Đạo Cao Đài & Các Tôn Giáo Lớn Trên Thế Giới - 10 / 11 (Đức Nguyên)

Do đó, có nhiều người lầm tưởng Đạo Cao Đài là tôn giáo tổng hợp, hay nói nặng hơn là một tôn giáo hỗn tạp, vì họ thấy Đạo Cao Đài thờ các Đấng Giáo chủ của các tôn giáo khác như : Đức Phật Thích Ca, Đức Lão Tử, Đức Khổng Tử, Đức Chúa Jésus, lại thờ cả Quan Âm, Quan Thánh, nhà thơ Lý Bạch và cả Ông Khương Thượng nữa; còn Giáo luật thì lấy một ít của Phật giáo (như Ngũ Giới Cấm, luật Ăn chay),
lấy một ít của Lão giáo (như Tam
bửu Tinh Khí Thần), lấy một ít của Khổng giáo (như  Tam cang, Ngũ thường, Tam tùng, Tứ đức), lấy một ít của Thiên Chúa giáo (như tôn thờ Thượng Đế).

Nhưng nếu nghiên cứu sâu xa thì người ta sẽ thấy rằng : Các Giáo lý và Triết lý của Tam giáo và Ngũ Chi chỉ là một phiến diện, một khía cạnh của Đạo Cao Đài, bởi vì Đạo Cao Đài là nguyên căn của tất cả  các nền  tôn giáo, và Đấng  Giáo chủ của Đạo Cao Đài là nguyên căn của tất cả các Đấng Giáo chủ khác.

Do đó, Giáo lý và Triết lý của Đạo Cao Đài rất hoàn chỉnh, giải quyết một cách đầy đủ, thông suốt, hợp lý tất cả các vấn đề mà các tôn giáo khác còn mắc mứu.
- Phật giáo thì còn vướng mắc về vấn đề Linh hồn, Vũ trụ, Thượng Đế,  có lối tu hoàn toàn xuất thế, và các tăng ni Phật giáo sống nhờ sự bố thí của  nhơn sanh.
- Lão giáo thì có lối tu vô vi, yếm thế, độc thiện kỳ thân.
- Nho giáo hay Khổng giáo thì nhập thế giúp đời, nhưng lại thiếu phần tâm pháp thượng thừa, tu giải thoát.

Để hiểu về sự dung hợp của Đạo Cao Đài với các tôn giáo khác, chúng ta lấy  thí dụ sau đây :
Việc xây nhà: Phật giáo ví như  sắt thép, Lão giáo ví như  cát đá,  Nho giáo ví như  gạch ngói, Thánh giáo Gia Tô ví như gỗ ván. Nếu đem 4 thứ ấy chất thành đống chung lại thì nó không thể thành một cái nhà, và nó chỉ là một thứ hỗn tạp không có giá trị gì cả. Ông chủ nhà còn phải lo mua  xi măng, rồi tự phát họa ra đồ án kiến trúc, dùng một số thợ chuyên nghiệp đến phụ với ổng để xây cất nhà, đúc bê tông, xây tô vách tường, lót gạch, làm cửa, sơn phết trang trí, vv . . .

Rốt cuộc cái nhà đẹp đẽ  mới được hoàn thành.
*  Hỏi vậy cái nhà nầy có phải là sắt thép không ?

Đáp : Nhà nầy không phải là sắt thép, nhưng trong nhà ấy có sắt thép làm sườn.
* Hỏi vậy cái nhà nầy có phải là gạch ngói không ? Đáp : Nhà nầy không phải là gạch ngói, nhưng trong nhà ấy có dùng gạch để làm vách và dùng ngói để làm mái che.
vv . . . . . . . .  . . . . . . .

Nhìn vào ngôi nhà, chúng ta không thấy sắt thép, đá cát, . . . vì chúng đã được xếp đặt vào nhau một cách thích hợp, tạo thành một vật thể hoàn toàn mới do các bàn tay khéo léo của ông thợ lành nghề.

Ngôi nhà đó là Đạo Cao Đài, và ông chủ nhà ấy là Đấng Tạo Hóa, Đấng Thượng Đế.
Cho nên, Đạo Cao Đài không phải là Phật giáo, nhưng Phật giáo là một thành phần của Đạo Cao Đài, giống như những cây sắt thép nằm trong cột và đà của ngôi nhà.

Đạo Cao Đài không phải là Lão giáo hay Tiên giáo, nhưng Lão giáo là một thành phần của Đạo Cao Đài, giống như  cát đá trong các vách và cột của ngôi nhà.

Đạo Cao Đài không phải là Nho giáo hay Khổng giáo, nhưng Nho giáo là một thành phần của Đạo Cao Đài, giống như  các thứ gạch ngói có trong ngôi nhà. vv . . . .

Nói như thế để chúng ta nhận định rằng : Nếu Tam giáo và Ngũ Chi Đại Đạo (trong đó có Thánh giáo Gia Tô) có kết hợp lại cũng chưa thể tạo thành Đạo Cao Đài, nó chỉ là một mớ hỗn tạp hổ lốn mà thôi, phải cần có một số vật liệu phụ khác và nhứt là bàn tay tài giỏi của người thợ tạo thì  mới tạo thành ngôi nhà Cao Đài được.

Một số vật liệu phụ khác, đó là những cái mới mà chúng ta tìm thấy không có trong Tam giáo và trong Ngũ Chi. Khi khảo sát kỹ, chúng ta sẽ thấy đó là sự thực.

Như vậy Đạo Cao Đài có phải là Chơn lý không ?
Đáp: Đạo Cao Đài không phải là Chơn lý, mà Đạo Cao Đài chỉ là một con đường tốt đẹp rộng rãi dẫn dắt con người đi thẳng đến Chơn lý. Cái Chơn lý ấy thì tuyệt đối và tối thượng, gọi là Ngọc Hoàng Thượng Đế.

Đạo Cao Đài do Đức Chí Tôn Ngọc Hoàng Thượng Đế lập ra và làm Giáo chủ.
Đức Chí Tôn lập Đạo Cao Đài mà Ngài không cần giáng sanh xuống cõi trần để mang lấy xác phàm như các vị Giáo chủ khác, Ngài vẫn ở cõi Hư Linh vô hình, dùng hiện tượng Thần Linh Học, với cây bút của chiếc Ngọc Cơ, viết ra những lời dạy bảo, tạo ra một mối Đạo hoàn hảo, cao thượng, vĩ đại về hình thức, vĩ đại về nội dung,  để tận độ  nhơn sanh.

Nhiệm vụ quan trọng của Đạo Cao Đài là :
- Qui nguyên Tam giáo, Phục nhứt Ngũ Chi :
Đem 3 nền tôn giáo lớn ở Á Đông (Phật giáo, Lão giáo, Nho giáo) và đem 5 nhánh đạo (Nhơn đạo, Thần đạo, Thánh đạo, Tiên đạo, Phật đạo) trên toàn thế giới qui về một mối duy nhất do Đức Chí Tôn Thượng Đế chưởng quản, để nhơn loại không còn có sự khác biệt nhau về tôn giáo và tín ngưỡng  mà chia rẽ nhau, tiến đến thống nhứt tư tưởng và xây dựng một xã hội đại đồng.
-  Cứu độ 92 ức nguyên nhân qui hồi cựu vị :
Hai kỳ Phổ Độ trước chỉ cứu độ được 8 ức nguyên nhân trở về ngôi vị cũ nơi cõi Thiêng liêng, còn lại 92 ức nguyên nhân  đang trầm luân nơi cõi trần. Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ có nhiệm vụ cứu độ cho hết 92 ức nguyên nhân  nầy.

- Tận độ chúng sanh trong thời Mạt kiếp của Hạ Nguơn  Tam Chuyển để lập đời Thánh đức của Thượng Nguơn Tứ Chuyển.

Trước khi lập đời Thánh đức, nhơn loại phải trải qua một cuộc Đại Phán Xét để tuyển chọn người đạo đức tham dự Đại Hội Long Hoa. Đây là một kỳ thi chung kết mà đề tài khảo thí là “Công quả Phụng sự chúng sanh”. Đức Chí Tôn giao cho Đức Di-Lạc Vương Phật làm Chánh Chủ Khảo Hội thi chung kết nầy.

Các nhiệm vụ kể trên thật vô cùng trọng đại, nhưng chắc chắn Đạo Cao Đài hoàn thành được, vì Đấng Giáo chủ

 Đạo Cao Đài là Đức Chí Tôn Thượng Đế. Đấng ấy là vua của Nhựt Nguyệt Tinh, là chủ của chư Thần Thánh Tiên Phật, và là Đại Từ Phụ của toàn cả chúng sanh, nên quyền pháp của Ngài tuyệt đối bao trùm lên khắp cả Càn Khôn Vũ Trụ.

Vì những nhiệm vụ trọng đại nầy, Đức Chí Tôn lập Đạo Cao Đài rất đặc biệt, đặc biệt về Giáo lý, Triết lý, cũng như  đặc biệt về tổ chức Giáo hội.

3) . Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ : là một nền đạo lớn mở ra kỳ thứ 3 để cứu giúp toàn cả chúng sanh nơi cõi trần thoát khỏi khổ cảnh luân hồi mà trở về cõi T.L. Hằng sống.

Gọi là Đại Đạo, một nền Đạo lớn, bởi vì nền Đạo nầy có qui mô rất lớn, được Đức Thượng Đế khai mở và làm Giáo chủ, với tôn chỉ : Qui nguyên Tam giáo, Phục nhứt Ngũ Chi. Đức Chí Tôn làm một cuộc Tổng Pháp Tông, gom tất cả tôn giáo đã có từ trước đến nay do các Đấng Thần Thánh Tiên Phật mở ra, thống nhứt lại thành một mối, dưới sự chưởng quản của Đức Chí Tôn Thượng Đế.

Gọi là Tam Kỳ Phổ Đoä bởi vì trước đây đã mở ra 2 kỳ Phổ Độ : Nhứt Kỳ Phổ Độ và Nhị Kỳ Phổ Độ.
- Nhứt Kỳ Phổ Đoä mở ra vào thời thái cổ của nhơn loại, gồm các tôn giáo : Đức Nhiên Đăng Cổ Phật mở Phật giáo, Đức Brahma Phật mở Đạo Bà-La-Môn, Đức Thái Thượng mở Tiên giáo, Đức Phục Hy mở Nho giáo, Thánh Môi-se (Moise) mở Thánh giáo Do Thái.
-  Nhị Kỳ Phổ Độ mở ra vào thời Thượng cổ của nhơn loại, gồm các tôn giáo : Đức Phật Thích Ca mở Phật giáo ở Ấn Độ,  Đức Lão Tử mở Lão giáo và Đức Khổng Tử mở Nho giáo ở Trung hoa, Đức Chúa Jésus mở Thánh giáo ở Do Thái, Đức Khương Thượng cầm Bảng Phong Thần đứng đầu Thần đạo Trung hoa.
-  Tam Kỳ Phổ Đoä là thời đại hiện nay, ứng với cuối Hạ Nguơn Tam Chuyển, bước qua Thượng Nguơn Tứ Chuyển. Đức Chí Tôn Thượng Đế không cho mở ra nhiều tôn giáo như 2 thời kỳ trước, vì ngày nay nhơn loại đã văn minh, Càn khôn dĩ tận thức, Năm Châu chung chợ, Bốn biển chung nhà, nên chỉ cần mở ra một nền Đại Đạo, bao gồm cả Tam giáo và Ngũ Chi, thống nhứt thành một mối, để nhơn loại không còn bị chia rẽ nhau vì khác tôn giáo, vì khác tín ngưỡng, để tiến đến một xã hội đại đồng.

Đức Chí Tôn xác định rằng, đây là kỳ Phổ Độ chót, trước khi mở Đại Hội Long Hoa, ấy là một cuộc Phán Xét cuối cùng, để tận độ  nhơn sanh, cứu giúp tất cả, không để sót một ai. Đức Chí Tôn Khẳng định: “ Gặp Tam Kỳ Phổ Độ nầy mà không tu thì không còn trông mong siêu rỗi.”

Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Đoä chánh thức khai đạo vào ngày Rằm Hạ nguơn (15 tháng 10 âm lịch) năm Bính Dần (1926), và Đức Chí Tôn chọn dân tộc Việt Nam, đất nước Việt Nam để khai đạo, lấy Tây Ninh làm Thánh Địa, để từ đó truyền bá ra khắp hoàn cầu.

Vấn đề 1 : Tại sao có Tam giáo rồi mà Đức Chí Tôn còn mở Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ ?
Đức Phạm Hộ Pháp thuyết đạo tại Đền Thánh đêm 22-6-Mậu Dần (1938) giảng giải như sau :

“ Do Tam giáo thất Chơn truyền, Nho, Thích, Đạo hiện nay đã trở nên Phàm giáo. Chư đệ tử trong 3 nhà đạo không giữ  y  luật lệ qui điều, canh cải Chơn truyền, bày ra các điều giả cuộc, làm cho Tam giáo biến thành dị đoan.

Đệ tử nhà Đạo chẳng tùng Pháp giáo của Đức Thái Thượng Lão Quân, tuy ở trong nhà Đạo mà dị đoan mê tín.
Đệ tử  nhà Thích không thuận theo lời giảng dạy của Đức Phật Thích Ca thì đệ tử nhà Thích dị đoan mê tín.
Đệ tử nhà Nho chẳng thật hành điều mục của Đức Văn Tuyên Khổng Thánh thì đệ tử nhà Nho dị đoan bất chánh.

Tóm lại, 2 chữ  DỊ ĐOAN nghĩa là đồ theo không trúng kiểu cái qui giới thể lệ Chơn truyền của Tam giáo.
Tiên giáo (Đạo giáo), Đức Thái Thượng dạy Tam Bửu Ngũ Hành, tu tâm luyện tánh, thủ  cảm ứng công bình.
Phật giáo, Đức Thích Ca dạy Tam Qui Ngũ Giới, minh tâm kiến tánh, thật hành Bác ái, Từ  bi.
Nho giáo, Đức Khổng Tử dạy Tam cang Ngũ thường, tồn tâm dưỡng tánh, giữ theo 2 chữ Trung Hiếu mà làm tiêu chuẩn cho mọi hành vi.

Cả luật pháp khuôn viên điều mục của 3 nhà tôn giáo từ buổi sơ khai có đủ phương diện quyền năng dìu đời thống khổ,  nhơn sanh trong thời kỳ Thượng cổ, còn tánh đức biết giữ Chơn truyền, chuẩn thằng qui củ của 3 nhà Nho Thích Đạo, làm lành lánh dữ, dưỡng tánh tu tâm, nên  mới chung hưởng đời thái bình, an cư lạc nghiệp.

Nay đến thời kỳ Hạ Nguơn cuối cùng, thế đạo suy vi, nhơn tâm bất cổ, đạo đức đổi dời, luật Tam cang chẳng giữ, phép Ngũ thường không noi, Tam giáo thất Chơn truyền, bỏ phép công bình, tranh danh trục lợi, cướp giựt hiếp đáp, giết hại lẫn nhau, không tưởng cốt nhục, chẳng tưởng đồng bào, thù nghịch lẫn nhau, thành ra một trường náo nhiệt, luân lý suy đồi, nên gọi là đời Mạt Kiếp.

Các vì Giáo chủ đời xưa tiên tri rằng : Buổi sau nầy, Tam giáo qui phàm, nên có để lời bí tích trong Sấm Truyền :
-  Như Phật Tông Nguyên Lý, Đức Phật có nói : Lục vạn dư niên Thiên khai Huỳnh Đạo.
-  Còn Nho giáo, Đức Thánh có nói : Mạt hậu Tam Kỳ Thiên khai Huỳnh đạo.
-  Đức Chúa Jésus khi bị đóng đinh trên cây Thánh giá có nói tiên tri với các môn đồ của Ngài rằng : Trong 2000 năm Tận Thế, Ta sẽ đến phán xét cho nhơn loại một lần nữa. Và Ngài nói : Còn nhiều chuồng chiên sau Đức Chúa Cha sẽ qui về một mối.

Nay Đức Chí Tôn khai Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ là đúng theo lời Sấm Truyền của các vị Giáo chủ ngày xưa.

Chỉ có 2 phương diện là do nơi Tam giáo thất Chơn truyền, chính mình Đức Chí Tôn giáng cơ lập đạo đặng qui nguyên phục nhứt, gọi là Chấn hưng Tam giáo lại cho hoàn toàn, lập luật pháp khuôn viên cho phù hạp theo dân trí buổi nầy,  mới tìm phương độ rỗi nhơn sanh, hiệp cả tinh thần của các dân tộc, biết nhìn nhau một Cha chung để thuận hòa cùng nhau, thật hành chủ nghĩa thương yêu, chung thờ một nền tôn giáo đại đồng, thì nhơn loại  mới đặng gội nhuần ơn huệ, và đời tranh đấu tự diệt sẽ trở nên đời mỹ tục thuần phong, thì vạn loại  mới chung hưởng hòa bình, phục lại đời Thượng cổ, là do nơi Thiên thơ tiền định, buổi Hạ Nguơn chuyển thế , hóa cựu duy tân.

Tóm lại, Đức Chí Tôn khai Đạo Kỳ Ba nầy là thuận theo lẽ tuần hoàn, châu nhi phục thủy.”

 Vấn đề 2 : Từ ngữ Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ do Đấng nào giáng cơ dạy cho biết lần đầu tiên vào ngày nào và ở nơi đàn cơ nào ?

Theo Thánh Ngôn Hiệp Tuyển, quyển I, trang 14, Đức Phật Thích Ca giáng cơ dạy về Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ lần đầu tiên vào ngày 8-4-1926 (âl 26-2-Bính Dần) tại đàn cơ nơi
Vĩnh Nguyên Tự, Cần Giuộc.
Bài Thánh Ngôn nầy, xin chép ra sau đây :
“ Thích Ca Mâu Ni Phật giáng cơ :

THÍCH  CA  MÂU  NI  PHẬT
Chuyển Phật đạo, Chuyển Phật pháp, Chuyển Phật tăng, qui nguyên Đại Đạo. Tri hồ chư chúng sanh ?
Khánh hỷ ! Khánh hỷ ! Hội đắc TAM KỲ PHỔ ĐỘ.
Chư  Thần, Thánh, Tiên, Phật, đại hỷ phát đại tiếu.
Ngã vô lự  Tam đồ chi khổ.
Khả tùng giáo Ngọc Đế, viết Cao Đài Đại Bồ Tát Ma Ha Tát. “
Bài Thánh ngôn Nho văn trên nghĩa là :

Đức Phật Thích Ca nói rằng : Chuyển toàn thể Phật đạo, Phật  Pháp, Phật Tăng trở về gốc là nền Đại Đạo. Chư chúng sanh biết chăng ?
Vui mừng ! Vui mừng ! Hội được vào Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ.
Chư Thần Thánh Tiên Phật quá vui mừng, phát ra tiếng cười lớn.

Ta không còn lo lắng về Ba đường khổ. Khá tùng theo lời dạy bảo của Đấng Ngọc Hoàng Thượng Đế, nay gọi là Đấng Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát.

II . Tứ giáo thất Chơn truyền :

Tứ giáo là 4 Tôn giáo lớn trên Thế giới là: Phật giáo, Lão giáo, Khổng giáo, Thiên Chúa giáo.

Thất Chơn truyền là mất Chơn truyền. Chơn truyền là Giáo lý chơn thật, đúng chơn lý, đó chính là Chánh pháp do vị Giáo chủ tìm ra, truyền lại cho người đời, tu hành theo đó thì chắc chắn sẽ đắc đạo, thoát khỏi luân hồi.

Thất Chơn truyền nghĩa là cái giáo lý chơn thật của Đấng Giáo chủ truyền lại bị sửa cải cho sai lạc đi, khiến  người tu lầm lạc, tu không đắc quả.

Bất cứ  tôn giáo nào, sau một thời gian dài truyền bá, thì dần dần bị thất Chơn truyền, và thời kỳ thất Chơn truyền được gọi là thời Mạt Pháp.

Trong Tứ giáo thất Chơn truyền, chúng ta xem trước hết về Tam giáo : Phật giáo hay Thích giáo, Lão giáo hay Đạo giáo và Nho giáo hay Khổng giáo.

1 . Tam giáo thất Chơn truyền :
“ Tam giáo trước là : Nho, Thích, Đạo, vì hoằng khai cũng đã lâu đời nên bị biến cải mà thành thử phải thất Chơn truyền, làm cho sai lạc mất hết cả Thiên cơ mầu nhiệm, bởi đó mà  nhơn sanh tuy tu nhiều mà thành thì chẳng có.

Lại cũng bị thất Chơn truyền mà Tam giáo lần lần phải chịu lu lờ mờ mịt. Nẻo chơn không ai đến, đường chánh chẳng người đi, nên cỏ mọc bìm leo, gai rào cây lấp. Vì lẽ đó, nhơn loại phải chịu mãi trong vòng  Luân hồi Tứ khổ, đày đọa mãi ở chốn trần ai.

 Nhơn sanh cũng vì vậy mà lần lần tiêu đạo đức, phế tinh thần,  mới chuộng sự hữu hình, nên bày những âm thinh sắc tướng, không ai còn để chí lưu tâm đến chỗ thâm huyền cao viễn, chỉ ưa sự dễ dàng, tạng thấy tạng nghe, rồi cứ dẫy lòng nhơn dục tham mê,  mới gây tội ác nặng nề, phải mang lấy sừng lông, mà bị thối hóa lại súc sanh và luân hồi lục đạo.” (Trích trong ĐTCG, trang 101)
Tam giáo thất Chơn truyền tại đâu ?

Trong TNHT, Đức Chí Tôn giáng cơ dạy rằng :
TNHT. I. 18 : “ Lại nữa, trước Thầy giao Chánh giáo cho tay phàm, càng ngày lại càng xa Thánh giáo, mà làm ra phàm giáo.

Thầy lấy làm đau đớn, hằng thấy gần trót 10 ngàn năm, nhơn loại phải sa vào nơi tội lỗi, mạt kiếp chốn A-Tỳ.

Thầy nhứt định đến chính mình Thầy độ rỗi các con, chẳng chịu giao Chánh giáo cho tay phàm nữa.”

Theo lời dạy trên của Đức Chí Tôn thì Tam giáo thất Chơn truyền là vì nền Chánh giáo do các vị Giáo chủ mang xác phàm lập ra. Các Giáo chủ nầy vâng lịnh Đức Chí Tôn, đầu kiếp xuống trần, tu luyện, được Đức Chí Tôn bố hóa cho thấy rõ Chánh pháp, rồi đem Chánh pháp nầy lập thành nền Chánh giáo mà truyền bá để cứu độ  nhơn sanh.

Sau thời gian mở đạo và hoằng hóa, vị Giáo chủ phải rời bỏ xác phàm, trở về cõi thiêng liêng, Chánh giáo được giao lại cho đệ tử nối tiếp làm Tổ Sư  truyền bá mối đạo.

Các vị Tổ Sư, dù đã đắc đạo, nhưng vẫn còn mang xác phàm, nên cũng còn chút ít phàm tánh, lần lần sửa cải Chơn truyền, mỗi lần sửa một chút ít theo ý riêng, rồi qua nhiều đời Tổ Sư như thế, Chơn truyền  mỗi đời sai lạc thêm một chút  ít, sau cùng thì sai lạc hẳn, gọi là thất Chơn truyền.
Ba nhà Tôn giáo đã thất Chơn truyền cách nào ?

a/ . Phật giáo (Thích giáo) :
Trong TNHT, Đức Phật Thích Ca giáng cơ dạy sau đây:

TNHT. I. 22 : “ Chư sơn nghe dạy : Vốn từ Lục Tổ thì Phật giáo đã bị bế lại, cho nên tu hữu công mà thành thì bất thành; Chánh pháp đã bị nơi Thần Tú làm cho ra mất Chánh giáo, lập riêng pháp luật, buộc mối đạo Thiền. . . . .

Lắm kẻ đã chịu khổ hạnh hành đạo. . . . Ôi !Thương thay ! Công có công mà thưởng chưa hề có thưởng, vì vậy mà Ta rất đau lòng. Ta đến chẳng phải cứu một mình chư tăng mà thôi, vì trong thế, hiếm bậc Thần Thánh Tiên Phật phải đọa trần, Ta đương lo cứu vớt.

Chư tăng, chư chúng sanh hữu căn hữu kiếp, đặng gặp kỳ  Phổ  Độ  nầy    lần  chót, phải rán sức tu hành, đừng 

mộng hoài trông giả luật. Chư sơn đắc đạo cùng chăng là do nơi mình hành đạo.

Phép hành đạo Phật giáo dường như ra sái hết, tương  tự như Tả đạo Bàng môn. Kỳ truyền đã thất, chư sơn chưa hề biết cái sai ấy do tại nơi nào, cứ ôm theo luật Thần Tú, thì đương mong mỏi về Tây phương, mà cửa Tây phương vẫn cứ bị đóng, thì cơ thành Chánh quả do nơi đâu mà biết chắc vậy ?

Ta đã đến với huyền diệu nầy, thì từ đây Ta cũng cho chư tăng dùng huyền diệu nầy mà học hỏi, ngày sau, đừng đổ tội rằng vì thất học mà chịu thất kỳ truyền.
Chư tăng từ đây chẳng đặng nói Phật giả vô ngôn nữa.”

““ Đạo Thích bày dị đoan từ đời Thần Tú, làm mê hoặc chúng sanh. Vậy cũng phổ độ, cũng giựt giành, mà chỉ đem con người vào đường u ám lạc lầm. Kinh sám truyền lại mà không khảo cứu kiếm tầm cho ra Chơn lý, chẳng định trí tham thiền, không gom Thần mà nhập định.”” (ĐTCG. 101)

b/ . Đạo giáo ( Lão giáo) :
“ Còn Đạo giáo là huyền bí, thậm chí ư huyền bí, nên người bực thượng  trí mới thấu đáo chỗ căn nguyên; còn thường nhơn  trí  hạ  là rất khó thông cơ mầu nhiệm vô cùng, bởi vậy  mới hiểu lầm tưởng sai, mà bày ra phép tắc, phù chú làm cho mê hoặc thói đời, thêm hủ phong tục, khiến người nhiễm lấy dị đoan, nào là  hô phong hoán võ, tróc quỉ trừ ma, bày binh bố trận,  mới biến ra Tả đạo Bàng môn, thiệt là rất hại.” (ĐTCG. 102)

c/ . Nho giáo (Khổng giáo) :
“ Nho giáo, sau đời Mạnh Tử,  càng ngày càng lạc lầm, đường Thiên lý chẳng cầu, chỗ thâm  diệu  không  rõ,  chỉ  học đặng khoe tài hay giỏi, dục lợi cầu danh, tổn nhơn ích kỷ, chớ không chịu học để sửa mình, tầm hiểu cho tột cùng cái lý cao siêu huyền bí, cái cơ nguồn cội của muôn loài.

Học là để mở mang tinh thần, trí hóa, đặng trau giồi cho tận thiện tận mỹ cái cơ hữu hình, chớ học mà để cầu vinh hay là mong mỏi đến quyền cao chức cả, ấy là người tiểu nhân hạ trí, không biết cầu lấy cái cao siêu quí trọng nhứt là Thiên chức mà Trời đã nấy trao.

Con người có 2 phận sự : Thứ nhứt là Thiên chức, thứ nhì là Nhơn tước.
Thiên chức là cái chức vụ thiên nhiên của Trời phú cho người; còn Nhơn tước là cái tước phẩm phàm trần của người phong cho người.

Người quân tử bao giờ cũng trau giồi tánh cách cho hoàn toàn, đào luyện tinh thần cho thuần khiết, để lo cho tròn cái Thiên chức ấy. Vả con người, hễ Thiên chức đã hoàn toàn thì Nhơn tước nào lại khó chi. Nhưng người đời lại hay có tánh ham ngọn mà bỏ gốc, nên hằng đem hết Thần hồn mà đắm say về Nhơn tước, chớ không cần nhớ đến cái Thiên chức chút nào.
 Ấy thiệt là đám hủ nho vậy.” (ĐTCG. 101)

2 . Thánh giáo Gia-tô thất Chơn truyền :
Sau đây trích Thánh Ngôn bằng Pháp văn của Đức Chí Tôn, Hội Thánh dịch ra Việt văn :

TNHT. I. 130 : “ Chúa Cứu Thế đã đến với các con. Người đã phải chịu đổ máu Thánh để chuộc tội cho loài người. Trong 2000 năm vắng mặt Người, các con đã làm gì hữu ích ? Các con truyền bá đạo Người, nhưng chính các con cũng không hiểu chi cả. Các con lại làm sai lạc bản chất, tôn chỉ của nền Thánh giáo. Nhân loại phải chịu đau khổ vì sự biến thể của các Thánh Tông đồ.  . . . .

Giáo lý ấy, đáng lẽ phải đem lại hòa bình và tương  ái cho loài người, nhưng trái lại, nó gây chia rẽ và chiến tranh.”
TNHT.I.131 : “ Thánh đạo của Chúa Cứu Thế (vì sự hiểu lầm) làm tăng gia dục vọng của kẻ mạnh đối với người yếu và giúp giáo cho bọn trên hiếp dưới.”

Hội Thánh La Mã chỉ lo củng cố Vương quyền, các  hàng giáo phẩm lãnh đạo không thực thi đúng điều Chúa dạy và không hướng dẫn giáo dân đi theo đường lối Chúa muốn, đến nỗi trước nguy cơ chết chóc của con người bởi thảm họa chiến tranh, Đức Mẹ phải hiện ra tại Fatima vào thế chiến thứ nhứt (1914-1918) để ban ra những thông điệp quan trọng và khẩn cấp, nhằm thức tỉnh Hội Thánh La Mã và kêu gọi những tín đồ Thiên Chúa giáo phải thực thi đúng lời Chúa dạy.

Đức Mẹ phán rằng: “Nếu loài người muốn chấm dứt chiến tranh thì phải ăn chay, hãm mình và lần chuỗi Mân côi.”
“ Muốn cho được thấy Thiên đàng, thì phải trường chay, tuyệt dục và bố thí.”
“ Tất cả ai cầm quyền Giáo hội nên trường chay, vì đó là cứu cánh cho nhơn loại, như ngọn đuốc soi đường cho tín đồ. Bởi chưa thực hiện được trường chay, do đó mà  nhơn sanh còn khổ, dù có kêu gọi cách nào đi nữa, nhưng thâm tâm họ chưa trong sạch thì ý tưởng đẹp cũng hóa ra dơ bẩn.”

“ Nếu Đức Giáo Hoàng đương kim là Phaolô IV  chỉ thị và chính Ngài ăn chay trường thì thế giới đương nhiên hòa bình. Bởi tín đồ Thiên Chúa giáo sẽ nghe theo Ngài mà trường chay tất cả thì  tình  thương sẽ lan tràn cả thế giới .”

Đó là hồng ân của Thiên Chúa ban rải để cứu rỗi loài người qua phép lạ Fatima.
Nhưng từ đó đến nay, Giáo hội La Mã chẳng sửa sai một điều gì đáng kể. Nếu tình trạng nầy cứ  tiếp  tục như vậy,
rồi đây Giáo hội La Mã sẽ hoàn toàn sụp đổ trước cuối thế kỷ nầy, thể hiện đúng lời tiên tri của Đức Mẹ Fatima. (Viết theo nội dung của Bức thơ Fatima).

Tóm lại, các nền tôn giáo thời Nhị Kỳ Phổ Độ gồm Tam giáo ở Á Đông và Thiên Chúa giáo ở Âu Châu đều bị thất Chơn truyền sau mấy ngàn năm truyền đạo, và hoàn toàn suy bại trong thời kỳ Mạt pháp nầy.

Do đó, Đức Chí Tôn Thượng Đế  mới mở ra Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ để chấn hưng đạo đức và thực hiện cơ qui nguyên phục nhứt Tam giáo và Ngũ Chi Đại Đạo.

III . Cách lập Đạo Cao Đài :

“ Đạo lập ra cốt yếu để độ phần hồn của nhơn loại cho thoát khỏi chốn mê đồ, vòng tân khổ, nên  mới gieo truyền khắp chỗ, cốt tỉnh ngộ nhơn sanh. Đã biết rằng Đạo là thanh thanh tịnh tịnh, không ứng lộ ra ngoài, nhưng muốn lập giáo, phải làm sao ?

- Phải bày cơ Hữu Hình để chỉ cho rõ lý  mới được.
Vậy cách lập giáo của Thầy cũng không chi lạ, chỉ noi theo Tam giáo trước mà làm qui củ chuẩn thằng, rồi đem gom về một mối chánh.

Tam giáo trước là : Nho, Thích, Đạo, vì hoằng khai cũng đã lâu đời, nên bị biến cải mà thành thử phải thất Chơn truyền, làm cho sai lạc mất hết cả Thiên cơ mầu nhiệm, bởi đó mà  nhơn sanh  tu  tuy nhiều mà thành thì chẳng có.

Lại cũng bị thất truyền  mà Tam giáo lần lần phải chịu lu lờ mờ mịt. Nẻo chơn không ai đến, đường chánh chẳng người đi, nên cỏ mọc bìm leo, gai rài cây lấp. Vì lẽ đó, nhơn loại phải chịu mãi trong vòng  Luân hồi Tứ khổ, đày đọa mãi ở chốn trần ai.  Nhơn sanh cũng vì vậy mà lần lần tiêu đạo đức, phế tinh thần, mới chuộng sự hữu hình, nên bày những âm thinh sắc tướng. Không ai còn để chí lưu tâm đến chỗ thâm huyền cao viễn, chỉ ưa sự dễ dàng, tạng thấy tạng nghe, rồi cứ dẫy lòng nhơn dục tham mê,  mới gây lắm tội ác nặng nề, phải mang lấy sừng lông mà bị thối hóa lại súc sanh và luân hồi lục đạo.” (ĐTCG. 101)

“ Ngày nay, Thầy đến đây, đem 3 nền tôn giáo hiệp nhứt lại, tạo thành một Tòa lớn lao để đời đời kiếp kiếp cho  nhơn sanh nương vào đó mà lánh cơn nạn khổ thảm sầu.

Ba nhà tôn giáo ấy, tuy đổ sập mặc dầu, nhưng Thầy cũng vì lòng từ bi, chọn lựa cái nào còn dùng đặng thì Thầy lấy, cái nào hư nát thì bỏ ra; như cột, kèo, xuyên, trính, ngói, gạch, cái nào còn nguyên thì dùng, cái nào bể nát hay hư hao, bị mối ăn sâu đục, thì bỏ ra. Cây nào cong vạy thì uốn nó lại, trừ ra uốn không nổi  mới bỏ.

Thầy lấy các vật ấy ráp lại thành một Tòa Đại Đạo cho  nhơn sanh sùng bái, tu hành, là Tòa nhà ngày nay Thầy lập thành đó.

Tại sao 3 nhà tôn giáo đó phải xiêu đổ ? Là tại cái nền tảng không đặng cứng cát, vững vàng, cất ở trên nổng cát, bảo sao gió thổi không xiêu, giông to chẳng đổ.

Chớ còn ngày nay, Thầy đến lập một Tòa CAO ĐÀI ĐẠI ĐẠO thì trước hết, Thầy đã biểu các con  xây nền đắp móng dưới cho chặt chịa vững vàng rồi  mới cất Tòa nhà đồ sộ ấy lên, thì sẽ đặng bền vững lâu dài hơn Ba nền tôn giáo trước. “ (ĐTCG. 103)

“ Thầy lập Đạo Cao Đài như thế nào ?     

Thầy thấy cuộc đời biến đổi, thời khí bất hòa,nhơn tâm xu hướng về đường vật chất, bỏ mất tinh thần, nên phạm vào đường tội lỗi, thiệt là đời lầm lũi mãi mà không định hồn tỉnh hối, xúm lấn chen lội lặn tranh giành mùi tục lụy mà thay đổi chí cao minh.

Ba nền Chánh giáo (Nho, Thích, Đạo) đã nghiêng chinh, nhơn loại thảy chuộng hữu hình, không cần vô vi thâm viễn. Nay đã đến cuộc tuần hoàn giáp mối, nền Đạo Trời vận chuyển mà phổ hóa sanh linh.

Tam giáo xưa kia lập đạo, lúc ban sơ, truyền bá cơ diệu lý quang minh, bắt từ chỗ VÔ VI khẩu thọ tương  truyền, lần lần xuống thì trở ra HỮU HÌNH mà đạo mầu thất chánh, tâm pháp lạc sai. Ấy là Cơ đạo đến thời kỳ cuối cùng của Tam giáo, thất Chơn truyền diệu pháp.

Còn Đạo Thầy, lại trái hẳn với Tam giáo, là bắt đầu  truyền Đạo thì dụng HỮU HÌNH, lấy sắc tướng âm thinh mà độ đời một cách lẹ làng mau chóng.

Vả lại, Đạo Thầy bắt đầu do chỗ HỮU HÌNH mà truyền bá, rồi lần lần  mới dẹp hết chỗ Hữu Hình mà đi đến chỗ VÔ VI, là cơ siêu phàm nhập Thánh.

Vậy, thà trước dụng cơ Hữu Hình để phổ hóa cho cơ đạo dễ lưu thông, rồi cứ đó mà dắt dẫn cho nó tấn hóa mãi trên đường cao thượng, riết đến chỗ không hư, tức là VÔ VI thì đạo pháp phát minh, cơ diêu lý huệ tâm ứng lộ; thế là Đạo Thầy không hư hoại đặng. Mà không hư hoại đặng là nhờ ở chỗ HỮU HÌNH đi lên riết đến tận VÔ VI.

Còn Tam giáo xưa, lại từ VÔ VI mà lần lần sa sụt xuống HỮU HÌNH,  mới thành Đạo bế, rồi sai lầm ra Ngoại giáo Bàng môn.

Mà Thầy lập giáo kỳ nầy lại trái hẳn với nền cổ đạo. Thầy chỉ dùng cái huyền cơ bí pháp mà truyền đạo khắp dân gian. Thầy đem Chơn pháp diệu huyền trao cho người luyện thành Chánh giác thì phản bổn hoàn nguyên.

Thầy dùng huyền diệu cơ bút để hoằng khai cơ quan Vô Vi  Đại Đạo. Thầy nhứt định không giao Thánh giáo cho tay phàm nữa, vì trước kia Tam giáo thất Chơn truyền là cũng bởi Thánh giáo ở trong tay phàm, nên các con canh cải làm sái lạc pháp linh.

Vậy Thiên Thơ Thầy định ngày nay Thầy lập giáo như vầy :

1 . Trên dùng huyền diệu thiêng liêng mà bảo tồn cơ đạo.
2 . Dưới để tự  Thầy định  mới có thể chuyển hóa nổi nhơn tâm, đủ sức Thần thông vận hành Chơn giáo, chớ nếu Thầy mà mượn xác phàm nặng nề thì làm sao biến hóa thiên hình vạn trạng mà phổ độ chúng sanh cho mau chóng nổi sôi, rần rộ được, chớ dùng  huyền cơ bí pháp tất có thể lưu thông nháy mắt khắp mọi nơi.”

“ Cơ bút là để nắm quyền hành đạo giáo mà phổ hóa chúng sanh, để làm ngọn đuốc quang minh mà dẫn dắt người đời đến chỗ bổn nguyên, là cùng mục đích đó thôi.

Ấy nghĩa là Thầy dùng Cơ bút mà truyền đạo đức tinh thần và huấn luyện vạn linh cho trở nên hạng người chí đức cao siêu Tiên, Thánh, Phật vậy.” (ĐTCG. 122 -123 - 124)

Nước Việt Nam, từ thời lập quốc đến nay, chưa có một nền tôn giáo nào mở ra cho người VN trên đất nước nầy. Nhưng người VN có tinh thần thờ kỉnh Trời Phật cùng chư Thần Thánh Tiên và tôn thờ các nền tôn giáo trên thế giới  du nhập vào VN như : Phật giáo, Lão giáo, Nho giáo, Công giáo, Tin Lành, ...

Để ban thưởng cho dân tộc nhỏ nhoi nầy, Đức Chí Tôn Ngọc Hoàng Thượng Đế mở ra cho dân tộc VN một nền Đại Đạo, lấy danh hiệu là Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, hay nói vắn tắt là Đạo Cao Đài, để làm Quốc Đạo. Nhờ nền Đại Đạo nầy, các Đấng Thần Thánh Tiên Phật nơi cõi thiêng liêng sẽ giáng sanh xuống làm người VN, hoằng khai mối đạo ra khắp thế giới, tạo ra một nền văn minh  mới về tinh thần cho nhơn loại.

Người VN nhờ nền Quốc Đạo nầy mà ngày sau sẽ làm chủ tinh thần của nhơn loại đúng theo 2 câu Thánh Ngôn của Đức Chí Tôn :
Một nước nhỏ nhen trong vạn quốc,
Ngày sau làm chủ mới là kỳ.

Đạo Cao Đài sau nầy có thất Chơn truyền không ?
Chúng ta đều biết rằng, mọivật trong cõi trần nầy đều có tánh cách vô thường. Hễ có sanh ắt có tử, hễ có khai ắt có lúc bế, có hưng thịnh ắt có lúc suy vong.

Đạo Cao Đài cũng không thể khác hơn các nền tôn giáo khác mà đứng ngoài qui luật : Thành, Trụ, Hoại, Không; do đó, nhứt định sau một thời gian truyền bá nào đó thì Đạo Cao Đài cũng sẽ bị thất Chơn truyền và bế lại.

Bất cứ nền tôn giáo nào cũng phải trải qua 3 thời kỳ : Chánh pháp, Tượng pháp và Mạt pháp.
Như Phật giáo, thời kỳ Chánh pháp là 500 năm sau khi Đức Phật Thích Ca tịch diệt, thời kỳ Tượng pháp tiếp theo kéo dài được 1000 năm, và sau đó là thời kỳ Mạt pháp.

Thời kỳ Chánh pháp được dài lâu hay ngắn ngủi là do cách tổ chức lãnh đạo nền tôn giáo.

Theo Thánh giáo của Đức Chí Tôn, bài thi Tịch Đạo Nam phái có 2 câu đầu  :
Thanh đạo Tam khai thất ức niên,
Thọ như Địa quyển, thạnh hòa Thiên.

Đạo Cao Đài do Đức Chí Tôn lập ra sẽ kéo dài được 700 ngàn năm (thất ức niên) thì  mới thất Chơn truyền.

Nhiều người ngạc nhiên và không tin tưởng, cho rằng con số 700 ngàn năm là quá đáng ! Những người có đức tin và có nghiên cứu kỹ Giáo lý của Đạo Cao Đài thì khác hẳn, vì 4 lý do kể ra sau đây :
1/. Đây là mối đạo Trời (Thiên đạo) do Ông Trời lập ra thì đương nhiên phải khác hơn các nền tôn giáo trước đây do các Đấng Phật, Tiên, Thánh, giáng phàm lập ra.
2/ . Đức Chí Tôn lập Đạo Cao Đài bằng huyền diệu cơ bút, chớ không đầu thai xuống cõi trần như các vị Giáo chủ khác, điều đó có nghĩa là Đức Chí Tôn không giao Chánh giáo cho tay phàm để càng ngày càng xa Thánh giáo mà biến ra Phàm giáo. Chính mình Đức Chí Tôn đến kỳ nầy làm vị Giáo chủ thiêng liêng để độ rỗi con cái của Ngài là nhơn loại trong buổi đời Hạ Nguơn Mạt kiếp.
3/ . Đức Chí Tôn lập Đạo bắt đầu  từ chỗ Hữu Hình sắc tướng mà truyền bá, rồi  lần lần  mới dẹp hết chỗ Hữu Hình mà đi đến chỗ Vô Vi, là cơ siêu phàm nhập Thánh. Thế là Đạo của Đức Chí Tôn không hư hoại đặng, mà không hư hoại là nhờ từ chỗ Hữu Hình đi riết lên đến tận Vô Vi.
4/ . Tại sao Tam giáo bị xiêu đổ ? Là tại cái nền tảng không vững chắc. Còn nay, Đức Chí Tôn đến biểu làm cái nền móng cho vững vàng rồi  mới xây Tòa nhà Đại Đạo, lại xây thành đắp lũy chung quanh, thì Tòa nhà ấy phải đặng vững vàng đặng thất ức niên dư, rồi Tòa Nhà Đại Đạo ấy mới bị xiêu đổ, và bị thất Chơn truyền như các tôn giáo khác.

                        Đoạn kết :
Nho Thích Đạo Tam tông chưởng đạo,
Đoạt  Thiên    lấy  giáo  trần  ai.
Dùng phương cơ nhiệm hoằng khai,
Lâu  năm  tâm  pháp  đổi  thay  thất  truyền.
Pháp Như Lai cửa Thiền chế cải,
Dùng hữu hình cho sái Phật tông,
Thinh âm sắc tướng tràn đồng,

Làm cho  xa  mất  chữ  KHÔNG  đâu rồi !
Đạo  Tiên giáo phục hồi tánh mạng,
Chế Ngũ Hành tỏ rạng Tam Nguơn.
Tâm thanh tịnh, luyện linh đơn,
Lưu  hành  Thiên  lý, phục huờn nhơn tâm.
Đạo thâm viễn người tầm chẳng thấu,
Nên  càng  ngày  ẩn  giấu  nơi trong.
Về sau hậu học bất thông,
Đem  ra  họa  vẽ  cua  còng  lôi  thôi !
Nền Khổng giáo buông trôi ngàn dặm,
Chúng  hậu  nho  chác  lắm điều  hư.
Ôm gìn  Hạ học  khư khư,
Chuộng  phần  thi  cử,  lợi    cho  mình.
Nên Tam giáo phát minh một lúc,
Truyền tinh thần un đúc quốc dân.
Đời sau ưa thích chuyện gần,
Lưu  thông  sắp  xuống  lần lần thất danh.
Nay  Chí Tôn  lập  thành  Đại Đạo,
Hiệu CAO ĐÀI phục đáo linh căn.
Trời hôm nhờ ngọn huệ đăng,
Dắt dìu sanh chúng tầm phăng mối giềng.
                                                                                               (ĐTCG. 98)

IV . Giáo lý của Đạo Cao Đài :

Những điểm chánh trong Giáo lý của Đạo Cao Đài lược kể ra sau đây :
1 . Năm nấc thang tiến hóa :
Đạo Cao Đài mở ra một con đường Tiến hóa chia làm 5 chặng tiến hóa hay 5 nấc thang tiến hóa cho chúng sanh đắc đạo tùy theo công đức tu hành được nhiều hay ít. 5 nấc thang tiến hóa ấy là 5 phẩm bực từ thấp lên cao là :
- Nhơn
- Thần
- Thánh
- Tiên
- Phật.

Do 5 nấc thang tiến hóa nầy mà Đạo Cao Đài dung hợp được tất cả các nền tôn giáo đã có từ trước đến nay như : Bà-La-Môn giáo hay Ấn Độ giáo), Phật giáo, Lão giáo, Nho giáo, Do Thái giáo, Công giáo, Tin Lành, Hồi giáo, Thần đạo Trung Hoa và Nhựt Bổn.

2 . Thể Pháp và Bí Pháp :
Đạo Cao Đài có đầy đủ Thể Pháp và Bí Pháp.
-  Thể Pháp dùng để độ về phần xác với tôn chỉ : Phụng sự chúng sanh tức là Phụng sự Vạn linh.
-  Bí Pháp dùng để độ phần hồn với tôn chỉ : Tận độ nhơn  sanh.
Thể Pháp là pháp luật hữu hình, là định luật định tướng định hình để dẫn dắt đời sống của nhơn loại vào nẻo thanh cao và hạnh phúc.

Bí Pháp là pháp luật bí ẩn, là định luật vô hình chi phối sự tiến hóa của các chơn linh trong Càn khôn Vũ trụ.

Bất cứ  một nền tôn giáo nào cũng đều phải có 2 mặt : Thể pháp và Bí pháp. Trong trường hợp nầy, Thể pháp và Bí pháp được định nghĩa như sau :

Thể pháp là tất cả những giáo lý, luật pháp, dạy dỗ và dẫn dắt  nhơn sanh đi theo con đường đạo đức. Đó là những luật hữu hình ràng buộc đời sống của tín đồ vào trọn trong khuôn viên đạo đức để được sống hòa bình, thanh cao và hạnh phúc. Như thế, Thể pháp chính là cơ quan giải khổ cho chúng sanh.

Bí pháp là các phương thức luyện đạo, mà mục đích cuối cùng là đắc đạo, đạt được phẩm vị Thần Thánh Tiên Phật nơi cõi thiêng liêng, thoát vòng luân hồi đau khổ, sống an nhàn tự tại miên viễn nơi cõi Cực Lạc Niết Bàn. Như thế, Bí pháp chính là cơ quan giải thoát chúng sanh khỏi luân hồi.

Những phương pháp luyện đạo trong Bí pháp hoàn toàn không được phổ biến ra ngoài, mà chỉ được bí truyền cho những đệ tử đã được chọn lọc kỹ lưỡng có đầy đủ hạnh đức. Các  phương pháp ấy được truyền trực tiếp từ Thầy sang trò bằng lời nói riêng tư, nên gọi là Bí pháp khẩu thọ tâm truyền, hay Tâm pháp bí truyền.

Do đó, Thể pháp và Bí pháp của Đạo Cao Đài cũng rất đặc biệt, vì nó hoàn toàn mới mẻ so với tất cả các nền tôn giáo cổ, nhưng rất phù hạp với trình độ tiến hóa của  nhơn sanh hiện nay, lại thể hiện được thời kỳ Đại Ân Xá của Đức Chí Tôn để tận độ  nhơn sanh.

a) . Thể pháp của Đạo Cao Đài :
Đức Phạm Hộ Pháp thuyết đạo chỉ rõ rằng : Thể pháp của Đạo Cao Đài nói gọn trong 4 chữ : PHỤNG SỰ VẠN LINH.

Vạn linh là tất cả các chơn linh trong CKVT, gồm đủ Bát Hồn : Vật chất hồn, Thảo mộc hồn, Thú cầm hồn, Nhơn hồn, Thần hồn, Thánh hồn, Tiên hồn và Phật hồn. Vạn linh đầu kiếp xuống cõi trần  là chúng sanh. Vậy, Phụng Sự Vạn Linh tức là PHỤNG SỰ CHÚNG SANH.

Danh từ tuy không  mới mẻ nhưng ý tưởng lại rất tiến bộ tân kỳ, vì từ xưa tới nay, người tu bao giờ cũng lo cho chính mình để mình được thành Tiên Phật, mà chơn lý của Đạo Cao Đài hiện nay là : Lo cho người tức lo cho ta; giúp người tiến hóa tức là giúp ta tiến hóa.

Do đó, đối với các tín đồ Cao Đài, Đức Chí Tôn bảo : Hãy hoàn toàn quên mình để phụng sự vạn linh.

Phụng sự vạn linh là một quan niệm sống rất cao cả, thỏa mãn đầy đủ 3 mục đích sống của 3 hạng người tiêu biểu của nhơn loại :
- Hạng mang quả kiếp nặng nề nên phải đầu kiếp trở lại cõi trần  để trả quả.
- Hạng muốn học hỏi thêm để tiến hóa thêm nữa.
- Hạng muốn lập công đức để cho phẩm vị của mình thêm cao trọng nơi cõi thiêng liêng.

Chúng ta không thể tự biết rõ mình thuộc hạng nào trong 3 hạng vừa kể trên, cho nên cứ lấy việc Phụng Sự Vạn linh làm mục đích cuộc sống, thì mình sẽ được :
*  Chúng ta không biết mình bị quả kiếp nơi nào, người nào, nhưng nhờ Phụng sự vạn linh, và nhờ hồng ân của Đức Chí Tôn, cho ta gặp được những người đó để chúng ta trả hết các quả kiếp tiền khiên.
*  Chúng ta học hỏi để biết được bộ máy huyền vi mầu nhiệm của Tạo Hóa, chúng ta nhờ Phụng sự vạn linh và do việc Phụng sự ấy mà nó chỉ cho ta những điều mà ta muốn học hỏi, cũng như nhờ đó mà ta sẽ khám phá được những điều mà ta muốn biết.
*  Chúng ta muốn cho phẩm vị của chúng ta nơi cõi thiêng liêng được thăng lên cao nữa thì chúng ta càng phải Phụng sự vạn linh nơi cõi trần nầy, dẫn dắt chúng sanh vào đường đạo đức, thì cái công quả to lớn đó  mới giúp phẩm vị ta thêm cao trọng.

Lại nữa, việc Phụng sự vạn linh là phương thức hiệu quả nhứt để mỗi chúng ta trả  3 món nợ mà bất cứ ai đã mang xác thịt nơi cõi trần nầy đều mắc phải. Ba món nợ đó là :
- Món nợ đối với cha mẹ phàm trần : Cha mẹ sanh ta ra, nuôi nấng dạy dỗ cho khôn lớn, công khó nhọc biết bao nhiêu  mà kể.
- Món nợ đối với 2 Đấng Cha Mẹ thiêng liêng là Đức Chí Tôn và Đức Phật Mẫu đã sanh ra Chơn linh và Chơn thần của ta.
- Món nợ đối với xã hội, đã cung cấp cho ta những vật thực và những tiện nghi của cuộc sống, và món nợ quốc gia, đã bảo vệ của chúng ta được an lành.

Muốn trả dứt 3 món nợ nầy thì chỉ có cách là Phụng sự vạn linh, Phụng sự một cách triệt để và chí thành. Nếu được như vậy thì khi chúng ta thoát xác, cõi Thiêng liêng Hằng sống sẽ mở rộng cửa rước chúng ta trở về, vì không ai còn níu lưng đòi nợ chúng ta hết. Chúng ta đã phụng sự vạn linh tức là chúng ta đã trả dứt nợ.

Muốn phụng sự vạn linh đạt được hiệu quả tối đa và hoàn toàn tốt đẹp thì phải có phương pháp và tổ chức khoa học. Do đó, Đức Chí Tôn lập ra cho chúng ta một cơ quan  phụng sự vạn linh là nền Đại Đạo Cao Đài với hình thể gồm 3 Đài : Cửu Trùng Đài, Hiệp Thiên Đài và Bát Quái Đài.
- Cửu Trùng Đài : lo việc phổ độ và giáo hóa nhơn sanh,  giúp  nhơn sanh  giác  ngộ, cải  ác  tùng  lương, dẫn dắt  nhơn sanh vào đường đạo đức.
- Hiệp Thiên Đài : lo gìn giữ luật pháp Chơn truyền Đại Đạo, không cho ai sửa cải.
- Bát Quái Đài : chỉ huy 2 Đài trên để điều động toàn thể cơ quan phụng sự vạn linh cho được hiệu quả.

Bên cạnh Cửu Trùng Đài còn có Cơ Quan Phước Thiện để cứu khổ và giải khổ cho  nhơn sanh.

Tân Luật, Pháp Chánh Truyền, Đạo Luật, Đạo Nghị Định, là những cái hàng rào dựng lên dọc theo con đường Phụng sự, và Giáo lý Đại Đạo là người dẫn đường cho mỗi người chúng ta đi trọn vẹn trong con đường đó, đúng theo Thánh ý của Đức Chí Tôn.

Việc phụng sự vạn linh và đánh giá kết quả việc phụng sự đó, Đức Chí Tôn gọi là một Trường Thi Công Quả.
“ Vì vậy mà Thầy hằng nói cùng các con rằng : Một Trường thi Công quả, các con muốn đến đặng nơi Cực Lạc Thế giới thì phải đi tại cửa nầy mà thôi.” (TNHT. I. 34)

Tất cả những hình thức tổ chức trên : CTĐ, HTĐ, BQĐ và CQPT đều được gọi chung là Thể pháp của Đạo Cao Đài trong mục tiêu quan trọng nhứt là Phụng sự vạn linh.

b) . Bí pháp của Đạo Cao Đài :
“ Đạo Cao Đài có đủ quyền năng hiển hách anh linh của nó, không có một nền tôn giáo nào tại thế nầy khả dĩ đối thủ được cả thảy, tức nhiên Bí pháp của Đạo Cao Đài, giờ phút nầy không có kẻ nào dám cả gan nói Bí pháp ấy do tay phàm hay do một vị Giáo chủ mang xác phàm cầm nó, mà chính trong tay Đức Chí Tôn là Đấng tạo CKVT và Chúa vạn vật, cầm Bí pháp trong tay đặng độ rỗi phần hồn nhơn loại. “ (Thuyết đạo của Đức Phạm Hộ Pháp)

Bí pháp thì bí mật, nhưng Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ nầy, Đức Chí Tôn ban cho ân huệ là Đại Ân Xá, nên Đức Chí Tôn không giấu giếm Bí pháp nữa, mà Đức Chí Tôn bày ra trước mắt  nhơn sanh, để  nhơn sanh thấy rõ mà thực hành. Và Đức Chí Tôn nhấn mạnh :” Gặp Tam Kỳ Phổ Độ nầy mà không tu thì không còn trông mong siêu rỗi.”

Bí pháp đó là : Đức Chí Tôn biểu chúng ta dâng Tam Bửu (Tinh, Khí, Thần) của chúng ta lên cho Đức Chí Tôn lấy đó làm phương tiện để phụng sự vạn linh.

Tại sao gọi đó là Bí pháp của Đạo Cao Đài ?
Vì chính đó là cơ quan giải thoát chúng ta khỏi luân hồi để trở về hiệp nhứt cùng Đức Chí Tôn, tức là đắc đạo vậy.

Đức Phạm Hộ Pháp giải thích như sau :
“ Ấy vậy,  mỗi ngày, từ mơi tới trưa, đến chiều, từ chiều đến khuya, từ khuya đến sáng, mình vô Đền Thánh kêu Đức Chí Tôn, kêu Tam giáo và các Đấng thiêng liêng mà phân chứng trước : Thân tôi không còn là của tôi nữa, tôi đã hiến dâng cho Đức Chí Tôn, để làm tôi tớ cho vạn linh thay thế cho Đức Chí Tôn.

Giờ phút đó, chúng ta không biết tội nào chúng ta đã làm, dầu có tội, mà chúng ta không làm điều gì thêm tội nữa thì quả kiếp ấy tiêu diệt, cơ quan giải thoát chúng ta đoạt, không thể gì định tội được.

Đức Chí Tôn biểu chúng ta không phải là chúng ta, mà chúng ta không phải là chúng ta thì quả kiếp ấy cũng không phải là của chúng ta, tức nhiên ta đã đoạt cơ giải thoát.”

Như vậy,  mỗi ngày chúng ta cúng Đức Chí Tôn, chúng ta đều cầu nguyện dâng Tam Bửu Tinh Khí Thần, tượng trưng bằng Bông Rượu Trà, tức là dâng Thể xác, Chơn thần và Linh hồn của chúng ta lên cho Đức Chí Tôn dùng phương nào thì dùng, tức là chúng ta hoàn toàn  tùy  thuộc  Đức  Chí  Tôn  sai

khiến định liệu. Chúng ta không còn gì để lo lắng ngoài sự lo lắng làm thế nào thực hiện cho hoàn tất mệnh lệnh của Đức Chí Tôn giao phó.

Bí pháp nầy, Đức Chí Tôn để hiển hiện trước mắt  nhơn sanh, mà ít ai để  ý suy nghĩ.
Nhưng việc thực hiện Bí pháp nầy một cách trọn vẹn thì cũng rất khó khăn, nhưng càng khó khăn thì càng có giá trị xứng đáng. Đâu có gì dễ đâu ! Nhưng cũng không phải là quá khó khăn để chúng ta không thể thực hiện được. Nếu chúng ta có một đức tin mạnh mẽ nơi Đức Chí Tôn, và có một tấm lòng hy sinh quên mình, thì mọi việc đều trở nên dễ dàng.

Như thế, cái tấm thân của ta đây, cả chơn thần và linh hồn nữa, ta đều giao hết cho Đức Chí Tôn, giao thật sự với đầy đủ  ý nghĩa của nó, thì không còn gì là của ta nữa, đừng nói chi là của cha mẹ ta hay của vợ con ta.

Như vậy cái TA (tức là cái NGÃ) không còn nữa, thì đâu còn gì để  CHẤP NGÃ. Đây là cách PHÁ CHẤP vô cùng hiệu quả hơn tất cả các phương pháp khác.

Sự dâng hiến nầy, nếu chúng ta thi hành một cách chí thành thì đủ đem chúng ta trở về cùng Đức Chí Tôn, mà không cần phải làm thêm một điều chi khác nữa.

Trong TNHT, Đức Chí Tôn có dạy rằng : “ Trong các con, có nhiều đứa lầm tưởng, hễ vào Đạo thì phải phế hết nhơn sự, nên chúng nó ngày đêm mơ tưởng có một điều rất thấp thỏi là vào một chỗ  u nhàn mà ẩn thân luyện đạo. Thầy nói cho các con biết , nếu công quả chưa đủ, nhân sự chưa xong, thì không thể nào các con luyện thành đặng đâu mà mong. Vậy muốn đắc quả thì chỉ có một điều là phổ độ chúng sanh mà thôi. Như không làm đặng thế nầy thì tìm cách khác mà làm âm chất, thì cái công tu luyện chẳng bao nhiêu cũng có thể đạt địa vị tối cao.” (TNHT. I. 101)

Nhưng trong kỳ Đại Ân Xá nầy, đối với nhơn sanh trong thời Hạ Nguơn Mạt kiếp, và cũng do sự mơ ước của  nhơn sanh nên  Đức Chí Tôn cũng mở ra một con đường tu luyện gọi là con đường thứ 3 của Đại Đạo, bằng cách trao Bí pháp Luyện đạo cho Đức Phạm Hộ Pháp để Ngài truyền lại cho những người nào có đủ Tam Lập (Lập Đức, Lập Công, Lập Ngôn) trong việc phụng sự chúng sanh. Bí pháp luyện đạo được thực hành trong Tịnh Thất mà Đức Phạm Hộ Pháp đã cho xây dựng 3 Tịnh Thất là : Trí Huệ Cung, Trí Giác Cung và Vạn Pháp Cung.

Bí pháp nầy dạy luyện Tam Bủu Tinh Khí Thần hiệp nhứt, tức là : Luyện Tinh hóa Khí, Luyện Khí hiệp Thần, Luyện Thần huờn Hư . Lúc đó thì Tam Huê tụ đảnh, Ngũ Khí triều nguơn, tạo thành Thánh Thai, đắc đạo thành Tiên Phật tại thế.

Tóm lại, Bí pháp của Đạo Cao Đài do Đức Chí Tôn nắm giữ. Đức Chí Tôn mở Bí pháp theo 2 con đường tu :
*  Con đường chánh yếu là Dâng Tam Bửu cho Đức Chí Tôn để Đức Chí Tôn dùng làm phương tiện phụng sự vạn linh. Con đường nầy là lập công trong CTĐ hay CQPT.
Chỉ cần làm trọn vẹn bao nhiêu đó trong suốt kiếp sanh gặp Đạo thì đủ để thoát khỏi luân hồi, được Đức Chí Tôn rước về hội hiệp cùng Ngài.

*  Con đường tu luyện : Đức Chí Tôn trao Bí pháp luyện đạo cho Đức Phạm Hộ Pháp để truyền lại cho những vị nào đã thực hành đủ Tam Lập, luyện Tam bửu Tinh Khí Thần hiệp nhứt, đắc đạo tại thế.

Những môn đệ muốn đủ Tam Lập thì phải trải qua một thời gian phụng sự vạn linh tức là phải làm công quả phổ độ nhơn sanh.
Đạo Cao Đài, tức ĐĐTKPĐ, Đức Chí Tôn cấm hẳn lối tu “độc thiện kỳ thân”, một lối tu ích kỷ, chỉ biết có mình và chỉ riêng lo cho mình.

3) . Cách thờ phượng :
Đạo Cao Đài thờ 2 Đấng tối cao tạo dựng ra CKVT và vạn vật. Đó là Đức Chí Tôn và Đức Phật Mẫu, tức là 2 Ngôi : Ngôi Dương và Ngôi Âm.
*  Ngôi Dương là Đức Chí Tôn Ngọc Hoàng Thượng Đế, ngày nay tá danh là Cao Đài. Ngài là chủ tể Dương Quang. (Xem Vũ trụ quan : Thượng Đế).
*  Ngôi Âm là Diêu Trì Kim Mẫu, hay Cửu Thiên Huyền Nữ, thường gọi là Đức Phật Mẫu, chủ tể  Âm Quang.

Đền Thờ Đức Chí Tôn ở trung ương là Tòa Thánh Tây Ninh, xây cất theo kiểu vở của Thiên đình, lấy theo hình ảnh của Bạch Ngọc Kinh nơi cõi thiêng liêng, nên Tòa Thánh Tây Ninh được xem là Bạch Ngọc Kinh tại thế. Ở các địa phương, Đền thờ Đức Chí Tôn được gọi là Thánh Thất.

Đền thờ Đức Phật Mẫu thì gọi là Điện Thờ  Phật Mẫu, hiện nay ở Trung ương được tạm đặt tại Báo Ân Từ trong Nôi Ô Tòa Thánh. Điện Thờ Phật Mẫu Trung ương sẽ được xây dựng tại khu đất 4 mẫu dành sẵn, cách Tòa Thánh khoảng 1000 thước về hướng bắc, trên đường đi đến núi Bà.

4) . Đại Ân Xá.
Lần khai đạo kỳ 3 nầy, Đức Chí Tôn mở ra một cuộc Đại Ân Xá cho toàn cả chúng sanh trong CKVT, nếu biết ngộ kiếp một đời tu thì đủ đắc đạo, trở về cùng Đức Chí Tôn.

Trong chiều hướng đó, Đức Chí Tôn ra lịnh đóng cửa Địa Ngục, không cho đày đọa hành hạ các tội hồn. Các chơn hồn làm điều tội lỗi trong kiếp sanh, được đưa đến cõi Âm Quang học đạo, sau đó cho tái kiếp trở lại cõi trần để trả xong nghiệp quả, cho kịp dự kỳ thi chung kết Hội Long Hoa.

Đức Chí Tôn cũng ra lịnh mở cửa các Từng Trời để rước người phước đức đắc đạo trở về.
Vô Địa ngục, vô quỉ quan,
Chí Tôn đại xá nhứt trường qui nguyên. (PMCK)
Đóng Địa ngục, mở tầng Thiên,
Khai đường Cực Lạc, dẫn miền Tây phương. (KGO)

5) . Nho Tông Chuyển Thế :
Đối với măït xã hội, tức là về mặt Đời, Đức Chí Tôn chủ trương Nho Tông Chuyển Thế, nghĩa là dùng tinh hoa của giáo lý Nho giáo để giáo hóa người đời, làm cho cảnh đời bạo ngược,  vô luân, chuyển hóa trở nên thuần lương đạo đức.

Tại sao Đức Chí Tôn không dùng Phật giáo, hay Thiên Chúa giáo làm căn bản chuyển thế ? Mà phải dùng Nho giáo?

Bởi vì không có học thuyết nào dạy Nhơn Đạo kỹ bằng Nho giáo. Mà muốn cải tạo xã hội thì phải dạy về Nhơn Đạo, chớ không dạy Thánh đạo, Tiên đạo hay Phật đạo.

Nhưng Đức Chí Tôn chỉ lấy những tinh hoa then chốt của Nho giáo làm căn bản cho việc giáo dục, chớ không lấy toàn bộ Giáo lý Nho giáo, bởi vì toàn cả giáo lý Nho giáo có nhiều điểm không còn thích hợp với thời đại tiến bộ hiện nay.

Những phần tinh hoa của Nho giáo được áp dụng, có thể kể ra sau đây :

- Về phần chung: Thiên Địa Vạn vật đồng nhứt thể.
         . Nhơn nghĩa.
         . Trung Dung.

- Về phần riêng: Nam thì Tam Cang, Ngũ Thường.
   Nữ thì Tam Tùng, Tứ Đức.
Phương pháp thực hành chủ trương Nho Tông Chuyển Thế, trước tiên gồm 3 điểm :
- Trọng Nhơn luân : Nêu cao phẩm giá và đạo đức con người.
- Sùng Nhơn Nghĩa : Tôn trọng điều Nhơn và điều Nghĩa.
- Hưng Lễ Nhạc : Phục hưng tinh thần của Lễ và Nhạc   là Kính và Hòa.

V . Tổ chức Giáo Hội Đạo Cao Đài :
A . Hình Thể :
Về Hình thể, Đức Chí Tôn lập Đạo Cao Đài gồm 3 Đài :
1) . Bát Quái Đài: thuộc phần vô hình, do Đức Chí Tôn chưởng quản, gồm : Các Đấng Giáo chủ Tam giáo và Ngũ Chi,  Tam Trấn Oai Nghiêm cầm quyền Tam giáo thời Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, cùng chư Thần Thánh Tiên Phật. Đài nầy có nhiệm vụ điều khiển tất cả các hoạt động của Đạo Cao Đài qua sự thông công bằng cơ bút nơi HTĐ.

2) . Hiệp Thiên Đài : là cơ quan bán hữu hình, do Đức Hộ Pháp chưởng quản. HTĐ có 2 nhiệm vụ :
- Nhiệm vụ thiêng liêng là cơ quan Cơ Bút làm trung gian thông công giữa BQĐ và CTĐ.
- Nhiệm vụ phàm trần là bảo hộ Luật pháp Chơn truyền của Đạo. Trong trường hợp nầy, HTĐ giống như Tối Cao Pháp Viện và Bộ Pháp Chánh giống như  Bộ Tư Pháp của chánh quyền Đời.
HTĐ có 3 Chi: Pháp, Đạo và Thế.
- Chi Pháp do Đức Hộ Pháp chưởng quản.
- Chi Đạo  do Đức Thượng Phẩm chưởng quản.
- Chi Thế  do Đức Thượng Sanh   chưởng quản.

Dưới Đức Hộ Pháp, Thượng Phẩm, Thượng Sanh là Thập nhị Thời Quân (12 vị Thời Quân), chia ra  mỗi Chi 4 vị, như Chi Pháp có 4 vị Thời Quân là : Tiếp Pháp, Khai Pháp, Hiến Pháp và Bảo Pháp.

Hệ Thống Chức sắc Hiệp Thiên Đài

HỘ PHÁP                  THƯỢNG PHẨM                THƯỢNG SANH
   Chi Đạo                         Chi Pháp                              Chi Thế
BẢO ĐẠO                       BẢO PHÁP                          BẢO THẾ
HIẾN ĐẠO                     HIẾN PHÁP                         HIẾN THẾ
KHAI ĐẠO                     KHAI PHÁP                        KHAI THẾ
TIẾP ĐẠO                       TIẾP PHÁP                         TIẾP THẾ

T. Thất             C.Q.P.T.                     Bộ Pháp Chánh.          Ban Thế Đạo.
1. Trí               1 . Phật Tử
Hu                 2 . Tiên Tử
Cung                3 . Thánh Nhơn            1 . Tiếp Dẫn ĐN          1 . Phu Tử

2 . Trí              4 . Hiền Nhơn              2 . Chưởng Ấn
Giác                 5 . Chơn Nhơn 3 . Cải Trạng               2 . Đại Phu
Cung                6 . Đạo Nhơn               4 . Giám Đạo

3 . Vạn            7 . Chí Thiện                5 . Thừa Sử                 3 . Quốc sĩ
Pháp                6 . Truyền Trạng
Cung                8 . Giáo Thiện              7 . Sĩ Tải                      4 . Hiền Tài

8 . Luật Sự.
9 . Hành Thiện
10 . Thính Thiện
11 . Tân Dân
12 . Minh Đức.

Trực thuộc HTĐ, Đức Phạm Hộ Pháp có lập ra 4 cơ quan : 2 cơ quan trực thuộc Chi Đạo là Cơ Quan Phước Thiện và Tịnh Thất, 1 cơ quan trực thuộc Chi Pháp là Bộ Pháp Chánh, và 1 cơ quan trực thuộc Chi Thế là Ban Thế Đạo.

- Cơ Quan Phước Thiện : để cứu khổ chúng sanh, và cũng mở ra một con đường tu theo Thập nhị Đẳng cấp thiêng liêng cho chúng sanh lập công lập đức mà đắc đạo, cho nên CQPT có 12 phẩm cấp Chức sắc từ Minh đức đến Phật Tử.

- Cơ quan Tịnh Thất : gồm 3 Cung 3 Động là : Trí Huệ Cung Thiên Hỷ Động, Trí Giác Cung Địa Linh Động, Vạn Pháp Cung Nhơn Hòa Động, dành cho những người có đủ Tam Lập vào đó có Minh sư  truyền Tâm pháp luyện đạo.

- Bộ Pháp Chánh : gồm 8 phẩm Chức sắc từ phẩm Luật Sự  đến phẩm cao nhất là Tiếp Dẫn Đạo Nhơn, để giúp cho chư vị ThờiQuân thi hành quyền Tư Pháp của HTĐ.

- Ban Thế Đạo : gồm 4 phẩm Chức sắc từ Hiền Tài lên phẩm Phu Tử, dành cho những người trí thức và quan lại của quyền Đời có chỗ lập công với Đạo, chuẩn bị cho bước đường xả thân hành đạo sau nầy.

3) . Cửu Trùng Đài :
Cửu Trùng Đài là cơ quan Phổ Độ và Giáo Hóa  nhơn sanh vào  cửa  Đạo tu hành.

CTĐ có 9 phẩm Chức sắc, dưới quyền của Đức Giáo Tông chưởng quản.  9 phẩm Chức sắc nầy đối phẩm với Cửu phẩm Thần Tiên nơi BQĐ :
1 . Giáo Tông đối phẩm với Thiên Tiên (Phật vị).
2 . Chưởng Pháp đối phẩm với Nhơn Tiên.
3 . Đầu Sư  đối phẩm với Địa Tiên.
4 . Chánh Phối Sư và Phối Sư đối phẩm Thiên Thánh.
5 . Giáo Sư đối phẩm với Nhơn Thánh.
6 . Giáo Hữu đối phẩm với Địa Thánh.
7 . Lễ Sanh đối phẩm với Thiên Thần.
8 . Ban Trị Sự  đối phẩm với Nhơn Thần.
9 . Đạo Hữu đối phẩm với Địa Thần.

CTĐ lại phân ra làm 2 phái : Phái Nam và Phái Nữ. Chức sắc  mỗi phái có quyền hành riêng biệt, chỉ điều hành bên phái của mình mà thôi.

Chức sắc Nữ phái chỉ được lên phẩm cao nhứt là Nữ Đầu Sư. Pháp Chánh Truyền không cho Nữ phái lên phẩm Chưởng Pháp và Giáo Tông. Đạo phục của Chức sắc Nữ phái hoàn toàn màu trắng.

Chức sắc bên Nam phái dưới phẩm Giáo Tông được chia làm 3 nhóm, cũng gọi là 3 phái : Thái, Thượng, Ngọc, có Đạo phục màu sắc khác nhau, rất dễ phân biệt.
Chức sắc phái Thái mặc Đạo phục màu vàng.
Chức sắc phái Thượng mặc Đạo phục màu xanh dương
Chức sắc phái Ngọc mặc Đạo phục màu đỏ.

Tổ chức HÀNH CHÁNH ĐẠO của CTĐ bên Nam phái và Nữ phái đều có lập ra 9 Viện, gọi là Cửu Viện, dưới quyền điều khiển trực tiếp của các vị Chánh Phối Sư, kể ra :
Thái Chánh Phối Sư  cai quản 3 Viện : Hộ, Lương, Công.
Thượng Chánh Phối Sư  cai quản 3 Viện : Học, Y, Nông.
Ngọc Chánh Phối Sư  cai  quản 3 Viện : Hòa, Lại, Lễ.

Hành Chánh Đạo CTĐ Nữ phái cũng có 9 Viện y như Nam phái, nhưng Nữ phái chỉ có một vị Nữ Chánh Phối Sư, nên vị nầy cai quản tất cả 9 Viện Nữ phái.
Đó là Tổ chức Hành Chánh Đạo CTĐ ở Trung ương.

Hệ thống Chức sắc Cửu Trùng Đài

                                                       Giáo Tông
Ngọc Chưởng  Pháp                Thượng Chưởng Pháp  Thái ChưởngPháp

Nữ Đầu Sư            Ngọc Đầu Sư       Thượng Đầu Sư           Thái Đầu Sư

Nữ                              Ngọc                           Thượng                        Thái
Chánh Phối Sư Chánh Phối Sư           Chánh Phối Sư  Chánh Phối Sư

Nữ Phối Sư                 Ngọc Phối Sư          Thượng Phối Sư  Thái Phối Sư
(không hạn)                 11 vị                            11 vị                            11 vị

Nữ Giáo Sư                Ngọc Giáo Sư        Thượng Giáo Sư               Thái Giáo Sư
(không hạn)                 24 vị                           24 vị                           24 vị

Nữ Giáo Hữu              Ngọc Giáo Hữu       Thượng Giáo Hữu              Thái Giáo Hữu
(không hạn)                1000 vị             1000 vị                                    1000 vị

Nữ Lễ Sanh               Ngọc Lễ Sanh         Thượng Lễ Sanh                 Thái Lễ Sanh
(không hạn)                 (không hạn)                 (không hạn)                      (không hạn)

BAN TRỊ SỰ
Nữ Ch.Trị Sự                                     Chánh Trị Sự
Nữ P.Trị Sự                                       BAN TRỊ SỰ : Phó Trị Sự
Nữ Thông Sự                                                     : Thông Sự

NỮ ĐẠO HỮU                      NAM ĐẠO HỮU

Tổ chức Hành Chánh Đạo Cửu Trùng Đài

Giáo Tông
Ngọc ChưởngPháp                  Thượng ChưởngPháp                          Thái ChưởngPháp
     
Nữ Đầu Sư                 Ngọc Đầu Sư              Thượng Đầu Sư                       Thái Đầu Sư
Nữ                              Ngọc                           Thượng                                   Thái
Ch.Phối Sư                 Ch.Phối Sư                 Ch.Phối Sư                              Ch.Phối Sư

Cửu Viện                                Cửu Viện Nam phái
Nữ phái                  Hòa Lại Lễ  Học Y Nông Hộ Lương Công

   TRẤN ĐẠO                                            TRẤN  ĐẠO
   Nữ Giáo Sư                                                Giáo Sư

 Nữ Kh.Tr.Đạo                                             Khâm Trấn Đạo

   CHÂU ĐẠO                                              CHÂU  ĐẠO
                                                                           Giáo Hữu   

Nữ Giáo  Hữu                                              Khâm Châu Đạo
Nữ Kh.Ch.Đạo                                              
    TỘC ĐẠO                                               TỘC ĐẠO
   Nữ Lễ Sanh                                                Lễ Sanh
   Nữ Đ.Tộc Đ                                               Đầu Tộc Đạo
HƯƠNG ĐẠO                                              HƯƠNG ĐẠO
 Nữ Ch.Tr.Sự                                                Chánh Trị Sự

 Nữ Đ.H.Đạo                                               Đầu Hương Đạo
    ẤP ĐẠO                                                 ẤP ĐẠO
Nữ Phó Trị Sự                                             Phó Trị Sự
Nữ Thông Sự                                               Thông Sự
 Nữ Đạo hữu                                                Nam Đạo hữu

Hành Chánh Đạo ở cấp địa phương gồm :
- Trấn Đạo, gồm nhiều Châu Đạo, do vị Giáo Sư làm Khâm Trấn Đạo.
-  Châu Đạo, gồm nhiều Tộc Đạo, do vị Giáo Hữu làm Khâm Châu Đạo.
-  Tộc Đạo, gồm nhiều Hương Đạo, do vị Lễ Sanh làm Đầu Tộc Đạo.
-  Hương Đạo gồm nhiều Ấp Đạo, do vị Chánh Trị Sự làm Đầu Hương Đạo.
-  Ấp Đạo, gồm các tín đồ ở trong một Ấp, do 2 vị Phó Trị Sự và Thông Sự làm đầu.

Bên Hành Chánh Đạo Nữ phái cũng tổ chức các cấp y như bên Nam phái, nhưng chỉ điều hành bên Nữ phái mà thôi.

CTĐ có lập thêm 2 cơ quan : Cơ quan Phổ Tế và Hội Thánh Ngoại Giáo.
- Cơ Quan Phổ Tế có nhiệm vụ giúp đỡ những người thuộc  tôn giáo khác hay các Chi phái nhập về Đạo Cao Đài.
- Hội Thánh Ngoại Giáo có nhiệm vụ phổ độ người ngoại quốc, dưới quyền điều khiển trực tiếp qua Cơ bút của Đức Nguyệt Tâm Chơn Nhơn (Victor Hugo).

B . Luật Pháp :
Về phương diện Luật pháp, cũng chia ra 3 quyền : Lập Pháp, Hành Pháp và Tư Pháp.

1) . Lập pháp : Quyền Lập pháp là của Ba Hội Lập Quyền Vạn Linh gồm : Hội Nhơn Sanh, Hội Thánh, Thượng Hội. Ba Hội nầy chỉ lập Luật để tu hành chớ không phải lập Luật để trị Đời.
a. Hội Nhơn Sanh : Thành phần của Hội Nhơn Sanh :
-  Các Phái viên Nam Nữ : Đại diện cho các tín đồ Nam Nữ , do toàn thể các tín đồ bầu ra.
-  Các Nghị viên Nam Nữ : Đại diện cho các Chức việc Ban Trị Sự, do các Chức việc trong  mỗi Tộc Đạo bầu ra.
-  Các vị Lễ Sanh Đầu Tộc Đạo.
Hội Nhơn Sanh của Đạo Cao Đài giống như Hạ Nghị Viện của chánh quyền Đời.

b . Hội Thánh : Gồm tất cả Chức sắc CTĐ Nam phái và Nữ phái, từ phẩm Giáo Hữu đến phẩm Phối Sư và Chánh Phối Sư.
Trong trường hợp nầy, Hội Thánh giống như Thượng Nghị Viện của chánh quyền Đời.

c .  Thượng Hội : gồm 11 Chức sắc cao cấp nhứt của CTĐ    HTĐ,  kể ra :
Bên Cửu Trùng Đài có :                       Bên Hiệp Thiên Đài có :
-  Đức Giáo Tông                                - Đức Hộ Pháp
- 3 vị Chưởng Pháp                             - Thượng Phẩm
- 3 vị Đầu Sư Nam                              - Thượng Sanh.
- 1 vị Nữ Đầu Sư.

Hội Nhơn Sanh lập Luật, quyết nghị xong thì dâng lên Hội Thánh. Hội Thánh có tánh cách dung hòa, kềm chế bớt những ý nguyện quá bồng bột và dục tấn của nhơn sanh, để Luật pháp đưa ra vừa sức thực hành của nhơn sanh. Sau cùng thì dâng lên Thượng Hội xem xét có điều nào trái với Thiên điều thì sửa đổi.

Vì Luật pháp do  nhơn sanh lập ra để tu hành nên lúc nào cũng vừa sức và hợp thời, luôn luôn phù hạp với trình độ tiến hóa của  nhơn sanh.

Hễ có quyền lập luật thì đương nhiên có quyền sửa cải luật.  Sau một thời gian thi hành, hễ  nhơn sanh thấy luật nào

đã lỗi thời, không còn phù hạp nữa thì nhơn sanh có quyền quyết nghị sửa đổi hay bãi bỏ.

2) Hành Pháp : là cơ quan Hành Chánh Đạo Cửu Trùng Đài, gồm tất cả Chức sắc, Chức việc Nam Nữ, điều hành guồng máy của Đạo để phổ độ và giáo hóa nhơn sanh đi đúng theo khuôn viên luật pháp của Đạo.

Cơ Quan Phước Thiện cũng được xem như thuộc về Hành Pháp, vì đó là cơ quan tổ chức nền kinh tế và sản xuất của Đạo để nuôi Đạo và cứu khổ  nhơn sanh.

3) Tư Pháp : Quyền Tư Pháp thuộc về HTĐ.

Hiệp Thiên Đài quản lý và bảo vệ Luật pháp, giải thích Luật pháp, tổ chức các Tòa Án Đạo để xử trị Chức sắc và tín đồ vi phạm Luật pháp Đạo.
Thập nhị Thời Quân giống như Tối Cao Pháp Viện của chánh quyền Đời.
Bộ Pháp Chánh giống như Bộ Tư Pháp của quyền Đời.

VI . Triết lý của Đạo Cao Đài :
Đấng Giáo chủ của Đạo Cao Đài là Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế, là nguyên căn của tất cả các vị Giáo chủ của các tôn giáo đã có từ trước tới nay.

Cũng như về Giáo lý, Triết lý của Đạo Cao Đài là một hệ thống thuần nhất, giải quyết được đầy đủ và thỏa đáng tất cả các vấn đề triết học của các tôn giáo hay của các trường phái triết học mà lâu nay còn vướng mắc.

Đó là một hệ thống triết học vừa có tính cách sáng tạo, vừa có tính cách dung hợp tất cả triết lý của 2 trường phái triết học lớn là Duy Tâm và Duy Vật, để cuối cùng làm sáng tỏ được Chơn lý hằng hữu bất biến của CKVT, với đầy đủ các tính chất thanh trược, xấu tốt, thiện ác.

Đối với Chơn lý hằng hữu bất biến ấy, nếu đứng về phương diện vật chất nhìn vào thì đưa ra Triết lý Duy Vật; nếu đứng về phương diện tinh thần nhìn vào thì khai triển ra thành Triết lý Duy Tâm.

Cái Chơn lý hằng hữu bất biến ấy là Thượng Đế, mà bản chất của Thượng Đế là bao gồm đủ mọi trạng thái từ thanh đến trược, từ vật chất đến tinh thần, từ Tiên Phật đến Quỉ Ma. Ở đây, chưa thể đi sâu vào chi tiết, chỉ nêu lên một số điểm chánh của Triết lý Đạo Cao Đài :

1) Thượng Đế :
Nhờ hiện tượng Cơ Bút (Thần Linh học), Đạo Cao Đài xác định sự hiện hữu của Thượng Đế, một Đấng duy nhất, tuyệt đối, toàn tri toàn năng, toàn thiện toàn mỹ, vô thủy vô chung, vô hình vô ảnh, biến hóa vô cùng, đã tạo hóa ra CKVT, nhơn loại và vạn vật.

2) Vũ trụ :
Càn khôn Vũ trụ của Đấng Thượng Đế gồm có 3072 ngôi sao, trong đó có quả Địa cầu của chúng ta đang ở. Vũ trụ nầy chỉ là một trong nhiều vũ trụ khác nhau trong khoảng không gian bao la vô cùng tận. (Xem chi tiết : Vũ trụ quan)

3) Vạn vật :
Đấng Thượng Đế hóa sanh ra vạn vật và cho vạn vật tiến hóa để sản sinh ra muôn loài muôn vẻ khác nhau.

Đầu tiên, Đấng Thượng Đế tạo ra loài Vật chất, Kim thạch. Loài nầy tiến hóa lên thành Thảo mộc, Thảo mộc tiến hóa lên Thú cầm,  Thú cầm lần lần tiến hóa thành nhơn loại.

 Vạn vật luôn luôn biến đổi và tiến hóa không ngừng, tiến hóa từ loài thấp  lần lần lên loài cao hơn, từ loài đơn giản  lần lần tiến hóa lên loài phức tạp hơn.

4)  Luật Tiến hóa :

Càn khôn Vũ trụ và vạn vật luôn luôn biến đổi và tiến hoá. Đấng Thượng Đế lập ra Luật Tiến hóa, điều khiển và thúc đẩy sự tiến hóa của khắp CKVT, và chính Đấng Thượng Đế cũng ở trong vòng chi phối của Luật Tiến hóa nầy.
Luật Tiến hóa đặt ra 8 nấc tiến hóa tương ứng với 8 phẩm Chơn hồn, từ thấp lên cao là :
- Vật chất Kim thạch hồn.
- Thảo mộc hồn
- Thú cầm hồn
- Nhơn hồn
- Thần hồn
- Thánh hồn
- Tiên hồn
-  Phật hồn.

Đến Phật hồn rồi còn phải tiến hóa lên Đại hồn, tức là Thiên hồn hay Thái cực, để Phật hồn hiệp nhất với Đại hồn, là đi giáp một chu trình Tiến hóa.

Mỗi chu trình Tiến hóa như vậycó đến hằng triệu năm.
Nhưng sự tiến hóa không dừng lại vĩnh viễn nơi Đại hồn  vì như vậy là đứng ngoài Luật Tiến hóa, điều nầy không thể có được, mà lại bắt đầu từ Đại hồn một chu trình tiến hóa  mới ở trình độ cao cấp hơn, để cho vũ trụ càng ngày càng tiến hóa, nhân vật càng ngày càng tiến hóa khôn ngoan hơn, đẹp đẽ hơn, tinh vi hơn. (Xem chi tiết : Nhơn sanh quan)

5) Nhơn loại :
Nhơn loại được phân ra làm 3 hạng người căn cứ theo nguồn gốc sanh ra: 
-  Hóa nhân
-  Nguyên nhân
-  Quỉ nhân.

Hóa nhân: là những người do loài cầm thú cao cấp tiến hóa lên phẩm người. Loài cầm thú cao cấp đó là loài giả nhơn khỉ vượn. Số Hóa nhân nầy chiếm đại đa số trong nhơn loại. Hóa nhân còn mang ít nhiều thú tính, nên trí não còn khờ ngây, chưa biết mùi đạo đức.

Nguyên nhân : là những người không do sự tiến hóa của loài cầm thú đi lên, mà là những linh hồn do Thượng Đế sanh ra từ lúc khai Thiên, nay cho đầu kiếp xuống trần, có nhiệm vụ khai hóa các Hóa nhân về trí thức và về tinh thần. Các Nguyên nhân còn giữ được Thiên tính, nên được khôn ngoan, sáng suốt và đạo đức.

Quỉ nhân : là những linh hồn Quỉ vị đầu kiếp nơi cõi trần  để tạo thành lực lượng đối kháng với các Nguyên nhân, nhưng mặt khác lại kết hợp với lực lượng các Nguyên nhân, tạo thành một ngẫu lực thúc đẩy vòng quay của bánh xe tiến hoá. Những Nguyên nhân hoặc Hóa nhân làm những tội lỗi nặng nề phạm Thiên điều thì bị đọa vào Quỉ vị, trở thành những linh hồn Quỉ vị.

6) Tam Thể của con người :
Các nền tôn giáo từ trước tới nay đều cho rằng, con người chỉ có 2 phần : Thứ nhứt là phần Thể xác hữu hình, Thứ nhì là phần Linh hồn vô hình, còn gọi là tinh thần, và Phật giáo gọi nó là Thần thức.

Nhưng Triết lý của Đạo Cao Đài lại phân tích  rõ ra thêm nữa, cho rằng, ngoài 2 phần kể trên, con người còn có một thể nữa có tính cách bán hữu hình, nghĩa là khi thì có hình thể thấy được, khi thì không thấy được. Thể bán hữu hình nầy gọi là Chơn thần, làm trung gian cho phần hữu hình và phần vô hình. Chơn thần nầy còn được gọi là Nhị Xác thân, Xác thân thiêng liêng.

Một con người nơi cõi thiêng liêng chỉ có 2 thể :
- Linh hồn, chỉ là một Điểm Linh quang.
- Chơn Thần, tức là Xác thân thiêng liêng bao bọc Linh hồn.

Khi con người ở cõi thiêng liêng ấy đầu kiếp xuống cõi trần thì mang thêm một xác thân phàm nơi cõi trần do cha mẹ phàm trần tạo ra và được nuôi dưỡng bằng vật chất nơi cõi trần. Chơn thần và Linh hồn lúc bấy giờ ẩn trong thể xác phàm nầy.

Cho nên một con người nơi cõi trần  có 3 thể :
-  Linh hồn    (vô hình).
- Chơn thần (bán hữu hình).
- Xác phàm (hữu hình) bao bọc Chơn thần và Linh hồn.

Khi thể xác phàm chết đi, nó sẽ tan rã trở về đất, còn Chơn thần và Linh hồn thì xuất ra khỏi thể xác, bay trở về cõi thiêng liêng.

7) Đại Từ Phụ và Đại Từ Mẫu :
Khi Đấng Thượng Đế phân Thái Cực ra Lưỡng Nghi : Dương Quang và Âm Quang, thì Thượng Đế làm chủ Dương Quang, còn Âm Quang chưa có ai làm chủ, nên Thượng Đế hoá thân ra Đức Phật Mẫu để làm chủ Âm Quang.

Linh hồn của  mỗi người chỉ là một điểm Linh quang do Thượng Đế chiết ra từ khối Đại Linh quang Thái Cực của Ngài để ban cho mỗi người, do đó Đấng Thượng Đế là CHA của Linh hồn, nên được gọi là Đại Từ Phụ.

Chơn thần của  mỗi người do Đức Phật Mẫu tạo nên, do đó  Đức Phật Mẫu là MẸ của Chơn thần, nên loài người gọi Đức Phật Mẫu là Đại Từ Mẫu.

Con người nơi cõi thiêng liêng đầu kiếp xuống cõi phàm trần, mang thêm xác thân phàm do cha mẹ phàm trần tạo nên.

Cho nên,  mỗi một người nơi cõi trần  đều có :
- Cha mẹ phàm trần riêng của  mỗi người.
- Hai Đấng CHA MẸ chung thiêng liêng cho tất cả mọi người là Đấng Thượng Đế và Đức Phật Mẫu, gọi là Đại Từ Phụ và Đại Từ Mẫu.

Theo Luật Tiến hóa, các Đấng Thần Thánh Tiên Phật đều do nhơn loại tu hành tiến hóa mà thành. Bát hồn nơi cõi thiêng liêng đầu kiếp xuống cõi trần làm chúng sanh (vật chất kim thạch, thảo mộc, thú cầm, nhơn loại). Cho nên, nơi cõi trần  là chúng sanh, nhưng nơi cõi thiêng liêng là Bát hồn, đều do Thượng Đế và Đức Phật Mẫu đào tạo.

Do đó, Đấng Thượng Đế và Đức Phật Mẫu cũng là Đại Từ Phụ và Đại Từ Mẫu của các Đấng Thần Thánh Tiên Phật, tức là của Bát phẩm Linh hồn nơi cõi thiêng liêng và của chúng sanh nơi cõi trần .

Đức Chí Tôn Thượng Đế giáng cơ có nói rằng : “ Các con là Thầy, Thầy là các con” (Thầy là tiếng tự xưng của Đức Chí Tôn). Câu nói trên của Đức Chí Tôn mở ra một Triết lý rất mới mẻ và sâu sắc.

8) Tôn giáo và nhơn loại :
Loài động vật cao cấp là khỉ vượn tiến hóa lên thành những Hóa nhân, tạo thành nhơn loại. Những Hóa nhân nầy vừa  mới thoát kiếp thú nên còn mang chút ít thú tánh, nên kém khôn ngoan và chưa biết đạo đức.

Đức Chí Tôn Thượng Đế cho 100 ức (10 triệu) Nguyên nhân giáng trần để khai hóa các Hóa nhân, làm cho các Hóa nhân được khôn ngoan và tiến bộ. Nhưng  các  Nguyên  nhân

nầy lại tiêm nhiễm vật chất trược trần, nên làm nhiều điều thiếu đạo đức, gây ra nhiều mối oan nghiệt, khiến cho sự tiến hóa bị trì trệ, đôi khi còn bị thoái hóa nữa.

Đức Chí Tôn thấy vậy  mới cho các Đấng Thần Thánh Tiên Phật giáng trần mở ra các mối Đạo để giáo hóa  nhơn sanh về đường đạo đức, và cũng để thức tỉnh các Nguyên nhân lo trở về con đường đạo đức tu hành. Nếu loài người giữ được đạo đức, giữ được bản tánh chơn thật hiền lương thì đâu nhọc lòng Đức Chí Tôn và các Đấng Giáo chủ.

Xem như thế thì tôn giáo được mở ra khi loài người đi vào đường hung bạo gian ác, mục đích là để cứu vớt nhơn loại, chớ không phải để kềm kẹp hay để cai trị nhơn loại. Tôn giáo mở ra là để giáo hóa chớ không phải để trừng trị. Việc trừng trị là việc làm của các thế lực Đời.
  Home   1 ]  [ 2 ]  [ 3 ]  [ 4 ]  [ 5 ]  [ 6 ] [ 7 ]  8 ]  [ 9 ]  [ 10 ]  [ 11 ]  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét