.
ĐIỀU
THỨ 24: Kể từ ngày ban hành "Chương trình Hiến Pháp" duy chỉ có một
mình Hội Thánh Cửu Trùng Đài được quyền in kinh sách, tượng để hiệu Đại Đạo Tam
Kỳ Phổ Độ " (*1)
Cũng trong Châu Tri này, đoạn dưới Ngài Đầu Sư
viết:
"Ngày nay nhiều chức sắc Thiên phong tự tôn,
tự đại chấp bút cầu cơ rồi in Thánh Ngôn, kinh sám, không do Hội Thánh.
Như các quyển: Tu Chơn Thiệp Quyết, Thánh Giáo Chơn
truyền, Chánh Tà yếu Lý (Thánh thất Bạc Liêu, Rạch Giá, Mỹ Tho) cũng lấy danh
Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ để ngoài bìa, làm cho đạo hữu và nhơn sanh tin tưởng lầm
của Đại Đạo Tam Kỳ làm ra.
Nhiều vị cũng chấp bút, cầu cơ, phong Giáo Sư, Giáo
Hữu, Lễ Sanh rồi sắm sắc phục và đi các nơi cho đạo hữu biết tước phẩm của mình
và khoe khoang chỉ cho người khác luyện Đạo.
Nên từ đây:
Chư chức sắc Thiên phong, Đầu Họ, Đầu Quận Đạo đi
phổ thông thì có tờ tuyển bổ của Toà Thánh ban quyền.
Bất luận Thiên phong, chức sắc hay đạo hữu đi
truyền đạo hay nói chuyện chi mà không có trình giấy tờ thì là người giả dối,
mạo quyền đi phá rối trong đạo.
Xin lưu ý:
Toà Thánh không nhìn nhận mấy quyển: Tu Chơn Thiệp
Quyết, Thánh Giáo Chơn Truyền, Thánh Ngôn của Thánh Thất Bạc Liêu, Rạch Giá, Mỹ
Tho."
(*1) Ban Đạo Sử:
Tài liệu lưu trữ.
3 .
Ngài Thượng Đầu Sư được ban phẩm Quyền Giáo Tông:
Vào mồng 3-10-Canh Ngọ (12-1-1930) một đàn cơ do
Đức Hộ Pháp cầu cơ tại Hiệp Thiên Đài Toà Thánh, Đức Lý giáng cơ ban phẩm Quyền
Giáo Tông ĐĐTKPĐ cho ngài Đầu Sư Thượng Trung Nhựt thế danh Lê Văn Trung.
Đạo Nghị định thứ nhì (trong Bát Đạo Nghị Định),
điều thứ nhứt ban hành ngày 15-10-Canh Ngọ, Đức Lý phán rằng: "Ban quyền
hành cho Thượng Đầu Sư thay mặt cho Lão mà thi hành các phận sự Giáo Tông về
phần xác còn phần thiêng liêng đã có Lão". Như vậy Đức Lý và Đức Quyền
Giáo Tông hợp lại đúng với lời Đức Chí Tôn định "Thiên nhơn hiệp
nhứt".
Một đàn Cơ khác (ngày 1-8-1931), Đức Lý lại dạy:
"Th... Tr... Nh... ngày nay Lão đã nhượng nửa
quyền hành cho đó, là có ý để mắt coi hiền hữu đúng phận cùng chăng? Lão hạ
mình bỏ quyền Nhứt Trấn, lãnh việc Giáo Tông mà lập vị cho đoàn em bước tới.
Lão đã lắm phen thấy điều khó khăn mắc mỏ của phần ấy, nên ra tay giục loạn
đặng phân rõ chánh tà, hầu giúp phương cho Hội Thánh trừ khử.
... ... ...
Th... T... Th... Lão mừng hiền hữu đó.
Lão vì Chí Tôn đã hứa mà lo lập vị cho đáng giá, vậy hiền hữu cũng phải tận tâm
mà chung lo với Lão mới phải.
Ngày nay đã hành chánh,
thì cũng nên lập mình cho đủ tư cách của một người cầm sanh mạng của nhơn loại.
Chưa có ngôi vị Đế vương nào mà sánh với phẩm vị thiêng liêng đặng, khá phân
biệt trượng khinh mà giữ gìn kẻo bị tà tâm rối loạn. Hiểu à." (THNT Q2/73)
Tại Tháp Đức Quyền Giáo
Tông vào ngày 30-10-Đinh Hợi (1947), Đức Hộ Pháp đánh giá việc Đức Lý ban nửa
phẩm Quyền Giáo Tông cho Đầu Sư Thượng Trung Nhựt như sau:
"Bần Đạo quả quyết
nói với bằng chứng hiển nhiên là bạn đồng thuyền, Bần Đạo biết rõ giá trị của
Thượng
Trung Nhựt là dường nào.
Tuy vân, ngôi vị Giáo Tông Đạo Cao Đài do Đức Lý
cầm quyền gìn giữ Thánh chất dung hòa nửa Thánh nửa phàm còn tạo ngôi vị tại
thế là Thượng Trung Nhựt đó. Ấy vậy Thượng Trung Nhựt tạo ngôi vị Giáo Tông cho
Đạo Cao Đài như ông Thánh Saint Pierre tạo ngôi Thánh Hoàng cho Pha-Pha tại
Rome vậy.
Ôi! Buổi Chí Tôn đến một cách đột ngột tình cờ, đến
trong thế kỷ 20 nầy mà nhơn loại đang sống thảm khổ từ thể chất đến tinh thần,
Ngài xưng tên làm cho cả thảy ngạc nhiên, nhứt là chúng tôi buổi nọ đang đi
trong con đường thế tối tăm ngày ấy người niên kỷ cao hơn hết là Thượng Trung
Nhựt, chúng tôi có hỏi Người: Est ce possible? (Có thể có không?) vì còn đang
mờ hồ, chúng tôi chẳng khác chi ở trong địa huyệt đang tiềm tàng con đường
sáng, chúng tôi còn tăm tối, may thay! Người có duyên tiền định đến dìu dắt
chúng tôi ra khỏi chốn địa huyệt âm u, nhờ hai con mắt sáng của người làm dẫn
đạo.
Khi chúng tôi hỏi: Est ce possible? (Có thể như vậy chăng?). Người trả lời:
C'est bien possible (Có thể có như vậy lắm). Bởi thiên hạ đang khổ thảm nên
Đấng ấy đến không phải là lạ. Ta thấy trong gia đình đau khổ, mà ông cha chưa phải chết thì sự thương yêu đối với con cái nồng nàn sẽ được ông cha
ấy hiện diện. Người quả quyết rằng: "Đấng ấy đến buổi nầy thật là Chí Tôn
đó vậy". Nếu không phải Chí Tôn không ai chịu nổi đau thảm kia được.
Vì thành tâm, nguyện vọng của Người cảm xúc tới cõi
Hư Linh làm cho Chí Tôn và cả chư Thần, Thánh, Tiên, Phật đều động lòng. May
thay! Chí Tôn đến lập nền Quốc Đạo cho chúng ta tại nước Việt Nam thì không có
gì vinh diệu cho giống nòi chúng ta hơn nữa.
... ... ...
Bần Đạo quả quyết rằng: Trót một đời người, tìm
chưa ra một mặt biết thương nòi giống với một tâm lý nồng nàn như Thượng Trung
Nhựt, Bần Đạo chưa thấy được hai người như vậy, nếu chẳng vì tình yêu ái vô hạn
thì người chẳng hề hủy thân danh tạo nên hình thể Đạo để lại cho quốc dân, cái
đại nghiệp tinh thần nầy sâu xa chừng nào quốc dân hưởng lâu chừng nấy, sâu xa
chừng nào lại càng quí hóa thêm nữa càng ngày càng tăng giá trị và thiên hạ sẽ
biết tấm lòng yêu ái của Thượng Trung Nhựt biến ra một quốc hồn kiên cố.
Cả thảy ai là quốc dân Việt Nam đều phải cúi đầu và
vâng theo ý chí cao thượng ấy, không có một lưỡi gươm nào tiêu diệt được nghiệp
của Người để lại cho nòi giống Việt Nam đó vậy. (TĐHP Q1/42)" (*2)
Dù Đức Lý Thái Bạch nhượng quyền Giáo Tông về phần
xác cho Thượng Đầu Sư nhưng ngài chưa hành xử quyền đó và chưa dự định đăng
điện phẩm vị cao quí này.
(*1) Đức Chí Tôn
khai sáng mắt cho Ngài Lê Văn Trung như đã viết ở trước
(*2) Lời thuyết
đạo của Đức PHP (quyển 2) Tây Ninh 1973
4 . Thành lập Cửu Viện:
Sau khi nhận Quyền Giáo Tông do Đức Lý ban, ngài Lê
Văn Trung bắt đầu chấn chỉnh lại guồng máy hành chánh cho có hiệu lực. Đức ngài
Tư Văn cho ba vị Chánh Phối Sư lập thành cửu viện. Theo Châu Tri số 9 ngày
16-3-1931 gửi cho các Thánh Thất có định rõ.
Theo Đạo Nghị Định thứ tư:
Thượng Chánh Phối Sư được quyền xem xét các nơi
chăm nom đạo hữu, giáo dục nhơn sanh, thay mặt cho toàn Đạo mà giao thông cùng
chính phủ và cả tín đồ. Chủ tọa Hội Nhơn Sanh, cai quản:
1 - Nội viện (sau đổi ra Nông viện)
2 - Học viện
3 - Y viện
Thái Chánh Phối Sư đặng quyền điều hành, đi Phổ độ
cầu xin và điều độ chức sắc hành Đạo tha phương, làm chủ tọa Hội Thánh và chủ
tài liệu Đạo, lo về tài chánh và định lương hướng cho chức sắc Thiên phong, cai
quản:
1 - Hộ viện
2 - Công viện
3 - Lương viện
Ngọc Chánh Phối Sư đặng quyền sửa trị cả Chức sắc,
Tín đồ về phần Đạo và phần đời, coi sóc chơn truyền Hội Thánh, buộc chức sắc
làm y phận sự và cầm quyền tạm dụng, cai quản:
1 - Lại viện
2 - Lễ viện
3 - Hoà viện
Đứng đầu mỗi viện là một Phối Sư, chức danh là Quản
lý, Phó Quản lý về sau cải danh là Thượng Thống và Phụ Thống.
5 .
Bộ Nội Luật Toà Thánh:
Để có trật tự và lễ giáo trong nội ô Toà Thánh, Đức
Quyền Giáo Tông cho soạn Bộ Nội Luật, được thông qua ban nội luật ngày
19-11-1931, Hội Nhơn sanh ngày 24-11-1931, Hội Thánh ngày 24 đến ngày 26 tháng
12 năm 1931 và Thượng Hội từ ngày 4 đến ngày 6 tháng giêng năm 1932, mãi đến
ngày 20-2-1932 (15-1-Nhâm Thân) mới ban hành.
Bộ nội luật này có bảy chương, lời mở đầu ghi: Đại
Đạo Tam Kỳ Phổ Độ khai đã 6 năm rồi, Toà Thánh là nguồn Đạo phải có Nội luật
nghiêm trang. Vậy từ đây ai ở Toà Thánh nam nữ cũng vậy và chư Đạo hữu lưỡng
phái về Toà Thánh cũng phải tùng theo nội luật.
Chương thứ nhứt:
Quy định về đại lễ cúng tứ thời, tụng kinh tại bửu
Điện, lễ cầu siêu cầu nguyện cho lành bệnh, lễ hôn phối, lễ nhập môn.
Chương thứ nhì:
Bổn phận người hiến thân tại Toà Thánh và Thiên
phong, chức sắc cùng Đạo Hữu lưỡng phái về Toà Thánh phải thông thạo kinh sách,
học Đạo và luật Đạo.
Chương thứ ba:
Phòng trù và nhà khói phải giữ vệ sinh và thứ tự
theo điều luật của quản lý nội viện và lương viện sắp đặt. Đông lang thì có
chức sắc nam phái. Tây lang thì có chức sắc nữ phái.
Chương thứ tư:
Phòng văn, nhà giảng Đạo, nhà thương, các trường
giờ mở cửa làm việc:
- Sáng từ 7 giờ đến 11 giờ 30 phút.
- Chiều từ 2 giờ 30 phút đến 5 giờ 30 phút.
Chương thứ năm:
Luật lệ chung về cách giao thiệp với nhau:
Chức sắc đối với Đạo hữu phải giữ khiêm cung, tỏ
lòng đạo đức, nhớ lời dặn:
Nghiêu chẳng dùng PHÁP LUẬT
Thuấn chẳng lập LUẬT ĐIỀU
Thang không dùng HÌNH PHẠT
Văn Vương không lập NGỤC THẤT
Chương thứ sáu:
Chức sắc và đạo hữu về Toà Thánh thì phải tín
ngưỡng mấy điều sau:
- Sùng bái Đấng Chí Tôn và các Đấng Thiêng Liêng cũng
như về nhà ông Cha yêu dấu chung.
- Ai cũng có lòng về Toà Thánh học hỏi việc đạo và
lập công bồi đức, làm công quả có ích cho Đạo là lo chung cho nhơn sanh.
Chương thứ bảy:
Định phần thưởng phạt phân minh, quy định rõ ban kỷ
luật.
6 . Đạo Cao Đài ra ngoại quốc:
Đạo Cao Đài mỗi ngày phát triển. Báo chí nước Pháp
và nước Đức đăng nhiều bài nghiên cứu có giá trị. Do đó vào đầu năm 1931, nhiều
du khách Đức đến viếng thăm Toà Thánh Tây Ninh, nghiên cứu và chụp ảnh tư liệu,
sau đó trên báo BERLINER ILLUSTRIERTE ZEITUNG ra ngày 21-6-1931 có một bài viết
nhan đề Giáo phái mới lạ nhất của thế giới (La plus étrangère secte du monde)
kèm theo nhiều hình ảnh của Tòa Thánh Tây Ninh. Nhờ đó, một giáo phái ở Đức có
chủ trương giống Đạo Cao Đài xin tài liệu về Đạo nhà, được Đức Quyền Giáo Tông
gởi cho họ một quyển sách viết về Phật Giáo Chấn Hưng (Le Bouddhisme rénové) và
đã được Đức Thánh Cha của Giáo Hội Eglise Gnostique của nước Đức phúc thư như
sau:
P. Futlingen, ngày 13
tháng 11 năm 1931.
Kính thưa Đức Ngài,
Cao cả, Quyền năng và
Thánh thiện.
Thưa Đức Ngài,
Bức thông điệp của Đức Ngài đã tới vùng
Trung Âu chúng tôi!
Tổng Giáo Hội Église
Gnostique Đức Quốc, mà tôi là Trưởng Lão quyết định chuẩn bị liên hợp với Cao Đài
Giáo...
Tôi được lãnh nhiệm vụ
báo tin cho Đức Ngài biết sự quyết định này và kính xin Đức Ngài thông truyền
cho chúng tôi về Lịch sử, Hiến chương, Giáo lý và những Nghi lễ nền
Đại Đạo của Ngài bằng tiếng Pháp, tiếng Anh, hoặc tiếng Hòa Lan; để nhờ đó,
chúng tôi có thể tổ chức các Giáo Hội Cao Đài ở những quốc gia như Đức, Áo, Thụy
Sĩ, Hòa Lan, Bỉ, Lithuaniens, Lettens và Esthéniens.
Để vững tin vào sự thật
hiện điều mong ước đó, xin Đức Ngài hãy xem tôi như người thuộc hạ khiêm tốn
của Đức Ngài vậy.
Ký tên: GODWIN
Thánh Cha và Trưởng Lão cũa Giáo Hội Église
Gnostique Đức Quốc.
Grand Maitre de l'Ordre des Chevaliers de la rose mystique.
Adr: H. GODWIN STUERMER, Tuels (Grenzmard) Đức Quốc (ALLEMAGNE).
(Tiểu Sử Đức Q. Giáo Tông Thượng Trung Nhựt / Ban Đạo Sử ấn hành năm 1973)
Giáo hội Eglise Gnostique Đức quốc (*1)
(*1) Xem nguyên văn chữ Pháp trong PHỤ CHÚ
2
Nhằm phổ độ đạo ra nước ngoài và đồng thời hỗ trợ cho Đức Thánh cha H.
Godwin, ngày 1-12-1931 Đức Quyền Giáo Tông gởi một lượt hai văn thư: Một cho
nghiệp đoàn báo chí thế giới và một cho các vị nguyên thủ quốc gia trên thế
giới.
Văn thư gởi cho các Chủ tịch nghiệp đoàn báo chí thế giới như sau:
Kính
quý vị Chủ Tịch,
Chúng
tôi rất hân hạnh và kính cẩn yêu cầu quý Ngài khuyến nhủ tất cả các Giám Đốc
Nhật Báo, các tạp chí định kỳ, dành cho chúng tôi một chỗ để kêu gọi sự thống
nhứt đức tin như bản kèm theo đây.
Đó
là một đặc ân mà Báo chí ban cho toàn thể nhân loại, bởi vì nếu sự thống nhứt
đức tin được thực hiện, các chủng tộc sẽ xem nhau như anh em và hòa bình thế
giới sẽ phát hiện.
Thế
giới sẽ được giải thoát khỏi cơn ác mộng ghê gớm về một trận thế chiến sắp xảy
đến mà sức phá hoại sẽ mười phần dữ dội hơn trận Thế chiến 1914-1918.
Mong
quý vị Chủ Tịch nhận nơi đây những cảm tình kính mến và biết ơn của chúng tôi.
THƯỢNG
TRUNG NHỰT
(Tiểu Sử Đức Q. Giáo Tông Thượng Trung Nhựt / Ban
Đạo Sử ấn hành năm 1973)
Và văn bản cùng ngày 1-12-1931 gởi cho các vị
nguyên thủ các nước như sau:
TÒA
THÁNH TÂY NINH, ngày 01 tháng 12 dl . 1931.
Kính
gởi chư vị Hoàng Ðế, Quốc Vương,
Quý
vị Nguyên Thủ, Lãnh Ðạo các nước,
Chư
vị Giáo Lãnh các Tôn Giáo
TRÊN
THẾ GIỚI.
Kính
thưa quý Ngài,
Chúng
tôi trân trọng và thành kính thông báo cùng quý Ngài: Ðấng TỐI CAO tức là Ðấng
THƯỢNG ÐẾ TOÀN NĂNG, mà cũng là ÐẠI TỪ PHỤ của tất cả nhơn loại, đã giáng lập
trên một góc của nước Việt Nam, thuộc tỉnh Tây Ninh, một nền Tân Tôn Giáo. Nền
Tân Giáo nầy có thể canh tân toàn thể thế giới bằng một lý tưởng cao quí: Ðó là
tình thương vạn vật. Rồi đây, bởi sự chuyển xây của Tạo hóa, các sắc dân sẽ
đồng tâm hiệp lực, kết tình anh em với nhau và chừng ấy, nền hòa bình thế giới
sẽ phát hiện.
Chiến
tranh! Cuộc chiến tranh tội lỗi giữa huynh đệ giết nhau một cách ghê tởm, sự
ghê tởm của thế kỷ 20 được mệnh danh là tiến bộ văn minh, vẫn có thể tránh
được.
Sở
dĩ chúng tôi nói đến "TỘI HUYNH ÐỆ GIẾT NHAU" là vì dầu cho chủng tộc
nào có phân chia nòi giống, nhưng tất cả đang sống trên quả địa cầu nầy đều là
con cái cùng tùy thuộc dưới quyền năng ngự trị của một Ðấng Cha chung là Thượng
Ðế, hay nói rõ hơn là Ðấng Chủ Tể cầm vận mạng của họ. Một khi các dân tộc gây
hấn chiến tranh với nhau, điều đó có khác nào anh em một cha đã tự diệt nhau đó
vậy.
Nhận
lãnh nơi Ðức THƯỢNG ÐẾ, bậc Từ Phụ của toàn nhơn loại, chúng tôi có cái sứ mạng
truyền bá nền Chánh giáo của Người đến khắp hoàn cầu.
Chúng
tôi có đủ bằng chứng về sự giáng hạ của Người trên đất nước nầy: Nhiều phép lạ
đã xảy ra giống như thời Chúa JÉSUS ngự đến ban phép lạ xưa kia ở Lourdes và
các nơi khác.
Tin
tưởng mãnh liệt vào hiệu năng của nền Tân giáo nầy, và hoàn toàn vững tin nơi
thiện ý của mình, chúng tôi đã trình lên nhà cầm quyền thuộc địa Pháp một bản
Minh thệ viết tay (kèm theo đây có một bản) mà nội dung chúng tôi cam kết với
lời hứa chịu tử hình rằng: Chỉ chăm lo về mặt Ðạo giáo chớ không mảy may nào
làm rối loạn an ninh trật tự. Ngược lại, chúng tôi yêu cầu được sự giúp đỡ và
hộ trợ của nước Pháp để thi hành sứ mạng truyền bá nền Tân giáo nầy khắp hoàn
cầu.
Ðối
với sự kính trọng của chúng tôi, tiếc thay, các vị đại diện của nhà cầm quyền
thuộc địa Pháp vẫn không có hảo ý đáp ứng. Một số ít tỏ ra thông cảm, khoan
dung. Một số khác lại áp dụng đủ mọi cách cốt để ngăn chận sự truyền bá nầy.
Ðức
THƯỢNG ÐẾ đã giáng dạy chúng tôi hoằng hóa Chánh Ðạo của Người đến khắp hoàn
cầu. Chúng tôi quả quyết không có gì lầm lẫn trong sứ mạng ấy. Ðặt mình vào bổn
phận, chúng tôi khẩn thiết yêu cầu quý Ngài thông truyền cho toàn thể nhơn loại
thế giới hiểu biết việc làm của chúng tôi, để mọi người hiểu rằng: Giờ ÐẠI XÁ
của Ðức THƯỢNG ÐẾ đã điểm... và sự thống hợp của con cái Ðấng Tạo Hóa là để
phụng sự cho hòa bình hơn là tiếp tục tìm kiếm kế hoạch thống trị thế giới.
Muốn
được vậy, chỉ cần sao cho tất cả người đời biết thương yêu đồng chủng và giữ
gìn hạnh đức đúng theo đường lối mà Chí Tôn đã vạch.
Chúng
tôi chắc rằng: Hơn ai hết, quý vị Ðế Vương, Quốc Vương, Quốc Trưởng, Giáo Chủ
v.v... đều muốn cho thần dân và thuộc hạ đang sống dưới quyền uy của quí vị,
đều được sống mà không bị ám ảnh bởi một sự sợ hãi triền miên về một trận chiến
tranh tương lai, mà các vũ khí tối tân sẽ gây nên những sự tàn phá và những sự
ghê tởm không tả xiết. Hơn thế nữa, quý Ngài mong muốn họ sống một đời sống an
bình, hạnh phúc và vĩnh viễn thoát khỏi cơn ác mộng về một trận chiến tranh cận
đại.
Chúng
tôi yêu cầu quý Ngài sớm phái đến chúng tôi một số người để họ có thể hiểu rõ
hơn những gì mà chúng tôi đã gầy dựng nên.
Ðức
THƯỢNG ÐẾ phán dạy chúng tôi như vầy: "Các con, mối Ðạo của Thầy, nếu các
con phát trễ một ngày, thì mỗi ngày qua sẽ là dịp để cho hàng trăm ngàn linh
hồn đọa lạc nơi chốn trầm luân".
Giờ
đây, lời kêu gọi đã được truyền ra khắp chốn, chúng tôi nghĩ rằng mình đã làm
tròn bổn phận. Tuy nhiên khi nào có đủ phương tiện, chúng tôi sẽ đi khắp hoàn
cầu để truyền đến mỗi dân tộc lời Thánh Giáo mới mẻ nầy.
Kính
mong liệt vị chiếu cố và thể nhận nơi đây lòng tôn kính sâu xa của chúng tôi.
Quyền
Giáo Tông
Ðại
Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ
THƯỢNG
TRUNG NHỰT
Văn thư gởi cho các nghiệp đoàn báo chí thế giới và
thông điệp gởi cho các nguyên thủ quốc gia và các hàng giáo lãnh các nước đã
gióng tiếng chuông lớn: ĐẠO CAO ĐÀI RA NGOẠI QUỐC.
7 .
Quyền Chí Tôn nơi Hộ Pháp và Giáo Tông:
Để đối phó lại tình hình đang diễn biến bên ngoài
nước cũng như bên trong nước, Đức Chí Tôn giáng cơ ngày 23-12-1931 nơi Thảo Xá
Hiền Cung (tỉnh lỵ Tây Ninh) ban quyền Chí Tôn nơi Hộ Pháp và Giáo Tông.
"Các con phải nhớ rằng toàn thế giới Càn khôn,
chỉn có hai quyền: Trên là quyền hành Chí Tôn của Thầy, dưới là quyền hành của
sanh chúng. Thầy đã lập hình thể hữu vi của Thầy, nghĩa là Hội Thánh của Đại
Đạo ngày nay rồi thì Thầy cũng phải ban quyền hành trọn vẹn của Thầy cho hình
thể ấy đặng đủ phương tận độ chúng sanh, còn các con cả thảy đều đứng vào hàng
sanh chúng, dưới quyền hành chuyển thế của đời, nghĩa là toàn nhơn loại đồng
quyền cùng Thầy, mà tạo hóa vạn linh vốn là con cái của Thầy, vậy thì vạn linh cũng
có thể đoạt vị vào hàng Thần, Thánh, Tiên, Phật đặng.
... ... Thầy nói rõ: Quyền Chí Tôn là Thầy, quyền
Vạn Linh là sanh chúng, ngày nào quyền lực Chí Tôn đặng hiệp một cùng Vạn Linh
thì Đạo mới ra thiệt tướng. Thầy đã ban quyền hành Chí Tôn của Thầy cho hai đứa
làm đầu Hội Thánh là Giáo Tông cùng Hộ Pháp. Vậy thì quyền hành Chí Tôn của
Thầy đặng trọn vẹn khi Giáo Tông cùng Hộ Pháp hiệp một. Còn cả nhơn loại thì là
quyền lực Vạn Linh. Quyền hành Chí Tôn của Thầy duy có quyền hành Vạn Linh đối
phó mà thôi. (TNHT Q2/74)"
Xem như thế, từ đây Đức Quyền Giáo Tông và Đức Phạm
Hộ Pháp thống nhất ý chí tạo luật là quyền Chí Tôn tại thế. Nhất nhất tín đồ
phải nghe theo. Duy chỉ có quyền Vạn linh mới nạy lý không tuân, mà quyền Vạn
Linh là phối hợp của ba hội: Hội Nhơn Sanh, Hội Thánh và Thượng Hội. Như thế
cũng khó mà bác bỏ một đạo luật do nhị vị đặt ra. (*1)
(*1) Dẫn lại
trong Đại Đạo Sử Cương (quyển 2 ), trang 10 - 11
8 .
Ba Hội lập quyền Vạn linh:
Nội luật này được ban hành ngày 22 tháng giêng năm
Nhâm Thân (17-2-1932) do Đức Phạm Hộ Pháp và Đức Quyền Giáo Tông ký. Ba hội là:
Thượng Hội, Hội Thánh và Hội Nhơn Sanh, gồm đủ cả ba hội mới lập được quyền Vạn
linh.
Xin tóm lược ba hội như sau:
1 . Thượng
Hội: gồm có
Giáo Tông Hội Trưởng
Hộ Pháp Phó Hội Trưởng
Thượng Phẩm Nghị Viên
Thượng Sanh Nghị Viên
Ba vị Chưởng
Pháp Nghị Viên
Ba vị Đầu Sư
nam phái Nghị Viên
Bà Đầu Sư nữ phái Nghị
Viên
Mục đích của Thượng Hội là xem xét và phê chuẩn
Các điều của Hội Nhơn Sanh và Hội Thánh; trừ ra các
điều nào, Hội Nhơn Sanh mà Hội Thánh đánh đổ thì không được phép đem vào Thượng
Hội, nếu không có đơn của hai ông chủ hội kêu nài.
Thượng Hội bàn luận và định đoạt các việc cần gấp
hoặc yếu trọng phải ban hành trong Đạo.
2 . Hội
Thánh: gồm có:
Thái Chánh Phối Sư Chủ
Trưởng
Từ Giáo Hữu đến Phối Sư Hội viên
Hội Thánh có quyền xem xét các việc của Hội Nhơn
Sanh dâng lên và các việc hành chánh trong đạo, rồi đệ lên Thượng Hội. Thường
ngày, Hội Thánh đại diện quyền của Đại Đạo hành khiển mọi việc.
3 . Hội
Nhơn Sanh gồm có:
Thượng Chánh Phối Sư Nghị
Trưởng
Nữ Chánh Phối Sư Phó
Nghị Trưởng
Lễ Sanh, Nghị
viên
Chánh Phó Trị sự, Thông sự Nghị viên
Mục đích của Hội Nhơn Sanh là trù tính các việc:
* Giáo hoá nhơn sanh.
* Lo liệu phương hay cho đời, Đạo khỏi điều phản
trắc và nâng cao tinh thần trí thức của nhơn sanh.
* Phổ độ nhơn sanh vào đường Đạo, dìu dắt tín đồ
cho khỏi trái bước, trọn tuân theo các luật lệ của Đạo.
* Xin sửa cải thêm bớt hay huỷ bỏ những luật lệ của
Đạo không còn phù hợp với trí thức và tinh thần của nhơn sanh.
* Lo cho nền Đạo được trong ấm ngoài êm và đủ mọi
phương tiện đặng phổ thông nền chơn giáo.
* Xem xét công nhận về phương diện chánh trị Đạo,
quan sát sổ sách phân xuất tài sản và nghị số.
9 . An dưỡng và tịnh
luyện:
Thuở ban đầu, Đức Q. Giáo Tông vào Đạo chưa được
bao lâu, Đức Lý Thái Bạch giáng đàn vào đêm 27-1-1926 dạy Ngài như sau:
LÝ BẠCH
Có
công phải biết gắng nên công, (Phu)
Tu
tánh đã xong tới luyện lòng.(Tâm)
Kinh
sách đầy đầu chưa thoát tục,
Đơn
tâm khó (Thiền) định lấy chi mong.
21-7-1926
(TNHT. Q. 2/ thi tập)
Chỉ có bốn câu mà Đức Lý đã dạy rõ Tân pháp tu
luyện của Đạo Cao Đài là Tâm Pháp. Mỗi đạo hữu hằng cấm túc an cư để thúc liễm
thân tâm, trao dồi giới hạnh. Trong đường tu, việc kiểm soát thân tương đối dễ
hơn tâm. Điều khiển tâm mình theo đường thiện, tránh ác ý với mọi người không
đơn giản chút nào. Thế nên Đức Q. Giáo Tông đã chọn mùa hè từ tháng 3 đến tháng
tháng 6 năm 1932 để an cư kiết hạ. Ở tại Giáo Tông Đường an dưỡng vào mùa hè là
tốt nhứt. Vì mùa hạ, cây cối nẩy mầm, côn trùng sinh nở, nếu đi lại nhiều có
thể dẫm đạp làm hại chúng sanh hạ đẳng. Cho nên Đức Ngài nói:
"Từ ba tháng nay, tôi an nghỉ không gần gũi
với chư hiền hữu, chư hiền muội.
Trong lúc an nghỉ, tôi có suy xét ba phương diện:
1 . Theo căn số của tôi năm nay phải nạn to mà nhờ tu luyện nên Trời độ qua
khỏi nạn.
2 . Tôi có tội với Thần Thánh Tiên Phật vì cầm mối Đạo không vững nên phải
đau ba tháng.
3 . Cở thử thách coi tôi có ngã lòng đổi chí chăng? Nền Đạo có thương tâm bác
ái chăng?"
Rồi Đức Ngài giải thích về chữ tu như sau:
"Tu là trau dồi tánh hạnh. Tu không phải từ
mơi tới chiều tụng kinh. Tu có nhiều bực: bực Thượng thừa phải ép mình hành
xác, phải nâu sồng khổ hạnh, lo làm âm chất, lo công quả. Chừng quả mãn tìm chỗ
u nhàn mà luyện đạo. Nếu trong thế gian mỗi người đều phế công việc mà tìm chỗ
u nhàn, như vậy thì thế sự này phải ấm lạnh, còn ai đâu mà lo nhơn đạo. Người
hành đạo mà bỏ nhơn đạo, không lo nhơn đạo cho hoàn toàn thì hành đạo vô
ích."
Trong vài câu ngắn ngủi, Đức Ngài cho biết Tân pháp
của Đạo Cao Đài: "Tiên Phật nơi mình chẳng ở xa". Làm việc cứ làm
việc, tu cứ tu (lúc rảnh). Đó là lối tu đơn theo truyền thống Đạo Cao Đài. Tứ
đại oai nghi: đi đứng nằm ngồi đều tu, không phải đến chùa, trước Trời Phật mới
gọi là tu. Hành giả bậc thượng thừa tu bất cứ đâu, tâm an tịnh, giữ lòng trong
sạch theo luật mà Đức Hộ Pháp đã ban hành "Phép trị tâm".
Tóm lại, việc Đạo trong năm 1932 được Chánh Phối Sư
Thượng Tương Thanh trình bày tại Đại Hội Nhơn Sanh lần thứ nhì (lần nhứt
24-11-1931) vào ngày 15-10- Nhâm Thân (12-11-1932) như sau:
"Nhờ Ơn Trên ban bố, nơi Toà Thánh năm đầu
được bình yên, số người hành hương hay viếng được 7673 người, trong số có 56
người Lang sa, số người đến làm công quả được 5036 người. Mấy kỳ lễ đều được
quan chức cho phép được cúng đại đàn.
Tình trạng nền Đạo trong năm đà chinh nghiêng vì
hạnh đức của một phần chức sắc còn thiếu kém.
Nơi Hậu Giang, Phối Sư Ca tách ra kích bác mấy vị
Đại Thiên phong ở Toà Thánh. Ông dùng cơ bút riêng đi khắp Lục tỉnh mà phổ độ nhơn
sanh".(*1)
Mầm chia rẽ lập chi phái bắt đầu manh nha. Điều
đáng lưu ý, những vị tách rời Toà Thánh Tây Ninh về lập chi phái riêng đều tự
thăng chức như phái Tiên Thiên, Giáo Hữu Chín thăng lên Ngọc Chưởng Pháp, Phối
Sư Nguyễn Bửu Tài lên Giáo Tông; Ban Chỉnh Đạo Q. Đầu Sư Lê Bá Trang thăng lên
Chưởng Pháp v.v... Những điều đó nói lên cái gì? Ngay trong ngày Khai Đạo vì
ham chức phẩm đã xảy ra việc tà quái và Đức Chí Tôn cho đó là "Thiên
cơ" mà người chịu lao đao về việc giành tranh ngôi vị là Đức Q. Giáo Tông
Thượng Trung Nhựt.
(*1) Ban Đạo Sử:
Tài liệu lưu trữ
CHƯƠNG
II
NHỮNG
TRỞ NGẠI TRÊN ĐƯỜNG HÀNH ĐẠO
(1933-1934)
Ngay trong ngày khai đạo đã xảy ra biến cố tà quái
hàm ý tham vọng chức phẩm. Việc đó đeo đẳng suốt đời hành đạo của Đức Q. Giáo
Tông. Thêm vào đó, tính tình khảng khái, thẳng thẳn và cương quyết của Ngài
trong lúc hành đạo đã chạm đến nhiều vị chức sắc, khiến họ không bằng lòng.
Nhưng nếu không có sự kiên quyết xây dựng nền Đạo của Đức Ngài thì chẳng có
"Tờ Khai Tịch Đạo" (23-8-Bính Dần) và cũng chẳng có "Ngày Khai
Đại Đạo" tại Gò Kén (15-10-Bính Dần). Mặt khác, nếu Đức Ngài không quyết
tâm xây dựng Toà Thánh bằng vật liệu nặng thì đâu có Toà Thánh Tây Ninh hiện
nay, dù Ngài chỉ cho đào móng đặt viên đá đầu tiên xây nền Bát Quái Đài.
Đức Ngài sợ lỗi vì lời hứa với Ơn Trên nên quyết
tâm làm nền đạo ra thiệt tướng mà đụng chạm đến nhiều chức sắc.
Không ai có thể trách Đức Ngài mở Toà Tam Giáo lần
thứ nhứt vào mồng 1-12-Canh Ngọ (1930) do chính Ngài ngồi ghế chánh toà đã xử
tội các chức sắc phạm pháp theo Thập Hình của Đức Lý Giáo Tông. Trong đó có
Phối Sư Thái Ca Thanh, một số Thời Quân và các chức sắc ở Thánh Thất Cầu Kho.
Ngày 15-7-Tân Tỵ (28-8-1931), Toà Tam Giáo lần thứ
hai mở ra xử vị Chưởng Pháp Trần Đạo Quang, Phối Sư Thái Ca Thanh và nhiều chức
sắc khác. Đó là cái mầm oán hờn đã gieo xuống, chờ ngày lãnh hậu quả của nó.
(xem Phụ Chú 6).
1 .
Cơn khảo dượt lần thứ nhứt (1933):
Cái "mầm oán hờn" đủ lớn khi Đức Q. Giáo
Tông và Đức Hộ Pháp đồng ký tên ban hành Châu Tri số 1 vào ngày 5-3-Quí Dậu
(1-4-1933). (xem Phụ Chú 7)
Q. Ngọc Đầu Sư phản ứng triệu tập một phiên họp gọi
là Thượng Hội. Ông tuyên bố lý do buổi họp là để xét lại hành động của Đức Q.
Giáo Tông.
Ông Lê Bá Trang soạn sẵn vi bằng xét về hành động
của Đức Q. Giáo Tông qua 9 điểm.
Tờ vi bằng có 26 trang đánh máy khổ 21x27 độ 16000
chữ với câu kết là:
"Chư hội viên Hội Vạn Linh đồng quyết định đệ
lên cho Toà Tam Giáo Thiêng Liêng định".
Hội nghị vừa tan, một đạo hữu đứng bên ngoài đọc to
lên:
Ánh
vàng Trung Nhựt toả hào quang,
Đại
Đạo phổ truyền khắp thế gian.
Trang
Bá móc moi trời tối sẫm,
Phan
Long trơ tráo đất phai tàn.
Nhơn
sanh ngơ ngác tan đôi nẻo,
Chức
sắc âu lo sợ lạc đàng.
Hội
Vạn linh này sai luật pháp,
Tranh
quyền bia miệng đến ngàn năm.
Họ lo tranh thủ về Sài Gòn, ai đâu để ý bài thơ
thâm thúy đầy ý nhị ấy.
Trước đó (14-8-1931) Đức Q. Giáo Tông ban hành Châu
Tri có đoạn viết rất khiêm tốn và chính xác...Nhưng người ta cố ý hiểu ngược
lại. Mọi việc do Q.Ngọc Đầu Sư bày ra. Ông đem nội bộ kiện ra toà đời, rồi
khuyến khích Giáo Hữu Thượng Bộ Thanh và một số đạo hữu mở Đại Hội Nhơn Sanh
bất thường ngày 26-11-1933, để yêu sách Đức Q. Giáo Tông này nọ.
Sợ đạo loạn sanh ra biến đổi khó lường, ngày
26-12-1933 bà Chánh Phối Sư Lâm Hương Thanh đứng trung gian mời Đức Q. Giáo
Tông và Ngài Ngọc Trang Thanh họp mặt tại Nữ Chánh Phối Sư đường. Hôm sau, Ngọc
Trang Thanh và Giáo Tông Đường thảo tờ Hoà Hợp. Liền đó, Đức Q. Giáo Tông vì
nền đạo trên hết ký tờ Bố Cáo số 150.
Tờ Bố Cáo của Đức Q. Giáo Tông là hành động cao
thượng nhường bước cho đàn em gánh vác việc đạo. Thế nên, ngày 14-1-1934, Đức
Chí Tôn tỏ lòng mừng giảng dạy:
"Thầy đến chứng kiến lòng thành thật của các
con chức sắc HTĐ...
Hộ Pháp, nói với Trung rằng Thầy đã biết tình cảnh
đạo ra sao và bởi đâu. Nó nên an tâm tin tưởng nơi hành động của mấy em nó.
Thầy sẽ làm cho rõ cơ huyền diệu của đạo. Thầy chỉ khuyên các con nên giữ mình
về một mối thử thách kề cận đây nữa."
Đức Chí Tôn đã tiên tri một thử thách nữa kề cận.
Để phòng xa mọi bất trắc, Đức Q. Giáo Tông ban hành tờ PHỔ CÁO CHÚNG SANH.
2 .
Cơn khảo dượt lần hai (1934):
Xin nhắc lại trong vi bằng Hội Vạn Linh do Ngài
Ngọc Trang Thanh triệu tập, trong lời bế mạc, ông Nghị Trưởng mặc đồ tây Nguyễn
Phan Long tỏ bày như sau:
"Tôi xin lập lại một lần nữa (nghĩa là đã có
nhiều lần) cho chư đạo hữu nhớ rằng trong chín khoản buộc tội (Thượng Trung
Nhựt) chỉ có khoản thứ sáu là hệ trọng hơn hết (tức khoản tiền bạc)".
Thực vậy, người ta xúi giục đạo hữu Nguyễn Ngọc
Lịch và một ít người nữa kiện Đức Q. Giáo Tông ra toà đời. Thật buồn cười, Sở
Tuần Cảnh Tây Ninh đem án phạt vào Giáo Tông Đường mời Đức Ngài ra Tây Ninh
chịu ngồi khám vào ngày 20-2-1934 vì tội 34 đạo hữu thiếu thuế và hai người đạo
hữu đánh xe bò của Hội Thánh về tội đi xe bò không đốt đèn và bò lại thiếu sợi dây
buộc ách. Đức Q. Giáo Tông chỉ bị an trí tại Toà 24 giờ mà thôi. Vì hôm sau có
vía Đức Phật Thích Ca, chính quyền Pháp sợ giáo dân biểu tình đòi thả Đức Q.
Giáo Tông. Dân bàn với nhau: Đức Phật độ Ngài.
Tại lễ vía, Đức Q. Giáo Tông thuyết giáo rằng:
"Một mảnh thân phàm cô thân bạc nhược này, yết
ớt hèn mọn này, có đủ tài đức chi mà Đại Từ Phụ lại tin giao một cái giang san
sự nghiệp của toàn nhơn loại hoàn cầu đặng cho gánh vác?...
Đời
có thạnh có suy
Đạo
động tịnh chuyển xây
Lửa
thử vàng, gian nan thử Đạo.
Ngày nay, bão tố đã qua rồi, Tệ huynh nhìn thấy mấy
em đã bị bao phen khảo đảo thảm khổ vô cùng, mà mấy em cũng ngồi vững trong
Thuyền Bát Nhã của Thầy. Tệ huynh hết sức vui mừng nên nguyện rằng sẽ đem hết
dạ yêu thương mà dìu dắt mấy em về cùng Thầy". (Xem Phụ Chú 9).
Đó là Đức Q. Giáo Tông phản tỉnh về cơn khảo vừa
qua mà đời hành đạo coi như trên đường đi gặp nhiều quỷ vương thử thách. Còn
đối với nhà cầm quyền Pháp, Đức Ngài đã từng đối mặt, từ chức Hội đồng để chống
thuế "Lục Hạng điền", dám đưa Tờ Khai Tịch Đạo mà không đợi nhà cầm
quyền Pháp cho phép, vẫn hành đạo. Chủ tỉnh vài nơi ra lịnh triệt hạ Thánh
Tượng, Đức Ngài phản đối quyết liệt, đòi tự do tín ngưỡng mà chính phủ thuộc
địa đã ban cho xứ bảo hộ. Bấy giờ, Ngài không muốn nói chuyện với Chủ tỉnh Tây
Ninh vì Ngài cho Tỉnh và Tòa án thỏa thuận ngầm để Ngài bị câu lưu 24 giờ nhằm
xoa dịu phe đối lập với Đức Ngài. Đức Ngài gởi thơ thẳng qua nước Pháp cho Thủ
tướng nước Cộng hoà Pháp trả Bắc Đẩu Bội Tinh với lời lẽ:
"Vừa qua, ngày 22-2 có 34 đạo hữu của tôi
thiếu thuế mà chính phủ lại bắt tôi bỏ tù. Ông già 60 tuổi có Bắc Đẩu Bội Tinh
vô cớ bị ngồi tù hơn hai ngày tại khám Tây Ninh với Médaille điều và giấy chứng
nhận của Viện Bửu Tinh.
Vậy cái Médaille cao quí kia có giá trị gì? Lỗi ấy
do chính phủ Pháp không biết chọn người xứng đáng. Kể từ đây tôi không nhận cái
danh dự ấy nữa, dẫu có cao trọng thế nào." (Xem Phụ Chú 5).
3 .
Những khó khăn đối với Pháp:
Cao Đài khai Đạo dưới thời Toàn quyền A. Varenne
(1925-1928). Ông này chủ trương Pháp Việt đề huề, nên thỉnh thoảng ta nghe Đức
Q. Giáo Tông nhắc tới hai tiêu ngữ này. Sau đó Pháp thay đổi chánh sách,
P.Pasquier (1928-1934) sang Việt Nam. Ông này dùng chánh sách cai trị đàn áp
khắt khe đối với các đảng phái và tôn giáo.
Ngày 3-9-1931 tờ La Griffe số 36 và các số kế tiếp
bêu xấu thái độ của viên Khâm sứ Pháp ở Cao Miên đe dọa ông Lê Văn Bảy (không
có vấn đề đối xử hoà bình với người đạo Cao Đài) và thẳng tay lên án các viên
chức thuộc địa.
Tờ báo này đả kích việc thành lập tổ chức Kiêm Biên
Phật giáo nghiên cứu viện do nghị định ngày 25-1-1930 của toàn quyền P.Pasquier
có mục đích phổ biến Phật Giáo tiểu thừa khắp Đông Dương.
Báo này tố cáo ngay ông P. Pasquier có tham vọng
làm giáo chủ Phật giáo để chống lại Giáo Tông Lê Văn Trung, người đang nắm
quyền đạo Cao Đài.
Toàn quyền P. Pasquier nghiên cứu rất kỹ về giáo lý
Cao Đài, biết Đức Thượng Đế đã dạy ông Lê Văn Trung "sống chết do nơi
Thầy". Thế nên, ông làm sẳn bom nổ chậm ép trong đôi bạch lạp, chế làm sao
vừa dứt bài Ngọc Hoàng kinh là bom nổ bùm cho ông Lê Văn Trung bị chết vì
Thượng Đế muốn rước về chớ không phải mật thám Pháp giết. Đức Thượng Đế đâu để
P. Pasquier lộng hành như vậy.
Khi nhận đôi bạch lạp, nhiều vị chức sắc khuyên Đức
Q. Giáo Tông không nên đốt vì Đức Q. Giáo Tông quỳ chứng đàn gần kề đôi đèn
sáp. Đức Q. Giáo Tông cũng nhắc lại lời Đức Chí Tôn "dạy sống chết do nơi
Thầy". Nhất định đốt trong ngày lễ Vía Đức Chí Tôn và chính Ngài quỳ chứng
lễ. Đôi đèn cháy sáng đều, sắp dứt bài Ngọc Hoàng Kinh thì nghe tiếng xì lớn
khói phủ đại điện. Đức Q. Giáo Tông ra lệnh cho cuộc lễ vẫn tiếp tục như không
có điều gì xảy ra.
Thua keo này bày keo khác, P. Pasquier dùng thủ
đoạn mua chuộc một số tay viết bán rẻ lương tâm, chạy theo danh lợi, không ngần
ngại viết sách báo vu khống, nói xấu Đạo Cao Đài như quyển "Cái án Cao
Đài" chẳng hạn. Họ cố ý chụp mũ một số chức sắc Cao Đài làm chánh trị bằng
cách gom góp một số tài liệu rồi phóng đại lên hồ sơ hội kín. Số hồ sơ này được
P. Pasquier đem về trình với chánh phủ Pháp. Chẳng may chiếc phi cơ chở vợ
chồng P. Pasquier gần tới phi trường thì bị cháy trên không. Các tài liệu vu
khống cũng cháy luôn. Ngày xưa, Đức Thanh Sơn đã tiên tri:
"Lữa
đâu mà cháy tám gà trên mây"
Tám
gà dịch sang chữ Hán là bát kê tức Pasquier.
Sau khi Pasquier chết thì Robin (1934-1936) sang
thay làm toàn quyền tiếp tục đường lối cai trị của Pasquier để củng cố chế độ
thuộc địa. Tuy nhiên, để xoa dịu Đức Q. Giáo Tông, Robin tổ chức cuộc gặp Đức
Ngài để điều đình việc "tự do tín ngưỡng" của Đạo Cao Đài. Không khí
lắng dịu cho đến lúc Đức Ngài qua đời.
Đức Q. Giáo Tông còn chịu sự giám sát trực tiếp của
các Thống Đốc Nam Kỳ. Lúc khai
tịch đạo là Thống đốc Le Fol, kế B. Brosse. Thánh giáo giáng ngày 8-3-1927, Đức
Cao Đài dạy ông Lê Văn Trung phải bày tỏ với ông này là đạo chỉ thờ kính Trời
Phật chớ không có làm chính trị. Nhưng mật thám Pháp vẫn đàn áp tín đồ, buộc phải dẹp
Thánh Tượng. Đức Q.Giáo Tông phải ra bố cáo để trấn an các đạo hữu là không nên
nghe lời đồn huyễn hoặc: Pháp bắt buộc đạo dẹp Thiên Bàn: "Nếu có ai bị
cưỡng quyền áp chế về việc phụng thờ Thượng Đế" hãy báo cáo ngay cho Ngài
can thiệp.
Nhà cầm quyền Pháp coi đó là hành động khinh thường
và xúi giục dân chúng chống lại lệnh của chính phủ Pháp. Thế nên, L. Perrier,
Bộ trưởng Bộ Thuộc Địa làm báo cáo số 485 gửi về Tổng thống Pháp ngày 4-10-1927
xin sửa lại điều 91 của hình luật đã được áp dụng từ ngày 6-3-1877 tại Đông
Dương.
Léon Perrier cho rằng điều 91 của luật bản xứ đã dự
phòng tội mưu sát, tội mưu mô và tội gây loạn mà không đề cập đến những hành động
có tính cách gây hận thù với chính quyền thuộc địa và kích bác dân chúng phạm
luật lệ.
Johan Cendrieux trong tờ La Pêche Colonial ra ngày
15-5-1933 đã cho rằng Đạo Cao Đài đã trở thành một phong trào cứu rỗi mãnh liệt
của dân chúng vì người Pháp quá tin tưởng vào việc Tây Phương hoá của họ bằng
cách cho người Việt Nam quên cội nguồn cổ truyền, nhưng người dân đã tìm ra sự
bù trừ khác là say mê cơ bút, giúp cho Cao Đài trở thành tôn giáo thứ tư. (*1)
(*1)
J.CENDRIEUX, Une Jérusalème Nouvelle. Extrême Asie (R 1) số 25 (7-1928)
Năm 1932-1933 La Laurette, Thanh tra Chính trị sự
vụ hành chánh Nam Kỳ và Vilmont, Chánh Tham biện, Chủ tỉnh Tây Ninh đã theo dõi
Đức Q. Giáo Tông và Hộ pháp rất gắt gao và được đúc kết trong tập phúc trình LE
CAODAISME.
La Laurette cho rằng người ta (Cao Đài) đã lợi dụng
chữ Pháp, các phương thức, cách xử thế, những tiến bộ, cùng các tổ chức xã hội
và kinh tế của người Pháp không để Pháp hoá xứ Nam Kỳ mà để cho người Nam Kỳ
chống lại Pháp. Còn Vilmont thì thấy không thể dung túng ông Lê Văn Trung nên
dựa vào việc nhỏ nhặt của tín đồ làm công quả mà phạt tù ông.
Nhà cầm quyền thực dân đàn áp Đạo Cao Đài, ta có
thể nêu lên 3 lý do sau đây:
1 . Đạo mới khai, chưa đầy năm mà số tín đồ lên tới triệu người. Đặc biệt là
người Khờ mer, đồng bào Thượng, Stiêng ở Hớn Quản, từ lâu người Pháp không
thuyết phục được, nay lại đi bộ về Toà Thánh hành hương rồi định cư luôn.
2 . Đạo Cao Đài bảo vệ nền văn hiến và văn hoá truyền thống dân tộc Việt Nam
chống nền văn hoá ngoại lai mà Pháp đề cao là "Cité jaune".
3 . Hình thức tổ chức giáo hội Đạo Cao Đài giống như một chính phủ, nên Pháp
tố cáo Đạo Cao Đài lập một quốc gia trong một quốc gia (Un État dans un État).
Bên cạnh những người Pháp cầm quyền nghiêm khắc,
còn những người Pháp có thái độ rộng rãi đối với Đạo Cao Đài như nghị sĩ E.
Outrey. Từ trước, do sự ghi nhận không chín chắn của báo chí mà E. Outrey hiểu
lầm về Đạo Cao Đài.
Đến ngày 2-2-1933 từ Paris, E. Outrey gởi cho Đức
Q. Giáo Tông một bức thư bày tỏ thiện cảm với Đạo Cao Đài và hứa sẽ tận lực xin
với chính phủ Pháp cho Đạo Cao Đài được nhiều tự do. (Xem Phụ Chú 10)
Ngoài quyết tâm giúp đỡ của nghị sĩ E. Outrey, Đức
Q. Giáo Tông còn được sự yểm trợ của các trạng sư Lortat Jacob, Eugène Tozza,
Roger Lascaux hết sức biện hộ mà không nhận tiền thù lao, cho Đạo Cao Đài trước
Toà án để được truyền đạo tự do.
Riêng bà Tozza tổ chức thuyết trình tại Hội Thông
Thiên học Pháp nói về giáo lý huyền nhiệm của Cao Đài Giáo. Bà cũng đã diễn
thuyết tại Hội Nhân Quyền và Dân Quyền về sự tự do tín ngưỡng ở Đông Dương. Một
ít quân nhân và công chức Pháp đã theo Đạo Cao Đài và thọ phong chức sắc như
Lapatie (Giáo hữu), A. Lestrec (Giáo Hữu). Riêng ông Bellan, nguyên Khâm sứ
Pháp ở Cao Miên đã nhập môn theo Đạo và trường trai như hàng chức sắc.
Đáng kể nhất là nhà văn G. Gobron đã nghiên cứu
giáo lý Đạo Cao Đài và viết quyển "Histoire et Philosophie du
Caodaisme", dưới sự bảo trợ của Hội Thánh Cao Đài Tây Ninh. Ông đã thọ
phong Tiếp Dẫn Đạo Nhơn để truyền Đạo một nước và đại diện cho Đạo Cao Đài dự
nhiều Hội nghị Thông linh học quốc tế. Ông còn can thiệp vào chánh phủ Pháp để
Đạo Cao Đài được hành đạo tự do. Theo đề nghị của ông, Hội Thông linh học quốc
tế nhóm lần thứ năm tại Barcelone (từ 1 đến 10-9-1934) yêu cầu chánh phủ Pháp
căn cứ vào những lời đã hứa vào tháng 3-1933 tại Quốc hội Pháp do ông A.
Sarraut, Bộ trưởng Thuộc địa, thiết lập cho Đạo Cao Đài một qui chế rộng rãi
như những người Việt Nam theo Thiên Chúa Giáo hay những tông phái Phật giáo
trong khắp xứ Đông Dương.
Ngoài ra, còn có những nhân vật đã góp phần can
thiệp cho tự do tín ngưỡng của Đạo Cao Đài tại Đông Dương như H. Regnault,
H.Guerrut (Nghị sĩ Quốc hội Pháp), E.Kahn (Tổng thư ký Hội nhân quyền), v.v...
và nhiều báo chí bào chữa, tường thuật đầy đủ mọi sự áp chế Đạo Cao Đài như La
Libre Opinion, La Griffe, Le Progrès Civique, đều phát hành ở Pháp.
4 .
Phân chia chi phái:
Sau một thời gian khai đạo, Đức Chí Tôn đã cho biết
việc chia chi, rẻ phái qua bốn câu thơ.
Đạo
Thầy nhiều nhánh các con coi
Nhánh
có trái bông nhánh cụt còi .............
Thầy
làm ra mặt các con coi!
Nhành nào đúng Thiên thơ, đạo pháp chơn truyền thì
cành lá sum sê đơm hoa kết quả. Còn nhánh nào tự chuyên, phạm dây oan nghiệt
trong một thời gian rồi mai một.
Ngoài ra còn có một nguyên nhân phàm trần ham quyền
lấn vị. Lại nữa thời buổi ấy mỗi đêm thường có đàn cơ nên số môn đệ đến nhập
môn có khi lên cả hai trăm người.
Chính quyền Pháp sợ đạo bành trướng và lớn mạnh,
trở thành một phong trào ái quốc sẽ gây khó khăn cho họ. Họ tìm mọi cách để ly
gián, khéo ngụỵ trang khiến cho chư tín hữu khó phân rõ chánh tà.
Đức Thái Thượng Đạo Tổ có giáng cơ ngày 16-7 năm
Giáp Tuất (1934) dạy về việc này:
"Tà chánh, Bần đạo nói thiệt cũng chưa dám
định đoạt. Trong cái rủi thường có cái may. Trong cái may vẫn khép cầm cái rủi, khó
lường được. Điều cần là nên làm mà thôi. Nếu luận tà chánh, thì chưa một ai dám còn mang mắt
phàm xưng tụng mình là chánh. Cái tà vì thiên cơ sử dụng. Tà vì cơ thử thách của
Toà Tam giáo. Tà vì những quỷ xác ma hồn lẫn lộn của quỷ vương để làm cho công
phu lở dở. Ngày chung qui, chỉ đem về Thầy một chữ tâm và những công nghiệp đã
gây thành cho sanh chúng. Nền Đạo đã chia ba, theo lời Bần đạo đã nói M.NG.
hiền hữu muốn lập công nơi nào? Toà Thánh, trung ương hay Hậu Giang?
..... "Toà Thánh là gốc cội của Đạo, nếu muốn
lập công nơi đó, vì Thầy đã dạy thì nên làm đi. Cách xây đổi phương lược tuỳ cơ
ứng biến. Ấy là cơ nghiệp riêng của mỗi đạo hữu."
Việc chia rẻ chi phái rạn nứt từ sau khi Đức Quyền
Giáo Tông nắm quyền hành. Khởi đầu là ông Nguyễn Văn Ca tách rời khỏi Toà Thánh
Tây Ninh về lập Đạo ở Cầu Vĩ, Mỹ Tho. Về việc này, Chánh Phối Sư Ngọc Trang
Thanh có ra Châu tri số 31 ngày 22-9-Tân Mùi (01-11-1931) để dự phòng việc chia
rẻ như sau:
"Ngày nay mối Đạo sắp phân chia vì có một phần
chức sắc và tín đồ tự quyền lập Đạo riêng ra nhiều chỗ. Toà Thánh có khuyên
lơn, Toà Tam giáo có phán đoán rồi, mà cũng không ai tuân mạng lệnh. Lại cách
thi thố, cách hành Đạo của các chức sắc ấy, nhiều khi không tuân phép nước. Nên
xin chư hiền hữu xem xét lại cho kỹ càng rồi biên tên họ những chức sắc nào
không tùng mạng lịnh Toà Thánh, gởi về trước cho tôi trong kỳ hạn 10 ngày đặng
cho Chính phủ biết rằng các đạo hữu ấy hết thuộc về Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ và tự
hậu, Đạo không còn can dự chi tới việc hành động của mấy vị ấy nữa".
Sau đó, Chánh Phối Sư Thượng Tương Thanh (tức
Nguyễn Ngọc Tương) gởi một tâm thư cho ông Nguyễn Văn Ca, đề Tây Ninh ngày
01-11-1932 lời lẽ thống thiết, kêu gọi ông Ca mau trở về Toà Thánh Tây Ninh.
"Tôi có tiếp được xấp Thánh ngôn Hậu Giang của
anh gởi và một cái thơ mời hội nơi Thánh Thất Mỹ Tho ngày 15-10 tới đây. Tôi có
đọc kỹ và cũng có đọc lại các Thánh ngôn anh gởi mấy kỳ trước. Tôi thấy rõ một
cuộc khảo, do nơi Tam Trấn để cho tà thần mượn tên cám dỗ. Trong ba cái bịnh
lớn nhất của con người là tham, sân, si. Nếu bậc cầm đuốc dẫn đường mà không
trừ hết, còn một hai cũng phải vướng.
Anh đọc kỹ các Thánh ngôn của cơ bút Hậu Giang từ
khi ban sơ tới giờ, tôi chắc anh cũng thấy rõ cái hư thiệt ở trong, như tôi
vậy. Có một ít của Thánh Thần còn bao nhiêu đều là mưu chước của tà thần cám
dỗ.
Nếu phăng lại gốc, thì tôi rõ biết, khi ban sơ lúc
anh thay mặt cho tôi nơi Toà Thánh. Anh có bất bình về hành động, cử chỉ của
mấy vị Đại Thiên phong nơi đây đối đãi với anh.
Vì sự bất bình ấy mà anh dùng cơ bút Rạch Giá để
cầu hỏi Bài Chánh tà yếu lý ra đời, rất hạp với cái tư tưởng của anh lúc đó, mà
làm cho anh vui lòng để trọn đức tin vào rồi nó dắt anh đi lần lần từ mấy thứ
An thiên đại hội qua đến sự lập Toà Thánh nơi Tam bình, Kiên giang, Thất sơn đã
nhiều phen tiên tri này nọ đều trôi hết nay lại đem anh trở về lập Toà Thánh
trung ương Mỹ Tho là chỗ ở của anh, Tôi xét kỳ thiệt là công cuộc của cơ cám dỗ
Hậu Giang do sự bất bình kia mà gây ra đó.
Thầy đã dạy Đạo khai là Tà khởi. Nó cũng dám lấy
tên Thầy mà cám dỗ, lựa là tên Tiên, Phật. Nên Thầy đã căn dặn ngoài Thập Nhị
Thời Quân của Thầy đã chọn đừng vội tin Thầy có giáng nơi nầy nơi nọ mà phải
lầm mưu tà quái cám dỗ. Vậy nên anh rất thong thả mà nghe hay không nghe, tin
hay không tin tự nơi anh không có một mảy chi bó buộc anh hết, đặng ngày sau
anh không sang sớt một mảy đặng cho ai hết.
Thiên phong chức sắc nào ở Tây Ninh thiệt có tội
thì bị phạt không khi nào chạy khỏi. Anh đã thấy tỏ rõ sự anh làm trong một năm
rưởi nay đối với đạo đức thế nào, xa đạo đức bao nhiêu dặm.
Home [ 1 ] [ 2 ] [ 3 ] [ 4 ] [ 5 ] [ 6 ] [ 7 ] [ 8 ] [ 9 ] [ 10 ]
Home [ 1 ] [ 2 ] [ 3 ] [ 4 ] [ 5 ] [ 6 ] [ 7 ] [ 8 ] [ 9 ] [ 10 ]
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét