Đạo Cao Đài & Các Tôn Giáo Lớn Trên Thế Giới - 3 / 11 (Đức Nguyên)

Tây Tạng từ trước đến nay vẫn là một xứ rộng lớn, địa thế hiểm trở, các vùng thường sanh hoạt tự trị, nhưng Đức Đạt-Lai Lạt-Ma đời thứ 5 tỏ ra là một nhà lãnh đạo tài giỏi, không những Ngài tổ chức lại guồng máy điều hành một cách khôn khéo mà còn thống nhứt toàn xứ Tây Tạng dưới danh nghĩa tôn giáo.

Các gia đình quí tộc, các Tù trưởng, từ trước vẫn nắm quyền hành và quân đội, nay được mời
vào Hội Đồng Địa phương, một chức vụ cho phép họ thâu thuế, kiểm soát an ninh trật tự, mặc dầu quyền hành của họ ít nhiều bị giới hạn và chịu sự kiểm soát của các Tse Drung (giống như chức vụ Tỉnh trưởng).

Trong suốt 300 năm, guồng máy hành chánh của Tây Tạng gần như không thay đổi và vẫn giữ được tánh cách thống nhứt, độc lập dưới sự cai trị của các Đạt-Lai Lạt-Ma.

Ngoài vị Đạt-Lai Lạt-Ma đời thứ 5 vẫn được tôn sùng nhất, lịch sử Tây Tạng còn ghi nhận vị Đạt-Lai Lạt-Ma thứ 13 như một vị có công lớn về phương diện tôn giáo và chánh trị.

Thupten Gyatso (1876-1933) nhận trách nhiệm lãnh đạo Tây Tạng khi quốc gia nầy phải đối phó với nhiều áp lực chưa từng có. Về mặt đối ngoại, Ngài phải lo đối phó với Nga, Anh và Trung Hoa. Về đối nội, Ngài phải dàn xếp sự tranh chấp giữa các tông phái, ngay trong nôi bộ của phái Mũ Vàng cũng có nhiều rạn nứt trầm trọng.

Trong suốt mấy thế kỷ liền, Hội Đồng Trưởng Lão đã nắm quyền khi các vị Đạt-Lai Lạt-Ma còn nhỏ tuổi, và họ đã thao túng chính trường, lập thành những phe nhóm chống đối nhau. Một số có ý đặt ra các luật lệ dành nhiều quyền lợi cho giới tăng sĩ phe mình; một số khác lại muốn chú trọng vào con đường tu luyện Thần thông hơn là theo đúng con đường của Đức Phật.

Đức Đạt-Lai Lạt-Ma Thupten Gyatso có đầu óc mở rộng hơn những vị Đạt-Lai Lạt-Ma trước, nên sau khi nhậm chức, Ngài giới hạn quyền hành của các Trưởng Lão và thay thế Hội Đồng Trưởng Lão nầy bằng một Nội Các gồm nhiều nhân vật dân sự. Ngài là người đầu tiên khởi xướng chương trình giáo dục mở rộng cho tất cả mọi người, chớ không dành riêng cho giới quí tộc hoặc tu sĩ.

Ngài thay đổi toàn bộ luật pháp đặt ra từ những thế kỷ trước, hủy bỏ án tử hình, giảm nhẹ các hình phạt, bỏ bớt thuế khóa, xây bệnh viện, trường học, mở mang đường sá, và phát động nhiều công cuộc cải cách xã hội khác.

Dĩ nhiên, Ngài gặp sự chống đối mãnh liệt của giới tu sĩ và quí tộc, nhưng Ngài đã can đảm tổ chức lại Giáo hội, nhấn mạnh việc tu thân trước khi tham dự vào các công việc xã hội, và chánh trị. Điều mà Ngài chưa thi hành được là thay đổi chánh sách bế quan tỏa cảng của các Đạt-Lai Lạt-Ma đời trước, vì gặp phải sự chống đối rất mãnh liệt của Nội Các.

Năm 1904,  nước Tây Tạng bị quân đội Anh quốc từ Ấn Độ đem quân xâm lăng. Đức Đạt-Lai Lạt-Ma đời thứ 13 phải qua lánh nạn tại Trung Hoa.

Tại Trung Hoa, Ngài nhận thấy nước Trung Hoa cũng đang bị các nước Tây phương xâu xé. Ngài dự định, khi Ngài được trở về Tây Tạng, Ngài sẽ cương quyết thi hành những chánh sách  mới, hầu đưa Tây Tạng thoát khỏi vết xe cũ.

Sau cuộc thương thuyết với Chánh phủ Anh, Đức Đạt-Lai Lạt-Ma trở về nước. Vì sự chống đối của Nội Các và  Hội Đồng Trưởng Lão, Ngài không thể cải cách xã hội Tây Tạng như  ý muốn được nữa. Ngài dành trọn thời giờ để Thiền định và giảng dạy kinh điển cho các tu sĩ trẻ.

Trước khi qua đời, Ngài cảnh cáo rằng, Tây Tạng sắp bước vào một giai đoạn thử thách  mới, và chỉ có sự chuẩn bị  mới giúp họ thoát khỏi tai ách lớn lao nầy.

Khi Đức Đạt-Lai Lạt-Ma đời thứ 13 (Thupten Gyatso) qua đời, Hội Đồng Trưởng Lão quyết định áp dụng chánh sách bế quan tỏa cảng. Trong lúc đó,  thời cuộc thế giới bên ngoài thay đổi mau chóng, với cuộc Cách Mạng Trung Hoa, cuộc xâm lăng của Nhựt Bổn, cuộc Cách mạng Vô sản ở Trung Hoa, hai cuộc Thế giới Chiến tranh. Vả lại, Hội Đồng Trưởng lão lại quá bận rộn trong công việc tìm kiếm vị Đạt-Lai Lạt-Ma đời thứ 14, nên không chú ý nhiều đến vấn đề đổi thay thời cuộc bên ngoài.

Năm 1950, Quân đội Trung Hoa Cộng sản, tràn qua biên giới Tây Tạng, mở đầu một cuộc xâm lăng qui mô. Họ đàn áp dã man các cuộc nổi dậy đòi độc lập của người Tây Tạng và đặt ách thống trị dưới chiêu bài Giải phóng.

Đức Đạt-Lai Lạt-Ma đời thứ 14 bị giam lỏng tại Điện Potala trong 9 năm liền. Cho đến tháng 4 năm 1959, Ngài  mới trốn thoát được và sang tỵ nạn nơi nước Ấn Độ.

Mặc dầu Đức Đạt-Lai Lạt-Ma chủ trương bất bạo động, kêu gọi thế giới  giúp Tây Tạng phục hồi chủ quyền quốc gia, nhưng nhiều người Tây Tạng trong nước vẫn tổ chức các cuộc kháng chiến, cương quyết đánh đuổi quân xâm lăng Trung quốc. Nhiều cuộc nổi dậy đẫm máu xảy ra trong mấy mươi năm qua mà thế giới  bên ngoài vẫn cố tình làm lơ như không nghe biết.

Việc Đức Đạt-Lai Lạt-Ma qua Ấn Độ xin tỵ nạn chánh trị làm cho Thủ Tướng Nehru của Ấn Độ bối rối, vì hiện tại, việc ngoại giao giữa 2 nước (Ấn Độ và Trung quốc) đang tốt đẹp. Nếu từ chối việc tỵ nạn của Đức Đạt-Lai Lạt-Ma thì sẽ gây nhiều phản ứng quốc tế bất lợi cho Ấn Độ, nhưng nếu  chấp nhận cho tỵ nạn thì Ấn Độ có thể gặp nhiều khó khăn về ngoại giao đối với Trung quốc.

Để đối phó với dư luận thế giới  đang sôi nổi về việc nầy, Thủ Tướng Nehru có một quyết định rất khôn khéo là : Một mặt, Ông tuyên bố trước Quốc hội rằng, việc tỵ nạn của Đức Đạt-Lai Lạt-Ma chỉ là sự tranh chấp nội bộ của người Tây Tạng, Ấn Đô không có lý do gì để dính dáng đến những cuộc tranh chấp nầy; mặt khác, Ông tức tốc tìm ngay một địa điểm thật hẻo lánh  để đưa Đức Đạt-Lai Lạt-Ma đến đó tạm trú, hy vọng theo thời gian, vấn đề Tây Tạng sẽ chìm vào quên lãng. Dharamsala được chọn vì vị trí đặc biệt nầy.

Đây là một thị trấn nhỏ ở miền cực Bắc Ấn Độ, nằm sâu trong thung lũng Kangra, 4 bề được bao bọc bởi những dãy núi của Hy-Mã-Lạp Sơn, chỉ có độc một con đường  giao thông với bên ngoài. Trước đây, Dharamsala chỉ là một đồn lính biên phòng của quân đội Anh có tên là Macleod Ganj, khi người Anh trao trả độc lập cho Ấn Độ, quân đội Anh rút đi, đồn nầy bị bỏ hoang, chỉ có chừng 200 người dân địa phương cư ngụ nơi đây. Trục giao thông duy nhất là một con đường nhỏ hẹp, ngoằn ngoèo, hư xấu, thường bị tuyết phủ kín  vào mùa Đông, cắt đứt mọi liên lạc với bên ngoài.

Điều mà Thủ Tướng Ấn không ngờ là, chỉ trong một thời gian ngắn, hơn 40 000 người dân Tây Tạng tỵ nạn kéo về đây ở để ủng hộ Đức Đạt-Lai Lạt-Ma của họ, biến thị trấn hoang vu nầy thành một nơi đông đảo mà báo chí Tây phương gọi là “Little Lhassa” (Lhassa nhỏ), thủ đô của dân tỵ nạn Tây Tạng.

Lão Giáo
· Định nghĩa
· Nguồn gốc
· Kinh điển và Giáo lý
· Triết lý của Lão giáo
· Sự truyền bá tại Trung Hoa
· Tiểu sử Đức Lão Tử
· Lão giáo tại Việt Nam.

I . Định nghĩa :

Lão giáo là tôn giáo do Đức Lão Tử lập nên và làm Giáo chủ.
Cứu cánh của Lão giáo là dạy con người tu luyện thành Tiên, nên Lão giáo còn được gọi là Tiên giáo.

Quyển sách căn bản của Lão giáo là Đạo Đức Kinh, do Đức Lão Tử viết ra. Trong quyển sách nầy, Đức Lão Tử bàn luận nhiều về chữ ĐẠO. Theo Đức Lão Tử, ĐẠO là cái vô danh có trước Trời Đất, yên lặng trống không, huyền diệu vô cùng, tạo ra Trời Đất và hóa sanh vạn vật. (Xem chi tiết nơi phần Đạo Đức Kinh phía sau).

Lão giáo chủ yếu dạy về chữ ĐẠO, nên Lão giáo cũng được gọi là Đạo giáo : Tôn giáo dạy về chữ Đạo.

Vậy, Lão giáo, Tiên giáo, Đạo giáo đều chỉ một nền tôn giáo do Đức Lão Tử lập nên, là một trong 3 nền tôn giáo lớn (Tam Giáo) ở Á Đông.

II . Nguồn gốc của Tiên giáo :

Tiên giáo có từ rất lâu đời, khi hình thành xã hội loài người, nhưng thuở đó, con người chưa văn minh, chưa có chữ viết, nên chỉ dạy nhau bằng cách truyền khẩu mà thôi. Đó là thời Nhứt Kỳ Phổ Độ, Đức Thái Thượng Đạo Tổ giáng trần mở Tiên giáo nơi nước Trung Hoa.

Đến thời vua Hiên Viên Huỳnh  Đế (Hoàng Đế), Đức Thái Thượng Đạo Tổ, hóa thân là Quảng Thành Tử xuống trần dạy cho vua Huỳnh Đế và Hoàng Hậu về Bí pháp tu luyện. Tương truyền, vua Huỳnh Đế và Hoàng Hậu tu hành đắc quả, được  cỡi rồng bay lên Trời. Thời kỳ nầy, ai thọ được Bí pháp chơn truyền, lo tu hành thì đắc quả, rồi tìm người có duyên phần truyền lại cái Bí pháp ấy, nên lần lần chơn truyền sai lạc và cuối cùng thì mất hẳn.

Qua thời Nhị Kỳ Phổ Độ, Đức Thái Thượng Đạo Tổ lại giáng sanh xuống cõi trần là Lão Tử,  để chấn hưng Tiên giáo, và lúc bấy giờ, Tiên giáo được gọi là Lão giáo, vì hiện tại do Đức Lão Tử lập nên. Người ta cũng nhớ tới Tiên giáo thời Hiên Viên Huỳnh Đế (Hoàng Đế), nên nhập chung gọi là Đạo Hoàng Lão. (Hoàng là Hoàng Đế, Lão là Lão Tử).

Lão giáo rất được sùng bái như Phật giáo và Nho giáo, nhưng Lão giáo chủ trương xuất thế, không tham dự việc đời, khác hẳn với Nho giáo (Khổng giáo) chủ trương nhập thế, nên các môn đồ của 2 tôn giáo nầy thường kích bác lẫn nhau.

Chỉ có bực thượng trí với tâm hồn phóng khoáng  mới tiếp thu được Lão giáo.
Học thuyết của Lão giáo rất cao siêu, ít người hiểu thấu, bực thượng trí thì ít, bực hạ trí thì phần nhiều, nên họ hiểu Lão giáo theo lối thấp kém, biến Lão giáo thành lối luyện tập bùa phép, pháp thuật trừ quỉ khiển tà, làm nhiều điều dị đoan mê tín, sai lạc với tôn chỉ cao thượng buổi đầu.

Nhưng đến năm Giáp Tý (1924) là năm Khai Nguơn, và tiếp sau đó là năm Bính Đần (1926), là năm khai Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, tức là Đạo Cao Đài, mở đầu một kỷ nguyên  mới, chấm dứt Nhị Kỳ Phổ Độ, bước qua thời Tam Kỳ Phổ Độ, với một nhơn loại có trình độ tiến hóa rất cao.

Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ có nhiệm vụ chấn hưng cả 3 nền tôn giáo : Lão giáo, Nho giáo, Phật giáo, tái lập chơn truyền Tam giáo trong một nền Đại Đạo Cao Đài, do Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế làm chủ.

III . Kinh điển & Giáo lý của Lão giáo :

Đức Lão Tử, khi đi qua ải Hàm Cốc thì gặp Doãn Hỷ, là quan Doãn giữ ải Hàm Cốc.  Doãn Hỷ lạy Đức Lão Tử xin thọ giáo. Đức Lão Tử bằng lòng lưu lại ải một thời gian để truyền đạo cho Doãn Hỷ, rồi soạn ra sách ĐẠO ĐỨC KINH truyền cho Doãn Hỷ, dặn cứ tu theo đó thì đắc đạo.

Doãn Hỷ cứ noi theo kinh mà tu, dần dần trở nên thông thái, tự viết ra một cuốn kinh gọi là Kinh Tây Thăng gồm 36 bài, nhưng kinh nầy không truyền lại.

Kế tục Lão Tử có Trang Tử, Liệt Tử, nhứt là Trang Tử đặc sắc hơn cả, sáng tác ra Nam Hoa Kinh khi ẩn tu tại núi Nam Hoa, làm sáng tỏ thêm học thuyết của Lão Tử.

Vậy Giáo lý của Tiên giáo được giảng rõ trong 2 cuốn kinh :
- Đạo Đức Kinh của Đức Lão Tử.
- Nam Hoa Kinh của Trang Tử, còn gọi là sách Trang Tử.

1 . Đạo Đức Kinh :
Đạo Đức Kinh  gồm 81 chương chia làm 2 phần  : Thượng và Hạ, lời lẽ khúc chiết, ý nghĩa uyên thâm, bàn luận về hai chữ  Đạo và Đức, về cơ Tạo Đoan định vị Trời Đất, hóa sanh vạn vật. Vạn vật khi đã sanh thành rồi thì  mỗi vật đều tích lũy Đạo và Đức nơi mình để sống và tiến hóa.

Quan niệm về Vũ trụ và Nhơn sanh như thế nên Đức Lão Tử theo đó mà lập thành Giáo lý của Ngài.
a) Bàn về chữ Đạo: Trong chương mở đầu của Đạo Đức Kinh, Đức Lão Tử bàn về chữ ĐẠO:
Đạo khả Đạo phi thường Đạo,
Danh khả Danh phi thường Danh.
Vô Danh Thiên Địa chi thủy,
Hữu Danh vạn vật chi mẫu.

Nghĩa là : Đạo nói được không phải là Đạo thường,
Danh gọi được không phải là Danh thường.
Cái Vô Danh là khởi đầu của Trời Đất,
Cái Hữu Danh là mẹ của muôn vật.

Chữ THƯỜNG ở đây có nghĩa là mãi mãi, luôn luôn, bất biến, dù mọi vật biến đổi, nhưng tự nó không đổi. Vậy chữ Thường mà Đức Lão Tử dùng để chỉ cái gì luôn luôn là thế, tức là xem nó là qui tắc.

Đạo là Vô Danh, nên nó không thể chứa đựng ngôn ngữ, nhưng khi ta muốn nói tới nó, ta phải mượn ngôn ngữ, gọi là ĐẠO.

ĐẠO là cái mà bất cứ vật gì, và tất cả mọi vật đều do đó mà sanh ra. Bởi nó luôn luôn có trong mọi vật, nên ĐẠO luôn luôn hiện hữu. Nó là cái bắt đầu  của mọi cái bắt đầu.

Đức Lão Tử nói về lý Âm Dương : Đạo sinh nhất, Nhất sinh nhị, Nhị sinh tam, Tam sinh vạn vật, nghĩa là : Đạo sanh một, một sanh hai, hai sanh ba, ba sanh vạn vật.

Vạn vật giai phụ Âm bảo Dương, xung khí dĩ vi hòa, nghĩa là : : Muôn vật đều cõng một Âm và bồng một Dương, nhân chỗ xung nhau mà hòa nhau.

b) Bàn về chữ Đức :
Đức Lão Tử nói : Đạo sinh chi, Đức xúc chi, vật hình chi, thế thành chi. Thị dĩ vạn vật mạc bất tôn Đạo nhi quí Đức. Đạo chi tôn, Đức chi quí, phù mạc chi mệnh nhi thường tự nhiên. Cố Đạo sinh chi, Đức xúc chi, trưởng chi, dục chi, đình chi, độc chi, dưỡng chi, phúc chi.

Nghĩa là : Đạo sanh ra nó (vạn vật), Đức chứa đựng nó, rồi thì vật chất khiến nó thành hình, hoàn cảnh khiến nó thành vật. Vì thế, muôn vật đều phải tôn Đạo mà quí Đức. Đạo được tôn, Đức được quí, không có cái gì sai khiến mà vẫn tự nhiên như thế. Cho nên, Đạo sanh ra nó, Đức xúc tích nó, làm cho nó lớn, làm cho nó sống, làm cho nó hiện ra hình, làm cho nó thành ra chất, và nuôi nấng che chở nó.

Xem thế, Đạo sanh ra và Đức nuôi dưỡng.
Đạo như là khối gỗ chưa đẽo gọt, tức là giản dị. Không có gì giản dị hơn cái Đạo Vô Danh. Đức là cái gì giản dị sau Đạo, và người theo Đức thì phải sống cuộc đời càng giản dị càng hay.

Người có cuộc sống hợp với Đức thì phải ở ngoài vòng phân biệt tốt xấu, thiện ác. Đức Lão Tử nói: Thiên hạ giai chi mỹ  chi vi mỹ, tư ác dĩ, giai tri thiện chi vi thiện, tư bất thiện dĩ.

Nghĩa là: Nếu thiên hạ biết được đẹp là đẹp thì ấy là có xấu; biết thiện là thiện thì ấy là có bất thiện.

Vì vậy, Đức Lão Tử cho cái Nhân và Nghĩa của Nho gia là những đức tánh làm suy đồi Đạo và Đức. Do đó, Lão Tử nói : Cố thất Đạo nhi hậu Đức, thất Đức nhi hậu Nhân, thất Nhân nhi hậu Nghĩa, thất Nghĩa nhi hậu Lễ, nghĩa là : mất Đạo  mới có Đức, mất Đức  mới có Nhân, mất Nhân  mới có Nghĩa, mất Nghĩa  mới có Lễ.

Người ta để mất cái Đức nguyên thủy là vì có quá nhiều ham muốn và hiểu biết. Thỏa mãn ham muốn tức là tìm hạnh phúc, nhưng khi cố tìm cách thỏa mãn quá nhiều ham muốn thì ta chỉ đạt kết quả trái lại.

Đức Lão Tử nhấn mạnh đến Quả dục (Ít ham muốn), nên nói : Chẳng có họa nào lớn hơn là không biết đủ, chẳng có lỗi nào lớn hơn là muốn được.

c) Chủ nghĩa Vô Vi :
Vô Vi là không làm, tức là để cho tự nhiên diễn tiến.

Đức Lão Tử thấy cái tự nhiên bao giờ cũng có lợi chớ không có hại. Đã thế thì cứ phó mặc cho tự nhiên làm việc. Nhúng tay vào guồng máy thiên nhiên, không khỏi mang họa vào mình.

Bởi vậy, Đức Lão Tử cho Vô Vi vừa là chủ nghĩa rất hợp với lẽ tự nhiên, vừa là chủ nghĩa vạn năng. Lão Tử đem nó ứng dụng vào tất cả các việc trong đời, từ việc nhỏ như tu thân, xử sự hằng ngày, cho đến việc lớn như lo hạnh phúc cho xã hội.

Chữ VÔ trong Vô Vi không có nghĩa tuyệt đối, nên chủ nghĩa Vô Vi của Đức Lão Tử cũng không phải là không hành động mảy may.

Đức Lão Tử nói : “Đạo thường vô vi nhi vô bất vi.” Nghĩa là : Đạo thường không làm (tức là thuận với lẽ tự nhiên), nhưng không cái gì mà nó không làm.

Trong Trời Đất, cái gì cũng có nguyên nhân. Có sống  mới có chết, có làm  mới có thất bại, có cạnh tranh  mới có người cạnh tranh với mình. Muốn được bình yên vô sự thì đừng cạnh tranh, mình không tranh thì thiên hạ không ai cạnh tranh với mình. (Phù duy bất tranh, cố thiên hạ mạc năng dữ chi tranh).

Vậy muốn khỏi thất bại,  muốn  tránh những cái di hại do nó mà ra, người ta cũng phải trừ cái nguyên nhân của nó.

Nguyên nhân của sự thất bại là gì ? Đức Lão Tử cho nó là : “ Có làm “ (HữuVi). Đức Lão Tử nói : Vi giả bại chi, chấp giả thất chi. Thị dĩ Thánh nhân  vô vi cố vô bại, vô chấp cố vô thất. Dân chi tòng sự, thường ư  cơ thành nhi bại chi. Nghĩa là : Người có làm tất có thất bại, người muốn cầm giữ tất bị mất. Cho nên Thánh nhân không làm việc gì nên không bại (bao giờ). Người thường làm việc, thường khi gần thành thì bị thất bại.

Chủ nghĩa Vô Vi làm thế nào mà trừ được những nguyên nhân sanh ra những điều có hại ?

Người đời thường hay khinh suất, coi thường những việc nhỏ mọn dễ dàng, đến lúc những cái nhỏ mọn đã thành ra những nguyên nhân  to lớn; những cái dễ dàng đã thành ra những nguyên nhân khó khăn, lúc đó  mới lo làm thì bấy giờ không thể làm được nữa.

Chủ nghĩa Vô Vi cốt ở diệt những nguyên nhân tai hại từ khi nó chưa phát hiện. Đức Lão Tử nói: Làm cách Vô Vi, thờ cái Vô Sự, mến cái Vô Vị (không mùi vị). Lớn nhỏ, ít nhiều, đều lấy Đức báo lại thù oán. Lo việc khó từ khi còn dễ, làm việc lớn từ khi còn nhỏ. Việc khó trong thiên hạ, tất phải làm từ khi còn dễ, việc lớn trong thiên hạ tất phải làm từ khi còn nhỏ. Vì vậy, Thánh nhân không bao giờ làm việc lớn nào mà có thể thành được việc lớn. Vâng nhận một cách khinh suất tất nhiên ít được đúng lời, coi là dễ bao nhiêu thì càng khó khăn bấy nhiêu. Vì vậy, Thánh nhân  thường lấy làm khó mà chung qui không  việc gì khó. (Vi vô vi, Sự vô sự, Vị vô vị, Đại, tiểu, đa, thiểu, báo oán dĩ đức. Đồ nan ư kỳ thị, vi đại ư kỳ tế. Thiên hạ nan sự, tất tác ư dị, thiên hạ đại sự, tất tác ư tế. Thị dĩ Thánh nhân chung bất vi đại, cố năng thành kỳ đại. Phù khinh nặc tất quả tín, đa dị tất đa nan. Thị dĩ Thánh nhân do nan chi, cố chung vô nan kỳ.)

Bổn ý của Đức Lão Tử không phải ngồi khoanh tay mà nhìn. Ngài cũng không muốn lo việc thiên hạ, nhưng lo hẳn bằng cách trừ những cái mầm hại trước khi nó nẩy nở ra.

Vì vậy, chủ nghĩa Vô Vi không phải là không làm, không trị, nhưng phải làm từ cái lúc chưa có việc gì xảy ra, trị lúc chưa loạn. (Vi chi ư vị hữu, trị chi ư vị loạn).

d)  Bàn về việc Chánh trị : Trị nước an dân.
Đức Lão Tử cho rằng, quốc gia lý tưởng là quốc gia được một Thánh nhân cai trị. Điều nầy đồng quan điểm với các Nho gia, nhưng Nho gia lại nói rằng : Khi lên cầm quyền, Thánh nhân phải làm nhiều việc  ích lợi cho dân.

Còn Đức Lão Tử thì nói trái lại : Bổn phận của Thánh Vương không phải làm việc mà phải không làm gì cả (Vô Vi), vì những việc rối loạn xảy ra trong đời nầy không phải vì nhiều việc chưa được làm, mà vì quá nhiều việc đã được làm.

Đức Lão Tử nói rõ : Dân có nhiều ngày kỵ úy thì dân nghèo. Dân có nhiều khí giới thì nước loạn. Người nhiều tài khéo thì vật giả mạo càng thêm. Pháp lệnh càng tăng thì trộm cướp càng nhiều.

Hành động đầu tiên của Thánh Vương là bỏ hết mọi điều ấy.
Đức Lão Tử còn nói : Dứt Thánh bỏ trí, dân lợi gấp trăm. Dứt nhân bỏ nghĩa, dân lại hiếu từ. Dứt khéo bỏ lợi, trộm cướp chẳng còn. Không chuộng người hiền, khiến dân không tranh. Không trọng vật quí hiếm, khiến dân không trộm cướp. Không thấy vật đáng ham, khiến lòng dân không loạn. (Tuyệt Thánh khí trí, dân lợi bách bội. Tuyệt nhân khí nghĩa, dân phục hiếu từ. Tuyệt xảo khí lợi, đạo tặc vô hữu. Bất thượng hiền, sử dân bất tranh. Bất quí nan đắc chi vật, sử dân bất  vi đạo. Bất kiến khả dục, sử dân tâm bất loạn).

Cho nên lối trị dân của bực Thánh Vương là làm cho lòng trống bụng no, yếu chí, mạnh xương, thường khiến cho dân không biết ham muốn, để cho những kẻ có biết cũng không dám làm. (Thánh nhân chi trị, hư kỳ tâm, thực kỳ phúc, nhược kỳ chí, cường kỳ cốt, thường sử dân vô tri vô dục, sử tri giả bất cảm vi giả.)

Thánh Vương sẽ diệt mọi nguyên nhân rối loạn trong đời. Sau đó sẽ trị vì bằng chủ nghĩa Vô Vi. Vô Vi là không làm gì, nhưng mọi việc đều thành.

Đức Lão Tử nói : Ta không làm mà dân tự hay. Ta thích  yên mà dân tự chánh. Ta vô sự mà dân tự giàu. Ta không muốn mà dân tự phác.

Không làm (Vô Vi) mà không có gì chẳng làm được. Đó là tư tưởng đặc biệt của Lão Tử, nó có vẻ như mâu thuẩn, nghịch lý. Nhưng theo các Đạo gia, vị cầm quyền  quốc gia phải bắt chước theo Đạo. Nhà cầm quyền không làm gì, mà để cho mọi người dân làm điều gì mà  mỗi người có thể làm.

Từ luận lý đó, Lão Tử nói thêm : Thánh vương không làm cho dân sáng mà làm cho dân ngu.

Chữ "ngu" ở đây có nghĩa đặc biệt như câu : Đại trí nhược ngu. Cái ngu của bực Thánh nhân là đại trí. Cái ngu của dân ở đây là không tham vọng, sống giản dị tự nhiên.

2 . Nam Hoa Kinh của Trang Tử :
Bộ Nam Hoa Kinh hiện nay còn được 33 thiên, chia làm 3 phần : Nội thiên, Ngoại thiên và Tạp thiên. Có giá trị nhứt là 3 bài : Tiêu dao du, Tề vật luận, Thu thủy.

Trang Tử chủ trương trở về với tự nhiên, đề cao cá nhân tự do, cho rằng vạn vật đều bình đẳng với nhau, không có thiện ác, không có phải trái, không có tốt xấu, vinh nhục, …

Tư tưởng của Trang Tử rất lãng mạn, thâm thúy, kỳ dị. Đặc biệt nhứt là giọng phúng thích của Ông, không chừa một hạng người nào, từ vua tới quan, từ hạng ham giàu mà Ông gọi là vô sỉ đến hạng trí thức theo Nho, theo Mặc, Ông cũng miệt thị.

Ông không màng thế tục, không ham sống, không sợ chết, coi cuộc đời chỉ là giấc mộng lớn, chết là tỉnh mộng.

Văn luận thuyết của Ông thật độc đáo, cuồn cuộn như sông lớn, không dùng phép lý luận để thuyết phục như Mạnh Tử, mà chỉ dùng những ý tưởng lạ, những kết luận đột ngột, những tỉ dụ không ai ngờ để làm cho người đọc ngạc nhiên thích thú hoặc xấu hổ mà không cãi được.

Những tư tưởng của Trang Tử  thể hiện trong Nam Hoa Kinh  kể ra được như sau :
a) Đường lối để đạt đến hạnh phúc :
Bài đầu tiên trong Nam Hoa Kinh là Tiêu Dao Du gồm nhiều  câu chuyện vui. Trang Tử  đã cho thấy đường lối để đạt hạnh phúc : Sự phát triển tự do bản tính của con người có thể đem ta đến hạnh phúc tương đối. Muốn có hạnh phúc tuyệt đối, phải có sự hiểu biết thấu đáo về bản chất sự vật.

Theo Trời là nguồn gốc của mọi điều hạnh phúc và tốt lành. Theo Người là nguồn gốc mọi sự khó nhọc và tai hại.

Mọi vật đều khác nhau về bản tính và khả năng tự nhiên. Nhưng điều giống chung là mỗi vật đều được hạnh phúc ngang nhau khi khả năng của chúng được sử dụng trọn vẹn và tự do. Đó chỉ là hạnh phúc hữu hạn, còn tương đối.

Người không hiểu biết thì buồn rầu. Nhưng khi đã hiểu biết rõ thì không cảm thấy buồn rầu nữa. Cho nên có thể lấy lý mà hóa tình. Người ta có thể dùng lý trí  chế ngự tình cảm.

Trang Tử chủ trương rằng : Thánh nhân khi đã hiểu biết hoàn toàn về sự vật thì không còn tình cảm nữa. Điều ấy có nghĩa là Thánh nhân không còn bị cảm xúc làm lay động tâm hồn. Do đó, nhờ sự hiểu biết bản chất sự vật mà Thánh nhân không thấy buồn khổ vì những đổi thay của cuộc đời. Thánh nhân không còn phụ thưộc vào ngoại vật và do đó, hạnh phúc không còn bị hạn chế bởi  ngoại vật. Thánh nhân đã đạt đến hạnh phúc tuyệt đối vậy.

Trang Tử nhấn mạnh  đến sự hợp nhứt giữa người và vạn vật. Muốn thực hiện sự hợp nhứt ấy, phải có sự hiểu biết và trí thông minh cao hơn nữa. Hạnh phúc do sự hợp nhứt ấy là hoàn toàn tuyệt đối.

b) Tư tưởng Chánh trị và xã hội :
Trang Tử phản đối kịch liệt lối trị dân bằng những luật pháp máy móc của chánh quyền. Ông chủ trương rằng : Phương sách  cai trị dân chúng hay nhứt là Vô Chánh phủ. Ông nói : Ta nghe nói để yên  thiên hạ chớ không nghe nói trị thiên hạ. Để yên thiên hạ là sợ làm cho thiên hạ tính bị hư, đức bị dời. Nếu thiên hạ không hư tính, không dời đức, thì cần chi phải trị thiên hạ.

Thánh nhân là người đã hợp nhứt  với Đạo. Thánh nhân có thể cai trị thiên hạ, nhưng chánh trị của Thánh nhân là để yên thiên hạ, và để cho mọi người tự do sử dụng một cách trọn vẹn những khả năng tự nhiên của họ.
Đạo là Vô Danh, do đó Thánh nhân cũng Vô Danh, vì đã hợp nhứt với Đạo.

c) Quan điểm siêu việt :
Trang Tử chủ trương những quan điểm “đúng sai”, đều được  mỗi người nêu lên căn cứ  trên kiến thức chủ quan của mình. Tất cả đều là những quan niệm tương đối.

Vượt lên trên một chút thì sự đúng sai, sống chết đều chỉ là sự thay đổi của sự vật. Cùng một sự vật, nhưng trên khía cạnh nầy thì đúng, trên khía cạnh khác thì sai. Vậy thì ta cũng không cần phải tự mình quyết định điều gì là đúng, điều gì là sai.

Vượt lên trên nữa, tức là quan điểm siêu việt, thì phải nhìn sự vật trong ánh sáng của Trời, tức là quan điểm của Đạo. Mặc dầu mọi vật khác nhau, nhưng chúng đều giống nhau ở điểm chúng được hữu ích, vì tất cả đều do Đạo mà ra. Do đó, đứng trên quan điểm siêu việt, tức là Đạo, ta thấy dẫu có phân biệt nhau nhưng vẫn có thể thông làm một.

Sự phân biệt giữa Ngã và Vô Ngã, cũng là tương đối. Đứng trên quan điểm Đạo, thì Ngã và Vô Ngã hợp nhứt.

Hãy quên đi sự phân biệt phải trái. Hãy vui trong cõi vô cùng và dừng lại ở đấy. Cõi vô cùng là cảnh giới của những người đạt đến Đạo.

Trang Tử đã đạt đến sự giải đáp cuối cùng của vấn đề bổn lai của Đạo gia nguyên thủy. Vấn đề ấy là giữ mạng sống và tránh hiểm nguy đau khổ. Nhưng với bực Thánh nhân, nó không còn là vấn đề nữa. Trang Tử viết : Trời Đất là vạn vật hợp nhứt. Đạt đến cái NHỨT thì hợp làm một với Trời Đất, tay chân ta không hơn gì bùn đất, sống chết, đầu cuối, không khác gì sự nối tiếp ngày đêm, đều không thể làm bận lòng. Như vậy hẳn không bận tâm gì về được thua, còn mất.

Vì thế, Trang Tử giải quyết vấn đề bổn lai của Đạo gia nguyên thủy bằng cách bỏ hẳn nó đi. Đó là phương pháp Triết học để giải quyết vấn đề.

Một khi đã quên hết mọi sự phân biệt thì trở thành cái NHỨT BẤT PHÂN HÓA, tức là cái Đại Toàn Thể. Bởi vì Thánh nhân đã thỏa mãn điều kiện nầy nên ta có thể nói rằng, Thánh nhân đã đạt đến  sự hiểu biết siêu việt mà Đạo gia gọi là “ Hiểu biết không phải là hiểu biết”.

Sự khác biệt giữa Thánh nhân  và người ngu dốt, bổn lai cũng rõ như sự khác biệt giữa người can đảm và người không biết sợ, vì người nầy không biết sợ là gì. Người ngu dốt bổn lai là người không có hiểu biết, chớ không phải là người có sự không hiểu biết. Đó là giai đoạn cuối cùng, giai đoạn đạt đến sự không hiểu biết mà Đạo gia gọi là “Hiểu biết không phải là hiểu biết”.

IV . Triết lý của Lão giáo :

1 . Quan niệm về Vũ trụ và vạn vật :
Đối với Đức Lão Tử, nguyên thủy của vũ trụ và vạn vật là ĐẠO.

ĐẠO là thể vô hình vô tướng, không sinh không diệt, hằng hữu đời đời. Sở dĩ người ta không thấy được Đạo là vì nó là những nguyên tố rời rạc, chưa kết thành hình tượng.

ĐẠO sanh một, một sanh hai, hai sanh ba, ba sanh vạn vật. Một đó là Thái cực, Hai đó là Âm Dương, Ba đó là Tam Thiên Vị (Ba ngôi : Thái cực, Dương và Âm). Âm và Dương ấy thâu nhận Sanh quang từ ngôi Thái cực, rồi vừa xung đột vừa hòa hiệp, để tạo thành Càn Khôn Vũ Trụ và vạn vật. Cho nên, trong vạn vật đều có Âm Dương : Vạn vật đều có cõng một Âm và bồng một Dương.

Vậy theo Đạo giáo, trước khi vũ trụ thành hình, trong khoảng không gian hư vô bao la, có một chất sinh rất huyền diệu, gọi là ĐẠO. Đạo biến hóa ra Âm Dương. Âm Dương xô đẩy và hòa hiệp tạo ra CKVT và vạn vật.

Vạn vật được hóa sanh ra, tác động với nhau, phồn thịnh với nhau, rồi cuối cùng tan rã để trở về trạng thái không vật không hình, tức là trở về nguồn gốc của nó là ĐẠO.

 2 . Quan niệm về Nhân sinh :
Đức Lão Tử quan niệm rằng : Đạo Trời không thân ai, không sơ ai. Trời Đất sanh ra muôn vật,  rau cỏ, chim muôn, nhơn loại, không phải cốt để chúng ăn thịt nhau, nhưng các sanh vật đều được dùng cái nó sở  thích  để sống.

Đức Lão Tử không lấy cuộc đời làm lạc thú, xem việc sống như một nghĩa vụ, không yếm thế, không lạc quan, và xem cái chết là một việc phục tùng theo lẽ tự nhiên nhứt định.

Lão Tử ghét những người ham mê danh lợi, quá coi trọng cái xác thịt của mình. Cái xác thịt nầy là một cái không đáng quí, vì nó thường là mối lo cho người ta; đáng quí nhất là khi người ta biết đem thân ra phụng sự thiên hạ.

Đức Lão Tử khuyên người đời không nên quá tôn trọng và thiên về đời sống vật chất, phải tiết chế lòng ham muốn, nên chú trọng tinh thần, lấy cái tâm đè nén cái khí, thà bỏ cái thân nầy mà giữ được Đạo và Đức.

Lão Tử không bàn đến Thượng Đế, Linh hồn, Thiên đàng, Địa ngục, mà chỉ nói một cách tổng quát về nguồn gốc của con người và vạn vật là từ ĐẠO mà ra, và cuối cùng thì trở về ĐẠO, hòa vào ĐẠO.

3 . Lý Vô Vi :
Muốn hòa vào ĐẠO, Đức Lão Tử nói về Lý Vô Vi. (Vô Vi là không làm, tức là không can thiệp và tự nhiên, để con người sống theo tự nhiên và cùng với tự nhiên tiến hóa).

Lý Vô Vi gồm : Vô cầu, Vô tranh, Vô đoạt, Vô chấp.
- Vô cầu, giúp ta vô vọng, xa lìa vọng tưởng điên đảo.
- Vô tranh, giúp ta vô đại, xa lìa ý tưởng hơn thua, cao thấp.
- Vô đoạt, giúp ta vô thủ, xa lìa ý tưởng có, không, còn, mất.
- Vô chấp, giúp ta vô ngại, xa lìa ý tưởng trược thanh.

Vô Vi  tức  Đạo. Đạo thường vô vi nhi vô bất vi. (Không làm tức là Đạo. Đạo thường không làm, mà không gì không làm được).

Từ chỗ không làm mà làm được tất cả. Làm được tất cả mà như  không làm gì cả. Đó là bí quyết của Đạo.
Lý Vô Vi quá sức huyền diệu cao viễn, ít ai thấu triệt nổi, thành ra bị thất truyền hay bị hiểu sai lạc đi.

Thực hiện theo lý Đạo thì phải Luyện Kim đơn, để gom Tam Bửu : Tinh, Khí, Thần, về một, tức là Tinh Khí Thần hiệp nhứt. Ta phải thanh luyện tiếp để xả hết, hòa vào hư không, tức là trở về hiệp nhứt với Đạo.

Luyện Kim đơn là luyện cho thành Thánh thai (Anh nhi, Xá lợi), chớ không phải luyện thuốc Tiên, trường sanh bất tử. Luyện cho cái Tánh trở thành Kim cang bất hoại, gặp động không loạn, nhập trần không nhiễm, định mà không chết cứng, đi đứng nằm ngồi mà như không đi đứng nằm ngồi, thuyết giảng đạo pháp mà như không thuyết giảng, vv … tức như thế là nhập vào Lý Vô Vi vậy.

V . Sự truyền bá Lão giáo tại Trung Hoa :

Sau đời Đức Lão Tử thì có Trang Tử (Tất Viên) và Liệt Tử làm sáng thêm cái Đạo của Lão Tử và quảng bá ra.

Lão giáo rất huyền diệu cao siêu, ít người hiểu thấu, nên những người học Đạo sau nầy biến thành bọn phương sĩ cầu phép Thần Tiên và thuật trường sanh bất tử.

Vua Tần Thủy Hoàng sai Từ  Phúc, Lư  Sinh  ra biển Đông tìm thuốc trường sanh.
Vua Hán Võ Đế cũng rất sùng tín Lão giáo, cùng với Đông Phương Sóc cầu Đấng Diêu Trì Kim Mẫu giáng phàm.

Đời Đông Hán có Trương Đạo Lăng học theo sách Đạo Đức Kinh, rồi làm ra sách gọi là Đạo Kinh, giảng cái thuật trường sanh.

Bọn Trương Giác, Trương Tu (sau nổi lên làm Giặc Khăn Vàng) chính là học trò của Trương Đạo Lăng, luyện được phép hô phong hoán võ, sái đậu thành binh.

Thời nhà Đường, Lão giáo thạnh hành, ngang bằng với Nho giáo và Phật giáo, truyền bá khắp nơi trong nước.

Đời nhà Tống, nhà vua lập thêm nhà thờ Đạo giáo, đặt ra giai cấp (Tiên sinh, Xử sĩ) và quan hàm (Thị Thần, Hiệu Tịch) cho đồ đệ.

Đến đời Nam Tống, Đạo giáo (Lão giáo) có phần suy.
Đến đời nhà Nguyên, Đạo giáo được chia thành 3 phái : Chính Nhất giáo, Chân Đại Đạo giáo, và Thái Ất giáo, lưu hành khá rộng.

Đời nhà Minh, Đạo sĩ Trương chính Thường được phong là Chân Nhân (Chơn Nhơn) hàm Chánh Nhị phẩm. Vua Minh Thế Tôn rất sùng tín Đạo giáo, đặt Đạo trường ở trong Cung, nhiều văn thân phụ họa đều được hiển đạt, bọn giáo đồ cậy thế ấy thường làm nhiều điều càn dỡ. Vua Minh Mục Tông lên ngôi, giết các Đạo sĩ gian ác, nhưng vẫn tôn trọng Đạo giáo.

Đời nhà Thanh, Đạo giáo cũng khá thạnh hành, khắp nơi trong nước đều có nhà thờ Đức Lão Tử. Ở Bắc Kinh có Bạch Vân Quán, chứa đến 3000 quyển sách Đạo giáo . Thuật của Đạo giáo lúc nầy là vào núi luyện  Khí dưỡng Thần, hoặc luyện đơn sa, uống cho sống lâu, hoặc vẽ bùa trừ ma quỉ, trị bịnh tà. Các Đạo sĩ đều dùng áo tràng và mão màu vàng.

Ở kinh đô, có lập ra Đạo Lục Ty, ở các phủ có Đạo Kỷ Ty, ở các châu có Đạo Chính Ty, ở các huyện có Đạo Hội Ty, để quản lý các Đạo sĩ.

Tóm lại, sau khi Trang Tử mất, Liệt Tử qua đời, từ đó về sau, không có vị nào hiểu thấu giáo lý của Đạo giáo để đứng ra chỉnh đốn và xiển dương thêm, nên Đạo giáo thất chơn truyền nhanh chóng, biến thể ra những hình thức mê tín dị đoan như luyện thuốc trường sanh, bùa chú, đồng bóng.

Cũng có một số rất ít người hiểu rõ Đạo giáo, nhưng lại không ra giúp việc chỉnh đốn Đạo pháp mà lại rút vào thâm sơn cùng cốc tu luyện thành Tiên. Nhưng tinh thần của Đạo giáo thì vẫn ảnh hưởng mạnh trong khắp các từng lớp dân chúng, đến vua quan và các trí thức Nho gia.

VI . Tiểu sử Đức Lão Tử :

Đức Lão Tử là chơn linh của Đức Thái Thượng Đạo Tổ giáng trần vào thời nhà Thương bên Tàu.

Đức Thái Thượng Đạo Tổ, còn gọi là Đức Thái Thượng Đạo Quân, là Đấng do Khí Tiên Thiên hóa sanh thuở chưa tạo Thiên lập Địa.
Tiên Thiên khí hóa,
Thái Thượng Đạo Quân. (Kinh Tiên giáo)

Đức Thái Thượng Đạo Tổ là Ông Thủy Tổ của Đạo Tiên. Ngài có pháp lực vô biên, biến hóa vô cùng, khi hiện xuống cõi trần  để độ những người có duyên phần, khi trở về cõi Thượng Thiên.

Theo sách Tam Hoàng Thiên Kinh, Đức Thái Thượng hiện xuống cõi trần 
- Vào thời Thái cổ nước Tàu :
- Đời Thiên Hoàng Thị, Ngài là Bàn Cổ.
- Đời Địa Hoàng Thị, Ngài là Vạn Pháp Thiên Sư.
- Đời Nhơn Hoàng Thị, Ngài là Đại Thanh Tử.
- Vào thời Thượng cổ, cũng ở nước Tàu :
- Đời vua Phục Hy, Ngài là Huất Hoa Tử.
- Đời vua Thần Nông, Ngài là Xích Tùng Tử.
- Đời vua Huỳnh Đế, Ngài là Quảng Thành Tử.
- Đời vua Thiếu Hạo, Ngài là Tùy Ưng Tử.
- Đời vua Chuyên Húc, Ngài là Xích Tinh Tử.
- Đời vua Nghiêu, Ngài là Vụ Thành Tử.
- Đời vua Thuấn, Ngài là Y Thọ Tử.
- Đời vua Hạ Võ, Ngài là Chân Hành Tử.
- Đời vua Thành Thang, Ngài là Tích Tắc Tử.

Đến đời vua Võ Đinh nhà Thương (1324 trước Tây lịch), Đức Thái Thượng Đạo Tổ  mới giáng sanh xuống trần là  Lão Tử. Việc giáng sanh của Ngài rất huyền diệu phi thường.

Theo truyền thuyết kể lại, vào đời vua Bàn Canh nhà Thương (1461 trước Tây lịch), có một nàng con gái gọi là Ngọc Nữ vừa được 8 tuổi, con của một gia đình đạo đức, ra chơi sau vườn, thấy trên cây lý có một trái chín thật ngon, cô liền hái ăn. Ăn xong, cô cảm thấy mỏi mệt và có thai.

Cha của Ngọc Nữ thấy sự lạ kỳ, liền toán quẻ Âm Dương, đoán biết có một vị Đại Tiên giáng trần trong bụng con gái của mình, nên mừng rỡ và nuôi con gái rất kỹ.

Nàng Ngọc Nữ chịu mang thai như vậy mãi cho đến già mà không đẻ. Đến năm Ngọc Nữ 80 tuổi, tức là đã mang thai ngót 72 năm, lúc đó đã qua 3 đời vua nhà Thương là : Vua Bàn Canh, vua Tiểu Tân, vua Tiểu Ất, và bắt đầu đời vua Võ Đinh (1324 trước Tây lịch), Bà Ngọc Nữ thấy trăng tỏ, bèn đi dạo chơi nơi vườn. Khi đi ngang cội cây lý ngày xưa thì đứa con từ trong bụng theo nách mẹ nhảy ra ngoài. Bà Ngọc Nữ giựt mình kinh hãi, coi lại nách mình liền lại như thường. Đứa con nhảy ra, đã ở trong bụng mẹ 72 năm nên đầu tóc bạc trắng, nên  mới gọi là Lão Tử (Con già). Lúc đó là giờ Sửu ngày 15 tháng 2  âm lịch năm Canh Thìn.

Lão Tử chỉ cây Lý bảo rằng đó là họ của Ngài. Ngài xưng hiệu là Lão Đam, tự là Bá Đương, lại  mỗi bên tai có 3 lỗ nên còn gọi Ngài là Lý Nhĩ.

Ngài có miệng rộng, răng thưa, thiên đình cao, râu tốt, mắt vắn, tai dài, sóng mũi cao lớn như chẻ hai, trên trán có đường nhăn như  3 chữ Tam Thiên.

Cội cây Lý, nơi giáng sanh của Đức Lão Tử, ở tại xóm Khúc Nhơn, làng Lại, huyện Khổ, nước Sở, ngày nay thuộc tỉnh An Huy, tỉnh Hồ Nam.

Do đó, trong Kinh Tiên giáo có câu :
Nhị ngoạt thập ngũ,
Phân tánh giáng sanh.

Nghĩa là : Ngày 15 tháng 2,
Chiết chơn linh giáng sanh xuống trần.

Đức Lão Tử có giáng cơ cho biết năm giáng sanh của Ngài trong 4 câu thơ khoán thủ sau đây:
LÝ đào mầm tược tượng long lân,
LÃO luyện đơn thành nhị xác thân.
TỬ phủ ngồi  tu lo nấu  thuốc,
GIÁNG sanh Thương đợi Võ Đinh quân.

Khoán thủ 4 chữ : Lý Lão Tử  giáng, và câu thơ chót có nghĩa là : Giáng sanh vào thời nhà Thương, đợi đến vua Võ Đinh  mới chào đời.

Hết thời nhà Thương, qua đến thời nhà Châu, đời vua Thành Vương (1115 trước Tây lịch), Lão Tử có ra làm quan  Trụ Hạ Sử tại Tàng Thư Viện nhà Châu để có cơ hội nghiên cứu Thái Cực Đồ. Ngài độ được Từ Giáp là người giữ Tàng Thư Viện, và sau đó, hai thầy trò từ chức để đi dạo các nước  Tây phương. Đến đời vua Châu Khương Vương, nối tiếp vua Thành Vương, Lão Tử trở về, đặng 3 năm thì Ngài lại đi giáo đạo miền Tây vức. Ngài ngồi xe trắng trâu xanh do Từ Giáp đánh xe, khi đến ải Hàm Cốc, quan Doãn giữ  ải tên là Hỷ (nên thường gọi là Doãn Hỷ) coi Thiên văn biết có một vị Đại Thánh sắp đi qua ải, nên chuẩn bị mặc triều phục nghinh tiếp. Khi thấy Đức Lão Tử tới, biết Ngài là Thánh nhân nên tôn Lão Tử làm thầy, xin theo học đạo.

Nguyên Ông quan Doãn Hỷ nầy là chơn linh của Nguơn Thủy Thiên Tôn giáng trần. Khi Bà mẹ có nghén Ông thì chiêm bao thấy một đoạn lụa đỏ từ Trời sa xuống vấn quanh mình, sau sanh ra Doãn Hỷ thì thấy sen mọc quanh nhà trổ bông. Ngài lớn lên, con mắt sáng như sao, râu dài, tướng tốt, có tài xem Thiên văn. Khi làm quan Doãn giữ ải Hàm cốc, Doãn Hỷ nhìn lên bầu Trời thấy một vầng mây tím bay ngang từ huớng Đông qua hướng Tây, Ngài biết đó là điềm có Thánh nhân sắp qua ải để đi về hướng Tây, nên chuẩn bị chu đáo  nghinh tiếp.
Do đó, trong Kinh Tiên giáo có câu :
Tử  khí  đông  lai,
Quảng truyền Đạo đức.

Nghĩa là: Vầng khí mây màu tím từ hướng Đông bay tới,
Rộng truyền Kinh Đạo Đức.

Nhắc lại, khi Lão Tử đến ải Hàm Cốc, thấy Doãn Hỷ có lòng thành nên bằng lòng ở lại ải ngót 3 tháng để dạy đạo cho Doãn Hỷ.

Khi thấy Đức Lão Tử chuẩn bị ra đi thì Doãn Hỷ bạch thầy xin cho biết danh tánh và tình nguyện đi theo thầy.

Đức Lão Tử đáp :
- Ta sanh ra đã nhiều đời, tên họ có biết bao nhiêu mà kể. Hiện thời, người đời gọi Ta là Lão Tử. Ngươi có lòng muốn theo Ta, song ngươi  mới tu luyện còn non, chưa từng biến hóa thần thông, thì theo Ta sao đặng. Ngươi cứ tu hành theo phép đã dạy cho lâu thì sau nầy cũng được như Ta, đi đâu cũng đặng.

Nói rồi, Đức Lão Tử  truyền cho Doãn Hỷ quyển sách Đạo Đức Kinh gồm 5363 chữ, dặn rằng:

- Ngươi cứ theo sách nầy mà học, tu đúng phép 1000 ngày, rồi đi qua nước Thục, tìm Ta tại chợ Thanh Dương.

Nói xong, Đức Lão Tử lên xe trắng trâu xanh, Từ Giáp đánh xe, hiện hào quang đi về hướng Tây mất dạng.
Doãn Hỷ ngó theo thầy, lạy tạ.

Sau đó, Doãn Hỷ cứ học theo Đạo Đức Kinh mà tu, lâu ngày trở nên thông huệ, tự viết ra được một cuốn sách gồm 36 bài gọi là Kinh Tây Thăng.

Gần đến kỳ ước hẹn với thầy, Doãn Hỷ sửa soạn đi qua nước Thục để tìm thầy y như lời thầy đã dặn. Khi đến nước Thục, Doãn Hỷ hỏi thăm chợ Thanh Dương ở đâu thì không một ai biết cả.

Lúc ấy, Đức Lão Tử đã trở lại Thiên Cung, rồi lại xuống trần đầu kiếp vào nhà họ Lý ở nước Thục, là nhà đạo đức hiền lương. Khi vợ họ Lý sanh được bé trai ít tháng thì có một con dê xanh (Thanh dương) đến chơi giỡn với bé. Đó là Đức Lão Tử dặn con Thanh dương ở Thiên cung hiện xuống.

Ngày kia con dê xanh chạy đâu mất, cậu bé khóc hoài. Họ Lý phải sai đầy tớ đi khắp nơi tìm kiếm, bắt gặp dê xanh dẫn về, đi ngang qua một cái chợ.

Doãn Hỷ đang lúc hỏi thăm tìm chợ Thanh dương, bỗng thấy có người dắt con dê xanh đi qua chợ, liền chợt nghĩ rằng chắc thầy mình đang ở chỗ nầy. Nghĩ vậy, Doãn Hỷ liền chạy theo người dắt  dê xanh hỏi :
- Chú dắt con dê nầy đi đâu vậy ?
Người ấy đáp :
- Chủ tôi có sanh một cậu trai, cách ít tháng có con dê nầy tới chơi với cậu nhỏ. Bữa kia nó đi mất, cậu nhỏ cứ khóc hoài. Chủ tôi sai tôi đi tìm kiếm mà dắt về.
Doãn Hỷ đi theo người đầy tớ ấy đến nhà thì bảo người đầy tớ :
- Chú vào thưa với cậu nhỏ là có Doãn Hỷ đến tìm.

Anh đầy tớ cười thầm : Cậu nhỏ chưa giáp thôi nôi, biết chi mà thưa với gởi, nhưng anh ta cũng vào nói :
- Có Doãn Hỷ đến tìm cậu.
Cậu bé nghe nói thế liền ngồi dậy đáp :
- Doãn Hỷ  y  lời, không đến trễ.
Kế đó Doãn Hỷ bước vào. Bỗng thấy cậu bé vùng lớn lên như người thường, ngồi trên tòa sen, hào quang sáng lòa. Cả nhà đều kinh hãi. Người ấy nói :
- Ta là Lão Tử đầu thai một lần nữa.

Doãn Hỷ mừng rỡ, đến lạy thầy. Lão Tử nói :
- Khi trước, Ta chẳng dắt ngươi theo vì sợ ngươi tu không bền chí. Nay ngươi đã tu luyện kỹ lưỡng, hào quang ẩn ẩn muốn lòa.

Nói rồi, Đức Lão Tử niệm chú, truyền cho Thần Tiên xuống hầu, phong Doãn Hỷ phục chức Nguơn Thủy Chưởng giáo, cai trị 8 vạn Thần Tiên, lại truyền phép cho cả nhà họ Lý tu thành Tiên hết thảy.

 Về sau, đến đời vua Châu Kỉnh Vương, Đức Khổng Tử qua kinh đô nhà Châu học Lễ, nghe nói có Đức Lão Tử tại đó, liền đến xin ra mắt và hỏi Đức Lão Tử về Lễ. (Chuyện gặp gỡ nầy có chép trong sách Sử Ký của Tư Mã Thiên).

Đức Khổng Tử  chủ trương theo các nghi lễ của các vua đời trước, nhưng Đức Lão Tử bác bỏ ý kiến đó,  nói rằng :
- Những người mà Ông nói đó đều tan xương nát thịt cả rồi, chỉ còn lời nói của họ mà thôi. Vả lại, người quân tử gặp thời thì xe ngựa nghinh ngang, không gặp thời thì tay vịn nón lá mà đi chơn không. Tôi nghe nói : Người buôn giỏi thì biết giấu của báu, khiến người ta thấy dường như không có hàng; người quân tử có đức tốt thì diện mạo thường như ngu si.  Ông nên bỏ cái khí kiêu ngạo  cùng  cái  lòng  ham  muốn nhiều , cái vẻ hăm hở cùng cái khí tham lam đi, những thứ ấy đều không  ích chi cho Ông. Tôi chỉ nói với Ông có thế thôi.

Đến khi Đức Khổng Tử cáo từ, Đức Lão Tử tiễn Đức Khổng Tử ra cửa và nói :
- Tôi nghe nói : Người giàu sang lấy tiền bạc để tiễn nhau, người nhân đức dùng lời nói để tiễn nhau. Tôi không thể làm người giàu sang, nhưng trộm lấy tiếng là người nhân đức, xin có lời nầy tiễn Ông : Kẻ thông minh và sâu sắc là gần với cái chết vì họ khen chê người ta một cách đúng đắn; kẻ giỏi biện luận, đầu óc sâu rộng làm nguy hiểm đến thân mình vì họ nêu lên cái xấu của người khác. Kẻ làm con không có cách nào để giữ mình, kẻ làm tôi cũng không có cách gì để giữ mình.

Ý của Đức Lão Tử, khi nói ra các lời trên với Đức Khổng Tử,  là Ngài chống lại sự thông minh, sự Trung và sự Hiếu, là những nguyên lý mà Đức Khổng Tử đang chủ trương, bởi vì : Có trí khôn thì dễ nguy, nếu cứ theo Trung và Hiếu thì cứ hoàn toàn bị lệ thuộc vào vua và vào cha mẹ, khó lòng được sống tự do tự tại, ung dung thơ thới.

Đức Khổng Tử ra về, nói với các học trò :
-  Con chim, ta biết nó bay; con cá ta biết nó lội, con thú ta biết nó chạy. Đối với loài chạy thì ta có thể dùng lưới để săn, đối với loài lội thì ta có thể dùng câu để bắt, đối với loài bay thì ta có thể dùng cung tên mà bắn, đến như con rồng cỡi mây cỡi gió lên Trời, ta không sao biết được. Hôm nay, gặp được Lão Tử, Ông ta có lẽ là con rồng chăng ?                   

Kể từ đó về sau, Đức Lão Tử không đầu thai xuống trần  nữa. Khi biết người nào có duyên phần thì Ngài dùng thần thông hiện xuống cõi trần để dạy đạo cho người ấy tu luyện, rồi Ngài trở lại Cung Tiên.
Đến đời nhà Tấn, Đức Lão Tử có hiện xuống, xưng là Hà Thượng Công dạy An Kỳ học đạo.
Đến đời vua Hán Văn Đế, Đức Lão Tử hiện xuống trần, xưng là Quảng Thành Tử. Hán Văn Đế rất mộ đạo, sai sứ đến rước về triều. Quảng Thành Tử nói :

- Lẽ nào không đích thân tới rước mà lại sai sứ đến ?
Sứ giả về tâu lại, Hán Văn Đế đến gặp Quảng Thành Tử, nhà vua nói :
- Ở trong nước là bề tôi của vua, thầy tuy có đạo mặc dầu, song cũng là dân của Trẫm, sao không chịu sụt lại một chút mà làm kiêu như vậy ? Hay là Trẫm không làm được họa phước cho thầy chăng ?

Quảng Thành Từ nghe vua nói như vậy, liền cất mình bay lên cao độ 100 thước, ngồi trên thinh không, ngó xuống nói với vua Hán Văn Đế rằng :
- Nay, trên chẳng tới Trời, dưới chẳng tới Đất, Bệ hạ làm họa phước cho ta sao đặng.

Vua Hán Văn Đế biết lỗi, liền bước xuống xe làm lễ, xin thọ giáo. Quảng Thành Tử đưa cho nhà vua một cuốn kinh  bảo cứ học theo đó mà tu luyện.

Qua đến đời vua Hán Thành Đế, Đức Lão Tử lại hiện xuống tại suối Khúc Dương , truyền đạo cho Vu Kiết.
Đời vua Hán An Đế, Đức Lão Tử truyền Kinh Tội Phước Tân Khoa cho Lưu Tiên.
Đời vua Hán Trinh Đế, Đức Lão Tử hiện xuống truyền kinh Bắc Đẩu cho Trương Thiên Sư.
Đời vua Hán Hoàn Đế, Đức Lão Tử hiện xuống núi Thiên Thai truyền kinh Bác Động cho Vạn Niên Tiên sinh.
Đời vua Hán Linh Đế, Đức Lão Tử hiện xuống truyền kinh cho Trương Thiên Sư một lần nữa.

Qua đời nhà Đường, Đức Lão Tử hiện xuống tại núi Dương Giác, truyền đạo cho Đường Công.
Đời vua Đường Cao Tổ, có người ở Phổ Châu, tên là Thiện Hành, đi ngang qua núi Dương Giác, gặp một Ông già mặc áo trắng, gọi đến nói rằng :
- Ngươi về tâu lại với Đường Thiên tử : Thái Thượng Lão Quân là Ông nội.
Đường Cao Tổ hay tin, liền lập miếu thờ tại núi Dương Giác,  và tôn Đức Lão Tử là “ Huyền Nguơn Hoàng Đế “.
Hồi thời nhà Châu, Đức Lão Tử có hiện xuống truyền đạo cho Ông Lý Ngưng Dương, tu hành đắc đạo thành Tiên, hiệu là Lý Thiết Quày (thường gọi là Lý Thiết Quả), đứng đầu Bát Tiên.

Đức Thái Thượng Đạo Tổ có một kiếp giáng sanh xuống trần là Lão Tử, nên Ngài cũng được gọi là Thái Thượng Lão Quân.

Tóm lại, từ thời tạo dựng Trời Đất và có nhơn loại đến nay, không có thời nào mà Đức Thái Thượng Đạo Tổ không giáng trần để độ những người có căn lành, tu hành đắc đạo.

Ngài do Khí Tiên Thiên hóa sanh, nên Ngài có pháp thuật vô biên, biến hóa vô cùng, khi hiện xuống cõi trần, khi trở về cõi Thượng Thiên, khi đầu thai xuống trần mang xác phàm để dễ truyền đạo và giáo hóa  nhơn sanh.

Trong Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, Đức Thái Thượng Đạo Tổ không giáng sanh nữa, mà Ngài chỉ dùng huyền diệu cơ bút để giáng cơ dạy đạo. Ngài giao cho Đức Đại Tiên Trưởng Lý Thái Bạch thay mặt Ngài cầm quyền Tiên giáo.

VII . Lão giáo tại Việt Nam :

Lão giáo được người Tàu truyền sang nước ta một lượt với Nho giáo, từ thời Sĩ Nhiếp làm Thái Thú. Dân VN tin tưởng và sùng kính, nhưng không ảnh hưởng bằng Nho giáo.

Đời vua Đinh Tiên Hoàng, Lão giáo khá bành trướng. Nhà vua phong Trương Ma Ni làm Tăng Lục Đạo Sĩ.

Qua đời nhà Lý, Lão giáo  vẫn tiếp tục thạnh hành.
Đến đời nhà Trần, vua Trần Thái Tôn mở khoa thi Tam giáo, chọn những người tài giỏi về Nho giáo, Lão giáo, và Phật giáo. Đến đây thì 3 đạo được tôn trọng như nhau. Ai theo đạo nào mà cái học được tinh thâm thì được vua dùng, vời ra giúp nước, chớ không chỉ căn cứ vào Nho học.

Qua đời nhà Lê, Lão giáo vẫn không suy, nhưng đạo Nho và đạo Phật lại phát triển thạnh hơn. Vua Lê Thần Tôn đã cho phép Trần Lộc lập ra Đạo Nội Tràng.

Từ đó về sau, Lão giáo vẫn tồn tại, nhưng kém phổ thông. Tinh thần Lão giáo vẫn ảnh hưởng sâu xa vào tâm hồn người Việt Nam. Bậc thượng lưu trí thức có tư tưởng phóng  khoáng tự do, không thích đem thân mình vào vòng danh lợi thì tìm cảnh an nhàn thung dung tự tại, sống theo tinh thần của Lão giáo, tu dưỡng tánh tình.

Giới Nho sĩ, trong thuở tráng niên, đem thân vào vòng danh lợi thì dùng Nho giáo để trị nước an dân, cứu khổn phò nguy, nhưng khi trở về già, thì lại thích hợp với Lão giáo, sống thanh tĩnh vô vi cùng với thiên nhiên.

Người bình dân thì tin tưởng vào chuyện Thần Tiên, cúng vái xin bùa phép, đồng bóng, làm cho những biến thể mê tín dị đoan của Lão giáo luôn luôn tồn tại.

Đạo giáo thất chơn truyền tại đâu ?
“Còn Đạo giáo là huyền bí, thậm chí ư huyền bí, nên bực thượng trí  mới thấu đáo chỗ căn nguyên, còn thường nhơn chí hạ rất khó thông cơ mầu nhiệm vô cùng, bởi vậy  mới hiểu lầm, tưởng sai, mà bày ra phép tắc, phù chú, làm cho mê hoặc thói đời, thêm hủ phong tục, khiến người nhiễm lấy dị đoan, nào là hô phong hoán võ, tróc quỉ trừ ma, bày binh bố trận,  mới biến ra Tả đạo Bàng môn, thiệt là rất hại.

Ngày nay, Thầy (1) đến đây, đem 3 nền tôn giáo hiệp nhứt lại, tạo một tòa nhà lớn lao để đời đời kiếp kiếp cho  nhơn sanh nương vào mà lánh nạn khổ thảm sầu.”  
“ Đạo thâm viễn, người tầm chẳng thấu,
Nên càng ngày ẩn giấu nơi trong.
Về sau hậu học bất thông,
Đem ra họa vẽ cua còng lôi thôi.  “
                                                                                              (Trích ĐTCG)
(1) Thầy : Đức Chí Tôn Ngọc Hoàng Thượng Đế.

Nho giáo

· Định nghĩa.
· Nguồn gốc của Nho giáo.
· Tôn chỉ của Nho giáo.

Học thuyết của Nho giáo :
A. Hình Nhi Hạ học.
B. Hình Nhi Thượng học.
· Triết lý của Nho giáo :
1 . Nhơn Sanh quan.
2. Vũ Trụ quan.
· Kinh điển.
· Tiểu sử của Đức Khổng Tử.
· Các Chi phái.
· Sự Giáo dục.
· Nho giáo VN qua các triều đại.
· Phần kết.

I . Định nghĩa :
NHO : . . .  theo Hán tự, do chữ Nhơn . . và chữ Nhu . . . ghép lại. Nhơn là người, Nhu là cần dùng.

Nho là hạng người luôn luôn được cần dùng đến để giúp ích cho nhơn quần xã hội biết cách ăn ở sao cho hợp với lòng người và lẽ Trời.

Chữ Nhu còn có nghĩa là chờ đợi, tức là người trí thức chờ đợi người ta cần dùng gọi đến thì đem tài sức ra giúp đời.

Như vậy, Nho là những hạng người học thông đạo lý của Thánh Hiền, biết được lẽ Trời Đất và Người, để hướng dẫn người phải ăn ở và cư xử thế nào cho hợp với Đạo Trời, hợp với lòng người.

Sách Pháp Ngôn có câu : “Thông Thiên định Địa viết Nho”. Nghĩa là : Người biết rõ cả Thiên văn, Địa lý,  thì  mới gọi là Nho.

Phàm những người Nho học thì chuyên về mặt áp dụng thực tế, chớ không chú trọng nhiều về mặt lý tưởng. Bởi vậy, từ xưa đến nay, họ là những người sẵn sàng nhập thế cuộc, gánh vác việc đời, làm ích nước lợi dân, khác hẳn với những tu sĩ  Phật giáo hay Lão giáo, chỉ biết xuất thế, lo tu độc thiện kỳ thân.

GIÁO: Dạy, tôn giáo, một mối đạo.
NHO GIÁO là một tôn giáo hay một học thuyết có hệ thống và có phương pháp, dạy về Nhơn đạo, tức là dạy về đạo làm một con người trong gia đình và trong xã hội.

Hệ thống của Nho giáo thì theo chủ nghĩa : “ Thiên Địa Vạn vật đồng nhứt thể” , nghĩa là : Trời Đất và muôn vật đều đồng một thể với nhau.

 Phương pháp của Nho giáo là  phương pháp chứng luận, lấy Thiên lý lưu hành làm căn bản.

Như vậy, học thuyết của Nho giáo có 3 điều cốt yếu :
- Về Tín ngưỡng : Luôn luôn tin rằng : Thiên Nhân tương dữ, nghĩa là : Trời và Người tương quan với nhau.
- Về Thực hành : Lấy sự thực nghiệm chứng minh làm trọng.
- Về Trí thức : Lấy trực giác làm cái khiếu để soi rọi tìm hiểu sự vật.

Nếu ai đã hiểu tường tận tôn chỉ của Nho giáo thì đều công nhận Nho giáo là một tôn giáo rất cao minh của nhơn loại, đã phát huy ra từ xưa tới nay. Tuy rằng người ta đem ra thi hành không được hoàn toàn, và có nhiều người hiểu lầm, song ai đã tâm đắc cái tinh thần ấy thì cũng đạt được một nhân cách quí trọng đặc biệt.

II . Nguồn gốc của Nho giáo :

Nho giáo bắt nguồn từ thời thái cổ ở nước Tàu. Thuở đó, vua Phục Hy, là một Thánh Vương đắc đạo, trông thấy được các hiện tượng trong cõi Hư linh. Ngài nhìn thấy Long Mã có bức đồ trên lưng gồm những chấm đen trắng, nổi lên giữa sông Hoàng Hà, mà biết được lẽ Âm Dương, chế ra Tiên Thiên Bát Quái, cắt nghĩa sự biến hóa của Trời Đất để làm nguyên tắc dạy người. Những vạch đơn giản của Bát Quái ấy được xem là đầu mối của văn tự  về sau nầy.

Vua Phục Hy lại còn dạy dân nuôi súc vật để sai khiến, làm lưới để đánh cá, nuôi tằm lấy tơ làm quần áo, chế đàn cầm đàn sắt, dạy dân lễ nghĩa, phép cưới vợ gả chồng (dùng một đôi da thú làm lễ, vì ở thời kỳ ngư lạp, da thú là quí), từ đó  mới có danh từ gia tộc.

Sau, đến đời vua Hoàng Đế (Hiên Viên Huỳnh Đế),  mới chế ra áo mão, và sai Ông Thương Hiệt chế ra chữ viết.
Đó là khởi thủy của Nho giáo, thành hình do thực tế kết hợp với huyền lý của Trời Đất.
Nho giáo lấy đạo Trời làm khuôn mẫu, dạy người thuận theo lẽ Trời, còn nghịch với Trời thì phải chết.

Nho giáo đã giúp nước Tàu thời Thượng cổ được hòa bình, dân chúng trên thuận dưới hòa, tạo ra một nền luân lý có căn bản vững chắc.
Tiếp theo đến đời nhà Châu, vua Văn Vương và con của Ngài là Châu Công Đán, tiếp tục khuếch trương Nho giáo, diễn giải Kinh Dịch do Phục Hy truyền lại, hệ thống hóa lễ nghi và sự tế tự. Đó là Nho giáo thuộc  Nhứt Kỳ Phổ Độ.

Vào cuối thời nhà Châu, đời vua Linh Vương, năm 551 trước Tây lịch, có Đức Khổng Tử  ra đời. Đức Khổng Tử chỉnh đốn và san định  kinh sách, phục hưng Nho giáo, tạo thành một giáo thuyết có hệ thống chặt chẽ, xứng đáng đứng ngang hàng với Lão giáo và Phật giáo.
Đó là Nho giáo thời Nhị Kỳ Phổ Độ, mà Đức Khổng Tử được xem là Giáo Chủ Nho giáo.
Kể từ năm Bính Dần (1926), mở đầu một kỷ nguyên  mới, với trình độ tiến hóa rất cao của nhơn sanh, chấm dứt thời Nhị Kỳ Phổ Độ, để bước qua thời Tam Kỳ Phổ Độ.

Đạo Nho, kể từ khi Đức Khổng Tử phục hưng, nối tiếp về sau được các vị Thánh nhân như Tử Tư, Mạnh Tử, phát huy đến độ rực rỡ, rồi sau đó dần dần suy tàn theo thời gian, vì không có bực tài giỏi nối tiếp xiển dương, cuối cùng trở thành một môn học từ chương dành cho sĩ tử leo lên đường hoạn lộ. Cái tinh túy của Nho giáo đã bị vùi lấp và Nho giáo được sử dụng một cách lệch lạc theo ý riêng của kẻ phàm trần.

Ngày nay, Đấng Thượng Đế mở ra Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ là để chấn hưng và hợp nhứt 3 nền tôn giáo lớn ở Á Đông là : Phật giáo, Lão giáo và Nho giáo, để tạo ra một nền Tân Tôn giáo, gọi là Đạo Cao Đài, dung hợp các nền tôn giáo xưa, có một Giáo lý và Triết lý thuần nhất, đầy đủ từ thấp đến cao, thích hợp với trình độ tiến hóa rất cao của  nhơn sanh hiện nay,  mới có thể kềm giữ được tâm lý của  nhơn sanh, hướng dẫn  nhơn sanh vào đường Thánh đức.
  Home   1 ]  [ 2 ]  [ 3 ]  [ 4 ]  [ 5 ]  [ 6 ] [ 7 ]  8 ]  [ 9 ]  [ 10 ]  [ 11 ]  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét