Đạo Cao Đài & Các Tôn Giáo Lớn Trên Thế Giới - 9 / 11 (Đức Nguyên)

V .  Sự Bành trướng của Hồi giáo sau khi Mahomet chết :
1 . Vấn đề kế vị Mahomet :
Sau khi Mahomet chết, Cộng đồng Hồi giáo có nguy cơ tan rã. Các vị thân cận của Giáo chủ Mahomet hiểu rõ nguy cơ nầy nên quyết tâm bảo vệ Cộng đồng Hồi giáo, tức là thay thế Mahomet để lãnh đạo tôn giáo và chánh trị.

Người đầu tiên kế vị Mahomet là Abu Bahr, một cha vợ của Mahomet, chức vụ lãnh đạo đó được gọi là Calife. Abu Bahr tại vị được 2 năm
(632-634) đã duy trì được nền thống nhứt của Cộng đồng Hồi giáo.

Kế đó là Omar, một cha vợ khác của Mahomet, ông cầm quyền được 10 năm (634-644). Omar  dốc  toàn  lực  vào các cuộc bành trướng Hồi giáo bằng đoàn Thánh quân chinh phục các nước : Syrie, Ba Tư, Ai Cập, Cyrénaique, Tripolitaine, đảo Chypre, Crète, làm chủ vùng Địa Trung Hải.
Omar bị một tên nô lệ ám sát chết.
Lên thay Omar là Othman, một người con rể của Mahomet, nhưng Othman bất tài, làm nội bộ của Hồi giáo chia rẽ trầm trọng, các phe nhóm được lập ra để chống đối nhau. Năm 656, Othman bị một đám đông vây nhà giết chết.

Ali lên thay, Ali cũng là một con rể của Mahomet. Tình trạng phân tán trong nội bộ vẫn tiếp tục. Đến năm 661, Ali bị ám sát chết.
Người lên thay là Mo’aouiya, sáng lập ra triều đại Omeyyade.

2 . Triều đại Omeyyade (661-750) :
Trung tâm của thế giới Hồi giáo lúc bấy giờ  di chuyển đến Damas, thủ đô của Syrie. Các Calife của triều đại nầy chế tạo được nhiều khí giới lợi hại nên đã tấn công vào đế  quốc Byzance, chinh phục Bắc Phi, tấn công nước Pháp và Y Pha Nho. Phía Á Châu, quân Hồi giáo xâm lăng A Phú Hãn, đe dọa Trung quốc, tiến về lưu vực sông Ấn Hà ở phía Nam. Đến năm 750, một cuộc nội loạn xảy ra ở Damas lật đổ triều đại Omeyyade, thay thế bằng triều đại Abbasside.

3 . Triều đại Abbasside (750-1258) :
Trung tâm của Đế quốc Hồi giáo bây giờ được di chuyển đến Bagdad, thủ đô của Irak. Đế quốc Hồi giáo bành trướng mạnh sang miền Đông Phi Châu, các xứ ớ Ấn Độ Dương và ở Đông Nam Á.

Văn minh của Hồi giáo trong thời đại nầy đạt đến đỉnh cao nhất.
Về sau, triều đại  Abbasside  suy  yếu,  các  Calife  của

các nước nhỏ tách ra lập một nước riêng, đối nghịch với Calife ở Bagdad. Cuối cùng thì uy quyền của Calife Abbasside ở Bagdad bị thu hẹp trong lãnh thổ Irak, Ba Tư và miền Lưỡng Hà.

4 . Người Mông Cổ chiếm Bagdad :
Năm 1357, cháu của Thành Cát Tư Hãn (vua Mông Cổ) là Hốt Tất Liệt đem quân Mông Cổ viễn chinh tấn công Irak, chiếm thủ đô Bagdad, chấm dứt triều đại Abbasside. 

Người Âu Châu lúc đó muốn dùng thế lực Mông Cổ để tiêu diệt Hồi giáo, nhưng người Mông Cổ lại bị Hồi hóa nên người Mông Cổ nối tiếp các công trình bành trướng Hồi giáo.

Trong lúc đó, người Thổ Nhĩ Kỳ Ottoman trở nên hùng mạnh, tạo thành một đế quốc rộng lớn ở phía Đông Nam Âu Châu và Tây Á Châu, nên Hồi giáo cũng được phát triển mạnh  trong  đế  quốc  Ottoman  nầy.

Như thế, Cộng đồng Hồi giáo đã chia làm 2 : Đế quốc Mông Cổ và Đế quốc Ottoman. Nhờ đó mà Hồi giáo đã truyền bá được một vùng rộng lớn từ Phi Châu sang Trung Đông, Nam Á Châu và Đông Nam Á.

Số tín đồ Hồi giáo lúc đó lên đến 500 triệu người, nhưng phần lớn kém văn minh, còn trong vòng bán khai.

5 . Đế quốc Hồi giáo sụp đổ :
Các nước Âu Châu, nhờ văn minh cơ khí, sớm trở nên hùng mạnh. Trong vòng chưa đầy một thế kỷ, các nước Anh, Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Y Pha Nho, Nga, đánh chiếm hầu hết các lãnh thổ của Đế quốc Hồi giáo làm thuộc địa. Các nước Âu Châu văn minh hùng mạnh chia cắt đế quốc Hồi giáo thành manh mún, để sau cùng chịu sự ảnh hưởng về kinh tế và chánh trị giữa 2 khối thế lực hùng mạnh nhất trên thế giới  là : Tư  bản và Cộng sản.

Các nước Hồi giáo lần lần tranh đấu giành lại độc lập. Nhưng từ đó, ý thức quốc gia trở nên mạnh mẽ, làm cho các nước Hồi giáo đánh chiếm lẫn nhau, tạo nên những Chi phái Hồi giáo thù nghịch nhau.

Một điều quan trọng là Giáo lý Hồi giáo không còn thích hợp nữa, nhất là Giáo lý nầy đưa con người đến cảnh giết chóc luôn luôn, trái với bổn tánh thiên lương tự nhiên của con người, nên làm cho con người lần lần chán ghét. Sự sụp đổ của thế giới Hồi giáo tất nhiên không thể tránh khỏi được, và sự tư hủy diệt chỉ là vấn đề thời gian.

VI . Các Chi phái của Hồi giáo :
Đặc tính đầu tiên và căn bản của Hồi giáo là sự liên hệ mật thiết đến độ lẫn lộn giữa tôn giáo và chánh trị, tức là giữa Đời và Đạo, lý do là vì Thánh Kinh Coran chứa đựng lý thuyết tổ chức xã hội bao gồm cả tôn giáo và chánh trị của Cộng đồng Hồi giáo. Chính vì thế mà ngay sau khi Mahomet chết, sự chia rẽ xảy ra ngay giữa các đồng đạo, tạo thành các nhóm chánh trị chống đối nhau, đưa đến sự thành hình nhiều Chi phái Hồi giáo.

Có 3 Chi phái lớn kể ra :
1 . Chi phái Chính Thống hay Sunna :
Chi phái nầy lấy sách Sunna làm căn bản bên cạnh Thánh Kinh Coran và sách Hadith, nhứt là những quyết định của 4 vị Calife đầu tiên liên tiếp kế vị nhau sau khi Mahomet qua đời.

2 .  Chi phái Kharejite :
Chi phái nầy chủ trương rằng : Bất cứ  tín đồ Hồi giáo nào cũng đều có thể trở thành một vị Calife được và tất nhiên Calife  nào  không  làm  tròn  sứ  mạng  của  mình  thì sẽ bị truất phế. Do đó mà Ali bị ám sát chết vào măm 661.

Chi phái Kharejite sau đó còn đi xa hơn nữa, họ không công nhận ngôi Calife như  đương thời quan niệm.

Tiếp theo, từ thế kỷ thứ 10, họ không công nhận bất cứ ai ở địa vị Imâm. Mỗi người trong Chi phái nầy tự tôn thờ Allah riêng cho mình, không cần tới những người trung gian.

3 . Chi phái Shi’ite :
Chi phái nầy chủ trương đích truyền, chỉ công nhận một mình Ông Ali  trong trong số 4 vị Calife đầu tiên, còn 3 vị kia  là thoán nghịch, và đồng thời họ cho rằng chỉ có những người nào dòng dõi của Ali  mới có thể làm Imâm được.

Về tổ chức, Chi phái nầy do 12 vị Imâm lần lượt cầm đầu, đều là dòng dõi của Ali.

Vị Imâm thứ 12 vào núi ẩn mình từ hồi trẻ (năm 878) và sẽ tái xuất hiện vào lúc đổi đời nhằm tái lập một xã hội công bằng. Một vị gọi là Mahdi được chọn ra thay thế. Nhưng các nhà giải thích luật pháp của Chi phái Shi’ite từ thời nầy vẫn nhân danh vị  Imâm  ẩn  cư .

Đối với Chi phái Shi’ite, hai Chi phái Sunna và Kharejite bị coi là kẻ thù truyền kiếp vì họ có trách nhiệm về cái chết của Ali.

Chi phái Shi’ite về sau lại phân ra làm nhiều Chi phái nhỏ nữa như : Notawal, Zaid, Ismai, Tân Ismail.

Các tín đồ của Chi phái Shi’ite rất cuồng tín, một số đã lập ra những tổ chức khủng bố hoạt động rất mạnh trong thời Trung cổ ở Iran (Ba Tư) và Syrie dưới danh hiệu là : Hachichin,  hay Assassin.

Hiện nay, Hồi giáo có rất nhiều Chi phái, vì Chi phái lại nảy sinh Chi phái, và các Chi phái thường chống đối nhau.

 VII . Số tín đồ Hồi giáo trên thế giới  :

Hiện nay, số tín đồ Hồi giáo của các nước trên thế giới  được khoảng 900 triệu, đứng hàng thứ nhì, sau Công giáo.

Theo thống kê của Hội Đồng các Giáo Hội Thế giới, đến cuối năm 1979, số lượng tín đồ Hồi giáo của một số quốc gia kể ra sau đây :

- Pakistan                    145 triệu                      - Arabie                       8 triệu
- Indonésia                   140.                            - Jordanie                    3.
- Malaysia                   6.                                - Syrie                         5.
- Trung quốc                15.                              - Yemen                      7.
- Maroc                       18.                              - Afganistan                 18.
- Algérie                      16.                              - Thổ Nhĩ Kỳ               40.
- Tunisie                      4.                                - Nam Tư                    3 .
- Tagania                     3.                                - Liên Xô cũ                40.
- vv . . . . . . . . . . . . .

Nếu tính số lượng tín đồ Hồi giáo theo Châu Lục thì :
- Châu Á                     600 triệu
- Châu Phi                   250.
- Châu Âu                   30.

VIII .  Hồi giáo tại Việt Nam :

Đại đa số người VN không theo Hồi giáo, chỉ có một số  rất  ít, không đáng kể là theo Hồi giáo.

Những người Chàm ở VN hầu hết đều theo Hồi giáo. Tổng số người Chàm ở VN khoảng 700.000 người, tập trung vào một số khu vực như : Phan Rang, Biên Hòa, Sàigòn, Tây Ninh và Châu Đốc. Số người Chàm ở Phan Rang theo Hồi giáo không chính thống, vì có pha trộn tín ngưỡng đạo Bà-La-Môn. Số người Chàm ở Sàigòn, Biên Hòa, Tây Ninh, Châu Đốc thì theo Hồi giáo chính thống, có đi hành hương ở Mecca.

Phần kết :
Hồi giáo là một tôn giáo đặc biệt hơn tất cả các tôn giáo khác vì nó hoàn toàn đồng hóa với chánh trị. Giữa Hồi giáo và Chánh trị không có ranh giới phân chia, cho nên trong một quốc gia Hồi giáo, người đứng đầu Giáo hội Hồi giáo cũng là Quốc trưởng hay Tổng Thống của nước đó.

Giáo lý của Hồi giáo phần lớn rút từ Kinh Thánh Cựu Ước và Tân Ước của Thiên Chúa giáo, nhưng vì Hồi giáo mở ra sau Thiên Chúa giáo khá lâu, lại ở trong hoàn cảnh tranh đấu sống còn giữa các Bộ lạc Á Rập, nên Giáo lý của Hồi giáo đi đến chỗ cực đoan, thái quá, chuyên chế, hoàn toàn đồng hóa với chánh trị và quân sự, lại áp dụng chánh sách bá quyền để mở rộng Hồi giáo, xem những người không theo Hồi giáo là thù địch cần phải tiêu diệt, nên luôn luôn gây ra các cuộc chiến tranh tàn khốc, đặt dưới danh nghĩa Thánh chiến, mà người tín đồ Hồi giáo có bổn phận phải tham gia, cho đó là do ý muốn của Thượng Đế Allah.

Vì tham vọng bá quyền của các lãnh tụ Hồi giáo nên thế giới  Hồi giáo không lúc nào hòa bình yên ổn. Họ rất hiếu chiến và luôn luôn gây chiến, đánh những nước láng giềng không theo Hồi giáo, nhứt là những nước theo Thiên Chúa giáo; và ngay giữa các Chi phái Hồi giáo, họ cũng đánh nhau để giành giựt chánh quyền.

Tất cả tài sản quốc gia không được dùng để nâng cao đời sống dân chúng, mà là để tạo một quân đội hùng mạnh với vũ khí tối tân, giết người hằng loạt, mưu đồ thôn tính lẫn nhau, thỏa mãn mộng bá quyền.

Các nhà tiên tri đều nói rằng các nước Hồi giáo sẽ mở màn Thế giới Đại chiến thứ ba, khởi đầu Đại cuộc Tận Thế, để chuyển số nhơn loại còn sống sót qua thời kỳ Thánh Đức. 

Thông Thiên Học
· Tổng quát.
· Sự thành lập Hội Thông Thiên Học.
· Giáo lý và Nguyên lý.
· Tiểu sư Bà H.P. Blavatsky.
· Tiểu sử Ông H.S.Olcott.

Thông Thiên Học là một ngành nghiên cứu những luật bí ẩn của Trời Đất, của Thiên đình và những quyền năng  ẩn tàng trong con người.

Tiếng Anh, Thông Thiên Học là : THEOSOPHY, chiết tự nghĩa là :
- THEO : là Thượng Đế.
-  SOPHY : là Minh triết (Sagesse).

Vậy, Thông Thiên Học là Minh triết thiêng liêng, là Chơn lý hay là sự  xác thực tuyệt đối và đại đồng, bao gồm dĩ vãng, hiện tại và tương  lai.

Hội Thông Thiên Học là một tổ chức thế giới  được thành lập với 3 mục đích sau đây :
*  Tìm học những luật bí ẩn của Vũ trụ và những quyền năng ẩn vi trong con người.
*   Nghiên cứu và học hỏi Giáo lý, Triết lý của các tôn giáo bằng sự so sánh với Triết học và Khoa học.
*   Gây tạo giữa nhơn loại một khối tình huynh đệ đại đồng, không phân biệt màu da sắc tóc, giai cấp, nam nữ hay tôn giáo.

“ Đây là Hội Thông Thiên Học (Société Théoso-phique) để truyền bá Chơn lý, tức là tinh hoa của các Đạo, và câu châm ngôn của nó là: Không Đạo nào qua Chơn lý (Il n’y a pas de religion supérieure à la Vérité.)

Người Thông Thiên Học kính trọng tất cả các tôn giáo và cũng kính tất cả các Đức Giáo chủ, thờ phượng tất cả các Đấng Trọn Lành (Trời, Phật, Thánh, Tiên) vì biết rằng các tôn giáo đều do một gốc, một luật mà ra.

Dưới trần thế, sở dĩ có nhiều Đạo là vì có nhiều nước, nhiều giống dân, nhiều màu da, nhiều trình độ tiến hóa khác nhau.

Người Âu Châu, phần lớn giữ Đạo Gia Tô (Công giáo), gọi Đức Jésus là Chúa Cứu Thế; người Á Châu phần đông theo Phật giáo, gọi Đức Phật Thích Ca là Giáo chủ.

Hai tôn giáo đó có số tín đồ nhiều nhất trên hoàn cầu nầy. Nhưng ít ai biết rằng hai Đấng Giáo chủ ấy và luôn cả các Giáo chủ của các Đạo khác đều do một gốc mà ra. Tuân lịnh Đức Ngọc Đế trên Thiên đình, các Đấng Giáo chủ, mỗi Ngài xuống một nơi để dạy Đạo.

Đức Chúa Jésus xuống thế dạy Đạo cho nhơn loại trong thời buổi ấy để nhơn loại tiến hóa theo Cơ Trời. Ngài xuống gần bên Âu Châu, nên người Âu Châu gần gũi Ngài và theo Đạo của Ngài nhiều hơn.

Còn Đức Phật Thích Ca xuống bên Á Châu, lấy xác người Ấn Độ, tên là Cakyamouni, tức là Thích Ca Mâu Ni, mà dạy Đạo. Đức Thích Ca lâm phàm tại Ấn Độ nên người Á Châu được gần gũi Ngài và theo Đạo của Ngài nhiều hơn.

Khi hai vị Giáo chủ làm xong phận sự thì hai Ngài đều bỏ xác phàm mà trở lại ngôi thứ cũ ở Thiên đình và cũng vẫn luôn luôn không ngừng lo sự tiến hóa cho nhơn loại.

Đạo người, Đạo ta, là do người phàm tục kiêu hãnh tranh hơn tranh kém với nhau, chớ Thiên đình và Chơn lý chỉ có một mà thôi.

Hai Đức Giáo chủ thường gặp nhau ở Thiên đình và chắc không khi nào hai Ngài nói : Đạo người, Đạo ta, bao giờ.

Vậy, ai là người tầm Chơn lý, nên mở trí cho thật sâu rộng để thấu rõ nguồn gốc, hầu tránh  sự hiểu lầm và xô xát lẫn nhau vì tôn giáo khác nhau vậy.” (Trích trong quyển : Con đường đi đến Chơn Tiên, của Ông Nguyễn văn Lương, Tổng Thơ Ký Hội Thông Thiên Học VN).

I . Sự thành lập Hội Thông Thiên Học :

Hai vị sáng lập Hội Thông Thiên Học là Bà H.P. Blavatsky và Ông H.S. Olcott.

Bà H.P. Blavatsky là người Nga, và là đệ tử của hai Đấng Đại Tiên, thường được gọi là Chơn Sư, trong Quần Tiên Hội, là Đức Đế Quân Kuthumi và Đức Đế Quân Morya, nơi cõi thiêng liêng.

Ông H.S. Olcott là người Mỹ, và là cựu Đại Tá quân đội,  làm Luật sư kiêm phóng viên viết báo, đang hành nghề tại New York, là người mà hai Đấng Đại Tiên lựa chọn để cộng tác với Bà H.P. Blavatsky, thành lập Hội Thông Thiên Học.

Cho nên việc thành lập Hội Thông Thiên Học là hoàn toàn do sự sắp đặt của hai Đấng Đại Tiên Kuthumi và Morya, theo lịnh của Đức Ngọc Đế nơi cõi thiêng liêng. Bà H.P. Blavatsky và Ông H.S. Olcott chỉ là người thừa hành mạng lịnh của các Đấng ấy mà thôi.

Giữa năm 1874, Bà H.P. Blavatsky đang ở tại Paris nước Pháp, được lịnh của Chơn sư bảo rời Paris (Ba lê) đi qua New York  (Nữu Ước) ngay. Bà tức khắc chuẩn bị, đến Hải cảng Le Havre lấy vé tàu đi qua New York  của nước Mỹ.

Khoảng tháng 9 năm ấy, Bà thấy trên tờ báo Daily Graphic có đăng, tại nông trại của gia đình ông William Eddy ở Chittenden, tiểu bang Vemont, cách Nữu Ước vài trăm dặm, có xảy ra hiện tượng Thần Linh Học mà Bà Eddy là đồng tử.

Bà H.P. Blavatsky liền đi đến đó để xem xét, thì gặp Ông H.S. Olcott đang ở đó quan sát và nghiên cứu để viết một thiên phóng sự đầy đủ về hiện tượng nầy.

Hai người liền quen nhau, và như đã có mối liên hệ tiền kiếp, hai người trở nên đôi bạn thân.
Sau đó, hai vị trở về Nữu Ước, viết báo binh vực Thần Linh Học một cách mạnh mẽ, thách thức những người Duy vật chỉ trích, tạo nên một cuộc bút chiến trên mặt báo rất sôi nổi, và Bà H.P. Blavatsky bắt đầu  nổi danh.

Ông H.S. Olcott tổ chức nhiều buổi diễn thuyết về Thần Linh Học, chứng minh có những sinh vật nơi cõi vô hình, và Bà H.P. Blavatsky làm những pháp thuật Huyền môn mà Bà học được nơi Chơn Sư, trước mắt nhiều người, được rất nhiều người tin tưởng, nhứt là giới trí thức lúc bấy giờ.

Ông H.S. Olcott chợt có ý nghĩ: “ Phải chăng là một điều tốt nếu chúng ta thành lập một Hội để khảo cứu vấn đề Thần Linh Học nầy ? “

Bà H.P. Blavatsky đồng ý ngay.
Buổi họp thành lập Hội Thông Thiên Học tại Nữu Ước, được một tờ Nhựt báo tại Nữu Ước đăng tin, với nội dung tóm tắt như sau :

“ Một phong trào rất quan trọng vừa được khai trương tại Nữu Ước, dưới sự lãnh đạo của Đại Tá H.S. Olcott, trong việc thành lập một Hội gọi là Hội Thông Thiên Học Thế giới.

Đề nghị khởi xướng công việc nầy là một điều hoàn toàn không dự tính trước, và được phát động vào buổi tối ngày 7-9-1875, tại phòng khách của nhà Bà H.P. Blavatsky. Cử tọa gồm khoảng 17 vị quan khách Nam Nữ trong giới thượng lưu trí thức đã hội họp để nghe Ông Henry Felt thuyết trình về một vài khía cạnh của Huyền môn Ai Cập một cách vô cùng lý thú và hấp dẫn . . .

Trong cuộc thảo luận sau đó, thừa dịp thuận tiện, Đại Tá Olcott đứng lên phát biểu ý kiến. Sau khi phát họa tình trạng của phong trào Thần Linh Học đương thời, thái độ của các nhà Duy vật chống lại phong trào nầy, sự xung đột ý kiến giữa khoa học và tôn giáo, tính cách triết học của đạo lý cổ truyền, sự khả dĩ dung hoà tất cả mọi lý thuyết tương phản hiện hữu, và công trình khảo cứu siêu việt của Ông Henry Felt đã khám phá ra được bí quyết cấu tạo của Thiên nhiên, do những tàn tích cổ xưa của khoa Huyền môn Ai Cập.

Ông Olcott đề nghị thành lập một Hội tinh thần để qui tụ tất cả những người có khuynh hướng tâm linh, sẵn sàng làm việc chung với nhau để sưu tập và truyền bá những kiến thức Huyền môn.

Chương trình của Ông Olcott là tổ chức một Hội các nhà Huyền học và bắt đầu  lập ngay một Thư Viện, kế đó là phổ biến những Giáo lý về những Định luật huyền bí trong Thiên nhiên mà người cổ Ai Cập và Trung Đông đều biết rõ, nhưng lại hoàn toàn xa lạ đối với thế giới khoa học của chúng ta hiện nay. “ (Trích trong : Hồi Ký của Ông H.S. Olcott).

 Khi Hội đã được chấp thuận thành lập trên nguyên tắc thì một phiên họp sau đó được tổ chức để soạn thảo Nội Qui và Điều Lệ, rồi bầu một Ban Chấp Hành để quản trị công việc của Hội.

Ngày 30-10-1875, bản Điều Lệ và Nội Qui được chấp thuận và một Ban Chấp Hành được chánh thức bầu cử, gồm những vị sau đây :
-  Hội Trưởng: H.P. Olcott.
-  Phó Hội Trưởng: B.S. Pancosat và G.H. Felt.
-  Tổng Thơ Ký Ngoại vụ: H.P. Blavatsky.
-  Tổng Thơ Ký Nội vụ: John  S. Cobb.
-  Thủ Bổn : Henry Newton.
-  Quản lý Thư  Viện: Charles  Sotheran.
-  Luật Sư nhiệm trách: William Q. Judge.
-  5 vị Cố Vấn.

Phiên họp lại tái nhóm vào ngày 17-11-1875 để đọc Bản Tuyên Ngôn của Hội, và để nghe vị Hội Trưởng Olcott đọc bài Diễn văn khai trương.

Thế là Hội Thông Thiên Học Thế giới được chánh thức thành lập vào ngày 17-11-1875, với Ông H.S. Olcott làm Hội Trưởng và Bà H.P. Blavatsky làm Tổng Thơ Ký.

Tuy là có chức vụ như vậy, nhưng thực tế thì Bà H.P. Blavatsky là linh hồn của Hội và Ông H.S. Olcott là người công tác tổ chức Hội.

Ông Olcott viết trong tập Hồi Ký, trích ra sau đây :
“ Lịch sử ban đầu của Hội Thông Thiên Học đã được tường thuật khá đầy đủ. Tôi không thấy có gì cần nói thêm, trừ ra việc hoàn chỉnh những ký ức đã qua với vài mẫu chuyện vặt về đời sống xã hội của chúng tôi tại Nữu Ước cho đến ngày chúng tôi lên đường sang Ấn Độ.

Trong thời gian từ khoảng cuối năm 1876 cho đến cuối năm 1878, Hội Thông Thiên Học có vẻ tương đối bất động : Những Điều lệ của Hội trở nên vô hiệu lực,  những  buổi  họp

đã gần như không còn tiếp tục. Những buổi sinh hoạt ít oi của Hội trước công chúng đã được diễn tả trên đây, và những dấu hiệu gia tăng ảnh hưởng của Hội được phản ảnh nơi sự gia tăng số lượng thơ từ giao dịch của 2 nhà sáng lập với các giới trong nước và ngoài nước, những bài vở tranh luận trên báo chí, sự thành lập các Chi Hội ở Luân Đôn và ở Corfu, và việc mở đầu các mối liên hệ với những cảm tình viên ở Ấn Độ và Tích Lan.”

“ Còn nói về Hội Thông Thiên Học, tôi có thể nói rằng, trong khi Bà H.P. Blavatsky và tôi không ai được phép tiêu xài hoang phí, nhưng chúng tôi không bao giờ bị để cho phải thiếu thốn khổ sở về những nhu cầu cần thiết cho đời sống và cho công việc làm của mình.

Đã có biết bao nhiêu lần cạn tiền, triển vọng về tài chánh của Hội vô cùng bấp bênh và chán nãn đến mức xuống tinh thần, nhưng rốt cuộc, tôi luôn luôn nhận được vào giờ chót, từ phía nầy hay phía khác (do các Chơn Sư dùng huyền năng trợ giúp) những món tiền để trang trải vừa đủ mọi phí tổn cần thiết, và công việc của Hội không hề bị ngưng trệ ngày nào vì lý do thiếu phương tiện để xúc tiến các hoạt động của Hội.”

Ngày 17-12-1878, Bà H.P. Blavatsky và Ông H.S. Olcott vâng lịnh các Đấng Chơn Sư dời Trụ Sở Trung Ương của Hội Thông Thiên Học Thế giới đến thành phố Bombay nước Ấn Độ, nhưng sau đó lại dời đến Adyar ở thành phố Madras, nơi bờ biển Đông Nam nước Ấn Độ và ở lại luôn tại đó cho đến ngày nay.

Theo tài liệu năm 1952, Hội Thông Thiên Học Thế giới hoạt động được 76 năm, đã được 56 nước trên thế giới  xin gia nhập Hội, và  mỗi nước đều có 7 Chi Hội sắp lên. Riêng nước Ấn Độ có tất cả 2000 Chi Hội Thông Thiên Học.

Nước Việt Nam cũng có gia nhập Hội Thông Thiên Học Thế giới, có Trụ Sở Trung Ương đặt tại Sài gòn, số nhà 462 đường Nguyễn Kiệm (đường cũ là Võ Di Nguy) quận Phú Nhuận.

Bà H.P. Blavatsky mất năm 1891 mất tại Trụ Sở Trung Ương của Hội Thông Thiên Học Thế giới vào năm 1891, hưởng thọ 60 tuổi. (Xem Tiểu sử của Bà nơi phần sau).

Hội Thông Thiên Học Thế giới vẫn nối tiếp hoạt động và phát huy rộng rãi trên toàn thế giới, xuất bản nhiều bộ sách rất giá trị về Thần học và Triết lý, bởi các nhà Thông Thiên Học tài giỏi sau Bà H.P. Blavatsky, xin kể ra vài vị tiêu biểu như  sau :
- Bà Bác sĩ  Annie Besant.
- Ông  C.W. Leadbeater.
- Ông  C. Jinarâjadâra.
- Bác sĩ  G.S. Arundale.
- Ông  N. Sri Ram.
- Ông  Alcyone tức  J. Krishnamurti.
-  vv . . . . . . . . . .

II . Giáo lý và Nguyên lý :
A. Nguyên lý :

Hộâi Thông Thiên Học đề xướng 3 Nguyên lý sau đây :
1).  Đề xướng tình huynh đệ đại đồng đối với tất cả nhơn loại, không phân biệt hình thức và tinh thần. Hội còn cố gắng làm cho người đời hiểu được Chơn lý nầy để thực hiện nguyên lý đại đồng trong đời sống.

2). Đề xướng sự tự do tìm Chơn lý, bất chấp sự hạn chế bắt buộc của các đảng phái, học thuyết, tôn giáo, vv . . . Hội lại đặc biệt khuyến khích sự nghiên cứu các tôn giáo, về Triết lý, về Khoa học, để tìm thấy những cái hay cái đẹp, hầu đi đến sự hiệp nhứt, chớ chẳng phải chia ly như nhiều người thiếu hiểu biết.

3). Nới rộng đời sống và biên cương của loài người bằng sự  can đảm phá tan những vách thành ranh giới củng cố sự chia phân người đời, và bằng sự mạo hiểm đi sâu vào lãnh vực huyền bí để tìm thấy sự thật ẩn tàng trong Vũ trụ mà Khoa học chưa khám phá được, và những huyền năng tiềm tàng  trong con người.

B . Giáo lý của Hội Thông Thiên Học :
Giáo lý của Thông Thiên Học gồm 5 điểm sau đây :
1) . Sự sống duy nhứt và đại đồng dẫu dưới bao lớp hình trạng vật chất.
2) . Sự sống phải chịu biết bao kiếp luân hồi để tiến hóa từ cõi tối tăm đến nơi sáng suốt, từ cõi tử đến cõi trường sanh, từ nơi thấp kém đến chốn vinh quang rực rỡ muôn đời.
3) . Cuộc tiến hóa không ngừng nầy phải bị khép dưới một Định luật thiêng liêng tuyệt đối đầy ơn huệ.
4) . Những thời cuộc xảy ra cho cõi đời hay cho cá nhân, như giặc giã hay thái bình, thạnh hay suy, giàu hay nghèo, sướng hay cực, vv . . . đều là những ký hiệu của sự tiến hóa dưới Định luật bất di bất dịch nầy.
5) . Mỗi cá nhân là phần tử của cuộc sống, đều có quyền tự do hối thúc cuộc tiến hóa của mình hay là trì huỡn, mà muốn hối thúc thì phải hiểu và hành động theo Định luật ấy, còn muốn trì huỡn thì làm trái lại.

(Theo bài của Ông Nguyễn văn Huấn viết trong trong Tạp chí : Tìm hiểu Thông Thiên Học, số 1 tháng 2 năm 1954)
 Mười Lý do cốt yếu của Thông Thiên Học :
l) . Thông Thiên Học bao hàm các tôn giáo và giải rõ cội rễ Giáo lý đã làm nền tảng cho  mỗi tôn giáo.
2). Thông Thiên Học dung hòa giáo lý các tôn giáo với khoa học và làm cho người ta hiểu biết mỗi tôn giáo một cách sâu xa tinh tường.
3) . Thông Thiên Học giải rõ hơn các tôn giáo về cái sống thật của cuộc đời bằng cách nêu rõ ràng lẽ Công bằng và lòng  Bác ái, ấy là 2 nguyên tắc luân lý chi phối những việc thiện trong thế gian.
4) . Thông Thiên Học dẹp bỏ được lòng sợ chết và giảm bớt nỗi buồn lúc chết, bằng cách chỉ rõ việc : Sanh, Tử, Vui, Buồn, ở đời chẳng qua chỉ là cuộc biến diễn những tấn kịch trên sân khấu đời, nối hoài tiếp mãi theo cái vòng tấn hóa dài vô tận đó thôi.
5) . Thông Thiên Học chỉ rõ ràng chính con người  mới làm chủ cái vận mạng của mình và giải rành cái nghĩa : Ai trồng cây nào không chóng thì chầy sẽ được hưởng quả của cây ấy.
6) . Thông Thiên Học vạch sáng tỏ con đường Đại hùng,  Đại lực, Đại từ, Đại bi, để diệt hết phiền não của chúng sanh.
7) . Thông Thiên Học chỉ cho biết : Ngoài các thế giới  mà mắt phàm thấy được, còn có những thế giới không thấy được, gọi là vô hình, và giải rõ những  phương pháp để bước mau lên đường tấn hóa và quan sát những thế giới  đó.
8) . Thông Thiên Học nêu rõ cái Chơn linh mầu nhiệm của Thượng Đế, cái tình nghĩa huynh đệ giữa loài người và các dây liên lạc ràng buộc con người với vạn vật.
9) . Thông Thiên Học ví cõi đời như một trường học mà con người phải trở đi trở lại nhiều lần, cho đến ngày nào học xong và đồng hóa hết các bài học kinh nghiệm mới thôi.
10) . Thông Thiên Học chỉ rõ con người thực là ai ? Từ đâu đến cõi trần  nầy ? Rồi sẽ đi đâu ?

(Trích trong quyển : Con đường đi đến Chơn Tiên của Ông Nguyễn văn Lượng, Tổng Thơ Ký Hội Thông Th. Học VN, trang 66)

D . Trường Bí giáo  (École Ésotérique) :
Sau khi lập xong Hội Thông Thiên Học Thế giới ,  Bà Blavatsky vâng lịnh hai vị Đế Quân  Kuthumi và Morya lập Trường Bí giáo tại Adyar. Mục đích của Trường Bí giáo là chọn lựa trong tất cả Hội viên của Hội Thông Thiên Học trên khắp thế giới, những người có tài đức để cho các Đấng Chơn Sư  đào tạo, đặng sau đứng vào hạng những bực cứu thế.

Ấy là một Trường để đào tạo các bậc Thánh nhơn (C’est une École pour la formation des Saints). Các bực nầy sẽ được thâu nhận vào Quần Tiên Hội đời đời.

E . Quần Tiên Hội  (La Fraternité Blanche) :
Ở thế gian có những người ham mộ đạo đức, có tâm hiền lành, ưa làm việc phước thiện, thường hội hiệp nhau để giúp đời, giúp cho nhơn loại mau tấn hóa.

Ở Thiên đình của vậy, và còn hơn nữa, các Đấng Trọn Lành Phật, Thánh, Tiên, khi đã đắc đạo rồi, chia ra : Có vị giúp Cơ Trời ở mấy cảnh trên, có vị nguyện ở lại cõi trần  đặng dìu dắt chúng sanh vào con đường quang minh chánh đại. Các vị nầy làm việc không ngừng và luôn luôn dòm xuống thế gian để chọn lựa người tài đức, hầu thâu nhận làm đệ tử, rồi đào luyện dạy dỗ các đệ tử ấy cho đến ngày thành đạo.

Trên  mỗi dãy Hành tinh, đều có những vị Phật, Thánh, Tiên thay mặt  Đức Thái Dương Thượng Đế, coi sóc vạn vật,  làm sao cho các loài nầy tiến hóa, hạp với Cơ Trời.

Ở Trái đất nầy, các Đấng Trọn Lành, vì nguyện giúp cho loài người và vạn vật nên lập ra QUẦN TIÊN HỘI mà Chúa tể là Đức Ngọc Đế (Le Seigneur du monde).

Đây xin kể rõ ngôi thứ của các Ngài trong Quần Tiên Hội :
1) . Trên hết là Đức Ngọc Đế được 9 lần điểm đạo, là Chúa tể của Quần Tiên Hội.
2) . Dưới Ngài có 4 vị Phật được 8 lần điểm đạo.

Trong 4 vị, có 3 vị Độc giác Phật (Pratyéka Bouddha) thuộc về Cung thứ nhứt. Ba vị Độc giác Phật đã thành Phật ở bầu Kim Tinh, và qua Trái đất nầy với Đức Ngọc Đế để giúp cho nhơn vật ở Trái đất nầy tấn hóa.

Vị thứ tư là Đức Phật Thích Ca coi về Cung Đạo đức. Ngài là người đầu tiên của nhơn loại ở Trái đất nầy tu hành và đắc quả Phật.

3) . Dưới 4 vị Phật có Tam Thanh, được 7 lần điểm đạo.
Ba vị Tam Thanh, xin kể ra dưới đây :
- Đức Bàn Cổ (Manou)  coi sóc sự sanh hóa của một giống dân.
-  Đức Chưởng giáo hay là Đức Di-Lạc Bồ Tát lo về phần đạo đức.
-  Đức Văn Minh Đại Đế (Mahachohan : Seigneur de la Civilisarion) coi sóc sự văn minh tấn hóa cho nhơn loại cho hạp với Cơ Trời.

4). Dưới Tam Thanh thì có 7 vị Đế Quân hay là 7 vị Đại Tiên  (Chohan) được 6 lần điểm đạo. Bảy vị Đế Quân coi sóc 7 Cung dưới đây :
-  Cung thứ 1 do Đức Đế Quân Morya coi về Chánh trị.
- Cung thứ 2 do Đức Đế Quân Kuthumi coi về tôn giáo. (Tiền kiếp của Đức Kuthumi là Giáo chủ Pythagore).
- Cung thứ 3 do Đức Đế Quân Vénitien coi  Thiên văn.
- Cung thứ 4 do Đức Đế Quân Sérapis coi về Mỹ thuật và các Nghề nghiệp.
- Cung thứ 5 do Đức Đế Quân Hilarion coi  Khoa học.
- Cung thứ 6 do Đức Đế Quân Jésus coi về Tín ngưỡng tôn giáo. (Đức Đế Quân Jésus là Đức Chúa Cứu Thế Jésus, Giáo chủ Thiên Chúa giáo).
- Cung thứ 7 do Đức Đế Quân Le Comte de Saint Germain coi về khoa Pháp môn Phù thủy.
Tất cả mọi người trên thế gian đều thuộc về một trong 7 Cung kể trên, và cũng chịu ảnh hưởng của 6 Cung kia.

5) . Dưới các Đức Đế Quân (Đại Tiên) là những vị Chơn Tiên (Aseka) được 5 lần điểm đạo.
6) Dưới những vị Chơn Tiên là những vị đệ tử được điểm đạo từ 1 đến 4 lần.
- Điểm đạo được 4 lần gọi là La-Hán (Arhat).
- Điểm đạo được 3 lần gọi là Anahàm (Anagamin).
- Điểm đạo được 2 lần gọi là Tưđàhàm (Sakadagamin)
- Điểm đạo được 1 lần gọi là Tuđàhuờn (Sotapanna).

Muốn được điểm đạo lần thứ 1 thì phải có 4 đức tánh  :
. Tánh phân biện  (Le discernement).
.  Sự dứt bỏ            (Le détachement).
.  Hạnh kiểm tốt    (La bonne conduite).
.  Lòng từ ái           ( L’amour).

Bốn đức tánh nầy có giải rõ trong quyển “Dưới chơn Thầy “ (Aux pieds du Maitre). Ai ăn ở theo đó thì sẽ được điểm đạo và sẽ được vào Quần Tiên Hội.
(Trích trong : Con đường đi đến Chơn Tiên, Nguyễn văn Lượng)

III .  Tiểu sử Bà H.P. Blavatsky :
Bà H.P. Blavatsky có tên tộc là Heleona Petrovna, sanh tại Ekaterinosla thuộc nước Nga, đêm 30 rạng 31-7-1831, thuộc dòng quí tộc của nước Nga, cha là Quan năm Pierre Haln, ông nội là Quan sáu Alexis Haln de Rottenstein Haln, ông ngoại là André Fadeef làm Cố Vấn tại triều đình Nga Hoàng và bà ngoại là Công Chúa Heleona Dolgorouki.

Bà H.P. Blavatsky mồ côi mẹ năm 11 tuổi, và năm 15 tuổi, cỡi ngựa rất thành thạo. Ở với ông ngoại được 5 năm, ông ngoại làm quan Thủ Hiến ở Eurivau và Saratow. Thư viện to lớn của ông ngoại dường như không đủ sách cho Cô Heleona Petrovna đọc.

Ngày 7-7-1848, Cô Heleona Patrovna được 17 tuổi, thành hôn với Quan sáu Blavatsky 70 tuổi. (?)

Ở chung với chồng một thời gian, Bà Heleona Petrovna Blavatsky (viết tắt  H.P. Blavatsky) từ giã Quan sáu, đi ta bà thế giới  để tầm đạo. Bà đi Caucase, Ai Cập, Athènes, Suryness, Trung Đông, rồi muốn đến Tây Tạng, nhưng thất bại phải trở về.

Đến năm 1851, Bà qua nước Anh. Tại đây, trên bờ sông Serpentine trong Hyde Park, Bà được duyên lành gặp được Chơn Tiên, và Bà đã dọn mình trong 10 năm, trải qua nhiều cuộc thử thách lao khổ.
Sau đó, Bà qua Ấn Độ, rồi cũng tìm cách đến Tây Tạng, nhưng cũng thất bại.
Năm 1853, Bà trở về Luân Đôn, đi qua ngã Trung Hoa, Nhựt, và Mỹ.
Năm 1855-1856, Bà qua Ai cập, sang Ấn Độ, rồi cũng tìm cách đến Tây Tạng, đây là lần thứ 3, nhưng vẫn không kết quả.

Bà ẩn mặt một thời gian.
Cuối năm 1858, người ta gặp Bà ở Nga, ngụ tại Tiflis.
Năm 1863, Bà lại qua Ai cập, Ba Tư, Ấn Độ, rồi cũng tìm cách đi Tây Tạng, và lần nầy thành công, ấy là năm 1864.
Năm 1873, Bà qua Pháp, sau đó sang nước Mỹ, ở tại thành phố Nữu Ước.

Ngày 17-9-1874, Bà gặp Đại Tá H.S. Olcott và Bà được mạng lịnh thiêng liêng hợp tác với ông nầy để lập Hội Thông Thiên Học, và Hội nầy được mở ra ngày 17-11-1875.

Trong thời gian Bà H.P. Blavatsky ở Nữu Ước, Bà viết báo tích cực binh vực Thần Linh Học. Bà có viết một bài trong đó Bà tâm sự  sau đây :

“ Tôi rất tiếc mà nói rằng, tôi phải đứng về phe các nhà Thần Linh Học trong vụ tố giác 2 đồng tử Holmes. Tôi phải cứu vãn tình thế, vì tôi được Chơn Sư  biệt phái từ Paris sang Mỹ để chứng minh cho mọi người thấy những hiện tượng Thông linh là có thật, và vạch rõ sự sai lầm của thuyết cho rằng tất cả những hiện tượng Thông linh chỉ là do tác động của Vong hồn người chết.

Nhưng tôi có thể làm gì tốt nhất ?
Tôi không muốn cho người ta biết rằng tôi có thể tạo ra các hiện tượng ấy tùy ý muốn. Tôi được lịnh phải làm trái lại. Tuy nhiên tôi phải duy trì đức tin nơi các hiện tượng đó trong lòng những người có óc Duy vật để họ trở thành Duy linh,  nhưng vì nay có sự tố giác của nhiều nhà đồng tử, nên họ đã quay trở về thái độ hoài nghi của họ trước kia.

Bởi vậy, tôi đã chọn lựa vài tín hữu cùng đi với tôi đến nhà Ông Holmes, và với sự trợ giúp của Chơn Sư Morya và quyền năng của Ngài, tôi đã làm cho những Tinh linh John King và Katie King xuất hiện từ cõi Vô hình, tạo nên những hiện tượng “hiện hình” và làm cho các giới Thông linh ở khắp nơi tưởng rằng đó là do khả năng của Đồng tử  của Bà Holmes tạo nên. Bà nầy đã trải qua một cơn hoảng sợ khủng khiếp, vì Bà ta biết rằng lần nầy các Vong linh đã hiện hình thực sự.

Tôi đã làm đúng hay sai ? Thế gian chưa đủ chuẩn bị để hiểu rõ Triết lý của khoa Huyền môn : Trước hết, họ hãy nhận định rằng, có những sinh vật trong cõi giới Vô hình, dù đó là Tinh linh Ngũ Hành hay Vong linh người chết; và con người có những huyền năng  ẩn tàng khả dĩ làm cho họ trở thành một Đấng Thần Tiên bất tử.

Sau khi tôi qua đời, có lẽ người ta sẽ nhận thức tấm lòng vô tư của tôi. Tôi đã phát nguyện nêu cao Chơn lý để giúp đỡ người đời trên đường tìm đạo và tôi sẽ giữ trọn lời nguyền đó.

Mặc cho người thế gian vu khống và phỉ báng tôi, họ có thể gọi tôi là Đồng bóng, Phù thủy, bịp bợm hay là gì tùy ý. Một ngày kia, hậu thế sẽ có dịp biết tôi rõ hơn.

Ôi ! Thế gian đau khổ và tội lỗi ! Tôi biết làm sao hơn.
(Trích trong quyển : Hồi Ký của H.S. Olcott)

Trong thời gian Bà H.P. Blavatsky ở Nữu Ước nước Mỹ, Bà bắt đầu  viết quyển sách : Isis unveiled (Isis dévoilé : Vén màn Isis) với sự trợ giúp của Ông H.S. Olcott. Quyển sách nầy rất có giá trị và rất được hoan nghinh.

Bà đã học được nơi Đấng Chơn Sư  những  phép thuật Thần thông và Bà là một kiện tướng trong Huyền môn.

Ngày 17-12-1878, Bà H.P. Blavatsky và Ông H.S. Olcott, vâng lịnh Chơn Sư,  qua nước Ấn Độ, để lập Cơ quan Trung Ương của Hội Thông Thiên Học Thế giới tại thành phố Bombay, nhưng sau đó lại dời về Adyar ở Madras, thuộc về bờ biển phía Đông Nam của Ấn Độ, và Hội quán Trung Ương. nầy vẫn tồn tại đến ngày nay.

Công đức của Bà H.P. Blavatsky rất lớn :
1) . Đánh đổ thuyết Duy vật, chứng minh có Thượng Đế, và con người có Linh hồn.

Bà lập ra cơ quan truyền bá Chơn lý là tờ báo lấy tên là “ THE THEOSOPHIST” vẫn còn xuất bản đến ngày nay.
Bà hợp tác với Bà Mabel Colline lập ra Tạp chí  “LUCIFER”  tại Luân Đôn nước Anh.

Năm 1885, Bà qua Nice, Paris (Pháp), Wurburg (Đức), Ostende (Bỉ). Tại đây Bà lâm bịnh nặng, các bác sĩ đành bó tay. Bà sẵn sàng  và cầu xin sớm được bước qua cửa tử, nhưng vị Chơn Tiên, sư phụ của Bà hiện đến nói rằng :

-  Con ơi ! Con có thể hy sinh để làm cho hoàn tất bộ sách “ Giáo lý nhiệm mầu “ (La doctrine secrète) mà con vừa phát họa ra không ? Nếu con chịu hy sinh thì Thầy sẽ cho con sống thêm ít lâu nữa, nhưng con sẽ khổ sở với tấm thân gần tan rã của con.
Trước sự thử lòng ấy, Bà nhận chịu  vì lòng thương nhơn loại.

Khi lời cầu nguyện của Bà được lập thành, Đấng Chơn Tiên, sư phụ của Bà, ban ơn huệ cho Bà hết bịnh một cách kỳ diệu, làm cho tất cả bác sĩ trong bệnh viện vô cùng kinh ngạc.

Mặc dầu khổ nhọc,  Bà được sự trợ giúp đắc lực của Ông Olcott, Bà viết suốt ngày đêm để hoàn thành quyển sách Giáo lý nhiệm mầu, như  Bà đã hứa với Đấng sư phụ.
Bộ sách nầy chỉ rõ Cơ Trời, nó là chìa khóa mở vào cửa Đạo.
Tất cả mọi người đều ca tụng quyển sách nầy và nhìn nhận giá trị tuyệt đối của nó ở thế gian.

2) . Công đức thứ nhì là Bà H.P. Blavatsky tuyên bố sự có mặt của các Đấng Chơn Tiên.
Bà có được nhiều bức thơ do các Đấng Chơn Tiên gởi đến cho Bà. Bà nói : “ Chơn Tiên vốn là người như chúng ta, nhưng các Ngài đã đi hết nấc thang tiến hóa nơi cõi trần . Các Ngài là Anh Cả của nhơn loại, là bông hoa của cây Nhơn sinh đó vậy.”

Bà H.P. Blavatsky từ trần tại Adyar lúc 2 giờ 25 phút ngày 8-5-1891, hưởng được 60 tuổi, và đến ngày 11-5-1891 thì làm lễ thiêu xác.

Bà để lại cho nhơn loại 3 tác phẩm bất hủ, được dịch ra rất nhiều thứ  tiếng trên thế giới  :
-         Isis unveiled (Isis dévoilée) : Vén màn Isis.
-         Secret doctrine (Doctrine secrète): Giáo lý nhiệm mầu
-         Voice of silence (Voix du silence) : Tiếng nói vô thinh

IV . Tiểu sử Ông H.S. Olcott :
Ông Henry Steel Olcott là Chánh Hội Trưởng và cũng là người sáng lập Hội Thông Thiên Học Thế giới .

Ông sanh ngày 2-8-1832 tại Orange, tiểu bang New Jersey của nước Mỹ. Ông tốt nghiệp xuất sắc tại City College và Đại Học Đường Colombia.

Sau khi tốt nghiệp Đại học, Ông gia nhập quân đội và đứng về phía Chánh phủ trong trận nội chiến giữa Nam và Bắc nước Mỹ từ năm 1860 đến năm 1865, để giải phóng chế độ nôlệ của người da đen ở miền nam nước Mỹ. Ông được thăng dần lên chức Đại Tá.

Sau khi cuộc nội chiến chấm dứt, Ông xin giải ngũ và hành nghề Luật Sư và đồng thời cũng làm ký giả báo chí cho các tờ báo tại Nữu Ước (New York).

Ông có thuật lại trong quyển Hồi Ký của Ông như sau:
“ Một ngày nọ vào khoảng tháng 7 năm 1874, ngồi tại văn phòng Luật Sư, tôi đang nghiên cứu một vụ kiện quan trọng liên quan đến Tòa Đô Chánh thành phố Nữu Ước, tự nhiên tôi lại nghĩ rằng từ nhiều năm nay, tôi không chú ý đến phong trào Thần Linh Học.

Tôi không hiểu sao trí óc tôi lại liên tưởng từ vụ kiện nọ đến phong trào Thần Linh Học nầy. Dù sao, tôi đã bước ra phố đến mua một tờ Nhựt báo “Banner of Light”, trong đó, tôi đọc được một bài tường thuật về hiện tượng hồn ma hiện hình xảy ra tại một nông trại ở Thị trấn Chittenden thuộc Tiểu bang Vermont, cách Nữu Ước độ vài trăm dặm.

Tôi liền nghĩ rằng nếu quả thật đúng là người ta có thể nhìn thấy, sờ mó, và nói chuyện được với những thân nhân đã chết, nhưng tìm cách hiện  nguyên  hình để tạm thời xuất hiện trở lại thế gian thì đây là một sự kiện tối quan trọng về khoa học Vật lý hiện đại.

Tôi bèn quyết định đi đến quan sát tại chỗ.
Tôi đến tận nơi xem xét các hiện tượng và thấy rằng câu chuyện quả có thật. Tôi quyết định ở lại đó thêm 3 hoặc 4 ngày để quan sát và hỏi han cho thật tường tận.

Sau đó, tôi trở về Nữu Ước, viết một bài tường thuật dài về những điều mà tôi đã quan sát được, gởi cho tờ báo New York Sun. Bài báo của tôi được các báo trên thế giới  in lại và phổ biến  khắp thế giới , vì tính cách thực tế hấp dẫn và quan trọng của những sự việc đã xảy ra.

Kế đó, vị Chủ nhiệm tờ báo Daily Graphic đến đề nghị với tôi hãy trở lại Chittenden để viết thêm một thiên phóng sự khác với một họa sĩ đi theo quan sát để vẽ lại những hình ảnh, làm một cuộc điều tra chi tiết với những hình ảnh mô tả cụ thể về vấn đề Thần linh nầy.

Việc ấy làm cho tôi thích thú đến mức tôi phải thu xếp ngay tất cả việc văn phòng để chuẩn bị đi nhiều ngày.

Ngày 17-9-1874, tôi trở lại nông trại của gia đình Eddy. Tôi lưu trú trong ngôi nhà bí mật đó 12 tuần, và hằng ngày, tôi thu thập được những kinh nghiệm vô cùng kỳ dị.

Tôi viết bài đăng trên tờ Daily Graphic  mỗi tuần 2 lần, có kèm theo những bức vẽ các hồn ma hiện hình do tôi và người họa sĩ vẽ ra. Ông Kappes đã nhìn thấy tận mắt cùng với khoảng 40 quan khách đến viếng.

Chính những bài tường thuật của tôi đã làm cho Bà Blavatsky đến Chittenden, nhờ đó, chúng tôi quen biết nhau.

Tháng 11 năm 1874, sau khi đã hoàn tất cuộc khảo sát về Thần Linh Học ở nông trại Eddy, tôi trở về Nữu Ước và đến viếng Bà Blavatsky. Tại đây, Bà biểu diễn cho tôi xem vài hiện tượng Cơ bút, Gõ nhịp, Xây bàn, phần nhiều là do tác động của một vong linh khuất mặt xưng  là John King.”

Bà Blavatsky nhân dịp nầy giải thích cho Ông Olcott rõ về Chánh đạo và Tà đạo. Để chứng minh lời nói của Bà, Bà dùng Huyền môn làm vài phép lạ để Ông Olcott lãnh hội phần nào về những Định luật thiên nhiên trong Vũ trụ và nhất là sự hiện hữu và tồn tại của các Đấng Chơn Sư vô hình.

Rốt cuộc, Ông Olcott thọ giáo với Bà Blavatsky về khoa Huyền môn và được Bà dẫn dắt đi trên đường Đạo pháp phụng sự nhơn loại, ngõ hầu giúp đỡ phong trào Tu Tiên sắp được phát động. Bà cho Ông Olcott biết rằng, sự bộc phát của những hiện tượng Thông linh ở khắp nơi trên thế giới, chính là do Quần Tiên Hội phát động, làm một khí cụ trợ giúp cho cơ tiến hóa tâm linh của nhơn loại.

Như vậy, sự hoạt động của Cơ bút, Đồng tử, không nên coi là bất hảo như  vài người chống đối cực đoan tuyên bố.

Ông H.S. Olcott mất tại Adyar (Ân Độ) năm 1907.
Thần Linh Học
· Thần Linh Học là một nền đạo.
· Thần Linh Học xuất hiện ở nước Mỹ.
· Thần Linh Học ở Âu Châu.
· Thần Linh Học với Đạo Cao Đài.

I . Thần Linh Học là một nền đạo :
Thần Linh Học (Spiritisme), còn được gọi là Thông Linh Thuyết, Thông Thần Học, Chiêu Hồn Thuật, Giáng Thần Thuật, là một khoa học nghiên cứu về cách thông công giữa con người đang sống nơi thế giới  hữu hình  với các Đấng Thần Thánh Tiên Phật ở trong thế giới vô hình, để chứng minh rằng : Có sự hiện hữu của thế giới Vô hình, có sự hiện hữu của Đấng Thượng Đế và các Đấng Thần Thánh Tiên Phật, và có sự hiện hữu của Linh hồn của con người.

Con người khi thể xác chết đi, không phải là mất hết, mà còn có linh hồn tồn tại. Linh hồn xuất ra khỏi xác để chuyển qua sống trong thế giới  vô hình.

Chính thế giới vô hình nầy điều khiển thế giới hữu hình.
Hiện tượng Cơ Bút của Đạo Cao Đài phát xuất từ những kết quả nghiên cứu của khoa Thần Linh Học từ bên nước Mỹ và nước Pháp truyền qua Việt Nam.

Trong sách Thánh Ngôn Hiệp Tuyển của Đạo Cao Đài, Đức Chí Tôn Ngọc Hoàng Thượng Đế có giáng cơ nói rằng :
“ Thầy há chẳng có lời tiên tri rằng Thần Linh Học là một nền đạo tương lai sao ? “ ( N’ai-JE pas prédit que le Spiritisme est une religion d’avenir ? )  [TNHT. I. 72]
“ Đạo Cao Đài căn cứ ở Thần Linh Học, mà Thần Linh Học là một khoa học và một triết lý.

Năm 1950, trong một buổi họp của Hội Nghị HAYWARDS  HEATH, tôi đã có dịp định nghĩa rõ ràng thế nào là Thần Linh Học, một khoa học, không nên lầm với mê tín quàng xiên. Tôi đã có dịp nhắc lại một nguyên tắc căn bản dùng để xét định những việc Thần linh, dù tự nhiên xảy ra hay là thí nghiệm.

Nguyên tắc ấy là :
Phải giải thích rõ ràng một hiện tượng Thần Linh Học mà xưa nay thường bị nhiều kẻ chỉ trích (hoặc mê sảng, hoặc bịa đặt), nếu một lẽ chỉ trích ấy mà đúng, dầu ở cách xa, thì hiện tượng ấy đáng hủy bỏ. Trừ ra khi nào một Vong linh đến giải thích một hiện tượng mà trước đây không ai hiểu đặng, đó mới thật là một kỳ diệu của khoa Thần Linh Học.

Về mặt khoa học và triết lý, Thần Linh Học rất có ích cho các tôn giáo vì nó làm cho con người không có đức tin hay không nhìn nhận sự huyền bí, hay chỉ nhận những sự vật mà giác quan của họ biết được, phải nhận rằng : Con người có một Linh hồn.

Thần Linh Học làm cho ta thấy một cách chắc chắn rằng Linh hồn có thật, thể xác tuy chết mà Linh hồn vẫn còn, và giữa những người sống và những người chết vẫn còn giao cảm với nhau được.

Năm rồi, ở Hội nghị Bruxelles, tôi đã tuyên bố những ý kiến tương  tự như thế nầy, và nhận thấy rằng, trong những lúc đàm luận riêng, nhiều Hội viên đã hiểu biết ý tôi.”

(Trích bài của Ông  Henry Regnault, Hội viên Thần Linh Học ở Paris, Đại diện Đạo Cao Đài tại Pháp, Bán Nguyệt san Thông Tin dịch, số 116 Xuân Giáp Dần 1974, trang 18)

II . Thần Linh Học xuất hiện ở Mỹ :
Phong trào Thần Linh Học thế giới khởi đầu xuất hiện tại Hoa Kỳ vào năm 1847, tiểu bang New York, nơi nhà của Ông Veckman trong một nông trại tại Hydesville. Hằng đêm, Ông Veckman nghe có tiếng đập cửa hay tiếng gõ vào vách, nhưng khi mở cửa ra xem thì không thấy ai cả, làm cho gia đình Ông hoảng sợ, cho là có hồn ma phá khuấy, nên không dám ở đó nữa, phải trả nhà dọn đi nơi khác ở.

Sau đó có gia đình Ông thợ may nghèo tên là John Fox đến mướn ở. Mấy tháng đầu, Ông Fox chẳng thấy chi lạ cả, nhưng thời gian sau đó thì hiện tượng gõ cửa hay đập vách lại xảy ra, và đặc biệt ban đêm, đồ đạc trong nhà tự nhiên xê dịch từ chỗ nầy qua chỗ khác.

Ban đầu, Ông bà Fox cũng hoảng sợ, nhưng thấy các hiện tượng lạ nầy không có phương hại chi đến gia đình nên Ông bà bỏ qua không để ý đến nữa, dần dần rồi cũng quen với các hiện tượng kỳ bí đó.

Ông bà Fox có 2 đứa con gái, đứa lớn tên Margaret 15 tuổi và đứa nhỏ tên Kate 12 tuổi.
Một hôm, Ông bà Fox định đi ngủ sớm vì ban ngày may vá mỏi mệt quá, và không để ý đến tiếng đập vách. Khi vào phòng ngủ thì thấy Kate còn thức và vỗ tay chơi. Liền sau đó, bà Fox nghe có tiếng gõ vách đáp lại. Cô bé vỗ tay 3 tiếng thì có 3 tiếng gõ vách đáp lại.

Bà Fox nói thử : Hãy gõ 10 tiếng coi.
Liền đó có 10 tiếng gõ vách đáp lại.
Bà Fox kinh ngạc nói tiếp : Nếu linh hiển, hãy gõ đúng số tuổi của Kate.
Liền đó tiếng gõ đáp lại đếm đúng 12 tiếng.
Bà Fox lại nói : Nếu là người thật thì gõ 1 tiếng trả lời.
Hoàn toàn yên lặng.
Chờ một chút, Bà Fox nói tiếp : Nếu là hồn linh thì gõ 2 tiếng trả lời.

Tức thì có 2 tiếng gõ đáp lại.
Hiện tượng lạ lùng nầy ngày hôm sau được lan truyền ra khắp nơi rất nhanh, khiến nhiều người hiếu kỳ tấp nập đến xem. Giới tu sĩ, giới khoa học, đều có tìm đến tận nơi để quan sát, thử nghiệm, nghiên cứu. Kết quả họ rất ngạc nhiên lẫn kinh sợ, xác nhận hiện tượng kỳ bí có xảy ra thực, nhưng không cách nào giải thích được sự kỳ bí nầy.

Sau đó có một nhà nghiên cứu tên là Issas Post đến xem. nảy ra sáng kiến là bảo hồn linh gõ theo thứ tự các mẫu tự A, B, C, . . . Gõ 1 tiếng là chữ A, gõ 2 tiếng là chữ B, gõ 3 tiếng là chữ C, vv. . . để sau đó ráp lại thành câu văn mà nói chuyện với nhau.

Vong linh liền gõ 2 tiếng để tỏ sự đồng ý.
Thế là nhờ phương cách nầy, tuy mất nhiều thời giờ, nhưng Ông Issas Post có thể nói chuyện được với hồn linh. Ông được hồn linh trả lời nhiều điều mà trước đây không ai có thể biết được về thế giới  vô hình.

Nhờ  phương pháp nầy, Ông Fox nói chuyện được với hồn linh. Hồn linh cho biết, khi còn sống tên là Charles Haynes, góa vợ, có 5 con, làm phu khuân vác, đã bị chủ nhà trước giết chết, xác được chôn trong hầm của nông trại. Hồn

linh cũng cho biết tên của người giết chết ông ta, là người đã ở kế căn nhà nầy 2 năm về trước.

Ông Fox đào thử trong hầm của nông trại thì tìm thấy được : Một mớ vôi, một mớ than, nhiều mảnh chén bể, một nắm tóc, vài khúc xương, một miếng giống như  óc.

Ông Fox rất ngạc nhiên và hoảng sợ.
Lối xóm đồn ầm lên là gia đình Ông Fox nói chuyện được với hồn ma.

Báo chí hay tin, liền cử người đến quan sát, rồi đăng tin lên báo, khắp nước Mỹ đều hay biết. Giới tu sĩ và giới trí thức rất chú ý hiện tượng bí ẩn nầy.

Hậu quả của việc thông linh nầy là gia đình Ông Fox không làm ăn gì được cả, nên phải dọn nhà đi nơi khác ở. Giáo hội Méthodiste (Église Méthodiste) thuộc đạo Tin Lành trục xuất ông bà Fox ra khỏi Giáo hội. Ông Fox đưa gia đình đến ở Rochester, là nơi đông đúc dân cư,  tránh khỏi khu vực đó, nhưng hồn ma Charles Haynes cũng theo gia đình Ông Fox đến Rochester.

Hai chị em Margaret và Kate phải làm trung gian để những người sống muốn nói chuyện với linh hồn ông Haynes.
Rất nhiều người trước đây không biết gì về hồn ma và cũng không tin có ma, nay chứng nghiệm được hiện tượng hiển nhiên như vậy thì họ rất tin tưởng và cũng trở thành Đồng tử  giống như  2 cô gái Margaret và Kate.

Nhiều cuộc trình diễn được tổ chức trước công chúng, kết quả rất tốt đẹp, khiến nhiều người phải xác nhận có linh hồn, người chết thì thể xác tiêu tan, nhưng linh hồn vẫn tồn tại nơi thế giới  vô hình.

Tiếng tăm của gia đình Ông Fox nổi bật giữa quần chúng nước Mỹ. Báo chí Mỹ không ngớt tường thuật tỉ mỉ các buổi thông linh nầy.

Hội Đồng Thành phố Rochester thành lập Ban điều tra đặc biệt về hiện tượng thông linh nầy. Sau mấy năm nghiên cứu, 3 lần họp, có đến hằng trăm diễn giả thuyết trình, tranh luận sôi nổi, nhưng chưa đạt được một kết luận dứt khoát nào.

Kinh sợ trước những hiện tượng kỳ bí mà họ chứng kiến, một số người hồ đồ xấu miệng đồn lên rằng, gia đình Ông Fox là phù thủy, là hiện thân của ma quỉ, họ sách động đám đông đập chết toàn cả gia đình Ông Fox gồm bốn người, một cách hết sức oan uổng.

Sau khi gia đình Ông Fox bị thảm sát, hiện tượng thông linh “gõ cửa hay gõ vách “ vẫn tiếp tục xuất hiện ở nhiều nơi trên đất nước Mỹ.

Luật Sư J. Edmonds, Giáo Sư E. Mapes thuộc Hàn Lâm Viện Hoa Kỳ, Giáo Sư Robert Hare tại Đại Học đường Pensylvania, sau nhiều năm nghiên cứu, thông công được với nhiều người trong thế giới vô hình, đã có những kết luận rất xác đáng, nên tổ chức các buổi thuyết trình, viết ra nhiều sách để phổ biến, xác nhận sự hiện hữu của linh hồn và của thế giới  vô hình.   

Năm 1852, một Hội Nghị Thần Linh Học (Congrès Spirite) đầu tiên được tổ chức tại Cleveland nước Mỹ.

Năm 1854, số người theo Thần Linh Học ở Hoa Kỳ lên đến con số 3 triệu người, trong đó có hơn 10 ngàn Đồng tử.

III . Thần Linh Học ở Âu Châu :
Từ năm 1852, một Phái đoàn Thần Linh Học từ Mỹ qua nước Anh, và đã gây được một phong trào Thần Linh Học mạnh mẽ ở nước Anh.

Năm 1853, một nhóm Thần Linh Học khác lại đi từ Mỹ qua nước Pháp và Đức, cũng gây được những  phong  trào Thần Linh Học đáng kể  ở 2 nước nầy.

Năm 1854, Ông Chevreul thuộc Hàn Lâm Viện Khoa học Pháp và Ông Faraday ở nước Anh, đả phá kịch liệt Thần Linh Học, nhưng không kết quả.

Bà Giradin, một Đồng tử Thần Linh Học ở nước Pháp đã giúp cho Văn hào Victor Hugo thông công được với linh hồn người chết lúc Victor Hugo đang tị nạn, sống lưu vong ở đảo Jersey của nước Anh.

Đêm 11-9-1853, tại đảo Jersey, Bà Giradin tổ chức xây bàn, có mặt quí Ông : Victor Hugo với 2 cậu con trai là Charles Hugo, Francois Hugo và cô con gái là Madelène Hugo, ngoài ra còn có Đại Tá Le Flot, Ông De Tréveneuse, Ông Auguste Vacquerie. Đêm ấy, vong linh Bà Charles Vacquerie  (tức là con gái của Victor Hugo, nhũ danh là Léopoldine Hugo, cùng với chồng đi tắm biển và cả 2 vợ chồng đều bị chết đuối), giáng bàn nói chuyện với Victor Hugo,  hỏi thăm cha mẹ, và có tiết lộ nhiều điều huyền bí nơi cõi vô hình. Nhờ vậy, Victor Hugo bắt đầu  tin tưởng Thần Linh Học.

Đêm 13-9-1853, Victor Hugo tiếp tục tổ chức xây bàn để thông công với cõi vô hình, có một Vong linh xưng là Bóng Hư Linh giáng bàn bảo Ông Victor Hugo hãy đặt trọn đức tin vào Thượng Đế.
Tiếp tục xây bàn, nhóm Victor Hugo thông công được với các Đấng, kể ra dưới đây :
- Các Đấng Giáo chủ : Socrate, Moise, Jésus, Mahomet, Luther.
- Các Danh nhân : André Chénier, Shakespeare, Molière, Dante, Racine, Lion d’Androclès, . .
- Các vong linh ẩn danh : Bóng Hư Linh, Bóng dưới mồ, Sứ giả Thượng giới, Người trong mộng, . . .

Đêm 11-10-1853, nhận thấy những điều tiết lộ, những điều khuyên bảo, những giáo lý, triết lý, nhận được từ các Đấng Thiêng liêng nơi cõi vô hình qua hiện tượng thông linh xây bàn, rất hữu ích cho nhơn loại, nên văn hào Victor Hugo hỏi Vong linh đang giáng bàn :

- Những lời vàng tiếng ngọc mà chúng tôi hân hạnh đón nhận từ cõi Hư Linh bấy lâu nay, thật đáng xem là những Chơn truyền quí báo hiếm có, chúng tôi có nên in thành sách xuất bản để phổ biến cho mọi người cùng học được hay không, xin cho biết ?

Vong linh ấy đáp :
- Không ! Vì chưa đến ngày giờ.

Victor Hugo hỏi tiếp :
- Đến bao giờ ? Chúng tôi còn sống đến ngày đó không ?

Vong linh đáp :
- Nếu không thấy nơi nầy thì sẽ gặp ở nơi khác. Chừng đến ngày giờ sẽ có lịnh. Hiện tại, có thể phổ biến hạn chế cho những người đã có đức tin.

Những Thánh giáo nhận được từ những cuộc xây bàn của Victor Hugo ở đảo Jersey, sau nầy được ông Gustave  Simon  in  thành sách với nhan đề là “ Les Tables tournantes de Jersey chez Victor Hugo “.

Sách nầy được tái bản nhiều lần, làm chấn động dư luận nước Pháp và thế giới.

Giáo Sư Charles Richets tại Đại Học đường Sorbonne Paris, sau nhiều năm nghiên cứu Thần Linh Học, đã cho xuất bản quyển sách tựa đề là Traité de Métaphysique (Khái luận về Huyền bí học).

Trong lúc đó, ở nước Anh, nhà bác học William Crookes, trước đây không tin Thần Linh, nhưng sau gần 20 năm nghiên cứu và chứng nghiệm việc thông công với thế giới  vô hình, đã viết một cuốn sách dầy trình bày các kết quả nghiên cứu của ông.

Trong một bài thuyết trình tại Đại Hội Thần Linh Học Thế giới họp tại Luân Đôn,  ông kết luận một câu khẳng định : “ Tôi không nói là những điều tôi đã nghe, những việc tôi đã thấy, có lẽ có được, mà tôi dám nói chắc chắn rằng có hiển nhiên như vậy.”

Chính lời nói xác định mạnh mẽ nầy của một nhà bác học nước Anh làm cho nhiều người giựt mình thức tỉnh.

Ở nước Pháp, nhà Thần Linh Học Léon Rivail tức là Allan Kardec, nhờ được học hỏi nhiều nơi các Đấng vô hình, nên đã hệ thống hóa được lý thuyết về Thần Linh Học, để môn Thần Linh Học trở thành một ngành khoa học.

Năm 1853, Ông Allan Kardec lập thành Học thuyết Thần Linh Học với 2 tác phẩm căn bản là : Le livre des Esprits và Le livre des Médiums, với những bằng chứng thực nghiệm về tâm linh.

Nhờ đó, Thần Linh Học được truyền bá rộng rãi khắp thế giới .
Nhiều cuộc Hội nghị Quốc tế về Thần Linh Học đã được mở ra, gây một phong trào Thần Linh Học sâu rộng.

Sau Allan Kardec thì có Camille Flammaron (1842-1925) tiếp nối, nhưng phong trào Thần Linh Học không được rầm rộ như trước.

Tóm lại, Thần Linh Học phát khởi từ nước Mỹ vào năm 1847, sau đó truyền qua Âu Châu, nhứt là ở 2 nước Anh và Pháp, tạo thành một phong trào Thần Linh Học mạnh mẽ và sâu rộng, ảnh hưởng lên toàn thế giới .

Với phong trào Thần Linh Học, Thượng Đế muốn nhắn nhủ với nhơn loại là con người không phải chết là hết, mà  mỗi người đều có một linh hồn và linh hồn nầy làm chủ nhơn của thể xác. Khi thể xác chết đi, linh hồn xuất ra khỏi thể xác,  chuyển qua cõi vô hình và có một đời sống trong thế giới  vô hình.

IV . Thần Linh Học với Đạo Cao Đài :

Trong lúc Phong trào Thần Linh Học khởi lên rầm rộ và sôi nổi ở khắp các nước Âu Mỹ thì nước Việt Nam đang chịu sự xâm chiếm của đế quốc Pháp, và cuối cùng biến VN thành thuộc địa của Pháp.

Báo chí và sách vở của Pháp được đưa sang VN, nhờ đó, phong trào Thần Linh Học (TLH) truyền đến VN.

Đầu thế kỷ 20, trong dân chúng nổi lên các nhóm Xây bàn nói chuyện với các Vong linh hay Cầu Cơ thỉnh Tiên xin thuốc chữa bịnh nan  y. Nhóm Xây bàn ở Sàigòn của quí Ông : Cao quỳnh Cư, Phạm công Tắc, Cao hoài Sang, được Đấng Thượng Đế và các vị Tiên, Phật giáng dạy thường xuyên, dần dần hình thành một Phong trào TLH  VN, gọi là Đạo Cao Đài.

Đạo Cao Đài phát triển rất mạnh và thu hút rất nhiều tín đồ, làm cho nhà cầm quyền Pháp lo ngại ảnh hưởng xấu nền an ninh của thuộc địa Pháp, nên họ ra lịnh đàn áp.

Hai vị Đại diện Đạo Cao Đài tại Paris nước Pháp là : Gabriel Gobron và sau đó là Henry Regnault, vận động các giới tại Pháp binh vực Đạo Cao Đài, nhất là trong các Hội Nghị TLH Quốc tế,  Ông Gabriel Gobron luôn luôn yêu cầu Hội Nghị ủng hộ Đạo Cao Đài    can  thiệp  với  Chánh  phủ

Pháp cho Đạo Cao Đài được tự do tín ngưỡng và thờ cúng.
 Sau đây là vài kết quả thâu được trong các Hội Nghị Thần Linh Học Quốc tế :
1) Hội Nghị Thần Linh Học Quốc tế  Barcelone (1934) :

 Tạp chí Thần Linh Học tháng 10-1934, trang 505 có đăng các nguyện vọng được toàn Hội Nghị chấp thuận :
 Phong trào Thần Linh Học  thứ  8 là Đạo Cao Đài : Do đề nghị của Ông Gabriel Gobron, Tiếp Dẫn Đạo Nhơn tại Pháp của Đạo Cao Đài (hay Thần Linh Học VN), Hội Nghị Thần Linh Học  Quốc tế lần thứ 5 họp tại Barcelone (Tây Ban Nha) từ ngày 1 đến 10-9-1934, yêu cầu Chánh phủ Pháp đặt ra cho tín đồ Cao Đài một qui chế rộng rãi như qui chế áp dụng cho các tín đồ Thiên Chúa giáo hay Phật giáo Việt Nam trong các nước Đông Dương, thể theo lời hứa long trọng của Ông Tổng Trưởng Sarraut của Bộ Thuộc địa, vào tháng 3 năm 1933 tại Quốc Hội Pháp.
2)  . . . . . . . . . . . . . .
3) Hội Nghị Thần Linh Học Quốc tế Glasgow (1937):
Tờ báo Việt Nam Mới ngày 14-11-1937 đăng tin :

Do đề nghị của Ông Gabriel Gobron, Tiếp Dẫn Đạo Nhơn tại Pháp của Đạo Cao Đài hay Thần Linh Học VN, Hội Nghị TLH Quốc tế lần thứ 6 họp tại Glasgow (Anh quốc) từ ngày 3 đến 10-9-1937, đưa ra nguyện vọng : Thần Linh Học VN trong 3 nước Đông Dương nên được hưởng sự tự do tín ngưỡng và thờ cúng như các tín đồ Công giáo và Tin Lành, dầu họ là dân thuộc địa, dân bảo hộ, hay ngoại quốc.

Nguyện vọng đưa ra trong Hội Nghị TLH ở Barcelone mở màn cho một thời kỳ rộng rãi hơn đối với các tín đồ của Đạo Cao Đài hay Thần Linh Học VN.

Đạo Cao Đài
(Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ)

I . Các Định nghĩa :
I .  Các Định nghĩa :
1) . Cao Đài : là một cái đài cao nơi Linh Tiêu Điện, trong Ngọc Hư Cung, ở cõi Thiêng liêng, là nơi ngự của Đức Chí Tôn Ngọc Hoàng Thượng Đế mỗi khi đại hội triều đình của Ngài.

Vào năm 1927, trong một đàn cầu cơ tổ chức tại Cần Thơ (miền Nam Việt Nam), Đức Chí Tôn giáng cho 4 câu thi giải thích 2 chữ CAO ĐÀI :
Linh Tiêu nhất tháp thị Cao Đài,
Đại hội quần Tiên thử ngọc giai.
Vạn trượng hào quang tùng thử xuất,
Cổ danh bửu cảnh Lạ Thiên Thai.

Nghĩa là :
- Nơi Linh Tiệu Điện có một cái tháp gọi là Cao Đài,
- Đại hội các vị Tiên nhóm tại bệ ngọc ấy.
- Muôn trượng hào quang từ nơi đó chiếu ra,
- Tên xưa, cảnh quí báu đó là Lạc Thiên Thai.

Thời Tam Kỳ Phổ Độ, Đức Chí Tôn Ngọc Hoàng Thượng Đế giáng cơ mở đạo, lấy đài ngự của Ngài là CAO ĐÀI  làm danh hiệu.

Do đó, Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế là Đấng Cao Đài, nên cũng gọi là  Cao Đài Thượng Đế, và nền Đại Đạo do Ngài mở ra vào thời Tam Kỳ Phổ Độ được gọi là Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, cũng gọi là Cao Đài Đại Đạo, hay vắn tắt là Đạo Cao Đài.

Danh xưng Cao Đài cũng được Đức Chí Tôn Ngọc Hoàng Thượng Đế giải thích trong 4 câu Thánh ngôn sau đây:
Nhiên Đăng Cổ Phật thị Ngã,
Thích Ca Mâu Ni thị Ngã,
Thái Thượng Nguơn Thỉ thị Ngã,
Kim viết Cao Đài.

Nghĩa là :
- Nhiên Đăng Cổ Phật  là Ta,
- Thích Ca Mâu Ni  là Ta,
- Thái Thượng Nguơn Thỉ  là Ta,
-  Nay gọi là Cao Đài.

 Do đó, từ ngữ Cao Đài còn có ý nghĩa là Đấng đã sản xuất ra các vị Phật, Tiên : Đức Nhiên Đăng Cổ Phật, Đức Thích Ca Mâu Ni Phật, Đức Thái Thượng Lão Quân  và Đức Nguơn Thỉ Thiên Tôn. Cho nên, Đấng Cao Đài chính là Đại Từ Phụ của toàn cả chư Thần Thánh Tiên Phật trong Càn khôn Vũ trụ.

2) . Cao Đài Đại Đạo : là một con đường rộng lớn (Đại Đạo) hướng dẫn chúng sanh tiến hóa, tiến hóa mãi cho đạt đến các phẩm vị Thần, Thánh, Tiên, Phật, và sau đó tiến hóa tiếp tục lên phẩm vị cao nhất cuối cùng là Thượng Đế để hiệp nhất vào Thượng Đế.

Cao Đài Đại Đạo là một nền tôn giáo lớn, có một Giáo lý và một Triết lý rất đầy đủ, bao quát và dung hợp được tất cả các nền Tôn giáo và Triết lý của loài người đã có từ trước tới nay, do một Đấng Tối Cao, Chúa tể Càn khôn Vũ trụ là Đấng Cao Đài lập nên. (Đây không phải là lời nói ngoa có tánh cách phô trương quá đáng, mà là sự thật, khi chúng ta nghiên cứu kỹ lưỡng và sâu xa Giáo lý và Triết lý của Đạo Cao Đài, chúng ta sẽ thấy rõ).

Đức Chí Tôn mở Đạo Cao Đài cho  nhơn sanh tu hành vào thời Hạ nguơn. Do đó, Đức Chí Tôn khai đạo vào ngày Rằm Hạ nguơn (15-10 âl) năm Bính Dần, vì khởi đầu một Nguơn là năm Giáp Tý,  kế đó là năm Ất Sửu, tiếp theo là năm Bính Dần, hợp với Thiên cơ : Thiên khai ư Tý, Địa tịch ư Sửu,  Nhơn sanh ư  Dần.

Đạo Cao Đài sẽ truyền bá phổ độ nhơn sanh trong 700.000 năm (thất ức niên) thì  mới chấm dứt, chuyển qua một Nguơn Hội khác với một nền tôn giáo khác.

Bài thi của Đức Chí Tôn về Tịch đạo Nam phái nói rõ điều đó :
Thanh đạo tam khai thất ức niên,
Thọ như Địa quyển, thạnh hòa Thiên.
Vô hư qui phục nhơn sanh khí,
Tạo vạn cổ đàn chiếu Phật duyên.

Nghĩa là :
- Đạo Cao Đài mở  ra lần thứ  3 kéo dài 700 ngàn năm,
- Lâu dài như Trái đất, thạnh vượng cùng Trời.
- Đem trở lại cõi Hư Vô các chơn linh của nhơn sanh,
- Tạo ra từ muôn xưa đàn cúng để soi sáng những người có duyên với Phật.

Thuở  mới Khai đạo, năm Bính Dần, các vị Tiền bối mở Đạo đã báo cáo với nhà cầm quyền Pháp lúc bấy giờ, Đạo Cao Đài là Thần Linh Học Việt Nam (Spiritisme Viêtnamien)  cũng gọi là Phật Giáo Chấn Hưng (Bouddhisme Renové) có thờ Đức Phật Thích Ca và Đức Quan Âm Bồ Tát, để cho người Pháp tạm hiểu đây là một tôn giáo mới mở ra trong nước Việt Nam đang là thuộc địa của Pháp và yêu cầu cho tôn giáo nầy được tự do truyền bá.

Nhưng thật sự Đạo Cao Đài được mở ra do Đấng Thượng Đế dùng hiện tượng Thần Linh Học để giáng cơ dạy đạo, có mục đích không những chấn hưng Phật giáo, mà còn chấn hưng cả Khổng  giáo, Lão giáo, và cả Ngũ Chi Đại Đạo.
  Home   1 ]  [ 2 ]  [ 3 ]  [ 4 ]  [ 5 ]  [ 6 ] [ 7 ]  8 ]  [ 9 ]  [ 10 ]  [ 11 ]  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét