Đạo Cao Đài & Các Tôn Giáo Lớn Trên Thế Giới - 1 / 11 (Đức Nguyên)


Đạo Bà-La-Môn
(Ấn Độ giáo)
· Vệ-Đà giáo (Vedism)
·  Bà-La-Môn giáo (Brahmanism)
·  Ấn Độ giáo (Hinduism)

Bà-La-Môn là tiếng phiên âm từ tiếng Phạn : Brahma.
Đạo Bà-La-Môn là một tôn giáo rất cổ của Ấn Độ, xuất hiện trước thời Đức Phật Thích Ca, tức là thuộc Nhứt Kỳ Phổ Độ.
Đạo Bà-La-Môn bắt nguồn từ Vệ-Đà giáo (cũng phiên âm là
Phệ-Đà giáo), một tôn giáo tối cổ của Ấn Độ.
Đạo Bà-La-Môn phát triển đến thế kỷ thứ nhứt sau Tây lịch thì biến thành Ấn Độ giáo.
Những công trình kiến trúc nổi tiếng của Ấn Độ và các nước ĐôngNam Á như: Konarac, Kharujaho, Mahabalipuram, Angkor Watt, Loro Jong Grang, Tháp Chàm ở Việt Nam và nhiều tác phẩm triết học lớn của Ấn Độ như Ramayana, Mahabharata, đều ra đời trên nền tảng của Đạo Bà-La-Môn.
Chúng ta lần lượt khảo sát Vệ-Đà giáo, Đạo Bà-La-Môn và Ấn Độ giáo.

I . Vệ-Đà giáo :
Đây là một tôn giáo tối cổ của Ấn Độ. Gọi là Vệ-Đà giáo vì tôn giáo nầy xây dựng giáo thuyết trên Kinh Vệ-Đà. (Véda: Phiên âm Vệ-Đà hay Phệ-Đà,  nghĩa là Thông hiểu).

Vệ-Đà giáo thờ cúng thiên nhiên, gồm nhiều tín ngưỡng, có nghi lễ, có bùa chú, do các truyền thuyết của thổ dân da đen Dravidian ở bán đảo Ấn Độ, phối hợp với các tín ngưỡng của dân tộc da trắng từ phương Tây Bắc đến xâm lăng, nhất là dân da trắng Aryan tràn vào phía bắc Ấn Độ, khoảng 1550 năm trước Tây lịch.

Bộ Kinh Vệ-Đà viết bằng tiếng Phạn, của người Aryan, gồm 4 tập, trong đó có các bài hát ca tụng Thần linh, những lời cầu nguyện, nghi thức tế tự và các câu phù chú bí mật, kể ra như sau :

1 . Rig Véda : Phỏng theo ý mà dịch thì Rig Véda có nghĩa là Luận rõ về sự khen ngợi (tán tụng), hình thành vào thế kỷ thứ 20 TTL (trước Tây lịch), gồm 10 quyển, tập hợp các bài ca ngợi Thần linh, được 1028 bài.

2 . Sama Véda : Phỏng theo ý mà dịch thì Sama Véda có nghĩa là Luận rõ về các sự ca vịnh, hình thành vào thế kỷ thứ 10 TTL, gồm các bài dùng để hát xướng khi cúng tế, tổng cộng 1549 bài.

3 . Yayur Véda : Phỏng theo ý mà dịch thì Yayur Véda có nghĩa là Luận rõ về các việc tế tự cầu đảo, trong ấy bao gồm các bài cầu nguyện trong nghi thức tế lễ.                                 

Ba loại Kinh Véda trên được xử dụng trong thời gian tế lễ, đều do hàng Tăng lữ  tùy nghi chủ xướng, phúng tụng.          

4 . Atharva Véda : Sưu tập các chú thuật, không quan hệ đến việc cúng tế, hình thành vào thế kỷ thứ 10 TTL, tổng cộng có 20 quyển. Tuy chủ yếu chép các phép thuật và bùa chú, nhưng xen kẽ vào đó có các bài khoa học làm mầm móng cho Thiên văn học và Y học sau nầy.

Bốn bộ kinh Véda trên, sau nầy đều có những sách viết bằng tiếng Phạn giải thích riêng cho  mỗi bộ.

Giáo lý cơ bản của Vệ-Đà giáo cho rằng, con người thường xuyên có mối quan hệ với Thần linh và có sự hòa đồng với vũ trụ. Do đó, chỉ có cúng tế, cầu đảo thì con người  mới được Thần linh phò hộ trong mọi công việc. Song hành với các buổi cầu nguyện là những cuộc hiến tế lớn. Những đồ hiến tế như : Thịt, bơ, sữa, rượu, được dâng lên Thần linh bằng cách đốt trên giàn hỏa.

Việc cúng tế Thần linh rất quan trọng, nên dần dần đội ngũ các thầy cúng tế trở nên quan trọng, có uy tín và quyền lực nhất trong xã hội Ấn Độ, hình thành đẳng cấp Tăng lữ Bà-La-Môn sau nầy.

II .  Bà-La-Môn giáo :

Đạo Bà-La-Môn hình thành trên cơ sở Vệ-Đà giáo,  khoảng 800 năm trước Tây lịch, tức là một thời gian không  dài lắm trước khi  Đức Phật Thích Ca mở Phật giáo ở Ấn Độ.

Đạo Bà-La-Môn đưa ra những kinh sách giải thích và bình luận Kinh Véda như : Kinh Brahmana, Kinh Upanishad, Giải thích về Maya (tức là Thế giới ảo ảnh) và về Niết bàn.
Đạo Bà-La-Môn thờ Đấng Brahma là Đấng tối cao tối linh, là linh hồn của vũ trụ.

1 . Sự phân chia giai cấp xã hội :

Đạo Bà-La-Môn phân chia xã hội Ấn Độ làm 5 giai cấp. Ai sanh ra trong giai cấp nào thì phải ở mãi trong giai cấp đó suốt đời.
a) Giai cấp trên hết là các Tăng lữ Bà-La-Môn :
Họ tự cho rằng họ được sanh ra từ miệng của Đấng Phạm Thiên (Brahma), nên họ được quyền giữ địa vị tối cao trong xã hội, độc quyền cúng tế Thượng Đế và các Thần linh.
b) Giai cấp thứ nhì là Sát-Đế-Lỵ :
Họ được sanh ra từ vai của Đấng Phạm Thiên. Giai cấp nầy gồm các bậc vua chúa, quí tộc, trưởng giả, công hầu khanh tướng. Họ nắm quyền cai trị và thưởng phạt dân chúng.
c) Giai cấp thứ ba là Phệ-Xá :
Họ được sanh ra từ hông của Đấng Phạm Thiên. Giai cấp nầy gồm các nhà thương mãi, các trại chủ giàu có. Họ nắm kinh tế, chuyên môn mua bán làm ăn với các từng lớp dân chúng trong xã hội.
d) Giai cấp thứ tư là Thủ-Đà-La :
Họ được sanh ra từ chân của Đấng Phạm Thiên. Giai cấp nầy gồm các nông dân và công nhân nghèo khổ.
e) Giai cấp thứ năm là Chiên-Đà-La :
Đây là giai cấp thấp kém nhứt trong xã hội Ấn Độ, gồm các người làm các nghề hèn hạ như : Ở đợ, làm mướn, chèo ghe, giết súc vật, vv …

Giai cấp Tăng lữ Bà-La-Môn  dựa vào thế lực tôn giáo để củng cố địa vị và quyền lợi của họ. Họ tìm đủ phương pháp để bảo hộ và duy trì chế độ giai cấp, nương theo thần thoại, chế ra Luật pháp Manu, kỳ thị giai cấp, không cho gả cưới giữa 2 giai cấp khác nhau.

2. Giáo luật :

Giới Tăng lữ Bà-La-Môn được chia làm 3 bực : Sơ khởi, Trung và Thượng.
Sơ khởi là những vị sư cúng lễ thường và những vị phục sự nơi đền chùa. Họ tụng 3 Bộ Kinh Véda đầu, gồm : Rig Véda, Yayur Véda, Sama Véda. Họ hành lễ, chứng lễ các cuộc cúng tế, nên thường trực tiếp với dân chúng.

Bực trung là những vị sư bói toán, tiên tri, thỉnh Quỉ Thần, thỉnh thoảng họ làm vài phép linh cho dân chúng phục. Hạng nầy đọc và giảng giải Bộ Kinh Véda thứ tư là Atharva Véda. Bộ Kinh thứ tư nầy có nội dung cao hơn 3 Bộ Kinh trước và có những câu Thần chú.

Bực thượng là bực cao hơn hết, gồm các vị sư không còn trực tiếp với dân chúng. Hạng nầy chuyên nghiên cứu các lực vô hình trong vũ trụ.

Hạng Bà-La-Môn sơ khởi phải tu học 20 năm mới lên hạng trung. Hạng trung tu học 20 năm  mới lên hạng thượng.

Trên hết là một vị sư chưởng quản tôn giáo làm Giáo Chủ. Vị Giáo Chủ nầy có 70 vị sư phụ tá.

Các Tăng lữ  Bà-La-Môn  phải giữ 10 Điều Giới luật :
1 . Nhẫn nhục.
2 . Làm phải (lấy điều lành mà trả điều ác).
3 . Điều độ.
4 . Ngay thật.
5 .  Giữ mình trong sạch.
6 . Làm chủ giác quan.
7 . Biết rành Kinh Luật Véda.
8 . Biết rõ Đấng Phạm Thiên.
9 . Nói lời chơn thật.
10 . Giữ mình đừng giận.

3 . Thuyết Ashrama :

Thuyết Ashrama về 4 giai đoạn mà con người phải trải qua để cho đời sống trần thế nhập vào việc hành sự tôn giáo, kể ra sau đây :

a) Phạn hành kỳ : Theo thầy học tập Kinh Vệ-Đà, tiếp thu huấn luyện tôn giáo, thời gian là 12 năm.

b) Gia trú kỳ : Sống cuộc sống thế tục ở gia đình, lấy vợ sanh con, làm các ngành nghề trong xã hội để mưu cầu cuộc sống. không vi phạm chống lại bổn phận của một tín đồ Bà-La-Môn, tiến hành việc thờ cúng ở gia đình và bố thí.

c) Lâm thế kỳ : Việc nhà đã xong, bản thân hoặc dắt theo vợ vào ẩn cư trong rừng, sống đời khổ hạnh để bản thân chứng ngộ được Đấng Brahma.

d) Độn thế kỳ : Bỏ nhà đi vân du 4 phương, sống bằng cách nhận bố thí của dân chúng, mục đích để đạt được sự giải thoát của linh hồn.

4 . Brahman và Atman :

Brahman là nguồn gốc tối cao của vũ trụ, tức là Đại Ngã, là Đại Vũ trụ, là Đại hồn, nay thường gọi là Thượng Đế.

Atman là bản ngã của con người, là Tiểu Ngã, là Tiểu hồn, Tiểu Vũ trụ. Nó chỉ là một phần rất nhỏ của Đại Ngã tách ra. Do đó, Brahman và Atman đồng bản chất, nên thông đồng được với nhau.

Tu luyện là để đạt được sự giải thoát của linh hồn khỏi các khổ não ràng buộc nơi cõi trần  để đem Atman trở về hiệp nhứt với Brahman.

Nhận thức được Chơn lý nầy, không phải do trí tuệ, mà do sự giác ngộ của toàn bộ bản thể. Nếu không giải thoát được thì không dứt khỏi Nghiệp (Karma), tức là không dứt khỏi Luân hồi, phải đầu thai trở lại cõi trần, hết kiếp nọ tới kiếp kia.

5 . Nghiệp báo -  Luân hồi :

Kinh Upanishad đã nêu ra vấn đề Nghiệp báo và Luân hồi một cách có hệ thống.
Nghiệp (Karma) được tạo ra bởi những hành vi thiện ác của con người, sẽ quyết định việc luân hồi chuyển kiếp của linh hồn người ấy sau khi chết. Nếu người nào làm điều thiện, linh hồn sẽ được chuyển kiếp thành người ở giai cấp cao hơn, và có thể thành một vị Thần, nhập vào Thiên Đạo. Nếu người ấy làm nhiều điều ác thì linh hồn sẽ chuyển kiếp đầu thai vào những giai cấp thấp kém khổ sở, và có thể bị trừng phạt đọa đày.

Con đường giải thoát là Thiền định, nhưng con đường tu nầy quá khổ hạnh, ít người theo được, nên đa số tín đồ theo việc thờ cúng Thần linh, tự kềm chế dục vọng của mình và làm việc từ thiện.

II . Ấn Độ giáo :

Đạo Bà-La-Môn  là quốc giáo của nước Ấn Độ. Nhưng khi Phật giáo của Đức Phật Thích Ca truyền bá thì ảnh hưởng của Đạo Bà-La-Môn  thu hẹp dần. Qua nhiều lần cải cách để phù hợp phần nào trào lưu tiến hóa của dân chúng, đến thế kỷ thứ nhứt sau Tây lịch, Đạo Bà-La-Môn biến thành Ấn Độ giáo (nói tắt là Ấn giáo).

Ấn Độ giáo vẫn giữ những nét chánh của Đạo Bà-La-Môn, thờ Đấng Brahma, về sau thờ thêm 2 Đấng nữa là Civa (Siva) và Vishnu hay Christna.
-  Đấng Brahma là Thần Sáng tạo,
- Đấng Civa  là Thần Tranh đấu,
- Đấng Vishnu   là Thần Bảo tồn.

Ba Đấng ấy hợp lại gọi là Tam vị Nhứt thể. (Đạo Cao Đài gọi 3 Đấng ấy là Tam Thế Phật, cai quản 3 Nguơn : Thượng Nguơn, Trung Nguơn và Hạ Nguơn, có đúc tượng đặt trên nóc Bát Quái Đài, Tòa Thánh Tây Ninh).

 Ấn Độ giáo còn thờ các vị Thần thuở xưa khác như : - Thần Sấm Indra, - Thần Mặt Trời Surya, - Thần lửa Agni, - Thần gió Vayu, - Thần không trung Varuna.

Ấn Độ giáo vẫn giữ sự phân chia giai cấp của xã hội giống như Đạo Bà-La-Môn.

Ấn Độ giáo phân thành nhiều Chi phái, chủ yếu có 2 phái lớn là Vishnu và Civa (Siva), đồng thời nuôi dưỡng nhiều môn phái triết học mà nổi tiếng nhứt là 2 môn phái : Védanta và Yoga.

 Để dễ dàng hòa nhập vào đông đảo dân chúng, ở giai đoạn nầy, nhiều nghi thức tế lễ được đơn giản hóa, những sự hiến tế súc vật tốn kém được bãi bỏ. Đến thế kỷ 19 và 20, một số nhà hoạt động nổi tiếng của Ấn Độ giáo như : Ram Mohan Roy, Rama Krishna, Viveka Nanda, đã làm cuộc canh tân lớn đối với Ấn Độ giáo, phục hồi những giá trị cơ bản và loại trừ các yếu tố lạc hậu và thái quá ra khỏi tư tưởng của Đạo nầy. Chính nhờ khả năng thay đổi thích ứng mà Ấn Độ giáo vẫn luôn luôn là tôn giáo chính của người Ấn và có ảnh hưởng sâu xa đến mọi từng lớp dân chúng từ xưa tới nay.

Theo thống kê sơ lược năm 1980, Ấn Độ giáo hiện nay có tới 554 triệu tín đồ, đa số là người Ấn Độ.

Trong những năm gần đây, những hoạt động mang tính quốc tế của Ấn Độ giáo rất phong phú:

Năm 1979 tại Allahabad (Ấn Độ), năm 1980 tại Colombo (Tích Lan), năm 1981 tại Népal, đã lần lượt triệu tập Đại hội các tín đồ theo Ấn Độ giáo trên toàn thế giới, để thảo luận các vấn đề khó khăn của Ấn Độ giáo, làm thế nào cho Ấn Độ giáo thích ứng đời sống văn minh của dân chúng hiện đại, và thiết lập những mối liên hệ quốc tế giữa Ấn Độ giáo với các tôn giáo khác một cách hữu nghị tốt đẹp.

Phật giáo
· Định nghĩa.
· Nguồn gốc của Phật giáo.
· Giáo lý của Phật giáo.
· Nhơn sinh quan.
· Vũ trụ quan.
· Quan niệm về Thượng Đế và Linh hồn.
· Kinh điển : Tam Tạng Kinh.
· Những Tông phái.
· Các vị Tổ sư Phật giáo.
· Phật giáo Ấn Độ.
· Phật giáo Trung Hoa.
· Phật giáo Việt nam.
·  Lá cờ Phật giáo.
· Tiểu sử Đức Phật Thích Ca.

I .  Định nghĩa :

Phật : tiếng Phạn là Buddha, nghĩa là sáng suốt.          
Phật là bậc sáng suốt hoàn toàn, giác ngộ hoàn toàn, rồi đem sự giác ngộ ấy mà giác ngộ chúng sanh. Do đó mới nói rằng : Phật tự giác, giác tha, giác hạnh viên mãn.
Trong Cực Lạc Thế Giới có vô số chư Phật, có những vị đã nhập Niết bàn, có những vị Phật thường du Ta-bà Thế giới để trợ giúp  nhơn sanh.
Những người tu hành và tin tưởng hoàn toàn nơi Phật, luôn luôn được Phật hộ trì, và được vòng hào quang của Đức Phật bao phủ.

Giáo : Dạy dỗ, Giáo cũng là tôn giáo.
- Phật giáo là những lời, những điều Phật dạy, tạo thành một giáo pháp có hệ thống, để dạy dỗ nhơn sanh. Đó là một nền Giáo lý và Triết lý rất cao thượng, dạy chúng sanh tự tỉnh, tự ngộ, tự giác, để cuối cùng thành Phật.

- Phật giáo là một tôn giáo lớn trên hoàn cầu, truyền bá trong nhiều nước, có số tín đồ tổng cộng gần một tỷ người. Số tín đồ Phật giáo đông nhứt ở các nước Á Châu như : Ấn Độ, Népal, Tích Lan, Miến Điện, Trung Hoa, Thái Lan, Lào, Miên, Việt Nam, Nhựt, Triều Tiên. vv …

II . Nguồn gốc của Phật giáo :

Phật giáo là một tôn giáo rất cổ, có từ lâu đời, kể từ lúc nhơn loại hình thành nếp sống quần tụ thành xã hội.

Đó là thời Nhứt Kỳ Phổ Độ với Đức Nhiên Đăng Cổ Phật giáng trần mở Đạo Phật thời Thái cổ nước Tàu, đồng thời với việc mở Vệ-Đà giáo (sau biến thành Bà-La-Môn giáo) nơi nước Ấn Độ. Sau đó, Phật giáo lần lần suy tàn theo sự biến đổi của thời gian và lịch sử.

Đến thời Nhị Kỳ Phổ Độ, cách đây khoảng 2600 năm, Đức Thích Ca giáng sanh nơi nước Ấn Độ, tu hành chuyên nhất trong hơn 6 năm, đắc đạo thành Phật, chứng ngộ được giáo lý Tứ Diệu Đế, giúp con người giải khổ, và giải thoát khỏi vòng Luân hồi sanh tử, mở ra một con đường  mới thích hợp với trình độ tiến hóa của  nhơn sanh thời đó, vì Đạo Bà-La-Môn lúc bấy giờ rất suy tàn, giáo lý bị sửa cải  nhiều làm cho xã hội Ấn Độ có những bất bình đẳng trầm trọng, khiến con người xa vòng Thiên lương, trầm luân trong bể khổ.

Đức Phật Thích Ca đem giáo lý mà Ngài chứng ngộ được giảng giải cho chúng sanh trong suốt 45 năm, tạo thành một nền Phật giáo rất cao siêu, do Đức Phật Thích Ca làm Giáo Chủ. Phật giáo lưu truyền từ  đó đến ngày nay.

Nhưng đến năm Giáp Tý (1924 theo Tây lịch, 2468 theo Phật lịch) là năm Khai Nguơn, mở đầu một kỷ nguyên  mới, chấm dứt thời Nhị Kỳ Phổ Độ, bước sang thời Tam Kỳ Phổ Độ, với số nhơn loại rất đông đúc có trình độ tiến hóa rất cao,  mỗi ngày  mỗi nhảy vọt, nên Phật giáo đã trải qua 2468 năm không còn thích hợp với đà tiến hóa của  nhơn sanh, không còn hiệu quả trong công việc kềm chế tâm lý của  nhơn sanh; hơn nữa, sau đời Lục Tổ Huệ Năng, ngôi vị Tổ Sư Phật giáo không còn được truyền kế với Y Bát nữa, nên Phật pháp bị người đời sửa cải thêm bớt nhiều hơn, làm cho giáo lý Phật giáo càng xa dần Chánh pháp và cuối cùng thì hoàn toàn bị thất chơn truyền.

Ngày nay, Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ mở ra là để chấn hưng 3 nền tôn giáo lớn ở Á Đông là : Phật giáo, Lão giáo và Nho giáo.

Đức Phật Di-Lạc sẽ giáng trần để tóm thâu tất cả các Đạo hữu hình ấy vào một mối, lập thành một nền Đại Đạo rất cao siêu, phù hợp với trình độ tiến hóa của nhơn loại hiện nay,  mới đủ sức kềm chế tâm lý của  nhơn sanh hiện hữu.

Do đó, tại Chùa Từ Lâm Tự ở Gò Kén, tỉnh Tây Ninh, trong Đại Lễ Khai Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, Đấng Thượng Đế giáng cơ cho đôi liễn để treo lên là :
Di-Lạc  thất bá thiên niên  quảng khai  Đại Đạo,
Thích Ca nhị thập ngũ thế chung lập Thiền môn.

Nghĩa là :
- Đức Phật Di-Lạc truyền bá rộng rãi nền Đại Đạo trong 700 ngàn năm,
- Đức Phật Thích Ca lập Đạo Phật (Thiền môn) trong 25 thế kỷ là dứt. (25 thế kỷ tức là 2500 năm).

 III . Giáo lý của Phật giáo :
Giáo lý căn bản của Phật giáo là Tứ Đế và Thập nhị Nhân Duyên.
- Tứ Đế còn gọi là Tứ Diệu Đế, Tứ Thánh Đế, Lý Bốn Đế. (Tứ là 4, Đế là lời dạy chơn thật và căn bản, Diệu là huyền diệu, Thánh là thiêng liêng, Lý là giáo lý).
- Thập nhị Nhơn duyên là 12 cái nhân duyên, nhân nầy sanh ra quả nọ, quả nọ trở thành nhân khác sanh ra quả khác, 12 lần như vậy trong một đời sống của con người nơi cõi trần, tạo thành một vòng tròn khép kín, chỉ cho thấy không có cái nhân nào là đầu tiên, không có cái quả nào là cuối cùng.

 A. Tứ Đế :
Tứ Đế là 4 chơn lý huyền diệu tuyệt đối mà người giác ngộ  mới cảm biết được.
Trước khi Đức Phật Thích Ca thuyết minh giáo lý nầy thì các vị hiền triết đương thời chưa ai khám phá được.
Bốn Đế nầy là thật, nếu ai không biết và không thực hành thì không sao giải thoát được.

Đức Phật Thích Ca thuyết giáo lý nầy lần đầu tiên để độ nhóm Kiều Trần Như gồm 5 Ông : Kiều Trần Như, A-Xá-Bà-Thệ, Ma-Ha Bạt-Đề, Ma-Ha Câu-Lợi, Thập-Lực Ca-Diếp.
Nhờ nghe Phật giảng Tứ Diệu Đế mà 5 Ông giác ngộ, liền quy y theo Phật, và đắc quả A-La-Hán.

Từ đó mới bắt đầu  có Tam Bảo (3 điều quí báu) : Đức Phật Thích Ca là Phật Bảo, Giáo lý Tứ Diệu Đế là Pháp Bảo, 5 người giác ngộ theo làm đệ tử của Phật là Tăng Bảo.
Pháp Bảo Tứ Đế gồm :
- Khổ Đế
- Tập Đế
- Diệt Đế
- Đạo Đế.

1 . Khổ Đế : Tất cả việc gì không vừa lòng là khổ.
Đức Phật chia ra làm 3 thứ Khổ : Khổ khổ, Hoại khổ, Hành khổ.

a) Khổ khổ : Cái khổ có từ vô lượng kiếp trong quá khứ chồng chất lên tạo nên hình tướng của ta trong hiện tại. Mang hình hài xác thịt là kết hợp những điều đau khổ, trải qua thời gian sanh sống, con người phải chịu đựng những cái khổ bên trong do mình tự tạo ra và những cái khổ bên ngoài do Thiên tai, ách nước, vv…

Chỉ có bực trí thức nhìn vào thực trạng thì hiểu biết, còn người mê, dầu có giải thích, họ cũng không sáng tỏ được.
Vậy, Khổ khổ là cái khổ trong kiếp trước và cái khổ trong kiếp nầy chồng chất lên nhau.

b) Hoại khổ : Hễ có sanh ắt có diệt. Thế nên, xác thân con người lúc  mới sanh ra, lớn lên , già nua rồi chết, đó là khổ. Hoại khổ là cái khổ do sự tàn phá của thời gian mà không ai cưỡng lại được.

c) Hành khổ: Hành khổ là cái khổ do nơi những hành động của tinh thần và vật chất phát sanh. Phiền não chính là Hành khổ. Khi nào tư tưởng chấm dứt, tâm ý ngừng nghỉ mọi hoạt động thì lúc bấy giờ tinh thần  mới hết hành và mới hết khổ. Hễ còn Hành là còn Khổ.
Ba loại Khổ trên đây là của chúng sanh.

Nếu nói riêng về cái khổ của con người thì Phật diễn tả 8 trạng thái khổ sau đây :
* Sanh khổ : Lúc sanh ra đã khổ và lúc sống cũng khổ.

* Bệnh khổ : Bệnh tật là cái khổ dây dưa nhứt trong đời sống con người và làm cho những người thân yêu khổ lây với mình.
* Lão khổ : Già thì khổ. Vai run, gối mỏi, lưng đau, mắt mờ, tai điếc, … không làm được việc gì nên tinh thần bứt rứt, đau khổ.
* Tử khổ : Đã sống thì ắt sợ chết, thấy cái chết đến mà không tránh khỏi thì rất lo sợ, khổ sở. Khi chết, bỏ lại nơi cõi trần  nhiều điều luyến tiếc. Chết là biệt ly nên khổ sở.
* Ái biệt ly khổ : Yêu mà xa cách thì khổ. Nhà cửa, ruộng vườn, xe cộ, danh vọng, vợ đẹp con ngoan, nghĩ đến việc bỏ rơi hết thảy thì khổ vô cùng.
* Cầu bất đắc khổ : Mong ước mà không được thì khổ. Biết bao người ôm mộng giàu sang hay khanh tướng  mà không thực hiện được thì thất chí đau khổ.
* Oán tắng hội khổ : Oán thù, ganh ghét, mà ở chung đụng nhau thì khổ. Oán tắng hội khổ còn chỉ cái khổ khi sống trong nghịch cảnh. Những cuộc tranh danh đoạt lợi cũng sanh ra cái khổ nầy.
* Ngũ ấm xí thạnh khổ : Ngũ ấm là : Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức. Trạng thái khổ thứ 8 nầy bao trùm lên hết mọi nỗi khổ đau của con người. Sự thạnh suy của Ngũ ấm tức là sự thạnh suy của vật chất lẫn tinh thần.

Con người đã cảm thông được những cảnh khổ não nầy thì thấy rằng, trong cõi đời nầy, không một giây phút nào con người được trọn vui.

2 . Tập Đế : Tập là tụ họp mà thành. Vậy những cái gì tụ tập lại mà thành ra cái khổ ?
Để giải thích nguyên do của Khổ, Phật nói về quá khứ. Cái quá khứ đó trải qua vô lượng kiếp, nó là Nhân của kiếp sống hiện tại. Sự đau khổ mà con người phải gánh chịu trong kiếp sống nầy là hậu quả của những việc làm hung ác của họ trong kiếp trước. Để chứng minh chơn lý nầy, Đức Phật nói về Thuyết Nhân Quả và Luân Hồi. Căn bản của thuyết nầy là Thập nhị Nhân Duyên. (Xem  phần sau)

Những điều kết tập xấu xa của kiếp trước gây khổ cho kiếp nầy nhiều không kể hết, nhưng tựu trung gồm 10 loại sau đây :
- Tham : Tham lam thì  ích kỷ.
- Sân : Sự nóng giận đốt cháy lương tri.
- Si : Mê lầm do ngu dốt.
- Mạn : Kiêu căng, ganh tỵ nhỏ nhen.
- Nghi : Nghi ngờ. Hạng người nầy có nhiều phiền não lo âu hơn ai hết. Họ nghi ngờ tất cả, không bao giờ họ cảm thấy yên lòng.
- Thân kiến : Sự thấy biết của thân, biết cái Ta trên phương diện vật chất chớ không biết cái Phật tánh của mình.
- Biên kiến : Sự thấy biết một bên, không bao quát, nên nhỏ hẹp, dễ có quyết định sai lầm.
- Kiến thủ : Bảo thủ cái biết của mình.
- Giới cấm thủ : Làm theo lời răn cấm của Tà giáo, nên có những hành động phạm pháp.
- Tà kiến : Những điều thấy biết không chơn chánh. Tà kiến là còn mê, Chánh kiến là giác.

Đó là 10 thứ phiền não mà con người đã kết tập chất chứa trong vô lượng kiếp đã qua và hiện tại. Đó là nguyên nhân phát sanh ra Khổ Đế.

3 . Diệt Đế : Diệt là tiêu diệt, trừ bỏ.
Ta đã thấy rõ cái căn nguyên của sự khổ, thấy rõ Nhân và Quả, nên muốn diệt khổ, ta chỉ cần trừ bỏ tất cả  Nhân ấy.

Như vậy, ta cần phải lấy Thập nhị Nhân Duyên mà đi ngược lên dần và diệt dần, cuối cùng ta sẽ diệt được cái Vô minh. Vô minh đã mất thì như Mặt Trời ló ra khỏi đám mây đen, ta sẽ thoát ra được vòng Luân hồi đầy đau khổ.

4 . Đạo Đế : Đạo đế là con đường phải noi theo để thoát khổ.  Phật vẫn chủ trương lấy cái trí hiểu biết sáng tỏ mà phá sự si mê, nhưng cái trí sáng tỏ vẫn chưa đủ, cần phải có cái năng lực thực hành thì mới diệt được nguồn gốc của phiền não. Cái năng lực thực hành ấy có 8 con đường để tu cho thành Chánh quả. Đó là Bát Chánh đạo.

Bát Chánh đạo gồm :
a)  Chánh kiến : Thấy rõ biết rõ chơn lý, không để cho Tà kiến che lấp sự sáng suốt của mình, khiến cho sự thấy biết của mình không sai lầm.
b) Chánh tư duy : Suy nghĩ tưởng nhớ điều chơn chánh. Thể hiện Chánh tư duy là suy nghĩ những điều lợi mình lợi người, không hại ai cả. Muốn Chánh tư duy thì không tham, không sân, không si.
c) Chánh ngữ : Lời nói ngay thẳng chơn thật, chơn thật với chính mình và chơn thật với mọi người. Trái với Chánh ngữ là Vọng ngữ. Người thực hành được Chánh ngữ thì thoát khỏi Khẩu nghiệp.
d) Chánh nghiệp : Hành động chơn chánh, không làm điều gian ác. Muốn được Chánh nghiệp thì phải gìn giữ chặt chẽ các Giới cấm.
e) Chánh mạng : Sanh sống một cách chơn chánh bằng nghề nghiệp lương thiện, thanh bạch, không tham lợi mà bỏ nhân nghĩa, không thừa cơ đục nước béo cò.
g) Chánh Tinh tấn : Chuyên cần học tập, tu luyện cho tiến bộ. Muốn vậy phải giữ tâm trí chơn chánh, sáng suốt.
h) Chánh niệm : Tưởng nhớ  điều chơn chánh, để cuối cùng giữ cho Tâm được thanh tịnh, đến chỗ không không.
i) Chánh định : Tập trung tư tưởng, tức là định cái Tâm của mình vào đạo lý chơn chánh. Đó là sự Thiền định để giữ cái Tâm cho thanh tịnh hoàn toàn.
Bát Chánh đạo giúp cho người tu trị được mình, đưa đến sự giác ngộ hoàn toàn, tức là đắc đạo.

B . Thập nhị Nhân duyên :
Thập nhị Nhân duyên là 12 cái Nhân duyên. Nhân là nguyên nhân, như hạt lúa làm Nhân sanh ra cây lúa; Duyên là cái bổ trợ cho hạt lúa sanh ra cây lúa, như là : ánh sáng, nước, phân, công chăm sóc. Vậy Nhân duyên là cái nguyên nhân và cái bổ trợ cho cái nguyên nhân ấy thành cái quả.
Thập nhị Nhân duyên nói rõ sự tương quan của tất cả hiện tượng vật lý và tâm lý. Sự vật vốn có sinh có diệt, biến chuyển theo Luật Nhân Quả, không hề bị tiêu diệt hoàn toàn.

Nói cách khác, mọi sự vật đều không có bản thể độc lập, mà là tổng hợp của nhiều yếu tố, và là vô thường, luôn luôn biến đổi từ trạng thái nầy sang trạng thái khác.
Trong 12 Nhân duyên, không thể nêu ra một nhân duyên nào là nguyên nhân đầu tiên, bởi vì 12 Nhân duyên tạo thành 12 cái mắc xích đan vào nhau thành một vòng tròn liên tục, không có cái bắt đầu,  không có  cái  cuối  cùng  (Vô thủy vô chung), mà người ta gọi là Bánh xe Sinh hóa, hay Bánh xe Luân hồi, được biểu diễn bằng hình vẽ nơi trang sau.
Bánh xe Sinh hóa là vòng tròn không có khởi điểm, nhưng người ta thường trình bày nó bắt đầu  từ Vô Minh.

1) Vô minh: là trạng thái mờ ám, si mê, không tỏ ngộ chơn tâm. Vô minh chỉ là tiếp diễn của sự chết (Tử). Lúc chết, thân thể bị hủy hoại, nhưng Vô minh vẫn tồn tại. Nó là nguyên nhân của HÀNH, tức là các hành động được tạo ra trong cuộc sống sau nầy.

2) Hành: là hành động, tạo tác. Do Vô minh, phiền não nổi lên làm cho Thân, Khẩu, Ý tạo tác các nghiệp lành hay dữ, nên gọi là Hành. Vô minh và Hành được coi là 2 Nhân duyên thuộc quá khứ.

3) Thức: là Thần thức, chỉ về phần tinh thần. Sau khi chết, các nghiệp dẫn dắt Thần thức đi đầu thai để chịu quả báo. Trong đời sống hiện tại, giai đoạn thứ nhứt là Thức (Kết sinh thức), nó tương đương với giây phút đầu tiên thai nghén một hài nhi. Nó chưa có ý thức nhưng cái tâm tiềm thức hay Kết sinh thức hướng nó vào sự sống. Khi cái tâm tiềm thức nầy tiến tới một bước tạo thành hữu hình , đó là giai đoạn thứ hai của đời sống hiện tại : Danh Sắc.

4) Danh Sắc: là thân thể. Trong thân thể có 2 phần : Phần tinh thần (Tâm) chỉ có tên gọi chớ không hình tướng nên gọi là Danh; phần hình thể gọi là Sắc. Danh Sắc là giai đoạn phát triển để Tâm và Thân lần đầu tiên kết hợp lại thành một tổ hợp, đó là một hài nhi với đầy đủ tinh thần (Tâm) và thể xác (Thân).

5) Lục nhập: là 6 chỗ vào. Khi đã có Thân thể rồi thì đương nhiên phải có Lục Căn : Mắt, Tai, Mũi, Lưỡi, Thân, Ý, là những chỗ để cho Lục Trần xâm nhập vào, nên  mới gọi là Lục nhập. Lục trần là:  Sắc, Thinh, Hương, Vị, Xúc, Pháp.

6) Xúc: là tiếp xúc. Giai đoạn nầy tương ứng với 1 hay 2 năm đầu của trẻ sơ sinh. Sáu quan năng phát triển và hoạt động, nhưng quan năng xúc giác nổi bật hơn cả. Đứa bé gặp gì cũng sờ mó để tiếp xúc với thế giới bên ngoài bằng xúc giác của nó.

7) Thọ: là nhận lãnh. Khi 6 căn tiếp xúc với 6 trần thì lãnh thọ những cảnh vui buồn, sướng khổ. Hài nhi bắt đầu biểu lộ ý thức và lộ ra những tánh cá biệt.  Từ giai đoạn Thức đến giai đoạn Thọ, được gọi là 5 quả của quá khứ xuất hiện ra trong đời sống hiện tại.

8) Ái : là ưa muốn. Khi thọ lãnh cảnh vui thì sanh lòng tham, muốn làm sao cho vui hoài; khi gặp cảnh khổ thì sanh lòng sân hận, buồn rầu, muốn xa lìa. Đây là động cơ thúc đẩy Thân, Khẩu, Ý tạo tác các Nghiệp.

9) Thủ : là giữ lấy. Vì tham dục nên cố giữ lấy những thứ khoái lạc làm mục đích cuộc sống. Dẫu biết sống là khổ, nhưng vẫn không từ bỏ những cái đúng theo sở thích. Do đó Thủ mà có Hữu.

10) Hữu: là có, có ta hiện diện trongcuộc sống ở thế gian. Những cái ta thích, nó làm cho ta ham sống. Hữu là Quả của Thủ và làm Nhân của Sinh. Ái, Thủ, Hữu biểu hiện cho 3 giai đoạn trong các hành động của tuổi trưởng thành, kết hợp lại thành 3 Nhân duyên của hiện tại. Khi một cá thể thụ hưởng những hiệu quả của quá khứ thì cũng đang tạo tác những nguyên nhân cho kiếp sống vị lai.

11) Sinh: là sanh ra. Do Ái, Thủ, Hữu làm Nhân hiện tại tạo ra các Nghiệp, nên qua đời sau phải tái sanh để thọ chịu quả báo.

12) Lão và Tử : là già rồi chết. Sanh ra, lớn lên, già rồi chết. Sanh tử cứ luân chuyển thay đổi nhau. Chết là thể xác, còn là tinh anh. Cái tinh anh ấy lìa bỏ thể xác nhưng vẫn lẩn quẩn trong Vô Minh, cho nên lại mang cái Nghiệp mà lưu chuyển chìm nổi trong vòng Lục đạo Luân hồi. Hễ còn Luân hồi là còn khổ.

Trong Bánh xe Sinh hóa nầy, thời hiện tại được đặc biệt giải thích chi li với 8 giai đoạn, nhưng thực sự thì Vô Minh và Hành là của quá khứ, Sinh và Tử là của tương lai, cũng có những giai đoạn tương tự như hiện tại.

Trong 12  Chi Nhân duyên, Vô minh, Ái, Thủ, được gọi là Hoặc (Mê hoặc); trong khi đó Hành và Hữu thuộc Nghiệp quả. Các Chi còn lại gồm 5 quả hiện tại và 2 quả vị lai là thuộc về Khổ quả, tức là kết quả của đau khổ.

IV . Nhân sinh quan Phật giáo :

1. Con người do đâu mà có :
Để giải đáp vấn đề nầy, Đạo Phật có thuyết Thập nhị Nhân duyên. Trong 12 Nhân duyên ấy, Vô minh là căn bản. Vậy Vô minh là gì ?

VÔ MINH là không biết rõ sự lý đúng như thật, do đó sanh ra mê lầm, thật cho là giả, giả cho là thật, điên đảo hư vọng, chấp ngã, chấp pháp, rồi theo cảnh thuận nghịch mà khởi phiền não, nên cũng gọi là HOẶC.

Từ mê hoặc mà tạo ra các Nghiệp, hoặc thiện hoặc ác. Sự tạo tác ấy là HÀNH, chi thứ 2 trong Thập nhị Nhân duyên.

Do Nghiệp lành dữ huân tập chứa nhóm thành ra Nghiệp thức. Nghiệp thức nầy do chỗ huân tập thuần thục, rồi thác sanh vào thai mẹ, đó là món THỨC, chi thứ 3 trong Thập nhị Nhân duyên.

Trong thai mẹ, gom tinh huyết làm nhục thể. Tâm thức cùng nhục thể hoà hiệp gọi là DANH SẮC, đó là chi thứ 4 trong 12  Nhân duyên. (Danh là Tâm thức, Sắc là nhục thể).

Từ Danh Sắc lần lần tượng đủ 6 Căn, gọi là LỤC NHẬP, đó là chi thứ 5 trong Thập nhị Nhân duyên.

Sau khi ra khỏi thai, 6 Căn tiếp xúc với 6 trần, biết nóng, lạnh, đau, êm, ,,, nên gọi là XÚC, chi thứ 6 trong Thập nhị Nhân duyên.

Do sự tiếp xúc ấy mà Tâm dần dần sanh niệm phân biệt, rồi có những sự giác thọ vui, khổ, … Đó gọi là THỌ, chi thứ 7 trong Thập nhị Nhân duyên.

Do sự cảm thọ vui, khổ, khởi niệm ưa ghét, chấp đắm ấy mà sanh ra ÁI, chi thứ 8 trong Thập nhị Nhân duyên.

Vì tham ái nên tìm cầu nắm lấy cái hay cái tốt, cái ưa thích. Đó gọi là THỦ, chi thứ 9 trong Thập nhị Nhân duyên.

Muốn cho thỏa mãn chỗ nhiễm trước, ưa thích của Ái và Thủ, nên phải tạo Nghiệp. Nghiệp nầy có thể chiêu cảm quả báo vị lai, nên gọi là HỮU, chi thứ 10 trong Thập nhị Nhân duyên.

Đã có Hữu là cái mầm giống thì thế nào cũng có SANH, là chi thứ 11 trong Thập nhị Nhân duyên.

Đã có Sanh thì phải có LÃO và TỬ, chi thứ 12 trong Thập nhị Nhân duyên.
Trong 12 Nhân duyên, Vô minh thuộc về Hoặc, và Hành thuộc về Nghiệp. Đó là Nhân quá khứ.

Do Nhân quá khứ ấy mà có 5 quả khổ hiện tại là : Thức, Danh Sắc, Lục Nhập, Xúc và Thọ.

Do quả khổ hiện tại nói trên mà khởi ra Hoặc là Ái, Thủ, và tạo Nghiệp là Hữu, để làm Nhân cho Quả khổ sau là Sanh và Lão-Tử    vị lai.

Như thế, từ Nhân quá khứ sang Quả hiện tại, và Quả hiện tại lại làm Nhân cho Quả tương lai, 3 đời cứ nối tiếp xoay vần mãi mãi không dứt, như một bánh xe xoay tròn, lên xuống, xuống lên, không ngừng nghỉ.

Cứ đó mà suy ra thì biết rằng, con người chẳng những sống một đời trong hiện tại nầy, mà trước kia về quá khứ, đã trải qua không biết bao nhiêu đời sống rồi; và sau nầy trong vị lai, cũng sẽ còn vô lượng đời sống nữa.

Người hiện sống đây rồi chết, mà cái chết lại là cái Nhân làm thành đời sống vị lai.

Như thế, sống chết nối tiếp nhau không bao giờ dứt, như những làn sóng đại dương, cái nầy tan đi để hiệp lại một cái khác không bao giờ hết, nếu còn có gió.

Còn người, nếu gió Vô Minh còn thổi thì dòng sanh mạng còn lưu chuyển lăn trôi, chìm nổi mãi.

2 . Thân người như thế nào ?
Sau khi chúng ta đã biết nguyên nhân gây tạo ra sự hiện diện của người trên cõi thế nầy rồi, một câu hỏi khác hiện đến trong óc chúng ta là : Thân con người như thế nào ? Đẹp đẽ hay xấu xa,  thật hay giả, đáng quí hay đáng khinh ?

Để giải đáp vấn đề nầy, Đạo Phật có nhiều thuyết tùy theo Tiểu thừa hay Đại thừa, tôn phái nầy hay tôn phái khác. Những thuyết ấy, mặc dù nhiều, nhưng không trái nhau mà lại bổ khuyết cho nhau, làm cho vấn đề được trình bày trong mọi khía cạnh, từ hẹp đến rộng, từ cạn đến sâu, từ tướng đến thể, từ biệt tướng đến tổng tướng, …

Dưới đây chúng tôi xin tuần tự trình bày các quan niệm ấy từ Nhơn thừa đến Thiên thừa, qua Nhị thừa và cuối cùng đến Đại thừa để độc giả có một quan niệm đầy đủ về vấn đề nầy.

a) Quan niệm Nhơn thừa :
Thân người hòa hợp, do tinh huyết cha mẹ cùng Thần thức, góp 4 chất : Cứng, Ướt, Nóng, Động mà thành. Chủ động trong ấy là Thức (Nghiệp thức). Bởi  Nghiệp thức  người nhóm các duyên hội hợp làm thân người. Nghiệp thức ấy có ra do bởi sự gây tạo vì đời trước huân tập nơi tự tâm,kết thành công năng có tánh cách người, có thể cảm đặng thân người.

Như vậy, từ nơi tự tâm tạo tác hạnh nghiệp, các hạnh nghiệp ấy trở lại huân tập thành công năng nghiệp người  nơi tự tâm, cho đến khi công năng nghiệp thức ấy thuần thục, gặp đủ các trợ duyên, chiêu cảm hiện ra có thân người.

Trong khi mọi người, vì sự hiểu biết cạn hẹp, đã lầm tưởng thân thể thoạt nhiên sanh, và sau khi chết hoàn toàn tiêu diệt.
Chết để thay đổi thân  mới, sanh để thế thân cũ, xoay vần nơi vòng sanh tử, tử sanh.

Vậy thân thể của người hiện nay chỉ là một thân trong vô lượng thân. Người đã thay bỏ không biết bao nhiêu thân về trước, và sau nầy người cũng sẽ thay đổi không biết bao nhiêu thân nữa, nếu không một niệm “Hồi quang phản chiếu”.
Sự sanh hiện tại chỉ là một lần sanh trong vô lượng lần sanh, và sự chết ngày nay cũng chỉ là một phen chết trong vô lượng lần chết.

Thân hiện có đây là cái quả của Nghiệp đã tạo ra từ kiếp trước, và thân sẽ có sau nầy là do sự tạo Nghiệp bây giờ. Cho nên, người trong Phật giáo đương thọ lãnh báo thân hiện tại, dầu khổ hay vui, đều nhận chịu một cách tự nhiên và nhẫn nại, vì nếu có kêu cầu thế nào cũng không thay đổi được. Nếu biết lo lắng trau giồi cái thân thì có thể đổi xấu ra tốt được, để hưởng quả báo tốt đẹp ở tương lai, tức là phải tu tập các pháp lành và dẹp bỏ hành vi hung ác.

b) Quan niệm Thiên thừa :
Trọn vẹn 5 giới cấm, nhơn đạo đã hoàn thành, đào tạo chắc chắn nghiệp chủng người tốt lành nơi tự tâm, và sau nầy, khi thuần thục sẽ cảm lấy thân thể loài người tốt đẹp, mạnh khỏe, trường thọ, để hưởng hạnh phúc nơi cõi người.

Đức Phật chỉ dạy những nguyên nhân và quả báo, cùng sự tu hành để khỏi bị những thân xấu xa khổ sở và được cảm hiện những thân tốt đẹp, cường tráng, vui vẻ.

c) Quan niệm Nhị thừa : (Thánh nhơn)
- Thân bất tịnh : Lấy con mắt của hàng Nhị thừa xem nơi thân thể, chỉ là một thứ nhơ nhớp, do nhiều chất nhơ uế hòa hiệp. Các Ngài chỉ cảm thấy nó là hiện tượng của muôn điều khổ sở buộc ràng, không có mảy may chi đáng gọi là vui thú, nên có câu : “Thân vi khổ bổn” (Thân là cội khổ).

Phải chẳng do nơi thân khổ, các sự thống khổ như : Lạnh, nóng, đói, khát, mỏi đau, nghịch trái, vv … đều thuộc về  THỌ, mà Thọ có ra là bởi Lục căn tiếp xúc với Lục trần. Thân thể là chỗ nương dựa của Lục căn, nên sự thọ khổ lấy thân làm gốc. Vả lại, người đời không gì khổ bằng : Lúc sanh đau đớn kêu la, khi già lụm cụm run rẩy, lúc ốm đau yếu đuối bứt rứt, khi chết giãy giụa hãi hùng, 4 việc đại khổ ấy lại là cái khổ sanh, trụ, dị, diệt của thân thể.

Than ôi ! Thân là cội khổ, thân là bất tịnh, thân là vô thường, có gì đáng sợ đáng chán bằng thân !

- Thân giả hợp : Cái gốc Hoặc Nghiệp đã trừ, thì cái ngọn là Thân, tức nhiên phải khô mục. Nhân đã không còn thì Quả cũng tự mất. Thân sau không còn chiêu cảm thì các khổ lụy không nương đâu mà có, tức là an vui giải thoát. Dứt được Nghiệp Hoặc thì vô lậu huệ sanh, thành bực Thánh Nhị thừa.

Huệ nhãn của các bậc Nhị thừa Thánh nhơn cũng thế. Đối với người thường là thân thể xinh đẹp, với các Ngài thì thân thể còn không có, huống nữa là xinh đẹp. Chẳng phải là duyên cảnh khác, mà chỗ thấy biết có khác. Cũng đồng một cảnh, song vì thức trí khác nhau, nên chỗ nhận biết không đồng. Do không còn thấy là thật có thân thể, nên các Ngài không còn sanh lòng luyến ái nơi thân, không còn có niệm : Thân người, thân mình, vì tất cả đều đồng là Ngũ ấm, là Lục căn. Dưới huệ nhãn của các Ngài, và hơn nữa, đều đồng là Tứ đại giả hợp : Da thịt gân xương, tóc móng, toàn là Địa đại; tinh huyết, đàm nhớt, nước mắt mồ hôi, toàn là Thủy đại; Nhiệt độ thuộc về Hỏa đại; cùng sự chuyển động thuộc về Phong đại. Tứ đại nếu trái nhau thì thân thể làm sao đặng có ?

Rõ biết thân thể là hư vọng thì cả thảy phiền não tự trừ, vì thân là căn bản của Ái nhiễm, lúc bấy giờ  thì Vô ngã trí phát sanh, vĩnh viễn thoát ly sanh tử trong 3 cõi, tức là rốt ráo được Nhị thừa Phật giáo.

d) Quan niệm Đại thừa :
- Thân như huyễn hóa : Thân không tự có, do Thức chuyển biến mà có; thân không tự thể, lấy Thức làm thể; toàn thân là Thức, ngoài Thức không thân. Thân có là do Thức công năng biến hiện, công năng hiện thân bởi các Nghiệp duyên huân tập nơi Thức mà thành.

Nghiệp duyên có ra, lại nương nơi thân mà phát khởi, nên thân thể là pháp hư giả, do Thức biến hiện. Song, từ nơi thân thể tạo nghiệp nhiễm hay tịnh, làm duyên huân tập nơi tự tâm, khiến tự tâm chuyển thành công năng nhiễm hay tịnh. Thân thể cùng công năng xoay chuyển làm Nhân duyên cho nhau, có không phải thiệt có, không không phải thiệt không, thật đồng huyễn hóa. Vì đó nên với quán trí của Đại thừa thì thân thể như huyễn hiện.

Con người, mặc dầu sống trong đau khổ, nhưng đều có Phật tánh. Với Phật tánh ấy, con người có thể thoát ra khỏi hoàn cảnh ấy. Con người không cần phải quì lụy cầu xin ở một Đấng nào, mà do tự lực và hành động của mình, chỉ có mình  mới giải thoát được cho chính mình mà thôi.

Con người chính là vị sáng tạo của đời mình. Khi mê thì con người tự làm cho mình đau khổ, nhưng khi biết mình mê mà tìm cách thoát ra khỏi mê thì con người chính là kẻ tự gây hạnh phúc cho mình. Đó là ưu điểm của con người, đó cũng là niềm tin lớn của con người.

Đứng về một phương diện thì thân phận con người thật đáng chán, nhưng đứng về một phương diện khác thì làm được con người thật đáng quí trọng.

Cho nên, bảo Nhân sinh quan của Phật giáo là bi quan cũng không đúng hẳn, mà bảo rằng lạc quan thì cũng không đúng hẳn. Lạc quan hay Bi quan là tùy ở phương diện quan sát của mình. (Theo Bài Nhân sinh quan Phật giáo của Hòa Thượng Thích Thiện Hoa, trong Phật Học Phổ Thông, khóa  V, trang 400 đến 422).

 V . Vũ Trụ Quan Phật giáo :

1 . Đặt vấn đề tiên quyết :
Phật giáo khác với các tôn giáo khác, không tin có tạo vật chủ. Đối với Phật giáo, vũ trụ vạn hữu sanh ra, không nhờ một Đấng nào hay một phép nào ở ngoài nó cả, mà chỉ do tự kỷ Nhân Quả tiếp nối mà thành.

Cái Quả bây giờ là do cái Nhân ở trước, cái Nhân ở trước là do cái Quả ở trước nữa; cứ như thế đi ngược trở lại mãi, Nhân nầy Quả nọ, không bao giờ cùng.

Như thế, Vũ trụ đối với Phật giáo là Vô thỉ (không có cái bắt đầu), mà đã Vô thỉ thì làm gì có nguyên nhân đầu tiên

Trong hiện tượng giới, ta thấy có sanh diệt, chúng ta cho là vô thường. Nhưng nếu xét toàn thể Vũ trụ, đứng về thật tại giới, thì chẳng có sanh diệt, mà vạn hữu là thường trụ.

 Như trước đã nói, không có nguyên nhân đầu tiên, do đó, chúng ta sẽ đặt sai vấn đề nếu ta hỏi: Nguyên nhân đầu tiên tạo thành vũ trụ là gì ?

Và ta lại càng đi xa hơn nữa trong sự sai lầm khi hỏi : Ai sáng tạo ra vũ trụ vạn hữu ?

Phải đặt câu hỏi thế nầy  mới đúng : “Thật thể của cái có và cái không tương đối, tức là vũ trụ vạn hữu, là như thế nào ? “ hay là : “Thật tại của vũ trụ như  thế nào ?”

Đó là câu hỏi thứ nhứt, nhằm mục đích tìm hiểu thật thể, thật tánh, thật tướng, hay nói theo danh từ Triết học, nhằm mục đích tìm hiểu  thật tại  của vũ trụ vạn hữu.

Câu hỏi thứ hai là : “ Phát nguyên từ thật tại, vũ trụ vạn hữu đã hình thành và biến chuyển bởi những nguyên nhân gì ? và như thế nào ?”

Đây là 2 câu hỏi chính, sau đó, chúng ta có thể thêm vào câu hỏi phụ như : Vũ trụ rộng hay hẹp ? có cùng hay không cùng tận ?

Trả lời câu hỏi thứ nhứt, Đạo Phật có Thật Tướng Luận; trả lời câu hỏi thứ hai, Đạo Phật có Duyên Khởi Luận, trả lời câu hỏi thứ ba, Đức Phật dạy : Vũ trụ hay Thế giới là vô lượng, vô biên, vô cùng tận.

2 . Thật Tướng Luận :
Thật Tướng Luận là lý thuyết giải bày về thật thể của vũ trụ. Thật thể hay Thật tướng của vũ trụ, Đạo Phật thường gọi là Chơn như. (Chơn là thật; Như là luôn luôn như thế, không biến đổi, không sanh diệt, vô thỉ vô chung).

Vậy Chơn như là một thật thể không biến đổi, không sanh diệt, không còn mất, vô thỉ vô chung, sáng suốt, có đủ tất cả những diệu dụng của đức tánh.

Để chỉ Chơn như, nhiều khi Phật giáo, tùy theo  mỗi trường hợp, cũng gọi bằng những danh từ khác như : Chơn tâm, Viên giác, Thắng nghĩa, Phật tánh, Giác tánh, Pháp tánh, Như như, Nhứt như, …

Mục đích của Thật Tướng Luận là muốn cho chúng ta nhận chân rằng : Thật tại hay Chơn như, không thể dùng ngôn ngữ, văn tự mà thấy được, trái lại phải rời bỏ tất cả danh tướng mà trực nhận. Nhưng để có một ý niệm thô thiển về Chơn như, hãy tự bảo rằng “Chân như là cái gì trái hẳn với hiện tượng giới.”,“Hiện tượng giới là mặt trái của Chơn như.”

3. Duyên Khởi Luận :
Duyên Khởi Luận là những lý thuyết nói về nguyên nhân hay lý do sanh khởi của hiện tượng giới.

Duyên Khởi Luận trong Phật giáo, có nhiều thuyết, nhưng không trái ngược nhau, mà chỉ khác nhau về phương diện cạn sâu, rốt ráo hay chưa mà thôi.
Vậy chúng ta tuần tự đi từ cạn đến sâu.

a) Nghiệp cảm duyên khởi :
Nghiệp cảm duyên khởi luận là chủ trương của Tiểu thừa Nguyên thủy Phật giáo. Lý thuyết nầy rút ra từ trong Tứ Diệu Đế và Thập nhị Nhân duyên.

Như chúng ta đã biết về Tứ Diệu Đế, Phật dạy : Nguyên nhân của đau khổ, của sanh tử luân hồi là do Hoặc Nghiệp. Hoặc là mê vọng, Nghiệp là hành động tạo tác. Vì mê vọng nên có hành động sai lầm, vì hành động sai lầm nên chịu quả đau khổ, … và cái vòng Nhân Quả Luân hồi cứ tiếp tục mãi, tạo ra có Chánh báo là thân ta, và y báo là sơn hà đại địa. Sơn hà đại địa sở dĩ có là có một cách tương đối với thân ta mà thôi.

Khi nguyên nhân biến đổi thì nghiệp quả cũng biến đổi, do đó Chánh báo và y báo cũng biến đổi theo. Người, khi tạo những nghiệp nhân làm người thì đời sau đầu thai lại, chánh báo vẫn là người và y báo vẫn là sơn hà đại địa như người đã nhận thấy. Nhưng nếu tạo những nghiệp nhân dữ thì chánh báo đời sau sẽ là loài súc sinh hay ngạ quỉ, và y báo, tức là cảnh giới ở chung quanh, cũng không còn giống như cảnh giới trước của người nữa, nghĩa là vũ trụ vạn hữu sẽ biến đổi theo tầm mắt và sự hiểu biết của loài ấy.

Do đó mà gọi là nghiệp cảm, nghĩa là do Nghiệp như thế nào thì cảm thọ cái thân và cảnh như thế ấy.

Nói một cách tổng quát, do nghiệp lực mà có thân (chánh báo) và thế giới (y báo). Chánh báo và y báo có thể thế nầy hay thế khác, tốt hay xấu, là do nghiệp lành hay dữ. Nhưng dù sao, hễ còn nghiệp là còn hiện tượng giới. Dứt trừ nghiệp là trở về cái Chân như, là nhập Niết bàn.

b) A-Lại-Da duyên khởi :
Thuyết nầy thuộc về Đại thừa Thỉ giáo, đi sâu hơn thuyết trên một tầng.
Trong thuyết Nghiệp cảm Duyên khởi, chỉ nói có 6 Thức là : Nhãn, Nhĩ, Tỹ, Thiệt, Thân, Ý. Sau khi chết, Ngũ uẩn tan rã, Nghiệp lực dẫn dắt đi đầu thai, nhưng dẫn dắt cái gì ? Lục Thức hay Ý thức sanh diệt vô thường, biến chuyển luôn luôn, thì nghiệp dù còn, mà lấy cái gì gìn giữ cái nghiệp quả, khiến cho nó triển chuyển không dứt ?

Đại Thừa Thỉ giáo bổ khuyết cho thuyết trên, tìm thấy thêm 2 Thức nữa là Đệ thất Thức hay Mạt-Na Thức và Đệ bát Thức là A-Lại-Da Thức.

Mạt-Na là cầm bắt lấy chỗ thấy biết, nghĩa là tự nhận có một cái Ngã, và gìn giữ cái Ngã ấy. Nhưng làm sao giữ được cái Ngã ấy ? trong lúc Ngũ uẩn và Lục thức đều sanh diệt vô thường, hợp ly mãi mãi.

Vậy thì dưới Mạt-Na Thức, tất phải có một Thức khác thường tại, trùm chứa tất cả chủng tử của các pháp  mới được.

Đó chính là Thức thứ 8 : A-Lại-Da Thức, hay Tạng Thức (Thức Trùm chứa). Thức nầy không phải vô thường như Ngũ uẩn, mà là hằng khởi, thường tại. Nó có 2 công năng : Một là thâu nhiếp tất cả pháp, Hai là sanh khởi tất cả pháp.

Khi chúng ta gây thiện nghiệp hay ác nghiệp thì những chủng tử được dồn chứa vào Tạng Thức, đến khi đủ nhân duyên thì những chủng tử ấy phát ra hiện hành.

Bởi A-Lại-Da Thức bao gồm hết thảy chủng tử của chư pháp, nên nó phát hiện được hết năng lực vô hạn của vạn tượng. Khi căn thân của ta vừa phát sanh là nó bao hàm khách quan giới (tức là vạn vật). Khách quan giới thiên sai vạn biệt là do trong chủ quan giới có ý thức tác động mà ra.

Tóm lại, A-Lại-Da Thức làcăn bản của hiện tượng giới
Từ vô thỉ, A-Lại-Da Thức đã bao trùm chủng tử. Hiện tượng giới do chủng tử nầy phát hiện. Hiện tượng đã phát hiện thì lại kích thích phát sanh duyên  mới, dẫn đến chỗ tác dụng. Như thế, chủng tử cùng hiện tượng nhân quả nhau mãi mà làm cho hiển hiện vạn hữu và làm nền móng qua bao kiếp nhân quả luân hồi.

Nhưng nếu A-Lại-Da Thức là nền móng của nhân quả luân hồi thì A-Lại-Da Thức cũng là căn nguyên của giải thoát, vì trong A-Lại-Da Thức có đủ cả chủng tử hữu lậu và vô lậu. Chủng tử hữu lậu là những hạt giống phát sanh thiên sai vạn biệt, tức là hiện tượng giới; còn chủng tử vô lậu, đối với ngoại giới, biết có hư vọng, cho nên không để cho tâm vọng động, nên có thể đưa đến sự giải thoát.

c) Chân Như Duyên khởi :
Thuyết nầy của Đại Thừa Chung giáo. Theo Đại Thừa Chung giáo, Chân như tùy duyên mà sanh ra muôn pháp, hay nhất thiết duy tâm tạo. Tâm bao gồm tất cả và có 2 phương diện : Về phương diện động, Tâm là cái cửa của sanh diệt; về phương diện tịnh,  Tâm là cái cửa của Chơn như.

Nhưng vì sao, cũng một Tâm mà có 2 phương diện tương phản như thế ? Ấy là bởi Vô minh. Chân như vốn thường trụ, bất động, nhưng bởi vô minh làm duyên, khiến cho nó vọng động làm ra thiên sai vạn biệt. Vô minh không phải là vật có thật, nó dựa nơi tâm thể mà có. Nó là một vọng niệm. Cho nên trong Kinh thường nói : “Hốt nhiên niệm khởi, gọi là vô minh.” Do cái vọng niệm ấy mà thấy có chủ quan, có khách quan, có tự ngã, có phi ngã, có vũ trụ vạn hữu.

Nhưng vạn hữu không phải ngoài tâm mà tồn tại được. Chơn như tuy bị vô minh kích thích mà diêu động, nhưng trong động có tịnh, trong tịnh có động, cũng như nước và sóng ở trong biển. Đứng về phương diện nước mà nhìn thì tất cả sóng đều là nước; đứng về phương diện sóng mà nhìn thì tất cả nước đều là sóng. Tâm ví như biển, Chân như ví như nước, và vạn tượng ví như sóng.

Chúng sanh  vì vô minh che lấp nên chỉ thấy có vạn tượng giới; Bồ Tát và Phật, vì đã trừ hết vô minh, nên thấy vạn tượng là Chơn như. Tâm gồm có Chơn như và vạn tượng : Tịnh là Chơn như, động là vạn tượng. Động, tịnh  không rời nhau, không cùng là một, nhưng cũng không phải khác nhau. Đó là 2 phương diện của Tâm. Để chỉ 2 phương diện nầy, trong Kinh có câu :“Tùy duyên bất biến, bất biến tùy duyên.”

Tùy duyên Tịnh sanh ra Tứ Thánh, tùy duyên nhiễm sanh ra Lục phàm. Từ tịnh trở thành động là đi vào cửa sanh diệt, và đó cũng là nguyên nhân phát triển của vũ trụ vạn hữu Từ động trở về tịnh là đi vào cửa Chơn như và đó chính là nguyên nhân của giải thoát.

d) Lục đại Duyên khởi :
Lục đại duyên khởi là chủ trương của Mật Tông hay Chơn Ngôn Tông. Lục đại là : Địa, Thủy, Hỏa, Phong, Không (Không gian) và Thức. Năm đại trước thuộc về sắc pháp (tức là vật), đại thứ 6 thuộc về Tâm pháp (tức là Tâm). Sáu đại nầy,  mỗi  mỗi đều dung thông không ngăn ngại nhau, và tùy duyên sanh khởi vũ trụ vạn hữu.

Chia ra Vật và Tâm là trí thức của ta phân biệt như thế, chớ bản thể của thật tại vẫn là một, vẫn không thể phân chia được. Vật là hình tướng, Tâm là lực hoạt động. Lực không lìa được hình, lìa hình thì lực không tồn tại. Còn hình, nếu không nhờ lực thì không phát hiện được. Vật và Tâm chỉ là 2 phương diện của bản thể nhứt như.

Ta có đây là do Lục đại kết hợp mà ra. Lục đại ly tán thì ta không còn. Còn mất chẳng qua chỉ là do Lục đại đổi thay. Lục đại kết hợp hay ly tán làm thành vũ trụ hoạt động.

Đứng về phương diện tổng quát mà nhìn, vũ trụ là một sự hoạt động không ngừng của Lục đại.
Chơn như là thực thể của Lục đại mà lý tánh của ta trừu tượng được.
Thánh phàm khác nhau, thiện ác khác nhau ở chỗ biết hay không biết phân biệt Chơn như với hiện tượng.

e) Pháp giới duyên khởi :
Pháp giới duyên khởi là chủ trương của Đại Thừa Viên giáo (Hoa Nghiêm Tông). Thuyết nầy cho rằng : Pháp giới (tức là vũ trụ vạn hữu) là một duyên khởi rất lớn, nghĩa là các pháp làm nhân, làm duyên cho nhau, nương tựa, tương phản, dung thông nhau mà thành lập.

Cái năng lực chủ động của pháp giới duyên khởi, không phải  thuộc về nghiệp lực của chúng sanh,  không  phải

tạng thức sai biệt của A-Lại-Da, cũng không phải cái lý tánh bình đẳng bất sanh bất diệt của Chơn như, mà chính là do vạn pháp, pháp nầy dung thông với pháp kia, pháp kia dung thông với pháp nọ, cùng nhau làm duyên khởi,  mỗi lớp  mỗi lớp không cùng tột, cho nên gọi là Vô tận duyên khởi, hay Trùng trùng duyên khởi.

Như thế, vũ trụ vạn hữu là một cuộc đại hoạt động của hiện tượng, từ vô thỉ đến vô chung, nối tiếp và tràn lan vô cùng tận như những đợt sóng. Vì có hoạt động nên  mới có sanh diệt chuyển biến. Nếu không có hoạt động thì không chuyển biến, tức là không có vạn tượng, không có vũ trụ.

Sở dĩ các pháp làm nhân làm duyên hòa hợp, dung thông nhau được là do 10 đặc tánh kỳ diệu mà Đại Thừa Viên giáo gọi là 10 món huyền môn.  Lại do 10 món huyền môn nầy  mà trong pháp giới,  Sự và Lý, Lý Sự và Sự Sự được dung thông vô ngại. (Sự là sự tướng sai biệt, Lý là lý tánh bình đẳng). 

Để kết luận về phần trình bày Duyên khởi luận nầy, chúng ta có thể tóm tắt như sau :
- Nghiệp cảm Duyên khởi muốn nói : Nghiệp lực là nguyên nhân của hiện tượng giới. Nghiệp bởi mê hoặc mà có.

- A-Lại-Da Duyên khởi muốn nói : Căn nguyên của hiện tượng giới là A-Lại-Da thức. A-Lại-Da bao trùm tất cả chủng tử hữu lậu và vô lậu. Do chủng tử hữu lậu mà phát sanh vũ trụ vạn hữu. Muốn giải thoát khỏi hiện tượng giới thì phải huân tập và làm phát hiện chủng tử vô lậu.
- Chơn như Duyên khởi muốn nói : Chơn như vì duyên với vô minh mà diêu động và làm phát sanh ra vũ trụ vạn hữu.
- Lục đại Duyên khởi và Pháp giới Duyên khởi là 2 thuyết mường tuợng giống nhau, đều thuyết minh 2 phương diện hiện tượng  và thật thể của nhất như. Bất tri bất giác là nguyên nhân của hiện tượng. Tri giác được thì giải thoát được.

Những thuyết nói trên đều có những điểm giống nhau : Mỗi thuyết đều công nhận  có Chơn như là bản thể của vũ trụ vạn hữu.

Nguyên nhân làm sanh khởi vũtrụ vạn hữu là mê vọng hay vô minh. Muốn giải thoát thì phải trừ cho được mê vọng.

4 . Không gian và thời gian của Pháp giới :
Chúng ta đã nói về nguyên nhân sanh khởi của vũ trụ vạn hữu. Đến đây, chúng ta hãy nghe Phật dạy về sự rộng lớn vô biên và sự tồn tại vô cùng của vũ trụ hay Pháp giới.

a) Không gian :
Theo lời dạy trong các Kinh, vũ trụ hay nói theo danh từ của Phật giáo là Pháp giới, thì nó rộng lớn vô cùng vô tận.

Thế giới chúng ta ở đây không phải chỉ có một, mà nhiều như cát sông Hằng.
Cứ 1000 Thế giới nhỏ hiệp thành một Tiểu thiên Thế giới; hiệp 1000 Tiểu thiên Thế giới thành một Trung thiên Thế giới, hiệp 1000 Trung thiên Thế giới thành một Đại thiên Thế giới hay Tam thiên Đại thiên Thế giới.

Mỗi Tam thiên Đại thiên Thế giới như thế là gồm 1000 triệu (tức là 1 tỷ) Thế giới nhỏ như Thế giới của chúng ta. Hơn nữa, vũ trụ không phải chỉ có một Đại thiên Thế giới, mà gồm vô số Đại thiên Thế giới.

b) Thời gian :
Phật đã dạy : Các pháp hữu vi, bất cứ một pháp nào, cũng đều bị 4 thời kỳ chi phối là : Thành, Trụ, Hoại, Không.

Thế giới cũng vậy, không thể thoát ra ngoài cái luật :Thành, Trụ, Hoại, Không, ấy được. Nhưng bởi vì trong pháp giới có không biết bao nhiêu Thế giới, nên sự thành, trụ của một Thế giới nầy là sự hoại, không của một Thế giới khác, cứ như thế mà xoay vần không dứt.

Nếu lấy riêng ra một Thế giới để đo lường thời gian, chúng ta sẽ có những con số như sau:

Mỗi Thế giới đều có 4 thời kỳ hay 4 Trung kiếp. Mỗi Trung kiếp có 20 Tiểu kiếp. Mỗi Tiểu kiếp có 16 triệu năm.

Như thế, một Thế giới từ khi hình thành đến khi tiêu diệt phải trải qua : 4 x 20 x 16 = 1280 triệu năm.

Nhưng chúng ta đã biết số Thế giới nhiều như cát sông Hằng, thì sự tồn tại của pháp giới lâu dài không thể suy  tính nghĩ bàn được.

Ở đây, chúng ta không có ý nêu lên các con số như trên để đo lường đích xác sự rộng lớn và sự lâu dài của pháp giới, chúng ta chỉ có mục đích là nêu ra để có ý niệm về sự vô cùng vô tận, vô thỉ vô chung của pháp giới mà thôi. Ý niệm nầy ngày nay cũng được khoa học tán đồng. (Theo Bài Vũ trụ quan của Hòa Thượng Thích Thiện Hoa trong Phật học Phổ thông, khóa V trang 374).

VI . Quan niệm của Phật giáo về Thượng Đế và Linh hồn :
Trong quyển Đức Phật và Phật pháp (The Buddha and his Teachings) của Đại Đức NARADA, Tăng Trưởng chùa Vajirarãma ở Tích Lan, thuộc Phật giáo Nguyên thủy (Tiểu Thừa), là Giáo sư Đại học Tích Lan, đã được Ông Phạm kim Khánh dịch ra Việt văn, có những đoạn trích ra sau đây:
“ Ta không nên lẫn lộn Giáo lý tái sanh của Phật giáo với thuyết chuyển sinh linh hồn hay đầu thai của một vài hệ thống tín ngưỡng khác, bởi vì Phật giáo không nhìn nhận có sự chuyển sinh của một linh hồn trường cửu do một Thần linh tạo ra hay phát xuất từ một Đại hồn.” (trang 357)
“ Ta không thể xác định khởi điểm của dòng đời của chúng sanh. Nguồn gốc và lịch trình tiến hóa của vũ trụ, Đức Phật không đề cập đến.” (trang 367)
“ Trong toàn bộ Tam Tạng, tuyệt đối không có đoạn nào đề cập đến sự hiện hữu của một Tạo Hóa. Nhiều lần Đức Phật phủ nhận một Linh hồn trường cửu. Ngài tuyệt nhiên không chấp nhận có một Đấng Tạo Hóa, bất luận dưới hình thức một năng lực hay một chúng sanh. Mặc dầu Đức Phật không hề đặt một Thần linh siêu nhơn nào lên trên con người, có vài học giả cũng quả quyết rằng Ngài đặc biệt không đề cập đến vấn đề tranh luận quan trọng ấy.” (trang 368)

“Phật giáo thuần túy không chủ trương có linh hồn người chết tạm trú ở một nơi nào, chờ đến khi tìm được một nơi thích hợp để đầu thai.” (trang 419)

“ Ngoài Danh và Sắc, Tâm và Vật, là 2 thành phần cấu tạo chúng sanh, Phật giáo không nhận có một linh hồn vĩnh cửu hay một bản ngã trường tồn mà con người đã thọ lãnh một cách bí ẩn từ một  nguồn gốc cũng bí ẩn không kém. Một linh hồn mà trường cửu, tức nhiên phải bất biến, trước cũng như sau. Nếu linh hồn mà người ta giả thiết là phần tinh túy của con người là trường tồn vĩnh cửu thì linh hồn không thể phát sanh hay tiêu diệt, mà ta không thể giải thích vì sao “ từ lúc sơ khởi, linh hồn nầy lại khác biệt rất xa với linh hồn kia.” (trang 422)

“Phật giáo dạy một thứ Tâm lý học trong đó không có linh hồn. Phật giáo chủ trương rằng, chúng ta là sự cấu hợp của 2 thành phần Danh và Sắc, Tâm và vật chất, và 2 thành phần nầy ở trong trạng thái luôn luôn biến đổi như một dòng  suối trường lưu bất tức.” (trang 427)

“ Nếu không có linh hồn, coi như một thực thể đơn thuần không biến đổi, thì cái gì đi tái sanh ? (trang 433)

   
  Home   [ 1 ]  [ 2 ]  [ 3 ]  [ 4 ]  [ 5 ]  [ 6 ] [ 7 ]  [ 8 ]  [ 9 ]  [ 10 ]  [ 11 ]  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét