Từ 2 Trung tâm Đức và Thụy Sĩ, Đạo Tin Lành nhanh
chóng truyền sang các nước khác ở Châu Âu. Ở nước Pháp, có Jacques Lefèbvre
lãnh đạo; ở nước Anh có Thomas Cramer và Guillaume Tyndale lãnh đạo, ở Hà
Lan có Gerurg Groot lãnh đạo, vv . . .
Đến cuối thế kỷ 16 thì Đạo Tin Lành có được một số
tín đồ khá đông đảo, tách khỏi hẳn Công giáo La Mã.
II . Cải cách tôn giáo ở nước
Anh :
Thành lập Anh giáo.
Phong trào cải cách tôn giáo ở nước Anh xảy ra dưới
thời vua Henri VIII.
Vua Henri VIII sanh năm 1491 tại Greenwich, được
truyền ngôi lên làm vua năm 1509, lúc đó vua mới 18 tuổi, và làm vua đến năm
1547.
Lúc mới lên ngôi, vua Henri VIII chống lại giáo
thuyết cải cách của Martin Luther và Jean Calvin, bênh vực Giáo quyền La Mã,
được Giáo Hoàng ca ngợi là người bảo vệ tín ngưỡng.
Tuy nhiên, với bản tính độc đoán, vua Henri VIII
muốn tập trung quyền lực trong tay, nên đã phản đối Giáo Hoàng La Mã vì Giáo
Hoàng không cho Ông ly dị với Hoàng Hậu Catherine d’Aragon và phạt vạ Ông.
Nhà vua
quyết định xóa bỏ Giáo quyền La Mã đối với Giáo hội Công giáo tại nước Anh.
Năm 1534, dưới áp lực của vua Henri VIII, Pháp viện
Anh ban hành luật “Quyền Tối Thượng” chính thức đưa vua Henri VIII lên đứng đầu
Giáo hội Công giáo ở nước Anh và có quyền như
Giáo Hoàng : được tuyển chọn phong chức Linh Mục, Giám Mục, giống như
việc bổ nhiệm các viên chức quan lại trong triều đình. Vua Henri VIII ra lịnh
đóng cửa các Dòng Tu, phát mãi các tài sản sung vào công quỹ.
Vua Henri VIII chỉ
mới giành giựt quyền lực tôn giáo về cho nhà vua, chớ việc cải cách tôn
giáo chưa thực hiện được thì nhà vua qua đời.
Con gái của vua Henri VIII lên nối ngôi làm vua
nước Anh là Nữ Hoàng Mary.
Nữ Hoàng Mary đưa Giáo hội nước Anh trở lại phục
tùng Giáo Hoàng La Mã.
Sau đó, đến thời Nữ hoàng Catherine I, cũng là con
gái của vua Henri VIII, và là em khác mẹ với Nữ Hoàng Mary, lên nối ngôi vào
năm 1558 cai trị nước Anh, phong trào cải cách tôn giáo ở Anh mới có điều kiện phát triển.
Các Giám Mục Cramer, Tyndale, Paker, hoạt động rất
tích cực và khôn khéo, đưa tư tưởng Luther và Calvin vào làm chuyển biến Giáo
hội Công giáo ở Anh.
Năm 1563, Giám Mục Paker, dựa trên 42 Tín điều mà
Giám Mục Cramer đã soạn từ năm 1552, điều chỉnh lại thành 39 Tín điều, trình
lên Pháp viện Anh xin thông qua, được Pháp viện Anh đồng ý, nên được chánh thức
trở thành những Tín điều của Anh giáo (tức là Anh quốc
giáo, tôn giáo riêng của nước Anh) và tồn tại đến ngày nay.
Về mặt giáo thuyết, Anh giáo dựa trên quan
điểm Thần học của Jean Calvin, nhưng
cách thực hiện thì dựa theo nghi lễ của Công giáo. Về tổ chức, Anh giáo lập
Giáo hội riêng, không quan hệ với Tòa Thánh La Mã, nhưng duy trì các cơ cấu tổ
chức và hàng Giáo phẩm giống y như Công giáo, vẫn có Giáo Phận (Địa Phận), Giáo
Xứ, có các Giám Mục, Linh Mục coi sóc, nhưng họ không sống độc thân như bên
Công giáo, mà họ được cưới vợ như các Mục Sư của đạo Tin Lành.
III . So sánh Công giáo và Tin Lành :
Đạo Tin Lành có rất nhiều tổ chức và hệ phái khác
nhau, nhưng nhìn chung, họ đều có sự thống nhứt về nội dung và các nguyên tắc
chánh.
Nếu so sánh Đạo Tin Lành và Công giáo về các phương
diện như : Giáo lý, Luật pháp, Lễ nghi, và Tổ chức thì chúng ta thấy có những
điểm tương đồng và những điểm dị biệt kể
ra sau đây :
1. Hai đạo đều lấy Kinh Thánh gồm Cựu Ước và
Tân Ước làm nền tảng Giáo lý.
Đạo Tin Lành không tin tưởng những điều nào ngoài
Kinh Thánh.
Công giáo cho rằng, ngoài Kinh Thánh còn có các văn
bản khác không kém phần quan trọng là các Nghị quyết của các Công Đồng Chung,
các Thông điệp và Sắc chỉ của Đức Giáo Hoàng.
2 . Hai đạo đều tôn thờ Thiên Chúa (Đức Chúa Trời),
tin thuyết Chúa 3 Ngôi : Ngôi 1 là CHA, Ngôi 2 là CON, Ngôi là Thánh Thần. Tin
Chúa tạo dựng ra Trời Đất, Vũ trụ và vạn vật, tin con người do Thiên Chúa tạo
ra, có Tội Tổ Tông, tin có Ngôi Hai là Đức Chúa Jésus Christ giáng trần chịu
nạn chết trên Thánh giá để chuộc tội cho loài người, tin có ngày Phục Sinh và
Ngày Phán Xét cuối cùng.
3. Đạo Tin Lành không tôn thờ Đức Mẹ Maria như Công
giáo.
4. Đạo Tin
Lành tin có Thiên sứ, có Thánh Tông đồ, các Thánh Tử đạo, và các Thánh khác,
nhưng không sùng bái và thờ kính họ.
Đạo Tin Lành không thờ các tranh ảnh, hình tượng,
không tôn sùng và thực hiện việc hành hương đến Thánh địa Jérusalem, Núi Sinai,
Đền Thánh Phêrô và Phaolô.
5 . Đạo Tin Lành tin có Thiên đàng và Địa ngục,
nhưng không quá coi trọng đến mức dùng nó làm công cụ để khuyến thưởng hay đe
dọa các tín đồ.
6 . Đạo Tin Lành là một tôn giáo đặc biệt đề cao lý
trí trong Đức Tin, cho rằng sự siêu rỗi chỉ đến bởi Đức Tin, chớ không phải vì
những hình thức Nghi lễ. Do đó, Luật lệ và Lễ nghi của Đạo Tin Lành rất đơn
giản so với Công giáo.
7 . Trong 7 Phép Bí tích của Công giáo, Đạo Tin
Lành chỉ thừa nhận 2 Bí tích sau đây :
- Bí tích Rửa tội (Baptême)
- Bí tích Thánh thể. vì họ cho rằng, trong Kinh
Thánh Tân Ước chỉ có ghi 2 Bí tích đó mà thôi.
Nghi lễ Baptême của Đạo Tin lành được tiến hành
theo lối cổ như Thánh Gioan rửa tội cho Chúa Jésus trên sông Jordan bằng cách
dìm cả người xuống nước, chớ không dội một
ít nước lên đầu một cách tượng trưng như Công giáo.
Phép Thánh Thể của Công giáo rất rườm rà phức tạp,
tín đồ chỉ được ăn bánh Thánh, còn rượu Thánh thì không được uống mà dành cho
các Linh Mục. Đạo Tin Lành thực hành nghi lễ nầy đơn giản hơn nhiều. Tất cả tín
đồ cùng với Mục Sư ăn bánh Thánh và cùng
uống rượu Thánh.
8 . Công giáo cho rằng, con người không những phải
làm việc thiện mà còn phải hãm mình để chuộc tội.
Đạo Tin Lành quan niệm việc chuộc tội cho loài
người đã có Chúa Jésus làm trọn rồi, nên
con người làm việc thiện là để tỏ
ra xứng đáng với Thiên Chúa và được Thiên Chúa cứu vớt.
9 . Tín đồ Công giáo xưng tội trong phòng kín với
Linh Mục, là hình thức chủ yếu; còn Đạo Tin Lành thì tín đồ chỉ xưng tội trực
tiếp với Thiên Chúa mà thôi.
10. Nhà Thờ của Công giáo được xây dựng qui mô và
rất tốn kém, kiến trúc theo lối cổ, bài trí công phu và cho rằng đây là nơi
Chúa ngự một cách linh thiêng, đặc biệt, trong và ngoài Nhà Thờ đều treo nhiều
ảnh tượng.
Nhưng trái lại, Nhà Thờ Tin Lành thường theo kiến
trúc hiện đại, đơn giản, không treo tượng ảnh. Bên trong nhà Thờ chỉ có đặt một
cây Thập tự giá biểu tượng Chúa chịu nạn.
11 . Giáo sĩ của Đạo Tin Lành chỉ có 2
bực : Mục Sư và Truyền Đạo (cũng gọi là Giảng Sư). Giáo sĩ Tin Lành được phép
có vợ và con cái, xây dựng hạnh phúc gia đình bình thường như bao nhiêu người
khác, không buộc phải giữ độc thân như
các Giáo sĩ Công giáo.
Tín đồ Đạo Tin Lành, muốn lên làm Mục Sư, thì phải
học đạo, qua thời gian tập sự rồi mới được bổ nhiệm chức Truyền Đạo. Một thời
gian sau, nếu xét thấy có nhiều khả năng thì
mới phong lên hàng Mục Sư.
Việc phong chức và bổ nhiệm 2 chức Truyền Đạo và
Mục Sư do một Hội Đồng đặc biệt của Giáo
Hội quyết định.
Các Mục Sư
Tin Lành không có quyền thay mặt Thiên Chúa ban phước hay tha tội cho
tín đồ, không phải là cầu nối trung gian giữa Thiên Chúa và tín đồ. Điều nầy
hoàn toàn trái hẳn với các Linh Mục Công giáo La Mã.
12 . Về phương diện tổ chức, Đạo Tin Lành không lập ra một Tổ chức Giáo Hội
Trung Ương như Công giáo, mà lại xây dựng nhiều Giáo hội riêng rẽ, độc lập và
tự trị. Dưới Giáo Hội là các Chi Hội.
Đại Hội các cấp của Giáo Hội Tin Lành được gọi là Đại Hội
Đồng, có toàn quyền quyết định các công việc của toàn Giáo Hội.
IV . Các Hệ phái Tin Lành :
Cuối thế kỷ 18 và đầu thế kỷ 19, Đạo Tin Lành trở
thành một tôn giáo quốc tế với khoảng 200 triệu tín đồ, phần lớn ở Âu Châu và
Bắc Mỹ Châu.
Đến thế kỷ 20, qua 2 cuộc Chiến tranh Thế giới
(1914-1918) và (1939-1945) đã tạo điều kiện cho Đạo Tin Lành mở rộng ảnh hưởng
đến các nước ở Á Châu và Phi Châu.
Trước đây cũng như hiện nay, Đạo Tin Lành luôn luôn
xây dựng phương thức truyền giáo năng động, luôn luôn thích nghi, đặc biệt là
chủ trương nhập thế, lấy các hoạt động xã hội về từ thiện làm phương tiện để thu hút tín đồ.
Đạo Tin Lành lại hướng các hoạt động truyền giáo
đến các dân tộc ít người, còn bán khai về văn hóa, chưa có một tôn giáo chánh
thức. Truyền đạo ở các nơi nầy, Đạo Tin Lành tôn trọng các phong tục và tạp
quán của dân chúng địa phương, và đơn giản các luật lệ của Tin Lành để dễ dàng
hòa nhập vào địa phương, nên đã rất thành công.
Đến nay, sau gần 500 năm phát triển khắp thế giới,
Đạo Tin Lành có tới 500 triệu tín đồ, với hơn 300 Hệ phái khác nhau, tập trung
nhiều nhất ở Âu Châu và Bắc Mỹ Châu.
Sau đây là một số
Hệ phái lớn trên thế giới :
1 . Phái Trưởng Lão (Presbytérianisme)
:
Phái nầy do John Knox lập ra ở Scotland từ năm 1560
theo giáo thuyết cải cách của Calvin, lan rộng ra đến Ireland, Anh, Hà Lan. Về
tổ chức, Knox chủ trương xây dựng chế độ Trưởng Lão, các Chi Hội hợp thành Giáo
Khu, các
Giáo Khu
họp thành Khu Hội. Mỗi cấp như thế đều có một Hội
Đồng Trưởng Lão . Hiện nay, có khoảng 20 Giáo Hội Trưởng Lão, với khoảng 25
triệu tín đồ, riêng ở Mỹ chiếm hơn 10 Giáo Hội Trưởng Lão với 5 triệu tín dồ.
2 . Phái Thánh Tẩy (Baptisme) :
Phái Thánh Tẩy hay phái Bắp-tít bài xích kịch liệt
lễ Rửa tội cho trẻ sơ sanh của Giáo Hội Công giáo La Mã, và cho rằng chỉ nên
rửa tội cho người lớn. Vì vậy, ai theo phái Bắp-tít đều phải chịu Phép Rửa tội
lại, gọi là Anabaptist, nghĩa là người được rửa tội lần thứ nhì.
Hiện nay trên thế giới có khoảng 70 triệu tín đồ
theo phái Bắp-tít trong đó Giáo hội Bắp-tít Nam Mỹ (Southern Baptist
Convention) lập năm 1845 có 15 triệu tín đồ.
3 . Phái Mennonism :
Phái nầy do Linh Mục Men-nô đứng đầu, rất tích cực
tham gia các công cuộc từ thiện về Y tế và Giáo dục, có lập ra một tổ chức từ thiện rất lớn lấy tên là : Mennonite
Central Committee, viết tắt MCC, hoạt động rất kết quả ở nhiều nước trên thế
giới.
4 . Phái Ngũ Tuần (Pentecôtisme) :
Giáo thuyết của phái nầy dựa vào tín điều ghi trong
Kinh Thánh rằng : Sau Lễ Phục Sinh 50 ngày là ngày
Lễ Ngũ tuần, Đức Thánh linh hiện xuống gặp gỡ ban sức mạnh cho các môn đệ của
Chúa Jésus, khi đó, tất cả đều được đầy dẫy Thánh linh, . . .
Phái Ngũ tuần không tổ chức một Giáo hội Thống
nhứt, mà chia thành nhiều Giáo hội riêng, tự trị.
Năm 1921, phái Ngũ tuần tổ chức Đại hội ở
Amster-dam Hà Lan, lập ra Liên Hiệp các Giáo hội Ngũ tuần, để hỗ trợ nhau trong
sinh hoạt tôn giáo và truyền giáo.
Hệ phái nầy có khoảng 35 triệu tín đồ.
5 . Phái Giám Lý (Méthodisme) :
Vào nửa đầu thế kỷ 18, Giáo hội Anh giáo tại nước
Anh rơi vào tình trạng suy thoái về lễ nghi, hình thức thờ phượng, khủng hoảng
về Đức tin và không ổn định tổ chức. Mục Sư John Wesley và em là Charles Wesley đứng lên cầm đầu phong trào
chấn hưng Giáo hội bằng việc lập ra các nhóm truyền đạo tình nguyện, đi giảng
về những phương pháp đưa con người đến
chỗ hoàn thiện về đạo đức để được cứu vớt.
Do đó, những môn đệ của Wesley được gọi là
Methodist, dịch là Giám lý. Phái Tin lành Giám lý có khoảng 60 triệu tín đồ có
mặt ở khắp nước Anh, Mỹ, Canada, và các nước thuộc địa cũ của nước Anh.
6 . Phái
Cơ-đốc Phục Lâm (Adventisme) :
Phái Cơ-đốc Phục Lâm xuất hiện ở Mỹ vào giữa thế kỷ
19, dựa theo lời phát biểu của Ông Miller rằng, Ông sẽ là người chứng minh sự
tái lâm của Đức Chúa Jésus vào những năm 1843 và 1844. Lời tiên tri của Ông
Miller hoàn toàn sai, nhưng phong trào Cơ-đốc Phục Lâm vẫn tiếp tục phát triển.
Do đó, đầu thế kỷ 20, Bà Eller White, một trí thức Tin Lành tiếp tục phát triển
và hoàn chỉnh tư tưởng Miller, tạo nên phái
Cơ-đốc Phục Lâm.
Phái nầy tham gia nhiều hoạt động xã hội, nhất là
trên lãnh vực Y tế, Giáo dục,Cứu trợ
nhân đạo, có mặt ở các nước Bắc Mỹ, Tây Âu, Đông Nam Á, có khoảng 15 triệu tín
đồ.
7 . Phái Môn đệ Đấng Christ :
Phái nầy xuất phát từ nước Mỹ vào đầu thế kỷ 19, do
Mục Sư B.W. Stone lập ra do sự ly khai
Giáo hội Trưỡng Lão vào năm 1824.
Phái Môn đệ Đấng Christ cho rằng chỉ có Kinh Thánh
Tân Ước là mẫu mực duy nhứt của Đức tin và là danh hiệu của Đấng Christ.
Phái nầy phát triển chủ
yếu ở Mỹ và Canada, có chừng 3 triệu tín đồ.
8 . Phái những Nhà khoa học Giáo hội Christ :
(The church Christ
Scientists, viết tắt CCS)
Phái nầy hoạt động khá
tích cực trong các lãnh vực văn hóa xã hội, nhứt là về Truyền thanh, Truyền
hình và Xuất bản. Tờ báo của phái nầy là tờ “ The Christian Science Monitor”
(Người
hướng dẫn khoa học đạo Ky-tô), phát hành khá rộng rãi ở nhiều nước trên thế giới
.
9 . Hội Liên
Hiệp Phúc Âm và Truyền giáo :
(The Christian and Missionary Alliance, viết tắt
CMA)
Mục đích và nhiệm vụ của CMA được xác định ngay từ
khi thành lập là : Truyền bá Tin Lành ra khắp thế giới , nhứt là những nơi chưa
được nghe danh Đấng Jésus Christ, khuyến khích các Mục Sư Tin Lành đi truyền
giáo bằng cách cung cấp lực lượng Giáo sĩ và hỗ trợ tài chánh.
Hiện nay, CMA truyền giáo đến 50 quốc gia. Việt Nam
và khu vực Đông Nam Á là những nơi truyền giáo có kết quả lớn của CMA.
Như trên đã nói, Đạo Tin Lành rất chú trọng các
hoạt động xã hội, nhứt là lãnh vực nhân đạo và từ thiện. Do đó, các Hệ phái Tin
Lành đã thành lập hoặc bảo trợ rất nhiều tổ chức xã hội từ thiện, xin kể ra sau
đây :
- Tổ chức Hỗ trợ và
Phát triển Cơ-đốc Phục Lâm : Adventist Development
Relief Agency (ADRA).
- Ủy Ban Dịch Vụ người Bạn Mỹ : American Friend
Service Committee (AFSC).
- Ủy Ban Cứu tế và Từ thiện của Phái Mennonism :
Mennonite Central Committee (MCC).
- Ủy Ban giúp đỡ Y tế cho trẻ em : Children Medical
Relief Committee (CMRC).
- Quỹ Bảo
trợ Nhi đồng Cơ-đốc : Christian Children ‘s
Fund (CCF).
- Tổng đoàn Thanh niên Cơ-đốc : Young men ‘s
Christian Association (YMCA).
- Đất Lành : Terre des Hommes.
- vv . . . .
. . . . . .
V . Đạo Tin Lành ở Việt Nam
:
Đạo Tin Lành được truyền vào VN từ cuối thế kỷ 19,
do Hội Liên Hiệp Phúc Âm Truyền giáo CMA.
Năm 1887, Mục Sư A.B. Simpson, người sáng lập Phái
CMA đến truyền giáo ở miền Nam Trung quốc, rồi sang nghiên cứu tình hình của
nước VN. Sau khi trở về, Ông Simpson viết trên Tạp chí “ Word, Work and World “
số tháng Giêng năm 1887 như sau : “Miền bán đảo Đông Dương đã bị lãng quên quá
nhiều. Vương quốc An Nam phải được chinh phục cho Đấng Ki-tô. Tại sao Vương
quốc An Nam nầy cùng với Tây Tạng lại không được dân sự của Đức Chúa Trời xem
như một trong những khu vực truyền giáo đầu tiên của cuộc tiến hành mới.”
Năm 1893, Mục Sư
D. Seclacheur đến Sài gòn.
Năm 1897, Mục Sư
C.H. Recver đến Lạng Sơn.
Năm 1899, Mục Sư
R.A. Faffray đến Hà Nội.
Năm 1901, Mục Sư
S. Dayan đến Hải Phòng.
Năm 1911, ba Mục Sư
Faffray, Hoster, Hosler đến Đà Nẳng lập Hội Thánh Tin Lành đầu tiên. Sau
đó, 2 Mục Sư Faffray và Hosler trở lại Trung quốc.
Năm 1918, Hội CMA đã lập được 5 Chi Hội Tin Lành ở
Bắc Việt, 6 Chi Hội ở Trung Việt, và 5 Chi Hội ở Nam Việt. Tất cả các Chi Hội
Tin Lành nầy đều được cấp giấy phép hoạt động của Chánh quyền thuộc địa Pháp và
của Triều đình Huế, lấy tên là : Hội
Thánh Tin Lành Đông Pháp (Mission Evangelique de l’Indochine Francaise, viết
tắt : MEI).
Năm 1924, 1925, 1926, tại Đà Nẳng tổ chức liên tiếp
3 Đại Hội Đồng của Hội Thánh Tin Lành Đông Dương.
Năm 1926, để ngăn chận sự ảnh hưởng của Mỹ ở Đông
Dương, lấy cớ Hoà Ước 6-6-1884 chỉ ghi quyền tự do truyền đạo của Công giáo,
nên đạo Tin Lành bị cấm hoạt động. Lệnh cấm nầy được hủy bỏ khi phong trào dân
chủ ở nước Pháp lên cao.
Năm 1927, Đại Hội Đồng lần thứ 4 tại Đà Nẳng bầu ra
Ban Trị Sự Tổng Liên Hội Hội Thánh Tin Lành VN, Mục Sư Hoàng trọng Thừa làm Hội
Trưởng đầu tiên.
Năm 1928, thông qua điều lệ của Tổng Liên Hội.
Năm 1931, Tổng Liên Hội chia ra làm 3 Hạt : Hạt Bắc
Kỳ, Hạt Trung Kỳ và Hạt Nam Kỳ.
Năm 1932, hệ phái CMA truyền đạo Tin Lành lên vùng
Tây Nguyên.
Năm 1933, Hệ phái Cơ-đốc Phục Lâm truyền giáo ở các
Tỉnh miền Bắc, lúc đó quen gọi là Hội Sabato vì chỉ làm lễ Sabat ngày thứ 7.
Năm 1943, để tránh sự nghi ngờ của quân đội Nhựt,
các Mục Sư CMA ra tuyên bố cam kết đạo
Tin Lành không tham gia chánh trị.
Năm 1954, đạo Tin Lành ở VN có được khoảng 60.000
tín đồ, gần 100 Mục Sư và Truyền Đạo.
Sau Hiệp Định Genève 1954, đạo Tin Lành ở 2 miền
Bắc và Nam VN có sự khác nhau. Một số đông tín đồ Tin Lành miền Bắc di cư vào
Nam, nên ở miền Bắc chỉ còn lại khoảng 5.000 tín đồ và hơn 10 Mục Sư và Truyền
Đạo, nhưng họ cũng tổ chức lại để lập Hội Thánh Tin Lành miền Bắc, vừa hoạt
động tôn giáo, vừa hoạt động yêu nước.
Ở miền Nam VN, CMA đẩy mạnh Hội Thánh Tin Lành miền
Nam, phân làm 3 cấp : cấp trên hết là Tổng Liên Hội, kế đó là cấp Hạt, cấp dưới chót là Chi Hội cơ sở.
Trường Kinh Thánh tại Đà Nẳng được chuyển vào Nha
Trang thành Trường Đại Học : Thánh Kinh Thần Học Viện Nha Trang. Hai trường Tin
Lành Trung cấp xây dựng ở Đà Lạt và Ban Mê Thuộc để đào tạo Giáo sĩ vùng Tây
Nguyên.
Đến năm 1975, Hội Thánh Tin Lành miền Nam có được
250.000 tín đồ, hơn 500 Mục Sư và Truyền Đạo, có hơn 400 Chi Hội, có 7 Hạt :
Bắc Trung Hạt, Nam Trung Hạt, Trung Thượng Hạt, Nam Thượng Hạt, Đông Nam Hạt,
Tiền Giang Hạt, Hậu Giang Hạt.
Có rất nhiều Tổ chức Nhân đạo và Từ thiện của đạo
Tin Lành quốc tế mở các chi nhánh tại VN như : Trưỡng Lão, Bắp-tít, Ngũ Tuần,
Thánh Kinh Hội, Hoàn Cầu Khải Tượng, Tổng đoàn Thanh niên Cơ-đốc, vv . . .
Hồi giáo
* Tổng quát.
* Sự thành lập Hồi giáo,
Tiểu sử Giáo chủ Mahomet.
* Kinh điển.
* Giáo lý.
* Sự bành trướng của Hồi giáo.
* Các Chi phái.
* Số tín đồ.
* Hồi giáo tại VN.
I . Tổng quát :
Tôn giáo nầy được gọi là Hồi giáo vì chúng ta gọi
bắt chước theo người Tàu. Theo từ ngữ của nước Á Rập, nơi sản xuất ra tôn giáo
nầy thì gọi là đạo ISLAM, từ ngữ Islam
có nghĩa là Phục tùng Thượng Đế.
Do đó, Hồi giáo là một tôn giáo dạy các tín đồ phải
phục tùng Thượng Đế một cách hoàn toàn tuyệt đối, không thắc mắc, không bàn
cãi.
Đây là một tôn giáo độc Thần tiêu biểu nhứt, vì tính cách cứng rắn của nó,
muốn cho mọi người đều phải theo Hồi giáo,
đưa người Hồi giáo đến chỗ lẫn lộn giữa Đạo và Đời.
Theo Giáo lý của Hồi giáo, tất cả mọi người mọi
vật, dù ở trên trời hay ở trên mặt đất đều do Thượng Đế tạo nên.
Hồi giáo được chánh thức mở ra từ ngày 16-7-622
(sau kỷ nguyên Tây lịch 622 năm) tại thành phố Medina của nước Á-Rập, và ngày
nầy được chọn là ngày mở đầu kỷ nguyên Hồi giáo.
Người sáng lập ra Hồi giáo là Giáo Chủ Mahomet.
Quyển sách căn bản của Hồi giáo là Thánh Kinh
Coran (Qur’an), ghi chép lại tất cả
những lời giảng dạy của Giáo chủ Mahomet.
II .
Sự thành lập Hồi giáo :
Tiểu
sử Giáo chủ Mahomet .
Giáo chủ Mahomet sanh khoảng năm 570 tại thành phố
Mecca (La Mecque) nước Á-Rập Sê-út (Arabie Séoudite) ở vùng Trung Cận Đông,
trong gia đình Hachim thuộc dòng họ Koraichites. Thân phụ là Abdulla và thân
mẫu là Amina.
Mồ côi cha lúc được 2 tháng tuổi, và mồ côi mẹ năm
lên 6 tuổi, Mahomet ở với ông nội và người bác là Abu Talib.
Chẳng bao lâu, ông nội cũng qua đời, chỉ còn có
bác, nhưng gia đình của bác cũng không khá giả, nên Mahomet phải đi chăn cừu để
kiếm tiền phụ với bác nuôi sống gia đình.
Mahomet được bác cho đi theo đoàn lữ hành đến xứ
Syrie, băng qua các sa mạc, tiếp xúc với nhiều dân tộc, nhiều tôn giáo nhứt là
Do Thái giáo, Thiên Chúa giáo, . . .
Một sự kiện khác xảy ra trong cuộc đời thơ ấu của
Mahomet là cuộc chiến đấu giữa 2 Bộ lạc Á Rập là Quraish và Beni Hawazin tại
Hội chợ hằng năm Okaz. Mahomet đứng về phe của bác là Bộ lạc Quraish, có nhiệm
vụ đi lượm các mũi tên của kẻ thù đã bắn rơi xuống đất để đem về cho bác và cho
Bộ lạc của phe mình. Cậu bé Mahomet rất
được mọi người trong Bộ lạc yêu mến vì tánh cậu rất thành thật, trung
hậu và khiêm tốn.
Nhưng Mahomet sống bằng nội tâm nhiều hơn, không
thèm khát giàu sang. Cuộc sống thầm lặng có vẻ như ẩn dật. Gia đình Abu Talib rất thích hợp để
Mahomet suy tư những mối băn khoăn kỳ lạ của chính bản thân mình. Ông nhớ lại
năm Ông được 5 tuổi, đang lúc thơ thẩn trong sa mạc, bỗng thấy một con chim lửa
từ trên Trời sa xuống, lấy gươm rạch ngực Ông rồi moi tim Ông ra đem rửa sạch. Lúc đó Ông bị mê man đi.
Khi lớn lên, Mahomet gặp một tu sĩ Thiên Chúa giáo,
Mahomét mới thuật lại cho vị tu sĩ ấy
nghe việc thấy chim lửa từ trên Trời sa xuống giữa sa mạc, thì vị tu sĩ đó nói
rằng : “Con chim lửa đó là Thiên Thần Gabriel của Thượng Đế .” Nhân đó,
Mahomet mới hỏi về Đức Chúa Trời, Đức
Chúa Jésus, và những điều giảng dạy của Chúa Jésus.
Sau đó, Mahomet lại quen với một người thợ mù tên
là Ouaraka, thuật cho nghe về Kinh Thánh Cựu Ước, điều luật Talmud của Đạo Do
Thái.
Bác Abu Talib giới thiệu Mahomet đi bảo vệ đàn lạc
đà của bà góa phụ giàu có tên là Khadija đi đến Syrie. Công việc hoàn thành tốt
đẹp. Sau đó Mahomet và Bà góa phụ
Khadija yêu nhau, một mối tình hiếm có vì sự chênh lệnh tuổi tác khá lớn, bà
Khadija 40 tuổi còn Mahomet mới 25 tuổi.
Năm 595, hôn lễ được cử hành. Họ sống rất hạnh
phúc, sanh được 2 con trai và 4 con gái, nhưng chỉ nuôi được một đứa con gái
tên là Fatima.
Dù sống sung sướng trong sự giàu có của bà vợ
Khadija, nhưng thỉnh thoảng Mahomet vẫn thích đi tìm nơi vắng vẻ, xa hẳn người
nhà để suy tư và như có ý trông đợi một hiện tượng mầu nhiệm xảy đến.
Trong thời gian đó, tại Mecca, ngôi Đền linh thiêng
Kaaba cần phải được xây cất lại. Những vật liệu cần thiết được cung cấp đầy đủ.
Trong khi xây cất Đền, một cuộc tranh giành sôi nổi xảy ra giữa 4 người có thế
lực nhất, xem ai là người có đủ tư cách cầm viên đá đen linh thiêng đặt vào
trong bức tường chánh của ngôi Đền.
Khi cuộc tranh cãi đến lúc gay cấn thì Mahomet bước đến, lúc đó Ông được 35
tuổi, và được mời làm trọng tài để giải quyết việc rắc rối nầy.
Mahomet rất bình tỉnh, và ung dung lấy chiếc áo
choàng của Ông trải xuống đất, đặt viên đá đen linh thiêng vào ngay giữa tấm áo
rồi mời 4 người đại diện của 4 thế lực ở Bộ lạc Quraish, mỗi người cầm một góc áo choàng và cùng nhấc lên để đem viên đá đen
đặt vào đúng vị trí của nó.
Như vậy, danh dự được chia đồng đều lên 4 vị ấy, và
hoà bình được vãn hồi mau chóng. Mọi người đều thán phục sự sáng suốt giải
quyết vấn đề của Mahomet.
Năm 610, vào buổi chiều, Mahomet bước ra khỏi hang
đá Hira trong sa mạc, nơi mà Ông thường đến để trầm tư mặc tưởng, bỗng Ông thấy
một khối lửa to lớn từ trên trời sa xuống ập lên đầu Ông, Ông ngã lăn ra nằm mê
man. Khi tỉnh dậy, Ông thấy trời tối thui và bầu trời đầy sao. Ông hồi tưởng
lại việc kỳ lạ vừa mới xảy ra, Ông nhớ
rất rõ là có một vị Thiên Thần có cánh bay đến nắm cổ Ông, mạnh đến ngạt thở,
đưa ra một lá cờ bằng lửa, và bảo : “ Hãy đọc đi.” Ông hoảng sợ và kêu lên là tôi không biết
đọc. (Quả thật Mahomet dốt, không biết chữ). Vị Thiên Thần bảo Ông lần thứ 2,
rồi lần thứ 3. Ônh hỏi lại : “Đọc như thế nào ?” Tức thì vị Thiên Thần liền đọc
to lên cho Ông nghe, tiếng lớn như sấm vang, và các chữ trên lá cờ lửa đó tuần
tự bay đến đâm thẳng vào mình Ông như những mũi tên lửa.
Đại ý 5 câu trên là cờ lửa như sau : “ Hãy nhơn
danh Đấng Thượng Đế cao cả mà truyền rao rằng : Đức Thượng Đế tối cao đã tạo ra
loài người, đã từng dùng cây bút chỉ dạy cho loài người mọi điều bí ẩn mà loài
người không hiểu thấu. Hãy truyền rao đi.”
Mahomet hoảng sợ, cố chạy về nhà, thì tiếng nói của
vị Thiên Thần vang theo : “Mahomet chính là sứ giả của Thượng Đế. Ta đây là
Thiên Thần Gabriel.”
Mahomet đã ngộ Đạo. Đêm Thiên khải ngộ Đạo nầy được
gọi là đêm Kadir, được người Hồi giáo làm lễ lớn và cử hành bằng lễ cầu kinh,
nhịn ăn ban ngày trong suốt tháng chay Ramadan.
Mahomet dường như còn nghi ngờ nên chưa vội thực
hành việc rao giảng, như Thiên Thần Gabriel đã truyền dạy.
Lại một hôm nữa, Mahomet đi vào sa mạc, bỗng nhiên
lên cơn sốt mê man, té xỉu xuống cát, áo choàng che phủ kín đầu. Bỗng Thiên
Thần Gabriel lại hiện ra truyền dạy :
“ Ngươi chớ nên núp dưới áo choàng làm gì ! Hãy
đứng dậy và truyền rao đi. Hãy rao
truyền quyền phép của Thượng Đế.”
Lần nầy, khi tỉnh dậy, Mahomet hết nghi ngờ, tin
chắc mình là Sứ giả của Thượng Đế, và quyết tâm đi truyền rao một Đạo
mới.
Trước hết, Ông phổ độ người nhà gồm : Vợ là bà
Khadija, bạn là Abu Behr (một người giàu có thế lực lớn tại Mecca), em họ là
Ali (cũng là con rễ sau nầy), và tên nô lệ Zaid (người được Ông cứu sống). Đó
là 5 tín đồ đầu tiên của Mahomet.
Sau gần 4 năm lãnh sứ mạng Tiên tri của Thượng Đế,
Mahomet truyền đạo chỉ thâu được khoảng 40 tín đồ.
Những tín đồ của Mohamet được người đời gọi chung
là Muslims.
Phần lớn dân chúng bấy giờ có tín ngưỡng Đa Thần,
nên không chịu nghe theo lời của nhà Tiên tri, Sứ giả của Đấng Thượng Đế, mà
còn buông lời chế diễu, khinh bỉ, đôi khi còn xua đuổi hay khủng bố nữa. Những
người Muslims phải trốn khỏi thành phố Mecca, sang sinh sống ở Abisinya, nơi
đây họ được đối xử tử tế.
Năm 619, bà Khadija qua đời, một sự mất mát to lớn
trong đời Mahomet, kế đến người Bác là Abu Talib cũng mất luôn sau đó.
Địa vị của nhà Tiên tri Mahomet tại Mecca trở nên
nguy ngập. Ông quyết định di cư qua Taif, một thị trấn cách Mecca khoảng 60 cây
số về phía Đông, nhưng ở đây, dân chúng cũng không nghe Ông giảng đạo, mà lại
xua đuổi Ông. Tuy nhiên Ông cũng cảm hóa được một số ít người tin theo Ông và
hứa trung thành với Ông trong một buổi thệ nguyện đầu tiên. Lời Thề như sau:
“ Chúng tôi sẽ không tôn thờ ai ngoài Thượng Đế,
không trộm cắp, không thông dâm, không giết hại trẻ con, không buộc tội oan cho
ai và chúng tôi sẽ vâng lịnh Đấng Tiên tri những điều gì đúng,”
Năm sau, một nhóm người ở Medina tới, gồm 73 đàn
ông và 22 phụ nữ, đã đến tuyên thệ trước Mahomet bằng Lời Thề trên.
Những người
Muslims ở Mecca bị bạc đãi và xua đuổi, nên đã họp thành từng nhóm, rời
bỏ Mecca, di cư đến sống ở Medina. Nhà Tiên tri ở lại Mecca với 2 người bạn là
Abu Bakar và Ali.
Bấy giờ Bộ lạc Quraish nghĩ cách để diệt trừ
Mahomet. Họ bao vây nhà Ông để bắt
và giết Ông,
nhưng
Ông được bí mật báo cho biết trước nên trốn thoát
được cùng với Abu Bakar. Cả hai băng mình đi trong đêm tối, đến ẩn trú trong
một căn hầm cách Mecca 3 dặm. Ngày hôm sau, Bộ lạc Quraish mở cuộc truy lùng,
nhưng Mahomet đã rời căn hầm, đi thẳng đến Medina (Médine).
Ngày đó là ngày 16-7-622 sau Tây lịch, được gọi là
ngày Thánh Di (Hégire). Ngày nầy được dùng làm ngày khởi đầu của Kỷ nguyên Hồi
giáo, và sau ngày nầy, Hồi giáo phát triển mạnh.
Medina bây giờ trở thành một thành phố của người
Hồi giáo (Muslims).
Người Muslims, sau khi ổn định đời sống, họ bắt đầu
chung sức xây dựng Giáo đường Hồi giáo đầu tiên tại Medina.
Bô lạc Quraish vẫn nhất quyết tiêu diệt người
Muslims, mà đứng đầu là Mahomet. Từ Mecca, họ đưa một đoàn quân khỏe mạnh gồm
1000 người tiến đánh Medina. Dân Hồi giáo tại Medina tập trung lại chỉ có 313
quân, nhưng vẫn hăng hái lên đường chống lại quân Quraish. Hai bên dàn quân tại
Badr, cách Medina 30 dặm. Trước khi mở cuộc ác chiến, Mahomet vào căn lều của
Ông để cầu nguyện.
Trận chiến bắt đầu. Quân Hồi giáo với một lòng hy
sinh dũng cảm chiến đấu, đã đánh tan được đoàn quân của Bộ lạc Quraish đông gấp
3 lần. Nhiều vị tướng lãnh của Quraish bị giết chết tại chiến trường.
Cuộc chiến thắng của đoàn quân Muslims ở Badr đã
làm tăng thêm lòng tin tưởng của người Muslims đối với vị lãnh tụ của họ là nhà
Tiên tri Mahomet.
Một năm sau, Bộ lạc Quraish lại tiến đánh Medina để
phục thù, quyết tiêu diệt Mahomet. Lần nầy, đoàn quân của họ đông hơn trước gấp
3 lần, được 3000 quân.
Mohamet tập trung lực lượng Hồi giáo tại Medina,
chỉ được 1000 quân, vẫn quá ít so với quân của Quraish. Tình hình lại có phần
nguy kịch hơn vì trong đoàn quân Muslims, có Abdulla Ubay dẫn 300 quân Hồi giáo
bỏ trốn. Mahomet chỉ còn lại 700 quân.
Trận chiến diễn ra ác liệt tại núi Uhad, nhưng bất
phân thắng bại, hai đạo quân đều bị thiệt hại nặng nề. Quân Quraish ngã lòng nên liền rút lui.
Hai năm sau, Bộ lạc Quraish kết hợp với nhiều Bộ
lạc khác, quyết mở cuộc tấn công tiêu diệt Mahomet và Hồi giáo. Họ tập trung
được 24.000 quân, và họ đem đoàn quân đông đảo nầy quyết đè bẹp thành Medina,
tiêu diệt Hồi giáo.
Lần nầy, Mahomet không dám đem quân ra chận
đánh Quraish, mà lại lập kế phòng thủ,
lo đắp lại thành lũy cho kiên cố, đào hào sâu, tổ chức thủ thành thật chặt chẽ,
đồng thời lo tích lũy lương thực dồi dào, sẵn sàng chống cự lâu dài với quân
Quraish.
Quân Quraish bao vây, công phá thành Medina rất dữ
dội trong suốt một tháng mà không làm gì được, binh sĩ mệt mỏi chán nãn, lại bị
một trận bão thổi qua, làm cho việc tiếp vận lương thực của quân Quraish bị
ngưng trệ, nên quân Quraish đành rút
quân trở về Mecca.
Thế là 3 lần, quân Quraish tiến đánh Hồi giáo ở
thành Medina đều thất bại.
Trong lúc đó, quân Hồi giáo, dưới sự lãnh đạo của
Mahomet được bổ sung càng lúc càng đông, tổ chức huấn luyện thuần
thục, trở thành một lực lượng khá hùng mạnh.
Năm 628 (năm thứ 6 Hồi lịch), Mahomet cảm thấy quân
đội Hồi giáo hiện nay đủ sức mạnh chiến thắng Bộ lạc Quraish, nên Mahomet đích
thân dẫn đại binh Hồi giáo đi đánh thành Mecca, trung tâm của Bộ lạc Quraish.
Kỵ binh của Mecca kéo ra cản đường. Cuộc chiến đấu
kéo dài nhiều tuần lễ, và cuối cùng hai bên đình chiến, ký Thỏa ước Hudaibia.
Theo Thỏa ước nầy, hai bên hưu chiến 10 năm, các tín đồ Hồi giáo hằng năm được
quyền đến thành phố Mecca hành hương 3 ngày, bù lại, Mahomet phải giao trả lại
các tù binh.
Với Thoả ước Hudaibia, Mahomet đã thắng lợi rõ rệt.
Các lãnh tụ của Bộ lạc Quraish tại Mecca phải công nhận uy quyền của Mahomet
bao trùm cả 2 lãnh vực Đạo và Đời, tức là tôn giáo và chánh trị.
Cũng trong thời gian kể trên, Mahomet khuếch trương
thế lực của mình bằng những cuộc hôn nhân chánh trị. Ông kết hôn với con gái
của những gia đình thế lực mà Ông muốn thuyết phục họ theo Hồi giáo, trong đó
có Cô Maimuna là con gái của Ông Abu Sofyan, một lãnh tụ tại Mecca.
Mặt khác, Mahomet mở rộng thế lực bằng quân sự, đem
quân tấn công người Do Thái vì không thuyết phục được họ theo đạo Hồi. Quân Do
Thái thiếu đoàn kết nên bị Mahomet đánh bại. Các Ốc đảo Khaibar, Fabak bị quân
Hồi giáo chiếm đóng.
Năm 630, lợi dụng tình trạng chia rẽ nội bộ trầm
trọng giữa các lãnh tụ của các Bộ lạc tại Mecca, Mahomet kéo đại quân Hồi giáo
tiến chiếm thành Mecca dễ dàng. Đây là một thắng lợi rực rỡ và quan trọng của
đạo quân Hồi giáo, của Mahomet và của cả Hồi giáo.
Tại đây, Mahomet tẩy uế Đền Kaaba, phá nát các
tượng Thần, thiết lập Đền Thờ Hồi giáo, chỉ thờ Đấng Thượng
Đế tối cao
duy nhứt. Mahomet thiết lập thành phố Mecca là Trung tâm Hồi giáo và cũng là
Thánh Địa của Hồi giáo.
Đối với những người đã chống đối Ông trước đây,
Mahomet tuyên bố tha tội cho họ, đồng thời răn cấm quân Hồi giáo không được
cướp giựt của dân hay phá hại tài sản trong thành.
Lòng nhơn đức và sự rộng lượng của Giáo chủ Mahomet
làm cho mọi người cảm phục, nhờ đó, dân chúng nhập theo Hồi giáo rất đông.
Lần lần, dân các Bộ lạc chung quanh Mecca đều nhập
theo Hồi giáo. Mahomet dạy các tín đồ quay mặt hướng về thành Mecca để cầu kinh
hành lễ, để phân biệt với các tín đồ của
Đạo Do Thái.
Các ngày lễ của Hồi giáo được thiết lập và duy trì
mãi đến ngày nay, không hề thay đổi.
Mahomet đặt ra luật lệ cai trị, tổ chức quân đội,
sửa đổi hình luật, thiết lập thuế má, hiệp các bộ lạc rời rạc thành một dân
tộc, cùng theo một đạo là Hồi giáo, thương yêu giúp đỡ nhau, không phân biệt bộ
lạc hay nòi giống, cùng tôn thờ một Đấng Thượng Đế Allah tối cao duy nhất. Đó
là nền tảng của xã hội Hồi giáo.
Trong thời gian truyền bá và phát triển Hồi giáo,
thỉnh thoảng Mahomet như lên đồng, mặt mày nhợt nhạt, mồ hôi đầm đìa, lăn lộn
dưới đất, miệng thốt ra những lời giảng đạo. Các lời giảng đạo nầy được các đồ
đệ ghi chép đầy đủ và tin rằng đây là những lời truyền dạy của Thượng Đế, rồi
kết hợp tất cả lại, tạo thành Kinh Thánh CORAN.
Sau nhiều năm, Mahomet xây dựng được một xã hội Hồi
giáo, với một Đức tin duy nhứt nơi Thượng Đế Allah, một Thánh Kinh Coran, một
ngôn ngữ và một dân tộc.
Lần cuối cùng, Mahomet lên giảng đạo trên núi Arafa
trước một đám đông tín đồ và các đại biểu của các Bộ lạc. Ngài đã giảng, tóm
tắt như sau :
“ Hãy lắng nghe lời ta, vì đây có lẽ là lần cuối
cùng ta gặp các đồng đạo nơi đây.
Ngày hôm nay, Satan đã hoàn toàn thất vọng không
thể ngự trị được trên trái đất nầy. Nhưng nếu các tín đồ nghe lời nó, dù là về
một việc nhỏ nhặt thì cũng là một nguồn vui cho Quỉ. Vậy các tín đồ hãy cẩn
thận để giữ trọn niềm tin.
Các tín đồ có quyền đối với vợ và người vợ cũng có
quyền đối với các tín đồ. Thượng Đế đã trao họ cho các tín đồ, các tín đồ phải
đối xử với tất cả lòng thương yêu. Đối với bọn nô lệ, các tín đồ hãy cho họ ăn
những thứ mà các tín đồ ăn và cho họ mặc như các tín đồ.
Hãy nghe kỹ lời ta và học lấy làm lòng. Phải biết
rõ là một người Hồi giáo là anh em của một người Hồi giáo khác. Các tín đồ đều
đồng đẳng và thuộc một đoàn thể huynh đệ.
Cấm lấy bất cứ thứ gì của người khác nếu không được
người nầy vui lòng tặng. “
Giảng xong, Ngài nói lại 3 lần rằng : “ Ta đã làm
xong sứ mạng chưa ? Ta đã làm tròn Thiên sứ. Vậy Islam hãy là tôn giáo của các
ngươi.”
Ngài trở về thành Medina, đem hết sức lực còn lại
ra huấn luyện đoàn Thánh quân Hồi giáo cho thật tinh nhuệ để tiếp tục sứ mạng
bảo vệ Hồi giáo ở khắp nơi. Ngài cử tướng U Sa Ma lên chức Tổng Chỉ huy đoàn
Thánh quân và long trọng trao cho vị tướng nầy lá cờ lệnh.
Bấy giờ, Mahomet rất yếu vì thọ bệnh, nên trong các
buổi lễ tại Giáo đường, Ngài giao cho Ông Abu Bakar thay Ngài cầm đầu các buổi
lễ.
Sau đó, bệnh tình của Giáo chủ Mahomet trở nặng và
Ngài mất vào ngày 8-6-632 (sau Tây lịch tại đây), hưởng thọ 62 tuổi (năm sanh
570, năm tử 632), lưu lại một sự nghiệp
lớn lao và một nền văn minh mang sắc thái tôn giáo, gọi là nền Văn minh Hồi
giáo.
Ngày hôm sau, Ông Abu Bakar lên thay Giáo chủ
Mahomet, trở thành vị Calife (Khalifa)
thứ nhứt chưởng quản Hồi giáo và cai trị đất nước Á Rập Hồi giáo.
Tóm lại, cuộc chiến đấu bằng võ lực để sinh tồn và
sau đó là để mở rộng biên cương Hồi giáo
đã kéo dài suốt hết cuộc đời của Mahomet. Quân đội Hồi giáo đã chiến đấu 64
trận, trong đó có 24 trận lớn do Mahomet đích thân chỉ huy. Sự thành công của
Mahomet và của lực lượng Hồi giáo có thể được giải thích bằng một số lý do
chính sau đây :
1. Xã hội Á
Rập đã tiến hóa, Đa Thần giáo không còn hợp thời nữa. Các sắc dân du mục bắt
đầu định cư và ranh giới giữa các bộ lạc
bắt đầu bị xóa bỏ để dân chúng hòa hợp
nhau tạo thành một quốc gia hùng mạnh chống lại cuộc xâm lăng của các nước
khác.
2. Mahomet đã tạo ra Hồi giáo với một Giáo lý đặc
biệt làm cho tín đồ tuyệt đối trung thành và phục tùng vị Giáo chủ, tạo ra một
quân đội hùng mạnh và hiếu chiến, gọi là Thánh quân, để mở rộng Hồi giáo bằng võ lực, gọi là các
cuộc Thánh chiến.
3. Mahomet là người rất khôn ngoan và có tài năng
lỗi lạc về nhiều mặt : Quân sự, Chánh trị, Ngoại giao.
Đối với các địch thủ, Ngài biết tùy thời và tùy
trường hợp, khi thì dùng võ lực,
khi thì dùng
ngoại giao, điều đình
hoặc nhượng bộ, để cuối cùng lừa được cơ hội mà
thắng địch.
Đối với các tín đồ, Ngài tỏ ra là một người sành
tâm lý, khéo dùng lời lẽ để thuyết phục, kích thích óc tưởng tượng,
và củng cố đức tin.
Sự thành công rực rỡ của Giáo chủ Mahomet là nhờ sự
kết hợp chặt chẽ 3 yếu tố : Tôn giáo,
Chánh trị và Quân sự.
III . Các Kinh sách của Hồi
giáo :
Hồi
giáo có 3 quyển Kinh sách quan trọng :
- Thánh Kinh Coran.
- Sách Sunna.
- Sách Hadith.
A . Thánh Kinh Coran :
Coran có nghĩa là đọc
đi đọc lại. Đây không phải là tác phẩm của Giáo chủ Mahomet viết ra, mà do các
môn đệ của Mahomet thâu góp chép lại tất cả những lời Thánh dạy do Giáo chủ
Mahomet cảm nhận nói ra, rồi sắp xếp lại cho có hệ thống, tạo thành Kinh Coran.
Sự thâu thập biên chép
kể trên không được thực hiện trong lúc Mahomet còn sống, vì thuở ấy, các môn đệ
chỉ cố gắng nghe và ghi nhớ những lời của Mahomet nói ra.
Mãi đến năm thứ 11 của
Kỷ nguyên Hồi giáo, ngay sau khi Mahomet mất, Ông Abu Bahr mới đứng ra khởi làm
công việc nầy.
Ông Abu Bakar lập thành
một bản Kinh đầu tiên và trao cho Bà Hafca, vợ của Mahomet giữ. Tuy nhiên bộ
Kinh nầy chưa được xem là chánh thức vì còn có những môn đồ khác của Mahomet sưu tập
riêng.
Các Ông : Obavyb Kab,
Ông Abdallahb Masoud, Ông Abu Mousa Migdahb Amr, cũng đã sưu tập và viết ra để tạo
thành một bản Kinh riêng.
Sau đó, Ông Othman nhận thấy có nhiều bản Kinh như
thế có thể gây chia rẽ trong hàng ngũ Hồi giáo, nên Ông quyết định triệu tập
một Hội Đồng để tổng hợp và dung hòa các bộ Kinh trên thành một bộ duy nhứt.
Công trình nầy được đa số đồng ý và tiến
hành ngay, nhưng phải tới 2 năm sau, Bộ Kinh lớn mới được hoàn thành và chánh thức đặt tên là
KINH CORAN (Qur’an).
1 . Về hình thức :
Kinh Coran được chia thành 114 chương, gọi là
Sourates, mỗi chương lại chia ra làm
nhiều đoạn dài ngắn không đều nhau, có chương dài tới 200 đoạn, có chương chỉ
có vài đoạn. Thứ tự thời gian xuất hiện của các chương rất khó phân biệt. Đại
khái, các chương ngắn thì xưa hơn các chương dài và thường đặt ở cuối Kinh.
Trong thủ bản đầu tiên, người ta có ghi số chương ở
đầu Kinh, nhưng không đánh số từng chương. Sau nầy, để độc giả dễ phân biệt,
người ta mới đặt cho mỗi chương một cái tên và đánh số rõ ràng. Không những
thế, người ta đánh số cả các đoạn. Có điều,
mỗi người có lối đánh số khác nhau, mặc dầu số chương giống hệt nhau.
Mở đầu mỗi chương, người ta đều thấy có ghi câu
:
“ Bismilla Hir Rahma Nir Rahim.” Nghĩa là : Nhân
danh Allah, Đấng Đại Từ Bi.
Xuyên qua câu nầy, Mahomet luôn luôn nhận mình chỉ
là người được Thượng Đế truyền và chỉ nhắc lại những lời Thượng Đế dạy, chớ
không phải tự mình đặt ra những lời đó.
2 .
Về Nội dung :
Chương thứ nhứt tức là chương mở đầu, chỉ là một
Bài Cầu nguyện :
“ Lạy Chúa, Chúa của cả muôn loài. Chúa là Đấng mà
chúng con hằng kính yêu tột bực và là vua trong ngày Phán xét.
Chúng con tôn thờ Chúa, và xin Chúa giứp đỡ và dẫn
dắt chúng con theo đường chánh tràn ngập phước lành.
Chúng con không đáng để Chúa giận, chúng con tất cả
đều vô tội.”
Những chương sau có thể được chia làm 2 phần :
- Phần 1 : Những bài giảng ở thành Mecca.
- Phần 2 : Những bài giảng ở thành Medina.
Trong những chương giảng ở Mecca, Giáo chủ thường
nói về mục đích cao cả của Hồi giáo. Thời kỳ, số tín đồ còn ít và người ta còn
chưa mấy tin tưởng vào giáo lý của Mahomet, Ngài hay nói về ngày Thánh xét và
sự phục hồi kiếp khác của người chết. Ngài chỉ trích những người không theo đạo
của Ngài, và còn đe dọa là họ sẽ bị trừng phạt, đồng thời Ngài dùng những từ
ngữ đẹp đẽ để diễn tả cảnh hạnh phúc giàu sang ở cõi Thiên đàng. Trong thời kỳ
nầy, Mahomet đã chịu ảnh hưởng hoàn toàn của Giáo lý Do Thái giáo và Thiên
Chúa giáo.
Ta có thể phân ra làm 3 giai đoạn :
-
Giai đoạn 1: Mahomet giảng say mê và vô cùng mãnh liệt những bài về Thượng Đế. Lời văn
ở đây được gọt dũa rất trôi chảy, đẹp như lời thơ. Thượng Đế mà Mahomet trình
bày giống y như Thượng Đế trong Kinh Cựu Ước của Do Thái giáo. Để gây thêm lòng
tin tưởng cho người nghe, Mahomet luôn luôn dùng những lời thề dưới đủ mọi hình
thức để chứng minh sự xác thực của các lời Thánh dạy.
-
Giai đoạn 2 : Mahomet bớt say mê hơn và có sự trấn tỉnh làm cho lời giảng hiệu quả
hơn. Các bài giảng bớt dài, lời văn cũng bớt gọt dũa và ít dùng các lời thề
hơn.
-
Giai đoạn 3 : Mahomet gần như không giảng nữa, mà lại làm thơ, với nội dung nhắc đi
nhắc lại những gì mà Ngài đã nói trong 2 giai đoạn trước.
Trong những chương giảng ở Medina, Mahomet với tư
cách là một Giáo chủ Hồi giáo, đồng thời cũng là lãnh tụ chánh trị, Ngài nói
nhiều về vấn đề tổ chức một xã hội Hồi giáo hơn là Giáo lý, đặc biệt về vấn đề
chọn lựa và địa vị của một Giáo trưởng, vấn đề nghi lễ. Những gì Mahomet nói,
đương nhiên trở thành luật pháp. Luật nầy hầu hết chịu ảnh hưởng của luật Do
Thái giáo.
B . Sách Sunna :
Sunna, theo tiếng Á Rập, có nghĩa là đức tính, là
phép xử thế mẫu mực.
Sách Sunna được soạn thảo nói về những đức tánh và
cách xử thế của Giáo chủ Mahomet. Đó là những mẫu mực mà các tín đồ phải bắt
chước noi theo. Do đó, sách Sunna bao gồm những lời giải thích các điều luật
của Hồi giáo.
Để thực hiện việc biên soạn sách Suna, người làm
sách đã đi dò hỏi tất cả những người họ hàng của Giáo chủ và những người đã
sống chung với Giáo chủ từ lúc thiếu thời cho đến lúc chết, tất cả những chi
tiết liên quan được ghi lại và phân tích, xếp loại và chú thích.
Vì vậy, ngay từ thế kỷ đầu của Hồi lịch, người ta
cho rằng, sách Sunna có thể vượt qua Kinh Coran. Nói các khác, đối với những
điều mà Kinh Coran và sách Sunna đều có nói tới nhưng lại khác nhau thì người
ta tin sách Sunna hơn là tin theo Kinh Coran.
Kinh Coran chỉ ghi lại những điều mà Giáo chủ nói,
còn sách Sunna thì ghi lại những điều mà Giáo chủ làm.
C. Sách Hadith :
Hadith, theo tiếng Á Rập, có nghĩa là truyền thống,
là tạp quán cổ truyền.
Sách Hadith, xuất hiện sau Kinh Coran và sách
Sunna, sưu tập lại những lời nói, những cử chỉ hành động của Giáo chủ chưa được
nói tới trong Kinh Coran và sách Sunna, và của các đồng bạn của Ngài, của các
Calife, có mục đích giống như sách Sunna, dùng làm mẫu mực cho tín đồ Hồi giáo.
Đối với các nhà truyền giáo Đạo Hồi, sách Hadith
chứa đựng những nguyên tắc căn bản của Giáo luật, những nguyên tắc có tánh cách
thực tế chớ không lý thuyết như những điều trong Kinh Coran.
Như vậy, sách Hadith có tánh cách giống như sách
Sunna, nhưng lại hơn Sunna ở chỗ nó bao hàm luôn cả những chi tiết liên quan
đến những lời nói , những cử chỉ hành động của các đồng bạn của Giáo chủ và các
Calife sau nầy. Do đó, sách Hadith được dùng làm căn cứ để phân biệt những tín
đồ trung thành với Hồi giáo hay phản nghịch.
Việc biên soạn sách Hadith được thực hiện trong một
khoảng thời gian khá lâu và ở nhiều nơi khác nhau, nên có nhiều bản khác nhau.
Sự khác biệt nầy đã gây ra nhiều hậu quả tai hại, nên vào cuối thế kỷ thứ 9 Tây
lịch, các vị lãnh đạo Hồi giáo quyết định đem 6 bản đầy đủ nhứt của sách Hadith
ra xem xét và đúc kết lại thành 2 bản chánh gọi là CAHIH.
- Bản chánh thứ 1 do Al Bokhali hoàn thành vào năm
870 Tây lịch.
- Bản chánh thứ 2 do Ibn Maja, Abu About Al Tirmith
và Al Nasai hoàn thành vào năm 875 Tây lịch.
Trong 2 bản chánh nầy, các
nhà biên soạn
thu thập,
xếp loại các sự kiện, loại bỏ những sự kiện không
chính xác mà các nhà làm sách trước kia đã lầm lẫn.
Tuy đã cố gắng thống nhứt các sách, nhưng các nhà
lãnh đạo Hồi giáo không sao thống nhứt được các cách hiểu kinh sách của họ. Từ
đó, Hồi giáo bị phân chia thành nhiều Chi phái chống đối nhau một cách mạnh mẽ.
IV . Giáo Lý của Hồi giáo :
Phần chánh của Giáo lý Hồi giáo phát xuất từ Giáo lý của Do Thái giáo và của Thiên Chúa
giáo, nhưng Hồi giáo có quan niệm độc thần cứng rắn hơn và khắt khe hơn, nhưng
lại đơn giản hơn hai tôn giáo kia.
Đối với tín đồ Hồi giáo, chỉ có một Đức Chúa Allah
và Mahomet là Sứ giả do Chúa sai xuống.
Tin theo Hồi giáo (Islam) là phải phục tùng Chúa
một cách hoàn toàn và tuyệt đối, không thắc mắc, không bàn cãi.
Quan niệm độc Thần cứng rắn kể trên đã đưa tín đồ
Hồi giáo đến chỗ lẫn lộn giữa Đạo và Đời. Theo họ, tất cả mọi vật ở trên Trời
hay trên mặt đất đều là của Chúa và do Chúa tạo nên. Bàn tay Chúa hiện hữu khắp
mọi nơi và Thánh thiện hóa tất cả. Tất cả mọi người đều bình đẳng trước Chúa,
không ai có địa vị ưu tiên hơn ai, trừ Mahomet. Một tầng lớp Giáo sĩ trung gian
giữa Chúa và tín đồ thì không cần thiết.
Trong xã hội Hồi giáo, người ta không phân biệt
những gì là của Đền Thờ và những gì không phải của Đền Thờ. Do đó, tất cả những
lãnh tụ của Hồi giáo đều là những lãnh tụ chánh trị.
Giáo luật của Hồi giáo rất đơn giản, nhưng cũng rất
khắc nghiệt. Người tín đồ Hồi giáo có 5 bổn phận chánh phải theo. 5 bổn phận
nầy được gọi là Ngũ Trụ (5 cây cột), kể ra :
1 .
Xác tín : Xác nhận sự tin tưởng tuyệt đối của mình vào Đức Chúa Trời bằng cách đọc
5 Câu kinh Kalima, đọc bằng tiếng Á Rập, có ý nghĩa là :
“1. Chỉ có Allah duy nhứt được hưởng quyền thờ
phụng, và Mahomet là sứ giả của Allah.
2. Tôi đã hiểu rõ và tôi xin thề : Chỉ có Đấng
Allah duy nhứt đáng cho tôi kính lạy, ngoài ra không còn ai hết. Ngài đứng một
mình trong cõi cao thâm, không dựa vào ai, không thể đem so sánh với ai hết.
Tôi đã hiểu rõ và tôi xin thề như thế. Tôi tin chắc rằng chỉ có Mahomet là
người được Allah tín nhiệm và là sứ giả duy nhứt của Ngài.”
3 . Tôi xin thành thật nhận rằng, Allah là Đấng Chí Tôn trong sạch và cao cả.
Bao nhiêu sự kính phục, bao nhiêu lời ca ngợi, chỉ có Ngài đáng hưởng mà thôi,
ngoài ra không có ai đáng cho tôi cúi lạy.
Allah là Đấng tối thiêng, có quyền phép vô biên.
Nếu không có Ngài che chở và chỉ dạy, tự tôi không bao giờ từ bỏ được tội lỗi
để làm những điều lành.
4 . Chỉ có Allah duy nhất được quyền thụ hưởng sự thờ phụng, ngoài ra không
có ai được quyền ấy mà cũng không có ai sánh được với Ngài. Chỉ có Ngài trị vì
cả dưới đất lẫn trên Trời. Bao nhiêu sự kính phục, bao nhiêu lời ca ngợi, chỉ
có Ngài đáng hưởng mà thôi.
Kẻ chết có thể sống lại được, kẻ sống có thể chết
được vì Ngài. Bao nhiêu sự tốt lành đều do Ngài ban phát. Tất cả sinh vật đều
ở trong tay Ngài.
5 . Tôi đã hiểu rõ. Cúi xin Allah che chở cho tôi. Tôi không tôn sùng một
hình tượng nào khác ngoài Ngài ra. Xin Allah cứu rỗi tôi, tha thứ các tội lỗi
mà tôi đã tạo ra vì ngu muội mà không biết. Chắc chắn Allah soi thấu hết mọi
việc. Từ đây, ngoài Islam ra, tôi xin từ bỏ hết các đạo khác.”
2 .
Cầu nguyện : Mỗi ngày, tín đồ phải làm lễ cầu nguyện 5 lần :
- Lần
1 trước khi mặt trời mọc, gọi là Cobh.
- Lần
2 vào buổi trưa, gọi là Zohr.
- Lần
3 vào buổi chiều, gọi là Acr.
- Lần
4 vào lúc mặt trời lặn, gọi là Maghrib.
- Lần
5 vào lúc ban đêm, gọi là Iha.
Trước khi cầu nguyện, tín đồ phải thanh tịnh. Nếu đã sờ mó vào
những vật không thanh tịnh, dơ dáy thì tín đồ phải đi rửa mặt, rửa tay suốt lên
đến khủy tay và đưa cánh tay ướt lên khỏi đầu khi rửa chân. Trong trường hợp ở
Sa mạc thì dùng cát thay nước để rửa.
Những thứ mà Hồi giáo coi là không thanh tịnh như :
Xác chết, rượu, thịt heo, nam nữ giao hợp, đàn bà sanh nở, …
Tính đồ cầu nguyện ở bất cứ nơi nào cũng được, trừ
nơi ô uế như : Bãi tha ma, lò sát sinh.
Vật dụng chỉ gồm một tấm thảm hay một mảnh vải có
vẽ hình tượng trưng Đền Thờ, được trải trước mặt. Lời cầu nguyện bằng tiếng Á
Rập được dịch ra sau đây :
“ Allah là Đấng vô cùng cao cả. (4 lần)
Tôi nhận chân rằng không có vị Chúa nào ngoài
Allah. (2 lần)
Tôi nhận chân rằng Mahomet là người do Ngài sai
xuống. (2 lần)
Hãy cầu nguyện, hãy đến để chào Ngài. (2 lần)
Allah là Đấng cao cả nhứt. (2 lần)
Không có vị Chúa nào ngoài Allah. “
Khi cầu nguyện, tín đồ phải quay mặt hướng về Thánh
địa Mecca, cúi lạy xuống, trán sát xuống đất.
Ngoài các lễ cầu nguyện hằng ngày tại tư gia, các tín đồ phải đến dự lễ chung vào trưa ngày thứ
6 mỗi tuần tại Thánh đường Hồi giáo ở địa phương. Tại đây, một vị gọi là
Imâm điều khiển buổi lễ.
Imâm không phải là Giáo sĩ, vì Hồi giáo không tổ
chức hàng Giáo sĩ, mà chỉ là một tín đồ sùng đạo và hiểu đạo.
Trong Thánh đường, người ta đặt một cái Ngai
(Mihrab) hướng về Thánh địa Mecca. Các tín đồ ngồi trước Ngai để làm lễ. Mỗi
buổi lễ thường có nhiều nghi thức nhỏ gọi là Raka. Người ta đọc kinh, cúi rạp
mình xuống để cầu nguyện và sau đó đọc kinh tiếp.
3. Ăn chay ban ngày trong tháng Ramadan :
Hằng năm, vào tháng 9
Hồi lịch, gọi là tháng Ramadan, tất cả tín đồ Hồi giáo đều bị cấm không được
ăn, hút thuốc, chung đụng với vợ, vào lúc ban ngày, kể từ lúc mặt trời mọc cho
đến lúc mặt trời lặn. Còn ban đêm thì tín đồ được tự do như bình thường.
Đặc biệt những người đau yếu, già cả, đàn bà chửa,
vú em, những người làm công việc nặng nhọc, chiến sĩ đang dự Thánh chiến thì
được miễn điều luật nầy.
Kết thúc tháng ăn chay, tín đồ tổ chức ăn Tết, gọi
là Tết nhỏ. Tục lệ nầy có từ năm thứ 2 của Kỷ nguyên Hồi giáo.
4 . Bố thí :
Giới luật nầy được đặt căn bản trên quan niệm cho
rằng những của cải của đời đều ô uế, chỉ dùng tới chúng khi chúng được thanh
tịnh hóa bằng cách hiến dâng một phần cho Chúa làm của Bố thí. Của Bố thí từ đó
được hiểu như một thứ thuế của Hồi giáo đánh vào lợi tức của mỗi tín đồ, bằng
5% đến 10 % tùy theo loại, có ghi rõ trong Kinh Coran.
Nhưng sở dĩ nó được thu dưới hình thức của Bố thí
là vì nó được Chúa đem ban cho những người già cả và nghèo đói.
5 . Hành hương Mecca một lần trong
đời :
Mecca (La Mecque) ở nước Á-Rập Sê-Út (Arabie
Séoudite) là Thánh địa của Hồi giáo. Mỗi tín đồ Hồi giáo, không phân biệt Nam
hay Nữ, phải có ít nhất một lần trong đời, đi hành hương Thánh địa Mecca, trừ
trường hợp bịnh hoạn, nghèo khó, hay đường sá nguy hiểm. Các nô lệ, các phụ nữ
không chồng đưa đi thì được miễn.
Đây là bổn phận bắt buộc của tín đồ Hồi giáo đối
với Đấng Allah vì đó là lệnh của Ngài.
Thời kỳ hành hương bắt đầu từ tháng 12 Hồi lịch.
Trước khi đi hành hương, tín đồ phải giữ mình cho thanh tịnh, phải cạo râu, cắt
móng tay, mặc Ihram (một mảnh vải quấn ngang người, không khâu may gì cả), đi
dép chớ không được đi giày, cữ gần đàn bà, không được sát sanh, săn bắn, chặt
cây nhổ cỏ.
Từ lúc hành hương, các tín đồ phải luôn luôn cầu
nguyện : “ Lạy Chúa . . . Con xin theo
lệnh Chúa.”
Đến Mecca, họ thường đi quanh Đền Thờ Kaaba 7
lần, mỗi lần qua phiến đá đen, họ kính
cẩn cúi xuống hôn đá.
Sau đó, họ đi ra ngoại ô, đi vòng quanh 2 ngọn đồi
As Safa và Al Marwah để tưởng nhớ tới Bà Agar, mẹ của Ismael khi bà đi theo lộ
trình nầy để kiếm nước cho con uống. Khi đến suối Zem Zem, nơi bà Aga lấy nước,
họ kính cẩn cúi xuống uống nước suối nầy.
Đến ngày thứ 7, sau khi cầu nguyện ở Đền Kaaba, các
tín đồ lại đến thung lũng Mina, cách đó 15 cây số, cắm trại trongcánh đồng
Arafat cạnh ngọn đồi cùng tên.
Hôm sau, tất cả đều lên đồi cầu nguyện và thề trung
thành với Chúa và ở đây cho tới hết ngày thứ
9 mới kéo về đồi Muzdalifat, cách
Mina vài cây số, nơi thờ Thần Bão tố Kuzat. Tại đây, mỗi người lấy 7 viên sỏi ném thành 3 đống để
kỷ niệm Ngày Abraham chống Quỉ Satan bằng cách ném sỏi nầy.
Cuối cùng, người ta giết dê, lạc đà để làm lễ Tạ ơn
và kết thúc hành hương.
Cũng ngày nầy, tại các nơi khác, các tín đồ không
đi hành hương cũng vui mừng ăn Tết lớn
Aid El Kebir.
Trong thời gian đi hành hương, các tín đồ ghé thăm
mộ của Giáo chủ Mahomet và mộ của các người thân của Ngài.
Đó là 5 bổn phận chánh của tín đồ Hồi giáo. Còn
thêm một điều nữa rất quan trọng là : THÁNH CHIẾN.
Thánh Chiến : được coi như một nhiệm vụ thiêng
liêng của các tín đồ Hồi giáo, vì họ coi những kẻ không chịu theo Hồi giáo là
kẻ thù cần phải tiêu diệt.
Thánh Kinh Coran nói rõ : “ Chiến tranh mở rộng đất
Thánh là cuộc chiến tranh hợp lý và Thánh thiện, vì ngoài việc dùng lời nói dịu
dàng, khôn khéo để khuyên người ta theo Hồi giáo mà họ không chịu nghe theo,
thì cần phải có những biện pháp cứng rắn bắt buộc, và cuối cùng là phải tàn sát
những kẻ chống lại, vì những kẻ ấy đã gán cho Chúa những ý xấu mà chúng không
nêu được bằng chứng. Đặc biệt là phải làm khuất phục các nước lân cận để họ cải
đạo mà theo Hồi giáo.”
Một lý thuyết gia của Hồi giáo tên là Ibn Khaldoun
đã viết rằng : “ Đối với Hồi giáo, Thánh chiến chống những kẻ ngoại đạo là một
trong những điều bắt buộc thiêng liêng vì Hồi giáo là đạo của mọi người, và mọi
người phải theo tôn giáo đó, dù vui lòng hay bị áp lực bắt buộc.”
“Tất cả Giáo lý của các tôn giáo khác đều sai,
chính Kinh Coran đã viết như vậy. Chúng
ta không tranh luận với họ, chúng ta chỉ cho họ chọn : Hồi giáo hay sự đầu
hàng.”
Chính vì vậy mà Mahomet lúc nào cũng hô hào các tín
đồ Hồi giáo phải đoàn kết, xây dựng một quốc gia có lực lượng võ trang hùng
hậu, không những để tự vệ mà còn để đem đến cho các tập thể khác một Đức tin.
Từ đó, đối với các tín đồ Hồi giáo, Thánh Chiến là
phương cách tốt nhứt để bành trướng Hồi giáo và là một bổn phận không thể thiếu
được. Bất cứ lúc nào, các tín đồ Hồi giáo cũng sẵn sàng hưởng ứng lệnh tòng
quân, tự đặt mình dưới sự chỉ huy của các Calife để tiêu diệt những kẻ không
theo họ hay chống lại họ.
Những Giáo luật trên là bắt buộc.
Không những thế,
xã hội Hồi giáo là một xã hội mà tôn giáo và chánh trị hỗn hợp nhau, nên
luật Đạo tức là luật Đời. Các lãnh tụ Hồi giáo cũng là lãnh tụ chánh trị, cầm
quyền cai trị quốc gia Hồi giáo, nên người dân không thể nào làm trái luật mà
không bị trừng phạt.
Điều nầy giải thích tại sao Hồi giáo không bị mất
tín đồ, mà còn bành trướng mạnh.
Giáo lý của Hồi giáo nói : Quan niệm về Vũ
trụ, về Nhơn sanh, đối với Thiên Thần và
Ma Quỉ, đối với Địa ngục và Thiên đàng, đối với thể xác và linh hồn, đều rập
khuôn theo Giáo lý của Do Thái giáo và Thiên Chúa giáo trong 2 quyển Thánh Kinh
Cựu Ước và Tân Ước, nhưng sự gọi tên thì theo cách thức của người Á Rập :
- Thượng Đế thì gọi là Allah,
- Thiên Thần Gabriel được gọi là Jibril,
- Quỉ Satan
được gọi là Ác quỉ Shaitan, vv . . .
Hồi giáo cấm các tín đồ ăn thịt heo vì cho rằng heo
là con vật ô uế, ngoài ra cũng không được ăn thịt các thú dữ.
Phụ nữ Hồi giáo không được bình đẳng với Nam phái,
họ bị buộc phải che mặt khi đi ra đường. Hồi giáo cho phép đàn ông lấy nhiều vợ và được phép có nô lệ là
những tù binh bại trận trong các cuộc Thánh chiến.
Luật lệ của Hồi giáo rất nhiều và rất chi tiết, rất
khắc khe, vượt ra khỏi phạm vi tôn giáo, trở thành tiêu chuẩn pháp lý trong đời
sống xã hội, chi phối mọi hoạt động của tín đồ.
Ở những nước Hồi giáo, pháp luật Hồi giáo cũng
chính là pháp luật của quốc gia.
Nhiều nhà nghiên cứu về Hồi giáo đều nhận xét :
Giáo lý và Giáo luật của Hồi giáo tạo ra cho các tín đồ một tạp quán, một tâm
lý, một lối sống bảo thủ, phục tùng, cuồng tín và hiếu chiến.
Home [ 1 ] [ 2 ] [ 3 ] [ 4 ] [ 5 ] [ 6 ] [ 7 ] [ 8 ] [ 9 ] [ 10 ] [ 11 ]
Home [ 1 ] [ 2 ] [ 3 ] [ 4 ] [ 5 ] [ 6 ] [ 7 ] [ 8 ] [ 9 ] [ 10 ] [ 11 ]
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét