III .
Tôn chỉ của Nho giáo :
Tôn chỉ của Nho giáo gồm :
- Thiên Địa Vạn vật đồng nhất thể.
- Trung Dung.
1 . Thiên Địa Vạn vật đồng
nhất thể :
Con người sanh ra đã bẩm thụ cái Lý và cái Khí của
Trời Đất, tức là cùng với Trời Đất có thể tương liên tương cảm và tương ứng
nhau được.
Sự tương cảm
ấy lúc nào cũng có, nhưng khi ta để cho lòng tư dục dấy lên mạnh mẽ,
chỉ biết
tính toán để làm lợi riêng cho mình thì cái tinh thần bị rối loạn đi, cái trực
giác trở nên ám muội, nên cái cảm ứng ta không biết được.
Nhưng nếu ta biết đè nén lòng tư dục, giữ cho lúc
nào cũng có thái độ điều hòa, thì trực
giác trở nên mẫn huệ, biết được các điều sâu xa bí ẩn, tức là tương cảm được với Trời.
Trời sanh ra con người và vạn vật, nên Trời có gì
thì con người có nấy, nên gọi Trời là Đại Thiên Địa, và con người là Tiểu Thiên
Địa. Trời và người đồng thể nên tương
liên tương cảm với nhau là điều
dĩ nhiên.
2 . Trung Dung :
Trung là không lệch về phía nào, Dung là không thay
đổi. Trung là đường chánh trong thiên
hạ, Dung là nhất định trong thiên hạ. Vậy, Trung Dung là không lệch về phía
nào, luôn luôn giữ thái độ dung hòa,
không thái quá, cũng không bật cập, trong quan hệ đối với người hay xử lý các
việc.
Vũ trụ và vạn vật luôn luôn biến hóa theo lẽ điều
hòa và tương đối, lưu hành mãi mãi không
lúc nào ngừng nghỉ. Thiên đạo đã không cố định thì việc đời có gì là cố định ?
Vậy ta cứ tùy thời mà hành động, miễn sao giữ được
sự điều hòa và trung chánh.
Làm việc gì cũng phải lấy Trung Dung làm căn bản,
tức là không thái quá, cũng không bất cập, luôn luôn thích hợp với Đạo Trung
hòa của Trời Đất.
Đức Khổng Tử đem cái tôn chỉ ấy lập thành một Nhân
sinh triết học, tức là một nền luân lý rất hòa nhã, êm ái, làm cho người ta
sống thư thái vui vẻ, không buồn bã lo sợ. Những điều : Hiếu, Nghĩa, Trung,
Tín, cũng đều do đó mà ra cả.
IV.
Học thuyết của Nho giáo :
Học thuyết của Nho giáo tóm gọn trong 3 điều sau
đây :
· Sự biến hóa của vũ trụ quan hệ đến vận mạng của
nhơn loại.
· Luân thường đạo lý trong đời sống xã hội.
· Lễ Nhạc trong việc tế Trời Đất, Quỉ Thần và Tổ
Tiên.
Đó là những điều căn bản xác định Nhân sinh quan và
Vũ trụ quan của một nền tôn giáo.
Do đó, ta có thể nói rằng, trước thời Đức Khổng Tử,
chỉ là Nho học, nhưng sau thời Đức Khổng Tử, Nho học được Ngài hoàn chỉnh, trở
thành một tôn giáo hẳn hoi, gọi là Nho giáo, giống như Phật giáo, Lão giáo, hay
Thiên Chúa Giáo.
Đứng về phương diện tôn giáo, học thuyết của Nho
giáo được chia làm 2 phần rõ rệt :
A. Hình Nhi Hạ học.
B. Hình Nhi Thượng học.
A. Hình Nhi Hạ học :
Hình Nhi Hạ học là cái học thuộc về Hạ thừa, làm
căn bản cho Thượng thừa, là cái học cụ
thể về những điều quan hệ đến cuộc sống của con người một cách thiết thực.
Chủ yếu Hình Nhi Hạ học là dạy về Nhơn đạo. Không
có một nền tôn giáo nào dạy về Nhơn đạo một cách kỹ lưỡng và sâu sắc bằng Nho
giáo. Sau đây là một số điểm chánh :
- Quân tử, Tiểu nhân.
- Tu thân.
- Công bình, Bác ái.
- Tam Cang, Ngũ Thường, Tam Tùng, Tứ Đức.
- Lễ Nhạc.
- Chính danh định phận.
1 .
Quân tử - Tiểu nhân :
Nho giáo chia những người trong xã hội làm 2 hạng :
Quân tử và Tiểu nhân.
* Quân tử là
người có đức hạnh hoàn toàn, nhơn phẩm cao quí, chăm lo Đạo Thánh Hiền để sửa
mình, dẫu nghèo khó cũng không làm điều trái đạo.
* Tiểu nhân
thì hoàn toàn trái ngược, kẻ tiểu nhân có chí khí hèn hạ, tham danh cầu
lợi, miệng nói nhân nghĩa mà trong lòng tính chuyện bất nhân, dù giàu có nhưng
tinh thần vẫn đê tiện.
Người Quân tử
bao giờ cũng tùng Thiên lý, cho nên tâm tánh quang minh, thích làm việc
nghĩa, càng ngày càng cao thượng; kẻ Tiểu nhân bao giờ cũng theo nhơn dục, chí
khí thấp thỏi, nên luôn luôn bị vật dục khiến sai, chỉ biết cái lợi riêng cho
mình, càng ngày càng thêm hèn hạ.
Quân tử thì trung dung vì hiểu được cái thấp cái cao,
Tiểu nhân thì phản trung dung vì chỉ biết tư lợi.
Quân tử chỉ
cầu ở mình, nên cái đức càng ngày càng sáng thêm; Tiểu nhân thì mong cầu ở
người, nên cái lòng dục càng lúc càng buông xổng thêm ra.
Học làm Quân tử thì phải thành thật, không bao giờ
tự dối mình mà làm hại cái biết của mình.
Muốn học cho đạt cái đạo của người Quân tử thì phải
theo đúng như lời Đức Khổng Tử dạy : “ Dốc lòng tin, ham sự học, giữ cho vững,
dẫu chết cũng không thay đổi, làm cho cái Đạo hay hơn lên. Không vào nước đã
nguy, không ở nước có loạn. Đời có Đạo thì ra làm mọi việc, đời không Đạo thì
ẩn mà sửa mình. Nước có Đạo mà mình nghèo và hèn là xấu hổ; nước không Đạo mà
mình giàu và sang là xấu hổ.”
2 . Tu thân :
Người Quân tử cần phải học hỏi luôn luôn để biết mà
sửa mình. Muốn sửa mình (Tu thân), trước hết phải giữ cái Tâm cho chánh, cái Ý
cho thành, rồi mới Cách Vật, Trí Tri
được. Do đó, Nho giáo đưa ra Bát Điều Mục, tức là 8 bước thực hành theo thứ tự
sau đây :
- Cách vật:
Cách ly sự vật để quan sát cho rõ ràng.
- Trí tri: Nghiên cứu để biết tận gốc rễ của sự
vật.
- Thành ý: Rèn luyện ý chí thành thật dũng mãnh.
- Chánh tâm: Thanh lọc tâm hồn thoát khỏi sự ô
nhiễm của vật dục.
- Tu thân: Sửa đổi những điều sai lầm của mình.
- Tề gia: Sắp đặt các việc gia đình cho đúng phép.
- Trị quốc: Cai trị dân theo đường lối chơn chánh.
- Bình Thiên hạ: Đem lại thanh bình và hạnh phúc
cho toàn dân.
3 .
Tam Cang - Ngũ Thường,
Tam
Tùng - Tứ Đức :
Đức Khổng Tử dạy về Nhơn đạo :
· Nam thì giữ Tam Cang và Ngũ Thường.
· Nữ
thì giữ Tam Tùng và Tứ Đức.
a)
Tam Cang : Ba Giềng mối gồm : Quân thần cang, Phụ tử cang, Phu thê cang.
Quân thần cang : Giềng mối vua tôi, tức là Trung :
Trung với nước, trung với dân. Không nên quan niệm hẹp hòi là trung với một cá
nhân ông vua hay một dòng họ vua, vì đó là ngu trung. Chỉ trung với vua khi nào
gặp được vị vua sáng suốt (Quân minh thần trung), chúa Thánh tôi hiền.
Phụ tử cang: Giềng mối cha con, cha mẹ phải hiền,
hết dạ thương con và con phải hiếu thảo với cha mẹ.
Phu thê cang: Giềng mối vợ chồng.
b) Ngũ
Thường: Năm điều thường có : Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín.
Nhân: Lòng thương người mến vật.
Nghĩa: Việc đối xử theo lẽ phải, biết đền ơn đáp
nghĩa đối với người và vật.
Lễ: Thể hiện sự tôn kính và trật tự trong ý nghĩ,
lời nói và việc làm.
Trí: Sự hiểu biết sáng suốt, phân biệt phải quấy.
Tín: Không gian dối,
gạt gẫm.
c) Tam Tùng : Ba điều phải theo của người phụ nữ : Tại gia tùng
phụ, Xuất giá tùng phu, Phu tử tùng tử.
Tại gia tùng phụ : Ở
nhà thì nghe theo lời của cha mẹ.
Xuất giá tùng phu : Có
chồng thì phải tùng theo chồng.
Phu tử tùng tử : Chồng
chết thì ở vậy nuôi con cho nên người, không nên tái giá.
d)
Tứ Đức : Bốn Đức của người phụ nữ : Công, Dung, Ngôn, Hạnh.
Công : Chăm lo làm công việc gia đình.
Dung : Chăm sóc thân thể cho tốt đẹp, sạch sẽ.
Ngôn : Lời nói dịu dàng, đoan chánh.
Hạnh : Ngay thẳng, nhân ái trong mọi việc.
4 . Công bình - Bác ái :
Người ta sanh ra ở đời, ai cũng bẩm thụ cái Lý và
Khí của Trời Đất như nhau, nên đều chịu mệnh Trời như nhau. Như vậy, mọi người
đều bình đẳng và là anh em với nhau.
Một hôm, Tử Cống hỏi Đức Khổng Tử :
- Có lời nào khả dĩ thi hành được chung thân không
?
Đức Khổng Tử đáp :
- Kỳ thứ hồ ! Kỷ sở bất dục vật thi ư nhân. (Chữ
Thứ chăng ! Điều gì mình không muốn thì đừng làm cho người.) Đó là Công bình và
Bác ái. Nó nằm trong cái Đạo Nhất Quán của Đức Khổng Tử : Đạo Nhân.
5 . Lễ Nhạc :
A . LỄ :
Nho giáo dùng Lễ cốt để tạo thành một tạp quán Lễ
Nghĩa, khiến cho người ta làm điều lành điều phải một cách tự nhiên, không cần
suy nghĩ.
Dùng Lễ có cái hay là ngăn cản những việc xấu
không cho xảy ra, còn dùng pháp luật là để trị những
cái xấu đã xảy ra. Do đó, Thánh nhân trọng Lễ chớ không trọng Hình phạt.
Chữ Lễ, trước tiên dùng với ý nghĩa là các hình
thức cúng tế cầu Thần linh ban phước và cúng tế Tổ tiên. Sau đó, chữ Lễ được
dùng rộng ra bao gồm những phép tắc phù hạp với phong tục và tạp quán của dân
chúng trong việc Quan, Hôn, Tang, Tế. Sau nữa, chữ Lễ còn có nghĩa thật rộng,
gồm cả cái quyền bính của vua và cách tiết chế các hành vi của dân chúng cho thích
hợp với cái lẽ tự nhiên của Trời Đất.
Cho nên Kinh Lễ của Nho giáo nói rằng : “ Lễ giả,
Thiên chi tự.” Nghĩa là : Lễ là cái trật tự của Trời. Do đó, Nho giáo rất chú
trọng về Lễ, và dùng Lễ vào 4 mục đích :
1 .
Dùng Lễ để hàm dưỡng tánh tình của con người.
Dùng Lễ để tạo thành một không khí đạo đức trang
nghiêm, dần dần biến thành một tạp quán tốt, khiến người ta làm điều phải điều
lành một cách tự nhiên mà không biết.
Vào chỗ đền chùa, thấy khung cảnh tế lễ trang
nghiêm, tự nhiên sanh lòng tôn kính. Vào nơi đám tang, thấy không khí ảm đạm thê lương, tự nhiên sanh
lòng bi ai trắc ẩn.
Vậy nhờ Lễ mà con người được khơi dậy những tình
cảm tốt đẹp cao thượng.
2 . Dùng Lễ để giữ thích hợp
với đạo Trung Dung, không cho thái quá, mà cũng không cho bất cập. Nhờ
vậy, thể xác và tinh thần của con người được quân bình, hành động lúc nào cũng
được sáng suốt và chừng mực.
Đức Khổng Tử
bảo thầy Nhan Uyên (Nhan Hồi) là người đã hiểu rõ đạo Nhân hơn người là
vì do Lễ. “Phi Lễ vật thị, phi Lễ vật thính, phi Lễ vật ngôn, phi Lễ vật động.”
Nghĩa là : Không phải Lễ thì chớ nhìn, không phải Lễ thì chớ nghe, không phải
Lễ thì đừng nói, không phải Lễ thì chớ làm.
3 . Dùng Lễ để định lẽ phải
trái, tình thân sơ, và trật tự trên dưới phân minh.
Nhờ Lễ mà phân biệt được kẻ thân người sơ, kẻ nhỏ
người lớn, vì Lễ qui định sự đối xử khác nhau một cách rõ rệt. Do đó không còn
chỗ hiềm nghi, định rõ lẽ phải trái.
Nhờ Lễ mà định được cái Chánh danh. Có Chánh
danh mới định cái phận cho thích hợp. Do
đó mà có tôn ti trật tự, phép tắc luân lý, từ gia đình đến xã hội, tạo nên một
xã hội trật tự thái bình.
4 . Dùng Lễ để tiết chế lòng
dục.
Dục vọng của con người thì không cùng và lúc nào
cũng đòi hỏi để được thỏa mãn. Nếu không dùng Lễ để chế giảm, tất dục vọng sẽ
làm con người hư hỏng. Dùng Lễ để
chế giảm mà còn hướng dẫn dục vọng vào con đường cao thượng nữa.
Lễ và Pháp luật đều có mục đích ngăn chận sự hư
hỏng và tội lỗi của con người. Nhưng Lễ có ưu điểm là nó có thể ngăn cản được
những việc chưa xảy ra; còn dùng pháp luật là để trừng trị những việc tội lỗi
đã xảy ra rồi. Pháp luật, tuy phải đặt ra, nhưng dùng sự giáo hóa về lễ mà ngăn
ngừa sự phạm tội thì mới ưu việt.
Tóm lại, chữ Lễ trong nghĩa rộng có bao hàm tính
chất pháp luật. Nhưng Lễ chú trọng về mặt giáo hóa và ngăn ngừa sự hư hỏng; còn
luật pháp thì chú trọng sự trừng phạt những điều hư hỏng và phạm tội.
Lễ thì dạy người ta nên làm điều gì, không nên làm
điều gì, và tại sao như thế. Còn pháp luật thì cấm không cho làm việc nầy việc
nọ, mà hễ vi phạm thì bị trừng phạt. Người làm trái Lễ thì bị chê cười, có tính
cách trừng phạt về phương diện tinh
thần; người làm trái pháp luật thì bị trừng phạt về thể xác.
Thánh giáo : Lễ là hạnh nết của Thần Tiên,
Phải giữ Lễ
nghi vững thật bền.
Trước mắt phàm tuy trông chẳng thấy,
Chín từng lồng lộng Đấng Bề Trên.
B . NHẠC :
Nhạc là sự hòa hợp các thứ âm thanh mà tạo thành,
thể hiện sự rung cảm của lòng người đứng
trước ngoại vật. Hay nói khác đi, chính sự rung động trong lòng người mới tạo thành tiếng nhạc.
Khi người buồn thì tiếng nhạc có âm điệu bi ai; khi
người vui vẻ phấn chấn trong lòng thì tiếng nhạc nhanh gọn, dồn dập, vui tươi;
khi ngoại cảnh sanh lòng yêu mến thì tiếng nhạc hòa nhã dịu dàng. Ngược lại,
tiếng nhạc có thể cảm hóa được lòng người, khiến người nghe rung động theo nó.
Như khi nhạc réo rắt thanh tao thì con người có ý nghĩ cao thượng; khi nghe
nhạc giựt gân dâm ô, con người có ý nghĩ thấp hèn.
Nhạc có thế lực quan trọng như thế nên bực Đế vương
thời xưa như vua Thuấn dùng Nhạc để cảm hóa dân chúng, khiến dân trở nên lương
thiện.
Sách Nhạc có viết rằng : “ Nhạc là cái vui của
Thánh nhân, mà có thể khiến cho lòng dân trở nên tốt lành, có thể cảm lòng
người rất sâu và làm phong tục dời đổi được. Cho nên Tiên vương mới đặt ra việc dạy Nhạc.”
Nhạc cũng phải giữ cái đạo Trung Dung, dẫu vui cách
mấy cũng không làm mất cái chánh, mà buồn cách mấy cũng không làm mất cái hòa.
Như thế, Nhạc mới có thể điều hòa được
cái tánh tình của con người.
C . SỰ PHỐI HỢP của NHẠC và LỄ :
Nhạc và Lễ đều có cái chủ đích chung là sửa đổi tâm
tánh con người cho ngay chánh, bồi dưỡng tình cảm cho thuần hậu, nhưng mỗi bên có cách thức riêng biệt. Lễ cốt ở sự
cung kính để giữ cho trật tự phân minh, Nhạc cốt ở sự điều hòa khiến cho tâm
tánh được tao nhã.
Do đó, Lễ và Nhạc phối hợp với nhau thì mới thành tựu cái mục đích tốt đẹp được. Nếu
có Lễ mà không có Nhạc, tức nhiên có Kính mà không có Hòa, thì nhơn quần ở với
nhau thành ra phân biệt thái quá, nhân tình bất thông, chia rẽ xa cách. Nếu có
Nhạc mà không có Lễ, tức là có Hòa mà không có Kính thì thành ra dễ dãi khinh
lờn.
Vậy nên có
Lễ phải có Nhạc, có Nhạc phải có Lễ, để cho cái nầy bổ khuyết cho cái kia
thì mới tạo được sự điều hòa tốt đẹp và
một trật tự ổn định trong xã hội.
Lễ và Nhạc có ý nghĩa rất sâu xa và tác dụng mạnh
mẽ về đường đạo đức, vì một đàng khiến cho cái tâm tánh ở bên trong, và một
đàng khiến sự hành động ở bên ngoài, cốt cho trong ngoài hòa thuận. Trong hòa
là làm cho tâm tánh được điều hòa, ngoài thuận là làm cho hành vi cử chỉ thuận
theo đạo lý, hợp lòng người. Trong và ngoài được như thế thì cái tà tâm và dục
vọng không có cơ hội phát ra, để dần dần tà tâm biến mất, nhường chỗ cho Thánh
tâm và dục vọng thấp hèn biến mất, nhường chỗ cho dục vọng thanh cao.
Nhưng Đức Khổng Tử lại nói: “ Nhơn nhi bất nhơn như
Lễ hà ? Nhơn nhi bất nhơn như Nhạc hà ?
“ Nghĩa là: Người mà không nhơn đức thì làm sao dùng Lễ được ? Người mà không
nhơn đức thì làm sao dùng Nhạc được ?
Ý của Đức Khổng Tử muốn nói rằng : Dầu Lễ và Nhạc
có hay đến bực nào đi nữa mà người dùng Lễ và Nhạc không có lòng nhơn đức thì
cũng không có hiệu quả gì ! Có nhơn tức là có tình cảm dồi dào cao thượng, có
trực giác mẫn huệ, rồi lấy Lễ Nhạc mà khiến thì công dụng của Lễ Nhạc rất hay;
còn nếu không có lòng nhơn đức mà đem dùng Lễ Nhạc thì chỉ là cái hư văn kiểu
cách bên ngoài mà thôi, không có tác dụng gì !
Đức Khổng Tử
còn chủ trương không nghiêng về bên Lễ, cũng không nghiêng về bên Nhạc :
“ Nhạc thắng hóa bừa bãi, Lễ thắng hóa chia lìa. Khiến thích hợp tánh tình,
phục sức và dung mạo là công việc của Lễ Nhạc.”
Lễ Nhạc có địa vị rất trọng yếu trong đạo trị nước
và đặt ngang hàng với Hành chánh và Hình pháp.
“ Lễ để chỉ đạo ý chí, Nhạc để điều hòa thanh âm,
Hành chánh để thống nhứt hành động, Hình pháp để ngăn ngừa tội ác. Lễ, Nhạc,
Hành chánh, Hình pháp, có mục đích cuối cùng là một, tức là thống nhất lòng dân
để thực hiện một nền thạnh trị.”
Ý của Đức Khổng Tử
và các bậc Thánh xưa dùng Lễ Nhạc cao siêu như thế, nhưng lần lần, từ
đời nọ truyền qua đời kia, Nhạc và Lễ biến đổi theo tình đời và trở nên sái
hết.
Lễ thì biến ra thêm phiền toái mà không giữ được sự
Kính làm gốc, Nhạc thì biến ra đủ thứ đủ loại mà không giữ được sự Hòa làm gốc.
Con người không được Nhạc và Lễ hướng dẫn và kềm chế nên đã bị dục vọng vật
chất lôi cuốn đến chỗ thấp hèn, đang tiến vào hố sâu vực thẳm.
May mắn thay cho nhơn loại, nhứt là hữu hạnh cho
dân tộc Việt Nam ! Đức Chí Tôn Ngọc Hoàng Thượng Đế khai sáng Đại Đạo Tam Kỳ
Phổ Độ tại nước Việt Nam, Đức Chí Tôn rất chú trọng Lễ Nhạc, nên Đức Chí Tôn
đến để chỉnh đốn Lễ Nhạc lại cho hoàn toàn. Trong Thánh Ngôn Hiệp Tuyển, Đức
Chí Tôn dạy về Lễ Nhạc rất kỹ, đôi khi Đức Chí Tôn phải nhập xác vào Đức Cao
Thượng Phẩm mà biểu diễn về Lễ để cho các môn đệ nhìn thấy mà học tập, bắt
chước làm theo.
Lễ và Nhạc do Đức Chí Tôn chế ra hoàn toàn mới mẻ,
nhưng lại dung hợp được cái cũ là Cổ Lễ và Cổ Nhạc của Nho giáo, khiến cho Nhạc
và Lễ trong Đạo Cao Đài đạt được những
hiệu quả tốt đẹp nhất, đưa nhơn loại trở về con đường đạo đức chơn chánh.
Hai câu liễn về Lễ Nhạc nơi Văn phòng Lễ Nhạc Đường
:
Lễ dĩ Địa trần minh định nhân gian tôn trật tự,
Nhạc do Thiên tác tuyên thông thế giới chủ điều
hòa.
Nghĩa
là :
. Lễ lấy sự sắp bày trên mặt đất mà chế thành, định
rõ phẩm bực con người, đề cao trật tự,
. Nhạc do Trời làm ra, bày tỏ cho thế giới thông hiểu nhau, chủ yếu là sự điều hòa.
6 . Chính danh Định phận :
“ Danh bất chính tắc ngôn bất thuận, ngôn bất thuận
tắc sự bất thành.” Nghĩa là : Danh không chánh đáng thì lời nói
không xuôi, lời nói không xuôi thì việc không thành.
Danh đã chánh thì việc gì cũng có nghĩa lý rõ ràng
của việc ấy, những điều tà thuyết không che khuất được chơn lý.
Danh và Phận đã được định rõ thì mỗi người đều có địa vị và bổn phận chánh
đáng của mình, trật tự phân minh.
B . Hình Nhi Thượng học:
Hình Nhi Thượng học thuộc về Đại thừa hay Thượng
thừa, là cái học về những lẽ mầu nhiệm vô hình, rất uyên áo cao viễn mà Đức
Khổng Tử có nhiều điều nói rõ trong Kinh Dịch (sách căn bản về Lý học của Nho giáo) và trong sách Trung
Dung (sách Triết học bàn về Thiên đạo và Nhân đạo rất sâu xa).
Sau đây là một số điểm tiêu biểu :
- Thái cực và sự biến hóa của Thiên lý.
- Thiên mệnh.
- Quỉ Thần.
- Hồn phách.
- Đạo của Đức Khổng Tử.
1 . Thái cực và sự biến hóa
của Thiên lý :
Khởi đầu của Vũ trụ là một khối mờ mịt hỗn độn.
Trong cái Hỗn độn ấy có một cái Lý rất linh diệu cương kiện gọi là Thái Cực.
Song Thái Cực huyền bí vô cùng, ta không thể biết rõ được, nhưng khi xem xét sự
biến hóa của vạn vật thì ta có thể đoán biết được cái động và tịnh của Thái
Cực. Động là Dương, tịnh là Âm. Dương lên đến cực độ lại biến ra Âm; Âm lên đến
cực độ lại biến ra Dương. Hai cái Âm Dương ấy cứ xoay chuyển tương đối, điều
hòa nhau mà biến hóa sanh ra Trời Đất và vạn vật.
Đó là điểm cốt yếu của Kinh Dịch, bởi vì Dịch là
biến đổi. Trong Trời Đất, không có cái gì là không biến đổi, không có cái gì là
nhứt định. Tất cả đều biến đổi, xoay chuyển, lưu hành khắp nơi, nhưng đều phát
sinh từ một Lý duy nhứt là Thái Cực. Chỉ có Thái Cực là tuyệt đối, còn tất cả
đều là tương đối.
Do đó, Đức Khổng Tử lấy chủ nghĩa “ Thiên Địa vạn
vật đồng nhất thể “ làm căn bản cho học thuyết của Nho giáo.
2 . Thiên mệnh :
Trời là Chủ tể của cả Càn khôn Vũ trụ và vạn vật
nên có cái sức mạnh bí mật điều khiển tất cả sự biến hóa và xoay chuyển trong
Vũ trụ cho được điều hòa. Đó là Thiên mệnh, tức là Mệnh Trời.
Làm người phải biết mệnh Trời để nương theo đó mà
sanh hoạt cho phải đạo. Nhưng con người cũng có cái tự chủ riêng để tự cường
kiện lấy mình, khiến cho cái tâm linh của ta luôn luôn mẫn huệ, để hành động
của ta lúc nào cũng phù hợp mệnh Trời, chớ không, chúng ta cứ hèn yếu nhu nhược
đợi chờ số mạng.
Sách Trung Dung viết : “ Trời sanh ra muôn vật,
nhân cái tài lực của từng vật mà đôn đốc thêm vào. Cho nên, vật nào có thể vun
đắp được thì vun đắp vào cho tốt lên, vật nào nghiêng lệch thì làm cho đổ nát
đi.”
3 . Quỉ Thần :
Nho giáo dạy người ta tin ở Trời, tin ở Thiên mệnh,
tất nhiên tin có Quỉ Thần.
Sự cúng tế Quỉ Thần là để mình tỏ lòng thành kính,
chớ không phải để cầu phúc riêng cho mình. Quỉ Thần đều sáng suốt và chánh
trực, nên chẳng hề tư vị ai. Người đời cứ
theo điều công chánh mà làm thì ắt có Quỉ Thần chứng giám hộ trì cho.
Nếu ai bất nhân bất nghĩa, làm điều trái đạo, phải
tội với Trời, thì dẫu có cầu nguyện cúng tế quanh năm cũng không ích gì. “Hoạch
tội ư Thiên, vô sở đảo daõ.” (Phải tội với Trời thì còn cầu nguyện vào đâu
được.)
Chúng ta là người đang sống, chúng ta tin và biết
có Quỉ Thần, nhưng chúng ta không thể biết các việc của Quỉ Thần, cho nên chúng
ta không nên nói điều huyễn hoặc mà gây thành mối mê tín dị đoan. “Vụ dân chi
nghĩa, kính nhi viễn chi.” Nghĩa là : Vụ lấy làm việc nghĩa của người, còn Quỉ
Thần thì nên kính trọng mà xa ra.
4 . Hồn phách :
Đức Khổng Tử nói : “Nhân sinh hữu khí, hữu hồn, hữu
phách. Khí, Hồn, Phách hội chi vị sinh.” Nghĩa là : Người sanh ra có Khí, có
Hồn, có Phách. Khí, Hồn, Phách hội lại gọi là sống.
Con người có sanh ắt phải có tử. Chết rồi thì hài
cốt dần dần tan rã vào đất, còn cái Khí tinh anh thì lên khoảng không gian sáng
rõ rực rỡ. Vậy, chết không phải là hết, chỉ hết cái hình hài, còn cái Khí tinh
anh vẫn còn và đi lên chỗ sáng rõ trong vũ trụ.
Cái Khí tinh anh ấy ở trong con người thì gọi là
Tâm. Tâm là cái thần minh, là cái tia sáng mà Trời phú cho con người để hiểu
biết các sự vật. Khi ta chết, cái tia sáng ấy trở về Trời, còn cái thể xác vật
chất thì bị hủy hoại đi. Bởi cái tư tưởng ấy nên mới nói : Sinh ký tử qui (Sống gởi thác về).
5 . Đạo của Đức Khổng Tử :
Đức Khổng Tử
căn cứ trên lẽ biến hóa mà điều hòa của Trời Đất và đem những tư tưởng
và hành vi của bậc Thánh nhân đời trước mà lập thành Đạo để dạy thiên hạ.
Ở trong cái Đạo ấy, muôn vật đều hóa dục mà không
hại lẫn nhau, các Đạo đều được thi hành mà không trái nhau. Đức nhỏ thì phân
minh như nước sông chảy, đức lớn thì đôn hậu mà sanh hóa vô cùng. Đức Khổng Tử
nói : “ Công kích Đạo khác chỉ hại mà thôi.”
Đạo của Đức Khổng Tử là theo lẽ thường, việc phải
thì làm, việc trái thì bỏ, cốt giữ cái Tâm cho sáng suốt, đừng để tư dục làm
cho ám muội.
Đạo của Đức Khổng Tử không lấy việc Quỉ Thần mà đặt
ra điều mê tín, không lấy sự sống chết mà huyễn hoặc lòng người. Ngài chỉ cốt
lấy Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín, Trung, Hiếu, Kính làm đạo thường.
Đạo của Ngài tùng theo Thiên lý, làm cho sáng cái
đức sáng, khiến người ta càng lúc càng mẫn huệ đến chí thiện mới thôi (Đại học chi đạo, tại minh minh đức,
tại tân dân, tại chỉ ư chí thiện). Đạo không xa cái bổn tánh con người, nếu
người theo Đạo để cho xa cái bổn tánh con người thì đó không phải là Đạo. (Đạo
bất viễn nhân, nhân chi vi Đạo nhi viễn nhân, bất khả dĩ vi Đạo).
Tóm lại, Đạo của Đức Khổng Tử dạy rất kỹ về Nhơn đạo. Nhơn đạo xong
thì mới có thể đến gần được Thiên đạo.
V . Triết lý của Nho giáo :
Triết lý của Nho giáo thuộc về phần Hình Nhi Thượng
học. Sau đây, chúng ta sẽ xem quan niệm của Nho giáo về Vũ trụ và Nhân sinh, về
Thượng Đế và con người.
1 . Vũ trụ quan của Nho giáo
:
Quan niệm về Vũ trụ của Nho giáo được nói rõ trong
Kinh Dịch, giải thích Vũ trụ căn cứ trên thuyết Âm Dương và Ngũ Hành.
“Dịch hữu Thái cực, thị sinh Lưỡng Nghi, Lưỡng Nghi
sinh Tứ Tượng, Tứ Tượng sinh Bát Quái.” Đạo Dịch có Thái Cực, Thái Cực sanh ra
Hai Nghi : Nghi Âm và Nghi Dương; Hai Nghi sanh ra Bốn Tượng là : Thái Âm, Thái
Dương, Thiếu Âm, Thiếu Dương; Bốn Tượng sanh ra Tám Quẻ là : Càn, Khảm, Cấn,
Chấn, Tốn, Ly, Khôn, Đoài.
“ Thoạt đầu tiên, Vũ trụ ra thế nào ? Cứ như những
ý tưởng của người xưa thì lúc đầu vũ trụ chỉ là một khối mờ mịt hỗn độn, tức là
đời Hỗn mang. Trong cuộc Hỗn mang ấy, có cái Lý vô hình rất linh diệu, rất
cương kiện, gọi là Thái Cực. Song Thái Cực huyền bí vô cùng, không thể biết
được bản thể của Lý ấy như thế nào. Ta tuy không biết rõ cái chân tánh và cái
chân tướng của Lý ấy, song ta có thể xem sự biến hóa của vạn vật mà biết được
cái động thể của Lý ấy. Cái động thể của Lý ấy phát hiện ra bởi 2 cái thể khác
nhau là : Động và Tĩnh. Động là Dương, Tĩnh là Âm. Dương đến cực độ thì lại
biến ra Âm; Âm lên đến cực độ thì lại biến ra Dương. Hai thể ấy cứ theo liền
nhau, rồi tương đối điều hòa với nhau để
biến hóa mà sanh ra Trời Đất và vạn vật.
Vậy, khởi điểm của Tạo Hóa là do 2 cái tương đối Âm và Dương mà Đạo Trời Đất cũng khởi đầu
bởi sự biến hóa của 2 tương đối ấy.
Trước 2 cái tương
đối ấy thì dẫu có gì cũng như không, vì không sao mà biết được. Khi 2
cái tương đối ấy đã phát hiện ra thì cái
gì cũng hiển nhiên, không thể nói là không có được.” (Trích Nho giáo của Trần
trọng Kim).
Theo quan niệm nầy thì Đạo Trời Đất lúc đầu rất
giản dị, sau mới biến hóa dần dần đến
chỗ phức tạp, càng biến hóa thì càng phức tạp, thiên hình vạn trạng. Đó là “Nhứt
bổn tán vạn thù”, cái Nhứt bổn ấy là Thái Cực, nhưng dầu phức tạp đến đâu, rồi
cuối cùng cũng qui về một, ấy là “Vạn thù qui nhứt bổn”.
Đức Khổng Tử cho rằng cái Lý Thái Cực rất huyền vi
mầu nhiệm, mà tri thức con người thời đó khó đạt tới, nên Ngài không chú trọng
xét tới, mà chỉ chú trọng cái động thể của nó, tức là Luật Biến hóa của Trời
Đất, tức Luật DỊCH. Ngài thấy Đạo Dịch chi phối vạn vật, phù hợp với hiện thực.
“Dịch không xa sự thật, mà đạo Dịch biến đổi luôn, không ở nhất định chỗ nào,
lưu truyền khắp cả vũ trụ.”
Bỏ cái bản thể mà nghiên cứu cái động thể của Lý
Thái Cực là một quan niệm rất thực tiễn, và đó cũng là khởi điểm cho thuyết tùy
thời của Đạo Nho.
2 . Nhân sinh quan của Nho
giáo :
Người là con cưng của Trời. Sách Thượng Thư viết :
Chỉ có Trời Đất là cha mẹ của vạn vật, trong vạn vật Người là linh hơn cả.
Người là con của Trời mà cũng là dân của Trời, vua
là người thay mặt Trời để cai trị muôn dân. Cho nên, trong các sách của Nho
giáo, chữ dân thường dùng để thay cho chữ Nhơn là Người.
Người và Trời đều đồng một thể. (Thiên Địa Nhơn
đồng nhứt thể.)
Đổng Trọng Thư
có viết rằng :
“ Không gì tinh vi hơn khí Âm Dương, phong phú hơn
Địa, thần linh hơn Thiên, cái tinh của Trời Đất để sanh ra muôn vật không gì là
quí hơn Người.
Người nhận lấy mệnh Trời, cho nên siêu nhiên hơn
muôn vật. Muôn vật lo sợ tai vạ và không thể thi hành được lòng nhân nghĩa, chỉ
riêng có Người mới có khả năng làm được
điều nhân nghĩa. Muôn vật lo sợ tai vạ nên không thể sánh vai với Trời Đất, chỉ
riêng con Nguời mới có thể sánh vai với
Trời Đất.
Người có 360 tiết sánh với số Trời, hình thể xương
thịt sánh với Đất. Ở trên có tai mắt thông minh, là hình tượng của nhựt nguyệt.
Thân thể có cửa mở, có mạch lạc, tượng hình sông ngòi và thung lũng. Tâm có
thương vui, mừng giận, cùng loại với Thần khí.
Xét thân thể của Người sao mà cao quí hơn muôn
vật thế, và cùng loại với Trời. Muôn vật
nương dựa lấy khí Âm Dương của Trời để sinh hoạt, chỉ có Người lại sáng tỏ rực
rỡ với văn vẻ của Trời.
Thế nên, phàm vật hiện hình ra chẳng cái nào không
tuân theo mệnh Trời mà thi hành, ở địa vị nương tựa, chỉ riêng Người đứng lên
trực tiếp với Trời nên xứng đáng với Trời. Cho nên, tiếp nhận ít của Trời Đất thì ở địa vị nương tựa, tiếp
nhận nhiều của Trời Đất thì ở địa vị chính đáng. Ở đây thấy loài người biệt lập
với muôn vật mà tham hợp với Trời Đất.
Cho nên, thân thể của Người có đầu rộng mà tròn,
tượng hình nội dung của Trời; lông tóc tượng hình các vì sao; tai mắt lanh lợi
tượng hình mặt trăng mặt trời; mũi mồm hô hấp tượng trưng gió và không khí;
trong bụng đạt đến hiểu biết tượng hình Thần minh, bụng ruột đầy rổng tượng
hình muôn vật.
Tượng trưng của Trời Đất, tương quan của khí Âm
Dương thường thấy thiết dụng ở thân Người. Thân Người cũng như Trời, tương tham hợp với số Trời, nên cùng liên hệ với
Trời bằng sinh mệnh.
Trời lấy số ngày trong một năm để lập nên thân thể
của Người, cho nên 360 tiết nhỏ để tương
hợp với số ngày, tiết lớn 12 phần tham hợp với số tháng. Ở trong có 5
tạng tham hợp với số Ngũ Hành. Ở ngoài có Tứ Chi (2 tay và 2 chân) tham hợp với
4 mùa. Chợt thấy chợt mở tham hợp với ngày đêm, chợt rắn chợt mềm tham hợp với
mùa đông mùa hạ. Chợt thương đau, chợt vui mừng tham hợp với khí Âm Dương. Tâm
có tính toán suy nghĩ, tham hợp với độ số . . .
Ở đâu đếm được thì tham hợp với số, ở đâu không đếm được thì tham hợp
với loài. Ở đây có sự đồng nhất ở cả 2 bên, và chỉ có một sự tham hợp của Người với Trời.” (Trích trong
Nhân phó Thiên số, Phồn lộ, Quyển 13, Đổng Trọng Thư)
Cho nên Trời Đất là Đại Thiên Địa thì Người là Tiểu
Thiên Địa; Trời Đất là Đại Vũ trụ thì Người là Tiểu Vũ trụ.
Vũ trụ mà không có Người là vũ trụ không hoàn toàn,
bởi vì vũ trụ là một đại hòa điệu của Tam Tài (Thiên, Địa, Nhơn), mà thiếu đi
một yếu tố thì sự hòa điệu không còn.
Trời và Người quan hệ mật thiết với nhau, bởi
thế mới lấy phép tắc tự nhiên của Trời làm mô phạm của Người, lấy Thiên
luân làm Nhơn luân, lấy Thiên đạo làm Nhơn đạo.
Nho giáo lấy ý dân làm ý Trời, sự sáng suốt của
Trời hiện ra ở trong sự sáng suốt của dân, dân muốn chính là Trời muốn. Sự sáng
suốt của Người thường bị mất đi là do lòng vật dục che khuất, do đó mà không cảm ứng được với Trời.
Con người có 2 phần : Một phần là thân thể vật chất
hữu hình , và một phần vô hình phú bẩm nơi Trời Đất. Cái phần vô hình ấy
là Lý Thái Cực, cũng gọi là Thần minh,
Tâm hay cái tia sáng linh diệu (Linh quang).
Khi chết rồi, thân xác chôn xuống đất, thúi rã tan
nát trở thành đất (Địa), còn cái phần tinh anh linh diệu thì bay lên khoảng
không gian sáng rõ rực rỡ. Vậy chết không phải là hết, chỉ hết cái hình hài xác
thịt mà thôi, còn cái Khí tinh anh tức là Tinh thần thì lại về chỗ sáng rõ ở
trong vũ trụ.
Cái phần chiêu minh ấy ở trong người gọi là Tâm.
Tâm là cái Thần minh ở trong vạn vật, là cái tia sáng linh diệu của Trời phú
cho ta để hiểu biết sự vật. Vũ trụ sở dĩ có là bởi có tia sáng ấy, chứ không
thì dẫu có cũng như không. Vạn vật nhờ có cái tia sáng ấy mà biết là có và biết
có Trời. Người ta có cái phẩm giá tôn quí là cũng nhờ bởi cái Tâm. Có cái Tâm
thì Trời Đất rõ ràng, vạn vật linh hoạt.
Đến khi người ta mệnh chung thì cái tia sáng ấy trở
về Trời, còn cái thân vật chất thì hẩm nát đi.
Bởi lý tưởng
ấy, cổ nhân nói rằng : “Sinh ký dã, tử qui daõ”. Nghĩa là : Sống là gởi vậy, chết là về vậy. Trong câu nói ấy hàm chứa sự
Luân hồi. (Theo Nho giáo Trần trọng Kim)
3 . Quan niệm về Thượng Đế :
Nho giáo gọi Thượng Đế là Thiên, tức là Trời.
“Nhưng ta phải biết rằng quan niệm của Đức Khổng Tử
về Trời hay Thượng Đế không giống như quan niệm của phần nhiều người thường
tưởng tượng là Trời hay Thượng Đế là một Đấng có hình dáng, có tình cảm, có tư
dục như người ta. Trời hay Thượng Đế chỉ là cái Lý vô hình, rất linh diệu, rất
cương kiện, mà khi đã định sự biến động ra thế nào thì dẫu làm sao cũng không
cưỡng lại được.” (Nho giáo Trần tr. Kim).
Thượng Đế là vua của Càn Khôn Vũ trụ, thống ngự vạn
vật và loài người.
“Hoàng hỹ Thượng Đế, lâm hạ hữu hách, giám qua Tứ
phương, cầu dân chi mạc.” Đấng Thượng Đế rất lớn, soi xuống rất rõ ràng, xem
xét 4 phương để tìm nỗi thống khổ của dân mà cứu giúp.
Trong Nho giáo, Thượng Đế chính là Thái Cực, là
Đấng Tạo Hóa duy nhứt, hóa sinh vạn vật.
“Thiên giả vạn vật chi tổ, vạn vật phi Thiên bất
sinh. Độc Âm bất sinh, độc Dương bất sinh. Âm Dương dữ Thiên Địa tham, nhiên
hậu sinh.” Trời là tổ của muôn vật, muôn vật không có Trời không sanh ra được.
Một mình khí Âm không sanh, một mình khí Dương không sanh. Âm Dương cùng với
Trời Đất tham hợp, rồi sau mới sanh.
Nho giáo quan niệm vua (Nhân quân) là người thay
mặt cho Trời mà cai trị dân chúng và mưu cầu hạnh phúc cho dân chúng, nên gọi
vua là Thiên tử (con của Trời).
VI . Kinh điển của Nho giáo :
Trước thời Đức Khổng Tử, Đạo của Thánh Hiền được
chép trong các sách : Dịch, Thi, Thư, Lễ, Nhạc.
Đức Khổng Tử nghiên cứu các sách ấy, rồi Ngài chú
giải Kinh Dịch, chỉnh đốn Kinh Lễ và Nhạc, san định Kinh Thi Kinh Thư, và cuối
cùng Đức Khổng Tử trước tác Kinh Xuân Thu.
Sau khi Đức Khổng Tử mất, các sách ấy bị mất mát ít
nhiều. Đến đời Tần Thủy Hoàng, có cuộc đốt sách và chôn học trò (Phần thư khanh
Nho), thành ra kinh sách của Nho giáo không còn được bao nhiêu.
Đến đời nhà Hán, Đạo Nho mới được phục hưng. Hán
Cao Tổ sai người tìm nhặt các sách thì không tìm được quyển nào còn nguyên vẹn,
nhứt là Kinh Nhạc mất gần hết, chỉ còn lại một thiên, phải đem ghép vào Kinh
Lễ.
Hiện nay, những sách ấy tuy có sai lạc đi ít nhiều,
nhưng các hậu Nho đã góp nhặt và phụ họa thành Ngũ Kinh, kể ra sau đây :
1 . Kinh Dịch. 2 . Kinh Thi.
3 . Kinh Thư. 4 . Kinh Lễ Nhạc.
5 . Kinh Xuân Thu.
Những sách do các môn đệ của Đức Khổng Tử làm ra
sau thời Đức Khổng Tử gồm 4 quyển, gọi là Tứ Thư, kể ra :
1 . Luận Ngữ của Tăng Tử.
2 . Đại Học của Tăng Tử.
3 . Trung Dung của Tử Tư.
4 . Mạnh Tử của Mạnh Tử.
A . NGŨ KINH :
1 . Kinh Dịch :
Dịch là sách mà người xưa thường dùng để bói toán,
xem xét cát hung, và lại là bộ sách Lý học rất cao siêu, giải thích lẽ biến hóa
của Trời Đất và sự hành động của vạn vật.
Nguyên người Tàu về thời Thượng cổ đều tin rằng ở trong Trời Đất có lẽ
Âm lẽ Dương, lúc ẩn lúc hiện, biến hóa không lường.
Vua Phục Hy, nhân được Hà đồ, biết được lẽ Âm Dương mới vạch ra thành 8 quẻ
gọi là Tiên Thiên Bát Quái, rồi sau đó lấy 8 quẻ ấy chồng lên nhau, tạo ra được
64 quẻ, mỗi quẻ có 6 hào.
Đến đời vua Hạ Võ, nhờ được Lạc thư mà đặt ra Cửu
Trù để làm biểu lý với Bát Quái của Phục Hy. Những quẻ của Phục Hy là để vẽ các
tượng Âm Dương, còn những trù của vua Hạ Võ là để tính các số Ngũ Hành.
Những quẻ Dịch từ thời vua Phục Hy truyền lại chỉ
vẽ thành các quẻ mà không có văn tự giải thích.
Đến đời vua Văn Vương nhà Châu, khi Ngài bị giam
nơi Dũ Lý, Ngài mới nghiên cứu diễn lại
các quẻ Dịch, và đặt ra Hậu Thiên Bát Quái. Ngài đặt ra Thoán từ để giải thích
ý nghĩa của mỗi quẻ.
Sau đó con của vua Văn Vương là Châu Công Đán
nghiên cứu Kinh Dịch, rồi viết ra Hào từ để cắt nghĩa mỗi Hào trong mỗi quẻ.
Song sự học Dịch là sự học Tâm truyền, chỉ để cho
người nọ truyền cho người kia mà thôi, cho nên những lời Thoán từ của Văn Vương và Hào từ của Châu Công cắt
nghĩa rất vắn tắt, có lắm câu, ý nghĩa xa xôi lơ lửng, thật khó hiểu. Đó là
Kinh Dịch trước thời Đức Khổng Tử chỉ có bao nhiêu đó mà thôi.
Đến đời Đức Khổng Tử, Ngài mới theo những Thoán từ của Văn Vương và Hào từ của Châu Công, rồi lấy cái kinh nghiệm hiểu
biết của Ngài về nhân sự thiết thực mà cắt nghĩa thêm ra cho rõ, tức là Ngài
làm ra Thoán Truyện và Tượng Truyện. Giải cái Tượng của cả quẻ thì gọi là Đại
Tượng, giải cái Tượng của một Hào thì
gọi là Tiểu Tượng.
Đức Khổng Tử sợ cắt nghĩa như thế chưa đủ, Ngài lại
làm thêm những thiên : Hệ Từ Truyện, Văn Ngôn Truyện, Thuyết Quái Truyện, Tự
Quái Truyện, Tạp Quái Truyện, gồm tất cả 10 thiên, gọi chung là Thập Dực hay là
Truyện.
Ngài lại lấy nghĩa lý mà phân Kinh Dịch ra làm 2
phần gọi là Thuợng Kinh và Hạ Kinh.
- Thượng Kinh để quẻ Càn, quẻ Khôn lên đầu, bởi vì
Càn Khôn là bản thỉ của Âm Dương, tông tổ của vạn vật.
- Hạ Kinh thì để quẻ Hàm và quẻ Hằng lên đầu, bởi
vì 2 quẻ nầy là mối đầu của Nam Nữ tạo thành đạo vợ chồng. Nhơn đạo do đó mà
hưng thịnh lên.
Từ đó, Kinh Dịch có 2 thiên Kinh (Thượng Kinh, Hạ
Kinh) và 10 thiên Truyện, cả thảy là 12 thiên. Trong những thiên Truyện, Đức
Khổng Tử giải thích rõ ràng các ý nghĩa sâu xa ở Kinh Dịch và phát huy những tư tưởng uyên áo về Tạo
Hóa, những quan niệm đặc biệt về vũ trụ và vạn vật. Ngài thành lập một nền Lý
học rất cao siêu của Nho giáo.
Đức Khổng Tử học Dịch mất rất nhiều công phu. Khi
Ngài đã già, Ngài đã xem Kinh Dịch đến 3 lần đứt lề, mới làm ra được các thiên Truyện, thế mà Ngài
còn nói : “ Gia Ngã sổ niên tốt dĩ học Dịch, khả dĩ vô đại quá hỹ.” Nghĩa là :
Giá cho ta thêm được mấy năm nữa để ta học Dịch cho trọn vẹn thì khả dĩ không
có điều lầm lớn vậy.
Một bộ sách mà Thánh nhơn đã phải dụng tâm nhiều
đến như thế và cho là khó hiểu như thế, tất là có bao nhiêu tư tưởng kỳ diệu
trong đó.
Vậy bộ Kinh Dịch mà chúng ta đang có hiện nay đã
trải qua sự đóng góp của 4 vị Thánh nhân: Vua Phục Hy, Vua Văn Vương, Châu Công
Đán và Đức Khổng Tử.
2 . Kinh Thư :
Kinh Thư là bộ sách chép những Điển, Mô, Huấn, Cáo,
Thệ, Mệnh của vua tôi dạy bảo khuyên răn nhau, từ đời vua Nghiêu vua Thuấn cho
tới đời Đông Châu.
Sách ấy là một bộ sử rất có giá trị, khiến cho hậu
thế có thể biết được tư tưởng của cổ nhân về đạo lý, chế độ và phép tắc từ đời nọ qua đời kia và hiểu được sự tiến hóa
của dân tộc Tàu.
Nhưng vì Kinh Thư bị nhà Tần đốt mất, đến đời nhà
Hán mới có quan Bác sĩ của nhà Tần tên
là Phục Sinh (có người nói là con gái của ông ấy) nhớ thuộc lòng, đọc cho chép
lại được 29 thiên.
Sau, ở nước Lỗ, lại tìm được trong vách nhà Khổng
Tử một tập gồm 25 thiên viết bằng chữ cổ.
Những thiên của Phục Sinh đọc chép lại, được gọi là
Kim văn; những thiên tìm được nơi vách nhà của Đức Khổng Tử thì gọi là Cổ văn. Về sau, Khổng An Quốc đời
Đông Hán, xếp cả Kim văn và Cổ văn làm thành Kinh Thư truyền đến ngày nay.
Xem Kinh Thư thì biết cái tánh chất phác và lối văn
chương của cổ nhân. Những hành vi và tư tưởng chép trong Kinh Thư đều lấy hai
chữ CHẤP TRUNG làm cốt.
3 . Kinh Thi :
Kinh Thi là bộ sách chép những bài ca, bài dao, từ
thời Thượng cổ đến đời vua Bình Vương nhà Châu. Ca là bài hát có điệu có vần,
dùng vào lúc tế tự hay khi có việc hỷ việc hiếu. Dao là lời hát truyền khẩu của
dân gian thôn dã.
Xem Kinh Thi thì biết những tánh tình, phong tục và
chánh trị qua các đời vua và các nước chư Hầu của nước Tàu. Như Mân phong nói về cái tục cần kiệm của người
nước Mân; Vệ phong thì nói về cái tục dâm mỹ của người nước Vệ; Tần phong là
nói về cái sự hối quá của người Tần. Đại Nhã và Tiểu Nhã nói về việc chánh trị
thịnh suy đời nhà Châu.
Học Kinh Thi là để di dưỡng tánh tình và để mở rộng
tri thức của con người. Kinh Thi có nhiều ý tứ, nhưng khi xem sách nầy, phải
giữ cái Tâm cho chánh thì sự học mới có lợi.
Đức Khổng Tử nói : “ Thi tam bách, nhất ngôn dĩ tế
chi : Tư vô tà.” Nghĩa là : 300 bài trong Kinh Thi, lấy một lời mà nói trùm cả
là : Không nghĩ bậy.
4 . Kinh Lễ :
Kinh Lễ là bộ sách chép những lễ nghi để hàm dưỡng
những tình cảm tốt, để giữ trật tự lớn
nhỏ phân minh và để tiết chế tình dục. Phàm những tình cảm của con người mà
không có cái gì để bồi dưỡng luôn luôn thì dần dần nó biến đổi hay hóa dở được.
Dùng Lễ là có ý để gây nuôi những tình cảm tốt.
Người ta ở trong xã hội có những việc quan hệ đến phong tục, đến tôn giáo. Nếu
không có phép tắc rõ ràng thì việc tế tự, việc hiếu, việc hỷ, cách ăn uống ở
làng, ở nước thành ra hồ đồ hỗn độn; việc thù tiếp thành ra khó xử.
Dùng Lễ là để phân biệt tôn ti, thân sơ, và để giải
quyết những sự hiềm nghi.
Người ở đời, ai cũng có lòng tư dục, nếu không có
qui củ để phòng giữ trước thì nó hay khiến người ta làm những điều bất nhân bất
nghĩa. Dùng Lễ là để tài chế các hành vi cho hợp với lẽ phải.
Học Lễ thì cần phải hiểu chữ “Vô bất kính”, nghĩa là không có điều gì là
không kính. Đối với mình, cũng như đối với người, bao giờ cũng lấy sự kính làm
chủ. Không có kính thì bao nhiêu Lễ thành ra hư văn vô ích. (Theo Nho giáo của
Trần trọng Kim).
5 . Kinh Xuân Thu :
Sau khi Đức Khổng Tử san định các Kinh, Ngài bắt
đầu sáng tác Kinh Xuân Thu để bày tỏ hết
cái Đạo của Ngài.
“ Kinh Xuân Thu là bộ sách của Khổng Tử làm ra.
Ngài theo lối văn làm sử mà chép chuyện nước Lỗ, kể từ Lỗ Ân Công đến Lỗ Ai
Công. Trong sách ấy chép cả việc nhà Chu và việc các nước chư Hầu.
Xem hình thể bề ngoài thì nó là một bộ sử biên
niên, lời lẽ vắt tắt, lắm chỗ hình như không có ý nghĩa gì cả, nhưng xét rõ đến
tinh thần thì thật là một bộ sách triết lý về đường chánh trị.”
Mạnh Tử là người đã hiểu rõ Kinh Xuân Thu, nên nói
rằng : “ Kinh Thi hết, nhiên hậu mới làm
ra Kinh Xuân Thu. Việc ở trong sách Xuân Thu là việc Hoàn Công nước Tề, Văn
Công nước Tấn, văn trong sách là văn sử, nghĩa thì Khổng Tử nói rằng : Khâu nầy
trộm lấy đó vậy. Nghĩa là Ngài lấy truyện ở trong các sách nước Tấn, nước Sở,
nước Lỗ mà biểu thị cái ý nghĩa của Ngài muốn bày tỏ ra. Thời Xuân Thu bấy giờ,
xã hội Tàu loạn lạc, vua các nước chư Hầu làm nhiều điều bạo ngược và ai cũng
muốn lấn quyền Thiên tử nhà Châu. Ngài không muốn để sự phê bình phán đoán của
Ngài động chạm đến những người quyền thế đương thời, vả lại cái học sâu xa của
Ngài là cái học tâm truyền, nên Ngài mượn lối văn làm sử nói việc đã qua để ngụ
cái vi ý của Ngài.
Sách Trang Tử cũng có nói ở thiên Thiên hạ rằng :
Xuân Thu dĩ đạo danh phận. (Sách Xuân Thu là để nói cái đạo danh và phận).
Vậy cứ theo ý kiến của các nhà hiền triết thời
Chiến Quốc thì sách Xuân Thu là sách để
Tâm truyền cái đại nghĩa Danh và Phận về đường luân lý và chánh trị, chớ không
phải là sách chép sử như người ta thường vẫn hiểu lầm.
Sách Xuân Thu có 3 chủ nghĩa là :
- Chính danh tự,
- Định danh phận,
- Ngụ bao biếm.
Chủ ý của Đức Khổng Tử là tôn vua nhà Châu, dẫu đời
bấy giờ các nước chư Hầu có nhiều người không biết đến vua Nhà Châu đi nữa,
nhưng Ngài chép ngay đầu sách là : “Xuân Vương Chính nguyệt”, nghĩa là : Mùa
Xuân, tháng Giêng, vua nhà Châu, để tỏ cái ý vẫn nhận nhà Châu làm chủ thiên
hạ. . . .
Xem Kinh Xuân Thu thì phải biết cái ý nghĩa và vị
trí của từng chữ. Mỗi chữ là để định rõ người tà người chánh, như Thiên tử chết
thì chép là băng, vua chư Hầu chết thì chép là hoăng, ông vua cướp ngôi làm sự
tiếm đoạt mà chết thì chép là toà, người làm quan ngay chánh chết thì chép chữ
tốt, làm quan gian nịnh chết thì chép chữ tử. Người nào có danh phận chánh đáng
thì chép rõ chức phẩm và tên tự, người nào mà danh phận không chánh đáng thì
dầu có chức phẩm gì cũng chỉ chép có một tên tục mà thôi.
Sự khen chê của Ngài cốt ở những chữ Ngài dùng. Có
khi chỉ vì một chữ chê mà thành ra tiếng xấu muôn đời, một chữ khen mà được
tiếng thơm thiên cổ.
Bởi thế, người đời sau bàn Kinh Xuân Thu nói rằng :
“Nhứt tự chi bao, vinh ư hoa cổn; nhứt tự chi biếm, nhục ư phủ việt.” Nghĩa là
: Một chữ khen thì vinh như cái áo hoa cổn của vua ban cho, một chữ chê thì
nhục như bị tội rìu búa.
Đức Khổng Tử thấy đời suy, đạo mờ, các tà thuyết
dấy lên, những sự hung bạo rất nhiều, con giết cha, tôi giết vua, cho nên Ngài
lấy làm lo sợ mà làm ra Kinh Xuân Thu để định cái Chánh thể, chủ ở sự Chính
danh Định phận cho hợp Đạo lý và cho rõ sự thưởng phạt.
Sách Xuân Thu là sách định chế độ quân chủ. Đức
Khổng Tử biết rằng trong một nước không thể không có quyền quân chủ, song Ngài
lại sợ rằng những người giữ quyền quân chủ thường hay lạm dụng thế lực của mình
mà làm nhiều điều tàn bạo. Vậy nên Ngài
mới lấy cái nguyên của dương khí mà thống trị việc Trời, lấy Trời mà
thống trị các vua chúa, và bày tỏ một cách đặc biệt ở sách Xuân Thu để hạn chế cái
quyền của vị nhân quân. Nhưng những người làm vua làm chúa đã dễ mấy người hiểu
được cái lẽ thâm viễn siêu việt ấy, cho nên Ngài mới lấy những điều tai dị như :
Nhựt thực, Nguyệt thực, sao chổi, việc động đất, vv
. . . là những điều hiển nhiên để cảnh giới những bậc nhân quân. Ngài muốn
những bậc ấy phải lấy những điềm lạ ấy
mà kinh sợ, tự mình tu
tỉnh và làm những điều nhân nghĩa.
Đó là cái vi yù của Đức Khổng Tử trong sách Xuân
Thu.
Đức Khổng Tử còn sợ người ta không hiểu rõ cái ý
ấy, nên Ngài nói : “ Tri Ngã giả kỳ duy Xuân Thu hồ, tội Ngã giả kỳ duy Xuân
Thu hồ.” Nghĩa là : Người biết Ta cũng chỉ ở Kinh Xuân Thu, người trách tội Ta
cũng chỉ ở Kinh Xuân Thu.
Biết Ngài là biết tấm lòng của Ngài sợ những Tà
thuyết, những bạo hành càng ngày càng nhiều ra, nên Ngài tỏ cái phương pháp chánh trị để đổi loạn ra trị,
trừng trị những kẻ tàn bạo gian ác. Trách tội Ngài là vì không hiểu cái ý của
Ngài mà cho là Ngài tiếm làm việc của Thiên tử, hoặc là ngờ Ngài dùng những
điều tai dị để làm mê hoặc người đời.
Học giả nên chú ý mà hiểu cái thâm ý và cái khổ tâm
của Ngài trong sách Xuân Thu.
Về sau, Hán Nho thường không hiểu rõ cái phần uyên
thâm ấy, chỉ chú trong vào cái thuyết Âm Dương, Ngũ Hành, gây thành mối mê tín,
thật là sai cái ý nghĩa trong sách Xuân Thu vậy. (Theo Nho giáo của Trần trọng
Kim).
B . Tứ Thư :
Sự học của Nho giáo có nhiều lý tưởng cao siêu,
nhưng có thể nói một câu vắn tắt là cái học chú trọng ở luân thường đạo lý. Sự
học chủ trương biến hóa và tùy thời, vụ sự thực tại, còn những viển vông ngoài
việc sinh hoạt trần thế thì không bàn đến. Muốn biết những điều dạy về sự học
ấy ra sao, chúng ta phải xem Tứ Thư, là 4 quyển sách do các môn đệ của Đức
Khổng Tử đặt hết tâm trí vào đó.
1 . Đại học :
Sách Đại Học là sách dạy những người lớn, từ 15
tuổi trở lên, khi đã vào được bậc Đại học, dạy cho biết cách ở đời để ra gánh
vác việc dân việc nước.
Theo các Nho gia thì sách Đại học do Tăng Tử (Tăng
Sâm) làm ra để diễn giải các lời nói của Đức Khổng Tử.
Nội dung của sách chia
ra 2 phần :
- Phần trên có một
thiên, gọi là Kinh, gồm những lời nói của Đức Khổng Tử.
- Phần dưới có tất cả 9
thiên, gồm những lời giảng giải của Tăng Tử.
Mục đích và tôn chỉ của
sách nầy là nói về cái đạo của người quân tử, trước hết phải sửa cái Đức của
mình cho sáng tỏ để mọi người noi theo, làm sao đến chỗ Chí thiện. Muốn được
vậy, trước hết phải Cách vật (hiểu lẽ sự vật), phải Trí tri (thông suốt vấn
đề), phải Thành ý (ý chí thành thật), phải Chánh tâm (lòng phải ngay thẳng).
Làm được 4 điều ấy theo thứ tự trước sau thì sẽ sửa được mình (Tu thân), yên
được nhà (Tề gia), trị được nước (Trị quốc), và bình được thiên hạ (Bình thiên
hạ). Như thế mới là cái đạo của người quân
tử.
Cái gốc của đạo người quân tử là sự Tu thân. Đó là
điều cốt yếu của sách Đại học.
2 . Trung Dung :
Sách Trung Dung do Ông Tử Tư làm ra. Tử Tư là cháu
nội của Đức Khổng Tử, học trò của Tăng Tử, thọ được cái học tâm truyền của Tăng
Tử.
Trong sách Trung Dung, Tử Tư dẫn những lời của Đức
Khổng Tử nói về thuyết Trung Dung, tức là nói về cách giữ cho ý nghĩ và lời
nói, cũng như việc làm đều ở mức trung hòa, không thái quá, không bất cập, và
phải cố gắng ở đời theo Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín, cho thành người quân tử,
theo bực Thánh nhân.
Sách Trung Dung chia làm 2 phần :
-
Phần 1 : Từ chương thứ 1 cho đến chương thứ 20, là phần chánh, gồm những lời của
Đức Khổng Tử dạy các học trò về đạo lý Trung dung, phải làm sao cho Tâm được :
Tồn, Dưỡng, Tĩnh, Sát; mức ở gồm đủ Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín, cho hòa với vạn
vật, hợp với lòng Trời, để trở thành người quân tử.
-
Phần 2 : Từ chương 21 đến chương 33, tức chương cuối là phần phụ, gồm những ý
kiến của Tử Tư giảng giải thêm cho rõ ràng
ý nghĩa và giá trị của 2 chữ
Trung Dung.
Cả 2 quyển Đại học và Trung dung trên đây, nguyên
khi trước là những thiên trong Kinh Lễ Ký, sau các Nho gia đời Tống tách riêng
ra làm 2 quyển, để hợp với sách Luận Ngữ và Mạnh Tử thành bộ Tứ Thư.
“ Hai chữ Trung Dung bao gồm hết cái uyên áo của
Triết lý Nho giáo, phát dương được cái đạo lý biến hóa của vũ trụ và nhân sinh
một cách có hệ thống.
Trung Dung là cái Đạo tâm đắc của Đức Khổng Tử,
được truyền thụ bằng Tâm, nghĩa là dùng Tâm mà lãnh hội, chớ không phải dùng
lời nói mà giảng giải cho đủ lẽ được, vì ý tứ siêu việt và nghĩa lý rất u ẩn.
Đức Khổng Tử quan sát những bí ẩn của Trời Đất,
thấy rõ lẽ vận hành biến hóa tự nhiên của vũ trụ, tức Ngài hiểu được Thiên đạo,
rồi Ngài dựa theo chơn lý ấy mà phát minh những phép tắc dùng cho con người và
cho xã hội.
Trong Thiên đạo, chữ TRUNG là yếu điểm, vì sự vận
hành của vũ trụ bao giờ cũng điều hòa, bình hành, nên Trời Đất mới định vị, vạn vật mới sanh sanh hóa hóa vô cùng.
Nhơn đạo phải theo cái TRUNG thì hành động mới trúng tiết và hợp lẽ phải.
Vậy Trung Dung là đạo lý làm người, là chơn lý của
nhơn sinh. Nhưng theo đạo Trung Dung rất khó, phải giữ cái Tâm cho công chánh,
cố gắng bỏ hết tư tâm, khắc phục tư dục, phát triển cái Thiên lý bản nhiên của
Trời phú cho, tìm đạo ở trong Tâm mình mà tự hiểu lấy, rồi tin theo thì tư
tưởng và hành vi mới thuần nhiên
như Thiên lý.”
Trong phần Tử Tư
dẫn giải những lời của Đức Khổng Tử
nói về đạo Trung Dung, Ông nói : “Trung hòa là cái tính tự nhiên của
Trời Đất, mà Trung Dung là cái đức hạnh của người ta. Trung là giữa, không
thiên lệch bên nào, Dung là thường, nghĩa là dùng đạo Trung Dung làm đạo
thường.”
Đạo Trung Dung thì ai cũng có thể theo được, thế mà
không mấy người chịu theo, khác nào như ai cũng ăn uống cả, nhưng ít người ăn
mà biết rõ mùi vị vậy. Chỉ có Thánh nhân
mới học được mà thôi, vì theo đạo ấy cốt phải có 3 cái đạt đức là : Trí,
Nhân, Dũng. Trí là để biết rõ các sự lý; Nhân là để hiểu điều lành mà làm; Dũng
là để có cái chí khí cương kiện mà theo làm điều lành cho đến cùng. Ba cái đạt
đức ấy là 3 cái cửa đi vào Đạo.
Cho nên nói rằng : Hiếu học cận hồ Trí, lực hành
cận hồ Nhân, tri sỉ cận hồ Dũng. Nghĩa là : Thích học là gần có Trí, cố sức mà
làm là gần có Nhân, biết thẹn là gần có
Dũng.
Có 3 điều ấy
mới sửa được mình, trị được người, và trị được quốc gia thiên hạ.
“Sách Trung Dung nói cái đạo của Thánh nhân căn bản
ở Trời, rồi diễn giải ra hết mọi lẽ khiến người ta phải giữ mình cho kính cẩn
trong khi hành động và cả khi im lặng một mình. Suy cái lý ấy ra cho đến sự
Nhân Nghĩa, để khiến cho thiên hạ được
bình trị, và lại tán dương cái công hiệu linh diệu của Đạo ấy cho đến chỗ tinh
thần vô thanh vô sắc mới thôi.
Thật là một quyển sách Triết lý rất cao, tưởng các
sách đời cổ truyền lại, chưa có sách nào bàn đến cái Lý học siêu việt như thế.
(Theo Nho giáo của Trần trọng Kim).
Qua sách Trung Dung, người ta thấy rõ nhận thức và
quan niệm của Nho giáo về Vũ trụ , về sự biến hóa của vạn vật, về lẽ “Thiên Địa
vạn vật đồng nhứt thể” và “Thiên Nhơn tương
dữ”, tức là đã đem Thiên đạo vào Nhơn đạo, cũng nói rõ sự tương quan giữa Tâm và Vật, tức là giữa Tinh thần
và Vật chất, giữa Tri và Hành.
Đó là những vấn đề rất quan trọng của Triết học từ
ngàn xưa cho đến ngày nay.
3 . Luận
Ngữ :
Luận Ngữ là sách ghi chép những lời của Đức Khổng
Tử dạy học trò và những lời nói với
người đương thời.
Sách Luận Ngữ gồm 20 thiên, mỗi thiên đều lấy chữ đầu đặt tên, và các
thiên không có liên hệ gì với nhau cả.
Đọc sách nầy, người ta hiểu được phẩm cách và tánh
tình của Đức Khổng Tử, nhứt là về giáo dục. Ngài tỏ ra là một vị thầy hiểu thấu
tâm lý học trò, khéo đem lời giảng dạy cho thích hợp với từng trình độ, từng
hoàn cảnh của mỗi người. Như có khi cùng
một câu hỏi mà Ngài trả lời cho mỗi
người mỗi khác.
Trình Y Xuyên đời nhà Tống nói : Có người đọc xong
sách Luận Ngữ mà không thấy gì cả; có người đọc xong rồi lại thấy thích thú một
vài câu; có người đọc xong cảm thấy rất thích thú đến độ múa tay múa chân mà
không hay biết.
Bởi vậy, đọc
sách Luận Ngữ thì phải đọc chậm rãi, suy nghĩ cho tường tận, càng suy nghĩ càng
phát hiện được nhiều điều hay.
Trình Y Xuyên còn nói : Ai đọc xong sách Luận Ngữ
mà vẫn còn những tánh nết như trước khi
chưa đọc thì người ấy chưa hiểu được sách Luận Ngữ vậy.
Tóm lại, sách Luận Ngữ dạy cho biết cái đạo của
người quân tử một cách thực tiễn, mô tả tánh tình, đức độ của Đức Khổng Tử để
làm mẫu mực cho người đời noi theo.
4 . Mạnh Tử :
Sách Mạnh Tử là bộ sách do Ông Mạnh Tử hợp cùng các
môn đệ của Ông : Nhạch Chính Khắc, Công Tôn Sửu, Vạn Chương, làm ra để ghi chép
lại những điều đối đáp giữa Mạnh Tử và các vua chư Hầu, giữa Mạnh Tử và các môn
đệ, cùng với những lời phê bình các học thuyết khác như của Mặc Địch, Dương
Chu.
Sách Mạnh Tử có 7 thiên chia làm 2 phần : Phần Tâm
học và phần Chánh trị học.
a) Tâm
học :
Mạnh Tử cho rằng,
mỗi người có cái Tánh thiện do Trời phú cho. Sự giáo dục phải lấy cái
Tánh thiện đó làm căn bản, giữ cho nó không mờ tối, và trau giồi cho nó phát
triển để thành người lương thiện.
Tâm là cái Thần minh của Trời ban cho người. Như
vậy, Tâm của ta với Trời đều cùng một thể.
Học là để giữ cái Tâm, nuôi cái Tánh, biết rõ lẽ
Trời mà theo chánh mệnh.
Nhân và Nghĩa vốn có sẵn trong cái lương tâm của
người. Chỉ vì ta đắm đuối vào vòng vật dục nên lương tâm bị mờ tối đi, thành ra
phải bỏ mất Nhân Nghĩa.
Mạnh Tử đề cập đến Khí Hạo nhiên, cho rằng nó là
cái tinh thần của người đã hợp nhứt với Trời.
Phần Tâm học của Mạnh Tử rất sâu xa, khiến học giả,
dù ở địa vị hay cảnh ngộ nào cũng giữ được phẩm giá tôn quí.
b)
Chánh trị học :
Mạnh Tử chủ trương : “ Dân vi quí, xã tắc thứ chi,
quân vi khinh ”. Đây là một tư tưởng
rất mới mẻ và táo bạo trong thời quân
chủ chuyên chế thạnh hành.
Ông nhìn nhận chánh thể quân chủ, nhưng ông vua
không được quyền lấy nhân dân làm của riêng mình. Phải Duy dân và Vì dân. Muốn
vậy phải có Luật pháp công bằng. Dẫu vua, quan, cũng không có quyền vượt ra
ngoài pháp luật đó được. Người trị dân trị nước phải chăm lo việc dân việc
nước, để cho đời sống của dân được sung túc, rồi phải lo giáo dục dân để dân
hiểu rõ luật pháp mà tuân theo, lấy Nhân Nghĩa làm căn bản để thi hành.
Chủ trương chánh trị của Mạnh Tử thật vô cùng mới mẻ và táo bạo, nhưng rất hợp lý, làm cho
những người chủ trương quân chủ chuyên chế thời đó không thể bắt bẻ được.
Phải chăng, đây là lý thuyết khởi đầu hình thành
chế độ Quân chủ Lập hiến sau nầy ?
Tóm lại, bộ sách Mạnh Tử rất có giá trị. Phần Tâm
học trong sách nầy là đỉnh cao nhất trong học thuyết của Nho giáo. Nho gia đời
Tống Trình Y Xuyên nói : “ Kẻ đi học nên lấy sách Luận Ngữ và sách Mạnh Tử làm
cốt. Đã học được 2 bộ sách nầy thì không cần phải học Ngũ Kinh, cũng thông rõ
được Đạo của Thánh Hiền.”
Tóm lại, bộ sách Tứ Thư của Nho giáo ra đời cách
nay hơn hai ngàn năm, đã trải qua bao lần sóng gió theo những giai đoạn thăng
trầm của lịch sử Trung hoa, lần thì bị bạo chúa Tần Thủy Hoàng gom hết các sách
đốt đi, lần thì bị tiêu tan trong những cuộc nội chiến triền miên của Trung
quốc, do đó không tránh khỏi cái nạn tam sao thất bổn.
Đến đời nhà Tống, bộ Tứ Thư mới được các danh Nho tu chỉnh lại. Trước
nhất là 2 anh em họ Trình : Trình Hạo
(1032-1085) tự là Bá Thuần, Trình Di (1033-1107), tự là Chính Thúc, hiệu
là Y Xuyên, nên thường gọi là Trình Y Xuyên, hai anh em nghiên cứu soạn tập và
chú giải Tứ Thư và Ngũ Kinh. Tiếp theo sau đó, Ông Chu Hy (1130-1200) hiệu là
Hối Am, bổ cứu, sắp đặt và phân ra chương cú cho có thứ tự minh bạch.
Ngày nay có những bản sách Tứ Thư và Ngũ Kinh là do
công lao của 2 anh em họ Trình và của ông Chu Hy trong thời nhà Tống.
VII .
Tiểu sử của Đức Khổng Tử :
Đức Khổng Tử tên là Khâu, tự là Trọng Ni, sanh ngày
27 tháng 8 âm lịch năm Canh Tuất (551
trước Tây lịch), đời vua Linh Vương năm thứ 21 nhà Châu, tương ứng với đời vua Lỗ Tương Công năm thứ 22, tại
làng Xương Bình, huyện Khúc Phụ, nước Lỗ, bây giờ là tỉnh Sơn Đông nước Tàu.
Đức Khổng Tử là dòng dõi của Vi Tử Khải và Vi Tử
Diễn, 2 người nầy đều là anh ruột của vua Trụ, con của vua Đế Ất nhà Thương
(cũng còn gọi là nhà Ân).
Sau khi Châu Võ Vương diệt vua Trụ, mở ra nhà Châu,
Ông Châu Công Đán hợp cùng Khương Thượng, sắp đặt cho Vi Tử Khải làm vua nước Tống, để trông nom việc tế
tự các vua nhà Thương. Vi Tử Khải mất, em là Vi Tử Diễn lên thay.
Cháu 13 đời của Vi Tử Diễn là Thúc Lương Ngột, làm
quan Đại phu nước Lỗ, là thân phụ của Đức Khổng Tử.
Ngài lấy họ Khổng, bởi vì Thúc Lương Ngột là dòng
dõi của Khổng Phùng Thúc, biệt lập ra họ Khổng kể từ Khổng Phụ Gia, sau 5 đời
Công Khanh thế tập ở nước Tống.
Thúc Lương Ngột có người vợ cả họ Thi, sanh được 9
người con gái, một người vợ lẽ sanh được một con trai nhưng bị què một chân,
tên là Mạnh Bì, tự là Bá Ni.
Năm Thúc Lương Ngột 70 tuổi, sợ không có người kế
tự, mới sai người đến
nhà họ Nhan để cầu hôn. Họ Nhan có 5 người con gái đều chưa gả chồng, có
ý chê Thúc Lương Ngột quá già, mới bảo
với các con rằng :
- Các con có đứa nào thuận kết duyên với quan Đại
phu ở Châu Ấp đó không ?
Bốn người con gái lớn đều làm thinh, người con gái
út là Trưng Tại đứng dậy thưa rằng :
- Phép làm con gái, khi còn ở nhà thì theo lời cha,
cha đặt đâu con xin ngồi đó.
Họ Nhan nghe con gái út nói thế thì lấy làm lạ,
liền gả Trưng Tại cho Thúc Lương Ngột.
Trưng Tại đã kết duyên với Thúc Lương Ngột rồi, vợ
chồng lo về sự hiếm hoi không có con trai nối dõi, nên cùng nhau vào núi Ni Sơn
cầu tự. Khi Trưng Tại trèo lên núi Ni sơn, bao nhiêu lá cây đều rung động lên
cả. Khi làm lễ cầu tự xong, đi trở xuống thì lá cây lại rủ xuống như cũ.
Đêm hôm ấy, Trưng Tại nằm mộng thấy Thần Hắc Đế
triệu đến mà bảo rằng :
- Sau nầy, nàng sẽ sanh con Thánh, nhưng khi nào
lâm sản thì nên vào ở trong hang núi Không Tang.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét