409 . Con cũng đứng mày râu dưới thế,
Nếu
kém phương thiếu thế vận trù.
Dầu
khôn, mẹ cũng cho ngu,
Tài
chi trong kiếp tội tù dã man.
Chú thích:
Mày râu: do chữ Tu mi,
chỉ đàn ông con trai. Kém phương thiếu thế: Thiếu kém phương thế. Vận trù: Tính
toán trù liệu để hành động đạt kết quả.
Trở lại Nữ Trung Tùng Phận câu 409 / Trở lại Nữ
Trung Tùng Phận mục lục.
413 . Con
phải nhớ da vàng máu đỏ,
Cõi
Nam Châu rỡ rỡ quốc triều.
Con
Hồng cháu Lạc bao nhiêu,
Thiếu
tài khiếm đức, định triều an bang.
Chú
thích:
Nam Châu: Chỉ nước Việt Nam. Khi nước Tàu đô hộ
nước ta, họ sáp nhập Việt Nam thành một Quận hay một Châu của nước Tàu, gọi là
Giao Chỉ Quận, Giao Chỉ Bộ hay Giao Châu, sau đổi lại là An Nam Đô Hộ Phủ. Đến
đời nhà Nguyễn, vua Gia Long mới đặt tên nước là Việt Nam. Rỡ rỡ: Rực rỡ. Quốc
triều: Triều đình của một nước. Con Hồng cháu Lạc: Con cháu của họ Hồng Bàng và
Lạc Long Quân. (Xem Chú thích câu 4). Khiếm đức: Thiếu đức. Định triều an bang:
Sắp đặt triều đình làm cho nước nhà được yên ổn.
Trở lại Nữ Trung Tùng Phận câu 413 / Trở lại Nữ
Trung Tùng Phận mục lục.
417 . Mẹ dầu
phải suối vàng nhắm mắt,
Vui
thấy con đáng mặt làm trai.
Nhục
con, con chịu chớ nài,
Nhục
cho quốc thể ra tài hy sinh.
Chú
thích:
Suối vàng: do chữ Huỳnh tuyền, chỉ cõi Âm phủ. Thời
Xuân Thu, Trịnh Trang Công có chuyện ác cảm với mẹ nên thề rằng: "Bất cập
hoàng tuyền vô tương kiến giả" (Chưa đến suối vàng thì không cùng gặp
mặt). Sau nhờ Dĩnh Khảo Thúc là người bề tôi hiền, bày mưu để giải lời thề bằng
cách khuyên Trịnh Trang Công đào một đường hầm vô sâu trong lòng đất, bày cảnh
như cõi Âm phủ, đưa bà mẹ vào đó rồi Trang Công xuống gặp mẹ. Tình mẹ con khắn
khít trở lại.
Câu 417: Mẹ dầu cho chết, linh hồn đi xuống Âm phủ.
Câu 420: Khi quốc thể bị ô nhục, con phải đem tài
sức ra tranh đấu, dù phải hy sinh tánh mạng.
Trở lại Nữ Trung Tùng Phận câu 417 / Trở lại Nữ
Trung Tùng Phận mục lục.
421 . Thất xã
tắc, dân mình nghịch chủng,
Quen nghề tham, lại nhũng quan gian.
Sâu dân mọt nước bạo tàn,
Mua
quan bán chức nhộn nhàng cân đai.
Chú
thích:
Xã tắc: Một nước. Xã là nơi tế Thần Đất, Tắc là nơi
tế Thần Nông. Thất xã tắc: Mất nước. Nghịch chủng: Phản nghịch lại chủng tộc.
Lại nhũng quan gian: Quan lại tham nhũng, gian dối. Sâu dân mọt nước: Chỉ những
quan lại tham ô, chuyên đục khoét của dân để làm lợi riêng. Con sâu và con mọt
là 2 loại côn trùng chuyên đục khoét phá hại cây cối. Nhộn nhàng: Rộn rịp đông
đảo. Cân đai: Cái mão và cái đai áo rộng, chỉ phẩm phục của các quan nơi triều
đình.
Trở lại Nữ Trung Tùng Phận câu 421 / Trở lại Nữ
Trung Tùng Phận mục lục.
425 .
Đem
chơn chánh phô bày trừ mị,
Nâng
niu cho dân khí lẫy lừng.
Dân
thì biết phận làm dân,
Chúa
cho đáng chúa, đình thần đáng quan.
Chú
thích:
Phô bày: Phô trương và bày ra. Trừ mị: Diệt trừ tà
mị. Mị là phỉnh nịnh để lừa gạt. Nâng niu: Chăm chút với tình yêu mến trân
trọng. Dân khí: Cái tinh thần của một dân tộc. Lẫy lừng: Bốc lên cao một cách
mạnh mẽ. Đình thần: Các quan trong triều đình.
Hai câu 427-428: Đây là áp dụng theo thuyết Chính
danh Định phận của Đức Khổng Tử. Luận Ngữ viết: Quân quân, thần thần, phụ phụ,
tử tử. Nghĩa là: Vua ra vua, bề
tôi ra bề tôi, cha ra cha, con ra con. Giữ cái trật tự cho rõ ràng, danh phận
cho chính đáng, tức là giữ căn bản cho việc chánh trị trong nước.
Trở lại Nữ Trung Tùng Phận câu 425 / Trở lại Nữ Trung Tùng Phận mục lục.
429 .
Trừ đảng dữ tham gian bạo ngược,
Diệt những phường mưu chước cầu vinh.
Xem dường cuồng khấu biên đình,
Cung dâu tên cỏ, nước mình chấn hưng.
Chú
thích:
Đảng dữ: Bè đảng hung dữ. Tham gian: Tham lam gian
trá. Bạo ngược: Hung bạo ngang ngược. Phường: Đám, bọn. Cầu vinh: Mưu cầu vinh
hiển. Cuồng khấu: Giặc cướp tàn ác dữ dội. Biên đình: Miền biên thùy xa xôi.
Cung dâu tên cỏ: Do thành ngữ chữ Hán: "Tang bồng hồ thỉ." nghĩa là:
Cung bằng gỗ dâu, tên bằng cỏ bồng. Theo Kinh Lễ, khi Hoàng Hậu sanh đặng Hoàng
nam, quan coi việc lấy cây cung bằng gỗ dâu và cây tên bằng cỏ bồng bắn ra bốn
phía Đông, Tây, Nam, Bắc, rồi bắn một phát lên trời, một phát xuống đất. Ngụ ý
nói rằng: Người làm trai chí ở bốn phương, tung hoành giữa Trời Đất, ôm hoài bão
giúp dân giúp nước. Chấn hưng: Làm cho trở nên hưng thịnh.
Trở lại Nữ Trung Tùng Phận câu 429 / Trở lại Nữ
Trung Tùng Phận mục lục.
433 .
Xem
lịch sử vĩ nhân mấy mặt,
Đại
trượng phu trước giặc vong thân.
Nên
danh khai quốc công thần,
Nêu
tên hậu thế xa gần tặng phong.
Chú
thích:
Vĩ nhân: Người có tài đức và sự nghiệp to lớn. Đại
trượng phu: Người đàn ông tài giỏi xuất chúng, đáng được mọi người kính trọng.
Vong thân: Quên mình. Nên danh: Tạo nên được cái tiếng tăm tốt. Khai quốc công
thần: Người bề tôi có công lớn trong việc mở ra một triều đại mới cho đất nước.
Hậu thế: Đời sau. Tặng phong: Khen tặng phong tước.
Trở lại Nữ Trung Tùng Phận câu 433 / Trở lại Nữ
Trung Tùng Phận mục lục.
437 . Muốn
hiển tổ vinh tông báo hiếu,
Học
cho hay trọng yếu miếu đường.
Tầng
quen cỡi ngựa cầm cương,
Trận
trung quyết thắng chiến trường đoạt binh.
Chú
thích:
Hiển tổ vinh tông: Vinh hiển tổ tiên của dòng họ.
Trọng yếu: Rất quan trọng. Miếu đường: Hồn nước. Trận trung: Giữa trận chiến.
Trung là giữa. Đoạt binh: Thắng trận bắt được quân địch.
Câu 439: Đã từng xông pha nơi chiến trận.
Trở lại Nữ Trung Tùng Phận câu 437 / Trở lại Nữ
Trung Tùng Phận mục lục.
441 . Lựa
những mặt tài tình thọ giáo,
Học
cho thông mối đạo quân thần.
Trương
Lương dâng dép ba lần,
Chút
công ấy định Hớn Tần nên hư.
Chú
thích:
Tài tình: Tài giỏi khéo léo đáng kính phục. Thọ
giáo: Nhận chịu sự dạy dỗ, theo học. Đạo quân thần: Bổn phận phép tắc cư xử
đúng theo đạo lý giữa vua và bề tôi. Vua thì phải sáng suốt và chăm lo cho dân,
bề tôi thì phải hết lòng giúp vua lo việc nước.
Hai câu 443-444: Nói về sự tích Trương Lương.
Trương Lương: Người nước Hàn. Nước Hàn bị vua Tần
Thủy Hoàng tiêu diệt. Trương Lương muốn báo thù cho nước Hàn nên tìm cách giết
Tần Thủy Hoàng. Trương Lương tìm được một dũng sĩ, bày kế cho dũng sĩ cầm cái
chùy nặng núp ở bãi cát Bác Lãng, đợi xe của vua Tần đi ngang thì nhào ra đánh,
nhưng lại đánh lầm xe tùy tùng nên dũng sĩ bị giết chết ngay. Trương Lương bị
vua Tần truy nã nên phải thay tên đổi họ trốn lánh ở Hạ Bì.
Có lần Trương Lương dạo chơi trên cầu Hạ Bì, thấy
một cụ già đi đến cầu gần chỗ mình, chăm chăm nhìn Trương Lương rất lâu, rồi cụ
làm rơi một chiếc dép xuống dưới cầu, bảo Trương Lương xuống lượm lên cho cụ.
Lương để ý thấy việc nầy hơi lạ, nhưng vẫn nghe lời
cụ già, trèo xuống lượm dép cho cụ. Cụ mang dép vào, rồi bật bật thế nào để dép
rơi lần nữa. Cụ lại bảo Trương Lương xuống nhặt dép cho cụ. Lương lại chiều ý
cụ già, lội xuống cầu lượm dép đem lên cho cụ, cẩn thận xỏ vào chân cụ.
Ông cụ đi tới đi lui loay quay thế nào làm rơi
chiếc dép lần nữa, rồi cụ cũng không ngại ngùng gì cả, thản nhiên bảo Trương
Lương xuống cầu lượm dép cho cụ. Đây là lần thứ 3, Trương Lương rất bực mình,
nhưng đã trót giúp cụ thì rán giúp luôn để xem cụ già nầy thế nào. Cụ già xỏ
dép vào chân, cười rồi bỏ đi, chẳng một tiếng cám ơn. Đi được một đổi, cụ quay
lại bảo Lương: Thằng bé nầy dạy được, 5 ngày sau, vào lúc tinh mơ, mày đến đây
gặp ta.
Y hẹn, Trương Lương đến thì đã thấy ông cụ ở đây
rồi. Cụ trách Lương sao đến muộn để cụ phải chờ. Cụ lại hẹn 5 ngày sau nữa, Lương
hãy đến nơi đây gặp cụ lúc sáng tinh mơ. Kỳ nầy, đúng ngày, Lương thức dậy thật
sớm, đi đến chỗ hẹn với cụ già, nhưng khi đến thì đã thấy cụ ở đó ngồi chờ. Cụ
giận trách Lương sao đến trễ. Cụ lại hẹn 5 ngày sau nữa, hãy ra đây cho sớm.
Năm ngày sau, Lương đến chỗ hẹn vào lúc nửa đêm để
chờ cụ. Lát sau, cụ già đến, thấy Lương đã có mặt thì rất hài lòng, liền trao
cho Lương quyển sách "Thái Công Binh Pháp" rồi nói: Con học hết quyển
sách nầy thì làm thầy bậc vương giả. Mười năm nữa sẽ ứng nghiệm. Mười ba năm
sau, con đến gặp ta, hòn đá màu vàng dưới chân núi Cốc Thành phía Bắc sông Tế
là ta đó.
Sau đó, Trương Lương theo phò Hớn Lưu Bang, được cử
làm Quân Sư , bày mưu cho Hớn đánh lấy nhà Tần, tiêu diệt Sở Bá Vương Hạng Võ,
thống nhứt nước Tàu, lập ra nhà Hán, Lưu Bang lên làm vua, xưng hiệu là Hớn Cao
Tổ. Trương Lương không ham phú quí vinh hoa, xin vua cho lui về núi tìm Tiên
Ông Huỳnh Thạch Công (Huỳnh Thạch là hòn đá vàng) học đạo tu Tiên.
Do 3 lần dâng dép mà Trương Lương được Tiên Ông
trao bộ sách quí, nhờ đó giúp Lưu Bang diệt nhà Tần, trừ Hạng Võ, mở ra nhà
Hán.
Trở lại Nữ Trung Tùng Phận câu 441 / Trở lại Nữ Trung
Tùng Phận mục lục.
445 . Trọng
Ni nhận vi sư Hạng Thác,
Học
tinh thần khai phát Nho tông.
Gẫm
coi tổn bấy nhiêu công,
Làm
cho thiên hạ đại đồng trí tri.
Chú
thích:
Trọng Ni: Tên tự của Đức Khổng Tử. Vi sư: Là thầy.
Khai phát: Mở ra và phát triển. Gẫm coi: Suy nghĩ xem. Thiên hạ: Dưới Trời, chỉ
nhơn loại. Đại đồng: Cùng chung một qui mô lớn lao, cùng làm việc và cùng vui
hưởng. Trí tri: Đạt được cái hiểu biết đến tận cùng. Trí là tới cùng, tri là sự
hiểu biết.
Câu 445: Đức Khổng Tử nhận Hạng Thác là bực thầy.
Đức Khổng Tử cùng một số môn đệ đi qua nước Trần,
trên đường gặp cậu bé Hạng Thác đang cặm cụi đắp chơi một cái thành bằng cát
giữa đường. Xe của Đức Khổng Tử đến gần, bảo: Sao cậu không tránh cho xe của
tôi đi?
Cậu bé thản nhiên đáp: Xưa nay, xe tránh thành chớ
thành nào có tránh xe.
Ngài thấy cậu bé rất lạ, liền xuống xe nói chuyện,
thấy cậu rất thông minh, hỏi cậu nhiều điều rất khó khăn mà cậu giải đáp rất
lưu loát làm Ngài kính phục. Sau, cậu bé hỏi lại Ngài vài điều làm Ngài rất khó
trả lời, đành chịu thua, nhận Hạng Thác là thầy.
"Đức Khổng Tử khi còn nhập thế, chưa xuất thế,
ở Nhơn đạo, chưa học Thiên Đạo. Ngài học văn chương, dạy cang thường luân lý,
sau Ngài học Lễ với Lão Tử, cũng giáo huấn môn đồ về Nhơn đạo. Ngài có vợ có
con, thịt ăn rượu uống. Vậy nên có câu rằng: Khổng Tử Thiên sanh chơn kỳ trí,
Tánh mạng công phu thỉ bất minh. Nghĩa là: Khổng Tử, Trời sanh người trí lạ,
Tánh mạng phép công phu chưa rõ đặng. Sau Ngài qua nước Trần, gặp Hạng Thác,
chừng đó mới học qua Thiên đạo, mới cấm răn rượu thịt, dâm dục, y theo qui giới
mà tu Thiên đạo, nên có câu: Trai minh thạnh phục, yết dục dưỡng tinh."
(Trích Hội Lý Xiển Chơn Luận Nguyễn Văn Kinh).
Trở lại Nữ Trung Tùng Phận câu 445 / Trở lại Nữ
Trung Tùng Phận mục lục.
449 . Tôn
kỉnh thầy cũng bì cha trẻ,
Mới
đắc truyền mọi lẽ cao sâu.
Học
hay kế nhiệm mưu mầu,
Học
nên tài đặng giải sầu quốc gia.
Chú
thích:
Tôn kỉnh: Kính trọng. Cũng bì: Cũng so sánh
bằng. Đắc truyền: Được truyền lại cho. Kế nhiệm mưu mầu: Mưu kế mầu nhiệm.
Câu 449: Con phải kính
trọng thầy cũng bằng kính trọng cha của con vậy, bởi vì cái công giáo hóa sánh
bằng công sanh thành dưỡng dục.
Câu 452: Học cho thật giỏi đặng cổi ách nô lệ cho
nước ta, dân chúng hết sầu khổ.
Trở lại Nữ Trung Tùng Phận câu 449 / Trở lại Nữ
Trung Tùng Phận mục lục.
453 . Học
đặng định chánh tà giả thiệt,
Học
cho thông đặc biệt hư nên.
Học
gan sắt đá cứng bền,
Học
cho đủ chước xây nền Nam phong.
Chú
thích:
Chánh tà: Chánh là ngay thẳng, tà là cong quẹo xảo
trá. Nhờ có tà mà cái chánh mới trổi lên cao. Chánh tà là 2 điều cần thiết để
con người trau giồi đức tánh mà tiến hóa. Giả thiệt: Cái giả thuộc về tà, thiệt
thuộc về chánh. Đủ chước: Đầy đủ mưu chước kế hoạch. Nam phong: Nền phong hóa
của dân tộc Việt Nam. Phong hóa là phong tục, tạp quán và nếp sống của một dân
tộc. Đức Chí Tôn nói rằng: "Nam phong thử nhựt biến nhơn phong."
nghĩa là: Nền phong hóa của dân tộc Việt Nam ngày sau sẽ trở thành nền phong
hoá của nhơn loại.
Câu 455: Học để cho cái chí khí cứng như đá, bền
như sắt. (Gan là biểu tượng của tinh thần và ý chí).
Trở lại Nữ Trung Tùng Phận câu 453 / Trở lại Nữ
Trung Tùng Phận mục lục.
457 . Học cho
rộng giao thông tứ xứ,
Học
cho cùng xử sự ngoại lân.
Học
cho đúng bậc tài thần,
Ưu
quân ái quốc vua cần dân nghinh.
Chú
thích:
Tứ xứ: Bốn nước ở chung quanh, ý nói toàn cả các nước
trên thế giới. Xử sự: Giải quyết thỏa đáng công việc. Ngoại lân: Các ngoại quốc
láng giềng với nước mình. Tài thần: Tài là tài năng làm nên việc, thần là kẻ bề
tôi của vua. Tài thần là người bề tôi tài giỏi. Ưu quân: Lo lắng cho vua, ý nói
lo lắng cho nước. Ái quốc: Lòng yêu nước thương nòi. Dân nghinh: Dân chúng hoan
nghinh.
Trở lại Nữ Trung Tùng Phận câu 457 / Trở lại Nữ
Trung Tùng Phận mục lục.
461 . Học cho
thấu máy linh cơ tạo,
Học
cho toàn trí xảo văn minh.
Thâu
tài hay nhập nước mình,
Làm
cho dân hưởng thái bình giàu sang.
Chú
thích:
Học cho thấu: Học cho biết rõ. Thấu là biết rõ. Máy
linh cơ tạo: Linh là thiêng liêng, cơ là bộ máy, tạo là làm ra, cơ tạo là bộ
máy của Đấng Tạo hóa. Máy linh cơ tạo là bộ máy thiêng liêng của Đấng Tạo hóa,
tức là bộ máy thiêng liêng của Ông Trời. Trí xảo: Sự hiểu biết khéo léo. Trí là
sự hiểu biết, xảo là khéo léo. Văn minh: Văn là vẻ đẹp, minh là vẻ sáng. Văn
minh là cái mức sinh hoạt sáng đẹp của một xã hội tiến bộ.
Câu 463: Thâu tài hay nhập nước mình, ý nói phải đi
du học ở các nước tiến bộ, có nền văn minh cao hơn mình, để đem những cái hay
của họ về áp dụng cho đất nước mình.
Trở lại Nữ Trung Tùng Phận câu 461 / Trở lại Nữ
Trung Tùng Phận mục lục.
465 . Công
dạy dỗ muôn ngàn khó nhọc,
Ơn
của thầy con học nên người.
Tài
hay tom góp một đời,
Cho
con chẳng kể vốn lời hơn thua.
Chú
thích:
Hai câu 467-468: Thầy dạy chữ có một tinh thần khác
hơn ông thầy dạy võ hay dạy nghề, vì ông thầy dạy chữ thâu thập được bao nhiêu
hiểu biết đều đem dạy hết cho trò, chớ không giấu nghề giữ miếng như thầy dạy võ
hay dạy nghề.
Trở lại Nữ Trung Tùng Phận câu 465 / Trở lại Nữ
Trung Tùng Phận mục lục.
469 . Thầy
lao lực tùy vừa trí trẻ,
Dạy
cho thông mọi lẽ gần xa.
Tuổi
xanh con đặng trí già,
Còn
thơ con học hóa ra lão thành.
Chú
thích:
Lao lực: Mệt nhọc vì đem sức lực ra làm việc.
Thông: Hiểu rõ. Tuổi xanh: Tuổi trẻ.
Câu 471: Con còn trẻ mà có được sự hiểu biết của
người già, bởi vì ông thầy già đã đem hết các kiến thức thâu thập được của cả
đời ông truyền lại cho con.
Trở lại Nữ Trung Tùng Phận câu 469 / Trở lại Nữ
Trung Tùng Phận mục lục.
473 . Con nhờ
thầy công danh mới toại,
Như
nhờ cha mới giỏi hình dung.
Hai ơn ấy gẫm so đồng,
Nghĩa
kia như hiếu, mặn nồng cả hai.
Chú
thích:
Công danh: Ý nói việc ra làm quan để có danh tiếng
và sự nghiệp vẻ vang với đời. Toại: Thỏa lòng. Giỏi hình dung: Hình dáng tốt
đẹp. Gẫm: Ngẫm nghĩ. Mặn nồng: Đậm đà thắm thiết.
Hai câu 475-476: Ơn thầy và ơn cha suy nghĩ kỹ thì
đồng đều như nhau. Đối với thầy là nghĩa, đối với cha là hiếu, phải giữ cho đậm
đà thắm thiết cả hai.
Trở lại Nữ Trung Tùng Phận câu 473 / Trở lại Nữ
Trung Tùng Phận mục lục.
477 . Xưa
ruộng Thuấn voi cày chim cấy,
Vì
hiếu thân nổi dậy tuổi tên.
Đế
Nghiêu tìm hiếu truyền hiền,
Nương
nơi gương ấy vẫn bền đạo con.
Chú
thích:
Hiếu thân: Có hiếu với cha mẹ. Thân là chỉ cha mẹ.
Truyền hiền: Tìm người có đức hạnh và tài giỏi để truyền ngôi vua. Trước thời
vua Hạ Võ nước Tàu, ngôi vua được truyền hiền, sau thời đó thì bắt đầu truyền
tử. (Tử là con).
Bốn câu thơ trên nhắc lại sự tích vua Thuấn, gương
hiếu thảo thứ nhứt trong Nhị Thập Tứ Hiếu.
Ông Thuấn họ Ngu, cha là Cổ Tẩu, mẹ mất sớm, ở với
mẹ ghẻ và em khác mẹ là Tượng. Cổ Tẩu thường nghe lời vợ kế, bỏ bê và đày đọa
Thuấn. Còn mẹ ghẻ thì muốn trừ khử Thuấn, xúi Cổ Tẩu sai Thuấn đi cày ở đất
Lịch Sơn, là nơi có nhiều cọp dữ để cọp ra bắt Thuấn ăn thịt. Thuấn vẫn nghe
lời cha mẹ, không chút than van, đến cày ruộng ở Lịch Sơn. Lòng hiếu thảo cảm
động Trời cao, khiến cọp dữ không dám đến gần, voi ra cày đất, chim bay đến
nhặt cỏ.
Thấy không hại được Thuấn cách nầy, bà mẹ ghẻ lại
xúi Cổ Tẩu sai Thuấn đi đánh cá ở đầm Lôi Trạch, là nơi thường có giông to gió
lớn nhận chìm ghe thuyền. Thuấn vẫn nghe lời cha mẹ, đến đó đánh cá. Khi Thuấn
đến thì gió lặng sóng êm, như ngầm giúp người con hiếu thảo.
Dù bị hãm hại nhiều lần, nhưng Thuấn vẫn một lòng
hiếu thảo cha mẹ, vui thuận cùng em Tượng, sau cùng làm mẹ ghẻ cảm động, đổi
tánh trở lại hiền lương thương yêu Thuấn. Vua Nghiêu nghe tiếng, biết Thuấn là
kẻ hiền tài, đủ tánh đức trị dân. Ngài gả 2 con gái Nga Hoàng và Nữ Anh cho
Thuấn, và truyền ngôi cho Thuấn nối tiếp trị vì thiên hạ.
Trở lại Nữ Trung Tùng Phận câu 477 / Trở lại Nữ
Trung Tùng Phận mục lục.
481 . Mẫn Tử
Khiên tích còn roi dấu,
Dẩy
xe cha áo xấu mặt dơ.
Sợ
đàn em dại u ơ,
Khổ
thà cam khổ cũng thờ dưỡng nghi.
Chú
thích:
Roi dấu: Lưu lại dấu tích. Roi là lưu lại. Dẩy xe
cha: Đẩy cho xe của cha cất lên đi tới. Em dại u ơ: Em còn nhỏ dại, mới biết
nói u ơ. Dưỡng nghi: Mẹ nuôi. Dưỡng là nuôi, nghi là khuôn mẫu, chỉ người mẹ.
Dưỡng nghi đồng nghĩa Dưỡng mẫu.
Bốn câu thơ trên nhắc lại sự tích Mẫn Tử Khiên,
gương hiếu thảo thứ tư trong Nhị Thập Tứ Hiếu.
Mẫn Tử Khiên: Tên thật là Tổn, người nước Lỗ, sanh
vào thời Xuân Thu, học trò của Đức Khổng Tử. Mẹ mất sớm, cha cưới vợ kế sanh
được 2 con. Cảnh mẹ ghẻ con chồng thật là khắc nghiệt, nhưng Mẫn Tử Khiên giữ
một lòng hiếu thảo với cha và mẹ ghẻ, hòa nhã thương yêu 2 em.
Mùa đông giá rét, hai con của mẹ ghẻ được mặc áo
bông ấm áp, còn Tử Khiên thì phải mặc áo lót bông lau không đủ ấm, lại còn phải
đẩy xe cho cha đi dạo chơi. Vì quá rét, tay của Tử Khiên bị cóng, phải rời xe
ra. Người cha thấy vậy mới nghĩ lại biết là kế mẫu quá hà khắc với Mẫn Tử
Khiên, liền trở về nhà định đuổi bà đi. Mẫn Tử Khiên khóc lóc xin cha nghĩ lại,
vì nếu kế mẫu còn thì chỉ có một mình con chịu rét, còn nếu kế mẫu bị đuổi đi
thì thêm 2 em con cũng bị rét mướt khổ sở nữa.
Người cha nghe theo, về nhà thuật lại cho bà vợ kế
nghe lời nói của Mẫn Tử Khiên. Bà cảm động hồi tâm, thay đổi cách sống và từ đó
trở đi, bà trở thành một hiền mẫu.
Trở lại Nữ Trung Tùng Phận câu 481 / Trở lại Nữ
Trung Tùng Phận mục lục.
485 . Con ví
biết trọng nghì phụ tử,
Hiển
tông môn khá giữ nơi lòng.
Đừng
làm nhục tổ hổ tông,
Lập
thân trả hiếu nối dòng truyền hương.
Chú
thích:
Trọng nghì: Tôn trọng cái nghĩa. Phụ tử: Cha con.
Hiển tông môn: Làm cho vẻ vang dòng họ. Nhục tổ hổ tông: Làm nhục nhã tổ tiên
của dòng họ. Lập thân: Tạo dựng sự nghiệp cho bản thân mình. Nối dòng: Nối tiếp
dòng họ truyền kế lâu dài. Truyền hương: Ý nói:Truyền kế lửa hương, nghĩa là
nối tiếp sự thờ cùng tổ tiên.
Trở lại Nữ Trung Tùng Phận câu 485 / Trở lại Nữ
Trung Tùng Phận mục lục.
489 . Nhìn
thung đường đền ơn cúc dục,
Nhớ
công sanh giữ chút hình hài.
Dưỡng
nuôi lao khổ đắng cay,
Lửa
hương chỉn ước có ngày nối xa.
Chú
thích:
Thung đường: Nhà thung, chỉ người cha. Thung là cây
thung, cũng gọi là cây xuân. Theo sách Trang Tử, thời xưa có cây xuân, sống rất
lâu, mùa xuân của nó kéo dài đến 8000 năm. Do đó người ta dùng chữ Xuân hay
Thung để chỉ người cha vì con muốn cha sống lâu. Cúc dục: Cúc là nuôi dưỡng,
dục là nuôi nấng. Cúc dục là chỉ công ơn nuôi dưỡng con cái của cha mẹ. Công
sanh: Công lao sanh thành. Hình hài: Thân thể của con người. Lao khổ: Mệt nhọc
cực khổ. Đắng cay: Đau khổ xót xa. Lửa hương: Chỉ sự thờ cúng tổ tiên. Chỉn
ước: Chỉ mong. Chỉn là chỉ, vốn, vẫn. Nối xa: Nối tiếp mãi mãi về sau.
Trở lại Nữ Trung Tùng Phận câu 489 / Trở lại Nữ
Trung Tùng Phận mục lục.
493 . Còn em út trong nhà thơ bé,
Trai
dạy khuyên, gái để khép khuôn.
Con
đừng quen tánh luông tuồng,
Các
em hư nết, gieo buồn song thân.
Chú
thích:
Khép khuôn: Đặt vào khuôn phép của gia đình. Luông
tuồng: Tự do bừa bãi, không giữ được mực thước trong cách sống. Hư nết: Hư hỏng
tánh nết. Gieo buồn: Đem lại sự buồn rầu. Song thân: Cha mẹ.
Hai câu 495-496: Con là anh cả trong nhà, cần phải
làm gương cho các em, đừng có quen tánh luông tuồng, làm các em bắt chước mà hư
hỏng tánh nết, gây ra buồn phiền cho cha mẹ.
Trở lại Nữ Trung Tùng Phận câu 493 / Trở lại Nữ
Trung Tùng Phận mục lục.
497 . Một cục
máu chia phân mấy mảnh,
Hình
hài em tượng ảnh thân con.
Chữ
rằng huyết mạch đồng môn,
Riêng
chưng thân thể, tâm hồn cũng con.
Chú
thích:
Chữ rằng: Sách có câu rằng. Huyết mạch: Dòng máu.
Đồng môn: Cùng một cửa. Huyết mạch đồng môn: Ý nói anh em ruột với nhau vì cùng
một dòng máu, cùng một cửa sanh ra. Chưng: Tại, ở tại. Riêng chưng thân thể:
Riêng nhau là ở nơi thân thể. Tâm hồn: Ý nghĩ và tình cảm làm thành đời sống
bên trong của con người.
Câu 497: Ý nói một mẹ mà sanh ra mấy đứa con.
Câu 498: Hình hài của em con chính là hình ảnh của
con, vì các anh em con đều là ruột thịt với nhau.
Trở lại Nữ Trung Tùng Phận câu 497 / Trở lại Nữ
Trung Tùng Phận mục lục.
501 . Ngoài
gia tộc, nước non vầy bạn,
Lựa
tài danh giao cạn tâm tình.
Đời
như trận giặc đua tranh,
Dầu
tài một ngựa một mình khó nên.
Chú
thích:
Ngoài gia tộc: Những người ở ngoài dòng họ của
mình, tức là những người không bà con với mình. Vầy bạn: Hiệp bạn, kết bạn với
nhau. Tài danh: Người tài giỏi nổi tiếng. Giao cạn tâm tình: Ý nói bạn tâm
giao, hiểu biết lòng dạ của nhau, đối đãi hết lòng hết dạ với nhau. Một ngựa
một mình: do thành ngữ chữ Hán: Đơn thân độc mã, ý nói chiến đấu lẻ loi, không
ai giúp sức.
Câu 501: Ngoài những người trong gia tộc, con nên
kết bạn rộng rãi khắp nơi.
Trở lại Nữ Trung Tùng Phận câu 501 / Trở lại Nữ
Trung Tùng Phận mục lục.
505 . Coi
gương trước Thánh Hiền ghi lại,
Kết
bạn nhau đạo ngãi làm sao.
Tuy
là khác thửa đồng bào,
Mà
trong sanh tử một màu sắt son.
Chú
thích:
Đạo ngãi: Đạo nghĩa. Đường lối mà con người phải
tuân theo trong việc đối xử được công bằng và hợp lẽ phải. Thửa: Dịch chữ
"kỳ" của Hán văn, là tiếng đại từ thế cho người hay vật, nghĩa là:
Người ấy, cái ấy. Đồng bào: Cùng một bào thai, chỉ dân tộc Việt Nam. Người Việt
Nam thường hay gọi nhau là đồng bào. (Xem lại Chú thích câu 4). Sắt son: Bền
vững như sắt, không phai màu như son.
Hai câu 507-508: Bạn bè, tuy là người khác nhau
nhưng là đồng bào với nhau, nên có thể sống chết cùng nhau, một lòng một dạ với
nhau, bền vững không thay đổi.
Trở lại Nữ Trung Tùng Phận câu 505 / Trở lại Nữ
Trung Tùng Phận mục lục.
509 . Lưu
Quan Trương giữ còn nghiệp Hớn,
Gìn
trọn thề chết sống có nhau.
Dầu
cơn độc mã đơn đao,
Tâm
trung nghĩa khí, Ngô, Tào cũng kiêng.
Chú
thích:
Lưu Quan Trương: Lưu Bị, Quan Võ, Trương Phi là 3
anh em kết nghĩa với nhau. Giữ còn nghiệp Hớn: Giữ cho sự nghiệp của nhà Hán
được tồn tại. Độc mã đơn đao: Một ngựa một đao. Một ngựa là chỉ một con ngựa
Xích thố, một đao là một cây Thanh long đao. Tâm trung: Tấm lòng trung thành.
Nghĩa khí: Có tinh thần thần cao cả, quên mình vì việc nghĩa. Kiêng: Nể sợ.
Ngô: Ngô Tôn Quyền, làm vua nước Ngô ở phía Đông. Tào: Tào Tháo, được xem là
Chúa nước Ngụy ở phía Bắc. Còn Lưu Bị là vua nước Thục ở phía Tây. Nước Tàu
chia làm 3 nước, gọi là thời Tam Quốc.
Hai câu 509-510: Vào cuối đời nhà Hán, 3 người: Lưu
Bị, Quan Võ, Trương Phi, có chí hướng hạp nhau, nên sắm lễ vật đặt tại Vườn Đào
(Đào viên) đốt nhang khấn vái Trời Đất thề nguyền kết nghĩa anh em với nhau,
thề sống thác cùng nhau. Ba vị Lưu,
Quan, Trương giữ đúng lời nguyền, thương nhau như anh em ruột thịt, sang cùng
hưởng, khổ đồng chịu, không một mảy may xích mích nhau, để lại cho đời sau một
tấm gương sáng chói về anh em kết nghĩa.
Hai câu 511-512: Nói về Quan Võ, một mình một ngựa
một đao, phò Nhị tẩu (2 bà vợ của Lưu Bị) từ dinh của Tào Tháo, vượt qua 5 ải,
chém chết 6 tướng trấn ải ngăn đường, qua sông Hoàng Hà, đến Cổ Thành để tìm
gặp Lưu Bị. Với tài võ dõng trác tuyệt, với tâm trung nghĩa khí sáng ngời làm
cho Ngô Tôn Quyền và Tào Tháo phải nể sợ.
Trở lại Nữ Trung Tùng Phận câu 509 / Trở lại Nữ
Trung Tùng Phận mục lục.
513 . Sài
Triệu Trịnh cũng nguyền như thế,
Mà
nên mưu đủ kế đồ vương.
Tống
thâu thiên hạ Đại Đường,
Cũng
do bởi học nơi trường hữu giao.
Chú
thích:
Sài Triệu Trịnh: Sài Vinh, Triệu Khuôn Dẫn, Trịnh
Ân, 3 người đồng thề nguyền kết nghĩa anh em với nhau tại Huỳnh Thổ Ba. Sài
Vinh lớn tuổi nhất làm đại ca, kế là họ Triệu làm Nhị ca, tam đệ là Trịnh Ân.
Vào cuối nhà Đường, 3 anh em đồng phò tá Quách Ngạn Oai lên làm vua, ấy là vua
Thái Tổ nhà Hậu Chu. Quách Ngạn Oai không con, truyền ngôi lại cho cháu là Sài
Vinh. Triệu Khuôn Dẫn và Trịnh Ân phò tá Sài Vinh. Sau, Sài Vinh chết, quân
Khiết Đan rất mạnh, đem quân vào đánh Trung nguyên, Triệu Khuôn Dẫn đại phá
quân địch, được các tướng đồng tôn Triệu Khuôn Dẫn lên làm vua, mở ra nhà Tống,
lấy hiệu là Tống Thái Tổ. Đồ vương: Mưu tính sắp đặt kế hoạch để làm vua. Tống:
Nhà Tống. Thâu: Gom góp lại. Thiên hạ: Ý nói dân chúng. Đại Đường: là nhà
Đường, nói tôn lên, cũng như nhà Tống thì gọi là Đại Tống. Hữu giao: Hữu là
bạn, giao là qua lại với nhau. Hữu giao là bè bạn giao tiếp với nhau.
Câu 515: Nhà Tống tóm thâu dân chúng của nhà Đường.
Theo Trung Quốc sử, vào cuối nhà Đường, triều đình suy nhược, các chư hầu không
phục, tách ra tự lập làm vua một cõi riêng, tạo thành 5 nước: Đường, Lương,
Tấn, Hán, Chu, gọi là đời Ngũ Đại (907-960). Sau Triệu Khuôn Dẫn đem quân đánh
các nước, thâu về một mối, thống nhứt nước Tàu, lập ra nhà Tống.
Trở lại Nữ Trung Tùng Phận câu 513 / Trở lại Nữ
Trung Tùng Phận mục lục.
517 . Trong
vũ trụ hiệp hào là mạnh,
Phận
đồ thơ phải gánh non sông.
Anh
em bạn tác vầy đông,
Xô
thành cũng ngã, lấp sông cũng bằng.
Chú
thích:
Vũ trụ: Vũ là khoảng không gian gồn 4 phương và
trên dưới, trụ là thời gian xưa nay qua lại. Vũ trụ là khắp không gian và thời
gian suốt xưa nay. Nghĩa hẹp, vũ trụ là thế giới loài người. Hiệp hào: Hợp lại
thì tạo được sức mạnh hơn người. Hiệp là hợp lại, hào là tài sức hơn người. Đồ
thơ: Bản đồ và sách, chỉ người có học thức và có tài an bang tế thế. Bạn tác:
Bạn cùng tuổi với nhau. Vầy đông: Hợp lại nhiều người. Vầy là hợp lại.
Hai câu 519-520: Anh em bè bạn kết hợp đông đảo tạo
nên sức mạnh vĩ đại, có thể làm những việc phi thường như xô thành cũng ngã,
lấp sông cũng đầy.
Trở lại Nữ Trung Tùng Phận câu 517 / Trở lại Nữ
Trung Tùng Phận mục lục.
521 . Trai nam tử gió trăng là phận,
Đạp nước non đặng tấn khí hùng.
Đi con đường thế gai chông,
Lớn gan hiu quạnh thì lòng cũng nao.
Chú thích:
Gió trăng: Những nỗi xông pha vất vả, lấy gió làm quạt, lấy trăng làm đèn.
Đạp nước non: Ý nói lội suối trèo non. Tấn: Tiến lên. Khí hùng: Cái chí khí anh
hùng. Gai chông: Những khó khăn trở ngại nguy hiểm. Lớn gan: Ý nói lòng can đảm
to lớn. Hiu quạnh: Cô đơn, chỉ có một mình. Nao: Nao núng.
Câu 524: Dù có can đảm hơn người nhưng trong việc đấu tranh mà chỉ có một
mình cô đơn thì lòng cũng cảm thấy lung lay, lo ngại.
Trở lại Nữ Trung Tùng Phận câu 521 / Trở lại Nữ Trung Tùng Phận mục lục.
525 . Tình phu phụ biết bao nghĩa
trọng,
Đạo nhơn luân gầy sống của đời.
Dầu cho non nước đổi dời,
Còn niềm chồng vợ, còn người còn ta.
Chú thích:
Tình phu phụ: Tình nghĩa vợ chồng. Đạo nhơn luân: Đường lối cư xử theo đạo
lý giữa con người với nhau trong xã hội. Ở đây, Đạo nhơn luân là chỉ đạo vợ
chồng. (Xem Chú thích câu 366). Gầy sống của đời: Tạo ra cuộc sống cho xã hội.
Niềm: Tâm trạng hay tình cảm.
Câu 526: Đạo vợ chồng sản xuất ra những con người mới, tạo dựng cuộc sống
cho xã hội được nối tiếp trường tồn.
Trở lại Nữ Trung Tùng Phận câu 525 / Trở lại Nữ Trung Tùng Phận mục lục.
529 . Bạn trăm tuổi thân hòa làm một,
Dầu sanh hèn xấu tốt cũng duyên.
Cùng nhau giữ vẹn hương nguyền,
Cái
duyên kinh bố là duyên Châu Trần.
Chú
thích:
Bạn trăm tuổi: Chỉ người vợ hoặc người chồng. Hương
nguyền: Cây nhang đốt lên để khấn vái Trời Đất thề nguyền chung sống với nhau
nhau đến trọn đời. Kinh bố: Chỉ người vợ cần kiệm biết lo cho gia đình. (Xem
Chú thích câu 101).
Châu Trần: Thơ của Bạch Cư Dị:
Từ Châu cổ Phong huyện, hữu thôn viết Châu Trần.
Nhất thôn duy lưỡng tính, thế thế vi hôn nhân.
Nghĩa
là:
Đất Từ Châu xưa có huyện Phong, có một thôn gọi là
Châu Trần.
Một thôn chỉ có 2 họ, đời đời gả cưới con cái cho
nhau.
Duyên Châu Trần: Việc kết hôn với nhau xứng đôi đẹp
lứa.
Trở lại Nữ Trung Tùng Phận câu 529 / Trở lại Nữ
Trung Tùng Phận mục lục.
533 . Con
đừng thấy phụ nhân nan hóa,
Cầm
hồn hoa vầy vã thân hoa.
Vợ con thay phận mẹ già,
Nuôi con mẹ cậy bóng ngà nữ dung.
Chú thích:
Phụ nhân: Người đàn bà. Nan
hóa: Khó làm cho thay đổi, tức là khó dạy dỗ.
Cầm hồn hoa: Hoa chỉ người con gái. Người con gái
có chồng thì giao trọn đời mình cho chồng định đoạt, cũng giống như người chồng
cầm giữ hồn phách của vợ. Cho nên trong Bài Kinh Tụng khi chồng qui vị, Tiên Nương
Đoàn Thị Điểm viết:
Gởi
hồn phách cho chàng định số,
Gởi
kiếp căn chàng mở dây oan.
Vầy vã thân hoa: Đối xử thô bạo với vợ. Vầy vả: Ý
nói chà đạp, đối xử thô bạo. Bóng ngà: Đồng nghĩa Bóng ngọc, chỉ người con gái.
Nữ dung: Vẻ mặt của người con gái. Bóng ngà nữ dung: Chỉ người vợ vì nàng vốn
là người con gái đẹp.
Trở lại Nữ Trung Tùng Phận câu 533 / Trở lại Nữ
Trung Tùng Phận mục lục.
537 . Khi tối
sớm lạnh nồng có kẻ,
Thân
mật con đặng dễ giữ con.
Mẹ
lo trong lúc còn non,
Vợ con lo lúc thân mòn gối run.
Chú thích:
Lạnh nồng: do chữ Hàn
ôn, hàn là lạnh, ôn là ấm. Lạnh nồng ý nói: Hỏi thăm nhau, săn sóc nhau về sức
khỏe. Còn non: Còn trẻ. Thân mòn gối run: Chỉ lúc tuổi già sức yếu, tay run gối
mỏi.
Hai câu 539-540: Mẹ lo
cho con trong lúc con còn trẻ tuổi, vợ của con sẽ lo cho con lúc con trở về
già.
Trở lại Nữ Trung Tùng
Phận câu 537 / Trở lại Nữ Trung Tùng Phận mục lục.
541 . Nếu khổ cực chung cùng chia sớt,
Dầu sang vinh đừng bớt tình nồng.
Hễ là vào đạo vợ chồng,
Hư nên đều có của ông công bà.
Chú thích:
Sang vinh: Sang giàu và
vinh hiển. Tình nồng: Tình yêu nồng nàn giữa vợ chồng. Của ông công bà: Của
chồng công vợ, chồng làm ra của cải, vợ có công gìn giữ, hai công ấy bằng nhau.
Trở lại Nữ Trung Tùng
Phận câu 541 / Trở lại Nữ Trung Tùng Phận mục lục.
545 . Con chớ ỷ mình là nam tử,
Chiếm chủ gia hẹp xử thê nhi.
Đừng xem ra phận tiện tỳ,
Quyền trong nội trợ cũng bì đồng nhau.
Chú thích:
Nam tử: Đàn ông con
trai. Chủ gia: Chủ nhà. Hẹp xử thê nhi: Cư xử hẹp hòi với vợ con. Tiện tỳ: Đày tớ gái hèn mọn. Tiện
là hèn , tỳ là tớ gái.
Câu 548: Quyền của người vợ là lo nội
trợ gia đình, quyền của người chồng là lo công việc bên ngoài, hai quyền ấy có
giá trị đồng đều như nhau. (Vợ chồng phải bình đẳng).
Trở lại Nữ Trung Tùng Phận câu 545 / Trở lại Nữ
Trung Tùng Phận mục lục.
549 . Ai nâng
đỡ khi đau lúc ốm,
Ai
dù tròn nắng sớm mưa mơi.
Tình
chung bền giữ một đời,
Chia
cơm cắn muối không dời lòng thương.
Chú
thích:
Dù tròn: Cây dù giương lên có hình tròn, dùng che mưa
nắng. Ai dù tròn: Ai che mưa nắng cho. Tình chung: Tình yêu chung thủy. Chia cơm
cắn muối: Ý nói lúc vợ chồng còn trong cảnh nghèo nàn.
Câu 552: Lúc vợ chồng nghèo nàn thì không bao giờ
thay đổi tình thương. (Dời là thay đổi.)
Trở lại Nữ Trung Tùng Phận câu 549 / Trở lại Nữ
Trung Tùng Phận mục lục.
553 . Áo trâu
đắp đông sương lạnh lẽo,
Cửa
hấp gà mở nẻo tiễn phu.
Lập
thân đừng để danh lưu,
Cũng
như Bá Lý Hề âu bạc tình.
Chú
thích:
Áo trâu: Cái áo làm bằng da trâu để mặc cho ấm.
Đông sương: Sương tuyết mùa đông lạnh lẽo. Cửa hấp gà: Lấy cánh cửa bằng gỗ chẻ
ra làm củi để hấp chín con gà làm bữa tiệc tiễn chồng đi lập công danh. Tiễn
phu: Đưa tiễn chồng lên đường. Lập thân: Tạo dựng sự nghiệp cho bản thân mình.
Danh lưu: Tiếng tăm lưu lại về sau. Âu: Có lẽ nào. Bạc tình: ˆn ở bạc bẽo không
tình nghĩa thủy chung.
Bốn câu thơ trên nói về sự tích Bá Lý Hề.
Bá Lý Hề: Người nước Ngu, tự là Tỉnh Bá, ba mươi
ngoài tuổi mới lấy Đỗ thị làm vợ, sanh đặng một trai đặt tên Mạnh Minh. Bá Lý
Hề có tài an bang tế thế nhưng chưa gặp thời, nhà lại nghèo, lại không người
tiến cử, ý muốn đi châu lưu thiên hạ để lập công danh, ngặt nỗi vợ con không
nơi nương tựa, nên còn dùng dằng.
Đỗ thị là người hiền đức, khuyên chồng cứ đi lo lập
thân danh, chớ nên bận bịu vợ con. Nói rồi, Đỗ thị liền bắt con gà duy nhất còn
lại trong nhà, lại không củi nên lấy cánh cửa chẻ làm củi, nấu một bữa cơm gà,
tiễn chồng lên đường.
Bá Lý Hề đi qua nước Tề, muốn vào ra mắt Tề Tương
Công, mà không ai tiến dẫn, trong túi lại không tiền, nên phải tạm ăn xin tại
đất Chất. Lúc đó, Bá Lý Hề được 40 tuổi.
Ở đất Chất có người hiền tên Kiển Thúc, thấy Bá Lý
Hề có tướng mạo rất tốt, nhưng lỡ vận phải ra ăn mày, liền mời về nhà đãi cơm
nước, kết làm anh em. Bá Lý Hề làm em.
Bá Lý Hề, đêm thì ngủ tại nhà Kiển Thúc, ban ngày
thì đi chăn trâu mướn để lấy tiền độ nhựt, chớ Kiển Thúc cũng nghèo, nuôi nhau
hoài không đủ.
Khi nghe tin Công Tử Vô Tri giết Tề Tương Công, lên
làm vua, đăng bảng cầu hiền, Bá Lý Hề muốn đến đầu Vô Tri. Kiển Thúc không cho,
nói rằng Vô Tri tiếm ngôi thì có bền lâu gì. Sau nghe bên Châu có Vương Tử Đồi,
tánh ưa trâu, kẻ ở nuôi trâu mau lớn cho Đồi đều được trọng thưởng. Bá Lý Hề từ
giã Kiển Thúc, qua xin chăn trâu cho Đồi. Khi tiễn nhau, Kiển Thúc dặn rằng:
"Hễ là đại trượng phu thì không nên xem nhẹ mình mà đầu người. Đầu lỡ mà
sau bỏ đi thì bất nghĩa, còn cứ theo hoài mà bị nạn thì bất trí. Em phải thận
trọng. Anh liệu việc nhà xong thì sẽ qua Châu tìm em."
Kiển Thúc sau đó qua Châu, đàm đạo với Vương Tử
Đồi. Kiển Thúc kêu Bá Lý Hề ra ngoài khẻ nói:"Đồi có chí lớn mà tài sơ, kẻ
tay chân đều là quân sàm nịnh, chi bằng anh em ta đi trước thì hơn."
Bá Lý Hề xa nhà đã lâu, ý muốn trở về nước Ngu để
thăm vợ và con. Kiển Thúc nói: "Ở nước Ngu, anh có bạn thân là Cung Chi
Kỳ. Em về Ngu thì anh đi theo cho có bạn và sẵn dịp ghé thăm Cung Chi Kỳ."
Bá Lý Hề về đến Ngu, ghé nhà thăm vợ con thì mới
hay Đỗ Thị đã ẵm con ra đi tìm phương sanh sống, giờ không biết ở đâu. Kiển
Thúc vào thăm Cung Chi Kỳ, và nhờ tiến cử Bá Lý Hề với Ngu Công. Ngu Công nạp
dụng, phong Bá Lý Hề làm chức Trung Đại Phu.
Kiển Thúc nói: "Ngu Công thấy biết rất hẹp,
không phải là Chúa đáng phò, nhưng em đã quá cùng khốn, tạm nương thân nơi đây.
Sau nầy, em muốn tìm anh thì qua nước Tống, làng Minh Lộc."
Ngu Công không nghe lời can gián của Cung Chi Kỳ,
cho Tấn Hiến Công mượn đường đánh nước Quắc. Thắng Quắc rồi, Tấn chiếm luôn
Ngu, thế là Ngu Công mất nước.
Bá Lý Hề tự nói: "Ta chẳng trí, lẽ nào chẳng
trung."
Bởi vậy, khi Tấn Hiến Công bắt Ngu Công đem về Tấn
thì Bá Lý Hề theo sát bên Ngu Công mà hầu hạ.
Chu Chi Kiều, trước làm quan Đại Phu ở nước Quắc,
sau Quắc bị Tấn chiếm thì đầu Tấn, được Tấn cho làm Đại Phu. Chu Chi Kiều dụ Bá
Lý Hề đầu Tấn nhưng Bá Lý Hề khẳng khái đáp: "Mình đã để nước nghịch thắng
mình thì chân mình còn không muốn để bước đến xứ đó, huống chi nói chuyện đầu
với theo." Kiều hổ thẹn, rồi có ý
oán Bá Lý Hề.
Khi Tấn Hiến Công gả công chúa về Tần, muốn có
người theo đưa dâu, Chu Chi Kiều liền tâu: "Bá Lý Hề không muốn đầu Tấn,
chi bằng thừa dịp nầy sai va đi đưa dâu."
Tấn Công bằng lòng. Bá Lý Hề than: "Ta ôm tài an bang tế thế mà
không gặp Minh Chúa, nay già rồi lại còn làm kẻ đưa dâu thì hổ thẹn
quá." Do đó, khi đưa dâu được nửa
đường, Bá Lý Hề lén trốn sang nước Sở. Trốn đến Uyển Thành thì bị bọn thợ săn
bắt đem về cho nuôi trâu. Bá Lý Hề có tài nuôi trâu, nuôi chẳng bao lâu trâu
mập ra, lại sanh sản thêm nhiều. Sở Vương biết được nên đòi Bá Lý Hề về nuôi
ngựa cho Sở Vương.
Tần Mục Công xem danh sách, không thấy Bá Lý Hề đưa
dâu, thì hỏi Công tử Chấp. Chấp đáp: "Bá Lý Hề là người hiền, biết Ngu
Công chẳng chịu nghe lời can nên không can, ấy là trí; theo Ngu Công qua Tấn mà
không đầu Tấn, ấy là trung. Bá Lý Hề hiện nay nghe như ở Sở, xin Chúa Công cho
người qua Sở dọ coi."
Tần Mục Công sai người qua Sở dò la thì biết Bá Lý Hề
đang nuôi ngựa cho vua Sở. Tần Mục Công khiến Công Tôn Chi đem lễ vật qua Sở
rước Bá Lý Hề. Tôn Chi can: "Sở bắt Hề nuôi ngựa vì không biết Hề là người
hiền. Nay ta đem lễ trọng mà rước thì không khác nào ta nói Hề là người hiền,
thì đời nào vua Sở cho Hề đi. Chi bằng, Chúa Công lấy cớ bắt tội Hề trốn đưa
dâu, dùng vật mọn là 5 tấm da dê mà chuộc thì mới đem Bá Lý Hề về Tần
được." Quả nhiên nhờ kế đó mà rước
được Bá Lý Hề về Tần.
Tần Mục Công thấy Bá Lý Hề đầu đã bạc trắng thì
than rằng: "Già rồi còn chi, Quả nhân rất tiếc!"
Bá Lý Hề đáp: "Như Chúa Công khiến hạ thần đi
bắt chim hay giết thú thì hạ thần già thiệt, còn như khiến hạ thần ngồi lo việc
nước thì hạ thần biết sức còn trẻ lắm vậy."
Khi Bá Lý Hề bàn việc nước thì rất hạp ý Tần Mục
Công, nên Mục Công dùng Bá Lý Hề vào chức Thừa Tướng. Kể từ đó, Bá Lý Hề lo sửa
sang việc nước làm cho nước Tần càng ngày càng hưng thịnh.
Nói về vợ của Bá Lý Hề là Đỗ Thị, khi chồng đi rồi
thì ở nhà may vá không đủ tiền nuôi con, nên phải bỏ xứ trôi nổi đến nước Tần,
làm nghề may mướn. Khi Đỗ thị dò la biết rõ Bá Lý Hề lúc nầy được vua Tần trọng
dụng, làm quan đến chức Thừa Tướng đầu triều. Thừa dịp trong phủ Thừa Tướng cần
người may áo, Đỗ thị liền xin vào làm. Tới ngày kia, nhân trong phủ có việc đờn
ca, Đỗ Thị liền xin ra ca một bài.
Đỗ Thị cất tiếng hát: "Bá Lý Hề 5 bộ da dê,
nhớ ngày nào, ly biệt cùng nhau, mổ con gà mái, chẻ cánh cửa củi, thổi cơm gạo
vàng. Chớ thương thì thương! Ngày nay giàu sang, quên ta hay sao? Bá Lý Hề 5 bộ
da dê, cha ăn thịt cá, con đói khóc dài, chồng mặc áo gấm, vợ giặt thuê hoài.
Chớ thương thì thương! Ngày nay giàu sang, quên ta hay sao?"
Bá Lý Hề nghe ca thì sửng sốt, lật đật kêu lại mà
hỏi, quả là vợ của mình, liền ôm nhau khóc rống, rồi rước vợ và con về phủ. Vợ
chồng con cái sum họp vô cùng vui vẻ.
Tần Mục Công hay tin vợ chồng Bá Lý Hề đoàn tụ gia
đình, nên cho đem bạc vàng gấm lụa đến ban thưởng.
Hôm sau, Bá Lý Hề dẫn con vào triều bái tạ. Kể từ
đó, 2 cha con Bá Lý Hề đồng phò Tần Mục Công lo việc nước.
Trở lại Nữ Trung Tùng Phận câu 553 / Trở lại Nữ
Trung Tùng Phận mục lục.
557 . Chém vợ
để cầu vinh thuở trước,
Ngô
Khởi còn gian ngược chi danh.
Con
đừng mượn nét khuynh thành,
Lợi
thân mà hại đến mình hồng nhan.
Chú
thích:
Cầu vinh: Cầu mong có được sự vinh hiển. Gian ngược
chi danh: Cái tiếng tăm gian xảo ngang ngược. Lợi thân: Có lợi cho bản thân
mình. Hồng nhan: Má hồng, chỉ người phụ nữ đẹp, ở đây chỉ người vợ. Nhan là
dáng mặt, gương mặt.
Khuynh thành: Khuynh là nghiêng đổ, thành là thành
trì. Khuynh thành là làm cho thành trì nghiêng đổ, mất thành. Thường nói: Khuynh quốc khuynh thành, dịch
là: Thành nghiêng nước đổ, để chỉ sắc đẹp tuyệt vời của người đàn bà, có thể
khiến cho tướng giữ thành đắm say, không lo giữ gìn thành trì; có thể khiến cho
ông vua một nước mê mệt bỏ cả việc nước làm cho mất nước. Đó là sắc đẹp của:
Tây Thi, Bao Tự, Đắc Kỷ, Dương Quí Phi,... Kinh Thi có câu: Triết phu thành
thành, triết phụ khuynh thành. Nghĩa là: Đàn ông giỏi dựng nên thành trì, đàn
bà đẹp làm nghiêng đổ thành trì.
Lý Diên Niên đời nhà Hán
có làm bài thơ:
Bắc phương hữu giai nhân, ( Phương Bắc có người đẹp, )
Tuyệt thế nhi độc lập. ( Đẹp hơn hết mà đứng một mình. )
Nhất cố khuynh nhân thành, ( Một lần nhìn làm
thành người nghiêng, )
Tái cố khuynh nhân quốc. ( Nhìn một lần nữa làm nước người đổ. )
Ninh bất tri, ( Há không biết, )
Khuynh thành dữ khuynh quốc, ( Thành nghiêng
với nước đổ, )
Giai nhân nan tái đắc. ( Người đẹp khó trở lại được. )
Hai câu 557-558: Nói về sự tích Ngô Khởi (Ngô Khỉ)
giết vợ để lập công danh.
Ngô Khởi: Người nước Vệ, lúc nhỏ từ giã mẹ đi tìm
thầy học, thề rằng chừng nào lập được công danh mới trở về thăm mẹ. Nhưng sau
đó, khi mẹ mất, Khởi không chịu về để tang mẹ. Tăng Sâm là thầy học của Khởi,
thấy Khởi bất hiếu như thế, liền đuổi học ngay.
Ngô Khởi dùng 3 tấc lưỡi thuyết vua Tề, vua Tề nghe
theo, dùng Khởi và gả công chúa cho.
Về sau, Khởi không ở nước Tề nữa, dời qua ở nước
Lỗ. Khi Lỗ Hầu muốn đánh Tề, Tể Tướng Công Nghi Hựu tiến cử Ngô Khởi cầm quân
đánh Tề. Lỗ Hầu không dám dùng Khởi vì vợ của Khởi là công chúa nước Tề. Ngô
Khởi biết vậy, liền giết vợ, đem đầu vợ dâng lên Lỗ Hầu, để chứng tỏ mình đã
dứt khoát với Tề.
Lỗ Hầu phong Khởi làm Đại Tướng, đem quân đánh tan
quân Tề. Khởi biết Lỗ Hầu dùng mình nhưng không ưa mình, nên qua đầu Ngụy vì
nghe Ngụy Hầu đang cầu người hiền. Ngụy Hầu cử Khởi cầm binh, đánh thắng được
quân Tần nhiều trận lớn. Ngụy Hầu chết, Ngô Khởi bị Công Thúc gièm. Ngô Khởi
thấy nguy, liền bỏ Ngụy qua đầu Sở.
Vua Sở trọng dụng, cho Khởi cầm binh, Ngô Khởi có
tài chinh chiến, đánh Đông dẹp Bắc đều đại thắng.
Sau, nước Sở có loạn, Ngô Khởi cùng chịu chết một
chỗ với vua Sở.
Ngô Khởi là vị tướng rất có tài cầm quân thời Đông
Châu Liệt Quốc, nhưng Ngô Khởi là người vô đạo đức, trong nhà thì bất hiếu với
mẹ, bất nghĩa với vợ, không trung thành với một vị vua nào hết, chỉ biết chạy
theo công danh phú quí, để lại tiếng xấu muôn đời trong lịch sử.
Hai câu 559-560: Mẹ khuyên dạy con trai: Đừng lợi
dụng sắc đẹp của vợ mình mà làm lợi cho mình, để hại cho tấm thân của vợ mình.
Trở lại Nữ Trung Tùng Phận câu 557 / Trở lại Nữ
Trung Tùng Phận mục lục.
561 . Đừng
sang trọng phụ phàng nghèo khó,
Gặp
hầu xinh vội bỏ thê hèn.
Cá kia chung chậu hơi quen,
Ái
ân đầm thấm bởi bền nghĩa nhân.
Chú
thích:
Hầu xinh: Vợ nhỏ xinh đẹp. Thê hèn: Người vợ hèn
mọn. Hơi quen: Quen mùi. Hơi là mùi.
Câu 563: Lấy ý theo câu ca dao: Chim quyên ăn trái
nhãn lồng, Thia thia quen chậu, vợ chồng quen hơi.
Trở lại Nữ Trung Tùng Phận câu 561 / Trở lại Nữ
Trung Tùng Phận mục lục.
565 . Gương
đẹp đẽ Mãi Thần thuở trước,
Trọng
nhơn luân sau phước nên quan.
Hiền
danh ghi tạc giang san,
Nghĩa
trung đi cặp con đàng trượng phu.
Chú
thích:
Sau phước nên quan: Về sau nhờ có phước đức nên
được làm quan. Hiền danh: Tiếng tăm tài giỏi và có đạo đức.
Châu Mãi Thần: Người đời Hớn Võ Đế, nhà rất nghèo
nhưng quyết chí học tập, thường đi đốn củi đem bán lấy tiền độ nhựt. Khi gánh
củi thì treo sách trên đầu gánh, vừa đi vừa học. Vợ của Mãi Thần không chịu nổi
cảnh nghèo túng đòi bỏ ông. Mãi Thần khuyên vợ cố gắng chịu đựng nghèo khổ
chừng một năm nữa, sang năm ông 50 tuổi, nhứt định sẽ hiển đạt. Người vợ không
tin nói: Như cung cách của ông thì chỉ có chết đói thôi, sao dám mong giàu sang
được.
Người vợ bỏ ông, đi lấy một người làm ruộng khá giả
cùng làng. Qua năm sau, Châu Mãi Thần được Nghiêm Trợ tiến cử lên Hớn Võ Đế,
được vua thâu dụng, ban chức Trung Đại Phu. Lần lần Mãi Thần lập được công nên
vua thăng lên làm Thái Thú Cối Kê. Cối Kê là quê hương của Mãi Thần.
Khi Mãi Thần đến Cối Kê nhậm chức, người vợ cũ ra
đón trước đầu ngựa, xin chàng bỏ qua lỗi xưa, cho nàng được trở lại làm vợ
chàng. MãiThần đổ một bát nước đầy trước đầu ngựa, bảo nàng hốt nước cho đầy
bát lại như trước thì chàng cho nàng trở lại làm vợ như xưa. Người vợ cũ xấu hổ
bỏ đi, về nhà treo cổ tự tử.
Trở lại Nữ Trung Tùng Phận câu 565 / Trở lại Nữ
Trung Tùng Phận mục lục.
569 . Tống
Hoằng chí trượng phu không đổi,
Giữ
nhơn luân sợ lỗi đạo hằng.
Từ
duyên công chúa giao thân,
Đút
cơm vợ quáng ân cần dưỡng nuôi.
Chú
thích:
Chí trượng phu: Chí khí của bậc trượng phu. Trượng
phu là người đàn ông tài giỏi, có nhân cách hơn người. Đạo hằng: Đạo thường,
gồm Ngũ Thường: Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín. Từ duyên: Từ chối kết duyên. Giao
thân: Giao tiếp thân mật với nhau. Vợ quáng: Người vợ mù lòa.
Bốn câu thơ trên là nói về sự tích Tống Hoằng.
Tống Hoằng: Làm quan Đại Phu dưới thời vua Quang Võ
nhà Hậu Hán, tính rất chánh trực, lại có tình nghĩa.
Vua Quang Võ có người chị là Hồ Dương Công chúa,
sớm góa chồng. Công chúa rất ái mộ Tống Hoằng, muốn được Tống Hoằng cưới làm
vợ. Hán Quang Võ biết vậy nên gọi riêng Tống Hoằng đến để thử ướm lời, hỏi
rằng: "Ngạn vân: Quí dịch giao, phú dịch thê, hữu chư?" (Ngạn ngữ nói
rằng : Sang đổi bạn, giàu đổi vợ, có chăng?)
Tống Hoằng tâu rằng: "Thần văn: Bần tiện chi
giao mạc khả vong, tao khang chi thê bất khả hạ đường." (Thần nghe: Bạn bè
lúc nghèo hèn chớ nên quên, người vợ tấm cám chớ để ở nhà sau.)
Hán Quang Võ và Hồ Dương Công chúa nghe Tống Hoằng
nói thế thì biết Tống Hoằng là người trung nghĩa, càng kính phục Tống Hoằng.
Tống Hoằng có vợ bị bịnh trở nên mù lòa. Hằng ngày,
ngoài giờ lo việc quan, Tống Hoằng săn sóc vợ, đút cơm cho vợ ăn. Dù vợ bị mù
lòa, Tống Hoằng vẫn một lòng thương yêu chung thủy. Trên đời ít có được người
như thế.
Trở lại Nữ Trung Tùng Phận câu 569 / Trở lại Nữ
Trung Tùng Phận mục lục.
573 . Biết
tình nghĩa biết mùi ân ái,
Chia
đau thương cột dải đồng tâm.
Kìa
ai đã gọi ân thâm,
Hơn
niềm chồng vợ âm thầm giúp nhau.
Chú
thích:
Chia đau thương: Chia sớt sự đau đớn. Dải đồng tâm:
Chỉ sự thương yêu khắn khít giữa vợ chồng. (Xem Chú thích Câu 194).
Trở lại Nữ Trung Tùng Phận câu 573 / Trở lại Nữ
Trung Tùng Phận mục lục.
577 . Đừng
đến lúc ốm đau chẳng ngó,
Hương
sắc xinh lại bỏ hoa tàn.
Những
là anh én nhộn nhàng,
Buôn
duyên bán nợ như hàng chợ đông.
Chú
thích:
Hương sắc: Người con gái đang lúc xuân thì được ví
như đóa hoa mới nở đầy đủ hương sắc; khi trở về già thì ví như đóa hoa tàn. Anh
én: Chỉ đám thanh niên nam nữ tới lui tấp nập.
Câu 580: Đem cái duyên của người con gái ra buôn
bán giữa buổi chợ đông người.
Trở lại Nữ Trung Tùng Phận câu 577 / Trở lại Nữ
Trung Tùng Phận mục lục.
581 . Có chi
trọng đàn ong xóm bướm,
Nơi
phồn ba đậm nhuộm màu gian.
Đừng
quen kết lũ vầy đoàn,
Cửa
thanh lâu những rộn ràng gió trăng.
Chú
thích:
Đàn ong xóm bướm: Chỉ đám đàn ông con trai ăn chơi
trụy lạc. Phồn ba: Nơi dân cư đông đúc, tranh đua danh lợi. Đậm nhuộm màu gian:
Đầy tánh chất gian dối xảo trá. Kết lũ vầy đoàn: Tụ tập thành một đám nhiều đứa
kéo đi ăn chơi hay phá phách xóm làng. Thanh lâu: Lầu xanh, nhà chứa gái điếm.
Gió trăng: Chữ Hán là Phong nguyệt, có nhiều nghĩa, ở đây chỉ sự lã lơi chung
chạ không đứng đắn giữa trai gái.
Trở lại Nữ Trung Tùng Phận câu 581 / Trở lại Nữ
Trung Tùng Phận mục lục.
585 . Giấc
phong nguyệt xem bằng túy mộng,
Vợ
cùng hầu so sóng đồng thương.
Nhỏ
thì trọng, lớn thì nhường,
Nơi
cân quân tử ra trường đánh ghen.
Chú
thích:
Phong nguyệt: Gió trăng, có nhiều nghĩa, ở đây chỉ
sự lã lơi chung chạ không đứng đắn giữa trai gái. Giấc phong nguyệt: Giấc ngủ
có sự chung chạ giữa trai gái. Túy mộng: Túy là uống rượu say, mộng là giấc
chiêm bao. Túy mộng là uống rượu say nằm ngủ chiêm bao. Hầu: Vợ nhỏ. So sóng:
Đặt sóng đôi để so sánh. Quân tử: Tiếng vợ gọi chồng.
Câu 586: Thuở xưa, còn ở thời quân chủ, đàn ông
được quyền có nhiều vợ: Vợ chánh và nhiều vợ thứ. Câu nầy khuyên người chồng
phải thương yêu vợ chánh và vợ thứ đồng đều như nhau.
Câu 587: Vợ nhỏ thì tôn trọng vợ lớn, vợ lớn thì nhường
nhịn vợ nhỏ (thì mới êm đẹp trong nhà).
Câu 588: Do nơi sự đo lường nặng nhẹ của chồng, ý
nói do nơi sự thương nhiều hay thương ít của chồng, mà có thể gây ra sự đánh
ghen giữa vợ lớn và vợ nhỏ.
Trở lại Nữ Trung Tùng Phận câu 585 / Trở lại Nữ
Trung Tùng Phận mục lục.
589 . Coi
thân vợ như em nhỏ dại,
Đem
lòng yêu phận gái đơn cô.
Đặng
chồng dường thể đặng mồ,
Chôn
thây cửa lạ, cậy nhờ ở ai?
Chú
thích:
Đơn cô: Cô đơn, chỉ có một mình. Cửa lạ: Chỉ nhà
chồng, vì chồng là người dưng khác họ. Cậy nhờ ở ai?: Ý nói chỉ cậy nhờ nơi
chồng.
Hai câu 591-592: Có chồng thì chỉ biết cậy nhờ nơi
chồng, khi chết được chôn cất bên đất của họ nhà chồng, được gia đình nhà chồng
làm cho mồ mả.
Trở lại Nữ Trung Tùng Phận câu 589 / Trở lại Nữ
Trung Tùng Phận mục lục.
593 . Phải
tôn kính cành mai đương nở,
Đừng
xa hoa làm mớ hàng chơi.
Sánh
mình mỏng mảnh thương người,
Rủi
sanh phận gái khó cười với thân.
Chú
thích:
Bắt đầu từ câu 593 đến câu 712 là phần: Mẹ dạy con
gái.
Cành mai đương nở: Ý nói người con gái mới lớn lên
đang độ xuân thì. Xa hoa: Phung phí chưng diện lòe loẹt. Mớ hàng chơi: Món đồ
chơi không có giá trị gì cả.
Trở lại Nữ Trung Tùng Phận câu 593 / Trở lại Nữ
Trung Tùng Phận mục lục.
597 . Gái mẹ
dạy ân cần cho lắm,
Đừng
để mình lụy đến sông Tương.
Bông
dầu đẹp, khá gìn hương,
Quí
chi liễu ngõ hoa tường trao duyên.
Chú
thích:
Sông Tương: Chỉ sự thương nhớ giữa trai và gái hay
sự ly biệt của đôi lứa. Điển tích: Theo Tình sử, đời nhà Châu, nàng Lương Ý yêu
chàng Lý Sinh, sau phải xa nhau, nên có làm bài thơ Tương giang (Sông Tương):
Nhân đạo Tương giang thâm, (Người bảo sông Tương sâu,)
Vị để tương tư bạn. (Chưa bằng lòng tương tư.)
Giang thâm chung hữu để, (Sông sâu còn có
đáy,)
Tương tư vô biên ngạn. (Tương tư không bến bờ.)
Quân tại Tương giang đầu, (Chàng ở đầu sông
Tương,)
Thiếp tại Tương giang vĩ. (Thiếp ở cuối sông Tương.)
Tương tư bất tương kiến, (Nhớ nhau mà chẳng
thấy,)
Đồng ẩm Tương giang thủy . (Cùng uống nước sông Tương.)
Lụy: Là làm cho khốn đốn khổ sở. Liễu ngõ hoa tường:
Cây liễu ngoài ngõ, hay cái hoa bên tường, ai muốn bẻ muốn hái cũng được, ý nói
những người con gái không có giá trị, hoặc là gái lầu xanh.
Câu 598: Mẹ dạy con gái đừng yêu ai trước để khỏi
phải khổ thân vì thương nhớ.
Trở lại Nữ Trung Tùng Phận câu 597 / Trở lại Nữ
Trung Tùng Phận mục lục.
601 . Đóng
chặt cửa giữ nguyên trinh tiết,
Trọng
thân danh bền nét đào yêu.
Phụng
lầu gác quyển chờ tiêu,
Gieo
cầu cho đáng, nhiễu điều gói gương.
Chú
thích:
Trinh tiết: Sự trong trắng của người con gái. Thân
danh: Cái danh giá của con người mình. Đào yêu: Đào là cây đào, yêu là non.
Kinh Thi: "Đào chi yêu yêu, kỳ diệp trăn trăn, chi tử vu quy, nghi kỳ gia
nhân." nghĩa là cây đào đương non, cành lá rườm rà, gái về nhà chồng, hòa
thuận trong nhà. Cho nên, Đào yêu là chỉ người con gái mới lớn, đến tuổi lấy
chồng. Gieo cầu: Ném xuống quả tú cầu để chọn chồng. Quả tú cầu được làm bằng
vải kết lại nhiều màu rất đẹp. Điển tích: Vua Hán Võ Đế mỗi khi kén chọn Phò mã
(rể của vua) thì cất một cái đài cao, cho công chúa lên ngồi trên đó, cầm sẵn
trái tú cầu trong tay, các vương tôn công tử hay khách anh hùng muốn làm chồng
Công chúa thì tụ tập dưới đài. Công chúa thấy người trai nào vừa ý thì ném trái
tú cầu cho người ấy để người ấy bắt được, đem vào trình vua thì được vua nhận
làm chồng Công chúa. Cho nên, Gieo cầu là ý nói kén chồng, chọn lựa người chồng
cho xứng đáng. Nhiễu điều gói gương: Nhiễu là loại tơ lụa quí giá thời xưa,
điều là màu đỏ, gương là tấm kính soi mặt chỉ người con gái. Nhiễu điều gói
gương là ý nói: Người con gái đẹp sẽ kén được người chồng quyền quí.
Câu 603: Nói về sự tích chàng Tiêu Sử và nàng Lộng
Ngọc.
Nàng Lộng Ngọc là con gái của vua Tần Mục Công,
được vua cha cho ở trên gác phụng (Phụng lầu), nàng có tài thổi ống áo (-ng
quyển). Nàng nằm mơ thấy ở phía Tây Nam núi Thiên sơn có một chàng trai, diện
mạo đẹp đẽ, cỡi chim phụng ngũ sắc bay đến phụng lầu, nơi nàng đang ở, nói
rằng: Tôi là người coi giữ Thái Hoa sơn, Ngọc Hoàng cho tôi được kết duyên với
nàng, đến tiết Trung Thu nầy gặp gỡ.
Nói xong, chàng rút ra một ống tiêu bằng hồng ngọc,
đưa lên miệng thổi, âm điệu phát ra réo rắt thanh tao, càng nghe càng say mê.
Hôm sau, Lộng Ngọc đem chuyện chiêm bao kể lại cho
vua cha nghe. Tần Mục Công bèn cho người đến Thái Hoa sơn dò xét thử. Quan quân
tìm được một chàng trai tuấn tú, có tài thổi ông tiêu, tên là Tiêu Sử, đang ở
trên núi. Quan quân rước chàng về triều. Vua bảo Tiêu Sử thổi một khúc tiêu
nghe thử. Nàng Lộng Ngọc đứng núp trong màn nhìn ra, thấy Tiêu Sử đúng là người
mà nàng thấy trong mộng, và tiếng tiêu phát ra réo rắt y như vậy, thì biết
chàng trai nầy đúng là lương duyên của nàng. Hôm đó cũng đúng là ngày Trung Thu
trăng tròn, vua Tần Mục Công làm lễ cho Tiêu Sử thành hôn cùng Lộng Ngọc. Tiêu
Sử dạy Lộng Ngọc thổi tiêu. Khi ở trên Phụng lầu, hai người thổi lên thì chim
phụng hoàng bay đến trước sân nhảy múa.
Ở Phụng lầu được ít lâu, bỗng một hôm có một con
rồng đỏ và một con chim phụng từ trên Trời đáp xuống trước thềm. Tiêu Sử nói
với Lộng Ngọc: Ta là Thần Tiên ở Thượng giới, có duyên nợ với nàng nên phải
xuống trần để kết duyên, nay đến kỳ chúng ta phải trở về Tiên. Chàng liền bước
tới cỡi rồng, nàng LộngNgọc thì cỡi phụng, cùng bay lên Trời đi mất.
Trong các đám hỏi hay đám cưới, người ta làm đôi
đèn Long Phụng để chỉ duyên vợ chồng là do điển tích nầy.
Câu 603: Ý nói con gái nên ở trong nhà giữ gìn hạnh
nết, chờ con trai tài giỏi đến hỏi cưới.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét