Nữ Trung Tùng Phận - 6 / 13 (Tiên Nương Đoàn Thị Điểm giáng cơ đề bút)


Thời gian thấm thoát được một năm, Từ Thức quá nhớ nhà, nên đòi về thăm. Giáng Hương hết sức ngăn cản, nhưng không được, đành viết một phong thư niêm kín, dặn chàng chừng nào về tới quê nhà mới mở ra xem, rồi đưa chàng xuống núi từ biệt. Đây là bức thư vĩnh biệt, vì Giáng Hương biết rằng Từ Thức không có căn Tiên, nên mới xảy ra việc nhớ nhà đòi về, khiến chàng trở lại trần gian, không thể lên cõi Tiên được nữa.

Từ Thức về tới làng cũ thấy cảnh vật đổi khác rất nhiều, vì đã qua 60 năm nơi cõi trần.
Các người cùng thời với chàng đã chết hết, nhà Trần đã mất, đổi sang nhà Lê. Từ Thức bùi ngùi thương cảm. Con cháu đều không nhìn ra nữa.

Từ Thức trở lại đường cũ, đi tìm Giáng Hương, nhưng không thấy hòn núi. Chàng quá thất vọng, đi vào núi Hoành Sơn và mất tích luôn trong đó.

Cầu ô: Ô là con quạ, cũng gọi là chim ô thước. Điển tích: Theo sách Kinh Sở Tuế Thời Ký, Chức Nữ là cô gái dệt vải, là cháu của Ông Trời, rất siêng năng dệt vải. Trời đem gả cho Ngưu Lang là chàng chăn trâu nơi Thượng giới. Hai vợ chồng quá âu yếm nhau mà bê trễ bổn phận. Trời phạt đày mỗi người ở một bên sông Ngân Hà, chỉ cho gặp nhau một lần vào đêm Thất tịch (mùng 7 tháng 7 âm lịch). Đêm đó, các con chim ô thước đội đá bắc cầu qua sông Ngân Hà, để cho Ngưu Lang đi qua sông gặp vợ. Khi gặp nhau, vợ chồng than khóc kể lể cảnh ly biệt, nước mắt rơi xuống trần gian tạo thành các đám mưa, gọi là mưa ngâu.

Kẻ Hớn người Hồ: Kẻ Hớn là người Trung Hoa ở Trung nguyên, người Hồ là rợ Hồ hay rợ Hung Nô ở phía Bắc Trung nguyên. Vào thời nhà Tống, vua Hung Nô đem quân đánh vào Trung nguyên, buộc vua Tống phải đem nàng Chiêu Quân là ái phi của vua Tống, nạp cho vua Hung Nô. Vua Tống nhu nhược, đánh thua quân Hồ nên phải ép lòng đưa Chiêu Quân đi cống Hồ. Từ ấy, vua và nàng Chiêu Quân xa cách nhau, kẻ Bắc người Nam, đau khổ vô cùng.

Phòng hạnh: Hạnh là trái mơ, cùng loại với trái đào. Phòng hạnh đồng nghĩa với Phòng đào, chỉ nơi ở của người đàn bà. Ở đây, phòng hạnh là chỉ người vợ.

Ra mồ quạt duyên: Quạt cái mả còn ướt của chồng cho mau khô đặng đi tìm duyên mới. Điển tích: Trang Tử là vị Tiên đắc đạo tại thế. Một hôm ông đi chơi ở mé chân núi, gặp một thiếu phụ còn trẻ đang mặc đồ tang, tay cầm cái quạt lớn, đứng quạt vào một nấm mồ mới đắp đất. Trang Tử thấy lạ đến gần hỏi thử cho biết nguyên do. Thiếu phụ đáp : Chồng tôi chết vừa mới chôn cất xong. Lúc hấp hối, chàng có trối lại dặn rằng, chừng nào nấm mộ của chàng mồ khô cỏ ráo thì nàng mới được đi lấy chồng khác. Nay tôi thấy nấm mồ còn ướt mãi nên tôi lấy quạt ra đây quạt cho mau khô.

Trang Tử ngẫm nghĩ một lát rồi nói với chị ta là để ông giúp cho chị ta quạt mồ mau khô. Nói rồi, Trang Tử làm phép trên cái quạt, trao trả cho chị ta, và chị ta quạt mấy cái thì mồ khô cỏ ráo liền.
Chị ta vui mừng không xiết, cảm tạ Trang Tử, và tặng Trang Tử cái quạt làm kỷ niệm.
Câu 213: Người vợ nhắc lại lúc vợ chồng còn trẻ, dẫn nhau đi du sơn, hỏi thăm nơi nào là cái hang mà Từ Thức đi vào gặp Tiên.
Câu 214: Nào những khi 2 vợ chồng ngắm xem trăng sao giữa Trời, tìm đâu là sao Chức Nữ, sao Ngưu Lang, đâu là mấy bực cầu ô thước.
Câu 215: Ý nói: Sao bây giờ, vợ chồng chia ly kẻ Bắc người Nam?
Câu 216: Ý nói: Để cho người vợ chịu cảnh chồng chết mà đi tìm duyên mới.

Trở lại Nữ Trung Tùng Phận câu 213 / Trở lại Nữ Trung Tùng Phận mục lục.

217 . Nào là lúc ngửa nghiêng đêm quạnh,
Nào là khi thức tỉnh đêm khuya.
Chừ sao loan phụng chia lìa,
Con trông vợ nhớ, mắt kề ngó song.

Chú thích:
Ngửa nghiêng: Lúc nằm ngửa, lúc nằm nghiêng, ý nói trăn trở thao thức không ngủ được. Đêm quạnh: Đêm vắng vẻ im lặng, gây cảm giác trống trải buồn bã. Loan phụng: Loài chim phượng luôn luôn sống từng cặp, con mái gọi là loan, con trống gọi là phụng. Loan phụng là chỉ đôi vợ chồng khắn khít. Trong đám cưới thường chúc: Loan phụng hòa minh, sắt cầm hảo hiệp (2 con chim loan phụng hòa tiếng hót, 2 cây đàn cầm sắt hòa hợp tốt đẹp). Mắt kề ngó song: Mắt kề sát vào cửa sổ ngó mong ra ngoài, trông đợi người chồng đi chưa về. Song là cái cửa sổ.

Trở lại Nữ Trung Tùng Phận câu 217 / Trở lại Nữ Trung Tùng Phận mục lục.

221 . Càng thấy con khờ không đủ trí,
Càng thêm lo huyết khí bên chồng.
Nâng niu lúc ẵm khi bồng,
Phụ thân thế phận cho chồng dạy khuyên.

Chú thích:
Khờ không đủ trí: Khờ khạo không đủ trí khôn. Huyết khí: Huyết là máu, khí là chất tinh túy do máu tạo thành để lưu truyền nòi giống. Huyết khí là chỉ dòng giống nhà chồng. Phụ thân: Cha ruột. Thế phận: Thay thế bổn phận.
Câu 224: Chồng ra đi không về, người vợ ở nhà thay thế chồng làm bổn phận người cha dạy khuyên con trẻ. Câu nầy có ý nghĩa rất giống câu thơ bên Chinh Phụ Ngâm Câu 160: Dạy con đèn sách, thiếp làm phụ thân.

Trở lại Nữ Trung Tùng Phận câu 221 / Trở lại Nữ Trung Tùng Phận mục lục.

225 . Càng sợ hở thung huyên phiền muộn,
Thảm bao nhiêu gắng gượng làm vui.
Tảo tần sớm dưỡng chiều nuôi,
Thế chàng thiếp lãnh vai người hiếu nam.

Chú thích:
Càng sợ hở: Càng sợ không kín chuyện, tin tức lọt ra ngoài. Hở là không kín. Phiền muộn: Buồn rầu. Thung huyên: Cây thung, cũng gọi là cây xuân, chỉ cha; cỏ huyên chỉ mẹ. Thung hay xuân là loại cây, sống rất lâu năm, cứ 8000 năm mới tới mùa xuân của nó, 8000 năm nữa mới tới mùa thu của nó. Dùng cây xuân để chỉ người cha vì con muốn cha sống lâu như cây xuân. Huyên là loại cỏ sống lâu năm, ăn cỏ huyên thì hết buồn phiền, nên cỏ huyên còn được gọi là Vong ưu thảo. Dùng cỏ huyên chỉ người mẹ, vì con muốn mẹ không buồn phiền, vui vẻ mãi. Tảo tần: Trong Kinh Thi, bài Thái tần có câu: Vu dĩ thái tần, nam giản vu chi tân, vu dĩ thái tảo, vu bỉ hàng lạo. Nghĩa là: Đi hái rau tần, bên bờ khe phía nam, đi hái rau tảo bên lạch nước kia. Cho nên dùng chữ Tảo tần để chỉ người vợ hiền hiếu thảo cần kiệm, đi hái rau tần rau tảo về làm cỗ cúng tổ tiên. Hiếu nam: Con trai có hiếu với cha mẹ.
Câu 228: có ý nghĩa giống câu 159 của Chinh Phụ Ngâm: Ngọt bùi thiếp đã hiếu nam.

Trở lại Nữ Trung Tùng Phận câu 225 / Trở lại Nữ Trung Tùng Phận mục lục.

229 . Thấy em dại không ham đèn sách,
Càng để lòng hỏi hạch kinh luân.
Thay chàng thiếp trả nghĩa thâm,
Dạy em văn hóa, thiếp làm trưởng huynh.

Chú thích:
Kinh luân: Tổ chức, xếp đặt việc chánh trị trong nước. (Xem lại Chú thích 2 câu: 1 và 2). Nghĩa thâm: Nghĩa sâu. Trưởng huynh: Anh cả.

Trở lại Nữ Trung Tùng Phận câu 229 / Trở lại Nữ Trung Tùng Phận mục lục.

233 . Càng nghĩ đến linh đinh phận thiếp,
Càng ngại lo tội nghiệp thân con.
Những ngờ nước thấm đầu non,
Nào hay trăng khuyết hao mòn nhơn duyên.

Chú thích:
Linh đinh: Lênh đênh, trôi nổi nay đây mai đó, như cánh bèo, không nơi nhứt định. Tội nghiệp: Đáng thương vì gặp cảnh ngộ không may. Nước thấm đầu non: Mưa rơi đỉnh núi, nước chảy tuột xuống hết, chỉ thấm được một ít trên đầu núi mà thôi. Nhưng nếu mưa nhiều lần nhiều ngày, mỗi ngày thấm một ít thì lần lần cũng thấm ướt đầu núi. Ý nói: Lời khuyên nhủ, mỗi ngày mỗi khuyên thì lâu ngày cũng lọt lỗ tai mà nghe theo. Những ngờ: Cứ tưởng rằng mà không chắc lắm. Nhơn duyên: Mối ràng buộc giữa người nầy với người khác, ở đây chỉ sự ràng buộc vợ chồng.

Trở lại Nữ Trung Tùng Phận câu 233 / Trở lại Nữ Trung Tùng Phận mục lục.

237 . Càng đeo đẳng nỗi phiền nỗi thảm,
Càng thương thân chích bạn lìa đôi.
Phận sao phận bạc như vôi,
Nước lưng đáy gáo, hương trôi dòng là.

Chú thích:
Thương thân: Thương hại cho tấm thân của mình. Chích bạn lìa đôi: Ý nói: Lẻ loi một mình. Chích là lẻ loi, chích bạn là lẻ bạn. Lìa đôi là 2 người chia lìa nhau. Nước lưng đáy gáo: Nước trong gáo 10 phần, lưng tới đáy hết 7 phần, còn 3 phần, ý nói: người phụ nữ đã luống tuổi. Dòng là: Dòng sông ban đêm trăng sáng, trông giống như dải lụa trắng uốn khúc. Là: Lụa là. Dòng là: Dòng sông. Hương trôi dòng là: Hương sắc bỏ trôi theo dòng nước, ý nói nhan sắc của người vợ phai tàn dần.

Trở lại Nữ Trung Tùng Phận câu 237 / Trở lại Nữ Trung Tùng Phận mục lục.

241 . Càng ngắm đến cỏ hoa vật loại,
Càng thẹn vì vắn vỏi tơ tình.
Chim kết cánh, cây liền cành,
Còn thân thiếp chịu một mình đơn cô.

Chú thích:
Vắn vỏi: Ngắn ngủi, thời gian quá ít. Tơ tình: Tình yêu vương vấn như tơ. Vắn vỏi tơ tình: Tình yêu vợ chồng chỉ được một thời gian ngắn. Đơn cô: Cô đơn.

Chim kết cánh, cây liền cành: Ý nói vợ chồng gắn bó không rời nhau.  Điển tích: Theo sách Sơn Hải Kinh của Đông Phương Sóc, có loài chim, chỉ có 1 bên cánh và 1 con mắt, nên lúc nào con trống và con mái phải kết cánh lại thì mới bay được, gọi là Tỵ dực điểu. (Tỵ dực là kết cánh lại).

Hàn Bằng làm quan Đại phu nước Tống đời Chiến quốc, có vợ là Hà thị rất đẹp. Vua Khang Vương thấy vậy liền cướp Hà thị về làm vợ và cầm tù Hàn Bằng. Bằng tự sát chết. Hà thị cự tuyệt Khang Vương và tự tử theo, để lại bức thơ xin được chôn cùng mộ với chồng là Hàn Bằng. Khang Vương căm giận, đem chôn riêng. Qua một đêm, bỗng nhiên người ta thấy có 2 cây tử mọc lên ở nách 2 ngôi mộ, thân cây và cành cây quấn vào nhau.

Trong bài Trường Hận Ca của Bạch Cư Dị, đoạn nói vua Đường Minh Hoàng thề thốt với Dương Quí Phi, có 2 câu: Tại thiên nguyện tác tỵ dực điểu, Tại địa nguyện vi liên lý chi. (Trên trời xin làm chim kết cánh, dưới đất xin làm cây liền cành.)

Trở lại Nữ Trung Tùng Phận câu 241 / Trở lại Nữ Trung Tùng Phận mục lục.

245 . Kìa cá giỡn vẩn vơ đáy nước,
Nọ kết đôi cưu thước ven trời.
Còn thân thiếp chịu cút côi,
Đèn khuya nhắc thảm, gió mơi ghẹo sầu.

Chú thích:
Vẩn vơ: Nhởn nhơ qua lại một cách thong thả tự nhiên. Cưu thước: Cũng gọi là chim thư cưu, luôn luôn sống từng đôi. Cút côi: Lẻ loi không nơi nương tựa.
Câu 248: Lòng buồn nên thấy ngọn đèn khuya hay gió ban mai, như khêu gợi hay trêu ghẹo nỗi buồn.

Trở lại Nữ Trung Tùng Phận câu 245 / Trở lại Nữ Trung Tùng Phận mục lục.

249 . Kìa oan ương ấp nhau chẳng hở,
Nọ én anh rỉ rả kêu thương.
Còn ta luống những đoạn trường,
Gối chăn tê tái, chiếu giường lạnh tanh.

Chú thích:
Oan ương: Chim uyên ương, con trống là uyên, con mái là ương, sống từng đôi, nếu một con chết thì con kia nhịn đói chết theo. Uyên ương được ví đôi vợ chồng chung thủy. Én anh: Chỉ vợ chồng. (Xem lại Chú thích câu 203). Rỉ rả kêu thương: Nói chuyện yêu thương rỉ rả với nhau. Đoạn trường: Đứt ruột, chỉ sự đau khổ dữ dội. Đoạn trường có nghĩa bóng là sự đau đớn phủ phàng của người phụ nữ bạc mệnh trong tình trường. Tê tái: Đau khổ đến mức không còn cảm giác. Lạnh tanh: Rất lạnh lẽo, không một chút hơi ấm.

Trở lại Nữ Trung Tùng Phận câu 249 / Trở lại Nữ Trung Tùng Phận mục lục.

253 . Kìa cầm điểu bẻ cành kết ổ,
Nọ thú trùng moi lỗ làm hang.
Nầy thân thiếp chịu gian nan,
Linh đinh đất chiếu, trời màn không nơi.

Chú thích:
Cầm điểu: Chỉ chung loài chim. Cầm là loài chim. Thú trùng: Thú vật và côn trùng. Gian nan: Khó khăn vất vả. Linh đinh: Lênh đênh, trôi nổi trên mặt nước không biết đi về đâu, hay nương tựa vào đâu. Đất chiếu trời màn: Chỉ kẻ sống nghèo khổ, lang thang không nhà cửa, không tiền mua mùng, chiếu, dùng mặt đất làm chiếu (tức là nằm dưới đất), dùng bầu trời làm mùng (tức là không giăng mùng).

Trở lại Nữ Trung Tùng Phận câu 253 / Trở lại Nữ Trung Tùng Phận mục lục.

257 . Kìa ong kiến tha mồi dành để,
Cơn khốn cùng có thể nuôi thân.
Còn thân thiếp chịu khốn nàn,
Tả tơi nỗi mẹ, truồng trần nỗi con.

Chú thích:
Khốn cùng: Nghèo túng khổ cực tột độ. Khốn nàn: Khốn khổ nghèo nàn. Tả tơi nỗi mẹ: Tình cảnh của mẹ thì rách rưới tả tơi. Truồng trần nỗi con: Tình cảnh của con thì ở trần ở truồng, không quần áo mặc.

Trở lại Nữ Trung Tùng Phận câu 257 / Trở lại Nữ Trung Tùng Phận mục lục.

261 . Thôi đành kiếp nớt non gượng sống,
Sống vì con, chẳng sống vì thân.
Đòi phen đổi thảm ra mầng,
Nâng niu trẻ dại cho gần đặng cha.

Chú thích:
Kiếp nớt non: Kiếp sống non nớt yếu đuối của người phụ nữ. Gượng sống: Sống một cách miễn cưỡng. Đòi phen: Nhiều lần. Mầng: Mừng.

Trở lại Nữ Trung Tùng Phận câu 261 / Trở lại Nữ Trung Tùng Phận mục lục.

265 . Đưa giọt sữa ra hòa giọt lụy,
Trong tình chung huyết khí đúc hình.
Còn con may đặng giữ tình,
Khối chung tình ở nơi mình ấu nhi.

Chú thích:
Giọt lụy: Giọt nước mắt. Huyết khí đúc hình: Huyết là máu của mẹ, Khí là tinh khí của cha. Tinh cha huyết mẹ hiệp lại tạo nên hình hài đứa con trong bụng mẹ. Đúc hình là nắn đúc nên hình thể đứa bé. Khối chung tình: Khối tình thương yêu giữa vợ chồng. ƒu nhi: Đứa con bé bỏng non nớt. ƒu là bé nhỏ non nớt, nhi là đứa con.

Trở lại Nữ Trung Tùng Phận câu 265 / Trở lại Nữ Trung Tùng Phận mục lục.

269 . Nghe trẻ khóc như chì dần dạ,
Thấy con đau như đá đập đầu.
Còn con ô thước bắc cầu,
Mất con là cửa vô lầu lãnh cung.

Chú thích:
Chì dần dạ: Đau đớn như có cục chì đập tan nát cõi lòng. Dần là đập liên tiếp nhiều lần cho mềm ra. Đá đập đầu: Đau đớn như có cục đá đập lên đầu. Ô thước bắc cầu: Chim ô thước đội đá bắc cầu nối liền 2 bờ sông Ngân Hà cho Ngưu Lang qua gặp Chức Nữ. (Xem Điển tích nơi câu 214). Lãnh cung: Cung lạnh, nơi giam giữ các bà vợ có tội của vua.
Hai câu 271-272: Còn đứa con thì như còn cây cầu ô thước để vợ chồng tái hợp với nhau; mất đứa con thì duyên vợ chồng chấm dứt, như vợ vua bị đày vào lãnh cung.

Trở lại Nữ Trung Tùng Phận câu 269 / Trở lại Nữ Trung Tùng Phận mục lục.

273 . Thấy xuân đến vẻ hồng khắp chốn,
Nương con thơ sống rốn cùng xuân.
Ru con giọng hát ngập ngừng,
Xuân ôi! Xuân biết mấy lần đau thương?

Chú thích:
Sống rốn cùng xuân: Rán sống cho hết những ngày xuân. Rốn: Cố kéo dài thêm một ít thời gian nữa.
Câu 275: Vừa ru con vừa khóc nên giọng ru đứt đoạn.

Trở lại Nữ Trung Tùng Phận câu 273 / Trở lại Nữ Trung Tùng Phận mục lục.

277 . Ve kêu hạ như dường trêu thảm,
Mưa sầu tuôn mấy dặm biệt ly.
Dỗ con lệ ngọc li bì,
Hạ ôi! Hạ có biết nghì phu thê?

Chú thích:
Lệ ngọc: Giọt nước mắt long lanh như hạt ngọc. Li bì: Liên tục không dứt. Nghì phu thê: Tình nghĩa vợ chồng.

Trở lại Nữ Trung Tùng Phận câu 277 / Trở lại Nữ Trung Tùng Phận mục lục.

281 . Chiều thu nhắc ủ ê cảnh hạn,
Nhấp nhô xem cánh nhạn về non.
Trông thu rầu nhớ thân con,
Thu ôi! Thu biết hao mòn tấm duyên?

Chú thích:
Ủ ê: Buồn rầu âm thầm và kéo dài. Cảnh hạn: Cảnh là hoàn cảnh, hạn là điều không may lớn hay tai nạn gặp phải do số phận đã định sẵn. Cảnh hạn là hoàn cảnh không may. Nhấp nhô: Khi lên cao khi xuống thấp. Tấm duyên: Cái tình thương yêu ràng buộc vợ chồng.

Câu 282: Xem cảnh trời chiều gần tối, đàn chim nhạn bay nhấp nhô trở về núi (tức bay về tổ), gợi nhớ cảnh sum họp buổi tối trong gia đình gồm đủ mặt vợ chồng con cái.

Trở lại Nữ Trung Tùng Phận câu 281 / Trở lại Nữ Trung Tùng Phận mục lục.

285 . Đông lạnh ngắt mảnh mền úm trẻ,
Ngồi đêm trường quạnh quẽ phòng không.
Nhớ chồng thấy trẻ não nồng,
Đông ôi! Đông biết tấm lòng kiên trinh?

Chú thích:
Lạnh ngắt: Lạnh lẽo như không còn chút hơi ấm. Mảnh mền: Cái mền rách chỉ còn có một mảnh. Đêm trường: Đêm dài. Quạnh quẽ: Vắng vẻ im lặng đến mức gây cảm giác cô đơn buồn bã. Phòng không: Cái phòng không có người nào ở khác hơn là mình, thường nói Phòng không chiếc bóng. Não nồng: Não nùng, buồn rầu sâu đậm. Kiên trinh: Kiên là lòng cứng rắn vững chắc, trinh là lòng trong sạch của vợ đối với chồng. Kiên trinh là lòng trong sạch bền vững của vợ đối với chồng.

Trở lại Nữ Trung Tùng Phận câu 285 / Trở lại Nữ Trung Tùng Phận mục lục.

289 . Vắng mặt chồng, cân hình của trẻ,
Ngó thấy con đặng vẽ tượng chồng.
Cân thương trẻ ấy mà đong,
Thì trong thương ấy, của chồng tám phân.

Chú thích:
Cân hình của trẻ: Đem đứa trẻ đặt lên bàn cân mà cân. Tượng chồng: Hình ảnh của chồng. Tám phân: Ý nói phân nửa. 1 cân có 16 lượng, 8 phân tức là 8 lượng, bằng nửa cân.
Câu 290: Đứa con sanh ra giống chồng như đúc, nên ngó thấy con thì vẽ được hình ảnh của chồng.
Hai câu 291-292: Vợ chồng thương yêu nhau, kết quả là sanh được đứa con. Người vợ thương chồng mà cũng thương con. Tình thương ấy thể hiện bằng sức nặng của đứa con. Nếu đem cân so sánh, thương chồng 8 phân thì thương con cũng 8 phân, 2 tình thương ấy đồng đều như nhau.

Trở lại Nữ Trung Tùng Phận câu 289 / Trở lại Nữ Trung Tùng Phận mục lục.

293 . Kìa máu huyết, cành xuân nhụy nở,
Khối ái ân đành ở nơi con.
Dầu cho biển cạn non mòn,
Tơ duyên khắn khít chỉ còn bấy nhiêu.

Chú thích:
Máu huyết: Chỉ đứa con, vì máu thịt của con là do máu huyết của mẹ tạo nên. Cành xuân nhụy nở: Cành xuân là chỉ người con gái trẻ tuổi, nhụy nở là ý nói sanh ra được đứa con. Cành xuân nhụy nở là người con gái trẻ tuổi sanh ra được đứa con. Biển cạn non mòn: Ý nói thời gian lâu dài, sự đời nhiều thay đổi.
Câu 296: Tình thương yêu khắn khít của vợ chồng ngày nay chỉ còn có đứa con mà thôi.

Trở lại Nữ Trung Tùng Phận câu 293 / Trở lại Nữ Trung Tùng Phận mục lục.

297 . Trẻ nhỏ dại lắm điều học hỏi,
Thường kiếm cha mong mỏi thấy nhau.
Dỗ con chỉ bóng giải sầu,
Rằng khuya đèn thắp cha hầu về thăm.

Chú thích:
Chỉ bóng: Người mẹ chỉ cái bóng của mình hiện lên vách khi thắp đèn lên. Giải sầu: Cởi bỏ sự buồn rầu. Cha hầu về thăm: Cha sắp về thăm. Hầu là sắp sửa.
Hai câu 299-300: Nói theo sự tích Thiếu phụ Nam Xương.

Thiếu phụ Nam Xương là nàng Vũ Thị Thiết, ở quận Nam Xương, tỉnh Hà Nam nước ta. Nàng Vũ Thị Thiết có tánh tình thùy mị đoan trang, dung nhan xinh đẹp. Chàng Trương Sinh mến mộ, xin mẹ đem trầu cau và lễ vật cưới nàng Thiết về. Trương Sinh có tánh hay ghen, đối với vợ phòng ngừa nhiều điều thái quá. Cuộc sống chung chẳng đặng bao lâu thì nước ta có chiến tranh với nước Chiêm Thành, chàng Trương Sinh phải sung vào quân ngũ. Chàng lạy mẹ từ giã và dặn dò nàng Thiết rồi lên đường, lúc đó nàng Thiết đã có thai gần ngày sanh nở.

Sau khi chồng ra đi chừng mươi ngày thì nàng Thiết sanh đặng một đứa con trai, đặt tên là Đản. Bà mẹ vì thương nhớ con trai mà đau ốm luôn. Nàng dâu hết sức thuốc thang nuôi mẹ, hằng đêm cầu khẩn Trời Phật cho mẹ qua cơn bịnh. Nhưng số Trời đã định, bà mẹ mất. Nàng Thiết thương xót vô cùng, lo liệu đầy đủ tang lễ cho mẹ.

Hơn một năm sau, quân Chiêm Thành bị đánh bại, quân ta kéo quân trở về ca khúc khải hoàn. Trương Sinh sau đó được rời quân ngũ, trở về quê nhà, mới hay mẹ đã mất, và con mới vừa biết nói.

Chàng hỏi vợ mồ của mẹ ở đâu rồi ẵm đứa con đi ra thăm mộ của mẹ. Ra đến đồng, thằng bé quấy khóc.
Trương Sinh dỗ dành con: Con nín đi đừng khóc. Cha về thì bà nội mất, lòng cha buồn khổ lắm!
Thằng Đản ngây thơ nói: Ô! Ông là cha sao lại biết nói? Chớ không như cha Đản trước kia cứ nín thin thít.
Chàng Trương Sinh ngạc nhiên, gạn hỏi đứa con thì đứa con nói: Khi đêm thì cha Đản hiện đến, đi theo mẹ Đản, mẹ đi thì cha đi, mẹ ngồi thì cha ngồi, nhưng chẳng bao giờ nói hay bồng Đản cả.

Vốn tính hay ghen, Trương Sinh nghe con nói vậy thì vội tin chắc là vợ hư, ngoại tình với kẻ khác, máu ghen nổi lên, lật đật về nhà la mắng vợ dữ dội, không ai can ngăn được.
Nàng Thiết khóc lóc nói rằng: Thiếp vốn nhà nghèo, được vào làm vợ chàng, sum họp chưa thỏa tình chồng vợ, lại bị chia phôi vì việc đao binh. Cách biệt đã gần 3 năm, thiếp giữ gìn một tiết, ở nhà thờ mẹ nuôi con, chờ chàng trở về, nào biết việc gì khác bên ngoài, đâu có sự mất nết hư thân như lời chàng nói. Xin chàng đừng nghi oan cho thiếp.

Trương Sinh vẫn không tin lời vợ. Nàng hỏi chuyện đó do ai nói với chàng thì Trương Sinh giấu biệt, không kể lại lời nói của thằng Đản, mà chỉ nhiếc mắng nàng nặng lời và đánh đuổi nàng đi. Họ hàng lối xóm đều bênh vực và biện bạch cho nàng Thiết nhưng chẳng làm Trương Sinh thôi mắng vợ.

Nàng Thiết quá tuyệt vọng, chỉ còn biết lấy cái chết mà bày tỏ lòng trinh liệt của mình. Nàng liền tắm gội sạch sẽ, chạy ra bên bờ sông Hoàng giang của huyện Nam Xương, ngửa mặt lên Trời vái rằng: Kẻ bạc mệnh nầy, duyên phận hẩm hiu, bị chồng ruồng bỏ, tai bay họa gởi, chịu tiếng nhuốc nhơ, Thần sông có linh, xin Ngài chứng giám. Nếu thiếp đoan trang giữ tiết, trinh bạch gìn lòng, vào nước xin làm ngọc Mỵ Nương, xuống đất xin làm cỏ Ngu Mỹ, nhược bằng lòng chim dạ cá, lừa dối phản bội chồng, dưới nước xin làm mồi cho tôm cá, trên bờ xin làm mồi cho diều quạ, và chịu cho mọi người phỉ nhổ.

(- Mỵ Nương là vợ của Trọng Thủy, con gái của Thục An Dương Vương, vì chồng mà thác oan, hóa thành ngọc trai dưới biển.
- Ngu Mỹ là Ngu Mỹ nhơn, tức là nàng Ngu Cơ, vợ của Sở Vương Hạng Võ. Khi Hàn Tín đánh đuổi Hạng Võ chạy vào thành Cai Hạ, Ngu Cơ rút gươm tự tử để Hạng Võ rảnh tay đối phó với Hàn Tín, nhưng sau đó Hạng Võ thất thủ thành Cai Hạ, chạy đến bến sông Ô Giang, tự cắt đầu tự tử chết. Tục truyền hồn Ngu Cơ không tan, hóa thành 2 khóm cỏ quấn quít nhau trên mộ nàng, gọi là cỏ Ngu Mỹ).

Vái xong, nàng Thiết nhảy xuống sông Hoàng giang mà chết. Trương Sinh thấy vợ tự tử cũng động lòng thương, tìm kiếm vớt xác nàng, nhưng chẳng thấy đâu cả.
Đêm đến, phòng không vắng vẻ, Trương Sinh ngồi buồn, đốt ngọn đèn lên. Chợt đứa con là thằng Đản nói: Ô! Cha Đản đã về.
Trương Sinh liền hỏi: Đâu?
Thằng Đản chỉ cái bóng của chàng trên vách và nói: Đây nầy.
Thì ra, khi chàng đi tòng quân, nàng ở nhà thường đùa với con, chỉ cái bóng của nàng trên vách mà bảo rằng đó là cha của Đản. Bây giờ, Trương Sinh tỉnh ngộ, biết mình ghen bậy, gây ra cái chết oan uổng của vợ, hối hận vô cùng.
Ở dưới sông Hoàng giang huyện Nam Xương, có một tòa cung điện gọi là Qui động của Bà Linh Phi, vợ của Nam Hải Long Vương. Bà Linh Phi biết nàng Vũ thị Thiết có lòng trinh liệt nên rất thương tình, nên khi nàng gieo mình xuống sông thì Bà Linh Phi rẽ nước rước nàng về Qui động.

Tại bến sông Hoàng giang có một Đầu mục tên là Phan Lang, khi trước có ơn cứu sống Linh Phi, nay bị chìm tàu chết đuối, Bà Linh Phi biết được nên cứu sống đem về Qui động. Phan Lang gặp nàng Thiết thì biết là người cùng làng, liền hỏi: Nương tử, từ khi lạc đến thủy cung thấm thoát đã một năm, há không nhớ tưởng quê hương ư?
Nàng Thiết liền đáp: Tôi bị chồng ruồng rẫy, thà chết ở thủy cung chớ không còn mặt mũi nào về gặp chồng.
Hôm sau, Bà Linh Phi lấy một túi lụa, bỏ vào 10 hạt minh châu, trao tặng Phan Lang, rồi sai sứ giả đưa Phan Lang lên khỏi mặt nước. Nàng Thiết bèn gởi một chiếc hoa vàng trao lại cho chàng Trương và nhờ nói hộ với chàng Trương: "Nếu còn nhớ chút tình xưa thì lập đàn nơi bờ sông giải oan cho nàng, đốt một cây đèn lớn cho ánh sáng chiếu xuống mặt nước thì sẽ thấy nàng hiện về."

Phan Lang được đưa lên khỏi mặt nước liền trở về nhà.
Phan Lang kể chuyện gặp nàng Thiết nơi thủy cung cho Trương Sinh nghe. Ban đầu Trương Sinh không tin, nhưng khi nhận được chiếc hoa vàng của nàng Thiết thì kinh sợ nói: Đây quả thật là vật dùng của vợ tôi.
Trương Sinh liền lập đàn tràng nơi bến sông Hoàng giang, cúng tế nàng Thiết trong 3 ngày đêm, đốt một cây đèn sáng đúng theo lời nàng Thiết dặn, quả nhiên trong đêm tối, thấy nàng Thiết ngồi trên chiếc kiệu hoa hiện ra giữa dòng sông, theo sau có hơn 50 chiếc nữa, cờ tán rực rỡ, lúc ẩn lúc hiện. Trương Sinh cất tiếng gọi thì nàng Thiết đáp vọng vào: Thiếp cảm ơn đức của Linh Phi nên không trở lại nhơn gian nữa. Đa tạ chàng đã giải oan cho thiếp.
Rồi trong chốc lát, nàng Thiết và cả xe cộ biến mất.

Trở lại Nữ Trung Tùng Phận câu 297 / Trở lại Nữ Trung Tùng Phận mục lục.

301 . Hơi mảnh áo còn cầm đặng ngữi,
Gối loan gìn từ buổi kết duyên.
Ba sanh dầu toại thửa nguyền,
Họa trong giấc mộng giải phiền giao hoan.

Chú thích:
Hơi mảnh áo: Cái mùi trong cái áo. Hơi là mùi. Gối loan: Cái gối có thêu hình chim loan, dành cho người vợ nằm; cái gối dành cho chồng thì thêu hình chim phụng. Đây là cặp gối cưới. Ba sanh: Ba kiếp sống, ý nói cái duyên vợ chồng đã tiền định do sự thề nguyền với nhau từ kiếp trước. Thửa nguyền: Cái ước muốn ấy. Họa: May ra. Giải phiền: Cởi bỏ sự buồn rầu. Giao hoan: Vợ chồng ân ái với nhau.

Trở lại Nữ Trung Tùng Phận câu 301 / Trở lại Nữ Trung Tùng Phận mục lục.

305 . Càng bạc phước càng than con dại,
Lo tảo tần mảy mạy dưởng nuôi.
Còn cha con tỷ như côi,
Chít chiu trẻ khó, bồi hồi mẹ đơn.

Chú thích:
Bạc phước: Phước mỏng, ít phước. Tảo tần: (Đã giải ở câu 227), chỉ sự cần kiệm và chịu cực khổ của người vợ. Mảy mạy: Một chút nhỏ. Tỷ: Ví như. Chít chiu: Chiu chít, tiếng chim con kêu đòi chim mẹ đút mồi cho ăn. Chít chiu trẻ khó: Ý nói con đòi ăn. Bồi hồi: Bồn chồn xao xuyến. Mẹ đơn: Người mẹ cô đơn.

Trở lại Nữ Trung Tùng Phận câu 305 / Trở lại Nữ Trung Tùng Phận mục lục.

309 . Nhịn ăn mặc ngừa cơn thiếu thốn,
Làm lụng nhiều nuôi dưỡng sắp con.
Nại chi xác yếu thịt mòn,
Gia tư miễn đặng vuông tròn giữ duyên.

Chú thích:
Sắp con: Đàn con. Nại chi: Có nề hà chi. Gia tư: Của cải trong nhà. Tư là của cải. Miễn đặng: Chỉ cần được. Giữ duyên: Gìn giữ cái duyên vợ chồng.

Trở lại Nữ Trung Tùng Phận câu 309 / Trở lại Nữ Trung Tùng Phận mục lục.

313 . Lớn một tuổi, mẹ thêm một khổ,
Hiểu một điều, mẹ hổ cho thân.
Trí con lần mở nẻo gần,
Hỏi cha sao phụ, tố trần làm răng?

Chú thích:
Hổ: Hổ thẹn, xấu hổ. Trí non: Sự hiểu biết non kém. Cha phụ: Cha phụ bạc mẹ, đối xử bạc bẽo với mẹ. Tố trần: Tố là nói cho biết rõ, trần là bày tỏ. Tố trần là bày tỏ cho mọi người biết rõ. Làm răng: Làm thế nào?
Câu 314: Tại sao đứa con hiểu một điều mà làm cho mẹ xấu hổ? Bởi vì nó muốn hiểu cha nó làm gì? Ở đâu? Tại sao cha phụ bạc mẹ? Những điều đó làm mẹ nó khó trả lời và cảm thấy xấu hổ vì những việc làm không tốt của cha nó.
Câu 315: Sự hiểu biết non nớt của đứa con từ từ mở ra, từ việc gần rồi đến việc xa, từ việc dễ đến việc khó.
Câu 316: Đứa con hỏi tại sao cha phụ bạc mẹ, thì phải tỏ bày với nó thế nào đây?

Trở lại Nữ Trung Tùng Phận câu 313 / Trở lại Nữ Trung Tùng Phận mục lục.

317 . Chẳng lẽ nói cho chàng đen bạc,
Chẳng lẽ cho cỡi hạc quên nhà.
Không đành nói thác ra ma.
Không đành nói ngụ nơi nhà lầu xanh.

Chú thích:
Đen bạc: Phụ bạc, không thủy chung. Cỡi hạc quên nhà: Ý nói đi chơi xa, quên nhà quên cửa. Hạc là loại chim chân cao cổ dài, lông trắng, bay cao và xa, sống đến ngàn năm. Cỡi hạc còn có ý nói là cỡi hạc du Tiên, nghĩa là chết, linh hồn cỡi chim hạc lên chơi cõi Tiên. Thác ra ma: Chết thành ma. Thác là chết. Lầu xanh: Chữ Hán là Thanh lâu, chỉ nhà chứa gái điếm, gái làng chơi.

Trở lại Nữ Trung Tùng Phận câu 317 / Trở lại Nữ Trung Tùng Phận mục lục.

321 . Không lẽ nói mến anh quên én,
Không lẽ rằng trộm nén hương thừa.
Nói chi tìm vợ dâng dưa,
Lẽ nào nói rượt theo vừa Hằng Nga.

Chú thích:
Mến anh quên én: Đồng nghĩa với các thành ngữ: Tham lựu bỏ đào, Tham lê bỏ lựu, Có mới nới cũ,... Trộm nén hương thừa: Ý nói yêu đương vụng trộm với một người con gái thuộc loại không ra gì. (Thừa là vô ích). Trộm nén hương: Ý nói việc trai gái yêu nhau vụng trộm. Điển tích: Theo Thế Thuyết Tân Ngữ, Hàn Thọ đang làm thư lại cho quan đại thần Giả Sung, dưới triều nhà Tần. Hàn Thọ đẹp trai, nên con gái của Giả Sung phải lòng và tư thông nhau. Giả Sung có thứ hương liệu quí do vua Tần ban thưởng, bị con gái đánh cắp đem cho Hàn Thọ. Khi lộ chuyện ra, Giả Sung buộc lòng phải gả con gái cho Hàn Thọ.

Tìm vợ dâng dưa: Đội dưa xuống dâng cho Diêm Vương để tìm vợ. Điển tích: Vua Đường Thái Tôn du Địa phủ, khi từ giã Thập Điện Diêm Vương, vua Thái Tôn nói: Tôi trở về dương thế, chẳng có gì biếu Thập Điện, chỉ xin dâng mấy quả dưa kính tạ.

Hồn vua Thái Tôn được sứ giả đưa về thế gian nhập xác sống lại, uống thuốc bổ an dưỡng vài ngày thì khỏe mạnh như trước, liền ra Bảng chiêu hiền, để chọn người đi dâng dưa cho Thập Điện.

Lúc đó có một hiền giả đến gỡ bảng tình nguyện đi dâng dưa. Người nầy tên là Lưu Toàn, quê ở Quận Châu, nhà giàu có. Vợ là Lý Thúy Liên rút kim thoa đem cúng nhà sư ngoài cổng. Lưu Toàn trông thấy liền mắng vợ là không biết giữ nết. Lý thị tức giận chồng bèn treo cổ tự tử, bỏ lại 2 đứa con thơ kêu khóc. Lưu Toàn buồn rầu, gởi gấm con cái ở lại, quyết xuống Âm phủ tìm vợ nên liều chết lãnh nhiệm vụ đi dâng dưa cho Thập Điện.

Vua Đường hạ chỉ cho Lưu Toàn đến Kim Đình quán, đầu đội một quả dưa to, túi đựng tiền vàng, miệng ngậm thuốc độc. Giây lát, Lưu Toàn chết, linh hồn đội dưa xuống Âm phủ, được Quỉ sứ dẫn vào điện Sum La, tâu lên Thập Điện: Tôi vâng chỉ vua Đường, từ cõi dương gian, đội dưa dâng hiến Thập Điện Diêm Vương để báo đáp ân nghĩa của Thập Điện đã tha thứ vua Đường.

Diêm Vương cả mừng nói: Tốt lắm, Đường Thái Tôn thật có tín nghĩa.
Diêm Vương thâu dưa, rồi hỏi tên họ và quê quán của Lưu Toàn, Lưu Toàn đáp: Tiểu nhân họ Lưu tên Toàn, quê ở Quận Châu, vì vợ là Lý thúy Liên tự tử, bỏ lại 2 đứa con không người trông nom, tiểu nhân tình nguyện bỏ nhà lìa con, trước là liều chết để báo ơn vua, đi dâng dưa lên 10 Vua, sau là tìm vợ.

Thập Điện nghe nói vậy thì sai Quỉ sứ dắt hồn Thúy Liên đến cho gặp mặt chồng. Hai vợ chồng gặp nhau, giải bày chuyện cũ và tạ ơn 10 Vua. Diêm Vương cho tra xét Sổ Sinh Tử, thấy 2 vợ chồng Lưu Toàn có số thọ và được lên Tiên, vội sai Quỉ sứ dẫn 2 hồn trở về dương thế nhập xác. Quỉ sứ tâu: Lý Thúy Liên về cõi Âm khá lâu nên thi thể đã thúi nát thì hồn nhập xác sao được?

Diêm Vương nói: Em gái vua Đường là Công Chúa Lý ngọc Anh nay bị chết tươi, nhà ngươi mượn xác ấy cho Thúy Liên nhập đỡ.

Quỉ sứ vâng lịnh dẫn 2 hồn Lưu Toàn và Thúy Liên ra khỏi Âm phủ, trở về dương thế. Hồn Lưu Toàn được dẫn đến Kim Đình quán và cho nhập vào xác sống lại, còn hồn Lý Thúy Liên được dẫn vào Hoàng cung, thấy Công Chúa Lý Ngọc Anh đi dạo, Quỉ sứ đẩy mạnh làm Ngọc Anh té xuống, Quỉ sứ bắt hồn Ngọc Anh dẫn đi và xô hồn Thúy Liên vào nhập xác Công Chúa.

Xác Công Chúa sống lại nhưng là hồn của Lý Thúy Liên, nên không nhận mình là Công Chúa làm cho Hoàng gia bối rối. Vua Đường Thái Tôn đã được Thập Điện báo trước em gái vua sẽ bị bất đắc kỳ tử, nên vua không ngạc nhiên, xác nhận việc đó và cho vợ chồng Lưu Toàn tái hợp mà vợ là Thúy Liên trong xác Công Chúa, và ban thưởng rất hậu.

Hằng Nga: Theo Thần Tiên Truyện, Hằng Nga là vợ của Hậu Nghệ. Hậu Nghệ có tài bắn cung. Tương truyền, thời xưa bỗng nhiên có 10 Mặt Trời mọc lên một lượt làm cho nắng nóng cháy cây chết vật. Hậu Nghệ giương cung, lần lượt bắn rớt 9 Mặt Trời, làm khí hậu trở lại mát mẻ. Dân chúng vui lòng tôn lên làm vua. Hậu Nghệ được Đức Bà Tây Vương Mẫu ban cho thuốc trường sanh. Về sau, Hậu Nghệ làm nhiều điều tàn ác, Hằng Nga khuyên can không được nên lén lấy thuốc trường sanh của Hậu Nghệ uống vào, thì nhẹ mình bay lên ở trên Cung Trăng. Hậu Nghệ mất thuốc Tiên, nên không thể bay lên Mặt Trăng để bắt Hằng Nga trị tội.
Câu 321: Chẳng lẽ nói cha con là người đen bạc, mê theo vợ bé, bỏ bê vợ lớn ở nhà.
Câu 322: Chẳng lẽ nói cha con lén lút vụng trộm với những người đàn bà mất nết, không ra gì.
Câu 323: Nói chi đến chuyện chung tình như chàng Lưu Toàn liều chết đi dâng dưa cho Thập Điện Diêm Vương để tìm vợ nơi cõi Âm phủ.
Câu 324: Chẳng lẽ nói cha con như chàng Hậu Nghệ rượt theo đuổi bắt Hằng Nga.

Trở lại Nữ Trung Tùng Phận câu 321 / Trở lại Nữ Trung Tùng Phận mục lục.

325 . Không lẽ nói đi qua Đông Độ,
Không lẽ rằng vô số chinh phu.
Lẽ nào nói bị tội tù,
Lẽ nào nói trấn Tây Âu làm hoàng.

Chú thích:
Đông Độ: Danh từ của Phật giáo, chỉ nước Tàu. Đông độ tức là Đông thổ, là đất ở phía Đông của nước Ấn Độ. Xưa, Đạt Ma Tổ Sư, từ Ấn Độ đi thuyền qua nước Tàu để truyền bá Phật giáo tại đó, nên gọi nước Tàu là Đông độ.
Câu 325: Không lẽ nói chàng đi qua nước Tàu.
Câu 326: Không lẽ nói chàng đi chinh chiến phương xa.
Câu 327: Không lẽ nói chàng bị tội ở tù.
Câu 328: Không lẽ nói chàng được bổ trấn nhậm Tây Âu và làm vua nơi đó.
Trở lại Nữ Trung Tùng Phận câu 325 / Trở lại Nữ Trung Tùng Phận mục lục.

329 . Còn nói thiệt rằng chàng phụ thiếp,
Cũng vì mê theo kiếp làng chơi.
E con đến lớn nên người,
Gương cha để thẹn những lời bợm hoang.

Chú thích:
Kiếp làng chơi: Đời sống của những người chỉ biết chơi bời, tìm hưởng thú vui xác thịt. Bợm hoang: Bợm là tay ăn chơi sành sỏi, có nhiều mánh khóe xảo quyệt lừa gạt người. Hoang là rong chơi đàng điếm, không có độ lượng.

Trở lại Nữ Trung Tùng Phận câu 329 / Trở lại Nữ Trung Tùng Phận mục lục.

333 . Riêng chịu thảm không than với trẻ,
Đổ lụy rơi theo khóe miệng cười.
Vui là gắng gượng làm vui,
Cái vui cùng trẻ là hồi ai bi.

Chú thích:
Đổ lụy: Rớt nước mắt. Gắng gượng: Cố gắng làm một cách gượng gạo. Trẻ: Chỉ đứa con còn nhỏ dại. Ai bi: Bi ai, buồn rầu thương xót.

Trở lại Nữ Trung Tùng Phận câu 333 / Trở lại Nữ Trung Tùng Phận mục lục.

337 . Ngàn dâu ngó ngày chầy thăm thẳm,
Bận lòng con lại vấn nô y.
Xem chừng coi mảnh anh nhi,
Co tay đếm tuổi bấy chầy không cha.

Chú thích:
Ngàn dâu: Rừng cây dâu. Ngàn là rừng. Chữ Hán có thành ngữ: Tang điền biến vi thương hải, nghĩa là: Ruộng dâu biến thành biển xanh. Ngàn dâu là ý nói cuộc đời nhiều biến đổi. Ngày chầy: Ngày dài. Thăm thẳm: Xa lắm. Vấn: Quấn chung quanh. Nô y: Nghĩa đen là cái áo của đày tớ. Nô là đày tớ, y là cái áo. Ở đây, Nô y có nghĩa là cái áo choàng vào bên ngoài để làm các công việc trong bếp. Anh nhi: Đứa con bé nhỏ. Anh là bé con, nhi là con. Co tay đếm tuổi: Xòe bàn tay trái ra, co ngón tay cái để làm dấu đếm trên các lóng tay, tính tuổi con theo năm âm lịch: Tý, Sửu, Dần, Mẹo,... Bấy chầy: Bấy lâu.

Trở lại Nữ Trung Tùng Phận câu 337 / Trở lại Nữ Trung Tùng Phận mục lục.

341 . Hột cơm tẻ nhai ra như cát,
Gan còn nguyên như nát bao chừ.
Nuôi con từ lúc đào thư,
Bao nhiêu máu thịt công chờ bấy nhiêu.

Chú thích:
Cơm tẻ: Cơm nấu từ gạo thường. Tẻ có nghĩa là ít nhựa. Nói cơm tẻ để phân biệt với cơm nếp, mềm có nhựa. Đào thư: Đào là cây đào chỉ người con gái, thư tức là thơ, trẻ tuổi. Đào thư hay Đào thơ là người con gái trẻ tuổi. Đào thơ cũng là Đào non, chữ Hán là Đào yêu. Trong Kinh Thi có nói: Con gái về nhà chồng gặp lúc đào non lá xanh mướt. Do đó, chữ Đào yêu là chỉ con gái mới về nhà chồng.
Câu 344: Bao nhiêu máu thịt của đứa con thì cái công chờ đợi chồng trở về cũng bằng bấy nhiêu (vì người chồng đã bỏ nhà ra đi theo vợ nhỏ từ lúc vợ lớn mới sanh đứa con).

Trở lại Nữ Trung Tùng Phận câu 341 / Trở lại Nữ Trung Tùng Phận mục lục.

345 . Chàng đâu rõ khúc khiu cực nhọc,
Lớn khôn ngoan biết học biết hành.
Biết ơn nuôi dưỡng sanh thành,
Tìm cha lại bỏ một mình thiếp côi.

Chú thích:
Khúc khiu: Những nỗi khó khăn vất vả. Sanh thành: Sanh ra, nuôi nấng và dạy dỗ thành người.
Câu 348: Người vợ sợ đứa con khi lớn đi tìm cha, bỏ mẹ ở lại một mình cô đơn.

Trở lại Nữ Trung Tùng Phận câu 345 / Trở lại Nữ Trung Tùng Phận mục lục.

349 . Càng thấy lớn, mầng rồi lại sợ,
Mầng nên hình, còn sợ theo cha.
Dường như con vịt mẹ gà,
Trẻ thơ vội phản, mụ già kinh tâm.

Chú thích:
Mầng: Mừng. Con vịt mẹ gà: Ý nói con nuôi, không phải con ruột. Kinh tâm: Lòng rất sợ sệt.
Câu 351: Dường như là con nuôi, chớ không phải con ruột (nên người mẹ lo sợ khi con lớn nó đi theo cha, bỏ mẹ).

Trở lại Nữ Trung Tùng Phận câu 349 / Trở lại Nữ Trung Tùng Phận mục lục.

353 . Làm lụng té bao lăm của cải,
Để cho con làm ngãi cùng con.
Nỗi lo đôi lứa vuông tròn,
Còn lo gia thất vĩnh tồn hậu lai.

Chú thích:
Té: Sanh lợi ra, dư ra. Bao lăm: Có đáng bao nhiêu. Làm ngãi: Làm nghĩa. Ngãi là ơn nghĩa. Gia thất: Gia là chỉ người chồng, thất là chỉ người vợ. Gia thất là vợ chồng. Có câu: Nữ tử sinh nhi nguyện vi chi hữu gia và Tam thập viết tráng hữu thất. Nghĩa là: Con gái sanh ra mong cho nó có chồng. Ba mươi tuổi gọi là tráng niên có vợ. Vĩnh tồn: Tồn tại lâu dài. Hậu lai: Thời gian về sau.
Trở lại Nữ Trung Tùng Phận câu 353 / Trở lại Nữ Trung Tùng Phận mục lục.

357 . Định hương hỏa, hằng bày quí tế,
Lập pháp gia, tự kế phụng thờ.
Con chàng thiếp trả khi thơ,
Dòng chàng thiếp dạy phụng thờ tổ tông.

Chú thích:
Bắt đầu từ câu 357 đến câu 592 là phần: Mẹ dạy con trai.
Định : Sắp đặt. Hằng: Thường thường. Hương hỏa: Nhang đèn, chỉ sự thờ cúng tổ tiên. Quí tế: Quí là thời gian 3 tháng, tương ứng với một mùa. Tế là cúng và dâng lễ phẩm theo nghi thức long trọng. Quí tế là cúng tế vào mỗi quí hay mỗi mùa (3 tháng). Pháp gia: Gia pháp, phép tắc cư xử trong nhà. Tự kế: Tự là nối dõi, con cháu nối dõi; kế là nối theo. Tự kế là nối dòng. Phụng thờ: Phụng sự việc thờ cúng. Tổ tông: Tổ tiên của dòng họ.

Trở lại Nữ Trung Tùng Phận câu 357 / Trở lại Nữ Trung Tùng Phận mục lục.

361 . Lựa cho học các công các nghệ,
Tính cho hay mọi vẻ văn tài.
Sĩ, Nông, Công, Cổ sanh nhai,
Ngư, Tiều, Canh, Mục làm bài bảo thân.

Chú thích:
Công nghệ: Các nghề làm thợ chế tạo vật dụng. Văn tài: Có tài về văn chương. Sĩ: Nghề học văn chương, thi đậu ra làm quan. Nông: Nghề làm ruông. Công: Nghề làm thợ. Cổ: Buôn bán. Ngư: Nghề đánh cá. Tiều: Nghề đốn củi. Canh: Nghề cày ruộng. Mục: Nghề chăn nuôi súc vật. Sanh nhai: Làm ăn sinh sống. Bảo thân: Bảo vệ thân thể. Ý nói: Nuôi dưỡng và gìn giữ thân thể cho khỏe mạnh.

Trở lại Nữ Trung Tùng Phận câu 361 / Trở lại Nữ Trung Tùng Phận mục lục.

365 . Hễ phải mặt văn nhân tài tử,
Dạy con nên vẹn giữ nhơn luân.
Văn là thượng sĩ danh thần,
Võ thì bạt tụy siêu quần quân trung.

Chú thích:
Văn nhân: Người học thức có tài làm văn làm thơ. Tài tử: Người tài giỏi. Tử là người. Nhơn luân: Nhơn là người, luân là phép tắc ở đời đúng theo đạo lý. Nhơn luân là phép tắc đối xử mà con người phải tuân theo để giữ phẩm giá của mình cho được cao trọng. Thượng sĩ: Người trí thức bực trên, tức là đại trí thức. Danh thần: Vị quan lớn có tiếng tăm tốt. Bạt tụy: Tài giỏi hơn người. Bạt là vượt lên trên, tụy là gom nhóm lại. Siêu quần: Đồng nghĩa với Bạt tụy. Siêu là vượt lên trên, quần là nhiều người. Quân trung: Trong quân đội. Trung là ở trong.

Trở lại Nữ Trung Tùng Phận câu 365 / Trở lại Nữ Trung Tùng Phận mục lục.

369 . Quan thì phải tận trung vì chúa,
Dân thì hay tập búa Lỗ Ban.
Sang thì giữ vững ngai vàng,
Hèn thì trừ đảng bạo tàn hại dân.

Chú thích:
Tận trung: Hết lòng trung thành. Tận là hết. Lỗ Ban: Người thợ mộc nổi tiếng tài giỏi của nước Lỗ thời Xuân Thu. Lỗ Ban sử dụng cái búa đẽo gỗ thật tài tình, không ai sánh kịp. Tập búa Lỗ Ban: Tập tành nghề thợ mộc. Ngai vàng: Cái ngai bằng vàng để vua ngồi khi họp triều đình. Đây là cái ngôi vua tượng trưng cho nước.
Câu 371: Nếu tài giỏi thì đem tài ra giữ vững đất nước.
Câu 372: Nếu không tài giỏi thì cũng phải ra sức trừ diệt các đảng cướp giựt tàn bạo hại dân.

Trở lại Nữ Trung Tùng Phận câu 369 / Trở lại Nữ Trung Tùng Phận mục lục.

373 . Trọng thì lấy đai cân làm lịnh,
Khinh thì lo trừ nghịch làm duyên.
Nước non để tuổi cùng tên,
Quốc gia khinh trọng bở bền nơi dân.

Chú thích:
Trọng: Coi nặng, quan trọng. Khinh: Xem nhẹ. Đai cân: Áo mão, phẩm phục của các quan nơi triều đình. Trừ nghịch: Diệt trừ kẻ phản nghịch, hại dân hại nước. Làm duyên: Làm điều tốt đẹp gây sự chú ý của cấp trên. Bở bền: Bở là dễ hư hỏng tan vỡ; bền là vững bền.
Câu 373: Việc quan trọng thì do nơi lịnh của các quan.
Câu 374: Việc không quan trọng thì lo diệt trừ kẻ phản nghịch để gây sự chú ý của cấp trên.
Câu 376: Việc nước, quan trọng hay không quan trọng, bền vững hay không bền vững, đều do nơi dân. Thuận lòng dân thì bền vững, nghịch lòng dân thì không bền vững.

Trở lại Nữ Trung Tùng Phận câu 373 / Trở lại Nữ Trung Tùng Phận mục lục.

377 . Con thương mẹ dầu vâng lịnh dạy,
Thương quê hương trọng ngãi quân thần.
Ngọn rau tấc đất là ân,
Một dòng một giống lo cần ích chung.

Chú thích:
Trọng ngãi: Trọng nghĩa, xem nặng việc đối xử đúng theo lẽ phải và đạo lý. Nghĩa quân thần: Cách đối xử đúng theo đạo lý giữa vua và bề tôi.
Câu 379: Chế độ quân chủ thời xưa quan niệm rằng, đất nước nầy là của vua, ngọn rau cũng là của vua, nên người dân ở trên đất của vua, ăn ngọn rau của vua thì phải biết ơn vua.
Câu 380: Dân tộc Việt Nam là dòng giống Rồng Tiên, nên phải xem nhau như anh em một nhà, giúp đỡ và lo lắng các công việc cần ích chung.

Trở lại Nữ Trung Tùng Phận câu 377 / Trở lại Nữ Trung Tùng Phận mục lục.

381 . Nếu đề đặng tinh trung hai chữ,
Vạch lưng con viết thử để dành.
Rủi cơn loạn quốc khuynh thành,
Tấm gan liệt sĩ cũng đành độ dân.

Chú thích:
Tinh trung: Tinh là tốt đẹp nhất, trung là hết lòng với vua. Tinh trung là lòng ngay thẳng tốt đẹp trung thành với vua.  Loạn quốc: Nước loạn, có giặc giã nổi lên. Khuynh thành: Thành trì nghiêng đổ vì giặc giã. Tấm gan: Chỉ cái ý chí mạnh mẽ của con người. Liệt sĩ: Người hy sinh tánh mạng của mình để phụng sự quốc gia. Độ dân: Cứu giúp dân chúng.

Bốn câu thơ trên  lấy theo sự tích Nhạc Phi một danh tướng trung liệt thời nhà Tống bên Tàu.

Nhạc Phi: Hiệu là Bàng Cử, sanh ở huyện Thang Âm. Nhạc Phi sớm mồ côi cha lúc 3 tuổi, mẹ ở vậy thủ tiết nuôi con. Năm Nhạc Phi lên 8 tuổi, gặp nạn giặc Kim từ phương Bắc đánh xuống Trung nguyên, mẹ con Nhạc Phi phải chạy lánh nạn xuống phương Nam. Mẹ Nhạc Phi biết con trai mình sẽ là người phi thường, nên Bà lấy kim xâm vào lưng con 4 chữ: "Tận trung báo quốc", mà mãi đến khi Nhạc Phi lớn lên cho đến khi chết, bốn chữ nầy vẫn in sâu vào da thịt không phai.

Khi Nhạc Phi lớn lên, ông rất ham học, thích nhất là bộ sách Xuân Thu của Đức Khổng Tử. Ông đau lòng trước nạn giặc Kim xâm lăng, nên không học khoa cử, mà chuyên luyện tập võ nghệ và học binh thơ.

Đời Tống Cao Tông, Nhạc Phi đi thi đậu Võ Trạng, được bổ cầm binh đi đánh giặc Kim. Nhạc Phi có tài chinh chiến, đánh thắng quân Kim nhiều trận, lập được công to, một lòng trung trực vì vua vì nước, được vua ban thưởng một lá cờ thêu 4 chữ "Tinh trung Nhạc Phi".

Vua nước Kim đánh không lại Nhạc Phi nên dùng kế ly gián vua tôi trong triều đình nhà Tống, cho người liên kết và mua chuộc Tể Tướng Tần Cối, cho rằng sau nầy Nhạc Phi lập được nhiều công lớn, sẽ chiếm địa vị của Tần Cối. Tần Cối tâu vua Tống giảng hòa với nước Kim, triệu Nguyên soái Nhạc Phi trở về triều để tìm cách hãm hại.

Lúc đó Nhạc Phi đang chỉ huy mặt trận, liên tiếp thắng lớn quân Kim, nên Nhạc Phi không chịu lui quân giảng hoà với quân Kim. Vua Tống Cao Tông hôn ám, để cho gian thần Tần Cối lộng quyền, giả lịnh của vua, phát ra liên tiếp 12 đạo kim bài buộc Nhạc Phi rút binh trở về triều. Nhạc Phi buộc phải án binh và đơn thân độc mã trở về triều để tâu bày cùng vua Tống. Khi Nhạc Phi vừa về tới cửa ngõ kinh thành, liền bị Tần Cối cho phục binh đón bắt giam vào ngục mà vua Cao Tông không hay biết.

Vua nước Kim lại thúc giục Tần Cối giết chết Nhạc Phi, cho rằng Nhạc Phi còn sống thì không thể giảng hòa với nhà Tống. Tần Cối vu cáo Nhạc Phi mưu phản, sai bọn ngục lại giết chết Nhạc Phi vào đêm 30 Tết tại Phong Ba Đình, cùng với người con cả là Nhạc Vân và đứa con nuôi là Trương Hiến. Năm đó Nhạc Phi được 39 tuổi.
Mọi người đều thương tiếc Nhạc Phi, và vô cùng oán giận gian thần Tần Cối.

Vua Tống Cao Tông truyền ngôi cho vua Hiếu Tông. Gian thần Tần Cối bị lột mặt nạ và bị giết chết ba họ.

Câu chuyện đối đáp giữa vua Cao Tông và Nhạc Phi:
Vua Cao Tông hỏi: Lúc nào thiên hạ thái bình?
Nhạc Phi đáp: Văn thần bất ái tiền, võ thần bất tích tử, thiên hạ thái bình hỹ. (Quan văn không ham tiền, quan võ chẳng tiếc chết, lúc đó thiên hạ thái bình).

Trở lại Nữ Trung Tùng Phận câu 381 / Trở lại Nữ Trung Tùng Phận mục lục.

385 . Dầu rủi phận nợ thân chẳng vẹn,
Đạo Cần Vương nêu tiếng thanh cao.
Trung thành giữ cõi Nam trào,
Hùng anh trước đặng Ngụy Tào khiếp oai.

Chú thích:
Nợ thân: Món nợ đối với song thân, tức là món nợ về công ơn sanh thành dưỡng dục của cha mẹ. Đạo: Đường lối phép tắc phải giữ gìn và tuân theo.

Cần Vương: Cần là lo lắng giúp đỡ. Cần Vương là hết lòng lo lắng cứu giúp vua khi vua gặp nguy hiểm.

Trong lịch sử cận đại của nước ta, vào tháng 4 năm ƒt Dậu (1885), vua Hàm Nghi đang ở tại triều đình Huế, không chịu nổi sự áp bức của Khâm Sứ Pháp là Thống Tướng De Courcy, vua Hàm Nghi cùng Tôn Thất Thuyết nổ súng chống quân Pháp, nhưng đánh không lại, phải rút lui đi lánh nạn ở Quảng Trị, sau đó lên Tân Sở thuộc Quảng Bình để lo việc khôi phục. Tôn Thất Thuyết ra hịch Cần Vương gởi đi các nơi, các sĩ phu và dân chúng hưởng ứng nổi lên chống quân Pháp.

Nam Trào: Triều đình của vua nước Việt Nam. Cõi Nam trào: là nước Việt Nam. Hùng anh: Anh hùng. Ngụy Tào: Ngụy là nhà Ngụy, Tào là họ Tào gồm Tào Tháo, Tào Phỉ, Tào Sản,... Đầu tiên là Tào Tháo, dưới thời vua Hán Hiến Đế, làm Thừa Tướng chuyên quyền, xưng là Ngụy Vương. Sau đó, con của Tào Tháo là Tào Phỉ, phế vua Hán, tự mình lên ngôi vua, xưng là Ngụy Văn Đế, lập ra nhà Ngụy, truyền ngôi được 2 đời thì bị Tư Mã Viêm, con của Tư Mã Chiêu, cháu nội của Tư Mã Ý diệt, lập ra nhà Tấn. Ngụy Tào là chỉ nước Tàu. Từ ngữ Ngụy Tào dùng có ngầm ý khinh miệt, theo cách hiểu đồng âm: Ngụy Tàu, tức là giặc Tàu.

Trở lại Nữ Trung Tùng Phận câu 385 / Trở lại Nữ Trung Tùng Phận mục lục.

389 . Trước quốc chánh chia hai tộc chủng,
Núi Hoành sơn định phỏng biên cương.
Bắc Nam hiệp Tổ Hùng Vương,
Xúm nhau nâng nổi miếu đường Việt Nam.

Chú thích:
Quốc chánh: Chánh trị của quốc gia. Tộc chủng: Chủng tộc, nòi giống. Định phỏng: Định chừng gần đúng. Hoành Sơn: Núi Hoành Sơn là núi ở đèo Ngang thuộc Trung phần VN. Biên cương: Bờ cõi, ranh giới giữa 2 nước. Miếu đường: Nhà thờ tổ tiên của nhà vua. Miếu đường được cất trong Hoàng thành, kế bên triều đình, nên Miếu đường chỉ triều đình. Nghĩa bóng : Miếu đường là Hồn nước.
Hai câu 389-390: Thời trước, nền chánh trị của nước ta chia chủng tộc làm hai, lấy núi Hoành sơn làm biên giới. Hai câu nầy nhắc lại thời Trịnh Nguyễn phân tranh: Chúa Trịnh ở miền Bắc, Chúa Nguyễn ở phương Nam, đôi bên lấy Hoành Sơn làm ranh giới.

Trở lại Nữ Trung Tùng Phận câu 389 / Trở lại Nữ Trung Tùng Phận mục lục.

393 . Giang san bốn ngàn năm tổ nghiệp,
Văn hóa so cũng kịp tha bang.
Xa thơ nay gãy giữa đàng,
Con tua giữ dạ cứu nàn giúp nguy.

Chú thích:
Tha bang: Nước khác. Tha là khác, bang là nước. Xa thơ: Nền văn hóa của một nước. Xa là xe, thơ là sách. Tua: Phải, nên. Giữ dạ: Giữ lòng. Cứu nàn giúp nguy: Cứu giúp tai nạn nguy hiểm.
Câu 395: Ý nói nền văn hóa của dân tộc Việt Nam bị sụp đỗ giữa đường. Tác giả viết câu nầy vì lúc bấy giờ, nước Việt Nam đang bị nước Pháp đô hộ. Người Pháp đem nền văn minh cơ khí và Thiên Chúa giáo truyền sang nước ta, làm cho nền văn hóa vốn theo Tam giáo của nước ta bị sụp đổ.

Trở lại Nữ Trung Tùng Phận câu 393 / Trở lại Nữ Trung Tùng Phận mục lục.

397 . Nào quốc thể, người khi kẻ thị,
Nào dân đen, phép quỉ hớp hồn.
Nấu sôi cái máu anh phong,
An bang tế thế một lòng lo âu.

Chú thích:
Quốc thể: Thể diện của một nước. Khi: Coi rẻ. Khi thị: Xem rẻ, coi thường. Dân đen: Dân nghèo. Phép quỉ hớp hồn: Phép thuật của bọn quỉ bắt hồn người để sai khiến. Người Pháp đem vào Việt Nam những kỹ thuật khoa học tân tiến, khiến người Việt Nam rất kinh ngạc, xem đó như những phép thuật lạ lùng của ma quỉ. Vì vậy, người Việt Nam lúc đó gọi người Pháp là bọn bạch quỉ (quỉ trắng). Anh phong: Tánh cách cao quí tốt đẹp đã có từ lâu đời. Anh là phần đẹp và quí nhứt, phong là thói quen lâu đời. An bang: Làm cho nước yên ổn. Tế thế: Giúp đời.
Câu 399: Thúc đẩy cái truyền thống anh hùng tốt đẹp đã có từ lâu đời.

Trở lại Nữ Trung Tùng Phận câu 397 / Trở lại Nữ Trung Tùng Phận mục lục.

401 . Đấng nam tử đâu đâu cũng nợ,
Khắp năm châu khai mở qui mô.
Châu lưu tứ hải ngũ hồ,
Thơ hương đắc vận cậy nhờ dân sanh.

Chú thích:
Nam tử: Con trai. Khắp năm châu: Khắp thế giới. Qui mô: Độ rộng lớn về mặt tổ chức thực hiện. Qui là cây thước tròn của thợ mộc, mô là cái khuôn. Châu lưu: Đi vòng quanh khắp nơi. Tứ hải ngũ hồ: Bốn biển năm hồ, khắp thế giới. Thơ hương: Mùi thơm của sách, chỉ người học thức cao, rất tài giỏi. Đắc vận: Được thời vận tốt.
Câu 404: Người có học thức tài giỏi khi đắc thời thì dân chúng nhờ cậy được.

Trở lại Nữ Trung Tùng Phận câu 401 / Trở lại Nữ Trung Tùng Phận mục lục.

405 . Vùng Nam Hải uy linh nhứt quốc,
Cỏ rẽ hai chia đất rấp ranh.
Trời còn roi nước hùng anh,
Giang sơn là đấy, còn mình ở đâu?

Chú thích:
Nam Hải: Biển chạy dọc theo nước Việt Nam, chỉ nước Việt Nam. Vùng Nam Hải: Vùng đất mà khi xưa, Lạc Long Quân đem 50 đứa con xuống lập nghiệp, ngày nay là nước Việt Nam. Uy linh: Cái oai quyền thiêng liêng đáng nể sợ. Roi: Lưu lại. Hùng anh: Anh hùng.

Hai câu 405-406: Vùng Nam Hải có một nước uy linh, tại đường ranh giới phân chia hai nước, cỏ mọc rẽ ra hai bên. Ý nói vùng Nam Hải do Trời định dành cho nước Việt Nam.
"Nam quốc sơn hà Nam đế cư,
Tiệt nhiên định phận tại Thiên thư.
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm,
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư."
                                                                                              (Lý Thường Kiệt)
            Nghĩa là:
Núi sông nước Nam vua Nam ở,
Rõ ràng như thế, sách Trời đã định như vậy.
Làm sao quân giặc lại kéo tới xâm phạm,
Bọn bây rồi coi sẽ nắm lấy phần thất bại.

Câu 408: Non sông Việt Nam uy linh anh hùng là thế đấy, còn mình bây giờ đang ở đâu, làm gì?

Trở lại Nữ Trung Tùng Phận câu 405 / Trở lại Nữ Trung Tùng Phận mục lục.
 Home   1 ]  [ 2 ]  [ 3 ]  [ 4 ]  [ 5 ]  [ 6 ]  [ 7 ]  8 ]  [ 9 ]  [ 10 ]  [ 11 ]  [ 12 ]  [ 13 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét