- Thời kỳ
Phổ Độ thứ 1 gọi là Nhứt Kỳ Phổ Đoä, thuộc thời Thái cổ, Đức Chí Tôn cho các
Đấng Phật Tiên giáng trần mở ra các mối Đạo như : Do Thái giáo ở nước Do Thái,
đạo Bà-La-Môn ở Ấn Độ, Phật giáo, Tiên giáo, vv. . . Nhứt Kỳ Phổ Độ chỉ độ được
6 ức Nguyên nhân và một số nhơn loại.
- Đức Chí
Tôn lại mở lòng Đại từ bi, mở kỳ Phổ Độ thứ 2 gọi là Nhị Kỳ Phổ Đoä, thuộc thời
Thượng cổ, gồm các nền tôn giáo : Thiên Chúa giáo ở nước Do Thái và Âu Châu,
Phật giáo ở Ấn Độ, Lão giáo và Khổng giáo ở Trung Hoa, Thần đạo ở Nhựt Bổn và
Trung Hoa.
Nhị Kỳ Phổ Độ chỉ độ được 2 ức Nguyên nhân và một
số lớn nhơn loại.
Các nền tôn giáo nầy trải qua hơn 2500 năm thì cũng
bị thất Chơn truyền, suy tàn và bế lại.
- Đức Chí
Tôn Thượng Đế lại mở lòng Đại từ Đại bi, mở đạo lần thứ 3 để cứu vớt nhơn sanh, gọi là Tam Kỳ Phổ Độä, và cho biết
đây là thời kỳ Phổ Độ chót, trước khi nhơn loại bước vào cuộc Phán Xét cuối
cùng, để chọn người tài đức vào Hội Long Hoa.
Trong thời kỳ Phổ Độ thứ 3 nầy, Đức Chí Tôn không
sai chư Tiên Phật giáng trần mở đạo nữa, mà chính mình Đức Chí Tôn dùng huyền
diệu Cơ bút, trực tiếp mở một nền đạo lớn, gọi là Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, để cứu
vớt nhơn sanh. Lần nầy, chính mình Đức
Chí Tôn sẽ thống nhứt các nền đạo của 2 thời kỳ phổ độ trước, tạo thành một nền
Đại Đạo duy nhứt, với một Giáo lý duy nhứt bao hàm tất cả các Giáo lý, dưới sự
chưởng quản của Ngài, để nhơn loại không
còn phân biệt nhau về tín ngưỡng mà chia rẽ đánh giết nhau.
9)
Ngũ Chi Phục Nhứt :
Các nền tôn giáo thời Nhứt Kỳ và Nhị Kỳ Phổ Độ, tuy
số lượng có nhiều, nhưng tựu chung đều nằm trong 5 con đường lớn (Đại Đạo) với
5 cấp tiến hoá đến Thượng Đế. Năm con đường lớn đó gọi là Ngũ Chi Đại Đạo, gồm
:
- Phật đạo: có đạo Bà-La-Môn, Phật giáo của Đức
Phật Nhiên Đăng, Thích giáo của Đức Phật Thích Ca, Pythagore giáo.
- Tiên đạo : có Lão giáo, Dương Châu, Mặc Địch. . .
- Thánh đạo : có Do Thái giáo, Thiên Chúa giáo với
2 Chi phái lớn là đạo Tin Lành, và Chính Thống giáo.
- Thần đạo : có Hy Lạp Phong Thần, Ai Cập Phong Thần,
Trung Hoa Phong Thần, Thần đạo Nhựt Bổn.
- Nhơn đạo : có Nho giáo, Socrate, Platon, . . .
Nhứt Kỳ và Nhị Kỳ Phổ Độ là 2 thời kỳ mà Đức Chí
Tôn cho nhiều Đấng Giáo chủ xuống trần mở đạo cứu đời. Đó là thời kỳ “Nhứt bổn
tán vạn thù”.
Đến thời Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, Đức Chí Tôn qui các
mối đạo về một mối gọi là Ngũ Chi phục nhứt, ấy là thời kỳ “Vạn thù qui nhứt
bổn”, và chính mình Đức Chí Tôn làm CHA chưởng quản tất cả. Như vậy, chúng ta
thấy, Tam giáo qui nguyên nằm trong Ngũ Chi phục nhứt.
10)
Thiên Nhãn, một biểu tượng đại đồng :
Trong Đạo Cao Đài, Đức Chí Tôn dạy vẽ hình Thiên
Nhãn để thờ, tức là dạy thờ biểu tượng Con Mắt, tượng trưng Thượng Đế.
Việc thờ biểu tượng nầy có 2 lý do :
- Đức Chí Tôn là Thái Cực, do Hư Vô chi Khí biến
sanh, nên Đức Chí Tôn không có hình ảnh chi hết, chỉ vẽ hình Con Mắt tượng
trưng để chỉ rằng : Trời cao có mắt, Thượng Đế luôn luôn dòm ngó săn sóc con cái của Ngài là toàn thể nhơn loại.
- Biểu tượng Con Mắt có ý nghĩa đại đồng. Bất cứ
sắc dân nào, dân tộc nào cũng biết vẽ Con Mắt để thờ, và vẽ hình Con Mắt không
có tính cách phân biệt chủng tộc, quốc gia, nên có tính cách đại đồng.
Như Phật giáo vẽ hình Đức Phật Thích Ca để thờ, mà
Phật Thích Ca là người Ấn Độ; Thiên Chúa giáo tạo hình Đức Chúa Jésus để thờ,
mà Chúa Jésus là người Do Thái, Nho giáo thờ Đức Khổng Tử, mà Khổng Tử là người
Tàu. Do đó mà còn tính cách phân biệt về dân tộc và quốc gia, là thờ người
ngoại quốc.
Vẽ hình Con Mắt để thờ thì tránh được các sự phân
biệt kể trên.
Mở Đạo Cao Đài,
Đức Chí Tôn dạy thờ Con Mắt là có ý muốn cho nhơn loại không còn phân
biệt nhau về quốc gia hay về chủng tộc, nhìn nhận Đức Chí Tôn và Đức Phật Mẫu
là 2 Đấng CHA MẸ chung thiêng liêng, nên toàn cả nhơn loại đều là anh em một
nhà, cần phải thương yêu giúp đỡ nhau, tạo nên một xã hội đại đồng huynh đệ.
Dân tộc Việt Nam chỉ là một dân tộc lãnh sứ mạng
của Đức Chí Tôn để thực hiện đại đồng trên toàn thế giới .
11) Tiểu
Thượng Đế :
Thượng Đế tạo ra con người và ban cho con người tất
cả những gì mà Thượng Đế có. Thượng Đế rút ra từ cái vĩ đại huyền diệu của
Ngài, mỗi thứ một điểm nhỏ, ban cho con
người, rồi che phủ lên đó một bức màn vô minh, đặt con người ở giữa sự Thiện và
sự Ác, giữa Chánh và Tà, giữa sự Yêu và sự Ghét, để con người học hỏi, chứng
nghiệm hiểu biết tất cả các thứ bài học từ trược đến thanh mà tiến hóa.
Do đó, con người chính là một Tiểu Thượng Đế.
Tiểu Thượng Đế học hỏi, tiến hóa mãi, qua rất nhiều
kiếp, để cuối cùng đi hết các nấc thang tiến hóa, trở về hiệp nhứt cùng Thượng
Đế, Tiểu hồn hiệp nhứt Đại hồn.
12) Mục đích của đời sống con người :
Con người sống nơi cõi trần là để học hỏi và tiến
hóa.
Nơi cõi trần
có đủ các thứ bài học, rất đa dạng và phong phú. Học Ác rồi lại học
Thiện, học điều Tà rồi học điều Chánh, học điều xấu rồi lại học điều tốt, học
cho biết rõ cái tối tăm rồi học qua cái sáng suốt, học bài học vật chất rồi đến
bài học tinh thần. vv . . .
Học bài học Ác, thử nghiệm làm Ác, được chấm điểm
âm (-), bị thoái hóa, buồn bực khổ sở. Học Ác hoài cũng chán, nên bắt qua học
Thiện, làm Thiện, được điểm dương (+) tiến hóa,
cảm thấy vui sướng. Học tất cả các bài học ấy để chứng nghiệm Luật Nhân
Quả, và Luật Công Bình thiêng liêng của Tạo Hóa.
Học dần dần, hết bài học nầy thì qua bài học khác,
cứ thế mà tiến hóa dần. Đó là sự Tiến hóa theo dòng tự nhiên, nên rất chậm
chạp.
Đức Chí Tôn mở Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ là để thúc
giục sự Tiến Hóa cho khẩn trương nhanh chóng thêm, bởi vì sắp đến kỳ thi chung
kết để chấm dứt một giai đoạn tiến hóa
của CKVT, tuyển lựa người có đầy đủ phước đức vào Hội Long Hoa, rồi sau đó lại
bắt đầu một chu trình tiến hóa mới ở cấp
cao hơn.
Chỉ nơi cõi trần, con người mới có đủ các loại bài học để học tập, vừa
học hỏi lý thuyết, vừa thực hành chứng nghiệm, nên sự tiến hoá đạt được tốc độ
nhanh chóng.
Vậy, mục đích của đời sống con người nơi cõi
trần là học tập và tiến hóa. Người nào
sáng suốt thì học nhanh và tiến hoá nhanh, người nào bơ thờ thì học chậm,tiến
hoá chậm.
Các điều vừa trình bày trên đây chỉ là một số nét
lớn của Triết lý Đạo Cao Đài. Học giả muốn tìm hiểu kỹ hơn, chi tiết hơn, sâu
hơn, thì phải nghiên cứu Giáo lý của Đạo Cao Đài một cách sâu rộng trong các
Thánh ngôn của Đức Chí Tôn và các Đấng thiêng liêng giáng dạy.
Nói rằng, Triết lý của Đạo Cao Đài là gốc của các
nền Triết lý trên thế giới từ trước đến nay, là bởi vì nền Triết lý nầy phát
xuất trực tiếp từ Thượng Đế, chính Thượng Đế là nguyên lý đầu tiên của tất cả
các nguyên lý trong CKVT và vạn vật.
Từ xưa đến nay, con người chưa trực tiếp được với
Đấng Thượng Đế, nên chỉ hình
dung Thượng Đế theo
chủ quan của trí não phàm trần eo hẹp của mình, giống như trường hợp những anh mù rờ voi, rồi
cãi lý với nhau, ai cũng cho cái nhận biết của mình là đúng và của kẻ khác là
sai. Họ có ngờ đâu, tất cả những cái biết đó chỉ là những phần khác nhau của
con voi, và tổng hợp tất cả những cái biết đó
mới có thể hình dung đúng được con voi.
Trường phái Triết lý Duy Tâm, trường phái Triết lý
Duy Vật, công kích nhau, chống đối nhau, cãi nhau đến muôn đời thì cũng không
thể có bên thắng bên bại, vì họ chỉ thấy được một phiến diện của Chơn lý hằng
hữu bất biến là Thượng Đế. Họ có biết đâu rằng Thượng Đế gồm cả hai mặt : Duy
Tâm lẫn Duy Vật.
Ngày nay, Đấng Thượng Đế giáng trần qua việc sử
dụng cơ bút để trực tiếp giảng dạy Giáo lý, Triết lý, Lễ nghi, để nhơn loại
thấy rõ Thượng Đế hiện hữu, có thật, là Chơn lý hằng hữu bất biến, chớ không
phải là giả thuyết tưởng tượng hay truyền thuyết mơ hồ vô căn cứ.
Đấng Thượng Đế mở đạo kỳ nầy là thể hiện lòng Đại
từ Đại bi của một Đấng Đại Từ Phụ, nhìn thấy nhơn loại là con cái thương yêu
của Ngài còn nhiều vô minh, trì trệ trên đường học hỏi và tiến hóa, mà kỳ thi
chung kết lại gần kề. Ngài hiện diện là để khai phá màn vô minh, để nhơn loại
biết Ngài, hướng về Ngài, khẩn trương lo học tập tiến hóa, trong hồng ân của Ngài.
VII . Nhơn Sanh quan của Đạo
Cao Đài
Nhơn sanh quan là một hệ thống tư tưởng Triết học
xem xét về nguồn gốc của con người, sự sống và sự chết, về mục đích và ý nghĩa
của đời sống con người.
Về Nhân sinh
quan, Triết học phân ra 2 nhóm có tư tưởng đối lập nhau :
- Nhơn sinh quan Duy Vật do 2 Triết gia Marx và
Engels chủ trương, không công nhận con người có Linh hồn, đưa đến thuyết Cộng
Sản Vô Thần.
- Nhân sinh quan Duy Tâm do các Triết gia Socrate,
Platon, Hégel, . . . và nhất là các nhà tôn giáo chủ trương, công nhận con
người có một Linh hồn bất diệt, đưa đến thuyết Tư bản Tự Do.
Sau đây, chúng tôi xin trình bày Nhân sinh quan của
Đạo Cao Đài.
Nhân sinh quan của Đạo Cao Đài là một Nhân sinh
quan triết học Duy Linh Duy Nhất, vượt lên trên 2 quan niệm Duy Tâm và Duy vật
vừa kể trên, mà còn dung hợp được 2 khuynh hướng nầy. Nhân sinh quan của Đạo
Cao Đài sẽ giải đáp một cách minh bạch các vấn đề sau đây :
- Nguồn gốc của loài người. Con người từ đâu tới ?
- Con người
có Linh hồn không ? Linh hồn là gì ?
Khi thể xác chết đi, Linh hồn xuất ra đi về đâu ?
- Con người
đầu thai xuống cõi trần bằng cách nào ?
- Thượng Đế là ai ?
Sự liên hệ giữa Thượng Đế và con người.
- Mục đích của cuộc sống.
- Thiên đàng và Địa Ngục.
A1 .
Nguồn gốc của loài người :
Đạo Cao Đài xác nhận rằng, loài người nguyên thủy
có được là do sự tiến hoá của loài khỉ vượn thuộc lớp động vật cao cấp mà
thành. Điều nầy được chứng minh bằng Định luật Tiến hóa của chúng sanh và của
Bát hồn.
a) Luật Tiến hóa của
chúng sanh :
Chúng sanh là các loài sanh vật, tức là các loài
vật có sự sống được sanh ra trên mặt Địa cầu nầy, gồm: Vật chất Kim thạch, Thảo
mộc, Thú cầm và Nhơn loại.
Khởi thủy, quả Địa cầu của chúng ta chỉ là một khối
lửa văng ra từ Mặt Trời. Theo thời gian, khối lửa ấy nguội dần, tạo ra một lớp
vỏ đất đá bao bọc bên ngoài. Đến lúc nhiệt độ hạ xuống khá thấp, lớp hơi nước
được tạo thành bao bọc chung quanh Địa cầu, gây ra những đám mưa lớn rơi xuống,
tạo nên các sông ngòi và biển cả.
Nước của biển và sông làm ổn định nhiệt độ của Địa
cầu, nên sanh vật bắt đầu xuất hiện
trong nước.
Sanh vật đầu tiên là loài Thảo mộc đơn giản chỉ có
một tế bào (đơn bào). Dần dần nó sanh sản thêm bằng cách phân bào, rồi tiến hóa
lên thành các loại nấm, rong rêu, tiến hóa tiếp thành cây cỏ, và cây cối. Càng
tiến hóa, Thảo mộc càng to lớn, rắn chắc
và phức tạp.
Một thời gian dài tiếp theo, loài động vật bắt
đầu xuất hiện. Động vật đầu tiên xuất
hiện trong nước, có cơ cấu đơn giản chỉ một tế bào (đơn bào). Dần dần nó sanh
sản và tiến hóa lên thành các loài sứa, loài cá, rồi tiến hóa thành các loài
động vật sống trên cạn có chân, tiến hóa lên nữa thành loài thú chạy, thú bay.
Loài động vật có trình độ tiến hóa cao nhất là
giả nhân thuộc loài khỉ vượn.
Trong loài khỉ vượn, ở cấp thấp thì chúng có thân
hình nhỏ và có đuôi. Chúng tiến hóa lên thành loài khỉ vượn cao cấp gọi là giả
nhơn, có thân hình to lớn và không có đuôi.
Một thời gian dài tiếp theo, loài giả nhơn tiến hóa
lên thành loài người nguyên thủy. Giả nhơn còn di chuyển bằng 4 chi, tiến hóa lên
thành người nguyên thủy chỉ đi bằng 2 chân sau, 2 chi trước trở thành 2 tay để
cầm bắt và hái lượm trái cây. Hình vóc cũng
lần lần biến đổi, tướng đi đứng thẳng, lông trên thân thể rụng dần, cái
đầu nở to ra, bộ óc lớn hơn.
Chúng ta có thể tóm tắt sự tiến hóa của chúng sanh
bằng hình vẽ sau đây, với ký hiệu mũi tên:
- Đầu mũi tên là gốc, là cái đầu.
- Đuôi mũi tên là ngọn , là cái đuôi, là chân.
- Vật chất kim thạch, chưa phân biệt được cái nào là gốc, cái nào là ngọn, cái
nào là đầu, cái nào là đuôi.
- Thảo mộc có gốc có ngọn, gốc là đầu mũi tên, ngọn
là đuôi mũi tên, được tượng trưng bằng mũi tên chúc xuống thẳng đứng.
- Động vật có đầu và có đuôi ngang nhau, thân mình
nằm ngang, được tượng trưng bằng mũi tên nằm ngang.
- Nhơn loại có đầu hướng lên Trời, chân đạp xuống
đất, thân hình thẳng đứng, được tượng trưng bằng một mũi tên thẳng đứng hướng
lên trên. Như vậy, sự tiến hóa đến phẩm nhơn loại thì đã thuận theo Thiên lý.
Sự trình bày như trên đây là trình tự Tiến hóa về mặt hình thể, thuộc về vật chất
hữu hình.
Sau đây là sự Tiến hóa về mặt khôn ngoan hiểu biết.
- Loài Kim thạch có sự sống chưa thể hiện rõ rệt,
nó chỉ là sự liên kết của các tế bào tạo thành tinh thể rắn chắc. Loài kim
thạch hoàn toàn không có tri giác.
- Loài Thảo mộc, được Thượng Đế ban cho một điểm
nguyên hồn để làm Sanh hồn, tạo nên sự sống. Điểm nguyên hồn nầy được Đấng
Thượng Đế rút ra từ khối Đại hồn (Đại Linh Quang) của Ngài.
Loài Thảo mộc chỉ có sự sống mà chưa có tri giác.
Loài Thảo mộc ở cấp cao hơn thì lá biết khép lại khi đêm xuống hay khi bị đụng
chạm, như cây su đủa, cây mắc cở; vài loại Thảo mộc có những cánh hoa có mùi
thơm để dụ côn trùng bay đến rồi khép những cánh hoa ấy lại đặng bắt côn trùng
mà hút thịt và máu. Như thế, chúng đã có chút ít tri giác nhưng rất thô sơ, gần
như chỉ là những phản xạ tự nhiên.
- Tiến lên là loài Động vật, được Thượng Đế ban
thêm cho một điểm Nguyên hồn nữa để làm Giác hồn, tạo ra sự hiểu biết, như đau
đớn biết la, sợ hãi biết chạy trốn, biết đi tìm thức ăn thích hợp, biết tìm chỗ
ẩn trú an toàn, biết nuôi con, có chút ít trí nhớ nhưng rất sơ sài.
- Tiến lên đến phẩm Nhơn loại, là đẳng cấp cao nhứt
của chúng sanh, được Thượng Đế ban thêm cho một điểm Nguyên hồn nữa để làm Linh
hồn, lúc đó sự hiểu biết mới được hoàn
toàn.
Con người có được sự hiểu biết, sự suy nghĩ, sự
phán đoán, biết được lẽ phải trái và có tánh linh.
Đến đây, con người có đủ Tam Hồn : Sanh hồn, Giác
hồn và Linh hồn.
TÓM
TẮT :
“ Luật Tấn hóa của Thảo mộc, Thú cầm, Nhơn loại, nó
từ từ tăng tiến mãi, nhưng nó cũng có thối hóa vậy.
Các con nghe : Như loài Thảo mộc cũng có thọ nơi
Thầy một điểm Nguyên hồn. Nó cũng sống, nhưng trí hóa khờ ngây. Các con coi đó,
từ Thảo mộc bắt đầu lên cho chí loài
người, có 3 cái Pháp :
1 . Như Thảo mộc, cái gốc trở xuống, ngọn day lên.
(Gốc là đầu, ngọn là chơn).
2 . Rồi nó tấn hóa lên đến bực Thú cầm thì cái đầu với cái đuôi ngang nhau.
3. Thú cầm
qua Nhơn loại thì cái đầu trở lên, cái chơn xuống dưới.
Ấy là 3 Pháp. Vậy từ Thảo mộc có một phần Hồn.
Thảo mộc tấn hóa mãi, muôn vàn kiếp mới bước sang qua Thú cầm đã đặng 2 phần Hồn.
Thú cầm mới
dần dần tấn hóa mãi, trăm muôn ngàn kiếp, lên đặng làm Người, thiệt là trăm
đắng ngàn cay, muôn thảm vạn sầu, biết bao nhiêu là công phu khổ hạnh, xả thân
giúp đời một cách khó khăn cực nhọc,
nhưng cũng vui
lòng, mãn kiếp nọ sang kiếp kia, cứ lập công quả mãi. Vàn vàn muôn muôn
lần đầu thai mới qua đặng phẩm bực loài
người.
Khi tấn hóa đến loài người thì đã đủ trọn Tam Hồn,
Thất Phách.
Những con thú
mới qua làm người thì còn khờ khạo ngu ngây, tánh tình độc hiểm, nếu
biết khôn xá thân giúp đời thì chuyển kiếp đôi ba chục lần cũng đặng minh mẫn
khôn ngoan. “ (ĐTCG. 115)
b)
Luật Tiến hóa của Bát hồn :
Tất cả Chơn linh trong CKVT, gọi là Vạn linh, được
chia làm 8 bực tiến hóa cao thấp khác nhau, gọi là Bát hồn hay Bát phẩm Chơn
hồn, kể từ thấp tiến hóa dần lên cao :
1 . Kim thạch hồn. 5 . Thần hồn.
2 . Thảo mộc hồn. 6 . Thánh hồn.
3 . Thú cầm hồn. 7 . Tiên hồn.
4 . Nhơn hồn. 8 . Phật hồn.
- Sự Tiến hóa trong giai đoạn đầu từ Kim thạch hồn
lên đến Nhơn hồn là sự Tiến hóa tự nhiên, do sự thúc đẩy của Luật Tiến hóa của
Thượng Đế, và sự tiến hoá đi lên dần dần theo từng cấp bực, không có sự nhảy
cấp và cũng không có sự thoái cấp.
- Sự Tiến hóa trong giai đoạn tiếp theo, từ Nhơn hồn lên đến Phật hồn là do
sự tu luyện của Nhơn hồn, nên Nhơn hồn có thể tiến hóa rất nhanh, một kiếp tu
có thể vượt lên 3 hay 4 cấp, để đến Phật hồn; nhưng cũng có thể thoái hóa xuống
loài Cầm thú khi Nhơn hồn không tu mà
lại phạm vào tội đại ác.
* Con người
nhờ có trí não khôn ngoan hiểu biết, phân biệt được điều hay lẽ dở, thiện ác,
chánh tà, có lương tâm kềm chế, có lục dục thất tình xúi giục. Nếu biết bỏ ác
theo lành, cải tà qui chánh, chế ngự lục dục thất tình và chuyển hóa chúng theo
đường Thiên lý thì con người sẽ tiến hóa đi lên, tùy theo công đức nhiều ít mà
đạt được các phẩm : Thần hồn, Thánh hồn, Tiên hồn và Phật hồn.
* Nếu ngược
lại, con người bỏ chánh theo tà, bỏ lành làm ác, đi theo vật dục thấp hèn, thì
Nhơn hồn sẽ bị thoái hóa xuống loài Cầm thú, mang lông đội sừng mà đền tội lỗi.
Sự Tiến hóa đi lên của Nhơn hồn, khi đã đến Phật
hồn rồi thì chưa phải là đến mức tối cao của nấc thang tiến hóa. Phật hồn còn
phải tiếp tục tu luyện để tiến hóa lên mức tận cùng tối cao là Thiên hồn, tức
là Đại hồn của Thượng Đế.
Tới đây mới
giáp một chu trình tiến hóa của của Vạn linh, bởi vì Vạn linh xuất phát từ Thiên hồn (Đại Hồn, Đại Linh Quang, Thái
Cực), đi chu du một vòng tiến hóa, trải qua Bát hồn, nay trở về hiệp nhập vào
Đại hồn của Thượng Đế là đúng một chu trình tiến hóa.
Đức Cao Thượng Phẩm có giáng cơ giảng giải về sự
tiến hóa của Bát hồn, trong Luật Tam Thể, trích ra như sau :
“ Từ lúc Hỗn Độn sơ khai, Âm Dương biến hóa, trong
Khí Hư Vô đã sẵn các tế bào. Sau tiếng nổ, Âm Dương phân tách : Khí Dương quang
là khí nhẹ nhàng bay lên trên, còn khí Âm quang là khí chất chứa các tế bào nên
lóng xuống dưới.
- Sau một Chuyển, các chất khí trên liên đới với tế
bào mà tụ lại thành chất khí và biến thành vạn vật. Khi chưa thành hình thể hữu
vi, thì chất khí vẫn là một cục lửa do khí Dương quang đốt cháy, sau đó, nơi
Diêu Trì Cung thâu Thập nhị Địa Chi mà biến khí Dương quang và chất khí làm Ngũ
Hành. Vậy cho nên, Đất, Nước, Sắt, Đá, và Lửa được nẩy sanh trước hết, đó là
Kim thạch hồn.
- Sau một Chuyển nữa, Nước, Đất, Đá, Lửa và
Sắt mới tiêu ra một chất khí và liên đới
với các tế bào lại mà tạo nên cây cỏ, đó là Thảo mộc hồn.
- Sau một Chuyển nữa, các cây cỏ chia tế bào mà
liên đới với Ngũ Hành tạo nên Bách Thú, trong đó phần ở khô gọi là Điểu thú,
còn phần ở nước gọi là Ngư thú, đó là Thú cầm hồn. Cầm thú đều là Bách thú.
- Sau một Chuyển nữa, Ngũ Hành hiệp với Thảo mộc mà
nuôi Thú cầm. Trong Thú cầm, chơn hồn đã bước vào Cơ Tấn hóa, do đó tạo nên Thỉ
Tổ loài người là La Hầu, tức là người khỉ
đó.
La Hầu lần lần sanh hóa và nhờ điểm Linh quang của
Chí Tôn mà lần đến loài người như hiện giờ, đó là Nhơn hồn”
“ Nhơn hồn nào được trọn Trung, ấy đã vào Thần vị.
Biết được nghĩa chánh, bồi bổ đạo Nhơn luân, tức là
Thánh vị. Đến Thánh hồn thì tự nhiên phải thông suốt phần Thế Đạo đó vậy. Trong
phần Thế Đạo mà tạo được Bí pháp đặng bước qua mặt Thể pháp Thiên Đạo, tức là
Tiên vị.
Đã lập được Thể pháp Thiên Đạo mà tầm nên Bí pháp
Thiên Đạo, tức là đắc pháp, ấy là Phật vị.”
Như vậy, theo lời dạy của Đức Cao Thượng Phẩm, La
Hầu tiến hóa lên phẩm người thành Thỉ Tổ loài người. Điều nầy rất phù hợp với
sự khám phá của các nhà khoa học và khảo cổ với chứng tích là các bộ xương hóa
thạch của vượn-người, rồi người-vượn, và tiến hóa thành người nguyên thỉ.
Nhiều người phủ nhận nguồn gốc con người là sự tiến
hóa từ La Hầu, cho rằng như vậy là hạ
thấp phẩm giá của con người, nhưng đây là sự thật đúng theo luật Tiến hóa của
Càn Khôn, đúng theo Luật Tiến Hóa của Bát Hồn. Đức Phật Thích Ca, Giáo chủ Phật
giáo, cho biết rằng Ngài có những tiền kiếp là Thú cầm như : Voi, thỏ, nhạn,
rắn, nai, quạ, sư tử, khổng tước, rùa, rận, ngựa, cá ông, nhĩ hầu, vv . .
.
c)
Con người từ đâu tới ? Ba hạng người :
Nhơn loại được chia làm 3 hạng người, căn cứ theo
nguồn gốc : Đó là Nguyên nhơn, Hóa nhơn, Quỉ nhơn.
1 . Hoá nhơn : Hóa nhơn là
những người do sự tiến hóa đi lên từ loài Thú cầm. Đa số trong nhơn loại đều là
Hóa nhơn. Tuy Hóa nhơn có đủ Tam Hồn, nhưng ý thức còn rất ngu khờ, lại mới thoát thai từ loài Cầm thú, nên tánh tình
còn hung dữ thô lỗ, hình dáng còn thô kệch xấu xí, chưa đủ khôn ngoan và kinh
nghiệm để xây dựng một đời sống tiện nghi tốt đẹp.
Đó là loài người nguyên thủy, còn trong tình trạng
ăn lông ở lỗ. Thời gian nầy kéo dài khá lâu.
Thượng Đế thấy vậy mới cho các Nguyên nhơn khôn ngoan và tốt đẹp giáng trần
để khai hóa các Hóa nhơn.
2 . Nguyên nhơn : Chơn linh của
các Nguyên nhơn được Thượng Đế sanh ra từ lúc Khai Thiên. Thượng Đế cho các
Nguyên nhơn đầu kiếp xuống trần, nhập vào bào thai của các Nữ Hóa nhơn, sanh ra
làm người, gọi là Nguyên nhơn.
Các Nguyên nhơn lớn lên có hình dáng tốt đẹp, giữ
được Thiên tánh, chưa nhiễm trược trần, trí
não thông minh sáng suốt, đứng ra lãnh đạo và giáo hóa
các Hóa nhơn cho được hiểu biết, tiến bộ, thoát khỏi đời sống dã man ăn lông ở
lỗ, xây dựng một xã hội trật tự tiến bộ.
Theo sử sách xưa để lại, chúng ta biết :
- Hữu Sào dạy dân kết cây làm tổ để ở, tránh nguy
hiểm do thú dữ gây ra.
- Toại Nhân dạy dân khoan cây lấy lửa, dùng lửa nấu
chín thức ăn.
- Phục Hy dạy dân nuôi thú vật để sai khiến làm
lụng, chế ra lưới để bắt cá bắt chim, chế đàn cầm đàn sắt để dạy dân lễ nghĩa,
qui định phép gả cưới để tạo thành gia tộc, chế ra Bát Quái để chỉ cái lẽ Âm
Dương biến hóa của Trời Đất cho dân biết thuận tùng Thiên lý.
- Thần Nông dạy dân làm cày bừa, phát triển nghề
nông, gieo trống Ngũ cốc, tổ chức chợ búa để dân hội họp trao đổi hàng hóa, chế
ra lịch để dân biết năm tháng mà gieo cấy, nếm thử các thứ cây cỏ để chế thuốc
trị bệnh cho dân.
- Huỳnh Đế (Hoàng Đế) chế ra xe thuyền để đi lại và
vận chuyển hàng hóa, chế ra áo mão để phân định tôn ti trật tự, chế ra văn tự
để ghi chép.
Những vị vừa kể trên chỉ là những điển hình của các
Nguyên nhơn có công lao giáo hóa dân chúng, đem lại nhiều lợi ích cho nhơn
sanh, nên được nhơn sanh tôn lên làm vua.
Theo Thánh giáo thì có tất cả 100 ức Nguyên nhơn
giáng trần ở khắp nơi, trong đủ các sắc dân nơi cõi trần . Đã có 8 ức Nguyên
nhơn làm xong nhiệm vụ, giữ được bổn tánh thiên lương, nên đã trở về cùng Đức
Chí Tôn, còn lại 92 ức Nguyên nhơn bị nhiễm nhiều thứ ô trược nên vẫn còn trầm
luân nơi cõi trần. (1 ức = 100 ngàn; 92
ức =
9 triệu 200 ngàn)
3 . Quỉ nhơn : Những Hóa nhơn
và những Nguyên nhơn ác hành, vi phạm
Thiên điều, linh hồn bị đọa vào Quỉ vị, thành ra các Quỉ hồn. Các Quỉ hồn đầu
kiếp lên làm người nơi cõi trần để trả
quả và được gọi là Quỉ nhơn.
Vậy, nhơn loại trên Địa cầu nầy đến với 2 nguồn gốc
:
- Một là từ Thú cầm tiến hóa lên phẩm Người, gọi là
Hóa nhơn, đó là người nguyên thủy, Thủy tổ của loài người.
- Hai là từ cõi Trời, được Thượng Đế cho giáng sanh
xuống làm người nơi cõi trần, gọi là Nguyên nhơn.
Phần lớn trong nhơn loại đều là Hóa nhơn. Số Nguyên
nhơn hiện nay còn lại nơi cõi trần là 92 ức tức là 9.200.000 người. Số Quỉ
nhơn trong nhơn loại cũng khá nhiều, vì đây là thời Mạt Kiếp sắp chấm
dứt để bước vào Đại Hội Long Hoa, nên Đức Chí Tôn cho tất cả các Quỉ hồn đầu
kiếp để thực hiện sự trả quả gấp rút và rốt ráo.
A2 . Con người có linh hồn
không ?
Ba Thể của con người :
“Cái tình cảm hóa của con người là tình thường ứng
hiệp với Trời Đất, cho nên khi tâm tịnh thường cảm hoài, hằng tìm nơi u huyền mà nghĩ nghị trong trí khôn, ấy là kẻ
có sẵn tình ý thiên nhiên tạo hóa.
Còn một hạng người cũng có tánh thiêng liêng ấy,
nhưng không để trí thông minh vào lối cao thượng, mà cứ quen thói hung hăng,
nghĩ những việc bạo tàn, làm những điều
tội
lỗi, ấy là những kẻ nghịch Thiên, không biết luân
hồi chi cả. Chúng nó lại tưởng rằng, kiếp người
là kiếp sống chỉ có giây giờ rồi
tiêu mất, nên tìm những chước sâu kế độc cho được của nhiều, no lòng sướng dạ,
trối kệ luân hồi.
Thầy hỏi : Vậy chớ cái trí khôn của con người biết
thương ghét, vui buồn, mà toàn trong nhơn loại đều có, khi rốt cuộc thì trí
khôn ấy đi đâu ? Không lẽ cái trí khôn ngoan dường ấy mà cũng mất đi đặng sao
các con ?
Thầy hỏi như vậy đặng cho các con mỗi đứa về suy nghĩ mà trả lời cho mình. Hễ
trả lời phù hạp thì dễ biết Đạo, còn ngu xuẩn thì cũng huờn ngu xuẩn.” (TNHT.
I.101)
Con người khi
mới được sanh ra,hài nhi biết tìm vú mẹ để bảo tồn sự sống, khi đau biết
khóc, khi đói biết la, khi khát biết uống; lớn lên một chút thì khi vui biết
cười, khi giận biết la hét. Cái hiểu biết tự nhiên đó, không ai dạy mà biết, là
do linh hồn của đứa bé mà Thượng Đế đã ban cho. Nếu phủ nhận linh hồn thì cái
hiểu biết tự nhiên đó do đâu mà có ?
Khi lớn lên hơn nữa, đứa trẻ nhờ sự thông minh sáng
suốt mà biết được lẽ phải quấy, lẽ thiện ác; khi làm điều thiện thì nó vui vẻ,
khi làm điều ác thì nó bị lương tâm cắn rứt. Cái lương tâm ấy do đâu mà có ? Nó
chính là sự thể hiện của linh hồn đứa trẻ, và cái sự thông minh sáng suốt ấy
cũng là do linh hồn của nó mà ra.
Khi đứa trẻ vào trường, học những điều khôn ngoan
của người xưa truyền lại, nhờ có trí nhớ, nó thu thập được các điều đó để trở
nên khôn ngoan hiểu biết thêm, trí não mở mang. Cái hiểu biết do học tập mà có
là của trí não, thuộc về Chơn thần, một thể trung gian giữa Thể xác và Linh
hồn.
Mặt khác, Đức Chí Tôn Ngọc Hoàng Thượng Đế mở Đại
Đạo Tam Kỳ Phổ Độ nầy bằng cách dùng huyền diệu cơ bút để thông công giữa Ngài
và nhơn loại ở thế giới hữu hình.
Ngài muốn cho nhơn loại thấy rằng, ngoài
thế giới vật chất hữu hình, còn
có một thế giới siêu tuyệt hơn, thuộc về
vô hình của các Đấng Thần Thánh Tiên Phật.
Hiện tượng Thông Linh học đã được nhơn loại khám
phá từ giữa thế kỷ 19 với việc xây bàn
nói chuyện với các Vong linh người chết của Văn Hào Victor Hugo tại đảo Jersey
của nước Anh.
Ở Việt Nam, trong giới bình dân, người ta biết dùng
một mảnh ván hòm nhỏ để xây cơ ma, nói chuyện với các Vong linh người đã chết.
Việc làm nầy rất dễ dàng, ai nghi ngờ không có Linh hồn, đều có thể thử nghiệm được.
Nhưng một số người vẫn ngoan cố nói rằng Linh hồn ở
đâu mà họ không thấy ?
Vậy, chúng ta cũng hỏi rằng : Chúng ta có thấy được
nguyên tử không ? Có thấy được con vi khuẩn không ? Chắc là chưa ai thấy được,
nhưng chúng ta tin chắc rằng có nguyên tử, có vi khuẩn, bởi vì các nhà bác học
đã nghiên cứu tìm ra được nó, với những hệ quả rõ rệt của nó và công bố lên cho
mọi người đều biết.
Tương tự như thế, vấn đề Linh hồn cũng không ai
thấy được, nhưng các nhà khoa học về Thông Linh đã nghiên cứu phát hiện ra với
các hệ quả rõ rệt, và các nhà tu luyện có huệ nhãn cũng đã nhận biết được, nên
công bố lên cho mọi người đều biết, thì đương nhiên chúng ta phải tin đó là sự
thật.
Trong Giáo lý của Đạo Cao Đài, Đức Chí Tôn dạy
chúng ta biết rằng, con người có 3 Thể :
- Thể xác, thuộc về vật chất hữu hình.
- Linh hồn, thuộc về vô vi vô hình.
- Chơn thần, thuộc về bán hữu hình, làm trung gian
cho Linh hồn và Thể xác.
1 .
Thể xác : Đệ nhứt Xác thân, Xác thân phàm.
Thể xác con người được gọi là Đệ nhứt Xác thân, hay
Xác thân phàm, do tinh huyết của cha mẹ phàm trần tạo nên, lớn lên và được nuôi
dưỡng bằng thực phẩm vật chất. Đến khi già nua, tế bào không còn hoạt động được
nữa thì chết, thể xác thúi rã biến thành vật chất trở lại.
Như thế, Thể xác phàm không bền, chỉ sống được một
khoảng thời gian rồi chết, nên gọi đó là Giả thân, Xác thân giả tạm.
Phật giáo cho rằng, xác thân phàm do Tứ đại giả
hiệp, nên nó là huyễn, chỉ tồn tại một thời gian rồi phải rã tan để trở về cát
bụi.
2 .
Chơn thần : Đệ nhị Xác thân, Xác thân thiêng liêng.
“Chơn thần là gì ? Là Nhị Xác thân (Périsprit), là
Xác thân thiêng liêng. Khi còn ở nơi xác phàm thì rất khó xuất riêng ra đặng,
bị xác phàm níu kéo.
Cái Chơn thần ấy của các Thánh, Tiên, Phật, là
huyền diệu vô cùng, bất tiêu bất diệt. Bậc chơn tu, khi còn xác phàm nơi mình,
như đắc đạo, có thể xuất ra trước buổi chết mà vân du Thiên ngoại. Cái Chơn
thần ấy mới đặng phép đến trước mặt
Thầy. “ (TNHT. I. 6)
“ Mỗi kẻ phàm dưới thế nầy đều có 2 xác thân : Một
phàm gọi là Corporel, còn một thiêng liêng gọi là Spirituel, mà cái thiêng
liêng do nơi cái phàm mà ra, nên gọi nó là bán hữu hình, vì có thể thấy đặng mà
cũng có thể không thấy đặng. . . . .
Khi nơi xác phàm xuất ra thì lấy hình ảnh của xác
phàm như khuôn in rập.” (TNHT. I. 29)
“ Thầy nói : Cái Chơn thần là Nhị xác thân các con,
là khí chất (Sperme évaporé), nó bao bọc thân thể các con như khuôn bọc vậy,
nơi trung tim của nó là óc, nơi xuất nhập của nó là mỏ ác, gọi tiếng chữ là Vi
Hộ.” (TNHT. I. 85)
“ Nơi Ao Diêu Trì có một đài phát hiện Âm quang,
đài ấy thâu lằn Sanh quang của ngôi Thái Cực, rồi đem Dương quang hiệp với Âm
quang mà tạo nên Chơn thần cho vạn linh trong CKVT.” (Bát Nương giáng cơ trong
Luật Tam Thể).
Cái Chơn thần của mỗi người có được là do Đức Phật
Mẫu lấy 2 nguyên khí Âm quang và Dương quang kết hợp tạo thành. Còn lằn Sanh quang của Thái Cực là Điểm Linh quang
của Đức Chí Tôn.
Đức Phật Mẫu thâu Điểm Linh quang nầy làm Linh hồn,
rồi tạo ra một Chơn thần tức là Xác thân thiêng liêng bao bọc Linh hồn, tạo
thành một con người nơi cõi thiêng liêng.
Khi một người nơi cõi thiêng liêng được phép đầu
kiếp xuống cõi trần thì Chơn thần và Linh hồn đi xuống nhập vào hình hài đứa bé
vừa lọt khỏi lòng mẹ, làm cho đứa bé giựt mình phát ra tiếng khóc chào đời.
Chơn thần sẽ làm khuôn viên cho thể xác đứa bé lớn lên, còn Linh hồn tạo ra sự
hiểu biết và bảo tồn sự sống cho đứa bé.
Do đó, hình ảnh của thể xác đứa bé là hình ảnh của
Chơn thần đứa bé, từ khi ấu thơ đến khi trưởng thành hay đến lúc già.
Khi Thể xác chết đi thì Chơn thần và Linh hồn xuất
ra khỏi Thể xác, bay trở về cõi thiêng liêng. Chơn thần mang lấy hình ảnh của
Thể xác như khuôn in rập.
Cái Chơn thần của người chết có khi hiện hình cho
người phàm thấy được, thường gọi đó là Ma hay Hồn Ma, khi thì biến mất, nên
Chơn thần thuộc về bán hữu hình, nghĩa là có thể thấy được và có thể không thấy
được.
Chơn thần được Đức Phật Mẫu tạo ra bằng 2 nguyên
khí Âm quang và Dương quang, nên Chơn thần có thể đi xuyên qua vật chất, không
có gì cản trở được nó. Ánh sáng còn có thể bị vật chất cản trở, nhưng Chơn thần
thì giống như từ trường, đi xuyên suốt qua vật chất dễ dàng.
Đối với người sống, Chơn thần ẩn trong Thể xác phàm, trung tâm của nó là
óc, là não bộ, và cửa xuất nhập của nó là mỏ ác, tức là Nê Huờn Cung.
Chơn thần liên hệ với Thể xác qua 7 dòng từ điện.
Chơn thần ra lịnh điều khiển thể xác qua 7 dòng từ điện nầy, thể xác đòi hỏi
Chơn thần làm cho nó thỏa mãn cũng qua 7 dòng từ điện nầy, do đó mà tạo ra
nhiều mối oan nghiệt, nên 7 dòng điện từ
nầy được gọi là 7 Dây Oan Nghiệt.
Đức Chí Tôn ban cho Phép Đoạn Căn là để cắt đứt 7
Dây Oan nghiệt nầy, để cho Thể xác không còn kéo níu Chơn thần thì Chơn
thần mới có thể bứt ra, lìa khỏi Thể xác
mà trở về cõi thiêng liêng.
3 .
Chơn linh : Linh hồn, Điểm Linh quang.
“ Thầy đã nói ra, nơi thân phàm các con, mỗi đứa
Thầy đều cho một Chơn linh gìn giữ cái
Chơn mạng sanh tồn.
Thầy tưởng chẳng cần nói, các con cũng hiểu rõ rằng
: Đấng Chơn linh ấy vốn vô tư, mà lại đặng phép giao thông cùng cả chư Thần
Thánh Tiên Phật và các Đấng Trọn Lành nơi Ngọc Hư Cung, nhứt nhứt điều lành và
việc dữ đều ghi chép không sai, đặng dâng vào Tòa Phán xét. Bởi vậy, một mảy
không qua, dữ lành đều có trả; lại nữa, cái Chơn linh ấy có tánh Thánh nơi
mình, đã chẳng phải gìn giữ các con mà thôi, mà còn dạy dỗ các con, thường nghe
đời gọi Lương tâm là đó .” (TNHT. II.
66)
“ Các con đừng vì tư lợi mà làm mất nhơn cách thì
rất uổng cái Điểm Linh quang của Thầy để vào Xác thân của các con lắm. Các con
nghe à ! “ (TNHT. I. 102)
Chơn linh, tức là Linh hồn, là Điểm Linh quang của
Đức Chí Tôn Thượng Đế chiết ra từ khối Đại Linh quang của Ngài để ban cho mỗi người, có nhiệm vụ tạo nên sự sống, gìn
giữ sự sống, tạo nên sự hiểu biết và tánh linh.
Con người có đủ Tam Hồn : Sanh Hồn, Giác Hồn, Linh
Hồn. Cái Linh Hồn ấy mới là quan trọng
hơn cả, vì nhờ nó mà phân biệt con người với Thú cầm.
Chơn linh hay Linh hồn, ngự trong Chơn thần, Chơn
thần thì ở trong Xác phàm và rập khuôn theo Xác phàm.
Đối với một người đang sống nơi cõi trần, Chơn linh
ngự tại Trái Tim, bởi vì Trái tim là nơi điều hành và ban phát sự sống cho toàn
cơ thể. Do đó, Chơn linh được gọi là Lương tâm, Phật giáo gọi Chơn linh là Tâm,
cũng do đó.
Khi Chơn linh và Chơn thần xuất ra khỏi Thể xác thì
Trái tim ngưng đập, Thể xác chết.
Khi đó, Chơn thần và Chơn linh bay trở về cõi
thiêng liêng, trở thành một người nơi cõi thiêng liêng.
Vậy, một người nơi cõi thiêng liêng chỉ có 2 thể :
- Một là Chơn thần, tức là Xác thân thiêng liêng.
- Hai là Chơn linh, ngự trong Chơn thần để điều
khiển Chơn thần.
Còn đối với một người sống nơi cõi phàm trần thì
có, ngoài 2 thể trên, còn một thể nữa là : Xác thân phàm.
Vậy một người nơi cõi trần có 3 thể :
- Thể xác phàm, Đệ nhứt xác thân, do cha mẹ phàm
trần sanh ra, được nuôi dưỡng bằng thực phẩm vật chất.
- Chơn thần, Đệ nhị xác thân,
Xác thân thiêng
liêng
do Đức Phật Mẫu tạo nên. Do đó, Đức Phật Mẫu là Đại
Từ Mẫu, là Mẹ Chơn thần của toàn nhơn loại.
- Chơn linh, Linh hồn, Điểm Linh quang, do Đức Chí
Tôn ban cho để tạo sự sống, sự khôn ngoan hiểu biết. Do đó, Đức Chí Tôn là Đại
Từ Phụ, là Cha Chơn linh của nhơn loại.
Chơn linh ngự trị trong Chơn thần, Chơn thần ẩn
trong Thể xác và làm khuôn cho Thể xác.
Chơn linh điều khiển Chơn thần, Chơn thần điều
khiển Thể xác qua 7 dòng điện từ gọi là 7 Dây Oan nghiệt. Thể xác thường hay
đòi hỏi Chơn thần làm cho nó thỏa mãn, và xúi giục Chơn thần đi vào đường vật
chất, cũng do theo 7 Dây Oan nghiệt nầy.
Chơn linh thường ngăn chận Chơn thần không nên
chiều theo các đòi hỏi của Thể xác, phải kềm chế và điều khiển Thể xác; nhưng
nếu Chơn linh yếu đuối không đủ sức kềm chế Chơn thần, để Chơn thần nghe theo
Thể xác, lúc đó, con người đi vào đường vật dục tội lỗi. Khi Thể xác chết, Chơn
linh và Chơn thần sẽ bị đày đọa theo Luật Nhân Quả.
A3 . Con người khi chết đi về
đâu ?
Như phần A2 vừa trình bày, con người chết không
phải là hết, chỉ có Thể xác chết đi, còn
Linh hồn và Chơn thần thì bất tiêu bất diệt, xuất ra khỏi Thể xác và trở về cõi
thiêng liêng, vì nơi đây là cõi chơn thật của Linh hồn.
Để giải đáp vấn đề : Con người khi chết đi về đâu ?
Chúng ta phân ra làm 3 trường hợp với 3 nhóm người :
- Người không có tín ngưỡng tôn giáo.
- Người tín đồ Cao Đài giữ đúng lời Minh Thệ và
Luật Đạo.
- Người tín
đồ của các tôn giáo khác.
1 .
Đối với người không tín ngưỡng :
Trong TNHT, Đức Chí Tôn dạy như sau :
TNHT.I. 74-75 : “ Các con đã sanh tại thế nầy, ở
tại thế nầy, chịu khổ não tại thế nầy, rồi chết cũng tại thế nầy. Thầy hỏi :
Các con chết rồi, các con ra thế nào ? Các con đi đâu ? Chẳng một đứa nào hiểu
đặng cơ mầu nhiệm ấy.
Thầy dạy : Cả kiếp luân hồi thay đổi từ trong Vật
chất mà ra Thảo mộc, từ Thảo mộc đến Thú cầm, loài người, phải chịu chuyển kiếp
ngàn ngàn năm, muôn muôn lần mới đến địa vị Nhơn phẩm.
Nhơn phẩm nơi thế nầy lại còn chia ra phẩm giá mỗi hạng. Đứng bực Đế Vương nơi trái Địa cầu
nầy, chưa đặng vào hạng chót của Địa cầu 67. Trong Địa cầu 67, nhơn loại cũng
phân ra đẳng cấp dường ấy. Cái quí trọng của mỗi Địa cầu càng tăng thêm hoài,
cho tới Đệ nhứt cầu, Tam thiên Thế giới
thì mới đến Tứ Đại Bộ Châu, qua
Tứ Đại Bộ Châu mới vào đặng Tam thập lục
Thiên; vào Tam thập lục Thiên rồi phải chuyển kiếp tu hành nữa, mới đặng đến
Bạch Ngọc Kinh, là nơi đạo Phật gọi là
Niết Bàn đó vậy.
Các con coi đó thì đủ hiểu, các phẩm trật của các
con nó nhiều là dường nào, song ấy là phẩm trật Thiên vị. . . .
Vậy Thầy lại dặn các con : Nếu kẻ không tu, làm đủ
bổn phận người, công bình chánh trực, khi hồn xuất ra khỏi xác thì cứ theo đẳng
cấp gần trên mà luân hồi lại nữa, thì biết chừng nào đặng hội hiệp cùng Thầy.
Nên Thầy cho một quyền rộng rãi cho cả nhơn loại
Càn khôn Thế giới, nếu biết ngộ kiếp một đời tu, đủ trở về cùng Thầy đặng.
Mà hại thay ! Mắt Thầy chưa đặng hữu hạnh hoan lạc
thấy đặng kẻ ấy. Vậy Thầy dặn : Đạo là nơi các con nên quí trọng đó vậy.”
Những người không có tín ngưỡng tôn giáo, khi chết
đi, Linh hồn và Chơn thần chưa thể xuất ra khỏi Thể xác được vì bị 7 Dây Oan
nghiệt ràng buộc níu kéo, phải chờ đợi một thời gian cho thể xác tan rã, Chơn
thần mới bứt rời các sợi Dây Oan nghiệt, để cùng Linh hồn bay lên cõi Trung
giới. Tại đây có Minh Cảnh Đài hay Đài Chiếu Giám để cho Linh hồn và Chơn thần
nhìn vào tấm kiếng, xem lại tất cả các hành vi và lời nói của mình trong suốt
kiếp sanh nơi cõi trần, để định rõ ràng tội và phước, có cây Cân Công bình
thiêng liêng và các Đấng cân phân tội phước cho
mỗi Linh hồn.
- Nếu phước nhiều tội ít thì được chuyển kiếp lần
lượt theo các nấc thang tiến hóa mà Đấng Thượng Đế đã dạy trong bài Thánh ngôn
nêu trên, tức là tiến hóa theo Thất thập nhị Địa, lên Tam thiên Thế giới,
rồi Tam thập lục Thiên, vv . . . . .
- Nếu phước ít tội nhiều thì Chơn thần và Linh hồn
được đưa đến cõi Âm Quang để tịnh tâm xét mình, thấy được các tội lỗi mà
mình đã làm để ăn năn sám hối.
Cõi Âm Quang là cõi mới được lập ra trong thời Đại
Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, để thay thế cõi Địa ngục, bởi vì cõi Địa ngục trước đây là
nơi giam giữ và hành phạt các tội hồn, nay
Đức Chí Tôn thể lòng từ bi ra
lịnh đóng Địa ngục, ân xá các tội hồn, không cho hành phạt các tội hồn nữa, mà
được đưa đến cõi Âm Quang để học đạo. Nơi đây, Đức Địa Tạng Vương Bồ Tát giáo
hóa các Nam tội hồn, và Thất Nương Diêu Trì Cung giáo hóa các Nữ tội hồn. (Xem phần
sau : Cõi Âm Quang).
Những tín đồ Cao Đài thất thệ, không giữ tròn Luật
Đạo, hoặc những tín đồ của các tôn giáo khác mà không giữ được giới luật tu
hành thì cũng được đưa đến cõi Âm Quang để học đạo, tịnh tâm xét mình. Khi đã
biết ăn năn sám hối, các Đấng sẽ cho đầu kiếp trở lại cõi trần để trả quả và
cũng để lo tu hành, lập công bồi đức mà trừ bớt tội lỗi.
2 .
Đối với các tín đồ Cao Đài :
Đối với các tín đồ Cao Đài giữ tròn lời Minh Thệ,
gìn giữ Luật Đạo, ăn chay được 10 ngày mỗi tháng, sau khi chết, Linh hồn và
Chơn thần được hưởng ơn huệ của Đức Chí Tôn trong Đại Ân Xá kỳ 3 nầy.
Linh hồn và Chơn thần hưởng được các Phép Bí tích :
Phép xác, và Phép Đoạn căn cắt đứt 7 Dây Oan nghiệt. Do đó, Chơn thần và Linh
hồn xuất ra khỏi Thể xác dễ dàng, được hướng dẫn đi vào Cửu Trùng Thiên, từ
từng Trời thứ nhứt lên đến từng Trời thứ 9, do Cửu vị Tiên Nương DTC hướng dẫn
đưa đi, đúng y theo 9 Bài kinh Tuần Cửu.
Ở mỗi từng Trời đều có các Đấng thiêng
liêng đón tiếp, giảng giải Đạo lý.
Khi đến từng Trời thứ 9 là Tạo Hóa Thiên thì được
vào Diêu Trì Cung bái kiến Bà MẸ thiêng liêng, Đức Phật Mẫu.
Đến Tiểu Tường thì Chơn thần và Linh hồn được đưa
lên từng Trời thứ 10 là Hư Vô Thiên, vào Ngọc Hư Cung bái kiến Đức Chí Tôn, rồi
đến Tòa Tam Giáo thiêng liêng để cây Cân Công bình thiêng liêng cân tội phước.
Nếu phước đức nhiều thì được Đức Chí Tôn ban cho phẩm vị Thần Thánh Tiên Phật
tương xứng, nếu tội nhiều thì cầu xin
Đức Chí Tôn cứu vớt để ở lại cõi thiêng liêng tu luyện thêm, hoặc cho tái kiếp
xuống trần để trả cho xong nghiệp quả.
TNHT.II.92 : “ Nói cho cùng, nếu trọn kiếp, dầu gây
lắm tội tình mà phút chót biết ăn năn tự hối, cầu khẩn Chí Tôn độ rỗi, thì cũng
lánh xa khỏi cửa Âm Quang, lại còn hưởng đặng nhiều ân huệ của Chí Tôn, là các
chơn hồn đặng tự hối hay là đặng giáo hóa mà hiểu trọn chơn truyền lập phương
tự độ, hay là con cái của các chơn hồn cầu rỗi.”
3 .
Đối với tín đồ các tôn giáo khác :
Đối với các tín đồ của các tôn giáo khác thuộc Nhị
Kỳ Phổ Độ, con đường tiến hóa do các vị Giáo chủ thời đó đặt ra nay đã bị bế
lại, vì đã chuyển qua thời Tam Kỳ Phổ
Độ.
Đối với các tín đồ nầy, họ sẽ đi theo con đường
tiến hóa qua Thất thập nhị Địa và Tam thiên Thế giới. Công đức tu hành của họ
đạt được mức nào thì họ sẽ được đưa thẳng lên đẳng cấp tiến hóa tương xứng. Vì họ có công tu luyện nên họ được vượt
cấp tiến hóa, chớ không phải đi từ từ lên từng cấp bực như những người không
tín ngưỡng tu hành.
Tóm lại, dù
Linh hồn đi theo con đường tiến hóa nào, qua Cửu Trùng Thiên hay qua Thất thập
nhị Địa, điểm cốt yếu vẫn là công đức lập được trong suốt kiếp sanh nơi cõi
trần, chính cái công đức nầy mới định đoạt phẩm vị Thần Thánh Tiên Phật cho
Linh hồn. Các Linh hồn tội lỗi chất chồng, dù đi trên đường tiến hóa nào, dù có
được cầu siêu bao nhiêu lần đi nữa, dù có được làm đám tang lớn lao, và ngôi mộ
xinh đẹp to lớn bao nhiêu đi nữa, rốt cuộc cũng phải đến cõi Âm Quang mà thôi.
Chỉ có việc
tu hành, trau tâm sửa tánh, lập đức bồi công, thì mới có thể vượt đẳng cấp tiến hóa, sớm trở về
cùng Đức Chí Tôn. Đặc biệt trong thời Đại Ân Xá kỳ ba nầy, Đức Chí Tôn cho một
quyền rộng rãi cho cả nhơn loại, nếu biết ngộ kiếp một đời tu, đủ trở về cùng
Đức Chí Tôn đặng.
A4 .
Đầu thai và Chuyển kiếp :
1) Sự giáng trần của các Nguyên nhơn :
Một điểm Nguyên hồn do Đức Chí Tôn chiết ra từ khối
Đại hồn của Ngài, chưa phải là một
Nguyên nhơn, vì chưa có xác thân thiêng liêng (chơn thần). Điểm Nguyên hồn nầy
phải
được Đức Phật Mẫu thâu nhận, rồi Phật Mẫu dùng 2
nguyên khí Âm quang và Dương quang tạo ra cho nó một Xác thân thiêng liêng, bao
bọc Nguyên hồn thì mới trở thành một
Nguyên nhơn nơi cõi thiêng liêng.
Như thế, một Nguyên nhơn nơi cõi thiêng liêng phải
có 2 thể : Linh hồn và Chơn thần (Xác thân thiêng liêng).
Khi Nguyên nhơn được lịnh giáng sanh xuống cõi trần,
Nguyên nhơn được hướng dẫn đi xuống, qua các từng Trời thấp dần. Ở mỗi cõi, Nguyên nhơn dùng tinh khí của cõi đó
làm một lớp bao bọc thêm bên ngoài Chơn thần để Chơn thần nặng hơn thì mới đi tiếp xuống các cõi thấp hơn được.
Khi đến cõi trần, Nguyên nhơn sẽ đến với một bà mẹ
đang mang thai và chờ đợi ở đó. Sự đến của Nguyên nhơn
với bà mẹ theo luật hấp dẫn Đồng
Khí tương cầu, nghĩa là bà mẹ đạo đức thì mới hấp dẫn được các Chơn linh đạo
đức.
Khi bà mẹ vừa sanh hài nhi lọt khỏi lòng mẹ, Linh
hồn và Chơn thần của Nguyên nhơn liền nhập vào thể xác hài nhi, làm cho hài nhi
rung động mạnh, phát ra tiếng khóc và bắt đầu
hít thở không khí. Chơn thần sẽ làm khuôn viên định hình hài cho đứa bé,
và cùng lớn lên với hình hài ấy, còn Linh hồn thì tạo sự sống cho hài nhi, và
những hiểu biết để hài nhi bảo tồn sự sống.
2)
Chuyển kiếp đầu thai :
Một người nơi cõi trần, khi Thể xác chết thì Linh
hồn và Chơn thần xuất ra, rời bỏ Thể xác, đi trở về cõi thiêng liêng, nơi đây,
Linh hồn và Chơn thần được xem xét tội phước và định phận.
Nếu được cho chuyển kiếp đầu thai trở lại cõi
trần thì diễn tiến như sau :
Trước hết, các vị Phật nơi từng Trời Tạo Hóa Thiên
như : Quảng Sanh Phật, Dưỡng Dục Phật, Chưởng Hậu Phật, Thủ Luân Phật, vv . . .
lãnh nhiệm vụ nơi Đức Phật Mẫu, dùng Chơn thần cũ của người đó làm chất liệu để
nắn đúc ra một Chơn thần mới với hình ảnh tốt đẹp hay xấu xí tùy theo nghiệp
lực của Chơn thần cũ và trình độ tiến hóa của Linh hồn. Nếu Linh hồn đã tiến
hóa cao thì hình ảnh của Chơn thần tốt đẹp, trái lại, nếu Linh hồn kém tiến hóa
thì hình ảnh của Chơn thần thô kệch xấu xí.
Chúng ta lưu ý rằng, Chơn linh hay Linh hồn chỉ là
một Điểm Linh quang nên không thay đổi, còn Chơn thần thì có hình ảnh thay đổi
tùy theo trình độ tiến hóa của Linh hồn.
Linh hồn và Chơn thần mới được đưa xuống cõi trần,
đến với một bà mẹ đang mang thai theo luật hấp dẫn đồng khí tương cầu. Khi hài
nhi vừa được sanh ra khỏi lòng mẹ, Linh hồn và Chơn thần mới liền nhập vào thể
xác hài nhi qua cái cửa Nê Huờn Cung, nơi mỏ ác, làm cho thể xác của hài nhi
rung động, bật ra tiếng khóc, bắt đầu
hít thở không khí, và cũng bắt đầu
một kiếp sống mới nơi cõi trần .
Kể từ đó, Thể xác, Chơn thần và Linh hồn đứa bé có đời sống độc lập đối với bà
mẹ và lớn lên dưới sự điều khiển của
Linh hồn.
Trong Thuyết đạo, Đức Phạm Hộ Pháp giảng về Bí
Pháp, có nói :
“ Con dương trùng (tinh trùng) của cha nhập vô ôm
khít với âm trùng (noãn châu) của mẹ, dương trùng của cha tạo biến hình hài
xương cốt chúng ta, còn âm trùng của mẹ chúng ta biến ra máu thịt của chúng ta
đó vậy. Hai con vi trùng ấy ôm khít lại với nhau thành tượng biến hình hài.
Hai cái tinh trùng hiệp lại khác hẳn với cái hình
tướng tinh trùng đơn sơ, khi nhập vào, 2 con làm thành một.
Buổi tượng hình chúng ta thì Chơn thần của chúng ta
còn ở ngoài thân, ngoài cốt hài của chúng ta. Nó vơ vẩn hoặc là quanh theo bà
mẹ, ở dựa bên, nhứt là bà mẹ đi nơi nào, nó
đều theo nơi đó. Chơn thần theo người mẹ có chửa.
Nếu người mẹ có đạo đức, dám chắc đi đâu chưa có sự gì rủi ro đến thiệt hại.
Bởi cớ cho nên đứa con theo mãi, theo cho đến khi tượng hình chúng ta ra khỏi
lòng bà mẹ, Chơn thần ấy mới nhập vô ảnh hài đó, làm khuôn viên cho
ảnh hài đó.”
“Ngộ nghĩnh thay, nếu chúng ta ngó thấy tinh thần
chúng ta đầy đủ đạo đức chừng nào thì Chơn thần ảnh hài càng ngày càng đẹp,
càng tăng tiến.”
Một vấn đề đặt ra là khi đứa bé lớn lên, tại sao nó
không nhớ được các việc trong tiền kiếp của nó ?
Việc ghi nhớ các việc đã qua trong kiếp sống là do
nơi trí não thuộc về Chơn thần.
Như đã trình bày ở trên, chư Phật nơi Tạo Hóa Thiên
dùng cái “Chơn thần cũ” nắn đúc lại thành cái “Chơn thần mới”, rồi phủ lên đó một tấm màn bí mật che
lấp hết các ký ức cũ. Các ký ức cũ vẫn còn đầy đủ, không bao giờ mất, rút vào
trong bộ nhớ ở trong Chơn thần, nhưng bị che kín bởi một màn bí mật, làm cho
đứa bé không thể nhớ được tiền kiếp của nó. “Chơn thần mới” chỉ là biến tướng
của “Chơn thần cũ” do phép huyền diệu của Đức Phật Mẫu tạo ra để che giấu những
sự việc trong tiền kiếp, đồng thời định ra hình ảnh mới cho thể xác trong kiếp sống mới cho thích hợp với trình độ tiến hóa của
Linh hồn.
Khi đứa bé trưởng thành, nếu biết cách công phu tu
luyện thì có thể mở được tấm màn bí mật nói trên, sẽ biết rõ tiền kiếp của
mình. Được như thế gọi là đạt được trí huệ, lúc đó thì trình độ đạo đức tiến
hóa rất cao, tức nhiên đắc đạo tại thế.
A5 . Địa vị của con người trong vũ trụ :
Thượng Đế đã tạo ra con
người
với một hình ảnh tốt đẹp thiêng liêng. Cho nên,
mỗi một con người nơi cõi trần
nầy đều là một Tiểu Thượng Đế.
Trời có gì thì con người đều có nấy. Trời là Đại Vũ
trụ thì người là Tiểu Vũ trụ, Trời là Đại Thiên Địa thì người là Tiểu Thiên
Địa, Trời là Đại Hồn thì người là Tiểu Hồn, Trời là Đại Linh quang thì người là
Tiểu Linh quang. Cho nên, con người đứng vào hàng Tam Tài cùng với Trời Đất.
Địa vị của con người rất quan trọng trong vũ trụ.
Nếu vũ trụ không có con người thì vũ trụ không hoàn toàn, bởi vì vũ trụ là một
đại hòa điệu của Thiên Địa Nhơn (Tam Tài), nếu thiếu một yếu tố thì sự hòa điệu
không còn.
Tam Tài là gốc của muôn vật. Trời sanh ra, Đất nuôi
dưỡng, Người làm nên. Một Nhất Nguyên sinh thành là Trời, là Thượng Đế, nhưng
Tam Tài đồng nhất thể. Như thế đủ thấy địa vị con người trong CKVT rất là trọng
đại, rất là cao cả.
“ Khai Thiên Địa là Thầy, sanh Tiên, Phật cũng
Thầy. Thầy đã nói, một Chơn thần mà biến ra CKTG và cả nhơn loại.
Thầy là chư Phật, chư Phật là Thầy.
Các con là chư Phật, chư Phật là các con.
Có Thầy rồi
mới có các con, có các con rồi
mới có chư Thần Thánh Tiên Phật. “ (TNHT. I. 52)
“ Bởi vậy một Chơn thần Thầy mà sanh hóa thêm chư
Phật, chư Tiên, chư Thánh, chư Thần và toàn cả nhơn loại trong CKTG. Nên chi,
các con là Thầy, Thầy là các con.” (TNHT. I. 31)
Con người cần phải biết rõ địa vị quan trọng và cao
cả của mình trong CKVT, để xây dựng một đời sống cao thượng xứng đáng với phẩm
vị mình, thuận tùng Thiên lý để được tiến hóa nhanh.
- Phái Triết học Duy Vật hoàn toàn phủ nhận Thượng
Đế và Linh hồn.
- Phật giáo xem Thượng Đế chỉ là một vị Phạm Thiên,
có địa vị thấp kém hơn Phật, và Phật giáo (Tiểu Thừa) phủ nhận Linh hồn, nhưng
lại đưa ra quan niệm về Thần thức.
- Các tôn giáo khác như : Đạo Bà-La-Môn, Do Thái
giáo, Thiên Chúa giáo, Hồi giáo, Nho giáo, Lão giáo, Thần đạo, Thông Thiên Học,
vv . . . đều nhìn nhận sự hiện hữu của Thượng Đế và nhìn nhận mỗi
người đều có một Linh hồn.
Dù có phủ nhận hay nhìn nhận Thượng Đế, dù có hủy
báng Thượng Đế thì Thượng Đế vẫn là Chơn lý tuyệt đối, tối thượng, hằng hữu,
bất biến, là nguyên lý độc nhất tạo dựng CKVT và vạn vật, là Đấng Chí Tôn tối
cao tối đại, toàn tri toàn năng, toàn thiện toàn mỹ.
* Thượng Đế
là vua của Nhựt, Nguyệt, Tinh, là Đấng sáng tạo ra CKVT và vạn vật, nên gọi
Ngài là Đấng Ngọc Hoàng Thượng Đế.
* Thượng Đế
là chủ của chư Thần Thánh Tiên Phật. Ngài là vị Phật lớn nhứt trong các vị
Phật, là vị Tiên lớn nhứt trong các vị Tiên, là vị Thánh lớn nhứt trong các vị
Thánh, … nên gọi Ngài là Đấng Đại Thiên Tôn.
* Thượng Đế
là CHA của toàn thể vạn linh, tức là Cha của Bát hồn : Phật hồn, Tiên hồn,
Thánh hồn, Thần hồn, Nhơn hồn, Thú cầm
hồn, Thảo mộc hồn và Kim thạch hồn.
Do đó vạn linh gọi Thượng Đế là Đại Từ Phụ. Còn Đức
Phật Mẫu là MẸ của chơn thần vạn linh sanh chúng, nên gọi Đức Phật Mẫu là Đại
Từ Mẫu.
* Thượng Đế là Chơn lý tối thượng vì “Khí Hư Vô
sanh ra có MỘT
Thầy”. Chỉ có một
Thượng Đế, chỉ có một ngôi
Thái Cực, nên gọi là tuyệt đối.
Do đó, trong CKVT nầy, không ai lớn hơn Thượng Đế,
tất cả đều do Thượng Đế hóa sanh, nên Thượng Đế là Đấng tối thượng, hay tối cao
tối đại.
CKVT có thể bị tiêu diệt, nhưng Thượng Đế thì bất
diệt, hằng hữu, bất biến vì Thượng Đế sinh ra ngay khi diệt, nên cũng là không
sinh không diệt, tức là bất biến. CKVT chịu luật thành trụ hoại diệt, và khi vũ
trụ bị diệt thì Thượng Đế sẽ tái tạo một CKVT mới tiến hóa và tốt đẹp hơn. Nói
là CKVT bị diệt chớ thực sự nó không tiêu mất, mà Đấng Thượng Đế chỉ biến đổi
hình thể của nó để thích hợp với sự tiến hóa mới.
Toàn tri là biết tất cả, biết đến cùng tận, đủ các
phương diện. Toàn năng là làm được tất cả, và làm giỏi hơn tất cả. Nếu chỉ biết
thiện mà không biết ác thì còn có chỗ chưa biết, tức là chưa toàn tri. Nếu chỉ
làm Phật mà không thể làm Ma thì cũng có chỗ chưa làm được, nên chưa toàn năng.
Thượng Đế là Đấng toàn tri toàn năng nghĩa là biết
tất cả và làm được tất cả, từ đại ác tới
đại thiện, từ tối trược cho tới tối thanh, từ
Quỉ ma đến Tiên Phật, và Thượng Đế sử dụng cái toàn tri toàn năng nầy để
thúc đẩy cơ tiến hóa của Càn khôn trong minh triết tối cao của Ngài để trở
thành là Đấng Đại Từ Bi, bởi vì cái nào hữu ích cho tiến hóa là thiện, là từ
bi; còn cái nào ngăn cản sự tiến hóa thì cái đó là ác, là xấu xa.
Con người là một Tiểu Thượng Đế :
Con người là một chiết linh của Thượng Đế, là một
Tiểu Linh quang của khối Đại Linh quang. Như vậy, con người chính là một Tiểu
Thượng Đế, hay nói nôm na, mỗi người chúng ta là một Ông Trời Con. Thượng Đế cho chúng ta
xuống cõi trần
nầy là để nương theo xác thân phàm mà học hỏi và
tiến hóa. Nếu chúng ta tiến hóa nhanh,
tức là thi đậu sớm thì sẽ trở về sớm; còn nếu chúng ta
tiến hóa chậm, hoặc thoái hóa, tức là chúng ta thi rớt, phải học lại để thi
lại, thì phải trở về chậm.
Như thế, con người là một Linh tử trong CKVT, có một đời sống miên viễn bất
tận, luôn luôn thay đổi để tiến hóa, tức là chuyển luân qua các cõi giới để học
hỏi đủ các thứ bài học mà tiến hóa, và mức tiến hóa cuối cùng là trở thành
Thượng Đế để hòa nhập vào Thượng Đế.
Đại Từ Phụ, Đại Từ Mẫu :
Toàn cả chúng sanh đều là con cái của Chí Tôn và
Phật Mẫu, nên gọi hai Đấng ấy là Đại Từ Phụ và Đại Từ Mẫu.
Đức Chí Tôn có triều chánh uy nghi, nên khi chầu lễ
Đức Chí Tôn, chúng ta phải mặc phẩm phục áo mão như chốn triều đình.
Còn đối với Đức Phật Mẫu là Bà Mẹ thiêng liêng, nên
tất cả con cái, dù phẩm tước lớn nhỏ thế nào, cũng đều là con của Mẹ, nên chỉ
đến với Mẹ với tư cách là một đứa con mà thôi. Do đó, khi vào chầu lễ Đức Phật
Mẫu, tất cả Chức sắc Nam Nữ đều không mặc phẩm phục, chỉ mặc một cái áo dài
trắng bình thường, vì ai cũng như ai, đều là con của Phật Mẫu, và chúng ta thấy
có một sự bình đẳng hoàn toàn.
Sự bình đẳng giữa Nam và Nữ :
Trong Đạo Cao Đài, sự bình đẳng giữa Nam và Nữ được
thể hiện rất rõ rệt mà không có một nền tôn giáo nào từ trước tới nay có được.
Đối với Cửu Trùng Đài và Cơ Quan Phước Thiện, hễ
Nam phái có phẩm tước nào thì Nữ phái cũng có phẩm tước đó, quyền hạn ngang bằng
nhau. Chức sắc Nữ phái chỉ điều hành tín đồ Nữ
phái; Chức sắc Nam phái thì điều hành
tín đồ
Nam phái. Quyền hành Nam Nữ riêng biệt, không xen
lấn nhau.
“Bao nhiêu Nam tức bao nhiêu Nữ. Nam biết thành
Tiên Phật, chớ Nữ lại không sao ? Thầy đã nói : Bạch Ngọc Kinh có cả Nam lẫn
Nữ, mà phần nhiều Nữ lấn quyền thế hơn
Nam nhiều.” (Lời Thánh Ngôn nầy trích trong Pháp Chánh Truyền)
A7 . Thiên Đàng và Địa Ngục -
Cõi Âm Quang :
- Thiên đàng hay Thiên đường là cõi Trời, cõi có
đầy đủ các sự tốt đẹp và an lạc, hạnh phúc, nơi đó con người sống vui vẻ đời
đời, không có sự chết, không có sự lo âu phiền não, nên cũng gọi cõi đó là cõi
Thiêng liêng Hằng sống.
Đây là cõi để cho các Linh hồn mà trong kiếp sống
nơi cõi trần đã lập được nhiều công đức,
trở về nơi đó để an nghỉ và vui hưởng.
Cõi TLHS có rất nhiều từng lớp từ thấp lên cao,
càng lên cao thì càng thanh nhẹ và tốt đẹp.
Trong cõi TLHS, bên dưới là Cửu Trùng Thiên gồm 9
từng Trời dành cho Cửu phẩm Thần Tiên, tiếp lên trên là từng Trời thứ 10 : Hư
Vô Thiên, từng Trời thứ 11 : Hội Nguơn Thiên, từng Trời thứ 12 : Hỗn Nguơn
Thiên. Ba từng Trời nầy gọi chung là cõi Phật, cõi Niết Bàn, nơi đó có Cực Lạc
Thế Giới mà thời Nhị Kỳ Phổ Độ, Đức Phật A-Di-Đà làm Giáo chủ. Lên cao tiếp
tục, ta có Tam thập lục Thiên, tức là 36 từng Trời và cao nhất là Bạch Ngọc
Kinh, nơi thường ngự của Đức Chí Tôn Ngọc Hoàng Thượng Đế. (Xem chi tiết trong
phần Vũ trụ quan nối tiếp phía sau).
- Địa Ngục là nhà ngục ở dưới đất để giam giữ và trừng phạt các tội hồn. (Tội hồn là những
Linh hồn của những
người mà trong kiếp sanh nơi cõi trần đã phạm nhiều tội ác). Nơi cõi Địa ngục có
những hình phạt rất ghê gớm, đọc trong Kinh Sám Hối thì rõ.
Nhưng hễ có thưởng thì phải có phạt, luật công bình
định vậy. Hễ có cõi Thiên đường thì phải có cõi Địa ngục. Thiên đường và Địa
ngục là thể hiện sự thưởng phạt công bình trong Luật Nhân Quả.
Có công đức thiện lành thì được thưởng bằng những
phẩm vị cao trọng nơi cõi Thiên đường, còn tội lỗi gian ác thì bị phạt đày nơi
cõi Địa ngục. Thiên đường và Địa ngục là 2 đối trọng cần thiết trong cán cân
công bình thiêng liêng của Đức Chí Tôn và cũng là những lực cần thiết để thúc
đẩy sự Tiến hóa trong CKVT.
Nhưng từ khi mở Đạo Cao Đài, Đức Chí Tôn đại khai
Ân Xá, Đức Chí Tôn cho đóng cửa Địa ngục, không cho hành phạt các tội hồn, lại
mở rộng cửa Trời để đón tiếp những người đầy đủ công đức đắc đạo trở về.
Đối với các tội hồn thì Đức Chí Tôn lập ra cõi Âm
Quang ở giữa Thiên đường và Địa ngục để đưa các tội hồn đến cõi Âm Quang học
đạo, định tâm tĩnh trí xét mình, nhìn lại những hành động sai trái lỗi lầm của
mình trong lúc sống nơi cõi trần mà ăn
năn sám hối.
Nơi cõi Âm Quang có các Đấng Phật Tiên đến đây để
giáo hóa, an ủi các tội hồn, giảng giải cho biết rõ 2 đường thiện ác, chánh tà. Đức Địa Tạng Vương Bồ Tát lãnh phần
giáo hóa các Nam tội hồn, và Thất Nương Diêu Trì Cung lãnh phần giáo hóa các Nữ
tội hồn. Ở cõi Âm Quang chỉ có giáo hóa chớ không có trừng phạt, khác hẳn cõi
Địa ngục trước đây, vì hưởng được thời kỳ Đại Ân Xá của Đức Chí Tôn.
Thất Nương DTC giảng giải về cõi Âm Quang như sau:
“ Em nên nói rõ Âm Quang là gì trước đã, rồi thì
mấy chị mới hiểu đặng. (Em là tiếng tự
xưng của Thất Nương).
Âm Quang là nơi Thần Linh Học gọi là Trường Đình
của chư hồn giải thể hay nhập thể. Đại Từ Phụ đã định nơi ấy cho Phật gọi là
“Tịnh Tâm Xá”, nghĩa là nơi của chư hồn đến đó đặng tịnh tâm xét mình coi trong
kiếp sanh có bao nhiêu phước tội. Vậy nơi ấy là nơi xét mình. Chớ chi cả nhơn
sanh biết xét mình trước khi thoát xác thì tự nhiên tránh khỏi Âm Quang.
Nói cho cùng, nếu trọn kiếp, dầu gây lắm tội tình,
mà phút chót biết ăn năn tự hối, cầu khẩn Chí Tôn độ rỗi, thì cũng lánh xa khỏi
cửa Âm Quang, lại còn hưởng đặng nhiều ân huệ của Chí Tôn, là các chơn hồn đặng
tự hối hay là đặng giáo hóa mà hiểu trọn chơn truyền lập phương tự độ hay là
con cái của các chơn hồn cầu rỗi.
Ôi ! Tuy vân, hồng ân của Đại Từ Phụ như thế mà vẫn
thấy các chơn hồn sa đọa hằng hà, mỗi
ngày xem chẳng ngớt, là tại thiếu kém đức tin và lòng trông cậy nơi Thầy. Đó là
mấy đạo hữu tín đồ bị thất thệ. Em trông thấy bắt đau lòng, phái Nữ lại là phần
đông hơn hết.” (TNHT. II. 91-92)
“ Nơi Diêu Trì Cung còn có cõi Âm Quang riêng biệt
gọi là Phong Đô, đặng giáo hóa các chơn hồn đã bị lạc nẻo trên đường trần.”
(Bát Nương giáng cơ trong Luật Tam Thể)
“ Thưa cùng mấy chị, Em xin nhắc nhở điều nầy : (Em
là tiếng tự xưng của Thất Nương DTC).
Ngày Hội Ngọc Hư đặng lo tiếp pháp của Tây phương
Cực Lạc, Em đã đặng nghe thấy những lời của Địa Tạng Vương Bồ Tát than thở rằng
: Ngài là Phật, nên khó gần gũi các hồn Nữ phái mà khuyến giáo cơ giải thoát mê
đồ. Bởi cớ, nơi Âm Quang, Nữ hồn còn bị luyện tội nhiều hơn Nam phái bội phần.
Em lại nghe Người ước rằng : Chớ chi có một Đấng
Nữ Tiên dám đảm đương đến phổ tế mới mong tận độ
chư vong linh của Phong Đô thoát kiếp.
Em mới để dạ
lo lường, cả lòng lân ái đến đó. Em đã chán thấy nhiều tội tình chẳng trọng hệ,
song có hồn chịu sầu thảm lạ thường. Em đã liệu nhiều phương thế cho từ đây mấy
chơn hồn có bề dễ tránh khỏi cửa Âm Quang hãm tội.” (TNHT. II. 91)
Nói tóm lại, khi Đức Chí Tôn Thượng Đế khai mở Đại
Đạo Tam Kỳ Phổ Độ vào năm Bính Dần (1926) thì Đức Chí Tôn Đại Khai Ân Xá, cho
đóng cửa Địa ngục, giải phóng hết các tội hồn nơi đó, cho đi đầu kiếp nơi cõi
trần để trả quả, đồng thời Đức Chí Tôn
cho mở riêng một cõi giữa Thiên đường và Địa ngục, gọi là cõi Âm Quang, thuộc
DTC để cho các Linh hồn tội lỗi đến đó định tâm định trí, xét nét lỗi lầm của
mình, mà ăn năn sám hối, cầu xin Đức Chí Tôn độ rỗi. Nơi đây chỉ có giáo hóa
chớ không có hình phạt, để các chơn hồn giác ngộ, thấy rõ chánh tà, thiện ác.
Nơi cõi Âm Quang có Đức Địa Tạng Vương Bồ tát giáo
hóa các Nam tội hồn, và Thất Nương DTC giáo hóa các Nữ tội hồn. Các chơn hồn
nào biết ăn năn sám hối tội tình, biết được lẽ thiện ác, chánh tà thì được cho
đi đầu kiếp để trả cho xong nghiệp quả và lo tu hành để lập công trừ tội.
A8 . Quan niệm đúng đắn về
cuộc sống :
Một con người nơi cõi thiêng liêng có một Điểm Linh
quang gọi là Chơn linh hay Linh hồn do Đức Chí Tôn ban cho và một Xác thân
thiêng liêng gọi là Chơn thần, do Đức
Phật Mẫu tạo thành.
Do đó, nguồn gốc căn bản của con người là ở nơi cõi
thiêng liêng, và cõi thiêng liêng nầy mới chính là cõi sống chơn thật của con
người.
Khi con người được phép đầu thai xuống cõi trần thì
có thêm một xác thân phàm do cha mẹ phàm trần tạo ra để có một đời sống nơi cõi
phàm trần.
Như vậy, cuộc sống toàn thể của một con người trong
CKVT gồm có 2 giai đoạn nối tiếp luân
phiên nhau mãi với nhau cho đến bất tận :
- Thời gian đầu, con người sống nơi cõi thiêng
liêng được an nhàn tự tại, tiêu diêu cực lạc. Nhưng vì nhu cầu học hỏi và tiến
hóa, người đó làm một chuyến du học xuống cõi phàm trần.
- Người đó sẽ được cha mẹ phàm trần tạo ra một xác
thân phàm để được sống nơi cõi phàm trần mà học hỏi, làm việc, chứng nghiệm,
tiến hóa.
Nơi cõi phàm trần, các nền tôn giáo là những trường
Đại học đạo đức, cõi đời là Trường thi công quả, giải khổ và thoát khổ là đề
tài luận án của Phật Tiên.
Khi xác phàm đã già nua, không hoạt động được nữa,
đến lúc sắp hư hoại thì người đó (Chơn thần và Linh hồn) rời bỏ xác phàm, trở
về cõi thiêng liêng là nơi quê cũ, chấm dứt một chuyến đi du học xa đầy hấp
dẫn.
- Linh hồn và Chơn thần trở về, đến trình diện với
2 Đấng CHA MẸ thiêng liêng, để báo cáo thành quả đạt được trong chuyến du học,
trình ra những cấp bằng đạt được. Đức Chí Tôn sẽ khen thưởng bằng cách ban cho
những phẩm vị Thần Thánh Tiên Phật tương
xứng.
Còn nếu Linh hồn và Chơn thần thi rớt, không đạt
được bằng cấp nào, lại còn mắc phải nhiều món nợ nơi cõi trần thì Linh hồn và Chơn thần được lưu lại cõi
thiêng liêng một thời gian để quán xét, suy nghiệm những việc thất bại đã qua, rút kinh nghiệm, để rồi được trở xuống cõi
trần một chuyến du học nữa, học lại các
bài học, thi cho đậu, và lo trả cho xong các món nợ đã vay trong chuyến trước.
Như vậy, đời sống của con người nơi cõi thiêng
liêng mới thật là đời sống chánh thức,
thiệt thọ và vĩnh viễn, còn đời sống nơi cõi trần chỉ là một giai đoạn ngắn (để du học, công tác) trong toàn thể một cuộc sống bất
tận của con người.
Đó mới thật
là một quan niệm đúng đắn duy nhứt về cuộc sống của con người trong CKVT, vì nó
đứng trên cái nhìn toàn diện, sinh động và rốt ráo.
· Đời sống nơi cõi thiêng liêng là để nghỉ ngơi, an
hưởng, hay để suy nghĩ, và sắp đặt kế hoạch cho một chuyến công tác hay du
học mới sắp tới.
· Đời sống nơi cõi phàm trần là để học hỏi, làm
việc, kinh nghiệm, thử thách và tiến hóa.
Tại sao con người cần phải xuống cõi phàm trần nầy
để học hỏi và tiến hóa ? Không thể ở cõi thiêng liêng học hỏi và tiến hóa được
sao ?
Bởi vì nơi cõi trần nầy có đủ các bài học từ trược
đến thanh, từ ác đến thiện, từ tà mị gian dối đến chánh trực chơn thật, con
người sẽ được học đầy đủ và chiêm nghiệm. Vả lại, nơi cõi trần, khí ô trược có đến 2 phần, còn khí thanh
khiết chỉ có 1 phần, nên xu hướng vật chất mạnh gấp đôi xu hướng tinh thần, mà
nếu con người biết đè nén lòng vật dục để lo phụng sự nhơn sanh thì sẽ đoạt được công quả rất lớn,
nhứt định sẽ được tiến hóa vượt bực mau chóng.
Do đó, đời sống của con người nơi cõi phàm trần có
4 mục đích chánh yếu sau đây :
1 . Học hỏi : Học sao cho
thông hiểu tất cả những gì mà Đức Chí Tôn đã bày ra nơi cõi trần để làm nấc thang tiến hóa cho các đẳng chơn
hồn.
2 .
Lập Công quả : Nhìn thấy các bạn đồng sanh đang sống lạc hướng, lặn ngụp trong sông mê
bể khổ, chìm đắm trong chốn danh lợi quyền, mãi miết đi trên đường vật dục, thì
ta phải làm thế nào để giúp cho các bạn ấy thức tỉnh và giác ngộ, hiểu biết như
ta, để trở lại con đường chơn chánh, đi đúng mục tiêu tiến hóa. Ta phải đem hết
khả năng của mình ra để giúp đỡ và dẫn
dắt họ.
3 . Trả nợ : Nếu trong các
kỳ du học trước, ta đã gây ra nhiều nợ nần oan trái, thì trong kỳ du học nầy,
nhứt định ta phải lo trả cho xong các món nợ cũ dù phải đau khổ hy sinh.
4 . Không gây nợ mới : Kinh nghiệm về
sự trả nợ rất đau khổ, ta không nên gây ra thêm một món nợ oan nghiệt nào hết.
Các điều răn cấm, các giới luật tôn giáo là những rào chắn rất hiệu quả để ngăn
chận ta không gây thêm nợ.
Thực hiện được 4 điều trên đây, thì chuyến du học
nầy chắc chắn đạt được thành công mỹ mãn. Hai Đấng CHA MẸ thiêng liêng chắc sẽ
rất hài lòng và các bạn thiêng liêng sẽ đón tiếp ngày trở về của ta thật vinh
hiển huy hoàng.
A9 . Phần kết :
Nhơn sanh quan của Đạo Cao Đài đã giải quyết được
các điểm chánh yếu mà từ xưa tới nay, các phái Triết học Duy Tâm và Duy Vật đã
tốn nhiều thời giờ và giấy mực bàn cãi rất nhiều mà chưa đạt được một kết luận
dứt khoát hợp lý nào thỏa mãn được các
phái.
* Về nguồn
gốc của loài người, con người từ đâu tới ?
Người nguyên thủy (Thủy tổ loài người) là các Hóa
nhân do loài vượn cao cấp (vượn-người) tiến hóa mà thành.
Cái nguồn gốc nầy không có gì để làm cho chúng ta
xấu hổ, vì mọi vật từ cõi thiêng liêng đến cõi phàm trần
đều nằm trong Luật Tiến Hóa của Thượng Đế. Chính Đức Phật Thích Ca mà ai
ai cũng đều sùng bái, chỉ là một Hóa nhân, nhờ công phu tu luyện mà thành Phật.
Đức Phật có thuật lại, tiền thân của Ngài trong nhiều kiếp là loài cầm thú.
Hóa nhân xuất hiện trước, lần lần đông đảo rồi thì
Thượng Đế mới cho một số Nguyên nhân đầu kiếp xuống trần, do các Nữ Hóa nhân
sanh ra, để khai hóa các Hóa nhân.
Nguyên nhân là những người được Đức Thượng Đế và
Đức Phật Mẫu tạo ra từ lúc Khai Thiên, được Đức Chí Tôn cho đầu kiếp xuống
trần, ngoài nhiệm vụ khai hóa các Hóa nhân, Nguyên nhân còn phải lo học hỏi và
tiến hóa.
* Con người
có Linh hồn không ?
Điều nầy không còn gì để nghi ngờ nữa, bởi vì khoa
Thông Linh Học hiện nay trên thế giới đã
chứng minh sự hiện hữu của Linh hồn trong
mỗi con người.
Hiện tượng xây cơ ma trong giới bình dân cũng chứng
tỏ được người chết không phải là hết, mà Linh hồn người chết vẫn tồn tại, nên
có thể nói chuyện được với người sống qua trung gian của cây cơ.
Trong Đạo Cao Đài, hiện tượng Cơ Bút chứng tỏ rằng
có Đấng Thượng Đế, có các Đấng Thần Thánh Tiên Phật, có thế giới vô hình rất huyền diệu mà trí não phàm
tục của con người không thể hiểu thấu
được.
Con người có 3 thể : Thể xác (hữu hình), Linh hồn
(vô hình) và thể thứ ba là Chơn thần (bán hữu hình) làm trung gian cho Thể xác
và Linh hồn.
Đấng Thượng Đế đã dạy cho chúng ta biết rõ về thể
thứ 3 nầy. Đây là điểm rất mới trong Giáo lý của Đạo Cao Đài, nhờ đó có thể
giải rõ các hiện tượng của con người từ vật chất đến tinh thần, từ hữu hình qua
vô hình.
Con người nơi cõi thiêng liêng (vô hình) chỉ có 2
thể : Linh hồn và Chơn thần (Xác thân
thiêng liêng).
* Con người
khi chết đi về đâu ?
Khi Thể xác (Xác thân phàm) chết, xác thân nầy sẽ
thúi rã và lâu ngày sẽ trở thành đất, còn Chơn thần và Linh hồn sẽ xuất ra khỏi
thể xác để đi về cõi thiêng liêng, đến trình diện với hai Đấng Phụ Mẫu thiêng
liêng là Đức Chí Tôn và Đức Phật Mẫu.
Đức Chí Tôn xem xét các việc phước đức và tội tình
mà Linh hồn và Chơn thần đã gây ra trong kiếp sống nơi cõi trần để khen thưởng hay bắt đi đầu kiếp trở lại mà
trả quả.
Chừng nào Linh hồn và Chơn thần làm được những việc
hoàn toàn tốt đẹp nơi cõi trần, xứng đáng là một Tiểu Thượng Đế thì khi trở về,
Đức Chí Tôn sẽ khen thưởng xứng đáng và được hội hiệp cùng Đức Chí Tôn.
Con người là một Linh tử trong CKVT, có một đời sống
miên viễn bất tận. Đời sống nầy bao gồm 2 giai đoạn nối tiếp luân phiên nhau
mãi mãi đến vô cùng :
- Đời sống nơi cõi thiêng liêng để nghỉ ngơi, an
hưởng và suy nghiệm.
- Đời sống nơi cõi phàm trần là để học hỏi, lập
công quả, tu luyện, để được tiến hóa nhanh.
Như thế thì mục đích của đời sống con người là để
học hỏi và tiến hóa, tiến hóa mãi không ngừng, để cho Càn khôn cùng tiến hóa
mãi mãi như các sự vận chuyển của các tinh cầu trong CKVT.
VIII . Vũ trụ quan của Đạo Cao Đài :
Quan niệm về Vũ trụ của Đạo Cao Đài giải đáp một
cách minh bạch các vấn đề về vũ trụ sau đây :
- Sự hình thành của vũ trụ hiện hữu như thế nào ?
- Vũ trụ hiện hữu có giới hạn không ? Gồm có bao nhiêu ngôi sao ?
- Vũ trụ có vô thỉ vô chung không ?
- Những khám phá của khoa học ngày nay có phù hạp
với Vũ trụ quan của Đạo Cao Đài không ?
- Địa vị của Quả Địa cầu của nhơn loại chúng ta
trong CKVT.
Đó là những vấn đề then chốt về Vũ trụ mà Triết lý
Cao Đài sẽ đề cập đến với nhiều mới lạ chưa từng thấy.
Theo Vũ trụ quan của Đạo Cao Đài thì Vũ trụ hiện
hữu của chúng ta có 2 phần :
- Phần Hữu
hình thấy được.
- Phần Vô hình không thấy được.
*
Phần HỮU HÌNH của VŨ TRỤ :
1 .
Sự Hình thành Vũ trụ :
Sự hình hành Vũ trụ theo Triết lý của Đạo Cao Đài,
được Đức Chí Tôn giảng dạy, tóm gọn trong 2 đoạn Thánh Ngôn sau đây :
TNHT. II. 62 : “ Thầy đã nói với các con rằng : Khi
chưa có chi trong Càn khôn Thế giới thì Khí Hư Vô sanh ra có một Thầy và ngôi
của Thầy là Thái Cực. Thầy phân Thái Cực ra Lưỡng Nghi, Lưỡng Nghi phân ra Tứ
Tượng, Tứ Tượng biến Bát Quái, Bát Quái biến hóa vô cùng, mới lập ra Càn khôn Thế giới .
Thầy lại phân Tánh Thầy mà sanh ra vạn vật là : Vật
chất, Thảo mộc, Côn trùng, Thú cầm, gọi là chúng sanh.”
TNHT. I. 32 : “ Nếu không có Thầy thì không có chi
trong Càn khôn Thế giới nầy, mà nếu không có Hư Vô chi Khí thì không có Thầy.”
Trong sách Đại Thừa Chơn Giáo, phần Vũ trụ, Đức Chí
Tôn giảng dạy như sau :
“ Trước khi chưa định Ngôi Thái Cực, thì trong
khoảng không gian ấy còn đương mịt mịt mờ mờ với khí Hông Mông, vì đó là thời
kỳ Hỗn Nguyên vậy.
Không gian ấy là Vô Cực.
Trong Vô Cực ấy lại có một cái Nguyên Lý thiên
nhiên tuyệt diệu tuyệt huyền, rồi lại có thêm một cái Nguyên Khí tự nhiên nữa.
Lý với Khí ấy, tức là Âm với Dương trong buổi Hồng Mông thời đại.
Lý Khí ấy lần lần ngưng kết với nhau mà đông tụ lâu
đời nhiều kiếp, mới thành ra một khối
Tinh Quang rất đầy đủ các sự tốt đẹp. Chừng đúng ngày giờ, khối ấy nổ tung ra
một tiếng vang lừng dữ dội phi thường, làm rúng động cả không gian, bèn có một
khối Đại Linh Quang từ trong tiếng nổ ấy văng ra lăn lộn quây quần giữa chốn
không trung, bắn tủa hào quang rất chiếu diệu rạng ngời, trùng trùng điệp điệp,
rực rỡ chói lòa khắp cả mọi nơi.
Ấy chính là ngôi Chúa Tể của Càn khôn Vũ trụ đã
được biến hóa ra vậy.
Vũ trụ từ đây
mới bắt đầu có Ngôi Thái Cực,
trọn lành trọn tốt, toàn tri toàn năng, thiên biến vạn hóa, vô tận vô cùng, nắm
trọn quyền hành thống chưởng cả CKVT và lấy cơ thể Âm Dương mà phân thanh biện
trược, làm máy động tịnh để gom tụ Khí
Hư Vô, đặng hóa sanh muôn loài vạn vật.
Máy Âm Dương ấy cứ vần vần xoay chuyển, không ngưng
nghỉ một giờ khắc nào, để dưỡng dục chúng sanh, bảo tồn Thiên Địa.
Khắp trong Vũ trụ, biết bao là quả Linh cầu, có quả
trược, có quả thanh, có bực cao bực thấp, có cái sáng cái tối, thảy thảy đều
tuân theo máy Thiên Cơ mà tuần tự chuyển luân xoay chạy : Cái lại cái qua, cái
lên cái xuống, không bao giờ ngưng nghỉ đặng.
Linh cầu nào cao thanh khinh phù thì vượt qua mấy
cõi khác mà lên ngất trên thượng từng không khí.
Vậy, quả Địa Cầu của các con đây, tuy là một quả
Địa Cầu vật chất hữu hình trọng trược, song cũng còn thuộc bực khá, chớ dưới
nữa lại có lắm quả Địa Cầu còn trọng trược hơn nữa. Những quả Địa Cầu như thế
thì nặng trầm chìm tột dưới đáy sâu của Vũ trụ, nên rất tối tăm mờ mịt, âm khí
nặng nề, thảm sầu buồn bã gớm ghê !”
Qua các bài Thánh Ngôn vừa trích bên trên, chúng ta
rút được các điểm sau đây :
a) . Hư Vô chi Khí : (Khí Hư
Vô)
Thời nguyên thủy, cả không gian có một chất khí
Hồng Mông Hỗn Độn, mờ mờ mịt mịt, hiện hữu mà không biết được nguồn gốc có từ
hồi nào và do đâu. Khí đó được gọi là Hư Vô chi Khí hay Khí Hư Vô.
Khí Hư Vô còn được gọi bằng nhiều danh từ khác nữa
: Khí Hồng Mông, Khí Vô Vi, Khí Tiên Thiên, Khí Hạo nhiên.
Phật giáo gọi Khí Hư Vô là Chơn Như.
Lão giáo gọi khí ấy là Đạo.
Nho giáo gọi khí ấy là Vô Cực.
b) . Thái Cực :
Khí Hư Vô
lần lần ngưng kết, đông tụ lại
với nhau lâu đời nhiều kiếp, chừng đúng ngày giờ thì nổ ra một tiếng lớn rúng
động cả không gian, sanh ra một khối Đại Linh Quang phát ra hào quang chiếu
diệu.
Khối Đại Linh Quang ấy được gọi là Thái Cực, là Đại
Hồn của Đấng Ngọc Hoàng Thượng Đế, trọn lành trọn tốt, toàn tri toàn năng,
tuyệt diệu tuyệt huyền, biến hóa vô cùng, nắm trọn quyền hành tạo hóa.
Vũ trụ từ
đây mới bắt đầu có ngôi Thái Cực, tuyệt đối, duy nhất.
c) . Lưỡng Nghi - Tứ Tượng -
Bát Quái :
Ngôi Thái Cực lấy cơ thể của mình mà phân định ra
Lưỡng Nghi : Nghi Âm và Nghi Dương, cũng gọi là Khí Dương quang và Khí Âm
quang. Đó là 2 khối năng lượng vĩ đại vô cùng tận mang 2 tánh chất đối nghịch
nhau, nhưng lại có ái lực với nhau.
Đấng Ngọc Hoàng Thượng Đế chưởng quản Khí Dương
quang, còn Khí Âm quang chưa có ai chưởng quản, vì lúc bấy giờ chỉ có một mình
Đấng Ngọc Hoàng Thượng Đế được hóa sanh ra mà thôi. Ngài liền hóa thân ra Đức
Phật Mẫu và giao cho Đức Phật Mẫu chưởng quản Khí Âm quang.
Vũ trụ từ đây mới có 2 Khí Dương quang và Âm quang
do 2 Đấng đầu tiên chưởng quản là Đức Thượng Đế và Đức Phật Mẫu. Đức Phật Mẫu
chỉ là một hóa thân của Đức Thượng Đế.
Trong công cuộc sáng tạo ra CKVT, Đấng Thượng Đế
làm tới đâu và cần người chưởng quản thì Ngài dùng quyền pháp vô biên của Ngài
mà hóa thân ra người ấy để làm nhiệm vụ do Ngài sắp đặt.
Hai Khí Dương quang và Âm quang xoay chuyển không
ngừng, đun đẩy cho rộng lớn thêm ra mãi để tạo thành Tứ Tượng. Tứ Tượng là 4
tượng : Thái Dương, Thái Âm, Thiếu Dương, Thiếu Âm.
Tứ Tượng tiếp tục xoay chuyển, càng rộng ra thì tốc
độ xoay chuyển càng lớn, tạo thành Bát Quái gồm : Càn, Khảm, Cấn, Chấn, Tốn,
Ly, Khôn, Đoài.
Bát Quái tiếp tục xoay chuyển, càng rộng thêm ra,
tốc độ quay càng lúc càng lớn, để rồi đun đẩy va chạm nha, phát sanh nhiệt độ
rất lớn, hàng tỷ độ, tạo nên một áp suất vô cùng lớn, phát ra tiếng nổ dữ dội,
bắn phá ra chung quanh các quả cầu lửa bay khắp không gian, quay cuồng dữ dội,
tạo ra các Mặt Trời.
d) . Mặt Trời - Địa Cầu - Mặt
Trăng :
Các quả cầu lửa gọi là các Mặt Trời tiếp tục cháy
sáng và quay tròn dữ dội, rồi bắn phá ra các quả cầu lửa nhỏ hơn, quay quanh
Mặt Trời, để rồi nguội dần, tạo thành các Địa cầu. Các Địa cầu nầy là những
Hành tinh của Mặt Trời.
Có những Địa cầu lớn, lúc chưa nguội, lại quay
nhanh, văng ra các quả cầu nhỏ hơn nữa, rất mau nguội lạnh, tạo thành các Vệ
tinh hay còn gọi là Mặt Trăng, quay chung quanh Địa cầu.
Tóm lại :
- Các Mặt
Trăng quay quanh Địa cầu, tức là Vệ tinh quay quanh Hành tinh.
- Hệ thống
Địa cầu và Mặt Trăng (Hành tinh và Vệ tinh) cùng quay chung quanh Mặt Trời.
- Hệ thống
gồm Mặt Trời, các Địa cầu, các Mặt trăng được gọi là Thái Dương Hệ. Các Thái
Dương Hệ đều quay quanh một Tâm điểm, gọi là Tâm của Vũ trụ.
Theo Khoa Học Thiên Văn, Thái Dương Hệ của chúng ta
gồm có 9 Hành tinh quay chung quanh Mặt Trời. (Khi Hành tinh quay thì nó vẫn
mang theo các Vệ tinh quay theo.)
Sau đây là thứ tự và khoảng cách của Hành tinh với
Mặt Trời từ gần đến xa :
(Khoảng cách từ Mặt Trời đến Địa cầu của chúng ta
là 150 triệu Kilômét, được dùng làm đơn vị Thiên văn, viết tắt đvtv, để đo
khoảng cách các Hành tinh khác với Mặt
Trời : 1 đvtv = 150 triệu Km)
TT Hành tinh Khoảng cách Độ lớn Khối lượng Số đến
Mặt Trời đường kính riêng Vệ tinh
1 - Thủy tinh 0,
39 đvtv 4878 Km 5,4 0
2 - Kim tinh 0,
72 - 12104 Km 5,2 0
3 - Trái đất 1,
00 - 12756 Km 5,5 1
4 - Hỏa tinh 1,
52 - 6787 Km 4,0 2
5 - Mộc tinh 5,
20 - 142984 Km 1,3 16
6 - Thổ tinh 9,
55 - 120536 Km 0,7 22
7 - Thiên tinh 19,21 - 51118 Km 1,2 15
8 - Hải tinh 30,10 - 49528 Km 1,6 8
9 - Diêm tinh 39,40 - 2284 Km 2,0 1
2 .
Vũ trụ của Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế :
Trong khoảng không gian bao la vô cùng tận, có rất
nhiều vũ trụ được hình thành, mà Vũ trụ của Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế chỉ là một
phần tử.
Vũ trụ nầy được tượng trưng bằng Trái Càn Khôn thờ
nơi Bát Quái Đài của Tòa Thánh Tây Ninh, mà Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế đã dạy
Ngài Giáo Sư Thái Bính Thanh làm, trong bài Thánh Ngôn sau đây :
TNHT. I. 45 : “ Bính ! Thầy giao cho con lo một
Trái Càn Khôn, con hiểu nghĩa gì không ? Cười . . . Một trái như Trái Đất tròn
quay, hiểu không ? Bề kính
tâm 3 thước 3 tấc,
nghe con, lớn quá, mà phải vậy mới đặng, vì là cơ mầu nhiệm Tạo Hóa trong
ấy, mà sơn màu xanh da trời, cung Bắc Đẩu và Tinh tú vẽ lên Càn khôn ấy.
Thầy kể Tam thập lục Thiên, Tứ Đại Bộ Châu, ở không
không trên không khí, tức là không phải Tinh tú, còn lại Thất thập nhị Địa và
Tam thiên Thế giới đều là Tinh tú. Tính lại 3072 ngôi sao. Con phải biểu vẽ lên
đó cho đủ.
Con giở sách Thiên văn tây ra coi mà bắt chước .
Tại ngôi Bắc Đẩu, con phải vẽ 2 cái bánh lái cho đủ và sao Bắc Đẩu cho rõ ràng. Trên vì sao Bắc Đẩu, vẽ Con Mắt
Thầy, hiểu chăng ?
Đáng lẽ trái ấy phải bằng chai, đút trong một ngọn
đèn cho nó thường sáng. Ấy là lời cầu nguyện rất quí báu cho cả nhơn loại CKTG
đó, nhưng mà làm chẳng kịp thì con tùy tiện làm thế nào cho kịp Đại Hội, nghe à
!”
Theo bài Thánh Ngôn trên đây, Vũ trụ của Đức Ngọc
Hoàng Thượng Đế gồm có 2 phần : Phần Vô hình và phần Hữu hình.
- Phần Vô hình gồm : Tam thập lục Thiên (36 từng
Trời) và Tứ Đại Bộ Châu (4 Bộ Châu lớn) ở không không trên thượng từng không
khí. (Xem chi tiết nơi phần sau)
- Phần Hữu hình gồm : Thất thập nhị Địa (72 quả Địa cầu) và Tam thiên
Thế giới (3000 Thế giới), tổng cộng là 3072 ngôi sao. (Bởi vì khi chúng ta nhìn
lên bầu trời thấy các Hành tinh, Vệ tinh và các thế giới đều là những ngôi sao)
Địa cầu mà nhơn loại chúng ta đang ở là Địa cầu số
68 trong Thất thập nhị Địa.
Mặt khác, các nhà Thiên Văn học trên Thế giới đã dùng các Viễn Vọng kính, Kính Thiên văn
quang phổ, . . . đã tìm thấy được hàng tỷ ngôi sao ở trong
nhiều dãy Thiên
hà.
Vậy, Vũ truï của Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế chỉ có
3072 ngôi sao thì quả là rất bé nhỏ so với những gì mà khoa Thiên Văn khám phá
được.
Như thế thì bên ngoài Vũ trụ của chúng ta còn có
biết bao Vũ trụ khác, có thể lớn hơn hoặc nhỏ hơn Vũ trụ của chúng ta.
3 .
Vũ trụ có Vô thỉ Vô chung không ?
Vô thỉ hay Vô thủy là không có chỗ bắt đầu, tức là
không có nguồn gốc. Vô chung là không có chỗ tận cùng.
Vũ trụ là một thực thể nên cũng phải nằm trong Định
luật Sanh Tử, tức là : Thành, Trụ, Hoại, Không, giống y như các thực thể khác.
Hễ có Sanh ra ắt phải có lúc Tử, để rồi sau đó được tái tạo tức Sanh ra trở
lại, rồi sau một thời gian thì bị hủy diệt, và cứ thế tiếp diễn mãi trên con
đường tiến hóa vô cùng tận. Nhưng trong khoảng thời gian từ lúc Sanh ra cho đến
lúc bị Hủy diệt, lâu hay mau là tùy theo thực thể.
Đối với một Vũ trụ thì khoảng thời gian ấy rất dài,
có thể đến hằng tỷ năm, khó có thể tưởng tượng nổi, nên mới có nhiều người cho rằng Vũ trụ nầy là Vô
thỉ Vô chung.
Thật ra, như trong phần trình bày trên, Vũ trụ có
khởi đầu, và mức khởi đầu đó là Đấng Ngọc Hoàng Thượng Đế, tức là Thái Cực, bởi
vì chính Đấng Thượng Đế ấy đã tạo hóa ra CKVT và vạn vật hiện hữu.
Lại hỏi : Ai sanh ra Đấng Ngọc Hoàng Thượng Đế ?
Đáp : Khí Hư Vô sanh ra Ngọc Hoàng Thượng Đế.
Đến đây, sự tìm hiểu của chúng ta phải dừng lại,
bởi vì nếu tiếp tục hỏi nữa thì không
còn cách nào giải đáp được.
Chúng ta, cả Vũ trụ của chúng ta đang trên đường
tiến hóa, tiến hóa mãi cho đến vô tận
vô biên, chớ
không phải chúng ta đi trên con
đường tròn, không có điểm đầu tiên và điểm cuối cùng, vì đi trên vòng tròn thì
không phải là tiến hóa, mà chỉ là sự biến hóa theo một chu kỳ nhứt định.
Sự khác nhau là ở chỗ Tiến hóa chớ không phải Biến
hóa.
* SỰ HỦY DIỆT VŨ TRỤ :
Trong Vũ trụ, ánh sáng phát ra từ các Mặt Trời do
các phản ứng nhiệt hạch của vật chất trong Mặt Trời bức xạ ra ngoài. Ánh sáng
nầy sưởi ấm các Hành tinh, được các Hành tinh và Vệ tinh chung quanh hấp thụ,
tạo ra các phản ứng sinh hóa duy trì sự sống.
Sự phát ánh sáng liên tục của Mặt Trời làm khối
lượng Mặt Trời giảm dần theo thời gian, đến lúc nào đó, hàng tỷ năm sau, Mặt
Trời cũng phải tắt. Nhiệt độ trong Thái Dương Hệ sẽ giảm xuống rất nhanh, đến
Không độ tuyệt đối (O o K) tức là 273 độ dưới Không độ bách phân. (O o K = - 273 o C)
Các Thái Dương Hệ khác cũng ở trường hợp tương tự, sẽ lần lần tắt hẳn. Cả bầu Vũ trụ chìm
trong cảnh vô cùng tối tăm và lạnh lẽo, nhiệt độ hạ xuống rất nhanh, tất cả
sinh vật đều chết hết, và vật chất đông lại thành những khối cứng.
Đó là một cuộc Đại Tận Thế của Vũ trụ. Nó nằm trong
Định luật tự nhiên, hễ có sanh ra thì ắt phải có lúc bị hủy diệt.
Sau khi nó bị hủy diệt thì nó lại bắt đầu hình thành một Vũ trụ mới, đó là sự tái tạo Vũ trụ.
Đời sống của một Vũ trụ rất lâu dài, kể từ lúc nó
được hình thành cho đến khi nó bị hủy diệt, kéo dài đến hàng tỷ năm, trong lúc
đó, đời sống của một đời người nơi cõi trần lấy
100 năm làm kỳ hạn thì chẳng đáng
kể gì.
* SỰ TÁI TAÏO VŨ TRỤ :
Khi các Mặt Trời của Vũ trụ tắt hẳn, nhiệt độ hạ
xuống đến Không độ tuyệt đối hay thấp hơn nữa, làm cho trường hấp dẫn vạn vật
giữa các hệ thống vật chất tăng lên gấp nhiều lần, làm chúng hút nhau rất mạnh.
Các Vệ tịnh bị hút rơi vào Hành tinh, các Hành tinh
bị hút mạnh rơi vào Mặt Trời, các Mặt Trời đã tắt bị hút mạnh rơi vào Tâm Vũ
trụ. Càng đến gần, lực hút trở nên rất mạnh, làm cho vận tốc rơi càng lúc càng
tăng, lớn đến mức khủng khiếp, bằng vận tốc của ánh sáng (300 ngàn cây số trong
1 giây). Các Hệ thống va chạm vào nhau vô cùng mãnh liệt, tạo ra một sức nóng
khủng khiếp, nhiệt độ tại trung tâm vũ trụ lên đến hằng tỷ độ, mọi thứ vật chất
đều bốc thành hơi tức là biến thành chất khí, chúng quay cuồng hỗn độn, tạo ra
một áp suất vô cùng lớn, đến một lúc nào đó thì gây ra tiếng nổ ghê gớm, làm
bắn phá từ trung tâm vũ trụ ra chung quanh
những quả cầu lửa to lớn, để tạo thành các Mặt Trời mới. Các Mặt
Trời mới lại tiếp tục bắn phá ra chung
quanh, tạo ra các Hành tinh mới quay quanh Mặt Trời mới. Các Hành tinh lớn lại
bắn phá ra tạo nên các Vệ tinh quay quanh Hành tinh.
Thế là một Vũ trụ mới được thành hình và bắt đầu hoạt động trong một vận hội tiến hóa mới, với
một đời sống mới.
Các Vệ tinh có kích thước nhỏ nên nguội trước, kế
đó là các Hành tinh nguội dần, vật chất bên ngoài đông tụ lại thành lớp vỏ cứng
bao bọc hành tinh. Khi nhiệt độ hạ xuống đến mức thích hợp, hơi nước bao quanh
hành tinh tạo ra các trận mưa dữ dội, nước rơi xuống thành sông ngòi và chảy
vào những chỗ trũng thấp tạo thành biển.
Trên Hành tinh Địa cầu, khi có nước và ánh sáng Mặt
Trời rọi đến thì xuất hiện sự sống, các sinh vật bắt đầu nảy sanh. Đầu tiên là
các sinh vật đơn giản chỉ có một tế bào xuất hiện trong nước, lần lần tiến hóa
lên cấp cao hơn và phức tạp hơn, theo Định luật Tiến hóa của Vũ trụ : Vật chất
Kim thạch
tiến hóa lên loài Thảo mộc, Thảo mộc tiến hóa lên
Thú cầm, Thú cầm tiến hóa lên nhơn loại. Rồi loài người lo tu hành, giúp người
giúp đời, thì lần lần tiến hóa lên các
phẩm Thần Thánh Tiên Phật.
Tóm lại, Vũ trụ quan của Đạo Cao Đài quan niệm rằng
Vũ trụ không phải là Vô thỉ, vì nó có khởi đầu. Điểm khởi đầu đó là Đấng Ngọc Hoàng
Thượng Đế, vì Đấng ấy đã tạo dựng ra CKVT và vạn vật.
Vũ trụ cũng không phải là Vô chung (không có mức
cuối cùng), vì Vũ trụ có lúc tự hủy diệt
và mức cuối cùng của nó là cuộc Đại Tận Thế, để rồi sau đó lại khởi đầu hình
thành một Vũ trụ mới tiến hóa hơn, và cứ thế tiếp diễn mãi trên con đường Tiến
hóa vô cùng tận.
4 . Các Vũ trụ khác :
Vũ trụ của Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế mà chúng ta
đang ở đây chỉ gồm có 3072 ngôi sao. Bên ngoài Vũ trụ nầy cón có rất nhiều Vũ
trụ khác nữa, đang biến chuyển không ngừng trong khoảng không gian bao la vô
cùng rộng lớn.
Những Vũ trụ chung quanh, có những Vũ trụ to lớn
hơn, có những Vũ trụ nhỏ bé hơn, có những Vũ trụ đang hoạt động như của chúng
ta, có những Vũ trụ đang trong thời kỳ hủy diệt, cũng có những Vũ trụ đang trong
thời kỳ tái tạo.
Tất cả những Vũ trụ nầy như là những tế bào trong
vô lượng tế bào trong một Siêu Đại Vũ trụ vô tận vô biên, không thể hiểu biết
được.
Mỗi Vũ trụ đều có một Đấng Ngọc Hoàng Thượng Đế tạo
ra và ngự trị, cầm quyền vô vi, vận hành và tiến hóa không bao giờ ngừng nghỉ.
5 .
Giải thích Vũ trụ quan của
Đạo Cao Đài
theo Khoa học Nguyên tử :
a).
Quang tử - Âm điện tử - Dương điện tử :
Quang tưû, tên khoa học gọi là Photon, là hạt ánh
sáng. Hạt nầy không có khối lượng, truyền đi theo dạng sóng (gọi là sóng ánh
sáng) với vận tốc rất nhanh : 300 ngàn cây số trong một giây (300.000 Km/giây)
Thái Cực là một khối năng lượng vĩ đại dưới dạng
ánh sáng, gồm vô số Quang tử. Các Quang tử nầy được Thái Cực bắn ra chung quanh
thành những tia sáng. Trong một lúc nào đó, các tia sáng kết hợp thành từng bó
sóng ánh sáng, để rồi kết hợp và ngưng tụ lại, biến đổi năng lượng ánh sáng
thành khối lượng vật chất, dưới dạng các hạt có mang điện tích : Điện tích Âm
và điện tích Dương.
Sự ngưng kết để biến đổi năng lượng ánh sáng (biểu
thị bằng chữ E : Énergie) thành vật chất có khối lượng là m (Masse), với vận
tốc ánh sáng là C = 300.000 Km/giây, theo công thức của nhà Bác học Einstein : E = m
C2
Âm Điện tử : Hạt vật chất nhỏ có mang điện tích âm
được gọi là Âm Điện tử, tên khoa học là Électron, viết tắt là e, có khối lượng
và điện tích đo được là :
Khối lượng
= 0,9. 10 -27 gram.
Điện tích
= - 1,6. 10 -19 coulomb.
Dương Điện tử : Hạt vật chất có mang điện tích
dương gọi là Dương Điện tử, tên khoa học là Proton, viết tắt là p, có khối
lượng và điện tích đo được là :
Khối lượng
= 1840 lần khối lượng của e.
Điện tích
= + 1,6 . 10 -19 coulomb.
Như vậy, từ Quang tử Photon, đã tạo ra được 2 loại vật chất có
dạng hạt : Électron và Proton mang điện tích Âm và điện tích Dương, có trị số
ngang bằng nhau, nhưng khác dấu.
Chúng ta so sánh thì
thấy rằng :
- Thái Cực là một khối
Quang tử (Photon) vĩ đại.
- Lưỡng Nghi Âm quang
và Dương
quang là 2 khối Âm Điện tử (Électron) và Dương Điện tử (Proton).
Đấng Thượng Đế phân Thái Cực ra Lưỡng Nghi chính là
sự ngưng kết của các bó sóng ánh sáng, biến năng lượng ánh sáng thành vật chất
là Âm Điện tử và Dương Điện tử.
b) . Trung hòa tử và Nguyên tử Khinh khí :
Âm Điện tử và Dương Điện tử đã thành hình rồi thì
chúng kết hợp với nhau do sức hút của điện âm và điện dương theo 2 trường họp :
Tĩnh và Động, để tạo ra 2 loại vật chất
mới là : Trung hòa tử (Neutron,
viết tắt là n) và Nguyên tử Khinh khí (Hydrogène, ký hiệu là H) theo 2 phương
trình :
- Kết hợp theo dạng
tĩnh :
1 Électron + 1 Proton 1 Neutron
e +
p n
Trung hòa tử (Neutron) là hạt không mang điện.
- Kết hợp theo dạng động :
Dương Điện tử nặng và to lớn hơn Âm Điện tử rất nhiều nên nó làm cái Nhân bên
trong, còn Âm Điện tử nhẹ mình nên quay tròn chung quanh Nhân, tạo
thành một Nguyên tử Khinh Khí Hydrogène
H :
Đến giai đoạn nầy, ta có 4 loại hạt vật chất : 2 hạt cơ bản là Âm Điện tử
(e) và Dương Điện tử (p), và 2 loại hạt mới là Trung hòa tử (n) và Nguyên tử Khinh khí (H).
Đây chính là Tứ Tượng do Lưỡng Nghi tạo ra :
. Électron (e) là Thái Âm.
. Proton (p) là Thái Dương.
. Neuton (n) là Thiếu Dương.
. Hydrogène (H) là Thiếu Âm.
c) . 8 Nguyên tử đầu tiên :
Ba loại hạt nhỏ (vi tử) : e, p, n luôn luôn xoay chuyển để tiếp tục kết hợp với
nhau, lần lượt từ ít đến nhiều, để tạo
thành 8 Nguyên tử đầu tiên đứng đầu Bảng Phân loại Tuần hoàn các Nguyên
tố.
Các Proton (p) và Neutron (n) nặng hơn Électron (e)
rất nhiều nên làm Nhân nguyên tử, còn Électron (e) thì nhẹ nên quay chung quanh
Nhân. Hễ trong Nhân có bao nhiêu Proton
p thì bên ngoài cũng phải có bấy
nhiêu Électron e để cho điện tích của Nguyên tử luôn luôn được trung hòa. Số Neutron n
trong Nhân thì có số lượng tăng dần.
8 Nguyên tử đầu tiên được tạo thành, đánh số thứ tự
từ 0 đến 7, có tên, ký hiệu và cơ cấu sau đây :
0.
Hélium, ký hiệu
He, gồm có : 2e 2p 2n
1. Lithium, -
Li - 3e
3p 4n
2. Bérylium, -
Be - 4e
4p 5n
3. Bohr, - B -
5e 5p 6n
4. Carbone, -
C - 6e
6p 6n
5. Nitrogène, -
N - 7e
7p 7n
6. Oxygène, -
O - 8e
8p 8n
7. Fluor, -
F - 9e
9p 10n
Xem như thế, 8 Nguyên tử được tạo thành đầu tiên chính là Bát Quái, do Tứ Tượng
biến sanh, và được so sánh như sau :
CHẤN CÀN ĐOÀI LY TỐN KHẢM CẤN KHÔN
He Li Be B C
N O F
Càn có tính thuần Dương, đối chiếu với nguyên tử
Lithium (Li) có tính dương điện mạnh nhứt.
Khôn có tính thuần Âm, nên đối chiếu với nguyên tử
Fluor (F) có tính âm điện mạnh nhứt.
d) Các Nguyên tử khác trong
Bảng Phân loại
Tuần hoàn :
Sau khi đã tạo thành 8 Nguyên tử đầu tiên, các vi
tử e, p, n tiếp tục kết hợp với nhau với số lượng càng
lúc càng nhiều, càng lúc càng phức tạp để tạo thành một loạt các nguyên tử to
lớn hơn, có tính chất đại cương gần giống như tính chất của 8 nguyên tử đầu
tiên, tạo thành 8 nhóm nguyên tử, đánh số từ 0 đến 7, kể ra sau đây :
Tên nhóm : 0 1
2 3 4
5 6 7
8 nguyên tử đầu :
He Li Be
B C N
O F
Ne Na Mg
Al Si P
S Cl
Ar K Ca
Ga Ge As
Se Br
Kr Rb Sr
In Sn Sb
Te I
Xe Cs Ba
Tl Pb Bi
Po At
. . . . . . . .
. vv . . . . . . . . . . . . . . . . . .
. . . .
$Hiện nay, các nhà khoa học đã tìm ra được 105 loại
nguyên tử khác nhau nằm trong 8 nhóm kể trên. Ngoài ra, mỗi nhóm còn có một nhóm phụ mà các nguyên tử
có cấu tạo phức tạp, không tiện kể ra đây.
$Số 105 loại nguyên tử nầy kết hợp lại với nhau,
tùy theo chất, để tạo thành các Đơn chất, và các Hợp chất, từ đơn giản đến phức
tạp. Các Đơn chất và các Hợp chất tạo thành hệ thống vật chất trong CKVT với
muôn hình muôn vẻ với muôn màu sắc phong
phú khác nhau.
Tám nguyên tử được hình thành đầu tiên ấy tương ứng
với Bát Quái, vận chuyển và biến hóa vô cùng để tạo thành CKVT và vạn vật.
e) Sự hình thành Vũ trụ :
Thái Cực là trung tâm của Vũ trụ. Thái Cực phát ra
các tia sáng mang theo Quang tử truyền đi rất xa, với vận tốc 300.000 Km/giây.
Đến một lúc nào đó, các Quang tử ngưng kết tạo thành các Âm điện tử. Nơi đó là
giới hạn của Vũ trụ, và các Âm điện tử được tạo ra càng lúc càng nhiều, làm
thành như những đám mây vĩ đại, đó là Khí Âm quang.
Mặt khác, các Quang tử từ Thái Cực phát ra cũng
ngưng kết thành các Dương điện tử (Proton), và các Dương điện tử tạo thành những đám mây vĩ đại Dương điện tử.
Đó là Khí Dương quang.
Các Dương điện tử có khối lượng
rất lớn so với Âm điện tử, nên nó hút các Âm điện tử theo 2
lực : Lực hấp dẫn vạn vật và lực điện trường. Lúc ban đầu lực hút nầy không lớn
lắm vì khoảng cách còn xa, nhưng khi khoảng cách càng gần thì lực hút trở nên
rất mạnh (vì lực hút tỉ lệ nghịch với bình phương của khoảng cách). Các Âm điện
tử bị hút thật mạnh vào tâm vũ trụ, va chạm mãnh liệt với các Dương điện tử
trong một trạng thái xoay chuyển cực kỳ mãnh liệt, một mặt kết hợp để tạo ra
các phân tử đơn chất và hợp chất, một
mặt tạo ra sức nóng dữ dội càng lúc càng tăng, dần dần nhiệt độ lên tới hàng tỷ
độ, sanh ra một áp suất cực lớn, gây ra một vụ nổ ghê gớm, xoay tròn bắn phá ra
các quả cầu lửa lớn làm thành Mặt Trời.
Các khối cầu lửa lớn nầy tiếp tục quay tròn, bắn
phá ra các quả cầu lửa nhỏ hơn tạo thành các Hành tinh. Các Hành tinh lớn lại
tiếp tục bắn phá để tạo thành các Vệ tinh.
Vệ tinh và Hành tinh nguội dần, tạo ra lớp vỏ bao
bọc bên ngoài. Khi nguội đến một nhiệt độ thích hợp thì lớp nước bao phủ Hành
tinh tạo thành các đám mưa rơi xuống chảy thành sông và biển.
Khi đã có nước và ánh sáng Mặt Trời, sinh vật bắt
đầu xuất hiện, từ đơn giản lần lần đến
phức tạp. Loài rong rêu xuất hiện trước nhứt, tiến hóa dần thành Thảo mộc, Thảo
mộc tiến hóa thành Thú cầm, và sau cùng bực Thú cầm cao cấp tiến hóa thành Nhơn
loại.
6. Địa vị
của Địa cầu chúng ta trong CKVT :
Vũ trụ Hữu hình gồm có : Tam thiên Thế giới (3000
Thế giới ) và Thất thập nhị Địa (72 Địa cầu).
Tam thiên Thế giới thanh nhẹ hơn Thất thập nhị Địa,
nên chiếm phần trên của Vũ trụ,Thất thập nhị Địa trọng trược hơn nên ở phần
dưới của Vũ trụ.
Trong Tam thiên Thế giới cũng như trong Thất thập
nhị Địa, các quả tinh cầu thanh nhẹ thì ở bên trên, các quả nặng trược thì ở
bên dưới. Càng lên cao thì càng thanh nhẹ trong sáng, và càng xuống thấp thì
càng nặng trược tối tăm.
Các Địa cầu trong dãy Thất thập nhị Địa được đánh
số từ 1 đến 72, số 1 thì thanh nhẹ nhứt và số 72 thì nặng trược nhứt. Điạ cầu
của nhơn loại chúng ta là Địa cầu số 68.
Phía dưới Địa cầu 68 của chúng ta có 4 quả Địa cầu
: 69, 70, 71, và 72 rất trọng trược,
chìm đắm trong cảnh tối tăm nên được gọi là U Minh Địa. Trình độ tiến hóa của 4
Địa cầu nầy còn rất kém so với Địa cầu 68 của chúng ta.
Nhưng trình dộ tiến hóa của Địa cầu 68 lại kém xa
so với Địa cầu 67. Càng đi lên thì càng tiến hóa.
“ Đứng bực Đế Vương nơi trái Địa cầu 68 nầy, chưa
đặng vào bực chót của Địa cầu 67. Trong Địa cầu 67, nhơn loại cũng phân ra đẳng
cấp dường ấy. Cái quí trọng của mỗi Địa
cầu càng tăng thêm hoài, cho tới Đệ nhứt
cầu (Địa cầu số 1), Tam thiên thế giới .
. . ” (TNHT. I. 74)
Sự tiến hóa đi hết dãy Thất thập nhị Địa thì bước
lên Tam thiên Thế giới (3000 Thế giới), và cũng tiến hóa dần từ thấp lên cao.
Địa cầu 68 của chúng ta chỉ có 1 phần thanh, mà lại
có 2 phần trược, nên Phật giáo gọi Địa cầu 68 là cõi Ta-bà, vì cõi nầy có nhiều
ác trược, người tu phải nhẫn nhịn tối đa, nhưng nếu tu hành được thì rất mau
đắc quả.
Trong Vô Lượng Thọ Kinh, Đức Phật nói rằng : “Ở cõi
Ta-bà nầy mà làm lành một ngày đêm, hơn làm lành một trăm năm nơi cõi của Phật
A-Di-Đà. Tại sao vậy ? Vì cõi A-Di-Đà là vô vi tự nhiên, chứa đủ sự lành, không
có một sự dữ nào dù nhỏ xíu như mảy lông sợi tóc.”
* Phần VÔ HÌNH của VŨ TRỤ :
Như trong các phần vừa trình bày trên, Phần Hữu
hình của Vũ trụ Đức Chí Tôn Ngọc Hoàng Thượng Đế gồm có : Bên trên là Tam thiên
thế giới và bên dưới là Thất thập nhị Địa. Tông cộng có tất cả 3072 ngôi sao.
Vũ trụ Hữu hình được tượng trưng bằng Trái Càn khôn
thờ nơi Bát Quái Đài của Tòa Thánh Tây Ninh.
Sự xoay chuyển của Tam thiên thế giới và Thất thập
nhị Địa luôn luôn được đều hòa, không ngừng nghỉ, cái lên cái xuống, cái qua
cái lại, không bao giờ va chạm nhau. Có được như thế là do sự điều khiển của
các Đấng thiêng liêng vô hình.
Các tinh cầu và các quả Địa cầu luôn luôn được Đấng
Thượng Đế ban cho Thần lực (tức là năng lượng thiêng liêng) vừa đủ để giúp cho
sự chuyển động duy trì điều hòa, ổn định và không ngừng nghỉ.
Cũng giống như
một cái đồng hồ điện tử, cục pin nhỏ cung cấp năng lượng điện cho nó
chạy đều hòa và không ngừng nghỉ. Nếu pin còn điện quá yếu hay hết điện thì
năng lượng không đủ cung cấp cho đồng hồ
thì đồng hồ phải chạy chậm lại hay ngừng hẳn. Cho nên, nếu Đấng Thượng Đế cung
cấp Thần lực cho các tinh cầu và các Địa cầu một cách không đều hòa và liên tục
thì các quả cầu ấy sẽ chuyển động rối loạn hay ngừng quay, đó cũng là một cuộc
Đại hủy diệt vậy.
Để điều khiển các sự vận chuyển của các tinh cầu và
Địa cầu, cũng như điều khiển cuộc tiến hóa của cả Càn khôn, Đức Thượng Đế phải
lập ra một guồng máy vô hình, gồm nhiều cơ quan là các từng Trời và các Đấng
Thần Thánh Tiên Phật để giúp tay cho Đức Thượng Đế.
Phần Vô hình của CKVT không thể thấy được mà chúng
ta biết được là do Đức Thượng Đế giảng dạy qua Cơ bút, gồm có :
- Tam thập lục Thiên.
- Thập nhị Thiên và Cửu Trùng Thiên.
- Tứ Đại Bộ Châu.
1)
Tam thập lục Thiên :
Tam thập lục Thiên là 36 từng Trời.
Ngôi Thái Cực ở tại Bạch Ngọc Kinh, nơi ấy là trung
tâm của Càn khôn Vũ trụ. Thái Cực biến hóa ra Lưỡng Nghi : Âm quang và Dương
quang. Thái Cực và Lưỡng Nghi hiệp lại thành 3 Ngôi Trời, gọi là Tam Thiên Vị,
chiếm 3 từng Trời tại trung tâm của Vũ trụ.
Dưới Tam Thiên Vị là 33 từng Trời (Tam thập tam
Thiên). Nhập chung lại thì đủ 36 từng Trời.
Nơi Tam thập lục Thiên là ngôi vị của chư Thần
Thánh Tiên Phật.
2)
Thập nhị Thiên - Cửu Trùng Thiên :
Thập nhị Thiên là 12 từng Trời.
Cửu Trùng Thiên là 9 từng Trời.
Cửu Trùng Thiên nằm trong Thập nhị Thiên.
Dưới Tam thập lục Thiên là Thập nhị Thiên.
Trong Thập nhị Thiên, bên trên có 3 từng Trời, kể
ra :
- Hỗn Nguơn
Thiên, do Đức Phật Di-Lạc chưởng quản.
- Hội Nguơn
Thiên, cũng do Đức Phật Di-Lạc chưởng quản.
- Hư Vô
Thiên, do Đức Phật Nhiên Đăng chưởng quản.
Trong từng Trời Hư Vô Thiên có Ngọc Hư Cung, là nơi
họp triều đình của Đức Chí Tôn, để điều hành toàn cả các hoạt động trong CKVT.
Các Đấng Thần Thánh Tiên Phật họp Đại Hội để lập Thiên Điều cai quản Càn khôn.
Dưới 3 từng Trời nầy là Cửu Trùng Thiên, kể ra :
- Tạo
Hóa Thiên, do Đức Phật Mẫu chưởng quản.
- Phi
Tưởng Thiên, do Đức Từ Hàng Bồ Tát chưởng quản.
- Hạo
Nhiên Thiên, do Đức Chuẩn Đề Bồ Tát và
Đức Phổ Hiền Bồ Tát chưởng quản.
- Từng Trời thứ 6 : Kim Thiên,
- Từng Trời thứ 5 : Xích Thiên,
- Từng Trời thứ 4 : Huỳnh Thiên,
- Từng Trời thứ 3 :
Thanh Thiên,
- Từng Trời thứ 2
có Vườn Đào Tiên,
- Từng Trời thứ 1
có Vườn Ngạn Uyển.
Thập nhị Thiên là nơi làm việc của các Đấng Thần
Thánh Tiên Phật, điều hành tất cả các hoạt động của CKVT và sự tiến hóa của Vạn
linh.
3)
Tứ Đại Bộ Châu :
Có 2 Tứ Đại Bộ Châu : Trên và Dưới.
- Tứ Đại Bộ
Châu phía trên cai quản Tam thiên thế giới, gọi là Tứ Đại Bộ Châu Thượng, gồm :
.
Bắc Đại Bộ Châu
. Đông Đại Bộ Châu
.
Nam Đại Bộ Châu
.
Tây Đại Bộ Châu.
- Tứ Đại Bộ
Châu bên dưới cai quản Thất thập nhị Địa, gọi là Tứ Đại Bộ Châu Hạ, gồm :
. Bắc Cu Lư Châu
. Đông Thắng Thần Châu
. Nam Thiệm Bộ Châu
. Tây Ngưu Hóa Châu.
Địa cầu 68 của nhơn loại chúng ta ở trong Nam Thiệm
Bộ Châu.
* Tổng Kết về Vũ Trụ Quan :
Vũ trụ của Đức Chí Tôn Ngọc Hoàng Thượng Đế gồm có
2 phần : Hữu Hình và Vô Hình.
Phần Vô hình rất quan trọng vì nó điều khiển toàn
bộ các hoạt động của Phần Hữu hình.
Phần Vô hình ở tại vùng Trung tâm của Vũ trụ.
Phần Hữu hình nằm bên ngoài Phần Vô hình, và luôn
luôn có chuyển động xoay tròn đều hòa và liên tục, không bao giờ ngừng nghỉ.
Phần Vô hình gồm : Tam thập lục Thiên (36 Từng
Trời), Thập nhị Thiên (12 Từng Trời), và 2 Tứ Đại Bộ Châu Thượng và Hạ.
Phần Hữu hình gồm 3072 ngôi sao, chia ra : Tam
thiên thế giới (3000 Thế giới) ở bên
trên và Thất thập nhị Địa (72 Địa cầu) ở bên dưới.
Trong khoảng không gian bao la không cùng tận, Càn
khôn Vũ trụ của Đức Chí Tôn là một khối cầu vĩ đại, trong đó có chứa 3072 ngôi
sao.
Để có thể hình dung được các thành phần của Vũ trụ
nầy, chúng ta tưởng tượng và so sánh với cái hột gà :
- Cái ngòi ở
giữa tròng đỏ hột gà là Trung tâm Vũ trụ.
- Phần tròng
đỏ hột gà là Phần Vô hình của Vũ trụ.
- Phần tròng
trắng hột gà là Phần Hữu hình của Vũtrụ.
- Vỏ của hột
gà là biên giới của Vũ trụ.
Sau đây là Bảng Tóm tắt cơ cấu thành phần của Càn
khôn Vũ trụ của Đức Chí Tôn, kể từ Trung tâm Vũ trụ ra đến bên ngoài, biên của
Vũ trụ
1 . TAM THẬP LỤC THIÊN
- Tam Thiên Vị
- 33 Từng Trời.
2 . THẬP NHỊ THIÊN
- Hỗn Nguơn Thiên
- Hội Nguơn Thiên
- Hư Vô Thiên
- Cửu Trùng Thiên
(9 Từng Trời)
3 . TỨ ĐẠI BỘ CHÂU THƯỢNG
Bắc Đông Nam Tây
Đại Đại Đại Đại
Bộ Bộ Bộ Bộ
Châu Châu Châu Châu
4.
TAM THIÊN THẾ GIỚI
5.
TỨ ĐẠI BỘ CHÂU HAÏ
Bắc Đông Nam Tây
Cu Thắng Thiệm Ngưu
Lư Thần Bộ Hóa
Châu Châu Châu Châu
6.
THẤT THẬP NHỊ ĐỊA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét