Trong bộ Kinh Đại Duyên thuộc Trường Bộ Kinh
của Phật giáo có câu : Nầy A-Nan, nếu
Thức không đi vào bụng của người mẹ thì Danh
và Sắc có thể hình thành trong bụng của người mẹ đặng không ?”
Vậy cái đi tái sanh, theo Phật giáo là : Thức hay
Thần Thức. (Đây là quan niệm của Phật giáo Nguyên thủy, thuộc Tiểu Thừa)
Lưu ý : Trong tất cả tôn giáo trên Thế giới, chỉ
duy có Phật giáo là không nhìn nhận Đấng Thượng Đế và phủ nhận sự hiện hữu của
Linh hồn trong mỗi con người.
Theo như phần trích thuật ở trên thì Thức hay Thần
Thức không phải là linh hồn, nhưng các Từ Điển Phật học thì đều định nghĩa Thức
hay Thần Thức là linh hồn.
- Phật Học Từ Điển của Đoàn trung Còn : Thần Thức
(L’âme) : Phần hồn. Con người đại để có 2 phần : Phần xác và phần hồn. Bởi phần
linh hồn linh hoạt mầu nhiệm, không thể bàn luận xét nét cho cùng, cho nên kêu
là Thần thức.
- Từ Điển Phật Học Hán Việt của Giáo Hội PGVN :
Thần thức : Tâm thức của loài hữu tình linh diệu không thể nghĩ bàn, nên gọi là
Thần thức, còn gọi là Linh hồn.
VII.
Kinh điển của Phật giáo :
Tam Tạng Kinh.
Trong 45 năm thuyết pháp cho đến khi Đức Phật Thích
Ca nhập diệt, những lời giáo huấn của Phật không được ghi chép trên giấy, mà
các đệ tử của Phật chỉ nhớ nằm lòng rồi truyền khẩu cho nhau.
Ba tháng sau khi Đức Phật nhập diệt, vào năm thứ 8
triều vua A-Xà-Thế, Tổ Sư thứ nhất là Ma-Ha Ca-Diếp triệu tập 500 A-La-Hán là
những đại đệ tử của Phật, kết tập kinh điển lần đầu tiên tại Rãjãgaha để nhắc
lại những Phật ngôn quí báu, ghi chép
thành kinh điển truyền lại cho đời sau.
Ông A-Nan, vị đệ tử được diễm phúc luôn luôn ở bên
cạnh Đức Phật, nghe được tất cả giáo huấn của Phật, nên Ông A-Nan được đề cử
tường thuật lại những lời giảng dạy; Ông Upãli tường thuật về Giới luật, và cả
2 vị luân phiên trả lời các câu hỏi về phần Vi Diệu pháp, giáo lý cao tột của
Phật. Đó là lần kết tập kinh điển lần đầu tiên, tập trung toàn thể Giáo lý của
Phật và sắp xếp lại cho rành mạch thành 3 Tạng kinh, gọi là Tam Tạng Kinh, gồm
: Kinh Tạng, Luật Tạng và
Luận Tạng.
Vì có những khuynh hướng làm sai lạc giáo pháp của
Đức Phật, nên sau đó có 2 lần kết tập kinh điển nữa là : 100 năm sau và 236 năm
sau lần kết tập thứ nhứt. Rồi vào khoảng năm 83 TTL, dưới triều vua Vatta
Gãmani Abhaya nước Tích Lan, các vị đại tỳ kheo lại kết tập kinh điển lần thứ 4
tại Aluvihara, một ấp nhỏ cách Kandy 30 cây số thuộc đảo Tích Lan. Tại đây, lần
đầu tiên trong lịch sử Phật giáo, Tam Tạng Kinh được ghi chép bằng tiếng Pali
trên lá buông.
1 . Luật Tạng (Vinaya Pitaka) :
Vinaya là Luật, Pitaka là cái giỏ để đựng. Vinaya
Pitaka là cái giỏ đựng luật, dịch là
Luật Tạng. (Tạng là chứa)
Luật Tạng được xem là cái neo vững chắc để bảo tồn
con thuyền Giáo hội trong những cơn phong ba bão táp của lịch sử. Phần lớn Luật
Tạng đề cập đến Giới luật và Nghi lễ trong đời sống xuất gia của các vị Tỳ kheo
và Tỳ kheo ni.
Tạng Luật gồm có 5 quyển :
- Pãrajika Pãli
}
- Pãcittiya Pãli } Vibhanga
- Mahãvagga Pãli
}
- Cullãvagga Pãli
}
- Parivara Pãli }
Khandaka
2 . Kinh Tạng (Sutta Pitaka) :
Tạng Kinh gồm những bài Pháp có tính cách khuyên
dạy mà Đức Phật giảng cho cả hai bực : Xuất gia và hàng Cư sĩ, trong nhiều cơ
hội khác nhau, một vài bài giảng của các vị đại đệ tử như các Ông Xá Lợi Phất, Mục Kiều Liên, A Nan Đà,
cũng được chép vào Tạng Kinh và cũng được tôn trọng như chính lời Phật dạy vì
đã được Đức Phật chấp nhận. Phần lớn các bài pháp nầy nhắm vào lợi ích của chư
vị Tỳ kheo, và đề cập đến đời sống cao thượng của bực xuất gia. Nhiều bài khác
liên quan đến sự tiến bộ vật chất và tinh thần đạo đức của người cư sĩ.
Tạng Kinh gồm 5 bộ :
- Trường A-Hàm, chép lại những bài pháp dài.
- Trung A-Hàm,
- -
- - - dài bực trung.
- Tiểu A-Hàm, -
- - câu kệ vắn tắt.
- Tạp A-Hàm, -
- - câu kinh tương tợ nhau.
3 . Luận Tạng (Abhidhamma Pitaka) :
Tạng Luận thâm diệu và quan trọng nhứt trong toàn
thể giáo pháp, vì đây là phần triết lý cao siêu, nên Tạng Luận còn được gọi là
Vi Diệu Pháp, là tinh hoa của Phật giáo.
Đối với một số học giả, Vi Diệu Pháp không phải do
Đức Phật giảng, mà do các vị sư uyên bác khởi thảo về sau. Tuy nhiên, đúng theo
truyền thống thì Đức Phật đã dạy phần chánh yếu của Tạng nầy. Ông Xá Lợi Phất
được danh dự lãnh trọng trách giải thích sâu chi tiết.
Tạng Luận gồm 7 bộ :
- Dhammasanghani, phân loại giáo pháp.
- Vibhanga, những phân hạng.
- Dhãtukathã, bài pháp về các nguyên tố.
- Puggala Pannatti, quyển sách về những cá tính.
- Kathãvatthu, những điểm tranh luận.
- Yamaka, quyển sách về những cặp đôi.
- Patthãna, đề cập đến nhơn quả tương quan.
Đức Phật chỉ dạy những điều cần thiết để gội rửa
cái tâm cho trở nên trong sạch, không bao giờ bàn các vấn đề không liên quan
đến nhiệm vụ cao thượng của Ngài.
Đức Phật cũng không truyền dạy tất cả những điều mà
Phật biết, chỉ truyền dạy những điều gì cần
ích cho việc tu tập để giải khổ cho chúng sanh mà thôi.
Một ngày kia, trong cụm rừng nọ, Đức Phật bốc một
nắm lá cây trong bàn tay, rồi nói với các Tỳ Kheo, những điều mà Như Lai dạy cho các ngươi có thể sánh với nắm lá cây
nầy, còn những điều mà Như Lai không dạy như tất cả lá cây trong rừng.
Cho nên, chúng ta không nên cố chấp cho rằng :
Những điều nào có ghi chép trong TamTạng Kinh là CÓ, những điều nào không ghi
chép trong Tam Tạng Kinh là KHÔNG có.
VIII . Những Tông phái Phật
giáo :
A . Hai nhánh lớn :
Phật giáo đến ngày nay chia ra rất nhiều Tông phái,
nhưng tựu chung đều ở trong 2 nhánh lớn của Phật giáo là :
- Phật giáo Tiểu Thừa.
- Phật giáo Đại Thừa.
1) Phật giáo Tiểu Thừa :
Chữ Thừa, còn đọc là Thặng, nghĩa là chiếc xe,
chiếc xe chở người đi thoát qua trần khổ, đến được Niết Bàn.
Tiểu Thừa là chiếc xe nhỏ, chỉ chở được 1 người, ý
nghĩa là ai tu thì tự độ lấy mình mà thôi.
Khi Phật Thích Ca tịch diệt, Ngài Ưu-Pa-Li (Upãli)
chuyên về Giới luật, truyền Phật giáo xuống miền Nam Ấn Độ, tạo thành phái Khất
sĩ, tu theo Phật giáo Tiểu thừa.
Phật giáo Tiểu thừa hành đạo giống y như lúc Đức
Phật Thích Ca còn sanh tiền, tránh nơi phồn hoa đô hội, hành khất mà nuôi sống
thân, tham thiền nhập định, thường mặc áo cà sa màu vàng và ôm bình bát.
Phật giáo Tiểu thừa phát triển mạnh ở miền Nam Ấn
Độ, nên được gọi là Phật giáo Nam Tông, truyền xuống đảo Tích Lan sang Miến
Điện, Thái Lan, Miên và Lào.
Phật giáo Tiểu thừa đúc tượng Phật và thờ Phật rất
nghiêm chỉnh.
2) Phật giáo Đại thừa :
Đại thừa hay Đại thặng là chiếc xe lớn, chở được
nhiều người, ý nghĩa là người tu, tự độ mình trước, rồi đi độ người khác, để
cùng được chứng quả Phật, tức là tự giác rồi giác tha.
Giáo lý Đại thừa do Đức Nhứt Tổ Ma-Ha Ca-Diếp
truyền bá. Ngài là bậc Đại trí tuệ, giỏi nghị luận, sáng suốt cao siêu, không
câu chấp Giới luật.
Phật giáo Đại thừa phát triển mạnh ở miền Bắc Ấn
Độ, nên được gọi là Phật giáo Bắc Tông, truyền qua Tây Tạng, Trung Hoa, Triều
Tiên, Nhựt bổn.
Phật giáo Đại thừa thờ Phật, Bồ Tát, La Hán, cầu
phước cho chúng sanh. các vị theo Đại thừa thường mặc áo cà sa màu nâu.
Theo ý kiến chung, Phật giáo Đại thừa hay Tiểu thừa
đều là Chơn truyền của Phật, nhưng :
- Phái Tiểu thừa nhờ bảo thủ mà giữ được nhiều tính
chất nguyên thủy của Phật giáo, nên phái Tiểu thừa còn được gọi là Phật giáo
Nguyên thủy.
- Phái Đại thừa thì phóng khoáng và canh tân, nên
đã hòa hợp được vào các nếp sống của mỗi
dân tộc.
Hiện nay, các Tổ chức Phật giáo Thế giới đang cố
gắng lập thành một nền Phật giáo Tổng hợp, dung hòa Tiểu thừa và Đại thừa.
B. Các Tông phái Phật giáo :
Theo Giáo sư Takakusa Nhật bản, Ông nhận thấy có 11
Tông phái lớn của Phật giáo, thuộc cả hai nhánh lớn Đại thừa và Tiểu thừa, kể
ra :
1 . Câu-Xá Tông : Tiểu thừa, còn gọi A-Tỳ-Đàm tông.
2 . Thành Thật Tông : Tiểu thừa không luận, còn gọi Nhứt Thiết Không Tông.
3 . Pháp Tướng Tông : Quyền Đại thừa, còn gọi Duy Thức Tông, Du-Già Tông.
4 . Tam Luận Tông : Bán Đại thừa.
5 . Hoa Nghiêm Tông : Đại thừa Mãn giáo.
6 . Thiên Thai Tông : Đại thừa Thật Tướng Luận.
7 . Chân Ngôn Tông : Đại thừa, Mật Tông, Mật giáo.
8 . Thiền Tông : Đại thừa, Quán môn.
9 . Tịnh Độ Tông : Đại thừa, tín ngưỡng Đức Phật A-Di-Đà.
10 . Nhật Liên Tông : Đại thừa, Tân Pháp Hoa.
11 . Tân Luật Tông : Đại thừa, Luật Tông.
IX . Các vị Tổ Sư Phật giáo :
Khi Đức Phật Thích Ca thành bậc Chánh đẳng Chánh
giác, Ngài đem giáo lý của Ngài thuyết pháp trong 45 năm, hóa độ người đời, và
tùy theo chứng bịnh của chúng sanh mà lập phương cứu chữa. Đức Phật thuyết pháp
nhiều như thế, nhưng Ngài tự nói rằng : Ta chưa từng nói một chữ.
Suy câu nói ấy thì biết rằng, ngoài lời thuyết pháp
của Ngài, Ngài còn truyền riêng chớ không lập văn tự.
Trong Hội Linh Sơn, Đức Phật cầm một nhánh bông đưa
lên cho đại chúng xem, ai nấy không rõ ý của Phật là chi, nên lẳng lặng làm
thinh, duy có một mình Ma-Ha Ca-Diếp mỉm cười (gọi là Thế Tôn niêm hoa, Ca Diếp
vi tiếu).
Đức Phật thấy vậy
mới nói với Ca-Diếp rằng :
“Ta
có Chánh pháp nhãn tạng, Diệu tâm Niết Bàn. Pháp môn ấy mầu nhiệm vô cùng,
chẳng lập văn tự, giáo ngoại biệt truyền cho ngươi. Vậy ngươi khá gìn giữ, rồi
sau truyền lại cho A-Nan kế hậu.”
Phú Kệ, phú Y Bát, ban sơ từ đây mới khởi truyền về
sau.
Tại nước Thiên Trúc, Ma-Ha Ca-Diếp được Đức Phật
Thích Ca giao Y Bát cho làm Nhứt Tổ, kế đó truyền Y Bát cho A-Nan làm Nhị Tổ. Các Tổ Sư nối tiếp kế
truyền gìn giữ Phật pháp, điều hòa Giáo hội, đến Tổ Sư thứ 28 là Đạt-Ma.
Đức Đạt-Ma
Tổ Sư y theo lời thọ ký, sang nước Trung
Hoa để xiển dương Phật pháp, rồi truyền Y Bát nối tiếp được 5 đời Tổ Sư nữa ở
Trung quốc, tới vị Tổ Sư thứ 33 là Huệ Năng thì chấm dứt việc truyền ngôi Tổ
Sư với Y Bát.
Do đó, Huệ Năng là vị Tổ Sư cuối cùng của Phật
giáo. Ngài Huệ Năng tịch vào năm 713 dương lịch, nhằm năm 1257 theo Phật lịch.
Sau đây là danh sách 33 vị Tổ Sư Phật giáo :
1 . Ma-Ha Ca-Diếp 15.
Ca-Na-Đề-Bà
2 . A-Nan 16 . La-Hầu-La-Đa
3 . Thương-Na-Hòa-Tu 17 . Tăng-Già-Nan-Đề
4 . Ưu-Ba-Cúc-Đa 18 . Già-Gia-Xá-Đa
5 . Đề-Đa-Ca 19
. Cưu-Ma-La-Đa
6 . Di-Dá-Ca 20 . Xà-Dạ-Đa
7 . Bà-Tu-Mật 21 . Bà-Tu-Bàn-Đầu
8 . Phật-Đà-Nan-Đề 22 . Ma-Na-La
9 . Phục-Đà-Mật-Đa 23 . Hặc-Lặc-Na
10 . Hiếp Tôn Giả 24 . Sư-Tử Tôn Giả
11 . Phú-Na-Dạ-Xa 25 . Bà-Xá-Tư-Đa
12 . Mã Minh Đại Sĩ 26 . Bất-Như-Mật-Đa
13 . Ca-Tì-Ma-La 27 . Bát-Nhã-Đa-La
14 . Long Thọ 28 . Bồ-Đề-Đạt-Ma.
Bồ-Đề-Đạt-Ma, vị Tổ Sư đời thứ 28 bên Ấn Độ,
đem Phật giáo truyền vào nước Trung Hoa, nên Ngài trở thành Sơ Tổ của Phật giáo
Trung Hoa, tức là Nhứt Tổ của Phật giáo Trung Hoa. Ngài truyền Y Bát lại cho
Huệ Khả.
29 . Huệ Khả: Nhị
Tổ Phật giáo Trung Hoa.
30 . Tăng Xán: Tam Tổ -
- - -
31 . Đạo Tín: Tứ Tổ -
- -
-
32 . Hoằng Nhẫn: Ngũ Tổ - -
- -
33 . Huệ Năng:
Lục Tổ - -
- -
X .
Phật giáo Ấn Độ :
Trong thời kỳ Đức Phật Thích Ca thuyết pháp cho đến
khi Đức Phật tịch diệt, và thời kỳ tiếp theo, Đạo Phật rất thịnh hành ở Ấn Độ.
Tuy số tín đồ theo Phật giáo chưa đông bằng Đạo Bà-La-Môn, nhưng các từng lớp
vua quan và hàng quí tộc rất sùng mộ Đạo Phật.
Đến đời vua A-Dục (274-222 TTL), nhà vua rất sùng
Đạo Phật, nên dựng thành một nền đạo đức rất cao siêu. Nhà vua chiết cành cây
Bồ-đề và sai hoàng tử Mahindra đem xuống đảo Tích Lan để truyền Đạo nơi đó.
Đến đời vua Kachemir, cháu của vua A-Dục, cũng rất
sùng mộ Đạo Phật, cho các nhà sư tự do truyền Đạo.
Đó là khoảng thời gian đầu, Đạo Phật rất thạnh
hành.
Sau đó vài trăm năm, vua quan Ấn Độ không thích chủ
trương bất phân giai cấp của Đạo Phật nữa, nên bắt đầu bài xích Phật giáo, bạc đãi các nhà sư. Đạo
Bà-La-Môn lấy thế lực trở lại và áp chế Phật giáo. Các nhà sư và tín đồ Phật
giáo bị hành hạkhổ sở. Họ phải bỏ nước ra đi, tìm nơi khác để tu hành và truyền
đạo.
Một số người theo đường bộ đi về phía Bắc, sang Tây
Tạng, Mông Cổ và Trung Hoa.
Một số vị sư theo đường biển đến Tích Lan, qua Miến
Điện, Mã Lai, Nam Dương, Thái Lan và Việt Nam.
Khi vị Tổ Sư thứ 28 là Bồ-Đề Đạt-Ma sang truyền đạo
nước Trung Hoa thì Phật giáo ở Ấn Độ suy tàn lắm rồi.
Năm Phật lịch 1200, tín đồ Phật giáo ở Ấn Độ càng
ngày càng thỏn mỏn, cho đến dấu tích của Phật cũng không được chiếu cố nên bị
tiêu tàn theo thời gian.
Phái Phật giáo Đại Thừa chỉ còn thạnh hành ở Tây
Tạng, nhưng khi Tây Tạng bị Trung Hoa Cộng Sản chiếm cứ thì chùa chiền bị phá
hủy, Đức Đạt-Lai Đạt-Ma phải lưu vong sang Ấn Độ thì Phật giáo lại còn điêu tàn
hơn nữa.
Còn Phật giáo Tiểu Thừa thì thạnh hành ở đảo Tích
Lan, vẫn giữ được nền nếp nguyên thủy
Phật giáo.
XI . Phật giáo Trung Hoa :
Trước khi Bồ-Đề Đạt-Ma sang
Trung Hoa thì Đạo Phật đã xâm nhập vào Trung Hoa từ nhiều năm trước.
- Đời Hán Võ Đế, Thái
Tịch được vua sai làm Sứ Thần qua nước Tây Trúc (Ấn Độ) thỉnh kinh Phật đem về Tàu,
lại cầu được 2 vị cao Tăng tên là
Nghiệp-Ma-Đằng và Chúc-Pháp-Lan sang Trung Hoa. Nhà vua sai lập chùa Bạch Mã ở
Lạc Dương để thờ Phật.
Bắt đầu từ đó, Kinh Phật được dịch ra chữ Hán để
truyền bá trong dân chúng.
- Đời vua Tấn An Đế, sư Pháp Hiển qua Ấn Độ 16 năm
học Phật để khi trở về nước phát huy Đạo Phật.
- Đời vua Lương Võ Đế, Đức Tổ Sư Bồ-Đề Đạt-Ma qua
Trung quốc truyền đạo, nhưng thế lực của Đạo Nho và Đạo Lão còn rất mạnh, nên
Đạo Phật vẫn chưa được truyền bá rộng rãi. Đức Tổ Sư phải ngồi Thiền định quay
mặt vào vách núi trong 9 năm (Cửu niên diện bích). Nhờ Đức Tổ Sư Bồ-Đề Đạt-Ma
mà Phật giáo Thiền Tông lần lần được dân chúng hoan nghinh và Đức Bồ-Đề Đạt-Ma
trở thành Sơ Tổ (Nhứt Tổ) của Phật giáo Trung Hoa.
Thiền Tông càng ngày càng phát triển, truyền kế
thêm được 5 đời Tổ Sư nữa, đến Lục Tổ Huệ Năng thì Thiền Tông cực thịnh, lên
đến đỉnh cao sáng chói, nhưng cũng bắt đầu
từ Lục Tổ Huệ Năng, ngôi Tổ Sư Phật giáo không được truyền kế bằng Y Bát
nữa.
- Đời nhà Đường, nhờ có Thánh Tăng Trần Huyền Trang
qua Ấn Độ thỉnh kinh và học đạo, khi trở về, đem cả tinh hoa của Phật giáo về
nước Tàu, đem về được 700 bộ kinh và Sư Huyền Trang đã cố gắng dịch ra chữ Hán
được 670 bộ, rồi Ngài mới tịch diệt.
Đạo Phật lúc nầy rất được trọng đãi, cùng đứng
ngang hàng với Lão giáo và Nho giáo.
- Qua đời nhà Nguyên, không có vị Thánh Tăng nào ra
đời hướng dẫn Phật pháp, nên Phật giáo suy yếu dần.
- Đến đời nhà Minh, thế kỷ 15, nhờ có các vị Lạt-Ma
Tây Tạng qua Bắc Kinh sắp đặt lại, bỏ bớt các sự mê tín dị đoan, chỉnh đốn Phật
pháp. Nhưng sự chỉnh đốn nầy chưa được bao lâu và cũng chưa hoàn hảo thì làn
sóng Văn minh cơ khí vật chất từ Âu Châu bắt đầu tràn qua Á Châu, làm cho Tam giáo Nho, Lão,
Phật, càng ngày càng tỏ ra lúng túng , nên lu lờ dần.
Đạo Thiên Chúa theo gót chân người Âu Châu xâm nhập
vào các nước phương Đông, truyền giáo trong thế mạnh, thu hút được một số đáng
kể tín đồ, khiến cho Phật giáo và các nền tôn giáo khác suy tàn, tuy không mất
hẳn nhưng cũng không còn cách nào để khôi phục lại.
XII . Phật giáo Việt Nam :
Phật giáo được truyền
vào Việt Nam sau đạo Nho
và đạo Lão. Lúc đó, các nhà sư Ấn Độ theo đường biển đến Việt Nam, vào thời Bắc
thuộc nước Tàu lần thứ 2, nước Việt Nam lúc đó được đặt là một Quận của nước
Tàu, có tên là Giao Chỉ, sau đổi lại là Giao Châu, nhập vào nước Đông Ngô của
Ngô Tôn Quyền thời Tam Quốc.
Lúc đó Đạo Phật chưa đến nước Tàu. Lịch sử còn ghi
lại một người Tàu tên là Mâu Bác, đi xuống Giao Châu mà học Phật. Nhưng Đạo
Phật ở nước Việt Nam lúc đó còn đơn sơ lắm.
- Thời nhà Tiền Lý, vua Lý Nam Đế, có một người Ấn
Độ tên là Vinitaruci, phiên âm là Tỳ-Ni-Đa-Lưu-Chi, học trò của Tam Tổ Tăng
Xán, đem Phật giáo Thiền Tông Trung Hoa truyền vào Việt Nam, lập chùa Pháp Vân
ở làng Phù Đổng, năm đó là năm 580 Tây lịch.
Ngài Tỳ-Ni-Đa-Lưu-Chi được xem là Tổ Sư của Phật
giáo Việt Nam. Ngài tịch, truyền tâm ấn lại cho Pháp Hiền.
- Thời kỳ Bắc thuộc lần thứ 3, nhằm đời nhà Đường
bên Tàu, Phật giáo Trung Hoa lúc đó thạnh lắm, truyền qua nước ta. Sư Vô Ngôn
Thông ở Quảng Châu sang Bắc Việt lập chùa Kiển Sơ.
- Vua Đinh Tiên Hoàng là người rất mộ đạo Phật, nên
dùng Hòa Thượng Khuôn Việt làm Thái Sư trong triều đình.
- Đến đời nhà Lý, vua Lý Công Uẩn cũng rất sùng đạo
Phật, trọng đãi các sư, lấy tiền kho ra cất chùa, đúc chuông.
Tháng 6 năm Mậu Ngọ (1018), vua sai quan Nguyễn Đạo Thành và Phạm Hạc sang Tàu thỉnh
Tam Tạng Kinh đem về nước, để ở kho Đại Hưng. Đạo Phật lúc nầy thịnh lắm, nhưng
vẫn chưa ảnh hưởng bằng Đạo Nho.
- Đến đời nhà Trần, vua Trần Thái Tông (1225-1258),
vua mở khoa thi Tam Giáo vào năm 1247 để tuyển chọn người tài đức. Xem thế,
Phật giáo bấy giờ cũng được xem trọng như đạo Nho và đạo Lão.
Những người thâm thúy đạo Phật thời nhà Trần là :
Từ Đạo Hạnh, Khổng Lộ, Mẫn Giác, Lư Ân. Những vị nầy cũng là những bậc danh
Nho. Chùa chiền được xây dựng khắp nơi, dân chúng tô tượng đúc chuông, sùng bái
Phật pháp.
Đặc biệt, vua Trần Nhân Tông sớm nhường ngôi, để
vào chùa tu hành, tự lấy máu mình viết ra 20 pho kinh, lập ra một phái tu thiền
Phật giáo gọi là Trúc Lâm.
Vua Trần Anh Tông cũng nhường ngôi sớm mà tầm Đạo.
Vua cũng chích máu viết kinh, cả đến Hoàng Hậu cùng các Cung phi cũng chán cảnh
đời mà lo tu niệm. Vua Trần Minh Tông xuất tiền kho đúc 3 tượng Phật rất lớn,
lập nhiều cảnh chùa rất hùng vĩ.
- Thời nhà Lê, Phật giáo không còn được xem trọng
nữa. Các nhà Nho công kích Phật giáo dữ dội. Triều đình chỉ trọng đạo Nho, nên
Phật giáo chỉ tồn tại trong dân chúng.
- Thời kỳ Trịnh Nguyễn phân tranh, Phật giáo miền
Bắc suy tàn, nhưng ở miền Nam, Chúa Nguyễn rất sùng bái đạo Phật, cho cất chùa
Thiên Mụ ở Huế vào năm 1601.
- Thời kỳ Tây Sơn, cuối thế kỷ 18, Phật giáo ở miền
Trung trải qua một phen sóng gió, các tu sĩ Phật giáo bị bắt đi lính, chùa
chiền bị phá hủy, tín đồ Phật giáo rất bất mãn.
- Thời nhà Nguyễn, Phật giáo cũng vẫn trong tình
trạng suy tàn, không được các vua lưu ý. Các nhà sư rút vào trong các ngôi chùa
tu thiền định.
Lúc bây giờ, Đạo Thiên Chúa mượn thế lực của người
Pháp phát triển mạnh, bắt đầu lấn áp
Phật giáo và Nho giáo, suốt trong thời kỳ
Pháp đô hộ Việt Nam.
Đầu thế kỷ 20, các tu sĩ Phật giáo phát động Phong
trào Chấn hưng Phật giáo, bắt đầu
từ Huế, lập ra các cơ quan truyền
bá Phật giáo, phát hành nhiều kinh kệ.
Cả 3 miền Nam, Trung, Bắc đều có lập ra Hội Phật
Học với mục đích :
- Chỉnh đốn Thiền môn.
- Vãn hồi Qui giới.
- Giáo dục học tăng.
- Phổ thông
Giáo lý Phật bằng quốc ngữ.
Ngày 6-5-1951, một Hội nghị Phật giáo toàn quốc ở
Huế gồm 50 đại diện,
quyết nghị thống nhứt các Hội để
lập thành Giáo Hội Phật giáo Thống nhứt Việt Nam, và xin gia nhập Hội Phật giáo
Thế giới.
XIII
. Lá cờ Phật giáo Thế giới.
“ Nghĩ rằng Phật giáo là một cơ quan tinh thần vĩ
đại, có một đoàn thể lớn lao đang sanh sống và hoạt động trong ánh sáng vô biên
của Phật pháp, thì cần phải có một dấu hiệu hay màu sắc gì để tượng trưng đoàn
thể đó, ngõ hầu duy trì và củng cố cái lý tưởng chung. Cũng như Thiên Chúa Giáo lấy Thập Tự Giá làm biểu
trưng cho đức tin; mỗi quốc gia đều có quốc kỳ tượng trưng quốc hồn, thì Phật
giáo cũng cần phải có Phật kỳ để biểu dương tinh thần thống nhất của Phật giáo.
Suy nghĩ mãi, Đại Tá H.S.Olcott (1) mới hình dung ra một lá cờ với những màu sắc
nào mà Phật tử có thể nhận ra dễ dàng nhất, và
mỗi khi thấy lá cờ đó là liên tưởng đến Đức Phật từ bi vô lượng.
Suy nghĩ tới đây, Đại Tá Olcott liền thấy cái viễn
ảnh huy hoàng của hào quang Đức Phật hiện ra trước mắt Đại Tá.
Đích rồi ! Đại Tá mừng lên, rồi lại lo nghĩ … Vẫn
biết hào quang của Đức Phật có 6 màu, lập lại 5 màu đầu : Xanh, vàng, cam, trắng, đỏ, thì rất dễ.
Nhưng làm sao tìm ra ở trần gian nầy cái màu thứ 6, vì nó là sự phối hợp của 5 màu trước?
Nghĩ đến đây, Đại Tá đến hội ý với Ban Quản Trị Hội
Phật giáo Tích Lan và đề nghị lấy 5 màu trước xếp ngang lại, may dính liền với
nhau để biểu tượng cho màu thứ 6 của Hào quang Đức Phật, vì không còn cách nào
khác nữa.
(1) Đại Tá
Henri Steel Olcott, sanh năm 1832 tại Tiểu bang New Jersey (Mỹ), tốt nghiệp Đại
học Colombia, nhập ngũ quân đội, thăng đến chức Đại Tá. Năm 1874, Đại Tá gặp Bà
H.P. Blavatsky (người Nga) tại Nữu Ước, cùng hoạt động binh vực Thần Linh học.
Năm 1875, hai vị đồng sáng lập Hội Thông Thiên Học, đặt trụ sở tại Nữu Ước. Năm
1878, trụ sở của Hội được dời qua thành phố Madras ở bờ biển phía Đông Ấn Độ.
(Xem thêm : Thông Thiên Học).
Hội Phật giáo Tích Lan thấy có lý, liền chuyển đạt
sáng kiến cuả Đại Tá Olcott lên Thượng Tọa Tăng Thống Hikkduwe Sumangala Thera
hồi tháng 2 năm 1886, và sau khi Ngài chấp thuận và tuyên bố rằng, lá cờ nầy
đúng với tinh thần Phật pháp, thì Phật kỳ được treo lên lần đầu tiên vào ngày
Lễ Phật Đản năm 1886, và kể từ đó, dần dần lá cờ Phật giáo được thượng lên khắp
xứ Phật, không phân biệt Nam Tông hay Bắc Tông.
Lá cờ nầy là khởi điểm tươi sáng của tinh thần Phật giáo thống nhứt trên khắp thế giới.
Tới đây, xin nhường lời cho Thượng Tọa Tố Liên, tác
giả quyển “Ý Nghĩa Cờ Phật Giáo“ do Hội Phật giáo Bắc Việt xuấn bản (Đoạn nầy
được trích đăng trong Tạp chí Đuốc Tuệ số 3)
“ Phần nhiều người trong giới Phật Học và Thông
Thiên Học ở hoàn cầu đều biết tên tuổi của Đại Tá Henri Steel Olcott. Đại Tá là
một tín đồ Phật giáo rất nhiệt thành, thông hiểu đạo Phật và rất hoạt động
trong công cuộc hoằng dương Phật pháp. Nhờ sự chỉ giáo và tán thành của Thượng
Tọa Hikduwe Sumangala Thera, Giám đốc Đại Học Đường Phật giáo Vidyodaya Parivena ở Colombo, Đại Tá đã đề
nghị lá cờ 6 màu là cờ của Phật giáo.
Cờ Phật giáo 6 màu đã được công nhận từ năm 1885 và
trong ngày Phật Đản năm đó, khắp nước Tích Lan đã cử hành Lễ Thượng kỳ Phật
giáo. Nhưng đây chỉ nói lá cờ Phật giáo cách đây 66 năm ở Tích Lan. Tại sao
hiện nay, lá cờ Phật giáo 6 màu lại bay phất phới khắp thế giới ? Ngày
25-5-1950, 26 phái đoàn của 26 nước, gồm 129 đại biểu họp Đại Hội Phật giáo tại
Colombo, thủ đô Tích Lan, đã quyết nghị lấy lá cờ 6 màu làm cờ Phật giáo Thế giới.
Cờ Phật giáo là biểu hiệu tinh thần thống nhứt Phật
giáo của toàn thế giới. Cờ Phật giáo tượng trưng lòng Chánh tín và sự yêu
chuộng hòa bình của Phật tử toàn Thế giới.
Các hàng Phật tử, không phân biệt màu da, chủng
tộc, chính kiến khác nhau, đoàn kết chặt chẽ trong tinh thần thống nhứt ý chí,
thống nhứt hành động, dưới ánh hào quang sáng ngời của chư Phật.
Phật tử Thế giới kiên quyết hoằng dương đạo Từ bi
Hỷ xả của Đức Phật, là một nền giáo lý có năng lực giải thoát toàn thể thế giới
để gây hạnh phúc hòa bình an lạc cho nhơn loại và hết thảy chúng sanh. Hiện
nay, hơn 50 nước trên thế giới đã hoan hỷ treo cờ Phật giáo trong những ngày Lễ
Phật.
Ngày 24-2-1951, chúng tôi (Tố Liên), đại diện Ban
Chấp Hành Hội Phật giáo Thế giới tại Việt Nam đã sang Tích Lan lần thứ 2 để dự
Hội Nghị Hành Chánh Phật giáo Thế giới tại Colombo. Khi trở về VN, chúng tôi đã
mang theo một bảo vật : Cờ Phật giáo Thế giới.
Cờ Phật giáo Thế giới đã tung bay phất phới khắp
non sông gấm vóc VN, một dân tộc đã vinh hạnh có 4000 năm lịch sử oai hùng và
tin theo Phật giáo từ 2000 năm trước.
Về lá cờ Phật giáo, tờ Tạp chí Young East của Nhựt
bổn viết như vầy :
“Cây cờ thiêng của Đại Tá hiện nay tượng trưng sự
thống nhứt của Phật tử. Lá cờ ấy được Hội Liên Hữu Phật tử Thế giới nhóm lần
đầu tiên tại Tích Lan, năm 1950 nhận là lá cờ của Phật giáo quốc tế. Về sau, sự
công nhận nầy được Hội Liên Hữu xác định
ở Hội Nghị năm 1952 tại Nhựt bổn.
Từ ấy, việc xử dụng cờ nầy càng ngày càng lan rộng
trên Thế giới, và hiện nay, gần 60 nước dùng treo trong những ngày lễ, nhứt là
ngày Lễ Phật Đản.”
Trước khi chấm dứt, chúng tôi xin nhắc lại, khi nãy
chúng tôi đã nói :
“Dù không có Đại Tá Olcott và Hội Thông Thiên Học
để làm phát triển và phục hưng Phong trào Phật giáo Thế giới, thì theo Luật
Thiên nhiên của sự tuần hoàn, cũng ắt phải có một vị siêu nhân khác để hoàn
thành sứ mạng ấy, vì bánh xe Phật pháp nhứt định phải chuyển luân, không thể ở
lâu một chỗ được.”
Tuy nhiên, dù sao đi nữa, trong giới Phật giáo,
không một ai nỡ phủ nhận cái thiện chí và công đức của những vị có duyên lành
đã ra tay thúc đẩy một phong trào vĩ đại và làm động lực cho bánh xe Chánh pháp
tiếp tục luân chuyển khắp hoàn cầu với tinh thần thống nhứt Phật giáo trên thế
giới.
Chúng tôi xin cầu nguyện cho Đại Tá Olcott tiêu
diêu trên cõi Bồ-Đề. “ (Trích bài của Ông Nguơn Hạ, Nguyên Tổng Thơ Ký Hội
Thông Thiên Học Việt Nam)
XIV . Tiểu
sử Đức Phật Thích Ca :
Đức Thích Ca Mâu Ni Văn Phật, gọi tắt là Đức Phật
Thích Ca, thế danh là Sĩ-Đạt-Ta, có nghĩa là người được toại nguyện, họ Cồ Đàm
(Gotama), sau đổi là Thích Ca (Sakya).
Ngài được sanh ra vào ngày mùng 8 tháng 4 âm lịch,
năm 623 trước Chúa Giáng sinh, tại vườn Lâm-Tỳ-Ni ở thủ đô Ca-Tỳ-La-Vệ của một
nước nhỏ thuộc miền Bắc Ấn Độ, gần biên giới xứ Népal. (Về sau, Đại Hội Phật
giáo Thế giới đổi ngày giáng sanh của Đức Phật là ngày trăng tròn 15-4 âm lịch,
và làm Đại Lễ Phật Đản vào ngày 15-4 nầy.)
Ngài là Hoàng tử
con của Vua Tịnh Phạn và Hoàng Hậu Ma-Da. Sau khi sanh Hoàng tử được 7
ngày, Bà Ma-Da từ trần, trở về Cung Tiên. Em ruột của Bà là Maha Pajapati, cũng
kết duyên với vua Tịnh Phạn, thay thế chị ruột nuôi dưỡng Hoàng tử Sĩ-Đạt-Ta khôn lớn.
Hoàng tử
Sĩ-Đạt-Ta lớn lên, hưởng được sự giáo dục hoàn hảo của bực vua chúa, để
sau nầy lên nối ngôi vua cha trị vì đất nước. Thái tử lại là người thông minh
xuất chúng, nên Ngài trở thành một người văn võ toàn tài.
Khi lên 16 tuổi, theo phong tục thời bấy giờ, Thái
tử kết duyên cùng Công chúa Da-Du-Đà-La (Yasodhara), một người em cô cậu cùng
tuổi với Ngài.
Trong suốt 13 năm chung sống sau hôn lễ, Thái tử
hoàn toàn sống cuộc đời vương giả, không hay biết chi các nỗi thống khổ của dân
chúng ở bên ngoài cửa cung điện.
Một ngày đẹp trời, Thái tử cùng quan hầu cận đi du
ngoạn bên ngoài Hoàng cung để ngắm xem sự thế bên ngoài và có thể tiếp xúc với
dân chúng.
- Ngài chứng kiến được những nỗi vất vả khổ cực của
kiếp sống con người phải lo làm lụng tìm phương sanh sống. Chúng sanh cũng vì
sự sống mà tranh giành giết hại lẫn nhau.
- Một ngày khác, Thái tử còn chứng kiến được các
cảnh khổ như : Già yếu, ốm đau, chết chóc biệt ly.
Vậy thì đời sống của con người có chi là sung sướng
?
Ngài nghĩ rằng chỉ riêng phần Ngài là một Thái tử,
sắp sửa lên ngôi vua trị vì Thiên hạ thì nghèo đói, Ngài không cần lo, nhưng
già yếu, ốm đau, chết thì không ai tránh khỏi. Ngài âm thầm lập chí tìm phương
giải khổ cho nhơn sanh.
Tình cờ, Ngài gặp một tu sĩ ngoài cửa Hoàng thành,
với dáng điệu rất ung dung, mặt mày thơ thới vô tư. Ngài đến gần vị tu sĩ ấy để
hỏi chuyện, được biết vị tu sĩ ấy xuất gia đi tu học đạo, quyết trừ hết ác căn,
lấy lòng từ bi kềm chế dục vọng, hộ niệm chúng sanh không nhiễm theo thế tục,
để trước là giải thoát cho chính mình, sau là giải thoát cho chúng sanh.
Nghe vậy, Thái tử Sĩ-Đạt-Ta rất hoan hỷ và nhứt
quyết sẽ làm như vị tu sĩ ấy.
Vua Tịnh Phạn thấy Thái tử có ý muốn đi tu thì nhà
vua không bằng lòng, tìm đủ mọi cách để ngăn cản Thái tử.
Giữa lúc ấy thì Công chúa Gia-Du-Đà-La, vợ của Thái
tử vừa sanh được một hoàng nam. Thái tử không cảm thấy vui mừng trước việc nầy,
mà lại than rằng : “Lại thêm một sợi dây trói buộc.”
Do đó, vua Tịnh Phạn đặt tên cho cháu nội là :
Rahula (Ra-Hầu-La) [Rahula, tiếng Phạn có nghĩa là Trở ngại].
Ngày mùng 7 tháng 2, năm Thái tử được 29 tuổi,
trong lúc vợ con và quan binh trong Hoàng thành ngủ mê sau một buổi đại tiệc ca
xướng tưng bừng, Thái tử gọi quan hầu cận Xa-Nặc thắng ngựa Kiền trắc
(Kanthaka) để Thái tử trốn khỏi Hoàng cung, đi vào núi rừng thanh vắng, tìm
thầy học đạo tu hành. Nhờ ngựa Kiền trắc chạy rất mau, nên đêm đó, nó đưa Thái
tử vượt Hoàng cung, đến một nơi cách kinh đô rất xa. Thái tử tự mình cắt tóc,
gỡ gươm trao cho Xa-Nặc, bảo đem về trình với phụ vương, rồi đưa ngựa Kiền trắc
cho Xa-Nặc cỡi trở về triều.
Thái tử cổi áo Thái tử đổi lấy áo thâm của một
người thợ săn, rồi đi nhanh vào núi.
Vua Tịnh Phạn sai các quan Đại Thần đi tìm Thái tử,
khuyên nhủ Thái tử trở về triều, nhưng không thể lay chuyển được ý chí kiên
quyết của Thái tử.
Thái tử tìm đến một Đạo sĩ lỗi lạc, tên là Alarama
Kalama để xin thọ giáo. Ngài học hết giáo pháp của Alarama, nhưng cảm thấy chưa
toại nguyện. Ngài xin từ giã và tìm đến một Đạo sĩ trứ danh khác là Uddaka
Ramaputta để xin học Đạo. Ngài cũng học hết giáo pháp của Uddaka, nhưng vẫn
chưa thấy được mục tiêu cứu cánh.
Ngài nhận thấy rằng không ai có thể dẫn dắt Ngài
đến thành tựu vì những vị mà Ngài đã học vẫn còn nhiều vướng mắc, chưa thoát
khỏi vô minh.
Từ đó Thái tử không tìm thầy học đạo nữa, mà tự
mình đến chỗ thanh vắng để tự suy nghĩ tìm tòi chơn lý.
Ngài gặp được nhóm 5 tu sĩ mà Ông Kiều Trần Như
đứng đầu theo ủng hộ Ngài để Ngài thực hành một lối tu vô cùng khổ hạnh. Sau 6
năm tu khổ hạnh như thế, thân mình của Ngài chỉ còn da bọc xương, hơi thở yếu
ớt, gần như cái chết sắp đến với Ngài, mà Ngài vẫn chưa đạt được cứu cánh.
Bỗng nhiên có một Ông tiều đến gần chỗ Ngài đang
thiền định, mang theo một cây đàn, lên dây đàn, đàn một khúc rất hay, đến lúc
hay nhất thì dây đàn bỗng đứt, tiếng đàn im bặt. Ông tiều nối lại dây đàn, lên
dây cho đúng, rồi lại đàn, đàn đến khúc hay nhất thì dây đàn lại đứt. Đứt rồi
lại nối, nối rồi lên dây trở lại và đàn. Làm 3 hiệp như vậy.
Thái tử đang trì định phải bực bội tỉnh hồn than
rằng :
- Ông đàn thì hay mà lên dây chi cho cao quá, đến
khúc hay thì dây đứt, cái hay ấy phải
hết mùi, rất đáng tiếc.
Ông tiều liền đáp rằng :
- Cái đàn của tôi cũng như cái tu của Ngài. Dây đàn
tôi lên cao quá, nên đến chỗ hay thì đứt, thì cái hay của tiếng đàn chẳng hữu
ích chút nào; còn cái tu của Ngài, nếu cái cao siêu huyền bí đạt được cơ bất
diệt đi nữa thì nó cũng phải chết theo Ngài, còn chi hữu ích cho đời. Tôi cũng
lấy làm tiếc vậy.
Lão tiều nói xong, liền xách đàn đi mất. (Trong
Kinh cho rằng Ông tiều ấy là một vị Phật hóa thân đến cảnh tỉnh Thái tử).
Thái tử suy nghĩ mãi lời nói của Ông tiều, liền
tỉnh giác, biết mình lầm theo lối tu khổ hạnh, làm suy giảm trí thức và mệt mỏi
tinh thần.
Ngài liền dứt khoát từ bỏ lối tu khổ hạnh, cũng như
6 năm trước đây, Ngài đã dứt khoát từ bỏ đời sống lợi dưỡng.
Ngài lại nhớ đến ngày lễ Hạ điền của vua cha trước
kia, trong lúc mọi người đang lo làm lễ thì Ngài đến dưới bóng mát của cây
trâm, ngồi thiền định và đắc được Sơ Thiền. Ngài nhớ lại và thấy rõ rằng, đó
chính mới là con đường dẫn đến giác ngộ.
Đó là con đường tu, không sống theo lợi dưỡng, mà cũng không quá khắc khổ, gọi
là Trung đạo.
Ngài nhứt định từ bỏ lối tu khổ hạnh. Ngài mệt nhọc
lần bước đến bờ sông Ni-Liên-Thiền, xuống tắm rửa sạch sẽ, rồi đi lên, và kiệt
sức ngã vào một cội cây bất tỉnh.
May mắn lúc đó có một thiện nữ bưng một bát sữa bột
tìm đến cúng dường, thấy một Ông đạo
đang nằm thoi thóp tại gốc cây, nàng liền đỡ dậy, rồi dâng bát sữa. Thái tử thọ
lãnh, uống hết, rồi Ngài định tỉnh trở lại, thấy sức khỏe dần dần được phục
hồi, tinh thần bắt đầu sảng khoái.
Ngài cảm ơn nàng thiện nữ (nàng tên là Suyata), rồi
Ngài tìm đến một gốc cây Bồ đề to lớn,
cành lá sum suê, trãi cỏ làm nệm, ngồi tham thiền, phát đại thệ rằng : “ Nếu
không thành đạo thì nhứt định không rời khỏi chỗ ngồi nầy”.
Trải qua 49 ngày đêm thiền định, Ngài liền ngộ đạo,
biết được nguyên nhân sanh tử của con người, tìm được con đường giải thoát
chúng sanh thoát vòng luân hổi khổ não. Ngài đắc quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh
giác. Lúc đó, Thái tử được 35 tuổi, lấy
Phật hiệu là : Thích Ca Mâu Ni.
Đức Phật Thích Ca Mâu Ni chưa quyết định truyền bá
giáo pháp của Ngài, vì Ngài nghĩ rằng : Như Lai đã khó khăn lắm mới chứng ngộ được giáo pháp ấy. Người đời
còn mang nặng tham ái sân hận, không thể hiểu được, vì giáo pháp ấy đi ngược
dòng tham ái, rất thâm diệu, khó mà nhận thức được.
Đấng Thượng Đế lo ngại Đức Phật Thích Ca không
chịu đem
giáo pháp của Ngài truyền dạy để cứu độ nhơn sanh, nên truyền lịnh cho
vị Phạm Thiên Vương đến yêu cầu Đức
Phật mở lòng từ bi truyền bá giáo pháp.
Đức Phật Thích Ca nhận lời và tuyên bố : “ Cửa vô sanh bất diệt đã mở cho chúng sanh.
Hãy để ai có tai muốn nghe đặt trọn niềm tin tưởng.”
Trong lúc đó thì nhóm Ông Kiều Trần Như 5 người,
thấy Thái tử bỏ lối tu khổ hạnh ép xác,
ăn uống trở lại, cho là Thái tử trở về lối sống lợi dưỡng, thì 5 vị ấy thất
vọng, từ bỏ Thái tử, không ủng hộ Ngài nữa, và họ đi đến vườn Lộc giả.
Đức Phật Thích Ca thầm nghĩ, cũng tội nghiệp cho 5
Ông nầy, vì đã theo ủng hộ Phật trong một thời gian dài, gần 6 năm. Nay Ngài đã
đắc đạo Vô thượng Bồ đề, Ngài cũng nên đến độ 5 Ông nầy trước tiên.
Đức Phật vận thần thông để tìm xem nhóm 5 Ông nầy
đang ở đâu, thì biết 5 Ông đang ở vườn Lộc giả xứ Bénarès.
Đức Phật liền đi đến đó. Nhóm 5 Ông định không đảnh
lễ Ngài vì cho rằng Ngài đã qui phàm, nhưng khi Đức Phật đến gần, với vẻ oai
nghi đầy từ bi, khiến 5 Đạo sĩ đổi thái độ, ra đảnh lễ Đức Phật.
Đức Phật Thích Ca thuyết cho 5 Ông nghe Giáo pháp
Tứ Diệu Đế. Đây là bài pháp đầu tiên mà Đức Phật thuyết cho 5 vị được nghe, cả
5 vị liền giác ngộ, đắc quả A-La-Hán, trở thành 5 Tỳ kheo, đệ tử đầu tiên của
Đức Phật.
Đây là lần đầu tiên, Đức Phật chuyển diệu pháp
luân, nói pháp Tứ Diệu Đế, giáo pháp căn bản của Phật giáo.
Bắt đầu từ đây có đủ Tam Bảo Phật giáo : Đức Phật
Thích Ca là Phật Bảo, Giáo pháp Tứ diệu
Đế là Pháp Bảo, 5 vị Tỳ Kheo đệ tử đầu tiên của Phật là Tăng Bảo. Ấy là ngôi
Tam Bảo đầu tiên của thế gian.
Đức Phật Thích Ca cùng 5 vị Tỳ Kheo đi khắp nơi
thuyết pháp, độ được hằng vạn đệ tử xuất gia, đủ các hạng người trong tất cả
giai cấp ở Ấn Độ, không phân biệt giàu nghèo, sang hèn, quan dân, hay vua chúa.
Những sự
kiện quan trọng trong công cuộc hoằng hóa của Đức Phật là :
- Độ được 3 anh em Ca-Diếp-Ba đang tu theo đạo thờ
Thần lửa. Ba Ông nầy có 1000 đệ tử, cùng qui y theo Phật.
- Độ được 2 Ông Xá-Lợi-Phất và Mục-Kiều-Liên,
nguyên là 2 học giả của phái Lục sư
ngoại đạo.
- Độ được Quốc vương Tần-Bà-Sa-La nước Ma-Kiệt-Đà.
Quốc vương kính tin Phật pháp, khuyến khích dân chúng qui y Phật pháp. Vua cho
xây dựng Tịnh Xá rộng rãi trong nội thành để thỉnh Phật và chư tăng thuyết pháp
thường xuyên.
- Độ được vị Phú Trưởng giả Cấp-Cô-Độc. Ông nầy
kiến lập một tòa Tịnh Xá cao rộng tôn nghiêm, gọi là Kỳ-Thọ Cấp-Cô-Độc Viên, để
Đức Phật và chư Tăng giảng đạo.
- Độ được Phụ vương của Phật là vua Tịnh Phạn và
quyến thuộc của Đức Phật.
Đức Phật
Thích Ca chọn ra được 10 vị đại đệ tử xuất sắc nhất của Phật giáo, kể tên ra
sau đây:
1 . Xá Lợi Phất 2 . Mục Kiều Liên
3 . Đại Ca Diếp 4 . A Nan
5 . A Na Luật 6 . Phú Lâu Na
7 . Tu Bồ Đề 8 . Ưu Ba Ly
9 . Ca Chiên Chiên 10 . La Hầu La.
Đức
Phật lập Giáo Hội Tỳ Kheo Ni :
Sau khi vua Tịnh Phạn qua đời, Hoàng Hậu Maha
Pajapati (là mẹ nuôi, mà cũng là dì ruột của Đức Phật) cầu xin Đức Phật cho
hàng phụ nữ được xuất gia tu hành.
Đức Phật liền từ chối ngay mà không cho biết lý do.
Bà Maha Pajapati đã 3 lần khẩn cầu như thế, nhưng
Đức Phật đều từ chối.
Ông Ananda, cũng 3 lần dùng hết cách để cầu xin Đức
Phật cho phụ nữ xuất gia, nhứt là đối với Bà mẹ nuôi của Đức Phật, nhưng Đức
Phật vẫn cương quyết từ chối. Đến lần thứ 4, Đức Phật mới chấp thuận.
Lý do từ chối của Đức Phật là :
“ Trong Luật Tạng có ghi mấy lời của Đức Phật như
vầy : Nền Chánh pháp của Ta, đáng lẽ trụ thế 1000 năm hoặc lâu hơn nữa, nhưng
trót vì Ta đã cho hàng phụ nữ xuất gia, nên
nền Chánh pháp bị giảm bớt, chỉ trụ thế 500 năm mà
thôi.” (Trích trong Phật Học Từ Điển của
Đoàn Trung Còn, trang 376, quyển 1 : Chánh Pháp).
Theo đó thì chúng ta thấy rằng, nếu chấp thuận cho
hàng phụ nữ xuất gia học Phật tu hành, lập Giáo Hội Tỳ Kheo Ni thì Chánh pháp
của Phật sớm bị sửa cải, chỉ kéo dài được 500 năm mà thôi, thay vì được 1000
năm nếu không thâu nhận phụ nữ xuất gia.
Nhưng trước sự quyết tâm chân thành của Bà mẹ nuôi,
với lòng từ bi bác ái của Phật, Đức Phật không nỡ bỏ Nữ phái mà không lập Giáo
Hội Tỳ Kheo Ni, mặc dầu biết rằng việc
nầy làm cho thời kỳ Chánh pháp của Phật giảm đi một nửa, chỉ kéo dài 500 năm.
“ Khi Đức Phật cho thành lập Giáo Hội Tỳ Kheo Ni,
Ngài đã tiên đoán những hậu quả và lưu ý :
Nầy Ananda,
nếu Nữ giới không được chấp thuận thoát ly thế tục để khép mình vào nếp sống
không nhà cửa trong khuôn khổ của Giáo pháp và Giới luật mà Như Lai đã công bố
thì đời sống xuất gia và Giáo pháp cao siêu sẽ tồn tại lâu dài. Nhưng Nữ giới
đã được phép sống đời không nhà cửa thì đời sống xuất gia và Giáo pháp cao siêu
chỉ tồn tại phân nửa thời gian. “ (Trích Đức Phật và Phật Pháp, của Đại Đức
Narada, trang 152).
Sau khi Đức
Phật lập Giáo Hội Tỳ Kheo Ni, Bà Maha Pajapati tu đắc quả A-La-Hán, được liệt
vào hàng cao hạ có nhiều kinh nghiệm nhứt, không thua bên Nam phái.
Công Chúa Da-Du-Đà-La (vợ của Thái tử Sĩ-Đạt-Ta) cũng xuất gia tu hành, đắc quả
A-La-Hán. Trong hàng Tỳ Kheo, Bà Da-Du-Đà-La đứng đầu những vị đắc Đại Thần
Thông, và Bà nhập diệt lúc 78 tuổi.
Đức Phật đi khắp nơi trong miền Bắc Ấn Độ thuyết
pháp được 45 năm mới nhập Niết Bàn, hưởng thọ 80 tuổi.
Trong Hội Linh Sơn trước đây, Đức Phật chọn Ma-Ha
Ca-Diếp làm người kế vị cho Ngài điều
khiển Giáo Hội.
Đức Phật bảo Ma-Ha Ca-Diếp : “ Ta có Chánh Pháp
Nhãn Tạng, Niết Bàn Diệu Tâm, Pháp môn mầu nhiệm, chẳng lập văn tự, ngoài giáo
lý truyền riêng, nay Ta giao phó cho ngươi. Ngươi khéo gìn giữ Chánh pháp nầy,
truyền mãi đừng cho dứt, đến sau truyền lại cho A-Nan.”
Rồi Đức Phật nói kệ :
Pháp bổn pháp vô pháp,
Pháp vô pháp diệc pháp,
Kim phó vô pháp thời,
Pháp pháp hà tằng pháp.
Nghĩa là :
Pháp gốc pháp không pháp,
Pháp không pháp cũng pháp,
Nay khi trao không
pháp,
Mỗi pháp đâu từng pháp.
Khi nghe tin Đức Phật
nhập Niết Bàn, Ngài Ma-Ha Ca-Diếp từ núi Kỳ-Xà-Quật liền đến thành Câu-Thi-Na
làm lễ hỏa táng thi hài Đức Phật, lấy Xá lợi của Phật chia làm 8 phần phân phát
cho 8 nơi, kiến tạo đài tháp phụng thờ :
1 . Câu-Thi-Na 2 . Pa-Bà
3 . Giá-La 4 . La-Ma-Già
5 . Ca-Tỳ-La-Vệ 6 . Tỳ-Lưu-Đề
7 . Tỳ-Xá-Ly 8 . Ma-Kiệt-Đà.
Đức Phật Thích Ca trong Đạo Cao Đài :
Đức Phật Thích Ca là Giáo chủ Phật giáo thời Nhị Kỳ
Phổ Độ. Đạo Phật từ đó truyền đến nay
được hơn 2500 năm.
Ngày nay thuộc Tam Kỳ Phổ Độ, Đức Chí Tôn Ngọc
Hoàng Thượng Đế mở Đạo Cao Đài. Lúc ban sơ, Đức PhậtThích Ca có giáng cơ dạy
đạo như sau :
“Ngày 8
tháng 4 năm Bính Dần (1926).
THÍCH
CA MÂU NI PHẬT
Chuyển Phật Đạo,
Chuyển Phật Pháp,
Chuyển Phật Tăng,
Qui nguyên Đại Đạo.
Tri hồ chư chúng sanh ?
Khánh hỷ ! Khánh hỷ ! Hội đắc Tam Kỳ Phổ Độ : Chư
Thần, Thánh, Tiên, Phật, đại hỷ phát đại
tiếu !
Ngã vô lự Tam đồ chi khổ. Khả tùng giáo Ngọc Đế
viết Cao Đài Đại Bồ Tát Ma Ha Tát. “ (TNHT. I. 14)
Bài giáng cơ bằng chữ Nho trên của Đức Phật Thích
Ca, diễn Nôm ra sau đây :
Đức Phật Thích Ca Mâu Ni chuyển Phật đạo, Phật
pháp, Phật tăng, qui nguyên Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ. Chư chúng sanh có biết chăng
?
Vui mừng ! Vui mừng ! Được hội vào Đại Đạo Tam Kỳ
Phổ Độ : Chư Thần Thánh Tiên Phật quá mừng nên phát ra tiếng cười lớn.
Ta không còn lo lắng về 3 đường luân hồi khổ sở.
Khá tùng theo lời dạy bảo của Đấng Ngọc Hoàng Thượng Đế, gọi là Đấng Cao Đài
Đại Bồ Tát Ma Ha Tát.
Đức Phật Thích Ca có giáng cơ ban cho 2 Bài kinh
rất quan trọng là : Kinh Đại Tường và Di-Lạc Chơn Kinh.
Hai Bài kinh nầy cho chúng ta biết, Đức Phật Thích
Ca đã giao quyền giáo hóa lại cho Đức Phật Di-Lạc trong thời Tam Kỳ Phổ Độ, nên
Đức Phật Thích Ca vào ngự nơi Kim Sa
Đại điện trong Lôi Âm Tự, và Đức Phật Di-Lạc ngự
tại Kim Tự Tháp ở Kinh đô Cực Lạc Thế Giới nơi cõi thiêng liêng.
Còn Đức Phật A-Di-Đà, trước đây là Giáo chủ CLTG,
nay cũng giao quyền lại cho Đức Phật Di-Lạc, và Ngài cũng vào ngự nơi Lôi Âm
Tự. (Vào Lôi Âm kiến A-Di).
Hằng năm, vào ngày mùng 8 tháng 4 âm lịch, tại Tòa
Thánh Tây Ninh cũng như tại các Thánh Thất địa phương, đều có thiết Đại Lễ cúng
Vía Đức Phật Thích Ca, có Chức sắc thuyết đạo nhắc lại tiểu sử và công đức của
Ngài.
Lạt-Ma Giáo
· Phái Cựu giáo.
· Phái Tân giáo.
Lạt-Ma, do phiên âm từ tiếng Tây Tạng, Anh văn và
Pháp văn đều viết là : LAMA, nghĩa là các thầy tu theo Phật giáo ở nước Tây
Tạng.
Ở Tây Tạng, Thầy tu Lạt-Ma cầm quyền quốc chánh,
nhà vua và các quan đều là Thầy tu. Hạng Thầy tu nầy chiếm ¼ số dân Tây Tạng, rất được dân chúng trọng vọng.
Nhiều vị Lạt-Ma có phép Thần thông, làm được mưa
gió, có phép rút đường, biết được quá khứ vị lai. Ông vua của nước Tây Tạng là
một vị Lạt-Ma, được gọi là Đức Đạt-Lai Lạt-Ma (Dalai-Lama), được dân Tây Tạng
tôn là vị Phật Sống (Hoạt Phật) của họ. Ngài cũng là Giáo Chủ của Lạt-Ma giáo.
Ngài có phép Thần thông, mỗi khi gần tịch (chết),
Ngài cho biết Ngài sẽ hóa thân trở lại và để lại một vài chứng tích. Các vị
Lạt-Ma có nhiệm vụ tìm kiếm vị Hóa thân, rồi đến đó thử nghiệm xem có đúng như
vậy không. Nếu đúng thì các vị Lạt-Ma sẽ đến lập một chương trình giáo hóa đặc
biệt vị Hóa thân nầy cho đến tuổi trưởng thành, rồi thỉnh Ngài về kinh đô, tôn
lên ngôi Đạt-Lai Lạt-Ma, làm vua cai
quản đất nước và tín dồ Tây Tạng.
Có nhiều vị Lạt-Ma có trình độ tu học rất cao, làm
Giáo Sư Thần học ở các trường Đại học.
Lạt-Ma giáo là quốc giáo của nước Tây Tạng, có
nguồn gốc là Phật giáo Đại thừa Mật Tông từ Ấn Độ truyền qua Tây Tạng , khoảng
đầu thế kỷ thứ 7, ứng với thời nhà Đường bên Tàu. Lạt-Ma giáo lan rộng qua tới
Mông Cổ và Mãn Châu. Bởi người ta thấy các Thầy tu của tôn giáo nầy được gọi là
Lạt-Ma, nên tôn giáo ấy được gọi là Lạt-Ma giáo.
Tuy có nguồn gốc Phật giáo, nhưng Lạt-Ma giáo biến
thể rất nhiều cho hợp với người Tây Tạng, cũng vì vậy, Lạt-Ma giáo được gọi là Phật giáo Tây Tạng.
Lạt-Ma giáo có 2 phái lớn : Cựu giáo và Tân giáo.
I . Phái Cựu Giáo :
Phái Cựu giáo mặc áo đỏ, đội mũ đỏ, nên còn được
gọi là HỒNG GIÁO, chuyên luyện các phép thuật, các môn Thần bí, dung hòa với tư
tưởng bình dân. Nhưng càng về sau, tông phái nầy vàng đi sâu vào chỗ yêu thuật,
tà vọng.
II . Phái Tân Giáo :
Phái Tân giáo mặc áo vàng, đội mũ vàng, nên còn
được gọi là HOÀNG GIÁO, là phái cải cách do vị Lạt-Ma Tsong-Khapa sáng lập vào
thế kỷ thứ 14, ứng với thời nhà Minh bên Tàu. Đến đời nhà Thanh, phái nầy được
triều đình nước Tây Tạng công nhận là Chánh giáo, được triều đình bảo hộ, làm
Quốc giáo Tây Tạng. Các vị Thầy tu có nghi thức đúng đắn hơn, giữ hạnh thanh tịnh
Phật giáo, được ở trong các ngôi chùa lớn mà Ban Tăng già có đến hàng ngàn
người.
Phái Hoàng Giáo, tức là Lạt-Ma Giáo chánh thức, có
2 vị Chúa tể nắm giữ mối đạo và cầm quyền cai trị dân chúng :
1) Đức Đạt-Lai Lạt-Ma (Dalai Lama) : được dân chúng
tin rằng, Ngài là hóa thân của Đức Quan Thế Âm Bồ Tát, ngự tại Đền Potala, kinh
đô Lhassa, nước Tây Tạng.
Bên Tây Tạng, người ta quan niện rằng, Đức Quan Thế
Âm Bồ Tát là một vị Phật Nam, nên các hình tượng của Ngài đều là Nam giới, trái
với Trung Hoa và Việt nam, Đức Quan Thế Âm Bồ Tái là một vị Nữ Phật.
2) Đức Ban-Thiền Lạt-Ma (Pentchen Lama) : đứng hàng
thứ nhì sau Đức Đạt-Lai Lạt-Ma, là hóa thân của Đức Phật A-Di-Đà, trụ tại ngôi
chùa lớn Trát-Thập Luân-Bố (Trashi-Lumpo) ở tại thành Shigatsé.
“ Cơ cấu tổ chức các tu viện tại Tây Tạng khá chặt
chẽ và rất giống với cách tổ chức tôn giáo thường thấy ở các quốc gia Tây
phương.
Đứng đầu Giáo Hội là Đức Đạt-Lai Lạt-Ma. Dưới quyền
lãnh đạo của Ngài là một Hội Đồng Tôn giáo gồm 4 vị Trưỡng Lão : 1 vị Đại diện
Đức Đạt-Lai Lạt-Ma, còn 3 vị kia là Sư Trưởng của 3 Tu viện lớn nhứt Tây Tạng,
còn gọi là Tam Đỉnh Viện : Drepung, Sera, Ganden. Thực ra, đây là 3 Đại học
Phật giáo thì đúng hơn, vì nhiệm vụ chính của 3 Tu Viện nầy là đào tạo và huấn
luyện các tu sĩ. Dĩ nhiên, mỗi Tu Viện đều có một chương trình giáo dục
và kỷ luật riêng.
GANDEN chú trọng nhiều về Giới luật và các phương
pháp tu kín.
DREPUNG nổi tiếng sản xuất nhiều bậc học giả lỗi
lạc uyên bác.
SERA rất thành công trong công việc đào tạo các tu
sĩ có tinh thần xã hội, đi sâu vào đời sống dân chúng nhiều hơn.
Ngoài 3 Tu Viện lớn, còn có rất nhiều chi nhánh của
3 Tu Viện nầy. Đây cũng là những Đại học Phật giáo nhưng có tính cách địa
phương. Các tu sĩ học nơi đây và thi đậu các kỳ thi Lạt-Ma cấp thấp. Muốn lên
bậc cao hơn, họ phải xin thi tuyển vào học nơi các Đỉnh Viện.
Theo tài liệu của Điện Potala, năm 1959, Tây Tạng
có hơn 6000 ngôi chùa và 200 Tu viện lớn nhỏ. Với dân số vài triệu người, ta
không ngạc nhiên khi thấy ¼ dân số Tây tạng
là tu sĩ. Gần như gia đình nào cũng có người xuất gia. Phật giáo đã ảnh
hưởng mạnh mẽ đến đời sống xã hội, phong tục, văn hóa của xứ nầy.
Thông thường một đứa trẻ gia nhập Tu viện vào năm 7
tuổi. Lúc đầu nó được huấn luyện vào các công việc lặt vặt để xem có thể thích
hợp với đời sống ở Tu viện không. Sau đó ít lâu, nếu được chấp nhận làm đệ tử
sơ cơ, nó sẽ phải giữ 16 giới luật căn
bản và được làm lễ thí phát, nhưng vẫn giữ
một chỏm tóc trên đầu để phân biệt với những người đã phát nguyện giữ
thêm 20 giới luật nữa, gọi là đệ tử trung cấp. đầu được cạo trọc hoàn toàn, và
có một Pháp danh riêng.
Chỉ khi nào quá 20 tuổi, thi đậu những kỳ thi Phật
học thì mới được gọi là Lạt-Ma. Từ đây,
những Lạt-Ma có thể chọn con đường của mình để tiếp tục học thi những bằng cấp
khác, và tùy theo ngành chuyên môn, họ có thể trở thành : Y sĩ, Giảng sư, Tiến
sĩ, …
Vì tất cả Đại học đều là Tu viện, nên gần như tất
cả những người có khả năng chuyên môn đều là những tu sĩ.
Dĩ nhiên, không phải tu sĩ nào cũng vượt qua được
các kỳ thi chuyên môn, một số không được vào Đại học thì trở nên những tu sĩ
làm các công việc thông thường như : Nấu ăn,
xây cất, tạc tượng, đúc chuông, … hoặc canh gác Tu viện.
Lạt-Ma giáo Tây Tạng phát triển được như vậy là nhờ
công lớn của một Tu sĩ tên là Tsong-Khapa (1357-1419).
Tsong-Khapa là một Tu sĩ thông minh đỉnh ngộ, xuất
gia thọ giới với phái Kadampa của Đại sư Atisha, nhưng ông vẫn không thỏa mãn ,
nên sau thời gian, ông lại theo học với các cao tăng danh tiếng của các phái
Nyingmapa, Kagyupa, và Sakyapa.
Sau khi
nghiên cứu kỹ lưỡng tất cả tinh hoa của những tông phái trên, Tsong Khapa bèn
nhập thất trong một động đá trên dãy núi Tuyết sơn, để suy gẫm về những điều đã
học. Ông nhận thức rằng, Phật giáo khi truyền vào Tây Tạng, đã chịu ảnh hưởng
khá nhiều của tôn giáo Bon Pa (một tôn giáo cổ của người Tây Tạng xưa), nên
giáo lý Phật giáo bị pha trộn và thay đổi để nghiêng hẳn về Huyền học, Thần
thông, mà bỏ qua mục đích tu thân và cầu giải thoát như Đức Phật đã dạy.
Để chống lại sự đàn áp của nhóm Bon Pa, Lạt-Ma giáo
đã được tổ chức chặt chẽ thành những môn phái, nhưng chính sự tổ chức nầy đã
đưa Lạt-Ma giáo vào con đường suy vong, chỉ còn hình thức mà thiếu nội dung,
chỉ có bên ngoài mà thiếu chiều sâu.
Vì sự kết hợp chặt chẽ trong phe phái, dần dần các
tu sĩ trở nên lười biếng, không gìn giữ giới luật và coi việc tu hành như một
nghề nghiệp hướng dẫn tinh thần dân chúng, hơn là tu thân cầu giải thoát. Tệ
hơn nữa, các nghi thức hành lễ đã bị pha trộn với Huyền thuật, trở thành cúng
vái, xin xỏ, lên đồng nhập cốt, giải đáp lá số chiêm tinh, bùa chú thư phù. Các
tinh hoa của Phật pháp được cất giữ, không đem ra giảng dạy, chỉ có các hình
thức bề ngoài được đề cao. Các tu sĩ không chịu tu học mà chỉ đặt trọng tâm vào các vấn đề sắc
tướng, như kêu gọi dân chúng xây chùa, đúc tượng, để được phước, cúng vái cầu
xin các năng lực huyền bí bên ngoài, sử dụng Huyền thuật vào mục đích tư lợi,
tu hành để đắc Thần thông, trụ vào các cõi Trời hưởng lạc, thay vì vượt lên
trên để thoát khỏi sanh tử luân hồi.
Đã thế còn pha trộn các hình thức của phái Bon Pa,
như Luật Thừa kế tôn giáo (Religious inheritance), cho phép tu sĩ lập gia đình
và sử dụng ngôi chùa như nhà riêng. Họ sinh con đẻ cái, và nếu cha làm Lạt-Ma
thì đương nhiên con cũng thành Lạt Ma, khỏi phải tu học mất công, rồi đến con
cháu cũng đều thành Lạt-Ma hết.
Tệ đoan nầy kéo dài trong nhiều thế kỷ và được chấp
nhận như một việc hiển nhiên, không ai chất vấn hay đặt vấn đề Giới luật cho
các vị Lạt-Ma nữa.
Tsong Khapa đi khắp nơi giảng dạy Phật pháp, đề cao
Giới luật và khuyến khích việc học tập kinh điển. Ông chỉ trích nặng nề việc
pha trộn các mê tín dị đoan và thực hành Huyền thuật trong các Tu viện. Ông phủ
nhận tất cả những phương tiện nào không theo đúng như lời Phật dạy, và gọi đó
là Tà pháp.
Ông là người đầu tiên đặt ra những phương pháp cải
cách hết sức khoa học để gạn lọc các hình thức mê tín dị đoan trà trộn vào Phật
pháp.
Sau một thời gian đi khắp Tây Tạng thuyết giảng,
Ông lập Tu viện Ganden để huấn luyện tu sĩ. Học trò của Ông đều đội mũ vàng,
nên được gọi là phái Mũ vàng (Gelugpas), phân biệt với phái thành lập trước đó
thường đội mũ đỏ (Dugpas).
Cuộc chấn hưng Lạt-Ma giáo của Tsong Khapa đem lại
một sinh khí mới cho Lạt-Ma giáo, nhưng việc đào tạo những tăng sĩ chọn lọc ,
có tinh thần tu học cao, tôn trọng kỷ luật, đòi hỏi thời gian lâu dài, nhiều
thử thách, nên phái Mũ vàng chỉ là thiểu số so với phái Mũ đỏ.
Trong suốt mấy trăm năm, không những phái Mũ đỏ
chiếm đa số mà còn tạo nhiều ảnh hưởng đối với các Lãnh Chúa, Tiểu Vương, mặc
dù họ không sản xuất được những tu sĩ xuất sắc như phái Mũ vàng. Tuy nhiên,
theo thời gian, các tu sĩ Mũ đỏ bị quần chúng coi thường, bất tín nhiệm, nên
cũng mất dần ảnh hưởng.
Sau khi Ông Tsong Khapa qua đời, đệ tử của Ông tiếp
tục công việc chấn hưng Lạt-Ma giáo, huấn luyện đào tạo các tăng sĩ giới đức,
khuyến khích tín đồ tự tu, tự học, chớ nên ỷ lại vào các tu sĩ, vì tu sĩ chỉ là
người hướng dẫn, chớ không thể cứu độ được ai hết.
Việc nầy gặp phải sự chống đối mãnh liệt của các
tông phái khác, vì đụng chạm tới quyền
lợi của họ.
Trưởng môn phái Mũ Vàng là Gedun Truppa ý thức rõ
sự đe dọa nầy, nên trước khi chết, Ông đã cho các đệ tử biết rằng, Ông sẽ hóa
thân trở lại để tiếp tục lãnh đạo phái Mũ Vàng. Ông để lại một bài kệ và ít di
vật làm tin.
Phong tục Tây Tạng tin rằng khi một tu sĩ đã đạt
đến trình độ cao, họ có thể chọn lựa đời sống ở một cõi khác, hoặc trở lại thế
gian để tiếp tục công việc còn dở dang. Những người trở lại thế gian như thế
được gọi là Hóa Thân.
Hai năm sau, một đứa bé trai lên 2 tuổi đã giải đáp
được Bài kệ, cũng như phân biệt rõ các di vật của Gedun Truppa, nên được phái
Mũ Vàng suy tôn lên làm Sư Trưởng (Rinpoche), lấy Pháp danh là Gedun Gyatso.
Tiếp tục đường lối của Gedun Truppa là khuyến khích
các tín đồ tự tu tự học. Sư Trưởng Gyatso đi khắp nơi hoằng dương giáp pháp,
được dân chúng vô cùng kính nể, gọi là Liên Hoa Sư Trưởng (The Lotus Rinpoche).
Trước sự phát triển của phái Mũ Vàng, các phái Mũ
đỏ, nhất là phái Karmapas, vốn có quân đội riêng, thẳng tay trừng trị những tu
sĩ Mũ Vàng nào bén mảng đến vùng Chang Tsang của họ.
Một cuộc chiến tranh tôn giáo giữa các tông phái
sắp xảy ra thì Sư Trưởng Gedun Gyatso bị bạo bệnh từ trần. Trước khi chết, Ông
để lại di chúc rằng Ông sẽ trở lại để hoàn tất công việc phục hưng Lạt-Ma giáo.
Ít lâu sau, học trò của Ông tìm gặp một bé trai có
những ấn chứng đặc biệt như đã di chúc tên là Sonam Gyatso.
Khác với 2 kiếp trước, Sonam Gyatso không những học
rộng mà còn có biệt tài hùng biện. Ông có thể giảng giải tất cả những kinh nổi tiếng khó hiểu một cách
dễ dàng. Người ta gọi Ông là vị Sư Trưởng có lời nói quí như ngọc. Danh tiếng
của Ông được đồn xa đến tận Mông Cổ. Vua nước nầy là A Đại Kha Hãn (Alta Khan)
cho sứ giả qua mời Ông sang Mông Cổ
thuyết pháp.
Lịch sử chép rằng, Sonam Gyatso đến nơi đúng lúc A
Đại Kha Hãn đang khởi binh đi đánh nước Nữ Chân. Sonam bèn xin vua cho Ông
thuyết một bài pháp trước khi kéo binh đi. Trước hằng vạn quân sĩ đang hung
hăng, Sonam giảng về đức Từ bi của Phật. Lời nói chân thành của Ông có sức rung
động mãnh liệt khiến A Đại Kha Hãn quyết định bãi binh, và mấy vạn quân lính
Mông Cổ đều xin quy y Phật đạo.
Vua A Đại Kha Hãn đặt Phật giáo lên hàng Quốc giáo,
phong cho Sư trưởng Sonam Gyatso làm Đạt-Lai Lạt-Ma, có nghĩa là vị Lạt-Ma có
tấm lòng từ bi rộng như biển. Danh từ Đạt-Lai Lạt-Ma mới bắt đầu
có từ đó.
Vì Sonam Gyatso là Hóa thân lần thứ ba của Gedun
Truppa, nên Ông được gọi là vị Đạt-Lai Lạt-Ma đời thứ 3.
Nhờ ảnh hưởng của Ông đối với người Mông Cổ, cuộc
chiến giữa các tông phái Mũ Vàng và Mũ đỏ không xảy ra ở Tây tạng. Phái mũ đỏ
Karmapas, dù có quân đội riêng, cũng không dám tấn công Phái Mũ vàng Gelugpas
bằng quân sự.
Sonam Gyatso dành khá nhiều thời gian truyền bá
Phật pháp tại Mông Cổ. Khi đó, thế lực của Mông Cổ bắt đầu suy yếu, các bộ lạc và Tộc trưởng rất muốn
đem binh chinh phục các nơi, hy vọng những chiến thắng ngoài biên gới sẽ làm
nguôi ngoai lòng bất mãn của dân chúng trong nước. Tuy nhiên, A Đại Kha Hãn
cương quyết giữ đúng lời phát nguyện của Ông trước Sonam Gyatso, là không gây
thêm một cuộc chiến tranh nào nữa. Trước khi từ trần, nhà vua gởi thư xin Đức
Đạt Lai Lạt-Ma Sonam Gyatso hãy chăm lo cho dân chúng Mông Cổ khỏi rơi vào nạn
binh đao.
Năm 1588, Sonam Gyatso từ trần, để lại một bài kệ
rằng Ông sẽ hóa thân trở lại tại Mông Cổ để làm tròn lời hứa với A Đại Kha Hãn.
Cuộc đi tìm vị Hóa Thân lần thứ 4 nầy rất gay go vì những ấn chứng đặc biệt mà
Sonam di chúc lại.
Sau nhiều
năm tìm kiếm, các vị Lạt-Ma gặp được đứa
cháu nội của A Đại Kha Hãn có được những ấn chứng nầy.
Yonsten Gyatso là vị Đat-Lai Lạt-Ma duy nhứt không
phải là người Tây tạng, và vì xuất thân trong gia đình vua chúa Mông Cổ, nên
Ông không những là người lãnh đạo phái Mũ Vàng ở Tây Tạng, mà còn là một vị
Quốc Sư của triều đình Mông Cổ. Lúc đó,
uy thế của Mông Cổ suy kém nhiều, các bộ lạc tự
ý tách ra tự trị, không tùng phục triều đình nữa. Nhưng trong suốt thời
gian làm Quốc Sư của Yonsten Gyatso,
Mông Cổ không gây chiến với bất cứ quốc gia nào, nên dân chúng hưởng
được cảnh thái bình trong một thời gian khá dài.
Khi Đức Đạt-Lai Lạt-Ma Yonsten qua đời, đế quốc
Mông Cổ tan rã, phái Mũ Đỏ ở Tây Tạng lợi dụng cơ hội nầy để bành trướng thế
lực. Nhóm Mũ Đỏ Karmapas xúi giục Tiểu Vương xứ Tsang khởi binh tấn công phái
Mũ Vàng. Chùa Sera và Drepung bị đốt, hằng trăm tu sĩ Mũ vàng bị giết. Các tu
sĩ Mũ Vàng phải trốn vào rừng, cho đến khi tìm được vị Hoá thân thứ 5 là Lobsang Gyatso trong một gia đình
nông dân ở Lhassa. Vì hoàn cảnh đặc biệt, họ phải
đưa Lobsang qua miền Tây trú ẩn trong tu viện Talshihunpo.
Lobsang Gyatso được huấn luyện tại đây cho đến khi
trưởng thành chánh thức nhận lãnh chức vụ Đạt-Lai Lạt-Ma đời thứ 5. Được tin
nầy, vị Lãnh chúa xứ Tsang định đem quân đến vây Tu viện Talshihunpo để trừ tận
gốc.
Lịch sử Tây Tạng kể rằng, một trong những bài kệ để
lại đã tiên đoán trước việc nầy, và nói rằng Đức Đạt-Lai Lạt-Ma đời thứ 5 sẽ có
cách đối phó, nếu Ông ta đích thực là Hóa thân của Yonsten Gyatso.
Khi được thông báo, Lobsang Gyatso nói với các tu sĩ Mũ vàng rằng, không một tên lính nào của xứ
Tsang lọt qua được cánh cửa Tu viện Talshihunpo. Một câu nói dường như vô lý,
khi cả ngàn quân lính xứ Tsang sắp sửa kéo đến.
Nhưng khi Lãnh chúa xứ Tsang vừa xuất quân thì một
Tộc trưởng Mông Cổ là Gusris Khan đã mang quân Mông Cổ đánh úp xứ nầy, rồi
chiếm trọn Tây Tạng. Lịch sử Mông Cổ chép rằng, Gusris Khan nằm mộng thấy tổ
tiên là A Đại Kha Hãn gọi đến trao nhiệm vụ phải giải phóng xứ Tây Tạng khỏi
bọn tà ma hại đạo. Gusris Khan giải giới nhóm tu sĩ Mũ đỏ Karmapas, tiêu diệt
các Lãnh chúa, Tiểu vương, thống nhất toàn cõi Tây Tạng, rồi Ông mời Lobsang
Gyatso trở về Lhassa, trao quyền cai trị toàn xứ Tây Tạng cho vị Đạt-Lai Lạt-ma
đời thứ 5 rồi kéo quân trở về Mông Cổ.
Từ đó, Tây tạng được đặt dưới quyền cai trị của Đức
Đạt-Lai Lạt-Ma cho tới ngày nay.
Mặc dầu tất cả Đạt-Lai Lạt-Ma đều xuất thân từ phái
Mũ Vàng (Gelugpas), nhưng phái Mũ Đỏ (Dugpas) vẫn được tôn trọng và vẫn chiếm
số đông.
Lobsang Gyatso nhớ ơn vị thầy có công dạy dỗ Ông thuở nhỏ tại Tu viện Talshihunpo, nên
phong cho thầy làm chức Ban-Thiền Lạt-Ma (Tashi Lama). Chữ Tây Tạng, Ban Thiền
(Tashi) có nghĩa là vị thầy đáng kính.
Sau đó, các vị Ban -Thiền Lạt-Ma cũng hóa thân trở
lại hướng dẫn tinh thần dân chúng, mặc dầu nhiệm vụ của vị Ban-Thiền Lạt-Ma
chỉ thuần túy trong tôn giáo mà thôi.
Đức Đạt-Lai Lạt-Ma Lobsang Gyatso cho xây Điện
Potala trên nền móng Cung điện cũ của Songsten Gampo và khởi sự ngay một cuộc
chấn hưng tôn giáo. Các Tu viện được xây dựng khắp nơi để đào tạo Tu sĩ, nhiều
kỳ thi Phật học được tổ chức để gạt bỏ những người mượn áo tu hành làm điều sái
quấy. Tục lệ thừa kế trong tôn giáo được bãi bỏ, các tu sĩ phải thi đậu các kỳ
thi Phật học mới được bổ nhiệm làm Trụ
trì các Tu viện, nhưng cũng chỉ hành
quyền một thời gian ấn định để tránh sự quyến luyến một chốn nào. Sau một thời
gian hoằng dương giáo pháp, các tu sĩ nầy được đưa đến những Tu viện cao hơn để
học hỏi thêm.
Để tránh tình trạng chia rẽ giữa các tông phái, Đức
Đạt-Lai Lạt-Ma Lobsang cho thành lập một Hội Đồng Trưởng Lão để điều hành và bổ
nhiệm các tu sĩ có tài năng và đức độ vào những chức vụ hành chánh quan trọng.
Một Hội Đồng Tôn giáo cũng được thành lập để lo các
vấn đề tôn giáo và bảo đảm các tông phái đều được tôn trọng như nhau, trong
tinh thần hòa ái khiêm cung.
Các kinh điển từ trước vẫn được cất kỹ thì nay đem ra
truyền bá sâu rộng để khuyến khích phong trào tu học trong nước. Mọi gia đình
đều được khuyến khích gởi con cái vào học trong các Tu viện, để trở thành những
vị Lạt-Ma.
(Danh từ
Lạt-Ma không chỉ có nghĩa là Tu sĩ, mà nghĩa chánh của nó là một người học thức
thi đậu kỳ thi Phật học. Sau đó họ có thể lấy vợ, sống như người dân bình
thường. Khi nào phát nguyện xuất gia tu hành thì mới gọi là Tu sĩ. Tất cả Tu sĩ đều phải thi
đậu kỳ thi Phật học, nên các Tu sĩ đều là Lạt-Ma, nhưng Lạt-Ma chưa hẳn là Tu
sĩ,)
Home [ 1 ] [ 2 ] [ 3 ] [ 4 ] [ 5 ] [ 6 ] [ 7 ] [ 8 ] [ 9 ] [ 10 ] [ 11 ]
Home [ 1 ] [ 2 ] [ 3 ] [ 4 ] [ 5 ] [ 6 ] [ 7 ] [ 8 ] [ 9 ] [ 10 ] [ 11 ]
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét