Hội Thánh còn thâu nhiều sở đất của đạo hữu dâng
hiến để ất Thánh Thất khắp nơi, cũng mượn tên tôi đứng bộ thế và một sở ruộng
100 mẫu tại Bến Sỏi Tây Ninh của bà con Nữ Chánh Phối Sư Hương Thanh và ông
Chánh Phối Sư Thái Thơ Thanh dâng để làm của chung trong Đạo. Tôi cũng có làm
cho Hội Thánh cầm một cái khái chứng rằng từ ngày tôi về Toà Thánh hành Đạo trở
đi những tài sản khi mua sắm mà để tên tôi đứng tên tức là của Hội Thánh, cái tên
tôi không dùng
ngoài đời mà mua sắm đứng bộ riêng cho tôi một tài sản chi nữa
hết.
Việc cất Tòa Thánh chư hiền hữu thấy trước Bửu điện
đây một cái hầm lớn, đó là cái nền của đền Bát Quái Đài...
Hiện giờ họa đồ chưa rồi. Song ông Bác Vật Kinh đã
lãnh tất số 3.000 đồng tiền mướn ông vẽ. Việc này anh Cả (tức Đức Quyền Giáo
Tông) chúng ta còn đương lo bàn tính với ông Kinh.
Cái Toà Thánh thế nào tôi tưởng cũng phải cất,
nhưng đương thời kỳ kinh tế khẩn bách này phải đình lại ít lâu".
Chuyện ông Nguyễn Ngọc Tương đã đứng tên bộ sổ đất
thật rõ ràng. Thế mà mãi đến năm ra ứng cử vào Thượng Nghị Viện, ông Nguyễn
Ngọc Kỳ (con trai ông Nguyễn Ngọc Tương) mới ký giao đất lại cho Hội Thánh Cao
Đài Tây Ninh vì thế ưu tư lớn của các vị lãnh đạo là phải xin chánh quyền ban
tư cách pháp nhân cho Đạo Cao Đài.
Chính phủ đã ký sắc luật số 003/65 ngày 12 tháng 7
năm 1965 cho phép Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ được hoạt động theo Hiến Chương ngày 21
tháng 1 năm 1965 của Hội Thánh Cao Đài soạn thảo.
Sao trích nguyên văn Sắc luật như dưới đây:
CHỦ
TỊCH UỶ BAN LÃNH ĐẠO QUỐC GIA
Chiếu ....
SẮC
LUẬT
Điều thứ nhứt: Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ được phép hoạt
động trên toàn lãnh thổ Việt Nam theo Hiến Chương ngày 21 tháng giêng năm 1965
đính theo Sắc luật này.
Điều thứ hai: Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ có tư cách pháp
nhân được quyền sở hữu, thủ đắc, tạo mãi hoặc chuyển nhượng những động sản và
bất động sản cần thiết để đoạt mục đích của Giáo hội.
Những bất động sản đó gồm có Tòa Thánh và những
Thánh Thất, trụ sở và các cơ sở hoạt động văn hoá xã hội.
Điều thứ ba: Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ được quyền thâu
nhận những tài sản do các thế nhân hay pháp nhân sính tặng hoặc di tặng.
Điều thứ tư: Dụ số 10 ngày 6 tháng 8 năm 1950 ấn
định quy chế hiệp hội và các luật lệ trái với Sắc luật này, không áp dụng cho Đại
Đạo Tam Kỳ Phổ Độ.
Sài Gòn, ngày 12 tháng 07
năm 1965
Trung tướng: Nguyễn Văn
Thiệu (*1)
(ấn ký)
Hiến chương ngày 21
tháng giêng năm 1965 đính kèm theo Sắc luật này gồm có 12 chương:
Chương
I : Danh hiệu, huy hiệu, Đạo kỳ
Chương
II : Giáo lý, tôn chỉ và mục đích
Chương
III : Hệ thống tổ chức Hội Thánh
Chương
IV : Chức sắc và tín đồ
Chương
V : Đạo phục
Chương
VI : Họ Đạo
Chương
VII : Toà Thánh, Thánh Thất, Tịnh Thất
Chương
VIII : Phước Thiện
Chương
IX : Hội quyền Vạn Linh
Chương
X : Tài sản
Chương
XI : Phương pháp áp dụng
Chương
XII : Thống nhất
Điều thứ 27: Hiến Chương này sẽ là luật căn bản
thống nhất đối với tất cả chi phái Cao Đài ngày sau chấp nhận và ký tên (*2)
Đó là điều khoản cuối cùng và có ý nghĩa của Hiến
Chương, nó tạo cơ hội thống nhất các phái Đạo. Đến ngày 19/8/1966 Chủ tịch Ủy
Ban Hành Pháp ký nghị định số: 1500NĐ/CN cấp không cho Đạo 2.355 ha đất thuộc 4 khu rừng 55, 56, 176, 316.
(*1) Sắc luật
003/65 nhìn nhận Pháp Nhân ĐĐTKPĐ Tây Ninh 1965
(*2) Sắc luật
003/65 nhìn nhận Pháp Nhân ĐĐTKPĐ Tây Ninh 1965
4 . Quy điều Ban Thế Đạo:
Ban Thế Đạo thuộc chi
thế Hiệp Thiên Đài, theo tôn chỉ Đạo Cao Đài, Hội Thánh lập Ban Thế Đạo cốt yếu
mở rộng trường thi công quả, tiếp đón những bậc nhơn tài văn võ có khả năng
phụng sự cho Đạo mà không thể phế đời hành Đạo.
Ban Thế Đạo là cơ quan thuộc về
phần đời, bắt nguồn từ cửa Đạo phát xuất làm giây nối liền cho Đạo Đời tương
đắc tương liên ngõ hầu tạo lập một đời sống thanh bình cho nhân loại
trong thời chuyển thế.
Nhiệm vụ của Ban Thế
Đạo là độ đời nâng Đạo, về hành sự trực tiếp với Cửu Trùng Đài về mặt chuyên
môn trong xã hội và trực thuộc chi Thế Hiệp Thiên Đài về mặt chơn truyền luật
pháp.
Ban Thế Đạo tuy manh nha từ lâu, mãi đến ngày mồng
3 tháng 12 năm Quí Tỵ (1953) Đức Giáo Lý Giáo Tông mới cho phép thành lập và
được Đức Phạm Hộ Pháp duyệt qua Quy Điều ngày 9/2 Ất Tỵ (13/3/1965). Sau đó Đức
Thượng Sanh ban hành Thánh Lịnh 01/TL ngày 28 tháng 2 năm Ất Tỵ chính thức
thành lập Ban Thế Đạo.
THƯỢNG
SANH
CHƯỞNG
QUẢN HIỆP THIÊN ĐÀI
- Chiếu ...
- Chiếu Thánh giáo của Đức Lý Giáo Tông đêm mồng 3
tháng 12 năm Quí Tỵ (1953) ấn định 4 phẩm trong Ban Thế Đạo như sau:
1 . Hiền Tài
2 . Quốc Sĩ
3 . Đại Phu
4 . Phu Tử
Nghĩ vì Hội Thánh đã thành lập xong Quy Điều của
Ban Thế Đạo được sự chấp thuận của Đức Hộ Pháp do Thánh Giáo đêm mồng 9 tháng 2
Ất Tỵ (1965) nên:
THÁNH
LỊNH
Điều
thứ nhứt: Để cầu hiền giúp Đạo, Hội Thánh đã thành lập Ban Thế Đạo với Quy Điều kèm
theo đây, kể từ ngày ký tên Thánh Lịnh này.
Điều
thứ nhì: Ban Thế Đạo dưới quyền trực thuộc Hội Thánh Hiệp Thiên Đài Chi Thế.
Điều
thứ ba: Hội Thánh Cửu Trùng Đài và Hội Thánh Phước Thiện tùy nhiệm vụ, lãnh ban
hành và thi hành Thánh Lịnh này.
Toà Thánh, ngày 28 tháng 2
năm Ất Tỵ (DL 1/4/1965)
THƯỢNG SANH
(Ấn ký)
Quy Điều Ban Thế Đạo gồm 4 chương:
Chương
I : Nhiệm vụ và phẩm trật
Chương
II : Hệ thống
Chương
III : Lễ phục
Chương
IV : Cầu phong vào hàng Thánh (*1)
Về vai trò nhập thế của Ban Thế Đạo được ông Cải
Trạng HTĐ Đặc Trách BTĐ viết như sau:
"Chức sắc Ban Thế Đạo có hai nhiệm vụ rõ rệt:
Phần thế: lo việc xã hội, giúp đời.
Phần Đạo: lo việc tu thân và giúp Đạo.
Qua các đặc san Thế Đạo đã ấn hành, Ban Thế Đạo đã
nhấn mạnh vai trò giúp Đạo trợ Đời của mình...
Để cụ thể hoá vai trò nhập thế của mình, Ban Thế
Đạo phải tri hành hợp nhất, tức nhận lấy trách nhiệm của mình trước lịch sử dân
tộc, đóng góp tài đức vào việc tranh thủ nhân tâm, vãn hồi hoà bình và củng cố
độc lập cho quê hương...
Ban Thế Đạo qua sự chỉ đạo của ban Cố Vấn và sự
tuyển chọn của Ban Quản Nhiệm Trung Ương sẽ yểm trợ mạnh mẽ cho một số Hiền Tài
và đạo hữu trên toàn quốc ra tranh chức vụ dân cử từ hạ tầng đến thượng tầng cơ
sở". (*2)
Để thực hiện chỉ thị đó, Ban Thế Đạo chọn người ra
tranh cử Hội Đồng tỉnh tại 4 quận trong tỉnh Tây Ninh, tỉnh Hậu Nghĩa, tỉnh An
Giang và một số nơi khác. Tất cả đều trúng cử vẻ vang.
Về việc tuyển chọn người vào phẩm Hiền Tài, Hội
Thánh Hiệp Thiên Đài chọn các bậc trí thức trong xã hội từ 40 tuổi trở lên phải
có bằng Tú Tài hoặc trong hàng sĩ quan từ Đại uý trở lên.
Từ trước việc phong chức Hiền Tài chỉ lẻ tẻ. Đợt
phong đầu tiên đồng loạt là ngày mồng 7 tháng 8 năm Bính Ngọ (21/9/1966) đến
đợt thứ 5 vào ngày 13 tháng 8 Quí Sửu (9/9/1973) được tất cả 720 vị.
Ta có thể phân như sau:
- Phu Tử : 1 vị - Linh Sơn Phu Tử Trần Văn Giảng (*3)
- Đại Phu : 1 vị - Huỳnh Đức Phan Khắc Sửu
- Quốc Sĩ : 1 vị - tướng Trịnh Minh Thế
- Hiền tài: Trên 720 vị mà vị Hiền tài đầu tiên là
Nguyễn Bửu Tài, sau được thăng lên Phối Sư.
Ban Quản Nhiệm đầu tiên được Đại Hội Ban Thế Đạo
bầu cử tại văn phòng Ban Thế Đạo (đây là toà nhà 1 lầu cao cất rất kiên cố với
thời gian ngắn nhứt so với các dinh thự trong Nội Ô Toà Thánh ) vào ngày 24-3
Mậu Thân (21/04/1968) gồm 12 vị được hợp thức hoá bằng Đạo Lịnh số 05/ĐL ngày
16-4-Mậu Thân (12/05/1968 )
Huấn từ của Đức Thượng Sanh sau khi bầu xong Ban
Quản Nhiệm Trung Ương như sau:
"Hôm nay Đại Hội Ban Thế Đạo đã bầu xong Ban
Quản Nhiệm Trung Ương đầu tiên. Chư quí Hiền Tài đã lấy công tâm để chọn cử
những người xứng đáng ra gánh vác trọng trách điều hành công việc Ban Thế Đạo.
Nhơn danh Chưởng Quản Hiệp Thiên Đài, tôi xin để
lời mừng chư quí vị trong Ban Quản Nhiệm Trung Ương.
Đức Khổng Phu Tử có nói: Đừng lo mình không có tước
vị, chỉ lo có tài đứng vào chỗ ấy, đừng lo không ai biết mình, miễn mình được
giỏi đủ cho người ta biết đến (Bất hoạn vô vị, hoạn sở dĩ lập, bất hoạn mạc kỷ
tri, cầu vi khả tri giả)...
Toàn Đạo đều mong công quả của Ban Quản Nhiệm Trung
Ương, chư vị Hiền Tài và chờ đợi sự góp ý xây dựng. Nhứt là Hội Thánh mong mỏi
Ban Thế Đạo ra thiệt tướng để nhờ điểm tô nghiệp Đạo...
Ban Thế Đạo phải có một vai tuồng quan trọng trong
thời kỳ chuyển thế này, chớ không phải chỉ có cái danh suông và những lời nói
suông được...
Muốn làm xong nhiệm vụ, cần phải rèn luyện một tinh
thần cao đẹp và một ý chí cứng rắn thể theo câu Quân tử tuân đạo nhi hành của
Khổng Giáo.
Trong việc tu luyện ý chí có bốn điều cần thực
hành:
- Thấy việc nghĩa nhất định làm.
- Tha thiết với hoài bão của mình.
- Tìm mọi biện pháp để thực hiện.
- Bền tâm thực hiện cho được hoài bão đó mà không
quản gian lao khó nhọc...
Các bậc hiền thời xưa đều là những nhân vật xuất
thân trong hạng bình dân áo vải, nhưng nhờ có kinh luân xuất chúng, ý chí cương
quyết mà tạo nên thời thế, giúp ích cho giang san lưu lại danh thơm cho đời
sau". (*4)
Vai trò của Ban Thế Đạo trong Đạo mỗi ngày một lớn,
nhất là từ sau khi Đức Hộ Pháp giáng cơ đêm mồng 4 tháng 7 năm Kỷ Dậu
(16/8/1969) tại Giáo Tông Đường chỉ dẫn: tìm Chức sắc cao cấp trong Ban Thế
Đạo.
"Đức Thượng Sanh bạch: bản Quy Điều Ban Thế
Đạo đã được Hội Thánh Hiệp Thiên Đài tu chỉnh vài điều khoản để lại cho sự
nghiệp tuyển chọn Chức Sắc Ban Thế Đạo được thực hành kỹ lưỡng hầu gìn giữ chơn
giá trị Ban Thế Đạo. Xin dâng lên Ngài phê chuẩn.
Cười ....
Đức Thượng Sanh bạch: Hội Thánh Cửu Trùng Đài còn
thiếu Chức sắc cao cấp đầy đủ khả năng điều khiển nên guồng máy hành chánh Đạo
không tiến triển khả quan.
- Cứ để vậy còn hơn đem những phần tử đã kể là bất
lực thì lại càng rối thêm.
Đức Lý có thảo luận với bần đạo về việc truyền cho
Ban chức sắc cao cấp Cửu Trùng Đài thì nên tìm nhân tài trong hoặc ngoài Ban
Thế Đạo sẵn lòng tình nguyện hiến thân phục vụ cho Đạo thì các bạn nên mời về
tham khảo ý kiến. Nếu được, Đức Lý sẽ đặc cách ân phong quyền tước để phụng sự
có hiệu lực hơn. Các bạn đồng ý chăng?
Đức Thượng Sanh: Tiểu Đệ và các bạn Hiệp Thiên Đài
sẽ cố gắng thực hành theo lời chỉ giáo của Đức Ngài". (*5)
Để thực hiện Thánh Giáo của Đức Hộ Pháp và ngày 29
tháng 9 Kỷ Dậu (08/11/1969), Đức Thượng Sanh đã gởi cho Ban Thế Đạo một Thánh
Thơ, trong đó có đoạn viết:
"Để áp dụng giải pháp nói trên, tôi xin Hiền
Hữu (tức Cải Trạng đặc trách Ban Thế Đạo) nhân một phiên nhóm thường lệ của
Chức sắc Ban Thế Đạo, đem lời dạy của Đức Hộ Pháp đọc cho chư vị Hiền Tài nghe
và nói Hội Thánh Hiệp Thiên Đài muốn nâng đỡ những vị có thiện chí phục vụ cho
Đạo vào hàng Thánh thể của Đức Chí Tôn. Nếu có những bạn muốn tình nguyện hiến
thân xây dựng tương lại cho đạo và lập vị cho mình thì xin ghi tên. Hiền Hữu sẽ
lập vị bằng phiên nhóm gửi lên cho tôi liệu định. Theo lời dạy của Đức Hộ Pháp
thì có lẽ Đức Lý Đại Tiên sẽ tùy theo tài đức và khả năng của những vị tình
nguyện phục vụ mà ân phong từ phẩm Giáo Hữu lên tới Phẩm Phối Sư". (*6)
Sau Thánh thơ đó, Hiền Tài tình nguyện hiến thân
phục vụ Đạo Sự rất đông. Kết quả là đa số đều được ân phong: 20 Giáo Hữu, trong
đó có hai Phối Sư và bốn Giáo Sư, có một vị nữ phái. Do Đàn Cơ tại Cung Đạo Đền
Thánh đêm 15 tháng 11 Tân Hợi (1971). Cùng một lượt này, bà Từ Cung (mẹ Bảo Đại
) được ân phong Phối Sư. Năm sau nhiều vị Hiền Tài khác cũng được ân phong mà
đa số là Giáo Hữu.
(*1) Thế Đạo
5-70 Tây Ninh 1970, Tr.6-7
(*2) Thế Đạo
5-70, Tây Ninh 1970 tr. 6-7
(*3) Tây Ninh
xưa và nay, Sài gòn 1972, tr.119
(*4) Thế Đạo
1969, Tr 5-9
(*5) Thế Đạo
1969 , Tr.5-9
(*6) Thế Đạo
1970, Tr.4
5 . Thập Nhị Bảo Quân;
Theo Pháp Chánh Truyền, dưới quyền Hộ Pháp còn có
Bảo Y Quân, Bảo Học Quân, Bảo Văn Pháp Quân,... (*1)
Theo tài liệu huấn luyện Giáo Hữu 1972, Thập Nhị
Bảo Quân là hội đồng khoa học thuộc chi thế H.T.Đ gồm có: Bảo Văn Pháp Quân,
Bảo Sanh Quân, Bảo Cô Quân, Bảo Huyền Linh Quân, Bảo Tinh Quân, Bảo Địa Lý
Quân, Bảo Học Quân, Bảo Y Quân, Bảo Sĩ Quân, Bảo Nông Quân, Bảo Công Quân, Bảo
Thương Quân.
Năm 1972, ba Bảo Quân được phong là Bảo Y Quân, Bảo
Học Quân, Bảo Nông Quân (Đàn Cơ tại cung Đạo đêm 1/1/1972).
Vậy từ khai Đạo đến đấy chỉ có 6 Bảo Quân được tấn
phong là:
- Bảo Văn
Pháp Quân là thi sĩ Cao Quỳnh Diêu (1885-1958) được ân phong năm 1930. Xin
xem Đại Đạo danh nhân, cùng người viết.
- Bảo Sanh
Quân là bác sĩ Lê Văn Hoạch (1896-1978) có thời làm Thủ tướng, được ân
phong năm 1930. Ông là Viện trưởng thứ nhất của Viện Đại Học Cao Đài.
- Bảo Cô
Quân là tiến sĩ luật khoa Dương Văn Giáo, có thời làm Báo Đuốc Nhà Nam với
Nguyễn Thế Vĩnh thọ phong giáo sư (thân sinh Nam Đình).
- Bảo Y Quân
là bác sĩ kiêm dược sĩ Trương Kế An thuộc phái đạo Minh Đường (Thủ Dầu Một)
được ân phong 1972.
- Bảo Học
Quân là tiến sĩ luật khoa Nguyễn Văn Lộc có thời làm Thủ tướng, được ân
phong một lượt với bác sĩ Trương Kế An. Ông là Viện trưởng thứ 3 của Viện Đại
Học Cao Đài.
- Bảo Nông
Quân là kỹ sư Đặng Văn Dắn, ân phong một lượt với tiến sĩ Lộc.
Cả 6 vị đều vĩnh du tiên cảnh.
(*1) Tân Luật,
Pháp Chánh Truyền, Paris Gasnier 1952, tr.103
6 .
Cơ quan Phát thanh Phổ thông Giáo lý:
Vào ngày 5 tháng 5 Đinh Mùi (1967) dịp lễ Giáng
sanh Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc, Hội Thánh cho lập Cơ quan Phát Thanh và Phổ
Thông Giáo Lý. Nhờ hệ thống A của Đài phát thanh Sài gòn mà Giáo lý được truyền
khắp 4 phương.
Trong dịp kỷ niệm chu niên của cơ quan, vị Phó giám
đốc phát biểu:
"Lúc Đức Hộ Pháp hạ bút ghi vào họa đồ của Nội
Ô Toà Thánh để quy định nơi nào phải cất cơ sở gì, Đức Hộ Pháp có ghi rành 2
mẫu đất gần cửa số 8 Nội Ô dùng để cất đài phát thanh, tức là Cơ quan Phát
thanh ngày nay.
Năm nay, ngày 5 tháng 5 vẫn là ngày kỷ niệm của cơ
quan, cuộn băng đầu tiên hoàn thành vào ngày lễ Giáng sanh của Đức Hộ Pháp đã
được chuyển phát trên đài Sài gòn.
Hội Thánh Lưỡng Đài và Phước Thiện quyết nghị giao
cho Ngài khai Đạo trách vụ điều hành cơ quan phát thanh. Lại nữa Đức Thượng
Sanh ra công dìu dẫn mọi mặt, nhất là về văn nghệ Đức Ngài đã chịu khó thức đêm
để dạy và chỉ rành cho anh chị em nghệ sĩ cổ nhạc.
Ngoài ra, Đức Thượng Sanh và quí vị Thời Quân
chuyên tâm nghiên cứu viết những bài giáo lý phát thanh để phát huy cơ quan
phát thanh của Đại Đạo. Từ cái không làm ra cái có, từ mảnh đất trống biến
thành cơ quan đó là nhờ Thiêng Liêng ám trợ. Hội Thánh dìu dắt và công lao của
toàn thể đồng Đạo.
Tờ thông tin ấn hành liên tục để Hội Thánh, phát
đến các Châu, Tộc Đạo trên toàn quốc. Ngoài ra, để thi hành Thánh Lịnh của Đức
Hộ Pháp nhằm đào tạo cho con em trong Đạo có nghề nghiệp trước khi lập gia
đình, cơ quan đã mở những lớp huấn nghệ như vô tuyến điện, máy động cơ, nghề
mộc, nghề in gạch, kế toán". (*1)
Cơ quan còn lập Bạch Vân Ấn Quán tiếp nối truyền
thống của Chơn truyền ấn quán xưa kia để in Kinh sách Đạo cung ứng cho các
Châu, Tộc Đạo.
Ngài Ngọc Đầu Sư huấn dụ trong buổi lễ khai trương
Bạch Vân Ấn quán như sau:
"Từ lâu Hội Thánh có ước vọng tạo lại Chơn
Truyền ấn quán theo Thánh ý của Đức Hộ Pháp, vì chuyên viên và tài chánh chưa
cho phép dù Hội Thánh đã chấp thuận.
Hàng năm Hội Thánh phải chi phí một số tiền lớn vào
việc ấn loát, mướn in giấy cảm tạ, ban khen, bộ sổ Kinh sách Đạo, nhất là Kinh
Lễ, Pháp Chánh Truyền, Thánh ngôn... Kinh sách đều in ở Sài gòn, xa xôi trở
ngại thiếu người chăm sóc sửa bản in nên có nhiều sai sót đáng tiếc. Nay Bạch
Vân Ấn quán đã thành hình giúp cho Hội Thánh nhiều công lớn". (*2)
(*1) T.T ra ngày
20/6/1972
(*2) TT 90
7 .
Tịnh Thất Vạn Pháp Cung:
Vào ngày 13 tháng 8 năm 1969 Hội Thánh cử ông
Nguyễn Kim Vinh xây dựng Vạn Pháp Cung tại Sân Đình Núi Bà. Nhưng vì ảnh hưởng
chiến cuộc, sau đó Chí Thiện Võ Văn Đợi và con Võ Văn Kỵ dời về gần xã Ninh
Thạnh. Đây là một Tịnh Thất tập trung được nhiều tu sĩ có tổ chức quy mô nhứt.
Họ ăn chung làm chung rồi tịnh luyện. Các Tịnh Thất đã có trước là Thảo Xá hiền
cung (1927) Trí Giác Cung (1948), Trí Huệ Cung (1950).
Theo Tân Luật, phần Tịnh Thất có ghi rõ:
"Tịnh Thất là nhà Thanh Tịnh để cho các tín đồ
vào mà tu luyện". Có người chưa biết gì về thiền định, vịn vào câu đó cho
rằng Toà Thánh Tây Ninh chỉ có Tịnh Thất cho tín đồ mà không có bí pháp, Tịnh
Thất cho Chức sắc (*1). Đó là điều hết sức sai lầm. Đạo Cao Đài không có Tịnh
Thất nào khác ngoài Tịnh Thất do Tân luật quy định. Từ ngữ tín đồ, xác nhận
rằng các Chức Sắc muốn nhập Tịnh Thất cũng phải gởi chức phận lại bên ngoài nhà
tịnh như Đức Phạm Hộ Pháp nói khi Ngài nhập Tịnh Thất Trí Huệ Cung "Giải
chức Hộ pháp, chỉ còn là bạn tu mà thôi". (*2)
Bởi lẽ, tu theo Cửu Phẩm Thần Tiên là tu tiệm ngộ,
tức tu vòng, còn tu theo tam thừa vô vi là tu đốn ngộ, tức tu tắt mau hơn. Đàn
đêm 19/12/1926 Thầy dạy: "Thầy ban
quyền rộng rãi đặng cho nhơn loại trên càn khôn thế giới. Nếu biết CHỨNG NGỘ,
một kiếp đời tu đủ trở về cùng Thầy đặng". Đức Ngô Minh Chiêu đã sớm
"Cỡi rồng về nguyên" là vậy. Trong Tân Luật, chương 2 điều 13 có viết
câu này: "Trong hàng Hạ thừa, ai giữ
trai kỳ từ 10 ngày sắp lên được thọ truyền Bửu Pháp vào Tịnh Thất có người chỉ
luyện Đạo". Vậy tu theo tam thừa vô vi từ dưới lên trên là hạ thừa (sơ
tịnh) trung thừa (trung tịnh) và đại thừa hay thượng thừa (đại tịnh).
1 . Sơ tịnh: (Preliminary
level of Zen) là luyện chơn nhứt khí tức luyện thở dưỡng sinh cho huyền khí của
Trời và nguyên khí của người thành một mà nuôi cơ thể.
Đàn đêm tháng 5/1928 Đức Chí Tôn dạy: "Tắc,
làm Tịnh Thất cho rồi đặng mấy anh con vào tịnh, cái đài luyện khí trật hướng,
phải xoay mặt qua chánh đông". Thầy dạy Ngọc Lịch "Phải bày Bửu pháp
ra, không đăng dấu nữa". (TNHT1, Tr.13)
Tịnh Thất này nằm ở bên kia Báo Ân Từ làm cho Đức
Cao Thượng Phẩm vào tịnh. Sau ngài về Thảo Xá Hiền Cung coi đây là Tịnh Thất
thứ hai của Ngài.
2 . Trung tịnh: Là luyện Tam Bửu
tụ đỉnh cho pháp luân thường chuyển, tức là chuyển Tinh Khí Thần hiệp nhứt tại
nê hườn cung.
Trong tứ thời, mọi tín hữu đều dâng lên Tam Bửu:
Bông là xác thân thuộc Tinh, rượu là trí não thuộc Khí và trà là linh hồn thuộc
Thần. Nếu sau thời cúng ngồi tịnh biết chuyển khí đi theo đường nói trên cũng
có thể đạt thành được.
Đàn đêm ngày 17/7/1926, Thầy dạy: "Mỗi kẻ phàm
dưới thế này đều có hai xác thân, một phàm gọi là corporel; còn một thiêng
liêng gọi là spirituel. Cái thiêng liêng do nơi cái phàm mà ra, nên gọi nó là
bán hữu hình vì có thể thấy đặng mà có thể cũng không thấy đặng.
Cái xác vô hình huyền diệu thiêng liêng ấy do nơi
Tinh, Khí, Thần mà luyện thành. Nó nhẹ nhàng hơn không khí. Khi nơi xác phàm
xuất ra, thì lấy hình ảnh xác phàm như khuôn in rập. Còn khi đắc Đạo mà có
Tinh, Khí không có Thần thì không thể nhập cõi hằng sống. Vậy 3 món báu ấy phải
hợp mới đặng".
3 . Đại tịnh: là luyện ngũ khí
triều ngươn cho phản bổn hườn nguyên. Tứ đại oai nghi: đi, đứng, nằm, ngồi,
thấy như không thấy, nghe như không nghe gọi là đại tịnh. Làm cho khí trong
người nghịch chuyển, tức phản bổn mà chiết khảm điền ly giúp cho càn khôn an
tịnh là đắc Đạo.
Xem thế, ngay buổi đầu, Đức Chí Tôn dạy người theo
Đạo tu thân làm công quả và tịnh luyện. Tân Luật cũng xác nhận: Đạo gồm có
Thánh Thất (thể pháp) và Tịnh Thất (bí pháp thiền định).
Thể pháp là hình tướng của Đạo, biểu tượng là Hội
Thánh. Bí pháp là quyền năng của điển lực để người Đạo giải thoát. Thế nên, lúc
mới khai Đạo nặng về phổ độ để đưa người vào cửa Đạo, sinh hoạt Đạo lý mà lập
công, lập ngôn rồi lập đức mà tiêu trừ nghiệp chướng. Hai phần phổ độ và vô vi
nằm chung trong chánh thể Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ. Hội Thánh Cao Đài có nhiệm vụ
thực hành trọn vẹn cả hai. Bởi lẽ, trong Chơn truyền của Đức Chí Tôn không hề
có sự phân chia hai phần:
1 . Phổ độ là Ngoại giáo công truyền do Toà Thánh
Tây Ninh đảm trách;
2 . Vô vi tịnh luyện là Nội giáo bí truyền do chi phái thực thi, như một ít
người lầm tưởng.
Thể pháp và bí pháp tương liên khắn khít với nhau
như hình với bóng. Hễ có hình thì có bóng, có bóng tức có hình. Nói cách khác,
cầu kinh tứ thời là thể hình để người Đạo, mỗi ngày một ít gom thần định trí
vào lý thanh cao tưởng đến Trời Phật. Còn cái bóng của Kinh Kệ là trạng thái
sống tinh thần của người Đạo đạt được khi vọng niệm, các âm ba hoà nhập vào
điển lực của Trời Phật làm thức tỉnh chơn thần. Âm ba kinh kệ là cái bóng, chữ
nghĩa kinh kệ là cái hình. Hình với bóng không thể xa nhau.
Đức Thích Ca vâng lời Đức Chí Tôn ra lịnh Ngài Ngọc
Lịch Nguyệt "Phải bày bửu pháp ra, không đặng dấu nữa" để tận độ
chúng sanh. Ai cũng được nhập Tịnh Thất như bên Phật giáo Hoà Thượng, Thượng
Toạ,.... và các Phật tử đều được thiền định. Đạo Cao Đài không khác hơn, chức
sắc tín đồ đều được vào Tịnh Thất. Ai hiểu khác các điều đó là đi sai Chơn
truyền của Đại Đạo.
Ai dám bảo vô vi thì không phổ độ? Nếu không phổ độ
lấy đạo hữu đâu thiền luyện?
"Một Thánh Thất thuộc phần Phổ Độ để các môn
đệ bên Vô Vi ngửa vâng Thánh ý truyền bí pháp" ông Đồng Tân lại thêm
"nhiều sự bí nhiệm phát xuất từ Vô Vi lại được khải ngộ trong phần Phổ Độ
như Kinh Đại Thừa Chơn Giáo" (*3). Hãy mạnh dạn mà nói Vô Vi do Phổ Độ mà
ra, viết đúng hơn một số người tự tách ra mà lập chi phái. Hiện tượng chi phái
là một biến tướng trên dòng lịch sử phát triển của Đạo, nằm ngoài Chơn pháp.
Lời trích trên có hai ý: Thánh Thất thuộc Phổ Độ ám
chỉ Toà Thánh Tây Ninh và Kinh Đại Thừa Chơn Giáo (không phải Thầy cho Đức Ngô
Minh Chiêu).
1 .
Thánh Thất thuộc Phổ Độ:
Vào năm 1926 ông Nguyễn Phát Trước nhập môn theo
Đạo mới tại Thánh Thất Cầu Kho. Ông có căn nhà lầu ở Phú Thọ (Sài gòn). Ngài
Đầu Sư Thượng Trung Nhựt khuyên ông, tầng dưới làm nhà, tầng trên làm Thánh
Thất. Ông Trước thuận và được Đức Chí Tôn đặt tên "Trước Lý Minh
Đài". Ngày 26-10-Bính Dần, ông thọ phong Lễ Sanh một lượt với ông Trần Văn
Tạ. Cũng trong năm đó, ông được thăng chức Chưởng Nghiêm Pháp Quân (*4) và ông
Trần Văn Tạ chức Hộ Đàn Pháp Quân.
Khi ông mất, ông Tạ tiếp tục cai quản Thánh Thất
Trước Minh Lý Đài. Năm 1935, do mong muốn tịnh luyện của nhiều đạo hữu, ông Tạ
xin Ơn Trên ban cho Bí pháp.
Đêm rằm tháng 8 Ất Hợi (1935) Đức Chí Tôn giáng
dạy:
"NGỌC quang chiếu tủa
khắp tràn nơi,
HOÀNG lịnh ban ân chỉnh
cuộc đời
THƯỢNG trí biết lo hành
đạo đức
ĐẾ ngôi an hưởng chẳng
thay lời.
Thầy mừng các con, nghe
thi;
Bày
khoa Pháp Vô Vi bí diệu
Dạy
các con sớm hiểu trau mình
Thầy
truyền phép nhiệm huyền linh
Đặng
con phanh luyện khí, Tinh hườn Thần
Hiệp
tánh mạng kim thân bất toại
Qui
Tam Thanh vận tải ngũ hành
Đoạt
cơ Tạo Hoá thì thành
Cướp
quyền chủ tể trường sanh muôn đời
Khí
hạo nhiên trước trời đã có
Hoá
âm dương đến đó hiệp hoà
Huân
chưng sanh khắc một Cha
Là
ngôi Thái Cực chánh tà thuần dương
Âm
trọng trược tách dương huyền khí
Dương
khinh thanh thăng vị hạo nhiên
Phân
ra tứ tượng ba miền
Thăng
thăng giáng giáng hiệp truyền tam ngươn
Chia
bát quái tuần hườn biến hoá
Sẵn
ngũ hành thủy hoả huân chưng
Thầy giáng cơ này để hạ truyền bí pháp cho các con,
nhưng chẳng đủ mặt, Thầy chưa hạ lịnh. Tuy vậy, Thầy cũng cho các con hiểu, tại
sao mà các con phải tu luyện. Là vì các con thọ bẩm khí hậu thiên, mang lớp
thân trọng trược, vì các con chẳng biết hiệp chỗ tánh mạng Khảm, Ly. Thầy sắp
chỉ cho các con qui Tam Bửu, Ngũ hành, hiệp âm dương thì mới mong kết thành Xá
Lợi".
Vào ba mươi tháng đó, Đức Chí Tôn giáng dạy:
"NGỌC
chẩm huyền môn phá khiếu trung,
HOÀNG
lư pháp diệu Khảm Ly cung
THƯỢNG
điền ký tế âm dương huợt
ĐẾ
dĩ Càn Khôn vạn vật tùng.
Mừng
các con đại tịnh. Thầy minh đạo:
THI
Trước
Lý Minh Đài diệu pháp môn,
Khai
khoa bí nhiệm tế sanh tồn,
Học
đường Đại Đạo truyền chơn khuyết,
Hữu
đức chí thành đắc đạo trung.
Các con còn khuyết điểm rất nhiều trong đường Đạo,
nay con đã tìm ra chánh lý thì phải phấn lực tận tâm hành pháp diệu huyền. Thầy
sẽ giao truyền chỗ quán nhứt chấp trung cho các con phanh luyện, tụ khí ngươn
thần hầu ngày sau siêu phàm nhập Thánh. Nếu các con chẳng đặng nhứt tâm thì
phải chịu luân hồi chuyển kiếp. Phải tuỳ cơ vận chuyển mà tấn hoá lên đến Thầy.
Các con phải biết rằng Đạo là Vô Vi, là thiên nhiên chi khí vận tải châu lưu
trước khi sanh trời đất.
Trời đất phải bẩm thọ khí Tiên thiên mà sanh ra mới
có nhựt nguyệt tinh và càn khôn vũ trụ, vạn vật muôn loài. Các con trước thọ
nơi Thầy một điểm thanh hư huyền khí giáng trần, sau vì khí hậu thiên hãm sát
mà làm cho mờ tối, vật báu linh bửu tan rã mà thất tình lục dục, lục căn lục
trần....tiêu lần lần hết tam bửu, ngũ hành, càng ngày càng hư hỏng điểm thanh
hư của Thầy, biết đường sá đâu mà trở lại. Dẫu có biết trở lại cũng chẳng hề
gì, là tại làm sao các con? Là tại không có Thánh thai, Phật tử đó vậy.
Tại sao các con phải chuyển kiếp luân hồi? Là vì
các con xa nơi đạo, hư hỏng tinh thần, tiêu kém khí huyết, chẳng biết đem tánh
mạng hiệp hòa, luyện tam bửu cho đầy, ngũ hành nhứt khiếu. Các con muốn hiểu
chỗ Đạo thì các con phải phanh luyện tinh thần và tạo xác thân thiêng liêng bất
sanh bất diệt, bất tử, bất tiêu. Các xác thân ấy là chi? Là cái bổn tánh thuần
dương vậy.
Khi các con bỏ cái xác phàm thì điểm linh quang của
các con về thẳng Thầy. Các con phải biết rằng muốn tạo cái xác thân thiêng
liêng chẳng phải dễ mà cũng không khó chi. Cười ...."
Ông Hộ Đàn Pháp Quân đem các bài Thánh giáo này về
Toà Thánh trình lên Đức Hộ Pháp. Về mặt đời, lúc ấy nhân sanh vừa trải qua cơn
khủng hoảng kinh tế (1929-1933) trên toàn thế giới. Về mặt Đạo, sự phân chia
chi phái đang làm suy yếu nền Đạo. Về mặt bí pháp, Đức Chí Tôn ban đầu có hỏi
Đức Hộ Pháp:
"- Con phục lịnh xuống thế mở Đạo....Con mở bí
pháp trước hay mở thể pháp trước?
- Xin mở bí pháp trước.
- Nếu con mở bí pháp trước thì khổ. Đang lúc đời
cạnh tranh tàn bạo, nếu mở bí pháp trước lộ bí mật huyền vi của Đạo, đời thấy
rõ xúm nhau tranh giành phá hoại thì mối đạo phải ra thế nào? Vì thế, nên mở
thể pháp trước, dầu cho đời quá dữ có tranh giành phá hoại, cơ thể hữu vi có
hủy đi nữa thì cũng vô hại, xin miễn bí pháp còn là Đạo còn. Bí pháp là do Hiệp
Thiên Đài nắm giữ....". (*5)
Rồi Đức Ngài khuyên ông Tạ phế đời về Toà Thánh
hành đạo.
2 . Đại Thừa Chơn Giáo
Khi ông Trần Văn Tạ về Toà Thánh, mọi việc nơi
Trước Minh Đài giao lại cho Giáo sư Trần Văn Quế. Ông Quế và các đạo hữu Trước
Lý Minh Đài tiếp tục xin Ơn Trên chỉ dạy về phép tịnh luyện. Sau sưu tập in
thành quyển Đại Thừa Chơn Giáo. Trong "Bài
Ca Tụng", ông Quế có viết:
"Cứ
theo thứ tự niên ngoạt nhựt thời mà xét thì xưa kia khoa bí truyền ra đời trước
khi khoa phổ hoá. Nay khoa phổ hoá đã đi đặng một bước đường khá dài (từ 1925)
thì khoa bí truyền phải ra mắt mà đưa kẻ thiện duyên đến đảnh. Vì vậy mà ngày
nay (1936) mới có quyển Đại Thừa Chơn Giáo". (thực ra mới in năm
1950).
Như vậy, phần Vô Vi mới hình thành từ năm 1936 tức
sau phần phổ độ hơn 10 năm. Thế nên, sơ đồ trong quyển "Lịch Sử Đạo Cao
Đài" (quyển 2) trang 437 của Đồng Tân ông Hồ Bảo Đạo cho là sai lầm.
3 .
Vai trò của Đức Phạm Hộ Pháp với bí pháp:
Trước hết, nghi lễ thọ phong Hộ Pháp khác thường,
không lời tuyên thệ, lời nguyện mà là một cuộc hành pháp trục Chơn Thần Phạm
Công Tắc ra khỏi xác phàm để Chơn linh Vi Đà Hộ Pháp giáng ngự nơi thân thể
Ngài. Từ đó, Phạm Công Tắc trở thành Hộ Pháp Cao Đài. Đó là trường hợp giáng
linh ngự thể như Chơn linh của Nguyễn Du nhập vào Victor Hugo. Ngài đã được Đức
Chí Tôn giao trọng trách đứng đầu Hiệp Thiên Đài thông công các Đấng và chịu
trách nhiệm về phần Chơn thần của toàn thể đạo hữu (chỉ chung cả chức sắc), còn
phẩm Giáo Tông chỉ có quyền về phần xác mà thôi.
Năm 1929, Đức Phạm Hộ Pháp lập Khổ Hiền Trang mở
Phạm Môn tu luyện không áo mão với "Phương luyện Kỷ" để đoạt cơ giải
thoát. Thánh ngôn của Đức Chí Tôn đã dạy: "Hộ Pháp hằng đứng (nơi Vi Hộ)
mà gìn giữ chơn linh các con, khi luyện Đạo đặng hiệp tinh với khí, rồi khí mới
thấu đến Chơn Thần hiệp làm một mà siêu phàm nhập Thánh".
Năm 1951, tại Trí Huệ Cung, Đức Phật Mẫu cũng ban
cho Đức Ngài "Vẹn toàn pháp môn".
Hễ
làm mẹ quyền hành dạy trẻ
Con
đừng lo mạng thế thi phàm
Huyền
linh mẹ chịu phần cam
Ban
cho con trẻ VẸN TOÀN PHÁP MÔN.
Vì thế, dù Đức Ngài còn ở thế hay qui thiên, Ngài
sẽ diệu dụng quyền năng điển lực của Kim Quang Tiên trợ thần cho hành giả công
phu tu luyện đạt thành chánh quả.
Khi sinh tiền, ai đến xin luyện đạo, Đức Ngài.
CÂN THẦN, đo mức độ khí trược trong người đó coi có
đủ sức chịu nổi điển lực thiêng liêng, nếu kém sức sẽ biến tướng thành Tả Đạo
thì không cho luyện Đạo. Các vị Thời quân chi Pháp cũng có truyền bí pháp cho
chức sắc nhưng khả năng cân thần không bằng Đức Ngài.
Năm 1936, các vị Phạm Môn chuyển qua Phước Thiện
nhận lãnh Đầu Họ Đạo Phước Thiện tại các tỉnh. Đức Hộ Pháp đã truyền các phép
BÍ TÍCH, GIẢI OAN, TẮM THÁNH, PHÉP XÁC, HÔN PHỐI cho các vị tân Đầu Họ tại Hộ
Pháp Đường. Đức Ngài còn hành pháp trục thần, khai khiếu và ban pháp BẠCH ĐĂNG
(cây đèn trắng ) để thi hành đạo tha phương khi gặp khó khăn, thắp đèn lên vào
giờ Tý rồi thành tâm cầu nguyện Đức Ngài hiển linh chỉ giáo. Nhiều chức sắc như
Chí Thiện Võ Văn Đợi, Giáo Hữu Thượng Tý Thanh,.... đã được dạy Đạo qua phương
pháp này. Huyền diệu nhất là việc Đầu Sư Thái Thơ Thanh được Đức Ngài trợ thần khi
tịnh luyện. Ngài Thái Đầu Sư rất kính phục và hủy bỏ sơ đồ xây dựng Nội Ô Toà
Thánh theo ý phàm mà giao việc xây cất Toà Thánh lại cho Đức Hộ Pháp làm theo
Thiên Khải, mà trong chuyến xuất thần vân du Ngài thấy được.
Trong Nữ Trung Tùng Phận, bà Tứ Nương đã dạy:
Bế
ngũ quan (tức ngũ khí) khôn kiêng tục tánh,
Diệt
lục trần (sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp) xa lánh phàm tâm.
Mệnh
Thiên giữ vững tay cầm,
Đoạt
phương tự Diệt giải phần hữu Sinh
Linh
linh hiển hiển khinh khinh khứ,
Sắc
sắc không không sự sự tiêu
Chơn
linh vẻ đẹp mỹ miều
Xuất
dương thế sớm đến triều Ngọc Hư.
Đến đại tịnh là xuất hồn lên cõi trên được như Đức
Hộ Pháp diện kiến Thiên Cung và Thiên Thai Kiến Diện. Ngài đã chỉ bí pháp này
cho Khai Pháp Trần Duy Nghĩa khi nhập Tịnh Thất Trí Giác Cung (1948), Giáo Hữu
Thượng Tý Thanh (Nguyễn Văn Tý), Chí Thiện Võ Văn Đợi, tự pháp VĐ,....
Trong quyển "Vũ Trụ Quan và Nhân Sinh
Quan" đề cao ngài Trần Khai Pháp và có in hình Ngài đang ngồi thiền định
bên thác Cam-ly dưới sương mù. Nên biết Trần Khai Pháp và Trương Tiếp Pháp là
cặp cơ bí pháp về Tịnh luyện.
Giáo Hữu Tý là Chức sắc Khâm Châu Đạo Hà Nội. Ông
được truyền bí pháp thần giao cách cảm mở huệ quang khiếu (tức đệ bát khiếu) có
thể tiếp điển với Đức Phạm Hộ Pháp khi đi phổ độ gặp khó khăn mà không giải
quyết được. Năm 1950, Giáo sư Trần Văn Quế Khâm Mạng Toà Thánh vừa hành Đạo vừa
dạy học ở Hà Nội, có tổ chức tại Nhà Hát Lớn thành phố buổi giảng Đạo về
"Chủ Thuyết Đạo Cao Đài" cho tất cả sinh viên các khoa dự kiến.
Giáo Hữu Tý vốn ít học, nên khi lên diễn đàn ông
phát run, phải trấn tỉnh niệm danh Đức Chí Tôn, nhớ lời Đức Hộ Pháp dặn tự
nhiên tinh thần trở lại bình tĩnh nói thao thao bất tuyệt. Ông vừa dứt lời toàn
thể sinh viên vỗ tay hoan nghinh nhiệt liệt. Ông thị trưởng Hà Nội, Giáo sư
Trần Văn Quế đến bắt tay ông chia mừng buổi diễn thuyết thành công.
Chí Thiện Võ Văn Đợi có thiên khiếu tu tịnh. Đức Hộ
Pháp biết, vời ông đến dạy lập Vạn Pháp Cung để thu phục những người chán đời
lên núi tu mà không ai dìu dẫn. Sau thời gian học tập Chí Thiện Đợi đoán biết
được mọi việc từ xa. Đức Hộ Pháp biết ông đã đạt pháp, nên ban cho Đạo hiệu là
Linh Đoán.
Kể từ đó, ông được cải tên là Võ Linh Đoán. Đạo hữu
các nơi về tu chơn tại Vạn Pháp Cung ngày càng đông hơn.
Tịnh luyện đúng pháp có duyên may mới được Đức Hộ
Pháp khai khiếu xuất thần mà vân du thiên ngoại.
Tại Thảo Xá Hiền Cung, vào ngày rằm tháng tư năm
Quí Dậu (tức sau ngày Triều Thiên Đức Hộ Pháp). Trong lúc "Nhạc Tấu Huân
Thiên", Phật, Tiên, Thánh ngự đàn. VĐ thoáng thấy Đức Ngài nhá Kim Tiên
khai huệ quang khiếu, mắt VĐ đổ hào quang hiện Diệu quang Tam thanh (ba vòng vô
vi màu vàng, xanh, đỏ) văng vẳng nghe Ngài dạy: "đó là lễ truyền tự pháp,
hãy để cho mọi người xung quanh khám phá sự CHỨNG NGỘ của môn đệ, trước khi môn
đệ cho họ biết". Cả đàn cúng đều thấy VĐ quị xuống và lê bước đến bàn Vi
Hộ Pháp cúi lạy.
Về bí pháp tịnh luyện thì những ngày đầu khai Đạo,
Thầy đã giảng dạy:
Thành
tâm niệm Phật,
Tịnh,
tịnh, tịnh, tỉnh, tỉnh.
Tịnh là VÔ NHỨT VẬT,
Thành tâm hành Đạo pháp.
* Đàn đêm 14/01/1926.
Chỉ có 4 câu đã nêu rõ cách tịnh luyện theo đạo mới: Tâm thiện niệm, tỉnh
lặng, vô nhứt vật và tự hành pháp.
1 . TÂM THIỆN NIỆM: Sau khi dâng Tâm Bửu trong tứ thời thì niệm
danh Thầy là đủ, vì câu niệm danh Thầy này có đủ Tam giáo (câu 1).
2 . TỈNH LẶNG: câu thứ hai, Thầy dạy: "Tịnh, Tịnh,
Tịnh, tỉnh, tỉnh" tức là lặng, lặng, lặng, tỉnh, tỉnh.
Tịnh là tâm bên ngoài không xao động, bên trong chẳng so hơn tính thiệt, tức
trong ngoài chẳng loạn là tịnh. Khi tịnh lặng là không xao động thênh thang
nhưng phải tỉnh. Khi tịnh giác quan ta vẫn nghe, vẫn thấy nhưng tâm khỏi bị
ngoại vật lôi cuốn, mà nghe như không nghe, thấy như không thấy gọi là tâm phá
chấp. Do đó, phải thấy được cái lặng trong cái tỉnh, tỉnh trong lặng. Nếu tỉnh
mà "tâm viên ý mã" là sai và tịnh lặng mà ngủ cũng sai, vì ngủ không
giác tâm được. N.Bá Đương nói: tâm viên bất định, ý mã nan truy (lòng vượn khó
trụ, ý ngựa khó theo).
3 . TÂM VÔ NHỨT VẬT: Nguyên văn câu
lục Tổ Huệ Năng được truyền y bát là "Bản lai vô nhứt vật" (*6). Ngài
nói tâm vốn không trọng, dấy khởi phân biệt là hư giả, nên tịnh cần không vọng
là đủ; không vọng thì động tự lắng xuống, tâm an nhiên, tự tánh thanh tịnh. Tâm
buông thả tất cả, không vướng mắc bất cứ điều thiện hay điều ác nào.
4 . TỰ HÀNH PHÁP: Tu chơn là tự
tịnh luyện một mình sau khi được chỉ dẫn.
Khi hành pháp thấy cảnh nên sợ vội nhắm mắt lại mà
tâm vẫn động thì chưa phải là tịnh mà là giả tịnh. Tịnh đối với cảnh không
chấp. Đi, đứng, nằm, ngồi làm việc mà không bị cảnh vật chi phối, tâm hằng lặng
lẽ, đó là đại tịnh.
Khi được ngồi tọa định tại một chỗ mà tâm động, lúc
xả tịnh lại nói điều gian ác thị phi, đó là chướng tịnh.
Hành pháp tịnh luyện, tự tu, tự thành, biết được
tánh giác hằng hữu là sắp có ấn chứng thiêng liêng, trở thành Thánh thiện.
Luôn luôn ghi sâu lời dạy này của Đức Lý giáng dạy
vào đêm 27/1/1926:
LÝ BẠCH
Có
công phải biết gắng nên công, (phu)
Tu
tánh đã xong tới luyện lòng.(Tâm)
Kinh
sách đầy đầu chưa thoát tục,
Đơn
tâm khó (thiền) định lấy chi mong.
21-7-1926 (TNHT.
Q.2 /thi tập)
Dẫn giải tu thiền thì dài, thật ra chứng ngộ thì
rất ngắn, ngắn như bài tứ tuyệt dạy tịnh luyện của Chí Tôn.
THẦY
Thành
tâm niệm Phật,
Tịnh,
tịnh, tịnh, tịnh, tịnh.
Tịnh,
là vô nhứt vật,
Thành
tâm hành đạo.
14-1-1926 (TNHT.
Q.2 /thi tập)
(*1) Đồng tân, Lịch
sử Đạo Cao Đài. Sài Gòn 1972, Tr 402 chú thích 1
(*2) Trí Huệ Cung, Tây Ninh 1973, tr 13
(*3) Đồng Tân, lịch sử Đạo Cao Đài, quyển 2, trang 109, 113
(*4) HƯƠNG HIẾU, Đạo Sử quyển 2, trang 12 và 56
(*5) Bài Thuyết
Đạo của Đức Hộ Pháp, năm 1953
(*6) Xem Pháp
Bảo Đàn Kinh của Lục Tổ Huệ Năng
8 .
Việc tu tạo Thánh Thất:
Theo Tân luật, nơi chương ba quy định: "Nơi
nào có đông tín đồ được chừng 500 người sấp lên, thì được lập riêng một họ đặt
riêng một Thánh Thất, có một chức sắc làm đầu cai trị. (Tân Luật /chương 3
/điều 16)". Do đó, vào ngày 3 tháng 3 năm Canh Tuất (1970) Hội Thánh quy
định việc xây cất Thánh Thất các nơi như vầy;
1 . Thánh Thất địa phương cất theo kiểu duy nhứt, về hình thức bên ngoài bản
đồ số 3 của Hội Thánh lưỡng đài (DL. 9/4/1970) nhưng lớn nhỏ tuỳ theo chu vi
phần đất. Việc trang trí nội dung, toàn hội đề nghị những chi tiết ghi chú sau
đây:
2 . Chấp nhận cho đắp hình Đức Di Lặc trên nóc Hiệp
Thiên Đài.
3 . Chấp nhận cho hình ông Thiện, ông Ác như ở Đền
Thánh.
4 . Không chấp thuận cho đắp hình Đức Quyền Giáo
Tông và Đầu Sư Lâm Hương Thanh ở các Thánh Thất.
5 . Không chấp thuận đắp hình: Sĩ, nông, công,
thương, ngư, tiều, canh, mục trên bao lơn đài (lao động đài), chỉ được vẽ bông
y theo hoạ đồ.
6 . Chấp thuận có hình Tam Thánh như Đền Thánh
nhưng phải vẽ cho giống.
7 . Nơi ngai Hộ Pháp chỉ thờ chữ Khí, không được
đắp thất đầu xà và hình tượng Hộ Pháp như ở Toà Thánh.
8 . Không chấp thuận đắp cột đầu rồng và làm chín
bậc Cửu Trùng Đài như Toà Thánh, chỉ được làm plafond dù không có hình lục
long.
9 . Hai bên hông Cửu Trùng Đài hình chữ Thọ, không
được đắp Thiên Nhãn và bông sen như Đền Thánh.
10 . Trên dìm Bát Quái Đài đắp bông giấy, không
được đắp hình Tam Giáo, Tam Trấn, Bát Tiên và Thất Hiền.
11 . Chấp thuận cho đắp cột rồng ở Bát Quái Đài mà
thôi.
12 . Không chấp thuận hai bên hông đắp hình Kim Mao
Hẩu như ở Đền Thánh.
13 . Trên nóc Thánh Thất làm y theo hoạ đồ không có hình Long Mã và 3 vị Cổ
Phật.
14 . Không chấp thuận mái hiên chung quanh Thánh
Thất đắp dây nho mà chỉ làm y theo hoạ đồ (*1)
Hội
Thánh.
(*1) Cao Đẳng Hạnh Đường, khoá 1972. số thánh thất
tăng từ 125 (1967) lên 200 cái (1972). Nhà thờ từ 9 lên 23 cái. Văn phòng Châu
Tộc Đạo 83 cái
9 .
Các điện thờ Phật Mẫu:
Trong thời Đức Thượng Sanh chấp chưởng một hiện
tượng đáng mừng chung cho toàn Đạo là các nơi thi công xây dựng Điện thờ Phật
Mẫu, hết nơi này khánh thành đến nơi khác từ miền đông đến miền tây, từ Trảng
Bàng đến Vĩnh Long.
Điển hình buổi lễ khành thành điện thờ Phật Mẫu tại
Tộc Đạo Trảng Bàng vào ngày 3/4/1971. Ngài Hiến Đạo huấn dụ như sau: "Ở
thế gian này có nhiều tôn giáo, mỗi tôn giáo đều có tôn chỉ riêng, từ hình thức
đến giáo lý. Thế mà, trong Đạo Cao Đài, Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế quy tụ các
giáo phái thành lập một tôn giáo mới...
Chúng tôi lấy phần chánh yếu là tình thương để dung
hoà các tôn giáo. Những hình thức bên ngoài, như sự thờ phượng, lễ bái, cúng
dường và những giáo điều khác bên trong tuy khác nhau, chúng tôi không lấy làm
quan trọng lắm. Đạo Cao Đài là Đạo dung hoà các tôn giáo, xem các tôn giáo là
bạn không chống đối bất cứ tôn giáo nào, coi các Đấng Giáo Chủ không phân biệt
màu da, sắc tộc, đều là Thánh nhân của nhân loại.
Dưới vòm trời, người Đạo Cao Đài sống chung với
người Thiên Chúa hay người Phật Giáo nhìn chung bằng đôi mắt hiền hoà không chỗ
nghi kỵ. Đó là điều may mắn cho dân tộc ta, không vì riêng Đạo mà chia rẻ giống
nòi. Quí chư Chức sắc, chức việc ân cần nhắc nhở Thiện nam tín nữ hiểu rõ điều
ấy.
Quí vị không quá chú trọng về phẩm tước, phải đặt
nặng phần trách nhiệm mà lo chăm nom chư tín hữu. Cách dạy dỗ khuyên răn phải
hết lòng hết dạ, khiêm cung vui vẻ đừng làm mất niềm hoà ái...thảng như có hai
người xích mích nhau, bổn phận đàn anh là phải tìm hiểu đích xác, dùng lời phải
trái mà khuyên can, dàn xếp cho được ổn thoả đừng để nảy sinh mối hiềm riêng mà
anh em gặp nhau bỡ ngỡ.
Thánh Thất hay Điện Thờ Phật Mẫu đều là của chung
trong Đạo. Người Hành chánh hay người Phước Thiện cũng là người Đạo phải cùng
nhau mà lo nghiệp cả của Đức Chí Tôn, không vì lẽ gì mà xem khinh, xem trọng, phải
nhân nhượng thuận hoà cùng nhau, trách nhiệm ai nấy lo mà phổ thông nền chơn
Đạo, khuyến khích chư Đạo hữu vững bước trên đường tu học". (*1)
Điều cần nhớ là đồng Đạo ai cũng biết nơi thờ Đức
Phật Mẫu hiện nay là Báo Ân Từ và Hội Yến Diêu Trì Cung chỉ thiết Đại lễ ở Toà
Thánh mà thôi.
(*1) TT số 26 ra
ngày 20/4/1971 xin xem Công đức Phật mẫu và Cửu vị Nữ Phật cùng người viết .
10 . Cực Lạc Cảnh:
Vào tháng 03/1927, hai vị quyền Đầu Sư Thái Thơ
Thanh và nữ Chánh Phối Sư Lâm Hương Thanh đứng tên mua sở đất 96 mẫu để làm
Thánh địa. Cực bắc phần đất cất Toà Thánh tạm bằng tranh và cực nam phần đất
cất Cực Lạc Cảnh cũng lợp bằng tranh. Tòa Thánh thì sớm được hoàn thành bằng
vật liệu nặng còn Cực Lạc Cảnh tới năm 1965 mới xây dựng bằng gạch ngói. Chu vi
Cực Lạc Cảnh độ 800m. Chùa trệt, bên trong thờ các tượng Phật đắp bằng xi măng
hoặc chạm trổ bằng gỗ.
Dưới đây là tờ phúc trình của ông bà Thái Thơ Thanh
và Lâm Hương Thanh về sở đất làm Thánh địa, trong đó có Cực Lạc Cảnh:
"Chánh ngoạt sơ nhị nhựt Tân Vị Khâm Thiên
tổng quản tài chính, phụng sắc chưởng quản tài liệu,
Tổng Lý Công viện, Lương viện, Hộ viện, Nông viện,
Phổ độ viện, Quyền Đầu Sư chủ tọa Hội Thánh, Quản lý tạo tác Tổ Đình Thái Thơ
Thanh kính bút.
Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ đệ lục niên, chánh ngoạt, sơ
tam nhật, Tân vị, Nữ Chánh Phối Sư Hương Thanh đề bút.
Tượng mãn, Đại Đạo hoằng khai Tam Kỳ Phổ Độ lưu
truyền thiên vạn cổ, bổ khắp ngũ châu thì nền Chơn Đạo phải to tát mới ra cảnh
tượng thể thống Đạo cả.
Vì vậy mà hai tôi nong nả đêm ngày lo mở mang cuộc
Thánh Địa, chế ra miền Tây vức. Bởi Nông trường cực nhọc, trên nhờ sức Thiêng
Liêng Đại Từ Phụ ban bố, mới xui khiến mua thêm được gần 100 mẫu đất rừng, của
tư bổn vợ chồng tôi xuất ra mua. Liên tiếp Thánh Địa nối dài ra tận ngã ba Mít
Một (Boulevard l'Anglais) bề mặt tiền trên 2000 m giáp ranh Bá Huê Viên, nối liền động Đình Hồ (tức
Bàu Cà Na) 1000m của Thánh địa nữa, cộng chung là 3000m (chu vi). Cầu nguyện
Đức Chí Tôn ban ơn. Ngày sau Hội Thánh mở ba phía là đông, nam, bắc, mỗi phía
3000m vuông vức cộng là 12.000 m (chu vi ) đặng
xây vách thành cao lớn (giáp 4 phía) dựng nên miền Tây vức, đề hiệu Thái Cực
Toàn Đồ.
Trong chia ra hai cuộc, phía Bắc xây cửa thành lớn
đắp chữ nổi cao ĐẠI ĐẠO TAM KỲ PHỔ ĐỘ, lộ ra 4 chữ to là Đế Thiên Thượng Hoàng,
còn phía chánh Nam cũng tại cửa thành y kiểu 3 mặt như nhau, đề hiệu ĐẠI ĐẠO
TAM KỲ PHỔ ĐỘ, hiện 4 chữ ĐẾ THÍCH PHẬT TỔ.
Phía chánh Tây tạo một cuộc ngũ quan môn nghĩa là
Đại Thành Môn có 5 cửa Ngũ Chi Đại Đạo hiện 4 chữ nơi Thái Cực Toàn Đồ.
Còn chánh Đông môn thì cửa thành y kiểu ba phía đền
hiệu Tây Vức Cảnh.
Trong Thái Cực Toàn Đồ chia làm hai cuộc: Bên phía
Bắc là Bạch Ngọc Kinh tạo tác Tổ Đình, có Bá Huê Viên, động Đình Hồ. Đức Chí
Tôn ngự mở cảnh thoát trần, Đức Di Lặc giáng thế khai Long Hoa Hội.
Hai bên rừng Thiên nhiên phía sau lập Cửu Viện,
Thiên Phong Đường, Đầu Sư Đường, Hộ Pháp Đường, Tịnh Thất Sở và Học Đường,
Dưỡng Đường với các xưởng bá công mỹ nghệ.
Còn các con đường: 1- Như Lai Đồ, 2- Di Lặc Đạo, 3-
Phước Đức Cù, 4- Oai Linh Tiên, 5- Bình Đặng Đồ, 6- Sử Quân Tử, 7- Thái Hoà Lộ,
8- Bình Dương Đạo.
Còn phía Nam thì tạo CỰC LẠC VÔ VI CẢNH GIỚI (gọi
tắt là Cực Lạc Cảnh). Đắp con đường chữ thập lớn dài từ Nam chí Bắc, từ Đông
sang Tây gọi là Tứ Tượng Đồ biến ra Bát Quái, chính giữa ngã tư biến ra Càn,
Khảm, Cấn, Chấn, Tốn, Ly, Khôn, Đoài. Giữa trung tim un đúc một cảnh Nội Điện
Đế Thích giống như cổ tích trên chốn Đế Thiên gần nước Xiêm La (Thái Lan) vậy.
Phía bên hữu Tây Bắc thì tạo Quan Âm Các (tức góc ở
giữa con đường từ cửa số 7 ngoại ô đến cửa số 4 nội ô), phía bên Tả Tây Bắc thì
dựng Long Nữ Điện (Ngươn linh bà Lâm Hương Thanh), phía bên tả Đông Nam thì xây
nơi Tô Sơn, trên chót đỉnh có đảnh cốt Đức Thế Tôn nằm qui Niết Bàn bề dài 12
thước tây, trên đảnh trung có thạch động Phổ Đà Sơn nơi Đức Từ Hàng Đạo Nhơn
(Ngươn linh ông Nguyễn Ngọc Thơ) thành Phật, ấy là 5 cuộc to lớn.
Còn các cuộc nhỏ khởi tạo trước là: tạo Thất Bửu
Pháp, đào Tây Vực Trì, cất Thưởng Liên Đình, tạo Từ Thoàn Lâm này, vuông vức
500 công (đất). Ấy là bên hướng nam. Còn bên hướng Bắc tạo Thái Bình địa (nay
là Cực Lạc Thái Bình) cũng 500 công (đất) cất chợ Từ Bi, Nhà Thương nhà mát,
nhà nghỉ cho hàng tín đồ nhập môn theo Hạ Thừa.
Ước mong ngày sau, Hội Thánh mở mang cuộc Thánh Địa
này cho giáp hết núi Điện bà ra vẻ nền Chơn Đạo.
Thái Thơ Thanh - Lâm Hương Thanh" (*1)
Theo tờ phúc trình những công trình của ông bà
Nguyễn Ngọc Thơ nay chỉ còn lại một vài tên đường như Oai Linh Tiên là con
đường từ cửa số 4 đến cửa số 9. Quan Âm Các từ cửa số 4 ra cửa số 7 ngoại ô,
Phổ Đà Sơn từ Tháp Bảo Đạo chạy qua đến cầu Thị Kiều, Phước Đức Cù từ cầu Thị
Kiều tới cửa số 8 nội ô. Có ý nghĩa nhất là Cực Lạc Cảnh, từ đường Quan Âm Các
theo đường đèn 5 ngọn thẳng xuống triền ruộng đi bên trái gặp Đền Thờ Phật Mẫu
của Phận Đạo đệ tứ, cách điện thờ 300m cũng bên trái là Cực Lạc Cảnh. Nơi đây
có tạc tượng thờ ông bà. Cách 500m về hướng đông Cực Lạc Cảnh là Cực Lạc Thổ,
nơi táng các vị Chức sắc và sĩ quan QĐCĐ trước kia, đó là dấu tích của ông
Nguyễn Ngọc Thơ và bà Lâm Hương Thanh còn lại.
(*1) Ban Đạo Sử,
tài liệu lưu trữ. Những chữ trong ngoặc tờ phúc trình là lời chú thích của
người viết.
11 .
Viện Đại Học Cao Đài:
Từ năm 1971 viện Đại Học Cao Đài (tạm đặt trường sở
tại nhà Hội Vạn Linh) đã lập đầy đủ để xin khai giảng. Chính phủ Nguyễn Văn Thiệu
trù trừ không cấp giấy phép vì người đứng tên Viện trưởng là Tiến sĩ Nguyễn Văn
Lộc, Bảo Học Quân HTĐ vốn là cựu Thủ tướng đối nghịch.
Việc tuyển sinh phải hoãn đi hoãn lại nhiều lần.
Mãi đến ngày 24/11/1971 Hội Đồng Quản Trị Viện Đại Học Cao Đài mới được Bộ Giáo
Dục cấp giấy phép số 7999/GD/VP đề ngày 29/9/1971 bổ túc giấy phép số 9335/GD
cấp ngày 24/11/1971 mà vị quyền viện trưởng chưa có bằng cử nhân, nhằm mua
chuộc cử tri theo Đạo Cao Đài trong kỳ bầu cử Tổng thống vào ngày 03/10/1971.
Vị Thời Quân Khai Đạo, Chủ Tịch Hội Đồng Quản Trị
đã trấn tỉnh như sau, nhân ngày bác sĩ Lê Văn Hoạch, Bảo Sanh Quân HTĐ nhận
chức viện trưởng:
"Suốt gần hai niên khoá 1971 - 1972 và
1972-1973 với tư cách quyền viện trưởng tôi xin xác nhận thành quả tốt đẹp của
viện, một phần lớn công do luật sư Nguyễn Văn Lộc, Bảo Học Quân, nhị vị khoa
trưởng là tiến sĩ Lê Trọng Vinh và kỹ sư Đoàn Minh Quang đảm nhiệm điều hành
giảng huấn....
Song song với việc điều hành viện, Hội Đồng Quản
Trị chúng tôi đặt nặng trọng tâm xúc tiến công tác xây cất viện trên phần đất 7
mẫu do cố Hộ Pháp đã chỉ định tại Chợ Long Hoa. Hội Đồng Quản Trị bằng mọi cách
phải hoàn thành việc xây cất khu C để đưa một số sinh viên về học trong niên
khoá 1973-1974.
Với ngân khoản 400.000.000 dự trù xây cất Viện đại
học Cao Đài, Hội Đồng Quản Trị tin tưởng vào sự bảo trợ của Hội Thánh, sự yểm
trợ của chính quyền và lòng hảo tâm của chư tín hữu Cao Đài trên toàn quốc,
nhất định Viện Đại Học Cao Đài sẽ được hoàn thành". (*1)
(*1) TT số 75 ra
ngày 12/5/1973, tr.8-10
12 .
Đại Đạo Thanh Niên Hội:
Đại Đạo Thanh Niên Hội thành lập năm 1966, đứng đầu
là vị Hội Trưởng. Hệ thống tổ chức từ Trung ương đến địa phương, điều khiển do
các ban chấp hành nhiệm kỳ là ba năm như BCH Trung Ương, Châu Thành Thánh Địa,
Phận Đạo, Tỉnh Hội, Quận Hội, có hệ thống ngang với các Châu Tộc Đạo và trợ lực
cho các Châu Đạo, trợ lực cho các Tộc về giáo dưỡng thanh niên.
Hội kỳ chiều ngang 2/3 chiều dài, nền xanh da trời,
trên nền có ba vòng Tam thanh và sao Thất Tinh.
Đồng phục nam áo sơ mi trắng có cầu vai, quần tây
dài màu nâu, đầu đội nón rộng vành, nữ áo sơ mi trắng có cầu vai, váy màu nâu,
nón da hay nón vải.
Thanh niên gia nhập phải tuân theo "Điều lệ
Hội", xin lược ghi một số điều:
- Điều thứ
nhứt: Hội Thánh công nhận Đại Đạo Thanh Niên Hội là một cơ quan để tiếp sức
với Hội Thánh trong việc thi hành Thế Luật của Đạo cho được đắc lực.....
- Điều thứ
ba: Đại Đạo Thanh Niên Hội thành lập nhằm mục đích đoàn kết chặt chẽ tầng
lớp thanh niên con em của Đạo thành một khối vững chắc để phục vụ Hội Thánh.
Gây tình tương thân, tương ái giữa các đoàn thể
thanh niên.
Đào tạo nhân tài cho xã hội. Quyết tâm giữ vững nền
Tâm pháp của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ.
Những điều vừa nêu trên đã ấn định mục tiêu và
nhiệm vụ của Đại Đạo Thanh Niên Hội là xây dựng một xã hội mới theo Tân Pháp
của Đạo Cao Đài là tứ hải giai huynh đệ, năm châu chung nhà để xây dựng thế
giới Đại Đồng phồn vinh.
Muốn được như thế, người thanh niên đạo trước hết
phải tạo cho mình một thể chất khoẻ mạnh và trong sạch. Kế đến phải tự rèn
luyện bản thân có những đức tính tốt như trọng danh dự, trọng tự do, trọng tín
nghĩa và sẵn sàng hy sinh vì đại nghĩa vì Đạo.
Điều cần yếu nhất là phải học hành siêng năng.
Ngài Hiến Đạo ban huấn từ cho Đại Đạo Thanh Niên
Hội nhân Đại lễ Hội Yến 14-8-Ất Hợi (2-10-1971) đã nhấn mạnh điều đó như sau:
"Thế kỷ XX là thế kỷ hạt nhân nguyên tử.....
Thế kỷ khoa học tiến bộ mau lẹ.
Thanh niên phải làm gì để theo kịp đà tiến triển
của khoa học. Các em phải học tập cho rộng để mở mang kiến thức, nghĩ cho sâu
để hiểu rõ ngọn ngành, nghiên cứu kỹ lưỡng để phân biệt phải trái ...
Học là niềm đam mê, học hoài học không chán, lấy sự
học làm thú vị. Học như vậy mới hay, mới có kết quả tốt đẹp. Học để biết sự
biến chuyển trong đời, trong sự thể, biết cái mới lạ, cái đẹp hay. Học như vậy
mới thật là học ...
Các em thanh niên vốn là con cháu của tín hữu Cao
Đài con nhà đạo đức, các em không thể làm chuyện hư hèn để tiếng nhơ cho họ
hàng thân tộc. Các em phải tránh xa khỏi bị đầu độc bằng phim ảnh truỵ lạc của
bọn con buôn trục lợi.
Hỡi các em thanh niên, đất nước đặt hy vọng vào các
em, Đạo trông cậy vào các em. Các em cố gắng học cho tốt để mai sau góp phần
xây dựng xứ sở, dìu dắt đồng bào bước lên đường văn minh tiến bộ theo kịp bằng
người". (TT 38, tr. 8, 9).
13 . Đạo Đức Văn Đàn:
Vào năm 1950, ông Cao Đức Trọng (Tiếp Đạo HTĐ) tự
Huyền Quang, đạo hiệu Chánh Đức thành lập Đạo Đức Văn Đàn, tập họp các nhà làm
thơ trong Đạo. Hoạt động được hai năm thì ngưng vì Ngài Trưởng ban bận lo việc
Đạo.
Năm 1957, ông Bảo Pháp Nguyễn Trung Hậu về Toà
Thánh phục vụ Đạo. Nhà thơ Thuần Đức phục hồi Đạo Đức Văn Đàn. Ông làm Trưởng
ban và ông Thông Quang Huỳnh Văn Đến (Phối Sư) làm phó ban.
Ngày 6-7-1957 ông Thuần Đức có làm bài thi, mời bạn
thơ họa như sau:
VỀ TOÀ THÁNH HÀNH ĐẠO
Tuổi
già gặp buổi Đạo chinh nghiêng,
Đành
phải ra tay chống đỡ thuyền.
Cỡi
sóng quyết sang miền tịnh độ,
Thuận
buồm nhờ núp bóng Cao Thiên.
Trên
đường độ chúng vui đoàn kết,
Trong
việc tu thân học Thánh hiền.
Còn
chút hơi tàn còn nhiệm vụ,
Còn
lo phổ cập mối chơn truyền.
HOẠ VẬN
Gặp lúc Đạo nhà cảnh đảo
nghiêng,
Trở về Thánh địa, cố chèo
thuyền.
Sóng dồi mộng ảo tuồng
trần thế,
Mây lướt an nhiên cảnh
thượng thiên.
Huyền diệu Thầy ban qua
nạn khó,
Từ ân Mẹ độ đạt chân hiền.
Nguyện lòng gắng sức lo
cho Đạo,
Tuân thủ phò khuông Pháp
Chánh Truyền.
VÂN ĐẰNG
Vì tuổi già sức yếu, nhà thơ Thuần Đức về Sài gòn
dưỡng bịnh rồi qui tiên.
Sau đó, họp đại hội bầu nhà thơ Thân Dân (tức Hiến
Pháp Trương Hữu Đức) làm cố vấn Đạo Đức Văn Đàn và Thông Quang làm Trưởng Ban,
Chơn Nhơn Phạm Mộc Bổn làm Phó ban. Năm 1969 Thông Quang mở hội nghị và lập nội
qui mới có Tổng thư ký, thủ bổn và hai ban kiểm duyệt, ấn loát. Từ đó văn đàn
trở nên qui cũ và phát triển.
Nhà thơ Thông Quang đến nhà in Lê Thành ở Ngã Năm
để in VĂN THI HIỆP TUYỂN II, có gặp Vân Đằng, Vân Đằng tặng ông câu đối:
ĐẠO
ĐỨC hanh thông truyền vạn đại
VĂN
ĐÀN khai thái thọ thiên niên
Nhà thơ Thông Quang tặng lại Vân Đằng 3 tập thơ:
Giác Thế Tu Chơn (2 tập), Văn thi Hiệp Tuyển I.
Đạo Đức Văn Đàn vận dụng nhuần nhuyễn các thể thơ
truyền thống như song thất lục bát, lục bát, nhất là thơ Đường (xem Thánh Địa
Thập Nhị Cảnh, phụ trang ĐĐSC IV).
Nhờ lấy cảm hứng từ Tam giáo nên nhà Đường nổi lên
thi Tiên (Lý Thái Bạch), thi Phật (Vương Duy) và thi Thánh (Đỗ Phủ). Lý Thái
Bạch là thi Tiên không vì phong cách tuyệt vời bay bổng mà còn do tài năng siêu
phàm. Toàn huyết quản của Trích Tiên là thơ. Chính Đức Lý đã đưa thơ Đường luật
vào Thánh giáo của Đạo Cao Đài và trở thành Thánh thi. Cho nên, đạo hữu khi đọc
Kinh, đọc Thánh ngôn nhập tâm, vô hình trung thích viết thơ đường luật.
Tại sao chọn Đường luật làm Thánh thi, thứ nhứt,
Đường luật coi trọng sự hài hoà cân đối qua sáu nguyên tắc của luật thi: niêm,
luật, vần, đối, tiết tấu và bố cục. Thứ hai, Đường luật kín đáo, chừng mực hài
hoà giữa văn (cái bên ngoài) và chất (cái bên trong). Khổng Tử nói "Văn
chất bân bân". Thơ văn tươi tốt sẽ chung sức khí thiêng sông núi và sự lên
men của tâm hồn. Thứ ba, trong thơ Đường luật, âm thanh thường là tiếng chuông
chùa xa. "dạ bán chung thanh đáo khách thuyền"... làm thức tỉnh lòng
người. Đỉnh cao của thơ là Đạo. Thơ thường chỉ gợi chớ không nghị luận, không
nói rõ ý mà tuỳ người đọc luận ra Thánh ý. Điểm đặc sắc nữa là Đường thi ít
thấy "cái tôi" trong đó.
Phong trào phát triển thơ rộng khắp trong vùng tạo
thành nếp Văn hoá truyền thống Thánh Địa nhà bạn thơ nào có lễ quan hôn tang
tế, gởi thơ mời các bạn thơ đều đáp ứng nồng nhiệt.
- Quan: thăng phẩm, bổ nhậm, lên lương, thi đỗ thì
dùng chúc thi.
- Hôn: cưới hỏi thì dùng hỉ thi có chút men tếu của
rượu.
- Tang: chia buồn tang chủ thì dùng điếu
thi.
- Tế: đáo tuế, thượng
thọ, an vị, đại tường thì dùng chúc thi.
Bốn lễ trên, lễ hội nào
cũng có hai phần: nghi lễ trước rồi hội thơ sau, chen giữa hai phần đó có phần ẩm
thực vui vẻ.
Ví dụ: Lễ mừng thượng thọ. Trước hết là nghi lễ
dâng cơm rượu trà cho cụ ông cụ bà. Kế đến là tiệc sau cùng mới hội thơ.
Thường thì gia chủ gởi bài xướng trước, các bạn thơ
họa theo. Đến lúc hội thơ, có người ngâm thơ, có bạn đàn tranh, đàn kìm, sáo
trúc hoà theo thật là văn minh, tao nhã. Nhất là đối với người trung niên, cao
niên có dịp đưa hồn theo lời thơ tiếng sáo, lòng lâng lâng nhẹ nhõm, liều thuốc
giải cứu cơn sầu.
Sau đó, gia chủ tập hợp các thơ xướng hoạ lại, in
thành tập thơ xinh xắn gởi tặng lại các bạn thơ. Những phong cách đó trở thành
cái nếp, tặng qua tặng lại cho vừa lòng nhau.
CHƯƠNG
III
LỄ
KHÁNH THÀNH CÁC CƠ SỞ ĐẠO
Ngay từ năm 1927, Đầu Sư Thái Thơ Thanh đã có
chương trình xây dựng "Thái Cực Toàn Đồ". Đền, điện, dinh thự nào ở
đâu đã có qui định rõ ràng (xem chương II, mục 10).
Sau khi diện kiến Đức Hộ Pháp ở Thiên Đình, Ngài
Đầu Sư xin nhường lại việc xây cất trong Thánh Địa cho Đức Hộ Pháp.
Đức Hộ Pháp chỉ dạy Giám đốc Phòng Kinh Lý Khám Đạt
Trương Văn Ba (Lễ Sanh Ngọc Ba Thanh), phóng đường phân lô vùng Thánh địa.
Trong nội ô ghi rõ từng cơ quan nào nằm ở đâu. Đức Hộ Pháp cho xây cất ngay
bằng tranh ván, bằng xi măng cốt tre. Ngay cả Đền Thánh, các cột bên trong làm
bằng cột tầm vông. Hiệp Thiên Đài thiết kế plafond tre, tường gạch đất không
nung.
Chính vì thế, nhiều nhà xiêu vẹo, phải xây cất lại
bằng xi măng và sắt sạn cho kiên cố. Khi hoàn tất mới thiết lễ khánh thành
chính thức như Nhà Hội Vạn Linh, nhà Thuyền Bát Nhã, Cơ quan Phát thanh.
1 .
Lễ khánh thành Nhà hội Vạn Linh:
- Vào ngày mồng 4 tháng giêng Quí Mão (dl
2-2-1963), Đức Cao Thượng Sanh đến dự lễ và ban huấn từ:
"Tạo nên ngôi nhà nầy, Hội Thánh chúng tôi có
ý để dùng làm nơi hội họp của bổn Đạo mỗi khi có cuộc lễ long trọng và khi có
quí quan khách trong các giới và các tôn giáo ở xa đến viếng Toà Thánh muốn lưu
lại đôi ngày thì cũng sẵn có nơi xứng đáng để tiếp rước.
Thưa toàn thể chư Chức sắc, chức việc và đạo hữu,
Hoàn thành được công trình xây dựng nầy, Hội Thánh nhờ nơi tấm nhiệt thành của
toàn Đạo: Chức sắc, chức việc, cùng Đạo hữu nam nữ nơi trung ương cũng như ở
các địa phương vui lòng chung đậu kẻ ít người nhiều, nhứt là nhờ nơi công quả
của Ban Kiến Trúc và thợ chuyên môn toàn là người hiến thân cho Đạo.
Điều mà Hội Thánh quá thâm cảm là mỗi khi có tiếng
kêu gọi của Hội Thánh để thật hành một công tác nào thì toàn thể Chức sắc, nhơn
viên và công quả đều sẳn sàng hưởng ứng mãnh liệt, đem hết thiện chí và khả
năng để phục vụ cho đến khi công việc hoàn thành mỹ mãn.
Hôm nay phần đông Chức việc và Đạo hữu nam nữ ở các
nơi tựu về Toà Thánh để chứng kiến một công trình kiến trúc to tát đồ sộ, một
ngôi nhà chung mà mỗi vị đều có góp phần xây dựng. Tôi tin chắc ai cũng được
hân hoan nhận thấy sự hy sinh của mình đã tô điểm thêm cho nghiệp Đạo nhiều nét
đan thanh, oai hùng, để làm phấn khởi tinh thần đoàn kết của mỗi con cái Đức
Chí Tôn Đại Từ Phụ.
Cái tinh thần đoàn kết và xây dựng ấy, Hội Thánh
xin đa tạ và thành tâm dâng lên Đức Chí Tôn và Đức Phật Mẫu chứng minh".
2 .
Lễ đặt viên gạch đầu tiên xây dựng Chánh môn:
Toà Thánh đã khánh thành đến nay mới làm lộ chánh
môn rộng 80 mét chạy thẳng đến Nam Vang. Vì xây cửa Chánh môn nên phải bỏ cửa
số 5 (vốn là cửa tử) để chu vi nội ô vẫn là 12 cửa. Ngày 16 tháng 6 năm Ất Tỵ
(1965) khi đến đặt viên gạch đầu tiên, Đức Cao Thượng Sanh đọc diễn văn như
sau:
"Hôm nay là ngày lễ đặt viên gạch đầu tiên
kiến thiết Chánh môn Toà Thánh Tây Ninh.
Tôi để lời cảm ơn Chư quí viên quan và quan khách
đã sẳn lòng đến dự làm cho cuộc lễ tăng thêm phần long trọng. Tôi cũng để lời
cảm ơn toàn thể Chức sắc, Chức việc và Đạo hữu Nam Nữ đến đông đảo để nâng cao
tinh thần đoàn kết trong công cuộc kiến thiết này.
Đã lâu rồi Hội Thánh có ý định xây cất Chánh môn
Toà Thánh theo sự trù hoạch của Đức Hộ Pháp từ trước. Nhưng vì tài chánh eo
hẹp, lại nữa trong vùng nội ô có nhiều kiến trúc và tu bổ cấp bách cần phải lo
trước, nên không thể thực hành ý định sớm hơn được. Mãi cho đến ngày hôm nay
mới có thể khởi công xây dựng,
Theo sự thỏa thuận trước đây, giữa Hội Thánh và ông
cựu Tỉnh trưởng thì công cuộc vận động cho có đủ tài chánh mua vật liệu về phần
ông cựu Tỉnh trưởng đảm nhiệm, còn Hội Thánh thì lo về chi phí công thợ.
Nhưng ngày 12 tháng 6 năm Ất Tỵ (nhằm 10/7/1965)
thì chánh phủ bổ nhiệm ông Tỉnh trưởng mới lên thay thế cho ông Lê Văn Tất được
lãnh nhiệm vụ khác.
Lẽ dĩ nhiên, ông cựu Tỉnh trưởng không còn lo nhiệm
vụ kể trên nữa, và công cuộc xây dựng Chánh môn Toà Thánh hiện nay đã chính
thức trọn vẹn phần Hội Thánh đảm nhiệm về phương diện tài chánh cũng như về
phương diện kiến thiết.
Từ mấy chục năm qua, đại ngiệp của Đức Chí Tôn tại
thế vẫn được bồi đắp lần hồi do nơi lòng trung thành và chí hy sinh của toàn
Đạo, tức là của Chức sắc và Thiện tín. Đạo trải qua bao nhiêu nỗi thăng trầm,
lướt qua bao phen bão bùng, giông tố gây nên bởi lòng tham hiểm của thế tình,
nhưng chánh khí trung cang của con cái Đức Chí Tôn không bao giờ sờn mẻ. Trong
những giờ phút khó khăn, điên đảo, trong những hồi đen tối khuynh nguy, nếu vạn
dĩ, Hội Thánh phải để lời kêu gọi thì nhân sanh trong cửa Đạo sẵn sàng hưởng
ứng kẻ của người công xúm nhau đem khối nhiệt thành điểm tô cho cơ nghiệp Đạo.
Đó chính là một tinh thần phục vụ cao siêu mà cũng
là cái năng lực hữu hiệu của Thiêng Liêng đã mầu nhiệm dành sẵn cho Thánh Thể
Đức Chí Tôn tại thế. Cái tinh thần đó bất diệt cũng như cái năng lực đó vẫn mãi
trường tồn và luôn luôn chực sẵn để phụng sự cho chánh nghĩa, nâng đỡ cho lẽ
phải và giúp nên cho những bậc lãnh đạo chơn thành, thiết tha hoài bảo xây dựng
cho nền Chánh giáo.
Những đấng đàn anh tiền bối trong cửa Đạo ngày nay
khuất bóng đã để lại biết bao công trình, bao nhiêu tâm huyết, lao tâm tiêu tứ
có khi đến hơi thở cuối cùng. Chỉ vì quyết phục vụ nhơn sanh, chỉ vì quá thương
Thầy mến Đạo, quyết lưu lại một chút sự nghiệp cho người sau chung hưởng, đó là
những bậc vĩ nhân đạo đức đáng kính mến, đáng tôn thờ.
Lo làm để cho kẻ khác hưởng, cho người sau hưởng,
đó là vị tha, đó là chánh nghĩa.
Lo làm để cho chính mình hưởng đó là vụ lợi, tức là
bất chánh, việc làm dù thành công cũng không tồn tại được.
Công cuộc kiến thiết Chánh môn hôm nay bắt đầu thực
hành, Hội Thánh vui lòng nhận thấy không biết bao nhiêu người trong Đạo sẳn
lòng hỗ trợ, hân hoan góp phần xây dựng.
Mặc dù cuộc sinh hoạt đương hồi khó khăn, đời sống
của nhơn sanh quá chật vật, nhưng lòng háo nghĩa của bổn Đạo quá nồng nàn, thật
Hội Thánh lấy làm cảm động.
Tô điểm cho đại nghiệp là bổn phận của mỗi chức
sắc, mỗi đạo hữu chúng ta cùng chung lưng góp sức để vun đắp cho nền Đạo càng
ngày càng thêm đồ sộ vững bền, hầu tỏ tình đoàn kết chặt chẽ giữa các con cái
của một đại gia đình, dưới sự dìu dắt chở che của Đức Chí Tôn Đại Từ Phụ, đó là
một điều quí báu vô giá mà Đức Chí Tôn hằng ước mong trông thấy trong cửa Đạo.
Sự đoàn kết đó là mối dây thiêng liêng tạo nên tình thương yêu đậm đà, một căn
bản siêu nhiên trên bước đường giải khổ cho nhân loại.
Về việc xây dựng Chánh môn, mặc dù sự phỏng định
tạo tác hơi lớn lao, nhưng đối với thanh danh của Đạo, cuộc kiến thiết cũng
phải có một giá trị xứng đáng để tượng trưng cái thể thống của một nền tôn giáo
do Đức Thượng Đế sáng lập.
Hội Thánh tin rằng với lòng sốt sắng hỗ trợ của
toàn đạo với sự quyết tâm hưởng ứng của con cái Đức Chí Tôn, công cuộc kiến
thiết Chánh môn Toà Thánh sẽ được hoàn thành mỹ mãn trong một thời gian ngắn.
"Một cây làm chẳng nên non, ba cây dụm lại nên hòn núi cao". Đó là
câu phương ngôn đúng xác ý nghĩa trong sự tạo tác nầy.
Với những nhà hảo tâm trong Đạo cũng như ngoài mặt
đời, để góp phần hỗ trợ cho Hội Thánh, với những Đạo hữu công thợ trung thành
với nhiệm vụ, vui lòng hiến công vào cuộc xây dựng nầy. Hội Thánh xin để lời
thành thật cảm ơn."
3 .
Lễ khánh thành vuông rào Báo Quốc Từ:
Báo Quốc Từ thành lập từ tháng 10-1955 để thờ những
danh nhân có công với đất nước (Xem lại ĐSSC III, Chương II, tiết 3, Mục 23).
Vào ngày 20 tháng 10 Bính Ngọ (dl 01-12-1966) Đức
Cao Thượng Sanh đến dự lễ khánh thành vuông rào Báo Quốc Từ và hiểu dụ:
"Trên vùng Thánh Địa nầy, hôm nay Đời và Đạo
đã gặp nhau và thông cảm nhau trong dịp tỏ lòng tôn kính và sùng bái những nhơn
vật trong hàng vương giả, đã lấy chủ nghĩa quốc gia dân tộc làm chuẩn đích, đem
thân thế điểm tô cho non sông Việt chủng được vững bền trên cõi Á Đông, lắm khi
phải trọn đời hy sinh vì giống nòi Hồng Lạc.
Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ là một nền Quốc Đạo được khai
sáng trên đất Nam Phần Việt Nam, nơi mà tinh ba của đất nước đã nung đúc biết
bao bậc anh phong chí sĩ lẽ tất nhiên là Đại Đạo có phận sự bảo tồn quốc tuý,
giữ cho còn mãi những cái hay, cái đẹp riêng biệt của nước nhà hầu lưu truyền
cho đời sau roi dấu.
Trong những cái hay, cái đẹp đó đáng treo gương
nhất là tinh thần vị quốc xả thân dầu đến thác cũng không đổi dời tiết tháo.
Vì muốn tôn thờ cái tinh thần vị quốc ái dân đó,
Đức Hộ Pháp mới có sáng kiến xây dựng ngôi Báo Quốc Từ để làm nơi hương hoả
phụng tự cho các Đấng Tiên Vương và các nhà tôn thất có dày công với Tổ Quốc
Việt Nam.
Cái sáng kiến của Đức Hộ Pháp do nơi lòng ái quốc
chơn chính của Đức Ngài, đã làm cho toàn Đạo vui lòng và mãn nguyện.
Ngày nay Hội Thánh tiếp tục gìn giữ dấu tích của
Đức Ngài và tô điểm cho nó còn vẻ uy nghiêm mãi mãi.
Tuy nói rằng ngôi Báo Quốc Từ để tôn thờ những bậc
vương giả hữu công với đất nước, nhưng nước Việt Nam đã thoát vòng lệ thuộc và
chính thể hiện tại là chính thể Cộng Hoà thì từ đây ngôi miếu này sẽ dành chung
để chiêm bái những vị lãnh đạo Quốc gia như Quốc Trưởng, Thủ Tướng chẳng hạn,
đã hy sinh vì Tổ quốc, đã có công đổi loạn ra trị, xây dựng thái bình cho nhơn
sanh được hưởng an cư lạc nghiệp.
Đó là những đấng Phụ Mẫu chi dân thật xứng đáng
những ân nhân ngàn đời của dân tộc Việt Nam vậy.
Ngoài ra, những đấng anh hùng tương lai của đất
nước, những nhơn vật đã dám tuẫn tiết vì non sông, dám liều mình vì dân tộc đã
đem thắng lợi cho quê hương và giữ danh dự chung cho nòi giống. Những đấng ấy
đều đáng đem vào Báo Quốc Từ để được thiên thu phụng tự.
Vì mục đích tôn trọng hạng anh hùng chí sĩ nên nơi
mặt tiền Báo Quốc Từ, Hội Thánh có cho khắc hai câu đối, do Ngài Hiến Pháp
Trương Hữu Đức biên soạn và đã được sự chấp thuận của Hội Thánh Hiệp Thiên Đài
như dưới đây:
Bảo
thủ cơ đồ anh hùng dương khí phách
Hộ
trì quốc vận chí sĩ hiển uy linh.
Cái ý nghĩa hai câu nầy như thế nào, tôi chắc rằng
quí vị đều biết rõ.
Thưa Hội Thánh và chư Quí vị.
Từ xưa biết bao nhiêu bậc anh hùng chí sĩ Việt Nam
đã lắm phen cắn vãn tình thế khuynh đảo của nước, đánh đuổi kẻ xâm lăng, xây
dựng nền độc lập.
Những bậc anh hùng dân tộc như: Phạm Ngũ Lão, Lý
Thường Kiệt, Lê Lợi, Nguyễn Huệ, Trần Hưng Đạo,... những bậc anh thư như: Hai
Bà Trưng, Trưng Trắc, Trưng Nhị, mặc dù ngày nay đã khuất bóng, nhưng uy danh
vẫn còn ghi tạc sử xanh được muôn đời nhắc nhở ca tụng. Những đấng ấy há chẳng
đáng cho nhơn dân sùng bái phụng thờ mãi mãi sao?.
Cho hay dù trong cửa Đạo hay nơi mặt đời, những bậc
siêu phàm đều có giá trị hiển hách ngang nhau.
Đạo thì dụng từ bi, bác ái, cứu khổ nâng nguy; Đời
thì dụng tiết tháo anh hùng, trung cang nghĩa khí.
Trải thân hữu dụng để phục vụ cho Đạo và nhân sanh
hay lấy khí anh phong để phụng sự quốc gia, giữ gìn biên cương lãnh thổ, khi nợ
nần giũ sạch, nhục thể trả lại cho lòng đất thì dù Đạo hay Đời, những linh hồn
bất diệt cũng đều được hưởng sự ban thưởng Thiêng Liêng, qui hồi cựu vị trong
cõi Thần Thánh Tiên Phật.
Cái gương của Đức Quan Thánh Đế Quân ngày nay đắc
phong Phật vị và Đức Trình Quốc Công Nguyễn Bỉnh Khiêm tức là Đức Thanh Sơn
được đứng vào hàng Tiên vị đã chứng cho chúng ta thấy sự công bình của Đấng Chí
Tôn cầm quyền thưởng phạt.
Một người thì đem tài bách chiến và khí phách anh
hùng để phò vua vực nước, một người thì dụng văn chương bác lãm để giúp cho
nước trị dân an, hai Đấng ấy chẳng phải vì tu hành mà chỉ nhờ nơi tâm chí cao
siêu nên thủ đắc Thiên vị.
Vậy tôi ước mong cho chư Đạo hữu nam nữ nhận thức
được cái ý nghĩa cao quí của buổi lễ hôm nay và trước khi dứt lời, tôi cầu xin
Đức Chí Tôn ban ơn cho toàn thể chức sắc, đạo hữu và quí quan khách."
4 . Lễ an vị Đức Phật Mẫu
nơi Điện Thờ Trường Qui Thiện:
Năm 1929, sau khi được Đức Hộ Pháp cân thần và lập
hồng thệ đợt đầu, hai ông Lê Văn Trung và Đinh Công Trứ được lịnh đi Rạch Giá
và Long Xuyên hành thiện. Sau đó, ông Đinh Công Trứ về Toà Thánh và lập trường
Qui Thiện.
Chính vì thế, ngày 19-12-Bính Ngọ (dl 29-01-1966)
Đức Thượng Sanh quan tâm đến cơ Đạo ở đây và đến dự lễ an vị Đức Phật Mẫu nơi
điện thờ trường Qui Thiện.
Đức Ngài nói: "Hôm nay, cử hành Lễ An Vị Đức Phật
Mẫu tại Điện Thờ vùng Qui Thiện, tôi lấy làm vui lòng trông thấy tình Đạo hữu
nơi đây được nồng nàn khắn khít trong công việc bồi đắp cơ nghiệp Đạo, hiệp sức
nhau để chung lo xây dựng ngôi thờ làm nơi sùng bái Đại Từ Mẫu, đó là lòng hiếu
kính của con cái chẳng quên ơn Đức Mẹ Thiêng Liêng. Cái ơn thâm trọng đó là nhờ
nơi đức háo sanh của Đức Phật Mẫu chúng ta mới có hình hài tại thế và nhờ nơi
Người ban cho khí Sanh Quang, chúng ta mới có kiếp sống nơi cõi trần này để lập
thân hành Đạo hầu diệt tiêu quả nghiệp tiền khiên trở về Thiêng Liêng vị.
Chư quí bạn Đạo được có sự đồng tâm nhứt trí, đó là
một điều quí báu vô giá, vì sự đồng tâm xuất phát nơi lòng thương yêu lẫn nhau,
mà sự thương yêu là giọt nước Ma Ha có thể làm cho êm dịu tất cả những sự khổ
đau trên trần thế.
Sanh đứng làm người phải hứng bao nỗi tang thương
khốn đốn, phải chịu lắm phen nghịch cảnh đau lòng, dày vò lăn lóc hầu trả cho
xong túc trái tiền oan cho đến ngày chung cuộc.
Ấy vậy, đời đã dẫy đầy đau khổ do nơi nguyên lý của
kiếp sanh, và do nơi thiên tai địa ách, tại sao người ta còn tự tìm thêm đau
khổ trong sự giành giựt tranh đua mưu hại lẫn nhau để đoạt cho được miếng đỉnh
chung mùi phú quí.
Tại vì người ta quá lầm lạc, muốn cho mình được
hoàn toàn hạnh phúc.
Thử hỏi tiền bạc có đem lại hạnh phúc thật sự cho
đời người chăng? Điều đó người trong cửa Đạo có hấp thụ Thánh giáo của Đức Chí
Tôn đều có quan niệm xác đáng.
Những lợi lộc chính đáng nơi công trình lao lực,
nếu ta biết tri túc, có thể đem lại cho ta một thư thái an vui nên cũng cho là
được phần nào hạnh phúc.
Còn những của hoạnh tài, những món lợi phi pháp do
nơi tội ác mà được vào tay, thay vì đem hạnh phúc cho con người lại là những
nấc thang đưa họ xuống hang sâu vực thẳm vì lưới Trời tuy thưa chớ một mảy lông
cũng không lọt qua được. Vậy cái hạnh phúc thật sự là hạnh phúc về tinh thần,
hạnh phúc của người có lương tâm thơ thới, biết an phận thủ thường, có tư tưởng
sạch trong nhiễm mùi đạo đức.
Trong gia đình mà được phu phụ hòa ái, huynh đệ
tương thân, trên biết thương dưới, dưới biết kính trên, cực khổ đồng chia, lạc
hoan đồng hưởng, đó là một gia đình đầy hạnh phúc.
Như trong buổi lễ hôm nay, chư đạo hữu, đạo muội
nơi đây đã chung lo tạo lập một nền tảng vững chắc, một ngôi thờ xứng đáng để
lễ bái Đức Mẹ Thiêng Liêng, thì sự thành công đã được sản xuất nơi lòng hiếu
kính, nơi mối dây thân ái và nơi và nơi chí hy sinh góp chung làm sức mạnh.
Cái kết quả được đạt thành, những bạn Đạo cùng góp
phần của và ra công, ngày nay tụ họp nhau để nhìn thấy cái sự nghiệp chung của
mình, tôi đoán chắc là mỗi người đều có chí mãn nguyện và một sự vui mừng chánh
đáng đó là một hạnh phúc vô giá vậy.
Tuy nhiên, cũng nên nhắc cho quí vị nhớ rằng: Đã
gắng công xây dựng về hình thức tức là ngôi thờ thì cũng phải gia tâm trau tria
về mặt tinh thần tức là phần đạo đức.
Hình thức và tinh thần tương xứng, phải cùng tốt
đẹp cùng nhau, đồng nhau thì trong và ngoài mới không có điều chênh lệch, đường
tu hành mới được vững chắc.
Tinh thần lấn vật chất thì Đạo và người cao siêu,
vật chất lấn tinh thần thì Đạo và người thấp kém.
Trong cửa Đạo, chúng ta phải trau tria tinh thần
hơn hình thức. Câu Chùa rách Phật vàng hiểu về nghĩa chánh là: ngôi chùa ấy tuy
bề ngoài không tốt đẹp, nhưng bên trong đượm nồng cái không khí từ bi, đạo đức
và Đức Phật đã bố hoá cho vị tu trụ trì được được cái tâm tư hoàn toàn thoát
tục, tha thiết với nhiệm vụ cứu khổ chúng sanh.
Hiểu rộng hơn nữa, câu ấy nói về con người bề ngoài
tuy đơn giản, mộc mạc nhưng có tâm linh thanh khiết, trí não cao siêu. Đó là
tinh thần lấn vật chất vậy.
Đức Hộ Pháp khi còn tại thế đã thường nhắc nhở cho
Đạo hữu phải giữ cho nguyên vẹn cái tinh thần tốt đẹp của phong hoá nước nhà,
cái tinh ba của nền triết lý trong Đạo Nhơn luân trót bốn ngàn năm do tổ tiên
lưu lại.
Đức Ngài nói: Vì xu hướng Việt Nam theo văn minh
vật chất, chuộng cái tinh xảo bề ngoài của ngoại chủng nên ngày nay phong hóa
suy đồi, cang thường đảo ngược. Chủ nghĩa duy vật đã thâm nhập vào não cân của
dòng giống Lạc Hồng khiến cho quốc túy điêu tàn, nền NHÂN xiêu ngả và chính vì
để cứu vãn tình trạng nguy hại đó mà Đức Chí Tôn giáng lập Đạo Đạo Tam Kỳ Phổ
Độ.
Thánh ý của Đức Chí Tôn là muốn cho chúng ta phục
hồi cái phong hoá cổ truyền của nhà Nam mà Người cho là quí báu nhứt trên mặt
địa cầu. Cái phong hoá tốt đẹp đó đã bị bôi dơ, bị chà đạp: nào tình phụ tử,
nào nghĩa phu thê, tình huynh đệ, mỗi mỗi đều mất hẳn tính cách thiêng liêng
của nó. Trên xử dưới, dưới đối trên, người ta đều đóng vai tuồng như trên sân
khấu, toàn là màu mè và giả dối.
Đức Chí Tôn dạy chúng ta lấy NHO TÔNG chuyển thế
đặng xây dựng lại nền phong hoá ưu tú của nước nhà hầu tạo lập một nền văn hoá
tương lai cho toàn thể quốc gia trên thế giới. Vì vậy Đại Từ Phụ mới có câu:
Nam phong thử nhựt biến Nhơn phong.
Thành thử về mặt Đạo, trong việc bồi công chúng ta
chẳng nên quên việc lập đức. Bồi công là phần hữu hình, lập đức là phần vô vi,
hữu hình và vô vi phải tương xứng người tu sĩ mới thu thập kết quả trên đường
lập vị.
Hôm nay trong việc xây dựng ngôi thờ Đức Phật Mẫu,
Hội Thánh vui thấy tình cảm đoàn kết của quí bạn Đạo nơi đây được chặt chẽ. Cái
tình đoàn kết đó chẳng nên có giới hạn trong khuôn khổ địa phương. Nó phải được
lan rộng cùng khắp trong Châu Thành Thánh Địa. Đó là điều trước tiên, vì sau
nầy nó phải được thực hiện trên toàn cõi Việt Nam và trong đại gia đình bao la
của con cái Đức Chí Tôn tại thế.
Ngoài sự đoàn kết, quí bạn còn phải tôn trọng trật
tự và kỷ luật theo chơn truyền Đại Đạo.
Đức Chí Tôn lập nên Thánh thể của Người cốt để giữ
gìn cái kỷ luật ấy được trường tồn mãi. Nó là khuôn vàng thước ngọc để cho
chúng ta tùng theo cho khỏi sai bước lạc đường, nền Đại Đạo mới lưu truyền đến
thất ức niên trên võ trụ, xin chư đạo hữu lưu lý.
Dự buổi lễ An Vị Đức Phật Mẫu hôm nay, tôi ước mong
sao cho tinh thần đạo đức của chư Đạo hữu nam nữ nơi đây được càng ngày thêm
tiến triển".
5 .
Lễ khánh thành Nhà Thuyền Bát Nhã Trung ương:
Đức Phật Tổ dùng tinh ba Tam muội mà tạo thành
thuyền Bát Nhã. Các chơn linh đều nương thuyền Bát Nhã mà về Cực Lạc.
Các nhơn viên, về tâm linh do Đức Di Lạc cai quản
gồm Tổng Lái, Tổng Mũi, Tổng Thương, Tổng Khậu và 12 bá trạo (chèo thuyền).
Tổng lái: biểu tượng Bát Quái Đài, là chơn linh của
Hắc Sát Tinh, về bí pháp là chơn khí của Hộ Pháp.
Tổng mũi: biểu tượng Hiệp Thiên Đài, là chơn linh
của Bạch Hổ Tinh, về bí pháp là chơn khí của Thượng Phẩm.
Tổng thương: biểu tượng Cửu Trùng Đài là chơn linh
của Huỳnh Long Tinh, về bí pháp là chơn khí của Thượng Sanh
Tổng khậu: biểu tượng Nhơn sanh nên hiển hiện đủ
lục dục, thất tình.
12 bá trạo: biểu tượng Thập Nhị Địa Chi là Tý, Sửu,
Dần, Mẹo, Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi.
Đức Chí Tôn vì đức bảo sanh, nên sai tam vị thần:
Tổng lái, Tổng mũi và Tổng thương xuống trần giữ vững con thuyền Bát Nhã rước
các chơn hồn về nguyên.
Về bí pháp: Đức Di Lạc cai quản nhà thuyền đặng độ
dẫn 92 ức nguyên nhân tu luyện để trở về hội ngộ với Đức Tôn.
Về thể pháp: Đức Hộ Pháp vâng lịnh Đức Phật Mẫu tạo
thuyền Bát Nhã độ người qua sông mê trong kinh phật có 4 câu:
Trung
khổ hải độ thuyền Bát Nhã,
Phước
Từ Bi giải quả trừ căn.
Hườn
hồn chuyển đoạ vi thăng,
Cửu
tiên hồi phục Kim Bàn chưởng âm.
Nhà thuyền Bát Nhã có 2 ban: Ban kéo thuyền và Ban
chèo thuyền. Ban chèo thuyền gồm có chèo hầu (tại Khách Đình hay Phật Mẫu ) và
chèo đưa. Thật ra, việc chèo thuyền ảnh hưởng văn hoá truyền thống ở miền
Trung. Người ta gọi là Hò Bá Trạo hay Hò Đưa Linh (ông Nam Hải), cũng đủ các
nhân vật như chèo thuyền trong Đạo.
Nhà thuyền Bát Nhã đã xây cất từ năm 1927 ở góc
đường Cao Thượng Phẩm và Oai Linh Tiên. Sau đó được xây cất lại bằng những vật liệu
nặng.
Vào ngày 22 tháng 3 năm Đinh Mùi (dl 1-5-1967) Đức
Cao Thượng Sanh đến dự lễ khánh thành nhà thuyền Bát Nhã Trung Ương và ban huấn
từ như sau:
"Hôm nay, tôi hân hạnh đến dự buổi lễ Khánh
Thành nhà thuyền Bát Nhã Trung Ương, được chứng kiến một công tác cần thiết mà
Hội Thánh Phước Thiện đã hoàn thành để cho Ban Nhà Thuyền Toà Thánh được có một
ngôi nhà kiên cố đặng giữ gìn các thuyền Bát Nhã và cho nhân viên nhà thuyền có
nơi trú ngụ xứng đáng.
Thời cuộc đương lúc khó khăn, nền tài chánh eo hẹp
mà Hội Thánh Phước Thiện đã cố gắng thành công trong việc kiến tạo nói trên thì
thật là một công trình đáng khen ngợi.
Để tâm lo cho ích lợi chung, không quản cần cù mệt
nhọc, quyết chí tìm phương cứu khổ giúp đời và biết quên mình để cho bao nhiêu
người được hưởng sự vui vẻ, đó là chí hướng của bậc hoài bão chủ nghĩa thương
đời.
Cái chí hướng cao quí đó đúng là chí hướng của
người chức sắc Phước Thiện vậy.
Đạo còn biết bao nhiêu điều cần phải thực hiện để
hoàn thành sứ mạng đối với nhơn sanh, nhứt là Hội Thánh Phước Thiện là tượng
trưng hình ảnh của Đức Chí Tôn tại thế đặng cứu khổ cho con cái Đức Ngài thì
cái trách nhiệm thật quan trọng và nặng nhọc thế nào.
Nhưng lấy sự thành công trong một việc mà phỏng
đoán và hy vọng trong bao nhiêu việc khác thì tưởng lại bước đường tuy khó khăn
song cũng không đến nỗi không thể đi đến nơi đến chốn. Một việc đã thành đạt
thì trăm việc khác cũng có thể thành đạt, nhà thuyền Bát Nhã đã cất xong thì
bao nhiêu công tác khác cũng có thể thành tựu được...
Điều cốt yếu là phải nuôi chí thành cho vững chắc
trong não cân đã phát hiện cái ý niệm tạo nên công nghiệp để giúp Đạo, cứu đời
thì cứ giữ mãi cái ý niệm đó và cương quyết không khi nào để cho lay chuyển,
một tháng làm không rồi thì hai tháng, một năm không rồi thì hai năm và dẫu tới
mười năm cũng phải đeo đuổi theo mãi cho tới khi hoàn thành mới chịu.
Tôi nhận thấy Hội Thánh Phước Thiện có nhiều thiện
chí xây dựng, nhứt là vị chưởng quản Phước Thiện từ mấy năm nay đã gắng sức
thực hành công tác từ thiện để giúp ích cho người già cả và cho Đạo hữu trong
lúc ương yếu bịnh hoạn.
Với tinh thần phục vụ đó, tôi tin chắc Hội Thánh
Phước Thiện sẽ tiến tới sự thành lập các cơ sở kinh tế hầu có phương tiện cứu
khổ nhơn sanh nhứt là trong thời kỳ chiến tranh loạn lạc nầy.
Trở lại việc hoàn thành nhà thuyền Bát Nhã, tôi có
lời khuyến khích toàn thể nhơn viên nhà thuyền rán tận tuỵ với phận sự, nhứt là
chẳng nên có mặc cảm là công việc mình quá thấp hèn đối với các công việc khác.
Trong việc Đạo, mỗi người đều có trách vụ riêng, và
mỗi trách vụ đều có sự cần ích riêng biệt.
Không thể nói phận sự nầy cao quí, phận sự kia hạ
tiện, vì cả thảy công việc đều hướng về chủ đích phụng sự cho Đạo và cho nhơn
sanh.
Sự công dụng của các cơ cấu trong Đạo đều khác
nhau, nhưng tất cả các cơ cấu đều có sự liên quan mật thiết với nhau cũng y như
những bộ phận trong một động cơ nếu thiếu một món nào, dầu là một cái khoen hay
một đinh ốc nhỏ thì động cơ phải bị tê liệt.
Home [ 1 ] [ 2 ] [ 3 ] [ 4 ] [ 5 ] [ 6 ] [ 7 ] [ 8 ] [ 9 ] [ 10 ]
Home [ 1 ] [ 2 ] [ 3 ] [ 4 ] [ 5 ] [ 6 ] [ 7 ] [ 8 ] [ 9 ] [ 10 ]
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét