Đại Đạo Sử Cương - 2 / 10 (Hiền Tài. Trần Văn Rạng)


Cũng nên biết, Thánh Tượng (Thiên Nhãn ) dùng để khai đàn buổi đầu do ông Cao Quỳnh Cư xem mẫu nơi nhà ông Ngô Văn Chiêu và hoạ biếu không cho chư tín hữu đem về thờ.

5. Thiên phong đầu tiên:
Đến tháng 3 năm Bính Dần (1926), Đức Chí Tôn giáng cơ dạy bà Nguyễn Thị Hiếu may Thiên Phục cho chức sắc Hiệp Thiên Đài và Cửu Trùng Đài liệt kê như sau:
A . Thiên phục Cửu Trùng Đài
1 - Ngài Đầu Sư Thượng Trung Nhựt: 1 cái áo đại phục xanh và 1 cái khăn đống chín lớp xanh.
2 - Ngài Đầu Sư Ngọc Lịch Nguyệt: 1 cái áo Đại Phục đỏ và 1 cái khăn 9 lớp đỏ.
3 - Ngài Thái Chánh Phối Sư Thái Thơ Thanh: 1 cái áo Đại Phục vàng và 1 cái khăn 9 lớp vàng.
4 - Ngài Chánh Phối Sư Thượng Tương Thanh (tức Nguyễn Ngọc Tương) 1 cái áo Đại phục xanh, 1 cái khăn 9 lớp xanh.
5 - Ngài Chánh Phối Sư Ngọc Trang Thanh: 1 cái áo Đại phục đỏ và 1 cái khăn 9 lớp đỏ.
6 - Ngài Ngô Văn Chiêu: 1 cái áo Giáo Tông có thêu bùa bát quái và 1 cái mão Giáo Tông.
7 - Vương Quan Kỳ, một đại phục Giáo Sư phái Thượng và 1 cái khăn 7 lớp.

B . Thiên phục Hiệp Thiên Đài
1 - Đức Cao Thượng Phẩm: 1 cái áo Đại phục trắng và 1 cái áo lá xanh.
2 - Đức Cao Thượng Sanh: 1 cái áo Đại phục trắng và 1 cái áo lá xanh.
3 - Và 12 cái áo Đại phục trắng và 12 cái Nhựt Nguyệt Mạo cho 12 vị thời quân.

Vào ngày 22 tháng 4 năm 1926 (11-3-Bính Dần) cầu cơ tại tư gia ông Cao Quỳnh Cư, Đức Cao Đài giảng dạy:
"Đạo phát trễ một ngày là một ngày hại cho nhơn sanh. Thầy nôn nóng nhưng mà Thiên cơ chẳng nghịch đặng."

Đến ngày 25-4-1926 (15-3-BD) thì thiết lễ Thiên phong tại nhà ông Lê Văn Trung ở Chợ Lớn. Thầy dạy:
"Lịch, con đã nghe đọc những lời Thầy dặn hả?

Cư nghe dặn, con bảo Tắc tắm rửa sạch sẽ, xông hương cho nó, biểu nó lựa một bộ đồ tây cho sạch sẽ ăn mặc như thường, đội nón, cười ....

Đáng lẽ nó phải sắm khôi giáp giống như hát bội mà mắc nó nghèo nên Thầy không bảo. Bắt nó lên đứng trên, ngó mặt vô cho ngay ngôi Giáo Tông, lấy 9 tấc vải điều đấp mặt nó lại, biểu Đức, Hậu đứng gần, kẻo xuất hồn nó té tội nghiệp.

Khi chấp cơ xong, hai con mặc thiên phục vào rồi, nó mới leo lên.

Lịch! con viết 1 lá bùa Gián Ma Xử đưa cho Tắc cầm. Hai con mặc đồ thường chừng nào Thầy triệu Ngũ Lôi và Hộ Pháp về rồi Thầy biểu mặc vô thề mới đặng.

Bàn Thầy giáng cơ thì để trước bàn Ngũ Lôi, khi giáng rồi thì dời đi cho trống chỗ, đặng nhị vị Đầu Sư quì mà thề.

Cư đem 3 bộ Thiên phục để vọng trên 3 cái ngai, rồi con chấp bút bằng nhang như mọi lần, đặng Thầy trấn thần 3 bộ Thiên phục và 3 cái ngai ấy. Rồi mới kêu 2 vị Đầu Sư đến quì trước bửu ngai của nó đặng Thầy vẽ phù vào mình, xong cho Giảng xướng lên "Phục vị" thì 2 người leo lên ngồi. Cả thảy chư môn đệ đều quì xuống, bảo Tắc nó leo lên bàn, con chấp bút bằng nhang đến bàn Ngũ Lôi đặng Thầy trục xuất chơn thần nó ra. Rồi bảo hai vị Đầu Sư xuống ngai đến trước mặt Ngũ Lôi hai tay chấp trên đầu cúi ngay bùa Kim Quang Tiên mà thề như vầy:

Tôi là Lê Văn Trung tự Thiên ân là Thượng Trung Nhựt và Lê Văn Lịch tự Thiên ân là Ngọc Lịch Nguyệt thề Hoàng thiên Hậu thổ trước bửu tháp Ngũ Lôi rằng: Làm tròn Thiên đạo mà dìu dắt cả mấy em chúng tôi đều là môn đệ của Đức Cao Đài Ngọc Đế. Nhứt nhứt do lịnh Thầy phân định chẳng dám chuyên quyền mà lập thành tả Đạo. Như ngày sau hữu tội, thì thề có Ngũ Lôi tru diệt.

Đến bàn Vi Hộ Pháp cũng quì xuống vái y như vậy nhưng câu sau như vầy: như ngày sau có phạm Thiên điều thề có Hộ Pháp đoạ Tam đồ bất năng thoát tục.

Rồi mới bảo Giảng xướng lại nữa "Phục vị" thì nhị vị Đầu Sư trở lại ngồi trên ngai. Chư môn đệ mỗi người đều đến lạy mỗi người hai lạy.

Tới phiên các môn đệ, từ người đến bàn Ngũ Lôi mà thề rằng: Tên gì ..... họ gì............. thề rằng: từ đây biết một Đạo Cao Đài Ngọc Đế chẳng đổi dạ, đổi lòng, hiệp đồng chư môn đệ, gìn luật lệ Cao Đài. Như sau có lòng hai thì Thiên tru Địa lục.

Tới trước bàn Hộ Pháp cũng thề như vậy, rồi mới đến lạy nhị vị Đầu Sư."

Đó là những nghi lễ bí truyền, về sau đạo cứ theo đó mà thi hành tuỳ theo chức sắc hay đạo hữu mà lời thề được biến đổi như trên.

Đến hai mươi ba giờ rưỡi đêm đó, Thầy lại giáng cơ cho thi:
Kim triêu dĩ đáo Thiên Trung Quang,
Am hiểu thế tình tánh đức nan.
Chỉ đãi thời lai quang minh tụ,
Tả ban thiểu đức, Hữu ban mang.

Đức, Hậu, phong vi Tiên Đạo Phò Cơ Đạo Sĩ.
Cư, phong vi Tá Cơ Tiên Hạc Đạo Sĩ.
Tắc, phong vi Hộ Giá Tiên Đồng Tá Cơ Đạo Sĩ.
Trung, Lịch, đã thọ sắc, cứ tước vị mà theo sắc mạng Ta. (TNHT Q1/31)


Sau đây là danh sách và ngày tháng các vị Đại Thiên phong trước khi khai đạo chính thức.

A . Hiệp Thiên Đài:
1 . Ô. Phạm Công Tắc: Thiên phong Hộ Pháp ngày 15 tháng 3 Bính Dần.
2 . Ô. Cao Quỳnh Cư: Thiên phong Thượng Phẩm ngày 15 tháng 3 năm Bính Dần.
3 . Ô. Cao Hoài Sang: Thiên phong Thượng Sanh ngày 15 tháng 3 năm Bính Dần.

B. Cửu Trùng Đài
1 . Ô. Nguyễn Văn Tương:
(Thái Lão Sư, Minh Sư ) Thiên phong Chưởng Pháp phái Thượng ngày 24-7 Bính Dần.
2 . Hoà Thượng Như Nhãn: Chưởng Pháp phái Thái ngày 24-7-Bính Dần.
3 . Trần Văn Thụ:
Thái Lão Sư (*1) Thiên phong Chưởng Pháp phái Ngọc ngày 10-9-Bính Dần.
4 . Lê Văn Trung: Thiên phong Đầu Sư Thượng Trung Nhựt ngày 15-3-Bính Dần
5 . Lê Văn Lịch:
(Con ông Lê Văn Tiểng) Thiên phong Đầu Sư Ngọc Lịch Nguyệt ngày 15-3-Bính Dần
6 . Thiện Minh:
(đệ tử Như Nhãn) Thiên phong Đầu Sư Thái Minh Tinh ngày 13-10-Bính Dần
7 . Lê Bá Trang: Thiên phong Phối Sư Ngọc Trang Thanh ngày 3-7-Bính Dần.
8 . Nguyễn Ngọc Tương: Thiên phong Phối Sư Thượng Tương Thanh ngày 17-5-Bính Dần
9 . Lê Văn Hoá: Thiên phong Phối Sư Thượng Hoá Thanh ngày 19-8-Bính Dần
10 . Nguyễn Ngọc Thơ: Thiên phong Phối Sư Thái Thơ Thanh ngày 2-7-Bính Dần.

C . Giáo Sư
Ngọc Kinh Thanh        ngày mùng 8 tháng 6 năm Bính Dần
Ngọc Vân Thanh         ngày mùng 8 tháng 6 năm Bính Dần
Ngọc Đạt Thanh          ngày mùng 8 tháng 6 năm Bính Dần
Ngọc Mùi Thanh          ngày mùng 8 tháng 6 năm Bính Dần
Ngọc Thông Thanh      ngày 28 tháng 9 năm Bính Dần
Thượng Kỳ Thanh        ngày 14 tháng 5 năm Bính Dần
Thượng Kim Thanh      ngày 17 tháng 5 năm Bính Dần
Thượng Chức Thanh    ngày 19 tháng 8 năm Bính Dần
Thượng Hành Thanh    ngày 29 tháng 8 năm Bính Dần
Thượng Vinh Thanh     ngày 9 tháng 9 năm Bính Dần
Thượng Định Thanh     ngày 28 tháng 9 năm Bính Dần
Thái Nhung Thanh        ngày 15 tháng 7 năm Bính Dần
Thái Luật Thanh           ngày 22 tháng 7 năm Bính Dần
Thái Bính Thanh           ngày 7 tháng 8 năm Bính Dần

D . Giáo Hữu
Thượng Giỏi Thanh                  ngày 23 tháng 8 năm Bính Dần
Thượng Bản Thanh                  ngày 25 tháng 8 năm Bính Dần
Thượng Giảng Thanh                ngày 7 tháng 8 năm Bính Dần

E. Lễ Sanh
Trần Văn Xương          ngày 26 tháng 10 năm Bính Dần
Trần Văn Tạ                ngày 26 tháng 10 năm Bính Dần
Trần Văn Hoằng          ngày 26 tháng 10 năm Bính Dần
Cao Mỹ Ngọc             ngày 26 tháng 10 năm Bính Dần
Mắt Mục Thanh           ngày 26 tháng 10 năm Bính Dần

Những vị trên đây đều là những người hữu danh trong nền Đại Đạo. Có nhiều vị Lễ Sanh phong trước ngày Khai đạo (15-10-BD) nhưng không còn ảnh hưởng gì về sau. Riêng các vị trên như ông Trần Văn Tạ sau đắc phong Hộ Đàn Pháp Quân. Ông Cao Mỹ Ngọc sau đắc phong Tiếp Lễ Nhạc Quân. Ông Mắt Mục Thanh (tức Tư Mắc) tên thật là Nguyễn Phát Trước thọ phong Phụ Đạo Chưởng Nghiêm Pháp Quân, sau đặt điều vu cáo Đức Cao Thượng Phẩm bị quả báo một cách đáng thương.

(*1) Xem tiểu sử trong "Đại Đạo Danh Nhân" cùng soạn giả.

6 . Các đàn lệ và lễ nhập môn:
Vào ngày 24-4-1926 (14-3-Bính Dần) thì ông Ngô Văn Chiêu tách riêng, không đi phổ độ mà lo tu tự giác vô vi, lấy câu "Ngô thân bất độ hà thân độ" làm chủ thuyết. Còn ông Lê Văn Trung vâng thánh ý lo thiết Đàn truyền bá mối Đạo. Dù vậy cả hai đều thờ kính Đấng Cao Đài.

Về đàn lệ thì khởi đầu chỉ có Đàn Cầu Kho tại nhà ông Đoàn Văn Bản sau thành Tiểu Thánh Thất. Nhưng Đàn Cầu Kho rất hẹp, đồ đạc thiếu hụt. Bàn thờ Chí Tôn chỉ là một cái ghế nhỏ bằng cây giá tị. Thiên Nhãn được vẽ trong mảnh giấy cao 3 tấc, rộng 2 tấc. Chiếu đệm cũng không đủ trãi mà lễ bái. Tuy thanh đạm mà hàng chục tín hữu cứ mỗi đêm thứ bảy đến hầu đàn học đạo. Sau Thánh Thất được nhiều vị sửa sang lại được khang trang.

Vì cung ứng cho kịp với việc phổ thông mối Đạo. Đức Chí Tôn dạy lập thêm 5 đàn lệ nữa.

a) Đàn Cầu Kho: Do ông phủ Vương Quan Kỳ chứng đàn sau có quí ông Ngô Tường Vân, Nguyễn Văn Mùi, Nguyễn Văn Đạt, Nguyễn Văn Kinh (ông này có viết nhiều sách Đạo) cùng với ông Kỳ luân phiên trông coi việc cúng tế. Sắp đặt trong ngoài lễ lộc thì do quí ông Đoàn Văn Bản, Hoàng Văn Giả, Lê Văn Giỏi, Lê Văn Giảng, Nguyễn Văn Tường. Còn phò loan do hai ông Nguyễn Trung Hậu và Trương Hữu Đức.

b) Đàn Chợ Lớn: tại nhà ông cựu Nghị viên Lê Văn Trung. Ông Trung và ông phủ Lê Bá Trang chứng đàn và hai ông Cao Hoài Sang và Cao Quỳnh Diêu thì phò loan.

c) Đàn Tân Kim (Cần Giuộc): tại nhà ông Cựu Hội đồng địa hạt Nguyễn Văn Lai, quí ông Nguyễn Ngọc Tương và Lê Văn Lịch chứng đàn. Quí ông Ca Minh Chương và Nguyễn Văn Tươi phò loan. Lo việc cúng tế do quí ông Lê Văn Tiếp, Võ Văn Kỉnh, Nguyễn Văn Nhơn, Phạm Văn Tỉ.

d) Đàn Lộc Giang (Chợ Lớn): tại chùa Phước Long của Yết ma Giống. Ông phủ Mạc Văn Nghĩa và ông Yết Ma chứng đàn. Quí ông Trần Duy Nghĩa và Trương Văn Tràng phò loan.

e) Đàn Tân Định: tại nhà ông huyện Nguyễn Ngọc Thơ, do ông chứng đàn và quí ông Cao Quỳnh Cư, Phạm Công Tắc phò loan.

f) Đàn Thủ Đức: tại nhà ông Ngô Văn Điều do ông chứng đàn và quí ông Huỳnh Văn Mai, Võ Văn Nguyên phò loan. (*1)

Ngoài những đàn lệ trên, còn thiết Đại Đàn nhiều nơi khác, để góp phần phổ thông nền chơn giáo. Thêm vào đó Đức Chí Tôn dạy lập một Đàn đặc biệt tại nhà ông Trần Văn Tạ để chữa bệnh. Phần công quả này do ông Tạ và con là Trần Văn Hoằng lo liệu.

Đức Chí Tôn lại dạy quí ông Cư, Tắc, Sang, Hậu, Đức, Tạ phải tuỳ trường hợp mà truyền nhân điện chữa bệnh cho hàng môn đệ.

Nhờ huyền diệu Thiêng Liêng của Ơn Trên ban cho lúc mới Khai Đạo, nên quí ông Tắc, Đức chữa lành nhiều bịnh ngặt nghèo. Cách chữa bịnh chỉ đặt bàn tay vào chỗ đau cho nhân điện chạy vào cơ thể người bịnh là khỏi đau. Chính mấy vị ấy cũng ngạc nhiên cho sự huyền diệu vì các ông đâu phải thầy thuốc. Ông Đức còn chửa lành bịnh á khẩu, thủng và thiên thời....

Ông Cao Quỳnh Cư khi ở Toà Thánh tạm cũng chữa lành nhiều bịnh bằng cách cho uống nước "âm dương thuỷ" và "vỏ cây ba nhánh" trước Toà Thánh mà cứu được nhiều người.

Việc trị bịnh bằng nhân điện cũng phải ngưng một lượt với việc ngưng cơ bút vào cuối tháng 6 năm 1927 do lịnh Đức Chí Tôn.

(*1) NGUYỄN TRUNG HẬU Đại Đạo Căn Nguyên, Sài gòn 1930

7 . Việc tạo quả Càn khôn thờ Đức Chí Tôn:
Từ trước đã họa Thiên Nhãn mà thờ Đức Chí Tôn nhưng trong đàn cơ ngày 18-9-1926 (12-8-Bính Dần), Đức Chí Tôn dạy:

.... một trái như trái đất tròn quay, hiểu không? Bề kính tâm ba thước ba tấc, nghe con, lớn quá, mà phải vậy mới đặng, vì là cơ mầu nhiệm Tạo Hóa trong ấy, mà sơn màu xanh da trời, cung Bắc Đẩu và Tinh Tú vẽ lên Càn Khôn ấy. Thầy kể Tam thập lục Thiên, Tứ Đại Bộ Châu ở không không trên không khí; tức là không phải Tinh Tú còn lại Thất thập nhị Địa và Tam thiên Thế giái thì đều là Tinh Tú. Tính lại ba ngàn bảy mươi hai ngôi sao. Con phải biểu vẽ lên đó cho đủ. Con giở sách thiên văn tây ra coi mà bắt chước. Tại ngôi Bắc Đẩu con phải vẽ hai cái bánh lái cho đủ và sao Bắc Đẩu cho rõ ràng. Trên vì sao Bắc Đẩu vẽ Con Mắt Thầy; hiểu chăng? Đáng lẽ trái ấy phải bằng chai đúc trong một ngọn đèn cho nó thường sáng; ấy là lời cầu nguyện rất quí báu cho cả nhơn loại Càn Khôn Thế Giới đó; ... ... ... Còn chư Phật, chư Tiên, Thánh, Thần đã lên cốt, thì để dài theo dưới, hiểu không con? (TNHT Q.1/31)

Còn việc, tại sao thờ Thiên Nhãn thì Đức Chí Tôn giảng rằng (24-2-1926):
"Nhãn thị chủ tâm
Lưỡng quang chủ tể
Quang thị Thần
Thần thị Thiên
Thiên giả, ngã giã."

Nghĩa là: Mắt là chủ tâm, hai ánh sáng trong mắt là chủ tể. Ánh sáng là thần, Thần là Trời, Trời là Ta vậy.

(*1) Kinh Dịch chương X viết : Dịch khởi thuỷ từ Càn khôn. Vậy đạo Cao Đài và Kinh Dịch có cùng chung một gốc.

8 . Số đồ đệ của kỳ ba tam chuyển:
Đàn đêm 4 tháng 10 năm 1926 (27-8-BD) đã qui định rõ số đồ đệ của Cao Đài giáo.
Thầy Khổng Tử trước có tam thiên đồ đệ truyền lại còn thất thập nhị Hiền.
Thầy Lão Tử trước đặng một trò là Nguơn Thỉ.
Thầy Giê-Giu trước đặng mười hai người, chừng bị bắt còn lại là Pierre mà thôi.
Thầy Thích Già đặng bốn người; ba người bỏ Thầy còn lại một.
Còn nay, Thầy giáng thế chọn đến: Nhứt Phật, Tam Tiên, Tam thập lục Thánh, Thất thập nhị Hiền, Tam thiên Đồ Đệ.
Các con coi đó mà hiểu rằng: Các con có sự mà thiên hạ từ tạo thế đến chừ, chưa hề có chăng?
Nơi Bạch Ngọc Kinh hơn sáu chục năm trước, chư Thần, Thánh, Tiên, Phật thấy đại nộ Thầy, nên ra tình nguyện hạ thế cứu đời.
......... Các con có cả ba chánh đạo là Tam Giáo, các con biết tôn trọng; ngày nay lại thêm chánh đạo nữa, các con biết ít nước nào đặng vậy? ... ... ... Thầy nói cho các con biết: Dầu một vị Đại La Thiên Đế xuống phàm mà không tu, cũng khó trở lại địa vị đặng. (TNHT Q1/36)

9 . Khai đạo với chánh phủ Pháp:
Ngày 29 tháng 9 năm 1926 (23 tháng 8 Bính Dần). Ngài Đầu Sư Lê Văn Trung vâng Thánh ý hiệp với chư đạo hữu hết thảy là 247 người tại nhà ông Nguyễn Văn Tường đứng tên vào tịch đạo để khai đạo với chính phủ Pháp.

Ngày 7-10-1926 tờ khai đạo được gởi lên quan Thống Đốc Nam Kỳ là ông Le Fol (còn toàn quyền Đông Pháp là Alexandre Varenne (1925-1928) nhằm triều Bảo Đại. Trong tờ ấy có 28 người ký tên là: bà Lâm Ngọc Thanh, ông Lê Văn Trung, ông Nguyễn Ngọc Tương, ông Nguyễn Ngọc Thơ, ông Nguyễn Văn Kinh, ông Lê Bá Trang, ông Đoàn Văn Bản, ông Lê Văn Giảng, ông Cao Quỳnh Cư, ông Phạm Công Tắc, ông Cao Hoài Sang, ông Nguyễn Trung Hậu, ông Trương Hữu Đức, ông Vương Quan Kỳ, ông Trần Đạo Quang, ông Lê Văn Lịch......

Nội dung tờ khai đạo ngày 7-10-1926:
Bẩm quan Thống Đốc,

Những người ký tên dưới đây thành kính thưa cùng quan lớn rõ việc như sau:

Vốn từ trước, tại xứ Đông Pháp vẫn có Tam giáo lưu hành là: Nho Thích Đạo. Tổ tiên chúng tôi tôn sùng cả Tam giáo và thực hành theo Thánh huấn tốt đẹp của các vị giáo chủ truyền dạy, mới đặng an cư lạc nghiệp. Trong cố vãng ấy, thiên hạ thái bình đến nổi đêm ngủ không đóng cửa, đi đường chẳng lượm của rơi, "gia vô bế hộ, lộ bất thập di".

Rất tiếc thay! cái thời mỹ tục ấy chẳng còn thấy nữa bởi các cớ sau này:

1 . Tôn chỉ của các tôn giáo giống in như một là làm lành lánh dữ chỉ tâm sùng bái Đấng tạo hoá, mà các người hành đạo kiếm thế chia rẽ nhau.

2 . Các người ấy lại canh cải cho sai nát mối chơn truyền quí báu của Tam giáo.

3 . Đều tranh nhau trong chốn phù ba, trong vùng vinh hoa phú quí. Cái lòng tham dục của nhân sanh cũng là một nguyên do độc nhứt phát sanh ra những sự bất đồng ý kiến ngày nay. Vậy nên, người Việt Nam hiện giờ mới bỏ mất cả thuần phong mỹ tục ngày xưa.

Thấy tình cảnh rất thương tâm, nên một nhóm người Việt Nam vì lòng muốn giữ căn bản, vì lòng mến Đạo, mới kiếm phương châm để dựng lại cái nền Tôn giáo độc nhứt kêu "CAO ĐÀI ĐẠI ĐẠO".

Cái tên "Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ" chỉ nghĩa là "Đại ân xá kỳ ba" cũng của Đức Chí Tôn đến giúp các người đứng tên dưới đây lập nền Đạo mới này đặt ra. Đức Chí Tôn đến xưng danh là "Ngọc Hoàng Thượng Đế" tá danh Cao Đài chúa tể chư quyền vạn loại.

Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế dùng đồng loan thủ cơ chấp bút để, truyền Thánh Huấn, hầu tom góp và truyền dạy các giáo lý của Tam giáo.

Giáo lý sẽ dạy chúng ta:
1) Luân lý cao thâm của Đức Khổng Thánh.
2) Những đức tánh của Thích giáo và Đạo giáo.

Các Thánh Đức ấy cốt dạy làm lành lánh dữ, rộng thương nhân loại, giữ lòng hoà hiệp và tránh các mối cạnh tranh cùng chinh chiến.

Chúng tôi xin gởi theo đây cho quan lớn nghiệm xét:
1 - Một bản sao lục Thánh ngôn của Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế.
2 - Một bản phiên dịch Thánh kinh.

Chủ ý của chúng tôi là muốn làm sao cho nhơn loại được cộng hưởng thái bình như thuở trước. Được vậy, nhơn sanh sẽ thấy đặng thời kỳ mới mẽ, cực kỳ hạnh phúc.

Chúng tôi thay mặt cho nhiều người An Nam đã nhìn nhận sở hành của chúng tôi và đã ký tên vào tờ Đạo Tịch ghim theo đây. Đến khai cho quan lớn biết rằng kể từ nay, chúng tôi đi phổ thông Đại Đạo khắp cả hoàn cầu.

Chúng tôi xin quan lớn công nhận Tờ khai đạo của chúng tôi.
           
Đồng ký tên:
- Bà Lâm Ngọc Thanh             Nghiệp chủ Vũng Liêm
- Ông Lê Văn Trung                            Cựu thượng nghị viên, thọ Ngũ đẳng Bửu tinh (Chợ Lớn)
- Ông Lê Văn Lịch                               Thầy tu làng Long An, Chợ Lớn
- Ông Trần Đạo Quang                       Thầy tu làng Hạnh Thông Tây, Gia Định
- Ông Nguyễn Ngọc Tương                 Tri phủ, chủ quận Cần Giuộc.
- Ông Nguyễn Ngọc Thơ                     Nghiệp chủ, Sài Gòn.
- Ông Lê Bá Trang                              Đốc phủ sứ, Chợ Lớn.
- Ông Vương Quan Kỳ                       Tri phủ Sở thuế thân, Sài Gòn
- Ông Nguyễn Văn Kinh                      Thầy tu Bình Lý thôn, Gia Định
- Ngô Tường Vân                               Thông phán Sở Tạo Tác, Sài Gòn.
- Ông Nguyễn Văn Đạt                       Nghiệp chủ, Sài Gòn
- Ông Ngô Văn Kim                           Điền chủ, Đại hương cả, Cần Giuộc
- Ông Đoàn Văn Bản                          Đốc học trường Cầu Kho
- Ông Lê Văn Giảng                            Thơ ký hãng Ippolito, Sài Gòn
- Ông Huỳnh Văn Giỏi             Thông phán Sở Tạo Tác, Sài Gòn
- Ông Nguyễn Văn Tường                   Thông ngôn Sở Tuần Cảnh, Sài Gòn
- Ông Cao Quỳnh Cư                          Thơ ký Sở Hoả xa, Sài Gòn
- Ông Phạm Công Tắc             Thơ ký Sở Thương Chánh Sài Gòn
- Ông Cao Hoài Sang                          Thơ ký Sở Thương Chánh, Sài Gòn
- Ông Nguyễn Trung Hậu                    Đốc học trường tư thục Đa Kao
- Ông Trương Hữu Đức                      Thơ ký Sở Hoả Xa, Sài Gòn
- Ông Huỳnh Trung Tuất                      Nghiệp chủ, Chợ Đủi Sài Gòn.
- Ông Nguyễn Văn Chức                    Cai tổng, Chợ Lớn
- Ông Lại Văn Hành    Hương cả,        Chợ Lớn
- Ông Nguyễn Văn Trò                       Giáo viên, Sài Gòn.
- Ông Nguyễn Văn Hương                  Giáo viên, Đa Kao.
- Ông Võ Văn Kinh                             Giáo tập, Cần Giuộc.
 - Ông Phạm Văn Tỷ                           Giáo tập, Cần Giuộc.

Thống đốc Nam Kỳ lúc ấy, không hề ký giấy phép nào cho Đạo Cao Đài hoạt động. G.Meillon trong "Caodaisme" viết: "Ngày 7-10-1926 Thống đốc Nam Kỳ đã nhận được tuyên ngôn chính thức về việc thành lập Đạo Cao Đài. Ông đã khôn khéo tiếp nhận văn kiện, tuy nhiên không cam kết công nhận chính thức mối Đạo". Ông G.Meillon gọi đó là bản tuyên ngôn chính thức về sự thành lập Đạo Cao Đài (La déclaration officielle de la fonda tion du Caodaisme) chớ không có văn bản nào của nhà cầm quyền Pháp cho phép Đạo Cao Đài hoạt động như nhiều người lầm tưởng.

10 . Thầy giao quyền cho Đức Lý Thái Bạch:
Đàn đêm 29-10-1926, Đức Chí Tôn giao cho Đức Lý làm Giáo Tông dìu dẫn và nghiêm trị những giáo đồ hành sái chơn truyền (*1). Đức Lý Thái Bạch là Nhứt Trấn Oai nghiêm kiêm Giáo Tông Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, Đức Quan Âm Bồ Tát là Nhị Trấn còn Đức Quan Thánh Đế quân là Tam Trấn để trông nom dìu dắt chư môn đệ.

"Từ đây Thầy đã giao quyền thưởng phạt về nơi tay Bần Đạo, vậy các đạo hữu khá hết lòng lo lắng, vun đắp nền đạo cho vững vàng, hiệp ý với Thiên cơ mà bước lần lên địa vị cao thượng; chớ sụt sè ôm thói mờ hồ, thì đã uổng công trình cực nhọc từ bấy lâu nay, lại thêm chẳng đặng theo Thánh ý của Thầy là bậc Chí Tôn đã hết sức nhọc nhằn cùng sanh chúng.
Mở một mối đạo chẳng phải là sự thường tình, mà sanh nhằm đời đặng gặp một mối đạo cũng chẳng phải dễ. Muốn lập thành tất phải có điều nghiêm chánh thưởng phạt. Có thưởng mới giục lòng kẻ có công, có phạt mới răn đặng lòng tà vạy.
... ... ....
Đặng bậc Chí Tôn cầm quyền thế giái, dìu dắt, rửa lỗi mà chẳng bươn chải cho kịp thì, để đua nhau nghĩ tính về miếng đỉnh chung; nếu Thầy chẳng Đại Từ Đại Bi thì công quả đã chảy theo dòng nước.
Từ đây Bần Đạo, phải để ý dìu dắt bước đường cho các đạo hữu, phải gắng công thêm nữa cho hiệp với cơ Trời.
Ai hữu phước thì địa vị đặng cao thêm, ai vô phần thì bị đọa Tam Pháp. Phước phần cũng khó lựa người, rủi rủi may may đừng trách nơi Bần Đạo. (TNHT Q1/42)"

(*1) Sau khi Ngài Ngô Minh Chiêu không nhận Thiên phẩm Giáo Tông

PHẦN THỨ HAI

THỜI ĐẠO PHÁP (1926-1929)

CHƯƠNG I

ĐẶT NỀN TẢNG ĐẠI ĐẠO

1 . Đức Chí Tôn định ngày khai Đạo 14-10-Bính Dần:
Sau khi lập tờ khai Đạo với chính phủ Pháp ngày 7-10-1926 thì việc phổ độ các tỉnh băt đầu từ tháng chín năm Bính Dần. Phân định vùng trách nhiệm như sau:
- Nhóm 1: Do quí ông Lê Văn Trung, Nguyễn Ngọc Thơ, Trần Đạo Quang lo việc phổ độ trong các tỉnh: Vĩnh Long, Trà Vinh, Cần Thơ (nay là Hậu Giang), Sóc Trăng, Bạc Liêu (nay là Ba Xuyên), Long Xuyên, Châu Đốc, Hà Tiên, Rạch Giá (nay là Kiên Giang).

Quí ông Cao Quỳnh Cư và Phạm Công Tắc phò loan.
- Nhóm 2: Do quí ông Lê Văn Lịch, Nguyễn Ngọc Tương, Yết Ma Luật (đã nhập môn) lo phổ độ trong mấy tỉnh: Chợ Lớn, Gò Công, Tân An (nay là Long An), Mỹ Tho (nay là Định Tường), Bến Tre (nay là Kiến Hoà).

Quí ông Nguyễn Trung Hậu và Trương Hữu Đức phò loan.
- Nhóm 3: Do quí ông Lê Bá Trang, Vương Quan Kỳ, Yết Ma Nhung lo phổ độ trong các tỉnh: Tây Ninh, Thủ Dầu Một (nay là Bình Dương), Gia Định, Biên Hoà, Bà Rịa (nay là Phước Tuy), Sađéc.

Quí ông Cao Quỳnh Diêu và ông Cao Hoài Sang phò loan.
- Riêng ông Nguyễn Văn Tương (Chưởng Pháp khác với ông Nguyễn Ngọc Tương ) và ông Nguyễn Văn Kinh (có viết nhiều sách Đạo) là rõ thông đạo lý hơn cả nên đi khắp nơi mà giảng đạo.

Việc phổ độ này để chuẩn bị cho ngày khai đạo, nên kết quả ngoài sức tưởng tượng. Chỉ trong một tháng mấy ngày mà đã có mấy vạn người nhập môn cầu đạo. Đến tháng 10 tháng 10 thì tạm ngưng việc phổ độ để lo sắp đặt lễ khánh thành Thánh thất Từ Lâm Tự ở Gò Kén (Tây Ninh).

Chùa Từ Lâm vốn của Hoà Thượng Như Nhãn ở chùa Giác Hải, Chợ gạo (nên còn gọi là Hoà Thượng Giác Hải), quyên tiền trong bổn đạo của ông ấy mà lập thành. Vào tháng 7 năm Bính Dần (tháng 8-1926) ông tình nguyện dâng chùa (để làm Thánh Thất). Lúc bấy giờ chùa chưa cất xong, nhưng Đông lang, Tây lang chưa có, tráng xi măng chưa rồi, sơn phết chưa lo, chung quanh chùa còn nhiều cây bụi sầm uất.

Ông Nguyễn Ngọc Thơ và bà Lâm Ngọc Thanh được lịnh chi tiền lo tất cả mọi việc cho hoàn tất để kịp kỳ khai đạo. Lại phải xây tượng Phật Thích Ca, cất Tịnh thất, đấp đường từ quốc lộ 22 vào chùa để xe hơi vào được, rồi nào đốn cây, trồng kiểng, v.v... Còn bà Nguyễn Thị Hiếu thì lo việc trù phòng, đãi ăn uống cho khách thập phương.

Ông Lê Văn Trung thay mặt cho toàn bổn đạo mời đông đủ các chức sắc Hiệp Thiên, Cửu Trùng Đài, các quan khách chính quyền Pháp và Việt Nam đến dự lễ. Các đạo hữu hiện diện đến hàng muôn người. Hội Thánh tiếp đãi rất đầy đủ ân cần mà không nhận tiền bạc của ai cả, ngoài vật phẩm cúng tế.

Đêm 14 rạng ngày rằm tháng 10 năm Bính Dần (18-11-1926) là đêm Khai Đạo Cao Đài và làm lễ khánh thành Thánh Thất đầu tiên. Lễ xong rồi thì cầu cơ, đoạn tới lễ nhập môn, kéo dài đến 3 giờ sáng.

Trước đó ngày 23-9-Bính Dần (16-11-1926), Đức Chí Tôn chỉ dẫn tỉ mỉ cách hành lễ mới theo nền Tân Tôn giáo như sau:
"Phải làm một nghi án trước điện, quay mặt vô 7 ngai, hình vuông đóng bốn mặt, trên như nóc chùa, kết hàng cho đẹp. Nơi ấy phải kín, bốn phía ra vô có màn, Thầy giáng cơ tại án ấy, nghe à.
Lễ Thánh Thất, chia ra làm lễ khách xuất thâu. Vậy thì, Thầy nói về lễ trước. Việc lễ Thầy giao chánh sự cho Trang; phó sự cho Nhung, phụ sự có Ý nghe à... Như Ý không chịu thì Lịch phải thế. Vậy thì chánh sự là Trang làm đầu. Thầy lại thêm ba vị nữa cho các con rộng dùng là: Mùi, Vân, Đạt.
Thầy lại hỏi thêm 12 đứa nữa, ai tình nguyện: Lê Văn Sanh, Dương Văn Hoài, Nguyễn Xuân Quang, Sơn, Hườn, Lê Thế Vĩnh, Trần Văn Bân, Nguyễn Văn Mùi.

Về việc khách: Khách thì Tương là Chánh sự, Luật là phó sự. Thầy muốn đem Hoài vô đặng không Lịch? Voi là phụ sự. Lại, Sơn, Thành là giúp Thầy. Hỏi 12 đứa tình nguyện? Giỏi, Bản, Tuất, Tiếp, Trò, Giảng, Học, Kỳ, Tương, Hơn, Kinh, Đơn.

Về thâu: Thơ, Như Nhãn, Đạo Quang.
Về việc xuất: xuất thì Lịch, Xài, Hoá (Phủ Hoá, Cần Giuộc).
Chưởng Pháp, Đầu Sư: Thầy định ba ngôi Chưởng Pháp, ba ngôi Đầu Sư đều có vị.

Phối Sư: Phối Sư thì là Trang, Tương, Thơ là Chánh, còn 33 vị nữa thì tuỳ theo ngày phong sau trước đứng nối theo đó.
Giáo Sư: Rồi tới 72 Giáo Sư, cũng tuỳ theo ngày thọ sắc mà phân trước sau.

Giáo Hữu: Kế nữa là 3.000 Giáo Hữu, cũng tuỳ theo Thiên phong mà đứng theo hàng ngũ phái Thượng, phái Thái, phái Ngọc vậy.

Phò loan: ....................... tiếp nối theo sau ngay chính giữa nơi bàn Hộ pháp thì: Đức, Hậu, Tràng, Nghĩa.
Bên mặt thì: Mạnh, Phước, Mai, Nguyên
Bên trái thì: Đãi, Kim, Tươi, Chương

Hộ Pháp: Còn lại để dựa bên bàn Hộ Pháp, hai cái ghế ngồi làm hai cây phướn đề Thượng Phẩm, Thượng Sanh.
Thượng Phẩm: bên mặt Hộ Pháp là Thượng Phẩm
Thượng Sanh: bên trái Hộ Pháp là Thượng Sanh.
Đưa cây Thượng Phẩm cho Mùi, Cây Thượng Sanh cho Vĩnh cầm hầu hai bên.

Trấn cờ ngũ phương:Tại Đông phương, Tây phương, Nam phương, Bắc phương lựa 12 đứa đồng nhi cầm cờ, còn giữa thì giao cho Hậu, Nghĩa, Đức.

Lịch hiểu à! Khi hành Đại lễ cho Thầy rồi thì Lễ Sanh xướng "Thiên phong hoán tẩy". Cả thảy đều ra rửa mặt mày cho sạch. Chừng xướng "Chỉnh túc y quan" thì cả thảy phải thay Thiên phục.

Lễ Sanh xướng "Lập vị" đứng theo hàng ngũ cũ như trước. Hành lễ y như tại chùa Vĩnh Nguyên Tự nghe Lịch. Còn Nữ phái thì đều phải mặc đồ trắng trước khi hành lễ.

Thiên phong Nữ phái: Cư, Tắc phải vào nghi án phò lập Tịch Đạo, phò loan cho Thầy phong Nữ phái trước và lập Tịch Đạo luôn nữa nghe.

Trấn Thần: Chừng mặc Thiên phục rồi thì Cư con chấp bút bằng nhang cho Thầy trấn thần mỗi người và nơi mình của chư Thiên phong rồi mới hành lễ.

Nhớ biểu Nam phái đứng chẳng hết ở giữa thì qua bên tả của Thầy, song phải phân hàng ngũ đẳng cấp chúng nó cho tử tế chứ không đặng lộn xộn.

Hành lễ: Còn bao nhiêu môn đệ đứng tiếp theo sau. Thầy dặn hành lễ rồi, thì phải biểu Lễ Sanh xướng: "Thiên phong phò loan" đặng Thầy lập "Phật Truyền Chánh Pháp", Cư, Tắc phải để Thiên phục vậy phò cơ nghe. Thầy sẽ giao nhạc cho Mỹ Ngọc và Lễ, Nhơn."

Đêm sau Đức Chí Tôn lại giáng tiếp.
"Khi môn đệ mặc đồ thường vào, con cũng phải sắp đặt địa vị chúng nó.

Tụng kinh hành lễ thường vừa rồi, con biểu Cư, Tắc rửa mặt rửa tay, cho tinh khiết, biểu chúng nó vào nơi nghi án cho Thầy phong sắc chư môn đệ lục tỉnh. Xong kế lập Nữ phái. Con phải giúp em con là Đường thị, Lâm thị, Ca thị lập vị bên Nữ phái cho trang hoàng.

Chừng Thầy thăng, biểu hai đứa nhỏ ra đứng nơi bàn Hộ Pháp nơi cũ. Chừng Lễ Sanh xướng: "Chỉnh túc y quan" thì biểu 12 đứa phò loan sắp ba hàng kế đó, biểu Đạt đi.

Kế đó là Tắc, Cư, Sang đi hai bên, nữa thì là ba vị Chưởng Pháp (biểu Nhàn theo hộ Thụ. Kế nữa ba vị Đầu Sư (biểu Tạ theo Trung, còn Hoằng theo Thiện Minh); kế nữa ba vị Chánh Phối Sư; kế nữa chức sắc đi ba đứa, ba đứa ra thay đồ Thiên phục. Khi đặng nửa giờ phải đổ chuông ba hiệp, chờ tới hiệp chót, biểu Lễ Sanh xướng: "Lập vị" thì lại đi như nảy mà trở vào. Nhớ bảo hai đứa cầm phướn Thượng Phẩm, Thượng Sanh đi gần bên Cư, Sang.

Vào lập vị hành Đại lễ như: buổi Vĩnh Nguyên Tự, nghe Lịch à .... Là đã hết 1 đêm đầu rồi.
Kế đêm sau là đêm Thiên phong của chư môn đệ và là đêm các con phải thành tâm trai giới cho Thầy lập Pháp Chánh Truyền.

Đêm thứ ba, các con cũng lập vị cúng thường ngày, xong hai đứa nhỏ mặc Thiên phục vào Nghi án cho Thầy giáng, xong việc lễ."

2 . Cuộc thử thách đầu tiên trong nền Đạo:
Đêm hôm ấy, vì quá đông người nên cuộc lễ bớt phần trang nghiêm. Khi cầu cơ, Đức Chí Tôn chỉ để ít lời quở trách rồi thăng. Thừa dịp, tà quái nhập vào một nam và một nữ, bổn đạo mà gây rối. Lê Thế Vĩnh xưng là Tề Thiên Đại Thánh và Vương Thanh Chi là Quan Âm Bồ Tát. Lúc đầu bổn đạo tưởng thật, nhưng sau cử chỉ lung lăng, người người đều biết là tà quái xuất hiện. Thấy việc lộng hành như vậy, ông Monnet quan ba (đại uý) người Pháp - Hội viên Thần linh học khuyên giải trong bổn đạo như sau:

"Công việc các ông làm đây là rất phải. Các ông chẳng nên vì một cuộc biến thường tình như vậy mà ngã lòng thối chí. Tôi cho là thường tình, vì bên Pháp trong mấy đàn thỉnh tiên cũng thường xảy ra những điều rối rắm như vậy. Tôi có một lời khuyên các ông là từ đây trở đi, hễ có cầu cơ thì chớ họp nhau đông đảo, vì cần phải thanh tịnh. Mà hễ đông người, thì một là mất bề thanh tịnh, hai là tư tưởng bất đồng không tương ứng nhau được thì không linh nghiệm." (*1)

Việc biến loạn đó khiến cho những kẻ nhẹ dạ ít tâm thành ngã lòng. Còn hàng chức sắc thì cho đó là một thử thách để trau dồi thêm lòng tin tưởng. Và cũng là một tiếng vang để khách bàng quang chú ý theo dõi tà giáo hay chánh giáo. Vô hình trung, cơ phổ độ xoay đổi được thế cờ chuyển hư thành nên, chỉ 3 tháng sau khi mở đạo tại Từ Lâm Tự mà số người nhập môn lên đến hàng ức, đủ thành phần, chánh kiến và quốc tịch: Pháp, Cao Miên (nay là Campuchia), Hoa kiều....

Ba hôm sau Thầy giáng cơ dạy về việc này như vầy: "Các con, Thầy nghĩ lại việc hôm nọ tại Thánh Thất biến ra một trường Tà Quái mà Thầy bắt đau lòng đó các con.
Các con thiết nghĩ ra lẽ nào?
Đó là bước Đạo, đó là Thiên cơ, các con hiểu sao được, nhưng Thầy buồn vì nỗi có nhiều đứa sàm biện về việc ấy. Thầy cũng muốn phạt chúng nó một cách nặng nề, nhưng Thầy nghĩ lại mà thương đó chút. Môn đệ của Thầy nhiều đứa muốn bỏ đạo y, ném dép cỏ, lột khăn tu mà mong hồi tục thế. Bởi bước Đạo gập ghình khó tới nên mới ra cớ đỗi. Bởi còn vướng bụi trần, ham mồi phú quí, mê chữ vinh sang mà ngán đạo. Các con hiểu: Thầy buồn, nhưng ấy là máy Trời đã định chạy sao cho khỏi? Thầy biết bao lần vì các con mà chịu nhọc nhằn. (TNHT Q1/47)"

(*1) NGUYỄN TRUNG HẬU, Đại Đạo Căn Nguyên, Sài gòn 1930

3 . Thầy khai Đạo Tịch Nữ Phái, Nam Phái:
Ngay đêm khai đạo, Đức Chí Tôn lập thành Tịch đạo Nữ Phái:
"Nữ phái nghe Thầy khai Tịch Đạo:
Hương tâm nhứt phiến cận Càn Khôn,
Huệ đức tu chơn độ dẫn hồn.
Nhứt niệm Quan Âm thùy bảo mạng,
Thiên niên đẳng phái thủ sanh tồn.
Lâm thị: phong vi Giáo Sư, lấy Thiên ân Hương Thanh. Ca thị: phong vi Phó Giáo Sư, lấy Thiên ân Hương Ca. ... ... ...
Còn cả chư ái nữ, Thầy sẽ lập đại hội cho đủ mấy vị rồi sẽ phong sắc một lần." (TNHT Q2/11)

Nhưng mãi đến mùng 1 tháng giêng Đinh mão (1-2-1927) Đức Lý mới ban sắc phục và lập thành Nữ phái, sau Nam phái.

"Nữ phái phải tùng Đầu Sư Nữ phái, song tùng quyền của Giáo Tông và Chưởng Pháp. Đầu Sư Nữ phái cũng phải chịu công cử theo luật Hội Thánh ban hành, theo luật lệ Hội Thánh ban xử đường Đời và đường Đạo. Đầu Sư Nữ phái mặc một Đạo phục y như Đạo phục Đầu Sư Nam phái, phải đội một Ni Kim Cô như các Vãi chùa, toàn hàng trắng chín dải, áo có thêu bông sen. Cái Kim Cô có choàng từ đầu tới gót, đội mão Phương Thiên, trên chót Phương Thiên ngang đầu tóc, có Thiên Nhãn Thầy bao quanh một vòng Minh Khí, đi giày vô ưu màu trắng, trên chót để chữ Hương, nghe à!
Phối Sư cũng mặc in như vậy, song không có mão Phương Thiên, áo ba dải, nhưng trước ngực có Thiên Nhãn Thầy, bao quanh một vòng Minh Khí, nghe à!
Giáo Sư mặc áo ba dải, đội Kim Cô bằng hàng trắng không đi giày.
Giáo Hữu mặc Đạo phục như Giáo Sư, đầu không đội mão, mà giắt một bông sen, trên bông sen có Thiên Nhãn Thầy.
Lễ Sanh Nữ phái mặc như Giáo Hữu, nhưng choàng ngang trên đầu một đoạn vải mỏng, cột ra sau ót, thả một mí dài một mí vắn; ngay đầu tóc có giắt một bông sen.
Thầy vì thấy nhiều người vắng mặt nên phải đợi đủ mới phong chức. Lâm Hương Thanh, hiền muội phải viết thơ mời đủ mặt ngày rằm nầy. Thầy đến phong chức, lập thành Nữ phái, nghe à!" (TNHT Q1/72)

Đêm Thiên phong nữ phái là ngày14 tháng giêng năm Đinh Mão (15-2-1927), thiên ân 2 vị Phối Sư, 8 vị Giáo Sư, 28 vị Giáo Hữu, 56 vị Lễ Sanh. Trong đó bà Lâm Hương Thanh và bà Lê Thị Ngân thăng lên Phối Sư. Còn quí bà Giáo Sư tân phong có tên tuổi sau:

Bà Bùi Thị Giàu (tức bà Phủ Tương), bà Trịnh Thị Huệ (thân mẫu Đức Cao Thượng Phẩm), bà Nguyễn Thị Hiếu (bạn đời ông Cao Quỳnh Cư), bà Huỳnh Thị Hồ (ái nữ bà Lâm Hương Thanh), v.v...

Và dưới đây là Tịch Đạo của Nam phái (ban tại Vĩnh Nguyên Tự ngày 9-8-1926).
THANH Đạo tam khai thất ức niên,
Thọ như địa huyển thạnh hòa Thiên.
Vô hư qui phục nhơn sanh khí,
Tạo vạn cổ đàn chiếu Phật duyên. (TNHT Q1/26)


Đạo dưới thời Lý Giáo Tông thì Nam lấy chữ THANH, Nữ lấy chữ HƯƠNG làm tịch. Đến đời Giáo Tông khác thì Nam sẽ lấy chữ ĐẠO, Nữ lấy chữ TÂM. Khi nào hết Tịch Đạo thì Đấng Chí Tôn sẽ giáng cơ cho Tịch Đạo khác. Lớn nhỏ, trước sau nhờ chữ Tịch Đạo này mà phân biệt.

Đấng Chí Tôn lại giải: "Có kẻ hỏi: Thí dụ như đời Giáo Tông thì Tịch Đạo của chư Đạo hữu Nam Nữ đời trước, dù chức sắc hay tín đồ cũng vậy, có buộc phải thay đổi Tịch Đạo hay không? Ta nói: không, vì chính mình Giáo Tông kế vị cũng phải giữ Tịch Đạo trước. Kỳ dư những tín đồ của đời Ngài độ rồi, tức là chi tộc của Ngài mới đặng thay đổi mà thôi.

Còn những chức sắc cùng là tín đồ của Giáo Tông đời trước còn sót lại thì thuộc về chi tộc của Giáo Tông ấy không đặng phép thay đổi Tịch Đạo.

Tỷ như có Tân Giáo Tông sẽ lên kế vị cho Lý Giáo Tông thì cả tín đồ nam nữ mới nhập môn đều phải lấy Tịch Đạo Tâm. Dù trong hàng tín đồ ấy sẽ có một chơn linh xứng đáng địa vị Chánh Phối Sư, mà Thầy giáng cơ phong chức đi nữa thì cũng phải chịu Tịch Đạo Tâm như các tín đồ khác. Còn chức sắc và tín đồ trong đời Lý Giáo Tông còn lại thì giữ Tịch Đạo Thanh Hương không đặng thay đổi."

Về Tịch Đạo hay Thánh danh trong Đạo Cao Đài có ba cách xếp đặt như sau:
1) - Về Cửu Trùng Đài:
a) Nam phái: Thì phải đặt trước (Thái, Thượng, Ngọc) tên giữa (thế danh) đến Tịch Đạo (Thanh). Thí dụ: Giáo Sư Vương Quan Kỳ thì viết Giáo Sư Thượng Kỳ Thanh. Có trường hợp biệt lệ như ba vị Đầu Sư đầu tiên thì là Thượng Trung Nhựt, Ngọc Lịch Nguyệt, Thái Minh Tinh (tức Thiện Minh Nguyễn Văn Minh).

Riêng ông Nguyễn Phát Trước tự Tư Mắt thì thọ phong Lễ Sanh Mắt Mục Thanh

b) Nữ phái: thì đề nguyên tên họ nhưng chữ lót phải thay bằng chữ Hương. Thí dụ: Nữ Đầu Sư Lâm Ngọc Thanh thì viết Nữ Đầu Sư Lâm Hương Thanh. Hương là Tịch Đạo chớ không phải chữ lót.

2) - Hiệp Thiên Đài: thì đề nguyên tên họ và chữ lót của cha mẹ đã đặt, chỉ thêm chức phận ở trước.

Thí dụ: Bảo Đạo Ca Minh Chương, Truyền Trạng Phan Văn Phước.

Bên Phước Thiện thì cũng giống như bên Hiệp Thiên Đài (vì vốn là Chi Đạo của HTĐ ). Thí dụ: Chơn Nhơn Lê Văn Tr. Chơn Nhơn là Thiên phẩm, Lê Văn Tr. là tên. Nam phái và Nữ phái bên Phước Thiện đều đặt giống nhau.

4 . Thành lập Pháp Chánh Truyền và Hội Thánh Cửu Trùng Đài:

Đến ngày 16-10 năm Bính Dần (20-11-1926), Đức Chí Tôn giáng cơ, cũng tại Từ Lâm Tự kêu ngài Đầu Sư Lê Văn Trung dạy về lập Pháp Chánh Truyền và ngôi vị Hội Thánh Cửu Trùng Đài.

"GIÁO TÔNG nghĩa là Anh Cả các con, có quyền thay mặt Thầy mà dìu dắt các con trong đường Đạo và đường Đời. Nó có quyền về phần xác chớ không có quyền về phần hồn. Nó đặng phép thông công cùng Tam thập lục Thiên và Thất thập nhị Địa giái đặng cầu rỗi cho các con, nghe à! Chư môn đệ tuân mạng!
- CHƯỞNG PHÁP của ba phái là Đạo, Nho, Thích. Pháp luật Tam giáo tuy phân biệt nhau, song trước mặt Thầy vốn coi như một. Chúng nó có quyền xem xét luật lệ trước buổi thi hành, hoặc là nơi Giáo Tông truyền xuống, hay là nơi Đầu Sư dâng lên. Như hai đàng chẳng thuận thì chúng nó phải dâng lên cho Hộ Pháp đến Hiệp Thiên Đài cầu Thầy giáng xuống mà sửa lại, hay là tùy ý mà lập luật lại. Vậy chúng nó có quyền xem xét kinh điển trước khi phổ thông. Như thảng có "kinh luật" chi làm hại phong hóa thì chúng nó phải trừ bỏ, chẳng cho xuất bản. Buộc cả tín đồ phải vùa sức mà hành sự trước mặt luật đời. Thầy khuyên các con rán xúm nhau vùa giúp chúng nó. Mỗi Chưởng Pháp có ấn riêng. Ba ấn phải có đủ trên mỗi luật, mới đặng thi hành. Chư môn đệ tuân mạng!
- ĐẦU SƯ có quyền cai trị phần Đạo và phần Đời của chư môn đệ. Nó đặng quyền lập luật, song phải dâng lên cho Giáo Tông phê chuẩn. Luật lệ ấy phải xem xét một cách nghiêm nhặt, coi phải có ích cho nhơn sanh chăng. Giáo Tông buộc phải giao cho Chưởng Pháp xét nét trước khi phê chuẩn.
Chúng nó phải tuân mạng lịnh Giáo Tông, làm y như luật lệ Giáo Tông truyền dạy. Như thảng luật lệ nào nghịch với sự sanh hoạt của nhơn sanh, thì chúng nó đặng phép nài xin hủy bỏ.
Thầy khuyên các con phải thương yêu và giúp đỡ lấy nó. Thầy lại dặn các con, như có điều chi cần yếu thì khá nài xin nơi nó.
Ba Chi tuy khác, chớ quyền luật như nhau. Như luật lệ nào Giáo Tông đã truyền dạy mà cả ba đều ký tên không tuân mạng, thì luật lệ ấy phải trả lại cho Giáo Tông, Giáo Tông truyền lịnh cho Chưởng Pháp xét nét lại. Chúng nó có ba cái ấn riêng nhau. Mỗi tờ giấy chi chi phải có ấn mới thi hành, nghe à! Chư môn đệ tuân mạng!
- PHỐI SƯ mỗi phái là 12 người, cộng là 36 người; trong 36 vị ấy có 3 vị Chánh Phối Sư. Ba vị ấy đặng thế quyền cho Đầu Sư mà hành sự, song chẳng quyền cầu phá luật lệ, nghe à!... Chư môn đệ tuân mạng!
- GIÁO SƯ có 72 người, trong mỗi phái là 24 người. Giáo Sư là người để dạy dỗ chư môn đệ trong đường Đạo với đường Đời. Buộc chúng nó lo lắng cho các con như anh ruột lo cho em. Chúng nó cầm sổ bộ của cả tín đồ. Chúng nó phải chăm nom về sự tang, hôn của mỗi đứa.
Như tại Châu Thành lớn, thì mỗi đứa đặng quyền cai quản cúng tế Thầy như thể Đầu Sư và Phối Sư. Chúng nó đặng quyền dâng sớ cầu nài về luật lệ làm hại nhơn sanh, hay là cầu xin chế giảm luật lệ ấy. Chúng nó phải thân cận với mỗi môn đệ như anh em một nhà cần lo giúp đỡ, nghe à!... Chư môn đệ tuân mạng!
- GIÁO HỮU là người để phổ thông Chơn Đạo của Thầy. Chúng nó đặng quyền xin chế giảm luật lệ Đạo. Ba ngàn Giáo Hữu chia ra đều, mỗi phái là 1000; chẳng nên tăng thêm hay là giảm bớt. Chúng nó đặng phép hành lễ khi làm chủ các chùa trong mấy tỉnh nhỏ.
 - LỄ SANH là người có hạnh, lựa chọn trong chư môn đệ mà hành lễ. Chúng nó đặng quyền đi khai đàn cho mỗi tín đồ. Thầy dặn các con hiểu rõ rằng Lễ Sanh là người Thầy yêu mến, chẳng nên hiếp đáp chúng nó. Như vào đặng hàng Lễ Sanh mới mong bước qua hàng chức sắc. Kỳ dư Thầy phong thưởng riêng mới đi khỏi ngả ấy mà thôi... nghe à! Chư môn đệ tuân mạng!

Đầu Sư muốn lên Chưởng Pháp thì nhờ 3 vị công cử nhau.
Phối Sư muốn lên Đầu Sư thì nhờ 36 vị kia công cử.
Giáo Sư muốn lên Phối Sư thì nhờ 72 vị kia xúm nhau công cử.
Giáo Hữu muốn lên Giáo Sư thì nhờ 3000 vị kia xúm nhau công cử.
Lễ Sanh muốn lên Giáo Hữu thì nhờ cả Lễ Sanh xúm nhau công cử.
Môn đệ muốn lên Lễ Sanh thì nhờ cả môn đệ xúm nhau công cử.
Kỳ dư Thầy giáng cơ phong cho người nào thì mới ra khỏi luật lệ ấy mà thôi.
Còn Giáo Tông thì hai phẩm Chưởng Pháp và Đầu Sư tranh đặng, song phải chịu cho toàn môn đệ công cử mới đặng, kỳ dư Thầy giáng cơ ban thưởng mới ra khỏi luật lệ ấy mà thôi."(TNHT Q1/45)


Còn về việc tăng lên phẩm vị thì phải có Bộ Pháp Chánh minh tra đủ lẽ, đưa qua Hội nghị Nhân Sanh tuyển chọn, dâng lên Thượng Hội rồi mới trình lên Cung Đạo để Đức Chí Tôn phán xét, sau khi theo luật dưới đây:
"Đầu Sư muốn lên Chưởng Pháp thì phải nhờ ba vị công cử sau.
Phối Sư muốn lên Đầu Sư thì nhờ 36 vị kia công cử.
Giáo Sư muốn lên Phối Sư thì nhờ 72 vị kia công cử.
Giáo Hữu muốn lên Giáo Sư thì nhờ 3.000 vị kia công cử.
Lễ Sanh muốn lên Giáo Hữu thì nhờ cả Lễ Sanh xúm nhau công cử.
Môn đệ muốn lên Lễ Sanh thì nhờ cả Môn đệ (tức Hội Nhơn Sanh) công cử.
Kỳ dư Thầy giáng cơ phong cho người nào thì mới ra khỏi luật lệ ấy mà thôi.

Còn Giáo Tông thì hai phẩm Chưởng Pháp và Đầu Sư tranh đặng, song phải chịu cho toàn môn đệ công cử mới đặng. Kỳ dư Thầy giáng cơ ban thưởng mới ra khỏi luật lệ ấy."

Pháp Chánh Truyền thì gồm có việc tổ chức Hội Thánh Cửu Trùng Đài Nam Nữ và Hội Thánh Hiệp Thiên Đài. Vì những điều khoản quá súc tích nên mỗi người hiểu theo mỗi cách. Do đó, ngày mồng 3 tháng 10 năm Canh Ngọ (1930) Đức Lý Giáo Tông mới dạy Đức Phạm Hộ Pháp chú giải, (Đạo Nghị Định thứ sáu).

Nền Chánh trị Đạo hạ tầng, theo Pháp Chánh Truyền buổi ban đầu định đến phẩm Lễ Sanh mà thôi. Về sau, nền Đạo mỗi ngày một phổ thông, người theo Đạo mỗi ngày một nhiều; Đức Lý Giáo Tông đặt thêm Bàn Trị Sự gồm có Chánh Trị Sự, Phó Trị Sự và Thông Sự.

5 . Ban hành Tân Luật:
Pháp Chánh Truyền và Tân Luật coi như Hiến Pháp của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ. Tất cả chi chi phải noi theo đó mà thi hành không được châm chước. Vào ngày 6-12-1926 (2-11 năm Bính Dần), Đức Chí Tôn ra lịnh hội chức sắc thành lập Tân luật.

"Khởi đầu lập luật tu gọi là TỊNH THẤT LUẬT. Kế nữa lập luật trị gọi là ĐẠO PHÁP LUẬT, thứ ba lập luật đời gọi là THẾ LUẬT."

Trong Phần Đạo Pháp gồm có 8 chương: 1) về việc chức sắc cai trị trong họ Đạo; 2) về người giữ Đạo; 3) về việc lập họ; 4) về ngũ giái cấm; 5) về tứ đại điều qui; 6) về giáo huấn; 7) về hình phạt; 8) về việc ban hành luật pháp.

Phần Thế luật là đời của Đạo tức đã nhập môn rồi, gồm có 24 điều, đại để về việc quan hôn tang tế và giữ Đạo.

Phần Tịnh thất luật tức là luật nhà tịnh dành cho các tín đồ vào mà tu luyện gồm có 8 điều, nên chức sắc muốn nhập tịnh cũng phải gởi phẩm tước lại bên ngoài nhà tịnh.

6 . Thành lập Hội Thánh Hiệp Thiên Đài:
Để tiếp cho trọn bộ Pháp Chánh Truyền, vào ngày 13-2 năm 1927 (12-1 Đinh Mão). Đức Chí Tôn giáng cơ dạy về ngôi vị Hội Thánh Hiệp Thiên Đài.

"Hiệp Thiên Đài là nơi Thầy ngự cầm quyền thiêng liêng mối Đạo. Hễ Đạo còn thì Hiệp Thiên Đài vẫn còn.
Thầy đã nói Ngũ Chi Đại Đạo bị qui phàm là vì khi trước Thầy giao chánh giáo cho tay phàm, càng ngày càng xa Thánh giáo mà lập ra phàm giáo, nên Thầy nhứt định đến chính mình Thầy đặng dạy dỗ các con mà thôi, chớ không chịu giao chánh giáo cho tay phàm nữa.
Lại nữa Hiệp Thiên Đài là nơi của Giáo Tông đến thông công cùng Tam thập lục Thiên, Tam thiên Thế Giới, Lục thập bát Địa Cầu, Thập điện Diêm Cung mà cầu siêu cho cả nhân loại. Thầy đã nói sở dụng thiêng liêng; Thầy cũng nên nói sở dụng phàm trần của nó nữa.
Hiệp Thiên Đài dưới quyền Hộ Pháp chưởng quản, tả có Thượng Sanh, hữu có Thượng Phẩm. Thầy lại chọn Thập nhị Thời Quân chia làm ba:
1. Phần của Hộ Pháp, chưởng quyền về Pháp thì:
Hậu là Bảo Pháp, (1)
Đức là Hiến Pháp,
Nghĩa là Khai Pháp,
Tràng là Tiếp Pháp,
Lo bảo hộ Luật Đời và Luật Đạo; chẳng ai qua luật mà Hiệp Thiên Đài chẳng biết.
2 . Thượng Phẩm thì quyền về phần Đạo, dưới quyền:
Chương là Bảo Đạo,
Tươi là Hiến Đạo,
Đãi là Khai Đạo,
Trọng là Tiếp Đạo, (2)

Lo về phần Đạo nơi Tịnh Thất, mấy Thánh Thất, đều xem sóc chư môn đệ Thầy, binh vực chẳng cho ai phạm Luật đến khổ khắc cho đặng.
3 . Thượng Sanh thì lo về phần Đời:
Bảo Thế thì Phước,
Hiến Thế: Mạnh,
Khai Thế: Thâu,
Tiếp Thế: Vĩnh.
Thầy khuyên các con lấy tánh vô tư mà hành đạo. ...." (TNHT Q1/77)

(*1) Còn Tiếp Đạo Cao Đức Trọng thâu sau ở Kiêm Biên.

Dưới đây sơ lược tiểu sử của Thập Nhị Thời Quân.
1 - Bảo Pháp Nguyễn Trung Hậu (1892-1961) sinh ngày 5-3-Nhâm Thìn tại xã Bình Hoà, tỉnh Gia Định. Năm 1933, Ngài giữ quyền Chưởng Pháp Cửu Trùng Đài. Sau đó vì bịnh trở về nhà (1934). Năm 1957 Ngài làm Giám đốc Hạnh Đường và tái lập Đạo Đức Văn Đàn, rồi qui vị tại Gia Định (1961).

2 - Hiến Pháp Trương Hữu Đức (1890-1976) sinh ngày 2-2-Canh Dần tại làng Hiệp Hoà (Chợ Lớn). Năm 1956 Ngài và Ngài Bảo Thế ký thoả ước Bính Thân với chính quyền, cam kết Đạo không làm chính trị nữa. Năm 1962, Ngài Chưởng Quản Bộ Pháp Chánh và Trưởng Ban kiểm duyệt Kinh Sách Đạo, Ban Đạo Sử rồi Chưởng quản Hiệp Thiên Đài (1971).

3 - Khai Pháp Trần Duy Nghĩa (1889-1954) người tỉnh Gò Công. Năm 1930, Ngài nhận lãnh trách vụ Quyền Ngọc Chánh Phối Sư. Năm 1937, Ngài nhận chức Chưởng Quản Phước Thiện. Từ 1941-1945 Ngài bị lưu đày cùng Đức Phạm Hộ Pháp sang Madagascar. Năm 1946, Ngài làm Chưởng Quản Bộ Pháp Chánh. Đến năm 1953 Ngài vào Trí Giác Cung thiền định vì Ngài và Ngài Trương Tiếp Pháp là cặp cơ truyền bí pháp.

4 - Tiếp Pháp Trương Văn Tràng (1892-1965) sanh ngày 25-10-năm Quí Tỵ tại Bình Thạnh (Biên Hoà). Năm 1949, Ngài trọn phế đời hành đạo. Năm 1953, Ngài nhận chức Chưởng Quản Bộ Pháp Chánh. Ngoài việc lo hành chánh đạo, Ngài còn sáng tác nhiều sách Đạo có giá trị, nhứt là quyển Giáo Lý Đại Đạo.

5 - Bảo Đạo Ca Minh Chương (1850-1927) sanh năm Canh Tuất ở làng Mỹ Lộc tỉnh Gò Công. Ngài chán ngán cảnh quan trường, xin nghỉ về dạy học, kịp khi Đức Chí Tôn khai đạo (1926) Ngài phế đời hành đạo sớm nhứt. Nhưng tuổi già sức yếu, Ngài chỉ hành đạo được hai năm thì đăng tiên vào ngày 19-10-Đinh Mão (1927). Vì sớm qui tiên nên năm 1948 Ngài giáng cơ nhượng quyền Bảo Đạo hữu hình cho vị Hiền Tài Hồ Tấn Khoa (*1)

6 - Hiến Đạo Phạm Văn Tươi (1897-1976) được bổ nhiệm Chưởng Pháp (1933) hiện giữ chức Thống Quản Phước Thiện tại Toà Thánh.

7 - Khai Đạo Phạm Tấn Đãi (1901-1976) hành đạo thường xuyên tại Toà Thánh từ lúc đầu đã giữ chức vụ sau: Thái Chánh Phối Sư (1933), Ngọc Chánh Phối Sư (1954), Thống Quản Phước Thiện (1960), Giám đốc cơ quan Phát thanh và Phổ Thông giáo lý, Chưởng quản Bộ Pháp Chánh (1971).

8 - Tiếp Đạo Cao Đức Trọng (1897-1958) là bào huynh ông Cao Hoài Sang, thọ phong thiên phẩm tại Kiêm Biên (Campuchia,1927), lúc đó Ngài giúp việc Sở Chưởng Khế tại Nam Vang.

Năm 1938, Ngài lãnh nhiệm Chủ trưởng Hội Thánh Ngoại Giáo. Năm 1942, Ngài phải sang Thái Lan tỵ nạn, đến năm 1944 trở về Nam Việt Nam. Năm 1954 Ngài nhận nhiệm vụ truyền giáo ngoại giáo rồi qui vị ngày 23-5-Mậu Tuất (1958).

9 - Bảo Thế Lê Thiện Phước (1895-1975) sanh ngày 4-6-1895 tại Sài gòn, huyện danh dự năm 1944. Ông đến hầu đàn, bài thi của Đức Chí Tôn cho tại tư thất ông Nguyễn Ngọc Thơ:
Cang nhu tình thế lắm đua tranh
Danh lợi là bia kẻ giựt giành
Mượn thú điền viên vui tuế nguyệt
Phồn hoa âu cũng bỏ cho đành.

Ngài lãnh chức thừa quyền Hộ Pháp (1946), Tổng thư ký Chánh trị Đạo (1951), Thống lãnh văn phòng Hộ Pháp (1952), Đại diện Hội Thánh ký thoả ước Bính Thân (1956), Quyền Đầu Sư (1959), Quyền Chưởng quản Hiệp Thiên Đài (1964), Thống quản Nữ Phái Cửu Trùng Đài (1965), Thống quản Cơ quan Phước Thiện (1966), Chưởng quản Ban Thế Đạo (1965).

10 - Hiến Thế Nguyễn Văn Mạnh (1894-1970) Ít về Toà Thánh, qui vị ở Sài gòn 1970.

11 - Khai Thế Thái Văn Thâu (1899-1981) được cầm quyền Thái Chánh Phối Sư (1933). Ít về Toà Thánh.

12 - Tiếp Thế Lê Thế Vĩnh (1903-1945) sanh năm 1903 tại Sài gòn, là bào đệ của ông Lê Thiện Phước. Ngài là một nhà báo, sau khi ngộ đạo về Toà Thánh hành chánh, 1935 Trưởng phái đoàn đi các tỉnh giao thiệp với chánh phủ, đi địa phương mở Thánh Thất và đi Hà Nội mở Đạo. Trong năm 1945 toàn quốc tao loạn, Ngài bị đối phương bắt đưa đi mất tích trên đường Sài gòn - Đà lạt.

(*1) xem thêm "Đại Đạo Danh Nhân" cùng người viết.

7 . Cất Toà Thánh tạm:
Lấy lý do về việc tà quái xảy ra hôm ngày khai đạo (15-10-Bính Dần) thêm vào một số đồ đệ Hoà Thượng Như Nhãn xúi giục đòi chùa lại, nên Hội Thánh hẹn trong 3 tháng (tức đến 15-1-Đinh Mão ) sẽ trả chùa. Nhưng mãi đến ngày 20 tháng 2 năm đó (23-3-1927) mới thỉnh chư Phật, dời Thánh Tượng về đất mới thuộc làng Long Thành.

Sở dĩ, chậm trễ như vậy vì không tìm được đất, nên Đức Lý giáng dạy:
Đức Lý dạy: " Mai này chư Hiền Hữu lên đường trên gọi là đường dây thép (là đường từ Mít Một chạy tới cửa Hòa Viện bây giờ) nhắm địa thế dài theo cho tới ngã ba Ao Hồ, coi Hiền Hữu có thấy đặng chăng cho biết. ...".(ĐSHH Q1/Khổ tâm Hành Đạo của Đức Cao Thượng Phẩm)

Hôm sau, nhờ xe của ông Nguyễn Ngọc Thơ và bà Lâm Hương Thanh, Hội Thánh Hiệp Thiên Đài và Cửu Trùng Đài, trong đó có Đức Phạm Hộ Pháp, Đức Cao Thượng Phẩm, Ngài Đầu Sư Lê Văn Trung, hai vị Phối Sư Thượng Tương Thanh và Ngọc Trang Thanh, lên đường đến cửa số 2. Bấy giờ, nơi đây còn rừng rậm, nhiều thú dữ, nhưng vì Thánh ý nên hỏi mua đất của ông kiểm lâm người Pháp tên Aspar.

Đêm hôm ấy, quí ông cầu Đức Lý về dạy việc: ""Lão khen Thái Thơ Thanh, phải đó đa tưởng chư Hiền Hữu không thấy nữa. Lão cắt nghĩa vì sao cuộc đất ấy là Thánh Địa. Sâu hơn ba trăm thước như con sông, giữa trung tim đất giáp lại trúng giữa sáu nguồn làm như 6 con Rồng đoanh nhau. Nguồn nước ấy trúng ngay đỉnh núi gọi là Lục Long Phò Ấn. Ngay miếng đất đó đặng ba đầu; một đầu ra Giếng Mạch Ao Hồ; hai đầu nữa bên cụm rừng bên kia. Người Lang Sa chỉ đòi có hai mươi lăm ngàn đồng". (ĐSHH Q2/Ngày 24-02-1927 - âl. 23-01-Đinh Mão)

Về khuôn viên Toà Thánh tạm thì Đức Lý dạy:
"Thánh Thất tạm phải cất ngay miếng đất trống, còn Hiệp Thiên Đài tạm phải cất trước Thánh Thất tạm. Đạo hữu phải khai phá đám rừng trước miếng đất ấy, như vậy ngay trung tim rừng, cách miếng đất trống chừng ba thước rưỡi, đóng một cây nọc đo Hiệp Thiên Đài như vầy: Ngoài Bàu Cà Na, đo chừng 50 thước đóng một cây nọc, ấy là khuôn viên Tòa Thánh. Lão lại dặn, từ cây nọc bên phía miếng đất phải đo vô Bàu Cà Na 27 thước Langsa, nghe à! Từ vuông 27 thước mỗi góc của Đài Bát Quái, nghĩa là hình nhà tròn có 8 nóc, cao từ đất lên thềm 9 thước Langsa, làm 9 nóc rộng bao nhiêu tùy, trên điện Bát Quái bề cao 9 thước, hình nóc tròn mô lên, chỉ có 8 nóc, cho phân minh; trên đầu Đài phải để cây đèn xanh. Kế nữa là Chánh Điện, bề dài 81 thước, bề ngang 27 thước, Lão phải vẽ mới đặng. Hai bên Hiệp Thiên Đài, bên mặt thì có Lôi Âm Cổ Đài, bên tả có thì Bạch Ngọc Chung Đài, Lão phải vẽ mới đặng. (TNHT Q1/29)"

Sau đó Đức Lý lại giáng dạy lại: "Họa đồ của Lão, Chí Tôn chê và trách rằng: Hao phí vô nền nặng lắm. Chí Tôn sửa lại mỗi cấp ba tấc Tây mà thôi. Dưới đất 5 tấc, chín cấp ba tấc là 2m70, cộng là 3m20. Còn 10 mét thì chí đầu trong nền Bát Quái Đài. Trên đầu song chí nóc 13 thước mới khỏi mưa nước đọng mà phải mục. Nóc của Đại Điện và Hiệp Thiên Đài cũng y như mực vậy. Phải làm plafond hai đài chuông, trống cao hơn nóc Hiệp Thiên Đài 6 thước" (ĐSHH Q2)

Khi phá rừng để cất Toà Thánh thì người Thổ, người Tà Mun đến công quả hàng ngàn. Ông Chánh tham biện người Pháp lo ngại nên mời Đức Cao Thượng Phẩm ra Toà Bố (Toà Hành Chánh) hỏi cớ sự. Đức Ngài phải trả lời: phá đất trồng cao su. Do đó mà trong Nội ô hiện nay còn lại một ít cây cao su. Bởi vậy, trong Thánh Thất chỉ có một mình ông Lễ Sanh Thượng Xường Thanh hành Lễ Đức Chí Tôn mà thôi. Còn Đức Cao Thượng Phẩm, chư chức sắc và thợ mộc, phu làm chùa không được vào cúng bái.

Sau đó, Đức Cao Thượng Phẩm mới thỉnh cốt Phật Tổ tầm đạo từ Gò Kén về Đại Đồng Xã. Rồi mới cất Hậu điện, Đông Lang, Tây Lang, Trù phòng, v.v...

8 . Ngưng cơ Phổ Độ:
Đàn đêm mồng 1 tháng 6 năm 1927 Đức Chí Tôn giáng cơ báo trước việc ngưng cơ bút:
"T... từ nền Đạo khai sáng đặng gieo truyền mối chánh giáo đến nay, thì phần nhiều môn đệ đã để trọn tấc thành mà dìu dắt sanh linh và đắp vun mối Đạo Trời, ấy là những đứa Thầy đã tin cậy, đặng gia công dọn lấy chông gai để mở trống nẻo thiêng liêng, dẫn lần dân sanh thoát khỏi sông mê bến khổ, ...
... ... Còn tới cuối kỳ tháng sáu nầy thì Thầy phải ngưng hết cơ bút truyền Đạo, các con sẽ lấy hết chí thành đã un đúc bấy lâu mà lần hồi lập cho hoàn toàn mối Đạo.
Nầy là lời đinh ninh sau rốt khá lưu tâm, ai vạy tà nấy có phần riêng, cứ giữ nẻo thẳng, đường ngay bước đến thang thiêng liêng chờ ngày hội hiệp cùng Thầy, ấy là điều quí báu đó, Thầy cho con tự định thâu sớ mà cho nhập môn như các chỗ khác." (TNHT Q2/36)

Ngưng cơ phổ độ là không còn được cầu nhiều nơi và tự do như trước. Đó là điều hay nhưng bất tiện cho những người muốn hiểu rõ huyền diệu của thiêng liêng nên sanh nhiều trắc trở.

Ngày mồng 1 tháng 10 năm Đinh Mão (1927). Thầy mới giáng cơ như vầy: "Các con, kỳ ngưng cơ phổ độ đến nay chưa được bao lâu, mà nền Đạo xảy ra lắm điều trắc trở. Thầy đã un đúc chí Thánh cho mỗi đứa, Thánh ý đã giao trọn quyền cho các con chung lo hiệp trí nhau mà dìu dắt, phổ thông mối Đạo cho đến tận cùng bước đường. Thiên cơ dĩ định cho nền Đạo sáng lập đặng cứu vớt sanh linh. Ngày nầy, tháng nầy mà nền Đạo chưa trọn thành, thì năm nào và tháng nào?  (TNHT Q2/39)".

9 . Thống hiệp Ngũ chi Đại Đạo:
Ngũ chi Đại Đạo theo Thánh giáo ngày 5-9-1926 (29-7-Bính Dần) thì gồm có:

1 - Minh Lý tại chùa Tam Tông Miếu (đường Cao Thắng Sài gòn) lúc bấy giờ do ông Âu Kích quản trị. Chi này đã dâng nhiều Kinh cúng tứ thời cho nền Đại Đạo và nhất là Kinh Sám Hối.

2 - Minh Sư tại chùa Linh Quang Tự, An Nhơn, Gia Định do ông Trần Đạo Quang quản trị. Ông cũng là một chức sắc của Đạo Cao Đài: Thượng Chưởng Pháp.

3 - Minh Tân tại chùa này nằm trên Bến Vân Đồn Vĩnh Hội (Sài gòn) do ông Lê Minh Khá quản trị hiệp nhứt chặt chẽ với nền Tân Tôn giáo. Sau ông cựu Quốc trưởng Phan Khắc Sửu đặt cơ sở Cao Đài thống nhất tại đây.

4 - Minh Thiện tại chùa Minh Thiện, Thủ Dầu Một (Bình Dương) do hai ông Đạt và Mùi quản trị, sau cả hai thọ phong Giáo Sư.

5 - Minh Đường tại Cần Giuộc, Chợ Lớn do ông Lê Văn Lịch quản trị. Ông Lịch đắc thiên phong Đầu Sư Ngọc Lịch Nguyệt cùng lượt với Đầu Sư Thượng Trung Nhựt.

Vào tháng 7-1927 Thầy giáng cơ tại Minh Lý (Tam Tông Miếu) dạy rằng: "Thầy có hội chư Tiên Phật lại mà thương nghị về sự lập Đạo tại Đại Nam Việt Quốc. Các con khá nghe lời Thầy dặn, chớ khá nghịch lẫn nhau; phải đồng một lòng một dạ mà lo chấn hưng đạo đức. Tuy bây giờ phân chia nhiều nhánh, nhiều chi, chớ ngày sau cũng có một mà thôi. Các con dầu bên nào cũng thương nhau như con một nhà, chớ khá ganh gổ chê bai nhau. (TNHT Q1/88)"

Ngũ chi còn có nghĩa là Nhân đạo, Thần đạo, Thánh đạo, Tiên đạo và Phật đạo.

Đàn đêm 24-4-1926, Đấng Chí Tôn đã dạy: "Vốn từ trước Thầy đã lập ra ngũ chi Đại Đạo là: Nhơn Đạo, Thần Đạo, Thánh Đạo, Tiên Đạo. Tuỳ theo phong hoá của nhân loại mà gầy chánh giáo".

1 - Nhơn Đạo: là Đạo làm người ở trong gia đình và ngoài xã hội, trong cách xử kỷ, tiếp vật của mỗi cá nhân. Những người liệt vào Nhân đạo là Socrate, Platon, Mạnh Tử, v.v... Hiền nhân vì thương người mà đoạt cơ tùng khổ.

2 - Thần Đạo: là Đạo làm công dân, làm tôi trong nước, trong nhiệm vụ bảo vệ non sông tổ quốc, trong thời loạn cũng như trong thời bình. Được liệt vào Thần Đạo là Trung hoa phong thần, Hy lạp phong thần, Ai cập phong thần, v.v... Thần vì thương đời mà lập cơ thắng khổ.

3 - Thánh Đạo: là Đạo của nhà cầm quyền cai trị dân, của bậc giáo lãnh truyền bá Đạo, lúc nào cũng phải chí công vô tư, đúng với câu: dân chi phụ mẫu. Được liệt vào hàng Thánh Đạo là Jésus Christ, Mahomet, v.v... Thánh vì thương Đời mà dạy cơ thọ khổ.

4 - Tiên Đạo: là Đạo xuất thế bằng cách tu tâm luyện tánh hay bản thân để được siêu sanh. Được liệt vào hàng Tiên Đạo là Lão Tử, Dương Châu, v.v...Tiên vì thương đời mà bày cơ thoát khổ.

5 - Phật Đạo: là Đạo diệt khổ để thoát vòng luân hồi, nhờ được minh tâm, kiến tánh. Được liệt vào hàng Phật Đạo là Thích Ca Mâu Ni, Bà La Môn, v.v... Phật vì thương đời mà tìm cơ giải khổ.

Ba nền Đạo trên là: Nhơn Đạo, Thần Đạo, Thánh Đạo thuộc về Đạo nhập thế. Hai nền Đạo dưới là Tiên Đạo, Phật Đạo thuộc về Đạo xuất thế.

Theo bài thuyết Đạo ngày 14-2-Mậu Thìn (4-4-1928) của Đức Phạm Hộ Pháp về việc cửu vị (phẩm tước Cửu Trùng Đài) phù hợp Cửu Thiên như sau:

1) Thần vị: Người không Đạo mà mộ Đạo, lại giữ đặng trọn Đạo, hữu căn, hữu kiếp có thể đắc vị với Địa thần. Kẻ tín đồ biết Đạo mà giữ Đạo đối với Nhơn Thần. Còn Lễ Sanh đối với Thiên thần.

2) Thánh vị:
Giáo Hữu đối với Địa Thánh
Giáo Sư đối với Nhơn Thánh
Phối Sư đối với Thiên Thánh

3) Tiên vị:
Đầu Sư đối với Địa Tiên
Chưởng Pháp đối với Nhơn Tiên
Giáo tông đối với Thiên Tiên

Trong quyển Giác mê kinh có bài thi về Ngũ chi Đại Đạo như sau:
Thánh, Hiền, Tiên, Phật hy hữu chi nhơn
Tam kỳ phổ độ hy hữu chi sự
Phi hy hữu chi nhơn
Yên năng hành hy hữu chi sự.

10 . Thầy phong Thánh lần chót:
Từ khi khai đạo đến nay đã gần tròn năm các cơ chế Đạo đã nên hình, các hàng chức sắc khá đông. Buổi đầu tiên ân huệ sắp chấm dứt. Mọi tông đồ đến sau phải lập công bồi đức, noi theo Tân luật và Pháp Chánh Truyền mà tiến thân trong trường Đạo gồm 5 lớp Nhơn, Thần, Thánh, Tiên, Phật.

Đức Chí Tôn, ngày 17 tháng 9 năm 1927 dạy như sau: "Các con! phần nhiều chư môn đệ ham muốn phong tịch, nhưng chưa hiểu Thiên Phong là gì? Thầy để lời cho các con biết rằng: Nhiều Thánh, Tiên, Phật xuống phàm, nếu căn quả tiền khiên không mấy trọng hệ; nghĩa là kiếp trần duyên không chi phải nhơ bợn nhiều, thì dầu không Thiên Phong, hễ gắng tâm thiện niệm, thì địa vị cũng đạt hồi đặng.
Thiên Phong là để cho bậc Thánh, Tiên, Phật lìa trần phải lắm dày công cùng sanh chúng mới trông mong hồi cựu phẩm đặng. Các con nên nhớ, Thầy lấy từ bi phong tịch, nhưng các Chức Sắc, nếu vì áo mão hơn đạo đức thì tội chất bằng hai.
.... Thầy vì lòng từ bi thương môn đệ, phong tịch lần nầy là chót vì Tân Luật đã hoàn toàn, nếu chẳng do theo đó thì Lý Bạch hằng kêu nài, Quan Thánh và Quan Âm cũng hiệp sức mà dâng sớ kêu về sự ấy. Vậy sau nầy có ai đáng thì do Tân Luật mà công cử, còn về phong tịch, thì có Lý Giáo Tông tiến cử. Thầy mới nhậm phong nghe. (TNHT Q2/38)"

11 . Một vì Thời Quân liễu đạo đầu tiên:
Trong hàng chức sắc Hiệp Thiên Đài, Ngài Bảo Đạo Ca Minh Chương không những có công trong buổi khai đạo mà còn là người có niên kỷ cao nhất. Ngài về chầu Đức Chí Tôn vào ngày 19-10-Đinh Mão (12-11-1927) Đức Chí Tôn giảng dạy về việc này như sau:

"Từ thử có một mình Bảo Đạo là niên cao kỷ trưởng hơn các con hết, mà buộc Thầy phải đem về thì tưởng các con đủ biết mình là côi cúc về đường đời, không ai đủ trí thức hoàn toàn mà binh vực các con nữa, ... ... ...
... .... ... Thầy khuyên các con lấy Chương làm giây thân ái mà buộc nhau, mới đặng hòa nhã nơi Hiệp Thiên Đài. Thầy cho phép các con làm lễ táng cho nó long trọng hầu nêu gương cho hậu tấn.
... ... ... Đủ 3 năm phải thiêu hài cốt, lên tượng đặng đem nó vào Bát Quái Đài nghe. Nơi mộ nó phải để quan tài khỏi mặt đất một tấc mà đắp xây tháp y như lời Thầy đã dặn. Trên mặt tháp đề chữ vàng: "Bảo Đạo Chơn Quân" nhớ à! (ĐHH Q2/..)
" (*1)

Trong Đạo Cao Đài, chức sắc Cửu Trùng Đài thì hàng Đầu Sư trở lên và Hiệp Thiên Đài từ Thập Nhị Thời Quân trở lên, khi chết táng trong liên đài, thế ngồi và xây tháp hình bát giác.

(*1) Xem tiểu sử trong "Đại Đạo Danh Nhân" cùng soạn giả.

12 . Điềm báo trước phân chia chi phái:
Vào ngày 18 - 07-1928 Chơn Cực Lão Sư giáng đàn:
"Đấng Chí Tôn vì thương dân tình nơi đây đã khổ tâm nên gieo Đạo, đem chiếc thuyền cận bến để dìu dắt vào chỗ bình địa đặng tự tại thung dung, mà vì chưa hiểu thấu căn nguyên, khổ bao giờ trông thoát?
Đạo sắp tàn, nỗi Đạo phân chia, chư đạo hữu phải lo níu kéo lại một mớ, người nào hay người nấy, rồi đây mỗi chỗ mỗi dựng riêng ra, chư đạo hữu mới tùy thế đó mà tom góp lại... (TNHT Q2/54)"

Theo Thánh ý phân chia ra để dễ truyền bá mối đạo trời rồi ngày kia sẽ qui nhất lại. Nhưng tai phàm mắt thịt ham quyền chức tranh dành để Đấng Chí Tôn phải giáng đàn ngày 5-8-1928 (19-6-Mậu Thìn) dạy:

"Đạo thế chẳng kíp thì chầy sẽ thành ra một mối hàng mà mỗi người trong Đạo, sau khi giành giựt, cấu xé nhau, thì sẽ phân chia tan tành manh mún để trò cười về sau đó.
... ... ... Người hành đạo chẳng đủ quyền chế cải, kẻ tự cao muốn chiếm vị cầu danh, nghịch tư cách đối đãi với thế tình, gây ác cảm mà tạo thù oán. Hai con phải biết chỗ yếu nhược của Đạo nơi đó mà kiếm phương, tìm chước, lấy cộng hòa, hiệp nhơn ý mà điều đình sửa cải cho chóng, làm sao cho mỗi đạo hữu các con đều ngó về Tòa Thánh mà xưng tụng ân huệ của mỗi con có trách nhiệm xứng đáng; và làm sao cho dứt mối hiềm thù riêng của mỗi đứa, hiệp đồng trí thức mà làm cho người ngoài dòm vào, nhìn nhận mối Đạo quí hóa và thảy đều sùng bái cử chỉ cao thượng của các con. Chừng ấy các con dầu không mạnh cũng ra mạnh, không đông cũng nên đông, mà việc phổ độ nhơn sanh chẳng còn điều chi trắc trở. (TNHT Q2/56)"

CHƯƠNG II

NHỮNG GIÁO ĐIỀU CĂN BẢN

1 . Việc thờ Thượng Đế:
Từ khai đạo đến đây việc thờ phượng và tế tự được chuyên nhất. Đại Đạo như các tôn giáo trên hoàn cầu, đều có lễ nghi, qui điều, giới luật riêng biệt. Một đàng soi sáng đức tin, đàng khác đôn đốc kềm giữ hạnh người tu hành.

Trước hết, chính giữa Bát Quái Đài, có một quả Càn Khôn (*1). Trên có hình vẽ đủ 3.072 ngôi sao và hoạ Thiên nhãn và cung Bắc đẩu để thờ. Trong quả Càn Khôn đốt một ngọn đèn luôn luôn sáng, tên là Thái cực đăng để tượng trưng Đấng Thượng Đế ngự trên Thái cực, hằng vĩnh cửu.

Dưới có Tam Giáo: Đức Thích Ca ở giữa, trái có Đức Khổng Tử, phải có Đức Lão Tử. Kế có Tam Trấn Oai nghiêm: Đức Lý Thái Bạch ở giữa, trái có Đức Quan Thánh, phải có Quan Âm Bồ Tát. Ngoài ra còn có Thánh Tượng Đức Jésus Christ (Đại diện Thánh giáo) và Đức Khương Thái Công (Đại diện Thần giáo).

Việc cúng tế chỉ dùng nhang, trầm, nến và hoa quả.

Đàn tại Sài gòn đêm 18-9-Bính Dần (24-10-1926), Đức Chí Tôn giải thích về cách thờ phượng như sau:

"Vì Tân Luật chưa ra nên Thầy phải giải:
Đã có Thánh Tượng Thầy, thì là cốt Ngọc Hoàng con để lại chẳng nghĩa chi hết. Thầy nói cho các con rõ: Vì cớ nào trước từ Nhứt Tổ chí Lục Tổ thì thờ Thầy ngồi trước, vì trước là lớn phải vậy.
Khai Thiên Địa vốn Thầy, sanh Tiên, Phật cũng Thầy; Thầy đã nói một Chơn Thần mà biến Càn Khôn Thế Giái và cả nhơn loại. Thầy là chư Phật, chư Phật là Thầy.
Các con là chư Phật, chư Phật là các con.
Có Thầy mới có các con, có các con rồi mới có chư Thần, Thánh, Tiên, Phật.
Thầy khai Bát Quái mà tác thành Càn Khôn Thế Giái, nên mới gọi là Pháp; Pháp có mới sanh ra Càn Khôn Vạn Vật rồi mới có người, nên gọi là Tăng.
Thầy là Phật chủ cả Pháp và Tăng, lập thành các đạo mà phục hồi các con hiệp một cùng Thầy.
Thầy lập Phật giáo vừa khi khai Thiên, lập Địa, nên Phật giáo là trước, kế Tiên giáo, rồi mới tới Nho giáo. Nay là hạ nguơn hầu mãn, phải phục lại như buổi đầu, nên phải phản tiền vi hậu.
Tỉ như Tam Giáo qui nhứt thì: Nho là trước, Lão là giữa, Thích là chót.
Nên Thầy phải ngồi sau chư Phật, Tiên, Thánh, Thần, mà đưa chúng nó lại vô vi chi khí, chính là Niết Bàn đó vậy. (TNHT Q1/38)"

(*1) Kinh Dịch chương X viết: "Dịch khởi thuỷ từ càn khôn". Vậy đạo Cao Đài và Kinh Dịch có cùng chung một gốc.

2 . Lễ phục và sớ văn:
Chuông trống đánh mỗi chập 12 dùi, phải 12 chập làm 1 hồi, phải 3 hồi cộng là 36 chập gọi là Ngọc Hoàng sấm. Đây là di tích của Thích giáo, còn lễ sĩ đi chữ "tâm" là di tích của Nho giáo.

a) Lễ phục: trừ Giáo Tông, Thượng Chưởng Pháp và Thập Nhị Thời Quân mặc Thiên phục toàn trắng. Các chức sắc Hiệp Thiên Đài cũng mặc toàn trắng. Chư chức sắc Cửu Trùng Đài và Phước Thiện mặc Thiên phục ba màu. Sắc phục Cửu Trùng Đài chia làm:
- Màu vàng (ý) thuộc về Thích giáo tức phái Thái.
- Màu xanh (tình) thuộc về Tiên giáo tức phái Thượng.
- Màu đỏ (trí) thuộc về Nho giáo tức phái Ngọc.

Các tín đồ chỉ có bộ đồng phục duy nhứt: áo dài trắng, quần trắng tượng trưng sự trong sạch và sự tổng hợp của các màu sắc.

b) Sớ văn: thì có nêu danh các Đấng Thiêng Liêng sau đây:
- Đức Huỳnh Kim Khuyết nội Huyền khung Cao Thượng Đế Ngọc Hoàng Đại Thiên Tôn.
- Đức Diêu Trì Kim Mẫu Vô Cực Từ Tôn.
- Tam tông Giáo chủ là: Đức Thích Ca Mâu Ni, Đức Thái ThượngĐạo Tổ, Khổng Thánh Tiên sư.
- Tam Trấn Oai Nghiêm là: Đức Quan Âm, Đức Lý Thái Bạch, Đức Quan Thánh Đế Quân.
- Kế là: Đức Gia Tô Giáo chủ, Đức khương Thái Công, Tam châu bát bộ Hộ Pháp Di Đà Thiên Tôn, Thập phương chư Phật, Vạn chưởng chư Tiên, liên đài chi hạ.

3 . Cúng tứ thời:
- Thời Tý từ 23 giờ đến 1 giờ khuya.
- Thời Ngọ từ 11 giờ đến 13 giờ trưa.
- Thời Dậu từ 17 giờ đến 19 giờ chiều.
- Thời Mẹo từ 5 giờ đến 7 giờ sáng.

Trước Thiên bàn đặt giữa Thánh thất hoặc giữa nhà, người công phu qùi tụng những bài kinh sắp theo thứ tự sau đây:

a) Niệm Hương chú: tức dâng hương, gồm có 5 cây nhang tượng trưng cho ngũ hành, cũng có ý chỉ 5 thời kỳ tiến hoá của người tu: giới hương, định hương, huệ hương, tri kiến hương, giải thoát hương. Bài này do Đức Thái Thượng Đạo Tổ giáng cơ cho.
b) Khai Kinh chú do Đức Lữ Đại Tiên giáng cho.
c) Bài xưng tụng Ngọc Hoàng kinh do Đức Lữ Tổ giáng tả ra.
d) Bài Thích giáo.
e) Bài Tiên giáo.
f) Bài Nho giáo.
g) Ba bài dâng tam bửu tức hoa, rượu, trà.

- Hoa tượng trưng cho Tinh (Le sperme cosmique).
- Rượu tượng trưng cho Khí (Le soufle vital).
- Trà tượng trưng cho Thần (Le principe intelligent).

Khi cúng Đại Đàn hoặc Tiểu Đàn mới dâng đủ ba lễ. Thường ngày thì thời tý, ngọ hiến rượu; còn thời mẹo, dậu thì dâng trà.

h) Ngũ nguyện là 5 điều nguyện cho: 1) Đại Đạo hoằng khai, 2) Phổ độ chúng sanh, 3) Xá tội đệ tử, 4) Thiên hạ thái bình, 5) Thánh thất an ninh.

Các bài kinh trên được Đức Chí Tôn dạy ba vị Lê Văn Trung, Cao Quỳnh Cư, Phạm Công Tắc vào đầu tháng 2 năm 1926 đến nhà ông Ngô Văn Chiêu ở đường Bonard (nay là Lê Lợi, Sai gòn) quan sát cách thờ Thiên Nhãn và quí vị được trao cho ba bài Dâng Tam Bửu và hai bài Trời còn và Mừng thay để cầu cơ.

Bài Dâng Tam Bửu hiện nay là do Ngài Bảo Văn Pháp Quân Cao Quỳnh Diêu chấp bút viết ra.

4 . Lễ Phật Mẫu:
Khi nhập đàn cúng Phật Mẫu thì cũng chấp tay ấn tý, xá 3 xá, quì xuống, để tay lên trán niệm mà không lấy dấu 3 ngôi mà chỉ xá xuống 3 xá rồi đọc kinh.
1) Niệm Hương
2) Khai Kinh
3) Kinh Phật Mẫu
4) Tán Tụng Công Đức Diêu Trì Kim Mẫu (Bài này ngày sóc vọng khỏi đọc).
5) Dâng Tam Bửu
6) Ngũ Nguyện
7) 10 bài thài (1 Phật Mẫu và 9 Cửu Vị Nữ Phật), chỉ thài vào Lễ Hội Yến Diêu Trì Cung ngày 15-8-Âm Lịch mỗi năm.

Chỉ có nơi Đền (hoặc Điện ) thờ Phật Mẫu mới hành lễ như trên, còn tại tư gia thì thiết lễ cúng Đức Chí Tôn.

Về do lai bài "Kinh Phật Mẫu" được Đức Hộ Pháp thuyết giảng trên Cửu Long đài vào ngày 15 tháng 8 năm Đinh Hợi như sau:

"Ngày nay là ngày Đại Lễ Đức Diêu Trì Kim Mẫu Bần Đạo tưởng cả thảy toàn Đạo nên biết quyền hành của Phật Mẫu như thế nào? Và tại sao chúng ta thờ Người?
Muốn biết quyền hành ấy Bần Đạo phải thuyết minh và giải nghĩa bài Kinh Đức Phật Mẫu mà chúng ta thường tụng niệm hằng ngày đó. Trước khi giải nghĩa, Bần Đạo cũng nên nói rõ ai đến cho bài Kinh ấy? Cho hồi nào? Và tại nơi đâu?
Kinh Đức Phật Mẫu cho tại Kim Biên Tông Đạo (Cao Miên Quốc) nơi Báo Ân Đường của hai vợ chồng Thừa Sử Huỳnh hữu Lợi. Lúc trước chưa có Kinh Phật Mẫu, chúng ta chỉ biết Phật Mẫu, đến Hiệp Thiên Đài khai Đạo Cao Đài, nhờ thi phú văn tự của Cửu Vị Tiên Nương cho biết nguyên do đến khai Đạo, chớ chúng ta chưa biết quyền hành của Người. Nơi Kim Biên cả Chức Sắc Hội Thánh Ngoại Giáo đều cầu kinh, khiến khi đó Bần Đạo đến nhằm lúc cúng Vía Phật Mẫu. Bát Nương đến cầm cơ viết, chính mình Bần Đạo phò loan nơi Đại Điện, có nhiều người làm chứng. Có chư Đạo Hữu và một người không biết Đạo là gì là ông Hiếu (kêu Bần Đạo bằng chú) ngồi trước sân chơi, thấy tứ phía đều có hào quang giáng hạ xẹt xuống rất ngay Báo Ân Đường. Tới chừng trọn bài Kinh rồi, cả thảy đều nói lại không biết cái gì xẹt khi nãy như sao xẹt qua xẹt lại vậy, không dè trong nhà đương phò loan. Có cháu của Bần Đạo và nhiều Đạo Hữu ở ngoài đều làm chứng quả quyết như vậy.... " (TĐHP Q1/31)

Bài kinh do Bát Nương hỏi Đức Hộ Pháp muốn xin kinh chữ Nho hay chữ nôm thì Đức Hộ Pháp xin kinh chữ Nho nhưng Bát Nương muốn cho nhơn sanh dễ hiểu nên dùng những từ thông thường mới nghe như là chữ nôm. Bát Nương viết mỗi vế 4 câu thì ngưng cơ dâng lên Phật Mẫu chấm, vế nào bị bất thì viết lại.

5 . Kinh tận độ:
Riêng kinh tận độ thì Đức Quyền Giáo Tông và Đức Phạm Hộ Pháp gần 10 năm đã lắm lần dâng sớ xin các Đấng ban kinh tận độ. Mãi đến ngày 23 tháng 7 tới mồng 4 tháng 8 năm Ất Hợi (21 đến 31 tháng 8 năm 1935) các Đấng mới giáng cho Tân Kinh. Đó là một giọt nước cam lồ của Đấng Chí Tôn chan rưới hồng ân đặng gội nhuần cho các đấng linh hồn của toàn thể vũ trụ.
Những bài kinh đó và các lễ nghi thực hành như sau

6 . Lập đàn cầu bịnh:
Hành lễ trong ba đêm. Vào đầu thời thiết lễ cúng Đức Chí Tôn có thượng sớ và dâng Tam Bửu. Rồi tụng kinh "Di Lạc" và 3 lần "Cứu Khổ".

Đến đêm thứ hai cũng thiết lễ như trước, nhưng không dâng sớ mà chỉ dâng trà. Đêm thứ ba thêm việc dìu bịnh nhân đến lạy cầu nguyện. Vị chứng đàn thỉnh hai ly nước đã cúng cầu nguyện Đức Chí Tôn, kê hai miệng ly đổ thống nhất xuống ly, rồi bảo người bịnh niệm câu chú Thầy, đoạn uống.

7. Cầu hồn khi hấp hối:
Sau khi cúng Thầy xong, vị chứng đàn vào lạy cầu nguyện rằng: "Chúng con là Ban Trị Sự đương quyền hành sở tại được lời thỉnh cầu của vị Nguyễn Văn X đến đây cầu hồn cho vị Nguyễn Văn Y đã hấp hối. Mong nhờ Đức Chí Tôn và Đức Phật Mẫu, các Đấng Thiêng Liêng ban ân cho người được nhẹ nhàng linh hồn".

Đoạn đến gần người hấp hối kêu tên nói rằng:
"Tôi vâng lịnh Đức Chí-Tôn đến tụng kinh cho linh-hồn Đạo-Hữu ... ... ... nhẹ nhàng siêu-thăng Tịnh-độ, vậy Đạo-Hữu phải tịnh Thần mà nghe và phải cầu nguyện nơi Đức Chí-Tôn ban ơn lành cho". (KTĐ&TĐ/Cầu hồn khi hấp-hối và cầu hồn khi đã chết rồi)

"Chúng con là Bàn Trị Sự đương quyền Hành Chánh sở tại được lời thỉnh cầu của vị .............. đến đây cầu hồn cho vị Đạo Hữu ................... đã hấp hối, mong nhờ Đức Chí Tôn và Đức Phật Mẫu, các Đấng Thiêng Liêng ban ân cho người được nhẹ nhàng linh hồn".(Tài Liệu Huấn Luyện Bàn Trị Sự 1970)

"Tôi vâng lịnh Đức CHÍ TÔN đến tụng Kinh cho vong hồn Đạo Hữu nhẹ nhàng siêu thăng tịnh độ, vậy Đạo Hữu phải tịnh tâm mà nghe và phải cầu nguyện với Đức CHÍ TÔN ban ân lành cho". (Tài Liệu Huấn Luyện Bàn Trị Sự 1970)

8 . Cầu người đã chết:
a) Khi tẩm liệm: phải thiết lễ đầy đủ cúng Thầy rồi tụng "Kinh Tẩn Liệm". Người chứng đàn phải lớn phẩm trật hơn người đã chết.
b) Lễ phát tang: sau khi thành phục, người chứng đàn chỉ cầu nguyện.
c) Lễ cáo từ tổ: có lễ nhạc. Từ Lễ Sanh trở xuống lễ sĩ mặc áo xanh; từ Giáo Hữu trở lên, lễ sĩ mặc áo đỏ.
Lễ Sanh hoặc Giáo Thiện một cây lộng và phướn Thượng Sanh; Giáo Hữu hoặc Chí Thiện trở lên hai cây lộng và phướn Thượng Phẩm.
d) Lễ an táng: Đảnh lễ Đức Chí Tôn trước khi Cáo Từ Tổ cúng vọng, cầu siêu, khiển điện, di linh cửu ra thuyền bát nhã, đi đến Điện thờ Phật Mẫu thỉnh linh vị vào bái lễ Đức Phật Mẫu; đến Đền Thánh hay Thánh Thất cũng thỉnh linh vị vào bái lễ Đức Chí Tôn và các Đấng. Khi di linh cửu đi đường đọc bài "Kinh Đưa Linh Cửu" và lúc hạ huyệt đọc bài "Kinh Hạ Huyệt" rồi đọc "Vãng Sanh Thần Chú".
e) Hành lễ tuần cửu: chỉ làm tại Thánh Thất hoặc Đền Thánh mà thôi. Ngoại trừ những trường hợp đặc biệt mới được làm tại tư gia.
Cứ 9 ngày làm lễ 1 lần, mỗi lần tụng 1 bài cửu riêng. Đây là việc cầu siêu đặc biệt của Cao Đài giáo.
Mỗi tuần cửu phải tụng "Di Lạc Chơn Kinh".
f) Kinh Tiểu tường và Đại tường: Tính đủ 200 ngày từ ngày làm tuần cửu thì làm lễ Tiểu tường.
Thiết Tiểu đàn, dâng Tam Bửu và thượng sớ, rồi thỉnh linh vị đến trước điện tiền tụng "Kinh Tiểu Tường".

Đếm đủ 300 ngày, kể từ ngày làm Tiểu tường thì làm lễ Đại tường; nghi lễ như Tiểu tường nhưng thay bằng "Kinh Đại Tường". Cả hai lần đều phải tụng "Di Lạc Chơn Kinh".

9 . Cầu hồn và cầu siêu cho người ngoài:
Những người chưa nhập môn cầu Đạo, chẳng luận giai cấp, đến khi lâm chung biết tưởng đến Đức Cao Đài Ngọc Đế, đến nhờ Đạo cầu cho siêu thoát, vẫn được thi ân tận độ.

Việc hành lễ như sau:
- Về cầu siêu: Nếu gần Thánh Thất thì cầu nơi đây; nếu xa Thánh Thất thì thiết lễ cầu siêu nơi nhà chức sắc hoặc chức việc gần đó.

- Nếu người trong thân chịu nhập môn thì đến tư gia Thượng tượng rồi thiết lễ tang sự. Làm nơi nhà tang chủ chỉ tụng bài "Kinh Cầu Siêu" và tụng "Kinh Di Lạc".

10 . Thuyền Bát Nhã:
Linh cữu được chở trên một linh xa hình rồng, trên đó có nóc bát quái và màn che tuỳ theo tín đồ hay chức sắc mà màu khác nhau. Thuyền bát nhã nguyên là một bông sen của Đức Phật Tổ nơi Cực Lạc dùng tam muội pháp hoá thành. Thuyền này không đáy và do Tiếp Dẫn Đạo Nhơn chèo.
Khuôn thuyền Bát Nhã chẳng hề chìm,
Nổi quá như bông, nặng quá kim.
Có đạo trong muôn ngồi cũng đủ,
Không duyên một đứa cũng là chìm. (TNHT Q1/thivăn 57)

Nói về thể pháp, Đức Chí Tôn sai Tam Thị Thần là Tổng lái, Tổng mũi, và Tổng thương đến độ chơn hồn về Cực Lạc. Ngoài ra còn 12 bá trạo (người chèo).

Chức sắc từ Giáo Hữu trở lên được chèo hầu và chèo đưa. Chèo thuyền là một buổi hát sự tích đưa người về cõi Thiêng Liêng hằng sống (có khôi giáp và điệu bộ giống như hát bội) hàm trong ý hai câu liễn trước cửa thuyền:
Vạn sự viết vô, nhục thể thổ sanh huờn tại thổ.
Thiên niên tự hữu, linh hồn thiên tứ phản hồi thiên.

Cách sắp xếp từ trước đến sau khi đưa linh cửu như vầy:
- Tấm danh hiệu: Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ
- Phướn Thượng Sanh (nếu là Lễ Sanh trở xuống); phướn Thượng Phẩm (nếu là Giáo Hữu trở lên).
- Bàn hương án (có bửu ảnh của người quá cố).
- Các bàn đưa, phúng vãn ...
- Đồng nhi, nam trái nữ phải.
- Thuyền Bát Nhã chở linh cửu.
- Tang quyến.
- Chức sắc Hiệp Thiên Đài, Cửu Trùng Đài phẩm cao đi trước, phẩm nhỏ đi sau, rồi đến đồng đạo.

11 . Lễ nhạc và kinh kệ:
Nhạc lễ của Cao Đài giáo là nhạc cổ truyền Việt Nam, chia làm 2 giọng Nam Ai và Nam Xuân.

Lễ nhạc cảm hoá lòng người về đạo đức. Trong các đàn cúng, nếu có lễ mà không có nhạc hoặc ngược lại thì mất vẻ trang nghiêm: "Nhạc giả Thiên Địa chi hoà".

Lạy thì bất ấn Tý tức là hai bàn tay chấp lại, ngón cái của bàn tay trái chỉ vào gốc ngón đeo nhẫn (cung tý) tay phải bao lại bên ngoài rồi lấy dấu 3 ngôi Phật, Pháp, Tăng trên trán.
"Thầy khai Bát Quái mà tác thành Càn Khôn Thế Giái, nên mới gọi là Pháp; Pháp có mới sanh ra Càn Khôn Vạn Vật rồi mới có người, nên gọi là Tăng.
Thầy là Phật chủ cả Pháp và Tăng, lập thành các đạo mà phục hồi các con hiệp một cùng Thầy. " (TNHT Q1/38). Thầy là Phật trên các Phật.

Thánh ngôn lại chép:
"Lạy là gì?
- Là tỏ ra bề ngoài , lễ kỉnh trong lòng.
Chấp hai tay lại là tại sao?
- Tả là Nhựt, hữu là Nguyệt, vị chi Âm Dương. Âm Dương hiệp nhứt phát khởi Càn Khôn, sanh sanh hóa hóa. Tức là Đạo. (*1)
Lạy kẻ sống thì hai lạy là tại sao?
- Là nguồn cội của nhơn sanh lưỡng hiệp Âm Dương mà ra. Ấy là Đạo.
Vong phàm lạy bốn lạy là tại sao?
- Là vì hai lạy của phần người, còn một lạy Thiên, một lạy Địa.
Lạy Thần, lạy Thánh thì ba lạy là tại sao?
- Là lạy Đấng vào hàng thứ ba của Trời, và cũng chỉ rằng lạy Tinh, Khí, Thần hiệp nhứt. Ấy là Đạo.
Lạy Tiên, lạy Phật thì chín lạy là tại sao?
- Là tại chín Đấng Cửu Thiên Khai Hóa.
Còn lạy Thầy 12 lạy là tại sao?
- Các con không biết đâu?
Thập nhị Khai Thiên là Thầy, chúa cả Càn Khôn Thế Giái, nắm trọn Thập nhị Thời Thần vào tay. Số mười hai là số riêng của Thầy." (TNHT Q1/05)

Mỗi ngày tín đồ phải làm lễ tại Thiên bàn 4 lần gọi là cúng Tứ Thời (Tý, Ngọ, Mẹo, Dậu) còn ngày Sóc vọng mới đến Thánh Thất hầu lễ. Đấng Chí Tôn dạy khi vào đàn cúng, phải tự hỏi coi phận sự ngày ấy xong chưa và lương tâm có cắn rứt chi chăng?.

Việc cúng bái người chết thì theo kinh Thế Đạo và làm tuần cửu rất chuyên biệt. Còn việc thờ cúng tổ tiên thì theo phép Đạo Nho.

(*1) Ý ấy trong Kinh Dịch "Nhất âm nhất dương chi vị Đạo".

12 . Quan niệm về Vũ trụ và Con người:
Vũ trụ quan của Cao Đài giáo được Đấng Chí Tôn dạy:

"Khi chưa có chi trong Càn Khôn Thế Giới thì Khí Hư Vô sanh ra có một Thầy và ngôi của Thầy là Thái Cực.
Thầy phân Thái Cực ra Lưỡng Nghi, Lưỡng Nghi phân ra Tứ Tượng, Tứ Tượng biến Bát Quái, Bát Quái biến hóa vô cùng, mới lập ra Càn Khôn Thế Giới. (TNHT Q2/57)" (*1).

Quan niệm về nhân sinh (*2) thì Đức Chí Tôn cũng giáng cơ dạy:

"Đạo, tức là con đường để cho Thánh, Tiên, Phật đọa trần do theo mà hồi cựu vị. Đạo là đường của các nhơn phẩm, do theo mà lánh khỏi luân hồi. Nếu chẳng phải do theo Đạo, thì các bậc ấy đều lạc bước mà mất hết ngôi phẩm. (TNHT Q2/01)
   Home       1 ]  [ 2 ]  [ 3 ]  [ 4 ]  [ 5 ] [ 6 ]  [ 7 ]  8 ]  [ 9 ]  [ 10 ]  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét